LS Nguyễn Quốc Lân: Phát Bùi – Bùi Đẹp những kẻ mượn áo lính bôi bác quân lực VNCH…
Aug. 14 – V. Y. MEDIA DIỄN ĐÀN TUỔI TRẺ
Aug. 14 – V. Y. MEDIA DIỄN ĐÀN TUỔI TRẺ
Bức tranh này được vẽ năm 1894 dựa trên một câu chuyện dân gian như sau:
Chuyện kể rằng có một ngày Hè, Sự Thật và Dối Trá tình cờ gặp nhau.
Dối Trá nói: “Hôm nay trời đẹp quá!”.
Sự Thật ngước nhìn lên và đúng như lời Dối Trá đã nói: Trời rất trong xanh, tràn ngập nắng vàng, từng cụm mây trắng lững lờ trôi thật đẹp…
Rồi cả hai lại đến bên một cái giếng.
Dối Trá nói: “Giếng trong mát quá. Chúng mình hãy tắm đi!”.
Sự Thật mới đầu còn nghi ngại, nhưng khi nhìn xuống giếng, thấy nước trong mát thật, bèn trút bỏ bộ quần áo đẹp và nhảy xuống giếng tắm cùng Dối Trá.
Chỉ chờ có thế,
Dối Trá leo nhanh lên khỏi miệng giếng, khoát vào người bộ y phục đẹp đẽ của Sự Thật rồi bỏ chạy thật nhanh.
Sự Thật hốt hoảng leo lên miệng giếng, bối rối đuổi theo để giành lại bộ quần áo. Nhưng nàng đuổi tới đâu cũng có đám đông hai bên đường túa ra chỉ trỏ, cười nhạo vì nàng hoàn toàn lõa thể. Sự Thật trần trụi thấy xấu hổ quá nên không đuổi theo Dối Trá nữa, mà chỉ bưng mặt trèo lại xuống đáy giếng, lặn trốn mất tăm.
Kể từ đó, loài người không còn ai nhìn thấy được Sự Thật nữa.
Họ chỉ thấy Dối Trá ung dung hiện diện ở mọi nơi, mọi lúc. Họ luôn tán dương nó, vuốt ve nó, say mê nó, học đòi theo nó, chỉ vì vẻ ngoài hào nhoáng và đẹp đẽ mà nó đã ăn cắp từ Sự Thật.
Sự Thật dẫu có tốt thì vẫn luôn là trần trụi,
Dối Trá dẫu xấu xa nhưng lại vô cùng quyến rũ!
Chừng nào loài người còn say mê trước những ngọt ngào và kiều diễm, thì chừng nấy Sự Thật còn lặn rất sâu.
Nguồn: Học làm người. ./.
Một bài hát nhưng lại có 2 giai thoại hoàn toàn khác nhau, được kể lại bởi những người đều rất có uy tín. Sự thật như thế nào vẫn chưa được rõ, xin phép để bạn đọc tự xem xét….
“Nắng Chiều” là bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Đằng sau bài hát này có các giai thoại về hoàn cảnh ra đời được kể lại. Xin đăng 2 giai thoại này được viết bởi nhà thơ Du Tử Lê và nhà báo Hà Đình Nguyên. Một điều kỳ lạ là 2 giai thoại này có nội dung hoàn toàn khác nhau.
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn
Những người theo dõi sinh hoạt âm nhạc ở miền Nam Việt Nam vào giữa thập niên 1960, hẳn chưa quên rằng trong chương trình nhạc FM, thỉnh thoảng, người nghe lại bắt gặp một nhạc phẩm rất quen thuộc, bài “Nắng Chiều” của Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, được hòa tấu bởi một dàn nhạc Mỹ là Synphony of the New York City.
Có thể nói, đó là một trong vài nhạc phẩm Việt Nam đầu tiên, cất cánh, bay lên và ra khỏi không gian hạn hẹp của đất nước. Nhạc phẩm hòa tấu này, hôm nay, trên vòm trời quốc tế, giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, thỉnh thoảng, người ta vẫn còn được nghe lại.
Tuy nhiên, có thể không nhiều người lắm, biết được lai lịch hay cái sinh phần hoặc định mệnh khốc liệt, nếu có thể nói được như vậy, về nhạc phẩm đó.
Sinh thời, nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương, một người bạn rất thân với Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, hơn một lần kể rằng, nhạc phẩm “Nắng Chiều” là ca khúc đầu tay của Lê Trọng Nguyễn.
Gọi là ca khúc đầu tay bởi vì Lê Trọng Nguyễn viết nhạc từ những năm giữa thập niên 40, nhưng ông chỉ viết những nhạc phẩm không lời. Lê Trọng Nguyễn không hề viết ca khúc, hiểu theo nghĩa một nhạc phẩm có lời hát đi kèm.
Mãi tới đầu năm 1952, khi Lê Trọng Nguyễn gặp một thiếu nữ Nhật Bản lúc đó đang làm việc cho tòa lãnh sự Nhật Bản ở Saigon. Khi hai người yêu nhau, Lê Trọng Nguyễn mới viết nhạc có lời. Và ca khúc đầu tiên đó là “Nắng Chiều”, ghi lại cuộc tình của hai người. Giữa thập niên 50, khi hết nhiệm kỳ, người con gái xứ Mặt Trời Mọc này mang nhạc phẩm “Nắng Chiều” về nước, chuyển sang lời Nhật.
Chỉ một sớm một chiều, nhạc phẩm “Nắng Chiều” nổi tiếng khắp xứ Phù Tang. Đó là lần đầu tiên dân Nhật biết tới nền tân nhạc Việt.
Đầu thập niên 60, Shoshi Koe, tên tạm chỉ người con gái Nhật Bản này, vận động với bộ ngoại giao Nhật, xin trở lại Saigon.
Năm 1961, Shoshi được toại nguyện. Cuộc tình giữa một nhạc sĩ Việt Nam và một cô gái Nhật được nối tiếp. Ở thời điểm 1963, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sáng tác thêm hai ca khúc, đó là các bài “Sao Đêm” và “Chiều Bên Giáo Đường”. Cả hai ca khúc này đều được những người làm nhạc và yêu nhạc ở Saigòn đón nhận như những hạt ngọc trân quý nhất của tân nhạc Việt Nam thời gian này.
Nhưng cuộc tình của dị biệt chủng tộc kia chỉ kéo dài thêm được 3 năm thì thình lình đứt đoạn. Cuối năm 1963, Shoshi bị chính phủ Nhật gọi về nước.
Trước khi chia tay người yêu, Shoshi nói cô sẽ vận động để trở lại Việt Nam hoặc đưa nhạc sĩ Lê trọng Nguyễn qua Nhật Bản để chính thức thành hôn. Nếu không làm được điều ấy, cô sẽ tự chấm dứt đời sống của mình.
Một năm sau, năm 1964, các báo ở Tokyo đồng loạt đăng tải về cái chết của Shoshi, đồng thời chuyện tình giữa cô và một nhạc sĩ Việt Nam được tường thuật tỉ mỉ.
Một lần nữa, ca khúc “Nắng Chiều” lại thắp lên những ngọn lửa rát bỏng đau đớn, chia lìa trong tâm hồn dân Nhật. Và giới làm nhạc Hoa kỳ chú ý tới ca khúc “Nắng Chiều” của Lê Trọng Nguyễn, cũng khởi từ cái kết thúc bi thảm của cuộc tình dị chủng đó.
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sinh ngày mồng 1 tháng 5, 1927 tại Quảng Nam. Ông đã sống với mối tình khốc liệt của mình tới năm 1985, khi đã 58 tuổi, ông mới lập gia đình.
Lê Trọng Nguyễn định cư tại Hoa kỳ năm 1981, cư ngụ tại thành phố Glendale, thuộc quận hạt Los Angeles cho đến khi qua đời năm 2004.
Câu chuyện bên trên được nhà thơ Du Tử Lê – người sinh sống cùng thời với Lê Trọng Nguyễn kể lại trong một bài viết.
Tuy nhiên chuyện tình trong bài hát Nắng Chiều này lại được nhà báo Hà Đình Nguyên kể một câu chuyện hoàn toàn khác. Xin trích nguyên văn bài này đăng trên báo Thanh Niên hồi năm 2011 như sau:
Có thể nói nhạc phẩm “Nắng Chiều” của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn là một trong những bài nhạc boléro “kinh điển”, được viết với cung trưởng trẻ trung, buồn mà không bi lụy – rất hiếm gặp trong thời kỳ đầu của dòng nhạc boléro và cả sau này…
Lê Trọng Nguyễn sinh năm 1926 tại Điện Bàn (Quảng Nam). Ông tên thật là Lê Trọng, còn chữ Nguyễn là họ của mẹ (sau này vợ ông cũng ghép tên ông vào trước tên mình: Lê Trọng Nguyễn Thị Nga). Cha mất sớm, bà mẹ trẻ chấp nhận ở góa để nuôi ông và người em gái cho đến lúc trưởng thành… Có lẽ cơ duyên để ông đến với âm nhạc là do có một thời kỳ (1942-1945) ông sống ở Hà Nội và làm bạn với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Sau này, ông học hàm thụ Trường École Universelle (Pháp) và trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Pháp SACEM (La Société des auteurs, compositeurs et éditeurs de musique). Ca khúc đầu tay “Ngày mai trời lại sáng” được viết năm 1946. Ông sáng tác không nhiều nhưng những tác phẩm của ông đều có giá trị nghệ thuật cao, giai điệu và ca từ trau chuốt, hình ảnh đẹp như tranh (Chiều bên giáo đường, Lá rơi bên thềm, Sóng Đà giang, Sao đêm…). Tuy nhiên, nói đến Lê Trọng Nguyễn là người ta nghĩ ngay đến ca khúc“Nắng chiều”.
Hai bóng hồng trong một bản nhạc
Chất “bột” để “gột nên hồ” đầu tiên cho “Nắng chiều” là trong thời kỳ Nhật đảo chính Pháp (1945), có một gia đình công chức Nam triều từ Quy Nhơn chạy ra tá túc ở Hội An, gần nhà của Lê Trọng Nguyễn. Gia đình này chỉ có duy nhất cô con gái đang tuổi xuân thì. Tình yêu giữa đôi bạn trẻ chớm nở, đẹp và mong manh như cánh hoa trong thời ly loạn. Chỉ ít lâu sau, gia đình nàng lại rời bỏ Hội An.
Một thời gian sau, Lê Trọng Nguyễn cũng bỏ Hội An ra Huế. Ở đây anh có người bạn thân Vũ Đức Duy, anh này là cháu họ bà Từ Cung (thân mẫu vua Bảo Đại). Anh bạn này thường rủ Lê Trọng Nguyễn đến thăm bà Từ Cung ở cung An Định (cung này không nằm trong thành nội mà ở sát bờ sông An Cựu) vừa ngắm cảnh. Chính từ những chuyến đi chơi này mà Lê Trọng Nguyễn gặp được “chất bột” thứ hai: nàng thiếu nữ họ Hoàng, hoa khôi của đất thần kinh.
Một chiều ngồi bên hồ sen, bất chợt cô gái ấy đi qua. Bóng dáng thướt tha ấy “ngược sáng” trong ánh tà dương. Nhìn “cô này”, bất giác Nguyễn… nhớ “cô kia” quá đỗi! Thế là bật lên tứ nhạc:
Qua bến nước xưa lá hoa về chiều.
Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa.
Khi đến cuối thôn chân bước không hồn.
Nhớ sao là nhớ, bóng người ngày xưa…
Chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, Lê Trọng Nguyễn đã viết xong “Nắng chiều” (1952). Ở Huế, Lê Trọng Nguyễn còn chơi thân với nhóm bạn văn nghệ (Minh Trang, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Hiền, Kim Tước…) nên khi bản Nắng Chiềuđược xuất bản, chính Minh Trang là người hát và thu âm đầu tiên. Bản thu âm được phát thường xuyên trên hai đài phát thanh Huế và Sài Gòn từ năm 1953 trở về sau khiến Nắng chiều lan tỏa khắp Trung – Nam.
“Nắng chiều” và hai bóng hồng… ngoại
Năm 1957 ban nhạc Toho Geino (Nhật Bản) sang Việt Nam lưu diễn, và họ đã nhờ phía Việt Nam chọn 12 ca khúc đang nổi tiếng trong nước để tập và sẽ hát “giao lưu” với khán giả. Duyên trời đã đưa đẩy nữ ca sĩ Midori Satsuki chọn hát “Nắng Chiều” và cô đã được khán giả ở Hội chợ Thị Nghè hoan hô nhiệt liệt.. Thích quá, Midori Satsuki quyết định chuyển soạn cho “Nắng chiều” có cả lời Nhật lẫn lời Anh (với tựa Evening sunshine hoặc Afternoon sun), và cô đã thể hiện rất thành công trên đài phát thanh Sài Gòn và Tokyo trong suốt nhiều năm với bản nhạc “tủ” này.
Vậy là “Nắng Chiều” không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vang vọng khắp xứ Phù Tang… Từ cái “duyên” do “Nắng Chiều” đem tới, tác giả ca khúc và người thể hiện đã gặp gỡ nhau, rồi tỏ ra rất “tâm đầu ý hợp”. Họ đã có một thời gian bên nhau thật đẹp khi ở Việt Nam và khi Midori Satsuki về nước họ vẫn giữ liên lạc qua thư từ (năm 2004, gia đình cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và những người thực hiện CD Lê Trọng Nguyễn Collection ở California (Mỹ) đã liên lạc được với bà Midori Satsuki. Bà vẫn còn làm việc ở Đài truyền hình Tokyo và xác nhận là mình vẫn còn nhớ bản “Nắng Chiều“).
Chưa hết, năm 1960 cô ca sĩ Đài Loan tên Kỷ Lộ Hà đến Đà Nẵng trình diễn và đã làm khán giả Việt Nam bất ngờ khi cô hát “Nắng Chiều” bằng tiếng Hoa do Thận Chi đặt lời. Thận Chi (1928-1988) là một tên tuổi lớn của Đài Loan trong lĩnh vực biên kịch và soạn nhạc. Ông cũng thành công trong việc đặt lời Hoa cho nhiều ca khúc quốc tế, trong đó có Nắng chiều…
Khi biết tác giả của “Nắng Chiều” đang ở Hội An, Kỷ Lộ Hà đã đến gặp để xin phép về mặt tác quyền. Tuy Lê Trọng Nguyễn không chính thức thừa nhận nhưng nhiều người trong giới, cùng thời với Lê Trọng Nguyễn đã tiết lộ rằng ngay trong cuộc gặp ấy, “Đài ca nương” đã bị “Việt nhạc lang”… hớp hồn bởi nét hào hoa, lịch thiệp – thậm chí nàng còn viết thư cho chàng.
