DẤU ẤN MÙA XUÂN VÀ THỜI CUỘC

Tạp ghi của Phạm Quốc Nam
Lời tựa: “Bài viết ghi lại dấu ấn những trận chiến lịch sử vào mùa Xuân của VNCH, lý do tại sao Trung Cộng chiếm Hoàng Sa trước 1975, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam thập niên 70 là chiến lược sai lầm? Saigon ngày nay và thời sự nước Mỹ: Các thuyết ‘phê phán’ làm thay đổi nước Mỹ, nguyên nhân khủng hoảng năng lượng, biên giới mở, lạm phát và nguyên nhân Nga xâm lược Ukraine.”. Những tiêu đề trên được người viết trình bày ngắn gọn dưới đây:

Đông qua Xuân tới, từng đàn chim én chao lượn trên bầu trời mang thông điệp báo hiệu mùa Xuân đang đến. Hơi ấm của mùa Xuân lan tỏa khắp nơi, vạn vật như bừng tỉnh, muông loài chim nhảy nhót ca hót líu lo sau những đêm dài lạnh lẽo của mùa Đông. Không như mùa Hè chói chang ánh nắng oi bức, mùa Thu buồn với lá vàng rơi; Xuân đến tất cả cây cỏ, cành hoa đều khoác lên mình những chồi non xanh mơn mởn, lãng mạn như vành môi hé mở đợi chờ.
Không gian kỳ diệu của mùa Xuân khiến tâm hồn người ta bừng lên sự sống mới. Mùa Xuân còn là mùa của hy vọng và ước mơ của mọi người, mùa của sum họp, gia đình đoàn viên. Tô điểm cho cảnh đẹp mùa Xuân là những loài hoa sặc sỡ và đặc biệt không thể thiếu cành mai, bông đào, chậu cúc vàng. Những thứ đã trở thành biểu tượng đặc sắc nhất trong những ngày Tết.
Nàng Xuân đẹp và rộn ràng như thế! Nhưng trong cuộc chiến chống Cộng, người lính Việt nam Cộng hòa đang ở tiền đồn heo hút, hay ở biên cương xa xôi ngàn dậm hoặc bồng bềnh trên sóng biển đại dương mấy ai có hay mùa Xuân đang đến và hậu phương mấy ai có thấu hiểu người lính miền xa đang ghì chặt tay súng trực diện quân thù hay những người thủy thủ trên các chiến đỉnh ngày đêm chận địch sang sông hay trên chiến hạm vượt sóng ngăn thù từ biển khơi hay những chàng phi công đổ quân, yểm trợ hay truy đuổi quân thù hoặc can đảm đáp con chim sắt giữa lòng quân địch cứu người thương binh. Tất cả cũng vì họ muốn bảo vệ quê hương, bảo vệ nàng Xuân đến mang thanh bình cho mọi người, để cho gió Xuân len lỏi khắp nẻo đường góc phố, cho xóm làng nhà nhà yên vui đón mừng Xuân mới.
Ngược dòng thời gian, ôn lại lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của cha ông với biết bao chiến công chói lọi giành được vào mùa Xuân. Những chiến công đó đã làm nên những mùa Xuân lịch sử như mùa Xuân năm 40 Hai bà Trưng khởi nghĩa giành độc lập, mùa Xuân năm 939 Ngô Quyền xưng vương dựng lại nền độc lập sau hơn ngàn năm đất nước bị đô hộ giặc Tàu, Mùa xuân năm 1077 Lý Thường Kiệt chỉ huy đánh bại quân Tống trên sông Cầu (Bắc Ninh), mùa Xuân năm 1285 Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hai lần đánh bại quân Nguyên-Mông ở Vạn Kiếp (lần thứ nhất) và Bạch Đằng (lần thứ hai) và Đại thắng mùa Xuân 1789, Quang Trung – Nguyễn Huệ đánh tan 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh. Đó là những chiến công hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt.
Thời cận đại, trước cuộc xâm lược miền Nam của cộng sản Bắc Việt và tay sai Việt cộng, dân quân miền Nam đã tiếp nối truyền thống bất khuất chống ngoại xâm của cha ông đã anh dũng đập tan nhiều cuộc tấn công xâm lược của cộng quân. Quân lực Việt nam Cộng hòa đã chiến thắng các trận đánh lớn vào mùa Xuân như trận Ấp Bắc (mùa Xuân năm 1963), trận Bình Giả (đầu mùa Xuân 1964), trận Mậu Thân (đầu Xuân 1968), trận Hạ Lào (mùa Xuân 1971) và trận Quảng Trị (Mùa hè đỏ lửa, cuối mùa Xuân 1972).
Sau cuộc tổng tấn công của cộng quân vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, thanh niên miền Nam hàng hàng lớp lớp lên đường tòng quân chống giặc theo lệnh Tổng động viên. Họ tòng quân vì nhiều ước mơ: ước mơ tự do, ước mơ độc lập, ước mơ đời sống văn minh, ấm no hạnh phúc và không cộng sản. Từ đó, người lính VNCH đã chiến đấu kiên cường, bất khuất để thực hiện những ước mơ chính đáng đó. Nhưng không may cho họ, vận nước đổi thay không cho phép họ hoàn thành sứ mạng mà họ mong muốn. Ngược lại cộng sản miền Bắc chỉ có độc nhất một mong muốn, đó là xâm lược miền Nam bằng mọi giá vì mưu đồ bành trướng chủ nghĩa cộng sản. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn đã từng nói huỵch toẹt: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa anh em”.
Mùa Xuân 1971 giải vô địch bóng bàn quốc tế được tổ chức ở Nagoya, Nhật Bản; cuộc tỉ thí giữa cầu thủ Glenn Cowan (Hoa Kỳ) và Zhuhang Zedong (Trung Cộng) mở ra thời đại ‘Ngoại giao bóng bàn’, đánh dấu sự thành công của ‘nhà ngoại giao con thoi’ Henry Kissinger (Mỹ) với Thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai từ năm 1969 làm ấm lên quan hệ Mỹ -Trung, mở đường cho chuyến thăm tới Bắc Kinh năm 1972 của Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Sau đó chính phủ Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài 20 năm chống Trung Hoa Cộng sản thời Mao Trạch Đông.
Mùa Xuân năm 1973 Mỹ phản bội miền Nam qua Hiệp Định Paris bỏ lại phía sau quân lực VNCH vốn đang là một quân đội còn non trẻ đơn độc chiến đấu trong tuyệt vọng, cạn kiệt phương tiện chiến đấu, không quân viện phải đương đầu với khối cộng sản phương Bắc đang mở đường tấn công xâm lược xuống miền Nam và Việt cộng gia tăng phá hoại từ bên ngoài và nằm vùng bên trong chính quyền miền Nam, các đảng phái, tôn giáo bị Việt cộng lợi dụng, đối lập quấy rối, các tướng lãnh bất tài tham nhũng, chia rẽ, tranh quyền làm cho chính quyền miền Nam hỗn loạn và suy yếu hơn bao giờ hết. Tuy trong bối cảnh xã hội, chính trị miền Nam rối ren nhưng quân lực VNCH vẫn đứng vững kiên cường chống giặc…
Đầu mùa Xuân 1974, ngoài biển dân quân PLA Trung cộng khiêu khích hải quân VNCH châm ngòi trận hải chiến Hoàng Sa trưa ngày 19 tháng Giêng năm 1974 nhằm thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ. Sau 30 phút hải chiến ác liệt, không thấy Hàng không mẫu hạm Enterprice của Mỹ gần Hoàng Sa can thiệp, Trung cộng xua hạm đội hùng hậu gấp nhiều lần hải lực VNCH gồm hải, lục, không quân từ căn cứ Hải Nam tiến xuống Biển Đông chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa trưa ngày 20 tháng Giêng năm 1974. Lý do Trung cộng chiếm Hoàng Sa trước khi cộng sản Bắc Việt chiếm miền Nam vì Bắc Kinh lo ngại csVN sau khi chiếm miền Nam, chúng sẽ nhờ Liên Xô trấn giữ Hoàng Sa và như vậy Trung Cộng sẽ khó lòng tiến xuống Biển Đông sau này. (Từ năm 1969 quan hệ Mỹ -Trung ấm lên, Trung Cộng rút quân và ngưng tài trợ cho Bắc Việt. Liên Xô thay thế Trung Cộng trở thành nước tài trợ lớn nhất về kinh tế và quân sự cho CS Bắc Việt).
Trong đất liền, chiến dịch mùa Xuân 1975 cộng sản Bắc Việt tấn công vào Tây Nguyên, đánh cướp Huế – Đà Nẳng và chiến dịch Hồ chí Minh chiếm Saigon. Trước cuộc tổng tấn công của cộng sản quân lực VNCH từ rút quân khỏi Vùng I, đến Vùng II và cuối cùng Saigon thất thủ sau tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975, kết thúc cuộc chiến hơn 20 năm vào mùa Xuân 75. Miền Nam bị bức tử, người lính cộng hòa buông súng bất đắc dĩ, nhiều tướng tá, binh sĩ uất ức tuẫn tiết. Cuộc chiến Việt nam kết thúc mở đầu cuộc khổ nạn cộng sản của người dân miền Nam.
Mùa Xuân Ất Mão 75, ngày 30 tháng Tư ghi lại thời khắc có lẽ đối với những người miền Nam, nhất là những người bỏ nước ra đi, một sự kiện không hề làm họ phai nhòa cảm xúc hay nhàm chán suy tưởng đến cái thời khắc đã ghi dấu ấn đau thương mất mát của một sự kiện gọi là ‘lịch sử’, một sự kiện đau lòng nhức nhói khó phai mờ cho dù thời gian có xóa đi ký ức.

***

Nói về hắn, giữa năm 1969 theo tiếng gọi non sông và sức quyến rũ của biển cả, hắn rời giảng đường đại học tình nguyện vào quân chủng hải quân vừa đúng 20 tuổi. Trở thành lính biển, mùa Xuân năm 1970 là mùa Xuân đầu tiên hắn xa nhà, xa Saigon, xa cả người yêu mới quen. Tiếp nối những mùa Xuân sau hắn biền biệt tại chân trời góc biển, lúc ở hải đảo, khi trên chiến đỉnh tuần duyên, lúc xuống chiến hạm tuần dương.
Giữa tháng Tư năm 1975 Bộ tư lịnh Hạm đội chỉ định hắn chỉ huy Tuần duyên hạm Trường Sa HQ-611 thay thế hạm trưởng vắng mặt. Theo lệnh ‘mật’ của Tư lịnh Hạm đội, chiến hạm của hắn đã sẵn sàng để di tản ra Côn Sơn. Đêm 29/4 hạm đội di tản, một biến cố xảy đến cho HQ-611 khi hắn trên đường về nhà mang gia đình xuống chiến hạm di tản thì tại bến Bạch Đằng HQ-611 của hắn bị một nhóm lính vũ trang tràn xuống cướp tàu ra đi nhưng không may cho họ chiến hạm vô nước và chìm trên đường ra biển (Nhân viên đến nhà báo tin). Không mang được tàu theo hạm đội di tản, hắn ở lại Việt nam cùng chung số phận của hàng trăm ngàn sĩ quan, công chức miền Nam đi tù cộng sản.
Đầu mùa Xuân năm 1983, hắn ra tù, vài tháng sau hắn nhận làm tài công cho một chiếc ghe vượt biên với 89 thuyền nhân. Sau 2 ngày đêm hải hành và một đêm neo ghe tại hải phận quốc tế để dưỡng sức, dưỡng máy và tát nước ngập lườn ghe. Hừng sáng sớm hôm sau hắn cho nhổ neo và tiếp tục đi về hướng Nam. Trời trong xanh, gió yên sóng lặng, nhiều đàn cá heo bơi dọc theo ghe, có lúc chúng nhảy múa trước đầu ghe như báo trước điềm lành. Qủa thật may mắn đã đến với 89 thuyền nhân! Vào giữa trưa ghe được một tàu chở khí đốt khổng lồ của Mỹ mang hiệu LNG Aquarius đi ngược chiều từ Sigapore về Nhật Bản cứu vớt gần phía Bắc đảo Nam Dương. Sau khi chuyển tất cả thuyền nhân lên tàu Mỹ bằng thang dây, hắn ở lại giúp một thủy thủ người Mỹ đụt một lổ lớn dưới lườn cho ghe chìm là lý do Cao ủy tỵ nạn LHQ chấp thuận cho tàu Mỹ vớt. Đứng trên boong tàu Mỹ cao ngất, hắn nhìn chiếc ghe nhỏ bé trôi ra xa và chìm dần vào giữa đại dương mà lòng bùi ngùi thương chiếc ghe nhỏ bé đã cưu mang 89 thuyền nhân hai ngày ba đêm vượt biển. Sau đó 89 thuyền nhân theo trên tàu Mỹ suốt bảy ngày đêm để đến Nhật Bản tạm cư. Đầu mùa Xuân năm 1986 gia đình hắn rời Nhật Bản đến Phi luật Tân (trại Bataan) và sau đó định cư tại Hoa Kỳ vào mùa Hè năm 1986.
Xa quê hương, nhớ nhà, nhớ Saigon thỉnh thoảng hắn tìm lại hình ảnh Saigon qua youtube. Nhưng buồn thay! Hắn không còn tìm lại được hình ảnh Saigon trước 1975 trên màn hình. Thay vào đó, ngày nay với những công trình xây cất, đường phố, những tòa nhà đồ sộ cao ngất do nước ngoài tài trợ hoặc các đại thương gia, các công ty ngoại quốc dựng lên làm thay đổi bộ mặt của Saigon và những thành phố hào nhoáng khác như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng.
Saigon vẫn tấp nập người xe chen chúc mưu sinh từng ngày. Có khác Saigon trước 1975, Saigon ngày nay đầy những quán cơm từ thiện nuôi ăn cho những kẻ khốn cùng bất hạnh lang thang trên đường phố, những nhà từ thiện đi khắp nơi dựng nhà, giúp đỡ những gia đình khốn cùng mà dòng tiền đến từ các nhà hảo tâm trong nước và người Việt hải ngoại; lẽ ra đó là việc làm của nhà cầm quyền. Những cảnh tượng thương tâm, những mảnh đời rách nát lang thang khắp góc đường khu phố mà trước kia Saigon không hề thấy. Chẳng lẽ đó là biểu tượng của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam!.
Saigon ngày xưa từng là hòn ngọc viễn đông, ngày nay trở thành thành phố phồn vinh giả tạo. Đau lòng thay! Khi hắn thấy ngày nay người dân Saigon đón Tết với quang cảnh choáng ngợp sắc màu như đang đi lạc vào khu phố Tàu bên Thượng Hải hay Quảng Đông Trung Quốc; chẳng lẽ nước Việt bị Tàu đồng hóa nhanh như thế!.

Đến Hoa Kỳ hắn tìm đọc tài liệu chiến tranh Việt Nam và ngỡ ra rằng chẳng những Hiệp định Paris mùa Xuân 1973 [Mỹ] bỏ rơi miền Nam, [Mỹ’] còn bôi nhọ 58 ngàn lính Mỹ tử vong và trên 300 ngàn lính Mỹ bị thương trên chiến trường Việt nam và [Mỹ] bôi bẩn các cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam khi trở về nước. Thập niên 50, 60, 70 truyền thông có giới hạn nên thế giới không thấy hết sự tàn ác của cộng sản và sự vô tâm của những con buôn chính trị. Ngày nay các nhà bình luận đánh giá Mỹ rút quân ở Việt Nam thập niên 70 hoàn toàn sai lầm về chiến lược, chẳng những không lôi kéo được ĐCSTQ về phía Tự do và dân chủ hóa nước Tàu, ngược lại ngày nay Trung Cộng có nền kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới, còn muốn vượt qua Mỹ về kinh tế, quân sự và ĐCSTQ luôn tìm cách hủy hoại nước Mỹ từ bên trong để vượt qua Mỹ, thống trị toàn cầu.
Đi xa hơn chính quyền Mỹ còn bị khuynh đảo bởi nhiều thế lực như nhà nước ngầm, quyền lực mềm, toàn cầu hóa, trật tự thế giới mới, những người theo chủ nghĩa ‘thức tỉnh’ hay ‘phê phán’, giới ‘tinh hoa’ đầy quyền lực, giới truyền thông thiên tả và các đại công ty.
Giữa năm 2020 Đảng Dân chủ ‘cấp tiến’ hay ‘cực tả’ thúc đẩy chủ nghĩa ‘phê phán chủng tộc’ qua phong trào ‘qùy gối’ trước cái chết của người Mỹ da đen George Floyd ở Minneapolis tháng 5/2020 và cổ vũ những chiến binh đường phố Black live matter (BLM) và Antifa đốt cờ Mỹ, đập phá nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ. Hành động của họ có mục đích muốn xóa bỏ lịch sử và hủy hoại di sản của nước Mỹ đã làm lung lay giá trị cốt lõi lập quốc của các Tổ phụ Hoa Kỳ; những giá trị mà nhiều quốc gia trên thế giới ngưỡng mộ, noi theo.
Tỷ phú Alon Musk, người giàu nhất trên trái đất, chủ của công ty xe điện Tesla và SpaceX vừa mua lại Twitter, trước kia ông ủng hộ Đảng Dân Chủ nhưng ngày nay ông rời bỏ họ, ông cho rằng Đảng Dân Chủ ngày nay đi qúa xa, không còn là Dân Chủ ngày xưa và mới đây ngày 25 tháng 11 ông đã báo động về mối đe dọa do các hệ tư tưởng ‘thức tỉnh’ gây ra đối với nền văn minh nhân loại, ông nói: “Virus tâm trí thức tỉnh đã xâm nhập triệt để vào ngành giải trí và đang đẩy nền văn minh đến chỗ tự sát.”.
Nước Mỹ đang đối mặt khủng hoảng năng lượng, lạm phát phi mã và biên giới phía Nam khủng hoảng nghiêm trọng. Mỹ còn là nước đứng đầu tài trợ lớn nhất cho Ukraine để bảo vệ quốc gia này trước sự xâm lược của Nga.
Nước Mỹ đang lạm phát cao kỷ lục sau hơn 40 năm do chính quyền ông Biden chi tiêu qúa lớn, về cơ bản đã thực thi các nội dung then chốt cho cuộc ‘cách mạng xanh’ (Green New Deal) mà ông Biden gọi là xây dựng hạ tầng cơ sở đã nâng nợ trần Quốc gia lên đến 31 ngàn tỷ đô la, con số cao kỷ lục trong lịch sử. Đại dịch COVID đóng cửa kinh tế và khủng hoảng năng lượng dẫn đến kinh tế chậm lại, thiếu hụt công nhân là một yếu tố đẩy lạm phát lên, tăng chi phí lao động và gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi xuất giảm lạm phát làm cho đời sống người Mỹ càng chật vật khó khăn hơn.
Nước Mỹ vốn độc lập về năng lượng, là quốc gia sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới nhưng vì chính sách ‘biến đổi khí hậu’ của chính quyền Biden, các lệnh hành pháp đóng cửa ngành sản xuất dầu trong nước như ngưng dự án đường dẫn dầu Bắc Mỹ (Keystone XL) và thu hồi giấy phép khai thác dầu ở Vịnh Mexico ngoài khơi Freeport Texas, làm cho nước Mỹ mất độc lập năng lượng, phải đi mua dầu từ Iran, Venezuela, Á Rập Saudi với giá cao và còn bị kẻ thù đe dọa. Nguy hiểm hơn khi ông Biden cho bán dầu ra thị trường từ kho dầu chiến lược SPR khẩn cấp của Cục Dự trữ Dầu quốc gia để hạ nhiệt giá dầu.
Lợi dụng nước Mỹ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng toàn diện, Nga đã phát động xâm lược Ukraine. Nga vốn có khuynh hướng tái lập đế chế củ là chính sách hiện nay của Điện Kremlin; Nga có âm mưu chiếm Ukraine từ lâu vì tác nhân lịch sử và địa lý hay nói chính xác là bởi áp lực địa chính trị, trật tự thế giới mới và lợi ích của nước Nga. Ba nước Nga, Ukraine và Belarus vốn chung một cội nguồn dân tộc người Rus (người Nga cổ hay Quốc gia liên minh Kievan Rus, nước Nga Kiev) có thủ đô tại Kyiv (thủ đô của Ukraine ngày nay), sau dời về Moscow (thủ đô nước Nga hiện tại). Dựa trên lịch sử người Rus, Nga xem Ukraine như là một phần lãnh thổ của mình và cho rằng Ukraine gia nhập NATO sẽ là mối nguy hiểm cho Nga về an ninh lãnh thổ, nguy hại đến kinh tế và văn hóa, điều mà ông Putin không muốn. Nước Mỹ và phương Tây đang suy yếu vì đại dịch và khủng hoảng năng lượng là cơ hội cho Nga giải tỏa ‘áp lực địa chính trị’, Nga viện dẫn điều 1(2) về quyền dân tộc tự quyết của Luật pháp quốc tế, lỗ hỏng của điều 2(4) trong Hiến chương Liên Hợp Quốc do Mỹ đứng đầu (chia cắt và ngăn chặn sự hồi sinh của nước Nga củ), đồng thời Nga lấy cớ Hoa Kỳ và NATO khước từ bản đề nghị an ninh 8 điểm của Nga vào tháng 12 năm 2021, trong đó nội dung chính yếu là Nga yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine và các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập vào tổ chức. Đây là nguyên nhân trực tiếp Nga phát động chiến tranh xâm lược Ukraine. Nga đang sa lầy cuộc chiến bởi ‘chiến tranh ủy nhiệm’ từ phía Hoa Kỳ và Châu Âu dẫn đến việc Nga có thể sử dụng ‘bom năng lượng’, Nga tin rằng kích hoạt một quả bom giá dầu vào mùa Đông sẽ chia rẽ được phương Tây và Ukraine, điều mà Hoa Kỳ và NATO lo ngại. Hôm thứ Ba (29/11) Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tái khẳng định cam kết Ukraine sẽ trở thành thành viên trong tương lai. Tuyên bố này của NATO như thêm dầu vào lửa sẽ đưa cuộc chiến đến khốc liệt hơn và kéo dài hơn nữa; Nước Mỹ sẽ còn mệt mỏi và người dân Mỹ còn gánh nặng tiền thuế nhiều hơn cho cuộc chiến này.
Biên giới phía Nam nước Mỹ đang khủng hoảng nghiêm trọng. Hai năm qua gần 5 triệu người xâm nhập bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Kết quả thật thảm khốc đối với nước Mỹ: Tỷ lệ tội phạm tăng vọt (bao gồm buôn bán ma túy, buôn người và các băng đảng bạo lực); chi phí dịch vụ xã hội cho người vượt biên giới cao ngất ngưởng càng tạo gánh nặng cho những người Mỹ đóng thuế và hàng trăm nghìn ca tử vong do độc dược fentanyl mỗi năm.
Một trong những hậu quả tồi tệ nhất tại biên giới là sự bùng nổ lượng fentanyl và các loại ma túy gây tử vong khác như cocaine và heroin tuồn vào Hoa Kỳ. Các tiền hóa chất cho nhiều loại ma túy này có nguồn phát xuất từ Trung Cộng. Fentanyl đang tràn lan khắp nước Mỹ từ bờ Đông sang bờ Tây như một đại dịch.
Qua bầu cử giữa kỳ ngày 8 tháng 11 Cộng Hòa giành chiến thắng tại Hạ Viện với tỷ số qúa sít sao, chưa kể Cộng Hòa không ít người mang danh Cộng Hòa nhưng lòng Dân Chủ (Reno); như vậy không biết Cộng Hòa có thực hiện được những nghị trình của mình hay không?
Cũng không hiểu ông Biden mở cửa biên giới vì nhân đạo hay gia tăng dân số hoặc vì tìm lực lượng lao động giá rẻ hay vì khởi đầu thực hiện ‘liên minh Bắc Mỹ’, một ý tưởng toàn cầu hóa có từ năm 1990, xóa bỏ biên giới giữa ba nước Canada, Mỹ và Mễ như các nước Châu Âu.
Từ năm 2020 thuyết ‘phê phán’ xuất hiện. Đáng lưu ý là Thuyết chủng tộc phê phán (Critical Race Theory – CRT) và Đa dạng, Công bằng & Hòa nhập (Diversity – Equity – Inclusion – DEI). Các thuyết này nhận được sự ủng hộ trong toàn chính phủ liên bang. Mục đích của CRT và DEI là sử dụng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc để xóa sổ tận gốc những giá trị lâu đời của nước Mỹ, từ lịch sử đến văn hóa, xã hội, giới tính, tôn giáo và xóa bỏ cả chủ nghĩa Tư bản đang tạo ra sự hỗn loạn kinh tế, xáo trộn an ninh xã hội, đảo lộn đạo đức và đối nghịch tư duy.
Các thuyết phê phán xuất hiện tạo nên hình thái của một nước Mỹ bị phân cực, gây chia rẽ và hận thù sâu sắc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ: Người Cộng Hòa bảo thủ dán nhãn Dân Chủ cấp tiến đang phá hũy nước Mỹ bởi cách mạng xã hội chủ nghĩa và cáo buộc ngành Tư pháp, FBI bị chính trị và vũ khí hóa; Ngược lại Dân chủ cho rằng Cộng Hòa bảo tồn truyền thống là cực đoan, bán phát xít (Semi-fascist) và MAGA, những người theo chủ nghĩa Trump (Nước Mỹ trên hết) phá hoại nền Dân chủ nước Mỹ.
Vậy thì phía nào đang nói dối? Về truyền thông, mạng xã hội, bên nói thật thường hoan nghênh sự đối chất, tranh luận; ngược lại bên kiểm duyệt, bịt miệng, hâm dọa, đình chỉ hay cắt tài khỏa người dùng là bên nói dối.
Chính quyền ông Biden đi sai hướng hay có định hướng với nghị trình ‘green new deal’ là quốc sách xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn?Thực tế nước Mỹ đang chao đảo, hỗn loạn, khủng hoảng chính trị, năng lượng, kinh tế và xã hội. Người dân như những con chuộc trong phòng thí nghiệm của các nghị trình, chính sách từ những người làm chính trị.
Nhưng dù sao, hắn cũng cám ơn nước Mỹ; hơn 36 năm đã cưu mang gia đình hắn được sống trên đất nước tự do, không cộng sản, bình đẳng, nhân bản và bản thân hắn thoát khỏi sự trả thù, trù dập của kẻ thù, cộng sản Việt Nam.
Nước Mỹ đang ảm đạm, không gian u ám bao trùm. Hắn cảm tưởng như đang cư trú trên một nước nào khác không phải là nước Mỹ, nơi vùng đất hứa với giấc mơ Mỹ tuyệt vời. Tuy nhiên hắn còn một hy vọng, tin tưởng ngày mai trời sẽ sáng, mùa Xuân lại về trên đất Mỹ vì trong qúa khứ người dân Mỹ đã từng vượt qua khó khăn như thời điểm hiện nay dưới thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt và Jimmy Carter.

.
Mùa Xuân 2023
Phạm Quốc Nam

Bài đăng trong Đặc san Báo Xuân Quý Mão 2023 Oregon

 Chuyện Tình Người Vượt Biển Mồ Côi

“Người ta vượt biển có đôi

Còn tôi vượt biển mồ côi một mình.”

Đây là câu chuyện bình thường của những đàn ông, đàn bà phải đem con qua biển Đông để tìm kiếm tự do cho mình và con cái. Họ là những người đi biển mồ côi một mình. Những tình duyên tạm bợ, lâu dài của họ trên đường đi thôi thì tùm lum tà la, thiên hình vạn trạng. Có cái mẫu số chung là họ tìm đến nhau vì họ cô đơn quá, họ thèm sống quá, sau khi đã vượt qua những hiểm nguy, căng thẳng trên mặt biển. Khi được may mắn sống sót, đặt chân lên hòn đảo hồi sinh, họ lại phải tiếp tục đối phó với cuộc sống mới, lại phải trải qua những thủ tục để được nhận đi định cư.

Phần lớn thuyền nhân đặt chân chân lên hòn đảo “buồn đau, bi đát” Bidong đều được nghe qua một lần các câu nói: “Tình Bidong có list là dông!” và “Tình Sungei Besi có list là đi!” ngụ ý trách móc những tình duyên tạm bợ, những tình nhân phụ bạc. Nói nào ngay họ cũng không có gì đáng trách; bởi vì, ở đâu thì cũng là cuộc sống và con người. Câu chuyện tình sau đây tôi là người được chứng kiến từ đầu tới cuối: một chuyện tình rất đẹp, rất người!

