TIN BUỒN HQ

From: Duke Nguyen

Kính thông báo Qúi Niên Trưởng, Qúi chiến hữu Hải Quân tin buồn tháng 4 / 2021 là cựu HQVNCH chúng ta vừa mất thêm 4 SQHQ :
Hai thuộc gia đình Đệ Nhị Thiên Xứng k19 SQHQNT là
TX2 Nguyễn Bá Tuế mất tại Long Xuyên ngày 3/4/2021.
TX2 Lê Công Thành mất tại Arizona
Hai thuộc gia đình Đệ Nhị Hổ Cáp K20SQHQNT là
HC2 Guise Hùynh Kim Chiến mất ngày 19/3/2021 tại Nam California .
HC2 Phanxico Savie Nghiêm Xuân Chương vừa mất ngày 13/4/2021 tại Worcester , Massachusetts
Kính thông báo để tuỳ nghi
Kính
Nxduc

‘Giấc mơ Mỹ’ còn hay mất?

Trích trong bài ‘Người thủy thủ gìa và tháng Tư Đen’ của Quốc Nam (Trường Sa 611)

Nhớ lại năm xưa khi còn mặc áo nhà binh, lão đần độn không quan tâm gì đến chính trị. Lão như kẻ mù lòa trước thời cuộc. Cái kết của sự vô tri đó, lão phải trả cái gía qúa đắt, lão đi tù cộng sản 7 năm. Bảy năm vợ xa chồng, 7 năm con xa cha là một tổn thương lớn đối con trẻ. Sau khi ra tù lão đưa gia đình vượt biên.
Lão vốn là một sĩ quan hải quân VNCH khi xưa, lão biết rằng vượt biên đường biển là một cuộc hành trình đầy nguy hiểm, phó thác cho số mệnh hên hoặc xui. Dù cho ai đó cho là mình lão luyện trong nghề đi biển nhưng có ai dám chắc ra đi sẽ chắc đến? Một khi ra đi là chấp nhận cái rủi có thể ‘bán mạng’ vợ con trước họng súng của kẻ thù truy đuổi hay bị bắt cầm tù hoặc bỏ xác trong sông, dưới biển hay bị hải tặc hành hạ nếu cuộc vượt thoát không thành; Sau này mỗi lần nghĩ đến vượt biên lão cảm thấy ớn lạnh, rùng mình, thậm chí lão không dám nghĩ đến chuyện gì sẽ xảy ra nếu chuyến đi thất bại.
Kinh nghiệm ‘vô tri thời cuộc’ trước kia của lão đến khi thời đại công nghệ internet phát triển đã giúp lão tiến gần đến truyền thông báo chí, các mạng xã hội làm lão thức tỉnh nhận ra chính trị, kinh tế nó ảnh hưởng lớn thế nào đến xã hội và cuộc sống hằng ngày. Lão cũng nhận ra tập luyện giác quan nhạy bén ‘chuyện gì đang xảy ra?’ rất cần thiết để ứng phó cuộc sống. Từ đó lão ngày ngày đọc tin tức, nghiên cứu tài liệu, xem bình luận thời cuộc về chính trị, kinh tế, quân sự, v.v…
Năm 2020 là năm đầy biến động đối với toàn thể xã hội nhân loại, đặc biệt là nước Mỹ. Ăn mừng năm mới chưa bao lâu, dịch bệnh COVID-19 (China virus) bùng phát trong sự ngỡ ngàng và làm đảo loạn đời sống sinh hoạt cũng như cướp đi hơn hai triệu sinh mệnh trên toàn thế giới. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa thuyên giảm, nước Mỹ bước vào cuộc tổng tuyển cử then chốt, cực kỳ quan trọng mang tính quyết định vận mệnh tương lai không chỉ của Hoa Kỳ, mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Từ lẽ đó, lão theo sát cuộc tổng tuyển cử 2020 có một không hai: Cuộc bầu cử này không đơn giãn, nó vượt qua cuộc đấu tranh lưỡng đảng. Là cuộc bầu cử gây tranh cãi lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, và bản chất của nó cũng hoàn toàn khác với những lần bầu cử trước.
Sau đó lão đã tổng hợp sự thật và nhiều tài liệu để biên soạn một bài viết tương đối dài dưới tựa đề: “Nước Mỹ! Con ong đã tỏ đường đi lối về”. Bài viết được trích đăng trên các websites và nhiều tờ tuần báo. Bài viết như một bức tranh sống động toàn cảnh cuộc bầu cử Mỹ năm 2020. Bài viết được coi như một đóng góp chia sẽ thời sự với cộng đồng người Việt.
Lão cũng như nhiều người khác tự hỏi: “Đảng Dân Chủ truyền thống ngày nay đã biến chất, không còn là Đảng Dân Chủ khi xưa? Và chẳng lẽ nước Mỹ vĩ đại như vậy lại trở thành một nước Mỹ XHCN, dưới thời Biden hay sao?”.
Thực tế hàng trăm triệu người Mỹ và hàng tỷ người trên thế giới đang chứng kiến một nước Mỹ đang chuyển đổi với tốc độ chóng mặt. Lão không thuộc phe ‘cuồng Trump’ hay ‘cuồng chống Trump’. Lão tránh né các cuộc tranh luận, lão biết rằng tranh cãi cũng vô ích vì không thể nào lay chuyển được đối phương. Lão chỉ muốn đi tìm sự thật…
Qua cuộc vận động tranh cử tổng thống 2020, lão ghi nhận nghị trình tranh cử đối nghịch nhau của hai ứng viên mà ủy ban vận động tranh cử đôi bên không cần che dấu như dưới đây:

  • Chiến dịch vận động tranh cử phe ứng viên TT Donald Trump mang tính cực hữu của chủ nghĩa Dân tộc: ‘America First’, ‘Make America Great Again’, giữ gìn các gía trị lập quốc của các Tổ phụ và vạch trần XHCN trong lòng Đảng Dân Chủ.
  • Nghị trình vận động tranh của ứng viên Joe Biden mang tính ‘chủ nghĩa toàn cầu’ dựa vào bản công bố chung Tuyên ngôn Chính sách XHCN ‘Green New Deal’ mở rộng dài 110 trang được ký kết giữa Biden và TNS Bernie Sander vào ngày 8/7/2020 do Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (AOC) soạn thảo. AOC thuộc nhóm “The Squad” tại Hạ viện, thành viên Đảng Democratic Socialists of America. Thầy trò Bernie Sander và AOC là người theo XHCN cực đoan hay còn có một tên gọi khác là ‘chủ nghĩa tự do cấp tiến’.

Ngày nay ở Hoa Kỳ, sự “đồng cảm” dành cho các phong trào chủ nghĩa cộng sản, các phong trào chủ nghĩa xã hội và chủ thuyết ‘toàn cầu hóa’ đạt đến một độ cao đáng sợ, nhất là ở bậc đại học và sau đại học, cũng như nó được tiếp nhận rộng rãi trong giới ‘tin anh’, trí thức kể từ sau thập niên 60 do họ bị dẫn dắt’ từ ở học đường và xã hội thì bị giới truyền thông cánh tả định hướng.. Do đó nghị trình tranh cử của Biden công khai ‘XHCN Green New Deal’ hay ‘Toàn cầu hóa’ là điều không có gì lạ mà Đảng Dân Chủ cực tả không cần che dấu.. Nhưng đối với người Việt hay các sắc dân khác tỵ nạn cộng sản tại Mỹ không khỏi kinh hoàng khi nghe nói đến XHCN hay chủ nghĩa cộng sản.
Tuy cuộc tranh cãi gian lận bầu cử 2020 đã đi vào qúa khứ, nhưng ‘vũ khí sinh học’ Covid-19 (virus Wuhan), nạn kỳ thị chủng tộc ‘người Mỹ da trắng thượng đẳng’, chủ trương phá hủy những gía trị lập quốc của các tổ phụ nước Mỹ còn đang tiếp diễn…
Phong trào BLM và Antifa (những người trang bị tư tưởng mác-xít), Đảng XHCN Dân Chủ Mỹ, Đảng Cộng sản Mỹ, những chính trị gia thiên tả, những nhà tỷ phú tài phiệt ‘nhà nước ngầm’ thân ĐCSTQ đeo đuổi phong trào ‘Tái lập vĩ đại’ của thuyết ‘toàn cầu hóa’ hay ‘trật tự thế giới mới’ (New World order), Phố Wall, truyền thông dòng chính (big media) và thế lực ‘văn hóa xóa sổ’ (big tech bịt miệng đối lập) của GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazone) được ‘bảo kê’ bởi Đạo luật 230 đang thao túng chính trường Mỹ, tất cả đang kết hợp thành một để định hình nước Mỹ mới.
Trước mắt, nước Mỹ đang hổn loạn, 21 tiểu bang Cộng Hòa chống lại chính sách của ông Biden, biên giới phía Nam đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng không lối thoát với chánh sách mở cửa biên giới của Biden (riêng trong tháng Ba CBP thông báo có 172.000 người nhập cư bất hợp pháp, trong đó có 19.000 trẻ em không có thân nhân), phong trào kỳ thị ‘người Mỹ da trắng thượng đẳng’ đang dâng cao, nạn xả súng giết người hàng loạt, nạn kỳ thị bạo lực người gốc Á bùng nổ (thuyết Critical Race Theory, viết tắt là CRT), v.v…mà giới truyền thông dòng chính (big media) và các gã công nghệ khổng lồ mạng xã hội (big tech) không thể dấu diếm che đậy được nữa. Trang dữ liệu ‘Tracking The White House YouTube channel’ (https://81m.org/) cho thấy phản ứng của người dân Mỹ đối với chính quyền mới thế nào?
Nước Mỹ sẽ ra sao? ‘Giấc mơ Mỹ’ còn hay mất? Hãy chờ xem…..

Tháng Tư Đen năm 2021.
Quốc Nam (Trường Sa 611)

Người thủy thủ gìa và tháng Tư Đen

Ông Phạm Kim, chủ nhiệm/chủ bút sáng lập Người Việt Tây Bắc qua đời, hưởng thọ 71 tuổi

Di ảnh cố chủ nhiệm Phạm Kim

SEATTLE (NVTB).- Ông Phạm Kim, chủ nhiệm/chủ bút tuần báo lâu đời nhất ở vùng Tây Bắc Hoa Kỳ: Người Việt Tây Bắc, đã từ giã cõi đời lúc 5 giờ 30 chiều hôm thứ Ba ngày 30 tháng 3 năm 2021, hưởng thọ 71 tuổi, tại tư gia ở thành phố Bellevue, Washington, sau một thời gian ngắn thọ bệnh.

Bà Phạm Hằng Nga, Tổng Quản Trị báo NVTB, cũng là phu nhân của chủ nhiệm Phạm Kim đã chính thức thông báo cho ban biên tập và nhân viên tòa soạn NVTB tin buồn nói trên.

Có lẽ hầu như đồng hương sinh sống ở vùng Seattle-Tacoma nói riêng và tiểu bang WA nói chung, không ít thì nhiều đều biết đến ông Phạm Kim và tuần báo Người Việt Tây Bắc, một tờ báo từng góp mặt quá lâu năm trong cộng đồng này, mà ông bà Kim là người sáng lập và điều hành suốt từ hơn 35 năm qua.

Ngoài vai trò là một nhà báo, ông Phạm Kim còn tham gia tích cực và rộng khắp vào các sinh hoạt cộng đồng địa phương trong suốt thời gian từ ngày định cư ở Hoa Kỳ nhiều chục năm qua, song song với việc thông tin của tờ báo, ông còn nỗ lực, năng nổ hoạt động trong các sinh hoạt của các cộng đồng NVQG trong tiểu bang, nhất là các sinh hoạt về văn hóa, văn nghệ và văn học nghệ thuật, có thể nói, ông Phạm Kim đã dành cả tâm trí, thời gian và tài lực cho những công việc mà ông hằng say mê, hướng trọn cuộc đời của mình cho những hoài bão ấy.

Sơ lược tiểu sử chủ nhiệm Phạm Kim

Theo những chi tiết chưa đầy đủ, mà tòa soạn có được thì: Ông Phạm Kim sinh ngày 20 tháng 7 năm 1950 tại thị tứ Điền Hộ, nay thuộc xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong một gia đình nền nếp và đạo hạnh gồm 4 anh chị em. Năm 1954 thân sinh ông đưa cả gia đình di cư vào Nam và định cư tại Sài Gòn, khu Ngã Ba Ông Tạ, cụ thân sinh ông là một doanh gia thành đạt trong nhiều năm liền ở Sài Gòn trước 1975.

– Ông được gia đình đưa vào học trường Tabert từ thuở niên thiếu, nên hấp thu được một nền giáo dục căn bản khá vững vàng.

– Sau khi hoàn tất Trung học đệ nhị cấp ở trường Tabert, ông ghi danh vào trường Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, nhưng rất sớm, khoảng năm 1970, ông Kim đã gia nhập Quân Đội, sau khi tốt nghiệp khóa 3/70 Trường Bộ Binh Thủ Đức, ông được biệt phái sang binh chủng Hải Quân.

– Được bổ nhậm làm việc tại Bộ Tư Lệnh/ HQ, ông đã giữ nhiệm vụ Sĩ Quan Báo Chí/ BTL/HQ trong thời gian khoảng 3 năm tại đây, cho đến ngày Sài Gòn thất thủ, cấp bậc cuối cùng của ông trong quân đội VNCH là cấp Trung Úy.

– Tháng 6 năm 1975, cùng với hàng trăm ngàn sĩ quan VNCH khác, ông Kim cũng bị CSVN đưa vào tại cải tạo, và sống trong đày ải, thiếu thốn trong 3 năm, được cộng sản phóng thích vào năm 1978 khi đó mới 28 tuổi.

– Sau khi trở về nhà, với những canh chừng, quản chế của bọn công an địa phương, ông Phạm Kim quyết chí tìm đường ra khỏi nước, cho đến cuối năm 1978, ông bà sinh con đầu lòng là Julie Phạm, cả gia đình đã dìu dắt nhau đi vượt biển lúc đó cháu Julie mới 1 tháng tuổi, và may mắn họ đã đến được bến bờ tự do, tạm trú tại trại tị nạn Indonesia, và sau một thời gian ngắn gia đình được phái đoàn Mỹ đồng ý cho tị nạn tại Mỹ, định cư tại tiểu bang Washington.

– Ông bà Phạm Kim khi mới đến định cư tại Hoa Kỳ đã từng trải nhiều gian nan để đứng vững, vừa đi học để tiến thân. Chỉ trong vòng 6 tháng ông hoàn tất chương trình 2 năm ở trường Bates Technical College và sau đó vào làm việc ở Tacoma Boat với việc thiết kế drafting. Không được bao lâu, hãng này đóng cửa vì thua lỗ, ông trở lại đi học ở Highline Community College rồi lên UW học theo ngành kỹ sư điện (Electrical Engineering).

– Thời gian này thì gia đình ông Phạm Kim đã nuôi nấng giấc mơ hằng ấp ủ từ rất lâu, đó là thực hiện xuất bản một tờ báo phục vụ cộng đồng tại địa phương, do nhu cầu rất cần thiết vùng đất mới cần có một cơ quan thông tin cộng đồng, và cuối cùng, ông bà Phạm Kim đã quyết định xuất bản tờ tuần báo Người Việt Tây Bắc vào năm 1986, và cho đến nay sau hơn 35 năm, tờ báo vẫn còn duy trì, phục vụ hữu hiệu công việc truyền thông đến mọi gia đình người gốc Việt trong vùng Tây Bắc, đồng thời giữ gìn và phổ biến văn hóa Việt trong cộng đồng.

Cáo Phó của gia đình, cũng như ngày giờ tổ chức tang lễ sẽ được phổ biến vào tuần tới. Ban Biên tập và Trị sự tuần báo NVTB được phép công bố về sự ra đi của ông Chủ Nhiệm/ Chủ Bút Phạm Kim, đến tất cả quý bạn đọc, quý cộng đồng và đoàn thể, thân hữu trong sự ngỡ ngàng và tiếc thương tột cùng./.

NVH

Tù cải tạo trốn trại

Posted on December 23, 2014 Bước qua hai cánh cửa nhà thờ, tôi giật mình thấy người nằm ngổn ngang khắp mọi chỗ. Cả một nhà thờ rộng mênh mông, nhưng toàn người là người, gồm đủ cả già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, đàn bà.
( Chuyến Xe Tình Nghĩa)

Nguyễn Hữu Chí


20-10-2013

Lúc đó trời đã khuya, tôi phỏng đoán, phải một, hai giờ sáng. Nhưng không hiểu sao, cả hai cánh cửa nhà thờ đều mở rộng. Tôi kính cẩn làm dấu, rồi rón rén bước vô, vừa đi vừa nghe ngóng động tĩnh.

Bước qua hai cánh cửa nhà thờ, tôi giật mình thấy người nằm ngổn ngang khắp mọi chỗ. Cả một nhà thờ rộng mênh mông, nhưng toàn người là người, gồm đủ cả già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, đàn bà. Đèn trong nhà thờ đủ sáng để tôi thấy, tất cả mọi người đều ngủ thành từng cụm, giống như mỗi gia đình ngủ một chỗ.

Bên cạnh họ là đủ thứ quang gánh, nồi niêu xoong chảo, túi bị ngổn ngang. Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu sao trong nhà thờ lại chứa đủ hạng người nằm ngủ ngổn ngang như vậy. Tôi đang băn khoăn, không biết cách nào có thể gặp vị linh mục để nhờ vả thì bỗng thấy ở phía đầu nhà thờ, có người vẫy vẫy tay.

Tôi đi tới thì thấy đó là một vị linh mục, nét mặt khả kính, phúc hậu, mới thoáng nhìn đã thấy trong lòng mình tràn ngập niềm kính ngưỡng, tin yêu. Tôi vừa kính cẩn nói được mấy tiếng, “Con chào Cha”, thì vị linh mục đã đưa ngón tay trỏ lên miệng ra dấu cho tôi im lặng.

Lúc đó, tôi cứ ngỡ là Cha không muốn tôi to tiếng để giữ im lặng cho mọi người ngủ. Nhưng sau này, tôi mới biết ý tứ thâm sâu của Cha…

Cha ra dấu cho tôi đi theo rồi ngài quay lưng bước đi. Tôi im lặng đi theo. Dọc theo hành lang, tôi thấy vẫn có nhiều người nằm ngổn ngang, nhưng thưa hơn bên ngoài.

Qua hai căn phòng nhỏ, đến căn phòng thứ ba, Cha đẩy cửa bước vô. Tôi lặng lẽ bước vô theo Cha. Trong phòng cũng có khoảng chục người nằm ngay trên sàn. Chỉ tay vào một góc phòng còn trống, ở đó có sẵn một tấm mền và chiếc gối, Cha nói nhỏ với tôi: “Chúc con ngủ ngon!” Tôi chưa kịp nói gì, Cha đã lặng lẽ bước ra ngoài, khép cánh cửa lại.

Nhìn chung quanh, tôi thấy tất cả mọi người vẫn say ngủ. Yên tâm, tôi bước vào góc phòng, nằm xuống, và chìm ngay vào giấc ngủ.

Đang ngủ say, bỗng nhiên tôi giật mình vì có người lay vai tôi rất mạnh. Tội giật mình, vội mở mắt, thì thấy có một cụ già, khoảng sáu, bảy chục tuổi đang ngồi ngay cạnh.

Phải mất mấy giây sau, tôi mới bàng hoàng nhớ lại mọi chuyện và nhận ra mình đang ở đâu. Cụ già cũng ra dấu cho tôi im lặng, đi theo cụ. Tôi lồm cồm đứng dậy, đi theo, không nói một lời. Qua hai khúc quẹo, tôi bước vào một căn phòng nhỏ, có lẽ là phòng ăn. Trên bàn, có sẵn chén, đũa và một tô mì gói đã đổ nước sôi, được đậy kín bằng một chiếc đĩa sứ. Ở chiếc ghế bên cạnh có một bộ quần áo, một đôi giầy thể thao đã cũ. Cụ già nói với tôi, giọng ân cần:

– Cậu đi thay bộ đồ này ngay, cho khỏi lộ. Rồi ra đây ăn tô mì lót dạ.

Nghe cụ nói hai chữ “khỏi lộ”, tôi giật mình nhìn cụ, nhưng thấy cụ rất thản nhiên, nên tôi không dám hỏi han gì. Thì ra, ngay khi tôi bước vô nhà thờ, nhìn bộ dạng và quần áo tôi rách tươm, lấm bê bết đất cát, Cha đã biết rõ tôi là tù trốn trại, nhưng vì tai mắt của tụi cộng sản ở khắp nơi, nên Cha không muốn tôi dài dòng kể lể, nguy hiểm…

Ngồi xuống bàn, vừa ăn mì, tôi vừa trò chuyện với cụ và được cụ cho biết, tất cả những người nằm ngủ trong nhà thờ đều là dân ở Sàigòn và các tỉnh bị cộng sản lùa đi vùng kinh tế mới. Cộng sản cho xe chở người đến nhà thờ yêu cầu Cha phải cho họ tá túc qua đêm, sau đó, cộng sản lại xảo quyệt dùng chính sự giúp đỡ của Cha để tuyên truyền cho chiến dịch lùa người đi vùng kinh tế mới.

Sau khi tôi thay bộ đồ và ăn uống xong, cụ già đưa cho tôi một gói giấy nhỏ, rồi nói:

– Cậu cấm lấy chút tiền đi đường. Không nhiều lắm đâu, nhưng cậu tiêu pha tằn tiện thì đủ tiền ăn, tiền xe cho cậu về đến Sàigòn. Bây giờ, cậu phải đi sớm ra phía xóm Bàu Sen rồi đón xe đi Tây Ninh. Nhớ đừng vô bến xe, mà hãy đón xe dọc đường…

Tôi lặng lẽ chia tay cụ già, bước đi trên đường phố của thị trấn Dầu Tiếng vào một buổi sáng tinh mơ của tháng 4 năm 1977, mà thấy trong lòng rưng rưng như muốn khóc. Cuộc đời tôi, kể từ khi phải rời xa mái gia đình năm 15 tuổi, trôi giạt khắp mọi nơi, luôn luôn tiếp nối bằng những cuộc chia ly, và trong mỗi cuộc chia ly, lúc nào cũng có hình bóng của những ân nhân, của những tấm lòng vàng, trong đó có những vị ân nhân tôi vĩnh viễn không bao giờ biết tên tuổi, địa chỉ; và tôi biết vĩnh viễn trong suốt cả cuộc đời còn lại của mình, tôi sẽ không bao giờ có được cơ hội được gặp lại, được trả ơn…

Cũng vì luôn luôn sống và thao thức trong tâm trạng của một người luôn luôn chịu ân nghĩa của không biết bao nhiêu người, nên ngay từ những ngày tháng đó, tôi đã thầm nguyện với lòng, tôi sẽ phải cố gắng sống sao cho xứng đáng phần nào với những ân tình sâu nặng mà tôi đã được lãnh nhận…

Vì không thông thuộc đường xá của thị trấn Dầu Tiếng, mà đường phố lúc đó còn rất vắng vẻ, chẳng có một ai để hỏi thăm, nên tôi cứ cắm cúi đi, miễn sao ra khỏi được thị trấn, rồi sẽ tìm đường đón xe về Bình Dương. (Đến đây tôi xin được đính chính, trong số báo trước, khi tường thuật lời dặn của cụ già trong nhà thờ Dầu Tiếng, cụ dặn tôi từ Dầu Tiếng đón xe về Bình Dương, rồi từ Bình Dương đón xe về Sàigòn. Nhưng vì đã ba chục năm trôi qua, không còn nhớ rõ lời của cụ, nên tôi đã tường thuật sai là đón xe về Tây Ninh). Đi được khoảng nửa tiếng, tôi thấy nhà cửa thưa thớt, ngay cạnh đường có một quán nhỏ, mái tranh, bốn phía trống trải, bàn ghế sơ sài. Tôi bước vô, tính uống ly cà phê, hút điếu thuốc, rồi lân la làm quen, hỏi thăm đường xá…

Trời lúc đó còn rất sớm, nên trong quán không có khách, chỉ có một bà lão, lưng còng, tóc bạc và một cô bé tuổi khoảng 16, 17, mà tôi đoán là hai bà cháu. Tôi cất tiếng chào bà cụ, nhưng bà cụ chỉ hấp háy mắt nhìn tôi, không nói, tay chân của cụ run lẩy bẩy. Có lẽ bà cụ quá già, nhưng vì cuộc sống vô cùng khó khăn, nên hai bà cháu phải dậy sớm, bán quán, đắp đỗi qua ngày.

