Cuối Năm Chung Sức Cứu Người- Tính Mạng Bé Trai Đáng Thương Bị Đe Dọa Bởi UBA5 Disease

Xin quý vị và các bạn vui lòng giúp chuyển bài viết này đến nhiều người khác

Huỳnh Quốc Bình
Mỗi khi có ai giống lên lời cầu cứu một điều gì cho chính họ hay cho người khác, tôi lập tức nhớ đến lời khuyến cáo sau đây của Kinh Thánh, “Ai bưng tai không khứng nghe tiếng kêu la của người nghèo khổ, người đó cũng sẽ kêu la mà sẽ chẳng có ai đáp lại” (Châm-Ngôn 21:13). Lời khuyến cáo này chắc chắn không chỉ dành cho trường hợp nghèo khổ mà còn là sự hoạn nạn, hay những trường hợp khác.
Trong những ngày qua, người viết thật sự chú ý vào bản tin Anh ngữ và Việt ngữ liên quan đến một gia đình đồng hương Việt Nam tại Thành Phố Portland, Oregon, Hoa Kỳ.

Được biết, bé trai Raiden Phạm chào đời ngày 26 tháng 2 năm 2020 trong một thân thể khỏe mạnh cho đến khi bác sĩ phát giác bé bị mắc chứng bệnh rối loạn hệ di truyền, do UBA5 DISEASE gây ra.

Theo giới thẩm quyền về y khoa cho biết, bệnh này rất hiếm. Khoảng 30% các em bé mắc bệnh này chỉ sống được vài năm sau khi mới sanh ra và số còn lại nếu không được điều trị kịp thời sẽ bị khuyết tật bại xụi tứ chi vĩnh viễn.Ba mẹ của bé Raiden Phạm là Linda and Tommy Pham kêu gọi sự trợ giúp tài chánh từ những tấm lòng hảo tâm để cứu bé Raiden và những bé khác phải mang chứng bệnh thật hiếm và quái ác này.

Hình: Gia đình Linda and Tommy Pham

Xin bấm vào link này https://gofund.me/2b40cc2d để trợ giúp trực tiếp vào quỹ cứu bé Raiden.

Quý vị có thể vào trang nhà này http://www.raidenscience.org “Raiden Science Foundation” để tìm hiểu thêm về căn bệnh có tên gọi UBA5 DISEASE.
Quý vị có thể vào Website: https://chienhuuvnch.com/NEWS/?page_id=2855 để đọc phần tiếng Việt.

Người viết đã tìm hiểu về vụ gây quỹ cứu người này và đã đóng góp phần tài chánh nhỏ của gia đình mình như một món quà cuối năm dành cho bé Raiden Phạm. Làm việc này, chúng ta không chỉ duy nhất cứu mạng bé Raiden mà còn góp phần cho việc nghiên cứu y khoa để có thể cứu mạng sống những trẻ em khác trong tương lai.

Chúng tôi tha thiết kêu gọi quý đồng hương xa gần đóng góp chút ít tài chánh vào quỹ nhân đạo này. Nếu vì hoàn cảnh, quý vị không thể tiếp trợ tài chánh, chúng tôi xin quý vị dành cho bé Raiden một lời cầu nguyện và vui lòng giúp chuyển bài viết này đến nhiều người khác.
Huỳnh Quốc Bình
Ngày 30 tháng 12 năm 2021
E-mail: huynhquocbinh@yahoo.com

Tìm Hiểu Thêm Về UBA5 Disease

Hội chứng bệnh gây bởi UBA5, được giới y học xác định là chứng bệnh rối loạn hệ di truyền, UBA5 DISEASE. Bệnh này rất hiếm. 30% các em bé mắc bệnh này chì sống được vài năm sau khi mới sanh ra. Nếu không được điều trị sẽ bị khuyết tật bại xụi tứ chi vĩnh viễn, kể cả hệ thống tiêu hóa.
Không phải giới y học bó tay trước bệnh UBA5 nhưng vì bệnh này thuộc loại bệnh cực hiếm (Rare disease). Trên thế giới chỉ có khoảng 30 trẻ sơ sinh mắc phải. Vì số bệnh nhân qúa ít nên giới Y học không quan tâm nghiên cứu phương pháp trị liệu. Họ chỉ tập trung nghiên cứu và trị liệu các chứng bại não khác của trẻ sơ sinh có tỷ số mắc bệnh cao hơn.
Chúng tôi hy vọng vào sự tiến bộ vượt bậc về ‘GEN DI TRUYỀN’ của y khoa ngày nay, nên đã liên kết với một số gia đình có trẻ sơ sanh mắc chứng bệnh này để thành lập một tổ chức phi lợi nhuận: “RAIDEN SCIENCE FOUDATION” (viết tắt ‘RSF’) tại tiểu bang Oregon và đang phối họp với Đại học Massachusetts để phát triển một chương trình tìm kiếm liệu pháp GEN điều trị cho UBA5 disease.

Chúng tôi hy vọng không những trị liệu cho UBA5, còn muốn đi xa hơn đạt được những đột phá về y học của liệu pháp ‘GEN’ có thể giúp hàng triệu trẻ em khác mắc các bệnh hiếm lạ trên khắp thế giới.
Thành viên của tổ chức “Raiden Science Foundation” gồm nhiều nhà y học và các bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng. Đặc biệt DR. CIECHANOVER, nhà Khoa Học đã lãnh giải Nobel Hóa Học năm 2004, ông hiện là thành viên trong ủy ban Cố vấn Khoa học của “Raiden Science Foundation”: https://www.raidenscience.org/about
Tuy nhiên, nếu không có sự giúp đở của qúy ân nhân, mạnh thường quân và qúy vị thì mục đích của tổ chức chúng tôi không có phương tiện tài chánh để thực hiện – WITH YOUR HELP, WE CAN TURN HOPE INTO REALITY.

Tìm hiểu thêm về bệnh ‘UBA5 disease’ và mục đích – nhiệm vụ của chúng tôi, xin vào website: http://www.raidenscience.org
Cám ơn sự quan tâm và giúp đở của qúy vị.
Và vui lòng phổ biến rộng rãi thông tin này đến bạn bè, thân hữu.
Đa Tạ.
Phạm Quốc Nam (Webmaster)
(Vận động viên gây qũy)

Thành Viên Của ‘Raiden Science Foundation‘.

2018 Portland Veterans Day Parade – 44th Annual

HÌNH ẢNH CQN VNCH DIỄN HÀNH LỄ C ỰU CHIẾN BINH HOA KỲ TẠI PORTLAND OREGON

.

Slide show

………………………………….

More Photos By Mary Nguyen 

MORE PHOTOS AT MARY NGUYEN’S ALBUM

Số phận Tuần Duyên Hạm HQ.611 Trường Sa trong đêm Hạm Đội VNCH di tản

Hồi ký của HQ. Phạm Quốc Nam
Thân tặng thủy thủ đoàn PGM – HQ.611 Trường Sa

Tôi HQ. Phạm quốc Nam, cựu sinh viên sĩ quan hải quân TN Khóa 21 SQHQ năm 1969, tốt nghiệp Khóa 2 Đặc Biệt SQHQ Nha Trang (bởi kế hoạch OCTOV – OJT của Hoa Kỳ) . Với trách nhiệm chỉ huy Tuần Duyên Hạm HQ.611 Trường Sa trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tôi xác nhận Tuần Duyên Hạm HQ.611 đã chìm trên đường di tản ra Côn Sơn đêm 29 tháng 4 năm 1975. Sự kiện này trước nay không thấy nhân chứng nào ghi lại, cũng như không được thấy ghi trong bất cứ tài liệu nào của VNCH và của Hoa Kỳ, cho đến cuối năm 2014 (40 năm sau) được đề cập đến trong hồi ký của Người Thủy Thủ Già (HQ Trung Tá Trần Hương K.9/NT), vị niên trưởng hải quân đã đưa Tư Lịnh hải quân Chung Tấn Cang và đoàn tùy tùng xuống xuống HQ 611 đêm 29 tháng 4 năm 1975….xem ghi chú phía cuối bài)

Sau hơn 7 năm tù cộng sản, tôi trở về cuối năm 1982 và được đứa em trai, cậu em ruột mà tôi thường hay dẫn xuống tàu chơi khi chiến hạm của tôi được nghỉ bến tại Bạch Đằng, nên cậu bé còn nhớ rất rỏ số tàu HQ 611, đã đưa tôi đến tận xác tàu được trục vớt và vứt nằm trên bải bùn mé sông Saigon phía bên kia Thủ Thiêm từ lâu. Chiến hạm chỉ còn là một khối sắt, nữa thân tàu bị rĩ bởi thủy triều của sông Saigon khi nước lên hay nước ròng …..Nhìn xác tàu lòng tôi se lại tủi thân và đớn đau, đôi mắt cay xè rướm lệ…

..
Hồi ký này như muốn ghi lại một sự kiện nhỏ của hải sử VNCH, trong đêm Hạm Đội Hài Quân VNCH di tản, đồng thời tôi có lời kính phục anh em thuỷ thủ đoàn của HQ 611, những thủy thủ trẻ đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của người lính Việt Nam Cộng Hoà đến tận giờ phút cuối cùng của cuộc chiến……ngày 30 tháng 4 năm 1975. .

Tuy là một sự kiện nhỏ nhưng TINH THẦN QUỐC GIA và TRÁCH NHIỆM của Người Lính VNCH như những thủy thủ nầy thật xứng đáng được tập thể hải quân VINH DANH và ghi vào hải sử.

Biến cố đêm 28 tháng 4 năm 1975 tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Saigon:
Sau chuyến công tác từ Vũng Tàu về đến bến vào giửa trưa ngày 26 tháng 4 năm 1975, chiến hạm của tôi nhận được lệnh chuẩn bị nhiên liệu, nước ngọt và thực phẩm đầy đủ cho một tháng (tất cả chiến hạm của Hạm đội). Đồng thời toàn thể thủy thủ đoàn được cấp phát mẫu giấy ghi danh thân nhân của mình theo tàu di tản (ra đi có trật tự). Công tác thiết lập danh sách cho thân nhân của thủy thủ đoàn cơ hữu được lên chiến hạm di tản tiến hành kín mật tuyệt đối. Tôi còn nhớ rất rỏ tựa đề mẫu giấy ghi danh cho thân nhân lên tàu có dòng chử to: “Di tản ra Côn Sơn Tránh Saigon Bị Pháo Kích”……
Công tác chuẩn bị di tản tiến hành tốt đẹp…..Đột nhiên giửa đêm 28 tháng 4 Bộ Tư Lịnh Hải Quân có lệnh khẩn cấp tập họp tất cả hạm trưởng các chiến hạm đang nằm dọc trên sông Saigon trước Bộ Tư Lịnh Hải Quân. Chiếc hạm của tôi đang nằm vị trí 1 của cầu A, nên chỉ đôi mươi bước băng qua đường, tôi đã có mặt trong một căn phòng nhỏ trên tầng lầu thứ hai của BTL/HQ sớm hơn ai hết. Không lâu lắm hằng chục vị hạm trưởng của các chiến hạm khác có mặt. Phòng họp không ghế ngồi, mọi người đều đứng chờ đợi, im lặng như tờ. Tất cả mọi người đang hồi họp, nóng lòng muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra. Mọi người cùng cảm nhận sắp có một biến cố trọng đại.
Không bao lâu, cờ xí được các nhân viên trực dựng lên phía trước. Tiếng kèn hiệu đón Tư Lịnh được trổi dậy cắt đứt cái không khí ngột ngạt đang trùm kín cả căn phòng. Nghi thức bàn giao quyền Tư Lệnh Hạm Ðội được tiến hành, mọi người ngơ ngác: Hải Quân Ðại Tá Phạm Mạnh Khuê đảm nhận chức tân Tư Lệnh Hạm Ðội thay thế đương kim Tư Lệnh Hạm Đội Nguyễn Xuân Sơn. Không ai hỏi ai một lời. Có lẽ mọi người trong phòng đều nghĩ sự kiện tối nay thế này tất là hậu qủa kế hoạch di tản của Tư lịnh Hạm Đội Nguyễn Xuân Sơn đã sớm bị tiết lộ ra ngoài…….Trước khi rời chức vụ Tư Lịnh Hạm Đội, HQ. Đai Tá Nguyễn xuân Sơn bùi ngùi chia tay với tất cả hạm trưởng hiện diện trong phòng. Lời chia tay của ông đẩy xúc động như bậc khóc:” những việc tôi muốn làm cho qúy vị và gia đình qúy vị….mà sau này qúy vị sẽ rỏ!” …..Ông đã tiên liệu hay ông đã biết trước miền Nam sẽ rơi vào tay cộng sản! Ông muốn bảo tồn hạm đội không bị rơi vào tay giặc, ông thương nhân viên thuộc cấp và yêu cả gia đình của họ, cho nên ông ngầm lên kế hoạch di tản toàn bộ hạm đội và cả thân nhân của thủy thủ đoàn trên từng các chiến hạm, Kế hoạch bị bại lộ, ông bị truất quyền. HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn là một vị Tư lịnh thật đáng kính.

Định mệnh của Tuần Duyên Hạm Trường Sa HQ 611:
‘ Sáng 30 tháng 4 năm 1975, Tuần duyên hạm HQ 611 đã biến mất tại cầu A……..Tôi từ chối di tản theo Tuần duyên hạm PGM của hạm phó OC. Nguyễn Văn Báu (Khóa 9/HQ/OCS), thằng bạn cùng gia nhập khóa 21 SQHQ đang cho tàu lấy nước ngọt tại cầu A. Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng….. Về đến nhà tôi thấy hằng chục thủy thủ đoàn của HQ. 611 đang chờ đợi tôi….anh em thủy thủ báo cáo tình trạng của HQ. 611….rồi tan hàng’…..

.
Trưa 27/4/1975, HQ.611 chở một số lượng lớn đồ đạt (của ai???) từ trên một chiếc GMC của hải quân đưa xuống để chuyển sang HQ. 802 (hoặc HQ.800 mà thời gian lâu qúa tôi đã quên) đang nằm phía Nam ngoài khơi Vũng Tàu. Ngoài khơi xa hơn, tôi thấy có rất nhiều chiến hạm lớn nhỏ khác.
Biển động mạnh. HQ. 611 chồng chềnh như trứng vịt khó lòng cập vào HQ. 802 để chuyển hàng. HQ. 802 phải dùng cần cẩu móc hàng mang về. Xong công tác, HQ. 611 lầm lủi quay trở vào cửa. Chiến hạm qua khỏi kho 5 Khánh Hội, tàu của chúng tôi chậm lại đôi chút và dạt về bên phải để nhường lối cho vài chiếc thương thuyển lớn từ Sàigon đang trên đường ra cửa biển. Các tàu hàng chở đầy ấp người, khi đi ngang qua HQ. 611, hàng trăm người trên thương thuyền vẩy tay và nón với chúng tôi như chuyển lời từ biệt. Nhiều thủy thủ trên HQ 611 quơ tay đáp lại. Trước cảnh tượng người dân Saigon đang tháo chạy cộng sản như vậy nhưng đầu óc tôi vẫn trống rổng….

.
Trưa ngày 28/4/1975 , HQ 611 nằm tại cầu A một lần nữa chúng tôi một số đứng trên đài chỉ huy, một số thủy thủ đứng trước mũi tàu dững dưng nhìn chiếc xà lan cạnh bến đò Thủ Thiêm, đối diện công trường Mê Linh đang khó khăn mở giây rời bến với hàng ngàn người đang chen chút trên sàn tàu, có người đu giây neo, nhiều người lội từ bờ ra, hàng chục người khác bám thành xà lan cố trèo lên. Trên công viên Bạch Đằng nhiều người đàn bà buông vội gánh hàng rong trên sân cỏ rồi hối hả chen lấn vào đám đông tìm cách trèo lên xà lan. Khối người trên sàn xà lan, dưới bờ sông và trên bờ chen lấn la hét hỗn độn. Khó khăn lắm, chiếc xà lan mới cởi được giây cột trên bờ và ì ạch tách bến. Bên cạnh bờ, đám đông vẫn còn nhảy chòm lên, la ó kêu réo. Nhìn cảnh tượng của chiếc xà lan cố tách bến. Chúng tôi chỉ biết nhìn và im lặng, không một nhân viên nào thắc mắc hay hỏi nhau tại sao … Có lẽ chúng tôi là những người lính trẻ, mù mờ hay đúng hơn không có khả năng tiên đoán thời sự chính trị. Đầu óc của một người lính chiến như chúng tôi đơn giản lắm, chỉ biết gìn giử kỷ luật quân đội, tuân hành mệnh lệnh thượng cấp và giử vững vị trí, trách nhiệm được bố trí trên chiến hạm.

