Chiến tranh Việt Nam: Cuộc chiến giết chết niềm tin

Nguồn: Karl Marlantes, “Vietnam: The War That Killed Trust”, The New York Times, 07/01/2017.

Một ngày đầu mùa xuân năm 1967, tôi đang tham gia một cuộc tranh luận sôi nổi lúc 2 giờ sáng với các bạn học tại Đại học Yale về Chiến tranh Việt Nam. Tôi đến từ một thị trấn nhỏ ở Oregon, và đã từng tham gia Lực lượng dự bị Thủy quân lục chiến (Marine Corps Reserve). Còn bạn bè tôi chủ yếu đến từ các trường dự bị ở Bờ Đông. Một người trong số họ nói rằng Lyndon B. Johnson đã nói dối về cuộc chiến. Tôi thốt lên: “Nhưng … nhưng một Tổng thống Mỹ sẽ không nói dối người Mỹ!” Và tất cả họ đều bật cười.

Khi tôi kể câu chuyện đó cho các con tôi, chúng cũng cười phá lên. Dĩ nhiên là Tổng thống cũng nói dối. Tất cả các chính trị gia đều nói dối. “Lạy Chúa, Bố đến từ hành tinh nào vậy?”

Trước chiến tranh Việt Nam, hầu hết người Mỹ đều giống như tôi. Sau chiến tranh Việt Nam, hầu hết người Mỹ đều giống như các con tôi.

Mỹ không chỉ thua cuộc, và trả giá bằng mạng sống của 58.000 thanh niên nam nữ. Chiến tranh Việt Nam còn thay đổi chúng ta trên tư cách một quốc gia, theo nhiều cách tồi tệ hơn: Nó khiến chúng ta hoài nghi và mất lòng tin vào các thể chế, đặc biệt là vào chính phủ. Đối với nhiều người, nó đã xóa mờ một suy nghĩ, đã từng gần như phổ quát – rằng một phần của việc làm công dân Mỹ là phục vụ đất nước mình.

Nhưng không phải mọi thứ về Chiến tranh Việt Nam đều tiêu cực. Là một trung úy Thủy quân lục chiến tại Việt Nam, tôi đã chứng kiến cách mà cuộc chiến đã tập hợp những người đàn ông trẻ tuổi từ nhiều sắc tộc và chủng tộc khác nhau, và buộc họ phải tin tưởng lẫn nhau vì mạng sống của mình. Chính tình huống thử thách chủng tộc này đã đóng một vai trò to lớn, nhưng thường bị đánh giá thấp, trong việc thay đổi nước Mỹ theo hướng tiến tới sự hòa nhập thực sự.

Và ngay cả khi chiến tranh Việt Nam tiếp tục định hình đất nước chúng ta, vị trí của nó trong ý thức quốc gia lại đang dần biến mất. Khoảng 65% dân số Mỹ hiện dưới 45 tuổi và do đó họ không thể nhớ về cuộc chiến. Trong khi đó, chiến tranh tại Iraq và Afghanistan, sự can dự của chúng ta vào Syria, cuộc chiến của chúng ta với chủ nghĩa khủng bố – những xung đột này đang đẩy chiến tranh Việt Nam lùi xa hơn vào quá khứ.

Đó lại càng là những lý do tất cả chúng ta phải nhớ về Chiến tranh Việt Nam và hậu quả của nó đối với ngày nay. Bài tiểu luận này sẽ mở đầu cho một loạt bài mới của The New York Times, “Vietnam ’67”, nhằm xem xét cách các sự kiện năm 1967 và đầu năm 1968 đã định hình Việt Nam, Mỹ và thế giới. Hy vọng rằng nó sẽ làm mới cuộc trò chuyện về một sự kiện lịch sử vốn đã trôi qua nửa thế kỷ.

Những gì độc giả nhận được từ cuộc trò chuyện đó là một vấn đề khác. Nếu tất cả những gì chúng ta làm là tranh luận tại sao ta lại thua, hoặc tại sao ta lại đặt chân tới đó ngay từ đầu, chúng ta sẽ bỏ qua câu hỏi thực sự quan trọng: Chiến tranh Việt Nam đã có tác động gì lên người Mỹ chúng ta?

CHỦ NGHĨA HOÀI NGHI

Chiến tranh Việt Nam đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận chính trị. Chúng ta đã quen thuộc với việc các nhà lãnh đạo nói dối về cuộc chiến: bịa đặt Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, số lượng “các tỉnh được bình định” (mà chính xác thì “bình định” là gì?), và số thương vong (của quân địch) bị thổi phồng.

Người ta nói về “khoảng trống tín nhiệm” (credibility gap) của Johnson. Đây là một cách nói lịch sự rằng Tổng thống đã nói dối. Nhưng ở thời đó, khoảng trống tín nhiệm bị coi là bất thường và xấu xa. Đến cuối cuộc chiến, nó vẫn bị xem là xấu, nhưng đã không còn là bất thường nữa. Ngày nay, khi các chính trị gia nói dối, những người kiểm tra sự thật có thể chỉ ra điều gì là đúng, nhưng sau đó mọi người lại quên nó đi và tiếp tục sống.

Chúng ta đã chuyển từ ngây thơ sang hoài nghi. Người khác có thể lập luận rằng hai điều ấy đối lập, nhưng tôi nghĩ là không. Vì ngây thơ, anh có nguy cơ vỡ mộng, đó là những gì đã xảy ra với tôi và nhiều người trong thế hệ tôi. Nhưng sự hoài nghi thì ngăn cản anh từ trước khi anh bắt đầu. Nó khiến chúng ta xa lánh “chính phủ,” một từ mà ngày nay mang nghĩa là vũng lầy quan liêu. Nó đe dọa nền dân chủ, bởi nó phá huỷ ngay cả ý định mong muốn thay đổi của người dân.

Anh không thể hoàn thành hệ thống đường cao tốc lớn nhất thế giới, xây dựng một số lượng lớn các trường trung học và đại học công lập, thông qua chương trình “Xã hội vĩ đại” (Great Society – chương trình đối nội của Tổng thống L.B. Johnson, xoay quanh việc xóa bỏ đói nghèo và phân biệt chủng tộc – NBT), chiến đấu trong một cuộc chiến lớn, và đặt chân tới mặt trăng – những điều mà chúng ta đã làm được cùng lúc trong thập niên 1960 – nếu anh hoài nghi về chính phủ và các chính trị gia.

Tôi sống gần Seattle, nơi gần như không phải vùng đất của Donald J. Trump. Hầu hết những người bạn của tôi đều nhạo báng một cách đầy hoài nghi khẩu hiệu của Trump, Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại); vốn chỉ ra rằng mọi điều đều sai trong các thời kỳ trước. Thật vậy, nước Mỹ không phải là thiên đường, đặc biệt là cho các nhóm thiểu số. Nhưng vẫn có một vài sự thật. Chúng ta từng “vĩ đại” hơn vào thời đó. Chính Chiến tranh Việt Nam – chứ không phải chủ nghĩa tự do, không phải dân nhập cư, không phải toàn cầu hóa – đã làm chúng ta thay đổi.

CHỦNG TỘC

Tháng 12/1968, tôi ở trong một khu rừng nằm trên ngọn đồi cách khu vực phi quân sự khoảng 1 km. Một chiếc trực thăng đã thả xuống khoảng ba tuần một lần những thư từ ướt đẫm và những gói thức ăn nhàu nát. Trong đống đồ đó có một món dành cho Ray Delgado, một thanh niên 18 tuổi người gốc Tây Ban Nha đến từ Texas. Tôi nhìn Ray xé lớp vỏ bọc bằng giấy nhôm và cười toe toét, tay cầm thứ gì đó đưa lên cho tôi xem.

“Cái gì vậy?” Tôi hỏi.

“Đó là tamales.[1] Từ mẹ tôi.”

Tamales là gì?”

“Anh muốn thử một miếng không?” Ray hỏi.

“Chắc chắn rồi.” Tôi nhìn nó, quay qua quay lại, rồi nhét luôn vào miệng và bắt đầu nhai. Ray và những người bạn gốc Tây Ban Nha khác của cậu ta ăn ngấu nghiến, còn tôi thì can đảm nhai và thầm nghĩ “Chả trách sao mà răng của người Mexico lại tốt tới vậy.”

“Thiếu úy,” Ray cuối cùng cũng cất tiếng. “Anh phải bóc cái vỏ bắp ra trước.”

Tôi đến từ một thị trấn chuyên khai thác gỗ ở bờ biển Oregon. Tôi từng nghe nói về tamales, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy nó. Mãi đến khi gia nhập đại đội Thủy quân lục chiến ở Việt Nam, tôi mới nói chuyện với người Mexico. Đúng, những người như tôi gọi những người như Ray là “người Mexico,” dù họ cũng có “chất Mỹ” nhiều như chất Mỹ trong bánh táo— và tamales. Căng thẳng chủng tộc ở nơi tôi lớn lên là khi người Thụy Điển và người Na Uy tranh cãi với người Phần Lan mỗi tối thứ bảy tại bãi đậu xe ngoài sàn nhảy ở Labor Temple.

Tổng thống Harry Truman từng ra lệnh hòa hợp sắc tộc trong quân đội vào năm 1948. Đến chiến tranh Việt Nam, binh lính thuộc nhiều chủng tộc đã cùng nhau phục vụ trong quân đội. Nhưng việc đặt mọi người vào cùng một đơn vị rất khác so với việc khiến họ phải làm việc cùng nhau như một đơn vị.

Ký ức của đất nước chúng ta về hòa nhập sắc tộc chủ yếu là về những người dũng cảm trong phong trào dân quyền. Hãy tưởng tượng tất cả học sinh trung học ở Birmingham, Alabama – da trắng và da đen – đều được trang bị vũ khí tự động trong một môi trường mà việc dùng những vũ khí này cũng phổ biến như ăn trưa, và tất cả đều bị kích thích bởi testosterone. Đó mới là căng thẳng chủng tộc.

Trong suốt chiến tranh Việt Nam, đã có hơn 200 vụ giết chỉ huy (fragging) xảy ra trong quân đội Hoa Kỳ, các vụ việc được thực hiện bằng lựu đạn phân mảnh nên không thể xác định được kẻ giết người. Hầu như tất cả các vụ giết chỉ huy, ít nhất là khi thủ phạm bị bắt, đều có động cơ liên quan tới chủng tộc.

Tuy nhiên, trải nghiệm phổ biến hơn trong cuộc chiến là sự hợp tác và tôn trọng. Nếu tôi bị bắn hạ bởi đối phương và tôi cần một tay súng M-79, tôi sẽ hét gọi Thompson, bởi vì anh ấy là người giỏi nhất. Tôi thậm chí còn chẳng nghĩ về màu da của anh ấy.

Những người da trắng phải nghe nhạc soul (vốn phổ biến với người da đen) và những người da đen phải nghe nhạc đồng quê (vốn phổ biến với người da trắng). Chúng tôi không sợ nhau. Và trải nghiệm thời chiến đã gắn bó với chúng tôi. Hàng trăm ngàn thanh niên trở về từ Việt Nam với những ý tưởng khác nhau về chủng tộc — một số là tồi tệ hơn, nhưng phần lớn là tốt đẹp hơn. Nạn phân biệt chủng tộc đã không được giải quyết ở Việt Nam, nhưng tôi tin rằng đó là nơi mà đất nước chúng ta cuối cùng đã học được rằng tất cả chúng ta vẫn có thể cùng chung sống.

PHỤC VỤ

Tôi đang ở một buổi đọc sách ở Fayetteville, North Carolina khi một đôi vợ chồng trẻ xuất hiện tại bàn ký tặng. Người chồng đứng thẳng lưng trong bộ quân phục. Còn người vợ thì một tay bế một đứa bé sơ sinh, tay còn lại dắt theo một đứa khác chỉ mới biết đi. Cả hai đều trông như vừa mới tốt nghiệp trung học khoảng hai năm. Người phụ nữ bắt đầu khóc. Tôi hỏi cô ấy có chuyện gì không ổn, và cô nói, “Chồng tôi lại đi nữa, vào ngày mai.” Tôi quay sang người chồng và nói, “Ồ, là chuyến đi phục vụ thứ hai của anh à?”

“Không, thưa ông,” anh ấy đáp. “Là chuyến thứ bảy.”

Lòng tôi nặng trĩu. Liệu đây có phải là một nước cộng hòa?

Chiến tranh Việt Nam bắt đầu khi chế độ quân dịch kết thúc, và Lầu Năm Góc tạo ra cái gọi là “quân đội tình nguyện.” Nhưng tôi không nghĩ thế. Tôi gọi nó là “quân đội tuyển dụng.” Tình nguyện là những người vội vàng tới bưu điện để ghi danh đi lính sau khi Trân Châu Cảng hoặc Trung tâm Thương mại Thế giới bị đánh bom. Còn tuyển dụng thì phức tạp hơn nhiều.

Khi tôi lớn lên, cha hoặc chú của hầu hết các bạn tôi đều đã phục vụ trong Thế chiến II. Tất cả phụ nữ trong thị trấn đều biết rằng tàu khu trục nhỏ hơn tàu tuần dương, và trung đội nhỏ hơn đại đội, bởi vì chồng họ đều từng ở trên tàu khu trục hay ở trong trung đội. Thời ấy, người ta gọi đó là “phục vụ.” Ngày nay, chúng ta gọi đó là “quân đội.”

Sự thay đổi trong ngôn ngữ cho thấy sự thay đổi sâu sắc trong thái độ của nền cộng hòa đối với lực lượng vũ trang của nó. Chế độ quân dịch là không công bằng. Chỉ có nam giới mới phải tòng quân. Và những người đàn ông có đủ khả năng chi trả học phí đại học sẽ không bị gọi đi nghĩa vụ cho đến giai đoạn cuối, khi cuộc chiến đã gần kết thúc.

Nhưng việc loại bỏ chế độ quân dịch đã không giải quyết bất công.

Giới tinh hoa Mỹ hầu như không phải đi nghĩa vụ quân sự. Khắc trên tường Đại sảnh Woolsey ở Đại học Yale là tên của hàng trăm thành viên của trường đã chết trong Thế chiến I và II. Ba mươi lăm người đã chết tại Việt Nam, và không có ai kể từ thời đó.

Thay vào đó, tầng lớp lao động Mỹ đang ngày càng hứng chịu gánh nặng chết chóc và thương vong kể từ Thế chiến II. Trong một nghiên cứu đăng trên tờ The University of Memphis Law Review, Douglas Kriner và Francis Shen đã xem xét khoảng cách giữa thương vong và thu nhập, so sánh sự khác biệt giữa thu nhập trung bình của các hộ gia đình (theo giá trị đồng USD năm 2000) trong các cộng đồng có số thương vong cao nhất (25%) với các cộng đồng còn lại. Bắt đầu từ khoảng cách thương vong – thu nhập gần bằng nhau trong Thế chiến II, khoảng cách này đã tăng lên 5.000 USD trong chiến tranh Triều Tiên, 8.000 USD trong chiến tranh Việt Nam, và bây giờ là hơn 11.000 USD trong chiến tranh Iraq và Afghanistan. Nói cách khác, ba nhóm có thu nhập thấp nhất đã phải hứng chịu thương vong nhiều hơn 50% so với ba nhóm có thu nhập cao nhất.

Nếu những bất bình đẳng này tiếp tục gia tăng, nỗi oán giận sẽ tăng lên cùng với nó. Nếu oán hận ngày càng gia tăng, sự chia rẽ giữa quân đội và dân thường vốn đã rộng sẽ càng rộng hơn. Đây là cách mà các nền cộng hòa sụp đổ, khi quân đội và một bộ phận người dân trung thành với người chỉ huy quân đội hơn là với đất nước họ.

Chúng ta cần trở lại với tinh thần của chế độ quân dịch, và cách mà mọi người nhận thức về việc phục vụ cho đất nước của họ. Chế độ quân dịch được hầu hết mọi người xem xét theo cùng một cách chúng ta nhìn nhận về thuế thu nhập. Tôi sẽ không đóng thuế nếu không có mối đe dọa bị ở tù. Nhưng là một công dân có trách nhiệm, tôi cũng thấy rằng đóng thuế là cần thiết để tài trợ cho chính phủ – chính phủ của tôi.

Người ta vẫn sẽ càu nhàu. Chúng ta than phiền về thuế. Mọi người vẫn cố gắng để có được những phần tốt hơn. Nhưng mọi người đều sẽ phục vụ. Họ sẽ làm việc cho “chính phủ” và có thể bắt đầu xem đó là “chính phủ của chúng ta.” Sẽ khó có thể hoài nghi về đất nước nếu anh cống hiến hai năm cuộc đời mình để biến nó thành nơi tốt đẹp hơn.

Hãy để nghĩa vụ quân sự chỉ là một trong nhiều cách để những người trẻ có thể phục vụ đất nước của họ. Với nghĩa vụ quân sự phổ quát, những cậu trai từ Seattle có thể sẽ cùng chia sẻ một chiếc tamale với những cô gái gốc Tây Ban Nha từ El Paso. Phe bảo thủ và phe tự do sẽ học cách làm việc cùng nhau vì một sự nghiệp chung. Chúng ta có thể trở lại tinh thần khi những người đến từ các chủng tộc khác nhau học cách để làm việc cùng nhau trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.

Chiến tranh Việt Nam sẽ tiếp tục định hình chúng ta, ngay cả khi ta đã quên mất nó làm điều ấy như thế nào. Nhưng vẫn chưa quá trễ để nhớ lại và bắt tay làm điều gì đó.

Karl Marlantes, tác giả cuốn sách “What It is Like To Go to War” và tiểu thuyết “Matterhorn,” từng là một lính Thủy quân lục chiến trong Chiến tranh Việt Nam.

—————

[1] Tamales là một món ăn của người Mexico, được chế biến từ thịt băm, đem hấp hoặc nướng trong vỏ ngô (ND).

Hoa Kỳ đã ‘bỏ rơi’ Việt Nam Cộng hòa như thế nào?

Lý thuyết ‘Khoảng cách Coi được’ (Decent Interval)

Phóng Viên Frank Snepp (người ngồi)

rong phần tiếp phỏng vấn với cựu phân tích gia chiến lược của CIA ở Nam Việt Nam, BBC hỏi ông Frank Snepp về câu chuyện Hoa Kỳ đã ‘bỏ rơi’ VNCH như thế nào từ sau Hoà đàm Paris 1973.

Mỹ có phản bội hay bỏ rơi VNCH không, theo Frank Snepp, năm nay 78 tuổi, hiện sống tại California là một câu hỏi phức tạp đòi hỏi một câu trả lời cặn kẽ.

Ông nhận định rằng việc bỏ rơi này khởi đầu với Henry Kissinger, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Richard Nixon, và sau đó Gerald Ford.

Frank Snepp: Kissinger đã bỏ rơi VNCH vì lý do chính trị. Tôi đặt tựa cho cuốn sách mình viết là ‘Decent Interval’ (Khoảng cách Coi được). Tựa đó nhắc đến sự kiện năm 1972, khi Kissinger đàm phán hòa bình, dẫn đến việc ngừng bắn, điều duy nhất ông quan tâm là đưa Hoa Kỳ ra khỏi cuộc chiến, thoát khỏi vũng lầy xấu hổ. Kissinger muốn phải có một khoảng thời gian coi được giữa việc rút quân của Hoa Kỳ ra khỏi VN, và chiến thắng tất yếu sẽ đến của Cộng sản, để Hoa Kỳ không bị đổ lỗi cho việc thất trận.

Khi Kissinger gặp Chu Ân Lai năm 1971 để sắp xếp cho chuyến công du bí mật của Nixon đến Trung Quốc, ông nói với Bắc Kinh rằng nếu có ngừng bắn ở Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ không tái can thiệp quân sự. Và chỉ cần có một khoảng thời gian hợp lý giữa cuộc ngừng bắn đến lúc Hoa Kỳ rút quân, và sự tiếp tục xâm lược của cộng sản, chúng tôi sẽ không quan tâm nếu đồng minh Bắc Việt của quý vị tấn công Nam VN, miễn là họ không tấn công ngay sau khi chúng tôi rút đi. Đó là khởi đầu của lý thuyết ‘Khoảng cách Coi được’ (Decent Interval) mà ngày nay nhiều người nhận định là sự phản bội VNCH của Hoa Kỳ.

Kissinger đến Paris vào mùa hè năm 1972 để đàm phán với Lê Đức Thọ về những gì sau đó trở thành Hiệp định Hòa bình. Lúc đó Kissinger bàn với Nixon rằng nếu mọi thứ chỉ cần kéo dài đến tháng 10 tới, tức vài tháng nữa, hay nói cách khác, qua cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp, thì sẽ không ai thèm quan tâm đến điều gì xảy ra cho VN một năm sau đó, tức 1974. Sẽ không ai còn quan tâm và Mỹ thì đã rút khỏi cuộc chiến từ lâu.

BBC: Henry Kissinger đã thực sự đã bàn với Nixon như vậy? Làm sao ông biết được điều đó?

Frank Snepp: Bởi vì Nixon đã ghi âm lại tất cả những cuộc trò chuyện này, và trong những năm gần đây, rất lâu sau khi tôi viết Decent Interval, băng ghi âm những cuộc trò chuyện đó được bạch hóa, nên bây giờ chúng ta có thể xác minh bằng chính lời của Kissinger và của Nixon, rằng quả thực họ đã chuẩn bị bỏ rơi VN vào năm 1972.

Thật ra Kissinger đã đề cập điều này với Trung Quốc từ năm 1971, một năm trước khi Hoa Kỳ mở rộng quan hệ với nước này. Khi Kissinger đến Bắc Kinh, ông nói rằng chúng tôi sẽ giúp các bạn một tay, hãy cùng chúng tôi thu xếp để Nixon đến thăm Trung Quốc, hãy cùng nhau mở mang quan hệ.

Điều này cũng dễ hiểu. Chiến tranh VN lúc ấy đang là một vấn đề lớn, Bắc Kinh là đồng minh của Hà Nội, vậy Nixon có thể cống hiến cho Bắc Kinh điều gì để khiến họ cởi mở hơn và trở thành bạn của Hoa Kỳ? Nixon có thể cho họ VN. Và nếu ai muốn có bằng chứng là Hoa Kỳ dưới thời Nixon và Kissinger đã bỏ rơi VNCH, thì đó là điều này, một bằng chứng rõ ràng.

BBC: Vào thời điểm đó có ai khác biết về cuộc thảo luận này giữa Kissinger và Nixon không, thưa ông?

Frank Snepp: Những gì Kissinger và Nixon thảo luận về VN vào thời điểm đó chỉ họ và những phụ tá biết, vì tất cả những điều này đều được Nixon cho ghi lại trên các cuốn băng bí mật của Nhà Trắng, nhưng nhiều năm sau mới được công bố rộng rãi. Việc thu băng bắt đầu bị lộ trong vụ bê bối Watergate. Và những cuốn băng này đã khiến ông và Kissinger, đặc biệt là Kissinger, bị lên án, vì Kissinger rất thẳng thắn trong các cuộc nói chuyện với Nixon vào mùa hè năm 1972, trước Hiệp định Paris. Kissinger nói với Nixon là chúng ta đang đàm phán cho một tình huống mà về cơ bản, chúng ta chỉ tìm cách thoát khỏi nơi này và không quan tâm đến những gì Bắc Việt làm, miễn là có một khoảng thời gian coi được giữa lúc chúng ta rút quân, thời điểm có cuộc ngừng bắn và Sài Gòn sụp đổ.