Nghĩ cũng… ngộ, Nắng Chiều được hình thành từ cảm hứng do hai giai nhân “nội” mà tác giả thoáng gặp, thoáng yêu đem lại. Rồi “Nắng Chiều” nổi tiếng lan ra hải ngoại lại cũng do hai bóng hồng “ngoại” đến với nhạc sĩ: gặp một thoáng, yêu một thoáng. Thoáng tụ, thoáng tan như vạt nắng chiều.
Như vậy, chỉ với 1 bài hát nhưng lại có 2 giai thoại hoàn toàn khác nhau, được kể lại bởi những người đều rất có uy tín. Sự thật như thế nào vẫn chưa được rõ, xin phép để bạn đọc tự xem xét.
TỪNG NGƯỜI HÃY GÓP SỨC!*Nghe hòa thượng T.H.V. thuyết trình 17-11-2012.*Trích tuyển tập LỆ MẸ VN*
Đồng hồ tích tắc nhắc đều:
Chúng ta tích tắc ít nhiều già đi
Bình minh tiếp nối tà huy
Hoa niên vừa chớm đã thì lão niên.
Góp gom cho lắm hão huyền
Mai về cát bụi chẳng chuyên chở gì!
Không chi hợp nhất bất ly
Khổ chi KIẾN, MẠN, ÁI, SI đua đòi?
*Thời gian không đứng, vẫn trôi
Tuổi đời giới hạn mỗi người mỗi trăm!
Việt Nam: địa ngục tối tăm
Thiên đàng sướng nhất chẳng lầm là đây:
Tự do ta hưởng từng ngày!
Đừng quên dân bị đọa đày cố hương!
Ý Nga17-11-2012
4 phiền não = ngã = kiến, mạn, ái, si.
Đọc báo Việt Cộng phỏng vấn các em gái nhỏ làm nghề Nhậu Thuê và “Nhảy Mồi”*Trích tuyển tập THƯA CHỊ
*Máu pha bia rượu, “nhậu mồi”
Đánh rơi nhân cách cho đời mua vui
Nhảy, mồi đưa đẩy gọi mờiNghề chi?
Bóng gió xa xôi: -“Giang hồ!Cho bao cán bộ phất phơ
Ngày xưa nhếch nhác, xác xơ trong rừng
Chúng ăn chơi, không điểm dừng,
Cụng ly canh cách tưng bừng ăn chia.
Cộng Tàu hau háu chầu rìa“Má mì”
* dắt gái càng khuya càng nhiều
Dư “cung”: “heo” nhịn cám treo
Mức “cầu” đánh thức quá nhiều giác quan.
Đêm đua đòi, đêm không tàn
Nhờ tài ăn cướp dân oan an toàn!
Ngày bia, rắn, chuột… đầy bàn
Phong bì tham nhũng, đô vàng đổi trao.
Nên em mới phải khổ đau
Mặt non choẹt, rủ lừa nhau vô tròng”
*Lún sâu số phận long đong
Gái tơ hư hỏng, trả công gia đình:
-Mẹ già, cha yếu một mình
Dưới ghe tạm trú, bờ kinh hái bần!
Biết đâu con trẻ bán thân
Đêm về nhơ nhuốc, phong trần giọt châu.
Oằn thân uốn éo cho lâu
Vòng tay dang rộng, lún sâu hóa liều
Nhạc rung lồng ngực bao nhiêu
Tấm thân con gái mỹ miều càng nhăn.
Miệng nhai bọ cạp, thằn lằn
Áo quần tứ hở: đảng, đoàn mới khen!
*Ánh đèn, sàn nhảy nồng men
Ai người nhắc nhở vận đen san hà?
Ý Nga24-6-2012
*Nhảy mồi và nhậu mồi là 2 nghề ở vũ trường và nhà hàng VNCS**Mommy = tú bà thời đại XHCN
Trích tuyển tập EM HỌC SỬ
*Phải chăng chỉ ở ngục tù?
Phải chăng chinh phụ, chinh phu mới thù?
*Thanh niên cả nước say nhừ:
Người hư, kẻ “lắc”*, vô tư tiệc tùng
Kẻ thù phương Bắc, thù chung
Ai người thúc trống Quang Trung thời này?
Đảng, Đoàn yến ẩm vui say
Chị ơi! Lời hịch xin bày sáng gương:
Trần Hưng Đạo, Trưng Nữ Vương,Ngô Quyền,
Nguyễn Trãi vang lừng sử Nam!
Giữ thành: Hoàng Diệu quyết tâm!
“Thành nhân!” Nguyễn Thái Học, âm lẫy lừng!
Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương …v.v…
Lòng yêu nước, chí quật cường vì ai?
*Đừng nuôi dưỡng kẻ hàng hai
Cũng đừng vỗ béo thêm loài Việt gian!
Ý Nga14.11.2012
Những điều chưa biết về Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi xưaNghĩa trang rộng khoảng 7,5 hecta và được coi là nơi an nghỉ của giới ‘quý tộc’ Sài Gòn trước khi thành phố đổi tên, nơi đây nhiều nhân vật nổi tiếng một thời như Tổng thống Ngô Đình Diệm, Đại tướng Lê Văn Tỵ “đã từng” yên nghỉ, tôi dùng chữ “đã từng” vì tưởng như thế là yên thân với ‘mồ yên mả đẹp’ nhưng có ai ngờ lại phải bốc mộ đi dời để biến nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi thành công viên Lê Văn Tám ngày nay.
Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, còn được gọi qua tên Đất thánh Tây, là một khu đất bao bọc bởi bức tường vôi màu vàng cũ kỹ nằm ngay giữa trung tâm sầm uất của Sài Gòn xưa. Vì là nghĩa trang của giới quý tộc nên một khoảnh đất nhỏ trong Mạc Đĩnh Chi có giá bằng cả một gia tài của một người sống giữa đất Sài Gòn.Mộ bia tại đây thường là những tấm đá cẩm thạch, đá hoa cương bóng lộn với dòng chữ R.I.P (rest in peace), có những câu đậm mùi triết lý “Hãy nhớ mình là cát bụi và sẽ trở về với cát bụi” hoặc “Người sẽ chết tưởng nhớ người đã chết”… Nghĩa tử là nghĩa tận, ‘người sẽ chết’ đã lo cho ‘người đã chết’ bằng những mộ phần hào nhoáng
Sau khi bị lực lượng đảo chính giết vào tháng 11/1963, hai anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu được chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Áo quan của ông
hình hộp, áo quan của ông Ngô Đình Nhu có nắp tròn. Một nhân chứng thời kỳ này giải thích, người thân của hai ông đi mua vội quan tài nên chỉ mua được một chiếc hạng tốt dành cho ông Diệm, còn chiếc hạng vừa dành cho ông Nhu.
Mộ hai ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu khá đặc biệt, chỉ có tấm đan bê tông đặt bên trên cao hơn mặt đất vài chục phân. Suốt từng ấy năm cho đến 1975, hai ngôi mộ nằm lọt thỏm, đìu hiu giữa nghĩa trang bộn bề những ngôi mộ kiên cố, những kẻ cơ hội quay lưng với gia đình họ Ngô đã đành, những người thân cũng ngại đến thăm viếng vì sợ chính quyền thời đó dòm ngó. Năm 1964, bà Phạm Thị Thân, thân mẫu của hai ông mất, đám tang thậm chí còn không người đưa tiễn!Hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu được chôn trong kim tĩnh (hộp bê tông dày và kín) rất khô ráo. Khi cải lên, thi thể của cả hai chỉ khô lại chứ không tan rữa, vẫn có thể nhận ra từng người. Đầu hai người đều quấn băng trắng in dấu máu đen từ những vết thương trước khi chết. Khi băng được mở, vết máu vẫn còn cứng. Sau gáy ông Nhu có một vết thương khá lớn, có thể do va đập.Trong thời gian di dời, có một người phụ nữ tên là Hạnh từ Huế vào, xưng là cháu, nhận thi hài hai ông Diệm-Nhu và được đem đi cải táng tại nghĩa trang Lái Thiêu (Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương). Mộ ông Ngô Đình Cẩn (được chôn tại nghĩa trang sân bay Tân Sơn Nhất sau khi bị xử bắn vào năm 1965), và mộ bà thân mẫu Phạm Thị Thân cũng được quy tụ về Lái thiêu.Trong khu đất rộng hàng nghìn hecta với những rặng cây lớn xanh và mát, mộ gia đình họ Ngô nằm cùng một dãy. Mộ bà Luxia Phạm Thị Thân nằm ở giữa, mộ hai ông Diệm, Nhu hai bên nhưng trên bia chỉ khắc Gioan Baotixita Huynh (ông anh) và Giacobe Đệ (ông em). Cách mộ ông Nhu một quãng là mộ ông Cẩn, trên bia có khắc Jean Baptiste Cẩn.Tại Mạc Đĩnh Chi, ngoài mộ hai ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu còn có mộ thân phụ của các ông Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, một số tướng lĩnh cao nhất, dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, cùng hàng nghìn nhân vật tên tuổi trong chính quyền. Trước năm 1975, một số người vì muốn thân nhân đã khuất được danh giá, bản thân được chút tiếng tăm, phải cố chạy chọt giành lấy một khoảnh đất trong Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Nguồn: Sài Gòn Xưa.
kim thanh
Portland, Sun. July 14, 2019
Thưa quý vị, quý bạn,
Nhân nghe những ca sĩ Hà Nội bây giờ trình diễn, qua youtube do một netizen chuyển đến kèm theo lời bình phẩm khá nặng nề, nhưng đúng, tiện nhân muốn gửi quý vị, đặc biệt chánh gốc Hà Nội 36 phố phường, một bài tiện nhân đã viết, cũng về Hà Nội, cách đây ba năm. Nếu có điều chi vô tình làm phật lòng quý vị, xin quý vị bỏ quá cho. KT
1. Tôi sinh ra, và lớn lên, tại Nha Trang. Gia đình bên ngoại gốc “Nhe Treng” rặt, và bên nội, gốc Quảng Trị, cũng rặt. Bởi vậy, anh em tôi trong nhà nói một thứ tiếng lai căng, ở trường học không nói tiếng Việt, thành thử ra ngoài không có cái giọng, kiểu “chu che bữ nê mềnh lợi eng cuôm dí ké nữ” (dịch nghĩa: Chu cha bữa nay mình lại ăn cơm với cá nữa) cố hữu của dân địa phương thứ thiệt, như mấy đứa bạn cùng xóm. Rồi sau năm 1954, người Bắc di cư vô Nam nói, ôi thôi, đủ thứ tiếng Bắc kỳ, nghe rất mệt tai. Trong số, tôi chỉ chấm, và mê, tiếng hát mượt mà, đài các, phát âm chuẩn xác của những nữ ca sĩ chính gốc Hà Nội, như Kim Tước, Thái Thanh, Mộc Lan, Tâm Vấn, và những minh tinh, như Kiều Chinh, Mai Trâm. Tất cả những mỹ nhân một thời ấy đã mang theo vào Miền Nam dáng vẻ thanh lịch và giọng nói quý phái từ Hà Nội cổ kính, và cố đô Thăng Long ngàn năm văn vật.
Hà Nội mà tôi chưa bao giờ được thấy, nhưng biết qua thơ văn nhờ hồi đi lính bắt đầu đọc những tiểu thuyết tiền chiến và những tạp chí của mấy ông nhà văn, nhà thơ Bắc kỳ di cư. Nhất là nghe những ca khúc đương thời thương về Hà Nội. Trong đó có một câu, trong một bài, mà ông cậu ruột mười sáu tuổi, em út của mẹ tôi, nghĩa là dân Nhe Treng đặc sệt, cứ âm ư mãi, riết rồi thành lố bịch: “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu…” Lố bịch là phải, bởi lẽ không ai có thể gây xúc động mạnh lên trái tim thính giả trong những bài hát nhớ Hà Nội cho bằng những nhạc sĩ, ca sĩ di cư chánh hiệu Hà Nội của thời trước 1975.
Quả vậy, Trịnh Công Sơn, gốc Huế, một thời là bạn học cùng lớp Philo tại J.J. Rousseau, một tên nằm vùng phản chiến, sau 1975, muốn lấy điểm với chế độ mới, cũng bắt chước viết hai ca khúc về Hà Nội, nhưng không hay bằng, vì cảm xúc, nguồn hứng rất giả tạo, và hình ảnh rất ước lệ, khuôn sáo, mặc dù cũng vẫn là Hồ Tây, cũng mùa thu mây bay, cũng mùi hoa sữa, cũng cây bàng lá đỏ… Chưa kể, câu kết, trong bài “Nhớ mùa thu Hà Nội”, “Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội / Nhớ đến một người để nhớ mọi người”, muốn nhắn gửi gì đây? Chưa vội chụp nón cối, người ta phải thắc mắc: Mùa thu nào? Tổng khởi nghĩa 1945 ư? Một người nào? Đồ tể Hồ Chí Minh, với khẩu hiệu “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, mà các tù binh cải tạo đã phải nghe lải nhải hoài, phát ớn đến tận cổ?
2. Hà Nội, tôi đã thấy, đã nghe, đã gặp một lần, vào tháng 4 năm 1983. Cách đây ba mươi hai năm. Không như một du khách, hay một Việt Kiều yêu nước. Mà là một tù binh cải tạo. Đúng ra gặp hai lần.