HQ. 611 Trường Sa

Con tàu và thủy thủ như những thành viên trong một đại gia đình cùng chung dưới một mái nhà. Tàu còn thủy thủ còn……Chúng tôi biết được những diễn biến thời sự từ miền Trung vào miền Nam, chúng tôi được chứng kiến hằng loạt những biến cố tại Saigon, tại BTL Hải Quân và ngay hôm nay cảnh tượng người dân đang ùn ùn đổ về bến Bạch Đằng tìm phương tiện di tản ngay trước mắt. Nhưng tuyệt nhiên những ngưòi lính thủy chúng tôi không một ai rời tàu, bỏ ngủ hay âu lo sợ hãi. Trên đài chỉ huy, tôi nhìn những chàng trai trẻ thủy thủ; tôi an tâm vì thấy họ vẫn kiêu hùng, hiên ngang và bình thản…..Chiều xuống nhanh, phi trường Tân Sơn Nhất bị dội bom bốc cháy cả góc trời….Không khí chiến tranh như bao trùm lấy Saigon……Tuần duyên hạm HQ.611 của chúng tôi cũng như những chiến hạm khác trên dòng sông Saigon trong nhiệm sở sẳn sàng chiến đấu. Đêm đó, tôi ở lại tàu không về nhà như những đêm trước.

Sáng 29/4/75, lệnh báo động nâng lên mức độ đỏ. Cấm quân 100%. Sau buổi họp nhanh tại BTL/HQ, các chiến hạm nhận được lệnh sẽ khởi hành di tản trong đêm 29/4/1975. Hai đầu cổng Bộ Tư Lịnh hàng rào cản được kéo ngang từ sáng sớm. Quân cảnh và nhiều thủy thủ bồng súng canh gác nghiêm nhặt. Trong bất xuất và ngoại bất nhập lúc bấy giờ.
Trên đường từ BTL/HQ trở về tàu, tình cờ tôi gặp HQ. Trung Úy Võ Trường Xuân đang lái Honda chạy trờ đến chận tôi lại bên lề đường. Tôi và trung úy Xuân là bạn cùng khóa. Khi còn là tân khóa sinh hải quân tại trung tâm tạm trú Bạch Đằng II, cũng như khi học căn bản quân sự tại quân trường Quang Trung chúng tôi không quen nhau lắm vì chúng tôi ở khác đại đội. Tôi biết đến danh ca Võ Trường Xuân qua ban tam ca Trường Xuân, Vĩnh Nam và Phan Ngọc Hùng đại diện khóa 21 SQHQ về trình diễn văn nghệ tại đài tiếng nói quân đội trong dịp Tết năm 1970. Sau này Xuân tốt nghiệp khóa 1 Đặc Biệt SQHQ Nha Trang và khóa 1 Thuyền Trưởng Coast Guard và PCF. Tôi ra trường khóa 2 Đặc Biệt Hải Quân Nha Trang và sau khi tốt nghiệp Khóa 4 Thuyền Trưởng năm 1973, tôi được đưa xuống làm Thuyền Phó PCF-HQ.3909 thuộc Hải Đội 5 Duyên Phòng, khi đó Xuân đang là thuyển trưởng. Tôi và Võ Trường Xuân thân nhau từ đó. Mặc dù tôi đi biển nhiều năm hơn Xuân nhưng tôi đã học được ở Xuân nhiều cái hay khi về phục vụ Hải Đội 5 Duyên Phòng. Hải đội 5 Duyên Phòng là đơn vị gặp hiểm nguy hơn bốn hải đội duyên phòng khác vì Hải Đội 5 thường xuyên bị Việt cộng phục kích trên đường sông từ căn cứ Năm Căn ra đến cửa biển hay ngược lại lúc từ biển về nghỉ bến. Tuy nhiên tôi thấy rất an tâm khi công tác cùng tàu với Xuân. Xuân được xem là một thuyền trưởng giỏi của Hải Đội 5 Duyên Phòng. Xuân chứng tỏ được khả năng lảnh đạo chỉ huy của một thuyền trưởng: giỏi về chỉ huy và luôn cả kiến thức tàu bè. Xuân giỏi vận chuyển con tàu khi di chuyển trong sông cũng như trên biển. Ngoài kiến thức tổng quát về kỷ thuật cơ điện khí (lý thuyết khi học ờ quân trường), Xuân rành luôn cả thực hành. ( Cấp bậc thuyền trưởng Coast Guard hay PCF là hải quân trung úy theo như cấp số của Hải quân Hoa Kỳ. Vận chuyển con tàu do đích thân thuyền trưởng cầm tay lái. Chiến đĩnh PCF còn đuợc gọi là Duyên tốc đĩnh hay Kinh tốc đĩnh, tuy là loại tàu nhỏ nhưng có tốc độ rất cao, là loại chiến đĩnh mới của Hoa Kỳ đưa vào chiến tranh Việt Nam và trang bị cho Hải quan Cam Bốt và Thái Lan. PCF có khả năng hoạt động trong sông lẫn trên biển. Sở dĩ tôi ghi chú phần cấp bậc của thuyền trưởng chiến đĩnh PCF nơi đây vì rằng có lắm sĩ quan hải quân đã không am tường về tổ chức của đơn vị hải đôi duyên phòng. Họ cho là Thuyền trưởng chiến đĩnh chỉ với cấp hạ sĩ quan, nếu có thì cao lắm là Thượng sĩ hải quân.).

Võ Trường Xuân và tôi có máu ‘lãng tử’ nên rất hơp tánh nhau, và kết thành bạn tri kỹ rất nhanh từ đó cho đến tận ngày nay. Chúng tôi có lắm kỷ niệm tại Hải Đội 5 Duyên Phòng, từ hậu cứ nghỉ bến cho đến những tháng ngày lênh đênh tuần duyên trên biển cả: từ biển phía bắc Hòn đá Bạc, ghé vào sông Ông Đốc qua cửa Hải Yến xuống mũi Cà Mau, cập tàu ghé quán cô Lệ Bải Hạp , ra cửa sông Bồ Đề lên tận cửa biển Gành Hào ghé vào chơ mua thực phẩm tươi …….

Sau vài tháng đi chung tàu, Xuân thuyên chuyển về Hải Vận Hạm LSM – HQ 402 Lam Giang. Tôi lên làm thuyền trường và một hải quân trung úy khác thuộc hải quân OCS (Sĩ quan hải quân Việt Nam được đào tạo tại Hoa Kỳ) xuống tàu làm thuyền phó. Đầu năm 1974, Tôi mang tàu về tăng phái cho Hải đội 4 Duyên phòng. Sau vài chuyến tuần duyên trục Bắc đảo Phú Quốc, chiến đĩnh của tôi cùng 3 chiếc PCF khác tăng phái tuần duyên vùng biển Hòn Tre (Rạch Gía) và Hà Tiên. Đầu tháng 3/1975, tôi nhận được lệnh tuyên chuyển về Hạm Đội và xuống Tuần Duyên Hạm HQ 611 Trường Sa…….

.
Gần hai năm trời gặp lại thằng bạn thân. Chúng tôi mừng lắm:
– Ê thuyền trưởng Xuân. Đi đâu đây mậy?
Xuân nhếch môi cười méo một bên, cái lối cười muôn thuở:
– Tao đi tìm hạm trưởng Nam đây.
Tôi hỏi Xuân ngay:
– Khuya nay mày theo hạm đội di tản không?
Xuân cương quyết:
– Ði chứ mậy. Nhưng thằng 402 của tao bất khiển dụng.
Tôi mừng:
– Không sao, lên tàu của tao. Mày và tao lái đi khoẻ re…
Xuân ngạc nhiên:
– Hạm Trưởng mày đâu?
Tôi cười, trỏ ngón tay vào ngực:
– Hạm trưởng đang đứng trước mặt mày đây….. Tao đang chỉ huy HQ.611.
Thuận tay tôi chỉ về hướng cầu A:
– Chiếc PGM nằm phía ngoài chiếc hạm của tao là PGM- HQ.601 của Hạm trưởng Trần Minh Chánh, cùng khóa 1 Đặc Biệt với mày.
Tôi đùa:
– Nếu mày chê tàu tao què thì mày đi tàu của Trần Minh Chánh. Chẳng lẽ bạn bè cùng một khóa, mà Chánh là đương kim Hạm trưởng không cho mày lên tàu hay sao. Hay mày muốn mang theo 402 thì Chánh và tao sẽ kéo 402 mày theo.
Xuân cương quyết:
– Tao sẽ đi với mày. Nhưng tao phải về mang người nhà xuống tàu.
Tôi nhìn đồng hồ:
– Giờ còn sớm chán. Thôi, tao với mày đi tìm cái gì ăn trưa và lai rai vài chai rồi tính tiếp.
Cổng ra công trường Mê Linh đang đóng kín, khó ra được khỏi cổng. Tôi lên xe. Xuân quay xe chạy về hướng cổng Cường Để. Nơi đây cổng cũng bị kéo rào đóng. Chúng tôi đành tạt vào Hải Quân Công Xưởng, tìm lấy một chổ ngồi vắng vẻ trong câu lạc bộ. Chúng tôi kêu vài đĩa mồi và vài cập bia 33. (Hình như lúc đó có thêm một bạn hải quân nữa vào ngồi chung bàn nhưng tôi đã quên tên)
Tôi hỏi Xuân:
– Mày có danh sách thân nhân lên tàu không?
Xuân lắc đầu:
– Không có.
Tôi khoát tay:
– Không sao. Có tao trên tàu.
Cặp bia thứ hai vừa cạn. Xuân qủa quyết:
– Saigon sẽ mất. Mày hãy về mang gia đình vào đi luôn đi.
Để thúc giục tôi hơn, Xuân kể lại những cảnh bi thảm khi Hải vận hạm HQ. 402 của Xuân đã mấy lần ủi bãi và lòng vòng ngoài khơi để đón dân quân di tản miền Trung.

Với giọng ngậm ngùi, Xuân kể lại Tướng Ngô Quang Trưởng và hàng chục tướng tá khác bơi từ bờ ra Hải vận hạm LSM 402 và chính Võ Trường Xuân đã đón và mời nhóm tướng tá bộ binh xuống phòng ăn. Mì gói là bửa ăn sáng đạm bạc trên tàu được nấu lên mời khách. Tướng Trưởng không ăn sáng, ông ngồi ghế của Hạm trưởng với hai hàng nước mắt chảy dài.

Xuân không quên kể lại cảm xúc của mình khi thấy từng mãnh đất của miền Trung mất dần trong tay giặc Cộng theo tốc độ của HQ.402 đang xuôi về Nam. Chính vì Xuân đã thấy cái bi thảm tột cùng của cuộc lui binh và di tản miền Trung nên Võ Trường Xuân đã có sự lựa chọn nên hay không nên di tản một cách dứt khoát hơn tôi:
– Tao cá mày đó Nam. Saigon sẽ mất nay mai thôi. Phải đi mày Nam ơi.
Tôi ừ hử và nhúng vai:
– Dĩ nhiên tao phải có mặt và đi theo tàu chứ. Trách nhiệm của tao làm sao tao bỏ tàu và bỏ anh em thủy thủ đoàn được mậy.
Xuân muốn chắc ăn:
– Tốt! nhưng tàu mầy đi xa được không?
Tôi bảo đảm:
– Tàu của tao như 402 của mày, mới đi công tác về, đang chờ sửa chửa. Nhưng bò ra Vũng Tàu hay đến Côn Sơn thì thừa sức.
Xuân an tâm:
– Tụi mình chỉ cần đưa tàu ra giửa dòng sông là OK.
Tôi lại nhúng vai:
– Dễ thôi. Bây giờ tụi mình bàn đến kế hoạch an toàn.

Chúng tôi đi vào chi tiết của kế hoạch: Xuân đang là sĩ quan trực của LSM – HQ 402 ngay hôm 29/4/1975, Xuân sẽ đưa tất cả thủy thủ đoàn của HQ. 402 sang PGM- HQ.611 của tôi. Để tránh dân chúng phát hiện ùa lên tàu và đồng thời tập trung người nhà một nơi kín đáo đưa lên chiến hạm an toàn. Chúng tôi sẽ đưa tàu vào sau hậu trạm Vùng 5 Duyên Hải nằm đối diện công trường Mê Linh để đón người nhà. Nếu kế hoạch một không thành, chúng tôi sẽ cho tàu ở giửa dòng sông và nhờ các kinh tốc đĩnh PCF của Hải Đội III Duyên Phòng gần đó đón người nhà của chúng tôi đưa lên HQ.611 (nhờ các PCF của Hải Đội 3 Duyên Phòng không khó vì giửa năm 1972 đến 1975, hầu hết các thuyền trưởng, thuyền phó của Hải Đội Duyên Phòng bấy giơ đều do các sĩ quan Đặc Biệt Hải Quân Nha Trang và hải quân OCS đảm nhận. Phần lớn cùng là đồng khóa hay đồng môn nên đều quen mặt biết tên. Nhờ họ chuyển người nhà từ bờ ra hạm sẽ không thành vấn đề.

Đêm 29/4 rạng sáng 30/4 có vài sĩ quan cấp tá hải quân kẹt lại tại các đơn vị hay căn cứ dọc trên sông Saigon đã nhờ những PCF đưa lên chiến hạm lớn. Trong số cấp tá đó có HQ Đại tá Nguyễn Văn Hớn. Tại Portland, mỗi lần gặp tôi Đại tá Hớn cứ nhắc nhở nhờ tôi tìm cho ông thuyền trưởng PCF đã đưa ông ra chiến hạm để ông có lời cám ơn thuyền trưởng nọ, vì nhờ thuyền trưởng này mà ông đã theo được chiến hạm di tản ra nước ngoài năm 1975). Đêm cuối đó, PCF của Phan Ngọc Hùng sau khi tải thương HQ. Nguyễn Ngọc On từ Vũng Tàu về Saigon cũng đã đón vớt không it hải quân trên sông hoặc ven bờ đưa ra hạm lớn trên đường trở ra Vũng Tàu.

Xuân và tôi đồng ý kế hoạch an toàn nhất để đón người nhà lên HQ 611 xong. Chúng tôi vạch đến kế hoạch phòng thủ an ninh trên HQ. 611 khi đón thân nhân lên tàu và trên đường vận chuyển chiến hạm ra biển trong trường họp nếu chẳng may gặp phải tình huống xấu xảy ra khi di chuyển.

Khoảng 2 giờ trưa, Xuân đưa tôi trở về chiến hạm. Xuân cũng về tàu của mình sau khi cả hai hẹn đúng 6 giờ chiều sẽ gặp nhau ngoài cổng Bộ Tư Lệnh. Ngoài kia rào cản đầu đường vào Bộ Tư Lệnh, dân chúng đã đông nghẹt, có cả quân nhân của nhiều binh chủng khác. Mọi người ồn ào la hét đòi cho vào bến tàu. Bấy giờ, xe quân sự muốn chạy vào hay từ trong chạy ra ngoài đều bị ngăn chận. Trên bầu trời, từng chiếc trực thăng nối nhau chở lố nhố người từ hướng Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ bay ra Đệ Thất Hạm Đội. Thỉnh thoảng có vài trực thăng chở đầy ấp người, chân người thòng ra khỏi cửa, trực thăng bay thật thấp và đảo vòng vòng như muốn tìm chổ đáp xuống đâu đó tại bến tàu nhưng viên phi công tìm không được chổ đáp, cho trực thăng bay đi. Bầu trời xám ngắt không chút nắng. Tiếng động cơ của trực thăng ít phút lại bay ngang. Ngoài rào cổng và các nẻo đường nhiều đám người kéo nhau chạy về hướng bến tàu càng ngày càng đông hơn. Thỉnh thoảng hướng nhà hàng Mỹ Cảnh nổ lên từng tràng đạn M-16 làm cho không khí Saigon đang ảm đạm như rối loạn lên thêm. Cảnh tượng báo hiệu sắp có một biến cố lớn sẽ xảy đến.

Tôi nhìn đồng hồ đúng 3 giờ chiều. Tôi tập họp nhân viên hỏi có ai cần về nhà mang gia đình vào tôi sẽ ký sự vụ lệnh cho họ. Nhưng không nghe thấy nhân viên nào lên tiếng. Gọi nhân viên tiếp liệu mở kho vũ khí, tôi lựa lấy một khẩu colt 45 còn mới và một gấp đạn đầy dắt vào lưng. Sau đó tôi lên đài chỉ huy ký vội hai sự vụ lệnh một cho tôi và một cho Hạ sĩ vân chuyển Tô Nhật Hà. Tôi nhờ Hạ sĩ Hà lái xe gắn máy đưa tôi về nhà tận Bà Chiểu, Gia Định. Có sự vụ lệnh, chúng tôi ra cổng không gặp trở ngại nào.