Sau đó thì Sài Gòn có sụp đổ cũng chẳng sao.

Không ai biết gì về những điều này, cho đến khi có một đột phá lớn vào tháng 10 năm 1972. Hoa Kỳ đồng ý với Lê Đức Thọ là sẽ không yêu cầu lực lượng Bắc Việt rời khỏi miền Nam. Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống của đất nước bị ảnh hưởng bởi tất cả những điều này cũng không được biết. Ông Thiệu chỉ biết chuyện này vì Võ Văn Ba, gián điệp CIA bên trong bộ chỉ huy cộng sản đã phát hiện ra, qua các kênh riêng của ông, rồi báo cáo cho CIA và cho cảnh sát của VNCH. Vào tháng 10, ông Thiệu phát hiện ra là mình đã bị Kissinger bán đứng, và Hoa Kỳ hoàn toàn bằng lòng có Hiệp định Hòa bình mà không yêu cầu Bắc Việt rút quân khỏi miền Nam.

BBC: Chắc chắn Kissinger không thể tự mình quyết định làm như thế, ông ấy phải làm theo lệnh của ai chứ, đúng không?

Frank Snepp: Đúng thế. Kissinger và Nixon cùng nghĩ ra chiến lược bỏ rơi Việt Nam mà trên thực tế họ đã thực hiện. Năm 1969, Kissinger và Nixon đến nhậm chức tại Nhà Trắng. Họ là một cặp đôi, trong đó Nixon là tổng thống. Họ hứa đưa Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam, đó là lời hứa với người dân Hoa Kỳ khi tranh cử. Tại một thời điểm nào đó Nixon nói rằng ông sẽ chấp nhận điều kiện ”ngừng bắn tại chỗ” để làm cơ sở cho các cuộc đàm phán.

Ý của Nixon là gì? Dường như khi ông đề cập đến việc đó lần đầu, không ai nhận ra rằng ngừng bắn tại chỗ có nghĩa là bạn đứng yên, và kẻ thù cũng vậy. Điều đó có nghĩa là tất cả quân Bắc Việt ở miền Nam VN không phải rời đi, mà sẽ ở lại. Vì vậy, ngay từ năm 1969, bất cứ khi nào ý tưởng về một hiệp định hòa bình được thảo luận, Nixon đều tính đến một lệnh ngừng bắn tại chỗ. Điều đó có nghĩa là cho phép lực lược của phe địch hiện diện ở miền Nam, và đó là một công thức dẫn đến thảm họa.

Công bằng mà nói, Nixon không có lựa chọn nào khác vì Hoa Kỳ và VNCH đã không đánh bại được Bắc Việt, đã không buộc được họ ra khỏi miền Nam. Chúng ta không thể ném bom, chúng ta không thể ngăn chặn cuộc xâm nhập bởi Bắc Việt mỗi mùa khô lại gửi thêm từ 60.000 đến 100.000 quân tiếp viện vào miền Nam, thay thế những quân lính đã tử trận. Chừng nào điều đó còn xảy ra, trừ khi bạn dội bom lên miền Bắc, chiến tranh vẫn tiếp tục và bất cứ hiệp định hòa bình nào cũng phản ánh sự thật rằng chúng ta đã không đánh bại được kẻ địch.

Tiện đây, tôi muốn kể cho bạn nghe câu chuyện này.

Sau chiến tranh, tôi trở lại Việt Nam năm 1991 với tư cách là khách mời của BBC. Trong chuyến đi đó, tôi cùng một nhóm làm phim BBC đến Bộ chỉ huy cũ của lực lượng cộng sản thời chiến ở tỉnh Tây Ninh. Một số cán bộ mặc đồ đen, đeo huy chương kéo đến gặp anh chàng CIA đã trở lại VN này, ở ngay trong cái hang mà chúng tôi đã tìm cách làm cho nổ tung trong suốt cuộc chiến. Trong bữa ăn trưa gần Củ Chi, chúng tôi thảo luận, và đây là những gì một người cộng sản nói với tôi: ‘Các bạn Mỹ, chúng tôi không thể nào hiểu phản ứng của các bạn vào năm 1969, khi chúng tôi đang bị thương vong nặng nề sau Tết Mậu Thân 1968 và những trận tiếp theo.’

Người này nói thêm: “Chúng tôi đã tổn thất quá nặng và không thể tiếp tục cuộc chiến với cường độ cao trong vòng hai năm. Tại sao các bạn không dội bom xuống các con đê ở Hà Nội?’ Nghe câu hỏi đó tôi đã phải nói với ông ta là ‘chúng tôi đã dự tính làm điều đó, nhưng Lầu Năm Góc quyết định rằng nếu làm thế chúng tôi sẽ giết chết rất nhiều thường dân Bắc Việt, và chúng tôi không thể thực hiện giải pháp đó vì lý do nhân bản và đạo đức.”

Hoa Kỳ, tức chính quyền của Nixon, thường bị chỉ trích là vô đạo đức, đã không nhẫn tâm làm điều mà Bắc Việt chắc chắn sẽ làm nếu họ có lựa chọn đó. Nếu họ có thể dội bom xuống miền Nam, bạn có nghĩ là họ sẽ làm không? Hoa Kỳ thì không.

Trong cuộc thảo luận đó, tôi nhớ đã không thể tin được là họ đã phân tích đúng vấn đề của Hoa Kỳ: Chúng tôi không tàn nhẫn đủ. Nếu năm 1969 chúng tôi dội bom lên đê điều ở Hà Nội thì có thể cũng không thắng, nhưng chắc chắn sẽ làm chậm lại cuộc chiến. Những người Cộng sản mà tôi tiếp xúc sau chiến tranh xác nhận điều này, rằng Hoa Kỳ đã có thể đẩy cuộc chiến vào thế bế tắc. Nhưng chúng tôi không làm thế, và bỏ lỡ cơ hội.

Thay vào đó, Nixon rút lực lượng Mỹ ra khỏi VN theo nguyện vọng của người dân Mỹ và đưa quân VNCH ra tiền tuyến, thay cho những người Mỹ đang rút đi. Chính sách ‘Việt Nam hóa’ chiến tranh đó không hữu hiệu, vì quân đội VNCH lúc ấy không thể làm được những gì Hoa Kỳ đã làm khi không còn sức mạnh của không quân Mỹ và viện trợ của Mỹ. Quân đội VNCH chưa sẵn sàng để chiến đấu một mình.

Tôi luôn cảm thấy rằng một trong những sai lầm lớn nhất của Hoa Kỳ là chờ đến năm 1969 mới Việt Nam hóa chiến tranh. Việt Nam hóa lẽ ra phải được bắt đầu ngay từ lúc quân đội Mỹ vào Việt Nam. Bởi vì quân đội VNCH cho đến năm 1963, 64 được huấn luyện rất kỹ về chiến thuật của Pháp, từ những cố vấn Pháp. Và họ học cách đánh các trận đánh quy mô cấp tiểu đoàn, trong đó đơn vị của họ là tiểu đoàn chiến đấu với các tiểu đoàn khác, đó là cách người Pháp đánh trận.

Cộng sản, trong khi đó, áp dụng chiến thuật du kích. Khi bắt đầu chính sách Việt Nam hóa năm 1969, Kissinger nghĩ đó là một chính sách tốt, nhưng đã quá trễ. Và cuối cùng thì Kissinger chỉ muốn mua một khoảng thời gian cho quân đội Mỹ rút ra khỏi VN, để sau đó khi Sài Gòn thất thủ thì không ai đổ lỗi cho Hoa Kỳ, khiến Kissinger và chính quyền Nixon không bị xấu hổ.

BBC: Nhưng tại sao Hoa Kỳ, là đồng minh của VNCH, không đợi cho quân đội VNCH sẵn sàng chiến đấu rồi mới rút quân?

Frank Snepp: Trong một cái nhìn toàn cảnh hơn, bạn có thể đổ lỗi cho người Mỹ về điều đó. Bạn có thể đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã rút lực lượng của họ ra khỏi VN ở thời điểm mà họ đã làm, trước khi VNCH sẵn sàng. Nhưng các động lực chính trị ở Hoa Kỳ thời đó không cho phép những quân lính Mỹ ở lại Việt Nam, điều đó đơn giản là không thể xảy ra.

Những người cho rằng Hoa Kỳ bỏ rơi Nam Việt Nam vì đã không viện trợ đủ cho VNCH trong thời gian ngừng bắn, đã nói đúng. Vì lý do chính trị, viện trợ Hoa Kỳ đã không được cấp. Nhưng thực tế là, thứ nhất, viện trợ không thể đến kịp thời để cứu miền Nam Việt Nam. Thứ hai, hệ thống hậu cần của VNCH đã bị tham nhũng lũng đoạn, khó có thể tiếp thu và triển khai thêm vật liệu một cách hiệu quả. Lính VNCH, trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, thường là ở tiền tuyến, không có đủ đạn dược. Nhưng lý do không phải vì không có mà là vì đạn dược được đưa đến, hoặc đã bị hút vào thị trường chợ đen, hoặc đã bị thất lạc, mà không ai biết nó đi đâu, vì miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó không có một hệ thống hậu cần hữu hiệu.

Và, cuối cùng, các cấp tư lệnh Nam Việt Nam vì lo xa không muốn để vũ khí thặng dư gần tiền tuyến, phòng khi Cộng sản tràn vào, mà cất chúng ở xa. Vì vậy, khi cộng sản tấn công vào Quân khu 1, họ cạn kiệt đạn dược và không có một kho dự trữ đủ gần để có thể đến lấy, trước khi bị Cộng sản tiến chiếm.

Với tất cả nhiều nguyên do đan xen vào nhau này, tham nhũng và kém hiệu quả là những yếu tố thấy rõ. Tôi nghĩ những người bạn Việt Nam thân yêu của tôi không đúng khi đổ lỗi sự sụp đổ nhanh chóng của VNCH cho Hoa Kỳ, vì sự việc phức tạp hơn nhiều.

Một lần nữa, Hoa Kỳ có bỏ rơi VNCH không là một câu hỏi phức tạp, nhưng nói chung là có, Kissinger và Nixon đã bỏ rơi Nam Việt Nam Nhưng việc thất trận của VNCH đến từ những lý do gần nhà hơn.

Hình: Frank Snepp trên nóc Toà Đại sứ Hoa Kỳ (cũ) tại Sài Gòn trước ống kính phóng viên BBC của Anh.

Cuối Năm Chung Sức Cứu Người- Tính Mạng Bé Trai Đáng Thương Bị Đe Dọa Bởi UBA5 Disease

Xin quý vị và các bạn vui lòng giúp chuyển bài viết này đến nhiều người khác

Huỳnh Quốc Bình
Mỗi khi có ai giống lên lời cầu cứu một điều gì cho chính họ hay cho người khác, tôi lập tức nhớ đến lời khuyến cáo sau đây của Kinh Thánh, “Ai bưng tai không khứng nghe tiếng kêu la của người nghèo khổ, người đó cũng sẽ kêu la mà sẽ chẳng có ai đáp lại” (Châm-Ngôn 21:13). Lời khuyến cáo này chắc chắn không chỉ dành cho trường hợp nghèo khổ mà còn là sự hoạn nạn, hay những trường hợp khác.
Trong những ngày qua, người viết thật sự chú ý vào bản tin Anh ngữ và Việt ngữ liên quan đến một gia đình đồng hương Việt Nam tại Thành Phố Portland, Oregon, Hoa Kỳ.

Được biết, bé trai Raiden Phạm chào đời ngày 26 tháng 2 năm 2020 trong một thân thể khỏe mạnh cho đến khi bác sĩ phát giác bé bị mắc chứng bệnh rối loạn hệ di truyền, do UBA5 DISEASE gây ra.

Theo giới thẩm quyền về y khoa cho biết, bệnh này rất hiếm. Khoảng 30% các em bé mắc bệnh này chỉ sống được vài năm sau khi mới sanh ra và số còn lại nếu không được điều trị kịp thời sẽ bị khuyết tật bại xụi tứ chi vĩnh viễn.Ba mẹ của bé Raiden Phạm là Linda and Tommy Pham kêu gọi sự trợ giúp tài chánh từ những tấm lòng hảo tâm để cứu bé Raiden và những bé khác phải mang chứng bệnh thật hiếm và quái ác này.

Hình: Gia đình Linda and Tommy Pham

Xin bấm vào link này https://gofund.me/2b40cc2d để trợ giúp trực tiếp vào quỹ cứu bé Raiden.

Quý vị có thể vào trang nhà này http://www.raidenscience.org “Raiden Science Foundation” để tìm hiểu thêm về căn bệnh có tên gọi UBA5 DISEASE.
Quý vị có thể vào Website: https://chienhuuvnch.com/NEWS/?page_id=2855 để đọc phần tiếng Việt.

Người viết đã tìm hiểu về vụ gây quỹ cứu người này và đã đóng góp phần tài chánh nhỏ của gia đình mình như một món quà cuối năm dành cho bé Raiden Phạm. Làm việc này, chúng ta không chỉ duy nhất cứu mạng bé Raiden mà còn góp phần cho việc nghiên cứu y khoa để có thể cứu mạng sống những trẻ em khác trong tương lai.

Chúng tôi tha thiết kêu gọi quý đồng hương xa gần đóng góp chút ít tài chánh vào quỹ nhân đạo này. Nếu vì hoàn cảnh, quý vị không thể tiếp trợ tài chánh, chúng tôi xin quý vị dành cho bé Raiden một lời cầu nguyện và vui lòng giúp chuyển bài viết này đến nhiều người khác.
Huỳnh Quốc Bình
Ngày 30 tháng 12 năm 2021
E-mail: huynhquocbinh@yahoo.com

Tìm Hiểu Thêm Về UBA5 Disease

Hội chứng bệnh gây bởi UBA5, được giới y học xác định là chứng bệnh rối loạn hệ di truyền, UBA5 DISEASE. Bệnh này rất hiếm. 30% các em bé mắc bệnh này chì sống được vài năm sau khi mới sanh ra. Nếu không được điều trị sẽ bị khuyết tật bại xụi tứ chi vĩnh viễn, kể cả hệ thống tiêu hóa.
Không phải giới y học bó tay trước bệnh UBA5 nhưng vì bệnh này thuộc loại bệnh cực hiếm (Rare disease). Trên thế giới chỉ có khoảng 30 trẻ sơ sinh mắc phải. Vì số bệnh nhân qúa ít nên giới Y học không quan tâm nghiên cứu phương pháp trị liệu. Họ chỉ tập trung nghiên cứu và trị liệu các chứng bại não khác của trẻ sơ sinh có tỷ số mắc bệnh cao hơn.
Chúng tôi hy vọng vào sự tiến bộ vượt bậc về ‘GEN DI TRUYỀN’ của y khoa ngày nay, nên đã liên kết với một số gia đình có trẻ sơ sanh mắc chứng bệnh này để thành lập một tổ chức phi lợi nhuận: “RAIDEN SCIENCE FOUDATION” (viết tắt ‘RSF’) tại tiểu bang Oregon và đang phối họp với Đại học Massachusetts để phát triển một chương trình tìm kiếm liệu pháp GEN điều trị cho UBA5 disease.

Chúng tôi hy vọng không những trị liệu cho UBA5, còn muốn đi xa hơn đạt được những đột phá về y học của liệu pháp ‘GEN’ có thể giúp hàng triệu trẻ em khác mắc các bệnh hiếm lạ trên khắp thế giới.
Thành viên của tổ chức “Raiden Science Foundation” gồm nhiều nhà y học và các bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng. Đặc biệt DR. CIECHANOVER, nhà Khoa Học đã lãnh giải Nobel Hóa Học năm 2004, ông hiện là thành viên trong ủy ban Cố vấn Khoa học của “Raiden Science Foundation”: https://www.raidenscience.org/about
Tuy nhiên, nếu không có sự giúp đở của qúy ân nhân, mạnh thường quân và qúy vị thì mục đích của tổ chức chúng tôi không có phương tiện tài chánh để thực hiện – WITH YOUR HELP, WE CAN TURN HOPE INTO REALITY.

Tìm hiểu thêm về bệnh ‘UBA5 disease’ và mục đích – nhiệm vụ của chúng tôi, xin vào website: http://www.raidenscience.org
Cám ơn sự quan tâm và giúp đở của qúy vị.
Và vui lòng phổ biến rộng rãi thông tin này đến bạn bè, thân hữu.
Đa Tạ.
Phạm Quốc Nam (Webmaster)
(Vận động viên gây qũy)

Thành Viên Của ‘Raiden Science Foundation‘.

Chuyện kể: ’19 Thuyền Nhân Việt Nam Nổi Dậy Chống Lại Cướp Biển’


Vietnamese Museum..

Câu Chuyện Của 19 Thuyền Nhân Việt Nam Nổi Dậy Chống Lại Cướp Biển Thái Lan Theo lời kể lại của Ông Đoàn Văn Nguyên & Bà Trần Thị Ngọc. Vào ngày 9 tháng 1 năm 1981, 111 người dân trốn khỏi Việt Nam bằng cửa sông Rạch Giá trên một con thuyền dài 11.5 mét, rộng 3.5 mét. Sau hai ngày lênh đênh trên biển lớn, họ bị bọn hải tặc tấn công lần thứ nhất, cướp của và cưỡng bức 8 phụ nữ suốt đêm. Sáng ngày hôm sau, bọn hải tặc thả cho đi nhưng bắt cóc hai thiếu nữ, khoảng 17 tuổi. Đến sáng ngày thứ 3, ghe tỵ nạn bị tấn công lần thứ hai: 8 tên hải tặc trên chiếc thuyền đánh cá Thái mang số 12, chúng uy hiếp tất cả thuyền nhân sang tàu của chúng, lục soát mọi thứ để tìm cướp vàng. Rồi chúng dồn 111 người về lại con thuyền đã bị phá cả sàn lẫn máy; có thể bị chìm bất cứ lúc nào. Không ai chịu trở về thuyền. Bọn chúng đã ném một em bé 1 tuổi xuống biển và đâm lòi ruột người cha. 27 người hoảng sợ đã bị lùa xuống con thuyền sắp chìm. Còn lại 81 người đồng loạt la lên để trấn áp tinh thần 8 tên hải tặc, khiến chúng phải nhảy xuống biển. Tài công của thuyền tỵ nạn vào phòng lái, rồ máy chạy làm đứt dây nối giữa 2 con thuyền. Chiếc thuyền tỵ nạn chở 27 người lại bị cướp liên tiếp thêm 3 lần nữa, cuối cùng họ vào được trại tỵ nạn Songkhla. Sau 4 ngày trôi dạt, con thuyền số 12 chở 81 người Việt tỵ nạn bị tàu hải quân Thái kéo vào tỉnh Pattani, miền Nam Thái Lan, giáp ranh giới Mã Lai Á. 15 ngày sau, do sự tố giác của 3 tên hải tặc bơi thoát vào bờ (còn 5 tên kia mất tích) khiến 19 người thanh niên Việt Nam trên 18 tuổi trong số 81 người Thuyền Nhân đã bị giam chung với hàng trăm tên tù hình sự Thái tại nhà tù Pak Phanang, chờ ngày hầu tòa… Kính mời quý vị theo dõi khúc phim tài liệu kể lại những gì đã xảy ra cho 19 Thuyền Nhân tỵ nạn Việt Nam này tại nhà tù Thái Lan cách nay đã 40 năm. — [English below] Lịch Sử Qua Chuyện Kể là một trong những dự án của Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt để lưu lại những câu chuyện trong ký ức, trực tiếp qua lời thuật chuyện của những người đã từng tham gia hay là nhân chứng trong các sự kiện lịch sử cận đại. Dự án này là một công trình nghiên cứu mục đích sưu tầm, lưu trữ và giải thích lịch sử người Việt tỵ nạn. Những người Việt tỵ nạn sống sót cần có cơ hội trực tiếp chia sẻ cụ thể đầy cảm xúc về những kinh nghiệm mà mình đã trải qua, hoặc chứng kiến những biến cố lịch sử của dân tộc, trên con đường đi tìm tự do, cũng như là những khó khăn bước đầu định cư và lập nghiệp nơi xứ người. Đây là cơ hội để có thể thông cảm và hiểu biết lẫn nhau hơn giữa các thế hệ tỵ nạn; đồng thời cũng là tạo cho những thế hệ mai sau thấu hiểu, hãnh diện và nhớ ơn những hy sinh và can đảm của tiền nhân. Nếu quý vị có những kỷ vật và câu chuyện muốn được chia sẻ, xin vui lòng liên lạc với chúng tôi qua:

➤ Email: info@vietnamesemuseum.org

➤ Phone: 714-846-8438 (714-VHM-VIET)

➤ Website: http://vietnamesemuseum.org

➤ Facebook: https://www.facebook.com/vietnamesemu…

— The Story of 19 Rebellious Boat People Resisted The Thai Pirates FULL – The Story by Mr. Đoàn Văn Nguyên & Mrs. Trần Thị Ngọc VIETNAMESE HERITAGE MUSEUM | ORAL HISTORY PROJECT: Through these oral history interviews, we will be able to learn and celebrate the personal experiences of notable Vietnamese-Americans, who offer their own accounts of history. These interviews document aspects of the historical experience of Vietnamese refugees, immigration, and settlement, which tend to be missing from most mainstream sources. These oral history documentaries will provide an avenue for both understanding and appreciating of the present and future generations of Vietnamese refugees throughout the world.

➤ Email: info@vietnamesemuseum.org

➤ Phone: 714-846-8438 (714-VHM-VIET)

➤ Website: http://vietnamesemuseum.org/​

➤ Facebook: https://www.facebook.com/vietnamesemu…#boatpeople​​​​​#vietnameserefugee​​​​​#reeducationcamp​​​​#vietnameseheritagemuseum​​​​​#vietnamesemuseum​​​​#vhmusa

Truyện ngắn ‘ĐÊM GIAO THỪA’

Trường chúng tôi dạy học là một ngôi trường tiểu học không lớn, có tất cả 10 lớp buổi sáng và 10 lớp buổi chiều. Sau tháng Tư năm 1975 trường được điều hành bởi một chị Hiệu trưởng còn trẻ cỡ tuổi chúng tôi và một chị Hiệu phó lớn hơn chúng tôi chừng mười tuổi. Chị hiệu phó này rất độc ác và là hung thần của chúng tôi nên chúng tôi thường nói riêng với nhau, gọi lén chị ta là “bà phù thủy.”
Ngay từ tuần lễ đầu chị về trường, chúng tôi nhiều người đã không thích chi.  Chị là người miền Nam. Tôi thường nghe người ta nói rằng người miền Nam hiền lành, thật thà và nhân hậu. Nhưng chị hiệu phó này thì ngược lại. Chị cao, thân hình lép và lỏng chỏng. Chị có gương mặt dài, hơi gẫy, xương xẩu và một màu da thâm xám. Mắt chị sâu hoắm và nhanh như mắt diều hâu. Chị ghê gớm, hiểm ác như con sói. Chị theo dõi chúng tôi từng giờ, từng phút. Những lúc học trò ra chơi, chị luôn luôn đi dạo ở hành lang, dòm vào từng lớp xem cô nào đến lớp nào và ai hay nói chuyện với ai.  Nhất là những cô giáo có chồng tù cải tạo thì chị ghét ngay ra mặt và luôn tìm lúc bất ngờ, làm cho luống cuống, khó xử trước mặt mọi người. Chị kiểm soát giáo án gắt gao, thấy chữ nào bẻ được là chị bẻ ra làm nhiều mảnh vụn theo sự suy diễn một chiều của chị để làm chúng tôi lo sợ. Chị dự giờ liên tục và hay bới móc để hỏi những câu hóc búa về tư tưởng chính trị thật bất ngờ.

