Tại sao Johnson đưa Mỹ lún sâu vào Chiến tranh Việt Nam?

Nguồn: Mark K. Updegrove, “Lyndon Johnson’s Vietnam,” The New York Times, 24/02/2017.

Biên dịch: Dương Thị Thùy Trang | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Tại sao một vị tổng thống dù hiểu rõ những rủi ro nhưng vẫn lao vào một cuộc chiến không thể thắng?

Sáng ngày 27 tháng 5 năm 1964, chỉ hơn hai tháng trước khi Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ được Quốc hội thông qua, cho phép Nhà Trắng nắm quyền chỉ huy quân đội để làm những việc cần thiết ở Đông Nam Á, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã gọi hai cuộc điện thoại.

Cuộc đầu tiên, được nhật ký điện thoại ghi nhận lúc 10:55, là với thượng nghị sĩ Richard B. Russell thuộc Đảng Dân chủ của tiểu bang Georgia, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện. “Ông nghĩ sao về vấn đề Việt Nam?” Johnson hỏi thượng nghị sĩ, một người bạn và cũng là người cố vấn lâu năm. “Tôi muốn nghe ông nói chuyện một chút.”

“Thành thật mà nói, thưa Tổng thống,” Russell trả lời, “nếu ngài định nói với tôi rằng tôi được giao thẩm quyền xử lý việc này theo cách mà tôi thấy thích hợp, thì tôi xin kính cẩn mà khước từ. Nó là mớ hỗn độn kinh khủng nhất mà tôi từng thấy.”

Chưa đầy nửa tiếng sau, lúc 11:24, Johnson gọi cho McGeorge Bundy, cố vấn an ninh quốc gia của ông. “Tôi nói ông nghe, càng.. – tôi đã thức cả đêm qua để suy nghĩ về chuyện này – càng suy nghĩ về nó… tôi càng thấy nó giống như chúng ta đang đi vào một Triều Tiên khác,” ông nói với giọng tiên tri. “Tôi không nghĩ nó đáng để chúng ta chiến đấu và tôi không nghĩ chúng ta có thể rút lui. Nó đúng là mớ hỗn độn lớn nhất.”

Tổng thống nói tiếp, “Việt Nam đáng cái quái gì với tôi?… Nó đáng gì với đất nước này?… Tham chiến thì quá dễ, nhưng đã vào rồi thì vô cùng khó mà rút chân ra được.”

Hai cuộc gọi cách nhau chưa đến nửa tiếng đồng hồ này đã nói lên tất cả những gì cần nói về cuộc khủng khoảng sẽ sớm chôn vùi nhiệm kỳ tổng thống của Johnson. Câu hỏi là, vì sao một vị tổng thống dù hiểu hết những chuyện này – và có những người khác xung quanh để nhắc ông khỏi quên – nhưng vẫn đưa đất nước vào một cuộc chiến tàn khốc?

Công bằng mà nói, Johnson đã thừa hưởng một mớ hỗn độn. Sau khi Pháp rời khỏi Việt Nam năm 1954 và đất nước bị chia cắt, Dwight D. Eisenhower và sau đó là John F. Kennedy đã đưa hàng tỷ đô la viện trợ và cố vấn đến hỗ trợ chính quyền miền Nam Việt Nam của Ngô Đình Diệm. Chế độ yếu kém của Diệm cần tiền để đối đầu với cuộc nổi dậy của Việt Cộng, một lực lượng du kích được viện trợ bởi Hồ Chí Minh của miền Bắc, người nung nấu ý định thống nhất Việt Nam. Đó là một kết cục mà người Mỹ không thể chấp nhận. Theo cái gọi là thuyết domino, chiến thắng của cộng sản ở Việt Nam chắc chắn sẽ lan rộng khắp khu vực.

Vậy mà Việt Nam vẫn là một vấn đề tiếp tục mưng mủ. Với sự ủng hộ ngầm của chính quyền Kennedy, một cuộc đảo chính quân sự đã nổ ra vào ngày 1 tháng 11 năm 1963, dẫn đến vụ ám sát Diệm.

Đó là một động thái khiến Johnson có những mối nghi ngại sâu sắc. “Tôi không tin vụ ám sát là chính đáng,” sau này ông nói. “Họ là những người tàn nhẫn. Hồ Chí Minh cũng thế. Nhưng tôi muốn nói là trong khi chúng ta luôn khoác lác về các quyền tự do, thì chính phủ Mỹ lại tàn nhẫn dung thứ cho vụ ám sát bởi vì anh [chính quyền Kennedy] không chấp nhận một triết lý chính trị.” Dù vậy, sau vụ ám sát Kennedy, Johnson lại lập tức đâm đầu vào Việt Nam. “Trong những ngày đầu ấy,” ông nhớ lại, “Việt Nam đứng đầu trong chương trình nghị sự, trước cả khi các nguyên thủ nhà nước đến viếng đám tang [Kennedy] về tới nhà.”

Sự nhiệt tình ấy có thể được lý giải một phần bởi con người ông, và một phần bởi thời đại mà ông sống. Không như những người tiền nhiệm Đảng Dân chủ trong Chiến tranh Lạnh, Harry S. Truman và Kennedy, Johnson không thiên về nghiên cứu lịch sử mà thiên về bản tính con người. Ở đó ông chú ý và nắm bắt những điểm yếu và những sự nhu nhược của những người xung quanh mình trong hành lang quyền lực, giống như cách loài chó cảm nhận được sự sợ hãi, thường là khai thác chúng để giành lấy lợi ích chính trị.

Từ khi đến Washington vào năm 1934, Johnson đã rút ra bài học từ những sai lầm làm thay đổi thế giới của các nguyên thủ quốc gia, đặc biệt là những sai lầm mà ông tin là xuất phát từ sự yếu đuối. Trong nhiệm kỳ hạ nghị sĩ đầu tiên của Johnson, vào năm 1938, Thủ tướng Anh Neville Chamberlain đã nhượng bộ Hitler với niềm tin rằng mình đang đem lại “hòa bình cho thời đại của chúng ta” cho người dân, trong khi thực ra lại đang cho phép Đức chiếm đóng Tiệp Khắc và xâm lược Ba Lan mà không bị cản trở, để rồi Thế chiến II bùng nổ.

Khi chiến tranh tàn lụi, Franklin D. Roosevelt, bằng cách không rắn tay hơn với Stalin trong Hội nghị Yalta – nơi các nhà lãnh đạo phe Đồng Minh nhóm họp để thảo luận về số phận của thế giới hậu chiến – đã mở cánh cửa cho sự thống trị của Liên Xô tại Đông Âu và những nỗ lực của Liên Xô nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của họ trên toàn cầu.

Truman, người kế nhiệm Roosevelt, trong khi vẽ ra những đường ranh táo bạo trong Chiến tranh Lạnh thông qua một chính sách ngăn chặn nghiêm ngặt, đã đưa quân đội vào Triều Tiên mà không chuẩn bị đầy đủ cho những gì đang chờ trước mắt khi sự ủng hộ của người dân Mỹ suy giảm. Lần đầu tiên một cuộc chiến tranh của Mỹ kết thúc với một kết quả hòa. Đồng thời, Đảng Cộng hòa đã chỉ trích Truman một cách gay gắt khi các nhà cách mạng cộng sản do Mao dẫn đầu giành được Trung Quốc trong khi Hoa Kỳ nhắm mắt làm ngơ. Cuộc tranh luận “Ai đánh mất Trung Quốc?” quét qua Washington sau đó không hẳn là một câu hỏi mà là một bản cáo trạng của Đảng Cộng hòa đối với Truman và Đảng Dân chủ.

Trong suốt tám năm Eisenhower ở Nhà Trắng, trong khi Johnson là lãnh đạo phe thiểu số và sau này là lãnh đạo phe đa số của Thượng viện, nước Mỹ được xác định bởi vị thế địa chính trị của nó so với Liên Xô. Bất kỳ thắng lợi nào của Liên Xô – một quốc gia nào đó rơi vào tay chế độ cộng sản, một công dân Mỹ đi theo những tình cảm cộng sản – đều là bằng chứng cho thấy Hồng quân đang gõ cửa Hoa Kỳ, sinh ra thuyết domino ở nước ngoài và chủ nghĩa McCarthy ở trong nước. Nỗi sợ đúng là động lực tuyệt vời.

Năm 1957, khi Liên Xô cho cả thế giới thấy khả năng vượt trội của họ trong ngành khám phá vũ trụ với Sputnik, một vệ tinh không lớn hơn quả bóng chuyền bãi biển, Johnson là chất xúc tác để cải thiện những nỗ lực vũ trụ kém cỏi của Mỹ. Như ông hỏi một cách cường điệu: “Người Mỹ muốn gì, ngủ dưới ánh trăng cộng sản hay sao?”

Năm 1959, khi nhà độc tài quân sự được Mỹ chống lưng của Cuba, Fulgencio Batista, bị quân du kích của Fidel Castro lật đổ, đưa chủ nghĩa cộng sản đến bán cầu Tây, Johnson tin rằng chính quyền Eisenhower đã không hành động đủ để ngăn chặn cuộc nổi dậy. “Ike [tức Eisenhower – NHĐ] chỉ ngồi đó và để bọn họ cướp lấy nó bằng vũ lực,” ông nói sau này.

Kennedy cũng tham gia với vai trò ứng cử viên tổng thống vào năm 1960, khai thác nỗi sợ của người Mỹ về khoảng cách tên lửa hạt nhân với Liên Xô, không hẳn là một thực tế mà là một chiến thuật tranh cử đủ hiệu quả để đưa ông vào Nhà Trắng với khoảng cách phiếu ít ỏi nhất. Diễn văn nhậm chức của Kennedy – “Chúng ta sẽ trả bất kỳ giá nào, chịu đựng bất kỳ gánh nặng nào, đối đầu bất kỳ khó khăn nào, ủng hộ bất cứ bạn bè nào, chống lại bất kỳ kẻ thù nào, để đảm bảo sự sống còn và thành công của tự do” – là lời cổ vũ cho Chiến tranh Lạnh. Nhưng ông đã sớm vấp ngã với việc ủng hộ một cuộc tấn công quân sự vụng về nhằm vào Cuba ở Vịnh Con Lợn. Lấy nỗi ô nhục của Kennedy làm động lực, một năm rưỡi sau Liên Xô đã đưa Mỹ tới bờ vực chiến tranh hạt nhân khi tàu Mỹ chặn tàu Liên Xô đưa đầu đạn hạt nhân vào Cuba.

Johnson đã thấy trong ba thập niên ở Washington rằng sự yếu đuối không bao giờ được đền đáp. Khi ông nói về Việt Nam, “Chúng ta sẽ không có bất cứ người nào mang ô nữa,” một lời ám chỉ Chamberlain bất hạnh, thông điệp của ông rất rõ ràng: Mỹ sẽ chiến đấu với Hồ Chí Minh và Việt Cộng theo cách mà Chamberlain đã không chiến đấu với Hitler và chế độ Quốc xã. Đối với vị tổng thống thứ 36, Việt Nam đã bắt đầu không còn là một cuộc xung đột mà ông quyết tâm giành chiến thắng nữa mà là một cuộc chiến mà ông không thể để thất bại.

Lyndon Johnson không phải là vị tổng thống đầu tiên để thua một cuộc chiến – càng không phải là với cộng sản. Nhưng những gì bắt đầu như một phản xạ để hỗ trợ chính sách của Kennedy trong khu vực, được Quốc hội, nội các, và quốc gia ủng hộ áp đảo, theo thời gian lại trở thành cuộc khủng hoảng trung tâm của nhiệm kỳ tổng thống Johnson.

Cuối cùng, bất chấp sự lo ngại mà ông thể hiện trước đó vào mùa xuân năm 1964, Việt Nam quả thật đã có ý nghĩa gì đó với Johnson. Điều đó trở nên rõ ràng với việc quân đội Mỹ leo thang can thiệp vào cuộc chiến, bắt đầu từ năm 1965. Nếu Johnson đã đánh cược hầu hết nhiệm kỳ tổng thống của mình vào chương trình Great Society – dân quyền, trợ cấp liên bang cho giáo dục, Medicare, Medicaid, cải cách nhập cư – thì ông đã chồng tất cả những đồng tiền cược đó lên nhau một cách tai hại đằng sau cuộc chiến ở Việt Nam. Và, đúng như ông đã tiên đoán, ông nhận ra mình gần như không thể “rút chân” được nữa một khi đã lún quá sâu.

Mark K. Updegrove, giám đốc Thư viện và Bảo tàng Lyndon Baines Johnson ở Austin, Texas, là tác giả cuốn Indomitable Will: LBJ in the Presidency.

Hàng rào điện tử McNamara

Nguồn: Sharon Weinberger, “Five Decades Ago in Vietnam, a Different Great, Great Wall,” The New York Times, 25/04/2017.

Khi trở về từ Nam Việt Nam năm 1961, Tướng Maxwell Taylor đề xuất một kế hoạch có vẻ đơn giản để ngăn chặn cuộc nổi dậy của Cộng sản: một hàng rào không thể xuyên thủng sẽ cắt đứt nguồn cung nhân lực và khí tài từ miền Bắc.

Khi đó Taylor cũng khuyên Tổng thống John F. Kennedy gửi thêm quân đội chính quy tới Việt Nam, một lời kiến nghị còn ám ảnh nước Mỹ trong nhiều thập niên sau này. Taylor lý luận rằng hàng rào sẽ làm suy yếu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (Việt Cộng), giúp các lực lượng Hoa Kỳ và Nam Việt Nam đánh bại Cộng sản

Ai cũng biết câu chuyện Mỹ can dự quân sự vào Việt Nam và thất bại. Nhưng câu chuyện gốc rễ về nỗ lực thất bại của Mỹ trong việc xây dựng một bức tường trên đất nước Việt Nam gần như đã rơi vào quên lãng. Hàng rào Việt Nam bắt đầu từ một Taylor với nhận thức sai lầm, người mà theo phóng viên Thomas E. Ricks có lẽ là “vị tướng phá hoại nhất trong lịch sử nước Mỹ.” Taylor đã chỉ dẫn cho chuyên gia chống nổi dậy nổi tiếng Edward Lansdale “đưa mọi thiên tài Mỹ vào làm việc để có một đường dây điện hay cái gì đó giăng ngang ranh giới [Bắc Nam], và sau đó dọc xuống phía Lào và Campuchia.”

Lansdale không mấy hứng thú với rào chắn này, bởi vậy ông chuyển nhiệm vụ cho Cơ quan quản lý các dự án nghiên cứu cao cấp (ARPA), một đơn vị ít được biết đến thuộc Lầu Năm Góc, gồm các nhà khoa học và kỹ sư, được thành lập năm 1958 để giúp Hoa Kỳ chiến thắng cuộc chạy đua không gian với Liên Xô. ARPA (sau này thêm từ “Quốc phòng” vào tên gọi và được biết với cái tên Darpa) đã nghiêm túc tập hợp một số người giỏi nhất để nghiên cứu vấn đề. Họ kết luận rằng nếu thực sự muốn ngăn những người quyết tâm vượt biên thì cần phải tàn nhẫn.

Các báo cáo bí mật của ARPA thời gian đó mô tả những chi tiết mà “các thiên tài Mỹ” cho là cần làm để rào kín một quãng đường dài 2.000 dặm (3.200 km) – tương đương với chiều dài biên giới Mỹ-Mexico, mặc dù trong trường hợp Việt Nam, nó bị chia cắt thành năm khu vực riêng biệt. Bên cạnh việc triển khai một hạm đội gồm máy bay cánh cố định và tàu tuần tra, dự án “niêm phong biên giới” đề xuất sử dụng thuốc diệt cỏ để phá trụi một đoạn đường cốt yếu dài 180 dặm (290 km) thuộc Đường mòn Hồ Chí Minh, một tuyến đường mà Bắc Việt sử dụng để tiếp tế cho Việt Cộng; đặt mìn dọc vĩ tuyến 17, ranh giới giữa miền Bắc và miền Nam; và dùng hóa chất có màu để theo dõi tàu thuyền trên các tuyến đường thủy.

Dự án này cũng kêu gọi phát triển các công nghệ “mới.” Đính kèm với bản đề xuất năm 1964 của ARPA là một danh sách yêu cầu được viết tay, bao gồm hai triệu quả mìn được ngụy trang giống như đá, 20.000 quả bom bi chứa chất làm rụng lá và một lượng không xác định “chất thu hút côn trùng.” Có lẽ đáng lo ngại nhất là yêu cầu cấp 25.000 “vũ khí hóa học” không xác định rõ tên gọi.

Các chuyên gia tại Lầu Năm Góc đã do dự trước bản đề xuất của ARPA. Khi xem xét kế hoạch này, Seymour Deitchman, một trợ lý đặc biệt về chống nổi dậy, nhận xét rằng để rào chắn hoạt động được, chi phí cho số máy bay cánh cố định và trực thăng cần có là vô cùng lớn. Bất kỳ loại rào chắn nào, dù là hàng rào vật lý hay hàng rào điện, đều đòi hỏi phải bảo dưỡng liên tục và đắt đỏ. “Các thiết bị giám sát biên giới không cần người điều khiển cũng cần chi phí đáng kể để bảo trì và thay thế những chi tiết hỏng hóc, bên cạnh một hệ thống chỉ huy và kiểm soát khổng lồ để nhận diện các điểm xâm nhập,” Deitchman viết.

Đề xuất làm rào chắn của ARPA bị Lầu Năm Góc bác bỏ bởi chi phí quá đắt đỏ và đòi hỏi một cam kết quân sự của Mỹ ở Việt Nam mà Nhà Trắng chưa sẵn sàng đưa ra. Nhưng giống như nhiều ý tưởng tệ hại, bản đề xuất này lại được tái sử dụng chỉ vài năm sau đó khi cuộc chiến vũ trang ở Việt Nam leo thang. Một cựu quan chức ARPA viết rằng bức rào chắn đã sống lại nhờ sự “tuyệt vọng” của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara. Lần này, nhiệm vụ được giao cho một nhóm có tên Jasons được ARPA tài trợ, gồm các nhà khoa học mà các tài liệu Lầu Năm Góc mô tả là “nhóm tinh túy nhất của cộng đồng học thuật trong các lĩnh vực kỹ thuật.”

Thay vì xây dựng một bức tường hay rào chắn thực sự, nhóm Jasons tư vấn xây dựng một cái gì đó giống như một bức tường ảo làm từ cảm biến âm thanh và địa chấn, kết nối với một trung tâm máy tính chỉ huy và kiểm soát có thể ra lệnh cho máy bay quân sự tấn công. Cảm biến sẽ xác định có người hoặc xe đi qua lằn ranh vô hình này; các thuật toán sẽ tính toán vị trí; sau đó các tọa độ này sẽ được chuyển đến cho phi công để ném bom vào địa điểm ước định.

Đến năm 1967, Không quân Hoa Kỳ đã thả nhiều chuỗi cảm biến âm thanh dọc Đường mòn Hồ Chí Minh. Chúng giúp phát hiện các đoàn người đi qua và chuyển dữ liệu đến một cặp máy tính IBM lớn ở Thái Lan, cặp máy tính này sẽ điều khiển máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu tới tọa độ dự tính. Thay vì ném bom mục tiêu mà họ nhìn thấy, lần đầu tiên phi công thực hiện tấn công dựa trên mục tiêu nhận từ máy tính, mở ra thời kỳ “chiến tranh nhấn nút”.

Dự án có tên mã là Igloo White và được triển khai chủ yếu một cách bí mật này đã gặp phải vô số vấn đề kỹ thuật, như tuổi thọ pin cảm biến ngắn. Khi thông tin về dự án bắt đầu lọt ra ngoài, McNamara buộc phải đưa ra một tuyên bố công khai, mặc dù cung cấp rất ít chi tiết về hàng rào. “Tôi không có ý định dâng cho kẻ thù lợi thế biết được chúng ta sẽ sử dụng công cụ nào, ở đâu hay số lượng bao nhiêu,” McNamara nói tại một cuộc họp báo vào tháng 9 năm 1967.