Hạ sĩ Tô Nhật Hà dừng xe trước cửa nhà tôi. Hà trở về tàu. Tôi vào nhà đã hơn 4 giờ chiều, hối hả kêu mọi người trong nhà thu xếp đồ đạt theo tôi xuống tàu. Vợ tôi vội vàng thu xếp hành trang cho hai đứa con nhỏ.. Lúc ấy có hai bà lối xóm ở kế bên nhà thấy gia đình tôi đang nhốn nháo chuẩn bị đồ đạt ra đi, họ vào thẳng trong nhà to nhỏ bàn vô nói ra với ba mẹ vợ của tôi. Cuối cùng ba vợ chịu đi, mẹ vợ lại không chịu đi. Kẻ đi người ở trở thành đề tài rối rấm. Tôi nóng lòng muốn mọi việc thu xếp nhanh chóng để trở về tàu vì trách nhiệm đang chỉ huy một chiến hạm sẽ ra đi trong vài giờ đồng hồ tới. Vã lại tôi rời chiến hạm bằng sự vụ lệnh do chính tôi tự ký lấy để được ra khỏi cổng BTL Hải Quân là việc làm sai phạm kỷ luật quân đội (hậu qủa việc làm này như là định mệnh đã an bày dành cho tôi phải bị kẹt lại Việt Nam và đi vào tù cộng sản hơn 7 năm). Thu xếp bên gia đình vợ xong, tôi còn phải chạy sang gia đình của tôi ở tận bên Khánh Hội, quận Tư để kéo tất cả gia đình anh chị em xuống tàu. Chiếc đồng hồ đeo tay của tôi giờ đây như mắc dịch, nó chạy nhanh như gió, kim chỉ 5:10, tôi cuống quít cả lên dắt xe ra cửa chạy sang Khánh Hội.

Dựng xe gắn máy trước cửa nhà của anh em tôi bên Khánh Hội, nhìn xuyên qua cửa sổ, tôi thấy trong nhà lố nhố cả chục người mặc quân phục đứng ngồi tại phòng khách. Bước vào bên trong nhà không kịp chào hỏi ai, tôi gặp ngay ông anh cả của tôi:
– Tàu em đang nằm dưới bến Bạch Đằng, em muốn mọi người trong nhà xuống tàu ngay bây giờ để di tản ra Côn Sơn.
Anh cả tôi quay lại nói lớn với nhóm sĩ quan bộ binh trong nhà:
– Thưa Trung Tá và các anh em, có sẳn tàu của thằng em tôi tại bến Bạch Đằng, có ai chịu di tản thì xuống tàu ngay bây giờ.
Các sĩ quan bộ binh xì xầm bàn tán. Sau đó họ quyết định từ chối không xuống tàu của tôi. Thì ra nhóm sĩ quan bộ binh này là những sĩ quan làm việc tại Bô Tổng Tham Mưu, tất cả là sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ông Trung tá cấp bậc lớn nhất trong nhóm là tùy viên hay chánh văn phòng của Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị (TTM/ Tổng Cục Quân Huấn), anh cả tôi khóa 24 Võ Bị, đại úy phòng Du Học. Chỉ có thằng em chú bác của tôi khóa 29 Võ Bị là cấp thấp nhất, ra trường sớm chưa kịp được mặc bộ quân phục Nhảy Dù mới toanh mà tôi đã chở nó đi bỏ sửa, mới lấy về hôm qua. Còn mấy sĩ quan khác tôi mới gặp lần đầu.

Nhóm sĩ quan Bộ Tổng Tham Mưu lo ngại xuống tàu của tôi tại BTL/HQ chờ đến giờ di tản, họ đặt vấn đề nếu bến tàu bị phi cơ địch dội bom thì chạy đâu? Họ bị ám ảnh cuộc dội bom chiều hôm qua (28/4/1975) xuống phi trường Tân Sơn Nhất của phi đội Quyết Thắng (5 phi cơ A37) của cộng quân do giặc lái Nguyễn Thành Trung hướng dẫn từ phi trường Thành Sơn (Phan Rang) bay vào Saigon dội bom. Hơn nữa họ đang ngồi chờ lệnh của Trung tướng Nguyễn Bảo Trị để di tản bằng đường hàng không. (Cuối cùng Tướng Trị bặt tin, cho đến sáng 30/4/1975 sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, nhóm Võ Bị này chạy xuống khu kho 5 bến tàu Khánh Hội tìm phương tiện tàu hàng di tản….nhưng đã qúa muộn!)

.
Dằn co giửa tôi và nhóm Võ Bị làm cho tôi trờ về bên nhà vợ trời đã tối. Giờ hẹn với Võ Trường Xuân tại bến tàu lúc 6 giờ chiều cũng đã trôi qua. Vào nhà được tin ông bố vợ đổi ý không chịu đi vì đứa con gái đầu lòng của tôi đã nhóm bệnh hôm qua và chiều nay đang lên cơn suyễn nặng. Ông bà ngoại cháu và vợ chồng tôi thay phiên vác cháu trên vai cho con bé dễ thở . Con gái tôi trở cơn bệnh nặng là động lực lớn nhất đưa tôi đến quyết định ở lại nhà chờ con bé hạ cơn suyễn rồi tính sao. Giờ giới nghiêm lặng lẽ qua qua……

Sáng sớm ngày 30 tháng 4, với bộ quân phục hải quân còn mặc trên người từ hôm qua tôi lái xe chở theo thằng em vợ chạy xuống bến tàu với hy vọng chiến hạm 611 còn đó……. Bộ Tư Lệnh hải quân và bến Bạch Ðằng vắng tanh không còn một chiến hạm nào và HQ. 611 của tôi cũng đã biến mất. Trên bờ xe hơi, xe nhà binh, xe gắn máy và mọi thứ đồ đạt vứt bừa bải như một bải rác lớn. Cảnh tượng thật điêu tàng. Tôi thẩn thờ như kẻ mất hồn với tâm trạng buồn khó tả. Tôi lãng đãng nhìn một chiếc PGM đang chầm chậm tiến vào vị trí cập cầu A. Trên sàn tàu sau lái, một viên sĩ quan đang nhìn đám thủy thủ chuẩn bị quăng dây cập cầu.

– Ê! Nam. Mày có đi không.
Mặt trời đang nhú lên từ hướng bên kia Thủ Thiêm đỏ lòm và ánh nắng chói chan đã làm tôi chóa mắt. Lấy tay che nắng chói nhưng cũng chưa nhận ra viên sĩ quan trên PGM gọi tôi là ai với giọng Bắc kỳ nghe rất quen thuộc.

Tôi chạy đến gần chiến hạm hơn thì nhận ra viên sĩ quan có giọng nói Bắc kỳ khàn đục đó là Hạm phó Nguyễn Văn Báo (HQ/9OCS) cũng là thuyền trưởng Hải đội 5 Duyên phòng cùng thời với tôi.

Tôi lên sàn tàu. Báo bựa nói nhanh:
– Tao lấy nước xong là zulu. Mày có đi thì đi luôn.
Tôi lắc đầu từ chối:
– Không có vợ con, làm sao tao đi một mình được.

Nói xong, tôi rời khỏi PGM của Báo. Đứng chờ chiến hạm lấy nước ngọt xong, tôi giúp tháo dây cột. Chiếc hạm thâu dây và tách khỏi cầu. Một mình đứng trên bờ nhìn theo chiếc Tuần Duyên Hạm, chiến hạm cuối cùng của Hạm Đội VNCH mà tôi còn thấy được vào sáng 30/4/1975 đang lủi thủi hướng mủi ra giữa dòng sông. Hai dạt sóng nhỏ chạy dài từ mủi tàu chẻ đôi mặt nước sông. Gợn sóng nhấp nhô sau lái đẩy đưa chiến hạm đi xa dần. Nhìn lá quốc kỳ của VNCH đang rủ, thỉnh thoảng gió ban mai thổi nhẹ làm lá Quốc kỳ lai động nhẹ trên chóp cột cờ của chiến hạm như nức nở nghẹn ngào gĩa biệt Saigon mến yêu. Lòng tôi se lại……

Không hiểu sao lúc bấy giờ tâm trạng của tôi tràn ngập nổi buồn xa đơn vị, xa chiến hạm hơn là sợ hãi kẻ địch đang chiến thắng, tiến vào Saigon.

Tôi lên xe và nổ máy. Xe chưa lăn bánh thì Trung úy Nguyễn Tấn Luật (Luật Đen) lái chiếc Honda 67 dừng kế bên tôi:
– Ủa! mày không đi hả Nam. Bây giờ mày tính sao?
Tôi lắc đầu:
– Tàu thằng Báo bựa vừa tách bến. Nó bảo tao đi, nhưng tao từ chối.
Trí óc tôi trống rỗng và nói tiếp:
– Tính gì nữa. Về nhà tính sau mày Luật.
Trung úy Luật đề nghị:
– Hay mày theo tao về quê ở Cần Thơ.
Tôi ngạc nhiên hỏi trổng:
– về Cần Thơ làm gì?
Luật đề nghị:
– Rút theo lính mình vào rừng kháng chiến.
Tôi không có một chút suy tính gì lúc đó. Nhúng vai nhẹ:
– Để xem tình hình ra sau rồi tính. Trước hết là về nhà thay đồ trước đã. Tụi mình còn đang mặc quân phục. VC tràn vào, mình đi đứt.

Trung úy Phan Tấn Luật cũng chợt nhớ ra mình cũng còn đang mặc quân phục trong khi Tổng Thống Dương Văn Minh đã tuyên buông súng. Chúng tôi chia tay. (HQ. Trung Úy Nguyễn Tấn Luật, Khóa 1 Đặc Biệt NT và Khoá 1 Thuyền Trưởng Coast Guard & PCF, cựu thuyền trưởng HĐ5 Duyên Phòng đã qua đời vì ung thư gan tại Việt Nam năm 2011)

Trên đường về Gia Định, tại ngã tư Hàng Xanh, tôi thấy nhiều xe tăng M-113 của VNCH đang bố trí vị trí chiến đấu. Tôi cho xe chạy nhanh hơn để kịp về nhà thu dọn gia đình chạy sang Tân Định hay Khánh Hội để tránh xa trận đánh tại ngã tư Hàng Xanh nếu xảy ra.

Vừa vào nhà tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy có nhiều thủy thủ của HQ. 611 đang ngồi chờ trước phòng khách. Họ trong bộ đồ nữa lính nữa dân, có anh đi chân không. Tất cả vẽ mặt buồn hiu. Một anh hạ sĩ quan lên tiếng trước:
– 611 của mình chìm rồi ông thầy ơi.
Tôi sửng sốt:
– Ủa! Tại sao chìm……. mấy anh không sang tàu khác đi?
Một thùy thủ khác:
– Tối hôm qua, nhiều ông sĩ quan hải quân và cả bộ binh lên tàu. Họ có súng và uy hiếp tụi em nổ máy tàu tách bến không cần chờ hạm trưởng.
Tôi gằn giọng:
– Ai ra lệnh lấy tàu mình đi?
Người thủy thủ hiểu lầm câu hỏi của tôi. Anh ấy tưởng tôi hỏi ai ra lệnh di tản:
– Đại tá Đổ Kiểm.
Một thùy thủ khác buồn buồn:
– Khi tàu vô nước, tụi em xuống phòng ông thầy định phá tủ mang vali, đồ đạt ông thầy về đây. Nhưng không kịp. Tàu vô nước nhanh quá. Tụi em chỉ kịp phá hủy hồ sơ tài liệu mà thôi.
Một thủy thủ khác:
– Tụi em phá tủ tiền nhưng cũng không kịp. Tụi em bơi vào bờ rồi lội bộ về đây báo cáo cho ông thầy hay.
Hết rồi. Ðầu óc tôi trống rỗng. Tôi không còn muốn tìm hiểu thêm chi tiết chiến hạm chìm nơi đâu? tại sao chìm? ai cưỡng đoạt tàu:
– Tình hình sau này không biết thế nào. Tạm thời anh em nhà ai nấy về.
Tôi cũng không còn một đồng trong túi để gửi cho anh em thủy thủ ít tiền xe cô về nhà. Giấy tờ, tiền bạc và tất cả quần áo của tôi đã mất sạch dưới tàu. Sau 30/4/1975, tôi chỉ còn bộ quân phục đang mặc trên người. Tôi cám ơn các thủy thủ và tiển họ ra cửa.

Nhìn theo các anh thủy thủ áo quần xốc xếch đi xa đầu ngõ. Niêm trách ẩn rời tàu trổi dậy trong tôi cùng long cảm phục các thủy thủ đoàn HQ 611: các anh là những chiến sĩ hải quân that xuất sắc. Các anh đã hoàn thành trách nhiệm của người thủy thủ VNCH tận thời điểm cuối cùng của cuộc chiến.

Chẳng những các anh không bỏ tàu mà còn đến báo tin cho tôi biết tình trạng chiến hạm gặp nạn. Điều này đã nói lên tinh thần Quốc gia và trách nhiệm của người lính VNCH nơi các anh thật cao và thật đáng kính phục dường nào. Chính tôi đã bỏ tàu và bỏ rơi các anh!!

.

Post on Oregon Thời Báo nhân Kỷ Niệm Ngày Quân Lực 19/6 năm 2013 …….

Trở lại câu chuyện với Võ Trường Xuân.

Xuân trở về LSM-402 cũng ký sự vụ lệnh cho mình để ra cổng về đón người nhà. Xuân và gia đình xuống bến tàu đúng giờ hẹn 6 giờ chiều. Thật đông dân chúng và quân nhân đủ mọi cấp, mọi binh chủng đông nghẹt la ó bên ngoài cổng rào của BTL/HQ. Xuân đã chửi thề khi tìm không ra được tôi trong đám đông chen lấn. May mắn Xuân gặp được Trung úy…Tự, đang là sĩ quan trực tại cổng của BTL/HQ, Tự là bạn thân với Xuân khi còn ở Năm Căn. Trung Úy Tự cho lệnh quân cảnh hé mở cổng cho gia đình Xuân vào bên trong. Nhờ đó Võ Trường Xuân đã đưa được tất cả thân nhân lên LSM -HQ402 và sau đó chuyển sang chiếc hạm khác (HQ. 402 được kéo theo đoàn tàu di tản và được đánh chìm ngoài biển). Xuân và thân nhân đến Hoa Kỳ năm 1975……

Ra tù cộng sản cuối năm 1982, vào giửa năm 1983 đang còn trong thời hạn ” tù quản chế” tại địa phương, tôi đã nhận lãnh một chuyến vượt biên từ cố HQ. Thiếu Tá Nguyễn Duy Khanh (K. 12/NT) giao cho. Chuyến đi thành công. Ghe chúng tôi được tàu chở gas khổng lồ của Hoa Kỳ vớt gần Indonesia đưa vào Nhật Bản. Giửa năm 1986, một vị Trung Tá Hải Quân Hoa Kỳ (ngoài phái đoàn phỏng vấn của Cao Ủy Tỵ Nạn) gặp riêng gia đình tôi để xác nhận lý lịch trong tập hồ sơ quân bạ của tôi mà ông ta mang theo. Sau cuộc phỏng vấn diễn ra thật nhanh chóng và đơn giản (xác định số quân vả thời gian đi tù CSVN). Ông ta tuyên bố ông đại diện chánh phủ Hoa Kỳ chấp nhận cho gia đình tôi định cư tại Hoa Kỳ theo quy chế tỵ nạn. Thủ tục tuyên thệ ngay sau đó. Đây là một sự kiện ngoại lệ xảy ra tại các trại tỵ nạn tại Nhật Bản khi chánh phủ Hoa Kỳ qua tận nơi nhận người tỵ nạn ngoài áp lực của Cao Ủy Tỵ Nan Quốc Tế và chánh phủ Nhật Bản ép người tỵ nạn định cư tại Nhật vào thập niên 1980. Sau đó it tháng, gia đình chúng tôi rời Nhật Bản và đến Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 1986. Thế là VT Xuân và tôi lại gạp nhau……

Mùa Hè năm 2012, một số anh em hải quân Khoá 23/NT từ vài tiểu bang xa ghé thăm Portland được tiếp đón tại tư gia của HQ. Lê Quang Vinh (Vinh râu, Khóa 23/NT). Buổi tiệc vui có cả Nguyễn văn Đông (K.23/NT), Tạ Thông (K. 23/NT) và tôi. Nhờ các bạn Khóa 23/NT này, tôi biết được tin HQ. Thiếu Úy…Bữu (K. 23/NT), cựu sĩ quan hải quân trên Tuần duyên hạm Trường Sa HQ.611 vừa qua đời vì bạo bệnh tại Việt Nam. Nơi đây, tôi xin cầu nguyện linh hồn bạn Bữu sớm tiêu diêu miền lạc cảnh.

