Bí mật thành công của mẹ tỷ phú Elon Musk

Vy Trang (sohu)

 – Ở nửa kia con dốc cuộc đời, thay vì nghỉ ngơi và hưởng thụ cuộc sống, mẹ của tỷ phú công nghệ Elon Musk vẫn tiếp tục làm việc không ngừng.

Bà Mayer Musk sinh ngày 19/4/1948, người Canada gốc Nam Phi, là mẹ của ba người con nổi tiếng Elon Musk là tỷ phú công nghệ, Kimbal Musk là chủ nhà hàng doanh nhân và Tosca Musk là đạo diễn phim nổi tiếng. Tuy nhiên, bà cũng là người có danh tiếng không hề thua kém các con bởi nỗ lực vươn lên trong suốt cuộc đời bà.

Bà Mayer lấy chồng năm 22 tuổi và phải chịu ác mộng bạo hành gia đình gần 10 năm. Năm 31 tuổi, Mayer Musk dắt theo 3 con và ra khỏi nhà, làm mẹ đơn thân. Trong 40 năm sống độc thân, người mẹ này không chỉ một tay nuôi nấng con mà còn là tấm gương thành công vì sở hữu hai bằng thạc sĩ khoa học và là chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng.

Bà Mayer Musk là mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk. Ảnh: Cover Girl

Nhiều người đặt câu hỏi bí quyết của người mẹ này là gì? Elon Musk từng nói: “Mẹ luôn cho anh em chúng tôi sự tự do và tin tưởng. Dù gia đình khó khăn tới mức không đủ tiền mua thịt, nhưng bà luôn đảm bảo cho con cái học hành tử tế. Mẹ không bao giờ phàn nàn và luôn mỉm cười trước mọi nghịch cảnh. Thái độ sống của bà chính là của cải quý nhất ban cho anh em chúng tôi”.

Tin tưởng vào các con và hỗ trợ sự phát triển tự do của trẻ

Gần đây, trong một lần trả lời phỏng vấn, Mayer Musk tiết lộ bà không bao giờ kiểm tra bài tập về nhà cũng như cằn nhằn con cái mình. “Hãy để trẻ lựa chọn lĩnh vực mà chúng muốn học và chịu trách nhiệm về kết quả đã lựa chọn”, bà nói.

Khi Elon 12 tuổi, anh rất thích máy tính. Dù gia đình không dư dả nhưng người mẹ tìm đủ cách mua một chiếc máy tính cho con. Elon bắt đầu tự học lập trình và thiết kế một trò chơi. Mayer khuyến khích con trai gửi trò chơi này cho một tạp chí máy tính toàn cầu và nhận được phần thưởng 500 USD.

Khi trưởng thành, Elon bỏ Đại học Stanford, từ bỏ bằng tiến sĩ và đến thung lũng Silicon để thành lập công ty. Meyer không những không trách móc mà luôn tin tưởng khả năng sáng tạo của con trai mình. Bà đã dùng số tiền tiết kiệm 10.000 USD để hỗ trợ việc kinh doanh của con. Mỗi khi Elon thay đổi công việc, anh lại ở trong một lĩnh vực hoàn toàn mới và không ít lần đối mặt với phá sản. Nhưng Meyer không bao giờ trách móc mà ủng hộ mọi quyết định của Elon.

Mayer Musk từng nói: “Một đứa trẻ lớn lên trong tự do và được khẳng định, bản thân nó đã rất tự tin. Sinh lực bên trong đứa trẻ đã được kích thích khiến chúng có sức mạnh kiểm soát bản thân”. Nói cách khác, mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập có sức sống. Cha mẹ thông minh sẽ tạo cho con động lực từ bên ngoài, kích thích sự sáng tạo từ bên trong để khơi gợi sự tự chủ của chúng. “Đàn áp và kiểm soát là hành động không khôn ngoan. Điều kiện tiên quyết để trẻ dũng cảm theo đuổi ước mơ chính là sự tin tưởng và khẳng định của cha mẹ”, bà nói

Truyền nhiệt huyết, khơi dậy đam mê sống của trẻ

Người mẹ 3 con từng nói: “Thay vì đổ lỗi cho người khác, hãy cùng trẻ nhìn nhận mọi vấn đề để có thái độ sống lạc quan”.

Bà Mayer Musk từng làm 5 công việc một ngày để nuôi đủ 3 con. Ảnh: New York Post.

Những ngày tháng khó khăn một mình nuôi ba con, bà chưa bao giờ than thở về sự bất công bản thân đã nếm trải. Người phụ nữ này luôn đối mặt với những khó khăn với một thái độ tích cực và đầy nhiệt huyết.

Để đủ tiền nuôi ba đứa con, Mayer Musk làm năm công việc một ngày. Bà cũng dành thời gian nghiên cứu về dinh dưỡng và lấy hai bằng thạc sĩ. Bên cạnh công việc đào tạo người mẫu, bà tiếp tục giảng dạy về dinh dưỡng và đóng góp nghiên cứu cho Đại học Toronto nhằm giúp các con có cơ hội đi học miễn phí.

Mayer Musk nói: “Tôi thức dậy mỗi sáng và đều cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi luôn nghĩ rằng điều tốt đẹp nào đó sẽ xảy ra, bởi vậy mọi phiền muộn trôi qua rất nhẹ nhàng”.

Bà mẹ này cho rằng, thái độ sống của người mẹ chính là tấm gương phản chiếu đến khả năng nhận biết và tiếp thu của trẻ. Nếu gương mặt người mẹ luôn có sự u sầu, thất vọng mỗi ngày, con cái sẽ luôn thận trọng và sống trong run sợ. “Mỗi ngày bạn sống vui vẻ và bình tĩnh, đứa trẻ sẽ có được một cuộc sống lạc quan và luôn tự tin để thể hiện bản thân”, bà nói.

Dẫn dắt trẻ khám phá khả năng vô hạn của cuộc sống

Cuộc sống riêng của Meyer Musk chứa đầy những huyền thoại, những chuyến phiêu lưu và những điều tuyệt vời. Bà xuất hiện trên sân khấu với tư cách người mẫu khi mới 15 tuổi và từng lọt vào chung kết cuộc thi Hoa hậu Nam Phi năm 1969. Sau 60 tuổi, bà đã 4 lần xuất hiện trên màn hình lớn của Quảng trường Thời đại với vai trò người mẫu.

Khi bước sang tuổi 69, Mayer Musk trở thành gương mặt đại diện lớn tuổi đầu tiên cho thương hiệu mỹ phẩm hàng đầu nước Mỹ – Cover Girl. Vẻ đẹp của bà từng tỏa sáng trong nhiều chiến dịch quảng bá của hãng hàng không Virgin America, trên trang bìa tạp chí thời trang danh tiếng hay thậm chí là cả ở video ca nhạc Haunted của Beyoncé.

Tuổi tác không làm giảm đi năng lượng và thần thái của nữ người mẫu lớn tuổi. Ảnh: @mayermusk.

Bằng cách nào đó, giới mộ điệu ngày càng thấy sự nghiệp của bà đi lên cùng nhan sắc, dẫu cho tuổi già vẫn song hành bên cạnh. Meyer ở tuổi 73 đã trở thành một người nổi tiếng trên toàn thế giới, xuất bản tiểu sử cá nhân “Life by Me”. Như bà tự nói: “70 tuổi là đỉnh cao của tôi, và sự nghiệp của tôi chỉ mới bắt đầu!”

Người phụ nữ này luôn thử thách những điều mới mẻ và không bao giờ bị tuổi tác cản trở. Chính tinh thần đó không chỉ làm nên cuộc đời Meyer mà còn trở thành ánh sáng của 3 đứa con. “Hãy để trẻ đủ can đảm khám phá cuộc sống của chúng”. Người phụ nữ này cũng cho rằng cách giáo dục hữu ích nhất cho trẻ là để chúng thấy rằng bố mẹ đang nỗ lực để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. “Đó là cách tốt nhất để giáo dục con cái”, người phụ nữ 73 tuổi khẳng định.

Vy Trang (sohu)

Trường Petrus Ký

GS Nguyễn Thanh Liêm

Tôi ra đời trong một làng quê ở tỉnh Mỹ Tho. Ngay từ lúc còn học ở trường Tiểu Học tỉnh, tôi đã được nghe ba tôi và chú tôi nói nhiều về trường Petrus Ký. Thấy các anh học sinh trường College Le Myre de Vilers với bộ đồng phục trắng có gắng phù hiệu trông rất uy nghi tôi đã nể phục các anh và ngưỡng mộ trường college này lắm rồi. Nhưng chú tôi bảo là Petrus Ký còn to hơn, quan trọng hơn Le Myre de Vilers nhiều lắm. Riêng ba tôi thì hình như lúc nào cũng nhắc là “nữa lớn con sẽ học trường Petrus Ký.” Thành ra trong đầu óc non nớt của tôi lúc đó trường Petrus Ký là cái gì vĩ đại lắm, nó lớn lao quan trọng vô cùng. Tôi cũng nghe một người bà con bảo là “học Petrus Ký ra là làm cha thiên hạ đấy.” Lời phát biểu chói tai đó thật ra cũng có phần đúng đối với thế hệ của tôi và đối với người dân Miền Nam thời đó. Bởi vì cho đến năm 1945, sau ngày Đại Chiến Thế Giới Thứ Hai chấm dứt, cả Miền Nam nước Việt chỉ có 4 trường Trung Học công là Petrus Ký, Gia Long, Le Myre de Vilers (Nguyễn Đình Chiểu), và College de Cần Thơ (Phan Thanh Giản), mà trong 4 trường đó chỉ có trường Petrus Ký là trường duy nhất có bậc đệ nhị cấp (tức là lycée hồi đời Tây). Dù ra đời trễ nhất trường Petrus Ký vẫn là trường lớn nhất, cao nhất, và nỗi tiếng nhất ở trong Nam. Thời xưa, có được bằng Tiểu Học đã là oai lắm đối với dân quê, có được bằng Thành Chung thì kể như trí thức lắm rồi, thuộc hạng thầy thiên hạ, huống chi là có được bằng Tú Tài. Quí hóa vô cùng, có mấy ai có được bằng này. Vậy mà trường Petrus Ký lại sản xuất ra số ít người quí giá đó. Bởi thế nên phụ huynh học sinh, những người hiểu rõ giá trị của giáo dục, nhất là những người có con trai, ai ai cũng đều mong muốn cho con mình được vào Petrus Ký cả.

Nhưng khi lên trung học thì tôi vào Le Myre de Vilers chớ không phải Petrus Ký vì thời cuộc lúc này và vì hoàn cảnh gia đình không cho phép. Khi xong đệ nhất cấp, tôi mới xin chuyển về trường Petrus Ký và từ đó sống ở Sài Gòn luôn. Được vào Petrus Ký là kể như ước mơ đã thành, tôi mừng không thể tả, nhưng người vui nhất chắc chắn là ba tôi và kế đó là nhưng người thân trong gia đình tôi. “Ngày đầu tiên vào trường, đứng xếp hàng dưới những tàn cây sao cao ngất bên hông những dãy lớp học đồ sộ uy nghi, tôi có cảm giác như tôi đang được vươn mình lên để lớn thêm và để mở rộng tâm hồn cho khoáng đạt, cho thích nghi với với cái khung cảnh uy nghi đồ sộ của ngôi trường. Khi các lớp học sinh chỉnh tề theo hàng ngũ lần lượt đi vào sân trong và dừng lại ở trước cửa mỗi lớp một cách rất có trật tự và kỷ luật tôi nói thầm trong lòng rằng ở trên đời này chắc chưa có trường học nào có được cái kỷ luật chặt chẽ và cái không khí trang trọng như trường này. Nhất là khi vừa qua khỏi cổng vào sân trong, nhìn lên giữa hành lang chính (préau) thấy thầy hiệu trưởng Phạm Văn Còn cùng với thầy giám học (thầy Huấn) và thầy tổng giám thị (thầy Trương) oai vệ đứng đó tôi càng thấy cái không khí nghiêm trang của ngôi trường hơn, một sự nghiêm trang mà tôi chưa hề thấy được ở những ngôi trường nào tôi đã học qua.” (TTHPK tr. 115-116). So với Le Myre de Vilers, trường Petrus Ký lớn hơn nhiều lắm, cũng ra đời sau Le Myre de Vilers lâu lắm. Họa đồ xây cất trường do một kiến trúc sư người Pháp là ông Hebrard de Villeneuve vẽ hồi năm 1925, và trường được khởi công xây cất liền sau đó để hoàn tất vào năm 1927. Niên khóa đầu tiên khai giảng hồi tháng 9 năm 1927 với bốn lớp học sinh chuyển từ Chasseloup Laubat sang. Lúc này trường mang tên Collège de Cochinchine. Vị hiệu trưởng đầu tiên là ông Banchelin. Năm sau, 1928, Thống Đốc Nam Kỳ là Blanchard de la Brosse lấy tên nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký đặt tên cho trường, biến trường này thành lycée (trường Đệ Nhị Cấp) và cho đặt tượng đồng bán thân Petrus Ký vào giữa sân trường. Lễ khánh thành tượng đồng Petrus Ký và trường Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký được đặt dưới sự chủ tọa của Tống Đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse. Trường nằm ở giữa hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn, trên khoảng đất rộng mênh mông với đầy đủ cung cách của một khu học đường trang nghiêm yên tịnh. Tất cả đất đai, và phần lớn cơ sở trong khu vực đóng khung bởi bốn con đường Cộng Hòa, Thành Thái, Trần Bình Trọng và Nguyễn Hoàng, đều thuộc lãnh thổ của Petrus Ký. Trường có sân vận động riêng của trường, sân vận động Lam Sơn. Nhưng vì sự phát triển nhanh của nền giáo dục trong thập niên 1950 khi nước vừa độc lập nên một số cơ sở và đất đai của trường Petrus Ký bị cắt xén, trưng dụng để xài cho những cơ quan giáo dục khác. Trường Quốc Gia Sư Phạm, trường Trung Tiểu Học Trung Thu dành cho con em Cảnh Sát, Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục đều được xây trên phần đất của trường Petrus Ký. Ba dãy lầu lớn của trường Petrus Ký được dùng cho Đại Học Khoa Học và Đại Học Sư Phạm. Nhà Tổng Giám Thị Petrus Ký được dùng làm Trung Tâm Thính Thị Anh Ngữ, và một số các nhà chức vụ khác của trường cũng được dùng cho một số các viên chức Bộ Giáo Dục. Tuy bị cắt xén nhiều nhưng trường Petrus Ký vẫn còn là một trường trung học lớn nhất dành riêng cho nam sinh ở miền Nam Việt Nam.

(Về phương diện kỷ luật và trật tự thì có lẽ không có trường nào có kỷ luật và trật tự chặt chẽ, tốt đẹp bằng trường Petrus Ký. Ở Le Myre de Vilers tuy kỷ luật cũng khá chặt chẽ, tuy cũng có nhiều biện pháp mạnh trừng phạt học sinh như cấm túc, đuổi học, vv…nhưng vẫn không có cái không khí trang nghiêm uy nghi của trường Petrus Ký. Ở Le Myre de Vilers khi cổng trường mở thì học sinh cứ đi thẳng vào trước lớp học của mình chờ tới giờ sắp hàng trước cửa lớp đợi thầy đến cho phép là vào lớp. Ở Petrus Ký, sau khi vào cổng học sinh phải xếp hàng bên hông trường trước. Xong rồi mới theo lệnh giám thị tiến vào bên trong xếp hàng chờ trước cửa lớp một cách rất trật tự. Ở Le Myre de Vilers học sinh không thấy ông hiệu trưởng đâu, nhưng ở Petrus Ký, khi vào bên trong trường là học sinh sẽ thấy ngay ban giám đốc đứng giữa hành lang chính nhìn xuống toàn thể học sinh của trường. Tôi chưa hề chào cờ ở trường Le Myre de Vilers bao giờ. Nhưng ở Petrus Ký thì học sinh phải chào cờ mỗi sáng Thứ Hai. Cảnh chào cờ bao giờ cũng rất nghiêm trang và long trọng. Ở đây lúc nào bạn cũng cảm thấy như được ban giám đốc chiếu cố tới luôn).

Muốn được vào học trường Petrus Ký người đi học phải chứng tỏ được rằng mình thuộc thành phần ưu tú, xuất sắc, có thể là ở trong nhóm từ 5 đến 10 phần trăm đầu của những người cùng lứa tuổi. Kỳ thi tuyển vào Petrus Ký là kỳ thi rất gay go cho nhiều học sinh, xưa cũng vậy mà sau này cũng vậy. Vì thuộc thành phần chọn lọc như vậy cho nên học sinh Petrus Ký đậu rất nhiều và rất cao trong các kỳ thi. Kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp năm 1959 chẳng hạn là kỳ thi rất hóc búa, toàn quốc chỉ có một người đậu hạng Bình mà thôi, và người đó là học sinh Petrus Ký. Quyển Kỷ Yếu của trường Petrus Ký niên khóa 72-73 ghi thành tích học tập của niên khóa trước như sau:
TÚ TÀI II
Ban A: Dự thi 101, trúng tuyển 101 với 2 Ưu, 10 Bình, 25 Bình Thứ, tỷ lệ 100%.
Ban B: Dự thi 419, trúng tuyển 419, 11 Ưu, 53 Bình, 114 BT, tỷ lệ 100%
Ban C: Dự thi 52, trúng tuyển 52, với 7 BT, tỷ lệ 100%
Đậu nhiều và nhiều người đậu cao, đó là thành tích học tập của học sinh Petrus Ký từ xưa đến giờ.

Trường Petrus Ký đối với tôi là một trường mẫu, lý tưởng, là tấm gương cho các trường khác noi theo. Lúc còn học ở Le Myre de Vilers bọn học sinh chúng tôi luôn lấy các bạn Petrus Ký làm mẫu trong mọi hoạt động. Bởi vậy nên khi tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm, tôi quyết định lấy Petrus Ký làm ưu tiên một trong việc chọn lựa nhiệm sở của tôi. Tôi được về Petrus Ký theo ý muốn. Ở thời đại của tôi được bổ nhiệm về trường Petrus Ký và một số các trường lớn khác ở Đô thành thường phải là những người đậu đầu hay thật cao trong danh sách tốt nghiệp CĐSP hay ĐHSP sau này, hoặc những người đã dạy lâu năm ở tỉnh. Nói chung thì phần đông giáo sư Petrus Ký là giáo sư được chọn lọc, rất có căn bản chuyên môn và cũng rất đạo đức. Một số giáo sư Petrus Ký đã đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong ngành giáo dục sau khi dạy ở trường một thời gian. (Giáo sư Nguyễn Thành Giung sau làm Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục, giáo sư Phạm Văn Lược sau làm Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục, giáo sư Phạm Văn Thuật sau làm Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và BDGD, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm sau làm Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên). Đặc biệt là từ niên khóa 1964-65 giáo sư Petrus Ký giữ vai trò quan trọng trong việc soạn đề thi cho các kỳ thi trên toàn quốc. Họ cũng là những người đem bài thi trắc nghiệm khách quan (objective tests) thay dần vào chỗ những bài thi theo lối luận đề (essay). Một số giáo sư khác đã có những công trình nghiên cứu soạn thảo, viết sách giáo khoa rất có giá trị như giáo sư Phạm Thế Ngũ, giáo sư Vũ Ký, vv…Phần đông đều rất tận tụy với việc giảng dạy, rất thương học sinh, và rất chú tâm đến việc bảo vệ uy tín và thanh danh của trường. Thầy Đảnh, thầy Thái, thầy Ái, thầy Minh, thầy Hạnh, thầy Đính, thầy Nam… thầy nào học trò cũng thương cũng mến và thầy nào cũng hết lòng lo lắng cho học sinh, cũng như lo lắng cho trường. Mến thương học trò, mến thương trường Petrus Ký, đó là điều mà phần đông anh chị em giáo sư Petrus Ký đều cảm thấy. Cho nên năm 1962 khi tôi bị đưa đi làm hiệu trưởng ở Bình Dương tôi thấy rất khổ tâm khi phải rời khỏi trường. Cũng may là năm sau tôi lại được trở về Petrus Ký không phải để đi dạy lại mà để làm hiệu trưởng trường này.

