HOA KỲ TRẢ GIÁ ĐẮT VÌ BỎ RƠI VNCH


Adelaide Tuần Báo

Adelaide Tuần Báo – Mới đây có bài báo của ký giả Damir Sagolj thuộc hãng thông tấn Reuters viết và nhận xét về việc Mỹ hối hận và phải trả giá đắt vì đã giao nộp VNCH cho Trung cộng (Tc), mà tay sai là Việt cộng (Vc). Ông Sagolj sinh năm 1971 và là người Âu Châu gốc Bosnia. Chỉ mới 4 tuổi khi chiến tranh VN chấm dứt. Chẳng mấy khái niệm về cuộc chiến này. Thế nhưng nhận định của ông rằng Hoa Kỳ hối hận để mất miền Nam vào tay Tc và Vc là một thực tại rõ nét. Sự hối hận quá đậm, nếu không nói quá đau mà Hoa kỳ và thế giới tự do bây giờ đang phải trả giá rất đắt trên bàn cờ chiến lược và trật tự thế giới.
Trong quan điểm này chỉ nêu vài điểm chính có tính cách chiến lược, lối suy nghĩ quá thực dụng và cục bộ của một số người làm chính trị Hoa Kỳ lúc bấy giờ. Hoa kỳ lãnh đạo thế giới tự do chống chủ nghĩa cs. VNCH là quốc gia ‘tiền đồn’ của mặt trận chống chủ nghĩa này. Thế nhưng 1972 Henry Kissinger, tên ngoại trưởng ‘diều hâu’ này có tư tưởng khác đi: Hoa kỳ bắt tay với Tc để đối phó Liên Xô. Con cờ VNCH được trao đổi trên bàn giấy tại Bắc Kinh vì họ nghĩ rằng Tc sẽ ra khỏi quỹ đạo cs độc tài nếu được giúp đỡ về kinh tế thì sẽ dân chủ hóa nền chính trị.
Tưởng rằng hy sinh 20 triệu dân VNCH thì Hoa kỳ sẽ có lợi lộc gấp bội. Cùng lúc dưới sự ảnh hưởng của thế giới truyền thông cánh Tả đã làm cho dư luận Mỹ thay đổi quan điểm và Kissinger đã ‘mượn gió để bẻ măng’, bán đứng VNCH và hợp tác thân thiện với Tc.

Một cố vấn Mỹ và Lính VNCH
Ván cờ này tưởng như Hoa kỳ thắng, Kissinger và Lê Đức Thọ được trao giải thưởng Hòa Bình Nobel. Thế nhưng ngày 30/4/1975 định mệnh của dân tộc VN được định đoạt và có thể nói, chủ nghĩa csTQ và csVN thắng một nước cờ. Mà nước cờ ấy bây giờ Hoa kỳ mới thấy rằng mình thua, tìm cách gỡ nhưng không phải dễ.
Dân tộc VN oán trách những tên chính trị diều hâu như Kissinger. Ông ta tưởng làm chuyện vĩ đại là chấm dứt được chiến tranh VN nhưng ông ta có nghĩ rằng sự bán đứng VNCH lúc ấy bây giờ trở thành thế bị động của Hoa Kỳ tại biển Đông ngày nay.
Sức mạnh Hoa Kỳ và Âu Châu không thể thua dưới tay Liên Xô và Trung Cộng hợp lại. Thế nhưng Kissinger chọn hy sinh VNCH. Nghĩa là chọn hy sinh cả dân tộc VN để đánh đổi một chiến lược mới, bắt tay và tham vọng đưa Tc ra khỏi quỹ đạo độc tài cs. Rồi đến năm 1979 trên đất Mỹ, Đặng Tiểu Bình van xin Hoa Kỳ đẩy mạnh đầu tư và giúp Tc vươn lên (từ lạc hậu!). Âu Châu cũng hưởng ứng và chấp nhận cho Tc vào cuộc chơi theo luật của tự do với hy vọng rằng hệ thống tự do sẽ ‘cảm hóa’ dân trí song song với mở rộng kinh tế và làn gió dân chủ tràn vào Tc chỉ là thời gian và hòa bình cho mọi quốc gia là cái chắc!
Sự tin tưởng này ngày nay đã biến thành mây khói vì tập đoàn lãnh đạo theo chủ nghĩa cs không bao giờ buông thả quyền lực, nếu không nói rằng họ tận dụng mọi kẽ hở của tự do để tiến tới một hệ thống cai trị tàn độc đối nội và gian manh đối ngoại. Hãy nhìn vào TQ và VN hôm nay. Cá nhân Tập Cận Bình đã từng du học tại Hoa Kỳ thế nhưng ông ta hiện nay sẽ làm vua muôn đời của một thể chế hung hãn và nguy hiểm nhất mà thế giới cần phải lo ngại, nếu không nói là tai hoa cho thế giới gần kề!
“Hoa kỳ và Tây phương đã nuôi cọp trong nhà, ngày nay cọp đủ nanh vuốt để ngoạm cổ Hoa Kỳ và Tây Phương” đó là nhận xét của ông Sagolj. Sự hối hận của những nhà chính trị đương thời phản ảnh một thực tại cay đắng, khó khăn, thử thách, nếu không nói là thua ván cờ mà Kissinger đã chơi với Chu Ân Lai. Giá mà tất cả phải trả 43 năm qua và còn kéo dài trong tương lai, nặng nhất là dân tộc VN. Suốt 20 năm nồi da sáo thịt với nhau để trở thành con mồi cho Tc và Hoa kỳ tiêu khiển. Lê Duẩn đã từng tuyên bố một cách rành mạch và Việt gian cs còn ghi lời ấy trên lăng tẩm của ông ta “Ta đánh Mỹ là đánh cho TQ và Liên Xô”. Không còn lời nào chính xác và phũ phàng hơn. Lê Duẩn đã nói cho chúng ta biết đảng Việt gian cs chỉ là tay sai đánh Mỹ dùm cho Tc đến người VN cuối cùng!
Một người ngoại quốc còn nhìn thấy cuộc chiến VN là nỗi ân hận đau đớn vì để thua trên quan điểm và chiến lược.Thế thì người Việt chúng ta có nhìn thấy không? Thực ra người Việt Quốc gia đã nhìn thấy từ lâu. Chúng ta oán trách những kẻ có quyền lực, oán trách những đầu óc thiên tả và lệch lạc, oán trách những người nhẹ dạ dễ tin vào sự lừa dối của Việt gian cs và oán trách chính chúng ta đã phần nào thờ ơ trước việc nước, có thể là những lý do gián tiếp đưa đẩy dân tộc vào con đường cùng hôm nay. Những kẻ đáng trách nhất là những người đem chủ nghĩa cs đến Việt Nam, đó là Hồ Chí Minh và đảng csVN, tập đoàn bán nước chứ không phải cứu nước. Họ đã lợi dụng lòng yêu nước của bao thế hệ để cướp chính quyền và xây dựng triều đại độc tài, độc tôn và bán nước VN cho TC bằng mọi cách để gọi là bảo vệ đảng của họ.

Nói tóm, người Việt quốc gia không ngạc nhiên khi đọc lời nhận xét của Sagolj. Bởi vì chúng ta là người trong cuộc, dân tộc VN là nạn nhân của cuộc chơi này. Thế giới sẽ còn bất ổn khi chế độ độc tài csTQ còn đó. Nước VN sẽ không còn khi đảng độc tài csVN còn đó. Con đường trước mắt là Hoa Kỳ và thế giới tự do cần phải liên kết chặt chẽ để đối phó với TQ và Nga. Nhân loại không thể chấp nhận những chế độ độc tài và độc tôn.

Adelaide Tuần Báo

XUÂN ĐOÀN TỤ


 Nguyễn Thành Nhơn

Cuối Đông 1980, nơi trại tù khổ sai Tân Lập, Vĩnh Phú, sau 6 tháng bặt tin nhà, không nhận được tiếp tế lại thêm bịnh nhược, tưởng chừng đi đứt, theo chân Đại tá Của, Tỉnh trưởng Bình Dương thượng đồi chè nghĩ khỏe, an giấc nghìn thu. Một buổi trưa đi lao động về, được thông báo lên Hội trường nhận quà từ gia đình gởi. Ôi! Thôi mừng như hết lớn.

Nào, xem cái gì đây! À, tới 2 bịch thuốc Lào ba số 8. Mấy tháng rồi thiếu thuốc, chạy đôn chạy đáo chớ bộ ít sao? Bụng đói, kéo vô e té mất, nhưng mà làm sao nhịn được, bèn xoe một bi nho nhỏ, kéo vô thiệt đã! Còn lon guigoz gì hấp dẫn thế nầy? Ra là thịt kho mặn, thượng phẩm nhất trần đời. Nhéo một miếng bỏ vô chén “sắn dui” là sơn hào, hải vị nhất bên Tàu. Đang khi tơ lơ mơ vì bi thuốc lào thứ hai thì nghe kẻng tập hợp đi lao động.

Mọi bửa, sắp hàng xong là ra cổng. Bửa nay sao lại dềnh dàng? Hóa ra đợi nghe đích thân Trại trưởng tuyên đọc … LỆNH THA nhân dịp Tết Nguyên Đán sắp tới!!!

Cả mười mấy đội, sáu bảy trăm nhân mạng đều nhốn nháo. Tiếng là Thiéu tá mà coi bộ đọc chữ không rành. Trong khi thiên hạ nhấp nha, nhấp nhổm, ông ê a đánh vần thật là sốt ruột. Tiếng ông thì nhỏ mà gã tù tui thì điếc lác sợ không nghe được nên mới nhờ anh bạn đứng kế bên nhắc chừng dùm. Quả nhiên lát sau bỗng thấy anh bạn nắm áo vừa giật vừa hô: có tên rồi kìa!!!

Tôi nghe rồi ngẩn ngơ như lạc vào trong mơ! Ở đời người ta thường nói: “Phước bất trùng lai”. Vậy mà gã khù khờ tui mới rồi vừa được phước lớn, giờ tiếp liền đại phước trong đời, thật là hi hữu!

Ngơ ngẩn hồi lâu mới giật mình, tỉnh lại bèn chạy u về phòng giam lo thu xếp đồ đạc. Bao nhiêu đồ dồn vô sac marin, chiếc thùng sắt để lại cho Thiếu tá Huấn, Chánh sở Tạo tác NQS như đã hứa.

Thiếu tá Tú, Thường trực thi đua mới hướng dẫn qua Khu B tạm trú qua đêm. Buổi cơm chiều mới thật là hào hứng. Trại khoản đải giả biệt bằng cơm trắng thay sắn dui. Lại gặp Anh Nguyễn Mỹ, Trưởng ty Thuế vụ Biên Hòa cùng được thả. Hai anh em chén cơm trắng thịt kho thả cửa. Nôn nao, không sao ngủ được bèn làm đêm không ngủ. Bịch thuốc lào tới sáng đã khuyết một phần tư!

Đêm dài rồi cũng lại trôi qua. Sáng lại đã thấy cán bộ tới làm thủ tục ra tù. Lần cuối cùng lăn tay, nhận lãnh giấy ra tù. Cầm tấm giấy vàng úa mà nâng niu như lịnh thiên tào tha mạng! Rồi còn được lãnh lại 12 đồng đã ký gởi khi từ Miền Nam ra. Lại còn cho thêm túi gạo vài ký để ăn đường.

Bước lên chiếc xe cam nhông decapotable, mui trần tự chúc mình thượng lộ bình an.

Lần nầy, xe không chạy ra Bến Ngọc mà lại chạy băng qua Suối A Mai về phía Sông Thao. Chạy một đổi ngang qua chiếc quán nhỏ bên đường, xe dừng lại cho đám tù mãn án sẳn tièn đó mua chút thức ăn đở dạ. Phong bánh khảo nhưn khoai lang mà tới hai đồng. Cái bánh chưng nhỏ xíu giá cũng như vậy. Thiếm xực thêm mấyđiếu Đồ Sơn hạng bét là chẳn năm đồng.

Xe xuống chiếc phà ọp ẹp trẩy Sông Thao vào lúc xế chiều. Đường ra Hà Nội chừng như còn xa lắm! Nhưng mãi rồi Cầu Thăng Long cũng thấp thoáng xa xa. Chiếc cầu mới vì chuyên viên Tàu cộng rút về trước cuộc chiến 1979 nên việc xây dựng còn dang dở. Xe cam nhông tù thả chen chúc cùng xe đạp cả người gồng gánh vượt cầu phao vào buổi chiều tà. Từ nơi rừng núi mới ra nơi nhộn nhịp lòng cũng thấy vui. Nhưng xe không vào Hà Nội mà lại chạy về hướng Tây Nam. Ủa xe chạy đi đâu vậy cà? Tối mịt xe mới dừng lại trước cổng đèn điện sáng choang, biển đề rõ ràng:Trại Cải Tạo Hà Tây. Lòng thầm hỏi: có lẽ nào cái “giấy ra trại” nầy lại là đồ dỗm!?

Phân vân bước vào cổng trại, tới trước dãy phòng giam mới tinh xem “hoành tráng”. Trại kiểu mẫu sát cạnh Thủ đô xã nghĩa do Đội trưởng Đội tù xây dựng, cựu Tướng Nguyễn Hữu Có thực hiện xem ra có khác! Người mang thùng nước chè xanh tiếp đải “khách” mới tới Hilton Hà Tây lại là Trung tá LLĐB Trần Hoàng cũng từ Tân Lập “thuyên chuyển” ra đây năm ngoái mới kề tai bỏ nhỏ: Cứ yên chí! Chỉ trọ ở đây một đêm thôi, rồi mai ra ga Hàng Cỏ xuôi Nam. Mừng cho bạn từ âm ty trở về dương thế!

Sáng hôm sau được lịnh lên đường, đến Ga xe lửa Hàng Cỏ vào lúc 9 giờ, lòng mừng khắp khởi.

Mới từ trên xe phóc xuống đã thấy ai đó níu áo hỏi: “ Cái “Giắc kết” nầy năm choạc, bán không?” Năm chục đồng khi ấy là lớn lắm vì lương công nhân mỗi tháng chỉ có $40. Gã cựu tù mới một ngày toan phát mãi, may anh bạn đi bên cạnh chận lại bảo chờ giá. Quả nhiên giá tăng gấp đôi tút suỵt, tiền trao cháo múc liền một khi! Vậy là dư sức ăn đường, lẫn cà phê, thuốc lá.

Có sẳn tiền mới tính tìm cà phê uống. Nghe nói cà phê Hợp tác xã chỉ có năm hào một tách nhưng mà nhạt như trà xanh, lại phải đứng xếp hàng mua. Dzụ nầy coi bộ không khá nên mới ngó dáo dác tìm cà phê chui. Bước lần vào ngỏ hẽm bên kia đường là thấy ngay căn phố hẹp, vừa đủ kê hai chiếc bàn thấp nhỏ xíu. Mới hừng sáng mà đã thấy bàn bên kia hai trự chắc là đại gia nên trước mặt có hai lon bia Heineken và … một gói ba số 555 vàng chóe. Gã tân thường dân thấy bắt ngợp mới rụt rè hỏi bà hàng cà phê bao nhiêu một tách. Bà cười bảo: Chỉ một đồng năm hào thôi! Thây kệ, cứ thỉnh một tách cho ngon lành. Lại thêm một điếu ba số cho nó giông giống sáu năm về trước.

Chợ Đồng Xuân chỉ cách Ga Hàng Cỏ vài trăm thước mà nghe nói cũng “phức tạp” lắm nên chẩng dám lại xem, bèn trở lại ga chực chờ cho chắc bụng. Cả ngày trôi qua suông sẻ nhưng đến khoản bảy giờ tối, cái bụng bắt đầu trở chứng, đau mướt mồ hôi. Hồi ở trong tù cùng đường nên không biết sợ, giờ sắp thượng tàu hỏa qui hồi cố quận nên thật là sợ lắm. Thầm nghĩ: Chẳng lẽ số xui tận mạng vậy sao?! Anh bạn ngồi bên thấy vậy cũng thương nên mới dúi cho hai viên thuốc, lại còn cho thêm hai ống thuốc Atropine, cẩn thận dặn: Đây là thuốc chích, tôi chắt chiu từ bấy đến nay. Chỉ khi nào đối đế lắm mới uống đại thử coi!

Đau quá nên đâu biết đã chín giờ tối, có lệnh lên tàu hỏa. Tay kéo lê chiếc sac marin, bước thấp, bước cao lê lết lên tàu. Điều kỳ lạ là mới vừa ngồi xuống, thở phào, chợt nghe cơn đau dịu xuống, rồi vong bặt. Vì quá vui mừng nên vậy chăng?

Xe lửa vừa phì phò lăn bánh, đã thấy anh Thiếu úy CSQG con nhà Nước Mía Viễn Đông lần theo các dãy ghế tìm gặp mặt anh em. Chẳng là anh nầy mắc nợ anh em đồng đội cũng nhiều. Anh khiên gỗ trên núi, té vẹo cột sống, mỗi khi đứng lên là thân mình cứ bật ngửa ra phía sau. Từ đó mà đi, mỗi khi đi lại đều phải có anh em dìu đở. Ngay trong chuyến hồi hương nầy, mỗi khi lên xuống xe đều phải có người cõng. Vậy mà giờ đây, sau một ngày được thân nhân (đặc biệt được thông báo ra Hà Nội chờ đón) đón về khách sạn săn sóc cho chỉ có một ngày là có thể tự mình lần đi được mới kỳ!Người ta thường bảo: Con người khi lâm nguy hoặc quá vui mừng thường nẫy sinh thần lực, có khi là như vậy chăng?

Trăng mười bảy tháng chạp trên bầu trời đất Bắc mờ hơi sương, vàng vọt mà trong tâm tưởng vẫn thấy huy hoàng sáng chói. Từ 1975 đến 1981, đây có lẽ là đợt thả tù đông đảo nhất bởi vì ngang qua mỗi tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, mỗi nơi đều có rước một nhóm tù được thả.

Sau một ngày, hai đêm, xế chiều ngày thứ hai thì tàu đến Ga Phan Thiết. Biết rằng phải vài ba tiếng nữa mới tới Biên Hòa, nhà ta mà vẫn cứ ràng buộc đồ đạt sẳn sàng. Xe vừa tới Trảng Bôm bỗng nghe loa phát thanh loan báo: Vì quá trễ, xe sẽ không dừng lại ở ga Biên Hòa. Vậy là tiu nghỉu, thất vọng mới bàn với ông năm Huệ, Đại úy Quân cảnh: Khi tới Ga Biên Hòa, thế nào xe cũng chạy chậm lại, mình nhảy đại xuống được không? Ông năm Huệ lắc đầu, biểu: Không được đâu! Mình yếu rồi. Nhảy như vậy nguy hiểm lắm. Chi bằng để tới Bình Triệu, đi xe Lam về hay hơn.

Nói là nói vậy nhưng khi xe ngang qua ngả ba Vườn Mít là đã thủ thế. Khi thấy hàng bực cấp dẫn lên dãy phố, nơi mái ấm sáu năm về trước là không kìm lòng được: Hấp một cái, cái bồng thảy trước. Người nhảy vọt liền theo, bất kể hàng rào kẻm gai Úc chờn vờn trước mặt. Thân mình lăn long lóc vào hàng rào phải liều mạng nắm đại vào dây kẻm gai gượng dừng lại. Mặc cho bàn tay máu tuôn, vẫn hiên ngang đứng lên, ôm cái bồng đi bươn lên bực cấp. Chỉ thấy con đường vào nhà ta trước mặt, bất cần chuyện chi khác!

Vừa quẹo vô hẽm, đã thấy người vợ yêu lầm lủi đẩy chiếc xe đạp cũ đi ra. Gã liệng đại cái bồng xuống chạy a lại. Cô giáo nhà ta chẳng biết chuyện gì. Chừng ngó lại thấy ông chồng đứng đó! Cả hai nhìn nhau như trong giấc chiêm bao.

Tỉnh hồn lại liền bảo: Mau vô nhà, bàn tay bị thương chảy máu. Bà xã buồn bả nói: Nhà ở dâu mà vô? “Mất dạy”người ta lấy căn phố lại rồi! May, tui lại dọn dẹp trả nhà mới gặp ông đây! Thôi mau về căn chòi của mình đi. Nó ở kế bên nhà Ông Một, phía sau Trường Ngô Quyền đó.

Tưởng rằng bà vợ nói ví von cho đở tức nhưng nhìn kỷ lại đúng là sự thật: Mái chòi nhà ta nửa thiếc, nửa tôn. Vách xọc xệch, nửa ván nửa cà tăng. Nhưng dẫu vậy vẫn là nhà của ta.

Vừa mở cửa rào bà xã vừa hô: Trí ơi, ba mầy đã về đó! Đây là đứa trai út, mười bốn tuổi, mới theo mẹ ra Bắc thăm ba hồi năm ngoái nên không thấy lạ. Mới hỏi gái Chi đâu thì đã nghe tiếng kêu từ phía trước nhà: Từ dưới bàu rau muống bước lên cô gái nhỏ, quần vải đen , ống thấp, ống cao. Ngày ra đi, con tôi là bé gái xinh đẹp vừa chín tuổi. Giờ đây, trước mặt là cô gái nhỏ cao kều tuổi mười lăm, giống hệt cô thiếu nữ tay lấm, chân bùn ở Làng quê Bưng Cầu thuở trước. Mãi mới thấy cậu ba Lễ đi học nghề thợ máy ỏ Saigon đạp xe về tới. Chàng nầy là đứa vóc dáng thấp nhỏ nhất nhà, nay đã là thanh niên mười bảy xem ra cũng tu mi, nam tử. Cuối cùng là cậu cả Nghĩa, mãi đi giang hồ vụn rồi cũng về tới: Ôi thôi! Nhìn không ra! Chàng thanh niên tuổi mười chín cao trên thước tám. Đúng là vai năm tấc rộng, thân mười thước cao, oai hùng như Từ Hải.

Niềm vui sum họp đơn sơ mà thấm thiết, chỉ như vậy là đủ, mặc cho sự thế xoay vần ra sao!?

QUE SERA SERA! WHAT WILL BE WILL BE!