Chúng tôi, phần lớn là giáo viên lưu dụng từ chế độ cũ nên ai cũng ngán và sợ chị bởi chị rất có uy quyền. Đôi khi chúng tôi có cảm tưởng uy quyền của chị đã lấn át cả chị Hiệu trưởng từ ngoài Bắc được bổ nhiệm vào. Chị có chồng nằm vùng chức huyện ủy.  Mười mấy năm trong nghề giáo, chị đã cùng chồng nằm vùng. Chữ “Nằm Vùng” được chúng tôi hiểu theo nhiều kiểu. Theo kiểu xã hội chủ nghĩa mà chúng tôi được cán bộ vừa tốt nghiệp bình dân học vụ giảng giải trong những buổi học tập chính trị thì những gia đình như gia đình chị là một mẫu gia đình có công lớn với cách mạng vì chị đã hy sinh nhiều công sức và tiền của trong thời gian “đánh Mỹ cứu nước.” Nhưng theo kiểu Ngụy của chúng tôi thì chị là người phản bội lại cái chế độ đã cho chị no cơm, ấm áo, cái chế độ đã cho chị được sống bình yên, có cơ hội ăn học để chị thành hiệu phó của cái xã hội chủ nghĩa hôm nay. Để có được cho chị và chồng chị những ngày yên lành vui sống đó, tài sản của chị được nguyên vẹn và giàu có hơn lên đó thì ở những phần đất nào trên quê hương, máu những người chiến sĩ đã đổ, những mảnh đời còn xanh đã bị bom đạn cướp đi mà chị không hề biết ơn và đau xót. Nghĩa là, chị đã ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản. Chị đã phản bội lại nguồn ơn đó bằng việc nuôi dưỡng, giấu giếm, cung cấp tin tức của miền Nam và tiếp tế tiền bạc, thuốc men cho những người theo Việt Cộng ở bưng.Chị giàu. Rất giàu nên chị không bao giờ biết được những khó khăn về vật chất mà người dân của chế độ cũ như chúng tôi đang nhận chịu sau khi miền Nam được chị và các đồng chí của chị giúp công “giải phóng. “Chị là giai cấp thống trị nên chị không hiểu được những nỗi đau tinh thần của người bị trị. Chị đứng vào hàng ngũ của kẻ “chiến thắng” nên chị không biết thế nào là nỗi đau khổ của người bị bức bách đầu hàng. Chị vui mừng trước tai họa của đất nước nên chị không có tâm trạng đau thương của hận quốc vong. Chị không biết thế nào là giọt nước mắt tủi nhục xót xa của người vợ đi thăm chồng tù cải tạo.Chị lại không có con, vì thế, chị không bao giờ biết thông cảm và tội nghiệp cho chúng tôi, những người mẹ trẻ có con nhỏ, nuôi con một mình và còn nuôi chồng tù cải tạo trong một tình huống rất cô đơn và cực kỳ khó khăn của cả hai mặt tinh thần và vật chất. Bởi vậy, cô nào có con đau, xin nghỉ để săn sóc con là khốn khổ với chị. Chị bảo là tắc trách, không làm tròn và không coi trọng chức năng của người “kỹ sư tâm hồn”. Chị tìm mọi cách từ chối và ngầm hăm dọa để chúng tôi hiểu là sự việc có thể sẽ được báo cáo lên Phòng Giáo Dục và như vậy có nghĩa là chúng tôi sẽ có thể không được vào biên chế. Lúc đó, hai chữ “BIÊN CHẾ ” như liều thần dược, như lá bùa hộ mạng mà những người vợ Ngụy như chúng tôi cần hai chữ đó như cái phao của kẻ bị đắm tàu. Không được vào biên chế đồng nghĩa với có thể bị cho nghỉ việc và tương lai là đi kinh tế mới. Bọn giáo viên chúng tôi, phần lớn có con nhỏ và không biết làm ruộng nên ai nấy nghe thấy ba chữ Kinh Tế Mới đều kinh hoàng sợ hãi. Vì thế, ngoài việc phải gặp chị có chuyện cần, các giáo viên đều tránh chị. Tôi cũng ở trong trường hợp đó. Có lần giáo viên đi học tập chính trị, con tôi đau, không có ai coi sóc, tôi phải ẵm thằng con đang sốt nóng đi theo. Chị nhìn tôi cười cười đắc ý khi thấy gương mặt thiểu não, hốc hác của tôi bồng đứa con đang đau, đặt nằm trên một bàn học trống trong phòng rồi vội vã ngồi vào bàn hội thảo. Cuối cùng, chị và chúng tôi tuy cùng giới phụ nữ nhưng ở hai thế giới mà không bao giờ có thể gần gũi và thông cảm được nhau.Chung đụng và gặp gỡ nhau dưới một mái trường hằng ngày, chúng tôi vẫn phải gượng gạo chào hỏi chị nhưng nếu vô tình phải gặp chị trong những buổi sinh hoạt khác như đám cưới đám hỏi của đồng nghiệp hay tất niên chẳng hạn, chúng tôi thường ngồi túm lại với nhau và chị thường ngồi hoặc với vài người mới về trường hay với vài người quen xu nịnh. Thấy thế, chị càng căm chúng tôi.
Một lần tất niên, nếu tôi nhớ không lầm thì vào năm 1978, ban giám hiệu bảo chúng tôi góp tiền chung nấu một nồi bún măng giò heo để làm tiệc. Nhà trường dưới chế độ XHCN thật là ưu việt và sáng tạo, vì thế, khi có tiệc, giáo viên chúng tôi mỗi người phải tự đem một cái tô, một đôi đũa, một cái muỗng theo mà…ăn tiệc! Kim, một cô giáo mới về trường, chiều hôm ấy cô đến nhà tôi chơi để sau đó cùng đi dự “tiệc” cho vui. Cô còn trẻ lắm, bố chết, mẹ bị tê liệt, nhà đông em nên cuộc sống lại càng thêm eo hẹp. Sau khi tôi khóa cửa lại, dặn dò bày con xong, cô vừa đi bên cạnh tôi vừa giơ cái túi vải trong tầm mắt, nhìn tôi cười như mếu:
– Chị ạ, em phải đem theo cái tô lớn để ăn được nhiều!
Tôi nghe, cảm thấy buồn tê tái. Thương cô và cũng thương chính tôi ghê lắm nhưng tôi không hỏi cái tô lớn cỡ nào. Đến khi nhập tiệc, mỗi người cầm tô của mình ra chỗ nồi bún, múc một tô, bỏ thêm chút ớt, chút tiêu, chút hành ngò rồi tìm chỗ ngồi vừa ăn vừa trò chuyện cho đúng nghĩa một buổi tiệc của XHCN. Cô bưng tô bún đến ngồi bên tôi, mới cho vào miệng được gắp bún thứ hai thì giọng nói của chị hiệu phó reo lên như bắt được vàng phía sau lưng:
– Ô, Coi kìa, cái tô của cô Kim gì mà bự dữ thần không. Ăn gì mà khoẻ quá trời quá đất!Chúng tôi không ai bảo ai, như một phản xạ, đều nhìn về phía Kim. Kim ngưng ăn, đôi đũa trên tay bất động. Mặt Kim đỏ gay rồi chuyển sang màu tái . Kim nhìn xuống tô bún, ánh mắt lóe lên một nỗi đau thương. Tôi quay nghiêng người lại, ngước nhìn vào gương mặt người vừa thốt ra lời đó. Nhìn cặp môi mỏng của chị cười cười và nét mặt hân hoan tự mãn tôi có cảm nghĩ rằng chị phải vui lắm vì vừa nói được một câu mà chị cho là đầy tính “đạo đức cách mạng”. Bỗng nhiên, tôi thấy thật là tội nghiệp cho bề ngoài sang trọng của chị: mái tóc vừa được cắt uốn gọn ghẽ, bộ quần áo may bằng vải đắt tiền và đôi bông hột xoàn to như hai hạt bắp lấp lánh trên tai. Tôi vốn chậm chạp ứng phó, không biết phải nói gì cho Kim bớt ngượng thì may quá, thày Tùng lên tiếng:
– Đáng lẽ tất cả mọi người phải đem theo một cái tô to như thế để ăn mới đúng. Tôi sẽ ăn hai tô. Bún nấu ngon quá các cô các thày ơi …
Tuy có câu nói đỡ đòn của thày Tùng nhưng không khí buổi tiệc tất niên của nhà trường XHCN hôm ấy vẫn không thể “siêu việt ” được thêm. Chúng tôi yên lặng ăn cho xong và cùng đi về sớm hơn dự định.Qua tết, chúng tôi lại đến trường tiếp tục công việc “trồng người”, cái việc trồng tỉa lạ lùng có những bài tập đọc không đúng sự thật. Nói trắng ra, chúng tôi phải làm bổn phận của “người giáo viên nhân dân trong nhà trường cách mạng”, “người kỹ sư tâm hồn là nhồi nhét vào đầu óc trong lành của những em bé Việt Nam những huyền thoại, chuyện phong thần. Hay nói theo cách nói lén của một số nhỏ chúng tôi ” những tư tưởng nhớn của bác Hồ dĩ đại ” .*Thế mà 17 năm sau tôi lại gặp chị hiệu phó của nhà trường XHCN tại Hoa Kỳ, xứ sở của đế quốc Mỹ, kẻ thù số một của bọn chị. Gặp tôi, chị còn ngờ ngợ nhưng tôi thì nhận ra ngay đôi môi mỏng, gương mặt xương, hơi gẫy và dài. Duy chỉ có cặp mắt hoắm sâu độc ác, thất thần là khác với khi xưa.Cứ mỗi cuối năm, cộng đồng Việt Nam tị nạn CS ở tiểu bang chúng tôi lại tổ chức Tết để giữ tập tục cổ truyền là lì xì cho các em thiếu nhi đồng thời tạo cơ hội cho đồng hương họp mặt. Tôi đã gặp lại chị trong ngày đó. Chị đi với một gia đình tôi quen, anh chị Khang. Khi chị Khang và tôi chào nhau thì chị hiệu phó của XHCN giương đôi mắt đờ đẫn, thất thần nhìn tôi ngờ ngợ, e dè:
– Có phải…. cô là…cô Phương không? … cô Phương xưa dạy ở trường TB phải không?
Tôi nhìn chị mỉm cười:
– Thưa đúng. Chào chị hiệu phó. Không ngờ lại gặp chị ở đây.
Chị Khang ngạc nhiên:
– Ủa, thế ra hai bà quen nhau à?
Tôi lại cười:
– Không dám. Nói quen thì phạm “đạo đức cách mạng” của nhà nước ta mất thôi . Khi xưa, tôi làm việc dưới quyền chị hiệu phó đấy. Ngày ấy, có nhiều kỷ niệm lắm. Kỷ niệm nào cũng rất khó quên.
Hiểu ý, chị hiệu phó thở dài, nhìn xuống như lẩn tránh ánh mắt của tôi, giọng chị thật buồn:
– Tất cả đã hết rồi . Tha lỗi cho tôi, cô Phương.
Nghe chị nói, dù không hiểu rõ câu “tất cả đã hết rồi” ý nghĩa ra sao nhưng tôi cảm được sự ân hận trong giọng nói như nghẹn ngào của chị và tôi không hỏi gì thêm.
Hôm sau chị Khang điện thoại cho tôi và hỏi:
– Ngày xưa, bà làm việc với bà Thanh hả ?
– Vâng.- Gia đình cách mạng đấy. Giàu và ghê gớm bất nhân lắm. Nhưng nay thì sáng mắt ra rồi.
Rồi không đợi tôi hỏi, chị Khang nói luôn một mạch:
– Tên Tư Công, chồng bà ấy, giàu có lắm nhưng lại rất bạc ác tham lam. Hắn ta được bọn đàn anh XHCN của hắn phong cho chức giám đốc một cơ sở tơ sợi gì đó nhưng mục đích là để cho hắn có điều kiện thụt két, tham nhũng, ăn cắp tài sản nhà nước chia nhau.  Nhưng hắn xử không đẹp với đồng bọn sao đó nên bị bọn đàn em nó tố. Khi hắn ta bị tù và sắp đến ngày ra tòa lấy cung thì lại bị bọn đàn anh chơi đểu. Bọn này sợ hắn ta khai thật thì chết cả lũ nên vội đưa hắn ra tế thần bằng một phiên tòa đặc biệt, kết quả là hắn bị án tử hình. Bà thấy bọn Việt Cộng ghê không. Khi không còn dùng hắn được nữa, bọn nó giết hắn bịt miệng bà ạ.
– Bởi vậy bọn mình mới phải rời bỏ quê hương mà đi chứ. Nhưng làm sao bà Thanh sang đây được, chị ?
– Thì sau khi chồng bị tử hình, tài sản từ bao lâu bị bọn Cộng Sản tịch thu sạch hết, bà ta hết yêu XHCN nữa mà lại thù đến xương đến tủy. Bà ta làm đơn tính tố bọn đàn anh kia thì đơn viết vừa xong, chưa kịp gởi đi, không biết ai báo cáo lập công, bả bị bắt bỏ tù. Trong tù, uất ức quá, bà ta bị điên. Thấy bả điên, bọn nó thả ra. Gia đình bả lo thuốc men chạy chữa mãi mới tỉnh. Tỉnh xong, bả vượt biên.
– Vâng. Thế bà Thanh quen hay bà con với chị ?
– Bả là bạn học cũ của bà chị mình. Tết, thấy bả một mình tội nghiệp quá, bà chị mình đón về ăn tết.
Tôi chúc gia đình chị Khang có một năm mới bình an và gác máy điện thoại. Lòng không vui không buồn, tôi nghĩ đến Kim và những tháng năm kinh hoàng khốn khổ mà chúng tôi đã trải qua trong ngôi trường XHCN của chị Thanh. Tôi nghĩ đến buổi tiệc tất niên và tô bún của Kim. Tôi thương Kim quá. Cũng như mẹ con tôi, Kim đi tìm tự do nhưng bến bờ lại xa tầm tay với. Mộng ước của Kim đã bị hải tặc Thái Lan vùi sâu trong lòng biển.
Tết năm ấy cúng giao thừa, sau khi lễ tổ tiên, tôi đã thắp thêm một nén hương và thủ thỉ với Kim:
– Kim ơi, em có linh thiêng thì chắc em đã biết chuyện bà Thanh phù thủy rồi chứ. Bà ấy đã và đang trả giá một cách đau đớn cho sự nghiệp cách mạng của bà ta. Mong em tha thứ cho bà.  Cầu xin linh hồn em được bình an và siêu thoát.

Ngô Minh Hằng

NHỮNG QUYỂN SÁCH CŨ “SÀI GÒN TRƯỚC 75” NAY Ở ĐÂU?

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

Có cuốn mới tinh, có cuốn rách bìa, đa số thì ố vàng và đã nhạt màu mực. Mỗi cuốn sách một số phận, trôi nổi qua biết bao biến cố, bỗng một hôm trở về với người sưu tầm, người đọc như những báu vật của thời gian… Gọi đó là “sách Sài Gòn trước Bảy Lăm.”
       Trên đường sách Sài Gòn giữa Quận Một ngày nay, có mấy kiosk bán sách cũ Sài Gòn xuất bản trước 1975. Ngoài sách, các ấn phẩm của thời kỳ này như báo chí, bản đồ, postcard và tờ nhạc cũng xuất hiện trở lại một cách công khai.

Quán Sách Mùa Thu là nơi có hàng ngàn đầu sách đầy bất ngờ tụ về từ những thư viện gia đình khóa kín gần nửa thế kỷ. Nếu các ông Duyên Anh, Phạm Công Thiện mà sống lại, dạo bước qua mấy chỗ này hẳn sẽ bất ngờ vì tác phẩm của mình còn được đám hậu duệ sưu tầm đủ. Các sách văn học, triết học, chính trị… đình đám của một thời kỳ xuất bản tự do đã trở lại với độc giả hôm nay, bằng chính nguyên bản như mới, được người bán trau chuốt giữ gìn, đóng bìa, may lại gáy. Màu giấy vàng, lối làm bìa sách thanh nhã của một thời… khoác lên những giá sách quý một màu thời gian sâu thẳm.
       Trong một cuộc triển lãm sách cũ do các bạn sưu tập tổ chức, tôi đã gặp một độc giả năm xưa đứng khóc ròng như trẻ thơ khi cầm trên tay cuốn sách “Quốc Sử” của Lớp Nhất, vì cuốn sách gợi nhớ đến một người bạn chung lớp đã bỏ xác trên biển hồi sau 1975.
       Sách chạm vào ký ức của từng người theo một cách thế riêng, âm thầm. Tôi cũng từng dẫn những bạn bè lớn tuổi đến đây sau nhiều năm xa nước, họ mân mê những bản sách cũ đã trôi dạt qua những biến cố lịch sử như chính cuộc đời họ, mà quên cả thời gian trở về với thực tại.
       Gặp lại sách là gặp lại những người bạn thân thiết đã trải qua biết bao thăng trầm dâu bể. Những cuốn sách cũ khơi gợi lại kỷ niệm và gợi nhắc những ký ức đẹp đẽ hay đau buồn. Những quyển sách cũ lặng lẽ nối chuyện thời cuộc và ký ức cá nhân đã trở nên là một.
       Vào khoảng thời gian sau 1975, nhiều người kể lại rằng, nhiều tủ sách, kho sách Sài Gòn đã bị đẩy ra vỉa hè để đốt. Một kiến trúc sư nói với tôi trong nước mắt rằng, cha anh đã phát điên bởi vì thương sách. Ông ta nhìn cái cảnh những cuốn sách mình nâng niu trân quý trở thành mồi cho ngọn lửa trong suốt vài ngày trời mới hết, và nghĩ mình chỉ còn một con đường hoặc ra đi hoặc tự sát.
       Nhưng ở vào thời kỳ đó, đâu chỉ ba của bạn tôi, nhiều người đã phải lựa chọn. Họ phải chôn xuống đất những gì chế độ mới coi là “tàn dư” để bảo toàn mạng sống và tránh những liên lụy cho người thân. Sau cùng người ta đã chọn những cách thế tồn tại trong một hoàn cảnh đầy ngặt nghèo và khốc liệt. Người nâng niu sách như những hiện thân của giá trị văn hóa, của đời sống thanh tao làm sao không đau đớn phát điên cho được khi phải lựa chọn thiệu sách để tự cứu lấy mình.
       Ấy vậy mà bằng những phương cách nào đó thật lạ lùng, những cuốn sách cũ của một thời đã lách qua những cơn bão lửa của thời cuộc để neo giữ một tinh thần, tái hiện một vàng son. Những pho sách qua thời gian đã làm toát lên một phong vị văn hóa khó lẫn, một sự quyến rũ như người giàu có trải nghiệm đang kể câu chuyện cuộc đời mình, đầy mê hoặc.        Đã có lúc, đâu chừng mươi mười năm trước, dân sưu tầm những sách “trước Bảy Lăm” còn rón rén rụt rè. Tôi còn nhớ thời đó, một tập thơ của Thanh Tâm Tuyền còn được đem ra đấu giá trong giới chơi sách, trong tình trạng lén lút vì sợ bị an ninh theo dõi tịch thu. Sau đó, một tờ báo đã bị nhắc nhở vì đăng bản tin bán đấu giá sách có nhắc đến tên một nhà thơ Sài Gòn cũ. Nhưng nhu cầu quy hồi những giá trị thuộc về văn hóa một thời đã dẫn dắt thị trường sách cũ theo một chiều hướng lạ lùng. Nó buộc những gọng kìm bấy lâu khóa chặt phải mở ra để văn hóa được liền lạc.

Về Sài Gòn bây giờ đi tìm sách cũ, sẽ không lạ gì chuyện các nhà sưu tầm, giới chơi sách cho đến buôn bán sách cũ đa phần là trẻ. Nhiều người sinh ra sau 1975, nhưng họ có một thao thức, bằng cách này cách khác, làm cho những di sản của một thời kỳ xuất bản được xuất hiện lại một cách tự nhiên, công khai, không rón rén. Họ nói về lịch sử xuất bản, tiểu sử các tác giả… một cách thông thạo như thể những người đã đắm mình trong sinh khí văn hóa một thời Sài Gòn.
       Cùng với các nhà sách offline, các diễn đàn sách xưa trên mạng cũng nhộn nhịp. Thông tin về từng đầu sách được giới thiệu trở lại một cách chi tiết. Như vậy, những ai chuyên tìm kiếm sách cũ có thể hình dung đến một không gian riêng mà đám an ninh không muốn dây vào cấm đoán nhưng cũng không công khai thừa nhận. Từ nguồn sách này, sẽ phát lộ nhiều chất liệu quý để thấy rõ những giá trị tinh hoa của trí thức, văn nghệ sĩ Sài Gòn thời kỳ đã qua. Chúng như những chứng tích này sẽ giúp người đọc hôm nay có một cái nhìn thấu suốt, khách quan về một giai đoạn văn hóa.
       Nhiều cuốn sách cũ đã được giới xuất bản tìm cách tái bản. Trường hợp tác phẩm của các nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, Bà Tùng Long, Du Tử Lê, Võ Phiến, Lê Tất Điều hay Dương Nghiễm Mậu… được giới làm xuất bản sinh sau đẻ muộn tìm kiếm ấn bản gốc từ những kho sách cũ như vậy để nhập liệu, làm văn bản và tìm cách tái bản. Dù việc này cũng chưa thật sự suôn sẻ trong bối cảnh kiểm duyệt xuất bản, nhưng những nỗ lực khai thông các trở lực để đặt một gạch nối hôm nay với hôm qua trong văn hóa Sài Gòn, ở giai đoạn này, đáng được nhìn với ánh mắt hoan hỉ hơn xét nét nghiệt ngã bởi những định kiến.
       Quá khứ không còn biến thành những thêu dệt huyền hoặc, những cuốn sách cũ nói với hôm nay về thực tại của văn hóa hôm qua một cách chi tiết. Cho dù, chúng trở thành những báu vật (và được định giá rất cao so với sách mới xuất bản) nhưng những người cần vẫn không ngại ngần để đón về một di chỉ của ký ức.
       Đi qua thời gian và những thăng trầm, những cuốn sách cũ “Sài Gòn trước Bảy Lăm” đang quay trở lại trong đời sống hôm nay thật lộng lẫy, huy hoàng, điều mà có lẽ nhiều người viết ra chúng, người ấn hành chúng, người bảo vệ chúng trong những kho tàng ẩn mật khó hình dung được.
       Nói mỗi cuốn sách có một số phận, là đúng. Như người Sài Gòn, mỗi người một cách thế phiêu dạt cùng thành phố, cùng thời cuộc. Tiếng nói, ngôn từ của người một thời đã được ghi trên giấy, kinh qua những biến cố, đã không hư nát và chìm vào thăm thẳm thời gian, mà còn vang vọng, bằng cách này, cách khác. Dù trong lặng lẽ, thì vẫn là những chứng tích của một khoảnh khắc bừng sáng trong thời gian.


Đó chẳng phải là điều đáng để vui, dù là vui trong nước mắt?!


