SƠ LƯỢC HỒ SƠ KHÁNG ÁN VỤ KIỆN WJC
Dương Thành Lợi
Author’s note of caution: Prior to formulating this commentary, I was not involved in the so-called WJC litigation (vụ kiện WJC) in any forms and thus took no position on either side, not because of lacking any particular interest but due to observing the irrational political hypes that apparently undermined the dynamic realities of trial process. On August 30, 2005, I was requested to review the WJC appeal’s legal briefs of both appellants and respondents; out of respect for Mr. Nguyễn Hữu Luyện, a well-regarded POW, I accepted the task with some personal reservations due to previously scheduled commitments. With due diligence and sincere dedication, I approached the issues critically with the hope of discovering some genuine light at the end of the prolonged tunnel. In spite of being a practicing lawyer aware of subjective influences, however, the view presented herein is definitely skewed by preferential précis and, more importantly, is categorically personal in nature because my Upper Canada legal license does not extend to the Commonwealth of Massachusetts.
* * *
Vừa từ Mễ Tây Cơ về Toronto, tôi nhận được điện thư của chú Nguyễn Hữu Luyện nhờ ‘giúp về vụ kiện trường đại học UMass Boston tại Court of Appeal’ [30-8-2005]. Ngay cả vào lúc phải đối đầu với nhiều hồ sơ cần giải quyết gấp, tôi vẫn nhận lời không phút chần chừ vì kính trọng tư cách của chú NH Luyện mặc dù trước đây, ngay cả khi cao trào ủng hộ vụ kiện đạt tột đỉnh vào khoảng giữa năm 2004 ở Hoa Thịnh Ðốn, tôi chỉ chọn tư thế quan sát viên khách quan trong vụ WJC vì nhận thấy bờ đê phân chia cảm xúc chính trị và thực tế luật pháp cần thiết đã bị cơn thác lũ ủng hộ cuốn trôi. Sau đây là tài liệu tóm lược hồ sơ kháng án vụ WJC được thực hiện gồm ba phần: Kháng Pháp Luận, Phủ Pháp Luận và Phản Pháp Luận.
Phần I
Brief of Appellants (Kháng Pháp Luận)
Vào ngày 27-8-2004, vụ án WJC đã bị Tòa Superior Court của Tiểu Bang Massachusetts bác bỏ theo đề nghị của khối bị cáo bao gồm William Joiner Center for the Study of War and Social Consequences và Ðại Học Massachusetts Boston (Defendant’s Motion to Stay Discovery and Motion to Dismiss the Second Amended Complaint). Khối nguyên đơn bao gồm Nguyễn Hữu Luyện, Bùi Diễm, Dinh Tu Nguyen, Lê P. Sang, Nguyễn Tường Bá, Trần Minh Xuân, Phan Nhật Nam, Nguyễn Thanh Liêm, và Nguyễn Văn Chức kháng cáo quyết định này lên Tòa Kháng Án (Appeals Court) của TB Massachusetts.
Kháng Pháp Luận (Brief of Appellants) của khối nguyên đơn đưa ra 4 câu hỏi yêu cầu Tòa Kháng Án (Appeals Court) của Tiểu Bang Massachusetts giải quyết có thể được tóm tắt như sau:
(a) Tòa Superior Court đã quyết định sai về vụ án kỳ thị này khi đòi hỏi nguyên đơn phải minh định yếu tố tranh tụng (state a claim) và trực tiếp xin việc (applying) khi hành động kỳ thị của khối bị cáo không cho phép thành viên nguyên đơn thực hiện chuyện này.
(b) Tòa Superior Court đã quyết định sai về vụ án này khi phán xét bên nguyên đơn không nêu ra được yếu tố tranh tụng là họ thuộc một thành phần bị kỳ thị theo tiêu chuẩn tuổi tác và nguồn gốc quốc gia (age and national origin) theo điều khoản luật M.G.L. c. 151B.
(c) Câu hỏi này tương tự như câu hỏi (b) nhưng được dựa theo điều khoản luật M.G.L. c. 151C và cộng thêm tiêu chuẩn “non-religious creed” (ý thức hệ).
(d) Tòa Superior Court đã quyết định sai về vụ án kỳ thị này khi phán xét là còn nhiều lý do khác (alternate grounds) có thể loại bỏ hồ sơ kiện tụng của khối nguyên đơn.
