Sáng Đôi Mắt Mù

Tràm Cà Mau

 Con người cần điều gì  ?- cần đôi mắt sáng, cần có ánh sáng. Đôi mắt và ánh sáng như là phương tiện cho cuộc sống mỗi con người.

Dạo đó, khi cả miền Nam đang bấn loạn lên, vì cuộc chiến tranh mấy mươi năm sắp đến hồi kết cuộc. Bắc quân hồ hởi tiến mau như chẻ tre. Nam quân rút bỏ, tan rả mau chóng. Những người không am hiểu tình hình chính trị quốc tế thì ngỡ ngàng, ngạc nhiên, không tin được về sự thực đang xẫy ra trên đất nước nầy.

Dân miền Nam đua nhau bỏ chạy ra biển, chưa biết sẽ trôi nổi về đâu, cũng chưa biết sẽ đi nơi nào, làm gì mà sống, sống có được hay không. Không cần biết. Cứ chạy trốn đã. Những người nầy, đã có một ít hiểu biết hoặc kinh nghiệm sống với cọng sản, nên liều chết ra khơi. Mấy cụ già miền Nam vuốt râu nói:
“Cọng sản cũng là người Việt Nam mình với nhau, việc chi mà sợ? Cọp nó còn chưa ăn con, huống hồ chi họ với mình cùng tổ tiên, cùng giòng giống. Miền Bắc hay miền Nam đều là anh em với nhau cả mà. Chạy đi đâu làm chi cho mệt.”

Những người trong chính quyền miền Bắc chắc cũng không hiểu nổi, tại sao nhân dân miền Nam sắp được “giải phóng”, sắp được sung sướng, sao mà lại bỏ chạy. E rằng, họ bị Mỹ Ngụy tuyên truyền đầu độc, nên dại dột dong thuyền ra khơi. Họ cho rằng, những người bỏ trốn họ, là loại trây lười, sợ lao động, sợ khổ.

Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh sắp tàn. Bạn của Tâm hối hả đến tận nhà lo lắng nói :
“Anh sửa soạn hai bộ áo quần. Đem theo một ít thức ăn khô, một chai nước. Tôi đã ghi danh cho anh được xuống xà lan ở Tân Cảng, và sẽ được kéo ra khơi hôm nay hoặc ngày mai.”
Tâm trầm ngâm:
“ Không đi đâu cả. Tôi sinh ra trên quê hương nầy, và sẽ sống và chết với quê hương.”
“Anh chấp nhận sống với cọng sản.?”
“Anh chưa hiểu ý tôi. Nếu phải chọn tự do và cọng sản, thì tôi sẽ chiến đấu để bảo vệ một chính thể tự do. Nhưng nếu phải chọn quê hương và một nơi vô định khác, thì tôi chọn quê hương. Đất nước mình đã chịu chiến tranh tàn phá ba mươi năm nay. Tan tác, đổ vở quá nhiều. Bây giờ là lúc toàn dân cần góp tay xậy dựng lại quê hương thân yêu của chúng ta. Tôi đã chuẩn bị tinh thần rồi. Chấp nhận đi tù vài, ba năm, nếu phải đi đập đá Trường Sơn, thì đá đó cũng để xây dựng đường sá và nhà cửa cho quê hương nầy. Đi ra ngoài, dù có làm được gì, thì cũng là làm cho người ta. Tôi chấp nhận mọi gian khổ để đổi lấy cuộc sống còn có quê hương.”
Người bạn nhìn Tâm với ánh mắt u buồn:
“Tôi ước mong sao ý nghĩ của anh là đúng, và sau nầy không ân hận”
Tâm quả quyết:

“ Tôi sẽ không bao giờ ân hận với chọn lựa nầy. Tôi chọn quê hương.”

Nửa tháng sau ngày miền Bắc thắng trận, một ông chú của Tâm, là cán bộ có vai vế, từ Hà Nội vào tiếp thu Sài gòn. Ông  ghé lại nhà thăm. Ông nầy đã hăng hái tham gia cuộc kháng chiến từ thời khởi đầu năm 1945. Trong tình thân gia đình, ông bực bội hỏi:
“ Sao không bỏ chạy, mà giờ nầy còn ở đây? Thế thì khổ đời anh rồi.”
Tâm ngỡ ngàng, nhưng cũng quả quyết nói:
“ Cháu ở lại, để góp một tay xây dựng lại quê hương đổ vở. Chỉ mong làm một hạt cát nhỏ trong công cuộc tái thiết đất nước nầy”
Ông chú cười buồn mà nói:
“Ai cho anh xây dựng mà hòng? Anh tưởng dễ lắm sao?”
“ Cháu không hiểu hết ý của chú.”
“ Rồi anh sẽ hiểu. Anh phải “kinh qua” mới thấm và hiểu. Chưa thực sự sống trong chế độ, thì dù cho có đọc ngàn cuốn sách, anh cũng còn mơ hồ và đầy ảo vọng.”
Tâm mạnh dạn nói mà không sợ ông chú buồn lòng:
“ Nếu cháu không lầm, thì chú cũng đang là một rường cột của chế độ nầy. Với cái vai vế của chú, thì chú cũng có thể tạo điều kiện cho những người yêu mến quê hương nầy có cơ hội phục vụ đất nước. Quê hương nầy là của chung, gia sản của tổ tiên nhiều đời gây dựng lại, không của riêng ai, không của riêng đảng phái nào.”
Ông chú cười, ánh mắt có vẻ thương xót người cháu, ông nói:
“Không. Anh nói vậy là chưa hiểu chi về xã hội chủ nghĩa cả. Chú cũng chỉ là một bánh xe trong guồng máy đang vận hành. Bánh xe nào không hoàn toàn ăn khớp, thì bị loại ra ngay. Bị vứt bỏ không thương tiếc. Bị chà đạp, bị hành hạ, sống không được, chết không xong. Anh không có quyền yêu mến quê hương theo tâm ý của anh. Phải yêu theo lối của người khác vạch ra, hoàn toàn đi trong đường lối đó, nếu anh muốn sống còn. Tôi xin anh, đừng có nói cái giọng điệu quê hương là gia sản chung cho ai khác nghe, mà không có lợi cho bản thân anh.”
Tâm thở dài. Một lúc sau ông chú nói tiếp:
“Điều cần thiết nhất chú dặn anh, là đừng có dại mà thành thật khai báo lý lịch và tội lỗi của mình.  Anh đã ở miền Nam, thì dù anh có làm gì, hay không làm gì, cũng có tội với cách mạng cả. Phải tự nhận là có tội, và chỉ nhận những tội khơi khơi thôi.  Chuẩn bị một bản lý lịch cá nhân. Cái gì không lợi thì đừng khai. Cái gì giấu được thì giấu. Viết càng ngắn, gọn, rõ ràng càng tốt. Khai cho y hệt nhau, đừng sai chạy.  Đó, chú chỉ giúp anh được chừng ấy thôi, anh nhớ cứ làm theo , thì bớt được vận hạn khó khăn.”

Tâm chấp nhận đi tù cải tạo với sự bình tỉnh, không chút lo lắng buồn phiền. Anh đã chuẩn bị trước, và đây là chuyện phải đến. Tâm cũng không có ảo vọng đi “học tập” một tháng hay hai tuần như thông cáo do chính quyền phổ biến. Nhưng Tâm vẫn mong rằng, anh nghĩ sai. Anh đã chuẩn bị cho một cuộc đời tù tội lâu dài. Mang theo những vật dụng thật bền, chắc chắn. Những tuần đầu trong trại cải tạo, Tâm thấy bạn bè xài phí những vật dụng mang theo, anh nói với các bạn trong một buổi họp tổ:
“Các anh nên tiêu xài tiết kiệm lại một chút. Đâu đã chắc một tháng là được về ngay !”
Các bạn anh nhao nhao phản đối :
“ Cánh mạng trước sau như một. Anh không tin tưởng chính sách của cách mạng sao? Anh còn tư tưởng lạc hậu lắm. Cách mạng nói một tháng, là một tháng, không sai chậy đâu.”
Thấy tất cả bạn bè đều phản đối dữ dội, và nếu cán bộ quản giáo biết được, hay có người báo cáo thì bất lợi cho bản  thân, Tâm vội vàng cười giả lả:
“ Thôi mà, tôi nói chơi cho vui, mà làm anh em sợ. Nói đùa , anh em bỏ qua đi.”
“Đùa làm đứng tim người ta. Cách mạng không bao giờ nói sai cả.”
Tâm biết anh em sợ, không dám nghe nói sự thực. Muốn nuôi ảo tưởng là một tháng sẽ được tha về, nên phản đối lời khuyên của Tâm.

Sau ba tuần mà chưa thấy “bài vở và học tập” chi cả. Đám tù lao nhao tiên đoán rằng, cách mạng sẽ khoan hồng cho về, mà không cần học tập lôi thôi. Đoán rằng, họ sẽ phát tài liệu cho anh em đọc, vì ai cũng đã có trình độ học vấn khá, không cần phải giảng dạy. Tâm chỉ cười, và mong sao cái mơ ước hão huyền của anh em đúng sự thực, chứ trong lòng Tâm, không hề có ảo tưởng nào. Nhiều đêm, khi chín giờ, đèn điện tắt, có tiếng tắc kè kêu vang dội rất rõ trên đồi cao: “ Tắc kè. Tắc kè.” Anh em diễn dịch ra là có điềm tốt thông báo, nên tắc kè kêu là “ Sắp về. Sắp về.” Có nhiều anh loan tin rằng, mấy đêm nay xem thiên văn, thấy nhiều sao chiếu đồng quy về hướng Sài gòn, bởi vậy, anh em cũng sắp được tha về nay mai.

Nhiều tháng sau vẫn chưa được tha về, mà thời gian tù không xác định. Tiếng tắc kè được diễn dịch lại là “Đếch về. Đếch về.”
Một người bạn nói với Tâm:
“ Cán bộ luôn luôn nhắc nhở là “yên tâm cải tạo”, làm sao mà yên tâm, khi gia đình còn lắm việc bộn bề, vợ con không biết sinh sống ra làm sao, ngày ra trại chưa được xác định. Thì làm sao mà yên tâm cải tạo được?”
Tâm cười và trả lời:
“Yên tâm cải tạo. Đúng. Mấy ông cán bộ nói đúng. Yên tâm đi, ngày về còn xa lắm lắm.  Đừng nôn nóng, vô ích. Không yên tâm, thì cũng không được gì. Bận lòng thêm khổ. Chúng ta bị mắc bẩy rồi, cứ đừng hy vọng, đừng mong ước gì cả. Yên lòng. Nếu có một ngày nào đó, được kêu tên cho ra về, thì sung sướng lắm. Nếu chưa đưọc về, cũng đừng mong. Có mong là có bồn chồn, có khổ tâm. Hãy yên tâm đi, yên tâm cải tạo”

Mấy người bạn Tâm bây giờ đã bớt ảo tưởng, nhưng vẫn chưa tắt niềm hy vọng. Họ thường tỏ vẻ bực bội khi nghe các bạn khác đọc các câu thơ: “Bao giờ cọc sắt nở hoa. Bà Đen hết đá thì ta mới về” hoặc “Khi đi vợ mới mang bầu. Ngày về con đã bạc đầu như cha.”
Nhờ lời khuyên của ông chú đã từng kinh qua dày dạn trong chế độ, là đừng dại dột thành thật khai báo, nên Tâm được tha tù, về nhà sớm hơn bạn bè cùng trang lứa, cũng mất hơn ba năm, gần với thời gian anh đã  tiên đoán và chấp nhận.  

Trong thời gian nầy, tình hình lương thực vô cùng khó khăn. Cả nước đều đói vàng mắt, nhà nhà ăn độn khoai sắn, bo bo, mì sợi. Bụng dạ mọi người khi nào cũng lưng lửng, nhột nhạt, có kiến bò. Miệng thì luôn thòm thèm. Đời sống thường ngày vô cùng khó khăn. Ít còn ai đủ dại để tin tưởng vào tương lai tươi sáng hạnh phúc. Không biết ai bày, mà bọn trẻ con hàng xóm thường ngêu ngao hát bài ca sửa lời: “…tổ quốc ơi, ăn khoai mì ngán quá, kể từ giải phóng vô đây, ta ăn độn dài dài, kê từ giải phóng vô đây, ta ăn độn toàn khoai…”

Một lần nghe cuộc bàn cãi giữa hai ông cậu, ông cậu nhỏ là người đi tập kết ở miền Bắc về, nói với ông cậu lớn tuổi rằng:
“ Anh chưa ‘giác ngộ cánh mạng’ thì anh đừng nói, đừng bàn luận về xã hội chủ nghĩa. Phê bình mà chưa biết rõ bản chất, thì đừng nên nói, không có lợi cho anh và gia đình.”
Ông cậu lớn tức tối nói:
“ Làm sao mà tôi giác ngộ cách mạng của các người được? Còn bản chất của xã hội chủ nghĩa, không nói ra, ai cũng biết là cái gì rồi.”
“Anh có biết giác ngộ cách mạng là gì không? Giác ngộ nghĩa là biết rõ, biết đến nơi đến chốn, không phải biết lơ mơ như các anh. Biết cái gì? Biết cách mạng vô cùng nghiêm khắc, tàn bạo, không khoan nhượng. Nghĩa là biết sợ cách mạng trù dập, sợ bị thanh toán, thủ tiêu, sợ bị giam đói, bị bao vây kinh tế, bao vây tình cảm. Tóm lại, giác ngộ cách mạng là biết sợ cách mạng, sợ vô cùng, không dám hó hé chi cả. Cách mạng nói sao, mình  nghe vậy, nói theo y như vậy, đừng sai chạy mảy may, đừng để cái lý trí phán đoán sai đúng xen vào. Người giác ngộ cách mạng sẽ dễ sống, dễ thở, và an toàn hơn trong cái xã hội chủ nghĩa.”
Ông cậu lớn nói với giọng chán nản:
“ Thế thì giác ngộ cách mạng là phải biết hèn nhát, nói như vẹt, mềm như bún. Không kể gì đến sĩ khí, nhân cách nữa sao?”
Ông cậu ‘cách mạng’ trả lời:
“Hừ, sĩ khí và nhân cách để làm gì nếu cái bao tử trống không, đói khát hành hạ, vợ con nheo nhóc, xóm giềng xa lánh, hất hủi mình vì sợ liên lụy?”
Ngừng một lát, ông nầy nói tiếp:
“ Thời nầy, tốt nhất là bịt tai, nhắm mắt mà sống. Đừng bao giờ nói ý nghĩ trung thực của mình  cho ai nghe. Có lẽ, tốt hơn hết là đừng có ý kiến chi khác với mọi người. Ai sao mình vậy. Đúng hay sai, thật hay giả, không cần biết đến làm chi. Đó là thái độ khôn ngoan nhất.”
Ông cậu lớn tuổi lắc đầu:
 Không được. Phải can đảm nhìn thẳng vào sự thật, và đừng tự dối lòng để giả tin vào lời lừa mị láo khoét. Nếu ai cũng dám nhìn thẳng vào sự thực, nói lên sự thực, thì bọn dối trá sẽ không còn đất sống, và không còn cơ hội ức hiếp, áp bức kẻ hiền lương. Người miền Bắc và miền Trung khôn ngoan quá, cẩn trọng quá, nên gắng nhịn nhục để sống còn, bởi vậy nên bị ức chế, bị chà đạp, bị dày xéo, không còn thể thống chi cả. Chú ra ngoài chợ Sài gòn mà xem, hay chú lên xe đò mà nghe các bà chữi cho nát mặt, nát mày, có dám bỏ tù hết cả nhân dân miền Nam nầy không? Ban đầu, các anh ‘cách mạng’ cũng hung hăng, doạ dẫm, định áp đặt chính sách cai trị hà khắc như cai trị dân miền Bắc lên vùng đất nầy. Nhưng không ai sợ cả, không ai hùa theo lời nói láo khoét. Mấy anh bị hố. Dân miền Nam không hèn nhát đâu.”
Ông cậu ‘cách mạng’ hạ thấp giọng:
“Nhân dân miền Nam nầy ăn nói phản động, không có lợi lộc gì cả, mà lại hại đến bản thân, gia đình. Nói lời phản động, để được cái gì chứ? Anh tưởng chúng tôi đều ngu muội, mù quáng cả, không nhìn thấy và phân biết được sự thực và dối trá sao? Sống theo nếp sống mới thì phải biết ‘nói điều mình không tin, và tin điều mình không dám nói’ Đó là thái độ khôn ngoan, thức thời.”

Mỗi ngày từ sáng tinh mơ, loa đã oang oang kêu gọi dân chúng sống theo nếp sống văn minh. Tâm không biết nếp sống văn minh của xã hội chủ nghĩa ra làm sao, đem hỏi ông một ông chú ‘cách mạng’ khác. Ông hạ giọng thầm thì:
“Cái gì người ta thiếu, thì nói nhiều đến cái đó. Văn minh bây giờ là xe chạy bằng than cũi, ăn cơm độn khoai sắn, xới vườn hoa trồng rau khoai rau dền, nuôi heo trên tầng lầu chúng cư, áo quần xám xịt một màu, ăn nói một lời giống nhau y hệt. Văn minh mà nhà nước ta đang nhắm đến là làm sao cho miền Nam tiến kịp miền Bắc trong tiêu chuẩn … nghèo đói.”

Tâm cười: “Các ông bà con đi tập kết về khuyên đừng ăn nói phản động. Thế mà lời của chú, nghe ra còn phản động hơn ai hết. Thế thì hai mươi mấy năm đi theo cách mạng, chú đã làm được công trạng gì trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa?”
Nét mặt ông chú có vẻ tức tối: “Công trạng cái con khỉ. Vì chú không biết a dua, không hèn nhát nói theo lời lếu láo dối trá của bọn chúng, nên chú bị bao vây, bị cô lập, bị bỏ đói trong hai mươi năm tập kết ra Nghệ An. Chú kiếm sống bằng nghề ‘hớt tóc chui’. Cả nước đã đói cho vàng mắt ra, gia đình chú còn đói hơn ai cả. Con cái không được nhận vào trường, thất học cả đám. Chẳng bị tù rục xương là may mắn lắm rồi cháu à.”
“Thế thì xin chú cho cháu một lời khuyên, để sống còn trong xã hội mới nầy.”
Ông chú lắc đầu: “Không còn cách nào để cho các thành phần như cháu sống còn cả. Ngoại trừ… ngoại trừ bỏ nước ra đi. Chỉ có con đường đó thôi.”
Một năm sau, Tâm đến được bến bờ tự do sau bao lần suýt bỏ mạng trên biển cả. /./.

Tràm Cà Mau

Bí ẩn ‘tia tử thần’ của thiên tài Nikola Tesla

Nikola Tesla (10/7/1856 – 7/1/1943) là nhà phát minh, kỹ sư điện và kỹ sư cơ khí người Mỹ gốc Serbia.

Nov 11,2021
Nikola Tesla ghét chiến tranh và ông nghiên cứu thiết bị phóng “tia tử thần” với hy vọng ngăn quân đội các nước gây chiến, mang đến hòa bình.
Hãy tưởng tượng một chùm năng lượng có thể hạ gục máy bay từ khoảng cách xa hàng km mà không cần dùng đến thứ gì đặc biệt ngoài điện. Hãy tưởng tượng một bức tường năng lượng vô hình bảo vệ quốc gia khỏi kẻ thù xâm lược, hoạt động như hàng rào điện có thể làm “bốc hơi” binh lính đối thủ ngay khi vừa chạm vào. Nghe có vẻ như một thứ mà lực lượng quân đội nào cũng muốn có.
Giấc mơ về loại “tia tử thần” này đã truyền cảm hứng cho các nhà phát triển vũ khí suốt hàng thập niên. Tuy nhiên, có một nhà phát minh lỗi lạc tuyên bố đã thực sự tạo ra được nó: Nikola Tesla.

Tesla sinh năm 1856 tại nơi giờ đây là Croatia, nơi ông học ngành kỹ thuật trước khi nhập cư vào Mỹ. Trên đất Mỹ, ông có một thời gian làm việc cho Thomas Edison trước khi trở thành nhà phát minh.Nhiều phát minh của Tesla trong thời kỳ này mang tính cách mạng. Ông chủ yếu tập trung vào cải tiến các hệ thống tạo ra năng lượng điện và truyền tải dòng điện. Ngoài ra, ông cũng có những phát minh quan trọng trong lĩnh vực công nghệ vô tuyến.
Nhưng ước mơ lớn nhất của Tesla là tìm ra cách truyền năng lượng vô hạn trực tiếp qua không khí. Suốt cuộc đời mình, Tesla đã cố gắng phát triển một số thiết bị có thể truyền điện không dây, nhưng các nghiên cứu của ông bị hạn chế đáng kể vì thiếu kinh phí. Tuy nhiên, vào năm 1934, Tesla, khi đó 78 tuổi, có một tuyên bố chấn động rằng ông đã phát minh thiết bị có thể giết người từ cách xa hàng km bằng điện.
Tesla gọi phát minh của mình là Teleforce. Dù hiện nay nhiều người biết đến nó với tên gọi “tia tử thần Tesla”, bản thân ông không đồng tình với thuật ngữ này khi mô tả về Teleforce vì thiết bị không truyền tia bởi một tia năng lượng sẽ tiêu tán trong không khí.
Thay vào đó, phát minh của Tesla tập trung năng lượng dọc theo một dải hẹp mà theo ông khiến nó đủ mạnh để hạ gục máy bay từ xa và giết người ngay lập tức.
Tesla cho hay phát minh của ông có thể tạo ra hàng rào năng lượng bao phủ cả một quốc gia, tiêu diệt bất kỳ kẻ thù nào đi qua nó. Tuy nhiên, ông hy vọng những ứng dụng từ phát minh này sẽ đem lại hòa bình. Bằng cách khiến quân đội các nước không thể tấn công lẫn nhau, Tesla hy vọng có thể loại bỏ hoàn toàn chiến tranh.
Nhưng ước mơ cao đẹp của Tesla đã gặp phải vấn đề nghiêm trọng: Không ai tài trợ dự án. Ông đã tiếp cận chính phủ Mỹ, Liên Xô cùng chính phủ nhiều nước khác nhưng không ai cung cấp bất kỳ khoản tiền nào cho sáng kiến này.
Song vào một đêm năm 1937, trong cuộc họp tại Đại sứ quan Nam Tư, Tesla tuyên bố với cả khán phòng rằng Teleforce không chỉ khả thi mà thực tế, ông đã chế tạo thành công nó. Tesla dự định công bố phát mình trong vài tháng.
Tuy nhiên, thế giới đã không có cơ hội nhìn thấy nó. Không lâu sau, Tesla bị xe hơi đâm khi băng qua đường. Ông bị chấn thương nặng và không hoàn toàn hồi phục sau đó. Năm 1943, Tesla qua đời ở tuổi 86 tại khách sạn New Yorker, nơi ông sống.
Khi nhận được tin Tesla qua đời, quân đội Mỹ nhanh chóng có mặt tại khách sạn và lục soát căn phòng để thu giữ tất cả phát minh họ không muốn các quốc gia khác có được. Nhưng Mỹ cho biết họ không tìm thấy gì. Câu hỏi đặt ra là điều gì đã xảy ra với Teleforce.
Có thể chính phủ Mỹ đã bí mật cất giữ và nghiên cứu “tia tử thần Tesla”. Một số thiết bị tương tự đã được thử nghiệm trong thời Chiến tranh Lạnh, có thể cho thấy họ đã sử dụng phát minh của ông để phát triển những công nghệ xa hơn.
Nhưng nếu Tesla thực sự đã tạo ra “tia tử thần” và không ai lấy nó, không có manh mối nào cho câu hỏi ông đã đặt nó ở đâu. Cũng không có lý do xác đáng nào giải thích cho thắc mắc vì sao ông không bao giờ công khai nó.
Lời giải thích khả dĩ hơn là Tesla chưa từng thực sự làm ra “tia tử thần”. Ông được cho là đã mắc bệnh tâm thần trong phần lớn cuộc đời. Vào những năm cuối đời, cùng thời điểm ông tuyên bố chế tạo thành công “tia tử thần”, tình trạng của Tesla ngày càng tồi tệ hơn. Thực tế, “tia tử thần” không phải phát minh duy nhất mà ông tuyên bố tạo ra nhưng chưa bao giờ công bố.
Những năm 1930, ông thường xuyên tuyên bố sáng tạo ra những phát minh lớn, như cỗ máy chạy bằng bức xạ vũ trụ. Nhưng giống như tia tử thần, nếu có tồn tại thì không ai ngoài Tesla từng nhìn thấy chúng.

