Tại sao Liên Xô giúp đỡ Bắc Việt?

Nguồn: Sergey Radchenko, “Why Were the Russians in Vietnam?”, The New York Times, 27/03/2018.

Ngày nay chúng ta đã biết được tại sao người Mỹ lại mất quá nhiều thời gian như vậy trước khi rút khỏi Việt Nam.

Nhưng nếu sự tham gia của Mỹ được hiểu rõ, người ta lại chẳng thể nói điều tương tự về siêu cường đối thủ của họ, Liên Xô. Người Liên Xô nhận được gì từ việc ủng hộ một cuộc chiến nơi rừng rậm xa xôi, gửi các cố vấn, vật tư và tiền của đến giúp đỡ Bắc Việt – chấp nhận thực hiện một hành động không chỉ làm đóng băng quan hệ Xô-Mỹ, mà còn có nguy cơ châm ngòi xung đột toàn cầu?

Có phải là bởi tầm quan trọng địa chính trị của Việt Nam? Hay là do mối bận tâm của Moskva về truyền bá tư tưởng cách mạng? Chúng ta thường có thói quen gán cho phía bên kia những tầm nhìn và mục đích mà ta không muốn làm cho bản thân mình. Thực ra, có nét tương đồng đáng kể giữa sự hiện diện của Mỹ và Liên Xô tại Việt Nam. Giống như người Mỹ, điều mà Moskva quan tâm nhất là uy tín của mình trên cương vị một đồng minh và một siêu cường, cũng như tính chính danh trong nước và quốc tế mà uy tín ấy mang lại.

Nikita Khrushchev, người tiên phong xoay trục Liên Xô sang thế giới thứ ba vào thập niên 1950, có rất ít sự quan tâm và kiên nhẫn dành cho Bắc Việt, những người mà ông tỏ ý nghi ngờ, đặc biệt là sau khi Hà Nội bắt đầu nghiêng về phía Trung Quốc trong chia rẽ Xô – Trung.

Việc Bắc Việt Nam đứng về phía Trung Quốc được xem là một động thái chiến thuật khi không có lựa chọn tốt hơn. Chính Khrushchev đã góp phần dẫn đến hành động đổi chiều khi từ chối cung cấp viện trợ, nhưng ông lại đổ lỗi rằng việc đánh mất Bắc Việt là do những mưu mô tưởng tượng của “con cháu gốc Hoa” (Chinese half-breeds) trong hàng ngũ lãnh đạo đảng của Việt Nam. Đối với Khrushchev, vấn đề Việt Nam chỉ là một khía cạnh trong cuộc đấu tranh rộng lớn hơn với Trung Quốc, và cụ thể hơn, chỉ là một khía cạnh khá bên lề.

Tất cả thay đổi khi Khrushchev bị lật đổ trong một cuộc “đảo chính” vào tháng 10/1964. Người kế vị ông, Leonid Brezhnev và Alexei Kosygin, muốn chứng minh rằng họ thực sự trung thành với cam kết khi đồng minh cần cung cấp viện trợ quân sự. Lý do cơ bản là lãnh đạo mới của Liên Xô đang phải đối mặt với sự thiếu hụt tính chính danh. Giúp đỡ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại “chủ nghĩa đế quốc” sẽ giúp họ được công nhận – bởi nhân dân, anh em và đồng minh của họ, cũng như bởi thế giới nói chung – về tư cách là người thừa kế hợp pháp vai trò lãnh đạo phe xã hội chủ nghĩa. Cũng vì lý do tương tự, Moskva đã cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Mao Trạch Đông lại chẳng mảy may đáp lại. Điều này càng trở nên rõ ràng trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Kosygin hồi tháng 02/1965. Vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã nói về sự cần thiết của một “hành động thống nhất” nhằm giúp đỡ nỗ lực chiến tranh của Hà Nội. Mao đáp lại lời đề nghị ấy bằng sự mỉa mai thù địch, tuyên bố trước Kosygin rằng đối đầu Trung – Xô sẽ kéo dài cả một vạn năm. “Mỹ và Liên Xô giờ đây đang quyết định vận mệnh thế giới,” Mao nói một cách chua chát. “Thế thì cứ đi mà tự quyết định.” Ông tỏ ra không chút bận tâm đến chiến sự leo thang ở Việt Nam: “Vậy thì sao? Có gì là khủng khiếp khi một số người phải chết?” – và phản đối lo lắng của Kosygin về xung đột ngày càng sâu sắc bằng lời kêu gọi lạc quan tiến hành một cuộc “chiến tranh cách mạng.”