Không quân Hoa Kỳ tuyên bố thành công vang dội, dẫn ra những con số lớn về các đoàn người bị trúng bom, tuy nhiên việc xác minh những con số đó là rất khó khăn, bởi trong thời đại chiến tranh số mới, chỉ Lầu Năm Góc mới có sự tiếp cận đầy đủ đối với chiến trường. Những người ủng hộ công nghệ nền tảng chỉ trích Không quân vì sử dụng công nghệ cảm biến để theo đuổi chiến dịch ném bom chiến lược thất bại vào Bắc Việt, làm trệch hướng nguồn lực khỏi kế hoạch rào chắn.

Chính sách bình định nông thôn của Mỹ tại Nam Việt Nam

Nguồn: Robert J. Thompson, “Pacification, Through the Barrel of a Gun”, The New York Times, 10/03/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

11.000 lính thiệt mạng nhưng không có thành tựu lớn nào, khi nhìn lại, 1967 thật ra là một năm chẳng mấy tốt đẹp cho người Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Nhưng vào lúc ấy, người ta vẫn còn rất lạc quan. Các chiến dịch tấn công của Mỹ trong suốt năm 1966 đã ngăn chặn bước tiến của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam (mà phía Mỹ gọi là Việt Cộng). Những bước tiến đó, kết hợp với những nỗ lực “bình định” thường dân, dường như là con đường dẫn đến chiến thắng – nếu không phải vào năm 1967, thì cũng là ngay sau đó.

Nỗ lực bình định của Mỹ bao gồm một loạt các chiến lược khác nhau để loại bỏ ảnh hưởng của Cộng sản khỏi nông thôn Nam Việt Nam. Và trên một phuong diện nào đó, đây chính là trung tâm thực sự trong những nỗ lực của Mỹ ở nơi này: Dù cái mà chúng ta nhớ nhất về cuộc chiến này là các trận đánh, nhưng những trận đánh ấy thường là để mở đường cho các đội bình định thực hiện công việc của họ.

“Chiến tranh đơn vị lớn” (big unit war) của Tướng William C. Westmoreland cũng tập trung đáng kể vào bình định. “Tìm và diệt” (search and destroy) – phương pháp mà các đơn vị Quân đội Hoa Kỳ sử dụng để giao chiến với kẻ địch – được xem như một hình thức bình định. Thật vậy, bình định đòi hỏi phải cải thiện an ninh – một nhiệm vụ mà tìm và diệt có thể làm được.

Một báo cáo từ các cố vấn của Quân đội và Cơ quan Phát triển Quốc tế (Agency for International Development) đóng tại tỉnh Phú Yên, dọc bờ biển Việt Nam, vào năm 1966, cho biết: “Sức mạnh quân sự được tăng cường và khu vực hoạt động được mở rộng đang tạo điều kiện cho phép mở rộng [các chương trình kiểu này] vào những khu vực trước đây không được coi là đủ an toàn để đạt được tiến bộ thỏa đáng.” Và chí ít là trên giấy tờ, các chiến dịch quân sự ở Phú Yên – với mật danh như Van Buren, Fillmore  John Paul Jones – đã tạo ra một khu vực có an ninh tốt hơn rõ rệt so với tình hình ở Sài Gòn trước khi người Mỹ cho triển khai lực lượng tác chiến.

Trong một cuộc họp năm 1966 giữa các quan chức Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tại Honolulu, bình định tiếp tục nhận được nhiều chú ý hơn, và đã giúp cải thiện việc hợp tác giữa các cố vấn dân sự và quân sự. Sau khi cân nhắc trong khoảng giữa tháng hai và tháng ba, Mỹ cuối cùng đã công bố thành lập một tổ chức tư vấn quân sự-dân sự mới: Hoạt động Dân sự và Hỗ trợ Phát triển Cách mạng (Civil Operations and Revolutionary Development Support, thường được gọi tắt là Cords).

Dù các nhóm cố vấn trước đây cũng đã giúp miền Nam Việt Nam cải thiện quản trị và kiểm soát vùng nông thôn, phải đến khi có Cords thì các nhân viên dân sự và quân sự với được tập hợp lại với nhau trong một tổ chức. Đến năm 1967, Cords đã xây dựng và điều hành các đội cố vấn ở mỗi tỉnh của Việt Nam Cộng hòa. Được giao nhiệm vụ giúp đỡ các đối tác miền Nam cải thiện khả năng quản trị của tỉnh, sự xuất hiện của các nhóm cố vấn đã gây ấn tượng sai lầm rằng cuộc chiến giờ đây đã bước vào giai đoạn hòa bình hơn, ít tàn phá hơn.

Năm 1965, Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng đã có những bước tiến đáng kể ở Phú Yên, cô lập thành công thủ phủ của tỉnh là thành phố Tuy Hòa và kiểm soát phần lớn vụ thu hoạch lúa quan trọng. Tuy nhiên, hoạt động của các đơn vị Mỹ, Hàn Quốc và Việt Nam Cộng hòa trong năm 1966 đã đẩy Cộng sản lùi sâu vào vùng nội địa miền núi.

Trong khi lùng lục tìm kiếm quân Bắc Việt và Việt Cộng, người Mỹ cũng nhận ra vai trò mấu chốt của việc kiểm soát vụ thu hoạch lúa đối với khả năng kiểm soát toàn tỉnh của chính quyền Sài Gòn. Qua các hoạt động quân sự thông thường, Mỹ tiếp tục chương trình bình định vào năm 1966 bằng cách giữ các cánh đồng lúa khỏi tay Cộng sản.

Các hoạt động bảo vệ thu hoạch lúa đã được tiếp tục vào năm 1967 qua Chiến dịch Adams, diễn ra từ tháng 10/1966 đến tháng 04/1967. Các đơn vị từ Sư đoàn 4 Bộ binh Hoa Kỳ đã tìm cách đánh bẫy và tiêu diệt lực lượng Cộng sản khi những người này cố gắng thoát khỏi thung lũng Tuy Hòa màu mỡ. Điều đó tạo điều kiện cho chính phủ Nam Việt Nam khẳng định quyền kiểm soát sản xuất lúa gạo – và do đó củng cố lòng trung thành của nông dân khu vực – đồng thời có thêm lợi ích là không để những người lính được huấn luyện tốt nhất của địch có gạo ăn.

Chiến dịch Adams đã thành công, chí ít là ở giai đoạn đầu. Nhiều đơn vị Cộng sản rút lui về các khu vực căn cứ ở vùng sâu vùng xa của Phú Yên. Nhưng ngay cả khi như thế thì cũng không có nghĩa là phe Cộng sản đã bỏ rơi thung lũng Tuy Hòa. Ngày 09/03/1967, một lực lượng Cộng sản khá lớn đã đánh bại một trung đội Mỹ. Đáp lại, một tuần sau, người Mỹ phát động một cuộc tấn công bằng trực thăng vào khu vực bị nghi ngờ là căn cứ Cộng sản, và đánh lại họ ba ngày sau đó. Trong con mắt của Sư đoàn 4 Bộ binh, hai trận đánh này đã giúp bảo vệ thung lũng Tuy Hòa. Thật vậy, “khu vực này là một trong những nơi bị kẻ thù tàn phá tồi tệ nhất và bây giờ nó là khu an toàn nhất,” bản báo cáo tóm tắt Chiến dịch Adams đã viết như vậy. Tuy nhiên, những tiến bộ kiểu này chỉ tồn tại chừng nào chiến dịch quân sự còn tiếp tục.

Ngày 17/09/1967, các thành viên Lữ đoàn Không vận 173 đã bắt đầu một nỗ lực khác, Chiến dịch Bolling, để bảo vệ vụ thu hoạch lúa mùa thu. Giống như Adams, Bolling tập trung vào việc bảo vệ an toàn cho vụ thu hoạch lúa và ngăn chặn Trung đoàn 95 của Bắc Việt tiến vào thung lũng Tuy Hòa. Chiến dịch lần này sử dụng ít quân hơn, nhưng vẫn tập trung vào việc bảo vệ nông dân trong suốt vụ thu hoạch, cũng như sử dụng phương pháp tìm và diệt. Tuy nhiên, khác với bất kỳ nỗ lực nào trước đây ở Phú Yên, Bolling đã cho thấy giới hạn của chiến tranh thông thường chính là việc bình định.

Trong khi các tiểu đoàn của Lữ đoàn Không vận 173 càn quét thung lũng Tuy Hòa, lực lượng Cộng sản chỉ đơn giản tìm cách tránh đối đầu. Thay vào đó, họ âm thầm chiếm các ấp, và tiến hành một chiến dịch tuyên truyền hiệu quả trong đó nói rằng đối thủ của Sài Gòn (tức lực lượng Cộng sản) đã “sống sót” sau nhiều nỗ lực của người Mỹ nhằm loại bỏ họ khỏi Phú Yên. Các hầm trú ẩn, đường hầm cũng như kho thực phẩm và vũ khí được tìm thấy bởi Sư đoàn Thiết giáp 16 trong thung lũng Tuy Hòa là minh chứng rõ ràng rằng chiến tranh còn lâu mới đi tới hồi kết.

Tuy nhiên, sự thành công rõ ràng của các lực lượng tác chiến thông thường khi giao chiến với Cộng sản khiến người ta tin rằng bình định đang phát huy hiệu quả. Sang mùa thu, quân Mỹ tiến vào thung lũng Kỳ Lộ xa xôi và giao chiến với Trung đoàn 95 của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhưng mỗi bước tiến lại như thể dẫn tới một bước lùi: Ngày 27/12, các đơn vị quân đội Mỹ và quân chính quy Bắc Việt đã có một trận đánh dữ dội ở cách thành phố Tuy Hòa vỏn vẹn 35 dặm, ngay thung lũng Kỳ Lộ. Lính Bắc Việt cuối cùng đã rút lui – nhưng sau đó nhanh chóng quay trở lại để xây dựng lại lực lượng ngay khi người Mỹ rời đi.

Bình định dựa trên chiến tranh thông thường làm cho cuộc chiến ở Việt Nam trông có vẻ đơn giản và dễ chiến thắng. Thông qua tìm và diệt, các đơn vị quân đội đã đảm bảo việc thu hoạch lúa ở thung lũng Tuy Hòa và từ đó tiến tới mục tiêu bình định – ngay cả khi nó làm lu mờ những phần cứng rắn, phi quân sự trong chiến lược.

Nó cũng làm lu mờ một điều khác. Chiến tranh thông thường khiến Phú Yên có vẻ an toàn hơn so với năm 1965. Nhìn lại, các dấu hiệu hoạt động của Bắc Việt tiếp tục chứng minh rằng họ chưa hề bị đánh bại – đồng thời cũng tiết lộ kế hoạch của Cộng sản nhằm lật đổ quyền kiểm soát của Sài Gòn đối với Phú Yên. Thật vậy, Tổng Tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 sẽ làm đảo ngược phần lớn thành quả từ chính sách bình định của các lực lượng Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, bao gồm cả tỉnh Phú Yên.

Robert J. Thompson là Tiến sĩ Lịch sử Hoa Kỳ tại Đại học Nam Mississippi.

Về Chương trình Phụng Hoàng của Mỹ tại Nam Việt Nam

Nguồn: Edward Miller, “Behind the Phoenix Program”, The New York Times, 29/12/2017.

Biên dịch: Phan Nguyên

Vào cuối tháng 12/1967, Chính phủ Nam Việt Nam tuyên bố tái tổ chức nỗ lực chiến tranh của mình nhằm chống lại phong trào nổi dậy của lực lượng cộng sản. Có hiệu lực ngay lập tức, tất cả các hoạt động chống nổi dậy của Nam Việt Nam đều trở thành một phần của một chương trình mới được gọi là Phụng Hoàng, tên của một loài chim linh thiêng gắn liền với hoàng gia và quyền lực trong truyền thống văn hóa Việt Nam và Trung Quốc. Đáp lại động thái của Nam Việt Nam, các quan chức Hoa Kỳ ở Việt Nam bắt đầu gọi các nỗ lực phối hợp chống nổi dậy của họ với tên gọi Phoenix, tên gọi gần gũi nhất trong văn hóa phương Tây với loài vật huyền thoại này.

Chương trình Phụng Hoàng sẽ trở thành một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhất trong cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Được bảo trợ bởi Cục Tình báo Trung ương (CIA), Chương trình Phụng Hoàng sử dụng các lực lượng bán quân sự nhằm tấn công các đặc vụ cộng sản nằm vùng tại các thôn làng khắp Nam Việt Nam. Các nhân chứng cáo buộc rằng các thành viên của chương trình cùng các cố vấn Hoa Kỳ của họ thường xuyên tiến hành tra tấn, sát hại và ám sát, những cáo buộc mà các quan chức Mỹ đã bác bỏ.

Cho tới ngày nay, cuộc tranh luận về Chương trình Phụng Hoàng vẫn tập trung chủ yếu vào vai trò của CIA và các cá nhân người Mỹ trong chương trình này. Nhưng đại bộ phận nhân sự của Chương trình Phụng Hoàng, như binh sĩ, thẩm vấn viên và nhà phân tích, đều là người Việt Nam. Tìm hiểu vai trò của các nhân sự Việt Nam trong chương trình Phụng Hoàng mang lại những góc nhìn khác biệt về nguồn gốc và tầm quan trọng của chương trình này.

Trong tất cả những người Việt Nam đóng góp cho Chương trình Phụng Hoàng, có lẽ nhân vật nhiều ảnh hưởng nhất là một sĩ quan quân đội Nam Việt Nam tên là Trần Ngọc Châu. Lúc còn trẻ, ông Châu đã đi theo phong trào độc lập Việt Minh và nhà lãnh đạo cuốn hút của phong trào này là Hồ Chí Minh. Ông từ chối gia nhập Đảng Cộng sản của ông Hồ và trở nên khó chịu với việc Việt Minh ngày càng nhấn mạnh đấu tranh giai cấp. Năm 1950, ông đào ngũ sang phía chính phủ chống cộng do Pháp hậu thuẫn.

Ông Châu cuối cùng đã thu hút được sự chú ý của Tổng thống Ngô Đình Diệm, người giao cho ông làm về chiến lược và chiến thuật chống nổi dậy. Năm 1962, ông Diệm bổ nhiệm ông Châu làm tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre ngày nay – ND), một tỉnh lớn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Châu dành phần lớn trong khoảng thời gian 3 năm ở Kiến Hòa để thử nghiệm các phương pháp chống nổi dậy khác nhau.

Ông Châu nhanh chóng nhận thấy chính phủ đối mặt với một số vấn đề liên quan tới nhau ở Kiến Hòa. Tỉnh này được coi là “chiếc nôi của cách mạng” bởi vì các cán bộ Cộng sản đã tổ chức một trong những cuộc nổi dậy địa phương đầu tiên chống lại Diệm tại một trong những huyện của tỉnh này vào năm 1960. Hơn nữa, ông Châu sau này hồi tưởng lại rằng hệ thống tình báo của chính phủ “như một trò đùa” bởi vì nó phụ thuộc vào những người cung cấp tin đã làm cho nhà nước trong nhiều năm và thường được cung cấp tin giả bởi kẻ thù. Do đó, các lực lượng chính phủ tại Kiến Hòa thường không biết những người nổi dậy là ai và họ đang hoạt động tại đâu. Thay vì tiến hành các chiến dịch có mục tiêu chọn lọc dựa trên các thông tin tình báo chính xác, các chỉ huy thường sử dụng các chiến dịch hỏa lực mạnh làm chết hoặc bị thương người dân địa phương. Dân làng càng trở nên tức giận hơn bởi các quan chức và sĩ quan cảnh sát địa phương, nhiều người trong số đó rất bất tài, tham nhũng, hoặc cả hai.

Để khắc phục những vấn đề này, ông Châu đã thiết kế nên chương trình Điều tra dân số kết hợp khảo sát ý kiến về các bất bình của người dân (Census – Grievance – sau đây gọi là Chương trình điều tra – khảo sát). Thông qua sáng kiến này, các nhóm cán bộ được phái xuống các thôn làng do chính phủ kiểm soát. Sau khi tiến hành điều tra dân số, các thành viên bắt đầu tiến hành hàng ngày các cuộc phỏng vấn bắt buộc đối với từng người lớn. Các câu hỏi có vẻ như vô thưởng vô phạt, ví dụ như ông bà có nhận thấy điều gì bất thường gần đây không, hay chính phủ có thể làm gì để giúp đỡ ông bà và gia đình. Các câu hỏi này một phần là nhằm tạo điều kiện cho người dân nêu lên những bất bình về các quan chức địa phương tham nhũng, những người mà ông Châu sau đó có thể kỷ luật hoặc cách chức. Nhưng mục tiêu cuối cùng là nhằm thu thập thêm các thông tin chính xác hơn về kẻ thù.

Sáng tạo thứ hai của ông Châu là việc tạo ra cái mà ông gọi là các Đội chống Khủng bố, tiền thân của Chương trình Phụng Hoàng. Được thành lập với sự hỗ trợ từ CIA, các đội nhóm này bao gồm các nhóm nhỏ nhân viên được huấn luyện để tiến hành các chiến dịch bí mật trong các vùng lãnh thổ do kẻ thù kiểm soát. Khi ông Châu nhận được tin tức tình báo về nhân dạng và vị trí của các đặc vụ kẻ thù, ông liền cử Đội chống Khủng bố tới giết hoặc bắt sống họ. Theo cách này, ông Châu và các đối tác CIA hi vọng có thể làm tiêu hao và tiêu diệt những gì mà sau này họ gọi là cấu trúc Việt cộng, tức mạng lưới các cán bộ và đặc vụ cộng sản nằm vùng trong dân cư nông thôn.

Ông Châu nhận thức rất rõ rằng các phương pháp của mình rất dễ bị lạm dụng. Một chủ doanh nghiệp bất lương trong làng có thể lợi dụng chương trình Điều tra – khảo sát để thuyết phục chính phủ rằng đối thủ địa phương của mình là một người cộng sản. Và các thành viên của Đội chống Khủng bố nếu không được huấn luyện và giám sát kỹ lưỡng có thể cảm thấy và hành động như thể họ được phép tiến hành giết người. Nhằm chống lại những vấn đề như vậy, ông Châu đã bổ nhiệm các thanh tra viên để điều tra các báo cáo về các sai phạm của cán bộ, quan chức. Ông cũng tuyên bố rằng việc sử dụng các lực lượng sát thủ sẽ chỉ là phương thức cuối cùng, chỉ được áp dụng sau khi các nỗ lực nhằm thuyết phục các đặc vụ của kẻ thù đào ngũ sang phe Chính phủ thất bại.

Mặc dù ông Châu nói tiếng Anh với giọng nặng nhưng ông có thể trình bày các ý tưởng của mình về chống nổi dậy theo một phương thức đơn giản và dễ hiểu, khiến cho ông trở nên nổi tiếng với các cố vấn Hoa Kỳ. Daniel Ellsberg, nhà phân tích của Công ty RAND mà sau này trở thành một nhà hoạt động phản chiến, đã gặp ông Châu khoảng giữa những năm 1960 và coi ông là chuyên gia Việt Nam hàng đầu về quy trình bình định hóa. Ông Châu cũng tương tác và làm việc với John Paul Vann, William Colby, Edward Lansdale và những nhân vật tiêu biểu khác trong đội ngũ chống nổi dậy của Hoa Kỳ. Những người Mỹ này đặc biệt thích việc ông Châu khẳng định rằng có thể tiến hành chống nổi dậy theo một phương thức nhân văn, có đạo đức, và làm giảm các thiệt hại không mong muốn đối với sinh mạng và tài sản của thường dân.