Tháng 9 vừa qua, HQ. Hoàng Trọng Tuấn từ Úc Châu (Sydney) sang San Jose, California họp Khóa 21/NT (Đệ Nhị Nhân Mã) đã ghé Portland thăm tôi trước khi trở về Úc Châu. Vài ngày sau HT. Tuấn qua email đã tặng tôi tấm ảnh của Tuần Duyên Hạm Trường Sa HQ. 611 đang công tác gần đảo Trường Sa. Tấm ảnh HQ 611 của Tuấn gởi tặng là một món qùa thật qúy báo. Cám ơn bạn hiền Tuấn “k.k.k” thật nhiều.

Quốc Hận 30/4/2013 – Portland, Oregon
HQ. Phạm Quốc Nam
……………………………………………………………….

HQ 611 với những ghi chú mới nhất (2015)

Kế hoạch di tản hạm đội: Lập danh sách thân nhân của thủy thủ đoàn lên tàu di tản và thiết lập hậu cứ trên Côn Sơn….là có thật.
Trong buổi ra mắt DVD vinh danh ‘Chuyến hải hành cuối cùng của HQ/VNCH’ do Dân Sinh Media tổ chức tại San Jose vào cuối năm 2013, HQ Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tư lịnh Hạm Đội trình bày kế hoạch di tản trong đó ông có nói đến việc lập danh sách thân nhân của thủy thủ đoàn lên tàu di tản và thành lập hậu cứ trên Côn Sơn để tiếp tục chiến đấu. Nhưng dư luận trong hải quân cho rằng ông ‘ngụy biện’ cho cuộc mang hạm đội tháo chạy. Dư luận này hoàn toàn không đúng và là điều ‘oan’ cho Đại tá Sơn.
HQ 611 là một trong những chiến hạm trực tiếp thi hành mật lệnh của BTL Hạm Đội khi Đại tá Sơn: Lập danh sách thân nhân của thủy thủ đoàn lên tàu là có thật. Tôi còn nhớ rỏ hàng chữ đậm của tựa danh sách: ‘Di tản ra Côn Sơn tránh pháo kích Saigon’.
Ngoài ra nhiều ngày trước đêm 29/4/1975, HQ 611 chở ‘hàng’ từ Saigon ra HQ 802 đang nằm ngoài khơi Vũng Tàu. Số hàng gồm các đồ gia dụng, vật liệu như tủ, giường, bàn ghế, xe gắn máy, TV v.v…mà hơn 40 năm qua tôi không bao giờ tiết lộ qua các bài viết liên quan đến HQ 611 chở hàng gì? Cho đến sau 39 năm Đại Tá Sơn lên tiếng việc này, tôi mới công khai HQ 611 đã chuyển những hàng gì ra HQ 802 ngoài khơi Vũng Tàu để minh chứng cho sự thật như lời Đại tá Sơn đã nói.
– Bàn giao Tư Lịnh Hạm Đội:
Trong bài viết của Đại tá Sơn, ông đã quên một sự kiện lịch sử buổi bàn giao Tư Lịnh Hạm Đội giữa ông và HQ Đại tá Phạm Mạnh Khuê trên lầu của BTL/HQ. Có lẽ ông bị cách chức bất ngờ làm ông bị sốc mạnh nên ông đã quên mất sự kiện này. Các bài viết về hải quân của nhà báo HQ Phạm Kim, Điệp Mỹ Linh đều có viết về buổi bàn giao này và chính tôi cùng nhiều hạm trưởng khác của các chiến hạm tại bến Bạch Đằng đều được lệnh tham dự.

.
– PGM-HQ 611 sống lại sau gần 40 năm biệt tích:
Sáng 29/4/1975 sau khi nhận lệnh chiều tối di tản, trên đường trở về tàu tôi gặp LĐ2 Võ Trường Xuân. Hai đứa chúng tôi bàn kế hoạch đưa thủy thủ đoàn HQ 402**(còn một máy, VTXuân đang là sĩ quan trực) và thân nhân lên HQ 611 của tôi để ra đi. Tôi rời tàu vào khoảng 3 chiều để về nhà mang gia đình xuống tàu. Lúc ấy tại cầu A chỉ có PGM-HQ 611 nằm vị trí 1 trong cùng, bên ngoài là PGM-HQ 601 của Trần Minh Chánh.

.
Tuy nhiên sau này qua tài liệu, sách báo và các bài của những tay viết có tên tuổi trong hải quân đã viết và họ tự biến HQ 611 của tôi thành PCE- HQ11. Thế là HQ 611 đã biến mất như chính nó bị chìm trong đêm di tản không ai hay biết.
Cho đến gần 40 năm sau HQ 611 Trường Sa được sống lại qua bài viết mới đây của HQ Trung tá Trần Hương và lời phê bình HQ Châu Đình Lợi (HQ11) từ Úc Châu.
Sau đây là trích đoạn nguyên văn của Chương II. Saigon Trong Những Ngày Cuối Cùng từ bài viết : ‘Đời Thủy Thủ & Đêm Giang Hành Lịch Sử’ Của Người Thủy Thủ Gìa (K.9/SQHQ):
“…..Vào lúc đúng 7 giờ (1900H) trời vừa sập tối, tôi thấy những chiến hạm lớn đậu ở cầu B và các cầu tàu trong HQCX đã tháo dây ra giửa dòng. Tôi mời Đô Đốc Tư Lệnh lên đuờng.
Tôi dẫn đầu với một thủy thủ tên Tiếng (nhân viên theo tôi trong những ngày cuối cùng), hướng dẩn Đô Đốc Tư Lệnh và gia đình theo sau, 5 anh em Cận Vệ chia nhau bảo vệ hai bên sườn và đoạn hậu. Tất cã chúng tôi đều trang bị M18 (7 khẩu) cho gọn gàng, riêng tôi còn có thêm một khẩu “rouleau” nhỏ ngắn nòng, bên hông. Đoàn người rời văn phòng Tư Lệnh và đi về hướng cầu A vì nơi đây còn có 2 chiếc PGM, mủi hạ giòng, chưa vào nhiệm sỡ Vận Chuyễn.

Hạm đội di tản chiều tối 29/4/1975. Ảnh tư liệu của nhà báo HQ Phạm Kim (BTL/HQ/Phòng Báo Chí)

Đoàn người lầm lủi đi trong bóng đêm. Công trường Mê Linh súng nổ liên hồi, anh em Quân Cảnh bắn dọa chỉ thiên để chặn sự hỗn loạn và đập phá chướng ngại vật. Ngoài phố dân chúng chạy ngược chạy xuôi mặt mày hơ hãi. Trên sông Saigon, PCF và PBR đảo tới, đảo lui …at full speed, quậy sóng cuồn cuộn.
Khi đoàn “công voa” đến cây cầu nhỏ, nối liền Bến Bạch Đằng và cầu A, thì một số Thủy Thủ bỏ tàu đi ngược về phía chúng tôi. Chúng tôi xuống chiếc PGM đầu tiên, cặp ở vị trí trong cùng, không thấy Sỹ Quan nào hiện diện mà chỉ có một số ít thủy thủ đứng trên boong tàu, trạng thái hổn xược, miệng la to “tàu không đi, tàu không đi”……….
Chúng tôi trèo qua chiếc PGM ngoài cùng  thì gặp Đại Úy Trần Minh Chánh (con trai Đề Đốc Trần Văn Chơn) và Đại Tá Nguyễn Văn Ánh, còn những vị khác hiện diện trên tàu, trong giai đoạn khẩn trương nầy, tôi không để ý. Tôi yêu cầu Đại Úy Chánh đưa chúng tôi rời khỏi Saigon. Đại Úy Chánh, Hạm Trưỡng PGM, ngần ngừ một chút rồi trã lời: “tàu vừa đi công tác về và vừa lấy dầu xong, chúng tôi không có ý định rời Việt Nam vì Ba Tôi (ĐĐ Chơn) và gia đình còn ở lại, và kể cả gia đình của thũy thủ đoàn”. Nhưng sau một phút suy nghĩ, Đại Úy Chánh lại nói với tôi: “Tôi đưa Quý Vị ra đến biển rồi chúng tôi sẽ quay trở về”.
Hạm Trưỡng Trần Minh Chánh liền ra lệnh tháo dây, HQ 611** từ từ tách bến, khởi đầu cho Đêm Giang-Hành Lịch-Sữ.
HQ 611 rời Saigon, không đèn hãi hành, âm thầm di chuyển trong đêm. PCF và PBR vẫn ngược xuôi quậy sóng bao quanh các Chiến Hạm như để hộ tống, luyến tiếc tiển đưa những Người Bạn, đã một thời chiến đấu bên nhau, ra khơi lần cuối…..”
** Ghi chú của Phạm Quốc Nam: tác giả đã nhầm lẫn số hiệu tàu của HT. Trần Minh Chánh (HQ 601) và PGM của tôi (HQ611). Tôi đã email yêu cầu tác giả điều chĩnh lại số hiệu tàu giữa HQ601 và HQ611 ngay sau khi đọc được bài viết này.
Và dưới đây là trích đoạn ngắn phần góp ý của HQ Châu Đình Lợi  (trên HQ 11) với bài viết của Người Thủy Thủ Già:
“….Lúc đó, chỉ có 3 chiến hạm cặp ở cầu B là HQ.1, HQ.3 và HQ.2 là tách bến ra đi mà thôi. Các chiến hạm khác nằm trong vòng đai HQCX chưa thể rời bến vì nhiều lý do như chưa sẳn sàng, hạm trưởng chưa về tàu, thủy thủ đoàn đón gia đình chưa về kịp… Vì thế tác giả bảo các chiến hạm tháo dây ra đi hết là không chính xác. Thí dụ như HQ.11 của tôi, cặp cầu BTL Hạm Đội bên ngoài 4 chiếc LST khác mà mãi đến 11 giờ đêm 29/04/1975 mới tách bến ra đi sau khi Hạm Trưởng Phạm Đình San đón kịp gia đình trở về tàu, ra đi có HQ Đại Tá Đỗ Kiểm………….

.
……Đoạn văn in bằng mực đỏ đậm nét trên đây là để nhấn mạnh nói về HQ.611 của cựu HQ Đại Úy Phạm Quốc Nam, Quyền Hạm Trưởng HQ.611. Tác giả đã nhầm lẫn và đã đính chánh về việc TLHQ Chung Tấn Cang và đoàn tùy tùng vợ con xuống HQ.601 của Hạm Trưởng Trần Minh Chánh. Cũng cần nói thêm nhiều năm trước, các bài báo và trang mạng đều đăng HQ.11 nằm tại cầu A trước mặt BTL/HQ cùng với HQ.601 và 3 chiếc LST khác là HQ.592, HQ.503 và HQ.504. Bài báo do Trần Lý, Phạm Kim và Điệp Mỹ Linh viết không chính xác này đã làm HQ.611 của HQ Đại Úy Phạm Quốc Nam cặp cầu A bị biến mất. Thử hỏi ba chiếc LST chiều dài 100 mét cặp bên ngoài một chiếc PGM vỏn vẹn 31 m, vị hạm trưởng tài ba nào cặp được?….”

.
Nơi đây tôi xin cám ơn nhị vị: HQ Trung Tá Trần Hương tức Người Thủy Thủ Già Khóa 9/SQHQ và HQ Châu Đình Lợi đã cho HQ 611 sống lại sau gần 40 năm biệt tích.

Tạp ghi: “Khoảnh khắc của người lính biển”

Tân khóa sinh SVSQ/HQ/K.21 đi bờ khi còn tạm trú trại Bạch Đằng II cuối năm 1969. (Ảnh của Lê Xuân Chiến)

Rời giảng đường đại học, bước chân vào lính, tôi tình nguyện vào quân chủng Hải quân, gia nhập vào đại gia đình của những chàng trai yêu sông, thích biển…
Tháng 9 năm 1969, tôi vào Khóa 21 SQHQ. Được thụ huấn quân sự và chuyên nghiệp tại các quân trường như Quang Trung (căn bản quân sự), Thủ Đức (Tác chiến bộ binh), Hải quân Nha Trang (Hải nghiệp) và Cam Ranh (Thuyền trưởng hải đội duyên phòng). Thế là con nòng nọc hai chữ CB bám trên cập cầu vai của tôi đứt đuôi để trở thành quan hai tàu thủy. Rồi từ đó cứ theo con tàu lớn nhỏ đêm ngày lênh đênh trên biển cho đến khi chiến hạm mang tên Trường Sa do tôi chỉ huy vào những ngày cuối tháng Tư Đen biến mất vào đêm 29 tháng 4 năm 1975. Tính ra thời gian làm lính của tôi chỉ tròn 6 năm một tháng. So ra thời gian đi lính ít hơn thời gian tôi đi tù cộng sản. Thật là khoảnh khắc ngắn ngũi của một người lính biển!

.
Thời gian làm lính của tôi qúa ngắn ngũi phải không các bạn? Khi mà màu áo xanh và cập cầu vai còn nhẹ trơn, chưa đủ bạc màu gió biển và vẫn còn nhát sợ khi lái con tàu một mình đối diện với những cơn cuồng nộ của biển mà chung quanh không có một chiến hạm hay chiến đĩnh bạn nào. Ngày này qua tháng nọ trên chiến đĩnh tôi quen dần với sóng gió biển khơi không như lần đầu tiên tôi bị say sóng rã nát người, tưởng như muốn chết đi khi cùng những người bạn cùng khóa mới ra trường qúa giang chiếc hạm LST của Đại Hàn từ Saigon đi An Thới (Phú Quốc) để tân đáo Vùng 4 Duyên Hải (V4ZH). Suốt cuộc hải hành trên chiến hạm LST tôi nằm lăn ra trên boong tàu, ói hết mật vàng đến mật xanh và không còn biết mình là ai và đang ở đâu?

.
Biển! Không biết có sức mạnh nào mạnh hơn sóng biển nhỉ? Bất cứ loại tàu bè lớn cỡ nào cũng sẽ trở nên nhỏ bé và yếu đuối trước những cơn thịnh nộ của đại dương. Ngày đầu đi biển mấy ai mà chẳng say sóng? Có lẽ phải có thời gian làm quen hay trở thành “người tình” của biển hoặc vì trách nhiệm đối với con tàu làm cho người lính thủy quên đi sóng gió.

.
Tuy đời lính của tôi ngắn ngũi như thế. Nhưng thời gian đó thật có gía trị cho cả một đời người. Đồng thời nó còn cho tôi cái vinh hạnh được dâng một phần tuổi trẻ phục vụ cho Tổ quốc và niềm tự hào của người lính thủy.
Thật vậy, đời lính đã dạy cho tôi biết bao nhiêu điều trong cuộc sống, nó mang đến cho tôi thật nhiều bạn bè đồng đội thân thương, nó cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên, nó đưa tôi đi đến nhiều vùng đất lạ của đầm lầy, con sông, cửa biển, hải đảo và tận đến những vùng biển xa xôi lạ lẫm của quê hương nước Việt mà tôi chưa bao giờ có một lần đi đến nếu không nhờ cái khoảnh khắc làm lính thủy đó.

.
Dù là đời lính thủy chỉ trong khoảnh khắc, nhưng tôi rất trân trọng và cám ơn cái khoảnh khắc đó. Ngoài những gì đời lính đã cho và dạy, nó còn cho tôi cái vốn liếng đi biển. Cái vốn liếng ấy có được bởi sự tiếp nối nhau qua từng đơn vị, từng loại chiến hạm, chiến đĩnh như những mắt xích của định mệnh. Nó chính là cứu cánh đã biến đổi đời sống của tôi sau khi ra tù cộng sản. Cái vốn liếng ấy đủ giúp tôi thoát khỏi ‘thiên đường cộng sản’ bằng cuộc vượt biển thành công.

.
Tôi cũng rất tự hào với bộ quân phục hải quân. Ngày nay thỉnh thoảng tôi trân trọng mang ra mặc trong những ngày lễ hội lớn. Mặc lại bộ quân phục ngày xưa, tôi không hề thấy mặc cảm của người thua trận. Màu áo của mộng hải hồ! Tôi vẫn yêu thích mặc lấy nó vì tôi đã khôn lớn từ màu áo ấy. Nó đã cho tôi đủ thứ trong qúa khứ kể cả biết thế nào là bạo lực và xảo quyệt của người cộng sản. Chính nó đã biến đổi và mang đến cho tôi mọi sự tốt đẹp, hạnh phúc của ngày hôm nay. Mục đích cuối cùng của cuộc sống là sự thành đạt của con cái mà chúng có được như hôm nay phải chăng cũng từ bộ quân phục đó. Xin cho tôi trân trọng nói một lời cảm tạ quân chủng mẹ.