Khi quan hệ của Moskva với Trung Quốc tiếp tục xấu đi, Hà Nội cũng chuyển dần từ lập trường thân Trung Quốc sang vị thế trung lập hơn. Đó là bởi vì Bắc Việt cần vũ khí của Liên Xô, đặc biệt là các tên lửa phòng không tiên tiến, để tự bảo vệ mình trước các đợt ném bom của Mỹ. Nhưng Cách mạng Văn hóa Trung Quốc cũng là một phần nguyên nhân. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã phẫn nộ trước việc Bắc Kinh khuấy động chủ nghĩa cực đoan trong cộng đồng người Hoa khá lớn đang sinh sống ở miền Bắc Việt Nam. Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Vinh, vào năm 1967, thời điểm đỉnh cao của sự tham chiến của người Mỹ, nói rằng “Nghe thì có vẻ nghịch lý nhưng người Việt Nam không sợ người Mỹ mà sợ các đồng chí Trung Quốc.”

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội trở nên rõ rệt hơn vào năm 1971, sau chuyến đi bí mật của Henry Kissinger đến Trung Quốc và các thông báo về chuyến thăm sau đó của Nixon. Bắc Việt đã không được hỏi ý kiến và đương nhiên cảm thấy bị phản bội. Nhưng có một vấn đề thậm chí còn lớn hơn: Người Trung Quốc và người Việt Nam có những quan điểm rất khác nhau về tầm quan trọng tương đối của họ. Các lãnh đạo Trung Quốc coi Bắc Việt là thuộc hạ. Họ đã giúp Bắc Việt. Họ chỉ dẫn cho Bắc Việt. Và cái họ mong chờ là sự thần phục. Nhưng người Việt lại không chịu thần phục. Sau nhiều năm chiến đấu chống lại Mỹ, họ cảm thấy mình có quyền tuyên bố là lãnh đạo cách mạng, ít nhất là ở Đông Nam Á.

Đây là thông điệp mà tướng Võ Nguyên Giáp mang đến Moskva vào tháng 12/1971, khi Bắc Việt đang chuẩn bị cho cuộc tổng  tiến công mùa xuân để giáng đòn cuối cùng vào Nam Việt Nam. Ông Giáp hứa hẹn rằng chiến thắng chung của liên quân Xô – Việt tại Việt Nam sẽ đưa Hà Nội vươn lên hàng ngũ lãnh đạo, đồng thời trở thành đầu cầu của chủ nghĩa xã hội ở thế giới thứ ba. “Chúng tôi muốn thực hiện nhiệm vụ này cùng với Liên Xô, bởi vì không ai có thể làm điều đó mà không có Liên Xô,” ông nói. Các nhà lãnh đạo Liên Xô ủng hộ thông điệp này, đặc biệt là sau khi ông Giáp hứa sẽ cho Liên Xô quyền đóng lực lượng hải quân tại Vịnh Cam Ranh mà khi ấy vẫn do Mỹ kiểm soát.

Có những nguy hiểm trong việc ủng hộ thái độ quân sự cứng rắn của Hà Nội. Sự khởi động lại các trận đánh lớn vào tháng 03/1972 đã đe dọa bước tiến trong hòa hoãn Mỹ – Xô. Sau khi người Mỹ đáp trả các chiến dịch phản công của Hà Nội bằng các đợt tấn công ném bom trên diện rộng, một số người trong giới lãnh đạo Liên Xô, bao gồm Kosygin, đã đề xuất hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Moskva. “Anh đang đùa à?,” Brezhnev hỏi. “Tại sao không chứ!,” Kosygin đáp. “Đây có thể là thứ bom chúng ta cần.” “Đây là một quả bom, đúng vậy,” Brezhnev nhận xét, “nhưng ai sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn?”

Brezhnev coi hòa hoãn là một thành tựu cá nhân và không sẵn sàng hy sinh nó vì lợi ích của Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng không sẵn lòng gây áp lực với Việt Nam chỉ vì mối quan hệ tốt hơn với Mỹ, ý tưởng mà Kissinger và Nixon gọi là “mối liên hệ” (linkage). Điều mà bộ đôi người Mỹ chưa hiểu rõ là Việt Nam là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực trở thành lãnh đạo toàn cầu của Brezhnev. Sự ủng hộ của Liên Xô dành cho Hà Nội là điều khiến Liên Xô trở thành một siêu cường thực sự và ngang hàng với Mỹ.