Khi tới Bidong, tôi ở longhouse thuộc khu F. Ở kế nhà người đàn bà có bốn đứa con, chồng bị chặt đầu đạp xuống biển trong chuyến vượt biển mà hải tặc đã giết một loạt bốn chục người đàn ông, chỉ còn một người đàn ông duy nhất sống sót. Người đàn bà nhan sắc trung bình, khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi. Lúc mới tới đảo, tôi lấy làm lạ là những người chung quanh không ai chịu giao thiệp với cô ta. Mọi người đều nhìn người đàn bà với cái nhìn khinh bỉ. Một hôm có chuyện gây gổ giữa những đứa trẻ, một người đàn bà khác ở cách tôi mấy căn nhà, ra đường đứng chống nạnh chửi đổng:

“Tao đã dặn bọn bây đừng có chơi với con cái của cái thứ ‘Chồng chết chưa kịp để tang/Cái l. nhép nhép như mang cá kìm,’ mà bọn bây hổng nghe.”

Người đàn bà bị chửi chỉ im lặng dẫn mấy đứa con vào nhà. Một lúc sau tình cờ nhìn qua, tôi thấy cô ta vừa cho con bú vừa khóc ở căn gác lửng. Nhìn thấy tôi, cô ta lấy ống quần lau vội nước mắt, nói bâng quơ:

“Mấy con quỷ gì nó bay vô mắt khó chịu quá.”

Đâu khoảng một tháng sau, một buổi sáng, bỗng nhiên người đàn bà ẳm con, đi theo sau ba đứa nhỏ và một người đàn bà người Pháp đến tìm tôi. Tôi ngạc nhiên khi người đàn bà Pháp đưa tay bắt tay tôi và tự xưng là người phụ trách trường Pháp văn ở đảo Bidong. Bà Cibelle mời tôi phụ trách lớp Pháp văn vỡ lòng cho người tỵ nạn. Tôi chưa kịp hết ngạc nhiên thì bà nói tiếp là bà biết tôi biết Pháp văn vì Hoa (tên người đàn bà) giới thiệu. Tôi nhận lời bà Cibelle nhưng tôi cũng nói cho bà biết là có thể tôi không làm tròn được việc bà mong muốn là dạy cái lớp vỡ lòng cho đến mãn khóa vì có thể tôi sẽ có danh sách chuyển trại về đất liền sớm vì tôi đã được phái đoàn Mỹ mở hồ sơ. Bà mời tôi điếu thuốc Gaulois, mỉm cười rất tươi:

“Không sao, được ông giúp là tốt rồi.”

Tôi hút một hơi thuốc, nói:

“Bà làm tôi ngượng. Đó là bổn phận của chúng tôi.”

Sau khi tiễn bà Cibelle ra về, Hoa sang nhà tôi nói:

“Anh hai đừng có giận em vì cái chiện em giới thiệu là anh hai biết tiếng Tây với bà Xi-ben.”

Tôi bắt tức cười:

“Nhưng mà sao cô lại biết tôi biết tiếng Tây mà giới thiệu?”

Hoa bẽn lẽn:

“Thì em cũng đoán vậy thôi. Sĩ quan mà ông nào hổng biết tiếng Tây, tiếng Mỹ.”

Người đàn bà ngập ngừng, kế nói tiếp với vẽ bẽn lẽn:

“Anh Bé hồi trước ở đây ảnh nói cho em biết chiện đó.”

Tôi càng ngạc nhiên:

“Anh Bé là ai vậy?”

Người đàn bà ngập ngừng, nhìn tôi:

“Trước ảnh cũng ở nhà anh hai ở. Ảnh vừa đi qua “Bi-xi” (Sungei Besi) ở “Ku-la bua” (Kuala Lumpur) gì đó chờ đi định cư thì anh hai tới đó. Anh Bé trước ảnh là trung sĩ.”

Nói tới đây bỗng nhiên người đàn bà ôm mặt khóc. Tôi hoảng quá không biết việc gì. Người đàn bà ngồi trên bộ ván, hai chân thòng xuống đất khóc mùi mẫn. Đứa con nhỏ không biết chuyện gì cũng khóc theo. Mấy đứa con đang chơi ngoài sân nghe mẹ khóc chạy vô lỏ mắt ngó. Tôi đi qua, đi lại bần thần:

“Có chuyện gì thì cô cứ từ từ mà nói. Có cái gì đâu khi không khóc bù lu, bù loa. Ở ngoài người ta không biết người ta lại tưởng tôi làm cái gì bậy bạ với cô, người ta chạy lên báo với văn phòng trại là kẹt cho tôi lắm.”

Người đàn bà lấy tay áo lau nước mắt, đưa đứa con nhỏ cho con chị bồng, nói: “Má cho tiền mấy đứa đi mua bánh cho em ăn. Để má nói chuyện với cậu hai.”

Tôi tá hỏa không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Người đàn bà đôi mắt đỏ hoe, nhưng giọng nói ráo hoảnh:

“Anh hai biết hôn: Hồi lúc mới lên đảo em đâu có biết cái gì đâu. Chồng em hồi ở Việt Nam làm nghề biển. Đâu có diện gì để đi cái gì định cư đó. Năm mẹ con đâu có biết làm sao mà sống. Cơm Cao Ủy anh hai biết đó. Mình người lớn đói khát mình còn chịu được , chớ con nít làm sao được. Anh hai biết, mấy đứa con em nó thấy con nít người ta ăn thì nó đòi. Chồng chết, tứ cố vô phương (có lẽ người đàn bà muốn nói tứ cố vô thân?), lúc đó em mới cặp với anh Bé. Đùng một cái ảnh đi trước mới là kẹt cho em. Nói nào ngay ảnh cũng thương em, ảnh mới biên cho em cái thơ, gởi cho mẹ con em năm chục đô. Anh hai biết, đâu có phải em thèm muốn gì cái chiện ăn nằm. Nhưng mà ảnh tốt quá, ảnh giúp đỡ mẹ con em đủ thứ, ảnh mua bánh trái cho mấy đứa nhỏ, mỗi ngày ảnh mua thêm rau rác về để mẹ con em nấu cơm. Ảnh nói ảnh đồng ý bảo bọc mẹ con em, coi mấy đứa con của em cũng như con ruột của ảnh nếu em ưng ảnh. Anh hai biết, em cũng suy nghĩ lắm chớ. Mình là con người chớ đâu có phải con thú. Qua cái cách ăn ở của ảnh thì em thấy ảnh thương mẹ con em thiệt lòng, cho nên tới lúc ảnh muốn “ăn nằm” với em thì em cũng chịu. Anh hai biết, lúc ảnh Bé ảnh “thương” em, em nhớ tới chồng em mà em rớt nước mắt. Vợ chồng nghèo khổ có nhau, ăn mắm mút giòi có nhau mà tới chừng đi vượt biển thì chỉ còn có năm mẹ con em sống sót. Tự dưng ở nơi lạ nước, lạ cái này lại có người chịu bảo bọc mẹ con em, mà em lại thấy ảnh là người thiệt tình.

Vậy mà người ta cũng chửi rủa em là con ngựa bà trời, chồng chết chưa mãn tang đã đi lấy trai.”

Người đàn bà nói rành rẽ một hơi, đưa mắt buồn bã nhìn tôi. Tôi hỏi:

“Sao lúc người ta chửi oan cô, cô không giải thích, cắt nghĩa cho người ta?”

Người đàn bà lắc đầu:

“Rõ ràng em ăn nằm với anh Bé là tầm bậy quá rồi, còn chối chạy cái nỗi gì; rành rành ra đó, da thịt của chồng em chưa chắc là cá đã rỉa sạch. Người ta chửi em là đúng quá rồi, chớ còn chối chạy cái nỗi gì, anh hai.”

Người đàn bà ngừng nói, nhìn tôi có vẻ bẽn lẽn:

“Nói nào ngay người ta chửi em là con ngựa bà trời cũng là đáng đời. Hổng phải anh Bé ảnh đòi “ăn nằm” với em hoài đâu. Chỉ mấy lần đầu thôi. Sau này lần nào cũng là do em đòi. Làm như ăn quen, nhịn hổng quen. Bởi vậy em mới phải ngậm miệng khi bị người ta chửi bóng, chửi gió. Anh hai biết, anh Bé ảnh cũng thiệt tình lắm. Ảnh nói với em: ‘Mình cứ như vầy hoài lỡ Hoa có bầu rồi làm sao. Anh sợ là sợ cái chuyện đi định cư của mấy mẹ con em.’ Anh hai biết ảnh trung sĩ vậy chớ ảnh cũng hổng rành ba cái chuyện “ăn nằm” này. Em nhờ cái cô làm ở Ban Xã Hội ở chung nhà, cổ chỉ cho em, em đi xin thuốc sốt rét dìa em uống. Uống thuốc này vô rồi cứ việc ăn nằm líp lơ, hổng sợ bầu bì chửa đẻ gì hết.”

Người đàn bà có vẻ bẽn lẽn liếc nhìn tôi rồi nói tiếp:

“Anh hai biết, lúc trước anh hai chưa tới đảo, em ẩu tả lắm. Em với anh Bé đi tắm, tụi em “ăn nằm” với nhau ở dưới biển, ở trong kẹt đá, ở đâu kín kín là có tụi em.”

Tôi nhìn người đàn bà. Hết ý kiến!

Một lúc sau, người đàn bà lại nói:

“Em muốn hỏi ý anh hai một chiện: Bà Xi-ben bả nói nếu em chịu đi học cái lớp tiếng Tây thì bả sẽ tìm người bảo trợ cho mấy mẹ con em đi Tây. Em thì em hổng muốn đi Tây.”

Tôi ngạc nhiên:

“Được đi định cư mà không muốn là làm sao?”

Người đàn bà nhìn tôi:

“Chớ anh hai hổng biết ở bên Tây cũng có Việt Cộng sao mà anh hai hỏi em là muốn với hổng muốn.. Mình đã sợ Việt Cộng thấy mồ, thấy tổ mình mới phải vượt biển. Mấy chục chị em tụi em chồng bị hải tặc chặt đầu đạp xuống biển, còn tụi em thì bị mấy chục thằng ăn cướp nó đè nó hãm chết lên, chết xuống, giờ lại đi qua cái chỗ có Việt Cộng nữa thì cũng như không. Anh hai là người có ăn học mà anh hai hổng biết cái chiện đó sao?”

Tôi nhìn gương mặt có vẻ giận dữ của người đàn bà lúc nói. Tự dưng tôi thấy người đàn bà đẹp lạ lùng. Niềm kiêu hãnh tự phụ long lanh trong đôi mắt vẫn đăm đăm nhìn tôi. Tôi cười:

“Ai nói với cô mà cô biết là ở bên Tây cũng có Việt Cộng?”

Người đàn bà xì một tiếng:

“Cả đảo này ai mà hổng biết. Chỉ có thằng con út của em nó còn bú là nó chưa biết mà thôi.”

Tôi hỏi cô có hỏi bà Cibelle chưa. Người đàn bà lắc đầu:

“Em chỉ có biết “quì” với “nông” với cái gì “ma-đầm Xi-ben” thôi thì làm sao mà em hỏi tới cái chuyện ở bên Tây có Việt Cộng cho được. Anh hai hỏi chiện ngộ.”

Tôi cười lớn. Người đàn bà giận dữ nhìn tôi:

“Em nói vậy hổng phải sao anh hai cười?”

Tôi nói:

“Dĩ nhiên là hổng phải. Ở đâu cũng có cộng sản hết.” Tôi ngừng lại để tìm cách diễn tả cho người đàn bà này biết. “Nói chung ở đâu cũng có cộng sản. Mấy cái người theo cái chủ nghĩa này người ta nói là người ta sẽ đem lại cơm no, áo ấm cho dân, cho nước. Nhưng mà ở đâu họ cũng hổng làm được. Ở bên Tây thì cũng có Tây Cộng chớ hổng phải Việt Cộng, cũng giống như ở Việt Nam mình trước có Quốc Gia với Việt Cộng vậy. Tới năm 75 thì Việt Cộng thắng phe Quốc Gia tại vì mấy ông lớn của mình bất tài, tham nhũng và ưa ba cái vụ “ăn nằm”.

Người đàn bà chận ngang lời nói của tôi:

“Em xin lỗi anh hai đừng có xỏ xiên cái chiện em nói thiệt cái lòng của em với anh hai.”

Tôi khoát tay:

“Đừng có chận lời tôi. Tôi nói thiệt: Mấy ông lớn của mình đã bất tài, tham nhũng mà lại ưa ba cái vụ “ăn nằm” mà mất nước. Cô cũng bị người ta chê cười là tại vì thực lòng cô cũng muốn cái vụ đó. Nhưng mà chuyện đó cũng hổng phải là lỗi của cô đâu. Ai cũng mềm yếu. Thể xác ai cũng có những đòi hỏi.”

Người đàn bà nhìn tôi với vẻ thán phục:

“Vậy sao? Thiệt vậy sao, anh hai? Em là hổng có đáng trách móc gì dìa cái chuyện “ăn nằm” bậy bạ thiệt sao, anh hai?”

Tôi gật đầu. Người đàn bà suy nghĩ một lúc, nhìn tôi:

“Nói vậy rồi mấy ông lớn làm mất nước, mấy ổng cũng hổng có trách nhậm gì sao. Anh hai nói vậy nghe đâu có xuôi cái lỗ tai, anh hai?”

Tôi bối rối thiệt tình. Tôi huơ huơ tay:

“Tôi chỉ nói thí dụ thôi. Chuyện của cô “ăn nằm” với cái anh Bé nào đó khác xa với mấy cái chuyện của mấy ông lớn.”

Người đàn bà gục gặt cái đầu:

“Nghĩa là anh hai chỉ so cái chiện bậy bạ của em với ba cái chiện bậy bạ của mấy ông lớn, phải hôn anh hai?”

Tôi nói nhanh:

“Đúng đó.”

Người đàn bà gật gù:

“Anh hai nói vậy thì nghe nó mới lọt cái lỗ tai. Nói nào ngay chữ nghĩa của em hổng đầy cái lá mít, nhưng mà em biết cái nhơn nghĩa ở đời lắm anh hai à. Em phụ bạc chồng em, em đứt từng khúc ruột chớ anh hai. Nhưng mà em muốn đem con em tới Mỹ, em nhứt định không thèm qua bên Tây tại vì là ở bển có Việt Cộng. Tại vì như vậy em mới đồng ý ăn nằm với anh Bé. Em lấy ảnh để mẹ con em được đi định cư theo ảnh.”

Tôi nhìn người đàn bà, nghĩ tới đôi cánh của con gà mái mẹ xoè ra để bảo bọc đàn con khi nhác thấy cánh diều tai họa chao lượn trên bầu trời. Người đàn bà này đã hy sinh trinh tiết, danh giá để đưa đàn con đến nơi nào không có bóng dáng cộng sản. Ôi những bà mẹ Việt Nam! Những má Hai, má Sáu đã giấu con du kích dưới hầm để kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống Diệm, chống Thiệu bây giờ đã sáng mắt ra khi nhìn rõ Sự Thật, đã tuyên bố: “Nếu có một lần nào nữa thì tụi bây ăn cái quần què của tao chớ ở đó mà cơm dưng, nước rót để tụi bây chống giặc cứu dân, cứu nước. Hại dân, hại nước thì có chớ có cứu giúp được cái gì đâu!”

Ôi những câu vè, câu sấm, câu ca dao tân thời sau năm 1975! Nào là:

“Bác Hồ chết lúc giờ trùng

Cho nên con cháu ùn ùn bỏ đi

Bác Hồ chết lúc giờ linh

Nên con cháu phải đào kinh suốt đời…”

“Bộ anh hai giận em sao mà nín thinh vậy?”

Câu hỏi của người đàn bà cắt ngang những ý nghĩ của tôi. Tôi lật đật nói:

“Hổng có đâu. Tôi đang tìm cách cắt nghĩa cho cô biết về cái chuyện đi định cư. Hổng phải là ở bên Tây có Việt Cộng như cô nói đâu.” Tôi phải suy nghĩ để dẫn giải cái chữ chủ nghĩa Cộng Sản thành một cái gì khác để người đàn bà hiểu. “Nói cho đúng cái gọi là chủ nghĩa Cộng Sản này thì cái lý thuyết của nó lúc ban đầu cũng tốt đẹp lắm, nào là lo cho dân cơm no áo ấm, nào là bình đẳng, không có ai chèn ép ai, ai cũng một vợ, một chồng, ai cũng nhà cửa, ruộng đất, tài sản như nhau. Nhưng mà rốt cuộc lúc đem ra áp dụng thì nó trớt hướt. Nó vẫn không có công bằng gì ráo. Thành thử trước sau gì người ta cũng bỏ nó đi. Hiện giờ ở bên Tây cũng vậy. Cũng có người theo cái chủ nghĩa này, tại vì người ta tin nó tốt đẹp. Nhưng mà nếu người Việt mình qua tới đó, tìm mọi cách nói cho người ta biết là nó xấu, nó dở, nói vậy mà hổng phải vậy, thì chắc chắn là người ta phải tin, rồi người ta sẽ không còn theo nó nữa.”

Người đàn bà hăng hái không ngờ:

“Vậy sao? Vậy là em chịu đó. Anh hai phải chỉ cho em ăn nói làm sao để tới chừng em qua tới bển em phải nói cho mấy ông Tây, bà Đầm Việt cộng họ biết cái chuyện này.”

Chợt người đàn bà ngưng ngang, nhìn tôi:

“Mà anh hai có nói thiệt với em hôn đó. Sao anh hai nói chiện nào nghe cũng ngon ơ. Liệu bề thương được thì thương. Đừng trao gánh nặng giữa đường cho em mà tội nghiệp cho mẹ con em lắm, nghe anh hai. Tới chừng qua bên đó gặp tàn là Việt Cộng rồi hổng biết phải làm sao nữa. Tới chừng đó thì vượt biên đi đâu? Ai đưa mẹ con em đi?”

Tôi cũng không nghĩ là câu chuyện ngày lại càng đi vào ngõ cụt.

Tôi cố diễn giải:

“Tôi nói những cái này cô phải cố gắng mà hiểu. Chuyện là thế này: Như ở Việt Nam mình hồi đó hai miền Nam, Bắc. Bắc Việt cộng, Nam Quốc gia giống như là đậu đỏ với đậu xanh. Nam Quốc gia thua, Bắc Việt cộng tràn vô miền Nam, coi như toàn là đậu đỏ. Bây giờ ở bên Tây cũng vậy. Cũng có đậu đỏ, đậu xanh, tức là cũng có phe tự do, phe cộng sản, nhưng mà cộng sản đậu đỏ thì ít thôi, nên nói không thể nhuộm đỏ phe tự do được.”

Người đàn bà lại chận ngang lời nói của tôi:

“Anh hai nói vậy là em hiểu rồi. Bây giờ nhờ anh hai chỉ cho em cái cách nói cho mấy ông Tây, bà Đầm họ xay nát ba cái hột đậu đỏ ở bên Tây đi. Anh hai có bày cái cách thức cho em, em mới chịu đi Tây.”

Trời đất! Cũng may là những người ở chung nhà đã về. Cô gái làm ở Ban Xã Hội, là người đã chỉ cho người đàn bà đi xin thuốc sốt rét uống để ngừa thai, ngồi lắng nghe nảy giờ, xen vào: “Thôi đi bà cố nội. Hồi bà mới tới, lúc bà Cibelle đến đề nghị bà đi học Pháp văn để tìm người bảo trợ mấy mẹ con bà đi Pháp, lúc đó tôi đã nói cho bà rồi. Bà mê cha Bé bà cứ từ chối, bà viện cớ Việt Cộng này nọ. Giờ chả quất ngựa chuối bà mới quýnh lên.”

Người đàn bà giận dữ trừng mắt nhìn cô gái: “Em nói vậy nghe sao được. Chị đâu có phải trắc nết lăng loàn gì mà chị mê anh Bé tới nỗi không nghĩ tới cái tương lai của mấy đứa con của chị. Tại em cũng như mấy người khác có ác cảm với anh Bé rồi em cũng ghét chị luôn. Chị không chịu đi Tây là tại vì chị sợ qua bên đó lại gặp Việt Cộng…”

Tự dưng người đàn bà bật khóc nức nở làm tôi hoảng quá. Cô gái làm ở Ban Xã Hội cũng quýnh quáng, đến ôm lấy người đàn bà vỗ về: “Chị đừng có nghi oan cho em. Ý em là cũng muốn chị với mấy cháu được đi định cư ở đệ tam quốc gia để chị lo cho tương lai của mấy cháu.”

Người đàn bà đã bớt sụt sùi, nhìn cô gái với ánh mắt trìu mến:

“Chị biết ơn em lắm. Sở dĩ chị nói vậy là tại vì chị tức mấy cái người hổng hiểu chị, hổng hiểu anh Bé. Em biết, cũng tội nghiệp ảnh chớ: Hồi đó đơn vị của ảnh đóng ở miền Trung, lúc ông tổng thống ổng ra lịnh cái gì tản tản đó, ảnh đưa vợ con đi. Tới ngay cái sông Ba, sông Bốn gì đó thì bị pháo kích, vợ con chết hết trơn. Kế Việt Cộng vô lại bị tù lên, tù xuống. Ra tù làm đủ thứ nghề mà hổng đủ sống. Đâu có vàng để đi vượt biên. Phải đi làm công, làm mướn. Phải tìm đường đi, nước bước. Quỵ lị chủ tàu mới có được chỗ để mà đi. Thấy cái hoàn cảnh của chị, ảnh thiệt lòng thương, ảnh mới ngỏ ý lấy chị để chị có cái diện để mà đi Mỹ với ảnh. Em biết chị dốt nát có biết cái gì đâu. Mấy người tới trước được phái đàn mời đi Canada, đi Úc mà họ cũng hổng thèm đi. Còn cái vụ đi Tây, ai cũng trề môi: “Trốn Việt Cộng rồi bây giờ đi qua bển kiếm Việt Cộng nữa hay sao?” Gặp ai cũng nói vậy, chị biết tin ai bây giờ. Nói nào ngay, hồi đó anh Bé ảnh cũng có nói như anh hai đây (người đàn bà vừa nói vừa chỉ tôi) mà chị hổng tin, chị cứ nghĩ tầm bậy là ảnh “ăn nằm” với chị rồi ảnh chán chê nên ảnh bày đặt để ảnh bỏ chị. Giờ nghe anh hai nói chị mới chắc bụng là anh Bé ảnh thương chị thiệt lòng. Chị nhớ hoài câu nói của ảnh: “Nếu kẹt quá anh không xin được Cao Ủy để ghép “bờ lu ca” (blue card) với Hoa được để mẹ con em cùng đi định cư với anh, thì Hoa cứ việc xin đi Pháp. Sau này anh tìm cách qua bên đó cưới Hoa, rồi bảo lãnh mẹ con em qua Mỹ.”

Lúc nghe ảnh nói vậy chị thấy thất bại quá (Có lẽ người đàn bà muốn nói thất vọng?). Chị nhớ hồi đó lúc mới lấy nhau, cái gì chồng chị cũng chiều chị hết. Lúc mới tới đảo, chiện gì anh anh Bé ảnh cũng chiều chị. Tới chừng ăn nằm hà rầm với chị, cái gì ảnh cũng nói có vẻ dạt dạt, thành thử lúc ảnh nói tới cái vụ đi Tây, chị bực mình quá. Chị nhớ tới lúc “ăn nằm” xong rồi, chồng chị ổng đã đời nằm ì ra đó, cái gì cũng ừ hử cho xong. Chị đem so sánh với anh Bé, thì chiện nó cũng y chang… Tới bây giờ nghe anh hai cắt nghĩa, chị mới nghĩ là cái lỗi của chị. Người đàn ông họ “ăn nằm” xong họ mệt, mình cũng vậy. Chị hổng biết tại sao chị lại đòi quá mức, chị hổng có biết cái chiện cảm động (có lẽ người đàn bà muốn nói cảm thông?) gì với người mình đã “ăn nằm”. Sướng thì ai cũng sướng chớ đâu có phải một mình người đàn ông, chừng em có chồng là em biết rành chiện này.”

Tôi thấy cô gái làm ở Ban Xã Hội có vẻ mắc cỡ, nhìn đi chỗ khác. Cũng may là lúc đó đã tới giờ giới nghiêm trên toàn đảo. Một người nào đó nói lớn:

“Đã tới giờ chuột chạy trên toàn đảo.”

Tôi nói:

“Nhưng mà cái quan trọng là bây giờ cô có chịu đi Pháp như lời bà Cibelle bả đề nghị hay không?”

Người đàn bà nhìn tôi: “Em chịu, nhưng mà…”

Tôi nói, nói cái gì thì nói đại đi rồi còn đi ngủ. Người đàn bà cười ngỏn ngoẻn:

“Mà anh hai phải hứa là sẽ chỉ cho em cái cách xay mấy cái hột đậu đỏ Việt Cộng ở bên Tây thì em mới chịu. Anh hai hứa thì anh hai phải móc ngoéo với em đi.”

Tôi phải đưa tay móc ngoéo cô ta mới chịu đi ngủ. Lúc loay hoay giăng mùng, tôi nghe tiếng người đàn bà hun hít đứa con, nói với giọng đả đớt:

“Khương chó con của má quá. Má già chiện bỏ chó con của má cả ngày.”

Tôi mỉm cười chun vô mùng. Một người nào đó mớ trong giấc ngủ:

“Mẹ, ở hoài mục đảo mà chưa có rục rịch cái vụ định cư.”

Sau hai năm lạnh lẽo ở thủ phủ Des Moines của tiểu bang Iowa ở miền trung tây nước Mỹ, được người bạn văn nghệ mới quen rủ rê về tiểu bang California viết văn, làm báo. Quen với cuộc sống vốn yên tĩnh ở miền trung tây, về đây, ở giữa Cali nắng ấm, lại ở ngay quận Cam, tôi thấy mình chóng mặt với cuộc sống quay cuồng. Có người nói Sài Gòn nhỏ Bolsa là Sài Gòn trước bảy lăm thiếu đi tình người. Với tôi, Sài Gòn nhỏ Bolsa là Sài Gòn trước bảy lăm thiếu đi những kẻ ăn xin và không khí chiến tranh. Với tôi, Sài Gòn Cali hôm nay cũng nhẫn tâm như Sài Gòn Việt Nam ngày trước. Phía sau những dãy nhà sang trọng, hoa lệ vẫn dẫy đầy những đau thương. Giống như ẩn giấu bên trong bộ mặt loè loẹt, gương mặt phấn son của cô gái giang hồ là những vi trùng bệnh hoạn. Sài Gòn Mỹ quốc hôm nay cũng dẫy đầy những đĩ điếm, trộm cướp, du đãng, xì-ke ma túy, lường gạt, mua danh, trục lợi.

Vẫn những khuôn mặt đào kép cũ của sân khấu chính trị miền Nam trước ngày mất nước. Một số đã già nua, lạc hậu, lỗi thời chẳng chịu tự ý rút lui vì vẫn còn luyến tiếc chút danh lợi cuối đời. Cộng với một số mới sản sinh từ đồng lầy hải ngoại. Những con cá sấu lưu vong lại kéo bè, lập đảng, đón gió, trở cờ, trông chờ ở một thế lực ngoại bang hy vọng về nước nắm lại quyền uy ngày cũ. Thỉnh thoảng những con cá sấu lưu vong lại nhỏ những giọt nước mắt yêu nước, thương nòi, kêu gọi xóa bỏ lằn ranh Quốc, Cộng, hòa giải, hòa hợp. Cũng có những kẻ có lòng mà nhiệt huyết cứ lụi tàn dần theo năm tháng vì áo, cơm, tiền, gạo xứ người. Cũng có những Kinh Kha thời đại lặng lẽ ôm dao chủy thủ đi vào đất Tần bất trắc. Và những người Việt Nam tỵ nạn tại hải ngoại chỉ biết đến tên tuổi khi họ đã bị bắt cầm tù, hoặc đã bị nhà cầm quyền cộng sản xử tử hình.

Mặc cho những giọt nước mắt của những con cá sấu lưu vong rơi. Mặc cho máu của những Kinh Kha thời đại đã đổ. Mặc cho nhiệt huyết của những kẻ có lòng tan theo năm tháng như tuyết giá trước ngọn tây phong. Cuộc sống của người tỵ nạn vẫn tiếp tục như mỗi ngày mặt trời vẫn mọc. Một hôm, đang ngồi tán gẫu với mấy người bạn ở khu Phước Lộc Thọ, bỗng có người đàn bà quần áo rất sang trọng đi qua, đi lại, dừng lại nhìn tôi một lúc rồi kêu lên:

“Phải anh hai đây hôn, anh hai nhớ em hôn?”