Tôi là hiệu trưởng đời thứ 13 của trường mặc dầu trước tôi chỉ có 11 ông hiệu trưởng (vì ông Valencot làm hiệu trưởng tới hai lần cũng như giáo sư Trần Ngọc Thái sau này). Từ 1927 cho đến năm 1975 trường có tất cả 17 vị hiệu trưởng. Trong số 17 ông hiệu trưởng này, có 5 người Pháp (Banchelin, Valencot, Andre Neveu, Le Jeannic, và Taillade) và 12 người Việt Nam (Lê Văn Kim, Phạm Văn Còn, Nguyễn Văn Kính, Nguyễn Văn Thơ, Nguyễn Văn Trương, Phạm Văn Lược, Nguyễn Thanh Liêm, Trần Ngọc Thái, Trần Văn Thử, Trần Văn Nhơn, Bùi Vĩnh Lập, và Nguyễn Minh Đức). So với những vị hiệu trưởng trước, tôi là người quá trẻ khi đảm nhận chức vụ hiệu trưởng trường này. Lúc đó tôi mới có 30 tuổi trong khi những vị hiệu trưởng trước tôi không có vị nào dưới năm mươi tuổi. Tất cả đều là bậc thầy của tôi. Nhưng cũng từ tôi trở đi thì hiệu trưởng Petrus Ký đều còn nhỏ tuổi cả (trừ ra giáo sư Trần Văn Thử), tất cả là đàn em của tôi về phương diện tuổi tác. Lớp trẻ chúng tôi tuy có rộng rải, cởi mở hơn thế hệ lớn tuổi nhưng tất cả đều không xa rời truyền thống tốt đẹp của trường Petrus Ký. Kỷ luật, trật tự vẫn đứng hàng đầu. Chọn lựa kỷ giáo sư, chọn lựa kỷ học sinh, thúc đẩy các hoạt động trong cũng như ngoài học đường, vận động mọi phương tiện, mọi nguồn yểm trợ để phát triển trường sở, thăng tiến việc học của học sinh, làm cho học sinh đậu nhiều và đậu cao trong các kỳ thi, đào tạo người giỏi cho non sông tổ quốc, đó là những điều chính yếu mà ông hiệu trưởng Petrus Ký nào củng cố làm. Ông hiệu trưởng nào cũng biết là trường mình là trường rất nỗi tiếng, rất được sự chú ý của chính quyền cũng như của dân chúng. Ông hiệu trưởng nào cũng biết trường mình là trường được giới giáo dục coi như là trường kiểu mẫu của trường trung học ở miền Nam tự do và là trường luôn được sự chú ý của mọi người và mọi giới. Những nhân vật hàng đầu của chính phủ thường đến thăm viếng trường, từ Tổng Thống, Chủ Tịch Quốc Hội đến các Tổng Bộ trưởng, đến các quốc khách từ các quốc gia khác đến. Ai cũng biết trường mình là trường đã từng đào tạo rất nhiều nhân vật quan trọng, từng giữ những vai trò lãnh đạo trong chánh quyền bên này hay bên kia, từng đóng góp vào việc làm nên lịch sử cho xứ sở.

Và trên hết tất cả ai cũng hiểu rằng trường mình hết sức hãnh diện mang tên một nhà bác học, một nhà văn hóa có công rất nhiều đối với việc phổ biến nền học thuật mới ở Việt Nam hồi thế kỷ thứ XIX. Đó là nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký. Nói đến ông là người ta phải nhớ đến vai trò “khai đường mở lối” của ông trên các địa hạt sau đây:

  1. Dùng chữ Quốc Ngữ thay thế chữ Nôm và chữ Hán trong việc biên khảo trước tác.
  2. Viết câu văn xuôi thay lối văn biền ngẫu của các nhà nho,
  3. Làm báo theo đúng mẫu mực một tờ báo, và
  4. Xây dựng nền học thuật mới tổng hợp văn hóa Á Đông và văn minh Tây phương thay thế nền học thuật cũ kỹ lỗi thời của nho gia.

Qua công trình soạn thảo, trước tác của ông ta thấy ông là một nhà văn hóa giáo dục có tinh thần nhân bản, dân tộc và khai phóng, ba đặc tính quan trọng mà nền giáo dục chân chính và tiến bộ nào cũng cần phải có. Lý tưởng của ông là đào tạo được lớp người mới có đủ những kiến thức khoa học kỹ thuật của văn minh Aâu Tây đồng thời nắm vững những nguyên tắc đạo đức cổ truyền Á Đông, vừa có tâm hồn khai phóng, cởi mở, vừa có tinh thần dân tộc, vừa biết tôn trọng giá trị con người dù bất cứ trong xã hội nào. Lý tưởng đó được thể hiện trong chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam manh nha từ thời Pháp thuộc để phát triển và bành trướng mạnh mẽ từ Đệ Nhất qua Đệ Nhị Công Hòa.

Trường trung học được cái danh dự mang tên Petrus Trương Vĩnh Ký từ khi ra đời đã mang lý tưởng giáo dục đó biểu lộ trong hai câu đối ghi khắc trước cổng trường:
“Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
Tây Âu khoa học yếu minh tâm.”
Từ ngày được thành lập cho đến khi bị đổi tên, trong suốt gần năm mươi năm hoạt động, trường Petrus Ký đã làm tròn sứ mạng giáo dục được giao phó, đã đóng tròn vai trò một định chế xã hội đối với quốc gia, đã đào tạo được không biết bao nhiêu nhân tài cho xứ sở, đã trở thành một trường trung học phổ thông nổi tiếng vào bậc nhất ở Miền Nam Việt Nam.

Nguyễn Thanh Liêm
Học sinh cũ, Giáo sư cũ, Hiệu trưởng cũ Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký.

https://petruskyaus.net

……………………………………..

RVINE, California (NV) – Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm vừa qua đời lúc 1 giờ 50 phút chiều Thứ Tư, 17 Tháng Tám, tại bệnh viện Kaiser, Irvine, bà Nguyễn Thị Phương, hiền thê của ông xác nhận với nhật báo Người Việt.
Bà Phương cho biết, Giáo Sư Liêm được đưa vào bệnh viện tối Chủ Nhật, sau khi thấy mệt trong người, và không đi tiểu được.
Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm là cựu hiệu trưởng trường trung học Petrus Ký, và là sáng lập viên Lê Văn Duyệt Foundation.

Ông vừa cho ra mắt sách “Sự Thật Đời Tôi” tại Little Saigon hôm 6 Tháng Tám.
Trong buổi ra mắt này, cựu Thẩm Phán Phạm Đình Hưng, một người cùng thế hệ với giáo sư, cho biết, ông Liêm là người miền Nam gốc Mỹ Tho trong một gia đình khá giả có điền sản nên được ăn học đến nơi đến chốn. Ông tốt nghiệp thủ khoa trường Cao Đẳng Sư Phạm Sài Gòn, cử nhân giáo khoa văn chương, và tiến sĩ đại học Iowa State University, Hoa Kỳ. Giáo Sư Liêm cũng là một nhân viên hành chánh cao cấp của VNCH, từng là hiệu trưởng nhiều trường trung học, chuyên viên hạng I Phủ Tổng Thống (ngang bộ trưởng), và thứ trưởng Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên.

Cựu Đốc Sự Châu Văn Để, trưởng ban tổ chức buổi ra mắt sách “Sự Thật Đời Tôi” của tác giả Nguyễn Thanh Liêm, cho biết: “Tuổi trẻ Việt Nam trong nước cũng như tại hải ngoại biết đến Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm là một nhà văn hóa, dĩ nhiên, nhưng khi họ đọc qua những tác phẩm của ông, họ thấy ông không những là một nhà văn ‘đa hiệu’ mà còn là một nhà thơ chan chứa tình dân tộc.”
Ông Để cũng nhắc đến những hoạt động rất hăng hái của giáo sư trong các phạm vi văn hóa, văn học và cùng chung vai sát cánh với những tổ chức tranh đấu trong cộng đồng để mong cho đất nước và dân tộc Việt Nam được sống no lành, an vui hạnh phúc.

Giáo Sư Liêm không chỉ tham gia vào các hội giáo chức, cổ nhạc, đền Hùng… mà còn đích thân thực hiện nhiều công tác khó có ai bì kịp như việc lập ra tổ chức Lê Văn Duyệt Foundation, Ngày Văn Hóa Việt Nam, Ngày Tôn Sư Trọng Đạo, thành lập và xuất bản tạp chí Đồng Nai-Cửu Long rất giá trị. Trên phương diện truyền thông, giáo sư cũng chăm chút các chương trình do chính ông thực hiện, cùng các hoạt động chính trị khác trong cộng đồng, ví dụ như đã hợp lực với cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn đệ nạp hồ sơ “Thềm Lục Địa Việt Nam” lên Liên Hiệp Quốc trước thời hạn tối hậu là ngày 13 Tháng Năm, 2009.
Ông Để cho biết, Giáo Sư Liêm sinh ngày 21 Tháng 11, 1933. (Đ.D.)

http://www.nguoi-viet.com

…………………………………………………………

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Thứ Trưởng Bộ Giáo dục VNCH đã qua đời lúc 1:50PM hôm Thứ Tư trong Hospital Kaiser Irvine, Quận Cam.
GS Ts Nguyễn Thanh Liêm trên giấy khai sinh ghi ra đời năm 1934 tại Tân Hội Mỹ, Mỹ Tho, nhưng lớn lên tại làng Phú Túc, quận Bình Đại sau này lại thuộc về quận Hàm Long, tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre).
Học ở trường làng Phú Đức đến hết lớp Ba mới vào trường Nam Tiểu Học tỉnh lỵ Mỹ Tho.
Lên trung học, học ở Collège Le Myre de Vilers, sau nầy là trung học Nguyễn Đình Chiểu, đến hết bậc Tú Tài I (chương trình Pháp) rồi tiếp tục học ở Petrus Ký đến xong Tú Tài II ban Triết (chương trình Pháp).
Tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa Saigon với bằng Cử Nhân Giáo Khoa Việt Hán.
Ngoài ra còn có thêm chứng chỉ Lịch Sử Triết Học Đông Phương và Tây Phương, Đại Học Văn Khoa Saigon.
GS Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm tốt nghiệp Iowa State University với bằng Ph. D. of Research and Evaluation in Education (Tiến sĩ giáo dục về Nghiên Cứu và Lượng Giá). Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã từng phục vụ trong các chức vụ sau đây trong lãnh vực giáo dục ở Việt Nam trước năm 1975:
– Giáo sư Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký, Saigon.
– Hiệu Trưởng Trung Học Trịnh Hoài Đức Bình Dương.
– Hiệu Trưởng Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký, Saigon.
– Chánh Thanh Tra trưởng ban soạn đề thi (kiêm trung tâm trưởng Trung Tâm Trắc Nghiệm và Hướng Dẫn) Tổng Nha Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục, Saigon.
– Chuyên viên Văn Hóa Giáo Dục, Văn Phòng Chuyên Viên Phủ Tổng Thống, Việt Nam Cộng Hòa.
– Phụ Tá Đặc Biệt ngang hàng Thứ Trưởng, đặc trách Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục, Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên, Việt Nam Cộng Hòa.
– Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên, Việt Nam Cộng Hòa.
– Theo kháng chiến chống Pháp (1945-1948).
– Nhập ngũ Khóa 2 đặc biệt Trừ Bị Thủ Đức, 1968.
Giáo sư và gia đình sang Mỹ năm 1975. Ở Mỹ giáo sư đã phục vụ trong các cơ quan:
– Trung Tâm Nghiên Cứu Giáo Dục, Đại Học Iowa State University, Ames, Iowa.
– Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển Chương Trình Học và Tài Liệu Giáo Khoa, Đại Học University of Iowa, Iowa City, Iowa.
GS Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm về hưu năm 1999 dành thì giờ hoạt động cho các hội đoàn như Lê Văn Duyệt, Vĩnh Long, Câu Lạc Bộ Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Văn Học Đồng Tâm và Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ. Hiện là Trưởng Ban Tổ Chức Ngày VNCH để tiếp tục đệ nạp hồ sơ Thềm Lục Địa do cố Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn thực hiện vào tháng 5-2009. Ngoài ra ông đã viết rất nhiều tài liệu nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long và các Đặc san trong cộng đồng…

http://www.tongphuochiep.com

Tình Người Vô Giá

Anh lính nắm chặt tay cha hấp hối suốt đêm trong viện, sau đó anh tiết lộ sự thật khiến cô y tá sững sờ… Cô y tá bước vào phòng bệnh với gương mặt lo âu, hồi hộp, xen lẫn chút mệt mỏi, theo sau là anh lính Hải quân điềm đạm với những nét khắc khổ trên khuôn mặt. Hai người lặng lẽ tiến lại gần người đàn ông đang nằm bất động trên giường bệnh. Cô gái thủ thỉ vào tai ông:

“Bác kính yêu, con trai bác đã đến rồi đây!! ”
Người đàn ông không có phản ứng gì. Có vẻ những liều thuốc an thần “nặng kí” để giảm những cơn đau tim quằn quại đã khiến ông chìm vào giấc ngủ mê mệt… Cô y tá phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần ông mới nặng nề mở được đôi mắt vốn đã mờ đi vì bệnh tật.
Những cơn đau tim dữ dội khiến cơ thể ông không còn một chút sức lực. Ông yếu ớt nhìn anh lính cạnh giường mình, rồi nắm lấy tay anh…

Anh lính Hải quân vội vàng nâng đôi tay xanh xao gầy guộc của ông lão lên rồi nắm chặt, như thể muốn truyền cả tình yêu và lòng dũng cảm của anh sang cho ông lão. Ông chỉ nhìn anh run run mà không thể nói gì. Cô y tá biết cuộc hội ngộ này có ý nghĩa thế nào với ông lão và sẽ rất lâu để hai người có thể giãi bày hết tâm tư, nên cô lặng lẽ mang đến cho anh một chiếc ghế, đặt cạnh giường.
Suốt đêm ấy, anh lính cứ nắm lấy tay ông lão chẳng rời. Anh kể cho ông nghe những câu chuyện “sinh tử” khi làm nhiệm vụ. Có một lần anh đã suýt chết đuối. Hôm ấy biển động dữ dội, trời mưa rét, gió lạnh căm căm, hạm đội của anh phải đi tuần tra thăm dò một vùng biển được cho là bị phục kích. Thời tiết khắc nghiệt khiến tầm nhìn cả đoàn tàu bị hạn chế. Anh là đội trưởng, phải có trách nhiệm hướng dẫn cả đoàn. Trong lúc mải mê quan sát, cơn bão to dữ dội xô anh ngã khỏi tàu. Ai nấy đều hốt hoảng nhìn anh vùng vẫy trong cơn sóng to, rồi dần dần chìm xuống.
“Cha biết không? Lúc ấy, con tưởng cuộc đời mình chuẩn bị kết thúc rồi. Nước xộc vào mũi, cả cơ thể bị bao vây bởi nước, ngực nặng trĩu … Con tự hỏi, chết bây giờ thì có hối tiếc không?… Con chẳng nghĩ được nhiều nhưng thấy trái tim mình bình yên đến lạ … Con nghĩ đến Đấng Tối Cao trong con và tấm lòng từ bi của Ngài … Nếu được đến với Ngài trong giây phút này, con chắc chắn sẽ không hối hận …”
Anh nghẹn ngào tiếp lời: “ …và thế là, một phép lạ đã xảy ra … Con thấy cơ thể mình nhẹ nhàng từ từ nổi lên trên khỏi những cơn sóng, đồng đội con lúc ấy cũng đã kịp hoàn hồn dùng dây thả xuống để con bám mà kéo lên… Con đã được cứu sống một cách kỳ diệu như vậy đấy …!”
Anh bảo chính tình yêu cuộc sống và sức mạnh của niềm tin vào Đấng Tối Cao đã giúp anh vượt qua những tình huống khó khăn, hiểm nghèo. Anh muốn ông hãy mạnh mẽ như cái cách anh đã làm để bảo vệ Tổ quốc. Khi tình yêu thương chiến thắng nỗi sợ hãi, sẽ không có chỗ cho khổ đau và bi kịch.
Rồi anh cũng kể về một mối tình đẹp đẽ nhưng không thành. Ngày ấy, khi anh chuẩn bị cầu hôn người đã chia ngọt sẻ bùi với anh suốt thời niên thiếu, thì nhận được tin anh phải ra trận để đánh giặc. Anh đã cảm thấy rất đau khổ và bế tắc khi bỏ lại người con gái anh yêu thương nhất.
Nhưng giữa đất nước và tình yêu, anh chọn đất nước. Vì anh nghĩ rằng, nếu đất nước yên bình, người anh yêu cũng vì thế mà an vui. Anh khuyên cô hãy tìm một người đàn ông khác có thể chăm lo thật tốt cho cô, đừng đợi anh để rồi thất vọng. Vì anh chẳng biết đến ngày nào mình mới có thể về… Cũng không biết liệu mình có thể về được không. Nhưng anh không muốn kìm hãm sự tự do của người mà anh yêu.
Ông lão chẳng nói được gì, chỉ thỉnh thoảng gắng gượng nở một nụ cười mãn nguyện. Anh thấy cả những giọt nước mắt lăn dài trên má ông …
Thấy trời đã khuya, cô y tá dịu dàng bước lại rồi bảo anh:
“Anh nên nghỉ ngơi một chút, đã sang ngày mới rồi !!”.
Anh mỉm cười từ chối:
> “Cô hãy đi nghỉ đi, tôi muốn ở lại đây thêm một lúc nữa…”
> Cô y tá ngập ngừng đáp lại:
> “Vậy tôi muốn ngồi lại đây với anh một lát”.
> Rồi cô bắt đầu nói với anh, trước khi ông lão bị những cơn đau tim quái ác dày vò, ông hay kể với cô về con trai. Ông rất yêu đứa con này và luôn tự hào về anh. Ông nói anh rất dũng cảm và có một trái tim quảng đại. Ngày bé anh nghịch lắm, lúc nào cũng chỉ chăm chăm tìm vật dụng để hóa thân thành những anh hùng. Anh có đam mê với biển cả và những con tàu. Anh muốn sau này lớn lên sẽ trở thành một lính Hải quân, bảo vệ Tổ Quốc. Mỗi lần nhắc đến anh, hiện trong mắt ông lão đều là một sự hân hoan khó tả. Ông bảo anh đã xa ông từ rất lâu rồi. Ông chỉ ước một ngày được gặp lại con trai … Và thật may mắn khi anh đã có mặt ở đây …
> Anh lính trẻ không nói gì, chỉ cúi xuống hôn lên trán người đàn ông đã thiếp đi lúc nào không hay … Và anh cứ ngồi túc trực bên ông như thế, mãi cho đến khi bình minh ló rạng …
> Sáng hôm sau, khi sát lại gần đánh thức ông, anh mới hay ông lão đã trút hơi thở cuối cùng… Lúc ấy, anh mới buông tay ông ra và gọi y tá …
> Sau khi bình tĩnh lại, anh lính trẻ quay sang nói với cô y tá:
> “Tôi muốn cho cô biết một sự thật …”
> Cô y tá chỉ tròn xoe mắt:
> “Là sự thật gì vậy?”
> “Tôi không phải con trai của ông ấy… Tôi chưa gặp ông bao giờ cả …”
> Cô y tá đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cô hỏi anh nếu ông lão không phải cha anh vậy tại sao anh lại ở đó suốt đêm và trò chuyện với ông lão.
> Anh mỉm cười hiền từ:
> “Cô biết đấy… ông lão đang rất cần tình yêu của một đứa con trai. Tôi chỉ muốn bù đắp cho ông bằng tấm lòng của mình… Ông ấy già rồi, mà vẫn chưa một lần được gặp lại con mình …Và … tôi cũng mất cha từ khi còn rất bé, lâu rồi tôi không có ai để chia sẻ nhiều như thế …”
> Cô y tá không nén nổi xúc động, thắc mắc điều kỳ diệu gì đã mang anh đến đây. Anh nói đó là một sự tình cờ ngẫu nhiên. Anh đến bệnh viện tìm ông William Grey nào đó để báo tin con ông đã hy sinh ở chiến trường, nhưng duyên phận đã khiến anh có mặt tại căn phòng này …
> Cô y tá nhìn anh run run:
> “Người đàn ông mà anh đã ở cạnh suốt đêm chính là William Grey …”
> Cái đêm đặc biệt ấy đã khiến tâm hồn của ba con người thay đổi hoàn toàn. Ông lão được thỏa mãn nguyện ước cuối cùng của đời mình và có thể thanh thản để về bên kia thế giới.
> Chàng trai trẻ mồ côi cha lần đầu tiên được nắm tay một người để có thể chia sẻ, bộc bạch mọi khó khăn, bước ngoặt cuộc đời mà anh đã cô đơn bước qua.
> Cô y tá được chứng kiến tận mắt một câu chuyện nhân sinh quan rất xúc động có thật trên đời, có lẽ sẽ càng khiến cô trở thành một người chăm sóc nhân hậu, thông cảm và thấu hiểu hơn nữa tình người.
> Trong cõi xa xăm nào đó, hai cha con ông lão hẳn sẽ được đoàn tụ với nhau, và anh lính Hải quân sẽ không phải nuối tiếc vì thiếu hơi ấm của người cha khi còn quá trẻ …
> Một lúc nào đó, giữa dòng đời tấp nập, nếu có ai đó cần bạn thật sự, hãy mở rộng tấm lòng mình như cái cách mà anh lính Hải quân đã làm với ông lão và với cuộc đời mình, để cảm nhận tình người và vị ngọt của sự chia sẻ, đồng cảm. Yêu thương người khác là yêu thương chính mình, bạn sẽ không bao giờ biết được hết giá trị của tình yêu không cần hồi đáp mà bạn cho đi…

