Sự ra đời chiến lược ‘Việt Nam hóa chiến tranh’

Nguồn: Stephen B. Young, “The birth of ‘Vietnamization’,” The New York Times, April 28, 2017.

Biên dịch: Phạm Hồng Anh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Ngày 14 tháng 10 năm 1966, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, người chịu trách nhiệm chính cho cuộc chiến chống cộng sản tại Nam Việt Nam, đã thừa nhận thất bại của mình. Chỉ hơn một năm trước khi ông chính thức từ chức Bộ trưởng, ông đã gửi một báo cáo dài đến Tổng thống Lyndon Johnson, khéo léo thừa nhận rằng ông và Lầu Năm Góc không có chiến lược nào để kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi cho Nam Việt Nam.

Johnson nhanh chóng tìm kiếm một cách tiếp cận mới từ những người khác. Một tháng sau báo cáo của McNamara, Tổng thống yêu cầu hai người – Walt Rostow, cố vấn an ninh quốc gia, và Robert Komer, thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia – phải đem lại một giải pháp hiệu quả hơn các chiến thuật chiến tranh tiêu hao và ném bom của McNamara.

Ngày 13 tháng 12 năm 1966, họ đề xuất “bổ trợ chiến dịch tấn công quân chủ lực phía địch và ném bom tấn công bằng các nỗ lực tăng cường nhằm bình định hóa vùng nông thôn và tăng cường sức lôi cuốn” của chính quyền Nam Việt. Thuật ngữ “Việt Nam hóa chiến tranh” đã ra đời một thời gian dài trước khi trở nên phổ biến.

Để triển khai kế hoạch này, Johnson đã chọn ba người: Ellsworth Bunker làm đại sứ Mỹ tại Sài Gòn; Komer chỉ huy một tổ chức chống nổi dậy mới; và Tướng Creighton Abrams tăng cường năng lực quân đội Nam Việt Nam để đánh bại quân chính quy Bắc Việt.

Bunker phải làm việc với lãnh đạo Nam Việt và đảm bảo sự phối hợp của mọi lực lượng – cả dân sự và quân sự, người Mỹ, và các nhà dân tộc chủ nghĩa Việt Nam. Komer và Abrams đảm nhiệm vị trí phó cho Tướng William Westmoreland tại trụ sở của ông này ở ngoại ô Sài Gòn.

Nhưng Bunker mới là người mà Johnson đánh giá có vai trò then chốt. Vai trò đó còn hơn cả nhiệm vụ ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Nam Việt Nam. Đó là giúp Mỹ thoát khỏi cuộc chiến. “Tôi đã giúp ông ấy thoát khỏi Cộng hòa Dominica và đạt được mục đích chính trị ở đó,” Bunker nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn. “Ông ấy muốn tôi làm điều tương tự ở Nam Việt Nam.”

Trong một cuộc gặp riêng không có tài liệu ghi lại, Johnson nói với Bunker rằng ông muốn bắt đầu rút quân đội Mỹ khỏi Việt Nam. Nhưng trước khi các lực lượng này có thể rời đi, một quân đội Nam Việt Nam mạnh hơn, hoàn thiện hơn phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong các chiến dịch tìm và diệt nhằm giữ chân quân đội Hà Nội trên núi và gần biên giới, tách biệt khỏi dân chúng.

Đồng thời, Johnson muốn người Nam Việt Nam phải tăng tốc quá trình phát triển dân chủ và chịu trách nhiệm hoàn toàn về vận mệnh chính trị của Nam Việt. Nói ngắn gọn, Johnson muốn vai trò của Mỹ tại Việt Nam giảm đi với tốc độ tương ứng với sự tăng cường tự lực của Nam Việt.

Johnson và đội ngũ lãnh đạo mới ở Sài Gòn đã tổ chức một cuộc gặp tại đảo Guam vào ngày 20 tháng 3 năm 1967, với hai người đứng đầu chính quyền Nam Việt Nam, Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Họ trình bày với tổng thống một bản hiến pháp mới cho Nam Việt Nam, trong đó kêu gọi các hệ thống kiểm soát và cân bằng, và phân quyền xuống cho các hội đồng địa phương dân cử tại các tỉnh và làng xã.

Tổng thống Johnson đã coi nhẹ tầm quan trọng của cuộc gặp; ông nhấn mạnh trước công chúng rằng cuộc gặp này không bàn về những khía cạnh quân sự của nỗ lực chiến tranh, mà chỉ nói rằng “Tôi nghĩ chúng ta có một vấn đề khó khăn, nghiêm trọng, kéo dài, dai dẳng, đau đớn mà chúng ta vẫn chưa có lời giải đáp.” Nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của cuộc gặp ở Guam. Johnson đã dùng nó để thiết lập một hệ tiêu chí mới nhằm đánh giá thành công trong nỗ lực chiến tranh: xây dựng nhà nước, rút khỏi chiến tranh.

Hai ngày trước cuộc gặp tại Guam, Tướng Westmoreland đã yêu cầu tăng viện 85.000 lính nhằm tăng cường các chiến dịch trên chiến trường để “tránh một cuộc chiến kéo dài phi lý.” Tại Guam, Westmoreland bảo vệ yêu cầu tăng viện của mình. Bunker đã theo dõi phản ứng của Johnson trước báo cáo của Westmoreland. Tâm trạng và vẻ mặt của ngài tổng thống thể hiện sự không thoải mái khi nghe bản phân tích đầy lo ngại của Westmoreland, nó gần như khẳng định lại đánh giá trước đây của McNamara rằng chiến lược chiến tranh cường độ cao của Lầu Năm Góc không thể nào dập tắt quyết tâm của Hà Nội.

Quả thật là Johnson đã phản đối tăng viện. Khi Westmoreland đến Washington một tháng sau đó để tiếp tục yêu cầu tăng quân, Tổng thống trả lời: “Khi chúng ta tăng thêm các sư đoàn, chẳng lẽ phía địch không thể tăng thêm các sư đoàn tương ứng? Nếu cứ như vậy thì khi nào tất cả mới kết thúc?” Vài tháng sau, Johnson đáp ứng một phần đòi hỏi của Westmoreland, gửi thêm 45.000 quân chiến đấu, khoảng một nửa số lượng ông này yêu cầu.

Bunker tới Sài Gòn vào cuối tháng 4 năm 1967, nơi ông phải thể hiện rõ rằng cách tiếp cận của Washington đã thay đổi. Sẽ không còn là một cuộc chiến “sức mạnh cứng” được tiến hành chủ yếu bởi các đơn vị chiến đấu của Mỹ ở Nam Việt Nam, được hỗ trợ bởi chiến dịch ném bom miền Bắc của Mỹ, với tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào kết quả của cuộc chiến vũ trang này. Thay vào đó, ngày 28 tháng 4, Bunker nói với Thiệu rằng “bản chất của thành công” nằm ở việc đem lại an ninh cho tất cả các thôn ấp trên khắp vùng nông thôn.

Bunker đặt ra cho mình bốn nhiệm vụ chính: thuyết phục lãnh đạo Nam Việt Nam về nhu cầu xây dựng một chính phủ chính danh đại diện cho các lực lượng chính trị đa dạng trong nước; tiến hành một chương trình bình định hóa nhằm mang lại hòa bình và trật tự cho làng xã nông thôn; chuẩn bị cho quân đội Nam Việt Nam để tiếp quản gánh nặng chiến đấu trực tiếp với các lực lượng Cộng sản; và thúc đẩy sự phát triển kinh tế để cải thiện điều kiện sống và gây dựng ngân sách cho cuộc chiến chống lại Bắc Việt.

Nói cách khác, mục tiêu của Ellsworth là chuyển gánh nặng duy trì Nam Việt Nam tồn tại như một nước cộng hòa độc lập từ Hoa Kỳ sang cho chính Nam Việt Nam.

Được cử làm phó cho Westmoreland và phụ trách việc bình định hóa, Komer ngay lập tức bắt đầu xây dựng một tổ chức mới – tổ chức Phát triển Cách mạng và Hoạt động Dân sự (CORDS) – nơi tập hợp các cố vấn quân sự và dân sự Mỹ để phối hợp với Nam Việt Nam trong việc vận động dân chúng chống lại Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hay Việt Cộng.

Tại thời điểm đó, mọi thứ có vẻ đang đi đúng hướng. Nam Việt Nam thông qua bản hiến pháp mới, các cuộc bầu cử mang lại một Quốc hội lưỡng viện, và hàng nghìn người đứng đầu các thôn ấp được người dân lựa chọn. Và một chiến dịch tranh cử tổng thống tương đối minh bạch kết thúc với kết quả là Nguyễn Văn Thiệu đắc cử tổng thống và Nguyễn Cao Kỳ đắc cử phó tổng thống. Nam Việt Nam nay đã có một cơ sở hạ tầng chính trị để hỗ trợ các làng xóm, phát triển kinh tế và cung cấp nhiều nhân lực hơn cho lực lượng vũ trang.

Westmoreland cũng có những điều chỉnh đối với các nỗ lực quân sự theo chiến lược mới. Trong một bài phát biểu trước công chúng tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington ngày 21 tháng 11 năm 1967, ông công bố kế hoạch kết thúc cuộc chiến của Mỹ tại Nam Việt Nam. Ông gọi đây là “Giai đoạn IV” hay “giai đoạn cuối cùng,” trong đó lực lượng quân đội Mỹ trở nên “dần dần không còn cần thiết” đối với việc phòng thủ Nam Việt. “Các đơn vị Mỹ có thể bắt đầu giảm dần quân số bởi Quân đội Nam Việt đã được hiện đại hóa và tăng cường năng lực đến mức cao nhất.” Xuất hiện trên chương trình truyền hình “Gặp gỡ báo chí” sau bài phát biểu, Westmoreland dự đoán rằng các lực lượng Mỹ sẽ bắt đầu rút khỏi Nam Việt Nam trong “hai năm nữa hoặc ít hơn.”

Ông ấy đã đúng: các lực lượng Mỹ đã bắt đầu rút quân khỏi chiến trường vào tháng 8 năm 1969 – nhưng đó là sau khi thêm 21.000 lính Mỹ nữa tử trận.

Stephen B. Young là giám đốc điều hành toàn cầu mạng lưới Caux Round Table. Ông làm việc cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ở Nam Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.

Hình: Đại sứ Ellsworth Bunker trình quốc thư lên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày 28/04/1967. Nguồn: NYT.

Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài Vietnam 1967

Võ Văn Ba: Điệp viên hàng đầu của VNCH và CIA ở Nam Việt Nam

Tác giả: Tina Hà Giang p/v Frank Snepp

Chỉ gần đây mới có tin chính thức về cái chết của Võ Văn Ba, người từng được coi là ‘điệp viên hàng đầu của CIA ở Nam VN’, khi báo chí Hà Nội gọi đây là ‘tên nội gián nguy hiểm’, bí số X92, Frank Snepp đã biết chắc về cái chết sẽ đến của điệp viên này từ ngày 17/4/1975.

“Lúc ấy tôi biết tính mệnh của Võ Văn Ba đang lâm nguy, và có đủ lý do để tin là một nhân viên CIA biết rõ về nhiệm vụ của ông đã bị phe cộng sản bắt tại Phan Rang, và ngờ rằng khi bị tra tấn, người này sẽ khiến ông bị lộ. Một trong những ác mộng kinh hoàng nhất của tôi trong những ngày cuối cuộc chiến – là người anh hùng này, người đã liều lĩnh làm mọi thứ để hỗ trợ đồng minh – và đảm bảo sự thành công của đợt không vận khẩn cấp cuối cùng đưa nhiều người Việt di tản khỏi VN – có thể đã không sống sót.

Thiếu tá Cảnh sát VNCH Phan Tấn Ngưu, trong một bài viết về Võ Văn Ba trên trang CanhsatQuocgia.org đã gọi ông là “điệp viên giỏi nhất của VNCH, và nhớ lại ông Võ Văn Ba hay nói ‘Nếu cộng sản chiếm được miền Nam, tôi sẽ tự tử!’ và đó chính là điều ông đã làm, khi bị bắt giữ chỉ vài ngày sau khi Sài Gòn thất thủ.”

“Giờ đây tôi nhiều lần tự trách là đã không khăng khăng bắt Võ Văn Ba phải cùng mình rời khỏi Việt Nam,” nhà phân tích chính của CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ) trong cuộc chiến Việt Nam thổ lộ điều vẫn còn khiến ông bị dằn vặt.

Cùng là gián điệp hai mang, nhưng không như Phạm Xuân Ẩn, cái tên Võ Văn Ba chỉ trong mấy năm nay mới được nhắc đến.

Truyền thông Việt Nam sau 1975 nói ông “chui sâu, leo cao vào nội bộ ta” trong suốt 10 năm và “gây tổn thất đáng kể cho cách mạng” (báo Nhân Dân hồi 2015, và báo Công an Nhân dân về điệp viên X92).

Võ Văn Ba là ai? Ông đã làm gì trong cuộc chiến Việt Nam mà được mệnh danh là điệp viên hàng đầu của CIA, giỏi nhất của VNCH ở Nam Việt Nam?

Trong cuộc phỏng vấn chúng tôi thực hiện cho BBC, Frank Snepp, người từng nhận lệnh của CIA đưa ông Nguyễn Văn Thiệu ra sân bay để rời VN tháng 4/1975, nói điệp viên Võ Văn Ba là một trong những lý do ông đang viết thêm một cuốn sách nữa về cuộc chiến cho đến giờ vẫn còn ám ảnh tâm trí ông.

Frank Snepp: Võ Văn Ba là một người yêu nước, được CIA đặt cho biệt hiệu ‘TU Hackle’ và là điệp viên giỏi nhất của CIA hoạt động trong lòng địch.

Ông từng là một đảng viên cộng sản tận tụy vào cuối thập niên 1940, chuyên tuyển mộ thành viên trẻ tại một tỉnh phía nam Sài Gòn. Ông làm việc với Việt Minh, rồi trở thành một kẻ khủng bố, nhưng nhanh chóng nhận ra rằng khủng bố không phải là cách thu phục trái tim con người. Chán ngán việc phe cộng sản dùng giết chóc và đe dọa như một chiến thuật chiêu mộ, Võ Văn Ba rời bỏ hàng ngũ.

Tạm biệt chủ nghĩa cộng sản năm 1954 vào thời điểm Hiệp định Geneva, Võ Văn Ba trở thành người đốn cây trồng rẫy, và dọn về tỉnh Tây Ninh, phía tây bắc Sài Gòn. Tây Ninh là một tỉnh quan trọng, vì đó là địa bàn hoạt động của Trung ương Cục Miền Nam, từ một hang ở Núi Bà Đen.

Khi cán bộ Bắc Việt đi qua rẫy của Võ Văn Ba ở chân đồi, ngay bên dưới căn cứ chỉ huy Trung Ương Cục để tham dự các cuộc họp, ông dần dà quen biết họ. Cảnh sát VNCH trong khu vực này, biết lý lịch của Võ Văn Ba, nhận ra ông ở một vị trí lý tưởng. Họ tìm đến ông và nói: chúng tôi muốn ông giúp chúng tôi theo dõi cộng sản, và Võ Văn Ba trở thành gián điệp nhị trùng năm 1960.

Thoạt đầu Võ Văn Ba hợp tác với cảnh sát VNCH. Ông nhanh chóng là một điệp viên hiệu quả, làm việc với cấp chỉ huy cộng sản. Võ Văn Ba đóng vai người cộng sản lầm đường muốn trở lại Đảng, và mới đầu chỉ được tiếp cận với vòng ngoài của Trung ương Cục Miền Nam, nhưng sau đó đi hẳn vào trung tâm của Cục. Nhờ vậy, ông thu thập được mọi động tĩnh từ cơ quan này, biết hết các điệp viên hai mang của họ, và những điều họ đang làm.

Năm 1965, CIA bắt đầu đưa Võ Văn Ba vào quỹ đạo của mình sau khi nhận thấy ông là một nguồn tin có giá trị. Ông từ đó làm việc cho cả An ninh Cảnh sát VNCH lẫn CIA.

Năm 1968, Võ Văn Ba báo trước cho cảnh sát VNCH năm ngày về cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Thông tin tương tự đến được Đại sứ quán Hoa Kỳ, người Mỹ không đánh giá cao tin này lắm, nhưng cảnh sát VNCH thì có. Và đó là lý do tại sao khi lực lượng cộng sản tấn công Sài Gòn vào Tết Mậu Thân 1968, cảnh sát VNCH đã chuẩn bị trước và có mặt để đối phó.

BBC: Ông có thể kể lại kinh nghiệm làm việc với Võ Văn Ba?

Frank Snepp: Năm 1969, tôi đến VN làm chuyên viên phân tích cho CIA. Một trong những điều đầu tiên tôi phải làm là phân tích tài liệu chúng tôi vừa tịch thu được, một tài liệu của Cộng sản quan trọng nhất mà chúng tôi từng có.

Tài liệu đó là Nghị quyết 9, phân tích của Bắc Việt về những gì xảy ra năm 1968, cũng như hoạt động quân sự sau đó. Bắc Việt nhận định rằng quá nhiều quân sĩ của họ đã tử trận, nhiều đến mức họ dự trù phải thúc thủ trong vòng hai năm. Nói cách khác, họ không thể có cuộc tấn công lớn nào nữa. Khi CIA tịch thu được toàn bộ tài liệu này, tôi được giao nhiệm vụ cùng với ba hoặc bốn đồng nghiệp, cũng thuộc CIA, phải tìm hiểu xem tài liệu có xác thực hay không.

Chúng tôi nghĩ tài liệu đó thật, nhưng không chắc 100%. Làm thế nào để xác định được là tài liệu đó có giúp chúng tôi biết ý định sự thật của phía cộng sản không rất quan trọng, vì chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, chính sách mới của Nixon về việc rút lực lượng Mỹ và đưa lực lượng Việt Nam lên tuyến đầu, chỉ mới bắt đầu. Nếu tài liệu này đúng, có nghĩa là trong thời gian hai năm, khi Cộng sản không thể hoạt động mạnh trên chiến trường, chúng tôi sẽ rảnh tay thực hiện chính sách Việt Nam hóa.