Tôi nhìn sửng người đàn bà. Ngạc nhiên. Người đàn bà đập đập tay lên vai tôi:

“Em là Hoa nè. Hồi ở long-hao ở khu F. ở đảo Bidong em hổng chịu đi Tây vì sợ Việt Cộng đó.”

Tôi nhìn sửng người đàn bà, rất đổi ngạc nhiên. Chẳng còn chút dấu vết nào của người đàn bà của những ngày tháng cũ trên hòn đảo tỵ nạn.

Người đàn bà rất mừng rỡ khi gặp lại tôi. Cô ta kêu mấy đứa con đến khoanh tay thưa tôi. Và giới thiệu người đàn ông đang đứng kế bên: “Đây là anh Bé, chồng em. Còn đây là anh hai mà em nhắc với anh hoài đó.”

Hai vợ chồng khẩn khoản mời tôi đến nhà họ. Tôi hứa là sẽ đến nhà họ vào khoảng hai tuần sau vì tôi hiện đang bận một vài công việc.

Người đàn bà hỏi tôi địa chỉ, số điện thoại và nhắc đi, nhắc lại với người chồng “anh nhớ ghi cho nó trúng.” Người đàn ông có vẻ hiền lành, ít nói. Anh ta cười cười:

“Thì anh hai đọc sao, anh ghi vậy thì nó làm sao mà trật được.”

Hai tuần sau, tôi nhận được một vé máy bay khứ hồi với bức thư vỏn vẹn mấy giòng như sau:

“Vợ chồng em mời anh hai xuống dưới này để vợ chồng em được nói tiếng cám ơn với anh hai. Ký tên: Nguyễn Văn Bé và Hoa Bi-Đông.”

Hai vợ chồng đón tôi ở phi trường của thành phố Bãi Dài. Và họ đưa tôi về nhà họ ở đường Hoa Chuông. Trong một tuần lễ ở đây tôi đã được tiếp đãi như thượng khách. Hai vợ chồng đưa tôi đi thăm thú khắp nơi. Họ đãi tôi ăn uống trong những nhà hàng sang trnọg nhất của thành phố. Và người vợ đã khẩn khoản xin tôi nhận làm “anh nuôi” của cô ta. Tôi cười, nói đùa:

“Tôi còn chưa nuôi nổi tôi, tôi nuôi được ai mà dám nhận làm anh nuôi của cô.”

Người chồng tiếp lời vợ:

“Anh hai nhận lời cho vợ em nó vui. Mấy năm nay vợ em nó cứ nhắc anh hai hoài. Nó nói phải gặp được anh hai để mà đền ơn. Vợ em nó nói hổng gặp được anh hai khuyên bảo lời hơn, lẽ thiệt, mẹ con nó hổng đi Pháp vì sợ gặp Việt Cộng thì vợ chồng em đâu có được như bây giờ. Có khi là ở bển… mục đảo luôn.”

Tôi nói, nếu cô ấy không gặp tôi thì cô ấy cũng gặp người khác, người ta cũng chỉ dẫn như tôi thôi. Người đàn bà xen vô:

“Em hổng gặp anh hai thì chỉ có nước chết. Anh hai hổng nhớ hồi đó người ta ghét bỏ em tới bực nào hay sao. Cũng may là gặp anh hai là người biết rõ cái tình đời, anh hai hết lòng chỉ biểu cho em…”

Tôi nói lảng sang chuyện khác:

“Rồi bây giờ cô chú làm ăn ra làm sao?”

Người đàn bà gương mặt sáng rỡ:

“Nói nào ngay cũng nhờ đất nước, ông bà, cha mẹ phò hộ, tụi em bây giờ làm ăn cũng khấm khá. Cái nhà tụi em trước mua trăm mấy, đã trả dứt nợ nhà băng, bây giờ đã có người trả ba trăm. Vợ chồng em hiện giờ có cái tiệm “neo” cũng đông khách lắm, chỉ toàn làm cho Mỹ trắng không hà.”

Theo lời người đàn bà thì bây giờ cô ta “nói tiếng Mỹ như vó.” Nghe vợ nói, người đàn ông tươi cười:

“Anh nói với em hoài là “nói như gió”, em cứ “nói như vó, nói như vó,” không sợ người ta cười hay sao?”

Người vợ cười lỏn lẻn:

“Chớ sao anh nói anh mê nghe em nói “nói như vó.”

Nghe hai vợ chồng nói chuyện, tôi nhớ tới phim My Fair Lady kể lại câu chuyện một nhà quý tộc người Anh đem cô gái bán hoa do nữ tài tử Audrey Hepburn thủ vai về nuôi, dạy nàng đọc Anh văn cho đúng giọng, nhưng sau đó, nhà quý tộc mới phát giác ra là mình yêu cô bán hoa vì cái cách phát âm sai của cô ta.

Theo lời kể của người chồng, tôi mới được biết là ngay khi người đàn bà tên Hoa và bốn đứa con có chuyến bay đi định cư ở Pháp, anh ta tức tốc xin phép Sở Di Trú và qua Pháp làm hôn thú với người đàn bà. Và sau đó, anh ta trở lại Mỹ làm giấy bảo lãnh mẹ con nàng. Một năm sau, người đàn bà với bốn đứa con qua Mỹ với anh ta. Vợ chồng chí thú làm ăn. Người vợ vừa đi rửa chén ở tiệm ăn vừa đi học E.S.L. Người chồng đi làm hai “dốp”. Chẳng mấy lúc có một số vốn. Người vợ đi học làm móng tay. Họ bắt đầu mua nhà, mở tiệm. Người đàn bà, mà theo cô ta nói là “chữ nghĩa hổng bằng cái lá mít” bây giờ đã “nói tiếng Mỹ như vó” và đã trở thành bà chủ tiệm “neo”. Anh chồng thôi làm hãng điện tử, ở nhà săn sóc mấy đứa con, đưa rước mấy đứa nhỏ đi học, chiều phụ giúp vợ clean up tiệm.

Tôi nhớ hoài lúc người đàn bà cười ngỏn ngoẻn, nói:

“Em rán rặn hoài cho anh Bé thằng con mà hổng được.”

Người đàn ông nhìn tôi có vẻ ngượng nghịu:

“Em nói chi với anh hai cái chuyện kỳ cục.”

Người đàn bà nói:

“Ảnh là anh nuôi của mình mà. Mà bộ anh hổng muốn vậy thiệt sao. Có cái là em thương anh là mặc dầu anh hổng phải là ba ruột của sắp nhỏ mà anh đối đãi với tụi nó thiệt là tử tế. Mà anh cũng hổng có buồn phiền gì dìa cái chuyện em hổng rặn được cho anh thằng con.”

Nghe hai vợ chồng họ nói chuyện, tôi nhớ đến những điều mà người đàn bà đã kể cho tôi nghe lúc ở đảo Bidong. Thì ra ở đâu cũng là cuộc sống và con người, nhưng điều quan trọng là làm sao cho cuộc sống trở nên đáng sống và con người xứng đáng là con người!

Lúc nghe tôi nói đang viết văn, làm báo, người đàn bà kêu lên:

“Hổng được đâu, anh hai. Ở bên này cái nghề đó coi bộ hổng khá. Anh Bé nói cho em biết là mấy ông nhà báo ở đây họ chửi nhau như chó. Nghe nói là có người đã bị bắn, bị đốt chết nữa. Em thấy anh hai nhỏ con, tay chưn coi bộ cũng khéo léo, anh hai nên đi học làm “neo” hay là hớt tóc. Rồi ở đây phụ với vợ chồng em. Tụi em đang tính mở thêm một tiệm nữa.”

Tôi cười ngất, nghĩ tới chuyện tôi cắt tóc, giũa móng tay, móng chân cho mấy người đàn bà, rồi còn cái vụ waxing nữa. Người đàn bà nói tiếp:

“Em nói thiệt đó, anh hai. Em biết ơn anh hai nhiều lắm, hổng biết tới đời kiếp nào em mới trả được. Em nói thiệt là em muốn thiệt lòng giúp anh hai. Em nói thiệt mà hổng sợ anh hai mích lòng là em thấy cái nghề viết văn, làm báo của anh hai nó hổng khá một chút nào.”

Tôi cũng biết là người đàn bà đó nói đúng, nhưng mà ở đời mỗi người có một nghiệp dĩ, một lý tưởng phải theo đuổi, phải thực hiện.

Gần đây có chuyện ồn ào về văn chương phản kháng ở trong nước. Có người đã ca tụng một nhà văn Việt Cộng là chỉ với những diễn tả của nhà văn này thì “những vần thơ trác tuyệt của đại thi hào Nguyễn Du ‘Râu hùm, hàm én, mày ngài’ và ‘một vùng như thể cây quỳnh, cành giao’ trở thành sáo ngữ” (1). Và người ta xúm vào ca tụng nhà văn này là đã can đảm “nói lên nỗi thống khổ của nhân dân tôi!” Ngay cả chuyện có nhà văn đã từng vượt biển trốn chạy Việt Cộng còn viết đại khái là “nếu nói không có văn chương phản kháng là thiếu tình người.” Và nhà văn còn mỉa mai là “nếu tự xưng là người chống Cộng số một sao không ở trong nước mà chống!”

Tôi thấy mọi chuyện nó trở nên kỳ cục. Nó có vẻ “thời thượng” quá. Người ta nói văn chương phản kháng mà mình không lên tiếng thì nó có vẻ lạc hậu, lỗi thời! Dĩ nhiên ở một đất nước tự do, ai muốn có ý kiến gì thì cứ tự do phát biểu. Ai cũng có quyền thương yêu, thù hận trong đời. Ở đâu, thời nào cũng vậy thôi. Có lúc nào những kẻ chính trị hoạt đầu, những con cá sấu lưu vong mà không nhỏ những giọt nước mắt yêu nước, thương nòi vì mục đích lợi danh? Ở đâu mà chẳng có kẻ đón gió, trở cờ. Gì thì gì, mặt trời vẫn mọc và Sự Thật vẫn là Sự Thật. Theo tôi, những người viết văn, làm báo ở hải ngoại là những người đáng vinh danh nhất. Dĩ nhiên là phải chính danh. Nhà văn ở hải ngoại chẳng những phải nói lên nỗi thống khổ của 65 triệu người dân ở trong nước , mà còn phải nói lên những đau thương, mất mát của khúc ruột cách xa ngàn dặm – nói theo cách nói của Việt Cộng. Nhà văn Alexis Tolstoi của cộng sản Liên Xô đã cho một sĩ quan Bạch vệ nói với người yêu của mình: “Rồi em sẽ thấy!

Những cái ồn ào của cách mạng này nọ rồi sẽ qua đi, và còn lại chỉ là tình yêu của anh với em, đối với gia đình và cuộc sống.”

Chàng sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ nói gì với vợ của mình sau năm, mười năm trời thân tàn ma dại trở về từ những trại tù? Anh chàng cựu sĩ quan của quân đội miền Nam sẽ nói gì khi đứng trước ngôi nhà bây giờ mấy ông quan “cách mạng” miền Bắc đã chiếm. Và vợ con thì đã thất lạc ở phương trời nào?

Chàng cựu sĩ quan sẽ nói gì khi đã tìm mọi cách để thoát khỏi “thiên đường” Việt Cộng, khi tới đảo tỵ nạn bị người ta “thanh lọc” và từ chối nhận đi định cư vì không trả lời được câu hỏi: “Chiếc mão gai lúc Chúa Jesus thọ hình có mấy chiếc gai?”

Cũng mới đây, tôi rất đỗi đau lòng khi nghe tin một ký giả mà cả hai vợ chồng đều bị bắn chết vì nhà báo này “đã chống Cộng và đã nói lên những Sự Thật làm cho những người bị nói đến phải “mất ăn, mất ngủ”. Và một nhà văn có quốc tịch Mỹ đã “bất chấp dư luận và bạn bè can gián đã trở về Việt Nam với tư cách nhà văn để đi tìm Sự Thật” (2).

Tôi lại càng chua xót hơn khi một số người “làm công việc chữ nghĩa” ở hải ngoại – nói theo cách nói của nhà văn Nguyễn Tuân – đang ra sức “lấp đầy cái khoảng trống” của một nhà văn ở trong nước nêu ra, thì ông nhà văn này đã hùng dũng tuyên bố: “Tôi không tin rằng người ta có thể viết khi xa cội rễ. Theo tôi, văn nghệ của người Việt ở nước ngoài không có gì đáng chú ý.” (3)

Một điều sẽ rất thiếu sót nếu tôi quên kể lại những câu nói cuối cùng của cô em nuôi của tôi. Buổi tối ngồi ăn bánh, uống trà và nói chuyện, tôi hỏi cô ta: “Rồi còn cái vụ ‘xay mấy hột đậu đỏ Việt Cộng ở bên Tây’ cô có làm được không?”

Người đàn bà cười ngất:

“Ở đó mà được với hổng được. Qua tới nơi, bà bảo trợ ra với người thông dịch đón mẹ con em ở phi trường. Dìa tới nhà, lo ba cái vụ giấy tờ, ăn uống này nọ mệt muốn bứt gân, chớ ở đó mà ‘lo xay mấy hột đậu đỏ Việt Cộng.’ Mà em thấy ở bên Tây đâu có giống như Việt Nam mình. Ai nấy cũng sung sướng, thải mái. Tây đầm nó hun hít hà rầm ở ngoài đường.”

Tôi hỏi:

“Rồi qua Mỹ cô có tiếp tục ‘xay mấy hột đậu đỏ Việt Cộng ở Mỹ hôn’?”

Người đàn bà cười lớn, nói một cách quả quyết:

“Chiện này có đó anh. Mấy cái tổ chức này nọ nói là Phục quốc, là giải phóng Việt Nam là em đóng tiền lia chia. Nhiều lúc anh Bé ảnh rầy em, nói cái tổ chức nầy là thiệt, tổ chức kia là dỏm. Em nói kệ nó anh, có giả mới có thiệt. Tổ chức, hội hè nào mà dạy tiếng Việt, mà cứu người biển Đông là em đóng tiền hăng hái lắm. Mình có ở vào cái hoàn cảnh đó, mình nên giúp đỡ người đi sau, để phước đức lại cho con cái. Ai làm giả, ai lường gạt thì trời đất phạt họ.”

Nghe vợ nói, người chồng cười:

“Bà xã tôi là vậy đó anh. Nhiều lúc tôi cũng bực mình lắm. Mình biết nó là phục quốc giả, trợ giúp thương phế binh dỏm, nó quyên tiền để bỏ túi, để về trong nước chơi gái, nói cho bả biết thì bả lại nói ‘có giả mới có thiệt.’ Bả nói ngang như cua. Thôi thì đành chịu thua.”

Lúc đưa tôi ra phi trường, người đàn bà căn dặn:

“Đi đâu thì đi. Anh hai muốn viết văn, làm báo gì thì anh hai cứ làm. Có kẹt gì thì cho vợ chồng em biết. Muốn dìa dưới này làm ăn thì vợ chồng em giúp. Anh hai đừng có tự ái với tụi em. Em biết có làm cái cách nào thì vợ chồng em cũng hổng trả nỗi cái ơn của anh hai.”

Nói xong, người đàn bà tỉnh bơ ôm hôn lên má tôi, rồi hỏi có vẻ tha thiết:

“Anh hai, liệu nước mình vài bữa nữa có được ngon lành các cái như mấy cái nước Ba Lan, nước Đức gì đó hôn?”

Tôi nhìn sửng người đàn bà. Người chồng cằn nhằn:

“Em sao cứ ưa lo ba cái chuyện bao đồng.”

Người đàn bà quay lại cự nự chồng:

“Anh nói sao mà chiện bao đồng. Em hỏi anh hai cho nó chắc ăn. Em hỏi anh hai là tại vì ảnh viết văn, làm báo, ảnh rành ba cái chiện này. Anh thì anh nói với em là trước sau gì đất nước mình cũng sẽ ngon lành. Em tin anh. Em hỏi lại anh hai cho nó chắc ăn, chớ hổng phải em hỏi anh hai là em hổng tin anh. Em hổng tin anh thì em tin ai bây giờ.”

Người đàn ông và tôi nín thinh. Người đàn bà nói tiếp:

“Hồi ở bên đảo, nghe anh nói hổng phải là ở bên Tây có Việt Cộng mà chỉ có mấy ông Tây, bà Đầm theo cái gì sản sản đó, em hổng tin lắm. Tới chừng gặp anh hai, ảnh cắt nghĩa rành rẽ em mới chịu đi Tây. Nhờ vậy mà vợ chồng mình mới có được như ngày hôm nay.”

Đã sắp sửa tới giờ phi cơ cất cánh, tôi phải check in nên không kịp trả lời câu hỏi của cô em nuôi. Thực ra, nếu có đủ thì giờ tôi cũng không biết mình sẽ trả lời như thế nào.

Quý vị độc giả thân mến, có vị nào rành rẽ chuyện nước non, xin giúp dùm tôi trả lời câu hỏi của cô em nuôi “chữ nghĩa hổng đầy cái lá mít” là tương lai đất nước mình vài bữa nữa nó có được ngon lành các cái như mấy cái nước Ba Lan, nước Đức.

Phần lớn người Việt Nam lưu vong ai cũng muốn “nước đi ra biển lại mưa về nguồn”, nhưng cũng đâu có phải vậy mà không có chuyện:

“Non cao tuổi vẫn chưa già

Non thời nhớ nước, nước mà quên non!

NGUYỄN THIẾU NHẪN

San Jose

Dưói Bóng Quân Kỳ

Đỗ Văn Phúc

Si Vis Pacem, Para Bellum!1 (1) Thành ngữ Latin, có nghĩa: Nếu muốn có hoà bình, phải chuẩn bị chiến tranh. Tương tự câu Cư An, Tư Nguy

          Lịch sử Việt Nam là một lịch sử chiến đấu không ngừng nghỉ. Dân tộc Việt Nam hiền hòa nhưng ở vào một tình thế bất khả kháng, đã trở thành một dân tộc thiện chiến trong suốt quá trình lịch sử kể từ khi vua Hùng lập quốc cho đến nay. Có thế mới bảo lưu được nòi giống và nền văn hóa độc đáo của mình qua bốn ngàn năm thăng trầm.

          Nhìn vào bản đồ khu vực Nam Á Châu, Việt Nam ta ở vào một vị trí đặc biệt thuận tiện vừa về mặt kinh tế, vừa về mặt chiến lược2.( 2- Cách nhìn này không còn mấy quan trọng trong thời đại kỹ thuật tân tiến hiện nay.) Theo quan điểm chiến lược cổ điển, Việt Nam là cửa ngõ của vùng Đông Nam Á, là ngả tư giao thương quốc tế. Trên mảnh đất hình chữ S, có một dân tộc cần cù, thông minh, và một nguồn tài nguyên thiên nhiên hiếm có. Việt Nam trở thành mục tiêu cho bao thế lực bành trướng đế quốc, thực dân từ muôn đời nay. Lịch sử có lúc thăng, lúc trầm; dân tộc có lúc thành, lúc bại. Nhưng để giữ gìn một nòi giống với nền văn hóa cổ truyền độc đáo của mình, tổ tiên chúng ta đã phải đổ bao nhiêu xương máu cho trang sử của chúng ta còn tiếp nối đến ngày nay. Hình ảnh người Lính Việt Nam luôn sáng ngời trên từng trang, từng hàng chữ của cuốn sử dày bốn ngàn năm, cũng như bàng bạc trong văn chương bình dân và văn chương bác học.

          Đi ngược dòng thời gian, từ khi vua Hoàng Đế chiến thắng các bộ lạc miền Hoa Nam, thiết lập nên một nhà nước Trung Hoa đâu tiên ở địa bàn sông Dương Tử. Hai trong số hàng trăm bộ lạc Việt: Âu-Việt và Lạc-Việt đã phải di cư xuống phương nam, kết họp và lập thành nước Ãu-Lạc với triều đại Hồng Bàng kéo dài mười tám đời vua.               Trong suốt gần hai ngàn năm huyền sử3 (3 Thời kỳ huyền sử là thời chưa có sử ghi chép bằng văn tự mà chỉ do truyền tụng lại.) này, dĩ nhiên tổ tiên ta phải cật lực chiến đấu để sống còn trước cơn lốc chiến tranh của các bộ lạc trong giai đoạn tan và họp để tạo nên những quốc gia đầu tiên trong lịch sử loài người với những định chế chính trị xã hội văn minh dần lên. Quân đội thời Hùng Vương đặt dưới quyền chỉ huy của vị Lạc Tướng (hay còn gọi là Hùng Tướng). Lịch sử không để lại cho chúng ta điều gì cụ thể hơn, vì thời này chúng ta chưa có sử ký. Mọi biến cố đều căn cứ trên sách sử Trung Hoa mà dĩ nhiên rất sơ sài và hiếm hoi. Hàng ngàn năm các triều đại Trung Hoa bận rộn với các cuộc nội chiến nên ít dòm ngó xuống phương nam xa lắc xa lơ. Mãi đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, lập nên một nhà nước trung ương tập quyền hùng mạnh, Việt Nam bắt đầu thấy hiểm họa Bắc phương. Lịch sử chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Hoa có thể coi như bắt đầu bằng cuộc chiến giữa Thục An Dương Vương và Triệu Đà, một tùy tướng của Đồ Thư được lệnh nhà Tần chinh phục phương Nam. Chuyện chiếc nỏ thần là bài học về tình báo đầu tiên lồng trong bối cảnh của một thiên tình sử lãng mạn của đôi trai gái địch thù Trọng Thủy và Mỵ Châu.

          Đến đời nhà Hán, hai vị anh thư Trưng Trắc, Trưng Nhị đứng lên khởi nghĩa chống sự đô hộ tàn bạo của Thái Thú Tô Định. Hai bà Trưng vốn dòng dõi nhà Lạc Tướng, vì nợ nước, thù chồng dã hiên ngang quật khởi đánh đổ ách thống trị ngoại bang. Hai bà đã lập nên vương quyền, tuyên xưng độc lập năm 43 trước Tây lịch. Kế đó là bà Triệu Thị Trinh (Triệu Ẩu) nổi dậy chống lại nhà Đông Ngô. Bà đã nói một câu đầy hùng khí :”Ta thà cưỡi con gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển đông…. còn hon cúi đầu làm đầy tớ người ta…”

          Liên tiếp trong gần một ngàn năm đô hộ của Trung Hoa, dân tộc ta đã sản sinh nhiều vị anh hùng như Phùng Hưng, Mai Hắc Đế, Dạ Trạch Vưcmg… Năm 937, Tướng Ngô Quyền dành lại độc lập toàn vẹn cho Tổ quốc, mở đầu một thời kỳ tự chủ lâu dài. Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường, có uy tín trong vùng, bắt đầu thời kỳ xây dựng một nền văn hóa riêng biệt. Đinh Tiên Hoàng, Lý Công Uẩn xuất thân từ binh nghiệp mà dựng vương quyền. Đại Tướng Lý Thường Kiệt, nhân nội tình Trung Hoa đang phân hoá vì áp dụng luật pháp khắt khe của Vương An Thạch, ngài đem quân đánh sâu vào lãnh thổ hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, gây áp lực với triều đình nhà Tống. Quân Việt đánh đâu thắng đó, và được dân chúng địa phương hết lòng ủng hộ. Từ đó cho đến cả trăm năm kế đó, Trung Hoa chẳng dám dòm ngó gì nữa. Những trang quân sử chói lọi nhất vẫn là trang sử ba lần đánh thắng quân Nguyên. Gengis Khan (Thành Cát Tư Hãn) vào thế kỷ 12, dấy lên từ thảo nguyên Mông cổ, đã chinh phục hầu hết đất đai trên địa cầu, từ đông sang tây, Á sang Âu. Vó ngựa ông dẫm nát các thành trì đế quốc Hồi Giáo khi đó rất hùng cường. Đến Ba Lan, vua Ba Lan phải kéo quần thần ra trước cổng thành quỳ xuống xin hàng. Đến Nga, san băng Mạc Tư Khoa trong nháy măt. Trước khi qua đời, Gengis Khan dặn con cháu bành trướng thế lực cho đến tận nơi nào mà vó ngựa quân Mông cổ còn đến được. Gần như toàn thể thế giới đều chịu khuất phục trước sức mạnh của họ. Con và cháu ông, Ogedai (Oa Khoát Đài) và Mongke (Mông Kha) diệt nhà Tống, chiếm được Trung Hoa, lập nên triều đại nhà Nguyên kéo dài hàng trăm năm. Trước khi chiếm được Trung Nguyên, và cũng sau khi đã lập nên đế quốc Nguyên rộng lớn, họ nhiều lần nhòm ngó và xâm lăng Việt Nam, nhưng đành dừng lại trước sức đề kháng mãnh liệt của quân dân ta. Trong những trận đánh lớn nhỏ, dân tộc ta đã thách thức sức mạnh Mông cổ và đã chiến thắng oanh liệt. Thái tử nhà Nguyên là Thoát Hoan phải chui vào trốn trong một ống đồng để thoát về Tàu. Toa đô, Ô Mã Nhi và nhiều tướng Mông cổ phơi thây trên các chiến trường đẫm máu Chương Dương, Kiếp Bạc, sông Hàm Tử và nhất là sông Bạch Đằng, nơi xóa tan giấc mộng xâm lăng của giặc Nguyên. Chúng ta có một nhà quân sự lỗi lạc vừa là một nhà chiến tranh chính trị xuất chúng: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Hải Quân VN chọn ngài làm Thánh Tổ). Ngài để lại cho hậu thế bộ Binh Thư Yếu Lược để huấn luyện tướng sĩ, bài Hịch Tướng Sĩ như một bản tuyên cáo dõng dạc của tổ quốc hồi nguy biến, kêu gọi toàn dân, toàn quân đoàn kết hy sinh dể chiến đấu bảo vệ giang sơn. Ngài đã viết :”Các người ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn; làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường thiết yến sứ ngụy mà không biết căm…” Lời khích quân của ngài có sức mạnh vĩ đại thôi thúc quân sĩ hết lòng chiến đấu. Quân ta liên tiếp thắng lớn trên các chiến trường. Đặc biệt, trận chiến sông Bạch Đằng có thể so với trận Xích Bích thời Tam Quốc — nơi quân Ngô trói chặt chiến thuyền của quân Tào mà đốt sạch. Trần Hưng Đạo, không kém gì Khổng Minh, đã cho quân vót sẵn chông có bọc sắt, cắm giữa dòng sông rồi dụ cho chiến thuyền quân Nguyên đến. Khi nước thủy triều rút xuống, tàu giặc bị cọc sắt đâm thủng, quân ta dùng thuyền nhẹ mà tiêu diệt gọn. Tướng tài của địch là Ô Mã Nhi bị giết trong trận này. Sau này trong dân gian có câu: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” để luôn nhắc nhở chiến công hiển hách đó. Nhà Trần ý thức tầm quan trọng của binh bị, nên đã lập ra Giảng Võ Đường, là trường đào tạo sĩ quan đầu tiên của Quân Đội Việt Nam. Vua cho mở khoa thi tiến sĩ võ để chọn nhân tài song song với khoa thi chọn văn quan. Anh hùng thời nhà Trần nhiều như sao trên bầu trời đêm: người bán than Trần Khánh Dư, người đan sọt Phạm Ngũ Lão, cậu thiếu niên Trần Quốc Toản, người nhái Yết Kiêu, Dã Tượng; can đảm tỉnh táo trên đất thù như Trần Nhật Duật; bất khuất trong tay giặc như Trần Bình Trọng với câu nói để đời “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.” Hàng trăm năm sau, dân tộc lại sinh sản anh hùng áo vải đât Lam Sơn: Bình Định Vương Lê Lợi và nhà chính trị thiên tài Nguyễn Trãi (Lê Lợi được chọn làm Thánh Tổ của Địa Phương Quân/ Nghĩa Quân, Nguyễn Trãi của ngành Chiến Tranh Chính Trị). Nguyễn Trãi đã phò tá Lê Lợi trong mười năm gian khổ, tiến hành chiến tranh du kích đến thắng lợi dành lại độc lập từ tay quân nhà Minh. Cùng thời với nhà chinh phục lỗi lạc Napoleon bên Pháp, chúng ta có anh hùng thiên tài Quang Trung Nguyễn Huệ, so sánh giữa hai người, có nhiều điểm tương đồng. Hoàng Đế Quang Trung chỉ trong một thời gian ngắn, dẹp tan cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn, diệt quân Xiêm ở Rạch Gầm, Xoài Mút, thần tốc tiến quân ra Bắc và trong ba ngày Tết Kỷ Dậu, đã đánh tan tành hai chục vạn quân Thanh xâm lược. Ngài giữ đúng lời hứa với quân sĩ là sẽ ăn Tết trong thành Thăng Long. Ngài là vị tướng luôn ở đầu lằn tên mũi đạn trong cuộc xung phong phá thành lũy quân thù. Vua Quang Trung ôm ấp một hoài bão lớn: đó là lấy lại đất cũ của tổ tiên. Nếu ngài không sớm qua đời, bản đồ Việt Nam ngày nay đã kéo dài đến hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây. Quân đội của Lê Lợi giỏi đánh du kích, thì quân đội Tây Sơn thiện chiến về trận địa chiến, tốc chiến tốc thắng. Lần đầu tiên trong quân sử, Nguyễn Huệ đã áp dụng tổ chức tam tam chế trong điều động binh sĩ, tổ chức tiếp vận một cách khoa học, chu đáo và tinh vi để bảo đảm cho một đạo quân lớn trên suốt hành trình dọc theo chiều dài đất nước.

