CHUYỆN VỀ NHỮNG ĐÊM GIÁNG SINH RẤT BUỒN

I. “TÔI ĐÃ KHÓC TRÊN SUỐT ĐƯỜNG VỀ” HAY CHUYỆN CỦA
MỘT ÔNG GIÀ NÔ-EN CHUYÊN NGHIỆP

kim thanh kể lại từ báo Mỹ

Eric Schmitt-Madzen, 60 tuổi, cư dân Caryville, Tennessee, sinh ngày 6 tháng 12
(chú thích của KT: đúng ngày lễ Saint Nicholas –còn được gọi là Santa Claus bắt
nguồn từ Sinterklaas, tiếng Hòa Lan, thời Trung Cổ) là một kỹ sư cơ khí và giám đốc
hãng Packing Seals & Engineering tại Jacksboro. Chuyên đóng vai, và rất giống, Santa
Claus, mỗi năm, với thân hình hộ pháp 6-foot, 310 pounds, và chòm râu dài, tự nhiên,
trắng như tuyết. Sắm vai ông già Nô-En (chú thích của KT: rất quen thuộc trong ngôn
ngữ Việt, le père Noël trong tiếng Pháp, tương tự Santa Claus của Mỹ) rất thiện nghệ, và
đặt may riêng một bộ quần áo, màu đỏ. Để mang niềm vui cho bá tánh và tiếng cười hồn
nhiên cho trẻ thơ khi mùa đông và lễ Giáng Sinh tới.
Một hôm, ông kể, ông vừa từ sở làm về nhà, thì có tiếng điện thoại reo, của một nữ y
tá mà ông biết đang làm việc tại một bệnh viện. Cô nói, có một bé trai 5 tuổi đang bị
bệnh nặng sắp chết muốn gặp Santa Claus. Ông trả lời, để ông thay trang phục Santa cái
đã, nhưng cô bảo, không kịp đâu, bộ dây nâng quần của Santa (suspenders, mà ông luôn
đeo sẵn trên người) cũng đủ rồi, và giục ông đến ngay cho. Ông đến bệnh viện, 15 phút
sau, thấy mẹ của đứa bé và nhiều người trong gia đình. Bà mẹ đã mua một hộp đồ chơi

và nhờ ông trao cho đứa bé. Ông quyết định sẽ làm gì, và nói với mọi người hiện diện
đừng theo ông vào phòng, vì nếu thấy ai khóc, ông sẽ bị xúc động mạnh, và sẽ không
hoàn thành nổi công việc. Mọi người đứng bên ngoài, nhưng ghé mắt theo dõi qua cánh
cửa sổ, trong hành lang của Phòng Điều Trị Đặc Biệt, và khóc sụt sùi.
Ông kể tiếp (nguyên văn): “Khi tôi bước vào, bé nằm yên, yếu đến nỗi như đang sẵn
sàng rơi vào cơn ngủ. Tôi ngồi xuống giường, và hỏi: ‘Ông nghe nói rằng con lo sẽ hụt
mừng lễ Giáng Sinh, phải không? Không, con không thể nào hụt lễ Giáng Sinh được.
Tại sao, con là thằng bé Số Một của ông mà!’ Bé bèn ngước mắt lên, và hỏi: ‘Thật vậy
không ông?’ Tôi trả lời: ‘Chắc chắn rồi!’ Tôi trao cho bé hộp đồ chơi. Bé yếu đến nỗi
chỉ vừa đủ sức mở hết lớp giấy bọc. Khi thấy cái gì bên trong, bé nở một nụ cười rạng
rỡ, rồi đặt đầu lên gối trở lại. ‘Họ bảo rằng con sắp chết’, bé nói với tôi. ‘Con có thể nói
gì khi đến nơi dành cho con?’ Tôi bảo: ‘Con có thể làm cho ông điều này được không?’
Bé trả lời: ‘Được chứ!’ Tôi tiếp: ‘Vậy thì con sẽ nói với họ rằng con là đứa bé cưng Số
Một của Santa và ông biết chắc rằng họ sẽ cho con vào.’ Bé hỏi lại: ‘Thật thế sao?’ Tôi
trả lời: ‘Thật lắm!’ Bé làm động tác như ngồi dậy và ôm tôi, rồi hỏi thêm một câu nữa:
‘Santa, ông có thể giúp con được không?’ Tôi choàng tay ôm lấy bé. Trước khi tôi có thể
nói một lời gì thì bé đã chết ngay lúc ấy. Tôi để bé ngồi yên với tư thế đó, vẫn ôm bé
trong vòng tay. Mọi người ngoài phòng biết điều gì đã xảy ra. Mẹ của bé chạy vào, thét
lên: ‘Không, không, không, chưa đâu!’ Tôi giao cho bà đứa con trai, và rời khỏi phòng
rất nhanh với hết sức mình.”
Trên suốt đường về nhà, Schmitt-Madzen kể tiếp, ông đã khóc. Khóc nhiều đến nỗi
mắt nhòa lệ không còn thấy đường để lái xe. Trong lúc tuyệt vọng, ông đã toan treo lên
giá chiếc áo Santa Claus, bỏ nghề. Nhưng rồi gom hết sức lực, ông ráng làm một lần
chót: “Khi thấy những đứa nhỏ cười, tôi bị kéo trở lại với các cháu, và hiểu rõ vai trò
mình phải thực hiện. Cho các cháu và cho chính tôi nữa.”