Theo ATI (Advanced Technology Institute)

Võ Bị trên chiến tuyến

Trần Ngọc Toàn

Mùa nước lụt, Tháng 10 năm 1973.

Suốt gần cả tuần lễ, mưa kéo dài qua ngày đêm như không dứt.Mưa nơi xứ Huế và Quảng Trị càng làm cho cảnh vật thêm não nề, sầu thảm. Từ bên Hương Điền, Huế, nhìn ra Phá Tam Giang chỉ thấy một khung cảnh mờ ảo. Nước lũ từ trên rặng Trường Sơn ào ạt đổ về tràn ngập hết đám ruộng thấp bên những đồi cát trụi lơ. Tin tức từ các nơi cho biết lũ lụt đang dâng tràn, suốt từ sông Thạch Hãn đến Sông Hương. Vào buổi sáng sớm hôm ấy, trời chợt quang mây tạnh. Đại tá Phạm Văn Chung, Tham Mưu Trưởng, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC hành quân, cho người lính gọi tôi lên trình diện. Ông ngồi sau chiếc bàn thầy giáo, ôn tồn nói :’ Ông Tướng bảo cậu ra bàn giao Tiểu Đoàn 4 cho Nguyễn Đằng Tống ngay hôm nay”. Trung Tá Nguyễn Kim Đễ, bạn cùng Khóa 16 Võ Bị, rời TD 9TQLC về làm Trưởng Phòng 3 Sư Đoàn, đứng lặng lẻ nhìn theo. Không chần chờ, tôi vội quay về nơi tạm trú mang ba- lô lên đuờng. Người lính của Phòng 3 Sư Đoàn đã mang chếc xe Jeep ra chờ tôi trước sân Bộ Tư Lệnh. Chẳng buồn nhìn lại , tôi nhảy thót lên xe khi người tài xế máng khẩu súng M16 vào lưng ghế rồi nổ máy. Anh ta nhanh nhẩu nói nuớc ngập con đuờng sát ruộng. Mình phải chạy vòng ra bờ biển để xuống cửa Thuận An. Gặp chuyến phà Quân vận đang chuẩn bị qua Phá, thầy trò tôi vọt lên ngay. Khi đến Đập Đá , Huế, xe phải dừng lại .Nước tràn qua đập trông khá mạnh và cao mực nước. Không thấy ai dám qua. Chợt một chiếc xe GMC chở đầy lính trờ tới. Tôi bảo người tài xế chạy theo bám sát đuôi chiếc xe vận tải. Lọt qua đuợc, xe vòng qua cậu Trường Tiền, bon bon chạy về hướng Bắc. Qua Mỹ Chánh, bắt đầu với cánh quân của Tiểu Đoàn 6 TQLC do Trung Tá Trần Văn Hiển chỉ huy, khi nước dâng sát nhịp cầu rồi đến Hải Lăng, đến phòng tuyến của Tiểu Đoàn 3 TQLC với Trung Tá Nguyễn Văn Cảnh, xuất thân Khóa 16 Võ Bị, rồi ngang khu đóng quân của Tiểu Đoàn 7 TQLC với Nguyễn Văn Kim, bạn cùng khóa Võ Bị, bên nhà thờ La Vang bị sụp tháp chuông trong cuộc tổng tấn công của CS Bắc Việt, tiến vào thành phố Quảng Trị và Cổ Thành đỗ nát, với đâu đây bóng quần áo trận rằn ri TQLC. Xe rẻ về hướng Đông về quận Triệu Phong, qua thôn Bích La Đông, Bích La Tây, quên hương của Lê Duẩn. Khi xe vừa lên cầu Ba Bến, bắt ngang sông Vĩnh Định, trước mặt tôi là cả một vùng ngập nuớc mênh mông hết tầm mắt. Người tài xế vội dừng xe, bước xuống keó khấu súng M16 ra cầm tay lăm lăm. Tôi chỉ có chiếc ba-lô trên lưng và hai bàn tay không. Vừa lúc, từ phía Chợ Cạn, một chiếc xe lội nuớc M113 rẻ nước huớng về phía cầu. Tôi thấy đứng ngồi lổm ngổm trên mui xe có mấy người lính Thiết giáp thủ súng.

vo_bi_tren_chien_tuyen_c-large-content

Người bạn cùng khóa Võ Bị của tôi, Trung tá Nguyễn Đằng Tống, trong bộ chiến phục còn mới, giơ tay vẩy vẩy. Chiếc Thiết vận xa vừa dừng lại dưới chân dốc cầu, Tống nhảy xuống đi nhanh vế phía tôi, miệng cười tươi như trẻ đuợc kẹo. Chàng nói như không kịp thở :” Mày vào đi. Tụi nó đứa nào cũng biết mày (và) đang chờ mày vào.”

_ Còn vụ bàn giao thì sao ?

_ Tao chẳng có gì phải bàn giao với mày. Tao phải ra Huế gấp cho kịp chuyến bay C130 về Sài Gòn cưới vợ.

_ Cưới vợ ? Mày mày cưới em nào vậy?

_ Thôi mày biết rồi còn hỏi nửa. Nè, tao cho mày 10 ngàn để xài tạm lúc đầu. Tao đi đây.

Thế là Tống mang túi xách nhỏ nhảy gọn lên chiếc xe Jeep. Xe phải thụt lùi vì không chổ quay đầu. Tôi nói vói theo :” Cưới xong nhớ dắt vợ mày ra trình diện nghe” Và đứng lặng nhìn theo cho đến khi chiếc xe khuất bóng. Hai đứa tôi là bạn cùng khóa 16 Võ Bị. Ra trường nhào đầu về Thủy Quân Lục Chiến, cùng Tiểu Đoàn 4. Trong trận Bình Giả, Tống thoát về làng với Đỗ Hừu Tùng. Ba ngày sau, tôi một mình mới bò về trước cổng làng Bình Giả, khi hai vết thương trên bắp chân và đùi phải thối rửa, đầy dòi và kiến lúc nhúc. Tống và Tùng bảo đêm nào tụi tao cũng thấp nhang khấn mày chết chổ nào về chỉ cho biết để lấy xác. Năm 1966, Tống bị trúng đạn vào bụng nhưng nhờ tản thương về Quy Nhơn kịp thời nên sống sót. Chỉ hai năm sau, Tống trở ra hành quân, rồi làm Tiểu Đoàn Trưởng TĐ1 TQLC và TĐ4TQLC,ược đặc cách lên Trung Tá với Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Lần này đuợc phép về Sài Gòn cưới con gái ông Nhà Báo Tú Gàn rồi ra làm Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 147 TQLC với Trung Tá Đỗ Hữu Tùng nắm quyền LĐT.

Tôi mang ba-lô leo lên mui xe vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 4 TQLC nằm trong làng Chợ Cạn đang chìm trong biển nước lũ lụt Tháng 10. Chiếc xe M113 rẻ nước chạy ào ạt vế phía đồi cát nhô lên giửa mất rặng tre già ngập nước. Từng đàn vịt nước Le le đen nghẹt cất cánh ào lên kêu xào xạt. Đám lính của đơn vị đang ngồi tòn teng trên võng, ôm súng nhìn theo. Vừa leo xuống xe, tôi gặp ngay Đại Uý Nguyễn Tri Nam, xuất thân Khóa 22 Võ Bị, đứng nghiêm đưa tay chào, trong bộ chiến phục gọn sạch. _” Chào Đại Bàng. À quên, chào Niên Trưởng”. Tôi vui vẻ chào lại và bắt tay Nam. Tôi gặp Nam nhiều lần trước. Tôi hỏi tên anh là Tri Nam hay Trí Nam. Nam liền bảo là Tri Nam. Cha mẹ Nam từ ngoài Bắc vào Nam làm Đồn Điền ở Trị Tâm, Bình Dương, trước năm 1954, nuôi Nam đi học lên tới Đại học nhưng Nam tình nguyện vào Võ Bị, rồi TQLC. Đại Uý Nam rất nhanh nhẹn và khuôn thước, đâu ra đó. Nam mời tôi vào hầm Hành quân của Ban 3 Tiểu Đoàn để hướng dẩn tôi vị trí đóng quân và tình hình địch. Ngay sau đó, Nam gọi một người lính lên bảo :” Đây là Hạ sĩ Nguyễn Văn Sơn tự Sơn Cà và Binh Nhất Lý Seng sẽ là Tà Lọt (phục vụ) cho Niên Trưởng và chỉ căn hầm kế bên là nơi tôi ở. Sơn Cà lớn con và có vẻ xuề xòa của người Nam. Lý Xeng trông lầm lì. Tôi hỏi Tiểu Đoàn Phó nằm đâu. Nam đáp :” Thiếu Tá Phạm Văn Tiền (Đuợc tưởng thưởng Đệ Tứ đẳng BQHC Năm 1972 về sau lên làm TĐT/TĐ5TQLC) nằm với Đại Đội 1 của Dương Công Phó Khóa 22 Võ Bị. Niên Trưởng Tiền là Khóa 20. Tôi biết và đã gặp. Đaị đội 2 do Tô Thanh Chiêu khóa 26 Thủ Đức. Chiêu từ bên Không Quân đánh Huấn Luyện Viên về Thủ Đức, nay làm Đại Đội Trưởng. Đại Đội 3 và 4 do hai Đại Uý Mai Văn Hiếu tự Hiếu Tây Lai và Dương Tấn Tước gốc Tây Ninh chỉ huy. Khi còn là Thiếu Tá, Trưởng Phòng Tổng Quản Trị Sư Đoàn, năm 1971, tôi đã lên trường Võ Bị lấy Khóa 23 về TQLC, nay họ đã dày dạn chiến trường và mang cấp Đại Uý. Tước tánh ít nói nhưng rất lì khi đụng trận. Thế là tôi có có cả một dàn khóa đàn em Võ Bị sánh vai, chung lưng đứng ngoài mặt trận. Tôi không phải lo gì ngòai việc chăm sóc và tận tình giúp cho họ về mọi phương diện, như một người anh trong gia đình, dù tôi đã rời chiến trường khá lâu và mang thương tật.

vo_bi_tren_chien_tuyen_b-large-content

Tôi nghĩ ngay đến việc phải ra thăm các Đại Đội trên chạm tuyến. Sau khi ngưng bắn, phòng tuyến của TQLC và VC chỉ cách nhau vài thước, về phía Đông Bắc của Quảng Trị, từ Cửa Việt đổ xuống. Đại Uý Nam gọi lấy chiếc xuồng máy cao- su đem ra bờ nước. Hai đệ tử mới của tôi vội cả chạy ra, mang theo súng. Người mang máy truyền tin Tiểu đoàn là Hùng Con lếch thếch quảy máy chạy vội ra. Nam nói lớn “Thằng Hùng Con là con của Thượng sĩ Nguyễn Văn Bình hồi xưa là Tiểu đội trưởng của Đại Bàng đó”. Hùng Con nhỏ nhắn, mặt còn con nít, cười bẻn lẻn. Tôi bắt đầu với ám danh truyền tin là Tây Sơn và ám số 816. Sơn Cà và Lý Xeng vừa chống vừa chèo xuồng, hướng về phía Cánh B của Tiểu Đoàn do “Sao Mai” Phạm Văn Tiền chỉ huy. Tiền đã đứng chờ trên một gốc bụi tre lấp xấp nước. Tiền vồn vả chào hỏi và bắt chặt tay, đồng thời chỉ tay các vị trí của VC. VC đã lấy ghe của dân neo vào lùm tre trên mặt nước lụt. Tiền đã cho lệnh các Đại Đội chặt tre già kết thành bè cho mổi Tiểu Đội. Chiếc bè tre của Tiền khá rộng và vửng chắc. Tiền cho biết đơn vị không gặp trở ngại cho tiếp tế nhờ có M113. Trong khi VC dùng bao plastic đen thả trôi lương thực cho quân trú đóng. Có gói trôi dạt qua bên TQLC. Lục ra thấy có gạo sấy và hộp thịt heo kho Tàu Trung Cộng. Một lúc sau, Đại Uý Dương Cộng Phó K22 tự Phó” xay nước mía nằm” gần , lội qua báo cáo vị trí đóng quân, với hàng lính treo võng trên các bụi tre. Lính rất giỏi xoay sở. Họ lấy nón sắt ngửa rat reo giửa hai cây rồi nhóm lửa nấu cơm cũng treo lửng lơ bên trên. Phó nổi tiếng đánh giặc lì lợm và lính dưới quyền sợ một nước. Sau đó, thuyền chèo qua Đại Đội 2 của Tô Thanh Chiêu. Chiêu người Bắc nói chuyện rất có duyên. Hồi trước khi ở Không Quân qua Mỹ học va chạm và đánh Huấn Luyện Viên nên bị trả về, rồi đi khóa Sĩ quan Thủ Đức. Về Sau, ngày 23 tháng 3 năm 1975, Chiêu bị tử trận tại Thuận An cùng với Nguyễn Tri Nam, lúc ấy Nam là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Phó TĐ4TQLC. Xác hai người đuợc Trung Tá Tống đưa về Quân Y Viện Đà Nẵng, rồi biệt tích sau ngày 29.3.75 khi Đà Nẵng rơi vào tay CS. Tôi lần qua thăm hai đàn em Khóa 23 do tôi nhận về TQLC, là Mai Văn Hiếu và Dương Tấn Tước. Hiếu quê ở Gia Định, còn Tước từ Tây Ninh. Khi đến Đại Đội 2 bất chợt tôi gặp lại người lính cũ khi còn làm Trung Đội Trưởng năm 1963. Nay anh đã lên Trung Sĩ Nhất là Lê Văn Quận. Tôi và Quận gặp lại nhau vui mừng và xúc động, không ngờ sau bao năm chinh chiến vẩn còn sống sót. Quân trông già dặn và từng trải. Tôi hỏi chú có vợ con gì chưa. Quân đáp đi hành quân hoài lấy vợ chỉ làm cho người ta khổ. Tôi dọ ý Trung Uý Tô Thanh Chiêu (Năm 74 lên Đại Uý) xin rút T/S I Quân về với tôi. Chiêu vui vẻ nhận lời ngay. Quận đã theo bảo vệ tôi cho đến giờ phút cuối cùng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tôi gọi máy bảo Nam liên lạc xin thêm xuồng máy cao su cho đơn vị. Tôi nhắc lại lời Thiếu Tá Tiền với các ĐĐT là nhất quyết không cho quân VC lấn qua một tấc đất khi lợi dụng mưa lũ. 

Khi vừa quay về BCH tôi bổng nghe tiếng máy bay Trực thăng xoành xoạch trên đầu. Vừa lúc Nam chạy ra gọi báo có người trên phi cơ muốn tiếp chuyện. Ngay sau thủ tục đàm thoại, tôi nghe tiếng vang trong máy Truyền tin AN/PRC25 :” Cao Bồi ! Cao Bòi! Đây là Già Rô. Trả Lời” Thì ra là Trung tá Cao Quảng Khôi Phi đoàn Trưởng PĐ213 từ Đà Nẵng cùng khóa Võ Bị với tôi. Trong Trường tôi có bịêt danh là Cao Bồi và Khôi với tên Ông Già Rô. Khôi cho biết vừa ghé công tác cho Lữ Đoàn 369 TQLC và gặp Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc. ”Tau vòng lên thăm mi rồi về. Mi cần chi cho tao biết” Khôi nói trước khi rời vùng. Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Á khoa Khóa 16 Võ Bị, đang làm Lữ Đoàn Phó LĐ369 TQLC đóng ở Mỹ Thủy.Khi gặp tôi ở Hương Điền, Phúc ôm vai tôi nói :

” Mày ra ngòai hành quân với tụi tao còn hơn là làm Chánh Văn “Buồng” chẳng khác gì gia nhân. Mất cả khí thế.” 

Bây giờ, tôi đi vào mặt trận, với các bạn cùng khóa chung vai sát cánh và cả một giàn đàn em Võ Bị đã dày dạn chiến trường. Phía trên đầu còn có Phi Đoàn Trực Thăng 213 của Trung Tá Cao Quảng Khôi. 

“ Chàng từ đi vào nơi gió cát,Đêm trăng này nghỉ mát nơi nao……”

Trần Ngọc Toàn

Tôi đã từng ngu như thế ?

Tôi đã từng ngu như thế để phán đoán vội vàng với một nạn nhân của cuộc chiến tranh Việt Nam

Khi đó tôi vừa đến Mỹ được 1 năm, và tôi quen ông, một Trung tá Việt Nam Cộng Hoà, dù tuổi tác chênh lệch rất xa nhưng chúng tôi nhanh chóng thành đôi bạn.Một ngày kia trong lúc tranh luận thật hăng say , tôi đã từng ngu để nói với ông: “Chóp bu VNCH là đám hèn nhát, bất tài và bỏ chạy mất dép vất dân chúng ở lại chịu khổ”.

Sau khi tôi nói, ông ngồi sững ra nhìn tôi, bất giác một hàng nước mắt lăn khỏi mắt ông và tình bạn giữa chúng tôi chấm dứt.

Tôi lớn lên trong mái trường XHCN cho dù tôi ham học, ham đọc nhưng 90% sách tôi đọc lúc đó là do nhà nước xuất bản. Bất cứ nơi nào cũng chỉ nhìn thấy nói về sự bất tài và hèn của chóp bu Việt Nam Cộng Hoà mà thôi. Điều đó vô hình chung như một dấu ấn ghi vĩnh viễn trong lòng tôi. Tôi sang Mỹ dấu ấn đó không hề thay đổi. Nên tôi từng ngu như thế !

Rồi một ngày kia ngồi trong thư viện bất chợt tôi nhìn thấy quyển hồi ký của ông Henry Kissinger, tôi tò mò đọc và vỡ ra. Tôi đi khắp nơi lục tìm sách để đọc. Tôi tìm hiểu từng trận đánh ác liệt, từng chiến dịch trước 1975 và tôi hiểu. Tôi bị lừa, tôi vô tình bị cộng sản lừa. Tôi là một thằng ngu mà cứ tưởng mình khôn. Sự thật Việt Nam Cộng Hoà đã chiến đấu hết sức ngoan cường trong một hoàn cảnh hết sức cay đắng nghiệt ngã. Họ đã chiến đấu đến khi chả còn gì để hy vọng. Henry Kissinger nói: “Tôi vô cùng khâm phục sự kiên nhẫn chịu đựng nhịn nhục của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông ấy bất chấp mọi sự từ chối từ phía Mỹ, bất chấp tất cả mọi sự tuyệt vọng, đã kiên trì đến cùng cho việc đòi người Mỹ phải thực hiện giao ước tài chính với quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Họ đã chiến đấu dù biết chắc chắn rằng đã không còn gì hết họ vẫn chiến đấu “.


Điều đó được nói bởi kẻ bán đứng Việt Nam Cộng Hoà đó, không phải kẻ bênh vực Việt Nam Cộng Hoà đâu.

Ngược lại Henry Kissinger bày tỏ thái độ hết sức khinh bỉ với các nhà ngoại giao Bắc Việt. Ông cho rằng: “họ đầy thủ đoạn bẩn thỉu đáng khinh”.

Rồi tôi tìm hiểu ngân sách của CS và biết chỉ riêng Trung Cộng đã viện trợ cho Bắc Việt hơn 800 tỷ USD. Đó là lý do Trung Cộng hận Việt Cộng tận xương tủy khi bị VC đá đít chạy theo Liên Xô. Ngân sách quân sự của Miền Bắc vượt xa lắc so với Miền Nam.

Rồi tôi tìm hiểu kỹ thuật quân sự mới vỡ ra rằng. Quân đội Miền Bắc được trang bị những vũ khí hiện đại bậc nhất và quân đội Miền Nam chỉ có đa phần là vũ khí hạng hai. Ví dụ như xe tăng T-54 là đỉnh của lúc bấy giờ trong khi M-41 của VNCH được xem là tạp nham Mỹ đóng vội bán rẻ chứ không hề xài. Vậy mà các bạn biết không trong trận xa chiến gần như là duy nhất và lớn nhất khi tăng chạm tăng tại Hạ Lào dù trong tình thế bất lợi, đơn vị tăng M-41 của VNCH đã đánh thắng đơn vị tăng T-54 của cộng sản giúp giảm bớt sự thiệt hại cho Việt Nam Cộng Hoà trong chiến dịch này.

Tại Quảng Trị trong trận phục kích M-41 VNCH đã tiêu diệt hòan toàn đoàn tăng T-54/55 của CS.

Tôi từng đọc những bài nghiên cứu về tăng thiết giáp của Lục quân Hoa Kỳ và họ tỏ ta kính phục sự gan dạ và sáng tạo của lính tank Việt Nam Cộng Hoà dù phải đối đầu kẻ địch mạnh hơn .

Thế đấy VNCH có một lớp thối nát thật. Nhưng cơ bản từ Tổng Thống đến quân nhân họ đã cố gắng hết sức rồi. Họ thua do thế cuộc cay đắng. Hạng Võ thua cuộc mất cả sinh mạng nhưng người đời chưa có ai chê Hạng Võ hèn cả. Hai Bà Trưng thua trận phải tự sát nhưng Hai Bà là bậc vĩ nhân anh hùng.

Không cứ phải kẻ thắng là hùng và người thua là hèn.

Vậy mà có thời tôi đã từng ngu như thế.

Trần Bảo Quốc

Tôi Không Chết Đâu..

Ghi chú: Sau đây là một phần trích trong truyện ngắn ‘’Tôi không chết đâu’’ trong tuyển tập truyện ngắn ‘’Lửa cháy trong mưa’’, do Cao Đắc Tuấn viết và Hellgate Press, Oregon, U.S.A. xuất bản. Văn bản có bản quyền tác giả. Tác giả có sự chấp thuận của nhà xuất bản cho gởi đăng đoạn trích này trên trang mạng Dân Làm Báo (danlambao). Phiên bản tiếng Việt được dịch từ nguyên tác tiếng Anh, ‘’Fire in the Rain’’ và có thêm phần chú thích về chính tả (thí dụ như xụp đổ/sụp đổ, dòng/giòng, lập lại/lặp lại) và đường lối dịch của người dịch và cũng là tác giả.
*

Cần Thơ, ngày 30 tháng 4, năm 1975

………………………………………………………………………………………

’Tôi, Đại Tướng Dương Văn Minh, Tổng Thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân Lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn.’’