                                           Nguyễn Thành Nhơn

                                               

CON TÀU CHỈ CÓ MỘT NGƯỜI

Anh cũng như bao nhiêu người sĩ quan khác ở Miền Nam. Sau 75, đều bị tập trung cải tạo. Những tháng đầu anh được vợ gửi cho một hai lần đồ ăn, sau đó thì biệt tăm. Anh được phép viết thư về cho gia đình nhiều lần. Nhưng không thấy vợ trả lời. Như thế kể như anh bị vợ bỏ. Sống trong trại cải tạo mà không có người thăm nuôi, không được tiếp tế đồ ăn, người đó kể như chết. Anh biết mình nằm trong số người bất hạnh đó. Nên anh phải tự lực cánh sinh. Nói chơi cho vui vậy chứ tự lực gì nổi.. Có được thăm nuôi hay không, người tù nào cũng co cúm lại. Thức ăn dành dụm từng chút. Ra ngoài lao động, con mắt của họ dáo dác tìm bất cứ thứ gì có thể bỏ vào bụng cho đở đói. Cho nên người có quà thăm nuôi cũng như dân mồ côi, khi ra ngoài lao động cũng xục xạo tìm kiếm đào bới như nhau. Ai tìm được nấy ăn.
Chuyển ra ngoài Bắc anh lại càng tơi tả hơn. Không quen với cái lạnh thấu xương, bụng thì đói meo. Trông anh như một ông cụ già hom hem. Công việc nặng nhọc làm cho anh còm lưng. Ngày trở về thì không thấy hy vọng. Anh cứ nghĩ mình kéo dài tình trạng đói khát, nặng nhọc nầy mãi, thì thế nào cũng bỏ xương tại cái xứ đèo heo hút gió nầy. Trốn trại thì không can đảm. Mà cũng chẳng biết trốn đi đâu, giữa núi rừng trùng trùng điệp điệp. Đành phải bó tay chịu trận.
Bỗng nhiên một hôm anh nhận được gói đồ ăn gửi bằng đường bưu điện. Anh nghĩ chắc vợ anh gửi cho. Nhưng khi cầm gói quà trên tay nhìn tên người gửi lạ hoắc, anh phân vân, đắn đo. Chắc chắn đây là một sự nhầm lẫn. Tuy nhiên vì đói quá anh không có can đảm hoàn trả lại cho cán bộ, khi mà sự thèm khát đã lên tới tột đỉnh. Mà chắc gì gói quà được trả về cho khổ chủ của nó! Cán bộ trại đời sống cũng chẳng hơn tù bao nhiêu, thế nào họ cũng chia nhau. Trong lúc mình đang cần, anh an ủi mình như vậy. Anh về trại. Bạn bè tới chúc mừng anh. Như vậy, kể từ nay anh thuộc thành phần có thăm nuôi. Không còn mồ côi như trước. Gói quà đã được mở ra kiểm soát, cột lại sơ sài trước khi giao cho anh nhận lãnh.
Ai nhận quà về đến chỗ nằm của mình, đều bóc ngay ra.. Còn anh thì không dám đụng đến. Lúc đầu cái đói, cái thèm khát lâu ngày làm cho anh bấn loạn. Anh nghĩ nhận quà về bóc ra ngay ăn một bữa cho đã. Nhưng khi cầm gói quà trên tay, không phải tên vợ mình gửi, anh đâm ra đắn đo. Anh nằm gác tay lên trán nghĩ ngợi về tên người gửi. Anh đào bới hết trí nhớ, vẫn không tìm ra tên người đàn bà nầy, được viết trên góc của gói quà. Bạn bè tù cùng phòng với anh thì nghĩ khác. Họ cho rằng lâu quá không được nhận quà, không nghe tin tức vợ, nên anh muốn kéo dài cảm giác sung sướng. Không bóc vội gói quà. Thế nhưng rồi cũng đến lúc gói quà được mở. Sau khi ăn cơm chiều xong, anh leo lên chỗ nằm, ngồi quay mặt vào vách. Anh trịnh trọng mở gói quà. Quan trọng với anh bây giờ không phải là trong gói quà có những gì để ăn. Giữa lúc nầy, sự thèm khát bỗng nhiên trốn mất. Mà là lá thư trong gói quà nói gì.
” Anh yêu quý,
Anh đã mất tích từ lâu, tưởng rằng anh đã chết. Em và các con lập bàn thờ mấy năm nay. Không ngờ, cách đây mấy hôm, vô tình đến thăm một người bạn, có người anh được thả ra từ trại cải tạo Miền Bắc. Em hỏi thăm là có bao giờ anh nghe tên người nào là Nguyễn Hữu trong trại của anh không? Anh đó trả lời là có một người cùng đội sản xuất với anh mang tên ấy, trước là đại úy thuộc Sư Đoàn 2, người Bắc Kỳ. Từ bao nhiêu năm nay không được ai thăm nuôi. Em nghe xong muốn quỵ xuống, đúng là anh rồi. Thế là từ nay em phải hạ bàn thờ xuống. Các con có bố chứ không còn mồ côi cha nữa. Em mừng quá, mang tên anh, tên đội, tên trại đến Ủy Ban Quân Quản Thành Phố để xin giấy phép gửi quà thăm nuôi. Lý do vì loạn lạc, di chuyển nhiều lần, địa chỉ không còn chỗ cũ, nên không nhận được giấy gửi quà thăm nuôi.
Anh đừng để vi phạm nội quy, ráng học tập tốt, sẽ được nhà nước khoan hồng để sớm về đoàn tụ với gia đình. Có dịp được trại cho phép viết thư, anh viết thư về cho em biết sức khỏe của anh. Anh cần những gì lần sau có giấp phép em sẽ gửi ra cho anh. Em và các con bao giờ cũng mong chờ anh về.
Thư nầy không viết dài được, em ngưng đây. Chúc anh luôn luôn khỏe mạnh.
Vợ anh
Lê Thị Hồng”
Anh không dám đọc lại lần thứ hai. Một sự trùng hợp lạ ky, anh và ông Hữu kia cùng thuộc Sư Đoàn 2, cùng là người Bắc. Chỉ khác nhau là ông ta mất tích trong chiến tranh, còn anh thì trình diện đi cải tạo. Người đàn bà nầy vì quá thương chồng không điều tra cặn kẽ, chứ trong một sư đoàn, chuyện trùng tên, trùng họ là chuyện bình thường. Mà cán bộ kiểm duyệt thư từ cũng lơ đễnh, không thấy chữ mất tích từ đầu lá thư. Anh nhìn gói đồ ăn mà lòng trĩu nặng. Một bên vợ người ta, chồng mất tích bao năm mà vẫn chờ đợi. Còn mình sống sờ sờ vợ chẳng thèm ngó ngàng tới.
Đọc thư xong, anh bỏ thư lại trong gói đồ rồi cột lại như cũ. Anh nằm gác tay lên trán suy nghĩ miên man. Các bạn chung phòng đến hỏi thăm tin tức gia đình anh ra sao, anh trả lời nhát gừng cho qua chuyện. Họ nghĩ, có lẽ gia đình anh đang gặp rắc rối gì đó, nên anh buồn ít nói.
Sáng hôm sau ra lao động, anh không mang thêm cái gì để ra ăn buổi trưa. Anh không biết phải làm sao với gói quà mà anh đã nhận. Anh cảm thấy mình giống như một thằng ăn trộm, oa trữ đồ gian. Không biết phải giải quyết thế nào cho ổn thỏa đây. Mấy năm trời đói khát, thèm ăn. Chụp được một con dế, con cóc thì xem như được một bữa tiệc lớn. Thế mà khi nhận quà có thịt chà bông, cá khô, muối sả ớt v.v…. anh lại sờ sợ. Lương tâm ư? Làm gì có thứ nầy ở đây. Anh không biết phải diễn tả thế nào tâm trạng của anh lúc ấy. Vì đụng vào đó, anh thấy mình như bị phạm tội. Buổi trưa, anh ra nhận cơm với vài cọng rau muống, nước muối. Anh lại thèm các thứ mà mình đang giữ. Sự thèm khát lại bắt đầu dằn vặt, hành hạ anh. Anh không thể nào chống lại nổi sự đòi hỏi hợp lý nầy. Thôi thì tới đâu hay tới đó.
Ngày hôm sau anh mang tí ti đồ ăn theo, chia cho một số bạn cùng cảnh ngộ với anh, nghĩa là thuộc dạng mồ côi, không có ai thăm viếng hay gửi quà. Họ ăn một cách ngon lành. Anh ăn cũng ngon miệng nhưng khi ăn xong, anh thấy nghèn nghẹn. Mấy ngày đầu anh mang tâm trạng nầy, nhưng dần dần về sau nguôi ngoai. Hình như sự phạm tội thường xuyên, ít bị lương tâm cắn rứt hơn là phạm tội một đôi lần.
Vài ba tháng sau đó, anh được trại cho phép viết thư về gia đình. Đây là một điều khó khăn cho anh. Gửi thư cho vợ hay gửi cho chị Lê Thị Hồng? Gửi cho vợ thì bao nhiêu cái vẫn biệt vô âm tín, còn gửi cho chị Lê Thị Hồng, thì biết nói sao cho chị hiểu là anh không phải là chồng chị ta. Nếu thư không bị kiểm duyệt thì chuyện nầy dễ nói. Còn thư tù như anh thì qua biết bao nhiêu cửa ải. Biết đâu khi cán bộ kiểm duyệt phát giác chuyện nầy sẽ tống cổ anh vô cùm. Cái tội mạo nhận ẩu để lãnh đồ thăm nuôi. Một lần cũng là mang tội, mà cái tội nầy bạn bè biết được thì khinh khi lắm. Nhưng mọi chuyện đã lỡ rồi, đành phải theo lao vậy. Anh đánh liều viết theo cái kiểu người chồng viết cho vợ.
“Hồng em,
Cám ơn em rất nhiều về gói quà vừa rồi em gửi cho. Em đừng lo gì cho anh nữa, ở đây anh được nhà nước cách mạng lo cho đầy đủ, ăn uống không thiếu. Em yên tâm để dành lo cho các con. Em ở nhà cố gắng dạy dỗ các con nên người, cố gắng chấp hành chính sách và pháp luật của nhà nước cách mạng.
Nhờ ơn cách mạng, nhờ ánh sáng soi đường, nhờ chính sách khoan hồng của nhà nước ta. Anh học tập đã hiểu thế nào con đường lầm lẫn của mình trước đây. Anh đã ăn năn hối cải và mong sao sau khi được khoan hồng trở về với gia đình, anh sẽ làm lại cuộc đời tốt hơn. Đừng lầm lẫn đi theo con đường cũ nữa, phải sống hòa đồng với nhân dân và tuân thủ pháp luật nhà nước..
Nhắc lại cho em rõ, đừng gửi quà cho anh nữa. Ở đây anh ăn uống rất đầy đủ, hãy dành dụm cho con, lo cho tương lai các con.
Cầu chúc em và các con khỏe mạnh.
Chồng em
Nguyễn Hữu”
Anh nhắc lại hai lần chữ “lầm lẫn”, để chị Hồng biết đoán ra mọi sự, không dám viết đi viết lại nhiều lần, sợ cán bộ trại nghi ngờ. Hai ngày sau, văn phòng trại gọi anh lên làm việc. Anh điếng hồn, không biết chuyện gì xẩy ra. Có lẽ vì mấy chữ lầm lẫn đó sao? Người kiểm duyệt sao thông minh quá vậy. Anh vừa đi, vừa tìm cách chạy tội. Nhưng không nghĩ ra cách nào giải thích, anh đổ liều, cứ chối đại ra sao thì ra. Mỗi lần gọi người nào một cách bất thần như vậy, là người đó có vi phạm điều gì. Các bạn tù cùng phòng lo lắng cho anh.
Anh bước vào phòng cán bộ quản giáo, đầy lo âu và không biết chuyện lành dữ ra sao. Người công an chấp cung ngồi trước lá thư của anh viết cho chị Hồng. Anh ta tươi cười mời anh ngồi đối diện, rút trong túi gói thuốc lá mời anh. Một thái độ thân thiện lạ lùng. Anh rút một điếu và chậm rãi hút. Người cán bộ nhìn anh nói: “Trong trại nầy, ai viết thư về cho gia đình cũng xin cái nầy cái nọ. Riêng anh thì không, lại bảo chị đừng gửi gì cả. Cũng lạ thật. Anh thật sự không thấy cần thiết sao?”
Anh lắc đầu: “Nhiều năm không được thăm nuôi, quen rồi. Hơn nữa gia đình tôi cũng nghèo. Vợ tôi lo cho các cháu đủ mệt. Lo thêm cho tôi, kiệt sức mất. “
“Anh nghĩ vậy cũng đúng. Các anh ngày trước sung sướng quen rồi, không quen chịu cực khổ. Mới có vài năm đã thấy thèm khát đủ thứ. Chúng tôi mấy chục năm đánh giặc. Ăn uống kham khổ. Không hề hé răng.”
Người cán bộ nói tiếp: ” Chúng tôi có bỏ đói các anh đâu. Nuôi ăn đầy đủ đấy chứ. Chúng tôi cũng muốn cho các anh về với gia đình. Nghẹt vì các anh chưa thông suốt chính sách cách mạng, nên chúng tôi phải tạm giữ thêm một thời gian nữa.”
Anh ấp úng: “Vâng, thưa cán bộ.”
Người cán bộ nhìn thẳng vào mặt anh, trịnh trọng nói: ” Thay mặt Quản Giáo trại, tôi biểu dương tinh thần ý thức của anh. Thư anh gửi có giá trị thuyết phục. Anh là trại viên gương mẫu, sẽ được Ban Quản Giáo Trại đề bạt để anh được về sớm với gia đình.”
Mấy thằng làm ăng-ten, cũng nghe cái lời hứa cho về sớm. Nên chúng nó ra sức kiếm điểm, mà có thấy thằng nào được về trước đâu. Anh cười thầm trong bụng với cái chiêu dụ nầy.
Người cán bộ tiễn anh ra cửa và bắt tay thân thiện. Anh hú hồn, thoát được sự căng thẳng. Anh về chỗ nằm. Mấy người bạn tới hỏi thăm tin tức về chuyện nầy. Anh trả lời với họ là bị cán bộ cảnh cáo, vì lá thư viết không đúng tiêu chuẩn. Anh nghĩ thế nào rồi câu chuyện nầy cũng đổ bể. Rồi cũng sẽ đi cùm vài tháng, với cái tội mạo nhận ẩu để lấy quà gửi. Chị Hồng thế nào cũng nhận ra nét chữ, và chữ ký của anh, không phải của chồng. Không cần mấy chữ “lầm lẫn” kia, chị Hồng cũng hiểu hết mọi sự là chồng chị đã chết.
Ngày nầy qua tháng khác, anh vẫn lao động đều đặn. Anh vẫn yên tâm là mình trở lại với vị trí mồ côi muôn thuở. Anh không còn hy vọng có ai đó ngó ngàng tới để gửi cho chút quà thăm nuôi. Người ta có gia đình gửi quà. Người ta có quyền tưởng tượng các món ăn để vỗ an cho cái dạ dày.. Vì thế nào có ngày cũng được thăm nuôi, món ăn mình ao ước sẽ được người nhà mang đến. Còn anh chỉ ăn hàm thụ các món đó thôi. Cũng không sao nghĩ ra, cái đói khát triền miên, đã làm cho anh chai lì mọi ao ước. Thần kinh tê liệt và suy sụp đến tận cùng.
Nhận quà thăm nuôi bằng bưu điện lại có tên anh. Lại thêm một lần ngạc nhiên. Lần trước anh không dám mở gói quà, vì biết đó không phải là quà của mình. Không dám đọc thư vì biết thư đó không viết cho mình. Lần nầy thì ngược lại. Về đến chỗ nằm thì anh xáo tung để tìm lá thư ra đọc. Thư viết cũng thắm thiết như lần trước, không hề đá động gì sự lầm lẫn mà anh đã nhấn mạnh. Nét chữ cứng cỏi thể hiện người viết có học thức, thế mà tại sao không biết mọi sự lầm lẫn đó. Trong thư nầy chị Hồng lại hiểu sai vấn đề, nghĩ rằng vì mấy năm không nhận quà thăm nuôi, nên anh giận dỗi. Biết làm sao đây, khi mà anh không có khả năng bày tỏ tự sự. Mặc kệ, cứ thản nhiên mọi chuyện, cứ ăn cho sướng. Phó mặc mọi chuyện cho trời đất. Anh đổ ra cáu kỉnh và lì lợm. Hình như anh muốn tạo ra tình huống nầy, để dễ dàng nuốt trôi mấy miếng thực phẩm thăm nuôi, mà không thẹn với lương tâm.

Mỗi lần sực nhớ lại chuyện quà cáp, anh vội vàng xua đuổi ngay. Nhủ với lòng mình như vậy, nhưng dễ gì quên được điều đó. Mỗi đêm, khi cơn đói hành hạ, các món ăn trong trí tưởng tượng tuôn ra, là hình ảnh chị Hồng lại hiện lên. Đẹp hay xấu lúc nầy đối với anh chẳng cần thiết, nhưng tấm lòng thương chồng của chị đã làm cho anh cảm phục. Thực sự, anh thương hại cho hoàn cảnh côi cút của chị và mấy đứa con. Sống giữa sự khó khăn chung của xã hội, nuôi mấy miệng ăn cũng thấy khó lắm rồi, đừng nghĩ gì xa xôi hơn như chuyện thăm nuôi chồng. Tệ hại hơn nữa, đây không phải là chồng của mình.
Mọi chuyện vẫn bình thường, ngày nầy qua ngày khác trong trại cải tạo. Anh vẫn sinh hoạt chung với các anh em. Bỗng nhiên một ngày, sau khi đi lao động về, anh được loa phóng thanh gọi tên ra khu thăm nuôi, có vợ là Lê Thị Hồng đến thăm. Lần nầy thì anh bối rối thật sự. Anh biết sự gặp nhau nầy rất bẽ bàng và ngượng ngập. Mọi sự thật sẽ làm cho chị Hồng đau khổ biết mấy. Với anh thì không sao, anh đã biết trước mọi chuyện, anh đã chuẩn bị tinh thần. Dù gì thì anh cũng phải trả lại sự thật nầy. Anh không muốn nó cứ mãi kéo dài, cứ mãi gây cho anh cảm giác phạm tội. Anh cố gắng diễn tả cho chị ấy biết, anh không phải thứ lừa đảo để kiếm miếng ăn. Dù có chết anh cũng chấp nhận, chứ không thể thuộc loài vô loại nầy. Anh nói nhiều, nhiều hơn nữa, để cảm ơn, để chị tha thứ. Anh sợ một vài tháng bị cùm, sợ mất mấy miếng ăn, mà phải để lại sự hiểu lầm trầm trọng. Để chị phải lặn lội khó nhọc, leo đèo vượt suối, từ Sài Gòn ra tận nơi đây thăm một người mà không phải là chồng mình.
Người cán bộ phụ trách dẫn anh ra khu trại thăm nuôi. Từ xa anh nhìn thấy người đàn bà đang ngồi nơi bàn chờ đợi. Tự nhiên anh hồi hộp. Tự nhiên chân anh bước cảm thấy nặng nề. Rồi anh cũng bước tới chỗ chị ngồi. Tim anh muốn vọt ra khỏi lồng ngực. Anh e thẹn như con gái. Thấy xấu hổ và hối hận. Chị Hồng nhìn anh rồi bật khóc. Chị khóc nức nở. Mặt cúi xuống bàn. Tiếng khóc ấm ức như đang gặp sự bất trắc. Anh ngồi vào vị trí đối diện. Nước mắt anh cũng chảy dài. Anh không nói được với chị câu gì. Những gì anh đã chuẩn bị bay đi đâu cả. Người cán bộ ngồi ở đầu bàn kiểm soát thấy hai người cứ khóc mãi.. Có lẽ anh ta nghĩ rằng vì vợ chồng lâu ngày xa nhau, thương nhớ chồng chất lâu ngày, để họ khóc cho đã nư. Anh ta cũng chẳng cần để ý tới họ. Anh ta vừa đứng dậy đi ra cửa sổ khạc nhổ, anh chụp ngay cơ hội nói với chị: “Xin lỗi…xin lỗi chị”.
Chị ngẩng mặt lên đưa ngón tay giữa miệng, ngụ ý cho anh biết đừng nói gì thêm. Anh thở dài. Tiếng thở của anh nghe rất não nuột. Nhưng trong tiếng thở ấy, như hàm chứa tất cả những gì anh đã chuẩn bị nói ra với chị. Chị lau nước mắt nhìn anh, rồi ấp úng hỏi anh những câu về sức khỏe, những lời khuyên cố gắng học tập tốt để về với gia đình, cho vừa lòng cán bộ kiểm soát. Chị cũng bịa ra những chuyện là con cái vẫn đi học bình thường, cha mẹ khỏe mạnh, tất cả gia đình, dòng họ, trông anh mau về sớm. Anh chỉ gật đầu mà không thốt được lời nào. Chị khóc chiếm hầu hết thời gian thăm nuôi. Hơn ai hết, anh hiểu tiếng khóc của chị. Mọi hy vọng gặp lại chồng xem như hoàn toàn không còn nữa. Chị khóc cho số phận hẩm hiu của mình, thương cho phần số ngắn ngủi của chồng.
Cán bộ báo cho biết giờ thăm nuôi chấm dứt. Chị đưa tay nắm lấy tay anh. Anh đưa hai bàn tay ra ôm lấy tay chị. Tự nhiên, không biết tại sao anh bật khóc lớn. Có lẽ anh thấy tủi thân. Anh thấy lòng thương hại của chị dành cho anh, đây là lần cuối. Làm sao anh đòi hỏi gì hơn, với người đàn bà không phải là vợ mình. Khóc cho mình, mà cũng thương cho chị lặn lội đường xa tìm chồng. Chị lủi thủi trở về với niềm tuyệt vọng. Rồi anh chị chia tay. Anh gánh phần quà của chị mang tới cho anh, vào trại. Chị đứng dựa vào cột tre nhìn theo. Thỉnh thoảng anh quay đầu ngó lại, lần nào chị cũng đưa tay lên vẫy chào. Mọi người trong trại từ xa nhìn thấy cảnh nầy. Ai cũng thông cảm cho cảnh vợ chồng khắng khít, bây giờ phải lìa xa.
Anh gánh vào tới phạm vi giam giữ, thì các bạn anh chạy ra phụ mang đồ về phòng. Anh đứng lại nhìn ra khu thăm nuôi, đưa tay vẫy chào chị cho đến khi chị ra khỏi cổng trại khuất dạng. Anh lầm lũi về chỗ nằm. Đồ đạc còn để lăn lóc dưới đất. Anh chẳng màng sắp xếp. Anh vẫn chưa kịp định thần lại. Những giây phút thật bất ngờ đến với anh nhanh quá. Suốt trong nửa giờ gặp nhau, anh chỉ nói ra được hai tiếng xin lỗi. Màn kịch do chị diễn ra thật xuất sắc, xuất sắc đến nỗi anh là người trong cuộc, vẫn cảm thấy rất tự nhiên không ngượng ngịu. Không sao hiểu nổi được lòng chị.
Ngồi nhớ lại cảnh gặp gỡ, khi chị ngước mắt lên nhìn anh. Khuôn mặt chị thật đẹp, đôi mắt thật hiền từ. Anh nghĩ chị cũng đã biết trong mấy lá thư gửi về, không phải là thư của chồng. Thế nhưng chị vẫn hy vọng, mong manh hy vọng. Trong mong manh đó chị đổi một giá cho sự phũ phàng, cay đắng. Có lẽ khi nhận thư hồi âm, sau khi đọc, chị thấy thương hại cho anh, thông cảm nỗi thống khổ của anh. Chị quyết định tiếp tục liên hệ với anh, giúp đỡ anh. Khi ra thăm nuôi, chị vẫn biết anh không phải là chồng, nhưng chị vẫn đi. Để xác định rõ ràng, khi gặp anh tức là chồng chị đã chết. Nghiệt ngã thật. Chị bật khóc, vì thương cho chồng thì ít, mà lại thương anh nhiều hơn. Sống một đời tù tội, lao khổ, bị gia đình bỏ rơi. Dù sao chồng nằm xuống cũng đã lâu, nước mắt của chị đã bao năm khóc cho chồng, bây giờ đã khô cạn. Gặp anh trong một hoàn cảnh thật bi thương, sống giữa một trại tù vô cùng cực khổ, không tin tức gia đình vợ con. Anh đang chơi vơi giữa tận cùng khổ đau, dày xéo trên thân thể những vết hằn tủi nhục. Nước mắt của chị trào ra, khi ngước mắt trông thấy một con người thân thể vừa tiều tụy, vừa đờ đẫn, đang đứng đối diện..
Đêm nay anh nằm đây, nghĩ lại cái cảnh chị lầm lũi bước lên tàu trở về Sài Gòn. Con tàu chạy vùn vụt trong đêm tối. Chỉ còn một mình chị thức, nhìn ra bên ngoài với sự trống vắng. Chị ôm một nỗi buồn sâu lắng. Đất nước đang trải qua một cơn sốt kinh khủng, đày đọa biết bao người lâm vào cảnh khốn cùng. Chị nghĩ sao về anh? Chị có còn giữ liên lạc với anh không?… Dù sau nầy thế nào, dù có giữ liên lạc hay cắt đứt, ơn nầy với anh suốt đời không quên được. Anh hứa với lòng mình, sau khi được trở về, anh sẽ tìm thăm chị. Sẽ nói với chị thật nhiều, cám ơn chị thật nhiều. Thay cho lần gặp gỡ trong trại không nói được.
Anh thấy trên con tàu trở về kia, chỉ có mỗi một mình chị. Còn tất cả đều nhạt nhòa. Một mình chị thôi, chứa trên đó nỗi đoạn trường, bất hạnh của một đời người. Nhưng thật vô cùng quý báu của một tấm lòng. Tội nghiệp chị, con tàu đang chở chị lao vào màn đêm, xé tan bóng tối và lạnh lẽo.

