Dr. Rupert Neudeck, người đã cứu 11.300 người Việt trên biển Đông

Nguyễn Hữu Huấn
Dr. Rupert Neudeck: Sống thanh đạm, hoạt động cao cảRất nhiều người đã cho rằng: Chúa Giêsu và triết gia người Pháp Albert Camus (1913-1960) là hai thần tượng của Dr. Rupert Neudeck, xuyên qua dụ ngôn “Người Samirita nhân hậu” trong Kinh Thánh và “huyền thoại Sisyphos” của Albert Camus, người đoạt giải Nobel văn học qua các sáng tác của ông đã đưa ra ánh sáng những vấn đề phải đặt ra cho lương tâm loài người trong thời đại này. 77 năm trên dương thế của Dr. Neudeck đều được tóm gọn trong niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa với lòng nhân hậu cứu độ tha nhân, bất chấp bất cứ chống đối nghịch cảnh nào, không khác gì một Sisyphos nhỏ bé phải lăn một tảng đá tròn khổng lồ lên đỉnh một ngọn núi dốc cao chót vót. Suốt cuộc đời hành sự nhân đạo cứu người của ông đều được phát xuất từ tinh thần bác ái Thiên Chúa Giáo, cộng với ý tưởng nhân bản qua lời của Albert Camus: “Con người không phải xấu hổ khi mình đang được hưởng hạnh phúc, nhưng họ sẽ phải xấu hổ khi chỉ biết giữ lấy hạnh phúc đó cho riêng mình.”Tôi may mắn – có thể nói là một diễm phúc – lần đầu tiên được hội ngộ với Dr. Rupert Neudeck vào tháng 4 năm 1980, khi ông dẫn đầu phái đoàn của Ủy Ban Cap Anamur có ông Hans Voss (chủ tàu Cap Anamur – người đã hiến tặng tàu này để vớt thuyền nhân VN trong 3 năm mà không nhận tiền thuê mướn) và bà bác sĩ Bärbel Krumme, đến trại tỵ nạn Singapore thăm các thuyền nhân tỵ nạn VN được tàu Cap Anamur cứu vớt. Ông linh hoạt, nhanh nhẹn, áo chemise trắng, quần jean, vai đeo lủng lẳng túi xách màu xám lòng thòng dây nhợ từ cái máy thu băng và tươi cười hỏi thăm từng thuyền nhân ông gặp.Cái tên “Rupert Neudeck” thật rất lạ và chẳng có ý nghĩa gì cho lắm đối với một thuyền nhân tỵ nạn vô danh vừa được tàu Cap Anamur cứu sống trước đó chỉ một tháng.

Không thể ngờ rằng, từ hôm đó cho đến ngày ông lìa đời, tôi được theo chân ông và cùng với ủy ban Cap Anamur và Hội Mũ Xanh (cả hai đều do ông sáng lập), đã có những liên hệ mật thiết, từ các công tác thiện nguyện cứu người đến những sinh hoạt bình thường cá nhân, từ những chuyến công tác xa xôi đến những sợi dây vô hình gắn bó giữa hai gia đình thành một đại gia đình. 34 năm làm việc với gia đình ông, tôi đã học được rất nhiều điều cần phải học; 34 năm cùng chung niềm vui mỗi khi công tác hoàn thành như ý; 34 năm được ông hướng dẫn để vượt qua những khó khăn trong nhiều dự án… và 34 năm cũng là thời gian đủ để hiểu rõ con người ông, cá tính của ông và cả những ước vọng của ông.Sống nhân đức, khổ hạnh, tự nghiêm khắc với mình, rất giản dị, hiền hoà và có đầu óc khôi hài dí dỏm, nhưng lại có những suy nghĩ táo bạo khác người, bướng bỉnh, nhiều khi độc đoán, thẳng thắn chỉ trích chống đối, lì lợm và liều mạng, dám nói dám làm những gì mà người khác chưa nghĩ đến hoặc không dám nghĩ đến: đó là 2 con người đối nghịch trong cùng một con người mang tên Rupert Neudeck, nhưng ông lại thành công trong hầu hết những công việc nhân đạo mà ông muốn thực hiện, khiến những kẻ chống đối đả kích ông trước đây, sau này đều phải cảm phục kính trọng ông.Trong suốt quá trình cứu vớt thuyền nhân tỵ nạn VN từ năm 1979 đến năm 1988, Dr. Rupert Neudeck là người đứng mũi chịu sào trước những chống đối mãnh liệt của hầu hết các chính trị gia trong chính quyền Đức thời đó. Bây giờ, 37 năm đã trôi qua và Dr. Rupert Neudeck cũng không còn nữa, tôi xin kể vài câu chuyện rất ít người biết sau hơn 34 năm học hỏi theo gót chân ông, để tưởng nhớ đến ông và cũng để chúng ta thấy được con người của ông với những táo bạo liều lĩnh và tấm lòng nhân hậu của ông đối với các thuyền nhân tỵ nạn VN cũng như người tỵ nạn trên thế giới nói chung.Thuở ban đầu, ít ai biết chuyện có nhiều phần tử cực đoan quá khích người Đức đã ném từng gói phân vào nhà ông như một hành động chống đối việc ông đang kêu gọi cứu vớt thuyền nhân VN. Ông không nản lòng và bà thì chỉ thấy tội nghiệp cho họ, vì khi họ phải tự gói đóng những thứ này thì chính họ đã phải ngửi trước mùi vị của nó. Nhiều người gọi ông là “tên quái gở” hay là “kẻ buôn người”.Ông chỉ trích thẳng thừng chế độ quan liêu cứng ngắc của chính quyền Đức và sự thờ ơ của các chính trị gia Đức thời đó. Mặc dù là người tu xuất theo Dòng Tên (Jesuits), một tín đồ Công Giáo thuần thành, sau này ông vẫn phê bình cả Giáo Hội Công Giáo Đức là quá hoang phí tiền của để sửa sang nhà thờ, trưng bày hoa nến một cách xa hoa, hay chỉ biết ngày đêm cầu nguyện trong phòng kín mà không thực sự bằng hành động cứu giúp tha nhân đang khốn cùng chết chóc, nghèo đói vì chiến tranh hay thiên tai. Ông kêu gọi phải chấm dứt việc này vì theo ý ông, đó chính là Giáo Hội Công Giáo của ngày mai. Ông cũng không tán thành việc thu thuế nhà thờ từ các tín đồ Thiên Chúa Giáo mà ông cho rằng đó là một trong những nguyên nhân giới trẻ Đức bỏ đạo. Bù lại, ông vui mừng và hãnh diện là thuyền nhân tỵ nạn VN đã đóng góp cho Giáo Hội Công Giáo Đức hơn 10 vị Linh Mục và nhiều tu sĩ nam nữ, thí dụ chỉ trong một ghe tỵ nạn được cứu vớt vào đầu năm 1982 đã có đến 3 vị Linh Mục, 2 hiện ở Đức và 1 ở Úc. Ông còn can đảm công khai chỉ trích và lên án chính sách chà đạp nhân quyền của chính phủ Do Thái đối với người Palestine, một việc mà giới truyền thông Đức không bao giờ dám làm mà chỉ đưa tin và không bao giờ dám phê bình chỉ trích.Hai lần con tàu Cap Anamur bắt buộc phải chấm dứt trở về cảng Hamburg là hai lần đã cứu vớt đủ số lượng thuyền nhân tỵ nạn VN đã được chính quyền Đức phê chuẩn chấp nhận vào định cư tại Đức. Ông đã liều mạng bất chấp luật lệ và hậu quả, ra lệnh cho chúng tôi mỗi lần trước khi trở về phải kéo dài thêm thời gian tìm cứu người vượt biển và cố gắng vớt thêm được càng nhiều càng tốt. Chính vì thế mà lần thứ nhất, tháng 5 năm 1982, chuyến cuối cùng của tàu Cap Anamur I đã mang theo 178 thuyền nhân tỵ nạn cập cảng Hamburg, trong khi con số được chấp thuận chỉ còn vỏn vẹn vài chục. Rồi đến tàu Cap Anamur II sau hơn 3 tháng hoạt động đã phải trở về Hamburg vào tháng 6 năm 1986 với 357 thuyền nhân, trong khi chỉ còn hơn 100 được chấp thuận trước đó. Ông đã mạo hiểm cố tình đẩy chính quyền Đức lúc bấy giờ vào thế tiến thoái lưỡng nan, bắt buộc phải nhận thêm số người thặng dư này vì cả hai con tàu đều mang quốc tịch Đức và cảng mẹ cũng tại Đức (theo luật tỵ nạn LHQ lúc bấy giờ). Cũng trong thời gian này, chính quyền Đức đã hai lần trao tặng ông Huân Chương Danh Dự (Bundesverdienstkreuz), loại huân chương cao quý nhất của Đức; Hai lần ông đều từ chối và sẵn sàng đổi 2 huy chương đó lấy 2 chuyến tàu tiếp tục đi vớt thuyền nhân tỵ nạn VN.Năm 1987, nước Đức cương quyết không nhận thêm thuyền nhân VN nữa, ông hợp tác ngay với hội Y Sĩ Thế Giới của Pháp (Médecins du Monde) cho ra con tàu Cap Anamur III, mang quốc tịch Pháp, nước Pháp nhận hết thuyền nhân (905 người) và ủy ban Cap Anamur chịu tất cả mọi phí tổn. Khi các trại tỵ nạn đóng cửa không tiếp nhận thuyền nhânCùng với chương trình thanh lọc và cưỡng bức hồi hương, thì năm 1989 ông lại âm thầm cho ra khơi liên tiếp 2 con tàu (tháng 6 Cap Anamur IV và tháng 10 Cap Anamur V) với hai mục đích là đánh đuổi bọn hải tặc Thái Lan và giúp đỡ hướng dẫn thuyền nhân VN cập đảo. Đây là một hành động đi ngược lại luật lệ, ngược lại chính sách của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ và các chính quyền đang có trại tỵ nạn tại Đông Nam Á thời bấy giờ. Mỗi khi phát hiện được ghe vượt biển, chúng tôi đưa họ lên tàu, câu luôn cả chiếc ghe. Các thủy thủ có nhiệm vụ kiểm soát an toàn cho chiếc ghe hoặc sửa chữa máy nếu bị hư hại. Các nhân viên y tế khám sức khỏe, phát thuốc và chúng tôi phân phát lương thực cho mọi người. Tất cả đều được đựng trong những túi nylon hoặc chai bằng nhựa, không nhãn hiệu, không xuất xứ để tránh có thể bị phát hiện sau này. Thuyền trưởng có nhiệm vụ chọn ngày giờ tối đen nhất, không trăng sao, tắt tất cả đèn tàu trên boong, lái tàu tiến vào chỗ gần bờ nhất, rồi câu ghe xuống. Chúng tôi dùng đèn pin đưa từng người xuống ghe, giao tận tay anh tài công 1 búa tạ lớn và 1 súng bắn hỏa pháo, dặn dò khi vào đến bờ phải đập tan nát ghe và máy ghe, rồi bắn hỏa pháo để chúng tôi biết được họ đã an toàn cập bờ. Vừa nhìn thấy hỏa pháo, thuyền trưởng tức khắc cho tàu chạy ra xa, chờ khi trời vừa sáng lại tiến vào chạy ngay bờ quan sát. Không cần ống nhòm chúng tôi cũng thấy được chiếc ghe đen đậm màu vỡ nát trên bờ cát trắng với tiếng reo hò của những thuyền nhân trong trại thức sớm.

. Cứ thế, hơn một chục chiếc ghe cập bờ với hàng trăm thuyền nhân được bình an do quyết định âm thầm đầy táo bạo và liều lĩnh của Dr.Rupert Neudeck! Chúng tôi âm thầm ra đi và yên lặng trở về, giới báo chí truyền thông cũng chẳng hay biết gì.Phải nói rằng, nơi nào trên thế giới chiến tranh khốc liệt nhất, người dân bị đầy đọa khốn cùng nhất, nơi nào không ai dám đến nhưng cần phải được cứu giúp thì đều có mặt Dr. Rupert Neudeck, bất chấp hiểm nguy, bất chấp luật lệ. Vào cuối thập niên 80, Nga Sô xua quân xâm chiếm Afghanistan và tàn sát dã man, khiến hàng trăm ngàn người dân vô tội tỵ nạn phải trốn chạy vào các hang hóc trong những dẫy núi hiểm trở tránh bom đạn, không nước uống, không thực phẩm, không thuốc men….Năm 1986, ông đơn thân độc mã với bộ râu hàm, quấn khăn phủ đầu, cưỡi con lừa tả tơi không khác một tín đồ Hồi Giáo đi vào vùng kháng chiến quân Afghanistan (Mudschaheddin) chống quân xâm lăng Nga Sô gần biên giới Pakistan để quan sát và giúp đỡ thực phẩm thuốc men cho họ. Lần đó, đoàn của ông bị trực thăng Nga Sô phát hiện và bắn đuổi bằng súng máy và hỏa tiễn Ông phải trốn chạy hơn 30 tiếng đồng hồ mới thoát qua được biên giới Pakistan. Hai người trúng đạn và 1 con lừa bị đạn. Sau này ông kể lúc đó ông nghĩ mình sẽ không thoát khỏi cái chết nát thây, nhưng ông vững tin vào Thiên Chúa, nhớ về ba người con còn nhỏ dại và như một phép lạ, ông đã thoát chết trở về bình an.Năm 1987 tại Uganda, nhà độc tài quân phiệt Milton Obote tàn sát tập thể dân chúng khiến họ phải chạy trốn đến biên giới Süd-Sudan, ông cũng có mặt tại đây và bị bọn lính chĩa súng bắt phải uống rượu trước khi chúng thả ông.Năm 1988 khi đang cứu trợ dân tỵ nạn Eritrea thì hàng loạt máy bay Migs của quân đội Äthiopie thả bom xối xả. Ông theo đoàn tỵ nạn phải trốn lánh trong hầm sâu hàng giờ và ông thoát chết.Năm 2001, khi nước Đức và nhiều quốc gia Âu Châu đang khủng hoảng vì bệnh dịch thịt bò (BSE), dân chúng sợ hãi căn bệnh chết người không dám ăn và hàng trăm ngàn con bò bị thiêu hủy không cần biết chúng có bị nhiễm hay không, trong khi người dân CS Bắc Hàn đang chết đói hàng loạt vì thiếu lương thực. Ông mướn ngay tàu chở theo hàng trăm con bò chưa/ không nhiễm bệnh từ Âu Châu cứu đói người dân CS Bắc Hàn. Cho đến nay, tôi cũng không biết làm cách nào ông được phép mua lại những con bò ấy, tại sao chính quyền Đức cấp giấy phép cho ông và lý do gì một quốc gia CS khắc nghiệt Bắc Hàn lại đồng ý cho một con tàu viện trợ từ một quốc gia Âu Châu cập cảng. Ông chỉ cười và nói rằng, đây là căn bệnh cố hữu của tư bản nhà giàu, họ luôn… sợ chết, mà dân Bắc Hàn có ai chết vì thịt bò ông cứu trợ đâu?Tháng 5 năm 2013 trong khi cứu trợ người tỵ nạn tại Syrien, 3 thành viên người Đức của ông trong tổ chức “Hội Mũ Xanh” bị phiến quân bắt cóc. Ông không sợ hãi hay nản lòng, không yêu cầu chính phủ can thiệp, không thông tin với báo chí mà tự giải quyết với năng lực và sự khôn khéo của mình. Cuối cùng cả 3 thành viên đã tự giải thoát trở về sau gần 3 tháng bị cầm tù.Những câu chuyện trên cho người ta thấy rõ được con người nhân đạo quyết liệt của Dr. Rupert Neudeck: cứu sống sinh mạng con người phải cấp tốc tức khắc, không chần chừ do dự, không sợ hãi, không ràng buộc luât lệ, không tính toán hơn thiệt, không câu nệ phương thức, không phân biệt màu da, không phân biệt chính kiến… vì theo ông, tất cả đều là con người, và mỗi người đều có trách nhiệm hỗ trợ và cứu giúp lẫn nhau để cùng chung sống an bình.Người ta vẫn không giải thích được, từ đâu và tại sao, một con người mang tên Dr. Rupert Neudeck, với đôi mắt luôn luôn suy tư, mũi to sần sùi với bộ râu trắng phau quanh hàm, một con người làm việc không ngừng nghỉ bất chấp thời gian và không gian, một con người lặn lội khắp nơi, bất chấp khó khăn hiểm nghèo… lại là một con người có một cuộc sống khổ hạnh, gầy còm, da bọc xương nặng chưa đầy 50 ký, ăn mặc giản dị, luôn luôn với cái túi xách lòng thòng trên vai, nhưng lại làm được những việc mà ít ai có thể làm được. Nhiều người phỏng vấn ông, ông trả lời: “Nói thật lòng, đây là một câu hỏi duy nhất mà tôi không có câu trả lời”. Nhiều nhà báo đã mô tả ông là “một cụ già trên 70 nhưng mang một thân xác của chàng thanh niên 18… gầy còm ốm đói”.Tôi không tài nào quên được lần tháp tùng ông về Việt Nam sửa soạn cho hai dự án xây dựng nhân đạo tại Đồng Tháp Mười và U Minh (2006 và 2007) qua đóng góp tài chánh của cựu thuyền nhân VN tại Đức. Ông chọn hãng máy bay thật rẻ, giờ giấc bất tiện và phải chờ đổi chuyến bay rất lâu. Hành trình Frankfurt-Saigon kéo dài đến hai ngày trời vì phải chờ đổi chuyến bay tại xứ CS Bắc Hàn (Pjöngjang-Bình nhưỡng) 10 tiếng đồng hồ, cộng thêm 3 tiếng vì thời tiết xấu. Ông an ủi tôi rằng ít nhất ông có thì giờ yên tĩnh để đọc và viết sách. Ông với tôi gật gù trên hàng ghế vắng tanh, thay phiên nhau canh chừng mấy túi xách tay trước những cặp mắt cú vọ của bọn an ninh Bắc Hàn làm tôi lo sợ không ít.Tôi mua cho ông 1 miếng bánh mì kẹp nhỏ hơn bàn tay và 1 ly cola khoảng 20 ml. Họ đòi 12 US cho miếng bánh mì kẹp và 8 US cho ly coca. Tôi hết hồn! Ông vứt trả lại hết, miệng lẩm bẩm “Die Kommunisten! Unglaublich!” (Bọn Cộng Sản! Không thể tưởng tượng nổi!). Ông bỏ đi trước tiếng la hét chửi bới đòi tiền của tên đàn ông bán hàng. Ông mở túi khoe hai ổ bánh mì kẹp của vợ ông gói cho ông đi đường rồi ăn ngon lành. Chúng tôi đến Saigon khoảng 2 giờ sáng, phi trường vắng tanh.Chúng tôi về nhà của một cựu thuyền nhân Cap Anamur tên M., hiện đang làm thương mại tại đây và cũng là đại diện Hội Mũ Xanh tại VN. Bảy giờ sáng ông đã thức giấc đòi chở lên vùng cao nguyên lúc bấy giờ rất sôi động vì giáo dân Tin Lành nổi dậy chống đối sự đàn áp tôn giáo của chính quyền CS. Anh M. sửa soạn ăn sáng, nhưng ông nhất định lôi chiếc bánh mì kẹp còn lại trong túi xách ra ăn. Khi vừa mở bánh mì ra, tôi thấy có mấy … con gì đó lúc nhúc bên trong vì ông quên vẫn để trong túi xách hầm hơi nóng đã hơn 2 ngày. Ông bình thản nhặt từng con ra, rồi nói với chúng tôi rằng, nhiều người trên thế giới đang đói khát không có mà ăn, mình vứt ra rồi ăn có sao đâu, đừng hoang phí; hơn nữa đây là bánh mì mà bà Christel (vợ ông) đã làm cho ông.Suốt quãng đường Saigon-Kontum-Gia Lai-Saigon ông không ăn, không uống, mà chỉ xem xét, hỏi han và ghi chép, đến nỗi anh tài xế vừa mệt vừa đói không muốn lái xe nữa. Tôi năn nỉ ông cho dừng lại một quán bên đường, ông vẫn ghi chép rồi chau mày hỏi tôi “Cậu cũng phải ăn hay sao?”. Tất cả chúng tôi mệt lả người và đói khát trong khi ông vẫn… tỉnh bơ, âm thầm ghi chép làm việc. Chỉ 5 ngày ở VN, ông đi từ vùng cao nguyên xuống tận U Minh qua Rạch Giá, Vũng Tàu và đến cả Tòa Thánh Cao Đài, Tây Ninh. Ông muốn nhìn tật mắt những nơi thuyền nhân VN đóng ghe vượt biển năm xưa như Bến Đá, Rạch Dừa, bến Ninh Kiều Cần Thơ, Rạch Giá… Tiếc thay những nơi này không còn như xưa. Tôi chở ông bằng xe gắn máy đi thăm nhà thờ Đức Bà, Chùa Vĩnh Nghiêm… rồi ngồi ghế đẩu uống nước quán vỉa hè rất thoải mái. Đêm cuối cùng trước khi về lại Đức, anh M. có nhã ý mời ông dùng cơm tối trên một chuyến tàu lớn chạy vòng quanh trên sông Saigon. Ông đi với vẻ miễn cưỡng. Sau chuyến đi anh M. hỏi ông nghĩ sao, ông trả lời không nhân nhượng: “Uổng phí 3 tiếng đồng hồ làm việc, dùng số tiền ấy đi giúp người nghèo đói có phải tốt hơn không!”.Năm 1986, gia đình ông nhận một chú bé thuyền nhân VN không cha mẹ thân nhân làm con nuôi. Ba năm sau thì được tin người cha ruột của chú bé này vừa được định cư tại Hoa Kỳ và có ý muốn nhận lại con. Ông muốn chính mình đưa chú bé giao tận tay cho gia đình (cha nuôi gặp cha ruột – như ông nói). Tôi liên lạc và thu xếp để ông đi. Người Việt tỵ nạn bên Hoa Kỳ muốn tiếp đón ông như một đại ân nhân thật trang trọng. Cả một phái đoàn người Việt áo quần chỉnh tề với bó hoa thật đẹp. Máy bay đáp xuống, hành khách lần lượt bước ra gần hết nhưng vẫn không ai thấy ông đâu và ai cũng lo sợ nhầm chuyến bay hoặc khả dĩ liệu ông đổi ý vào giờ chót chăng. Bỗng có người thấy một ông già với bộ râu xồm xoàm, gầy đét, quần jean áo bỏ ngoài đang ngồi trong một góc vắng cười đùa nói chuyện với một chú bé VN. Có người đến hỏi ông, ông mỉm cười tự giới thiệu. Lúc đó cả phái đoàn giật mình, đồng loạt cởi bỏ áo vét và cravattes, ngượng ngùng trao ông bó hoa. Ông từ chối mọi phỏng vấn, từ chối mọi tiếp đón để trao tận tay cậu bé cho người cha ruột. Ông từ chối đến khách sạn đòi nghỉ đêm tại nhà cha ruột của cậu bé và trở về lại Đức ngay sáng hôm sau.Năm 1987 sau khi con tàu Cap Anamur III về Pháp, nhiều đoàn thể tổ chức người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ (sau này là Úc và Canada), đã nhiều lần mời Dr. Rupert Neudeck và một số vị ân nhân khác của thuyền nhân tỵ nạn VN sang Hoa Kỳ để vinh danh, đồng thời quyên góp cho những công tác cứu người vượt biển của ủy ban Cap Anamur và tổ chức Medicins du Monde của Pháp do ông Bernard Kouchner và Alain Deloche lãnh đạo. Dr. Rupert Neudeck luôn luôn từ chối không tham dự mặc dù tôi cố gắng đốc thúc. Ông suy nghĩ khác, vì theo ông, vinh danh là thừa thãi vô ích, ông không thích được vinh danh và ông muốn tôi nói với người Việt bên Hoa Kỳ rằng, nước Mỹ phải có trách nhiệm với thuyền nhân VN và người Mỹ gốc Việt có dư thừa điều kiện và khả năng sao không vận động cho ra một con tàu như ông để tự cứu chính dân tộc mình !!!Dr. Rupert Neudeck được rất nhiều đài truyền hình, đài phát thanh hay các tổ chức người Đức mời phỏng vấn hoặc diễn thuyết. Ông yêu cầu chuyển tất cả mọi thù lao vào trương mục của Cap Anamur hay Hội Mũ Xanh. Ông từ chối không nghỉ trong khách sạn 5 sao và cũng yêu cầu chuyển chi phí khách sạn cho hai tổ chức của ông. Bất cứ đi đâu trong nước Đức ông đều đi xe lửa và có vẻ thích thú khoe với tôi rằng ông có vé xe lửa bớt 50% nên rẻ lắm. Mỗi lần có việc lên Hamburg hay vùng Bắc Đức ông đều nghỉ đêm trong nhà tôi. Ngại ông không hợp thức ăn VN, tôi mời ông đến nhà hàng. Không những ông từ chối mà còn không cho vợ tôi nấu nướng gì rồi tự xuống bếp, khi thì chọn hộp xúp gà với nui, khi thì ăn miếng bánh mì lát chấm với súp thịt hộp Gulasch và một ly nước suối, nói chuyện dăm câu rồi đi ngủ. Lần nào ông cũng thức giấc rất sớm, uống vội tách cà phê không đường, đem theo một chai nước suối nhỏ, ít lát bánh mì và một trái táo, đủ làm hành trang cho một ngày của ông.Tôi chở ông đến trạm xe lửa, khi thì đi Bá Linh, khi thì Stuttgart, München hoặc nơi nào đó vì ông liên tiếp có những cuộc hẹn quan trọng. Nhiều lần vào mùa đông, buổi sáng giá rét, ông mượn tôi chiếc áo len để mặc vì vội đi nên quên. Có lần trước khi chở ông đến đài truyền hình ARD, tôi chợt thấy ông choàng chiếc khăn quấn cổ màu xanh của hội đá banh FC Schalke 04. Ông giật mình cởi ra ngay rồi hỏi mượn tôi chiếc khăn khác. Ông bảo có một thanh niên Đức gần nhà ông biết ông là Fan của hội này nên mang đến tặng ông và khi đi ông vơ đại chiếc khăn đó choàng vào cổ. Tôi nghĩ đá banh là sở thích của ông, nhưng ông lại bảo, ông chưa từng đi xem đá banh, kể cả trên truyền hình. Tôi nghĩ sở thích của ông là… “làm việc nhân đạo, cứu giúp người tỵ nạn”.Một lần khi sửa soạn tổ chức đại hội Cap Anamur tại Troisdorf, ông bảo tôi và một số anh em trong ban tổ chức ghé nhà ông nghỉ đêm. Vì mang sẵn túi ngủ nên chúng tôi xin ngủ trên sàn nhà trong phòng khách. Ông bà và con cái ngủ hết trên lầu. Đang đêm khuya có ai bật đèn, chúng tôi choàng dậy thấy ông mặc quần áo lót trắng cụt ngủn, tay ôm chiếc gối vuông, lum kum lần mò trong ánh sáng ngọn đèn mờ. Ông bảo ông đang tìm chỗ ngủ và nói chúng tôi xích gọn lại cho ông nằm chung, vì tối hôm ấy bà Neudeck cũng rủ một người bạn gái bác sĩ trong Cap Anamur về nhà. Ông bảo ông không thể nằm chung một phòng với cả hai người đàn bà. Trong khi chúng tôi thì thầm với nhau vừa buồn cười vừa thấy kính mến vô vàn một con người nổi tiếng được cả thế giới biết đến, lại bình thường giản dị đến thế… thì ông đã ngáy khò khò ngủ say bên cạnh từ lúc nào. Chắc các anh em này vẫn không thể quên được đêm hôm ấy.Cũng có lần tôi hướng dẫn một số anh chị em đến nhà ông để bàn họp. Vợ tôi vì đã quen nhà ông nên rủ vài chị đi pha cà phê và nước trà. Gia đình ông vẫn sử dụng bình pha cà phê thời thập niên 80, cái máy cũ rích kêu rồn rột như vòi nước bị nghẹt. Cả một ngăn tủ ly tách hiệu Ikea thì đủ màu, đủ kiểu, đủ cỡ không có cái nào giống cái nào, cứ như ngoài chợ trời. Một chị khệ nệ bưng khay cà phê vừa đi vừa nói tiếng Việt: “Quý vị coi chừng nhé, uống cà phê phải để ý coi chừng bị rách môi đó” vì chị thấy nhiều ly tách bị mẻ miệng.Tuy thế, ông rất vui tính và dí dỏm.Một nhà báo Đức hỏi ông tại sao mỗi lần ông xuất hiện thì có hàng trăm người VN xếp hàng nối đuôi nhau muốn chụp ảnh với ông, ông trả lời: “Bạn không biết sao? Tôi là người được chụp ảnh nhiều nhất nước Đức đến nỗi các ông bà chính trị gia phải phát ghen lên đấy!”Ông kể cho tôi rằng thuở ban đầu, ông có 2 người bạn chính trị gia kiên quyết ủng hộ ông, đó là ông Dr. Ernst Albrecht (thủ hiến tiểu bang Niedersachsen) và ông Johannes Rau (thủ hiến tiểu bang Nordrhein-Westfalen, sau này là tổng thống Đức) và hai chính trị gia chống đối ông mãnh liệt nhất là ông Franz Josef Strauß (thủ hiến tiểu bang Bayern) và ông Holger Börner (thủ hiến tiểu bang Hessen). Ông dí dỏm đại ý rằng, cứ để 2 phe cấu xé nhau đi, mình ở giữa, làm… ngư ông hưởng lợi. Và “cái lợi” đó chính là 11.300 thuyền nhân VN tỵ nạn đã được cứu sống – ông nói.Khoảng 15 năm trước, trong một lần ghé thăm gia đình ông, bà Christel Neudeck bới trong đống cây cỏ héo ngoài góc vườn nhỏ chỉ cho chúng tôi một đầu người được đúc bằng đồng rất nặng. Một điêu khắc gia nổi tiếng tại Đức vì cảm phục và quý mến ông nên đã khắc và đúc tượng đầu của Dr. Rupert Neudeck và chính tay mang đến tặng gia đình ông bà và bà miễn cưỡng phải nhận. Bức tượng rất đẹp và rất giống ông. Bà Neudeck cũng… dị đoan, thắc mắc nói với chúng tôi rằng, chồng bà vẫn còn sống, sao lại có người mang đến tặng như thế, nên bà đem ra giấu ở góc vườn dưới đám lá khô. Bà bảo chúng tôi mang về nhà và phải hứa khi hữu sự thì phải mang trả lại cho ông… Nhưng thật lòng chúng tôi không bao giờ muốn trả lại cho ông!Cách đây vài năm ông bị mổ tim lần thứ nhất. Khi tỉnh dậy ông mới biết vị bác sĩ mổ tim cứu sống ông lại là một thuyền nhân VN được tàu Cap Anamur cứu sống gia đình anh, khi anh mới được 3 tuổi. Ông nắm tay vị bác sĩ này và nói: “Năm xưa tôi cứu sống anh và người VN, năm nay anh cứu sống tôi, như thế người Việt tỵ nạn và tôi huề với nhau, chúng ta không ai còn nợ nần ai nữa!”.Ông nhiều lần kể cho tôi những chuyện thật hy hữu với khuôn mặt rạng rỡ thích thú rằng, một lần sau khi dự hội nghị về người tỵ nạn thế giới của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tại Hoa Thịnh Đốn, ông gọi một chiếc taxi. Anh tài xế vừa lái vừa ngoảnh cổ nhìn ông hỏi: “Ông có biết ông Neudeck ở bên Đức không?” Ông cười và trả lời “Ông ta là ai? Tôi không biết”. Anh taxi hơi ngượng nói lại: “Tôi nhìn ông sao giống ông Neudeck quá, ông ấy cứu vớt tôi từ ngoài biển đấy!”. Cả hai cùng cười… để rồi anh taxi nhất định không nhận tiền ông. Ông nói với tôi: “Thì ra cuốc xe này đáng giá cả một mạng người”.Một lần khác trên phố Manhattan/New York khi ông đang lững thững đi bộ qua toà nhà World Trade Center (cũ), chợt có một chị từ trong tòa nhà bước ra ôm chầm lấy ông la lớn: “Ông là ông Neudeck-Cap Anamur phải không? Tôi là Cap Anamur 6 đây, ông nhớ không?”. Lại một anh khác chạy đến nắm tay ông nói: “Kính chào ông Neudeck, tôi Cap Anamur 12 đây”… Ông chẳng hiểu Cap Anamur 6 hay Cap Anamur 12 là gì nhưng vẫn tươi cười trả lời: “Tôi nhớ chứ! Tôi nhớ chứ!”… Ông kể cho tôi rồi hỏi: “Không nhẽ tôi nổi tiếng đến thế sao?”.Tháng giêng năm 2014, một phụ nữ VN được chọn tham dự chương trình “Wer wird Millionär ?” của Günther Jauch và thắng được 125.000 Euro. Cô tên là Đinh Quỳnh Anh Rohm, cô và gia đình được tàu Cap Anamur cứu sống năm 1982 khi cô mới 5 tuổi. Dr. Rupert Neudeck vui và hãnh diện lắm. Ông đến thăm vợ chồng cô và đích thân mời gia đình cô đến tham dự lễ kỷ niệm 35 năm con tàu Cap Anamur ngày 09 tháng 8 năm 2014 tại cảng Hamburg. Ông bảo đó chính là nguồn an ủi nhất của ông và gia đình khi ông đã khổ công tranh đấu đem những người tỵ nạn VN này vào nước Đức và ngày nay, họ là những “nhà vô địch thế giới về sự hội nhập”, thành công trên tất cả mọi lãnh vực trong xã hội Đức này.Có lẽ trong thời gian cuối đời, niềm an ủi thảnh thơi nhất của ông là quây quần đùa nghịch với 5 đứa cháu nội ngoại. Ông không muốn bất cứ ai quấy rầy ông trong thời gian đàn cháu nội ngoại đến thăm ông. Tôi đã từng chứng kiến cảnh tượng một ông già gầy tong teo gập chân quỳ xuống bò rạp trên sàn làm con ngựa già để đứa cháu 3 tuổi cưỡi quanh nhà. Chính đứa cháu này đã muốn hóa phép cho ông sống lại nhưng không tìm được cây đũa thần – như bà Neudeck rưng rưng kể lại.Ít người biết được là ông bà Dr.Rupert Neudeck có những liên hệ mật thiết với rất nhiều nhân vật quan trọng và chính trị gia nhiều quyền lực khi xưa và đương thời. Có ai biết rằng sau hai lần tái nhiệm chức vụ thủ tướng nước Đức (2009-2013 và 2013-2017), bà Angela Merkel đều mời ông bà Dr.Rupert Neudeck đến tư gia trò chuyện. Các vị cựu chủ tịch quốc hội Đức như bà Rita Süssmuth và ông Wolfgang Thierse, cựu Tổng Thống Đức ông Johannes Rau (75), đương kim bộ trưởng tài chánh Đức ông Dr. Wolfgang Schäuble, cựu chủ tịch đảng SPD cũng là cựu phó thủ tướng Đức ông Franz Müntefering, cựu phó chủ tịch liên đảng CDU/CSU tại quốc hội Đức ông Arnold Vaatz, cựu giám đốc cơ quan tình báo và bộ trưởng ngoại giao Đức ông Klaus Kinkel… nhiều thống đốc tiểu bang hay cựu bộ trưởng liên bang Đức như ông Dr.Ernst Albrecht (84), bà Sabine Leutheusse-Schnarrenberger, ông Gerhard Rudolf Baum, ông Dr.Norbert Blüm…. và rất nhiều vị khác kể không hết, trong đó phải nhắc đến bà Marion Gräfin Dönhoff (93 sáng lập tuần báo Die Zeit) và ông Karl-Heinz Böhm (86 tài tử điện ảnh Áo, với nhiều hoạt động nhân đạo tại Phi Châu).Tất cả đều là bạn bè thân hữu sát cánh bên ông. Ông coi cựu phó tổng thống Đức gốc Việt Philipp Rösler như một người con và rất thích thú khi ông này biết và hiểu rất rành mạch về thuyền nhân tỵ nạn VN. Ông Peter Scholl-Latour (90, nhà báo nổi tiếng, trước đây ủng hộ việc gởi con tàu “Cap Anamur” cứu vớt thuyền nhân VN của Dr. Rupert Neudeck, sau này lại hỗ trợ ông qua mục đích nhân đạo của “Hội Mũ Xanh”), hay ông Günter Grass (88, văn hào với giải Nobel văn chương) cho đến khi qua đời vào tháng 4 năm 2015 cũng đều là bạn đồng hành với ông. Ngay đến ông Aiman A. Mazyek (chủ tịch hội đồng trung ương Muslime tại CHLB Đức) và ông Musa Ataman (chủ tịch cộng đồng Kurden tại Bonn) cũng đã từng cộng tác và ủng hộ ông.Tôi hẹn gặp lại ông nhân dịp lễ trao giải “Erich Fromm Preis 2016” ngày 6 tháng 4 năm 2016 tại Stuttgart. Đây là lần đầu tiên giải này được trao tặng cho một đôi vợ chồng là ông Rupert Neudeck và bà Christel Neudeck. Ai có ngờ đâu, đây là lần cuối cùng tôi gặp ông. Sức khỏe ông suy sụp thấy rõ. Trong phần diễn thuyết ngày hôm đó, tôi thấy ông ngập ngừng qua dấu hiệu quên trước quên sau. Ông mệt mỏi đi xuống và nói tôi lấy cho ông một ly nước suối. Bà Christel Neudeck thay ông trả lời phỏng vấn của giới truyền thông hoặc cám ơn quan khách đến chia vui cùng ông bà. Trước đó, ngày 30 tháng 1 năm 2016, ông tham dự ngày hội Tết Nguyên Đán Bính Thân của người Việt tỵ nạn tại Bielefeld. Ông cảm thấy mỏi mệt, tức ngực và khó thở nên đi ra khỏi phòng và yêu cầu tôi chở ông về, trong khi chương trình vẫn còn đang tiếp tục. Chính bà Christel Neudeck đã nhiều lần lo lắng và cảnh cáo ông, nhưng ông vẫn nói mình còn rất nhiều việc phải làm.Dr.Rupert Neudeck lần đầu tiên bị mổ tuyến tiền liệt (Prostata) khoảng 2 tuần trước lễ khánh thành bia ty nạn thuyền nhân VN ngày 28 tháng 4 năm 2007 tại Troisdorf, nơi gia đình ông cư trú. Ông gắng gượng lững thững một mình lái xe đạp đến tham dự và tuyên bố rằng: “Troisdorf chính là thủ đô của người Việt tỵ nạn tại Đức”.Cũng hai tuần trước đại hội Công Giáo VN tại Đức kỳ thứ 40 tại Aschaffenburg từ 14 đến 16 tháng 5 năm 2016, ông phải nhập viện mổ tim lần thứ 3 chỉ trong vòng 4. Lần này ông không đến tham dự được năm sau này và nằm hôn mê trên giường bệnh cho đến khi lìa đời lúc 8 giờ sáng ngày 31 tháng 5 năm 2016, hưởng thọ 77 tuổi (1939-2016). Có những lúc ngón tay ông đã cử động, cũng có những lúc ông đã mở mắt nhìn vợ và con cháu mình và gật đầu khi được hỏi ông có muốn nghe nhạc Mozart không. Những niềm hy vọng chợt lóe lên trong sự mong đợi khát khao của gia đình, nhưng ai ngờ đâu đó chỉ như ngọn nến chợt bừng sáng trước khi thật sự lịm tắt. Ông đã thật sự vĩnh viễn ra đi.Lễ mai táng ông được tổ chức âm thầm và giản dị trong gia đình và thân hữu vỏn vẹn chưa đến 30 người vào ngày 8 tháng 6 năm 2016. Quan tài dành cho ông là 6 miếng ván gỗ thô, không sơn màu, không chạm trổ, không hoa, không nến, nằm cô đơn dưới bậc thềm Cung Thánh trong ngôi nhà thờ nhỏ gần nhà ông. Con cái và thân nhân ông tự khiêng ông đến nơi an nghỉ cuối cùng trong một nghĩa địa nhỏ tại Troisdorf.Người thân vĩnh biệt ông với từng nắm đất và những cánh hoa dại mọc bên đường. Giữ đúng lời hứa với bà Christel Neudeck trước kia, tôi kính cẩn đặt tượng đồng khắc đầu ông trên mộ.Một tuần sau, ngày 14 tháng 6 năm 2016, Toà Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Koeln và tang quyến tổ chức Thánh Lễ tưởng niệm ông tại Vương Cung Thánh Đường St.Aposteln do Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki chủ tế cùng với 12 Linh Mục Việt Nam (đa số đều được tàu Cap Anamur cứu sống trước đây). Gần 2.000 người tham dự, hầu hết là thuyền nhân Việt Nam đến từ các nơi trong nước Đức và các quốc gia lân cận.Hầu hết các Chùa Việt Nam và các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam trên toàn nước Đức đồng loạt tổ chức lễ tưởng niệm và cầu hồn cho ông như một nghĩa cử cám ơn và thương tiếc vị ân nhân đã cứu sống họ và gia đình.Ngày 25 tháng 6 năm 2016, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức cũng tổ chức Thánh Lễ cầu nguyện cho linh hồn ông tại Thánh Đường St. Hippolitus trong thành phố Troisdorf, nơi gia đình ông cư ngụ, với 9 Linh mục Việt Nam và hơn 500 giáo dân.Không những người Việt tỵ nạn thương tiếc ông mà người dân Đức cũng bày tỏ lòng quý mến một con người đã thay đổi được bộ mặt của nước Đức qua nhiều hành động khác nhau. Trên một chuyến xe lửa trong thành phố Koeln ngay trong ngày lễ tưởng niệm ông (14.6.2016) có người đã viết trên 1 toa xe dòng chữ “R.I.P. Rupert Neudeck” (Rest InPeace – Rupert Neudeck – Yên Nghỉ Trong An Bình).Dr. Rupert Neudeck ra đi với nhiều ước mơ chưa trọn vẹn. Ông ước mơ một thế giới an bình không chết chóc chiến tranh. Ông ước mơ tiếp tục cứu giúp người tỵ nạn trên thế giới. Ông ước mơ ngày nào đó sẽ chạy Marathon trên suốt giải Gaza tại Palestine. Ông ước mơ đi trên chuyến xe lửa xuyên hết đất nước Sudan. Ông ước mơ học tiếng Việt và tiếng Ả Rập và ông ước mơ mình sẽ sống tại Phi Châu trong những tháng năm cuối đời….Kính thưa ông Dr.Rupert Neudeck,Cho dù bây giờ ông có thể sống tại Phi Châu hay Palestine, hay trên bất cứ đất nước nào như trong mơ ước của ông, nhưng có một điều chắc chắn rằng, ông vẫn còn sống mãi trong lòng những người tỵ nạn Việt Nam và tất cả mọi người trên thế giới.Để tưởng nhớ Dr. Rupert NeudeckNguyễn Hữu HuấnHamburg, tháng 7 năm 2016