Trước đó, vào 10:24 sáng, ông đã nghe thông báo của Minh qua đài phát thanh kêu gọi tất cả các bên ngừng chiến để chuẩn bị cho việc chuyển giao quyền lực cho chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, hoặc việt cộng. Ông đã tan nát sau cái thông báo buổi sáng đó. Mặc dù không phải là một ngạc nhiên, cái thực tế về sự xụp đổ miền Nam Việt Nam bắt đầu thấm. Bây giờ, bốn giờ sau đó, lệnh đầu hàng vô điều kiện của Minh đã đẩy cảm giác đó tới điểm thấp nhất.

Thế là hết rồi.

Trước tin phát thanh sáng của Minh, ông đã dự đoán điều gì sẽ xảy ra. Nhưng ông cũng không đến nỗi đau khổ khủng khiếp. Thật ra, ông lại còn nhiệt tình. Ông và chỉ huy cấp trên ông, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Khu IV, đã thảo ra một kế hoạch phản công chống lại quân cộng sản. Mã hóa Nối Tay, kế hoạch bí mật sẽ cung cấp cho một cuộc tái chuyển quân quy củ cho tất cả các đơn vị chiến đấu dưới sự chỉ huy của họ vào rừng và vùng đồng bằng trong Quân Khu IV. Từ đó, họ sẽ thiết lập một trung tâm chỉ huy để tổ chức lại quân đội và chiến đấu chống lại cộng quân. Với ít nhất mười ngàn lính, họ sẽ có thể duy trì một cuộc nổi dậy kéo dài và dần dần xây dựng sức mạnh. Kế hoạch này đã được vẽ với bản đồ chi tiết và các tuyến đường rút lui, và nhân viên giao trách nhiệm cho vận chuyển đạn dược và vật liệu. Tất cả chỉ huy ở cấp đại đội trưởng đã được thông báo về kế hoạch. Họ chỉ cần nhận được những chỉ thị chi tiết cuối cùng về vị trí và các tuyến đường rút lui.

Kế hoạch sẽ là một thành công hoàn hảo nếu viên Đại Tá có trách nhiệm phối hợp tất cả các đơn vị đã thực hiện nhiệm vụ của mình. Vào phút chót, Hưng khám phá ra viên Đại Tá đã rời bỏ đơn vị với gia đình vội vàng chạy trốn khỏi miền Nam Việt Nam với các sĩ quan khác. Một đại úy giao cho nhiệm vụ này cũng đã bỏ đi.

Kế hoạch bị tiêu tan. Các chỉ huy trưởng không nhận được chỉ thị và bản đồ. Viên Đại Tá mang theo nguyên bộ kế hoạch hậu cần. Không nhận được lệnh, các chỉ huy trưởng nhầm lẫn, tưởng là kế hoạch đã bị hủy bỏ. Thông tin qua đài phát thanh của Minh ra lệnh ngừng bắn càng làm vấn đề thêm rắc rối. Cho tới khi ông liên lạc các chỉ huy trưởng, họ đã cho binh sĩ về.

Nam và ông nổi điên lên sau khi phát hiện sự thất bại kế hoạch. Họ an ủi nhau và hy vọng một phép lạ sẽ cứu miền Nam Việt Nam. Hy vọng đó đã bị tan vỡ bởi bản thông tin phát thanh ngừng bắn của Minh. Và bây giờ, không còn gì cho Nam Việt Nam sau lệnh đầu hàng vô điều kiện của Minh.

Rõ ràng là bây giờ ông chỉ còn một lựa chọn.

Mấy ngày trước đó, viên liên lạc Mỹ của họ kêu gọi Nam và ông di tản với người Mỹ và các sĩ quan Nam Việt Nam qua sông Cửu Long ra biển, nhưng Nam và ông đã thẳng thừng từ chối.

‘’Chúng tôi không thể bỏ rơi lính chúng tôi,’’ ông nói với viên liên lạc. ‘’Chúng tôi là Tướng chỉ huy họ. Chúng tôi sẽ ở lại và chiến đấu cùng với họ cho đến khi chết.’’

Sau nhiều lời kêu gọi lập đi lập lại, người liên lạc Mỹ phải bỏ và miễn cưỡng rời mà không có họ.
Bây giờ, chiến sĩ ông đã bỏ vũ khí theo lệnh người chỉ huy tối cao, Tổng Thống và Tướng Minh. Nam và ông không còn lính chiến đấu.
Thật ra, vẫn không quá muộn để rời khỏi miền Nam Việt Nam. Quân Khu IV vẫn yên tĩnh và không bị ảnh hưởng bởi sự xụp đổ của Quân Khu I, II và III và Sài Gòn. Mức độ việt cộng rất thấp và lính Bắc Việt không thâm nhập vào vùng. Tuy nhiên, rời khỏi miền Nam Việt Nam chưa bao giờ là một lựa chọn cho ông.

Ông nhìn ra ngoài cửa sổ. Bên ngoài trời đã tối. Buổi tối đã rơi xuống Cần Thơ. Một ngày phẳng lặng đáng kể sau sự xụp đổ chính thức của Sài Gòn.
Ông nuốt ực. Sao mà chuyện lại có thể đến nông nỗi này ? Làm sao mà Quân Khu I, II, và III xụp đổ trong vòng vài tuần, gần như không có một cuộc giao tranh, ngoại trừ trận kiêu hùng Xuân Lộc ?

Ông nghĩ ngày ông tại An Lộc vào năm 1972, trận dữ dội nhất trong binh nghiệp ông. Trong gần hai tháng, dưới đạn pháo kích liên tục của đối phương, thị trấn nhỏ An Lộc đã đẩy lui cuộc tấn công lớn của quân Bắc Việt. Trong cuộc bao vây, có nhiều lần tuyệt vọng ông nghĩ mạng ông chấm dứt, nhưng không bao giờ ông nghĩ đến chuyện rời bỏ lính ông hoặc đầu hàng kẻ thù. Ở trong quân đội hai mươi năm, bây giờ là Tư Lệnh Phó toàn bộ Quân Khu IV, bao gồm cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, đời ông đã liên tục dành cho chiến đấu chống cộng. Làm sao ông có thể rời bỏ lính ông ? Làm sao ông có thể đầu hàng kẻ thù vô điều kiện ? Tuy nhiên, là một chỉ huy quân sự, ông biết quy luật nghiêm ngặt trong quân đội: theo lệnh người chỉ huy cấp trên. Tổng Thống Dương Văn Minh là người chỉ huy tối cao quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị chiến đấu đầu hàng.

Chẳng qua chỉ vì lệnh di tản chiến thuật ngu ngốc của Thiệu. Vị cựu Tổng Thống miền Nam Việt Nam tuyên bố từ chức trên truyền hình vào ngày 21 tháng 4 với lời hứa ở lại chiến đấu như một người lính, chỉ để chạy trốn khỏi đất nước một vài ngày sau bài diễn văn từ chức của ông. Đáng thương thay cho Thiệu. Ông ta khóc như một đứa bé trên truyền hình, thừa nhận rằng ông đã bị Mỹ lừa.

Ông mỉm cười khinh bỉ khi nghĩ đến người Mỹ. Họ không thể tin cậy được. Bất kể Nixon và Kissinger có tô điểm bao nhiêu những thành tựu của họ với Hiệp Định Hòa Bình Paris, Mỹ là thủ phạm chính cho sự xụp đổ miền Nam Việt Nam. Hòa bình trong danh dự. Thật là một trò cười! Đơn phương rút quân trong một cuộc chiến là một hành động thừa nhận thua trận, không phải là hòa bình. Bỏ rơi đồng minh ngay trong cuộc chiến là một ô nhục, không phải là danh dự. Để đồng minh chiến đấu với đạn dược và vật liệu suy giảm chống lại kẻ thù có viện trợ leo thang từ hai siêu cường quân sự là một hành động độc ác. Tuy nhiên, Mỹ đã không bao giờ đối xử miền Nam Việt Nam là đồng minh họ.

Tướng Mỹ luôn luôn coi quân đội miền Nam Việt Nam như là một phần thêm của lực lượng họ, và phải phụ thuộc vào họ. Đối với họ, những người bé nhỏ không biết chiến đấu. Tệ hơn nữa, nhiều sĩ quan Mỹ tin rằng quân Nam Việt Nam không có tinh thần chiến đấu. Người Mỹ biết gì về các vấn đề hậu cần của di chuyển quân, cái nhược điểm của một vành đai phòng thủ quá mở rộng, vấn đề khó khăn bảo vệ thường dân khỏi các cuộc tấn công của đối phương, và những lo lắng về gia đình riêng của họ ? Người Mỹ chỉ tin người Mỹ. Quốc hội Mỹ lắng nghe Tướng họ trong khi bị ảnh hưởng bởi các phương tiện truyền thông đầy mánh khóe, xâm nhập bởi đám phản chiến hèn nhát, và sợ hãi thành viên bầu cử ngu dốt và thông tin sai lạc. Họ chẳng thèm lo gì cho đồng minh Nam Việt Nam của họ.

Nhưng vào lúc này, mọi chuyện đã trở thành không cần thiết nữa.

Ông nhìn đăm đăm vào những chữ Danh Dự-Tổ Quốc-Trách Nhiệm dưới con đại bàng đang nắm hai thanh kiếm trong móng vuốt trên biểu ngữ phục vụ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, treo trên tường. Những chữ đó đã ăn sâu trong tâm trí ông quá lâu đến nỗi những chữ ấy đã trở thành một phần cuộc sống ông. Ông đã tuyên bố sẽ thực hiện theo các chữ đó từ ngày ông bước vào cuộc sống quân ngũ. Nhưng bây giờ, ông không thể giữ cả ba. Tổ quốc ông đã bị mất cho kẻ thù. Trách nhiệm ông đã bị tước và lấy đi theo lệnh đầu hàng vô điều kiện của Minh. Ông bây giờ chỉ còn có danh dự.

Danh Dự. Cái danh dự thật sự.

Nhiều người không hiểu rõ ý nghĩa của từ này. Một số thậm chí gọi hành động một người giữ danh dự là hành động ngu xuẩn. Những người khác lạm dụng nó. Như hòa bình với danh dự của Nixon.

Một tiếng gõ cửa gián đoạn ý nghĩ ông.
‘’Vào đi,’’ ông nói.
Hoàng, vợ ông, bước vào.
‘’Mọi chuyện ra sao rồi, anh ?’’ cô hỏi.

Ông dừng lại và tự hỏi ông có nên nói với cô những gì đã xảy ra. Đâu có lợi gì ? Nhưng cô là vợ ông và cô cần biết. Hơn nữa, có một sự thay đổi trong kế hoạch của ông với cô và các con. Ông phải nói với cô. Ông phải thuyết phục cô.

Với sự bình tĩnh tự chủ, ông bắt đầu nói với cô về kế hoạch không thành công và tình hình hiện tại. Cô lắng nghe chăm chú, như mọi khi. Khi ông nói xong, Hoàng ứa nước mắt nhìn ông. Họ đã nói về dự tính họ, các chuyện bất ngờ, và việc chết cùng với các con họ. Để giữ danh dự.
Ông hít một hơi dài, và mắt ông sáng lên. ‘’Em phải sống để chăm sóc các con.’’
‘’Tại sao ?’’ cô hỏi, ngạc nhiên. ‘’Sao anh đổi ý ?’’
Ông thở dài chịu đựng. ‘’Con mình vô tội. Anh không thể để tụi nó chết.’’

Cô bật khóc. ‘’Anh biết mình không thể để các con mình sống dưới cộng sản. Như vậy giống như tụi nó bị tra tấn. Hãy để mấy đứa chết với em một cách thanh bình, trong giấc ngủ. Các con và em sẽ chết cùng với nhau.’’
‘’Không,’’ ông nói, giọng rắn rỏi. ‘’Cha mẹ không thể giết chết con cái. Anh van xin em. Chịu nhục để sống. Ở lại trong cương vị anh và dậy dỗ chúng nên người. Coi chừng sự giàu có, vinh quang và danh vọng. Đó là những điều có thể làm mờ lương tâm con người. Hãy nhớ rằng, quê hương chúng ta là quan trọng nhất. Ráng hạ mình và chịu đựng sự nhục nhã để nuôi dạy các con chúng ta và ghi sâu trong các con ý chí khôi phục lại danh dự cho quê hương chúng ta.’’

Cô nức nở. ‘’Nếu anh không muốn các con chết, sao anh không chạy trốn như những người khác ?’’
Ông quắc mắt lên với cô. ‘’Em là vợ anh. Sao em có thể hỏi anh một câu hỏi như vậy?’’
Cô run rẩy. ‘’Tha thứ cho em. Đó là vì em yêu anh rất nhiều.’’
Ông nhìn cô đăm đăm. Trong khoảnh khắc, cảm xúc khống chế ông.
‘’Nghe này,’’ ông nói. ‘’Những người khác có thể chạy trốn, nhưng anh không thể được. Anh phục vụ với hàng ngàn binh sĩ, sống với họ qua những giây phút sống chết. Làm sao anh có thể bỏ rơi họ ? Anh sẽ không đầu hàng. Bọn việt cộng đang đến. Anh biết khi anh đối diện chúng, anh sẽ không tự chủ và sẽ bắn chúng. Nhưng chuyện đó sẽ gây ra đổ máu và dân và lính sẽ càng chết nhiều hơn.’’
‘’Em biết, nhưng em nên làm gì ?’’

Ông xiết chặt tay cô. ‘’Mình hiểu rõ nhau. Anh biết em có thể chất mảnh mai nhưng ý chí em như sắt đá. Chịu đựng mọi sỉ nhục. Cải trang, thay đổi chính mình. Anh tin ở em. Vì anh, vì các con chúng ta, vì quê hương chúng ta. Em có thể làm chuyện đó. Xin nghe lời anh. Anh van em. Anh van em.’’
Nước mắt rơi xuống trên mặt cô. ‘’Vâng, em sẽ làm chuyện đó.’’
‘’Hứa với anh. Hứa với anh.’’
‘’Vâng, em hứa.’’

Ông mỉm cười.

8:45 tối, ngày 30 tháng 4 năm 1975, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, 42 tuổi, người hùng An Lộc, tự bắn mình trong phòng khóa sau khi nói lời từ biệt với gia đình và các sĩ quan ông, để lại vợ và hai con, lứa tuổi năm và hai.
Chưa đầy một ngày sau đó, cấp trên ông, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, 47 tuổi, tự bắn vào lúc 7:30 sáng, ngày 1 tháng 5 năm 1975.
Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng và Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam không phải là hai sĩ quan duy nhất đã tự tử.Nguyễn Khoa Nam

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 và 1 tháng 5 năm 1975, một số sĩ quan quân sự và cảnh sát quốc gia của nước Việt Nam Cộng Hòa thà chết còn hơn nhìn thấy lá cờ cộng sản bay trên miền Nam Việt Nam. Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, 41 tuổi, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh tự bắn vào lúc 11:00 sáng tại Lai Khê. Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, 49 tuổi, Tư lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh tự tử bằng thuốc độc tại Trung Tâm Đồng Tâm. Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, 46 tuổi, Tư Lệnh Quân Khu II, tự tử bằng thuốc độc tại nhà ông ở Sài Gòn. Trung Tá Đặng Sĩ Vinh, Cảnh Sát Quốc Gia, bắn ông, vợ ông, và bảy đứa con của họ tại 2:00 chiều tại nhà ông ở Sài Gòn. Trung Tá Nguyễn Văn Long, Cảnh Sát Quốc Gia, tự bắn trước tượng Thủy Quân Lục Chiến lúc 11:00 sáng tại Sài Gòn. Trung Úy Không Quân Nguyễn Thanh Quan tự bắn vào lúc 3:15 chiều tại nhà anh. Thượng Sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, 21 tuổi, tự bắn lúc 10:25 sáng ngày 01 tháng 5, 1975 tại sân bay Mộc Hóa, Tỉnh Kiến Tường. Binh Nhất Hồ Chí Tâm, Tiểu Đoàn 490 Địa Phương Quân, tự bắn bằng M-16 tại Đầm Cún, Cà Mau.

Danh sách tiếp tục. Trung Tá Vũ Đình Duy, Trung Tá Nguyễn Văn Hoàn, Trung Tá Nguyễn Đình Chi, Trung Tá Hà Ngọc Lương, Trung Tá Phạm Đức Lợi, Trung Tá Nguyễn Xuân Trân, Trung Tá Phạm Thế Phiệt, Thiếu Tá Không Quân Nguyễn Gia Tập, Thiếu Tá Lương Bông, Thiếu Tá Mã Thành Liên, Thiếu Tá Nguyễn Văn Phúc, Thiếu Tá Hải Quân Lê Anh Tuấn, Thiếu Tá Đỗ Văn Phát, Thiếu Tá Trần Thế Anh, Đại Úy Vũ Khắc Cần, Đại Úy Tạ Hữu Di, Đại Úy Nguyễn Văn Hữu, Đại Úy Nguyễn Hòa Dương, Trung Úy Đặng Trần Vinh, Trung Úy Nghiêm Viết Thảo, Trung Úy Nguyễn Văn Cảnh, Thiếu Úy Nguyễn Phụng, Thiếu Úy Dù Hoàng Văn Thái và bảy người đồng đội, Chuẩn Úy Đỗ Công Chính, Thượng Sĩ Phạm Xuân Thanh, Thượng Sĩ Bùi Quang Bộ, Trung Sĩ Quân Cảnh Trần Minh, Luật Sư Trần Chánh Thành.

Một số không rõ sĩ quan, chiến sĩ, quan chức chính phủ, và công dân Việt Nam Cộng Hòa tự tử sau sự xụp đổ của miền Nam Việt Nam vào ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Cần Thơ, ngày 14 tháng 8 năm 1975

Chúng không bịt mắt người tù vì chúng muốn ông phải đối mặt với dân chúng và khẩu súng sẽ lấy mạng ông. Cùng với các tù nhân khác, ông bị tòa án nhân dân kết án tử hình. Cuộc hành quyết ông được tổ chức tại sân vận động Cần Thơ và mở cho công chúng. Kẻ thù ông không chỉ muốn ông chết. Chúng muốn hạ nhục ông công khai và chúng muốn dùng cái chết ông để cảnh cáo người khác. Khán giả, những người đàn ông và phụ nữ, đến nhìn ông lần chót. Tội ông được tả một cách mơ hồ, nhưng dính líu đến sự chiến đấu ngoan cố của ông khi lệnh đầu hàng được công bố. Ông và lính ông chiến đấu cho đến khi họ dùng viên đạn cuối cùng, một ngày sau khi Sài Gòn xụp đổ. Không giống như những người khác, ông không tự tử do đức tin Công Giáo của ông.

Ông mặc bộ áo màu đen. Tay bị trói sau lưng và vào một cột gỗ cao. Ông trông bình tĩnh và đầy tư cách.
‘’Anh muốn nói gì trước khi chết không ?’’ Tên chỉ huy toán hành quyết hỏi.

Người tù nhìn trừng trừng vào tên chỉ huy toán hành quyết. ‘’Tôi không đầu hàng. Tôi chỉ muốn mặc quân phục tôi và chào lá cờ Việt Nam Cộng Hòa.’’
‘’Chuyện đó không có được,’’ tên toán trưởng hét vào mặt ông. Mặt hắn đỏ lên.

Người tù mỉm cười. Ông đã đoán trước phản ứng kẻ bắt ông. Ông nhìn khán giả, nhìn những ông và phụ nữ với khuôn mặt căng thẳng. Một số cúi đầu và chắp tay cầu nguyện. Một số lau nước mắt. Tim ông thắt lại khi ông nhận ra những khuôn mặt quen thuộc của những người dân trong tỉnh ông. Ông nghĩ về cuộc đời binh nghiệp ông hơn hai mươi năm, về các chiến hữu ngã gục, những lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc trên chiến trường, và trận chiến cuối cùng. Gia đình ông. Tổ quốc ông.Hồ Ngọc Cẩn

Mặt ông đanh lại.

‘’Việt Nam Cộng Hòa muôn năm! Đả đảo cộng sản,’’ người tù hét lên.
Mắt tên toán trưởng mở rộng trong kinh ngạc. ‘’Bắn nó,’’ hắn hét lên.
Các khán giả há miệng. Một số nhắm mắt.
Tên hành quyết, mặc bộ áo đen với khăn quàng cổ ca rô đen trắng, chỉa khẩu súng vào thái dương người tù rồi bóp cò.

Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Tỉnh Trưởng Tỉnh Chương Thiện bị xử tử bởi cộng sản vào ngày 14 tháng 8.1975. Sĩ quan cấp dưới của ông, gồm có Thiếu Tá Trịnh Tấn Tiếp, Quận Trưởng Quận Kiến Thiện, Trung Tá Võ Văn Đường, Cảnh Sát Trưởng Chương Thiện, và Đại Úy Phạm Văn Bé, Chỉ Huy Trưởng Đại Đội Trinh Sát, cũng bị hành quyết sau khi bị bắt. Phụ tá của Đại Tá Cẩn, Trung Sĩ Vũ Tiến Quang, đã bị hành quyết vào ngày 1 tháng Năm năm 1975 ngay sau khi ông và Đại Tá Cẩn bị bắt làm tù binh. Hàng trăm chiến sĩ khác của Việt Nam Cộng Hòa đã không đầu hàng và đánh cộng sản cho đến viên đạn cuối cùng. Nhiều người bị xử tử tại chỗ sau khi bị bắt. Đó là trường hợp của Thiếu Tá Trần Đình Tự, 32 tuổi, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân, và lính ông, những người bị xử tử một cách tàn nhẫn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Tin cuộc hành quyết lan rộng cả thành phố.

Bầu trời đầy mây sau cơn mưa nhẹ. Mặt trời đã xuống. Buổi tối bắt đầu rơi vào Cần Thơ.
Người thiếu nữ trẻ mặc toàn màu trắng. Lúc đầu, mọi người không chú ý đến cô. Họ đi ngang qua cô, liếc nhìn cô, rồi bỏ đi. Nhưng khi cô lấy ra một bó nhang, thắp nhang, và quỳ xuống trong một tư thế cầu nguyện, người ta bắt đầu tụ tập quanh cô.
Cô nhắm mắt lại, lễ lạy ba lần và đặt cây nhang đang cháy trong bình nhang.
Cô đứng lên và bước đi, bỏ qua tia nhìn tò mò của những người xung quanh và người qua đường.
Có người thông báo sự việc lạ lùng đó với cảnh sát nhân dân. Ngay sau đó, hai nhân viên an ninh đến.
Trên vỉa hè, hương đã đốt cháy nửa chừng. Một mảnh giấy gấp lại bị mắc kẹt bên dưới bình nhang. Một trong hai nhân viên an ninh rút tờ giấy. Anh mở ra.

Trên tờ giấy, những dòng sau đây được viết gọn gàng:
Cho những người lính đã ngã gục, những người nam nữ Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu cho tự do và dân chủ.