Dưới chế độ cộng sản, tôi đã thấy nhan nhản những hình ảnh khốn khổ như vậy, hoặc hơn thế, trải dài trên khắp mọi miền của quê hương Miền Bắc suốt mấy chục năm. Từ sau tháng 4, 1975, cùng với gót giầy xâm lăng chiếm đóng Miền Nam, người cộng sản tiếp tục gieo rắc tang thương trên khắp quê hương Miền Nam.

Tôi gọi một ly cà phê đen. Cô bé bưng ly cà phê đặt trên bàn, rồi hỏi tôi:

– Chú dùng chi nữa không?

– Cảm ơn cháu, chú uống ly cà phê là đủ rồi.

Cô bé có cặp mắt đen lay láy, thông minh, nhìn tôi có vẻ tò mò khiến tôi băn khoăn, không biết hỏi thăm cô bé về đường xá như thế nào. Vẫn biết, hầu hết người dân Miền Nam không ưa gì cộng sản. Nhất là sau tháng 4 năm 1975, người dân Miền Nam càng hiểu rõ bộ mặt thật của cộng sản, nên sẵn sàng giúp đỡ những người tù cải tạo trốn trại. Hiểu điều đó, nhưng tôi vẫn đắn đo, không biết mở đầu ra làm sao.

Trong lúc đang uống cà phê, tôi thấy cô bé vừa nhìn tôi vừa ghé tai bà thì thầm chuyện gì không rõ, chỉ thấy bà cụ đập nhẹ vào vai cô. Cô bé cười khúc khích, rồi bưng ra một đĩa xôi có trộn lẫn hai, ba miếng khoai mì, và nói:

– Chú ăn xôi đi…

– Cảm ơn cháu, chú vừa ăn sáng xong…

– Chú ăn đi, cháo bao mà. Cháu không lấy tiền chú đâu mà chú ngại.

Tôi ngạc nhiên, chưa kịp hỏi, cô bé lại tiếp:

– Có phải chú là tù mới trốn trại hông?

Tôi giật mình, nhìn vội chung quanh. Cô bé cười:

– Chú đừng ngại, ở đây hông có ai đâu…

Sau một thoáng ngần ngại, tôi gật đầu thú thật với cô bé:

– Chú mới trốn trại thật. Nhưng sau cháu biết hay vậy?

Cô bé lại cười, răng trắng đều như bắp:

– Nhìn quần áo chú mặc cháu đoán ra liền à. Rồi thấy bộ điệu lo lắng của chú, cháu đoán càng trúng… Với lại ở đây cháu thấy tù trốn trại hoài à, nên nhìn các chú trốn ra là cháu biết liền. Mà chú định về đâu, nói cháu cháu chỉ đường cho?

Tôi vừa lo lắng, vừa ngạc nhiên. Không hiểu sao, cô bé khi biết tôi là một tên tù vượt ngục, nhưng vẫn giữ được sự hồn nhiên, tươi cười như vậy. Tuy ngạc nhiên, nhưng tôi rất tin cậy ở cô bé. Tôi vội nói:

– Thú thực với cháu, chú định đón xe về Bình Dương.

Cô bé hóm hỉnh:

– Chú muốn đón xe về Bình Dương thì chú đừng có vô bến đón xe. Trong đó công an, bộ đội nhiều lắm. Vô đó là chú bị họ bắt liền đó.

– Như vậy thì chú phải đón xe ở đâu cho an toàn?

Cô bé giơ tay phải chỉ về phía con đường đất đỏ và nói:

– Chú cứ đi thẳng con đường này khoảng một cây số, đến ngã ba X (vì lâu ngày nên tôi không còn nhớ tên ngã ba này) có cây bằng lăng thật lớn, thì chú đứng đó chờ. Hễ thấy xe đò nào tới thì chú vẫy đón về Bình Dương….

Nghe cô bé nói, tôi mừng quá, nhưng vẫn hỏi thêm cho chắc ăn:

– Làm sao chú biết xe nào về Bình Dương?

– Chú đừng lo. Tất cả những xe từ Dầu Tiếng đi qua ngã ba X đều chạy về Bình Dương hết. Nhưng xe đò thì mỗi ngày chỉ có 3 chuyến. Chú đi nhanh đi, để đón kịp chuyến xe 8 giờ sáng…

Mừng quá, tôi vội đứng dậy, tính trả tiền ly cà phê, thì cô bé đã nhanh nhảu:

– Chú khỏi trả tiền đi. Chú tù mới trốn trại làm gì có tiền. Lấy tiền của chú kỳ quá hà…

Tôi còn đang bối rối và bâng khuâng, chưa kịp nói gì, cô bé đã lấy một gói thuốc lá, mấy chiếc kẹo mè trong tủ kính, gói vội trong túi nylon nhỏ rồi quýnh quáng dúi vào tay tôi:

– Chú cầm lấy gói thuốc hút cho ấm… Thôi chú đi lẹ lên cho kịp xe… Chúc chú may mắn!…

Cầm gói đồ của cô bé trao, tôi cảm động rưng rưng nước mắt. Bà cụ vẫn đứng đó, chân tay vẫn run lẩy bẩy, nhưng nhìn tôi mỉm cười, miệng móm mém, khiến tôi vừa xúc động vừa thương cảm.

Thì ra cụ tuy già, nhưng nghe chuyện, cụ hiểu hết và nụ cười của cụ là cả một nhắn gửi, cầu chúc cho tôi tai qua nạn khỏi… Mắt tôi nhoà đi. Tôi lắp bắp chào bà cụ, chào cô bé, rồi như một cái máy, tôi bước ra khỏi quán. Vừa bước đi tôi vừa cố đè nén niềm cảm xúc đang dâng lên trong lòng. Bước đi được một đoạn, ngoảnh đầu lại, tôi thấy cô bé vẫn đứng đó, đưa tay vẫy vẫy…

Từ ngày đó cho đến bây giờ, đã 30 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh quán nước siêu vẹo bên con đường đất đỏ dẫn vô thị trấn Dầu Tiếng và cô bé có cặp mắt đen láy cùng tấm lòng đôn hậu, hồn nhiên đã giúp tôi trên con đường tôi đào tẩu… Bây giờ, khi viết những dòng chữ này, những hình ảnh đó vẫn hiện lên lung linh, sống động và tươi mát như chuyện mới xảy ra hôm qua, hôm kia…

Tôi đi được khoảng một cây số, quả nhiên thấy một ngã ba. Con đường tôi đang đi là đường đất đỏ, đụng phải con đường liên tỉnh lộ, trải đá răm. Cách ngã ba khoảng chục thước, có một cây bằng lăng thật lớn, ngay cạnh đường. Tôi yên tâm đứng cạnh gốc cây bằng lăng chờ đợi. Đường lúc đó rất vắng vẻ, nhưng để an toàn, tôi ngồi xuống, khuất phía đằng sau cây bằng lăng chời đợi…

Trong khi chờ đợi, điều tôi lo ngại nhất là một khi đón được xe, nếu chẳng may trên xe có bộ đội hay cán bộ cộng sản thì tôi không biết phải đối phó như thế nào. Tệ hại nhất, nếu những cán bộ, bộ đội đó lại là người ở trại tù, nơi tôi vừa trốn đi. Gặp trường hợp đó, chắc chắn chúng sẽ nhận ra tôi, và tôi sẽ vô phương tẩu thoát. Nhất là thời đó, hầu hết bộ đội, cán bộ cộng sản rời khỏi trại, đi bất cứ đâu, chúng đều mang theo vũ khí. Vì thế, việc tôi phải đối phó với chúng để tẩu thoát sẽ vô cùng khó khăn. Biết vậy, nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác, tôi phải đón xe về Bình Dương, không chiếc xe này thì phải đón xe khác. Và làm sao tôi có thể biết được, trên chuyến xe đò từ Dầu Tiếng chạy tới, chiếc nào có bộ đội cán bộ cộng sản, chiếc nào không? Thôi thì chỉ biết liều, rồi đến đâu hay đến đó.

Tôi chờ khoảng hai mươi phút, thì nghe thấy có tiếng xe hơi từ phía Dầu Tiếng vọng tới. Bước ra khỏi bóng cây bằng lăng, nhìn về phía Dầu Tiếng, tôi thấy một chiếc xe đò đang ì ạch chạy tới. Đó là chiếc xe đò loại vừa, chở khoảng ba chục đến bốn chục người. Trên nóc xe chất đầy quang gánh, thúng mủng, ngay phía bên trái của tài xế có một chiếc ống khói phun ra từng lớp khói đen đặc lên trời.

Khi xe chạy tới gần, tôi dơ tay vẫy. Xe chạy chậm dần rồi dừng lại ngay cạnh chỗ tôi đứng. Anh lơ xe đứng ở phía sau vẫy vẫy tay ra hiệu cho tôi lên xe, mà không hề hỏi han gì. Mừng quá, tôi quýnh quáng chạy về phía sau xe. Anh lơ nhảy xuống mở tung cửa, dục tôi lên lẹ lẹ. Tôi vội vàng leo lên, chưa kịp đứng vững thì chiếc cửa xe đã đóng lại, ép chặt phía sau lưng, rồi chiếc xe giật mạnh, kêu lên khục khục mấy tiếng, và lăn bánh… Tôi loạng choạng, phải nắm vội lấy sợi giây lủng lẳng từ trần xe, cho khỏi té.

Anh lơ xe vừa đập tay vào trần xe vừa hét:

– Các ông các bà ngồi dịch vô, ngồi dịch vô cho chú này chú ngồi…

Mấy người khách ngồi hàng ghế giữa vội dồn vô, để trống một chỗ ngay phía sau cùng. Tôi vội ngồi xuống, thở phào, trút hết mọi sự mệt nhọc rồi kín đáo quan sát. Trong xe có ba hàng ghế, hai hàng hai bên, và một hàng ghế giữa. Những người ngồi ở hàng ghế giữa đều quay lưng vào nhau và quay mặt ra hai phía. Vậy là ba hàng ghế, nhưng có bốn hàng người ngồi. Đa số hành khách trong xe là phụ nữ, chỉ có hai, ba người đàn ông lớn tuổi, vài anh thanh niên và năm, sáu trẻ em, trong đó có cả hai, ba em bé được cha mẹ bồng trên tay.

Nhìn thoáng qua khoảng 40 hành khách trên xe, tôi mừng quá, vì không thấy bóng dáng một người bộ đội, hay cán bộ cộng sản nào. Hầu hết hành khách đều là người Miền Nam, nét mặt lam lũ, vất vả, chất phác và chân thật. Chỉ có bốn, năm cô ngồi ở hàng ghế bên phải, phía trong cùng là mặc áo dài trắng. Ngay cạnh mấy cô có hai anh thanh niên trẻ, tuổi mới ngoài hai mươi. Nhìn qua, tôi đoán họ là sinh viên hay thầy cô giáo của một trường học nào đó.

Ngay khi bước lên xe, tôi linh cảm có cái gì bất bình thường. Có lẽ sự bất bình thường đó là do sự xuất hiện của tôi. Trong một thoáng rất nhanh, tôi thấy vài ánh mắt tò mò nhìn tôi. Nhớ đến cô bé trong quán nước bên đường, tôi nghĩ ngay, nếu một cô bé bình thường có thể nhanh chóng nhận ra tôi là một người tù trốn trại, thì làm sao tôi có thể qua mắt được cả 40 người ngồi trong xe?

Không hiểu sao, lúc đó mọi người đều im lặng. Đây là chuyện lạ, vì thông thường, các ông các bà ngồi chật trội trong một chiếc xe đò như thế này, bao giờ cũng trò chuyện rôm rả đủ thứ trên đời… Người tôi như nổi gai và tôi thấy thật lúng túng, không biết mình nên phản ứng như thế nào. Chỉ cầu mong làm sao, trong 40 hành khách trên xe, không có cán bộ phường khóm, hay tên “cách mạng 30″ nào.

Người lơ xe đập tay vào vai tôi rồi hỏi:

– Chú về đâu?

Tội giật mình, vội trả lời, không kịp suy nghĩ:

– Về Bình Dương.

Người lơ xe nói số tiền, lâu ngày tôi không nhớ là bao nhiêu. Tôi vội lấy tiền trao cho anh lơ xe. Ngay lúc đó, một chị tuổi khoảng bốn mươi, ngồi ngay đối diện tôi, nói trổng:

– Từ đây về Bình Dương tui sợ nhất Bến Cát. Mấy thằng bộ đội ở đó chúng kiểm soát không sót thứ gì.

Tôi nhìn chị. Chị nói trổng, nhưng chị nhìn thẳng tôi, ánh mắt của chị như gói ghém, gửi gắm điều gì đó, khiến tôi có cảm giác như câu nói của chị dành riêng cho tôi. Chị nói tiếp, lần này rõ ràng hơn:

– Đến đó là tụi nó hỏi giấy tờ từng người một. Mấy chú tù cải tạo trốn trại mà đi qua đó là bị chúng bắt lại nhiều lắm đó.

Một ông trong xe cũng cất tiếng phụ hoạ:

– Qua đó, có giấy tờ đầy đủ cũng còn lôi thôi, chớ đừng nói không có giấy tờ… Ai mà không có giấy tờ là cầm chắc bị chúng bắt.

Nghe đến đó, tôi ù tai, kinh hoàng, không biết làm thế nào. Lúc ấy, trong xe ồn ào, mọi người thi nhau kể đủ thứ chuyện xấu xa, ngu ngốc của bộ đội. Tất cả đều kể lể và cười bò ra một cách thoải mái.

Ngay cả anh tài xế và anh lơ xe cũng góp chuyện. Trong khoảnh khắc không đầy 10 phút đồng hồ, tôi có cảm giác, tất cả hành khách trong chiếc xe đều là những người cùng chung một chiến tuyến, coi cộng sản là những kẻ côn đồ, ác quỷ, thủ phạm của mọi tội ác. Và tôi có cảm giác, tất cả mọi người trong xe đều cố ý làm như vậy, để cho tôi hiểu và tin tưởng họ là những người không ưa gì cộng sản.

Ngồi cạnh người đàn bà bốn mươi tuổi, có một bà cụ, tóc bạc như cước, nhưng vóc dáng vẫn khoẻ mạnh, ánh mắt tinh anh. Mọi người cười đùa, trò chuyện ầm ĩ, nhưng cụ không nói, không cười, cụ chỉ nhìn tôi, khiến tôi rất lúng túng. Được một lúc, cụ nhoài người sang phía bên tôi, ghé sát mặt tôi thì thầm hỏi:

– Cậu tù cải tạo phải không?

Tôi giật mình. Nhưng nhìn nét mặt phúc hậu và ánh mắt tinh anh của cụ, tôi biết, tôi không thể nói dối được. Tôi chỉ biết “Dạ” một tiếng, rồi im lặng.

Cụ hỏi tiếp:

– Cậu được tụi nó thả phải không?

– Dạ…

– Thế đồ đoàn của cậu đâu?

Tôi giật mình lúng túng không biết nói làm sao. Một người tù được ra trại mà lại không có đồ đoàn, chỉ đi tay không, thì quả là điều vô lý. Chưa biết trả lời thế nào, cụ già lại thì thầm:

– Cậu là tù trốn trại phải không?

Tôi ngần ngừ. Cụ lại nói tiếp, giọng ân cần:

– Cậu cứ nói thiệt đi, già bảo tụi nó giúp. Trong xe này, tụi nó đều là con cháu của già. Cậu yên tâm đi, chẳng có đứa nào nó ưa tụi cộng sản cả…

Nhìn gương mặt phúc hậu của cụ, nghe lời cụ nói, tôi yên tâm tin tưởng ở cụ và mọi người khách trong xe, nhưng tôi không biết người tài xế và lơ xe như thế nào. Vì vậy tôi nói nhỏ với cụ:

– Cháu tin lời cụ… Cháu hẳng dám giấu gì cụ, cháu là tù trốn trại… Nhưng cụ đừng cho anh tài xế và lơ xe biết… lỡ có chuyện gì…

Cụ già cười móm mém, tay phẩy phẩy:

– Tài xế với lơ xe cũng là người nhà cả…

Nói đến đó, cụ quay ra, cất tiếng nói lớn với mọi người:

– Tụi bây lặng im nghe tao nói nè…

Tiếng nói của cụ có một uy quyền tuyệt đối. Mọi người trong xe đột nhiên im bặt, cùng hướng về phía cụ chờ đợi. Tôi lúng túng vì biết, cụ sắp nói rõ cho mọi người biết tôi là ai. Nhưng tôi không biết làm thế nào. Thôi thì đành trao cuộc đời tôi cho mọi sự may rủi… Quả nhiên đúng như tôi đoán, cụ nói:

– Cậu này vừa nói, cậu là tù cải tạo trốn trại, nay cậu muốn về Bình Dương. Tụi bây xem tính cách nào giúp được cậu…

Mọi người trong xe cùng ồ lên ngạc nhiên. Rồi nhiều người cùng nói, ồn ào, tôi nghe không rõ. Bỗng nhiên, tiếng người tài xế thiệt lớn, át hẳn mọi người:

– Từ đây về Bình Dương chỉ sợ trạm gác của tụi nó ở Bến Cát thôi má.

Cụ già chép miệng:

– Mày nói cái đó ai mà chả biết…

Người tài xế lại tiếp:

– Con thấy đến đó mình chỉ cần cho chú lơ chạy xuống dúi cho chúng ít tiền là xong.

Chị ngồi cạnh bà cụ cất tiếng:

– Dúi tiền cho chúng là chuyện dĩ nhiên phải dúi vì xưa nay mình vẫn làm vậy mà. Nhưng mình cũng còn phải chuẩn bị cho ảnh nữa. Chớ để ảnh ngồi chình ình ngay ngoài này, tụi nó mở cửa ra, nói hỏi giấy tờ ảnh thì làm sao mà trả lời.

Một chị ngồi ở góc trong chen vô:

– Tốt nhất là để cho ảnh vô ngồi tận góc trong cùng này nè.

Mọi người ồn ào vỗ tay hưởng ứng. Đợi tiếng vỗ tay ngớt, anh tài xế nói:

– Thì các ông các bà ngồi ngoài đó lè lẹ nhường chỗ để ảnh vô trong này ngồi.

Mấy người ngồi cạnh tôi vội vã đứng dậy, một số người ngồi đối diện vội co chân nhường chỗ cho tôi đi. Cụ già bảo tôi:

– Bây giờ cậu vô trong đó ngồi…

Tôi vội vã đứng dậy bước đi nghiêng ngửa trong khi xe vẫn chạy… Trước mặt  tôi, khi tôi bước đi, tôi thấy những cánh tay vươn ra cho tôi nắm, những ánh mắt nhìn tôi đầy thân thương, trìu mến. Tôi xúc động, lúng túng, mặt đỏ bừng, không biết nói gì. Rồi một bàn tay to lớn, rắn chắc vươn ra cho tôi nắm. Tôi vừa nắm, thì bàn tay đó đã kéo tôi ngồi xuống một chỗ ở hàng ghế giữa, ngay phía sau người tài xế. Ngồi chưa xong, người đàn ông có cánh tay lực lưỡng đã quẳng cho tôi chiếc áo, rồi bảo:

– Chú em, cởi chiếc áo ra rồi mặc tạm chiếc áo này vô. Mà khỏi cài cúc à nghe…

Tôi cầm chiếc áo, ngần ngại đưa mắt nhìn cụ già. Cụ mỉm cười gật đầu. Tôi lặng lẽ nghe lời, thay áo. Mặc áo xong, tôi nhớ lời dặn của người đàn ông, để phanh ngực. Cũng may, sau mấy tháng trời phải lao động dưới trời nắng, nên gương mặt, nước da của tôi cũng cháy nắng, đen nhẻm.

Người đàn ông nhìn tôi gật gù ưng ý. Sau đó, ông quay sang phía người đàn bà đang ẵm con và cho con bú sữa bình:

– Lát nữa, gần đến Bến Cát, chị cho anh này ẵm thằng nhỏ để ảnh cho nó bú… Có vậy, cha tụi nó cũng không đoán được anh là tù trốn trại.

Mọi người trong xe cười ồ, tiếng nói tíu tít, tiếng cười rôm rả. Ai cũng vui vẻ trước sáng kiến độc đáo và ngộ nghĩnh của anh. Một chị ngay cạnh tôi nói lớn:

– Để ảnh ẵm ngay bây giờ cho quen…

Mọi người reo lên tán thành. Thế là người đàn ông vội vàng bế thằng bé, trao cho tôi. Tôi ngượng nghịu ôm thằng bé trong tay. Tôi không biết và cũng không nhớ thằng bé được mấy tháng. Chỉ biết nó khá nặng, mặt bụ bẫm, da trắng hồng, hai mắt đen láy, thao láo nhìn tôi, và không hề khóc một tiếng. Tôi cúi xuống nhìn nó, định cầm bình sữa cho nó bú, thì người đàn bà nói:

– Lát nữa khi đến Bến Cát chú hãy cho cháu bú. Bú bây giờ nó no, lát cho nó bú, nó không chịu nó khóc, là tụi công an chúng để ý…

Tôi nhìn người đàn bà với ánh mắt biết ơn và vâng lời. Cúi xuống nhìn thằng bé, tôi mỉm cười ầu ơ mấy câu, rồi thọc lét nó. Thằng bé cười như nắc nẻ… Trong phút chốc, tôi quên tất cả mọi chuyện hiểm nguy, để thấy lòng mình thật khao khát có được một mái nhà, một gia đình. Ước mơ sống một cuộc sống hiền lạnh, hạnh phúc của tôi, cũng như của không bao nhiêu người Việt sao thật bình thường mà mãi mãi ngoài tầm tay với?…

Từ đó trở đi, ngồi trên xe, tôi thoải mái kể chuyện trốn tù của mình, chuyện cuộc đời của tôi, và thành thực trả lời tất cả những câu hỏi của mọi người trong xe. Trên chuyến xe đầy tình người đó, tôi cảm động và vui mừng nhận chân một sự thực, cộng sản tuy chiếm được Miền Nam, nhưng chúng không chiếm được lòng người. Không những vậy, chúng còn làm mất đi tất cả niềm tin của những người đã từng một thời tin vào chúng.

