Quân Trường Bộ Binh Thủ Đức kỷ niệm 71 năm ngày thành lập ngày 3/10/2022

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Chủ đề “47 năm phiêu bạt, Thủ Đức gọi ta về” đã thu hút đông đảo quan khách, các bạn đồng môn với nhiều màu áo Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trong buổi kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Quân Trường Bộ Binh Thủ Đức, do Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) Trừ Bị Thủ Đức Nam California tổ chức tại nhà hàng Paracel Seafood, thành phố Westminster, vào chiều Chủ Nhật, 2 Tháng Mười.

Tân Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Nam California. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Thủ Đức gọi nhau về để các bạn đồng môn có dịp nhìn lại nhau, hàn huyên tâm sự sau những năm xa cách kể từ ngày mãn khóa, từ giã đồi Tăng Nhơn Phú để ra đơn vị. Giờ đây, họ được gặp lại nhau qua những mái tóc bạc phơ trong tuổi xế chiều lại càng thương nhau hơn trong tình huynh đệ chi binh, tình người trên đất khách.

Nhân dịp này, ban tổ chức cử hành nghi thức bàn giao chức vụ hội trưởng giữa cựu Hội Trưởng Nguyễn Trọng Thu (cựu SVSQ Khóa 12/Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức) và tân Hội Trưởng Vũ Đình Trung (cựu SVSQ Khóa 1/70 Trừ Bị Thủ Đức).

Tân Hội Trưởng Vũ Đình Trung nói: “47 năm phiêu bạt, Thủ Đức gọi nhau về để hoài niệm quá khứ của đồng đội, có những tuần lễ huấn nhục và những buồn vui trong quân trường, để nhớ lại những tháng ngày sinh tử có nhau trong các đơn vị, trên các chiến trường và để xem ai còn, ai mất. Đồng thời cũng để nhớ lại những đắng cay tủi nhục trong các trại tù ‘cải tạo,’ những mất mát trong các cuộc mạo hiểm đi tìm tự do.”

Nghi thức Truy Điệu Anh Linh Tử Sĩ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Giờ này, những người may mắn còn sống sót vẫn hằng năm gọi nhau về, cùng ôn lại quá khứ hào hùng, và tưởng niệm những bạn đồng môn đã ra đi vĩnh viễn với niềm tiếc nuối khôn nguôi, qua những công lao xương máu của hàng hàng, lớp lớp đồng môn đã ngã xuống vì lá cờ vàng ba sọc đỏ và tự do, hạnh phúc cho đồng bào miền Nam Việt Nam trước năm 1975,” tân hội trưởng chia sẻ thêm.

Ban tổ chức long trọng cử hành Lễ Truy Điệu các bạn đồng môn và anh hùng tử sĩ trước bàn thờ anh linh tử sĩ. Cựu SVSQ Nguyễn Văn Chuyên đọc văn tế: “Vị quốc vong thân anh hùng tử sĩ, nghìn thu, vạn kỷ tổ quốc ghi danh. Hồn phách hiển linh về đây chứng giám. Nhớ những linh xưa bao mùa ly loạn, gối đất, nằm sương chiến trường u hiểm, đánh giặc ngày đêm giữ gìn non biển, giữ gìn từng tấc đất ông cha. Chính các anh, những người lính Cộng Hòa đem máu đỏ thắm tô cờ tổ quốc…”

Sinh Viên Sĩ Quan Nguyễn Văn Chuyên (trái) và Sinh Viên Sĩ Quan Vũ Đình Trung, tân hội trưởng phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cựu Đại Tá Lê Bá Khiếu, nguyên tỉnh trưởng tỉnh Quảng Ngãi, chủ tọa buổi tổ chức phát biểu: “Trường Bộ Binh Thủ Đức là một trong những quân trường lớn của VNCH. Cho đến cuối Tháng Tư, 1975, trường đã đào tạo trên 70,000 sĩ quan ưu tú cho tất cả Quân, Binh Chủng QLVNCH đã từng tham dự khắp chiến trường trên bốn vùng chiến thuật tại miền Nam Việt Nam, trong số đó có nhiều sĩ quan đã lên cấp tướng. Cho nên chúng tôi rất hãnh diện là một sĩ quan được xuất thân từ Quân Trường Bộ Binh Thủ Đức.”

Trong số quan khách đến dự, Nghị Viên Kimberly Hồ của thành phố Westminster nói: “Cha của tôi là cố Đại Tá Hồ Sĩ Khải, cựu SVSQ Khóa 3/Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức. Là một hậu duệ của Quân Lực VNCH, cũng là hậu duệ của cựu SVSQ Trường Bộ Binh Thủ Đức, nên tôi phải có mặt trong ngày hôm nay.”

Đại Úy Đỗ Duy Tim (trái), Binh Chủng Nhảy Dù Quân Đội Hoa Kỳ, và cựu Đại Tá Lê Bá Khiếu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Đại Úy Đỗ Duy Tim, Binh Chủng Nhảy Dù Quân Đội Hoa Kỳ, nói với nhật báo Người Việt: “Tôi là con cháu, hậu duệ của Quân Lực VNCH, và đang là quân nhân của Quân Đội Hoa Kỳ. Hoài bảo của chúng tôi là gìn giữ hòa bình cho thế giới, trong đó có Việt Nam. Các cựu quân nhân Quân Lực VNCH là những vị anh hùng đã từng chiến đấu trên khắp chiến trường miền Nam Việt Nam, trong số đó có thân nhân của chúng tôi. Tinh thần yêu chọn hòa bình và yêu tổ quốc của các chiến sĩ Quân Lực VNCH là gương sáng cho hậu duệ chúng tôi noi theo.”

Cựu Trung Tá Phan Khắc Nhượng, cựu SVSQ Khóa 4/Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, nói: “Tôi rất vinh hạnh và cảm động được tham dự buổi sinh hoạt của các bạn đồng môn, đã gợi cho tôi nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa tại trường Bộ Binh Thủ Đức, và những thời gian phục vụ trong quân đội cho đến ngày 30 Tháng Tư, 1975. Những kỷ niệm đó tôi không bao giờ quên được từ những khổ cực tại chiến trường, và sự ngược đãi của Cộng Sản đối với anh em của chúng tôi trong những trại tù ‘cải tạo.’ Với tinh thần võ biền, danh dự quân đội, chúng tôi vẫn duy trì truyền thống bất khuất của cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức để truyền lại cho những thế hệ mai sau.”

Nhóm Hậu Duệ Biệt Kích Biên Phòng trong nhạc cảnh “Những Đóm Mắt Hỏa Châu.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nghị Viên Phát Bùi của thành phố Garden Grove và là chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California tâm tình: “Tôi rất mong trong một ngày nào đó, đất nước của chúng ta sẽ thay đổi để trở thành một quốc gia có tự do và dân chủ thật sự, để không phụ công ơn các chiến sĩ trong Quân Lực VNCH đã hy sinh thân xác và mạng sống của mình cho quê hương đất nước.”

Một chương trình văn nghệ phong phú với nhiều bài ca, tiếng hát trong gia đình của cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức, và hội đoàn bạn đến dự. Sau cùng là phần dạ vũ.

Ban văn nghệ Hội Ái Hữu San Diego đồng ca bài “Nước Nam Của Người Việt Nam.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Vào những đầu thập niên 1950, sau khi sáp nhập hai quân trường Sĩ Quan Nam Định và Sĩ Quan Thủ Đức, QuânTrường Bộ Binh Thủ Đức được thành lập. Trường được giao phó thêm nhiệm vụ đào tạo chuyên viên các ngành trong Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, như Bộ Binh, Thiết Giáp, Pháo Binh, Công Binh, Truyền Tin, Quân Cụ, Thông Vận Binh (Quân Vận sau này) và Quân Chính, và được cải danh là Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức.

Tháng Tám, 1963, Bộ Tổng Tham Mưu VNCH quyết định nhiệm vụ của trường là để đào tạo sĩ quan trừ bị cho quân đội, nên được đổi tên là Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Sau đó được đổi tên là Trường Bộ Binh Thủ Đức cho đến ngày tàn cuộc chiến.

Chương trình khiêu vũ sống động. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Năm 1962, Đại Tá Lam Sơn về làm chỉ huy trưởng, ông đã lấy phương châm cho trường là “Cư An Tư Nguy” để ghi trên phù hiệu và quân kỳ của các khóa sinh, có nghĩa là “Muốn sống yên ổn, phải nghĩ đến lúc hiểm nguy,” cũng có nghĩa là “Muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh.”

Quân Trường Bộ Binh Thủ Đức được thành lập trên đồi Tăng Nhơn Phú, Thủ Đức. Cho đến 30 Tháng Tư, 1975, vị chỉ huy trưởng cuối cùng là Đại Tá Trần Đức Minh, Khóa 1 Nam Định. [qd]

CUỘC VƯỢT THOÁT KỲ DIỆU Mũ Đỏ BS. Nguyễn Thanh Liêm

Hồi Ký từ Mặt Trận Khánh Dương. Đèo M’s Drak – Cuối Tháng 3/1975

Lời giới thiệu Của NT Trung Tá Bùi Quyền, TĐT TĐ5ND:

Bác sĩ Liêm là Y sĩ trưởng cuối cùng của TĐ5ND khi tôi là TĐT. Trong trận Khánh Dương, khi theo lệnh BCH/ LĐ3ND triệt thoái về sau tuyến II, tức phía sau khu vực TĐ6ND. Tôi quyết định cho TĐ đoạn chiến và triệt thoái vào ban đêm. Khi ĐĐ54 dẫn đầu cánh quân B chạm địch, BS Liêm lại đi cùng cánh quân này vì còn chuyện trò tâm sự với Đại úy Huỳnh Quang Chiêu, ở gần nhà BS Liêm và là SQ được tôi chỉ định kèm cho Trung úy Vũ, tân ĐĐT/ ĐĐ54. Tr.Úy Vũ hy sinh và Đ.Úy Chiêu cùng BS Liêm mất tích. Khi về đến Sài Gòn tôi đến nhà 3 SQ này để phân ưu. Không ngờ khoảng 1 tuần sau, Quân cảnh Vũng Tàu liên lạc với TĐ để xin xác nhận có 2 SQ tên Chiêu và Liêm theo thuyền dân cập bến Vũng Tàu và nhất là họ mang theo chiến lợi phẩm là súng AK-47 của VC. Sau khi xác nhận, ngày sau 2 vị này về Sài Gòn. Tôi rất vui song lúc đó BS Liêm chỉ kể qua loa chuyện vượt thoát của ông. Hôm nay được đọc bài bS Liêm viết chi tiết về cuộc vượt thoát này, tôi rất vui và xin giới thiệu với bạn đọc câu chuyện vượt thoát hy hữu của 1 y sĩ quân y nhẩy dù.

Đã 42 năm qua, tôi những tưởng câu chuyện vượt thoát y như phim ảnh nầy đã chìm vào dĩ vãng. Nào ngờ các bạn Mũ Đỏ gần xa yêu cầu tôi nên ghi lại để được tỏ tường Nhảy Dù là Cố Gắng. Tôi cố gắng nhớ lại để không phụ lòng anh em mong đợi.

Ngày 1 (28/3/1975): Trời chiều của Tháng 3 thật là nóng bức. TĐ5 ND đóng trên sườn đồi gần đèo M’Drak. Đó là khúc đường trên Quốc Lộ 21 dài khoảng 20 Km. Đầu đèo cách Buôn Ma Thuộc (hay Ban Mê Thuộc) 96Km. Đoạn đường đầu đèo dài 4 Km nằm giữa hai dãy núi khá cao, vách núi dựng đứng. Núi Chu Kroa cao 958 m về phía Bắc. Các triền núi nhỏ hơn mà đỉnh cao nhất là 609 m về phía Nam. Các bạn cũng biết, Quốc Lộ 21 nằm giữa Quận Khánh Dương và Quận Ninh Hòa. Từ trên đồi cao, tôi nhìn qua Quốc Lộ 21 là Buôn Làng M’Mo của người ÊĐê với chừng năm ba mái nhà sàn xưa cũ. Tiểu Đoàn có nhiệm vụ ngăn chặn địch từ Ban Mê Thuộc kéo về Nha Trang. Tôi nhìn thấy nhiều Thiết Vận Xa M113 án ngữ trước Buôn M’Mo, gần cây cầu xi măng trên Quốc Lộ 21. Tất cả đều ở tư thế sẳn sàng chiến đấu. Pháo địch bắt đầu rơi, băng qua ngọn đồi rồi rớt ầm đâu đó dưới chân đồi. Tiểu Đoàn vô sự. Đêm xuống dần, Trung Tá Bùi Quyền, TĐT TĐ5 ND tiên liệu địch sẽ trèo lên đồi theo chiến thuật tiền pháo hậu xung nên ra lệnh cho mọi người đều phải sẵn sàng. Trời tối đen như mực, dưới đồi có tiếng chân người đạp lá rừng nghe xào xạc, có vẻ như rất đông người đang bò lên đồi. Lệnh triệt thoái, đi hàng một, im lặng, súng cầm tay, đạn lên nòng; cả tiểu đoàn di chuyễn theo nhau về hướng Đông Nam. Lúc đó là 7 giờ tối. Tôi đi theo theo Tr. Tá Quyền, cố gắng đi gần ông. Phải cố gắng lắm vì trời tối quá, đường đồi nhiều cỏ tranh và khó bước vì trơn trợt. Cũng may có Đại Úy Chương lâu lâu gọi khẻ “Bác Sĩ đâu rồi”. Khoảng 10 giờ đêm thì Tiểu Đoàn dừng lại trên một ngọn đồi thấp. Pháo địch từ chân đồi phóng lên, nhìn rất đẹp y như mấy trái hỏa châu, hướng về TĐ 5 và nổ loạn xạ. Phân tán nhanh. Phân tán nhanh. Mọi người phóng nhanh về điểm hẹn để trực thăng xuống bốc. Tôi lạc đàn từ phút ấy!!!

Ngày 2 (29/3/1975): Nhiều tiếng hét đồng loạt “hàng sống chống chết” vang lên hung bạo và đầy hận thù từ dưới đồi dần dần to hơn, rõ hơn. Miệng tôi đắng lạ thường, tay chân tôi luống cuống, mắt tôi may còn kính cận thị chưa bị rớt. Tôi chui lẹ vào đám rể cỏ tranh rậm rạp mọc cao hơn đầu người, sau khi còn đủ trí khôn lăn long lóc xuống chân ngọn đồi nhỏ. Lúc này, địch dàn hàng ngang, cầm AK có lưỡi lê nhọn gắn đầu súng, vừa đi vừa xâm xoi tìm lính Dù để đâm cho chết hoặc bắt làm tù binh. Trong số đó không có tôi.

Tôi bình an vô sự. Lục soát đã ngưng, địch rút lui trong yên lặng. Suốt đêm đó tôi nằm yên, lạnh và ướt dưới đám cỏ tranh. Trổi dậy khi trời vừa sáng, tôi nghe có tiếng gọi của ai đó, nằm rất gần. Té ra là Minh, y tá Dù của tôi. Thầy trò mừng quá, ôm nhau và tôi lại có một túi cứu thương khá đầy đủ thuốc men do Minh trao lại “Em giao lại cho Bác Sĩ”. Hai thầy trò cứ nhắm hướng Đông mà đi vì nghĩ đó là hướng biển, hy vọng gặp lại những người cùng cảnh ngộ với mình. Băng rừng mà đi, bụng đói, miệng khát. Nhưng hai thầy trò may mắn gặp được Thiếu Úy H. và Trung Sĩ Q. cùng 3 lính Dù của TĐ5. Riêng Th. Úy H. còn bản đồ hành quân và địa bàn, và mọi người vẫn còn súng M16 và lựu đạn. Ngày nghĩ, đêm đi, cả đoàn 7 người đều còn sức khỏe.

Chúng tôi đạp nước theo dòng suối mà đi để địch không tìm ra dấu giày. Dọc đường dây điện thoại màu đen lẫn với lá rừng, nằm chơ vơ khi ẩn khi lộ thiên, đi không khéo đụng chạm, địch sẽ biết. Chúng còn khắc chữ K lên thân cây để chỉ hướng tiến quân về Nha Trang (dấu I và dấu < nhập lại thành chữ K, dấu < mũi nhọn là hướng tiến của địch) Nhờ có thuốc lọc nước Iodine mà chúng tôi uống nước dơ ngon lành. Lại có rau tàu bay và mấy con cua kẻ đá, chúng tôi ăn sống cho khỏi chết vì đói. Nhưng tôi bị kiết lỵ, dài dài cho đến ngày về đến Sài Gòn. Bình thường lính Dù ai cũng khỏe mạnh nên túi cứu thương không có thuốc trị kiết lỵ!

Ngày 3 (30/3/1975): Đêm nay cả 7 người tiếp tục băng rừng, đi đầu là Th.Úy H. kế đó là tôi, sau tôi là y tá Minh, rồi đến A Chãy (Chãy có nghĩa là Trai) và 2 lính Dù, Tr. Sĩ Q. đi đoạn hậu. Chúng tôi yên lặng đi cách nhau 2 sãy tay, vậy mà đôi lúc người không nhìn thấy bóng bạn phía trước. Tôi nhiều lần kêu khẽ “Th.Úy chậm bước chút xíu”. Cây rừng đan dày đặc, có cây to gốc 3 người ôm mới giáp vòng. Trong đêm tối có cây màu đen, có cây màu trắng do vỏ cây có lân tinh chiếu sáng. Tôi đưa tay vịn một sợi dây mây, ai ngờ “rột một cái” dây đó rút lẹ lên trên cành cây to, đó là một con rắn lớn thòng xuống rình mồi. Thật hú hồn! Đoàn người cả đêm đi không ngừng vì ngó lại hướng đóng quân cũ thấy ánh lửa sáng rực xa xa, chắc là địch đang đốt cháy tại nơi chúng vừa chiếm đóng. Th. Úy H. nói “mình phải đi thật nhanh hơn nữa”.

Ngày 4 (31/3/1975): Gần sáng, cả đoàn mệt và chân đã mỏi nhừ, tìm được một chổ ẩn núp khá an toàn là dưới một thân cây thật to bị đốn ngã nằm ngang do dân làm rừng để lại. Bố trí an toàn xong, cả đoàn nghỉ, nằm với lá cây phủ đầy người mà không dám thở mạnh. Đó đây, nhiều tiếng vượn hú “Húhu u u…Chóc chóc chóc” chúng gọi nhau trên các cây chà là rừng to cao để báo động có người. Lại còn có tiếng chim gì kêu nghe lạ tai “cọc cọc cọc” y như điệp khúc, nghe cũng ơn ớn. Những con vắt, đĩa và sâu đo, mấy ngày qua hút máu ở kẻ ngón chân và trong nách được chúng tôi “giải phóng” với cái bụng no nê đầy máu sau khi chúng tôi cởi giày ra và giủ áo mới thấy chúng còn bám chặt trong nách và các kẻ ngón chân. Miệng tôi đã khô đến nỗi không còn đủ nước bọt mà quyện với cỏ để dùng tay rứt chúng ra!

Ngày 5 (1/4/1975): Đã xa vùng hỏa tuyến, chúng tôi thử đi ban ngày và ngủ vào ban đêm, nhưng vẫn cảnh giác đề phòng địch. Đang đi, bất chợt Th.Úy H. ra dấu dừng lại. Phía trước mặt, chỗ mấy cây cổ thụ to, có một đám lá rừng chất đống bất thường, một bầy ruồi nhăng bay lên với mùi hôi thối của xác chết!!! Địch đã giết chết nhiều lính Dù và lính Bộ Binh, tháo giày vì các xác đều chân trần, rồi phủ lá rừng che lại. Chúng tôi đứng nghiêm chào kính và ngậm ngùi chào tiễn biệt các anh hùng tử sĩ đã vị quốc vong thân. Mong các anh thông cảm cho chúng tôi phải vượt thoát lẹ, cầu mong các anh phù hộ cho chúng tôi về được đến nhà. Bước đi rồi, tôi mới thấy mặt mình sao ướt ướt! Có thể vì tôi vẫn còn nhớ khi học “Chinh Phụ Ngâm Khúc” của Đặng Trần Côn:

“Hồn tử sĩ gió ào ào thổi.
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.
Chinh phu tử sĩ mấy người.
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn!”

Trên đường đi, chúng tôi còn gặp các tử sĩ dụm năm dụm ba, phủ lá đầy ruồi nhặng và đã phân hủy, do địch giết hại. Đếm được 4 chỗ như vậy, chúng tôi nghĩ là còn nhiều nữa trong cánh rừng Khánh Dương này.

Ngày 6 (2/4/1975): Vẫn di chuyển hàng một với Th. Úy H. đi đầu và Tr. Sĩ Q. đoạn hậu. Ngày đi đêm nghỉ, chúng tôi đang đi vào vùng đất Cọp Khánh Hoà Ma Bình Thuận. Nhiều dấu chân Cọp được chúng tôi nhìn thấy gần các bụi tre gai rừng màu vàng sẩm. Đang đi cả đoàn phải ngồi thụp xuống, ô kìa, phía trước mặt, một bầy nai lông xám, chừng 8 con đang cúi đầu xuống uống nước hố bom, có một con nai đực có gạc to đứng canh chừng. Đừng bắn, đừng bắn, địch nghe tiếng súng M16 sẽ bao vây và chúng ta khó thoát. Cả đoàn nghe lời tôi, mặc dù ai cũng đói vì đã đi 5 ngày rồi. Đàn nai đánh hơi, thấy động, thoáng một cái đã biến nhanh vào rừng. Chúng tôi lấy bi đông ra lấy nước, sau khi bụm tay lấy nước rửa mặt và uống thật no. Tôi cảm thấy cũng không xong vì đói lâu ngày chỉ nên uống vài ngụm. Tiếp tục đi, độ nửa giờ sau, chúng tôi gặp một cái chòi che đậy bằng cành cây lá rừng. Chắc là địch di chuyển nhanh về Nha Trang nên bỏ trống. Dưới nền đầt đào sâu đủ cho 3 người núp, chúng tôi gom được nhiều lương khô, là các bánh cơm và các thẻ đường vàng bọc ngoài giấy in đầy chữ tàu. Bây giờ, đoàn gặp phải một cái hào nước không sâu nhưng chạy dài về hướng Đông. Thôi đành phải lội, nước ngập tới ngực, súng phải kê cao khỏi đầu, đoàn lội hàng dọc, vén lau sậy mà đi.

Vừa lên bờ, chúng tôi chạm trán 2 cán binh địch với 2 súng AK 47 chỉa thẳng vào và bắt tất cả chúng tôi buông súng. Gần đó có một ngôi chùa, chúng tôi bị 2 tên cán binh này dẫn độ về đó. Đến nơi chúng bắt chúng tôi ngồi chung một chỗ ngoài hiên chùa. Chúng gom hết súng và lựu đạn của chúng tôi để một chỗ xa hơn trong chùa, xong cả 2 đứa bình tĩnh đi chiên cá chờ đơn vị bộ đội của chúng sắp về ăn cơm chiều. Chúng gác 2 cây súng AK gần bên chảo dầu đang sôi sùng sục thơm nức mùi cá chiên chừng 5 con vừa bắt ở dưới hào.

– Hành động ngay. Hành động ngay.