Gia đình tôi và ngày 30.04

BS. Trần Văn Tích.

Vào ngày 30.04.75 tôi đang giữ chức vụ Y sĩ trưởng Bệnh xá Phủ Đặc uỷ Trung ương Tình báo. Nhân viên tình báo an ninh được xếp vào thành phần bị đe doạ tính mệnh nếu Miền Nam rơi vào tay cộng sản. Theo tác giả Frank Snepp trong “Sauve qui peut”, bản dịch tiếng Pháp cuốn “Decent Interval” thì Kissinger yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ biểu quyết chấp nhận cho 130.000 công dân Đông Dương nhập cảnh Hoa Kỳ, trong số có 50.000 người được xem là ở hoàn cảnh “chí nguy“ (de haut risque). Nhân viên Mỹ thuộc cơ quan DAO phải làm việc 24 giờ trên 24 để tiến hành thủ tục di tản các thành phần này*.


Tuy nhiên cầu di tản hàng không bằng trực thăng (chiến dịch Gió Tới Tấp, Frequent Wind) chỉ hoạt động từ 2 giờ chiều ngày 29 đến 4 giờ 42 sáng ngày 30 thì chấm dứt và chỉ bốc đi được hầu hết người Mỹ và 5.500 người Việt, chí nguy hay không. Trong khi đó thì nhiều tàu Hải quân lúc rời bến di tản vẫn còn rất rộng chỗ. Cuộc di tản bằng đường thuỷ kéo dài nhiều ngày. Ở Sài Gòn đến chiều ngày 30-4, khi VC đã vào chiếm Đô thành rồi, vẫn có những tàu Hải quân bắt đầu nhổ neo di tản. Cả những tàu đã nằm ụ từ lâu ở bến Bạch Đằng hay đang tu bổ ở Hải quân Công xưởng cũng được sửa chữa vội vàng để làm sao có thể chạy thì thôi.

Những ngày cuối tháng tư năm 1975 đó, trong không khí hoang mang lo sợ của toàn Miền Nam, các ông Trưởng ban – chức vụ tương đương với Giám đốc – thuộc Phủ Đặc uỷ thường xuống bệnh xá ngồi nói chuyện với tôi. Họ cho biết phía Mỹ đã yêu cầu Phủ Đặc uỷ thiết lập một danh sách toàn thể nhân viên của Phủ. Các cô nữ thư ký đang đánh máy không ngừng nghỉ danh sách đó, qui tụ đến vài ngàn nhân viên và gia đình. Danh sách đã hoàn tất kịp thời và một phái đoàn của Phủ, gồm một Trung tá và một Đại uý, đã mang danh sách sang Guam để chuẩn bị đón tiếp nhân viên Phủ. Từ ngày 28.04 trở đi, tôi được thông báo phải thường xuyên liên lạc với Phủ để nếu có lệnh tập họp di tản là phải chở vợ con đến địa điểm tập họp ngay tức khắc. Ngày 28 và ngày 29 tôi vào Bệnh xá Phủ và cùng với nhân viên Bệnh xá ngồi chờ lệnh. Chiều ngày 29 tôi không vào trụ sở Phủ ở bến Bạch Đằng mà đến một cơ quan phụ thuộc của Phủ đóng trụ sở tại đường Trần Bình Trọng gần nhà tôi để cùng các nhân viên khác của Phủ ngồi chờ. Rất nhiều nhân viên của Phủ Đặc uỷ không tìm cách khác để chạy trốn cộng sản vì tin tưởng vào lệnh của Phủ bảo phải chờ để được di tản chính thức, hợp lệ. Chúng tôi cùng có chung tâm trạng là người Mỹ đã hứa thì không thể phủ nhận sự tin cậy vào lời hứa của họ để tự minh dấn thân theo những con đường di tản ngoài dự trù.


Tối 30.04, tôi được nhân viên y tá thông báo phải đưa vợ con đến tập trung tại một ngôi nhà an toàn của Phủ nằm ngay sát cạnh Toà Đại sứ Hoa Kỳ trên đường Thống Nhất để chuẩn bị được di tản. Tại địa điểm này tôi đã gặp mặt đầy đủ các giới chức cao cấp phục vụ tại Phủ Đặc uỷ mà tôi từng quen biết hàng chục năm qua. Chúng tôi nằm ngồi la liệt trên sàn nhà. Riêng gia đình tôi được dành cho một cái bàn làm việc. Bà xã tôi và thằng con út nằm nghỉ trên bàn còn tôi và hai đứa con lớn thì chỉ có sàn nhà mà thôi. Cổng ra vào được bộ phận an ninh mang súng M16 canh gác chặt chẽ. Càng về khuya càng sốt ruột vì tiếng máy bay trực thăng lên xuống nóc nhà toà Đại sứ Mỹ ầm ĩ liên miên mà phía chúng tôi không nhận được chỉ thị gì cả. Không thể nào ngủ được và để bớt hoảng sợ, hai ba ông Trưởng ban rủ tôi ra ngoài đến gần Toà Đại sứ Mỹ xem cơ sự ra sao. Chúng tôi đã đứng nhìn cảnh trực thăng vần vũ hạ xuống rồi bay lên trên nóc toà Đại sứ. Chúng tôi đã đứng nhìn cảnh bàn dân thiên hạ đổ xô chen chúc nhau thành một khối người đông kinh khủng trước hai cánh cổng bằng sắt đóng im ỉm của Toà Đại sứ.


Rồi máy bay trực thăng không xuất hiện nữa trong khi trời bắt đầu hửng sáng. Chúng tôi đối diện với sự thực phũ phàng và chỉ còn cách thất thểu ai về nhà nấy. Riêng tôi thì xe Lambretta tôi chở vợ con đến nơi tập trung đã bị đánh cắp. Chúng tôi ra đứng bên lề đường chờ tắc xi nhưng mãi chẳng thấy. Bỗng một chiếc Volkswagen đậu xịch cạnh tôi. Hoá ra đó là xe của một vị Trung tá biệt phái phục vụ trong Phủ. Gia đình tôi lủi thủi lên xe nhờ vị Trung tá chở về nhà.


* * *


Theo wikipedia thì có 1.932 nhân viên tình báo đã tham gia trình diện “học tập cải tạo”. Hãy tạm chấp nhận con số gần hai ngàn người vào tù mút mùa sau 30.04 vì tin vào lời hứa di tản của phía Mỹ. Trong thực tế, có một số người tránh trình diện mà không ai có thể biết rõ là bao nhiêu. Sau khi tôi ở tù cộng sản về, có vài ba anh em đã đến thăm tôi và cho biết rằng họ giấu biệt gốc gác tình báo nên không bị tù. Trái lại, có nhân viên của Phủ Đặc uỷ nằm trong tù cộng sản đến mười bảy năm và chỉ được “cấp giấy ra trại” cùng thời điểm với một số sĩ quan cấp tướng Việt Nam Cộng Hoà.


Những ngày cuối tháng tư, thấy phía Tình báo có vẻ im lìm, Hải quân Việt Nam Cộng Hoà đã gọi điện thoại hỏi Tình báo có cần phương tiện di tản bằng đường thuỷ không, nếu cần Hải quân rất sẵn sàng cung cấp. Lúc này phụ trách lãnh đạo Phủ Đặc uỷ Trung ương Tình báo là Ông Nguyễn Phát Lộc, Quyền Đặc uỷ trưởng. Người nhấc máy điện thoại để Ông Nguyễn Phát Lộc trả lời phía Hải quân là một vị Đại uý biệt phái, hiện nay đang ở bên Cali. Nhưng Ông Nguyễn Phát Lộc chỉ biết cám ơn Hải quân và từ chối lời mời gọi di tản vì phía Mỹ đã hứa sẽ đảm trách chuyện này rồi. Các chi tiết này tôi được nghe kể lại vào những dịp tôi hội ngộ trên đất Hoa Kỳ cùng cựu nhân viên Phủ Đặc uỷ. Họ sang Mỹ theo diện HO. Có người còn cho biết là Colby, đầu sỏ CIA ở Sài Gòn năm 1975, đã xin lỗi Tướng Nguyễn Khắc Bình vì tổ chức di tản nhân viên tình báo Việt Nam Cộng Hoà thất bại!?


Kết quả là hầu như toàn bộ nhân viên Phủ Đặc uỷ vào tù cộng sản và một số chết trong tù. Ông Quyền Đặc uỷ trưởng Nguyễn Phát Lộc và Ông Trưởng ban T Nguyễn Kim Thuý là hai nhân vật cao cấp nhất hy sinh trong vòng ngục tù Việt cộng. Ông Nguyễn Phát Lộc vốn xuất thân từ Trường Quốc gia Hành chánh. Ông có tài đặc biệt về xem tử vi. Ông đã biên soạn hai ba cuốn sách xem tử vi được giới độc giả rất hâm mộ. Các anh em cùng ở tù với Ông kể cho tôi nghe là Ông Nguyễn Phát Lộc bảo rằng theo tử vi thì số Ông không chết trong tù. Quả nhiên khi Ông lâm bệnh nặng sắp mất thì giặc di chuyển Ông ra khỏi những hàng rào kẽm gai lớp lớp bao quanh trại giam và đưa Ông ra ngoài khu giam giữ tù nhân để cho Ông vào nằm cái gọi là bệnh xá của trại cải tạo và Ông lìa đời tại đây, dẫu sao thì cũng ở ngoài khuôn viên nhà tù cộng sản. Ông Nguyễn Kim Thuý rất thân với tôi khi chúng tôi cùng phục vụ tại Phủ Đặc uỷ. Ông mang nhiều bệnh khá trầm trọng nên thường được tôi khám bệnh cấp thuốc. Khi biết tin Ông vào tù, tôi rất lo cho sức khoẻ của Ông. Quả nhiên Ông đã không thể sống sót để trở về với vợ con. Bà vợ Ông Thuý là Hiệu trưởng một trường Trung học ở Sài Gòn trước 75.

* * *


Năm 1954, khi giao Miền Bắc cho Việt Minh, người Pháp đã thương thuyết để những người không chấp nhận sống với cộng sản có đủ, thậm chí có thừa, thời gian di cư vào Miền Nam. Do đó đã có chừng một triệu người dân Miền Bắc chọn di cư và tự do. Hải quân và Không quân Pháp phải cáng đáng và đã chu toàn mọi công việc chuyển di, với sự hỗ trợ của chừng ba mươi chiếc tàu thuỷ Mỹ và Anh. Đến lượt mình, năm 1975, người Mỹ đã không làm được như người Pháp.

Họ dự trù ngân khoản, phương tiện, cơ sở để đón những người không được cộng sản cho tiếp tục sống trong chế độ mới. Nhưng họ tính một đàng mà làm một nẻo. Thậm chí vì tin tưởng vào lời hứa của Mỹ nên Phủ Đặc uỷ Trung ương Tình báo Việt Nam Cộng Hoà đã từ chối lời mời gọi di tản bằng đường thuỷ của Hải quân Việt Nam.


Chiến dịch di tản người Mỹ và nhất là người Việt do phía Mỹ tổ chức ngày 30.04.75 là một chiến dịch tiến hành trong hỗn loạn. Có thể người Mỹ đã rút quân trong danh dự theo Hiệp định Paris nhưng Đại sứ Mỹ Martin thì lại phải ôm quốc kỳ Mỹ tháo chạy trối chết trên nóc toà Đại sứ. Còn người Việt Nam thì chẳng những cả ngàn nhân viên tình báo đã bị kẹt lại mà bên cạnh còn có nhiều nhân vật hoạt động chính trị chống cộng rất tích cực cũng chẳng được ai đoái hoài nên đã không thoát được thân.


Đành rằng Hoa Kỳ đã có những chương trình thương thuyết với Việt cộng để đón tiếp một tập thể rất đông đảo quân cán chính Miền Nam không chấp nhận sống chung với cộng sản. Nhưng cái giá mà người Việt Miền Nam phải trả vì cung cách bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà của Mỹ vẫn là một cái giá quá cao. Hơn nữa, sau Nam Việt Nam, đã có những tình huống bỏ mặc, không quan tâm đến đối với một số các sắc dân hay quốc gia khác đã từng cộng tác với Hoa Kỳ.


Theo suy tư của cá nhân tôi, đây là một cục diện hết sức đáng buồn và đáng tiếc.
 

06.04.2021
BS. Trần Văn Tích  

Nỗi đau vẫn ngậm ngùi

Tháng 3-1978 tại Trại Tỵ nạn Songkhla, Thái Lan (hình của gia đình bạn tác giả tặng dùng cho bài viết này)

Thời gian tựa cánh chim bay, qua dần những tháng cùng ngày. Còn đâu mùa cũ êm vui...”. Mỗi khi nghe Sĩ Phú hát bài Hoài Cảm, lòng tôi lại nao nao niềm thương tiếc và nếu nghe nhằm vào tháng Tư thì nỗi buồn mất mát trong tôi càng dâng cao vì nhớ tới những ngày sau cùng của Tháng Tư Đen năm 1975 trước khi miền Nam Việt Nam tự do của chúng ta sụp đổ!

Tôi thấy gì những ngày Sài Gòn hấp hối?

Giờ đây, gần bốn mươi sáu năm đi qua, nhưng ký ức tôi vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian ly loạn ấy. Cũng chính ngày này, ngày 8-4 năm đó, trong khi tôi và các bạn học của mình đang thi Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt ở Trường Lasan Taberd thì bất ngờ nhiều tiếng nổ như bom phát ra làm rung chuyển kính cửa sổ xung quanh. Tiếng bom tuy không làm bể kính nhưng làm vỡ không gian thi cử đang yên ắng. Gương mặt thầy cô, các vị giám khảo đang trông coi thi, chợt trở nên căng thẳng, lo lắng. Còn bọn học trò chúng tôi thì la hét sợ hãi…

Không gian chợt đóng băng, thời gian như ngừng lại, mãi cho đến khi bóng dáng Frère Martial; Giám Học Khối Lớp 8 và 9, xuất hiện ngoài hành lang. Ông đi tất tả chứ không khoan thai nhẹ nhàng như mọi ngày. Những thầy cô từ các lớp bước ra, sau một hồi thầm thì, họ trở vào và cho hay buổi thi tạm ngừng và chúng tôi được lệnh vào thính đường ẩn nấp. Bấy giờ thì chúng tôi biết Dinh Độc Lập; cách trường tôi hai con đường, vừa bị đánh bom. Sau này chúng tôi mới biết kẻ dội bom ngày đó là Nguyễn Thành Trung; trung úy không quân phản bội của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH)!

Taberd là ngôi trường do Linh Mục Kerlan thuộc Hội Truyền Giáo Công Giáo của Pháp lập nên năm 1873 tại Sài Gòn dưới thời Pháp thuộc, được gọi theo tên của Giám Mục địa phận Nam Kỳ từ 1830 tới 1840 là Jean Louis Taberd. Sau này có thêm các sư huynh Dòng Lasan từ Marseille qua giúp đỡ giáo dục cho nên trường được xây dựng rất kiên cố và vững chắc theo lối kiến trúc tu viện cổ điển Châu Âu “ngoài kín trong rỗng”, với nhiều dãy phòng học nối liền nhau bằng các hành lang. Riêng thính đường Taberd được xây sau này nằm gần cổng sau của trường trên đường Gia Long nên còn được gọi là Cổng Gia Long, để phân biệt với Cổng Nguyễn Du là cổng chính phía trước, tọa lạc tại số 53 Nguyễn Du, theo lối kiến trúc tân tiến hơn. Đó là một thính đường rất lớn, kiên cố, có hai lầu, với nhiều cửa sổ to, cao, chạy từ trên xuống dưới để lấy ánh sáng từ bên ngoài vào, cùng hàng trăm ghế ngồi thoai thoải từ cao tới thấp trước khi đến một cái sân khấu thật rộng.