Nguyễn Vĩnh Nguyên

Cõi vô hình

Hamud là một pháp sư có kiến thức rất rộng về cõi vô hình. Khác với những đạo sĩ phái đoàn đã gặp, ông này không phải người Ấn mà là một người Ai cập. Ông ta sống một mình trong căn nhà nhỏ, xây dựa vào vách núi.

Hamud không hề tiếp khách, nhưng trước sự giới thiệu của bác sĩ Kavir, ông bằng lòng tiếp phái đoàn trong một thời gian ngắn. Vị pháp sư có khuôn mặt gầy gò, khắc khổ và một thân hình mảnh khảnh. Ông ta khoác áo choàng rộng và quấn khăn theo kiểu Ai cập.

Giáo sư Evans-Wentz vào đề:

 – Chúng tôi được biết ông chuyên nghiên cứu các hiện tượng huyền bí…

Pháp sư thản nhiên:

 – Đúng thế, tôi chuyên nghiên cứu về cõi vô hình.

 – Như thế ông tin rằng có ma…

Vị pháp sư nói bằng một giọng chắc chắn, quả quyết:

 – Đó là một sự thật không những ma quỷ hiện hữu mà chúng còn là đối tượng nghiên cứu của tôi.

 – Bằng cớ nào ông tin rằng ma quỷ có thật ?

 – Khắp nơi trên thế giới đều có các giai thoại về ma, vì con người thường sợ hãi cái gì mà họ không thể nhận thức bằng các giác quan thông thường nên họ đã phủ nhận nó. Sự phủ nhận này mang đến niềm sợ hãi. Từ đó họ thêu dệt các giai thoại rùng rợn, ly kỳ, không đúng sự thật. Nếu chúng ta chấp nhận ma quỷ hiện hữu như một con voi hay con ngựa thì có lẽ ta sẽ không còn sợ hãi. Các ông đòi hỏi một chứng minh cụ thể chăng ?

 – Dĩ nhiên, chúng tôi cần một bằng chứng hiển nhiên…

 – Được lắm, các ông hãy nhìn đây.

Vị pháp sư mở ngăn kéo lấy ra một cặp que đan áo, một bó len và mang ra góc phòng để xuống đất. Ông ta thong thả:

 – Chúng ta tiếp tục nói chuyện, rồi các ông sẽ thấy.

Mọi người ngơ ngác, không hiểu ông muốn nói gì, giáo sư Mortimer nóng nảy:

 – Nếu ông nghiên cứu về cõi vô hình, xin ông giải thích về quan niệm thiên đàng, địa ngục cũng như đời sống sau khi chết ra sao ?

Vị pháp sư nghiêm giọng:

 – Đó là một quan niệm không đúng, sự chết chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp chứ không phải là hết. Vũ trụ có rất nhiều cõi giới, chứ không phải chỉ có một cõi này.

 – Khi chết ta bước qua cõi trung giới và cõi này gồm có bảy cảnh khác nhau. Mỗi cảnh được cấu tạo bằng những nguyên tử rất thanh mà ta gọi là “dĩ thái”. Tùy theo sự rung động khác nhau mà mỗi cảnh giới một khác. Tùy theo vía con người có sự rung động thanh cao hay chậm đặc, mà mỗi người thích hợp với một cảnh giới, đây là hiện tượng “đồng thanh tương ứng” mà thôi. Khi vừa chết, thể chất cấu tạo cái vía được sắp xếp lại, lớp thanh nhẹ nằm trong và lớp nặng trọc bọc phía ngoài, điều này cũng giống như một người mặc nhiều áo khác nhau vào mùa lạnh, áo lót mặc ở trong, áo choàng dầy khoác ngoài. Vì lớp vỏ bọc bên ngoài cấu tạo bằng nguyên tử rung động chậm và nặng nề, nó thích hợp với các cảnh giới tương ứng ở cõi âm, và con người sẽ đến với cảnh giới này. Sau khi ở đây một thời gian, lớp vỏ bao bọc bên ngoài dần dần tan rã giống như con người trút bỏ áo khoác bên ngoài ra, tùy theo các lớp nguyên tử bên trong mà họ thích ứng với một cảnh giới khác.

Cứ như thế, theo thời gian, khi các áp lực vật chất tan rã hết thì con người tuần tự tiến lên những cảnh giới cao hơn. Điều này cũng giống như một quả bóng bay bị cột vào đó những bao cát; mỗi lần cởi bỏ được một bao thì quả bóng lại bay cao hơn một chút cho đến khi không còn bao cát nào, thì nó sẽ tự do bay bổng. Trong bảy cảnh giới của cõi âm, thì cảnh thứ bảy có rung động nặng nề, âm u nhất, nó là nơi chứa các vong linh bất hảo, những kẻ sát nhân, người mổ sẻ súc vật, những cặn bả xã hội, những kẻ tư tưởng xấu xa, còn đầy thú tánh. Vì ở cõi âm, không có thể xác, hình dáng thường biến đổi theo tư tưởng nên những kẻ thú tánh mạnh mẽ thường mang các hình dáng rất ghê rợn, nửa người, nửa thú.

Những người thiếu kiến thức rõ rệt về cõi này cho rằng đó là những quỷ sứ. Điều này cũng không sai sự thật bao nhiêu vì đa số những vong linh này luôn oán hận, ham muốn, thù hằng và thường tìm cách trở về cõi trần. Tùy theo dục vọng riêng tư mà chúng tụ tập quanh các nơi thích ứng, dĩ nhiên người cõi trần không nhìn thấy chúng được. Những loài ma đói khát quanh quẩn bên các chốn trà đình tửu quán, các nơi mổ sẻ thú vật để tìm những rung động theo những khoái lạc vật chất tại đây. Khi một người ăn uống ngon lành họ có các rung động, khoái lạc và loài mà tìm cách hưởng thụ theo tư tưởng này. Đôi khi chúng cũng tìm cách ảnh hưởng, xúi dục con người nếu họ có tinh thần yếu đuối, non nớt. Những loài ma dục tình thì quanh quẩn nơi buôn hương bán phấn, rung động theo những khoái lạc của người chốn đó, và tìm cách ảnh hưởng họ.

Nếu người sống sử dụng rượu, các chất kích thích thì ngay trong giây phút mà họ không còn tự chủ được nữa, các loài ma tìm cách nhập vào trong thoáng giây để hưởng một chút khoái lạc vật chất dư thừa. Vì không được thỏa mãn nên theo thời gian các dục vọng cũng giảm dần, các nguyên tử nặng trọc cũng tan theo, vong linh sẽ có các rung động thích hợp với một cảnh giới cao hơn và y sẽ thăng lên cõi giới tương ứng. Dĩ nhiên, một người có đời sống trong sạch, tinh khiết sẽ không lưu ở cõi này, mà thức tỉnh ở một cõi giới tương ứng khác. Tùy theo lối sống, tư tưởng khi ta còn ở cõi trần mà khi chết ta sẽ đến những cảnh giới tương đồng, đây chính là định luật “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

Toàn thể phái đoàn im lặng nhìn nhau, vị pháp sư Ai cập đã diễn tả bằng những danh từ hết sức khoa học, chính xác, chứ không mơ hồ, viễn vông. Dù sao đây vẫn là một lý thuyết rất hay, nhưng chưa chứng minh được. Có thể đó là một giả thuyết của những dân tộc nhiều tưởng tượng như người Á châu chăng ?

Hamud mỉm cười như đọc được tư tưởng mọi người:

 – Nếu các ông biết rằng tôi cũng là một tiến sĩ vật lý học tốt nghiệp đại học Oxford…

Giáo sư Harding giật mình kêu lên:

 – Oxford ư ? Ông đã từng du học bên xứ chúng tôi sao ?

 – Chính thế, tôi tốt nghiệp năm 1864, và là người Ai cập đầu tiên tốt nghiệp về ngành này.

(Ghi chú của giáo sư Spalding: Phái đoàn đã phối kiểm chi tiết này và hồ sơ đại học Oxford ghi nhận có một tiến sĩ người Ai cập tên là Hamud El Sarim nhập học năm 1856 và tốt nghiệp năm 1864 với bằng Tiến sĩ Vật lý).

 – Nhưng làm sao ông biết rõ được cõi giới này ? Ông đã đọc sách vở hay dựa trên những bằng chứng ở đâu ?

 – Tôi đã khai mở các giác quan thể vía, nhờ công phu tu hành trong nhiều năm. Ngay khi còn là sinh viên tôi đã say mê môn Vật lý siêu hình (metaphysics). Tôi dành nhiều thời giờ nghiên cứu sách vở khoa học, nhưng đến một lúc thì khoa học phải bó tay. Sự nghiên cứu dẫn dắt tôi đến với khoa huyền bí học. Tôi học hỏi rất kỹ về môn này, khi trở về Ai cập tôi may mắn gặp được các vị đạo sư uyên bác, nên sự nghiên cứu càng ngày càng tiến bộ. Sự nghiên cứu dẫn dắt tôi sang Ấn độ, và Tây Tạng. Tại đây tôi gặp một Lạt Ma chuyên nghiên cứu về cõi âm, tôi đã học hỏi rất nhiều với vị này. Sau đó, tôi tu nhập thất trong 10 năm liền, và khai mở được một vài giác quan đặc biệt. Từ đó, tôi tha hồ nghiên cứu cõi âm vì tôi có thể sang tận đây học hỏi và cõi này trở nên quen thuộc, tôi kết bạn với rất nhiều sinh vật siêu hình, chúng giúp đỡ tôi rất nhiều.

Giáo sư Evans – Wentz ngập ngừng:

 – Ông muốn nói rằng ông kết bạn với ma ?

 – Dĩ nhiên, vì tôi dành trọn thời giờ hoạt động bên cõi này, nên tôi có rất đông bạn bè, phần lón là vong linh người quá cố nhưng cũng có một vài sinh vật có đường tiến hoá riêng, khác với loài người, có loài khôn hơn người và có loại không thông minh hơn loài vật là bao…

 – Giao thiệp với chúng có lợi ích gì không ?

 – Các ông nên biết cõi âm là một thế giới lạ lùng, phức tạp với những luật thiên nhiên khác hẳn cõi trần. Sự đi lại giao thiệp giúp ta thêm kiến thức rõ ràng…

 – Như thế có nguy hiểm không?

 – Dĩ nhiên, có nhiều sinh vật hay vong linh hung ác, dữ tợn… Một số thầy phù thuỷ, thường liên lạc với nhóm này để mưu cầu lợi lộc, chữa bệnh hoặc thư phù, nguyền rủa…

 – Ông có thể làm như vậy không ?

Vị pháp sư nghiêm mặt:

 – Tất cả những việc gì có tính cách phản thiên nhiên, ngược luật tạo hoá đều mang lại hậu quả không tốt. Mưu cầu lợi lộc cho cá nhân là điều tối kỵ của ai đi trên đường đạo. Tôi không giao thiệp với những loại vong linh này, vì chúng rất nguy hiểm, hay phản phúc và thường giết chết kẻ lợi dụng chúng bất cứ lúc nào. Các ông nên nhớ tôi là một khoa học gia chứ không phải một thầy pháp hạ cấp hay một phù thuỷ chữa bệnh.

 – Xin ông nói rõ hơn về những cảnh giới cõi âm.

 – Các ông nên biết dù ở cõi nào, tất cả cũng không ra ngoài các định luật khoa học. Thí dụ như vật chất có ba thể: thể lỏng, thể đặc và thể hơi, thì bên cõi này cũng có những thể tương tự. Luật thiên nhiên cho thấyvật nặng sẽ chìm xuống dưới và vật nhẹ nổi lên trên thì cõi vô hình cũng thế. Nguyên tử cõi âm rung động với một nhịp độ khác với cõi trần, các nguyên tử rung động thật nhanh dĩ nhiên phải nhẹ hơn các nguyên tử nặng trược. Tóm lại, tùy theo nhịp độ rung động mà tạo ra những cảnh giới khác nhau, có bảy loại rung động nên có bảy cõi giới. Các nguyên tử rung động chậm chạp phải chìm xuống dưới vì nếu ta mang nó lên cao, sức ép sẽ làm nó tan vỡ ngaỵ Thí dụ ta đặt một quả bóng xuống nước nếu đến một độ sâu nào đó sức ép của nước sẽ làm nó vỡ tan. Loài cá cũng thế, có loại sống gần mặt nước, có loại sống tận đáy đại dương. Nếu loại sống gần mặt biển bị mang xuống đáy nó sẽ bị sức ép mà chết, ngược lại nếu loài sống ở dưới đáycũng không thể lên sát mặt nước vì đã quen với sức ép khác nhau.

Cảnh giới thứ bảy lúc nào cũng tối tăm, nặng nề với các vong linh hình dáng ghê rợn, nhưng hoàn toàn không có vụ quỷ sứ tra tấn tội nhân. Bị lưu đày ở đây đã là khổ sở lắm rồi, các ông hãy tưởng tượng bị dục vọng hành hạ mà không thể thỏa mãn thì còn khổ gấp trăm lần bị tra tấn. Vong linh thèm muốn nhưng không so thỏa mãn được, như đói mà không thể ăn, khát không thể uống. Do đó, theo thời gian y sẽ học bài học chịu đựng, nhẫn nhục cho đến khi dục vọng giảm bớt và tan ra thì y sẽ thăng lên cảnh giới thứ sáu.

Cõi giới thứ sáu, có sự rung động rất giống như cõi trần, tại đây các vong linh ít còn thèm muốn vật chất như ăn uống, dục tình, nhưng bận tâm với những nhỏ nhen của cuộc sống như thỏa mãn bản ngã, ích kỷ, ghen tuông, hờn giận..v..v… Đa số có hình dáng giống như người cõi trần, nhưng lờ mờ không rõ. Vì sự rung động của nguyên tử gần giống như cõi trần nên họ hay trở về cõi này, họ thường nhập vào đồng cốt, các buổi cầu cơ, cầu hồn để chỉ dẫn bậy bạ, nói chuyên vu vơ nhằm thỏa mãn tự ái, bản ngã cá nhân. Vì đa số vong linh khi còn sống rất ham mê danh vọng, chức tước, uy quyền nên khi họ nhập vào đồng cốt, họ thường tự xưng là các đấng này, đấng nọ. Theo thời gian, các rung động ham muốn, các cố chấp về bản ngã, danh vọng cũng tan biến nên họ thăng lên cảnh giới thứ năm.

Cõi thứ năm có sự rung động thanh nhẹ hơn cõi trần nên vong linh có thể biến đổi sắc tướng rất nhanh chóng. Đây là một thế giới với những âm thanh màu sắc lạ lùng dễ bị mê hoặc. Các vong linh ở đây đã bớt ham muốn về cá nhân, nhưng còn ham muốn về tư tưởng, kiến thức. Đây là nơi cư ngụ của những kẻ đạo đức giả, những kẻ bảo thủ nhiều thành kiến, những người trí thức tự phụ..v..v… Đây cũng là cõi có những sinh hoạt của loài Tinh linh. Loài Tinh linh là những sinh vật vô hình có hình dáng hao hao giống như người mà ta thường gọi là Thiên tinh (sylphs), Thổ địa (gnome), Phong tinh (elves)..v..v… Một số bị thu phục bởi các phù thuỷ, pháp sư để làm ảo thuật hay luyện phép. Cõi này còn có sự hiện diện của những “hình tư tưởng”.

Các ông nên biết, khi một tư tưởng hay dục vọng phát sinh thì chúng sử dụng tinh chất cõi này tạo nên một hình tư tưởng thích hợp. Đời sống của chúng tùy theo sức mạnh của tư tưởng mạnh hay yếu. Vì đa số tư tưởng con người còn mơ hồ nên hình tư tưởng chỉ tạo ra ít lâu là tan rã ngaỵ Một người tập trung tư tưởng có thể tạo ra một hình tư tưởng sống lâu trong vài giờ hay vài ngày. Một pháp sư cao tay có thể tạo ra các hình tư tưởng sống đến cả năm hay cả thế kỷ, không những thế hình tư tưởng này còn chịu sự sai khiến của ông ta. Các phù thuỷ luyện thần thông đều dựa trên nguyên tắc cấu tạo một sinh vật vô hình để sai khiến. Hình tư tưởng không chỉ phát sinh từ một cá nhân mà còn từ một nhóm người hay một quốc gia, dân tộc.

Khi một đoàn thể, dân tộc cùng một ý nghĩ, họ sẽ tạo ra một hình tư tưởng của đoàn thể, quốc gia đó. Hình tư tưởng này sẽ tạo một ảnh hưởng vô cùng rộng lớn đối với tình cảm,phong tục, thành kiến của quốc gia, dân tộc. Ta có thể gọi đó là “Hồn thiêng sông núi” hay “dân tộc tính”. Khi sinh ra tại một quốc gia, ta ít nhiều chịu ảnh hưởng của hình tư tưởng này, dĩ nhiên chúng chỉ ảnh hưởng lên thể vía, nghĩa là tình cảm của dân tộc đó, chứ không ảnh hưởng đến lý trí. Một người sống nhiều bằng lý trí sẽ ít chịu ảnh hưởng như người bình thường. Điều này giải thích tại sao một dân tộc có tâm hồn mơ mộng như thi sĩ khi dân tộc khác lại có đầu óc thực tế mặc dù trên phương diện địa lý, họ không ở cách xa nhau mấy và ít nhiều chia sẻ một số quan niệm về tôn giáo, phong tục, tập quán.

Cảnh giới cõi thứ tư sáng sủa hơn và dĩ nhiên nguyên tử cõi này rung động rất nhanh. Phần lớn những vong linh tiến hoá, thánh thiện, những nhà trí thức trầm mặc nhưng còn quyến luyến một ít dục vọng khi chết đều thức tỉnh ở cảnh giới này. Đa số đều ý thức ít nhiều, nên họ bắt đầu cởi bỏ những ham muốn, quyến luyến. Đây cũng là chỗ họ học hỏi và ảnh hưởng lẫn nhau, và đôi khi kết những liên hệ để cùng nhau tái sinh trong một gia đình hay quốc gia.

Cõi giới thứ ba chói sáng, có những rung độgn nhẹ nhàng. Tại đây có những linh hồn từ tâm nhưng vụng về, những tu sĩ thành tâm nhưng thiếu trí tuệ, những nhà lãnh đạo anh minh nhưng thành kiến. Đây cũng là một cảnh giới của một số thần linh (devas) như Cảm đục thiên thần (Kamadeva), Hữu sắc thiên thần (Rupadeva), và Vô sắc thiên thần (Arupadeva). Các thần linh này có đời sống và tiến hoá cao hơn trình độ của nhân loại.

Cõi giới thứ hai và thứ nhất cấu tạo bằng những nguyên tử hết sức thanh thoát, rung động rất nhanh và tràn đầy ánh sáng. Đây là cõi giới mà những người tiến hoá rất cao, rất tế nhị, không còn dục vọng, ham muốn, lưu lại để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, phát triển các đức tính riêng trước khi siêu thoát lên cảnh giới cao hơn.

 – Như thế người chết thường lưu lại ở cõi Trung giới bao nhiêu lâu ?

 – Thời gian lưu lại đây hoàn toàn tùy thuộc vào dục vọng con người, có người chỉ ghé lại đây vài giờ, lập tức đầu thai trở lại. Có kẻ ở đây hàng năm và có kẻ lưu lại đây hàng thế kỷ… Để siêu thoát, thể vía phải hoàn toàn tan rã hết thì mới lên đến cõi Thượng thiên hay siêu thoát. Tóm lại danh từ như thiên đàng hay địa ngục chỉ là những biểu tượng của những cảnh ở cõi Trung giới (Kamaloka). Tùy theo sự sắp xếp của thể vía khi chết, mà ta thức tỉnh ở một cảnh giới tương ứng.

Mọi người yên lặng nhìn nhau, những điều Hamud giải thích hoàn toàn hợp lý và hết sức khoa học, không hoang đường chút nào. Nhưng làm sao chứng minh những điều mà khoa học thực nghiệm không thể nhìn thấy được ? Dù sao Hamud cũng là một Tiến sĩ Vật lý tốt nghiệp đại học nổi tiếng nhất Âu châu chứ không phải một phù thuỷ vô học chốn hoang vu, ít nhiều ông ta cũng có một tinh thần khách quan vô tư của một khoa học gia chứ không mê tín dễ chấp nhận một lý thuyết vu vơ, không kiểm chứng. Nhưng làm sao có thể thuyết phục những người Âu Mỹ vốn rất tự hào, nhiều thành kiến và tin tưởng tuyệt đối ở khoa học ?

Hamud mỉm cười tiếp tục:

 – Sự hiểu biết về cõi vô hình rất quan trọng, vì khi hiểu rõ những điều xảy ra sau khi chết, ta sẽ không sợ chết nữa. Nếu có chết chỉ là hình hài, xác thân chứ không phải sự sống, và hình hài có chết đi, thì sự sống mới tiếp tục tiến hoá ở một thể khác tinh vi hơn. Đây là một vấn đề hết sức hợp lý và khoa học cho ta thấy rõ sự công bình của vũ trụ. Khi còn sống, con người có dục vọng này nọ, khi dục vọng được thỏa mãn, nó sẽ gia tăng mạnh mẽ, đồng thời các chất thô kệch, các rung động nặng nề sẽ bị thu hút vào thể vía. Sau khi chết, dục vọng này trở nên mạnh mẽ vì không còn lý trí kiểm soát nữa, chính thế nó sẽ đốt cháy con người của ta. Sự nung đốt của dục vọng chẳng phải địa ngục là gì ? Giống như đức tính, phẩm hạnh khi còn trẻ, quyết định điều kiện sinh sống lúc tuổi già, đời sống cõi trần quyết định đời sống bên kia cửa tử. Luật này hết sức hợp lý và dễ chứng minh.

Khi còn trẻ ta tập thể thao, giữ thân thể khoẻ mạnh, thì khi về già ta sẽ ít bệnh tật, khi còn trẻ ta chịu khó học hỏi, có một nghề nghiệp vững chắc thì khi về già đời sống được bảo đảm hơn, có đúng thế không ? Những người nào chế ngự được dục vọng thấp hèn, làm chủ được đòi hỏi thể xác, thì các dục vọng này không thể hành hạ khi ta chết. Luật thiên nhiên định rằng khi về già thể xác yếu dần, đau ốm, khiến cho ta bớt đi các ham muốn và nhờ thế, dục vọng cũng giảm bớt rất nhiều nên thể vía cũng thanh lọc bớt các chất nặng nề, ô trượt để khi chết, sẽ thức tỉnh ở cảnh giới cao thượng hơn. Trái lại những người còn trẻ, lòng ham muốn còn mạnh mẽ, nếu chết bất đắc kỳ tử thường đau khổ rất nhiều và phải lưu lại cõi Trung giới lâu hơn. Nếu hiểu biết như thế, ta cần phải duyệt xét lại đời sống của mình ở cõi trần để khỏi lưu lại những cảnh giới thấp thỏi, nặng nề bên cõi âm. Những người lớn tuổi cần chuẩn bị để dứt bỏ các quyến luyến, ràng buộc, các lo lắng ưu phiền, các tranh chấp, giận hờn, phải biết xả ly, dứt bỏ mọi phiền não để mau chóng siêu thoát. Một sự chuẩn bị ở cõi trần sẽ rút ngắn thời gian bên cõi âm và chóng thúc đẩy thời gian lên cõi giới cao hơn.

 – Nhưng còn các ma quỷ thì sao ?