Portland, 16 Dec. 2016 Lược dịch bài “I cried all the way home: Boy who asked for last wish
dies in Santa’s arms”, Sam Venable (Knoxville, Tenn.), trong USA Today Network, News
Sentinel 12:03 p.m. EST December 12, 2016

II. BUỒN BIẾT ĐẾN KIẾP NÀO NGUÔI

kim thanh

Quận Hoài Nhơn, 1969, một năm sau Tết Mậu Thân. Tôi nhận lệnh dẫn một nửa

Đại đội 202 CTCT, từ Ba Gi (Qui Nhơn), đại bản doanh của Sư Đoàn 22BB, ra tăng
phái cho Trung đoàn 40 –lúc ấy đóng tại Đệ Đức, trên đường Bồng Sơn và Tam Quan.
Nửa đại đội được chia làm hai toán, mỗi toán trên dưới mười người, do hai chuẩn úy chỉ
huy, hằng ngày đi xuống các xã ấp thuộc quận, hoặc bằng xe dodge cơ hữu, hoặc thỉnh
thoảng, vì lý do an ninh, bằng trực thăng của Sư đoàn I Không Kỵ (1 st Cav) Hoa Kỳ, để
làm công tác Tâm lý chiến, một cách độc lập, nhưng đôi khi phối hợp với Dân sự vụ
Mỹ. Xuống những xã, ấp xa xôi, hai toán chúng tôi phải tự bảo vệ, và vì thế được vũ
trang tương đối đầy đủ, và các toán viên thường là lính tác chiến đổi về, có nhiều kinh
nghiệm chiến trường. Ít khi phải nhờ đến sự trợ giúp của những đơn vị địa phương quân
hay nghĩa quân.
Tôi nhớ buổi sáng hôm đó là ngày 25 tháng 12, đúng lễ Giáng Sinh. Chuẩn úy
Hoàng, trưởng toán, bị bệnh. Tôi phải đi thay, dẫn toán của anh đến ấp Vĩnh Phụng, xã
Hoài Xuân –nằm dọc, cũng như những xã khác của quận Hoài Nhơn, theo dòng Lại
Giang chảy lững lờ ra biển. Không khí cuối năm vắng lặng, đơn điệu, đến độ nhàm
chán. Tại những vùng quê Việt Nam thời ấy không có nhà thờ, không tổ chức mừng
Giáng Sinh rầm rộ như dân thành thị, Sài Gòn hay Nha Trang của tôi, chẳng hạn, dù có
đạo hay không. Không có tiếng chuông giáo đường ngân vang, rộn rã. Không có, như
bây giờ, ông già Nô-En đứng trước cửa siêu thị Mỹ, rung chuông leng keng, chúc lễ và
phát quà cho trẻ em. Chỉ có một ngôi nhà thờ duy nhất tại thị trấn Bồng Sơn cho toàn
quận Hoài Nhơn, và dân Công giáo, từ các xã ấp, phải lên đó để dự lễ mỗi sáng Chúa
Nhật.
Chúng tôi đến Vĩnh Phụng làm công tác Dân sự vụ và Tâm lý chiến. Như thường lệ.
Nghĩa là bắt loa kêu gọi dân trong ấp đến tập hợp trên một khoảng đất trống, rộng, và
chung quanh có bóng cây xanh mát, lại gần trụ sở ấp, rất an toàn, để được y tá khám
bệnh, phát thuốc tại chỗ, hoặc được chở về bệnh viện Bồng Sơn trong trường hợp bệnh
nặng, cần cấp cứu… Hay để nghe một toán viên, từ chiếc loa cầm tay, đọc lên những lời
viết sẵn đề cao chính nghĩa quốc gia, và kêu gọi đồng bào đừng bỏ xóm làng, “lên núi
thoát ly” theo Việt Cộng, đừng “ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản” v.v… Các em nhỏ
được phát kẹo bánh, tập vở, bút mực, và sau đó được tập bài quốc ca VNCH hay những
bài hát quen thuộc, ví dụ, tôi nhớ, Việt Nam, Việt Nam nghe từ vào đời… Việt Nam, hai
câu nói… hay Đây Bạch Đằng giang, sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng…
Làm xong công tác thì đã hết buổi sáng. Tôi cho cả toán nghỉ ngơi, ăn trưa và tự do
đi lại trong ấp, chờ đến giờ trở về Đệ Đức. Còn tôi và một vài anh lính trải poncho nằm
bên gốc cây, ngước nhìn ánh nắng lấp lánh chiếu qua vòm lá và nghe tiếng chim hót líu
lo trên cành. Một số toán viên, còn trẻ, xin đi vào nhà dân, để thăm hỏi các cụ già và, tôi
đoán, để nhân dịp, tán tỉnh các cô gái mơn mởn đào tơ, má hồng môi thắm tự nhiên.