Chúng tôi gặp Võ Văn Ba và được Võ Văn Ba xác nhận đó là tài liệu đúng. Đó là một đột phá tình báo lớn. Tôi biết Võ Văn Ba trong hoàn cảnh đó. Trong vòng hai năm, tôi bắt đầu gặp trực tiếp ông ta, không phải vì tôi giỏi, không phải vì tôi nói được tiếng Việt, tôi luôn phải có thông dịch viên khi làm việc với Võ Văn Ba, nhưng vì tôi đã nắm sẵn được nhiều bí mật. Là một nhà phân tích của CIA, tôi được truy cập vào những bí mật quan trọng và bạn phải biết bí mật thì mới có thêm được bí mật. Vì vậy CIA cử tôi đến nói chuyện với nhiều nguồn tin, trong đó có Võ Văn Ba, để lấy tin và xác minh xem những gì chúng tôi nhận được có chính xác không.

Tôi bị Võ Văn Ba mê hoặc. Ông có trí nhớ phi thường, có thể xem một tài liệu và nhớ nguyên văn mọi thứ cần nhớ về tài liệu đó. Không cần phải cầm tài liệu trong tay, chỉ cần đọc nó một lần, ông sẽ có thể mang tài liệu đó đến cho chúng tôi trong đầu của ông.

CIA huấn luyện cho ông tất cả những kỹ thuật căn bản trong nghề tình báo.

Phải nói rõ là Võ Văn Ba có người phụ trách trực tiếp tức ‘handler’ là Cảnh sát Đặc biệt của VNCH. Ông cũng có một ”handler” khác là một nhân viên CIA người Mỹ ở Tây Ninh. Nhưng người Mỹ này không thể trực tiếp gặp ông, bởi nếu Cộng sản nhìn thấy ông với một người da trắng, họ sẽ nghi ngờ.

Vì vậy, để gặp ‘handler’ người Mỹ, Võ Văn Ba phải vào một bệnh viện ở Tây Ninh, trèo lên một băng ca, kéo tấm trải giường lên người, giả như người đã chết. Sau đó, các nhân viên phụ trách người Việt của ông sẽ chuyển băng ca ra ngoài, đưa lên máy bay. Máy bay sẽ đưa Võ Văn Ba vào Sài Gòn nơi ông cải trang để gặp tôi hoặc một người Mỹ khác. Ông sẽ mặc áo dài nam hay đội bộ tóc giả lớn khiến ông trông giống một phụ nữ và đeo cặp kính đen khổng lồ giống như Greta Garbo, rồi đến gặp chúng tôi tại một nơi an toàn.

BBC:Ngoài trí nhớ phi thường như ông nói, Võ Văn Ba là người như thế nào và có đặc điểm gì, thưa ông?

Frank Snepp: Võ Văn Ba có hai nhược điểm. Một là rất thích bia Budweiser. Ông được bảo là người Mỹ thả bia Budweiser dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh để làm chậm tiến độ xâm nhập của Bắc Việt, vì đang di chuyển họ phải dừng lại uống bia (cười). Chẳng biết điều đó có đúng không, tôi cho rằng đó là sự thật, dù không bao giờ kiểm chứng được. Dẫu sao Võ Văn Ba rất mê Budweiser.

Nhược điểm thứ hai là rất thích thuốc Salem. Nghe nói ông Hồ Chí Minh cũng mê thuốc lá Salem, và thường bỏ thuốc Bastos hoặc thuốc lá Việt Nam trong túi áo, và mời những thứ này cho các đồng chí. Nhưng khi muốn hưởng chút lạc thú, ông sẽ lấy Salem ra hút. Vì vậy, Võ Văn Ba, người thích trò trớ trêu, luôn đòi chúng tôi cung cấp bia Budweiser và thuốc Salem trước khi trao cho chúng tôi những bí mật.

Và những bí mật ông có được thì thật tuyệt vời. Toàn những tin từ nội bộ. Ông được hàng ngũ cộng sản tín nhiệm đến nỗi được tham gia các cuộc họp bên trong Bộ chỉ huy ở Núi Bà Đen.

Võ Văn Ba ở vào vị trí lý tưởng để giúp chúng tôi, và để giúp ông đóng được vai trò một thành viên Cộng sản tốt, CIA và Cảnh sát Đặc biệt VNCH dàn dựng nhiều việc. Chúng tôi tấn công vào các trạm kiểm soát của cảnh sát VNCH, tất cả đều là giả, và sau đó loan tin là phe cộng sản đã làm điều đó, dĩ nhiên Võ Văn Ba kiếm được điểm, vì vậy, tín nhiệm của ông ngày càng tăng trong giới chỉ huy Bắc Việt. Họ cho rằng ông đã thi hành tất cả những điệp vụ kinh tởm cho họ, trong khi thực sự ông làm việc cho chúng tôi.

BBC: Những tường trình của Võ Văn Ba đã giúp công việc của ông ra sao?

Frank Snepp: Tôi dần dà ủng hộ tuyệt đối những tường trình của Võ Văn Ba. Lúc trở về trụ sở CIA ở Mỹ vào năm 1971, tôi là thành viên của một đơn vị phân tích lớn, chuyên viết bản tường trình hàng ngày (Daily Brief) cho Tổng thống. Tôi quảng bá báo cáo của Võ Văn Ba, vì là một trong số ít người trong ban phân tích của CIA đã gặp được ông, và vì tôi biết ông là vàng ròng.

Năm 1972, chúng tôi bắt đầu nhận được báo cáo lạ của Võ Văn Ba. Lạ vì nó cho thấy Cộng sản đang làm một điều mà chúng tôi không bao giờ nghĩ họ sẽ làm. Họ cho cán bộ biết là có thể sẽ có một hiệp định hòa bình mà không cần phải có điều kiện họ luôn coi là tiên quyết, đó là Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức. Tôi sửng sốt khi đọc điều đó, vì tôi biết Võ Văn Ba là người đáng tin.

Tôi viết ngay bản tường trình hàng ngày cho tổng thống nói rằng tôi nghĩ một hiệp định hòa bình đang trong quá trình được thực hiện. Lúc ấy Henry Kissinger đang bí mật đàm phán ở Paris, nhưng không nói cho ai biết mình đang làm gì. Báo cáo của Võ Văn Ba là dấu hiệu đầu tiên cho chúng tôi thấy đã có bước đột phá trong cuộc đàm phán bí mật ở Paris giữa Kissinger và Lê Đức Thọ. CIA, dù ít nhất là ở cấp của tôi, không ai biết gì về điều này. Vì vậy, chúng tôi đã được điệp viên giỏi nhất của mình báo về tiến trình các cuộc đàm phán tại Paris.

Sau đó tôi lại được cử về Sài Gòn vào mùa thu năm 1972 để thẩm vấn một tù binh Bắc Việt giỏi nhất mà chúng tôi bắt được. Vào tháng 10/1972, khi tôi đã có mặt ở Sài Gòn, chúng tôi nhận được một báo cáo hết sức sửng sốt của Võ Văn Ba. Báo cáo cho biết Kissinger đã có một thỏa thuận khủng khiếp với phe cộng sản, cho phép Bắc Việt giữ lực lượng của họ ở miền Nam.

Bản báo cáo của Võ Văn Ba không chỉ đến Tòa Đại sứ, mà còn đến tay Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, khiến ông Thiệu vào tháng 10/1972 phản ứng mãnh liệt, hỏi chuyện gì đang xảy ra, Kissinger đang làm gì? Ông Thiệu nhất quyết phản đối, nói sẽ không chấp nhận thỏa thuận mà Kissinger đang đàm phán dù đó là thỏa thuận gì, vì ông không được tham dự vào việc thương lượng. Khi ông Thiệu nhất quyết phản đối thì đến phiên Bắc Việt hỏi chuyện gì đang xảy ra, người Mỹ chắc đang lừa chúng ta.

Khi thấy thỏa thuận có nguy cơ bị hỏng, vì Võ Văn Ba đã cho chúng tôi biết sự thật, Nixon quyết định dội bom Bắc Việt để chứng minh với ông Thiệu rằng Mỹ vẫn đứng về phía ông, và cũng để làm cho Bắc Việt phải tiếp tục thương lượng, và họ đã trở lại đàm phán.

Võ Văn Ba đã cung cấp cho tổng thống VNCH thông tin đầu tiên về những gì Kissinger đang làm, và quan trọng nhất là quyết định cho phép quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam của Kissinger.

BBC: Ông có tiếp xúc với Võ Văn Ba thường xuyên không?

Frank Snepp: Trong thời kỳ ngừng bắn 1973 đến 1975, tôi thỉnh thoảng gặp ông để biết những kế hoạch mới nhất của cộng sản. Tôi cũng được trao một trọng trách mới, là giúp quản lý một đặc vụ mà chúng tôi đang có ở Hà Nội. Phải nói rõ rằng người phụ trách Võ Văn Ba là một nhân viên CIA khác rất giỏi, nhưng tôi được cử đến gặp ông định kỳ để kiểm chứng những phát hiện của ông với nguồn trực tiếp của chúng tôi ở Hà Nội. Tôi không giỏi gì, nhưng chỉ vì tình cờ mà tôi được liên lạc trực tiếp với điệp viên giỏi nhất của CIA và có dịp kiểm chứng những tin những điệp viên gửi về.

Khi Nixon từ chức, Võ Văn Ba cho chúng tôi những dấu chỉ đầu tiên về những gì Cộng sản sẽ làm vào cuối năm 1974. Ông nói Bắc Việt sẽ thử nghiệm để xem khả năng phòng thủ của VNCH lúc ấy yếu đến độ nào.

Ngày 8/4/1975, Võ Văn Ba cho chúng tôi báo cáo đầu tiên về những gì phe cộng sản sẽ làm để dứt điểm cuộc chiến. Tôi không được tin này trực tiếp, mà nhận qua người ‘handler” của ông. Tôi gửi ngay yêu cầu cho Võ Văn Ba thông qua người Mỹ này để hỏi thêm.

Sau đó, ngày 17/4, tôi trực tiếp gặp Võ Văn Ba và nhận được toàn bộ kế hoạch kết thúc chiến tranh của Cộng sản: Sẽ không có thỏa thuận nào, ông Thiệu từ chức hay không không thành vấn đề, cũng không thành vấn đề nếu chúng tôi muốn thành lập một chính phủ liên hiệp, Cộng sản nhất quyết tiến chiếm Sài Gòn kịp sinh nhật Hồ Chí Minh vào giữa tháng 5, và sẽ tấn công trước ngày 1/5, đúng y như những gì đã xảy ra.

Tin đó khiến các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ đã bị sốc mà phải tức thời lập chương trình cho những chuyến trực thăng khẩn cấp đưa người di tản. Vì vậy, với những ai đã được đưa ra khỏi Việt Nam vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, Võ Văn Ba là người đã cứu họ…

PHẦN 2: FRANK SNEPP SO SÁNH ĐIỆP VIÊN CIA VÕ VĂN BA VÀ TÌNH BÁO CS PHẠM XUÂN ẨN.

Cùng là gián điệp nhị trùng, nhưng không như Phạm Xuân Ẩn, cái tên Võ Văn Ba chỉ trong mấy năm nay mới được nhắc đến.

Truyền thông Việt Nam sau 1975 nói ông “chui sâu, leo cao vào nội bộ ta” trong suốt 10 năm và “gây tổn thất đáng kể cho cách mạng”.

Võ Văn Ba là ai và số phận ông ta ra sao sau 30/04/1975 khi lực lượng chính quy của Bắc VN tiến vào Sài Gòn, xóa sổ chế độ VNCH.

Trong cuộc phỏng vấn chúng tôi thực hiện cho BBC, Frank Snepp, nhà phân tích chính của CIA trong chiến tranh VN, kể những gì ông biết về Võ Văn Ba, nêu ra ý kiến cá nhân về điệp viên này và chia sẻ những gì ông tin là ông biết được thêm sau 1975.

Frank Snepp: Theo thông tin mà chính Cộng sản đưa ra sau đó, Võ Văn Ba bị một nhân viên CIA, một người Mỹ bị bắt hai tuần trước khi cuộc chiến kết thúc làm lộ. Theo bản dựng lại vụ án của Cộng sản, được công bố sau chiến tranh, nhân viên CIA này, khi bị tra tấn đã khai ra Võ Văn Ba. Ngoài ra, hành tung của Võ Văn Ba cũng bị một thông dịch viên người Việt tiết lộ. Đây là người từng làm việc với Võ Văn Ba, người này bị bắt, tôi nhớ là ở Ban Mê Thuật. Tóm lại, hai cá nhân liên quan đến CIA, khi bị tra tấn đã khai ra vai trò của ông.

Khi tôi gặp Võ Văn Ba hôm 17/4, mạng sống của ông đang bị nguy hiểm nghiêm trọng, vì trong vòng vài ngày đó ông có lẽ đã gặp những người đã bị bắt, trong đó có một số người Mỹ. Khi Sài Gòn thất thủ, Võ Văn Ba chưa di tản. Với thông tin thu thập được từ các tù nhân, phe cộng sản bắt giam ông, và họ công bố trong các phân tích thời hậu chiến là ông đã dùng thắt lưng treo cổ tự tử để khỏi bị tra tấn. Vợ ông bán hoa ở Tây Ninh dường như không bị sát hại, và tôi tin là con trai của Võ Văn Ba cũng không bị cộng sản bắt bớ, mặc dù điều này không rõ ràng.

Với tôi, Võ Văn Ba là một người hùng, một người thực sự yêu nước. Ông là một Nathan Hale (1755-1776, sĩ quan, nhà hoạt động tình báo thời cuộc chiến Cách mạng Mỹ) của miền Nam Việt Nam, và cho đến gần đây, khi Bắc Việt công bố những tài liệu riêng của họ, công chúng vẫn biết rất ít về ông. Tôi đã viết về Võ Văn Ba trong cuốn Decent Interval, nhưng lúc ấy tôi rất cẩn thận, không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào, không công bố danh tính hay thông tin xác định nào ngoại trừ việc nói rằng ông ở tỉnh Tây Ninh và là điệp viên tốt nhất của CIA. Lý do là khi viết sách, tôi không biết chắc số phận Võ Văn Ba lúc đó ra sao.

BBC: Có phải Võ Văn Ba là một trong những lý do khiến ông viết thêm một cuốn sách nữa về cuộc chiến Việt Nam. Ông biết tin Võ Văn Ba treo cổ tự tử vào lúc nào?

Frank Snepp: Kể chuyện Võ Văn Ba, tôi hy vọng sẽ tạo chất xúc tác để những người Việt tị nạn và người Việt sống ở hải ngoại tôn vinh người đàn ông này. Ông là một người miền Nam yêu nước một cách phi thường, nhưng chưa ai biết nhiều về ông, ít nhất là cho đến nay.

Tôi chỉ biết tin Võ Văn Ba chết khi an ninh Việt Nam ở Hà Nội công bố tài liệu của họ về vụ án. Trong bốn năm qua, Hà Nội đã công bố gần như tất cả những khám phá của họ về ông. Họ đã kiểm tra lời khai của tù nhân, thu giữ tài liệu và tổng hợp lại những chiến dịch mà họ cho là đã gây tổn hại cùng cực, và kết luận Võ Văn Ba là điệp viên nguy hiểm nhất từng hoạt động chống cách mạng. Họ xác nhận những gì tôi biết, đó là việc ông đã tiết lộ các tài liệu về kế hoạch và thiết kế quan trọng của Cộng sản từ năm 1965 đến khi kết thúc chiến tranh. Ông đã cung cấp hết cho CIA, vấn đề là CIA không phải lúc nào cũng tin ông.

BBC: Ông Phan Tấn Ngưu, người phụ trách liên lạc với Võ Văn Ba từ phía VNCH, viết là CIA có lúc không tin Võ Văn Ba là vì ông gặp vấn đề bị thử bằng máy phát hiện nói dối (lie detector test). Điều đó đúng không?

Frank Snepp: Vào năm 1971, có nghi ngờ rằng Võ Văn Ba là gián điệp nhị trùng hoạt động cho Cộng sản. Tôi đã có cuộc gặp kéo dài ba ngày với ông và xem qua tất cả những gì chúng tôi biết về ông, cùng với ông Phan Tấn Ngưu, sĩ quan cảnh sát của VNCH, ”handler” của Võ Văn Ba, hiện đang sống ở Quận Cam (California) và cũng là người đã công bố những gì ông biết về Võ Văn Ba kể cả việc chúng tôi đã gặp nhau.

Vào đầu năm 1971, tôi đã có thể xác minh rằng Võ Văn Ba đúng là những gì ông đã tuyên bố. Điều gây nghi ngờ là Võ Văn Ba đã đưa một số báo cáo cho các cơ quan tình báo khác của VNCH, như Phủ Đặc ủy Tình báo Trung ương và có thể cả cho cơ quan an ninh quân đội. Võ Văn Ba làm như vậy vì họ trả ông một ít tiền.

Ông cung cấp cho chúng tôi những bí mật chính, nhưng cũng kiếm thêm tiền bên ngoài. Và vì vậy, khi làm ‘lie detector test’, đồ thị của ông có những vết nhấp nhô. Ông cũng không nói với chúng tôi rằng ông trao một số bí mật cho những cơ quan đồng minh để kiếm thêm chút tiền. Đó là nguồn gốc những nghi vấn về ông. Nhưng những nghi ngờ này phần lớn đã được giải tỏa, chủ yếu là qua cuộc gặp gỡ ba ngày của tôi với ông ấy vào năm 1971.

BBC: Ông có thể so sánh Võ Văn Ba với Phạm Xuân Ẩn, điệp nổi tiếng hoạt động cho phe cộng sản Bắc Việt cũng trong cuộc chiến VN?

Frank Snepp: Phạm Xuân Ẩn nói chung là một hacker. Ông ta làm việc chống lại mục tiêu mềm yếu nhất ở miền Nam Việt Nam, đó là giới báo chí. Ông Ẩn thu thập những thông tin có giá trị mà báo chí lấy được từ Đại sứ quán Hoa Kỳ, và chuyển nó cho Bắc Việt.

Nhưng so sánh Phạm Xuân Ẩn với Võ Văn Ba, thì xin đừng làm thế. Võ Văn Ba là thứ thiệt. Ông như nhân vật trong phim James Bond. Võ Văn Ba nằm ở ngay Trung ương Cục Miền Nam của phe cộng sản, đầu não chính của họ ở miền Nam, giống như một điệp viên nằm ngay trong Lầu Năm Góc. So với Võ Văn Ba, Phạm Xuân Ẩn không là gì cả. Ý tôi là, Phạm Xuân Ẩn được ca tụng vì giới báo chí Mỹ kinh ngạc không thể tin được là họ đã bị ông ấy lừa. Vậy à? Nhưng, việc đưa ra đề xuất so sánh hai người, tôi nghĩ, là một xúc phạm với Võ Văn Ba. Thật đấy. Không phải là tôi muốn hạ giá trị Phạm Xuân Ẩn. Tôi biết ông ta là một điệp viên thông minh, nhưng xét về tầm cỡ, ông ấy không thể so với vai trò của Võ Văn Ba.