Lần đầu, cuối năm 1975, một cách chớp nhoáng, bất đắc dĩ. Tại bến cảng Hải Phòng, tôi được bốc từ tàu Sông Hương ra và tống lên xe lửa, chực sẵn để chở, cùng với hàng trăm ngàn đồng đội, lần lượt, đến các trại giam vùng biên giới, Sơn La, Hoàng Liên Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Cổng Trời… Khi đoàn tàu đi ngang Hà Nội, chắc quá nửa đêm, tôi cố nhướng mắt nhìn ra bên ngoài, từ song cửa sổ hẹp. Tàu chạy nhanh, trời lại tối, và đèn đường leo lét, chỗ có chỗ không, nên tôi không thấy gì cả, ngoài một Hà Nội còn đang ngủ say, phố xá lặng thinh, sương rơi lả tả, và những hàng cờ đỏ sao vàng giăng mắc, ủ rũ, trên những góc phố. Làm nhớ đến hai câu thơ oan nghiệt –đã bóp chết đời tác gỉả, Trần Dần: Tôi bước đi, không thấy phố, thấy nhà / Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ… Rồi tàu rẽ lên cầu Long Biên, khá dài. Tôi thấy hai bên đường sắt vài người dân đi bộ hay đạp xe, không biết về đâu, co ro trong chiếc áo tơi thô sơ. Trên sông, vài chiếc thuyền câu đậu bến im lìm.
Lần thứ hai, lần này, tám năm sau, được tiếp xúc với Hà Nội lâu hơn, đúng một ngày, nghĩa là mười hai tiếng đồng hồ. Quả thế, một buổi sáng đẹp trời, tại trại giam Vĩnh Phú, K1, đang chuẩn bị đi lao động, tôi nghe đọc tên mình được thả –áp chót trong danh sách một trăm mười người thuộc tất cả các trại Miền Bắc, mà Vĩnh Phú chiếm nhiều nhất: có bốn mươi tên trúng số độc đắc, trên toàn năm K, trong khi ở một số trại, nhỏ hơn, chỉ có vài mạng thôi. Tôi ngạc nhiên, không biết tại sao mình lại được thả, nhưng chắc chắn không phải vì công đức cải tạo tốt, trái lại. Thây kệ, tôi tự nhủ, thắc mắc làm chi. Vội vàng về “buồng” (phòng), vì chỉ được mười phút sửa soạn tư trang. Không có gì, ngoài bộ đồ tù đang mặc trên người, và mùng, mền, khăn mặt, bàn chải đánh răng, một bịch đường táng đen, một gói bánh mì khô, hai hộp sữa đặc, và một mớ thuốc cảm, đau đầu, đầu bụng, để dành từ những lần thăm nuôi trước. Tôi tặng hết đồ ăn và thuốc men cho những anh em, lúc ấy, khai bệnh nằm nhà.
Rồi tất cả lội bộ xuống K5, tức K chỉ huy, cách khoảng 15 km, để làm thủ tục xuất trại. Tại đây, được trả lại quần áo “dân sự”, đồng hồ, và tiền bạc bị “đăng ký” để “Cách mạng giữ hộ” khi bước chân vào trại tù đầu tiên, ở Miền Nam. Không biết đủ, thiếu thế nào, vì sau tám năm, không nhớ và điều đó không quan trọng nữa. Tù binh được thả sinh hoạt tại một buồng riêng, không được “quan hệ linh tinh” với các cải tạo viên khác.
Khoảng 10 giờ sáng hôm sau, chúng tôi trút bỏ bộ đồ tù, mặc lại quần áo cũ, có anh diện giày da thay cho dép râu. Ai nấy mặt mày tươi rói, đẹp trai hẳn ra, như dưới chiếc đũa thần của một bà tiên, không còn hốc hác, bèo nhèo như dạo nào, nhất là sau mấy ngày được vỗ béo, ăn no ngủ kỹ. Được xe trâu chở ra tận bến phà trên sông Hồng. Sau hơn nửa giờ, cập bờ Ấm Thượng. Ở đây, phải chờ đến 10 giờ đêm mới có chuyến xe lửa từ Lào Cai đến “rước” về Hà Nội. Đi theo có hai cán bộ. Hai tên này, bình thường thuộc loại hắc ám, bữa nay có vẻ dễ dãi, chắc vì được dịp đi chơi Hà Nội hoặc tin rằng không thằng tù binh nào được thả lại dại dột âm mưu làm điều “phản động”. Để giúp thời gian qua mau, chúng tôi tụm năm tụm ba nói chuyện, cười đùa rổn rảng, hoặc mua bún, bắp luộc, xôi vò và bánh gai của các bà và em bé bán hàng rong tại chỗ –đã quá quen thuộc với những đợt thả tù binh. Nghe nói Ấm Thượng có đền thờ Hùng Vương, tôi và một anh bạn xin phép đi viếng, nhưng cán bộ bảo xa lắm, không cho. Trời hơi nóng, tôi bèn cởi áo quần nhảy xuống sông tắm. Nước phù sa đỏ ngầu, nhuộm cả ra quần đùi mới, trắng tinh. Lội ra xa, thấy sóng lớn quá, sợ bị cuốn đi, chết uổng mạng, tôi bơi vào, lên bờ nằm nghỉ, phơi nắng, đợi xe lửa.
3. Ấm Thượng không xa Hà Nội bao nhiêu, trên dưới 100km, mà ì ạch mãi đến 8 giờ sáng hôm sau, tàu mới đến ga Hàng Cỏ, sau khi dừng lại nhiều trạm dọc đường. Đám tù phải đợi đến 8 giờ tối mới có chuyến tàu Thống Nhất vào Sài Gòn. Hai tên cán bộ điểm danh, và bắt tất cả “tập trung” ở một góc nhà ga, dặn không được đi đâu xa, “vì các anh chưa được phát giấy ra trại”. Ga tấp nập hành khách và bộ đội chờ đi các tỉnh phía Bắc, và rất đông “gian thương” (buôn bán chui) lượn tới lượn lui, rình mồi, nhiều nhất là những người mua đi bán lại quần áo, vai vác bao tải to kềnh, trông như một cảnh chợ trời, sau 30 tháng 4, 1975 tại Sài Gòn. Tất cả đều quay nhìn chúng tôi, biết ngay là đám sĩ quan tù binh cải tạo từ biên giới được thả về Nam, với cặp mắt tò mò, hoặc cảm thông. Một vài thanh niên, thiếu nữ còn dạn dĩ, đến bắt chuyện, hỏi về “quân hàm” (cấp bậc) của anh em, và xuýt xoa với nhau: “Ghê nhỉ! Trông trẻ thế mà đã là đại úy, thiếu tá cả, gần mười năm trước cơ đấy!”
a) Các cô, các bà mua bán chui thấy một số tù binh, trong đó có tôi, mặc quần jeans, mà họ gọi là “quần bò”, liền sà đến, gạ mua. Một cô, khá xinh, mồm dẻo kẹo, chỉ vào cái quần xanh, bạc màu, bụi đời (càng bụi càng có giá, cô nói) của tôi, và bắt đầu dụ, ngon lành:
– Ông anh bán cái quần bò này cho em nhá!
Tôi giật mình, khoát tay:
– Đâu được cô! Hiện giờ tôi chỉ có mỗi cái quần này trên người, bán cho cô, lấy gì mặc?
Cô vẫn nài nỉ:
– Thì em đổi rẻ cho anh cái quần tây thường khác.
Tôi vẫn lắc đầu. Rồi cặp mắt thiện nghệ của cô bỗng rà lên khắp châu thân tôi, như radar, ngừng trên chiếc áo pull trắng, cổ cao, tôi đang mặc, tuy còn mới, nhưng sau tám năm “biệt giam” trong nhà kho kín mít, đã ngả sang màu vàng nhạt, và thoang thoảng có mùi mốc, pha lẫn với hương nách cũ, chưa kịp giặt, bay ra… khá nồng. Cô lên tiếng tán, ngọt xớt:
– Hay là ông anh bán cái áo này cho em!
Trong túi xách tôi còn một áo sơ mi xanh, nên đồng ý bán. Cô ta trả giá 3 đồng. Tôi ngồi im re. Từ hồi cha sanh mẹ đẻ đến nay, tôi có đem áo quần đi bán bao giờ đâu, làm sao biết giá cả? Một bà già, hàm răng đen láy, ngồi cạnh cô bỗng lớn tiếng nói: “Ối giời, chỉ có quân ăn cướp ngày mới giả cái giá đó. Tôi giả 5 đồng đấy, cậu bán, tôi lấy ngay!” Tôi lại càng phân vân, chưa biết xử trí thế nào thì cô nọ liếc xéo bà kia: “Tôi tăng lên 10, mụ già nhà quê Quảng Ninh có theo nổi không nào?” Nghe hai người sừng sộ với nhau, đám tù binh và cả tên cán bộ xúm lại, xem màn bán đấu giá “đột xuất”, càng lúc càng hấp dẫn. Một anh thiếu tá đồng tù đập đập tay xuống thềm xi măng, hỏi: “Mại dô, mại dô. Có ai trả thêm nữa không?” Bà già cười khẩy: “Tôi giả 12 đồng đấy, con nặc nô Hà Tĩnh có ý kiến gì không nhỉ?” Cô gái tức khí, đáp lễ: “Tôi trả thêm 3 đồng, tổng cộng 15, mụ già nhà quê Quảng Ninh thấy thế nào?” Cả đám vỗ tay rào rào, tên cán bộ cũng cười. “Mụ già nhà quê Quảng Ninh”, cuối cùng, chịu không thấu, bỏ cuộc. Anh thiếu tá chỉ vào “con nặc nô Hà Tĩnh”, phán: “Không ai trả thêm nữa, tôi khóa sổ nè và long trọng tuyên bố rằng cô em gái Hà Tĩnh này được trúng tuyển mua áo pull của anh trai đại úy tù binh ngụy Vĩnh Phú, với giá 15 đồng chẵn, không bớt xu nào”. Cả đám, tù cũng như dân, ôm bụng cười lăn. Tiền trao áo múc, tôi bèn cởi ra ngay tại chỗ, giao tận tay cho cô. Vào thời điểm đó, 15 đồng là món tiền phải chăng, vì giá một tô phở khoảng 7 đồng, một ly bia 3 đồng. Tổng kết, có hai mươi tù binh “bị” mua áo, mua quần trong buổi sáng đó. Đủ tiền bát phố Hà Nội trong một ngày.
b) Bất ngờ có tiền phụ trội trên trời rớt xuống, cộng vào món tiền khiêm tốn được trại trả lại, tôi bỗng nổi hứng, đóng vai trưởng giả học làm sang: tắm nước nóng. Phòng tắm kế bên sân ga, thấp, nhỏ, mái tôn và vách lợp bằng tre đan. Trên cửa, viết nguệch ngoạc ba chữ bằng vôi trắng: Tắm lước lóng. Phòng chỉ có một lối ra vào. Giá vé là 2 đồng, trả trước cho một chị sồn sồn, hô răng, ngồi gác bên ngoài. Vừa lom khom chui vào, đóng cửa lại, chưa kịp làm gì, tôi nghe có tiếng nước xối ở gian trong, và dưới ánh nắng lùa qua khe hở, thấy vắt ngang trên tấm liếp ngăn hai gian một quần tây xanh đậm, và một áo lụa vàng, có thêu chim cò, kèm theo hai mảnh đồ lót, trên trắng, dưới hồng, rất “hiện đại”, rất khêu gợi mà, tôi đoán nhanh, chủ nhân chắc chắn không thể là một trong những “mụ già nhà quê Quảng Ninh” khi nãy. Tôi đang đứng lóng ngóng, chưa biết phải làm gì, thì từ phía trong vọng ra một giọng Bắc còn trẻ, nhưng không phải âm hưởng Hà Nội, của một cô chắc đã nhìn thấy tôi qua khe liếp, trong gian ngoài đầy ánh sáng: “Anh là tù cải tạo hả? Đừng ngại, cứ vô tư cởi quần áo ra, phòng tắm công cộng, ai cũng làm như thế cả!” Tôi im lặng, vì sợ gặp phải thứ dữ, chứ có gái nhà lành nào cả gan dám tắm truồng chung đụng như thế, chưa kể tắm xong, làm sao đi ra, nếu gian ngoài đang có người? Tôi đứng bất động như người trúng gió, căng mắt dòm vào, nhưng bị bóng tối ghen tuông che kín, không cho thấy chi hết. Sau tám năm thiếu đàn bà, trí tưởng tượng vụt bay lên, bay cao, bay xa, rạo rực, nhưng cố dằn xuống kịp thời.
Tôi múc, bằng gáo, nước từ trong hai cái vò sành, bắt đầu súc miệng. Nước quá lạnh, buốt thấu răng, và óc, làm tê liệt giây thần kinh thèm muốn. Tôi mở hé cửa ngoài, thò đầu ra, khiếu nại với chị bán vé. Chị ta trả lời, đúng bài bản, như quá quen với “sự cố” này: “Bữa lay, nhiều khách tắm quá, bác ạ, đến nượt bác thì lước lóng hết đột xuất, em đun không kịp, bác cố gắng khắc phục tắm bằng lước nạnh hộ em!” Tôi đành rửa mặt, và nhúng khăn lau sơ phần trên, rồi mặc lại áo, đi ra. Xong một buổi tắm “lước lóng”. Tại thủ đô nước CHXHCNVN, năm 1983. Không biết bây giờ phòng tắm dã chiến bên hông ga Hàng Cỏ ngày ấy có còn không.
c) Vì thời gian chờ xe lửa quá lâu, theo đề nghị của anh em, trưởng đoàn tù binh, trung úy người Huế –được bầu một cách “khẩn trương” do nhu cầu công vụ– xin cán bộ cho phép anh em đi “tham quan” Hà Nội mùa xuân. Hai cán bộ “hội ý” với nhau, và chấp thuận, với điều kiện không đi xa và phải trở lại ga trước 7 giờ tối, ai trễ sẽ bị bỏ lại, ráng chịu. Lúc đó mới 11 giờ trưa. Tất cả hồ hởi phấn khởi xuất quân. Một vài anh em già, yếu, bệnh, mệt, ở lại nhà ga, và tình nguyện giữ hộ các túi xách với lời bảo đảm sẽ được “đền ơn bội hậu” khi anh em đi chơi về.
Tôi rủ ba người bạn khá thân cùng đội tù K1 đi chung, trong số có một ông Thiếu tá già Tiếp Liệu Bộ Tổng Tham Mưu, cởi mở, chính gốc Hà Nội, nói năng lúc nào cũng từ tốn, chậm rãi, rề rà, nghe sốt cả ruột. Vừa rời sân ga, ông Thiếu tá bỗng dừng lại, vẻ mặt đăm chiêu, mắt ngó ngang ngó dọc, chỉ chỏ cho ba chúng tôi, không phải dân Bắc kỳ, và nói:
– Hồi năm 1954, nhà tớ ở gần ga Hàng Cỏ này, trong khu Hàng Bông – Thợ Nhuộm, tức phía Cửa Nam. Không biết căn nhà có còn đấy không.