2. Tôi đang lim dim mắt, miên man suy nghĩ chuyện đời, và một anh lính đang
nghêu ngao một bài vọng cổ, thì bỗng một tiếng mìn nổ vang, từ bờ ruộng, không xa chỗ
tôi nằm bao nhiêu. Giật mình nhổm dậy, chụp vội cây súng, và thấy một làn khói đen tỏa
bay trong không gian. Nghe tiếng kêu la của vài em nhỏ hớt hải chạy về phía tôi: “Ông

Thiếu úy ơi, có con nhỏ Út bị thương nằm kia kìa…” Cũng đoán biết được chuyện gì đã
xảy ra, chúng tôi tất tả chạy theo các em, về phía cánh đồng, súng cầm tay, trong tư thế
sẵn sàng nhả đạn. Đến nơi, thấy nằm nửa dưới ruộng, nửa trên bờ, một bé gái, tức “con
nhỏ Út”, độ chín, mười tuổi, cao và gầy như khúc củi, mình mẩy đầy máu, nhuộm đỏ cả
chiếc áo cụt trắng. Mấy đứa trẻ mách: Út ra ruộng sớm, mót lúa, đã đạp phải mìn gài
sẵn. Chưa biết của bên nào. Tôi thận trọng, đưa mắt quan sát hiện trường, xem có còn
quả mìn hay lựu đạn nào chưa nổ, hay một tên du kích nào đang rình chờ chúng tôi.
Y tá Thám cúi xuống, cầm lấy bàn tay Út bắt mạch, rồi đặt ống lên ngực nghe nhịp
thở, trong khi tôi choàng tay cẩn thận đỡ bé ngồi dậy. Người bé mềm nhũn, miệng rên
nho nhỏ. Vì trái mìn bẫy đặt ngược hướng, sợi dây kíp khá dài, và nổ khi Út đứng khá
xa, nên thân thể còn nguyên vẹn, không nát bấy, chỉ bị ghim đầy những mảnh sắt li ti.
Gương mặt xinh xắn lúc ấy xanh như tàu lá, và cặp mắt lờ đờ ngước nhìn tôi. Thám
quay sang, kín đáo khẽ lắc đầu, và tôi hiểu. Từ thân thể Út máu tiếp tục chảy từng giọt,
chắc bé đau đớn lắm. Bé kêu khát. Tôi mở bi đông, đổ nước vào nắp, cho bé uống vài
ngụm nhỏ. Vừa suy nghĩ rất nhanh. Tại các ấp, như Vĩnh Phụng, làm gì có trạm cấp cứu,
nhân viên y tế, hay thuốc men. Chở đi Bồng Sơn không kịp nữa, vì bé đã yếu lắm rồi, lả
người trong vòng tay tôi. Gọi máy PRC 25 về trung đoàn, buổi trưa, không gặp ai. Gọi
thẳng Sư đoàn 1 st Cav Mỹ xin trực thăng tải thương thì không biết tần số, và tốn thời
gian lắm, lại chưa chắc họ tin mình. Không còn biết làm gì hơn, tôi dùng khăn ướt lau sơ
máu trên mặt, trên tay của bé và cầu nguyện cho bé gắng gượng thêm khoảng một giờ
nữa thôi –thời gian vừa đủ để xe chúng tôi đưa bé về tới Bồng Sơn.
Bỗng Út mở to mắt, nhìn thẳng vào tôi, một cách lạ thường, ngơ ngác, như vừa tỉnh
cơn mê từ một cõi nào rất xa xôi. Bé hỏi, giọng thều thào:

-Con qua nổi không chú?
Tôi liếc nhanh về phía y tá Thám, rồi gật đầu:

– Qua nổi chứ con! Nếu con hứa là con gượng thêm một giờ nữa, các chú sẽ đưa con
về được bệnh viện Bồng Sơn…
Bé mở hé đôi môi, cố gắng mỉm cười, khó khăn, lắc nhẹ đầu, và đáp khẽ:

-Không kịp đâu chú, con biết con sẽ chết, con mệt quá rồi. Khi nãy ngủ mê, con có
gặp mấy cô áo trắng có cánh nói đang chờ để rước con đi…
Rồi Út nói tiếp, giọng rời rạc, càng lúc càng nhỏ dần, nhỏ dần:

– Chú ơi, con muốn được ôm, trước khi chết… Con là đứa mồ côi, không cha không
mẹ, không người thân thích… Con ở đợ, mót lúa cho nhà người ta… Không ai thương
con hết… Con muốn được ôm, một lần thôi…
Tôi bật khóc, ôm bé vào lòng, hôn lên hai má, mà nước mắt tuôn trào như mưa, chảy
xuống ướt chiếc áo trận, hòa lẫn với máu của bé chưa kịp khô. Vừa lúc ấy, trên cặp môi
tím ngắt, bé như cố nở một nụ cười mãn nguyện. Rồi ngoẹo đầu vào ngực tôi, bé làm
động tác muốn giơ hai cánh tay lên, nhưng không đủ sức, bỏ xuống, và nửa giây sau, bé
từ từ nhăm mắt, và trút hơi thở cuối cùng trong tay tôi. Tất cả diễn ra không đầy bốn
phút, từ lúc gặp bé nằm ở bờ ruộng.

Tôi nhẹ nhàng buông xác bé xuống, đặt nằm ngay ngắn trong tấm poncho còn mới
của tôi. Bé đã được liệm bằng poncho, giống như một người lính chiến thật sự. Giống
như những đồng đội của tôi chết trận tại Ban Mê Thuột, Kontum, Phan Thiết, Quảng
Đức… năm nào. Nhìn quanh, tôi thấy mọi người vẫn đứng yên, lặng thinh, mắt đỏ hoe,
kể cả tốp lính địa phương quân vừa kịp đến để chứng kiến cảnh tượng thương tâm này.
Tôi biết, cũng như tôi, những người lính, rất chai lì vì phải thường trực thách đố với cái
chết cận kề, không khóc dễ dàng. Nhưng trước thân xác gầy guộc, đẫm máu, của Út, một
bé gái nạn nhân vô tội của chiến tranh tàn khốc, phi lý, gỗ đá cũng khóc theo, huống chi
người. Khi tôi hỏi, mìn do ai gài, một anh địa phương quân nói lớn, giận dữ:

-Mìn của mấy thằng du kích Việt Cộng gài đó, ông thầy. Còn ai trồng khoai đất này.
-Sáng nay, tụi em chưa kịp đi gỡ thì con nhỏ Út ra ruộng sớm, đạp trúng. Tội nghiệp nó
quá.
Tôi giao tấm poncho gói xác Út cho nhóm địa phương quân và moi tiền từ các túi
quần, cộng với tiền gom góp của anh em tự nguyện trong toán, không đếm bao nhiêu,
nhưng đoán khá nhiều, đưa hết cho trung sĩ trưởng nhóm, và nói:

Bé Út mồ côi, nghèo khổ, tôi nhờ các chú mua cái hòm cho bé và làm ơn chôn cất
tử tế giùm. Còn thiếu bao nhiêu các chú bù giúp cho.

3. Trên đường về lại Bồng Sơn, cả toán không ai nói với ai một lời nào. Giống như
một lần trước đó không lâu, khi chúng tôi chở đến bệnh viện quận lỵ một bé trai mười
tuổi từ một ấp, xã khác, gần hơn, đã đạp phải lựu đạn cũng của Việt Cộng –bị thương
khá nặng, nhưng sống sót, vì được cứu kịp thời, chỉ phải cưa một chân. Tôi ngồi im, như
tượng đá, và mắt vẫn còn cay sè. Đến Bồng Sơn, đi ngang nhà trọ của Thơ Thơ, tôi bảo
tài xế dừng lại, chờ tôi mười phút. Nàng mở cửa, thấy quần áo tôi dính bê bết máu,
hoảng hốt hỏi dồn:

-Trời ơi, anh bị thương phải không?
Tôi lắc đầu, gượng mỉm cười. Nàng ôm tôi vào lòng, siết chặt, như sợ tôi bay đi, và
tôi kể hết câu chuyện bé Út. Nàng vừa nghe vừa rơm rớm nước mắt. Rồi nghẹn ngào nói
nhỏ:

Tội nghiệp bé quá. Tối nay em sẽ thắp nhang khấn vái cho hồn bé được siêu thoát.
Sau khi nghe chuyện này, em yêu anh quá, em yêu anh nhiều hơn, em yêu anh mãi mãi.
Mãi mãi, anh biết không? Cái chết cũng không bao giờ có thể chia lìa hai đứa chúng ta.
Hôm sau, Hoàng hết bệnh, tôi bèn trả lại toán cho anh để tiếp tục xuống công tác
thường nhật tại Vĩnh Phụng. Còn tôi, từ đó cho đến ngày rời bỏ Bồng Sơn trở về Bà Gi,
tức hơn nửa năm sau, không bao giờ đặt chân lên ấp đó nữa, dù chỉ ghé qua một lần. Để
tránh nhớ một trong những kỷ niệm thảm thương nhất, nếu không muốn nói một kỷ
niệm thảm thương nhất, trong suốt đời lính. Sau ba tháng, tôi được lệnh bỏ quận Hoài
Nhơn, điều động cả hai toán ra công tác ở Tam Quan –một quận lỵ nguy hiểm nhất của
Bắc Bình Định.