Trước 30 tháng 4 năm 1975, khi chưa được dịp tiếp xúc với người cộng sản từ phương bắc, ở Miền Nam vẫn còn có người ảo tưởng về cộng sản. Họ tưởng người cộng sản cũng là người cùng chung nguồn cội, cùng nòi giống máu đỏ da vàng, cùng có lòng yêu nước thương dân. Thậm chí, tại Miền Nam trước 1975, có những người chỉ vì những bất mãn cá nhân với người này người khác trong guồng máy công quyền VNCH, hay vì những thiệt thòi riêng tư ở phường khóm, quận huyện mà rồi dại dột quay ra theo cộng sản. Nhưng kể từ sau 30 tháng 4 năm 1975, khi người cộng sản Việt Nam xuất hiện bằng xương bằng thịt trên mọi nẻo đường của Miền Nam tự do, gây nên không biết bao nhiêu tội ác, người dân Miền Nam mới thực sự hiểu được bản chất xấu xa của người cộng sản, nên ai ai cũng sẵn sàng giúp đỡ người tù cải tạo, và tìm mọi cách bêu riếu, chống đối người cộng sản. Trong suốt thời gian gần một năm trời kể từ khi trốn khỏi trại tù tới khi vượt biên thành công, tôi càng hiểu được lòng người dân Miền Nam không ưa cộng sản như thế nào.

Có điều, ở ngoài Miền Bắc, hầu hết người dân cũng không ưa gì cộng sản. Nhưng trong lịch sử mấy chục năm sống dưới sự đô hộ của cộng sản ở Miền Bắc, tôi chắc chắn không có một người tù vượt ngục nào dám bô bô kể chuyện vượt ngục của mình cho nhiều người nghe, cho dù đó là những người quen biết. Chính bản thân tôi sau này phải ngược xuôi ở cả hai miền Nam Bắc để kiếm đường vượt biên, tôi cũng thấy rất rõ, lòng người dân Miền Nam lúc nào cũng độ lượng, bao dung, sẵn sàng giúp đỡ tôi, nếu tôi nói rõ mình là tù cải tạo vượt ngục.

Còn ở Miền Bắc, tôi lúc nào cũng giống như con cá mắc cạn, sợ hãi mọi người, kể cả người thân của mình. Tôi biết, nếu ở Miền Bắc, trên một chuyến xe đò, tôi có hành vi hay ngôn ngữ chống đối chế độ, khiến họ khả nghi, lập tức họ sẽ báo cho công an bắt tôi ngay.

Quả thực, tại Miền Bắc, sau mấy chục năm đô hộ, chế độ cộng sản đã thành công tạo nên một mạng lưới “công an nhân dân” dầy đặc, mang “bục công an đặt giữa tim người” khiến “mỗi người dân là một người công an”.

Viết đến đây tôi băn khoăn tự hỏi, không biết sau thời gian hơn 30 năm đô hộ Miền Nam, liệu cộng sản có biến Miền Nam trở thành xã hội công an trị giống như Miền Bắc? Liệu bây giờ, phải trốn chạy cộng sản trên một chuyến xe đò ở Miền Nam, tôi có còn đủ can đảm nói thực hoàn cảnh của mình cho mọi người trong xe biết hay không? Và nếu tôi nói thiệt, liệu những người của quê hương tôi hôm nay có còn tận tình giúp đỡ tôi như những người của 30 năm về trước?…

Sau thời gian trò chuyện rôm rả, vui vẻ, tôi nghe người tài xế hô lớn:

– Tới Bến Cát rồi đó bà con…

Kế đó, tôi nghe người tài xế nhắc anh lơ xe chuẩn bị sẵn tiền đút lót cho công an. Anh lơ xe mở cửa phía sau, đứng sẵn ở bậc lên xuống… chờ đợi.

Mọi người trong xe nhộn nhịp chuẩn bị… Ẵm thằng bé trong tay và cho nó bú, tôi bồn chồn lo lắng, không biết mọi chuyện sẽ ra sao. Tôi tin tưởng, với sự giúp đỡ chí tình của tất cả mọi người trong xe, và tôi trong vai một “người cha” đang cho “con bú”, mọi chuyện chắc sẽ chót lọt. Nhưng nếu có điều gì bất chắc xảy ra, không những tôi gặp hoạ, mà nhiều người trong xe cũng sẽ bị liên luỵ. Rõ ràng, nếu tụi công an VC bắt được tôi, thì chiếc áo tôi mặc không phải của tôi, đứa bé tôi đang ẵm không phải con của tôi, rồi vị trí tôi ngồi được nhiều người bao bọc chung quanh,… đều là những bằng cớ chứng tỏ, mọi người trong xe đã đồng loã, bao che cho tôi…

Chiếc xe đò vừa dừng lại là lập tức có tiếng đập cửa xe ầm ầm ở cả hai bên hông xe lẫn cả phía sau. Tiếng la hét cộc cằn, ầm ĩ từ bên ngoài. Rồi cửa sau xe bị mở tung. Các bà, các cô trong xe đứng ngồi lố nhố, nhưng tôi vẫn nhìn rõ một tên công an áo vàng và hai tên bộ đội đứng ngay phía sau. Tên áo vàng đeo súng ngắn, đưa cặp mắt cú vọ nhìn vô trong xe. Còn hai tên bộ đội đứng sau đeo súng AK-47, ánh mắt lơ đễnh…

Tên công an quát to, giọng nạt nộ:

– Mấy bà này xuống ngay trình giấy tờ…

Tên công an vừa dứt lời, chị ngồi cạnh bà già, đã đon đả:

– Kìa mấy chị không nghe chú công an nói hả? Xuống lấy giấy tờ cho ảnh coi lẹ lẹ đi? Người ta làm việc dưới trời nắng, cực lắm, mình phải giúp cho các ảnh hoàn thành nhiệm vụ chớ…

Vừa nói, chị vừa nhảy cái ào xuống đất, tay cầm một túi trái cây. Trao túi trái cây cho tên công an, chị vồn vã:

– Chú cầm gói trái cây (tôi không nhớ là trái cây gì) này ăn cho đỡ khát nghe…

Tên công an đỡ túi trái cây khá nặng, ánh mắt của y vừa lúng túng, vừa ngạc nhiên. Chắc từ hồi vô Nam đến giờ, y chưa gặp người Miền Nam nào vui vẻ như vậy bao giờ. Nhưng giống như cái máy, miệng hắn vẫn hỏi:

– Chị có đầy đủ giấy tờ không đó?

Chị cười tự nhiên:

– Có đầy đủ chứ chú. Mình là dân thì mình phải làm đúng luật của đảng và nhà nước chớ chú…

Vừa nói, chị vừa lấy giấy tờ đưa cho tên công an coi. Mấy chị khác ngồi phía sau xe, cũng lần lượt nhảy xuống lấy giấy tờ cầm sẵn, chờ đưa cho tên công an. Tên công an lúng túng, một tay cầm túi trái cây, tay kia cầm giấy tờ của từng người coi… qua loa. Nét mặt của y dịu lại thấy rõ. Sau đó, thấy những người trên xe đang tiếp tục bước về phía sau xe, định nhảy xuống trình giấy tờ, tên công an dơ tay cản lại, nói giọng biết điều:

– Thôi thôi, khỏi xuống mất công. Tất cả mọi người trong xe có đầy đủ giấy tờ hết phải không?

Cụ già ngồi ngay cuối xe, trả lời ngay:

– Ai cũng có đầy đủ giấy tờ hết. Chú muốn coi cho hết thì leo lên xe mà coi. Thời buổi này không có giấy tờ thì ai dám đi lại làm gì cho uổng tiền, uổng công… mà mất thì giờ.

Tên công an liếc cặp mắt cú vọ nhìn vô trong xe. Tôi thấy ánh mắt của hắn quét qua từng người, rồi đến tôi, ánh mắt của y ngưng lại một chút, khiến tôi đứng tim, nhưng vẫn giữ nét mặt tỉnh bơ. Sau đó, y nhìn sang những người khác, rồi không nói một tiếng, y quay sang phía người lơ xe, chìa tay. Tôi không nghe thấy y nói gì, nhưng lập tức viên lơ xe trao vào tay tên công an một gói giấy, trong đó là tiền.

Tên công an cầm gói giấy thản nhiên bỏ vô túi áo ngực, rồi vẫy tay ra hiệu cho mọi người lên xe. Xong, y quay lưng lại, rồi bước đến chiếc xe đò kế tiếp, vừa dừng bánh ngay phía sau xe của chúng tôi. Hai tên bộ đội cũng lại lặng lẽ lẽo đẽo đi theo tên công an.

Những người đàn bà, đàn ông phía sau xe lục đục leo lên xe. Xe nổ máy, từ từ lăn bánh. Người lơ xe chạy theo, đu mình nhảy lên xe, đóng mạnh cửa sau. Tất cả mọi người cùng thở phào, nhìn về phía tôi… Tôi vui mừng, muốn thét lên vì sung sướng, nhưng miệng tôi thì méo sệch, chỉ bập bẹ được mấy tiếng, “Cháu… cảm ơn”, trong khi hai mắt của tôi thì rưng rưng, và trong lòng của tôi lúc đó thì như muốn khóc…

Nguyễn Hữu Chí

Chuyến công tác cuối cùng của HQ-09

Hoàng Ðình Báu – Apr 3, 2021 cập nhật lần cuối Apr 3, 2021

Hộ tống hạm Kỳ Hòa HQ-09, hình chụp những năm 1960. (Hình minh họa: history.navy.mil)

Lời Giới Thiệu: Tác giả Hoàng Ðình Báu là hạm trưởng hộ tống hạm Kỳ Hòa (HQ-09) trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông xuất thân Khóa 11 Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Ông hiện định cư tại Hoa Kỳ sau trên 10 năm trong ngục tù Cộng Sản.

Ðầu năm 1974 tôi được chỉ định làm hạm trưởng hộ tống hạm Kỳ Hòa (HQ-09). Suốt năm đó HQ-09 có hai nhiệm vụ chính: Tuần tiễu vùng Trường Sa và yểm trợ các giàn khoan dầu của Hoa Kỳ ngoài khơi từ Vũng Tàu đến Côn Ðảo. Mỗi chuyến công tác kéo dài ba tháng nên việc nghỉ bến để tiếp tế lương thực, dầu và nước là Vũng Tàu, đôi lúc cũng ghé Côn Sơn để nghỉ ngơi và tiếp tế.

Ðến năm 1975 khi các tỉnh ở Cao Nguyên Trung Phần bị lọt vào tay Cộng Quân. Ðầu Tháng Hai thì Huế và Quảng Trị bắt đầu rối loạn, Sư Ðoàn 1 đóng tại Huế đang được di tản vào Ðà Nẵng. Vào thời điểm này HQ-09 được lệnh chuẩn bị ra công tác khẩn cho Vùng 1 Duyên Hải. Ðây được coi như là chuyến công tác cuối cùng của HQ-09 mà hằng năm vào dịp 30 Tháng Tư vẫn còn ghi đậm trong lòng thủy thủ đoàn đã từng phục vụ trong những ngày tháng cuối cùng đó.

Sáng ngày 26 Tháng Ba, 1975, chiến hạm khởi hành ra Vùng 1 Duyên Hải.

Lúc 6 giờ sáng ngày 28 Tháng Ba, 1975, chiến hạm tới cửa Sơn Trà để chờ lệnh.

Các tin tức nhận được từ Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải và do dân chúng tỏa ra bằng ghe cập vào chiến hạm lúc sáng như sau: Tối hôm trước Cộng Quân pháo kích vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải bằng hỏa tiễn 122 ly và sơn pháo 130 ly, làm hư hại chiếc trực thăng của Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải, Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại. Toàn thành phố bị thiết quân luật 24/24. Lính của các quân binh chủng di chuyển về Ðà Nẳng quá đông, không nơi ăn chốn ở, gia đình ly tán. Lợi dụng cơ hội này đặc công Cộng Sản trà trộn để phá hoại nên có nhiều tiếng súng và vài đám cháy nhỏ xảy ra trong thị xã. Các đơn vị cơ giới hạng nặng cùng các chiến xa, quân xa của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã đậu dài từ cầu Trịnh Minh Thế cho đến bờ biển Tiên Sa. Một vài nhóm quân nhân đã uy hiếp một tàu Hải Quân, buộc phải đưa họ tách bến. Nhưng tàu này bất khiển dụng nên rất may là không có gì đáng tiếc xảy ra. Với tình hình đó HQ-09 được lệnh không vào Ðà Nẵng mà cũng không cập cầu Tiên Sa.

Chiến hạm vận chuyển với hai máy tiến một, chạy lòng vòng ngoài cửa Ðà Nẵng để chờ lệnh. Chiến hạm quan sát thấy hàng trăm ghe tàu đủ loại đang tiến ra biển; một số ghe tiến về chiến hạm rồi cập vào để đưa một số binh sĩ và thường dân lên boong tàu.

Vào 12 giờ trưa ngày 28 Tháng Ba, 1975, chiến hạm nhận lệnh xuôi về Qui Nhơn để đón Sư Ðoàn 23 Bộ Binh di tản. Trên đường đi, chiến hạm cũng đã vớt nhiều đồng bào từ Quảng Ngãi, Cù Lao Chàm và Cù La Ré. Phần đông họ đi trên các ghe thúng hoặc ghe nhỏ. Chiều hôm đó chúng tôi đã chứng kiến bao cảnh thương tâm mà không sao cứu giúp được. Ðó là các đồng bào đang ở trên sà lan do các tàu dòng của hãng thầu RMK kéo về Sài Gòn. Tàu kéo thì quá chậm, trên sà lan lại quá đông người, lẫn lộn với nhiều binh sĩ đầy đủ súng ống. Trời nóng như đốt, không nước, không lương thực thì chuyện rối loạn là điều không tránh khỏi. Chiến hạm không thể đến gần để giúp đỡ vì lúc đó trên tàu cũng đang đầy người, nếu đến gần không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Ðành bấm bụng cho tàu chạy lướt qua, để lại đàng sau những tiếng la cầu cứu lẫn tiếng súng.

Lúc 8 giờ sáng ngày 29 Tháng Ba, 1975, đến Qui Nhơn, lúc bấy giờ đã thấy hiện diện nhiều chiến hạm gồm LSM, LST, WHEC, DER và rất nhiều tiểu đỉnh của Vùng 2 Duyên Hải đang di tản, một số quân nhân của Sư Ðoàn 23 từ bờ ra biển. Bãi biển Qui Nhơn với bãi cát vàng được ôm ấp bởi hàng trăm cây dừa xanh tươi, nay nhìn vào chỉ thấy lửa và khói.

Đến 12 giờ trưa ngày 29 Tháng Ba, 1975, chiến hạm được lệnh tác xạ để phá hủy ba bồn dầu ở ngã ba quốc lộ 1 và đường vào thị xã. Cùng vài chiến hạm bạn, sau gần nửa giờ tác xạ, ba bồn dầu đã bị phá hủy, khói đen cao ngất che phủ một góc trời.

Lúc 4 giờ chiều cùng ngày, chiến hạm được lệnh về Nha Trang. Ðến 4 giờ sáng ngày hôm sau thì tàu đến hòn Pyramid, nằm ngoài khơi Nha Trang. Tàu tiếp tục xuống Hòn Yến rồi Hòn Dung để chờ sáng sẽ vào Nha Trang bằng ngõ Cầu Ðá phía bên Hải Học Viện.

Trời sáng dần, biển êm, gió nhẹ, chiến hạm bắt đầu nhiệm sở tác chiến. Trên đài chỉ huy nhìn hướng 10 giờ là Hòn Tre với đài kiểm báo trên đỉnh như còn say ngủ. Bên hướng 3 giờ là con đường Duy Tân với bao biệt thự xinh đẹp cùng một dãy các ki-ốt dọc theo bờ cát trắng. Xa xa là “Chụt,” phi trường, quân trường Hải Quân Nha Trang. Xa hơn nữa là Xóm Bóng, Hòn Chồng, Ðồng Ðế. Tất cả đều lần lượt thấy rõ qua mắt thường.

Chiến hạm chạy từ từ, thận rọng, quan sát. Có lúc chiến hạm chạy sát bờ biển Nha Trang đến nỗi có thể thấy rõ người đi bộ. Ðặt ống nhòm nhìn càng rõ hơn, toàn người và người. Tuyệt nhiên không thấy xe thiết giáp nào của Cộng Sản cả. Có vài chiếc xe hơi rọi đèn pha ra phía biển, không biết có còn ai ngồi trong đó. Lúc đi ngang qua khách sạn lớn của thành phố, chiến hạm thấy có nhiều người đang đứng trước khách sạn này, có người lấy nón vẫy cầu cứu.

Từ Cầu Ðá đến Xóm Bóng, bờ biển Nha Trang dài độ 6 cây số, chiến hạm đi qua rồi vòng trở lại Cầu Ðá. Quan sát kỹ nhưng chẳng thấy bóng dáng T 54 của Cộng Sản như lời đồn đãi lúc bấy giờ. Thủy thủ đoàn làm việc ngày đêm, ngoài việc đi phiên hải hành thường lệ, họ còn giúp đỡ đồng bào lúc lên tàu. Kiểm soát an ninh và trật tự vì có nhiều binh sĩ quá giang, nhiều đàn bà và trẻ em đang cần sự giúp đỡ. Bận rộn nhất là nhân viên nhà bếp, luôn luôn phải có cơm nóng và nước uống cho đồng bào. Tôi còn nhớ tên một vài người đã làm việc rất tích cực như giám lộ Long và Thiếu Úy trọng pháo Dũng trong chuyến công tác này.

Ngày hôm sau chiến hạm được lệnh tuần tiễu ngoài khơi vùng biển Nha Trang. Chỉ thị của Phó Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh, tư lệnh Vùng 2 Duyên Hải kiêm tư lệnh tiền phương sau khi mất Ðà Nẵng, là: Tuần tiễu và chận bắt các tàu lạ xâm phạm hải phận Vùng 2 từ Nha Trang đến Cam Ranh. Vào lúc này, các tàu lạ mang quốc tịch Trung Quốc và Liên Xô di chuyển về phía Nam rất đông. Các thương thuyền này ngang nhiên xâm phạm hải phận Việt Nam một cách trắng trợn.

Tôi báo cáo lên cho Bộ Tư Lệnh Vùng 2 Duyên Hải và xin chỉ thị. Lần này tôi được lệnh không ngăn chận nó mà chỉ theo dõi và báo cáo mà thôi. Số lượng tàu ngoại quốc đi sát bờ biển Việt Nam càng lúc càng đông, đến nỗi không thể nào kiểm soát hết; vả lại các thương thuyền lạ này có trọng tải và vận tốc lớn, nên chiến hạm ta không đủ khả năng bám sát được. Có lần chiến hạm thử chặn đầu một thương thuyền có mang cờ Búa Liềm bằng cách chớp đèn, nhưng nó vẫn tiến mà không hề giảm tốc độ. Buộc lòng chiến hạm phải né sang một bên, nếu không tránh kịp sẽ bị đứt làm đôi.

Ngày 2 Tháng Tư, 1975, chiến hạm được lệnh tiến đến “Chụt,” một làng nhỏ cách Cầu Ðá Nha Trang độ 1 km, để phá hủy hai bồn dầu của kho xăng nằm dưới chân núi đối diện phía bên kia con đường. Các bồn xăng sơn màu bạc, từ chiến hạm nhìn vào giống như hai ống khói khổng lồ nhô lên trong đám dừa xanh. Tôi yêu cầu sĩ quan trọng pháo lên đài chỉ huy để chuẩn bị dùng 76 ly tác xạ vào hai bồn dầu dó. Chiến hạm tiến gần sát thêm vào mục tiêu; giám lộ Long và sĩ quan đương phiên xác định điểm neo. Lúc đó là 10 giờ sáng, trời tốt, biển động nhẹ, gió nhẹ. Khoảng cách mục tiêu cần tác xạ là 1 hải lý. Nhân viên vào nhiệm sở tác xạ, tất cả sẵn sàng. Tôi nhìn kỹ mục tiêu lần chót trước khi ra lệnh tác xạ.

Tôi cũng như mọi người trên tàu đều thấy rõ hàng ngàn đồng bào đang lũ lượt lên dốc núi để qua bên kia Cầu Ðá, họ đang hướng về bến cảng nơi đó có hàng trăm ghe thuyền đang chờ đợi để di tản về Sài Gòn. Các ụ súng cũng báo cáo thấy rất đông đồng bào đang di chuyển ngang qua bồn dầu. Tôi ra lệnh ngưng tác xạ, theo dõi mục tiêu và chờ lệnh. Tôi báo cáo lên phòng hành quân của Tư Lệnh Hoàng Cơ Minh rằng mục tiêu không thể tác xạ được vì đồng bào đang đi qua đó rất đông. Vài phút sau tôi lại được lệnh bằng mọi giá phải triệt hạ hai bồn dầu đó. Biết không thể nào từ chối việc thi hành lệnh cấp trên, tôi chỉ cho sĩ quan trọng pháo nên bắn lên các đỉnh núi cao nằm phía sau kho xăng đó.

Khẩu trọng pháo 76 ly bắt đầu nhả đạn, từng viên, từng viên nổ chát chúa rung chuyển cả con tàu, tạo nên những cột khói trắng trên đỉnh núi cao, tựa hồ như những đám khói cuả các người đốt rừng để trồng trọt.

Sau khi tác xạ theo lệnh xong, tôi lên máy báo cáo: Ðã tác xạ 10 viên 76 ly. Bên kia hỏi cho biết kết quả. Tôi trả lời không trúng mục tiêu. Sau đó tôi bị dằn vặt bởi lời báo cáo này. Nhưng tôi không biết phải làm gì hơn, trong khi tất cả nhân viên trên chiến hạm cũng như tôi ai cũng cảm thấy nhẹ nhõm.

Ngày hôm sau, chiến hạm lại được lệnh tiêu hủy hai bồn dầu đó, trước khi rút về Cam Ranh nhận lệnh mới. Chiến hạm trở lại “Chụt” lần nữa, vẫn còn thấy nhiều người qua lại gần bồn dầu. Vì lý do nhân đạo tôi liền báo cáo về Tư Lệnh Vùng 2 Duyên Hải là tôi sẵn sàng chịu nhận mọi trách nhiệm vì không thể tác xạ vào hai bồn dầu này được.

