50 năm Hải chiến Hoàng Sa: ‘Việt Nam Cộng Hòa đã bị hy sinh’

Tác giả Huyền Trân               

NguồnBBC                             

Ngày đăng: 2024-01-15

.Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa năm 2016

Từ Hoa Kỳ, Đại tá Carl Schuster lý giải vì sao Việt Nam Cộng Hòa bại trận trong Hải chiến Hoàng Sa 1974 và bài học lịch sử rút ra từ biến cố này.

“Tôi đã nhận thấy những dấu hiệu chắc chắn đầu tiên cho thấy nước Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa,” Đại tá Carl Schuster chia sẻ trong cuộc trao đổi với BBC News Tiếng Việt trước thời điểm 50 năm Hải chiến Hoàng Sa.

Ông Carl Schuster đã có 25 năm phục vụ trong Hải quân Mỹ. Ông từng cộng tác trên các tàu chiến và từ năm 1980 chuyển sang lĩnh vực tình báo hải quân, trong đó có vai trò chuyên viên phân tích hoạt động của Hải quân Trung Quốc.

Vị trí cuối cùng mà ông đảm trách trước khi rời quân ngũ vào năm 1999 là chủ nhiệm Phòng Tác chiến thuộc Trung tâm Tình báo hỗn hợp Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.

Thời gian còn là chuyên gia phân tích tình báo, ông có thể tiếp cận các tài liệu được giải mật từ phía Mỹ.

Hiện ông đang giảng dạy quan hệ quốc tế, lịch sử và nhân văn tại Đại học Hawaii Pacific.

Tháng 6/2017, ông có bài viết “Cuộc chiến giành quần đảo Hoàng Sa” (Battle for Paracel Islands) gây chú ý trên tờ Vietnam Magazine.

Hạm đội 7 không hành động

Trả lời BBC News Tiếng Việt, Đại tá Schuster đã giải thích bối cảnh lịch sử xảy ra trận hải chiến khiến Việt Nam mất quần đảo Hoàng Sa vào tay Trung Quốc.

Theo ông, cần phải nhắc đến cuộc Cách mạng Văn hóa do Chủ tịch Mao Trạch Đông khởi xướng vào tháng 5/1966 và kết thúc sau khi ông qua đời năm 1976.

Trung Quốc đã trải qua một thập kỷ hỗn loạn với chiến dịch thanh trừng nhằm trừ khử các đối thủ chính trị của Mao trong nội bộ Đảng Cộng sản.

Hải chiến Hoàng Sa xảy ra vào thời điểm Cách mạng Văn hóa gần kết thúc và Đại tá Schuster đánh giá hải quân Trung Quốc khi đó “hầu như không thể ra biển”.

“Cách mạng Văn hóa hầu như đã khiến Trung Quốc đánh mất năng lực hậu cần. Do thiếu hụt phụ tùng, chỉ khoảng 10% số tàu của họ có thể đi biển và đa số gặp các vấn đề về trang thiết bị. Mao chỉ có thể dựa vào dân quân biển.”

“Đây là những nhóm bán quân sự, được bộ phận quân huấn huấn luyện chút ít và có thể nhận lệnh từ Hải quân. Thời điểm đó, lực lượng dân quân biển đã bắt đầu hoạt động quanh quần đảo Hoàng Sa,” ông nói.

Ông đã nhắc lại việc Mỹ và Trung Quốc “bắt tay để hy sinh” Việt Nam Cộng Hòa trong trận hải chiến như thế nào và ông đánh giá Chủ tịch Mao Trạch Đông “hiểu lúc bấy giờ Mỹ không có ý chí chính trị để bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa”.

“Khi tìm hiểu kỹ Hải chiến Hoàng Sa, tôi nhận thấy những dấu hiệu chắc chắn đầu tiên cho thấy nước Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa.”

“Các tàu chiến Nam Việt Nam đã gửi yêu cầu trợ giúp đến Hạm đội 7. Nhưng Hạm đội 7 được lệnh không can dự gì với Trung Quốc. Thế nên Hạm đội 7 đã từ chối.”