4. Rồi qua bao nhiêu thăng trầm, trong suốt hơn nửa thế kỷ, kể từ Noël 1969 đó, tôi
cố quên chuyện bé Út, giữa những chuyện khác về Bồng Sơn, cũng không kém buồn

đau, đã được kể rồi trong bài “Bồng Sơn, dòng sông tương tư”, như chuyện ba người
trong đại đội tôi bị phục kích chết, sau lần công tác ở Tam Quan trở về, hay Thơ Thơ,
người yêu dấu, bị mất tích, tháng 4, 1975, trên đường di tản từ Kon Tum. Muốn xem tất
cả như dĩ vãng tàn khốc và kỷ niệm thảm thương của chiến tranh, của một thời để yêu và
một thời để chết. Cố quên, nhưng không thể được.
Đặc biệt bé Út. Quả thế, cứ mỗi cuối năm khi mùa Giáng Sinh tới, và nhất là những
lần giơ tay ôm hug ai, hay toan ôm ai vào lòng, thì hình bóng tội nghiệp của bé bỗng
dưng lại hiện về trong tâm trí, với thân xác đầy thương tích, đau đớn, với những lời thều
thào, đứt quãng, “con muốn được ôm… không ai thương con hết…” Hỡi ơi, buồn này
biết đến kiếp nào mới nguôi? Như một ám ảnh dịu dàng, vời vợi. Như một linh hồn nhỏ
mồ côi, trắng tinh như tờ giấy mới, xua bao tăm tối ra khỏi trái tim cằn cỗi. Như một quý
nhân phù trợ mà anh linh còn mãi lẩn quất bên tôi, hơn cả chiêm bao, qua suốt nửa thế
kỷ. Để cùng với Thơ Thơ, một hồng nhan bạc phận, cầm tay tôi, dắt đi qua những phong
ba của cuộc đời này.

Portland, 19/12/2020
Bài viết này đã được chính tác giả ra Anh ngữ
Kim Thanh

III. ĐÊM GIÁNG SINH TRONG TRẠI TÙ LONG GIAO

kim thanh

1. Tháng 12 năm 1975. Chúng tôi bị lừa, bị lùa vào trại Long Giao, do bộ đội quản
lý, và đã ở đó hơn sáu tháng. Long Giao thuộc tỉnh Long Khánh, là một căn cứ cũ của
Sư đoàn 18, mà trước kia tôi chưa hề đặt chân đến, nói chi bấy giờ bị giam cầm tứ phía
lại càng thấy mù mịt hơn. Thời gian buồn hiu và không gian xám ngắt. Trời mưa, đất
Long Giao trơn như mỡ và biến thành bùn đỏ quyện vào chân và gấu quần, không khác
chi đất Pleiku, Kontum và Ban Mê Thuột mà tôi đã ghé ở qua những ngày chinh chiến
cũ.
       Tù binh được chia thành tổ, mỗi tổ gồm tám đến mười người. Bốn tổ lập thành một
đội, còn gọi là nhà, hay B. Dãy tù kế bên, ngăn cách bởi một hàng rào kẽm, dành cho sĩ
quan cấp tá, trong đó có Thiếu tá Lê Ân, Văn Hóa Vụ trưởng trường Đại Học CTCT Đà
Lạt, chỉ huy trực tiếp của tôi, mà thỉnh thoảng tôi được thấy mặt và chào hỏi qua lớp
kẽm gai. Có một khu giam riêng một số nữ quân nhân, từ cấp trung tá trở xuống, vài chị

trông rất trẻ, đẹp. Đôi khi gặp nhau tình cờ ngoài hiện trường lao động, các chị nhìn
chúng tôi với ánh mắt buồn bã, cảm thương, nếu không muốn nói tội nghiệp, mặc dù
cùng trong cảnh chim lồng cá chậu.