Ngày 5 Tháng Tư, 1975, chiến hạm khởi hành về Cam Ranh mang theo gần 500 đồng bào và binh sĩ. Số người quá đông nên vấn đề ăn uống và vệ sinh bắt đầu khó khăn. Chiến hạm cập cầu Cam Ranh lúc 12 giờ trưa. Một số đông đồng bào rời tàu để tìm phương tiện khác vào Sài Gòn. Bộ Tư Lệnh Vùng 2 Duyên Hải đã di tản nên không thể liên lạc được, một vài thủy thủ còn lang thang trên cầu tàu, xa xa các bồn dầu Cam Ranh đã tiêu hủy từ các ngày trước chỉ còn lại đống tro tàn.

Ngày 8 Tháng Tư, 1975, sau 14 ngày chiến hạm liên tục hoạt động không ngơi nghỉ. Hai máy chánh bắt đầu có trở ngại, máy quá nóng nên chiến hạm cho chạy một máy, máy kia nghỉ. Nước ngọt và dầu cặn đã bắt đầu cạn mà không có nơi tiếp tế. Tôi báo cáo mọi hư hỏng về Bộ Tư Lệnh Hải Quân Sài Gòn xin được về để sửa chửa và tiếp tế. Một ngày sau Bộ Tư Lệnh cho chiến hạm về Phan Thiết để tuần tiễu từ mũi Kê Gà đến Vũng Tàu. Tại đây chiến hạm sẽ nhận tiếp tế dầu, nước từ các chiến hạm bạn đang cùng công tác trong vùng. Khi nhận được tiếp tế đầy đủ, chiến hạm lại tiếp tục chở đồng bào và quân nhân từ Phan Thiết về Vũng Tàu.

Ngày 16 Tháng Tư, 1975, mới được lệnh về Sài Gòn để sửa chữa.

Ngày 17 Tháng Tư, 1975, chiến hạm ráng lết về Sài Gòn với một máy chánh tả. Cập cầu HQCX vị trí 1 cho đồng bào lên bờ. Các thủy thủ bắt đầu dọn dẹp vệ sinh. Tôi rời tàu, ra cổng HQCX gọi Honda ôm để về nhà. Trên đường đi tôi bị ám ảnh bởi cảnh đọa đày trên sà lan mà đồng bào ta đang chịu đựng, làm lòng tôi nôn nóng muốn mau về để thấy mặt vợ con. Tôi nghĩ lại mình còn có hạnh phúc hơn nhiều người.

Ngày hôm sau tôi vào hạm đội và trình diện Hải Quân Ðại Tá Nguyễn Xuân Sơn, tư lệnh Hạm Ðội. Ông cũng là vị hạm trưởng đầu tiên nhận lãnh chiến hạm HQ-09 năm 1960 tại Hoa Kỳ. Ông nói tôi phải đưa lệnh công tác sửa chữa gấp cho HQCX, đồng thời xúc tiến ngay việc lãnh gạo và nhiên liệu để sẵn sàng công tác. Ðặc biệt lần lãnh gạo này được cấp đầy kho, điều đó cũng đã nói lên ý định của hạm đội chuẩn bị cho một cuộc di tản sắp tới.

Ngày hôm sau Ðại Tá Sơn bị cách chức và Hải Quân Ðại Tá Phạm Mạnh Khuê lên thay thế. Một buổi họp khẩn cấp các hạm trưởng của hạm ðội, Ðại Tá Khuê tuyên bố: “Anh em yên chí, chúng ta vừa mới thả hai trái bom CBU ở Long Khánh, Cộng Quân đang bị chận đứng. Mọi công tác vẫn như thường lệ, việc chuẩn bị chiến hạm di tản hủy bỏ.” Tất cả mọi người lặng lẽ ra về.

Tuần lễ cuối cùng của Tháng Tư, 1975, là một tuần lễ thê thảm của HQCX. Máy chánh, máy điện rả ra mà chẳng có thợ xuống ráp lại. Mỗi ngày có một đốc công xuống xem qua rồi lên, họ lắc đầu nói chờ “part” v.v. Các nhân viên chiến hạm cũng điểm danh đầy đủ, có một sĩ quan vào chào từ biệt tôi để đi Hoa Kỳ ngày 20 Tháng Tư, 1975, anh nói đã có vé máy bay vì bà xã làm ở cơ quan Mỹ.

Chiều 29 Tháng Tư, 1975, các chiến hạm từ cầu A cho tới sở Hàng Hà đều đầy nghẹt người, riêng các chiến hạm đậu trong HQCX thì ít người hơn vì vào lối này phải có người hướng dẫn. Trung Tá Trị, hạm trưởng HQ-406, đang đậu vị trí ngoài cùng gặp tôi đang lúc anh đưa gia đình ngang qua HQ-09, anh bảo tôi cùng đi nhưng gia đình tôi chưa vào được nên tôi từ chối.

Chiều lại, tôi tập họp nhân viên trên tàu, mọi người nhìn tôi chờ đợi. Tôi nói tàu mình hư không thể chạy được, anh em nào muốn đi thì qua HQ-406, tối nay sẽ khởi hành. Riêng bản thân tôi thì ở lại, vì vợ con tôi không vào được. Một vài người qua HQ-406, còn bao nhiêu hầu như cùng ở lại chiến hạm như tôi.

Tối hôm đó tôi vào phòng truyền tin để theo dõi việc di tản. Trong phòng đã có sẵn hai nhân viên vô tuyến đang đàm thoại với những chiến hạm bạn. Tôi chỉ sợ nếu có một chiến hạm bị bắn cháy trên đoạn đường từ Sài Gòn ra Vũng Tàu thì cuộc di tản của chúng ta sẽ như thế nào? May thay đám du kích Việt Cộng hai bên bờ sông Lòng Tào và Soài Rạp chưa đủ sức để làm chuyện này.

Sáng 30 Tháng Tư, 1975, đứng trên đài chỉ huy tôi chỉ thấy một vài chiến hạm còn lại đang cột ngoài phao ở giữa sông, hay cập bến tại các cầu tàu. Phần đông các chiến hạm đều bị bất khiển dụng, chỉ có một số ít chiến hạm không đi, mặc dầu còn khiển dụng một máy hoặc cả hai máy. Lý do vì không có hạm trưởng hay cơ khí viên. Nhưng không phải vì thế mà chiến hạm bị bỏ ngỏ. Tất cả vẫn nhiệm sở tác chiến. Họ là những người lính, nên dù ở hoàn cảnh nào, họ cũng đều tuân lệnh và chiến đấu hết mình.

HQ-09 cũng vậy, tất cả vào nhiệm sở để chiến đấu dù tuyệt vọng. Nếu ông Dương Văn Minh không tuyên bố đầu hàng, chắc chắn các chiến hạm còn lại cũng phải một sống một chết với Cộng Quân.

Hình chụp lúc 9 giờ sáng ngày 17 Tháng Giêng, 1963, hộ tống hạm Kỳ Hòa HQ-09. (Hình minh họa: Flickr manhhai)

Lúc 11 giờ sáng ngày 30 Tháng Tư, 1975, ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Tôi tập họp anh em trên chiến hạm một lần chót: “Tôi nói anh em đã nghe rồi, chúng ta đầu hàng. Bây giờ các anh em có quyền về nhà.”

Trước khi về, anh Quản Nội Trưởng cho anh em mang gạo về mà ăn. Cứ mở kho, ai mang được bao nhiêu thì mang.

Tôi thay thường phục lái xe về nhà. Tôi mang theo xách tay, trong đó có hai khẩu súng (một Ru-lô và một Colt 45). Theo xe tôi có Hạ Sĩ Thành, anh là trọng pháo nhưng luôn luôn sát cạnh để lo ăn uống và giúp đỡ cho tôi khi cần. Vừa ra khỏi HQCX tôi quẹo phải đường Cường Ðể. Trước hết tôi thấy bao nỗi kinh hoàng còn ghi dấu hai bên đường. Nào là các xe hơi, xe Jeep, xe Honda nằm đầy la liệt với hàng đống vali và xách tay cùng hàng đống hình ảnh và búp bê rơi tung tóe. Ðến đường Hiền Vương tôi quẹo trái, gần ngang cổng Nha Hàng Không Dân Sự thì gặp phải một chiếc T 54 của Cộng Sản đang tiến nhanh ngược chiều về phía tôi, tôi nép qua phải, chút nữa là tôi bị cán nát. Ðây là lần đầu tiên tôi thấy tận mắt T 54.

Về đến nhà, tôi thấy vợ con tôi và một số bà con đang ngồi bẹp dưới sàn nhà. Có lẽ mọi người cũng như tôi đã chờ đợi suốt đêm qua, nhưng mỗi người chờ đợi mỗi cách. Gia đình và bè bạn thì chờ tôi về để đưa đi. Còn tôi và toàn thể nhân viên trên chiến hạm thì chờ đợi những giờ phút cuối cùng của lịch sử trong đời quân ngũ. Một lúc sau chẳng ai nói với ai một điều gì, mọi người tự giải tán trong nặng nề và u uất. Tôi đưa cho Hạ Sĩ Thành khẩu Colt 45 và một ít tiền để anh về xe, anh ở tận Cần Thơ. Từ đó tôi chẳng bao giờ gặp lại mặt anh.

Những ngày đầu Tháng Năm, Sài Gòn như lên cơn sốt bệnh tật. Nhà nhà đóng cửa, ngoài đường xe cộ chạy loạn xạ, một chiếc đâm vào nhà tôi làm sập cánh cửa sắt, mặc dầu nhà tôi ở trong hẻm nhỏ. Người lái xe chẳng ai xa lạ, mà là một cậu xì ke nhà đầu xóm. Cậu ta vừa mới vớ được chiếc xe Jeep của ai mới bỏ sáng nay nên lái chạy chơi, có người còn cầm súng bắn lên trời mừng chiến thắng. Sực nhớ còn khẩu Ru-lô trong túi xách, tôi bảo vợ tôi lấy tờ báo gói lại rồi đem ném vào đống rác ở chợ Bàn Cờ. Vợ tôi lặng lẽ ra đi một lát sau bà về bảo đã làm xong nhiệm vụ. Tôi tự nhủ thầm, hôm nay tôi mới thực sự giã từ vũ khí.

Ngày 2 Tháng Năm, 1975, tôi đứng dậy sau một ngày nằm dài như người mê man. Tôi cố đi một vòng quanh khu Bàn Cờ chỗ tôi ở. Hai bên đường cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam treo đầy, các “bộ đội giải phóng” “hồ hởi phấn khởi” mặc đồ đen, đồ xanh, có người quấn khăn rằng, có người đội nón tai bèo. Họ vừa chạy xe Honda vừa bóp còi inh ỏi.

Một tuần sau tôi lại đi lần nữa để xem có gì khác lạ không, khi đi ngang qua rạp hát Văn Hoa trên đường Ðiện Biên Phủ gần Ngã Bảy, tôi thấy bộ đội miền Bắc đóng đầy trong đó, ngoài cổng có hai tên đầu đội nón cối, chân đi dép râu, tay cầm AK báng đỏ đứng gác. Nhìn chung quanh đường tôi chẳng còn thấy bong dáng cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đâu cả mà thỉnh thoảng có vài lá cờ đỏ sao vàng bay trên nóc các cao ốc. Tôi nghĩ bụng, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chỉ chiến thắng có vài ngày thôi, họ hy sinh nhiều nhất mà thua cũng mau nhất.

Vài ngày sau tôi đạp xe chạy xuống bến Bạch Ðằng. Hôm đó trời mưa lất phất, dẫn xe đạp qua gần cầu B, tôi thấy vài chiến hạm còn đậu ngoài phao, nhìn về phía HQCX tôi thấy mũi tàu HQ-09. Tôi im lặng với bao niềm thương nỗi nhớ. Vĩnh biệt HQ-09!

Tôi đạp xe về nhà mà lòng tái tê. 

Hoàng Ðình Báu

Lá rụng không về cội

Thứ bảy tuần rồi, ông Trương nhận được hai món quà, do ông bà sui vừa về thăm quê bên Việt Nam mang sang tặng. Hai món quà thực ra không đáng bao nhiêu tiền, nhiều lắm cũng chỉ bằng giá một tô phở bán ở Little Saigon, nhưng với ông nó lại là vô giá, đã làm ông xúc động, nghẹn ngào đến nỗi không thốt lên được hai tiếng cám ơn. Cả tuần nay, nhiều đêm ông trằn trọc mất ngủ, ban ngày ngồi thẫn thờ, hoặc chắp tay sau lưng lẩn thẩn một mình trong khuôn vườn nhỏ sau nhà, suy nghĩ mông lung.

Năm vừa rồi, con cháu đã tổ chức mừng Lễ Thượng Thọ cho ông, mặc dù ông thường cản ngăn điều ấy. Nhưng con cháu làm vậy là phải, vì gia đình ông trải qua bao đời sống trong gia phong lễ giáo, hơn nữa suốt một đời vào sinh ra tử mà ông sống được tới hôm nay cũng là lạ lắm. Con cháu không chỉ mừng ông mà còn phải cảm tạ Đất Trời.

Sinh ra ở vùng quê, một cái huyện nghèo, mà thơ mộng. Biển xanh nằm sát bên dãy trường sơn hùng vĩ, cực bắc tỉnh Khánh Hòa. Cuộc đời ông có nhiều may mắn bất ngờ. Vì sinh kế, cha mẹ ông phải vào Nam lập nghiệp. Ông được một người trí thức có lòng nhận làm dưỡng tử. Người này gốc Quảng Bình, tốt nghiệp kỹ sư công chánh từ École Centrale bên Pháp, vừa mới hồi hương và đang làm cho hãng thầu Descours &Cabaud đặc trách hai công trường xây cầu NeakLuong và Norodom, cách thủ đô Nam Vang 6 – 10 cây số. Là “dưỡng tử” nhưng ông thường được xưng hô là “thầy trò″. Ông kỹ sư chưa lập gia đình. Để thuận tiện công việc làm, ông thuê một ngôi nhà đơn lập, nằm cạnh nhà của người bạn là một nhà giáo, và gởi gấm cậu dưỡng tử theo học. Thời đó Nam Vang không có một trường nào dành cho văn hóa Việt Nam, mà chỉ có trường Pháp và Miên. Ông kỹ sư sống ở Pháp hơn bốn mươi năm, thấm nhuần văn hóa Pháp, vì vậy “cậu bé” Trương tất nhiên chịu ảnh hưởng của người dưỡng phụ, nên học hành rất nhanh và sớm thi đỗ Diplôme.

Ngày 8 tháng 3 năm 1945, quân Nhật lật đổ chính quyền bảo hộ Pháp ở Đông Dương. Ông kỹ sư dưỡng phụ bị quân Nhật bắt đem đi mất tích. Không còn nơi nương náu, ông Trương chỉ còn con đường duy nhất là về lại quê xưa. Bảy tháng sau, quân Pháp từ Ban Mê Thuột đổ xuống đồng bằng như thế chẻ tre. Ông Trương, lúc này đã là một thanh niên, bị bắt. Khi Phòng Nhì Pháp thẩm vấn, ông đội (Phinh) thông ngôn dịch sai câu trả lời của ông Trương, làm cho viên sĩ quan Pháp hiểu lầm tức giận, đứng lên định tát vào mặt ông Trương. Nhờ lanh trí và với căn bản Pháp văn vững chãi, ông Trương trình bày tận tường sự việc, làm cho vị sĩ quan Pháp ngạc nhiên, thán phục. Thay vì làm tù binh, ông Trương được đưa vào Nha Trang để làm thủ tục đồng hóa vào quân đội Pháp. Sau đó ông được sự giúp đỡ của một số Sĩ quan Pháp tốt nghiệp trường Võ Bị Saint Cyr, thi đỗ vào École Militaire InterArmes de Dalat (EMIAD) ( trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt). Tốt nghiệp với thứ hạng cao, ông được chọn làm huấn luyện viên cho các khóa Sinh Viên Sĩ Quan Hiện Dịch
Rồi từ ngày ấy ông biền biệt xa quê, nơi chôn nhau cắt rốn, cho tới hôm nay. Đúng ra, trong thời gian hơn sáu mươi năm ấy, ông chỉ sống ở quê mình vỏn vẹn có ba năm, khi ông bất ngờ được chọn về đây làm quận trưởng. Nhiều người cho đây là một điều may mắn. Hơn nữa lúc này là thời Đệ Nhất Công Hòa, tiêu chuẫn để chọn một quận trưởng rất khó khăn.Vậy mà khi nhận được Lệnh Bổ Nhiệm, ông đã xin từ chối. Ông biết làm việc ngay ở quê mình là một điều không dễ, bởi còn có nhiều người thân, em út trong nhà , bà con chú bác. Dù tình lý có phân minh, cũng khó tránh được đôi lời dị nghị.

Nhưng cuối cùng ông cũng phải mang balô, từ giã một tiểu đoàn thiện chiến, do chính ông dày công tổ chức và rèn luyện, về chính quê mình nhận trách nhiệm mới, nặng nề phức tạp. Lời khẩn cầu từ chối của ông không được chấp thuận. Lý do được Bộ Nội Vụ đưa ra: Ông (cố vấn) Ngô Đình Nhu đang là dân biểu Quốc Hội (đảm trách hai quận thuộc tỉnh Khánh Hòa, trong đó có quận của ông), đề nghị Trung Ương bổ nhiệm một vị quận trưởng phải có đạo đức, lập trường kiên quyết chống Cộng, vừa có kinh nghiệm tổ chức chiến đấu vừa am tường địa hình và dân chúng trong quận. Trong danh sách những người được đề nghị, ông Trương là đối tượng duy nhất đáp ứng các tiêu chuẩn trên.

Ba năm, sau khi đã ổn định tình hình và tổ chức được một hệ thống chính quyền xã ấp cùng một lực lượng an ninh vững mạnh, xây xong một con đập lớn (Bình Trung) và ngôi trường trung học công lập đầu tiên cho quận, ông làm đơn xin được trở lại đơn vị cũ. Là một sĩ quan chiến đấu, ông không hứng thú với những thủ đoạn ở chính trường. Đơn chưa được xét, thì xảy ra cuộc đảo chính ngày 1.11.63. xóa bỏ nền Đệ Nhất Cộng Hòa một thời thịnh trị. Ông bị đám tướng tá “cách mạng” chụp cho chiếc nón Cần Lao, mặc dù ông là một phật tử ngoan đạo, thuần thành. Cuối cùng không tìm ra tội, họ phải chấp nhận đề nghị của ông: trả ông về quân đội. Ông được bỗ nhậm về Trung Đoàn 48BB biệt lập, đang quần thảo với địch quân trong Chiến khu D. Bàn giao công việc cho người kế nhiệm.Thêm một lần nữa ông phải ra đi trong thương tiếc của mọi người. Và ông cũng không ngờ, lần ra đi này cũng là lần vĩnh viễn xa quê.

Bao nhiêu năm lăn lộn ở các chiến trường, biết bao lần vào sinh ra tử, đơn vị ông đã tạo nhiều chiến thắng lẫy lừng. Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ rồi Đệ Tứ Đẳng ông được tưởng thưởng từ khi còn khá trẻ, được chính các vị nguyên thủ quốc gia trao gắn. Cũng có một thời ông được chọn về làm huấn luyện viên cho các quân trường lớn : Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, Võ Khoa Thủ Đức, Chỉ Huy Tham Mưu Đà Lạt. Ông cũng là đồng soạn giả của một số Binh Thư dành cho các cấp chỉ huy từ cấp đại đội, tiểu đoàn đến trung đoàn bộ binh.

Tình hình Vùng 1 Chiến Thuật ngày càng nặng nề, từ ngày đường mòn Hồ Chí Minh với những ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam – không hiểu vì sao – gần như bỏ ngõ (?), để từng đoàn xe pháo Bắc quân xâm nhập. Từ những chiến trường khu D, Bình Long, ông được điều ra tận vùng địa đầu hỏa tuyến, tái tổ chức một trung đoàn biệt lâp, với trang bị và nhiệm vụ phù hợp với một sách lược do chính cá nhân ông biên soạn lúc còn phục vụ tại Trường Chỉ Huy Tham Mưu Đà Lạt. Đó là kế hoạch“Chữ Tâm Trong Lũy Tre Xanh” (The Hearth Within The Green Bamboo Rampart), có nghĩa là phía quốc gia phải chinh phục được niềm tin của dân làng trước (và trong) kế Hoạch Bình Định & Xây Dựng Nông Thôn. Và cũng vì chính sách lược ấy, ông được thuyên chuyển đến vùng lãnh thổ này: Hai quận Hòa Vang và Điện Bàn thuôc tỉnh Quảng Nam được cơ quan MACV đề nghị làm thí điểm cho việc thực thi kế hoạch.

Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã tái tổ chức xong trung đoàn, lấy Tâm Lý Chiến làm hành trang cho binh sĩ mang vào vùng trách nhiệm, đến tận những nơi thâm sơn để theo dõi, bám sát và tiêu diệt các đại đơn vị Bắc quân xâm nhập. Mặc dù luôn bóp méo, viết sai sự thực, nhưng trong quân sử của đối phương không hề dám viết một dòng nào về hai Sư đoàn 304 và 324B của chúng đã đụng độ với lực lượng Hưng Quảng I của ta tại Quảng Nam. Bởi theo yêu cầu và chỉ điểm của đơn vị ông, một ngày, bốn phi vụ B52 trải thảm tại một khu vực nhỏ hẹp ở Gò Nổi (Phù Kỳ, huyện Điện Bàn) mà sau đó, các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã phải dùng Rome Plough của Sea Bee để vào chôn xác quân thù. Đủ biết số tử vong của địch cao biết chừng nào.

Trong hồi ký, Y sĩ Thiếu Tá Nguyễn Gia Thọ, nguyên là bác sĩ quân y của Trung Đoàn, đã viết về ông khi vị bác sĩ này mới về trình diện:

….Tôi có cảm tình ngay với vị chỉ huy mới, vừa lịch sự vừa dứt khoát, lệnh lạc rõ ràng, và coi quân y quan trọng cho đơn vị. Tôi hình dung lại dáng người của ông, cao gầy, mặt xương. Sau tôi biết ông là người có tú tài Pháp, sùng đạo Phật, đêm nào cũng thắp nhang khấn ngoài trời, và trong ngôn ngữ truyền tin, ông là Phượng Hoàng…..

và về chiến tích đầu tiên mà vị bác sĩ này được vinh dự góp phần, một ngày không xa sau đó:

….Kết quả cuộc tấn công của Việt Cộng: ta gần như vô sự, chỉ có Canh, xạ thủ đại liên, rớt từ chòi cao xuống, xương sống gãy một đốt đi lom khom và tôi, bị miểng đạn vạt mất mông bên trái, không ăn thua gì. Còn địch thì để lại trên một trăm xác chết ngoài hàng rào.