Nhờ một phần vào sự hỗ trợ của các bạn bè Hoa Kỳ, ông Châu đã được bổ nhiệm vào cuối năm 1965 làm lãnh đạo một chương trình huấn luyện chống nổi dậy mới dành cho cán bộ Nam Việt Nam. Sự đề bạt của ông là một phần trong nỗ lực của CIA nhằm thiết kế một chiến lược chống nổi dậy trên cả nước dành cho Nam Việt Nam, những nỗ lực mà cuối cùng dẫn tới sự hình thành Chương trình Phụng Hoàng. Trong quá trình thiết kế Chương trình Phụng Hoàng, các quan chức CIA đã đưa vào các ý tưởng của chương trình Điều tra – Khảo sát nhằm thu thập thông tin tình báo từ dân làng. Ảnh hưởng của ông Châu cũng rất rõ ràng trong bộ phận sau này trở thành phần gây tranh cãi nhất của Chương trình Phụng Hoàng, đó là các biệt đội chống khủng bố tinh nhuệ được gọi là các Đơn vị Thám sát Tỉnh (PRU). Được tuyển mộ và huấn luyện bởi CIA, các đơn vị này tiến hành hàng chục nghìn vụ “bắt và giết” các đặc vụ của kẻ thù từ năm 1968 tới năm 1972.

Tuy nhiên, có phần bất ngờ khi ông Châu không thực sự tham gia vào việc thiết kế hay thực hiện Chương trình Phụng Hoàng. Với tư cách là người đứng đầu của chương trình đào tạo cán bộ quốc gia Nam Việt Nam, ông sớm trở nên thất vọng với tình trạng đấu đá chính trị bất tận giữa các lãnh đạo cấp cao. Năm 1967, ông Châu rời bỏ vị trí chính thức của mình và giành được một ghế dân biểu trong Quốc hội Nam Việt Nam.

Sau đợt Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, ông Châu bắt đầu kêu gọi một giải pháp thương lượng dành cho cuộc chiến. Điều này khiến ông trở thành kẻ thù của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, người cho bắt giam, xét xử và tống giam ông về tội phản quốc. Ông sống phần thời gian còn lại của cuộc chiến trong tù hoặc trong tình trạng quản thúc tại gia. Sau chiến thắng của miền Bắc năm 1975, ông bị tống giam một lần nữa, lần này là trong một trại cải tạo của cộng sản. Ông được cho ra tù năm 1978 và di cư sang Mỹ cùng với gia đình.

Trong những thập niên sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông Châu và những người Mỹ ủng hộ ông đã than phiền rằng việc ông bị hạ bệ vừa là một sự phản bội vừa là một cơ hội bị bỏ lỡ. Theo quan điểm của họ, ông Châu đã thiết kế nên một công thức chống nổi dậy có hiệu quả: Bằng cách lôi kéo người dân địa phương ở Kiến Hòa tham dự thông qua các chương trình Điều tra – khảo sát, ông đã giành được trái tim và lý trí của họ trong khi vẫn có thể tiếp tục thu thập được các thông tin tình báo mà các Đội chống Khủng bố sử dụng để truy tìm các mạng lưới bí mật của kẻ thù. Tuy nhiên, ông Châu cũng tin rằng lãnh đạo cấp cao của CIA đã không thể hiểu được những thành tố cốt lõi trong cách tiếp cận của ông.

Mặc dù Chương trình Phụng Hoàng vay mượn một số khía cạnh của mô hình Kiến Hòa, ông kết luận rằng nó quá nhấn mạnh sử dụng vũ lực và không coi trọng việc huy động người dân. Kết quả là ông Châu và các bạn bè người Mỹ của ông coi Chương trình Phụng Hoàng như là một sự “suy đồi hóa” các ý tưởng ban đầu của ông Châu. Ông Châu đã trình bày cách diễn giải này trong các cuộc phỏng vấn, trong cuốn hồi ký bằng tiếng Anh xuất bản năm 2012 của ông, và trong bộ phim tài liệu gần đây The Vietnam War của Ken Burns và Lynn Novick.

Nhưng ông Châu đã thực sự đạt được những thành tựu gì ở Kiến Hòa? Những người ủng hộ ông thường dẫn các số liệu chính thức để chứng minh cho thành công của ông: Trong năm đầu tiên ông làm tỉnh trưởng, ước tính số dân thường sống trong vùng chính phủ kiểm soát của tỉnh đã tăng từ 80.000 lên 220.000 trong tổng dân số khoảng hơn nửa triệu người. Tuy nhiên, chính ông Châu cũng thường nói rằng những thành tựu đó ít có ý nghĩa nếu người dân địa phương không ủng hộ chính phủ và các tuyên bố của chính phủ về đảm bảo chủ quyền quốc gia – một nhiệm vụ tỏ ra quá khó khăn tại Nam Việt Nam trong thời kỳ giữa những năm 1960. Tính chất ngắn ngủi trong các thành quả của ông Châu đã bộc lộ rõ sau khi ông rời tỉnh Kiến Hòa: lực lượng cộng sản nhanh chóng giành lại phần lớn lãnh thổ và dân cư và họ đã mất.

Thành quả cụ thể nhất của ông Châu tại Kiến Hòa đó là chương trình Điều tra – khảo sát dân cư. Như một sử gia của CIA sau này ghi nhận, chương trình tỏ ra là một công cụ hiệu quả nhằm tạo ra các thông tin tình báo khả dụng về các lực lượng và đặc vụ của kẻ thù. Nhưng hiệu quả của nó bắt nguồn chủ yếu không phải từ việc giành được sự ủng hộ của công chúng là từ việc giám sát họ.

Thực sự, chương trình không chỉ thu thập thông tin tình báo về “cấu trúc Việt Cộng”, nó còn tổng hợp các thông tin chi tiết về mọi cư dân tại từng thôn ấp nơi chương trình được triển khai. Những thông tin này bao gồm dữ liệu về quan hệ họ hàng, các mối liên hệ chính trị, tôn giáo, và cả tình trạng sở hữu tài sản. Như ông Châu thừa nhận, các thông tin này thường được sử dụng để gây áp lực lên các gia đình và toàn bộ cộng đồng buộc họ tuân theo các chỉ thị của chính phủ. Về khía cạnh này, chương trình ít tích cực và mang nhiều tính cưỡng bức hơn so với những người thúc đẩy nó thừa nhận.

Việc sử dụng các đội chống khủng bố ở Kiến Hòa cũng đôi lần không thể tuân theo các nguyên tắc tốt đẹp mà ông Châu đã đề ra. Bằng cách nhắm vào những cán bộ cộng sản cụ thể để “vô hiệu hóa” họ, chương trình đã làm gia tăng sức ép quân sự và tâm lý lên kẻ thù. Các chỉ huy cộng sản phản ứng lại bằng cách treo thưởng đặc biệt cho bất cứ người nào trong đơn vị của họ có thể tiêu diệt được một thành viên của đội chống khủng bố. Cuộc đấu tranh giữa hai bên nhanh chóng trở thành cuộc nội chiến ở cấp độ cộng đồng mà trong đó lời hứa của ông Châu rằng sẽ chỉ sử dụng vũ lực như là phương tiện cuối cùng thường bị phá vỡ. Khi một tuyên truyền viên cộng sản phân phối các tờ bướm ca ngợi một người bắn tỉa du kích tiêu diệt được một cố vấn quân sự Mỹ ở Kiến Hòa, ông Châu đã ra lệnh cho Đội chống Khủng bố thâm nhập vào thôn do kẻ thù kiểm soát nơi người lính bắn tỉa đang sống. Các thành viên của nhóm đã giết chết người lính bắn tỉa bằng cách tung lựu đạn vào nhà của anh ta trong lúc anh ta đang ngủ.

Những người chỉ trích hoạt động chống nổi dậy ở Việt Nam nhiều khả năng sẽ coi câu chuyện tiêu diệt tay súng bắn tỉa trên như là bằng chứng cho thấy các hoạt động của ông Châu ở Kiến Hòa đơn thuần chỉ là một chương trình ám sát. Ông Châu và những người bảo vệ ông có thể phản bác rằng những hành động giết chóc như vậy là cần thiết và được biện minh bởi việc những người cộng sản sử dụng biện pháp ám sát có chọn lọc, và rằng việc thi thoảng triển khai những chiến thuật như vậy nên được nhìn nhận trong bối cảnh những nỗ lực rộng lớn hơn của ông nhằm giành được trái tim và khối óc của người dân. Nhưng cả hai lập luận này làm giảm ý nghĩa của những thành tố cốt lõi trong chiến tranh chống nổi dậy được tiến hành tại Việt Nam.

Ông Châu không đề xuất đánh bại cộng sản ở Kiến Hòa chỉ bằng cách ám sát họ. Ông tạo ra các đội Điều tra – khảo sát như là một phương tiện để thu hút sự ủng hộ của người dân trong cuộc chiến chống lại kẻ thù. Tuy nhiên, quy trình mà ông đề xuất nhằm giành được sự hợp tác của người dân không dựa vào việc giành được sự đồng thuận hay sự tự nguyện tham gia của họ. Các đội Điều tra – khảo sát đã mang lại cho chính phủ một phương thức áp đặt một hệ thống giám sát và kiểm soát lên toàn bộ các cộng đồng dân cư và thu thập các thông tin tình báo từ mỗi người dân. Trong khi ông Châu hy vọng rằng người dân sẽ cung cấp những thông tin tình báo này một cách tự nguyện, mục tiêu bao trùm của ông là thu được thông tin cần thiết để phát hiện và phá hủy các mạng lưới bí mật của kẻ thù. Hơn nữa, dù việc theo đuổi mục tiêu này bao gồm các nỗ lực nhằm bắt giữ những đặc vụ của kẻ thù hoặc thuyết phục họ đầu hàng, nó cũng bao gồm rất nhiều vũ lực, bao gồm một số vụ ám sát. Trong tất cả những khía cạnh này, mô hình mà ông Châu thiết kế nên tại Kiến Hòa có nhiều điểm tương đồng với Chương trình Phụng Hoàng sau này.

Sự nghiệp của Trần Ngọc Châu chỉ ra một sự thật lớn hơn về hoạt động chống nổi dậy ở Việt Nam về về lịch sử của chiến tranh chống nổi dậy nói chung. Giống như các đối tác người Mỹ của mình, ông Châu đã thúc đẩy cái mà bây giờ được gọi là phương thức chống nổi dậy lấy dân cư làm trung tâm, một cách tiếp cận nhấn mạnh việc bảo vệ và kiểm soát dân cư dân sự. Những người ủng hộ cách tiếp cận này thường mô tả nó như là một phương thức chiến tranh nhân bản, hoàn toàn phù hợp với pháp luật về chiến tranh, và với các lý tưởng tự do của người Mỹ.

Cách tiếp cận của ông Châu rõ ràng ít mang tính hủy diệt hơn so với những chiến thuật mà các chỉ huy Hoa Kỳ và Nam Việt Nam ưa thích, đó là chiến đấu với kẻ thù bằng đạn pháo và các cuộc không kích. Nhưng các phương pháp của ông cũng không hoàn toàn không đổ máu và chiến thắng mà ông muốn đạt được không dựa vào việc giành được trái tim và khối óc của người dân. Thay vào đó, cách tiếp cận của ông dựa rất nhiều vào việc thao túng, cưỡng ép, đe dọa và ám sát. Người Mỹ cần ghi nhớ những điều này khi nghĩ về các cuộc chiến tranh chống nổi dậy mà Mỹ tiếp tục tiến hành ngày nay.

Edward Miller là phó giáo sư lịch sử tại Dartmouth College và là tác giả cuốn “Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam”.

………………………………………………………………………..

Đọc thêm về Chương trình Phụng Hoàng qua bài viết của Toàn Như (Phía VNCH)

Chương trình này được sự tham gia của nhiều cơ quan quân sự và dân sự của VNCH mà trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia, nhằm vô hiệu hóa các tổ chức hạ tầng cơ sở của Việt Cộng. Chương trình này khởi thủy được phía Mỹ thực hiện từ năm 1967 dưới tên Phoenix Program, và sau đó chính phủ VNCH tiếp nối dưới tên Chương Trình Phượng Hoàng từ tháng 7, 1968, sau khi đã đẩy lui được cuộc tổng tấn công của Cộng Sản trong Tết Mậu Thân.

Trong chiến tranh VN một mạng lưới bí mật và phức tạp của Việt Cộng đã từ lâu tồn tại ở Việt Nam để cố chứng tỏ uy quyền của nó đối với dân chúng qua sự khủng bố và đe dọa. Mạng lưới này được gọi là hạ tầng cơ sở Việt Cộng (HTCSVC) nhằm để cung cấp những sự kiểm soát và chỉ đạo chính trị cũng như quân sự của chúng tại các xã ấp.

Hạ tầng cơ sở Việt Cộng đã cung cấp nơi ẩn náu cho các cán binh xâm nhập đến từ các mật khu ở biên giới, nó cũng cung cấp những sự hướng dẫn cùng những tin tức tình báo cho các tân binh Bắc Việt vào Nam lần đầu tiên; đồng thời nó cũng còn thu thuế, khủng bố và tuyển mộ các thanh niên cho các lực lượng võ trang của nó. Trong năm 1969, quân khủng bố (VC) đã giết hại hơn 6,000 người, trong số đó có 1.200 người đã được chúng lựa chọn để ám sát. Ngoài ra còn có khoảng 15,000 người đã bị chúng gây thương tích. Trong số những người bị giết có khoảng 90 xã trưởng và các viên chức xã, 240 người là trưởng ấp và các viên chức ấp, 229 người là dân tị nạn (từ địa phương khác tới) và 4,350 thường dân.

Trong khoảng thời gian từ cuối năm 1963, sau vụ đảo chánh Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, đến khoảng giữa năm 1965 với sự xuất hiện của các tướng lãnh, mọi cố gắng ngăn chặn chiến tranh của Miền Nam Việt Nam dường như đã bị chậm lại bởi sự bất ổn chính trị. Trong khoảng 19 tháng đó, những chương trình bình định xem ra cũng không hoạt động và sự an ninh tại nông thôn lại càng trở nên tồi tệ hơn bởi các HTCSVC đã biết lợi dụng sự bất ổn tại Sài Gòn. Cho đến năm 1965, tình hình đã trở nên nghiêm trọng đến nỗi các giới chức Mỹ và Việt Nam đã kết luận rằng, mọi cố gắng cho đến lúc đó – bao gồm các chương trình bình định, các cuộc hành quân tiễu trừ phiến Cộng và công cuộc cải tổ Quân Lực VNCH – chưa đủ để làm thất bại các hoạt động của cộng sản.

Tháng 3, 1966, Tổng Thống Lyndon B. Johnson chỉ định ông Robert W. Komer làm phụ tá đặc biệt tại Washington để hướng đẫn, phối hợp và giám sát các chương trình không quân sự (mà ông gọi là một “cuộc chiến tranh khác”).

Ðiều này đã chứng tỏ sự ưu tiên hàng đầu TT Johnson nhắm vào là sự bình định. Sau vài chuyến viếng thăm Việt Nam, Komer đã báo cáo rằng công cuộc bình định đang gặp bế tắc và đã đề nghị lên TT Johnson một số biện pháp để giải quyết. Theo Komer, cách tốt nhất làm suy yếu Việt Cộng là củng cố việc trợ giúp của Mỹ dưới một người quản lý duy nhất có quyền hạn rộng rãi.

Ngày 29 tháng 6, 1967, cơ quan tình báo MACV (tức Bộ Chỉ Huy Quân Sự Mỹ tại Việt Nam) đã tóm tắt một bản nghiên cứu về chiến lược của địch. Bản nghiên cứu đã dựa trên sự phân tích những bản phúc trình các nguồn tin, các báo cáo thẩm vấn và các tài liệu bắt được từ các hồ sơ lưu trữ của Mỹ và QLVNCH. Nó cho thấy HTCSVC là một mối đe dọa cho việc chiến thắng tại Việt Nam. Cũng trong năm đó, cơ quan tình báo CIA đã đề nghị tất cả các cơ quan tình báo Mỹ phải chú tâm vào việc thu thập các tin tức về HTCSVC ở các tỉnh, quận và Sài Gòn. Phượng Hoàng (Phoenix) (theo người Tây phương, là tên một loại chim trong huyền thoại Ai Cập đã chết đi rồi sống lại từ đống xác tro của nó) đã trở thành một ám danh cho một chương trình nhằm vô hiệu hóa những hoạt động của địch.

Các giới chức tình báo Mỹ đã định nghĩa Phượng Hoàng như một nỗ lực nhằm hệ thống hóa việc phối hợp và khai thác các hoạt động tình báo. Thí dụ như trước khi có kế hoạch Phượng Hoàng, một quận có thể có tới 11 mạng lưới tình báo về phía đồng minh hoạt động riêng rẽ. Một số nhà quan sát đã cho rằng quận hạt đã có số người đưa tin và mật báo viên cho phía đồng minh được trả lương nhiều hơn là số lượng HTCSVC chính qui đã xâm nhập phải theo dõi.

Nhờ có chiến dịch Phượng Hoàng, tính đến tháng 6 năm 1970, đã có 91% trên tổng số 10,944 ấp được coi là an ninh hay tương đối an ninh, và 7.2% đang còn tranh chấp, và chỉ có 1,4% được coi như là do Việt Cộng kiểm soát.

Những con số đó đã chứng tỏ một sự suy giảm ảnh hưởng của HTCSVC.

Không ai biết được đã có bao nhiêu Việt Cộng đã điều hành “cái được gọi” là chính quyền trong bóng tối (tức là chính quyền do Việt Cộng thiết lập trong những vùng nông thôn ở Miền Nam Việt Nam; thường được hiểu là Chính quyền về Ðêm), nhưng vào tháng 12, 1967, khi chương trình Phượng Hoàng được tung ra, người ta ước lượng rằng có khoảng 80,000 cán bộ trong đội ngũ HTCSVC. Ngay trong năm đầu tiên, mặc dù những cuộc tấn công của Cộng Sản trong tháng 2 và tháng 5, 1968 (Tết Mậu Thân) Phượng Hoàng đã loại bỏ gần 16,000 người khỏi những vị trí cơ sở của chúng.

Phượng Hoàng đã phối hợp sử dụng các nguồn tin từ các ủy ban tình báo hỗn hợp của chính quyền các cấp cho tới cấp quận. Các cố vấn Mỹ, kể cả CIA, đã tham dự trong nỗ lực gạn lọc các nguồn tin từ các mật báo viên, các người cho tin, các tù binh và nhiều nguồn khác. Việc triển khai được thực hiện bởi các đơn vị quân sự hay bán quân sự thi hành các nhiệm vụ bí mật với các toán đơn vị nhỏ xâm nhập vào các vùng do Việt Cộng kiểm soát, thường thường vào ban đêm.

Lúc ban đầu, Phượng Hoàng đã khuấy động sự nhiệt tình trong các người Mỹ hơn là người Việt Nam. Một sĩ quan chiến trường Mỹ đã nói trong năm 1968 là: “Chúng tôi đã trải qua hàng tháng để đưa ra những kế hoạch, những cố vấn, thiết lập các hồ sơ, các sự an toàn cho các tỉnh và quận – để rồi các bạn đặt tên cho nó – Ðây là một chương trình của người Mỹ chứ không phải là một nỗ lực của chính phủ Việt Nam.” Thế nhưng điều này đã nhanh chóng chuyển đổi.

Trong một tỉnh gần Sài Gòn, dựa vào tin tức tình báo trong khoảng 2 tháng đã đưa đến việc bắt giữ hay ám sát 6 thành viên trong ủy ban HTCSVC cấp tỉnh, 3 thủ lãnh HTCSVC cấp quận, 9 viên chức HTCSVC cấp quận khác và 31 cán binh xã ấp. Các cán bộ đã được huấn luyện, đặc biệt là ở cấp tỉnh, muốn thay thế họ cũng không phải là chuyện dễ.