Th.Úy H. và Tr. Sĩ Q. bàn chuyện cướp súng và hạ 2 tên này. Kế hoạch được thi hành ngay trong chớp nhoáng, 2 tên ngã quỵ vì đòn hội đồng với que củi tạ. Chúng tôi gom hết cá chiên vào 2 nón cối, quơ luôn 2 súng AK, dép râu cùng dây nịt bằng da nâu. Toàn là chiến lợi phẩm rất hữu dụng sau này trên đuờng vượt thoát gian nan. Thật nhanh và thật gọn, 7 người chúng tôi chạy nhanh ra khỏi chùa để tránh địch trở về biết được và truy lùng. Trời đã về chiều, ống cống thông thủy gần quốc lộ hiện ra cứu chúng tôi. Cả đoàn chui ngay vào và chạy thật lẹ trong đường cống có đường kính cao hơn đầu người. Đường tối om om, chân tôi đạp nước cống bì bõm, mồ hôi nhể nhại, người nóng, tim đập thình thịch. Ra khỏi đoạn đường ống cống là khoảng đất trồng bắp của dân quê vắng ngắt, chúng tôi dừng lại, xúm nhau bốc cá chiên còn nóng và ăn vội vàng. Thật tuyệt vời làm sao! Đói quá nên tôi chưa kịp nhai đã nuốt, may mà không bị hóc xương cá, hay là đã nuốt luôn xương cá nhỏ rồi chăng?! A. Chãy còn đi vào rẫy bẻ trộm bắp non được vài trái, xong cả đoàn chạy bang vào lùm cây trước mặt, thì trời đã tối hẳn, bỏ lại sau lưng tiếng la của dân làng và tiếng chó sủa truy đuổi. Lại một đêm ngủ trong rừng lá thấp, chúng tôi lấy Iodine bỏ vào bi đông nước để lắng chết mấy con đĩa nhỏ, uống ngon lành, chia phiên gác xong, tôi ngủ thiếp đi.

Ngày 7 (3/4/1975): Khi mặt trời đã lên cao, chúng tôi tiếp tục đi về hướng Đông do địa bàn chỉ hướng. Khi qua một bụi tre cao có hai con chim nhỏ như chim cu, cứ bay trên đầu chúng tôi, một con kêu “te te”, con kia kêu “hoạch hoạch”, ai nuôi hay chim rừng? Chúng tôi sợ bị lộ nên cứ chạy thật nhanh để rút vào rừng cây trước mặt. Đến nơi, vừa lăng xuống đất nằm để thở, tôi nhớ lại chuyện Tấm Cám mà mỉm cười một mình “Te Te hoành hoạch, giặt áo chồng tao, phải giặt cho sạch, đừng phơi hàng rào, rách áo chồng tao”. Đường đi bây giờ là con đường quanh co và xuống dốc, không còn những cây to và gai rừng cản trở nữa, nhưng vượt qua những khoãng trống thật không phải dễ. Để tránh địch thấy và bao vây bắt trọn, chúng tôi ngụy trang, người cắm đầy cành lá cây rừng địa phương. Bảy bụi cây người di chuyển chậm qua các khoảng trống. Đến chân một gò cao, ô kìa có cây cam rừng nặng trĩu trái chín xanh xanh vàng vàng. Thế là chúng tôi xúm nhau rung gốc cây, thu được vài chục trái cam chín rụng xuống.

Thôi rồi, nước cam đắng như nước trái khổ qua! Đàng kia có một cái mương nước đã khô nhưng kẽ đá chặn có nước nhỏ giọt, chúng tôi hứng được nửa bi đông. Đến chiều chúng tôi lọt vào vòng đai của Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ (Nha Trang). Tối hôm đó chúng tôi yên lặng nằm nghỉ bên mấy gò mả, nhưng lại thức giấc vì tiếng thở phì phò của vài con bò bị chủ chạy giặc bỏ lại. Tr.Sĩ Q. và ba lính Dù thịt con bò nhỏ, cắt một cái đùi bỏ vào ba lô và lấy lá gan còn nóng hổi chia cả đoàn cùng ăn sống cho đỡ đói. Gan bò sống, tanh, còn ấm, khó nuốt, nhưng đói quá, tôi cũng nuốt được. Bây gờ, bệnh kiết lỵ của tôi đã bớt nhiều, người gầy ốm và râu cũng mọc dài lưa thưa. Nhờ trời, hai chân tôi vẫn còn đi khỏe lắm.

Ngày 8 (4/4/1975): Trời gần sáng, chúng tôi chạy vội lên một ngọn đồi, lên cao, ngắm nhìn biển đã hiện ra về phía Đông. Xa xa có một hòn đảo nhỏ, bản đồ hành quân ghi là Hòn Bà Lớn. Mặc kệ là Bà Lớn hay Bà Nhỏ, bằng mọi cách cả đoàn phải bơi qua bên đó vì Nha Trang sắp mất hay đã mất. Qua hòn đó rồi coi có chiến hạm Hải Quân mình vớt hay không? Cả đêm nằm suy nghĩ liên miên, tôi khấn vái liên tục mỗi khi thấy một sao sa trên bầu trời đầy sao, rồi khấn nữa khi nhìn xuống quốc lộ xa xa, cả một đoàn xe Molotova chở đầy lính địch ngụy trang lá rừng tiến về hướng Nha Trang.

Ngày 9 (5/4/1975): Hừng sáng, cả đoàn chạy như điên xuống mé nước. Thật là kỳ diệu, nói ra không ai chịu tin, một chiếc ghe nhỏ cắm sào ở mé nước trong bờ lau sậy và rong biển. Tôi định gọi chủ ghe xin quá giang nhưng ghe vắng chủ. A. Chãy nhảy vào khoang ghe và kêu to “có cá kho. Có cá kho, Bác Sĩ ơi!” Thế là cả đoàn lại được một bữa tiệc Trời cho. Lập tức, 7 người chúng tôi leo lên ghe, nhưng A. Chãy xin ở lại về với bà Dì còn kẹt ở Nha Trang, nên cậu ta khóc từ giã, cởi hết quân phục bỏ lại, chỉ mặc áo thun quần đùi, đi chân không, chạy về phía cây số 4 trên quốc lộ hướng về Nha Trang. Sáu người còn lại, chia nhau 2 tay chèo, 2 tay gỡ ván làm chèo phụ, còn 2 người thì dùng 2 nón cối tát nước trong ghe để ghe nhẹ đi nhanh. Chúng tôi hì hục, vội vã chèo ghe qua Hòn Bà Lớn. Nắng lên cao, sóng biển không to, nhưng gió thì mạnh và lạnh. Ghe lại bị lỗ mọt, hở, nước biển tràn vô. Phải chèo gấp, nước vô ghe sẽ chìm giữa biển! Độ 30 phút sau, ghe cập bến cát và đá ngầm, chúng tôi ướt át hoàn toàn, đem chiến lợi phẩm vào gấp và núp trong một góc đá để nghe ngóng tình hình, chờ hết mệt mới tính tiếp. Đến 10 giờ sáng, cả đoàn họp lại bàn chuyện. Nếu không thoát khỏi đây, thì chắc 6 người sẽ là tù binh của địch.

Ngoài khơi, tuyệt không thấy bóng một chiếc tàu của Hải Quân Việt Nam mình. Mọi người buồn và suy nghĩ lung lắm. Tôi nghĩ không lẽ mình sẽ chết ở đây?! Ý nghĩ loé lên, đề nghị với Th.Úy H và Tr. Sĩ Q., tôi nói “Đã nằm trong lòng địch, tại sao mình không ăn mặc và nói năng giả làm địch, Th.Úy, Tr. Sĩ và tôi đội nón cối, mang AK và đi dép râu, còn 3 lính Dù thì trói lại, cởi giày làm như tù binh ngụy bị ta bắt được giải về Nam điều tra gì đó theo lệnh cấp chỉ huy. Tôi có cây súng lục nhỏ đi đầu làm chỉ huy, kế đó là Th. Úy, còn Tr. Sĩ cầm AK đi đoạn hậu canh 3 tù binh giả đi ở giữa. Tất cả quần áo Dù và giày, súng M16, nón sắt coi như chiến lợi phẩm, mình tọng vào cái bao tải lớn của bộ đội này rồi Tr. Sĩ mang đi sau chót. Phải đóng kịch cho thật khéo, lộ ra là chết cả đám”. Cả đoàn đồng ý làm theo kế hoạch của tôi, mọi sự phó cho Trời Phật giúp đỡ. Hoá trang xong, cả đoàn theo thứ tự di chuyễn về phía Nam trên Hòn Bà Lớn.

Chúng tôi gặp một nhà sư tuổi trạc trung niên, mặc áo vàng, trong cái chòi nung than cây bán vào đất liền đang làm việc đốt than. Nhà sư thấy chúng tôi, đứng lên, từ tốn hỏi “quý vị có cần bần tăng giúp gì không?” Tôi trình bày là tiến quân vào Nam, bắt được 3 tên ngụy hết sức nguy hiểm, lệnh Đảng chỉ thị dẫn độ chúng vào Nam, ở đây có phương tiện đường thủy gì không. Sư bèn chỉ về cuối đảo này, có dân quân và dân làng chài có thể giúp đỡ cho các đồng chí. Chúng tôi cảm ơn nhà sư, và tiếp tục đi thong thả về phía cuối đảo mà trong lòng vô cùng căng thẳng, chưa biết lành dữ ra sao. Lúc đó là 6 giờ chiều, trời nhá nhem tối. Đang đi, chúng tôi bị rất nhiều dân quân bao vây, chúng nổ AK đùng đùng chỉ thiên bắt chúng tôi dừng lại. Xong chúng tiến lại gần, tên chỉ huy trông có vẻ nhà quê, hắn hỏi, tôi trả lời y như khi gặp sư làm than. Chúng tạm tin và dẫn chúng tôi về làng chài mà không hỏi giấy tờ gì cả. Độ 1 giờ sau, chúng thắp đèn dầu và mời tôi ngồi, rồi rót trà mời uống và nói chuyện. Đến 10 giờ đêm, tên chỉ huy cho mấy dân quân dẫn chúng tôi ra một chiếc ghe chài lớn, trên đó có vợ chồng chủ ghe và 1 em bé còn ẳm trong tay, còn có 1 cậu dân làng theo phụ. Đám dân quân chào tạm biệt chúng tôi y như chúng chào các đồng chí của chúng. Ghe bắt đầu nhổ neo, chúng tôi thở phào thoát nạn.

Máy ghe chạy tạch tạch thật mau, Nhưng Tr. Sĩ Q. vội la lên “Ê! chạy đi đâu? Tính chạy vào nội à?” Nhanh như chớp, Th.Úy H nhảy vào buồng lái, kê súng AK vào ngực chủ ghe bắt hắn lái về Nam theo hướng Sao Nam Tào đang loé sáng trên nền trời đêm. Cậu phụ ghe thấy mưu gian bị lộ, nhảy ùm xuống biển thoát thân Vợ chồng chủ ghe khai thật, là dân quân bắt họ lái ghe vào đất liền (nội) để giao cho bộ đội lập công. Bây giờ xin các ông tha cho, tụi tôi không dám về lại Hòn nữa, mà theo các ông về Nam, nhưng ghe sắp cạn dầu, không đủ dầu để về đến Vũng Tàu. Sẵn ngụy trang là địch, chúng tôi phải liều một phen nữa. Th.Úy H. đứng đầu ghe, Tr. Sĩ Q. ghìm súng AK ở buồng lái canh chừng tên chủ ghe đang cầm tay lái. Ở phía ngược lại đi về hướng Nha Trang có một ghe chài lớn mang cờ đỏ sao vàng đang lướt tới, đầu ghe có một cán binh địch cầm AK. Th.Úy H. cho ghe chậm lại. Tr. Sĩ Q. hét tên chủ ghe hãm tốc. Ghe bên kia, chưa biết chuyện gì, cũng hãm tốc. Khi 2 ghe cập lại, Th. Úy H. xưng đồng chí, nhờ giúp dầu để về đến Vũng Tàu giao 3 tên ngụy nguy hiểm này theo lệnh đảng. Lập tức 4 thùng dầu được chuyển qua ghe chúng tôi. Nhờ vậy chúng tôi đi suốt đêm, hướng về Nam.

Ngày 10 (6/4/1975): Dọc đường biển, ghe chạy ngoài khơi, đất liền khó thấy. Nhưng Th. Úy H. canh địa bàn đúng hướng, im re không nói gì, tôi cũng yên bụng, nhưng lại ói vì say sóng. Uống thuốc vào thì bụng tôi lại yên. Ghe có ghé vào một đảo nhỏ để mua thêm dầu, chúng tôi kè sát vợ chồng chủ ghe vì sợ họ trốn mất. Cả đoàn bây giờ ăn mặc quân phục Dù lại như cũ. Chúng tôi cám ơn lẫn nhau cho màn đóng kịch gạt địch quá phiêu lưu mạo hiểm như thế này. Binh pháp Tôn Tữ chắc cũng có câu “phải đặt mình vào đường chết mới mong tìm ra lối sống”.

Ngày 11 (7/4/1975): Phải mất thêm một ngày ghe chúng tôi mới cập bến Bãi Trước (Bãi Tầm Dương) của Vũng Tàu. Sống thật rồi! Sống thật rồi! Cả đoàn hân hoan nhìn rất nhiều ghe chạy giặc đang bỏ neo, nhấp nhô lên xuống theo sóng biển vỗ vào bờ đá Bãi Trước. Lúc đó là 11 giờ đêm. 12 giờ đêm là giờ giới nghiêm. Sáu anh em chúng tôi từ giã và cám ơn vợ chồng chủ ghe, sau khi tôi tặng 1 số tiền vài ngàn gọi là đền ơn. Chúng tôi phóng lẹ lên bờ, đi tìm một cái quán gần đó, gọi chủ quán nấu cho 1 nồi canh chua cá bông lau với chục trái ớt dầm nước mắm thật cay. Chủ quán chịu chơi còn mang ra 3 gói thuốc Salem và hộp quẹt. Chưa bao giờ anh em chúng tôi vui mừng ăn cơm canh chua và uống bia, hút thuốc đầy tinh thần Mũ Đỏ sống chết có nhau, tương thân tương ái đến như thế này. Giờ giới nghiêm đã tới. Chủ quán đóng cửa. Đường phố vắng tanh. Anh em chúng tôi lúc này vô gia cư nên đành nằm ngoài sân trước quán mà ngủ.

Ngày 12 (8/4/1975): Trời đã hừng đông, người qua lại thật tấp nập, lộn xộn, ngơ ngác. Loạn lạc có khác. Sáu anh em Nhảy Dù ra đón xe đò về Sài Gòn. Mọi người nhìn chúng tôi với ánh mắt ngạc nhiên, chắc có một chút thán phục và thương hại vì Th. Úy H. luôn miệng nói “chúng tôi về từ mặt trận Khánh Dương và đây là Bác Sĩ Liêm, người về từ cõi chết”. Xe đò dừng lại, phụ xế mời anh em chúng tôi lên xe đang đông nghẹt khách, cho ngồi ghế “súp” vì xe hết chỗ, không tính tiền vì nể lính Nhảy Dù.

Xe về đến Ngã Tư Hàng Xanh thì Quân Cảnh chận lại để xét. Chúng tôi ngồi yên. Quân Cảnh 204 (là Quân Cảnh của Sư Đoàn Nhảy Dù) lên xe và kêu “Ồ! Bác Sĩ Liêm còn sống à! Chào Bác Sĩ, cả Sư Đoàn đều nói Bác Sĩ đã chết. Mời BS và Th.Úy, Tr.Sĩ và 3 anh em đây lên xe Jeep về thẳng Bộ Tư Lệnh. Các nón cối, súng AK, dây nịt, dép râu của địch, tụi tôi xin phép mang về Bộ Tư Lệnh luôn”. Tôi xin phép đi riêng về nhà để tắm rửa, cạo râu và mặc quân phục chỉnh tề, rồi tôi sẽ vào trình diện diện Thiếu Tướng Lê Quang Lưỡng và Trung Tá Bùi Quyền sau. Vừa về đến nhà, chưa kịp hàn huyên với gia đình thì “Két” một cái, xe Jeep của Tiểu Đoàn 5 ND do đích thân Trung Tá Bùi Quyền lái, đến nhà đón tôi về hậu cứ của TĐ là trại Ngô Xuân Soạn ở Tam Hiệp, Biên Hòa, mổ một con bò khao quân và mừng Bác Sĩ Liêm trở về bình an vô sự. Nhảy Dù Cố Gắng.

Mũ Đỏ BS. Nguyễn Thanh Liêm,
Cựu Y Sĩ Trưởng/ Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù

Tác Giả & Tác Phẩm Kỳ 3 Nhà văn Điệp Mỹ Linh

Tác Giả & Tác Phẩm Kỳ 3

Nhà văn Điệp Mỹ Linh và Tài Liệu: Hải Quân VNCH Ra Khơi 1975

Huy Tâm .- Chương trình Tác Giả & Tác Phẩm của Macusa Media Show
xin gửi lời chào tái ngộ đến toàn thể quý khán thính giả khắp nơi, và kính
chúc mọi người luôn an bình trong cuộc sống đầy biến động ngày nay.
Phạm Tương Như .- Thưa quý vị, chương trình này do Huy Tâm tổng hợp,
biên soạn và thực hiện với sự công tác của Phạm Tương Như, được phát
sóng trực tiếp từ 2 đến 3 giờ chiều, mỗi thứ hai hàng tuần, với sự bảo trợ
của Macusa Media Show.
Kính mong quý vị tiếp tục theo dõi và ủng hộ.
(Nhạc: Lính Mà Em của Anh Thy)
Phạm Tương Như.- Chào anh Huy Tâm, nguyên do gì chương trình của
chúng ta hôm nay lại mở đầu bằng một ca khúc khá rộn ràng, vui tươi như
vậy hở anh Huy Tâm?
Huy Tâm .- Phải, đó là một nhạc phẩm rất nhí nhảnh, dễ thương của người
lính hải quân Anh Thy. Và nguyên do là vì hôm nay chúng ta mời được nhà
văn nữ Điệp Mỹ Linh, người đã có nhiều tác phẩm viết về quân chủng Hải
Quân. Đặc biệt, trong chương trình này chúng ta sẽ cùng chị trao đổi về Bộ
sách Tài liệu lịch sử: Hải Quân VNCH (Việt Nam Cộng Hòa) Ra Khơi
1975.
Phạm Tương Như .- Và bây giờ thì người phụ nữ khả ái và tài ba của
chúng ta đã có mặt trong phòng thâu âm.

Xin chào nhà văn Điệp Mỹ Linh, mời chị lên tiếng chào quý khán thính giả
của chúng ta.
Điệp Mỹ Linh .- Điệp Mỹ Linh xin trân trọng kính chào quý khán thính giả
Chương trình Tác Giả & Tác Phẩm của Macusa Media Show. Điệp Mỹ
Linh cũng xin trân trọng kính chào nhà truyền thông Huy Tâm và nhà thơ
khả ái Phạm Tương Như.
Huy Tâm .- Xin hân hoan chào đón nhà văn Điệp Mỹ Linh đã góp mặt với
chương trình Tác Giả & Tác Phẩm hôm nay. Cảm ơn chị, dù niên kỷ khá
cao, cũng chẳng ngần ngại đường xá xa xôi, vẫn dành thời gian đến đây trò
chuyện cùng anh em chúng tôi.
Điệp Mỹ Linh .–Thưa anh, đúng ra, Điệp Mỹ Linh phải cảm ơn Chương
trình Tác Giả & Tác Phẩm của Macusa Media Show cùng Ban Biên Tập đã
tạo điều kiện cho Điệp Mỹ Linh có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với quý vị phụ
trách chương trình Tác Giả & Tác Phẩm và cũng để trình bày cùng quý
đồng hương khắp nơi về vài điều của ngòi bút không chuyên nghiệp này.
Phạm Tương Như .- Thưa chị! Miếng trầu là đầu câu chuyện, ở đây chúng
em chẳng có trầu để mời chị, mong chị bỏ qua. Và phần nghi thức xã giao
đã xong, bây giờ mời chị nói qua về nhân thân, để quý khán giả dễ dàng
theo dõi ạ…
Điệp Mỹ Linh .–Kính thưa quý khán thính giả, kính thưa anh Huy Tâm và
anh Phạm Tương Như, đối với tôi, nói về mình là một điều tôi rất ngại
ngùng. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng trung thực với những gì tôi có thể nhớ
được.
Thưa quý vị, tôi chào đời tại Dalat. Khi tôi còn bé, Ba tôi theo kháng chiến
chống Tây, đem vợ con theo. Ba tôi là Trưởng Ban Văn Nghệ Liên Khu V

trong vùng Việt Minh chiếm đóng. Chỉ một thời gian sau, Ba tôi đưa gia
đình trốn về Dalat.
Tôi học và ở nội trú trường Domaine de Marie, Dalat.
Sau bậc tiểu học, gia đình tôi dời về Nha Trang; tôi theo học trường trung
học Võ Tánh.
Sau khi xong tú tài II, tôi học Luật tại đại học Luật Khoa Saigon và thành
hôn với ông Hồ Quang Minh, sĩ quan khóa 8 Hải Quân Nha Trang.
Huy Tâm -Thưa chị! Theo tin tức mà chúng tôi thu thập được, thì thời học
trung học, chị cũng đã từng là một nghệ sĩ trong ban nhạc ở đài phát thanh
Nha Trang, chị vui lòng nói rõ thêm về giai đoạn này, hầu tìm lại chút dư
hương ngày tháng cũ…
Điệp Mỹ Linh .- Vâng, kính thưa quý vị, giữa thập niên 50, một hôm gia
đình tôi đi xem xi-nê tại rạp Tân Tân, Nha Trang – tôi không nhớ tựa cuốn
phim – do Dean Martin và Jerry Liwis thủ vai chính. Thấy Dean Martin vừa
đàn Accordéon vừa hát vừa nhún nhảy, tôi thích quá, “đòi” Ba tôi cho tôi
học Accordéon.
Ba tôi đưa tôi vào Saigon, đến tiệm đàn Mỹ Tín, đường Hai Bà Trưng, đặt
mua một Accodéon của Ý Đại Lợi – Ba tôi bảo Accordéon sản xuất tại Ý là
tốt nhất – và đặt mua một cuốn sách dạy Accordéon từ Pháp; vì Ba tôi chỉ
biết tiếng Pháp; thế là Ba tôi dạy tôi đàn.
Sau đó, Ba tôi thành lập Ban Ca Nhạc Bình Minh, phụ trách văn nghệ cho
đài phát thanh Nha Trang vào mỗi tối thứ Năm và tối Chủ Nhật, hằng tuần.