Phan Xuân Sinh

HẢI CHIẾN HOÀNG SA 1974: SAU 45 NĂM NHÌN LẠI VỚi NHỮNG ĐIỀU ÍT NGƯỜI BIẾT.

HQ Phạm Quốc Nam biên soạn

Lời giới thiệu
Các bài viết về trận Hải Chiến Hoàng Sa năm 1974 có quá nhiều với những cách nhìn khác nhau từ tài liệu của nhiều phía và của những nhà bình luận quân sự, chiến lược quốc tế. Đồng thời không ít những bài viết cá nhân có tách cách hư cấu hoặc diễn tả câu chuyện có nhiều chi tiết rất mâu thuẫn, bất hợp lý về diễn biến, số hiệu chiến hạm, thời điểm, chiến thuật, v.v… gây cho người đọc rơi vào trạng thái lẫn lộn, khó hiểu câu chuyện và không biết đâu là sự thật.
Đặc biệt bài viết này đồng quan điểm với những youtube với số lượng người theo dõi rất cao của Vietstar Media, Ngô Kỷ, nhằm phản đối và lên án những livestream từ Texas và Cali (như của LS Hoàng Duy Hùng, Nguyễn Phương Hùng, v.v…) qua những luận điệu xuyên tạc sự thật về trận chiến Hoàng Sa 1974 để bôi nhọ HQVNCH và QLVNCH nói chung.
Mặt khác tác giả mong muốn được thực hiện DVD về Hải Chiến Hoàng Sa, người viết đã phải nghiên cứu hàng chục tài liệu, bài viết, phim ảnh từ nhiều nguồn khác nhau và những giải mật mới nhất về trận hải chiến nhằm hệ thống lại thời gian, diễn biến, cũng như những đóng góp của Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, HQ Thiếu Tá Trần Bá Hạnh, cựu sĩ quan nghiên cứu trận liệt cuộc Hải Chiến Hoàng Sa tại BTL Hải Quân SaiGon và nhà báo Hải quân P.K., cựu sĩ quan Ban Báo Chí BTL-HQVNCH để dàn dựng thước phim lịch sử về trận Hải Chiến (sẽ ra mắt một ngày gần đây).
Hy vọng qua bài viết và thước phim này, người đọc hoặc xem phim không bị lẫn lộn, khó chịu trước những sự kiện không tuần tự và không hợp lý khi muốn tìm hiểu cặn kẽ về Hải Chiến Hoàng Sa Năm 1974.
Để nội dung bài viết và thước phim mang tính trung thực khi viết về trận Hải chiến Lịch sử này, người viết xin phép sử dụng bài viết và câu chuyện tường thuật của những nhân chứng sống từng tham dự trận hải chiến trong phạm vi trách nhiệm hay trong nhiệm sở của chính họ trên chiến hạm (PQN).

PHẦN I
NHỮNG ĐIỀU ÍT NGƯỜI BIẾT VỀ HCHS

Dẫn nhập:
Thiết nghĩ khi đánh giá Hải Chiến Hoàng Sa, chúng ta cần phân biệt hai sự kiện khác biệt về thời điểm:
Trận Hải Chiến Hoàng Sa (19-1-1974) và Sau Trận Hải Chiến (20-1-1974)

  • SỰ THẬT THỨ NHẤT – Hải chiến Hoàng Sa xác định lãnh hải của VNCH: Trận Hải Chiến ngày 19 tháng 1 năm 1974 kéo dài khoảng hơn 30 phút. Hải đoàn Đặc nhiệm Hoàng Sa I của Hải quân VNCH gồm HQ-4, 5, 10 và HQ-16 đã làm tê liệt lực lượng tham chiến của Hải Quân Trung Cộng gồm các chiến hạm 271, 274, 389, 396, Nam Ngư 407 và 402 ngay sau mươi phút khai chiến, khi HQVNCH bắn chìm 271, 389 và tiêu diệt trọn Bộ Chỉ huy Tham mưu của địch trên Soái hạm 274, làm tử thương một cấp tướng và nhiều cấp tá cao cấp của địch. Đây là chiến thắng của HQVNCH đối với trận Hải Chiến Hoàng Sa khi so sánh kết quả thiệt hại đôi bên. Nếu cho rằng HQVNCH thảm bại trong trận Hải chiến Hoàng Sa thì đó là cái nhìn của cá nhân và đúng hơn họ không nắm vững kỹ thuật và cấu trúc của một ‘Chiến hạm’.
    Dù nhìn ở góc độ nào hay phê phán thắng hay bại thì Hải chiến Hoàng Sa là chiến tích lịch sử VNCH xác định chủ quyền lãnh hải của mình đối với quân xâm lược Trung cộng và quốc tế. Đồng thời nêu cao tinh thần chống ngoại xâm của Quân lực VNCH.
  • SỰ KIỆN THỨ HAI – Hoàng Sa thất thủ: Sau trận Hải Chiến ngày 20 tháng 1 năm 1974 Hải quân Trung Cộng hay gọi là Hải quân PLAN (Chinese People’s Liberation Army Navy – Hải Quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hay Hải quân Trung Cộng, kết hợp sử dụng tàu quân đội và tàu của dân sự) xua một đội quân mạnh gấp chục lần HQVNCH gồm hải, lục, không quân, hỏa tiễn, tàu ngầm chiếm lấy Hoàng Sa khi HQVNCH rời khỏi Hoàng Sa từ ngày trước.

I. Trận Hải Chiến Lịch sử (ngày 19-1-1974) xác định chủ quyền lãnh hải của VNCH và nêu cao tinh thần chống ngoại xâm của QLVNCH.

  • Theo cuộc phỏng vấn Đề đốc Lâm Ngươn Tánh và Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại của Ủy Ban Hoàng Sa tháng 10 năm 2006:
  • Đề Đốc Tánh khi đến Đà Nẵng vào chiều tối thì cuộc hải chiến đã kết thúc. Ông ở lại cùng với Đô Đốc Trần Văn Chơn đón các chiến hạm trở về từ Hoàng sa và ủy lạo các chiến sĩ hải quân từ Hoàng Sa trở về. Sau đó ông đi bệnh viện Quy Nhơn để thăm viếng, ủy lạo và gắn ‘Chiến thương Bội tinh’ cho các chiến sĩ HQ trôi dạt trên biển được cứu sống. Đề đốc Tánh ở lại Đà Nẵng từ chiếu tối ngày 19/1/1974 cho đến cuối tháng. (Đề đốc Tánh trả lời UBHS).
  • Phó Đề đốc Thoại là người nhận lệnh trực tiếp từ Tổng thống Thiệu chỉ huy trận hải chiến Hoàng sa.
  • HQ Đại Tá Hà Văn Ngạc là Hải đội trưởng Hải đội Tuần dương từ Saigon ra Đà Nẵng để quan sát tình hình xem các chiến hạm có nhu cầu gì? Khi biết Phó Đề đốc Thoại bận đón Tư Lệnh Chơn không thể theo tàu ra Hoàng Sa được nên Đại tá Ngạc theo HQ.5 ra Hoàng Sa và Đại tá Ngạc trở thành Sĩ quan Chỉ huy Chiến thuật (OTC – Officer in Tactical Command ) và HQ.5 trở thành Soái hạm. (Khi chưa có Đại tá Ngạc, Phó Đề đốc Thoại chỉ thị hạm trưởng HQ.4, HQ Trung tá Vũ Hữu San làm Sĩ quan OCT).
    Cũng cần biết thêm Phó Đề Đốc Thoại, Tư Lịnh HQV1DH kiêm nhiệm tư lịnh Lực lượng Đặc Nhiệm 231. Đêm 18 tháng 1,1975 PĐĐ Thoại chỉ định HQ Đại tá Hà Văn Ngạc làm OTC tức là chỉ huy trưởng Liên Đoàn Đặc Nhiệm 231.4. (Trang 109 của Bravery in Defeat)
  • Nhìn trận đánh một cách khách quan, cùng với những tài liệu, bình luận của giới quân sự quốc tế và sự thừa nhận của Trung Cộng Hải đoàn Đặc nhiệm I Hoàng Sa của Hải quân Việt Nam Cộng Hoà (HQVNCH) với các chiến hạm tham chiến: HQ4, 5, 16, và HQ10 đã gây tổn thất nặng nề cho Hải đoàn của Hải quân PLAN tham chiến gồm các chiếc hạm mang các số 271 và 274 (Lớp: tàu săn tàu ngầm lớp Kronstadt), 389 và 396 (Lớp tàu T-43 quét mìn 010 đại dương) và 2 tàu dân quân, vỏ sắt, trang bị hải pháo 25 ly ngụy trang tàu đánh cá mang số hiệu Nam Ngư 402 và 407.
  • “Trên đảo phía Trung Cộng nổ súng trước và trên biển HQVNCH nổ súng trước để đánh phủ đầu, chiếm ưu thế, giảm thiểu thiệt hại và chứng minh cho Trung cộng biết rằng đây là lãnh hải của VNCH”.
    Tóm lược thủ bút của Tổng thống Thiệu chỉ thị cho Phó Đề Đốc Thoại: “Thứ nhất dùng mọi biện pháp ôn hòa mời tất cả chiến hạm của Trung cộng rời khỏi lãnh hải của Việt Nam Cộng Hoà (VNCH). Thứ hai, nếu họ không thi hành thì được quyền nổ súng cảnh cáo trước mũi các chiến hạm này và nếu họ ngoan cố thì toàn quyền xử dụng vũ khí để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ VNCH”. Đồng thời Phó Đề đốc Thoại còn dặn HQ Đại tá Hà Văn Ngạc (Sĩ quan Chỉ huy Chiến thuật [OTC]) ra lệnh cho các chiến hạm đồng loạt nổ súng với mục đích phân tán sự phản pháo của địch (trích trong Can Trường Trong Chiến Bại).
    Vì vậy HQVNCH nổ súng trước đã bẻ gãy chiến thuật của hải đoàn Hoàng Sa Hải quân PLAN khi chúng dùng chiến thuật “cài răng lược” và “dao chém cạnh sườn” (dùng tàu nhỏ, thấp trên mặt biển tránh né tầm đại pháo, đánh cận chiến và vận chuyển linh hoạt cắt đội hình của địch. Đây là chiến thuật dùng tàu nhỏ tấn công tàu lớn của của các nước khối cộng sản nói chung và của TC nói riêng).
  • Viên đạn 127ly của HQ-5 bắn lạc chui lọt vào hầm máy làm HQ-16 nghiêng 20 độ là sự thật. Nhưng việc lạc đạn trong lúc giao chiến đối phó với chiến thuật “cài răng lược” của địch không thể không xảy ra. Sự thật không khó để giải thích!
  • Theo “The 1974 Paracels Sea Battle: A Campaign Appraisal” của Toshi Yoshihara – US Naval War College Review Spring 2016, Vol. 69, No. 2: “Trận hải chiến Hoàng Sa đã nổ ra tại một điểm uốn lịch sử với những chính sách hỗn loạn của Trung Quốc. Đất nước vẫn còn quay cuồng kể từ Cách mạng Văn hóa khi cuộc chiến bùng nổ. Phong trào chính trị cực đoan đã tàn phá sự nhanh nhẹn của quân đội TC đến mức mà hải quân TC gần như đã trả giá rất đắt cho điều đó, với nổi thất bại ở chiến dịch Hoàng Sa”.
    (https://cvdvn.files.wordpress.com/2018/03/the-1974-paracels-sea-battle-a-campaign-appraisal-yoshihara.pdf)
  • Cũng theo chuyên gia Toshi Yoshihara (US Naval War College Review) các thập niên 1950, 1960 và 1970, Hải quân Mỹ thường tân trang chiến hạm cũ từ Chiến tranh thế giới thứ II rồi viện trợ cho đồng minh ở châu Á như Đài Loan, Việt Nam Cộng Hòa, Philippines… Vũ khí, hệ thống điện tử, hệ thống điều khiển của tàu viện trợ đều lỗi thời. Trong khi đó, Liên Xô, Trung Cộng và một số quốc gia Đông Âu đã trang bị cho hải quân họ theo quan điểm đổi tiện nghi, trang bị điện tử để lấy ưu thế về tốc độ, vũ khí và dùng những chiến thuyền nhỏ tấn công các chiến hạm lớn.
    Trận chiến Hoàng Sa diễn ra chủ yếu trong lòng của vùng đảo Nguyệt Thiềm, chiến hạm TC nhỏ, nằm sát mặt nước nên rất khó bắn trúng, đồng thời dễ dàng nâng cao độ của hải pháo, tạo thế tấn công hữu hiệu. Hải pháo của chiến hạm VNCH nằm trên cao so với hải pháo TC nên khó xoay trở ở cự ly gần, vận chuyển chậm. Hơn nữa, khi Mỹ chuyển giao các chiến hạm cho Hải quân Việt Nam Cộng hòa, các trang bị tối tân như pháo 76,2 ly bắn nhanh tự động với hệ thống radar kiểm soát (radar control) và khóa mục tiêu (lock-on system) đã bị tháo gỡ hoặc không còn sử dụng được. Khẩu 127 ly trên các tuần dương hạm của Việt Nam Cộng hòa đều phải điều chỉnh bằng tay nên nhịp bắn rất chậm, chỉ hữu hiệu trong việc yểm trợ hải pháo.
  • Đánh giá đúng đắn về cấu trúc và hỏa lực của các chiến hạm Mỹ chuyển giao cho HQVNCH vốn là những chiến hạm cũ từ thời Đệ II Thế chiến, là những loại tàu tuần duyên, hộ tống, yểm trợ, tiếp liệu, trục lôi của Hoa Kỳ chẳng hạn như các chiếc WHEC khi chuyển cho VNCH trở thành những các chiến hạm tuần dương như HQ5, HQ16. Những chiến hạm này không phải là loại tàu có khả năng hải chiến (vì các cơ quan trọng yếu, phòng hành quân, phòng truyền tin nằm trên mặt nước). HQVNCH có 2 tàu chiến (DER) có khả năng hải chiến là HQ1 và HQ4 (các cơ quan trọng yếu, phòng hành quân, phòng truyền tin nằm dưới mặt nước). Nhưng hệ thống bắn nhanh tự động với hệ thống radar kiểm soát (radar control), khóa mục tiêu (lock-on system), các giàn phóng phi đạn trên HQ1 và HQ4 đã bị Hoa Kỳ tháo gỡ hoặc không còn sử dụng được khi chuyển giao cho HQVNCH.
    Theo HQ Trương Văn Liêm, chuyên viên về cấu trúc chiến hạm, phụ tá Hạm phó HQ.5 và là sĩ quan huấn luyện của HQ.5 nhận định: “Về hoả lực và kỹ thuật, chiến hạm chúng ta thua địch nhưng so sánh kết quả trận hải chiến thì ngay vài phút đầu giao tranh, chúng ta đã bắn chìm một tàu và tiêu diệt được bộ chỉ huy trên soái hạm của địch. Kết quả này đúng mong muốn của chúng ta”.
    Tuy hải đoàn tham dự trận hải chiến của hải quân Trung Cộng có lực lượng, cấu trúc của các các chiến hạm tân tiến, có kỹ thuật và hỏa lực vượt trội hơn các chiến hạm tham chiến của HQVNCH nhưng địch phải thất bại trước sự dũng cảm và ý chí chống ngoại xâm mãnh liệt của ngưới lính VNCH (Theo Robert Gardiner – Conway’s All the World’s Fighting Ships 1947-1982).
    Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH thời ấy đã viết như sau: “Hải Quân Việt Nam được trang bị cho nhiệm vụ chính yếu là tuần tiễu các vùng sông ngòi và ngăn chặn địch quân xâm nhập vào vùng duyên hải, thực sự không phải là đối thủ của một Hải Quân tân tiến như Hải Quân Trung Cộng trong một trận Hải chiến tuy ngắn ngủi nhưng ác liệt tại Hoàng-Sa vào năm 1974”.
  • Có nhiều bài viết và sách báo quốc tế đã bênh vực cho lẽ phải chủ quyền của Việt Nam. Khi bàn luận về Hải lực Thế giới, giới quân sự tin tưởng ở những báo cáo chính xác của “Conway’s All the World’s Fighting Ships 1947-1982” vì uy tín quá lớn của Ban Biên Tập và Nhà Xuất-bản kỳ cựu hàng mấy thế kỷ qua. Họ tin vào pho sách bàn luận về chiến lược Hải lực Thế-giới “Conway’s All the World’s Fighting Ships 1947-1982” đã đề cao tinh thần kiên quyết của HQVNCH chống xâm lược. Chủ biên là Robert Gardiner viết rằng: “Không những chiến hạm Việt Nam đã dũng cảm bắn chìm hai tàu địch (271 và 389), gây hư-hại nặng cho 2 chiếc khác (274 và 396) của siêu cường Trung Quốc ngoài Hoàng Sa. Ðổi lại, thiệt hại của HQVNCH rất nhẹ, chỉ có Hộ Tống Hạm HQ-10 bị chìm.”
  • Lực lượng Trung Cộng có đủ hải, lục, không quân và tiềm thủy đỉnh (tàu ngầm) túc trực, sẵn sàng tham chiến. VNCH có chiến đấu cơ hiện đại nhất thời đó là loại F5E. Tuy nhiên chiến đấu cơ F5E có tầm hoạt động ngắn, đủ nhiên liệu bay ra Hoàng Sa rồi quay về mà không thể ở lại yểm trợ hoặc chiến đấu và hàng không mẫu hạm USS Enterprise của Ðệ Thất Hạm Ðội Hoa Kỳ đang có mặt trong vùng gần Hoàng Sa đã từ chối tiếp nhiên liệu cho phi cơ VNCH.
  • Trong bài viết của nhà báo Lữ Giang cho biết tài liệu Hoa Kỳ tiết lộ: Ngày 18/1/1974, Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH biết rõ hàng không mẫu hạm USS Enterprise của Ðệ Thất Hạm Ðội Hoa Kỳ đang có mặt trong vùng gần Hoàng Sa. Phó Đề đốc Diệp Quang Thủy, Tham mưu Trưởng Bộ Tư Lệnh Hải Quân đã hỏi Đại tá Kussan, tùy viên quân sự Mỹ tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân rằng phi cơ chiến đấu của VNCH khi đi tác chiến tại Hoàng Sa có thể hạ cánh xuống hàng không mẫu hạm USS Enterprise để xin tiếp tế nhiên liệu được không? Phó Đề đốc Thủy cho biết Ðà Nẵng cách Hoàng Sa trên 150 hải lý, do đó, phi cơ chiến đấu sẽ không đủ nhiên liệu để có thể vừa đi vừa về, nếu phải mang theo hai bình xăng thì không thể tác chiến được.
    Sau khi trao đổi với Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Sài Gòn, Đại tá Kussan đã trả lời cho Phó Đề đốc Diệp Quang Thủy như sau: Các chiến hạm Mỹ không thể tiếp tế cho Quân Lực VNCH vì hai lý do sau đây:
    Lý do thứ nhất, Hiệp Ðịnh Paris cấm Hoa Kỳ không được tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam (điều 4).
    Lý do thứ hai, Luật War Power Act ngày 2/9/1973 cấm Hoa Kỳ sử dụng lực lượng quân sự ở Ðông Dương. Vì thế, các chiến hạm Hoa Kỳ không thể tiếp tế nhiên liệu cho các chiến đấu cơ VNCH được. Các chiến hạm Hoa Kỳ chỉ có thể cứu giúp quân đội VNCH khi bị các tai nạn mà thôi. Tuy nhiên, đó phải là các tai nạn bình thường, còn các tai nạn do chiến đấu, các chiến hạm Hoa Kỳ cũng không thể cứu giúp được.
    Tuy nhiên, theo lời kể lại cuộc trao đổi sau này giữa Phó Đề đốc Diệp Quang Thủy và Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại khi gọi điện thoại cho Phó Đề đốc Diệp Quang Thủy, ông Thủy hoàn toàn phủ nhận sự việc đó. Chính Phó Đề đốc Diệp Quang Thủy nói:” Moa đâu có ngu đễ không biết là phi công mình đâu có đáp hàng không mẫu hạm được và phi cơ phải trang bị cơ phận đặc biệt và Hoa kỳ đời nào tham dự vào trận chiến khi đã rút hết quân khỏi miền Nam! Tôi vì lịch sự không thu lời nói của Phó Đề đốc Thuỷ lúc đó nhưng Tú Gàn và tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng cần có bằng chứng hơn là chỉ nghe theo lời kể của vài sĩ quan KQVNCH.”
    Ngày 21/1/2014 trên đài BBC Tiếng Việt, Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại trả lời với phóng viên nhà báo kiêm đạo diễn Trần Nhật Phong về câu hỏi có thông tin không quân VNCH lúc đó ở thế sẵn sàng để tái chiếm đảo Hoàng Sa nhưng đã không xảy ra việc này, Phó Đề đốc Thoại nói rằng ông “thực sự không nhớ có kế hoạch gì để đưa không quân VNCH ra tái chiếm” và ông cho biết thêm: “Riêng tôi thì tôi không được biết. Những gì trao đổi ở Sài Gòn, nếu có xảy ra, thì không được thông báo. Chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh, Tư lệnh Sư đoàn 1 Không quân cũng như Tư lệnh Quân khu 1 là Trung tướng Ngô Quang Trưởng với tôi là ba người chỉ huy và chịu trách nhiệm những gì xảy ra ở Quân khu 1 thì tôi không được nghe biết và tôi cũng không nhớ rằng tôi có nghe những kế hoạch nào từ trong Sài Gòn dùng không quân để tái chiếm lại Hoàng Sa. Quyết định đó có thể có và cũng có thể không. Nhưng có một điều tôi biết là Sư đoàn 1 Không quân, phi đoàn khu trục phản lực F5 lúc nào cũng sẵn sàng ở phi trường để cất cánh khi có lệnh để bảo vệ các chiến hạm của Hải quân VNCH.”
    Theo Chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh , Tư lịnh Sư đoàn 1 Không quân cho biết F-5 chỉ chiến đấu được khoảng 15 phút, nếu hơn sẽ không đủ xăng bay về khi điện đàm với Phó Đô đốc Thoại (Theo Can trường Trong Chiến Bại, xuất bản tháng 3 năm 2007)
    Tuy tương quan lực lượng bất cân xứng nhưng các chiến hạm VNCH cũng đã gây tổn thất nặng nề cho hải quân Trung Cộng khi đánh chìm 2 chiếc 271 & 389, bắn hư hại nặng 2 chiếc 274 & 396 và tiêu diệt trọn Bộ chỉ huy Tham mưu của hải quân TC trên Soái hạm 274 ngay sau vài phút khai chiến, gây tử thương cho một Đô Đốc Chính trị viên (Tư lệnh phó Phương Quang Kinh) và nhiều sĩ quan cao cấp tham mưu trên Soái hạm, gồm có 7 Đại tá, 10 Trung tá, 2 Thiếu tá, 7 sĩ quan cấp úy tử thương và hàng trăm binh sĩ chết và bị thương. Đây là chiến thắng oanh liệt của HQVNCH trong trận Hải Chiến Hoàng Sa?
  • Theo Đô đốc Kong Zhaonian, sau đó là Phó tư lệnh Hải quân Trung cộng, nguyên tắc chiến thuật không bắn phát súng đầu tiên, thể hiện nổi lo sợ về sự can thiệp của các chiến hạm Hoa Kỳ đang hướng đến quần đảo Hoàng Sa từ Philippines và sẽ làm phức tạp thêm quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ. Cho nên Trung cộng đã dàn dựng trận chiến như là một “phản công tự vệ” khi ra lệnh các chiến hạm TC cố tình khiêu khích các chiến hạm HQVNCH. Bắc Kinh không ngờ thủ đoạn này đã làm Hải đoàn (271, 274, 389 và 396) của chúng bị tổn thất nặng nề, coi như hải quân Trung cộng PLAN bại trước hải quân VNCH. Điều này cho thấy Chính trị (quan hệ Ngoại giao) đã ảnh hưởng đến chiến lược của Trung Cộng trong trận Hải Chiến Hoàng Sa 1974.