Chẳng bao lâu sau, tất cả bọn học trò được các sư huynh đưa vào nơi ấy và chờ đợi lệnh Bề trên! Đến trưa thì được phép ra về. Cả đám ùa ra như ong vỡ tổ, mừng rỡ la hét. Có những đứa nhảy cẫng lên, hò reo vui vẻ vì “được khỏi thi,” nhưng chúng tôi có ngờ đâu rằng đó là thời khắc êm đềm hạnh phúc sau cùng của đời học sinh mà chúng  tôi mãi sẽ không bao giờ còn tìm lại được dưới mái trường thân yêu này! Bên ngoài xe hơi, xe gắn máy xếp hàng dày đặc, lẫn lộn trong đó người ta thấy có cả những chiếc xe Jeep quân đội với các chú tài xế trong quân phục thẳng tắp đứng lố nhố, vì Taberd có rất nhiều con tướng tá theo học, chẳng hạn như lớp tôi có ba bạn là con của những vị tướng PXC, LNK, ĐVQ… Trong khi ấy thì phụ huynh lại chen chúc, nhốn nháo tìm kiếm. Tiếng người la hét, réo gọi inh ỏi khắp nơi!

Trên đường về, ngồi sau lưng ba tôi trên chiếc Honda 67 màu đen, tôi nhìn phố phường. Quang cảnh có vẻ khác ngày thường. Mọi người chạy ngược chạy xuôi đến độ tôi có thể đọc được nỗi sợ hãi trong ánh mắt của họ trước tình hình sôi động của thời cuộc. Khi chúng tôi đến Lăng Ông Lê Văn Duyệt, ba tôi lật đật tắp xe vào lề, nhường chỗ cho chiếc quân xa GMC chở đầy lính gầm rú phía sau, chạy nhanh về hướng Gò Vấp. Nhìn những người lính mặt còn non nớt như tân binh mới ra trường đầy căng thẳng với súng ống trên vai, tôi linh cảm nhiều sự chẳng lành.

Thời gian sau đó, không còn tới trường nên ngày tối tôi chỉ ở loanh quanh trong nhà và rất vui khi mỗi sáng được má tôi sai ra Ngã Năm Bình Hòa mua báo về cho bà xem tin hình chiến sự. Đó là cơ hội cho tôi “sổ lồng”. Tại sạp báo, nhìn hình ảnh chiến tranh ngoài Trung, tin tức chiến trường dồn dập đưa về, với những cuộc tháo chạy, mất tỉnh này, rút lui vô trật tự ở tỉnh kia của binh sĩ VNCH, cảnh đồng bào mặt mày phờ phạc, đàn đúm di tản, dắt díu người già cả hay bị thương đầu băng tay bó, gồng gánh trẻ thơ lủng lẳng trong những chiếc thúng, lỉnh kỉnh mang vác đủ thứ như xe đạp, xe gắn máy hết xăng, chó mèo, gà vịt tới cả trâu bò lếch thếch trên các quốc lộ trong hỗn loạn… Tất cả bày trên trang nhất mấy tờ Tin Sáng, Chính Luận, Tiền Tuyến…, làm tôi hoang mang, hoa cả mắt chẳng biết phải mua báo nào?

Đứng ở đây tôi cũng thấy nhiều lô cốt với hàng rào kẽm gai khắp nơi. Người lính với đôi giày lấm bụi đường trận mạc, súng trường lưỡi lê lăm lăm, đang tra xét xe đò, xe lam chở đồ hàng bông từ Hóc Môn, Gò Vấp đổ vô Sài Gòn, nhằm ngăn chặn đặc công Việt Cộng trà trộn về thành phá hoại. Và lúc tôi mang báo về, mỗi khi đọc xong là má tôi lại lắc đầu, thở ngắn than dài, miệng lâm râm cầu nguyện Trời Phật! Đôi khi bà kêu tôi chạy ra tiệm tạp hóa của Bà Sáu Nhân ngoài Chợ Ngã Năm mua thêm đường, muối và cả bao gạo chỉ xanh năm mươi ký để phòng hờ đói kém. Mặc dù tình hình ngày càng bi đát, Việt Cộng tấn công khắp nơi nhưng vẫn còn một số người không tin Mỹ bỏ rơi miền Nam Việt Nam. Họ nghĩ Mỹ sẽ trở lại, lập cầu không vận. Việt Nam là tiền đồn chống cộng của thế giới tự do, là nơi Mỹ đã đổ vô số tiền của vào, là nơi hàng mấy mươi ngàn binh lính Mỹ đã thiệt mạng. Người ta tin Mỹ sẽ dội bom miền Bắc để giải cứu VNCH, gìn giữ uy thế một cường quốc. Cho đến đêm 21 Tháng Tư, 1975 lúc ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên tivi trách móc dữ dội, chửi bới Mỹ phản bội, bỏ rơi đồng minh…, trước khi tuyên bố từ chức, thì dân chúng bắt đầu hốt hoảng…

Mấy ngày sau, cộng quân áp sát thủ đô. Tiếng súng đạn thỉnh thoảng nổ lẻ tẻ vang. Đêm đêm đại bác đì đùng dội về thành phố hoặc một tiếng nổ nhỏ chợt phát ra và một trái hỏa châu vụt sáng tại một góc trời…, khiến dân chúng càng nháo nhào loạn xạ. Đang khi ấy tại Sài Gòn, trong một chiều mưa tầm tã, che mờ cả Vương Cung Thánh Đường thì ở Dinh Độc Lập, ông Tổng thống “một tuần” Trần Văn Hương bị Quốc hội áp lực trao quyền tổng thống lại cho đại tướng Dương Văn Minh. Tân Sơn Nhất bị quân cộng sản pháo kích nhằm gia tăng áp lực lên Chính quyền Sài Gòn. Không khí chết chóc tràn ngập mọi ngã đường.

Tôi nghe tiếng trực thăng xành xạch trên trời, nhìn lên thấy những chiếc HU-1 liên tục từ ngoài biển bay vào bốc người Mỹ và nhân viên bản xứ làm việc cho họ ngay tại Tòa Đại Sứ Mỹ và một số địa điểm bí mật quanh thành phố, trông như đám chuồn chuồn bị động ổ bay đầy đồng. Dưới đất, dân chúng ùn ùn chạy ra bến Bạch Đằng hay Tân Cảng để tìm đường ra biển, như kiến túa khỏi hang. Có chứng kiến cảnh người ta bỏ cả gia tài, sản nghiệp, mồ mả ông bà tổ tiên để lánh nạn trước khúc quanh lịch sử mà chẳng cần biết tương lai ra sao – như chú Bảy của tôi, nhân viên DAO (Defense Attache Office), người đã vội vàng bỏ căn nhà mặt tiền đường vừa mua gần Chợ Thị Nghè và hối hả dẫn vợ dại con thơ vào Phi trường Tân Sơn Nhất – mới hiểu sự sợ hãi hiểm họa cộng sản là như thế nào!

Tuy vậy, bên cạnh Sài Gòn trong cơn hấp hối, vẫn có những cấp chỉ huy anh hùng, các chiến sĩ dũng cảm chiến đấu đến giờ phút sau cùng. Họ là những người đền nợ nước một cách oanh liệt chớ không ươn hèn bỏ chạy mà tôi đã có dịp chứng kiến và viết lại trong câu chuyện Những người chết sau cùng trong cuộc chiến vào dịp 30 Tháng Tư hơn mười năm trước. Rồi khoảng trưa ngày 30 tháng Tư oan nghiệt, khi tiếng ông Minh ra lệnh “đầu hàng vô điều kiện” vang lên trên Đài Truyền Thanh, tôi có cảm giác như đất trời sụp đổ.

Những tháng ngày sau đó mới thật là ghê rợn. Những sĩ quan VNCH bị gọi là “ngụy”; viên chức cảnh sát cũ bị “Cách mạng” xem là “thành phần ác ôn, có nợ máu với nhân dân”. Họ sống trong phập phồng lo sợ. Họ sợ Việt Cộng nằm vùng, sợ đám “Ba Mươi” là những thanh niên, thiếu nữ còn rất trẻ hăng hái “xung phong” với băng đỏ trên tay hầu chứng tỏ là người nhiệt tâm với chế độ mới, sợ những nam nữ du kích trong “bưng” về thành với khăn rằn quanh cổ, đồ bà ba đen, nón tai bèo, chân đi dép râu, súng AK47 lạnh lùng trên tay, đêm đêm luồn vào từng con hẻm như thợ săn rình mồi. Tiếng chó sủa trong đêm như tiếng hú của sói rừng, của tử thần réo gọi! Và theo lệnh “Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời”, các sĩ quan cấp úy, cấp tá, viên chức cao cấp VNCH phải trình diện để đi “học tập”. Kẻ thì dăm ba năm, người thì chục năm hơn và có những người vĩnh viễn không bao giờ trở về. Rồi những màn “bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy”, rồi đánh “tư sản mại bản”, ép buộc người ta đi “kinh tế mới”…

Quả lựu đạn trong trường Taberd sau ngày “giải phóng”

Trong bầu không khí đầy sợ hãi ấy, bọn tôi nhập học trở lại muộn hơn mọi năm. Ngày đầu tiên, tôi nôn nóng đến trường, phần nhớ lớp, phần khác muốn tìm xem bạn bè ai còn ai mất. Đa số bạn có cha mẹ là sĩ quan cao cấp hay ông to bà lớn đều đã di tản nước ngoài. Niên học đầu tiên dưới thời Xã Hội Chủ Nghĩa thật khác lạ. Các “frères” không còn mặc áo dòng và uy nghiêm như ngày xưa. Các cô giáo điệu đà, má phấn môi son, xinh xắn trong những chiếc áo đầm hoặc dịu dàng trong tà áo dài thướt tha hôm nào thì nay chỉ mặc chiếc quần tây sậm với sơ mi hoặc áo kiểu đơn sơ. Mấy thầy cũng vậy, không còn veston với cravate cùng giày tây nữa, mà chỉ áo sơ mi đơn giản với quần tây cũ kỹ. Thậm chí có người mang cả dép râu! Và từ thầy cô đến học sinh, tất cả đều đi xe đạp. Hiệu trưởng lúc đó là một cán bộ miền Bắc bị cụt một tay.

Một hôm vào giờ ra chơi, trong lúc đứng dưới chân cầu thang gần lớp ở Sân Danh Dự, tôi bỗng thấy mọi người la hoảng và túa chạy. Khói xanh bốc lên ngùn ngụt ở dãy phòng ngang đối diện cổng chính, nơi có đặt văn phòng Ban Giám hiệu. Ít phút sau, nhiều thầy cô trong đó cũng lật đật đi ra. Tôi thấy ông hiệu trưởng xách chiếc cặp đen vừa che mũi vừa chạy. Ống tay áo dài bên kia phất phơ trong gió. Đám học sinh từ sân bóng rổ tò mò chạy lên xem thì bị ông hiệu trưởng quát tháo, dùng cặp múa vùn vụt đuổi xuống. Cả trường náo loạn! Sau cùng thì tất cả mới biết có một học sinh nào đó ném lựu đạn cay gần phòng Ban Giám Hiệu.

Buổi học chấm dứt nhưng mọi người vẫn phải ở yên trong trường. Không lâu sau, một số cán bộ và rất nhiều công an kéo tới. Một thanh niên đeo kính cận, mặc quần bộ đội với áo sơ mi dài tay màu xanh cứt ngựa, tay cầm xấp giấy cuộn tròn, tuổi độ ngoài hai mươi trông rất trí thức mà tôi đoán chừng là thành phần sinh viên biểu tình phản đối Chính quyền Sài Gòn hồi trước, đi vào lớp với một số công an. Thầy tôi, Frère Félicien Huỳnh Công Lương, cựu hiệu trưởng của trường, vội lùi lại nhường chỗ cho họ.

Anh ta kêu gọi chúng tôi chỉ ra ai là người ném lựu đạn nếu biết. Cả lớp im lặng. Không thấy ai trả lời, anh ta bắt đầu huyên thuyên về Cách mạng, về sự đấu tranh của phong trào học sinh-sinh viên, sự hy sinh của tuổi trẻ trong sự nghiệp “chống Mỹ cứu nước thần thánh của nhân dân”… Ban đầu giọng anh còn từ tốn nhưng càng nói anh càng hăng và cao giọng quát lớn:

“Đúng ra thì chúng tôi đã đuổi các anh ra khỏi trường này lâu rồi vì trường này là trường do bọn thực dân, đế quốc dựng nên, chuyên đào tạo ngụy quyền phản động, tướng tá ác ôn, tay sai nguy hiểm, mãi quốc cầu vinh. Nhưng người Cách mạng chúng tôi đã khoan hồng cho các anh, để các anh tiếp tục học ở đây thế mà các anh không biết ơn lại còn muốn làm loạn, âm mưu tạo phản… Chúng tôi đố các anh đấy. Có giỏi thì cứ lật đổ Cách mạng xem. Hơn một triệu lính “ngụy” với xe tăng, đại pháo, vũ khí hiện đại, tối tân nhất thế giới mà chúng tôi còn đánh cho chúng cút, bỏ chạy không kịp thì thứ đám con nít các anh “hỉ mũi chưa sạch, miệng còn hôi sữa” thì làm được cái quái gì mà cũng bày đặt”… Tất cả ngồi im. Lớp học lặng yên như tờ. Tôi liếc nhìn Frère Félicien, thấy mặt ông biến sắc, tái nhợt, môi hơi mím lại trước sự lên án nặng nề của tay cán bộ. Có lẽ Frère cũng cảm thấy nhục và đau lòng lắm.

Một buổi trưa khi đi học về, vừa đạp xe vô hẻm, tôi thấy bà con đứng lố nhố quanh giếng nước trước nhà chú Mười của tôi. Ông chú này là em trai thứ mười của ông ngoại tôi. Trong nhà ông, tôi thấy thằng Ánh; công an khu vực, Hai Bảnh; Ủy Viên Văn Hóa Thông Tin phường, cùng một số nhân viên khác, đang lui cui kéo chiếc xe Volkswagen ra khỏi nhà. Chiếc xe hơi này là của dì Hai tôi; nguyên giáo sư dạy Pháp Văn ở Trường Quốc Gia Nghĩa Tử. Chồng dì là trung úy phi công tử trận. Mấy năm trước dì được Tổng thống Thiệu mời vô Dinh Độc Lập, khi trường nhận được một số học bổng của Thụy Sĩ và dì là người được giao trách nhiệm đưa số học sinh này sang đó. Theo lệnh Ủy Ban Quân Quản Thành Phố Sài Gòn-Gia Định, Nhà nước sẽ tịch biên tất cả tài sản của những người bỏ nước ra đi. Để giữ lại chiếc xe, ông chú tôi đã gỡ vài bộ phận khiến máy không nổ được; và để chắc chắn hơn, ông tháo bốn bánh xe mang đi giấu. Hôm nay đến ngày hẹn, ông lánh mặt, để chiếc xe nằm chơ vơ ngoài sân. Thế là bọn chính quyền đi tìm bốn bánh xe cùng loại tới lắp vào và kéo đi!

Ký ức chưa phai

Đến hết niên học lớp mười, năm 1976, Taberd bị giải thể. Trường chúng tôi bị lấy và trở thành Trường Trần Đại Nghĩa cho tới ngày hôm nay. Dòng đời lặng lẽ trôi dưới chính sách khắc nghiệt và sự cai trị độc ác của chế độ. Dân chúng âm thầm tìm đường bỏ nước ra đi.  Sau gần sáu năm tù trong các trại cưỡng bức lao động vì vượt biên thất bại thì lần thứ hai mươi, tôi đến được trại tỵ nạn Palawan-Philippines. Tuy nhiên, vì tới sau ngày “đóng cửa đảo” nên tôi phải qua tiến trình “thanh lọc tỵ nạn”. Kết quả, tôi bị kẹt lại đó gần mười một năm do “rớt thanh lọc”. Sau cùng nhờ sự giúp đỡ của TS Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Tổ chức BPSOS (Boat People SOS), luật sư Trịnh Hội, hòa thượng Thích Giác Lượng cùng nhiều ân nhân khác, tôi đến được Hoa Kỳ vào tháng 7-1999.

Năm 2010, một nhóm bạn “niên khóa 78” của Taberd có tổ chức Hội Ngộ ở Nam Cali sau mấy mươi năm cách biệt. Nhân dịp này, bạn bè biết thêm là người học sinh liệng lựu đạn ngày xưa là bạn đồng khóa với chúng tôi. Bị một thằng bạn chỉ điểm cho Công An Sở TP.HCM, anh và người em trai kế bị bắt đi cải tạo. Lúc được thả về thì gia đình lo cho anh ta vượt biên. Hiện anh định cư tại Thụy Sĩ. Riêng người điềm chỉ cùng gia đình anh này lại được chính ông Võ Văn Kiệt khi còn là Bí Thư Thành Ủy TP.HCM đưa đi trong những đợt cho người Hoa kiều ra đi bán chính thức. Người này đang sống ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.

***

Quá khứ đau thương của một dân tộc được đánh dấu bằng một trang sử thuyền nhân đẫm lệ, đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng kiêu hãnh như cuộn phim cũ được quay lại mà con cháu cũng nên biết cho cái giá phải trả cho tự do! Ngoài kia nắng xuân của buổi sớm mai lấp lánh, rơi nhẹ trên các tàng cây, tôi bùi ngùi cảm khái với hồi ức ngang đời, lòng thì thầm “OK, sau cơn mưa trời lại sáng (Après la pluie le beau temps!)”…

Ohio, ngày 8 tháng 4 năm 2021

Ngày Này Năm Xưa

Kính chuyển Qúi Niên Trưởng Qúi chiến hữu HQVNCH.. ngày này năm xưa tôi đã viết từ lâu.Nay tháng Tư lại về xin kính chuyển lại bài viết từ trong web khoá 20/SQHQ/NT Nxduc 

Thế Chiến Quốc thế Xuân Thu,
Gặp thời thế thế thời thời phải thế.
(Ngô Thời Nhiệm)


Đầu năm 1975, tôi đang thụ huấn khoá tham mưu trung cấp tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Sài Gòn. Tình hình chiến sự sôi động và bi đát từng ngày và từng giờ! Vùng I bị bỏ rơi do di tản chiến thuật, và Vùng II bị sụp đổ cũng do di tản chiến thuật. Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang di tản về căn cứ HQ Cát Lái, trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang và với một khóa sinh viên sĩ quan Hải Quân duy nhất còn lại là khóa 26 – Đệ Tam Dương Cưu – về tạm trú hạm HQ-9601 đậu tại cầu B, bến Bạch Đằng, trước cửa Bộ Tư Lệnh HQ. HQ Trung tá Hà Ngọc Lương đã cùng với gia đình tự sát tại thao diễn trường quân trường Hải Quân Nha Trang trong những giờ phút thành phố Nha Trang hấp hối . Ông đã từng là hiệu trưởng trường Sĩ Quan Hải Quân, cũng đồng thời là giáo sư môn lãnh đạo chỉ huy trong thời chúng ta còn là sinh viên sĩ quan tại Nha Trang.
Theo lệnh BTL/HQ các sĩ quan HQ đang tham dự khóa tham mưu trung cấp sẽ được đưa ra những nơi cần bổ sung sĩ quan để yểm trợ và ổn định những đơn vị từ miền Trung di tản về. Trong khóa tham mưu trung cấp này đa số sĩ quan là có cấp bậc trung úy, ngoại trừ niên trưởng Trọng (K-19), Triết và tôi (K-20) là mang cấp bậc đại úy. Ai sẽ người phải đi xa, ai sẽ được ở lại nơi gần Sài Gòn, và làm sao mà giải quyết chuyện này cho thoả đáng đây? Sau một cuộc rút thăm, hơn quá nửa khóa là phải đi ra Phú Quốc, số còn lại sẽ được phân phối đến những đơn vị di tản từ miền Trung về đang thiếu sĩ quan. Tôi làm trưởng toán năm người, được đưa qua điều hành tiểu đoàn Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân Khóa 26. Những sĩ quan cơ hữu quân trường Nha Trang, chỉ còn lại đại uý CB Nguyễn Bốn, ông đã từng là sĩ quan ẩm thực trong thời chúng ta mới ra Nha Trang, và HQ chuẩn úy TP Nguyễn Văn Tâm, ông đã từng là thượng sĩ thường vụ tiểu đoàn SVSQ khi chúng ta còn trong quân trường. Ông rất đứng đắn, tư cách, và là một người chúng ta rất cảm mến bên cạnh một “bố” Hải thân tình. Sau khi bàn giao trách nhiệm cho chúng tôi, đại úy Bốn đi phép ra Vũng Tàu để tìm kiếm gia đình bị thất lạc trong lúc di tản. Tiểu đoàn SVSQ được chia ra làm hai phân đội để chia nhau ứng chiến tại hai nơi: Cầu G bên sở Hàng Hà, và trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Các sinh viên sĩ quan được phép chia nhau đi bờ, thăm gia đình hàng ngày. Cùng ứng chiến tại Thảo Cầm Viên có thêm một tiểu đoàn tân lập nhẩy dù, có thiếu tá Khoang (K22A-Võ Bị QG/VN) là tiểu đoàn phó, và đồng thời cũng là bạn học cũ với tôi thời còn là học sinh trung học. Chúng tôi bàn với nhau là nếu có chuyện gì xảy ra thì các SVSQ/HQ sẽ cùng chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ nhẩy dù, và sẽ nhận lãnh trách nhiệm chỉ huy từng tiểu đội nhẩy dù. HQ Trung uý Nguyễn Thiện Luỹ được phân định chỉ huy phân đội Hải Quân ở Thảo Cầm Viên. Trung úy Luỹ và phân đội sinh viên sĩ quan HQ khóa 26 đã mất liên lạc truyền tin với phòng hành quân BTL/HQ/BKTĐ, và vẫn còn tại hàng ở Thảo Cầm Viên cho đến tận ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trung úy Lủy bị đi tù cải tạo của Cộng Sản mất bảy năm, và hiện đang định cư tại thành phố Fresno, California. Xin ngưỡng mộ sự hiên ngang, tinh thần trách nhiệm của trung uý Luỹ và các sinh viên sĩ quan Khóa 26, Đệ Tam Dương Cưu.

Trong buổi họp khẩn tại BTL/HQ/BKTĐ vào ngày 26 tháng Tư năm 1975 dưới sự chủ toạ của HQ Đại tá Bùi Kim Nguyệt Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô Hải Quân, một chương trình di tản đã được phác họa là các đơn vị trực thuộc HQ/BKTĐ và tiểu đoàn SVSQ/HQ sẽ di tản về Long Xuyên nếu Cộng quân lấn chiếm Sài Gòn. Tôi đã yêu cầu BTL/HQ/ BKTĐ yểm trợ và trang bị vũ khí, đạn dược cho tiểu đoàn SVSQ/HQ, và xin được cho biết những đơn vị nào sẽ cần liên lạc để được yểm trợ nhu cầu và phương tiện. Điều yêu cầu này đã làm cho Đại tá Nguyệt và phòng 3/BTL/ HQ/BKTĐ rất bối rối và bực mình không ít! Yêu cầu của tôi được hứa là sẽ cho biết vào buổi họp ngày hôm sau, phần súng đạn sẽ do phòng Tư lo liệu. Vào buổi trưa cùng ngày một chiếc LST của Đại Hàn đã rời Tân Cảng và có chở theo một số rất đông những người dân sự, có lẽ là những nhân viên sở Mỹ và gia đình, họ đứng ngồi lố nhố đầy trên boong. Điều này đã làm cho sinh viên sĩ quan lo lắng, giao động, và bàn ra tán vào vì sợ sẽ bị bỏ rơi như khi còn ở Nha Trang! Tôi vội cho họp khẩn cấp riêng với các sinh viên sĩ quan, và khẳng định là không có chuyện đó đối với tôi, và trong cuộc họp này đã có người đề nghị là nếu có thể thì sẽ dùng M-72 để bắn chìm một chiếc tàu nào đó, để gây cản trở cho việc tháo chạy và mọi người cùng ở lại chiến đấu nếu có chuyện bị bỏ rơi. Có lẽ chuyện họp bàn này đã bị báo cáo lên ty an ninh, và kết quả là sau đó tôi đã nhận được bưu điệp phải bàn giao khẩn tiểu đoàn SVSQ/K26 lại cho một sĩ quan mới từ miền Trung về trong vòng 24 tiếng. Hồi 10 giờ 30 ngày 28 tháng tư năm 1975, tôi bàn giao trách nhiệm điều hành tiểu đoàn SVSQ/K26 cho một sĩ quan từ một đơn vị từ miền Trung về. Tôi có nhắc nhở vị này, các SVSQ khoá 26 đang mang lon alpha chuẩn uý, một cấp bậc sĩ quan và sẽ tốt nghiệp vào tháng 10 sắp tới, nên cần chia sẻ những tin tức cập nhật với họ, nhất là những tin tức về di tản… Nhưng sau đó ông lại nhận chỉ thị từ BTL/HQ/BKTĐ và tiếc thay đã điều động tiểu đoàn SVSQ/K26 ra ngoài sân vận động Hoa Lư, và điều này có lẽ đã khiến cho đa số các sinh viên sĩ quan khóa 26 đã bị kẹt lại khi các chiến hạm Việt Nam rời bến ra khơi. Trước khi trở về trình diện TTHL/HQ/Sài Gòn và không biết sẽ được biệt phái đi đâu , tôi bất ngờ gặp lại người bạn cùng khoá HC2 Nguyễn Văn Mười, và anh đã giới thiệu tôi với HQ Thiếu tá Nguyễn Đa Phúc đang cần thêm sĩ quan bổ sung. Tôi đã từng trình diện Thiếu tá Phúc một lần khi khóa 20 vừa mới ra trường từ Nha Trang về, khi ông từng là chỉ huy phó Liên Đoàn Người Nhái vào năm 1970. Ông rất mừng khi gặp lại tôi, và hỏi tôi là có muốn tình nguyện cùng ông tổ chức tiểu đoàn “án ngữ thủ đô” hay không? Tôi đồng ý liền, và bảo chờ bưu điệp để trình diện ông. Trong lúc chờ đợi, tôi phải trình diện Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Sài Gòn. Bạn Đỗ Duy Vy đã hướng dẫn tôi lên trình diện HQ Thiếu tá Lê Công Mừng, và ông bảo tôi hãy trở về trình diện đơn vị cũ, Hải Quân Công Xưởng, trước khi được kêu đi học khoá trung cấp. Trở lại phòng nhân viên HQCX, tôi gặp lại các bạn cùng khóa Lưu Ngọc Quang, Nguyễn Duy Hòa, Nguyễn Văn Chừng, Võ Văn Vân, Võ An Dân, Phan Xuân Sơn, Nguyễn Tấn Đực…, và tôi phải chờ để được trình diện HQ Đại tá Nguyễn Văn Lịch, giám đốc Hải Quân Công Xưởng để được phân bổ nhiệm sở. Chờ hoài, chờ mãi đến chiều mà cũng không thấy phòng nhân viên nói năng gì cả! Hỏi thì chỉ được trả lời là đại tá đang bận, nên tôi đề nghị là hãy trả lại tờ bưu điệp để tôi làm giấy tờ đi đường và ngày mai, 29 tháng 4, sẽ trở lại trình diện tiếp.