Những dấu ấn lịch sử của trường nữ sinh đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội

Trường THCS Trưng Vương

Trường Nữ sinh đầu tiên và duy nhất ở xứ Bắc kỳ năm xưa, nay là Trường THCS Trưng Vương Hà Nội, là một trong số ít những ngôi trường vẫn còn giữ được nét cổ kính và duyên dáng theo lối kiến trúc Pháp ở giữa lòng thủ đô song ít ai biết được đầy đủ những tên gọi, hệ thống dạy-học cũng như những nét riêng biệt khác nữa trong bề dày lịch sử hàng trăm tuổi của ngôi trường.

Nằm trên một nền đất vuông vức ngay ngã tư phố Hàng Bài và phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội (thời Pháp là đại lộ Đồng Khánh và đại lộ Carreau), Trường THCS Trưng Vương được nhiều thế hệ người Hà Nội nói chung và giới học sinh nói riêng tự hào nhắc tới như một ngôi trường nổi tiếng đào tạo nữ sinh Việt Nam và là một trong số ít những ngôi trường vẫn còn giữ được nét cổ kính và duyên dáng theo lối kiến trúc Pháp ở giữa lòng thủ đô. Tuy nhiên ít ai biết được ngôi trường này trước kia có tên gọi là Trường trung học Paul Bert – tên chính danh của trường. Còn các tên gọi khác theo hệ đào tạo là Trường Cao đẳng tiểu học Nam sinh (Trường Con Trai – École des Garçons), Cơ sở giáo dục Nữ sinh người Việt (Institution de Jeunes filles annamites), Trường Sư phạm nữ sinh người Việt (École Normale des Institutrices annamites), Trường Trung học nữ sinh người Việt (Collège de Jeunes filles annamites), hay trường được gọi theo tên phố là Trường Nữ sinh Đồng Khánh (École de Jeunes filles de Đồng Khánh), vì mặt chính nhìn ra đại lộ Đồng Khánh và nhiều nét riêng biệt khác nữa.

Lịch sử tên gọi và kiến trúc
Năm 1886, trường trung học công lập đầu tiên được thành lập ở xứ Bắc kỳ (Tonkin) mang tên Trường Trung học Paul Bert (Collège Paul Bert) dành cho số ít con em người Pháp là quan chức thực dân, sĩ quan, viên chức đầu tiên đến Hà Nội, trường thực hiện dạy hai cấp Tiểu học và Cao đẳng Tiểu học với mô hình tổ hợp trường nam sinh và nữ sinh. Trường Paul Bert tiếp nhận dạy hầu như toàn bộ số học sinh Pháp ở Bắc kỳ. Trước là dạy chương trình tiểu học rồi dạy đón chuyển tiếp chương trình Trung học[1]. Ngôi trường được xây dựng trong những năm 1897-1898, trên thửa đất ở ngã tư đại lộ Đồng Khánh, dài 100 mét và đại lộ Carreau, dài 87 mét, tức phố Hàng Bài và phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội ngày nay[2].

Ngôi trường được thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc cũ, mái ngói một tầng, phần giữa và hai cánh ở hai đầu xây sâu hơn, rộng hơn và lên cao tầng. Bên cánh phải (nhìn từ trường ra cổng) dành cho Giám hiệu và bên cánh trái dành cho các phòng Quản lý trường, chủ yếu theo nguyên tắc đối xứng về xây dựng[3].

Bản vẽ phối cảnh mặt chính của Trường Đồng Khánh năm 1897, phần trán tường, trên cửa vòm ở giữa có đắp nổi chữ “Ecole des Garçons” – Trường học con trai – Ảnh trích xuất từ sách Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội 1875-1945 – Traits d’Architecture, Hanoi à l’heure française.

Theo thiết kế ban đầu, ngôi trường được xây dựng như một tổ hợp trường học nam sinh và nữ sinh. Khu chính nhìn ra đại lộ Đồng Khánh là khu trường học nam sinh nên ngay trên trán tường ở chính giữa, mặt chính có đắp nổi chữ “École des Garçons” – Trường học Nam sinh. Mặt chính ra đại lộ Đồng Khánh có ba cổng mang ba số 26, 28 và 30. Địa chỉ giao dịch chính của trường là số 30, Đại lộ Đồng Khánh, Hà Nội.

Những bước chuyển mình
Năm 1904, Trường Nữ sinh Pháp chuyển sang cơ sở nằm trên phố Thợ Nhuộm (rue des Teinturiers), rồi phát triển thành một trường độc lập dành riêng cho học sinh nữ người Pháp cơ sở ở đại lộ Hai Bà Trưng (boulevard Rollandes). Từ đây Trường Paul Bert (phố Đồng Khánh) chỉ còn học sinh nam nên còn gọi là Trường Nam sinh, hay Trường học con trai. Trường Nam sinh rất nổi tiếng, một số bản đồ thành phố Hà Nội đương thời đã cho ghi vào phần chỉ dẫn là Trường Nam sinh (École des Garçons).

Bản vẽ phối cảnh mặt bên của Trường Đồng Khánh năm 1897 – Ảnh trích xuất từ sách Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội 1875-1945 – Traits d’Architecture, Hanoi à l’heure française.

Năm 1912, Chính quyền Pháp ở Đông Dương có kế hoạch cải tạo Trường Paul Bert trên phố Đồng Khánh và nâng bậc học thành trường Trung học Đông Dương[4] ở Hà Nội. Tuy nhiên, vì địa điểm này quá chật hẹp nên dự án không thực hiện được phải chuyển về xây dựng ở Đại lộ République, nay là phố Hoàng Văn Thụ. Trường Trung học Đông Dương là tên gọi ban đầu của Trường Trung học Albert Sarraut, ngày nay là trụ sở của Ban Đối ngoại và Ban Tổ chức Trung ương Đảng[5].

Năm 1917, theo Nghị định 2229, ký ngày 10/11/1917, chính quyền Pháp mở Cơ sở giáo dục Nữ sinh Việt Nam (Institution de Jeunes Filles Annamites) với hai bậc học Tiểu học và Cao đẳng Tiểu học[6]. Các em được học các môn chính là chữ Quốc ngữ, tiếng Pháp, số học, địa lý, luân lý, phép xã giao, vệ sinh với các cô giáo người Pháp, còn các môn học nữ công gia chánh như quản lý gia đình, may vá, thêu, nấu ăn… với các cô giáo người Việt. Trường nhận học sinh gái bắt đầu từ 8 tuổi.

Việc mở các trường nữ học đòi hỏi phải tuyển giáo viên là nữ để dạy môn tiếng Việt và vệ sinh phụ nữ. Ở Bắc kỳ, nữ giáo viên người Pháp không biết tiếng Việt nên rất khó khăn trong việc chuyển tải kiến thức và nữ giáo viên người Việt thiếu rất nhiều. Thời gian đầu chỉ có ít nữ giáo viên người Pháp và tuyển được một vài cô tốt nghiệp Trường Tiểu học Hàng Cót[7].

Vì những khó khăn về giáo viên, năm 1917, chính quyền Pháp cho mở Cơ sở Đào tạo giáo viên nữ người Việt (École normale d’Institutrices annamites), cơ sở này ban đầu hoạt động song song như một cơ sở phụ trợ cho Cơ sở giáo dục nữ sinh người Việt[8].

Về trường, lớp, năm 1918, chính quyền Pháp cho xây dựng khu trường học nằm trên phố Trần Phú (thời Pháp thuộc là phố Félix Faure), nay là trụ sở của Bộ Tư Pháp dành cho Cơ sở Giáo dục nữ sinh người Việt và Cơ sở Đào tạo nữ giáo viên người Việt của Trường Cao đẳng tiểu học nữ sinh bản xứ.

Trong suốt khoảng chục năm, số học sinh các trường Pháp và trường bản xứ tăng lên, nhu cầu học sinh nội trú cũng tăng, khiến chính quyền Pháp ở Hà Nội cũng phải cho xây dựng, sửa chữa, mở rộng nhiều trường, lớp, phòng ăn, phòng ngủ đáp ứng nhu cầu của cha mẹ học sinh.

Bản vẽ dự án xây mới và mở rộng công trình Trường Đồng Khánh (3/1927) – Ảnh: Lưu tại Trung tâm Lưu trữ số I Nhà nước

ự án xây dựng và mở rộng Trường cao đẳng tiểu học Nam sinh ở phố Đồng Khánh được thực hiện trong những năm 1927-1928. Ngôi nhà chính, phần một tầng được cơi cao thành hai tầng đều để tầng trên làm phòng ngủ cho học sinh nội trú và tầng dưới làm phòng học. Có câu chuyện không vui là khi xây dựng lên cao tầng, sàn gác bê-tông bên trái bị sập đổ ngay khi mới dỡ giàn giáo chống bên dưới, may không xảy tai nạn chết người. Lúc đó, người ta quy cho nguyên nhân sự cố đó là do xi-măng mất phẩm chất và phải làm lại ngay trong năm 1928[9].

Cùng đợt này, Trường Đồng Khánh có xây mới và mở rộng thêm một số hạng mục:

Nhà ăn ở tầng dưới và phòng y tế trên gác ở cánh nhà bên trái, xây tiếp vào ngôi nhà chính kéo dài, dọc theo sân.
Nhà vui chơi và lớp học (hai tầng ở cuối sân).
Các nhà phụ, bếp, nhà tắm, vệ sinh… và nhà liền tường với nhà Giám hiệu.
Ý định ban đầu từ thiết kế là theo nguyên tắc đối xứng trong xây dựng, nhưng sau khi xây mở rộng cánh nhà bên trái dọc theo sân và nhìn ra phố Lý Thường Kiệt để chừa phần sân thoáng rộng, sát cổng bên thì trên thực tế không còn đối xứng nữa.

iờ tan học – Trường Sư phạm Nữ sinh người Việt tại Hà Nội (Ảnh trích từ sách Le Tonkin scolaire, 1931)

Giữa tháng 8 năm 1928, công trình xây dựng và mở rộng ngôi trường này hoàn thành, được bàn giao cho nhà trường để kịp khai giảng ngày 11 tháng 9. Ngay năm học này, các trường Pháp và bản xứ có sự hoán đổi. Trường Cao đẳng Nữ sinh Pháp rời chuyển từ phố Hai Bà Trưng về phố Trần Phú. Trường Trung học Paul Bert (hay Cao đẳng Tiểu học Nam sinh Pháp) rời chuyển từ phố Hàng Bài về ăn, ở, học thế chỗ Trường Cao đẳng nữ sinh Pháp ở phố Hai Bà Trưng[10]. Toàn bộ ngôi trường Paul Bert vừa được xây thêm, mở rộng dành riêng cho Trường Cao đẳng tiểu học nữ sinh người Việt gồm Cơ sở Giáo dục Nữ sinh người Việt và Cơ sở Đào tạo giáo viên Nữ người Việt chuyển từ phố Trần Phú về phố Hàng Bài, theo dự án kiện toàn và chuyển đổi trường, lớp do Nha Học chính Đông Dương tại Hà Nội báo cáo và lập ngày 31 tháng 12 năm 1925.

ơ sở Giáo dục Nữ sinh người Việt (Hà Nội) trong giờ nữ công (Ảnh trích từ sách Le Tonkin scolaire, 1931)

Năm 1937, do chương trình học thay đổi, Trường Cao đẳng Tiểu học Nữ sinh bản xứ ở Đại lộ Đồng Khánh, gồm Cơ sở Giáo dục nữ sinh người Việt và Cơ sở Đào tạo nữ giáo viên người Việt đổi tên, gọi là Trường Trung học Nữ sinh Việt Nam (Collège de Jeunes Filles Annamites), hay Trường Nữ Trung học Đồng Khánh.

Nghị định của Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục, Trích từ Việt Nam dân quốc Công báo, số 6, thứ bảy, 27/10/1945, tr.67.

Năm 1943, Trường nữ Trung học Đồng Khánh sơ tán về Hưng Yên. Đến tháng 10/1945, trường dọn về khu học Hoàng Mai, khu Đại lý Hà Nội.

Ngày 14/2/1946, Bộ Trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe ra Nghị định, số 85 đổi tên những trường trung học tại Bắc Bộ. Theo đó, Trường Nữ Trung học Hà Nội đổi tên gọi là Trường Trung học Hai Bà Trưng[11] (nay là Trường Lê Ngọc Hân, phố Lò Đúc).

Sau tháng 8/1945, cả khu Trường Hàng Bài trở thành trụ sở Tổng trấn Bắc bộ của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa[12].

Đến đầu năm 1948, Cơ sở trường Hàng Bài vẫn chưa được dùng lại làm trường học. Trường Nữ Trung học phải chuyển đến phố Hàng Than (nay là Trường Nguyễn Công Trứ) và đến cuối năm, trường chuyển về cơ sở số 9 phố Hai Bà Trưng (nay là cơ sở của Trung tâm Giáo dục Kỹ thuật tổng hợp số 4, thuộc Sở Giáo dục Hà Nội)[13]. Năm ấy cũng là một mốc thời gian quan trọng, đánh dấu một lần đổi tên mới là Trường Nữ Trung học Trưng Vương[14].

Việc mang tên mới là Trường Nữ Trung học Trưng Vương, hay Trường Nữ sinh Trưng Vương được ghi lại trong những bài viết và hồi ký của nhiều thế hệ nữ học sinh ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn như một dấu ấn đáng nhớ của ngôi trường. Trong bài viết “Ơi em, bắt hồn tôi về đâu…”, hồi ký của một học sinh nam Trường Pétrus Ký ở Sài Gòn tự nhận mình có rất nhiều thiên đàng mơ mộng có viết:

Theo “gia phả”, trường được thành lập từ năm 1925 [??], trên con đường Đồng Khánh, phía nam Hồ Gươm mang tên Trường Nữ trung học (Collège de Jeunes Filles), ngôi trường nữ trung học đầu tiên và duy nhất của nữ giới miền Bắc. Vì nằm ở đường Đồng Khánh nên còn được gọi là Trường Đồng Khánh. Đến năm 1948 trường được chuyển đến đường Hai Bà Trưng (Hà Nội) và đổi tên là Trường Trưng Vương. Năm 1954, một số giáo sư và học sinh di cư vào Sài Gòn và thành lập lại Trường Trưng Vương[15].

Năm học 1950-1951, ngôi trường Hàng Bài bắt đầu được trưng dụng trở lại làm trường học. Tuy vậy, Trường Trung học Trưng Vương chưa về đây khai giảng năm học này mà là Trường Trung học Nguyễn Trãi[16]. Trường Trưng Vương vẫn tiếp tục hoạt động ở số 9, phố Hai Bà Trưng đến năm 1956. Bước vào năm học 1956-1957, Trường Trưng Vương mới chính thức về “nơi cội nguồn” ở phố Hàng Bài sau hơn 10 năm “lưu lạc”.

Những mốc son lịch sử của trường Trưng Vương rất có ý nghĩa với những năm 2016 và 2017:

130 năm: Thành lập Trường Trung học Paul Bert (1886-2016)
120 năm: Ngôi trường Trung học Paul Bert, hay còn gọi là Trường Đồng Khánh được xây dựng trên ngã tư đại lộ Đồng Khánh và đại lộ Carreau (1897-2017).
100 năm: Thành lập Cơ sở Giáo dục Nữ sinh bản xứ và Trường Sư phạm Nữ sinh bản xứ – tiền thân của Trường Nữ sinh Đồng Khánh hay Trường Nữ sinh Trưng Vương (1917-2017), ngày nay là Trường THCS Trưng Vương.
90 năm: Ngôi trường Đồng Khánh được xây mới và nâng cấp từ nhà một tầng thành khu nhà hai tầng có mô hình kiến trúc như hiện nay (1927-2017).
80 năm: Cơ sở Giáo dục Nữ sinh và Trường Sư phạm Nữ sinh của Trường Cao đẳng Tiểu học Nữ sinh Đồng Khánh được đổi tên, gọi chung là Trường Trung học Nữ sinh người Việt (1937-2017).
70 năm: Trường Nữ Trung học đổi tên là Trường Trung học Hai Bà Trưng (năm học 1946-1947)
Năm 1948: Trường đổi tên là Trường Nữ Trung học Trưng Vương.
60 năm: Trường Nữ Trung học Trưng Vương chuyển về “cội nguồn” trên phố Hàng Bài, tức đại lộ Đồng Khánh xưa kia (năm học 1956-1957).
Tác giả: Nguyễn Văn Trường
Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) Hà Nội
Đăng dưới sự đồng ý của tác giả.

*Chú thích:

[1] Le Tonkin scolaire: Un pays d’adaptations pédagogiques originales, Gouvernement général de l’Indochine, Hanoi, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1931, p. 71-72. – Tương đương với bậc Tiểu học và PT cấp II hay TH Cơ sở hiện nay (Hệ thống giáo dục Pháp-Việt và bậc học của các trường sẽ trình bày ở bài viết khác).

[2] Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội 1875-1945 – Traits d’Architecture, Hanoi à l’heure française, Hà Nội, Thế giới, 2009, tr.86-87.