Nixon cũng từng nhớ lại việc bị bất ngờ trong Thượng đỉnh Moskva tháng 05/1972, khi Brezhnev, “người mà phút trước còn cười nói vỗ vai tôi, bỗng bất chợt la hét giận dữ,” ông cáo buộc Mỹ đã phạm những tội ác khủng khiếp ở Việt Nam. Brezhnev làm thế bởi ông phải bảo vệ uy tín của mình trước các đồng nghiệp và trước Bắc Việt. “Tôi cho rằng tôi hay các đồng chí của tôi chưa từng phải nói chuyện với bất kỳ ai một cách mạnh mẽ và gay gắt như khi chúng tôi nói chuyện với Nixon về Việt Nam,” Brezhnev sau này kể lại cho Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng như vậy.

Quan hệ Trung-Việt thời điểm đó đã xuống một mức thấp mới. Tính đến mùa hè năm 1973, khi Mỹ đang hoàn thành việc rút quân, Lê Duẩn bắt đầu lo lắng về Trung Quốc, nói với Brezhnev rằng ông nghĩ Mao đã lên kế hoạch “xâm chiếm toàn bộ Đông Dương và Đông Nam Á khi thời cơ đến.” Brezhnev tiếp tục hứa sẽ giúp đỡ Việt Nam – lần này là chống lại người hàng xóm phía bắc của họ.

Chi phí tái thiết sau chiến tranh là rất lớn. Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng đã thẳng thắn với Brezhnev về những kỳ vọng của Hà Nội: Sẽ phải có một nguồn viện trợ rất lớn từ Liên Xô để giúp “công nghiệp hóa” Việt Nam, từ đó cho toàn bộ Đông Nam Á thấy lợi ích thiết thực của định hướng xã hội chủ nghĩa. “Chúng tôi chẳng có gì cả,” Lê Duẩn nói với Brezhnev, hàm ý rằng mọi thứ sẽ phải đến từ khối Xô Viết trong vòng 10 đến 15 năm tiếp theo.

Brezhnev đồng ý xóa tất cả các khoản nợ của Hà Nội. Đồng thời, họ vẫn tiếp tục cho vay thêm, và đến năm 1990, Việt Nam đã nhận được hơn 11 tỷ đô la viện trợ, hầu hết trong số đó không bao giờ được hoàn trả. Trợ cấp cho Việt Nam trở thành gánh nặng quá lớn đối với nền kinh tế Liên Xô trong thập niên 1980, góp phần khiến cho Moskva kiệt quệ.

Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với chiến thắng của phía Liên Xô và Việt Nam, nhưng chí ít là với Moskva, đó là một chiến thắng với cái giá quá lớn. Duy trì các đồng minh phụ thuộc là điều tốt cho uy tín của một siêu cường và cho tính chính danh của các nhà lãnh đạo, nhưng nó không tốt cho ngân sách nhà nước. Chính sách của Nga trong những năm gần đây, đặc biệt là trong các hoạt động tại Syria, gợi nhớ đến những hành động vì tính chính danh trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh ở Việt Nam. Và hậu quả lâu dài của hành động này cũng sẽ không kém phần thảm khốc.

Serge Radigan là Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học Cardiff, Wales.

‘Người Đàn Bà Có Hai Con,’ một truyện tình lạ của Trần Thị NgH

Trần Doãn Nho/Người Việt

Trần Thị NgH là một tác giả bắt đầu nổi tiếng vào những năm cuối cùng của chế độ VNCH.

Chỉ với hai truyện ngắn đầu tiên, “Chủ Nhật” và “Nhà Có Cửa Khóa Trái,” xuất hiện trên hai trong những tạp chí hàng đầu của văn học miền Nam thời đó là Văn và Vấn Đề, tên tuổi bà đã lập tức được văn giới và độc giả đánh giá cao và trở thành một hiện tượng văn học.

Sau 1975, cũng như nhiều nhà văn miền Nam khác, bà ngừng viết một thời gian dài, chỉ có mặt trên văn đàn trở lại vào khoảng giữa thập niên 1990.

Văn chương của bà không chỉ lạ ở câu chuyện mà còn lạ ở cách kể chuyện, cách viết. Mỗi truyện, bà có một cách kể riêng. Và do cách kể mà đôi khi, dù truyện có đề tài tương tự, đọc lên, nghe vẫn khác. “Người Đàn Bà Có Hai Con” là một trong những truyện như thế.