Rồi ông dẫn cả bọn đi loanh quanh, và cuối cùng chui vào một dãy phố, đối diện ga. Những túp nhà chạy dọc theo con phố đều cũ mèm, mái đã rêu phong với những viên ngói lung lay, như răng bà lão, không biết bay theo gió lúc nào, tường vôi lâu ngày loang lổ thành màu trắng đục, có chỗ lòi ra một lớp gạch xám xịt. Phía trước là những hiệu buôn, được ông thiếu tá gọi là “hàng”, thấp lè tè, bước vào sơ ý là bị đụng vỡ đầu, nối liền với những “căn hộ” phía sau, cao hơn, lớn hơn. Sau một phút lưỡng lự, ông bước vô một gian “hàng”, không biết tên gọi là gì, có lẽ hàng Giày, vì bán toàn giày dép. Nghe ông kể, khi cả gia đình ông leo lên tàu há mồm vào Nam, thì, dĩ nhiên, cửa hiệu bán guốc và nhà ở của gia đình ông bị tịch thu, và đổi chủ. Chủ mới, không biết mấy đời rồi, là một anh trung niên, nói tiếng Quảng Bình giả giọng Bắc, lịch sự hỏi: “Các bác muốn gì ạ?” Ông thiếu tá già cười, mà như mếu, theo nghĩa hoàn toàn đen, vì tám năm dài đằng đẵng trong tù bạn bè đã bẻ giùm ông, bằng những sợi chỉ bện lại, mất hết năm răng cửa và hai răng hàm: “Trước năm 1954, tôi đã ở nhà này”, ông trả lời. Rồi xin ra phía sau để nhìn lại nó, và kể hết đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong thiên tình sử, anh chủ mới mủi lòng, ân cần mời ông chủ cũ lên cầu thang gỗ thăm lại căn nhà của chính ông.
d) Ba thằng chúng tôi, hai Nam kỳ, và một Trung kỳ, không có dây mơ rễ má gì với cố đô Hà Nội, hay tàu há mồm, xin rút lui, để mặc ông thiếu tá già thoải mái đi tìm thời gian đã mất, như văn sĩ Pháp Marcel Proust. Lúc ấy có hai đồng tù trẻ, khác K, xin nhập bọn. Tiếp tục dạo phố. Vừa đi tôi vừa quan sát, ngắm nhìn thiên hạ, vừa nghĩ đến những giai nhân Hà Thành trước kia, mà suốt bao năm tôi đã ấp ủ trong tim bóng hình thướt tha và giọng ca vàng đầy chất Hà Nội được phát thanh trực tiếp trên các làn sóng Sài Gòn. Hay lãng mạn, hư cấu hơn, những nữ nhân vật có học, duyên dáng trong tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng –mà khung cảnh đều là Hà Nội của những thập niên 30, 40. Và, trên hết, các công chúa Mỵ Châu, Lý Chiêu Hoàng, Trần Huyền Trân, Lê Ngọc Hân của Thăng Long nghìn tuổi, mang kiếp hồng nhan bạc phận trong thực tại lịch sử, đã làm ngây ngất trí tưởng nơi người hậu thế “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa” (Kiều), như những giấc mơ huyền thoại quyến rũ, dị kỳ.
Những cô gái, gọi là Hà Nội, dưới thời Việt Cộng, mà hôm nay tôi mới được diện kiến trực tiếp, thấy khác lạ quá đỗi. Đã thiếu nhan sắc, và thước tấc, mà lại kênh kiệu, nói năng cộc lốc, không bao giờ được học và nói hai chữ “cám ơn” và “xin lỗi”. Mặc áo sơ mi nhét trong quần tây, theo mốt hiện hành, bỏ chiếc áo dài cổ truyền, và chân đi “sa-bô” (sabot?), danh từ tôi mới nghe lần đầu, tức loại giày nhựa, bịt kín phía mũi, gót để trống, đế rất cao, như một thứ dép tân thời, thay cho “thanh bình tiếng guốc reo vui” ngày xưa của nhạc sĩ Hoàng Dương. Lại còn giọng nói nữa. Lạ lắm, trời ạ! Tiếng Hà Nội gì mà nghe như pha với giọng Nghệ An của “Bác”, hay Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình. Những dấu sắc, huyền, nặng, hỏi, ngã phát ra lung tung, loạn xạ, tùy tiện. Nghe chua lè, còn hơn giấm. Bởi thế, khi giọng nói Hà Nội ấy bay vào Miền Nam, sau cuộc đổi đời, người dân Sài Gòn nhận ra ngay sự khác biệt rõ rệt giữa hai thứ tiếng Bắc kỳ, (19)54 = 9 nút, của Kim Tước, Thái Thanh… và Bắc kỳ, (19)75 = 2 nút, rất lơ lớ, chói tai, của những ca sĩ trẻ, từ Hà Nội, ồ ạt Nam tiến, rồi sau đó và bây giờ, thừa thắng xông lên, xâm nhập luôn những Cộng đồng Việt Nam tỵ nạn tại Mỹ, vô tình hay hữu ý thực hiện chủ trương “giao lưu văn hóa” của VC, tiếp tay bởi tên nhà văn MC thò lò hai mặt. Về dung nhan, các ca sĩ ấy vượt trội những cô gái mà tôi đã gặp tại Hà Nội năm 1983. Nhưng giọng nói “2 nút” chua lè thì vẫn y chang.
e) Lang thang mãi, mỏi chân, và đói bụng, chúng tôi tắp vào một quán phở, không xa ga Hàng Cỏ là bao. Ba cô gái “phục vụ” (chạy bàn), mặc đồng phục, sơ mi và quần tây, đứng ở quầy hàng, thấy năm ông khách quý bước vào, trơ mắt ngó, không thèm chào mời. Và phớt lờ, tiếp tục trò chuyện với nhau. Quán lúc ấy không có ai ngoài năm đứa tôi.
Chờ lâu, một anh, cựu trung úy Biệt Động Quân, người Nam hiền khô, nhưng tướng rất ngầu, da ngăm ngăm đen, nói năng bạt mạng, lại ngọng nữa, sốt ruột, lớn tiếng hỏi:
– Nè, bộ mấy bà chê tụi tui không tiền hay sao mà không ai ga (ra) tiếp dzậy?
Một cô trả lời, giọng Bắc the thé như lai tiếng Thanh Hóa, Nghệ An:
– Ăn gì thì đến quầy mà gọi.
Anh BĐQ đứng lên, khệnh khạng tiến tới quầy, hai tay thọc trong hai túi quần. Tôi bước theo, sợ to chuyện, và nhắc nhở “tụi mình vẫn còn là tù binh, chưa được phát giấy ra trại”. Anh hiểu, và nói một hơi:
– Cho tụi này năm tô phở bò tàu bay Hiền Vương, tái, chín, nạm, gầu, gân, sách, nước béo, giá trụng, hành trần, chanh, ớt, tương đen, ngò gai, nhiều bánh, nghe kịp không?
Ba cô, dĩ nhiên, nghe sao kịp, không hiểu, hay chỉ hiểu lõm bõm, trợn tròn mắt, tưởng anh nói tiếng Ấn Độ. Một cô, có lẽ tổ trưởng, xẵng giọng:
– Đây là cửa hiệu quốc doanh. Chỉ có một loại phở mà thôi, không có thứ gì khác. Rõ chưa?
Anh quay nhìn tôi, rồi ngó thấy cô “chằn” quá, liền xuống nước:
– Gõ gồi (rõ rồi). Ờ, thì cô bán cho năm tô đi. Và năm chai bia.
– Không có bia chai, mà chỉ bia “bốc” thôi.
Anh lại hỏi:
– Bia “bốc” là bia gì dzậy?
– Là bia hơi rót từ cái bình thủy tinh lớn kia, ông cụ nội ạ, chứ còn là bia gì nữa?
Tôi cười cười, cố tình nói đùa cho tình hình bớt căng thẳng:
– Nghĩa là chưa uống nó đã “bốc hơi” bay đi hết, phải không cô?
Nhưng cô quốc doanh nguýt tôi, rồi lườm anh BĐQ, mắt tóe lửa, như muốn nhai tươi nuốt sống hai thằng. Và bảo “trả tiền trước đi đã”, tổng cộng cả bia lẫn phở cho năm tên “ngụy” là 50 đồng.
Hai thằng trở lại bàn. Ngồi chờ mãi, gần nửa tiếng, mà phở, bia chưa thấy mang ra, anh lại bực bội, gõ chiếc muỗng vào cái ly nghe leng keng, rồi nói lớn:
– Sao lâu quá gồi (rồi) mà không thấy ai bưng phở, đem bia ga dzậy cà?
Cô “tổ trưởng” từ quầy cũng to tiếng, đáp lễ:
– Đến đây mà bê ra, không ai hầu cho đâu!
Cả đám bật đứng lên, bước đến phía quầy, thấy một lô tô phở, không nước, làm sẵn đồng loạt từ lâu, nằm chình ình trên một cái khay lớn. Nghĩa là khách địa phương, rành thủ tục, chỉ có việc đến quầy trả tiền, lúc đó các cô “phục vụ” mới đổ nước lèo nóng vào, rồi tự động ai nấy bưng tô phở ra bàn. Phở lơ thơ vài cọng rau, chỉ có một lát thịt bò thái mỏng như lưỡi lam cạo râu, sẵn sàng bay theo cơn gió vô tình lướt qua. Nước phở còn nhạt hơn nước ốc. Bia “bốc hơi” thì khỏi nói: không khác chi nước trà lên men.
Ăn uống tạm no, nhưng còn ấm ức, anh trung úy BĐQ rút điếu thuốc Điện Biên ra hút, mơ màng nhả khói, như triết gia Jean-Paul Sartre trên vỉa hè Paris, rồi than nhỏ với tôi: “ĐM. Cái gì cũng quốc doanh, không khá nổi. Phở, bia, hay cha, thầy, sư quốc doanh gì cũng đều cà chớn gáo (ráo) trọi”.
Ra đường, gặp một toán khác đi ngược chiều –khoe vừa mới nhậu thịt chó xong. Hỏi ngon không, thì một anh hậm hực trả lời: “Ngon gì mà ngon. Thịt chó quốc doanh chỉ có độc mỗi món luộc chấm với mắm tôm, không ớt, mùi tanh lắm. Nhưng lỡ trả tiền rồi, cũng phải ráng nuốt thôi. Thịt chó Hà Nội gì mà bết bát hết sức, thua xa thịt chó Hố Nai”.
4. Rồi năm đứa chia tay nhau, đường ai nấy đi, hồn ai nấy giữ. Hẹn trở về ga Hàng Cỏ trước 7 giờ tối, hoặc sớm hơn. Còn nhiều thời gian để mà giết. Làm gì cho hết nửa ngày nữa?
Tôi nẩy ý muốn đi xem phong cảnh Hà Nội. Bèn vẫy một chiếc xích lô. Phu xe là một thanh niên trên ba mươi, tên Tứ, dáng dấp khỏe mạnh, nói nhiều, giọng Bắc Khu Tư (Vinh). Tôi thương lượng:
– Anh chở tôi đi chơi vòng vòng xem cho biết Hà Nội, cứ đạp từ từ, đến chỗ nào cũng được, tùy ý anh, trong ba tiếng, rồi chở tôi trở lại ga Hàng Cỏ trước 7 giờ. Anh lấy bao nhiêu?
Anh mau mắn đáp:
– Dạ, bèo lắm thì cũng 40 đồng đấy anh ạ…
Tôi vừa ngồi lên nệm xe, anh đã đề nghị đi Hồ Hoàn Kiếm trước. Hà Nội đang còn mùa xuân, hai bên đường hoa nở rộ, thắm tươi. Những cành đào nặng trĩu hoa, rực rỡ một màu đỏ hồng, cong xuống, la đà theo gió. Thấy tôi mải mê ngắm nghía một cách thích thú, Tứ góp chuyện:
– Còn một loài hoa nhỏ, chỉ nở từ tháng 3 đến cuối tháng 4, tức tháng này, trắng xóa ven đường, lại tỏa hương thơm nhè nhẹ. Tuyệt vời, anh ạ. Đó là hoa sưa… Đấy, anh ngắm đi, kia kìa, đúng là một cảnh tuyết, giống ở Sapa…
Tôi hỏi lại:
– Hoa sưa hay hoa sữa?
– Dạ sưa. Du khách Sài Gòn ra, ai cũng lộn.
Dọc đường, ít thấy xe hơi, xe gắn máy hay bộ hành qua lại. Du khách ngoại quốc, hay Việt kiều, cũng vắng. Một thủ đô đang hấp hối hay đang ngái ngủ, tôi có cảm tưởng, lạc hậu nhất trên hành tinh này. Lãnh đạo tự phong toàn là một lũ thất học, ngu đần, lúc bấy giờ còn say men chiến thắng, còn bận nhiều việc: trả nợ cho hai nước “anh em vĩ đại”, Liên Xô và Tàu Cộng, trả thù người chế độ cũ, lừa và lùa hàng trăm ngàn tù binh “ngụy” vào rọ “học tập cải tạo”, đày dân đi vùng kinh tế mới để cướp nhà của họ, vơ vét và chia chác của cải từ Miền Nam khuân ra Bắc, khoác lác khoe khoang với thế giới rằng “VN đã đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ, Pháp và Mỹ”, và “VN chúng tôi có quá nhiều anh hùng, vừa ra ngõ là gặp anh hùng”… Nên chúng chưa có kế hoạch phát triển kinh tế, làm cho đất nước giàu mạnh.