Sau trận đó, tôi được thưởng anh dũng bội tinh với ngôi sao bạc, và chiến thương bội tinh.

Đại Tướng Hoa Kỳ Louis C. Wagner, từng là cố vấn trưởng trung đoàn, được ông Trương đề nghị ân thưởng Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, trong tập bút ký nổi tiếng Steel and Blood, đã hết lời ca ngợi trung đoàn dưới sự chỉ huy của ông.

Nhưng với ông, người Mỹ đã làm cho ông thất vọng. Từ sự trở mặt của một đồng minh cho đến cả cái tình một thời chiến hữu.

Ngoài trách nhiệm nặng nề của người anh cả một đại đơn vị, ông còn trách nhiệm của người anh cả đối với những đứa em trai không cha, mẹ già, chu cấp lo lắng cho các em học hành. Ông cũng không thể dắt díu hết bầu đoàn thê tử theo ông ra vùng lửa đạn, nên phải gởi cậu trai lớn về quê ngoại Ninh Hòa và hai cậu con trai nhỏ cho hai người em trọ học ở Nha Trang. Sau này, tất cả các em và con trai đều theo bước chân ông vào quân ngũ. Có người là sĩ quan biệt động quân, người ở hải quân, không quân.

Trung Đoàn Biệt Lập của ông trở thành một đơn vị hàng đầu thiện chiến, luôn ở tuyến đầu lửa đạn. Cuộc đời ông lại gắn chặt dưới những giao thông hào, trong những lô cốt làm bằng những bao cát (được gọi là trung tâm hành quân) và đại gia đình ông bây giờ chính là những người lính chiến dưới quyền, cùng ông sống chết, nhục vinh.

Với khả năng lãnh đạo chỉ huy, đức tính cương trực liêm khiết, cùng bao nhiêu kinh nghiệm chiến trường, ông được tướng Ngô Quang Trưởng, điều về làm Tư Lệnh Phó cho một Sư Đoàn thiện chiến vào bậc nhất miền Nam. Một Sư Đoàn đã tạo nên bao chiến tích lẫy lừng cùng những vị Tư Lệnh và nhiều cấp chỉ huy nổi danh một thời của Quân Lực: Ngô Quang Trưởng, Phạm văn Phú, …, Lê Huấn, Võ Toàn, …

Đầu tháng 3/75, sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, Quân Đoàn II có lệnh triệt thoái khỏi Cao Nguyên theo Tỉnh Lộ 7. Một cuộc lui binh tồi tệ nhất trong lịch sử chiến tranh. Tướng Ngô Quang Trưởng đau đớn nhận lệnh bỏ Quân Đoàn I, trong khi người bạn đồng minh phủi tay và chính quyền trung ương cùng cả một hậu phương rối ren, hổn loạn. Sư Đoàn của ông cũng cùng chịu chung số phận. Vị Tư Lệnh cùng vài vị trung đoàn trưởng tử nạn trực thăng, không ai tìm ra tung tích. Ông nhìn cả một đại gia đình tan tác mà trong lòng như có trăm ngàn vết chém. Cuối cùng ông cũng phải rời khỏi vùng đất địa đầu miền Nam, nơi có những người lính anh hùng,giẫm lên xác thù, cấm cờ trên Cổ thành Quảng Trị, có cố đô của một triều đại cũng từng một thời dẹp Bắc bình Nam, mở rộng cả một vùng giang sơn bờ cõi, nơi đã hơn 30 năm đứng vững trong bom đạn hung hãn của kẻ thù và những tranh chấp hận thù của những người nhân danh tôn giáo. Ông đã phải cắt ruột mà đi, không những chỉ bỏ lại máu xương, bao nhiêu nấm mồ đồng đội, cùng với những chiến tích vang dội một thời, mà còn cả một đứa con trai, cũng là lính chiến, rút lui theo đoàn quân lên tàu, nhưng chẳng bao giờ tới bến. Người con trai của ông đã nằm lại vĩnh viễn ở một nơi nào đó cùng với đồng đội – những chiến sĩ vô danh .

Như một phép màu, ông Trương đã được bốc đi vào đúng giờ thứ hai mươi lăm của cuộc chiến, khi địch quân cấm lá cờ oan nghiệt nửa đỏ nửa xanh trên nóc ngôi nhà ” Dinh Độc Lập”. Hôm đó người ông đi, mà hồn ông vẫn còn ở lại trên quê nhà.

Đến Mỹ, ông tìm một nơi tạm cư vắng vẻ, cùng với một gia đình không trọn vẹn, sống âm thầm những tháng ngày còn lại. Ông tìm lãng quên trong sách vở, với những đứa cháu nội ngoại không hề biết quê hương nơi ông sinh ra và cả một đời chiến chinh và nỗi đau cắt ruột. Niềm vui duy nhất của ông bây giờ là tìm lại những đồng đội ngày xưa, nhắc nhớ nhau một thời trận mạc. Nhưng vui đó rồi lại buồn đó, khi bất chợt có ai nhắc lại tên một người đã mất hoặc vẫn còn sống mà khốn khổ lạc loài trên chính mảnh đất quê hương.

Những lúc rảnh rỗi, ông đóng cửa phòng, đọc sách, hồi tưởng lại cả một chuỗi quá khứ của đời mình, nhớ lại từng chi tiết trong các trận đánh, phân tích các điều thành bại rồi viết lại và lưu giữ trong computer. Lâu lâu ông lại mở ra đọc, nghiền ngẫm hằng giờ. Rồi thở dài. Ông tiếc thầm, vì những kinh nghiệm có được từ bao nhiêu máu xương này không còn biết đem truyền lại cho ai.

Nhiều lúc ông da diết nhớ quê, nhớ mồ mả cha mẹ tổ tiên, nhưng ông không bao giờ có ý nghĩ trở về, dù chỉ một lần, và chỉ một đôi ngày ngắn ngủi. Bởi một lý do đơn giản: ông nghĩ nơi ấy không còn là quê hương ông ngày xưa, mà chỉ còn là một vùng đất lạ lẫm, mà mỗi ngày, mỗi một phút, lũ cầm quyền vong bản, hèn mạt, bất tài, đua nhau bán rẻ quê cha đất tổ, cướp đi từng hạt cát của biển, hạt lúa của ruộng đồng, từng cành cây của rừng, từng tảng đá của núi và cả những giọt nước mắt, mồ hôi của những người dân khốn khổ, trong đó có nhiều người bà con của ông đã gần 50 năm chưa hề gặp lại. Ông cũng hổ thẹn, thấy chính mình có lỗi khi để quê nhà lọt vào tay bọn giặc man rợ, bất lương.


Suốt một tuần nay, buổi sáng nào, sau khi thức dậy, ông cũng rón rén đến bàn thờ, tìm hai món quà mà ông bà sui đã tặng : một chiếc nón lá và một bao nilon chỉ toàn là cát.

Hôm nay, ông ngồi thật lâu, dường như suy nghĩ một điều gì quan trọng lắm. Cuối cùng, ông đi tìm chiếc ghế, đứng lên đóng một cây đinh vào vách phòng khách, nơi mà trước đây ông luôn dặn dò, nhắc nhở vợ con mình không được làm điều ấy. Ông trịnh trong treo chiếc nón lá lên đó. Rồi ông lùi ra nhìn chiếc nón. Bất chợt trong nhạt nhòa nước mắt, ông nhìn thấy bóng dáng mẹ ông, nhớ tới bài văn xuôi rất học trò của ông Thanh Tịnh, mà ông đã thuộc lòng từ thời tấm bé :

“….Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã đi lại lắm lần..”. Hôm ấy mẹ ông cũng đội một chiếc nón lá .

Nhớ tới bao nilon cát, ông tìm một tấm nhựa mới, đổ hết cát từ trong chiếc bao hai lớp, lên tấm nhựa. Những hạt cát mà ông bà sui của ông đã hốt lên từ bãi biển ở quê ông, nơi mà thời còn nhỏ dại ông thường tụ tập tại đây tắm biển, vui đùa với đám bạn bè con nít, reo hò đón những chiếc ghe đầy cá của những bác ngư ông láng giềng trở về từ biển cả. Ông lấy cái lư hương trên bàn thờ xuống, lau chùi bên trong sạch sẽ, lót lên một tấm vải màu đỏ, rồi trịnh trọng bốc từng bốc cát bỏ vào. Những hạt cát đối với ông bây giờ là những hạt ngọc, trong lóng lánh ông tưởng chừng như bao nhiêu đôi mắt của người thân, của đồng đội, bạn bè, dù còn sống hay đã chết, bây giờ biền biệt ở nơi nào đó, mịt mờ trong cõi hư vô.

Ông chỉ bỏ vào chiếc lư hương một nửa số cát, nửa còn lại ông gói thật kỹ vào tấm vải đỏ, rồi bỏ vào trong một chiếc hộp thiếc, vốn là hộp trà kỷ niệm lễ cưới của thằng con trai út.

Ông dặn lòng, tối nay, ông sẽ thức khuya một đêm nữa, viết tờ di chúc cho vợ và các con. Cả một đời ông đã bỏ lại quê nhà, sang xứ người khi tuổi đã về chiều, ông chỉ còn biết đem hết công sức nuôi nấng, dạy dỗ các con. Trời không phụ lòng ông, tất cả con cái đều đã nên người, hiếu thảo. Mai này, khi nhắm mắt ra đi, ông cũng chẳng còn gì để lại, ngoài cuốn nhật ký ghi lại đời mình. Và bây giờ có thêm chiếc lư đồng, trong đó chỉ có những hạt cát quê hương, mà ông xem như “vật gia bảo” trên bàn thờ tiên tổ. Nửa số cát còn lại, ông cất kỹ dưới đầu giường và xin vợ con ông sẽ rắc trên di thể của ông trước khi đậy nắp quan tài.
Ông hình dung tới những chiếc lá trong cơn bão, tả tơi, tan tác, bị cuốn đi trong trời đất mênh mông, để không bao giờ được rơi về với cội. Lòng thấy xót xa. Bỗng bất chợt, ông nhìn lên bàn thờ, mắt ông sáng lên, rạng rỡ, khi nghĩ rồi đây bên cạnh mình còn có nắm cát của quê hương.

phạm tín an ninh

Sài Gòn Trong Những Ngày Cuối Cùng – Người Thủy Thủ Già

Thủy thủ già (Trần Hương Khóa 9/NT)

Sau khi các Đơn Vị Hải Quân của Vùng I, Vùng II Zuyên Hải và TTHL/HQ rút về Sài gòn, thì khu vực Hải Quân trở nên náo nhiệt, từ Cát Lái cho đến trại Bạch Đằng. Áp lực của Việt Cộng ở phía Bắc Sài gòn càng ngày càng trở nên nặng nề.

Phi cơ phản lực A37 có huy hiệu của Không Quân VNCH, phát xuất từ Phan Rang, dội bom Dinh Độc Lập. Phi trường TSN, máy bay Mỹ lên xuống liên tục để di tản “non-essential personnel” của tòa Đại Sứ Mỹ và của các hãng thầu. Một số đồng bào Việt Nam “lạnh cẳng” cũng xô đẩy nhau vào….ăn có.

Pháo binh của Cộng Sản nhả đạn liên tục “giã nát” phi trường Tân Sơn Nhất và trại Hoàng Hoa Thám của Sư Đoàn Dù. Vài quả rơi vào thành phố Sài gòn giết đồng bào một cách vô tội vạ. Có một quả rơi vào cư xá Hải Quân Lê Thánh Tôn, làm phu nhân Đại Tá Nguyễn Hiền Năng, K3/SQNT, bị tử thương.

Sợ đạn pháo kích tiếp tục rơi vào khu vục Hải Quân gây thiệt hại cho gia đình, tôi bàn riêng với Phó Đề Đốc TMT/HQ về việc đưa 2 gia đình chúng tôi đi Phú Quốc lánh nạn, còn chúng tôi ở lại tử thủ với Đô Đốc Tư Lệnh. Phó Đề Đốc Thủy đồng ý và tìm cho tôi 16 vé Air Vietnam đi Phú Quốc. Đến ngày lên phi cơ, thì phi trường TSN đóng cửa vì bị hư hại nặng nề sau trận pháo kích của Cộng Quân. Trong cái rủi cũng có cái may, nếu 2 gia đình đi Phú Quốc một cách suông sẻ, thì khi hạm đội rời hải phận Việt Nam, hai gia đình chúng tôi sẽ bị mất liên lạc. Trường hợp nầy nếu xẩy ra chắc tôi phải theo tàu Việt Nam Thương Tín trở về Việt Nam với Trần Đình Trụ, K8/SQHQ/NT vì dường như gia đình Trần Đình Trụ cũng đang chờ anh ở Phú Quốc.

Các đơn vị Hải Quân được lịnh cấm trại 100%. Để giữ vững lòng tin và tránh cảnh hỗn loạn có thể xẩy ra như trường hợp của cuộc tan vỡ của Quân Đoàn I và Quân Đoàn II, Tư Lệnh HQ nghiêm khắc chỉ thị: “Hải Quân không có kế hoạch di tản”. Có một vài anh em không nghiêm chỉnh thi hành lệnh cấm trại, trốn về nhà với gia đình, nên khi hạm đội rời Sài gòn các anh bị kẹt lại. Sau nầy gặp lại tôi ở Mỹ, các anh nầy trách ĐĐ/TL ra đi không cho họ biết,… Oh, well!!

Trong thời gian đó có một vị Đơn Vị Trưởng của một đại đơn vị âm thầm, đơn phương “vẽ” một kế hoạch (di tản) đưa tàu ra biển kể cả việc (theo lời đồn) chỉ thị một Dương Vận Hạm (LST) neo tại Nhà Bè chờ lệnh. Đặc biệt kế hoạch nầy sẽ không có “chỗ trống” cho CNO. Kết quả là vị Đơn Vị Trưởng nầy bị giải nhiệm …. . tout suite! (ngay tức khắc).

Các “cố vấn” Mỹ như Đại Tá Joe Gildea ra vào BTL/HQ với gương mặt khẩn trương và tự đặt mình trong tình trạng báo động. Bên người luôn luôn đeo theo một radio transistor ở vị trí “ON” để chờ nghe bản nhạc..Ngựa Phi Đường Xa. Việc phòng thủ khu vực Hải Quân được chia làm 3 Phân Khu do Đại Tá Bùi Kim Nguyệt, K3/SQNT và Trung Tá Tòng, K7/SQNT, chỉ huy. Phân Khu I- công trường Mê Linh do Trung Tá Xuân, K10/SQNT, đảm trách; Phân Khu II – HQCX, do Đại Tá Trần Văn Triết, K7/SQNT, trách nhiệm; Phân Khu III – trại Cửu Long (không nhớ tên). Trung Tá Xuân, CHT Tổng Hành Dinh, cũng là một trong số bạn sinh tử với tôi, mở kho vũ khí trao cho tôi 2 khẩu M18 để thường trực trên xe jeep….phòng thân.

Chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975, tôi qua BTL/HQ thì gặp Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy, TMT/HQ và ông cho biết ông vừa đại diện Đô Đốc Tư Lệnh lên gặp Tổng Thống và được Tổng Thống Dương Văn Minh chỉ thị: “Kể từ giờ phút nầy, các anh được toàn quyền quyết định cho đơn vị mình”, Đô Đốc Thủy còn nói thêm với tôi “mình sẽ rời Saigon đêm nay”. Lúc đó vào khoảng 2 giờ chiều ngày 29 tháng 4, năm 1975. Trên bầu trời Sài gòn lúc đó tràn ngập trực thăng loại đổ bộ của US Marine, ồn ào như đàn ong vỡ tổ cộng với tiếng gầm như gào thét của phản lực cơ hộ tống của US Navy, đáp lên, đáp xuống ở điểm hẹn” để rước “American Citizens và American Buddies” ra hàng không mẫu hạm, ngoài khơi Vũng Tàu. Trước cảnh hỗn loạn đó làm cho lòng tôi cảm thấy bồi hồi, muốn rơi nước mắt. Tôi hồi tưởng lại vài năm trước, một ký giả ngoại quốc ôm máy ảnh ngồi chờ ở nhà hàng Continental để chụp tấm ảnh đầu tiên khi T54 của Cộng Sản tiến vào Sài gòn, tôi cười……no kidding! Nhưng bây giờ tôi mới biết mình là thằng khờ.

Theo kế hoạch của Đô Đốc Tư Lệnh, nếu Saigon thất thủ thì tất cả hạm đội và các đơn vị yểm trợ rút ra ngoài biển, tập trung rồi kéo về miền Tây cố thủ.

Với một người không có căn bản quân sự thì việc đưa Hạm Đội ra khỏi Sài gòn là một hành động “tháo chạy” nhưng với cá nhân tôi thì đó là một quyết định “di binh chiến lược” để bảo toàn lực luợng và tiềm năng chiến đấu của QLVNCH. Đó là quyết định cuối cùng (không có sự lựa chọn) chỉ cần chờ giờ ..G ….để xuất phát. Thủy trình của hạm đội từ Sài gòn ra biển phải theo hai thủy lộ: sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp, nếu đặc công đánh chìm tàu buôn để “khóa” hai con sông này thì Hải Quân ta như cá nằm trên thớt. Việt Cộng sẽ dùng hỏa công (trọng pháo) đốt chúng ta không còn……..manh áo va-rơi.

Giờ … .G … đã tới!

Tôi từ giã Đô Đốc TMT về văn phòng thu dọn giấy tờ và tìm cách đón gia đình tôi, ở bên cư xá Văn Thánh, chỉ cách HQCX bằng một con kinh. Tôi không có dịp từ giã CHT tôi là Đại Tá Ngô Khắc Luân và sỹ quan trong bộ tham mưu.
TRAM QUAN CANH HAI QUAN TAI CONG TRUONG LAM SON TUONG DUC TRAN HUNG DAO

Các nút chặn Mê Linh và Cường Để đã khóa kín vì dân chúng ở ngoài quá đông chỉ chờ có lỗ trống thì tràn vào. Tôi tự nghĩ, mình có thể ra, nhưng chưa chắc mình và gia đình có thể trở vào.

Tôi trở vào HQCX để tìm phương thức khác, thời may lúc đó có một chiếc LCVP của TTHL/Bổ Túc đi chợ Thị Nghè, tôi nhờ mấy anh em thủy thủ đưa qua “kinh Văn Thánh”, ủi bãi cạnh nhà Tr/Tá Tòng, Tư Lệnh Phó/BTL/HQ/BKTD. Tôi đứng giữ tàu, tay thủ khẩu M18 (bây giờ đổi tên là AR 15, weapon of choice của mấy anh Red Neck), nhờ anh thủy thủ vào nhà tôi và đón gia đình tôi xuống tàu. Cùng lúc cũng có gia đình anh Hoàng Thế Thái, K8/SQNT, cùng tháp tùng qua sông. Trên bờ, mấy anh lính TQLC cầm súng M16 bắn chỉ thiên mấy phát, miệng la lớn “tụi nó chạy rồi tụi bay ơi!”. Tôi sợ mấy anh nầy mất bình tĩnh, chĩa súng về phía chúng tôi thì rất nguy hiểm. Tôi cho LCVP rút ra ngay để về cặp cầu bên HQCX. Khi rời tàu, chúng tôi và gia đình anh HTT chia tay, tôi phải đưa gia đình tôi đi “gửi” tạm một nơi an toàn để tôi có thể trở lại đón khi cần. Tôi chỉ có đủ thì giờ đón được vợ và hai con, còn cha mẹ, anh em đều bị kẹt lại vì không có chuẩn bị trước.

Sau nầy anh HTT đã tố khổ tôi với một số bạn bè và nói những điều không tốt về tôi. Trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng đó, mạnh ai nấy tự lo cho mình chứ không ai có khả năng và phương tiện để lo cho người khác. Vào phút chót, chính ông Tư Lệnh HQ, tôi và mấy cận vệ cũng không biết mình sẽ lên chiến hạm nào trong khi các chiến hạm lớn đã tháo dây ra lênh đênh giữa dòng.

Tôi trở lại BTL/HQ, Trung Tá Nguyễn Tuấn Khanh, Chánh Văn Phòng TL/HQ, thấy tôi mừng rỡ và bỏ nhỏ: “Anh H. ở lại với Tư Lệnh, tôi còn phải về đón gia đình”. Khanh, K10/SQNT, khoá sau tôi nhưng chúng tôi là bạn thân, đặc biệt là có chung một lập trường, nên việc bảo vệ cho Đô Đốc Tư Lệnh là trách nhiệm chung và ĐĐ Tư Lệnh tin cậy chúng tôi một cách tuyệt đối. Trung Tá Khanh rời BTL/HQ và không trở lại được. Toán bảo vệ an ninh cho Đô Đốc Tư Lệnh chỉ còn tôi và 5 anh Cận Vệ: Thuận, Thâu, Phúc, Quang, và Vân, các anh em nầy đều là hạ sỹ quan Hải Quân và họ đã sống gần gũỉ với Tư Lệnh nhiều năm.

Tôi đi một vòng ngoài văn phòng Tư Lệnh, tôi thấy có hai người đàn ông mặc thường phục, mặt rất khẩn trương, tôi chào xã giao nhưng không gợi chuyện. Về sau tôi mới biết là người nhà của Tổng Thống Dương Văn Minh.

Tôi đang sắp đặt công việc với các anh cận vệ thì có một anh quân cảnh từ công trường Mê Linh vào gặp tôi và cho biết: Có một Đại Tá Dù muốn gặp tôi gấp. Anh QC liền lái xe đưa tôi ra nút chặn, tôi thấy Tường, bạn cùng khóa với tôi ở trường CH&TM Long Bình, đứng ngăn cách với tôi bằng 5 lớp hàng rào ‘kẽm gai”. Tường nhìn tôi mừng rỡ, rơm rớm nước mắt, nói qua giọng nghẹn ngào: “Căn Cứ của tao bị pháo cháy hết rồi H. ơi!”. Tường cho biết anh đã đứng chờ hơn 4 tiếng đồng hồ tại đây nhưng không thể nào vào đuợc.

Trời xui, đất khiến, click! Một ánh sáng chớp trong đầu, anh bỗng nhớ tên tôi, nên nhắn tin cầu cứu. Tôi nhìn kỹ thấy Tường và gia đình đứng lố nhố bên cạnh chiếc jeep. Tôi nhờ các anh quân cảnh kéo mấy “con ngựa kẽm gai” cho gia đình Tường đi qua. Cũng như gia đình anh HTT, tôi để Tường và gia đình tự tìm phương tiện ra biển vì tôi còn phải trở lại với Tư lệnh.