Thay bộ đồ dân sự, tôi lấy xe chạy về nhà; trên đường về nhà tôi gặp lại bạn HC2 Phan Xuân Sơn; thế là hai đứa kéo nhau vào một cái quán ven đường, làm một chai bia con cọp và nói chuyện “cà kê dê ngỗng” cho lòng bớt “đánh lô tô” trong lúc Sài Gòn hốt hoảng, Sài Gòn chạy lên Tân Sơn Nhất, Sài Gòn chạy xuống Tân Cảng, và Sài Gòn chạy lòng vòng để tìm đường thoát ra ngoài! Sài Gòn ban đêm giới nghiêm với tiếng súng ì ầm từ xa vọng về, và tôi ngủ lại nhà qua đêm. Sáng sớm ngày hôm sau, 29 tháng Tư, lệnh giới nghiêm 24/24 được ban hành; Ba mẹ tôi lo lắng, hối thúc tôi trở vào trại. Tôi đang chần chờ vì tất cả quân phục tôi đều để trong HQCX, tình cờ thấy bạn HC2 Phạm Công Hoàng chạy xe Honda phóng vội vã qua ngang nhà, tôi vội gọi với theo, nhưng bạn Hoàng vẫn phóng chạy thẳng! Điều này làm cho tôi càng thêm lo lắng, bồn chồn, và không biết là chuyện gì đã xảy ra trong đêm ở BTL/HQ? Tôi bảo nhà tôi là ráng tìm xem trong các tủ quần áo coi có thấy được bộ quân phục nào hay không? Sau cùng thì nhà tôi cũng lôi ra được cái nón đi biển, và một bộ quân phục với cặp lon trung úy cũ. Bộ đồ này có từ hồi tôi còn phục vụ trên chiến hạm, và mặc tuy hơi chật một tý nhưng có vẫn còn hơn không. Trước khi từ giã gia đình, bà xã nhét vội vào túi tôi bốn tờ giấy Trần Hưng Đạo để dằn túi. Khi vào đến HQCX, tôi thay quân phục chỉnh tề và rủ bạn HC2 Võ Văn Tâm đang tạm trú qua câu lạc bộ ăn sáng. Bạn Tâm quê ở Mỹ Tho, mới được thuyên chuyển về để thay thế HC2 Nguyễn Văn Xê trên phòng nhân viên, nên tạm trú tại phòng của tôi. Tâm cạn tiền túi nên làm “chú tiểu giữ chùa,” không về Mỹ Tho. Tôi giúi cho Tâm một tờ Trần Hưng Đạo để dằn túi. Sang đến bên CLB/HQCX, chúng tôi được biết đại tá giám đốc HQCX đã cho mở kho quân tiếp vụ để bán cho nhân viên, tôi mua một thùng mì gói và nói với Tâm mang về để trong phòng mà có cái ăn. Tâm rủ tôi qua bên BTL/HQ để chơi domino giết thì giờ; tôi từ chối vì phải qua phòng nhân viên để làm thủ tục trình diện nhận nhiệm sở.
Tại phòng nhân viên HQCX, tôi lại phải ngồi chờ nên mò sang văn phòng HC2 Lưu Ngọc Quang để tán dóc. Ngoài Quang ra, tại đây còn có các cô Mỹ – phu nhân bạn Võ Văn Vân, và cô Hoa – phu nhân bạn Lê Công Khai. Vẫn chưa được qua thủ tục trình diện, tôi lại thả bộ qua CLB/HQCX ngồi chầu rìa các bạn Nguyễn Duy Hoà và Nguyễn Văn Chừng đang đánh Bi-da lỗ.Chợt đài phát thanh Sài Gòn phát ra lời nói của thủ tướng chính phủ đương thời, ông Vũ Văn Mẫu, kêu gọi Hoa Kỳ phải rút lui khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Tôi chợt nhớ lại lời của ông anh rể của bà xã tôi nói mấy ngày trước:”Một khi họ đuổi Mỹ rồi thì các chú phải tìm cách đi ngay, không chần chờ, vợ con tính sau…” Tôi bỏ ra trước cửa CLB, nhìn lên trời thấy từng đoàn, từng đoàn trực thăng loại lớn bay từ hướng biển vào. Trở vào trong tôi kêu mọi người ra xem, và đề nghị mọi người hãy về nhà và mang gia đình vào bến tàu.
Tôi rủ Phan Xuân Sơn ra về, nhưng ngoài cổng Bạch Đằng trước cửa BTL/HQ, quân cảnh HQ không cho ai rời trại theo lệnh cắm trại 100%. Đang loay hoay, thì thấy Phạm Công Hoàng, Tôi hỏi sáng nay chạy đi đâu mà vội vã thế? Hoàng cười và trả lời là chạy về thăm sấp nhỏ; Tôi và Sơn vội ngỏ ý muốn ra ngoài, nhưng Hoàng trả lời là không có nhiệm vụ ngoài cổng! Nhân lúc hai quân cảnh mới ra thay gác, tôi và Sơn vội phóng lẹ ra ngoài.Thả Phan Xuân Sơn xuống và hẹn sẽ gặp lại, nhưng Sơn cười nói còn cây colt để tự vệ, và cho biết sẽ không đi. Tôi chạy vội về nhà, bà xã tôi đã về thăm mẹ, mẹ tôi thì đang đi gửi thằng em đang học khóa 10 SVSQ/CSQG vì hy vọng sẽ đi được theo đường dây của phái đoàn CIA. Tôi vội bảo mọi người trong nhà phải chuẩn bị để đi di tản ngay rồi vội chạy nhanh qua bên ngoại đón bà xã về, không kịp trả lời những câu hỏi về sự ra đi khẩn cấp này của ông chú mới triệt thoái từ Long Khánh về. Tới nhà cụ thân sinh ra nhà tôi thì được biết là các ông anh vợ đã vào Tân Sơn Nhất, ông anh rể cũng vừa rời khỏi để về nhà! Tôi thu xếp mọi người còn lại lên ba chiếc xe gắn máy để chạy qua nhà tôi rồi cùng đi. Qua nhà thương Từ Dũ, bắt gặp Trần Đức Hợp, Trần Phước Vạn và một số người nữa thuộc K.19 đang đứng nói chuyện. Trần Đức Hợp trách móc: “Cả tháng nay sao không thấy mặt ông?” Trần Đức Hợp và tôi đã có mưu toan lấy một cái phà nằm trước nhà thương Chợ Quán để thoát ra biển một khi có biến; Chúng tôi đã tích trữ lương thực, súng đạn, và cả máy truyền tin nữa. Tôi vội cho biết là bận coi khóa 26 nên không gặp, và cho biết hãy về đưa gia đình ra bến tàu vì hạm đội sẽ tháo dây ra khơi khoảng bảy giờ tối.
Rời các bạn khóa 19, tôi chạy về khi qua cửa trường dạy lái xe của Liên, bà xã HC2 Phan Ngọc Long, bà cụ mẹ của Liên tóm lấy tôi hỏi thăm tin tức. Tôi cho biết là Long vẫn còn bị kẹt lại trong trại, không ra được vì lệnh cấm trại 100%, và cho biết là tôi sẽ đưa gia đình tôi vào bến tàu Hải Quân. Thế là bà cụ mẹ của Liên nắm chặt lấy bà cụ mẹ của bà xã tôi và hai đứa cháu con của bà chị vợ, và bảo ở lại đó chờ tôi quay lại để đi cùng vì trong nhà có nhiều phương tiện chuyên chở như xe hơi (để dạy lái xe); Tôi đồng ý và về đón thêm những người còn lại. Tôi dồn bà chị, ba cháu nhỏ, và em gái tôi bồng con gái tôi lên chiếc xe hơi của gia đình chạy qua nhà mẹ vợ bạn Phan Ngọc Long để cùng đi như đã hứa. Ra đến bến tàu, một cảnh tượng tôi chưa hề thấy lúc ban trưa khi tôi và bạn Sơn ra về, một rừng người đang bu quanh trước hàng rào vào BTL/HQ. Toán quân cảnh của trung úy Bích đang rút lui dần về tượng Trần Hưng Đạo. Tôi đổ toán một và gia đình bạn Phan Ngọc Long xuống, và vội gửi Trung úy Bích cho họ theo vào. Tôi dặn mọi người là ráng leo lên chiếc HQ-2, và tìm gặp Trung úy Nguyễn Văn Tề, K-19. Tôi thật sự hoảng sợ khi thấy người ta đang ùn ùn, chen chúc cố gắng chui vào trong bến tàu. Tôi quay xe về để đón toán thứ hai trong gia đình, và tôi mất bình tĩnh và không còn nhởn nhơ như hồi trưa nay nữa! Khi toán cuối cùng của gia đình tôi ra đến bến tàu thì thật là chật vật, người như nêm cối trước nút chặn tại cổng gác trước cửa BTL/HQ. Vì con gái tôi còn nhỏ, nên hai vợ chồng tôi và năm đứa em đã cố đem theo hai thùng sữa bột Etma và tay xách nách mang những vali quần áo. Không thể nào chen lọt vào được cả đoàn với đồ đạc lỉnh kỉnh như thế này, nên tôi đã cố đẩy nhà tôi và chú em thứ năm chen vào trước, và dặn là cố leo lên chiếc HQ-2 tìm con. Tôi và những đứa em còn lại leo lên chiếc xe gíp (jeep) của CHT/Tạm trú hạm HQ 9601 chờ chạy vào sau vậy. Tôi gặp bạn HC2 Đào Cơ Chí đang đứng lớ ngớ phía ngoài, hỏi: sao bạn không vào đi? Chí trả lời là còn chờ đón ông cụ thân sinh nãy giờ mà sao vẫn chưa thấy tới! Đoàn tàu bắt đầu cho tháo dây, và lần lượt từ từ rời bến làm cho tôi càng thêm nóng lòng! Tôi hối anh tài lái xe tiến tới, nhưng trưởng toán nút chặn không cho mở cổng. Chợt thấy HQ Trung tá Nguyễn Văn Tòng, Tư Lệnh Phó Biệt Khu Thủ Đô Hải Quân đang đứng gần đấy, tôi vội lại chào ông vì có quen biết trong lúc chiến hạm tôi phục vụ hành quân bên NeakLuong. Ông hỏi tôi: sao chưa đi? Tôi trình bày lý do và xin ông cho lệnh mở cổng cho chúng tôi. Ông đã im lặng không nói, và quay lưng đi vào; Tôi nhanh tay kéo hàng rào kẽm gai và ra hiệu cho tài xế xe jeep chạy vào. Trung sĩ Mao, trưởng toán nút chặn giận dữ bắn một tràng M16 chỉ thiên và lớn tiếng:”Đại úy làm như vậy làm sao tôi làm việc được!” Tôi quay lại nói đại là đã xin phép trung tá Tòng rồi, và nhẩy lên xe hối anh tài lái xe trực chỉ cầu B. Xin có lời tạ lỗi với Trung Sĩ HQ Mao và các anh em HQ canh gác tại nút chặn; tôi đã nói dối với anh, và đã gây trở ngại cho anh chút đỉnh. Xin nhận nơi đây lời tạ lỗi này, và lòng biết ơn sâu xa của chúng tôi đến tinh thần trách nhiệm và sự hy sinh của các anh.
Người ta đứng lố nhố đầy trên cầu tàu, và may mắn cho chúng tôi làm sao khi chỉ còn một hạm kiều phía trước mũi của chiếc HQ-1 là chưa hạ xuống vì hạm trưởng – HQ Trung tá Nguyễn Địch Hùng – chưa lên tàu. Tôi dẫn mấy đứa em leo vội lên tàu. Vừa bước lên boong thì thấy HQ-2 vừa hoàn tất việc tháo dây, và đang từ từ tách ra rời khỏi chiếc HQ-3 nằm kế bên chiếc HQ-1. Tôi thấy nhà tôi và chú em thứ năm đang giơ tay làm hiệu. Tôi rất mừng tưởng là mọi chuyện êm xuôi, nhưng không ngờ đó lại là dấu hiệu cho biết là đã không tìm gặp được mẹ, chị, em, các cháu, và con gái đầu lòng yêu quý của chúng tôi! Họ bị bỏ rơi khi đi cùng với toán đầu tiên vào, và chỉ còn biết đứng chờ tôi trên cầu B! Mãi đến mười lăm năm sau tôi mới đón được mọi người qua đoàn tụ, ngoại trừ bà chị xấu số đã bị mất đi vào năm 1978.


Hạm đội Việt Nam Cộng Hòa được tụ tập tại vị trí điểm hẹn Côn Sơn ngày 30 tháng 4 năm 1975; Sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh yêu cầu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa buông súng, thì ai muốn quay về thì theo một hai chiếc chiến hạm quay trở lại bờ biển Việt Nam; còn ai không muốn trở về thì theo đoàn chiến hạm còn lại để ra khơi tìm con đường sống. Đoàn chiến hạm rời Côn Sơn có khoảng 32 (?) chiếc mang theo khoảng hơn hai chục ngàn người (20,000) kể cả hai chiếc ghe sơn màu vàng của những người Hoa Chợ Lớn, được chia ra làm hai toán hay hai phân đoàn tả, hữu chạy song song và nối đuôi nhau, và chiếc PCF của bạn HC2 Nguyễn Văn Nhất Lãng làm chiếc taxi đưa tay công điện, mật lệnh, hay tiếp tế giữa các chiến hạm. Dẫn đầu hai phân đoàn là hai chiếc Hộ Tống Hạm HQ- 11 và HQ-12; Chiếc HQ-11 phun khói đen mù mịt, theo sau là chiếc Trợ Chiến Hạm HQ-228 có hạm phó là bạn HC2 Nguyễn Ngọc Châu phít (xin quan Châu phít đính chính nếu có gì không đúng.)
Đoàn tàu chạy không có phương hướng trong mấy ngày đầu vì chưa biết sẽ đi đâu, mặc dù trên soái hạm (?) vẫn còn có sự hiện diện của viên cựu cố vấn Mỹ HQ thiếu tá Richard Armitage. Ông Armitage đã từng làm cố vấn cho HQ Việt Nam, tính tình rất xuề xòa bình dân, còn có tên Việt Nam là Trần Văn Phú, và nghe đâu ông ta còn là một nhân vật “cớm chìm” của cơ quan CIA. Từ trước năm 1975, ông ta là tùy viên quân sự tòa đại sứ Mỹ. Chính ông đã là những móc nối, động lực cho HQVN để tổ chức, và bảo đảm cho các chiến hạm Việt Nam ra khơi rời Việt Nam trong giờ thứ 25 của cuộc chiến. Mặc dù chính phủ Phi Luật Tân phản đối và không chấp nhận hạm đội Việt Nam, nhưng qua một cuộc “đạo diễn” của ông Artmitage này với hai chính phủ Hoa Kỳ và Phi Luật Tân, hạm đội Việt Nam cũng đã được phép vào Subic Bay chỉ sau khi đã đồng ý “hoàn trả lại” cho Hoa Kỳ.


Một buổi lễ hạ kỳ cùng giờ vào sáng ngày 7 tháng 5 năm 1975 trên tất cả các chiến hạm của hạm đội HQVN. Mọi người vừa hát quốc ca vừa khóc khi lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam được từ từ kéo xuống, rồi được thay thế bởi một lá cờ Hoa kỳ. Chúng tôi bàn giao quyền chỉ huy chiến hạm lại cho một vị sĩ quan Hoa Kỳ, tuy nhiên đây chỉ là tượng trưng vì điều hành con tàu vẫn do sĩ quan và thủy thủ đoàn Việt Nam. Chúng tôi lẳng lặng tháo lon, một số người vất xuống biển, còn một số người cất vào túi. Mọi số tàu, tên chiến hạm được sơn lấp mất dấu trước khi chiến hạm tiến vào hải phận Phi Luật Tân, và Subic Bay. Chúng tôi được chuyển qua tàu chở hàng, để được đưa qua trại tỵ nạn bên đảo Guam, hay bên đảo Wake.

TIN BUỒN HQ

From: Duke Nguyen

Kính thông báo Qúi Niên Trưởng, Qúi chiến hữu Hải Quân tin buồn tháng 4 / 2021 là cựu HQVNCH chúng ta vừa mất thêm 4 SQHQ :
Hai thuộc gia đình Đệ Nhị Thiên Xứng k19 SQHQNT là
TX2 Nguyễn Bá Tuế mất tại Long Xuyên ngày 3/4/2021.
TX2 Lê Công Thành mất tại Arizona
Hai thuộc gia đình Đệ Nhị Hổ Cáp K20SQHQNT là
HC2 Guise Hùynh Kim Chiến mất ngày 19/3/2021 tại Nam California .
HC2 Phanxico Savie Nghiêm Xuân Chương vừa mất ngày 13/4/2021 tại Worcester , Massachusetts
Kính thông báo để tuỳ nghi
Kính
Nxduc

‘Giấc mơ Mỹ’ còn hay mất?

Trích trong bài ‘Người thủy thủ gìa và tháng Tư Đen’ của Quốc Nam (Trường Sa 611)

Nhớ lại năm xưa khi còn mặc áo nhà binh, lão đần độn không quan tâm gì đến chính trị. Lão như kẻ mù lòa trước thời cuộc. Cái kết của sự vô tri đó, lão phải trả cái gía qúa đắt, lão đi tù cộng sản 7 năm. Bảy năm vợ xa chồng, 7 năm con xa cha là một tổn thương lớn đối con trẻ. Sau khi ra tù lão đưa gia đình vượt biên.
Lão vốn là một sĩ quan hải quân VNCH khi xưa, lão biết rằng vượt biên đường biển là một cuộc hành trình đầy nguy hiểm, phó thác cho số mệnh hên hoặc xui. Dù cho ai đó cho là mình lão luyện trong nghề đi biển nhưng có ai dám chắc ra đi sẽ chắc đến? Một khi ra đi là chấp nhận cái rủi có thể ‘bán mạng’ vợ con trước họng súng của kẻ thù truy đuổi hay bị bắt cầm tù hoặc bỏ xác trong sông, dưới biển hay bị hải tặc hành hạ nếu cuộc vượt thoát không thành; Sau này mỗi lần nghĩ đến vượt biên lão cảm thấy ớn lạnh, rùng mình, thậm chí lão không dám nghĩ đến chuyện gì sẽ xảy ra nếu chuyến đi thất bại.
Kinh nghiệm ‘vô tri thời cuộc’ trước kia của lão đến khi thời đại công nghệ internet phát triển đã giúp lão tiến gần đến truyền thông báo chí, các mạng xã hội làm lão thức tỉnh nhận ra chính trị, kinh tế nó ảnh hưởng lớn thế nào đến xã hội và cuộc sống hằng ngày. Lão cũng nhận ra tập luyện giác quan nhạy bén ‘chuyện gì đang xảy ra?’ rất cần thiết để ứng phó cuộc sống. Từ đó lão ngày ngày đọc tin tức, nghiên cứu tài liệu, xem bình luận thời cuộc về chính trị, kinh tế, quân sự, v.v…
Năm 2020 là năm đầy biến động đối với toàn thể xã hội nhân loại, đặc biệt là nước Mỹ. Ăn mừng năm mới chưa bao lâu, dịch bệnh COVID-19 (China virus) bùng phát trong sự ngỡ ngàng và làm đảo loạn đời sống sinh hoạt cũng như cướp đi hơn hai triệu sinh mệnh trên toàn thế giới. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa thuyên giảm, nước Mỹ bước vào cuộc tổng tuyển cử then chốt, cực kỳ quan trọng mang tính quyết định vận mệnh tương lai không chỉ của Hoa Kỳ, mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Từ lẽ đó, lão theo sát cuộc tổng tuyển cử 2020 có một không hai: Cuộc bầu cử này không đơn giãn, nó vượt qua cuộc đấu tranh lưỡng đảng. Là cuộc bầu cử gây tranh cãi lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, và bản chất của nó cũng hoàn toàn khác với những lần bầu cử trước.
Sau đó lão đã tổng hợp sự thật và nhiều tài liệu để biên soạn một bài viết tương đối dài dưới tựa đề: “Nước Mỹ! Con ong đã tỏ đường đi lối về”. Bài viết được trích đăng trên các websites và nhiều tờ tuần báo. Bài viết như một bức tranh sống động toàn cảnh cuộc bầu cử Mỹ năm 2020. Bài viết được coi như một đóng góp chia sẽ thời sự với cộng đồng người Việt.
Lão cũng như nhiều người khác tự hỏi: “Đảng Dân Chủ truyền thống ngày nay đã biến chất, không còn là Đảng Dân Chủ khi xưa? Và chẳng lẽ nước Mỹ vĩ đại như vậy lại trở thành một nước Mỹ XHCN, dưới thời Biden hay sao?”.
Thực tế hàng trăm triệu người Mỹ và hàng tỷ người trên thế giới đang chứng kiến một nước Mỹ đang chuyển đổi với tốc độ chóng mặt. Lão không thuộc phe ‘cuồng Trump’ hay ‘cuồng chống Trump’. Lão tránh né các cuộc tranh luận, lão biết rằng tranh cãi cũng vô ích vì không thể nào lay chuyển được đối phương. Lão chỉ muốn đi tìm sự thật…
Qua cuộc vận động tranh cử tổng thống 2020, lão ghi nhận nghị trình tranh cử đối nghịch nhau của hai ứng viên mà ủy ban vận động tranh cử đôi bên không cần che dấu như dưới đây:

  • Chiến dịch vận động tranh cử phe ứng viên TT Donald Trump mang tính cực hữu của chủ nghĩa Dân tộc: ‘America First’, ‘Make America Great Again’, giữ gìn các gía trị lập quốc của các Tổ phụ và vạch trần XHCN trong lòng Đảng Dân Chủ.
  • Nghị trình vận động tranh của ứng viên Joe Biden mang tính ‘chủ nghĩa toàn cầu’ dựa vào bản công bố chung Tuyên ngôn Chính sách XHCN ‘Green New Deal’ mở rộng dài 110 trang được ký kết giữa Biden và TNS Bernie Sander vào ngày 8/7/2020 do Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (AOC) soạn thảo. AOC thuộc nhóm “The Squad” tại Hạ viện, thành viên Đảng Democratic Socialists of America. Thầy trò Bernie Sander và AOC là người theo XHCN cực đoan hay còn có một tên gọi khác là ‘chủ nghĩa tự do cấp tiến’.

Ngày nay ở Hoa Kỳ, sự “đồng cảm” dành cho các phong trào chủ nghĩa cộng sản, các phong trào chủ nghĩa xã hội và chủ thuyết ‘toàn cầu hóa’ đạt đến một độ cao đáng sợ, nhất là ở bậc đại học và sau đại học, cũng như nó được tiếp nhận rộng rãi trong giới ‘tin anh’, trí thức kể từ sau thập niên 60 do họ bị dẫn dắt’ từ ở học đường và xã hội thì bị giới truyền thông cánh tả định hướng.. Do đó nghị trình tranh cử của Biden công khai ‘XHCN Green New Deal’ hay ‘Toàn cầu hóa’ là điều không có gì lạ mà Đảng Dân Chủ cực tả không cần che dấu.. Nhưng đối với người Việt hay các sắc dân khác tỵ nạn cộng sản tại Mỹ không khỏi kinh hoàng khi nghe nói đến XHCN hay chủ nghĩa cộng sản.
Tuy cuộc tranh cãi gian lận bầu cử 2020 đã đi vào qúa khứ, nhưng ‘vũ khí sinh học’ Covid-19 (virus Wuhan), nạn kỳ thị chủng tộc ‘người Mỹ da trắng thượng đẳng’, chủ trương phá hủy những gía trị lập quốc của các tổ phụ nước Mỹ còn đang tiếp diễn…
Phong trào BLM và Antifa (những người trang bị tư tưởng mác-xít), Đảng XHCN Dân Chủ Mỹ, Đảng Cộng sản Mỹ, những chính trị gia thiên tả, những nhà tỷ phú tài phiệt ‘nhà nước ngầm’ thân ĐCSTQ đeo đuổi phong trào ‘Tái lập vĩ đại’ của thuyết ‘toàn cầu hóa’ hay ‘trật tự thế giới mới’ (New World order), Phố Wall, truyền thông dòng chính (big media) và thế lực ‘văn hóa xóa sổ’ (big tech bịt miệng đối lập) của GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazone) được ‘bảo kê’ bởi Đạo luật 230 đang thao túng chính trường Mỹ, tất cả đang kết hợp thành một để định hình nước Mỹ mới.
Trước mắt, nước Mỹ đang hổn loạn, 21 tiểu bang Cộng Hòa chống lại chính sách của ông Biden, biên giới phía Nam đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng không lối thoát với chánh sách mở cửa biên giới của Biden (riêng trong tháng Ba CBP thông báo có 172.000 người nhập cư bất hợp pháp, trong đó có 19.000 trẻ em không có thân nhân), phong trào kỳ thị ‘người Mỹ da trắng thượng đẳng’ đang dâng cao, nạn xả súng giết người hàng loạt, nạn kỳ thị bạo lực người gốc Á bùng nổ (thuyết Critical Race Theory, viết tắt là CRT), v.v…mà giới truyền thông dòng chính (big media) và các gã công nghệ khổng lồ mạng xã hội (big tech) không thể dấu diếm che đậy được nữa. Trang dữ liệu ‘Tracking The White House YouTube channel’ (https://81m.org/) cho thấy phản ứng của người dân Mỹ đối với chính quyền mới thế nào?
Nước Mỹ sẽ ra sao? ‘Giấc mơ Mỹ’ còn hay mất? Hãy chờ xem…..

Tháng Tư Đen năm 2021.
Quốc Nam (Trường Sa 611)

Người thủy thủ gìa và tháng Tư Đen

Người thủy thủ gìa và tháng Tư Đen

Quốc Nam -Trường Sa 611

Phần 1: Tháng Tư Đen

Cứ mỗi độ Xuân về, lão nhớ về những ngày của tháng 4 năm 1975…
30/4/1975! Ngày đánh dấu thảm họa cộng sản đến trên quê hương của lão; Đó là Ngày Quốc Hận, ngày bất hạnh của miền Nam rơi vào tay giặc phương Bắc, cũng là ngày đại tang của dân tộc!
Sau cuộc tổng nổi dậy của giặc cộng vào Tết Mậu Thân 1968 hàng hàng lớp lớp trai trẻ miền Nam trong đó có lão lên đường tòng quân giữ nước. Họ tòng quân vì nhiều ước mơ: ước mơ tự do, ước mơ độc lập, và ước mơ ấm no cho toàn dân miền Nam. Người lính VNCH đã chiến đấu kiên cường, bất khuất để thực hiện những ước mơ chính nghĩa đó. Nhưng vận nước đổi thay không cho phép họ hoàn thành sứ mạng mà họ mong muốn. Ngược lại cộng sản chỉ có độc nhất một mong muốn, đó là xâm lược miền Nam bằng mọi gía. CSBV đã thắng. Miền Nam bị bức tử, người lính VNCH bị trói tay, kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm.

Nổi đau đất nước điêu linh vì chiến tranh và quê hương tan nát dưới sự cai trị của cộng sản làm dấy lên trong lòng lão sự uất hận và căm thù cộng sản đến tận xương tủy. Lão rời bỏ quê hương ra đi với mối hờn vong quốc và không một lần trở về từ đó..


Ở đây, lão tự xưng là ‘người thủy thủ gìa’ không phải lão gìa theo nghĩa có nhiều năm phục vụ trong quân chủng hải quân, mà lão gìa vì lão đang ở cái tuổi ‘thất thập cổ lai hy’. Chặn đường chinh chiến của lão ngắn ngủn chỉ có hơn 5 năm làm lính thủy tính từ ngày lão rời đại học tình nguyện vào khóa 21 sĩ quan hải quân giữa năm 1969 vừa lúc lão đúng 20 tuổi.
Đơn vị hải quân đầu tiên của lão ở tận một hải đảo xa xôi có tên gọi là Hòn Khoai (Duyên đoàn 41 Poulo Obi) hay ‘Hải đảo Giáng Tiên’, ngày đêm nghe tiếng sóng vỗ…
“Obi gió lạnh không tình sưởi,
Rượu uống mềm môi vẫn thấy thèm”.
(Thơ của Giang Hữu Tuyên, người bạn cùng khóa hải quân với lão)
Rời hải đảo Giáng Tiên lão thuyên chuyển về Duyên đoàn 42, hậu cứ đồn trú tại An Thới (Phú Quốc) và sau đó lão thuyên chuyển đến Hải đội 5 Duyên Phòng rồi tăng phái Hải đội 4. Những đơn vị đi biển này đã toi luyện lão thành gã lính biển chuyên nghiệp. Lão chưa có cơ hội phục vụ các đơn vị chiến đầu trong sông là những đơn vị hào hùng của hải quân VNCH với những chàng trai kiêu hùng cùng những ‘kình ngư’ dậy sóng ngày đêm trực diện quân thù với những trận đánh oanh liệt làm cho địch quân khiếp sợ mà lão được đọc qua các bài viết của đồng đội, của các đặc san hải quân và tài liệu hải sử.
Cuối năm 1974, lão bàn giao duyên tốc đĩnh (PCF)HQ.3909 đang biệt phái tuần tiểu vùng biển Hòn Tre Rạch Gía cho một sĩ quan khác để thuyên chuyển về Hạm đội tiếp tục xây mộng hải hồ trên Tuần duyên hạm PGM HQ-611.
Nhưng không may, vận nước đến thời đen tối, lão xuống HQ.611 vào thời điểm miền Nam nhiễu nhương và đang dần dần co cụm lại trước sự tấn công xâm lược khốc liệt của cộng sản miền Bắc sau khi ‘Mỹ’ gỡ bỏ vòng đai chống cộng vùng ĐNÁ và bán đứng miền Nam qua HĐ Paris 1973; ‘Mỹ’ rút quân về nước; ‘Mỹ’ bỏ rơi VNCH, ‘Mỹ’ bôi nhọ 58 ngàn lính Mỹ tử vong và trên 300 ngàn lính Mỹ bị thương tật trên chiến trường Việt nam và ‘Mỹ’ bôi bẩn các cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt nam khi trở về nước; Ở đây chữ ‘Mỹ’ lão muốn nói đến Quốc hội Mỹ phe cánh tả, những chính khách qùy gối trước cộng sản, chối bỏ trách nhiệm, phản chiến và không muốn Hoa Kỳ chiến thắng trên chiến trường Việt nam.