II. Sau trận Hải Chiến (ngày 20-1-1974): Dù thất thủ nhưng đã nêu cao tinh thần chống ngoại xâm của QLVNCH.

  • Dù HQVNCH gây tổn thất nặng nề cho Hải đoàn Hoàng Sa của Hải quân Trung Cộng PLAN nhưng sau đó được lệnh phải rút lui rời khỏi Hoàng Sa trước khi hải quân TC xua một lực lượng hải quân hùng hậu mạnh gấp chục lần HQVNCH gồm hải lục không quân và tàu ngầm xâm chiếm Hoàng Sa. Các hạm đội của TC kéo đến ngay sau khi trận hải chiến chấm dứt và ngày hôm sau đã bắn phá lên các đảo và đổ bộ nhiều đại đội dân quân chiếm một số đảo tại Hoàng Sa (đảo Hữu Nhật, Hoàng Sa và Quang Ánh). Đội tàu đầu tiên được tập hợp lại trước đảo Hửu Nhật vào sáng 20 tháng Giêng. (Tài liệu của Trung Cộng).
    Lực lượng chiếm Hoàng Sa gồm có hạm đội Hải quân Nam Hải với 2 tàu săn tàu ngầm lớp Hải Nam mang số 281 và 282 thuộc sư đoàn đồn trú ven biển ở Sán Đầu (Shantou), cách gần 9 km tính từ Hải Nam đã tăng tốc đến Đảo Phú Lâm, tiếp nhiên liệu trên dọc đường đi ở Trạm Giang (Zhanjiang) và Ngọc Lâm (Yulin) để nhanh chóng có mặt tại Hoàng Sa và bắn chìm HQ-10 (trước đó chỉ còn một máy) thành bất khiển dụng và đang bốc cháy.
    Ngoài hạm đội Nam Hải, còn có tàu ngầm lớp Romeo loại 033, bao gồm 157, 158, và 159 có căn cứ tại Ngọc Lâm, Hạm đội phương Đông tăng cường, trang bị SY-1 tên lửa dẫn đường Loại 01 lớp Chengdu và Mao Trạch Đông đích thân ra lệnh cho ba khu trục hạm từ eo biển Đài Loan đến quần đảo Hoàng Sa. (Theo tài liệu của Trung Cộng).
  • Sau khi thăm dò thấy Hoa Kỳ hoàn toàn không can thiệp vào trận hải chiến, Bắc Kinh liền xua quân tiến chiếm Hoàng Sa.
    Quyết tâm chiếm lấy Hoàng Sa vì Bắc Kinh từng nhấn mạnh giá trị chiến lược của quần đảo Hoàng Sa, với “ngồi chắn ngang tuyến thông tin liên lạc đường biển quan trọng”.
    Theo bộ sách bách khoa toàn thư chính thức của hải quân Trung Cộng PLAN “Quần đảo Hoàng Sa phục vụ như là tấm bình phong của thiên nhiên bảo vệ Trung Quốc và cũng là một tiền đồn. Những tuyến đường biển và đường hàng không hướng tới Singapore và Jakarta từ bờ biển Trung Quốc phải đi qua khu vực này, tạo cho nó một vị trí vô cùng quan trọng”. Cách đảo Đông Sa khoảng 660 cây số về phía tây nam, cách bãi ngầm Scarborough 550 km về phía tây, và cách chừng 700 km về phía tây bắc của quần đảo Trường Sa, quần đảo có vị trí quan trọng được xem như một bước đệm cần thiết đối với những hòn đảo khác do Trung quốc tuyên bố chủ quyền trên khắp Biển Đông, mở đường cho “Đường lưỡi bò” (Từ thời Mao trạch Đông và đang được tổng thống không ngai Tập Cận Bình tiếp nối).
  • Sự chênh lệch về sức mạnh hải quân dường như giới quân sự quốc tế ủng hộ VNCH đã gây cho các nhà bình luận Trung Quốc ra sức thần thoại hóa cuộc chiến thắng của Hải Chiến Hoàng Sa. (Theo “The 1974 Paracels Sea Battle: A Campaign Appraisal” của Toshi Yoshihara).
  • Đặc biệt giới quân sự quốc tế quan tâm đến những ký ức khác hẳn những phiên bản Trung cộng về các sự kiện Hải Chiến Hoàng Sa. Hơn nữa, những mâu thuẫn cũng đã tồn tại giữa những tường thuật, mô tả khác nhau của những người lính Trung Cộng từng tham chiến trận đánh đã gây cho giới bình luận đánh giá thấp tài liệu về Hải Chiến Hoàng Sa năm 1974 của Trung Quốc.
    Hải chiến Hoàng Sa 1974 là cuộc chiến do Bắc Kinh kích động nhằm thăm dò phản ứng của Washington đối với biển Đông để đặt nền móng ‘Đường lưỡi bò’ của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình thi hành và Tập Cận Bình đang tiếp tục tiến hành mộng bá quyền trên biển Đông.
    Washington đứng ngoài Hải Chiến Hoàng Sa năm 1974 đã sai lầm trong chính sách về biển Đông thời đó, đưa đến sự lấn áp của một nước lớn (Trung Quốc) đối với các nước nhỏ quanh vùng, dẫn đến những căng thẳng tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại biển Đông ngày nay.

III. Kết luận:
Qua những sự thật về Hải chiến Hoàng Sa 1974 được trình bày ở trên cho thấy HQVNCH đã chiến thắng trong trận ‘Hoàng Sa Hải Chiến’ tuy nhiên sau đó không thể bảo vệ được Hoàng Sa trước lực lượng khổng lồ của hải quân Trung Cộng đang kéo đến xâm lược Hoàng Sa.
Kịp thời ra lệnh triệt thoái các chiến hạm VNCH đang tham chiến tại Hoàng Sa về lại Đà Nẵng của Đô Đốc Tư Lệnh HQ Trần Văn Chơn để bảo tồn lực lượng là một quyết định thật sáng suốt và đúng binh pháp.
Các Tử sĩ Hoàng Sa với HQ10 Nhựt Tảo chìm vào lòng đại dương như cột mốc đánh dấu lãnh hải ngàn đời của nước Việt.


PHẦN II

HẢI CHIẾN HOÀNG SA 1974 Đi Vào Lịch Sử Hào Hùng Chống Ngoại Xâm

Như đã trình bày nơi lời tựa Phần I để bài viết mang tính trung thật khi viết về trận hải chiến, người viết mạn phép sử dụng bài viết hay câu chuyện tường thuật của những nhân chứng sống từng tham dự trận hải chiến trong phạm vi trách nhiệm hay trong nhiệm sở của chính họ trên chiến hạm trong lúc giao tranh như của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (sách, bài phỏng vấn, youtube), HQ Đại úy Lê Văn Thự (Trung tâm Trưởng Trung Tâm Hành Quân của BTL vùng 1 Duyên Hải), Thiếu Tá Bộ binh Phạm Văn Hồng (Trưởng toán Công binh của Quân đoàn 1 ra Hoàng Sa), HQ Tr/úy Phạm Ngọc Roa (HQ4), ThS/ GL Lữ Công Bảy (HQ4), HQ Th/úy Nguyễn Văn Qúy (HQ5), HQ Th/úy Phạm Công Minh (HQ5), HQ Tr/úy Hà Đăng Ngân (HQ10), HQ Th/úy Phạm Thế Hùng (HQ10), HQ Tr/úy Nguyễn Đông Mai (HQ10), HQ Th/úy Tất Ngưu (HQ10), HQ Đặng Quốc Tuấn (GL/HQ16) và Nhật ký Hải hành của HQ10 do một nhân viên HQ10 đào thoát gửi cho cô Thanh Thảo, con gái của cố HQ Thiếu tá Hạm Phó Nguyễn Thành Trí (HQ10).

.
I. Diễn biến khởi đầu trận hải chiến

Mùa hè năm 1973, một loạt sự kiện tranh chấp một số đảo tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa VNCH và Trung cộng xảy ra.
Vào tháng Mười, hai tàu đánh cá của Trung cộng (TC), mang số hiệu Nam Ngư 402 và 407, xuất hiện gần nhóm Lưỡi Liềm (Crescent) và bắt đầu hoạt động ở đó. Các thuyền viên cắm cờ TC trên các đảo mà ở đó VNCH đã kiểm soát từ nhiều thập niên trước.
Tại quần đảo Hoàng Sa (HS) TC cũng đặt một căn cứ tiếp liệu trên đảo Quang Hòa (Duncan), nơi mà VNCH đã đuổi họ hơn một thập kỷ trước.
Ngày 10 Tháng 1 năm 1974, thuỷ thủ đoàn của hai tàu đánh cá TC xây dựng một nhà máy chế biến hải sản trên đảo Hữu Nhật (Robert).
Ngày 11/1/1974, Trung cộng tuyên bố quần đảo Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa) và bãi cạn Macclesfield thuộc chủ quyền của TC. Ngay lập tức, Ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) Vương Văn Bắc lên tiếng bác bỏ lời tuyên bố vô căn cứ và lên án hành động gây hấn của TC.
Và sau đó hải quân TC liên tiếp xâm phạm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) khi đổ bộ chiếm đóng các đảo Quang Hòa, Duy Mộng và Cam Tuyền dẫn đến leo thang căng thẳng tại Hoàng Sa lẫn mặt trận ngoại giao cho đến khi cuộc hải chiến bùng nổ.

.
II. Diễn biến những ngày trước trận Hải Chiến

  • Ngày 15-1-1974:
    Sáng sớm ngày 15-1, Tuần Dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 (Trung tá Hạm trưởng Lê Văn Thự) được lệnh rời cảng Tiên Sa – Đà Nẵng đưa phái đoàn Công Binh của Quân Đoàn I ra HS khảo sát và nghiên cứu xây một phi trường trên đảo HS (Pattle) cho loại phi cơ vận tải loại nhỏ có thể đáp và cất cánh như C-130. Trên đảo này có một Trung đội Địa Phương Quân của Tiểu khu Quảng Nam trấn giữ và nhân viên đài Khí Tượng HS. Phái đoàn công binh gồm có Thiếu tá Phạm Văn Hồng, Sĩ quan Lãnh Thổ Phòng 3, Quân đoàn I, làm trưởng phái đoàn, một người Mỹ tên Gerald Kosh, nhân viên Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Đà Nẵng, 2 sĩ quan và 2 hạ sĩ quan công binh. Tổng cộng 6 người.
    HQ16 đến Hoàng Sa vào chiều tối ngày 15-1-1974.
    Khi HQ.16 vừa khởi hành từ Đà Nẵng thì tiểu khu Quãng Nam cho hay địa phương trên đảo báo cáo có vài ghe đánh cá gần bờ đảo Pattle. Tư lịnh V1ZH, Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại chuyển ngay tin tức đó đế HQ.16 và chỉ thị HQ.16 khi đến nơi phải đi tuần chung quanh các đảo và báo cáo chi tiết.
    Theo “The 1974 Paracels Sea Battle: A Campaign Appraisal, của Toshi Yoshihara (US Naval War College Review Spring 2016, Vol. 69)” lấy từ tài liệu của TC cho biết TC đã ngụy tạo nguyên nhân dẫn đến trận hải chiến, cho rằng: Ngày 15-1, HQ16 tuần tiễu tại nhóm Lưỡi Liềm (Crescent) bắt gặp các thuyền đánh cá số hiệu 402 và 407 của TC gần đảo Hữu Nhật (Robert Island), HQ16 ra lệnh cho hai tàu đó rời khỏi khu vực. Sau đó, HQ16 bắn cảnh cáo họ và nã pháo vào đảo Hữu Nhật, làm nổ tung cờ của TC cắm ở đó”.
  • Ngày 16-1-1974:
    Sáng sớm sau khi đưa toán Công Binh lên đảo, HQ16 theo chỉ thị của Phó Đề đốc Thoại đi tuần quan sát quanh các đảo và báo cáo tình hình chi tiết tại Hoàng Sa khi tiểu khu Quãng Nam cho hay địa phương trên đảo báo cáo có vài ghe đánh cá gần bờ đảo Pattle.
    Khoảng 10 giờ sáng ngày 18-1, HQ16 phát hiện trên màn ảnh radar 1 vệt nhỏ đang di chuyển về hướng đảo Quang Hòa (Duncan). HQ16 theo dõi và phát hiện đó là tàu TC ngụy trang đánh cá, sơn mầu xanh lá cây đậm, vỏ bằng sắt, trang bị đại bác 25 ly, HQ16 dùng quang hiệu yêu cầu tàu Trung Cộng rời khỏi lãnh hải VNCH, tàu này không trả lời, HQ16 tiến lại gần thì tàu cá TC mới rời khỏi hải phận Hoàng Sa, chạy về hướng Đông-Bắc đảo Quang Hòa. HQ16 quan sát trên đảo Quang Hòa phát hiện đảo này đã bị chiếm đóng, trên đảo có mấy dãy nhà gỗ, có chòi canh vọng gác cao, cắm cờ Trung Cộng, rất nhiều người di chuyển qua lại, đang xây cất thêm doanh trại.
    HQ16 báo cáo về Bộ Tư Lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên Hải (BTL/HQ/V1ZH) tình hình tại đảo Quang Hòa như kể trên và nhận được chỉ thị từ BTL/HQ/V1ZH tiếp tục quan sát các đảo khác trong quần đảo HS, ghi nhận các sự kiện sau:
  • Đảo Vĩnh Lạc (Money) vì có nhiều rừng cây cao nên HQ16 quan sát từ phía Tây không thấy được suốt bờ phía Đông của đảo, do đó HQ16 phải đi vòng qua bờ phía Đông của đảo, HQ16 thấy trên đảo cắm nhiều cờ TC.
  • Đảo Duy Mộng (Drummond) và Đảo Cam Tuyền (Robert) không có người, nhưng có cắm cờ Trung Cộng. Riêng đảo Duy Mộng (Drummond) có 2 tàu nhỏ số hiệu Nam Ngư 402 và 407, từ mũi đến lái có trang bị 3 giàn súng, tất cả được phủ lên bằng lưới đánh cá để ngụy trang đang bỏ neo sát bờ. Trên tàu đánh cá ngụy trang có nhiều người mặc áo thun quần đùi và quân phục lính TC. HQ16 dùng đèn quang hiệu, loa phóng thanh cầm tay và cờ hiệu yêu cầu họ rời khỏi hải phận của VNCH, chẳng những họ không tuân hành lại có nhiều hành động khiêu khích.
    HQ16 tiếp tục báo cáo về TTHQ/BTL/HQ/V1ZH và xin chỉ thị. Lập tức Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (Tư lệnh HQ/V1ZH) chỉ thị Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ4 (Trung tá Hạm Trưởng Vũ Hữu San) đang đi tuần vùng biển Quảng Ngãi từ Sa Huỳnh đến Cù lao Ré (đảo Lý Sơn) lập tức cho tàu về ngay Đà Nẵng để đưa toán Biệt hải và Hải kích (người Nhái của Hải Quân) ra Hoàng Sa, đồng thời HQ-4 tăng cường cho HQ-16.
    9h00 tối, HQ4 rời cảng Tiên Sa-Đà Nẵng đi Hoàng Sa.
    Cùng ngày 16-1-1974 về mặt ngoại giao Ngoại trưởng Vương Văn Bắc gửi công hàm cho Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để lưu ý tình hình đang căng thẳng nghiêm trọng có khả năng đe dọa hòa bình và an ninh Việt Nam cũng như quốc tế, xảy ra bởi lời tuyên bố chủ quyền và hành động của Trung Quốc đang diễn ra tại Hoàng Sa.
  • Ngày 17-1-1974:
    Chính phủ VNCH tiếp tục gửi công hàm cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đề nghị ban bố mọi biện pháp thích hợp để ổn định tình hình.
    HQ4 đến Hoàng Sa vào lúc 14h00 ngày 17-1-1974.
    15h00 cùng ngày, HQ16 đến đảo Cam Tuyền, án ngữ tại phía Đông Nam để yểm trợ cho HQ4 đổ bộ 27 biệt hải lên phía Tây đảo Cam Tuyền trong khi hai tàu Trung Quốc 402 và 407 đang ở phía Nam đảo Cam Tuyền.
  • Cùng ngày, sáng ngày 17-1, Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu viếng thăm BTL/V1ZH. Ngoài Tổng Thống Thiệu còn có sự hiện diện của Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân Khu I và Trung tướng Lê Nguyên Khang, đại diện Bộ Tổng Tham Mưu đã được Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại TL/V1ZH thuyết trình khoảng 45 phút về tình hình bất thường tại quần đảo Hoàng Sa: “Sự xuất hiện tàu TC và dân quân TC trên một số đảo”. Trước khi rời BTL/V1ZH để tiếp tục chương trình thăm viếng Vùng II Chiến Thuật Tổng thống Thiệu ra lệnh cố gắng ban đầu dùng thái độ ôn hòa yêu cầu các tàu và người của TC trên các đảo lập tức rời khỏi lãnh hải của VNCH, nếu cần, có thể dùng cả vũ lực đánh đuổi chúng.
  • Sau khi nhận được báo cáo từ các tàu số 402 và 407 về các hoạt động của Hải Quân VNCH, TC bắt đầu xuất kích lực lượng của mình. Ngày 16-1, hạm đội Nam Hải ra lệnh cho hai tàu săn tàu ngầm lớp Kronstadt số 271 và 274, đến Đảo Phú Lâm càng sớm càng tốt. Hai chiếc tàu này vội vã đến đích của chúng từ căn cứ hải quân Ngọc Lâm (Yulin) trên đảo Hải Nam. Sau khi đón nhận lực lượng dân quân hàng hải vũ trang, đạn dược, tiếp liệu tại đảo Phú Lâm. Vào ngày hôm sau, hai tàu số 271 và 274 đến nhóm Lưỡi Liềm. Có 2 phi cơ chiến đấu J-6 (MiG-19, phiên bản Trung Quốc) yểm trợ.
    18h00, HQ4 phát hiện hai tàu Trung Quốc mang số 271 và 274 từ đảo Quang Hòa tiến về đảo Cam Tuyền. HQ4 dùng quang hiệu yêu cầu các tàu này rời khỏi lãnh hải VNCH, tàu TC cũng dùng quang hiệu trả lời rằng các đảo này thuộc chủ quyền của họ và yêu cầu chiến hạm VNCH rút lui. Tiếp đó, các tàu này chạy quanh và di chuyển chặn đầu HQ4, bất chấp quy tắc hàng hải quốc tế.
    Trước sự ngoan cố và khiêu khích của tàu Trung cộng, HQ4 dùng mũi ủi ngang hông tàu địch ra xa. Thấy sự quyết liệt của HQ16 & HQ4, tàu địch bỏ chạy về phía Nam của 2 đảo Duy Mộng và Quang Hòa và thả trôi tại đó.
    Chiều ngày 17/1/1974, HQ 4 cho đổ bộ 20 chiến sĩ Người Nhái lên đảo Vĩnh Lạc (Money), thu dọn cờ Trung Cộng, cắm cờ Việt Nam Cộng Hòa.
    Tối 17-1 (theo Lời kể của HQ Đặng Quốc Tuần, Giám Lộ Tuần Dương Hạm HQ16):
    “HQ16 dùng xuồng đổ bộ 10 nhân viên cơ hữu lên đảo Vĩnh Lạc (đảo Money), do HQ Trung úy Lâm Trí Liêm chỉ huy để phá hủy và gom góp các chứng cớ ngụy tạo, nhổ cờ Trung Cộng và cấm lại cờ VNCH, tổ chức phòng thủ trên đảo. Sau trận hải chiến HQ16, HQ4 và HQ5 nhận được lệnh từ BTL/HQ/V1ZH rời vùng trở về Đà Nẵng bỏ lại toán công binh của Thiếu tá Bộ Binh Phạm Văn Hồng tại đảo HS và 10 nhân viên cơ hữu của HQ16 trên đảo Vĩnh Lạc….”
    (Xem lý do vì sao HQ16 bỏ lại 10 nhân viên cơ hữu trên đảo Vịnh Lạc và cuộc đào thoát 10 ngày đêm gian nguy trên biển trong “Phần 3. Cuộc tấn công của Phân đoàn 2 gồm HQ16, HQ10 diễn ra ở phía Bắc đảo Quang Hòa” phía cuối bài viết).
    Ngày 16-1, chiến hạm HQ5 Trần Bình Trọng (HQ Trung tá Hạm trưởng Phạm Trọng Quỳnh) đang ở Vũng Tàu thì được lệnh ra Ðà Nẵng. HQ5 cập cầu quân cảng Tiên Sa chiều ngày 17-1 và Hạm Trưởng Phạm Trọng Quỳnh lên BTL/HQ/V1ZH họp hành quân và sau đó Hạm trưởng Quỳnh trở về tàu với lệnh Hành Quân Trần Hưng Ðạo 47 do HQ Đại tá Hà Văn Ngạc (Sĩ quan Chỉ huy Chiến thuật trận Hoàng Sa) chỉ huy 2 Hải đoàn Đặc nhiệm và các toán Biệt Hải và Hải Kích của HQVNCH, gồm:
  • Hải Ðoàn Ðặc Nhiệm I: HQ4, HQ16, HQ5 và HQ10.
  • Hải Ðoàn Ðặc Nhiệm II: HQ1, HQ6, HQ17, HQ11 (ghi chú: Trận hải chiến xảy ra và kết thúc nhanh chóng trong khi các chiến hạm của ĐN -II còn ở xa, chưa đến Ðà Nẵng, cho nên Hải đoàn này ít được nhắc đến trong trận Hải chiến Hoàng Sa [CHHS]).
  • Và lực lượng Biệt Hải cùng toán người Nhái Hải quân gồm 49 người do HQ Trung úy Nguyễn Minh Cảnh làm trưởng toán.
    Giữa khuya ngày 17-1, HQ10 Nhật Tảo (HQ Thiếu tá Hạm trưởng Ngụy Văn Thà) và HQ5 Trần Bình Trọng nhận lệnh từ Tư lịnh HQ/V1ZH (Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại) rời quân cảng Tiên Sa đi Hoàng Sa. Trên HQ5 có HQ Đại Tá Hà Văn Ngạc, HQ5 trở thành Soái hạm. HQ5 ra đến Hoàng Sa vào khoảng 3 giờ chiều ngày 18-1.
  • Về phía Trung cộng, 2 tàu săn tàu ngầm K271 và 274 đến nhóm Lưỡi Liềm vào tối 17-1 và đổ bộ bốn tiểu đội dân quân vũ trang (mỗi tiểu đội mười thành viên) vào các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, và Quang Hòa Tây vào lúc xế nửa đêm rạn ngày 18 tháng 1. Đồng thời, hai tàu quét mìn xa bờ Loại 010 có căn cứ ở Quảng Châu, số hiệu 389 và 396, chạy đến quần đảo Hoàng Sa để tăng cường cho 2 chiếc 271 và 274 (Theo tài liệu của TC)
    Ngày 18-1
  • Sáng 18-1 theo yêu cầu của Đại Tá Ngạc toán công binh trên HQ16 được chuyển sang HQ5. Đến chiều tối 18-1, toán công binh lại được đưa lên đảo Hoàng Sa để tránh cuộc hải chiến có thể xảy ra bất cứ lúc nào (Theo Thiếu tá Phạm văn Hồng, trưởng toán công binh cho biết sự kiện đưa toán công binh trở lên đảo HS là yêu cầu của Gerald Kosh, nhân viên Sứ quán người Mỹ? Và khoảng 1 giờ trưa ngày 19-1, toán công binh cùng các nhân viên đài khí tượng và trung đội Địa Phương quân bị quân Trung cộng bắt làm tù binh đưa về Quảng Châu. Trong toán bị bắt về có HQ Trung úy Lê văn Dũng, trưởng toán Hải kích bị bắt trên đảo Cam Tuyền khi đổ bộ từ HQ4 lên đảo. Sau đó chúng chuyển tù binh VNCH về trại tù Thu Dung, huyện Huyền Hóa tỉnh Quảng Châu…).
  • Lúc 4h30 một trong bốn tàu Trung Quốc rời đảo Quang Hòa tiến về HQ4. Nhưng sau khi HQ4 tăng tốc tiến đến chặn đầu tàu địch thì tàu này rút lui về phía đảo Quang Hòa. (Theo tài liệu TC)
  • 8h45, HQ16 phát hiện thêm một tàu TC di chuyển phía Đông Nam đảo Duy Mộng. Trên đảo đã thấy cờ Trung Quốc.
    Khoảng 10h sáng, 4 chiến hạm TC lại xuất hiện, gồm 2 chiếc Kronstadt 271 và 274 và 2 chiếc khác mang số 389 và 396. Cả 4 chiến hạm TC đều di chuyển cản đường và chia cắt đội hình vận chuyển của các chiến hạm VNCH. Hành động khiêu khích này của các tàu TC đã gây ra những va chạm thân tàu của hai bên:
  • HQ16 và K-271 va chạm 2 hông tàu với nhau.
  • HQ4 đụng mũi vào hông sau của tàu T-389, làm gãy mấy trụ giây an toàn của tàu này.
    Sau sự va chạm các chiến hạm của ta và địch, 4 chiến hạm TC cùng di chuyển về hướng đảo Quang Hòa (Duncan) và thả trôi ở đó, nơi có 2 tàu cá ngụy trang NG-402 và 407.
  • 10h30, HQ4 hoàn tất đổ bộ toán 15 nhân viên cơ hữu lên tăng cường giữ đảo Cam Tuyền và rút tất cả toán biệt hải trở về chiến hạm. Trong khi tàu TC mang số hiệu 407 tiến đến khiêu khích HQ16.
  • 15h00 cùng ngày, Đại tá Hà Văn Ngạc và HQ5 đến Hoàng Sa. Sau đó Hải đoàn gồm HQ4, HQ5 và HQ16 tiến về Quang Hòa với hy vọng có thể đổ bộ toán hải kích lên đảo thì gặp hai tàu K-271 và K-274 tiến tới chặn đường. Hai bên liên lạc quang hiệu, xác nhận Hoàng Sa là lãnh hải của mình và yêu cầu phía đối phương phải rời ngay lập tức. Với hành động cố tình khiêu khích, chặn đường có thể gây nguy hiểm đụng tàu, các chiến hạm VNCH tạm thời lui về phía Nam đảo Hoàng Sa chờ HQ10 nhập vùng và tiếp tục theo dõi các chiến hạm TC.
  • 19h15, HQ5 phát hiện thêm hai chiến hạm TC loại T43 cải biến mang số 389 và 396.
  • 20h00, HQ10 Nhật Tảo nhập vùng (HQ10 và HQ5 cùng khởi hành từ cảng Tiên Sa – Đà Nẵng đi HS vào giữa khuya 17-1. Nhưng HQ10 trong tình trạng chiến hạm đang chuẩn bị về Saigon sau chuyến công tác dài hạn tại vùng 1 duyên hải và HQ10 chỉ còn một máy chánh (còn một giò) nên tốc độ vận chuyển rất chậm, phỏng định khoảng 10 knots/g, cho nên HQ10 đến Hoàng Sa vào lúc 10 giờ tối ngày 18-1.
  • 23h00 HQ Đại tá Hà Văn Ngạc nhận lệnh từ trung tâm Hành quân (TTHQ) tái chiếm đảo Quang Hòa một cách ôn hòa. Đại tá Ngạc liền chia hải đoàn ra làm hai Phân đoàn đặc nhiệm chuẩn bị hành quân vào sáng 19-1: Phân đoàn 1 gồm HQ4 và HQ5 có mặt tại phía Nam và Tây Nam đảo Quang Hòa để đổ bộ hai toán hải kích và biệt hải. Phân đoàn 2 gồm HQ10 và HQ16 do HQ Trung Tá Lê Văn Thự chỉ huy với nhiệm vụ giữ nguyên vị trí trong lòng vùng đảo Nguyệt Thiềm để yểm trợ cho việc đổ quân của HQ4 và HQ5. Lệnh còn nhấn mạnh rằng: “Nếu cuộc đổ bộ không thành thì các chiến hạm sẽ dùng hỏa lực tiêu diệt các chiến hạm của địch trước khi đổ bộ thanh toán quân TC trên các đảo”.
    Đêm 18-01-1974 các chiến hạm VNCH nhận lệnh làm tối chiến hạm (darken ship) chờ sáng sớm hôm sau (19-1) xuất quân. Một đêm trôi qua một cách yên lặng.