BBC:Theo ông, Võ Văn Ba đã có những thành tích gì đáng ghi nhớ?

Frank Snepp: Võ Văn Ba cho Nguyễn Văn Thiệu dấu chỉ đầu tiên là Henry Kissinger đang đánh lừa miền Nam Việt Nam. Ông đã cảnh báo cho chúng tôi về Tết Mậu Thân năm 1968 mặc dù Đại sứ quán Hoa Kỳ không công nhận tất cả những điều ông nói. Ông đã giúp chúng tôi chứng thực tài liệu cho thấy phe cộng sản đã chịu những thương vong khủng khiếp vào năm 1968 và sẽ không thể tiếp tục chiến đấu với mức độ ác liệt như cũ. Điều đó giúp chúng tôi khởi động chương trình Việt Nam hóa chiến tranh. Ông đã cho chúng tôi biết phản ứng đầu tiên của phe cộng sản về việc Tổng thống Nixon từ chức vào tháng 8 năm 1974.

Võ Văn Ba báo cho chúng tôi mọi quyết định quan trọng Cộng sản đưa ra. Đây không phải là nhận định của tôi mà là nhận định của chính Bắc Việt. Họ lập một danh sách, nói là Võ Văn Ba đưa cho CIA kế hoạch cho các năm 1969, 1970, cuộc tấn công lễ Phục sinh… Võ Văn Ba cung cấp tất cả thông tin về kế hoạch ngừng bắn của họ. Bạn không cần tin tôi, mà hãy đọc những phân tích của họ, những phân tích của chính phe địch.

Ngay Bắc Việt cũng phải công nhận là Võ Văn Ba qua mặt được họ là điều rất phi thường. Đại sứ Graham Martin dần dà cũng quý mến Võ Văn Ba, vì ông cho rằng thành công của Võ Văn Ba cho thấy phe cộng sản cũng dễ bị tổn thương và có điểm yếu kém, có lỗ hổng. Vì vậy, khi Đại sứ Martin cuối cùng quyết định không tin vào cảnh báo của Võ Văn Ba là sẽ không có thỏa thuận, điều đó làm tôi sửng sốt, vì ông đã từng tin rằng điệp viên này giỏi nhất trong số những người giỏi nhất.

Việc Đại sứ Martin và xếp CIA Polgar giảm tầm quan trọng của những gì Võ Văn Ba cảnh báo làm tôi kinh ngạc. Nhưng những điều Võ Văn Ba nói với chúng tôi hôm 17/4, cuối cùng cũng đã được gửi về cho tổng thống trong bản tóm tắt hàng ngày, và nhờ đó đã thúc đẩy ngay kế hoạch cho trực thăng bốc người, giúp nhiều người trong chúng ta vượt thoát.

Tóm lại, chúng ta không thể kể về Chiến tranh Việt Nam mà không nhắc đến thành tích của Võ Văn Ba. Lịch sử chiến tranh Việt Nam đã được kể lại nhiều lần, nhưng không mấy ai có thông tin về Võ Văn Ba, ngoại trừ những gì tôi viết trong cuốn hồi ký ban đầu, nhưng cũng không dám viết gì nhiều như bây giờ.

Giờ đây tôi đã viết về Võ Văn Ba, và đến nhiều viện bảo tàng và viện nghiên cứu khác nhau để nói rằng, quý vị phải cập nhận tài liệu của quý vị về chiến tranh Việt Nam, phải kể về một số đóng góp của người đàn ông này, bởi vì những gì Võ Văn Ba báo với chúng tôi đều là tin chính xác vào những thời điểm quan trọng. Và lịch sử phải ghi rõ những gì chúng ta biết, những gì không biết, những tin chúng ta đã vì đó có hành động thích hợp, và những tin chúng ta đã phớt lờ. Phải làm thế, vì sự thật là điều then chốt của lịch sử.

Nguồn: BBC Việt ngữ

Truyện ngắn ‘Tiếng Hát Chiều Thanksgiving’

ĐIỆP MỸ LINH

Vừa mở cửa, thấy bà Hoa, Heather cười:
-Hi, “ba Noi”!
-Hi, Heather! Happy Thanksgiving!
-Cảm ơn “ba Noi”. Happy Thanksgiving to you too!
Thấy bà Hoa bước vào, mọi tiếng động của nhóm người trẻ nơi phòng khách đột ngột ngưng. “Ba Noi” vẫy tay về phía nhóm người trẻ, chúc:
-Happy Thankgiving đến mọi người. 
-Cảm ơn Bà. Chúng cháu cũng chúc Bà như thế.
Heather nhìn các bạn, giới thiệu:
-Xin giới thiệu đến các bạn, đây là “my ba Noi”.
Nhiều bàn tay vẫy vẫy. Người con trai của bà Hoa bước đến.
-Happy Thanksgiving, Măng! 
-Cảm ơn con. Măng cũng chúc vợ chồng con và các cháu như rứa.
-Măng ra ngoài “deck” ngồi với nhóm người lớn; trong này mấy đứa nhỏ ồn ào lắm.
-Răng dịch Covid mà con tụ họp nhiều người rứa?
-Dạ, chỉ vài cặp láng giềng lớn tuổi, con cháu của họ ở xa, không về được và vài đứa bạn học của mấy đứa con của con, vì nhà xa, phải ở lại trường. Con mời họ dự Thanksgiving để họ đỡ tủi thân. Đi, Măng ra “deck” ngồi chơi. 
Từ ngày ông Trực – chồng của bà Hoa – qua đời, Bà chỉ thích sống cách biệt để được “yên thân già”:
-Măng ở trong ni chơi với các cháu, được không, con?
-Tùy Măng.
Sau khi cô dâu và các con đến chào, bà Hoa xoay sang Heather, đùa:
-Heather! Cho bà Nội vui chung, được không?
-Okay! Nếu “ba Noi” chấp nhận được sự phá rối của tụi cháu.
-Không ai phá rối được Bà; vì, chỉ thấy cây đàn là Bà vui rồi.
Nhìn thanh niên Á Đông đang ôm Guitar, Heather nói:
-Johnathan! Biết nhạc Việt không, hát cho “my ba Noi” nghe đi!
-Nhạc Việt anh chỉ biết có một bài, nhờ hồi đó thường nghe “my on Noi” đàn và hát. Anh thích bài này nhưng lâu quá không đàn; còn hát thì…tiếng Việt anh nói còn không được mà hát cái gì! 
-“My ba Noi” cũng chơi đàn. Có thể Bà biết bài mà anh thích đó. Đàn đi!
-Để anh dợt lại xem.
Trong khi Johnathan “từng tưng”, cố nhớ lại dòng nhạc xưa thì Heather đến bên bà Hoa, nói nhỏ:
-“Ba Noi”! Johnathan là bạn trai của con đó.
-Cái gì? Con có bạn trai?
-Con lớn rồi! Tháng Năm này con tốt nghiệp đại học. “Ba Noi” quên rồi sao?
Im lặng. Bà Hoa thầm nghĩ: Mới ngày nào Bà và Tú – người yêu đầu đời của Bà – đi bên nhau còn e ấp, ngượng ngùng mà bây giờ cháu nội của Bà đã ở vào tuổi đầy mộng mơ như rứa à? Không thể tin được! 
Bất chợt Johnathan reo vui:
-Heather! Sorry, anh chỉ có thể đàn phân đoạn nào anh nhớ thôi. Được không?
-Okay.
Vừa nghe vài “notes” của tình khúc Nhìn Nhau Lần Cuối của Nguyễn Vũ bà Hoa lặng người! Giai điệu u hoài của tình khúc này như khơi dậy trong lòng Bà nỗi đau xưa! Qua khung cửa sổ, nhìn mây trôi lặng lờ, bà Hoa tưởng như có thể thấy lại được Bệnh Viện Hạm Hát Giang, HQ 400, đang hải hành chầm chậm trong vịnh Đà Nẵng vào buổi chiều xưa.
Chiều xưa ấy, sau khi tan trường, thấy Tú – trong quân phục xanh xám của Hải Quân – đang đứng đợi cạnh cổng trường Phan Châu Trinh, Hoa reo vui:
-Anh đến Đà Nẵng khi mô, răng không cho em hay?
-Chuyện nhà binh mà cho em hay sao được! Tàu đang công tác tại Thuận An, về đây nhận nhiên liệu và cũng để đón một sĩ quan cùng khóa với anh, sẽ thuyên chuyển xuống tàu.
-Khi mô “tàu anh” đi?
-Mai.
-Rứa anh có ghé nhà em không?
-Anh sẽ ghé để “trình diện” hai Bác và xin phép hai Bác cho em với cậu em của em tối nay xuống tàu chơi.
-Tối ni “tàu anh” có chi vui rứa?
-Mấy “thằng” cùng khóa với anh đón chàng sĩ quan mới nhận nhiệm sở, tụ họp nhau ca hát cho vui. Em đi, nha!
-Anh mà không cho em đi, mai mốt em biết được, em sẽ buồn anh lắm đó!
Câu nói ngọt ngào của Hoa làm Tú vui thích bao nhiêu thì tối đó, trong phòng ăn của sĩ quan, thấy bác sĩ Long – phục vụ trên HQ 400 – cứ quanh quẩn, “xoắn” lấy Hoa, Tú càng khó chịu bấy nhiêu!  
Khi được yêu cầu, Hoa hát tình khúc Love của Bert Kaempfert và Milt Gable: 
“L is for the way you look at me
O is for the only one I see
V is very, very extraordinary
E is even more than anyone that you adore can…” 
Hoa chọn nhạc khúc Love vì nàng muốn kín đáo thể hiện tình yêu nàng dành cho Tú. Nhưng, vì bác sĩ Long, ngay khi thấy Hoa nơi hạm kiều, đã bị “coup de foudre”; do đó, Long không thể đè nén, không thể giấu diếm tình cảm Long dành cho Hoa. Tú hiểu lầm, nghi rằng Hoa ham địa vị, muốn mượn lời ca tình khúc Love để hé lộ tình cảm nàng dành cho Long.
Hoa hát xong, Tú nén giận, lấy Guitar từ tay Long, vừa đàn vừa hát ca khúc Nhìn Nhau Lần Cuối như gián tiếp nói lên niềm thất vọng của chàng:
“Em, giờ hai đứa mình xa nhau rồi
Đường em đi mây giăng đẹp lối
Đường anh về gió mưa tơi bời…”
Là một thiếu nữ đẹp, nhưng Trời lại phú cho Hoa bản tính cứng rắn, ngay thẳng, chân thật; do đó, Hoa chỉ âm thầm đau khổ chứ chưa bao giờ tìm hiểu tại sao Tú lại đột ngột đoạn tình với nàng! 
Hôm nay – sau khi Johnathan ngưng đàn – bà Hoa cảm ơn Johnathan rồi xuống bếp, mở cửa sau, ra “deck”; vì muốn chôn vùi hình bóng xưa!
Nhóm người nơi “deck” hơi nhổm người, cúi chào bà Hoa. Người con cả nói nhỏ:
-Mấy người này Măng đã gặp vào những dịp nhà con có tiệc. Măng nhớ không?
Bà Hoa chỉ nhớ mặt chứ không thể nhớ tên. Nhưng vì phép xã giao, Bà chỉ gật đầu, chúc Thanksgiving. Người con cả mời:
-Măng ngồi đi.
Vừa ngồi xuống, bà Hoa thấy ông mặc áo trắng đến bàn lấy miếng thịt gà tây đút lò rồi quay sang nói với ông đang bưng ly rượu chát:
-“Tụi nó” – cộng sản Việt Nam (csVN) – mà nhân đạo gì! Theo báo Tuổi Trẻ online, ngày 30/10/2020, khi được Mỹ quyết định viện trợ cho Việt Nam hai triệu USD để khắc phục hậu quả thiên tai, sau khi “tụi nó” chia chác nhau, nhín lại chút ít, đem gạo tặng cho Lào để chứng tỏ với thế giới là “tụi nó” cũng nhân đạo.
Ông mặc áo “ca-rô” lên tiếng:
-Trường học cho học sinh Việt Nam thì không có nhà vệ sinh; đồng bào miền Trung bị lụt lội khốn khổ như vậy mà đem gạo đi cho người dưng!
Một bà phàn nàn:
-Trường học mà không có nhà vệ sinh thì làm sao, Trời!
Ông mặc áo “ca-rô” nhún vai:
-Cũng trong bản tin đã đề cập, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác nhận rằng: “Không khỏi xót xa khi nhìn thấy trẻ em đến trường phải đu dây qua những dòng sông dữ ở nhiều tỉnh miền núi hay phải chèo xuồng đến trường ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cữu Long”. Đã vậy, thầy giáo Đỗ Việt Khoa còn cho biết vấn nạn lạm thu trong trường học!
Ông mặc áo trắng ngạc nhiên:
-Trường học không có nhà vệ sinh, học sinh phải “đu dây” đến trường mà học sinh còn bị lạm thu. Một xã hội như thế mà lúc nào người csVN cũng vỗ ngực khoe bảnh! 
Ông áo trắng bực dọc:
-Mẹ! Hồi đó csVN chủ trương “đánh Mỹ ‘kíu’ nước”. Bây giờ, trên đài VOA tiếng Việt, ngày 20/11/2020, cho hay: “Một báo cáo mới công bố của Viện Giáo Dục Quốc Tế – Institute of International Education – cho thấy số lượng sinh viên Việt Nam ‘đăng ký’ học tại các đại họa Hoa Kỳ vẫn đứng hàng thứ sáu trên toàn cầu…” Mẹ! Sao “tụi nó” không cho con cháu tụi nó qua Nga, Tàu, Tiệp Khắc học mà lại qua xứ “ đế quốc Mỹ” và “tư bản giảy chết” này để học?
Ông mặc áo ca-rô cười cười:
-Tin này mới nhục cho “bác” Hồ và đảng csVN: Trên Vietnamnet, ngày 15/11/2020, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “phán”: “Dù ai là người thắng cử, ông Joe Biden hay ông Donald Trump, Mỹ vẫn là người bạn có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam!”
Ông mặc áo xám cười lớn:
-Đó là lời xác nhận sự nhầm lẫn của “bác” và đảng csVN. Đó cũng là lời thú tội chân thành và đầy đủ nhất của csVN trước thế giới, trước người dân Việt Nam và trước vong linh của mấy triệu người Việt đã bị csVN đưa vào cuộc chiến “chống Mỹ” vừa qua!
Ông mặc áo ca-rô bảo:
-Tôi nhớ, báo Công An Nhân Dân – ngày 02/09/2019 – đăng tin Tổng Thống Đức, Walter Steinmeier, đã xin lỗi Ba Lan trong bài phát biểu hôm 01/09 khi hồi tưởng lại việc phát xít Đức tấn công quốc gia này 80 năm trước. Không biết chừng nào đảng và người csVN xin lỗi người dân miền Nam Việt Nam đây?
Ông mặc áo ca-rô vừa dứt câu, bà Hoa nghe tiếng Johnathan thì thầm phía sau:
-Chào “ba Noi”, cháu đi.
Bà Hoa quay lại:
-Bà tưởng nhà cháu xa, không về được vì Covid-19 mà!
-Các bạn của cháu nhà xa; chỉ có Heather và cháu là gia đình ở đây. Bây giờ cháu phải đi đón “my on Noi” về dự Thanksgiving với gia đình cháu.
-Ủa, “on Noi” của cháu không sống với gia đình của cháu à?
-Không. Ông sống trong viện dưỡng lão.
-Ô, tội nghiệp Ông!
-“My on Noi” không bị bệnh gì hết; chỉ quên thôi.
-Ông quên nhiều không?
-Nhiều! Nhưng cũng có nhiều điều Ông nhớ hoài; như bài hát mà lúc nãy cháu đàn đó, Ông vẫn hát được vài câu; còn những gì mới xảy ra Ông không thể nhớ được.
-Nếu tình trạng của Ông như rứa thì đâu đến nỗi phải vô viện dưỡng lão!
-“My ba Noi” bệnh, yếu, không thể lo cho “my on Noi”. “My ba Noi” phải sống với Cô của cháu; Ba Mẹ cháu bận đi làm, không lo cho “my on Noi” được
Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát trở lại, bà Hoa lo sợ, tù quẫn và trầm cảm nhiều hơn. Chiều nay, nhân trang điểm phơn phớt, chưng diện áo quần đẹp đẻ để đến nhà con dự tiệc, bà Hoa muốn đi “vòng vòng” cho khuây khỏa và Bà cũng muốn nhân cơ hội này tìm hiểu về viện dưỡng lão để “dọn đường” cho cuộc đời còn lại của Bà:
-Bà có thể đi với cháu đến thăm “on Noi”, được không?
-Được. Bà để xe của Bà tại đây. Đón “my on Noi” xong cháu sẽ đưa Bà về lại đây.
-Mất công Johnathan không?
-Không. Cháu phải trở lại đây đón Heather đến nhà cháu dự tiệc Thanksgiving mà. 