Hình ảnh Hạm đội 7 của Hoa Kỳ vào năm 1968 khi chuẩn bị các cuộc không kích nhằm vào Bắc Việt

Theo thông tin từ Hạm đội 7, trong Chiến tranh Việt Nam, hạm đội này thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu như điều máy bay không kích, bắn yểm trợ, đổ bộ, tuần tra và tác chiến sử dụng mìn.

Sau Hiệp định Paris 1973, Hạm đội 7 thực hiện các hoạt động chống mìn trên vùng biển gần bờ ở Bắc Việt.

“Không có sự hỗ trợ của Mỹ, quân đội Việt Nam Cộng Hòa phải đánh cận chiến nhưng binh lính lại không được huấn luyện tốt, kỹ năng tác xạ rất kém. Họ chịu tổn thất lớn và nhiều binh sĩ bỏ mạng. Nam Việt Nam để mất nhóm đảo Lưỡi Liềm và nước Mỹ đã không phản đối,” ông nói với BBC.

Có 74 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa tử trận khi Hải chiến Hoàng Sa nổ ra vào ngày 19/1/1974.

Ông Schuster đánh giá rằng nếu Hạm đội 7 có mặt thì tình hình đã khác. “Nhưng do đã hứa [với Trung Quốc], nước Mỹ chọn đứng ngoài cuộc,” ông nói.

Vai trò của Kissinger

Đại tá Schuster cũng đề cập đến vai trò của Henry Kissinger, người giữ chức Ngoại trưởng Mỹ giai đoạn 1973 – 1977 và Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Richard Nixon từ năm 1969 đến tháng 11/1975.

Với vai trò Cố vấn An ninh Quốc gia và Ngoại trưởng, ông này đã theo đuổi mạnh mẽ chính sách hòa hoãn (détente), giúp làm tan băng quan hệ giữa Mỹ với Liên Xô và Trung Quốc.

Ngày 9/7/1971, Henry Kissinger đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai để sắp xếp chuyến viếng thăm lịch sử đến Bắc Kinh của Tổng thống Richard Nixon vào tháng 2/1972.

Tài liệu giải mật của Bộ Ngoại giao Mỹ về cuộc trao đổi giữa ông Kissinger với Đại sứ Hàn Tự, Quyền Trưởng Văn phòng liên lạc Trung Quốc, có ghi rõ đoạn này. Cuộc nói chuyện diễn ra tại Washington vào ngày 23/1/1974, tức chỉ vài ngày sau Hải chiến Hoàng Sa.

“Nước Mỹ không ủng hộ Nam Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với những đảo này. Tôi cũng muốn nói rõ điều đó,” Kissinger trấn an Hàn Tự.

Phát biểu tại Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam tại Thư viện LBJ ở Austin, Texas vào ngày 26/4/2016, ông Kissinger cũng nói Hoàng Sa không quan trọng bằng các vấn đề khác vào thời điểm ấy.

Ông Kissinger đã trả lời như sau trước câu hỏi từ một nhà báo VOA rằng có phải Hoa Kỳ đã đồng ý để Trung Quốc chiếm Hoàng Sa vào năm 1974 hay không:

“Lập trường của Mỹ liên quan đến quần đảo ấy là chúng tôi không giữ lập trường về chủ quyền đối với những đảo này. Vào năm 1974, trong tâm điểm vụ Watergate và cuộc chiến ở Trung Đông, tôi có thể nói rõ với quý vị là quần đảo Hoàng Sa không phải là ưu tiên trên hết trong tâm trí chúng tôi. Nhưng không có thỏa thuận nào được ký mà trong đó chúng tôi trao quyền cho Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa cả, người Trung Quốc cũng chưa từng tuyên bố như vậy.”