.
Nhưng cái khoảnh khắc đó cũng đã đưa tôi vào nhà tù của phe thắng cuộc. Sau 30/4/75, tôi cũng như hàng trăm ngàn người lính VNCH trở thành những người tù của lũ cộng nô. Những người lính chúng tôi chấp nhận số phận của người thua cuộc nhưng không khuất phục kẻ thù. Kẻ thắng cuộc càng hành hạ chúng tôi thì càng làm tăng thêm lòng căm thù giặc Cộng trong lòng mỗi chúng tôi. Những tên cai tù từ vệ binh cho đến cán bộ trại giam là những tên cán ngố ngu xuẩn, thất học và tàn ác. Bài học đầu tiên trong trại tù là bài “Lao động là vinh quang. Lao động làm biến dạng con người….” được tên chánh trị viên giảng bài như con vẹt nhưng chúng quên nhìn lại hình dạng của chúng không khác gì loài khỉ Trường Sơn so với người miền Nam văn minh và nhân bản.

.
Gọi chúng là bên “thắng cuộc” hay kẻ “thắng cuộc” hình như là không đúng vì chúng chỉ là một băng đảng ăn cướp đang có cơ hội tung hoành trên quê hương. Chúng như loại vi trùng nguy hiểm phá hoại, đục khóet thân thể của mẹ Việt Nam. Người lính VNCH ngày nay đang sống lại trong lòng dân tộc.
Bên cạnh Người lính VNCH kiên gan và bất khuất trong các trại tù cũng có những thằng tù bội phản đồng đội, làm tay sai cho kẻ thù. Tù nhân chúng tôi gọi chúng là an-ten (antenna). Thường bọn an-ten này được trại tù sử dụng công khai với danh xưng “trực tự viên”. Bọn trật tự viên này có nhiệm vụ rình rập, thu thập tin tức người tù để báo cáo lên ban chỉ huy trại. Thậm chí chúng có quyền đánh đập tù nhân. Tại trại giam Z30A (chợ Ông Đồn-Long Khánh) vào cuối năm 1982, tôi từng bị hai thằng trực tự viên có tên là Muôn và Lành lôi tôi về phòng riêng thay phiên đánh đá hội đồng trước khi chúng giải tôi lên bộ chỉ huy trại chỉ vì quà cáp không biếu chúng khi tôi được người nhà thăm nuôi. Vành cạnh sắt bén của chiến nhẫn đeo tay của tên Muôn còn để lại mí mắt phải của tôi một vết sẹo dài cho đến ngày nay.

.
Hồi tưởng lại sau 7 năm tù cộng sản, trở về gia đình với sức khoẻ tồi tệ bên trong cái thân thể gầy gò khô héo, tôi đã nhận một chuyến vượt biên với gần cả trăm thuyền nhân. Chiếc ghe vượt biên khởi hành từ vườn hoa Lạc Hồng, Mỹ Tho và ba lần chiếc ghe bé nhỏ thoát khỏi sự đuổi bắt của tàu tuần Việt Cộng trong sông và ngoài cửa biển Bình Đại. Chiếc ghe chưa ra xa khỏi bờ biển, sóng biển tuy không lớn lắm nhưng đã làm cho tất cả thuyền nhân nằm lăn ra như chết. Còn lại một mình tôi ôm tay lái ghe vượt chặng đường hải hành hai ngày ba đêm không một phút nghĩ ngơi, chợp mắt cho đến khi được chiếc tàu dầu của Hoa Kỳ vớt gần Indonesia. Phải chăng vì trách nhiệm với gần một trăm sinh mạng, trong đó có cả vợ và hai con nhỏ đã làm cho tôi có sức chịu đựng kỳ diệu đó?

.
Ở lại Việt Nam sau 30/4/1975 tôi đi tù gần 8 năm; qua nhiều trại tù khổ sai của Việt Cộng. Ra tù, tôi bôn ba trong giới vượt biên cho đến khi tôi gặp được HQ Thiếu tá Nguyễn Duy Khanh (K.12/NT) giới thiệu đến một tổ chức vượt biên. Chuyến ra đi thành công. Tôi quen biết anh Khanh ngay những ngày đầu khi còn là khóa sinh tạm trú tại trại Bạch Đằng II, lúc anh là tuỳ viên của Tư Lịnh HQ Trần Văn Chơn qua sự giới thiệu của ca sĩ Huyền Châu trong Ban Việt Nhi của cố nhạc sĩ Nguyễn Đức và anh từng là Chỉ huy phó Hải Đội 5 Duyên Phòng. Anh đưa tôi xuống làm thuyền trưởng PCF -HQ.3909.
Anh Khanh là một đàn anh hải quân đáng kính. Ông và tôi gắn bó trong suốt thời gian quân ngũ, cũng như sau này khi cả hai ra tù cho đến khi cùng có mặt trên đất Mỹ. Gia đình chúng tôi xem ông là một ân nhân…

 NỖI BUỒN HAI CHỮ “TRƯỜNG SA”

Rời đại học Khoa Học Saigon, tôi gia nhập vào khóa 21 sĩ quan hải quân giữa tháng 9 năm 1969. Đầu đời thủy thủ là thời gian chúng tôi tạm trú tại Bạch Đằng II. Nơi đó đầy ấp kỷ niệm khó quên của những chàng trai trẻ xếp bút nghiêng theo tiếng gọi của Đại dương. Ngày đó chúng tôi, những tân khóa sinh trong bộ quân phục kaki vàng mới toanh (vài tuần sau đổi sang màu xanh tím), ca vang bài hát “Hải quân Hành khúc” mới của Đề Đốc Nguyễn Hữu Chí (thay thế bài ca Chiến sĩ Hải quân của Văn Cao) và tập tành làm lính với những bước đi cơ bản thao diễn còn chưa quen. Tại đây, bài học đầu tiên làm lính là thi hành “quân lệnh” theo hệ thống tự chỉ huy.

.
Đơn vị đầu tiên của tôi ở tận hải đảo xa xôi có tên gọi là Hòn Khoai hay hải đảo Giáng Tiên (Duyên đoàn 41 Poulo Obi), ngày đêm nghe tiếng sóng vỗ, gió biển bốn bề…Nhà thơ Giang Hữu Tuyên, người bạn cùng khóa đã có hai câu thơ bất hủ khi Tuyên cùng với tôi thuyên chuyển về ZĐ41 Poulo Obi thuộc Vùng 4 Duyên Hải vào cuối năm 1970:

“Obi gió lạnh không tình sưởi,
Rượu uống mềm môi vẫn thấy thèm”.

Rời Obi tôi được biệt phái vài tháng cho Tác Chiến Điện Tử của Hoa Kỳ có căn cứ đồn trú trong hậu cứ Duyên đoàn 44 Hà Tiên (Trưởng toán HQ Xung kích), công tác thám sát hệ thống sensors vùng biên giới Việt- Miên (Kinh Vĩnh Tế). Sau đó tiếp tục thuyên chuyển đến các đơn vị Duyên đoàn 42 (An Thới-Phú Quốc), Hải đội Duyên phòng (HĐZP) của Vùng 4 và 5 Duyên Hải. Cuối năm 1974, tôi bàn giao PCF- HQ 3909 đang tuần tiểu vùng biển Hòn Tre-Rạch Gía cho một sĩ quan thuyền trưởng khác để thuyên chuyển về BTL Hạm đội, tân đáo Tuần duyên hạm HQ-611 có tên Trường Sa.

.
Vận nước đến thời đen tối. Tôi thuyên chuyển về HQ-611 Trường Sa vào lúc miền Nam đang dần dần co cụm lại trước sự tấn công xâm lược của quân cộng sản Bắc Việt: Miền Nam mất dần từ Vùng I đến mất Vùng II…Phi trường Tân Sơn Nhất bị dội bom, Saigon giới nghiêm, Bộ Tư lịnh Hải quân Saigon từ cấm trại 100% đến báo động đỏ. Cho đến một ngày….

,
BTL Hạm đội chỉ định tôi thay thế hạm trưởng vắng mặt để chỉ huy Tuần duyên hạm HQ-611. Bấy giờ chiến hạm chúng tôi túc trực tại cầu A trước cổng BTL/HQ. Chiến hạm đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc di tản như nhiên liệu, nước ngọt, thực phẩm và danh sách thân nhân của thủy thủ đoàn được phép theo chiến hạm “Di tản ra Côn Sơn tránh Saigon bị pháo kích” (Mật lệnh của Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Tư lịnh Hạm Đội).
Sáng sớm ngày 8/4/1975 phi cơ F5-E do giặc lái Nguyễn Thành Trung (tên thật Đinh Khắc Chung) dội bom Dinh Độc Lập. Thượng sĩ TP Nguyễn Văn Chánh, quản nội trưởng của HQ-611 và tôi đang đứng uống cà phê sáng tại ban công bên hữu hạm của đài chỉ huy. Bỗng chúng tôi thấy chiếc phi cơ F5-E chúi xuống dội bom hướng Dinh Độc Lập rồi nó bay vút lên cao để lại cột khói đen từ phía dưới bốc lên cao. Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra thì chiếc F5-E lại chúi xuống dội bom lần thứ hai, nó lại bay lên cao và đột nhiên nó hạ xuống thật thấp và lao thẳng về hướng HQ-611.
Trong chớp mắt chiếc F5 bay đến HQ.611. Tiếng gào thét của động cơ phản lực F5-E bay ngang qua đài chỉ huy HQ.611 làm rung rinh cần antenna và hai lổ tai của tôi như bị nổ tung, ù điếc. Tôi bàng hoàng, chưa kịp có phản ứng thì chiếc F5-E biến mất về hướng Thủ Thiêm trong chớp mắt. Tôi hốt hoảng ra lệnh nhiệm sở tác chiến đúng ngay lúc tiếng còi inh ỏi hỗn loạn báo động của Biệt khu Thủ đô và BTL/HQ . Sau khi F5-E bắn phá kho xăng Nhà Bè, nó bay lên thật cao hướng đông Bắc, các chiến hạm trên sông Saigon đồng loạt tác xạ đuổi theo phi cơ địch. Thân tàu HQ.611 cứ rung chuyển từng hồi do những trái đạn bofore 40 ly của ổ súng sân trước mũi bắn đi…cho đến khi BTL/HQ ra lệnh ngưng bắn. Biến cố xảy ra trong vài phút. Chiếc phi cơ dội bơm là loại phản lực F5-E của Không quân VNCH; lúc ấy tôi cứ tưởng là “đảo chánh” khi HQ Trung tá Phan Ngọc Xuân (Khóa 10/NT), Chỉ huy trưởng Tổng hành dinh của BTL/HQ ra khỏi cổng BTL dùng két-pi ra dấu cho tôi lên máy truyền tin: “Nam, ngưng bắn đi. Mày muốn đi tù hả”…

.

Chuyến công tác cuối cùng của HQ-611 vận chuyển một lô hàng từ Saigon ra Vũng Tàu chuyển cho Cơ xưởng hạm HQ.802 Vĩnh Long đang bỏ neo ngoài khơi. Ngoài xa có nhiều chiến hạm lớn nhỏ khác. Trưa hôm đó biển động mạnh, HQ-611 ngã nghiêng như trứng vịt, không thể nào cập vào HQ-802. Cho nên HQ.802 phải dùng cần cẩu bốc hàng. Sau đó HQ-611 quay về Saigon. Trên đường trở về bến chúng tôi thấy những chiếc tàu hàng khổng lồ trước kia chúng thường bỏ neo giữa dòng sông Saigon; trên những chiếc tàu hàng đang đi ngược chiều với HQ-611 ra biển có hàng ngàn người chen chúc từ mũi đến sau lái. Người dân trên những chiếc tàu hàng vẫy tay, vẫy nón chào “từ biệt” chúng tôi.

.
Vào một buổi trưa nắng gắt, chúng tôi trên đài chỉ huy HQ-611 đang nằm tại Cầu A nhìn phía trước thấy chiếc sà lan gần bến đò Thủ Thiêm đang cố gắng tháo dây tách bến với hàng trăm người chen lấn trên sàn tàu. Từ trong bờ có rất đông người đang bơi ra sà lan, họ cố bám vào các trái độn, vào thành sà lan, trèo lên. Trên công viên, nhiều người đàn bà đang bán hàng rong, vội vã quăng gánh, bỏ thúng, hớt hãi chạy về hướng sà lan…Lâu lắm chiếc sà lan mới tháo được dây tách bến với dòng người còn đang cố sức bám víu thành tàu. Chiếc sà lan ì ạch ra được giữa dòng sông bỏ lại nhiều người đang cố bơi theo, bỏ lại những tiếng kêu la, hò hét cầu cứu muốn ra đi…Một thảm cảnh của tháng Tư Đen! Sau bảy năm tù cộng sản và tròn một năm sống dưới chế độ, tôi hiểu ra lúc ấy những ngày cuối tháng Tư tại sao người Saigon hốt hoảng, tháo chạy, bỏ nước ra đi như hình ảnh chiếc sà lan được kể ở trên; thì ra họ sợ Việt Cộng tiến vào Saigon. Họ sợ và không muốn sống chung với Cộng sản.

.
Chiều tối 26/4/1975 tôi tham dự buổi bàn giao Tư lịnh Hạm Đội giữa HQ Đại tá Nguyễn Xuân Sơn và tân Tư lịnh Hạm đội HQ Đại tá Phạm Mạnh Khuê trên lầu hai của BTL/HQ. Buổi bàn giao diễn ra thật buồn bả trong tiếng kèn của nghi thức. Các hạm trưởng tham dự buổi lễ bàn giao với nét mặt đầy lo lắng trước lời chia tay của Đại tá Sơn thật cảm động và khó hiểu: “Những gì tôi làm sau này các anh em sẽ rõ!”…

.
Ngày 29/04/1975 quang cảnh của Saigon bổng nhốn nháo căng thẳng hẳn lên sau buổi chiều tối hôm qua Việt Cộng cướp 5 chiếc phi cơ A-37 do giặc lái VC Nguyễn Thành Trung hướng dẫn phi đội (Quyết Thắng) từ Phan Rang bay vào Saigon dội bom đánh phá phi trường Tân Sơn Nhất, lửa khói bốc cháy đỏ rực một góc trời làm Saigon rung chuyển.
Buổi trưa 29/04/75 bầu trời ảm đạm, không chút nắng. Trên không, trực thăng vẫn liên tục bay về hướng Đông ra biển. Nhiều trực thăng có đàn bà, trẻ con chen chúc sau lưng những người lính ngồi thòng chân ra hai bên hông cửa. Nhiều trực thăng hạ thấp xuống bến tàu, cánh quạt trực thăng xoay bốc cát bụi mù mịt và sau đó không tìm được nơi đáp phải bay lên cao và bay đi. Ngoài đường đông đảo dòng người và xe cộ đủ loại hối hả chạy về hướng bến tàu. Công trường Mê Linh đông nghẹt người và xe…
Buổi chiều 29/4 trên bầu trời tiếng trực thăng vẫn còn tiếp nối bay ngang. Thỉnh thoảng có những tràn súng M16 nổ ở hướng nhà hàng Mỹ Cảnh càng làm cho Saigon nhốn nháo, rối loạn lên trong cơn mưa chiều lác đác rơi bốc mùi hơi đất. Trên đài chỉ huy chúng tôi nghe qua tần số truyền tin tiếng ồn ào, hối hả của những lời yêu cầu hạm trưởng dời tàu…Giặc về! Saigon đang chạy loạn…

.
Trở lại BTL/HQ Saigon, từ sáng sớm 29/04/1975 cổng Công trường Mê Linh và Cường Để, hai lối đi vào BTL/HQ đã đóng kín bằng những vòng kẽm gai, có quân cảnh hải quân bồng súng đứng gác (Nội bất xuất ngoại bất nhập). Sau khi nhận lệnh chiều tối di tản từ BTL/HQ tôi trở về tàu thì gặp HQ Trung úy Võ Trường Xuân, người bạn cùng khóa (cựu thuyền trưởng PCF HQ.3909) tại hạm kiều, từ Hải vận hạm LSM HQ-402 Lam Giang sang HQ-611 gặp tôi. Chúng tôi lập kế hoạch đưa thủy thủ đoàn HQ-402 sang HQ-611 cùng di tản vì HQ-402 bất khiển dụng. Trung úy Xuân là sĩ quan trực HQ-402 hôm đó. Hải quân cấm trại 100%, cho nên vào lúc 5 giờ chiều tôi phải ký hai sự vụ lệnh, một cho tôi và một cho Hạ sĩ CK Tô Nhật Hà để ra cổng Công trường Mê Linh. Trước khi rời tàu tôi không quên lấy khẩu colt 45 còn mới dắt vào bên hông phòng khi gặp bất trắc trên đường đi (Sau này tôi bất chấp lệnh giao nộp vũ khí của Việt Cộng và giữ nó tận đến khi vượt biên sau này mang theo). Rời tàu, tôi nhờ Hạ sĩ Hà lái xe đưa tôi về nhà tận Gia định để đưa gia đình xuống tàu…Tuy nhiên kế hoạch di tản của HQ-402 và HQ-611 không thành vì tôi gặp trở ngại trong gia đình khi đứa con gái đang bệnh nặng và người thân kẻ muốn đi, người không muốn nên tôi không kịp quay về tàu để có mặt tại điểm hẹn với Trung úy Xuân.