Thời điểm này, Ba tôi là Trưởng Ban Kế Toán Khu Công Chánh Nha
Trang. Kỹ sư Nguyễn Văn Thưởng, từ Pháp về, đảm nhận chức vụ Trưởng
Khu Công Chánh miền Nam Trung Nguyên Trung Phần, rất thích chương
trình của Ban Bình Minh trên đài phát thanh Nha Trang, cho nên, ông
Thưởng cho xuất công quỹ mua nhạc cụ để Ba tôi thành lập – và trở thành
Trưởng Ban – Ban Văn Nghệ Khu Công Chánh Nha Trang.
Tôi đàn Accordéon và hát trong ban Bình Minh trên đài phát thanh Nha
Trang và trong Ban Văn Nghệ Khu Công Chánh Nha Trang vào những buổi
văn nghệ trên sân khấu để gây quỹ ủy lạo nạn nhân chiến tranh/nạn nhân
thiên tai.
Phạm Tương Như .- Như thế chị bắt đầu đi vào nghiệp dĩ văn chương từ
lúc nào, và nguyên nhân từ đâu?
Điệp Mỹ Linh.- Thưa quý vị, tôi quên thưa với quý vị rằng: Thời gian ở
Nha Trang, Ba tôi cũng viết cho báo Đuốc Thiêng/Tin Sáng/Tia Sáng,
v.v…với bút hiệu Điệp Linh/Điệp Mỹ Linh (do tên của chị em tôi ghép lại),
Nguyễn Văn Ngữ (tên thật của Ba tôi).
Về văn chương, tôi chỉ dám nhận là một ngòi bút “tài tử”. Về nhạc thì tôi
đã… bỏ đàn từ sau khi lập gia đình; vì ông Minh không thích tôi đàn!
Khi biết tôi đã bỏ đàn từ lâu, Ba tôi rất buồn! Nhưng rồi Ba tôi bảo: “Thôi,
Minh không thích con đàn thì thôi, con đừng đàn để giữ hạnh phúc gia
đình. Ba sẽ dạy con viết văn.” Thế là Ba tôi dạy tôi viết văn. Những bài đầu
tiên, tôi dùng tên em tôi, Nguyễn Thị Kiều Lam và Thanh Điệp, tên thật của
tôi. Sau đó, tôi muốn “dựa hơi” Ba tôi, tôi xin Ba tôi cho tôi “mượn” bút
hiệu Điệp Mỹ Linh của Ba tôi để làm bút hiệu của tôi. Ba tôi xỉa ngón tay
trỏ vào trán tôi, cười, mắng yêu, “Cha mày!”

Huy Tâm .- Thưa chị, như thế chị cũng là con nhà nòi rồi. Vậy có chút kỷ
niệm buồn vui nào để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong tâm hồn chị trên hành
trình mấy mươi năm cầm bút chăng?
Điệp Mỹ Linh.- Thưa quý vị, kỷ niệm buồn nhất trong đời viết văn của tôi
– đã được bộc lộ trong bài phỏng vấn trên nguyệt san Văn Học, do nhà văn
Nguyễn Mộng Giác thực hiện từ thập niên 90 – là: Năm 1972, em ruột của
ông Minh, thiếu úy Biệt Động Quân Hồ Quang Trung, tử trận tại Bình
Long, quàng tại chùa Vĩnh Nghiêm, Saigon. Tôi thương chú Trung như
thương Linh, em ruột của tôi, cho nên, tôi viết một bài, đăng trên Tin
Sáng/Tia Sáng, tôi không nhớ được, ký tên thật, Thanh Điệp! Tôi chỉ nhớ
câu kết luận của bài viết ấy là: “Từ nay, chị sẽ tìm hình bóng em qua nhân
dáng oai hùng của Người Lính Mũ Nâu!”
Vì biết ông Minh không thích tôi viết, cho nên, khi nhận được báo có bài
tôi viết về chú Trung, tôi cắt ra, xếp nhỏ, chờ giờ trưa vắng người thăm
viếng, tôi đem lên chùa Vĩnh Nghiêm, lén mọi người, để bài viết dưới lư
hương, trên quang tài của chú Trung.
Không ngờ, Hà – vợ của chú Trung – thấy hành động của tôi. Khi tôi trở về
nhà để lo cho các con tôi đi học, Hà lấy bài báo dưới lư hương ra, đọc. Đọc
xong, Hà buồn quá, cầm bài báo, đến cầu Công Lý với ý định trầm mình
chết theo chú Trung!
Người quanh cầu Công Lý thấy Hà mặc đồ tang, đang khóc ngất và tìm
cách leo qua cầu Công Lý, vội đến khuyên ngăn và đưa Hà trở lại chùa
Vĩnh Nghiêm.
Ông Minh và gia đình cũng khuyên ngăn Hà. Hà vẫn khóc, trong tay cầm
chặt bài viết của tôi. Không ai hiểu Hà đang cầm vật gì. Bà Nội các cháu

vội gỡ mấy ngón tay của Hà, lấy ra bài báo. Thấy tác giả là Thanh Điệp, cả
gia đình ông Minh đều nổi giận!
Khi tôi trở lại chùa Vĩnh Nghiêm, vừa bước lên mấy bậc cấp, ông Minh từ
bên trong nhà quàng bước ra, xỉa ngón tay thẳng vào tôi – trước nhiều
quang khách đến viếng đám tang của Trung và đám tang người khác – nạt
lớn: “Ai biểu cô viết? Hả? Biểu ‘dẹp’ hoài mà tại sao cứ viết! Viết để làm
gì? May có người cứu, nếu không, vợ thằng Trung chết rồi, biết không?”
Tôi bàng hoàng, chỉ biết im lặng, khóc cho chú Trung và cũng khóc cho
chính tôi!
Phạm Tương Như .- Thế còn kỷ niệm vui là gì vậy, chị?
Điệp Mỹ Linh.- Kỷ niệm vui là, năm 1999, khi tập truyện Tưởng Như Trở
Về của tôi được xuất bản; trong đó, tôi trích vài câu thơ của bài Tiếng Đàn
Đêm Trung Thu, tác giả là Hoàng Việt Sơn – bút hiệu của một bác sĩ Thủy
Quân Lục Chiến – sáng tác năm 1956, để tặng Thanh Điệp/Thúy
Minh/Hoàng Thu, sau khi ông Hoàng Việt Sơn tham dự đêm văn nghệ do
ban Bình Minh trình diễn để ủy lạo binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến, tại căn
cứ Sóng Thần, Nha Trang, do đại tá Nguyễn Bá Liên chỉ huy.
Không ngờ, sau khi đọc bài Tưởng Như Trở Về, vị bác sĩ kiêm nhà thơ
Hoàng Việt Sơn nhận ra Điệp Mỹ Linh là Thanh Điệp rồi liên lạc với tôi.
Tôi rất vui nhưng cũng rất ngại ngùng và dè dặt!
Sau đó vị bác sĩ này dùng bút hiệu Hoàng Vũ Bão, sáng tác tập thơ Nửa
Đời Thương Đau, do nhà xuất bản Hồn Việt của nhà báo Ngọc Hoài
Phương xuất bản để tặng Điệp Mỹ Linh.

Dù rất kém chính tả tiếng Việt, tôi cũng nhận ra chữ “Bão” trong bút hiệu
của vị bác sĩ này phải là dấu hỏi. Tôi góp ý, đề nghị Ông sửa lại thành dấu
hỏi; nhưng vị bác sĩ “ba gai” này xác định rằng: Ông muốn dùng dấu ngã
như là bão tố để thể hiện tinh thần bất khuất của Thủy Quân Lục Chiến: Khi
tấn công là phải chiếm cho được mục tiêu!
Huy Tâm .- Cuối cùng vị bác sĩ ấy có “chiếm được mục tiêu hay không?”
Điệp Mỹ Linh .- Dạ, thưa anh, không! Vì tôi rất thương thân phận phụ nữ!
Không bao giờ tôi nỡ làm khổ một phụ nữ nào cả! (Kính mời quý độc giả
đọc tùy bút Tạ Lỗi Với Người Thơ, trong tập truyện Trăng Lạnh.)
Link:https://www.diepmylinh.com/ta-loi-voi-nguoi-tho
Phạm Tương Như .- Bây giờ, chúng ta trở lại với chủ đề chính hôm nay
nhé! Thưa nhà văn Điệp Mỹ Linh, xin chị cho biết hoàn cảnh nào và
nguyên do gì khiến chị bỏ nhiều công sức để tìm tòi, góp nhặt hầu thực hiện
một bộ sách rất công phu và phải nói thật cũng khá khô khan đối với chúng
ta.
Điệp Mỹ Linh.- Thưa quý khán thính giả, thưa anh Huy Tâm và anh Phạm
Tương Như, như đã thưa, tôi chỉ là một ngòi bút tài tử, vì không chơi đàn
được nữa, cho nên, phải viết để giải tỏa nỗi niềm chứ tôi không thích chính
trị, không có cao vọng để trở thành nhà văn. Vì thế, đối với tôi, viết một
cuốn tài liệu rất nhiêu khê chứ không dễ như viết truyện.
Nhưng, cuối thập niên 70, trong Đại Hội Hội Cựu Quân Nhân VNCH, tại
Houston, có sự hiện diện của cựu trung tướng Vĩnh Lộc – Tham Mưu
Trưởng cuối cùng của Quân Lực VNCH – tôi được mời phát biểu cảm
tưởng về Người Lính VNCH.

Khi tôi trở lại chỗ ngồi, cựu trung tướng Vĩnh Lộc đến gặp tôi, để nghị tôi
nên viết về cuộc di tản của Hải Quân VNCH, 1975.
Tôi đáp :
-Thưa trung tướng, cuộc di tản do Hải Quân VNCH thực hiện là một đề tài
quá lớn; em chỉ là ngòi bút “tài tử”, em ngại em không “kham” nỗi!
Tướng Vĩnh Lộc bảo:
-Madam từng tháp tùng các cuộc hành quân hỗn hợp trên sông rạch; madam
thường viết về lính và sông nước/biển khơi; và nhất là madam đã có mặt và
quan sát ngay từ đầu của cuộc di tản vĩ đại của Hải Quân. Tôi nghĩ, không
một ngòi bút nào hội đủ được nhiều yếu tố như madam để viết về cuộc di
tản của Hải Quân VNCH.
Tôi vẫn từ chối. Nhưng, lần nào gặp tôi trung tướng Vĩnh Lộc cũng đều
nhắc tôi về chủ đề của chuyến ra khơi lịch sử, 1975.
Tôi chỉ xác nhận:
-Chuyện Hải Quân, để “mấy ông” Hải Quân lo. Một mình em lo không nổi
đâu, Trung Tướng!
Một hôm, ông Minh và tôi mời tướng Vĩnh Lộc đến nhà chúng tôi dự tiệc
cùng với rất đông bạn hữu của chúng tôi.
Sau khi tiệc tan, mọi người ra về, tướng Vĩnh Lộc ở lại sau cùng để kể cho
ông Minh và tôi nghe về trận chiến khốc liệt tại đồn Pleime khi tướng Vĩnh
Lộc là Tư Lệnh Quân Đoàn II Vùng II Chiến Thuật.

Tôi bị xúc động mạnh! Không hiểu vì những chi tiết hào hùng của quân
VNCH trú đóng trong đồn Pleime hay là vì những nét khắc khổ/đớn đau
trên khuôn mặt cằn cỗi của một vị tướng không còn uy quyền – tướng Vĩnh
Lộc! Tối đó, tôi viết truyện nhắn Người Trở Lại Pleime; hôm sau, tôi liên
lạc với tướng Vĩnh Lộc và xác định rằng: Tôi sẽ thực hiện và hoàn tất tài
liệu về chuyến di tản lịch sử của Hải Quân VNCH.
Huy Tâm.- Xin chị cho biết, mất bao nhiêu thời gian để chị hoàn thành Bộ
sách này và đã được ra đời từ bao giờ.
Điệp Mỹ Linh .- Kính thưa quý vị, thời điểm 1975/1976 tôi phải đi làm 2
việc để phụ với ông Minh nuôi các con tôi ăn học và giúp gia đình của tôi
bên Việt Nam; vì Ba và các em trai của tôi đều bị tù; Má và các em gái của
tôi bị đuổi đi kinh tế mới.
Sĩ quan Hải Quân VNCH di tản đều sống rải rác khắp năm châu. Thời đó
chưa có internet và cell phone. Mọi cuộc phỏng vấn do tôi thực hiện đều
bằng điện thoại hoặc bằng thư, qua bưu điện.
Có vị không đồng ý trả lời qua điện thoại hoặc thư; thế là ông Minh và tôi,
cuối tuần, phải “bay” đến, để tôi lo việc phỏng vấn – có thu âm – và ông
Minh cũng được gặp lại bạn hữu Hải Quân.
Nhưng, khi thấy “bills” điện thoại hoặc tiền vé máy bay, ông Minh lại “cự”
tôi, bảo tôi “lo việc bao đồng”!
Phạm Tương Như.- Quả thật đây cũng là một sự hy sinh đáng ca ngợi.
Điệp Mỹ Linh .- Nhân đây, tôi cũng thành thật biết ơn đại gia đình Hải
Quân VNCH, cố giáo sư Nguyễn Ngọc Linh – nguyên Tổng Giám Đốc Việt
Tấn Xã và cũng là Chủ Nhiệm bán nguyệt san Ngày Nay – và cố nhà báo

Trọng Kim Trương Trọng Trác, Chủ Bút bán nguyệt san Ngày nay; vì
những vị này đã giúp đỡ và khuyến khích tôi rất nhiều trong thời gian tôi
vừa thực hiện cuốn Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 vừa viết bài cho Ngày
Nay.
Huy Tâm.- Như thế, đến năm nào thì hoàn tất tác phẩm sách này, và cuốn
tài liệu này được ra đời như thế nào, thưa chị?
Điệp Mỹ Linh.- Cuốn Hải Quân VNCH Ra Khơi 1975, được hoàn tất và ra
đời năm 1990; tức là tôi phải mất khoảng 14/15 năm mới hoàn tất được.
Thập niên 80/90, tình trạng báo chí ở hải ngoại phát triễn mạnh/tốt; chỉ có
tệ nạn báo chí “phe ta” chửi “phe mình” thì không ai can nỗi! Vì vậy – dù
năm 1987, tôi đã thành công vượt bực khi ra mắt tập truyện Bước Chân
Non tại Hyatt Regency, tọa lạc tại góc I-10 và hwy 6, Houston – Ba tôi và
tôi cũng quyết định không ra mắt sách nữa; chỉ tổ chức tiệc tại nhà, mời
một số bạn hữu và tặng mỗi vị một cuốn Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975.
Phạm Tương Như .-Từ năm 1990, nghĩa là đã hơn ba thập niên rồi, vậy thì
từ đó đến nay đã được tái bản lần nào chưa, thưa chị?
Điệp Mỹ Linh.- Thưa quý khán thính giả, thưa anh Phạm Tương Như và
anh Huy Tâm, cuốn Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 được tác giả tái bản
lần đầu vào năm 2011; lần thứ hai, 2019, Amazon tái bản. Nhưng khi
Amazon gửi bản thảo tái bản cho tôi xem lại, tôi sơ ý, không thấy là
Anazon ghi “tái bản lần thứ I”. Tôi sẽ liên lạc với Amazon để Amazon điều
chỉnh số I thành số II.
Huy Tâm.- Sách báo ngày nay đã lỗi thời
Cứ mười độc giả chín người thôi
Viết lách dường như là nghiệp dĩ

Đeo đẳng theo ta suốt cuộc đời
Thưa quý khán thính giả, khi nền công nghệ internet đã chiếm lĩnh một
không gian rất rộng trong cuộc sống của chúng ta, thì chuyện in ấn sách báo
cầm bằng một cuộc cờ chưa đánh đã thua.
Vậy mà Quyển tài liệu lịch sử Hải Quân VNCH Ra Khơi đã được tái bản
lần thứ hai vào năm 2019, quả là một sự kiện hiếm hoi trên trường văn trận
bút thời nay.
Xin chúc mừng chị.
Điệp Mỹ Linh.– Xin cảm ơn anh Huy Tâm. Bốn câu thơ của anh thật là
thấm thía, diễn đạt được tất cả nỗi niềm của người Việt Nam cầm bút tại
Hải Ngoại.

Hoa Biển – Anh Thy – Nhã Phương

Phạm Tương Như.- Thưa chị, đây là một cuốn sách về tài liệu lịch sử, vậy
xin chị hãy tóm lược nội dung để quý đồng hương biết thêm về những gì
chị muốn trình bày.
Điệp Mỹ Linh.- Thưa quý vị, cuốn tài liệu Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975
gồm có 11 chương, không kể phần Thay Lời Tựa. Sau đây là mục lục:
Chương I
Sơ Lược Lịch Sử Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa
Chương II
Các Vị Tư-Lệnh Hải-Quân
Chương III
Sự Tổ Chức Của Hải-Quân – Về Hành Quân
Chương IV
Cuộc Đàm Thoại Bất Ngờ
Chương V
Những Biến Chuyển Quân Sự Và Các Cuộc Rút Quân bằng đường biển.

Chương VI
Những Đột Biến Tại Các Vùng Sông Ngòi
Chương VII
Kế Hoạch Phòng Thủ Bộ Tư Lệnh Hải Quân và Hải Quân Công Xưởng.
Chương VIII
Chuyến Ra Khơi Bi Hùng
Chương IX
Phỏng Vấn Những Nhân Vật Liên Hệ Đến Chuyến Ra Khơi Cuối Cùng Của
Hải-Quân V.N.C.H.
Chương X
Những Vị Anh Hùng Hải-Quân V.N.C.H.
Chương XI
Những Dòng Ký Ức
Huy Tâm.-Thưa chị, tài liệu lịch sử là những chứng tích lưu lại cho hậu
thế, và dĩ nhiên không chỉ dành riêng cho một sắc tộc nào.
Vậy chị đã có, hoặc đang dự định chuyển thể Bô sách Hải Quân VNCH Ra
Khơi sang các ngôn ngữ khác, hầu quảng bá rông rãi hơn không, thưa chị?
Điệp Mỹ Linh.- Thưa quý khán thính giả cùng anh Huy Tâm và anh Phạm
Tương Như, ngay từ khi cuốn tài liệu lịch sử Hải Quân VNCH Ra Khơi,
1975 chào đời, tôi đã ước mong cuốn tài liệu này được dịch ra ngoại ngữ;
nhưng, con tôi – từ bé học nội trú trường Regina Pacis và Notre Dame des
Missions – cho nên không biết tiếng Việt nhiều.
Tháng 9 ngày 11 năm 2001, Hoa Kỳ bị không tặc xâm phạm nặng nề tại
New York, tôi đang du lịch tại Nga. Thấy trên TV tòa Tháp Đôi phừng
phực lửa, tôi xúc động nhiều, viết ngay tại phi trường Frankfurt Tùy Bút Tạ
Ơn Mảnh Đất Này.

Sau khi bài Tạ Ơn Mảnh Đất Này được phổ biến trên nhiều báo Việt ngữ,
ông  Merle L. Pribbenow đọc được, dịch sang tiếng Anh, chuyển đến báo
Ngày Nay, nhờ ông Nguyễn Ngọc Linh đăng và chuyển cho Điệp Mỹ Linh.
Đọc bài dịch, các con tôi và tôi đều thích và tôi ngõ ý muốn nhờ ông
Pribbenow dịch cuốn Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975, có thù lao.
Nhưng, ông Minh không đồng ý.
Sau khi ông Minh qua đời, tôi liên lạc lại với ông Pribbenow thì ông
Pribbenow emailed hồi đáp bằng tiếng Việt rằng: “Rất tiếc, tôi già rồi và vợ
tôi đang bị bệnh hiểm nghèo, tôi phải lo cho vợ tôi!”
Gần đây tôi cũng liên lạc vài nơi để tìm người dịch, nhưng, tôi hiểu, cuốn
Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 gồm nhiều danh từ/động từ “riêng” của
Hải Quân, rất khó dịch
Phạm Tương Như.- Thưa chị, cho đến thời điểm này, tháng 6/2022, tổng
số các tác phẩm chị đã xuất bản là bao nhiêu quyển và chị có đang chuẩn bị
thêm đứa con tinh thần nào nữa để ra mắt đồng hương chăng?
Điệp Mỹ Linh.- Thưa quý vị, tổng số tác phẩm của ĐML đã xuất bản là 12
tác phẩm. Hiện tại, nhà xuất bản Nhân Ảnh – thành viên của Amazon –
đang lo bìa để xuất bản 2 tác phẩm kế tiếp của Điệp Mỹ Linh là Quốc Ca
Mới Của Đảng và Tự Truyện Của Tím.
Huy Tâm.- Khi tác phẩm mới được hoàn tất, chị có sẵn lòng cho phép
chương trình Tác Giả & Tác Phẩm được giới thiệu cùng quý độc giả khắp
nơi chăng?

Điệp Mỹ Linh.- Thưa quý khán thính giả, anh Huy Tâm và anh Phạm
Tương Như, tôi rất cảm ơn nhã ý của anh Huy Tâm cùng chương trình Tác
Giả &Tác Phẩm của Macusa Media show. Việc làm của quý vị vô cùng ý
nghĩa, đã góp công gìn giữ và quảng bá tiếng Việt nơi đất khách, và đặc
biệt giúp giới thiệu những sáng tác mới đến với độc giả.
Phạm Tương Như.- Thưa chị và thưa quý khán giả! Chương trình này
được sự bảo trợ của Macusa Media Show là môi trường để chúng em, anh
Huy Tâm, có cơ hội đóng góp bàn tay nhỏ bé hầu chuyển tải những nỗi
niềm, những điều tâm huyết của người đi trước đến với các thế hệ trẻ trong
mai hậu.
Điệp Mỹ Linh.- Xin ngưỡng phục về việc làm của quý vị và cầu chúc
Macusa Media Show mãi mãi phát triển, quý anh chị luôn được dồi dào sức
khỏe để tiếp tục hành trình cao đẹp này.
Huy Tâm.- Thời lượng của chúng ta cũng sắp hết, mời nhà văn Điệp Mỹ
Linh gửi lời chào tạm biệt đến quý khán giả trước khi rời phòng thu âm.
Điệp Mỹ Linh.– Điệp Mỹ Linh xin trân trọng kính chào quý khán thính giả
cùng anh Huy Tâm và anh Phạm Tương Như.
Phạm Tương Như.- Phạm Tương Như cũng xin chào tạm biệt nhà văn
Điệp Mỹ Linh, chào tạm biệt quý khán giả, và hẹn tái ngộ trong chương
trình kỳ sau,
Huy Tâm.- Món quà tạm biệt trong chương trình hôm nay là ca khúc Nỗi
Nhớ Mênh Mông, nhạc và lời Dương Thượng Trúc qua giọng hát Quang
Minh, sẽ thay lời chúc sức khỏe của toàn thể nhân viên Macusa cùng BBT
Chương trình TG&TP gửi đến quý vị và hẹn tái ngộ trong chương trình kỳ
sau, cũng vào ngày giờ thường lệ.

Trân trọng kính chào.

Đồng Đội Chúng Ta – Đọc xong chuyển đi giùm!

Xin cố gắng chuyển đi làm phước. 

Chúng tôi có tìm thấy một hài cốt của một người lính đã chết trận tại Nha Trang, thuộc tỉnh Khánh Hòa có thẻ bài ghi rõ:

Họ Tên: NGUYỄN VĨNH LÂN 

Số Quân: 681137969, loại máu O+.

Nếu ai là thân nhân nói trên xin vui lòng liên lạc Đ.T 0935.899.347 gặp Ni Sư Thông Mẫn. Nhờ quí vị chuyển thông tin này đến những người mình quen biết, may ra chúng ta có thể tìm được thân nhân của người quá cố được đoàn tụ với gia đình.

Đây là việc làm nhân đạo, xin chuyển tiếp.                  

Xin cám ơn.
 Đọc xong xin chuyển đi giùm vì đây là làm ơn làm phước.