[3] “Phần tiểu dẫn” – Hồ sơ lịch sử kiến trúc, quyển số 100, lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ số I Quốc gia, số 18 phố Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội.

[4] Tương đương cấp III hay PTTH hiện nay (Hệ thống giáo dục Pháp-Việt và bậc học của các trường sẽ trình bày ở bài viết khác).

[5] Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội 1875-1945 – Traits d’Architecture, Hanoi à l’heure française, Hà Nội, Thế giới, 2009, tr.90.

[6] Giáo dục Pháp Việt ở Bắc kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945, Trần Thị Phương Hoa, Hà Nội, 2011.

[7] Trường Hàng Cót tên gọi chính danh là Trường nữ sinh tiểu học Brieux, hay Trường Brieux, nay là Trường THCS Thanh Quan, phố Hàng Cót quận Hoàn Kiếm Hà Nội.

[8] Le Tonkin scolaire: Un pays d’adaptations pédagogiques originales, Gouvernement général de l’Indochine, Hanoi, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1931, p. 45.

[9] “Phần tiểu dẫn” – Hồ sơ lịch sử kiến trúc, quyển số 100, lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ số I Quốc gia, số 18 phố Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội.

[10] Le Tonkin scolaire: Un pays d’adaptations pédagogiques originales, Gouvernement général de l’Indochine, Hanoi, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1931, p. 72.

[11] Theo Việt Nam dân quốc Công báo, số 9, thứ bảy, 2/3/1946, tr.124.

[12] Hồ sơ lịch sử kiến trúc, quyển số 100, lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ số I Nhà nước: Trường Trưng Vương – một trong những trận địa chống Pháp oanh liệt năm 1946,
http://www.nxbhanoi.com.vn/chi_tiet_tin/tabid/204/cateID/4/artilceID/16481/language/vi-VN/Default.aspx

[13] 75 năm mái trường Trưng Vương (Hàng Bài) – 1917-1992, nhiều tác giả, Hà Nội, NM in Thống nhất, 1992, tr.11.

[14] Trẻ, http://baotreonline.com/i-hi-toan-cu-trng-vng/

[15] http://www.trieuthanhweeklymagazine.com/vanchuong/vc1/hontoivedau.html

[16] Ngày 4 tháng 10 năm 1950, Trường Trung học Nguyễn Trãi khai giảng và hoạt động tại cơ sở Trường Hàng Bài, Hà Nội đến hết năm học 1955-1956, ngày nay là Trường PTTH Nguyễn Trãi, quận Ba Đình, Hà Nội.

PHỤ NỮ BẮC NÓI VỀ PHỤ NỮ NAM

(Tác giả Giao Giao Giao)

Ảnh Google

Vào Sài Gòn sống từ 35 năm trước, mình đã thấy rất kinh ngạc, khi nhận ra phụ nữ Sài Gòn sướng hơn phụ nữ miền bắc không biết bao nhiêu mà kể. Nghĩ mãi vẫn chưa hiểu tại sao. Chợ búa, đồ ăn làm sẵn, mọi thứ đều tiện dụng, mua gì cũng có ngay gần nhà, không quá vất vả bữa cơm hay việc nhà, đầu tắt mặt tối ba bữa cơm. Nhà nào cũng có toilet riêng sạch sẽ (dù nghèo) phụ nữ Sài Gòn đa phần giữ bếp núc rất ngăn nắp, chăn màn ga gối văn minh, ai cũng nằm nệm êm không nằm chiếu, không ngủ chung với con, sống chung với cả gia đình đông, lạ nhất là mẹ chồng không bao giờ khăng khăng phải ở với con trai khi con trai lấy vợ. Họ buông tay cho con độc lập có đời sống riêng.

Phụ nữ Sài Gòn rất thích đi ăn tiệm, đi du lịch, họ thích thưởng thức món ăn mới, mặc đồ mới, cởi mở, dám thay đổi, họ không cho rằng cơm nhà mình là nhất, mình là nhất. Họ dễ tính dễ thương, ít chê bai xét nét, so đo về giá như ngoài bắc. Họ mặc đồ xanh đỏ tím vàng quần ngắn, hay hở cả ti ra chả sợ ai nói gì. Dù cùng mức sống, nhưng họ dám sắm máy nước nóng máy lạnh không sợ tốn điện, dù không có vài triệu mua cành hoa đào ngắm ba ngày tết. Họ không sợ chê nghèo, đi xe xấu, họ mặc đẹp đi chiếc xe trông thật ghê, mà vẫn vui.

Phụ nữ Sài Gòn không ôm đồm việc nhà, nhất là không giành lấy mọi thứ trách nhiệm, kiếm tiền dạy con, rồi kiệt sức quên bản thân, họ chăm sóc ngoại hình kể cả người đã có chồng đông con. Phụ nữ nào cũng có bàn trang điểm phấn son, bông tai. Ai cũng có vài cái nhẫn vàng tây; có tí tiền là họ tiêu ngay không cất đi, không để dành, cũng không sắm sửa mấy. Mình nhớ, đã kinh ngạc thế nào khi thấy các cô gái Sài Gòn, chả đi đâu chả tiếp ai, cũng mặc đồ rất đẹp, tô son mỗi sáng, ở ngoài bắc, năm 84, mà lúc nào cũng phấn son xinh đẹp, liền bị gọi ngay là ca-ve.

Họ lười hơn, vụng hơn, nông cạn hơn, có khi nghèo hơn, nhưng tự do hơn, hưởng thụ hơn, độc lập hơn, thẳng thắn hơn. Nhờ thế mà trẻ con cũng đỡ áp lực hơn. Vì các bà mẹ không hy sinh mọi niềm vui cho con cái, họ làm gương cho con mình, sống cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, được tự do là chính mình.

Đặc biệt nhất ở Sài Gòn là phụ nữ cực kỳ tự do cởi mở trong tư tưởng, họ ít chê ai ế hay sợ con mình ế. 35 năm ở đây mình ít thấy ai đánh ghen tàn bạo hay can thiệp đến chuyện cá nhân người khác. Dù ít học, họ cũng ít chấp nhận thói gia trưởng của đàn ông, kiểu như em không được mặc áo hở cổ, không được đi chơi tối, em sao không lo cho chồng con bữa cơm… Họ chiều chồng, nói ngọt, lắng nghe, nhưng không hầu chồng, tuân lệnh chồng, coi chồng là vua chúa.

Phụ nữ Sài Gòn luôn có thói quen dành thời gian cho bản thân, thứ xa xỉ mà phụ nữ miền bắc cho là một sự hoang phí: ăn hàng, làm nail, gội đầu tiệm, mua sắm… Chả ai ở ngoài bắc đi du lịch riêng với bạn bè khi đã có chồng con, du lịch Tết mà không cúng ông bà, quá kinh khủng, họ không thể tưởng tượng ra có loại phụ nữ ích kỷ, xấu xa tệ hại như thế… đời sống ngạt thở mà chỉ khi đi xa rồi trở về ta mới nhận ra mức độ căng thẳng phụ nữ ở đây phải chịu đựng.

Phụ nữ Sài Gòn dù nghèo cũng sướng hơn phụ nữ miền bắc trăm lần, họ không phải đối phó với gia đình chồng, mẹ chồng em chồng khắc nghiệt cay đắng, luôn chì chiết chê bai. Họ không có bố chồng khó tính và cả họ nhà chồng xét nét họ. Không ai nói là “cô may lắm mới lấy được con tôi,” mình nhớ mình đã kinh ngạc đến mức nào, khi nghe các cô con dâu Sài Gòn nói, họ rất yêu quý mẹ chồng thực tâm. Yêu quý chắc vì họ không chung sống với bố mẹ chồng không va chạm cơm nước tiền nong, mỗi năm không bị hàng chục lần nấu cỗ cúng, sấp ngửa lo tết, hay vất vả gì khi làm dâu.

Hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè không ai lên án phán xét cách sống cách ăn mặc, cách chi tiêu hay chuyện riêng tư cá nhân. Đi xe xấu , mặc đồ xấu không bị chê bai khinh thường. Thời tiết ở Sài Gòn cũng không làm cho phụ nữ sầu thảm được lâu, buồn thất tình không thê lương không tuyệt vọng, họ không chịu được khổ lâu nên ít thấy ai ôm hận đàn ông được lâu, họ chóng quên dễ tha thứ, họ sẵn sàng bắt đầu một khởi đầu mới bất cứ khi nào.

Mỗi lần ra bắc nhất là về quê, mình thấy thật bất công, phụ nữ miền bắc khổ vì lo sợ người khác đánh giá mình. Ai cũng có thể phán xét người khác. Bố mẹ can thiệp quá sâu vào chuyện riêng tư, ngăn cấm dọa dẫm, thay vì cảm thông và chia sẻ khi gặp sự cố hay sai lầm. Con gái ế thì bố mẹ nhục nhã, đau khổ, phụ nữ lấy chồng thì cuộc sống của họ quay quanh một ông chồng ba bữa cơm, con cái và việc nhà lấy đi của họ nhiều thứ, phụ nữ lấy chồng xong biến thành người hoàn toàn khác. Sau 40 may ra họ mới có chút thời gian cho riêng mình. À mà chưa xong, già rồi họ còn sợ con cái mất mặt, ly hôn là chuyện nhục nhã. Có bà mẹ 50 tuổi không dám post cái video mình hát với bạn vì con bảo mẹ phải giữ gìn hình ảnh, không được chơi bời hát hò hay tỏ ra vui vẻ sau ly hôn.

35 năm trước mình đã nghĩ hẳn bắc nam Việt Nam là hai quốc gia độc lập, suy nghĩ lối sống đặc biệt khác nhau. Sao cùng là phụ nữ, mà họ khác nhau thế. Sau 35 năm mình thấy phụ nữ miền bắc khác trước nhiều, tuy nhiên họ vẫn khổ hơn, kể cả người giàu, người trí thức, người đẹp. Họ bị ghen ghét chê bai ghen tị nhiều hơn, họ chả được sống hồn nhiên tự do vô tư như phụ nữ Sài Gòn. Có sai lầm gì to mấy cũng được thứ tha rất nhanh… Chả ai nhớ chuyện xấu mấy, toàn khen nhau toàn quý nhau thật lòng thôi. Nghĩ gì là nói thật ra, không phải đau dạ dày vì suy nghĩ rắc rối. Ít ai có tính giận dỗi, nói xấu, ít ai bị bẽ mặt, họ thẳng thắn và đơn giản, ít sĩ diện, ít đao to búa lớn, lại càng ít sợ hãi người khác. Họ thực sự tự do.

Lắm lúc mình chỉ muốn giải phóng phụ nữ miền bắc khỏi chính họ thôi, cho họ được Tự Do – được là chính mình.

Một bác sĩ Biệt Động Quân chẳng giống ai!

Lời bạt: Năm 2015 tôi viết bài này và cố tình không viết về vợ con của Lê Văn Thại. Nhưng sau khi Hắn mỉm cười ra đi, tôi viết bổ sung câu chuyện cho tròn cái nghiệp mà Hắn đã trả xong. Mời quý vị xem đoạn cuối Hắn cưới vợ như thế nào và khúc quanh đời Hắn như cái “nghiệp” phải mang!

Tôi (bên trái) và Hắn năm 1967

Tôi và Hắn cùng quê hương Tam Quan, vùng đất trải dài rộng lớn những rừng dừa và hệ thống sông ngòi chằng chịt! Hắn là cháu nội một phú hộ vùng Cấm An Sơn thuộc xã Hoài Châu; còn tôi thì sanh ra và lớn lên trong thôn Cửu Lợi xã Tam Quan nổi tiếng sản xuất dầu dừa và dây dừa. Ông nội của Hắn là chủ những ruộng vườn cò bay thẳng cánh. Ông nội tôi thì là chủ ghe bầu buôn bán dọc ven biển và các thành phố từ Nam chí Bắc một thời.

Tôi và Hắn cũng cùng chung số phận sống chín năm trong vùng Cộng Sản Liên Khu 5, thời kháng chiến chống Pháp, 1945-1954. Cũng có những tháng năm ngồi học trong các đình chùa bị đục vách phá bàn thờ để làm nhà kho và lớp học… Chung số phận là cháu con nhà địa chủ, sắp có chính sách đem ra tòa án nhân dân đấu tố!

Thế nhưng cuộc đổi đời năm 1954, sau Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, chúng tôi cởi bỏ được lớp bùn đất “Thiếu nhi Bác Hồ”; bắt đầu được học trong các trường công lập, được ca hát tự do! Hắn và tôi sau cùng vào học trường Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn. Hắn nhỏ hơn tôi một tuổi nhưng học trên tôi một lớp. Gia đình Hắn có tiệm bán thuốc tây (Pharmacy), vì thế, vài năm sau, Hắn bỏ trường huyện, vào học Tabert ở Saigon. Thẳng cánh cò bay, xong trung học, Hắn vào trường thuốc. Đến năm 1970, Hắn ra Bác Sĩ và được động viên vào binh chủng Biệt Động Quân (BĐQ).

Còn tôi, đang học Văn Khoa thì bị động viên năm 1967 vào khóa 26 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Năm 1970, lúc đang đóng quân ở Pleiku thì lính vào báo, “Thẩm quyền, có một số sĩ quan BĐQ đi xe Jeep trông dữ dằn lắm, tìm thẩm quyền!”Tôi cũng vừa từ đơn vị tác chiến tiểu khu Bình Định đổi lên vùng đất đỏ chưa được mấy tháng, chưa quen biết nhiều, làm sao có BĐQ là bạn tìm tôi! Trong khóa 26, ra trường có hơn 80 tên về BĐQ, nhưng chưa biết tụi nó ở đơn vị nào. Chưa quyết định thế nào thì đám rằn ri mũ nâu chạy sộc vào văn phòng, “Ê! Dũng Lùn đâu, trình diện thượng cấp!”

Dân mũ nâu rằn ri, đi tới đâu là ồn ào vang trời! Tôi nhìn lên, hóa ra tên dẫn đầu là Bác Sĩ Lê Văn Thại, tên thứ hai là Huỳnh Thọ Huyên, Khóa 26, tên thứ ba là Trần Tấn Đỡm, khóa 26, tên thứ tư là Lâm Đạo Đụng, khóa 26. Tôi bật dậy khỏi ghế như chiếc lò xo, mừng quá, bắt tay từng thằng.

Hóa ra là Hắn – Lê Văn Thại – ra trường nghề thầy thuốc năm 1970, với bảy năm chương trình Bác Sĩ Dân Sự, sau đó được động viên về BĐQ, lên Pleiku chăm sóc Liên Đoàn 2 BĐQ, Y Sỹ Trưởng, đóng hậu cứ ở Biển Hồ.

Cuộc hội ngộ “lính” vô cùng ồn ào và mùi “quân trường” còn thoảng hơi chưa phai! Chúng tôi kéo nhau ra cà phê Dinh Điền nhâm nhi và từng thằng khai “tình trạng quân ngũ,” những gương mặt mới xa, nhưng cứ tưởng không có cơ hội nào gặp lại… Ba thằng Khóa 26 Thủ Đức búng ra sửa, bây giờ trông rất “ngầu.” Bộ quân phục Biệt Động Quân, chiếc mũ nâu đội lệch, phù hiệu… Thằng nào cũng hiên ngang và tự tin! Ba thằng cùng đang phục vụ Liên Đoàn 2 BĐQ. Bác Sĩ Lê Văn Thại, Y Sĩ Trưởng, với bộ vía tác chiến Biệt Động trông rất “lính.” Hồi còn đi học, Hắn rất giỏi võ Bình Định, sở trường Hầu Quyền; vô Sài Gòn học thêm Taekwondo, Hapkido… Mỗi khi Hắn nổi hứng, nắm tay ai bóp nhẹ là người đó la làng… Hắn uống rượu như uống nước, lần nào ngồi với Hắn và mấy trự BĐQ, tôi chỉ là thằng phá mồi!
*
Rồi thời gian trôi! Chiến trường các nơi sôi động. Cánh Biệt Động hành quân rày đây mái đó. “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972, tôi và đơn vị trấn thủ thành phố Pleiku để cho vợ con và dân chúng “di tản”… Sau đó, các đơn vị Biệt Động phải di chuyển xuống giải tỏa Tam Quan Bồng Sơn. Hành quân liên miên… nên tụi tôi ít khi gặp nhau; dù là ở thành phố trấn biên như Pleiku, mệnh danh là “thành phố của lính,” dù hậu cứ của tụi nó ở ngay Biển Hồ!Mỗi thằng mỗi khung trời nhỏ trong guồng máy chiến tranh.
Đã mang danh hiệu là “Biệt Động” thì có khi nào đơn vị được yên tịnh đóng ở một chỗ đâu! Cả “Vùng 2 Quân Khu II” đều là địa bàn in vết giày Biệt Động Quân; có biết bao anh hùng ngã xuống! Cuộc di tản tháng 3 năm 1975 là những ngày Quân Dân Cán Chính Pleiku – Kontum – Phú Bổn không thể nào quên. Tôi được may mắn thoát khỏi cuộc di tản trong gang tất nhờ cái lệnh thuyên chuyển về Đặc Khu Cam Ranh chỉ trước một tháng!

Cánh BĐQ của BS Lê Văn Thại, Huỳnh Thọ Huyên cùng số phận kẹt cứng trong đoàn người và quân trang quân dụng trên Tỉnh Lộ 7b. Mấy thằng Khóa 26, lúc bấy giờ vừa được thăng cấp Đại Uý, đều bị “tóm” ở gần Sông Ba – Phú Bổn! Đại Uý Huỳnh Thọ Huyên cùng chung số phận với đơn vị. Vợ và ba con của Hắn thì lạc mất trong rừng. Vợ của Huyên lạc luôn ba đứa con, một trai 5 tuổi và hai gái, đứa 3 và đứa chưa tròn một năm sanh… Sau này nhờ tìm kiếm, vợ của Huyên tìm được đứa con trai từ một gia đình người Thượng, cháu được nuôi để chăn trâu! Hai cháu nhỏ thì không còn dấu vết! Mấy tay BĐQ, bạn Khóa 26 của tôi bị nhốt ở nhiều nơi, sau rốt nằm ở Z30A Tuy Hòa. Riêng tên Bác Sĩ lì Lê Văn Thại thì thoát được về Sài Gòn.

Cuối tháng 3 năm 1975, từ Cam Ranh tôi về Saigon bằng đường bộ đến Phan Rang rồi đi ghe ở Bình Tuy về Vũng Tàu, vợ con gởi lại phía ngoại ở Ninh Hòa… Tôi và Lê Văn Thại lại gặp nhau, nhậu quên đời. Hai thằng quanh quẩn hũ rượu của ông già tôi ngâm. Rượu thuốc có thêm mùi trái ô môi vừa cay vừa ngọt. Ba tôi thấy hai đứa buồn chán nên cũng thường làm mồi cho hai đứa nhậu đưa cay!

Thê thảm nhất là ngày 30 tháng tư năm 1975. Khu xóm tôi ở trên đường Bà Hạt – Chung Cư Ấn Quang – rần rần người ra đi và rậm rật những đứa mang băng đỏ. Nếu ngày ấy hai đứa ra bến Bạch Đằng thì có lẽ đời sẽ rẽ qua hướng khác. Đàng này, hai đứa ngồi nhìn nhau không nói gì nhưng tay thì cầm ly! Tôi có hơi men, thỉnh thoảng còn bày đặt khóc nhớ vợ con chưa biết ra sao.