Anh hùng tử, khí hùng bất tử
Xin đừng đứng khóc bên mộ tôi.
Vì tôi không ngủ, đã đi rồi.
Tôi là ngàn gió bay thoang thoảng,
Là kim cương trên tuyết sáng ngời.
Tôi là thái dương trên hạt chín.
Là giọt mưa thu đọng nhẹ nhàng.
Khi người thức giấc mai bịn rịn,
tôi như cơn lốc bốc huy hoàng
của đàn chim bay quanh lặng lẽ.
Tôi là sao đêm ánh dịu màu.
Đừng đứng bên mộ tôi rơi lệ.
Tôi không ở đó; tôi không chết đâu.


Do not stand at my grave and weep,
I am not there; I do not sleep.
I am a thousand winds that blow,
I am the diamond glints on snow,
I am the sun on ripened grain,
I am the gentle autumn rain.
When you awaken in the morning’s hush
I am the swift uplifting rush
Of quiet birds in circling flight.
I am the soft starlight at night.
Do not stand at my grave and cry,
I am not there; I did not die.
Mary Elizabeth Frye, 1932

GHI CHÚ LỊCH SỬ VÀ SỰ KIỆN
TÔI KHÔNG CHẾT ĐÂU (1975)


Các tướng lãnh và sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong những ngày cuối cùng của miền Nam Việt Nam:

Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng được coi là chống Mỹ (Andrade 2001, 351). Tuy nhiên, bình luận này có vẻ hướng về phương pháp đánh trận của ông, và không nhất thiết là thái độ ông đối với quân Mỹ. Parker, một nhân viên CIA, mô tả ông là người nồng nhiệt và thân thiện (Parker 2000, 246, 250). Mối liên hệ giữa Hưng và cố vấn Mỹ của ông, Đại Tá Miller, trong cuộc tấn công mùa Hè năm 1972, ban đầu thì tốt đẹp nhưng trở nên tệ hơn khi cuộc chiến kéo dài. Năm 1971, khi Hưng là Tư Lệnh Sư Đoàn 5, Miller báo cáo rằng Hưng cho thấy một tài lãnh đạo xuất sắc, tích cực, có tổ chức, và cứng rắn (Andradé 2001, 351). Nhưng trong trận An Lộc vào năm 1972, Miller bực tức bởi sự thiếu kiểm soát và do dự của Hưng (Andradé 2001, 399; Lam 2009, 53). So với Đại Tá Trần Văn Nhựt, Tỉnh Trưởng Bình Long, trong trận An Lộc, Hưng có vẻ yếu kém và thiếu quyết đoán (Andradé 2001, 454). Đại Tá Ulmer, người thay thế Miller, có cái nhìn khác. Theo ông, Hưng dường như mệt mỏi và thận trọng, mất bình tĩnh vài lần, nhưng ông rõ ràng nắm quyền chỉ huy và không bao giờ vấp (Andradé 2001, 430-431). Lời phê của Miller về Hưng cũng bị các nguồn khác bác bỏ (Lam 2009, 209-210).

Về kế hoạch ‘’Nối Tay’’ của hai Tướng Hưng và Nam trong tháng 4 năm 1975 tái điều động quân ở Quân Khu IV chống lại cộng sản, không rõ việc này có phải là một kế hoạch thực tế. Theo như Parker (2000, 281), Hưng nói với ông vào ngày 15 tháng 4 năm 1975 rằng miền Nam Việt Nam không thể bảo vệ vùng đồng bằng vì họ không có các nguồn cung cấp đúng và cảm thấy họ đã bị bỏ rơi. Nếu kế hoạch ‘’Nối Tay’’ là kế hoạch nghiêm trọng của Hưng, ta chỉ có thể phỏng đoán rằng ông đã không nói với Parker sự thật vì ông muốn giữ bí mật.

Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn được biết là ‘’người lính trong năm’’ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cho chí khí anh hùng của ông trong các trận đánh. Parker nhận xét rằng ông là lính của lính, dũng cảm và liêm khiết (sđd., 250; tên ông Cẩn đánh vần sai là Cảnh). Chuẩn Tướng Hưng và Đại Tá Cẩn được coi là những người ái quốc của miền Nam Việt Nam (sđd., 248).

Các vụ tự tử của các Tướng Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, và các sĩ quan Cảnh Sát Quốc Gia và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và sự hành quyết của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn được báo cáo trong nhiều bài đăng trên Internet, trang web (xem, thí dụ như, Vnafmamn), và một số sách (Parker 2000, 327-328; Butler 1985, 507; Lam 2009, 238-241; Veith 2012, 495-496; Võ 2004, 18-21; Duong 2008, 220). Đặc biệt, bà góa phụ của Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Phạm Thị Kim Hoàng, kể lại ngày cuối cùng của chồng mình rất chi tiết (Phạm 2003; Parker 2000, 327-328). Câu chuyện Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn và một tấm ảnh của cuộc hành quyết ông (trong bộ áo đen bị một tên việt cộng mặc áo đen và khăn ca rô quàng cổ chỉa khẩu súng lục vào thái dương ông) được đăng trên các trang web khác nhau (Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 2012). Một bản tin trên mạng đăng năm 2013 bởi Công Lý, một cơ quan tin tức của chính phủ Cộng Hòa XãHội ChủNghĩa Việt Nam của ‘’tòa án nhân dân tối cao,’’ kể lạ̣i phiên tòa và cuộc xử tử Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn xảy ra vào tháng 7 năm 1975 (Công Lý 2013). Theo bản tin đó, ‘’tội ác’’ Đại Tá Cẩn là sự ngoan cố của ông ‘’tử thủ đến cùng’’ bất kể lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh.

Một trang Web cung cấp danh sách các Tướng và sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tự tử vào ngày 30 tháng 4 và ngày 1 tháng 5 năm 1975 (Tranhung 2010).

Bài thơ ‘’Xin đừng đứng khóc bên mộ tôi’’:

Mary Elizabeth Frye (1905-2004) được xác định trong năm 1998 là tác giả của bài thơ, ‘’Do not stand at my grave and weep’’ (‘’Xin đừng đứng khóc bên mộ tôi’’) (Wikipedia-Frye 2013). Bà viết bài thơ vào năm 1932 nhưng không xuất bản, hoặc giữ quyền tác giả, và bài thơ được gán cho một tác giả vô danh trong hơn sáu mươi năm (xem, thí dụ, Parker 2000, 329). Bài thơ nói với người đọc/khán giả qua tiếng nói của một người đã qua đời, gợi lên hình ảnh tinh thần (Wikipedia-Frye 2013). Bản dịch bài thơ tiếng Việt của tôi không dịch bài thơ từng chữ một vì tôi muốn diễn tả bài thơ theo kiểu thơ Việt Nam bằng cách dùng kiểu hỗn hợp của bài thơ 4-câu theo vần điệu tiêu chuẩn và xen kẽ. Bản dịch tiếng Việt của tôi diễn tả cùng một ý nghĩa như trong bài thơ nguyên tác tiếng Anh.

.
Cao Đắc Tuấn

Tạp ghi ‘ÔNG HỒ CHÍ MINH YÊU CÁI GÌ?’

Báo Anh đăng lại hình ảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Chú thích của báo Dân Trí

ĐIỆP MỸ LINH

Vừa “bấm” vào BBC tiếng Việt, thấy tựa đề Thảm Kịch 39 Người Việt được BBC Làm Phim Tài Liệu, tôi lặng người, cảm thấy tức giận, nhưng không biết giận ai và giận cái gì!
Sự việc “thùng nhân” của 39 người Việt chết trong xe tải đông lạnh ở Essex, Anh quốc, ngày 23/10/2019, tưởng đã chìm vào quên lãng để linh hồn của những nạn nhân khốn khổ này được yên nghỉ; nay bỗng được BBC khơi dậy.
Sự khơi dậy một cách cố tình của BBC là một vết đâm sâu hút vào nỗi đau thương vô tận của cả một dân tộc và cũng là một cái tát “nẩy lửa” vào mặt nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (csVN)!
Dân tộc Việt, từ thời cổ đại, đã có nhiều Tiền Nhân vĩ đại như Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, v.v… oai hùng đánh đuổi quân Tàu Ô xâm lược.
Trong thời gian ngắn ngủi – từ 1954 đến 1975 – nền độc lập non trẻ của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) luôn luôn bị csVN dùng mọi thủ đoạn để dánh phá và tiêu diệt. Thế mà, ngày 19 tháng 01 năm 1974, Hải Quân VNCH cũng đã anh dũng chống lại – nhưng không đuổi được – quân Tàu Ô khi quân Tàu Ô cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Thế thì, tại sao, sau khi ông Hồ Chí Minh thành lập đảng csVN rồi gieo không biết bao nhiêu đau thương và tang tóc cho dân Việt thì người Việt chỉ biết…chạy?
Thời Việt Minh – tay sai rất đắc lực của đảng csVN – kháng chiến, Ba tôi theo kháng chiến chống Tây. Tôi vẫn nhớ từng nhóm người rách rưới, “đùm túm” nhau, chạy hết làng này qua làng khác, làng kia qua làng nọ; vì Việt Minh đốt nhà, phá hoại toàn diện để thi hành chính sách “tiêu thổ kháng chiến” và “bần cùng hóa nhân dân”. Thế nhưng, ngay sau khi bộ đội cụ Hồ đốt phá nhà dân, Việt Minh lại giăng khẩu hiệu “Đả đảo thực dân Pháp tàn phá quê hương ta”.
Năm 1954, Hiệp Định Genève chia đôi nước Việt được ký kết, ngày 20-07-1954 – csVN phía Bắc, Quốc Gia VNCH phía Nam – cả triệu người Bắc đã rời miền Bắc, trốn chạy khỏi xã hội chủ nghĩa cộng sản để vượt sóng vào Nam.
Tại miền Nam, suốt cuộc chiến tương tàn gần 21 năm, hễ nghe hoặc thấy bóng dáng của Việt cộng – người miền Nam gọi Việt Minh là Việt cộng, do rút gọn hai danh từ kép Việt Minh cộng sản – ở đâu thì người dân ở đó cũng vội vàng chạy về phía VNCH.
Điễn hình cho các cuộc trốn chạy khỏi csVN là năm Mậu Thân, 1968, khi csVN tấn công Huế; năm 1972 csVN tấn công Quảng Trị, lưu lại nhóm chữ hãi hùng “Mùa Hè đỏ lửa”; năm 1975 csVN tấn công Cao Nguyên Trung phần, tạo nên “suối máu” trên liên tỉnh lộ 7; khi csVN dốc tất cả lực lượng tấn công toàn cõi miền Nam Việt Nam thì danh từ kép “Ngày Quốc Hận” ra đời!
Trong Ngày Quốc Hận, 1975, Hạm Đội Hải Quân VNCH phải lìa biển Mẹ, đưa cả mấy mươi ngàn người Việt thoát khỏi gông cùm của csVN.
Sau khi đài BBC loan báo số người Việt do Hải Quân VNCH giúp vượt thoát đã và đang được các nước Tự Do cứu trợ thì không biết bao nhiêu ngàn người Việt khác đã liều chết vượt biển – được gọi là “thuyền nhân” – hoặc vượt biên bằng đường bộ, qua ngã Cam-bốt, để xa lìa sự cai trị sắt máu của người csVN.
Theo bài của giáo sư Lê Xuân Khoa đăng trên BBC ngày 17/04/20, thì: “…Chính sách bóc lột và trả thù tàn ác của csVN đối với nhân dân miền Nam là nguyên nhân chính đã khiến trên hai triệu dân phải bỏ hết tài sản và sự nghiệp {…} Theo các con số của Liên Hiệp Quốc, cho tới khi quốc tế chính thức chấm dứt chương trình tị nạn Việt Nam, năm 1995, tổng số người ra đi được liệt kê như sau:
Đợt I.- Cuối tháng Tư 1975: 140.00 người
Đợt II.- 1975-1979: 327.000 người
Đợt III.- 1980-1989:450.00 người
Đợt IV.- 1990-1995: 63.000 người
Chương trình ODP.- 1979-1995: 624.000 người
Số người chết hoặc mất tích trên đường vượt thoát: 300.000 người. (Hết trích)
Ai cũng tưởng rằng, sau khi quốc tế chính thức chấm dứt chương trình tị nạn thì người Việt không còn chạy được nữa!
Không ngờ, sau đó, người Việt lại chạy khỏi Việt Nam bằng đủ mọi phương tiện, mọi hình thức, như: Xuất khẩu lao động để phụ nữ làm điếm, ăn cắp, đàn ông trồng cần sa; kết hôn với người “nước ngoài” rồi “òn ỉ” để người hôn phối “nước ngoài” mua bảo hiểm nhân thọ thật cao cho chính người hôn phối “nước ngoài”. Chỉ có Trời mới hiểu được ý đồ thâm độc của người hôn phối từ Việt Nam sang! Cán bộ hoặc sĩ quan cao cấp, như Bùi Tín, đi công tác rồi không về; du học “nước ngoài” rồi ở lại, v.v… chứ người Việt không dám chống lại sự dã man, tàn ác của người csVN?
Những sự kiện cả triệu triệu người tháo chạy khỏi chế độ csVN – cũng như 39 “thùng nhân” người Việt chết ngộp trong xe tải, tại Anh – đã cho thế giới thấy rõ bộ mặt thật của nhà cẩm quyền csVN.
Khi phim tài liệu về 39 “thùng nhân” người Việt được trình chiếu thì dư luận thế giới sẽ nghĩ gì về một thể chế dã man và tàn độc như nhà cầm quyền csVN mà vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay? Người ta cũng có thể đặc câu hỏi: Tại sao dưới thời cai trị của thực dân Pháp cũng như dưới sự “xâm lăng” của “đế quốc” Mỹ mà không một người Việt Nam nào phải rơi nước mắt để lìa bỏ Quê Hương? Và dư luận thế giới sẽ nhìn những thế hệ hậu duệ của Đức Thánh Trần Hưng Đạo, của Hai Bà Trưng, của Ngô Quyền như thế nào khi mà đa số thanh niên Việt Nam chỉ biết dong ruổi bằng xe gắn máy hoặc giết thì giờ trong quán cà-phê mùng, bia ôm, quán vĩa hè; thiếu nữ Việt chỉ dành dụm tiền để độn mông, độn ngực, mong “vớ” được chàng Tây, chàng Mỹ để chạy khỏi Việt Nam một cách an toàn?
Ngày xưa, ông Hồ Chí Minh và đảng csVN lập ra chiêu bài chống Tây chống Mỹ để đưa cả mấy triệu người Việt – cả Nam và Bắc Việt Nam – vào chỗ chết! Với phương thức bưng bít thông tin của csVN và phương tiện thông tin yếu kém, người dân Việt cứ nhầm, tưởng “bác Hồ cổ xúy chống Tây chống Mỹ là vì lòng yêu nước”.
Thời đại “a còng” – @ – ngày nay, dù dư luận viên csVN cố tình chỉnh sửa, thay đổi hoặc xóa mờ lịch sử và hình ảnh thì người nào tinh ý cũng vẫn có thể nhận ra những điểm quan trọng trên vài phương tiện truyền thông quốc tế.
Nhờ truyền thông quốc tế, lý do ông Hồ Chí Minh chống Tây chống Mỹ để đưa cả một dân tộc vào hai cuộc chiến đầy kinh hoàng và thảm khốc đã được phơi bày.
Kính mời quý vị đọc vài đoạn trích dẫn và link sau đây:
“In 1911, Hồ Chí Minh went to the South to Gia Dinh (Saigon) and joined a ship en route to Marseille, France as a cabin-boy. Hồ Chí Minh’s first time abroad was not easy; he worked hard as a cleaner, waiter, cook’s helper
Hồ Chí Minh applied for a course at the French ‘Colonial Administrative School’ immediately after he arrived in Marseille. However, his application was rejected…”
“… travelled to the United States, first arriving in New York in 1912 during a stop-over while working as an on-board cook on a ship…
“Following World War I, as Nguyễn Ái Quốc (Nguyen the Patriot), on behalf of the ‘Group of Vietnamese Patriots’ he petitioned the great powers at the Versailles peace talks for equal rights in French Indochina but was ignored. He asked sitting U.S President Woodrow Wilson for help to remove the French by any means possible in Vietnam, for a new nationalist movement and new government, but this idea was ignored…”
“…He returned to Vietnam in 1941 to lead the Việt Minh {…} At one point he was captured by the Japanese but escaped. However he suffered under their torture and was nursed back to health by American doctors…” Link:
https://www.cs.mcgill.ca/~rwest/wikispeedia/wpcd/wp/h/Ho_Chi_Minh.htm
Qua vài phân đoạn trích dẫn bên trên, chúng ta thấy: Ông Hồ Chí Minh làm bồi phòng, lau dọn, phụ bếp trên một thương thuyền của Tây. Sau khi đến Marseille, Ông Hồ Chí Minh xin học trường Colonial Administrative School – mà không được chấp thuận.
Ông Hồ Chí Minh ôm hận với Tây.
Ông Hồ Chí Minh đến Hoa Kỳ, cũng trong vai trò phụ bếp. Ông thỉnh cầu U.S President Woodrow Wilson giúp đánh đuổi Pháp khỏi Việt Nam – nhưng bị “phớt lờ”!
Ông Hồ Chí Minh ôm hận với Mỹ! Nhưng ông Hồ Chí Minh đã “phủi” ơn các bác sĩ Mỹ đã cứu mạng sống của ông sau khi ông bị người Nhật bắt và hành hạ!
Qua ba sự kiện kể trên, người đọc thấy rõ – chứ người viết không hề “đánh tráo khái niệm” – ông Hồ Chí Minh là một người vong ơn, chỉ biết yêu “cái tôi” của ông ấy, đã biến sự tự ti mặc cảm nặng nề của cá nhân ông ấy thành hận thù đối với Pháp và Mỹ. Từ đó, ông Hồ Chí Minh khởi động hai cuộc chiến chống Tây và chống Mỹ, gây nên không biết bao nhiêu tang tóc, chia lìa cho người dân Việt suốt hơn 90 năm!
Nỗi đau âm thầm và dai dẳng của người dân Việt, dưới sự cai trị dã man và tàn bạo của người csVN, sắp được BBC phơi bày. Một lần nữa, nhân loại được nhận thức một cách sâu sắc hơn về cộng sản; rồi nhân loại sẽ hiểu rằng những tệ trạng trong xã hội cũng như trong tâm hồn người Việt Nam – trong nước – hôm nay xuất phát từ sự cai trị mong muội của đảng và người csVN chứ dân tộc Việt Nam tính bổn thiện!

ĐIỆP MỸ LINH
https://www.diepmylinh.com/

Đại lễ kỷ niệm Đức Thánh Trần do Hội Hải Quân Trùng Dương Dallas -Forth Worth tổ chức

This image has an empty alt attribute; its file name is TDOL.png

Arlington – Trong tinh thần nhớ ơn các anh hùng dân tộc đã dày công dựng nước và giữ nước, đại lễ kỷ niệm Đức Trần Hưng Đạo cũng là vị Thánh Tổ của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã được hội Hải Quân Trùng Dương DFW tổ chức rất trang trọng vào lúc 12 giờ trưa ngày Chủ Nhật 26 tháng 9 năm 2021 tại New York Events Center nằm trong Khu thương mại Bến Thành Plaza, thành phố Arlington, Texas với khoảng 250 người tham dự.

Từ phải, quý niên trưởng Đinh Thạch On, Lê Chu, Nguyễn Quang Vinh cùng phu nhân và bà Nguyễn Thanh Thúy, Hội trưởng Hội Cao Niên Tarrant County

Một góc buổi lễ

Hiện diện có quý niên trưởng Đinh Thạch On, Trần Thiện Kính, Lê Chu, Trịnh Thiên Khoa, Nguyễn Quang Vinh. Nhị vị Chủ tịch cộng đồng Dallas và Tarrant County, Jason Lý và Hồ văn Điền, Chủ tịch đắc cử cộng đồng Tarrant County, Nguyễn Hữu Đoan Trang. Quý hội trưởng các hội đoàn dân sự gồm có Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo Arlington Fort Worth, Hội Quãng Ngãi, Hội Bình Định, Hội Thừa Thiên Huế, Hội Phụ Nữ Quốc Gia Việt Nam DFW, Hội Cao Niên Dallas, Hội Cao Niên Tarrant County, Hội Người Việt, Hội Linh Hướng, Nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm, Trung Tâm Tuổi Vàng Arlington với Giám đốc trẻ, Annie Phạm. Các hội đoàn quân đội như Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Nha Kỷ Thuật, Lực Lượng Đặc Biệt, Quân Cảnh, Thủ Đức, Hải Quân. Chủ tịch Ủy Ban Bảo Tồn Tượng Đài Việt Mỹ, Bác sĩ Đàng Thiện Hưng. Tổng Hội Trưởng Nha Kỷ Thuật, Hoàng Như Bá. Cựu Tổng Hội Trưởng Hải Quân, Nguyễn Xuân Dục. Phó Chủ tịch Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam, Bùi Quang Thống. Truyền thông báo chí có Bút Việt News và TrẻĐẹpOnline Daily News. Chương trình do MC Châu Đình Hiếu điều hành.

Lễ chào quốc kỳ và tế lễ cổ truyền

Đại lễ bắt đầu với nghi thức Lễ trao Thánh Kỳ,Hội trưởng Hải Quân DFW, Nguyễn văn Lạc nhận Thánh Kỳ từ một Hải Quân trao lại rồi  trịnh trọng cắm bên trái bàn thờ vị anh hùng dân tộc, Đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tiếp theo là Lễ chào quốc kỳ, mặc niệm, và tế lễ cổ truyền theo nghi thức Hải Quân, xong quý niên trưởng và đại diện hội đoàn lên niệm hương trước bàn thờ Đức Thánh Trần.

Hội trưởng Nguyễn văn Lạc chào mừng quan khách

Tiếp đến Hội trưởng Hải quân DFW, Nguyễn văn Lạc lên chào mừng quan khách, cãm tạ mọi đóng góp  giúp cho buổi tổ chức này thành công và sơ lược chương trình tổ chức đại lễ này để kỷ niệm húy nhật Thánh Tổ Hải quân VNCH

Sau đó, cựu Tổng Hội Trưởng Hải Quân Nguyễn Xuân Dục lên lược sử Đức Trần Hưng Đạo và chiến công ba lần đại thắng quân Nguyên Mông vào thế kỷ thứ 13. Bài khá dài nên chúng tôi xin sơ lược, Đức Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, là con của An Sinh Vương Trần Liểu, cháu gọi Vua Trần Thái Tôn bằng chú ruột. là người đã quên thù nhà để trả nợ nước, thống lãnh tam quân đánh giặc cứu giang sơn tổ quốc. Lúc bấy giờ quân Mông Cổ là đạo quân bách chiến bách thắng khét tiếng xâm lược, vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu cỏ cũng không mọc được đến đó, dưới sự thống lãnh của Hốt Tất Liệt là cháu nội của Thành Cát Tư Hãn đã chiếm được 1/3 Âu Châu và gần hết Châu Á.