.
Qua bài viết “Đêm giang hành lịch sử” của Người Thủy thủ già tức niên trưởng Trần Hương (Khóa 9/NT), tôi được biết 7 giờ 30 tối ngày 29/04/1975 HQ Trung tá Trần Hương hộ tống Đô Đốc Tư Lịnh Hải quân Chung Tấn Cang, gia đình và đoàn tùy tùng xuống HQ-611 tại cầu A trước cổng BTL/HQ để ra biển. Nhưng không may HQ-611 không có hạm trưởng vì tôi không có mặt dưới tàu, nên ĐĐ Tư lịnh và đoàn tùy tùng chuyển sang chiếc tuần duyên hạm khác mang số hiệu HQ-601 Tiên Mới của Hạm trưởng Trần Minh Chánh (con trai trưởng của Cố Đô Đốc TL Trần Văn Chơn, cũng là SQHQĐB, anh K.1 và tôi K.2). Hạm trưởng Trần Minh Chánh đưa ĐĐ Tư Lịnh Cang và nhiều sĩ quan cao cấp của hải quân lên HQ-3 ngoài khơi Vũng Tàu. Sau đó HQ-601 quay trở về Saigon. Theo một bài viết trên website tài liệu hải quân của niên trưởng Trần Đỗ Cẩm (Khóa 11/NT) PGM HQ-601 được mệnh danh là “SOÁI HẠM NHỎ NHẤT” trong đêm Hải quân VNCH di tản.

.
HQ-601 rời cầu A không bao lâu thì có nhiều quân nhân của các quân binh chủng khác tràn xuống HQ-611 tại cầu A. Họ có súng và đã dùng vũ lực cưỡng ép HQ-611 rời bến. Trên đường ra Vũng Tàu, HQ-611 bị vô nước và chìm. Đó là lời kể lại của anh em thủy thủ đoàn HQ-611 khi họ tập hợp tại nhà tôi vào sáng sớm 30/04/1975 để báo tin. Vào 10 giờ 30 sáng 30/04/1975 TT. Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Chúng tôi tuyệt vọng, nghẹn ngào và uất hận. Nhìn anh em thủy thủ HQ-611 rời nhà tôi trong dáng thiểu não buồu hiu, mệt mỏi, áo quần ướt nhem xốc xếch, có anh mất cả giày vớ đi chân không sau một đêm vật lộn với con tàu vô nước đã làm cho lòng tôi quặn đau như cắt.

.
Sáng 30/4/1975, BTL/HQ vắng tanh, từ cổng BTL/HQ qua đến bên kia đường sách báo, áo quần, đồ đạt, xe cộ vứt ngổn ngang như đống rác khổng lồ. Tôi đứng tần ngần tại Cầu A, nơi hạm kiều của HQ.611 hôm qua với nổi buồn của người lính thủy mất tàu, mất đồng đội và mất tất cả.

.
Tôi còn đang đứng tần ngần trên bến tàu vắng tanh; bỗng có tiếng gọi tên tôi từ một PGM đang chầm chậm cập Cầu A. Tôi bắt dây cho chiến hạm. HQ.Trung úy Trần Văn Báu (K.7/OCS), người bạn cùng Khóa 21, cùng đại đội lúc ở Quang Trung (ĐĐ.18C) và cũng cùng thời là cựu thuyền trưởng của Hải đội 5 Duyên phòng, từ đài chỉ huy Báu chạy xuống sân sau chiến hạm hỏi lớn bằng giọng Bắc kỳ quen thuộc thuở nào:
– Ê! Nam, mày đi không? Lên đi với tao.
Tôi trèo lên chiến hạm gặp Báu để giải bày lý do không thể đi với Báu vì không nỡ để lại vợ và hai con nhỏ. Giã từ Báu, tôi trèo xuống và tháo dây cho chiếc hạm của Báu tách bến. Chiến hạm lặng lẽ ra giữa dòng sông và dần dần đi xa. Lá Quốc kỳ VNCH sau lái tàu thỉnh thoảng rung nhẹ như nghẹn ngào giã biệt Saigon thân yêu. Đó là chiếc hạm cuối cùng tôi còn thấy vào sáng 30/04/75 do trung úy Báu chỉ huy ra đi.

.
Thế là hết! Mộng hải hồ tan tành. Đời binh nghiệp của tôi bỗng chốc biến mất cùng với chiến hạm mang tên Trường Sa (Hồi ký “Số phận của Tuần duyên hạm HQ-611 Trường Sa trong đêm di tản” của cùng người viết).
Cứ mỗi năm vào tháng Tư Đen là mỗi lần chiến hạm HQ.611 theo hồi ức kéo về là mỗi lần tôi nghĩ đến số phận anh em thủy thủ đoàn của HQ-611; họ phải sống ra sao dưới chế độ bạo tàn Việt Cộng?

.
Trường Sa! Hai chữ Trường Sa tên của Tuần duyên hạm HQ-611 còn mãi vấn vương ray rứt. Nhớ chiến hạm và thương lắm anh em thủy thủ đoàn, những người lính thủy trung kiên với quân chủng và thượng tôn kỷ luật đến tận giây phút cuối cùng của cuộc chiến.

.
Phạm Quốc Nam
www.hqvnch.com

Các cựu Thuyền trưởng Hải Đội Duyên Phòng

Phóng sự ngắn: “Tiệc Tất Niên 2016 của gia đình Hải quân Oregon và Vùng phụ cận”

Cơn bảo tuyết mùa đông năm nay (2016) thật lớn. Tuyết phủ dầy cả Portland, Vancouver và Longview. Bảo tuyết đã ngưng từ sáng thứ Năm, nhưng kéo theo những ngày sau đó nhiệt độ vẫn còn dưới 33 độ F. Tuyết không tan và phủ đầy lối đi, đường xe hơi chạy vẫn còn nhiều nguy hiểm, trơn trợt. Tuy thời tiết khắc nghiệt như vậy nhưng buổi tiệc Tất Niên của Hải quân Oregon, Vancouver và Long View vẫn được diễn ra thật ấm áp và thân tình bên trong nhà hàng HK Café với nhiều chiến hữu HQ và gia đình lội tuyết đến tham dự (có 8 người ghi danh nhưng phải gọi phone cho biết không thể lái xe đến tham dự được).

.
Tôi đến khá trể vì phải di chuyển bằng xe bus. Sau này nghe HQ Nguyễn văn Đông kể lại buổi tiệc được khai mạc với lời cám ơn của anh Đông, trưởng ban tổ chức đến qúy hải quân và gia đình hiện diện. Tiếp theo, Niên trưởng Trương Hữu Quýnh đại diện mọi người trong bàn tiệc cám ơn ban tổ chức đã tạo điều kiện cho gia đình hải quân có dịp gặp gở và hàn huyên vào dịp cuối năm. Niên trưởng Quýnh cũng không quên thực hiện một phút im lặng để tưởng niệm các chiến sĩ hải quân và những chiến binh VNCH khác đã hy sinh trong trận Hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974, trận chiến oai hùng và bất khuất chống quân xâm lược trong lịch sử cận đại của dân tộc Việt.

.
Đề cử Tân Hội trưởng và Hội phó:

Thức ăn được dọn ra, HQ Trương Hữu Quýnh, HQ Võ Văn Á và HQ Hà Đức Bảng kêu gọi tôi và HQ Nguyễn văn Đông cố gắng duy trì sinh hoạt của hải quân Oregon và vùng phụ cận thường xuyên hơn. Qúy vị này cho biết sẽ sẳn sàng cố vấn và yễm trợ mọi sinh hoạt của hải quân hết mình.

.
Tuy nhiên, tôi đã từ chối làm đại diện cho Hải Quân Oregon và vùng phụ cận và sẽ tiếp tục hổ trợ hải quân hết mình.
Đồng thời tôi cũng thông báo là tôi cũng đã từ nhiệm làm đại diện Hải Quân vùng Tây Bắc Hoa Kỳ vì lý do những năm gần đây Ban Chấp Hành Tổng Hội Hải Quân VNCH gần như không còn hoạt động. Vã lại tôi rất bận cho các công tác của Ban Chấp Hành Cộng Việt Nam Oregon, Hội Cựu Quân Cán Chính VNCH/ Oregon và nhiều hoạt động khác.

.
Sau đó, tôi đã đề cử HQ Nguyễn văn Đông là Hội Trưởng và HQ Huỳnh Văn Nguơn là Hội Phó. Tôi sẽ sẳn sàng phụ giúp hội khi cần. Đề nghị của tôi đã được mọi người chấp nhận.

.
Như vậy kể từ ngày 14 tháng 1 năm 2017, Hội Hải quân Oregon và vùng phụ cận có:
– Tân Hội Trưởng: HQ Nguyễn Văn Đông
Xin chúc mừng qúy vị tân cử và tôi sẽ thông báo kết qủa chánh thức này đến Cộng Đồng và các Hội đoàn tại tiểu bang Oregon.

.
Buổi tiệc kéo dài đến tận 11 giờ đêm trong men tình kỷ niệm và gắn bó của những chàng trai nước Việt với một thời làm lính thủy.

.
Tài chánh:

– Chị Đông cho biết số tiền của các HQ tham dự tiệc Tất Niên đóng góp, sau khi trừ chi phí nhà hàng còn dư lại $ 220.
– Tôi sẽ chuyển giao cho Tân Hội trưởng Nguyễn văn Đông số tiền $270 còn lại trong kỳ quyên góp “đăng báo Phân Ưu” Thân Mẫu của HQ Huỳnh văn Nguơn.
Như vậy quỹ của Hội HQ hiện tại là $ 490.00

.
Chúc mừng.
HQ. Phạm quốc Nam

 

THAM DỰ DIỄN HÀNH NGÀY VETERANS DAY 11/11/2017

Nguồn Việt Báo Online

Tôi nhận được điện thơ của anh Nam (đại diện cộng đồng đối với tổ chức VET Parade)  mời đi diễn hành Ngày Cựu Chiến Binh. Như thông lệ hàng năm, cộng đồng người Việt Oregon và Nam Washington vẫn tham dự diễn hành ngày Veterans Day. Năm nay, Veterans Day Parade cũng được tổ chức vào thứ Bảy, ngày 11 tháng 11. Anh Nam hy vọng sẽ có rất đông chiến hữu tham dự.

Tôi lái xe trên đường 39th ave, băng ngang đường Sandy, tìm chỗ đậu. Khu phố diễn hành gần đường Sandy đã bị chận, cấm xe cộ lưu thông, chỉ dành cho khách bộ hành, khán giả đi xem diễn hành và người tham dự. Từ chỗ đậu xe, tôi len lỏi qua 4 “blocks” đường và nhiều toán diễn hành, đảo mắt tìm lá cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu. Các toán tham dự diễn hành đã có mặt đầy trên đường phố. Cờ xí, đồng phục, quân phục, xe cộ, kèn trống đều sẵn sàng. Vài ban nhạc trổi nhạc dạo, tập dợt đâu đó nghe vui nhộn. Người xem diễn hành đứng, ngồi chật hai bên đường. Họ đi lại, chuyện trò vui vẻ. Vui nhất là các em nhỏ được cha mẹ hoặc người thân dẫn đi xem “veteran’s parade”. Màu cờ, sắc áo tươi sáng, âm thanh vui tai, quang cảnh nhộn nhịp. Thấy nhớ lại cái không khí và quang cảnh những ngày diễn hành Quốc Khánh và ngày diễn hành Quân Lực của Việt Nam Cộng Hòa thân yêu những năm nào…

Trời đầy mây xám và gió nhẹ. Tôi vẫn an tâm vì đã theo dõi kỹ tin tức thời tiết mấy ngày trước, nghe nhiều nhà tiên đoán khí tượng các đài truyền hình Portland quả quyết không có mưa! Từ phía xa tôi đã thấy 3 chiếc “quân xa VNCH” (xe của anh Kiệt và anh Bảng) và 3 ngọn cờ to Việt Nam Cộng Hòa, Quân Lực VNCH, và cờ Hoa Kỳ bay cao trong gió. Đến vị trí điểm hẹn, toàn diễn hành số 28, tôi vui mừng gặp các khuôn mặt thân thương quen thuộc. Các anh quân nhân mọi binh chủng QLVNCH trong quân phục và thường phục. Binh chủng dù, TQLC, Biệt Động Quân, Lực Lượng Đặc Biệt, Bộ binh, Không Quân, Hải Quân,v.v… Còn nữa, các khuôn mật thân yêu, khả ái của cộng đồng: chị Mary, ca sĩ Lệ Hải, cô Elisabeth, anh Tháo, chủ tịch VNCO; anh Bảng, Quân Cán Chính; anh Nam, Hội Hải Quân; anh Thơm, Hội Không Quân; anh Kiệt, Thành, Nhân, Huy, hội TQLC; anh Minh, Hội Ái Hữu Thủ Đức; anh Phú, Người Việt Cao Niên; anh Thăng, Chiến tranh Chính Trị; anh chị Nguyệt, anh Nghiêm từ Vancouver, Washington…Kể không hết. Có người trong đám đông nói: “Năm nay đi đông, vui lắm.”

Thân mật chuyện trò với các quân nhân VNCH có hai quân nhân Hoa Kỳ, những cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam. Hàng năm, hai “Vietnam Vets” này vẫn vui mừng và hân hoan tham dự diễn hành trong toán cựu quân nhân VNCH, dưới bóng cờ vàng Việt Nam Cộng Hòa.  Ông Jerald M “Jerry” Powell, người cao gầy trong chiếc áo vest màu xanh, đứng cạnh anh Nam và anh Hội của Hải Quân, là Hội trưởng (Chapter President) của hội Green Beret D.5752L. Ông là chiến sĩ Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam những năm 1963, 1964. Còn ông Joseph Columbus Smith, một cựu quân nhân Lực Lượng Đâc Biệt khác từng tham chiến tại Việt nam những năm 1968 và 1969. Ông Smith chia xẻ với tôi lòng phẫn nộ và sự bất bình của mình khi ông nói chuyện về loạt phim The Vietnam War trình chiếu trên TV gần đây trên đài truyền hình PBS. Những đạo diễn Hoa Kỳ của loạt phim này [ông Ken Burns và bà Lynn Novick], theo ông, đã “turned things ‘upside down’”, “got it wrong”. Theo quan điểm của ông, Cộng sản Việt Nam chính là kẻ xâm lăng, và Hoa Kỳ đã tham chiến tại Việt Nam để giúp bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam…

Giờ diễn hành bắt đầu. Các toán diễn hành tuần tự nhập vào đoàn diễn hành trên lộ 40th avenue, tiến vào đại lộ Sandy. Toán quốc và quân kỳ VNCH và Hoa Kỳ dẫn đầu đoàn diễn hành của Cộng đồng Việt Nam với biểu ngữ trắng giăng ngang với hàng chữ “Republic of Vietnam Armed Forces Veterans of Oregon”. Khán giả hai bên đường phố vẫy tay và vẫy cờ chào. Họ cười vui vẻ với chúng tôi, miệng nói: ”Thank you for your service”. Lác đác trong đám khán giả hai bên đường, một vài cựu chiến binh Hoa kỳ đưa tay chào kính khi toán quốc, quân kỳ đi ngang. Các em bé Hoa Kỳ mừng rỡ khi nhận các món quà nhỏ có hình cái nơ bắt chéo với hình cờ vàng VNCH và Hoa Kỳ và hàng chữ “Thanks our troops” do anh Vĩnh của đoàn diễn hành trao tặng. Thấy thật ấm lòng. Thật là một cảm giác trái ngược khi xem ít đoạn phim The Vietnam War. Trên đường phố, người dân đang biểu lộ tình cảm mến phục, lòng biết ơn, và ca ngợi các cựu chiến binh đã vào sinh ra tử để chiến đấu cho lý tưởng tự do và sự trường tồn của quốc gia, dân tộc. Trong tiếng nhạc quốc thiều Hoa Kỳ, tiếng nói của xướng ngôn viên giới thiệu đoàn diễn hành cựu chiến binh Viêt Nam Cộng Hòa khi chúng tôi đi ngang qua khán đài:

“They are veterans of the Armed Forces of Republic of Vietnam who fought side-by-side with the United States Armed Forces against a common enemy to protect the freedom for South Vietnam in the Vietnam War.”