 – Các ông cứ cho rằng ma quỷ là một thực thể thế nào đó, khác hẳn loài người. Thật ra phần lớn chúng là những vong linh sống ở cảnh giới thứ bảy, thứ sáu mà thôi. Chúng còn lưu luyến cõi trần, còn say mê dục vọng không sao thoát ra khỏi cảnh giới này… Luật thiên nhiên không cho phép chúng trở lại cõi trần, nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt, khiến người cõi trần trong một thoáng giây có thể nhìn thấy chúng… Khoan đã, các ông hãy xem kìa, người bạn của tôi đã làm xong việc.

Hamud chỉ vào góc phòng nơi ông ta để bó len và cây kim đan áo. Mọi người bước đến gần và thấy một chiếc áo len đan bằng tay đã thành hình từ lúc nào không ai rõ. Chiếc áo đan tay rất vụng, không khéo léo nhưng trên ngực có thêu tên giáo sư Mortimer. Vị pháp sư giải thích:

 – Con ma này rất nghịch, và thường quanh quẩn ở đây. Tôi yêu cầu hắn đan chiếc áo len cho các ông để làm bằng chứng. Để tránh việc các ông cho rằng tôi làm trò ảo thuật, tráo vào đó một chiếc áo len khác, tôi yêu cầu hắn thêu tên người nào trong phái đoàn có nhiều nghi ngờ nhất. Các ông đều biết rằng từ khi gặp gỡ tôi không hề hỏi tên các ông, và nếu chiếc áo này không đan riêng cho các ông thì còn ai nữa ?

Quả thế, vị pháp sư gầy gò không thể mặc chiếc áo đan to tướng, rất vừa vặn cho giáo sư Mortimer, một người Âu mà kích thước đã rất ư quá khổ, so với những người Âu khác, đó là chưa kể vòng bụng khổng lồ, rất hiếm có của ông này. Hơn nữa, áo này cũng không thể may sẵn để bán vì đường kim mũi chỉ rất ư vụng về, nếu có bán, cũng chẳng ai mua. Tại nơi hoang vu, không có ai ngoài vị pháp sư và phái đoàn, sự kiện này quả thật rất lạ lùng.

Giáo sư Evans-Wentz thắc mắc:

 – Như vậy ông có thể sai khiến ma quỷ hay sao?

 – Tôi không phải là một phù thuỷ, lợi dụng quyền năng cho tư lợi; mà chỉ là một người có rất nhiều bạn hữu vô hình bên cõi âm. Tôi hiểu rõ các luật thiên nhiên như Luân hồi, Nhân quả, và hậu quả việc thờ cúng ma quỷ để mưu cầu một cái gì. Tôi chỉ là một khoa học gia nghiên cứu cõi vô hình một cách đứng đắn. Sự nghiên cứu những hiện tượng siêu hình là một khoa học hết sức đứng đắn, chứ không phải mê tín dị đoạn. Nhiều người thường tỏ ý chê cười khi nói đến vấn đề ma quỷ, nên những ai có gặp ma, cũng chả dám nói vì sợ bị chê cười hay cho là loạn trí. Nếu người nào không tin hãy nghiên cứu và chứng minh một cách khoa học rằng ma quỷ chỉ là những giả thuyết tưởng tượng, còn như phủ nhận không dám chứng minh chỉ là một cái cớ che dấu sự sợ hãi. Điều khoa học chưa chứng minh được không có nghĩa là điều này không có thật, vì một ngày nào đó, khoa học sẽ tiến đến mức mà họ có thể chứng minh tất cả.

Những phương pháp thông thường như cầu cơ, đồng cốt, thường gặp sai lầm vì như tôi đã trình bày, các vong linh nhập vào phần lớn cũng có kiến thức giới hạn ở cảnh giới nào đó. Đôi khi họ cũng trích dẫn vài câu trong “Thánh kinh”, hoặc sách vở, kinh điển để nâng cao giá trị lời nói, điều này có khác nào những nhà chính trị khi diễn thuyết. Phương pháp khoa học chính xác nhất là phải tự mình qua hẳn thế giới đó nghiên cứu. Các ông nên biết thân thể chúng ta không phải môi trường duy nhất của linh hồn và giác quan của nó cũng không phải phương tiện duy nhất để nghiên cứu ngoại cảnh. Nếu ta chấp nhận rằng vũ trụ có nhiều cõi giới khác nhau và mỗi cơ thể con người tương ứng với một cõi, thì ta thấy ngay rằng thể xác cấu tạo bằng nguyên tử cõi trần nên chỉ giới hạn trong cõi này được thôi. Các thể khác cũng có giác quan riêng của nó và khi giác quan thể vía được khai mở, ta có thể quan sát các cõi giới vô hình dễ dàng. Khi từ trần, thể xác tiêu hao, các giác quan không còn sử dụng được nữa thì linh hồn sẽ tập phát triển các giác quan thể vía ngaỵ Nếu biết cách khai mở các giác quan này khi còn sống, ta có thể nhìn thấy cõi âm một cách dễ dàng.

Giáo sư Allen ngập ngừng:

 – Nhưng có một quan niệm lại cho rằng, sau khi chết linh hồn sẽ lên thiên đàng hay xuống địa ngục vĩnh viễn, điều này ra sao ?

Hamud lắc đầu:

 – Đó là một quan niệm không hợp lý, vì điều này cho rằng khi chết linh hồn sẽ đổi thay toàn diện. Sau khi chết, linh hồn sẽ mất hết tính xấu để trở nên toàn thiện, trở nên một vị thiên thần vào cõi thiên đàng hoặc là linh hồn có thể mất hết các tính tốt để trở nên xấu xa, trở nên một thứ ma quỷ bị đẩy vào địa ngục. Điều này vô lý vì sự tiến hoá phải từ từ, chứ không thể đột ngột được. Trên thế gian này, không ai toàn thiện hay toàn ác. Trong mỗi chúng ta đều có các chủng tử xấu, tốt do các duyên, nghiệp từ tiền kiếp để lại; tùy theo điều kiện bên ngoài mà những chủng tử này nẩy mầm, phát triển hay thui chột, không thể phát triển. Một người tu thân là một người biết mình, lo vun xới tinh thần để các nhân tốt phát triển, giống như người làm vườn lo trồng hoa và nhổ cỏ dại. Thực ra, khi sống và chết, con người không thay đổi bao nhiêu. Nếu khi sống họ ăn tham thì khi chết, họ vẫn tham ăn, chỉ có khác ở chỗ, điều này sẽ không còn được thỏa mãn vì thể xác đã hư thối, tan rã mất rồi. Sau khi chết, tìm về nhà thấy con cháu ăn uống linh đình mà họ thì không sao ăn được, lòng ham muốn gia tăng cực độ như lửa đốt gan, đốt ruột, đau khổ không sao tả được.

 – Như ông đã nói, loài ma đói thường rung động theo không khí quanh đó, như thế họ có thỏa mãn không ?

 – Khi người sống ăn ngon có các tư tưởng khoái lạc thì loài ma đói xúm quanh cũng tìm cách rung động theo tư tưởng đó, nhưng không làm sao thỏa mãn cho được. Điều này ví như khi đói, nghĩ đến món ăn ngon ta thấy khoan khoái, ứa nước bọt nhưng điều này đâu có thỏa mãn nhu cầu bao tử đâu. Các loại ma hung dữ, khát máu thường tụ tập nơi mổ sẻ súc vật, lò sát sinh để rung động theo những không khí thô bạo ở đó. Những người giết súc vật trong nhà vô tình mời gọi các vong linh này đến, sự có mặt của họ có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu, nhất là cho nhũng người dễ thụ cảm.

 – Đa số mọi người đều cho rằng ma quỷ thường xuất hiện ở nghĩa địa, điều này ra sao ?

 – Sự hiện hình ở nghĩa địa chỉ là hình ảnh của thể phách đang tan rã, chứ không phải ma quỷ, vong linh. Khi ta chết, thể xác hư thối thì thể phách vốn là thể trung gian giữa thể xác và thể vía cũng tan rã theo. Thể phách được cấu tạo bằng những nguyên tử tương đồng với nguyên tử cõi trần. Nhưng trong đó có nhiều nguyên tử ‘dĩ tháí, nên nhẹ hơn, nó thu thập các sinh lực còn rơi rớt trong thể xác, để cố gắng kéo dài sự sống thêm một thời gian nữa. Vì đang tan rã nên thể phách không hoàn toàn, do đó, đôi khi ta thấy trên nghĩa địa có những hình ảnh người cụt đầu, cụt chân, bay là là trên các nấm mồ, người không hiểu thì gọi đó là mạ Theo sự hiểu biết của tôi, thì việc thiêu xác tốt đẹp hơn việc chôn cất, vì để thể xác tan rã từ từ làm cho linh hồn đau khổ không ít và thường ở trong một giai đoạn hôn mê, bất động một thời gian rất lâu. Thiêu xác khiến vong linh thấy mình không còn gì quyến luyến nữa nên siêu thoát nhanh hơn nhiều.

 – Ma quỷ thường thuộc thành phần nào trong xã hội ?

 – Chúng thuộc đủ mọi thành phần, tùy theo dục vọng khi còn sống. Người chết bất đắc kỳ tử thường lưu lại cõi âm lâu hơn người chết già vì còn nhiều ham muốn hơn. Những kẻ sát nhân bị hành quyết vẫn sống trong cảnh tù tội, giận hờn và có ý định trả thù. Một người tự tử để trốn nợ đời cũng thế, y sẽ hôn mê trong trạng thái khổ sở lúc tự tử rất lâu. Định luật cõi âm xác nhận rằng, “Chính cái dục vọng của ta quyết định cảnh giới ta sẽ đến và lưu lại ở đó lâu hay mau.”

 – Số phận của những người quân nhân tử trận thì ra sao ?

 – Họ cũng không ra ngoài luật lệ đó, tùy theo dục vọng từng cá nhân. Tuy nhiên, người hy sinh tính mạng cho một lý tưởng có một tương lai tốt đẹp hơn, vì cái chết cao đẹp là một bậc thang lớn trong cuộc tiến hoá. Họ đã quên mình để chết và sống cho lý tưởng thì cái chết đó có khác nào những vị thánh tử đạo. Dĩ nhiên không phải quân nhân nào cũng sống cho lý tưởng và những kẻ giết chóc vì oán thù và chết trong oán thù lại khác hẳn.

 – Như ông nói thì người chết vẫn thấy người sống ?

 – Thật ra phải nói như thế này. Khi chết các giác quan thể xác đều không sử dụng được nữa, nhưng người chết vẫn theo dõi mọi sự dễ dàng vì các giác quan thể vía. Không những thế họ còn biết rất rõ tư tưởng, tình cảm liên hệ; mặc dù họ không còn nghe thấy như chúng tạ Nhờ đọc được tư tưởng, họ vẫn hiểu điều chúng ta muốn diễn tả.

 – Như vậy thì họ ở gần hay ở xa chúng ta ?

 – Khi mới từ trần, người chết luôn quanh quẩn bên gia đình, bên những người thân nhưng theo thời gian, khi ý thức hoàn cảnh mới, họ sẽ tách rời các ràng buộc gia đình để sống hẳn ở cõi giới của họ.

 – Như thế có cách nào người sống tiếp xúc được với thân nhân quá cố không ?

 – Điều này không có gì khó. Hãy nghĩ đến họ trong giấc ngủ. Thật ra nếu hiểu biết thì ta không nên quấy rầy, vì làm thế chỉ gây trở ngại cho sự siêu thoát. Sự chết là bước vào một đời sống mới, các sinh lực từ trước vẫn hướng ra ngoài, thì nay quay vào trong, linh hồn từ từ rút khỏi thể xác bằng một bí huyệt trên đỉnh đầu. Do đó, hai chân từ từ lạnh dần rồi đến tay và sau cùng là trái tim. Lúc này người chết thấy rất an tĩnh, nhẹ nhàng không còn bị ảnh hưởng vật chất. Khi linh hồn rút lên óc, nó sẽ khơi động các ký ức, cả cuộc đời sẽ diễn lại như cuốn phim. Hiện tượng này gọi là “hồi quang phản chiếu” (Memory projection). Đây là một giây phút hết sức quan trọng vì nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cõi bên kia. Sợi dây từ điện liên hệ giữa thể xác và thể phách sẽ đứt hẳn. Đây là lúc người chết hoàn toàn hôn mê, vô ý thức để linh hồn rút khỏi thể phách và thể vía bắt đầu lo bảo vệ sự sống của nó bằng cách xếp lại từng lớp nguyên tử, lớp nặng bọc ngoài và lớp thanh nhẹ ở trong. Sự thu xếp này ấn định cõi giới nào vong linh sẽ đến.

 – Ông du hành sang cõi âm thế nào ?

 – Nói như thế không đúng lắm, vì ám chỉ một sự di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Các cõi thật ra ở cùng một nơi chỉ khác nhau ở chiều không gian và thời gian. Sang cõi âm là sự chuyển tâm thức, sử dụng giác quan thể vía để nhận thức chứ không phải đi đến một nơi nào hết. Sở dĩ cõi trần không thấy cõi âm vì nguyên tử cấu tạo nó quá nặng nề, rung động quá chậm không thể đáp ứng với sự rung động nhanh của cõi âm. Quan niệm về không gian cũng khác vì đây là cõi tư tưởng, nghĩ đến đâu là ta đến đó liền, muốn gặp ai chỉ cần giữ hình ảnh người đó trong tư tưởng ta sẽ gặp người đó ngaỵ Khi di chuyển ta có cảm giác như lướt trôi, bay bỗng vì không còn đi bằng hai chân như thể xác.

 – Những người chết nhận thức về đời sống mới ra sao ?

 – Trừ những kẻ cực kỳ hung dữ, ghê gớm, đa số mọi người thức tỉnh trong cảnh giới thứ năm hoặc thứ sáu, vốn có rung động không khác cõi trần là bao. Lúc đầu họ còn bỡ ngỡ, hoang mang nhưng sau sẽ quen đi. Tùy theo tình cảm, dục vọng mà họ hành động. Tôi đã gặp vong linh của một thương gia giàu có, ông này cứ quanh quẩn trong ngôi nhà cũ nhiều năm, ông cho tôi biết rằng ông rất cô đơn và đau khổ. Ông không có bạn và cũng chả cần ai. Ông trở về căn nhà để sống với kỷ niệm xưa nhưng ông buồn vì vợ con ông vẫn còn đó nhưng chả ai để ý đến ông. Họ tin rằng ông đã lên thiên đàng, vì họ đã bỏ ra những số tiền, tổ chức các nghi lễ tôn giáo rất lớn, một tu sĩ đã xác nhận thế nào ông cũng được lên thiên đàng.

Tôi khuyên ông ta nên cởi bỏ các quyến luyến để siêu thoát nhưng ông ta từ chối. Một vài người thân đã qua đời cũng đến tìm gặp, nhưng ông cũng không nghe họ. Có lẽ ông ta sẽ còn ở đó một thời gian lâu cho đến khi các lưu luyến phai nhạt hết. Tôi đã gặp những vong linh quanh quẩn bên cạnh cơ sở mà họ gầy dựng nên, họ vô cùng đau khổ và tức giận vì không còn ảnh hưởng được gì, họ rất khổ sở khi người nối nghiệp, con cháu có quyết định sai lầm, tiêu phá cơ nghiệp. Tôi đã gặp những người chôn cất của cải, phập phồng lo sợ có kẻ tìm ra, họ vẫn quanh quẩn gần đó và đôi khi tìm cách hiện về doa. nạt những người bén mảng đến gần nơi chốn dấu. Vong linh ghen tuông còn khổ sở hơn nữa; họ không muốn người họ yêu mến chia sẻ tình yêu với kẻ khác. Đôi khi họ điên lên khi chứng kiến sự âu yếm của người họ yêu mến và người khác.

Dĩ nhiên họ không thể làm gì được nên vô cùng khổ sở. Những nhà lãnh đạo, những vua chúa, những người hống hách quyền uy thì cảm thấy bất lực khi không còn ảnh hưởng gì được nữa, nên họ hết sức đau khổ. Hãy lấy trường hợp một vong linh chết đuối, vì y không tin mình đã chết, nên cứ ở trong tình trạng lúc chết, nghĩa là ngộp nước. Vì đầu óc hôn mê, nên y không nhìn thấy cõi âm, mà vẫn giữ nguyên hình ảnh cõi trần, dĩ nhiên nó chỉ nằm trong tư tưởng của y mà thôi. Nói một cách khác, thời gian như ngừng lại, y cứ thế hôn mê trong nhiều năm. Tôi đã cố gắng thuyết phục nhưng nói gì y cũng không nghe, tôi bèn yêu cầu y trở về nhà, đầu óc y hôn mê quá rồi, nên cũng không sao trở về được. Nhờ các bạn bè cõi vô hình, tôi tìm được tên tuổi, và địa chỉ thân nhân vong linh. Tôi tiếp xúc với họ và yêu cầu lập một nghi lễ cầu siêu để cảnh tỉnh vong linh.

Nhờ sức chú nguyện mãnh lực của buổi cầu siêu, tôi thấy vong linh từ từ tỉnh táo ra, nghe được lời kinh. Y trở về nhà và chứng kiến buổi cầu siêu của con cháu gần 60 năm sau khi y qua đời. Sau đó y chấp nhận việc mình đã chết và siêu thoát…

 – Ông cho rằng sự cầu nguyện có lợi ích đến thế sau ?

 – Cầu siêu cho vong linh là một điều hết sức quan trọng và ích lợi , vì nó chứa đựng một sức mạnh tư tưởng vô cùng mãnh liệt. Oai lực lời kinh và âm hưởng của nó thật là vô cùng ở cõi âm nếu người ta tụng niệm chú tâm, sử dụng hết cả tinh thần. Tiếc thay, người đời chỉ coi tụng niệm như một hình thức. Họ chỉ biết đọc các câu kinh trên đầu môi, chót lưỡi chứ không biết tập trung tinh thần, nên mất đi phần nào hiệu nghiệm. Sự cầu nguyện có một sức mạnh kinh khủng, có thể dời núi lấp sông, đó là bí huyết khoa “Mật tông Tây Tạng”.

 – Như ông nói thì tôn giáo Tây Tạng có hiệu nghiệm nhiều hay sao ?

 – Vấn đề cầu nguyện cho người chết không phân biệt tôn giáo và cũng không cần theo một nghi thức, nghi lễ nào nhất định, mà chỉ cần tập trung tư tưởng, hết sức chú tâm cầu nguyện. Theo sự hiểu biết của tôi thì tôn giáo nào cũng có những nghi lễ riêng và nghi lễ nào cũng tốt nếu người thực hành thành tâm.

 – Như vậy nghi lễ rửa tội trước khi chết có ích lợi gì không ?

 – Một số người tin rằng, hạnh phúc vĩnh cữu của con người tùy thuộc tâm trạng y lúc từ trần. Nếu lúc đó y tin rằng mình được cứu rỗi thì như được một vé phi cơ lên thiên đàng, còn không y sẽ xuống địa ngục. Điều này gây nhiều sợ hãi, lo âu vô ích. Nếu một người chết thình lình thì sao? Phải chăng họ sẽ xuống địa ngục ? Nếu một tín đồ hết sức ngoan đạo nhưng chết ngoài trận mạc thì sao ? Họ đâu được hưởng nghi lễ rửa tội ? Sự chuẩn bị hữu hiệu nhất là có một đời sống thanh cao, nếu ta đã có một đời sống cao đẹp, thì tâm trạng khi chết không quan trọng. Trái lại, ta không thể ao ước một tương lai tốt đẹp dù tang lễ được cử hành bằng các nghi lễ to lớn, linh đình nhất. Dù sao, tư tưởng chót trước khi lìa đời cũng rất hữu ích cho cuộc sống mới bên kia cửa tử. Nó giúp vong linh tỉnh táo, dễ thích hợp với hoàn cảnh mới hơn. Một cái chết thoải mái, ung dung phải hơn một cái chết quằn quại, chết không nhắm mắt được. Theo tôi thì sự hiểu biết về cõi vô hình, sự chuẩn bị cho cái chết là điều hết sức quan trọng, cần được phổ biến rộng rãi, nhưng tiếc là ít ai chú ý đến việc này.

 – Vậy theo ông, chúng ta cần có thái độ gì ?

 – Đối với người Âu tây, đời sống bắt đầu khi lọt lòng mẹ, và chấm dứt lúc chết, đó là một quan niệm cần thay đổi. Đời sống cõi trần chỉ là một phần nhỏ của chu kỳ kiếp sống. Chu kỳ này được biểu hiện bằng một vòng tròn mà sự sống và chết là những nhịp cầu chuyển tiếp giữa hai cõi âm, dương, giữa thế giới hữu hình và vô hình. Trên con đường tiến hoá, còn hằng ha sa số các chu ký, các kiếp sống cho mỗi cá nhân. Linh hồn từ cõi thượng giới cũng phải qua cõi trung giới. Phần ở cõi trần chỉ là một phẩn nhỏ của một kiếp sống mà thôi. Trong chu kỳ này, phần quan trọng ở chỗ vòng tròn tiến sâu vào cõi trần và bắt đầu chuyển ngược trở lên, đó là lúc linh hồn hết tha thiết với vật chất, mà có ý hướng về tâm linh.

Các cổ thư đã vạch ra một đời sống ở cõi trần như sau: 25 năm đầu để học hỏi, 25 năm sau để lo cho gia đình, đây là giai đoạn tiến sâu vào trần thế, 25 năm sau nữa phải từ bỏ việc đời để lo cho tâm linh, đó là thời điểm quan trọng để đi ngược lên, hướng về tâm linh, và 25 năm sau chót phải từ bỏ tất cả, chỉ tham thiền, quán tưởng ở nơi rừng sâu, núi thẳm. Đối với người Á châu thì 50 tuổi là lúc từ bỏ vật chất để hướng về tâm linh, nhưng người Âu châu lại khác, họ ham mê làm việc đến độ mù quáng, cho đến già vẫn tranh đấu hết sức vất vả, cho dục vọng, cho bản ngã, cho sự sống còn, cho sự thụ hưởng . Do đó, đa số mất quân bình và khi chết hay gặp các nghịch cảnh không tốt. Theo ý tôi, chính vì sự thiếu hiểu biết về cõi âm nên con người gây nhiều tai hại ở cõi trần.

Chính vì không nhìn rõ mọi sự một cách tổng quát, nên họ mới gây lầm lỗi, chứ nếu biết tỷ lệ đời sống cõi trần đối với toàn kiếp người, thì không ai dồn sức để chỉ lo cho 1/3 kiếp sống, mà sao lãng các cõi trên. Nếu con người hiểu rằng quãng đời ở cõi trần rất ngắn ngủi, đối với trọn kiếp người và đời sống các cõi khác còn gần với chân lý, sự thật hơn thì có thể họ đã hành động khác đi chăng ? Có lẽ vì quá tin tưởng vào giác quan phàm tục, nên đa số coi thế giới hư ảo này là thật và cõi khác là không có…

 – Nhưng nếu ông cho rằng các cõi kia còn gần với sự thật hơn, thì tại sao ta lại kéo lê kiếp sống thừa ở cõi trần làm gì ? Tại sao không rũ nhau đi sang cõi khác có tốt hơn không ?