III. Ngày 19-1 – Trận hải chiến bùng nổ

  • 1. Tình hình vài giờ trước khi hải chiến bùng nổ:
    Khoảng gần sáng có hai lần 2 phi cơ địch (MiG 19, theo tài liệu của TC) bay ngang vùng HS (Theo HQ Trung úy Nguyễn Đông Mai và HQ Thiếu úy Tất Ngưu, sĩ quan của HQ10 xác nhận trong bài viết của hai tác giả).
  • Sáng ngày 19-1, HQ4 đổ biệt hải và Người Nhái hải quân lên đảo Duy Mộng.
  • 7h30 sáng, 30 hải kích trên HQ5 đã đổ bộ lên đảo Quang Hòa và tiến sâu vào đảo khoảng vài chục mét thì bị lính TC trên đảo dàn ngang chận lại. Hai bên dằn co gần cả tiếng đồng hồ. Càng lúc lính TC càng đông và đẩy lùi toán hải kích VNCH trở lui về bờ biển, nơi vừa đổ bộ. Thấy tình hình gay go trên đảo, Đại tá Ngạc ra lệnh toán Người Nhái của Trung úy Lê Văn Đơn đổ bộ lên phía bờ Đông của đảo. Toán người Nhái của Trung úy Đơn đang khó khăn vượt qua cái đầm để tiến vào bãi biển thì lính TC trên đảo nổ súng làm HQ Trung úy Lê Văn Đơn và Hạ sĩ Nhất người Nhái Đỗ Văn Long (Long Sandwich) trúng đạn tử thương tại chỗ và 3 Người Nhái khác bị thương. Đại tá Ngạc thấy tình hình đổ bộ Biệt hải và người Nhái lên đảo trở thành tấm bia đạn cho lính TC tác xạ từ trên đảo, cho nên ông báo cáo về TTHQ xin lệnh rút Biệt Hải và Người Nhái trở về chiến hạm, ngoại trừ xác của hạ sĩ Nhất Đỗ Văn Long không mang được về tàu. (Theo lời kể của Thượng sĩ Giám lộ Lữ Công Bảy trên HQ4)
    Trong khi từ phía Bắc đảo, lính TQ ồ ạt đổ quân lên đảo, trong khi HQ4 và HQ16 báo cáo không thể đổ bộ quân lên đảo được.
    Trên mặt biển đã thấy HQ16 và HQ10 đang tiến về phía Tây Nam đảo Quang Hòa, theo sau là 4 tàu chiến TC đang tiến vào đội hình chiến hạm của HQVNCH.
  • Khoảng 9h45 hai tàu 271 và 274 tiến đến HQ4. Các nòng súng đại bác 100 ly và nhiều đại bác 37 ly của tàu địch trực thẳng vào HQ4.
    Theo tường thuật của HQ Đại úy Lê Văn Thự, Trung tâm Trưởng trung tâm Hành quân BTL/HQ/V1ZH:
    “Cũng trong lúc này, từ Đà Lạt Tổng Thống Thiệu gọi điện thoại về TTHQ/HQ/VIDH hỏi :
  • Tình hình Hoàng Sa như thế nào?
    Tư Lệnh HQ/V1ZH, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại trả lời trực tiếp với Tổng Thống Thiệu:
  • Chúng ta đổ bộ lên đảo có quân TC đã bị địch kích trên đảo nổ súng làm cho 2 chiến sĩ Người Nhái tử thương.
    Nghe tin xấu này Tổng Thống Thiệu hỏi tiếp:
  • Như vậy Hải Quân đã phản ứng gì chưa?
    Tổng thống ra lệnh cho Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại toàn quyền dùng tất cả biện pháp cứng rắn thích ứng đối với địch (TC). Nếu cần, dùng cả vũ lực để chứng minh cho Trung cộng biết rằng đây là lãnh hải của VNCH và nhất định không để mất một tấc đất vào tay giặc.”
    Theo Phó Đề đốc Thoại cho biết với câu hỏi ngắn gọn và lệnh sau cùng của Tổng Thống Thiệu như trên đã đưa Phó Đề đốc Thoại đến quyết định khai hỏa, mặc dù ông nhìn thấy được tương quan bất cân xứng giữa hai lực lượng tham chiến: phía VNCH chỉ có 4 chiến hạm tham chiến và 4 chiến hạm khác đang trên đường ra HS tiếp ứng phải đương đầu với lực lượng hùng hậu của Trung cộng có đủ tất cả lực lượng hải, lục, không quân và tiềm thủy đỉnh (tàu ngầm) túc trực, sẵn sàng tham chiến của Hạm đội Nam Hải.
    Do đó, đúng 10 giờ sáng ngày 19-1-1974 Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại ra lệnh cho Đại Tá Ngạc nổ súng trước để đánh phủ đầu địch, chiếm ưu thế và tránh nhiều tổn thất . (Lệnh này đã đưa đến kết qủa Hải quân VNCH đánh bại 4 chiến hạm TC sau 30 phút giao chiến và kịp thời rút lui trước khi Hạm đội Nam Hải kéo đến).
    Nhận được lệnh khai hỏa từ Tư lịnh Hồ Văn Kỳ Thoại, Đại Tá Ngạc lập tức khai triển chiến thuật tấn công phủ đầu: HQ 10 sẽ tác xạ lên đảo Quang Hòa có quân TC để làm hiệu lệnh cho HQ4, 5 và HQ16 tác xạ thẳng vào các chiến hạm địch.
    Đúng 10h25, Đại tá Ngạc ban lệnh khai hỏa. Trận hải chiến bùng nổ ác liệt…..
  1. Cuộc tấn công của Phân đoàn 1 gồm HQ5, HQ4 diễn ra ở phía Tây Nam đảo Quang Hòa:
    Tàu của VNCH đã tìm cách giữ khoảng cách, nhưng tàu TC nhanh chóng tiến đến từ vài ngàn mét đến hàng trăm mét. Tàu địch 271 và 274 tập trung hỏa lực vào HQ-4, trong khi hai chiếc 396 và 389 tấn công HQ-16. Các đơn vị hải quân TC (PLAN) nhắm vào các thiết bị thông tin liên lạc, radar và đài chỉ huy nhằm bịt mắt và phá hoại những liên lạc của đối phương. Trong hỏa lực dử dội bắn lẫn nhau, HQ-4 bắt đầu bốc khói… (Theo tài liệu TC)
  • HQ4 trong khoảnh khắc tử chiến hạm, Hạm trưởng Vũ Hữu San cho tàu vận chuyển linh hoạt theo hình chữ chi (Z) nên tránh được nhiều loạt hải pháo của địch. Tuy nhiên có một trái đạn 100 ly của tàu địch bay lọt vào ống khói nổ tung làm mảnh đạn văng vào đài chỉ huy làm HQ Trung úy Roa bị thương nơi chân. Các mảnh đạn khác phá sập màn hình radar. Dây liên lạc các ổ hải pháo bị mảnh đạn cắt đứt, không liên lạc được. (Theo HQ Nguyễn Đông Mai trên HQ10 tường thuật)
    Phía tàu chiến TC cũng bị thiệt hại nặng. Trong làn đạn 76,2 ly của HQ4 và 127 ly của HQ5, chiếc Kronstadt 271 bị trúng đạn bốc cháy dữ dội và chìm. (Tuy Trung cộng lúc bấy giờ dấu diếm thiệt hại nhưng gần đây có vài youtube từ Trung cộng tiết lộ vài sự thật khi lvài đài truyền hình làm các cuộc phỏng vấn nhân chứng sống, từng là những người lính TC tham chiến HCHS)
    Sau ít phút giao tranh, hải pháo 76,2 ly của HQ4 ở sân mũi gặp trở ngại và phải chờ sửa chữa. Tuy vậy, HQ4 vẫn tận dụng hỏa lực còn lại, tiếp tục bám sát mục tiêu của mình trong tầm đại liên.
  • 10h40, khẩu 76,2 ly của HQ4 ở sân lái sau bị hỏng bộ phận tự động nên phải điều chỉnh bằng tay, bắn từng phát một nặng nề và chậm chạp. Lập tức Đại tá Ngạc đã ra lệnh cho HQ4 rút lui khỏi vòng chiến để sửa chữa và chỉ thị HQ5 yểm trợ cho HQ4 rút ra xa. Thấy hoả lực chính của HQ4 bị trở ngại tác xạ, tàu TC 274 bám theo HQ4 thì bị HQ5 cắt đuôi HQ4 chận tàu 274 của địch.
    Những khối cầu lửa từ mũi HQ 5 bắn ra từ đại bác 127 ly bay thẳng vào 274. Ngoài chiếc 271 đang bốc cháy, đang chìm lại thêm chiếc 274 trúng đạn sau lái làm 274 loay hoay rồi quay ngang lãnh đủ hàng loạt đạn đại liên từ HQ4, 274 bốc cháy và dạt vào bờ san hô phía Nam đảo Quang Hòa. (Theo HQ Lữ Công Bảy, ThS Giám lộ trên HQ4 kể)
    HQ4 tuy bị trúng nhiều đạn nhưng máy móc chính và hệ thống truyền tin vẫn điều khiển tốt.
    Phòng truyền tin của HQ5 bị trúng 2 trái đạn 100 ly làm hư hại máy siêu tần số không còn liên lạc được và máy truyền tin trên đài chỉ huy cũng bị trúng đạn bể nát, Đại tá Ngạc phải vào Trung tâm chiến báo (CIC) dùng máy VRC46 để chỉ huy.
  • 11h00, chiếc 274 của TC được chiếc 389 tiếp trợ, hợp lực quay lại tấn công HQ5. Một mình đối đầu với 2 tàu địch (274 và 389), HQ5 bị “thương” nặng, ụ tháp hải pháo 127 ly bị trúng đạn. Tuy HQ5 bị trúng nhiều đạn nhưng phản công dữ dội khiến tàu địch thiệt hại nặng phải chùn lại. Soái hạm K-274 bị hư hại nặng, toàn bộ Bộ Chỉ huy Mặt trận của TC bị tử thương (Trong đó có Phong Songbai, Tư lệnh phó Mặt trận, kiêm Chính trị viên thiệt mạng).
    Trong khi đó, chiếc 389 sau những đòn bị bắn trúng trực diện, 389 rơi vào tình trạng nguy ngập. Con tàu bị đánh cho tơi tả, lật nghiêng một cách nặng nề và thuỷ thủ đoàn của nó không thể dập tắt lửa. Bất chấp nguy cơ của một vụ nổ, hai tàu đánh cá 402 và 407 với sự yểm trợ hỏa lực yếu ớt giúp tàu quét thủy lôi 389 bị hư hại nặng ủi vào bãi đảo Vĩnh Lạc. (Theo vài video tài liệu của Trung cộng)
    Nhận được lệnh rút lui từ Trung tâm Hành quân, với tình trạng HQ10 bất kiển dụng, HQ16 bị nước vào hầm máy, tàu nghiêng, HQ4 và HQ5 trúng nhiều đạn chỉ còn hỏa lực rất hạn chế, Chỉ huy trưởng Hải đội Đặc nhiệm Đại tá Ngạc ra lệnh cho HQ5 cùng HQ4 rút về hướng Đông Nam. HQ4 có 2 nhân viên tử thương: HQ Th/úy Nguyễn Phúc Xá (Trưởng khẩu 20 ly), HS1/VC Bùi Quốc Danh (Xạ thủ) và Biệt hải Nguyễn Văn Vượng (Xung phong tiếp đạn). Và HQ5 cũng có 3 nhân viên thương vong: HQ Tr/uy Nguyễn Văn Đồng, ThS/TP Nguyễn Phú Hào và TS1/TP Vũ Đình Quang.
  1. Cuộc tấn công của Phân đoàn 2 gồm HQ16, HQ10 diễn ra ở phía Bắc đảo Quang Hòa:
    Đúng 10h25, HQ Đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh tấn công các chiến hạm Hải quân TC tại Hoàng Sa. HQ16 và HQ10 đứng yên, mọi ổ súng lớn, nhỏ từ mũi tàu ra sau lái đều nhắm bắn vào tàu địch. Hải pháo giữa chiến hạm hai bên nã đạn trực tiếp không ngừng.
    Sau một hồi giao tranh, hai chiếc 396 và 389 bỏ chạy khỏi HQ-16 và sau đó quay vào tấn công HQ10.
    HQ-16 đối đầu rất ác liệt với tàu địch. Hạm trưởng Thự cho chiến hạm quay ngang đưa phía hữu mạn của tàu hướng về ba tàu địch để tận dụng tất cả súng từ mũi ra sau lái. Tuy nhiên bị bất lợi là HQ16 hứng nhiều đạn của đối phương. Sau một hồi giao tranh ác liệt HQ16 bị trúng đạn ở hầm đạn 127 ly phía trước mũi nên nước biển tràn vào mỗi khi tàu chúc xuống. Hỏa lực chính bất khiển dụng. Sau đó từ hầm máy HQ16 báo cáo trúng đạn ở lườn tàu phía hầm máy bên hữu dưới mặt nước. Nước tràn vào tàu. HQ16 bị nghiêng 15 độ đến 20 độ. (Do trái đạn 127 ly từ HQ5 bắn lạc xuyên qua lườn và chui vào hầm máy. May mắn viên đạn không nổ). Từ lúc này, HQ-16 chỉ còn một máy, sức mạnh tác chiến yếu hẳn. Hệ thống vô tuyến cũng tê liệt vì máy phát điện hư. Nhận thấy HQ16 mất khả năng chiến đấu, Hạm trưởng Thự cho tàu tạm lùi khỏi lòng chảo với 2 chiến sĩ thương vong: TS/ĐK Trần Văn Xuân và HS/QK Nguyễn Văn Duyên.
    HQ16 bi hư hại nặng và nghiêng 20 độ nên không thể tiến vào đảo đón toán công binh của Thiếu tá Hồng trên đảo Hoàng sa và 10 nhân viên cơ hữu của HQ16 đổ bộ lên đảo, nên Hạm trưởng HQ16 Lê Văn Thự lên máy truyền tin PRC-25 giao toàn quyền quyết định toán nhân viên cơ hữu HQ16 còn kẹt trên đảo cho trưởng toán HQ Trung úy Liêm. Trước hỏa lực qúa mạnh của tàu địch bắn phá vào đảo để dọn đường cho bộ binh đổ bộ chiếm đảo, tối ngày 20-1 trung úy Liêm quyết định rời khỏi đảo trên xuồng cao su. Sau 10 ngày trôi trên biển được ngư phủ người Việt vớt tại Mũi Yến ở Qui Nhơn đưa vào quân cảng Qui Nhơn và được chuyển đến Quân Y viện Qui Nhơn cấp cứu. Lúc 3h00 chiều quản kho Nguyễn văn Duyên đã từ trần khi được ngư phủ Đà Nẵng cứu vớt lên ghe.
    HQ10 (dựa theo tường thuật của HQ Trung úy Nguyễn Đông Mai và HQ Thiếu úy Tất Ngưu thuộc nhân viên HQ10):
  • 3h50 sáng ngày 19-1, nhân viên đã sẵn sàng và đầy đủ ở nhiệm sở tác chiến.
  • 4h30 và 5h30 có 2 phi cơ bay ngang vùng ở cao độ và lúc 6h00 lại có 2 phi cơ bay ngang, nhưng lần này bay thật thấp (MiG 19 của TC). Tất cả các họng súng 76.2ly, bô-pho 40ly, 20ly, đại liên 30 trên HQ10 bám sát 2 phi cơ lạ cho đến khi chúng mất hút ở xa tầm nhìn.
    Khoảng thời gian từ 4 giờ khuya đến 6 giờ sáng, chiến hạm vẫn tiến, và nhân viên vẫn cảnh giác trước phi cơ của địch. Trời chưa sáng hẳn, hải đoàn của VNCH lập thành đội hình. Bên địch (Trung Cộng) gồm bốn chiến đỉnh 389, 396, 271, và 274, vẫn chạy đan qua đan lại khiêu khích, có lúc tàu địch như muốn đâm thẳng vào chiến hạm của VNCH. Sau một thời gian kèm sát bên nhau, địch và ta dường như đang tìm những vị thế thích hợp để tấn công nhau.
    Sau một loạt đèn hiệu được choé sáng từ xa, các tầu đánh cá ngụy trang di chuyển về phía Bắc và bốn chiến đỉnh của địch vận chuyển song song để bảo vệ.
    Bấy giờ các ổ súng trên HQ10 nhận được lệnh chuẩn bị tác xạ vào các tàu địch từ hạm trưởng. Lệnh của hạm trưởng Thà: “Bất kể nơi nào, thấy tàu địch nào trong tầm thì cứ bắn”, mục tiêu chính của HQ10 là chiếc T-396. Những chiếc hạm của ta và địch tiếp tục quần thảo nhau trong tư thế sẵn sàng tác xạ.
  • 10h25 nhận được lệnh khai hỏa từ Đại Tá Ngạc, Hạm trưởng Ngụy Văn Thà HQ10 lập tức ra lệnh các ổ súng trên tàu tác xạ tới tấp vào tàu địch. Những tiếng súng ầm ầm vang dội, những tia sáng thi nhau bay về phía địch, những đóm lửa lần lượt bao chụp lên chiến hạm địch. Một chiến hạm của địch bốc cháy.
  • HQ16 rút xa ra khơi, chiếc 396 quay trở lại dồn nỗ lực để tấn công HQ10. Lợi dụng sự bất lợi về vận chuyển và hỏa lực yếu của HQ10, 396 và 389 của TC tấn công tới tấp vào HQ10. Mười phút sau Đài chỉ huy và phòng lái của HQ10 trúng đạn làm Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và hầu hết các sĩ quan, hạ sĩ quan và nhân viên ngành giám lộ và vận chuyển có mặt trên đài chỉ huy và phòng lái đều tử trận, ngoại trừ Hạm phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng nơi mặt, bụng và chân phải (mất một miếng thịt ở chân phải).
    Ngoài đài chỉ huy và phòng lái, hầm máy và kho đạn cũng bị trúng đạn bốc cháy. Đạn nổ văng tứ tung và khói đen bốc mịt mù khắp con tàu. Từ vị trí cách HQ 10 khoảng vài trăm mét, không bỏ lỡ cơ hội HQ10 bị “trọng thương”, 389 của TC tiến vào phía sau lái phải của tàu HQ10. Thấy tàu địch có ý định cặp vào mình, HSI/VC Lê Văn Tây (xạ thủ pháo 20ly) và HS/VC Ngô Văn Sáu (tiếp đạn) không nao núng, tiếp tục ghì nồng súng 20 ly bắn xối xả vào 389.
    HQ10 và 389 sát với nhau rơi vào tình trạng cận chiến. Lính TC trên tàu T-389 ném lựu đạn, bắn tiểu liên cầm tay tới tấp vào HQ10 với mục đích thanh toán các ổ súng còn lại.
    Tuy trúng nhiều đạn và thiệt hại nặng nhưng HQ10 không nao núng dùng hải pháo 20 ly, đại liên, phóng lựu M79 và M16 nã đạn ác liệt vào tàu 389 của địch làm nó bốc cháy, khói đen mù mịt.
    “Rầm!!!” HQ10 đâm mạnh mũi tàu vào sau lái 389 của tàu địch làm nó loay hoay dạt ra xa không điều khiển được. Đồng thời bị trúng thêm đạn, 389 bốc cháy, xoay vài vòng rồi dạt vào bãi san hô Tây Bắc đảo Duy Mộng. HQ10 cũng bị thiệt hại nặng nề, hai máy bất khiển dụng, tàu bốc cháy và trôi lình bình trên biển…
    11h10, HQ16 trong tình trạng nguy kịch được lệnh rời khỏi vùng. Vì tàu trúng nhiều đạn và tàu nghiêng 20 độ có cơ nguy bị chìm nên không thể tiếp cứu HQ10 được, đành bỏ lại HQ10. Trong khi hầm máy HQ10 đang bốc cháy, kho đạn nổ, tàu vô nước sắp chìm. Hạm phó Nguyễn Thành Trí ra lệnh cho nhân viên đào thoát trước khi hai chiếc 281 và 282 của TC đến từ hạm đội Hải Nam tấn công HQ10 ba lần cho đến khi HQ10 chìm hẳn vào lúc 3 giờ chiều, mang theo thân xác của Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và 54 chiến sĩ hải quân VNCH chìm vào lòng đại dương. (28 người đào thoát và sau đó Hạm phó Nguyễn Thành Trí và 8 nhân viên lần lượt qua đời trên bè đào thoát hoặc trên Tầu Hòa Lan.
    Sau 4 ngày 3 đêm nằm bè trôi dạt trên biển được thương thuyền Kopionella của Hoà Lan cứu vớt và đã thực hiện nghi thức thủy táng Hạm phó Nguyễn Thành Trí).
  • Theo tài liệu TC: Hải quân PLAN – Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân (Hải đoàn đang tham chiến) đã phải cầu viện đến Hạm đội Nam Hải với hai tàu săn tàu ngầm lớp Hải Nam, số 281 và 282, thuộc sư đoàn đồn trú ven biển ở Sán Đầu (Shantou), cách gần chín trăm cây số tính từ Hải Nam. Hai chiến hạm này tăng tốc đến Đảo Phú Lâm, tiếp nhiên liệu trên dọc đường đi ở Trạm Giang (Zhanjiang) và Ngọc Lâm (Yulin) để nhanh chóng có mặt tại Hoàng Sa trước khi hạm đội Nam Hải đến sau đó.
  • Có bài viết HQ10 đâm vào tàu địch 389 là do Hạm phó Nguyễn Thành Trí, mặc dù ông đang bị thương nặng nhưng đã cố gượng đứng lên khi đoán được ý định của giặc muốn tràn lên tàu. Từ phòng lái, Hạm phó Trí đã dùng M16 nhả một loạt đạn vào tàu địch và chờ tàu địch vào đúng vị trí mong muốn, Hạm Phó Trí cố sức vận chuyển chiến hạm, lấy hết tay lái về bên phải, hướng mũi tàu HQ10 đâm mạnh vào hông lái của T-389. Quá bất ngờ trước hành động quyết tử của HQ10, chiếc 389 không kịp phản ứng tránh né nên bị phần mũi của HQ10 đâm mạnh vào yếu huyệt của chiến hạm là phần sau lái.
    Tàu địch T-389 bị HQ10 đâm mạnh làm cho nó ngã nghiêng, cộng thêm những hư hại do đại pháo của HQ10 bắn trúng trong đợt khai hỏa đầu tiên đã đưa chiếc 389 lâm vào tình trạng nguy khốn, tàu bất khiển dụng, bốc cháy, sắp chìm, khiến 396 của địch phải ngưng đối đầu với HQ16 để cấp tốc chạy đến tiếp cứu 389. Bị hoả lực tập trung của HQ16 và HQ10 đã đưa 396 rơi vào tình trạng hư hại nặng và bốc cháy. Vì thế 2 tàu đánh cá ngụy trang Nam Ngư 402 và 407 phía sau bất chấp 389 đang bốc cháy, có thể nổ tung đã chạy đến tiếp cứu, đưa 389 ủi vào bãi Vĩnh Lạc dưới sự yểm trợ hỏa lực yếu ớt của 396.
  • Theo Hồi ký của HQ Đại úy Lê Văn Thự – Trung tâm Trưởng Hành quân Vùng I Duyên Hải:
    “Vào lúc giữa trưa ngày 19-1, Tư Lịnh Hải Quân Đề Đốc Trần Văn Chơn vào TTHQ/VIZH nghe HQ5 báo cáo kết qủa sơ khởi ngay khi HQ10 bốc cháy. Đồng thời cũng trong thời gian này, Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Đà Nẵng gọi qua TTHQ khuyến cáo nên ra chỉ thị cho các chiến hạm của VNCH trở về Đà Nẵng lập tức vì hạm đội hải quân của Trung cộng đang kéo đến có cả tàu ngầm, hỏa tiễn, phi cơ MIG 19 đang cất cánh từ đảo Hải Nam.
    Được tin này và để tránh tổn thất vô ích cho HQVNCH Đề Đốc TL/HQ Trần Văn Chơn ra lịnh HQ4, HQ5 và HQ16 rời HS trở về Đà Nẵng”.
  • Dưới đây là những diễn biến chính của HQ10 được trích từ bài viết HQ Th/úy Tất Ngưu, Sĩ quan đảm trách 2 khẩu 20ly và súng cối 81ly ở sân sau HQ10:
    “Sau khi hai chiếc tàu đụng nhau, tiếng súng lớn dường như im bặt, chỉ còn nghe những tiếng súng nhỏ. Giai đoạn hải chiến hình như chấm dứt. Anh em đồng đội chuẩn bị cứu thương lẫn nhau. Hầm máy đang cháy, nhân viên phòng tai lo cứu hỏa. Một số nhân viên cơ khí chết cháy dưới hầm máy. Những nhân viên bị thương, sống sót được đưa lên boong tàu.
    Tình trạng HQ10 lúc này lâm vào tình trạng vô cùng bi đát, gần 70% nhân viên đã hy sinh kể cả Hạm trưởng, một số đang bị thương, phòng máy còn đang cháy, các nhân viên cơ khí bị cháy đen thui trong đó có HQ Trung úy Huỳnh Duy Thạch, cơ khí trưởng của HQ10, hai chân hầu như lìa khỏi thân mình, mặt mày cháy đen, hai máy chính và máy điện cũng như hệ thống liên lạc nội bộ và máy truyền tin không còn sử dụng được.
    Lúc này nhân viên Phòng Tai báo cáo không dập tắt nổi ngọn lửa và nước đang vào các hầm máy. Trước tình trạng tuyệt vọng của HQ10 Hạm phó Trí từ đài chỉ huy bò xuống sân tàu ra lệnh cho nhân viên đào thoát. Ông lết đến từng ụ súng thúc giục nhân viên xuống bè. Khi tất cả nhân viên đã xuống 5 bè, đại úy Trí với vết thương quá nặng, khắp người nhầy nhụa máu cương quyết ở lại tàu cùng với những nhân viên khác từ chối đào thoát ở lại quyết tử với tàu địch. Trong số nhân viên cương quyết ở lại tàu không chịu đào thoát có HSI/VC Lê Văn Tây (xạ thủ) và HS/VC Ngô Văn Sáu (tiếp đạn). Hai anh đang ghì hải pháo 20 ly sau lái bắn xối xả vào tàu địch.
    Bất chấp từ chối đào thoát của Hạm phó Trí, hai nhân viên là HS/TP Trần Ngọc Sơn và TT/TX Trương Văn Long nhất định cặp và lôi ông xuống bè.
    Tình trạng các bè cũng rất bi thảm, bè nào cũng bị trúng đạn. Riêng bè của đại úy Trí bị bể một miếng lớn, khi 6 người ngồi lên, bè chìm xuống, nước ngập tới ngực. Dù bị thương nặng nhưng đại úy Trí vẫn còn tỉnh táo, ông ra lệnh kết các bè lại với nhau để các bè tựa nhau nổi trên mặt biển và tránh bị trôi dạt xa nhau. Tổng số nhân viên đào thoát trên 5 chiếc phao có 28 người cho đến khi được tầu Hòa Lan vớt.
    Luồng nước và gió từ từ đưa các bè xa dần HQ10. Lúc này tiếng súng đã ngưng hẵn. Từ bè nhìn lại HQ10 vẫn còn bốc khói mù mịt. Tàu bị trúng đạn quá nhiều lỗ chỗ như tổ ong. HQ16 cách HQ10 không xa lắm, nhưng HQ16 nghiêng một bên và đang cố gắng vận chuyển thật chậm rời khỏi lòng chảo. Tình huống nguy ngập của HQ16 khó lòng tiếp cứu HQ10 hay vớt người được. Về phía Trung cộng, 271 chìm ngay phút đầu nổ súng và 3 chiếc hạm còn lại cũng đang bốc cháy, hư hại nặng phải ủi bãi.
    Gió mùa Đông Bắc đưa các bè trôi theo hướng ra ngoài lòng chảo nhóm Nguyệt Thiềm và HQ10 cũng đang trôi theo. Khoảng hơn một giờ sau các thủy thủ trên bè thấy có khói xuất hiện ở cuối chân trời, niềm hy vọng có tàu bạn đến cứu nhóm lên, nhưng khi chúng đến gần thì ra là hai tàu chiến TC mang số 281, 282 của TQ tăng viện. Khi 281 và 282 đến nơi thì 271 đã chìm, 3 chiến hạm của TC còn lại đang bốc cháy và vô nước sắp chìm, ủi bãi cạn.
    12h12 khi 281 và 282 tiến gần HQ10 thì khẩu hải pháo 20 ly do 2 chiến sĩ anh hùng Tây và Sáu ở lại tử thủ lại nổ vang, chiến hạm địch vừa tiến vừa phản pháo bằng đại bác 57 ly và các loại súng khác. Một hồi lâu sau tiếng đại bác 20 ly của HQ10 im bặt. Có lẽ HS1/VC Lê Văn Tây và HS/VC Ngô Văn Sáu đã tử thương.
    14h52 mặc dù không còn tiếng súng chống trả trên HQ 10 nhưng 281 và 282 vẫn tiếp tục bắn xối xả vào HQ10 đang bốc cháy và trôi lềnh bềnh trên biển cho đến khi HQ10 chìm hẳn tại địa điểm cách phía Nam bãi đá ngầm Hải Sâm (Antelope Reef) khoảng 2.5 km.
    Bắn chìm HQ 10 xong, hai chiếc 281 và 282 quay lại tiến gần đến các bè đào thoát, chúng chạy quanh các bè 2 vòng rồi bỏ đi.
    Càng về đêm gió càng thổi mạnh, sóng dâng to đánh mạnh vào các bè làm chiếc bè trên đó có đại úy Trí bị đứt dây tách ra khỏi nhóm.
    Tiếp theo sau Hạm phó Trí hy sinh, có thêm 8 chiến sĩ lần lượt hy sinh ngay trên bè vì vết thương quá nặng hoặc đuối sức vì thiếu nước và thực phẩm trước khi được tàu Hoà Lan cứu. Tất cả đều được đồng đội làm lễ Thủy táng.
  • Ngày 22-1 lúc 6h30 chiều khi các chiến hạm và phi cơ VNCH đang bắt đầu việc tìm kiếm thì đúng lúc tàu dầu Kopionella của hãng Shell mang quốc tịch Hòa Lan đã phát hiện các bè đào thoát và vớt tất cả 19 người thuộc HQ10 còn sống sót lên tàu tại toạ độ 16 độ 10’ N và 110 độ 46’ E cách Đà Nẵng khoảng 287 km về hướng Đông. (Vì hành động nhân đạo này, vị Thuyền Trưởng và thủy thủ đoàn đã được chính phủ VNCH trao tặng huy chương Nhân Dũng Bội Tinh)
    Như vậy toán đào thoát đã trôi trên biển 4 ngày 3 đêm và họ đã đón giao thừa Tết Giáp Dần 1974 trong cơn sốt mê man vì kiệt sức trên thương thuyền Kopionella của Hoà Lan”. (HQ Thiếu úy Tất Ngưu)