Xích lô chạy một hồi, đến hồ Hoàn Kiếm lúc nào không hay. Tôi bước xuống, đi bộ lên thảm cỏ xanh. Những nhánh liễu ven hồ, rũ xuống, tàn lá lưa thưa, không đủ “che nửa mặt hoa” (Bạch Cư Dị) của những cô gái trẻ ngồi tâm sự bên tình nhân, trên ghế đá. Tôi thấy họ có vẻ ngượng nghịu, lúng túng đến tội nghiệp khi nắm lấy tay nhau, nói chi ôm nhau, hôn nhau. Thương cho họ. Và ở một cảnh ngộ khác, thương cho chính tôi và những chiến hữu bất ngờ trở thành tù binh, không kịp hẹn trước với Định Mệnh, vừa đứng trước cổng trại giam là đã phải bỏ lại tất cả: quá khứ, vị lai, tình yêu, ước mơ, và thảm não hơn, hy vọng. Dường như những cặp tình nhân này mới dưới quê lên thành phố, hoặc vừa được Bác và Đảng “cởi trói” cho phép yêu nhau, sau tám năm “chiến thắng” Miền Nam, trong khi Bác và bè lũ, những con yêu râu xanh thời đại, tha hồ “đồi trụy”, vợ nọ con kia, mà mồm cứ phun ra những lời sặc mùi đạo đức giả.
Những tia nắng lấp lánh đuổi nhau trên mặt hồ. Nhìn xa thấy màu nước đẹp lung linh, xanh như một tấm thảm rêu trải dài. Gần bờ, trái lại, nước hồ quá bẩn, có chỗ lềnh bềnh những rác rưởi, giấy báo, bao ni lông, lon, ca, cóng do ai vứt xuống bừa bãi, tắt nghẽn, không trôi đi được. Trước kia, tôi đã đọc trong một quyển tiểu thuyết và nghe các ông bạn lớn tuổi, chính gốc Hà Nội ba mươi sáu phố phường, kể rằng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm thời trước 1954, sạch sẽ lắm, là nơi tụ họp vui chơi cuối ngày, và cuối tuần, của đông đảo dân Hà Thành, có những kiosques bán kem và lạc rang húng lìu nóng dòn, có giọng ca nhí nhảnh của Joséphine Baker phát ra từ đĩa nhạc xưa, “J’ai deux amours: mon pays et Paris…”, nhưng bây giờ, đứng đấy, tôi không nghe, không thấy gì hết. Cũng như, theo lời Tứ kể, ở Hồ Tây, mà anh ngại xa không muốn chở đến, không còn những chiếc périssoires (thuyền thoi) –mà dân Đà Lạt rất quen thuộc trước 1975, trên hồ Xuân Hương. Hay người Cộng sản không biết ăn kem Bờ Hồ, không biết nhai lạc rang, không biết nghe nhạc Pháp, không biết bơi thuyền thoi, cho đó là sản phẩm của Thực dân, Đế quốc? Vua Lê Lợi nếu sống lại chắc sẽ căm giận lắm về những hậu sinh khả ố, mất dạy, mê muội hiện tại, nhắm mắt theo đuôi chủ nghĩa Cộng sản khốn nạn. Tôi cầu xin, khi mùa đông về, mưa bay lất phất, rùa thần nổi lên mặt hồ, cho ngài mượn lại thanh kiếm báu để chém bay đầu bè lũ chúng nó, như trưóc kia đã chém bay đầu Liễu Thăng và giặc Minh…
Rời hồ Hoàn Kiếm, Tứ chở tôi dạo một vòng Bưu điện gần đó, là một tòa nhà đồ sộ xây theo lối Tây, và xa hơn, những “phố” (thực ra là những con đường) Huế, Tràng Tiền, Hai Bà Trưng… mà tại mọi góc đều có Công An đứng gác, súng ống trang bị đến tận răng, mắt cú vọ nhìn gốc cây nào cũng thấy “phản động”, mặc dù đất nước đã thanh bình lâu rồi.
Khi tôi ngỏ ý muốn đi thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Tứ lẩm nhẩm tính:
– Đến Văn Miếu thì phải vòng trở lại ga Hàng Cỏ, qua phố Hàng Lọng, theo phố Sinh Từ…
Tôi cắt ngang:
– Anh có nói, tôi cũng chẳng biết phố nào là phố nào. Thôi, tôi nhắm mắt để anh chở tôi đi đường nào cũng được.
Như tên gọi, đó là một khu “miếu” lớn, với lối kiến trúc cổ xưa, từ thế kỷ XV, trang nghiêm, thanh nhã, gồm một gian thờ Khổng Tử và môn đệ, một lầu vuông tám mái gọi là Khuê Văn Các, nơi bình thơ của các sĩ tử, cạnh giếng Thiên Quang mà hai bên tả, hữu thấy dựng hai hàng bia đá khắc tên tám mươi hai vị đỗ tiến sĩ, qua các triều đại. Trên cổng ngoài cùng có vẽ hình hai con cá chép theo điển tích “cá vượt vũ môn”, ngụ ý người học trò đi thi được ví như cá chép phải vượt ba đợt sóng dữ, tại cửa sông, mới biến thành rồng, chỉ sự thành công tột bực. Chứ không phải, tôi nghe ai kể, các thí sinh thích ăn cá chép, theo cách hiểu của đa số học sinh XHCN bây giờ. Bước đi, tôi thấy người bỗng thoát trần, xa rời tục lụy và thực tế tối đen, xấu xí hiện nay, để lòng nhẹ tênh. Như bay bổng trong không gian và thời gian lồng lộng. Như nghe tiếng thiết tha gọi về từ đáy Hôn Dân Tộc thanh cao của bốn ngàn năm văn hiến và từ những trang Sử Việt oai hùng qua bao dòng đời hưng phế, với Trưng, Triệu, Ngô, Đinh, Lý, Trần, Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn… những triều đại bị bọn “đỉnh cao trí tuệ” Trường Sơn chê là phong kiến, lạc hậu, độc tài, mà người dân vẫn được tự do đi lại, vẫn được ăn no mặc ấm, vẫn được vua chúa thương yêu như con, vẫn được học hành đến nơi đến chốn theo truyền thống nhân bản, vẫn được gọi mời tham gia vào công cuộc trị nước và giữ nước. Mà những tiến sĩ, đang hiện diện trong Văn Miếu kia, được vinh danh và trọng vọng nhờ vào thực tài, đức hạnh, chứ không bởi văn bằng dỏm, văn bằng lậu, văn bằng tậu được do tiền bạc và mánh mung, như trong thời kỳ đồ đá, đồ khỉ, đồ đểu hiện nay…
5. Từ giã Văn Miếu, thấy còn dư một tiếng, tôi đề nghị Tứ chở đi xem giếng ngọc của Trọng Thủy và Mỵ Châu –mà chuyện tình diễm ảo và bi thảm đã ám ảnh, mê hoặc hồn tôi, từ lúc còn trẻ cho mãi đến bây giờ, hơn bất cứ chuyện tình diễm ảo và bi thảm nào trong văn chương thế giới, kể cả Tristan et Iseut hay Romeo and Juliet. Tứ đáp:
– Xa lắm anh ạ, tận mãi Cổ Loa, quận Đông Anh, phía Bắc, cách Hà Nội 16km, không đi xích lô được, vả lại không kịp giờ lên xe lửa đâu.
Đành trở lại ga Hàng Cỏ, trước giờ qui định. Trao tặng những anh giữ-hộ-viên-túi-xách một bịch chuối ép khô mua tại cửa Bưu điện, và kể sơ về chuyến du hành bằng xích lô. Hai cán bộ đã có mặt. Rồi lục tục, các đồng tù trở về “trình diện” kịp, hay trước, giờ, vì không ai dại, làm lỡ chuyến tàu xuôi Nam. Đúng 8 giờ tối, tất cả lên tàu, ngồi trong một toa, do “trên” (nhà nước) dành riêng, sau khi cán bộ đọc tên và phát cho từng người giấy ra trại, kèm theo lời dặn dò, hay mệnh lệnh chót, “các anh nhớ thi hành tốt lệnh quản chế địa phương, và phấn đấu làm ăn tốt, xây dựng xã hội chủ nghĩa, đừng trốn chạy ra nước ngoài”. Hai tên cán bộ ở lại ga, và chúng tôi hoàn toàn tự do, từ đây, ít ra trong đêm đó.
Tàu khởi hành trễ nửa giờ. Chạy khoảng một tiếng thì ngừng lại tại một ga nhỏ, đón khách “nhảy tàu” (buôn bán lậu trên xe lửa) ra Bắc và trở vào Nam. Đa số là phụ nữ Miền Nam, còn trẻ, biết có một toa tù cải tạo được thả, họ đem hàng đến gửi, nhét đại phía dưới ghế ngồi, vì qua kinh nghiệm, tin rằng công an không bao giờ vô lục khám. Chúng tôi thông cảm, để mặc, và ngược lại họ mua bánh trái đãi đằng để trả công ơn đồng lõa. Vài người, mà thân nhân còn trong tù cải tạo, đứng nán lại, hỏi han, tâm sự. Và bất ngờ, tôi được biết trong số có một chị là vợ của một trung úy, đồng đội K1, không được thăm nuôi, đói, nhưng rất có bản lĩnh, tư cách. Tôi nói nhỏ với chị:
– Ảnh đói lắm. Chị ráng thu xếp ra thăm ảnh một chuyến.
Chị bật khóc, nước mắt đầm đìa, trả lời:
– Em biết. Và thương ảnh lắm. Nhưng nhà nghèo quá, phải nuôi đàn con nhỏ nữa. Khi nào dành dụm được chút ít, chắc chắn em sẽ ra thăm ảnh.
Cảm động, tôi móc từ túi quần được một nắm tiền, chừng hơn 100 đồng của trại trả lại, kín đáo đưa tặng chị, nói để “mua quà cho các cháu”. Chị không nhận, và vì tế nhị, tôi không nài ép. Cách đây hai năm, tình cờ tôi gặp lại anh chị –qua Mỹ theo diện HO, và làm ăn khá giả, con cái thành đạt– tại nhà một người bạn chung. Sau ba mươi năm, chị nhìn tôi, xa lạ, không nhận ra là ai, và tôi cũng không nhắc gì về chuyến tàu đêm năm cũ ấy.
Tàu chạy thâu đêm, qua những địa danh lịch sử, tôi chỉ nghe nói đến mà chưa hề thấy tận mắt, như Hà Tĩnh, quê hương tuổi nhỏ của đại thi hào Nguyễn Du. Hay Quảng Bình, nơi sinh quán của Tổng thống Ngô Đình Diệm, với Đèo Ngang nổi tiếng trong thơ Bà Huyện Thanh Quan và sông Gianh phân chia ranh giới Bắc Nam giữa quân Trịnh và quân Nguyễn, thế kỷ XVII. Khi đến Cửa Tùng, An Du Tây, Quảng Trị, quê nội tôi, trước khi tàu qua cầu Bến Hải, tôi nhìn chăm chú ra ngoài, như một phản xạ, nhưng không thấy gì cả ngoại trừ một vùng đồng ruộng tăm tối, bao la. Tự nhiên, một cảm giác xa lạ, trống vắng xâm chiếm tâm hồn. Và thấy đắng chát trong cổ họng… Bởi một nơi không đến bao giờ, và không có một chút kỷ niệm, dù là quê cha đất tổ, cũng chỉ là một chấm đen trên bản đồ. Tôi gục đầu xuống thành cửa sổ, muốn khóc. Bỗng nhớ ba tôi quay quắt, đã mất không lâu trước đó, mà tôi không được gặp mặt.
Ngược lại, tại sân ga Huế, sáng trưng ánh đèn, một cảnh sinh hoạt náo nhiệt diễn ra, dù đã quá nửa khuya. Khi những em bé bán bánh, nước trà bắt gặp chúng tôi ngồi la liệt trong toa đặc biệt, biết là tù “ngụy” trở về, liền báo động cho những đồng nghiệp lớn tuổi, và một đám các bà, các o chạy túa đến, reo vui: “Sĩ quan cải tạo về kia tề, anh mô cũng đẹp trai hết, không như mấy cha bộ đội. Thấy các anh cực khổ mà thương chi lạ!”. Vài anh thò đầu qua cửa sổ mua bánh, chuối, thịt gà chiên, nhưng họ không lấy tiền. Lại còn, khi tàu chuyển bánh, chạy theo, ném thêm qua cửa sổ…
Sáng hôm sau, tàu ngừng tại ga Nha Trang, lúc 9 giờ. Tôi thuê xích lô trở về nhà. Xuất hiện tại cửa như một bóng ma hiện hình. Mẹ và Bội Trân đứng sững giây lâu, rồi cả hai ôm chầm lấy tôi, khóc nức nở. Tôi hôn lên má, lên tóc Mẹ, và qua vầng trán nhăn nheo và mái đầu bạc trắng, ngậm ngùi tưởng nhớ dung nhan của Mẹ ngày xưa và tình thương bao la suốt đời Mẹ dành cho từng đứa con. Tôi nhìn Bội Trân, người em tiếp viên Air Vietnam kiều diễm của tôi, sau ngày đất nước đổi chủ, đổi tên, đã bị trời xanh quen thói má hồng đánh ghen bắt chịu nhiều nỗi truân chuyên, như người chinh phụ trong Đoàn Thị Điểm. Ôm em trong tay mà tưởng như ôm một khối tình sầu hóa thân chất ngất, chưa tan, mà biết rằng em, qua dòng lệ mừng cho tôi, cũng đang khóc nhớ hôn phu –một phi công, vì em không đi, đã ở lại Sài Gòn sáng 30 tháng 4, để bây giờ vĩnh viễn gãy cánh, nằm xuống tại một nơi nào trong trại tù Thanh Phong. Bởi em buồn, tủi phận, tôi cũng thấy hồn mình nát tan, không muốn bộc lộ nỗi vui được thả, không muốn kể gì về những trại tù đã đi qua… Xem tất cả như một chương đời khổ nạn khép lại, một cơn ác mộng phải quên. Cho riêng tôi, và cho giùm em gái và những người vợ tù khác.