QLVNCH, một quân đội còn non trẻ đơn độc, đang cạn kiệt phương tiện chiến đấu, không quân viện, chiến đấu trong tuyệt vọng phải đương đầu cả khối cộng sản phương Bắc đang mở đường tấn công xâm lược ồ ạt tiến xuống miền Nam….Từ đó Vùng I thất thủ đến mất Vùng II…Dinh Độc Lập ngày 8/4/75 và Phi trường Tân Sơn Nhất chiều 28/4 bị dội bom, Saigon giới nghiêm, Bộ Tư lịnh Hải quân Saigon từ cấm trại đến báo động đỏ và đêm 29/4 hạm đội di tản. Sáng 30/4 Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, QLVNCH bị bức tử, nhiều tướng tá binh sĩ VNCH uất ức tuẫn tiết, quân Bắc Việt tiến vào Saigon…

* * *

Sáng sớm 30/4/1975, lão tần ngần đứng trơ trọi tại cầu A đối diện với cỗng Bộ Tư lệnh Hải quân Saigon, nơi chiến hạm của lão lúc chiều hôm qua con tàu còn đó mà giờ đây nó đã biến mất cùng với nhiều chiếc hạm lớn nhỏ khác dọc trên bờ sông Saigon. Bến tàu vắng tanh….Lão như kẻ mất hồn, thẩn thờ; Lão không màng quan tâm chung quanh cảnh vật tan hoang đổ nát. Lão cảm thấy như bị vứt vào vùng tối đầy cô đơn và mất mát. Lão cảm nhận được tâm trạng ‘lìa đàn’, mất mát đau tận đáy lòng: Mất chiến hạm, xa đồng đội, mất bạn hữu, tan nát mộng hải hồ và mất cả Tổ quốc. Lão cũng không màng nghĩ đến, không sợ hãi những gì sẽ xảy ra cho kẻ ‘thua cuộc’ như lão phải ở lại với kẻ thù và lão đang đứng nơi đây còn trong bộ quân phục ngày nào, mặc kệ cho kẻ thù đang tiến vào Saigon…

-Ê Nam! Có đi không? Lên tầu tao.
Tiếng gọi tên lão từ chiến hạm tuần duyên PGM đang từ từ cập vào cầu A nơi lão đang đứng cắt đứt dòng cảm xúc bơ vơ của con chim hải âu gãy cánh lìa đàn; Tiếng kêu thảm thiết của cánh chim lạc đàn đang dấy lên trong lòng lão biến thành dòng nước mắt lẽ loi, bơ vơ và mất mát sắp tuông ra khóe mắt, làm mắt lão cay xè.
Lão nhận ra giọng Bắc kỳ quen thuộc của người bạn cùng khóa gọi tên lão từ chiến hạm đang cặp cầu. Lão bắt dây cho con tàu và trèo lên chiến hạm.

-Cám ơn mày Báu. Tao không đi, tao không thể bỏ lại vợ con mày à. Sao tàu mày đi trễ vậy?

-Tao từ Vũng Tàu vào đây đón hạm trưởng nhưng không thấy ổng; Trung úy Báu nói.
Lão thúc giục thằng bạn:

-Thôi! Vậy mày đi lẹ đi. Tao trở về nhà ngay bây giờ.

Nói xong lão trèo xuống và tháo dây cho chiến hạm tách khỏi cầu. Chiếc hạm ra giữa dòng sông và từ từ xa dần… Lá quốc kỳ phía sau cột lái phất nhè nhẹ như nghẹn ngào chào gĩa biệt Saigon làm cho lòng lão chùng xuống, se lại. Lão bùi ngùi chứng kiến chiến hạm cuối cùng của hải quân VNCH ra đi. Bên kia phía Thủ Thiêm mặt trời đã lên khỏi mái nhà. Lão rời cầu A…
Dựng chiếc xe gắn máy trước cỗng nhà, lão chưng hửng khi thấy Thủy thủ Tô Nhật Hà mở cỗng; Hà là người lính thủy trẻ tuổi dưới tàu đã lái xe đưa lão về nhà chiều hôm qua. Lão ngạc nhiên hơn khi thấy lố nhố gần hai chục thủy thủ khác đứng ngồi trong phòng khách. Thấy lão bước vào, họ đứng lên chào lão… Họ đang chờ lão.
Vào hẵn bên trong phòng khách lão mới biết ra là các thủy thủ tập hợp tại nhà lão để báo tin tối hôm qua (29/4) tàu bị nhiều quân nhân có vũ trang ùn ùn trèo lên chiến hạm và cưỡng ép tàu ra đi mặc cho tàu không có hạm trưởng. Giữa đường ra Vũng Tàu, chiến hạm bị vô nước và chìm. Họ lội vào bờ và đi bộ về đây. Lão chưa hỏi được tại sao tàu vô nước đến chìm vừa lúc cái radio trên đầu tủ đưa tin tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Lão và anh em thủy thủ đoàn HQ.611 nhìn nhau bàng hoàng…vài thủy thủ rơi lệ…

-Thôi! anh em nhà ai nấy về, rồi tính sau. Lão nghẹn ngào nói

Lão bùi ngùi tiễn anh em thủy thủ ra cỗng. Nhìn theo họ thất thểu đi khuất khỏi đầu ngỏ lão cảm thấy đau lòng. Nếu chiều tối hôm qua đứa con gái của lão không lên cơn suyễn nặng, lão và vợ phải đưa con bé vào bệnh viện Nguyễn Văn Học và bồng con bé suốt đêm thì có lẽ cuộc đời đã đổi thay; Lão sẽ mang được vợ con, thân nhân xuống tàu di tản trong đêm 29/4 và HQ.611 của lão sẽ là chiếc ‘soái hạm’ đưa Đô đốc Tư lịnh Hải quân Chung Tấn Cang ra biển như bài viết ‘HQ 601: Soái hạm nhỏ nhất’ trên website tài liệu của niên trưởng HQ. Trần Đỗ Cẩm (khóa 10). Lão cũng được đọc bài viết “Đêm giang hành lịch sử” của HQ Trung tá Trần Hương (‘Người thủy thủ già’ khóa 9), vị sĩ quan hộ tống Đô đốc Tư lịnh Chung Tấn Cang xuống HQ.611 nhưng lão không có mặt dưới tàu nên phái đoàn di tản của Đô đố chuyển sang HQ.601 của Hạm trưởng Trần Minh Chánh vào lúc 7 giờ tối ngày 29/4.
Sau ngày 30/4 lão đăng ký trình diện ‘ban quân quản’ của Việt cộng nhưng lão không giao nộp khẩu colt 45 theo lệnh của chúng. Khẩu súng ngắn mà chiều 29/4 trước khi rời tàu lão vào kho vũ khí lựa lấy một khẩu còn khá mới với hai gấp đạn. Lão nhờ vợ tìm nơi kin đáo trong nhà cất dấu khẩu súng để phòng khi hữu sự hoặc nếu cần lão sẽ có vũ khí quyết tử với kẻ thù. Quyết định của lão làm vợ lão sợ hãi.
Cứ mỗi độ Xuân về nổi buồn tháng Tư Đen trỗi dậy cùng hình ảnh chiến hạm HQ-611 một thời dọc ngang trên sóng biển theo ký ức kéo về như một thước phim là mỗi lần lão xót xa nghĩ đến số phận anh em thủy thủ đoàn của chiến hạm mang tên ‘Trường Sa’ phải sống ra sao dưới chế độ bạo tàn Việt Cộng? Thương lắm anh em thủy thủ đoàn HQ.611, những người lính thủy trung kiên với quân chủng và thượng tôn kỷ luật đến tận giây phút cuối cùng của cuộc chiến.

* * *

Phần 2: Tháng ngày sau 30/4/1975


Lão trở về gia đình sau hơn 7 năm tù ‘cải tạo’ khổ sai qua nhiều trại giam khác nhau trong miền Nam. Trong thời gian còn ‘quản chế’ (tù treo) tại địa phương, mỗi ngày lão đưa đón vợ đi làm, đưa hai con đi học và gặp gỡ bạn bè quay quanh các câu chuyện vượt biên tại các quán cà phê bên vĩa hè. Gia đình vợ lão có đóng ghe vượt biên, nhưng lão không đi trên chiếc ghe của gia đình vì trong một buổi xuống bến ghe Ngọc Hà (Bà Rịa) thử ghe mới, lão chạm mặt với tên trưởng công an Việt cộng trong buổi tiệc ghe hạ thủy. Ông anh vợ giới thiệu với tên công an VC lão sẽ là tài công (người lái ghe) của chiếc ghe. Tên công an chầm chầm nhìn lão, một hồi lâu hắn nhận ra lão từng là tài công cho một chiếc ghe đánh cá của một công ty thủy sản Saigon có nhiều lần ghé vào đây. Lão cảm thấy không ổn và linh tính cho lão biết sẽ gặp rắc rối, thậm chí có thể bị nguy hiểm nếu lão ở lại đây qua đêm. Lão kể cho ông anh vợ nghe lão có đôi lần lái ghe thủy sản từ bến Bình Đông Chợ Lớn ra Vũng Tàu để dò đường vượt biên. Cứ mỗi chuyến đi như vậy khi thì lão nói cho ghe chạy thử máy khi qua các trạm kiểm soát hay gặp tàu tuần xét hỏi, khi thì lão gỉa vờ cho ghe hư máy để ghé vào bến ghe Ngọc Hà. Bị tên công an nhận diện và không hiểu tên Việt cộng nghi ngờ gì về lão, mặc cho ông anh vợ xác nhận lão là em rễ nhưng hắn cứ bô bô rằng hắn cho phép đóng ghe tại đây nhưng sẽ bắt tù nếu ghe tổ chức vượt biên; Trong thâm tâm lão biết tên VC hâm dọa vì hắn muốn đánh tiếng che đậy việc hắn nhận tiền hối lộ cho đóng ghe vượt biên; Lão là người trong nhà nên lão hiểu rõ chuyện này. Trước thái độ hoài nghi về lão và lời lẽ hâm dọa của tên VC, lão quyết định ‘tẩu vi thượng sách’ trước khi tên công an tỉnh rượu. Chờ cho trời vừa chập tối lão đi nhanh băng qua khu chợ ra đường lộ đón xe đò về Saigon. Sau này lão giới thiệu một ông bạn, sĩ quan hải quân đoàn viên cựu hạm trưởng tàu dầu, tên Mạch thay lão làm tài công cho chiếc ghe của gia đình vợ.
Lão bôn ba trong bóng tối vượt biên và nhận nhiều chuyến đi khác nhau. Chuyến đi đầu tiên lão bị tàu hải quân (LCU) VC bắt trên biển Rạch Giá vì máy ghe Ấn Độ không nổ máy và không có dầu. Bọn VC đòi vàng để thả người. Lão yêu cầu thuyền nhân chung vàng cho chúng. Tàu hải quân VC kéo ghe vượt biên vào cửa sông Tắc Cậu rồi chặt dây cho ghe lủi vào bờ. Gia đình lão và một cựu đại úy VNCH chi thêm vài chỉ vàng nữa làm lão mất chiếc nhẫn đính hôn. Bọn VC cho gia đình lão và ông đại đại úy ở lại trên tàu đưa vào cửa biển Rạch Gía, cập tàu trước Đền thờ Nguyễn Trung Trực. Gia đình lão lên bờ lúc nữa đêm, đường phố không một bóng người. Chiếc LCU của VC quay trở ra cửa biển. Lão biết giữa khuya thế này đi bộ ra chợ chắc chắn sẽ bị bắt dọc đường. Đánh bạo lão dẫn vợ con đi thẳng đến trạm gác đối diện đang có tên công an VC đứng gác với cây súng AK:

-Thưa đồng chí, tôi ở dưới tàu mới lên không có nơi nghĩ qua đêm, đồng chí cho chúng tôi ở tạm đây nhá.
Tên VC vui vẽ nhận lời vì hắn thấy rõ ràng gia đình lão từ dưới tàu hải quân lên đây:

-Vâng, đồng chí cứ vào trong nghĩ đi. Tớ gác bên ngoài.
Nói xong hắn móc gói thuốc lá mời lão một điếu:

-Đồng chí chờ đây một tí, tớ lấy tấm chiếu cho mấy cháu và chị nghĩ nhé.

Vợ con lão vì mệt mõi cả ngày trên biển đã lăn đùng ra ngủ. Lão gỉa đò nhắm mắt nằm đó, mong trời mau sáng…Vừa hừng sáng, lão đánh thức vợ con dậy đón xe xích lô đi thẳng ra bến xe đò. Gia đình lão về đến nhà vào buổi chiều đó. Thật hú hồn!.
Sau đó lão tiếp tục nhận các chuyến đi khác. Nhưng số lão không may mắn, các chuyến đi sau này đều thất bại vì tổ chức ‘bến bãi’ đổ bể. Cho đến tháng 6 năm 1983 HQ Thiếu tá Nguyễn Duy Khanh (K.12) giới thiệu lão đến một tổ chức vượt biên. Qua lời giới thiệu của Thiếu tá Khanh, người chủ ghe hết sức vui mừng biết lão là cựu thuyền trưởng hải đội dưới thời Thiếu Tá Khanh là Chỉ huy phó Hải đội 5 Duyên phòng nên chủ ghe quyết định cho vợ và 2 con anh ta theo chuyến đi của lão. Chuyến vượt biên thành công. Ghe nhổ neo từ vườn hoa Lạc Hồng (Mỹ Tho) đến địa điểm đón thuyền nhân và ghe ra đến cửa biển Bình Đại khi trời hừng sáng. Thủy trình trong sông đầy cam go, căng thẳng và nguy hiểm khi phải tránh né nhiều trạm gác dọc bờ sông và ba lần bị tàu tuần Việt cộng đuổi bắt từ trong sông ra xa cửa biển. Tài công phụ, thợ máy và 89 thuyền nhân ói mửa say sóng nằm như chết khi ghe ra đến biển. Đêm thứ ba, ghe ra đến hải phận quốc tế, lão cho ghe bỏ neo để dưỡng máy và lão cũng muốn nhắm mắt ngủ đôi chút sau hai ngày một mình lão lèo lái con tàu; Các thanh niên thay nhau tát nước biển tràn vào lườn ghe. Hừng sáng hôm sau lão cho kéo neo và tiếp tục cuộc hải hành xuôi về Nam. Nhiều đàn cá heo tung tăng đùa giỡn lội theo nhảy múa trước đầu ghe. Đến trưa ghe của lão được một chiếc tàu dầu khổng lồ của Mỹ đi ngược chiều vớt trên đường chiếc tàu này đi từ Singapore về Nhật Bản. Sau khi thuyền nhân lên hết tàu Mỹ, lão ở lại ghe giúp một thủy thủ người Mỹ phá một lổ hổng lớn dưới lườn ghe cho nước biển tràn vào nhấn chìm chiếc ghe. Đứng trên boong tàu lão nhìn chiếc ghe trôi dạt ra xa và dần dần chìm mất vào lòng đại dương; Lão cảm thấy luyến thương chiếc ghe nhỏ bé đã cưu mang gia đình lão và 85 thuyền nhân sau hai ngày hai đêm trên biển.
Vị thuyền trưởng xin lão tấm hải đồ vẽ đường hải hành và tay lái ghe để lưu niệm. Ông ta dẫn lão vào một phòng rộng có cầu thang dẫn lên đài chỉ huy và ông cho lão biết chiếc ghe của lão là chiếc thứ tư được tàu ông vớt. Ông đưa lão đến trước một tấm vách lớn và chỉ vào một khoảng trống trên vách cho biết nơi đây sẽ trưng bày tấm ảnh bán thân của lão cùng tấm hải đồ và tay lái ghe để lưu niệm. Ông không quên giới thiệu các vật lưu niệm khác của ba chiếc ghe mà tàu ông vớt trước đó. Lão tò mò đến sát để nhìn 3 tấm ảnh của 3 tài công kia là ai. Lão vui mừng khi nhận ra hai tấm ảnh tài công của chuyến thứ nhất là Quang nhí Coastguard và chuyến thứ ba là Qúy rổ OCS. Lão khoái chí chỉ vào 2 tấm ảnh khoe với vị thuyền trưởng:

-Ồ! Thưa ông, đây là 2 người bạn cùng khóa hải quân với tôi.

Sau đó vị thuyền trưởng đưa lão lên đài chỉ huy tặng lão một chiếc mủ đi biển mới toanh màu trắng có huy hiệu bánh xe tay lái tàu nằm bên dưới dòng chữ LNG AQUARIUS (tên của chiếc tàu) màu xanh dương và ông mở ngăn tủ nhỏ lấy tấm danh thiếp trao cho lão:

-Anh có muốn đi biển nữa không? Nếu muốn thì theo địa chỉ trên danh thiếp này tại New York.
Thay vì tàu Mỹ đưa ghe lão vào một trại nào đó ở Indonesia (Nam Dương) cách nơi vớt khoảng 6 giờ đồng hồ, nhưng theo yêu cầu của tất cả thuyền nhân, họ muốn đến trại tỵ nạn Nhật Bản. Vị thuyền trưởng người Mỹ vui vẽ nhận lời. Sau 7 ngày đêm trên biển, cuối cùng chiếc tàu dầu khổng lồ cặp bến Nhật Bản. Gia đình lão và 85 thuyền nhân được xe bus đưa đến trại tỵ nạn Omura (Nagasaki) của Nhật Bản.
Sau gần 3 năm tạm cư tại Nhật, cuối cùng gia đình lão cũng được đặt chân đến ‘vùng đất hứa’, vùng đất của ‘giấc mơ Mỹ’ vào tháng 6 năm 1986.

Tháng Tư Đen năm 2021.
Quốc Nam (Trường Sa 611)

Giấc mơ Mỹ’ còn hay mất? (Phạm Quốc Nam)

Cuộc Di Tản Của Không Quân VNCH

Ngày Chim Vỡ Tổ:

Tập ‘Quân sử Không Quân’ trang 199 ghi lại: ‘Về Không Quân VNCH, ngoài một số nhỏ quân nhân và gia đình được di tản bằng phi cơ C130, C141 của KQHK từ ngày 20/4, đa số còn lại chỉ di tản sau ngày 28/4/1975, khi Bộ Tư lệnh KQ không còn hoạt động theo đúng chức năng của một Bộ Tư lệnh nữa.

Số lượng phi cơ của KQVN bay thoát được sang Utapao, Thái Lan, do các tác giả đưa ra, không thống nhất, theo Robert Miskesh trong ‘Flying Dragons: the South Vietnamese Air Force thì tổng cộng vào khoảng 132 chiếc, gồm khoảng 25 F-5, 27 A-37, 11 A-1, 13 C-47, 6 C-130, 3 AC-119, 5 C-7 và 45 UH-1., theo Wayne Muntza trong “The A-1 Skyraider in Viet Nam”: The Spad’s Last War, và Ralph Wetterhahn trong ‘Escape to Itupao thì con số máy bay được cho là 165 chiếc, thêm vào đó là các U-17 và O-1, ngoài ra không kể vài phi cơ dân sự của Air VN.

Cũng vào ngày cuối cùng, một số trực thăng đã bay ra đáp xuống các chiến hạm của HQHK, con số này được ước lượng là khoảng 100 chiếc, đa số là UH-1 và CH-47. Cũng có những chiếc tuy bay được ra biển nhưng do trục trặc kỹ thuật, hoặc hết nhiên liệu đã rớt xuống biển. Con số này được ước lượng là khoảng 18 chiếc.

37 năm sau ngày 30/4/1975, các tài liệu quân sự được giải mật và những bài hồi ký, bút ký của nhiều tác giả trong cuộc đã giúp ‘vẽ lại’ toàn cảnh (có thể chưa hoàn toàn chính xác) về cuộc di tản hay đúng hơn là ‘tự tan hàng’ của KQ VNCH.

Cuộc di tản chiến thuật, rút bỏ Quân Đoàn II vào ngày 6/3/1975 đã bỏ lại tại Pleiku 64 phi cơ các loại.

Ngày Quân Đoàn I tan hàng tại Đà Nẵng (30/3/1975), 180 phi cơ đã bị bỏ lại, trong số này có 33 phi cơ vận tải C-7 Caribou đang bị đình động còn bọc kin trong bao tồn trữ.

Trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến, khả năng chiến đấu của KQ VNCH càng ngày càng bị giới hạn do không còn một hệ thống chỉ huy và kiểm soát hữu hiệu. KQ VNCH không có những phi cơ trang bị hệ thống chỉ huy, dẫn đạo không trợ bay trên vùng cần yểm trợ hành quân (theo phương pháp của KQ HK: dùng các C-130 làm trạm chỉ huy trên vùng). Trong khi đó sự kiện bị mất các đài Kiểm Báo và Không Trợ như Trung Tâm CRC (Combat Report Center), Panama Đà Nẵng, các Trạm CRP (Combat Report Point) Peacock PleiKu, Pyramid Ban Mê Thuột đã khiến Hệ thống Kiểm Báo Chiến Thuật trở thành tê liệt, vô hiệu. Tuy Trung Tâm CRC Tân Sơn Nhất vẫn còn hoạt động nhưng nhiệm vụ chinh lại không phải là để điều hành các phi vụ yểm trợ chiến trường, hoặc hướng dẫn oanh tạc các mục tiêu dưới đất. Các phi vụ oanh tạc tùy thuộc vào các phi cơ quan sát FAC (Forward Air Controller = Điều Không tiền tuyến) và tùy phi công có mặt trên vùng, nhận định mục tiêu bằng mắt thường.

Vào thời điểm của trận Xuân Lộc: KQVNCH còn 1492 phi cơ các loại, trong đó có 976 chiếc hoạt động được, 135 chiếc hư hỏng không bay được và 381 chiếc kể như phế thải. Lực lượng phi cơ chiến đấu gồm 169 chiếc A-37 (trong đó 92 chiếc khả dụng) và 109 F-5s (93 chiếc khả dụng).

Những phi vụ hành quân cuối cùng của KQ VNCH trên không phận Sài Gòn:

Trong những ngày cuối cùng của VNCH, KQVN vẫn còn hoạt động với một số phi vụ yểm trợ bộ binh và chống pháo kích. Đ/úy phi công Trần văn Phúc PĐ 518 ghi nhận một số phi xuất trong những ngày 28 và 29/4 như:

PĐ 518 với phi vụ Phi Long 51 do một phi tuần gồm 2 Skyraiders (một do Đ/úy Phúc và một do Th/tá Trương Phùng) bay vào sáng 29/4. Phi cơ của Th/tá Phùng bị phòng không cộng quân bắn hạ. Ông đáp xuống ruộng gần cầu Bình Điền, bị bắt và sau đó bị cộng quân hành quyết vào ngày 30/4.

PĐ 514 với một phi tuần 2 Skyraiders cất cánh từ Cần Thơ để bay trên không phận Sài gòn vào sáng 29, do các Th/tá Hồ ngọc Ân và Đ/úy Nguyễn Tiến Thụy điều khiển.

Những phi vụ Tinh Long của các AC-119 như Tinh Long 06, Tinh Long 07:

Tinh Long 07 (sáng 29/4) do Tr/úy Trang văn Thành điều khiển đã bị SA-7 của cộng quân bắn hạ, phi cơ gẫy làm đôi và rơi ngày tại vòng đai phi trường. Phi hành đoàn gồm 9 người, 8 hy sinh ngoại trừ nhân viên nhảy dù thoát được.

Theo Đ/úy Phúc: ‘Ngoài Tinh Long 07, còn có thể có thêm 2 AC 119 khác bị bắn hạ (?) (một rơi tại đường Ngô Quyền và một rơi tại Tân Tạo)’.

Sáng 30/4, một phi xuất A-37 (Tr/úy Nguyễn Mạnh Dũng PĐ 526 lái) từ Cần Thơ, phối hợp với O-1 (Đ/úy Mai Trí Dũng PĐ112 lái) từ Đồng Tâm, bay yểm trợ khu vực Hoàng Hoa Thám ngay trước giờ Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng. Đây có thể là phi vụ hành quân cuối cùng của KQ VNCH.

(Xin xem bài: Những Phi vụ hành quân sau cùng của KQ VNCH, của Trần Lý)

Những giờ phút cuối cùng tại Bộ Tư lệnh KQVNCH
Chiều 28/4, CSBV đã dùng 4 A-37 (lấy được từ Phan Rang) oanh kich phi trường TSN, gây tổn hại cho 3 chiếc C-119 và nhiều C-47.

Tối 28/4: một sự kiện ‘kỳ lạ’ đầy bí ẩn đã xẩy ra tại TSN: Tác giả Thiên Lôi Ngô Đức Cửu trong ‘Chuyện 30 năm trước’ (website bgkq.net/hoiky) ghi lại như sau:

… ‘8 giờ tối 28/4/1975, tôi trở về ụ đậu phi cơ đầu phi đạo 07 phải, nơi tạm trú của 3 Phi đoàn 524, 534 và 548 di tản từ các căn cứ về. Bước xuống xe, tôi thấy các nhân viên phi đạo đang bận rộn kéo các A-37 trang bị đầy bom đạn từ trong vòm trú ẩn ra đậu hàng ngang dài phía trước, cách ụ 50 feet. Tôi bước đến hỏi trưởng phi đạo tại sao dời phi cơ khỏi ụ ? Anh ta trả lời: “Theo lệnh Trung tá kỹ thuật và Bộ CH Hành quân.” Tôi vào phòng trong ụ, nhắc điện thoại gọi Trung tâm Hành quân, thì sĩ quan trực cho biết hình như lệnh của Bộ Tư lệnh KQ hay Bộ TTM gì đó ? Tôi hỏi: “Anh có biêt là hồi chiều phi đạo 07 vừa bị dội bom không ? Tôi liên lạc với Đ/tá Ước, nhưng không được. Trở lại bãi đậu, tôi yêu cầu trưởng phi đạo di chuyển phi cơ trở lại ụ nhưng không được.

Tôi tự hào trong hàng ngũ phi công khu trục KL VNCH, nhất là Không Đoàn 92 có các PĐ 524, 534, và 548 cho đến giờ phút này, 22 giờ 18 tối 28/4,  tât cả phi công đều có mặt ứng chiến, không thiếu một ai.

Suốt đêm tất cả anh em 3 phi đoàn chờ đợi, điều động cất cánh nhưng tuyệt nhiên không một tiếng điện thoại reo.

Nửa đêm, VC bắt đầu pháo kích và hơn 50 chục A-37 bị phá hủy. Giờ đây hơn trăm phi công chiến đấu bằng tay không ư?

6 giờ 15 sáng 29/4, tất cả phi công lên xe chạy về Bộ Chỉ huy KĐ 33. Đ/tá Thảo chạy vào rồi chạy trở ra. Đến nơi các phòng vắng lặng, không còn ai cả. Trở lại sân cờ KĐ 33, Đ/tá Thảo tuyên bố tạm thời tan hàng, anh em rán tự tìm lấy phương tiện di tản.

Mọi người xuống xe, nhưng chạy về đâu bây giờ ? Tan hàng, nghe thảm thiết quá. Một trong những đơn vị chiến đấu kiên cường nhất của QL VNCH, giờ đang bị bó tay. Lệnh ai cho sắp trên 50 chiếc A-37 hàng ngang, cánh liền cánh, xăng nhớt bom đạn trang bị đầy đủ để hủy diệt? Nếu không cho chúng tôi chiến đấu thì cũng để chúng tôi có phương tiện ra khỏi phi trường chứ ? Chúng tôi đâu có rã ngũ. 

Sự kiện phi cơ bị ‘tự hủy'(?) này cũng được ghi nhận trong ‘Can trường trong Chiến bại’ của Tướng Hải Quân Hồ văn Kỳ Thoại, trang 306-307′ như sau:

… ‘Tới đêm 28/4, tại căn cứ Duyên đoàn ở Vũng Tàu, một sĩ quan KQ cấp tá xin vào gặp tôi và cho biết có một số trực thăng đang đậu tại Vũng Tàu, có Tướng Huỳnh Bá Tính, Sư đoàn trưởng SĐ 3 KQ muốn đến gặp tôi, cần trình bầy một sự kiện quan trọng.

Tướng Tính vào căn cứ duyên đoàn gặp tôi và các tướng lãnh khác (Nguyễn duy Hinh, Trần văn Nhựt…) kể chuyện xẩy ra, rất bi thảm Ông không biết lịnh từ đâu… bỗng nhiên một số phi cơ phát nổ, sau đó được biết có lệnh của Saigon, cho phá hủy các phi cơ của KQ ?

Tướng Tính phân vân, không muốn về trình diện Bộ TLKQ khi ông chưa biết ai ra lệnh hủy phi cơ thuộc SĐ của ông ? Chúng tôi thuyết phục ông Tính liên lạc trực tiếp với Tướng Minh Tư Lệnh KQ.

Đêm 28 rạng sáng 29/4, cộng quân bắt đầu pháo kích vào phi trường TSN, phá hủy nhiều phi cơ.

Khoảng 8 giờ sáng, Tướng Phan Phụng Tiên, Sư đoàn trưởng SĐ5 KQ, đến gặp Tướng Minh, và sau đó bỏ đi.

10 giờ 30 phút sáng 29/4, sau khi họp riêng với Tướng Minh Tư lệnh KQVN, Tướng Nguyễn Cao Kỳ (không có một chức vụ chính thức nào trong Chính Phủ cũng như trong Quân lực VNCH) bay trực thăng riêng về Bộ TTM. Thấy không còn ai. Tướng Kỳ gặp Tướng Ngô Quang Trưởng đang ngồi không nên rủ Tướng Trưởng lên trực thăng, theo đoàn tùy tùng bay ra USS Midway đang đậu ngoài khơi Vũng Tàu.

Khoảng 11 giờ, Trung tướng Nguyễn văn Mạnh Cựu TMT Liên quân cùng với Trung tướng Dư Quốc Đống vào gặp Tướng Minh. Không thấy HK liên lạc như đã dự trù, Tướng Minh cùng các tướng tá Bộ binh và KQ tùy tùng đã di chuyển sang DAO để chờ di tản.

Từ 1 giờ trưa, Trung Tâm Hành quân KQ coi như bỏ trống. Các Phi đoàn trưởng ra lệnh tan hàng. Phi công bay đi đâu hoặc chạy đâu, tự ý quyết định.