Trong phần lý luận, luật sư nguyên đơn trình bày sơ lược về vụ án cũng như cố gắng định nghĩa Vietnamese Diaspora (Cộng Đồng Người Việt Lưu Vong) nhằm chứng minh rằng WJC đã kỳ thị người Mỹ gốc Việt Nam Cộng Hòa trên 40 tuổi khi thuê mướn học giả trong đó có nhân viên đảng CSVN (admitted agents) cho chương trình “(Re)Constructing Identity and Place in the Vietnamese Diaspora” vốn là những cá nhân không đủ tiêu chuẩn, thiếu kinh nghiệm về Cộng Đồng Người Việt Lưu Vong (insufficient qualifications, no experience of the Vietnamese Diaspora) dựa trên tiêu chuẩn học vấn và kinh nghiệm của 9 nguyên đơn Nguyễn Hữu Luyện, Bùi Diễm, Dinh Tu Nguyen, Lê P. Sang, Nguyễn Tường Bá, Trần Minh Xuân, Phan Nhật Nam, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Văn Chức vốn là những người có học vị cao và kinh nghiệm phong phú.
Luật sư nguyên đơn sau đó trình bày các tiêu chuẩn luật pháp liên quan đến quyết định bác bỏ một hồ sơ kiện tụng (the sufficiency of a complaint) và cố gắng áp dụng vào vụ WJC. Theo khối nguyên đơn, quyết định bác bỏ đơn kiện WJC của Tòa Superior Court sai trái không những về mặt luật pháp mà còn bao gồm cả bình diện dữ kiện (errors of law and fact). Luật sư nguyên đơn đưa ra nhiều căn bản pháp lý cũng như dữ kiện để bảo vệ lý luận kháng cáo. Trong nhãn quan của người viết dựa trên kinh nghiệm cá nhân, lý luận sáng giá nhất có lẽ là tiêu chuẩn luật pháp liên quan đến Motion to Dismiss (yêu cầu bác đơn) trong tiến trình thụ lý vụ án; một số lý luận khác có vẽ đi khá xa với thực tế dữ kiện của vụ án như việc phân trần pháp giải điều khoản luật M.G.L. c. 151C [nhưng rất tiếc là không dẫn chứng được các quyết định của tòa án trong quá khứ, hay lời bàn của các nhà lập pháp khi điều nghiên M.G.L. c. 151C hoặc ít nhất là ý kiến của một số học giả liên quan đến ‘legislative intent’].
Theo luật sư nguyên đơn về tiêu chuẩn luật pháp liên quan đến Motion to Dismiss (yêu cầu bác đơn), Tòa Superior đã bác bỏ đơn kiện WJC dựa trên sự khai triển dữ kiện bất hợp pháp (bất lợi) cho khối nguyên đơn mà không chú ý đến các yếu tố tranh tụng khác (drew impermissible inferences against the plaintiffs, and ignored numerous other allegations of the Complaint). Tòa Superior đã không nhận thức đúng yếu tố tranh tụng (inaccurate characterization Plaintiffs’ Complaint) và đã tự quyết định sai trái về yếu tố “ác ý kỳ thị” (intentional discrimination) vốn là vấn đề dữ kiện khó có thể được phán xét trong một phiên xử về Motion to Dismiss, v.v.
Như đã trình bày ở trên, khối nguyên đơn cho là quyết định bác bỏ đơn kiện WJC của Tòa Superior Court sai trái không những về mặt luật pháp mà còn bao gồm cả bình diện dữ kiện (errors of law and fact). Kinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy Motion to Dismiss (yêu cầu bác đơn) của khối bị cáo khó có thể thành công trong một vụ kiện dân sự vì đòi hỏi chánh án phải điều tra dữ kiện để quyết định là yếu tố tranh tụng không tồn tại; do đó, ít khi yêu cầu bác đơn được phê chuẩn và vụ án WJC là một thí dụ điển hình hiếm hoi có phải là do đơn kiện tụng thuộc loại bổ túc (Second Amended Complaint) hay không bởi vì chính luật sư của khối bị cáo trong tài liệu Phủ Pháp Luận (Brief of the Respondents) cũng phải công nhận là khi truy xét Motion to Dismiss (yêu cầu bác đơn) theo điều khoản 12(b)(6), tòa án phải chấp nhận tất cả các lời cáo buộc và những ý kiến suy diễn dựa trên đó [Spinner v. Nutt, 417 Mass. 549,550 (1994)].