Ảnh tượng Đức Trần Hưng Đạo tại Bến Bạch Đằng Saigon

Tháng 9 năm 1257 Hốt Tất Liệt sai Tướng Ngột Lương Hợp Thai từ Vân Nam đánh xuống nước ta. Vua Trần Thái Tông sai Tiết Chế Trần Hưng Đạo ( Tiết Chế tức là Tổng Tham Mưu Trưởng ngày nay) thống lãnh quân thủy bộ chống lại, nhưng thế địch quá mạnh nên phải lui quân về Sơn Tây, triều đình dời đô về vùng Thiên Mạc và cũng cố quân lực, đến đầu năm 1258 ta phản công địch tại Đông Bộ Đầu khiến địch thua trận phải rút lui về lại nơi xuất phát. Đây là chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, lúc dó Tướng Trần Quốc Tuấn mới 29 tuổi.

Năm 1283, Hốt Tất Liệt sai Lễ Bộ Thương Thư, Sài Thung sang bắt Vua Trần Nhân Tông sang chầu và nộp cống phẩm, Vua ta cho chú là Trần Di Ái đi thay, Trần Di Ái bị chiêu dụ theo giặc và được phong là An Nam Quốc Vương được Sài Thung đưa về nước, vào đến Đại Việt, Sài Thung bị bắn mù mắt còn Trần Di Ái bị bắt đem về trị tội phản quốc. Hốt Tất Liệt sai con là Thái tử Thoát Hoan cùng các tướng Ô Mã Nhi, và A Bát Xích đem 50 vạn quân lấy cớ mượn đường đánh Chiêm Thành để xâm lược nước ta, Vua mở Hội Nghị Diên Hồng hỏi ý kiến hòa hay chiến, các vị bô lão đều hô quyết chiến. Năm 1284 quân Nguyên quá mạnh liên tiếp chiến thắng Ải Chi Lăng, Vạn Kiếp, và vùng Thanh Hóa Nghệ An, vào Thăng Long rồi tiến xuống Thiên Trường, Vua Trần Thánh Tông muốn hàng giặc nhưng Trần Hưng Đạo khẳng khái trả lời “Bệ hạ muốn hàng giặc hảy chém đầu thần trước”. Sau đó Trần Hưng Đạo vạch kế hoạch phản công, và năm sau 1285 lần lượt tái chiếm Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, và Vạn Kiếp, tướng giặc Toa Đô, Lý Bằng, Lý Quán bị giết, Ô Mã Nhi theo đường biển thoát thân, Thóa Hoan phải chui ống đồng trốn về Tàu. Đây là chiến thắng Nguyên Mông lần thứ hai.

Mùa xuân năm 1287, Thoát Hoan lại dẫn 30 vạn quân sang xâm lược nước ta lấy cớ đưa Trần Ích Tắc về làm An Nam Quốc Vương, Thoát Hoan theo đường bộ, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp theo đường thủy tiến đánh nước ta, Vua Trần Nhân Tông  phải dời về Thanh Hóa tuy lúc này giặc chưa vào được thành Thăng Long. Tại Vân Dồn, thuyền lương của tướng giặc Trương văn Hổ bị đốt sạch và chạy thoát về Quỳnh Châu. Tháng 3 năm 1288, địch mất hết lương thực trong trận Vân Đồn nên muốn rút lui, bị Tướng Phạm Ngũ Lão mai phục ở Lạng Sơn, và Tướng Trần Hưng Đạo dùng cọc đóng trên dòng sông Bạch Đằng, lúc nước lên thì khiêu chiến và rút lui dụ quân Mông Cổ đuổi theo, khi nước rút quân ta dừng lại phản công, quân Mông Cổ đánh không lại tháo chạy, thuyền bị cọc gổ đâm thủng chìm không chạy được và bị tiêu diệt, tướng giặc Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp bị giết, Trương Quân, A Bát Xích và Trương Ngọc bị bắt sống, Thoát Hoan chạy trốn về Tàu. Đây là lần thứ ba đánh tan quân Mông Cổ, khiến Hốt Tất Liệt phải than rằng ” Mỗi khi nhắc đến Đại Việt, trẫm như bị cái gai đâm vào cổ”.

Lịch sử chống xâm lược nước ta, Nhà Trần xuất hiện nhiều tướng tài nhất trong quân sử mà trong cuốn Nam Hải Dị Nhân của Phan Kế Bính và sách lịch sử có ghi tên bằng những câu thiệu đằng trước như Anh Hùng Bán Than, Trần Khánh Dư. Phá Cường Địch Báo Hoàng Ân, Trần Quốc Toản. Một Mình Một Ngựa Mà Bình Được Giặc, Trần Nhật Duật. Ngồi Đan Sọt Mà Lo Việc Nước, Phạm Ngũ Lão. Thà Làm Quỷ Nước Nam Còn Hơn Làm Vua Đất Bắc, Trần Bình Trọng, chưa kể các danh tướng khác như Thượng Tướng Trần Quang Khải, và hai tướng thông thạo thủy tánh như Yết Kiêu, Dã Tượng. Còn riêng Tướng Trần Quốc Tuấn thì tài kiêm văn võ đã viết ra Hịch Tướng Sĩ  được xem như một tuyên ngôn độc lập nổi tiếng động viên tướng lãnh chống giặc, Ngài còn soạn ra hai bộ binh thư như Vạn Kiếp Bí Truyền và Binh Thư Yếu Lược để huấn luyện hành quân tác chiến.

Chương trình tiếp theo với phần phát biểu của nhị vị Chủ tịch cộng đồng Dallas và Tarrant County, Jason Lý và Hồ văn Điền ca ngợi công đức của anh hùng dân tộc Đức Trần Hưng Đạo và cãm ơn Hội Hải quân DFW đã tổ chức đại lễ này để giữ gìn truyền thống yêu nước và văn hóa dân tộc cho giới trẻ noi theo. Còn niên trưởng Lê Chu tán thán công đức của Đức Thánh Trần, Ngài đã quên thù nhà trả nợ nước, đã ba lần đánh tan quân Mông Cổ mở ra một thời kỳ độc lập khá dài của dân tộc ta thời Nhà Trần. Xen kẻ chương trình là phần văn nghệ yêu nước do Ban văn nghệ Hoàng Lan và  Nhóm Thu Hoàng trình diễn cùng Ban nhạc The Sound Band quen thuộc trong cộng đồng với các bài hát vui tươi lành mạnh và các điệu vũ dân tộc.

Hợp ca  bài Tiếng Sóng Vân Đồn 

Cuối chương trình, Hội trưởng Nguyễn văn Lạc tuyên bố mãn nhiệm kỳ ngay lúc này (sau hai nhiệm kỳ và thêm gần một nhiệm kỳ lưu nhiêm vì Covid) , xin cãm tạ anh em trong Hội đã yễm trợ trong thời gian qua và mời Tân Hội trưởng Hải Quân Trùng Dương DFW, Võ văn Hiệp, lên thông báo tân Ban chấp hành gồm có: Hội trưởng Võ văn Hiệp. Phó nội vụ Châu Đình Hiếu. Phó ngoại vụ, Nguyễn văn Lạc kiêm cố vấn danh dự của Hội. Tổng thư ký, Tiến sĩ Hà Mạnh Chí. Nguyễn văn Sa, Đặc trách vùng Fort Worth. Đàm Thanh Tâm, Đặc trách vùng Arlington. Nguyễn văn Nở, Đặc trách vùng Dallas & Garland. Tân hội trương Võ văn Hiệp cũng xin anh chị em hội viên tích cực ủng hộ tân ban chấp hành làm tròn nhiệm vụ được giao phó.

Tân hội trưởng Võ văn Hiệp trình diện tân Ban Chấp Hành Hội Hải Quân Trùng Dương DFW

Trong quân sử nước ta chưa có một vị tướng nào đánh giặc qua ba triều vua Đại Việt nhà Trần như tướng Trần Hưng Đạo, và Ngài được tuyên xưng danh hiệu rất dài là ” Đức Thượng Phụ Thượng Quốc Công Bình Bắc Đại Nguyên Soái Long Công Thịnh Đức Vỹ Liệt Hồng Huân Nhân Vũ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn”. Người đời tôn vinh Ngài là một vị anh hùng dân tộc được thờ phượng như một vị Thánh gọi tắt là Đức Thánh Trần, và lập đền thờ khắp nơi trong nước, Binh chủng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tôn vinh Ngài là vị Thánh Tổ và hàng năm đều cử hành Lễ kỷ niệm vào ngày húy nhật tức là ngày mất 03 tháng 10 năm 1300 của Đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Còn quân sử thế giới cũng tôn vinh Ngài là một trong 10 vị tướng tài giỏi nhất thời trung cổ.

NGÀY TÔI NHẬP NGŨ

Trường Quân Y

Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Y: Y Sĩ Đại Tá Hoàng Cơ Lân

Kỷ Niệm của tôi ở trường Quân Y là được tham dự hai buổi chào cờ, vào sáng thứ Hai mỗi tuần.
Nhìn hình ảnh Đại Tá Hoàng Cơ Lân: Quân phục thẳng tắp, beret đỏ, người to cao đẹp, rõ nét
oai hung, đi duyệt đoàn quân là tôi thích, khoái chí, và say mê!

Vì tình nguyện nhập ngũ, nên chưa có khóa học quân sự. Trưởng Khối Học Vụ Trường Quân Y năm
1973, khi tôi vào lính là Thiếu Tá Tín (Lê Trọng Tín thì phải, sau 75 ông ta ở Liberty, Kansas City-
Missouri) chỉ định tôi dạy mấy lớp CC2 (Hạ Sĩ Quan Quân Y).

Hình tác giả bài viết khi mới đến trường Quân Y

Trung Tâm Y Khoa Không Quân Tân Sơn Nhứt
Sau 2 tuần ở Trường Quân Y, tôi được tăng phái cho Trung Tâm Y Khoa Không Quân – Tân Sơn Nhứt.
(TTYKKQ-TSN). Ở Tân Sơn Nhứt, Ngành Quân Y có 3 đơn vị (Tôi chỉ biết đại khái, vì tôi là lính tăng
phái nên không biết nhiều và cũng không muốn tìm hiểu thêm nhiều vì rất phức tạp, và cũng để giới
hạn trong chuyện tôi kể về những kỷ niệm của tôi ở Trung Tâm Y Khoa Không Quân-Tân Sơn Nhứt).

  1. Hành Chánh Quân Y Không Quân: 1973.
    Y Sĩ Đại Tá Đỗ Xuân Giụ: Phụ Tá Quân Y Không Quân
  2. Bệnh Xá Sư Đoàn V Không Quân:
  • Chỉ Huy Trưởng Y Sĩ Thiếu Tá Cường (tôi quên họ)
  1. Trung Tâm Y Khoa Không Quân (gần trại Nhảy Dù Hoàng Hoa Thám)
  • Chỉ Huy Trưởng: Y Sĩ Trung Tá Vũ Hữu Bao
  • Chỉ Huy Phó: Y Sĩ Trung Tá Vũ Xuân Bôi
    Trung Tâm Y Khoa Không Quân gồm 4 khối:
  1. Khối Giám Định để khám bệnh cho mấy ông Pilots, tiếp viên hàng không… Thiếu Tá Phạm Gia
    Lữ chuyên về nhãn khoa (Ophthalmologist). Người cao dong dãi, đẹp, nói oang oang. Sau khi di
    tản 1975 ông định cư ở California. Trong thời gian này tôi ở Kansas City-Kansas nên chưa bao giờ
    gặp lại, có lẽ ông đã mất. Những quân nhân muốn được tuyển chọn vào Không Quân sợ BS Lữ
    đánh rớt về mắt.
  2. Khối Tiếp Liệu
  3. Khối Hành Chánh
  4. Khối Chuyên Khoa- Bệnh Viện để chửa bệnh:
     Phòng Cấp Cứu,
     Khu Nha Khoa,
     Phòng Tiểu Giải Phẩu: tôi hay lợi dụng nơi này để cắt da quy đầu (circumcision), cột ống dẫn
    tinh (vasectomy), removed sebaceous cyst, ganglion, và làm đẹp cho các y tá, các quân nhân
    tôi quen biết. Những công việc này tuy có vẻ đơn giản, tiểu giải phẩu, nhưng cần nhiều kinh
    nghiệm. Nếu không, những cyst, những ganglion đã được removed sẽ mọc trở lại sau một
    thời gian ngắn, và có thể bị hematoma, atrophy of testicle sau khi làm vasectomy.

Circumcision
Tuy là một minor surgery, nhưng đây là một nghệ thuật cắt da quy đầu cho người lớn. Khi
còn nhỏ (khoảng 12 tuổi) tôi thấy ở bệnh viện Huế có nhiều người không biết là y tá hay bác
sĩ cắt da quy đầu bằng cách dùng 2 straight forceps kẹp 2 bên prepuce (foreskin) kéo lên khỏi
glans rồi cắt ngang khâu lại. Cắt như vậy không có cái gì gọi là nghệ thuật giải phẫu cả. Có học
mới biết, không học làm sao biết. Khi tôi là một quân y sĩ, làm circumcision, vasectomy tôi
được bạn bè đải bia, rượu: cổ xanh, cổ đỏ nhậu nhẹt liên miên!

Vasectomy:
Để giới hạn dân số ở Bombay-Ấn Độ (4 triệu người) Dr. Datta Pai tìm cách cột ống dẫn tinh
(vasectomy) năm 1960: Không có cá (sperm) nhưng nước (seminal fluid) vẫn chảy.
Nhưng nếu làm vasectomy không tinh tế, khéo tay có thể đưa đến hematoma ở scrotum, teo
luôn hòn dái (testicle atrophy). Vì vậy phải luôn luôn nhớ 1 trong 3 đức tính của người làm
phẩu thuật (surgeon): lady’s hands!
Một chút kinh nghiệm về Ganglion và Sebaceous Cyst.
Tôi muốn ghi lại đây chút kinh nghiệm của một người chuyên về giải phẩu chỉnh hình.
Ganglion Cyst mọc từ tendon sheet, nên khi remove ganglion cyst phải cắt (excise) một
phần của tendon sheet, và nhớ chích glucocorticoids vào tendon sheet, trước khi khâu da.
Nếu không, ganglion cyst sẽ mọc trở lại sau vài tháng.
Khi remove sebaceous cyst nhớ phải remove totally capsule của nó. Có những người “tấp
tểnh người đi, tớ cũng đi…”, nhiều khi vụng về làm rách capsule của nó, chất sebaceous
substance có màu đen nhuyễn như bùn (sebum) chảy ra, có mùi hôi thối… họ, bóp
sebaceous cyst cho chất này chảy ra, tưởng hết, rồi khâu da lại. 100%, cyst sẽ mọc lại sau vài
tuần-hay vài tháng. Nếu capsule của cyst bị vỡ, dùng mosquito bên tay trái kẹp đầu
capsule của nó, tay phải dùng curved mosquito từ từ tách nó ra, lấy cho hết (những người
thuận tay trái cầm mosquito ngược lại). “Nhổ cỏ, nhổ tận góc!” Một gợi ý khác nên dùng
instrument “Stainless Germany”
Chút kinh nghiệm: ví dụ một cyst có đường kính 1.5 – 2 cm, không cần làm 2 incisions >2 cm
xung quanh cyst mà chỉ làm 1 incision ngay trên, hay một bên của cyst (one incision only)
vào khoảng 1cm, dùng curved or straight mosquito forceps, skin kooks, curved scissors… từ
từ tách hoàn toàn caspule của nó và kéo toàn bộ ra ngoài, khâu da và subcutaneous tissue
kín lại. Sebaceous Cyst không bao giờ trở lại!
 Phòng Giải Phẩu: Y Sĩ Thiếu Tá Vũ Tiến Thông – Trưởng Phòng.

 Phòng Gây Mê: Y Sĩ Đại Úy Đặng Đông Mỹ – Trưởng Phòng.
 Trại Ngoại khoa: Y Sĩ Thiếu Tá Vũ Tiến Thông trưởng trại, Y Sĩ Đại Úy Bùi Xuân Mẫn (người to
cao như Từ Hải, vai 5 tấc rộng, lưng 10 thước cao), có dáng đi hơi nghiêng nghiêng phụ tá.
Tôi là Y Sĩ Giải Phẩu tăng phái cho Trung Tâm Y Khoa Không Quân, nên rất gần gũi với Thiếu
Tá Vũ Tiến Thông, Đại Úy Bùi Xuân Mẫn, Đại Úy Đặng Đông Mỹ.
 Trại Nội Khoa: Y Sĩ Đại Úy Đoàn Lân (anh ruột của BS Đoàn Yến, YK-Huế khóa 1) trưởng trại, Y
Sĩ Đại Úy Nguyễn Dương phụ tá.
 Phòng Quang Tuyến: Y Sĩ Đại Úy Đào Hữu Lân, trưởng phòng. Ông ta có phòng mạch ở
đường Huỳnh Quang Tiên, gần nhà tôi, nên thỉnh thoảng tôi có ghé thăm, chuyện trò.
 Phòng Cấp Cứu: là nơi tôi hay ghé vui chơi với toán y tá cấp cứu, toán y tá xe cứu thương,
khi rảnh rỗi, lúc chiều về.
 Phòng Dược Liệu, v.v…

Xin kể một vài câu chuyện… khi tôi làm việc ở Trung Tâm Y Khoa Tân Sơn Nhứt, năm
1973:

Ngày đầu làm việc ở trại ngọai khoa, bệnh nhân khá đông…, tôi gặp Đại Úy Ngô Ngọc Châu (NNC),
có lẽ ông là bệnh nhân có cấp bậc cao nhất trong giai đọan này. Ông bị sưng khớp xương đầu gối vì
tai nạn xe Vespa. Ông đi nắn gân xoa bóp, ở Chợ Lớn với ông thầy Cường. Đầu gối càng sưng, càng
đau thêm. Tôi chửa cho ông lành bệnh, từ đó ông ta và tôi quen thân nhau. Đại Úy NNC là pilot
C 130, khi tôi có phép về Huế thăm gia đình, tôi điện thoại cho ông, trên đường đi vào Tân Sơn
Nhứt, ông lái xe Vespa ghé đón tôi ở Nhà Thờ Ba Chuông, góc Huỳnh Quang Tiên. Giấy tờ liên quan
đến chuyến bay, ông lo hết, cả chuyến đi, chuyến về (ông gọi điện thoại lòng vòng là mọi chuyện
xong xuôi), ông đưa tôi lên phi cơ. Khi trở lại Sài Gòn, tôi mua ít nem, chả, tré, mè xững Huế tặng
ông….

(…Sáng 28 tháng 4, 1975 Tôi vào tá túc ở Trung Tâm Y Khoa Không Quân (chuyện lòng vòng, quý vị
đọc hồi sau sẽ rõ…) Chiều 28 tháng 4, 75 Trung Úy Nguyễn Thành Trung dội bom, Tân Sơn Nhứt
(TSN)… Ở Trung Tâm Y khoa TSN, lúc này chỉ mình tôi, tôi lo cấp cứu những bệnh nhân nhẹ như gãy
xương, rách da (laceration), trật khớp (dislocation) và tải thương những quân nhân bị thương nặng
(lòi ruột…, phỏng cháy nặng) đi Bệnh Viện Cộng Hòa.
Sáng 29 tháng 4, 1975 Không Quân, Quân Lực VNCH, được lệnh di tản lúc 9.30 sáng. Đại Úy NN
Châu giúp đưa tôi đi Utapao-Thái Lan, trên chuyến C130 thứ hai của KQ rời khỏi VN. Đến Utapao, tôi
có lập một trạm y tế nhỏ để phát thuốc ho hen cảm cúm, tiêu chảy, nước uống, thuốc hút v.v…Vài
giờ sau, tôi gặp Y Sĩ Trung Tá Vũ Tiến Thông (lúc này ông đã thăng cấp rồi), và phu nhân BS Vân. Còn
những Y Sĩ của Trung Tâm Y Khoa Tân Sơn Nhứt khác hình như họ không đi Utapao, Thái Lan. Nhưng
đa số bây giờ, họ đang hành nghề Y Khoa tại Dallas, TX

***

Người bệnh thứ hai tôi gặp ở Y Khoa Không Quân TSN là một binh nhì, trật khớp xương cùi chỏ, bên
mặt (right elbow) do té xe Honda. Cậu này khoảng 18, 20 tuổi, nằm ở trại ngoại khoa hơn 2 tuần,
đầu xương quay (radial head) lòi ra phía sau (posterior dislocation of the right elbow). Cậu mang cái
long arm sling vòng qua vai, cổ. Cùi chỏ gấp 90 mươi độ. Máu huyết ở bàn tay, cổ tay lưu thông tốt.
Các ngón tay, cổ tay (wrist) di chuyển bình thường (range of motion (ROM): normal). Bệnh nhân
không còn đau đớn gì.
Tôi muốn giải phẫu sửa lại khớp xương cùi chỏ. Tôi trình bày cách thức tôi sẽ làm, cho hội đồng Y
Khoa nghe. Nhưng theo thủ tục, các BS ở đây phải gởi đi Bệnh Viện Cộng Hòa xin ý kiến (second
opinion).
Trong khi chờ đợi khóa học quân sự, tôi nghe tin đồn Trung Tá Y Sĩ Trưởng Giải Phẩu Chỉnh Hình của
Bệnh Viện Cộng Hòa (BVCH) là VC (xin lỗi không phải như tên ai đó cũng viết tắt VC). Vì ở BVCH có
quá nhiều thương bệnh nhân bị cắt bỏ cánh tay, cẳng chân như cố tình làm giảm bớt tiềm năng
chiến đấu của Quân Lực VNCH.