Hamud mỉm cười:

 – Tuy cõi trần hư ảo, nhưng nó có những lợi ích của nó, vì con người chỉ có thể tìm hiểu, và phát triển xuyên qua các rung động thô thiển này thôi. Cõi trần có các bài học mà ta không tìm thấy ở đâu khác. Chính các bậc chân tiên, bồ tát trước khi đắc quả vị đều phải chuyển kiếp xuống trần, làm các công việc vĩ đại như một thử thách cuối cùng. Muốn khai mở quyền năng, con người phải tiếp nhận các bài học ở cõi trần, nhờ học hỏi những bài học này, họ mới trở nên nhạy cảm với các rung động ở cõi trên.

Đọc  & Ngẩm

  1. Người giàu chưa chắc sung sướng, nhưng người nghèo chắc chắn khổ. Tiền không cho bạn tất cả nhưng cho bạn nhiều thứ.
  2. Tất cả những chàng hoàng tử và nàng công chúa trong truyện cổ tích hồi nhỏ đều đang bận sống hạnh phúc mãi mãi về sau trong trang giấy rồi. Họ sẽ không bước ra ngoài thế giới thật đâu. Thế nên là: Ảo tưởng ít thôi!
  3. Tiền thì mua được đồ ăn. Nhưng tiền lại không mua được tình yêu. Trớ trêu thay, tình yêu lại là thứ không ăn được!
  4. Ngay cả khi bạn nỗ lực nhất, sẽ vẫn luôn có những người khác nỗ lực hơn cả thế. Sự nỗ lực không bao giờ là đủ, là nhiều, thế nên đừng bao giờ ngừng cố gắng trong bất cứ chuyện gì. Tôi không nói bạn nỗ lực rồi sẽ thành công, nhưng muốn thành công bạn bắt buộc phải nỗ lực.
  5. Đừng nói rằng ai đó may mắn khi họ thành công khi bạn không hề biết câu chuyện của họ.
  6. Khi bạn chết, bạn sẽ không nhận thức được điều đó mà chỉ có những người xung quanh biết và chịu đựng thôi…. và khi bạn ngu cũng vậy.
  7. Tất cả mọi người đều có những câu chuyện của riêng mình, đều có những nỗi buồn, những lo lắng, không dưới cách này thì cách khác. Bạn không phải người duy nhất, tôi không phải người duy nhất. Thế nên có thể thôi ngay cái suy tưởng rằng mình là kẻ bất hạnh xui xẻo mỗi khi gặp vấn đề gì đi.
  8. Đừng mong đợi cỗ xe bí ngô bí đỏ nào đó sẽ đỗ trước cổng nhà đợi bạn, hãy kiếm tiền và tự mua cho mình một cái xe, xe đạp, xe máy, xe hơi, miễn là bạn tự làm ra nó. Vì trông đẹp vậy thôi, chứ xe bí ngô có lẽ cũng xóc lắm!
  9. Làm Tấm cũng được, làm Cám cũng được, nhưng đừng làm con cá bống chỉ há miệng chờ cho ăn.
  10. Đừng cảm thấy buồn nếu bạn sinh ra không phải con của tỷ phú, hãy làm sao để con bạn sinh ra là con của tỷ phú. Hoặc triệu phú thôi cũng được rồi.
  11. Nếu ước mơ của bạn không thành, vậy thì mơ ước mơ khác là được rồi. Nếu tình yêu kết thúc, vậy thì yêu tình yêu khác là được rồi. Vì dù thế nào Trái Đất vẫn quay và cuộc sống vẫn tiếp tục đã bao giờ ngừng lại được đâu.
  12. Pháo hoa lấp lánh rực rỡ là vậy nhưng rồi sẽ tan ngay đi. Nhưng ít nhất, thà một lần được tỏa sáng còn hơn mãi vô hình trong bóng tối.
  13. Cuộc đời có hai loại người đáng sợ nhất: kẻ có tất cả mọi thứ trong tay, và kẻ không còn gì để mất
  14. Nếu phải lựa chọn giữa tình cảm và tiền bạc, tôi sẽ chọn tình cảm vì tình cảm có thể giúp bạn vay tiền, còn tiền thì không bao giờ mua được tình cảm thật sự
  15. Nếu thế giới này không có tiền bạc và phụ nữ thì nhà tù sẽ trở nên vô dụng
  16. Đừng tin vào những câu triết lí của người khác, hãy tự tìm lẽ sống cho riêng mình. Vì cuộc đời không phải là khuôn mẫu, nó là sự thiên biến vạn hóa.
  17. Đừng bao giờ sống cuộc đời của người khác. Vì sao ư? Vì bạn không làm được như người ta đâu, thế nên đừng có cố.
  18. Bạn nghĩ rằng tiền bạc là vạn năng ư? Vậy là bạn đang suy nghĩ đúng hướng rồi đấy.
  19. Những kẻ ngu ngốc thường suy sụp sau thất bại, những người mạnh mẽ thì sẽ học được nhiều thứ sau thất bại, còn những kẻ thông minh thì sẽ cố gắng học hỏi từ thất bại của người khác.
  20. Sẽ thật nguy hiểm khi bạn nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ, nhưng còn nguy hiểm hơn khi bạn tự coi mình là rác rưởi của xã hội.
  21. Tiền bạc không làm cho bạn hạnh phúc, chính cách bạn tiêu tiền mới làm cho bạn hạnh phúc. Người nào có tiền mà không hạnh phúc là do họ chưa biết cách tiêu tiền.
  22. Trong một cuộc tranh luận với sếp. Chỉ có hai khả năng có thể xảy ra: thứ nhất là bạn sai, thứ hai là sếp bạn đúng.
  23. Tất cả mọi khó khăn chỉ là thử thách?. Dĩ nhiên !. Khổ nỗi không phải thử thách nào bạn cũng có thể vượt qua được.
  24. Chấp nhận tốt hơn oán trách nhiều, đối với những sự thực không thể thay đổi, ngoài chấp nhận ra, không có cách nào tốt hơn cả.
  25. Đừng có lúc nào cũng cảm thấy mình bất hạnh, thế giới này có nhiều người đau khổ hơn chúng ta nhiều.
  26. Người ngốc nghếch, một mực muốn người khác hiểu mình. Người thông minh, lại nỗ lực hiểu chính mình.
  27. Thay đổi phương hướng, đường cùng sẽ trở thành đường bằng phẳng.
  28. Một số người giống như tôm vậy. Không ruột, không xương sống, đầu thì đầy chất thải, nhưng mà giá thị trường thì lại cao.
  29. Lương tâm trong sạch thường là dấu hiệu của trí nhớ kém.
  30. Ánh sáng di chuyển nhanh hơn âm thanh. Có phải đó là lý do vì sao mọi người đều trông có vẻ rất thông minh cho đến khi họ mở miệng không?
  31. Nếu bạn cảm thấy mình vừa nghèo vừa dốt. Đừng buồn. Ít nhất khả năng nhận xét của bạn là chính xác

Nguồn internet

Những bức ảnh từng khiến nhiều người rơi nước mắt

Một bức ảnh đáng giá ngàn lời. Đôi khi, một bức tranh ẩn chứa cả ngàn giọt nước mắt, một trái tim tan nát, một tâm hồn vụn vỡ, hay là tiếng kêu cứu của những người không thể tự nói ra.

Máy ảnh đã cho phép con người ghi lại một số khoảnh khắc kỳ diệu nhất, ấm lòng,… nhất, nhưng cũng có những khoảnh khắc tàn nhẫn nhất.

Bé gái Syria

Thông thường những đứa trẻ chạy trốn, giấu mặt hoặc mỉm cười khi nhìn thấy camera. Không một đứa trẻ nào được tiếp xúc với súng và càng ít trẻ ý thức được hậu quả của việc sử dụng súng.

Đó là lý do tại sao, khi bức ảnh một bé gái người Syria giơ tay sợ hãi khi nhìn thấy ống kính máy ảnh – vì nghĩ là một khẩu súng, được đăng tải, đã gây chấn động toàn xã hội. Nhiếp ảnh gia Osman Sağırlı đã chụp bức ảnh tại trại tị nạn Atmeh ở Syria. Đáng buồn thay, bé Hudea, 4 tuổi, không phải là đứa trẻ Syria duy nhất quen với sự tàn phá của súng đạn và sự khốc liệt của chiến tranh.

Diện mạo của cái đói

Nạn đói ở Hà Nam (Trung Quốc) kéo dài từ mùa hè năm 1942 đến mùa xuân năm 1943, cướp đi sinh mạng của 2-5 triệu người và khiến 4 triệu người đã phải tha phương cầu thực. Đó là hệ lụy tổng hợp của chiến tranh, hạn hán và dịch bệnh hoành hành trong khu vực.

Nhà báo Theodore White (Mỹ) đã tường thuật trực tiếp rằng nhiều người đang tự tử và các bậc cha mẹ phải bán con cái của họ với giá chưa đến 10 USD. Người ta đã chụp được bức ảnh một người đàn ông đói khát tuyệt vọng gặm vỏ cây bên ngoài đại sứ quán Anh.

Lòng dũng cảm và sự duyên dáng

Ngày 13/11/1985, núi lửa Nevado del Ruiz ở Colombia phun trào, xóa sổ thị trấn Armero, giết chết hơn 20.000 trong tổng dân số 29.000 người. Một trong những nạn nhân của bi kịch Armero là Omayra Sanchez, 13 tuổi, hai chân bị kẹt dưới bức tường gạch khi dòng bùn núi lửa tràn vào nhà. Không thể thực hiện một ca cắt cụt chi an toàn và giải thoát cho Omayra, các bác sĩ và lực lượng cứu hộ cho rằng, điều nhân đạo nhất là giữ cho cô bé bình tĩnh và để cô ấy chết dần.

Vài giờ trước khi cô qua đời, sau khi bị mắc kẹt trong 60 giờ, nhiếp ảnh gia Frank Fournier đã đến và chụp bức ảnh Omayra nổi tiếng hiện nay. Bức ảnh được vinh danh là Bức ảnh Báo chí Thế giới của năm và là lời nhắc nhở đầy ám ảnh về vụ phun trào núi lửa chết chóc thứ hai trong thế kỷ 20.

Một người cha bất lực

Thoạt đầu, bức ảnh trông giống như một người đàn ông thường xuyên ngồi trên hiên và nhìn vào thứ gì đó. Nhưng “cái gì đó” là những gì còn lại của con người: một bàn chân và một bàn tay. Trên thực tế, chúng thuộc về đứa con gái Boali 5 tuổi của người đàn ông này.

Cô bé bị đã bị các giám thị của Công ty Cao su Ấn Độ Anh-Bỉ giết chết. Người đàn ông không hoàn thành được chỉ tiêu cao su hàng ngày của mình; vợ của ông cũng bị giết. Dù ở thời đại và xã hội nào, hành động đó thể hiện sự man rợ ở dạng trần trụi nhất của nó.

Lòng biết ơn

Bức hình chụp cậu bé 12 tuổi người Brazil, Diego Frazão Torquato, đang chơi đàn vĩ cầm trong đám tang người thầy giáo của mình. Thầy Evandro Silva là người đã giúp Diego thoát khỏi cảnh nghèo đói và bạo lực. Ông bị giết trong một vụ cướp của mafia vào tháng 10/2009. Đáng buồn thay, Diego, người bị bệnh bạch cầu từ khi mới 4 tuổi, đã qua đời vào năm sau do biến chứng sau khi cắt bỏ ruột thừa.

Sự tàn ác của con người

Khi sự tàn ác, sự ngu dốt và lòng tham của con người không biết đến giới hạn thì đây là kết quả. Ảnh chụp ở đây là một trong những “điểm tham quan kỳ lạ” của vườn thú – một bé gái người Philippine bị trói tay vào một khúc gỗ. Từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, những “cuộc triển lãm” vô nhân đạo như vậy có thể được thấy ở Paris, Hamburg, Barcelona, London, Milan và New York. Bức tranh này đã được chụp hơn một thế kỷ về trước.

Vô gia cư

Chính sự đau khổ của trẻ thơ đã khơi dậy nỗi đau khổ và bản năng bảo vệ sâu sắc nhất trong chúng ta. Bức ảnh “Vô gia cư” của nhiếp ảnh gia Môi trường của CIWEM năm 2011 – Chan Kwok Hung, là một ví dụ hoàn hảo về điều đó. Tại Kathmandu – thủ đô của Nepal, ông đã chụp được bức ảnh hai đứa trẻ vô gia cư đang sống trên đường. Hàng ngày, hai anh em đến bãi phế liệu gần đó và tìm kiếm bất cứ thứ gì có giá trị để bán.

Tình yêu của một người anh

Những gì một cậu bé Nhật Bản thể hiện khi đưa người em trai đã khuất của mình đi hỏa táng không chỉ là tình yêu mà còn là sự dũng cảm và đĩnh đạc của một người đàn ông gấp mấy lần tuổi cậu. Nhiếp ảnh gia Joe O’Donnell có mặt tại hiện trường nơi hỏa táng những người thiệt mạng trong vụ đánh bom ở Nagasaki, ghi lại hình ảnh này và nói về những gì đã xảy ra sau khi họ đặt đứa trẻ đã chết từ vào đống lửa: “Cậu bé đứng đó không nhúc nhích, nhìn ngọn lửa. Cậu cắn môi dưới của mình mạnh đến nỗi nó ứa máu. Ngọn lửa cháy thấp dần như mặt trời lặn. Cậu bé quay lưng, lặng lẽ bước đi”.

Để tự chết

Bức ảnh chụp vào tháng 7/1913 của nhiếp ảnh gia người Pháp Albert Kahn cho thấy một phụ nữ trẻ người Mông Cổ đang cố gắng giải thoát mình khỏi một cái cũi gỗ. Vì bị cho là ngoại tình, cô bị giam cho đến chết vì đói. Những chiếc bát trước mặt cô ban đầu được đổ đầy nước và cô phải xin ăn. Tuy nhiên, kết cục cuối cùng là cái chết, cho dù quá trình này có thể kéo dài. Phương pháp trừng phạt vô nhân đạo này đã được thực hiện ở Mông Cổ cho đến đầu thế kỷ 20.

Thứ bảy đẫm máu

Ngày 28/8/1937, nhiếp ảnh gia H. S. Wong đã chụp được bức ảnh một em bé đang khóc ngay sau khi Không quân Nhật Bản ném bom nhà ga xe lửa Thượng Hải. Đó là một cuộc tấn công vào dân thường, làm 1.500 người bị thiệt mạng. Ngay sau vụ đánh bom, một người đàn ông đang đi qua đống đổ nát và giải cứu các nạn nhân. Đứa trẻ trong bức ảnh là người đầu tiên anh cứu.

Thực tế của thời đại chúng ta

Tháng 3/1993, khi đang thực hiện một nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc ở Châu Phi, nhiếp ảnh gia Kevin Carter đã chụp được một bức ảnh mang lại cho ông Giải thưởng Pulitzer. Trong khi chụp ảnh các nạn nhân đói khát, Carter tình cờ gặp một đứa trẻ mới biết đi đang lả đi, gục xuống đất vì đói. Nấp phía sau là một con kền kền đang chực chờ rình mồi đứa trẻ.

Carter đã chụp ảnh hiện trường và đuổi con kền kền đi. Sau khi chụp một số bức ảnh, Kevin ngồi dưới gốc cây và khóc. Bốn tháng sau, nhiếp ảnh gia Kevin tự sát. Một phần trong bức thư tuyệt mệnh của anh ta có viết: “Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức sống động về những vụ giết chóc và xác chết và sự tức giận và đau đớn… của những đứa trẻ bị chết đói, hoặc bị thương…”.

“Bức ảnh đau lòng nhất”

Hầu hết mọi người đều quen thuộc với hình ảnh cậu bé Alan Kurdi 3 tuổi người Syria, bị trôi dạt vào một bãi biển ở Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/9/2015. Cậu bé chết đuối khi thoát khỏi cuộc chiến ở Syria cùng gia đình người Kurd. Trên hành trình băng qua biển Aegean để đến Hy Lạp, con thuyền quá đông đúc của họ bị lật. 12 người, trong đó có một số trẻ em, bị chết đuối. Bức ảnh được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và được coi là “Bức ảnh Đau lòng nhất”, một lần nữa nhắc nhở thế giới về sự khủng khiếp và tuyệt vọng của chiến tranh.

Nguồn internet

GS VŨ QUỐC THÚC

VÀI MẨU CHUYỆN VỀ “CON NGƯỜI” của GS VŨ QUỐC THÚC

Bài viết này đuợc giới hạn vào một số câu chuyện về “Con Người” của GS Vũ quốc Thúc, dựa trên mối tiếp xúc cá nhân của tôi với GS Thúc.

Kể các chuyện dưới đây để tưởng nhớ một Giáo sư mà tôi luôn kính mến.

Tôi là một môn sinh rồi có vinh dự là một đồng nghiệp của ông tại Đại Học Luật Khoa, Sài gòn.

A. “MỘT NHÂN CÁCH LỚN”.

Giáo sư Kinh Tế Mai Văn Lễ, một cựu đồng nghiệp, đến thăm tôi sau khi ông được Việt Cộng cho đi định cư ở Mỹ và thời gian đó ông còn tạm trú tại vùng D.C. ở Hoa Thịnh Đốn. Vì mới sang Hoa Kỳ và nhất là bị giam cầm trong trại tù Việt Cộng lâu và bị cô lập một thời gian khá dài, Ông muốn biết tin tức về sự sinh sống vào lúc đó của một số đồng nghiệp cũ ở trường Luật. 

Sau khi, tôi nói về Giáo sư Thúc, GS Lễ nhận xét: “Anh Thúc có ‘một nhân cách lớn’; một con người thông thái, hiểu biết sâu rộng về môn dạy, cởi mở, hoà nhã, nên mọi người kính mến.”

Để có một nhân cách lớn như ở “Con Người”của GS Thúc, tôi thấy ông còn có nhiều đức tính khác,ngoài những gì mà GS Lễ nói ở trên. Nhưng ở đây, tôi liệt kê vài điều ở GS Thúc, có liên hệ trực tiếp với tôi trong sinh hoạt ở trường Luật. Đó là Liêm Chính và Đc Khiêm Cung.

Nhân Cách là yếu tố tạo ra hấp lực để lôi cuốn người khác, hay nói khác đi là làmngười ta “đến với  ông” với lòng quý mến, kính trọng…..

Các thí dụ sau đây chứng minh điều này:

1. Nhóm cựu sinh viên Luật ở Nam CA đến với GS Thúc với lòng biết ơn đối với một ông Thày cũ.

Cách đây có lẽ trên dưới 15 năm, Đại tá Nguyễn trọng Liệu, nguyên Chánh Sở, Sở Pháp Chế ( thì phải), Nha Quân Pháp, Bộ Quốc Phòng, gọi cho tôi nói rằng “chúng tôi gồm một số cựu sinh viên Luật ở dưới này (Nam California) có bàn với nhau rằng chúng tôi muốn mời GS Thúc và phu nhân sang thăm Hoa Kỳ. Mọi chi phí di chuyển khứ hồi Pháp-Hoa Kỳ, trong nội bộ Hoa Kỳ, đi bất cứ nơi nào, gồm cả ăn ở, chúng tôi lo hết. GS Thúc nếu ở Hoa Kỳ cả tháng thì tốt. Tôi  nói rằng đấy là một sáng kiến hay. Đại tá Liệu tiếp: “Chúng tôi muốn nhờ Anh mời GS Thúc giúp”.Tôi hỏi: sao lại thế? Anh ở cùng quê ở Nam Định với GS Thúc, và anh là chủ biên Đặc San Nguyễn Khoa Nam. Mỗi khi ra báo, Anh đều gửi cho tôi. Tôi thấy Anh có liên lạc với GS Thúc xin bài. Ông ấy có viết bài cho Báo và có nhắc tên Anh mà. Vậy tại sao, Anh không liên lạc với Ông ấy mà lại nhờ đến tôi?. Đại tá Liệu trả lời “ Tôi có thể viết thư mời được. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng dù Anh cũng là môn sinh của GS Thúc như chúng tôi, nhưng Anh ở vị trí thích hợp hơn. Để tỏ lòng kính mến Ông và nhờ Anh mời giúp, hơn là chúng tôi chỉ là cựu sinh viên”

Vì biết cách “cư xử” của GS Thúc, tôi phải viết thư thay vì gọi điện thoại. Trong thư tôi nhắc lại những gì ĐT Liệu nói với tôi. Thay vì cc cho ĐT Liệu, tôi chụp một Bản gủi cho ĐT Liệu biết. Ít lâu sau, Ông viết thư cho tôi trả lời : “rất xúc động được các anh em học trường luật trước đây (ông rất kỹ, không dùng các chữ khác, thí dụ  như cựu môn sinh chẳng hạn) có lòng quí mến như vậy khi đã về hưu….” Ông từ chối vì lý do Bà Thúc bị Alzhiemer, phải thường trực ở nhà trông nom, ngay cả khi Đài RFI phỏng vấn, phải dùng điện thoại….

Tôi thấy Nhân Cách của GS Thúc là yếu tố chính yếu làm nguyên động lực thúc đẩy nhóm cựu sinh viên này “đến với GS Thúc”.Họ mời ông sang chơi để tỏ lòng biết ơn vị  Giáo sư khả kínhcủa họ.

2. Một người được gọi là “Bạn” đến với GS Thúc để dang tay giúp đỡ vào lúc nguy khốn: Ông Raymond Barre.

Trong một thư viết tay gửi cho tôi, dài gần 20 trang, sau khi tới Pháp được chừng một tháng,  GS Thúc cho biết  ông được GS Lưu Văn Bình, ở Montréal cho địa chỉ của tôi.

Trong thư, GS Thúc kể rất nhiều điều mà ông trải qua sau khi VC chiếm Miền Nam. Vì ở trong tình thế khó khăn quá, ông tìm mọi cách, như đến cầu nguyện trước Tượng Đức Mẹ ở Bình Triệu, tìm cách gửi thư cho người  con gái ở Paris, xin gặp Ông Barre đang làm Thủ Tướng giúp. Trong thư ấy, GS Thúc kể rằng ông biết ông Barre lúc thi Thạc sỹ. Khi Phạm Văn Đồng sang Pháp xin Viện trợ 200 triệu MK, Ông  Barre nói với Phạm Văn Đồng rằng “tôi cho Anh $200 triệu MK, nhưng với điều kiện là Anh cho “Bạn” của tôi là Giáo sư Vũ quốc Thúc sang Pháp.Tôi mời ông ta dạy ở Đại Học Paris”. Thư nói tiếp: “Phạm Văn Đồng được tiền, nhưng vấn đề để tôi đi Pháp, thì chắng thấy gì cả. Rồi Nội các Raymond Barre sụp đổ.Ông Barre phải ứng cử Dân Biểu trở lại và đắc cử, rồi  sau đó được tái bổ nhiệm làm Thủ Tướng. Lúc đó, VC mới xét đến việc cho tôi rời Việt nam.Nếu ông Barre không được làm Thủ tướng nữa, thì việc đi Pháp của tôi sẽ không xảy ra.” 

Tóm lại, lý do mà Thủ tướng Barre đến với GS Thúc để cứuông vào lúc khó khăn nhất, vì ông có một Nhân Cách đáng phục. Như những gì Giáo sư Thúc nói, ông chỉ là người quen hay biết ông Barre, chứ không hẳn là người Bạn.*

*Tôi không bàn tới việc ông Barre, Thủ tướng của một đại cường quốc như Pháp đã dùng  cả một chính sách quốc gia để “ đánh đổi lầy một người bạn”- một việc mà tôi không bao giờ thấy trên đời này. Tôi chỉ xét xem GS Thúc có phải là “Bạn” với ông Barre theo nghĩa mà mọi người hiểu không.