Tưởng Niệm Tử Sĩ Hải Chiến Hoàng Sa năm thứ 45,
Portland, ngày 10 tháng 01 năm 2019
HQ. Phạm Quốc Nam









LẠ GÌ NỘI GIÁN VIỆT GIAN?

Kính tặng quý Trưởng Hướng Đạo luôn góp sức

cho một Việt Nam Tự Do không cộng sản.

*

Đoàn đấu đảng đầy đường, đánh đá đẹp?

Thật thiệt thòi chuyện chết chóc dân ta!

Trớ trêu thay lắm luật lệ rườm rà

Nuôi “bạo chúa, gian thần” thêm tuổi thọ.

 

Lại lấn lướt, giặc Tàu bắt: “Buông bỏ!”

Nhắc nhở nhau mỗi móc méo thăm dò

Chúng vòng vo, cặp kế cận, mần mò

Mắt cú vọ, lửa lóe lên dòm ngó.

 

Chuyên cung cấp, theo thập thò, xin xỏ

Hớn hở hoài, mắt rực đỏ Việt gian

Giặc đổ quân đã đầy đặn nơi cần

Trong tình trạng nắm đầu Trung Ương Đảng.

 

Theo trình tự: Việt gian nuôi nội gián.

Bao quân đoàn nhan nhản Hán tràn lan,

Giặc dềnh dàng: dân dẹp khá khó khăn

Không cứng rắn cứu dân là bại trận!

Ý Nga*25.8.2017

QUÁ RÕ NÓN CỐI ĐỎ VÌ AI

Tiền chung đổ trọn túi riêng

Nợ công bởi Cộng lạm quyền chuyện tư

Tăng thu thuế, quỹ có dư?

Í… a… đảng cứ khư khư lắc đầu!

 

Cạn dần ngân sách vì đâu?

“Đại đồng” đoàn, đảng: đứng đầu tham lam!

Quan tham chỉ bị tước hàm

Nhẹ nhàng… “cảnh cáo”. Ai làm gì ai?

 

Xóa tư cách”? Thật khôi hài:

Xóa đây, tước đó: hết “ngài” thành “ông”!

Ý Nga*31.8.2017

NHỚ NGÀY HỌC “NGU”

Tá, tướng, lính tê: “tê thấp” tập thể

Nhờ “ơn đồ tể” hành hạ thỏa thê

Bệnh không thuốc…tể, xuyên tâm liên tề!

Không phấn khởi cũng giả vờ “hồ hởi”.

 

Xa vời vợi, Mẹ ơi xin đừng đợi!

Vợ con ơi! Chiến sĩ bất phùng thời

Súng buông lơi rã rượi phút “đổi đời’

Giặc phơi phới dạy đời: –Ngu tập thể!

Ý Nga, 19-5-2016

MỪNG NGƯỜI 

DÉP CHỬA ĐỨT QUAI

Hỏi người xách dép chạy đâu?

Đeo toàn bạc cắc cả xâu nặng nề.

Bảo rồi: tỵ nạn đừng về

Quốc Gia, cộng sản vụng về học thêm?

*

Cộng ăn chả, chẳng trả nem

Ruột-non-ngàn-dặm” tiền đem về hầu

Cung bao nhiêu đủ mức cầu?

Nào đâu một đảng! Việt, Tàu cả hai.

*

Mừng người dép chửa đứt quai

Đôi chân lành lặn, hình hài còn nguyên!

Ý Nga*25.5.2017

NHỮNG NHẠC SĨ 

PHỔ THƠ ĐẤU TRANH 

CỦA NGƯỜI CHƯA QUEN

(Trích tuyển tập viết chung nhiều tác giả: TƯỞNG NIỆM NHẠC SĨ ANH BẰNG)

Ý Nga

Thưa quý Độc Giả,

Những Nhạc Sĩ phổ thơ người xa lạ

Chỉ vì điều tâm đắc: chuyện Quốc Gia

Xa thành gần, quen thay lạ trổ hoa

Hoa Tranh Đấu nối nhịp cầu tỵ nạn.

            “Lạ” này là chưa quen, chưa thân, chưa gặp chứ không phải “lạ” tờ lờ mờ kiểu Việt Cộng bán nước!

Trước đây, quý Anh Chị trong Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ có yêu cầu tôi viết một bài về chú Anh Bằng, nhưng tôi đã từ chối, vì nếu viết về chú Anh Bằng (đã phổ nhạc cho Ý Nga 1 bài) mà không viết về 10 Nhạc Sĩ đã phổ cho Ý Nga 88 bài thơ thì e rằng tôi sống không phải đạo, sẽ làm buồn lòng quý Nhạc Sĩ sau đâyu, xếp theo thứ tự ABC:

-Lã Mộng Thường                    (01 bài),

-Lê Trung Diệu Châu               (04 bài),

-LMST                                     (34 bài), www.lmstflorida.com

-Mai Đằng                                (01 bài),

-Miên Hương                           (10 bài),

-Nguyễn Hữu Tân                    (02 bài),

-Nguyễn văn Thành                 (31 bài),

http://www.danchuca.org/DanChuCaPhoTho.shtml

-Phiêu Bồng                             (02 bài),

-T242-Nguyễn Bá Toản           (02 bài),

-Trần Quan Long                     (01 bài).

-Bùi Kim Cương                      (05 bài)

Cũng như với chú Anh Bằng, tôi chưa từng được hân hạnh gặp mặt quý Nhạc Sĩ này một lần nào ngoài đời. Nay nhân dịp giỗ 2 năm của chú Anh Bằng, lời yêu cầu tham gia vào tuyển tập đặc biệtnày của quý Anh Chị có lòng đã được lặp lại lần thứ hai, nên tôi xin mạo muội nhân dịp này để: tri ân chung tất cả quý Nhạc Sĩ, Độc Giả nào đã chọn thơ đấu tranh để phổ nhạc và tiếp tay chuyền Lửa, dù là thơ của Ý Nga hay thơ của bất cứ ai.

Là một nữ thuyền nhân chưa từng tham gia vào bất cứ một đảng phái chính trị nào ở hải ngoại, theo tôi thì, Nhạc Sĩ Anh Bằng hay bất cứ người Nhạc Sĩ nào, dù đã thành danh trước hay sau năm 1975, dù chuyên nghiệp hay tài tử, nếu chọn thơ đấu tranh của những tác giả chưa quen thân để phổ nhạc, họ đều là những người can đảm, không háo danh, yêu thơ và biết trân trọng thơ, biết chia sẻ nỗi khắc khoải của người làm thơ mà hòa thêm vào bầu tâm huyết của chính họ, hầu tạo nên những dòng nhạc chung cho một trang bi sử của người Việt tha hương. Can đảm, vì họ không thể biết chính xác tác giả bài thơ là ai, họ chỉ đọc thơ mà “cảm” cái tình Việt lớn lao có cùng chung một mẫu số: ưu tư cho vận Nước, thù Nhà và đồng bào.

Cùng tỉnh táo nhắc nhau đừng khờ khạo

Trong trường văn, trận bút khá nhọc nhằn

Xa dặm ngàn, chuyền Lửa thật khó khăn

Thơ, văn, họa… tuổi dần tàn, dầu cạn.

(Trích: HỘI THẢO*Ý Nga* 22.5.2017)

Không riêng chỉ Nhạc Sĩ, chẳng riêng chi chú Anh Bằng, mà bất cứ người nghệ sĩ nào khích lệ những hướng sáng tác văn, thi, họa, nhạc.v.v… nói lên được tội ác của VC và chủ nghĩa cộng sản như thế, Ý Nga đều âm thầm để ý và thưởng thức bằng tấm lòng kính trọng, bởi, chính sự chia sẻ quan trọng này đã tạo nên nét đẹp của tâm hồn người nghệ sĩ ấy, của những tấm lòng còn biết xót xa trước cảnh quê hương, dân tộc đang bị tà quyền thao túng. Họ chính là những tấm gương cho tuổi trẻ noi theo: dù sống ở đâu, sung sướng thế nào cũng không được quyền quên những đồng bào bất hạnh còn lại nơi quê Nhà.

Đó cũng là lý do, dù có quen biết họ hay không, một khi tâm đắc với những sáng tác có ý nghĩa như thế, chúng tôi đều chuyền đi muôn phương, nhất là về châu Âu, nơi tôi đã tỵ nạn chính trị 20 năm.

Bất cứ người thưởng ngoạn nào yêu thích những tác phẩm đấu tranh chống lại tội ác và vinh danh chính nghĩa của người Quốc Gia, đều đáng được trân trọng, vì chính họ là nguồn khích lệ tinh thần lớn lao để nuôi sống và bảo vệ cội nguồn, khuyến khích các thế hệ tiếp nối luônbiết quý trọng giá trị bất biến của tính nhân bản trong tâm hồn người Việt. Nghệ thuật vị nhân sinh là thế!