 ĐẠI-TÁ DƯƠNG QUANG TIẾP

Tôi ra Vùng I đảm-trách Ngành Cảnh-Sát Đặc-Biệt vào ngày 26-9-1973, sau khi Đại-Tá Dương Quang Tiếp đã rời chức-vụ Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Sát Quốc-Gia ở Vùng này rồi.

        Nhưng, Đại-Tá Tiếp, bây giờ là Thanh-Tra Cảnh-Sát Dã-Chiến tại Bộ Tư-Lệnh Cảnh-Sát Quốc-Gia, đã gửi thư ra thăm tôi, và mách tôi một số người tốt, kẻ xấu, gọi là để giúp tôi trong công-vụ tại hoạt-vực mới này

Chừng hai tuần sau thì Đại-Tá Tiếp từ Sài-Gòn ra thanh-tra Cảnh-Sát Dã-Chiến ngoài này.

        Nguyên Thiếu-Tá Dương Quang Tiếp là Trưởng Ty CSQG Tỉnh Pleiku, rồi Trưởng Ty CSQG Tỉnh Lâm-Đồng, thuộc Vùng II, thời-gian tôi cầm-nắm Ngành Đặc-Cảnh Vùng II Chiến-Thuật. Sau đó anh làm Trưởng-Ty (Chỉ-Huy-Trưởng) CSQG Tỉnh Thừa-Thiên & Thị-Xã Huế, rồi thăng cấp dần và lên làm Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Vùng I, trụ-sở tại Đà-Nẵng. 

        Vì là chỗ quen thân nhau từ trước, vả lại ĐT Tiếp nghỉ lại tại nhà của Đại-Tá Lê Quang Nhơn, Chánh Sở I An-Ninh Quân-Đội, nên sáng hôm sau tôi mời cả hai ĐT Tiếp và Nhơn đi ăn điểm-tâm.

Đại-Tá Nhơn hỏi làm sao mà Tiếp và tôi quen nhau.

Tiếp nói:

        – Nhuận làm với “moa” từ trong Vùng II.

Tôi thấy buồn cười, vì trong Vùng II thì Tiếp là một thiếu-tá Trưởng Ty CSQG, cấp Tỉnh, còn tôi thì là phụ-tá Giám-Đốc chuyên-trách Đặc-Cảnh cấp Vùng.

Khi anh từ Ty CSQG Lâm-Đồng về Nha trình-diện Trung-Tá (về sau là Đại-Tá) Giám-Đốc Cao Văn Khanh (lúc Khanh mới đến nhậm chức Giám-Đốc Nha CSQG Vùng II) anh đã nhờ tôi “nói giúp với Khanh một tiếng”, vì:

– “Moa” chưa quen tên này.

Tiếp tỏ ra vẻ biết rành tình-hình Miền Trung, và muốn giúp tôi vượt qua khó-khăn lúc đầu.  

Anh nói:

– Lúc “moa” mới ra Vùng này, có hai tên “cố đạo” đến nói với “moa” là phải đến thăm ra mắt các Cha Xứ lãnh-đạo Thiên-Chúa-Giáo ở đây, có thế thì đường công+danh mới được vẹn-toàn.  “Moa” nói “con c.!” và đuổi chúng đi tức thì.

Tôi lại ngỡ-ngàng, vì Tiếp đề-cập đến các tu-sĩ ấy của một tôn-giáo mà Nhơn là một tín-đồ.

NHƯNG tôi không ngạc-nhiên lâu, vì Tiếp là một mẫu người đặc-biệt, không riêng ở trong mà cả ở ngoài Cảnh-Sát Quốc-Gia.

Tiếp được biệt-phái từ Quân-Lực qua Cảnh-Lực từ hồi còn là sĩ-quan cấp úy.

Anh quen, và thân rất nhiều sĩ-quan chỉ-huy bên phía nhà-binh, nên đã có thời anh là nhân-vật quan-trọng số một của phía Cảnh-Sát trong các biến-cố chính-trị và quân-sự tại Thủ-Đô Sài-Gòn.

Có lần Tổng-Nha bị lính bao vây, anh ra chỉ mặt các viên chỉ-huy bên ngoài, “đ.m.!” bảo rút hết đi.  Họ rút; và vì âm-mưu của phe đảo-chính bất-thành, nên anh được thăng một lon.

        Lần khác, Tổng-Nha bị đánh, anh ra nhận-diện bạn-bè, xong “đ.m.!” bảo lính bên trong mở cổng cho lính bên ngoài tiến vào.  Kết-quả, vì phe cầm đầu của nhóm tấn-công thành-công, nên anh được thăng một lon…

SAU trận Pleime ở Tỉnh Pleiku, Tư-Lệnh Quân-Đoàn II và Vùng II Chiến-Thuật, là Thiếu (về sau là Trung-) Tướng Vĩnh Lộc, có tổ-chức một buổi thuyết-trình về “Chiến-Thắng Pleime”.

Tôi từ Ban Mê-Thuột lên dự (dạo đó Nha CSQG Vùng II Chiến-Thuật còn đóng trụ-sở tại BMT) và được Trưởng-Ty Dương Quang Tiếp hướng-dẫn đến Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn.

Thiếu-Tá Tiếp mặc một áo jacket nhà-binh, không mang cấp-hiệu, bên trong là một sơ-mi thường-dân; đội một mũ vải lưỡi trai nhà-binh có gắn một hoa mai bạc; mặc quần xanh+đen thường-dân, và đi đôi giép da nâu.

Anh chở tôi đi vòng-vo nên đến khá trễ.

Hai viên Quân-Cảnh gác hai bên cửa đứng nghiêm chào anh, vén màn cho hai chúng tôi bước vào hội-đường.

Anh kéo tôi ngồi vào chỗ ghế trống ở hàng gần cuối, và vẫn đội mũ trên đầu.

MỘT lát thì Tướng Lộc kết-thúc phần chính của buổi thuyết-trình.

        Ông nói:

        – Ai muốn biết thêm điều gì thì hỏi, tôi sẽ trả lời.

Chưa nghe có ai nói gì thì Tiếp đứng dậy, giơ tay:

        – Thưa thiếu-tướng, Pleime là do Mỹ đánh, chứ ta có tài-giỏi gì mà khoe “chiến-thắng Pleime”?

Tôi cảm thấy như một gáo nước lạnh dội vào xương sống mọi người.

       Hội-đường sững-sờ, ai nấy quay nhìn về anh.

       Tướng Lộc nói với các sĩ-quan ngồi hàng ghế đầu:

        – Bảo viên thiếu-tá gì đó, đợi lúc họp xong hãy lên văn-phòng trình-diện tôi.

        Tiếp liền kéo tôi đứng dậy, nói lớn:

        – “Con c.!”  Thằng này “moa” đã từng tát tai rồi đó!  Mình về, ông Phụ-Tá!

        Tiếp dẫn tôi ra.

        Hai viên Quân-Cảnh lại đứng nghiêm chào.

Tôi thật không ngờ có thể có một sự-việc như thế xảy ra, cho chính mắt tôi, tai tôi.

        VỀ sau, trước khi lên đường ra Miền Trung, làm Trưởng Ty (Chỉ-Huy Trưởng) CSQG Thừa-Thiên/Huế, Tiếp đã tâm-sự với tôi:

        – Chuyến này ra Huế “moa” phải lấy một con-vợ người Huế để cho biết mùi gái Huế thế nào!

Riêng về vụ này, anh đã dan-díu với một nữ-nhân-viên gốc Huế trẻ đẹp tại Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực Vùng này.

NÓI chung, tôi không biết chắc là Đại-Tá Dương Quang Tiếp nói đúng hay sai [về những người tốt, kẻ xấu], mặc dù là để giúp tôi lúc tôi mới về Miền Trung; vì có những điều anh đã cường-điệu với tôi, ngay cả về tôi.

Anh quả là sự kết-hợp của cả cái thật lẫn cái dối.

Mà cái thật ấy lại rất khó tin, trong lúc cái dối lại dễ được người tin hơn.

Cho nên tôi không thể nào tin được hết thảy những gì Đại-Tá Tiếp viết trong thư mách nước cho tôi…

LÊ XUÂN NHUẬN

Cảnh-Sát-Hóa

CHUYỆN LẦN ĐẦU ĐỤNG TRẬN

Hình chụp ngày 07/07/70 là ngày lễ mãn khoá 6/69 NGUYỄN VIẾT THANH sĩ quan trừ bị của chúng tôi tại quân trường Đồng Đế. Trong hình có thể thấy những sinh viên sĩ quan đang quì và những sĩ quan cơ hửu của quân trường đang lần lượt tháo alpha trên cầu vai của các sinh viên sĩ quan và thay vào đó là cặp lon chuẩn úy. Lon chuẩn úy của quân lực VNCH có hình dạng giống cái quai chảo nên tụi tôi gọi là cái quai chảo. Sau khi được gắn quai chảo, những sinh viên chính thức là các tân sĩ quan của quân đội. Họ đọc lời tuyên thệ luôn trung thành với tổ quốc chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ người dân. Tôi là một trong số 1014 sinh viên sĩ quan đang quì trong hình. Tính đến nay tấm hình này cũng được tròn 50 tuổi. Năm mươi năm kể từ ngày ra trường những đồng đội chiến hữu của tôi không biết ai còn ai mất. Chắc chắn mất nhiều hơn còn vì sau khi tuyên thệ những tân sĩ quan liền lập tức được tung ra chiến trường đối đầu với đạn bom và khói lửa.Ngày 07/07/70 tôi có 10 ngày phép cuối khóa. Ngày 17/07 tôi đến tiểu khu Darlac trình diện, sau đó được điều về Đại đội 398 vừa mới thành lập. Cùng với tôi còn có hai chuẩn úy khác cùng khoá 6/69 là Phạm văn Hậu và Lê Huy Yết. Hậu làm trung đội trưởng trung đội 1, tôi làm trung đội trưởng trung đội 2 và Yết làm trung đội trưởng trung đội 4. Đại đội trưởng là trung uý Đỗ Hoàng Phúc. Vì là đại đội mới thành lập với ba tên chuẩn uý mặt còn búng ra sữa không có một tí gì kinh nghiệm chiến trường ngoài một mớ lý thuyết được học nên đại đội được đưa về Buôn M‘Rê cách Ban Mê Thuột 12 cây số về hướng nam là một nơi tương đối an toàn để đóng đồn. Cách đại đội 2 cây số là cầu 14 với một đơn vị bạn lót lưng. Đại đội tôi lọt vô giữa chung quanh được bao bọc bởi những khẩu pháo 105 ly của tiểu khu sẳn sàng yểm trợ. Tính ra thì buôn M‘Rê là nơi tương đối nếu đem so với những nơi khác trong lúc tình hình chiến sự xảy ra khốc liệt hàng ngày.Không ngờ là vào đêm 20/07/70 để kỷ niệm ngày Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 sông Bến Hải chia đôi đất nước, việt cộng chọn buôn M’Rê để tấn công. Như vậy có nghĩa là chỉ ba ngày sau khi ra đại đội thì tôi được nếm mùi. Đó là lần đầu tiên tôi được cối 82 ly của địch quân hỏi thăm. Đạn nổ trên miệng hầm và giao thông hào. Thay vì núp dưới giao thông hào thì tôi lại leo một cái nhà sàn vì tò mò muốn nhìn xem đạn bắn từ hướng nào. Người lính mang máy PRC 25 tên Thành thấy tôi đang đụng trận mà giống như đang ngước nhìn trời tìm một ánh sao băng nào đó để làm thơ thì la oải oải. Chắc là hắn ngạc nhiên vì tưởng ông chuẩn úy vừa rời vú mẹ này gan lì điếc không sợ súng. Tôi không điếc, còn súng thì ai mà chả sợ nhưng vì chưa biết đánh đấm là gì cho nên muốn nhìn xem đạn bay trong đêm tối hình dáng nó ra sao. Tội nghiệp Thành nhiệm vụ mang máy truyền tin nên lúc nào cũng phải bò sát theo sau lưng tôi. Tiếng Ak 47 của việt cộng bắn trực diện bay trên đầu nghe chát chúa chứ không giòn giã êm tai như tiếng M16. Trước mặt buôn qua vòng rào phòng thủ là quốc lộ 14. Bên kia quốc lộ là một con suối và rừng. Sương đêm mờ mịt lẫn vào ánh hỏa châu soi sáng từ tiểu khu bắn lên vòm trời khiến cho tôi có một cảm giác nôn nao. Nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy không hồi hộp hay sợ hãi mặc dù đó là lần đầu tôi trực diện bắn nhau. Tính nhẩm ra sau khi được gắn lon chuẩn úy tôi có 10 ngày phép. Hết 10 ngày phép tôi trình diện đơn vị được ba ngày là bị đụng địch. Đem cộng lại thì từ lúc mang lon chuẩn úy đến khi đụng nhau thì thâm niên quân vụ của tôi vừa đúng 13 ngày. Ôi con số 13.Phía bên ngoài việt cộng pháo 82 ly dữ dội vô phía bên trong, từng tràng súng nổ dồn dập. Qua máy PRC 25 Kỳ Phùng tức trung uý đại đội trưởng ra lệnh cho tôi dẫn một tiểu đội bò sát ra bờ rào phía bắc dùng kềm cắt kẽm gai cắt cho một khoảng trống phòng khi tụi nó đông đánh không lại còn có đường rút. Vừa điều động cả ba tên chuẩn úy mới ra trường như ba con chim mới ra ràng trấn giữ ba mặt buôn, vừa gọi trực thăng và pháo binh yểm trợ Kỳ Phùng thiệt là chì. Đêm không trăng dưới ánh sao lờ mờ tôi thấy nhiều bóng người thấp thoáng đang chạy lúp súp băng qua đường và tôi nổ súng. Đó cũng là lần đầu tiên tay tôi bóp cò khi đối đầu với địch kể từ ngày cởi chiếc áo thư sinh khoác lên người bộ đồ lính. Tôi gọi qua máy báo cáo tình hình đến Kỳ Phùng xin pháo binh. Chỉ trong vòng 15 phút sau trực thăng xuất hiện và súng lại nổ giòn giã. Tôi lại leo lên nhà sàn để nhìn. Khi còn đi học, đọc những bút ký chiến trường của các nhà văn quân đội tôi cứ nghĩ đánh nhau thì phải ghê gớm và khủng khiếp lắm nhưng té ra giống như chẳng có gì. Sau khi trực thăng lên tôi không còn nghe súng bên địch nổ nữa. Kế tiếp là đạn pháo binh nổ ầm ỉ  bắn chận đầu bên kia suối và trời đang sáng dần. Địch đã rút quân.Đánh đấm nhẹ nhàng như thế tưởng không có gì, vậy mà sáng hôm sau khi ra khỏi buôn lục soát thì phía việt cộng bỏ lại năm cái xác không kịp kéo đi. Trung đội 1 của chuẩn úy Hậu tử trận hai người vì ngày hôm đó trung đội của Hậu trực nên có nhiệm vụ cử một tiểu đội làm tổ báo động nằm ngay bờ suối. Khi địch mở cuộc tấn công đụng phải tổ báo động này và hai người binh sĩ đã hy sinh. Ba tên chuẩn úy mới ra trường mặt mày tèm nhem vì bụi đất đỏ nhìn nhau cười chỉ thấy lòi mấy cái răng. Chuẩn úy Hậu nói tao thấy đạn bay léo nhéo về phía nhà sàn nơi mày núp mà mày không dính viên nào chắc là do mày ốm nhom mõng như lá lúa nên đạn không biết ghim vào đâu. Tôi nghĩ hắn nói tầm bậy nhưng cũng có thể trúng tầm bạ.Sau này có kinh nghiệm trận mạc hơn, tôi lại đâm ra sợ chứ không tỉnh bơ như lúc mới ra trường. Nhiều khi tôi thấy đánh trận giống như đi casino kéo máy. Lúc đầu không rành cờ bạc lắm thì kéo đâu trúng đó nhưng khi sành sõi rồi thì kéo đâu trật đó. Khi tôi biết thế nào là mùi vị của súng đạn thì bị thương mấy lần. Đôi khi trong đời lính cũng cần bị thương miễn là đừng bị cưa tay, cưa chân hay thẹo thọ trên mặt để được nằm quân y viện đọc chưởng của Kim Dung. Cũng tại quân y viện Ban Mê Thuột tháng 1/72 tôi quen với trung úy Trần Quí Sách tức nhà văn quân đội Trần Hoài Thư cũng đang dưỡng thương tại đây. Mấy mươi năm sau ra hải ngoại hai anh em có cơ duyên gặp lại nhau vẫn thường nhắc đến kỷ niệm ngày xưa. Nhưng chuyện bắn nhau thì súng đạn muôn đời không có mắt cho nên hay nhất là đừng bị gì hết. Nói một cách khác đó là chấp nhận đời lính nghĩa là chấp nhận bán cái số mạng cho hên xui may rủi. Đời lính tài giỏi gì cũng không qua số mạng trời định.Trung úy Đỗ Hoàng Phúc đại đội trưởng 398 vị sĩ quan chỉ huy trận đánh đầu đời lính của tôi tại Buôn M’Rê sau này lên đại úy và năm 1973 đã tử trận tại Quãng Nhiêu được vinh thăng cố thiếu tá. Anh là người anh, người thầy của tôi và cho dù đã nửa thế kỷ trôi qua tôi vẫn xin thắp nén hương lòng để tưởng nhớ đến anh. Còn chuẩn úy Phạm Văn Hậu và chuẩn úy Lê Huy Yết hai người bạn cùng khóa cùng nếm mùi chung giờ không biết đang ở đâu, còn hay đã mất. Nhớ mãi nụ cười hiền lành của ba thằng chuẩn úy tuổi 20 mặt mũi tèm lem vì đất đỏ buổi sáng hôm sau trận đánh. Tính từ ngày ra trường 07/07/70 trong tấm hình thứ nhất đến ngày 30/04/75 tổng cộng là 5 năm. Trong đó tôi có ba năm ở đại đội tác chiến và hai năm biệt phái qua cảnh sát quốc gia. Khi đi ở tù đến năm 1981 là 6 năm. Đi lính 5 năm ở tù 6 năm, tính ra thì tôi bị lỗ 1 năm. Xem như sáu năm trả nợ quỉ thần. Tôi không hề hối tiếc 5 năm cầm súng nhưng lại hối tiếc 6 năm tuổi thanh xuân bị tước đoạt trong tù. Tôi không có máu thù dai, nhưng hệ lụy của cuộc chiến này quá lớn. Sự nghiệt ngã khó mà khuây khỏa. Giả dụ như lịch sử chưa xảy ra và thời gian quay ngược lại hỏi tôi thay vì ở tù 6 năm là 12 năm anh có dám chấp nhận làm lính trở lại hay không?Ở tù thì quá ớn (dù chỉ một ngày) nhưng câu trả lời sẽ là “Có gì mà dám hay không dám, được khoác áo lính đó là một ước mơ.”

Quan Dương

Thủ Tí Tiền Còm

Lời nói đầuChúng tôi không phải là một kinh tế gia lại càng không phải là một chuyên gia trên thị trường chứng khoán. Những điều chúng tôi viết ra đây đều từ kinh nghiệm bản thân cũng như từ những điều đã và đang học hỏi được, dĩ nhiên có rất nhiều thiếu sót.

Chúng tôi viết vì … thích viết, gởi ra cho quý thân hữu đọc hy vọng cung cấp cho quý vỵ một vài phút giải trí.

I. Viễn Ảnh Kinh Tế U Tối

– Kinh Tế Thế Giới: Đang phải đối mặt với nạn lạm phát toàn cầu, chiến tranh Nga xâm lược Ukraine, đại dịch COVID vẫn còn xẩy ra tại nhiều nơi, việc vận chuyển còn khó khăn, nạn thiếu thốn thực phẩm cũng như khủng hoảng nguyên liệu và năng lượng, …

Vào giữa năm 2020, tổng số nợ của các quốc gia trên thế giới vào khoảng $255 ngàn tỷ (trillion), chỉ sau 2 năm, $48 ngàn tỷ đã bị cộng thêm. Ngày nay số nợ toàn cầu lên đến $303 ngàn tỷ! Một số tiền không nhỏ các nước trên thế giới phải chừa ra để trả nợ. Điều tệ hại ở đây là để cứu lạm phát nước nào cũng sẽ phải tăng lãi xuất, mà hễ lãi xuất tăng 1%, số nợ toàn cầu sẽ tăng lên $3 ngàn tỷ! Chúng ta biết tổng sản lượng (GDP) toàn thế giới chỉ vào khoảng $85 ngàn tỷ mà nợ lại tới $303 ngàn tỷ! Thôi thì mọi người cứ è cổ ra trả nợ, hết đời cha đến đời con. Người nào càng ít tiền, đồng lương càng cố định, người đó càng “lãnh đủ”.

 – Kinh Tế Nước Mỹ: Kinh tế Mỹ là bức tranh thu nhỏ của kinh tế toàn cầu, cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát – do xài “vung tiết vịt” vì muốn thu phục cánh tả và đám muốn thực thi công bằng xã hội theo định hướng “Xuống Hố Cả Nước”, do đại dịch khiến việc di chuyền hàng hóa bị trở ngại, do chiến tranh vì Putin tham lam muốn chiếm đất và tài nguyên của người ta, và ngay cả do những chủ trương đi ngược lại những đinh luật kinh tế căn bản của chính quyền cụ Biden lẩm cẩm (chắc cụ chỉ hơn Trọng Lú chút xíu), thí dụ cụ cho rằng muốn giảm lạm phát phải … tăng thuế! Trời ạ! Chả vậy mà mức tăng trưởng của Mỹ sau đệ nhất tam cá nguyệt vừa qua (1st quarter 2022) là -1.4% (1)

Hôm nay Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, cho rằng TT Biden chỉ biết đọc trên máy hướng dẫn (teleprompter) chứ chính quyền của ông chẳng làm được việc quái gì! (2) Người giầu thứ nhì thế giới (sau Elon Musk), Jeff Bezos – CEO của Amazon, cũng cho rằng vì chính quyền Biden đã (đổ dầu vào lửa) khi cố tạo ra nhiều kích thích hơn nữa vào một nền kinh tế đã quá nóng, vì vậy đã tạo ra lạm phát, … và lạm phát là một loại thuế lũy tiến gây tổn hại nhiều nhất đến những người nghèo nhất. Định hướng sai không giúp ích gì cho đất nước! (3)

Với mức lạm phát lên đến 8.3% vào tháng 4/2022 – cao nhất trong vòng 40 năm, PRC (Pew Research Center) cho biết rằng hiện tại 70% dân Mỹ lo âu về lạm phát hơn là về chi phí bảo hiểm sức khỏe, về tội ác hoành hành và ngay cả về COVID-19. Sự lo âu này cũng vì viễn ảnh khủng hoảnh kinh tế, khi mà ngân sách chính quyền trung ương thâm thủng tới $9 ngàn tỉ(4)

II. Thị Trường Chứng Khoán Tuột Dốc

Nếu tình hình kinh tế nói chung (main street -MS) đã vô cùng ảm đạm, thực trạng của thị trường chứng khoán (Wall Street -WS) lại càng bi đát hơn. Ngày nào theo dõi cũng thấy thị trường này đỏ tươi, rùng rợn không khác gì cờ phe ta! Vì WS luôn đi trước MS, không ai nghi ngờ gì đây đang là một “tiếng chuông gọi hồn”, báo động về một nền kinh tế trì trệ đang xẩy ra. Chúng ta khi nhìn vào nhửng chỉ số của thị trường chứng khoán hôm qua (5/17), ai mà không ngán ngẩm:

Tuy rằng chỉ có khoảng 10% dân Mỹ trực tiếp đầu tư vào thị trường chứng khoán, nhưng những người bị ảnh hưởng do sự chao đảo của thị trường này lên đến khoảng 55%, qua những quỹ đầu tư và hưu bổng, 401K, IRA, SEP IRA, Roth IRA …

Và hôm nay (5/18) thị trường chứng khoán còn xuống thêm đến mức báo động:

Dow Jones   31,421.89     -1,232.70      -3.77%

S&P 500      3,918.34       -170.41         -4.17%

Nasdaq        11,417.70     -566.82         -4.73 

Như vậy trong năm nay, Dow Jones đã xuống đến hơn 15%, S&P xuống hơn 20% và Nadaq xuống 30%! Đến giờ phút này cho dù ai lạc quan cách mấy cũng phải nhận chân một điều: Nền kinh tế Mỹ đang rơi vào trạng thái suy thoái.