Điểm đặc biệt đầu tiên của truyện: có 18 tiểu mục, mỗi tiểu mục được đặt một nhan đề, lấy những nhóm chữ xuất phát từ các tác phẩm văn chương hay âm nhạc đã trở thành phổ biến: “ngày xưa hoàng thị,” “động hoa vàng” (thơ Phạm Thiên Thư), “mê lộ” (truyện Phạm Thị Hoài), “thiên đường mù” (truyện Dương Thu Hương), “vũng lầy của chúng ta” (nhạc Lê Uyên Phương), “lệ đá xanh” (thơ Thanh Tâm Tuyền), “ru em từng ngón” (nhạc Trịnh Công Sơn), vân vân.

Mỗi tiểu mục đều khớp với từng đoạn “chuyện” của truyện. Bằng một giọng văn tường thuật với nhiều chi tiết hiện thực, khách quan, vừa nghiêm túc, vừa pha pha đôi chút giễu cợt, “Người Đàn Bà Có Hai Con” kể lại một câu chuyện tình, không có tình tiết nào quá éo le, gay cấn, nhưng nhiều khúc rẽ khá bất ngờ. Xin kể lại, tuần tự, tóm tắt vừa đủ để độc giả dễ theo dõi.

Câu chuyện bắt đầu giữa cô giáo và cậu học trò trong một lớp học đêm ở Sài Gòn, nơi dạy tiếng Anh cho những người mang mộng xuất cảnh vào thời điểm đất nước đã phần nào mở cửa. Học trò, 20 tuổi, tên Kiệt, có “khuôn mặt xương xương, lưỡng quyền hơi cao, cằm nhọn, hai mắt nhỏ, tóc phía sau chưa đủ dài mặc dù phần úp trước trán bầu tròn và dày.” Đây là một học trò chăm chỉ, “trầm tĩnh nghe bài giảng, ghi chú cẩn thận và chịu khó phát biểu trong giờ đàm thoại.” Cô giáo, tên Doãn, mới 37 tuổi, nhưng trông “quắt queo,” dáng người “khô khô,” giọng “to, rõ, hơi dữ;” nhan sắc thì “cực kỳ trung bình,” “hàm răng sạch,” ăn mặc giản dị, “không đeo nữ trang, thoa son môi thật nhạt, và đi xe đạp.”

Lúc đầu, cô giáo không mấy thích cậu học trò này, nhưng về sau, khi vào lớp mà chưa thấy Kiệt, thì cảm thấy “hơi hẫng.” Riêng cậu học trò thì lại tò mò, “thấy tung tích cô thật bí mật, cách hành xử không giống các giáo viên khác. Mạnh mẽ như đàn ông trong lúc giảng dạy, cười nói thân tình với các đồng nghiệp trong phòng giải lao nhưng rồi thu lại nhỏ xíu lạnh ngắt khi chỉ còn lại một mình.” Vì thế, cậu “quan sát cô mọi góc cạnh, theo dõi từng động tác.” Không những thế, sau giờ học, cậu còn “kín đáo đạp xe theo phía sau” cô, cố giữ một “khoảng cách đủ xa để vẫn còn thấy cô bóng nhỏ đường khuya lẩn trong dòng xe cộ,” và cảm thấy cô giáo “tầm thường và lẻ loi đến tội nghiệp.”

Khi cô giáo tổ chức thêm lớp học ở nhà. Kiệt ghi tên theo học ngay. Do gần gũi, Kiệt nhìn thấy cô giáo trông trẻ hơn, hay mặc quần din xắn hai gấu lên khỏi mắt cá, có điều, “ngực cô lép xẹp.” Cô có một đứa con gái 10 tuổi tên là Bobo. Khi không có lớp, cậu lân la đến chơi nhiều lần. “Vào những lần xé lẻ đến thăm riêng cô giáo, Kiệt thấy cô Doãn còn nhiều ngóc ngách khác, im ỉm, đen tối và gây tò mò.”  Dần dà, nó trở thành người thân, được cô mời ăn cơm gia đình, được “chở Bobo đi học” và có lúc, tình nguyện đưa đón cô “đi dạy khi cô ốm hoặc trời mưa.”