Vũ, nhạc, kịch… san niềm đau vô hạn

Cùng luận bàn, hướng sáng tác vì dân

Giữ tinh thần khơi Lửa, chẳng vong thân

Nhắc Quốc Hận, tự tu thân, giữ Lửa.

(Trích: HỘI THẢO*Ý Nga* 22.5.2017)

*

Trong tinh thần tri ân chung đến những người Việt tha hương đáng kính như đã thưa, tôi xin phép ghi lại nơi đây chút tâm tình riêng giữa chú Anh Bằng và Ý Nga, qua nhịp cầu văn nghệ giữa thơ và nhạc, chút kỷ niệm còn lưu dấu, xếp theo thứ tự thời gian nhận được, sau khi bản nhạc phát hành, để quý độc Giả cùng chia sẻ chung tài phổ nhạc của chú anh Bằng:

Bài thơ buồn “Chỉ Một Lần Thôi” của Ý Nga, đã hân hạnh được ba Nhạc Sĩ để mắt đến và phổ nhạc: đầu tiên là Nhạc Sĩ LMST, rồi đến chú Anh Bằng và sau đó là Nhạc Sĩ Phiêu Bồng. Khởi duyên văn nghệ của Ý Nga và Nhạc Sĩ Anh Bằng, qua bài này, bắt đầu vào một ngày của tháng Tư buồn bã năm 2011, qua đó, Nhạc Sĩ Lê Dinh đã chuyển lại một điện thư (email) của Nhạc Sĩ Anh Bằng, viết trước đó 2 ngày như sau:

-From: Van Dinh Le, To: Y Nga,

CC: Anh Bang; Nghe Thuat,

Sent: Fri, 8 Apr 2011 15:52,

Subject: Fw: Ca khuc MAT ANH DEM GIANG SINH

 

-From: bang anh,

To: Y Nga,

Sent: Wed, April 6, 2011 8:50:51 PM,

Subject: Ca khuc MAT ANH DEM GIANG SINH 

Ý Nga quý mến,

Chắc Ý Nga còn nhớ ngày trước báo Nghệ Thuật của chú Lê Dinh còn ấn hành, Ý Nga có đăng một bài thơ, mở đầu bằng câu: “Gần cuối năm rồi anh biết không?”

CHỈ MỘT LẦN THÔI

*

Viết cho Ghe-Không-Số-41-Người,

nhập trại Songkhla, Thái Lan 15.1.1980.

*

Lời thơ Ý Nga

Gần cuối năm rồi anh biết không?

Ðếm hoài, em cứ đếm trong lòng

Tám mươi và mấy lần “mươi” nữa?

Cứ đếm để mòn… niềm mỏi mong.

Gần Giáng Sinh rồi anh biết chăng?

Tưng-bừng phố xá hoa đèn giăng

Người người mua sắm vui như Tết

Một kẻ âm-thầm đốt nén nhang.

Cứ nhớ hoài thôi chuyện sẫm màu

Cả thuyền ngơ-ngác, nát niềm đau

Môi khô con trẻ chờ giọt nước

Mắt ướt ngoại già trông Chúa, Cha.

Biển lặng thuyền dừng, người sóng xao

Trùng dương dậy sóng, người thì-thào

Trối nhau lời cuối không hơi thở

Nước biển mặn như… nước mắt trào.

Ðêm ấy cũng là đêm Giáng Sinh

Cướp cười, cướp nói, mình làm thinh

Nhìn nhau nước mắt hòa trong máu

Một Giáng Sinh thôi! Một hải trình!

Ý Nga

 

Chú Anh Bằng có lấy thi phẩm này để phổ nhạc, đổi tựa thành “Mất Anh Đêm Giáng Sinh” và thêm thơ của chú vào cho hợp với nhạc.

Lời nhạc Anh Bằng

 

Gần cuối năm rồi anh biết không?
Nhớ hoài em nhớ đến vô cùng
Nhớ anh và chiếc thuyền trên sóng
Bão táp dập vùi ngoài biển Đông.


Gần Giáng Sinh rồi anh biết chăng?

Tưng bừng phố xá giăng hoa đèn
Người đi xem lễ ôi trìu mến
Em khóc âm thầm đốt nén nhang.

Cứ nhớ hoài thôi chuyện héo sầu:
Cả thuyền kêu than nát niềm đau,
Môi khô con dại thèm giọt nước,
Mẹ khóc nhìn con…
Mẹ khóc nhìn con chết thảm sầu.


Đêm ấy là đêm Chúa giáng sinh,
Sóng gió biển khơi giết dân lành,
Lời nào tả hết ngàn cay đắng?
Ôi Giáng Sinh buồn em mất anh!

 

Chú sẽ gửi nhạc cho Ý Nga khi chú nhận được thư trả lời. Chú cám ơn và mong tin Ý Nga.

Chú: Anh Bằng.

*

Và thế là thơ nhạc gặp nhau, chú cháu chúng tôi cũng quen nhau từ đó, khởi đầu cho một sự liên lạc mới:

 

Chú Anh Bằng

Sent: Fri, 8 Apr 2011 23:06

Subject: THĂM Ý NGA

Ý Nga thân mến

Cho chú địa chỉ, khi có DVD chú sẽ gửi biếu Ý Nga để xem cho vui.

Cám ơn Ý Nga

 

Chú Anh Bằng

From: bang anh, Sent: Wed, 4 May 2011 3:43

Ý Nga thân mến,

Bây giờ chú cháu mình đừng nói nhiều, chú sẽ ký DVD: “Anh Bằng-Dòng Nhạc Lưu Vong” tặng Ý Nga, khi có địa chỉ; nhưng phải mất chừng 10 ngày, vì thủ tục thuế quan của Canada cẩn thận lắm. Tốt nhất là Ý Nga nên mua 1 cuốn để nghe trước đi! Nữ ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung khi trình bày đã khóc thật sự, cảm động lắm.

Chú mong tin

Độc giả LC 

Sent: Wed, 4 May 2011 7:44

Hello,

… Đọan chuyển… đêm ấy là đêm giáng sinh…, Nhạc Sĩ AB viết rất hay. Chúc mừng Ý Nga. Từ bài thơ, Anh Bằng đã sửa đôi chút và phổ nhạc rất hay.

Thi hữu Phương Thúy

Sent: Wed, 4 May 2011 7:56

Chúc mừng Ý Nga đã có bài thơ phổ nhạc và được đưa vào Asia DVD Kỷ Niệm 36 Năm Viễn Xứ. Asia là nguồn tiêu khiển tinh thần duy nhất mà chị còn xem đến bây giờ.

 

Thi hữu Vĩnh Nhất Tâm

Sent: Wed, 4 May 2011 12:20

Chúc mừng và mong rằng Ý Nga có nhiều bài thơ phổ nhạc của những Nhạc Sĩ. Đó sẽ là nguồn an ủi lớn lắm đó. 

 

Độc giả Lê thị Trúc Mai (phụ huynh của 2 em học trò)

Sent: Wed, 4 May 2011 12:20

Cô Nga,

Chúc mừng cô Nga và tin rằng sẽ còn có nhiều bài thơ của Cô Nga được phổ thành nhạc và chia sẻ cho tất cả mọi ngưòi thưởng thức.

30 tháng tư lại qua, còn bao 30 tháng tư nữa cô Nga ơi? 

Nhạc Sĩ Nguyễn thị Minh

Sent: Thu, May 5, 2011 11:24:10 AM

Chị đã nghe bài mà Nhạc Sĩ Anh Bằng phổ từ thơ Ý Nga và có ý kiến thế này, sau khi xem qua toàn chương trình của cuốn Asia mới: bài hát của Ý Nga đã làm nổi bật ý nghĩa của “Dòng Nhạc Lưu Vong” và thật may mắn là được Ca Sĩ Nguyễn Hồng Nhung trình bày xuất sắc với sự rung cảm mà chị tin rằng trọn vẹn nhất. Giọt nước mắt của Nguyễn Hồng Nhung rơi xuống ở góc cạnh thật bất ngờ và vẽ mặt diễn xuất của Nguyễn Hồng Nhung lúc đó thật hoàn hảo, làm tăng giá trị của bài hát và cảchương trình này.

Chị đã nghe Nguyễn Hồng Nhung hát nhiều bài trước đây, nhưng lần này, với bài hát của Ý Nga, chịđã cho điểm Ca Sĩ này rất cao và cảm phục Nguyễn Hồng Nhung hơn rất nhiều, khi thấy cô cũng đứng chung và hát các bài hát hợp ca đấu tranh khác trong chương trình. Có lẽ chị thiên vị, nhưng trong tất cả các bài nhạc của ông trong DVD này, bài hát từ thơ Ý Nga, đã cho thấy khả năng viết nhạc của Nhạc Sĩ Anh Bằng trội hơn rất nhiều bài khác. Nếu không có bài của Ý Nga, có lẽ chương trình sẽ bị giảm đi nhiều sự xúc động đặc biệt nên có trong cuộc đời viết nhạc của Nhạc Sĩ Anh Bằng.

Chị chia vui với Ý Nga và với cả Nhạc Sĩ Anh Bằng đã làm được bài hát này.

 

Người lính Võ Bị NĐT

Sent: Fri, 6 May 2011 4:55

Chị Ý Nga!

Bài thơ này làm tôi nhớ lại tôi cũng vào Songkhla năm 1980 như Chị. Tôi đăng luôn lên trang website của Võ Bị Đà Lạt. Ai đọc thơ này sẽ nhớ 30/4.

Thân Kính

 

Độc giả Nguyễn thị Thu Hằng 

Sent: Fri, 6 May 2011 8:30

Hoan hô chị Ý Nga! Em đã nghe bài hát với Nguyễn Hồng Nhung, thật là trên cả tuyệt vời!

 

Độc giả DANG TAN

Sent: Sun, Dec 4, 2011 9:37 am

Lời hát Ngyễn Hồng Nhung rất thấm và bài thơ “Chỉ Một Lần Thôi” rất hay.

Cám ơn Ý Nga nhiều.

 

Chú Anh Bằng

Sent: Mon, Dec 5, 2011 10:22 pm

Ý Nga quý mến

Cám ơn Ý Nga thật nhiều đã nhớ đến chú và cho chú chia sẻ những cảm nghĩ chân thành của khán-thính-giả và độc giả. Chú Bằng rất hãnh diện khi được chia sẻ niềm vui với Ý Nga, qua những lời khen ngợi, khuyến khích của khán-thính giả sau khi nghe ca khúc MẤT ANH ĐÊM GIÁNG SINH của chú cháu mình.

Ca sĩ thường đi “show”, chú sẽ gặp Nguyễn Hồng Nhung nay mai và sẽ chuyển lời bình của họ cho Nguyễn Hồng Nhung, theo sự gợi ý của Ý Nga.

Chú già lão nên lẩm cẩm, thư của cô Vân lại chuyển cho Ý Nga, như Ý Nga thấy rồi, lại còn lú lẩn, hay quên, chậm chạp, bệnh tật đủ thứ. Vì vậy, nếu khi nào thấy chú không trả lời thư thì email nhắc chú chứ đừng buồn chú nghen. Thương chú, muốn liên lạc với chú thì Ý Nga phải hiểu rằng đời sống của chú luôn luôn lấy tình nghĩa làm đầu… Qua lá thư vừa rồi của cháu, chú đã hiểu Ý Nga là người tốt, dễ mến và khiêm tốn.

Lâu lâu viết thư thăm hỏi chú nhé.

Chúc cháu vui, khỏe luôn

Chú: Anh Bằng

 

Chú Anh Bằng

Sent: Tue, May 5, 2015 8:08 am 

Ý Nga thân mến

Chú AB hôm nay đã gửi biếu Ý Nga 10 DVD, trong đó có ký một cuốn: “Thân tặng Thi Sĩ Ý Nga” và 10 CD cũng có ca khúc MẤT ANH ĐÊM GIÁNG SINH như trong DVD.

Có gì thắc mắc xin cho chú biết.

Chú cám ơn Ý Nga đã nhớ đến và dành cho chú những lời chúc mừng sinh nhật của chú rất chân tình.

Ý Nga đã nhận được món quà nhỏ của Asia thân tặng, chú cũng rất vui.

Cầu chúc Ý Nga có thêm nhiều thi phẩm đấu tranh thật xuất sắc để trước hết là góp phần xây dựng quê hương, sau là đợi khi chú được hân hạnh phổ nhạc vào thơ của Ý Nga  (người chiến sĩ văn hóa) đã tận tụy hy sinh cho cuộc đấu tranh bảo vệ Việt Nam, chống ngụy quyền csVN và chống quân bành trướng Tàu Cộng.

Chúc Ý Nga luôn vui, khỏe, trẻ và hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày

Cũng xin Ý Nga cầu nguyện cho chú nhé!

Chú: Anh Bằng

 

Thi hữu BẢO TRÂM

Sent: Tue, May 23, 2017 7:27 pm

Thưa chị, tôi đã nghe và xem từng nơi chị giới thiệu có bài hát “Mất Anh Đêm Giáng Sinh”, phổ nhạc bài thơ “Chỉ Một Lần Thôi” của chị. Bài hát rất cảm động và gây xúc cảm cho người nghe, Ca Sĩ Hồng Nhung thể hiện bài hát càng tạo nên cảm giác đau thương của những sự mất mát phi lý này. Bài thơ của chị đã đi vào lòng người sâu xa hơn nhờ phổ nhạc, Nhạc Sĩ Anh Bằng phổ nhạc thì quá hay rồi!

Xem và nghe ở nơi này rõ ràng nhất và cũng cảm động hơn vì mắt thấy Ca Sĩ Hồng Nhung diễn tả bài hát rất xúc động.

Xem Ca Sĩ Nguyễn Hồng Nhung hát

http://www.dailymotion.com/video/x566sjc

Xen Slideshow trong youtube do giáo sư TNP thực hiện cũng khá rõ ràng, với những hình ảnh thuyền nhân, gợi đến một thời điểm đau thương nhất của đất nước và của người dân VNCH.

Còn những link nhạc sau chỉ nghe được lời bài hát thôi.  

Nhạc Sĩ LMST đã phổ nhạc nguyên văn bài thơ của chị, nhưng chưa ai hát hở chị? Tôi đã vào website của Nhạc Sĩ LMST để tìm nghe, có thấy bản nhạc, không thấy nơi nào để có thể click vào nghe hát được. Tôi thích những nhạc sĩ phổ được nguyên văn bài thơ, hơn là sửa đổi quá nhiều…

Bảo Trâm 

*

 

 

Thưa Quý Vị

Dù đã đặt mua một số DVD để tặng người nhà rồi, nhưng không có chữ ký của chú Anh Bằng để làm kỷ niệm (vì chú bệnh nên quên mất tiêu). May là 4 năm sau: 21.4.2015, Ý Nga nhờ anh Việt Hải và Cao Minh Hưng nhắc giùm nên mới có được chữ ký của chú Anh Bằng. (Một lần nữa, Ý Nga xin cám ơn hai Anh).

Chân thành cảm tạ tất cả quý Nhạc Sĩ đã cùng chia sẻ với những dòng thơ cho quê hương và đồng bào của Ý Nga và của bất cứ người làm thơ nào.

Cám ơn quý Anh Chị đã thực hiện tuyển tập này để tưởng niệm Nhạc Sĩ Anh Bằng.

Nhé!

Ý Nga

Canada, 22.5.2017

XIN MỜI BẠN LY CÀ PHÊ CHỐNG CỘNG.

Thân gửi Tuổi Trẻ VN Yêu Nước tại quốc nội.
Ảnh: AYD
Tranh thơ: BẢO TRÂM
Nhạc Nguyễn Văn Thành: Nổi Lửa Lên Đáp Lời Sông Núi Gọi! (thơ: Phan Bá Thụy Dương)
.

Trình bày: AYD

XIN MỜI BẠN 
LY CÀ PHÊ 
CHỐNG CỘNG.
Xin mời Bạn ly cà phê buổi tối
Uống cùng tôi, mình chia sẻ thầm thì
Đã làm gì cho công lý? Ích chi:
Chẳng lập chí tuổi xuân thì PHÙ ĐỔNG?
Nấu bằng nước HÁT GIANG: trong, uy dũng,
Cà phê rang với LỜI HỊCH DƯỚI CỜ,
Rồi đem xay cùng những CHIẾN ĐẤU THƠ,
Đun từ Lửa Đấu Tranh TRẦN BÌNH TRỌNG.
*
 
Xin mời Bạn ly cà phê chống Cộng
Bên lửa hồng, lời bất dũng quyết KHÔNG!
Trước gia vong KHÔNG tuyệt vọng nãn lòng
Cộng Tàu, Việt? Cộng nào ta cũng chống!
Vì dân tộc, Non Sông chọn đường sống
Phải tâm đồng mà hành động Chị, Anh
Tuổi thanh niên nhiệt huyết, chết cũng đành.
Có bản lãnh thực hành, đừng tránh né!
*
 
Xin mời Bạn ly cà phê tuổi trẻ
Pha vụng về, xin huynh, muội đừng chê
Cà phê Ý, đắng như mật Đất Quê
Không đường, sữa nhưng thơm lừng hương vị.
 
Khắp thế giới ta đi, tìm tri kỷ
Làm gì đây trước “ma quỷ” hồng kỳ,
Để cứu nguy, hỡi chí sĩ, nam nhi?
Cùng suy nghĩ, hỡi nữ nhi CHÍNH TRỰC!
*
Xin mời Bạn chia cùng dân tủi nhục
Hãy cùng tôi thao thức trọn đêm này
Ừ! Đêm nay, mình lấy đêm làm ngày
Từ Móng Cái, Phú Bài, Vinh, Yên Bái…
Từng bươn chải: Huế, Sài Gòn… không ngại:
Từ Đồng Nai, Quảng Ngãi, Huế, Lào Cai…
Cùng Gia Lai, Đại Ngãi tới Đồng Xoài…
Từng khẳng khái chờ ngày sang trang sử.
 
Xin mời Bạn nhâm nhi từng ngụm, thử
Có đắng như TRANG SỬ NHỤC THÁNG TƯ?
Có mặn như bao dòng lệ chảy dư?
Nhòa huyết sử một Việt Nam cam chịu.
*
Tôi mời Bạn hương tuyệt thơm: HOÀNG DIỆU,
BÙI THỊ XUÂN, NGUYỄN TRÃI, NGUYỄN TRI PHƯƠNG,
NGUYỄN PHI KHANH, LÊ LỢI, HỊCH CẦN VƯƠNG,
LÝ THƯỜNG KIỆT, DẠ TRẠCH VƯƠNG*, TRƯNG, TRIỆU .
Mời Bạn uống cùng tôi, dù bận bịu
Ta phải LIỀU mới cứu nỗi Quê Cha,
Ta phải LIỀU cho bao triệu dân ta,
“Máu phải đổ, HOA TỰ DO mới nở”*
 
TRẦN QUỐC TOẢN với trái cam phẫn nộ
Còn bồng con: PHÙNG THỊ CHÍNH* cam go,
Tay cầm gươm đôn đốc lính, dặn dò
Ôi nhi nữ! Khí phách LIỀU ngời sáng!
 
HOÀNG HOA THÁM, AN DƯƠNG VƯƠNG, CAO THẮNG,
TÔ HIẾN THÀNH, ĐINH CÔNG TRÁNG, HUYỀN TRÂN,
ĐẶNG DUNG, ĐINH BỘ LĨNH, TỐNG DUY TÂN,
TRẦN HƯNG ĐẠO, LÊ LAI, TRẦN NHẬT DUẬT,
 
Thấm lòng đất, máu anh hùng bất khuất
Công mở mang, giữ đất, quý vô ngần!
Cùng nằm gai, nếm mật, gương tiền nhân
Không khuất tất, tri và hành hiệp nhất!
 
LÊ QUANG DIỆU, LÊ CHÂN, NGUYỄN THIỆN THUẬT,
PHAN ĐÌNH PHÙNG, NGUYỄN HUỆ, rồi PHẠM BÀNH,
NGUYỄN HOÀNG, LÊ VĂN DUYỆT, LÊ ĐẠI HÀNH,
NGUYỄN TRUNG TRỰC, YẾT KIÊU, PHẠM NGŨ LÃO…
 *
 
Bao xương máu, gương anh hào dạy bảo
Cớ làm sao giặc vênh váo tràn vào?
Cớ làm sao dân nuốt hận nghẹn ngào?
Đảng lếu láo góp thêm vào tàn bạo!
 
Tôi mời Bạn, chúng ta cùng đàm đạo
Phải làm sao vùng dậy? Phải thế nào?
Biết cà phê quá đắng, chẳng ngọt ngào
Nhưng cường bạo phải thay bằng CHÍNH ĐẠO?
 
Đêm tỉnh táo mình bàn nhau: xông xáo
Nào binh thư, nào chiến lược thấp cao,
Nào gian lao khởi nghĩa, bao phong trào
Xin mời Bạn vung giùm THANH GƯƠM BÁU!
 
Ý Nga, 19-9-2013.
               
*“Máu phải đổ, HOA TỰ DO mới nở” > Lời của NGUYỄN THÁI HỌC.
*TRIỆU QUANG PHỤC còn được xưng là DẠ TRẠCH VƯƠNG (VUA ĐẦM LẦY > Đầm Dạ Trạch có nhiều rắn, yếu tố chính gây trở ngại cho các cuộc tấn công của giặc). 
*PHÙNG THỊ CHÍNH là 1 nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Tương truyền bà vừa sanh xong đã dẫn quân đánh giặc, 1 tay bồng con, 1 tay cầm kiếm đôn đốc quân sĩ tiến lên.
*Trần Quang Diệu 1760-1802 là một trong Tây Sơn thất hổ của nhà Tây Sơn. Ông cùng với vợ là nữ tướng Bùi thị Xuân đã cố sức chiến đấu để bảo vệ vương triều.
CÔNG NGHỆ? 
NGÔNG! KỆ!
 
Tàu ăn cắp ở nước người công nghệ
Thuần thục “nghề” như thế rồi đem khoe
Toàn xun xoe mách qué “ngông, kệ” hề
Hân hoan nhẽ! Đỏ loe “nghề” cộng sản.
 