2. Tổ tù của tôi gồm tám người, thuộc đội 2, còn gọi là B2, Nhà 2, dưới quyền của
“nhà trưởng” tên Thạnh, người Huế, mập lùn, đại úy Công Binh, hiền lành, dễ dãi, ví dụ
mỗi lần phải thi hành “lệnh trên” anh đều lịch sự năn nỉ các đội viên (“xin các anh làm
ơn… cố gắng…”), thay vì hống hách, nạt nộ, đe dọa như một số B trưởng tiến bộ quá
nhanh, muốn lập công để được tha về sớm. Một nửa tổ tôi là sĩ quan ngành Y ‒ít nhiều
quen biết nhau ngoài đời, trong số có người bạn cùng đơn vị, bác sĩ Đặng Phùng Hậu,
trưởng bệnh xá Trường Đại Học CTCT, và bạn của anh, bác sĩ Trần Đại Quốc, nghe nói
có liên hệ bà con với một cán bộ cao cấp đại diện Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại
Hòa đàm Paris. Tuy vậy, tôi không coi điều đó quan trọng, vì Quốc là người bạn tù tốt,
chững chạc, cởi mở, có tư cách, và theo tôi nhận xét lúc ấy, thuộc loại “phản động” hạng
nặng. Thỉnh thoảng buổi chiều cùng tôi đi dạo mát trong sân, anh nhắc nhở: “Đừng bao
giờ tin VC. Đừng bao giờ khai thật, và khai sao thì nhớ giữ nguyên lời khai, không thay
đổi.” Y như lời ba tôi khuyên nhủ, trước ngày tôi chuẩn bị trình diện đút đầu vô rọ.
Ngoài ra, có bác sĩ Nguyễn Xuân Thanh, người Huế, và dược sĩ Trần Lương Ngọc, Bắc
kỳ di cư, cả hai rất tử tế, vui vẻ.
Bốn sĩ quan ngoài ngành Y Dược là anh tổ trưởng, đại úy đại đội trưởng Địa
Phương Quân Vùng 4 tên Lân, một trung úy Pháo Binh tên Thanh, ít nói, một đại úy
Hành Chánh Tài Chánh tên Thạnh, đều dân Nam kỳ, và tôi, quê Nha Trang, đại úy
Trường Đại Học CTCT Đà Lạt. Đó là một nhóm thân hữu dễ thương, chia cho nhau từng
mẩu bánh mì khô, từng lát thịt bò ướp mỗi lần một tổ viên được “thăm nuôi”, tin tưởng
nhau, phát biểu, bình luận thời cuộc một cách vung vít mà không sợ bị báo cáo. Trong
tổ, chỉ một mình tôi là Công giáo.
        

3. Mấy ngày trước Noël, Bác sĩ Nguyễn Xuân Thanh gọi tôi ra sân, vừa cùng đi
bách bộ vừa nói nhỏ:                                        
      – Đêm Noël một số anh em sẽ tổ chức mừng lễ. Mọi thứ đã được chuẩn bị. Bây giờ
nhờ anh viết lời bài hát “Đêm Thánh Vô Cùng” ra tiếng Pháp và Latin. Tiếng Anh thì có
người lo rồi, bản tiếng Việt thì tôi thuộc, vì trước kia tôi học trường đạo ở Huế.  
       Nói xong, anh bắt giọng, hát cùng với tôi, khe khẽ:
Đêm thánh vô cùng…                                                                                       
Giây phút tưng bừng…                        
Đất với trời…
Silent night, holy night,
All is calm, all is bright.
Round yon virgin mother and child,
Holy infant, so tender and mild.

Sleep in heavenly peace,
Sleep in heavenly peace …
       Phần tôi phấn khởi lắm, nhưng không hỏi thêm chi tiết. Và nhận viết lời Pháp mà tôi
thuộc từ hồi nhỏ. Còn Latin, tôi không biết nguyên văn, nhưng dựa theo tiếng Pháp mà
dịch đại ra, không tự điển, và bây giờ chỉ còn nhớ câu đầu: Tranquilla nox, sancta nox…
Sau đó, từng nhóm nhỏ tập dượt, bằng cách đi trong sân, khuất những cặp mắt ăng-ten,
nhất là hung thần tên Bái, ở cùng đội B2, bảo hoàng hơn vua, lúc nào cũng mặc bộ bà ba
đen cổ quấn khăn rằn, trông ngứa mắt không chịu nổi, chuyên lấy điểm cán bộ bằng
cách tố cáo, kết án đồng tù, và tôi cũng là một trong nhiều nạn nhân bị hắn đấu tố,
những buổi đội họp kiểm điểm, về cái tội “chây lười lao động” và là “sĩ quan dạy tại
trường đại học CTCT ác ôn”.
      Trong lúc tập dượt, nhóm chúng tôi hát thuộc lòng âm ư trong miệng. Chỗ nào vắng
vẻ, an toàn, thì lên giọng to hơn. Tôi hướng dẫn phát âm lời Pháp và Latin.
 