Tổng Thống Johnson đã ủy nhiệm cho Tướng Westmoreland, tư lệnh MACV, kiểm soát cả hai lãnh vực dân sự và quân sự về bình định, và đồng thời chỉ định Komer làm phó cho Westmoreland đặc trách về bình định. Komer đứng đầu một cơ quan mới thành lập (từ tháng 5, 1967) được đặt tên là Civil Operations and Revolutionary Development Support gọi tắt là CORDS (cơ quan này chúng ta vẫn gọi là Cơ Quan Dân Sự Vụ Hoa Kỳ) để thống nhất các nỗ lực về quân sự và dân sự trên mọi cấp.

Cộng Sản ở Việt Nam đã có nhiều năm kinh nghiệm trong những hoạt động bí mật. Ðể đối phó với loại hoạt động này, chính phủ VNCH sau vụ tấn công Tết Mậu Thân 1968, cũng đã triển khai một chương trình gọi là Phượng Hoàng (cũng là tên một loài chim trong cổ tích Việt Nam có sức mạnh huyền diệu). Bộ Lục Quân Mỹ đã đệ trình một bản phúc trình lên Thượng Nghị Sĩ William J. Fulbright, chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, nói rằng:

“Phượng Hoàng là một kế hoạch của chính phủ Việt Nam nhằm mục đích tập trung và phối hợp mọi nỗ lực của các cơ quan quân sự và dân sự nhằm vô hiệu hóa các HTCSVC… Phượng Hoàng là một chính sách nhằm bảo vệ dân chúng khỏi sự khủng bố… Nền tảng của chương trình là một cố gắng phối hợp đầy đủ các hoạt động về tình báo của tất cả các cơ quan của chính phủ Việt Nam và của Mỹ nhắm vào các HTCSVC với mục đích muốn vô hiệu hóa những ảnh hưởng và sự kiểm soát của nó (HTCSVC) trên dân chúng.”

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu công bố chương trình này vào ngày 1 tháng 7, 1968, ngay sau cuộc tổng tấn công của Việt Cộng vừa chấm dứt. Tuy nhiên ông không nói cho biết rằng Phượng Hoàng chính là sự mở rộng chương trình Phượng Hoàng của Mỹ.

Chính phủ Việt Nam đã qui định những mức độ khác nhau về sự tham gia các hoạt động chính trị của Việt Cộng. Có 3 mức độ tham gia với những hình phạt khác nhau đã được ấn định. Loại A là các đảng viên, các viên chức địa phương hay cán bộ mặt trận quan trọng, sẽ nhận bản án là 2 năm. Loại B là các cán bộ quan trọng ở một trong các ủy ban nòng cốt như thu thuế hay tổ trưởng du kích, sẽ nhận bản án tối thiểu là một năm và tối đa là 2 năm. Loại C hay các cảm tình viên cộng sản nói chung, các cán bộ giao liên hay phụ tá hậu cần, hoặc là thành viên trong một tổ chức bán quân sự, sẽ nhận một bản án không quá một năm. Hầu hết những người loại C thường nhanh chóng được thả.

Chỉ tiêu do cơ quan CORDS đưa ra thường chỉ áp dụng cho loại A và B, chứ không áp dụng cho loại C. Các cố vấn Mỹ ước lượng có khoảng 20% các nghi can bị kết án trong năm 1969 và chỉ một tỷ lệ nhỏ trong số đó nhận bản án tối đa là 2 năm. Hầu hết họ chỉ bị án từ 3 đến 6 tháng.

Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã công khai hóa sự cần thiết của chương trình này nhằm bảo vệ dân chúng khỏi sự khủng bố, và kêu gọi dân chúng trợ giúp bằng cách cung cấp những thông tin cần thiết. Chương trình Phượng Hoàng Mỹ (Phoenix Program) được đặt dưới sự điều hành của cơ quan CORDS thuộc MACV. Người kế nhiệm Komer chỉ huy CORDS là Ðại sứ William E. Colby kể từ ngày 6 tháng 11, 1968.

Ông Colby từng làm trưởng phòng CIA ở Sài Gòn. Sự hiểu biết của ông đối với công việc của cơ quan CORDS thật là tuyệt vời. Trong Thế Chiến II, ông là thành viên OSS đã từng nhảy dù xuống ngay sau phòng tuyến để phối hợp hoạt động với các kháng chiến quân và hướng dẫn các cuộc hành quân phá hoại ở Na-Uy và Pháp đang do Ðức chiếm đóng. Ông Colby sau đó đảm nhiệm chức vụ giám đốc CIA (tại Washington, D.C.).

Toàn bộ chương trình Phượng Hoàng nhắm vào công việc bình định. Công việc này bao gồm cả chương trình Chiêu Hồi của VNCH đã bắt đầu từ năm 1962. Ðây là một chương trình có tính cách ân xá nhằm làm suy giảm lực lượng võ trang của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Trong năm 1969, đã có 47,000 cán binh Việt Cộng tự nguyện qui thuận chính phủ, họ đã được chăm sóc y tế, giúp đỡ về kinh tế và huấn nghệ trước khi được thả trở về đời sống dân sự hoặc được phép gia nhập vào quân đội VNCH. Năm 1970, con số đó là 32,000 người.

Chiến dịch Phượng Hoàng không phải là một chương trình ám sát mà là một chương trình tình báo… được thực hiện theo luật thời chiến. Sự hướng dẫn có đoạn nói: “Chương trình Phượng Hoàng (Mỹ) là một sự cố vấn, yểm trợ và giúp đỡ cho chương trình Phượng Hoàng của chính phủ Việt Nam nhằm làm giảm bớt ảnh hưởng và hiệu quả của các HTCSVC ở Miền Nam Việt Nam… Các cuộc hành quân chống HTCSVC bao gồm công việc thu thập tin tức tình báo để xác định lý lịch các thành viên kể cả những người đã bỏ hàng ngũ Việt Cộng trở về với chính phủ, bắt họ hoặc câu lưu họ để đưa họ ra trước một Ủy Ban An Ninh tỉnh để kết án theo luật định, và biện pháp cuối cùng, là sử dụng lực lượng quân sự và cảnh sát, nếu không còn cách nào khác, để ngăn ngừa họ thi hành các hoạt động bất hợp pháp có thể xảy ra.”

Một trong những yếu tố gây nên tranh cãi nhất của chương trình Phượng Hoàng là những chỉ tiêu về HTCSVC. Xuất hiện trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện vào năm 1970, Colby đã được hỏi: “Tiền có phải là động lực kích thích người Việt Nam hoạt động cho chương trình hay không?” Ðại Sứ Colby đã trả lời: “Tiền đó không dành cho những người Việt điều hành chương trình. Ðó là những phần thưởng được đặt ra công khai về những cá nhân nào đó đang bị truy nã. Có những bích chương và truyền đơn công bố một người nào đó đang bị truy nã bởi vì nó là thành viên của hạ tầng cơ sở và đã tham gia vào một hoạt động khủng bố và nếu tin tức được cung cấp đưa đến việc bắt giữ người ấy thì chắc chắn sẽ được tưởng thưởng… Tuy nhiên chính phủ Việt Nam đã cố gắng hết sức để có thể bắt sống hơn là giết chết bởi vì người sống có nhiều tin tức trong đầu sẽ giúp chúng ta được nhiều hơn trong tương lai.”

Ðược hỏi về những lý do đưa đến những con số HTCSVC bị giết hay bị loại ra khỏi cuộc chiến khá cao, Colby cho biết, “Trong năm 1969, con số bị bắt là 8,515 người, tái phối trí 4,832 người, và giết 6,187 người, nâng tổng số lên tới 19,534 người, 30% trong số đó đã bị giết. Con số bị giết bao gồm cả số người đã bị giết rồi mới phát hiện họ là những HTCSVC. Chẳng hạn, đã có những người bị giết trong một cuộc phục kích vào ban đêm ở ngoài một ngôi làng cùng với một số người có võ trang, hay trong một cuộc giao tranh với một đơn vị du kích cộng sản.

Căn cứ vào các giấy tờ tùy thân, lúc đó người ta mới xác nhận được những người bị giết chính là các HTCSVC. Mặc dù các cuộc hành quân không nhắm vào họ lúc ban đầu…”

Báo Washington Post ra ngày 17 tháng 2, 1970, Robert G. Kaiser, Jr. đã tường thuật buổi điều trần của Colby. Bài báo chỉ trích chương trình Phượng Hoàng, và đã mô tả chương trình như đã diễn tiến như sau: “Các văn phòng Phượng Hoàng ở 44 tỉnh và phần nhiều trong số 242 quận của Miền Nam Việt Nam (tất cả đều có cố vấn Mỹ) đã lưu trữ những hồ sơ liên quan đến các viên chức Việt Cộng trong vùng và cả một danh sách bí mật những đàn ông và phụ nữ bị truy nã. Ngành Cảnh Sát Ðặc Biệt (đơn vị tình báo của ngành Cảnh Sát Quốc Gia), các binh sĩ địa phương và các đơn vị Thám Sát Tỉnh (Provional Reconnaisance Units, viết tắt là PRUs) gồm 18 người đã thực hiện những cuộc hành quân bắt giữ những người bị truy nã này. Những người bị bắt sẽ bị thẩm vấn. Khi có bằng chứng liên hệ với Việt Cộng, họ sẽ bị đem ra xét xử trước Ủy Ban An Ninh Tỉnh. Những người bị tình nghi cao hơn thì bị đưa ra Tòa Án Quân Sự Mặt Trận.” Bài báo còn nói rằng, “Phượng Hoàng đối với nhiều người ở Mỹ, thường được coi như là một Công Ty Ám Sát Người Việt (Vietnamese Murder Inc.)”

Phượng Hoàng được điều hành ở địa phương, nơi mà các vấn đề thường khởi sự. Mỗi trung tâm hành quân và phối hợp tình báo quận có những toán, thông thường gồm có một sĩ quan Quân Báo VNCH, một cố vấn tình báo Mỹ (thường là cấp úy), các nhân viên Cảnh Sát Ðặc Biệt và các cán bộ bình định địa phương để thu thập các tin tức tình báo và thiết lập các hồ sơ về những người bị tình nghi là Việt Cộng trong phạm vi. Khi hồ sơ được hoàn tất, kẻ tình nghi sẽ bị bắt giữ.

Dưới cấp quận là cấp xã. Chủ trương chính là nhắm vào cấp xã. Tính đến năm 1969, 95% các xã đã có bầu cử xã trưởng và các Hội Ðồng Xã. Các chính quyền xã nắm quyền kiểm soát các lực lượng võ trang địa phương, bao gồm các Cán Bộ Phát Triển Nông Thôn, lực lượng Cảnh Sát, lực lượng Nhân Dân Tự Vệ, và lực lượng Nghĩa Quân. Phần lớn các nhiệm vụ của Phượng Hoàng ở cấp này được thi hành bởi các lực lượng nói trên.

Cũng có nhiều người bị tình nghi chỉ 1 hay 2 giờ sau khi bị bắt đã được thả. Nếu kẻ bị tình nghi không được thả ở cấp địa phương, nó sẽ bị giải đến Trung Tâm Thẩm Vấn tỉnh để thẩm tra và lập hồ sơ đưa ra trước Ủy Ban An Ninh tỉnh, tại đây các bằng chứng sẽ được xem xét và kẻ tình nghi sẽ bị kết án hay được tha. Ở một vài nơi, bởi vì nhiều đơn vị tỏ ra kém hiệu quả trong việc thi hành nhiệm vụ này, các cố vấn Mỹ đã tin tưởng vào các đơn vị thám sát tỉnh để nhắm vào các mục tiêu HTCSVC.

Các đơn vị thám sát tỉnh có vẻ Mỹ nhiều hơn Việt Nam. Họ được tuyển mộ, huấn luyện, trả lương và điều hành bởi CIA; họ được huấn luyện kỹ như là những lính đánh thuê, được tuyển chọn từ những nhóm dân thiểu số Việt Nam, như người Nùng, người Miên hoặc từ những cán binh Việt Cộng đã ra đầu thú. Các đơn vị người nhái Hải Quân Mỹ làm việc với CIA thường chỉ đạo những cuộc hành quân này. Các thành viên của các đơn vị này được trả lương 15,000 đồng một tháng (1 người lính thường chỉ được lãnh có 4,000 đồng/tháng).

Cuối năm 1968, đơn vị CIA ở Sài Gòn thông báo cho cơ quan CORDS về dự định rút số nhân viên đang thi hành công việc cố vấn và điều hợp nhiệm vụ trong chương trình Phượng Hoàng. Cơ quan CORDS đã thay thế ngay lập tức bằng các sĩ quan cấp úy đã có huấn luyện. Sự thay đổi này đã tái xác nhận tầm quan trọng của việc thu thập tin tức tình báo độc lập như là nhiệm vụ cổ điển của CIA trong bất cứ tình huống nào có liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ ở hải ngoại. CIA đã tạo ra cái khuynh hướng đứng ngoài các công tác chống nổi loạn.

Chương trình Phượng Hoàng Mỹ đã bất động khi Bắc Việt tung ra cuộc tấn công Mùa Hè Ðỏ Lửa năm 1972, nhưng nó đã không ngưng hẳn hoạt động mãi cho tới năm 1973. Trong nỗ lực của nó nhằm vô hiệu hóa các HTCSVC, chương trình Phượng Hoàng đã sử dụng 450 nhân viên cố vấn quân sự Mỹ, trong số đó 262 người đã phục vụ trong những cuộc hành quân then chốt tại cấp quận. Theo Colby, chương trình Phượng Hoàng đã có kết quả là làm rã ngũ 17,000 cán binh VC, bắt giữ 28.000 kẻ bị tình nghi và làm thiệt mạng khoảng 20,000 người khác. Ông cũng nói rằng, 85% số người bị thiệt mạng bởi trong khi giao chiến với các lực lượng quân sự và bán quân sự của Việt Nam và Mỹ, trong số đó chỉ có 12% bị giết bởi các lực lượng cảnh sát và an ninh. Con số 12% đó, hầu hết bị chết trong lúc giao tranh, hay kháng cự lại sự bắt giữ.

Toàn Như

Sự ra đời chiến lược ‘Việt Nam hóa chiến tranh

Nguồn: Stephen B. Young, “The birth of ‘Vietnamization’,” The New York Times, April 28, 2017.

Biên dịch: Phạm Hồng Anh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Ngày 14 tháng 10 năm 1966, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, người chịu trách nhiệm chính cho cuộc chiến chống cộng sản tại Nam Việt Nam, đã thừa nhận thất bại của mình. Chỉ hơn một năm trước khi ông chính thức từ chức Bộ trưởng, ông đã gửi một báo cáo dài đến Tổng thống Lyndon Johnson, khéo léo thừa nhận rằng ông và Lầu Năm Góc không có chiến lược nào để kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi cho Nam Việt Nam.

Johnson nhanh chóng tìm kiếm một cách tiếp cận mới từ những người khác. Một tháng sau báo cáo của McNamara, Tổng thống yêu cầu hai người – Walt Rostow, cố vấn an ninh quốc gia, và Robert Komer, thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia – phải đem lại một giải pháp hiệu quả hơn các chiến thuật chiến tranh tiêu hao và ném bom của McNamara.

Ngày 13 tháng 12 năm 1966, họ đề xuất “bổ trợ chiến dịch tấn công quân chủ lực phía địch và ném bom tấn công bằng các nỗ lực tăng cường nhằm bình định hóa vùng nông thôn và tăng cường sức lôi cuốn” của chính quyền Nam Việt. Thuật ngữ “Việt Nam hóa chiến tranh” đã ra đời một thời gian dài trước khi trở nên phổ biến.

Để triển khai kế hoạch này, Johnson đã chọn ba người: Ellsworth Bunker làm đại sứ Mỹ tại Sài Gòn; Komer chỉ huy một tổ chức chống nổi dậy mới; và Tướng Creighton Abrams tăng cường năng lực quân đội Nam Việt Nam để đánh bại quân chính quy Bắc Việt.

Bunker phải làm việc với lãnh đạo Nam Việt và đảm bảo sự phối hợp của mọi lực lượng – cả dân sự và quân sự, người Mỹ, và các nhà dân tộc chủ nghĩa Việt Nam. Komer và Abrams đảm nhiệm vị trí phó cho Tướng William Westmoreland tại trụ sở của ông này ở ngoại ô Sài Gòn.

Nhưng Bunker mới là người mà Johnson đánh giá có vai trò then chốt. Vai trò đó còn hơn cả nhiệm vụ ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Nam Việt Nam. Đó là giúp Mỹ thoát khỏi cuộc chiến. “Tôi đã giúp ông ấy thoát khỏi Cộng hòa Dominica và đạt được mục đích chính trị ở đó,” Bunker nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn. “Ông ấy muốn tôi làm điều tương tự ở Nam Việt Nam.”

Trong một cuộc gặp riêng không có tài liệu ghi lại, Johnson nói với Bunker rằng ông muốn bắt đầu rút quân đội Mỹ khỏi Việt Nam. Nhưng trước khi các lực lượng này có thể rời đi, một quân đội Nam Việt Nam mạnh hơn, hoàn thiện hơn phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong các chiến dịch tìm và diệt nhằm giữ chân quân đội Hà Nội trên núi và gần biên giới, tách biệt khỏi dân chúng.

Đồng thời, Johnson muốn người Nam Việt Nam phải tăng tốc quá trình phát triển dân chủ và chịu trách nhiệm hoàn toàn về vận mệnh chính trị của Nam Việt. Nói ngắn gọn, Johnson muốn vai trò của Mỹ tại Việt Nam giảm đi với tốc độ tương ứng với sự tăng cường tự lực của Nam Việt.

Johnson và đội ngũ lãnh đạo mới ở Sài Gòn đã tổ chức một cuộc gặp tại đảo Guam vào ngày 20 tháng 3 năm 1967, với hai người đứng đầu chính quyền Nam Việt Nam, Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Họ trình bày với tổng thống một bản hiến pháp mới cho Nam Việt Nam, trong đó kêu gọi các hệ thống kiểm soát và cân bằng, và phân quyền xuống cho các hội đồng địa phương dân cử tại các tỉnh và làng xã.

Tổng thống Johnson đã coi nhẹ tầm quan trọng của cuộc gặp; ông nhấn mạnh trước công chúng rằng cuộc gặp này không bàn về những khía cạnh quân sự của nỗ lực chiến tranh, mà chỉ nói rằng “Tôi nghĩ chúng ta có một vấn đề khó khăn, nghiêm trọng, kéo dài, dai dẳng, đau đớn mà chúng ta vẫn chưa có lời giải đáp.” Nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của cuộc gặp ở Guam. Johnson đã dùng nó để thiết lập một hệ tiêu chí mới nhằm đánh giá thành công trong nỗ lực chiến tranh: xây dựng nhà nước, rút khỏi chiến tranh.

Hai ngày trước cuộc gặp tại Guam, Tướng Westmoreland đã yêu cầu tăng viện 85.000 lính nhằm tăng cường các chiến dịch trên chiến trường để “tránh một cuộc chiến kéo dài phi lý.” Tại Guam, Westmoreland bảo vệ yêu cầu tăng viện của mình. Bunker đã theo dõi phản ứng của Johnson trước báo cáo của Westmoreland. Tâm trạng và vẻ mặt của ngài tổng thống thể hiện sự không thoải mái khi nghe bản phân tích đầy lo ngại của Westmoreland, nó gần như khẳng định lại đánh giá trước đây của McNamara rằng chiến lược chiến tranh cường độ cao của Lầu Năm Góc không thể nào dập tắt quyết tâm của Hà Nội.

Quả thật là Johnson đã phản đối tăng viện. Khi Westmoreland đến Washington một tháng sau đó để tiếp tục yêu cầu tăng quân, Tổng thống trả lời: “Khi chúng ta tăng thêm các sư đoàn, chẳng lẽ phía địch không thể tăng thêm các sư đoàn tương ứng? Nếu cứ như vậy thì khi nào tất cả mới kết thúc?” Vài tháng sau, Johnson đáp ứng một phần đòi hỏi của Westmoreland, gửi thêm 45.000 quân chiến đấu, khoảng một nửa số lượng ông này yêu cầu.