Thật ra nhiểm trùng xương (Osteomyelitis) rất khó chửa vì xương ít được blood supply như ở ruột,
tử cung, vú v.v…nên nếu chỉ chữa bằng Trụ sinh: uống, chích bắp thịt (IM), hay qua IV không mấy
hiệu quả.
Vết thương nhiều khi có cả rác rến, bùn lầy, phân trâu bò, dẻ rách của áo quần mục nát trong đó…
Nhiều khi gặp trời mưa, sương mù, chiến trận kéo dài, tải thương không kịp làm nhiểm trùng nặng
thêm, nên cách dể nhất là cắt bỏ (amputation). Còn muốn chữa thì rất khó khăn, vì phải lấy hết
phần hoại tử xương (remove necrotic bone and tissue), phải biết cách làm irrigation với trụ sinh
nhỏ giọt trên khúc xương bị nhiểm trùng, và IV antibiotic perfusion cho toàn cơ thể…Nhiêu khê và

mất công, tốn nhiều thì giờ, tiền bạc chỉ để săn sóc cho một bệnh nhân. Giường bệnh lại hạn chế.
Nên chuyện thiên hạ đồn có lẽ không đúng, hay chỉ đúng một phần vì họ không chuyên về
reconstructive orthopaedic (orthopedic). Họ chỉ chuyên về traumato orthopaedic trên toàn quốc
VNCH (dân y và quân y), chứ không phải chỉ Quân Y viện mà thôi.
Khi bệnh nhân được chở đi BVCH xin ý kiến trở về, tôi nhận được chỉ thị của Trung Tá…., Trưởng
Khối Chỉn Hình: “cắt bỏ đầu xương quay (excision of radial head), đăng bột”. Tôi không bằng lòng với
đề nghị này. Lại một lần nữa, tôi xin mổ để sửa lại annular ligament đã bị đứt rách hơn 2 tuần. (Khi
bị trật khớp xương nên làm emergency closed reduction trong 8—> 12 hrs, tốt nhất < 6 hrs. Nếu
không, những ligament bị căng quá lâu, sẽ đứt rách, và khớp xương sẽ dính lại ở một vị trí không
đúng chổ của nó; để lâu hơn, đầu xương có thể bị necrotic (xương chết).
Tái tạo lại annular ligament: Nghe có vẻ mới lạ và mơ hồ!
Vì xưa nay, người ta chỉ biết BS Giải Phẩu Chỉnh hình (orthopaedic surgeon) chỉ để đóng đinh, bắt
vít, kéo xương, đăng bột mà thôi! (Traumato Orthopaedic), cũng như mấy ông thợ mộc (carpenter):
cũng cưa, cũng khoan, cũng đóng đinh, bắt vít….Chỉ khác một điều là gỗ không chảy máu.
“an orthopaedic surgeon is a carpenter but wood does not bleed” Vả lại, tôi là người lính mới tọ tè,
tăng phái cho Tung Tâm Y Khoa Không Quân, mang lon Trung Úy hơn 2 tuần, nhưng chưa thụ huấn
quân sự ngày nào!
Nhưng với một ý chí và giọng điệu đầy thuyết phục của tôi, hội đồng y khoa cũng bằng lòng cho tôi
lên ca mổ. Y Sĩ gây mê là Đại Úy Đặng Đông Mỹ (Nghe tin BS Đ. Đ. Mỹ qua Hoa Kỳ sau 1980).
Tôi mổ bệnh nhân với 2 y tá phụ giúp: một phụ tôi lo banh (separation), lo kéo (traction), thấm máu
(hemostasis)…, một y tá khác lo khay dụng cụ y khoa: cưa (saw), búa (mallet), đục (chisels), dao kéo
(blades), kim chỉ (chromic, nylon)… Y Sĩ Đại Úy Bùi Xuân Mẫn đứng quan sát, sẽ phải tham dự nếu có
trục trặc gì trong ca mổ. Tôi mổ ca này dựa vào sách Campell’s Reconstructive Orthopaedic Surgery.
Bệnh nhân được chuyền nước biển với trụ sinh nhỏ giọt. Bắp đùi bên mặt (right thigh), right arm
and right forearm được cạo lông, rửa sạch với phisohex, betadine solution, alcohol và được bọc lại
với steri-drape lớn.
 Tôi mổ ở bắp đùi bên mặt trước (right thigh) để lấy một dải fascia lata 1/2 x 5 inches (1.2cm
rộng, 13cm dài), rồi bỏ vào trong một metal cup đựng normal saline (NS). Vết thương ở bắp
đùi bên phải được cầm máu, khâu vá, băng bó cẩn thận, và dùng drape vô trùng bọc lại.
 Sau đó, tôi mổ ở cùi chỏ phía bên mặt (Right elbow). Làm lateral incision từ R arm đến R
forearm khoảng 5 inches (13 cm). R radial head lộ ra (exposed), annular ligament bị đứt rách
được cắt bỏ sạch sẽ. Vết thương được rửa sạch (irrigation) với NS. Đưa radial head về vị trí
cũ của nó tiếp giáp với cubital process. Tôi khoan một lổ ngang (drill a hole transversely)

đường kính khoảng 1 cm ở cubital process. Rồi đưa dải fascia lata lấy ở trên xuyên qua lổ ở
cubital process vừa mới khoan, làm lại annular ligament mới, xung quanh đầu xương quay,
không căng quá, rồi khâu 2 đầu fascia lại với nhau.

Vết thương được cầm máu, rửa sạch (irrigation), khâu lại, và băng bó. Sau đó đăng bột, long arm
cast applied, cùi chỏ gấp (flexion) # 90 độ, forearm in neutral rotation (không supination, không
pronation).
Antibiotics vẫn tiếp tục nhỏ giọt 24 hours postoperatively.
Bệnh nhân được chuyển về phòng hồi sinh: Bệnh nhân hồi phục nhanh, mấy ngón tay cử động bình
thường, máu huyết lưu thông tốt. Không nóng sốt, bệnh nhân được chỉ dẩn cách co duổi mấy ngón
tay, tập xoa bóp trái banh tennis ngày hôm sau và tiếp tục khi về nhà.
Bệnh nhân xuất viện với một long arm sling như thường lệ, hẹn một tuần tái khám, cắt chỉ, thay
băng…
Khi trở lại thay băng, bệnh nhân kể chuyện: bà chị nghe nó nói “đi mổ”, tưởng là mổ ở cùi chỏ
(elbow), vì thường ngày thấy nó mang sling nơi tay vì nó bị trật khớp xương cùi chỏ thì quen mắt,
biết rồi. Nay thấy băng ở chân, một đường băng dài nên bà quá ngạc nhiên hỏi:
“bộ ông bác sĩ của mày khùng hả? mày đau trên tay sao ông ta lại mổ dưới chân?”

***

Thỉnh thoảng tôi được xe Hồng Thập Tự chở đi khám bệnh ngoại chẩn ở SĐ 5 KQ Tân Sơn Nhứt và
SĐ 3 KQ, Biên Hòa. Ở SĐ 3 KQ, tôi gặp Y Sĩ Thiếu Tá Nguyễn Bửu, em ruột GS Nguyễn Hữu người làm
rạng danh YK Việt Nam ở Paris. Bác Sĩ Bửu người tầm thước đẹp, không mập và bệ phệ như GS
Nguyễn Hữu, ông thường mặc đồ bay, trông đẹp, có râu mép, có nét tài tử. Tôi thích những hình
ảnh này ở Không Quân!

***

Một hôm bà Trung Tá Hạnh Nhơn Chỉ Huy Trưởng Nữ Quân Nhân Không Quân đưa cậu
con trai khoảng 12 tuổi vào vì bị gảy xương cánh tay (Forearm Fx) Tôi đóng đinh bắt plate cho cậu
ta.
Trung Tá Hạnh Nhơn là người Huế, tôi cũng nói trọ trẹ nên dể quen thân với bà như người nhà. Bà
còn trẻ, ngày xưa là huynh trưởng Hướng Đạo, đúng ra tôi gọi bà bằng chị như một hướng đạo sinh.
Nhưng tôi cũng quen thân với cháu bà, một Đ/U không Quân, không phi hành, nên tôi gọi bà bằng
Cô như em của ba tôi, ba tôi cũng là lính, như một gia đình quân nhân.

***

Một bệnh nhân khác, một Thượng Sĩ thuộc Sư Đoàn IV không Quân, khoảng 30 tuổi…chuyển đến
Trung Tâm Y Khoa Tân Sơn Nhứt từ bệnh xá SĐ 4 Không Quân, Bình Thủy-Cần Thơ. Ông này thấp, đi
đứng nói chuyện vui vẻ, bình thường. Nhưng trên đầu mất một một miếng xương sọ và tóc 5x 8 cm
phía bên trái, vùng parietal. Nhìn thấy não (dura mater) bên trong.
Ông ta kể chuyện do một tai nạn máy bay: Ông ta ngồi trên chiếc L19 đi về Cần Thơ. Mấy ông pilot
trên L19 chuyện trò vui vẻ với mấy ông bạn pilot trên chiếc Trực Thăng cũng cùng bay về Cần Thơ.
Ông L19 nói với Ông Trực Thăng: mày bay như rùa bò. Ông Trực Thăng nói lại, tau bay như rùa bò,
nhưng tau đang rửa chân trên dòng sông, mày làm được như tau không? Ông L19 trả lời: chuyện
nhỏ, mày coi đây….. Rồi ông ta hạ xuống, bay sát mặt sông. Không may, chiếc L 19 đâm sâu xuống
nước. Ông bệnh nhân của tôi bất tỉnh, mất miếng xương đầu, máu chảy xối xả. Bệnh nhân được chở
về Bệnh Viện Cộng Hòa (BVCH) cấp cứu. Sau những ngày dài ở BVCH, ông được xuất viện về Trung
Tâm YK Tân Sơn Nhứt để follow up, rồi chuyển về bệnh xá SĐ 4 KQ Bình Thủy, Cần Thơ. Thỉnh
thoảng được gởi lên Trung Tâm Y Khoa KQ-Tân Sơn Nhứt tái khám. Ông này bị mất da đầu và xương
sọ của một phần parietal bone.

Xương đầu (skull) gồm 3 phần:
 External table
 Diploe
 Internal table
Dưới xương đầu là Meninges, gồm 3 màng:

 Dura mater (màng cứng)
 Arachnoid mater (màng nhện)
Subarachnoid space, trong phần này có động mạch và tỉnh mạch
 Pia mater (màng nuôi)
Tôi cũng xin giải phẩu để tái tạo lại xương đầu, để khỏi nhìn thấy màng não (dura mater) bên trong.
Bệnh nhân cũng được gởi đi xin 2 nd opinon…Cuối cùng, tôi mổ ca này. Y Sĩ gây mê, Đại Úy Đặng Đông
Mỹ.
Bệnh nhân được cạo tóc và scrubed như thường lệ quá nữa phần đầu bên trái. IV antibiotic nhỏ
giọt. Glucocorticoids chích thịt (IM) để ngăn ngừa màng não bị sưng trong khi giải phẩu. Tôi dùng
electric drill khoan 4 lổ qua xương đầu, rồi dùng dây cưa (Gigli saw wire) để cưa, lấy phần ngoài
cùng của xương đầu (external table) vùng parietal 5 x 8 cm. Quay phần xương đầu vừa lấy ra để che
kín phần xương đầu vùng parietal đã bị mất, làm như kiểu rotation flap graft. Tôi dùng electric drill
khoan thêm 2 lổ nữa ở parietal bone. Kiểm soát chảy máu, dùng chromic # 1 khâu kín lại những
mảnh xương với nhau. Bôi antibiotic ointment xung quanh xương vừa ghép, vết thương được băng
bó cẩn thận. Bệnh nhân được chuyển về phòng hồi sinh…
Bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, tỉnh táo X 3, nói cười vui vẻ, không nóng sốt. Chỉ khác một điều là
phần dura mater được che kín, không còn thấy phần não bộ bên trong. Thay băng hằng ngày, làm
irritation chổ xương được ghép để granulation tissue của xương mọc nhanh hơn.

***

Cắt ruột thừa (appendectomy) Khi tôi học Y Khoa Huế năm thứ hai, nghe mấy vị khóa đàn anh nói
“Mỗ ruột thừa dể nhất, mà cũng khó nhất”.

  • Thật sự khi nào cũng dể, nếu mình đã quen mỗ bụng (laparotomy) cho bệnh nhân để: cắt bao tử
    (gastrectomy), cắt tử cung (hysterectomy), lấy con vì mẹ sinh khó (cesarean section), v.v…
  • khó là khi BS Tê Mê chưa làm cho ruột non (small intestine) xẹp lại mà vẫn còn phềnh lên
    (bloated, bulgy). Mình đè chổ này, ruột non (phần Ilium dài 3.5 mét) lại phềnh lên ở chổ khác qua
    vết mỗ nhỏ khoảng 5- 7cm ở vùng McBurney; vì vậy không thể tìm ruột thừa (appendix) được. Nếu
    mình nói BS Tê Mê cho thuốc để ruột non xẹp lại, thì tìm ruột thừa không khó, cho dù là retrocecal.
    Nên nhớ ruột già cố định, ruột non bềnh bồng gồm Duodenum dài 25 cm, Jejunum dài 2.5 mét và
    Ileum dài 3.5 mét. Tổng cộng ruột non dài khoảng 6m và 25 cm. Cách nhớ Don’t Jump In
    (Duodenum, Jejunum và Ileum). Tôi cũng đã gặp một lần ở Trung Tâm Y Khoa Không Quân TSN.

Cái gì cắt vất đi cũng dể, Ví dụ khi ruột thừa bị sưng (appendicitis) cắt ruột thừa vất đi. Tử cung bị
ung thư, cắt tử cung vất đi (hysterectomy)…v.v… như cành cây hoa đào bị khô héo vì bị sùng (sâu
ăn), chặt vất đi, đã là người từng cầm dao, kéo, ai làm cũng được.
Nhưng nếu chịu thức khuya dậy sớm, chịu bắt sâu, ghép cành, vun xới cho cành hoa đào nở trăm
hoa ngàn cánh, mà đừng vất nó đi thì rất khó khăn vất vả, và đòi hỏi nhiều tinh tế về chuyên môn và
thời gian. Đó là Reconstructive Orthopaedic Surgery.
Nói tóm lại: Một BS chuyên về Mổ Xẻ (General surgeon) cần luyện tập nhiều, và biết về cơ thể học
(anatomy) nhiều để cắt bỏ vất đi những phần cơ thể bị hư hỏng…; nhưng không khó và công phu
bằng một BS chuyên về tái tạo lại một phần cơ thể không bình thường, để trở nên gần như bình
thường, hay bình thường trở lại. Ví dụ:
 Như một bịnh nhân bị cerebral palsy (CP) đi 2 chân chéo nhau như cái kéo (scissors gait) thì
không thể cắt 2 chân bịnh nhân vất đi mà phải tái tạo lại dáng đi bình thường cho bịnh nhân,
đòi hỏi nhiều công phu và hiểu biết nhiều hơn và chi tiết hơn về anatomy. Phải biết và tìm
cho ra obturactor nerve nằm ở đâu rồi làm neurectomy of anterior branch of the obturator
nerve …, làm physical therapy sau khi mổ …nhiêu khê và phức tạp…! Ở Mỹ đến thế kỷ 21 này,
vẫn còn nhiều trẻ em bị CP với dáng đi scissors gait!
 Một ví dụ đơn sơ khác như khi release Carpal Tunnel Syndrome nếu không thuộc anatomy
nhiều, đôi bàn tay của người giải phẩu không nhẹ nhàng (lady’s hands), họ có thể làm đứt
nhánh recurrent branch của median nerve, đưa đến mất chức năng của ngón tay cái (loss function of the thumb).

Ba đức tính cần cho một BS Giải Phẩu:

 Lion’s Heart (can đảm, vững tin)
 Eagle’s eyes (quan sát tỉ mỉ, tường tận)
 Lady’s Hands (nhẹ nhàng, khéo tay)

***

Một bệnh nhân khác: Ông này là Đại Úy Trưởng phòng Tiếp Liệu Không Quân-Biên Hòa, cùng
Họ Nguyễn Đăng với tôi, nhưng ông này người Bắc, tôi quên tên, chỉ nhớ họ. Tôi mổ trĩ (nội-
ngoại) cho ông ta. Kết quả tốt đẹp, lần tái khám cuối cùng Ông tặng tôi 2 bình chữa lửa màu
đỏ, nhỏ nhắn dể thương, và mấy trái sáng flaires. Tôi không có xe hơi, tôi tặng lại cho ông
bác của tôi ở Sài Gòn.

Nhân một buổi tiệc, tôi không nhớ vì lý do gì. Chỉ nhớ là được dự một buổi tiệc rất trọng thể tại Câu
Lạc Bộ Huỳnh Hửu Bạc, Tân Sơn Nhứt, có Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân
VNCH chủ tọa, có Đại Tá Giụ, Phụ Tá Quân Y Không Quân và tất cả Y Nha Dược Sĩ Không Quân ở Tân
Sơn Nhứt, cũng có thể có Đại Tá Nghiêm Xuân Húc và Tham Mưu Trưởng Không Quân, Chuẩn Tướng
Võ Dinh tham dự, nhưng hồi đó tôi chưa nghe và biết mặt những vị này…
Thiệp Mời đại khái ghi: mời toàn thể quý Y Nha Dược Sĩ Không Quân Tân Sơn Nhứt và phu nhân.
Trong thiệp mời có ghi rõ: Quý vị phải ghi rõ tên Quý Vị và tên phu nhân, nếu phu nhân quý vị không
tham dự cho biết lý do…Tôi đi dự lễ một mình, vợ tôi đang ở Huế.
Trung Tá Vũ Hữu Bao, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Y Khoa Không Quân (TTYKHQ), thỉnh thoảng gọi tôi
đến văn phòng ông, chuyện trò, thân mật (kiểu đàn anh, đàn em). Ông muốn tôi sau khi học quân sự
được ở lại làm việc ở TTYKHQ. Trước khi ông đi nghỉ phép, ông nói cho tôi biết như một lời báo
hiệu: Những chuyện đã xảy ra cho những Y Sĩ Phi Hành (Fly Surgeon) do ông Giụ gởi đi Mỹ Học, ngày
sắp về mà không nghe tin tức quà cáp của mấy phu nhân ở nhà cho Ông Giụ là Ông thuyên chuyển
về các Sư Đoàn, không cho ở TTYKKQ nữa. Tôi nghe và biết vậy, tôi còn trẻ, bạch diện thư sinh, chỉ
có tấm lòng hăng say làm việc…!
Không mơ ước, nhưng tôi được một điều vui mừng cá nhân khác, đó là tôi nhận được bản sao văn
thư của Tham Mưu Trưởng Bộ Tư lệnh Không Quân VNCH, Chuẩn Tướng Võ Dinh, yêu cầu Đại Tá
Cục Phó Cục Quân Y, Đỗ Xuân Giụ, giử tôi lại ở Trung Tâm Y Khoa Không Quân. Chuyện này có lẽ do
TTYKHQ gởi văn thư cho Chuẩn Tướng Tham Mưu Trưởng Không Quân đề nghị. Cá nhân tôi, lần đầu
tiên nghe tên ông. Tôi hoàn toàn không quen biết Chuẩn Tướng Võ Dinh, chỉ biết sau này, ông ta ở
gần Trường Đoàn Thị Điểm, trong Thành Nội-Huế.
Tôi tăng phái cho Trung Tâm Y Khoa KQ Tân Sơn Nhứt cũng một thời gian khá lâu, vì chưa có khóa
học quân sự. Thời gian ở Không Quân, quý vị niên trưởng như Trung Tá Vũ Hữu Bao Chỉ Huy Trưởng,
Trung Tá Vũ Xuân Bôi, Chỉ Huy Phó, Thiếu Tá Vũ Tiến Thông, Đại Úy Bùi Xuân Mẫn (Phòng Giải Phẩu,

Ngoại Khoa), Đại Úy Đoàn Lân (Nội Khoa), Đại Úy Đào Hữu Lân (Quang Tuyến), tất cả đều…coi tôi
như người em út của gia đình YK-KQ, đầy tình thân ái, mến thương.
Đại Tá Nghiêm Xuân Húc được thăng Phụ Tá Quân Y Không Quân- Tân Sơn Nhứt, thay thế Đại Tá Đỗ
Xuân Giụ được thăng Cục Phó Cục Quân Y. Thiếu Tá Trần Bá Cơ, chánh văn phòng Quân Y Không
Quân, sau này được thăng Trung Tá.
Một hôm, Đại Tá Cục Phó Cục Quân Y, Đỗ Xuân Giụ, trở về thăm lại Trung Tâm Y Khoa Không Quân.
Một hàng Y Nha Dược Sĩ Không Quân từ cấp Trung Úy (tôi), Đại Úy đến Trung Tá, Đại Tá và khoảng
10 y tá, tất cả độ 40 người, đứng nghiêm chào mừng 2 bên. Khi Đại Tá Cục Phó Cục Quân Y đi giữa
đoàn quân, người nói lớn tiếng nhất là Đại Úy Bùi Xuân Mẫn, cùng một số BS khác của TTYK Không
Quân: “Yêu cầu Đại Tá Cục Phó giử BS Nguyễn Đăng Tri lại cho Trung Tâm Y Khoa Không Quân”. Mọi
người vỗ tay hoan hô, tôi âm thầm vui mừng, hãnh diện! Vì đó “như một lời khen ngợi giữa đoàn
quân!”
Đây không phải là chuyện gởi gắm bình thường qua ly rượu, hay canh bài Mạt Chược (mahjong) giữa
bạn bè. Không phải là chuyện úp mở, thương lượng dưới mặt bàn (negotiate under the table). Cũng
không đơn thuần khen ngợi một cá nhân, một tập thể nào dưới hình thức giao tế. Mà là chuyện
quang minh chính đại có văn thư của Tham Mưu Trưởng Không Quân, Chuẩn Tướng Võ Dinh, và sự
hiện diện của toàn thể Y Nha Dược Sĩ Không Quân Tân Sơn Nhứt. Đời một quân nhân Quân Y, có
niềm hảnh diện nào hơn?

Phút huy hoàng bình yên chợt tắt, Tôi Thật Sự Vào Lính…

Tôi, tuổi Quý Mùi, một đời sôi động, một đời lang thang như mấy con Dê quanh năm lủi thủi gặm
cỏ một mình:
 Bỏ Phước Tuy-Bà Rịa, bỏ Đại Học Y Khoa Huế, bỏ Bệnh viện Quảng Trị đặt tại Đà Nẳng (Mùa
Hè Đỏ Lửa).
 Bỏ giấy hoản dịch gia cảnh, tôi tình nguyện vào lính, tôi có mộng ước cao xa…, mong một
ngày dõng dạc, hãnh diện tôi sẽ gọi thanh sinh viên VN đi lính như tôi hôm nay…

“Đừng hỏi
Tổ quốc đã làm gì cho bạn, mà bạn nên tự hỏi bạn đã làm gì cho tổ quốc?” J F Kenndy.
(Chuyện lính tráng của mấy ông Tổng Thống Mỹ đến thế kỷ 21 này vẫn còn chê bai, nói xấu nhau)

Tôi không nhớ rõ ngày, chỉ nhớ vào tháng 8, 1973 tôi đi học 9 tuần quân sự ở Trung Tâm Huấn
Luyện Quang Trung (TTHLQT). Trong giai đoạn này Chỉ Huy Trưởng, TTHLQT là Thiếu Tướng
Phạm Văn Phú, sau khi ông nghỉ bệnh một thời gian ở viện Bài Lao Ngô Quyền.

Thiếu Tướng Phạm Văn Phú sau đó được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Đoàn II, Vùng II chiến
Thuật………. Thời gian nhàn hạ đã làm mất đi cái tinh nhuệ của một Tướng Lãnh ngoài chiến
trường. (Giống như một tay cờ tướng, xì phé lâu ngày không đánh, nay đánh lại có chút ngập ngừng…!)

Sau khóa học quân sự 9 tuần ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, tôi đi dự lễ chọn chổ. Đại
Tá Cục Phó Cục Quân Y chủ tọa buổi lễ.
Một Sự Chọn lựa:
Đại Tá Đỗ Xuân Giụ, Cục Phó Cục Quân Y, gọi 2 người đầu bảng danh sách: BS Nguyễn Hữu Hạnh
và tôi lên trình diện chọn chổ. Đại Tá Giụ nói có 2 chổ BĐQ vùng 1 và vùng 2 Chiến Thuật…
BS Nguyễn Hữu Hạnh chọn vùng 1 Đà Nẳng, tôi chọn vùng 2 Pleiku. Sau khi chúng tôi chọn chổ,
Đại Tá Giụ hân hoan ra về.
Danh sách còn lại do một Đại Úy Hành Chánh Quân Y đọc, tất cả đều đi Bệnh Viện Dã Chiến.