Phần II
Brief of the Respondents (Phủ Pháp Luận)
Thay vì phủ định bốn câu hỏi của khối nguyên đơn, khối bị cáo đưa ra bốn vấn đề khác trong Phủ Pháp Luận (Brief of the Respondents) như sau:
(a) Tòa Superior Court đã quyết định đúng khi bác bỏ vụ án kỳ thị về thuê mướn (failure-to-hire) vì các nhân tố nguyên đơn chưa bao giờ nộp đơn xin việc.
(b) Tòa Superior Court đã quyết định đúng vì nguyên đơn không có yếu tố tranh tụng (state a claim) về kỳ thị theo tiêu chuẩn ý thức hệ chính trị (political beliefs).
(c) Tòa Superior Court đã quyết định đúng khi bác bỏ vụ án theo điều lệ MGL c. 151C bởi vì các nhân tố nguyên đơn không xin học, theo chương trình trên mức cử nhân (beyond a bachelor’s degree), và bởi vì ý thức hệ cộng sản không phụ thuộc lãnh vực của luật MGL cũng như khối nguyên đơn chưa từng khiếu nại với Ủy Ban Chống Kỳ Thị Tiểu Bang Massachusetts (MCAD) trước khi tiến hành vụ án.
(d) Tòa Superior Court đã quyết định đúng khi bác bỏ vụ án vì thiếu pháp quyền theo điều lệ MGL c. 151B bởi vì, ngoài Nguyễn Hữu Luyện, các nhân tố nguyên đơn khác chưa từng khiếu nại với Ủy Ban Chống Kỳ Thị Tiêủ Bang Massachusetts (MCAD) trước khi tiến hành vụ án.
Trong phần lý luận, luật sư nguyên đơn nhấn mạnh sự kiện nguyên đơn Nguyễn Hữu Luyện từng bị MCAD bác đơn trước khi khởi tố vụ án WJC và, song song, tất cả thành viên khối nguyên đơn chưa từng nộp đơn xin việc với chương trình “(Re)Constructing Identity and Place in the Vietnamese Diaspora” cả ba niên khóa 2000, 2001, 2002 do đó không thể kêu ca là bị kỳ thị thuê mướn (hiring discrimination). Lý do được khối nguyên đơn đưa ra để giải thích vấn đề không-nộp-đơn-xin-việc là thiên kiến chủ quan (subjective belief) của họ cho rằng đơn nộp vẫn bị kỳ thị từ chối bởi vì hệ quả của vụ khiếu nại với MCAD chứ không phải do hành động kỳ thị của khối bị cáo; và Phủ Pháp Luận cho là thiên kiến chủ quan (subjective belief) chưa bao giờ được tòa án công nhận để bao che cho vấn đề không-nộp-đơn-xin-việc.
Theo khối bị cáo, luật hiện hành của Massachusetts liên hệ đến vấn đề kỳ thị không bảo vệ bất cứ ai dựa trên ý thức hệ chính trị (political belief cannot form the basis for a protected class under M.G.L. c.151B or c.151C). Song song, quyết định bác bỏ đơn kiện WJC của Tòa Superior Court hoàn toàn đúng bởi vì các thành viên của khối nguyên đơn không phải là sinh viên hay có ý xin tham dự các chương trình cao học (seeking admission to a program offering an advanced degree) và, ngoại trừ nguyên đơn Nguyễn Hữu Luyện, đã không khiếu nại với Ủy Ban Chống Kỳ Thị Tiểu Bang Massachusetts (MCAD) trước khi tiến hành vụ án theo đòi hỏi của luật pháp hiện hành ở Massachusetts.
Phủ Pháp Luận lý giải là khối nguyên đơn không chứng minh được là khối bị cáo có chính sách kỳ thị (a systematic policy of repeated discrimination) cũng như nhân viên Đại Học Massachusetts đã cung cấp dữ kiện sai trái (false or misleading information about the fellowships or told them not to apply). Có lẽ đáng ghi nhận là lý luận liên quan đến vấn đề kỳ thị Bắc Nam hay người Mỹ gốc Việt Nam Cộng Hòa trên 40 tuổi; luật pháp Hoa Kỳ không phân biệt giữa người mỹ gốc Bắc và dân cờ hoa xứ Nam (“Confederate Southern American” is not a protected class).