Thế rồi, Kiệt xin ở lại nhà cô. Và thế là, cô giáo Doãn, học trò Kiệt và Bobo trở thành một bộ ba: người đàn bà có hai con. Ba người “thường đi chơi chung cuối tuần, Kiệt chở bé Bo còn cô Doãn đạp xe một mình.” Trong nhà, Kiệt hành xử như một người con giỏi giang: xách nước tưới cây, phụ rửa chén bát, lau nhà, ủi đồ, có lúc còn cắt may áo cho cô, chẳng khác chi một cậu bé giúp việc.

rần Thị NgH tên thật Trần Thị Nguyệt Hồng. (Hình: damau.org)

Một hôm, Kiệt “đòi ba mẹ con ngủ chung.” Cô giáo tuy có vẻ không bằng lòng, nhưng vẫn không từ chối, để xem thử thằng nhỏ giở “trò quái quỷ” gì. Và suốt đêm đó, cô “mở mắt thao láo quan sát Kiệt, quan sát mình. Ðến gần sáng thì cô mềm người đi.” Từ đó, cậu học trò khám phá thấy một phía khác của cô giáo. “Ðó là một người đàn bà cô đơn nhưng làm mặt ngầu.” Còn về phía cô giáo, cô đổi tính hẳn, trở nên “thuần thục dịu dàng thấy rõ, nét cười sém chút nữa là chập vào khóe mắt vui.”

Đến đây thì đúng là một chuyện tình được lập lại: vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng ba mươi mấy năm trước đó. Giống nhưng rất khác: cô Doãn không lãng đãng, tình tứ, dằn vặt bằng cô giáo Trâm; và cậu học trò Kiệt không thuộc “típ”con nhà giàu, ăn chơi, và mang nét lãng đãng “bụi” thời đại như Minh của Nguyễn Thị Hoàng. Và cái khác quan trọng hơn: cô giáo Trâm độc thân, trong lúc cô giáo Doãn đã có con.

Chẳng thế mà khác với Nguyễn Thị Hoàng, vòng tay học trò của Trần Thị NgH có một khúc gập hoàn toàn bất ngờ. Vì chỉ có nửa năm sau, thì vòng tay học trò Kiệt buông: cậu lên đường đi định cư ở Úc cùng với gia đình. Cô giáo Doãn vừa “thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng,” vừa cảm thấy “cái phần đời bấy lâu nay trĩu trĩu bỗng tênh tênh chao sang một phía như bị mất thăng bằng.”

Dằng dặc cho mãi đến sáu năm sau, cậu học trò mới trở về. Nhưng vật đã đổi và sao đã dời! Cậu học trò nghèo hèn ngày xưa trở thành Việt kiều, tóc thưa, hơi hói, xức nước hoa, “một chàng trai 26 tuổi, có bằng kỹ sư điện tử trở về từ nước ngoài, một người đàn ông đúng tiêu chuẩn mơ ước của các cô gái Việt Nam.”

Bé Bo, cô em bé bỏng, là “cô thiếu nữ đôi tám hai mắt nheo nheo rất nghịch với cách nói chuyện chỏi chỏi.” Và cô giáo Doãn, 43 tuổi, “da dẻ khô queo, tóc cắt ngắn, các cơ mặt đã dãn ra” và “xấu, lỗi thời.” Kiệt tìm thấy ở cô giáo ngày xưa có cái gì không thành thật, “với cái mu rùa an toàn bà ta ngoan cố chui ra chui vô mỗi ngày, cái tung tích bí ẩn mà hồi đó đã hút nó vào mê hồn trận.”

Sau đó, Kiệt năm nào cũng về thăm quê hương và rồi, xin làm việc luôn trong nước. Cảnh người đàn bà hai con đèo nhau đi dạo ngày nào, bây giờ biến thành một cảnh khác hẳn. Kiệt, “đầu sói sọi thắt cà-vạt ở villa đi xe Mercedes Benz có tài xế lái tay xách cặp Samsonite đeo đồng hồ Rado mang kính mát Rayban,” cô giáo Doãn, “mang kính lão,” khi dạy học, “một tay cầm quyền sách đang dạy tay kia đút túi quần, mắt nhướng nhướng đầu gật gật, giọng chùng,” và cô thiếu nữ Bobo lớn, đẹp, đàn hay khiến Kiệt lúc đầu chỉ muốn chinh phục cho thỏa tự ái, “về sau trở thành đam mê dằn vặt chịu không thấu.”