Tường và tôi mất liên lạc kể từ chiều hôm đó, cho đến đúng 39 năm sau (29 Tháng 4 Năm 2014) Tường và tôi mừng rỡ “gặp nhau” qua điện thoại. Tường cho biết hắn và gia đình, đêm đó ra khơi bằng HQ 502. Và hắn cũng không quên kể cho tôi sự gian truân khi tìm nhảy một “sô (saut) bồi dưỡng” cuối cùng bằng tàu thủy. Tường cũng báo cho tôi tin buồn là Tr/Tá Trần Văn Vinh, CHT/TTHL/ND, cùng học khóa CH&TM với chúng tôi đã qua đời trong trại tù cải tạo.

Khi Trung Tá Khanh rời BTL/HQ, không có trao cho tôi kế hoạch di-tản, tôi cũng không nhận được khẩu lệnh của Đô Đốc nên tôi tự hoạch định, sắp xếp cho cuộc ra đi được an toàn và suông sẻ.

Vào lúc 6 giờ 30 tối, tôi chỉ thị một anh cận vệ về tư dinh Đô Đốc để đón gia đình Đô Đốc Tư Lệnh và gia đình tôi.

Vào lúc đúng 7 giờ (1900H) trời vừa sập tối, tôi thấy những chiến hạm lớn đậu ở cầu B và các cầu tàu trong HQCX đã tháo giây ra giữa dòng. Tôi mời Đô Đốc Tư Lệnh lên đuờng.

Tôi dẫn đầu với một thủy thủ tên Tiếng (nhân viên theo tôi trong những ngày cuối cùng), hướng dẫn Đô Đốc Tư Lệnh và gia đình theo sau, 5 anh em cận vệ chia nhau bảo vệ hai bên sườn và đoạn hậu. Tất cả chúng tôi đều trang bị M18 (7 khẩu) cho gọn gàng, riêng tôi còn có thêm một khẩu “rouleau” nhỏ ngắn nòng, bên hông. Đoàn người rời văn phòng Tư Lệnh và đi về hướng cầu A vì nơi đây còn có 2 chiếc PGM, mũi hạ giòng, chưa vào nhiệm sở vận chuyển.

Quãng đường tuy ngắn nhưng tôi cảm thấy…quá dài và rất nguy hiểm, tinh thần chúng tôi căng thẳng và cảnh giác vì sự bất trắc có thể xẩy ra trong chớp mắt.

Đoàn người lầm lũi đi trong bóng đêm. Công trường Mê Linh súng nổ liên hồi, anh em quân cảnh bắn dọa chỉ thiên để chặn sự hỗn loạn và đập phá chướng ngại vật. Ngoài phố dân chúng chạy ngược chạy xuôi mặt mày hơ hãi. Trên sông Sài gòn, PCF và PBR đảo tới, đảo lui …at full speed, quậy sóng cuồn cuộn.

Cau B BTL Hai Quan ngay 30 thang 41975.

Khi đoàn “công voa” đến cây cầu nhỏ, nối liền Bến Bạch Đằng và cầu A, thì một số thủy thủ bỏ tàu đi ngược về phía chúng tôi. Chúng tôi xuống chiếc PGM đầu tiên, cặp ở vị trí trong cùng, không thấy sỹ quan hiện diện mà chỉ có một số ít thủy thủ đứng trên boong tàu, trạng thái hỗn xược, miệng la to “tàu không đi, tàu không đi”.

Chúng tôi trèo qua chiếc PGM ngoài cùng thì gặp Đại Úy Trần Minh Chánh (con trai Đề Đốc Trần Văn Chơn) và Đại Tá Nguyễn Văn Ánh, còn những vị khác hiện diện trên tàu, trong giai đoạn khẩn trương nầy, tôi không để ý. Tôi yêu cầu Đại Úy Chánh đưa chúng tôi rời khỏi Sài gòn. Đại Úy Chánh, Hạm Trưởng PGM, ngần ngừ một chút rồi trả lời: “tàu vừa đi công tác về và vừa lấy dầu xong, chúng tôi không có ý định rời Việt Nam vì ba tôi (ĐĐ Chơn) và gia đình còn ở lại, và kể cả gia đình của thủy thủ đoàn”. Nhưng sau một phút suy nghĩ, Đại Úy Chánh lại nói với tôi: “Tôi đưa quý vị ra đến biển rồi chúng tôi sẽ quay trở về”.

Hạm Trưởng Trần Minh Chánh liền ra lệnh tháo giây, HQ 601 từ từ tách bến, khởi đầu cho Đêm Giang-Hành Lịch-Sử.

HQ 601 rời Sài gòn, không đèn hải hành, âm thầm di chuyển trong đêm. PCF và PBR vẫn ngược xuôi quậy sóng bao quanh các chiến hạm như để hộ tống, luyến tiếc tiễn đưa những người bạn, đã một thời chiến đấu bên nhau, ra khơi lần cuối.

Kho đạn Thành Tuy Hạ bị pháo kích bốc cháy sáng rực một góc trời, bom, đạn nổ ầm ầm liên tục. Hạm đội từ chiếc, từ chiếc, nối đuôi nhau vận hành ra biển. Thành phố Sài gòn về đêm đang hấp hối trong ánh đèn không đủ sáng.

Đô Đốc Tư Lệnh ngồi ở ghế hạm trưởng, gương mặt khẩn trương. Tôi đứng bên cạnh, tôi đặt một tay vào tay ông, tôi cảm thấy tay ông run run xúc động. Trách nhiệm của ông quá lớn, liên quan đến Hạm Đội và hơn 40,000 binh sĩ dưới quyền. Những gì sẽ xẩy ra trong những ngày sắp tới?

Tàu rời bến Nhà Rồng, rồi qua Nhà Bè và dưới sự chỉ huy khéo léo và kinh nghiệm của Hạm Trưởng Trần M Chánh HQ 601 đã ra đến biển một cách bình an. Riêng HQ 1 bị mắc cạn và HQ 502 bị Việt Cộng “pháo” trực xạ tại cửa Cần Giờ lúc 3 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Chúng tôi lên HQ 3 do Trung Tá Nguyễn Kim Triệu, K7/SQNT, làm Hạm Trưởng. Tôi nhận thấy sự có mặt của Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng và Đại Úy Armitage (Phú). Trong lúc rời HQ 601 một cách vội vã, tôi không kịp bắt tay từ giã Đại Úy Chánh và nói tiếng cám ơn, thật là một điều sơ xuất. HQ 601 hoàn tất nhiệm vụ và quay trở về Sài gòn.

TDH Tran Nhat Duat HQ3 tai dao Con Son ngay 30-4-1975.

HQ 3 trở thành soái hạm của Hạm Đội di tản. Đô Đốc Tư Lệnh, qua máy truyền tin, chỉ thị tất cả chiến hạm tập trung tại Côn Sơn chờ lệnh.

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, trên máy phóng thanh, Tổng Thống Dương Văn Minh chỉ thị tất cả đơn vị còn đang chiến đấu “buông súng đầu hàng” để bảo vệ sanh mạng, xương máu của lính và dân.

Từ trong Côn Đảo, anh em Địa Phương Quân và giới chức quản lý nhà tù bơi xuồng túa ra xin được theo tàu Hải Quân rời đảo. Nhân viên chiến hạm yêu cầu họ thả súng xuống biển trước khi lên tàu.

Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử. Nước mất, nhà tan, chúng ta, những người Chống Cộng bảo vệ Tự Do, bỗng trở thành những người Vô Tổ Quốc. Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ vẫn tung bay trên các kỳ đài chiến hạm đang hải hành ngoài hải phận quốc tế nhưng đối với thế giới thì ngọn cờ nầy không còn tồn tại….

THẾ LỰC ĐEN TỐI MUỐN CẦM TÙ …… ĐẠI DỊCH VÀ NHỮNG BÍ ẨN

(Những chuyện kinh hoàng về Dr. Fauci và CDC)Huong Nguyen: Lời giới thiệu: Hôm qua xem được video này, càng xem tôi càng thấy kinh hoàng, mặc dù đã biết nó sẽ là như thế. Có người muốn tôi dịch lại bài này. Tôi thấy quá hay nên bỏ nguyên ngày hôm nay dịch ra để làm tài liệu. Tôi cũng gặp vài trở ngại như laptop shutdown vì hết pin, rồi cái video bị Youtube gở mất, phải đi tìm lại.


Hy vọng các bạn đọc qua để hiểu thế giới này ma quỷ như thế nào, Bác Sỹ Judy Mikovitz đã hy sinh sự tự do cũng như danh vọng của bà để giống lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho ngành y tế Mỹ đã bắt đầu đi vào đường cùng. Những cơ quan tham nhũng thối nát như CDC và FDA, những con người tham danh vọng và tiền bạc như Anthony Fauci. Họ kiểm soát nguồn thuốc men của chúng ta. Họ chỉ cho chúng ta uống loại thuốc nào có lợi cho họ chứ không phải tốt cho chúng ta.
God bless Dr. Judy Mikovitz.
Và các bạn đọc nhanh và chia sẻ trước khi bị lấy xuống như cái video này.


o0o


Bác sỹ Judy Mikovitz là một bác sỹ thành công nhất trong thế hệ của bà. Năm 1991 bà trình bày một luận án tiến sỹ với tựa đề Lối Chữa Trị Đột Phá Bệnh SIDA.
Trong khi nghề nghiệp của bà đang lên dỉnh điểm, bác sỹ Mikovitz đăng bài nghiên cứu nổi tiếng của bà trên tờ báo Science. Bài báo có tính cách bàn cãi này đã tạo nên một cơn chấn động trong giới khoa học, khi nó tiết lộ những lối dùng mô tế bào của bào thai con người cũng như thú vật có thể làm khởi phát ra bệnh truyền nhiễm lan truyền nguy hiểm.
Cũng vì tìm ra chuyện bí mật chết người này, những công ty bào chế thuốc lớn đã khai chiến với Bác Sỹ Mikovitz. Họ tìm cách tiêu diệt tên tuổi, nghề nghiệp cũng như cuộc sống riêng tư của bà.
Ở thời điểm nguy hiểm của tổ quốc hiện nay, bà lên tiếng và chỉ tên những người lũng đoạn kiếm lời trong đại dịch đã đưa con người đến sự nguy hiểm. Vì bà đã tìm ra bí mật và đi ngược lại những gì họ tuyên truyền nên họ tìm cách thủ tiêu bà.
Bà bị bắt, ra toà không được nói câu gì. Và cũng không được lên mạng xã hội tuyên bố gì [gag order] trong vòng 5 năm và nếu bà mở miệng họ sẽ tìm bằng chứng khác để xử bà và bỏ tù bà trở lại. Bà nói: “Đã có nhiều lần tôi bật khóc, vì không có bằng chứng gì nhưng họ dùng quyền lực để tàn phá vị trí tín dụng tốt trong xã hội của tôi, và tôi phải khai phá sản. Để tôi không thể đưa ra 97 người nhân chứng gồm xếp của Bác sỹ Anthony Fauci, Ian Lipkin Giám Đốc của Bộ Y Tế và HHS [Health and Human Service]. Đương nhiên là họ phải xuất hiện trước toà án để chứng minh chúng tôi không làm gì sai cả.”
Họ không có gì để kết tội tôi cả nhưng tôi phải ngồi tù, họ gọi tôi là người chạy trốn công lý [fugitive from justice]. Họ đến bắt tôi mà không có trát toà, họ đến và lôi tôi ra khỏi nhà trước mặt hàng xóm tôi, họ lục lọi nhà tôi cũng không có giấy tờ, họ làm cho chồng tôi khủng hoảng trong 5 ngày liền. Họ nói nếu bà không tìm ra quyển tập ghi chú, mà lúc đó tôi không có giữ. Họ tìm cách bỏ nó vào nhà tôi làm như tôi ăn cắp nó từ phòng thí nghiệm mang về nhà.
Tôi có thể chứng minh rõ ràng rằng tôi không có lấy nó về. Họ thông đồng với nhau để phá huỷ thanh danh của tôi. Bộ Tư Pháp và FBI giấu diếm vụ này làm như vụ này không có, để luật sư của tôi không làm gì được. Vì thế họ đã lấy hết quyền hiến định của tôi, cả cho đến ngày nay.
Nhiều người như bà thì họ đã về hưu nhưng bà lại không, khi lệnh cấm nói [gag order] đã kết thúc, bà lại tiếp tục tranh đấu, viết một quyền sách với tựa đề “Dịch Tham Nhũng” (Plague of Corruption) để mang lại lòng tin tưởng và hứa hẹn của khoa học, và bà cũng chỉ đích danh những người tham nhũng. Họ đã không thành công khi muốn bịt miệng bà.
Khi được hỏi sao bà quá tự tin để tố cáo họ, khi bà rời khỏi căn phòng này thì sao? Bà nói nếu chúng ta không ngưng họ ngay bây giờ, thì tổ quốc và tự do của chúng ta kể như hết, và họ sẽ giết hết chúng ta với chương trình của họ.
Vây Anthony Fauci, người đứng đầu nhóm người đặc biệt nghiên cứu coronavirus của TT Trump có liên quan đến việc che giấu này, không những thế ông là người hướng dẫn họ, và mọi người được trả bằng một số tiền rất lớn, cả triệu đô, được cung cấp bởi Tony Fauci và cơ quan của Dr. Fauci. Những nhân viên điều tra cho tới nay vẫn còn được trả tiền bởi NIAID [National Institute of Allergy and Infectious Diseases], và thế giới vẫn còn lắng nghe lời hướng dẫn của ông này về vấn đề đại dịch.
Được hỏi làm sao chúng ta biết học hỏi được gì từ Dr. Fauci? Bà nói, chỉ toàn là tuyên truyền thôi, sự tuyên truyền này đã giết chết hàng triệu người từ năm 1984. Chính Fauci nói, “Chúng ta biết từ nghiên cứu rất rõ ràng rằng, sẽ có sự trì hõan khá lớn nếu người nào đó không chịu uống thuốc này!”
Vụ này bắt đầu khi tôi mới 25 tuổi, tôi phải phân tích nước miếng và máu từ bệnh nhân SIDA từ bên Pháp. Lúc đó Luc Montagnier [Bác sỹ của viện Pasteur Pháp] đã thành công tìm ra con virus SIDA này, nhưng Tony Fauci và Robert Gallo đang tìm cách thay đổi chiều hướng của khám phá này sang hướng khác. Lúc đó Bác Sỹ Rossetti đi xa, bài viết đang được đăng và họ muốn một bản sao. Bà không chịu giao bản sao vì nó nằm trong chế độ mật.
Fauci la lên và đòi bà đưa bản sao ngay cho ông, nếu không, ông doạ sẽ đuổi bà vì không nghe lời. Bà mới trả lời, hãy đợi Bác Sỹ Rossetti về rồi ông nói chuyện với ổng. Bác Sỹ Rossetti trở về, nhưng vài tuần sau cũng bị áp lực để giao bàn sao cho Fauci.
Fauci giữ hồ sơ này không cho đăng báo trong vài tháng, trong khi Robert Gallo tự viết bài nghiên cứu (chắc sao bản báo cáo này) để làm của riêng. Cũng như làm bản chủ quyền. Vấn đề này đã làm chậm lại việc tuyên bố con virus SIDA làm rất cho dịch này lan tràn và giết hàng triệu người. Dĩ nhiên không ai đau khổ về bệnh SIDA hơn là nhà báo Larry Kramer ở New York. Anh ta rất hận chính phủ và những công ty làm thuốc. Người biết rõ vấn đề này hơn ai hết là Anthony Fauci.
Bà nói, tôi đâu bao giờ nghĩ những nghiên cứu của tôi năm 1999 làm họ tránh né. Họ đã tránh né từ năm 1982, 1983 khi tôi tìm ra con virus. Nhưng tại sao mãi đến năm 1984 họ mới xác nhận, họ đã làm bao nhiêu người bên Africa chết, nguyên thế hệ họ chết. có phải tại một nhóm người xem họ là trên hết gồm ngay cả Robert Redfield, người đang đứng đầu CDC, và cả Tony Fauci họ hợp tác để làm tiền, lấy tiếng, lấy bằng chủ quyền, và sửa đổi về cách chữa trị IL2. Đó là cách chữa trị sai lầm, nếu không có nó cả triệu người đâu có chết từ bệnh SIDA.
Được hỏi những người có quyền thế để khuyên thế giới cách chọn thuốc chữa dịch mà lại có bằng chủ quyền bán thuốc vaccine vậy có xung đột lợi ích không? (conflict of interest). Bà trả lời, “đương nhiên là xung đột lợi ích, và tôi muốn TT Trump cho gỡ bỏ luật Bayh-Dole Act. Luật này cho phép nhân viên chính phủ được có bằng sáng chế về khám phá của mình. Tức là vừa lãnh lương do dân đóng thuế, nhưng nếu sáng chế thì đưa vào tên mình.
Từ khi có luật đó năm 1980, nó đã tàn phá khoa học, và càng ngày càng có nhiều vấn đề xung đột lợi ích. Và đây là những tội ác khi để một người như Bill Gates với tài sản nhiều tỷ đô la, không có bằng bác sỹ, cũng không ai bầu hắn lên chức vụ nào, mà chúng ta để cho hắn có tiếng nói trong chính phủ, trong khi chúng ta giết đi hàng triệu sinh mạng.
Bill Gates nói: “Sự bình thường sẽ không bao giờ trở lại trừ khi chúng ta chích vaccine toàn cầu.”
Chuyện là nếu chúng ta vaccine dân chúng trên thế giới, ai đó sẽ kiếm được hàng trăm tỷ đô la bán vaccine. Và cơ nguy là họ cũng có thể giết cả triệu người như họ đã làm trong quá khứ với vaccines của họ. Bác sỹ Mykovitz nói rằng hiện giờ không có một vaccine nào chuẩn bị ra lò để trị RNA virus mà hiệu quả cả.
Bà nói bà không chống vaccine, vì vaccine là cách chữa dùng kháng thể như inteferon alpha. Công việc của tôi là phát triển cách chữa trị dùng kháng thể, và nó chính là vaccine. Khi được hỏi bà có nghĩ là con virus corona được tạo ra trong phòng thí nghiệm không? Bà trả lời, tôi không muốn dùng chữ “được tạo ra”, nhưng chúng ta không thể nói nó là từ thiên nhiên mà ra, nếu nó phải qua phòng thí nghiệm. Vì thế rất rõ ràng rằng con virus này được chế biến, dòng họ của con virus này cũng bị chế biến và học hỏi trong khi thú vật cũng được đưa vào đó. Và kết quả là những con virus này bị lọt ra ngoài, cố ý hay không. Những con virus này không phải từ thiên nhiên, nó không thể nhảy từ thú vật sang người ngoài chợ được.
Nếu con virus này xảy ra từ thiên nhiên, nó đòi hỏi 800 năm mới xảy ra được. Bà cũng cho biết con virus xảy ra từ hai nơi này: Giữa phòng thí nghiệm ở tiểu bang North Carolina, Fort Dietrich, USA thuộc viện Nghiên Cứu Bệnh Truyền Nhiễm và Phòng Thí Nghiệm Vũ Hán. $3.7 triệu đô la chuyển từ CDC ở Mỹ sang trợ giúp cho phòng thí nghiệm Vũ Hán, China, nơi mà bao nhiêu người nói rằng đó là chỗ con virus này phát xuất.
Chúng ta cũng biết rằng NIAID thuộc viện Y Tế Quốc Gia do Dr. Fauci trách nhiệm cũng đã từng làm thí nghiệm chung với phòng thí nghiệm Vũ Hán về Coronavirus. Nếu Bác Sỹ Fauci không thành thật với dân chúng về vấn đề có liên hệ với phòng thí nghiệm Vũ Hán, thì Dr. Fauci phải từ chức.
Bác Sỹ Mikovitz nói, năm 1999 bà làm việc ở Căn Cứ Quân Đội Fort Dietrich của Mỹ. Bà đã dạy về sự nhiễm trùng của Ebola vào tế bào của con người nhưng không làm chết họ. Ebola không thể tấn công tế bào của con người cho đến khi chúng ta mang chúng vào phòng thí nghiệm và dạy chúng. Chúng ta không thể bỏ qua số người bị chết quá nhiều tới báo động.
Chúng ta rất dễ dàng thấy rằng chính phủ đã nghe theo từng lời nói của Bác Sỹ Birx, và lối nhìn phóng khoáng về sự chết. Nếu giả dụ chồng tôi chết về bệnh phổi COPD, thì phổi anh ta cũng giống như phổi của bệnh nhân Covid-19, mà anh ta không bị nhiễm trùng, vì thế nếu bạn không đi thử và nếu bạn vào bệnh viện thì người ta sẽ nói bạn bị Covid-19, chúng ta nghe những điều này từ BS và Y tá bất mãn. Chúng ta thấy rất nhiều bác sỹ, y tá lên mạng làm những video về những cách thức bất nhất mà CDC bắt họ tuân theo.
Một bác sỹ nói rằng, mới đây ông nhận được một tập hồ sơ nói rằng, nếu ông có một bệnh nhân 86 tuổi, nếu bệnh nhân này bị sưng phổi (Pneumonia) nhưng chưa bao giờ thử Covid-19, nhưng người này tiếp xúc với một người con chưa có triệu chứng, nhung sau này khám ra bị covid-19, nếu bệnh nhân này chết thì sẽ ghi là chết vì Covid-19.
Một bác sỹ khác nói rằng, khi ông ta viết giấy chứng nhận tử vong, ông bị ép ghi là Covid-19, ông hỏi tại sao vậy? Ông nói, có phải họ muốn con số chết vì Covid-19 tăng lên không. Ông nói là chắc vậy. Tại sao họ muốn con số chết vì Covid-19 tăng lên?
Một bác sỹ nói, “fear is another way to control people.” Sợ hãi là một cách để điều khiển con người. Đôi khi con người không thể tự suy nghĩ được vì họ quá sợ.
 Tôi không muốn điều đó xảy ra cho con người, tôi muốn mọi người nói chúng ta sẽ vượt qua sự khó khăn này. Chúng ta phải dùng đầu óc của chúng ta, bằng cách tham khảo mọi nguồn tin, lắng nghe mọi người, và chúng ta tự quyết định. Dó là lối hành động của người Mỹ.
Dr. Mikovitz nói: “Chúng ta không chết với sự nhiễm trùng, nhưng chết từ sự nhiễm trùng. Người phỏng vấn BS Mykovitz nói rằng, “Tôi có nói chuyện với một bác sỹ, người đó nói rằng nếu họ ghi người chết là vì Covid-19 thì có thể quyền lợi họ sẽ cao hơn.”
Nếu một bệnh nhân là covid-19 bệnh viện sẽ được trả $13,000, và nếu bệnh nhân đó dùng máy trợ thở (ventilator), bệnh viện sẽ được Medicare trả $39,000. Bác Sỹ Mikovitz nói tiếp, “Và họ đã giết bệnh nhân vì dùng ventillator sai.”
Một bác sỹ khác nói: “Tất cả những việc làm này không đúng tí nào, bệnh nhân trước mặt tôi, phổi cũa họ tôi tìm cách làm tốt hơn, tôi thấy rằng chúng ta theo một phương pháp không đúng, và cách xử sự sai lầm này sẽ dẩn đến những thiệt hại kinh hoàng cho rất nhiều người trong một thời gian ngắn.”
Câu hỏi kế tiếp là nước Ý, tại sao nước Ý bị thiệt hại nặng vậy? Bác Sỹ Mikovitz nói, nước Ý có một dân số khá lớn tuổi, và họ bị bệnh nhiễm trùng vào đầu năm 2019 với một loại vaccine cho loại cúm chưa được thử, với 4 loại khác nhau gồm trong đó có loại H1N1.
Trong lúc quốc gia đang vật vã với coronavirus, một câu hỏi được dấy lên, chuyện gì đã xảy ra với thuốc Hydroxychloroquine, chúng ta biết rằng Hydroxychloroquine và Zinc rất hữu hiệu cho bệnh nhân, thì ngay lúc đó Dr. Fauci xuất hiện và nói rằng, họ đã nghiên cứu giữa thuốc này và một loại thuốc vô thưởng vô phạt (Placebo), không thấy rõ hiệu quả.
Một nghiên cứu gần đây của 2300 bác sỹ trên 30 quốc gia cho thấy hydroxychloroquine (HCQ) là loại thuốc hữu hiệu nhất để trị Covid-19.
Bác Sỹ Mikovitz nói: “The AMA nói rằng bác sỹ sẽ bị mất bằng nếu họ dùng HCQ, loại thuốc chống bệnh sốt rét, loại thuốc hiệu nghiệm đã xài khắp thế giới trên 70 năm.” Đây là câu trả lời của Dr. Fauci: “Những dữ kiện đó là dữ kiện truyền miệng [anecdotal data].”
Đây không thể nào là dữ kiện truyền miệng được nếu chúng ta có cả ngàn trang giấy dữ kiện về sự hữu hiệu đối với con virus này. Chỉ tốn 50 xu một liều thuốc, chúng ta có thể cứu chữa hàng ngàn bệnh nhân trong 7 ngày, hai cữ một ngày. Đây là loại thuốc rất tốt và rẻ nhưng họ không cho dân chúng xài, không những bây giờ mà trước đây bệnh tự kỷ (autism) cũng có thể chữa trị bằng loại thuốc chống virus cũ cả trăm năm có tên là Sermon nằm trong danh sách những loại thuốc cần thiết của cơ quan WHO, nó có thể giúp trẻ em hồi phục tốt. Nhưng họ đã lấy nó đi không cho dùng nữa, bây giờ cũng không thể tìm được.
Khi họ giấu một loại thuốc nào đó, không nhất thiết phải là từ WHO, mà còn FDA, CDC, Tony Fouci, họ đóng cửa tất cả.
Khi bà được hỏi, “Có công bằng mà nói rằng những loại thuốc chưa có bằng sáng chế thì họ không được lợi lộc gì cả không, như những loại thuốc dân gian có muôn đời?”, Bà trả lời: “Đúng thế, công bằng mà nói nó là như vậy thôi. Đó là những gì đang xảy ra.”
“Trong đại dịch Covid-19, chương trình hành động là không cho thuốc chữa trị cho đến khi tất cả mọi người đều bị nhiễm trùng, rồi đẩy ra loại vaccine cúm, loại này sẽ làm tăng lên cơ nguy nhiễm covid-19 36%, và dữ liệu này tôi lấy ra từ báo cáo của quân đội khi họ bắt mọi người chích vaccine cúm, sau đó họ lại dễ bị nhiễm coronavirus hơn.”
Lúc đó thì một bác sỹ khác nói: “Điều này thật vô lý, chúng ta mang mặt nạ trong trường hợp khẩn cấp nhất thời để tự bảo vệ, nhưng chúng ta lại không mang, sao vậy? Vì chúng ta hiểu vi khuẩn học, hiểu hệ thống miễn nhiễm và chúng ta muốn có một hệ thống miễn nhiễm tốt. Hệ thống miễn nhiễm gồm những việc sờ mó, chúng ta san sẻ lọai vi trùng Staphyloccocus, Jack Takako, những con vi khuẩn. chúng ta phát triển hệ thống miễn nhiễm qua những việc làm hàng ngày này, và khi cấm làm những việc này, hệ thống miễn nhiễm của chúng ta sẽ giảm xuống. Khi chúng ta bị cách ly với xã hội, hệ thống miễn nhiễm cũng giảm xuống. Và chúng ta cách ly càng lâu thì nó càng xuống. Ở nhà, chúng ta luôn luôn rửa tay, lau chùi bàn ghế, lo lắng những chuyện mà nhờ nó chúng ta được sống.”
Một bác sỹ khác nói thêm: “Bạn biết miễn nhiễm của bạn tốt và bạn không phải là người già cả, bạn có thể ra ngoài mà không cần mặt nạ, tôi không nghĩ mọi người phải mang mặt nạ, hoặc bao tay vì chúng giảm thiểu loại vi trùng chủ [bacteria flora], vi trùng chủ và một số virus tốt là bạn của cơ thể, để chống lại bệnh tật, bây giờ không có chúng, không ai giúp chúng ta cả, nên dễ nhiễm trùng hơn.”
“Và khi chúng ta ra khỏi thời gian bị cách ly với hệ thống miễn nhiễm yếu ớt và bắt đầu đối diện với virus nguy hiểm, chuyện gì sẽ xảy ra? Bệnh tật đương nhiên sẽ tăng lên.”
“Tôi bảo đảm, khi chúng ta mở cửa, sẽ có một số rất lớn người bị bệnh.” Nền móng căn bản của hệ thống miễn nhiễm là những con vi khuẩn và vi trùng. Vậy thôi.”
Bác sỹ Mikovitz nói: “Mang mặt nạ sẽ làm khuấy động những con virus tốt của chúng ta, chúng sẽ làm chúng ta bị bệnh.” bà cũng không phải là bác sỹ sinh học đầu tiên nói ngược lại những gì đáng làm để chặn vi trùng và tạo miễn nhiễm. Tại sao chúng ta lại đóng cửa bãi biển, nơi này là môi trường tốt cho cơ thể, có những yếu tố hàn gắn làm cơ thể lành mạnh trong muối biển. Thật là khùng.
Những nhà máy lớn làm ô nhiễm môi trường và cơ thể chúng ta, có lúc chúng phải tự chiến đấu, nhưng chúng đã tìm cách khuynh đảo dân chúng, làm cho dân chống lại dân. Rốt cuộc không còn tiếng nói đấu tranh nữa trong một xã hội tự do này, một điều mà chúng ta không nghĩ là sẽ thấy trong cuộc đời này.
Tôi không ngờ những tuyên truyền từ năm 2011 đến nay mà tôi trải qua, quá mức hiểu biết của tôi, là sao xã hội có thể ngờ nghệt để cho những tuyên truyền này chia rẽ chúng ta, ghét nhau. Hy vọng sau vụ này người Mỹ sẽ tỉnh giấc và chúng ta sẽ thắng nếu không nó sẽ dùng chương trình này với những tin tức này và đối với tôi nó là một tin tốt vì các bác sỹ đã thức tỉnh, và họ sẽ nói rằng: “Chính ông đó, ông bác sỹ, tại sao ông không lên tiếng, tôi ngồi đây và lên tiếng để bảo vệ ông, tôi lên tiếng để bảo vệ tự do của tôi, tự do của gia đình tôi. và quyền của bệnh nhân được có sự lựa chọn cho cuộc sống của họ. Tôi không hiểu sao lại không có nhiều bác sỹ như tôi nói về vấn đề này. Chúng ta nên đoàn kết lại với nhau, vì sự tự do của quý vị dã từ từ mất đi, vì những tin tức giả tạo. Quá sai, đáng lẽ họ phải vào tù mới đúng.”
Bác sỹ Mikovitz nói: “Không phải khoa học gia không thành thực, họ lắng nghe những người mà trong 40 năm qua đã kiểm soát ai được cung cấp tiền, ai được cho phép đăng bài, và tôi rất tiết là rất nhiều người đã lấy tiếng tăm , lấy tiền, mà ủng hộ những điều không đúng sự thật.”
Hỏi: “Bà nghĩ sao về những nhân viên y tế mới vào nghề và nhận ra rằng họ đã bị đưa đi con đường sai.” Bà nói,”hãy tự tha thứ mình đi, một điều rất khó khăn là nhận diện chúng ta học hỏi và cố đi đúng đường, và những dữ liệu cung cấp cho chúng ta cứ tưởng là đúng, nhưng lại sai, và khác hẳn với những gì chúng ta đã học. Và chúng ta không theo, sẽ không được cung cấp tiền, sẽ không cho đăng bài, đó là một hình phạt cho tôi, và nữa là khi báo chí khoa học đã thay đổi những khám phá để chữa bệnh …”
Một diễn giả lúc đó xuất hiện trên màn hình và hỏi: “Cộng đồng khoa học có can đảm trả lời câu hỏi là phải quý vị đã tạo ra căn bệnh này không?”
Từ khi tôi ra khỏi nhà tù, tôi đã thành lập một cơ quan giáo dục để cảnh tỉnh những bác sỹ, điều này thật sự không dễ dàng, Nhưng những bác sỹ đã nhận ra họ là phần tử tạo ra trở ngại, họ đã quay đầu và tiến đến một xã hội tốt đẹp hơn, và đưa lại sự tin tưởng, hứa hẹn của ngành y tế. Đó là những gì chúng ta có thể làm.
Người phỏng vấn: “Vâng, Bác Sỹ Mikovitz, tôi cảm ơn bà rất nhiều đã cho chúng tôi thời gian, và cũng rất hân hạnh được tiếp chuyện với bà, và tôi cũng biết ơn sự can đảm của bà.”
Ở cuối video, xuất hiện Bác Sỹ Anthony Fauci với giọng nói: “Với ý tưởng là chỉ còn một số ngày nữa sẽ có một chính quyền mới, và tôi cũng được giới thiệu là đã làm ở vị trì này rất lâu, và làm việc với năm đời tổng thống. Tôi muốn dùng nó như một lối nhìn của tôi về vấn đề chuẩn bị cho đại dịch và tôi muốn gởi đến quý vị một lời nhắn tin sau đây là CHẮC CHẮN SẼ XẢY RA MỘT DỊCH LAN TRÀN BẤT NGỜ [surprise outbreak]. Vấn đề chúng ta tin tưởng là chúng ta sẽ thấy nó trong một hai năm nữa.
Tôi xin tạm ngừng ở đây, vì thấy tạm đủ để chúng ta thấy một thế lực kinh hoàng chi phối đời sống chúng ta trong bóng đêm mà chúng ta không hay biết. Mạng sống chúng ta thuộc về họ. Cả chính Tổng Thống cũng phải khó khăn khi đối diện với họ.
Nhưng sau vụ đại dịch này TT Trump đã thấy rõ mưu đồ kinh hoàng của FDA và CDC, ngay cả Bill Gates cũng muốn ăn có trong vấn đề vaccine này.
Hy vọng TT Trump thay đổi luật lệ, nhất là Bayh-Dole Act, lấy bớt đi quyền hạn của những cơ quan này.
Huong Nguyen