Cho đến một ngày cuối tháng 5, 1975, Ba tôi làm cơm đãi hai đứa ngày mai “Trình Diện Học Tập” 10 ngày bằng một chai rượu tây đem về từ Embassy Hotel. Lúc nâng ly, Lê Văn Thại đặt tên cuộc nhậu này là: “Đăng Trình Tửu.” Hôm sau, hai đứa xách bị áo quần và cái mền mỏng, đem theo tiền ăn mười ngày, mấy bao thuốc lá, đôi dép Nhật hai quai… Hai đứa hý ha hí hửng “trình diện” tại trường Petrus Ký. “Học tập 10 ngày” thì nhằm nhò gì! Ông hàng xóm nói với tụi tôi khi thấy hai đứa khăn gói gõ cửa nhà ông chào từ giã!

Tôi làm ra vẻ sành đường đi nước bước trong trường, dắt Lê Văn Thại lên lầu bên trái, chỉ vào lớp gần cuối, “ Tao mài quần chưa rách trong phòng này!” Thế là hai đứa tôi và mấy chục người trải nilon nằm dưới sàn. Có thằng leo nằm trên bàn học trò. Tôi tìm chỗ ngồi năm xưa, phía dưới hộc, quả nhiên còn tên của mình đã khắc bằng dao!

Ở “khách Sạn” Petrus Ký, ăn cơm ngày ba bữa do các nhà hàng nổi tiếng ở Chợ Lớn cung cấp… Mọi người hý ha hý hững cho rằng “Cách Mạng” đối đãi “Kẻ Đầu Hàng” sao mà tử tế quá!

Nửa đêm, sau mấy ngày nằm chờ đợi “việc gì sẽ xảy ra,” chúng tôi được gọi tên từng thằng, sắp hàng một, ôm hành lý leo lên xe bịt bùng đang đậu hàng dài trước cổng trường. Cứ hai mươi thằng leo lên, trên xe có sẵn hai chú nhóc bộ đội gườm súng bên hông. Xe phủ bạt kín mít, xe chạy rần rật trên các đường trong thành phố, chẳng ai biết nó về hường nào mà đoán!

Hai chú nhóc tì mặt hầm hầm, luôn gườm súng hăm doạ, “Không được nhìn ra ngoài, không được ồn ào nhúc nhích…” Xe chạy miết đến xế chiều, chúng tôi được phát lương khô “made in China.” Cuối cùng rồi cũng đến nơi, xe ngừng trong một trại lính của VNCH gần núi Bà Đen, Trảng Lớn Tây Ninh! Doanh Trại này, không biết trước kia làm gì mà có những gian trống trơn, chỉ có sàn xi măng quá to, quá dài, rất nhiều căn trại như thế chứa chúng tôi. Cứ hai chục thằng là một B, “cán Bộ” chỉ định B Trưởng, chia nhau trải chiếu hay bao nilon nằm san sát bên nhau cho có hơi ấm! Cứ thế ở đó tự phân chia nấu ăn, tự biên tự diễn. Nếu có đứa nào bịnh thì “Bác Sĩ Cách Mạng” đến khám và bôi dầu cù là, chứ không có thuốc gì hết!

BS Lê Văn Thại tìm được trong đám đông thêm bạn. Đó là BS Lê Văn Một, người miền Nam, râu quai nón. Hai tên Bác Sĩ bắt đầu ngứa nghề. Trong đám ngàn người ngủ giống như ngoài trời suốt hai ba tháng trời, chuyện bệnh hoạn xức dầu cù là… được chúng tôi âm thầm chuyển qua “Bệnh Viện Một- Thại.” Hai tên này kể cũng mát tay nên ít khi phải gọi Bác Sĩ “Dầu Cù Là”!

Nhưng khi “biên chế,” một số về trại lính Sư Đoàn 18 ở Long Khánh, B19 của tôi, B20 có Thại và Một, đều xách gói lên xe. Ở trại mới một thời gian, đang “được lên lớp” bài đầu tiên: “Ba Dòng Thác Cách Mạng” của Lê Duẫn thì có bốn thằng trốn trại trong đêm. Hai ngày sau thì tụi nó bị bắt , trong túi xách có một số thuốc tây, chúng khai là của BS Lê Văn Thại cho!

Thế là nửa đêm, rần rật súng ống và cả đám đông bộ đội bao vây nơi BS Thại nằm, lôi hắn xuống sàn, còng số tám, đọc lệnh nhốt vào co néc (conex) – Khung sắt này hình khối vuông, trước kia “Xâm Lược Mỹ” dùng loại này chở quân trang quân dụng, chuyên chở từ Hoa Kỳ bằng tàu thuỷ cung cấp cho chiến trường… Hắn bị thẩm vấn và nhốt vào cái khung sắt “kiên cố” đó bằng một khóa bự! Trời Long Khánh nắng đổ lửa, mà ngồi trong cái thùng sắt dày, không có lỗ thông hơi, bị khóa trái, ăn ngủ, tiêu tiểu một chỗ… Do Bác Sĩ Lê Văn Một được “đặc trách” chăm sóc. Chúng tôi cứ tưởng chừng mấy ngày là Hắn chết khô! Thế mà nhờ ngồi thiền, Hắn không chết.

Mấy tháng sau đó, một buổi trưa hè nóng gắt, kho đạn kế bên trại giam chúng tôi không biết sao phát nổ. Toàn bộ bom, hoả tiển, đạn 81 ly, 60 ly, M79 không những nổ mà còn bay đầy trời! Vụ nổ kéo dài đến tối. Trong trại chết một ít nhưng bị thương thì hơi nhiều. Ngoài dân chúng, những trái hỏa tiễn bay xa làm sập nhà và chết nhiều hơn chúng tôi. Vòng thiệt hại ở xa trung tâm nổ, nhiều hơn vòng trong gần với kho đạn!

Trong lúc kho đạn nổ bay đầy trời, mấy anh chàng nhát gan nhảy xuống các hố hay giếng khô trốn thì đạn lại rơi vào chết thảm. Những thằng sợ quá mất khôn lấy đôi guốc gổ che lên đầu đi lửng lơ như người điên, thế mà chẳng sao. Có thằng lấy miếng carton che đầu… Riêng BS Lê Văn Thại an toàn ngồi trong khung sắt nghe tiếng nổ bên ngoài. Còn tôi chui vào một cái lỗ trong đống gạch, hai chân lòi ra ngoài chịu trận!

Sau vụ nổ, một thời gian ngắn, chúng tôi được leo lên xe đến “Khu gia binh” ở Long Giao. Lê Văn Thại được “tháo củi sổ lồng” lên xe cùng chúng tôi. Hắn vốn đã là người ốm cao lêu nghêu, bấy giờ xác xơ đi không muốn nổi. Hồi còn sinh viên, tôi đặt tên Hắn là “Khô trúc Đại Sư”!

Hai đứa ở Long Giao một thời gian ngắn thì tôi “được thuyên thuyển” ra Bắc trên con tàu chở xi măng, để nổi trôi Hoàng Liên Sơn, Lao Cay, Yên Báy, Vĩnh Phú… Còn Hắn, “được tha về” vì có cái made in Bác Sĩ! Làm việc dưới quyền các Bác Sĩ vốn xuất thân từ trường thuốc “Dầu Cù Là”. ..
*
Tôi được “Cách Mạng khoan hồng” lệnh tha về từ trại tù K2 Tân lập Vĩnh Phú, phải mất 10 ngày từ nhà tù, vượt qua con sông Đà, ngồi tàu lửa chen lấn, từ ga Ấm Thượng về Hà Nội và con tàu suốt xuyên Việt. Về đến Sài Gòn thì mới hay là ông nội tôi đã qua đời 10 ngày trước, vì nghe tin tôi được ra tù, mừng quá lên máu đứng tim! Bước vào nhà cha mẹ tôi, Ba tôi chờ bên bàn thờ chít khăn tang cho thằng cháu đích tôn. Bác Sĩ Lê Văn Thại cũng có mặt.

Hắn kể lể một loạt từ khi hai đứa xa nhau. Lúc Ông Nội tôi bị đứng tim thì có Hắn đưa cấp cứu nhà thương Chợ Rẫy và ẵm xác ông nội tôi về lại nhà. Hắn thay tôi trực lo chôn cất, sát cánh với gia đình thằng bạn còn trong tù ngục.

Mấy tháng sau Hắn dẫn đến nhà một cô gái trẻ đẹp, có duyên và nói tiếng Bắc Kỳ ngọt xớt giọng Hà Nội. Hắn giới thiệu tên cô là Dung đang làm Nữ Ý Tá ở Bệnh Viện Chợ Rẫy. Ba tôi xách một chai đế ngâm thuốc và má tôi thì xào đĩa thịt bò hành tây đãi khách. Dung uống rượu cũng rất là tâm đắc với Thại. Tôi ngồi chuốc rượu mà ngạc nhiên là Hắn tìm đâu ra kỳ phùng địch thủ…

Một năm sau thì Hắn mời vợ chồng tôi mừng đám cưới Hắn với Dung. Năm đó Hắn 40 tuổi, là Bác Sĩ mà hàm răng cái mất cái còn trông tội nghiệp. Cô Dung y tá năm đó 25 xuân xanh! Một trời thơ mộng hạnh phúc mở ra cho thằng bạn tôi. Đám cưới ngoài vườn cây của ba mẹ Hắn trên Phú Lâm. Ngồi dưới tàng cây nhậu là hết ý.

Tôi nỗi hứng đứng lên trước hàng bao nhiêu Bác Sĩ, bạn bè tứ phương tụ tập vui chuyện chúc mừng. Tôi ra câu đối chúc mừng tân Lang và tân Giai nhân. Vế đầu tôi đọc lên: “Bốn mươi tuổi tròn, răng không còn, Thầy Lang cưới vợ!” Nếu ai đối hợp ý thì được toàn thể cử tọa vỗ tay và cụng ly với một chai rượu tây chính cống!

Thế là một không khí ồn ào náo nhiệt bàn tán về ý của câu đối và rất nhiều tài danh viết nạp câu đối. Cuối cùng một anh bạn, nay đã quy tiên, có câu đối như thế này: “Hai mươi tuổi lẽ, vẫn còn trẻ, Y Tá vu quy” Câu đối được chấm xuất sắc!

Tôi và gia đình không được nhập cư Sài Gòn với cha mẹ, tuy trước năm 1975 chúng tôi có tên trong hộ khẩu. Vì thế nên chúng tôi phải đi vùng “Kinh Tế Mới” ở Đồng Nai. Thời gian này Thại làm việc tại Bệnh Viện “Bệnh Nhiệt Đới” Chợ Quán. Cha Mẹ vợ Thại có con ở Hoa Kỳ đang làm bảo lãnh cho toàn thể gia quyến sang Mỹ. Lê Văn Thại lúc đó đã có được một con gái kháu khỉnh dễ thương tên Ngọc. Hắn không muốn ra đi “tùy theo quê vợ” nên cứ dùng dằng “em chả”! Nhưng cuối cùng thì cũng phải vì tương lai con gái mà “theo em xuống thuyền.”

Về phần tôi, năm 1990, cả gia đình tôi được giải thoát theo HO3 tháng 7 năm 1990 và định cư ở Nam Cali. Gia đình Thại, vì không đủ ba năm ở tù nên được đoàn tụ với đại gia đình vợ, định cư tiểu bang Oregon! Hắn quyết tâm học và quyết tâm lấy cho được bằng Bác Sĩ ở Hoa Kỳ, dù Hắn lúc đó đã lớn tuổi và sau năm 1990 thì chuyện học lấy BS rất khó! Vì nhiều lý do mà Hắn không thể theo học nghề thầy thuốc sau hai năm gắng sức! Trước kia Hắn học trường Pháp, bảy năm mài quần trong Y Khoa Đại Học Sài Gòn, đậu bằng Bác Sĩ theo chương trình Pháp ở VN. Qua Hoa Kỳ hóa ra Hắn trở thành một tên “lộn chuồng”!

Lúc Hắn than là học khó quá, tôi khuyên Hắn, “Mầy bỏ ý định thành BS ở đây, mầy mở võ đường dạy võ Bình Định, Thiếu Lâm hoặc cùng với BS Phạm Gia Cổn dạy võ Hàn Quốc thì tốt hơn.” Hằn mỉm cười làm thinh tiếp tục hành hạ thân xác vì sĩ diện (?!).

Chính vì thế mà Hắn chán đời, chán vợ, chán con… lặn sâu qua tiểu bang Delaware với mấy bạn Biệt Động Quân chán đời, cùng ở dưới hầm nhà hơn tám chín năm trời để săn bắn và nhìn trời chiều bãng lãng! Hắn chỉ sống với bạn bè BĐQ là chí cốt. Theo BĐQ Đỉnh Đầu Bạc, thì hầu hết cánh BĐQ đều thương mến Hắn kể cả Tướng Tất, vị Tướng cấp trên của Hắn. Phe Thầy thuốc thì hình như Hắn chỉ còn liên lạc với BS Phạm Gia Cổn.

Khi con gái Hắn đậu bằng Bác Sĩ, hắn lên tinh thần và về lại Cali ở với con gái. Bác Sĩ Ngọc rất có hiếu và chăm sóc tận tình, chiều chuộng ông cha già ương ngạnh! Nhưng cô Bác Sĩ trẻ dễ thương này lại thường xuyên ở nhà thương hơn về nhà!

Tháng 3 năm 2019, Hắn được xe cấp cứu ò e, chở vào Fountain Valley nằm đã gần 10 ngày. Tôi vào thăm, Hắn nhìn tôi cười đểu, “Ê Lùn! Sao không xách theo chai nào mà đi không vậy?” Cầu mong Hắn chóng qua cơn “bệnh viện,” tôi sẽ nói với bà xã đúc bánh xèo “dõ” (chỉ có bột gạo) kiểu Tam Quan, hắn rất thích, chấm với mắm nêm; đãi Hắn một bữa với vài ly xoay chừng! Bây giờ Hắn cũng không còn uống được mấy ly, nhưng gà vẫn còn nhớ tiếng “gáy” một thời vang bóng!

Sau ba năm ở với con gái tối ngày đi trực bệnh viện vì dịch Covid-19 và là Bác Sĩ chuyên khoa, con gái Hắn ít khi ở nhà với Hắn. Nơi ở của hắn và con gái xa Westminster hai giờ lái xe trên xa lộ, chung quanh rất ít người Việt Nam sinh sống. Hắn không dùng Iphone (chỉ sử dụng phôn cầm tay kiểu hồi thời năm 2000), không chơi internet, không email, không lấy bằng lái xe… Bao năm tháng ở cái xứ Hoa Kỳ này mà như Hắn thì có phải chính Hắn tự hủy hoại mình và hành hạ thân xác dẫn đến chỉ một đường… tự giải thoát!

Được vợ Hắn báo tin Hắn đã được thoát xác ngày 3 tháng 3 năm 2022, tôi đang lái xe, phải dừng lại bên lề đường vì xúc động. Bây giờ Hắn nằm xuống, con gái Hắn không thể làm gì hơn là ngồi khóc, vợ Hắn thì đã sang ngang từ bao nhiêu năm rồi. Nhưng phút cuối cùng Hắn cũng được gục chết bên vợ con với những lời trăn trối sau cùng nhắn với bạn bè chào vĩnh biệt!

Một người tài hoa không giống ai, một Bác Sĩ không giống ai, một người bạn mà mọi người đều cảm mến! Hắn là Lê Văn Thại!
(Tháng 3 năm 2022)
LETAMANH

Cuộc Chiến Đấu Bi Hùng Của Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu (Đào Vũ Anh Hùng)

Bài ca biệt ly của quân lực VNCH được diễn tả bằng những hành động, những trận đánh ngoạn mục của người lính VNCH trong trận thư hùng với các binh đoàn Cộng Sản lần cuối vào những giờ phút hấp hối của miền Nam. Đó là những trận đánh cực cùng dũng cảm, bi thương, hùng tráng và tuyệt vọng, trước sự chứng kiến của cả trăm ký giả, phóng viên ngoại quốc, những nhà ngoại giao, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu quân sử…

Đó là Thiên Anh Hùng Ca bất khuất của một quân lực trong suốt hơn hai mươi năm chống giữ và bảo vệ cái tiền đồn của thế giới tự do trước làn sóng xâm lăng cộng sản. Thiên anh hùng ca bất hủ đã được nhiều nhân chứng tôn vinh và ngưỡng phục. Sau cuộc tan hoang, miền Nam Viêt Nam bị mất về tay CS, nhiều người đã công khai nói lên lòng cảm phục cùng sự thương tiếc cho một quân lực hùng mạnh và quả cảm đã gánh chịu một kết thúc đau thương, ngập tràn uất hận.

Ký giả Peter Kahn của đại nhật báo The Wall Street Journal, dưới cái tựa “Truy Điệu Nam Việt Nam” ngày 2-5-75, nghĩa là hai ngày sau khi Sài Gòn sụp đổ đã ngậm ngùi kết luận: “Nam Việt Nam đã chống cự hữu hiệu trong 25 năm và không phải họ luôn luôn được người Mỹ giúp đỡ. Tôi nghĩ không có quốc gia nào có thể chịu đựng được một cuộc chiến dai dẳng và tàn khốc đến như vậy… Rốt cuộc quân lực ấy đã tài giỏi hơn sự ước lượng của mọi người.

David Halberstam, một ký giả Mỹ đầy thiên lệch khi nhận định về chiến tranh Việt Nam, nhưng khi chứng kiến sự sụp đổ của miền Nam thì cũng phải phẫn nộ thú nhận trên tờ Newsweek, “Tất cả những sự thất bại lịch sử và những sự hèn nhát tồi tệ của biết bao nhà lãnh đạo Tây phương đều chồng chất lên lưng những người lính Nam Việt Nam… Thật là bất lương và bất công! Sự nhục nhã là của chúng ta chứ KHÔNG PHẢI LÀ CỦA QUÂN ĐỘI VNCH!”

Hầu hết các phóng viên báo chí, các ký giả ngoại quốc trước đây từng công khai bênh vực và nghiêng hẳn về phe VC, đã phản tỉnh đã xám hối khi chứng kiến cuộc kháng cự dũng mãnh, hào hùng và bi thảm của những đơn vị quân đội ở lại chiến đấu cho đến người lính cuối cùng, đến giọt máu cuối cùng. Piere Darcourt đã nồng nhiệt ca tụng lòng dũng cảm của quân lực VNCH ở Xuân Lộc, của một đơn vị Nhảy Dù ở Lăng Cha Cả, của anh em Biệt Kích 81 ở Bộ Tổng Tham Mưu và dành sẵn một đoạn dài mô tả cuộc chống trả hiên ngang của các Sinh Viên trường Võ Bị Đà Lạt trên các đường phố Sài Gòn. Người ta đã nói rất nhiều đến những tấm gương tuẫn tiết của các vị Tướng anh hùng, những cuộc tự sát tập thể của những người lính vô danh VNCH không chịu đầu hàng kẻ thù, nói đến những kỳ tích chiến đấu của những đơn vị Quân Lực miền Nam.

Một trong những trận đánh anh hùng ấy đã làm mủi lòng biết bao nhiêu người, đã gây xúc động biết bao nhiêu con tim. Những giòng nước mắt đã dàn dụa đổ xuống khi chứng kiến cuộc chống trả tuyệt vời và ngoạn mục có thể nói trên thế giới, không một quân sử nước nào có thể có được.

Đó là cuộc chống trả của các THIẾU SINH QUÂN ở Vũng Tàu trong đêm 29 và gần trọn ngày 30-4-75, khi cộng quân xâm nhập và chiếm đóng các vị trí trọng yếu trong Thị Xã.

Vũng Tàu coi như bỏ ngỏ và rơi vào tay cộng quân. Ngoại trừ một cứ điểm duy nhất còn chống cự do những thiếu niên tuổi 12, 13… đến 17 tự lập phòng tuyến quyết tâm tử thủ. Cứ điểm đó là trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu và những chiến sỹ gan dạ anh hùng đó là những thiếu sinh măng trẻ của trường.