[“Họ là những cựu chiến binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã từng sát cánh với quân đội Hoa Kỳ chiến đấu chống một kẻ thù chung để bảo vệ Tự Do cho miền Nam Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam.”]

Sau buổi diễn hành, một số tập họp và lên xe hội Quân Cán Chính. Tài xế Bảng cố gắng lái xe luồn lách trên các đường phố chật hẹp, đông xe và người đi bộ để đưa một xe chật ních người tham dự diễn hành về lại khu phố Hollywood Senior Center lấy xe. Anh Tháo mời các người tham dự diễn hành đến ăn trưa tại nhà hàng Phở Hùng. Ngon miệng vì tô phở ngon. Ấm lòng vì được chuyện trò vui vẻ với bạn bè thân thích.

Lái xe trên đường về, ngẫm nước người lại nghĩ đến đến nước ta. Lòng những xót xa thương về các cựu quân nhân và thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đang còn bị Cộng Sản ngược đãi tại Việt Nam. Hãy cho tôi gởi đến các anh, và cho chính tôi lời nhắn nhủ của bản nhạc Gởi Người Giới Tuyến:

Tôi không quên anh đem nhiệt tình vì yêu đất nước

Tôi không quên anh khi xuân về không mơ dừng bước

Tôi không quên anh lạnh chiều đông gió mưa bay

Bạn cùng cây súng đôi vai

Nhủ lòng quên nỗi đắng cay…

(Nhật Lệ)

Tôi thầm cầu nguyện có một ngày Cựu Chiến Binh trên một quê hương Việt Nam Tự Do. Để lịch sử và dân tộc biết đến sự hy sinh, và vinh danh các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong công cuộc chiến đấu bảo vệ tự do cho quốc gia và dân tộc Việt Nam.

Không biết từ lúc nào, tôi thấy mắt mình cay cay…
.

Ngày diễn hành Cựu Quân Nhân (Veterans Day Parade) 11 tháng 11 năm 2017

Thành phố Hoa Hồng Portland, Oregon, USA.

Phan Anh Thi

More Photos by Mary Nguyen

Ảnh: Phan Anh Thi
.

 

 

OREGON: KỶ NIỆM NGÀY QUÂN LỰC 19/6 LẦN THỨ 52 (1965 – 2017)

PART1 OREGON:KỶ NIỆM NGÀY QUÂN LỰC 19/6 LẦN THỨ 52

NGHI THỨC & NGHI LỄ


PART 2: OREGON:KỶ NIỆM NGÀY QUÂN LỰC 19/6 LẦN THỨ 52

NHŨNG BÀI NÓi CHUYỆN RẤT HAY CỦA CÁC BẠN TRẺ 

PART 3: Slide show (Photo by Mary Nguyen – Created by Nam Pham

By Mary Nguyen: Hình ảnh19/6 Kỷ Niệm Ngày Quân Lực VNCH

………………………..

Cảm ghi của Nguyễn văn Nhớ. SĐ2/BB.

TINH THẦN QUÂN LỰC- ANH HÙNG BẤT KHUẤT.

KẾ THỪA GIÒNG MÁU OANH LIỆT CỦA ÔNG CHA. PHÁT HUY TINH THẦN VÌ NƯỚC HY SINH. TỔ QUỐC- DANH DỰ- TRÁCH NHIỆM.

TẤT CẢ CÁC HỘI ĐOÀN QUÂN LỰC VNCH. HỘI QUÂN CÁN CHÍNH PORTLAND, OREGON ĐÃ TỔ CHỨC NGÀY QUÂN LỰC THÀNH CÔNG RỰC RỠ, NÂNG CAO SỨC MẠNH ĐOÀN KẾT CỘNG ĐỒNG.

  • QUÂN LỰC VNCH NỐI TIẾP TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG BẤT KHUẤT CỦA QUÂN ĐỘI VN KỂ TỪ KHI DỰNG NƯỚC ĐẾN NAY VỚI SỨ MỆNH BẢO VỆ GIANG SƠN GẤM VÓC, ĐÁNH ĐUỔI GIẶC NGOẠI XÂM, GIỮ GÌN BỜ CÕI.

Chúng ta không thể nào quên, từ khi khai sinh nước Việt đến nay, sử Việt đã ghi lại biết bao nhiêu anh hùng vì nước hy sinh. Biết bao triều đại từ Đinh Lê Lý Trần Lê Nguyễn, khi giặc Bắc phương đem quân xâm lược nước ta, Vua, Quan, sĩ tốt đều một lòng bảo vệ giang san. Hội Nghị Diên Hồng, Hội Nghị Bình Than nói lên sức mạnh dân chủ, sức mạnh đoàn kết của giống dân Lạc Việt. Nhớ lại Sử xưa, Hai bà Trưng, Bà Triệu oanh liệt đánh đuổi quân Đông Hán. Nhưng khi Bắc phương đem toàn lực để báo thù, quân Nam Việt tận cùng sa cơ thất thế, để bảo tồn danh tiết Hai Bà Trưng đã trầm mình xuống sông Hát Giang tự vẫn. Nhiều anh hùng dân tộc khi thất trận cũng đều chọn con đường tuẩn tiết hy sinh, lưu danh sử sách. Làm sao quên, danh tướng Trần bình Trọng, khi bị giặc bắt, quân địch biết ông là tướng tài nên chiêu dụ ông hàng giặc, Trần bình Trọng đã chửi, thét vào mặt quân xâm lược phương bắc, với câu vang danh sử sách: Ta thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc. Nguyễn phi Khanh cha của Nguyễn Trải, khi ông bị quân Tàu bắt giải về Tàu, Nguyễn Trải lẻo đẻo theo cha đến Ải Nam Quan, khóc lóc không chịu về. Cha Nguyễn phi Khanh truyền lực cho con, bảo rằng: Con là đấng nam nhi, phải trở về mà lo trả thù cho cha rửa hận cho nước, chứ lẻo đẻo theo cha khóc lóc, có được việc gì đâu. Từ đó Nguyễn Trải trở về ngày đêm lo phục thù. Phò Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh. Và khi giặc Pháp xâm lược nước ta, đánh thành Hà Nội. Danh tướng Nguyễn Tri Phương dũng cảm chiến đấu bảo vệ thành. Nhưng vũ khí thô sơ, thành mất. Giặc tràn vào, Nguyễn tri Phương bị thương, giặc bắt. Quân Pháp biết ông là dũng tướng đem lòng hâm mộ nên đã tận tình cứu chữa, băng bó vết thương cho ông. Nhưng Nguyễn tri Phương khẳng khái, tướng không bảo vệ nổi thành thì phải chết theo thành, nên Nguyễn tri Phương đã xé bỏ những băng bó vết thương, và nhịn đói chịu đau mà chết.

Quân sử oanh liệt của dân tộc Việt, tướng chết theo thành, không sao kể hết. Những nhà chí sĩ: Phan đình Phùng, Hoàng hoa Thám, Cô Giang, Nguyễn Thái Học cùng 13 chí sĩ lên đoạn đầu đài Yên bái. Thái Phiên bị xử bắn. Tất cả những chiến sĩ trận vong đã nằm sâu dưới lòng đất Mẹ. Máu xương tiền nhân đã làm nên Tổ quốc, tô bồi lòng yêu nước cho những thế hệ tiếp sau.

Rồi năm 1954, đất nước Việt bị chia hai. Miền Bắc Cọng sản đoạ đày, đau thương cho tuổi trẻ, thanh niên vì bị đưa thân vào quân đội phục vụ đảng và cọng sản quốc tế. Chết cho đảng. Như quân đội Hittler, quân đội cọng sản miền Bắc gây ra tội ác cho đất nước. Lịch sử sẽ ghi lại gì? Chỉ tràn đầy tội ác!

Riêng thanh niên miền Nam Tự do, nối tiếp tinh thần ông cha bảo quốc an dân, nên đã tòng quân cứu nước. Tinh thần quân lực VNCH là chiến đấu và xây dựng, bảo vệ thể chế tự do dân chủ còn non trẻ của niềm Nam, trước sự xâm lăng bạo tàn của Cọng sản niềm Bắc và của Cọng sản quốc tế. Chưa có một quân lực nào trường kỳ gian khổ trong chiến đấu bảo vệ dân tộc như quân lực VNCH. Một cuộc chiến tranh chống cộng dài nhất trong lịch sử thế giới. Suốt trên 20 năm không có phút nào mà người lính VNCH ngưng tay súng.

Trải suốt chiều dài cuộc chiến đấu bảo vệ Miền Nam Việt Nam trước làn sóng xâm lăng của giặc thù phương Bắc, QUÂN LỰC VNCH LÀ MỘT QUÂN ÐỘI CÓ SỨC CHIẾN ÐẤU THẦN KỲ VÀ OAI HÙNG trên mọi mặt trận, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Để vinh danh một đội quân oai hùng, cũng như để tưởng nhớ đến những bạn bè cùng chung màu cờ sắc áo đã ngã xuống, trong cuộc chiến đấu thật hào hùng với nhiệm vụ Bảo Quốc, An Dân.

Tổ quốc Việt Nam hôm nay lại vang danh qua lớp trẻ, hậu duệ quân lực VNCH. Ở hải ngoại, thế hệ trẻ nuôi chí ông cha đã trở thành những khuôn mặt đặc biệt trong quốc phòng Hoa kỳ: Nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, Thiếu tướng Lương Xuân Việt..V.V

  • Hôm nay với tất cả sức mạnh tinh thần qua truyền thống của quân lực Việt Nam. Tất cả các hội đoàn Quân đội. Hội Quân Cán Chính Oregon đã quyết tâm tổ chức kỷ niệm ngày quân lực 19 tháng 6.

Khoảng gần 300 chiến sĩ và đồng hương tham dự, buổi lễ được tổ chức Lúc 6 giờ chiều Thứ Sáu ngày 23 tháng 6 năm 2017 tại HK Restaurant. MC: Đoàn Kim Bảng & Thu Tâm – Sĩ Quan Nghi Lễ: Hoàng Tiến Phương

Chương trình gồm 3 phần chính: 1- Nghi thức khai mạc, bao gồm Lễ Vinh danh các Quân Binh Chủng QLVNCH, LỄ CHÀO QuỐc Kỳ Việt Mỹ và Lễ Truy điệu các chiến sĩ QLVNCH đã vị quốc vong thân. 2- Nghi thức Hành chánh: bao gồm phần phát biểu của một số giới chức đại diện các tầng lớp trong Cộng Đồng. 3- Chương trình đặc biệt dành cho giới trẻ đối với người lính VNCH. 4- Sau cùng là phần Văn nghệ và Dạ vũ qua những nhạc khúc quân hành và trữ tình với Nữ ca sĩ Trina Bảo Trân, Nữ ca sĩ Thu Nga đến từ Cali, cùng những giọng ca vàng của Oregon. Xen kẽ trong chương trình buổi lễ, là bữa  ăn tối với những món ăn được tuyển chọn công phu.

Trước khi chính thức khai mạc , theo nghi thức quân đội, Cựu SVSQ Hải Quân Phạm Quốc Nam, đại diện BTC chào kính quý Niên Trưởng, Chiến hữu  các cấp đang hiện diện và các Quân kỳ được vinh danh.

Tổ chức ngày Kỷ Niệm Quân Lực 19-6 hàng năm là dịp để biểu dương một tập thể quân đội, sức mạnh của một quốc gia nằm trên tuyến đầu lửa đạn chống lại chủ nghĩa cộng sản bạo tàn. Những người lính già lần lượt rồi sẽ ra đi, nhưng chắc rằng thế hệ hậu duệ kế tiếp sẽ tiếp nối truyền thống anh hùng của các bậc cha anh hầu sớm giải thể một chế độ cộng sản bạo tàn, để mang lại Tự Do – Dân Chủ – Nhân Quyền cho toàn thể dân tộc Việt Nam, trước họa xâm lăng của tập đoàn hiếu chiến Bắc Kinh.

Trong nghi thức khai mạc, một chương trình thật đặc biệt: *Vinh danh các Quân Binh Chủng QLVNCH.  1/ Trường Võ Bị QGVN – 2/ Trường Bộ Binh Thủ Đức – 3/ Trường Đại Học CTCT  4/ Quân chủng Hải Quân – 5/ Quân chủng Không Quân – 6/ Quân chủng Lục Quân  – Sư Đoàn TQLC – Sư Đoàn Nhảy Dù – Sư Đoàn Biệt Động Quân.- SĐ 25BB-

Đặc biệt sau Lễ Rước Quốc & Quân kỳ, Lễ chào cờ VNCH , Lễ chào cờ Hoa Kỳ . Những giây phút xúc động nhất là lễ Chào đón lá cờ VNCH đem về từ Khe Sanh do một cựu sĩ quan Đại Đội Trưởng TQLC Mỹ, trân trọng đem về từ Việt Nam như một kỷ vật trân quý nhất  trong đời lính của ông ta. Qua trung gian một người bạn, Ông đã ưu ái trao tặng lại  lá cờ này cho Hội Ái Hữu QCC/VNCH/OR. Lá cờ, như là một kỷ vật để cảm tạ về lòng dũng cảm và hy sinh, do người dân trong một ngôi làng tại khu vực Khe Sanh, Quảng Trị, trao tặng cho vị SQ TQLC Mỹ năm 1969, sau khi đơn vị của ông cùng một đơn vị QLVNCH, qua một trận đánh khốc liệt, đã giành lại ngôi làng do quân CSBV chiếm giữ nhiều ngày trước đó. Lá cờ này chắc chắn đã thắm đậm nhiều máu của đồng đội ông ta

cũng như máu của biết bao người lính VNCH khác, những người bạn của chúng ta đã ngã xuống, trong trận chiến tại Khe Sanh cũng như tại khắp các vùng lãnh thổ của VNCH.

Lễ Truy điệu các chiến sĩ trận vong.

Đại diện BCH/ CĐVNOR phát biểu (Ông Từ Đức Tháo) – Đại diện Quân đội phát biểu (Ô. Nguyễn Thế Thăng) – Văn nghệ: – Tuyết Lan: Người ở lại Charlie (MC. Thu Tâm)

CHƯƠNG TRÌNH GIỚI TRẺ & VĂN NGHỆ MC do Nhà thơ Tâm Nguyên phụ trách- Phần phát biểu của Mục Sư. Peter Nguyễn Hồng Phúc, cựu Đại úy Pháo binh dù Hoa kỳ – Lê Minh Tín, cựu Đại Uý bác sĩ Nha khoa  Quân Đội Hoa Kỳ.-  Steven Thái Võ , Realtor tại Portland Oregon.

Nhà hàng phục vụ bữa ăn- Văn nghệ: Ca sĩ Thu Nga , TRINA BẢO TRÂN , Ca sĩ Hoài Trang,  MC Thu Tâm , Ca sĩ Lệ Hải với nhạc phẩm Em đi rồi, giọng ca thấm đậm tình cảm làm lưu luyến lòng người. Bán chai rượu gây quỹ & Hát cho người nằm xuống, với giọng ca Kim Bảng trầm ấm, thân quen.

Chương trình Giới thiệu ĐẶC SAN CHIẾN HỮU thật là thành công nhờ tấm lòng huynh đệ chi binh hổ trợ, nên phần tài chánh dồi dào.

Xổ số các giải thưởng. Ban tổ chức rất cám ơn Ca sĩ Tuyết Lan phu nhân của chủ tịch Từ đức Tháo và Ca sĩ Lệ Hải, chỉ có hai người nữ mà đã tận tụy bán một số lượng vé rất lớn cho toàn thể đồng hương tham dự.

Trong buổi lễ, ngoài lá cờ thiêng liêng nhuốm máu, đem về từ Khe Sanh mà chúng ta vừa tưởng niệm, trong Hội Trường này còn có một lá cờ khác cũng mang tính lịch sử, đó là lá đại kỳ được treo làm phông chính cho sân khấu buổi lễ. Chính lá cờ này mà chiến sĩ TRẦN HỒNG tại Pháp đã hiên ngang treo trên đỉnh tháp Effel tại Thủ Đô Paris, Pháp Quốc. Vài năm trước đây, vì tuổi cao, sức yếu, ông đã qua đời và người em của ông là Anh Trần Luân đã sang Pháp đem lá cờ về và trao tặng lại cho Hội Ái Hữu QCC, như là một dấu ấn khó quên về lịch sử chống Cộng của người Việt tự do hải ngoại. Xin cảm ơn anh Trần Luân và chúng ta cùng hân hoan chào đón lá cờ Vàng lịch sử, đã từng tung bay trên đỉnh tháp Effel.