          Triều đại nhà Nguyễn không có võ công xuất sắc, trong khi nền văn minh các nước phương Tây đã đạt đến trình độ cơ giới cao. Quân Nguyễn thiếu thực tế chiến trường một thời gian dài, và trang bị quá thô sơ, nên đất nước lại lần nữa rơi vào vòng đô hộ của ngoại bang. Hiệp ước Giáp Thân 1884 dánh dấu sự mất chủ quyền của dân tộc vào tay thực dân Pháp. Nhưng không thời nào dân tộc ta không có những anh hùng hào kiệt. Tướng Trương Minh Giảng bình định miền Nam, mở rộng bản đồ Việt Nam cho đến mũi Cà Mâu, ảnh hưởng bao trùm lên cả Cao Miên. Thời Vua Minh Mạng, bản đồ Việt Nam gồm cả toàn xứ Đông Đương. Ai Lao, Cao Miên trở thành chư hầu của ta, hàng năm triều cống. Trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta có Vua Hàm Nghi, Vua Duy Tân, cha con Đại Tướng Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Lâm, tướng Hoàng Diệu, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Đội cấn, bà Đặng thị Nhu, anh hùng Sa Điện Phạm Hồng Thái… Nhân dân ta không hề có một ngày ngưng cuộc chiến đấu, từ Nam ra Bắc, miền cao nguyên hay nơi đồng bằng. Và cuộc kháng chiến vĩ đại của toàn dân đánh đuổi thực dân đã bị bọn Cộng sản Hồ chí Minh cướp công trên tay bao chiến sĩ Quốc Gia.

          Cộng sản và Thực dân câu kết ký Hiệp định Genève chia đôi đất nước, quân kháng chiến miền Nam (chưa hề biết gì về Cộng sản) lầm lạc tập kết ra Bắc chịu sự chi phối của bọn Cộng sản. Miền Nam xây dựng chế độ Dân chủ kiểu Tây phương. Điều không tránh được là phải xây dựng Quân đội Quốc gia trên cơ sở Quân đội do Pháp và Triều đình Huế để lại. Đây là một yếu điểm, quân đội Việt Nam Cộng Hoà sơ khởi gồm nhiều thành phần phức tạp: một phần là các đơn vị Việt Nam trong Quân đội Liên Hiệp Pháp có tính chất chánh qui, một phần là các đơn vị Việt Binh Đoàn, Bảo Chính Đoàn của Triều đình Huế ít khả năng chiến đấu. Tướng lãnh thì không có, phải dùng các sĩ quan cấp tá, úy của quân đội liên hiệp Pháp, cho thăng vượt cấp để nắm các chức vụ then chốt. Đầu tiên gọi là Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, sau đổi thành Quân Đội Việt nam Cộng Hòa, sau đó lần nữa lại đổi thành Quân Lực VNCH. Ban sơ với vài đơn vị bộ binh cấp tiểu đoàn, liên đoàn, quân đội ta tiến đến thành lập các sư đoàn khinh chiến, dã chiến, các đơn vị nhảy dù, trọng pháo, các đơn vị hải quân, không quân với trang bị do Pháp để lại và viện trợ quân sự Hoa Kỳ thông qua phái bộ MAC-V (Military Assistance Command- Vietnam). Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, Liên Trường Vố Khoa Thủ Đức, nơi đào tạo sĩ quan có đầy đủ kiến thức quân sự tài ba cho quân đội. Sau này hai trường trên đổi tên là Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam và Trường Bộ Binh. Quân đội ta đã dần dần trưởng thành trong cuộc chiến đấu chống Cộng và trở thành hùng mạnh nhất vào thời kỳ những cuối thập niên 60, 70. Mười một sư đoàn bộ binh, hai sư đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến, hàng chục liên đoàn biệt động quân được trang bị hùng hậu là những mũi lao thép trên 4 vùng chiến thuật. Lực Lượng Đặc Biệt, mà dân ta thường quen với tên gọi biệt kích dù là quân chủng tinh nhuệ nhất, hoạt động âm thầm trong lòng địch. Những đơn vị Địa Phương Quân, từ các tỉnh đoàn Bảo An bán chính quy, được sáp nhập vào quân lực đảm trách an ninh diện địa. Hình ảnh người lính cộng hòa thân thương, gần gủi với đồng bào qua những chiến dịch bình định nông thôn, là đề tài cho bao trang sách báo, phim ảnh, ca nhạc. Lớp sĩ quan trẻ đào tạo trong thời cộng hoà có tư cách, bản lãnh, có tài ba dần dần thay thế lớp người cũ ở các địa vị trung cấp. Cuộc chiến tranh mang màu sắc ý thức hệ không thể thiếu bóng dáng người sĩ quan chính trị để động viên tinh thần chiến đấu anh em quân nhân. Năm 1966, Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị được thành lập để đào tạo sĩ quan hiện dịch đảm trách công tác tư tưởng trong quân đội. Từ những toán nữ Trợ Tá Xã Hội, đoàn Nữ Quân Nhân được thành lập, đảm trách các công vụ trong ngành Xã Hội, Truyền Tin, Quân Y. Các Trường Không Quân, Hải Quân được cải tổ, trang bị lại tối tân theo đà phát triển quân lực, huấn luyện những sĩ quan phi hành, hoa tiêu trên các loại phi cơ tối tân hay trên những chiến hạm lớn. Hải quân ta có những khu trục hạm, hộ tống hạm, hải vận hạm, có trọng tải lớn, đứng ở hàng thứ năm trên thế giới; Không quân có những chiến đấu cơ siêu thanh, vận tải cơ khổng lồ, có lực lượng trực thăng hàng ngàn chiếc cũng đứng vào hàng thứ sáu trên thế giới. Đó là hai quân chủng hùng hậu yểm trợ đắc lực cho các đơn vị bộ chiến. Trận phản công tết Mậu Thân trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa năm 1968 là một minh chứng cụ thể cho sự lớn mạnh và thiện chiến của quân ta. Trong một thời gian ngắn, từ lúng túng – bất ngờ vì cộng quân vi phạm lệnh hưu chiến ngày xuân – quân ta dần dần lấy lại thế chủ động, đẩy dồn Bắc quân vào những lò sát sinh, diệt hàng ngàn tên phơi thây xung quanh cổ thành Quảng trị, cố đô Huế và hàng chục thị xã miền Nam, cho chúng được thỏa mãn nguyện vọng “sinh Bắc tử Nam”. Toàn bộ quân Việt cộng (cả điạ phương lẫn du kích) và hạ tầng cơ sở của bọn Mặt trận Giải phóng bị lộ diện và tiêu diệt sạch4, (4 Theo các báo cáo không đầy đủ, Việt Cộng tổn thất khoảng 85 ngàn quân sĩ trong các trận đánh Mậu Thân. Về sau Hà nội đưa cán bộ miền bắc và hàng sư đoàn chính quy vào thay thế. Hình ảnh người lính chiến Cộng hoà vừa oai hùng, vừa hào hoa, là lý tưởng thời đại của bao thanh niên mới lớn, là ước mơ thầm kín của các thiếu nữ đang xuân. Từ đây, người anh hùng không phải chỉ là những vị tướng quân, mà là anh hạ sĩ can trường trên đồi máu Charlie, người pháo thủ binh nhì nơi mặt trận An Lộc; hoặc anh nghĩa quân âm thầm ngày đêm canh gác cho đồng bào nông thôn được yên ổn cấy cày. Các thế hệ thanh niên ưu tú miền Nam nối nhau lên đường tòng quân làm nghĩa vụ thiêng liêng đối với tổ quốc. Chiến trường càng khốc liệt càng thôi thúc bao tâm hồn đầy nhiệt huyết lên đường diệt công giữ quê. Những khoá sĩ quan Đà Lạt ra trường ai cũng nô nức dành chọn những đơn vị chiến đấu: Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động, Lực Lượng Đặc Biệt. Lá cờ vàng ba sọc đỏ mà thanh niên miền Nam quyết tâm bảo vệ đã tung bay ngạo nghễ trên cổ thành Quảng Trị, Huế, trên các đồi núi trùng điệp cao nguyên Trung Phần, trên làng mạc thân yêu đồng bằng sông Cửu Long xác nhận uy quyền quốc gia trên toàn lãnh thổ. Cũng lá cờ vàng đã gói trọn thân xác bao anh hùng để đưa vào lòng đất mẹ. Nếu quốc kỳ Việt Cộng kêu gọi máu xương và thù hận :’’đường vinh quang xây xác quân thù… “, thì quốc kỳ VNCH kêu gọi “vì tương lai núi sông, cùng xông pha khói tên… Thù nuớc lấy máu đào đem báo…” Một bên kêu gào chém giết cho quyền lợi riêng của giai cấp mình, một bên kêu gọi hy sinh cho tổ quốc, dân tộc, ai chính nghĩa hơn ai?

          Quân Lực VNCH không những anh hùng nơi trận tuyến, mà còn đảm đang nơi hậu phương, đã đóng góp xây dựng nông thôn, đem ánh sáng tự do về tận miền xa xôi của đất nước. Quân lực ta không chỉ anh hùng khi còn chiến đấu với vũ khí trong tay, mà còn bất khuất can trường khi thất thế. Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai và hàng trăm chiến sĩ vô danh khác đã tìm cho mình cái chết vinh quang không để lọt vào tay giặc. Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn khi bị cộng sản đưa ra pháp trường đã yêu cầu: “Đừng bịt mắt tôi, để tôi còn được thấy đồng bào tôi trước khi chết.” Trong các trại tù cải tạo, anh em quân nhân VNCH các cấp đã ngoan cường, bất khuất, công khai hoặc âm thầm chống đối cho dù có bị tra tấn, khủng bố triền miên. Thử nghĩ, bọn cán binh Cộng sản bị ta bắt trong chiến tranh có bất khuất cũng chẳng có gì lạ, vì chúng được bảo vệ bởi Công Ước Genève về tù binh, và chúng biết VNCH tôn trọng luật pháp quốc tế, bên cạnh còn có sự giám sát của các nước. Chúng lại có niềm hy vọng lớn lao vì cuộc chiến còn tiếp diễn. Chúng còn hậu phương, còn miền Bắc và các nước phe cộng sản yểm trợ. Ngược lại, anh em quân nhân VNCH có gì sau 1975? Không chính phủ lưu vong, không phong trào kháng chiến bên ngoài để hậu thuẫn; Đồng minh thì bỏ rơi, thế giới thì quay lưng. Họ chỉ còn khí tiết của người chiến sĩ, còn lý tưởng tự do mà tự bảo vệ thanh danh, còn gương Trần Bình Trọng phải noi theo mà thôi.

          Cộng sản đã thất bại không tẩy não được các anh, không làm cho các anh khuất phục dù đã ra sức đàn áp dã man. Năm năm, mười năm, càng lâu càng nuôi ý chí căm thù. Không ngày nào trong các trại giam mà thiếu những hoạt động chống đối, khi âm thầm, khi bùng nổ công khai. Anh em ta đã đoàn kết thương yêu, đùm bọc giúp nhau giữ vững lập trường quốc gia.

          Kỷ niệm ngày Quân Lực năm nay, nhớ lại 30 năm trước, sau khi quân đội làm cách mạng lật đổ chế độ gia đình trị của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đất nuớc đã trải qua một thời kỳ khủng hoảng trầm trọng. Cộng sản thì tăng cường quân đội, vũ khí đe doạ an ninh lãnh thổ, bên trong các chính phủ dân sự nối tiếp nhau cầm quyền nhưng không đáp ứng được nhu cầu tình thế phức tạp. Quân đội phải đứng ra đảm đương trọng trách lèo lái con thuyền quốc gia.

          Quân đội ta trưởng thành nhanh chóng trong giai đoạn này. Chỉ sau vài năm, quân ta làm chủ các chiến trường đẩy cộng quân chạy qua bên kia biên giới Việt Miên để ẩn náu. Ngoài Bắc, Hà Nội tưởng sắp treo cờ hàng vì không chịu nổi bom đạn của Hoa kỳ.

          Thế nhưng, Hoa Kỳ, vì quyền lợi của mình trên chính trường thế giới đã ngầm thỏa hiệp với Nga Sô (Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng Thống Mỹ Richard Nixon và Lãnh Tụ Cộng Sản Liên Sô Leonid Brejnev tại Vladivostok cuối năm 1973), bán đứng VNCH cho khối cộng để đổi lấy vùng dầu lửa Trung Đông5 (5 Trong cùng thời điểm này, có chuyến đi 14 nước Ả Rập của Ngoại Trướng Hoa Kỳ Henry Kissinger để thương lượng. Sau đó, các nước Ả Rập đã yêu cầu Liên Sô rút quân và vũ khí ra khỏi vùng Trung đông, dọn đường cho Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà.) Bên trong, thì chính quyền của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu quay ra đàn áp đối lập và che chở cho một hệ thống tham nhũng làm suy yếu tiềm năng chiến đấu của quân đội, mất niềm tin nơi dân chúng. Những quyết định quân sự sai lạc đã làm anh em chiến sĩ tức tưởi. Đang tiến công vũ bão thì bị gọi dừng quân (sông Thạch Hãn, Quảng Trị 1972), phi pháo Hoa Kỳ thì từ chối yểm trợ khi một trung đoàn ta bị ba sư đoàn Việt Cộng bao vây (trận Snuol), tình báo Mỹ cho tin sai lạc dẫn đến thất bại Hạ Lào, nghi vấn về cái chết tai nạn của Đại Tướng Đỗ Cao Trí giữa lúc quân ta đang tiến công. Rất nhiều điều mà sử sách sau này sẽ phanh phui về một sự phản bội của đồng minh

          Tuy Quân Lực VNCH không chu toàn nhiệm vụ bảo vệ miền Nam thân yêu, nhưng toàn dân miền Nam vẫn dành trọn vẹn lòng yêu thương, kính mến vô bờ với các chiến sĩ. Cả đồng bào miền Bắc, sau một thời gian tiếp xúc, đã phủ nhận sự tuyên truyền của Việt cộng về hình ảnh người chiến sĩ VNCH. Khi những đoàn tàu, xe chở anh em quân nhân miền Nam ra Bắc giam giữ, đến đâu, đồng bào cũng ném lên những món quà nhỏ và trao thầm những ánh mắt thương cảm chứ không biểu lộ hận thù như bọn Việt cộng thường xúi dục.

          Chúng ta vẫn tự hào là ngưới chiến sĩ VNCH, chiến đấu vì lý tưởng tự do, chúng ta không chiến đấu cho một chế độ nào, cho một cá nhân, tập đoàn nào mà chiến đấu vì dân tộc. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù ở phương trời nào, những người trai lính cộng hoà vẫn giữ gìn phong cách, kiên định lập trường, nuôi dưỡng trong tim ý chí sắt đá, thề nguyền diệt cộng, quang phục quê hương, đưa giống nòi qua cơn trầm luân, trả lại cho nhân dân quyền sống làm người ấm no, hạnh phúc. Tuy không còn chiến đấu vũ lực, chúng ta vẫn phải là ngọn đuốc tiền phong trong cuộc đấu tranh trên bình diện văn hoá, tư tưởng cho đến ngày thắng lợi.

(Kỷ niệm Ngày Quân Lực 19-6-1993)

Mời đọc: Đỗ Văn Phúc: Nanh Hùm Nọc Rắn

Cố Trung Tá Lê Hằng Minh Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu đoàn 2 / Thủy Quân Lục Chiến

Tác Giả: Ngọc Thủy

.

Ðất nước Việt đang thời binh biến, Tổ quốc lâm nguy, vang dậy núi sông những lời hiệu triệu anh hào.

 Khi tôi chưa chào đời thì vào giữa năm 1954, theo đoàn người trai quyết xếp bút nghiên để lên đường theo tiếng gọi non sông, làm tròn trách nhiệm người công dân trong thời quê hương khói lửa.

Người thanh niên tên Lê Hằng Minh đã từ giã người mẹ hiền, rời bỏ cuộc sống gia đình ấm êm nơi Hàng Keo – Gia Ðịnh, từ giã mái trường Huỳnh Khương Ninh & Trương Vĩnh Ký sau khi tốt nghiệp Tú Tài để cùng người anh Lê Minh Ðảo (thiếu tướng Lê Minh Ðảo gia nhập khóa 10 trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt, là một trong số những tướng lãnh của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa), lên đường nhập ngũ.

Ông theo học khóa 5 Liên Trường Võ Khoa Thủ Ðức (Khóa Vì Dân) và sau khi ra trường vào đầu năm 1955 với cấp bậc Thiếu Úy Trừ Bị, người chiến sĩ Lê Hằng Minh đã cùng bao chiến hữu khác ngược xuôi khắp nẻo đường đất nước, xông pha vào những trận tuyến ngăn giữ bước quân thù xâm lăng, hầu mong mang yên vui cho mảnh đất miền Nam Tự Do thân yêu.

Ðầu năm 1957, vì muốn vẫy vùng ngang dọc hơn cho thỏa chí tang bồng, ông rời khỏi Sư đoàn 4/ Bộ binh dã chiến (sau này là Sư đoàn 7/ BB) để tình nguyện gia nhập Thủy Quân Lục Chiến, Lực lượng Tổng Trừ Bị nòng cốt của Quân đội VNCH và lần lượt đảm trách các chức vụ: Trưởng Ban 5 TQLC, Trung đội trưởng (Tiểu đoàn 1), Ðại đội trưởng (Tiểu đoàn yểm trợ), (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4), Chiến đoàn phó (Chiến đoàn A) và Tiểu đoàn trưởng (Tiểu đoàn 2/ TQLC).

Tham dự nhiều chiến dịch quan trọng cùng những trận đánh hào hùng trên khắp các mặt trận chiến trường đất nước từ: Ðồng Xoài, U Minh, Bời Lời, Ðầm Dơi, Bến Cát, Ðức Cơ, Plei-me, Bình Ðịnh, Bồng Sơn – Tam Quan, Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Huế, Phù Lưu, Quảng Trị v.v… Với những thành tích chiến đấu dũng cảm, Lê Hằng Minh được thăng cấp Trung úy sau hai năm ra trường và được gởi đi du học khóa Sĩ quan TQLC ở Quantico – Hoa Kỳ năm 1959 – 1960.

Ðầu năm 1959, Lê Hằng Minh đưa Ðại đội Trinh Sát TQLC/ Tân Lập về Sài Gòn tham dự khóa học Nhảy dù ở Trung tâm Huấn luyện Hoàng Hoa Thám tại Bà Quẹo. Trong thời gian huấn luyện này, ông chứng tỏ sự gan dạ và là một cấp chỉ huy gương mẫu, xứng đáng làm gương và hướng dẫn quân nhân thuộc quyền noi theo không nề hiểm nguy. Yêu thích đường bay trên những nấc thang mây thênh thang của người lính Nhảy Dù, Lê Hằng Minh luôn hãnh diện khi chỉ cho mọi người xem huy hiệu “Cánh Dù” luôn gắn trên túi áo ngực mà ông đã đạt được sau khóa huấn luyện. Trong biến cố 11/11/60, ông cùng Ðại Ðội Chiến Ðấu/ TQLC về giải vây cuộc đảo chánh Tổng thống Ngô Ðình Diệm. Sau đó, năm 1960 ông giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Yểm trợ tiếp vận/ Thủy Quân Lục Chiến. Và rồi nổi trôi theo vận hạn quốc gia cùng tình hình đất nước rối ren, thêm một lần nữa, vị Tiểu đoàn trưởng Lê Hằng Minh của TÐ4/TQLC lại là một trong những đơn vị tham gia cuộc đảo chánh Tổng thống vào ngày 1/11/63.

Những biến cố đất nước cùng những thăng trầm của cuộc đời binh nghiệp vẫn không làm mất đi tinh thần quả cảm của một người chiến sĩ với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng tinh thần trách nhiệm đối với đồng bào Tổ quốc, ông vẫn cùng với bao lớp người thanh niên chiến hữu luôn giữ vững sự cang cường chiến đấu như ánh thép gươm đao vẫn lóe sáng mỗi khi lâm trận ngoài địa đầu giới tuyến. Sau khi tu nghiệp khóa AWS ở Hoa Kỳ về (1964 – 1965), đầu tháng 11/1965, Thiếu tá Lê Hằng Minh được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng TÐ2/ TQLC và tên tuổi ông đã gắn liền với danh hiệu “Trâu Ðiên”, một tiểu đoàn lừng danh của Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến nói riêng và của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa nói chung từ trận đánh An Quý vào tháng 2/1966 ở Bồng Sơn – Tam Quan.

Từ tư thế bất ngờ bị phục kích khi tiến chiếm mục tiêu ấp chiến lược này, dù bị bao vây tứ phía bởi sự bố trí sẵn bên ngoài lẫn sự phòng thủ rất mạnh của VC bên trong, bị bắn phá nã đạn như mưa vào các toán quân, nhưng điều đó không làm chùn bước được của những người lính luôn luôn trong tư thế chuẩn bị, sẵn sàng xung phong nên ngay giữa cánh đồng trống, không nơi ẩn nấp, vị TÐT đã cùng với tất cả các chiến sĩ lúc ấy vẫn hiên ngang tràn vào và tiến lên dũng mãnh đến nỗi VC phải khiếp sợ với khí thế hăng như trâu điên của TÐ2 quyết băng mình phá tan lằn lửa đạn, dù phải đối chọi với tử sinh chạm gần trong gang tấc. Kết quả TÐ2/ TQLC toàn thắng chiếm hẳn được mục tiêu tuy phải chịu sự tổn thất vừa chết vừa bị thương mất gần một trung đội, trong số đó có Trung úy Nguyễn Ngọc Ðiệp (khóa 17/ VBÐL) v.v…

Với chiến tích “phản phục kích” vẻ vang này, Tiểu đoàn do Thiếu tá Lê Hằng Minh chỉ huy và yêu cầu sự đề đạt danh hiệu, đã được Bộ tư lệnh TQLC chấp thuận cho mang danh xưng Trâu Ðiên (Crazy Buffalo) biểu tượng sự Cảm Tử, Hi Sinh và Dũng Mãnh. Ngoài ra còn được tuyên dương công trạng trước Quân đội lần thứ tư và được mang dây biểu trưng màu xanh Quân Công Bội Tinh. Bắt đầu từ đó, các tiểu đoàn khác cũng được đặt tên để có những danh hiệu riêng như: Quái Ðiểu, Sói Biển, Kình Ngư, Hắc Long, Thần Ưng, Hùm Xám, Ó Biển, Mãnh Hổ.

Người lính Lê Hằng Minh như chúng ta đã thấy là một chiến sĩ rất gan lì và quả cảm khi xông pha ngoài mặt trận, bởi ông luôn đặt trọng trách hi sinh vì Tổ quốc lên hàng đầu. Nhưng bên trong con người của ông lại là một nghệ sĩ giàu cảm tính và nhân hậu. Ông sinh trưởng trong một gia đình lễ giáo gồm 10 anh chị em. Người mẹ đã tần tảo một mình lo bảo bọc các con khi người Cha đã qua đời năm ông 17 tuổi. Sống và lớn lên từ ngôi nhà cổ kính giữa vườn cây bóng mát xum xuê nơi Hàng Keo nằm trên đường Chi Lăng nối dài, gần chợ Bà Chiểu cạnh đền Lăng Ông nổi tiếng hiển linh, khói trầm nghi ngút quanh năm bên mộ Tả quân Lê Văn Duyệt vẫn tỏa sáng uy linh của bậc trung thần đại nghĩa, phải chăng đã ảnh hưởng phần nào đến tâm tình con người Lê Hằng Minh từ thuở nhỏ. Thích sống đời trai oai phong dũng mãnh nhưng cũng là người yêu văn nghệ, đàn nhạc, thơ văn. Ðôi khi cũng rất ủy mị, ướt át. Tình cảm của ông cũng rất dạt dào đối với anh chị em trong gia đình cùng sự kính trọng, hiếu thảo đối với bậc sinh thành và nhất là tình yêu quê hương đất nước được thể hiện rất rõ nét trong những vần thơ mộc mạc được viết ra từ đáy tâm hồn thiết tha:

(LMH viết vào ngày 25 Tết, Kỷ niệm ngày giỗ Ba. Kính tặng các bà Mẹ vạn nẻo đường con đã gặp)

Trên con đường rong ruổi nghiệp binh đao, ông cũng mang nặng tình thương yêu đối với các chiến hữu, những người cùng chí hướng lên đường nối gót chinh nhân. Cuộc đời của những người chấp nhận Ðời Lính Chiến với tất cả những vui buồn gian khổ:

(LHM thân tặng các chiến sĩ vô danh không vụ lợi và để tang cho cố Thiếu tá Nguyễn Văn Nho và những chiến hữu TÐ4/ TQLC đã hi sinh trong trận chiến Bình Giả cuối tháng 12-1964)

Những lời ấy là tất cả những tâm tình của ông trên bước đường hành quân xuôi ngược đó đây. Qua những trận đánh ác liệt và sau những tiếng súng, người lính trẻ lại trở về với những nỗi niềm cô đơn trăn trở trong những phút giây nhớ nhung và trống vắng:

Và trong những ngày mùa đông rét mướt ở Washington trong thời gian du học, ông trải rộng niềm thương nhớ đến người mẹ hiền và cô em gái út ở quê nhà:

(Tặng em Ánh Tuyết. Ghi một ngày nhớ má 15/1/65. Mùa đông Washington. LHM)

Cuộc sống ông cũng rất chí tình gắn bó với bạn bè đồng đội:

(LHM. Kontum – Dakbla ngày 14/12/65. Một đêm nhớ Soạn và trước khi đi hành quân. * Thiếu tá Tôn Thất Soạn, Thiếu tá Hoàng Tích Thông và Trung úy Tâm).

Và người thanh niên ấy cũng có những phút giây mơ mộng say đắm về tình yêu:

(Bài thơ “Về Phong Dinh” của LHM đã được nghệ sĩ Hồ Ðiệp diễn ngâm trong chương trình Thi Văn Tao Ðàn năm 1966).

Cuộc đời gian khổ của người lính chiến rày đây mai đó, luôn cận kề bên những sống chết hiểm nguy, làm sao dám nghĩ đến chuyện tình yêu và mộng ước mai sau. Nhưng tình cảm đó vẫn không thể thiếu trong trái tim người lính trẻ, vẫn có những nỗi niềm u ẩn, vấn vương, mộng mơ và nhung nhớ…

Ngoài sự yêu thích thơ văn, ông còn là người rất tài hoa về âm nhạc. Học đàn năm 12 tuổi, ông đánh thành thạo tất cả các loại đàn dây và điêu luyện nhất là Tây Ban Cầm với những nhạc khúc cổ điển Tây Ban Nha. Trong thời gian còn đi học, ông thường đệm đàn cho ban nhạc của trường Petrus Ký, ban Khuyến nhạc của Ðài phát thanh Pháp Á và ban nhạc Ðồng Nai (đàn và hát chung với người anh là Lê Minh Ðảo và người em gái kế là Mộng Huyền, một chi tiết nhỏ để nói lên con người hiền lành hiếu thảo của ông là dù mê đánh đàn ca hát tới đâu, xong việc là ông lo sớm về nhà để phụ giúp mẹ việc nhà và săn sóc các em).

Qua hai lần sang Mỹ tu học, ông cũng trau dồi thêm về kiến thức âm nhạc với các danh tài ngoại quốc và đã sáng tác một số ca khúc như: Hoa cài trên súng (1959), Bơ vơ (1960), Người anh chinh chiến (1964), Em là mùa thu (1965), Sao buồn (1966) v.v… Có lẽ, Lê Hằng Minh cũng là người lính duy nhất, dù ở hậu cứ hay bất cứ tuyến đầu trận địa nào, đi đâu cũng mang theo bên mình cây đàn Guitaire yêu quý, hễ có dịp dừng quân hay nghỉ ngơi là ông lại ôm đàn thay cho tay súng, đánh lên những tiếng đàn du dương trầm bổng cùng những ca khúc tuyệt vời cho bạn bè binh lính thưởng thức, tạm quên những gian khổ quân hành, vơi bớt nỗi nhớ nhà, cô đơn. Ông luôn lấy sự hào hiệp, tử tế vui vẻ của mình để đối đãi và cư xử với mọi người chung quanh. Trong chỉ huy, ông nguyên tắc mực thước, sống đời thường lại nhân ái giản dị nên ông được hầu hết các bạn bè chiến hữu dành cho tình cảm thương mến tốt đẹp.