Douce nuit, sainte nuit!
Dans les cieux! L’astre luit.
Le mystère annoncé s’accomplit
Cet enfant sur la paille endormi,
C’est l’amour infini,
C’est l’amour infini …
 
4. Đúng đêm 24. Đêm Chúa sinh ra đời. Mới bảy giờ, trời đã tối. Từ trại, nhìn ra
quang cảnh chung quanh, tôi thấy có những ánh đèn leo lét, trong một xóm nhà về
hướng Tây, tức hướng Sài Gòn, và, cao hơn, một ngôi sao khổng lồ thắp sáng trên nóc
một ngôi thánh đường. Các bạn bảo tôi, “đó là xóm đạo di cư Long Giao”, nhưng không
ai biết họ đạo ấy tên chính xác là gì. Một lúc sau, từ nhà thờ vọng lại, liên hồi, tiếng
chuông Noël giục giã, quen thuộc. Quen thuộc, vì thời gian trước 1975, không bao giờ
tôi thiếu vắng nó, vào mùa Giáng sinh, dù phải xa gia đình êm ấm, kể cả những đêm
hành quân ngủ bờ ngủ bụi, lúc chiến tranh trở nên khốc liệt.
Đêm ấy, trong trại tù Long Giao tình cờ được nghe lại, tôi nghĩ đó là một ân sủng từ
Chúa Hài Đồng còn xót thương, một lần duy nhất như kỷ niệm bền lâu, vì những năm
sau, bị đưa ra Bắc, tôi không còn bao giờ được nghe nữa. Tiếng chuông Noël thân
thương tắt lịm, chết đi –như cuộc đời chúng tôi. Không có cả tiếng chuông gọi hồn
ai, for whom the bell tolls, như trong Hemingway.
      Tự dưng thấy lòng bồi hồi, xúc động. Nước mắt lưng tròng. Chợt nhớ một đoạn văn,
trong quyển Souvenirs de la maison des morts, đã đọc thời trung học, của văn hào Nga,
Dostoïevski, bị lưu đày ở Sibérie, cũng kể rằng đêm Noël ông nghe từ một xóm đạo xa
xa tiếng chuông nhà thờ vẳng lại. Vừa lúc ấy, Dostoïevski viết, tình cờ tên cai ngục mở
cửa, và ông có cảm tưởng Thiên Chúa đã hiện ra với ông. Đối với một tử tù biệt giam,
xa cách thế giới loài người, sự hiện hữu của bất cứ ai, kể cả tên cai ngục, là một đặc ân,
niềm an ủi và mừng vui vô biên Chúa gửi đến.

Bao nhiêu năm qua rồi, những đêm Giáng Sinh cứ tiếp nối trên xứ sở tự do, sung
sướng, mà sao tôi vẫn không tìm lại được cảm xúc êm đềm, niềm hoan lạc vô giá, từ
một đoạn văn cũ ấy –cái cảm xúc kỳ lạ, lâng lâng, bình an trong hồn những tù nhân cô
đơn, tuyệt vọng. Và gần hơn, từ đêm Noël đầu tiên tại một trại giam Việt Cộng. Từ tiếng
chuông vọng về của một xóm đạo, phía bên kia đời văn minh, gần gũi mà sao thấy xa
vời vợi, còn sót lại phủ đầy ánh sáng và yêu thương, dưới chế độ vô thần, bạo tàn, rừng
rú. Từ những bài hát Giáng sinh được tập dượt trong những buổi chiều lén lút, lo âu tại
trại tù Long Giao.
     