Trong thư kể trên, GS Thúc nói rằng Giáo sư biết ông Barre, khi thi Thạc sỹ Kinh Tế. 

Tôi không bao giờ hỏi một cách chi tiết về việc GS Thúc là Bạn như thế nào. Tôi chỉ dựa vào vài thư của GS Thúc gửi cho tôi có ít chi tiết liên hệ, cũng như khi nói chuyện thì tình cờ Ông đề cập đến.

Tôi nhớ rằng GS Thúc được chính phủ Nguyễn Văn Xuân cho đi Pháp học để thi Tiến sỹ. Ông đậu Tiến sỹ năm 1950. Như vậy trong thời gian này, GS Thúc chưa gặp ông Barre. 

Có một lần khi tôi Paris, ông kể chuyện về thi Thạc sỹ:  Ngay sau khi đậu tiến sỷ (1950) , vì tò mò, Ông thử đi hỏi xem vấn đề thi Thạc sỹ như thế nào. Sau khi biết thể thức, ông quyết định xin thi. Có một trở ngại là Bằng Tiến sỹ của ông lại là Tư Pháp, nhưng vì nội dung đề cập đến kinh tế nông thôn, trong khi đó ông nhắm vào kinh tế để thi Thạc sỹ. Ông phải làm đơn xin đổi sang là Tiến sỹ Kinh Tế, và được chấp thuận. Và như vậy ông dự thi Thạc sỹ 4 tháng sau khi được cấp bằng Tiến sỹ.Tại kỳ thi này ông đươc “admissible”.Rồi trở về Việt nam dạy tại trường Luật Hà nội. Đến năm 1952, ông sang Pháp trở lại để dự thi, và đậu Thạc sỹ. 

Vậy câu hỏi là liệu có cơ hội và thì giờ để trở thành “Bạn”?Ông cũng như GS Nguyễn Cao Hách có cho tôi biết rằng thủ tục thi Thạc sỹ gồm có 2 phần: Phần thi viết 1 ngày.Xong rồi chờ kết quả. Biết đã đậu, thì đến lấy đề tài vấn đáp.Phần II, chỉ một ngày ở nhà để sửa soạn cho ngày hôm sau vào vấn đáp. Vấn đáp có 2 phần.Phần I thí sinh trình bày đề tài 1 giờ, đến phút thứ 60, Chủ khảo gõ búa, vào lúc dó thì Thí sính phải chấm  dứt nói. Sau đó đến phần câu hỏi của giám khảo và trả lời.

Ai bị rớt ở giai đoạn này, được phong cho chức “Hàm Thạc sỹ”(aggregatif). Ở trường Luật Sài gòn, có 2 Giáo sư ở trong tình trạng này. Đó là GS Vũ quốc Thông (Công Pháp) và GS Trần thiện Vọng (Kinh Tế).

Vậy GS Thúc ở Pháp rất ngắn, và chỉ gặp ông Barre vào lúc thi cử, và vào lúc thi cử như vậy, thí sinh bị “áp lực” rất nhiều.Tôi nghĩ rắng 2 người chỉ gặp nhau để “Bonjour”, “Bonsoir” mà thôi, và biết nhau như vậy.Tôi kết luận rằng Ông Barre và Giào sư Thúc không hẳn là Bạn như mọi người quan niệm.Và họ chỉ là người quen biết nhau.

B. MỘT SỐ ĐỨC TÍNH KHÁC:

1.Một người Liêm khiết:

GS Trần như Tráng thường trực trợ giúp tôi trong các kỳ thi. Ông nói với tôi rằng vào Kỳ thi này (Khoá I, niên học 1973-1974), có các Bà Thúc và Bà Hách thi tốt nghiệp. Tôi trả lời “Thế hả. Ông in lặng về vấn đề này. Các bà ấy cũng được đối xử như các sinh viên khác. Các bà ấy học giỏi thì đậu. Nếu không, phải học lại.”

Giáo sư Thúc và Giáo sư Hách hoàn toàn không ai can thiệp. 

2. Có Đức Khiêm Cung:  

Tôi nói tới thái độ và cách cư xử của GS Thúc. Khi còn ở trường Luật ở Sài gòn, GS Thúc  là người tỏ ra rất hòa nhã, thânthiện với đồng nghiệp; với sinh viên, ông không có gì biểu lộ “hống hách” hay “quan liêu”, hay “ xa cách” dù đã gia nhập ”giới quan trường” như đã làm Tri Huyện dưới thời Pháp lúc còn trẻ, (từ khoảng cuối  1944 thì phải), rồi Bộ Trưởng sau khi vào Nam năm 1954…

Từ khi ông sang Pháp định cư, tôi có cơ hội tiếp xúc, trao đổi quan điểm với GS Thúc nhiều hơn. Cách cư xử của ông đối với tôi thật là đặc biệt. Tôi đi Âu châu có hơn chục lần, và Paris là điểm đến và về. Hầu hết các các lần tới Paris, kể cả các lần đến nói chuyện cho cộng đồng, ông đều dành thỉ giờ gặp tôi, không để tôi tới thăm cho phải phép.

Câu chuyện sau đây là một thí dụ: Năm 2015, khi tôi sang Paris, GS Thúc mời tôi và 2 người em ăn cơm ở một Nhà Hàng Tàu, Quận 13.

Tôi đến trước và ngay sau đó Ông tới. Tôi thấy nước da mặt của ông có vẻ hồng hào, tôi nói 

đùa: trông Giáo sư trẻ, mặt hồng hào, lại đẹp trai. Ông nói với tôi rằng : “Anh sang đây, tôi phải đến gặp. Từ nhà tôi đến đây, tôi nghỉ tất cả 3 lần.Tôi đi một lúc, thấy mệt, tôi ngồi nghỉ 10 hay 15 phút, rồi đi tiếp.Tôi hỏi tại sao như vậy. Ông trả lời: “có 2 mạch máu đưa máu từ tim lên óc, thì một cái bị block 95%, cái bên kia: 65%.” Tôi có gợi ý về surgery, Ông trả lời rằng “tôi già rồi.” 

Tôi biết khi đi gặp tôi, ông phải nhờ một người nào đó đến trông nom Bà Giáo sư, dù tôi xin được miễn gặp.

3. Một người có lập trường kiên định (và  thêm bằng cớ về đức khiêm cung hiếm có, thí dụ như viết ‘Bản sao để kính tường’):

Một nhân sĩ tại Hoa Kỳ viết thư yêu cầu GS Thúc nhận xét về một dự án với ý nghĩ mời hợp tác với Chính quyền VC. Ông lịch sự từ chối. Ông chụp Thư trả lời và thông báo cho tôi biết như Bản sao dưới đây, dù gửi riêng cho tôi với dòng chữ viết tay thêm vào:

Bản sao kính gủi

gs Nguyễn văn Canh“để kính tường” (viết tay ở góc trái, phía dưới).

Hai thí dụ này là biểu hiệu cái cung cách mà ông đối xử với tôi. Tôi cũng thấy ông đối xử với người khác rất khiêm tốn.

Cước chú: Có vài điểm tôi cần thêm vào vấn đề này: a) Về Dự án này, trước khi nhận được thư của GS Thúc, tôi đã được GS Mai văn Lễ cho biết và ông đã có thái độ rõ rệt; b) Về cách GS Thúc cư xử với tôi như trên, thực ra tôi không tả nổi. Như tôi đã nói ngay ở đầu rằng Tôi là môt cựu sinh viên của ông và là đồng nghiệp như là một em út trong hệ thống hành chánh trước đây, đúng ra ông không cần thiết sử dụng cách thông báo như thế. Tôi không biếtdùng chữ gì đển diễn tả, nên dùng chữ “đức khiêm cung”.

4. Một nhà ái quốc nhiệt thành, hoạt động không ngưng nghỉ:

a). Một lần có lẽ là 1984. Khi tới Paris, GS Thúc bảo tôi sắp xếp thì giờ dành cho ông một buổi gặp. Ông đưa tôi tới một tiệm ăn khá sang trọng để ăn trưa. Ông rút trong cặp ra một hồ sơ dày, viết bằng tiếng Pháp và tôi nhìn trang cuối là 147. Ông trình bày vấn đề, trong khi tôi liếc mắt qua các đề mục của các Chương, các Đoạn.Tôi để ý các trang cuối, có vấn đề pháp lý ở đây…… Đến đó ông đưa cho tôi coi 2 thư gủi cho Ông: 1 của Giám Đốc một Nha thuộc Bộ Ngoại Giao Pháp, còn thư kia là của một nữ thư ký thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Kế đó, ông yêu cầu tôi đặt vấn đề với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, giúp giải quyết hồ sơ này.

Tôi nhận xét rằng đây là hồ sơ pháp lý. Tôi có nêu ra một số điểm không ổn khi đi thuyết phục người ta.Tuy nhiên, đó không phải là chính. Và tôi nhấn mạnh là mình không thể đạt đươc muc tiêu với hồ sơ này. Điều tôi có thể làm được là Giáo sư viết cho tôi một thư riêng, nhưng professional về hình thức, tiếng Pháp hay Anh cũng được. Trong thư Giáo sư nói rõ rằng giao trách nhiệm cho tôi đi yêu cầu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có hành động. Giáo sưchính thức gửi đến cho tôi ở Viện Nghiên Cứu Hoover Về Chiến Tranh Cách Mạng và Hoà Bình, Đại Học Stanford. Như vậy nó là cái cớ để tôi nhờ một đồng nghiệp mang tay sang DC cho ông Schultz, Bộ trưởng Ngoại Giao. 

Còn cái thư mà Giáo sư hiện có là do một thư ký gửi, vì họ lịch sự trả lời rằng Bộ này đã nhận được tài liệu mà thôi.

​Với tài liệu của Giáo sư, tôi không lạc quan vi lý do mà Bộ Ngoại giao sẽ không có hành động tích cực, vì vấn đề này có dính dáng với Quốc Hội mà Quốc Hội hiện bị đám tả chi phốinặng.Thêm vào đó, vụ Nixon trước đây còn tiếng vang. ….. 

Chừng 2 tuần sau,tôi nhận được gói tài liệu. Tôi cũng bóc thư và mở gói tài liệu, rồi mang cả lên lầu 13 của Tháp Hoover  vào văn phòng Phó Giám ĐốcHoover, Richard Buress (trước đây là Phụ Tá TT Nixon).Tôi nói rằng hồ sơ này là của GS Vũ Quốc Thúc, một ông Thày cũ dạy tôi tại trường Luật, Sài gon, nay ông là Giáo sư ở Paris.GS Thúc ưu tư vấn đề này, và đòi hỏi tôi phải nêu vấn đề ấy với Bộ trưởng Ngoại Giao George Schultz (Học gỉa danh dự của Hoover). Ông bàn với George xem có thể làm gì được không và tôi yêu cầu George hay Phụ tá viết thư trả lời GS Thúc dù thư này gửi cho tôi… Sau đó, Ông Buress mang thư và hồ sơ đi DC, gặp BT Ngoại Giao Schultz bàn về vấn đề này….. Gaston Sigur, Phụ Tá Bộ trưởng Ngoại Giao đặc trách Á Châu được mời đến và giao trách nhiệm nghiên cứu vấn đề. 

Cuối cùng, ông Sigur viết thư trả lời GS Thúc và có cc cho Ông Buress và tôi. GS Thúc có kể lại vấn đề này trong Hồi Ký.

b) Một dịp khác khi tôi đến Paris, tôi báo cho ông biết. Ông dặn tôi rằng dù Anh có  phải đi đâu, nên sắp xếp dành một buổi để gặp cụ Đỗ ( BS Trần Văn Đỗ). Cụ Đỗ mời anh ăn cơm và có chuyện muốn nói.

Đến ngày hẹn, ông bảo tôi đi tới trạm Métro ..(nếu tôi nhớ không lầm là Étoile). Tôi đi ra khỏi Metro, thì ông đã chờ sẵn, rồi dẫn tôi vào nhà Cụ Đỗ, ở Q. 16… Cụ cho rằng vấn đề Việt nam nay tuỳ thuộc vào Hoa Kỳ, chứ Âu Châu thì nên bỏ đi….. Cụ nói rằng Giáo sư (nghĩa là tôi) là người trẻ, có đủ yếu tố để đảm đương một số công việc…  và ở bên này  chúng tôi có chừng 4 hay 5 chục anh em sẽ “tiếp tay” với Giáo sư… Tôi  cảm ơn Cụ đã chỉ dạy, nhưng không gánh vác nổi… Đến đó GS Thúc đứng lên, nói rằng Cụ thấy anh có khả năng, lại ở vào vị trí thuận lợi và nhờ tôi mời anh đến đây, và anh nên nhận lời. Thấy GS Thúc đứng lên, tôi cũng đứng lên cho phải phép và thưa lại rằng: Thưa Cụ, GS Thúc trước đây là Thày dạy tôi tại trường Luật và thưa Giáo sư {Thúc], tôi hằng theo đuổi một nguyên tắc là Ông Thày bảo gì, thì học trò phải lắng nghe và cố gắng làm.Về vấn đề này, tôi xin thưa, tôi không làm nổi. Cụ giao cho tôi công tác cùng một số nhân lực đông đảo là một vinh dự lớn. Nhưng nếu để phô trương, thì tôi không dám….., vì không phải đạo.Trước đây, GS Thúc đã yêu cầu tôi làm một công tác khá quan trọng mà Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ bề ngoài có thẩm quyền. Trước khi làm,tôi có nói cho GS Thúc biết chỉ đạt được mục tiêu giới hạn mà thôi.

Và điều đó đã xảy ra như vậy.

5. Một người có giầu thiện chí

Tôi thực sự điều khiển và kiểm sóat hai kỳ thi của niên học 1973-1974 (1).

Việc cổ võ sự tôn trọng “Kỷ Luật” của GS Thúc  giúp tôi giải quyết khó khăn của trường . Một trong lý do là Giáo sư dạy năm I Ban Cử Nhân là các giáo sư hàng đầu của trường không chấm bài kịp vì số thí sinh đông quá.  Các vị ấy đã từng làm “Quan” như Tri Huyện, Tri Phủ thời Pháp, rồi về sau làm Bộ trưởng (thời Bảo Đại, rồi Ngô đình Diệm). Tôi không ở vị thế có thể thúc đẩy các vị ấy

Hàng đầu.Từ phải sang trái: GS Vũ Quốc Thúc, GS Nguyễn Cao Hách; Hài thứ 2: GS Nguyễn Huy Chiểu, GS Lưu Văn Bình, Chánh án Hà Như Vinh, GS NguyễVăn Canh, Hàng 3: góc cuối GS Vũ Quốc Thuỳ.…. 

Các Giáo sư tham dự Lễ  Phát Văn Bằng

Nhờ sự cổ võ và áp dụng Kỷ Luật của GS Thúc  và  cả GS Háchtrong hàng ngũ Giáo sư “hàng đầu” của Trường, tôi có thể giải quyết được khó khăn này. Như dự trù trong kế hoạch, vào tháng 10, kỳ thi II đã hoàn tất đúng hạn kỳ và sang  tháng 11,1974 trường tổ chức lễ phát văn bằng. Tân khoa lần lượt được xướng danh, tiến vào lễ đài, GS Vũ Quốc Thông, Khoa trưởng đích thân phát Bằng tốt nghiệp cho từng sinh viên, trong số hơn 1400 tân khoa ( khoá I:840; khoá II: hơn 600) sau 4 năm theo học, trước sự hiện diện của đa số Giáo sư.

Tôi nhắc lại rằng Sĩ số ghi danh năm 1970 là 10,000**. Đây là buổi lễ Phát Bằng long trọng đầu tiên từ khi trường được độc lập,khỏi tay người Pháp từ năm 1956. Và cũng là lần cuối cùng.

** Nhân dịp đề cập tới khó khăn này, tôi nói thêm rằng  Trường Luật Sài gòn  lúc đó rất “giầu” vè sĩ số , nhưng vô cùng “nghèo nàn” về phương tiện:

a.. Niên học 1973-1974 , số thí sinh ghi danh là 25,000 khoá I. Số hiện diện là: 15,000 cho cả 4 năm . Đa số lả sinh viên năm I. Việc chấm bài cho sinh viên năm Ilà khó khăn lớn. và các “ Anh Già” (như GS Hồ thới Sang gọi) là những người dậy, và chấm bài của các thí sinh này. Có thể là mỗi Giáo sư phải chấm tới 5,000 bài trong một vòng một thời gian ngắn. b). Niên học 1974-1975, số ghi danh là 58,000.

b. Chỉ có 36 giáo sư cơ hữu, dưới 20 nhân viên hành chính kể cả (1) lao công, (1) tuỳ phái, (1) tài xế; phòng ốc, lớp học ít ỏi và chật hẹp, ngân sách giới hạn.

VÀI TẤM HÌNH:

a). GS Thúc thăm Bắc California năm 1990.

Nhân dịp này, tôi dẫn GS Thúc thăm Đại học Berkeley và Giáo sư Scalapino,Giám đốc Viện Nghiên Cứu Đông Á đi xa chưa về.Trước khi sang,tôi dặn ông Douglas Pike, Giám đốc Indochina Archives mời GS Thúc đi ăn cơm ở tiệm Việt nam.Ông này đưa chúng tôi đến tiệm có tên là Le Cheval, ở Oakland. Anh Ngô ngọc Trung, CEO của Dự án Oral Life History có phỏng  vấn ông và tài  liệu được lưu trữ ở Indochina Archives, Viện Nghiên Cứu Đông Á. 

Tôi dẫn Giáo sư thăm anh chị em Luật gia, họp ở nhà LS Thống năm 1990.ở San Jose, Cali

Tại cửa nhà LS Nguyễn Hữu Thống

Từ trái sang phải: Hàng đầu: Đại sứ Nguyễn Quí Anh, LS Hoàng Cơ Long, GS Nguyễn Văn Canh, LS Đỗ Doãn Quế, LS Nguyễn Hữu Thớng, LS Nam Thị Hồng Vân, LS Trương Thị Hồng Trinh, ,?.

Hàng sau: LS Trần Thiện Hải, GS Vũ Quốc Thúc…?….

b). 2017, tôi nhờ một cựu Sinh Viên Đại Học Vạn Hạnh, anh Nguyễn đình Vương ở Paris mang tay đến nhà để biếu Giáo sư cuốn Hồ Sơ Hoàng Sa & Trường Sa và Chủ Quyền Dân Tộc (tái bản).

Hình của Nguyễđình Vương,2017 GS Vũ quốc Thúc cầm cuốn sách.

Năm 2018, tôi gửi biếu bản tiếng Anh qua Bưu điện, không được trả lời. Email của tôi gửi đi, bị trả về. Trước đó, Anh Vương vẫn đến theo dõi sức khoẻ của Giáo sư và báo cho tôi biết. Về sau anh này, từ cuối 2017 cũng bị bệnh khá nặng, tôi gọi không được và email cũng không trả lời. Có lần, anh Vương gọi sang cho tôi biết rằng anh vào nhà thương, Bác sĩ giữ lai 2 tuần lễ trong phòng riêng, làm nhiều tests, vì thế không đọc email

(1) Trong một phiên họp Hội Đồng Khoa vào đầu năm  1972 tôi bị gọi tên để giao phó trách nhiệm “chấn chỉnh” lại (theo tinh thần của GS Hồ Thới Sang nói với tôi sau vụ GS Hách nêu ra với tôi)  sinh hoạt  của trường luật vì vào lúc này trường luật đã có nhiều vấn đề lắm. Và tình thế đã nghiêm trọng (nhận xét của GS Nguyễn cao Hách trước đó và muốn tôi phải nhận trách nhiệm cải tổ trường Luật), Tôi từ chối viện dẫn một trong nhiều khó khăn là trước đó có một niên học và  kỳ thi khoá I được tổ chức vào tháng 6, và chỉ kết thúc vào tháng 1 năm sau, Nếu các giáo sư chấm và không  trả bài, thì làm sao văn phòng có điểm để cộng, rồi công bố kết quả đúng hẹn được. Niên học vừa qua (1970-1971), văn phòng học vụ cho tôi biết có 10,000 sinh viên ghi danh năm thứ I. Như thế, tôi không làm nổi. (Tôi ám chỉ rằng giáo sư dạy năm I là giáo sư hàng đầu của trường, phải chấm tới 5000 bài trong khoảng thời gian rất ngắn) 

​Khi tôi nói tới đây, Giáo sư Thúc giơ tay ngay và tuyên bố: “Anh GS Canh nói thế là đúng. Đây là vấn đề KỶ LUẬT phải được đặt ra. Vậy tôi đề nghị rằng anh Giáo Sư (Canh )  phác hoạ một kế hoạch chi tiết trong một bản thời khoá biểu rõ cho mọi người, Ngày giờ nào phải nộp bài v.v , mọi người phải tuân theo”. Rồi mọi người nói ồn ào,rồi biểu quyết, giao cho tôi trách nhiệm thi hành,..  

Tôi biết rằng hai Giáo sư Thúc và Hách rất tích cực việc áp dụng kỷ luật trong hàng ngũ Ban Giảng Huấn về vân đề này.

xxx

 Tôi thấy tính khiêm cung không những có ở Con Người Giáo sư Thúc theo các kinh nghiệm của tôi kể trên và cả ở Giáo sư Vũ Quốc Thông. Ở đây, tôi còn thêm lòng nhân ái, bao dung của Giáo sư Thông để tạo một hình ảnh đạo đức truyền thống trong gia đình của 2 Giáo sư. 

Hai thí dụ sau đây là bằng chứng:

1.Một buổi sáng, GS Thông mở cửa văn phòng ông sang phòng của tôi (hai văn phòng sát nhau, có cửa ăn thông sang phía bên kia). Ông cầm một tờ giấy, có một người đàn ông đi theo. Tôi đứng dậy.

GS Vũ quốc Thông

Ông giới thiệu [tên người khách] và nói ông nàythời trước làm việc với tôi ở Phủ Lý (thì phải), có lẽ lúc đó ông là Tri Phủ. Ông này có đứa cháu thi ở đây, đến xin giúp vì cháu đã rớt và có thư giới thiệu.Ông Khoa trưởng nói rằng: “GS Canh là Phụ tá Khoa trưởng, lo vụ thi cử ở đây. Mọi quyết định là do GS Canh “ và đưa thư khiếu nại cho tôi. Tôi nói với GS Thông rằng: “Vâng thưa ông Khoa trưởng, để tôi nhờ một Phụ Khảo lấy bài vở của thí sinh ra coi xem như thế nào. Ông Khoa trưởng yên tâm”. Ông Khoa trưởng về phòng. Như thường lệ, tôi đã chặn trước với ông khách rằng các giáo sư chấm bài là người quyết định.

Tôi coi thư và thấy có in tên Bộ, và bên dưới có đóng dấu màu đỏ với chức vụ khá lớn. Nội dung thư nói là có đứa cháu (con gái),……. gọi người gửi thư bằng cậu, và mẹ cháu hiện đang làm công chức tại Tổng Nha Ngân Khố, xin cho cháu  được đậu. Chiếu theo đơn, tôi nhờ một phụ khảo mang cho tôi Biên Bản và các bài mà các giám khảo đã cho điểm. Tôi kiểm soát lại từng bài, từng điểm,rồi loan báo rằng không có gì sai. Sinh viên này rớt….

Không ai có thể làm gì được trong tình trạng này……..