Địch đã tung hai tiểu đoàn xung kích bao vây cứ điểm cuối cùng này nhưng chúng đã gặp phải một lực lượng vũ trang đáng kể hiên ngang đương đầu với chúng. Cộng sản đã coi thường những chú lính sữa chưa bao giờ biết mùi trận mạc. Chúng bắt loa kêu gọi các em đầu hàng và buông lời hăm doạ… Tiếng loa vừa dứt, Viêt Cộng nhận ngay một tràng đại liên thay cho câu trả lời, gọn gàng và cương quyết của gần 700 tay súng tí hon. Tiếp theo là hàng trăm mũi súng nhắm thẳng vào bọn VC bên ngoài, phẫn nộ lảy cò. Vài tên Bộ Đội bị đốn ngã ngay trong loạt đạn đầu tiên. Bọn Việt Cộng phải đứng khựng lại trước tinh thần quyết tử cuả 700 hậu duệ anh hùng Trần Quốc Toản. Chúng không giám tấn công ngay vì các em quá nhỏ và vì có sự hiện diện của đồng bào.

Chúng lui ra xa tránh đạn, bắc loa ra lệnh các em phải đầu hàng đúng 9:30 sáng hôm sau, ngày 30 tháng Tư.

Mặc VC kêu gọi và đe doạ, Thiếu Sinh Quân vẫn kiên trì tử thủ, khiêng chướng ngại vật làm lũy phòng ngự, tổ chức giao liên, tiếp tế đạn dược, nước uống và lương khô, cứu thương và cứu hoả… Anh lớn chỉ huy các em nhỏ, áp dụng tuyệt vời những bài học quân sự và kỹ thuật tác chiến đã được giảng dậy ở quân trường.

Đúng 9:30 sáng ngày 30-4. Cộng quân ra lệnh gọi đầu hàng lần chót nhưng các chiến sỹ tí hon vẫn kiên quyết kháng cự, trả lời chúng bằng những loạt đạn dữ dội hơn.

VC nổi cơn khát máu. Chúng khai hoả, mở cuộc tấn công ào ạt mong giải quyết chiến trường nhanh chóng. Nhưng chúng phải lập tức dội ngược lại, không ngờ sức chống cự quá mãnh liệt và hoả lực từ bên trong bắn ra vô cùng chính xác vào những bia sống, những cái bia người “SINH BẮC TỬ NAM”. Các em chưa bao giờ được bắn, nay đã bắn với tất cả căm thù, mong dành lại những gì sắp bị cướp mất.

Thiếu Sinh Quân có đầy đủ vũ khí cá nhân và vũ khí cộng đồng. Ngoài ra còn có lợi điểm là các công sự trong trường, vừa đánh vừa di chuyển, ẩn núp, trong khi bộ đội VC lớ ngớ như bầy chuột chù ra ngoài ánh sáng. Lại có những thanh thiếu niên và Quân Nhân vỡ ngũ bên ngoài hào hứng và kích động, tìm cách lẻn vào tăng cường tay súng, nhập cuộc cùng các Thiếu Sinh Quân chiến đấu ngay trong sân trường, đột kích, đánh bọc hậu bọn bộ đội khiến chúng nao núng và hốt hoảng.

VC đã bắn sập một khoảng tường nhưng không thể nào vượt qua được lưới đạn của các chiến sỹ nhỏ tuổi nhưng can trường. Các em đã chiến đấu thật gan dạ, nhanh nhẹn, khôn ngoan, phối hợp nhịp nhàng và KỶ LUẬT như những đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến nhà nghề.

Đây là trận đánh thực sự đầu tiên và cũng là trận đánh cuối cùng của các em còn đang giở khoá học. Trận đánh QUYẾT TỬ đã đi vào lịch sử.

Các Thiếu Sinh Quân đã chiến đấu không nao núng dù có nhiều em ngã gục. Những đứa con bé bỏng của quê hương đã chết trong giờ phút cuối cùng của miền Nam, khi tóc còn xanh, mộng đời chưa trọn. Đồng bào chứng kiến cảnh bi thương này đã oà lên khóc. Có những bà mẹ kêu gào, lăn xả vào cản ngăn họng súng bọn bộ đội để che chở cho những thiếu niên ở bên trong.

Tiếng nổ, tiếng hò hét, tiếng kêu khóc, tiếng loa uy hiếp của VC đã tạo nên một không khí chiến trường lạ lùng chưa từng thấy… Các Thiếu Sinh Quân chiến đấu với tất cả nhiệt tình và sinh lực của tuổi trẻ hăng say hào hứng như đang tham dự một trò chơi lớn.

Cuộc chống cự kéo dài đến 3:00 chiều. Cho đến khi kho đạn dược đã cạn và kho lương thực bị bốc cháy, các Thiếu Sinh Quân mới bằng lòng cho VC thương thảo. Họ đòi hỏi VC chấp nhận một giờ ngưng bắn, sau đó sẽ buông súng và mở cổng…

Và các em đã dùng một giờ ngưng bắn để thu dọn chiến trường, săn sóc đồng đội bị thương, gói liệm thi hài những vị tiểu anh hùng đã gục ngã, và chuẩn bị làm lễ hạ kỳ. Họ KHÔNG ĐỂ CHO BỌN CS làm nhục lá cờ VÀNG BA SỌC ĐỎ, lá cờ biểu tượng thiêng liêng gói ủ hồn dân tộc mà họ đã thề nguyền PHẢI THƯƠNG YÊU và BẢO VỆ.

Có chừng hơn một Trung Đội TSQ đã tập họp trước sân cờ, đứng trang nghiêm và thành kính nhìn lên lá Quốc Kỳ còn nguyên vẹn màu tươi thắm bay phất phới trên nền mây ngọc bích. Hai TSQ lớp 12 là Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Chung bước tới, đứng nghiêm trước kỳ đài theo lễ nghi quân cách, dơ tay chào. Họ từ từ nắm từng nấc giây, cho lá cờ hạ xuống thật chậm và từ tốn như cố kéo dài giây phút thiêng liêng cảm động này, nước mắt đầm đìa.

Tất cả TSQ từ trong các tầng lầu, từ các hố cá nhân, các giao thông hào, sau những gốc cây, bờ tường, sau những mái nhà…., không ai bảo ai, đồng loạt đứng bật dậy đồng thanh cất tiếng hát bài quốc ca.

Gần 700 giọng hát hùng tráng cát lên, vang khắp sân trường. Bọn bộ đội nghe, ngơ ngác không phản ứng. Tiếng hát phủ tràn trên tuyến địch vang đến tận bến Dâu, bến Đình… Mọi người dân Vũng Tàu đã đều nghe và rung động. Tiếng hát bay ra biển khơi, bay lên trời cao, âm thanh lồng lộng theo gió chiều, đất trời cùng ngẩn ngơ rớm lệ theo tiếng hát.

Các Thiếu Sinh Quân đã làm lễ mai táng đất nước, đã TRANG NGHIÊM RỬA SẠCH tấm bia DANH DỰ của Quân Đội VNCH, đã vuốt mắt cho Mẹ Việt Nam yên nghỉ qua lễ hạ kỳ lần cuối chỉ một không hai này. Họ hát bằng tiếng nấc thê lương và phẫn uất từ sâu thẳm trái tim, với những nghẹn ngào cùng dàn dụa của nước mắt. Đồng bào cùng thổn thức thương tủi và thổn thức hát theo.

Thời gian như ngưng đọng lại trong giờ khắc thiêng liêng và bi thảm, xúc động cùng lẫm liệt đó.

Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn nghe văng vẳng trong sâu kín của buồng tim đã thắt nghẹn, tiếng bi thương hùng tráng của các Thiếu Sinh Quân hát bài Quốc Ca trên đất nước, trong ngày cuối cùng của Tháng Tư Đen, ngày oan khiên định mệnh cho dân tộc Việt.

Người phụ nữ Việt Nam làm gián điệp hai mang

1*. Câu chuyện mở đầu

Trong cuốn Ngàn Giọt Lệ Rơi (A Thousand Tears Falling), bà Đặng Mỹ Dung thuật lại cuộc đời và công tác gián điệp của bà.

Bà là người con thứ tư trong gia đình 7 anh chị em, 5 gái, 2 trai. Người cha tên Đặng Văn Quang, sau đổi thành Đặng Quang Minh. Bà mẹ tên Trần Thị Phàm. Người cha, Đặng Quang Minh, là cán bộ cao cấp của Việt Cộng, đã từng làm đại sứ của “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam” ở Liên Xô và một số nước Cộng Sản Đông Âu.

– Sau Hiệp định Genève 1954, Đặng Quang Minh và con trai đầu lòng là Đặng Văn Khôi tập kết ra Bắc. Bà mẹ và các con nhất định không đi tập kết vì không ưa chế độ Cộng Sản. Ông Minh không muốn làm áp lực mạnh, vì tin tưởng rằng hai năm sau sẽ trở về đoàn tụ gia đình.

Sau khi học hết chương trình trung học ở trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ, năm 18 tuổi, Mỹ Dung nhận được việc làm ở phòng Tâm lý chiến thuộc Quân đoàn 4, Cần Thơ..

Bà Đặng Mỹ Dung (Yung Krall)

Bà mẹ bán tiệm may, cùng với mấy chị em dọn về Sài Gòn.

Ở Sài Gòn, Mỹ Dung được thu nhận vào làm việc tại Trung tâm BOQ (Bachelor Officers’ Quarter). Ở đây bà gặp và thương yêu nhau với Trung úy Hải Quân John James Krall, tình báo Hải Quân Hoa Kỳ. Sau vụ tấn công Tết Mậu thân 1968, cả hai về Mỹ, và làm đám cưới tại Monterey, California. Dung được đổi thành Yung và lấy họ của chồng là Krall. Cái tên Yung Krall từ đó.

Năm 1975, John J. Krall chuyển về làm việc ở Hạm đội Thái Bình Dương, do Đề đốc Gaylor làm Tư lịnh.

Yung Krall xuất sắc trong vai trò gián điệp đôi, đã phá vỡ hai ổ gián điệp Việt Cộng ở Hoa Kỳ và Pháp.

Trong tựa đề của cuốn “Ngàn Giọt Lệ Rơi”, cựu Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ,  Griffin Boyette Bell đã viết: “Yung Krall đúng là một công dân Hoa Kỳ vĩ đại. Tôi nhiệt liệt tán dương sự nghiệp của cô đối với đất nước chúng ta”.

2*. Tình nguyện làm gián điệp để di tản gia đình.

Bất ngờ vào một buổi sáng, Yung Krall nhận một cú điện thoại từ Paris của một người Pháp, xưng tên Jean Sagan, bạn thân của cha bà là Đặng Quang Minh, báo tin Miền Nam VN sắp sụp đổ, và hối thúc Yung Krall di tản gấp mẹ và em ra khỏi nước. Yung Krall sực nhớ lại 3 năm trước, có nhận được, cũng của kẻ trung gian bí mật này, một bao thơ (không ghi tên người gởi), cũng từ Pháp, chuyển một số hình của Đại sứ Đặng Quang Minh chụp ở Hà Nội chung với Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh.

Chồng của Mỹ Dung là Thiếu tá John J. Krall xin nghỉ phép 30 ngày, tức tốc bay về Việt Nam, vận động với Sứ quán Hoa Kỳ để đưa mẹ vợ và em vợ được sang Mỹ.

Theo nguyên tắc, chuyến đi nầy bất hợp pháp, vì Bộ Quốc phòng Mỹ cấm sĩ quan tự ý đến Việt Nam, nếu không có công vụ lịnh của cấp chỉ huy.

Việc nầy làm cho Yung Krall lo âu, không biết việc gì có thể xảy ra cho chồng và gia đình ở Việt Nam. Bà liền nghĩ ra một ý kiến táo bạo, là điện thoại cầu cứu thẳng cho Đề đốc Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương.

Sau một thời gian chờ đợi, khó khăn, Mỹ Dung được nói chuyện với Đề đốc. Bà cho biết chức vụ của cha ba` trong chính quyền Việt Cộng, đồng thời cho biết những nguy cơ của mẹ, kể cả nội dung cuộc điện đàm với người Pháp tên Jean Sagan, về nguy cơ sụp đổ của chính quyền miền Nam. 

Đề đốc Gaylor liền cho Thiếu tá Hải Quân Dave Smith tiếp xúc với bà để lấy thêm những chi tiết cần thiết. Trong cuộc gặp gỡ nầy, để được chắc ăn, Mỹ Dung cho biết, bà sẽ tình nguyện phục vụ chính phủ Hoa Kỳ khi nào cần đến.

Tình nguyện của bà có hiệu quả nhanh chóng. Không đầy 24 giờ sau, một nhân viên CIA, mặc thường phục, tên Bob Jantzen đến tận nhà bà, sốt sắng ghi đầy đủ lý lịch của thân nhân bà ở Việt Nam. Bob cũng hứa sẽ thông báo cho Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, cho biết John Krall đang ở Việt Nam.

Tham vụ Ngoại giao của Sứ quán Mỹ ở Việt Nam là Grant Ichikawa liên lạc được với chồng bà để sắp xếp mọi việc cho thân nhân của bà. Ngày 10-4-1975, John Krall về Mỹ trước. Vài hôm sau, mẹ và em của bà đến phi trường Honolulu, Hawaii.

Tháng 6 năm 1975, Bob Jantzen cho Mỹ Dung gặp sĩ quan phụ trách công tác là Robert Hall (Rob) là người trực tiếp làm việc với Mỹ Dung, trong những việc như theo dõi công tác, ra chỉ thị, nhận báo cáo…Rob cử Mỹ Dung theo học khóa huấn luyện ở Langley.

3*. Mỹ Dung gặp cha lần thứ nhất sau 20 năm xa cách.

Ngày 20-7-1975, Mỹ Dung vui mừng khi đọc được một bản tin trên tờ báo Japan Times, cho biết ngày 5-8-1975, hai phái đoàn Hà Nội và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, do Đỗ Xuân Oánh và Đặng Quang Minh hướng dẫn, sẽ đến Tokyo dể tham dự Hội nghị Quốc tế, chống bom nguyên tử.

Mỹ Dung vui mừng, liền bay qua Nhật với đứa con trai tên Lance, 5 tuổi, để gặp lại cha sau hơn 20 năm nhớ thương. Trong cuộc gặp, Đặng Quang Minh không dám nhận con gái và cháu ngoại, mà bảo là người quen cùng làng. Mỹ Dung đau buồn vì không nói được tiếng Ba đối với người cha vô cùng thương nhớ, mà xưng hô với nhau là bác, cháu.

Khi chia tay, Ông Minh an ủi con gái: “Ba không tìm cách thay đổi con, nhưng xin con cũng đừng dày xéo niềm tin của ba. Nếu con thoải mái với niềm tin của con thì ba cũng hài lòng”.

4*. Mỹ Dung gặp cha lần thứ hai.

Giữa tháng 9 năm 1975, khi được biết người cha có chuyến công tác đến Paris, Mỹ Dung làm thủ tục để đưa mẹ (Bà Trần Thị Phàm) sang Pháp để gặp cha.

Trước ngày khởi hành, sếp CIA là Jerry Parker tiếp Mỹ Dung tại một nông trại ở Virginia, ông tỏ ý muốn giúp sĩ quan Việt Cộng Đặng Văn Khôi, là anh cả của Mỹ Dung, đào thoát khỏi chính quyền Cộng Sản.  Khôi là chuyên viên về tên lửa hướng dẫn (guided missiles) được huấn luyện ở Trung Quốc và Liên Xô. Robert Hal được lịnh qua Paris để theo dõi và giúp đỡ Mỹ Dung.

Tại Paris, bà Trần Thị Phàm vui mừng tràn đầy nước mắt khi gặp lại chồng sau 21 năm xa cách. Những ngày vui ngắn ngủi qua mau, bà Phàm lại đầm đìa nước mắt khi chia tay. Ông Minh lên máy bay Aeroflot về sứ quán của ông ở Liên Xô.

Cũng tại Paris, ông Phan Thanh Nam, đại diện Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, đề nghị để cho sinh viên Phạm Gia Thái đưa mẹ con bà Mỹ Dung về ngụ ngôi nhà ở Verrière-la-Buisson, đồng thời làm hướng dẫn viên hai người khách đi thăm Paris. Bà Mỹ Dung khéo léo từ chối, là đã thuê phòng tại khách sạn rồi.

Cũng trong lần gặp gỡ nầy, cả ông Đặng Quang Minh và Phan Thanh Nam đều thuyết phục mẹ con bà Mỹ Dung hãy về sống tại Việt Nam.

Đại sứ Việt Cộng Võ Văn Sung mời bà Mỹ Dung đến sứ quán, tỏ ý muốn chồng bà, Thiếu tá John Krall, tiếp xúc làm việc với cha vợ Đặng Quang Minh, giúp Hà Nội. Đồng thời vận động dư luận quần chúng Mỹ đòi Hoa Kỳ phải bồi thường chiến tranh 3.25 tỷ đôla như Tổng thống Richard Nixon đã hứa hồi tháng 2 năm 1973.

Võ Văn Sung cũng cho biết, Việt Cộng có một số “cảm tình viên” ở Mỹ, và yêu cầu bà Mỹ Dung tiếp xúc và làm việc với người cầm đầu Hội Việt Kiều Yêu Nước ở San Francisco tên Phan Thanh Nam, ông Nam cũng tuyển mộ Mỹ Dung làm việc cho Cộng Sản để thu lượm tin tức trong chính quyền Hoa Kỳ. Hắn cũng đề nghị Mỹ Dung nên giả vờ như một người chống Cộng. (“You should even pretend that you are anti-communist).

Khi trở về Hawaii, Yung Krall được CIA chỉ thị, cùng chồng dời về sinh sống ở thủ đô Washington, D.C.

Hướng công tác mới là phá vỡ hệ thống gián điệp Cộng Sản ở nước ngoài.

5*. Yung Krall đóng vai trò gián điệp nhị trùng.

Đặng Mỹ Dung được bố trí đóng vai gián điệp nhị trùng, một vai trò khá nguy hiểm, là khi có gián điệp nhị trùng của hai bên đụng độ với nhau, nhưng Mỹ Dung vẫn chấp nhận.

Vài tháng sau, Mỹ Dung trở qua Paris để bắt liên lạc với Huỳnh Trung Đồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Việt kiều ở Pháp.

Mỹ Dung được hướng dẫn đi thăm trụ sở và thư viện, chứa đầy những tài liệu tuyên truyền. Tham dự những buổi học tập của cán bộ, và gặp các phần tử tha^n Cộng Việt-Pháp. Bà cũng được trao những ấn phẩm Anh-Việt để phổ biến ở Hoa Kỳ.

Điều quan trọng là Huỳnh Trung Đồng căn dặn Mỹ Dung phải tiếp xúc với cán bộ Nguyễn Thị Ngọc Thoa ở thủ đô Washington, để phối hợp hoạt động. Ngọc Thoa là người cầm đầu mạng lưới tình báo ở thủ đô Washington.

Về Mỹ, khi nghe Mỹ Dung báo cáo, sếp CIA Robert Hall ngăn cản, không cho Mỹ Dung gặp mặt Ngọc Thoa, cho đó là vụ việc của FBI. Sếp CIA hăm dọa, sẽ bãi nhiệm Dung, nếu không tuân lịnh. Cho rằng, không một ai được phép làm việc cùng một lúc với CIA và FBI.

Đối với Mỹ Dung, đó là việc duy nhất mà bà phải làm, và hơn nữa, bà đã bỏ ra nhiều công sức, chỉ còn một vài bước nữa là hoàn tất công việc.