Vừa bước về phía người đàn ông Á Đông ngồi lặng lẽ cạnh cửa sổ của một phòng khách trang hoàng rất mỹ thuật Johnathan vừa nói:
-Có lẽ “my on Noi” sẽ vui khi gặp Bà.
-Tại sao?
-Vì trong đó không ai nói được tiếng Việt.
-Ông có thể nhận ra Johnathan hay không?
-Đôi khi Ông nhận ra; đôi khi không. Ngay như Ba cháu mà nhiều khi Ông cũng không biết! Thiệt là buồn!
Khi được nhân viên yêu cầu ký tên vào danh sách người thăm viếng, bà Hoa hỏi:
-Johnathan! Tên “on Noi” là gì đề Bà điền vô đây?
-John Phan.
Nói xong Johnathan cũng ký tên, nhận lãnh “on Noi”. 
Khi bà Hoa và Johnathan đến bên ông John, Johnathan nói:
-Hi, “on Noi”! Vô phòng lấy quần áo, cháu đón Ông về.
Im lặng. Thấy ông John cứ nhìn Piano, bà Hoa cảm thấy xót xa quá nhưng không biết phải làm gì! Để xua đuổi nỗi ám ảnh về khoảng đời vô vị – như ông John – có thể xảy đến cho Bà, bà Hoa dở nắp Piano, “gõ” vài “notes” cho đỡ buồn! Không ngờ âm thanh bên “Bass” như từng đợt sóng ngầm, dội thẳng vào tâm thức u uẩn; rồi, với động tác vô thức, mười ngón tay của Bà “tìm về” tình khúc Nhìn Nhau Lần Cuối lúc nào bà Hoa cũng không hay! 
Bà Hoa vừa đàn hết phân đoạn đầu, Johnathan giật mình; vì ông John cầm tay chàng, lắc lắc. Johnathan quay sang:
-“On Noi”! Ông muốn đi về, phải không?
Ông John lắc đầu, chỉ tay về phía bà Hoa. Johnathan giải thích:
-Đó là “ba Noi” của …
Johnathan chưa dứt câu, Ông John đứng lên, chậm chạp bước về phía bà Hoa, nghiêng mặt, nhìn Bà. Bà Hoa nhìn Ông, hơi mỉm cười, khẻ cúi chào – chính lúc đó Bà đàn sai; vội ngưng đàn. Với ánh mắt hết sức thiết tha, ông John thều thào:
-Đàn tiếp đi, Hoa!
Bà Hoa giật mình, tưởng Bà đang mơ, vội quay sang, hỏi Johnathan:
-Nghe chi không, Jhonathan?
-Vâng. Nhưng cháu không hiểu.
-Ông gọi tên Bà và bảo Bà đàn tiếp.
-Thiệt sao? Thế thì Bà làm ơn đàn tiếp đi!
Bà Hoa đàn lại tình khúc Nhìn Nhau Lần Cuối. Bất ngờ, bà Hoa nghe – từ sau chiếc “mask” của ông John – tiếng hát thều thào:
“…Em, anh xin em kỷ niệm ngày xưa
Dù hun hút tựa như giấc mơ
Đừng bôi xóa đừng quên nhé em!…”
Bà Hoa ngưng đàn, nhìn ông John, hỏi:
-Tên Việt Nam của Ông là gì?
-Tú, HQ 400.
-Trời, anh!
Gọi “người xưa” xong, bà Hoa ôm mặt, khóc! Johnathan bước đến, ngạc nhiên:
-“On Noi” nói gì mà Bà khóc? 
-Ông nhận ra Bà! Ông và Bà là “bạn xưa”.
Trong khi bà Hoa quẹt nước mắt thì nhiều tiếng vỗ tay vang lên từ cửa phòng khách. Bà Hoa vẫy tay về phía nhóm người đang vỗ tay.
Cô quản lý và nhóm người giúp việc trong Katy Assisted Living cùng bước đến gần hơn. Sau khi niềm xúc động lắng xuống, bà Hoa nhìn ông Tú rồi nhìn mọi người, giọng nghẹn ngào:  
-Chúng tôi là “bạn xưa”; bất ngờ nhận ra nhau trong chiều Thanksgiving này. 
Cô quản lý cười vui:
-Thật là món quà tuyệt vời mà Bà và ông Phan nhận được vào Thanksgiving.
Bà Hoa đáp:
-Cảm ơn cô quản lý. Sau Thanksgiving, bạn tôi sẽ trở lại đây – nếu quý vị trong Katy Assisted Living cho phép – mỗi ngày tôi sẽ vào đây bầu bạn với người “bạn xưa” của tôi. Được không ạ?
Cô quản lý vui mừng:
-Chúng tôi rất hân hạnh. Bất cứ lúc nào, trong giờ làm việc, Bà cũng có thể đến đây.
Bà Hoa bước về phía ông Tú:
-Đi, anh! Vô phòng lấy quần áo, đi về với Johnathan.
Ông Tú lẳng lặng theo Johnathan vào phòng.
Khi ông Tú và Johnathan trở ra, cô quản lý chợt nhớ, vội nói với bà Hoa:
-Lúc nãy Bà đàn, chúng tôi rất ngạc nhiên; vì âm hưởng thiết tha của dòng nhạc nghe rất lạ, rất khác biệt; do đó chúng tôi muốn đến nghe.
-Đó là một trong những tình khúc ướt lệ của nền âm nhạc miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Có lẽ cô cũng chơi đàn cho nên cô mới có thể nhận ra được sự khác biệt đó.
Động từ “chơi đàn” khiến cô quan lý chợt nhớ, vội reo lên:
-Oh Yeah! Tôi sẽ đàn bài Thank You for Being a Friend (1) để mừng hai người “bạn xưa” vừa tìm lại được nhau!
Tiếng vỗ tay cùng tiếng Piano vang lên rộn rã. Cô quản lý – không tháo “mask” – hát. Mọi người cũng để “mask”, hát theo:
“…Thank you for being a friend
Traveled down a road and back again
Your heart is true, you’re a pal and a confidant…”
Trong khi mọi người vừa hát vừa nhìn ông Tú vừa nghiêng vai nhè nhẹ theo tiếng Bass trầm trầm thì Johnathan đưa ông Tú đến cạnh bà Hoa. 
Bà Hoa, ông Tú và Johnathan đều đưa khuỷu tay chạm vào nhau, ánh mắt ngời sáng niềm vui!

(1) Andrew M Gold; Kobalt Music Publishing Ltd., BMG Rights Management.

 ĐIỆP MỸ LINH
https://www.diepmylinh.com/

Sử gia Mỹ bổ sung góc nhìn của ‘người miền Nam’ về cuộc chiến Việt Nam

Tiến sĩ Heather Marie Stur

Khi nhận được học bổng Fullbright và đến sống tại Việt Nam, một nữ giáo sư lịch sử người Mỹ đã nhận ra ngay sự vắng bóng của “một phía quan trọng” trong cuộc chiến từng diễn ra trên chính mảnh đất của họ. Bà quyết định bắt tay nghiên cứu và cho ra đời thêm một tác phẩm về cuộc chiến Việt Nam dưới lăng kính mới – lăng kính của “người miền Nam” – những người mà bà cho là đã bị “bỏ sót” trong nghiên cứu lịch sử của cả “bên thắng cuộc” lẫn phía đồng minh Mỹ.

“Tôi đến sống ở Việt Nam một năm và giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, thuộc Đại học Quốc gia. Tôi đã đi khắp đất nước, xem nhiều đài tưởng niệm và tượng đài chiến tranh khác nhau, mà có lẽ tôi nên gọi là theo ‘lăng kính của miền Bắc’ hay ‘lăng kính của Hà Nội’ trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, nhưng hoàn toàn không thấy đề cập gì đến một thực tế là có một phe Việt Nam khác mà họ cũng đã chiến đấu chống lại”, Giáo sư – Tiến sĩ Heather Marie Stur của trường đại học Southern Mississippi, Hoa Kỳ, nói với VOA về lý do khởi đầu khiến bà dành ra 6 năm để nghiên cứu và viết cuốn “Saigon at War: South Vietnam and the Global Sixties” (tạm dịch “Sài Gòn thời chiến: miền Nam Việt Nam và thập niên sáu mươi toàn cầu”), vừa được nhà xuất bản Đại học Cambridge phát hành.

“Có câu nói rằng ‘Lịch sử được viết bởi những kẻ chiến thắng’. Tôi hoàn toàn hiểu quan điểm đang thống trị của miền Bắc hay của Hà Nội, bởi vì họ là bên thắng cuộc. Do đó, tôi muốn đưa phía bên kia vào câu chuyện cho minh bạch hơn”, GS-TS. Stur nói thêm.

Để bổ sung cho “sự vắng mặt” của một phía quan trọng này, nữ giáo sư Mỹ bắt đầu tìm hiểu câu chuyện của những nhân chứng sống tại Việt Nam, từ những gia đình có người thân từng là cựu chiến binh của Việt Nam Cộng Hoà, đến những gia đình bị chia rẽ vì có người thân chiến đấu cho cả hai bên chiến tuyến.

“Tôi cố gắng để có được nhiều tiếng nói và quan điểm hơn trong cuốn sách. Vì vậy, tôi không tập trung vào chỉ một vài người lãnh đạo, nhưng tôi tìm hiểu một nhóm rộng hơn như tầng lớp sinh viên, những người Công giáo, các nhà hoạt động chính trị, các trí thức thành thị sống chủ yếu ở Sài Gòn… để có được cái nhìn bao quát hơn, thay vì chỉ nhìn từ quan điểm của một lãnh đạo hay chính phủ”, TS. Stur cho biết thêm.

Ngoài việc tiếp xúc với người dân, TS. Stur bắt đầu nghiên cứu tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II và Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM (trước đây là Thư viện Quốc gia của Việt Nam Cộng Hoà). Tại đây, bà phân tích các tài liệu của quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng Hoà trước đây, từ các báo cáo tình báo, cáp ngoại giao, báo cáo của cảnh sát và toà án đến các bản tin chính trị, nhật báo, tạp chí hay thư từ của người dân gửi đến các văn phòng chính phủ vào thập niên 1960 và 1970.

Trở về Mỹ, nữ giáo sư chuyên viết về chiến tranh tiếp tục công việc nghiên cứu tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia ở thủ đô Hoa Kỳ và tại các trường đại học của Mỹ, với mong muốn tìm hiểu cuộc chiến trong bối cảnh toàn cầu ở thập niên 1960 – vốn được xem là thập niên khởi đầu của khái niệm “toàn cầu hoá”, thời điểm đan xen giữa ý tưởng được xem là không tưởng về một “tân thế giới sắp đến” và thực tế khắc nghiệt của các cuộc chiến tranh, đàn áp chính trị và khả năng xung đột hạt nhân.

“Người Mỹ chúng tôi có xu hướng nghĩ về Chiến tranh Việt Nam như là một trải nghiệm của người Mỹ và nó ảnh hưởng đến chúng tôi, ảnh hưởng đến người dân Mỹ. Nhưng những gì đã xảy ra ở Việt Nam trong những năm 1960 và đầu những năm 1970 là một phần của câu chuyện toàn cầu lớn hơn nhiều về hoạt động chính trị và sự độc lập”, Giáo sư Stur nói, đồng thời cho biết bà thực sự “thích thú” khi nhìn thấy những kết nối quốc tế trong các hoạt động này.

“Các quốc gia và mọi người đều chú ý đến những gì đang diễn ra ở Việt Nam và bàn về nó, xem mình đang đứng ở phe nào. Trong khắp khu vực Đông Nam Á, có những phong trào chống Cộng khác nhau và các chính trị gia rất chú ý đến những gì đang diễn ra ở miền Nam Việt Nam để rút ra bài học cho đất nước mình trong bối cảnh đụng độ giữa các phe nhóm Cộng sản và chống Cộng. Chính vì những xung đột diễn ra ở Việt Nam đã rất thu hút sự chú ý trên toàn thế giới, nên tôi cố gắng đưa bối cảnh quốc tế này vào trong cuốn sách”.

Với việc phác hoạ lại cuộc chiến trong bối cảnh toàn cầu những năm 1960, nhà sử học người Mỹ còn muốn cho độc giả nhìn thấy có đến ba cuộc chiến lồng ghép vào nhau trong chiến tranh Việt Nam, đó là cuộc chiến chính trị ở Sài Gòn, cuộc chiến quân sự và cuộc chiến về mặt công luận thế giới.

Theo GS-TS. Stur, nền dân chủ của miền Nam Việt Nam trước đây sở dĩ gặp thất bại là vì các áp lực chính trị lên chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, chứ không phải là kết quả của việc người dân ngả theo Cộng sản.

“Hoa Kỳ, trong chừng mực nào đó, đã cố gắng phát triển mối quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc và Liên Xô. Và ý tưởng để cho chủ nghĩa cộng sản nắm giữ Việt Nam và thống nhất đất nước dưới một chính quyền Cộng sản vào thời điểm giữa thập niên 1950 đến cuối thập niên 1960 có vẻ như không đến nỗi là một mối nguy an ninh quốc gia”, GS-TS. Stur nhận định.

“Đó là lối tư duy địa chính trị của Hoa Kỳ đối với các đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc”, Giáo sư Stur nói thêm, cộng với những nghi ngờ từ phía công chúng Mỹ về thành công của Hoa Kỳ tại Việt Nam vào thời điểm đó đã góp phần gây sụt giảm rất lớn đến sự ủng hộ tiếp tục tham chiến.

Tiếp xúc với nhiều người miền Nam thời hậu chiến, TS. Stur nói bà “hoàn toàn thấu hiểu” tâm trạng của nhiều người cho rằng Hoa Kỳ đã đến Việt Nam và “làm lớn thêm đống hổ lốn tại đây, leo thang chiến tranh và rồi bỏ đi mà không hoàn thành cam kết”.

“Tôi nghĩ rất khó để hàn gắn vết thương đó. Đối với những người đã phải rời bỏ Việt Nam, trở thành người tị nạn ở Mỹ và không bao giờ có thể trở về, nghĩa là họ đã mất nước”, Giáo sư Stur nói. “Nước Mỹ sẽ phải mất một thời gian rất dài để chữa lành vết thương cho những người đã chiến đấu cùng với người Mỹ và tin rằng Hoa Kỳ sẽ làm gì đó để giúp họ nhưng rồi lại bỏ đi”.

Trước tác phẩm “Saigon at War: South Vietnam and the Global Sixties”, nữ học giả Mỹ từng được biết tiếng qua tác phẩm viết về thân phận phụ nữ thời chiến trong cuốn “Beyond Combat: Women and Gender in the Vietnam War Era” và nhiều bài viết khác về chiến tranh Việt Nam.

“Đó là một đất nước xinh đẹp và hấp dẫn, và tôi muốn hiểu biết thêm về lịch sử của đất nước này trong mối quan hệ với cuộc chiến của người Mỹ tại đây”, TS. Stur giải thích về lý do bà tập trung nghiên cứu và cho ra đời nhiều tác phẩm về chiến tranh Việt Nam.

Người Việt đầu thế kỷ 20 trong hồi ký của một vị Toàn quyền Đông Dương

Thứ Ba, 09/11/2021
Nhằm cung cấp thêm một tài liệu về người Việt trong giai đoạn thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, dưới đây là một vài trích đoạn trong cuốn “Xứ Đông Dương” của vị Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.

Những cuốn sách viết về lịch sử Việt Nam của người Trung Quốc, người Pháp, người Mỹ… xưa nay không ít. Lẽ dĩ nhiên, là sách của người nước ngoài nên cách nhìn bao giờ cũng có chỗ khác biệt. Chính vì thế đó là một nguồn tài liệu đáng quý, giúp ta nhìn nhận sự việc được khách quan hơn.

Đôi nét về Paul Doumer

Paul Doumer từng giữ chức Toàn quyền Đông Dương từ 1897 đến 1902. (Ảnh: Public Domain)

Paul Doumer là một chính khách người Pháp, sinh năm 1857. Ông làm Toàn quyền Đông Dương từ 1897-1902. Cuốn hồi ký “Xứ Đông Dương” là một tài liệu quý viết riêng về hành trình, nhận định và trải nghiệm của ông trong giai đoạn 5 năm ở Đông Dương, mà phần lớn là ở Việt Nam (thời đó gọi là An Nam).

Về con người của Paul Doumer, ông là người có kiến thức nhiều lĩnh vực, là Bộ trưởng tài chính Pháp trước khi sang Đông Dương nhận chức Toàn quyền. Sau này ông còn làm Tổng thống Pháp từ 1931-1932. Quyển “Xứ Đông Dương” ghi lại nhiều nhận định của ông về nhiều mặt: địa lý, kinh tế, hành chính, con người, văn hóa… ở những nơi ông đi qua.

Để phục vụ nước Pháp hết mình, Doumer đã ra sức chấn chỉnh bộ máy quản lý ở các xứ thuộc địa, đồng thời xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đáng chú ý như: cầu Doumer (sau đổi tên thành cầu Long Biên) – được coi là một kỳ quan của Đông Dương thời ấy, cầu Thành Thái (tức cầu Tràng Tiền) bắc qua sông Hương ở Huế và cầu Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn.

Ông cũng chính là người đã ủng hộ và hậu thuẫn công việc nghiên cứu của Yersin, đồng ý xây dựng thành phố Đà Lạt và đưa cây cao su vào trồng. Dưới thời cai trị của Paul Doumer, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên có điện.

Paul Doumer hành động hoàn toàn vì lợi ích của nước Pháp. Nhưng ông là một nhà kinh tế có tài và có tầm nhìn. Chính do vậy, người Pháp có lợi nhưng xứ thuộc địa cũng được hiện đại hóa, Tây phương hóa.

Một số trích đoạn trong “Xứ Đông Dương”
Nói về người Việt:

Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh. Người Cao Miên, Ai Lao và Xiêm La đều không thể chống lại được họ. Không một dân tộc nào trong Đế quốc các xứ Ấn Độ có những phẩm chất như họ. Phải tới tận Nhật Bản mới có tộc người có phẩm chất của người An Nam và giống như người An Nam. Người An Nam và người Nhật Bản chắc chắn có mối quan hệ thân tộc từ xa xưa. Cả hai đều thông minh, cần cù và dũng cảm. Người lính An Nam là một người lính giỏi, có kỷ luật và dũng cảm. Họ cũng là những người lao động mẫu mực, những nông phu giỏi việc đồng áng, những người thợ lành nghề, những nghệ nhân khéo léo và thông minh. So với các dân tộc khác ở châu Á, trên tư cách người thợ và người lính, người An Nam vẫn xếp cao hơn một bậc. Vả chăng, đó là một quy luật chung mà tôi đã kiểm chứng trên khoảng 20 chủng tộc của nhân loại, và tôi cũng thấy rất đúng ở châu Âu: những người dũng cảm trong lao động cũng là những người dũng cảm trong chiến tranh; nói khác đi, can đảm là một tính cách thống nhất. Nếu người nào can đảm trước sự mệt mỏi, người đó sẽ can đảm trước nguy hiểm và trước cái chết.

Bìa cuốn sách “Xứ Đông Dương” của Paul Doumer.