Bunker tới Sài Gòn vào cuối tháng 4 năm 1967, nơi ông phải thể hiện rõ rằng cách tiếp cận của Washington đã thay đổi. Sẽ không còn là một cuộc chiến “sức mạnh cứng” được tiến hành chủ yếu bởi các đơn vị chiến đấu của Mỹ ở Nam Việt Nam, được hỗ trợ bởi chiến dịch ném bom miền Bắc của Mỹ, với tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào kết quả của cuộc chiến vũ trang này. Thay vào đó, ngày 28 tháng 4, Bunker nói với Thiệu rằng “bản chất của thành công” nằm ở việc đem lại an ninh cho tất cả các thôn ấp trên khắp vùng nông thôn.

Bunker đặt ra cho mình bốn nhiệm vụ chính: thuyết phục lãnh đạo Nam Việt Nam về nhu cầu xây dựng một chính phủ chính danh đại diện cho các lực lượng chính trị đa dạng trong nước; tiến hành một chương trình bình định hóa nhằm mang lại hòa bình và trật tự cho làng xã nông thôn; chuẩn bị cho quân đội Nam Việt Nam để tiếp quản gánh nặng chiến đấu trực tiếp với các lực lượng Cộng sản; và thúc đẩy sự phát triển kinh tế để cải thiện điều kiện sống và gây dựng ngân sách cho cuộc chiến chống lại Bắc Việt.

Nói cách khác, mục tiêu của Ellsworth là chuyển gánh nặng duy trì Nam Việt Nam tồn tại như một nước cộng hòa độc lập từ Hoa Kỳ sang cho chính Nam Việt Nam.

Được cử làm phó cho Westmoreland và phụ trách việc bình định hóa, Komer ngay lập tức bắt đầu xây dựng một tổ chức mới – tổ chức Phát triển Cách mạng và Hoạt động Dân sự (CORDS) – nơi tập hợp các cố vấn quân sự và dân sự Mỹ để phối hợp với Nam Việt Nam trong việc vận động dân chúng chống lại Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hay Việt Cộng.

Tại thời điểm đó, mọi thứ có vẻ đang đi đúng hướng. Nam Việt Nam thông qua bản hiến pháp mới, các cuộc bầu cử mang lại một Quốc hội lưỡng viện, và hàng nghìn người đứng đầu các thôn ấp được người dân lựa chọn. Và một chiến dịch tranh cử tổng thống tương đối minh bạch kết thúc với kết quả là Nguyễn Văn Thiệu đắc cử tổng thống và Nguyễn Cao Kỳ đắc cử phó tổng thống. Nam Việt Nam nay đã có một cơ sở hạ tầng chính trị để hỗ trợ các làng xóm, phát triển kinh tế và cung cấp nhiều nhân lực hơn cho lực lượng vũ trang.

Westmoreland cũng có những điều chỉnh đối với các nỗ lực quân sự theo chiến lược mới. Trong một bài phát biểu trước công chúng tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington ngày 21 tháng 11 năm 1967, ông công bố kế hoạch kết thúc cuộc chiến của Mỹ tại Nam Việt Nam. Ông gọi đây là “Giai đoạn IV” hay “giai đoạn cuối cùng,” trong đó lực lượng quân đội Mỹ trở nên “dần dần không còn cần thiết” đối với việc phòng thủ Nam Việt. “Các đơn vị Mỹ có thể bắt đầu giảm dần quân số bởi Quân đội Nam Việt đã được hiện đại hóa và tăng cường năng lực đến mức cao nhất.” Xuất hiện trên chương trình truyền hình “Gặp gỡ báo chí” sau bài phát biểu, Westmoreland dự đoán rằng các lực lượng Mỹ sẽ bắt đầu rút khỏi Nam Việt Nam trong “hai năm nữa hoặc ít hơn.”

Ông ấy đã đúng: các lực lượng Mỹ đã bắt đầu rút quân khỏi chiến trường vào tháng 8 năm 1969 – nhưng đó là sau khi thêm 21.000 lính Mỹ nữa tử trận.

Stephen B. Young là giám đốc điều hành toàn cầu mạng lưới Caux Round Table. Ông làm việc cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ở Nam Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.

Hình: Đại sứ Ellsworth Bunker trình quốc thư lên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày 28/04/1967. Nguồn: NYT.

Hình ảnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong mắt lính Mỹ

Nguồn: Carie Uyen Nguyen, “Whose War Was It?”, The New York Times, 18/08/2017

Có lẽ chẳng ai bước ra khỏi Chiến tranh Việt Nam với danh tiếng bị hủy hoại nhiều như Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH). Từ rất lâu trước khi chiến tranh kết thúc, các binh sĩ QLVNCH đã trở thành vật tế thần dễ dàng và luôn sẵn sàng cho những thất bại của Mỹ, một hình mẫu điển hình trong các nghiên cứu học thuật và văn hóa đại chúng. Chúng ta được nghe kể rằng họ là bọn hèn nhát bất tài, hay trốn tránh nhiệm vụ, để lại mọi việc khó khăn cho người Mỹ.

Là một người nghiên cứu Việt Nam tại một trường đại học Mỹ với kho tài liệu lớn lưu trữ lịch sử qua lời kể (oral history) về thời kỳ Việt Nam, cả bằng văn bản và băng ghi âm, tôi may mắn có cơ hội đặc biệt để đào sâu hơn và để minh chứng rằng câu chuyện kể trên là mơ hồ và bất công. Đây là cơ hội đặc biệt bởi vì tôi không muốn nói rằng lính Mỹ đã sai – thay vào đó, tôi đã tình cờ tìm được những câu chuyện từ các cựu binh Mỹ nói về sự can đảm và hiệu quả công việc của những chiến hữu đồng minh của họ, những người lính Nam Việt Nam.

Tất nhiên, tôi cũng đã gặp nhiều người Mỹ có thái độ tiêu cực về QLVNCH. Nhưng nhiều người trong số họ là nhân viên hậu tuyến, những người chưa một lần chiến đấu bên cạnh QLVNCH ở tiền tuyến và, tôi cho rằng, họ đã rút ra kết luận không chính xác từ những câu chuyện của người khác mà họ được nghe. Những câu chuyện tiêu cực còn lại thì tập trung chủ yếu vào khác biệt văn hóa hơn là bất cứ điều gì khác. Có nhiều hơn một trường hợp người được phỏng vấn đã nói về thói quen của lính QLVNCH khi cầm tay nhau ra chiến trường. Một chuyên gia phát thanh người Mỹ từng phục vụ tại Bình Dương hồi năm 1967 đã chẳng thể hiểu được điều ấy, thậm chí là nhiều năm sau đó: “Việc này đại loại là kỳ lạ đối với chúng tôi. Tôi chẳng thể nghĩ được gì hơn ngoài việc cho rằng họ là những người bạn thân, và đó là những gì họ đã làm tại đó, nhưng nó trông cứ thật kỳ lạ.”

Các cựu binh Mỹ khác thì thấy kỳ lạ khi gia đình của những người lính VNCH thường theo họ đến trại. Như lời một lính G.I.: “Những binh sĩ này phần lớn là lính nghĩa vụ. Họ bước ra chiến trường cùng với vợ con trên đường mòn. Khi chốt dựng vị trí phòng thủ ban đêm, giống như là cả đại gia đình đều ở đó vậy. Trong nhiều trường hợp, họ chẳng muốn ra ngoài chiến đấu. Họ chỉ muốn sống sót mà chăm sóc gia đình mình.”

Nhưng trong nghiên cứu của tôi, bên cạnh các đánh giá tiêu cực của người Mỹ cũng có thể dễ dàng tìm thấy những câu chuyện tích cực, và có phần cảm thông, về QLVNCH. Chẳng hạn, nhiều cựu binh thực sự thích có các gia đình QLVNCH ở bên cạnh và ca ngợi việc các bà vợ sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của họ để tìm thực phẩm tươi sống từ các khu làng gần đó, nấu thành bữa ăn thịnh soạn cho chồng và lính Mỹ. Số khác nhận ra rằng việc sống cùng các thành viên gia đình có thể là nguồn hỗ trợ tinh thần vững chắc cho các binh sĩ QLVNCH, như một lời nhắc nhở về mục tiêu chiến đấu của họ.

Nhìn chung, tôi thấy rằng thái độ tích cực và sự hiểu biết sâu sắc hơn của người Mỹ đối với các đồng minh QLVNCH của họ thường xuất hiện sau một thời gian sống chung, cùng làm việc và cùng chiến đấu với nhau, như trong “kỷ nguyên của những trận đánh lớn” (era of big battles) vào năm 1967, khi các đơn vị lính Mỹ và lính Nam Việt Nam chiến đấu sát cánh bên nhau. Sau một ngày chiến đấu khó khăn, nhiều chàng lính G.I. sẽ ngồi xuống với các đồng nghiệp Việt Nam để kể về gia đình, lấy từ túi áo những bức hình chụp người thân yêu của mình. Rồi cũng những người lính G.I. ấy nhận ra rằng: không giống như chuyến đi chỉ kéo dài 1 năm hoặc 18 tháng của họ, hầu hết các binh sĩ Nam Việt Nam phải phục vụ một thời gian dài không xác định. Những người đàn ông địa phương này buộc phải chiến đấu cho đến khi kết thúc chiến tranh, mà chẳng hề biết rằng ngày chiến tranh kết thúc cũng là ngày họ phải xa cách gia đình một lần nữa.

Hai bên cũng gắn kết trong cuộc chiến đơn vị nhỏ tiêu biểu cho phần lớn Chiến tranh Việt Nam. Cứ mỗi câu chuyện về việc lính trinh sát VNCH vội vàng rút lui sau loạt súng đầu tiên, để người Mỹ lại một mình trong rừng, thì cũng có một câu chuyện khác, tích cực hơn, nói về một người lính VNCH cõng theo một cố vấn người Mỹ bị thương trên cơ thể nhỏ bé của mình đến nơi trú ẩn an toàn. Và cũng có cả những câu chuyện ở bên còn lại, như khi một cố vấn người Mỹ quyết định phá vỡ mọi quy tắc để gọi trực thăng Mỹ đến di tản một binh sĩ QLVNCH bị thương nặng. (Nếu ông chờ trực thăng Nam Việt Nam như đáng ra ông phải làm, thì mọi chuyện có lẽ sẽ quá muộn.) Hoặc câu chuyện khác về một trung sĩ lính thủy đánh bộ người Mỹ hồi tưởng lại việc suýt chút nữa phải ra tòa quân sự vì dám ăn chung với lính VNCH. Với giọng nói run lên vì xúc động, người này nhớ lại khi ông thách thức cấp trên của mình, “Nếu chúng ta không bẻ bánh ăn chung với họ, làm sao chúng ta có thể chiến đấu bên cạnh họ?”

Nếu tình bạn quả thật tồn tại trong chiến đấu, vậy thì những hình ảnh tiêu cực đến từ đâu? Gác lại định kiến chủng tộc, chúng ta có thể xác định một nguyên nhân nằm trong mối quan hệ chiến đấu giữa lực lượng Mỹ và QLVNCH. Người Mỹ giúp nâng cao tinh thần chiến đấu của QLVNCH nhưng đồng thời đã tạo ra sự phụ thuộc quá mức vào hỗ trợ quân sự của họ. Các cố vấn Mỹ được giao về các đơn vị QLVNCH là những người duy nhất có thẩm quyền yêu cầu hỗ trợ chiến thuật trên không khi bị tấn công nặng nề. Vì vậy, theo thời gian, một số sĩ quan QLVNCH dần trở nên quá phụ thuộc vào sự vượt trội về công nghệ của các đối tác Mỹ, và một số người Mỹ có thể đi đến kết luận rằng các sĩ quan của QLVNCH thiếu sức chịu đựng và tính kiên cường.

Tất nhiên, nhiều đội quân tác chiến của Mỹ chưa bao giờ gặp lính QLVNCH trên chiến trường, bởi hai bên thường thực hiện các vai trò chiến lược rất khác nhau: Người Mỹ chỉ huy các hoạt động chiến đấu, trong khi QLVNCH chịu trách nhiệm về bình định và an ninh lãnh thổ. Dù các nhà lãnh đạo Mỹ ở Sài Gòn đã cho thành lập các đội huấn luyện cơ động để hướng dẫn các đơn vị QLVNCH kể từ năm 1967, thời gian họ sống cùng các đơn vị Nam Việt Nam vẫn rất hạn chế.

Có lẽ nguyên nhân gây chia rẽ và hiểu lầm lớn nhất là chính cuộc chiến. Binh sĩ cả hai bên đều phải chiến đấu giữa những rối loạn xã hội, bất ổn chính trị và áp lực quân sự lớn. Cả hai phía đều tự hỏi rằng, đây là cuộc chiến của ai? Chúng ta đang chiến đấu vì điều gì? Và điều này thực sự khó cho lính Mỹ, những người luôn bối rối và thường trong tình trạng mất tinh thần, khiến họ không phân biệt được giữa những người cộng sản ủng hộ Bắc Việt và những người địa phương đang là ‘đồng minh’ của họ.

Đối với một số người Mỹ, câu trả lời đến một cách dễ dàng và đầy cảm thông. Họ tin rằng lính VNCH là những người lính tốt, đã chiến đấu hết sức có thể để bảo vệ mảnh đất của mình. Họ là những đồng minh trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản toàn cầu. “Tôi sẽ làm điều tương tự cho đồng bào tôi trên đất Mỹ,” một cựu binh Mỹ nói. Nhưng những người Mỹ khác lại phẫn nộ với những gì họ cho là một gánh nặng bất công. H. Norman Schwarzkopf, cựu binh từng chiến đấu ở Việt Nam và sau đó lãnh đạo liên quân Mỹ và các đồng minh trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc, nói: “Đây là đất nước của họ, là trận chiến của họ. Sau cùng thì họ sẽ phải gánh vác lấy. Tôi nghĩ ta chỉ nên cung cấp cho họ các kỹ năng, sự tự tin cùng các thiết bị họ cần và khuyến khích họ chiến đấu. Tuy nhiên, ngay cả khi lập trường chính thức là chúng ta gửi các lực lượng đến hỗ trợ Nam Việt Nam chiến đấu, sự thật là ngày càng có nhiều trận chiến được tiến hành bởi chỉ riêng người Mỹ, thay vì bởi các đơn vị Mỹ và VNCH cùng chiến đấu cạnh nhau.”

Chúng ta biết rất ít về các cựu binh của chính mình (Mỹ), và lại càng biết ít hơn về các cựu binh Nam Việt Nam đã chiến đấu bên cạnh họ.

Chúng ta không biết những trải nghiệm hàng ngày của họ là như thế nào, khi chỉ được trang bị rất ít vũ khí và thường phải chiến đấu ở rìa ngoài của tuyến phòng thủ, đôi khi vai trò chỉ nhỉnh hơn một chút so với bia đỡ đạn. Khoảng 254.250 lính miền Nam đã chết trong chiến trận từ năm 1960 đến 1975, gần gấp năm lần số người Mỹ, ở một đất nước chỉ có 15 triệu dân. Chúng ta đã không nghe thấy những gì họ nghe, không cảm nhận những gì họ cảm nhận, cũng không thấy những gì họ thấy nơi chiến trường tuyệt vọng. Ta là ai mà dám phán xét các cựu binh Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam và các đồng minh địa phương của họ, những người họ xem là bạn bè, là anh em, dù là để lãng mạn hóa hay nạn nhân hóa, ca ngợi hay phỉ báng họ? Và rồi khi họ nói về những trải nghiệm của mình, liệu chúng ta có thực sự lắng nghe?

Ngày nay, lòng dũng cảm và sự hy sinh của những người lính VNCH đã hoàn toàn rơi vào quên lãng – ở Việt Nam, mọi chuyện đã bị xóa sạch bởi bên thắng cuộc; ở Mỹ, đơn giản là do lịch sử bỏ bê. Một trong số ít nơi họ được vinh danh là Công viên Tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam tại Angel Fire, New Mexico, mà tôi đã đến thăm trong Ngày Tưởng niệm. Bên cạnh những viên gạch ghi tên một số cựu binh Úc và Đại Hàn, xuất hiện một vài cái tên người Việt, không phải ai trong số họ cũng có thể đến nơi an toàn và biến đất Mỹ thành ngôi nhà thứ hai của mình.

Một trong những cái tên đó thuộc về cha tôi. Ông là một lính VNCH, qua đời khi tôi vừa 14 tuổi. Ngay cả sau cuộc chiến, tôi chưa từng nghe ông một lần nói xấu người Mỹ, hay phía Cộng sản. Đứng bên cạnh viên gạch mang tên cha mình, tôi đã khóc, tôi trân trọng nơi duy nhất trên trái đất này ghi nhận những đóng góp của cha tôi – không phải trong sỉ nhục và ghét bỏ, mà là trong danh dự và tình yêu. Nơi linh thiêng này không chỉ ghi nhớ và tôn vinh sự hy sinh của những người phục vụ cho đất nước của họ dù thuộc phe nào, mà còn kêu gọi hòa giải thực sự và hòa bình lâu dài.

Nghiên cứu góc nhìn của những người lính Mỹ về lính VNCH, mà một trong số họ là cha tôi, và lắng nghe những câu chuyện của cựu binh Mỹ đã giúp tôi thêm mở mang, cũng như hỗ trợ hành trình học tập của tôi. Mối quan hệ Mỹ – QLVNCH rất phức tạp và là một ví dụ cảm động về trải nghiệm của con người trong một tình huống cực đoan. Câu chuyện của họ đã bị lãng quên, bị hiểu lầm, bị đơn giản hóa và chính trị hóa quá lâu. Chúng ta có thể nghĩ rằng mình hiểu câu chuyện đó, nhưng thật ra ta biết rất ít về các cựu binh của mình. Chúng ta nên và cần tìm hiểu thêm. Nếu các cựu binh ấy lên tiếng, chúng ta phải lắng nghe.

Carie Uyen Nguyen là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành lịch sử quân sự tại Đại học Texas Tech.

Johnson, Westmoreland và Chiến tranh Việt Nam

Nguồn: Gregory Daddis, “Johnson, Westmoreland and the ‘Selling’ of Vietnam”, The New York Times, 09/05/2017.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Tính đến đầu năm 1967, quân đội Mỹ và đồng minh vẫn kẹt trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan tại Việt Nam.  Trước công luận, các tướng lĩnh tuyên bố cuộc chiến đang tiến triển tích cực; nhưng các quan chức Quân đội lại rỉ tai các phóng viên rằng cuộc chiến “còn lâu mới đi đến hồi kết”. Hơn nữa, truyền thông còn tăng cường nhấn mạnh vào sự bối rối của chính Lyndon B. Johnson. Một nhà báo thậm chí còn cho rằng ngài tổng thống đang cảm thấy “dằn vặt do sự trì trệ” trong việc huy động nguồn lực cho cuộc chiến.

Luôn chú ý đến các xu hướng chính trị trong nước, vào mùa xuân năm đó ngài tổng thống đã phản ứng bằng chiến dịch kéo dài một năm không chỉ nhằm “vận động” cho chính sách Đông Nam Á của mình, mà còn bác bỏ các cáo buộc rằng cuộc chiến đang bế tắc ở Việt Nam. Johnson bắt đầu chuyến đi tranh cử vào tháng Tư bằng việc đưa Tư lệnh Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự tại Việt Nam, Tướng William Westmoreland, đi cùng để báo cáo về tiến triển của cuộc chiến. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ một vị tổng thống phải triệu hồi một chỉ huy trên chiến trường trong thời chiến để thay mặt chính quyền giải trình.