* Hôm qua người ta đã bắt đầu sợ rằng sẽ có nhiều người thất vọng đến nỗi tự tìm cách kết liễu đời mình. Trên các shows tài chánh đã thấy cho đăng số điện thoại giúp đỡ, an ủi những người định tự tử vì thua lỗ stock (1-800-273-8255).

Không chán sống sao được khi có những cổ phần như LUNA, đang từ $116.74 hồi tháng trước (4/2022), nay chỉ còn $0.00024. Xuống -500 ngàn phần trăm, nghĩa là phải bán 5,000 cổ phần mới được 1 tì!

III. Làm thế Nào Để Thủ Tí Tiền Còm?

Trong nên kinh tế đình trệ, lạm phát phi mã, chứng khoán chao đảo tuột dốc, chắc ai trong chúng ta cũng tự hỏi: Làm thế nào để giữ được cuộc sống an nhàn, không chịu áp lực về tài chánh? Chúng tôi đề nghị vài hướng đi sau:  

1. Tuân Theo Một Nguyên Tắc Đầu Tư Căn Bản (rule of thumb): Có hai khuynh hướng (hay loại) đầu tư “Thận Trọng” (conservative) và “Tích Cực” (aggressive).

* Đầu tư thận trọng có hai loại chính:

a) Đầu tư với tiền lời cố định: Không cần biết thị trường lên xuống thế nào, mỗi năm hãng quản lý đầu tư (thí dụ Fidelity) sẽ trả cho mình một số lời cố định – như 3% chẳng hạn.

b) Đầu tư khi thị trường xuống không mất nhưng khi thị trường lên vốn chỉ tăng tới mức nào đó. Thí dụ mình bỏ tiền vào “JP Morgan Mosaic SP 500 Index”, nếu SP 500 xuống mình không mất tiền, nhưng nếu nó lên mình chỉ được tối đa 9%.  

* Đầu tư tích cực là trực tiếp cứ mua cổ phiếu hay bất động sản trên thị trường rồi “lời ăn lỗ chịu

è Chúng tôi cho rằng tùy theo tuổi chúng ta chọn hai loại đầu tư này vì càng lớn tuổi chúng ta càng ít thích phiêu lưu và không còn nhiều cơ hội để làm lại cuộc đời. Chúng tôi theo một “phương trình” rất đơn giản:

– Lứa tuổi 30: chọn 30% thận trọng – 70% tích cực

– Lứa tuổi 40: chọn 40% thận trọng – 60% tích cực

– .  .  .

2. Biết Nắm Bắt Cơ Hội

Ở trong nước thì không biết thế nào chứ sống tại những quốc gia tự do dân chủ, theo định chế tư bản, nhìn lại chúng ta thấy có rất nhiều cơ hội cho chúng ta vượt lên trong lãnh vực tài chánh, miễn là chúng ta biết tận dụng dịp may. Chúng tôi xin kể vài thí dụ:

Năm 2008 khủng hoảng tài chánh xẩy ra toàn cầu, đặc biệt trên đất Mỹ. Giá nhà cửa tại California xuống hơn 50%. Thời gian đó chúng tôi hô hào bà con, bạn bè, học trò rằng nếu còn cái quần xà-lỏn cũng bán đi mua nhà, đây là cơ hội cả đời chưa chắc đã có lần thứ hai.

Quả nhiên một người bạn dò theo danh sách bán đấu giá của quận hạt chọn được một căn nhà 4 phòng ngủ 3 phòng tắm, 2 xe garage mà có $205,000 (trong khi người chủ cũ bỏ vì đang thiếu nợ mortgage $650,000). Căn nhà này hiện tại Zillow định giá $1,200,000.    

* Xin kể một thí dụ khác: Đầu năm 2020 đại dịch CIVID-19 bùng phát tại Mỹ, thị trường chứng khoán xuống thê thảm. Dây là bức tranh ngày 20 tháng 3, 2020.

Lúc đó chúng tôi cũng khuyến khích bà con, người thân nhào vào mua đi vì “trong cái rủi có cái hên”. Cái gì mất đã mất rồi, còn đây là cơ hội cho tương lai, chục năm chưa chắc có 1 lần.

Quả nhiên chỉ 1 năm rưỡi sau (28 tháng 10, 2021), thị trường lên “quá xá ể” như sau đây:

3. Có Ít Kiến Thức Căn Bản Về Tài Chánh – Biết Việc Mình Làm.

Cuộc sống con người có vài lãnh vực hết sức quan trọng nhưng phần lớn không được huấn luyện về nó. Thí dụ có gì quan trọng hơn đời sống hôn nhân, vậy mà mấy ai được học hỏi làm thế nào để có được hạnh phúc lứa đôi. Tương tự chắng mấy người trẻ được biết làm sao để không phải bận tâm về tiền bạc, để được độc lập về tài chánh (financial independent).

Người ta thường nói rằng cuộc đời vốn tàn nhẫn, trong lãnh vực kinh tế lại càng ác độc hơn. Không biết việc mình làm mà cứ làm ẩu sẽ rất khó thành công, nếu không nói sẽ chỉ mang đến thất bại. Thí dụ về việc thiếu kiến thức căn bản như chuyện đánh bài ở Las Vegas, lối chơi dễ nhất và nếu biết chơi ít thua nhất là bài 21 (blackjack). Với loại bài này nếu biết chơi, ưu thế của nhà cái (dealer) chỉ vào khoảng 50.1%. Nhưng nếu thấy nhà cái có những con 4, 5, 6 mà chúng ta vẫn rút, hay không biết tách ra (split) nếu có 2 con 8, hay đánh gấp đôi nếu được 10 hay 11, … Cộng với không biết cách đi tiền nữa thì chỉ có “từ chết đến bị thương”.    

Những quyết định về tài chánh cũng nên sáng xuất chỉ dựa vào thực tế, không nên để cảm tính chi phối. Chúng tôi có anh con rể Mỹ, rất tư cách & rộng rãi, chỉ phải cái “ngựa non háu đá” và mê … làm giầu nhanh. Một bữa anh ta đưa mấy người tướng tá lịch sự đến giới thiệu là những bác sĩ bạn, đang là những nhân vật chủ chốt của hãng FWBI (First Wave BioPharma). Hãng này đang cố phát minh ra phương pháp và thuốc trị ung thư cho các bệnh rối loạn dinh dưỡng (nutritional disorders) và các bệnh do nhiễm virus và suy giảm hệ miễn dịch (viral infections & immune malfunction.) Nếu mấy tháng nữa được FDA chuẩn nhận, cổ phiếu của hãng này đang từ $15.80 sẽ tăng lên không biết đâu mà kể. Tôi nghe cũng chỉ ù ù cạc cạc vì toàn danh từ y khoa, mà triển vọng của hảng này cũng không chắc, nhưng nể tình con rể tôi mua một ít. Ai ngờ bị FDA rejected! Cổ phiếu FWBI xuống 97% (bây giờ là $0.39), may mà vợ chồng con rể đều là chuyên khoa lương cao, chứ không thì đã “banh ta lông” rồi. Cũng là bài học để tụi nhỏ bớt bộp chộp.

4. Thuận Theo Chiều Gió.

Trên thị trường người Mỹ hay khuyên “Don’t fight the Fed”. Đây là một lý thuyết kinh tế thực dụng. Như hiện nay những người cầm đầu chính sách kinh tế Mỹ đang cố vật lộn với lạm phát, dĩ nhiên họ (Fed) phải tăng lãi xuất, mà ai cũng biết hễ bond tăng thì stock giảm. Trong điều kiện này dĩ nhiên chúng ta nên thiên về “Thận trọng” (conservative) hơn là “tích cực” (aggressive). Chúng ta nên “cuốn theo chiều gió”, theo khuynh hướng của thị trường vì đi ngược lại sẽ bị nó bẻ gẫy ngay.

Nhiều người cho rằng những đại tài phiệt của thế giới như Elon Musk, Jeff Bozos, Bill Gates, Warren Buffet, … là những người gây gió bão trên nền kinh tế toàn cầu. Điều này cũng không hoàn toàn đúng, tuy ảnh hưởng của những người này không nhỏ, gần đây quyết đinh mua hay không mua Twitter của Elon Musk đã làm cổ phiếu của hãng này giao động trên 10%. Nhưng thật ra những đại tài phiệt này cũng chỉ là tép riu nếu so sánh với quyền lực vô song của những công ty nắm giữ tài chánh quốc tế.

Gần đây chúng ta hay thấy nói đến “quyền lực ngầm”, quyền lực này có thể có và đúng 100%, có thể không hoàn toàn như vậy, nhưng “Quền Lực Vô Song” thì đúng 100% và rõ như ban ngày. Chúng ta thử tưởng tượng tổng sản lượng (GDP) của các quốc gia trên thế giới là vào khoảng $85 ngàn tỷ thì nhóm 10 công ty quản trị vốn đầu tư hàng đầu như BlackRock, Vanguard, StateStreet, … đã giữ đến $44.57 ngàn tỷ tức hơn 50% (5). Chính những cộng ty này đã quyết định giá cả của thị trường WS. Thôi thì thân phận chúng ta chỉ như những hạt cát trên sa mạc nên hãy “cố nương theo mà sống” vậy.

5. Túi Không Của Người Xưa:

Cuối cùng tính toán hơn thiệt thế nào đi nữa chúng ta vẫn thấy những câu nói của người xưa – qua ca dao tục ngữ nếu được đem ra áp dụng rất có lý. Thí dụ: “Buôn tàu, bán bè không bằng ăn dè lỗ miệng” hay “Hà tiện mới giàu, cơ cầu mới có”. Ông bà ta cũng khuyên siêng năng chắt bóp: “Năng nhặt chặt bị”. Có điều việc cần mẫn xây dựng nên do cả hai vợ chồng mới thành công: “Thuận vợ thuận chống tát bể đông cũng cạn”. Nhiều ông chồng chỉ biết bắt vợ làm thì bao giờ mà khá được:

  Nửa đêm ân ái cùng chồng

  Nửa đêm về sáng gánh gồng ra đi.

  Trong khi chồng vẫn ngủ khì! … (Câu sau cùng có người thêm vào chớ không phải ca dao)

Phạm Mạnh Tuấn (18 tháng 5, 2022)

———————————————————————-

(1)  https://www.cnbc.com/2022/04/28/us-q1-gdp-growth.html

(2)  https://www.cnbc.com/2022/05/17/elon-musk-blasts-joe-biden-compares-him-to-anchorman.html?

(3)  https://www.deseret.com/2022/5/16/23075134/twitter-biden-what-did-jeff-bezos-say-to-joe-biden-president-inflation-taxes

(4)   image.png

(5)   

1.     BlackRock – $9.464 trillion

2.     The Vanguard Group – $8.4 trillion

3.     UBS Group (Thụy Sĩ)  $4.432 trillion

4.     Fidelity – $4.23 trillion

5.     State Street – $3.86 trillion

6.     Morgan Stanley – $3.274 trillion

7.     JPMorgan Chase – $2.996 trillion

8.     Allianz (Đức) – $2.953

9.     Capital Group – 2.6 trillion

10. Goldman Sachs – $2.372 trillion

=> Total = $44.575 trillion (8 công ty Mỹ kiểm soát $37.25 trillion)

Bản Án Tử Hình

Lời Giới Thiệu của Khôi An:

Đây là một câu chuyện có thật, đã được nhân vật chính cho phép ghi lại và phổ biến.

Hiện nay, nhân vật chính đang sống ở Mỹ, bên cạnh các con cháu thành đạt và hết lòng thương yêu Cô.

Ngoài chuyện kể về con đường phấn đấu đem các con sang Mỹ của một người mẹ, câu chuyện còn ghi lại nhiều chi tiết trung thực trong bối cảnh xã hội miền Nam Việt Nam ngay sau tháng Tư, 1975, cũng như tấm lòng của người dân miền Nam đối với nhau trong gian đoạn vô cùng đen tối đó. 

Nhân kỷ niệm 30 tháng Tư, 2021, người viết xin đăng câu chuyện này như một lời tưởng nhớ các cựu chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã chết trong tù ngục, và tôn vinh các người vợ suốt đời làm hậu phương sắt son, mạnh mẽ.

Mắt tôi mờ đi, tờ giấy nhòe ra.

Hàng chữ run lên, uốn éo như con rắn độc. Nó phóng tới, mổ vào giữa tim tôi. 

“Xử phạt: Trần Văn Bé – Tử hình.”

Giọng nói run rẩy của tôi vang lên như âm thanh từ một cơn ác mộng, “Má nhận tin này hồi nào?”

Mẹ chồng tôi còn mếu máo thì cô em chồng nghẹn ngào đỡ lời, “Từ tháng Năm, nhưng Má chưa dám nói với chị…” 

Mẹ chồng tôi chùi nước mắt, phân trần, “Má tính đi kiếm cho ra mộ chồng con rồi mới nói cho con biết. Bởi vậy, hổm rày con đòi đi kiếm chồng, Má biểu để Má kiếm cho. Má sợ con chịu không nổi khi đối mặt với tụi công an… Con ơi, bữa đưa tin tụi nó làm dữ lắm! Công an phường, công an quận, công an thành phố kéo lại cả bầy. Tụi nó đưa ra tờ giấy này ra, biểu Má ký nhận. Lúc đầu Má không chịu ký, vì Má nghĩ ký nghĩa là chấp nhận rằng thằng Hai đáng bị xử tử. Tụi nó hăm dọa Má, nhắc tới thằng Ba còn đang bị tù ngoài Bắc. Má sợ tụi nó đem thằng Ba ra bắn luôn nên phải cắn răng ký tên lãnh án tử hình của con mình. Má đứt từng khúc ruột, con ơi…” Mẹ chồng tôi nghẹn lời, bà khóc nức nở.

***

Thế là hết!

Anh Bé đi tù tháng 6 năm 1975, sau đó tôi chỉ nhận được ba lá thư của anh. Lá cuối cùng đề tháng 2, 1976, gởi từ trại Suối Máu, Biên Hòa. Sau đó, anh bặt tin. 

Tôi chờ đợi mòn mỏi, lên xuống trạm công an cả chục lần, hỏi gì họ cũng trả lời không biết. Cuối cùng, tôi nhất quyết làm đơn khiếu nại. 

Lúc đó, tôi và sáu đứa con – đứa lớn nhất mười một tuổi, đứa nhỏ nhất mới lên hai – đang nương náu trong một mảnh vườn hẻo lánh tại Mỹ Tho. Vì vậy, tôi dùng nhờ địa chỉ nhà Mẹ chồng ở Sài Gòn. Cả chục lá đơn gởi tới trại tù Suối Máu đều như biến vào khoảng không, chẳng còn một chút tăm hơi. 

Trại tù không trả lời thì tôi hỏi cấp trên; tôi mày mò kiếm địa chỉ của hai “Tòa Án Nhân Dân” ở Sài Gòn và Hà Nội rồi gởi đơn tới cả hai nơi đó. Thời miền Nam vừa mất, cây củi cũng mắc, mua một con tem là thâm vào tiền mua gạo cho các con, nhưng tôi vẫn cắn răng bớt miệng con để gởi đi mấy chục lá đơn, từ tháng này qua tháng khác.

Cuối cùng, nhà cầm quyền Cộng Sản cũng phải trả lời. Ngày 10 tháng Năm, 1977, họ gởi thư về nhà Mẹ chồng tôi. Để xác nhận rằng: họ đã giết chồng tôi.

Cô em chồng đưa tay đỡ vai tôi cho tôi khỏi gục xuống. Sáu đứa con sợ hãi chạy lại vây quanh, tôi chỉ nói được mấy tiếng “Ba chết rồi!” rồi khóc ngất. Lũ trẻ thấy vậy cũng khóc òa lên, thằng lớn nhất ôm lấy con em kế, bệu bạo nói “Vậy là Ba không về nữa!”

Sau vài ngày ở nhà Mẹ chồng, tôi lại phải gượng đứng lên, dắt đám con về căn chòi trống huơ, trống hoác, nóc dột, tường xiêu ở Mỹ Tho.

Mẹ chồng tôi sợ tôi chết thì bà sẽ không nuôi nổi bầy cháu, còn cha mẹ ruột thì lo tôi sẽ phát điên. Tuy vậy, Mẹ chồng tôi không đủ sức cưu mang bảy mẹ con tôi và cha mẹ tôi cũng chỉ dám ghé thăm vài ngày rồi đi về. Thời đó, mỗi tuần người dân đều phải đi họp tổ dân phố để công an điểm danh, ai đi đâu cũng phải xin phép, vì thế không người nào dám đi lâu, sợ công an kiếm cớ làm khó dễ.

Ngày mẹ chồng tôi làm lễ phát tang anh Bé ở Sài Gòn, tôi chỉ đủ tiền mua ba tấm vé xe cho thằng con trai lớn nhất, đứa con gái út, và tôi. Họ hàng phần vì không có tiền đi xa, phần vì sợ liên lụy với “tử tù” nên không ai dám tới. 

Ngoài ba mẹ con tôi, đám tang chỉ có mẹ chồng và hai cô em ruột của anh. Sau ngày giao bản án tử hình, công an khu vực dòm ngó nhà chồng tôi như chồn cáo rình chuồng gà; vì thế, ngay cả trên bàn thờ của anh chúng tôi cũng không dám chưng bày nhiều. 

Di ảnh của anh đứng sau dĩa trái cây lỏng chỏng, một bát nhang hiu hắt và hai cây đèn cầy leo lét. Trước bàn thờ, bốn người đàn bà đầu tóc rũ rượi quỳ bên hai đứa nhỏ xanh xao, ngơ ngác. Chỉ có tiếng nhà sư đọc kinh nho nhỏ, còn chúng tôi phải kềm tiếng khóc trong lồng ngực, nuốt ngược nỗi đau vào lòng. Anh Bé sống ở khu xóm đó từ nhỏ, ai cũng biết và thương mến anh, cho nên bà con lối xóm kéo đến rất đông, nhưng không ai dám bước vô nhà. Họ giả làm kẻ tò mò đứng trước cửa, nhưng suốt buổi lễ họ lén dùng tay áo quẹt nước mắt, và nhìn chúng tôi bằng những cặp mắt đỏ hoe, ứa tràn thương xót.

Tôi quỳ ở đó, dật dờ nửa mê, nửa tỉnh. 

Những hình ảnh cuối của anh trở về trong đầu tôi.

Chiều 30 tháng 4, 1975, anh lái xe Jeep đến nhà cha mẹ tôi ở thành phố Mỹ Tho, nơi tôi đem sáu đứa con thơ từ khu cư xá sĩ quan ở Bình Dương về nương nhờ trong cơn hỗn loạn.

Tóc anh rối bời, mặt anh bơ phờ, nhưng anh vẫn mặc quân phục trên người. Anh ôm hôn từng đứa con, rồi nói với Ba tôi, “Ba cho con gởi vợ con của con.” 

Ba tôi đã nghẹn ngào hứa, “Con đừng lo, vợ con của con ở đây với Ba Má, rau cháo có nhau. Con đi đâu cũng vậy, khi con trở về đây, vợ con của con sẽ còn đầy đủ.” 

Trước mặt Ba Má tôi, anh ngại ngùng không ôm tôi lần cuối. Anh chỉ xiết tay tôi, dặn dò tôi giữ sức khỏe và cố lo cho các con. Tôi quá bàng hoàng, lo sợ nên chỉ biết nghẹn ngào nhắc anh hết sức giữ gìn tánh mạng. Anh lưu luyến thêm một lát rồi quay đi. 

Tôi đứng chết lặng ở bậc cửa. 

Anh leo lên xe, rồ máy. Xe chuyển bánh. Chạy đi. Xa dần. Rồi mất hút. 

Tôi cảm thấy một phần thân thể mình vừa bị chặt lìa ra…

Sau này tôi mới biết anh đã lái xe về nhà mẹ ruột ở Sài Gòn và trốn ở đây cho tới ngày đi trình diện “học tập cải tạo”. 

Mới hai năm qua mà tôi đã mất anh, con tôi đã mất cha. Người ta giết anh vì tội “trốn trại cải tạo nhằm mục đích phản Cách Mạng.” Độc ác hơn nữa là họ không thông báo gì cho thân nhân. Mạng sống của anh, của những người tù, và nỗi đau của gia đình họ, đối với người cầm quyền không có ý nghĩa gì! 

Mãi hơn một năm sau từ ngày bắn anh, có lẽ vì mấy chục tờ đơn tìm chồng của tôi, họ mới gởi Tờ Trích Lục Án Hình về nhà. Tờ giấy đánh máy một cách cẩu thả vào tháng 5, 1977 đã đề sai ngày của phiên toà xử tử anh là 10 tháng 4, 1977, trễ một năm.

Tôi ngước nhìn anh trong uất nghẹn. Anh cũng đang đau đáu nhìn tôi. Có phải mắt anh long lanh vì nỗi đau cắt ruột, hay chỉ là màn lệ chan hoà từ mắt tôi?

***

Sau khi về lại Mỹ Tho, tôi nằm bẹp trên võng, không khóc nhưng nước mắt nóng hổi tuôn ra như vắt hết sức sống của tôi. 

Lòng tôi nặng trĩu niềm đau, nỗi hận. Trong đầu tôi vang vang những lời oán trách số phận, nguyền rủa bọn giết người. Chồng tôi cả đời thanh liêm, đi lính Việt Nam Cộng Hoà tới lon Thiếu Tá mà vẫn không mua được cho vợ con một căn nhà riêng, tại sao anh phải chết tức tưởi như vậy? 

Làm vợ lính, tôi đã nhiều lần nghĩ đến việc chồng tử trận, nhưng thà anh hy sinh trong cuộc chiến để các con còn được hãnh diện, để tôi còn được an ủi. 

Bây giờ chiến tranh chấm dứt rồi, chồng tôi đã phải mang thân tù tội, tại sao người ta còn giết anh? Tại sao họ đẩy mẹ con tôi thành “thân nhân của tử tội”, lớp người cô đơn, khốn cùng nhất trong cái xã hội đầy móng vuốt này? 

Ngày tiếp ngày trôi qua trong cơn đau, mí mắt tôi sưng vù, rát bỏng, tiếng các con réo gọi nghe xa xôi như vọng lại từ một thế giới khác, tôi nghe nhưng không thể nào trả lời nổi. Tôi nằm đó, dật dờ giữa hai bờ sống, chết. 