5. Tám giờ. Trên sân bên hông tổ chúng tôi, một bó lửa được thắp lên giữa những
thanh củi xếp theo hình ô vuông, và các anh em từ những đội khác nhanh chóng kéo tới
tập họp làm thành vòng tròn lớn, nắm tay nhau hát to bài “Đêm Thánh Vô Cùng” bằng
bốn thứ tiếng, do Nguyễn Xuân Thanh, cùng vài anh khác, điều khiển và bắt giọng.
Những khúc củi được thảy vô thêm, và ánh lửa vươn cao, bập bùng, vui như trong đêm
lửa trại của hướng đạo sinh. Không có cây sapin, không có hoa đèn rực rỡ, không có cả
một linh mục nào chủ lễ, xướng kinh. Chỉ có tấm lòng và đức tin bền vững của tù nhân
dành cho Thượng Đế trước những bất hạnh, tủi nhục, đọa đày. Những tù binh không
tham gia cũng đứng chung quanh, tò mò nhìn, trong số, dĩ nhiên, có vài tên ăng-ten mà
ai cũng biết tiếng.
       Khoảng mười phút sau, hát xong, trong khi anh em đứng lặng im, trầm tư, có người
lâm râm cầu nguyện, thì bỗng nghe tiếng chân bộ đội rầm rập chạy về phía chúng tôi,
súng lên đạn kêu răng rắc. Lập tức, tất cả tự động giải tán, ai về phòng nấy, biến mất như
những bóng ma, cũng nhanh chóng như khi tập họp. Tôi nán đứng lại xem, bên đống lửa
gần tàn, với vài người trong đám hiếu kỳ. Một thằng ăng-ten nổi danh, thuộc một B
khác, cựu phi công trực thăng tải thương, đứng chỉ chỏ, báo cáo. Bọn lính và quản giáo
luôn mồm hỏi: “Anh nào cầm đầu tổ chức phản động? Anh nào?”. Không ai biết, kể cả
những tên ăng-ten. Mà biết cũng không ai nói, trừ bọn này, dĩ nhiên. Cuối cùng một anh,
nói giọng Bắc, bước ra “nhận tội” thay cho tất cả. Sáng hôm sau, anh tù binh Lê Lai cứu
chúa ấy, các đội trưởng và một số “nghi can” khác bị dẫn đi làm việc. Rất may, không ai
bị kỷ luật, yên ổn trở về các đội.
       Trong một cuộc điện đàm mới đây, Bác sĩ Hậu cho biết thêm: “Khi cán bộ và bộ đội
chạy đến sân hỏi ai là người tổ chức, anh trưởng đội B1, mà rất tiếc moa không nhớ tên
và binh chủng, hình như là một phi công, bước ra nhận chính anh là người tổ chức đêm
nguyện cầu đó”. Nghe Hậu nói, tôi mới kịp nhớ và óc tự động quay lại đoạn phim này,
lúc ấy không quan trọng lắm, nhưng bây giờ rất quý báu vì chứng tỏ thái độ hiên ngang
và cái dũng hiếm hoi của một cựu sĩ quan QLVNCH trong lúc sa cơ. Nguyễn Xuân
Thanh, tôi biết, chỉ là người được phân công móc nối trong B2 chúng tôi, không phải
người đứng ra tổ chức.
       6. Khi bài viết của tôi được các cư dân Mạng, Netizens, đọc thì một cựu tù nhân
không quen, viết cho tôi, qua email, nguyên văn: “Khi nằm ở Nam Hà B, tôi gặp anh
Lộc (hình như Trần Tấn Lộc), truyền tin, nói chính anh ấy đề xướng vụ hát giáng sinh

này.” Rất có thể như thế lắm. Vì tù binh quá đông, không ai có thể biết hết tất cả. Vả lại,
tại trại, khi tiếp xúc với Nguyễn Xuân Thanh, tôi không hỏi ai tổ chức, mà Thanh cũng
không tự động nói.
      Về  sau, chuyện này, cán bộ trại không nhắc đến nữa. Riêng tôi vẫn nhớ mãi, kể từ
đêm ấy đến nay đã 45 năm. Rồi một số được đổi đi trại khác, phần đông là giới Y Dược,
trong đó có bốn chàng mousquetaires của tổ tôi, về trại Kà Tum ở thêm hai năm nữa,
trong điều kiện khắc nghiệt hơn Long Giao nhiều, Hậu kể. Còn lại, rất đông, có tôi, bị
“biên chế” phân tán đi các đội khác, để vài tháng sau được tàu Sông Hương chở ra Bắc
ưu ái bán cái cho Công An, bắt đầu một cuộc hành trình mới gian nan hơn, khổ cực hơn,
dành cho những “tù nhân chính trị” chánh hiệu.
 
      Một buổi chiều, cách đây 17 năm, tiếng điện thoại vang lên. Bác sĩ Nguyễn Xuân
Thanh bất ngờ gọi tôi từ Oakland, CA. Mừng rỡ. Ôn lại biết bao kỷ niệm. Nhất là về cái
đêm Giáng Sinh 1975 tại Long Giao. Sau đó, thỉnh thoảng tôi gọi Thanh. Tháng 12 năm
2011, máy nhắn trong điện thoại của anh trả lời “no longer in service”. Về đâu rồi, hỡi
bạn Nguyễn Xuân Thanh, một trong những người hùng đêm Noël 75? Còn Bác sĩ Trần
Đại Quốc, theo lời một người cháu họ của anh cho biết, hiện còn ở Việt Nam. Bác sĩ
Đặng Phùng Hậu đang có phòng mạch tư tại Port Arthur, Texas, và năm 2004, đã đến
Portland cùng với bà xã, tham dự lễ hôn phối của vợ chồng tôi. Dược sĩ Trần Lương
Ngọc, nghe nói, đang làm việc tại một bệnh viện Sài Gòn. Những bạn đồng tù thân thiết
khác thì bặt vô âm tín. Trừ một anh tên Nam họ Huỳnh, cựu đại úy Hải Quân, cùng đội
B2, hiện ở San José, một lần tìm đâu được số điện thoại của tôi, đã gọi lên thăm…

Portland, 19 tháng 12, 2020
Kim Thanh