Henry Kissinger đã giữ chức Ngoại trưởng Mỹ giai đoạn 1973 – 1977 và Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Richard Nixon từ năm 1969 đến tháng 11/1975

Bình luận về vai trò của Kissinger, Đại tá Schuster nói, “Chúng ta không biết được Kissinger đã đưa ra những đảm bảo gì vì ông ấy không bao giờ thừa nhận. Kissinger nhận ra rằng Quốc hội Mỹ sẽ không ủng hộ việc tiếp tục nỗ lực chiến tranh và tâm lý của dân Mỹ khi đó là hãy chấm dứt tổn thất và thoát ra.”

“Tôi nghĩ Mao Trạch Đông nắm được điều đó. Ông ta không phải là một nhà chiến lược quân sự giỏi nhưng ông ta hiểu lúc bấy giờ Mỹ không có ý chí chính trị để bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa. Hãy nhớ rằng Kissinger đã bỏ rơi Đài Loan bởi ông ấy nghĩ Mỹ cần một Trung Quốc mạnh để đối phó với Liên Xô.”

“Và kết quả là chính quyền Nam Việt Nam đã bị hy sinh cho mục tiêu lớn hơn của Kissinger, cho việc thiết lập một Trung Quốc thịnh vượng và mạnh mẽ mà Kissinger cho rằng sẽ trở thành đồng minh của Mỹ trong thế kỷ 20,” Đại tá Schuster nói.

Henry Kissinger: Người định hình thế giới đầy tranh cãi

Bài học lịch sử

Sau năm 1974, Hải chiến Hoàng Sa và vai trò của quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong sự kiện này ít được đề cập trên các kênh thông tin chính thống của nhà nước tại Việt Nam. Phải đến năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 40 năm, Hải chiến Hoàng sa mới được báo chí chính thống đề cập rầm rộ.

Tiếp đó là sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trong vùng biển gần Hoàng Sa gây căng thẳng trầm trọng với Việt Nam.

Lúc bấy giờ, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đã nổ ra nhiều nơi, lớn nhất là tại Hà Nội và quanh TP HCM. Bạo loạn tại một số khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương vào tháng 5/2014 đã gây thiệt hại cho các công ty không chỉ của Trung Quốc mà còn của Đài Loan và Singapore.

Giới quan sát trong nước đánh giá rằng Trung Quốc luôn chớp thời cơ tốt để hành động, như 19/1/1974 tấn công Hoàng Sa, 17/2/1979 tấn công biên giới phía bắc Việt Nam và 14/3/1988 tấn công cụm đá Gạc Ma tại Trường Sa. Đấy là các thời điểm Việt Nam mất cảnh giác và suy yếu nhất. Đây là một bài học quan trọng cho Việt Nam trước sự bành trướng ngày càng mạnh mẽ của Bắc Kinh.

Về ý này, Đại tá Schuster gợi ý rằng để đối phó, Việt Nam cần phải có càng nhiều đối tác càng tốt.

“Tôi nghĩ lý do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam trong chuyến thăm vừa qua là bởi ông ấy lo ngại việc Mỹ cũng đưa ra giống như vậy cho Việt Nam.”

“Càng nhiều đối tác thì càng tốt. Đừng bao giờ phụ thuộc vào một đối tác để làm đối trọng vì bạn không bao giờ biết nó có thể biến mất lúc nào.”

“Nếu là lãnh đạo quốc gia, bạn có dám đặt cược vận mệnh tương lai quốc gia mình vào một người nào đó không?”

Chuyên gia về an ninh quốc phòng này cho rằng Ấn Độ sẽ là đối tác quan trọng cho Việt Nam trong công nghệ quốc phòng và Nhật Bản cũng là “đồng minh tự nhiên”.

“Tôi nghĩ việc củng cố quan hệ với Ấn Độ là điều mà Việt Nam có thể cân nhắc đưa vào bài toán. Công nghiệp quốc phòng Ấn Độ rất phát triển.”

VNCH: Ông Kissinger đã nói và làm gì với hai tổng thống Nixon và Nguyễn Văn Thiệu?