Một buổi trưa, không biết là bao lâu sau, tiếng khóc thảm thiết của hai đứa con nhỏ nhất kéo tôi ra khỏi cơn mê sảng. Tiếng than đói của hai đứa bé xoáy vào tim tôi, nhắc rằng tôi còn bổn phận với sáu đứa trẻ thơ. 

Tôi ngồi bật lên, quơ tay tìm con và ôm siết chúng vào lòng. Giữa ban ngày mà trước mắt tôi tối đen. Không! Con không thể mù, con không thể chết! Xin Trời giúp con! Xin cứu con để con của con được sống! 

Nhờ Trời thương và chắc anh vẫn theo phù hộ nên tôi hết bệnh, dù không có thuốc men gì. Tôi lết ra vườn, mò mẫm trồng rau, trồng khoai nuôi con.

Năm tháng rơi lặng lẽ như những sợi tóc của tôi rụng tơi bời trong cơ cực. Tay chân tôi khẳng khiu, trầy trụa, bầm dập, nhưng những vết thương đó không thấm thía gì với cái đau ở trong lòng. 

Ở miệt vườn hẻo lánh, sự kìm kẹp của chính quyền địa phương khủng khiếp gấp mấy lần ở những thành phố lớn; công an mà dòm ngó, trù dập ai thì người đó không ngóc đầu lên nổi. Trong đám dân quê mùa, chất phác, gia đình có thân nhân là sĩ quan “Ngụy” đang ở tù đã là một điều ghê gớm, nói gì tới chuyện là con cái của người tử tội. 

Thời đó, nhà trường cứ vài tuần lại bắt học sinh khai lý lịch, vì thế mỗi niên học các cháu đem về mấy chục tờ lý lịch nhờ tôi viết. Lúc nào tôi cũng khai là “Cha mất tích”, và các con tôi được dạy đi dạy lại rằng không bao giờ hé môi với ai về cái chết của cha. 

Vậy mà cũng có lần chúng tôi xém bị lộ! 

Tết Trung Thu năm 1977, trường học phát quà cho con của gia đình liệt sĩ. Thằng bé thứ Năm nhà tôi mới vô lớp Một, không biết nghe ai giải thích “liệt sĩ” là những người đi lính đã chết, thế là nó tính chạy lên lãnh quà. 

May mà cô giáo của nó quen với tôi, cô thấy nó nhớm đứng lên, vội đè vai bắt nó ngồi xuống. Hôm đó thằng nhỏ tủi thân và thèm quà, khóc tức tưởi cả buổi chiều. Tôi xót cho các con ngây thơ mà phải chịu quá nhiều thiệt thòi, dồn nén, phải sống trong hất hủi, phải thèm khát từ miếng ăn tới tình thương. Đêm đó, tôi khóc trắng.

***

1979.

Nước ngập cao. Hút mắt chỉ thấy làn nước đục ngàu, lềnh bềnh rác rến. Những cây chuối chỉ còn lú lên chút ngọn run rẩy bên những cành mận trụi lủi, khẳng khiu đang vật vã trong gió. 

Trời vẫn mưa! Mưa như xối nước. 

Trên mấy bộ ván chồng lên nhau, tôi và sáu đứa nhỏ nằm, ngồi lủ khủ bên đống chăn mền, quần áo, bếp lò, chén dĩa – tất cả tài sản còn lại của bảy mẹ con. Cơn bão đã kéo dài gần một tháng, nước sông Tiền dâng ngập hết ruộng vườn, cuốn băng đi công sức mẹ con tôi vật lộn với mảnh đất này trong gần bốn năm trời kể từ tháng Tư, 1975.

Mưa càng lúc càng nặng hột. Gió xoáy mạnh, rít lên như oán trách, như thay tôi than tiếc cho công sức của mẹ con tôi đang trôi theo giòng nước.

………………………………

Như lời đã hứa, sau tháng 4, 1975, Ba Má tôi hết lòng bao bọc mẹ con tôi. Nhưng vai gầy không thể chống được cả bầu trời đang đổ sụp, sức lực của hai cụ già không thể nào đỡ nổi trận hồng thủy của cuộc đổi đời. 

Nhà cầm quyền Cộng Sản bắt cha mẹ tôi phải nạp hết ruộng cho Hợp Tác Xã rồi mỗi tháng chúng phát cho mấy ký gạo vừa đủ cho hai người già sống cầm hơi. 

Bảy mẹ con tôi không có tên trong “hộ khẩu” nên trở thành những người “ngoài pháp luật”, sống lây lất bên lề xã hội. Mỗi ngày, Ba Má tôi thu mót hoa màu trong vườn, rồi đem bán để mua gạo chợ đen về nuôi cháu. 

Sau mấy tháng tôi không thể chịu được cảnh cha mẹ khổ sở, lo lắng, chạy ăn từng bữa vì mình nữa. Tôi đành đem các con về ở tại năm công đất vườn do ông nội của chồng tôi chia cho anh từ thời anh còn trẻ. 

Ngày mẹ con tôi dắt díu nhau ra đi, tôi không dám quay đầu nhìn lại, sợ ba má tôi thêm nát lòng. Tôi cắm đầu bước, nước mắt ràn rụa. Tôi gọi tên anh, xin anh giúp sức cho người vợ mỏng manh, yếu ớt, chưa bao giờ biết cầm cái cuốc, cái cày…

Khu vườn thiếu người chăm sóc chỉ có thưa thớt vài cây mận, bà nội chồng thương nên cho thêm ba công ruộng ven để tôi kiếm gạo nuôi con.

………

Tôi nắm một đầu chiếc gầu giai, đầu bên kia thằng Hai và con Ba – đứa mười một tuổi, đứa tám tuổi mím môi giữ. Trời nắng như đổ lửa, mặt tôi ướt đẫm mồ hôi; phía bên kia, dưới vành nón lá rách nát, hai đứa con tôi mặt đỏ bừng như lên cơn sốt. Chúng tôi múc từng gàu nước từ con rạch cạn, tạt vào những cây lúa đèo đẹt đứng gục đầu trên mảnh ruộng nứt chân chim.

Mùa đầu tiên trời hạn, sau khi trả tiền mướn trâu, tiền công cấy, tiền phân bón, tiền thuốc trừ sâu, tiền đóng thuế cho nhà nước, chúng tôi không còn một hột lúa mà ăn, đành đi vay mượn chờ năm tới. 

Mùa kế, tôi chỉ dám mượn tiền để trả công cày rồi cố gắng tự làm đủ thứ việc, hy vọng cuối mùa thu được chút gạo sống qua ngày. Tôi học cách nhổ cỏ, rải phân, cấy lúa. Ngày ngày tôi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Có lần tôi khiêng bình thuốc trừ sâu to hơn một vòng ôm đi xịt quanh ruộng. Bình thuốc lớn che khuất mặt, tôi không thể thấy thuốc xịt đều hay không nhưng vẫn nghiến răng tha cái bình đi xịt hết một vòng. Làm xong, tôi run run leo lên bờ ruộng thì bình thuốc đẩy tôi té ngược ra sau. Tôi nằm ngửa như con nhái bén ôm bình thuốc bự chảng, hên là đất ruộng không quá cứng nên tôi không bị thương. Lần đó, đám con tôi phải xúm lại kéo cả bình và tôi lên bờ ruộng.

Không hiểu vì cày không sâu, cấy không đúng, phân không đủ, thuốc không đều, nước không đẫm, hay vì vận mạng của chúng tôi lúc đó đang tối tăm nên đất ruộng cũng không chịu hợp tác với mẹ con tôi. Tôi thất thu ba năm liên tiếp, nợ sau chồng lên nợ trước, cuối cùng tôi phải thế ruộng để trừ nợ, mẹ con rút về kiếm ăn trên mấy công vườn xơ xác.

Khai mương, đào đất, trồng cây, tưới bón, tất cả chỉ có tôi và hai đứa con lớn lăn lộn làm, còn mấy đứa nhỏ đành bỏ liều trong lều. 

Có một lần tôi hái mận đem ra chợ bán, đường xa nên mãi tối mịt mới về. Về tới nhà, thấy thiếu thằng Năm, tôi hoảng hồn chạy ra vườn, nhảy xuống mương tìm. Con mương không sâu lắm, chỉ để lấy nước tưới cây, nhưng cũng làm tôi lo lắng từ ngày mới về đây. Nước dưới mương ngập tới gần bắp vế, tôi vừa gọi tên con vừa khom người mò. Đụng thấy một vật tròn cứng như đầu người, tôi hét lên rồi vật ra chết giấc. Cũng may là lưng tôi dựa vô bờ mương nên tôi không ngộp nước và có con bé Ba chạy theo, nó vừa khóc vừa kéo tôi lên. Và may hơn nữa là cái vật tròn tròn đó chỉ là một cái gáo dừa chìm dưới mương, còn thằng Năm vẫn trùm mền nằm ngủ sau đống quần áo trong lều. Chắc nó đói quá nên lả đi, không lên tiếng khi tôi gọi.

Trăm ngàn khổ cực vậy mới thu được vài mùa mận, mà bây giờ cơn lụt lại phá tan hoang mảnh vườn, nguồn sống duy nhất của chúng tôi…

*** 

Cuối cùng nước lụt cũng rút để lại khu vườn đầy rác rến với những luống khoai bị nước san bằng và những gốc cây trụi lá, gãy cành. Chỉ còn vài cây chuối non, tôi chặt về bào mỏng bóp với muối cho các con ăn qua bữa.

Đói thì đầu gối phải bò, tôi lại bỏ liều các con ở nhà, qua Bến Tre đi buôn. Xứ dừa Bến Tre bạt ngàn cây trái nên dân bên đó khá giả, có lò nấu đường, làm xà bông. Tôi mua hàng đem về Mỹ Tho bán để kiếm chút lời. 

Thời 1979-1980, trạm thu thuế mọc lên ở khắp nơi, như bầy rệp đói hút máu dân nghèo. Công an rình ở khắp các ngả đường, khám xét càng ngày càng gắt gao. Tiền lời chỉ đủ để đóng thuế nên người đi buôn phải trốn, nếu thoát thì kiếm được chút đỉnh, không may bị bắt là bị tịch thu hết hàng, đứt vốn. 

Một mình tôi kiếm không đủ tiền rau cháo nên tôi phải dắt hai đứa con trai theo. Tôi cưỡi một chiếc xe đạp, hai đứa chở nhau trên chiếc xe đạp khác, làm bộ như hai anh em chở nhau đi học nhưng trong cặp chúng nhét đầy đường và xà bông. 

Thằng Hai còn biết xoay xở chút ít, còn thằng Tư ngây thơ, tính tình lại nhút nhát nên nó rất sợ. Mỗi khi qua trạm gác, mắt nó nhìn thẳng phía trước, làm bộ bình tĩnh, nhưng ngón chân nó bấm xuống dép, cổ nó căng lên như sợi dây đàn. Tôi ngó mà đau như bị đâm vào tim.

Chuyến phà Bến Tre – Mỹ Tho chiều hôm đó đông nghẹt. Mặt trời đã xế nhưng vẫn tỏa sức nóng hừng hực làm cho những gói đường quấn quanh bắp chân, quanh bụng tôi thêm trĩu nặng. Tôi ì ạch dắt xe, nón lá che sùm sụp xuống mặt nhưng vẫn liếc mắt ngó chừng hai đứa đi phía sau. Chỉ còn một khúc nữa là vô trạm gác, ba mẹ con càng tách xa nhau như người xa lạ để nếu có bị bắt thì không bị dính cả chùm.

Tôi thoát qua trạm gác, đứng lại, làm bộ gỡ nón quạt để ngó lại tìm con. Thằng Hai vừa dắt xe đi ra, thằng Tư đang tiến vào trạm…

Bỗng nhiên cái cặp ở tay thằng Tư rớt xuống, những gói đường và xà bông văng tung tóe. Mắt thằng nhỏ mở lớn, hãi hùng, miệng há ra nhưng không dám khóc lên thành tiếng. Một tên công an bước tới, nắm lấy cổ áo nó. Mắt tôi hoa lên, ngực tôi nhói đau, tôi ngồi sụp xuống để khỏi té vật ra. Phà đã tới, đám đông ùn ùn xô nhau tràn tới, tôi đội xụp nón lên đầu rồi đành bước chân đi.

Phà qua tới Mỹ Tho, thằng Hai mới dám chạy lại bên tôi, mếu máo, “Má ơi, thằng Tư bị bắt rồi!” Tôi ôm con, vuốt lên mái tóc cháy nắng khét lẹt rồi nói cứng, “Chắc họ không nhốt con nít đâu. Con đem đồ về nhà trước để tụi nhỏ khỏi trông, Má ở đây chờ em.”

Trời đã nhá nhem tối, tôi đang nghĩ cách quay lại kiếm con thì thằng Tư thất thểu bước ra khỏi phà. Lưng nó khom xuống, mặt nó thất thần. Vừa thấy tôi, nó phóng tới ôm riết rồi khóc nức nở, người nó run bần bật trong những cơn nấc nghẹn ngào. Nước mắt tôi cũng rớt như mưa. Tôi hận mình bất tài, hận số phận mình khốn khổ để tuổi thơ của các con quá bi thảm và tủi nhục. Tôi lại ngửa mặt gọi anh. Anh ơi, hãy giúp em cứu các con ra khỏi cảnh khổ hận này.

Từ bữa đó, tôi không dám bắt các con đi buôn lậu nữa. Tôi đi tới từng vườn trái cây mua rồi chở đi bỏ cho những bạn hàng ở Sài Gòn. Mỗi ngày tôi dậy từ 3 giờ sáng, cột mấy giỏ trái cây lên xe đạp rồi chở ra bến, đón xe đem về Sài Gòn.

Tiền xe hai chuyến đi về mắc mỏ mà tôi thì sức yếu, vốn nhỏ nên lời rất ít. Thấy dân nghèo tứ xứ bày bán đủ mọi loại hàng trên lề đường trước cửa chợ, tôi quyết định không bán sỉ nữa mà bán lẻ để kiếm lời khá hơn. 

Tôi trải đại một tấm nylon xuống lề đường, bày một ít trái cây làm mẫu, phần còn lại để trong giỏ gởi mấy cửa tiệm ở mặt đường, có tiệm thương tình cho gởi, có tiệm bắt trả tiền. Tôi lê la từ chợ Cầu Ông Lãnh tới chợ Tân Bình, chợ An Đông, đôi khi gặp bạn bè cũ, tôi cúi gầm mặt dưới vành nón, không dám ngước lên.

“Ủy Ban Trật Tự Thành Phố” nói rằng bán hàng trên lề đường gây hỗn loạn nên ra lệnh cấm, nhưng người dân đói quá cứ làm liều. 

Từ cụ già tám mươi tuổi đến đứa bé sáu, bảy tuổi, từ người lành lặn tới anh thương phế binh, người trải tấm nylon, kẻ đẩy cái xe tự đóng bằng ván mục, người bưng cái rổ, kẻ đội cái mâm, chúng tôi đứng ngồi la liệt trên khắp các ngả đường để kiếm sống. 

Ngày nào bán được khá, ngoài mấy lít gạo tôi còn mua về cho con vài ổ bánh mì. Trời sụp tối tôi mới về đến nhà, nhìn chúng chia nhau nhai ngấu nghiến một cách hết sức thèm thuồng, tôi có thêm sức mạnh để tiếp tục lăn lộn trên vỉa hè. 

Tuy nhiên, những ngày vui thường ít hơn những ngày buồn. Rất nhiều khi đang ngồi bán thì người ở đầu đường la, “Công an!” và mọi người vùng lên chạy. Những người bán mặt hàng gọn, nhẹ thì túm tấm trải lại, ôm vào người rồi biến vào trong những ngõ hẻm. Tôi quảy đống trái cây nặng hơn nên thường lẹt đẹt phía sau và bị công an hốt. Công an đem tôi về “Trụ Sở Ban Quản Lý Chợ”, bắt ký tên vào biên bản rồi tịch thu hết hàng. 

Tôi nhớ tới lời Mẹ chồng tôi thường an ủi tôi rằng “trời sanh voi, sanh cỏ” mà muốn gào lên sao các người ác vậy, đã giết chồng tôi mà còn không chừa cho mẹ con tôi một cọng cỏ để ăn!

Những ngày bị mất hàng, tôi trở về nhà với hai tay không, thê thảm như người vừa bị cướp. Mấy mẹ con phải ra vườn mót những củ khoai đẹt và hái rau dại về ăn. Ngồi nhìn đám con chia nhau dĩa rau luộc chấm nước muối, lòng tôi đau nhói. Mới ngày nào tôi là cô dâu hai mươi tuổi, ngây thơ, lãng mạn cùng chồng mơ về một căn nhà ấm cúng với đàn con ngoan ngoãn, cười giỡn rộn ràng. Bây giờ, đàn con tôi gầy ốm, buồn rầu còn tôi thì da đen sạm, tay chân chai sần, tóc tai xác xơ như lòng tôi tan nát.

Sau nhiều lần bị công an bắt, vốn liếng sắp cạn thì tôi may mắn gặp được quý nhân. 

Chị là vợ của Trung Tá Kh. ở cùng Sư Đoàn 5 với chồng tôi, và hai gia đình đã ở gần nhau trong Cư Xá Sĩ Quan Ngô Quyền tại Bình Dương trước năm 1975. Không ngờ sau cuộc đổi đời, chị cũng dắt con về ở ngay bên cạnh xã tôi. Con út của chị học chung một lớp với con tôi, có lẽ cùng thuộc diện con “tù cải tạo” nên chúng thân và tâm sự với nhau. Kể qua kể lại, té ra là hàng xóm hồi xưa, con tôi vui mừng về báo cho tôi và tôi đã tìm thăm chị.

Hầu hết các con của chị Kh. đã lớn nên kiếm được việc làm lặt vặt để sống qua ngày. Thời đó, phong trào đan mây tre và làm nón để xuất khẩu ra nước ngoài lên mạnh, chị giới thiệu cho tôi lãnh nón về thêu ăn công. Đêm nào tôi và con gái lớn cũng ngồi thêu bên cây đèn mù mờ, nước mắt sống chảy ròng ròng vì dùng mắt quá độ, nhưng số tiền công rẻ mạt chỉ giúp chúng tôi kiếm thêm chút cháo. Chị Kh. có người thân ở Huế nên chị cũng làm đại lý cung cấp nón lá Huế cho các sạp bán lẻ, thấy vậy chị lại thương tình cho tôi lấy nón về bán, bán xong mới đưa lại tiền vốn cho chị. 

Thời đó, chợ huyện Tân Hiệp họp từ một, hai giờ đêm để người ta kịp mua hàng đem lên Sài Gòn bán lúc sáng sớm. Khoảng mười một giờ đêm là tôi mò mẫm dắt xe đạp ra khỏi nhà, trên yên sau là gói hàng lặt vặt như tiêu, tỏi, xà bông, bột ngọt, phía trên là chồng nón. Chiếc xe đạp cũ nát run rẩy bò trên con đường đất gồ ghề, hai bên là ruộng, côn trùng ếch nhái kêu nỉ non, đom đóm bay lập lòe như mắt quỷ. 

Hồi còn con gái, tôi rất sợ ma, nhưng lúc đó tôi chỉ còn sợ… người. Trời tối đen, chỉ nhìn thấy một khúc đường ngắn lờ mờ trước mặt, tôi vừa đạp xe vừa cầu xin anh phù hộ cho tôi không bị cướp. 

Ra tới chợ, có những đêm vừa bày hàng xong thì trời đổ mưa, tôi lấy hết nylon che cho hàng hóa rồi ngồi chịu trận trong cái áo mưa đầy lỗ lủng, nghe từng giọt nước lạnh như kim chích trên lưng, nghe gió quất từng cơn trên gương mặt ướt đẫm nước mưa hòa nước mắt. 

Sau những đêm ế ẩm, sáng ra tôi phải đạp xe tới từng nhà quanh chợ, mời người ta mua nón dùm. Các bà không ai biết chuyện chồng tôi bị xử tử, nhưng họ biết tôi là vợ tù nên rất thương tôi. Họ cũng chẳng dư dả gì nhưng người mua dùm cái nón, người cho củ khoai, ly nước, người dúi cho tôi chút trái cây để đem về cho các con. 

Những ngày tôi bán ế, không đủ tiền trả vốn số nón đã lấy của chị Kh., chị chỉ la giỡn, “Thôi, không đủ tiền thì thím để bữa sau bán tiếp rồi trả, chớ không lẽ bây giờ tui bắt xác thím được ha…”

***

Bữa đói bữa no, bịnh không có thuốc nhưng nhờ Trời thương, đám con tôi vẫn lớn như cây dại mọc ở bờ rào. 

Các cháu biết thân phận mình nên rất ngoan và chăm học. Ngoài giờ học, chúng đi câu, đi chạ, đi lưới để kiếm thêm thức ăn. Tuy vậy, chúng càng lớn thì tiền học, tiền sách vở càng tốn kém, rất nhiều lần các cháu bị thầy cô rầy la vì xài chung chỉ một cuốn tập cho mọi môn học, nhưng các cháu không hề than van. 

Những ngày tôi đi buôn bán về trễ, lòng tôi ấm lại trước cảnh các con quây quanh ngọn đèn dầu leo lét, mấy đứa nhỏ tập đọc ồn ào, nhưng mấy đứa lớn vẫn ráng chăm chú giải toán, học bài. 

Dù không có tiền đi học thêm, dù sự giảng dạy ở vùng quê trồi sụt bất thường, ba đứa con lớn của tôi đã đạt được điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học. Tuy vậy, các cháu nhưng chỉ được trúng tuyển vào những trường dạy nghề như Trung Học Lâm Nghiệp ở Sông Bé, Trung Học Sư Phạm ở Tiền Giang, và Trung Học Xây Dựng ở Vĩnh Long. Dù sao, đây là một điều rất quan trọng cho cuộc đời của hai cháu trai bởi vì nếu không được đi học tiếp, các cháu sẽ phải đi “nghĩa vụ quân sự”, bị gởi đi đánh nhau ở vùng biên giới Tàu hay Campuchia. 

Tôi đã thề cùng vong linh của anh rằng tôi sẽ làm mọi cách để các con chúng tôi không bị đi bộ đội. Chỉ tưởng tượng các cháu phải mặc cùng bộ quân phục, đứng cùng hàng ngũ, và đem thân đi chết vì chính kiến của những người đã giết cha các cháu, tôi rùng mình. Nếu bị kêu đi “nghĩa vụ”, các cháu chỉ còn nước bỏ làng xóm, đi sống lang thang, dật dờ như rất nhiều thanh niên thời đó. 

Dù trúng tuyển vào trường, nhưng sau khi tốt nghiệp, cả ba cháu không có tiền chạy chọt, không quen biết ai, nên bị gởi đi làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh. Các cháu chán nản quay về nhà, làm ăn lặt vặt qua ngày. Cuộc sống tuy đỡ đói khổ hơn thời các cháu còn nhỏ, nhưng đầy bế tắc, không có tương lai.

***

Từ đầu thập niên 1980 đã có lác đác sĩ quan đi tù được thả về. Mỗi lần nghe tin người quen được về với vợ con, tôi mừng cho họ nhưng nghe lòng càng thêm cô đơn, cay đắng. 