Riêng SĐ 4 KQ tại Trà Nóc Cần Thơ, còn hoạt động (cho đến sáng 30/4 một số phi vụ vẫn từ Cần Thơ bay lên yểm trợ chiến trường quanh Sài Gòn) và Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Tần, Sư đoàn trưởng có thể được xem là vị Tư lệnh sau cùng của KQ VNCH (?)

Trong bài bút ký ‘Giây phút nát lòng’ (Lý Tưởng Tháng 4/2002) Tác giả Không Quân Liệt Lão, Chỉ huy trưởng Phòng vệ BTLKQ đã kể lại những giây phút tan hàng tại Tân Sơn Nhất với những đoạn tạm trích như sau:

… ‘ Tôi lên trình diện Tư lệnh bộ, toan phúc trình tình hình phòng thủ, nhưng chẳng ai bận tâm. Người người nhìn nhau đăm chiêu dường như trong thâm tâm ai cũng muốn buông rơi tât cả. Ai cũng thần sắc không còn, dũng khí tiêu tan như ‘đại bàng xệ cánh’. ‘Tôi trông chờ một lệnh họp khẩn cấp, duyệt xét tình hình chung, lấy quyết định tối hậu ‘Chiến’ hay ‘lui’ Chiến thì chiến ra sao ? Lùi thì lùi thế nào ? Có tuần tự, trước sau, không bỏ một ai hay hỗn loạn mạnh ai nấy chuồn ? Tôi chờ lệnh, nhưng không có lệnh!

Bài viết có thêm những chi tiết di tản của một số Tướng KQ và BB như:

… ‘ Tôi đưa tay chào nghiêm túc theo quân cách, Cửu Long (danh hiệu của Tướng Minh, Tư lệnh KQ), chào trả, ngập ngừng chân bước, ái ngại nhìn tôi và đột nhiên dứt khoát:
– Toa ở lại, đi sau với Lành (Tướng Võ Xuân Lành) nghe.

… ‘ Tôi mỉm cười, quay bước vào phòng tình hình, lúc này chỉ còn ông Linh, ông Lành. Ông Lượng đã đi đâu lúc nào tôi không biết. Được một lúc khoảng 10 giờ gì đó, Đ/Tá Vũ văn Ước đáp trực thăng trên sân banh, chạy vội vào gặp ông Lành, xong cùng ông Lành trở ra, kéo luôn theo tôi, miệng nói:
– Đi mày.
Tôi nhìn Lành, quay qua hỏi Ước: – Đi đâu ?
– Qua Tổng Tham Mưu (TTM) xem tìmh hình ra sao ?
Ước nói và nắm tay tôi lôi đi. Tôi, Ước, và Linh lên trực thăng qua đáp tại sân cờ trươc tiền đình Bộ TTM. Linh và Ước chạy lên văn phòng TTM trưởng.Tôi không theo.

Đảo mắt chỗ khác thấy trực thăng Tướng Kỳ. Đàn em trước kia của tôi hiện là cận vệ ông Kỳ, từ trực thăng nhảy xuống, chạy đến tôi nói nhỏ: – Trực thăng sẽ bay ra Blue Ridge. Ông hảy lên, cùng đi.Tôi hỏi: – Tướng đâu ?- Họp trên văn phòng TTM Trưởng.

Tôi bước lại trực thăng, nhìn vào thấy Đ/tá Hà Xuân Vịnh ngồi trên đó từ hồi nào. Tôi leo lên ngồi cạnh. Đang miên man suy nghĩ cho mạt vận của đất nước, mạt kiếp của mình thì ông Linh từ bộ TTM chạy ra một mình đến bên trực thăng có tôi và Vịnh đang ngồi đăm chiêu, mỗi người một ý nghĩ. Ông Linh cứ loanh quanh ở dưới chẳng chịu lên. Tôi vội leo xuống, lại gần Linh nhỏ to: ‘ Linh! Kỳ sẽ rút ra Đệ Thất hạm đội. Lên đi, hết cách thôi.’
Linh có điều gì bất ưng, nhất định không lên tàu.Tôi hỏi: Sao ? Linh nói: “Thiếu gì máy bay.” Tôi vội báo động: “Máy bay nào ? Còn duy nhất chiếc này thôi.” “Chiếc kia kìa.” Linh vừa nói vừa chỉ tay về chiếc trực thăng mà tôi, Ước và Linh vừa đáp hồi nẫy. “Tàu còn đó, hoa tiêu bỏ đi rồi.” Tôi nói với Linh vì thấy họ phóng xe jeep ra khỏi TTM.
Linh nhất định không lên tàu. Tôi đành ở lại bên anh. Tôi còn đang phân vân bàn thảo với Linh những bước kế tiếp thì ông Kỳ từ đại sảnh bộ TTM bước ra, đi về hướng trực thăng và dẫn theo số đông tướng lãnh, bay đi cùng Ước, để lại tôi và Linh tự quyết định lấy phận mình.

Tôi và Linh, cùng với Đặng Duy Lạc (Đ/tá Không Đoàn trưởng KĐ 62) không biết từ đâu chui ra, yêu cầu Quân Cảnh TTM hộ tống chúng tôi về lại Bộ TL KQ. Xe rồ máy phóng đi trực chỉ cổng Phi Long.

Tinh cầu trên vai, Linh cho lệnh mở cửa. Quân ta phớt tỉnh… không nghe. Đặng Duy Lạc vẫn ngồi yên như khúc gỗ. Tình hình thực gây cấn. Thấy ông Linh hết ‘linh’, tôi bước xuống xe tiến thẳng đến chỗ anh KQ bất tuân thượng lệnh, điềm đạm ra lệnh mở cổng. Anh líu ríu vâng lời.

Chúng tôi vào Bộ Tư lệnh KQ gặp ông Lành. Niềm tự hào của KQ đang ở chỗ này: Tướng Lành trước thế quân tan vỡ, quân binh đang đua nhau bỏ ngũ, ông vẫn trầm tĩnh, kiên trì thủ đài Chỉ huy Hành quân Chiến cuộc KQ. Ông giữ vững liên lạc với SĐ 4 KQ, SĐ KQ duy nhất còn hăng say chiến đấu trong khi nhiều đơn vị đã tự ngừng nghỉ.

Ông Linh tóm lược tình hình bên Bộ TTM cho ông Lành rõ. Ông Linh đề nghị rút khỏi Tân Sơn Nhứt. Tướng Lành nói với Linh trươc sự hiện diện của tôi và Đặng Duy Lạc:
– Moa chưa có lệnh..
Ông vẫn đợi lệnh. Chúng tôi vẫn đợi, vẫn chờ… nhưng chờ lệnh ai đây ? Mọi người đã bỏ đi cả rồi, tội cho ông Lành vẫn ngồi chờ lệnh, mà lệnh của ai đây ? Tôi buột miệng:- Ông chờ lệnh ai ? Còn ai đây nữa mà ra lệnh cho mình?Ông Lành trầm ngâm không nói, chúng tôi lặng yên chờ (lại chờ) quyết định của ông, chợt Tướng Lê quang Lưỡng (Nhảy dù) xịch xe jeep đến, thấy tụi này còn đương nhìn nhau, hỏi:- Tụi toa định làm gì đây ?Ông Lành ngượng nghịu chưa biết phải nói sao cho đỡ khó nói? Tôi nhìn thẳng Tướng dù nói nhanh:- Tụi này zulu đây. Ông có theo thì cùng đi ?- Zulu ? Zulu bỏ mấy đứa con (ý nói quân dù) lang thang. Sao đành!
Ông Lành hỏi:- Toa còn mấy đứa con ?- Sáu đứa chung quanh đô thành.

Lúc này trực thăng TQLC Mỹ đổ bộ và bốc người loạn cào cào trên không phận SàiGòn. Tôi đỡ lời ông Lành:- Tân sơn Nhất không giữ được. Không Quân chúng tôi phải rút khỏi tầm pháo địch trước đã.Ông Lưỡng vội hỏi: – Tụi toa định rút đi đâu ?Tôi nhanh nhẩu: – Có thể vùng 4… Có thể đi luôn!- Chờ moa một chút, cho moa về thu xếp với mấy đứa con cái đã.
Nói xong, ông Lưỡng lên xe jeep về sư đoàn Dù.

Trong khi chờ Tướng Dù trở lại, các sĩ quan cấp Không đoàn và Tham mưu Bộ Tư lệnh KQ hiện diện cùng với một số binh sĩ thuộc Tổng hành dinh KQ vội tập họp quanh chúng tôi tại tiền đình Bộ TL nghe ngóng tình hình. Tôi nói thẳng:- Dưới áp lực của pháo Cộng, Bộ TLKQ buộc phải rút khỏi đây. Ai muốn đi theo, hãy sẵn sàng. Kể từ giờ phút này, các anh không còn trách nhiệm gì với KQ nữa. Các anh có thể rời đơn vị, lo cho sự an nguy của vợ con càng sớm càng tốt.

Cùng trong lúc đó, Tướng Dù đã trở lại. Chúng tôi thảo luận kế rút đi. Sau k hi xét kỷ lại nghề bay trong chúng tôi, không có ai là hoa tiêu vận tải. Tướng Lành, Thảo nâu, Duy Lạc… đều là hoa tiêu phóng pháo. Ông Linh đề nghị qua DAO. Tôi hỏi nhỏ ông Linh: – SĐ 5 KQ thì sao ? Linh thở dài trả lời:
– Các hoa tiêu đã tự ý rút cả rồi.Sau phút suy tính, vị chỉ huy đoạn hậu BTLKQ cho lệnh rút. Tất cả lên 3 xe jeep trực chỉ cơ quan DAO. Tới cổng DAO, một dân sự Mẽo, mặc áo giáp, M17 cầm tay chặn lại và hách dịch ra lệnh:- Generals only.

Hai Tướng KQ, một Tướng Dù bước vào trong hàng rào kẽm gai. Tôi lắc đầu quay ra, tự tay gỡ kẽm gai bước khỏi vùng phân ranh Mỹ-Việt. Anh Mẽo gác cửa chẳng hiểu tại sao cái anh phi hành đã vào rồi lại bỏ ra trong khi nhiều người muốn vào lại không được.

Tác giả sau đó, cùng một số sĩ quan cấp Tá quay lại BTL KQ để tìm phương cách khác tự di tản.

(Ghi chú: Danh sách một số Tướng, Tá và chức vụ tại Bộ TLKQ, trong những ngày cuối cùng của VNCH

  • Trung Tướng Trần văn Minh, Tư lệnh KQVN
  • Thiếu Tướng Võ Xuân Lành, Tư lệnh phó
  • Chuẩn Tướng Võ Dinh, TM Trưởng
  • Ch/Tướng Đặng Đình Linh, TM Phó Kỹ thuật/Tiếp vận

Bác sĩ Phạm gia Lữ trong bài ‘Tân sơn Nhất trong giờ hấp hối’ (Lý Tưởng, tháng 4/2002) kể lại một số diễn biến tại Trung Tâm Y Khoa KQ..với nhiều tiết khá chua chát của một đơn vị hầu như bị… bỏ quên ?

…’Chiều thứ Hai 28/4, lệnh giới nghiêm 24/24 bắt đầu. Cổng Phi Long đóng cửa. Phi trường TSN vừa bị A-37 oanh kích trước đó.

Khoảng nửa đêm, Th/t L. nhào vào bô bô nói: – Tình hình thế này mà các cậu ngủ được thì lạ thật. Đàn anh biến đi đâu hết rồi.(hắn ám chỉ các anh lớn của KQ). Họ đang lập cầu không vận đi Côn Sơn kia kìa. SĐ5 KQ đang tổ chức di tản cho thân nhân binh sĩ thuộc sư doàn đi Côn Sơn.

Đêm 28/4, CQ pháo kich vào phi trường gây thiệt hại cho nhiều máy bay.

Khoảng 7 giờ sáng 29/4, trong lúc quanh quẩn tại BCHHKQ, tôi gặp Đ/tá H Giám đốc Trường Chỉ huy và Tham mưu Trung cấp KQ trước cửa văn phòng ông, vẻ buồn bã lộ trên nét mặt. Tuy thuộc cấp chỉ huy nhưng không có cánh, máy bay không có trong tay, nên cũng chẳng xoay sở gì được. Đ/tá Th. Chỉ huy trưởng Trung Tâm Kiểm báo, cũng là người rất kỷ luật, cứ nằm lỳ trong đơn vị để làm gương cho thuộc cấp nên cũng bị kẹt trong cơn hấp hối của TSN.

Khoảng 10 giờ, cùng Th/t Vũ BH thuộc trường CH/TM lái xe đi thăm tình hình.Trên đường chạy ra phi đạo, một dẫy dài xe hơi bỏ trống, nối dài từ cửa chính vào văn phòng Tư lệnh ra đến ngoài đường. Tôi gặp chiếc Falcon màu vàng nhạt của Th/tá Khoa (đen), vẫy tay ra hiệu cho anh ngưng lại và hỏi: – Đi đâu bây giờ ?Khoa trả lời vắn tắt: – Theo moa.Vừa khỏi vòng rào BTL, Khoa quẹo phải rồi quẹo trái, thì ra anh ở nhà cũ của LCK. Sau khi vợ con hành lý lên xe, chúng tôi nối đuôi nhau trở ra phi đạo. Trạm canh ra phi đạo không còn quân cảnh canh gác.

Bay đi Utapao:

Để thoát khỏi Việt Nam, các phi cơ vận tải, phản lực nếu đủ nhiên liệu có thể tự bay sang Singapore ( 590 miles về phia Tây-Nam) hoặc gần hơn là sang Utapao, Thái Lan (350 miles phia Tây-Bắc). Đa số các phi cơ vận tải và phản lực đã chọn Utapao, chỉ một số rất ít C-130 bay đến Singapore.

Bài viết chinh thức về cuộc di tản của các phi cơ VNCH đến Utapao trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến VN: Escape to Utapao của Tác giả Ralph Westerhaan đã được đăng trên Tập san Air and Space/ Smithsonian Số Dec-Jan 1997.

… ‘ Vài ngày trước khi có cuộc di tản của KQVNCH ra khỏi Sài gon, Tướng KQHK Harry Aderholt, Chỉ huy trưởng Phái bộ Quân viện HK tại Thái Lan (MAC-Thai) đã gửi Đại úy KQ Roger L YoungBlood bay đến Phi trường Trat, nằm sát biên giới Thái-Miên. Bay trên một chiếc phi cơ AU-23 của Không lực Thái Lan (AU -23 là một phi cơ cải biến từ loại Pilatus PC-6, có khả năng đáp được xuống những phi đạo thật ngắn) YoungBlood bay vòng vòng trên không phận Thái Lan cùng một phi công phụ VNCH. Phi công phụ này giữ tần số vô tuyến và hướng dẫn các phi cơ VN bay về Utapao.’

Skyraiders A-1:

11 chiếc Skyraiders đã đến được Utapao, gồm 5 A-1E, một A-1G và 5 A-1H. Trong số này 7 chiếc thuộc Phi đoàn 514, 3 chiếc thuộc PĐ 518 và 1 thuộc PĐ 530:

Chiếc Skyraider A-1H, số hiệu 139606 thuộc PĐ 518 là chiếc Skyraider sau cùng bay khỏi VN đến Utapao, phi công đã chở cả gia đình ‘nêm’ chật cứng trong phòng lái (danh từ lóng của KQ Mỹ gọi đây là một hell hole).

Trên một chiếc A-1E, phi công (Th/tá Hồ văn Hiển PD 514) đã cất cánh, chở theo 15 người, nhét cứng trong..’blue room’. Tác giả Phi Long 51 trong bài ‘Chuyến bay định mệnh’ (trên Diễn đàn Cánh thép) ghi lại:

… ‘ Sáng 29/4, tôi trở lại Bộ chỉ huy Hành quân KQ sau 10 giờ và khám phá ra PĐ 518 đã cất cánh đi Cần Thơ. Tôi gặp Tr/tá NCP trong BCH và tìm phi cơ để đi. Do cơ trưởng Lợi huớng dẫn, chúng tôi tìm được một AD-5 (chiếc này có 2 chỗ ngồi lái và một phòng trống khoảng 3x4x3 feet cao ở phía sau ghế pilot). Phi cơ trang bị đầy bom đạn. Sau khi thay bình điện, phi cơ rời ụ và tuy quá tải cũng cất cánh được. Không liên lạc được với đài kiểm soát, phi cơ bay đi Cần Thơ xin đáp nhưng bị từ chối, sau đó đành bay ra An Thới (Phú Quốc), thả bớt bom xuống biển. Tại An Thới, phi cơ được bỏ bớt đạn đại bác, bị tạm giữ không cho cất cánh. Đến 10 giờ sáng, sau khi có lệnh đầu hàng, phi cơ bay đi Utapao cùng với 15 người trên phi cơ.

Số Skyraiders bị bỏ lại là 40 chiếc, trong đó 26 chiếc bỏ lại ở TSN.

F-5s:

Trong số 26 chiếc F-5s bay thoát khỏi VN (gồm 22 chiếc F-5E và 4 chiếc F-5A/B), có 2 trường hợp đặc biệt được Anthony Tambini ghi lại trong F-5 Tigers over Việt Nam:

Một chiếc F-5F (loại 2 chỗ ngồi), đã chở theo 4 phi công trong 2 phòng lái, bằng cách tháo bỏ các dù, hạ ghế xuống thấp hết mức, một phi công ngồi và phi công thứ nhì đứng khom lưng đối mặt, lưng dựa vào cockpit. Phi cơ cất cánh khi phi trường đang bị pháo kích. Lúc đầu, phi cơ định bay lên với hệ thống thắng để mở. Cảm nhận được tình hình không thể bay lên, phi công đã phải mở dù ‘drag chute) để làm chậm vận tốc, sau đó đóng hệ thống thắng để phi cơ bay lên được và bay đi Thái Lan. Tuy nhiên, có lẽ hệ thống thắng đã bị hư hại khi bị pháo kích nên không còn sử dụng được. Phi cơ đáp xuống một phi dạo thô sơ và chật hẹp. Không ngừng được nên đâm vào cây và phát nổ, gây tử thương cho cả 4 phi công (Th/tá Mai Tiến Đạt, Nguyễn Đức Toàn, Ngô văn Trung và Đ/úy Lê Thiện Hữu.)

Một F-5A khác, cất cánh với 3 phi công, cất cánh ngược hướng bay, bay qua đầu các phi cơ đang đậu trên phi đạo chờ đến lượt bay lên. Phi cơ đến được Utapao.

Số F-5 bị bỏ lại gồm 87 chiếc, trong đó có 27 F-5E

A-37s:

Gần 50 chiếc A-37 đã bị hủy diệt trong đợt pháo kich đêm 28/4 (xem phần trên) và Đ/tá Thảo (KĐ trưởng KĐ 33) đã cho lệnh tan hàng vào khoảng 8 giờ sáng 29.

Th/tá Ngô Đức Cửu đón được một L-19 và về đáp Trà Nóc (Cần Thơ). Tại đây ông trình bày tình hình của Bộ Tư lệnh KQ Sàigòn (đã bỏ ngỏ) và hướng dẫn các PĐ A-37 còn lại bay đi Utapao: … ‘Từ Bình Thủy đi Utapao, hướng 300, khoảng 45 phút là đến. Anh em nên lấy bản đồ ra kiểm soát lại và ghi các chi tiết tần số tower.’
10 giờ sáng 30/4 sau khi có lệnh ‘đầu hàng’, căn cứ Bình Thủy cũng tự động tan hàng. Bãi đậu phi cơ vắng lặng, không còn quân cảnh, không còn chuyên viên kỹ thuật.

… ‘tôi rất thán phục anh em A-37 Cần Thơ, có nôn nóng nhưng rất trật tự, có thể nói là lịch sự. Tôi lên tiếng vì nhu cầu, tất cả hoa tiêu A-37 phải rời VN, anh em bắt cặp lấy, mỗi phi cơ phải đi được 3 người, không dù không hành lý. Ngoại trừ phi công bay ghế trái phải đội helmet để liên lạc. Tất cả phi cơ phải bay ở 12 ngàn bộ, không cần dưỡng khí.’

Đa số bình điện của các phi cơ yếu, Th/tá Cửu và Th/tá Kim (Liên đoàn trưởng Kỹ thuật) đã dùng APU khởi động từng phi cơ theo thứ tự. Th/tá Cửu lên chiếc sau cùng rời phi đạo để hợp đoàn với gần 30 chiếc A-37, bay về hướng Utapao.

Đây có thể được xem là ‘chuyến di tản’ trật tự và ‘thành công’ nhất của KQ VNCH.

Ngoài ra, còn có một A-37 đáp xuống một xa lộ gần căn cứ KQ Korat, phía Bắc Bangkok, gần một trường học, bom đạn còn đầy dưới cánh và Tướng Aderholt đã phải gửi một Đ/úy phi công Mỹ đến để bay chiếc này về căn cứ Udorn.

Theo thống kê 27 chiếc A-37 đến được Utapao. 95 chiếc bị bỏ lại VN.

Phi cơ vận tải:

Tân Sơn Nhất là căn cứ tập trung của nhiều phi đoàn vận tải của KQVNCH. Cuộc di tản cũng rất hỗn loạn, nhiều phi cơ bị bỏ lại vì không có phi công, không người đổ xăng. Có những trường hợp phi cơ không cất cánh nổi do quá tải, hay do quá vội. Một số phi cơ vận tải đã bay được sang Utapao vì đã ở sẵn và cất cánh từ Côn đảo. Tất cả đều chở vượt quy định. Có những C-47 bay đến Utapao với cả trăm hành khách (bình thường chỉ chở 30 binh sĩ), bánh đáp bị gãy khi chạm đất.

Phi công Hungphan trong bài hồi ký ‘Những giờ phút sau Tinh Long 07’ ghi lại: Sáng 29/04/75

…’ Đồng loạt không ai bảo ai, chúng tôi tháo chạy về phia Không đoàn bộ (PĐ 437), bên cạnh là đại bản doanh của PĐ 435, chúng tôi đang ngơ ngác tìm nơi trú ẩn, thì thấy ông PĐ trưởng Tr/tá MMC bước ra, nhìn chúng tôi lên tiếng: ‘ Giờ này pilot quý lắm, ai ở phi đoàn nào về phi đoàn nấy.’ Chúng tôi im lặng rút sâu vào tầng dưới của SĐ bộ, thấy đủ mặt văn võ bá quan. T/Tá Vinh con 435, T/Tá Vinh Trô 437, Tr/Tá Dinh, Đ/úy Chư… đã có mặt từ lúc nào, gần giống một cuộc họp của Không đoàn.

Không biết thời gian nặng nề dai dẵng này kéo dài bao lâu, thỉnh thoảng có tiếng pháo kích như để phá tan bầu im lặng. Tiếng pháo vẫn vang lên bên ngoài, bỗng có tiếng điện thoại reo trên lầu, rồi im lặng. Tất cả khuôn mặt không dấu vẻ lo lắng đợi chờ. Tình hình căng thẳng, khoảng mười phút sau, tiếng chuông điện thoại lại reo lên. Chưa hết tiếng reo đột nhiên có tiếng của ai đó hét to: “Ra xe (chưa ai nghe điện thoại).” Không ai bảo ai, chúng tôi chạy nhanh lên xe.

Tôi cũng nhảy lên một chiếc Step van. Chạy được một quảng, 4, 5 anh phòng thủ với súng ống đầy mình, chạy ra chận xe lại. Có tiếng trong xe la lớn: ‘ĐM, lên xe luôn, giờ này mà chặn cái gì?’ thế là thêm đông. Đến parking, tôi chạy về chiếc GZA 027, Herky 027 mà tôi biết tàu tốt vì tôi mới bay về tối hôm qua. Trên phòng lái, có độ 10 ông pilot C-130 !!! Phí thật.

Chỉ một phút sau, chúng tôi take-off. Hai phút sau đã lên cao độ an toàn (T/Tá Nhân nhẩy vào ghế pilot thay Đ/úy Chuân, ngồi co-pilot là Tr/Tá Đinh).

(14 chiếc C-130 bị bỏ lại, 9 chiếc đến được Utapao, ngoài ra còn 1 chiếc đã đào thoát sang Singapore từ khoảng đầu tháng 4)

Tác giả ‘Không quân liệt lão’ trong bài ‘Giây phút não lòng’ (xem phần trên) ghi tiếp:

… “Thảo bảo tôi: “Mình ra khu trực thăng, moa thấy nhiều lắm, đậu phía gần phi đạo hướng Bà quẹo đó.” Đến khu trực thăng, lên chiếc nào mở máy cũng không nổ, tàu nào cũng khô ran (Tướng Tiên cho lệnh rút xăng khỏi tàu vì sợ các phi công… tự động tan hàng). Chọn trực thăng không xong, Thảo Nâu chở tôi trên jeep đi tìm Cessna. Gặp Cessna, Thảo leo lên, bảo tôi ngồi ghế phài. Thảo quay máy, máy nổ. Bỗng nhiên con tàu xao động dữ dội. Quan quân ở đâu đông thế đang dành nhau leo lên tàu. Cessna chỉ có 5 chỗ, làm sao chở nỗi cả chục người. Không ai chịu xuống.

Tôi tự quyết định, nhường chỗ, mở cửa buớc xuống leo lên jeep để lái đi. ,có QC Vân cùng bỏ Cessna lái đi..tìm xem còn chiếc nào để quá giang..

Trên đường rời khỏi SĐ 5KQ, ngang qua văn phòng Tư lệnh phó SĐ, thấy có ánh đèn, cửa mở, tôi đậu xe bước vào.. Gặp Đinh thạch On ngồi thẫn thờ sau bàn giấy..Tôi hỏi:

– On, sao còn ngồi đây? Tât cả bỏ đi hết rồi, anh cũng đi đi thôi.
On như người mất hồn: “C-130 tụi nó lấy trốn cả rồi.”
Tôi nhắc: “Còn C-47 mà.” On thở dài: Đã lâu lắm, tôi không lái C-47.

.. Sau khi ngồi chờ ông On lôi quyển kỹ thuật C-47 ra ‘ôn bài’, cả đám đi tìm C-47 để chạy. Đến bãi đậu, các phi cơ đều bất khả dụng: hoặc không xăng, hoặc bị trúng đạn pháo kích. Đang tuyệt vọng, cả đám tìm được một C-47 đang nằm trong hangar. khóa kín..Đó là chiếc phi cơ riêng của Tư lệnh Vùng II. Sau đó có thêm Đ/úy Qui chạy đến. Phi cơ chở đến gần 80 người cộng theo thiết bị linh tinh… cố gắng cất cánh… sau cùng đến được Utapao.

Nhóm của BS Phạm gia Lữ (xem phần trên) sau đó đến phi đạo C-47 để tìm máy bay di tản, có chiếc không khởi động được do bình điện yếu. Chiếc DC-6 ‘Bình Long Anh Dũng’ tuy nằm cạnh nhưng được canh giữ. Sau đó tìm được chiếc C-47 của Tư lệnh KQ, Kh bắn bể khóa. Tất cả leo lên tàu để bay ra Côn sơn. Sau những trục trặc như không có bản đồ phi hành, phi cơ hết dầu thắng (tìm được 2 gallon nơi đuôi phi cơ), phi cơ đáp được xuống Côn Sơn. Th/tá Khoa bay thêm một chuyến trở lại Saigon (TSN đã bỏ ngỏ) để đón thân nhân và bay lại ra Côn Sơn. Dùng nón sắt để chuyển xăng, phi cơ đã bay đi Utapao sáng 30/4 khi DV Minh ra lệnh đầu hàng.

Tác giả Nguyễn Cao Thiên trong bài ‘PĐ 314, Chuyến bay không phi vụ lệnh ‘(Đặc san Liên khóa 64SVSQ, 2009) ghi lại một số chi tiết mô tả tình trạng hoảng loạn, vô trật tự tại TSN khi phi trường bị pháo kich. Sau khi PĐ phó Tấn từ KĐ trở về cho biết ‘Trên đó có ai đâu ? vắng hoe ?’.. Mạnh ai nấy chạy tự tìm phi cơ để bay đi. Có phi cơ cất cánh quá vội, quên cả gỡ kẹp đuôi nên rơi ngay tại phi trường. Chiếc C-47 của PĐ 314 bay đến Utapao với trên 40 người.

(16 chiếc C-47, đủ loại kể cả EC, AC đến được Utapao. 38 chiếc bỏ lại.)

Ngoài ra cũng có 3 AC-119 và 6 C-7A Caribou đến Utapao, 37 chiếc AC-119 cùng 6 chiếc C-119 vận tải bị bỏ lại. Số Caribou lên đến 33 (trong tình trạng đình động)

Tại Utapao còn có:

– 14 chiếc Cessna U-17 Skywagon

– 12 chiếc UH-1

– 3 chiếc O-1 Bird dog

Bảng tổng kết của HK ghi nhận: số phi cơ của KQVN bỏ lại còn có 434 chiếc UH-1, 114 chiếc O-1, 32 chiếc CH-47 Chinook và 72 phi cơ các loại khác gồm U-17, O-2A, T-37, T-41 và cả U-6 Beaver..
Bay ra biển:

Các phi cơ trực thăng (UH-1 và Chinook) khi tự động tan hàng, đa số tìm đường thoát bằng cách bay ra biển để đáp xuống bất cứ tàu bè nào đang di chuyển ngoài khơi: đáp trên chiến hạm Mỹ, nếu có chỗ đáp là tốt nhất, đáp trên chiến hạm VN và trong tình trạng ‘bi thảm ‘nhất’ là đáp xuống biển, phi công tự thoát, nếu may mắn sẽ được tiếp cứu và vớt lên tàu.