CHOLESTEROL

BS: HỒ NGỌC MINH

Tôi đã viết nhiều về liên hệ giữa cholesterol và bệnh tim mạch, và cũng viết về triệu chứng của bệnh mất trí nhớ. Tuy nhiên, tôi chưa trình bày mối về liên hệ giữa cholesterol và bệnh mất trí nhớ. Một mối liên hệ nghịch:
– cholesterol càng cao thì nguy cơ bị mất trí nhớ… càng thấp!

Hồi nhỏ, thỉnh thoảng, mẹ tôi có mua não bò, đem chưng cách thủy, để ăn với muối tiêu và rau răm. Ăn thì ăn, nhưng tôi thấy nghẹn cổ họng vì nó quá béo, ngầy ngậy. Não người cũng thế, tuy nhỏ, chỉ chiếm 2% sức nặng của cơ thể, nhưng nó chứa 25% tổng số cholesterol trong người.

Gần đây, rất nhiều bệnh tật, khiếm khuyết của não bộ, thí dụ-bệnh mất trí nhớ- bệnh run Parkinson…
nguy cơ tăng cao vì thiếu cholesterol.

Trên thực tế, người trên 70 tuổi
– cholesterol càng cao, càng sống lâu, càng ít bị truỵ tim và càng minh mẫn hơn.

Các tế bào thần kinh, cũng như các tế bào khác trong cơ thể
– cần cholesterol làm nguyên liệu cấu trúc cho màng tế bào. – Những vỏ bọc tế bào thần kinh, neuron, cũng được cấu tạo từ cholesterol- và những “mạch điện” thần kinh liên lạc với nhau, truyền tín hiệu cũng nhờ vào cholesterol.
Không có cholesterol thì những mạng thần kinh nầy sẽ bị “chạm điện” và bị “mát dây”.

Ở đây, xin nói thêm về cholesterol một chút.
Chúng ta thường lầm tưởng là có hai loại choleterol, LDL là loại xấu và HDL là loại tốt. Thực ra chỉ có một loại cholesterol duy nhất là… cholesterol!

– HDL (high-density lipoprotein) chỉ là tên gọi của chất protein chuyên chở cholesterol mà thôi. Người ta cho rằng HDL là loại tốt vì nó chở cholesterol dư thừa về trở lại trong lá gan, như thế là làm sạch mạch máu. Gần đây những nghiên cứu mới cho biết, HDL cũng không hẳn là tốt: người có HDL cao vẫn bị bệnh tim, như thường.

– LDL (low-density lipoprotein) là loại xấu vì nó chở cholesterol ra làm dơ mạch máu.
Thật ra LDL có nhiều kích thước khác nhau, và trước LDL còn có những “xe chuyên chở” khác nữa như VLDL (very low density, loại nhẹ) và IDL (intermediate density, loại trung bình). Để dễ hiểu, mạch máu của bạn là một xa lộ.
– HDL là những xe tải 18 bánh chở cholesterol dư thừa đi ngược chiều về là gan.
– Còn các loại xe khác, to nhỏ như xe đạp, xe gắn máy, xe ba bánh, xe bốn bánh, xe thồ, xe lam… chở cholesterol, tiếp liệu ra… mặt trận.

Như thế, một khi tuyến đường bị nghẽn, không phải là vì cholesterol mà vì đường xá bị hư hại, bị “ổ gà”, bị bom mìn khủng bố chẳng hạn.
– NHỮNG XE NHỎ VLDL, IDL, LDL thường dễ bị sụp hố và làm nghẽn đường mạch máu.
– Trong trường hợp bị gãy cầu xa lộ thì XE 18 BÁNH HDL cũng gây ra tai nạn, như chơi.

Tháng 2 năm 2012, chính cơ quan FDA công nhận rằng:
– thuốc giảm cholesterol statins có thể làm tăng nguy cơ bị lú lẫn và mất trí nhớ.
Đồng thời một nghiên cứu trong Tháng Giêng năm 2012, cho thấy:
– phụ nữ dùng statins có nguy cơ bị bệnh tiểu đường tăng 42%.
– Người bị bệnh tiểu đường, lại có nguy cơ bị bệnh mất trí nhớ tăng gần gấp 3 lần.
– Khi đường thặng dư trong máu sẽ gây ra hiệu ứng “làm mứt” hay “thắng đường, rim tôm”, những phân tử cholesterol, làm cho DÍNH CHÙM với nhau và DÍNH VÀO CÁC CHỖ LỠ LOÉT trong mạch máu.

Tương tự như mạch máu tim, não bộ đã thiếu cholesterol lại còn bị nghẽn mạch máu não, sẽ đưa đến tình trạnh hao mòn sớm, gây ra các chứng bệnh về hệ thần kinh.

Khoảng thập niên 1970, lượng cholesterol 240 mg/dL được xem là bình thường. Sau khi thuốc statins ra đời
– mức độ ấy giảm xuống còn 200mg/dL, với LDL dưới 130 mg/dL.

Nếu bạn có người thân trong gia đình bị truỵ tim, nhiều bác sĩ sẽ bắt bạn uống statins:
– để giảm chỉ số ấy xuống dưới 180mg/DL
– và LDL phải dưới 70 mg/dL!

– Từ khi thuốc statins ra đời đến nay, chỉ số bị TRỤY TIM cho những người dùng thuốc, giảm từ 3% XUỐNG còn 2%,
– Trong khi tỉ số bị bệnh MẤT TRÍ NHỚ TĂNG gần gấp ba.

Sẵn đang nói về xe và xa lộ, dường như cách chữa bệnh:
– xe nhả ra khói (cholesterol cao) hiện nay là bằng cách, bịt ống khói hoặc là huỷ bớt một, hai xy-lanh (uống statins kinh niên) để cho xe chạy bớt ra khói
thay vì làm sạch đường ống dẫn xăng và thay xăng dầu:
– thể dục thể thao
– cải thiện thức ăn
– bớt đường
– và tinh bột

HỒ NGỌC MINH, M.D.

BA DÒNG NƯỚC MẮT

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhận được thư Bình, thằng bạn thân tình từ thời nối khố.

Nó là đứa cuối cùng trong đám bọn tôi rời xa đất nước, vừa mới được sang định cư bên Mỹ theo diện HO 31.

Lá thư chỉ vỏn vẹn mấy dòng:

“Tao đã đến Mỹ vừa đúng hai tuần. Ở đây ồn ào và ngột ngạt quá, tao muốn tìm một chỗ bình yên. Mày có cách nào giúp tao sang Bắc Âu với
mày. Bởi tao nghe mày kể bên ấy dù có buồn và mùa đông khá lạnh, nhưng cuộc sống yên bình, thích hợp cho những người cần một nơi để chữa trị những vết thương khó lành được trong lòng.

Tao đang có nhiều vết thương, và cũng đang có nhiều điều rối ren không giải quyết được. Rồi có dịp tao sẽ tâm tình với mày sau. Bây giờ, bằng mọi cách mày giúp tao sang đó với mày. Càng sớm càng tốt”.

Hơn một tháng trước, Định đã báo cho tôi biết việc Bình sẽ sang Mỹ. Nó đã phụ giúp vợ Bình sẵn sàng tất cả mọi thứ để đón Bình.

Định còn bảo khi nào Bình đến Mỹ rồi, nó sẽ báo để tôi sang thăm. Ba thằng gặp lại, tha hồ mà kể chuyện xưa.

Vậy sao bây giờ vừa mới đoàn tụ vợ con, Bình lại muốn sang Bắc Âu với tôi, một nơi xa tít mịt mùng?

Gọi điện thoại cho vợ Bình và Định nhiều lần, nhưng không ai bốc máy. Hôm sau tôi vào sở xin lấy trước một tuần hè, và đặt vé máy bay sang Mỹ.

Bọn tôi là ba thằng bạn thân từ những ngày mới lớn. Cùng học một lớp ở trường làng, rồi lên trường huyện.

Điều đặc biệt là tên của ba thằng đều có vần “inh”. Trong lớp bạn bè thường gọi bọn tôi là Ninh-Bình-Định, mặc dù cả ba thằng chưa hề biết quê quán của Quang Trung Đại Đế, cái nơi nổi tiếng “con gái cầm roi đi quyền” đó nó ra sao.

Tuổi thơ ở nhà quê khá nhọc nhằn, nhưng lại có biết bao kỷ niệm êm đềm của những ngày câu cá tắm sông, những trận bóng sôi nổi trước nhiều khán giả là đám con gái cùng trường, mà trái banh chỉ là những trái bưởi rụng nhặt được phía sau hè.

Rồi cả ba thằng được may mắn vào thành phố Nha Trang học trung học. Dù khác lớp nhưng cùng vào một đội bóng của trường. Đội bóng bao lần chiếm giải quán quân.

Sau khi đậu tú tài, nhìn thấy con đường học hành sao mà xa xăm diệu vợi quá. Muốn học thêm phải khăn gói vào tận Sài Gòn, trong lúc kinh kế gia đình đang lúc khó khăn. Không đành lòng bắt cha mẹ phải còng lưng thêm chút nữa, ba thằng rủ nhau vào lính.

Làm đơn tình nguyện vào binh chủng không quân, bởi hình ảnh những chàng phi công hào hoa đi mây về gió, trong bộ đồ bay, khăn quàng cổ tím, đã là thần tượng của bọn tôi từ lâu lắm.

Vậy mà chỉ có riêng tôi là mộng ước không thành, vì thiếu thước tấc, bị loại ngay vòng khám sức khỏe đầu tiên. Hai thằng bạn được toại nguyện, nhưng không vui.

Vì kể từ hôm nay, không còn “chúng mình ba đứa” nữa. Tôi tiễn hai thằng đến Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân nằm bên bờ biển Nha Trang, rồi một mình khăn gói vào Sài Gòn học tiếp.

Khi bọn nó sang Mỹ học phi hành, thì tôi vào quân trường Thủ Đức. Cứ vài tuần tôi nhận thư từ bên Mỹ. Nhìn tấm ảnh hai thằng chụp trước cổng trường, hoặc đứng bên cạnh một chiếc F5, tôi thấy thèm cái oai phong của tụi nó.

Sau khi về nước chỉ có thằng Bình được lái phản lực A-37 cho một phi đoàn đóng ở Biên Hòa, còn thằng Định thì ra phi đoàn trực thăng tận ngoài Vùng 1.

Tôi ra trường, được bổ sung về một tiểu đoàn tác chiến đang làm lực lượng lưu động cho quân đoàn, rày đây mai đó, gần như chỗ nào có trận chiến là tôi có mặt.

Vậy mà so với mức độ hiểm nguy, chết chóc, chẳng nhằm nhò gì với cái chuyện đi bay của thằng Định. Bởi phi đoàn của nó chuyên thả và bốc những toán biệt kích delta trong các vùng địch.

Sau một chuyến công tác, nếu may còn sống, được thưởng một số tiền và mấy ngày phép xài chơi. Bao nhiêu lần nó thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Nó bảo đúng là đạn tránh nó. Nhờ vậy mà nó là thằng thường có mặt ở thành phố Nha Trang.

Cứ sau một lần thoát chết, nó trở về đây, còn tôi và thằng Bình, cả năm chỉ được một tuần “anh về với em rồi anh lại đi”. Có lẽ nhờ vậy mà nó có khá nhiều mối tình để kể cho bọn tôi nghe mỗi lần có dịp gặp nhau, hay bất ngờ liên lạc được trên các tần số không lục.

Nhưng rồi trong ba thằng, tôi lại là thằng bước lên xe hoa trước nhất. Thằng Định vẫn muốn thoải mái đi mây về gió, không bị vướng chân vướng cẳng, còn thằng Bình thì khá kín miệng nên chuyện tình duyên của nó bọn tôi cũng mờ mịt lắm.

Một lần tiểu đoàn đổ quân xuống Ninh Hòa lúc hai giờ sáng, khi cả cái thị trấn nhỏ này còn đang say ngủ. Đại đội tôi được chỉ định vào đóng quân trong sân vận động.

Sáng hôm sau, quần áo chỉnh tề, tôi rủ thêm hai thằng bạn lính vào một ngôi nhà phía trước “thăm dân cho biết sự tình”, không ngờ “hồn lỡ sa vào đôi mắt em”, đôi mắt nai tơ của cô bé chủ nhà.