‘Sau mùa hè 2025’

Về viễn cảnh nào cho tình hình Biển Đông và những điểm nóng nào có thể bùng phát, Đại tá Carl Schuster nói với BBC rằng ông Tập Cận Bình sẽ muốn chiến thắng trên Biển Đông mà không phải nổ phát súng nào, đồng thời dự đoán nếu xảy ra sự kiện lớn nào đó thì phải sau mùa hè năm 2025.

“Tôi nghĩ Tập Cận Bình phải cân nhắc rất kỹ về sức mạnh ý chí của nước Mỹ.

Có nhiều người Mỹ, tinh hoa chính trị và doanh nhân, nghĩ là nước Mỹ nên thỏa hiệp với Trung Quốc bởi hai nền kinh tế đã có sự gắn kết. Tôi nghĩ Tập Cận Bình coi điều đó là có lợi. Ông ta xem nỗ lực dàn xếp của Mỹ với Trung Quốc là một điểm có thể khai thác.”

“Tập Cận Bình sẽ càng thể hiện rõ hơn ý chí của mình. Nhưng tôi không nghĩ điều đó sẽ diễn ra trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 vì có thể bất lợi cho Trung Quốc. Nhưng sau 2024, Tập sẽ có dịp thử phản ứng của tân tổng thống và tân quốc hội. Nếu ông Joe Biden tái đắc cử thì Tập Cận Bình sẽ tiếp tục lợi dụng điều mà ông ta xem là ‘điểm mù’ của Biden, người tin rằng đối thoại là biện pháp tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề. Vấn đề là với những kẻ áp bức và độc tài, họ xem đối thoại là biểu hiện của yếu đuối. Tôi nghĩ vấn đề lớn có xảy ra thì phải sau mùa hè năm 2025.”

“Năm 2027, theo tôi, cũng là một năm khó khăn. Tập Cận Bình có thể muốn chiến thắng trên Biển Đông mà không phải nổ phát súng nào.”

Trung Quốc: Đô đốc Đổng Quân làm bộ trưởng để lo về ‘ngoại giao quốc phòng’

Năm 2027 là mốc thời gian mà các lãnh đạo quân sự và tình báo Mỹ cho rằng Trung Quốc có thể xâm lược Đài Loan. Lý do là khi đó quân đội Trung Quốc đã đủ sức mạnh sau quá trình hiện đại hóa.

Người ta cũng dùng khái niệm “luộc ếch”, tức đun nóng từ từ, để mô tả cách mà Bắc Kinh thực hiện chiến lược Đài Loan. Nói cách khác, Bắc Kinh chọn kế “bất chiến tự nhiên thành”, theo binh pháp Tôn Tử, là không cần ra quân mà Đài Loan cuối cùng sẽ về theo Trung Quốc sau vài chục năm chịu sức ép.

Về phía Mỹ, chuyên gia Schuster cho rằng chính quyền sắp tới tại Washington phải “mạnh tay” hơn trước sự bành trướng của Trung Quốc.

“Từ góc độ chính sách ngoại giao, hành động mạnh, phòng vệ ngăn chặn bằng quân sự, hành động kinh tế và ngoại giao mạnh, để Trung Quốc biết là phải trả giá thì sẽ khiến họ tính toán lại, còn nếu chỉ có nói thôi thì Trung Quốc sẽ leo thang, sẽ đẩy và giật cho đến khi nào đạt được mục đích thì thôi.”

“Nếu Mỹ để Trung Quốc bắt nạt Philippines thì tiếp theo sẽ là Việt Nam, Indonesia và Malaysia… Khi con voi chĩa vòi vào lều của bạn, nếu bạn chỉ vỗ nhẹ vào vòi thì sau đó nó sẽ chui hẳn vào căn lều,” ông ví von.

Biển Đông: Mỹ tuyên bố thách thức các hạn chế ‘phi pháp’ của Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan

Ông Carl Schuster đã có 25 năm phục vụ trong Hải quân Mỹ. Ông từng công tác trên các tàu chiến và từ năm 1980 chuyển sang lĩnh vực tình báo hải quân, trong đó có vai trò chuyên viên phân tích hoạt động của Hải quân Trung Quốc