Về thiên nhiên Nam Kỳ:

Lớp đất trẻ, tương đối nông của Nam Kỳ đặc biệt thuận lợi cho việc trồng cấy. Rất dễ canh tác trên đất đó, và đất đặc biệt phì nhiêu. Thời vụ diễn ra rất đều đặn. Thu hoạch hằng năm, chủ yếu là lúa, có biến đổi ít nhiều do những nguyên nhân không đáng kể; sản lượng năm này có thể cao hơn hoặc thấp hơn năm khác về số lượng hoặc về chất lượng nhưng ít nhất cũng luôn luôn được đảm bảo. Sản lượng thu hoạch đó dao động quanh một mức trung bình cao và không bao giờ xuống thấp hơn mức tối thiểu, vẫn còn cao hơn nhiều mức tiêu thụ của dân Nam Kỳ. Gạo bán ra nước ngoài, tức xuất khẩu, trong những năm tệ nhất không bao giờ dưới 700.000 tấn. Gạo xuất khẩu có thể đạt đến một triệu tấn, tính ra thành tiền từ khoảng 80 đến 100 triệu phờ-răng. Hồ tiêu xuất khẩu cũng là một nguồn tài nguyên giá trị.

Gạo là nguồn tài nguyên to lớn có thể thu được không mấy khó khăn; mỗi năm nông dân ở đây chỉ làm một vụ, và công việc đồng áng chỉ tập trung trong ba hoặc bốn tháng. Cả đến vận tải cũng được thực hiện trong những điều kiện dễ dàng và cực rẻ.

Đất Nam Kỳ chằng chịt hàng nghìn con sông lớn nhỏ, kênh, rạch chạy theo mọi hướng. Nam Kỳ là nơi bằng phẳng nên thủy triều ảnh hưởng như nhau tới tất cả các tuyến đường thủy. Như thế mỗi ngày hoạt động của triều lên và triều xuống làm cho các dòng chảy cứ sáu tiếng chảy theo chiều này và sáu tiếng chảy theo chiều ngược lại. Người An Nam lợi dụng điều đó để vận tải hàng hóa mà không mất công mất sức gì nhiều. Ghe xuồng của họ xuôi dòng với sự trợ lực của buồm hoặc mái chèo vừa đủ để có thể lái được chúng. Khi thủy triều đổi hướng mà chưa tới được điểm đến thì họ bỏ neo hoặc buộc những chiếc tam bản vào bờ, bình tĩnh chờ thủy triều đưa dòng nước thuận đến, và cứ như thế cho cả chuyến đi lẫn chuyến về. Vận động thủy triều cung cấp lực miễn phí cho ngành giao thông đường thủy. Có lẽ không có quốc gia nào trên thế giới mà cư dân lại được thiên nhiên ưu đãi như Nam Kỳ.

Về thành phố Sài Gòn:

Ở Sài Gòn cũng có người Hoa, và nhiều là đằng khác, buôn bán to nhỏ đủ loại. Bên cạnh các cửa hiệu Pháp giống như các cửa hiệu ở tỉnh lẻ bên Pháp, tôi thấy các cửa hiệu Trung Hoa khiêm tốn hơn nhưng năng động hơn. Tất cả mọi thứ có trong cửa hiệu của thương nhân châu Âu và cả những thứ khác nữa đều có bán tại cửa hiệu của người Hoa; nơi này sản xuất thứ gì thì nơi khác cũng sản xuất thứ đó. Đây là một cuộc cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng. Đối với các mặt hàng rẻ tiền, đối với các công việc đơn giản, sự cạnh tranh không còn nữa vì chỉ còn lại người Hoa. Khi ta muốn có những bộ quần áo lịch sự, một chiếc đầm đi dạo hoặc ăn tối, một bộ smoking mà không cần đặt từ Pháp sang thì thay vì tìm cô thợ may người Pháp, ta cứ đặt người Hoa ở đây may những chiếc váy nhẹ, những bộ quần áo bằng vải lanh. Các dịch vụ giặt, là, mạng vá cũng là nghề của họ. Họ là những thợ khéo léo và quý hóa không từ chối một yêu cầu nào. Họ chịu làm mọi việc. Người An Nam ở Nam Kỳ không tranh việc với họ. Nam Kỳ quá giàu có, cuộc sống quá dễ dàng nên chỉ gắng sức tí chút là người ta đã tìm được việc. Người ta thấy chỉ có sự gia tăng dân số của người An Nam có thể dẫn tới việc dòng người đổ vào thành phố và đẩy lùi người Hoa. Nhưng cho đến nay, sự gia tăng đất canh tác thậm chí còn nhanh hơn sự gia tăng dân số nên hiện tượng trên không thể xảy ra.

Sài Gòn là một thành phố nhiệt đới xinh đẹp, thành phố duyên dáng nhất vùng Viễn Đông. Một số công trình nghệ thuật ở Sài Gòn rất đẹp; tất cả đều có kích thước lớn; nhà cửa nói chung khá xinh xắn, đường phố rợp bóng cây, tất cả như bị ngập trong một đại dương xanh. Nhìn từ trên cao xuống, từ chòi quan sát trên nóc một con tàu hoặc từ các tháp của nhà thờ, Sài Gòn hiện ra như một công viên rộng lớn, trong đó một vài tòa nhà quá đồ sộ hoặc quá cao vượt lên khỏi những tán cây. Này là Dinh Toàn quyền, các trại lính, bệnh viện, Sở Bưu điện, Dinh Thống đốc, Sở Thuế quan…; các công thự đó không chịu thua những tán cây muốn chiếm lĩnh trời xanh, luôn luôn vươn lên và trải rộng nhờ nhựa sống của thiên nhiên hào phóng.

Về người Bắc Kỳ:

Người An Nam ở Bắc Kỳ cần cù chịu khó, còn hơn cả người Nam Kỳ. Họ vạm vỡ hơn, cường kiện hơn. Khí hậu thì khá khắc nghiệt; họ không được thiên nhiên ban tặng những điều kiện thuận tiện cho sản xuất và vận tải. Bị bó buộc trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, nơi họ sống chen chúc, dân An Nam buộc một vùng đất chật hẹp phải sản sinh ra rất nhiều sản phẩm. Công việc đồng áng làm họ mất hầu hết thời gian trong năm. Những việc vận chuyển giao thông, hộ đê, tạp dịch và những việc vặt thường nhật lấy gần hết toàn bộ thời gian còn lại. Họ làm việc tích cực không ngừng nghỉ.

Về các thợ thủ công:

Các thợ thủ công Bắc Kỳ làm việc chăm chỉ và thuần thục. Họ thành công một cách đáng ngưỡng mộ trong các công việc đòi hỏi tỉ mỉ và tinh xảo. Họ có khiếu thẩm mỹ, và một số người trong bọn họ là những nghệ nhân thực sự. Những thợ đúc đồng, thợ kim hoàn, thợ khảm men huyền, thợ thêu, thợ điêu khắc, thợ khảm đã tạo được một tiếng tăm xứng đáng. Họ không phải là những người thợ bắt chước một nền nghệ thuật ngoại quốc. Dẫu vẻ bề ngoài của những sản vật lộ rõ mối quan hệ với những đồ vật Nhật Bản và Trung Hoa, thì chúng vẫn không phải được lấy cảm hứng từ đó; những người thợ đã tạo ra một nghệ thuật An Nam, với các hình mẫu và cách trang trí của chính họ.

[…]

Các thợ thêu trên lụa làm việc với một kỹ thuật không thể sánh được. Về mặt chăm chút và hoàn thiện công việc, đồ thêu ở Bắc Kỳ được làm tinh hơn đồ của Nhật Bản và Trung Hoa. Nhưng vào năm 1897, các bức thêu mang giá trị trang trí còn rất thấp. Đó là những bức thêu cảnh sinh hoạt của người An Nam hoặc các trận chiến huyền thoại, với một đám đông những nhân vật nhỏ xíu, con giống, đồ vật mà ta có thể ngưỡng mộ các chi tiết, nhưng về toàn cảnh chẳng có gì đẹp lẫn dễ coi. Kể từ đó trở đi, các thợ thêu An Nam đã lấy từ hệ thực vật phong phú của mình những nhân tố để tạo thành tác phẩm của họ. Họ đã thành công trong việc đem lại cho những tấm lụa thêu một hiệu ứng trang trí ngang tầm với người Nhật Bản, và họ đã không đánh mất sự ưu trội về tay nghề của họ.

Đồ gỗ gia dụng An Nam do những thợ chạm gõ chế tạo, và chủ yếu gồm ghế tựa, bàn và tủ chè, có đường nét và hoa văn rất đẹp. Các bộ trường kỷ, món đồ trang trí trong những ngôi nhà truyền thống và trong đền chùa, hầu hết đều mang những nét đối xứng hài hòa; các hình chạm khắc trang trí trên đó thì đơn giản và thường rất đẹp. Nhưng sự thành công rực rỡ của người An Nam là nghệ thuật khảm trai trên gỗ. Họ đã khiến cho những bộ tủ chè và những thứ đồ gỗ nhỏ khảm trai như vậy của vùng này trở nên thực sự đáng chú ý và họ đã nổi danh ở vùng Viễn Đông. Những thợ khảm trai Trung Hoa, những người hình như đã truyền nghề của mình cho dân An Nam thì còn lâu mới sánh ngang hàng được với học trò của mình.

Về giáo dục:

Trong các trường làng, người ta dạy các chữ cơ bản. Những quyển sách tập đọc mà họ trao vào tay lũ trẻ thì đúng là những tiểu kiệt tác thực sự, trong đó thể hiện tinh thần đạo đức của Khổng Tử với một ngôn ngữ đơn giản và đẹp, khắc ghi vào trí óc trẻ thơ. Ta chuyển từ quyển thứ nhất, hết sức đơn giản, hết sức cơ bản, dạy cho ta những phép tắc lễ nghĩa đầu tiên, lên đến quyển thứ hai là những vấn đề rộng hơn, sau đó lên quyển ba và cứ tiếp tục như thế. Đa phần các trường làng thấy rằng dạy chừng từ bốn đến năm quyển là đủ. Bọn trẻ học ở đó, cùng với một lượng chữ đủ để viết và trao đổi trong những tình huống đơn giản mà họ gặp nhau, những nguyên tắc đạo đức và những quy định ứng xử sẽ theo họ trong suốt cuộc đời. Đây hiển nhiên là một nền giáo dục chưa hoàn chỉnh; tuy nhiên nó đủ để làm cho một dân tộc cần cù, gắn bó với nhiệm vụ gia đình, hạnh phúc về mọi mặt khi những vấn đề bên ngoài không khiến họ lo lắng ưu phiền.

Về tre Việt Nam:

Người dân Đông Dương dựng nhà bằng tre; mặt khác, kể cả khi một căn nhà được xây bằng gạch thì nó vẫn được bao bọc bởi một lũy tre lớn mà bản thân nó cũng đã chính là một công trình. Bờ rào, những chòi canh để trông coi hoặc để nghỉ chân khi đi săn, những cọc cừ bằng tre để ngăn sông xói mòn đất, những chiếc tời, vó và cần câu, tất cả các loại đồ dùng và dụng cụ đều được làm bằng tre. Khi đi đường, nếu cần dựng tạm lều trại, người An Nam cũng dễ dàng làm được khi có những cây tre ở ngay gần.

Tôi vẫn còn nhớ một ngày nọ ngài Đô đốc Pottier đã vô cùng sửng sốt thán phục khi được cây tre cứu khỏi tình huống khó khăn trên mạn thượng lưu sông Hồng. Tôi và vị Đô đốc tài giỏi này đã gặp nhau tại Lào Cai nơi chúng tôi cùng khánh thành cây cầu mà tôi đã cho xây dựng tại Nậm Thi để phục vụ cho tuyến đường sắt và đường bộ nối với Vân Nam. Lúc đó khoảng tháng Một năm 1902. Được tháp tùng bởi hai sĩ quan phụ tá và một đội lính khố đỏ hộ tống, ngài Đô đốc lúc đi xe kéo, lúc đi kiệu trên con đường bộ bên sông hoặc tuyến đường sắt đang được xây dựng. Không phải cả 200 hay 250 cầu đường sắt đều đã thi công xong, nên việc đi lại vẫn khó khăn và chậm chạp.

Lịch trình đã được sắp xếp sao cho đoàn có thể ăn trưa, hoặc ít nhất là ăn tối và nghỉ ngơi tại một ngôi làng, hoặc trong một đồn bốt. Buổi chiều hôm ấy, ngài Đô đốc đã thấm mệt và chỉ có thể tiếp tục hành trình khi đã khá muộn và không theo đúng lịch trình đã lập. Màn đêm dần buông trong khi cả đoàn vẫn còn cách khá xa bốt nghỉ, nơi đã chuẩn bị sẵn đồ ăn và chăn. Họ buộc phải tạm nghỉ, nơi dừng chân là vùng đất nguy hiểm có hổ rình rập nên họ không đi tiếp được khi mặt trời đã lặn. Làm sao có thể ăn uống và nghỉ ngơi ở một nơi hoang dã như thế? Đoàn hộ tống có một ít gạo dự trữ của lính khố đỏ và vài hộp thức ăn Âu, nhưng chẳng có đồ dùng nào khả dĩ để nấu ăn, và cũng không có gì để che chắn hay để tự vệ đề phòng sự tấn công của dã thú. Thật may là có những rặng tre mọc hai bên bờ sông Hồng, và những người lính khố đỏ thì không rời tay khỏi những thanh mã tấu, một loại kiếm nhỏ hay dao dài bản địa. Với những thứ đó, ngài Đô đốc có thể yên tâm: ông sẽ có một chỗ nghỉ ngơi và ăn uống.

Không để mất thời gian, những người lính bắt tay ngay vào công việc. Chỉ trong vài phút, một hàng rào bằng tre dài và chắc chắn đã được dựng lên tạo thành một khu trại đủ rộng. Họ đã giải quyết được vấn đề dã thú. Sau đó ba chiếc lều được dựng, một cho ngài Đô đốc, một cho những sĩ quan, cái còn lại cho binh lính hộ tống. Ngài Đô đốc và những viên sĩ quan trong hoàn cảnh này đã có thể nghỉ ngơi thoải mái với những chiếc chõng tre, cao khoảng 40 đến 60 xăng-ti-mét và đàn hồi như một tấm nệm lò xo cùng những chiếc gối tiện dụng. Một ống tre lớn còn nguyên cả mắt, vốn chứa nước rất tốt, được khéo léo cắt từng khúc thành một cái gáo, cũng có thể coi là bát, xô hay chậu. Nhờ đó, trong khi những căn lều lán được dựng lên và hoàn tất, những người lính đi kiếm và lấy nước vào những gáo tre, nhóm lửa và chuẩn bị bữa tối. Gạo và đồ hộp được nấu trong những chiếc nồi kỳ lạ làm từ những cây tre. Vậy là chẳng khó gì để có được một bữa ăn, nhưng khi Đô đốc Pottier nhìn những thanh mã tấu trong tay của những người lính đẽo gọt ra những chiếc đĩa, thìa và cả những chiếc dĩa bằng tre cũng có ba răng y như dĩa thật, ông thấy đó quả là một sự khéo léo phi thường! Rất lâu sau khi trở về Pháp, ngài Đô đốc vẫn kể lại câu chuyện và rất vui vẻ khoe một chiếc chăn kỳ diệu, vốn được làm ra cấp thời cũng như căn lều và bữa tối của ông trong một thung lũng ở thượng lưu sông Hồng. Ông ghi nhớ những kỷ niệm về một buổi tối mà ông bất ngờ trải qua như thế cũng như về sự khéo tay đến kinh ngạc của những người An Nam.

Về tệ nạn trong hệ thống quan lại và thái độ của Pháp:

Triều đình An Nam vẫn hoạt động tốt gần giống với tình trạng trước khi bị nước Pháp chinh phục. Hệ thống quan chế tại các tỉnh thành vẫn giữ nguyên; việc cai trị cũng vậy. Các quan lại sống tại những dinh thự đẹp đẽ được xây xựng theo kiểu hệ thống Vauban; họ cai trị, hành pháp và thu thuế dưới danh nghĩa triều đình. Quyền cai trị, hành pháp và thu thuế là những nguồn lợi trực tiếp của họ, là hối lộ biếu xén và mọi loại bổng lộc khác. Đương sự của các vụ kiện, những người nộp thuế và những kẻ nô dịch sẽ dâng lên tất cả những gì họ có; những viên quan to hay nhỏ đều cố gắng bòn rút tối đa từ dân, và phần được đóng vào quốc khố chỉ là phần còn lại mà bọn họ không thể ăn chặn được.

Đó là chế độ quân chủ quan liêu cũ trong đó các quan lại lạm dụng quyền hành trên mọi mặt, mà không có dáng vẻ trung thực tự tại như những quan lại xưa kia. Những khiếm khuyết và những tệ nạn trong hệ thống vẫn tiếp tục hoành hành. Sự kiểm soát từ cấp cao nhằm ngăn chặn tệ nạn này bùng phát bằng hình phạt nếu cần thiết, rốt cuộc đã bị vô hiệu hóa và tê liệt. Đây không phải là một cuộc khủng hoảng hay một vấn nạn mà chính quyền Pháp cần quan tâm, cũng không phải là cái cớ để chúng ta can thiệp. Và như thế, vị Khâm sứ của chúng ta tại Huế hài lòng với việc giám sát Đức vua và triều đình, mà không cần hợp tác với họ; và ngay cả các Công sứ Pháp của chúng ta tại sáu hoặc tám tỉnh lớn vốn có nhiệm vụ đảm bảo việc duy trì trật tự mà không cần hợp tác với quan lại cũng không có nhiệm vụ kiểm soát các hành vi của quan lại. Chúng ta chỉ giới hạn ở mức bảo hộ cơ bản và đã không quan tâm đến việc cai trị cũng như tác động của nó lên sự phát triển kinh tế.

Có thể cho đến lúc đó chúng ta chưa thể làm tốt hơn và tiến xa hơn. Nhưng dù sao đi nữa thì nhất định không thể để tình hình này kéo dài hơn nữa. Cho dù là vì lợi ích của nước Pháp hay là vì lợi ích của người dân An Nam, thì đều cần phải áp dụng những phương thức quản lý và những chính sách kinh tế của nền văn minh châu Âu vào đất nước này. Nhiệm vụ này đặc biệt thú vị, tất cả cần phải được thực hiện từ đầu và chúng ta có thời gian, chúng ta có thể phát triển một kế hoạch toàn diện và tiến hành nó một cách nhịp nhàng, có phương pháp, không hấp tấp, không phô trương.