Chồng tôi sẽ không bao giờ trở về, mà thân xác anh cũng vẫn còn lạc lõng ở tận phương nào. Mẹ chồng tôi đã già yếu, không còn tiếp tục đi tìm mộ anh được nữa, còn tôi thì lăn lộn kiếm gạo cho bầy con nên không thể hết lòng tìm kiếm. Vì thế, ngoài nỗi khổ đói nghèo, nỗi hận mất chồng, nỗi sợ hãi xã hội nhiễu nhương, và nỗi buồn đơn chiếc, tôi còn mang cảm giác nặng trĩu tội lỗi của người vợ vô tình.

Tôi không thể ngờ rằng năm 1984, tám năm sau khi anh mất, anh đã tìm về với mẹ con tôi.

Hôm đó, tôi đang lúi húi ngoài vườn thì chị Hai tôi bước vô cổng. Vừa tháo nón lá quạt lia lịa, chị vừa kêu, “Dì Ba! Dì Ba ơi! Có tin dượng Ba!”

Tôi quăng cuốc chạy ra, chị chụp tay tôi, hổn hển vừa thở vừa nói, “Mèn ơi, thiệt không ngờ! Em nhớ cô giáo H. dạy trong trường chị chớ? Chị với cổ thân nhau, lúc người này có chuyện thì người kia dạy dùm. Mới cách đây mấy bữa, chị coi lớp dùm cổ để cổ đi hốt cốt người em trai tên Thịnh, chết trong tù cải tạo. Cổ đi về kể chuyện cho chị nghe, cuối cùng cổ nói thêm ‘Kế sát bên mộ em tui có ngôi mộ của một ông chết cùng ngày. Tội nghiệp, chắc gia đình ổng đi vượt biên hết nên không ai chăm sóc, cỏ mọc tùm lum!’ Trước giờ chị ít để ý chuyện của ai, nhưng bữa đó như có gì xui khiến nên chị hỏi tới, ‘Vậy chứ bà có nhớ tên người đó không?’ Cổ nói ‘Tên là Trần Văn Bé, sinh ở Long An.’ ”

Giữa trưa nắng mà tôi sống lưng tôi lạnh toát. 

Tôi đã nghe các bạn tù của anh kể lại rằng sau khi bọn cai tù bắt được anh và đem trở về trại Suối Máu, bọn chúng còn chuyển về một người đã vượt trại ở Hóc Môn tên là Thịnh. Cả hai bị nhốt vào connex và bị bắn trong cùng một ngày, chồng tôi vào buổi sáng, anh kia vào buổi chiều. 

Như vậy là những người bạn tù đã chôn hai anh kế bên nhau, và đã thương xót lập bia để chỉ đường cho thân nhân các anh mai sau đi kiếm. Trong gần bốn triệu người dân Sài Gòn, cơ may hiếm có hay hồn thiêng của hai anh đã đem chị tôi và chị của anh Thịnh đến với nhau, để cho họ thân thiết và tin cậy nói cho nhau nghe những nỗi đau sâu kín của gia đình những người lính Cộng Hòa gãy súng. 

Có lẽ hồn thiêng của chồng tôi níu chân chị H. nên chị đã để ý tới nấm mộ hoang khuất trong cỏ rậm, và đọc được cả những chi tiết viết bằng tay mờ nhạt trên miếng gỗ đã tám năm trời phơi mưa nắng.

Mẹ chồng tôi lập tức lo việc xin giấy phép đi đường, giấy phép cải táng và kiếm nhà quàn lo dịch vụ. Ngày đi bốc mộ, tôi và Mẹ ruột tôi từ Mỹ Tho về Sài Gòn cùng đi với Mẹ chồng, cậu ruột của chồng, và một cô em chồng.

Nhờ chị của anh Thịnh đã chỉ đường rất kỹ nên chúng tôi tới mộ khi mặt trời chưa đứng bóng. Cỏ dại đã được phạt đi nên chúng tôi thấy ngay ngôi mộ có tấm bia bạc phếch đứng chơ vơ trong nắng. Có lẽ đây là khúc cây tốt nhất mà các bạn tù của anh đã lựa, có lẽ họ đã khắc tên anh bằng cả tấm lòng, có lẽ vì mộ nằm ở khu đất cao và khô ráo, và có lẽ hồn anh còn quanh quẩn nên tấm bia vẫn còn đứng vững và những giòng chữ vẫn chưa phai sau tám năm hoang lạnh.

Người ta bắt đầu đào, tiếng bình bịch của cuốc bằm xuống đất dội vào óc tôi làm tôi choáng váng, phải ra ngồi dựa vào một gốc cây. Nấm mộ không sâu nên chỉ một lát là chạm đến cái hòm thô sơ, bể tan sau vài nhát cuốc. 

Tôi vẫn ngồi dưới gốc cây, hai mắt mở trừng trừng. Tôi thấy như hồn tôi tách khỏi thân xác, bay là là trên cao nhìn mọi người đang khóc và tôi đang ngồi sững sờ như hóa đá. Từng khúc xương được bốc lên, mẹ chồng tôi nhìn bộ răng và nói rằng đúng là anh với hàm răng thiếu một chiếc ở góc trong. Khi mẹ kêu tôi tới nhận diện chồng, tôi mới lảo đảo đi tới gần mộ. Bên cạnh cái hộp sọ đã bể, tôi thấy chiếc áo sơ mi sọc do chính tôi sắm cho anh ngày xưa nằm cạnh sợi dây nịt của lính. Có lẽ anh em bạn tù đã thu nhặt túi đồ của anh và chôn theo anh. Tới lúc đó nước mắt tôi mới có thể trào ra. Cuối cùng thì em cũng đã tìm được anh rồi!

Sau khi thiêu cốt, Mẹ chồng tôi đề nghị đem gởi vào chùa ở Phú Lâm. Tôi đồng ý vì ở Sài Gòn dù sao cũng an toàn hơn là ở Mỹ Tho trong ngôi nhà xiêu vẹo, chông chênh của mẹ con tôi.

***

“Mẹ có nhà không con?”

Đang loay hoay đếm nón để khuya đem đi bán, tôi chạy vội ra cửa vì giọng nói đầy vẻ háo hức của cô bạn thân, học chung từ nhỏ. 

Vừa thấy tôi, H. níu tay kéo ngồi xuống bậc cửa, móc trong túi áo ra một tờ báo được xếp gọn. Với vẻ mặt hết sức trang trọng, H. giở báo, chỉ vào một bản tin nhỏ với tựa đề : Thông Cáo Về Việc Làm Hồ Sơ Xuất Cảnh Cho Những Người Từng Đi Học Tập Cải Tạo.

Hai chúng tôi chúi đầu vào đọc. “Những người từng đi học tập cải tạo trên ba năm sẽ được làm hồ sơ đi Mỹ, ngay cả vợ con của những người đã chết trong trại cũng được đi.” 

Run run, tôi hỏi H. “Bà nghĩ tin này thiệt không?”

“Thiệt mà! Ở trên Sài Gòn người ta xác định rồi, mấy người bạn ông xã tui đang làm đơn rần rần kìa!”

Thế là chiều hôm đó tôi mở cái hộp sắt, lấy ra tờ Trích Lục Án Hình vừa coi lai vừa van vái chồng tôi. 

Năm đó là 1988, như vậy chồng tôi bị giết đã mười hai năm. Nước mắt rơi lã chã, tôi lại kêu anh. Anh ơi! Anh giúp em cứu các con ra khỏi nơi này.

Mẹ chồng tôi nghe tôi kể chuyện làm đơn xin đi Mỹ, bà chép miệng, “Làm đơn thì phải khai ra cái chuyện chồng con bị tử hình. Tụi công an xã mà biết thì giống như khui ổ rắn. Má sợ các con mà đi không được, sau này sẽ khổ hơn…”

Tuy nhiên lòng tôi đã quyết, đây là cơ hội duy nhất để cứu con tôi, điều mà tôi ước mơ từ mười mấy năm nay. Với sự giúp đỡ của vợ chồng bạn, tôi xin mẫu đơn, điền chi tiết, đính kèm bản sao của bản án tử hình rồi đem nộp ở Ty Ngoại Vụ Tỉnh Tiền Giang. Gia đình H. và chúng tôi đều được xếp vào danh sách H.O. 7. 

Nhưng chỉ mấy tuần sau tôi nhận được thư từ Sở Ngoại Vụ ở Sài Gòn từ chối đơn của tôi với lý do: chồng tôi bị tử hình năm 1976, do đó anh không hội đủ điều kiện bị tù ba năm. Tôi nghiến răng rủa bọn Cộng ngu xuẩn, chồng tôi bị tử hình nghĩa là đi tù không bao giờ về, cớ gì mà không đủ điều kiện ba năm. Tôi viết thư khiếu nại nhưng Sở Ngoại Vụ từ chối, họ nói bắt buộc phải có ba năm ở tù. Đối với họ chết là hết, là không còn giá trị gì nữa.

Lúc đó, gia đình của những người sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà đã hồi sinh như ruộng hạn gặp mưa rào. Họ tụm năm, tụm ba, thì thào về chuyện làm đơn, chuyện nhận được giấy tờ chấp thuận cho đi. Họ len lén mua sắm, chuẩn bị cho ngày lên đường. Mọi người chạy qua chạy lại, bàn bạc, chia sẻ với nhau những tin tức góp nhặt được về đời sống bên Mỹ, về ước mơ tương lai. Lác đác tiếng cười đã trở lại trong những căn nhà lụp xụp, buồn hiu.

Tôi đứng bên ngoài hạnh phúc đó, nhìn cảnh tượng đó bằng cảm giác của đứa con nít bị bỏ rơi. Các bạn của tôi cứ nghĩ là tôi không có hy vọng, nên họ tránh bàn chuyện đi Mỹ trước mặt tôi. Có nhiều khi họ đang nói mà thấy tôi đến là im bặt. Tôi ráng cười nói cho họ yên tâm dù lòng đau như cắt.

Giữa năm 1991, H. lên đường đi Mỹ theo diện H.O. 7. 

Đêm trước khi đi, hai đứa nói chuyện thật lâu. H. hứa sau khi sang Mỹ sẽ hết lòng giúp mẹ con tôi. Tôi bỏ bản sao của tờ đơn xin đi diện H.O., bản sao của tờ Trích Lục Án Hình, và lá đơn khiếu nại của tôi vào một cái phong bì lớn. Tôi thêm vào đó bản sao tấm hình thờ của anh, mong có phép lạ để một trong những người Mỹ từng làm việc với anh ở Phòng Nhì tiểu khu Định Tường, Mỹ Tho ngày trước nhận ra anh mà cứu mẹ con tôi. Tôi van vái, “Anh ơi! Anh phù hộ cho H. đưa được đơn đến tay người tốt, cho họ mở lòng thương mà cứu vớt gia đình mình.” 

Ngày chia tay, tôi hết gượng nổi, tôi khóc như mưa. 

H. lên xe, đem theo hy vọng của chúng tôi. Xe chuyển bánh rồi từ từ xa dần. 

Tôi đứng dưới ánh nắng gay gắt, nước mắt chứa chan, nhìn dõi theo chiếc xe mờ dần trong bụi khói rồi biến mất sau khúc quẹo.

***

H. đi rồi, tôi hồi hộp chờ đợi từng ngày. 

Nhiều gia đình cựu sĩ quan ở trong vùng đã ra đi làm tôi càng thấy bơ vơ, khó kiếm người tâm sự. Khó hơn nữa là khi nghe tôi nói rằng tôi muốn khiếu nại với người Mỹ, hầu hết bạn bè đều chớp mắt ái ngại, rồi làm thinh. 

Tôi hiểu rằng họ nghĩ người Mỹ sẽ không quan tâm đến một gia đình ở cách nửa vòng trái đất mà mối liên hệ với Mỹ đã bị tử hình từ mười sáu năm trước. Vài người bi quan còn không dám tin là H. sẽ giữ lời hứa với tôi. Họ lắc đầu nói, “Trước khi đi ai cũng hứa hẹn nhưng qua đó nhiều thứ phải lo quá nên người ta quên hết…”

Nhưng H. đã không quên mẹ con tôi.

H. có người anh chồng từng học Quốc Gia Hành Chánh và cũng là một sĩ quan VNCH. Năm 1975, anh giữ chức trưởng phòng kinh tế của Quân đoàn 4, anh cũng bị đi tù nhiều năm, sau đó anh vượt biển và định cư ở Mỹ. 

Lá thư đầu tiên H. gởi về kể rằng anh ấy đã dịch lá đơn cùng với lá thư khiếu nại của tôi ra tiếng Anh rồi gởi cho cơ quan di trú Mỹ.

Từ đó, sáng nào tôi cũng thắp nhang trên bàn thờ chồng rồi ngóng chờ thư. Khoảng hai tháng sau, thư của H. đến. 

Tôi dụi mắt, coi đi coi lại giòng chữ viết tay của H. để biết chắc là mình không lầm. “Văn phòng ODP bên đây chấp thuận hồ sơ của gia đình bà rồi! Họ sẽ liên lạc với Việt Nam để hoàn tất thủ tục.”

Hai tuần trôi qua với lo lắng, chờ đợi. Rồi tôi nhận được một lá thư của Sở Ngoại Vụ tại Sài Gòn yêu cầu tôi bổ sung giấy tờ về cái chết của chồng tôi.

Tôi đọc lá thư mà điếng hồn. 

Như vậy là tờ Trích Lục Án Hình mà tôi đã nộp là không đủ. Chồng tôi bị xử theo luật rừng vào năm 1976, trong một phiên toà rừng tại trại tù, biết có biên bản hay không? Nếu có, biết họ có còn giữ lại sau mười sáu năm hay không?

Tôi lại mở cái hộp sắt và lấy tờ Trích Lục Án Hình ra soi xét. Góc trái của tờ giấy có hàng chữ “Tòa Án Quân Sự Quân Khu 7”.  Tôi sẽ đi tìm từ đầu mối đó.

Ngày đó, ở Mỹ Tho điện nước còn không có đủ, nói gì tới máy tính hoặc mạng internet. Thêm nữa, những hồ sơ về tù chính trị không bao giờ lộ ra ngoài nên tôi không thể tra cứu, tìm kiếm được ở bất cứ nơi nào. 

Cách duy nhất là tới thẳng Tòa Án Quân Sự Quân Khu 7 mà tôi không biết ở đâu. Tôi phải nhờ chị ruột và anh rể tôi đang ở Sài Gòn đi hỏi thăm dùm.

***

Một buổi trưa nắng gắt, có một người đi bộ từng bước xiêu vẹo trên con đường trơ trụi từ bến xe vô nhà tôi. Đó là chị Hai tôi! 

Vừa tới nhà tôi, chị lột cái nón quạt lia lịa rồi vừa thở vừa nói, “Tìm thấy địa chỉ của Tòa Án Quân Khu 7 rồi! Đâu dè nó ở ngay tại Sài Gòn! Bây giờ, cái khó là em có dám vô đó hỏi họ về bản án không?”

Hai bàn tay tôi bỗng ướt nhẹp mồ hôi. Mười sáu năm qua tôi đã viết hàng trăm tờ lý lịch khai là chồng tôi mất tích, bây giờ tôi phải đối mặt với công an để nói rằng anh đã chết và tôi muốn kiếm bản án tử hình. Họ có túm đầu cả gia đình tôi về tội khai gian không? 

Nhưng giấc mơ đi Mỹ của cả gia đình đã gần kề, cánh tay cứu vớt của người Mỹ đã đưa ra rất gần rồi, tôi nhất định phải nắm lấy. Tôi phải vượt qua mọi gian nan vì tương lai của các con.

Tôi gom góp cây trái trong vườn đem bán, kiếm đủ tiền mua cái vé xe lên Sài Gòn rồi ghé ở nhờ nhà anh chị. Chị tôi trao cho tôi tấm giấy ghi rõ địa chỉ nơi tôi cần đến, cho tôi mượn bồ đồ tươm tất nhất để mặc, nhưng chị cũng lo ăn từng bữa nên chỉ giúp tôi được tới đó. 

Tôi cầu cứu cậu em út lúc đó mới tốt nghiệp Sư Phạm, có vợ vừa sinh con nhỏ. Hai vợ chồng vét tất cả gia tài phòng thân đưa cho tôi mượn hai trăm ngàn, lúc đó mua được gần một chỉ vàng.

Buổi sáng ngày tốt mà tôi đã chọn, cậu em chở tôi bằng xe Honda tới trước Tòa Án Quân Khu 7. Trời còn sớm, con đường còn vắng vẻ, cậu Sáu ngừng xe rồi quay lại nhìn tôi, lặng lẽ. Ánh mắt cậu nửa như khuyến khích, nửa như lo lắng, thương cảm khiến tôi mủi lòng muốn khóc. Nhưng tôi gom hết can đảm, lấy giọng bình tĩnh, “Sáu đậu ngay đây, rồ máy sẵn nghe. Có chuyện gì chị phóng lên xe, mình chạy liền nghe.” Cậu em gật đầu, “Em biết rồi, chị cứ vô đi. Ráng cẩn thận!” Tôi xuống xe, thò tay soát lại cuộn tiền dấu trong túi nhỏ ở lưng quần, rồi mím môi bước tới. 

Khúc sân xi măng dẫn tới căn nhà nhỏ có tấm bảng đề “Trạm Tiếp Dân” chỉ có mấy thước ngang mà tôi thấy quá dài. Chân tôi ríu lại, tim tôi đập dồn dập, tôi không ngừng van vái, “Anh ơi, phù hộ cho em!”

Tôi là người khách đầu tiên trong ngày, cả căn phòng còn trống không, chỉ có một người công an còn rất trẻ ngồi ở cái bàn nhỏ ngay gần cửa vào. Thấy tôi, hắn hất hàm, “Cần gì?”

Tôi đưa bản sao tờ Trích Lục Án Hình ra rồi lấy giọng nhỏ nhẹ nhất, “Chào chú, tôi muốn xin bản sao của toàn bộ bản án này.”

“Xin để bổ túc giấy tờ đi H.O, phải không?”

“Dạ… Dạ phải. Chú làm ơn giúp dùm!”

Tên công an săm soi ngày tháng trên tờ giấy rồi nói, “Vụ này từ năm 1976, giấy tờ đem ra Hà Nội hết rồi.”

Tôi liếc nhìn quanh, rồi rút nhanh cuộn giấy bạc nhét vào tay hắn và nài nỉ, “Chú làm ơn hỏi dùm tôi…”

Tên công an đút lẹ tiền vào túi, suy nghĩ một chút rồi nói, “Được rồi, để tôi cố tìm. Hai tuần sau chị trở lại.”

Tôi vừa cám ơn hắn vừa lùi ra cửa.

Mười bốn đêm tôi trằn trọc vì lo lắng. Lỡ mà tên công an đó trốn luôn, lỡ mà bản án không còn, lỡ mà công an đòi thêm tiền… Hàng chục cái “lỡ” hiện ra trong đầu làm cho tóc tôi thêm bạc, mặt tôi thêm hốc hác.

Đúng hai tuần, tôi trở lại ngay lúc Toà Án vừa mở cửa. Tim tôi nhảy bình bịch khi thấy tên công an trẻ hôm trước, hắn lôi ra trong ngăn kéo ra một phong bì, đưa cho tôi với một nụ cười thoáng trong ánh mắt nhưng chỉ nói cụt ngủn, “Đây.” 

Tôi chụp lấy, miệng líu ríu cám ơn hắn, chân vọt nhanh ra cửa. Mới thấy mặt cậu em, tôi run run lôi ra ba tờ giấy từ trong bao thư ra và nói líu lưỡi, “Có rồi, có rồi, Sáu ơi!” 

Tờ đầu là lý lịch của chồng tôi, tờ thứ hai ghi lại diễn tiến trốn trại của anh, và tờ cuối kết thúc bằng giòng chữ:

Xử phạt: TRẦN VĂN BÉ Tử Hình

Nước mắt tôi lúc đó mới tuôn ra và lòng tôi lại đau như cắt trước cái trớ trêu của đời tôi: bản án tử hình với những lời chửi chồng tôi là “ác ôn, phản động” cũng là tờ giấy để cứu mẹ con tôi.

***

Tôi sao lại bản án để gởi lên Sở Ngoại Vụ, còn bản chính tôi cất vào chiếc hộp sắt chung với tờ giấy Trích Lục Án Hình tôi đã nhận năm xưa. 

Những đêm mất ngủ tôi lại lấy bản án ra đọc, và tôi đã thuộc từng câu trong đoạn diễn tả những điều xảy ra khi anh vượt trại. 

“… Hồi 11 giờ 30 ngày 5 tháng 3, 1976, Bé đã chui rào trốn ra tới Quốc Lộ 1 và thuê xe lam chạy đến khu vực ấp Bắc Hải. Đến đây nghe thấy tiếng súng nổ ở phía sau, Bé liền xuống xe chạy vào nghĩa địa lẩn trốn. Lúc 18 giờ ngày 5 tháng 3, 1976 Bé chạy tới xã Tân Hiệp – Biên Hòa trà trộn trong nhân dân… Đã có sự bố trí từ trước, nhân dân và chính quyền địa phương đã bắt Bé.”

Như vậy là anh đã lẩn trốn hơn sáu tiếng đồng hồ, từ trưa tới chiều ngày 5 tháng 3, 1976. Lòng tôi đau như cắt khi nghĩ đến lúc anh bơ vơ ở Biên Hòa, vùng đất miền Nam quê hương, nơi rất thân quen nhưng lúc đó đã trở thành xa lạ, đầy cạm bẫy trong móng vuốt kẻ thù. 

Trời ơi! Chúng đã bao vây anh ở Tân Hiệp ra sao? Anh có hoảng hốt, tuyệt vọng không? Anh có bị đánh đập nhiều không? Rồi trong hơn một tháng từ ngày 5 tháng 3 cho tới 10 tháng 4, 1976, anh đã bị hành hạ tới mức nào? Những ngày nóng như lửa nằm trong connex, anh đã đau đớn, đói khát tới bao nhiêu? Những đêm dài khủng khiếp anh đã nghĩ gì? Anh có nhớ vợ con nhiều không? Anh có lời gì muốn nói với với chúng tôi không? 

Óc tôi bưng bưng với hàng trăm câu hỏi, ruột tôi đau như xát muối khi nghĩ tới những khổ hình anh phải chịu lúc cuối đời. Trong đêm lặng lẽ, nước mắt tôi tuôn ra, chảy ngược xuống ván, ướt đẫm hai bên tóc mai. Và tôi thường thiếp đi với bản án tử hình úp trên ngực…

***

Sau khi tôi nộp bản án tử hình lên Sở Ngoại Vụ, hồ sơ được Mỹ chấp thuận nhanh chóng và gia đình tôi được vào danh sách H.O. 14. 

Nhưng nhà cầm quyền Cộng Sản đâu có để chúng tôi ra đi một cách dễ dàng! Ngày tôi đi lãnh hộ chiếu, một nhân viên Sở Ngoại Vụ cau có nói, “Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa đã bỏ tiền ra đào tạo nuôi dạy các con của chị, nay các con chị lại ra đi, không phục vụ cho Đảng và nhà nước. Chị phải đền lại tất cả số tiền mà nhà nước đã bỏ ra. Chị đi về đi, khi nào trả tiền xong cho nhà trường, cầm biên lai lên đây thì sẽ được lãnh hộ chiếu.”

Tôi lại ra về với nỗi lo thắt thẻo ruột gan. 