6. Ba mươi hai năm qua, kể từ ngày ấy. Biết bao nhiêu chuyện đời xảy đến. Từ Mỹ, tôi đã đi thăm nhiều thủ đô lớn, nhỏ trên thế giới. Nhưng vẫn không sao quên được hình ảnh Hà Nội tuyệt đẹp, mà tôi đã gặp trong sử sách, cùng với hình ảnh cố đô Thăng Long cổ kính và huyễn mộng qua hàng chục thế kỷ chiến tranh giữ nước. Thăng Long, hay Hà Nội. Của một Phù Đổng Thiên Vương đại phá giặc Ân, rồi cưỡi thiết mã bay về trời. Của một Lý Thường Kiệt đứng trên sông Như Nguyệt, sang sảng ngâm bài thơ, được xem là bản tuyên ngôn đầu tiên về chủ quyền quốc gia Việt Nam, cách đây mười thế kỷ, độc đáo nhất, quyết liệt nhất: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư...”, trước khi xuất trận đánh tan quân xâm lược. Của một Trần Nhân Tông và các bô lão trong Hội Nghị Diên Hồng, đồng thanh quyết chiến đến cùng. Của một Trần Hưng Đạo với câu nói, có một không hai trong lịch sử nhân loại về sự hy sinh tột độ cho đất nước: “Bệ hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng” –là danh tướng duy nhất trong quân sử thế giới đã đánh bại đế quốc Mông Cổ (tức nhà Nguyên), hùng mạnh nhất lúc bấy giờ, bách chiến bách thắng, mà vó ngựa đã giẫm nát toàn cõi Đông Âu, Nga, Trung Đông và Đông Nam Á. Của một Trần Bình Trọng, bị bắt, với thái độ hiên ngang, ngẩng cao đầu trước địch quân: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Của một Lê Lợi với hơn mười năm kháng chiến nằm gai nếm mật. Của một Nguyễn Trãi với chính sách thu phục nhân tâm diệu kỳ, “Lấy trí nhân thay cường bạo”. Của một Nguyễn Huệ với những chiến thắng mùa xuân thần tốc lẫy lừng. Của một Hoàng Diệu, tổng đốc trung liệt, đã tuẫn tiết cùng chết với thành Hà Nội. Của toàn dân, qua các triều đại, đã sát cánh với vua, quan, tướng lãnh đánh đuổi bọn Đại Hán xâm lược, mà dù là Ân, Ngô, Tống, Nguyên, Minh, Thanh xưa kia, hay Mao (Cộng) ngày nay –tất cả đều là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.
Cũng như tôi không sao quên được hình ảnh, ngược lại, điêu tàn của một Hà Nội mà tôi đã gặp vào một ngày mùa xuân 1983, cổ lỗ và rách nát trong tay giặc Việt Cộng. Dưới sự thống trị của bọn lãnh đạo ma đầu thay nhau tự phong, ngu dốt, tham tàn, phản bội dân tộc, rước voi về giày mả tổ, thấy kẻ thù là run như cầy sấy, nhưng đối với dân thì hung bạo, đánh đập, bắn giết, bỏ tù. Hà Nội trong mắt tôi, ngày xuân ấy và nhất là bây giờ, dưới xích xiềng giặc Việt Cộng, chỉ là thủ đô của hận thù, của hạ tiện, của xảo trá, của băng hoại về mọi giá trị đạo đức, xã hội, giáo dục, kinh tế, an sinh và lương tâm. Chỉ là biểu tượng của một đất nước mà dân nghèo phải đầu tắt mặt tối, bươn chải kiếm sống, mà học sinh phải đu dây qua sông để đến trường, mà dân giàu lo ăn chơi, trụy lạc, say xỉn, mà tướng tá và công an được mua bằng tiền, tự biến thành chó ngựa, cung cúc phục vụ chế độ phi nhân, mà tất cả, trong những hoàn cảnh sống khác nhau như thế, cũng đều quên đi nhiệm vụ cao cả do tiền nhân giao phó: đứng lên chiến đấu giữ nước, trước hiểm họa Bắc thuộc do Tàu Cộng đang mưu toan với chiến thuật mới, mềm dẻo hơn, tinh vi hơn, nghĩa là bằng chính tay những thằng lãnh đạo Việt Cộng.
Hà Nội ấy, một lần đi qua, tôi sẽ không bao giờ trở lại, dù chỉ một giờ, một phút, nếu tổ quốc Việt Nam yêu dấu chưa sạch bóng nội thù Việt Cộng, nếu người dân chưa, hay chưa thể, đứng lên tiêu diệt bọn lãnh đạo bây giờ, và ném vào sọt rác lịch sử cái chủ nghĩa Cộng sản quái thai, quái dị, quái đản, đã ngự trị từ hơn ba phần tư thế kỷ trên đất nước tang thương, bất hạnh này –đã vô phúc sản sinh ra một tên Nguyễn Tất Thành, tức Hồ Chí Minh, còn bỉ ổi, ghê tởm hơn Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống.
7. Khát vọng và ước mơ tuyệt vời đó về một Việt Nam tương lai phi Cộng sản, tôi lo, khó thành hiện thực cho tôi và những ông bạn chiến binh già, trong cuộc đời này. Thời gian vô tình cứ trôi đi, và bóng đời cứ nghiêng đổ, mà giật mình ngoảnh lại, thấy chưa làm gì được cho đất nước thân yêu còn mãi quằn quại trong nanh vuốt Việt Cộng. Có thể không kịp nữa. Họa may, kiếp sau. Nếu Thần Chết không bắt chúng tôi bỏ lại tất cả mọi hy vọng, khi bước qua bờ tử sinh. Và nếu trong Inferno, thi hào Dante cũng tha, cho những kẻ đứng trước cửa địa ngục, hình phạt nặng nề nhất, tức là phải mang theo mối tuyệt vọng đời đời. Lasciate ogni speranza voi ch’entrate (Hãy vứt bỏ tất cả hy vọng, hỡi các ngươi đang bước vào, iii,1).
Portland, 28 tháng 1, 2016
Kim Thanh
……………………………………………………………………….
Đúng là văn hóa “Gào sĩ” được phát minh từ Xã Hội Chủ Nghĩa.Nhạc với Nhảm, tên nào gọi cho đúng đây????D.H
Tâm Tư Ngày Quốc Hận Thứ 43, giáo sư Nguyễn Thanh Giàu đã nói:
“Chúng tôi rất buồn khi thấy một số người sinh hoạt tôn giáo bị ru ngủ bởi một câu nói ‘tôn giáo không làm chánh trị’. Chính họ đã khoanh tay, bó gối, thản nhiên nhìn đồng bào chúng ta tiếp tục bị đau khổ, bị cướp bóc, bị tù đày và dần dẩn nước mất mà họ vẫn dững dưng…..Những người Vượt Biên và những người bỏ mạng trên đường vượt biên là những Anh Hùng…Nếu không có HỌ thì làm sao thế giới mở rộng vòng tay đón nhận người tỵ nạn…và nếu không có HỌ thì ngày nay làm sao có cộng đồng người Việt ở khắp năm châu…”
Và nếu không có HỌ thì làm sao ngày nay có nhà thờ, chùa chiền của người Việt ‘nguy nga, tráng lệ’… Thế mà Ngày Quốc Hận 30/4 biết bao người kể cả các ‘ngài’ lãnh đạo tinh thần tôn giáo không hề quan tâm đến, không một lời cầu nguyện và tri ân đồng bào bỏ mạng trên đường vượt biên hay cám ơn những người tỵ nạn cộng sản sớm đặt chân đến các nước tự do, có công khai phá, xây dựng cộng đồng người Việt khắp nơi….Những kẻ vong ơn này đã và đang đạp đổ đạo lý làm người của dân tộc Việt và đi ngược lại văn hóa, đạo lý của người bản xứ vốn xem nặng hai chữ ‘THANK YOU’. Vì ‘CẢM ƠN’ hay TRI ÂN’ là văn hóa và đạo lý làm người của các xứ sở văn minh, tiên tiến….Hai chữ ‘Cảm Ơn’ bị lãng quên và lu mờ ở các nước cộng sản: xã hội cộng sản Việt Nam ngày nay đã là vậy.
VONG ƠN’…Bài nói chuyện Tưởng Niệm Quốc Hận 30/4/1975 lần thứ 43, năm 2018 đáng phải nghe, nhất là giới sinh hoạt tôn giáo và qúy vị ‘lãnh đạo tinh thần tôn giáo’
Chu y Quý – KBC 4804
Tôi bước thêm hai bước nữa thật nhẹ nhàng, ngồi sát xuống bên hông căn lều, lắng tai nghe. Giọng nói của người miền Nam:
– Đ.m, tối nay ăn cơm với thịt kho đã thiệt, hôm nào đi lãnh tiếp tế là hôm đó khoẻ ru. Ê Thành, tao nghe mấy thằng Nhảy Dù nói vài bữa nữa tụi nó sẽ rút ra, tao với mày đang ký vô Nhảy Dù, sẽ được ân xá, chứ còn hai năm lao công đào binh mệt mỏi quá.
Giọng trả lời của người miền Trung chắc nịch:
– Đ.m. mi, sao mi ngu quá vậy. Hôm nay mình đi vác đồ tiếp tế, mấy thằng Nhảy Dù cũng vác y như mình. Bây giờ tau với mi ngủ khoẻ, tụi nó còn phải gác mỗi thằng 4 tiếng đồng hồ nữa. Sáng ngày mai tụi nó lại phải đi đánh giặc, hễ có thằng nào chết hay bị thương, tụi mình mới tà tà khiêng về. Mi thấy không, mới một tháng nay tụi mình đã khiêng biết bao nhiêu là xác chết. Mi ngu thì cứ đăng vô Nhảy Dù, tau khoái làm lao công đào binh hơn, khoẻ re mà lại không chết là được rồi.
Tôi lẳng lặng đứng lên, lắc đầu đi thẳng về lều. Tôi kéo cao cổ áo vì đột nhiên cảm thấy lạnh. Tôi thấy thương cho tôi và các đồng đội của mình, những người lính Nhảy Dù chỉ thích đi mây về gió, đi có về không, đi đông về ít, đi khít về thưa. Đêm nay sao khó ngủ quá, trằn trọc mãi, thì ra thân phận người lính Nhảy Dù còn thảm hơn số kiếp của những người lao công đào binh.
Tôi giật mình thức giấc sau cái lắc chân của Quang. Chụp vội cái nón sắt lên đầu, tôi áp sát ống liên hợp lên tai:
– Thiên Trường, đây Sĩ Phú tôi nghe.
Giọng đều đều của trung úy đại đội trưởng:
– Anh kiểm soát lại mấy thằng em, coi lại đạn dược. Anh sẽ nhận thêm 8 người nữa, có một cánh gà mới. Khi Hoàng tới, anh bàn giao vị trí cho nó rồi về gặp tôi.
Về tới bộ chỉ huy đại đội, chưa kịp lên tiếng thì trung úy đại đội trưởng đã từ trong lều bước ra. Tôi định đưa tay lên chào thì trung úy Thành đã vội vã khoát tay:
– Được rồi, anh ngồi xuống đây, lấy bản đồ ra.
Trung úy Thành mở rộng tấm bản đồ, lấy bút mỡ khoanh tròn vị trí một ngọn đồi:
– Đây là ngọn đồi anh phải chiếm trong ngày hôm nay. Thằng 2 đã đánh 2 lần mà vẫn không xong.
Trung úy đại đội trưởng ngẩng đầu, nheo mắt nhìn tôi:
– Thế nào, anh nhắm làm được không.
– Để tôi cố gắng, trung úy.
– Anh cần gì cứ nói, tôi sẽ thỏa mãn tối đa cho anh.
– Tôi cần thêm nhiều lựu đạn, trung úy.
– Sẽ có ngay cho anh.
Tôi dẫn trung đội băng ngang qua chốt của trung đội 2, chuẩn úy trung đội trưởng Dũng đã bị thương rời khỏi mặt trận.
Quân số trung đội cứ hao hụt dần đi sau những cuộc giao tranh ác liệt kể từ ngày đầu của cuộc hành quân. Sau khi được bổ xung, trung đội bây giờ đã kha khá, đếm được 15 người, chia làm 2 toán. Một vị hạ sĩ quan trông coi một toán 6 người. Tôi dẫn toán còn lại tiến lên phía trước. Trước mặt tôi là binh nhất Binh, sau lưng tôi là người mang máy truyền tin, rồi đến trung sĩ Bền, người vừa mới tốt nghiệp trường hạ sĩ quan Đồng Đế, Phú đi sau cùng bao chót.
Ngọn đồi không cao lắm, nhưng cây cối nằm ngổn ngang chắn lối đi, hậu quả của những lần giao tranh trước đó. Tôi phất tay ra hiệu tiến lên, lòng hồi hộp căng thẳng, mắt tôi mở lớn quan sát về phía trước, tai nghe rõ những bước chân của đồng đội. Chắc chắn địch ẩn nấp ở đâu đó và đang chờ đợi chúng tôi.
Khi tôi vừa băng ngang một thân cây thì địch khai hỏa, nỗi lo lắng trông chờ đã được khai thông bằng những tràng AK chát chúa và những tiếng nổ dữ dội của B40. Tôi lao vội vào bên gốc cây, quát lớn:
– Bền đâu, đưa anh em lên ngay.
Đồng đội của tôi bám theo những gốc cây di chuyển lên, bắn trả thật dữ dội. Tôi vừa gọi máy báo về đại đội, vừa thúc anh em xông lên. Bỗng nhiên tôi thấy vắng hẳn đi tiếng súng M79, linh tính báo cho tôi biết đã có chuyện không may, tôi vội bò nhanh về phía Bính. Trời ơi, Bính nằm ngửa trên mặt đất, khẩu M79 đã tuột ra khỏi tay. Tôi đè tay lên ngực Bính:
– Bính! Bính! Có sao không?
Bính lặng yên không trả lời, chỉ đưa tay giật giật chiếc giây ba chạc. Nhìn Bính, tôi hiểu rằng không thể nào cứu được nữa rồi. Cằm của Bính đã vỡ, máu tuôn ra đầy miệng, tràn xuống ướt đẫm cả ngực áo. Tôi thử ấn bàn tay lên ngực của Bính, máu trào ra có lẫn bọt.
– Chuẩn úy, Bính chết rồi.
Tiếng nói của Quang như khơi dậy trong tôi nỗi căm hờn, tôi chụp lấy khẩu M79 hướng về phía địch bóp cò, như một người điên, tôi mò vào túi đựng đạn, nạp thêm, bắn nữa. Nhưng viên đạn thứ 5 chưa kịp bắn đi thì địch đã dọng về phía tôi một trái B40, cũng may viên đạn đã chạm vào một nhánh cây rồi phát nổ nên tầm sát hại cũng giảm đi rất nhiều.
Đầu óc lùng bùng nhưng tôi cố gắng trấn tỉnh để phán đoán tình hình. Địch bắt đầu bắn súng cối vào đội hình của chúng tôi. Tôi mở mắt lớn ra, thấy những cành cây ào ào gãy gục đổ xuống, những ánh lửa nháng lên. Tôi xả hết một băng đạn M16 về phía trước, rồi gọi:
– Quang, đem máy truyền tin lại đây.