Trích “Xứ Đông Dương”
Dịch bởi: Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi, Hoàng Long, Vũ Thúy
Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính

Người tù đặc biệt của trại tù Suối Máu: Tỷ phú Nguyễn Đình Quát

Tỷ phú Nguyễn Đình Quát.

Tỷ phú Nguyễn Đình Quát là nhân vật nổi tiếng trong kinh doanh và chính trị tại miền Nam Việt Nam khoảng đầu thập niên 1960. Thời Đệ II VNCH không nghe thấy tên ông, nhưng sau 30-4-1975, ông vẫn bị VC bắt vào tù… cải tạo bởi quá khứ “bóc lột” nhân dân và… chống Cộng của ông.
Thật sự cựu Tỷ phú Nguyễn Đình Quát ở tù Chí Hòa, chứ không ở tù Suối Máu, nhưng vài tháng gần cuối năm 1980, không rõ lý do gì VC chuyển ông về nằm Trạm Xá trại Suối Máu cùng gần một chục người khác, trong đó có Nhạc sĩ Đại tá Nguyễn Văn Đông. Tôi hân hạnh gặp ông Nguyễn Đình Quát tại đây một thời gian tạm đủ để nghe ông kể chuyện đời và thấy cách sống của ông trong hoàn cảnh của một kẻ sa cơ mà vẫn giữ tròn tiết tháo!
Cựu Tỷ phú Nguyễn Đình Quát sinh trưởng ở Quảng Bình,  có nhân dạng như cố TT/VNCH Ngô Đình Diệm, nhưng xuất thân từ gia đình nghèo khó. Năm 1935, ở độ tuổi thanh niên ông cùng với một người bạn đồng trang lứa rủ nhau mua vé xe lửa vào Saigon tìm đường mưu sinh. Nguyễn Tất Thành (tục danh của Hồ Chí Minh) cũng cùng hoàn cảnh nhưng dùng ngụy danh viết sách lếu láo tự đề cao (đồng nghĩa… tự sướng) rằng “Bác Hồ thời thanh niên vào Saigon tìm đường… cứu nước”, thật ra đến Saigon anh ta làm bồi trên chiếc tàu viễn dương của Tây!
Đặt chân chốn Saigon phồn hoa đô hội, hai chàng thanh niên người Quảng Bình như lạc vào mê hồn trận, không biết cách nào để đùm bọc nhau nên đành chia tay để mà sống, thay vì… đoàn kết sẽ dễ chết! Anh bạn đi đường anh bạn, Nguyễn Đình Quát quyết định phiêu lưu ra… Cap Saint Jacque (tức Vũng Tàu) không có chủ đích gì rõ ràng là ngoạn cảnh hay tìm việc làm. Nhưng lần đầu tiên ra biển Vũng Tàu lại là lần quyết định cuộc đời của ông một cách kỳ lạ.
Vừa đến Vũng Tàu, anh thanh niên Nguyễn Đình Quát đi ngay ra bãi trước, lang thang ngắm cảnh mà không để ý, suýt chạm phải một phụ nữ Pháp hãy còn trẻ đang dắt tay một đứa bé gái. Anh vội xin lỗi và buột miệng khen đứa bé gái “ Elle est très belle fille”.
Người phụ nữ Pháp rất vui và ngạc nhiên nghe giọng nói tiếng Pháp rất chuẩn của anh thanh niên Việt Nam, bèn hỏi và trả lời anh vài điều nữa. Qua cuộc đối đáp, anh Quát mới vỡ lẽ mình vừa chạm mặt một phu nhân của viên Thiếu tá Quân Trấn Trưởng Vũng Tàu và rất sung sướng nhận lời bà, vào ngày hôm sau giã từ nhà trọ, đến nhà bà Thiếu tá phu nhân làm gia sư cho đứa bé gái chính là con của bà!
Nhưng không đầy một tháng sau, anh Quát được lịnh viên Thiếu tá Pháp phải rời khỏi Vũng Tàu trong vòng… 24 giờ mà sau đó theo tiết lộ của bà Thiếu tá phu nhân vì… ghen bóng ghen gió và đồng thời không muốn chứa một thanh niên bản xứ lạ mặt ngay trong nhà, suốt ngày gần gũi vợ đẹp con ngoan của mình! May cho anh, bà nầy động lòng trắc ẩn viết một thư tay, giới thiệu anh Quát với một người bạn Pháp đang làm Trưởng Công Trường Xây Dựng bên núi Nhỏ Vũng Tàu.
Tại đây, anh Quát được thâu nhận làm công nhân, rồi nhờ tiếng Pháp khá giỏi của anh, cộng với bản chất thông minh, cần mẫn, anh vừa làm vừa học nghề xây dựng. Anh Quát leo dần lên nấc thang nghề nghiệp, mấy năm sau anh trở thành nhà thầu khoán, mở đầu sự nghiệp tại Saigon, rồi lan ra khắp Đông Dương lúc đó là thuộc địa của Pháp.  Đến năm 1942, anh Quát giờ là ông Triệu phú Nguyễn Đình Quát, dần dần là Tỷ phú vào những năm đầu của nền Đệ I VNCH. Ông tham gia chính trường: 
1/ Vào Quốc Hội, ông Nguyễn Đình Quát từng lãnh đạo Phái Đoàn Quốc Hội VNCH công du Anh Quốc, được Nữ Hoàng Anh tiếp đón trọng thể. 
2/ Ứng cử chức vụ Tổng Thống VNCH ngày 9-4-1961 gồm 3 liên danh: . Ngô Đình Diệm/Nguyễn Ngọc Thơ, . Nguyễn Đình Quát/Nguyễn Thành Phương, . Hồ Nhựt Tân/ Nguyễn Thế Truyền.
Sau 30-4-1975, ông Quát bị VC bắt đi tù… “cải tạo” vì quá khứ tỷ phú và… “ngụy quyền”. Ông từ chối sự bảo lãnh có điều kiện của các thân nhân ruột thịt đang là cán bộ cao cấp trong guồng máy nhà nước CS Hà Nội. Họ ra điều kiện ông phải viết bản “nhận có tội với nhân dân để xin cách mạng khoan hồng”! Ông thà vào tù, bỏ lại sản nghiệp, trong đó có một tòa nhà đồ sộ 27 phòng ở đường Trương Minh Giảng. Việt Cộng giam ông tại Khám Chí Hòa và vì ông bịnh (!?), nên chúng đưa ông đến Trạm Xá của Trại Suối Máu.
Dù đang ở tù, nhưng vốn giầu có, ba bà vợ (trong đó có bà thứ ba ở bên Tây) chăm sóc ông đầy đủ bằng mấy gánh đồ thăm nuôi nặng kình kịch được bạn tù phụ giúp mang vào cho ông. Các bạn tù tha hồ tiếp sức ông tiêu thụ những món ngon, bổ béo dành cho người tù gốc… tỷ phú. 
Một hôm, ông ra phía sau Trạm Xá chợt thấy một bầy vịt của cán bộ VC mập tròn, lông trắng phau. Ông nhờ anh Cựu Thiếu tá Dương X. (hiện ở Seattle) mua giùm và làm thịt cho ông ăn bất kể ông vừa chứng kiến tận mắt bầy vịt đó đang rỉa những con… giòi trắng hếu mà anh tù chăn vịt vừa vớt lên từ thùng phân, rửa sạch và còn cựa quậy! Ông chỉ gắp vài miếng thịt vịt tượng trưng, còn lại đãi hết cho anh em.
Một hôm, anh em bỗng dưng nghe ông ngâm Truyện Kiều của Nguyễn Du từng đoạn này sang đoạn kia. Nghĩ rằng ông có trí nhớ rất tốt, anh em bày ra trò đọc thơ Kiều để thử tài. Một anh đọc một đoạn thơ Kiều tự chọn, ông liền đọc đoạn trước và đoạn sau, cứ như thế tới lượt anh em khác. Cuối cùng, anh em cũng vô cùng ngạc nhiên bái phục một nhà kinh doanh Tỷ phú như ông Nguyễn Đình Quát lại thuộc vanh vách toàn bộ Truyện Kiều gồm trên ba ngàn câu đến như thế!
Độ hai năm sau khi tôi ra trại về nhà thì nghe tin cựu Tỷ phú Nguyễn Đình Quát đã từ trần tại Bịnh Viện Đồng Nai (Biên Hòa) do mắc chứng bịnh nặng gì đó từ Trạm Xá Suối Máu chuyển sang. Bịnh viện Đồng Nai không nhận kịp thời thuốc men và phương tiện chữa trị tối tân của thân nhân ông từ bên Pháp gởi về, nên đành bó tay.
Một số ít anh em cựu tù Suối Máu biết đến cựu Tỷ phú Nguyễn Đình Quát và với lòng ngưỡng mộ một kẻ sĩ thà vào tù để chịu khổ và chết, cương quyết không ký tên cái gọi là “bản nhận tội” của VC áp đặt như là một điều kiện làm sỉ nhục ông nói riêng và các kẻ sĩ VNCH nói chung! Tự hào thay một cựu tù Suối Máu Nguyễn Đình Quát giữ vững tiết tháo cho đến cuối đời mình.
Người H.O. Già.

Sáng Đôi Mắt Mù

Tràm Cà Mau

 Con người cần điều gì  ?- cần đôi mắt sáng, cần có ánh sáng. Đôi mắt và ánh sáng như là phương tiện cho cuộc sống mỗi con người.

Dạo đó, khi cả miền Nam đang bấn loạn lên, vì cuộc chiến tranh mấy mươi năm sắp đến hồi kết cuộc. Bắc quân hồ hởi tiến mau như chẻ tre. Nam quân rút bỏ, tan rả mau chóng. Những người không am hiểu tình hình chính trị quốc tế thì ngỡ ngàng, ngạc nhiên, không tin được về sự thực đang xẫy ra trên đất nước nầy.

Dân miền Nam đua nhau bỏ chạy ra biển, chưa biết sẽ trôi nổi về đâu, cũng chưa biết sẽ đi nơi nào, làm gì mà sống, sống có được hay không. Không cần biết. Cứ chạy trốn đã. Những người nầy, đã có một ít hiểu biết hoặc kinh nghiệm sống với cọng sản, nên liều chết ra khơi. Mấy cụ già miền Nam vuốt râu nói:
“Cọng sản cũng là người Việt Nam mình với nhau, việc chi mà sợ? Cọp nó còn chưa ăn con, huống hồ chi họ với mình cùng tổ tiên, cùng giòng giống. Miền Bắc hay miền Nam đều là anh em với nhau cả mà. Chạy đi đâu làm chi cho mệt.”

Những người trong chính quyền miền Bắc chắc cũng không hiểu nổi, tại sao nhân dân miền Nam sắp được “giải phóng”, sắp được sung sướng, sao mà lại bỏ chạy. E rằng, họ bị Mỹ Ngụy tuyên truyền đầu độc, nên dại dột dong thuyền ra khơi. Họ cho rằng, những người bỏ trốn họ, là loại trây lười, sợ lao động, sợ khổ.

Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh sắp tàn. Bạn của Tâm hối hả đến tận nhà lo lắng nói :
“Anh sửa soạn hai bộ áo quần. Đem theo một ít thức ăn khô, một chai nước. Tôi đã ghi danh cho anh được xuống xà lan ở Tân Cảng, và sẽ được kéo ra khơi hôm nay hoặc ngày mai.”
Tâm trầm ngâm:
“ Không đi đâu cả. Tôi sinh ra trên quê hương nầy, và sẽ sống và chết với quê hương.”
“Anh chấp nhận sống với cọng sản.?”
“Anh chưa hiểu ý tôi. Nếu phải chọn tự do và cọng sản, thì tôi sẽ chiến đấu để bảo vệ một chính thể tự do. Nhưng nếu phải chọn quê hương và một nơi vô định khác, thì tôi chọn quê hương. Đất nước mình đã chịu chiến tranh tàn phá ba mươi năm nay. Tan tác, đổ vở quá nhiều. Bây giờ là lúc toàn dân cần góp tay xậy dựng lại quê hương thân yêu của chúng ta. Tôi đã chuẩn bị tinh thần rồi. Chấp nhận đi tù vài, ba năm, nếu phải đi đập đá Trường Sơn, thì đá đó cũng để xây dựng đường sá và nhà cửa cho quê hương nầy. Đi ra ngoài, dù có làm được gì, thì cũng là làm cho người ta. Tôi chấp nhận mọi gian khổ để đổi lấy cuộc sống còn có quê hương.”
Người bạn nhìn Tâm với ánh mắt u buồn:
“Tôi ước mong sao ý nghĩ của anh là đúng, và sau nầy không ân hận”
Tâm quả quyết:

“ Tôi sẽ không bao giờ ân hận với chọn lựa nầy. Tôi chọn quê hương.”

Nửa tháng sau ngày miền Bắc thắng trận, một ông chú của Tâm, là cán bộ có vai vế, từ Hà Nội vào tiếp thu Sài gòn. Ông  ghé lại nhà thăm. Ông nầy đã hăng hái tham gia cuộc kháng chiến từ thời khởi đầu năm 1945. Trong tình thân gia đình, ông bực bội hỏi:
“ Sao không bỏ chạy, mà giờ nầy còn ở đây? Thế thì khổ đời anh rồi.”
Tâm ngỡ ngàng, nhưng cũng quả quyết nói:
“ Cháu ở lại, để góp một tay xây dựng lại quê hương đổ vở. Chỉ mong làm một hạt cát nhỏ trong công cuộc tái thiết đất nước nầy”
Ông chú cười buồn mà nói:
“Ai cho anh xây dựng mà hòng? Anh tưởng dễ lắm sao?”
“ Cháu không hiểu hết ý của chú.”
“ Rồi anh sẽ hiểu. Anh phải “kinh qua” mới thấm và hiểu. Chưa thực sự sống trong chế độ, thì dù cho có đọc ngàn cuốn sách, anh cũng còn mơ hồ và đầy ảo vọng.”
Tâm mạnh dạn nói mà không sợ ông chú buồn lòng:
“ Nếu cháu không lầm, thì chú cũng đang là một rường cột của chế độ nầy. Với cái vai vế của chú, thì chú cũng có thể tạo điều kiện cho những người yêu mến quê hương nầy có cơ hội phục vụ đất nước. Quê hương nầy là của chung, gia sản của tổ tiên nhiều đời gây dựng lại, không của riêng ai, không của riêng đảng phái nào.”
Ông chú cười, ánh mắt có vẻ thương xót người cháu, ông nói:
“Không. Anh nói vậy là chưa hiểu chi về xã hội chủ nghĩa cả. Chú cũng chỉ là một bánh xe trong guồng máy đang vận hành. Bánh xe nào không hoàn toàn ăn khớp, thì bị loại ra ngay. Bị vứt bỏ không thương tiếc. Bị chà đạp, bị hành hạ, sống không được, chết không xong. Anh không có quyền yêu mến quê hương theo tâm ý của anh. Phải yêu theo lối của người khác vạch ra, hoàn toàn đi trong đường lối đó, nếu anh muốn sống còn. Tôi xin anh, đừng có nói cái giọng điệu quê hương là gia sản chung cho ai khác nghe, mà không có lợi cho bản thân anh.”
Tâm thở dài. Một lúc sau ông chú nói tiếp:
“Điều cần thiết nhất chú dặn anh, là đừng có dại mà thành thật khai báo lý lịch và tội lỗi của mình.  Anh đã ở miền Nam, thì dù anh có làm gì, hay không làm gì, cũng có tội với cách mạng cả. Phải tự nhận là có tội, và chỉ nhận những tội khơi khơi thôi.  Chuẩn bị một bản lý lịch cá nhân. Cái gì không lợi thì đừng khai. Cái gì giấu được thì giấu. Viết càng ngắn, gọn, rõ ràng càng tốt. Khai cho y hệt nhau, đừng sai chạy.  Đó, chú chỉ giúp anh được chừng ấy thôi, anh nhớ cứ làm theo , thì bớt được vận hạn khó khăn.”

Tâm chấp nhận đi tù cải tạo với sự bình tỉnh, không chút lo lắng buồn phiền. Anh đã chuẩn bị trước, và đây là chuyện phải đến. Tâm cũng không có ảo vọng đi “học tập” một tháng hay hai tuần như thông cáo do chính quyền phổ biến. Nhưng Tâm vẫn mong rằng, anh nghĩ sai. Anh đã chuẩn bị cho một cuộc đời tù tội lâu dài. Mang theo những vật dụng thật bền, chắc chắn. Những tuần đầu trong trại cải tạo, Tâm thấy bạn bè xài phí những vật dụng mang theo, anh nói với các bạn trong một buổi họp tổ:
“Các anh nên tiêu xài tiết kiệm lại một chút. Đâu đã chắc một tháng là được về ngay !”
Các bạn anh nhao nhao phản đối :
“ Cánh mạng trước sau như một. Anh không tin tưởng chính sách của cách mạng sao? Anh còn tư tưởng lạc hậu lắm. Cách mạng nói một tháng, là một tháng, không sai chậy đâu.”
Thấy tất cả bạn bè đều phản đối dữ dội, và nếu cán bộ quản giáo biết được, hay có người báo cáo thì bất lợi cho bản  thân, Tâm vội vàng cười giả lả:
“ Thôi mà, tôi nói chơi cho vui, mà làm anh em sợ. Nói đùa , anh em bỏ qua đi.”
“Đùa làm đứng tim người ta. Cách mạng không bao giờ nói sai cả.”
Tâm biết anh em sợ, không dám nghe nói sự thực. Muốn nuôi ảo tưởng là một tháng sẽ được tha về, nên phản đối lời khuyên của Tâm.

Sau ba tuần mà chưa thấy “bài vở và học tập” chi cả. Đám tù lao nhao tiên đoán rằng, cách mạng sẽ khoan hồng cho về, mà không cần học tập lôi thôi. Đoán rằng, họ sẽ phát tài liệu cho anh em đọc, vì ai cũng đã có trình độ học vấn khá, không cần phải giảng dạy. Tâm chỉ cười, và mong sao cái mơ ước hão huyền của anh em đúng sự thực, chứ trong lòng Tâm, không hề có ảo tưởng nào. Nhiều đêm, khi chín giờ, đèn điện tắt, có tiếng tắc kè kêu vang dội rất rõ trên đồi cao: “ Tắc kè. Tắc kè.” Anh em diễn dịch ra là có điềm tốt thông báo, nên tắc kè kêu là “ Sắp về. Sắp về.” Có nhiều anh loan tin rằng, mấy đêm nay xem thiên văn, thấy nhiều sao chiếu đồng quy về hướng Sài gòn, bởi vậy, anh em cũng sắp được tha về nay mai.