Trường hợp đặc biệt nhất được ghi vào lịch sử KQ và HQ Hoa Kỳ là trường hợp đáp của một L-19 chở đầy ‘hành khách’ trên Hàng Không Mẫu hạm..

Sau đây là một số trường hợp được kể lại trong các bài hồi ký:

Phi đoàn Thần Tượng 215

Khoảng 10 giờ sáng 29/4, bộ chỉ huy Phi đoàn 215 đã dùng 3 trực thăng để ‘di tản ‘về Côn Sơn. Trên các trực thăng có Phi đoàn trưởng (Tr/tá Khưu văn Phát), PĐ phó (Th/tá Đức) và các phi đội trưởng. Tuy nhiên do hết xăng nên cả 3 chiếc sau khi gặp tàu chở dầu của hãng Shell đã cố gắng thả người (nhảy từ máy bay xuống sàn tàu từ cao độ chừng 3 m) và phi công còn lại sau cùng đã đáp xuống biển, bơi thoát khỏi chiếc phi cơ đang chìm và được canô vớt. Cả 3 phi công (Đ/úy Chín, Đ/u Vĩnh và Th/tá Lương) đều được an toàn. (Vĩnh Hiếu: Phi đoàn Thần tượng Giờ thứ 25)

Phi đoàn Lôi Vũ 221:

Phi đoàn di tản từ Biên Hòa về TSN trong đêm 27/4, khi phi trường bị pháo kích. Chiều 29/4, Tr/Tá Nguyễn văn Trọng, PĐT tuyên bố giải tán phi đoàn. 13 trực thăng của phi đoàn bay được ra hạm đội HK. Trong đoàn di tản còn có Đ/tá Phước, Đ/tá Vy (Sư đoàn phó SĐ 1 KQ) (Tâm tư Lôi Vũ -52, Van Nguyên).

Phi đoàn Lôi Thanh 237 (Chinook CH-47)

Ngày 29/4, lúc 4 giờ sáng, 4 trực thăng Chinook CH-47 đậu song song với nhau trước phi cảng Hàng Không dân sự. Các nhân viên phi hành chờ quyết định của Th/tá Nguyễn văn Ba, Phi đoàn phó, nhưng ông vẩn trì hoãn chờ PĐ trưởng (Tr/tá Ch.) còn đang kẹt ở Biên Hòa. Các sỉ quan tham mưu của PĐ đều vắng mặt. Sau đó, ông quyết định di tản 4 phi cơ khả dụng đi Vũng Tàu. Khi 4 phi cơ vứa đáp xuống Vũng Tàu thì phi trường này cũng vừa bị pháo kích. Chỉ 3 phi cơ bay về Cần Thơ, một chiếc đã tự tách khỏi hợp đoàn. Ba phi cơ đáp xuống Mỹ Tho, 1 bay trở lại Sàigòn để đón gia đình Khi trở lại Mỹ Tho, phi cơ bị trục trặc nên đành bỏ lại nơi bờ sông. Hai chiêc còn lại cất cánh lúc 2 giờ trưa, bay ra hạm đội HK, thả người xuống chiến hạm Kirk và phi công ‘ditching’ để sau đó được vớt (Chuyến bay cuối cùng – Nguyển văn Ba – Lý Tưởng Úc châu, số kỷ niệm Ngày Không Lực 1-7-2011)
O-1 Birđ Dog (L-19) đáp trên Hàng Không Mẫu hạm:

Một trường hợp đặc biệt nhất của cuộc di tản, được ghi vào quân sử Hoa Kỳ, phi cơ hiện được lưu giữ tại viện bảo tàng là trường hợp dùng L-19 đáp xuống Hàng không Mẫu hạm Midway của Thiếu tá Lý Bửng, Sĩ quan trưởng phòng hành quân của PĐ Sao Mai 114/ KĐ 62 CT/ SĐ 2 KQ.

Việc O-1 đáp trên Hàng không Mẫu hạm đang di chuyển là chuyện không thể tưởng tượng nổi, ngay cả với các phi công Hoa Kỳ và những chuyên viên thiết kế máy bay của hãng Cessna.
Điều gây ‘kinh ngạc’ hơn nữa là trên phi cơ còn có thêm 6 người (vợ và 5 đứa con) ngồi chật cứng trên ghế sau.
Phi công Lý Bửng kể lại như sau (Chuyến bay về vùng tự do của KQ Lý Bửng- Đặc san Lý Tưởng số 02/2010):

… ‘Sáng 29/4, tôi, Hường, và Nhị cùng bay chiếc O-1 này ra Côn Sơn. Vợ con tôi đã ra Côn Sơn bằng phương tiện trực thăng trước, hình như của PĐ 215. Chiếc O-1 này tình trạng máy tốt, chỉ có vô tuyến là không hoạt động được. Tôi cất cánh từ TSN trong lúc phi trường đang bị pháo kich. Chúng tôi quyết định bay ra Côn sơn vì không rõ tình hình Cần Thơ. Đêm nghỉ tại Côn Sơn, chúng tôi chưa biết chắc sẽ đi Thái Lan bằng phi cơ gì. 
Sáng 30/4, có lệnh đầu hàng. Tôi sắp xếp cho tất cả anh em PĐ 114 trật tự lên các C-123 và C-130 đi Thái Lan. Tôi và gia đình dự trù sẽ đi chiếc C-123 sau cùng nhưng chiếc này bị hư không cất cánh được. Khoảng 130 người còn lại đành chờ tàu HQ. Cảnh tượng xuống tàu rất hỗn loạn. Tôi quyết định dùng chiếc O-1 mà tôi đã bay ra Côn Sơn hôm qua để chở cả gia đình để bay đi nhưng chưa biết đi đâu? Trời rất xấu, mưa mù mịt, tôi bay rase motte trên mặt biển, khoảng từ 500 đến 700 bộ. Trong lúc bay, tôi thấy nhiều trực thăng bay ra biển, tôi cũng lấy hướng bay này cho đến khi thấy chiếc hàng không mẫu hạm.

Chiếc O-1 bị hỏng hệ thống vô tuyến nên tôi không thể liên lạc được với ai. Tôi dùng phương thức bay qua đài kiểm soat của chiến hạm, lắc cánh để cho biết hệ thống vô tuyến bị hỏng và xin đáp. Dưới mẫu hạm bắn hỏa pháo đỏ liên tiếp ra dấu cho biết là họ không chấp thuận cho hạ cánh có lẽ vì không còn chỗ ? Tôi lấy bản đồ, giấy tờ trong máy bay viết chữ xin hạ cánh vì phi cơ còn có vợ con và buộc vào botte để thả xuống sàn tàu. Sau đó nhân viên trên tàu xô một số trực thăng xuống biển và dọn các trực thăng khác để lấy chỗ cho tôi đáp. Phi đạo họ dành cho cho tôi đáp là cạnh ngắn, khoãng 150 feet…’

Sau một lần đáp thử để ước lượng các thông số kỹ thuật, như gió ngang, sự di chuyển của mẫu hạm. Phi công Lý Bửng đã đáp thành công xuống Mẫu hạm Midway trước sự kinh ngạc và thán phục của nhân viên thủy thủ trên tàu.

Trong ‘chiến dịch di tản’ Frequent Wind’:

Hàng không mẫu hạm Midway đã tiếp nhận khoảng 60 trực thăng của KQ VNCH, trong đó có chiếc UH-1 của Tướng Kỳ và cả vài trực thăng của Air America..

Chiến hạm USS Kirk, trong thời gian yểm trợ đoàn tàu di tản của HQ VNCH đã là nơi đáp cho 16 chiếc trực thăng của KQ VNCH. Sàn đáp của chiến hạm chỉ dành cho một trực thăng nên sau khi đáp, trực thăng phải đẩy xuống biển để lấy chỗ cho chiếc kế tiếp. Ngoài 16 chiếc UH-1, còn có 1 Chinook sau khi thả người trên sàn đáp đã phải đáp xuống biển, phi công được cứu thoát. Số người trên các trực thăng đáp xuống USS Kirk lên đến gần 200 người. USS Kirk chở được về Subic Bay 3 chiếc UH-1.

Các chiến hạm khác như Blue Ridge, Mobile (LK 115) đều tiếp nhận các trực thăng của KQVN.

Tài liệu của Air America ghi nhận một số trường hợp các phi công VN dùng súng ‘tạm mượn’ phi cơ của Air America để bay ra Hạm đội Hoa Kỳ: Chiếc UH-1H (69-16715) của Air America màng dấu hiệu ICSS (Ủy Ban Liên hợp 4 bên) đã do phi công VN bay ra đáp tại Chiến hạm Blue Ridge trưa ngày 29/4. Tất cả có 6 chiếc trực thăng bị phi công VN “mượn tạm”, trong đó 5 chiếc loại UH-1 và một chiếc Bell 204B (?), chiếc Bell này sau đó đáp trên USS Kirk. (Air America in South Viet Nam: The Collapse. Tác giả Joe Leeker)

Số phận những phi cơ… đến được Utapao:

Ngay khi các phi cơ của KQ VNCH đáp xuống Utapao, vừa ngừng bánh, tắt máy, các nhân viên phi đạo lập tức sơn lại cờ chuyển từ VNCH sang thành máy bay của Hoa Kỳ. Người Thái Lan không muốn ‘chứa chấp’ những người Việt vừa phải bỏ nước ra đi nên HK đã phải lập cầu không vận, dùng các C-141 để đưa người tỵ nạn sang Guam.

Một trục trặc nhỏ đã xẩy ra: 65 người, tất cả trên cùng một chuyến C-130 đến Utapao đã đòi trở về VN. Dưới sự lãnh đạo của Tr/úy Cao van Le (?), những nhân viên KQVN này khi bay khỏi TSN, không biết là họ sẽ phải biệt xứ trong khi gia đình còn kẹt lại tại VN… và dọa sẽ tự tử nếu không được như ý. Một Đại tá KQVN và một Tuyên úy quân đội HK đã giúp điều đình để giải quyết vấn đề, chỉ còn 13 người cương quyết đòi về. Sau cùng cả 13 người đã được chích thuốc ngủ để đưa lên C-141 đi Guam.

CSVN đã lên tiếng đòi hỏi chủ quyền về những máy bay tỵ nạn tại Thái. Hà Nội đã đòi đưa một phái đoàn đến Thái để kiểm kê các phi cơ. Chính quyền Thái do áp lực của Hà Nội đã đòi’ tạm giữ’ các máy bay đang ở Utapao. 
Tướng Aderholt cho biết’ các phi cơ này thuộc quyền sở hữu của HK theo một điều khoản có ghi trong Thỏa ước Viện trợ Quân sự Mỹ-Việt’ nhưng chưa chắc Thái Lan đồng ý nên ông tìm cách chuyển các phi cơ khỏi Thái càng nhanh càng tốt. Trước hết, Aderholt ‘tặng’ cho Tư lệnh KQ Thái Lan 5 chiếc F-5 để mua chuộc giới quân sự Thái (Thật ra Aderholt không có quyền nhưng trước chuyện đã rồi, HK khó lấy lại được 5 phi cơ này). Khi Hàng không mẫu hạm Midway ghé một căn cứ HQ Thái Lan gần Utapao ngày 5/5, khoảng 140 phi cơ đủ loại đã được chở ra khỏi Thái Lan (trong số này có lẽ gồm cả một số phi cơ, trong tổng số 93 chiếc của Không lực Kmer đã bay sang Thái khi Nam Vang thất thủ). Bốn chiếc Skyraiders được Aderholt cho bay đi, cất giấu tại Căn cứ Takhli. Mẫu hạm Midway đã chở về Guam 101 phi cơ của KQVN, trong đó có 21 chiếc F-5E.

Theo ‘Escape to Utapao’ một chiếc C-123K được đưa ra khỏi Thái (số đuôi 54-00592). Chiếc này hiện ở Phi trường Avra Valley và không ai biết về trường hợp này. (Theo danh mục trong Flying Dragons trang 164 thì chiếc này của KQVN)

Tài liệu của Hải Quân Thái Lan ghi nhận: Trong danh mục phi cơ thuộc HQ Thái Lan có một số phi cơ ‘cũ’ của KQVN như:

– C-47A (43-48101, VNAF)

– VC-47D (43-48777, VNAF ‘EY’

– AC-47D (43-49095, VNAF ‘EK’

– RC-47 (43-49701, VNAF) và (43-49925, VNAF ‘EF’) và (44-76418, VNAF ‘EB’)

– EC-47 P (45-1044, VNAF ‘WA’)

Ngoài ra còn 3 chiếc U-7 mang các số đuôi 71-1438; 71-1442 và 7-1455 được ghi là VNAF(?)
Trần Lý
(tháng 4/2012)

Ông Phạm Kim, chủ nhiệm/chủ bút sáng lập Người Việt Tây Bắc qua đời, hưởng thọ 71 tuổi

Di ảnh cố chủ nhiệm Phạm Kim

SEATTLE (NVTB).- Ông Phạm Kim, chủ nhiệm/chủ bút tuần báo lâu đời nhất ở vùng Tây Bắc Hoa Kỳ: Người Việt Tây Bắc, đã từ giã cõi đời lúc 5 giờ 30 chiều hôm thứ Ba ngày 30 tháng 3 năm 2021, hưởng thọ 71 tuổi, tại tư gia ở thành phố Bellevue, Washington, sau một thời gian ngắn thọ bệnh.

Bà Phạm Hằng Nga, Tổng Quản Trị báo NVTB, cũng là phu nhân của chủ nhiệm Phạm Kim đã chính thức thông báo cho ban biên tập và nhân viên tòa soạn NVTB tin buồn nói trên.

Có lẽ hầu như đồng hương sinh sống ở vùng Seattle-Tacoma nói riêng và tiểu bang WA nói chung, không ít thì nhiều đều biết đến ông Phạm Kim và tuần báo Người Việt Tây Bắc, một tờ báo từng góp mặt quá lâu năm trong cộng đồng này, mà ông bà Kim là người sáng lập và điều hành suốt từ hơn 35 năm qua.

Ngoài vai trò là một nhà báo, ông Phạm Kim còn tham gia tích cực và rộng khắp vào các sinh hoạt cộng đồng địa phương trong suốt thời gian từ ngày định cư ở Hoa Kỳ nhiều chục năm qua, song song với việc thông tin của tờ báo, ông còn nỗ lực, năng nổ hoạt động trong các sinh hoạt của các cộng đồng NVQG trong tiểu bang, nhất là các sinh hoạt về văn hóa, văn nghệ và văn học nghệ thuật, có thể nói, ông Phạm Kim đã dành cả tâm trí, thời gian và tài lực cho những công việc mà ông hằng say mê, hướng trọn cuộc đời của mình cho những hoài bão ấy.

Sơ lược tiểu sử chủ nhiệm Phạm Kim

Theo những chi tiết chưa đầy đủ, mà tòa soạn có được thì: Ông Phạm Kim sinh ngày 20 tháng 7 năm 1950 tại thị tứ Điền Hộ, nay thuộc xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong một gia đình nền nếp và đạo hạnh gồm 4 anh chị em. Năm 1954 thân sinh ông đưa cả gia đình di cư vào Nam và định cư tại Sài Gòn, khu Ngã Ba Ông Tạ, cụ thân sinh ông là một doanh gia thành đạt trong nhiều năm liền ở Sài Gòn trước 1975.

– Ông được gia đình đưa vào học trường Tabert từ thuở niên thiếu, nên hấp thu được một nền giáo dục căn bản khá vững vàng.

– Sau khi hoàn tất Trung học đệ nhị cấp ở trường Tabert, ông ghi danh vào trường Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, nhưng rất sớm, khoảng năm 1970, ông Kim đã gia nhập Quân Đội, sau khi tốt nghiệp khóa 3/70 Trường Bộ Binh Thủ Đức, ông được biệt phái sang binh chủng Hải Quân.

– Được bổ nhậm làm việc tại Bộ Tư Lệnh/ HQ, ông đã giữ nhiệm vụ Sĩ Quan Báo Chí/ BTL/HQ trong thời gian khoảng 3 năm tại đây, cho đến ngày Sài Gòn thất thủ, cấp bậc cuối cùng của ông trong quân đội VNCH là cấp Trung Úy.

– Tháng 6 năm 1975, cùng với hàng trăm ngàn sĩ quan VNCH khác, ông Kim cũng bị CSVN đưa vào tại cải tạo, và sống trong đày ải, thiếu thốn trong 3 năm, được cộng sản phóng thích vào năm 1978 khi đó mới 28 tuổi.

– Sau khi trở về nhà, với những canh chừng, quản chế của bọn công an địa phương, ông Phạm Kim quyết chí tìm đường ra khỏi nước, cho đến cuối năm 1978, ông bà sinh con đầu lòng là Julie Phạm, cả gia đình đã dìu dắt nhau đi vượt biển lúc đó cháu Julie mới 1 tháng tuổi, và may mắn họ đã đến được bến bờ tự do, tạm trú tại trại tị nạn Indonesia, và sau một thời gian ngắn gia đình được phái đoàn Mỹ đồng ý cho tị nạn tại Mỹ, định cư tại tiểu bang Washington.

– Ông bà Phạm Kim khi mới đến định cư tại Hoa Kỳ đã từng trải nhiều gian nan để đứng vững, vừa đi học để tiến thân. Chỉ trong vòng 6 tháng ông hoàn tất chương trình 2 năm ở trường Bates Technical College và sau đó vào làm việc ở Tacoma Boat với việc thiết kế drafting. Không được bao lâu, hãng này đóng cửa vì thua lỗ, ông trở lại đi học ở Highline Community College rồi lên UW học theo ngành kỹ sư điện (Electrical Engineering).

– Thời gian này thì gia đình ông Phạm Kim đã nuôi nấng giấc mơ hằng ấp ủ từ rất lâu, đó là thực hiện xuất bản một tờ báo phục vụ cộng đồng tại địa phương, do nhu cầu rất cần thiết vùng đất mới cần có một cơ quan thông tin cộng đồng, và cuối cùng, ông bà Phạm Kim đã quyết định xuất bản tờ tuần báo Người Việt Tây Bắc vào năm 1986, và cho đến nay sau hơn 35 năm, tờ báo vẫn còn duy trì, phục vụ hữu hiệu công việc truyền thông đến mọi gia đình người gốc Việt trong vùng Tây Bắc, đồng thời giữ gìn và phổ biến văn hóa Việt trong cộng đồng.

Cáo Phó của gia đình, cũng như ngày giờ tổ chức tang lễ sẽ được phổ biến vào tuần tới. Ban Biên tập và Trị sự tuần báo NVTB được phép công bố về sự ra đi của ông Chủ Nhiệm/ Chủ Bút Phạm Kim, đến tất cả quý bạn đọc, quý cộng đồng và đoàn thể, thân hữu trong sự ngỡ ngàng và tiếc thương tột cùng./.

NVH

Tù cải tạo trốn trại

Posted on December 23, 2014 Bước qua hai cánh cửa nhà thờ, tôi giật mình thấy người nằm ngổn ngang khắp mọi chỗ. Cả một nhà thờ rộng mênh mông, nhưng toàn người là người, gồm đủ cả già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, đàn bà.
( Chuyến Xe Tình Nghĩa)

Nguyễn Hữu Chí


20-10-2013

Lúc đó trời đã khuya, tôi phỏng đoán, phải một, hai giờ sáng. Nhưng không hiểu sao, cả hai cánh cửa nhà thờ đều mở rộng. Tôi kính cẩn làm dấu, rồi rón rén bước vô, vừa đi vừa nghe ngóng động tĩnh.

Bước qua hai cánh cửa nhà thờ, tôi giật mình thấy người nằm ngổn ngang khắp mọi chỗ. Cả một nhà thờ rộng mênh mông, nhưng toàn người là người, gồm đủ cả già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, đàn bà. Đèn trong nhà thờ đủ sáng để tôi thấy, tất cả mọi người đều ngủ thành từng cụm, giống như mỗi gia đình ngủ một chỗ.

Bên cạnh họ là đủ thứ quang gánh, nồi niêu xoong chảo, túi bị ngổn ngang. Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu sao trong nhà thờ lại chứa đủ hạng người nằm ngủ ngổn ngang như vậy. Tôi đang băn khoăn, không biết cách nào có thể gặp vị linh mục để nhờ vả thì bỗng thấy ở phía đầu nhà thờ, có người vẫy vẫy tay.

Tôi đi tới thì thấy đó là một vị linh mục, nét mặt khả kính, phúc hậu, mới thoáng nhìn đã thấy trong lòng mình tràn ngập niềm kính ngưỡng, tin yêu. Tôi vừa kính cẩn nói được mấy tiếng, “Con chào Cha”, thì vị linh mục đã đưa ngón tay trỏ lên miệng ra dấu cho tôi im lặng.

Lúc đó, tôi cứ ngỡ là Cha không muốn tôi to tiếng để giữ im lặng cho mọi người ngủ. Nhưng sau này, tôi mới biết ý tứ thâm sâu của Cha…

Cha ra dấu cho tôi đi theo rồi ngài quay lưng bước đi. Tôi im lặng đi theo. Dọc theo hành lang, tôi thấy vẫn có nhiều người nằm ngổn ngang, nhưng thưa hơn bên ngoài.

Qua hai căn phòng nhỏ, đến căn phòng thứ ba, Cha đẩy cửa bước vô. Tôi lặng lẽ bước vô theo Cha. Trong phòng cũng có khoảng chục người nằm ngay trên sàn. Chỉ tay vào một góc phòng còn trống, ở đó có sẵn một tấm mền và chiếc gối, Cha nói nhỏ với tôi: “Chúc con ngủ ngon!” Tôi chưa kịp nói gì, Cha đã lặng lẽ bước ra ngoài, khép cánh cửa lại.

Nhìn chung quanh, tôi thấy tất cả mọi người vẫn say ngủ. Yên tâm, tôi bước vào góc phòng, nằm xuống, và chìm ngay vào giấc ngủ.

Đang ngủ say, bỗng nhiên tôi giật mình vì có người lay vai tôi rất mạnh. Tội giật mình, vội mở mắt, thì thấy có một cụ già, khoảng sáu, bảy chục tuổi đang ngồi ngay cạnh.

Phải mất mấy giây sau, tôi mới bàng hoàng nhớ lại mọi chuyện và nhận ra mình đang ở đâu. Cụ già cũng ra dấu cho tôi im lặng, đi theo cụ. Tôi lồm cồm đứng dậy, đi theo, không nói một lời. Qua hai khúc quẹo, tôi bước vào một căn phòng nhỏ, có lẽ là phòng ăn. Trên bàn, có sẵn chén, đũa và một tô mì gói đã đổ nước sôi, được đậy kín bằng một chiếc đĩa sứ. Ở chiếc ghế bên cạnh có một bộ quần áo, một đôi giầy thể thao đã cũ. Cụ già nói với tôi, giọng ân cần:

– Cậu đi thay bộ đồ này ngay, cho khỏi lộ. Rồi ra đây ăn tô mì lót dạ.

Nghe cụ nói hai chữ “khỏi lộ”, tôi giật mình nhìn cụ, nhưng thấy cụ rất thản nhiên, nên tôi không dám hỏi han gì. Thì ra, ngay khi tôi bước vô nhà thờ, nhìn bộ dạng và quần áo tôi rách tươm, lấm bê bết đất cát, Cha đã biết rõ tôi là tù trốn trại, nhưng vì tai mắt của tụi cộng sản ở khắp nơi, nên Cha không muốn tôi dài dòng kể lể, nguy hiểm…

Ngồi xuống bàn, vừa ăn mì, tôi vừa trò chuyện với cụ và được cụ cho biết, tất cả những người nằm ngủ trong nhà thờ đều là dân ở Sàigòn và các tỉnh bị cộng sản lùa đi vùng kinh tế mới. Cộng sản cho xe chở người đến nhà thờ yêu cầu Cha phải cho họ tá túc qua đêm, sau đó, cộng sản lại xảo quyệt dùng chính sự giúp đỡ của Cha để tuyên truyền cho chiến dịch lùa người đi vùng kinh tế mới.

Sau khi tôi thay bộ đồ và ăn uống xong, cụ già đưa cho tôi một gói giấy nhỏ, rồi nói:

– Cậu cấm lấy chút tiền đi đường. Không nhiều lắm đâu, nhưng cậu tiêu pha tằn tiện thì đủ tiền ăn, tiền xe cho cậu về đến Sàigòn. Bây giờ, cậu phải đi sớm ra phía xóm Bàu Sen rồi đón xe đi Tây Ninh. Nhớ đừng vô bến xe, mà hãy đón xe dọc đường…

Tôi lặng lẽ chia tay cụ già, bước đi trên đường phố của thị trấn Dầu Tiếng vào một buổi sáng tinh mơ của tháng 4 năm 1977, mà thấy trong lòng rưng rưng như muốn khóc. Cuộc đời tôi, kể từ khi phải rời xa mái gia đình năm 15 tuổi, trôi giạt khắp mọi nơi, luôn luôn tiếp nối bằng những cuộc chia ly, và trong mỗi cuộc chia ly, lúc nào cũng có hình bóng của những ân nhân, của những tấm lòng vàng, trong đó có những vị ân nhân tôi vĩnh viễn không bao giờ biết tên tuổi, địa chỉ; và tôi biết vĩnh viễn trong suốt cả cuộc đời còn lại của mình, tôi sẽ không bao giờ có được cơ hội được gặp lại, được trả ơn…

Cũng vì luôn luôn sống và thao thức trong tâm trạng của một người luôn luôn chịu ân nghĩa của không biết bao nhiêu người, nên ngay từ những ngày tháng đó, tôi đã thầm nguyện với lòng, tôi sẽ phải cố gắng sống sao cho xứng đáng phần nào với những ân tình sâu nặng mà tôi đã được lãnh nhận…

Vì không thông thuộc đường xá của thị trấn Dầu Tiếng, mà đường phố lúc đó còn rất vắng vẻ, chẳng có một ai để hỏi thăm, nên tôi cứ cắm cúi đi, miễn sao ra khỏi được thị trấn, rồi sẽ tìm đường đón xe về Bình Dương. (Đến đây tôi xin được đính chính, trong số báo trước, khi tường thuật lời dặn của cụ già trong nhà thờ Dầu Tiếng, cụ dặn tôi từ Dầu Tiếng đón xe về Bình Dương, rồi từ Bình Dương đón xe về Sàigòn. Nhưng vì đã ba chục năm trôi qua, không còn nhớ rõ lời của cụ, nên tôi đã tường thuật sai là đón xe về Tây Ninh). Đi được khoảng nửa tiếng, tôi thấy nhà cửa thưa thớt, ngay cạnh đường có một quán nhỏ, mái tranh, bốn phía trống trải, bàn ghế sơ sài. Tôi bước vô, tính uống ly cà phê, hút điếu thuốc, rồi lân la làm quen, hỏi thăm đường xá…

Trời lúc đó còn rất sớm, nên trong quán không có khách, chỉ có một bà lão, lưng còng, tóc bạc và một cô bé tuổi khoảng 16, 17, mà tôi đoán là hai bà cháu. Tôi cất tiếng chào bà cụ, nhưng bà cụ chỉ hấp háy mắt nhìn tôi, không nói, tay chân của cụ run lẩy bẩy. Có lẽ bà cụ quá già, nhưng vì cuộc sống vô cùng khó khăn, nên hai bà cháu phải dậy sớm, bán quán, đắp đỗi qua ngày.

Dưới chế độ cộng sản, tôi đã thấy nhan nhản những hình ảnh khốn khổ như vậy, hoặc hơn thế, trải dài trên khắp mọi miền của quê hương Miền Bắc suốt mấy chục năm. Từ sau tháng 4, 1975, cùng với gót giầy xâm lăng chiếm đóng Miền Nam, người cộng sản tiếp tục gieo rắc tang thương trên khắp quê hương Miền Nam.

Tôi gọi một ly cà phê đen. Cô bé bưng ly cà phê đặt trên bàn, rồi hỏi tôi:

– Chú dùng chi nữa không?

– Cảm ơn cháu, chú uống ly cà phê là đủ rồi.

Cô bé có cặp mắt đen lay láy, thông minh, nhìn tôi có vẻ tò mò khiến tôi băn khoăn, không biết hỏi thăm cô bé về đường xá như thế nào. Vẫn biết, hầu hết người dân Miền Nam không ưa gì cộng sản. Nhất là sau tháng 4 năm 1975, người dân Miền Nam càng hiểu rõ bộ mặt thật của cộng sản, nên sẵn sàng giúp đỡ những người tù cải tạo trốn trại. Hiểu điều đó, nhưng tôi vẫn đắn đo, không biết mở đầu ra làm sao.

Trong lúc đang uống cà phê, tôi thấy cô bé vừa nhìn tôi vừa ghé tai bà thì thầm chuyện gì không rõ, chỉ thấy bà cụ đập nhẹ vào vai cô. Cô bé cười khúc khích, rồi bưng ra một đĩa xôi có trộn lẫn hai, ba miếng khoai mì, và nói:

– Chú ăn xôi đi…

– Cảm ơn cháu, chú vừa ăn sáng xong…

– Chú ăn đi, cháo bao mà. Cháu không lấy tiền chú đâu mà chú ngại.