Buổi kỷ niệm quân lực thành công nhờ quá nhiều tấm long giúp sức từ tinh thần đến vật chất. Hội QCC thiếu nhân lực , nhất là các chị. May mắn các phu nhân của chiến hữu giúp đở, Chị Thơ, chị Đông chị Thủy. Ba chị bận rộn ở bàn kiểm soát và tiền bạc. Cô Marry Nguyễn quá tận tình. Nhiều lắm không sao kể hết.

Buổi cơm tối và dạ vũ quá vui, đầy sức sống và tình yêu thương. Niềm hạnh phúc không làm sao nói hết.

Kết.

Khi đang viết đoạn kết này, thì tôi nhận được Bản tin phóng sự kỷ niệm đêm Quân lực do Đài truyền hình SBTN của anh Trung Lê. Những lá đại kỳ của các Quân binh chủng vẫn còn đó. Các anh trong quân phục vẫn hào hùng và đẹp biết bao. Nhưng sao mà nước mắt tôi không ngưng được khi thấy lá quốc kỳ còn thấm máu do một cựu sĩ quan Đại Đội Trưởng TQLC Mỹ, trân trọng đem về từ Việt Nam, được hai chiến hữu thủy quân lục chiến giương lên, tưởng niệm, giữa nhạc chiêu hồn ai oán. Tôi thấy tất cả chiến hữu thầm lặng cúi đầu. Trong phút giây linh thiêng giữa lá cờ thấm máu, tôi liên tưởng đến người bạn tử trận ở chiến trường Ba Tơ Quảng Ngải. Tôi ở bên cạnh anh. Xác thân anh được cuốn tròn trong chiếc Poncho. Nước mắt tôi âm thầm chảy.

Đêm quân lực, với hồn thiêng sông núi. Tưởng nhớ anh em, kẻ mất người còn, kẻ còn sống tàn phế, thân còn găm biết bao mảnh đạn không thể lấy ra. Đau khổ bi thương hơn là vẫn còn sống đoạ đày dưới chế độ Cọng sản. Chúng ta Huynh Đệ Chi Binh Portland Oregon giờ đây còn lại bao nhiêu người. Những người lính quân lực VNCH những năm tháng cuối cùng hằng ngày may mắn đang còn thấy mặt nhau. Thương nhau khác chi nhân tình.

Cuộc chiến đấu với giặc thù Cộng Sản bằng súng đạn tuy đã chấm dứt từ hơn 40 năm qua, nhưng cuôc chiến đấu cho Tự do -Dân Chủ và nhân quyền của người dân Việt Nam, vẫn còn tiếp tục đặt trên đôi vai của những người lính QL/VNCH

Chúng ta đang kỷ niệm ngày QL 19/6, thì tại quốc nội đồng bào đang sôi sục căm hờn xuống đường chống lại bọn VC bán nước và Tàu cộng xâm chiếm. Tinh thần yêu nước nằm trong huyết quản người lính VNCH, trong lòng dân tộc. Đây là sức mạnh chính nghĩa. Lòng yêu nước của toàn dân chắc chắn thắng cái sức mạnh bạo tàn, bán nước của bọn VC. Yêu nước thì phải chống Tàu cộng. Muốn chống Tàu cộng phải diệt Việt cộng vì hàng ngũ VC đã bị bọn Tàu khống chế, và chúng đã âm thầm giao VN cho Tàu rồi.  Cựu Quân Nhân chúng ta phải hỗ trợ và cùng toàn dân tranh đấu trước hiểm hoạ Việt cộng bán nước, Tàu cộng cướp nước.

Cuối cùng, xin trích một đoạn trong bài câu chuyện người lính thủy của chiến hữu Quốc Nam( trong đặc san chiến hữu: Một ngày làm lính, suốt đời làm lính. Ngày xưa cầm súng giết giặc, góp phần vào sự bảo vệ miền Nam Tự do, ấm no hạnh phúc. Ngày nay Tổ quốc lâm nguy trong tay giặc cộng, hoạt động đấu tranh chống cộng và tham gia sinh hoạt cộng đồng để bảo vệ ngọn cờ Vàng, bảo vệ cộng đồng và gìn giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc ( Sinh hoạt cộng đồng mất, cộng đồng người Việt sẽ mất) là bổn phận và trách nhiệm của người lính VNCH với : Tổ quốc- Danh dự-Trách nhiệm.

Portland. Tháng 6/ 2017.

cảm ghi của Nguyễn văn Nhớ.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tưởng Niệm lần thứ 42 ngày Quốc Hận 30/4

OREGON: LỄ GIỖ TỔ QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG VÀ TƯỞNG NIỆM NGÀY QUỐC HẬN 30/4 LẦN THỨ 42

Chiến hữu Vũ Hải (K.1/CTCT) phat1 biểu trong buổi Lễ Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận lần thứ 42 tại IRCO, Portland Oregon

Ban Chấp Hành Cộng Đồng Việt Nam Oregon đã phối hợp với Hội Cựu Quân Cán Chính và các Hội cựu Quân Nhân tổ chức Lễ Tưởng Niệm lần thứ 42 ngày Quốc Hận 30 tháng Tư  vào đúng ngày Chủ nhật 30 tháng 4 năm 2017 lúc 1:30 PM tại phòng Gym/IRCO.

Đặc biệt năm nay cùng lúc có tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương do Hội Ái Hữu Đồng Hương Quảng Trị đảm trách thật trang nghiêm và trọng thể.

Trước mặt hội trường trên vách cao, lá đại kỳ Tổ Quốc Việt Nam Cộng Hòa, cờ vàng ba sọc đỏ.  Trên bục cao phía trước lá Quốc kỳ, bàn thờ Tổ thờ các vị vua Hùng có công dựng nước và giữ nước từ hàng ngàn năm về trước.  Bàn hương án, mâm ngũ quả, nhang đèn khói hương nghi ngút.  Hai bên bàn thờ, chiêng trống, hai bục cờ xí màu sắc rồng phượng thời xa xưa.  Trông thật uy nghi!

Phía trước bàn thờ Tổ, thấp hơn là bàn thờ di ảnh 5 vị Tướng và 2 vị Tá QL VNCH.  “Sinh vi tướng, tử vi thần”.  Chiến đấu đến giờ phút cuối cùng quyết không hàng giặc, tuẫn tiết giữ tròn tiết tháo cùng vận nước vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.  Trong hội trường, hai loạt dãy ghế, đông đảo bà con đồng hương đến tham dự: từ những bậc trưởng thượng, các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo,các vị cựu Chủ tịch, phó Chủ tịch của VNCO, các vị đại diện Cộng đồng người Việt thuộc Clark County,  các vị đứng đầu các hội đoàn đông nghịt cả hội trường, lớp ngồi lớp đứng , ngót hơn 200 người tham dự.

Đa số các cựu quân nhân mặc thường phục hay quân phục.  Họ là những người một thời trai trẻ, xông pha nơi chiến trường quyết hy sinh xương máu diệt thù bảo vệ quê hương, và cũng một thời chịu muôn vàn khổ đau trong các trại tù cộng sản.  Quý vị sĩ quan cao cấp: cựu Trung tá Lê Văn Khương, cựu Trung tá Trương Hữu Quýnh, cựu Trung Tá Trí…

Đúng 1:30, vị Sĩ quan điều khiển buổi lễ, cựu Sĩ quan Thiết giáp Đoàn Kim Bảng tuyên bố buổi lễ bắt đầu và mời toàn thể hội trường đứng lên nghiêm chỉnh chuẩn bị chào quốc kỳ Việt Mỹ. Toán Quốc kỳ từ từ tiến đến vị trí hành lễ giữa hai hàng cựu quân nhân mặc quân phục trước bàn thờ Tổ quốc.  Vị Sĩ quan Quân lễ, cụu Sĩ quan Hoàng Tiến Phương với giọng hùng hồn rắn chắc điều khiển buổi chào Quốc kỳ và phút mặc niệm thật uy nghi hùng tráng.  Kế đến vị chỉ huy buổi lễ đã kể ra hàng loạt những tệ nạn, những thối nát, băng hoại về đạo đức từ trường học đến xã hội của một đất nước dưới bàn tay gian ác độc tài đảng trị cộng sản.

Kế đến là lời phát biểu của Chủ tịch Việt Nam Oregon, ông Từ Đức Tháo ca ngợi công đức của tiền nhân, hun đúc tinh thần yêu nước thương nòi, uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ trẻ sau này.  Đặc biệt ông nhấn mạnh đến tháng Tư đen, 30 tháng 4.  42 năm qua dân tộc đã chìm đắm trong đau khổ tận cùng.  CSVN khủng bố đàn áp dân đen, dâng đất dâng biển cho Tàu cộng.  Dân tộc Việt Nam bị Hán hóa.  Ngày nào còn Cộng sản thì họa mất nước không còn bao lâu.

Trong buổi lễ, ông Phạm Quốc Nam, cựu Đại úy Hải quân đã trình bày cho cử tọa xem hai đoạn phim, người trong nước lòng căm hờn sôi sục với bọn cộng sản và không tiếc lời ca tụng lá cờ vàng ba sọc đỏ.

Ông Huỳnh Quốc Bình, cựu Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam Oregon, lúc nào cũng dành cho chế độ CSVN những lời lên án hùng hồn đanh thép phát xuất từ trái tim, tấm lòng của một công dân Việt Nam Cộng Hòa yêu chuộng hòa bình, công lý, căm hờn bọn cộng sản độc tài gian ác.

Ông Vũ Hải, cựu Sĩ quan Chiến tranh Chính trị, thuật lại những ngày tháng nghiệt ngã trong lao tù cộng sản nơi đất bắc.  Nơi ấy ông đă gặp những thường dân cho biết họ lấy làm thất vọng vì miền Nam tự do đã đánh mất cơ hội giải thoát họ ra khỏi ách cai trị độc ác của cộng sản.

Bà Tâm, phu nhân của cựu Thiếu Tá Nguyệt, kể lại những lúc đi thăm anh ruột và anh rễ tại các trại tù từ Bù Gia Mập đến đất bắc xa xôi. Thật xúc dộng khi nghe bà thuật lại cơ duyên gặp người tù, cựu Thiếu tá Nguyệt, trong những lần cùng đi thăm nuôi với má của anh…

Cháu Ninh Mai Thảo (Sandy) đại diện cho giới trẻ sinh ra và trưởng thành trên đất nước Hoa Kỳ nói lên hiểu biết của cháu về chính thể Việt Nam Cộng Hòa qua quá trình sinh hoạt trong hội sinh viên và cộng đồng.  Cháu mong bậc ông bà, cha mẹ nên khuyên con cháu mình dự những buổi lễ Giỗ Tổ, Tết cổ truyền và Tưởng niệm Quốc hận 30/4 để biết về cội nguồn dân tộc và biết tại sao chúng ta lại phải sống xa quê hương Việt Nam, nơi ấy không có tự do tôn giáo, không có tự do ngôn luận và quyền con người.  Từ đó, dấn thân vào con đường tranh đấu lẽ phải cho dân tộc Việt Nam.

Bốn ca sĩ Hoài Trang, Lệ Hải, Thu Tâm và Tuyết Lan của Ban chấp hành VNCO đã thay phiên nhau trình bày những ca khúc rất ý nghĩa và phù hợp với Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận.  Nghe nhạc, nhớ đến những cảnh đời đau khổ của dân tộc mà lòng đầy ưu tư và xúc động.  Buổi lễ đã kết thúc lúc 4 giờ chiều cùng ngày.

Từ Đức Tài

Portland ngày 3 tháng 5 năm 2017

Hình ảnh Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương và Tưởng Niệm Ngày QuốcHận 30/4 Lần Thứ 42 T5ai Portland, OR

Hình ảnh của Vương Hùng: Biểu tình ngày 22 tháng 04 năm 2017 tại thành phố Portland, tiểu bang Oregon.

Hình ảnh của Mary Nguyen: CĐVN-OR-Biểu tình chống Tàu Cộng & Việt Cộng

Vietnam Veteran Memorial Dedication Ceremony in Clark County, WA

Vietnam Veteran Memorial Dedication Ceremony in Clark County, WA on Saturday, October 15 at 11 a.m.
Mặc cho mưa gió và dự báo về giông bảo xảy ra, hơn cả trăm người đã đến tham dự lể khánh thành Đài Tưởng Niệm Các Chiến Binh Hoa kỳ đã bỏ mình trong chiến tranh Việt Nam, được tổ chức vào lúc 11 giờ trưa thứ Bảy 15/10, bên trong hội trường cơ quan Cựu Chiến Binh thành phố Vancouver tọa lạc ở số 1601 East 4th Plain Blvd. Vancouver, WA 98661.
Trong hàng ngũ quan khách tham dự nhìn thấy có sự hiện diện của đông đảo các cựu quân nhân VNCH và đại diện CĐNV tại 2 thành phố Portland là Chủ Tịch Từ Đức Tháo và Vancouver với Chủ tịch Phạm Hùng Minh.
Đây là dịp họp để các đại diện các gia đình quân nhân và những cựu chiến bình Hoa kỳ đã từng tham chiến tại Việt Nam họp mặt chia xẻ những cảm xúc liên quan đến cuộc chiến cách đây hơn 4 thập niên, tại quốc gia đồng minh bên kia bờ Thái Bình Dương.
Diễn giả chính của chương trình buổi lễ là bà Jerilyn Brusseau cùng người mẹ là Rae Cheney. Cả hai phụ nữ này tạo cảm giác bùi ngùi xúc động cho hàng trăm người có mặt, khi nhắc lại nỗi đau thương của gia đình sau khi nhận được hung tin về cái chết của nguời thân là thiếu úy Dan Cheney, đã hy sinh vào ngày 6/1/1969 tại mặt trận Hậu Nghĩa trong lúc cố cứu mạng sống cho một phi công trực thăng.
Chủ tịch Phạm Hùng Minh và một cựu quân nhân VNCH, đã thay mặt CĐNV quận hạt Clark lên dâng vòng hoa tưởng niệm trong buổi lễ.
Đài tưởng niệm được xây dựng bên trong khuôn viên của Vancouver Veterans’ Affairs, bao gồm một cột cao đặt chiếc phi cơ trực thăng Huey và phía dưới là bức tường đá ghi tên 58 quân nhân Hoa kỳ, cư dân của quận hạt Clark County, đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ miền nam Việt Nam.
Các cựu quan nhân Việt – Mỹ có mặt tham dự lễ tưởng niệm, đã được vinh danh và trao tặng món quà nhỏ là phù hiệu gắn trên ngực kỷ niệm 50 năm Hoa kỳ tham chiến tại Việt Nam.

VANCOUVER, Wash.—September 26, 2016— The Community Military Appreciation Committee (CMAC), and VA Portland Health Care System invite the community to the unveiling and dedication of the Vietnam Memorial Monument at the Vancouver VA campus on Saturday, October 15 at 11 a.m.

This new memorial will honor 59 Clark County military service members who were killed in Vietnam. Brass plaques with these war heroes’ names have been mounted on stone monuments under the Huey helicopter. All Vietnam-era veterans will be recognized and honored at the event with a 50th Anniversary commemorative pin.

“Thanks to all the volunteers in our community who have made this memorial a reality.  A character of a community is judged by how it remembers those who sacrifice for their country,” said CMAC co-chair, Larry J. Smith, Army colonel and Vietnam combat veteran.

A reception with light refreshments will start at 10:00 in the Vancouver VA campus gymnasium, adjacent to the Memorial Garden. Follow the signs to the event once you enter the campus at 1601 E. 4th Plain Boulevard, Vancouver, WA 98663.

Featured speakers event will be Jerilyn Brusseau and Rae Cheney, the sister and mother of U.S. Army 1st Lt. Daniel Cheney, one of the Clark County military service members who was killed in Vietnam and listed on the new memorial. The Brusseaus cofounded PeaceTrees VietNam. They travel frequently to Vietnam to assist those whose lives and livelihoods are threatened by the explosive remnants of war. PeaceTrees sponsors demining and mine risk education, victim assistance, and community building projects, such as kindergartens and libraries, in partnership with the people of Quang Tri Province.

All CMAC events are privately funded. CMAC is an all-inclusive group composed of members representing youth, education, civic, military, veterans groups, and local governments. CMAC executes and plans community-wide events, such as the Memorial Day, Veterans Day, High School Salute, and POW/MIA Day ceremonies and recognition/support of military families of all services.

 

More photos by Mary Nguyen

More photos by Mary Nguyen