Vào thời điểm đó, Westmoreland có vẻ là biểu tượng cho sức mạnh quân sự của nước Mỹ thời hậu Thế chiến II. Bằng việc xướng tên Westmoreland là “Người đàn ông của năm” trong năm 1965, tạp chí Time đã gọi vị tướng bốn sao là “người đàn ông cao một thước tám có chiếc cằm nhô” (jut-jawed six-footer) và cũng là một “người thẳng thắn và kiên định”. Westmoreland, cựu binh từng tham gia hai cuộc chiến trước khi đến Việt Nam, từng chỉ huy Sư đoàn Không vận 101 trứ danh và Giám đốc Học viện Quân sự West Point. Bằng việc kế nhiệm nhiều vai trò của một bộ chỉ huy mang tính nhạy cảm chính trị như ở Việt Nam, tạp chí Time châm biếm rằng Westmoreland còn đội “nhiều mũ hơn cả Hedda Hopper” (nữ diễn viên nổi tiếng với nhiều kiểu mũ khác nhau – NBT).

Tuy nhiên trong năm 1965, Westmoreland chỉ có duy nhất một mục tiêu chiến lược – cứu vãn xu thế thất bại của Mỹ. Theo nhiều nguồn phân tích, chính quyền Nam Việt Nam đang bấp bênh bên bờ sụp đổ. Hà Nội đang gửi các trung đoàn bộ binh vào miền Nam Việt Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh nổi tiếng. Các quan chức địa phương là mục tiêu của những hành động khủng bố. Quân đội Nam Việt Nam (được biết đến với tên gọi chính thức là Quân đội Việt Nam Cộng hoà, hay gọi tắt là A.R.V.N.) cho thấy sự bất lực trước tình trạng bạo lực leo thang.

Tuy nhiên, Westmoreland nhận ra rằng, việc giành lại thế chủ động chiến lược quan trọng hơn là chỉ giết chóc kẻ thù. Thay vào đó, các chiến dịch quân sự là phương tiện nhắm tới mục đích cuối cùng lớn hơn. Tóm gọn lại, các thắng lợi trên chiến trường đều có mục đích chính trị.

Vì vậy, từ năm 1966 đến đầu năm 1967, các lực lượng quân đội Mỹ đảm trách nhiệm vụ mở rộng phạm vi kiểm soát của chính quyền Sài Gòn lên người dân. Họ sát cánh chiến đấu cùng A.R.V.N. và các lực lượng dân quân địa phương nhằm chống lại các lực lượng chính của kẻ thù và các đơn vị nổi dậy. Họ tiến hành các kế hoạch hành động dân sự phi quân sự, chẳng hạn chăm sóc y tế ở vùng sâu, vùng xa và đào tạo quản lí hành chính cho các quan chức cấp quận huyện. Và họ tiến hành các chương trình với mục đích “thu phục lòng dân”.

Trái ngược với những gì được mô tả sau này trên truyền thông và sách lịch sử, cuộc chiến của Westmoreland cho thấy mục tiêu rộng lớn hơn chứ không chỉ đơn thuần là làm kẻ thù tiêu hao và đếm số lượng tử thi chỉ vì một “cảm giác tự hào quân sự sai lầm”.

Dĩ nhiên có hàng tá những khó khăn trong việc tiến hành một chiến dịch trên quy mô rộng khắp như vậy, cân bằng một cuộc chiến mà bản chất chính trị và quân sự của nó ngang ngửa nhau. Westmoreland phải vật lộn với tình hình chính trị đảng phái bất hoà tại Sài Gòn, đối mặt với một thông điệp dân tộc chủ nghĩa kết hợp với cộng sản chủ nghĩa vang khắp các miền quê Nam Việt Nam, và một kẻ địch đáng gờm luôn mong muốn thống nhất và giải phóng Việt Nam khỏi ảnh hưởng của phương Tây.

Nhưng điều phiền toái nhất có lẽ là đến năm 1967, các chỉ huy quân sự Mỹ phải đối mặt các chất vấn từ quê nhà về việc những hi sinh cho cuộc chiến chỉ mang lại những kết quả mơ hồ. Thời gian càng trôi qua thì những từ như “bế tắc” và “sa lầy” dần trở nên phổ biến khi đánh giá về chiến lược và cơ hội chiến thắng của Mỹ tại Đông Nam Á.

Việc bổ nhiệm Westmoreland vào vị trí tổng đại diện cho tổng thống vào mùa xuân năm 1967 dù vậy lại cho thấy chính bản thân Johnson và cả nước Mỹ tiếp tục duy trì cuộc chiến. Johnson dự định “chiến lược thuyết phục” của mình sẽ biện hộ cho nỗ lực của Mỹ tại Việt Nam, đẩy lùi các chất vấn về tính khả thi trong các chính sách của ông. Vị tướng chỉ huy chiến trường cao cấp nhất sẽ bác bỏ những lời chỉ trích bằng việc thông báo những tiến triển tích cực.

Tại điểm dừng chân đầu tiên của Westmoreland – bữa tiệc trưa thường niên dành cho các biên tập viên của hãng A.P. vào ngày 25/04 – vị tướng khẳng định rằng số phận của Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới tương lai của tất cả “các quốc gia mới nổi”. Ông ca ngợi binh lính của mình khi đã giải cứu chính quyền Sài Gòn “khỏi bờ vực thất bại”, trong khi nhấn mạnh tính phức tạp của loại hình chiến tranh này – “một cuộc chiến vừa mang tính lật đổ vừa mang tính xâm lược, một cuộc chiến mà các nhân tố chính trị lẫn tâm lí đều có vai trò quan trọng”. Và trong khi Westmoreland tự tin phác hoạ một thế cục quân sự thuận lợi, ông hai lần nhấn mạnh quan điểm có lẽ khiến Johnson phải xấu hổ. “Tôi không nhìn thấy kết cục nào cho cuộc chiến.”

Ba ngày sau Westmoreland lại có một bài phát biểu còn quan trọng hơn bài phát biểu tại A.P. Trong một phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội, vị tướng, theo một báo cáo, khiến các nhà lập pháp “hò reo vui mừng” khi cam đoan rằng sự chỉ huy của ông sẽ “thắng thế trước những kẻ cộng sản xâm lăng tại Việt Nam”. (Loại ngôn từ này nhắc tới nguy cơ bên ngoài nhiều hơn bên trong.) Tuy nhiên, Westmoreland lưu ý rằng chỉ thắng lợi quân sự thôi sẽ không đủ để dẫn đến “một kết thúc nhanh chóng và quyết định cho cuộc xung đột”. Kẻ thù vẫn đang phát động một “cuộc chiến tranh toàn diện cả ngày – mọi ngày – và ở mọi nơi.” Westmoreland vẫn cho rằng chỉ có một chiến lược “tạo sức ép không khoan nhượng nhưng sáng suốt về cả  quân sự, chính trị lẫn tâm lý” lên kẻ thù mới dẫn đến thắng lợi.

Westmoreland chưa hề nhắc đến vấn đề bế tắc. Dù kẻ thù “còn lâu mới từ bỏ”, lực lượng Mỹ nếu được quê nhà hỗ trợ “một cách quyết tâm, tự tin, kiên nhẫn, kiên định và liên tục” thì vẫn sẽ đi đến thắng lợi.

Các nhà phê bình dù ấn tượng với phát biểu của vị tướng, vẫn cho rằng Westmoreland không thể lay chuyển được niềm tin của ai. Tom Wicker của tờ Thời báo New York nhận thấy luận điệu này không khác gì đề nghị của Johnson nhằm “sử dụng danh tiếng quân sự của vị tướng để giúp chính quyền giải quyết vấn đề duy trì hỗ trợ chính trị tại quê nhà”. Bất chấp những lời tán dương, Westmoreland đã quay lại Việt Nam mà chỉ thuyết phục được một số ít ỏi đáng giá ở Washington.

Chiến dịch thuyết phục của Johnson thất bại ở hai cấp độ. Westmoreland đã không thuyết phục được các đối thủ của tổng thống rằng chính sách của Mỹ tại Việt Nam đang tiến triển tích cực một cách thực chất. Và quan trọng hơn, những bài phát biểu đó cũng không khiến công luận Mỹ hiểu được thực trạng phức tạp của cuộc chiến đang diễn ra ở Nam Việt Nam.

Sự thật là Westmoreland không thể làm rõ được bản chất rối rắm của một cuộc xung đột về bản sắc dân tộc của Việt Nam mà không chủ thể nước ngoài nào có thể giải quyết được. Cuộc chiến vẫn tiếp tục “không thể định nghĩa được” như xưa nay.

Năm 1967 khép lại sau khi Westmoreland quay lại tổng hành dinh của Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV), ngày càng có nhiều bắng chứng phô bày tình trạng có vẻ thật sự bế tắc của cuộc chiến. Các nhà phê bình chỉ trích chất lượng của các lực lượng chiến đấu của Nam Việt Nam. Chương trình bình định hoá đang “lung lay trên bờ sụp đổ”. Cuộc cải tổ chính trị ở Sài Gòn – đến năm 1967, một diễn biến bình thường làm các quan chức Mỹ kiệt sức – có vẻ phản ánh những bất ổn an ninh tại vùng nông thôn. Khi năm 1967 kết thúc, cuộc chiến xoay quanh việc đo lường mức độ “tiến triển” song hành với sự khốc liệt của chính bản thân cuộc chiến.

Đặt các cuộc tranh luận qua một bên, các tuyên bố công khai của Westmoreland vào tháng 04/1967 cho thấy một góc nhìn hữu ích về cách người Mỹ nói về chiến tranh, cụ thể là các chiến lược dùng để thắng trận. Trong suốt nhiệm kỳ tại Việt Nam, Westmoreland phải vật lộn để tìm ra cách tốt nhất để truyền đạt cho một số lượng thính giả đông đảo và đa dạng về những phức tạp của cuộc chiến vốn không giống như những chiến trường truyền thống của Thế Chiến II. Như một quan chức của Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn từng thừa nhận, “Tôi không thể đưa ra được bất kỳ tuyên bố tích cực nào về Việt Nam mà lại thật sự không mâu thuẫn với các tuyên bố khác.”

Nhưng nếu cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam thật sự “là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt của đất nước chúng ta”, 50 năm sau, nó vẫn có thể nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải chấp nhận các sắc thái của chiến tranh.

Chiến tranh là hỗn loạn và rối loạn. Không có giải thích nào là dễ dàng. Thế nhưng chúng ta cứ sử dụng các ngôn ngữ sáo mòn một cách thường xuyên. Trên thực tế, với Việt Nam, những khái niệm lâu đời như “đếm số lượng tử thi” và “chiến tranh tiêu hao”, một xu hướng cơ bản trong các diễn giải lịch sử, chẳng giúp được bao nhiêu trong việc thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về một vấn đề quân sự-chính trị vốn vẫn luôn phức tạp.

Cách mà chúng ta – dù là các chính trị gia, nhà báo, nhà sử học, hay quần chúng – nói về chiến tranh, thời đó và thời nay, rất quan trọng. Giảm thiểu sự phức tạp của chiến tranh chỉ còn một cụm từ – chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến “tiêu hao” hay giả dụ thắng lợi tại Iraq là kết quả của một sự “trỗi dậy” – là đơn giản hoá một cách nguy hiểm. Ngôn ngữ thô sơ làm mất đi sự hỗn loạn sẵn có vốn là trọng tâm của một trong nỗ lực chết chóc nhất của loài người này. Những giải thích dễ dàng cho chiến thắng và thất bại càng khiến chúng ta khó mà hiểu được những gì đã thật sự xảy ra và càng khiến ta ít sẵn sàng để hiểu về cuộc xung đột tiếp theo hơn.

Và cuối cùng, đơn giản hoá chiến tranh lại khiến chúng ta trở nên dễ dàng gây chiến hơn.

Gregory Daddis là phó giáo sư sử học tại Đại học Chapman và là tác giả cuốn “Westmoreland’s War: Reassessing American Strategy in Vietnam.”

Những phụ nữ Mỹ trên chiến trường Việt Nam

Nguồn: Heather Stur, “Combat Nurses and Donut Dollies”, The New York Times, 31/01/2017.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Joyce Denke chỉ mới 19 tuổi khi vị hôn phu của cô, hạ sĩ David Ives, nhận lệnh đến Việt Nam. Khi đó là đầu năm 1967 và anh chỉ còn sáu tháng tại ngũ. Cặp đôi trẻ sống tại thành phố Temple, phía nam thành phố Waco, bang Texas, họ quyết định không để cuộc chiến làm ảnh hưởng đến niềm phấn khởi về một tương lai ở bên nhau và đã bắt đầu lên kế hoạch kết hôn khi anh trở về vào tháng 11.

Chỉ bảy tuần sau khi đến Việt Nam, Ives đã tử trận vào ngày 23/04/1967 ở tuổi 20. Denke vẫn còn giữ bức thư cuối anh viết cho cô vào ngày 19/04/1967. Anh kết thư bằng dòng chữ “mối tình sâu đậm nhất của anh, Dave.”

Cái chết của Ives đã thôi thúc Denke gia nhập Hội Chữ thập Đỏ Mỹ và đến Việt Nam. Cô muốn làm một điều gì đó để vinh danh cống hiến của anh, và vào năm 1970, cô được cử đi trong biên chế Hội Chữ thập Đỏ với tư cách thành viên của chương trình Các Hoạt động Giải trí Hải ngoại (Supplemental Recreational Activities Overseas – S.R.A.O.). Đó là một trong nhiều cách mà phụ nữ Mỹ tham gia vào cuộc chiến.

Câu chuyện về Chiến tranh Việt Nam là câu chuyện về các trận đánh: lính tiền phong, các cuộc phục kích, bẫy mìn, chứng kiến đồng đội tử trận, thoát chết trong gang tấc. Chúng ta thường quan niệm rằng “chiến trận” là việc của những người đàn ông – chúng ta nghĩ đến hình ảnh họ sử dụng vũ khí, lái máy bay và chấp nhận thương vong. Nhưng chúng ta lại quên mất rằng những người phụ nữ cũng đóng vai trò trung tâm trong câu chuyện đó.

Các nữ y tá thuộc biên chế của Quân đoàn Nữ (Women’s Army Corps) và các nữ nhân viên dân sự làm việc cho Hội Chữ thập Đỏ thường chứng kiến những hệ quả của chiến tranh. Với các y tá và ở mức độ nào đó là với những người thuộc chương trình S.R.A.O. như cô Denke, ứng phó với chiến sự là công việc của họ. Y tá chữa vết thương thể xác, còn những người thuộc Hội Chữ thập Đỏ giúp xốc dậy tinh thần của binh sĩ, tức là chữa lành những vết thương tinh thần.

Phụ nữ không bắt buộc phải tham gia quân dịch trong thời Chiến tranh Việt Nam, nhưng đã có hàng ngàn người tình nguyện. Với một số người, cuộc chiến này tạo cơ hội để họ được đi xa và tạm hoãn các nghĩa vụ kết hôn và sinh con, vốn là vai trò mà xã hội vẫn gắn cho các cô gái trẻ trong những năm 1960. Một số nữ quân nhân tình nguyện đến Việt Nam vì họ muốn tham gia vào cuộc chiến hoặc để chính mình trải nghiệm những gì thật sự diễn ra trên chiến trường. Những người còn lại ghi danh vào quân đội để vào đại học và hưởng các phúc lợi việc làm sau khi các tuyển trạch viên hứa rằng họ sẽ không được đưa đến Việt Nam.

Hội Chữ thập Đỏ đã đưa nhiều nhóm phụ nữ ra nước ngoài để hỗ trợ các binh sĩ từ Thế Chiến II. Họ phục vụ cà phê và bánh donut nên họ được gọi bằng biệt danh “Búp bê Donut” (Donut Dollies). Vào năm 1965, lo sợ việc cuộc chiến kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tinh thần binh sĩ, các quan chức của Bộ Quốc phòng đã yêu cầu Hội Chữ thập Đỏ thành lập chương trình S.R.A.O. tại Việt Nam. Từ năm 1965 đến năm 1972, gần 630 phụ nữ đã đến Việt Nam làm việc theo chương trình này. Một số người làm việc cho các trung tâm giải trí tại các căn cứ lớn nơi những người lính có thể chơi bida, nghe nhạc, đọc sách, chơi trò chơi, viết thư hay ngồi nói chuyện. Những người còn lại thì di chuyển, thường bằng trực thăng, tới các căn cứ hỗ trợ hỏa lực (pháo binh) ở những vùng hẻo lánh, nơi binh sĩ chờ chuẩn bị tham gia những trận đánh tiếp theo. Những cô gái S.R.A.O. đi theo cặp và mang theo các bộ trò chơi, đồ ăn nhẹ, sô đa và nước ép.

Trong khoá đào tạo trước khi khởi hành, những hướng dẫn viên đã nói với các cô rằng họ phải mang đến “cảm giác gia đình” cho các binh sĩ, để gợi họ nhớ về vợ, người yêu, mẹ hay chị em gái. Họ phải đóng vai trò như những cô bạn hàng xóm – dễ thương, thân thiện và biết quan tâm. Không phải ham muốn thể xác. Những chiếc đầm xanh nhạt vốn được thiết kế để thể hiện vẻ ngây thơ đầy sức sống nhưng lại không thực tế trong cái nóng, bụi và bùn ở Việt Nam. Hầu hết những cô gái chỉ vừa đôi mươi, chỉ lớn hơn đôi chút so với độ tuổi trung bình nhập ngũ của các binh sĩ.

Luôn tươi cười là một yêu cầu bắt buộc trong công việc của những cô Búp bê Donut, vì thế họ phải gạt những lo sợ và buồn phiền của chính mình về cuộc chiến sang một bên. Nhiều người trở nên thân thiết hơn với các binh sĩ. Emily Strange là một Búp bê Donut đóng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng với Sư đoàn Bộ binh số 9 và Lực lượng Lưu động trên Sông, cô đã kết bạn với một anh lính tên Michael Stacy. Cô thân với Stacy vì họ đều chơi guitar và thường cùng nhau gảy những điệu dân ca. Nhưng sau khi anh tử nạn trong một vụ rơi trực thăng vào tháng 03/1969, cô nhận ra rằng mình phải giữ khoảng cách với các anh lính. Vì thế cô không còn cố  gắng nhớ tên hay kết bạn cùng họ nữa.

Thật lâu sau cuộc chiến, cô tin rằng chắc chắn có những người cô quen biết có tên xuất hiện trên Bức tường Việt Nam. (Bức tường tưởng niệm lính Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam đặt tại thủ đô Washington D.C. – ND). Thế nhưng cô không thể đối mặt với nỗi đau khi biết chính xác họ là ai. Công việc của Strange là động viên tinh thần những người lính cô đơn, đầy lo sợ và cô phải thể hiện sự lạc quan và hoàn thành công việc mặc cho chính cô cũng cảm thấy sợ hãi và lạc lõng. Cô gọi việc làm đó là mang gương mặt “Eleanor Rigby” được cô đặt trong chiếc lọ cạnh cửa. (Trích từ lời bài hát Eleanor Rigby của nhóm The Beatles: “Waits at the window, wearing the face – That she keeps in a jar by the door” – ND)

Trong số những nữ quân nhân phục vụ trong cuộc chiến, hầu hết trong số họ với con số khoảng 5.000 người đã phục vụ trong Quân đoàn Nữ Quân y. Họ đã có mặt tại Việt Nam từ những ngày đầu tiên: Như sử gia Kara Dixon Vuic đã chỉ ra, Quân đội bắt đầu điều động y tá vào Sài Gòn vào năm 1956 để đào tạo các y tá người Việt. Khi cuộc chiến càng leo thang, họ phải làm gấp đôi công việc khi phải vừa chữa trị những vết thương thể xác cho các binh sĩ và đôi khi là thường dân Việt Nam, vừa phải xoa dịu tinh thần cho những người bị thương và sắp chết. Vài y tá ôm lấy những người lính khi họ kêu gào gọi tên cha mẹ và trút hơi thở cuối cùng. Họ làm công việc thông báo cho người lính biết là anh ta sẽ không đi lại hay nhìn được nữa. Theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, các y tá đưa những người lính bị thương qua ngưỡng cửa từ chiến tranh sang một cuộc sống đã thay  đổi hoàn toàn, hoặc cái chết.