Tôi nói như gào lên trong máy:
– Đích thân, xin phản pháo ngay, tụi nó cối 61 ly vào tụi tôi.
– Sĩ Phú, bình tĩnh, bắn ngay cho anh, kiểm soát lại con cái, nghe rõ không?
Chưa đầy 2 phút sau tôi đã nghe tiếng nổ của đạn pháo 105 ly rót lên trận địa, súng cối của địch giảm bớt cường độ. Lợi dụng khoảng thời gian ngắn ngủi, tôi di chuyển thật nhanh kiểm soát lại trung đội, sau đó tôi ra lệnh rút khỏi ngọn đồi, đem theo tất cả thương binh và tử sĩ.
Tôi ngồi bệt xuống đất, dựa lưng vào gốc cây mệt mỏi, gọi máy báo cáo về đại đội:
– Thiên Trường đây Sĩ Phú, tôi có 4 em đi tàu suốt, 3 em rách áo.
Trung úy Thành đổi giọng lúc nào tôi cũng không rõ:
– Đ.m, anh đang ở đâu mà giờ này mới báo cáo.
– Tôi cho anh em rút xuống rồi đích thân, tụi nó pháo quá chịu không nổi.
– Đ.m, tôi đưa anh ra toà án quân sự. Đ.m, Nhảy Dù gì mà mới chết có mấy thằng anh đã cho tuột xuống rồi, đánh đấm gì mà hèn vậy.
– Đích thân nghĩ coi, tụi nó chấm sẵn tọa độ, cối ngay chóc, tôi đâu còn đủ quân để tấn công.
Mỗi câu nói trung úy Thành lại nhấn thêm một câu chửi thề:
– Đ.m, bây giờ tôi cho anh một tiếng đồng hồ để làm lại, anh phải ở trên đó đêm nay, nghe rõ chưa. Tập trung những đứa chết và bị thương lại một chỗ, thằng 2 sẽ lên nhận. Đ.m, đừng làm mất mặt tôi, phải cố gắng lên, anh nghe rõ chưa.
Tôi đưa ống liên hợp lại cho Quang, móc trong túi ra điếu thuốc, bật hộp quẹt. Mùi vị của điếu thuốc không còn ngon lành gì nữa, nó đắng hơn bao giờ hết. Tôi thở dài, kiểm tra lại quân số.
Tôi lại tiếp tục trò chơi cũ. 6 người do trung sĩ Bền dàn bên tay phải, tôi giữ bên cánh trái. Lần này ăn thua đủ, tôi thúc anh em xông lên, và như những con trâu điên, anh em vừa bắn vừa la xung phong. Chẳng còn gì mong tồn tại ở nơi đây, chỉ còn điên rồ và cái chết, tôi không còn cảm nhận được bất cứ điều gì nữa, tôi xiết cò súng, tôi gào thét thúc dục anh em lao vào chỗ chết. Giữa tiếng súng nổ, tôi thấy mình lênh đênh trong cuồng nộ, xung phong, xung phong, tôi gào lên.
Tôi vấp phải xác chết của một đồng đội và ngã xuống đất. Tôi lồm cồm bò dậy rồi lại tiếp tục lao lên phía trước.
– Lên, lên. Đ.m, mày không lên tao bắn thấy mẹ. Hình như tôi có la một người lính.
Sau khi ném trái lựu đạn xuống căn hầm, tôi lăn người qua một bên chờ đợi, lúc này tôi mới cảm thấy mình đã lội đến bên bờ sự sống, tiếng nổ của trái lựu đạn dội lên từ lòng đất.
Những quả đạn cối 61 ly của địch bắt đầu rơi lên đầu chúng tôi. Tôi và Quang vội chui ngay vào căn hầm, chạm phải những khối thịt bầy nhầy.
Tôi gọi máy về đại đội, thông báo đã chiếm xong mục tiêu và xin phản pháo.
Trung úy Thành ra lệnh, giọng ông ta vui hẳn lên, lành mạnh, không có chữ Đ.m:
– Sĩ Phú, kiểm soát lại con cái, dặn tụi nó ngóc đầu lên quan sát, coi chừng đám vịt con phản công. Những đứa rớt lại sẽ có thằng 2 lo.
– Đích thân tăng cường thêm quân cho tôi, chỉ còn có 8 người không thể phòng thủ qua đêm.
– Cố gắng đi Sĩ Phú, tôi đã lo hết cho anh, bây giờ kẹt rồi.
Trời đã bắt đầu tối, tôi bò quanh các hầm dặn dò anh em. Cứ một người ngủ thì một người gác, cấm bắn súng, chỉ dùng lựu đạn khi hữu sự. Tôi và Quang cũng vậy, tôi gác thì Quang ngủ và ngược lại.
Trời đã tối hẳn, không lo bị bắn sẻ nữa, tôi leo lên ngồi trên nóc hầm, và đến bây giờ tôi mới cảm thấy đói bụng, tôi gọi Quang:
– Quang ơi, còn cái gì ăn không, đói bụng quá.
Quang dí vào tay tôi một bịch gạo sấy, tôi bốc vội bỏ vào miệng nhai. Nhưng nuốt không trôi dù rằng bao tử đang cào cấu lên vì đói, cái mùi hôi thối của xác chết cứ xông vào mũi tôi, dù có kéo cổ áo xuống bịt ngang lỗ mũi vẫn không thể nào ngăn được cái mùi kinh khủng ấy. Tôi móc bi đông nước ra uống từng ngụm nhỏ, không dám uống nhiều vì đã vơi quá nửa.
Sau khi đổi gác cho Quang, tôi chui vào hầm hút thuốc. Tôi mở trừng đôi mắt ngó ra chung quanh, bóng tối dày dặc, bình yên.
Trong mông lung tôi lại nhớ về em. Tự nhiên tôi muốn kể cho em nghe về tôi, một chuẩn úy trung đội trưởng Nhảy Dù. Xin lỗi em, anh không phải là gỗ đá, lại càng không phải là một kẻ thô lỗ, nhưng xin em hãy cho anh chửi thề một câu trước khi kể chuyện cho em nghe. Vì nếu không chửi thề dường như câu chuyện sẽ thiếu đi chất mặn mà, không mặn mà thì câu chuyện sẽ trở nên hoang đường vô vị. Giờ này nếu em ở nơi đây, trên cái chốt chết tiệt này, có lẽ em sẽ không còn dám mơ dám mộng gì nữa. Đụng vào thực tế rồi, 100% em sẽ không bao giờ dám đi dạo phố chung với anh nữa. Ngày xưa em thường kể với anh rằng em lấy làm hãnh diện khi bước sóng đôi bên anh, một người hùng mũ đỏ, em nói rằng em có cảm giác dường như mọi người đang trầm trồ khen ngợi chúng mình đẹp đôi vừa lứa. Tội nghiệp em tôi, em ngây thơ quá nên mới cả tin vào những điều thêu dệt của đám thiên hạ bàng quang. Không em ạ, thiên hạ đang nhìn em với ánh mắt thương hại đấy thôi, vì họ biết chắc chắn rằng một ngày không xa em sẽ trở thành goá phụ đầu chit khăn tang.
Có bao giờ em đã trông thấy cái chết của một người lính Nhảy Dù? Họ chết đủ kiểu em ạ. Có đứa thân xác gom lại chưa đầy một ba lô, có đứa mất hẳn phần hàm dưới trông vô cùng ghê rợn, cũng có đứa diễm phúc chết nhẹ nhàng như một chiếc lá rơi. Họ chết khi còn quá trẻ, khi còn quá yêu đời. Họ chết cho mầu mũ đỏ kiêu hùng.
Anh đang ngồi đây, dưới căn hầm hôi thối, chung quanh là bóng tối mù loà, vậy mà hồn anh sáng rỡ khi nhớ về em. Suốt cả ngày hôm nay anh muốn điên lên mà không điên được. Em cứ xem, từ sáng đến tối chỉ bò quanh quẩn trong cái nhà mồ khốn kiếp chật chội, hễ ló đầu ra thì lo bị bắn sẻ, lo không biết lúc nào pháo của địch sẽ rơi. Có điều gì để anh đổi chác được hở em? Anh sẽ được điều gì để trao đổi tương xứng với những giây phút ngặt nghèo ngộp thở này. Chúa phật cũng quên tuốt, anh chỉ còn có em để mà giải bầy tâm sự, em là con tàu mang anh ra khơi để quên đi nỗi chán chường không lối thoát, tình em ru anh vào giấc ngủ bình yên hiếm hoi giữa tiếng bom đạn lở đất long trời.
Tôi giật mình thức giấc khi những hạt mưa lạnh quất vào mặt mình. Tôi lắc đầu một lát cho tỉnh ngủ, rồi sực nhớ, tôi vội gọi Quang. Hai đứa tôi lay hoay căng poncho hứng nước mưa, chỉ một lát đã hứng đầy 2 bi đông nước mưa. Trong bóng tối, tôi thè lưỡi liếm những giọt nước mát lạnh ngọt ngào. Nhưng sau đó lại là nỗi khổ của lạnh lẽo, quần áo ướt mem, người tôi run lên vì lạnh, 2 hàm răng cứ lập cập va vào nhau. Hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, mệt mỏi, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Khi thức dậy, tôi giật thót cả người khi thấy Quang cũng đã lăn ra ngủ say sưa từ lúc nào. Chết mẹ, thì ra nãy giờ không có người gác. Trời đã bắt đầu lờ mờ sáng, nhìn đồng hồ mới 5 giờ, một đêm ngủ bình yên.
Tôi bốc máy gọi về đại đội:
– Thiên Trường đây Sĩ Phú.
Gọi hai, ba lần mới nghe giọng nhừa nhựa ngái ngủ của người mang máy đại đội.
– Sĩ Phú có gì lạ không, sao đích thân gọi sớm vậy.
– Mày nói với ổng là trên này tụi tao không nấu nướng gì được, nấu cơm đem gấp lên cho tụi tao, đói thấy mẹ. Nhớ cẩu thêm đạn và lựu đạn nữa. Nói ổng cho tao thêm quân, Đ.m nó tấp chịu không nổi đâu.
Phải chờ thêm 5 tiếng đồng hồ nữa, gần 10 giờ sáng mới thấy lính trung đội 2 mò lên, đem theo 1 nón sắt cơm và nửa nón sắt thịt heo kho. Tôi chia đều cho 4 hầm. Móc vội chiếc muỗng ra, không cần lau chùi, tôi xúc cơm lùa vào miệng, chúng tôi cần sức lực để chịu đựng lâu dài.
Ngày hôm qua đã khiêng cái xác lên khỏi hầm nhưng không kéo ra xa được nên xác chết vẫn nằm vắt ngang sát bên miệng hầm, bắt đầu sình lên. Mùi hôi thối khiến tôi ngầy ngật khó chịu. Hai thầy trò lại dựa lưng nhau chịu đựng. Địch vẫn bám sát chung quanh, lâu lâu lại dọng cối 61. Đã 3 giờ chiều, tôi muốn khùng lên, khó chịu quá, tôi liều mạng bò lên, gặp ngay xác chết, thối ơi là thối, tôi bụm tay rít mạnh hơi thuốc.
Quang từ dưới hầm gọi lên:
– Chuẩn úy ơi, ông khùng quá, nó bắn sẻ bây giờ.
Tôi dơ cánh tay trái lên thật nhanh rồi kéo xuống, trúng đây đừng trúng chỗ nào khác. Tôi làm như vậy 2, 3 lần, nhưng trời còn thương tôi, còn muốn tôi khổ dài dài nên chẳng có điều gì bất hạnh xảy ra.
Tôi thản nhiên ngồi hút thuốc lá, nhìn trời hiu quạnh, mây vẫn bay, chẳng có gì lạ, chẳng có gì để nhớ cho ngày hôm nay.
Trời lại tối, đêm nay đã là đêm thứ hai.
12 giờ đêm, tôi nhận được lệnh zoulou, 8 thầy trò mò mẫm rút xuống trong đêm tối.
Chu y Quý – KBC 4804
guyên tác:
The Forgotten South Vietnamese Airborne
By Barry R. McCaffrey
August 8, 2017
Lời nói đầu.
Vào năm 1993, trong quyển tự truyện It Doesn’t Take a Hero, Đại Tướng Norman H. Schwazkopf đã dành nguyên một chương để viết về cảm nghĩ, thời gian ông phục vụ trong Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam. Năm 1995, tác giả Michael Martin (Command Sergeant) xuất bản quyển Angles in Red Hats: Paratroopers of the Second Indochina War, gồm nhiều hình ảnh và bài viết của các cựu cố vấn Hoa Kỳ phục vụ trong Sư Đoàn Nhảy Dù. Năm 2009, Đại Tá hồi hưu Robert L. Tonsetic viết quyển Forsaken Warriors: The Story of an American Advisor who Fought with the South Vietnamese Rangers and Airborne, về những kỷ niệm thời chinh chiến, phục vụ trong vai trò cố vấn với hai binh chủng này, Tiểu Đoàn 42 và 44 BĐQ, và Tiểu Đoàn 2 Dù. Đến năm 2012, Đại tá hồi hưu Mike McDermott viết quyển sách True Faith and Allegiance: An American Paratrooper and the 1972 Battle for An Loc, về thời gian ông có mặt với Tiểu Đoàn 5 Dù trong trận đánh An Lộc. Vào tháng 5 năm 2014, Thiếu Tá hồi hưu John J. Duffy viết tập thơ The Battle for ‘Charlie, về trận đánh Đồi Charlie của Tiểu Đoàn 11 Dù. Cuối năm 2014, Đại Úy Gary N. Willis phi công Hoa Kỳ, từng bay biệt phái cho Sư Đoàn Nhảy Dù viết quyển Red Markers, Close Air Support for the Vietnamese Airborne, 1962-1975, về các phi công bay yểm trợ không yểm, liên lạc với các cố vấn Hoa Kỳ trong các tiểu đoàn Nhảy Dù, cho những trận đánh của binh chủng Nhảy Dù. Cả sáu quyển sách này đều đề cao sự chiến đấu dũng mãnh của các người lính Nhảy Dù Việt Nam.