Vòng tay học trò trở thành vòng tay Việt kiều. Và người đàn bà hai con trở thành tình mẹ duyên con! Có thể nói, qua truyện ngắn này, Trần Thị NgH đã vẽ phác ra một trớ trêu mang đầy tính thời đại, một trong những nét lạ lùng của xã hội Việt Nam sau cơn địa chấn “thống nhất mà chia lìa” của biến cố Tháng Tư, 1975.

Trần Thị NgH, tên thật Trần Thị Nguyệt Hồng, sinh trưởng ở miền Nam Việt Nam. Trước 1975, cộng tác với Văn, Vấn Đề, Thời Tập, Thời Văn, Tiền Tuyến… Các tác phẩm đã xuất bản: “Những Ngày Rất Thong Thả” (1975), “Tập truyện ngắn Trần Thị NgH” (1999), “Lạc Đạn và 10 truyện ngắn” (2000), “Nhăn Rúm” (2012), “Ác Tính” (2018). Hiện sống rày đây mai đó, giữa Việt Nam và nước ngoài.

Tạp chí văn chương mạng hải ngoại Da Màu (damau.org) đã thực hiện một chuyên đề về Trần Thị NgH. Độc giả muốn tìm thêm về nhà văn độc đáo này, xin vào đường dẫn: https://damau.org/category/chuyen-de/chuyen-de-tran-thi-ngh

Trần Doãn Nho

Nhà khoa học nữ gốc Việt trong top ảnh hưởng nhất thế giới

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên. 
Ảnh do nhân vật cung cấp.

Tuổi thơ theo mẹ đi khắp nơi để kiếm sống, sang Mỹ thì bị bạn bè chê cười vì không biết tiếng Anh, nhưng Nguyễn Thục Quyên đã vượt qua tất cả và trở thành một trong những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới. 

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên sinh ra ở Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk) trong một gia đình thượng lưu gồm 5 anh chị em. Sau năm 1975, cha đi cải tạo, mẹ chị – một cô giáo dạy toán cấp 2, dẫn dắt đàn con đến các vùng kinh tế mới như Phước Lâm, Long Điền, Đất Đỏ, Phước Tỉnh và Vũng Tàu để sinh nhai. 

Lúc 5-6 tuổi, cô bé Quyên phải phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, kiếm củi nấu cơm, đào khoai, câu cá, gánh nước… Cuộc sống cơm áo, gạo tiền cứ đeo bám cho đến năm 1986 khi gia đình mở tiệm phở ở Bến Đá – Vũng Tàu, Quyên mới được đi học ở trường Trung học Trần Nguyên Hãn.

Nhọc nhằn nơi xứ người

Tháng 7/1991, chị cùng bố mẹ và 5 anh chị đến Mỹ định cư. Hai năm đầu, các anh chị em của chị Quyên cứ đòi về Việt Nam vì không biết tiếng Anh và phong tục tập quán Mỹ. Nhưng chị thấy ổn vì được làm điều mình thích mà không sợ người khác dị nghị. 

“Khi còn ở Việt Nam, gia đình đã vất vả rồi, nên khi sang Mỹ tôi phải cố gắng hơn rất nhiều để có được cuộc sống tốt hơn”, chị Quyên chia sẻ. Để tự khẳng định bản thân nơi đất khách quê người, chị đã quyết tâm học tiếng Anh thật nhanh bằng cách đăng ký ở ba trường trung học tại ba thành phố. Ở Mỹ, tiếng Anh được học miễn phí.

Vất vả với bao tủi nhục khi bị nhiều người coi thường càng khiến chị có thêm động lực vươn lên. 

“Có giáo viên chế nhạo tôi trước cả lớp vì khả năng nói tiếng Anh kém. Một ông người Mỹ còn nói thẳng với tôi hãy về nước của cô đi”, chị nhớ lại và cho biết ở Mỹ vẫn còn một số người phân biệt kỳ thị như vậy.

“Thậm chí có đồng nghiệp lúc ở trường không bao giờ nói chuyện với tôi mặc dù tôi đã cố gắng để nói chuyện với anh ta vài lần”, nữ giáo sư nói.

Tháng 9/1993, người cô họ cho chị ở cùng nhà, nhưng chị phải dọn dẹp, nấu nướng, đi chợ và chạy việc vặt cho cô. Thời gian này, chị xin học ở Đại học Santa Monica nhưng không được nhận vì tiếng Anh kém. Chị đã năn nỉ nhà trường cho học thử một kỳ và hứa nếu không học được sẽ trở về trường trung học để học thêm tiếng Anh. Ban ngày đi học, ban đêm chị tìm lớp học thêm ở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng chị cũng được nhận vào học. 