Trong tay tôi không có tới vài chục ngàn mà họ đòi bồi thường tiền triệu! Chạy xuôi chạy ngược hết mọi nơi, suy nghĩ nát đầu óc, cuối cùng tôi lại phải về cầu cứu mẹ ruột của tôi. Bà suy nghĩ trắng một đêm rồi quyết định cắt một phần đất vườn nhà đưa cho tôi, coi như chia gia tài, mặc dù mẹ tôi còn sống. 

Tôi rớt nước mắt vì thương mẹ và tủi thân mình. Từ nhỏ cha mẹ nuôi tôi ăn học, lớn lên làm cô giáo lương bổng ít oi, lấy chồng quân nhân, “tiền lính, tính liền” nên tôi chưa bao giờ có cơ hội báo hiếu cha mẹ. 

Rồi cuộc đổi đời làm tôi góa bụa, một nách sáu con thơ, sống được tới giờ cũng nhờ cha mẹ nhịn ăn mà bao bọc. Nay ba tôi đã khuất, các con tôi đã lớn, vậy mà lúc ngặt nghèo cũng lại là mẹ già phải hy sinh. 

Tôi vừa khóc vừa rao bán phần đất mẹ cho. Người ta biết tôi cần tiền nên ép giá, chỉ trả hơn một cây vàng. Tôi đem đền trường học gần hết, phần còn lại không đủ để đi xe lên xuống Sài Gòn phỏng vấn và khám sức khỏe nên tôi lại phải mượn em trai tôi.

Rồi cái ngày mong đợi cũng tới. Ngày 20 tháng Mười Một, 1992, chúng tôi ra phi trường với một cái va li duy nhất chứa hành lý của cả gia đình sáu người. Mỗi đứa con tôi chỉ có một bộ quần áo trên người và một bộ đem theo, chỉ có tôi là được sắm một cái áo lạnh còn lại thì đành tới đâu hay tới đó.

Tôi ôm trên tay tài sản quý nhất, đó là cái bao thư lớn đựng di ảnh của chồng tôi, một vài tấm hình thời chúng tôi yêu nhau, và bản án tử hình.

Máy bay cất cánh, tôi nhìn qua cửa sổ thấy Sài Gòn thu nhỏ dần mà nghẹn ngào. Cuối cùng, các con tôi đã thoát ra khỏi cái ngục tù bao la của nhà cầm quyền Việt Nam. Lần đầu tiên từ sau tháng Tư, 1975, tôi cảm thấy bình an.

Anh ơi, em đã lo được cho các con như lời anh dặn dò lần cuối. Cái chết đau đớn của anh và nước mắt, mồ hôi của em đã mở đường cho các con đi đến một tương lai tươi sáng. Anh đang mỉm cười, phải không anh?

Tạp ghi: “HIẾP DÂM” CHỮ NGHĨA

ĐIỆP MỸ LINH

A man walks with a bicycle in a street damaged by shelling in Mariupol, Ukraine, Thursday
[Evgeniy Maloletka/AP Photo]

Từ khi Nga ngang nhiên xâm lăng Ukraine – một quốc gia độc lập, có chủ quyền
– tôi đọc tin tức và thấy nhiều hình ảnh tan thương, thảm khốc của cuộc chiến mà
lực lượng hai bên rất chênh lệch! Nhưng, không hiểu tại sao tấm ảnh của người
đàn ông đơn độc với chiếc xe đạp, âm thầm bước trên sự điêu tàn, đổ nát của
thành phố Mariupol, Ukraine, lại làm cho hồn tôi chĩu nặng nhớ thương!
Suy nghĩ một chốc tôi mới nhận ra rằng: Tấm ảnh đã gợi lại trong hồn tôi cảnh
tan thương, đổ nát trong “vùng giải phóng”, danh từ Việt Minh – tiền thân của
cộng sản Việt Nam (csVN) – dùng để xác định địa thế từ Bắc đèo Cả đến Huế,
trong thời kỳ Ba tôi theo kháng chiến chống Tây; chỉ khác hai điều:
a.- Trong “vùng giải phóng” chỉ có nhà tranh vách đất; một số người giàu mới
xây nhà gạch, lợp ngói; tuyệt nhiên không có nhà lầu.

b.- Trong “vùng giải phóng”, Việt Minh phá hoại đường xe lửa; chỉ chừa lại
những đoạn đường xe lửa ngắn để “xe gòn” chạy. “Xe gòn” gồm 1 toa xe lửa cũ,
được một nhóm nhỏ đàn ông đẩy. Mọi cây cầu đều bị giật sập vài “nhịp”. Đường
nhựa – nhất là quốc lộ xuyên Việt – đều bị Việt Minh đào xới từng hố sâu, nối
tiếp nhau; người đi xe đạp phải vừa đi vừa vác hoặc dắt xe đạp; chỉ người đi bộ
mới có thể đi trên những đoạn đường đó, rồi hai bàn chân sẽ bị đau nhói vì đá
lởm chởm.
Khi Ba tôi “thoát ly” “vùng tạm chiếm” – danh từ này cũng do Việt Minh đặt – để
theo kháng chiến, tôi còn bé lắm, chưa hiểu biết gì. Nhưng tôi rất tò mò và nhớ
dai. Tôi lại được Ba Má tôi giải thích mọi điều.
Đối với tôi, những điều bình thường trong “vùng giải phóng” đều là những gì tôi
không hề thấy tại Dalat – nơi tôi chào đời – như: Nhà tranh vách đất, trâu, bò, xe
bò, ruộng lúa, nông phu, cày bừa, gieo mạ, gặt lúa, v.v… Người trong “vùng giải
phóng” rất gầy, đi chân trần, mặc đồ bà ba cũ, vá nhiều miếng lớn. Chỉ những
ngày Tết hoặc lễ họ mới mặc đồ “dễ coi” hơn một tí, nhưng cũng luộm thuộm,
màu sắc không thể phân biệt được; vì vải nội hóa, thuốc nhuộm cũng nội hóa, rất
dễ phai và cũng vì không có xà-phòng giặc đồ. Du kích và “bộ đội ông Hồ” cũng
gầy, đen, mắt lồi, má cóp, mặc đồ “kaki” màu xám nhạt, đội nón cối, mang dép
“râu”. Trẻ em thì bụng “ỏng” đầu to, mắt lồi, chỉ chăn trâu, chăn bò, mót lúa, mót
khoai, kiếm củi chứ không biết đọc, không biết viết! Không nơi nào có trường
học!
Quảng đời thơ ấu của tôi là như thế, cho nên, trước khi qua đời, Ba tôi để lại cho
tôi câu này: “Con! Ba tiếc rằng Ba đã làm mất một phần tuổi thơ của con!”
Viết đến đây, buồn quá, tôi tìm tin khác đọc!

Tấm ảnh này chụp tại Ukraine trong thời gian Ukraine bị Nga xâm lược, trônggiống như thảm cảnh Tết Mậu Thân, 1968, tại Huế!

Năm 1968, csVN – vi phạm Hiệp Định Đình Chiến đã ký với Việt Nam Cộng
Hòa (VNCH) – đồng loạt pháo kích dữ dội, dai dẳng và điên cuồng vào tất cả
thành phố của miền Nam Việt Nam vào dịp Tết Mậu Thân. Không ai có thể biết
được bao nhiêu ngàn người miền Nam đã gục ngã vì những trận pháo kích bất
ngờ và dã man đó!
Ngay sau khi ngưng pháo kích, csVN mở những cuộc tấn công tàn bạo và đẩm
máu vào tất cả cơ quan quân sự của VNCH và Hoa Kỳ.
Chỉ sau vài đợt pháo kích của csVN, người Lính VNCH đã linh cảm được điều
bất thường, vội tự động trở lại đơn vị. (Ngày đó không có cell phones như hiện
nay, xin đừng vội kết tội ĐML “láo như csVN”)!
Tiếc rằng phương tiện truyền thông vào thập niên 60 rất giới hạn, cho nên, thế
giới không thể biết được csVN đã bất ngờ tấn công VNCH. Vì thế, chính phủ
cũng như Quân Lực VNCH không được thế giới yễm trợ vũ khí như hiện nay
Ukraine nhận được; thế mà Quân Lực VNCH cũng vẫn đẩy lui csVN trở về
Trường Sơn!
Tinh thần yêu nước và ý chí bất khuất của Người Lính VNCH là như thế, cho
nên, lúc nào người csVN cũng cố tình bôi nhọ, “gán” cho người Lính VNCH là
lính đánh thuê!

Muốn biết người Lính VNCH và “bộ độ ông Hồ” ai là lính đánh thuê, mời đọc
vài đoạn trích dẫn dưới đây:
BBC News ngày 29-4-2019: “Bài viết Reassessment of Beijing’s economic and
military aid to Hanoi’s War, 1964-75 của Shao Xiao & Xiaoming Zhang vừa
đăng trên tạp chí học thuật Cold War History tháng 4/2019.”
“Theo lịch sử chính thức của Trung quốc, từ thập niên 1950 tính tới 1975, Trung
quốc đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng hơn 20 tỉ nhân dân tệ. Trong đó, 1,4 tỉ
là cho vay không lãi suất…”
“… Năm 1974, viện trợ Trung quốc cho Hà Nội ở khoảng 2,5 tỉ nhân dân tệ,
ngoài ra là 2 tỉ tệ cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt
Nam…”
“Ngày 26/10/1974, Trung Quốc và Việt Nam ký thỏa thuận lần chót, cung cấp
cho Hà Nội 850 triệu tệ cho kinh tế và vũ khí, cùng 50 triệu đôla tiền mặt cho
năm 1975.”
Link: https://www.bbc.com/vietnamese/world-48051722
Cũng BBC News, ngày 21-4-2022: “Đài Trung quốc nói lính Trung Quốc giúp
Việt Nam bắn rơi hằng trăm máy bay Mỹ.”
“Trung Quốc, từ tháng 6 năm 1965 đến tháng 8 năm 1973, đã điều động tổng
cộng hơn 320.000 binh sĩ thuộc các quân chủng phòng không, công binh, đường
sắt, v.v. để thực hiện các nhiệm vụ phòng không, xây dựng, rà phá bom mìn và
đảm bảo hậu cần ở miền Bắc Việt Nam…”
Thế mà csVN chụp hình các em bé chỉ hơn 10 tuổi, ôm súng trường, ghi chú là
“anh hùng nhí” hoặc “anh hùng gái” đã bắn hạ máy bay Mỹ!
Trong khi nhà cầm quyền csVN gián tiếp thực thi hành động diệt chủng bằng
cách bắt trẻ em và thiếu nữ tham chiến thì chính phủ VNCH – tuy phải tổng động
viên để đủ quân chống trả các cuộc xâm lăng của csVN – vẫn cố duy trì nòi giống

bằng luật miễn quân dịch cho những thanh niên là con trai độc nhất trong gia
đình.
Viết đến đây tôi cảm thấy bất nhẫn về sự gian dối của csVN, vội tìm tin khác.
Không ngờ tôi “khám phá” được sự dối gian rất lố bịch của Nga khi đọc trên US
News, ngày 04-04-2022 @ 2:05 am EDT, bảng tin này: (Reuters) –“… Russia’s
foreign ministry said that footage of dead civilians in the Ukrainian town of
Bucha had been ‘ordered’ by the United States as part of a plot to blame
Russia.”
“Who are the masters of provocation? ‘Of course the United States and
NATO,’ ministry spokeswoman Maria Zakharova said in an interview on
state television late on Sunday.”
Trên Fox News, ngày 19-4-2022 @ 9:07am EDT, tôi thấy đoạn này rất giống luận
điệu của csVN: “Russian Defense Minister Sergei Shoigu is accusing the United
States and other Western countries Tuesday of trying to ‘delay’ the course of the
war in Ukraine by sending shipments of weapons to Kyiv’s military.” 
Theo BBC News ngày 23-4-2022, Trung cộng cũng lên án Hoa Kỳ: Tân Hoa Xã
ngày 22-4-2022 viết: “Ngay cả khi không bắn một phát súng nào hoặc triển khai
bất kỳ binh sĩ nào ở Ukraine, Mỹ vẫn được coi là bên tham chiến trong cuộc xung
đột quân sự Nga-Ukraine.”
“Bằng cách vũ khí hóa sức mạnh tối cao tài chính toàn cầu của mình, chủ nghĩa
khủng bố tài chính của Washington đang làm leo thang cuộc đối đầu vốn đã gay
gắt và gây ra làn sóng chấn động khắp thế giới.”
Ngày trước, khi biết Trung cộng viện trợ vũ khí cho csVN, Mỹ đưa quân sang
giúp VNCH để chống lại sự bành trướng của cộng sản thì cộng sản gọi Mỹ là quân
xâm lược, cần phải đánh đuổi khỏi miền Nam Việt Nam.

Bây giờ, Nga, một cường quốc, xâm lược Ukraine, một nước nhỏ và yếu hơn nước
Nga về nhiều phương diện. Hoa Kỳ và các nước Âu Châu chỉ gửi vũ khí – chứ
không gửi quân – giúp Ukraine chống lại Nga thì Hoa Kỳ bị lên án!
Thập niên 70, Mỹ “mệt mỏi” – vì cuộc chiến Việt Nam mà Mỹ không muốn thắng
– đã rút quân khỏi Việt Nam và hòa hoản với Trung cộng; vì thế, Mỹ “làm ngơ”
để Trung cộng chiếm Hoàng Sa của VNCH.
Nếu ngày đó, VNCH được Hoa Kỳ và thế giới viện trợ vũ khí – như hiện nay
Ukraine nhận được – thì chưa chắc Trung cộng có thể chiếm được Hoàng Sa!
Bằng cớ là Ukraine đã bắn chìm chiến hạm Moskva của Nga.
Theo Jason Lemon trên Newsweek ngày 15-4-22 @ 5:37 pm EDT thì: “At 610
feet in length, the Moskva was the third-largest in Russia’s fleet. The vessel was
also the only one of Moscow’s warships that were capable of carrying nuclear
weapons.”
Moskva, một chiến hạm tối tân và quan trọng đến như thế mà bị quân của Ukraine
bắn chìm làm cho ông Putin bị “quê xệ”, vội chối quanh!
Bảng tin của Greg Norman trên Fox News ngày 15-4-2022 @ 2:05pm EDT viết:
“Moscow has claimed the ship sank after a fire on board caused an explosion”.  
Nhưng, cũng trong bảng tin cùng ngày của Greg Norman, Hoa Kỳ xác nhận rằng:
“A U.S. official told Fox News on Friday that the latest assessment by the U.S. is
that Russia’s Moskva warship was struck by two Ukrainian missiles before it sank.”
Giữa bốn bên: Mỹ, Nga, Tàu và csVN, dĩ nhiên nhiều người – cũng như tôi – tin
Mỹ hơn.
Tin Mỹ thì tin, nhưng tôi rất buồn Mỹ; vì chính nhờ Mỹ, thập niên 70, hòa hoản
với Trung cộng mà Trung cộng – từ những “anh” chuyên bán hủ tiếu và “woành”
thánh mì – nay có phi thuyền, hàng không mẫu hạm và, theo BBC News, sắp sửa
hoàn tất hàng không mẫu hạm thứ ba!

Sở dĩ Trung cộng được như ngày nay là nhờ chính sách “lương lẹo” của Trung
cộng. Trung cộng cho tuyển gái trẻ, đẹp, huấn luyện họ về tình báo rồi gửi sang
Hoa Kỳ du học. Học xong, họ – đã được đảng cộng sản Trung Hoa chỉ thị trước
khi sang Mỹ – phải tìm những nhân vật quan trọng của Mỹ để kết hôn. Thế là bí
mật hoa học và quốc phòng của Mỹ được chuyển về Trung cộng!…
Suy nghĩ đến đây, tôi nản quá, ngưng viết.
Sáng nay, mở computer, nhìn hình ảnh buồn thảm của di dân Ukraine, tôi chợt
nhớ lại những dòng nước mắt đắng cay của tôi và của hơn 100 ngàn người Việt di
tản vào 30-4-1975!
Đa số di dân đến Mỹ đều đau khổ vì quê hương rơi vào tay cộng sản, gia đình ly
tán, tài sản không còn; vì thế, chúng tôi trông rất thảm sầu!
Còn người csVN – sau khi thi hành triệt để chiêu bài gian manh: “Đánh Mỹ ‘kíu’
nước” để thiu rụi mấy triệu người Việt – thì khi đến Mỹ gương mặt của họ trông
rất “hồ hởi”!
Từ thái độ “hồ hởi” của người csVN khi được sang Mỹ, tôi nghiệm ra rằng:
Trước 1975, miền Bắc Việt Nam nghèo đói đến cùng cực; vì chưa thể gượng dậy
sau hệ quả khốc hại của hai chiến dịch “Bần cùng hóa nhân dân” và “Tiêu thổ
kháng chiến”.
Người csVN tưởng rằng miền Nam Việt Nam nhờ Mỹ mới giàu; nhờ Mỹ mới có
tự do; nhờ Mỹ người dân mới có trình độ văn hóa và đạo đức cao. Thế là – dù
phải “hy sinh đến người Việt Nam cuối cùng” để cưỡng chiếm miền Nam – người
csVN vẫn phải thực hiện, chỉ với chủ tâm đạt cho được mục đích là chính người
csVN được “bắt tay” với Mỹ để vươn lên!
Từ 30-4-1975 cho đến nay, csVN có nhà cao cửa rộng, nghĩa trang “hoành tráng”;
còn tình trạng dân trí, đạo đức, giáo dục và tự do của người Việt Nam trong nước
như thế nào, thế giới biết rồi!

Thời csVN dùng chiêu bài “Giải phóng miền Nam” để xâm lăng, tiêu diệt người
miền Nam, Ba tôi thường cười “nửa miệng”, bảo: “Đúng là ‘tụi nó’ – csVN –
‘hiếp dâm chữ nghĩa’! Đi cướp nước, giết người mà xưng là ‘giải phóng’!”
Ngày nay, Nga xâm lăng Ukraine thì, trên Shargh, The Guardian, ngày 13-4-2022
@ 15:57, tôi thấy câu này: “‘Its goals are absolutely clear and noble,’ Putin said
of Russia’s military campaign while standing alongside his Belarusian
counterpart, Alexander Lukashenko…”
Tiếc rằng tôi không phải là thông dịch viên; tôi lại không thích Google dịch; và
Ba tôi – nguyên giáo sư Pháp văn các lớp đệ nhị cấp trường trung học Cam Ranh
– không còn nữa; do đó, tôi không hiểu chữ “noble” mà ông Putin dùng cho hành
động xua quân Nga xâm lăng, giết người trên phần đất của Ukraine có đúng là
“hiếp dâm chữ nghĩa” hay không!

ĐIỆP MỸ LINH
https://www.diepmylinh.com/

NGU HẾT PHẦN THIÊN HẠ

NGÔ TRƯỜNG AN

Nhiều người cùng thế hệ với tôi hoặc anh chị tôi hiện nay đã ngoài 60 cả rồi. Nhưng chẳng hiểu họ giả vờ ngu hay là ngu bẩm sinh, mà không phân biệt được mốc thời gian của các giai đoạn lịch sử. Họ cứ đem chuyện HỒI XƯA để so sánh với giai đoạn hôm nay, rồi chửi rủa tôi là thằng phản động ! Họ nói với nhau rằng, thì, là, mà… Ngày xưa nghèo khổ, bây giờ được như ri là quá phát triển rồi. Rằng xưa đói, cơm không có ăn, áo không đủ mặc, giờ vầy còn đòi gì nữa ? Rằng xưa trên bom dưới đạn, bây giờ hòa bình dù có vất vả ngủ cũng ngon giấc, chả sợ chết chóc vì bom rơi, đạn lạc. Bla…bla… Cái ngu của các người là không phân định được hồi xưa là hồi xưa nào. Trong bài viết này, tôi sẽ chỉ ra cái mà các người thường gọi là “hồi xưa” ấy. Nó có 2 giai đoạn : trước 30.4.1975 và sau 30.4.1975. Là thế này  : Trước 30.4.75 một người lao động bình thường có thể nuôi sống vợ và 7-8 đứa con. Công chức làm cho các hãng xưởng tư nhân hoặc công chức nhà nước đều được trả lương cả vợ lẫn con, thì làm sao mà đói ? Người già cả không nơi nương tựa, được chính phủ đưa vào viện DƯỠNG LÃO chăm sóc. Trẻ em mồ côi được chính phủ đưa vào viện CÔ NHI nuôi nấng. Kẻ tha phương cầu thực (chạy giặc) thì có trại TỊ NẠN nương thân. Người nghèo khổ thì có trại TẾ BẦN giúp đỡ. Kẻ lữ hành lỡ độ đường thì có QUÁN CƠM XÃ HỘI ăn uống hoàn toàn miễn phí. Vậy, đói khổ nó ở đâu ra ? Trong một đất nước đang chiến tranh thì làm sao mà phát triển cơ sở hạ tầng mà so bì với thời bình ? Nhưng dù sao thời đó cũng đủ trường học khang trang để học sinh ngồi học chứ không như các trường vùng cao ngày nay. Dù không phát triển, nhưng bệnh viện mỗi người một giường, chứ đéo có cảnh chen chúc dưới gầm giường như ngày nay. Dù kinh tế không bằng hôm nay, nhưng người dân chẳng gánh nợ công, mà lại được nhà nước chữa bệnh hoàn toàn miễn phí và học sinh đi học cũng chẳng tốn của cha mẹ đồng bạc học phí nào. Như vậy thì thử hỏi, hồi nào phát triển hơn ?Nói bây giờ hòa bình sướng hơn hồi xưa vì không sợ tiếng súng, tiếng bom? Vậy thử hỏi các người, cuộc chiến này do ai gây ra ? Ai đem bom đạn Nga Tàu vào tàn sát Miền Nam ? Ngu thật hay giả ngu vậy mấy người ?Còn nói về “hồi xưa” của giai đoạn sau 1975 mấy người bị đói là đúng rồi. Không đói sao được khi vừa im tiếng súng là họ đến nhà bắt nộp lúa nuôi quân hết đợt này sang đợt khác. Không đói sao được khi nhà ông có 500 đồng, họ chỉ đổi ông được 1 đồng. Không đói sao được khi ông thu hoạch mùa vụ xong đều phải gánh hết lên HTX. Không đói sao được khi nhà ông nuôi được con bò hay con heo cũng không được bán hoặc làm thịt, mà phải giao cho HTX ? Không rách sao được, khi gia đình ông 3-4 người mới được xét duyệt cho mua 1m vải quần ? Không te tua sao được, khi ông cần 1 cái nồi để nấu cháo, lúc đến cửa hàng mậu dịch quốc doanh thì họ đưa cho ông 1 chiếc lốp xe đạp ?Các ông phải biết cái hồi xưa đói khổ đó do ai gây ra chứ. Từ một đất nước tự do muốn đi đâu thì đi, muốn mua cái gì thì mua, muốn ăn cái gì cũng có... Tự nhiên quay sang muốn đi đâu phải xin giấy tạm trú, tạm vắng. Muốn mua cái quần, cái áo, đôi dép cũng phải chờ xét duyệt mà chưa chắc đã được. Muốn ăn thì phải xếp hàng mua phiếu nơi cửa hàng quốc doanh, mà chưa chắc đã được ăn món mình ưa thích… Những điều đó chế độ nào gây ra cho các người vậy ? Già hết rồi, có ngu thì chừa lại cho đời một ít. Sao cứ giành hết phần ngu của thiên hạ vậy mấy cha ?●Ngô Trường An