Có 2 điều tôi muốn nêu ra về cung cách hành xử của GS Thông

a). Với ông khách,ông này là một  cựu thuộc cấp- một “thừa phái” và ông đích thân dẫn sang phòng tôi giới thiệu  một  cách trang trọng.

b). Với tôi, một cựu môn sinh, và là một thuộc cấp, dù Hội Đồng Khoa mà ông đứng đầu trao quyền quyết định rộng rãi cho tôi, ông nói rõ với ông khách rằng “GS Canh là quyết định”, chứ không phải ông.

Về cách hành động, Ông có thể ra lệnh cho tôi báo cáo tìnhtrạng của sinh viên này, rồi ông quyết định. Ông đã không làm như vậy.  

Nhưng trong trường hợp này, tôi muốn thêm một chi tiết, dù đi ra ngoài chủ đề: Tôi nói với ông khách rằng tôi có một ưu tư về bức thư. Đó là người gủi thư này, nay giữ chức vụ lớn và tôi biết anh ta tốt nghiệp khoá 4 QGHC, thời  GS Vũ quốc Thông làm Viện trưởng. Ưu tư của tôi gồm 2 điểm: 1) Cựu sinh viên viết thư cho Thày yêu cầu cho đứa cháu được đỗ sau khi thi đã bị rớt. Hành vi như vậy được coi như thế nào? 2) Sẽ hỏi Thủ Tướng Khiêm về hành vi của viên chức cao cấp này. Khi nghe đến đây, ông khách xin bỏ qua và xin ra về….

2. Trường hợp một sinh viên có hành vi vô lễ trong Văn Phòng tôi. Kỳ thi Khoá I, đã xong. Bảng điểm (từng môn của mỗi thí sinh) được công bố  dán, trong các “tủ” có khoá với kính hay lưới mắt cáo che, để sinh viên có thể đọc, bất cứ lúc nào.

Có 4 sinh viên năm I, xin cô thư ký cho vào gặp tôi để khiếunại. Một trong 4 sinh viên này nói rằng tên và điếm của anh ta bị một người nào đó, dùng bút nguyên tử xoá hết, không còn đọc được.Tôi bảo cô thư ký mời một phụ khảo gặp tôi để mang biên bản của nhóm trong đó có tên anh này. Xem xong, tôi bảo cháu đậu rồi.Ngay sau đó, Cậu này có hành vi “rất vô lễ”.Tôi áp dụngbiện pháp mạnh, rồi tuyên bố “Con nhà mất dạy. Tôi sẽ đuổi khỏi trường Luật và báo cho Bộ Quốc Phòng biết để quân đội dạy dỗ trở thành người lương thiện,lễ phép”. Rồi tôi đuổi cả nhóm đi ra ngoài ngay… 

Chừng một tuần lễ sau, ông Khoa trưởng sang phòng tôi, cho biết “có phải anh quyết định đuổi sinh viên đó hả. Bố mẹ nó đến gặp tôi, xin tha cho nó, tội nghiệp nó”. Lúc này tôi mới kể sơ qua những gì xảy ra. Ông Khoa trưởng tiếp:”thôi anh tha cho nó, nếu nó phải đi quân đội, tội nghiệp cho nó.” Tôi thưa rằng Ông Khoa trưởng có ý định như vậy, tôi phải theo và xin rằng ông cho TổngThư Ký gọi Bố Mẹ và cả nó đến bảo phải dạy nó. Nếu không, sau này nó làm luật sư, thẩm phán, thì hoạ cho đất nước.

Cái cung cách xử thế như trên  của GS Thông, tôi thấy cũng giống như cách hành xử của GS Thúc: rộng lượng nhân ái, khiêm cung… Thật là một gia đình đáng kính.

3.Nhân tiện tôi đi ra ngoài chủ đề để nói thêm về trường luật:Giải quyết vấn đề tham nhũng, ngoài các biện pháp trên.

Các giáo sư trường luật rất nghiêm chỉnh qua 2 kỳ thi năm 1974 mà tôi kiểm soát. Cách thức tổ chức, cộng điểm, công bố mau lẹ, giữ bài đã chấm rất cẩn thận, không ai làm gì được. Tuyệt đối các giáo sư” lớn” không lui tới trường trong thời gian này, trừ vài vị như GS Nguyễn huy Chiểu, Trần văn Liêm đến cộng điểm giúp. Trước đó, có tai tiếng, nhưng việc đó xảy ra từ phía nhân viên hành chánh. Việc này nay đã bị ngăn chặn. Vấn đề xem điểm cũngđược giải quyết bằng cách công bố toàn thể các điểm của mỗi thí sinh. Nhân viên hành chánh không phải bỏ thì giờ chép điểm cho sinh viên nhất là họ chen nhau xin xem điểm từng môn và mất tiền chè nước.

Để giúp cho toàn thể nhân viên được phụ cấp thêm mỗi tháng vì lương bổng theo qui chế công chức thì rất hạn hẹp. Số nhân viên ít, họ phải làm việc nhiều hơn. GS Tráng và Tôi thường ở trường tới 10 giờ tối mới về. Khi xuống hành lang tầng trệt , thấy có khi họ còn thắp đèn làm việc. Tôi đề nghi GS Thông cho thu lệ phí thi cử. ngoài lệ phí ít ỏi để ghi danh, có từ thời Pháp thuộc. GS Thông chấp thuận và tôi đưa ra vấn đề ra Hội Đồng Khoa. Có vài vị chống và tôi kêu gọi các vị bất cứ lúc nào đến trường trước 10 giờđêm để coi.Tôi nhấn mạnh rằng có nhiều Giáo sư làm Luật sư hay cố vấn công ty hay ngân hàng. It nhất có 2 người làm Tổng Thư Ký hay chức vụ tương đương trong cơ quan chính quyền.Các Giáo sư chỉ phải dạy 2 cours toàn niên, tổng số giờ từ 120 tới 160 giờ và ngoài ra không lui tới trường…

Cuối cùng, mọi người thuận. Đây là tiền thuộc loại ngoại ngân sách.Ông Khoa trưởng có quyền xử dụng, nhất là trợ cấp hàng tháng cho toàn thể nhân viên hành chánh./.

                                     Ngày 16 tháng 12, 2021

GS NGUYỄN VĂN CANH

Bút ký: ‘VUI BUỒN GIÁNG SINH’

ĐIỆP MỸ LINH

Từ phòng khách, tiếng Piano rộn ràng trong nhạc khúc Jingle Bells của James
Lord Pierpont gợi lại trong hồn bà Mai mùa Noel đầu tiên trên đất Mỹ, sau khi gia
đình Bà vượt biển, đến Mã Lai.
Chiều gần Noel, năm 1977, Mai, sau khi tan sở, về nhà, cùng các con đi bộ đến
chợ Safeway, mua thức ăn.
Trong chợ, vừa theo Mẹ chọn hoa quả, thịt, cá, v.v… vừa nghe ca khúc Jingle
Bells chơi liên tục, các con của Mai đều ngạc nhiên và vui thích.
Trên đường về, Mai và các con, mỗi người ôm một bao giấy – thời điểm đó
chưa có bao nhựa – bên trong đựng thức ăn. Bất ngờ, một chiếc xe dừng lại. Cụ bà
người Mỹ, quay cửa kính xuống, hỏi:
-Mấy người đi về đâu?
Mai đáp:
-Về đường Walnut.
-Tôi cũng ở đường Walnut. Lên xe tôi đưa về. Trời lạnh thế này, để mấy đứa bé
đi bộ, không có áo lạnh, dễ bị bệnh!
Trong khi các con ngồi vào băng sau, Mai vừa bước vào, ngồi cạnh bà lái xe,
vừa đáp:
-Thưa bà, tôi tên Mai. Tôi biết trời lạnh, nhưng chúng tôi không có áo lạnh,
đành chịu thôi!
Vừa cho xe chạy từ từ, bà Kelly vừa nói:
-Hân hạnh được biết em. Tôi tên Kelly. Tại sao em không đi chợ sớm hơn cho
đỡ lạnh?
-Sau khi tan sở, tôi phải đạp xe đạp gần một tiếng đồng hồ mới về đến nhà.
-Em có chồng hay không?

-Có. Chồng tôi tên Hảo, phải dọn dẹp khu vực trailers của người già cho xong;
hơn nữa, đàn ông Á Đông, ít người biết chuyện nội trợ.
-Ở đây, trẻ con dưới 14 tuổi không được ở nhà mà không có người lớn, em biết
không?
-Rất tiếc, tôi không biết!
-Chốc nữa tôi sẽ đưa số điện thoại của tôi cho em; khi nào em cần, gọi tôi, tôi sẽ
đến trông chừng mấy đứa bé hộ em.
-Ô! Làm thế nào mà tôi có thể gặp được một phụ nữ tốt bụng như Bà! Bà Kelly!
Làm ơn cho con được gọi Bà là Mẹ!
-Em muốn gọi tôi bằng danh xưng nào cũng được.
-Cảm ơn Mẹ. Từ bây giờ vợ chồng con là con của Mẹ; các con của con là cháu
của Mẹ.
Bà Kelley cười tươi:
-Tốt! Tôi rất vui và sẽ cư xử với gia đình con đúng với danh xưng đó. Gia đình
con từ đâu tới?
-Việt Nam.
Tự dưng nụ cười biến mất trên khuôn mặt của bà Kelly! Một chốc sau, như
không nén được nỗi đau thương, bà Kelly lấy Kleenex thấm nước mắt. Mai ngạc
nhiên:
-Tại sao Mẹ khóc? Nếu con lỡ lời, con xin lỗi; vì tiếng Anh của con còn
“nghèo” lắm!
-Con không có lỗi gì cả.
-Thế thì tại sao Mẹ lại khóc khi con vừa nói lên hai tiếng Việt Nam?
-Brandon – con trai duy nhất của chúng tôi – đã tử trận tại chiến trường Việt
Nam, vào một chiều gần Giáng Sinh!
-Oh, no! No!
Mai ôm mặt, khóc! Bà Kelly vỗ vỗ vào vai Mai:
-Không phải lỗi của con.
-Con biết. Nhưng sự hiện diện của chúng con đã vô tình khơi lại nỗi đau không
bao giờ lành trong lòng Mẹ! Con rất tiếc!
Bà Kelly nói như đang mơ:
-Brandon tốt nghiệp từ United States Naval Academy với vị thứ rất cao, muốn
xin tòng sự tại đơn vị nào cũng được; thế mà con tôi lại tình nguyện tham chiến tại
Việt Nam!
Tên Brandon nghe quen quen, bây giờ bà Kelly lại cho biết Brandon xuất thân
từ United States Naval Academy khiến Mai tò mò:
-Brandon họ gì, thưa Mẹ?
-Smith.
Mai sửng sờ, rồi than nho nhỏ:
-No way! Brandon Smith là Cao Bồi Texas; đây là Chicago mà!

-Làm thế nào con biết Brandon Smith là Cao Bồi Texas?
-Hồi đó, Hảo có một vị cố vấn tên Brandon Smith. Brandon đẹp trai, hát và đàn
Guitar rất hay; vóc dáng hiên ngang không khác chi tài tử Ricky Nelson. Hảo và
con thường đùa, gọi Brandon là Cao Bồi Texas. Brandon xác nhận biệt danh Cao
Bồi Texas là do bạn hữu tặng cho Brandon từ khi Brandon còn học tại Memorial
High School, Houston.
-Con không phải là người Mỹ, cho nên, con không nhận ra giọng Texas của tôi.
Chúng tôi là dân Texas. Sau khi Brandon tử trận, chúng tôi dời lên Chicago để trốn
chạy dĩ vãng đầy đau thương!
Trong khi Mai hoang mang tột cùng, bà Kelly than:
-Chúa ơi! Tại sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ này?
-Con cũng không hiểu!
-Con có thể cho tôi đưa con và các cháu gặp chồng tôi rồi con nói về Brandon
Cao Bồi Texas cho chồng tôi nghe hay không?
-Con không dám xác quyết Brandon của Bố Mẹ có phải là Brandon Smith, ngày
trước là cố vấn cho chồng của con hay không.
-Không sao. Con cứ kể những gì con biết về Brandon Cao Bồi Texas cho chồng
tôi nghe; ông ấy sẽ kiểm chứng với Bộ Quốc Phòng.
Bà Kelly lái chầm chậm, dường như Bà đang bị phân tâm rất nhiều. Mai im
lặng, nhìn ra khoảng không gian rực rỡ ánh đèn, lòng bồi hồi với niềm thương cảm.
Xe chạy qua chiếc cầu nho nhỏ. Thấy ánh đèn phản chiếu trên dòng nước lặng lờ,
Mai thở dài, chạnh nhớ những dòng sông xưa!
Trên một trong những dòng sông nhuộm máu đó, vào một chiều gần Giáng
Sinh, năm 1970, đoàn chiến đỉnh – do Hảo chỉ huy – đang ủi bãi tại Xẻo Rô. Trong
khi đang viết bài tường thuật về trận đụng độ ngày hôm trước giữa Giang Đoàn 26
Xung Phong với Việt cộng, tại quận Kiên An, Mai nghe tiếng Guitar văng vẳng
trong không gian lắng đọng của muôn loài. Nghĩ rằng tiếng đàn đó cũng do một
trong các anh thủy thủ “từng tưng” cho đỡ buồn sau những lúc trực diện với cuộc
chiến “nồi da xáo thịt” do ông Hồ Chí Minh chủ xướng, Mai không để ý. Bỗng
dưng Mai nhận ra dòng nhạc lạ và rồi tiếng hát văng vẳng, từ mũi chiếc Command.
Chỉ một thoáng sau, tiếng hát lớn dần và Mai nghe:
“… I just want you for my own
More than you could ever know
Make my wish come true
All I want for Christmas is you…” (1)
Mai thầm nhủ: “Lại ‘anh chàng’ Cao Bồi Texas Brandon Smith”! Giữa khi Mai
xót xa theo niềm thương nhớ trong tiếng đàn dìu dặc và giọng hát nồng nàn của
Brandon, Hảo nhận được lời kêu cứu – qua máy truyền tin – của thiếu tá Phép,
quận Trưởng quận Gò Quao.

Đoàn chiến đỉnh cấp tốc khởi hành, hướng về Chương Thiện.
Trước khi đoàn chiến đỉnh từ sông lớn quẹo vào dòng sông nhỏ để đến giải vây
quận Gò Quao, Hảo ra lệnh cặp Foms và chiếc Combat tác xạ tối đa vào khúc cua
ngặc; thế mà, không biết từ đâu, một trái B-40, bắn trực xạ vào chiếc Command
trong khi Hảo và Brandon đang đứng gần mũi chiếc Command để chỉ huy! Hảo bị
thương nặng. Brandon và anh truyền tin bị tử thương!
Dòng hồi tưởng của bà Mai vừa đến đây, tiếng gõ cửa đưa Bà trở về hiện tại.
Mở cửa phòng, thấy Cindy – cháu Nội của Bà đi học xa, về nghỉ lễ Giáng Sinh với
hai cô bạn cùng phân khoa: Debbie và Laura – bà Mai cười, hỏi bằng tiếng Anh:
-Trang hoàng xong chưa, con?
-Xong rồi. Mời “Ba Noi” dùng cơm chiều.
Trong bữa cơm chiều đầm ấm, sau khi nói chuyện với Debbie và Laura, bà Mai
khuyên:
-Các cháu cố gắng nói tiếng Việt, nha!
Laura đáp bằng tiếng Anh:
-Ba Má cháu cũng dặn cháu như thế; nhưng trong trường không ai nói tiếng
Việt cả, nên cháu không biết nhiều.
-Các cháu cứ cố gắng nói tiếng Việt khi điều kiện cho phép.
Ba cô sinh viên “chụm” vào nhau, thầm thì rồi cười. Bà Mai đùa, bằng tiếng
Việt:
-Mấy người “nói hành” Bà, phải không?
Laura, Debbie và Cindy ngơ ngác nhìn mọi người. Mẹ của Cindy dịch câu nói
của bà Mai sang tiếng Anh. Laura cố gắng đáp bằng tiếng Việt “ba rọi”:
-Dạ khon. Con chi muốn bét, một … “đúa” nua đâu?
Bà Mai ngạc nhiên, hỏi bằng tiếng Anh:
-Một “đứa” nữa là đứa nào? Nói tiếng Anh đi, Laura!
Laura đáp:
-“Ong Noi” của Cindy!
Không ai dám cười! Lúc này Cindy mới cho Laura và Debbie biết ông Hảo vừa
qua đời cách nay vài năm! Ba cô sinh viên lại thì thầm. Cindy nói tiếng Anh:
-“Ba Noi”! Debbie nói “Ba Noi” trẻ và đẹp!
Bà Mai cười:
-Cảm ơn Debbie. Con biết Bà bao nhiêu tuổi không?
Debbie lắc đầu. Bà Mai nói số tuổi của Bà. Debbie và Laura tròn mắt, ngạc
nhiên. Laura “ậm ự” một chốc rồi nói chầm chậm bằng tiếng Việt:
-Ba…ăn… gian!

Mọi người giật mình. Debbie cố gắng nói tiếng Việt:
-Ba nhiêu nam, nhưng Bà khon … “cũ”! (Bà nhiều tuổi nhưng bà không già)
Tiếng Việt “ba rọi” của thế hệ di tản thứ ba làm mọi người cười vui bao nhiêu
thì bà Mai lại cảm thấy đau lòng bấy nhiêu!
Nhận ra nét không vui trên khuôn mặt người Mẹ đa cảm, con trai của bà Mai
chuyển đề tài:
-Măng! Sáng nay, vô tình xem youtube do nhà thơ Sa Chi Lệ thực hiện và diễn
ngâm thơ của thi sĩ Hoàng Vũ Bão, con thấy hay ghê đó, Măng.
-Ờ, bác Sa Chi Lệ thực hiện youtube đó rất công phu.
-Con nghĩ, Măng nên về Việt Nam, thăm lại những nơi Măng đã có nhiều kỷ
niệm như ông Hoàng Vũ Bão đã đề cập trong tập thơ của ông ấy.
-Thôi, con!
-Măng không buồn, tiếc gì cả à?
-Buồn thì có buồn; tiếc thì không!
-Sao lại không tiếc?
-Măng thà làm một “Thủy Thủ không số quân” để thấy được sự dã man, tàn ác
của chiến tranh; để thấy được sự chiến đấu can cường của người Lính Việt Nam
Cộng Hòa (VNCH); để thấy rõ sự vô nhân tính, sự tàn độc, xảo trá và kỹ thuật
đánh lén rất hèn hạ – như núp sau lưng trẻ em và đàn bà – của cộng sản Việt Nam
(csVN); để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của Quê Hương mình…
Bà Mai vừa nói đến đây, điện thoại cầm tay của Bà rung. Sau khi người gọi xin
lỗi, vì nhầm số, bà Mai chợt nhớ, hôm nay chưa đọc tin tức.
Sẵn điện thoại, bà Mai vào BBC news tiếng Việt, thấy bảng tin ngày 21-12-
2021: Giải thưởng Lenin cho TBT Trọng không phải chính thức của Liên bang
Nga.
Link: https://www.bbc.com/vietnamese/world-59741041
Theo bảng tin này, ngày 15/12/2021 TBT Nguyễn Phú Trọng được một quan
chức đảng cộng sản liên bang Nga (không cầm quyền) trao tặng giải thưởng Lenin
tại Hà Nội.
Đọc qua bảng tin, bà Mai chú ý đến đoạn: Các báo Việt Nam viết: “Việc đảng
cộng sản liên bang Nga trao tặng tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thưởng cao
quý này nhân dịp 150 năm kỷ niệm ngày sinh của Lênin thể hiện sự trân trọng và
ghi nhận đối với những đóng góp xuất sắc của tổng bí thư – nhà hoạt động chính
trị lỗi lạc, được đánh giá cao tại Nga và trên thế giới, trong việc phấn đấu vì công
bằng, nhân văn và tiến bộ xã hội; vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và
nghiên cứu làm phong phú lý luận và thực tiễn cho việc phát triển chủ nghĩa Mác –

Lênin, cũng như những nỗ lực không ngừng nhằm củng cố quan hệ hữu nghị Việt
Nam – Liên bang Nga.”
Truyền thông Việt Nam cũng nói: “Đây là giải thưởng cao quý nhất của đảng
cộng sản liên bang Nga và đảng cộng sản Liên Xô (cũ)”.
Bà Mai tò mò, muốn tìm hiểu xem có vị lãnh tụ nào của chính thể VNCH nhận
giải thưởng từ chính phủ Hoa Kỳ hay không mà Quân Lực VNCH lại bị csVN gán
cho ba chữ “lính đánh thuê”?
Trong khi tìm kiếm, bà Mai vô tình “gõ” tên Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Đọc qua bảng tin trên wikipedia, bà Mai lưu ý đoạn này: “… In his farewell
speech, Thiệu said, ‘I resign, but I do not desert,’ but he fled to Taiwan on a C-
118 transport plane five days later. According to Morley Safer, the CIA was
involved in the flight of Thiệu, his aides, and a ‘planeload of suitcases containing
heavy metal,’ though it was revealed in 2015 by Tuổi Trẻ, a Vietnamese news
source, that the ‘heavy metal’, which was 16 tons of gold, was left behind and
given to the Soviet Union from 1979 onwards.”
Đấy, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã không nhận giải thưởng nào của Hoa
Kỳ mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng không đem theo tài sản của Quốc Gia
VNCH khi Ông rời Việt Nam, 1975.
Cũng theo phân đoạn trích dẫn bên trên, sự tiết lộ, năm 2015, của báo Tuổi Trẻ,
cơ quan báo chí của Việt Nam, thì, 16 tấn vàng – tài sản của Quốc Gia VNCH để
lại – đã được tặng cho Nga Sô kể từ năm 1979.
Báo Tuổi Trẻ đã “tránh né” một cách khéo léo khi không nêu danh tánh của tổ
chức, đảng phái hoặc cá nhân nào đã tặng 16 tấn vàng cho Nga Sô.
Nhưng, ngược dòng lịch sử, bà Mai thấy: Năm 1979 là thời điểm toàn nước Việt
Nam đã bị csVN khống trị rồi. Thế thì csVN không tặng 16 tấn vàng cho Nga Sô
thì ai tặng?
Căn cứ vào tài liệu đã dẫn, bà Mai cay đắng nhận ra rằng: Chính đảng và người
csVN đã dâng tài sản Quốc Gia cho Nga Sô từ năm 1979, đúng vào giai đoạn toàn
dân Việt Nam sắp chết đói vì thời bao cấp; nếu không nhờ ngoại tệ của người Việt
di tản gửi về!
Gần nửa thế kỷ qua, lúc nào người csVN cũng “rêu rao” trên mọi phương tiện
truyền thông rằng Quân Lực VNCH là lính đánh thuê!
Thế thì, người csVN, kể cả “bộ đội ông Hồ” và ông Nguyễn Phú Trọng, từ năm
1979, dâng tài sản của Quốc Gia – 16 tấn vàng của VNCH để lại – cho Nga Sô;
ngày nay ông Nguyễn Phú Trọng nhận giải thưởng cao quý nhất của Nga Sô nhân
sinh nhật 150 năm của Lênin, thì người csVN, “bộ đội ông Hồ” và ông Nguyễn
Phú Trọng thuộc hạng người gì?
Câu trả lời xin dành cho những người Việt Nam yêu nước!

ĐIỆP MỸ LINH
https://www.diepmylinh.com/

1.- Của Mariah Carey, Walter Afanasieff.