Trong bài viết những cảm nghĩ về một vị chỉ huy khả kính của mình (ÐSST), Thiếu tá Lâm Tài Thạnh đã viết đôi dòng hồi tưởng như sau: Trong những ngày cuối năm 1965 về dưỡng quân tại hậu cứ Thủ Ðức (Tam Hà), hôm đó là một buổi chiều thứ bảy, tôi và Quang chẳng biết làm gì cho qua “chiều cuối tuần cạn túi” trong phòng ngủ độc thân vì cả hai nguyên quán đều ở xa, bà con họ hàng ở Sài Gòn cũng chẳng mấy thân thích gần gũi, còn em gái hậu phương thì cũng chẳng quen biết nhiều với lại điều kiện “đầu tiên” bó buộc. Thôi thì nằm nhà cho ăn chắc mặc bền. Chúng tôi mang quân dụng ra lau chùi đánh bóng để qua thời giờ giữa buổi trưa quá tĩnh lặng, bỗng nghe vang lên tiếng Tây Ban Cầm réo rắt với bản Panama (Cánh buồm xa xứ) khi thì như sóng vỗ lúc chẳng khác cơn gió heo may. Tôi nói nhỏ với Quang: “Ông cũng ở nhà như mình”, Quang trả lời: “Ông chưa có lập gia đình” rồi chúng tôi lại tiếp tục công việc còn dang dở.

Khoảng 30 phút sau, tiếng đàn ngưng hẳn và vào lúc chúng tôi không chuẩn bị để chào kính thì: “Chiều thứ bảy mà không đi bát phố à? Sĩ quan trẻ mà nằm nhà, dở vậy??”. Chúng tôi lúng túng chào tay và cùng trả lời: “Tiền lính tính liền thưa Th/T, với lại chả biết đi đâu”. Ngắn gọn, dứt khoát như khi ban lệnh hành quân: “Mặc quân phục vào, đi với tôi ra hồ tắm “Ngọc Thủy” uống nước giải khát”. Năm phút sau, chúng tôi đã có mặt trên xe do chính Tiểu đoàn trưởng làm tài xế với tôi ngồi kế bên (Quang là khóa đàn em nên cố tình nhường tôi ngồi trước với Ðại Bàng hoặc vì e ngại sơ suất khi nói chuyện nên bán cái cho tôi??). Trước khi rời trại, người còn nói nhỏ: “Mình đi gần đây khỏi gọi HS Danh (tài xế) làm chi, cho chú ta ở nhà với vợ con”. Trong tự nhiên đối xử như một người anh cả trong gia đình sau khi gọi nước uống cho chúng tôi, NT Minh hỏi thăm về nguyên quán, gia đình, học vấn, quân trường v.v…

Từ dè dặt, ngần ngại như lệ thường của bất cứ một Sĩ quan cấp trung đội trưởng nào khi phải trực tiếp tiếp xúc với Ðơn vị trưởng ở cấp cao mà thường khi “chạm mặt” thì chỉ có “Từ chết tới bị thương”, chúng tôi đã vui vẻ trao đổi trả lời các câu hỏi. Dần đà câu chuyện trở nên thân tình có tính cách đời thường thực tế và tươi mát hơn. Trước khi ra về, tôi còn nhớ rõ: “Các sĩ quan trẻ nhiều năng nổ, chịu khó, kỷ luật, ham học hỏi là xương sống và chìa khóa thành công của đơn vị. Các em cố gắng nhé, thôi mình về”. Lời nói chân tình, tha thiết có giá trị động viên cao của cố Niên trưởng Lê Hằng Minh đã làm cho tôi và Quang thực sự xúc động và cảm mến vị chỉ huy đầy đức độ, nghiêm nhưng không “quan liêu”, oai nhưng không “khắc nghiệt”. Gần 10 năm sau có lần tôi đã lặp lại câu nói đó của người cùng toàn thể Sĩ quan TÐ 9 trong ngày tôi nhận chức vụ TÐT.

Nơi hậu cứ Thủ Ðức – Tam Hà là nơi Tiểu Ðoàn 2/ TQLC thường về đây dưỡng quân, sau này còn được gọi là hậu cứ Lê Hằng Minh sau năm 1966.

Trở lại với người chiến sĩ Lê Hằng Minh, khi chiến trường miền Trung càng lúc càng sôi động thì Tiểu đoàn 2/ TQLC cùng những đơn vị bạn càng đi sâu vào những gian lao chiến đấu với tất cả mọi căng thẳng hiểm nguy rình rập từng phút từng giây. Từ đầu mùa hè năm 1966, họ phải điều động và tham dự nhiều trận hành quân liên tiếp suốt ba tháng không ngày về thăm nhà, nghỉ phép. Ðánh Bình Ðịnh, Quế Sơn vừa xong, lại bay vào Quảng Ngãi, rồi về Ðà Nẵng, Huế…

Ngày Quân lực Việt Nam Cộng Hòa được chính thức thành lập và công bố là ngày 19 tháng 6 năm 1966. Ðể tưởng thưởng những phần tử ưu tú có công trong sứ mạng diệt Cộng tại tiền tuyến, một số cấp chỉ huy đơn vị chiến đấu được thăng cấp đặc cách tại mặt trận vào ngày lễ trọng đại này, trong đó có thiếu tá Lê Hằng Minh. Vừa được thăng cấp Trung tá vào ngày 19/6/66, Lê Hằng Minh đã cùng Tiểu đoàn 2 và một số đơn vị tác chiến khác lại lao vào mặt trận Lam Sơn 283 ở Gia Ðặng – Phù Lưu (21/6 đến 23/6), tiếp thêm những trận thắng vẻ vang với sự chiến đấu rất gan lì dũng cảm của họ. Trong một bài phóng sự, ký giả Dzoãn Bình đã viết về chuyến gặp gỡ bất ngờ với Tr/T LHM như sau: “Chúng tôi ghi vào sổ tay và tự nhủ sẽ khai thác về cái chết oai hùng của Thiếu úy Bằng, Ðại đội 3 thuộc TÐ Trâu Ðiên.

Hỏi về sự anh dũng của Đại úy Sứ, tung hoành đè bẹp VC bằng đoàn Cọp Bay M-113. Và lòng tự nhủ sẽ phải “vớ” được con người chỉ huy Trâu Ðiên mà khi nói về cá nhân xuất sắc, phần đông đã khuyên chúng tôi nên đi tìm hai ông Trung tá Lê Hằng Minh và Tôn Thất Soạn. Họ nói: “Hai ông này mới có 31 tuổi nhưng đánh đấm lì lợm “chì” lắm. Cả hai đều là Cọp Biển. Trận Phù Lưu – Gia Ðặng, cả hai đều đứng khơi khơi đánh xung phong như đi biểu diễn”. Thế rồi, chiều 24/6/66, Huế… buồn xa vắng, mưa lất phất… như trời khóc sụt sùi. Chúng tôi đi “lô ca chân” tạt vào văn phòng triển lãm ngó anh em đang bầy biện SKZ và súng Nga vừa thu được. Thình lình, chúng tôi đụng đầu với hai ông quan Cọp Biển. Nhìn vào ngực thấy cái lon bạc trắng, chẳng rõ là cấp gì. Ngó lên nón “bê rê” thấy hai cái bông bạc: cấp Trung tá.

– Ủa! Sao hai ông Trung tá này trẻ quá. Nếu phỏng đoán bạo lắm cũng chỉ nghĩ họ tới 26 tuổi là cùng.

Dù Trung tá Minh để râu mép, nhưng nét mặt tràn đầy nhựa sống, hồn nhiên yêu đời của họ đã giúp chúng tôi mạnh dạn làm quen. Sau màn tự giới thiệu, chúng tôi cùng bước vào một quán nước bên đường trò chuyện. Trung tá Soạn giơ tay giới thiệu: “Ðây, kể về trận đánh ác liệt tại Phù Lưu, tôi xin nhường lời lại cho Tr/T Minh”. Cho đến phút này, con người mang tên Minh mới bắt đầu lên tiếng. Ông cao giỏi lắm là một thước 55, nặng lối 47 ký là tối đa. Khuôn mặt nhỏ nhắn, mắt hơi ốc nhồi, miệng cười rất có duyên, nhờ điểm thêm bộ râu mép đã làm tăng thêm vẻ “bô trai” của Tr/T họ Lê. Nhìn ông có thể nhận ra ngay qua hình ảnh của người anh ruột là Thiếu tá Lê Minh Ðảo ở phòng 3 của QÐ 4. Hai anh em Minh giống nhau như khuôn đúc.

Chúng tôi hỏi: “Tại sao lại đặt tên là Trâu Ðiên?”.

“Vì tụi tôi hăng và xung phong đánh Cộng như Trâu Ðiên, chỉ biết húc tới. Có thể nói chưa hề “thất” trận nào. Tiểu đoàn 2 TQLC được kể là đơn vị nổi nhất và đứng đầu sổ về công trạng”.

Ngừng một lát, ông kể tiếp: “Kỳ này mệt chớ phở, mới đi đánh nhau sơ sơ gần 3 tháng chưa về Sài Gòn. Khi hành quân “cú” Lam Sơn 283, tiểu đoàn Trâu Ðiên mệt – hết muốn đi – vì vác nặng gần trọn ngày. Thế mà tới 5 giờ chiều, khi gần tới đầu làng Gia Ðặng, đơn vị tôi đã bị dồn cục vì mới vượt qua cái cầu. Anh em xúm sát gần nhau. Tôi vội lướt lên hàng đầu để ra lệnh cho họ trở về theo cự ly đã định người này cách người nọ 10 thước. Ði xúm xít bị nó “đớp” thì chết cả đám. Ấy thế rồi, tôi vừa lướt lên đầu thì… thoáng bắt gặp phía trước cách lối 10 thước, 3 cái đầu vội thụp xuống. Linh cảm rất bén nhạy, tôi ra dấu cho toán quân tiên phong nằm ngay xuống, bố trí về phía có địch vừa phát hiện. Tôi cho nổ một loạt đạn trung liên vào cái hố có 3 VC, một tên có thượng liên, hai tên có tiểu liên AK50. Thì ra chúng là tổ viễn tiêu. Nếu không kịp phát giác thì tụi tôi đã lọt vào ổ quỉ.

Bắn loạt đầu, VC trả lời như pháo Tết, may mà chiến sĩ Trâu Ðiên đã nắm chiếm ưu thế và ở ngoài tuyến bố trí của địch. Suốt ngày đi “lô ca chân” mệt mỏi phờ người, thế mà gặp địch, lính lại hò hét xung phong như trâu điên và tất cả quên đói, đánh địch suốt từ năm giờ chiều cho đến chín giờ tối. Bọn chúng rút khỏi trận địa để lại hơn bảy mươi xác chết. Tiểu đoàn Trâu Ðiên lại được lệnh quay về mục tiêu Phù Lưu, cách Gia Ðặng 10 cây số. Vì tiểu đoàn 808 VC đêm trước đã từ Gia Ðặng luồn một lèo “lĩnh” về Phù Lưu. Không thể tưởng tượng được, liền ba đêm ba ngày đi liên miên. Ðánh nhau tơi bời tới 21-6-66, suốt đêm đó mắt thao láo nằm vây địch, thế mà sáng hôm 22-6 lại “tỉnh bơ” đi đuổi địch về Phù Lưu, lại xung phong đánh chiếm từng hầm, diệt từng hố, phải băng suối đánh xáp lá cà với VC suốt từ 4 giờ chiều đến 2 giờ đêm mới khóa tắt họng súng địch…”.

Sau khi kể những chi tiết hấp dẫn về trận đánh, Tr/T Minh nhún vai nói tiếp: Từ nay đến 30/6, cậu chịu khó ra Huế, chúng tôi sẽ mời cậu đi theo hành quân ngay từ lúc mới mở màn, có thế mới viết kỹ và sống động hơn là đánh đấm xong từ khuya rồi mới lò dò ra viết theo kiểu “nghe đồn rằng…”. Tr/T Minh hẹn sẽ khao chúng tôi một chầu khi tái ngộ tại Thanh Thế khi về tới Sài Gòn. Chúng tôi chia tay hai ông Tá và về Sài Gòn viết loạt bài phóng sự, đặc biệt viết thêm chuyện về Lê Hằng Minh trên Nhật báo Sống. Chúng tôi chân thành viết vì yêu mến người chiến sĩ Cọp Biển, đánh giặc hay như chơi đàn. Ra trận đánh nhau bằng súng đạn, xong rồi lại… thản nhiên gảy đàn vui nhộn trước ba quân. Dù đã 31 cái xuân xanh mà… Trung Tá Minh vẫn cô độc. Ông vui với đời Cọp Biển và chịu ế vợ có lẽ vì… tự linh cảm thấy ngày mai… của đời chiến sĩ, thuộc đơn vị đã lẫy lừng danh tiếng về tài xung phong diệt địch… ‘Bài phóng sự chiến trường của Dzoãn Bình”.

Từ trận chiến thắng Lam Sơn vang dội này, báo chí từ Sài Gòn bay ra mặt trận quan sát và phỏng vấn Tr/Tá Lê Hằng Minh. Buổi lễ chiến thắng được tổ chức trọng thể tại Huế. Vòng hoa chiến thắng và huy chương lại một lần nữa ngập trên vai người anh hùng mũ xanh, chỉ huy tiểu đoàn Trâu Ðiên.

Từ Huế, những cánh quân chia ra để xuôi Nam ngược Bắc. TÐ1 (Th/T Phan Văn Thắng) theo Chiến đoàn B (Tr/T Tôn Thất Soạn) di chuyển vào Quảng Ngãi. TÐ2 ở lại An Hòa (phía Bắc thành phố Huế) để nhận tăng phái cho SÐ1/ BB với đoàn quân xa GMC nằm chờ từ chiều ngày 28/6/66 để chuẩn bị di chuyển vào sáng sớm hôm sau.

Sau đây xin được trích phần tường thuật ngắn của vị Ðại úy cố vấn thuộc TÐ2/ TQLC là Thomas E. Campbell về những diễn biến của trận đánh: 27 xe GMC, khởi hành từ An Hòa lúc 7 giờ 30 sáng ngày 29/6 với 573 TQLC. Khi đoàn xe cách Huế khoảng 30 cây số và còn 20 cây số thì đến Quảng Trị theo Quốc lộ số 1, lúc này vào khoảng 8 giờ 30 sáng, di chuyển với tốc độ khoảng 30 – 35 KPH. Hai xe bị bắn bởi đạn 75 ly và bị cháy phải tấp vào lề đường, từ đồi ở phía Tây bắn ra với khoảng cách 400 mét. Ðoàn xe phải ngừng lại, Trung tá Minh ra lệnh cho Bộ chỉ huy/ TÐ di chuyển đến gần đường xe lửa cách lộ khoảng 60 – 75 mét. Việt Cộng từ đường rầy bắn ra rất mạnh. Sau một lúc giao chiến, ông Minh bị thương bởi hai viên đạn trúng ngực. Tôi thấy ông bị thương nặng. Một quả lựu đạn nổ làm tôi bị thương vào tay, cổ nhưng nhẹ. Khi tôi trở lại chỗ Trung tá Minh thì thấy ông đã chết, có lẽ vì trúng miểng lựu đạn vào đầu”.

Tiếp theo xin được trích lại bài viết của ký giả Dzoãn Bình đăng trên Nhật báo Sống về “Trận phản kích tuyệt vời cuối cùng của Trung tá Lê Hằng Minh” sau đây:

“Theo đúng lời hẹn, chúng tôi ra Huế đúng ngày 29/6/66. Ðến Phú Bài lúc 15 giờ chiều, gặp loáng thoáng một đoàn quân nhạc có sĩ quan Cọp Biển đứng chỉ huy. Bên cạnh, có chiếc phi cơ ở phía sau, chúng tôi thấy một quan tài phủ Quốc kỳ. Cũng như lần trước, khi xuống sân bay, chúng tôi cũng gặp cảnh tương tự. Vì thế, lòng chỉ thấy buồn lâng lâng… tay cầm tờ báo Sống, bụng nóng ruột mong téléphone gọi Tr/T Minh để khoe bài báo viết về khí phách của Trâu Ðiên và Tiểu đoàn trưởng Trâu Ðiên. Nhưng… chúng tôi giật mình khi có tiếng la của một Trung sĩ ra lệnh:

– Này, trung đội 2 sửa soạn chào quan tài Trung Tá.

Các tiếng xì xào tự nhiên lọt vào tai tôi:

– Tiểu đoàn Trâu Ðiên vừa đánh bại trận phục kích kinh khủng của VC ở quốc lộ 1.

Chúng tôi lật đật vớ lấy người nói câu này rồi hỏi hấp tấp:

– Có ai chết không?

– Có, Trung tá Tiểu đoàn trưởng chết rồi!

– Có phải Trung tá Minh không?

Không đợi trả lời, chúng tôi chạy như bay ra phía có chiếc quan tài và… quả đã rõ ràng – đúng là vị trí cuối cùng của Trung tá Lê Hằng Minh. Dường như… chúng tôi có chảy nước mắt trong phút giây đó. Cái sự khóc xảy ra thật kỳ dị. Tôi không có ý thức về cái khóc bất thần này. Nhưng… đó là điều ở trong đáy lòng tôi. Cảm thấy bồn chồn, tự nhiên tôi thấy tất cả đều phi lý và trong giây phút như mê ấy, tôi vẫn chưa định thần để nhớ cho kỹ lại, liệu mình đang làm gì? đang ở đâu? và có chuyện chi đang xảy tới. Cảm giác nghẹn ngào xâm chiếm và đè nặng trĩu. Tôi bùi ngùi nói bâng quơ như khấn vái: “Trung tá Minh ơi! Tôi viết bài đề cao tiểu đoàn Trâu Ðiên và viết về Trung tá đây này”. Tôi trịnh trọng trải tờ báo lên nắp quan tài và lấy cái nón bê rê xanh đè chặn lên cho gió khỏi bay. Tôi tưởng như Lê Hằng Minh đang tủm tỉm cười với tôi, một nụ cười ma quái xuyên qua nắp chiếc áo quan… vô lý ấy.

Lòng không định mà tôi đột nhiên đứng nghiêm rất thẳng người để chào anh lần cuối, nước mắt lại ứa ra. Tôi khấn vái lần nữa: “Anh Minh hãy phù hộ cho tôi có nhiều cơ hội đi với các bạn đồng đội của anh, để viết thật nhiều, viết thật đều, để cho triệu người ở phần đất này thông cảm được sự gian khổ của những người lính chiến hôm qua còn đây, hôm nay đã ra người thiên cổ. Có trông thấy cảnh này mới thương đến người chiến binh”.

Tôi cố tưởng tượng và hình dung lại con người anh rồi đột ngột hỏi thăm một Tr/Úy Cọp Biển đứng gác quan tài rằng: “Trung Tá bị… vào đâu?”. Chẳng hiểu tôi là cái “thống chế” gì mà hỏi dồn dập và hơi có vẻ “vô lễ” như vậy, người sĩ quan lắc đầu đáp giọng bùi ngùi: “Ông bị hai phát vào ngực. Tụi nó còn quất thêm một tạc đạn, miểng tạc đạn phá bể sọ”. Tôi rùng mình liên tưởng đến phút giao tranh ác liệt, Tr/Tá Lê Hằng Minh tả xung hữu đột giữa đám cuồng tín như thú dữ. Ông đã bắn đến viên đạn chót và đã gục ngã anh dũng như tất cả các chiến sĩ Cọp Biển từng hi sinh tô thắm cho lá cờ binh chủng, ngày thêm nổi bật truyền thống oai hùng của đoàn quân Cọp Biển”.

Nói Về Một Người Chết là những cảm xúc của nghệ sĩ Tô Kiều Ngân trong bài tạp ghi đăng trên báo năm 1966: “Ðêm văn nghệ đã tàn, anh em TQLC dừng quân tại Kontum tỏ ra hả hê, thoải mái với một chương trình ca vũ hào hứng. Trong ánh sáng mờ mờ, chen giữa những tiếng nhạc dặt dìu, bỗng xuất hiện một người: mắt to, tóc ngắn, quần áo cọp biển, chiếc lon Thiếu tá gắn nơi ngực, bộ râu mép rất xanh, ông ta tới gần ban nhạc, cầm lấy cây lục huyền cầm. Hình ảnh đó chẳng có gì đẹp, vì dáng dấp, quần áo của con người đó đi kèm với chiếc đàn lục huyền quả thật là một cuộc hôn phối không cân xứng. Nhưng tôi giật mình, trước mắt tôi bỗng hiện ra một chân trời chói chang nắng vàng, rồi tiếng hát của bọn du mục giang hồ, những trái cam mọng đỏ, gió của sa mạc, rồi những cuộc đấu bò rừng, tiếng castagnettes reo đều trong tay cô gái Tây Ban Nha quay đều lả lướt.

Mọi người đều ngồi im, hướng về người chiến sĩ đang đàn kia. Ðầu anh hơi cúi thấp, đôi mắt anh ban nãy to và sáng, bây giờ bỗng trở nên dịu hiền. Anh như không chú ý đến mọi người, năm ngón tay lướt trên cần đàn, năm ngón kia búng vào sáu dây gợi lên những tiếng sóng vỗ, mưa sa.

Thật là “thế gian bất hiểu tài hoa khách”. Ðất Kontum giá lạnh, heo hút này đã mang đến cho tôi một bất ngờ. Sau đêm đó, tôi biết anh ta là Hằng Minh, Thiếu tá Lê Hằng Minh, Chiến đoàn phó Chiến đoàn A/ TQLC.

Trở về Sài Gòn, tôi gửi sách lên tặng Minh, Minh viết thư về cho tôi nói rằng rất nhớ “tiếng sáo ru hồn” và Minh gởi cho tôi mấy bản nhạc để trình bày ở Ðài Phát Thanh. Yêu cầu đó đã được đáp ứng. Một chiều hành quân nào đó, Minh đã được nghe vọng ra tiền tuyến tiếng hát của Mai Hương trình bày bài nhạc của anh.

Ít lâu sau, tôi được tin Minh đi đánh giặc ở Bồng Sơn, Phú Yên rồi mới đây, tôi gặp Minh ở Ðà Nẵng trong những ngày khó khăn nhất của tình hình đất nước. Vẫn mớ tóc ngắn, đôi mắt to, bộ râu mép xanh rì, nụ cười hiền hậu. Thì ra Cọp biển bơi hoài, nay Kontum, mai Bồng Sơn, ngày kia đã dạt ra Ðà Nẵng. Gặp nhau ngắn ngủi, chia tay không kịp hẹn hò thì hôm qua đây, Huy Phương đột ngột báo tin cho tôi:

– Anh ơi! Ông Hằng Minh chết rồi.

Tôi sửng sốt, người lặng đi, gai ốc nổi cùng mình. Hằng Minh chết rồi ư? Tôi sững sờ như chưa khi nào nghe tin có người chết mà sững sờ như thế, kể cả lúc tôi nghe tin hai bà má tôi kế tiếp nhau qua đời trong vòng một tháng. Bà mẹ tôi như lá vàng, Hằng Minh là chiếc lá đương xanh.

Buổi chiều ngồi trong quán nước đường Lê Lợi, hai người bạn nói chuyện với nhau về lẽ sống chết ở đời. Có những người bạn vừa cụng ly với ta chiều nay, sáng mai lại đã vĩnh viễn nằm yên, giã từ tất cả. Chuyện đó bây giờ xảy ra như cơm bữa.

Tôi chợt nhớ tới Hằng Minh, người chiến sĩ vừa đánh giặc vừa đánh đàn. Lê Hằng Minh là chiến sĩ, chiến sĩ thì sống chết là chuyện thường nhưng giá Hằng Minh đừng có ngón đàn tuyệt diệu, đừng có một tâm hồn tràn đầy yêu thương thì khi nghe tin anh chết, sự ngậm ngùi cũng không đến nỗi nhiều như thế!”.

Sau ngày cố Tr/T Lê Hằng Minh tử trận, Tổng cục chiến tranh chính trị có cho phát thanh một số chương trình “Thơ và nhạc Lê Hằng Minh”, trích từ những bài thơ và nhạc phẩm do ông sáng tác về tình yêu, tình bạn và đời quân ngũ trên làn sóng Ðài phát thanh Quân đội ở Sài Gòn để tưởng niệm đến một anh hùng mũ xanh đã nằm xuống vì Tổ quốc và dân tộc Việt Nam.

Dẫu cũng là người trai trong thời ly loạn, đã là chiến sĩ cầm súng giữ biên cương, tất cả đều xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, sẵn sàng chấp nhận tử sinh bất cứ giờ phút nào xảy đến với mình nhưng Thiếu tá Lê Minh Ðảo lúc ấy không thể nào ngăn được lòng xót đau khôn cùng trước sự ra đi vĩnh viễn của người em trai thân yêu. Ông đã khóc bằng những giọt lệ đau lòng khi viết nên những dòng chữ hết mực thương yêu:

Minh,

Anh ghi lại cuộc đời em trong khi em đã nằm yên nghỉ dưới lòng đất nước Việt Nam thân yêu, điêu linh và tang tóc này.

“Vì quốc vong thân”, em để lại cho quốc gia này bao nuối tiếc, cho thế hệ 1966 một gương sáng soi chung cùng với một sự thiệt thòi to tát. Quân lực VNCH mất đi một chiến hữu oai hùng, một cán bộ chỉ huy ưu tú, lỗi lạc và gan lì… Văn nghệ Việt Nam mất đi một nhân tài có ngón đàn tuyệt diệu, một thi nhân với những dòng thơ đa cảm tràn đầy yêu thương.

Gia đình chúng ta, lúc em còn sống, tình thương của em, em ban hết cho tất cả mọi người, sự hi sinh của em vô bờ bến. Cho nên, mất em, gia đình mất tất cả, những người còn ở lại không còn đủ nghị lực để tin tưởng vào ngày mai. Riêng anh, sự mất mát thật quá ư lớn lao và tàn nhẫn. Anh mất một đứa em hiền hòa, hiếu thảo, một chiến hữu anh hùng tài ba, một “Bá Nha của Tử Kỳ”, một người tri kỷ… Thật vậy, không ai hiểu anh bằng em, cũng như không ai biết rõ em bằng anh.

Em giã từ thế gian giữa tuổi “hoa niên” đầy mộng mơ, huy hoàng. Bao nhiêu người hướng về em, tin tưởng ở tương lai rực rỡ của em. Thế mà đành phải khóc em, khóc cho con người tài hoa bạc số!

Em như một vì sao. Sáng quá! Rực rỡ quá! Ánh sáng làm lóa mắt mọi người. Tất cả đều hướng nhìn em đang vượt thẳng tít lên cao và tan biến trong vũ trụ bao la để cho mọi người phải bàng hoàng, ngẩn ngơ, tiếc rẻ. Em đã tự tạo cho em một sự nghiệp vĩ đại làm hãnh diện cho gia đình, cho gia tộc họ Lê. Những đời sau này chưa chắc gì con cháu chúng ta sẽ làm được như em.

Hầu hết nhân vật trọng yếu của Quốc Gia mến tiếc em, phúng điếu và đưa linh cữu em đến nơi an nghỉ cuối cùng. Báo chí ngoại quốc và Việt Nam ca tụng em, dành cho em những hàng Tít lớn. Ðài Phát thanh dành những chương trình đặc biệt ca ngợi và thương tiếc người chiến sĩ anh hùng, người nghệ sĩ tài hoa. Nhưng anh nghĩ rằng: “Nói đến Lê Hằng Minh mà chỉ nói đến phương diện ái quốc và nghệ thuật không chưa đủ. Lê Hằng Minh còn có nhiều đức tính cao quý khác. Cuộc sống nội tâm của Hằng Minh chứa đầy những u ẩn, dồn ép của một con người đa sầu đa cảm, quảng đại và vị tha, đem tình thương của mình ban cho tất cả mọi người…”.

Ðó là những lời xúc cảm với muôn vàn đau đớn tiếc thương của Th/Tá Lê Minh Ðảo khi ông chợt nghe tin em trai mình vừa anh dũng hi sinh.