Thấy bố mẹ vất vả làm trong nhà hàng và ở hãng may, chị không cho phép bản thân thất bại mà cố gắng gấp đôi, gấp ba so với những bạn cùng trang lứa. Để có tiền học, chị xin làm thêm trong thư viện trường từ 17h đến 22h mỗi ngày, nhưng vẫn không đủ nên phải vay thêm tiền của Chính phủ.

Tháng 9/1995, chị xin chuyển lên Đại học Califonia, Los Angeles và làm thêm trong phòng thí nghiệm với công việc rửa dụng cụ. Chị xin làm nghiên cứu nhưng không có phòng thí nghiệm nào nhận. Sau khi tốt nghiệp bằng đại học Hóa năm 1997, chị nộp đơn học cao học. Chỉ trong một năm chị đã có bằng thạc sĩ ngành Lý – Hóa và quyết định học tiếp tiến sĩ. Thật bất ngờ, cuối năm của chương trình này chị là một 7 nghiên cứu sinh xuất sắc của Đại học Califonia, Los Angeles được trao học bổng.

Tháng 6/2001, chị nhận bằng tiến sĩ và ra trường trước cả những sinh viên chị từng rửa dụng cụ thí nghiệm cho họ trước đây. Ra trường chị đạt giải thưởng xuất sắc ngành Lý – Hóa. Tháng 9/2001, được giải thưởng của liên bang đi tu nghiệp ở phòng thí nghiệm quốc gia nhưng chị từ chối và đến làm ở Đại học Columbia, New York.

Ba năm sau chị bắt đầu làm việc ở Đại học California, Santa Barbara và mất hơn hai năm xây dựng hai phòng thí nghiệm riêng. Sau 11 năm, chị đã có 7 phòng thí nghiệm riêng cho nhóm nghiên cứu. Chị còn xin hơn 10 triệu USD cho những dự án nghiên cứu, được mời tới hơn 200 địa điểm trên thế giới để thuyết trình cũng như nhận nhiều giải thưởng lớn cho công trình nghiên cứu.

“Bạn bè tôi ở Việt Nam vẫn thường bảo hồi ở quê học dốt thế mà sao qua Mỹ học giỏi ghê thế. Tôi trả lời rằng ngày xưa làm gì có thời gian để học vì còn phải phụ giúp gia đình”, vị giáo sư nói.

Pin năng lượng mặt trời làm từ chất nhựa dẫn điện Nghiên cứu 
trong phòng thí nghiệm của giáo sư Nguyễn Thục Quyên. 
Ảnh do nhân vật cung cấp.

Những vất vả của phụ nữ khi làm khoa học

Giáo sư Quyên tâm sự, có được ngày hôm nay là nhờ sự dìu dắt của mẹ và người cậu ruột khi hướng cho chị đi theo con đường tốt nhất có thể. Trong khi bố cho rằng, con gái thì nên lấy chồng, không cần học, thì mẹ ngược lại. Chị còn nhớ ngày học xong lớp 12, chị đã xác định sẽ ở nhà và tính chuyện lấy chồng, nhưng mẹ vẫn đưa chị lên Sài Gòn để thi đại học. 

“Mẹ đưa tôi lên Sài Gòn ở nhà bà ngoại để thi đại học, nhưng tôi không muốn. Lớn lên và học ở trường làng tôi thấy ở tuổi 18 người ta đã lấy chồng và có con rồi”, chị nói.

Người cậu đã gọi chị đến nói chuyện hơn hai giờ, với mục đích khuyên chị đi thi và cố gắng vào đại học. 

“Tại sao có cơ hội như vậy mà cháu lại từ chối. Học đại học sau này cháu sẽ có công ăn việc làm ổn định, có sự nghiệp, nếu lấy được người tốt thì không sao…”, chị kể lại lời ông cậu. 

Lớn lên, người chị hâm mộ đó là bà Marie Curie, bởi thời đó khoa học gia là nữ rất ít. Bà chính là tấm gương vượt khó để chị tiếp tục cố gắng cho nghiên cứu khoa học.