Mỹ Dung bướng bỉnh cãi lại, cho rằng bà đã làm việc không ăn lương cho CIA suốt 9 tháng qua, và không có một hợp đồng nào cả, không có một ràng buộc nào cả. Bà không phải là nhân viên chính thức của CIA.

Mỹ Dung nhờ chồng trình vụ việc lên Đề đốc Bobby Inman, Giám đốc Cục Tình báo Hải Quân, mà John Krall là nhân viên của cơ quan nầy.

Vài hôm sau, Đề đốc Inman tiếp xúc với bà. Bà cho biết, việc cần thiết phải làm, là phá vỡ màng lưới gián điệp Việt Cộng ở Hoa Kỳ.

Ông Inman hứa sẽ thảo luận với Giám đốc FBI là ông Clarence Kelly.

Vào tháng 6 năm 1976, nhân viên FBI Bill Flesman và nhân viên đặc trách CIA, Bill Reardon được chỉ định cùng làm việc với Mỹ Dung. Từ đó, một điệp vụ có hợp đồng chính thức.

6*. Vụ án gián điệp Đinh Bá Thi và Trương Đình Hùng

6.1. Mỹ Dung đến gặp bà Nguyễn Thị Ngọc Thoa

Do bức thơ giới thiệu của Huỳnh Trung Đồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Việt Kiều ở Pháp, Mỹ Dung gặp bà Ngọc Thoa một cách dễ dàng, tại một căn gác nhỏ ở địa chỉ đường 18th Street, thủ đô Washington. Địa chỉ nầy là nơi phát hành tài liệu tuyên truyền của Việt Cộng, cũng là nơi phát hành nguyệt san Người Việt Đoàn Kết. Nhờ sự giúp đỡ của LM Trần Tam Tĩnh, Canada, nguyệt san xuất bản 5,000 số mỗi tháng.

Bà Thoa sống rất kín đáo và kham khổ. Có chồng Mỹ là người thiên tả, thân Cộng.

Hệ thống hoạt động của bà Thoa gồm những trí thức người Việt thân Cộng ở Mỹ.

Trương Đình Hùng (David Hùng)

Một sinh viên có khả năng và hăng hái hoạt động là Trương Đình Hùng, con của LS Trương Đình Dzu. Bà Mỹ Dung trở thành người “giao liên” chuyển những bao thơ mật của Trương Đình Hùng và của bà Thoa đến Huỳnh Trung Đồng và Nguyễn Ngọc Giao ở Paris. 

Đương nhiên là những thơ mật đã được copy để lưu hồ sơ. Trong đường dây gián điệp Việt Cộng, bà Mỹ Dung cũng bắt liên lạc được với Nguyễn Văn Lũy, Chủ tịch Hội Việt Kiều Yêu Nước tại San Francisco, và những thành viên khác.

6.2. Nữ điệp viên Đặng Mỹ Dung đến gặp Đại sứ Việt Cộng Đinh Bá Thi ở trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Đinh Bá Thi (Thứ hai từ trái)

Cuối năm 1976, bà Dung điện thoại xin đến thăm Đinh Bá Thi, Đại sứ Việt Cộng ở trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York. Ông Thi vui vẻ nhận lời vì đã quen biết với cha bà là Đặng Quang Minh. Mục đích đến thăm là trao một bao thơ mật mà Trương Đình Hùng gởi cho ông.

Ông Thi mời bà Dung đến ở tại Sứ quán Hà Nội ở LHQ. Sự việc bất ngờ, ngoài dự liệu. Bà thông báo cho hai sếp CIA và FBI, cho biết, nếu trong 3 ngày mà không có liên lạc, thì có thể gặp nguy hiểm.

Bà Dung cho biết, trong sứ quán, ngoài ông Thi ra, thì chỉ có 4 người. Họ ăn ở chung với nhau. Thường xuyên nghe ngóng thời sự qua 3 cái tivi, và không ai được phép rời New York quá 25 dặm.

Tất cả đều nhịn ăn sáng để tiết kiệm. Đó là thời điểm mà người Việt trong nước ăn bo bo hoặc ăn độn với khoai.

Theo bà Mỹ Dung thì ông Thi tánh tình cởi mở, không quá khích. Ông cho biết, vợ ông bịnh nặng ở Việt Nam mà chính phủ không cho xuất ngoại, vì nguyên tắc là nhân viên ngoại giao không có quyền đem gia đình theo, để tránh nạn đào ngũ. Ông Thi buồn rầu nhận định: “Khi một chế độ không mang lại hạnh phúc cho dân và không đưa đất nước tiến tới một tương lai đã hứa hẹn, thì phải thối lui, và tự đặt câu hỏi: Vì sao?” (Trang 312 Hồi ký)

6.3. Chiến dịch Operation Magic Dragon của FBI

Chiến dịch Operation Magic Dragon ( Rồng Ma Thuật) nhằm vào Trương Đình Hùng và Ronald Louis Humphrey.

Kể từ năm 1977, Mỹ Dung bám sát vào Trương Đình Hùng (David Hùng). Hùng không thuận với Nguyễn Văn Lũy, Chủ tịch Hội Việt Kiều Yêu Nước tại San Francisco (U.S), nên Hùng nhờ “người giao liên” Mỹ Dung liên lạc thẳng với Phan Thanh Nam, Xử lý thường vụ đại sứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Ở Paris, và Đại sứ Đinh Bá Thi (LHQ).

David Hùng tâm sự với người giao liên, với khả năng và sự ngoại giao rộng rải, anh ta hy vọng được kết nạp vào Đảng và giao trách nhiệm điều khiển hệ thống tình báo ở Hoa Kỳ.

Trong bức thơ mà Phan Thanh Nam nhờ Mỹ Dung chuyển cho David Hùng, ông Nam viết: “Hoan nghênh chương trình làm việc của anh…đã có khả năng và mánh lới thu thập tin tức…”

Tóm lại, Trương Đình Hùng tự nhận là gián điệp của Việt Cộng, không thể chối cãi được ở tòa án.

Một hôm, David Hùng khoe với Mỹ Dung rằng anh ta “có thể có những gì anh muốn, nhờ một nhân vật “vô ra tự do ở tầng thứ 7 của Bộ Ngoại giao”.

Mỹ Dung liền báo cho Giám đốc FBI là ông Clarence Kelley và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Warren Christopher về vụ việc.

Thế là chiến dịch Operation Magic Dragon thành hình.

Bao thơ cuối cùng của người giao liên

Khi Mỹ Dung đến từ giả David Hùng để đi Luân Đôn, bà theo chồng đến nhiệm sở mới, là Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ ở Âu châu.

Hùng đưa cho Mỹ Dung một bao thơ đựng tài liệu lấy ở Quốc Hội, trao cho Huỳnh Trung Đồng. Hùng nói: “I ran over the Congress to get a package of that stuff”.

Đó là bức thơ cuối cùng của người giao liên.

Do điệp viên Mỹ Dung thông báo, với sự đồng ý của Tổng thống Jimmy Carter và giấy phép của Bộ trưởng Tư pháp, Griffin Bell, FBI đặt máy thu hình bí mật tại văn phòng của Humphrey ở cơ quan USIA. Và đặt máy nghe lén, micro, tại nhà của David Hùng.

Ngày 31-3-1978, FBI bủa lưới bắt Ronald Humphrey và Trương Đình Hùng.

Trong những bức thơ mà David Hùng nhờ Mỹ Dung chuyển đi, có hai tài liệu mật do Ronald L. Humphrey, nhân viên của cơ quan USIA (US Information Agency). Ông nầy, 46 tuổi, có người vợ Việt Nam tên Kim, bị kẹt ở Việt Nam sau 30-4-1975. Ông trao tài liệu mật để David Trương can thiệp cho vợ ông được sang Mỹ. 

 Chứng cớ rõ ràng không thể chối cãi, nên cả hai, David Trương và Humphrey, mỗi người lãnh 15 năm tù. Đinh Bá Thi được hưởng quy chế ngoại giao nên bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ.Đinh Bá Thi là đại sứ đầu tiên của Việt Cộng ở Liên Hiệp Quốc, mà làm ăn bê bối, mời gián điệp Mỹ vào ở sứ quán mà còn tâm sự “linh tinh vô tổ chức” nhằm bôi bác chế độ (Thời điểm 1968) nên bị thanh trừng bằng cái chết bất thường vì tai nạn ô tô khi từ Phan Thiết vào Sài Gòn.

Tại tòa án, Humphrey tố cáo David Hùng lừa gạt ông ta. David Hùng không làm gì cả trong việc đưa bà Kim, vợ ông sang Mỹ. Mà do các nhà ngoại giao Thụy Điển, Tây Đức và Hội Hồng Thập Tự Quốc tế can thiệp.

7* Vài nét tổng quát về Trương Đình Hùng và Trương Đình Dzu

1). Trương Đình Hùng

Trương Đình Hùng (David Trương), con của Trương Đình Dzu, sinh ngày 2-9-1945 tại Sài Gòn. Năm 1965, sang Mỹ du học. Ông tỏ ra có cảm tình đặc biệt và ủng hộ chính quyền Hà Nội. Nhiệt liệt ca ngợi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Ông và một nhóm bạn bè tích cực ca ngợi hai phái đoàn Việt Cộng trong Hội đàm Paris.

Trong vụ án gián điệp năm 1978, Trương Đình Hùng bị kết án 15 năm tù. Ở tù được 7 năm 4 tháng thì được trả tự do với điều kiện là phải ra khỏi nước Mỹ. Năm 1986, ông Hùng và người vợ Mỹ, Carolyn, đến sống ở Hòa Lan. Ông đi nhiều nơi, và sau cùng chết vào ngày 26-6-2014 tại Penang, Malaysia. Thọ 69 tuổi.

 2). Trương Đình Dzu

Luật sư Trương Đình Dzu

Luật sư Trương Đình Dzu sinh ngày 10-11-1917 trong một gia đình giàu có và quyền thế ở Bình Định. Ra Hà Nội học trường Lycée Albert Sarraut, rồi học khoa Luật của Đại học Đông Dương.

Năm 1945, Trương Đình Dzu vào Sài Gòn mở tổ hợp luật sư, gồm có Nguyễn Hữu Thọ, sau làm Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, và Trần Văn Khiêm, em của bà Trần Lệ Xuân, vợ của Ngô Đình Nhu.

Năm 1967, ông Dzu ra ứng cử Tổng thống, chạy đua với liên danh Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ.

Sau khi thất cử, ông bị bắt về tội hoạt động cho Việt Cộng. Ông Dzu ngồi tù cho đến tháng 4 năm 1975, thì được Tổng thống Trần Văn Hương ký lịnh trả tự do cho ông.

Mỉa mai thay. Năm 1978, con trai ông là Trương Đình Hùng bị tù 15 năm về tội làm gián điệp cho Việt Cộng, thì ở Việt Nam, Trương Đình Dzu bị đi tù cải tạo từ năm 1978 đến năm 1987 (9 năm) vì tội làm gián điệp cho CIA.

Sau khi ra trại, phải sống trong một thời gian dài trong tình trạng bị quản chế cho đến ngày chết vào năm 1991. (74 tuổi)

8*. Những lời khen tặng bà Đặng Mỹ Dung

Bà Mỹ Dung được đề cao như: Yung Krall, truly a great American…a genuine American hero. Giáo sư Douglas Pike, thuộc Đại học Berkeley viết: “Yung Krall’s A Thousand Tears Falling is one of the best of this genre”.

Ngày 19-4-1996, tại buổi lễ ở Kennesaw State College, GA, Ủy ban Georgia Author of the Year Committee đã bầu Đặng Mỹ Dung là một trong 45 tác giả đặc sắc nhất của năm. Đại hội toàn quốc Society Daughter of The American Revolution Hoa Kỳ, đã tặng huy chương Danh Dự về thành quả phục vụ cộng đồng và đất nước Hoa Kỳ. Giới lập pháp và hội đoàn Cựu Chiến binh Mỹ cũng thường mời Yung Krall đến trình bày về các vấn đề Việt Nam.

9*. Kết luận

Làm gián điệp xâm nhập vào lòng địch là một vai trò rất nguy hiểm, nhất là gián điệp hai mang.

Người phụ nữ Việt Nam, bà Đặng Mỹ Dung (Yung Krall) đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, rất tài tình. Đã phá vỡ hai ổ gián điệp Việt Cộng, một ở Pháp và một ở Hoa Kỳ.

Nhiệm vụ nầy không có một người Mỹ nào thi hành được cả, vì phải xâm nhập vào các cộng đồng người Việt ở Pháp và ở Hoa Kỳ.

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ,  Griffin Boyette Bell, đã viết: “Yung Krall đúng là một công dân Hoa Kỳ vĩ đại. Tôi nhiệt liệt tán dương sự nghiệp của cô đối với đất nước chúng ta”.

Trúc Giang MN

Minnesota ngày 7-3-2022

 Ký ức 30-4 ‘Tháng Ba Nhớ Lại’

* Nguyễn Diệu Anh Trinh – 9 tháng 3, 2022

Dân Đà Nẵng, Huế và nhiều thành phố khác ở miền Trung trong cảnh tháo chạy; ảnh chụp ngày 4 Tháng Tư 1975, Getty Images

Năm 1975, tôi đang học dở dang niên học lớp 10, chưa kịp đến Hè. Mới giữa Tháng Ba, lễ Hai Bà Trưng và ngày truyền thống của trường với cái tên mới: Nữ Trung Học Hồng Đức Đà Nẵng, được tổ chức ba ngày. Có hội chợ, cắm trại, có đêm văn nghệ lửa trại thật nhiều kỷ niệm. Niềm vui chưa tròn, sân trường chưa kịp dọn dẹp dấu vết mấy ngày hội hè đã tràn ngập những đoàn người từ Quảng Trị và Huế lê thê lếch thếch bồng bế nhau chạy tránh bom đạn. Trường đóng cửa để dành phòng học làm nơi tạm cư cho đồng bào.
Tôi nghe ba má bàn tán tìm cách di tản vào Sài Gòn vì quân đội mình từ Kontum, Ban Mê Thuột đang như rắn mất đầu chạy về Nha Trang. Tình hình an ninh đất nước thật hỗn loạn. Tôi vội vàng xuống trường để rút hồ sơ, chẳng còn một bóng dáng thầy cô nào ở đây. Phòng học vụ đã bị dân chúng phá cửa vào, giấy tờ rách nát ngổn ngang, không cách gì tìm kiếm được. Ngoài sân trường, những tờ bích báo mới đem dự thi hôm Lễ Truyền Thống nay đã bị đem ra làm vách ngăn cho những hố vệ sinh. Hình ảnh ngôi trường và những dãy phòng học thân yêu, khoảng sân rợp lá bạc hà thấp thoáng những tà áo dài trắng đã không còn nữa, trái tim tôi như tan nát.
Ngày 26, tin tức trên đài phát thanh loan báo quân đội Bắc Việt đã chiếm thành phố Huế. Ba tôi thất vọng, bỏ ý định di tản vì theo ông, đã mất Ban Mê Thuột và thành phố Huế thì đi đâu cũng vậy thôi. Cả nhà lo âu, mọi người nhìn nhau cùng hoang mang cho một viễn ảnh không mấy khả quan.

Tôi đạp xe vào nhà nhỏ bạn cùng lớp là Kim Liên. Tôi gọi Liên ơi, Liên hỡi, không có ai trả lời. Gia đình nó đã dọn đi mất tiêu, nhà trống hoang. Dòm vào cửa sổ phòng khách nhà bạn đang còn mở, tấm hình của ba má Liên được lồng kiếng thường treo trên tường không còn nữa. Tôi thẫn thờ nhìn lên cây mận trước sân nhà, ngay trước cửa phòng của nó, những chùm trái non mơn mởn vẫn đong đưa trên cành. Nước mắt tôi ứa ra.

Dân Đà Nẵng chạy trốn cộng sản; ngày 28 Tháng Ba 1975 (ảnh: Jack Cahill/Toronto Star via Getty Images)
Tôi đi ra đường, từ Trần Cao Vân xuống ngã tư Quân Cụ, rẽ phải qua đường Khải Định. Phố phường đông đúc nhưng điêu tàn, xơ xác, như không còn sức sống. Dân chúng từ các nơi đang chạy về lũ lượt, những ánh mắt hớt hải, những khuôn mặt mang nét hoảng loạn, dọc lề đường hàng đống những bộ quân phục, những cái bi đông của lính, nón sắt… vương vãi. Vài đám tranh giành hôi của, đang đánh nhau ở ngã tư chợ Cồn. Kho gạo đường Duy Tân bị dân chúng phá cửa vào, người ta chen nhau giành giật, không kể già trẻ lớn bé. Có người vừa vác bao gạo ra tới cửa đã bị kẻ mạnh hơn cướp chạy.
Xuống đến bờ sông Hàn thì tình hình càng thê thảm. Người ngồi, kẻ nằm dọc theo bờ sông, quang cảnh hỗn loạn. Người ta chen nhau tìm đường xuống ghe để ra biển vì nghe đâu đường bộ đã bị phong tỏa ở Quy Nhơn. Ai cũng hy vọng xuống tàu ra biển vào được Sài Gòn thì mới yên. Sài Gòn… Ôi! Sài Gòn, niềm hy vọng của người dân cả nước đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng.
Tôi thất thểu trở về, dọc đường lại chứng kiến bao cảnh người di tản nằm la liệt, những cụ già lụm cụm, những em bé ngơ ngác. Người ta đùm túm nhau không biết sẽ đi về đâu. Có nhiều gia đình tài sản mang theo vỏn vẹn cái tượng Đức Mẹ, hoặc Phật Bà Quan Âm. Người ta ôm khư khư như đang bảo vệ mạng sống của mình, dường như tín ngưỡng là nơi bám víu cuối cùng của con người lúc tuyệt vọng. Tôi như kẻ không hồn, ngơ ngác giữa cơn hấp hối của thị xã.
Trong những giờ phút cuối cùng này, ba má tôi lúc nào cũng khư khư cái radio, lắng nghe tin tức từ đài BBC, VOA với chút hy vọng mong manh vào những đổi thay ở giờ cuối. Giấy tờ quan trọng được ba tôi sắp đặt lại một nơi an toàn, má tôi thì thắp nhang khấn vái tứ phía.

Buổi tối, thỉnh thoảng có tiếng đạn pháo kích từ xa vọng lại, tuyệt đối không thấy ánh hỏa châu. Thị xã Đà Nẵng dường như bị bỏ ngỏ. Đêm đêm, đài BBC đưa tin có rất nhiều người xuống tàu vào Nam tìm đường sống. Nhiều người đã bỏ mình giữa biển vì tàu đắm, nhiều người di tản bằng đường bộ thì bị trúng mìn, bị pháo kích, chết nhiều lắm.
Trưa ngày 29, xôn xao tin đồn cộng sản Bắc Việt đã vào đến Nam Ô. Khoảng hai giờ chiều, tôi ra trước sân nhà nhìn ra đường, lần đầu tiên tôi tận mắt nhìn thấy những người lính của phía bên kia. Trên những chiếc xe mang biển số rất lạ là những khuôn mặt còn non choẹt. Nón cối, dép cao su đen, quân phục thì rộng thùng thình, nước da người nào người nấy tai tái, hình ảnh của họ gieo vào tâm trí tôi nỗi chán chường, thất vọng.
Tôi lặng người nhìn những đoàn xe đi qua, và… không biết chuẩn bị từ bao giờ, cũng có nhiều người đứng hai bên lề đường, những cánh tay đeo băng đỏ đưa lên vẫy vẫy, hò reo. Buổi chiều hôm đó, một ngày cuối Tháng Ba trời Đà Nẵng bỗng dưng đổ mưa. Trong cơn giãy chết của thị xã, cơn mưa không lớn, những hạt mưa chưa đủ làm ướt mặt đất chỉ bốc lên cái mùi hơi đất nồng nồng. Tôi nghe cay ở mắt và lòng tôi cũng như đang giãy chết.