Đám cưới tôi có mặt cả hai thằng bạn nối khố, và hai thằng đều tình nguyện làm phụ rể.

Ba năm sau, Định lên chức quan ba, được thuyên chuyển về một phi đoàn đóng ở Pleiku làm trưởng phòng hành quân, nên chúng tôi có nhiều dịp gặp nhau, khi ở thành phố, khi thì trong các cuộc hành quân trực thăng vận.

Lâu lâu nó tình nguyện bay tiếp tế cho đơn vị tôi, thả cho tôi vài ký thịt tươi và chai rượu đế.

Mùa hè 72, tôi bị thương ở căn cứ Võ Định, Kontum. Suốt hơn hai tuần bị địch bao vây và pháo kích nặng nề, tôi nhận lệnh phải mở đường máu rút quân ra, nhưng vết thương nặng ở chân phải của tôi là một trở ngại lớn cho đơn vị.

Trong lúc Định đang bay chiếc CNC (trực thăng chỉ huy), nhưng đã điều động hai chiếc võ trang (gunship) bắn nghi binh và yểm trợ, rồi một mình nhào xuống bốc tôi trong lưới đạn phòng không dày đặc.

Chiếc trực thăng bị nhiều vết đạn mà bọn tôi vẫn an toàn. Mặc dù nó dày dạn kinh nghiệm và bay rất tài ba, nhưng đúng là đạn đã tránh nó, như nó vẫn thường ba hoa với đám bạn bè.

Chỉ có thằng Bình là “số đẻ bọc điều”. Từ A-37 nó chuyển sang lái F-5, nhưng vẫn quanh quẩn ở Biên Hòa, rồi Cần Thơ. Nó là thằng đẹp trai và ít nói.

Trước đám con gái, tôi và thằng Định thì líu lo chuyện dưới biển trên trời, còn nó chỉ ngồi cười mỉm. Có lẽ nhờ vậy, mà sau này nó âm thầm về Nha Trang và cua dính Mỵ Khê, một cô bé răng khểnh khá xinh ở trường Nữ, mà ngày xưa cả ba thằng đều quen biết, bởi đã từng thách nhau cùng đạp xe theo “tán”, sau các buổi tan trường.

Mỗi lần về Nha Trang thăm bồ, nó đều rủ tôi và Định bay về Nha Trang với nó một vài hôm.

Lúc này chiến trường Tây Nguyên khá sôi động, Phi Đoàn Thần Tượng ở Nha Trang có một biệt đội trực thăng tăng cường cho Pleiku, mà hầu hết các chàng pilot đều là bạn thân của Định, nhờ vậy mà tôi và Định về Nha Trang dễ dàng như đi chợ.

Có khi chỉ ở Nha Trang một đêm, rồi sáng hôm sau lại có mặt ở chiến trường. Những lần gặp nhau, đều có mặt Mỵ Khê. Cô bé học trò trường nữ ngày xưa bây giờ đã là cô giáo. Nhưng có lẽ đi dạy học chỉ để làm kiểng, bởi cô ta là con nhà giàu.

Ông bà già có mấy tiệm buôn trên đường Độc Lập. Mỵ Khê được nuông chiều, nên ngay cả chuyện bếp núc cũng không rành.

Lần nào gặp nhau ở nhà nàng, bọn tôi cũng chỉ được mời một món duy nhất mà nàng rất tự hào do chính tay mình nấu: Cháo trắng ăn với hột vịt muối.

Cuộc tình này cũng kéo dài đến mấy năm. Không phải để tập làm sao “đừng nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng” như lời khuyên trong sách, mà vì cha mẹ Mỵ Khê rất tin vào bói toán. Tuổi tác của hai người chưa thể kết hôn.

Cuối cùng, đến mùa hè 73, thì cuộc tình dài này cũng kết thúc bằng một cái đám cưới khá linh đình ở nhà hàng La Frégate.

Khách khứa lên đến trăm người. Lần này chỉ có thằng Định được làm phụ rể, còn tôi bị loại khỏi vòng chiến bởi “xác thân đã nhuốm mùi trần tục”, một vợ mấy con, nên được thằng Bình giao cho cái chức tiếp tân, chỉ đứng mỉm cười đón khách.

Đúng là thằng Định có số đào hoa. Không biết tài tán gái thế nào mà sau đám cưới, tôi đi tìm nó khắp nơi, cuối cùng bất ngờ gặp nó ôm chặt cô bé phù dâu xinh đẹp, ngồi ngoài bờ biển.

Có lẽ đúng như mấy ông bà già thường nói “lắm mối tối nằm không”, đến ngày mất nước thằng Định đào hoa nhất bọn vẫn cứ còn độc thân.

Tháng 3-75, miền Trung mất vào tay giặc, Định theo phi đoàn di tản về Nha Trang rồi Biên Hòa.

Trong cái cảnh dầu sôi lửa bỏng này nó gặp lại vợ chồng Bình. Sau một ngày với bao nhiêu phi vụ hiểm nguy, tối đến hai thằng lại bù khú mày tao mi tớ với nhau như cái thời còn đi học.

Mỵ Khê, bà xã của Bình, cũng vừa sinh được cô con gái đầu lòng, nên căn cư xá lúc nào cũng rộn rã tiếng cười hòa lẫn tiếng khóc của trẻ thơ.

Nhờ vậy mà hai thằng phi công cũng bớt được phần nào những ưu tư lo lắng trong giờ phút lâm nguy của chính mình và đất nước.

Sau những trận đánh lẫy lừng của các đơn vị ở Long Khánh, cũng chỉ có khả năng cầm chân địch hơn một tuần.

Biên Hòa bỏ ngỏ. Phi đoàn của Bình nhận lệnh đem máy bay xuống phi trường Trà Nóc tránh pháo.

Bình nhờ Định đưa vợ con về Tân Sơn Nhất, cùng ở tạm trong cư xá, nhà của một thằng bạn cùng khóa, sau mấy lần bị thương, không còn khả năng phi hành nên về làm trong Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân.

Ngày 29/4, phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích liên tục. Tình hình nguy ngập, cả phi đoàn của Định chỉ còn lại vài chiếc trực thăng.
Anh em trong phi đoàn ngồi lại tính chuyện bay ra hạm đội Mỹ đang chờ ngoài biển.

Trong lúc bạn bè chạy ngược xuôi tìm chỗ cho vợ con, chỉ có Định là một thân một mình nên chẳng lo lắng gì, ngoài cái tâm trạng bực tức, chán chường.

Định liên lạc với Bình, báo cho biết việc phi đoàn của nó sẽ bay ra hạm đội, bảo Bình thu xếp gấp về Sài Gòn để kịp đưa vợ con đi.

Định bảo là nó được dành ba chỗ trên tàu, vừa đủ cho vợ chồng Bình và một đứa con nhỏ. Nhưng Bình từ chối, bảo là Vùng 4 còn an toàn, phi đoàn phản lực của nó được đặt dưới quyền của Tướng Tư Lệnh Nguyễn Khoa Nam.

Bình chỉ nhờ Định lo cho vợ con nó đi cùng. Tùy tình hình nó sẽ đi sau.

Khi Định và vợ con Bình đến đảo Guam hai ngày, thì biết tin Sài Gòn thất thủ. Định đi tìm Bình khắp nơi nhưng không thấy. Người ta bảo có lẽ Bình đã bay sang Thái Lan.

Ngày tôi khăn gói đến địa điểm trình diện “học tập cải tạo” bất ngờ gặp Bình.

Trong cái cảnh “nước mất nhà tan” này mà có được một người bạn thân thì cũng vơi được nỗi buồn.

Nó kể là anh em trong phi đoàn không đành rời căn cứ trong lúc hai ông tướng quân đoàn vẫn còn ở lại sống chết với anh em.

Sau khi hai ông tự sát, thì tình hình đã quá muộn màng, địch quân bao vây, pháo kích dữ dội vào phi trường, nên anh em chỉ còn kịp phá hủy một vài hệ thống trên phi cơ.

Ở tù chung trong trại tù An Dưỡng Biên Hòa gần một năm, khi chuyển ra ngoài Bắc mỗi thằng bị chia mỗi ngả.

Ra tù, tôi ghé lại thăm gia đình Bình. Ông già nó qua đời, chỉ còn bà mẹ và cô em gái, nhưng nhà cửa được xây lại khang trang và cuộc sống khá sung túc so với những người khác trong vùng.

Mẹ nó bảo tiền bạc do vợ Bình gởi về đều đặn. Bà còn khoe mấy tấm ảnh của vợ con Bình được phóng lớn treo trên vách.

Đúng một năm ra khỏi tù, tôi vượt biên.

Trong trại tị nạn Bataan, bên Phi, khi chuẩn bị lên đường định cư thì nhận tin Bình được thả về. Nhưng chỉ vài tháng sau thì lại được tin nó bị bắt khi tổ chức vượt biên.

Mãi đến tám năm sau nó mới lên đường sang Mỹ theo diện HO. Tôi định chờ một vài tuần để nó tạm ổn định cuộc sống và gia đình, tôi sẽ bay sang thăm vợ chồng nó và thằng Định, thì bất ngờ nhận lá thư này của nó.

Máy bay đáp xuống phi trường Fayetteville, North Carolina, lúc 9 giờ rưỡi tối. Một phi trường nhỏ ở một nơi tôi hoàn toàn xa lạ.

Anh tài xế taxi người da đen chở tôi chạy lòng vòng qua những rừng thông hoang vắng càng làm đầu óc tôi căng thẳng, lúc nào cũng trong tư thế “ứng chiến” để đối phó với những điều bất trắc.

Cuối cùng thì anh ta cũng tìm tới được địa chỉ nhà Bình. Trong nhà tối om. Cổng khóa chặt. Tìm chuông cửa nhưng không thấy. Tôi mở bóp tìm địa chỉ của Định, nhưng lâu nay viết thư cho tôi, Định chỉ dùng P.O.Box.

Tôi hỏi anh tài xế taxi tên một motel gần nhất. Tôi viết vài chữ lên tấm giấy nhỏ, bảo Bình đến tìm tôi ở motel ấy, rồi gắn lên cửa.

Trưa hôm sau, người đến tìm tôi không phải là Bình, nhưng là ông già vợ của Bình. Tôi chỉ gặp và nói chuyện với ông vài lần trong ngày đám cưới của Bình, nhưng nhận ra ngay. Mặc dù bây giờ ông già hơn xưa, nhưng có tướng đẹp lão. Và vẫn còn hàng ria mép.

Ông bảo chính Mỵ Khê nhờ ông đi đón tôi. Trên đường đưa tôi về nhà, ông cho biết là ông đang làm chủ một khách sạn nhỏ và một nhà hàng.
Ở cách xa nhà vợ chồng Bình chừng hai mươi phút lái xe.

– Tội nghiệp, vợ chồng nó đang có chuyện buồn. Chuyện phức tạp quá nên hai bác đã cố gắng hết sức nhưng không giải quyết được. Cháu là bạn bè thân, hy vọng cháu nói bọn nó nghe.

– Cháu muốn được nói chuyện riêng với bác trước khi gặp vợ chồng Bình.

Tôi muốn biết rõ ràng việc gì đã xảy ra với vợ chồng Bình, để biết cách ứng xử sao cho thích hợp.

Ông già của Mỵ Khê quay xe lại, tìm đường rẽ sang một hướng khác. Hơn mười phút sau, ông dừng xe trước một nhà hàng Á Châu.

– Cháu vào đây với bác. Nhà hàng này là của bác.

Ông bảo người con gái đứng trong quầy mang cho tôi một phần ăn, và một tách trà cho ông, rồi kéo tôi ngồi xuống một cái bàn nằm riêng trong góc. Ông bảo tôi cứ dùng cơm tự nhiên, rồi bắt đầu tâm sự:

– Hai bác thật là buồn và khó xử, chẳng biết phải tính làm sao. Khi thằng Định đưa con Mỵ Khê, vợ thằng Bình, sang Mỹ với đứa con chưa tròn một tuổi. Một thân một mình nơi xứ lạ quê người, tất cả từ việc lớn đến việc nhỏ gì nó cũng trông cậy vào thằng Định. Mà Định quả là thằng chí tình với bạn bè. Nó hết lòng lo lắng cho vợ con thằng Bình, mê chuyện học hành mà đành phải bỏ, đi làm hai ba ca để vừa có đủ tiền lo cho mẹ con Mỵ Khê, mà còn gởi về Việt Nam giúp gia đình thằng Bình sau tháng 4/75 trải qua bao năm túng quẩn.

Rồi cũng chính nhờ thằng Định giúp việc bảo lãnh gia đình bác từ Việt Nam sang Mỹ đoàn tụ với mẹ con Mỵ Khê. Nhưng rồi tất cả cũng vì bác mà gây nên cớ sự.

Trước khi rời Việt Nam, hai bác có ra chào vợ chồng anh chị sui gia, là ba má của thằng Bình. Ông bà khóc lóc kể cho bác biết là có tin do vợ một người bạn cùng tù với Bình vừa ra thăm chồng ngoài Bắc về, bảo là Bình đã bị bắn chết trong một lần trốn trại với mấy người bạn tù khác nữa ở biên giới Lào.

Chính vì vậy mà hai bác khuyên con Mỵ Khê nên tiếp nối với Định, bởi bao nhiêu năm nay nó đã hy sinh ở vậy để tận tình lo lắng cho mẹ con Mỵ Khê, và cháu Lina, con của Bình cũng xem Định như là cha của nó.

Hai bác tâm tình khuyên mãi, tụi nó mới làm đám cưới. Sống với nhau hơn mười năm, tụi nó có hai đứa con, thì mới nhận được tin là thằng Bình vẫn còn sống, chỉ bị thương nhẹ, rồi đem đi biệt giam ở một trại tù nào khác, không ai biết.

Từ ngày ấy thằng Định buồn ghê lắm và lúc nào cũng ngồi thơ thẩn một mình. Nó giấu việc này không dám nói với thằng Bình, và cũng chính nó phụ với hai bác gởi tiền về giúp đỡ gia đình Bình và lo cho Bình sang Mỹ theo diện HO.

Tôi đưa tay xin ngưng lời bác:

– Bây giờ thằng Định đang ở đâu thưa Bác?

– Trước ngày thằng Bình sang đây, thằng Định mang hai đứa con của nó với Mỵ Khê sang đây nhờ hai bác mướn người giữ hộ, rồi “mu” qua Hawaii.

Con Mỵ Khê khóc lóc, bảo nó cứ ở lại đây, khi nào thằng Bình sang Mỵ Khê sẽ nói chuyện với thằng Bình, thằng Bình sẽ hiểu được bao điều khúc mắc và chắc sẽ không buồn.

Hai bác cũng giải thích cho nó biết, dù sao thằng Bình với con Mỵ Khê cũng đã xa cách quá lâu, và sự việc xảy ra là do bao nhiêu nghịch cảnh đẩy đưa, chứ Định là một thằng tốt bụng, hết lòng chung thủy với bạn bè.

Hai bác cũng sẽ nhận trách nhiệm này trước mặt thằng Bình, khi nó tới đây.

– Rồi cuối cùng ra sao, thưa Bác?

– Vợ chồng bác khuyên giải suốt cả mấy ngày liền, nhưng nó vẫn không nghe, nó xin lỗi hai bác và con Mỵ Khê, rồi nhờ bác trao lại cho thằng Bình một lá thư.

Nó xin được phép dán lá thư lại nên hai bác cũng chẳng biết nó viết cái gì trong đó.

Khi đến Hawaii, nó có gọi phôn về cho bác, bảo đang chạy taxi với một thằng bạn cũ. Chút nữa bác sẽ cho cháu số phôn của nó, để cháu liên lạc khuyên giải nó hộ bác.

Bác chở tôi lại trước nhà vợ chồng Bình, bỏ tôi trước cửa, chỉ tôi cái chuông điện nằm kín phía bên trong cánh cửa, rồi lái xe về. Bác bảo là để đám trẻ bọn tôi gặp nhau sẽ được tự nhiên hơn.

Người ra mở cửa là Mỵ Khê. Vừa nhận ra tôi, Mỵ Khê nắm chặt tay tôi, nhoẻn miệng cười, nhưng lại bật khóc ngay sau đó.

Mỵ Khê đưa tôi vào nhà, chỉ cho tôi nơi Bình ở, căn nhà sau, chung vách với gara xe. Tôi gõ mấy lần, cửa mới mở.

Sau bao nhiêu năm hai thằng bạn thân từ thời nối khố gặp lại nhau, nhưng đều không vui, ôm lấy nhau mà lòng dạ bùi ngùi.

Suốt đêm hôm ấy tôi ở trong phòng Bình, nhưng hai thằng không ngủ, nằm tâm sự thâu đêm.

Tôi chưa biết phải nói điều gì với Bình, thì Bình mở đầu tâm sự:

– Khi biết việc này, tao có bất ngờ, và dĩ nhiên cũng buồn ghê lắm. Nhưng chỉ sau một đêm suy nghĩ, tao lấy lại được sự bình thản, và nghĩ là Mỵ Khê đã thuộc về Định, và hai người rất xứng đáng trong tình yêu, trong cuộc hôn nhân mới này.

Tao phải cám ơn thằng Định, đã hết lòng cưu mang vợ con tao và cho Mỵ Khê một gia đình hạnh phúc, một chỗ dựa vững chắc trên xứ lạ quê người.

Hơn nữa tao và Mỵ Khê xa cách khá lâu, trong lúc nàng đã hội nhập vào xã hội Mỹ này từ lâu rồi, còn tao bây giờ cũng đã già, lại là một thằng quê mùa, bệnh hoạn, mà vết thương trên thân xác cũng như trong lòng tao vẫn chưa lành được.

Tao tự biết mình thực tình không còn thích hợp, không còn xứng với nàng. Tao cũng đã tâm tình với Mỵ Khê và điện thoại cho thằng Định, nói hết nỗi lòng. Mong nó trở về đây.

Cháu Lina, con gái của tao, cũng nhớ nó mà khóc cả ngày. Tao hiểu, con bé còn xa lạ với tao lắm. Mà nó xa lạ là phải. Không dễ dàng gì cho một cô con gái đã hơn 20, không hề biết mặt cha từ lúc mới năm tháng tuổi, bây giờ phải chấp nhận một ông cha bất ngờ từ trên trời rơi xuống.

– Thế rồi vợ mày và thằng Định tính sao?

– Mỵ Khê thì chỉ khóc và im lặng, còn thằng Định thì nhất quyết trả Mỵ Khê lại cho tao. Nó còn bảo là nó nhớ tao lắm, nhưng không muốn gặp tao.

– Bây giờ mày tính sao? Tao sẽ giúp được gì cho tụi mày?

– Tao nhờ mày. Chỉ có mày có thể giúp tao trong lúc này. Mày đưa tao qua Hawaii gặp thằng Định và tâm tình giải thích để nó trở về với vợ con tao.

– Còn mày thì sao?

– Tao một thân một mình. Nếu mày kéo tao sang Na Uy ở với mày là phúc cho tao. Có mày tao sẽ dễ quên bao nhiêu chuyện đau lòng. Còn nếu
không được thì tao lang thang đâu cũng được. Lâu lâu kiếm được tiền tao lại ghé về đây thăm cháu Lina, cho dù trong lòng nó, có lẽ tao chưa hề là cha của nó.

Ba thằng bọn tôi lại gặp nhau, qua bao nhiêu năm chia cách cùng những giông tố trong đời.

Ôm nhau mừng rỡ mà sao nghẹn ngào, không ai nói nên lời, chỉ có nước mắt chảy dài trên má.

Ngày xưa, thằng Định là đứa ba hoa, khôi hài nhất trong bọn, vậy mà cũng không mở miệng để nói một lời, dù chỉ là một chữ ‘hello’, mà nó đã thường xài từ lúc còn ở Việt nam, mỗi khi gặp bạn bè.

Không biết lúc này trong đầu hai thằng bạn đang nghĩ điều gì.

Riêng tôi đang hình dung tới cuộc chiến bi thảm mà kẻ chiến thắng lại là những con người tàn ác nhất đã tạo nên bao chia ly tan tác.

Sáng nay, Chủ Nhật, mùa đông Bắc Âu khá lạnh. Tôi thức giấc đã lâu nhưng còn đang trùm chăn nằm nán trên giường thì nghe điện thoại reo.
Bốc ống nghe chưa kịp hỏi là ai, thì nghe bên kia đầu dây giọng nói quen thuộc của thằng Định:

– Hello! Ninh ơi. Có thằng Bình đây, nó muốn nói chuyện với mày.

Tôi nghe giọng nói yếu ớt nhưng rất vui của Bình:

– Bình đây. Gọi thăm vợ chồng mày và báo cho mày một tin vui. Tao đang ở nhà vợ chồng thằng Định đây.

Vừa từ bệnh viện về. Vợ chồng Định lên tận Houston tìm thăm tao, báo tin cháu Lina bị bệnh rất nặng cần phải thay gấp một quả thận.

Bác sĩ cho biết cách tốt nhất là lấy thận của người cùng huyết thống, nên tao theo Định và Mỵ Khê bay xuống North Carolina ngay để kịp thời lo cho cháu.

Bác sĩ bên này giỏi thật. Mọi việc tiến hành nhanh chóng. Bây giờ đã xong xuôi. Cháu Lina cũng đã khỏe lại. Đáng lẽ tao đã về lại Houston, vì tao vừa mới mở cái tiệm giặt ủi, do vợ chồng thằng Định giúp vốn, vợ chồng nó cũng vừa mua cho tao một ngôi nhà nhỏ, ở bên cạnh hai thằng bạn cùng phi đoàn với tao ngày trước, nhưng vợ chồng nó nhất định giữ tao lại. Cả cháu Lina nữa. Nó cũng muốn có nhiều
thời gian để tâm tình với cha của nó. Mày cố gắng bay sang đây với tụi tao cho vui.

Chưa kịp trả lời, tôi lại nghe giọng nói của đàn bà:

– Ông bà qua đây để tôi còn đãi món cháo trắng ăn với hột vịt muối.

Tôi nghe những tiếng cười khúc khích, rồi giọng đùa nghịch của thằng Định xen vào:

– Hello, Ninh! Mỵ Khê bây giờ nấu ăn nghề lắm đó, biết nấu cả cháo trắng tới bảy món. Vợ chồng mày nhớ bay qua sớm, không thì mất phần đó nghe chưa.

Tôi buông ống nghe, thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa sổ như muốn tìm kiếm một điều gì. Trời mùa đông Bắc Âu phủ đầy tuyết trắng, nhưng sao trước mắt tôi đang lung linh bầu trời xanh bao la của cả một thời tuổi thơ.

Cái thuở ba thằng chúng tôi vui đùa nghịch ngợm, trong lòng chưa hề vướng bận chuyện chiến tranh kéo theo bao cay đắng cuộc đời.

Phạm Tín An Ninh