Hơn 11 năm làm việc ở Đại học California, Santa Barbara, chị làm khoảng thời gian 15 tiếng mỗi ngày. Bên cạnh việc giảng dạy, chị còn làm nhiều công việc khác như biên tập báo khoa học, tổ chức hội nghị khoa học quốc tế, xin tiền dự án nghiên cứu trả lương, học phí, và bảo hiểm y tế cho sinh viên (mỗi nghiên cứu sinh tốn khoảng 100.000 đôla mỗi năm), hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu, giúp sinh viên viết bài đăng báo, làm trong ban xét lên lương và lên chức cho tất cả giáo sư trong trường, ban tuyển dụng giáo sư… 

Chị chia sẻ, làm khoa học đã khó nhưng phụ nữ trong lĩnh vực này càng vất vả hơn, bởi ngoài sự nghiệp, họ còn phải lo cho gia đình. Ngay bản thân chị, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng đôi khi vẫn không nhận được sự tôn trọng của đồng nghiệp nam giới. 

“Cũng may tôi có người chồng tâm lý và thông cảm, anh dạy hóa hữu cơ cùng trường, luôn hỗ trợ nên tôi có thêm động lực để giảng dạy và nghiên cứu”, nữ giáo sư nói.

“Phần đông mọi người nghĩ con gái thì nên lo cho chồng con, dọn dẹp nhà cửa và không nên có sự nghiệp riêng. Tôi muốn cho những người phụ nữ khác biết là họ có thể làm cả hai. Tôi muốn làm những điều hữu ích cho xã hội”, chị nói.

Chị vẫn còn nhớ như in thời điểm bắt đầu vào học trong trường. Lúc đó chị xin vào phòng thí nghiệm nhưng không được vì nhiều người nghĩ chị không thể làm được điều gì và khuyên rằng “nghiên cứu không dễ dàng và không phải ai cũng làm được. Bạn nên tập trung để học tiếng Anh đi”. Mãi sau này, có vị giáo sư thấy chị có những câu hỏi hay trong lớp nên khuyến khích theo đường nghiên cứu. Biết được tin này chị rất vui vì từ bé đã thích tìm tòi những điều mới.

Đầu năm 2004, chị đi phỏng vấn ngành hóa ở một số trường đại học. Chị cũng rất sợ vì những trường này ngành hóa rất ít hoặc không có nữ giáo sư. 

“Con đường đi đến thành công ở Mỹ không phải dễ dàng vì quốc gia này thường thu hút nhà khoa học hàng đầu trên thế giới nhưng bản chất người Việt Nam thông minh và chăm chỉ”, vị giáo sư nói và cho rằng có công mai sắt có ngày nên kim. 

Thích về Việt Nam

“Tôi nhớ Việt Nam lắm. Nếu có thời gian là tôi về ngay, bởi hiện nay anh em họ hàng, nhất là ông cậu – người đặt viên gạch đầu tiên trong cuộc đời khoa học của tôi vẫn ở quê hương”, nữ giáo sư tâm sự.

Lần đầu tiên chị và mẹ về Việt Nam là năm 1999 để thăm bà ngoại trong 3 tuần. 9 lần về nước ngoài dự hội nghị khoa học, chị dành thời gian để thăm gia đình.

Chị cho biết, thời gian 21 năm sống ở Việt Nam, chị nhớ món ăn thuần túy Việt Nam và các bài hát Việt, nên lần nào về nước chị cũng nhờ cậu mợ dẫn đi xem ca nhạc. 

“Tôi thích nhạc dân ca như bài Quê hương, Ai đưa con sáo sang sông“, chị nói. 

Khi hỏi ý định về Việt Nam sinh sống, chị nói: “Có lẽ khi nào về hưu tôi mới về nước, vì quê hương vẫn chưa có đủ cơ sở vật chất điều kiện tốt để tôi có thể nghiên cứu”, chị nói và cho biết 7 phòng thí nghiệm riêng của chị trị giá khoảng 4 triệu đôla.


Bên cạnh giải thưởng là một trong những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới ngành khoa học vật liệu, chị còn nhận nhiều giải thưởng khác như:

Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Alexander von Humboldt-Foundation của Đức năm 2015; 
Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ 2010, 
Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Alfred P. Sloan Foundation 2009; 
Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Camille Dreyfus Foundation 2008; 
Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Harold J. Plous Memorial Award and Lectureship 2007.

Phạm Hương

Nguồn: http://khaiphong.net/showthread.php?6784-Nh%E0-khoa-h%E1%BB%8Dc-n%E1%BB%AF-g%E1%BB%91c-Vi%E1%BB%87t-trong-top-%E1%BA%A3nh-h%C6%B0%E1%BB%9Fng-nh%E1%BA%A5t-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi

40 KHOA HOC GIA GỐC VIỆT