Và trên những tờ nhật báo Sống, Tiền tuyến… với những tin tức đang sôi bỏng ngoài chiến trường trong thời điểm đó, đã ghi lại bài phóng sự tường thuật: Trận phục kích Thần Sầu Quỷ Khốc của T.Ð. Trâu Ðiên như sau:

“Chúng tôi đến thăm trận địa giữa lúc xác địch máu đỏ còn bốc hơi, nằm ngổn ngang dọc đường rầy xe lửa, lẫn bên tử thi của các chiến sĩ Cọp Biển thuộc T.Ð. Trâu Ðiên gục ngã kế bên thân địch, điều đó chứng tỏ quân ta đã đánh cận chiến với quân xung phong của VC cho tới phút thở hơi cuối cùng.

Nhìn chung quanh là những dãy đồi trọc chập chùng bát ngát chạy dài tới vùng Cận Sơn. Ðịch chém vè tẩu thoát về phía núi nhưng binh lực TQLC Mỹ, Thiết giáp và các thiên thần mũ đỏ thuộc Tiểu đoàn 5 Nhảy dù đã được trực thăng vận cấp kỳ nhảy xuống trận địa và tiến sâu vào lòng núi để chận đường rút của địch.

VC phục kích hai mặt dồn ta lọt vào tầm súng địch.

Phòng tuyến bố trí của VC dài 3 cây số. Nơi được chọn làm chiến trường nằm gần ranh giới Quảng Trị – Thừa Thiên, cách Huế 34 cây số. Ðịch nằm ôm lấy con đường số 1. Chúng phục cả hai bên đường. Bên tay mặt, chúng ẩn nấp sau bụi rậm, bố trí SKZ và súng thượng liên khai hỏa bắn ngay vào quân xa gồm 27 chiếc chuyên chở toàn bộ T.Ð. Trâu Ðiên xuất phát từ Huế khoảng 7 giờ sáng 29/6/66.

Tiểu đoàn này có nhiệm vụ ra Ðông Hà dự cuộc hành quân hỗn hợp với Ðồng Minh (T.Ð. này cũng vừa tạo thành chiến tích Phù Lưu đè bẹp T.Ð. 808 VC). Khi súng địch nổ bùng, các chiến sĩ Trâu Ðiên phản ứng tự nhiên bằng cách nhảy khỏi xe, tràn qua tay trái băng qua đồng trống lối vài chục thước để chiếm lãnh cao địa VC là dãy đường rầy xe lửa.

Nhưng địch đã nằm đầy nhóc tại phía này và quân ta đã chạy thẳng vào đúng tầm súng của quân xung phong VC. Trong trường hợp thất thế này chỉ một phút lúng túng là toàn T.Ð. sẽ tan rã trong nháy mắt. Khi mà SKZ nổ từng loạt bắn cháy ngay trong 5 phút đầu 14 xe ngút lửa, khi mà phía địch quét ra hàng loạt thượng liên bắn như mưa rào. Chạy qua phía trái thì đụng vào lưới lửa tập trung hỏa lực của địch đã nắm ưu thế địa hình chọn lựa từ trước. Nhưng Tr/T Lê Hằng Minh, tiểu đoàn trưởng T.Ð. Trâu Ðiên đã tỉnh táo nhận rõ lối mai phục của địch bố trí cả 2 bên đường. Như vậy tầm súng của địch phía đường rầy có thể bắn vào đồng chí của chúng phía bên kia mặt đường sau bụi rậm. Quả đã rõ ràng là VC chỉ bắn thật sự khoảng 5 phút mở màn trận đánh và khi ta nhào qua phía đường rầy xe lửa, thì bọn VC bên này chỉ bắn với mục đích dùng tiếng nổ uy hiếp tinh thần quân ta, xua quân ta chạy về phía bố trí hỏa lực chính của địch. Nhận định tổng quát toàn bộ chiến trường với phản ứng chớp nhoáng, Tr/T Lê Hằng Minh ra lệnh cho Ðại úy tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Hay mang toán quân thoát hiểm sau đợt SKZ phủ đầu dồn toàn lực băng qua đường vượt qua đám lửa khét lẹt mùi xăng và thịt người chết cháy, để xung phong đánh thốc vào phòng tuyến của VC nằm phía bụi rậm. Nếu VC thật sự bắn theo đường bắn thẳng thì chúng sẽ quạt vào quân của chúng đang rời khỏi đường rầy xe lửa để xông vào đánh cận chiến với các chiến sĩ Cọp Biển từ trên đoàn xe bốc cháy nhảy xuống xáp chiến giữa làn sóng biển người của đối phương.

Bên cạnh Tr/T Lê Hằng Minh còn có một trung đội cảm tử có nhiệm vụ bảo vệ cho Ban Chỉ huy TÐ, nhưng các chiến sĩ cảm tử này đã bị hàng trăm quyết tử VC cố ý nhắm vào bộ phận đầu não của ta để lao vào tiêu diệt dù phải đổi giá đắt. Trung Tá Lê Hằng Minh, người chiến sĩ Cọp Biển, anh cả của TÐ2/ TQLC với 31 tuổi xuân tràn đầy nhựa sống ấy đã oanh liệt gục ngã sau khi điều động toàn tiểu đoàn lật ngược thế cờ phản kích địch và giật lại thế chủ động chiến trường.

Ðể giúp bạn đọc có một khái niệm tổng quát về trận phản kích của VC trên quốc lộ 1 ngày 29/6/66, chúng tôi xin lược thuật vài nét chính như sau:

Lực lượng VC gồm có Tiểu đoàn chính quy 800 được tăng cường thêm Ð.Ð. Phòng không C-15 gồm súng nặng 12 ly 7 và đại liên 50 có bánh xe, tăng cường thêm Ð.Ð. C-16 gồm súng cối 82 ly, SKZ 57 ly và 2 cây đại bác 75 ly. Ðơn vị này nhắm đánh xe tăng và yểm trợ cho quân xung phong khi tiến cũng như lúc giải quyết chiến trường. Tăng cường thêm Ð.Ð. C-13 gồm bộ phận truyền tin, điện thoại… Quân số VC tham dự trận phục kích gồm 700 người cộng thêm quân du kích địa phương thuộc đơn vị H99 trang bị các võ khí như carbin garant M1 FM 24×29 v.v… Trận phục kích vận động chiến của VC áp dụng theo kế hoạch chặt đứt đầu (Ð.Ð.1 của Ðại úy Trần Kim Hoàng & Ð.Ð.3 của Trung úy Ðinh Xuân Lãm), cắt làm đôi, rồi khóa chặt đuôi (Ð.Ð.2 của Ðại úy Nguyễn Văn Hay & Ð.Ð.4 của Ðại úy Nguyễn Xuân Phúc) để tiêu diệt bộ phận giữa (Bộ Chỉ huy & Tiểu đoàn trưởng TÐ2).

Trận phục kích này, TÐ. Trâu Ðiên đã phản phục kích thật dữ dội kinh hoàng. Ðánh hết sức mình nhưng sức người có hạn, Tr/T Lê Hằng Minh cùng một số chiến sĩ anh dũng khác như Chuẩn úy Cầu v.v… đã gục ngã sau khi chọc thủng phòng tuyến địch và kịp điều động các chiến sĩ Cọp Biển còn sống sót tập trung binh hỏa lực đánh thốc ngược trở lại phòng tuyến thứ hai của VC. Chắc chắn là cho tới giờ nhắm mắt, Tr/T Minh cũng còn đủ trí minh mẫn để… chết trong niềm hãnh diện vì thế chiến thắng đã lật ngược được ngay sau 15 phút giao tranh và Tr/T Lê Hằng Minh đã oanh liệt đền nợ nước vào phút thứ 30.

Chính vì phản ứng mau lẹ, nhận định tổng quát trận địa và nắm được ý của địch, nên trận phục kích mà VC đã công phu mai phục từ 2 giờ sáng với quân số đông đảo, hỏa lực hùng hậu, chúng tin chắc chỉ sau 10 phút phát hỏa là hơn 400 chiến sĩ Cọp Biển sẽ rơi vào lưới lửa của VC. Kết quả sẽ là phân nửa bị hạ ngay đợt súng đầu tiên và một phân nửa bị lùa đi vì lọt vào giữa “tổ ong” trùng điệp ngập quân thù và… đơn vị tiếp ứng nếu kịp lên tới trận địa thì nhiệm vụ của họ là đi lượm xác đồng đội và lo dập tắt đám cháy của đoàn GMC trúng SKZ 57 ly.

Nhưng kết quả trái lại. Ðại tá Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Sư đoàn 1, đã phải nói thành thật rằng trong đời binh nghiệp của ông, kể cả hồi Pháp, chưa hề thấy trận phục kích nào lại biến thành trận phản kích tuyệt vời như trận đánh trên cây số 34, tại quốc lộ 1 ngày 29/6/66 vừa qua.

Dù đã bị thất thế, trong lúc VC mai phục ở vị trí do chính địch chọn lựa. Quân ta ngồi trên xe, SKZ bắn loạt mở đầu bên ta đã bị trúng đạn 14 xe. Tuy vậy, ai gục thì… đành chịu, còn lại tỉnh táo dựa lưng vào nhau tác chiến ngay…”

(Trích ghi từ phần phóng sự chiến trường)

Vì thế với sự phục kích đại quy mô, lực lượng hùng hậu là một Trung đoàn VC với sự chủ động chọn lựa địa hình mọi ưu thế nắm chắc cùng khẩu hiệu “phải chuẩn bị thật chắc ăn mới đánh” không ngờ gặp sự xung phong chiến đấu dũng mãnh của các chiến sĩ Trâu Ðiên TÐ2/ TQLC cùng sự tài tình đảm lược của vị Tiểu đoàn trưởng khét tiếng đã biến thành trận phản kích lẫy lừng lần thứ nhất tạo thành trên chiến địa Việt Nam.

Khi TÐT Lê Hằng Minh vừa gục ngã cũng là lúc bại quân VC đang cố tìm đường tháo chạy về hướng núi Hồ Bơi, Cánh Giơi v.v… Nhưng Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù đã kịp thời bám sát truy lùng, chận đường tẩu thoát của địch. Giữa lúc trận đánh đang tiếp diễn các cánh quân của Nhảy Dù, Trung đoàn 3, Thiết quân vận M 113, Thủy quân lục chiến Mỹ đang rượt địch thì tướng Walt, Tư lệnh Cọp Biển Hoa Kỳ đã ngồi trực thăng đi quan sát chiến trường. Mặt khác tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn I cũng cùng với Ðại tá Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Sư đoàn I ngồi trực thăng theo sát trận địa. Tướng Walt từ trên nhìn xuống ở ven sông thấy có hai xác VC nằm chết gục bên cây đại bác 75 ly khổng lồ, Tướng Walt thận trọng cho gọi một đơn vị Cọp Biển, có thêm đoàn quân khuyển trực thăng vận xuống bao quanh khu vực này. Sau đó chính tướng Walt đã hạ cánh xuống nơi có cây đại bác 75 và tịch thu mang về Bộ Chỉ huy.

Chỉ trong vòng một tuần lễ với ba chiến thắng Lam Sơn 283 (Phù Lưu – Gia Ðặng); 284 truy kích tiểu đoàn 808 VC và 285 là trận phản phục kích thần sầu của Tiểu đoàn Trâu Ðiên tại mặt trận miền Trung đã vang dội khắp các chiến trường. Ðể viết nên những trang sử xanh này, Trung tá Lê Hằng Minh cùng một số các chiến sĩ oai hùng khác… đã vĩnh viễn ra đi từ chốn Tử Sinh!

Ðến đây, tôi cố hình dung ra buổi sáng kinh hoàng và đầy máu lệ hôm ấy. Một buổi sáng mai còn tươi đẹp ánh nắng vàng rực rỡ. Trên con đường quốc lộ số 1 chạy dài từ Huế ra đến Quảng Trị – Ðông Hà, khói lửa đã bùng lên nơi đoạn đường Cầu Phò Trạch, Phong Ðiền – Thừa Thiên trên cây số 34. Trận chiến diễn ra thật khốc liệt chỉ hơn nửa tiếng thời gian nhưng đã lấy đi bao mạng sống con người và gây ra bao cảnh tang thương, từng ngày từng giờ trên quê hương điêu linh khốn khổ Việt Nam. Ðã bao nhiêu chiến sĩ anh hùng đã nằm xuống như những người vừa ngã xuống nơi đây. Dòng máu thanh xuân của họ đã chảy thắm trên mảnh đất cằn khô quê mẹ cho mạch sống tương lai được thêm phần tốt tươi. Những giờ phút kinh hoàng đau thương ấy chỉ diễn ra ngoài trận địa. Hậu phương, thành phố nơi tôi đang yên vui cắp sách đến trường, chỉ biết hồn nhiên với khung trời tuổi nhỏ, sống cuộc đời êm ả trong mái ấm gia đình. Làm sao có thể biết rõ và thấu hiểu hết được sự hi sinh như thế nào của những người lính chiến và những tàn phá khổ đau trên quê hương khói lửa triền miên ngày ấy.

Người chiến sĩ Lê Hằng Minh đã hiên ngang chiến đấu dưới màu cờ cùng đồng đội, chiến hữu. Và trong buổi sáng đẹp trời hôm đó, anh đã ra đi, dũng cảm và liệt oanh khi tuổi đời thanh niên của anh đang tràn đầy sức sống mạnh mẽ, trẻ trung. Chiếc đàn Guitaire yêu quý mà anh luôn mang theo bên mình cũng đã vỡ tan trước mũi súng quân thù. Cuối tháng sáu, gió Hạ Lào đang thổi về như tiếng mẹ ru buồn bay lướt trên những dãy đồi trọc trống vắng quạnh hiu. Hồn anh du nhập theo bóng núi Trường Sơn trùng trùng ngạo nghễ, để lại xác thân bên ven bờ quốc lộ 1 những niềm đau nuối tiếc sống cuộc đời chưa phỉ, chưa đành đoạn xa rời những người thân yêu quý, xin cho trôi ra dòng biển lớn bao la trước mặt, rửa sạch hết những hờn đau của một kiếp người.

Nắng vàng tươi của buổi sớm mai đang trải rộng mênh mông trên mảnh đất cằn khô sỏi đá, tiễn đưa những người chiến sĩ đã sống và vừa chết cho quê hương. Những người con của Mẹ đã ra đi và nằm xuống, nhưng khí hùng bất tử của các anh vẫn là những giọt nắng vàng tươi lấp lánh và chiếu sáng trong hồn Dân tộc, trong lòng những người còn lại hôm nay và mãi đến muôn đời sau. Trung tá Lê Hằng Minh đã anh dũng đền xong nợ nước vào lúc 8 giờ 50 phút sáng tại chiến trường miền Trung năm 31 tuổi, ngày 29 tháng 6 năm 1966, trong bao niềm tiếc thương của bạn bè, thượng cấp và đồng đội chiến hữu khắp các đơn vị.

Chiều hôm sau, chiếc quan tài phủ lá cờ Tổ quốc đã đưa người chiến sĩ Lê Hằng Minh về Sài Gòn. Chiều hôm ấy mưa rơi tầm tã, gió lạnh tơi bời như những niềm đau cắt ruột của những người thân trong gia đình vừa mất đi một người con, người em, người anh thương yêu. Người mẹ đã cho đi bốn người con trai (Lê Minh Ðảo, Lê Hằng Minh, Lê Hằng Nghi, Lê Quang Thạch) vào trong Quân ngũ. Sau này đã khóc trước sự ra đi vĩnh viễn của 2 người con (Tr/T LHM & T/S LQT) cùng năm tháng mòn mỏi đợi chờ 2 người con còn lại trong lao tù Cộng sản mười mấy năm dài sau biến cố lịch sử 30/4/75 (Thiếu Tướng LMÐ & Ðại úy LHN). Chiếc quan tài buồn đã được đưa về ngôi nhà mà Tr/T LHM đã được sinh ra và lớn lên ở Hàng Keo – Gia Ðịnh. Người Mẹ đã một thân Cò nuôi dưỡng một đàn con với bao dòng nước mắt đau khổ chảy xuôi. Hôm nay thêm một lần chảy xuống thành dòng máu lệ trong trái tim của người mẹ hiền già nua héo hắt! Mọi người trong gia tộc đều thương tiếc và yêu thương LHM đến nỗi cho sơn chiếc quan tài màu trắng là màu ông rất ưa thích lúc sinh thời. Họ đều không được nhìn mặt ông lần cuối mà chỉ biết ôm lấy chiếc quan tài đã phủ kín xác thân, than khóc tiếc thương. Ðám tang của ông được cử hành trọng thể, trang nghiêm với các lễ nghi quân cách, Tổ quốc ghi công, và an táng tại nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi – Sài Gòn. Cố Tr/T Lê Hằng Minh được ân thưởng: Ðệ Ngũ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương, Ðệ Tứ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương, với nhiều Anh Dũng Bội Tinh, Nhành Dương Liễu, Ngôi Sao Vàng, Bạc và nhiều huy chương khác của QLVNCH.

Trên mộ là bức hình cố Trung tá Lê Hằng Minh mặc quân phục, đội nón sắt (do một phóng viên người Mỹ chụp và đăng hình trên báo Marine Corps Gazette & Time News) cùng khắc hai câu thơ “Vì tôi là lính áo rằn. Ra đi nào biết mấy trăng mới về”. Bởi ông đã chọn đời binh nghiệp, hiến cuộc đời cho Tổ quốc, sẵn sàng chấp nhận hi sinh nên đã không dám nghĩ đến tình riêng, sợ vướng khổ cho cuộc đời cô nhi quả phụ nên khi chết vẫn còn độc thân, chưa lập gia đình. Cái chết của Tr/T Lê Hằng Minh đã là một cái tang xót đau lớn cho gia đình, ngờ đâu 6 tháng sau lại thêm sự ra đi vĩnh viễn của người em gái kế là Lê Mộng Huyền đang là một cô giáo hiền hòa tươi trẻ (dạy học trường Quốc Gia Nghĩa Tử), vì không chịu nổi sự buồn đau trước cái chết đột ngột của người anh ruột mà cô hết lòng yêu kính.

Là một sĩ quan ưu tú của quân đội, là một nghệ sĩ vui tính với ngón đàn tuyệt diệu. Tr/T Lê Hằng Minh còn là một người con rất hiếu thảo với mẹ. Dường như ông biết đời lính chiến của mình có thể ra đi bất cứ lúc nào nên ông đã viết một lá thư tỏ bày sự kính yêu cùng một khoản tiền dành dụm được lúc du học ở Hoa Kỳ, để lại cho mẹ sau ngày ông mất đi. Và đây là những dòng hồi ký ông đã ghi lại những cảm xúc và tâm tình lúc bé thơ, thể hiện một con người đa cảm và nhân ái:

“Ngày… tháng… năm…

Bệnh viện Nguyễn Văn Học tục gọi là bệnh viện nhà nước hay nhà thương thí cũng thế. Anh em mình lớn lên bên bệnh viện này, liên hệ mật thiết với nó như bóng với hình. Mình chào đời vào lúc 8 giờ tối ngày 18/5/1935 tức (16/4 năm Ất Hợi) trong khu Bảo sinh, phòng dành cho công chức, do bà sáu Nhiều đứng đỡ…

Hầu như mình thuộc nằm lòng vị trí của bệnh viện, nào là phòng khám bệnh, phát thuốc, trại 1, trại 2, trại 3, trại 4, trại 5, trại 7, trại Bùi Văn Lố và trại bảo sanh. Sở dĩ mình nhớ như vậy vì bao lần má sinh các em, nào lúc ba bệnh, những khi mình ốm đau đều nhờ nó cả!

Mình lớn khôn, đi xa, thấy rộng, mình có cảm tưởng càng ngày bệnh viện càng nhỏ hẹp lại, cằn cỗi, già… theo má mình vậy!

Mỗi lần đi xa trở về, đi ngang bệnh viện, mình trìu mến nhìn, có ý thưa: “Con mới về đây”.

Ngoài má ra, bệnh viện này là bà mẹ thứ hai có công ơn nuôi dưỡng anh em mình khôn lớn khỏe mạnh đến ngày nay!”

“Ngày… tháng… năm…

Ðến trường

Sáng hôm ấy, vào năm 1940, mình được má đưa đến trường Mac Ferrando – Gia Ðịnh.

Ðêm trước, mình thấy nao nao, cảm giác là lạ khi nghe ngày mai mình phải đi học. Mình thấy ba má, chị Hai, chị Ba, anh Tư đều bận rộn việc đi học của mình. Nhứt là anh Tư *, anh vỗ tay dí vào mũi mình, vừa nhảy cà tửng vừa chộ mình. “Ê, mai mày đi học rồi. Ê, ê…”. Mình nghĩ có lẽ vì ảnh đi học mà mình ở nhà đi chơi với anh Xái nên ảnh tị, bây giờ nghe mình đi học ảnh khoái lắm!

Sáng sớm, bị ba đánh thức rất sớm, mình ăn lót lòng cháo trắng với đường, ba cho mình “hai đồng nửa xu” mới tinh, tay ôm cuốn dầu “con thỏ và con rùa”, tay phải nắm tay má rụt rè tới trường… thỉnh thoảng mình buông tay má vạch túi xem hai đồng nửa xu còn không.

Ðến cổng trường, trời… học trò sao mà đông thế. Những đứa lớn đùa giỡn, la lối, rượt bắt nhau như ong vỡ tổ. Mặt mình lúc ấy hình như mếu rồi, mình sợ quá nắm tay má thật chặt, mặt cứ rúc vào tà áo dài bằng hàng trắng thật mới của má, mình ngửi mùi hàng thấy ngọt ngào làm sao! Có những tên lạ cũng mếu, ngơ ngác theo ba má chúng đi xin học như mình!

Trước căn phòng hiệu trưởng, nhiều người dìu con đi học nên có sự chen lấn xảy ra. Có một tên chèn mình vì bị ba nó kéo lên phía trước… Suýt chút bị sút tay khỏi tay má, mình sợ lạc má nên vội thúc vào hông nó thật mạnh khiến hắn khóc ré lên…

Ðến phiên mình vào, trời khiếp, ông Ðốc Mão sao to béo thế. Ông cầm đơn xin học của mình đoạn nhướng mắt nhìn mình qua làn kính trắng, giọng oang oang hỏi má: “Trò Minh chưa đủ tuổi mà học cái gì?”. Má vội đưa tấm danh thiếp giới thiệu của ông Dournot, thanh tra người Pháp, ông này quen với ba sao đó. Bấy giờ ông Ðốc Mão “dịu giọng” ngay: “Thôi được” và ra lệnh người tùy phái dẫn má và mình đến lớp năm A gặp thầy Phước làm mình thất vọng quá. Ðang hi vọng trở về vì chưa đúng tuổi! Mặt méo xẹo, riu ríu theo má đi gặp thầy Phước, tay ông đang cầm cây thước nhịp nhịp vào không khí, mình thấy ông ta nghiêm quá, vội rúc vào lòng má, ôm chân má thật chắc. Thầy Phước khẽ cười, cúi đầu đáp lễ má và nói: “Dạ, bà giao em cho tôi”, tay thì nắm lấy tay mình kéo đi, mình khóc rú lên “má ở đây má ơi!”, má cười gượng, gỡ tay mình đang ôm đùi má và an ủi mình: “Không sao đâu con, má phải về còn đi chợ nữa chớ”. Mình cố gào thét nhưng vô hiệu!

Má đi rồi, thầy Phước vừa dỗ vừa dọa, tay ông cầm cây thước dọa dọa. Không còn má, mình thấy bơ vơ trong thế giới của học đường và sợ hãi trước ông giáo xa lạ, mình hết dám khóc. Thầy Phước dìu mình đến ngồi bàn thứ hai.

Mình lấy tay áo mới, chùi mắt và mũi, khẽ liếc chung quanh, thấy các bộ mặt “mếu” chẳng khác gì mình, chúng đang lấm lét nhìn ông thầy. Mình thấy dường như vừa mất mát cái gì to lớn lắm!

(*) (Anh Tư: Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo)

Ngày… tháng… năm…

Ngày bãi trường đầu tiên

Mình làm quen thế giới học đường được một năm rồi, sau kỳ thi tất cả 52 đứa đều được lên lớp tư. Không biết thông lệ từ hồi nào, ngày bãi trường là học sinh đóng tiền liên hoan đãi Thầy do các tên lớn đề xướng và tổ chức.

Hôm ấy, từ lớp tư trở lên đều liên hoan rầm rộ. Còn lớp mình im ru buồn hiu vì toàn là bé con. Chẳng có tên nào lãnh đạo, thành lớp mình buồn hơn đám ma!

Có lẽ cảm thấy nỗi buồn ấy, hơn nữa sắp xa đám học trò, các tác phẩm do chính tay mình gầy dựng cả năm trời… bất thần có tiếng leng keng của người Tàu già bán kẹo đục đi qua. Thầy Phước vội kêu vào bảo đục 53 phần kẹo, mỗi phần một xu!

Năm mươi ba phần kẹo được đục xong, thầy Phước móc bóp đếm cẩn thận năm tờ giấy một cắc và ba đồng xu, trả tiền kẹo, tay run run…

Lúc ấy, mình hết nhìn người bán kẹo lại nhìn thầy Phước, xong lại nhìn 53 phần kẹo, miệng nuốt nước bọt. Mình thấy thương thầy Phước quá, bao nhiêu lần bị phạt, bị đòn trong năm đều tiêu tan hết…

Thầy Phước tay chắp sau đít, đi qua đi lại như bao ngày, ông ho gằn mấy tiếng có lẽ vì cảm động, đoạn nói: “Các em, hôm nay ngày bãi trường, thầy trò mình bắt đầu xa nhau… Hôm nay, thầy đãi các em một xu kẹo đục, bắt đầu trò Ẩn đi lên lần lượt lãnh kẹo”. Tụi mình lãnh hết, còn lại một phần, ông cầm lấy và ra lệnh ăn. Ðứa nào đứa nấy mặt hớn hở nhìn Thầy đầy trìu mến!

Trong đời mình, có lẽ không có bữa tiệc nào quý và cảm động bằng một xu kẹo đục của thầy Phước…”

Tâm hồn Lê Hằng Minh giàu cảm tình và nhân hậu là thế, nên khi hồi tưởng lại giây phút tôi gặp chú lúc đi lạc giữa súng ống và binh lính ngổn ngang, sợ hãi đứng khóc một mình trong ngày biến cố đảo chánh ở thành Cộng Hòa. Ðang là vị sĩ quan chỉ huy và cũng chắc rất đang bận rộn với những trách nhiệm của mình, vậy mà chú cũng đến bên tôi, dỗ dành cho nín khóc và đưa về tận nhà. Ðó là hình ảnh tôi không quên qua nghĩa cử của một người có tấm lòng nhân ái đối với trẻ em. Và cũng từ cơ duyên đó, 38 năm sau tôi mới có dịp viết, vẽ lại chân dung người lính Việt Nam Cộng Hòa cao đẹp qua hình ảnh cố Trung tá Lê Hằng Minh.

Chú Minh ơi, sau khi cánh cổng rào nhà cháu khép lại, là từ đó cháu không bao giờ còn gặp lại chú nữa. Nhưng hôm ấy, cháu còn giữ lại nơi chú một nụ cười trìu mến vỗ về, dù cháu đã hết sợ và nín khóc từ lúc mới gặp chú. Cả ngày hôm đó, con bé tám tuổi vẫn nhớ tới chú vì còn giữ mấy cánh hoa sứ trắng trong túi áo mà chú đã nhặt và hái cho. Cháu đã đem ép vào những cuốn sách mà cháu yêu thích nhất vì nghĩ hương thơm hoa sứ sẽ còn hoài trên những trang sách.

BÀI DIỄN VĂN HAY NHẤT

.

Tác giả : Luật Sư Georges Graham Vest (1830-1904)
Tại một phiên tòa xử vụ kiện người hàng xóm làm chết con chó của thân chủ. Được phóng viên William Saller của The New York Times bình chọn là hay nhất trong tất cả các bài diễn văn, lời tựa trên thế giới trong khoảng 100 năm qua.