Nhiều tháng sau vẫn chưa được tha về, mà thời gian tù không xác định. Tiếng tắc kè được diễn dịch lại là “Đếch về. Đếch về.”
Một người bạn nói với Tâm:
“ Cán bộ luôn luôn nhắc nhở là “yên tâm cải tạo”, làm sao mà yên tâm, khi gia đình còn lắm việc bộn bề, vợ con không biết sinh sống ra làm sao, ngày ra trại chưa được xác định. Thì làm sao mà yên tâm cải tạo được?”
Tâm cười và trả lời:
“Yên tâm cải tạo. Đúng. Mấy ông cán bộ nói đúng. Yên tâm đi, ngày về còn xa lắm lắm.  Đừng nôn nóng, vô ích. Không yên tâm, thì cũng không được gì. Bận lòng thêm khổ. Chúng ta bị mắc bẩy rồi, cứ đừng hy vọng, đừng mong ước gì cả. Yên lòng. Nếu có một ngày nào đó, được kêu tên cho ra về, thì sung sướng lắm. Nếu chưa đưọc về, cũng đừng mong. Có mong là có bồn chồn, có khổ tâm. Hãy yên tâm đi, yên tâm cải tạo”

Mấy người bạn Tâm bây giờ đã bớt ảo tưởng, nhưng vẫn chưa tắt niềm hy vọng. Họ thường tỏ vẻ bực bội khi nghe các bạn khác đọc các câu thơ: “Bao giờ cọc sắt nở hoa. Bà Đen hết đá thì ta mới về” hoặc “Khi đi vợ mới mang bầu. Ngày về con đã bạc đầu như cha.”
Nhờ lời khuyên của ông chú đã từng kinh qua dày dạn trong chế độ, là đừng dại dột thành thật khai báo, nên Tâm được tha tù, về nhà sớm hơn bạn bè cùng trang lứa, cũng mất hơn ba năm, gần với thời gian anh đã  tiên đoán và chấp nhận.  

Trong thời gian nầy, tình hình lương thực vô cùng khó khăn. Cả nước đều đói vàng mắt, nhà nhà ăn độn khoai sắn, bo bo, mì sợi. Bụng dạ mọi người khi nào cũng lưng lửng, nhột nhạt, có kiến bò. Miệng thì luôn thòm thèm. Đời sống thường ngày vô cùng khó khăn. Ít còn ai đủ dại để tin tưởng vào tương lai tươi sáng hạnh phúc. Không biết ai bày, mà bọn trẻ con hàng xóm thường ngêu ngao hát bài ca sửa lời: “…tổ quốc ơi, ăn khoai mì ngán quá, kể từ giải phóng vô đây, ta ăn độn dài dài, kê từ giải phóng vô đây, ta ăn độn toàn khoai…”

Một lần nghe cuộc bàn cãi giữa hai ông cậu, ông cậu nhỏ là người đi tập kết ở miền Bắc về, nói với ông cậu lớn tuổi rằng:
“ Anh chưa ‘giác ngộ cánh mạng’ thì anh đừng nói, đừng bàn luận về xã hội chủ nghĩa. Phê bình mà chưa biết rõ bản chất, thì đừng nên nói, không có lợi cho anh và gia đình.”
Ông cậu lớn tức tối nói:
“ Làm sao mà tôi giác ngộ cách mạng của các người được? Còn bản chất của xã hội chủ nghĩa, không nói ra, ai cũng biết là cái gì rồi.”
“Anh có biết giác ngộ cách mạng là gì không? Giác ngộ nghĩa là biết rõ, biết đến nơi đến chốn, không phải biết lơ mơ như các anh. Biết cái gì? Biết cách mạng vô cùng nghiêm khắc, tàn bạo, không khoan nhượng. Nghĩa là biết sợ cách mạng trù dập, sợ bị thanh toán, thủ tiêu, sợ bị giam đói, bị bao vây kinh tế, bao vây tình cảm. Tóm lại, giác ngộ cách mạng là biết sợ cách mạng, sợ vô cùng, không dám hó hé chi cả. Cách mạng nói sao, mình  nghe vậy, nói theo y như vậy, đừng sai chạy mảy may, đừng để cái lý trí phán đoán sai đúng xen vào. Người giác ngộ cách mạng sẽ dễ sống, dễ thở, và an toàn hơn trong cái xã hội chủ nghĩa.”
Ông cậu lớn nói với giọng chán nản:
“ Thế thì giác ngộ cách mạng là phải biết hèn nhát, nói như vẹt, mềm như bún. Không kể gì đến sĩ khí, nhân cách nữa sao?”
Ông cậu ‘cách mạng’ trả lời:
“Hừ, sĩ khí và nhân cách để làm gì nếu cái bao tử trống không, đói khát hành hạ, vợ con nheo nhóc, xóm giềng xa lánh, hất hủi mình vì sợ liên lụy?”
Ngừng một lát, ông nầy nói tiếp:
“ Thời nầy, tốt nhất là bịt tai, nhắm mắt mà sống. Đừng bao giờ nói ý nghĩ trung thực của mình  cho ai nghe. Có lẽ, tốt hơn hết là đừng có ý kiến chi khác với mọi người. Ai sao mình vậy. Đúng hay sai, thật hay giả, không cần biết đến làm chi. Đó là thái độ khôn ngoan nhất.”
Ông cậu lớn tuổi lắc đầu:
 Không được. Phải can đảm nhìn thẳng vào sự thật, và đừng tự dối lòng để giả tin vào lời lừa mị láo khoét. Nếu ai cũng dám nhìn thẳng vào sự thực, nói lên sự thực, thì bọn dối trá sẽ không còn đất sống, và không còn cơ hội ức hiếp, áp bức kẻ hiền lương. Người miền Bắc và miền Trung khôn ngoan quá, cẩn trọng quá, nên gắng nhịn nhục để sống còn, bởi vậy nên bị ức chế, bị chà đạp, bị dày xéo, không còn thể thống chi cả. Chú ra ngoài chợ Sài gòn mà xem, hay chú lên xe đò mà nghe các bà chữi cho nát mặt, nát mày, có dám bỏ tù hết cả nhân dân miền Nam nầy không? Ban đầu, các anh ‘cách mạng’ cũng hung hăng, doạ dẫm, định áp đặt chính sách cai trị hà khắc như cai trị dân miền Bắc lên vùng đất nầy. Nhưng không ai sợ cả, không ai hùa theo lời nói láo khoét. Mấy anh bị hố. Dân miền Nam không hèn nhát đâu.”
Ông cậu ‘cách mạng’ hạ thấp giọng:
“Nhân dân miền Nam nầy ăn nói phản động, không có lợi lộc gì cả, mà lại hại đến bản thân, gia đình. Nói lời phản động, để được cái gì chứ? Anh tưởng chúng tôi đều ngu muội, mù quáng cả, không nhìn thấy và phân biết được sự thực và dối trá sao? Sống theo nếp sống mới thì phải biết ‘nói điều mình không tin, và tin điều mình không dám nói’ Đó là thái độ khôn ngoan, thức thời.”

Mỗi ngày từ sáng tinh mơ, loa đã oang oang kêu gọi dân chúng sống theo nếp sống văn minh. Tâm không biết nếp sống văn minh của xã hội chủ nghĩa ra làm sao, đem hỏi ông một ông chú ‘cách mạng’ khác. Ông hạ giọng thầm thì:
“Cái gì người ta thiếu, thì nói nhiều đến cái đó. Văn minh bây giờ là xe chạy bằng than cũi, ăn cơm độn khoai sắn, xới vườn hoa trồng rau khoai rau dền, nuôi heo trên tầng lầu chúng cư, áo quần xám xịt một màu, ăn nói một lời giống nhau y hệt. Văn minh mà nhà nước ta đang nhắm đến là làm sao cho miền Nam tiến kịp miền Bắc trong tiêu chuẩn … nghèo đói.”

Tâm cười: “Các ông bà con đi tập kết về khuyên đừng ăn nói phản động. Thế mà lời của chú, nghe ra còn phản động hơn ai hết. Thế thì hai mươi mấy năm đi theo cách mạng, chú đã làm được công trạng gì trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa?”
Nét mặt ông chú có vẻ tức tối: “Công trạng cái con khỉ. Vì chú không biết a dua, không hèn nhát nói theo lời lếu láo dối trá của bọn chúng, nên chú bị bao vây, bị cô lập, bị bỏ đói trong hai mươi năm tập kết ra Nghệ An. Chú kiếm sống bằng nghề ‘hớt tóc chui’. Cả nước đã đói cho vàng mắt ra, gia đình chú còn đói hơn ai cả. Con cái không được nhận vào trường, thất học cả đám. Chẳng bị tù rục xương là may mắn lắm rồi cháu à.”
“Thế thì xin chú cho cháu một lời khuyên, để sống còn trong xã hội mới nầy.”
Ông chú lắc đầu: “Không còn cách nào để cho các thành phần như cháu sống còn cả. Ngoại trừ… ngoại trừ bỏ nước ra đi. Chỉ có con đường đó thôi.”
Một năm sau, Tâm đến được bến bờ tự do sau bao lần suýt bỏ mạng trên biển cả. /./.

Tràm Cà Mau

Bí ẩn ‘tia tử thần’ của thiên tài Nikola Tesla

Nikola Tesla (10/7/1856 – 7/1/1943) là nhà phát minh, kỹ sư điện và kỹ sư cơ khí người Mỹ gốc Serbia.

Nov 11,2021
Nikola Tesla ghét chiến tranh và ông nghiên cứu thiết bị phóng “tia tử thần” với hy vọng ngăn quân đội các nước gây chiến, mang đến hòa bình.
Hãy tưởng tượng một chùm năng lượng có thể hạ gục máy bay từ khoảng cách xa hàng km mà không cần dùng đến thứ gì đặc biệt ngoài điện. Hãy tưởng tượng một bức tường năng lượng vô hình bảo vệ quốc gia khỏi kẻ thù xâm lược, hoạt động như hàng rào điện có thể làm “bốc hơi” binh lính đối thủ ngay khi vừa chạm vào. Nghe có vẻ như một thứ mà lực lượng quân đội nào cũng muốn có.
Giấc mơ về loại “tia tử thần” này đã truyền cảm hứng cho các nhà phát triển vũ khí suốt hàng thập niên. Tuy nhiên, có một nhà phát minh lỗi lạc tuyên bố đã thực sự tạo ra được nó: Nikola Tesla.

Tesla sinh năm 1856 tại nơi giờ đây là Croatia, nơi ông học ngành kỹ thuật trước khi nhập cư vào Mỹ. Trên đất Mỹ, ông có một thời gian làm việc cho Thomas Edison trước khi trở thành nhà phát minh.Nhiều phát minh của Tesla trong thời kỳ này mang tính cách mạng. Ông chủ yếu tập trung vào cải tiến các hệ thống tạo ra năng lượng điện và truyền tải dòng điện. Ngoài ra, ông cũng có những phát minh quan trọng trong lĩnh vực công nghệ vô tuyến.
Nhưng ước mơ lớn nhất của Tesla là tìm ra cách truyền năng lượng vô hạn trực tiếp qua không khí. Suốt cuộc đời mình, Tesla đã cố gắng phát triển một số thiết bị có thể truyền điện không dây, nhưng các nghiên cứu của ông bị hạn chế đáng kể vì thiếu kinh phí. Tuy nhiên, vào năm 1934, Tesla, khi đó 78 tuổi, có một tuyên bố chấn động rằng ông đã phát minh thiết bị có thể giết người từ cách xa hàng km bằng điện.
Tesla gọi phát minh của mình là Teleforce. Dù hiện nay nhiều người biết đến nó với tên gọi “tia tử thần Tesla”, bản thân ông không đồng tình với thuật ngữ này khi mô tả về Teleforce vì thiết bị không truyền tia bởi một tia năng lượng sẽ tiêu tán trong không khí.
Thay vào đó, phát minh của Tesla tập trung năng lượng dọc theo một dải hẹp mà theo ông khiến nó đủ mạnh để hạ gục máy bay từ xa và giết người ngay lập tức.
Tesla cho hay phát minh của ông có thể tạo ra hàng rào năng lượng bao phủ cả một quốc gia, tiêu diệt bất kỳ kẻ thù nào đi qua nó. Tuy nhiên, ông hy vọng những ứng dụng từ phát minh này sẽ đem lại hòa bình. Bằng cách khiến quân đội các nước không thể tấn công lẫn nhau, Tesla hy vọng có thể loại bỏ hoàn toàn chiến tranh.
Nhưng ước mơ cao đẹp của Tesla đã gặp phải vấn đề nghiêm trọng: Không ai tài trợ dự án. Ông đã tiếp cận chính phủ Mỹ, Liên Xô cùng chính phủ nhiều nước khác nhưng không ai cung cấp bất kỳ khoản tiền nào cho sáng kiến này.
Song vào một đêm năm 1937, trong cuộc họp tại Đại sứ quan Nam Tư, Tesla tuyên bố với cả khán phòng rằng Teleforce không chỉ khả thi mà thực tế, ông đã chế tạo thành công nó. Tesla dự định công bố phát mình trong vài tháng.
Tuy nhiên, thế giới đã không có cơ hội nhìn thấy nó. Không lâu sau, Tesla bị xe hơi đâm khi băng qua đường. Ông bị chấn thương nặng và không hoàn toàn hồi phục sau đó. Năm 1943, Tesla qua đời ở tuổi 86 tại khách sạn New Yorker, nơi ông sống.
Khi nhận được tin Tesla qua đời, quân đội Mỹ nhanh chóng có mặt tại khách sạn và lục soát căn phòng để thu giữ tất cả phát minh họ không muốn các quốc gia khác có được. Nhưng Mỹ cho biết họ không tìm thấy gì. Câu hỏi đặt ra là điều gì đã xảy ra với Teleforce.
Có thể chính phủ Mỹ đã bí mật cất giữ và nghiên cứu “tia tử thần Tesla”. Một số thiết bị tương tự đã được thử nghiệm trong thời Chiến tranh Lạnh, có thể cho thấy họ đã sử dụng phát minh của ông để phát triển những công nghệ xa hơn.
Nhưng nếu Tesla thực sự đã tạo ra “tia tử thần” và không ai lấy nó, không có manh mối nào cho câu hỏi ông đã đặt nó ở đâu. Cũng không có lý do xác đáng nào giải thích cho thắc mắc vì sao ông không bao giờ công khai nó.
Lời giải thích khả dĩ hơn là Tesla chưa từng thực sự làm ra “tia tử thần”. Ông được cho là đã mắc bệnh tâm thần trong phần lớn cuộc đời. Vào những năm cuối đời, cùng thời điểm ông tuyên bố chế tạo thành công “tia tử thần”, tình trạng của Tesla ngày càng tồi tệ hơn. Thực tế, “tia tử thần” không phải phát minh duy nhất mà ông tuyên bố tạo ra nhưng chưa bao giờ công bố.
Những năm 1930, ông thường xuyên tuyên bố sáng tạo ra những phát minh lớn, như cỗ máy chạy bằng bức xạ vũ trụ. Nhưng giống như tia tử thần, nếu có tồn tại thì không ai ngoài Tesla từng nhìn thấy chúng.

Theo ATI (Advanced Technology Institute)

Võ Bị trên chiến tuyến

Trần Ngọc Toàn

Mùa nước lụt, Tháng 10 năm 1973.

Suốt gần cả tuần lễ, mưa kéo dài qua ngày đêm như không dứt.Mưa nơi xứ Huế và Quảng Trị càng làm cho cảnh vật thêm não nề, sầu thảm. Từ bên Hương Điền, Huế, nhìn ra Phá Tam Giang chỉ thấy một khung cảnh mờ ảo. Nước lũ từ trên rặng Trường Sơn ào ạt đổ về tràn ngập hết đám ruộng thấp bên những đồi cát trụi lơ. Tin tức từ các nơi cho biết lũ lụt đang dâng tràn, suốt từ sông Thạch Hãn đến Sông Hương. Vào buổi sáng sớm hôm ấy, trời chợt quang mây tạnh. Đại tá Phạm Văn Chung, Tham Mưu Trưởng, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC hành quân, cho người lính gọi tôi lên trình diện. Ông ngồi sau chiếc bàn thầy giáo, ôn tồn nói :’ Ông Tướng bảo cậu ra bàn giao Tiểu Đoàn 4 cho Nguyễn Đằng Tống ngay hôm nay”. Trung Tá Nguyễn Kim Đễ, bạn cùng Khóa 16 Võ Bị, rời TD 9TQLC về làm Trưởng Phòng 3 Sư Đoàn, đứng lặng lẻ nhìn theo. Không chần chờ, tôi vội quay về nơi tạm trú mang ba- lô lên đuờng. Người lính của Phòng 3 Sư Đoàn đã mang chếc xe Jeep ra chờ tôi trước sân Bộ Tư Lệnh. Chẳng buồn nhìn lại , tôi nhảy thót lên xe khi người tài xế máng khẩu súng M16 vào lưng ghế rồi nổ máy. Anh ta nhanh nhẩu nói nuớc ngập con đuờng sát ruộng. Mình phải chạy vòng ra bờ biển để xuống cửa Thuận An. Gặp chuyến phà Quân vận đang chuẩn bị qua Phá, thầy trò tôi vọt lên ngay. Khi đến Đập Đá , Huế, xe phải dừng lại .Nước tràn qua đập trông khá mạnh và cao mực nước. Không thấy ai dám qua. Chợt một chiếc xe GMC chở đầy lính trờ tới. Tôi bảo người tài xế chạy theo bám sát đuôi chiếc xe vận tải. Lọt qua đuợc, xe vòng qua cậu Trường Tiền, bon bon chạy về hướng Bắc. Qua Mỹ Chánh, bắt đầu với cánh quân của Tiểu Đoàn 6 TQLC do Trung Tá Trần Văn Hiển chỉ huy, khi nước dâng sát nhịp cầu rồi đến Hải Lăng, đến phòng tuyến của Tiểu Đoàn 3 TQLC với Trung Tá Nguyễn Văn Cảnh, xuất thân Khóa 16 Võ Bị, rồi ngang khu đóng quân của Tiểu Đoàn 7 TQLC với Nguyễn Văn Kim, bạn cùng khóa Võ Bị, bên nhà thờ La Vang bị sụp tháp chuông trong cuộc tổng tấn công của CS Bắc Việt, tiến vào thành phố Quảng Trị và Cổ Thành đỗ nát, với đâu đây bóng quần áo trận rằn ri TQLC. Xe rẻ về hướng Đông về quận Triệu Phong, qua thôn Bích La Đông, Bích La Tây, quên hương của Lê Duẩn. Khi xe vừa lên cầu Ba Bến, bắt ngang sông Vĩnh Định, trước mặt tôi là cả một vùng ngập nuớc mênh mông hết tầm mắt. Người tài xế vội dừng xe, bước xuống keó khấu súng M16 ra cầm tay lăm lăm. Tôi chỉ có chiếc ba-lô trên lưng và hai bàn tay không. Vừa lúc, từ phía Chợ Cạn, một chiếc xe lội nuớc M113 rẻ nước huớng về phía cầu. Tôi thấy đứng ngồi lổm ngổm trên mui xe có mấy người lính Thiết giáp thủ súng.

vo_bi_tren_chien_tuyen_c-large-content

Người bạn cùng khóa Võ Bị của tôi, Trung tá Nguyễn Đằng Tống, trong bộ chiến phục còn mới, giơ tay vẩy vẩy. Chiếc Thiết vận xa vừa dừng lại dưới chân dốc cầu, Tống nhảy xuống đi nhanh vế phía tôi, miệng cười tươi như trẻ đuợc kẹo. Chàng nói như không kịp thở :” Mày vào đi. Tụi nó đứa nào cũng biết mày (và) đang chờ mày vào.”