Những tưởng các quyển sách vừa nêu trên đủ nói lên được tấm lòng của các viên cố vấn Hoa Kỳ, dành cho các người bạn Nhảy Dù Việt Nam của họ. Nhưng, mới ngày hôm qua, ngày 8 tháng 8, Đại Tướng hồi hưu Barry McCaffrey đã dành một sự ngạc nhiên cho người Việt tị nạn chúng ta, khi ông viết một bài viết ngắn trên báo New York Times [cho độc giả Hoa Kỳ], viết về những người lính Nhảy Dù Việt Nam, với tấm lòng cảm phục và sự tiếc nuối vô bờ.
Tôi xin phép chuyển dịch và đặt tựa bài viết: “Một Binh Chủng Nhảy Dù Bị Lãng Quên.”
Phúc Nguyễn
Tôi đến Việt Nam vào tháng 7 năm 1966, và nguyên cả năm sau tôi làm cố vấn với Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam. Đó là năm cuối mà chúng ta nghĩ là đang chiến thắng. Đó là năm cuối mà chúng ta có thể định nghĩa điều mà chúng ta nghĩ chiến thắng là như thế nào. Đó là năm của chủ nghĩa lạc quan, của gia tăng quân số và nhận lãnh cuộc chiến từ người Việt – và con số thương vong của Hoa Kỳ cũng cao hơn.
Vào cuối năm 1967, có 486,000 quân nhân Hoa Kỳ trên chiến trường. Con số lính Mỹ tử trận năm ấy gần như gấp đôi con số của năm 1966. Giữa tất cả các sự việc đó, sự hy sinh, lòng dũng cảm và việc hiến dâng của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa cho đất nước họ hầu như đã biến mất từ ý thức của giới truyền thông và chánh trị Hoa Kỳ.
Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam, mà tôi đã tham gia với tính cách là viên cố vấn phụ tá cho tiểu đoàn, là một đơn vị chiến đấu ưu tú. Cho đến năm 1967, các người lính Nhảy Dù, với quân phục ngụy trang và mũ đỏ riêng biệt, đã lên đến 13,000 quân nhân, tất cả đều là lính tình nguyện. Những người như chúng tôi được vinh dự làm việc với họ, rất kinh ngạc bởi lòng dũng cảm và chiến thuật táo bạo của họ. Các viên sĩ quan và các hạ sĩ quan thâm niên là những người lính rất tài năng và có đầy kinh nghiệm chiến trường; thật là một điều dễ quên khi biết các người lính Hoa Kỳ là mới mẻ đối với đất nước Việt Nam, trong khi nhiều người trong bọn họ đã có mặt với cuộc chiến từ năm 1951.
Là các viên cố vấn, chúng tôi thường làm việc như một cán bộ hay sĩ quan liên lạc từ cấp tiểu đoàn và chiến đoàn/lữ đoàn. Chúng tôi đã dành một năm để chuẩn bị tại California, tính luôn cả 16 giờ đồng hồ của mỗi ngày để học về văn hóa và ngôn ngữ tại học viện Defense Language Institute. Tôi cũng hoàn tất xong khóa, học và hiểu để nói tiếng Việt. Các chiến thuật về phản du kích và huấn luyện hệ thống về võ khí thời Đệ Nhị Thế Chiến mà người Việt vẫn còn sử dụng thì học tại căn cứ Fort Bragg, North Carolina.
Chúng tôi làm việc với một vai trò rộng lớn; phối hợp yểm trợ pháo binh và không yểm, sắp xếp trực thăng chuyển quân và cứu thương, và cung cấp tin tức tình báo cùng giúp đỡ về tiếp liệu. Chúng tôi không cho lịnh, và chúng tôi không cần phải làm vậy. Các người bạn đồng nhiệm là những người đàn ông mà chúng tôi ngưỡng mộ, và họ vui thích có được chúng tôi – và hỏa lực Hoa Kỳ – cho họ. Chúng tôi dùng thức ăn của họ. Chúng tôi nói tiếng họ. Chúng tôi tin tưởng hoàn toàn vào họ. Tôi thường có một người lính Nhảy Dù mang máy truyền tin, và anh cũng là người lính cận vệ.
Thông thường, một toán cố vấn cấp tiểu đoàn như tôi bao gồm ba người: một viên đại úy Lục Quân Hoa Kỳ, một viên trung úy và một viên hạ sĩ quan, thường là một trung sĩ. Các viên trung sĩ là thành phần nồng cốt. Trong khi các sĩ quan sẽ thay phiên: đến và đi; các viên trung sĩ ở lại với các đơn vị được chỉ định cho họ cho đến cuối cuộc chiến – hay cho đến khi họ hy sinh, hay bị loại khỏi chiến trường.
Lần tôi được giới thiệu về Việt Nam lại là một kinh nghiệm đầy xương máu. Chúng tôi chuyển quân bằng các chiếc giang đỉnh Hải Quân và trực thăng của Lục Quân Hoa Kỳ, vào một con sông sình lầy của vùng đồng bằng Cửu Long, nằm ở phía nam Sài Gòn. Đây là trận chiến chả có vinh quang, chiến đấu và chết chìm dưới sình lầy dơ bẩn và nước mặn. Không có một chút phiêu lưu mà chúng tôi đã cảm giác khi học một khóa học của Biệt Động Quân. Ông đại úy của tôi, là một sĩ quan chuyên nghiệp và cũng là người cố vấn trưởng tài năng, tử trận. Về lại căn cứ, tôi giúp mang thi hài ông xuống trực thăng. Nhưng đây chỉ là một khởi đầu.
Sau bốn tháng trong chiến đấu với Nhảy Dù, chúng tôi tham gia một trận đánh lớn và đẫm máu, tiếp sức cho các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ phía bắc Đông Hà, gần bờ biển, nằm về hướng bắc của Nam Việt Nam. Hai trong các tiểu đoàn của chúng tôi được trực thăng vận vào vùng Phi Quân Sự, tìm kiếm và chận đứng một đoàn quân quan trọng của Bắc Việt, đang di chuyển về hướng Nam. Công tác này trở thành ba ngày chiến trận khốc liệt và đầy máu. Viên cố vấn trưởng bị hy sinh. Người hạ sĩ quan dũng cảm, Thượng Sĩ Rudy Ortiz bị trúng đạn đầy người. Anh kêu tôi lắp băng đạn vào khẩu súng M-16 của anh và đặt súng lên ngực, để cho anh có thể “chiến đấu cho tới chết” như những người lính còn lại của chúng tôi (may mắn, anh thoát chết).
Chúng tôi có cả trăm thương vong và gần như bị tràn ngập. Nhưng những người lính Nhảy Dù chiến đấu dũng mãnh và bền bỉ. Trong lần nguy khẩn, với sự yểm trợ của không yểm và hải pháo, chúng tôi tái phản công. Viên tiểu đoàn phó vẫn bước thẳng người trong lúc đạn bay đầy quanh để đến ngay hố cá nhân tôi. Ông bảo tôi: “Trung Úy, đây là giờ phút chúng ta mất mạng.” Tôi vẫn cảm thấy rợn da khi nhớ tới những lời nói của ông.
Trong chiến trận, lính Nhảy Dù không bỏ rơi đồng đội đã chết hay bị thương trên chiến trường; ngay cả võ khí cũng vậy. Trong một trận đánh khác, Tommy Kerns, người bạn cùng khóa tại trường West Point là một người to lớn, chơi football cho trường, bị thương nặng và bị kẹt trong một cái rãnh hẹp. Những người lính Nhảy Dù Việt Nam đang ở với anh, nhỏ con hơn anh nhiều, đã cố gắng nhưng không thể kéo anh ra khỏi rãnh. Thay vì rút lui và bỏ mặc anh, họ giữ vững trận tuyến và chiến thắng cuộc chiến đấu hung tợn để cố giữ mạng sống trong cái thân xác to lớn của anh. Anh thoát chết nhờ vào lòng dũng cảm của họ.
Các viên cố vấn Hoa Kỳ và hầu hết các đơn vị của Sư Đoàn Nhảy Dù đóng quân ngay và chung quanh thành phố Sài Gòn. Chúng tôi yêu thích sức sống và sự náo nhiệt của thành phố. Chúng tôi yêu thích văn hóa, ngôn ngữ và luôn cả người Việt. Chúng tôi vô cùng hãnh diện về nhiệm vụ của chúng tôi với Mũ Đỏ. Chúng tôi biết chắc là cả thế giới đã ghen tương về nhiệm vụ của chúng tôi – chúng tôi đang làm việc chung với đơn vị ưu tú nhứt của đất nước. Được trả lương với chiến trận và cộng thêm bằng dù, chúng tôi có vẻ như có cả đống tiền. Chúng tôi sống trong những tòa nhà có máy lạnh. Chúng tôi còn trẻ trung, có một chút ít khờ dại, nhưng luôn mạnh bạo. Các viên đại tá, trung tá Hoa Kỳ chỉ huy đám cố vấn là những người lớn tuổi, trầm tĩnh và là những người đàn ông dày dạn chiến trường; họ đã từng là những chiến binh Nhảy Dù đánh những trận đánh tệ hại hơn trong thời Đệ Nhị Thế Chiến và Chiến Tranh Triều Tiên.
Đời sống cố vấn trong Sư Đoàn Nhảy Dù rất khó mà đoán biết cho được. Trách nhiệm của sư đoàn là phục vụ với tính cách tổng trừ bị, luôn được mang đến chiến trường bất cứ lúc nào mà các viên tư lịnh cảm thấy tình hình nguy kịch. Một tiểu đoàn Nhảy Dù hay nguyên cả một chiến đoàn/lữ đoàn sẽ được báo cho cuộc chuyển quân khẩn cấp trong lúc giữa đêm. Chúng tôi sẽ ngồi chật cứng bên trong các chiếc vận tải cơ của Không Quân Hoa Kỳ hay Không Quân Việt Nam, các chiếc máy bay đang đậu với máy nổ vang, từng hàng dài tại căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt, sát cạnh Sài Gòn. Đạn dược sẽ được cấp phát, có đôi khi, cả dù nữa. Một kế hoạch tham chiến gấp rút ban hành.
Và rồi – hỗn loạn, địa ngục mở rộng. Các tiểu đoàn sẽ được đưa đến những chỗ nào mà họ cần đến. Chúng tôi có thể đi đến bất cứ nơi nào, và sẽ biết chúng tôi đang ở giữa một trận chiến. Rất nhiều viên cố vấn và cả ngàn người lính Nhảy Dù mà tôi từng chiến đấu chung đã không bao giờ trở về qua các cuộc hành quân đó. Tôi vẫn có thể nhìn thấy các gương mặt non trẻ ấy. Đại Úy Gary Brux, Đại Úy Bill Deuel, Trung Úy Chuck Hemmingway, Trung Úy Carl Arvin. Người lính mang máy rất trẻ của tôi, Binh Nhứt Michael Randall. Tất cả đều hy sinh. Dũng cảm và tự hào.
Việt Nam không phải là lần đầu trong cuộc đời binh nghiệp của tôi. Sau khi tốt nghiệp từ trường Võ Bị West Point, tôi gia nhập Sư Đoàn 82 Nhảy Dù cho sự can thiệp “khủng hoảng” Dominican Republic vào năm 1965. Chúng tôi được mang đến một hòn đảo và dẹp sạch đám Cuba – cảm hứng nổi dậy của bọn cộng sản, và ở lại như một đoàn quân bảo vệ hòa bình. Chúng tôi đã nghĩ chiến trận là như vậy, và rồi chúng tôi trở về lại căn cứ Fort Bragg, và mong mỏi được đến Việt Nam – nhiều viên trung úy trong tiểu đoàn chiến đấu của tôi nhảy lên chiếc Jeep, lái thẳng đến Bộ Tư Lịnh Lục Quân ở Washington để tình nguyện cho chiến trường Việt Nam. Chúng tôi đã nghĩ sẽ bị bỏ lỡ chiến trận.
Giờ thì chúng ta đã biết câu chuyện kết thúc ra sao. Hai triệu người Việt đã mất mạng. Hoa Kỳ mất 58,000 và có 303,000 thương vong. Hoa Kỳ sa vào cuộc nội chiến đắng cay và rối loạn về chánh trị. Lúc ấy thì chúng tôi không biết gì hết. Tôi rất hãnh diện được chọn phục vụ với Nhảy Dù Việt Nam. Người vợ đẹp đẽ mới vừa cưới mà tôi rất thương yêu, biết tôi cần phải đi. Cha tôi, một vị tướng của Lục Quân, sẽ vinh danh tôi, nếu tôi chẳng may tử trận.
Tất cả các sự việc này đã biến mất đi 50 năm trước đây. Các người lính trong Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam, những người đã may mắn thoát khỏi sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, hoặc là trốn thoát qua ngả Cam Bốt [Thái Lan] hay trải qua cả một thập niên trong các trại “cải tạo” tàn bạo kia. Gần như hầu hết những người đó rồi cũng đến được Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Chúng tôi có một hội cố vấn người Mỹ cùng các chiến hữu người Việt, và có cả một Đài Tưởng Niệm cho các cố gắng của chúng tôi tại Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington. Tại nơi ấy, chúng tôi gặp gỡ mỗi năm và nhớ lại những kỷ niệm đã cùng nhau chiến đấu, như thế nào. Chúng tôi đội Mũ Đỏ. Chúng tôi cười vang với các câu chuyện xưa kia. Nhưng có một điều rất đau lòng là chúng tôi đã mất mát quá nhiều, và điều ấy lại là con số không, không có được một sự đền bù, tưởng thưởng nào.
Nhiều người đã luôn hỏi tôi về các bài học trong chiến trận tại Việt Nam. Những người trong chúng ta đã từng chiến đấu chung với Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam là những người không bao giờ lên tiếng. Tất cả những điều chúng ta luôn nhớ và biết đến là sự chịu đựng dũng cảm và lòng quyết tâm của các Binh Nhì Nhảy Dù Việt Nam, những người lính trẻ luôn thẳng bước vào chiến trận. Họ không có được các tượng đài vinh danh, chỉ trừ trong tâm tưởng và ký ức của chúng ta.
Little Saigon/9 tháng 8 năm 2017
Phúc Nguyễn
Nguồn: https://baovecovang2012.wordpress.com/2017/09/18/phuc-nguyen-mot-binh-chung-nhay-du-bi-lang-quen/