Vài y tá sử dụng nước hoa vì nó khiến bệnh nhân gợi nhớ về quê nhà. Trong một bệnh viện quân sự tại vùng chiến tranh, một chút bình thường thôi vừa là một điều hoàn toàn phi lý, vừa cũng là một nhu cầu cực kì cần thiết. Lynda Van Devanter, một nữ quân y với cuốn hồi kí “Home Before Morning” (Về nhà trước lúc trời sáng) là nguồn cảm hứng cho bộ phim truyền hình “China Beach”,  từng đeo ruy băng trên tóc để khiến cô thêm nữ tính nhằm đáp ứng mong muốn và nhu cầu của các bệnh nhân. Cùng lúc đó, cô phải kìm nén cảm xúc và phải cứng rắn hơn để đối mặt với gánh nặng phải dịu dàng và xinh xắn trước mắt những người lính đang suy nhược và hấp hối.

Linda Pugsley là một y tá 22 tuổi làm việc tại Bệnh viện Thành phố Boston khi cô gia nhập Không quân vào năm 1967. Cô đã trải qua huấn luyện cơ bản, tham gia trường bay và được phong quân hàm thiếu uý. Lúc đó, cô không mang cảm xúc chính trị nào về Chiến tranh Việt Nam, nhưng cô muốn góp sức mình vào việc chăm sóc các thương binh Mỹ ở đó. Cô nhận thấy mình có thể hoàn thành mục tiêu với một lý do rất hay: Các ca trực cuối tuần ở Bệnh viện Thành phố Boston cũng thường đầy những ca bị thương do súng đạn hay đâm chém, tông xe hay các loại thương tích đẫm máu khác.

Tuy nhiên, những điều đó chẳng hề giúp cô sẵn sàng cho Việt Nam. Đủ loại thương tích, tiếng la hét khản đặc liên tục của những người lính bị thương, mất tay chân và đang hấp hối, tiếng ù ù của trực thăng chở càng nhiều người bị thương đến, có nhiều lúc trở nên quá tải. Cũng như Strange, Pugsley cuối cùng không buồn nhớ tên bệnh nhân của mình như là một cách để ứng phó với hoàn cảnh.

Xếp sau các nữ quân y trong số những người phục vụ tại ngũ là những người được điều động đến Việt Nam thông qua Quân đoàn Nữ (WAC). Cũng như y tá, WAC đầu tiên đến Việt Nam là để đào tạo nhân sự cho Quân đoàn Nữ miền Nam Việt Nam. Có khoảng 700 người thuộc WAC phục vụ trong cuộc chiến, hầu hết là công việc bàn giấy, nhưng cũng không thể tránh khỏi tham gia chiến đấu.

Linda McClenahan lớn lên tại Berkeley, bang California và gia nhập WAC sau khi chiếc xe buýt thuộc trường trung học của cô phải chuyển lộ trình vào một ngày nọ vì một cuộc biểu tình phản chiến. Cô từng làm việc ở trung tâm truyền thông của Quân đội từ năm 1969 đến năm 1970, và một trong những công việc của cô là thực hiện các báo cáo về thương vong. Cô thường là một trong những người đầu tiên đọc tên những người đã tử trận. Trung tá Janie Miller, thuộc biên chế WAC từng phục vụ tại Hàn Quốc và Việt Nam, quản lý một nhà tang lễ Quân đội tại Sài Gòn. Cô xoay vòng nhân viên mỗi ba tháng một lần để xử lý vấn đề tổn thương tâm lý do công việc. Khi Pinkie Houser, một thành viên của WAC đã từng tự nguyện đến Việt Nam vào năm 1968, chứng kiến chỉ huy của mình tử trận trên chiến trường, cô lưu giữ các ghi chép và gửi những vật dụng cá nhân của ông về gia đình. Đó là một trong những công việc khó khăn nhất mà cô từng phải làm trong cuộc chiến.

Chiến trận, hay những trải nghiệm chiến tranh đau đớn cùng cực, vẫn luôn giữ vị trí trung tâm trong hồi ức của người Mỹ về Chiến tranh Việt Nam. Số lượng những người phụ nữ phục vụ tại Việt Nam có thể rất nhỏ so với những người đàn ông nhưng chính vì như thế, kinh nghiệm chiến tranh của họ và các hệ quả lại mang tính tập trung. Họ ở đó để giảm bớt gánh nặng của những người lính, nhưng họ lại phải đóng vai trò thật lớn với thật nhiều người mà không thể giảm bớt được gánh nặng cho chính mình.

Heather Stur là phó giáo sư lịch sử tại trường Đại học Southern Mississippi và là tác giả của cuốn sách được xuất bản gần đây nhất “Beyond Combat: Women and Gender in the Vietnam War Era.”

Vai trò của Mục sư Martin Luther King trong Chiến tranh Việt Nam

Nguồn: David J. Garrow, “When Martin Luther King Came Out Against Vietnam”, The New York Times, 04/04/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm mươi năm trước – và cũng là một năm trước khi ông bị ám sát – Mục sư Tiến sĩ Martin Luther King Jr. đã có bài phát biểu nặng chất chính trị nhất đời mình tại Nhà thờ Riverside ở khu Upper Manhattan. Đó là một cuộc tấn công mạnh mẽ nhắm vào cách thức vận hành chiến tranh của chính phủ tại Việt Nam, so sánh các chiến thuật của Mỹ với chiến thuật của Đức Quốc xã trong Thế chiến II.

Bài phát biểu đã vấp phải sự lên án rộng rãi từ mọi thành phần chính trị, bao gồm cả chính New York Times. Nhiều lãnh đạo dân quyền, những người ủng hộ cuộc chiến và đang cố gắng níu giữ Tổng thống Lyndon B. Johnson làm đồng minh chính trị, đã dần xa lánh vị mục sư.

Bài phát biểu tại Riverside là điển hình cho cách mà King, trong suốt 18 tháng cuối đời, đã liên tục đánh mất sự lạc quan tươi sáng trong bài diễn văn năm 1963 “Tôi có một giấc mơ,” và thay vào đó bày tỏ niềm tiếc thương bởi giấc mơ nay “biến thành cơn ác mộng.” Nhưng bài phát biểu cũng đồng thời cho thấy rõ rằng với King, quyền công dân chưa bao giờ là vấn đề tách biệt trong xã hội Mỹ, và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc luôn đi đôi với nạn nghèo đói và chủ nghĩa quân phiệt – những thứ đã ngăn cản đất nước vươn tới những lý tưởng của nó. Ngoài việc báo hiệu chủ nghĩa cấp tiến đang phát triển ở King, bài phát biểu Riverside cũng phản ánh lòng can đảm chính trị ngày càng tăng của ông – và lý giải tại sao, nửa thế kỷ sau, ông vẫn là một nhân vật quan trọng trong lịch sử Mỹ.

Ngay từ những tháng đầu năm 1965, ngay cả trước khi Johnson bắt đầu tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Việt Nam, King đã kêu gọi dùng thương lượng để giải quyết xung đột, nói với cánh nhà báo rằng “Tôi không chỉ là một lãnh đạo dân quyền.” Nhưng việc ông chỉ trích chính phủ vì từ chối ngừng ném bom Bắc Việt Nam cũng như không chịu theo đuổi đàm phán hòa bình đã chẳng được quan tâm, mãi cho đến mùa thu năm đó, khi Thượng nghị sĩ Thomas Dodd của Connecticut, một đồng minh thân cận của Johnson, trực tiếp tấn công King và trích dẫn một đạo luật hình sự, Đạo luật Logan 1799, theo đó cấm cá nhân công dân có quan hệ với chính phủ nước ngoài.

Bản thân King vô cùng thất vọng với cuộc chiến và phản ứng của Dodd. Các đoạn băng mà FBI nghe lén những cố vấn thân cận nhất của ông cho thấy ông nói với họ rằng “điều này quá sức vô đạo đức. Tôi nghĩ ai đó cần chỉ ra chúng ta đã sai thế nào.” Nhưng ông miễn cưỡng đồng ý rằng mình nên “tạm thời ngưng” việc lên án chiến tranh. “Đôi khi, công chúng chưa sẵn sàng để lắng nghe sự thật,” ông nói.

King tương đối giữ im lặng về cuộc chiến trong phần lớn năm 1966, nhưng đến cuối năm, ông bắt đầu bày tỏ sự ghê tởm của cá nhân mình trước cái cách mà gia tăng chi tiêu quân sự đã gây ra thiếu hụt ngân sách cho chương trình Xã hội Vĩ đại của Johnson. “Mọi thứ ta nói đều chỉ xoay quanh sự thật là chúng ta đang vướng vào cuộc chiến tranh này,” ông nói trong một cuộc điện thoại bị nghe lén khác.

Cuối cùng, tới đầu năm 1967, mọi thứ đã quá đủ. Một ngày nọ, King đẩy hẳn đĩa thức ăn của mình sang một bên khi nhìn thấy hình ảnh vết bỏng của những em bé Việt Nam bị dính bom napalm đăng trên tạp chí Mỹ. Đó là thứ hình ảnh không thể nào quên, ông nói. “Tôi đã đi đến kết luận rằng mình không còn có thể giữ im lặng về một vấn đề đang hủy hoại linh hồn đất nước chúng ta.”

Ngay cả ở thời điểm đó, phe phản chiến vẫn còn yếu thế về mặt chính trị, và các cố vấn của King chẳng vui vẻ gì trước việc ông muốn tham gia vào một cuộc biểu tình chống chiến tranh ở New York vào giữa tháng 4. Từ cuối tháng 2, ông đã gặp bốn thượng nghị sĩ chống chiến tranh – trong đó có một đảng viên Cộng hòa, Mark Hatfield của Oregon – tại một diễn đàn ở Los Angeles; một tháng sau, ông tham gia một cuộc tuần hành chống chiến tranh ở Chicago.

Cả hai sự kiện đều chỉ được báo chí đưa tin một cách mờ nhạt. Sau này, King đã nói với Stanley Levison, cố vấn thân cận nhất của ông: “Tôi không còn có thể thận trọng về vấn đề này nữa. Tôi cảm thấy sâu thẳm trong tim mình: đất nước chúng ta đã quá sai lầm; đã đến lúc cần có một lời tiên tri thực sự và tôi đã sẵn sàng đi trên con đường đó.”

Levison và một số người khác đã tìm đến một nhóm phản chiến, Các giáo sĩ và công dân quan tâm về Việt Nam (Clergy and Laymen Concerned About Vietnam), để sắp xếp cho ông xuất hiện tại Nhà thờ Riverside, một pháo đài của chủ nghĩa tự do. Đối với King, sự kiện này đáng lẽ phải diễn ra sớm hơn. Ba ngày trước đó, ông nói với một phóng viên, “Chúng ta sẽ chỉ đơn thuần dậm chân tại chỗ trong phong trào dân quyền nếu chúng ta không có một lập trường chống lại chiến tranh.”

Tại Riverside, King đã nói với đám đông 3.000 người rằng, “lương tâm của tôi khiến tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phá vỡ sự phản bội do hành động im lặng của chính tôi” trong hai năm qua. Sau khi bạo loạn đô thị lan rộng vào mùa hè năm 1966, “tôi biết rằng mình chẳng bao giờ có thể lên tiếng chống lại nạn bạo lực đang đè nén những người bị áp bức ở các khu ổ chuột Do Thái, nếu trước tiên tôi không lên án kẻ cổ vũ bạo lực lớn nhất trên thế giới ngày nay – chính phủ của tôi.”

King thừa nhận rằng ý thức về sứ mệnh tiên tri của ông đã được củng cố thêm khi ông nhận Giải Nobel Hòa bình năm 1964, đại diện cho “một sự khuyến khích làm việc chăm chỉ hơn cả những nỗ lực trước đây của tôi, vì ‘tình anh em của loài người’” – một sứ mệnh “đưa tôi vượt khỏi sự trung thành với quốc gia.” Ông nhấn mạnh rằng ông xếp mình vào nhóm những người “bị ràng buộc bởi lòng trung thành còn sâu rộng hơn chủ nghĩa dân tộc.”

King sau đó đã thực sự phẫn nộ chống lại cuộc chiến. Ông nhấn mạnh rằng, “chúng ta chẳng có danh dự nào ở Việt Nam” và rằng “chúng ta đã sai ngay từ lúc bắt đầu cuộc phiêu lưu ở Việt Nam.” Ông cáo buộc nước Mỹ đã thử nghiệm vũ khí mới nhất của mình lên nông dân Việt Nam, “giống như người Đức đã thử nghiệm các loại thuốc mới và các kiểu tra tấn mới trong những trại tập trung ở châu Âu,” đồng thời công khai lên án “thứ trại tập trung mà chúng ta gọi là ấp chiến lược” ở miền Nam Việt Nam.

Ông đề nghị tất cả các chàng trai trẻ đang được kêu gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự hãy tuyên bố mình là những người phản đối có lương tâm, đồng thời cũng kêu gọi nước Mỹ tạm dừng tất cả các vụ ném bom, và ra tuyên bố ngừng bắn đơn phương trong khi chuẩn bị “đền bù trong khả năng của chúng ta cho những thiệt hại mà chúng ta đã gây ra.”

Nhưng cuộc chiến không chỉ là một sai lầm; nó là “triệu chứng của một căn bệnh ác tính ăn sâu trong tinh thần người Mỹ.” Dân quyền, bất bình đẳng, và chính sách của Mỹ ở Đông Nam Á đều chỉ là những phần nhỏ trong một bức tranh lớn hơn. Khi “lợi nhuận và quyền tài sản được coi là quan trọng hơn con người, bộ ba khổng lồ gồm phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa quân phiệt sẽ trở nên bất khả chiến bại.” Ông kết luận bằng cách kêu gọi thành lập “một nhóm bạn hữu trên toàn thế giới, đưa mối quan tâm này vượt ra ngoài biên giới sắc tộc, chủng tộc, giai cấp và quốc gia.”

Đám đông ở Riverside đã nhiệt liệt hoan nghênh King, nhưng sự phê phán của giới báo chí cũng đến rất nhanh và gay gắt. Washington Post chỉ trích “những phát minh đơn thuần đến từ trí tưởng tượng” của ông và thất vọng bởi “nhiều người đã từng lắng nghe ông với lòng tôn trọng nay chẳng còn có thể tự tin làm điều tương tự như thế nữa.”

New York Times gọi bài phát biểu của King là “cẩu thả” và “dối trá.” Tòa soạn cho rằng các vấn đề đạo đức ở Việt Nam “ít rõ ràng hơn những gì ông đã gợi ý” và cảnh báo rằng “chuyển hướng năng lượng của phong trào dân quyền sang vấn đề Việt Nam là vừa lãng phí, vừa tự hại,” xét đến việc phong trào cần phải tập trung giải quyết cái mà tờ báo gọi là “vết thương khó lành của các tập tục và thói quen.”

Thậm chí, một số tờ báo của người da đen cũng tham gia chống lại ông: Pittsburgh Courier lên tiếng rằng King đã “gây hiểu lầm tai hại” cho người Mỹ gốc Phi về “những vấn đề quá phức tạp để có thể giải quyết bằng thứ tranh luận đơn giản.”

Nhưng King vẫn chẳng nản lòng. Ông nói với Levison, “Tôi là người không rành rẽ về chính trị nhưng nắm rõ đạo đức. Tôi nghĩ rằng mình đóng một vai trò có lẽ không được yêu thích, bởi tôi thực sự tin rằng một người có ảnh hưởng cần lên tiếng rằng nước Mỹ đã sai, nhưng ai nấy đều sợ phải nói ra điều đó.”

Sự kiện trên cho thấy ảnh hưởng của King đến với phong trào ‘Phản Chiến’ rại Mỹ.

David J. Garrow là tác giả cuốn “Bearing the Cross: Martin Luther King Jr. and the Southern Christian Leadership Conference” và “Rising Star: The Making of Barack Obama.”

Cuộc Bại Trận của Quân Lực VNCH

Để Trả Lời Vài Câu Hỏi về Cuộc Bại Trận của Quân Lực VNCH

KB NguySaigon

From: Tuan Le <vtuan93>Sent: Saturday, January 1, 2022, 05:16:46 PM PSTSubject: Để Trả Lời Vài Câu Hỏi về Cuộc Bại Trận của Quân Lực VNCH

Biệt Cách Dù VNCH Bắn Cháy 9 Xe Tăng T-54 tại Ngã tư Bảy Hiền sáng 30/4/75. Ảnh: Corbis

Lời nói đầu : Hoàng Phương tự giới thiệu là người dân Saigon, còn trẻ , chưa tham gia vào Quân Lực VNCH có đặt vài câu hỏi cho chúng tôi về cuộc bại trận năm 1975 của QLVNCH.

Câu hỏi 1: Khi các anh rã ngũ, tháo chạy, tháo chạy chứ không phải rút lui chiến thuật, các anh có nghĩ đến thân phận người dân…???

Trả Lời: Thưa Ông Hoàng Phương , Thật hân hạnh cho tui được ông đặt vấn đề về niềm tin của người dân và tinh thần chiến đấu của chúng tôi .

Trước hết tui xin nhắc lại câu nói rất nổi tiếng của TT Kennedy : “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho bạn . Hãy tự hỏi bạn đã làm gì cho Tổ Quốc ”. Khi ông đã hiểu câu nói trên và nếu biết tại sao câu nói trên nổi tiếng, công việc của tui rất dễ dàng . Tui không biết trình độ của ông tới đâu nhưng tui cũng ráng hết sức mình . Vấn đề là tui có thời gian có cho phép hay không . Bởi vì như ông đã biết . Tui chỉ là một viên Thiếu úy , cấp bậc thấp nhất hàng Sĩ Quan QLVNCH . Nếu ông hỏi tui vào những năm vừa thất trận hoặc đang ở tù thì không cách gì tui có thể trả lời cho ông được . Thời điểm đó tui cũng có những uất ức , những đau đớn, những câu hỏi như ông mà không có câu trả lời . Nhưng khi đến Mỹ nhờ đã hấp thụ nền giáo dục khai phóng của VNCH cho nên tui đã có thể tìm hiểu về chiến tranh VN , được đọc những tài liệu đã đươc giải mã và tui hy vọng có thể giải đáp phần nào thắc mắc của ông.

Có nhiều thuật ngữ mà có lẽ ông chưa biết như: Diện Địa, Di tản chiến thuật, Tái phối trí , Ngăn chận chiều hướng thua trận, Leo thang, Xuống thang … Chiến thuật khác chiến lược như thế nào …

Tui không hiểu Ông có phân biệt được tháo chạy và di tản chiến thuật khác nhau không ? Những cuộc lui quân trên Liên tỉnh 7B và Quảng Trị là một cuộc tháo chạy ? Xin cho tui được phép trình bày một góc cạnh của thời điểm đó . Theo bản tường trình của Tướng John Murray , Chỉ Huy Trưởng DAO thì:

“Vào lúc cao điểm của cuộc chiến , Quân Đội Mỹ và Đồng Minh có 433 Tiểu Đoàn và Quân Cộng Sản Bắc Việt xâm lược (CSBVXL) có 180 Tiểu Đoàn. Năm 1974, khi Quân Đội Mỹ rút quân về nước thì QLVNCH có 189 Tiểu Đoàn tác chiến . Quân số CSBVXL tăng lên 330 Tiểu Đoàn. QLVNCH không còn được Hoa Kỳ yểm trợ Hải Pháo, Không Quân chiến lược B52 và KQ chiến thuật F4. Quân viện bị cắt giảm chỉ bằng 2% tổng số kinh phí đã sử dụng cho Quân Đội Mỹ….”