Đành dấu con “dao mổ” trong túi quần, trong Sack Marine (Duffel Bag-Air Force). Tôi theo Liên
Đoàn 24 BĐQ , đóng quân khắp vùng II chiến Thuật: Khi Pleime-Pleiku, khi Tân Điền, Đồi 3 Chấm-
Kontum, Khi Ban Mê Thuột, khi Cheo Reo-Phú Bổn, khi Quảng Đức tiếp giáp với vùng III chiến
Thuật. Cũng may mắn suốt thời gian ngoài chiến trường, tôi không bị thương, nhưng được Anh
Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Bạc với dây Biểu Chương Màu Bảo Quốc Huân Chương của Thiếu Tướng
Phan Đình Niệm, Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh tặng, và Ngôi sao Đồng của Trung Tá Từ Vấn Liên
Đoàn Trưởng LĐ 24 BĐQ trao tặng cho sự hăng say đời binh nghiệp của tôi.

Trong hơn một năm làm lính Biên Phòng Vùng 2 Chiến Thuật, đêm ngày canh giặc, Việt Cộng
xâm chiếm Miền Nam…Đôi khi, tôi cũng làm closed reduction, khâu vá da thịt, ghép da (skin
graft), không cần dermatome, cho vài quân nhân bị thương ngoài chiến trường, không có cơ hội
được tải thương…
Những lúc này, tôi nghĩ đến GS Nguyễn Mạnh Hùng, một Giáo Sư về Pharmacology nổi tiếng của
VN, sau cách Mạng 1-11-63, bị đày đi A sao (A shau), A lưới để thử máu cho muỗi…, may mắn
được Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Quân Đoàn I, Vùng I Chiến Thuật thỉnh về làm
Giáo Sư Pharmacology cho Trường Đại Học Y Khoa Huế. (Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng có người
em ruột, Y Sĩ Đại Úy Nguyễn Tuấn Anh, y sĩ trưởng của Lữ Đòan Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng
Thống thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông chửa bệnh gastritis và đổ mồ hôi tay cho tôi năm
1963 bằng Genatropine nhỏ giọt, (uống), hiệu quả vô cùng. Uống hôm nay, ngày mai tay khô
ráo; nhưng nước mắt, nước miếng cũng khô, nên phải nhỏ mắt với artificial tears (eyedrops) và
uống nước lai rai suốt ngày. Không cần mổ xẻ lôi thôi, không cần Châm Cứu (chẳng có hiệu quả
gì).Tôi vẫn luôn luôn nhớ và kính trọng ông.

Trước Tết năm 1975, vào khoảng tháng 2 tây, tôi được phép về Sài Gòn, ghé thăm LS Lê Tọng
Quát-Quốc Vụ Khanh VNCH…, và Trung Tâm Y Khoa Không Quân TSN, được mấy y tá phòng cấp
cứu cho hay: mấy BS đàn anh được thăng cấp như Trung Tá Vũ Tiến Thông, Thiếu Tá Đặng Đông
Mỹ, Thiếu Tá Bùi Xuân Mẫn, Thiếu Tá Đoàn Lân, Thiếu Tá Đào Hữu Lân… v.v.

Và cũng cho hay: một số Nữ Y Tá KQ khi đi Mỹ họ có bằng Tú Tài II, học 4 năm về Điều Dưỡng.
Khi trở về, họ có bằng Bachelor of Nursing (như RN 4 năm của Mỹ), mang cấp bậc Trung Úy. Họ
có đọc hồ sơ bệnh nhân ở TTYKKQ, họ có lời khen cho tôi…, họ nghĩ BS Tri chắc cũng du học ở
Mỹ về, vì họ đọc những ca mổ lạ, và vì tôi viết operative procedure bằng tiếng Anh, nên cũng
quen thuộc với họ, còn những BS khác của TTYKKQ đều viết bằng tiếng Pháp (protocole
operatoire) như thường lệ, họ không quen và hiểu mấy.
Hết mấy ngày phép, tôi đi Quảng Đức tiếp tục làm lính Biên Phòng Vùng II Chiến Thuật, khoảng 3
tuần sau, tôi đi công tác ở Nha Trang. Cầu 42 Từ Ban Mê Thuột đi Nha Trang bị VC dựt sập, tôi
quay về khách sạn Anh Đào-Ban Mê Thuột nghĩ đêm…
Ngày mồng 10 tháng 3, 1975 khoảng 2.30 sáng, VC pháo kích vào Ban Mê Thuột, 7 giờ sáng VC
tấn công khách Sạn Anh Đào, tôi bị VC bắt. Nhưng số trời đã định, tôi may mắn vượt thoát, tôi
băng rừng lội suối, vượt Trường Sơn với 2 quân nhân cùng đơn vị, chúng tôi về Sài Gòn bình
yên…(Nếu không mất nước, chắc tôi cũng được thêm một Huy Chương Anh Dũng Bội Tinh
khác…!)

***

Sáng 28 tháng Tư 75, tôi nhờ Bà Trung Tá Hạnh Nhơn đưa tôi vào TTYKHQ… Cuối cùng, Pilot C
130-Đại Úy Ngô Ngọc Châu cũng đưa tôi đến vùng trời bình yên, tự do (Mỹ) như Thượng Đế đã
an bài! (Như chuyện tôi kể về Trung Tâm Y Khoa Không Quân, giữa Đại Úy Ngô Ngọc Châu, Trung
Tá Hạnh Nhơn và tôi)
Khi gặp lại nhau ở Fort Chaffee, Akansas tháng 5-1975, BS Bùi Xuân Mẫn có ý định rủ tôi đi
Canada. Nhưng sau đó ông đổi ý, chúng tôi ở lại Mỹ, BS Mẫn đi Dallas, TX. Tôi đi Kansas City-KS.
Đại Úy Ngô Ngọc Châu cũng rủ tôi đi Washington D.C…, khu Harlem NY , nhưng tôi cũng từ chối,
vì tôi muốn ở lại với bạn bè Y Khoa Huế (BS Đồng Sĩ Nam, Bùi Cao Đệ, Patrick Trần Lương Hoa…)
Khi học luyện thi bằng hành nghề ở Oklahoma City, Oklahoma. Tôi gặp lại hầu hết các BS của
Không Quân VNCH. Trong đó có Đại Tá Cục Phó Cục Quân Y Đỗ Xuân Giụ, Đại Tá Nghiêm Xuân
Húc (Phụ Tá Quân Y Không Quân). Trung Tá Vũ Xuân Bôi, Thiếu Tá Bùi Xuân Mẫn…Ngoài ra có BS
Nguyễn Lưu Viên (Phó Thủ Tướng VNCH), BS Tôn Thất Niệm (Nghị Sĩ VNCH), BS Trần Ngươn
Phiêu (Phụ Tá Quân Y Hải Quân) …
Thi đậu, các BS TTYKHQ đi Dallas, TX hành nghề y khoa. BS Bùi Xuân Mẫn bị nhồi máu cơ tim, sau
mấy năm hành nghề ở Dallas, ông đã ra đi vĩnh viễn để lại trong tôi nhiều luyến thương. Nhắc lại
lòng xốn xao buồn!
Rồi ngày tháng trôi qua, tôi cũng hăng say làm lại cuộc đời:”tấp tỉnh người đi tớ cũng đi, cũng
lều, cũng chõng, cũng đi thi… (Trần Tế Xương).

Khăm Đi, Tháng 4, 2019.

CON TÀU CHỈ CÓ MỘT NGƯỜI

Phan Xuân Sinh

Anh cũng như bao nhiêu người sĩ quan khác ở Miền Nam. Sau 75, đều bị tập trung cải tạo. Những tháng đầu anh được vợ gửi cho một hai lần đồ ăn, sau đó thì biệt tăm. Anh được phép viết thư về cho gia đình nhiều lần. Nhưng không thấy vợ trả lời. Như thế kể như anh bị vợ bỏ. Sống trong trại cải tạo mà không có người thăm nuôi, không được tiếp tế đồ ăn, người đó kể như chết. Anh biết mình nằm trong số người bất hạnh đó. Nên anh phải tự lực cánh sinh. Nói chơi cho vui vậy chứ tự lực gì nổi. Có được thăm nuôi hay không, người tù nào cũng co cúm lại. Thức ăn dành dụm từng chút. Ra ngoài lao động, con mắt của họ dáo dác tìm bất cứ thứ gì có thể bỏ vào bụng cho đở đói. Cho nên người có quà thăm nuôi cũng như dân mồ côi, khi ra ngoài lao động cũng xục xạo tìm kiếm đào bới như nhau. Ai tìm được nấy ăn.
Chuyển ra ngoài Bắc anh lại càng tơi tả hơn. Không quen với cái lạnh thấu xương, bụng thì đói meo. Trông anh như một ông cụ già hom hem. Công việc nặng nhọc làm cho anh còm lưng. Ngày trở về thì không thấy hy vọng. Anh cứ nghĩ mình kéo dài tình trạng đói khát, nặng nhọc nầy mãi, thì thế nào cũng bỏ xương tại cái xứ đèo heo hút gió nầy. Trốn trại thì không can đảm. Mà cũng chẳng biết trốn đi đâu, giữa núi rừng trùng trùng điệp điệp. Đành phải bó tay chịu trận.
Bỗng nhiên một hôm anh nhận được gói đồ ăn gửi bằng đường bưu điện. Anh nghĩ chắc vợ anh gửi cho. Nhưng khi cầm gói quà trên tay nhìn tên người gửi lạ hoắc, anh phân vân, đắn đo. Chắc chắn đây là một sự nhầm lẫn. Tuy nhiên vì đói quá anh không có can đảm hoàn trả lại cho cán bộ, khi mà sự thèm khát đã lên tới tột đỉnh. Mà chắc gì gói quà được trả về cho khổ chủ của nó! Cán bộ trại đời sống cũng chẳng hơn tù bao nhiêu, thế nào họ cũng chia nhau. Trong lúc mình đang cần, anh an ủi mình như vậy. Anh về trại. Bạn bè tới chúc mừng anh. Như vậy, kể từ nay anh thuộc thành phần có thăm nuôi. Không còn mồ côi như trước. Gói quà đã được mở ra kiểm soát, cột lại sơ sài trước khi giao cho anh nhận lãnh.
Ai nhận quà về đến chỗ nằm của mình, đều bóc ngay ra. Còn anh thì không dám đụng đến. Lúc đầu cái đói, cái thèm khát lâu ngày làm cho anh bấn loạn. Anh nghĩ nhận quà về bóc ra ngay ăn một bữa cho đã. Nhưng khi cầm gói quà trên tay, không phải tên vợ mình gửi, anh đâm ra đắn đo. Anh nằm gác tay lên trán nghĩ ngợi về tên người gửi. Anh đào bới hết trí nhớ, vẫn không tìm ra tên người đàn bà nầy, được viết trên góc của gói quà. Bạn bè tù cùng phòng với anh thì nghĩ khác. Họ cho rằng lâu quá không được nhận quà, không nghe tin tức vợ, nên anh muốn kéo dài cảm giác sung sướng. Không bóc vội gói quà. Thế nhưng rồi cũng đến lúc gói quà được mở. Sau khi ăn cơm chiều xong, anh leo lên chỗ nằm, ngồi quay mặt vào vách. Anh trịnh trọng mở gói quà. Quan trọng với anh bây giờ không phải là trong gói quà có những gì để ăn. Giữa lúc nầy, sự thèm khát bỗng nhiên trốn mất. Mà là lá thư trong gói quà nói gì.
” Anh yêu quý,
Anh đã mất tích từ lâu, tưởng rằng anh đã chết. Em và các con lập bàn thờ mấy năm nay. Không ngờ, cách đây mấy hôm, vô tình đến thăm một người bạn, có người anh được thả ra từ trại cải tạo Miền Bắc. Em hỏi thăm là có bao giờ anh nghe tên người nào là Nguyễn Hữu trong trại của anh không? Anh đó trả lời là có một người cùng đội sản xuất với anh mang tên ấy, trước là đại úy thuộc Sư Đoàn 2, người Bắc Kỳ. Từ bao nhiêu năm nay không được ai thăm nuôi. Em nghe xong muốn quỵ xuống, đúng là anh rồi. Thế là từ nay em phải hạ bàn thờ xuống. Các con có bố chứ không còn mồ côi cha nữa. Em mừng quá, mang tên anh, tên đội, tên trại đến Ủy Ban Quân Quản Thành Phố để xin giấy phép gửi quà thăm nuôi. Lý do vì loạn lạc, di chuyển nhiều lần, địa chỉ không còn chỗ cũ, nên không nhận được giấy gửi quà thăm nuôi.
Anh đừng để vi phạm nội quy, ráng học tập tốt, sẽ được nhà nước khoan hồng để sớm về đoàn tụ với gia đình. Có dịp được trại cho phép viết thư, anh viết thư về cho em biết sức khỏe của anh. Anh cần những gì lần sau có giấp phép em sẽ gửi ra cho anh. Em và các con bao giờ cũng mong chờ anh về.
Thư nầy không viết dài được, em ngưng đây. Chúc anh luôn luôn khỏe mạnh.
Vợ anh
Lê Thị Hồng”
Anh không dám đọc lại lần thứ hai. Một sự trùng hợp lạ ky, anh và ông Hữu kia cùng thuộc Sư Đoàn 2, cùng là người Bắc. Chỉ khác nhau là ông ta mất tích trong chiến tranh, còn anh thì trình diện đi cải tạo. Người đàn bà nầy vì quá thương chồng không điều tra cặn kẽ, chứ trong một sư đoàn, chuyện trùng tên, trùng họ là chuyện bình thường. Mà cán bộ kiểm duyệt thư từ cũng lơ đễnh, không thấy chữ mất tích từ đầu lá thư. Anh nhìn gói đồ ăn mà lòng trĩu nặng. Một bên vợ người ta, chồng mất tích bao năm mà vẫn chờ đợi. Còn mình sống sờ sờ vợ chẳng thèm ngó ngàng tới.
Đọc thư xong, anh bỏ thư lại trong gói đồ rồi cột lại như cũ. Anh nằm gác tay lên trán suy nghĩ miên man. Các bạn chung phòng đến hỏi thăm tin tức gia đình anh ra sao, anh trả lời nhát gừng cho qua chuyện. Họ nghĩ, có lẽ gia đình anh đang gặp rắc rối gì đó, nên anh buồn ít nói.
Sáng hôm sau ra lao động, anh không mang thêm cái gì để ra ăn buổi trưa. Anh không biết phải làm sao với gói quà mà anh đã nhận. Anh cảm thấy mình giống như một thằng ăn trộm, oa trữ đồ gian. Không biết phải giải quyết thế nào cho ổn thỏa đây. Mấy năm trời đói khát, thèm ăn. Chụp được một con dế, con cóc thì xem như được một bữa tiệc lớn. Thế mà khi nhận quà có thịt chà bông, cá khô, muối sả ớt v.v… anh lại sờ sợ. Lương tâm ư? Làm gì có thứ nầy ở đây. Anh không biết phải diễn tả thế nào tâm trạng của anh lúc ấy. Vì đụng vào đó, anh thấy mình như bị phạm tội. Buổi trưa, anh ra nhận cơm với vài cọng rau muống, nước muối. Anh lại thèm các thứ mà mình đang giữ. Sự thèm khát lại bắt đầu dằn vặt, hành hạ anh. Anh không thể nào chống lại nổi sự đòi hỏi hợp lý nầy. Thôi thì tới đâu hay tới đó.
Ngày hôm sau anh mang tí ti đồ ăn theo, chia cho một số bạn cùng cảnh ngộ với anh, nghĩa là thuộc dạng mồ côi, không có ai thăm viếng hay gửi quà. Họ ăn một cách ngon lành. Anh ăn cũng ngon miệng nhưng khi ăn xong, anh thấy nghèn nghẹn. Mấy ngày đầu anh mang tâm trạng nầy, nhưng dần dần về sau nguôi ngoai. Hình như sự phạm tội thường xuyên, ít bị lương tâm cắn rứt hơn là phạm tội một đôi lần.
Vài ba tháng sau đó, anh được trại cho phép viết thư về gia đình. Đây là một điều khó khăn cho anh. Gửi thư cho vợ hay gửi cho chị Lê Thị Hồng? Gửi cho vợ thì bao nhiêu cái vẫn biệt vô âm tín, còn gửi cho chị Lê Thị Hồng, thì biết nói sao cho chị hiểu là anh không phải là chồng chị ta. Nếu thư không bị kiểm duyệt thì chuyện nầy dễ nói. Còn thư tù như anh thì qua biết bao nhiêu cửa ải. Biết đâu khi cán bộ kiểm duyệt phát giác chuyện nầy sẽ tống cổ anh vô cùm. Cái tội mạo nhận ẩu để lãnh đồ thăm nuôi. Một lần cũng là mang tội, mà cái tội nầy bạn bè biết được thì khinh khi lắm. Nhưng mọi chuyện đã lỡ rồi, đành phải theo lao vậy. Anh đánh liều viết theo cái kiểu người chồng viết cho vợ.
“Hồng em,
Cám ơn em rất nhiều về gói quà vừa rồi em gửi cho. Em đừng lo gì cho anh nữa, ở đây anh được nhà nước cách mạng lo cho đầy đủ, ăn uống không thiếu. Em yên tâm để dành lo cho các con. Em ở nhà cố gắng dạy dỗ các con nên người, cố gắng chấp hành chính sách và pháp luật của nhà nước cách mạng.
Nhờ ơn cách mạng, nhờ ánh sáng soi đường, nhờ chính sách khoan hồng của nhà nước ta. Anh học tập đã hiểu thế nào con đường lầm lẫn của mình trước đây. Anh đã ăn năn hối cải và mong sao sau khi được khoan hồng trở về với gia đình, anh sẽ làm lại cuộc đời tốt hơn. Đừng lầm lẫn đi theo con đường cũ nữa, phải sống hòa đồng với nhân dân và tuân thủ pháp luật nhà nước.
Nhắc lại cho em rõ, đừng gửi quà cho anh nữa. Ở đây anh ăn uống rất đầy đủ, hãy dành dụm cho con, lo cho tương lai các con.
Cầu chúc em và các con khỏe mạnh.
Chồng em
Nguyễn Hữu”
Anh nhắc lại hai lần chữ “lầm lẫn”, để chị Hồng biết đoán ra mọi sự, không dám viết đi viết lại nhiều lần, sợ cán bộ trại nghi ngờ. Hai ngày sau, văn phòng trại gọi anh lên làm việc. Anh điếng hồn, không biết chuyện gì xẩy ra. Có lẽ vì mấy chữ lầm lẫn đó sao? Người kiểm duyệt sao thông minh quá vậy. Anh vừa đi, vừa tìm cách chạy tội. Nhưng không nghĩ ra cách nào giải thích, anh đổ liều, cứ chối đại ra sao thì ra. Mỗi lần gọi người nào một cách bất thần như vậy, là người đó có vi phạm điều gì. Các bạn tù cùng phòng lo lắng cho anh.
Anh bước vào phòng cán bộ quản giáo, đầy lo âu và không biết chuyện lành dữ ra sao. Người công an chấp cung ngồi trước lá thư của anh viết cho chị Hồng. Anh ta tươi cười mời anh ngồi đối diện, rút trong túi gói thuốc lá mời anh. Một thái độ thân thiện lạ lùng. Anh rút một điếu và chậm rãi hút. Người cán bộ nhìn anh nói: “Trong trại nầy, ai viết thư về cho gia đình cũng xin cái nầy cái nọ. Riêng anh thì không, lại bảo chị đừng gửi gì cả. Cũng lạ thật. Anh thật sự không thấy cần thiết sao?”
Anh lắc đầu: “Nhiều năm không được thăm nuôi, quen rồi. Hơn nữa gia đình tôi cũng nghèo. Vợ tôi lo cho các cháu đủ mệt. Lo thêm cho tôi, kiệt sức mất.. “
“Anh nghĩ vậy cũng đúng. Các anh ngày trước sung sướng quen rồi, không quen chịu cực khổ. Mới có vài năm đã thấy thèm khát đủ thứ. Chúng tôi mấy chục năm đánh giặc. Ăn uống kham khổ. Không hề hé răng.”
Người cán bộ nói tiếp: ” Chúng tôi có bỏ đói các anh đâu. Nuôi ăn đầy đủ đấy chứ. Chúng tôi cũng muốn cho các anh về với gia đình. Nghẹt vì các anh chưa thông suốt chính sách cách mạng, nên chúng tôi phải tạm giữ thêm một thời gian nữa.”
Anh ấp úng: “Vâng, thưa cán bộ.”
Người cán bộ nhìn thẳng vào mặt anh, trịnh trọng nói: ” Thay mặt Quản Giáo trại, tôi biểu dương tinh thần ý thức của anh. Thư anh gửi có giá trị thuyết phục. Anh là trại viên gương mẫu, sẽ được Ban Quản Giáo Trại đề bạt để anh được về sớm với gia đình.”
Mấy thằng làm ăng-ten, cũng nghe cái lời hứa cho về sớm. Nên chúng nó ra sức kiếm điểm, mà có thấy thằng nào được về trước đâu. Anh cười thầm trong bụng với cái chiêu dụ nầy.
Người cán bộ tiễn anh ra cửa và bắt tay thân thiện. Anh hú hồn, thoát được sự căng thẳng. Anh về chỗ nằm. Mấy người bạn tới hỏi thăm tin tức về chuyện nầy. Anh trả lời với họ là bị cán bộ cảnh cáo, vì lá thư viết không đúng tiêu chuẩn.. Anh nghĩ thế nào rồi câu chuyện nầy cũng đổ bể. Rồi cũng sẽ đi cùm vài tháng, với cái tội mạo nhận ẩu để lấy quà gửi. Chị Hồng thế nào cũng nhận ra nét chữ, và chữ ký của anh, không phải của chồng. Không cần mấy chữ “lầm lẫn” kia, chị Hồng cũng hiểu hết mọi sự là chồng chị đã chết.
Ngày nầy qua tháng khác, anh vẫn lao động đều đặn. Anh vẫn yên tâm là mình trở lại với vị trí mồ côi muôn thuở. Anh không còn hy vọng có ai đó ngó ngàng tới để gửi cho chút quà thăm nuôi. Người ta có gia đình gửi quà. Người ta có quyền tưởng tượng các món ăn để vỗ an cho cái dạ dày. Vì thế nào có ngày cũng được thăm nuôi, món ăn mình ao ước sẽ được người nhà mang đến. Còn anh chỉ ăn hàm thụ các món đó thôi. Cũng không sao nghĩ ra, cái đói khát triền miên, đã làm cho anh chai lì mọi ao ước. Thần kinh tê liệt và suy sụp đến tận cùng.
Nhận quà thăm nuôi bằng bưu điện lại có tên anh. Lại thêm một lần ngạc nhiên. Lần trước anh không dám mở gói quà, vì biết đó không phải là quà của mình. Không dám đọc thư vì biết thư đó không viết cho mình. Lần nầy thì ngược lại. Về đến chỗ nằm thì anh xáo tung để tìm lá thư ra đọc.. Thư viết cũng thắm thiết như lần trước, không hề đá động gì sự lầm lẫn mà anh đã nhấn mạnh. Nét chữ cứng cỏi thể hiện người viết có học thức, thế mà tại sao không biết mọi sự lầm lẫn đó. Trong thư nầy chị Hồng lại hiểu sai vấn đề, nghĩ rằng vì mấy năm không nhận quà thăm nuôi, nên anh giận dỗi. Biết làm sao đây, khi mà anh không có khả năng bày tỏ tự sự. Mặc kệ, cứ thản nhiên mọi chuyện, cứ ăn cho sướng. Phó mặc mọi chuyện cho trời đất. Anh đổ ra cáu kỉnh và lì lợm. Hình như anh muốn tạo ra tình huống nầy, để dễ dàng nuốt trôi mấy miếng thực phẩm thăm nuôi, mà không thẹn với lương tâm.
Mỗi lần sực nhớ lại chuyện quà cáp, anh vội vàng xua đuổi ngay. Nhủ với lòng mình như vậy, nhưng dễ gì quên được điều đó. Mỗi đêm, khi cơn đói hành hạ, các món ăn trong trí tưởng tượng tuôn ra, là hình ảnh chị Hồng lại hiện lên. Đẹp hay xấu lúc nầy đối với anh chẳng cần thiết, nhưng tấm lòng thương chồng của chị đã làm cho anh cảm phục. Thực sự, anh thương hại cho hoàn cảnh côi cút của chị và mấy đứa con. Sống giữa sự khó khăn chung của xã hội, nuôi mấy miệng ăn cũng thấy khó lắm rồi, đừng nghĩ gì xa xôi hơn như chuyện thăm nuôi chồng. Tệ hại hơn nữa, đây không phải là chồng của mình.
Mọi chuyện vẫn bình thường, ngày nầy qua ngày khác trong trại cải tạo. Anh vẫn sinh hoạt chung với các anh em. Bỗng nhiên một ngày, sau khi đi lao động về, anh được loa phóng thanh gọi tên ra khu thăm nuôi, có vợ là Lê Thị Hồng đến thăm. Lần nầy thì anh bối rối thật sự. Anh biết sự gặp nhau nầy rất bẽ bàng và ngượng ngập. Mọi sự thật sẽ làm cho chị Hồng đau khổ biết mấy. Với anh thì không sao, anh đã biết trước mọi chuyện, anh đã chuẩn bị tinh thần. Dù gì thì anh cũng phải trả lại sự thật nầy. Anh không muốn nó cứ mãi kéo dài, cứ mãi gây cho anh cảm giác phạm tội. Anh cố gắng diễn tả cho chị ấy biết, anh không phải thứ lừa đảo để kiếm miếng ăn. Dù có chết anh cũng chấp nhận, chứ không thể thuộc loài vô loại nầy. Anh nói nhiều, nhiều hơn nữa, để cảm ơn, để chị tha thứ. Anh sợ một vài tháng bị cùm, sợ mất mấy miếng ăn, mà phải để lại sự hiểu lầm trầm trọng. Để chị phải lặn lội khó nhọc, leo đèo vượt suối, từ Sài Gòn ra tận nơi đây thăm một người mà không phải là chồng mình.
Người cán bộ phụ trách dẫn anh ra khu trại thăm nuôi. Từ xa anh nhìn thấy người đàn bà đang ngồi nơi bàn chờ đợi. Tự nhiên anh hồi hộp. Tự nhiên chân anh bước cảm thấy nặng nề. Rồi anh cũng bước tới chỗ chị ngồi. Tim anh muốn vọt ra khỏi lồng ngực. Anh e thẹn như con gái. Thấy xấu hổ và hối hận. Chị Hồng nhìn anh rồi bật khóc. Chị khóc nức nở. Mặt cúi xuống bàn. Tiếng khóc ấm ức như đang gặp sự bất trắc. Anh ngồi vào vị trí đối diện. Nước mắt anh cũng chảy dài. Anh không nói được với chị câu gì. Những gì anh đã chuẩn bị bay đi đâu cả. Người cán bộ ngồi ở đầu bàn kiểm soát thấy hai người cứ khóc mãi.. Có lẽ anh ta nghĩ rằng vì vợ chồng lâu ngày xa nhau, thương nhớ chồng chất lâu ngày, để họ khóc cho đã nư. Anh ta cũng chẳng cần để ý tới họ. Anh ta vừa đứng dậy đi ra cửa sổ khạc nhổ, anh chụp ngay cơ hội nói với chị: “Xin lỗi…xin lỗi chị”.
Chị ngẩng mặt lên đưa ngón tay giữa miệng, ngụ ý cho anh biết đừng nói gì thêm. Anh thở dài. Tiếng thở của anh nghe rất não nuột. Nhưng trong tiếng thở ấy, như hàm chứa tất cả những gì anh đã chuẩn bị nói ra với chị. Chị lau nước mắt nhìn anh, rồi ấp úng hỏi anh những câu về sức khỏe, những lời khuyên cố gắng học tập tốt để về với gia đình, cho vừa lòng cán bộ kiểm soát. Chị cũng bịa ra những chuyện là con cái vẫn đi học bình thường, cha mẹ khỏe mạnh, tất cả gia đình, dòng họ, trông anh mau về sớm. Anh chỉ gật đầu mà không thốt được lời nào. Chị khóc chiếm hầu hết thời gian thăm nuôi.. Hơn ai hết, anh hiểu tiếng khóc của chị. Mọi hy vọng gặp lại chồng xem như hoàn toàn không còn nữa. Chị khóc cho số phận hẩm hiu của mình, thương cho phần số ngắn ngủi của chồng.
Cán bộ báo cho biết giờ thăm nuôi chấm dứt. Chị đưa tay nắm lấy tay anh. Anh đưa hai bàn tay ra ôm lấy tay chị. Tự nhiên, không biết tại sao anh bật khóc lớn. Có lẽ anh thấy tủi thân. Anh thấy lòng thương hại của chị dành cho anh, đây là lần cuối. Làm sao anh đòi hỏi gì hơn, với người đàn bà không phải là vợ mình. Khóc cho mình, mà cũng thương cho chị lặn lội đường xa tìm chồng. Chị lủi thủi trở về với niềm tuyệt vọng. Rồi anh chị chia tay. Anh gánh phần quà của chị mang tới cho anh, vào trại. Chị đứng dựa vào cột tre nhìn theo. Thỉnh thoảng anh quay đầu ngó lại, lần nào chị cũng đưa tay lên vẫy chào. Mọi người trong trại từ xa nhìn thấy cảnh nầy. Ai cũng thông cảm cho cảnh vợ chồng khắng khít, bây giờ phải lìa xa.
Anh gánh vào tới phạm vi giam giữ, thì các bạn anh chạy ra phụ mang đồ về phòng. Anh đứng lại nhìn ra khu thăm nuôi, đưa tay vẫy chào chị cho đến khi chị ra khỏi cổng trại khuất dạng. Anh lầm lũi về chỗ nằm. Đồ đạc còn để lăn lóc dưới đất. Anh chẳng màng sắp xếp. Anh vẫn chưa kịp định thần lại. Những giây phút thật bất ngờ đến với anh nhanh quá. Suốt trong nửa giờ gặp nhau, anh chỉ nói ra được hai tiếng xin lỗi. Màn kịch do chị diễn ra thật xuất sắc, xuất sắc đến nỗi anh là người trong cuộc, vẫn cảm thấy rất tự nhiên không ngượng ngịu. Không sao hiểu nổi được lòng chị.
Ngồi nhớ lại cảnh gặp gỡ, khi chị ngước mắt lên nhìn anh. Khuôn mặt chị thật đẹp, đôi mắt thật hiền từ. Anh nghĩ chị cũng đã biết trong mấy lá thư gửi về, không phải là thư của chồng. Thế nhưng chị vẫn hy vọng, mong manh hy vọng. Trong mong manh đó chị đổi một giá cho sự phũ phàng, cay đắng. Có lẽ khi nhận thư hồi âm, sau khi đọc, chị thấy thương hại cho anh, thông cảm nỗi thống khổ của anh. Chị quyết định tiếp tục liên lạc với anh, giúp đỡ anh. Khi ra thăm nuôi, chị vẫn biết anh không phải là chồng, nhưng chị vẫn đi. Để xác định rõ ràng, khi gặp anh tức là chồng chị đã chết. Nghiệt ngã thật.. Chị bật khóc, vì thương cho chồng thì ít, mà lại thương anh nhiều hơn. Sống một đời tù tội, lao khổ, bị gia đình bỏ rơi. Dù sao chồng nằm xuống cũng đã lâu, nước mắt của chị đã bao năm khóc cho chồng, bây giờ đã khô cạn. Gặp anh trong một hoàn cảnh thật bi thương, sống giữa một trại tù vô cùng cực khổ, không tin tức gia đình vợ con. Anh đang chơi vơi giữa tận cùng khổ đau, dày xéo trên thân thể những vết hằn tủi nhục. Nước mắt của chị trào ra, khi ngước mắt trông thấy một con người thân thể vừa tiều tụy, vừa đờ đẫn, đang đứng đối diện…
Đêm nay anh nằm đây, nghĩ lại cái cảnh chị lầm lũi bước lên tàu trở về Sài Gòn. Con tàu chạy vùn vụt trong đêm tối. Chỉ còn một mình chị thức, nhìn ra bên ngoài với sự trống vắng. Chị ôm một nỗi buồn sâu lắng. Đất nước đang trải qua một cơn sốt kinh khủng, đày đọa biết bao người lâm vào cảnh khốn cùng. Chị nghĩ sao về anh? Chị có còn giữ liên lạc với anh không?… Dù sau nầy thế nào, dù có giữ liên lạc hay cắt đứt, ơn nầy với anh suốt đời không quên được. Anh hứa với lòng mình, sau khi được trở về, anh sẽ tìm thăm chị. Sẽ nói với chị thật nhiều, cám ơn chị thật nhiều. Thay cho lần gặp gỡ trong trại không nói được.
Anh thấy trên con tàu trở về kia, chỉ có mỗi một mình chị. Còn tất cả đều nhạt nhòa. Một mình chị thôi, chứa trên đó nỗi đoạn trường, bất hạnh của một đời người. Nhưng thật vô cùng quý báu của một tấm lòng. Tội nghiệp chị, con tàu đang chở chị lao vào màn đêm, xé tan bóng tối và lạnh lẽo.