Tôi ngạc nhiên, chưa kịp hỏi, cô bé lại tiếp:

– Có phải chú là tù mới trốn trại hông?

Tôi giật mình, nhìn vội chung quanh. Cô bé cười:

– Chú đừng ngại, ở đây hông có ai đâu…

Sau một thoáng ngần ngại, tôi gật đầu thú thật với cô bé:

– Chú mới trốn trại thật. Nhưng sau cháu biết hay vậy?

Cô bé lại cười, răng trắng đều như bắp:

– Nhìn quần áo chú mặc cháu đoán ra liền à. Rồi thấy bộ điệu lo lắng của chú, cháu đoán càng trúng… Với lại ở đây cháu thấy tù trốn trại hoài à, nên nhìn các chú trốn ra là cháu biết liền. Mà chú định về đâu, nói cháu cháu chỉ đường cho?

Tôi vừa lo lắng, vừa ngạc nhiên. Không hiểu sao, cô bé khi biết tôi là một tên tù vượt ngục, nhưng vẫn giữ được sự hồn nhiên, tươi cười như vậy. Tuy ngạc nhiên, nhưng tôi rất tin cậy ở cô bé. Tôi vội nói:

– Thú thực với cháu, chú định đón xe về Bình Dương.

Cô bé hóm hỉnh:

– Chú muốn đón xe về Bình Dương thì chú đừng có vô bến đón xe. Trong đó công an, bộ đội nhiều lắm. Vô đó là chú bị họ bắt liền đó.

– Như vậy thì chú phải đón xe ở đâu cho an toàn?

Cô bé giơ tay phải chỉ về phía con đường đất đỏ và nói:

– Chú cứ đi thẳng con đường này khoảng một cây số, đến ngã ba X (vì lâu ngày nên tôi không còn nhớ tên ngã ba này) có cây bằng lăng thật lớn, thì chú đứng đó chờ. Hễ thấy xe đò nào tới thì chú vẫy đón về Bình Dương….

Nghe cô bé nói, tôi mừng quá, nhưng vẫn hỏi thêm cho chắc ăn:

– Làm sao chú biết xe nào về Bình Dương?

– Chú đừng lo. Tất cả những xe từ Dầu Tiếng đi qua ngã ba X đều chạy về Bình Dương hết. Nhưng xe đò thì mỗi ngày chỉ có 3 chuyến. Chú đi nhanh đi, để đón kịp chuyến xe 8 giờ sáng…

Mừng quá, tôi vội đứng dậy, tính trả tiền ly cà phê, thì cô bé đã nhanh nhảu:

– Chú khỏi trả tiền đi. Chú tù mới trốn trại làm gì có tiền. Lấy tiền của chú kỳ quá hà…

Tôi còn đang bối rối và bâng khuâng, chưa kịp nói gì, cô bé đã lấy một gói thuốc lá, mấy chiếc kẹo mè trong tủ kính, gói vội trong túi nylon nhỏ rồi quýnh quáng dúi vào tay tôi:

– Chú cầm lấy gói thuốc hút cho ấm… Thôi chú đi lẹ lên cho kịp xe… Chúc chú may mắn!…

Cầm gói đồ của cô bé trao, tôi cảm động rưng rưng nước mắt. Bà cụ vẫn đứng đó, chân tay vẫn run lẩy bẩy, nhưng nhìn tôi mỉm cười, miệng móm mém, khiến tôi vừa xúc động vừa thương cảm.

Thì ra cụ tuy già, nhưng nghe chuyện, cụ hiểu hết và nụ cười của cụ là cả một nhắn gửi, cầu chúc cho tôi tai qua nạn khỏi… Mắt tôi nhoà đi. Tôi lắp bắp chào bà cụ, chào cô bé, rồi như một cái máy, tôi bước ra khỏi quán. Vừa bước đi tôi vừa cố đè nén niềm cảm xúc đang dâng lên trong lòng. Bước đi được một đoạn, ngoảnh đầu lại, tôi thấy cô bé vẫn đứng đó, đưa tay vẫy vẫy…

Từ ngày đó cho đến bây giờ, đã 30 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh quán nước siêu vẹo bên con đường đất đỏ dẫn vô thị trấn Dầu Tiếng và cô bé có cặp mắt đen láy cùng tấm lòng đôn hậu, hồn nhiên đã giúp tôi trên con đường tôi đào tẩu… Bây giờ, khi viết những dòng chữ này, những hình ảnh đó vẫn hiện lên lung linh, sống động và tươi mát như chuyện mới xảy ra hôm qua, hôm kia…

Tôi đi được khoảng một cây số, quả nhiên thấy một ngã ba. Con đường tôi đang đi là đường đất đỏ, đụng phải con đường liên tỉnh lộ, trải đá răm. Cách ngã ba khoảng chục thước, có một cây bằng lăng thật lớn, ngay cạnh đường. Tôi yên tâm đứng cạnh gốc cây bằng lăng chờ đợi. Đường lúc đó rất vắng vẻ, nhưng để an toàn, tôi ngồi xuống, khuất phía đằng sau cây bằng lăng chời đợi…

Trong khi chờ đợi, điều tôi lo ngại nhất là một khi đón được xe, nếu chẳng may trên xe có bộ đội hay cán bộ cộng sản thì tôi không biết phải đối phó như thế nào. Tệ hại nhất, nếu những cán bộ, bộ đội đó lại là người ở trại tù, nơi tôi vừa trốn đi. Gặp trường hợp đó, chắc chắn chúng sẽ nhận ra tôi, và tôi sẽ vô phương tẩu thoát. Nhất là thời đó, hầu hết bộ đội, cán bộ cộng sản rời khỏi trại, đi bất cứ đâu, chúng đều mang theo vũ khí. Vì thế, việc tôi phải đối phó với chúng để tẩu thoát sẽ vô cùng khó khăn. Biết vậy, nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác, tôi phải đón xe về Bình Dương, không chiếc xe này thì phải đón xe khác. Và làm sao tôi có thể biết được, trên chuyến xe đò từ Dầu Tiếng chạy tới, chiếc nào có bộ đội cán bộ cộng sản, chiếc nào không? Thôi thì chỉ biết liều, rồi đến đâu hay đến đó.

Tôi chờ khoảng hai mươi phút, thì nghe thấy có tiếng xe hơi từ phía Dầu Tiếng vọng tới. Bước ra khỏi bóng cây bằng lăng, nhìn về phía Dầu Tiếng, tôi thấy một chiếc xe đò đang ì ạch chạy tới. Đó là chiếc xe đò loại vừa, chở khoảng ba chục đến bốn chục người. Trên nóc xe chất đầy quang gánh, thúng mủng, ngay phía bên trái của tài xế có một chiếc ống khói phun ra từng lớp khói đen đặc lên trời.

Khi xe chạy tới gần, tôi dơ tay vẫy. Xe chạy chậm dần rồi dừng lại ngay cạnh chỗ tôi đứng. Anh lơ xe đứng ở phía sau vẫy vẫy tay ra hiệu cho tôi lên xe, mà không hề hỏi han gì. Mừng quá, tôi quýnh quáng chạy về phía sau xe. Anh lơ nhảy xuống mở tung cửa, dục tôi lên lẹ lẹ. Tôi vội vàng leo lên, chưa kịp đứng vững thì chiếc cửa xe đã đóng lại, ép chặt phía sau lưng, rồi chiếc xe giật mạnh, kêu lên khục khục mấy tiếng, và lăn bánh… Tôi loạng choạng, phải nắm vội lấy sợi giây lủng lẳng từ trần xe, cho khỏi té.

Anh lơ xe vừa đập tay vào trần xe vừa hét:

– Các ông các bà ngồi dịch vô, ngồi dịch vô cho chú này chú ngồi…

Mấy người khách ngồi hàng ghế giữa vội dồn vô, để trống một chỗ ngay phía sau cùng. Tôi vội ngồi xuống, thở phào, trút hết mọi sự mệt nhọc rồi kín đáo quan sát. Trong xe có ba hàng ghế, hai hàng hai bên, và một hàng ghế giữa. Những người ngồi ở hàng ghế giữa đều quay lưng vào nhau và quay mặt ra hai phía. Vậy là ba hàng ghế, nhưng có bốn hàng người ngồi. Đa số hành khách trong xe là phụ nữ, chỉ có hai, ba người đàn ông lớn tuổi, vài anh thanh niên và năm, sáu trẻ em, trong đó có cả hai, ba em bé được cha mẹ bồng trên tay.

Nhìn thoáng qua khoảng 40 hành khách trên xe, tôi mừng quá, vì không thấy bóng dáng một người bộ đội, hay cán bộ cộng sản nào. Hầu hết hành khách đều là người Miền Nam, nét mặt lam lũ, vất vả, chất phác và chân thật. Chỉ có bốn, năm cô ngồi ở hàng ghế bên phải, phía trong cùng là mặc áo dài trắng. Ngay cạnh mấy cô có hai anh thanh niên trẻ, tuổi mới ngoài hai mươi. Nhìn qua, tôi đoán họ là sinh viên hay thầy cô giáo của một trường học nào đó.

Ngay khi bước lên xe, tôi linh cảm có cái gì bất bình thường. Có lẽ sự bất bình thường đó là do sự xuất hiện của tôi. Trong một thoáng rất nhanh, tôi thấy vài ánh mắt tò mò nhìn tôi. Nhớ đến cô bé trong quán nước bên đường, tôi nghĩ ngay, nếu một cô bé bình thường có thể nhanh chóng nhận ra tôi là một người tù trốn trại, thì làm sao tôi có thể qua mắt được cả 40 người ngồi trong xe?

Không hiểu sao, lúc đó mọi người đều im lặng. Đây là chuyện lạ, vì thông thường, các ông các bà ngồi chật trội trong một chiếc xe đò như thế này, bao giờ cũng trò chuyện rôm rả đủ thứ trên đời… Người tôi như nổi gai và tôi thấy thật lúng túng, không biết mình nên phản ứng như thế nào. Chỉ cầu mong làm sao, trong 40 hành khách trên xe, không có cán bộ phường khóm, hay tên “cách mạng 30″ nào.

Người lơ xe đập tay vào vai tôi rồi hỏi:

– Chú về đâu?

Tội giật mình, vội trả lời, không kịp suy nghĩ:

– Về Bình Dương.

Người lơ xe nói số tiền, lâu ngày tôi không nhớ là bao nhiêu. Tôi vội lấy tiền trao cho anh lơ xe. Ngay lúc đó, một chị tuổi khoảng bốn mươi, ngồi ngay đối diện tôi, nói trổng:

– Từ đây về Bình Dương tui sợ nhất Bến Cát. Mấy thằng bộ đội ở đó chúng kiểm soát không sót thứ gì.

Tôi nhìn chị. Chị nói trổng, nhưng chị nhìn thẳng tôi, ánh mắt của chị như gói ghém, gửi gắm điều gì đó, khiến tôi có cảm giác như câu nói của chị dành riêng cho tôi. Chị nói tiếp, lần này rõ ràng hơn:

– Đến đó là tụi nó hỏi giấy tờ từng người một. Mấy chú tù cải tạo trốn trại mà đi qua đó là bị chúng bắt lại nhiều lắm đó.

Một ông trong xe cũng cất tiếng phụ hoạ:

– Qua đó, có giấy tờ đầy đủ cũng còn lôi thôi, chớ đừng nói không có giấy tờ… Ai mà không có giấy tờ là cầm chắc bị chúng bắt.

Nghe đến đó, tôi ù tai, kinh hoàng, không biết làm thế nào. Lúc ấy, trong xe ồn ào, mọi người thi nhau kể đủ thứ chuyện xấu xa, ngu ngốc của bộ đội. Tất cả đều kể lể và cười bò ra một cách thoải mái.

Ngay cả anh tài xế và anh lơ xe cũng góp chuyện. Trong khoảnh khắc không đầy 10 phút đồng hồ, tôi có cảm giác, tất cả hành khách trong chiếc xe đều là những người cùng chung một chiến tuyến, coi cộng sản là những kẻ côn đồ, ác quỷ, thủ phạm của mọi tội ác. Và tôi có cảm giác, tất cả mọi người trong xe đều cố ý làm như vậy, để cho tôi hiểu và tin tưởng họ là những người không ưa gì cộng sản.

Ngồi cạnh người đàn bà bốn mươi tuổi, có một bà cụ, tóc bạc như cước, nhưng vóc dáng vẫn khoẻ mạnh, ánh mắt tinh anh. Mọi người cười đùa, trò chuyện ầm ĩ, nhưng cụ không nói, không cười, cụ chỉ nhìn tôi, khiến tôi rất lúng túng. Được một lúc, cụ nhoài người sang phía bên tôi, ghé sát mặt tôi thì thầm hỏi:

– Cậu tù cải tạo phải không?

Tôi giật mình. Nhưng nhìn nét mặt phúc hậu và ánh mắt tinh anh của cụ, tôi biết, tôi không thể nói dối được. Tôi chỉ biết “Dạ” một tiếng, rồi im lặng.

Cụ hỏi tiếp:

– Cậu được tụi nó thả phải không?

– Dạ…

– Thế đồ đoàn của cậu đâu?

Tôi giật mình lúng túng không biết nói làm sao. Một người tù được ra trại mà lại không có đồ đoàn, chỉ đi tay không, thì quả là điều vô lý. Chưa biết trả lời thế nào, cụ già lại thì thầm:

– Cậu là tù trốn trại phải không?

Tôi ngần ngừ. Cụ lại nói tiếp, giọng ân cần:

– Cậu cứ nói thiệt đi, già bảo tụi nó giúp. Trong xe này, tụi nó đều là con cháu của già. Cậu yên tâm đi, chẳng có đứa nào nó ưa tụi cộng sản cả…

Nhìn gương mặt phúc hậu của cụ, nghe lời cụ nói, tôi yên tâm tin tưởng ở cụ và mọi người khách trong xe, nhưng tôi không biết người tài xế và lơ xe như thế nào. Vì vậy tôi nói nhỏ với cụ:

– Cháu tin lời cụ… Cháu hẳng dám giấu gì cụ, cháu là tù trốn trại… Nhưng cụ đừng cho anh tài xế và lơ xe biết… lỡ có chuyện gì…

Cụ già cười móm mém, tay phẩy phẩy:

– Tài xế với lơ xe cũng là người nhà cả…

Nói đến đó, cụ quay ra, cất tiếng nói lớn với mọi người:

– Tụi bây lặng im nghe tao nói nè…

Tiếng nói của cụ có một uy quyền tuyệt đối. Mọi người trong xe đột nhiên im bặt, cùng hướng về phía cụ chờ đợi. Tôi lúng túng vì biết, cụ sắp nói rõ cho mọi người biết tôi là ai. Nhưng tôi không biết làm thế nào. Thôi thì đành trao cuộc đời tôi cho mọi sự may rủi… Quả nhiên đúng như tôi đoán, cụ nói:

– Cậu này vừa nói, cậu là tù cải tạo trốn trại, nay cậu muốn về Bình Dương. Tụi bây xem tính cách nào giúp được cậu…

Mọi người trong xe cùng ồ lên ngạc nhiên. Rồi nhiều người cùng nói, ồn ào, tôi nghe không rõ. Bỗng nhiên, tiếng người tài xế thiệt lớn, át hẳn mọi người:

– Từ đây về Bình Dương chỉ sợ trạm gác của tụi nó ở Bến Cát thôi má.

Cụ già chép miệng:

– Mày nói cái đó ai mà chả biết…

Người tài xế lại tiếp:

– Con thấy đến đó mình chỉ cần cho chú lơ chạy xuống dúi cho chúng ít tiền là xong.

Chị ngồi cạnh bà cụ cất tiếng:

– Dúi tiền cho chúng là chuyện dĩ nhiên phải dúi vì xưa nay mình vẫn làm vậy mà. Nhưng mình cũng còn phải chuẩn bị cho ảnh nữa. Chớ để ảnh ngồi chình ình ngay ngoài này, tụi nó mở cửa ra, nói hỏi giấy tờ ảnh thì làm sao mà trả lời.

Một chị ngồi ở góc trong chen vô:

– Tốt nhất là để cho ảnh vô ngồi tận góc trong cùng này nè.

Mọi người ồn ào vỗ tay hưởng ứng. Đợi tiếng vỗ tay ngớt, anh tài xế nói:

– Thì các ông các bà ngồi ngoài đó lè lẹ nhường chỗ để ảnh vô trong này ngồi.

Mấy người ngồi cạnh tôi vội vã đứng dậy, một số người ngồi đối diện vội co chân nhường chỗ cho tôi đi. Cụ già bảo tôi:

– Bây giờ cậu vô trong đó ngồi…

Tôi vội vã đứng dậy bước đi nghiêng ngửa trong khi xe vẫn chạy… Trước mặt  tôi, khi tôi bước đi, tôi thấy những cánh tay vươn ra cho tôi nắm, những ánh mắt nhìn tôi đầy thân thương, trìu mến. Tôi xúc động, lúng túng, mặt đỏ bừng, không biết nói gì. Rồi một bàn tay to lớn, rắn chắc vươn ra cho tôi nắm. Tôi vừa nắm, thì bàn tay đó đã kéo tôi ngồi xuống một chỗ ở hàng ghế giữa, ngay phía sau người tài xế. Ngồi chưa xong, người đàn ông có cánh tay lực lưỡng đã quẳng cho tôi chiếc áo, rồi bảo:

– Chú em, cởi chiếc áo ra rồi mặc tạm chiếc áo này vô. Mà khỏi cài cúc à nghe…

Tôi cầm chiếc áo, ngần ngại đưa mắt nhìn cụ già. Cụ mỉm cười gật đầu. Tôi lặng lẽ nghe lời, thay áo. Mặc áo xong, tôi nhớ lời dặn của người đàn ông, để phanh ngực. Cũng may, sau mấy tháng trời phải lao động dưới trời nắng, nên gương mặt, nước da của tôi cũng cháy nắng, đen nhẻm.

Người đàn ông nhìn tôi gật gù ưng ý. Sau đó, ông quay sang phía người đàn bà đang ẵm con và cho con bú sữa bình:

– Lát nữa, gần đến Bến Cát, chị cho anh này ẵm thằng nhỏ để ảnh cho nó bú… Có vậy, cha tụi nó cũng không đoán được anh là tù trốn trại.

Mọi người trong xe cười ồ, tiếng nói tíu tít, tiếng cười rôm rả. Ai cũng vui vẻ trước sáng kiến độc đáo và ngộ nghĩnh của anh. Một chị ngay cạnh tôi nói lớn:

– Để ảnh ẵm ngay bây giờ cho quen…

Mọi người reo lên tán thành. Thế là người đàn ông vội vàng bế thằng bé, trao cho tôi. Tôi ngượng nghịu ôm thằng bé trong tay. Tôi không biết và cũng không nhớ thằng bé được mấy tháng. Chỉ biết nó khá nặng, mặt bụ bẫm, da trắng hồng, hai mắt đen láy, thao láo nhìn tôi, và không hề khóc một tiếng. Tôi cúi xuống nhìn nó, định cầm bình sữa cho nó bú, thì người đàn bà nói:

– Lát nữa khi đến Bến Cát chú hãy cho cháu bú. Bú bây giờ nó no, lát cho nó bú, nó không chịu nó khóc, là tụi công an chúng để ý…

Tôi nhìn người đàn bà với ánh mắt biết ơn và vâng lời. Cúi xuống nhìn thằng bé, tôi mỉm cười ầu ơ mấy câu, rồi thọc lét nó. Thằng bé cười như nắc nẻ… Trong phút chốc, tôi quên tất cả mọi chuyện hiểm nguy, để thấy lòng mình thật khao khát có được một mái nhà, một gia đình. Ước mơ sống một cuộc sống hiền lạnh, hạnh phúc của tôi, cũng như của không bao nhiêu người Việt sao thật bình thường mà mãi mãi ngoài tầm tay với?…

Từ đó trở đi, ngồi trên xe, tôi thoải mái kể chuyện trốn tù của mình, chuyện cuộc đời của tôi, và thành thực trả lời tất cả những câu hỏi của mọi người trong xe. Trên chuyến xe đầy tình người đó, tôi cảm động và vui mừng nhận chân một sự thực, cộng sản tuy chiếm được Miền Nam, nhưng chúng không chiếm được lòng người. Không những vậy, chúng còn làm mất đi tất cả niềm tin của những người đã từng một thời tin vào chúng.

Trước 30 tháng 4 năm 1975, khi chưa được dịp tiếp xúc với người cộng sản từ phương bắc, ở Miền Nam vẫn còn có người ảo tưởng về cộng sản. Họ tưởng người cộng sản cũng là người cùng chung nguồn cội, cùng nòi giống máu đỏ da vàng, cùng có lòng yêu nước thương dân. Thậm chí, tại Miền Nam trước 1975, có những người chỉ vì những bất mãn cá nhân với người này người khác trong guồng máy công quyền VNCH, hay vì những thiệt thòi riêng tư ở phường khóm, quận huyện mà rồi dại dột quay ra theo cộng sản. Nhưng kể từ sau 30 tháng 4 năm 1975, khi người cộng sản Việt Nam xuất hiện bằng xương bằng thịt trên mọi nẻo đường của Miền Nam tự do, gây nên không biết bao nhiêu tội ác, người dân Miền Nam mới thực sự hiểu được bản chất xấu xa của người cộng sản, nên ai ai cũng sẵn sàng giúp đỡ người tù cải tạo, và tìm mọi cách bêu riếu, chống đối người cộng sản. Trong suốt thời gian gần một năm trời kể từ khi trốn khỏi trại tù tới khi vượt biên thành công, tôi càng hiểu được lòng người dân Miền Nam không ưa cộng sản như thế nào.

Có điều, ở ngoài Miền Bắc, hầu hết người dân cũng không ưa gì cộng sản. Nhưng trong lịch sử mấy chục năm sống dưới sự đô hộ của cộng sản ở Miền Bắc, tôi chắc chắn không có một người tù vượt ngục nào dám bô bô kể chuyện vượt ngục của mình cho nhiều người nghe, cho dù đó là những người quen biết. Chính bản thân tôi sau này phải ngược xuôi ở cả hai miền Nam Bắc để kiếm đường vượt biên, tôi cũng thấy rất rõ, lòng người dân Miền Nam lúc nào cũng độ lượng, bao dung, sẵn sàng giúp đỡ tôi, nếu tôi nói rõ mình là tù cải tạo vượt ngục.

Còn ở Miền Bắc, tôi lúc nào cũng giống như con cá mắc cạn, sợ hãi mọi người, kể cả người thân của mình. Tôi biết, nếu ở Miền Bắc, trên một chuyến xe đò, tôi có hành vi hay ngôn ngữ chống đối chế độ, khiến họ khả nghi, lập tức họ sẽ báo cho công an bắt tôi ngay.

Quả thực, tại Miền Bắc, sau mấy chục năm đô hộ, chế độ cộng sản đã thành công tạo nên một mạng lưới “công an nhân dân” dầy đặc, mang “bục công an đặt giữa tim người” khiến “mỗi người dân là một người công an”.

Viết đến đây tôi băn khoăn tự hỏi, không biết sau thời gian hơn 30 năm đô hộ Miền Nam, liệu cộng sản có biến Miền Nam trở thành xã hội công an trị giống như Miền Bắc? Liệu bây giờ, phải trốn chạy cộng sản trên một chuyến xe đò ở Miền Nam, tôi có còn đủ can đảm nói thực hoàn cảnh của mình cho mọi người trong xe biết hay không? Và nếu tôi nói thiệt, liệu những người của quê hương tôi hôm nay có còn tận tình giúp đỡ tôi như những người của 30 năm về trước?…

Sau thời gian trò chuyện rôm rả, vui vẻ, tôi nghe người tài xế hô lớn:

– Tới Bến Cát rồi đó bà con…

Kế đó, tôi nghe người tài xế nhắc anh lơ xe chuẩn bị sẵn tiền đút lót cho công an. Anh lơ xe mở cửa phía sau, đứng sẵn ở bậc lên xuống… chờ đợi.

Mọi người trong xe nhộn nhịp chuẩn bị… Ẵm thằng bé trong tay và cho nó bú, tôi bồn chồn lo lắng, không biết mọi chuyện sẽ ra sao. Tôi tin tưởng, với sự giúp đỡ chí tình của tất cả mọi người trong xe, và tôi trong vai một “người cha” đang cho “con bú”, mọi chuyện chắc sẽ chót lọt. Nhưng nếu có điều gì bất chắc xảy ra, không những tôi gặp hoạ, mà nhiều người trong xe cũng sẽ bị liên luỵ. Rõ ràng, nếu tụi công an VC bắt được tôi, thì chiếc áo tôi mặc không phải của tôi, đứa bé tôi đang ẵm không phải con của tôi, rồi vị trí tôi ngồi được nhiều người bao bọc chung quanh,… đều là những bằng cớ chứng tỏ, mọi người trong xe đã đồng loã, bao che cho tôi…

Chiếc xe đò vừa dừng lại là lập tức có tiếng đập cửa xe ầm ầm ở cả hai bên hông xe lẫn cả phía sau. Tiếng la hét cộc cằn, ầm ĩ từ bên ngoài. Rồi cửa sau xe bị mở tung. Các bà, các cô trong xe đứng ngồi lố nhố, nhưng tôi vẫn nhìn rõ một tên công an áo vàng và hai tên bộ đội đứng ngay phía sau. Tên áo vàng đeo súng ngắn, đưa cặp mắt cú vọ nhìn vô trong xe. Còn hai tên bộ đội đứng sau đeo súng AK-47, ánh mắt lơ đễnh…

Tên công an quát to, giọng nạt nộ:

– Mấy bà này xuống ngay trình giấy tờ…

Tên công an vừa dứt lời, chị ngồi cạnh bà già, đã đon đả:

– Kìa mấy chị không nghe chú công an nói hả? Xuống lấy giấy tờ cho ảnh coi lẹ lẹ đi? Người ta làm việc dưới trời nắng, cực lắm, mình phải giúp cho các ảnh hoàn thành nhiệm vụ chớ…

Vừa nói, chị vừa nhảy cái ào xuống đất, tay cầm một túi trái cây. Trao túi trái cây cho tên công an, chị vồn vã:

– Chú cầm gói trái cây (tôi không nhớ là trái cây gì) này ăn cho đỡ khát nghe…

Tên công an đỡ túi trái cây khá nặng, ánh mắt của y vừa lúng túng, vừa ngạc nhiên. Chắc từ hồi vô Nam đến giờ, y chưa gặp người Miền Nam nào vui vẻ như vậy bao giờ. Nhưng giống như cái máy, miệng hắn vẫn hỏi:

– Chị có đầy đủ giấy tờ không đó?

Chị cười tự nhiên:

– Có đầy đủ chứ chú. Mình là dân thì mình phải làm đúng luật của đảng và nhà nước chớ chú…

Vừa nói, chị vừa lấy giấy tờ đưa cho tên công an coi. Mấy chị khác ngồi phía sau xe, cũng lần lượt nhảy xuống lấy giấy tờ cầm sẵn, chờ đưa cho tên công an. Tên công an lúng túng, một tay cầm túi trái cây, tay kia cầm giấy tờ của từng người coi… qua loa. Nét mặt của y dịu lại thấy rõ. Sau đó, thấy những người trên xe đang tiếp tục bước về phía sau xe, định nhảy xuống trình giấy tờ, tên công an dơ tay cản lại, nói giọng biết điều:

– Thôi thôi, khỏi xuống mất công. Tất cả mọi người trong xe có đầy đủ giấy tờ hết phải không?

Cụ già ngồi ngay cuối xe, trả lời ngay:

– Ai cũng có đầy đủ giấy tờ hết. Chú muốn coi cho hết thì leo lên xe mà coi. Thời buổi này không có giấy tờ thì ai dám đi lại làm gì cho uổng tiền, uổng công… mà mất thì giờ.

Tên công an liếc cặp mắt cú vọ nhìn vô trong xe. Tôi thấy ánh mắt của hắn quét qua từng người, rồi đến tôi, ánh mắt của y ngưng lại một chút, khiến tôi đứng tim, nhưng vẫn giữ nét mặt tỉnh bơ. Sau đó, y nhìn sang những người khác, rồi không nói một tiếng, y quay sang phía người lơ xe, chìa tay. Tôi không nghe thấy y nói gì, nhưng lập tức viên lơ xe trao vào tay tên công an một gói giấy, trong đó là tiền.

Tên công an cầm gói giấy thản nhiên bỏ vô túi áo ngực, rồi vẫy tay ra hiệu cho mọi người lên xe. Xong, y quay lưng lại, rồi bước đến chiếc xe đò kế tiếp, vừa dừng bánh ngay phía sau xe của chúng tôi. Hai tên bộ đội cũng lại lặng lẽ lẽo đẽo đi theo tên công an.

Những người đàn bà, đàn ông phía sau xe lục đục leo lên xe. Xe nổ máy, từ từ lăn bánh. Người lơ xe chạy theo, đu mình nhảy lên xe, đóng mạnh cửa sau. Tất cả mọi người cùng thở phào, nhìn về phía tôi… Tôi vui mừng, muốn thét lên vì sung sướng, nhưng miệng tôi thì méo sệch, chỉ bập bẹ được mấy tiếng, “Cháu… cảm ơn”, trong khi hai mắt của tôi thì rưng rưng, và trong lòng của tôi lúc đó thì như muốn khóc…

Nguyễn Hữu Chí