Một bản tường trình khác :

“ Nếu viện trợ như cũ nghĩa là 2 tỷ 8 một năm thì giữ được 4 Quân Đoàn/ Quân Khu. Nếu viện trợ xuống 700 triệu thì chỉ giữ được Saigon và Quân Đoàn/ Quân Khu 4 mà thôi . Nếu viện trợ xuống 350 triệu chỉ giữ được Đảo Phú Quốc ” .

Hai bản tường trình nầy giúp TT Ford có lý do để xin Quốc Hội Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ cho VNCH . Khi Hiệp định Paris được ký kết có giá trị thi hành ngày 23 tháng 1 năm 1973, Quân Đội Mỹ để lại cho VNCH nhiều chiến cụ . Nhưng không có đồ phụ tùng cũng như chuyên viên bảo trì và sửa chửa . Cho nên một thời gian ngắn những chiến cụ nầy hư hỏng và không có đồ thay thế . Nguyên tắc một đổi một không thể thực hiện vì viện trợ bị cắt giảm .

Năm 1974 viện trợ còn 1 tỷ 4 . Đến năm 1975 thì giảm xuổng 700 triệu . Cuối cùng Quốc Hội Hoa Kỳ chỉ đồng ý 350 triệu mà thôi . Nhưng không tháo khoán có nghĩa là viện trợ năm 1975 là zero. Để thích hợp hiện tình viện trợ bị cắt giảm , TT Thiệu đã đưa ra chiến lược Đầu Bé Đít To . Chiến lược nầy được đưa ra quá trể vì TT Thiệu cứ giữ mãi chiến lược 4 KHÔNG . Trong đó có Không nhượng, không cắt đất cho CS . Đây là một sai lầm rất lớn của TT Thiệu . Khi Ban Mê Thuột thất thủ thì TT Thiệu thuyết trình cho các Tướng Tư Lệnh Quân Khu . Bỏ vùng rừng núi , ít dân . Chỉ giữ vùng Duyên Hải , dân cư đông và có tiềm lực kinh tế cho nên mới có Di Tản Chiến thuật và Tái Phối Trí . Cho nên bỏ Pleiku, Kontum rút về giữ Nha Trang, Phú Yên … Rút quân trong quan niệm điều quân rất khó thành công . Một trăm cuộc rút quân may ra thành công được một . Nhưng bắt buộc phải thực hiện. Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II /Quân Khu II là một tướng xuất thân từ Lực Lượng Đặc Biệt , chưa được huấn luyện cũng như kinh nghiệm để điều động hợp đồng binh chủng một đơn vị lớn như Quân Khu, lại không được Bộ Tổng Tham Mưu trực tiếp điều hành, chỉ huy . Giữ bí mật cuộc rút quân . Cho nên cuộc rút quân hoàn toàn thất bại khi chọn con đường hoang phế 7B , không di tản gia đình quân nhân trước . Cho nên hằng trăm ngàn nguời dân Pleiku và Kontum đã theo đoàn quân di tản . Người lính không thể cỏng mẹ , dắt cha, bế con dìu vợ mà chiến đấu được . Cho nên chưa di tản đã thấy số phận của đoàn quân di tản sẽ tan hàng . Những Sư Đoàn BV sau khi chiếm Ban Mê Thuột, khi biết Quân Khu II di tản đã nhanh chóng bôn tập và chỉ vài ngày sau đã bắt kịp đoàn quân và dân di tản . Họ đã pháo, đã bắn thẳng vào đoàn người di tản dù các Liên Đoàn Biệt Động Quân (BĐQ) và Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh (LĐ2KB) đã cố sức chống trả chấp nhận thiệt hại cũng không thể về được Tuy Hòa .

Trong cuộc rút quân tại Quân Khu 1, QL1 không thể sử dụng được nên cho rút quân về hai cứ điểm Huế , Chu Lai . Sau đó rút về Đà Nẳng. Từ Đà Nẳng tàu Hải Quân sẽ chở các đơn vì xuôi Nam. Các Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC), Sư Đoàn 1, SĐ2, SĐ 3 Bộ Binh đã đến điểm hẹn tại cửa Thuận An, Tư Hiền . Nhưng các tàu Hải Quân (HQ) đã không đủ để đưa các binh sĩ rời khỏi Đà Nẳng . Cho nên có chuyện một Lữ Đoàn TQLC đã bị du kích bắt sống vì họ không còn đạn dược . Các binh sĩ SĐ1, SĐ2, SĐ3 BB bỏ đơn vị tìm thân nhân để tự túc xuôi Nam . SĐ1 Không Quân bất khiển dụng vì không có đủ xăng dầu để phi cơ cất cánh . Trên Liên Tỉnh lộ 7B không có cầu nổi trên Sông Ba , bị các SĐ Bắc Việt bôn tập từ Ban Mê THuột tâp kích . Các Liên Đoàn Biệt Động Quân và LD 2 Kỵ Binh đã chiến đấu mãnh liệt tìm sinh lộ và đã bị thiệt hại hơn 80% . Quân Đoàn 1 cũng xảy ra tương tự . Cuối cùng Đà Nẳng tràn ngập dân và lính và Hải Quân đã không đủ khả năng mang tất cả xuôi Nam . Chỉ khoảng chưa tới 40% được mang về Cam Ranh sau đó về Vũng Tàu tái phối trí . Không có chuyện tháo chạy chỉ là không đủ phương tiện và nhất là khi dân chạy theo lính thì coi như xong . Tướng nhà trời cũng đành chịu thua .

Còn chuyện bỏ dân tháo chạy đã làm cho dân mất niềm tin vào lính chỉ là một lối nói lấy được . Người lính nào ở Miền Nam mà không có gia đình . Gia đình đó là dân chứ còn ai nữa . Di tản dân, lo cho dân, cứu trợ cho dân là nhiệm vụ của chính quyền, của Thủ Tướng, không phải nhiệm vụ của Quân Đội, của người lính . Ông nên vào youtube ông sẽ thấy chính quyền đã trưng dụng tất cả tàu bè của hảng Vishipco Line các tàu Trường Xuân, Trường Thanh, Sao Mai … thuê mướn các tàu, các xà lan Đại Hàn , Đài Loan chở đầy những người dân ở Quân Đoàn 1 . Trên Liên Tỉnh Lộ 7B hàng trăm ngàn đồng bào đã theo chân người lính để về Tuy Hòa . Hàng trăm ngàn người dân và lính đã nằm lại LTL 7B . Người dân đã theo chân người lính để rút lui đó có phải vì lòng tin vào người lính VNCH. Nếu họ mất niềm tin vào người lính VNCH họ sẽ ở lại với quân giải phóng BV và họ sẽ được giải phóng cuộc đời theo đúng nghĩa đen. Báo chí phóng viên ngoại quốc đã gọi cuộc di tản của người dân theo chân các đơn vị QLVNCH là : Cuộc Bỏ Phiếu Bằng Chân

Đây là một đề tài lớn , tui sẽ cố gắng tuần tự để giải thích để tường trình cho một người dân chẳng làm gì trong cảnh quốc gia hưng vong bây giờ lớn tiếng hạch sách và kết tội những người đã can trường chống giặc cộng xâm lược . Chỉ buông súng khi viện trơ không còn . Người chiến sĩ QLVNCH làm được gì khi thế cùng lực tận , họ đã tự sát , vào tù từ năm ba năm đến hơn 17 năm và phần nhiều những binh sĩ và thương phế binh đã sống lây lất, khổ ải dưới đòn thù của CS .

Câu hỏi 2: Tại sao khi viện trợ bị cắt, VNCH thua rất nhanh trong vòng 30 giây ?

Trả Lời : Quân Lực VNCH được thành lập và huấn luyện theo quân Đội Mỹ để tiện cho việc viện trợ . Quân Lực VNCH phải đảm trách diện địa có nghĩa là giữ đất và giữ dân . Quân Bắc Việt không có đất cũng không có dân (có nhưng không đáng kể MTGPMN tuyên truyền láo là họ có 3/4 đất đai và 4/5 dân chúng ) Các Sư Đoàn Bắc Việt (BV) thiện chiến đóng quân bên Miên bên Lào . Tiếp liệu được đưa vào bằng hai ngã : Đường mòn HCM và Hải Cảng Shihanookville . Đồ tiếp liệu vào đất Miên nhiều hơn khoảng 10 lần theo đường 559 . Muốn giữ đất hay diện địa QLVNCH phải trải mỏng lực lượng ra. Nên khi Mỹ đổ quân vào VN khoảng 500 ngàn vào những năm 1967-71 thì vấn đề diện địa được giải quyết . Lợi dụng khi Quân đội Hoa Kỳ rút quân về nước thế diện địa bị phá vỡ, muốn tấn công chỗ nào. Thí dụ Quảng Trị năm 1972 , sáu Sư Đoàn (SĐ) Bắc Việt tràn qua sông Bến Hải chiếm các cứ điểm ở Ái Tử Đông Hà, các căn cứ Carol, Phượng Hoàng, Cửa Việt … sau đó đại quân tiến chiếm Quảng Trị . Vì là diện địa nên không đủ quân số để chống cự lại cuộc tiến quân vũ bão của các SĐ chính quy Bắc Việt . Chạy, tẩu vi thượng sách. Đó là thuật ngữ gọi là di tản chiến thuật, vì không chạy luôn. Tới bờ Nam sông Mỹ Chánh tái phối trí tại đó . Chận đường tấn công của quân BV . Sau đó lập cầu không vận chuyển các đơn vị Tổng Trừ Bị như Nhảy Dù , Thủy Quân Lục Chiến (TQLC ) Biệt Động quân ra chiến trường . Chỉ cần 3 ngày là đầy đủ quân số tham chiến . Năm 1972 quân đội Mỹ chỉ còn lại khoảng 45 ngàn quân . Lực lượng Mỹ chỉ án binh bất động không tham chiến . Nhưng QLVNCH đã được Hoa Kỳ yểm trợ mãnh liệt với không quân chiến lược hàng trăm, hàng ngàn phi xuất B52 và hàng chục ngàn phi xuất của Không quân chiến thuật cùng Hải pháo đã giúp cho cho các đơn vị tham chiến ở Quảng Trị một hỏa lực mạnh mẽ chưa từng có . Với hỏa lực nầy đã làm cân bằng sự chênh lệch quân số giữa quân Bắc Việt và QLVNCH và sự vượt trội về pháo tầm xa 130 ly, Hỏa tiển 122 ly, 107 ly của Bắc cộng . Tuy nhiên chiến thắng Cổ Thành Quảng Trị phải được hình thành từ quyết tâm, từ tinh thần chiến đấu, từ lý tưởng Bảo Quốc An Dân với 3 tín niệm : Tổ Quốc –Danh Dự –Trách Nhiệm đặc biệt với sự hy sinh vô cùng to lớn của các đơn vị tham chiến : Nhảy Dù- TQLC, BĐQ , SĐ1BB , Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh , và Pháo Binh … đã làm nên chiến tích thần kỳ trong một trận đánh lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam . Đó là thời còn đầy đủ viện trợ và được Mỹ yểm trợ hỏa lực dồi dào, nên đã phản công chiếm lại những phần đất đã mất như Cổ thành Quảng Trị. Đến thời Mỹ rút quân , không đủ quân diện địa , cầu không vận không thể thực hiện được vì không có đủ xăng dầu cho phi cơ . Thí dụ Trận Phước Long đầu năm 1975 . Nếu quý vị có đọc hồi ký Tướng BV Trần Văn Trà “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”, Quý vị sẽ biết được Phạm Hùng và Trần Văn Trà đi về Hà Nội xin Lê Duẫn đánh Phước Long . Lê Duẫn bác bỏ vì sợ Mỹ trở lại . Nằn nì mãi Lê Duẫn đồng ý cho đánh nhưng chỉ giới hạn . Trần Văn Trà có cái nhìn chiến thuật trong một trận đánh nhưng Lê Duẫn nhìn qua lăng kính chính trị cho nên không cho Tướng Trà đánh . Tỉnh Phước Long chỉ có 5000 Địa Phương quân và Nghĩa Quân chống lại 3 Sư Doàn thiện chiến của BV (tức là 1 chống 10). Trận BMT cũng y như vậy. Chỉ diện địa Địa Phương Quân và Nghĩa Quân và chỉ một Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 53, Sư Đoàn 23BB trấn giữ Phi Trường Phụng Dực . Lực lượng phòng thủ Ban Mê Thuột chưa tới 4000 quân làm sao chống lại 3 Sư Đoàn chính quy Bắc cộng tăng cường những Trung Đoàn Chiến xa và Pháo Binh .

Saigon không còn quân trừ bị vì các SĐ Tổng Trừ Bị Nhảy Dù và TQLC đang kẹt tại chiến trường Quảng Trị . Ngày xưa chỉ 3 ngày là SĐ Nhảy Dù hay TQLC có mặt tại Phước Long ngay . Bây giờ 1 tháng cũng chưa chuyển xong . Quân Nhảy Dù chưa tới thì Phước Long đã thất thủ từ khuya . Nhưng điều động Nhảy Dù vào Phước Long thì Quảng Trị lại hở . Đó là tình cảnh Diện Địa và viện trợ bị cắt . Cho nên Phước Long , Ban Mê Thuột bị mất rất giống nhau . Thời điểm đó quân BV đánh chỗ nào chiếm chỗ ấy dễ dàng . Trận Phước Long quân BV trước khi tấn công vào Tỉnh Lỵ đã pháo hàng ngàn quả 130 ly mỗi ngày . Trong khi Pháo Binh VNCH chỉ được pháo 2 quả cho một cây đại bác mỗi ngày . Khác nhau là chỗ đó . Phi cơ , Xe tăng, Tàu Hải quân không có đủ xăng dầu để di chuyển cho nên sau trận Phước Long , Bộ Chính Trị Hà Nội nhận xét Mỹ không trở lại VN và Quốc Hội Mỹ cắt viện trợ cho VNCH , nên Lê Duẫn đã cử Lê Đức Thọ vào Nam chỉ huy cuộc tiến công dứt điểm Saigon trong năm 1975 thay vì 1976 như dự định .

Quý Ông Hoàng Phương nên đọc hồi ký của Tướng Hoàng Cầm:“Chặng Đường 10000 ngày” , Hồi ký Trần Văn Trà :“Kết thúc cuộc chiến 30 năm” hay “Đại Thắng Mùa Xuân” của Văn Tiến Dũng , “Hồi ký của Tướng Nguyễn Hữu An” sẽ biết được qua ngòi bút , qua cảm nghĩ , qua thực tế của các tướng lãnh BV , Quân Lực VNCH chúng tôi đã chiến đấu như thế nào ? Tinh thần chống cộng ra sao mà nhiều Tướng lãnh , Sĩ quan các cấp cùng hàng Hạ Sĩ Quan, Binh sĩ đã tự sát và nhiều người đã ở tù hơn 17 năm cùng hằng trăm ngàn Thương Phế Binh chúng tôi đã bị trầm luân khổ ải dưới chính sách trả thù của bọn Bắc Cộng .

Câu hỏi 3: Vẫn còn tiếp liệu cho 6 tháng và tinh thần chiến đấu không còn . Tháo Chạy hay Di Tản Chiến Thuật ?

Trả Lời: Thưa Ông Hoàng Phương, tui không có ý tranh cãi với ông khi Ông khẳng định là tháo chạy chứ chả có di tản chiến thuật gì cả. Cũng như vì chạy làng nên người dân VNCH đã mất niềm tin vào Quân Lực VNCH, cuối cùng ông cũng khẳng định là tinh thần chiến đấu của QLVNCH không còn nữa . Bây giờ thêm là VNCH vẫn còn tiếp liệu để chiến đấu trong 6 tháng .

Thú thật những khẳng định của ông khiến tui muốn trình bày một góc cạnh của ngày tàn cuộc chiến .

Về tinh thần , Ông có biết: Trận giải vây Đồn Biên Phòng Đức Huệ chỉ trong 1 ngày đánh tan tác Sư Đoàn 5 BV tháng 1-1974 . Trận đánh tại Long Thành , căn cứ Nước Trong , 12 chiến xa T54 bị bắn cháy và hơn 500 quân BV tử trận đầu tháng 4/ 1975 . Trận đánh tại quân Thủ Thừa , SĐ5 BV đã thiệt hại nặng nề và không thể cắt đứt Saigon và Quân Đoàn/Quân Khu IV. Đặc biệt Trận Long Khánh nguyên Quân Đoàn 4 do Tướng Hoàng Cầm đánh chỉ với SĐ 18 BB. Chúng tôi đã 1 chống 5, chống 10 mà quân BV không thể chiếm được Long Khánh . Tướng Trần Văn Trà phải ra điều nghiên và quyết định bỏ Long Khánh đánh Biên Hòa . Đêm 29 tháng 4 năm 1975 , SĐ 341 BV đã đại bại tại Biên Hòa khi đánh nhau với Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn 3/ Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh do Tướng Trần Quang Khôi chỉ huy . Sau đó Lực lượng Xung Kích và Lữ Đoàn 3 KB đã kéo về bảo vệ Saigon sáng 30 tháng 4 . Khi chúng tôi đến Bình Triệu thì TT Dương Văn Minh đã đầu hàng . Chúng tôi ước ao được đánh trận cuối cùng mà không được . Vậy thì cho tui hỏi Tinh thần ở đâu mà người chiến binh QLVNCH đã đứng vững trong ngày cuối cùng cuộc chiến ?

Trong cuộc họp tại Cam Ranh, Tướng Phú xin TT Thiệu tử thủ tại Pleiku vì các kho đạn kho hàng còn đầy đủ. TT Thiệu hỏi tử thủ trong bao lâu , Tướng Phú trả lời 1 tháng , TT Thiệu hỏi: rồi sao nữa ?, Tướng Phú không có câu trả lời nên mới có cuộc rút quân trên Liên tỉnh 7B về Tuy Hòa . Nhắc lại 1 tháng cho Quân Khu 2 chứ không phải 6 tháng nhá!

Tui cũng muốn kể cho Ông nghe câu chuyện ông Tướng của tui, Tướng Trần Quang Khôi , đang thụ huấn khóa Chỉ huy và Tham Mưu Cao Cấp ở Leavenworth (The United States Army Command and General Staff College ) Lúc Hiệp Định Paris được ký kết tháng giêng 1973, các SQ Hoa Kỳ cùng khóa đã khuyên Tướng Khôi ở lại Hoa Kỳ vì chiến tranh đã xong rồi . Họ sẽ giúp cho Tướng Khôi ở lại . Tướng Khôi khẳng khái trở về vì đất nước cần Tướng Khôi hơn bao giờ hết . Tướng Khôi đã trở về nước chiến đấu và ở tù 17 năm .

Trong “Decent Interval” tác giả Frank Snepp, một nhân viên CIA cao cấp tiết lộ : Kissinger đã từng than : ‘Sao chúng nó không chết phứt cho rồi’. Kissinger đã thương thảo với Chu Ân Lai , sau khi HD Paris ký kết cần một thời gian coi được để VNCH chết khoảng 1974. Nhưng VNCH đã không chết theo ý muốn của Kissinger . Vẫn chiến đấu trong tuyệt vọng đến 1975 thì mới thực sự sụp đổ khi viện trợ là con số không to tướng .

Như vậy Ông thấy rằng cái chết của VNCH được quyết định từ Washington chứ không phải ở chiến trường VN . Và ông phải biết rằng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi không chỉ chống lại một mình quân đội Bắc Việt mà Quân Lực VNCH chúng tôi đã chống lại toàn thể khối cộng sản gồm Liên Xô Trung Cộng , Đông Đức và toàn thể khối Đông Âu Cộng Sản cho nên:

Phải nhớ, phải biết rằng :

Cuộc bại trận nầy không làm mất Danh Dự , Niềm Tin và Lý Tưởng của toàn thể Chiến Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

KB NguySaigon

Nghiên cứu thêm về ‘Chiến Tranh Việt Nam’ tại trang:

Chiến Tranh Việt Nam

Advertisements