_ Còn vụ bàn giao thì sao ?

_ Tao chẳng có gì phải bàn giao với mày. Tao phải ra Huế gấp cho kịp chuyến bay C130 về Sài Gòn cưới vợ.

_ Cưới vợ ? Mày mày cưới em nào vậy?

_ Thôi mày biết rồi còn hỏi nửa. Nè, tao cho mày 10 ngàn để xài tạm lúc đầu. Tao đi đây.

Thế là Tống mang túi xách nhỏ nhảy gọn lên chiếc xe Jeep. Xe phải thụt lùi vì không chổ quay đầu. Tôi nói vói theo :” Cưới xong nhớ dắt vợ mày ra trình diện nghe” Và đứng lặng nhìn theo cho đến khi chiếc xe khuất bóng. Hai đứa tôi là bạn cùng khóa 16 Võ Bị. Ra trường nhào đầu về Thủy Quân Lục Chiến, cùng Tiểu Đoàn 4. Trong trận Bình Giả, Tống thoát về làng với Đỗ Hừu Tùng. Ba ngày sau, tôi một mình mới bò về trước cổng làng Bình Giả, khi hai vết thương trên bắp chân và đùi phải thối rửa, đầy dòi và kiến lúc nhúc. Tống và Tùng bảo đêm nào tụi tao cũng thấp nhang khấn mày chết chổ nào về chỉ cho biết để lấy xác. Năm 1966, Tống bị trúng đạn vào bụng nhưng nhờ tản thương về Quy Nhơn kịp thời nên sống sót. Chỉ hai năm sau, Tống trở ra hành quân, rồi làm Tiểu Đoàn Trưởng TĐ1 TQLC và TĐ4TQLC,ược đặc cách lên Trung Tá với Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Lần này đuợc phép về Sài Gòn cưới con gái ông Nhà Báo Tú Gàn rồi ra làm Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 147 TQLC với Trung Tá Đỗ Hữu Tùng nắm quyền LĐT.

Tôi mang ba-lô leo lên mui xe vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 4 TQLC nằm trong làng Chợ Cạn đang chìm trong biển nước lũ lụt Tháng 10. Chiếc xe M113 rẻ nước chạy ào ạt vế phía đồi cát nhô lên giửa mất rặng tre già ngập nước. Từng đàn vịt nước Le le đen nghẹt cất cánh ào lên kêu xào xạt. Đám lính của đơn vị đang ngồi tòn teng trên võng, ôm súng nhìn theo. Vừa leo xuống xe, tôi gặp ngay Đại Uý Nguyễn Tri Nam, xuất thân Khóa 22 Võ Bị, đứng nghiêm đưa tay chào, trong bộ chiến phục gọn sạch. _” Chào Đại Bàng. À quên, chào Niên Trưởng”. Tôi vui vẻ chào lại và bắt tay Nam. Tôi gặp Nam nhiều lần trước. Tôi hỏi tên anh là Tri Nam hay Trí Nam. Nam liền bảo là Tri Nam. Cha mẹ Nam từ ngoài Bắc vào Nam làm Đồn Điền ở Trị Tâm, Bình Dương, trước năm 1954, nuôi Nam đi học lên tới Đại học nhưng Nam tình nguyện vào Võ Bị, rồi TQLC. Đại Uý Nam rất nhanh nhẹn và khuôn thước, đâu ra đó. Nam mời tôi vào hầm Hành quân của Ban 3 Tiểu Đoàn để hướng dẩn tôi vị trí đóng quân và tình hình địch. Ngay sau đó, Nam gọi một người lính lên bảo :” Đây là Hạ sĩ Nguyễn Văn Sơn tự Sơn Cà và Binh Nhất Lý Seng sẽ là Tà Lọt (phục vụ) cho Niên Trưởng và chỉ căn hầm kế bên là nơi tôi ở. Sơn Cà lớn con và có vẻ xuề xòa của người Nam. Lý Xeng trông lầm lì. Tôi hỏi Tiểu Đoàn Phó nằm đâu. Nam đáp :” Thiếu Tá Phạm Văn Tiền (Đuợc tưởng thưởng Đệ Tứ đẳng BQHC Năm 1972 về sau lên làm TĐT/TĐ5TQLC) nằm với Đại Đội 1 của Dương Công Phó Khóa 22 Võ Bị. Niên Trưởng Tiền là Khóa 20. Tôi biết và đã gặp. Đaị đội 2 do Tô Thanh Chiêu khóa 26 Thủ Đức. Chiêu từ bên Không Quân đánh Huấn Luyện Viên về Thủ Đức, nay làm Đại Đội Trưởng. Đại Đội 3 và 4 do hai Đại Uý Mai Văn Hiếu tự Hiếu Tây Lai và Dương Tấn Tước gốc Tây Ninh chỉ huy. Khi còn là Thiếu Tá, Trưởng Phòng Tổng Quản Trị Sư Đoàn, năm 1971, tôi đã lên trường Võ Bị lấy Khóa 23 về TQLC, nay họ đã dày dạn chiến trường và mang cấp Đại Uý. Tước tánh ít nói nhưng rất lì khi đụng trận. Thế là tôi có có cả một dàn khóa đàn em Võ Bị sánh vai, chung lưng đứng ngoài mặt trận. Tôi không phải lo gì ngòai việc chăm sóc và tận tình giúp cho họ về mọi phương diện, như một người anh trong gia đình, dù tôi đã rời chiến trường khá lâu và mang thương tật.

vo_bi_tren_chien_tuyen_b-large-content

Tôi nghĩ ngay đến việc phải ra thăm các Đại Đội trên chạm tuyến. Sau khi ngưng bắn, phòng tuyến của TQLC và VC chỉ cách nhau vài thước, về phía Đông Bắc của Quảng Trị, từ Cửa Việt đổ xuống. Đại Uý Nam gọi lấy chiếc xuồng máy cao- su đem ra bờ nước. Hai đệ tử mới của tôi vội cả chạy ra, mang theo súng. Người mang máy truyền tin Tiểu đoàn là Hùng Con lếch thếch quảy máy chạy vội ra. Nam nói lớn “Thằng Hùng Con là con của Thượng sĩ Nguyễn Văn Bình hồi xưa là Tiểu đội trưởng của Đại Bàng đó”. Hùng Con nhỏ nhắn, mặt còn con nít, cười bẻn lẻn. Tôi bắt đầu với ám danh truyền tin là Tây Sơn và ám số 816. Sơn Cà và Lý Xeng vừa chống vừa chèo xuồng, hướng về phía Cánh B của Tiểu Đoàn do “Sao Mai” Phạm Văn Tiền chỉ huy. Tiền đã đứng chờ trên một gốc bụi tre lấp xấp nước. Tiền vồn vả chào hỏi và bắt chặt tay, đồng thời chỉ tay các vị trí của VC. VC đã lấy ghe của dân neo vào lùm tre trên mặt nước lụt. Tiền đã cho lệnh các Đại Đội chặt tre già kết thành bè cho mổi Tiểu Đội. Chiếc bè tre của Tiền khá rộng và vửng chắc. Tiền cho biết đơn vị không gặp trở ngại cho tiếp tế nhờ có M113. Trong khi VC dùng bao plastic đen thả trôi lương thực cho quân trú đóng. Có gói trôi dạt qua bên TQLC. Lục ra thấy có gạo sấy và hộp thịt heo kho Tàu Trung Cộng. Một lúc sau, Đại Uý Dương Cộng Phó K22 tự Phó” xay nước mía nằm” gần , lội qua báo cáo vị trí đóng quân, với hàng lính treo võng trên các bụi tre. Lính rất giỏi xoay sở. Họ lấy nón sắt ngửa rat reo giửa hai cây rồi nhóm lửa nấu cơm cũng treo lửng lơ bên trên. Phó nổi tiếng đánh giặc lì lợm và lính dưới quyền sợ một nước. Sau đó, thuyền chèo qua Đại Đội 2 của Tô Thanh Chiêu. Chiêu người Bắc nói chuyện rất có duyên. Hồi trước khi ở Không Quân qua Mỹ học va chạm và đánh Huấn Luyện Viên nên bị trả về, rồi đi khóa Sĩ quan Thủ Đức. Về Sau, ngày 23 tháng 3 năm 1975, Chiêu bị tử trận tại Thuận An cùng với Nguyễn Tri Nam, lúc ấy Nam là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Phó TĐ4TQLC. Xác hai người đuợc Trung Tá Tống đưa về Quân Y Viện Đà Nẵng, rồi biệt tích sau ngày 29.3.75 khi Đà Nẵng rơi vào tay CS. Tôi lần qua thăm hai đàn em Khóa 23 do tôi nhận về TQLC, là Mai Văn Hiếu và Dương Tấn Tước. Hiếu quê ở Gia Định, còn Tước từ Tây Ninh. Khi đến Đại Đội 2 bất chợt tôi gặp lại người lính cũ khi còn làm Trung Đội Trưởng năm 1963. Nay anh đã lên Trung Sĩ Nhất là Lê Văn Quận. Tôi và Quận gặp lại nhau vui mừng và xúc động, không ngờ sau bao năm chinh chiến vẩn còn sống sót. Quân trông già dặn và từng trải. Tôi hỏi chú có vợ con gì chưa. Quân đáp đi hành quân hoài lấy vợ chỉ làm cho người ta khổ. Tôi dọ ý Trung Uý Tô Thanh Chiêu (Năm 74 lên Đại Uý) xin rút T/S I Quân về với tôi. Chiêu vui vẻ nhận lời ngay. Quận đã theo bảo vệ tôi cho đến giờ phút cuối cùng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tôi gọi máy bảo Nam liên lạc xin thêm xuồng máy cao su cho đơn vị. Tôi nhắc lại lời Thiếu Tá Tiền với các ĐĐT là nhất quyết không cho quân VC lấn qua một tấc đất khi lợi dụng mưa lũ. 

Khi vừa quay về BCH tôi bổng nghe tiếng máy bay Trực thăng xoành xoạch trên đầu. Vừa lúc Nam chạy ra gọi báo có người trên phi cơ muốn tiếp chuyện. Ngay sau thủ tục đàm thoại, tôi nghe tiếng vang trong máy Truyền tin AN/PRC25 :” Cao Bồi ! Cao Bòi! Đây là Già Rô. Trả Lời” Thì ra là Trung tá Cao Quảng Khôi Phi đoàn Trưởng PĐ213 từ Đà Nẵng cùng khóa Võ Bị với tôi. Trong Trường tôi có bịêt danh là Cao Bồi và Khôi với tên Ông Già Rô. Khôi cho biết vừa ghé công tác cho Lữ Đoàn 369 TQLC và gặp Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc. ”Tau vòng lên thăm mi rồi về. Mi cần chi cho tao biết” Khôi nói trước khi rời vùng. Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Á khoa Khóa 16 Võ Bị, đang làm Lữ Đoàn Phó LĐ369 TQLC đóng ở Mỹ Thủy.Khi gặp tôi ở Hương Điền, Phúc ôm vai tôi nói :

” Mày ra ngòai hành quân với tụi tao còn hơn là làm Chánh Văn “Buồng” chẳng khác gì gia nhân. Mất cả khí thế.” 

Bây giờ, tôi đi vào mặt trận, với các bạn cùng khóa chung vai sát cánh và cả một giàn đàn em Võ Bị đã dày dạn chiến trường. Phía trên đầu còn có Phi Đoàn Trực Thăng 213 của Trung Tá Cao Quảng Khôi. 

“ Chàng từ đi vào nơi gió cát,Đêm trăng này nghỉ mát nơi nao……”

Trần Ngọc Toàn

Tôi đã từng ngu như thế ?

Tôi đã từng ngu như thế để phán đoán vội vàng với một nạn nhân của cuộc chiến tranh Việt Nam

Khi đó tôi vừa đến Mỹ được 1 năm, và tôi quen ông, một Trung tá Việt Nam Cộng Hoà, dù tuổi tác chênh lệch rất xa nhưng chúng tôi nhanh chóng thành đôi bạn.Một ngày kia trong lúc tranh luận thật hăng say , tôi đã từng ngu để nói với ông: “Chóp bu VNCH là đám hèn nhát, bất tài và bỏ chạy mất dép vất dân chúng ở lại chịu khổ”.

Sau khi tôi nói, ông ngồi sững ra nhìn tôi, bất giác một hàng nước mắt lăn khỏi mắt ông và tình bạn giữa chúng tôi chấm dứt.

Tôi lớn lên trong mái trường XHCN cho dù tôi ham học, ham đọc nhưng 90% sách tôi đọc lúc đó là do nhà nước xuất bản. Bất cứ nơi nào cũng chỉ nhìn thấy nói về sự bất tài và hèn của chóp bu Việt Nam Cộng Hoà mà thôi. Điều đó vô hình chung như một dấu ấn ghi vĩnh viễn trong lòng tôi. Tôi sang Mỹ dấu ấn đó không hề thay đổi. Nên tôi từng ngu như thế !

Rồi một ngày kia ngồi trong thư viện bất chợt tôi nhìn thấy quyển hồi ký của ông Henry Kissinger, tôi tò mò đọc và vỡ ra. Tôi đi khắp nơi lục tìm sách để đọc. Tôi tìm hiểu từng trận đánh ác liệt, từng chiến dịch trước 1975 và tôi hiểu. Tôi bị lừa, tôi vô tình bị cộng sản lừa. Tôi là một thằng ngu mà cứ tưởng mình khôn. Sự thật Việt Nam Cộng Hoà đã chiến đấu hết sức ngoan cường trong một hoàn cảnh hết sức cay đắng nghiệt ngã. Họ đã chiến đấu đến khi chả còn gì để hy vọng. Henry Kissinger nói: “Tôi vô cùng khâm phục sự kiên nhẫn chịu đựng nhịn nhục của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông ấy bất chấp mọi sự từ chối từ phía Mỹ, bất chấp tất cả mọi sự tuyệt vọng, đã kiên trì đến cùng cho việc đòi người Mỹ phải thực hiện giao ước tài chính với quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Họ đã chiến đấu dù biết chắc chắn rằng đã không còn gì hết họ vẫn chiến đấu “.


Điều đó được nói bởi kẻ bán đứng Việt Nam Cộng Hoà đó, không phải kẻ bênh vực Việt Nam Cộng Hoà đâu.

Ngược lại Henry Kissinger bày tỏ thái độ hết sức khinh bỉ với các nhà ngoại giao Bắc Việt. Ông cho rằng: “họ đầy thủ đoạn bẩn thỉu đáng khinh”.

Rồi tôi tìm hiểu ngân sách của CS và biết chỉ riêng Trung Cộng đã viện trợ cho Bắc Việt hơn 800 tỷ USD. Đó là lý do Trung Cộng hận Việt Cộng tận xương tủy khi bị VC đá đít chạy theo Liên Xô. Ngân sách quân sự của Miền Bắc vượt xa lắc so với Miền Nam.

Rồi tôi tìm hiểu kỹ thuật quân sự mới vỡ ra rằng. Quân đội Miền Bắc được trang bị những vũ khí hiện đại bậc nhất và quân đội Miền Nam chỉ có đa phần là vũ khí hạng hai. Ví dụ như xe tăng T-54 là đỉnh của lúc bấy giờ trong khi M-41 của VNCH được xem là tạp nham Mỹ đóng vội bán rẻ chứ không hề xài. Vậy mà các bạn biết không trong trận xa chiến gần như là duy nhất và lớn nhất khi tăng chạm tăng tại Hạ Lào dù trong tình thế bất lợi, đơn vị tăng M-41 của VNCH đã đánh thắng đơn vị tăng T-54 của cộng sản giúp giảm bớt sự thiệt hại cho Việt Nam Cộng Hoà trong chiến dịch này.

Tại Quảng Trị trong trận phục kích M-41 VNCH đã tiêu diệt hòan toàn đoàn tăng T-54/55 của CS.

Tôi từng đọc những bài nghiên cứu về tăng thiết giáp của Lục quân Hoa Kỳ và họ tỏ ta kính phục sự gan dạ và sáng tạo của lính tank Việt Nam Cộng Hoà dù phải đối đầu kẻ địch mạnh hơn .

Thế đấy VNCH có một lớp thối nát thật. Nhưng cơ bản từ Tổng Thống đến quân nhân họ đã cố gắng hết sức rồi. Họ thua do thế cuộc cay đắng. Hạng Võ thua cuộc mất cả sinh mạng nhưng người đời chưa có ai chê Hạng Võ hèn cả. Hai Bà Trưng thua trận phải tự sát nhưng Hai Bà là bậc vĩ nhân anh hùng.

Không cứ phải kẻ thắng là hùng và người thua là hèn.

Vậy mà có thời tôi đã từng ngu như thế.

Trần Bảo Quốc