Thưa quý ngài hội thẩm
— Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới này có thể một ngày nào đó hoá ra kẻ thù quay lại chống lại ta.
— Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình yêu thương hết mực rồi có thể là những đứa con vô ơn.
— Những người gần gũi thân thiết ta nhất, những người ta gửi gắm hạnh phúc và danh dự có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành.
— Tiền bạc mà con người có được, rồi sẽ mất đi. Nó mất đi đúng vào lúc ta cần đến nó nhất. Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi một hành động một giờ.
— Những kẻ phủ phục tôn vinh ta khi ta thành đạt có thể
sẽ là những kẻ đầu tiên ném đá vào ta khi ta sa cơ lỡ vận.
— Duy có một người bạn hoàn toàn không vụ lợi mà con
người có được trong thế giới ích kỷ này, người bạn không bao giờ bỏ ta đi, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay tráo trở:
ĐÓ LÀ CON CHÓ CỦA TA.
Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta trong phú quý cũng như trong lúc bần hàn, khi khoẻ mạnh cũng như lúc ốm đau.
Nó ngủ yên trên nền đất lạnh, dù đông cắt da cắt thịt hay bão tuyết lấp vùi, miễn sao được cận kề bên chủ là được.
Nó hôn bàn tay ta dù khi ta không còn thức ăn gì cho nó.
Nó liếm vết thương của ta và những trầy xước mà ta hứng chịu khi ta va chạm với cuộc đời tàn bạo này.
Nó canh giấc ngủ của ta như thể ta là một ông hoàng dù ta có là một gã ăn mày.
Dù khi ta đã tán gia bại sản, thân bại danh liệt thì vẫn còn con chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời.
Nếu chẳng may số phận đá ta ra rìa xã hội, không bạn bè, vô gia cư thì con chó trung thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó làm kẻ bảo vệ ta trước hiểm nguy, giúp ta chống lại kẻ thù….
Và một khi trò đời hạ màn, thần chết rước linh hồn ta đi để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, thì khi ấy tất cả thân bằng quyến thuộc đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ….
Thì khi ấy còn bên nấm mồ ta là con chó cao thượng của ta nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở ra cảnh giác, trung thành và chân thực ngay cả khi ta đã mất rồi…

Chi Nguyen sưu tầm.

QUỐC CA VIỆT NAM CỘNG HOÀ

Thưa quý Niên trưởng và quý Chiến hữu,

Xin chuyển lại lời giải thích của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy về diễn tiến gốc gác bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hoà, mà trước đây có một vài người “khó chịu” cho rằng QUỐC CA VIỆT NAM CỘNG HOÀ của Lưu Hưu Phước, tên cộng sản, viết, tại sao phải dùng để làm quốc ca VNCH?

Năm 1966-1967, phía Bắc Việt cũng lên đài phát thanh Hà nội ong ỏng đòi bản quyền tác giả, rồi xuyên tạc chính phủ VNCH. Chính phủ VNCH đã phản bác rằng, ” bài hát Sinh viên Hành khúc, Tiếng gọi Sinh Viên không ai phủ nhận của tác giả là Lưu Hữu Phước. Nhưng Lưu Hữu Phước sáng tác lúc còn là một học sinh Petrus Ký Sài gòn với lòng yêu nước của học sinh, sinh viên chống Pháp thời đó (1941), trước khi Phước là sinh viên học tại Hà nội năm 1942.  Bà hát này thuộc sở hữu chung của học sinh, sinh viên, thanh niên và của toàn dân. 

Năm 1941, 1942 cộng sản, hay Việt Minh chưa lòi mặt ra, chưa có tiếng nói thì làm gì có quyền đòi sở hữu bài hát này? 

VNCH đã dùng nhạc “Sinh viên Hành khúc” là tài sản chung của tòan dân, chuyển đổi lời cho phù hợp thời cuộc tranh đấu cho dân tộc độc lập, thành Tiếng gọi Công dân. Tiếng gọi công dân do một công dân VN chưa phải là cộng sản sáng tác, làm bài quốc ca của VNCH thì không có gì gọi là chiếm đoạt bản quyền của cộng sản? Phía Hà nội im re như ngậm cám!

Nhưng giặc cộng vẫn ra rả kích động, xúi giục, xuyên tạc và tìm cách vô hiệu hoá nó khỏi lòng người dân VNCH dù ở trong nước hay ở hải ngoại. Hiện nay Việt cộng có nhiều tiền do chúng ta gởi về nuôi chúng nhiều hình thức, nên chúng dùng tiền đó tung ra đánh lại cộng đồng Việt ở hải ngoại cho tan rã. Chúng dùng mọi thủ đoạn để triệt tiêu bài quốc ca Tiếng Gọi Công Dân này và quốc kỳ VNCH. 

Chúng ta hãy cảnh giác đừng mắc mưu “vì khó chịu” mà tiếp tay giặc đánh phá lại chúng ta.

Lê Đình Thọ

QUỐC CA VIỆT NAM (GS. Nguyễn Ngọc Huy)

A. SỰ XUẤT HIỆN CỦA Ý NIỆM QUỐC CA TRONG LỊCH SỬ NHƠN LOẠI

Ý niệm quốc ca đã từng xuất hiện một lượt với ý niệm quốc kỳ. Từ ngàn xưa, loài người đã có dùng những bản nhạc hay bài ca để đánh dấu sự có mặt của một nhơn vật lãnh đạo. Nhưng thời trước, với chế độ quân chủ, các bản nhạc hay bài hát loại này được xem là biểu tượng riêng của cá nhơn nhà vua, nhá quí tộc hoặc nhà đại diện cho các cự tộc cầm đầu cộng đồng. Về nội dung, nó có thể là một bài để cho nhơn vật lãnh đạo này cầu nguyện trời hay thần linh phù hộ ông, một bài chúc tụng ông, đề cao công nghiệp của ông hay của gia tộc ông, hay một bài mô tả cảnh thái bình thạnh trị, hoặc sự cường thạnh của cộng đồng mà ông là chủ nhơn.

Chỉ với cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789, khi quốc gia được xem là sở hữu của toàn thể mọi người sống trong cộng đồng mới có bài hát được dùng làm biểu tượng chung cho toàn thể quốc dân. Người Pháp đã dùng từ ngữ hymne national để chỉ loại bài hát này. Quan niệm của người Pháp lần lần được người nước khác chấp nhận và người thuộc các dân tộc nói tiếng Anh đã dùng từ ngữ national anthem khi nói đến bài hát tiêu biểu cho nước mình. Hymne national của Pháp hay national anthem theo tiếng Anh đã được người Việt Nam chúng ta dịch là quốc thiều nếu nhấn mạnh trên phần âm nhạc, hay quốc ca khi nhấn mạnh trên phần lời nói.

Về phần thực hiện cụ thể thì bản quốc ca đầu tiên trên thế giới là bài Marseillaise của Pháp. Bài này do một đại úy công binh Pháp tên Rouget de Lisle làm năm 1792 với tên là Chiến Ca Của Lộ Quân Sông Rhin (Chant De Guerre Pour l’Armée Du Rhin). Nhưng sau đó, nó được nổi tiếng khi được một tiểu đoàn chí nguyện quân gồm người gốc ở thị xã Marseille hát trong lúc kéo từ Marseille lên thủ đô Paris nên có tục danh là bài Marseillaise. Bài hát này đã được phổ biến rộng rãi ở Pháp từ năm 1792 và đến năm 1795, nó đã được chánh thức chọn làm quốc ca của Pháp.

Sau khi người Pháp tung ra ý niệm quốc ca, nhiều nước khác đã chấp nhận ý niệm này và đều có quốc ca. Có khi quốc ca được chọn là một bài đã được dùng để đánh dấu sự hiện diện của nhà vua. Ðó là trường hợp bài God Save The King (Trời Phù Hộ Ðức Vua) hay God Save The Queen (Trời Phù Hộ Nữ Hoàng) nếu quốc trưởng là một nữ hoàng. Bài này đã được dùng ở Anh từ trước Cách Mạng Pháp, nhưng đến năm 1825 mới được chánh thức xem là quốc ca của nước Anh.

B. CÁC BẢN NHẠC ÐÃ XUẤT HIỆN Ở VIỆT NAM VỚI TƯ CÁCH LÀ QUỐC THIỀU VÀ QUỐC CA

1. Quốc ca xuất hiện đầu tiên: Bản Ðăng Ðàn Cung của Hoàng Ðế Bảo Ðại

Ở Việt Nam trước đây, cũng như ở các nước quân chủ cổ thời khác, có những bản nhạc và bài hát được dùng trong các lễ long trọng để đánh dấu sự hiện diện của nhà vua. Về ý niệm quốc thều hay quốc ca, nó chỉ xuất hiện ở nước ta khi dân tộc ta bị lọt vào ách thực dân Pháp.

Tuy nhiên, trong gần suốt thời kỳ Pháp thuộc, dân Việt Nam vẫn chưa có quốc thiều và quốc ca. Nam Kỳ lúc ấy là thuộc địa Pháp và khi có các cuộc lễ lớn thì bản nhạc được dùng là bài Marseillaise của người Pháp. Ở Huế thì triều đình nhà Nguyễn có một số bản nhạc được dùng khi có sự hiện diện của nhà vua. Nhưng các bản nhạc trên đây không phải là quốc thiều hay quốc ca theo đúng nghĩa kim thời của nó.

Ðến thời Thế Chiến II, Hoàng Ðế Bảo Ðại mới ấn định quốc thiều và quốc ca một lượt với quốc kỳ. Bản quốc thiều và quốc ca này là bản Ðăng Ðàn Cung. Ðó là một bản nhạc cổ điển của Việt Nam và được triều đình Huế dùng khi nhà vua ngự đến đài Nam Giao để đại diện cho tất cả thần dân làm lễ tế trời. Lễ này ba năm cử hành một lần và được xem là cuộc lễ quan trọng hơn hết của triều đình. Do đó, bản Ðăng Ðàn Cung được xem là bản nhạc trang nghiêm nhứt. Vì vậy, Hoàng Ðế Bảo Ðại đã dùng nó làm quốc thiều và quốc ca trong khi cờ long tinh được chọn làm quốc kỳ. Cũng như cờ long tinh, bản Ðăng Ðàn Cung chỉ được dùng trên lãnh thổ Ðại Nam tức là Trung Kỳ và Bắc Kỳ, còn ở Nam Kỳ bị xem là lãnh thổ Pháp thì bản Marseillaise vẫn phải được dùng.

2. Quốc ca thứ nhì:

bản Việt Nam Minh Châu Trời Ðông thời chánh phủ Trần Trọng Kim

Sau khi Nhựt đảo chánh Pháp và Việt Nam tuyên bố độc lập, chánh phủ Trần Trọng Kim đã ban bố một chương trình hưng quốc ngày 8 tháng 5 năm 1945, trong đó bản Việt Nam Minh Châu Trời Ðông của nhạc sĩ Hùng Lân được chọn làm quốc ca. Lời ca của bản nhạc này như sau:

Việt Nam, minh châu trời Ðông!

Việt Nam, nước thiêng Tiên Rồng!

Non sông như gấm hoa uy linh một phương,

Xây vinh quang ngất cao bên Thái Bình Dương.

Từ ngàn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi.

Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời.

Máu ai còn vương cỏ hoa

Giục đem tấm thân xẻ với sơn hà.

Giơ tay cương quyết,

Ta ôn lời thề ước.

Hy sinh tâm huyết

Ta báo đền ơn nước.

Dầu thân này nát tan tành gói da ngựa cũng cam,

Thề trọn niềm trung thành với sơn hà nước Nam.

Bản quốc ca này được dùng chung với cờ quẻ Ly ở Bắc và Trung Việt, nhưng không được dùng ở Nam Việt vì Nam Việt đã bị người Nhựt thay người Pháp điều khiển một cách trực tiếp và chỉ được trả cho triều đình Huế lúc Hoàng Ðế Bảo Ðại đã sắp thoái vị rồi. Vậy, trong thời kỳ từ khi người Nhựt đảo chánh Pháp cho đến khi Mặt Trận Việt Minh củng cố được chánh quyền của nó ở Nam Việt, cả lãnh thổ này không có quốc ca.

Bài hát được người quốc gia ở Nam Việt dùng khi đứng lên tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam thời đó là bài Thanh Niên Hành Khúc hay Tiếng Gọi Thanh Niên của Thanh Niên Tiền Phong, chung với cờ vàng sao đỏ cũng của tổ chức này.

Như chúng tôi sẽ trình bày sau đây, bản nhạc của bài Thanh Niên Hành Khúc hay Tiếng Gọi Thanh Niên này chính là bản nhạc của bài quốc ca mà chúng ta đang dùng.

3. Quốc ca thứ ba: bản Tiến Quân Ca của tập đoàn CSVN

Khi cướp được chánh quyền, tập đoàn CSVN đã dùng làm quốc ca bản Tiến Quân Ca của nhạc sĩ Văn Cao. Bản nhạc này đã được họ bắt đầu dùng khi tổ chức các đơn vị võ trang đầu tiên và cho đến nay, vẫn được họ dùng làm quốc ca.

4. Quốc ca của Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc

Khi Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc thành lập năm 1946, những người cầm đầu phong trào Nam Kỳ Tự Trị đã dùng làm quốc ca một bản phổ nhạc của mấy câu thơ đầu trong Chinh Phụ Ngâm Khúc mà tác giả là Giáo Sư Võ Văn Lúa, một giáo sư trung học thời Pháp thuộc. Sau đó, Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc lại dùng một bản nhạc khác cũng của vị giáo sư này làm quốc ca, nhưng về nhạc và lời, bản sau này cũng chẳng hơn gì bản trước. Các bản quốc ca quái đản trên đây thật xứng với lá cờ sốt rét dùng làm quốc kỳ cho Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc. Nó đã là một đề tài chế giễu của ngưoi dân Nam Việt lúc đó và ngày nay nhắc lại nó, chúng tôi không biết nên cười hay nên khóc vì tuy hết sức lố bịch, nó đã được dùng làm biểu tượng cho một tổ chức chống lại nền thống nhứt của Việt Nam và đã gây nhiều đau khổ chết chóc cho những người tranh đấu cho nền thống nhứt này.

5. Quốc ca của chúng ta ngày nay

Bản quốc ca của chúng ta hiện nay có một lịch sử đặc biệt. Người sáng tác bản nhạc là Lưu Hữu Phước, một cựu học sinh trường trung học Pétrus Ký và sau là cựu sinh viên Viện Ðại Học Hà Nội. Nếu tôi không lầm thì bản nhạc này đã được soạn ra lúc Lưu Hữu Phước còn học ở trường Pétrus Ký năm 1941, trước khi ra Hà nội. Năm 1942, anh ta là sinh viên của Viện Ðại Học Hà Nội. Thời Thế Chiến II, Viện Ðại Học này là Viện Ðại Học duy nhứt của các nước Ðông Dương. Nó có khoảng 800 sinh viên trong đó phân nửa là người Việt Nam, còn lại là người Khmer, người Lào, người Pháp và ngay cả người một số nước láng giềng như Trung Quốc và các nước Ðông Nam Á Châu.

Vì là Viện Ðại Học duy nhứt của Ðông Dương nên Viện Ðại Học Hà Nội đã họp tập tất cả sinh viên Việt Nam thời đó. Các sinh viên ái quốc gia nhập các chánh đảng cách mạng tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam đã tổ chức những tổ bí mật tại đó. Ðặc biệt Ðại Việt Quốc Dân Ðảng có đảng trưởng là Trương Tử Anh và một cán bộ nồng cốt là Anh Nguyễn Tôn Hoàn học tại Viện Ðại Học Hà Nội thời Thế Chiến II. Anh Nguyễn Tôn Hoàn là người giỏi về nhạc nên được bầu làm Trưởng Ban Âm Nhạc của Tổng Hội Sinh Viên Ðông Dương (Association Générale des Étudiants Indochinois) và anh đã lãnh nhiệm vụ bí mật hướng dẫn các sinh viên hoạt động về văn hóa theo chiều hướng tranh đấu chống thực dân.

Chiều ngày 15 tháng 3 năm 1942, Tổng Hội Sinh Viên Ðông Dương (THSVÐD) đã tổ chức tại Ðại Giảng Ðường của Viện Ðại Học Hà Nội một buổi hát để lấy tiền giúp các bịnh nhơn nghèo của các bịnh viện được dùng làm nơi thực tập cho các sinh viên Khoa Y Dược. Các sinh viên Việt Nam đóng vai tuồng chủ động trong Tổng Hội đã quyết định nhơn cơ hội này tung ra một bản nhạc đặc biệt là Sinh Viên Hành Khúc, tên Pháp là Marche des Étudiants. Anh Nguyễn Tôn Hoàn được ủy nhiệm chọn bản nhạc dùng vào công việc đó. Lúc ấy, Lưu Hữu Phước đã đưa cho anh một số bài nhạc do anh ta soạn. Anh Nguyễn Tôn Hoàn nhận thấy rằng trong tất cả các dự thảo của Lưu Hữu Phước, bản nhạc mà chúng ta hiện dùng làm quốc thiều có tánh cách khích động tinh thần tranh đấu hơn hết, nên đã chọn nó làm nhạc cho Sinh Viên Hành Khúc. Sau đó, một ủy ban soạn lời ca cho bản nhạc này đã được thành lập với Ðặng Ngọc Tốt, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Phan Thanh Hòa, Hoàng Xuân Nhị. Lời ca này gồm ba đoạn với một điệp khúc chung:

I. Này sinh viên ơi! Ðứng lên đáp lời sông núi!

Ðồng lòng cùng đi, đi, mở đường khai lối.

Vì non sông nước xưa, truyền muôn năm chớ quên,

Nào anh em Bắc Nam! Cùng nhau ta kết đoàn!

Hồn thanh xuân như gương trong sáng,

Ðừng tiếc máu nóng, tài xin ráng!

Thời khó, thế khó, khó làm yếu ta,

Dầu muôn chông gai vững lòng chi sá.

Ðường mới kíp phóng mắt nhìn xa bốn phương,

Tung cánh hồn thiếu niên ai đó can trường.

(Ðiệp khúc)

Sinh viên ơi! Ta quyết đi đến cùng!

Sinh viên ơi! Ta thề đem hết lòng!

Tiến lên đồng tiến! Vẻ vang đời sống!

Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng!

II. Này sinh viên ơi! Dấu xưa vết còn chưa xo

Hùng cường trời Nam, ghi trên bảng vàng bia đá

Lùa quân Chiêm nát tan, thành công Nam tiến luôn,

Bình bao phen Tống Nguyên, từng ca câu khải hoàn.

Hồ Tây tranh phong oai son phấn,

Lừng tiếng Sát Thát Trần Quốc Tuấn.

Mài kiếm cứu nước nhớ người núi Lam,

Trừ Thanh, Quang Trung giết hằng bao đám.

Nòi giống có khí phách từ xưa chớ quên,

Mong đến ngày vẻ vang, ta thắp hương nguyền.

(Trở lại điệp khúc)

III. Này sinh viên ơi! Muốn đi đến ngày tươi sáng,

Hành trình còn xa, chúng ta phải cùng nhau gắng!

Ngày xưa ai biết đem tài cao cho núi sông,

Ngày nay ta cũng đem lòng son cho giống dòng.

Là sinh viên vun cây văn hoá,

Từ trước sẵn có nhiều hoa lá.

Ðời mới kiến thiết đáp lòng những a

Hằng mong ta ra vững cầm tay lái.

Bền chí quyết cố gắng làm cho khắp nơi

Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời!

(Trở lại điệp khúc)

Các lời ca tiếng Việt như trên đây được dùng cho sinh viên Việt Nam và có mục đích thúc đẩy người Việt Nam tranh đấu cho đất nước Việt Nam. Nhưng vì như trên đã nói, Viện Ðại Học Hà Nội lúc ấy còn có nhiều sinh viên không phải Việt Nam nên ngoài lời ca tiếng Việt, lại còn có lời ca tiếng Pháp để mọi sinh viên của Viện đều có thể dùng nó được. Lời ca tiếng Pháp này dĩ nhiên là không thể nói riêng về Việt Nam mà phải nói đến cả Ðông Dương để cho phù hợp với tên THSVÐD. Lời ca tiếng Pháp cũng do ủy ban nói trên đây soạn ra:

Étudiants! Du sol l’appel tenacPressant et fort, retentit dans l’espace.

Des côtes d’Annam aux ruines d’Angkor,

À travers les monts, du sud jusqu’au nord,

Une voix monte ravie:

Servir la chère Patrie!

Toujours sans reproche et sans peur

Pour rendre l’avenir meilleur.

La joie, la ferveur, la jeunesse

Sont pleines de fermes promesses.

(Ðiệp khúc)

Te servir, chère Indochine,

Avec coeur et discipline,

C’est notre but, c’est notre loi

Et rien n’ébranle notre foi!

Buổi hát chiều ngày 15 tháng 3 năm 1942 đã đưa đến những kết quả mỹ mãn và bản Sinh Viên Hành Khúc tên Pháp là Marche des Étudiants đã được chánh thức công nhận là bản nhạc của THSVÐD. Mùa hè năm đó, Tổng Hội này lại tổ chức một buổi lễ mãn khoá tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Lần này, có Toàn Quyền Ðông Dương và nhiều viên chức cao cap Pháp khác đến dự. Bản Sinh Viên Hành Khúc được dàn nhạc của Hải Quân Pháp trình tấu. Âm điệu hùng hồn của nó đã làm mọi ngưoi khích động và khi nó được trổi lên, tất cả mọi ngưoi tham dự lễ mãn khoá năm 1942 của Viện Ðại Học Hà Nội, kể cả các viên chức cao cấp Pháp, đều đã nghiêm chỉnh đứng dậy để chào nó.

Sau đó, nó được phổ biến khắp nơi. Các sinh viên Pháp, Khmer và Lào dĩ nhiên là theo lời ca Pháp. Về phía Việt Nam thì các sinh viên chỉ lo đi học chớ không có nhiệt tâm tranh đấu chánh trị cũng chỉ biết có lời ca Pháp. Phần các sinh viên Việt Nam có nhiệt tâm tranh đấu cho nền độc lập của dân tộc thì đem ra phổ biến ở khắp cả ba kỳ, trong kỳ nghỉ hè năm đó với lời ca tiếng Việt, nhứt là đoạn I nói trên đây. Vì thế, từ năm 1943, bài Sinh Viên Hành Khúc đã được người Việt Nam ở cả ba kỳ biết.

Năm 1945, sau khi Nhựt đảo chánh Pháp, Thanh Niên Tiền Phong được thành lập ở Nam Việt và lấy bản nhạc trên đây làm đoàn ca. Tên bản nhạc được đặt lại là Thanh Niên Hành Khúc hay Tiếng Gọi Thanh Niên. Về lời thì hai chữ sinh viên được thay bằng hai chữ thanh niên. Lúc người Pháp trở lại chiếm Nam Việt cuối năm 1945, Thanh Niên Tiền Phong đã huy động người ái quốc Việt Nam ở Nam Việt đứng lên chống lại họ dưới lá cờ vàng sao đỏ và bản Thanh Niên Hành Khúc hay Tiếng Gọi Thanh Niên.

Năm 1948, trong phiên họp lịch sử ở Hongkong giữa Cựu Hoàng Bảo Ðại và một số thân hào nhơn sĩ cùng đại diện các đoàn thể chánh trị và tôn giáo ở Việt Nam, Anh Nguyễn Tôn Hoàn đã đề nghị lấy bản nhạc của Thanh Niên Hành Khúc làm quốc thiều cho Quốc Gia Việt Nam. Hội nghị đã đồng ý và tên bản nhạc được đặt lại là Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân. Về lời ca, đoạn I của bài Thanh Niên Hành Khúc nói trên đây đã được dùng, với hai chữ công dân thay cho hai chữ thanh niên.

Ngày 2 tháng 6 năm 1948, chánh phủ lâm thời Việt Nam được thành lập với Tướng Nguyễn Văn Xuân làm Thủ Tướng và Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân được chánh thức dùng làm quốc ca.

Lúc Ông Ngô Ðình Diệm lật đổ Quốc Trưởng Bảo Ðại để thành lập chế độ cộng hoà, Quốc Hội Lập Hiến được bầu năm 1956 đã có đặt vấn đề chọn một bài quốc ca khác. Tuy nhiên, lúc đó, phần lớn các bản nhạc được đề nghị dùng làm quốc ca đều không đủ tiêu chuẩn để được chấp nhận. Bài duy nhứt được xem là xứng đáng làm quốc ca chính là bài Việt Nam Minh Châu Trời Ðông của nhạc sĩ Hùng Lân đã được chánh phủ Trần Trọng Kim chọn làm quốc ca năm 1945. Tuy nhiên, hai Ông Ngô Ðình Diệm và Ngô Ðình Nhu cuối cùng đã không chấp nhận việc dùng bản Việt Nam Minh Châu Trời Ðông làm quốc ca vì một lý do đặc biệt là:

Năm 1945, hai Ðảng Việt Nam Quốc Dân Ðảng (VNQDÐ) và Ðại Việt Quốc Dân Ðảng (ÐVQDÐ) đã sáp nhập lại làm một với tên chung là Quốc Dân Ðảng và Ðảng này đã lấy bài Việt Nam Minh Châu Trời Ðông làm đảng ca. Sau đó, VNQDÐ và ÐVQDÐ lại tách nhau ra, nhưng cả hai đều giữ đảng ca Việt Nam Minh Châu Trời Ðông. Vì biết được việc này nên hai anh em Ông Diệm đã không chấp nhận bản nhạc này làm quốc ca.

Rốt cuộc, Quốc Hội Lập Hiến năm 1956 đã quyết định giữ lại bản Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân làm quốc ca, nhưng đổi lời lại như sau:

Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng.

Ðồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc gì thân sống.

Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên,

Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền.

Dầu cho thây phơi trên gươm giáo,

Thù nước lấy máu đào đem báo.

Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy.

Ngưoi công dân luôn vững bền tâm tríj

Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi

Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời!

(Ðiệp khúc)

Công dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ!

Công dân ơi! Mau làm cho cõi bờ

Thoát cơn tàn phá, vẻ vang đời sống

Xứng danh ngàn năm dòng giống Lạc Hồng.

Bản nhạc và lời ca này đã được dùng suốt thời Ðệ Nhứt và Ðệ Nhị Cộng Hòa cho đến ngày nay.

C. VẤN ÐỀ THAY ÐỔI QUỐC CA

Nói tóm lại, trừ các bản nhạc vô duyên đã được Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc dùng làm quốc ca, nhưng thật sự không thể xem là quốc ca được, dân tộc Việt Nam có cả thảy bốn bản nhạc xứng đáng với danh nghĩa quốc ca là Ðăng Ðàn Cung, Việt Nam Minh Châu Trời Ðông, Tiến Quân Ca, và Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân. Bốn bản quốc ca này đã được dùng song song với bốn lá quốc kỳ: bản Ðăng Ðàn Cung với cờ long tinh, bản Việt Nam Minh Châu Trời Ðông với cờ quẻ Ly, bản Tiến Quân Ca với cờ đỏ sao vàng và bản Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân với cờ vàng ba sọc đỏ.

1. So sánh các bản quốc ca với nhau

Bản Ðăng Ðàn Cung là bản nhạc cổ điển Việt Nam thuộc loại nhã nhạc. Loại nhạc này có tánh cách nghiêm trang và ôn hòa, trái với dâm nhạc là loại nhạc biểu lộ tình cảm một cách nồng nhiệt và chỉ được dùng trong việc giải trí hay hội họp vui chơi.

Bản Ðăng Ðàn Cung là một bài nhã nhạc dùng trong lễ tế Nam Giao của nhà vua. Do đó, nó có tánh cách trang trọng, nhưng không hùng hồn và không khích động được tinh thần người nghe.

Bản Việt Nam Minh Châu Trời Ðông là một bản tân nhạc có tánh cách khích động hơn bản Ðăng Ðàn Cung, nhưng cái hùng của nó là loại trầm hùng nên không khích động tinh thần người nghe bằng bản Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân. Vì là một hành khúc, bản quốc ca hiện nay của chúng ta khích động tinh thần người nghe một cách mạnh mẽ hơn. Mặt khác nữa, hoàn cảnh lịch sử đã làm cho nó đóng một vai tuồng tích cực trong cuộc tranh đấu cho nền độc lập và tự do của dân tộc Việt Nam.

Thời Thế Chiến II, với tên là Sinh Viên Hành Khúc, nó đã được dùng để đánh thức tinh thần tranh đấu của nhơn dân Việt Nam. Ðến lúc người Pháp đem binh đến để tái chiếm Nam Việt, dưới tên Thanh Niên Hành Khúc hay Tiếng Gọi Thanh Niên, nó đã được dùng để thúc đẩy các chiến sĩ cầm tầm vong vạt nhọn đứng lên tranh đấu với Quân Ðội Viễn Chinh Pháp. Khi nước Pháp chánh thức nhìn nhận nền độc lập và thống nhứt của Việt Nam, nó đã thành bản quốc ca với tên là Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân.

Bản Tiến Quân Ca của CSVN cũng có tánh cách khích động tinh thần người nghe như bản quốc ca của chúng ta. Nhưng về lời ca thì từ hình thức Sinh Viên Hành Khúc qua Thanh Niên Hành Khúc đến Quốc Dân Hành Khúc, bản quốc ca của chúng ta nhiều lắm là nói đến “thù nước lấy máu đào đem báo”còn Tiến Quân Ca với lời “thề phanh thây uống máu quân thù” rõ là sắt máu quá và có thể làm cho thế giới xem dân tộc Việt Nam là dã man.