Ý kiến đặc sắc nhất của luật sư khối bị cáo có lẽ là sự viện dẫn năm sinh của một vài nguyên đơn như Bùi Diễm (1923) hay Phan Nhật Nam (1942) để chứng minh là vào các năm đó Việt Nam Cộng Hòa chưa xuất hiện, và chính khối nguyên đơn cũng cho biết là VNCH hiện hữu năm 1954 (trước khi họ sinh thành); và đi xa hơn nữa, sự khác biệt giữa hai khối người Việt ở miền Nam và miền Bắc là ý thức hệ chính trị vốn không được bảo vệ bởi luật hiện hành của Massachusetts (“M.G.L. c.151B .. did not extend that protection of political thought”; “there are no reported decisions in Massachusetts holding that M.G.L. c.151C extend that protection to political thought.”)
Các phần khác trong Phủ Pháp Luận liên hệ đến phương thức truy pháp (procedures) như MCAD hay jurisdictional defense và viện dẫn lý luận pháp định rườm rà mà các luật sư kinh nghiệm về tòa án đều biết là khi yếu về dữ kiện mới truy cập đến pháp lý trước tòa. Tựu trung, Phủ Pháp Luận của khối bị cáo tương đối mạch lạc hơn tài liệu Kháng Pháp Luận của khối nguyên đơn vốn phải trình bày hơi dài dòng về ‘người Mỹ gốc Việt Nam Cộng Hòa trên 40 tuổi’ – mức tuổi mà tác giả của bài này còn chưa đạt đến hôm nay (2005).
Phần III
Reply Brief of Appellants (Phản Pháp Luận)
Phản Pháp Luận là tài liệu của khối nguyên đơn trả lời các vấn đề do khối bị cáo đưa ra trong Phủ Pháp Luận (Brief of Respondents). Phản Pháp Luận của khối nguyên đơn về hình thức thì tương đối sáng sủa mạch lạc hơn Kháng Pháp Luận (Brief of Appellants) và, về nội dung, chứa đựng nhiều lý luận ngắn gọn nhưng đặc sắc hơn, có lẽ bởi vì Kháng Pháp Luận phải giải thích rườm rà về Vietnamese Diaspora (Cộng Đồng Người Việt Lưu Vong) cũng như chương trình “(Re)Constructing Identity and Place in the Vietnamese Diaspora.” Một vài dẫn chứng và lý luận trong Phản Pháp Luận đáng lưu ý sẽ được tóm tắt trong phần kế tiếp.
Trái với sự trình bày của khối bị cáo, trong niên khóa 2000-2001 không ai trong khối nguyên đơn biết được về việc thuê mướn nhân viên nghiên cứu cho chương trình “(Re)Constructing Identity and Place in the Vietnamese Diaspora” do cách quảng cáo sai lệch đến khi việc nhận đơn đã kết thúc. Và vào ngày 27-10-2000, khối nguyên đơn đã đệ đơn kiện WJC do đó trên bình diện khách quan họ có quyền tin (reasonably believed) là nếu nộp đơn trong các năm 2001-2003 thì cũng bị từ chối. Tòa án không thể bác đơn kiện về kỳ thị bởi vì vấn đề này dựa theo tiêu chuẩn dữ kiện (evidentiary standard) chứ không phải là phương thức truy pháp (pleading standard) [Swierkiewics v. Sorema N.A.]. [Người viết cảm thấy ngạc nhiên là tại sao Phản Pháp Luận không trình bày sơ ở đây về quyết định Winbush v. State of Iowa By Glenwood State Hosp., 66 F.3d 1471, 1478 (8th Cir., 1995) vốn phán xét là “application was not required because either the position was not advertised or the employer misled them to believe that applying would be futile” mà lại chỉ ghi tên quyết định này dưới phần footnote chung với các quyết định khác bởi vì Chánh Án thường không có thời giờ để đọc các quyết định ghi trong phần footnotes.]
Song song, khối nguyên đơn không truy kiện về vấn đề kỳ thị dựa trên ý thức hệ chính trị. Nền tảng truy tố WJC liên quan đến hành động kỳ thị của WJC đối với ‘người Mỹ gốc Việt Nam Cộng Hòa trên 40 tuổi.’ Việt Nam Cộng Hòa không giống như miền Nam Mỹ ly khai (the Confederacy) trong quá khứ; trước khi bị miền Bắc xâm chiếm, Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia độc lập với chính quyền riêng, luật pháp riêng và khối dân tộc riêng biệt (South Vietnam was an independent country until it was conquered by the North.. South Viet Nam had its own government, its own laws, and its own people…).