Ngoại ô Sài Gòn; ngày 28 Tháng Ba 1975 (ảnh: Jack Cahill/Toronto Star via Getty Images)
Một tháng sau, nghe tin Sài Gòn, vùng đất cuối cùng cũng mất. Lính tráng, dân chúng tìm mọi cách thoát thân, một số tướng lãnh đã tìm đến cái chết để bảo toàn khí tiết. Thế là bao nhiêu hy vọng, mong đợi cuối cùng cũng đã tan vỡ. Và… bao nhiêu mộng ước thời thanh xuân của lứa chúng tôi cũng đã tàn theo vận nước.
Mùa Hè đến sớm với những buổi lao động dọn vệ sinh trường lớp rồi cũng qua mau. Ngôi trường Nữ Trung Học thân yêu trở thành nơi ở của cán bộ trước khi trường được đổi thành trường Cao Đẳng Sư Phạm. Thời gian sau, nhiều lần đi ngang trường xưa, nhìn những hành lang trên tầng lầu phơi đầy áo quần tôi không khỏi ngậm ngùi, ngơ ngác, tất cả như chỉ là một giấc mơ.
Một giấc mơ không đẹp, không ươm đầy mộng mị, không óng ả hạnh phúc nhưng lại là một giấc mơ khó quên. Tôi không thể nào quên. Hai năm cuối cùng bậc trung học, tôi được xếp vào học ở trường trung học Phan Châu Trinh, ngôi trường lớn nhất thành phố từ trước đến nay. Hai năm vật lộn với sắn khoai, bo bo và “chủ nghĩa xã hội”, tôi ra trường và bắt đầu vào đời với nhiều đắng cay của một người có lý lịch phải đứng bên lề của hàng ngũ trí thức. Kể từ ngày trường học đóng cửa và nhà tù mọc lên như nấm khắp nơi từ Nam ra Bắc.
Tôi sống lây lất, dật dờ như thế đến mười chín năm. Mười chín năm quá đủ để tôi thấm hiểu thế nào là cuộc sống của kẻ lâm vào cảnh nước mất, nhà tan. Cứ mỗi năm khi Tháng Ba về, đọc báo, nghe tin tức nói về những tiến bộ mới mẻ ở quê nhà, những đổi thay của Đà Nẵng, tôi không khỏi mường tượng đến hình ảnh một chiều Tháng Ba năm xưa, khi một con bé mới mười bảy tuổi, là tôi, đứng ngơ ngác nhìn cảnh hấp hối của Đà Nẵng, nước mắt nhòe khuôn mặt. Cảm giác đớn đau đó cứ mãi ám ảnh tôi. Tôi cứ luôn nghĩ về những oan khiên của đồng bào đã bỏ mạng oan ức vì bom đạn vốn vô tình. Nghĩ đến những nghiệt ngã của dòng đời kể từ dạo đó khiến biết bao gia đình rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Con lạc cha, vợ mất chồng, kẻ vùi thân nơi biển cả, người lưu lạc xứ xa, kẻ trở về tàn phế bịnh hoạn.
Tháng Ba của tang tóc và chia lìa, vậy mà Tháng Ba năm nào ở Đà Nẵng, người quê tôi cũng hân hoan chào đón, đốt pháo, treo cờ. Có phải người ta đã thật sự quên, hay tôi đã già cỗi khi nhắc nhớ hoài đến chuyện biển dâu?

Virus-free.  www.avg.com

VIẾT CHO TUỔI 70 – 90

Bằng Phong Đặng văn Âu

Nguyễn Tường Tuấn, người sĩ quan trinh sát thân mến,

Trong tâm tình huynh đệ của một thằng lính già đối với một thằng lính trẻ hơn, hôm nay thằng lính Không Quân Bằng Phong Đặng văn Âu viết cho thằng lính trẻ Trinh Sát Nguyễn Tường Tuấn đôi điều suy nghĩ về thời cuộc. Dù anh em ta đã già, nhưng khi nghe hai chữ “thằng lính” thì có cảm tưởng sung sướng như đang trở lại chiến trường ngày nào. Em có đồng ý với anh không hả Tuấn?

Chúng ta, con dân một nước nhược tiểu, bị nghiệp chướng, nên phải lãnh lấy cái họa Karl Marx – một người Do Thái – chả đẻ chủ nghĩa Cộng Sản. Cái chủ nghĩa cộng sản hết sức ghê gớm, vì nó gieo rắc tai họa chưa từng có trong lịch sử nước nhà mà tới giờ này vẫn chưa thoát ra được. Nước Tàu đặt nền đô hộ lên Đất Nước ta nhiều phen, nhưng đều bị Tổ Tiên ta đánh bật ra ngoài. Ngày nay thiên hạ ca ngợi ông Tổng thống trẻ của nước Ukraine. Nhưng nhiều người Việt quên rằng Quân sư Trần Thủ Độ cũng đã khẳng khái tâu vua: “Đầu thần chưa rơi, xin Bệ hạ đừng lo”. Dân tộc ta không thiếu anh hùng. Nhưng kể từ ngày Mao Trạch Đông dùng một người Tàu mang tên Việt du nhập vào cái chủ nghĩa cộng sản có quyết sách cắt gân tất cả anh hùng, nên bây giờ Đất Nước mới ra nông nỗi này: “Không còn ai tin ai. Không còn ai đồng ý với ai.  Người yêu nước bị chà đạp, bị thóa mạ. Đứa tiểu nhân, phản quốc được vinh danh!”

Năm 2011, Tiến sĩ Peter Navarro xuất bản cuốn sách “Death By China” để cảnh báo nhân dân Mỹ. Như anh đã nói trước đây, Mỹ chết bởi Trung Cộng là hậu quả. Nguyên nhân cái chết của Mỹ là từ chiến tranh Việt Nam. Tuấn có thấy hồn ma nước ta linh thiêng dễ sợ không? Tổng thống John Kennedy ra lệnh giết chết anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ba tuần sau. Kennedy bị ám sát. Rồi Robert Kennedy cũng bị ám sát. Và Nghị sĩ Ted Kennedy bị tai tiếng trong vụ Chappaquiddick, vì để cho cô tình nhân chết ngộp trong xe, thản nhiên vào nhà đi ngủ.

Giữa Tổng thống Diệm và Tổng thống Kennedy có vài đặc điểm giống nhau. Tổng thống Diệm là người Công giáo đầu tiên lãnh đạo Việt Nam. Tổng thống Kennedy cũng là người Công Giáo đầu tiên lãnh đạo nước Mỹ. Tổng thống Diệm lưu lại cho hậu thế một câu nói bất hủ: “Ta tiến, anh em tiến theo ta. Ta lùi, anh em giết ta. Ta chết, anh em nối chí ta”. Tổng thống Kennedy cũng để lại hậu thế một câu nói bất hủ: “Ask not what country can do for you, but what you can do for your country”. Qua hai câu nói bất hủ ấy, chứng tỏ cả hai vị Tổng thống đều có lòng yêu nước rạt rào.

Khi còn ở Việt Nam, chúng ta đã nghe nước Mỹ có “Shadow Government” (Chính phủ trong bóng tối), tức là có những ông chủ đầy quyền lực không ra mặt điều khiển Quốc gia, nhưng âm thầm ra lệnh cho người thừa hành. Thực tế cho ta thấy Joe Biden chỉ là con rối đang thi hành mệnh lệnh của những “Big Tech” và “Big Media” để thể hiện nền Tư Bản Đỏ, làm giàu bằng mọi giá, bất chấp đạo đức và luật pháp. Gọi Việt Cộng là Tư Bản Đỏ là sai, vì chúng chỉ biết ăn cướp, bán đất đai, tài nguyên của Tổ Quốc, nhưng không có khả năng và trí tuệ để làm ra của cải.

Tài liệu lịch sử cho biết John Kennedy không chủ tâm giết anh em ông Diệm. Bởi vì nghe tin ông Diệm đã bị hạ sát, Tổng thống John Kennedy hết sức sửng sốt, bàng hoàng, khi đang tắm ở hồ bơi. Vậy ai đã ra lệnh giết Tổng thống Ngô Đình Diệm? Nên nhớ, lúc bấy giờ Henry Cabot Lodge – đảng viên Cộng Hòa – giữ chức Đại sứ Mỹ ở Việt Nam là người nắm quyền quyết định tối hậu . Tổng thống Kennedy ra lệnh cho người em, Robert Kennedy – đương kim Attorney General – ráo riết điều tra nội vụ. Có phải vì cái lệnh tìm ra sự thật của Tổng thống Kennedy mà anh em nhà Kennedy đều bị ám sát, cho đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm thực sự? Vậy ai là người trong bí mật đã ra tay giết hai anh em Kennedy? Qua sự kiện này, anh ngờ rằng “Deep State” đã khởi sự nhúng tay vào tội ác. Bởi vì không lý do gì Mỹ thua trận chiến tranh Việt Nam!

Tuấn nên nhớ rằng bọn hành động trong bí mật thường giấu kín tung tích, khó ai tìm ra chứng cứ để pháp luật trừng trị. Khi có ai dùng lý luận suy diễn, liền bị cho là thuyết âm mưu (conspiracy theory). Trong đám tang của Tổng thống Bush Cha, có cái “video clip” chiếu đi chiếu lại cảnh Busk Con, Bill Clinton, Barack Hussein Obama sau khi đọc dòng chữ trên mảnh giấy xong, người nào người nấy sắc mặt tỏ ra kinh hãi. Nội dung mảnh giấy đó như thế này: “Họ đã biết chuyện hết cả rồi!” Chuyện gì mà có thể làm cho ba vị cựu Tổng thống đều xanh mặt? Có lời đồn rằng Tổng thống Bush Cha là người đã âm mưu giết anh em nhà Kennedy! Tuấn nhớ không?

Ông Joseph Patrick Kennedy – thân phụ Tổng thống Kennedy – trả lời báo chí rằng có ba điều kiện tiên quyết để thắng cử Tổng thống Mỹ là: tiền, tiền và tiền. Tất cả các đời Tổng thống Mỹ đắc cử được là nhờ tiền đóng góp của tài phiệt. Tổng thống Kennedy vốn nhờ sự giàu có của gia đình, không cần sự tài trợ, nên không phải tuân lệnh tài phiệt. Do đó, Kennedy đã bị thế lực ngầm xử. Ông Donald Trump cũng thế, là tỷ phú ra tranh cử Tổng thống mà không cần sự tài trợ của thế lực ngầm. Cho nên, Tổng thống Trump là người duy nhất dám “chửi” Đế chế truyền thông là bọn “fake news và corrupt”. Để phản pháo, bọn Truyền thông Thổ tả bôi nhọ Trump tơi bời. Có ba vụ âm mưu ám sát Donald Trump, nhưng ông vẫn bình an vô sự. Nhiều người bảo ông được Chúa che chở?

Nhắc thêm một sự kiện để Tuấn lưu ý. Thượng Nghị sĩ Cộng Hòa Jeff Sessions, Chủ tịch Ủy ban Tư Pháp Định Chế Thượng Viện, là người đầu tiên trong đảng Cộng Hòa ủng hộ ứng cử viên Donald Trump hết mình. Ông xuất hiện trong hầu hết những lần ông Trump đi vận động tranh cử, với chiếc nón Jockey Đỏ “MAGA” đội trên đầu. Khi Donald Trump đắc cử Tổng thống, ông Jeff Sessions đòi hỏi cho bằng được chức “Attorney General”. Khi Thượng Viện ra lệnh điều tra Tổng thống Trump, Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions đứng ra ngoài và giao trách nhiệm cho Thứ trưởng Rod Rosenstein, một Luật sư Do Thái nổi tiếng thông minh.

Sau cuộc bầu cử năm 2020, Joe Biden, một ông già lú lẩn mà thắng với số phiếu áp đảo, càng cho chúng ta thấy rõ sức mạnh của  “Nhà Nước Ngầm”. Hơn cả Mafia! Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp và Truyền thông đều nằm trong tay của họ. Thậm chí Đức Giáo hoàng Francis thuộc phái “Thần học Giải phóng” ở Nam Mỹ cũng được họ đưa lên thay thế Đức Giáo hoàng Benedict – người cương quyết giữ Giáo luật – đương nhiệm, còn khỏe mạnh mà phải về hưu, thì Tuấn đủ hiểu thế lực của Nhà Nước Ngầm mạnh đến dường nào. Giáo hoàng Francis công kích Tổng thống Donald Trump việc xây tường, yêu cầu mở cửa biên giới và nhìn nhận Giáo hội Công giáo Quốc doanh của Trung Cộng là chính thống. Thậm chí Hồng Y Joseph Zen ở Hongkong phải sang tận Vatican để đích thân trao thơ cho Giáo hoàng, xin Ngài đừng quên Giáo hội Thầm Lặng đang bị Trung Cộng bách hại. Nhưng Ngài Francis vẫn tiến hành, thì ta đủ hiểu Giáo hoàng Francis đứng về phía nào trong cuộc chiến tranh giữa ánh sáng và bóng tối này.

Tổng thống Putin của Nga, vốn là cấp chỉ huy KGB, ở chính quyền trong 20 năm, chắc chắn ông ta đã rải một mạng lưới tình báo gián điệp khắp toàn cầu. Do đó, Putin là người nắm vững âm mưu của “Deep State” toàn cầu hơn ai cả. Bây giờ ta hãy đặt câu hỏi tại sao đảng Dân Chủ vu cho Tổng thống Donald Trump thông đồng với Tổng thống Putin, mà không thông đồng với Tập Cận Bình, mặc dù Công ty Trump có làm ăn với Trung Cộng? Tại vì Putin và Tổng thống Trump đều là người chống lại  “Globalization” do ông Bush Cha – từng làm Đại sứ ở Bắc Kinh – chủ trương. Hai vị lãnh tụ này là “kỳ đà cản mũi” mưu đồ của “giới tinh hoa” (Élite). Toàn Cầu Hóa là một thuật ngữ mới thay cho chiêu bài “Thế giới Đại đồng” của cộng sản. Tập Cận Bình là con cháu của Tào Tháo, gian hùng túc trí đa mưu. Tập hiến kế cho “Deep State” phải phân hóa hai vị lãnh đạo của Mỹ và Nga chống chủ trương “Toàn Cầu Hóa”, Trung Cộng mới vượt lên địa vị cường quốc số #1 được. Tuấn có thể hỏi tại sao “Deep State” cần phải đánh sụp nước Mỹ? Tại vì Hiến Pháp Mỹ là nền tảng bảo vệ nền Dân Chủ của Mỹ. Khi Hiến Pháp không còn được tôn trọng, đảng Dân Chủ sẽ trở thành độc đảng như cộng sản, có quyền ngồi trên Pháp Luật mà không ai làm gì được. Cuộc bầu cử năm 2020, ai nấy đều thấy đảng Dân Chủ đã khinh thường Hiến Pháp một cách trắng trợn, mà các Tướng lãnh đều câm như hến, đủ cho ta biết Deep State đã khống chế Quân Đội, biến các Tướng lãnh thành những con cừu ngoan ngoãn.

Nước Nga từng bị quân Mông Cổ đô hộ gần 300 năm. Khi Nga và Trung Cộng còn thờ chủ nghĩa Marx, hai bên đã  có cuộc xung đột vào năm 1969, từng dàn quân ra thanh toán lẫn nhau. Hoàng Đế Napoleon Bonaparte đã cảnh báo “Họa Da Vàng” (Yellow Peril). Đại tướng Trì Hạo Điền – Nguyên Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Cộng – từ năm 2011 công khai đưa ra chiến lược sử dụng bom sinh học để xâm chiếm nước Mỹ. Từng ấy sự kiện, làm sao Putin có thể ngồi yên để cho “Nhà Nước Ngầm” tự do tung hoành? Nếu nước Mỹ sụp, còn nước nào đủ sức mạnh để ngăn tham vọng bành trướng của giống Da Vàng Trung Cộng? Chính Nhật Bản cũng là Da Vàng, nhưng ngày nay phải sợ Trung Cộng, vì nhờ Mỹ giúp cho giàu lên và tuồn “high tech” để vượt địa vị bá chủ hoàn cầu.

Tổng thống Donald Trump nói nếu ông làm Tổng thống, thì Putin không bao giờ đưa quân sang Ukraine. Ông Trump nói sự thật, chứ không phải nổ bậy. Tại sao? Tại vì nếu ông Trump lên làm Tổng thống nhiệm kỳ hai, thì ông Trump sẽ tát cạn đầm lầy, thanh toán sạch bách “Deep State”. Putin đâu cần hành động để bị cả thế giới lên án là kẻ sát nhân? Tổng thống Putin bị lâm vào hoàn cảnh “Damned if he does. Damned if he does’nt”, dù biết việc làm của mình là phi chính thống (illegitimacy), nhưng không thể có lựa chọn nào khác! Putin không ngu gì để mang tiếng xâm lược. Anh không bênh vực Putin. Anh nhận thấy Putin phải hành động vì sự sống còn bản thân.

Nguyễn Tường Tuấn thân mến,

Tuấn từng dẫn Đại đội Trinh Sát vào đất địch gặp phải hoàn cảnh sinh tử, đánh cũng chết mà không đánh cũng chết. Vậy đành phải đánh thì may ra có đường sống, phải không? Tình cảnh của Putin cũng giống như thế mà thôi. Lời tuyên bố cứng rắn của Putin rằng ông đã ra lệnh đơn vị nguyên tử sẵn sàng là lời nói thật, chứ không phải dọa già đâu. Nếu con gấu Bắc Cực bị dồn đến bước đường cùng, nó phải đánh bài liều. Nếu phía “Deep State” hiểu được tâm lý của Putin là như thế, thì phải tìm một giải pháp chấp nhận Ukraine làm vùng trung lập, hứa “Deep State” không ảnh hưởng, thì có lẽ Putin sẽ lui binh. Nhược bằng thế giới không thấy hiểm họa của “Deep State”, vẫn dồn Putin vào đường cùng, Putin sẽ không chịu chết một mình. Do đó, Thế Chiến III có hay không xảy ra là tùy ở hai bên. Anh tin rằng Tập Cận Bình đang vỗ đùi sung sướng trong tư thế ngư ông đắc lợi: Bọn Da Trắng không thấy mối “Họa Da Vàng”, chúng mày cứ việc húc nhau!

Tuấn ạ! Cuộc chiến hiện nay là cuộc Thánh Chiến đấy! Chẳng phải đùa đâu! Lãnh đạo Vatican – Giáo hoàng Francis – tới từ Nam Mỹ, nơi mà phong trào “thần học giải phóng” đang tiến hành. Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi đều là Công Giáo dòng, nhưng chối Chúa, đang dùng đấu pháp kiểu cộng sản để đánh bại giá trị truyền thống của Mỹ. Dân tộc Do Thái có các Thánh Tông đồ là Do Thái, nhưng cũng có dân Do Thái chống Chúa mà mà Tông đồ Judas là đại diện. Ukraine là quốc gia bị hai thế lực dùng làm bãi chiến trường giống như nước Việt Nam chúng ta mà thôi. Anh không biết đây là thời điểm Phán Xét chưa, nhưng trong Kinh Thánh có nói đến Ngày Tận Thế sẽ xảy ra. Chẳng việc gì phải sợ, phải bi quan. Cứ sống ngay lành, bảo vệ Sự Thật là được rồi!

Anh cầu mong Ma Quỷ sẽ bị đánh bại, để có một thế giới lương thiện. Người yêu Người.

Bằng Phong Đặng văn Âu.