Về mặt chánh trị, bản Thanh Niên Hành Khúc đã được dùng để thúc đẩy các thanh niên ái quốc Nam Việt cầm tầm vông vạt nhọn chống lại Quân Ðội Viễn Chinh Pháp, trong khi bản Tiến Quân Ca đã được trổi lên để chào đón Quân Ðội này (Pháp) lúc họ đổ bộ ra Bắc Việt theo sự thoả thuận với Hồ Chí Minh trong Sơ Ước ngày 6 tháng 3 năm 1946 (còn gọi là Hiệp định Sơ Bộ). Sau đó, nó đã được dùng khi bộ đội Việt Minh cùng với bộ đội Pháp hợp tác nhau trong Ban Liên Kiểm Việt-Pháp để tiến đánh các chiến khu của Ðại Việt Quốc Dân Ðảng, Việt Nam Quốc Dân Ðảng và Việt Nam Cách Mạng Ðồng Minh Hội.

2. Lý luận của những người muốn đổi quốc ca

Những người muốn đổi quốc ca đã đưa ra nhiều lý luận khác nhau. Trong các lý luận được đưa ra, chỉ có một cái đáng cho chúng ta lưu ý. Lý luận này đặt nền tảng trên chỗ tác giả bản nhạc được chúng ta dùng làm quốc ca là Lưu Hữu Phước, hiện là một cán bộ cộng sản, và Lưu Hữu Phước đã lên tiếng “sỉ vả người quốc gia Việt Nam là vô liêm sỉ” khi lấy bản nhạc của anh ta và đặt lại lời ca để dùng. Một số người quốc gia Việt Nam đã tỏ ra khó chịu về việc này, và những người muốn thay đổi quốc ca đã dựa vào đó để kêu gọi mọi người bỏ bản quốc ca hiện tại.

a. Nhận định về cá nhơn Lưu Hữu Phước

Vì lý luận trên đây dựa vào cá nhơn Lưu Hữu Phước nên chúng ta cần phải biết về cá nhơn này trước khi phán đoán. Thời Thế Chiến II, Lưu Hữu Phước là một sinh viên có tinh thần quốc gia và cũng như nhiều sinh viên khác của Viện Ðại Học Hà Nội, chỉ có chủ trương giành độc lập cho Việt Nam mà không gia nhập đoàn thể chánh trị nào. Lúc CSVN chưa cướp được chánh quyền, Lưu Hữu Phước đã hoạt động với Anh Nguyễn Tôn Hoàn là một cán bộ của Ðại Việt Quốc Dân Ðảng tại Viện Ðại Học Hà Nội.

Lúc CSVN cướp được chánh quyền, Lưu Hữu Phước và một số sinh viên khác gia nhập Ðảng Tân Dân Chủ, một chánh đảng hợp tác với CSVN trong Mặt Trận Việt Minh, nhưng lúc đầu phân biệt với Ðảng CSVN và nhiều khi cạnh tranh lại đảng này. Tuy nhiên, bằng cách vừa mua chuộc, vừa lấn ép, CSVN đã lôi kéo phần lớn các đảng viên Tân Dân Chủ vào Ðảng CS và chỉ còn dùng tên Ðảng Tân Dân Chủ làm một nhãn hiệu để làm cho người ta lầm tưởng rằng chế độ họ xây dựng lên không phải là chế độ độc đảng.

Lưu Hữu Phước thuộc thành phần đảng viên Tân Dân Chủ bị lôi kéo vào Ðảng CS. Anh ta không đủ khí phách để chống lại việc đó và bị loại ra khỏi trường chánh trị như Ðặng Ngọc Tốt, cũng không đủ tinh thần sắt máu để được CSVN tin dùng như Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Trần Bửu Kiếm. Mặt khác, anh ta không có một khả năng đặc biệt về chánh trị mà CSVN có thể khai thác được như Mai Văn Bộ. Trước sau, Lưu Hữu Phước chỉ là một nhạc sĩ. Do đó, CSVN đã dùng anh ta như một văn công, sản xuất nhạc theo lịnh Ðảng và lên tiếng về các vấn đề khác những khi Ðảng thấy cần. Nói tóm lại, Lưu Hữu Phước đã sáng tác bản nhạc của Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân lúc còn là một học sinh Petrus Ký (SG), lên sinh viên có tinh thần quốc gia. Ngày nay, anh ta là một văn công của CSVN và mọi lời phát biểu của anh ta chỉ là do Ðảng CSVN mớm cho.

b. Quan niệm chung của người các nơi trên thế giới về quốc ca

Nhưng dẫu cho lúc sáng tác bản nhạc của Quốc Dân Hành Khúc, Lưu Hữu Phươc đã là một đảng viên cộng sản rồi, và chỉ trích chúng ta dùng bản nhạc đó là do ý anh ta, chúng ta cũng không phải bận tâm về vấn đề này; vì theo quan niệm chung của người các nơi trên thế giới về quốc ca thì khi một bản nhạc đã được quốc dân nhận làm quốc ca, nó không còn của riêng ai nữa mà là của toàn dân. Do đó, cá nhơn người sáng tác bản nhạc cũng như người chọn bản nhạc làm quốc ca không thành một vấn đề đem ra thảo luận.

Chúng ta có một tiền lệ đáng lưu ý về việc này.

Ðó là trường hợp bản Marseillaise được dùng làm quốc ca Pháp. Bản quốc ca này được một nhà quí tộc Pháp là Rouget de Lisle sáng tác năm 1792. Lúc ấy, Vua Louis thứ XVI còn trị vì và Rouget de Lisle là một sĩ quan trong Quân Ðội Pháp. Năm 1793, Vua Louis thứ XVI bị xử tử và Rouget de Lisle bị bắt vì là người quí tộc theo phe bảo hoàng chống lại Cách Mạng. Lúc ấy, Ông Lazare Carnot, Ủy Viên Quốc Phòng của Hội Ðồng Cách Mạng vì muốn cứu một sĩ quan cùng binh chủng với mình, lại là tác giả bản Marseillaise, đã đề nghị Rouget de Lisle tuyên thệ trung thành với Cách Mạng thì sẽ được tha, nhưng Rouget de Lisle từ chối vì không chịu phủ nhận lý tưởng bảo hoàng của mình. Cuối cùng, ông ta chỉ thoát chết vì chánh phủ cách mạng chủ trương Ðại Khủng Bố do Robespierre cầm đầu đã bị lật đổ trước khi bản án tử hình của ông ta được đem ra thi hành. Nhưng mặc dầu sau năm 1793, Rouget de Lisle đã trở thành người chống lại Cách Mạng, chánh quyền cách mạng Pháp vẫn tiếp tục dùng bản Marseillaise do ông sáng tác, và năm 1795 đã chánh thức quyết định lấy nó làm quốc ca.

C. Trường hợp bản Tiến Quân Ca được tập đoàn CSVN dùng làm quốc ca

Bản Tiến Quân Ca được tập đoàn CSVN dùng làm quốc ca vốn do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác trong thời kỳ CSVN chưa cướp được chánh quyền ở Việt Nam. Không rõ lúc ông sáng tác bản nhạc này, Văn Cao đã là một đảng viên cộng sản hay chưa. Nhưng chắc chắn là về sau, ông đã vào Ðảng CSVN. Tuy nhiên, cũng như nhiều văn nghệ sĩ có nhiệt tâm yêu nước thời đó, Văn Cao đã lần lần nhận chân được bộ mặt thật của Cộng Sản. Ðiều đáng quí là ông đã can đảm hơn nhiều người khác như Lưu Hữu Phước chẳng hạn, và đã dám nói lên sự bất mãn và chống đối của mình. Ông đã tham dự phong trào Nhân Văn Giai Phẩm hồi năm 1956, ông đã dứt khoát chống lại Ðảng CSVN. Trong con mắt của CSVN hiện nay, Văn Cao là một phần tử phản Ðảng, phản động, phản cách mạng.

Với chủ trương độc tài sắt máu và lòng tự hào là Ðảng mình lúc nào cũng hành động hợp với chánh nghĩa, CSVN rất xấu hổ về chỗ bản quốc ca họ dùng là sáng tác của một nhạc sĩ phản Ðảng, phản động và phản cách mạng. Bởi đó, họ không chịu theo quan niệm thông thường bắt đầu với lịch sử bản Marseillaise của Pháp, nghĩa là bất chấp lập trường chánh trị về sau của tác giả bản quốc ca. Họ đã treo một giải thưởng lớn cho người sáng tác được một bản nhạc đáng làm quốc ca mới. Nhưng trong nhiều trăm bản nhạc gởi đến dự thi, họ đã không chọn được bản nào ra hồn. Cuối cùng, cộng sản phải hậm hực giữ bản Tiến Quân Ca làm quốc ca.

Người quốc gia Việt Nam chúng ta theo quan niệm thông thường trên thế giới về quốc ca nên không có gì phải hậm hực vì tác giả bản quốc ca chúng ta đang dùng hiện đã trở thành một văn công của CSVN. Và nếu có người nào đem việc Lưu Hữu Phước sỉ vả chúng ta về chỗ đã lấy bản nhạc do anh ta sáng tác làm quốc ca, thì chúng ta có thể bảo họ nên dùng các lời sỉ vả đó đặt trong miệng Văn Cao để gởi cho tập đoàn CSVN.

3. Nhiệm vụ của người quốc gia Việt Nam đối với bản quốc ca Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân

Người quốc gia Việt Nam may mắn có một bản quốc ca hùng hồn được dùng để thúc đẩy người ái quốc tranh đấu cho nền độc lập và sự tự do của dân tộc. Bản quốc ca này rất xứng đáng với lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ. Với giá trị nội tại của chính nó, thêm vào vai tuồng lịch sử mà nó đã đóng góp, nó lúc nào cũng gây sự xúc động mạnh mẽ trong tâm trí người Việt Nam ái quốc. Từ khi được chánh thức dùng làm quốc ca của nước Việt Nam độc lập, nó đã được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến. Tại Việt Nam, nó đã cùng với quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ làm yếu tố hội tập nhiều triệu chiến sĩ quân nhơn cũng như dân sự tranh đấu cho sự tự do của dân tộc Việt Nam. Nó đã là bản nhạc tiễn đưa ra nghĩa trang nhiều trăm ngàn người đã chết vì Tổ Quốc Việt Nam. Như vậy, nó cũng là một bảo vật thiêng liêng của chúng ta y như quốc kỳ.

Hiện nay, bản Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân không còn được chánh thức dùng bên trong nước Việt Nam, nhưng như mọi người Việt Nam ở quốc nội đều biết rằng đó là bản nhạc của người quốc gia chống lại Cộng Sản. Bên ngoài Việt Nam, nó cũng được người ngoại quốc xem là bản nhạc biểu tượng cho người quốc gia chống cộng. Không bản nhạc nào khác có thể thay thế Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân về mặt này. Vậy, việc tôn trọng bản quốc ca đó và tiếp tục dùng nó chung với quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ một cách rộng rãi ở mọi nơi là một công cuộc đóng góp vào việc giải phóng Việt Nam khỏi ách Cộng Sản. Nếu mọi người Việt Nam ở hải ngoại đều đồng tâm nhứt trí để tranh đấu chung nhau thì một ngày không xa lắm, bản Quốc Dân Hành Khúc hay Tiếng Gọi Công Dân sẽ được hát lên ở khắp các nẻo đường đất nước Việt Nam từ mũi Cà Mau đến ải Nam Quan. Chúng tôi nghĩ rằng lúc ấy, chắc chắn không có bài khải hoàn ca nào hay hơn nó được.

Nguyễn Ngọc Huy 

Nguồn gốc Bản Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa

Trần Gia Phụng

Chiều ngày Thứ Ba 14-3-2023, tại Hội đồng Thành phố Toronto, 100% nghị viên hiện diện (38/38) đã bỏ phiếu chấp thuận đề nghị thượng kỳ Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tại Kỳ đài quảng trường Nathan Phillips ở City Hall Toronto ngày Thứ Bảy 29-4-2023 nhân dịp Tưởng niệm 48 năm ngày Quốc hận 30-04.

Chào quốc kỳ song hành với hát quốc ca. Nhân dịp nầy, chúng tôi xin ôn lại nguồn gốc bản Quốc ca Việt Nam Cộng Hòa từ khi được sáng tác năm 1941 cho đến ngày nay.

Một bài hát luôn luôn gồm hai phần là nhạc và lời. Nhạc là nhịp điệu dẫn dắt bài hát. Lời là ca từ diễn ý bài hát. Thông thường trong một bài hát, nhạc là cái sườn, không thay đổi. Lời có thể thay đổi tùy ý tác giả viết ra bài hát, hay có thể thay đổi theo sáng kiến và hoàn cảnh của người sử dụng. Bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cũng thế, được thay lời nhiều lần.

Theo học giả Nguyễn-Ngu-Ý trong bài “Nhớ và nghĩ về bài quốc ca Việt”, đăng trên tạp chí Bách Khoa tại Sài Gòn số 244 ngày 1-3-1967, thì nguồn gốc đầu tiên của bài quốc ca VNCH là bài “Quấc dân hành khúc” do Lưu Hữu Phước, người Cần Thơ (Nam phần), sinh viên Đại học Hà Nội, sáng tác vào giữa năm 1941 tại Hà Nội. (Chữ “Quấc” viết với chữ “â”.)

Nguyễn-Ngu-Ý (1921-1979) là người đồng thời với Lưu Hữu Phước (1921-1989), đã từng làm việc chung với Lưu Hữu Phước tại Hà Nội vào giữa năm 1946. Nhờ vậy, chắc chắn Nguyễn-Ngu-Ý đã nghe Lưu Hữu Phước kể lại đầy đủ lai lịch và những thay đổi của bài “Quấc dân hành khúc”.

Chẳng những thế, sống tại Hà Nội, Nguyễn-Ngu-Ý có thể cũng đã được nghe cả những sinh viên Hà Nội lúc đó, kể chuyện về hoàn cảnh xuất hiện và những thay đổi của bản “Quấc dân hành khúc”. Vì vậy, hy vọng nguồn tin của Nguyễn-Ngu-Ý về bản nhạc nầy là khả tín. (Để đọc tạp chí Bách Khoa và tìm bài viết của Nguyễn-Ngu-Ý, xin vào đài VOA tiếng Việt,)

Cũng theo bài báo của Nguyễn-Ngu-Ý, bản nhạc nầy được chính tác giả Lưu Hữu Phước đổi tên thành “Sinh viên hành khúc” vào cuối năm 1941. Tại đại học Hà Nội, ngoài sinh viên Việt, còn có sinh viên Lào, Cao Miên và cả người Pháp nữa, nên hai sinh viên Mai Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên đặt thêm lời Pháp. Bài hát bằng tiếng Pháp có tên là “La marche des étudiants”. Vua Cao Miên lúc đó là Norodom Sihanouk rất thích bản nhạc bằng tiếng Pháp nầy.

Qua đầu năm 1942, Tổng hội sinh viên Đại học Hà Nội muốn có một bản hành khúc cho riêng sinh viên đại học, nên với sự đồng ý của sinh viên Lưu Hữu Phước, Tổng hội đã mở cuộc thi đặt lời cho bản nhạc của Lưu Hữu Phước.

Hai sinh viên Trường Thuốc (Y khoa) trúng giải là Lê Khắc Thiền (nhứt) và Đặng Ngọc Tốt (nhì). Lời hai bài trúng giải hợp lại cùng với điệp khúc của bài “Sinh viên hành khúc”, thành bản “Tiếng gọi sinh viên”, bài hát chính thức của Đại học Hà Nội.

Bài hát “Tiếng gọi sinh viên” nhanh chóng được truyền tụng trong giới sinh viên, học sinh và phổ biến rộng rãi ra ngoài khuôn viên trường học. Thanh niên các giới say sưa hát bản nhạc nầy, và tự ý đổi hai chữ “sinh viên” bằng hai chữ “thanh niên”, cho phù hợp với khung cảnh xã hội bên ngoài học đường.
Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim từ tháng 4 đến tháng 8-1945, đoàn Thanh Niên Tiền Phong ở Nam kỳ do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lãnh đạo, chọn bài “Tiếng gọi thanh niên” làm đoàn ca của đoàn. (Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, “Những kỷ niệm với bài quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa”).

Năm 1945, mặt trận Việt Minh, tổ chức ngoại vi của đảng Cộng Sản Đông Dương cướp chính quyền và lập ra nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9-1945. Quốc ca của chế độ cộng sản là bản “Tiến quân ca” do Văn Cao sáng tác. Lúc đầu, bài hát nầy có câu rất sắt máu: “… Thề phanh thây uống máu quân thù…”. Ngày nay được đổi thành “… Vì nhân dân chiến đấu không ngừng…”

Chiến tranh Việt Minh-Pháp bùng nổ tối 19-12-1946. Trong lúc chiến tranh xảy ra, Việt Minh cộng sản tiếp tục thi hành kế hoạch giết tiềm lực, tiêu diệt tất cả những thành phần theo chủ trương quốc gia dân tộc, không theo Việt Minh. Những thành phần nầy bị dồn vào thế phải quy tụ chung quanh cựu hoàng Bảo Đại, và vì sống còn, chẳng đặng đừng liên kết với Pháp chống Viêt Minh. Mặt khác, Pháp chiếm các thành phố và vùng phụ cận, đánh đuổi Việt Minh chạy về nông thôn, hay lên rừng núi. Pháp cần tổ chức hành chánh ở những vùng Pháp chiếm được, nên cần một giải pháp chính trị mới. Vì vậy, Pháp cũng muốn nói chuyện với cựu hoàng Bảo Đại.

Do nhu cầu từ cả hai phía, phía những nhà chính trị theo chủ trương dân tộc và phía Pháp muốn thiết lập một cơ chế hành chánh mới, cao ủy Pháp Emile Bollaert tại Đông Dương mời cựu hoàng Bảo Đại hội kiến ngày 6-12-1947, trên chiến hạm Duguay Trouin, thả neo trong vịnh Hạ Long, để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho tình hình lúc bấy giờ. Hai bên đi đến thông cáo chung là sẽ cùng nhau thương thuyết để Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam.

Mở đầu cuộc vận động, cựu hoàng Bảo Đại qua Pháp tiếp tục thương thuyết. Khi về lại Hồng Kông, cựu hoàng thảo luận thêm với các chính khách quốc gia và giao cho thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân thành lập chính phủ trung ương lâm thời, nhằm thảo luận với Pháp một tạm ước về thống nhất đất nước. Nguyễn Văn Xuân đã từng được Hồ Chí Minh cung kính thỉnh mời tham gia vào chính phủ đầu tiên năm 1945, nhưng ông Xuân biết Hồ Chí Minh là cộng sản nên từ chối.

Đối đầu với Việt Minh cộng sản, thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân thành lập chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam tại Sài Gòn ngày 1-6-1948, ban hành “Pháp quy tạm thời” (Statut Provisoire), chọn bài “Tiếng gọi thanh niên” làm quốc ca. (Trần Văn Đôn, Việt Nam nhân chứng, California: Nxb. Xuân Thu, 1989, tr. 75.) Bản quốc ca bắt đầu bằng câu “Này thanh niên ơi …” (Hỏi chuyện tại Montreal ngày 2-12-2017 bác sĩ Từ Uyên, tú tài năm 1951 và giáo sư Bùi Tiến Dũng, tú tài năm 1953. Cả hai ông lúc đó là sinh viên Đại học Hà Nội, thuộc lòng bản quốc ca nầy. Hai ông xác nhận quốc ca lúc đó bắt đầu bằng câu: “Này thanh niên ơi …”)

Sau chính phủ Trung ương Lâm thời, cựu hoàng Bảo Đại tiếp tục thương thuyết và ký kết tại Paris với tổng thống Pháp là Vincent Auriol hiệp định Élysée ngày 8-3-1949, đưa đến việc thành lập chính thể Quốc Gia Việt Nam do Bảo Đại làm quốc trưởng, chống Việt Minh cộng sản.

Chính thể Quốc Gia Việt Nam cũng dùng bài “Tiếng gọi thanh niên” làm quốc ca. Hiệp định Genève ngày 20-7-1954 chia hai đất nước ở vĩ tuyền 17. Chính thể Quốc Gia Việt Nam cai trị miền Nam Việt Nam. Lúc đó, quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Ông Diệm nhậm chức ngày 7-7-1954 (Ngày Song thất). Sau khi ổn định tình hình, thủ tướng Diệm tổ chức trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955. Kết quả quốc trưởng Bảo Đại bị tuất phế, thủ tướng Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, đổi Quốc Gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng Hòa.

Quốc hội Lập hiến Việt Nam Cộng Hòa được bầu ngày 4-3-1956. Trong khi soạn thảo hiến pháp, Quốc hội dự tính tuyển chọn quốc kỳ và quốc ca cho chính thể mới, nhưng chưa chọn được lá cờ và bản nhạc nào ưng ý, nên ngày 31-7-1956, Quốc hội quyết định giữ quốc kỳ và quốc ca cũ. (Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua, California, Nxb. Xuân Thu tái bản, không đề năm, tr. 200.)

Bản quốc ca “ Tiếng gọi thanh niên” được đổi thành “Tiếng gọi công dân”, và mở đầu bằng câu : “Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng…” Đồng thời thay đổi khá nhiều lời so với bài “Tiếng gọi thanh nhiên”. (Những người lớn tuổi, nhứt là những vị di cư sau hiệp định Genève, cho biết sau khi vào Nam Việt Nam năm 1954 một thời gian, thì mới có bài “Tiếng gọi công dân).

Sau đó, Quốc hội lập hiến mở cuộc thi vẽ quốc kỳ và thi sáng tác quốc ca. Có tất cả 350 mẩu cờ và 50 bản nhạc được đề nghị. Ngày 17-10-1956, một lần nữa, Quốc hội lập hiến tuyên bố không chọn được bản quốc ca hay quốc kỳ mới, và quyết định giữ nguyên quốc kỳ và quốc ca cũ làm biểu tương. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 203.) Sau đây là nguyên văn lời bản “Tiếng gọi công dân” thời Việt Nam Cộng Hòa:

Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống.
Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên,
Làm sao cho núi sông, từ nay luôn vững bền.
Dù cho thây phơi trên gươm giáo,
Thù nước, lấy máu đào đem báo.
Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy,
Người công dân luôn vững bền tâm trí.
Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi
Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời!
Công dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ!
Công dân ơi! Mau làm cho cõi bờ
Thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống
Xứng danh nghìn năm giòng giống Lạc Hồng!

Như thế, bài hát “Quấc dân hành khúc” xuất hiện giữa năm 1941, đổi thành “Sinh viên hành khúc” cuối năm 1941, rồi “Tiếng gọi sinh viên” đầu năm 1942. Lúc đó, tinh thần yêu nước của dân chúng trên toàn quốc dâng lên rất cao sau cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và hai tác giả đặt lời là Lê Khắc Thiền và Đặng Ngọc Tốt là những sinh viên yêu nước, sáng tác bản nhạc nầy trong tinh thần yêu nước dạt dào, và chưa theo phong trào Việt Minh cộng sản.

Năm 1945, Lưu Hữu Phước cũng như một số thanh niên khác, vì lòng yêu nước, nghe theo lời phỉnh gạt, gia nhập phong trào Việt Minh, sinh hoạt trong ngành văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền. Vì thuộc thành phần trí thức tiểu tư sản miền Nam, Lưu Hữu Phước không được cộng sản trọng dụng, cũng chẳng giữ một chức vụ gì quan trọng dưới chế độ cộng sản ở Bắc Việt Nan sau hiệp định Genève năm 1954.

Trong chiến tranh 1954-1975, do nhu cầu tuyên truyền và lôi kéo dân chúng Nam Việt Nam, cộng sản Bắc Việt Nam đề cử Lưu Hữu Phước đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng bộ Thông tin Văn hóa năm 1965 trong chính phủ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, một công cụ bù nhìn để tuyên truyền của đảng Cộng Sản, gồm những người gốc miền Nam, kể cả những người không vào đảng Cộng Sản.

Sau năm 1975, “được chim bẻ ná, được cá đá lờ”, đảng Cộng Sản (lúc đó còn tên là đảng Lao Động) giải tán ngay mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, trong đó có bộ trưởng Lưu Hữu Phước. Suốt đời Lưu Hữu Phước bị đảng cộng sản lợi dụng, làm con cờ tuyên truyền, chỉ được cộng sản giao cho làm công tác văn nghệ, tức chỉ làm văn công cho cộng sản mà thôi.

Cần chú ý đến các điểm trên đây để thấy rằng bản nhạc được dùng làm quốc ca Quốc Gia Việt Nam từ năm 1948, rồi quốc ca Viêt Nam Cộng Hòa từ sau năm 1954, là tâm huyết của những sinh viên yêu nước vào những năm 1941, 1942, chứ lúc đó những tác giả nầy không phải là những người theo cộng sản.

Năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản tạm thời cưỡng chiếm. Bản quốc ca “Tiếng gọi công dân” và lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ cùng với người Việt di tản ra hải ngoại, được hát vang khắp nơi trên thế giới. Chẳng những thế, ngày nay bản quốc ca nầy cùng với lá Cờ Vàng bắt đầu sống lại ở trong nước, chẳng những ở Nam Việt Nam mà cả ở Bắc Việt Nam, như là biểu tượng của tự do dân chủ mà toàn dân Việt Nam đang khao khát.

Xin kính mời quý vị đồng hương Toronto và vùng phụ cận tham dự đông đảo LỄ CHÀO CỜ VIỆT NAM CỘNG HÒA vào lúc 12 giờ trưa THỨ BẢY 28-4-2018 tại City Hall Toronto trong buổi Tưởng niệm Quốc hận năm nay, và cùng nhau hát bản quốc ca yêu quý và thiêng liêng của chúng ta.

Trần Gia Phụng

Hình Ảnh Đêm Dạ Tiệc Không Gian và Biển Cả Ngày 4/3/2023

Home / Home page AchivesTin Tức / Bình Luận / Thông Báo / Sinh Hoạt CĐ Sự kiện / Đời Sống MỹHồ Sơ ‘Twitter’Tin Đọc Nhiều Nhất/ Daily News on Youtube/

Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ với dòng nhạc Không Gian và Biển Cả do nhóm Hải quân và Không quân Oregon & Vancouver tổ chức Thứ Bảy ngày 4/3/2023 tại Nhà hàng Mekong Bistro

1- Một số hình ảnh chương trình Đêm văn nghệ Không Gian & Biển Cả “Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ” được ghi nhận trong  buổi tổ chức vào Thứ bảy, ngày 4/3/2023 tại nhà hàng Mekong Bistro qua link đính kèm:

https://photos.app.goo.gl/6Ay8AjNCdEHL6rYa9

2- Một số hình ảnh lưu niệm được ghi nhận trong  buổi tổ chức Đêm Không Gian & Biển Cả “Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ ” – Thứ bảy, ngày 4/3/2023 qua link đính kèm:

https://photos.app.goo.gl/oJ7rNpCFuE74Sf5A6

Chân thành cảm ơn quý Hội Đoàn Hải Quân và Không Quân cùng tất cả quý vị đã tham gia đóng góp cho buổi tổ chức được thành công, vui vẻ thân mật và đoàn kết.

Trân trọng,

Mary Nguyen

Hình ảnh của Nhiếp ảnh gia Vương Sĩ Hùng

.

See more photos…

ALBUM 1https://photos.app.goo.gl/6Ay8AjNCdEHL6rYa9

ALBUM 2https://photos.app.goo.gl/oJ7rNpCFuE74Sf5A6

Album Saigon 30 tháng 4, 1975

Gần 1000 tấm hình được phân loại ra từng Folder cho thấy Người Dân bị kẹt giữa 2 lằn đạn, trách nhiệm đầy tủi nhục đối với Lịch Sử cho những Tướng Lãnh và Chính trị gia khi nhìn được lại những hình ảnh qua sự sụp đổ đầy oan khiên, vô lý của 1 chế độ hoàn toàn chính đại, hoàn toàn oai hùng…

Ngậm ngùi. Chua xót… Nhưng vẫn hy vọng một Chính Nghĩa Dân Tộc

 Album 1 : https://www.flickr.com/…/13476480@…/albums/72157621997665628

Album 2 : https://www.flickr.com/…/13476480@…/albums/72157629544690996

Album 3 : https://www.flickr.com/…/13476480@…/albums/72157655074124850

Album 4 : https://www.flickr.com/…/13476480@…/albums/72157652105357792

Album 5 : https://www.flickr.com/…/13476480@…/albums/72157649545009638

Album 6 : https://www.flickr.com/…/13476480@…/albums/72157650629421230