Về đòi hỏi phải khiếu nại với Ủy Ban Chống Kỳ Thị TB Massachusetts (MCAD) trước khi tiến hành vụ án, Phản Pháp Luận lý giải là việc này không phải là vấn đề tiên quyết (Edwin v. Blenwood Assocs., Inc., 9 F.Supp.2d 70, 74). Vã lại, trong vụ này, các thành viên của khối nguyên đơn đã khiếu nại với MCAD vào ngày 18-4-2001. Một vài lý luận khác trong Phản Pháp Luận liên quan đến khía cạnh pháp giải như M.G.L. c.151B và M.G.L. c.151C có vẽ suy biện nhiều và, theo suy đoán của người viết dựa trên kinh nghiệm, thực tế sẽ không quan trọng khi so sánh với trọng điểm của vụ kháng cáo là quyền hạn bác bỏ đơn kiện WJC của Tòa Superior Court dựa trên điều khoản 12(b)(6) vốn đòi hỏi tòa án phải chấp nhận tất cả các lời cáo buộc và những ý kiến suy diễn theo đó [Spinner v. Nutt, 417 Mass. 549,550 (1994)].
Kết Luận
Trên đây là tài liệu tóm lược hồ sơ kháng án vụ WJC gồm ba phần Kháng Pháp Luận, Phủ Pháp Luận và Phản Pháp Luận được thực hiện dựa trên sự hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân trực diện với thực tế giới hạn của thời gian. Trong điện thư ngày 30-8-2005, chú Nguyễn Hữu Luyện có yêu cầu tôi cho ý kiến “THẬT CHÍNH XÁC” về xác suất thành công hay thất bại của vụ kháng cáo. Yêu cầu của chú NH Luyện đòi hỏi một ý kiến chuyên nghiệp của luật sư có giấy phép và kinh nghiệm hành nghề ở Massachusetts dựa trên không những chiều sâu kiến thức pháp luật và bề dày thủ thuật hầu tòa mà còn cả sự thông suốt tinh tế về quá khứ cũng như quan điểm của Thẩm Phán Ðoàn qua các quyết định và sinh hoạt trong nhiều năm qua.
Vì chú NH Luyện cho biết “Phần này xin ông viết THẬT CHÍNH XÁC, chính xác 100%, vì sẽ có nhiều Luật Sư khác đọc nữa, … sẽ đưa lên báo chí, radio và trên các websites, các diễn đàn điện tử trên mạng lưới toàn cầu..,” tôi không có chọn lựa nào hơn là phải nói sơ về kinh nghiệm tòa án cá nhân để độc giả hiểu người viết không chỉ biết học tủ mà còn có chút ít kinh nghiệm về thực hành. Từ khi tôi từ chức trách vụ Biện Lý Viện Công Tố Toronto (Canada) 11 năm về trước, tôi may mắn được đại diện nhiều thành phần từ trí thức (kỷ sư, bác sĩ) đến giới bụi đời (du đảng, sát thủ) và thụ lý nhiều vụ án khả trọng từ dân sự đến đại hình. Tuy vậy, đối với cộng đồng Việt Nam, chỉ có một số vụ là tôi giữ được nhiều ấn tượng như vụ biện hộ trắng án cho GHPHVNTN về việc xây Chùa Việt Nam trước tòa xử kiện cũng như tòa kháng cáo sau khi Giáo Hội bị Thành phố Mississauga khởi tố và kháng án, đại diện biện minh thành công trước Hội Ðồng Duyệt Xét Tị Nạn Canada cho Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ðính, Thầy dòng Trương V. Tuyên, Du sinh Ðặng Xuân Vinh, thành viên phái đoàn thương mại CSVN Mai Thanh Thủy, v.v. Thắng hay thua là chuyện thường tình ngoài tòa, và có thân chủ của tôi bị thất bại nhưng may mắn là tỉ lệ thua kiện của các hồ sơ do tôi đại diện rất thấp có thể đếm không đầy vài ngón tay trong vòng 11 năm. Tỉ lệ thành công cao trước tòa án của tôi hoàn toàn nhờ vào sự chuẩn bị hồ sơ cũng như nhân chứng kỷ lưỡng và có lẽ may mắn nhờ ơn trên; và có lẽ vì nhờ may mắn cho nên trong nhiều vụ tưởng thua nhưng vẫn thành công điển hình như vụ kháng cáo bắt buộc Bộ Di Trú Canada phải cho phép cụ Nguyễn Ngọc Anh, 78 tuổi góa bụa, bảo lãnh hôn thê thứ hai, 38 tuổi, từ Việt Nam.