Ý Nga-Thế Vinh, 8-9-2013.
ĐỘC LẬP ĐÃ ĐẬP… LỘC.
 *
                Cảm tác nhân đọc “Mũ Đỏ” số 68, tháng 6-2013.
 *
Lắm người chờ đợi phép màu
Hiện ra, hóa giải nỗi đau dân mình
Như hoàng hôn đợi bình minh
Giữa điêu linh, đợi hồi sinh thái bình
Cộng Tàu vào, đã linh đình
Người Chờ nằm…đợi, kiêu binh càng mừng!
Ý Nga, 8-9-2013.
From: THANH NGUYEN
Sent: Tue, Aug 21, 2018 9:11 am
Subject: (DânChủCa) Nổi Lửa Lên Đáp Lời Sông Núi Gọi – thơ Phan Bá Thụy Dương

DanChuCa.org kính mời quý vị vào links sau đây để nghe bài hát:
Nổi Lửa Lên Đáp Lời Sông Núi Gọi
 
DanChuCa phổ nhạc từ bài thơ của tác giả Phan Bá Thụy Dương.
Kính mời Quý Vị vào thăm trang nhà danchuca.org qua “link” sau đây:
Thưa Quý Vị và Các Bạn, Tôi sẽ tiếp nối những bài ca này cho đến bao giờ Tự Do trên quê tôi. Bạn bè ơi! Ta ca vang để nhắc hoài: sức mạnh ngày mai trong tay ta, chẳng ai ngoài!
Kính
DanChuCa.org
Nổi Lửa Lên Đáp Lời Sông Núi Gọi!
thơ: Phan Bá Thụy Dương
nhạc: Nguyễn Văn Thành
1.
Này anh, anh có nghe lời núi sông réo gọi
Triệu triệu bàn tay một lòng tiến tới
Dẹp cường quyền,
đang hút máu dân đen

Này em, em thấy chăng giọt lệ mẹ đêm đêm
Tóc héo bạc nhớ cháu con xa lạc
Đồng ruộng non sông,
không còn ngân vang câu hò tiếng hát
Khổ lụy oán hờn chồng chất bao năm
Chúng xẻ đất cha chia giặc ngoại xâm
Giết hại hiền lương, cống dâng biển mẹ.
Nổi lửa lên em!
xem rõ mặt loài quỉ dữ
Đốt lửa đi anh!
đồng tâm siết chặt triệu bàn tay

ĐK:
Hỡi hồn tiên tổ, liệt sĩ anh linh !
xin hãy quay về hội tụ
xin hãy quay về
Nghe lời thề của tuổi trẻ Việt Nam
Quyết diệt độc tài, Cộng sản, bất nhân
Quét sạch tham ô, hung tàn, đảng trị
Giờ đã điểm – Hãy vùng lên anh
Giờ đã điểm – Hãy vùng lên em
nâng chuyển lửa hồng soi sáng quê hương
Dựng cờ Tự Do trên vạn nẻo đường
Đốt lửa đi anh
Nổi lửa lên em
2.
Này anh, anh có nghe lời núi sông réo gọi
Thế hệ Việt Nam hôm nay
Cùng đứng dậy hiên ngang

“DAO TA SẮC, GIẶC PHẢI LÙI”

 Thân gửi tuổi trẻ trong nước
Thơ: Ý Nga, Phạm Hoài Việt
Nhạc: Nguyễn văn Thành
Hãy Đoàn Kết Đấu Tranh!

DAO TA SẮC, 

GIẶC PHẢI LÙI”

*

“Những trằn trọc trong cơn  mộng mị

Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi”

*

Bình Ngô Đại Cáo của công thần NGUYỄN TRÃI

 *

Mỗi khổ nạn, riêng mang một ý nghĩa:

Trăng dịu dàng. Mặt trời sáng rực ra,

Chiều trôi qua côn trùng khúc tấu hòa,

Bình minh hóa hoa tươi thêm rực rỡ.

Em đừng sợ Nước Vỡ Bờ trắc trở

Em đừng lo Việc Nhỏ khó hóa To

Mọi cam go, khốn khó từ học trò

Chí quyết tỏ mới trở thành sư phụ.

Mọi Cổ Thụ đều cuối thu ấp ủ

Để đầu xuân tỉnh ngủ làm Trượng Phu

Tiếng Quỷ tru hay Cầm Thú phù phù

Hoa Dân Chủ đừng sợ khi kết Trái!

Cây Khẳng Khái sống tài, nhất thiết phải

Vì tương lai, như Nguyễn Trãi miệt mài

Một “Bình Ngô Đại Cáo” thảo êm tai:

“Dao ta sắc giặc phải lùi!”* biên ải.

Nhờ vững chãi, mai cây non trĩu trái

Nhờ hôm nay em mới có ngày mai

Nhờ đất đai, cây vươn lớn hình hài

Tạ ơn Đất, Người Chăm: đừng sợ hãi!

Ý Nga

Calgary-Canada, 8-2-2013

yngacalgary@aol.com

Ở QUÊ NGƯỜI, 

NHỚ QUÊ TA

Mùa Thu ấy người ra đi chí tử

Mùa Thu này vẫn chí tử Nước Non

Trái tim son giữ trọn những lối mòn

Của Đất Mẹ, có còn trong tay Đảng?

Trị đích đáng, chờ lòng dân: cách mạng

Thật gọn gàng bọn trác táng, sài lang

Đang hân hoan, kính cẩn rước ngoại bang

Đau vô hạn! Mảnh giang san bất ổn.

Ý Nga, 15-4-2013.

NÊN KIM NHỜ SẮT

*

Kính tặng những người Mẹ miền Nam đã bị VC bức tử sau 30.4.1975

*

Áo ủi, mới thẳng thớm

Thơ chuốt, mới tỏa thơm

Không công Mẹ bú mớm

Làm sao con nhai cơm?

Công đức Mẹ bồng ẳm

Đến tháng Tư, Bảy Lăm

Cho chân con ngàn dặm

SỐNG đất trời xa xăm.

Nhưng Quê Nhà: Mẹ CHẾT

Trong triệu nỗi hờn căm

Giấy viết hoài không hết

Lòng dân như sóng ngầm.

Thu, đất trời ảm đạm

Nhớ Quê mình Việt Nam!

Thu, lá hoa bi thảm

Nhớ dân mình biệt giam!

Nhớ thêm: đòi tự do!

ĐÒI cái Mẹ KHÔNG CÓ!

Cho dân thoát Hỏa Lò.

Dẹp tan Địa Ngục Đỏ

CÓ: cái Mẹ KHÔNG ĐÒI!

Ý Nga, 14-5-2013.

Không CHẠY GIẶC nữa 

thì CHẶT VẬY!

Càng học càng chưa thông

Càng dò, càng thiếu xót

Thơ thẹn lục, e hồng,

Đủ chát, chua, mặn ngọt.

Thơ lộng lẫy giáng tiên,

Ẩn khuất rồi tái hiện.

Mà sao người đâm ghiền?

Thơ cần tra tự điển?

Càng viết càng muốn thêm!

Càng đọc càng muốn viết!

Thơ như trăng đầu thềm

Mê hoặc, dù tròn khuyết!

CHẠY GIẶC đã mấy lần,

Mỗi lần: mất biết mấy!

Thơ theo người: đa truân!

Chiến đấu? Thơ: CHẶT VẬY!

CHẶT cho đứt vô thần,

CHẶT cho lìa vô sản,

CHẶT chế độ mỵ dân,

CHẶT bọn phi nhân bản!

Thu: nhắc nhở nguy nàn,

Cùng lòng dân oán hận

Đảng tàn phá giang san

Quê hương đà khánh tận.

Thu: không CHẠY GIẶC nữa.

Thì CHẶT VẬY! Trình thưa:

Vận Nước đang nghiêng ngửa

Chớ để GIẶC lại lừa!

Ý Nga, 14-5-2013.

THƯƠNG …VỪA VỪA

Mình đầy chưa, những ngọt ngào?

Yêu thương có đủ dạt dào trái tim?

Coi chừng úng thủy nhão mềm

Sương đêm cũng sợ, chẳng thèm mạch nha.

Anh ơi lá úa rồi kìa!

Trách nhiệm dâng nước phải chia cho đều

Em đi thì anh phải theo

Tuổi Thu nắng yếu, đủ điều phải mau!

Mặt trời vốn ở trên cao

Chỉ riêng hai đứa ủ nhau ấm đời

Thương vừa vừa, anh hỡi ơi!

Cứ quanh xó bếp ai thời thương dân?

Ý Nga**14-9-11

Hãy Đoàn Kết Đấu Tranh!

thơ: Phạm Hoài Việt

nhạc: Nguyễn Văn Thành

(DânChủCa) Hãy Đoàn Kết Đấu Tranh! – thơ Phạm Hoài Việt

DanChuCa.org kính mời quý vị vào link sau đây để nghe bài hát :

Hãy Đoàn Kết Đấu Tranh!

DanChuCa phổ nhạc từ bài thơ “Ước Nguyện Sau Cùng”của tác giả Pham Hoài Việt.

http://www.danchuca.org/128kbps/DoanKetDauTranh.mp3

Kính mời Quý Vị vào thăm trang nhà danchuca.org qua “link” sau đây:

http://www.danchuca.org

Dan Chu Ca Nguyen Van Thanh & Than Huu

www.danchuca.org

Thưa Quý Vị và Các Bạn, Tôi sẽ tiếp nối những bài ca này cho đến bao giờ Tự Do trên quê tôi. Bạn bè ơi! Ta ca vang để nhắc hoài: sức mạnh ngày mai trong tay ta, chẳng ai ngoài!

Kính

DanChuCa.org

Hãy Đoàn Kết Đấu Tranh!  

thơ: Phạm Hoài Việt

nhạc: Nguyễn Văn Thành

Hãy vươn vai đứng lên nầy chị, nầy anh 

Tổ quốc trông chờ – dân tộc hoài mong !

Triệu cánh tay giơ cao – nhìn thẳng ngọn cờ              

Da vàng máu đỏ luôn nhắc ta món nợ

Ơn chiến sĩ, nghĩa đồng bào – là nghĩa ân sông núi 

Nam nữ bình quyền trước Tổ Quốc hiển linh !

Xương chất núi, máu đầy sông sao đành thoái thác 

Trách nhiệm này chúng ta cùng nhau gánh vác

Không thể nữa ngồi yên

Không chờ đợi nắng bình minh

Khi giông bão đêm đen phủ ngập trời.

Quốc sử sẽ  còn ghi

thế hệ muôn đời sau

Công hay tội sẽ rõ trước sau…

 

 Hãy đoàn kết đấu tranh

 Sức mạnh là toàn dân

 Quyết sống làm người – dẫu vì quê hương

 sẵn sàng bạn ơi con đường quyết tử !

 Hơi thở sau cùng mong lần vinh dự

 Hôn la’ cờ vàng – Việt Nam muôn năm !!!

 Hôn lá cờ vàng – Việt Nam muôn năm !!!

TƯỚNG, TÁ VIỆT CỘNG ĐANG LÀM GÌ?

“Dân” Tàu “nhập cảnh” Quảng Ninh
Rồi đi đâu nữa? Dân mình có hay?
Tràn qua Móng Cái mỗi ngày
Đủ chưa? Mấy triệu? Thưa, dày võ trang?
Bao nhiêu tình báo sẵn sàng?
Bao quân xâm lược xênh xang ba miền?
 
Cầm quân: “tướng, tá” ngủ yên
Trốn trong địa đạo tam biên, tứ vùng?
Chưa chi liệt… sĩ “anh hùng”?*
Hay đang chuẩn bị bổ sung phe Tàu?
Tụm nhau nhậu nhẹt tào lao,
Kẻ thù thư thả tiến vào Việt Nam!
*
Thanh niên tài giỏi hãy làm:
Hỏi cho ra lẽ “đuôi sam” vào Nhà.
Chớ chờ xuất hiện quân xa,
Súng đâu đánh sáp lá cà Nghĩa Quân?
Địch quân vũ khí tối tân
Thí quân, Hán vốn bất nhân rợn người.
 
Đảng đà răm rắp tuân lời
Dân không vùng dậy? Muôn đời Hán nô.
 
Ý Nga*2.6.2017
 
*VC lúc nào cũng khoe khoang: quân dân ta toàn anh hùng, liệt sĩ
*Các vùng chiến thuật: I, II, III & IV
TIẾN LÊN! 
TOÀN THẮNG ẮT VỀ TA!”*
 
Vòng ngoài vệ sĩ, “berger”*
Vòng trong “bảo vệ” ngón nghề rất cao
Nhe răng ám khói thuốc lào
Mấy tên cán ngố ồn ào gắt gao;
Cộng Tàu xí xố, xí xào,
Chỉ huy, ra lệnh nhôn nhao cả Nhà.
 
Nhà Ta sao lắm “chú Ba”?
Chú ơi! “Bác” ngủ, ruột rà lấn sang
Dì, cô, cậu, dượng, họ hàng,
Anh hùng, liệt sĩ…” huênh hoang đâu rồi?
 
Toàn nòi cộng sản “bề tôi
Làm chi để “Chủ” lôi thôi, tơi bời?
Việt, Tàu cờ đỏ máu tươi
Nhân dân làm chủ” sao người xanh xao?
 
Nằm chơi, mặt “bác” hồng hào
Cả Nhà “lao động”, tiền vào đi đâu?
Ăn chơi cán bộ đi… đầu;
Xếp hàng rồng rắn, dân rầu: –Tiến? Lui?
 
Tiến lên” thua cả thụt lùi!
Sáng trưng tư bản. Tối thui Nhà Mình!
 
Ý Nga*28.5.2017
 
*“TIẾN LÊN! TOÀN THẮNG ẮT VỀ TA!” > Khẩu hiệu VC
BERGER: Chó chăn cừu của Đức, còn gọi là chó Alsace, (tiếng Đức: Deutscher Schäferhund) là một giống chó cỡ trung bình. Tại Việt Nam, giống chó này được gọi là chó Berger, phiên âm từ tiếng Pháp berger cũng có nghĩa là chó chăn cừu, gia súc. Có sức mạnh, thông minh và tuân thủ mệnh lệnh trong huấn luyện, chúng thường được dùng trong lực lượng cảnh sát  quân sự vì rất trung thành và có bản năng bảo vệ chủ
ĐẠI TÀI, 
PHÚ QUỐC?
 
Hòn Khoai, chợ Gạo, Đồng Xoài
Sao cư dân đói đêm ngày bi ai?
 
Suối Vàng, Đại Lộc, Phú Tài
Sao dân biền biệt ra ngoài lao nô?
 
Thái Bình, Phú Quý chỗ mô
Mà bao nhiêu trẻ thập thò xin ăn?
 
U Minh, Mũi Né nhọc nhằn
Giặc vào chễm chệ, xéo quằn rách tưa.
 
Đảng ngồi thêm mấy cho vừa?
Đại Tài, Phú Quốc có chưa anh hùng?
 
Ý Nga, 18.11.2017
 
*Ấp Đại Tài (Bình Thuận)
 
LÝ GÌ 
ĐỪNG LÝ 
QUẠ KÊU
*
(Trích thi tập: LỤC BÁT Ý NGA)
*
Bao nhiêu điệu nhạc kia mà
Sao em chỉ thích Dân Ca, Bài Chòi?
Nghe Quan Họ, thích tìm tòi
Đàn: Tam, Sến, Tứ, Bầu, Môi, Sáo, Cò…*
 
Dân mình đói quá, khó no
Nên chi điệu hát giọng hò toàn… lo.
Cung vang, bậc xót dày vò
Dân ta cứ khóc, lo cho Cơ Đồ.
 
Đàn: Tiêu*, Nhị, Nguyệt, Tranh, Hồ.
Thanh La, Chèo Cổ trầm trồ K’ny, Vang*
Kèn Bầu, Kèn Lá Hò Khoan
Ca Trù, Ca Huế. Trống dàn: Đế*, Cơm…
 
Ca nào biết giữ tiếng thơm?
Trống nào nhắc nhở sai lầm: NGOẠI XÂM?
Đàn nào khảy Đảng Điếc, Câm?
Kèn nào LỬA nổi, truyền âm BÃO ngầm?
 
Tỳ Bà, Nguyệt, Đáy*: hợp âm?
Tù Và, Mõ, Phách* bổng, trầm tim gan?
Cải lương, Hát Xẩm: vui buồn?
Đục, trong, gọn, nhẹ, thô, dòn Trống Prong*?
Mõ nào con cháu Lạc Hồng
Trao nhau CHUYỀN LỬA ngoài trong quyết lòng?
Âm nào vang dội Non Sông
Nhắc nhau giặc Hán biển Đông ngông cuồng?
 
Trống Đồng, Sáo, Trúc, Vang, Goong*:
Ước chi được học đục, trong thế nào?
Lý Con Sáo, Hát Ả Đào?
Chàng ơi, chàng hỡi ghi vào: Việt Nam!
*
Quạ đen, “Quạ Đỏ”*? Van thầm:
“Quạ” kêu thì tránh giùm em nhé Chàng!
 
Ý Nga, 12-9-2013.
 
*Người VN vẫn tin rằng quạ kêu không hên. Nên tác giả xin chừa LÝ QUẠ KÊU, để VN sớm thoát khỏi sự cai trị bạo tàn của loài QUẠ ĐỎ CS.
 
Theo Wikipedia:
-Cảnh  người Việt.
 thanh la  đường kính  quãng 5 đúng.[1]  gỗ  tre có mấu. Khi biểu diễn nhạc công tay trái cầm tiu, tay phải cầm que gõ vào mặt thau hoặc để riêng tiu và cảnh rồi dùng hai que khác nhau gõ.[2]
 
Thanh la là một nhạc cụ thuộc họ tự thân vang, chi gõ của dân tộc Kinh. Ở miền Nam được gọi là Đẩu, miền Trung gọi là Tang[1]. Được làm bằng đồng hợp kim với thiếc có pha chì, hình tròn. Thanh la có nhiều cỡ to, nhỏ khác nhau, đường kính 15 – 25 cm, mặt hơi phồng, xung quanh có thành cao 4 cm, ở cạnh thanh la người ta dùi hai lỗ thủng để xỏ một sợi dây quai. Mặt là trung tâm phát âm, thành là trung tâm nhân to tiếng[2].Thanh la của Nhà hát Chèo Việt Nam có đường kính 15cm, dùi dài 20cm. Khi diễn tấu nghệ sĩ cầm dây quai dơ lên, còn một tay cầm dùi gõ vào mặt thau tạo ra tiếng. Âm thanh cao, vang, vui, trong trẻo, đánh mạnh nghe chói tai.Thanh la có hai thứ tiếng:
Tiếng Vang : nghệ sĩ chỉ cầm sợi dây quai giữ Thanh la và để Thanh la được tự do rung động.
Tiếng Nặng: nghệ sĩ cầm sợi dây quai của Thanh la và dùng các ngón tay nắm giữ lấy cạnh Thanh la khiến sức rung động của Thanh la giảm bớt.
Tiếng Thanh la bao giờ cũng đi sát với tiếng trống đế: tiếng “vang” của Thanh la hòa nhịp với tiếng da của trống đế và tiếng “nặng” của Thanh la đi cùng với tiếng đanh của tang trống đế trong Dàn nhạc Chèo cổ.
 
Trống đế hay trống chầu  nhạc cụ gõ, họ màng rung xuất hiện ở Việt Nam từ khá lâu đời. Trong nghệ thuật chèo người ta gọi nó là trống đế, còn trong ca trù nó là trống chầu[1]. Đúng như tên gọi, Trống đế làm nhiệm vụ đế có nghĩa là lót, là chỗ dựa, làm điểm xuyết cho diễn viên khi biểu diễn và ca hát.
Trống đế có hai mặt trống hình tròn, đường kính bằng nhau khoảng 15 cm. Mặt trống thường là da nách trâu nạo mỏng (rất dai và bền) đủ sức chịu đựng độ cǎng mặt trống. Đường viền da bịt mặt trống trùm xuống thân trống khoảng 3 cm, được đóng bằng đinh tre. Da trống căng nhưng phải định âm tương ứng giọng hát của diễn viên. Tang trống cao khoảng 18 cm, bằng gỗ mít nguyên khúc gọi là tang liền, song có khi bằng những mảnh gỗ mít chấp lại, sơn phết bên ngoài. Hai dùi trống dài khoảng 25 cm, bằng gỗ cứng. Phía đầu tay cầm to hơn phía đầu gõ vào mặt trống[2]. Âm thanh Trống Đế nghe vui, cao, lảnh lót, hơi đanh nhưng gọn tiếng. Người ta đánh vào nhiều vị trí khác nhau trên trống đã tạo ra được nhiều âm thanh khác nhau:
Đánh vào giữa mặt trống, tiếng trống nghe vang, giòn.
Đánh vào mặt trống nhưng giữ nguyên dùi, âm thanh sẽ khô, xỉn.
Đánh vào cạnh mặt trống nghe như tiếng phách.
Nhờ kết hợp tài tình các lối đánh ở mặt và tang trống, gây ra sự đối lập nhưng lại hài hòa về màu sắc, âm thanh. Trống Đế có ở Việt Nam từ lâu đời. Trống được coi là nhạc khí gõ cao âm quan trọng, không thể thiếu trong ca trù và sân khấu chèo truyền thống. Ngoài ra trống cũng được dùng trong một vài thể loại ca nhạc dân tộc khác như chầu vǎn nhưng không phổ biến bằng.
 
-Đàn đáy có tên gốc là “đàn không đáy” tức “vô đề cầm”, vì nó không có đáy (hậu đàn). Do đó người ta gọi tắt là đàn đáy lâu ngày thành tên chính thức như hiện nay. Một giả thuyết khác cho rằng nhạc cụ này có dây đeo bằng vải, dây này trong chữ Hán là “đái” (đai) nên mới gọi là “đàn đái”, đọc chệch lâu ngày thành “đàn đáy”. Đàn đáy có 4 bộ phận chính :
Bầu đàn, còn gọi là thùng đàn : bằng gỗ, hình thang cân. Đáy lớn nằm phía trên, rộng khoảng 23–30 cm, đáy nhỏ nằm phía dưới rộng khoảng 18–20 cm. Cạnh 2 bên khoảng 31–40 cm. Thành đàn vang bằng gỗ cứng, dày khoảng 8–10 cm. Mặt đàn bằng gỗ ngô đồng, có một bộ phận để móc dây đàn (cái thú). Có khi mặt đàn khoét một lỗ hình chữ nhật. Đáy đàn thủng hình chữ nhật.
Cần đàn : dài 1,10-1,30 m gắn phía trên từ 10 đến 12 phím đàn bằng tre nhưng đàn đáy cổ có 16 phím[2]. Các phím này dày và cao, phần đỉnh dài hơn phần chân phím. Tính từ đầu đàn trở xuống, phím đầu tiên không gắn sát vào sơn khâu như nhiều nhạc cụ khác mà lại nằm ở quãng giữa cần đàn.
Đầu đàn : hình lá đề, hốc luồn dây có 3 trục chỉnh dây.
Dây đàn : 3 dây bằng tơ se, dài, mềm và dễ nhấn mang tên dây Hàng, dây Trung  dây Liễu. Ngày nay, những dây này có thể bằng nilon với kích thước to nhỏ khác nhau, mỗi dây cách nhau 1 quãng bốnđúng. Dây đàn được chia làm năm cung: cung Nam, cung Bắc, cung Nao, cung Huỳnh  cung Pha.
Đàn đáy có âm vực rộng hơn 2 quãng tám, âm sắc giống đàn nguyệt, ấm áp dịu ngọt và có thể diễn tả tình cảm sâu sắc. Ngày xưa nghệ sĩ cần miếng khảy bằng que tre để đánh, ngày nay họ thường dùng miếng khảy nhựa hơn.
Kỹ thuật tay phải gồm có ngón khảy, hất, lia (vê) giống như cách diễn đàn nguyệt  đàn tỳ bà. Kỹ thuật tay trái gồm có ngón chùn, nhấn, láy, đánh chồng âm và hợp âm…
Ở loại đàn đáy cổ truyền người ta không đánh dây buông mà bấm vào phím thứ nhất để gảy, cách này coi như đánh dây buông. Người biểu diễn thường dùng đàn đáy đệm cho giọng nữ cao hoặc phối hợp với những nhạc cụ gõ có âm thanh khô (ít vang). Đàn đáy là nhạc cụ độc đáo chỉ duy nhất dùng để biểu diễn ca trù cùng với phách  trống chầu. Ngày nay nó còn được dùng trong một số dàn nhạc dân tộc để hòa tấu.
 
 Phách  nhạc khí tự thân vang , xuất hiện trong nhiều thể loại ca, múa nhạc ở Việt Nam từ rất lâu đời. Nhiệm vụ của phách là giữ nhịp cho dàn nhạc,