Phan Xuân Sinh

Câu chuyện về Jacky Ly

Mạnh Kim

Jacky Ly bên cạnh một xe tăng Liên Xô ở chiến trường Afghanistan (ảnh nhân vật cung cấp)

Khó có thể biết Lý Vĩnh Thắng – tên tiếng Việt của Jacky Ly – sẽ trở thành người như thế nào nếu Thắng và gia đình vẫn còn ở một ngôi làng nghèo miền núi ở Phó Bảng, Hà Giang. Có thể Thắng là một “học sinh nghèo vượt khó” xuất sắc nhưng cũng có thể Thắng chỉ là một anh nông dân chăn bò, làm nương rẫy, như thời niên thiếu, và chôn cuộc đời ở một ngôi làng nhỏ đến mức thậm chí gần như “không có tên” trên bản đồ các tỉnh vùng núi phía Bắc Việt Nam. Câu chuyện về Jacky Ly là trường hợp điển hình của vô số gia đình Việt Nam trong đó việc quyết định tìm kiếm tự do bằng con đường vượt biên là chọn lựa duy nhất và quyết định đó đã mang lại những bước ngoặt thay đổi khó có thể ngờ…

Băng rừng vượt biên

Việc chuẩn bị được thực hiện chu đáo và cẩn thận. Trước khi đưa cả nhà đi, ông Lý Hội Quyền – cha của anh Lý Vĩnh Thắng – đã một mình lẻn sang Vân Nam-Trung Quốc để dò xét và tìm chỗ ở tạm. Một đêm năm 1987, Thắng – lúc đó 10 tuổi – cùng hai chị và đứa em gái được bố mẹ chở trên xe đạp. Hành lý mang theo chỉ là vài bộ đồ và ít thức ăn. Họ bắt đầu cuộc hành trình bí mật. Phải kín đáo và thận trọng tuyệt đối. Chỉ một dấu hiệu đáng ngờ, họ cũng có thể bị hàng xóm trình báo và bị công an bắt. Đây là lần thứ hai họ vượt biên. Lần thứ nhất, đi từ Hải Phòng, trước đó vài năm (1979), đã thất bại. Sau chuyến đi không thành đó, gia đình ông Lý đến sống ở Tân Mỹ, Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Họ lầm lũi sinh nhai bằng nghề nông. Tuy nhiên, ông Lý vẫn âm thầm tìm cách thoát. Hành trình vượt biên lần thứ hai khởi hành từ đây, cách biên giới Việt-Trung đến 400 km.

Jacky Ly cùng bố và em gái (ảnh nhân vật cung cấp)

Băng qua biên giới một cách an toàn là điều không đơn giản. Vết tích cuộc chiến Việt-Trung 1979 vẫn còn in đậm. Cả hai bên biên giới đều đầy mìn và bẫy chông. Để tránh bị phát hiện bởi lính biên phòng của cả hai bên, gia đình ông Lý phải len lỏi đi trên những con đường mòn nhỏ, xuyên rừng. Có những đoạn ông Lý phải cõng đứa con gái sáu tuổi gần như suốt ngày lẫn đêm (sau này khi kể lại, ông nói rằng nếu không phải là cô con gái của ông mà là khối vàng thì ông cũng sẵn sàng vất bỏ vì quá cực nhọc).

Sau 14 ngày, gia đình ông Lý vào đất Vân Nam-Trung Quốc. Thở phào. Nhưng chưa nhẹ nhõm. Không giấy tờ tùy thân, họ có thể bị nghi ngờ, tố giác và bị công an Trung Quốc bắt đuổi trở về Việt Nam. Cả nhà ông Lý phải di chuyển liên tục và có khi phải chia ra ở rải rác. Họ chỉ tá túc một chỗ trong vài tuần rồi lại tìm nơi khác. Cuối cùng, họ đến Phòng Thành, Quảng Tây. Tại đây, ông Lý cùng một số người Việt khác, cũng vượt biên trốn khỏi Việt Nam, tìm cách đi khỏi Trung Quốc. Họ tìm được một đầu mối giới thiệu mua thuyền và thuê tài công. Họ dự tính thoát đến Macau. Nếu Macau từ chối nhận tỵ nạn, họ sẽ đi Hong Kong. Nếu Hong Kong khước từ, họ sẽ đi Nam Triều Tiên. Nếu lại bị từ chối, họ sẽ đi Nhật Bản!

Ngày 18-6-1988, 72 người tỵ nạn, trong đó có sáu thành viên gia đình ông Lý, lục tục xuống chiếc thuyền đánh cá cũ nát. Con thuyền dài 12m-rộng 3m chỉ có mái che sơ sài cho khoang động cơ. Mọi người mang theo lương thực cho khoảng 30 ngày và phó mặc số phận cho hai tài công. Sau vài ngày lênh đênh, giữa cái nắng lột da và những cơn đói dữ dội, họ bị một trận bão dập tơi bời, những tưởng thuyền bị lật úp và tất cả chết đuối giữa biển. Khi đến Bắc Hải, thành phố phía Tây Nam Trung Quốc, họ lại bị một “cú sét đánh” thậm chí choáng váng hơn: qua radio, họ biết tin Macau lẫn Hong Kong vừa tuyên bố ngưng nhận người tỵ nạn Việt Nam. Bất kỳ người tỵ nạn Việt Nam nào đến Hong Kong sau ngày 16-6-1988 đều bị đưa vào trại tập trung để trả lại quê nhà. Không lẽ quay về? Họ liều mạng đi tiếp.

Ảnh ID của Vĩnh Thắng-Jacky tại trại tỵ nạn Hong Kong (ảnh nhân vật cung cấp)

Sau 13 ngày “nướng” mình dưới nắng biển, họ đến gần Macau. Hai tài công rời thuyền. Họ được thuê chỉ để đưa mọi người đến đây, như thỏa thuận. Một người Việt, tên Thái, bất đắc dĩ trở thành người lái thuyền. Sự thiếu kinh nghiệm đi biển lập tức được “trả giá” sau đó khi thuyền va vào đá ngầm. Hỗn loạn và sợ hãi. Thật may là họ được cảnh sát biển Macau phát hiện và cứu. Sau khi giúp sửa thuyền, cảnh sát Macau yêu cầu tất cả rời đi. Mọi người lại ra khơi, gần như trong vô vọng. Cuối cùng, ngày 1-7-1988, thuyền đến Hong Kong. Đây là con thuyền thứ 47 của người tỵ nạn Việt Nam đến sau khi Hong Kong ban bố chính sách mới dành cho người tỵ nạn kể từ ngày 16-6-1988.

Jacky Ly (đi hàng đầu) vào thời điểm chỉ huy một đại đội nhảy dù (ảnh nhân vật cung cấp)

Những năm tháng ở trại tỵ nạn Hong Kong in sâu ký ức Thắng. Nếu không được bố mẹ và hai chị dạy bảo và che chở, Thắng rất có thể đã trở thành đứa bé hư hỏng đi theo đám băng nhóm giang hồ thuộc thành phần tỵ nạn đến từ các tỉnh khác của Việt Nam. Trại tỵ nạn chật chội, đông đúc, với đủ thành phần phức tạp, đã tạo thành một xã hội Việt Nam thu nhỏ nơi người ta không chỉ giành giật miếng ăn mà còn gây ra những hành vi tội phạm. Hãm hiếp và đâm chém xảy ra như cơm bữa. Sau hơn hai năm sống trong cảnh nhốn nháo, gia đình ông Lý cuối cùng được Chính phủ Mỹ đồng ý cho tỵ nạn. Họ được đưa qua Philippines sáu tháng để học tiếng Anh trước khi đến Mỹ…

Bắt đầu từ tay trắng

Nước Mỹ. North Carolina. Cuộc hành trình dài đã đến đích. Tuy nhiên, một chặng mới lại bắt đầu. Tất cả đều chỉ có hai bàn tay trắng. Họ đã rời con thuyền rách nát số 47. Họ đã rời khu ổ chuột tỵ nạn Hong Kong. Họ đang đặt chân đến một vùng đất xa lạ và tiếp tục đi trên những con đường thậm chí khó khăn và khó lường hơn cả những con đường mòn vượt rừng xuyên bóng đêm băng qua Vân Nam ngày nào. Phần tiếp theo của câu chuyện là chuỗi nỗ lực điển hình của gần như mọi người Việt tỵ nạn giai đoạn đó. Chen chúc trong căn nhà nhỏ được cấp tạm cho người tỵ nạn, gia đình ông Lý lao vào xã hội Mỹ với vốn liếng tiếng Anh gần như bằng không. Ông Lý phải làm ba “job” để giúp gia đình. Ban ngày ông làm thợ hàn. Ban đêm ông làm công nhân xưởng lắp ráp. Và cuối tuần ông làm nhân viên phục vụ nhà hàng. Trong khi đó, vợ ông lãnh quần áo gia công về nhà may; và hai chị của Thắng-Jacky đi làm nail sau khi học xong trung học. Jacky cũng phải đi làm thêm vào cuối tuần, từ chạy bàn đến rửa chén, cho đến khi vào đại học và vào quân đội…

Jacky Ly thời gian đóng quân ở Afghanistan (ảnh nhân vật cung cấp)
Jacky Ly và Bộ trưởng Quốc phòng (lúc đó) James Mattis (ảnh nhân vật cung cấp)
Jacky Ly (phải) thời gian làm việc tại Việt Nam (gần bốn năm) với nhiệm vụ Chánh Văn phòng hợp tác quốc phòng (ảnh nhân vật cung cấp)

Khó có thể biết ông Lý Hội Quyền nghĩ gì về tính mạng của mình cũng như vợ con vào thời điểm ông quyết định đưa cả nhà đi vượt biên. Nhưng có điều chắc chắn rằng ông không thể tưởng tượng có ngày mà cậu con trai duy nhất của ông, Vĩnh Thắng – Jacky, lại thành đạt hơn cả sự mong đợi, với không chỉ hai bằng master (từ National War College và Đại học Johns Hopkins), mà còn trở thành một sĩ quan cấp cao quân đội Hoa Kỳ. Ông Lý Hội Quyền (từ trần năm 2012) – người mà Jacky luôn xem như là tấm gương vĩ đại đối với mình – cũng khó có thể tưởng tượng một ngày mà con trai ông trở về lại Phó Bảng với tư cách một sĩ quan quân đội Mỹ, ở cương vị Chánh Văn phòng hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt, thực hiện các dự án hợp tác và tìm kiếm cơ hội hỗ trợ những gia đình nghèo miền núi Việt Nam, nơi có bóng dáng những đứa trẻ lếch thếch hệt Vĩnh Thắng ngày nào…

Tôi phải cố gắng, luôn cố gắng, phải “work extra hard” – Jacky nói. Ngày 1-1-2021, Jacky Ly trở thành đại tá quân đội Hoa Kỳ (lễ gắn lon chính thức được tổ chức chiều ngày 23-4-2021). Sau hơn 20 năm phục vụ quân đội Mỹ, Jacky Ly vẫn muốn tại ngũ. 42 tuổi, Jacky sẽ còn đi xa, thậm chí có thể xa hơn cả những điểm đến mà người cha không bao giờ có thể nghĩ tới, khi ông cõng cô em gái của Jacky lên đường trong đêm tối cùng gia đình ra đi chỉ với một thôi thúc: tìm kiếm tự do và một tương lai sáng sủa hơn cho các con của mình.

                                                      *****

Đại tá Jacky Ly

Từng chỉ huy đại đội lính nhảy dù mũ đỏ (thuộc 82nd Airborne Division) và tham gia chiến trường Afghanistan, Iraq, cũng như công tác tại Hàn Quốc, Hawaii…, cuộc đời Jacky Ly gắn liền với binh nghiệp. Nhập ngũ năm 18 tuổi khi vào Vệ binh North Carolina với dự tính ban đầu chỉ phục vụ quân đội ba năm nhưng sau đó Jacky không rời bộ quân phục. Jacky tốt nghiệp bằng cử nhân quản trị doanh nghiệp về hệ thống thông tin máy tính từ Đại học Appalachian State. Trong thời gian quân ngũ, ngoài những khóa đào tạo chuyên biệt trong quân đội, Jacky còn học National War College, Đại học Johns Hopkins, và Trường tham mưu quân sự Malaysia. Từng là Chánh Văn phòng hợp tác quốc phòng (Chief of the Office of Defense Cooperation) trực thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Jacky còn là cố vấn quân sự cấp cao và chánh Văn phòng Hợp tác An ninh trực thuộc Phái bộ Hoa Kỳ tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Jakarta, Indonesia. Đại tá Jacky Ly sắp nhận nhiệm vụ mới tại Đông Nam Á với tư cách tùy viên quốc phòng.

Jacky Ly trong lễ tuyên thệ và gắn lon đại tá, với sự chủ trì của Thiếu tướng Lương Xuân Việt (qua màn hình video từ Nhật) vào chiều 23-4-2021 (ảnh MK)
Đại tá Jacky Ly cùng vợ và con (ảnh MK)
Mẹ và em gái út của Jacky (ảnh MK)
(Trái sang) Đại tá Jacky Ly cùng mẹ vợ, chị của mẹ vợ và Phó Đề đốc Nguyễn Từ Huấn trong lễ gắn lon của Jacky (ảnh MK)
Ba phụ nữ quan trọng trong cuộc đời Jacky Ly (trái sang): mẹ ruột, mẹ vợ và vợ (ảnh MK)