Dựa trên kinh nghiệm thực tế hơn một thập niên ra vào nhiều tòa án, ý kiến cá nhân của tôi – không phải là ý kiến chuyên nghiệp vì bằng hành nghề luật sư Upper Canada của tôi không bao trùm Massachusetts – là khối nguyên đơn nên giữ thế trung dung bất-luận bởi vì lý lẽ đối kháng dẫu có vững vàn vẫn còn tùy thuộc rất nhiều vào nhĩ-mục [và, trong vụ WJC, chính-trị-quan] của Thẩm Phán Ðoàn thụ lý hồ sơ kháng cáo. Cơ hội thành công của vụ kháng cáo WJC tương đối cao nếu được thụ lý bởi một Thẩm Phán Ðoàn thông thái chịu khó theo dõi (intellect), công bằng (fair/just) và không thiên vị (neutral) để tránh các yếu tố khác như “nếp nhăn chính trị” ảnh hưởng thiên lệch tiến trình thẩm định. Trong một số vụ án, chính cá nhân tôi phải chuyển dời theo chiến lược “chọn mặt gởi vàng” bởi vì sự an nguy của thân chủ đòi hỏi luật sư tận tâm phải cố gắng nâng cao xác suất thành công khi khả năng cho phép hữu lý và hợp pháp. Song song, sự kiện tôi có bạn hiện đang làm Chánh Án và Ðại Thẩm Phán Louis Matheson – dưỡng phụ nuôi dạy tôi từ năm 14 tuổi khi vừa đến Canada bơ vơ không cha mẹ – từng hoạt động chính trị hăng say trước khi trở thành Chánh Án có giúp làm sáng tỏ thêm yếu tố chìm của chính-trị-quan được tôi nêu ra hay không? Tục ngữ “justice is blind” hay “pháp bất vị thân” chỉ để triết-gia viết sách và giáo-sư sinh-viên tụng niệm ở giảng đường phân khoa Luật chứ khó áp dụng hoàn hảo vào quan trường nơi mà nữ thần luật pháp luôn luôn bị che mắt có thể cầm kiếm chém lầm khổ chủ.
Vụ kháng án WJC không phải là loại “hết hy vọng” (lost cause) nhưng thuộc loại chiến trận gay co (up hill battle) cần đến sự thận trọng cần thiết và kiên nhẫn lâu dài. Những phản ứng đầy cảm tính chính trị chỉ có giá trị bồi bổ tâm lý ngắn hạn nhưng dễ tàn lụi như rơm khô trước sức nóng của nhiệt độ tòa án. Bắc Mỹ có câu “When the going gets tough, the tough gets going” đại khái có nghĩa trong tình trạng khó khăn, những người dám xông pha đều thuộc loại can đảm đa tài như câu ngạn ngữ Việt Nam: “Không cứng thì làm sao đứng đầu gió.” Vụ WJC cho đến ngày thành công (hay thất bại!) luôn luôn cần đến những người không ngại khó khăn gian khổ. Có khó mới tỏ cái tài; nhà cách mạng Phan Bội Châu chẳng đã từng dạy: “Ví thử đường đời bằng phẳng cả, Anh hùng hào kiệt có hơn ai.”
Vào tháng 5-2004, trong bửa cơm thân tình do anh chị Hứa Văn Thinh khoãn đãi, tôi gặp chú Nguyễn Hữu Luyện đến Toronto lần đầu và là lần duy nhất cho đến ngày soạn thảo xong bài này. Tôi có nói “người Việt Nam không lấy thắng bại để luận anh hùng, chính cái tâm trong sáng hy sinh bất vụ lợi cho sự thật mới quan trọng” do đó khi làm việc phải, chú NH Luyện vẫn luôn luôn được những kẻ âm thầm vô danh như tôi trợ giúp. Nếu sau này vì lẽ gì đó bị thất bại, chú Nguyễn Hữu Luyện và những thiện nguyện viên sát cánh trong vụ kiện WJC vẫn là những bậc sĩ và anh thư khả kính chắc chắn sẽ được ký ức lịch sử người Việt tị nạn trân trọng ghi khắc ân nghĩa chân tình. “Trăm năm bia đá còn mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”
Dương Thành Lợi
Barrister & Solicitor
Lloyd Duong Attorneys Atrium
Toronto, Canada