Những người Hàn, họ Lý, gốc Việt

Nguyên Lương

Không phải đến năm 1975 chúng ta mới có tên gọi Thuyền Nhân (Boat People), danh từ dùng chỉ những người bỏ quê hương ra đi tị nạn nước ngoài bằng thuyền khi trong nước có nạn hay những biến cố như thay đổi chính quyền cai trị. Bên Trung Hoa, thời nhà Thanh đánh bại nhà Minh năm 1644, hàng vạn con cháu nhà Minh bỏ chạy ra khỏi nước bằng thuyền đến các nước Đông Nam Á lánh nạn. Tại Việt Nam, thời Trịnh Nguyễn phân tranh, rất nhiều quan quân Đàng Ngoài không thuận với Chúa Trịnh dong thuyền vào Nam thuần phục và chịu làm tôi cho Chúa Nguyễn. Cũng trong thời này, đám người Hoa tị nạn được gọi là người Minh Hương (người trung thành với nhà Minh), cũng đến xin cự ngụ Đàng Trong với Chúa Nguyễn, trong số đó có những người nổi tiếng đã xin làm tôi thần, giúp chúa Nguyễn an định vùng đất lục tỉnh như Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu. Sau đó đến thế hệ thứ hai, cha Hoa, mẹ Việt, như Mạc Thiên Tứ (con Mạc Cửu), và Trần Đại Định (con Trần Thượng Xuyên), cả hai đã giúp sức đắc lực cho nhà Nguyễn Gia Long đánh bại nhà Tây Sơn. Cả hai đều qua đời trước khi Nguyễn Ánh làm chủ Đại Việt năm 1802.

Câu Chuyện Lý Long Tường

   Cuối đời Nhà Lý, năm 1225, một biến cố lịch sử xảy ra trên nước Đại Việt ta nên cũng có những thuyền nhân bỏ nước ra đi vì họa diệt vong. Khi vua Lý Anh Tông mất năm 1175, ông không có con trai nối dõi, truyền ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng. Trần Thủ Độ lúc đó đang nắm chức Thái Sư, với quyền hành tuyệt đối trong tay, ông thông dâm với bà Hoàng Hậu Trần Thị Dung, cướp ngôi  nhà Lý bằng cách thu xếp cho Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, cháu trai của mình. Trần Thủ Độ nắm được triều chính liền ra tay tàn sát và tận diệt con cháu nhà Lý bằng khẩu hiệu “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Muốn được sống yên, người họ Lý đổi hết sang họ Nguyễn và một số sợ bị giết phải bỏ nước ra đi. Năm 1226, Hoàng Thân Lý Long Tường (cháu 6 đời của vua Lý Thái Tổ) cùng với 6000 quan quân thân thuộc nhà Lý bỏ trốn khỏi đất Đại Việt bằng thuyền từ Thanh Hóa ra biển Nam Hải. Sau hơn một tháng long đong trên biển, đoàn thuyền của họ Lý tấp vào đảo Đài Loan tránh bão. Tại đây chừng 200 người xin ở lại tị nạn, số còn lại hướng thẳng về phương Bắc. Chừng một tháng sau đoàn người họ Lý đến được cảng Hae-ju của Hàn Quốc (hải cảng này nằm trong tỉnh Hwanghae, sau chiến tranh Triều Tiên 1950, chia đôi lãnh thổ Nam-Bắc, tỉnh Hwanghae cũng bị chia đôi). Tương truyền nhà vua Hàn Quốc là Kojong của triều đại Goryeo (1192-1259) lúc bấy giờ, đêm nằm mộng thấy có một con chim Phượng Hoàng (Phoenix) từ phương Nam bay đến đậu ở vùng núi phía Tây nước Hàn. Nghe tin có một đoàn thuyền chở người tị nạn từ Đại Việt cập bến, vua Kojong ra lệnh cho các quan địa phương trong tỉnh Hae-ju trải thảm đỏ đón tiếp những người tị nạn thật trọng thể. Đoàn người Việt tị nạn dưới sự chỉ đạo của Lý Long Tường được giúp an cư, lập thành làng, sống bằng nghề đánh cá và chăn nuôi. Họ mở trường dạy văn, võ cho con cháu và dân địa phương.

 Năm 1232, quân Nguyên Mông, sau khi chiếm được toàn bộ Trung Nguyên, đem thủy lục quân tấn công Hàn Quốc. Tướng quân Lý Long Tường (Yi Yong Sang) anh dũng chỉ huy quân Hàn chống lại và thắng lớn, đánh tan đại quân Mông Cổ xâm lược. Khi ra trận, ông luôn đi đầu, cỡi con ngựa trắng, mình mặc áo giáp trắng, nên vua Hàn gọi ông là tướng Lý Bạch Mã. Năm 1253, dù tuổi đã ngoài 70, danh tướng gốc Việt Lý Bạch Mã lại một lần nữa oanh liệt đánh bại quân Mông Cổ xâm lược lần thứ hai và cũng là lần chót vào đất Hàn. Khi ông mất, Vua Hàn thương tiếc cho chôn cất trọng thể dưới chân núi Di A gần Bàn Môn Điếm ngày nay. Để tưởng nhớ công lao ông, trên đỉnh núi nơi họ Lý thường quỳ gối hướng mặt nhìn về phương Nam nơi nước Việt tổ tiên ông, vua Hàn cho dựng đền thờ và đặt tên là Đồi Vọng Quốc (Peak of Nostalgia) với một tượng đồng cao hướng mặt về phương Nam. Ngày nay dân Hàn vẫn quen gọi đây là Đồi Bạch Mã .

Câu Chuyện Lý Xương Căn

   Tính đến năm 1995, hậu duệ của Lý Long Tường ở Bắc Hàn có khoảng 1500 hộ gia đình và 600 hộ ở Nam Hàn. Trong họ tộc có rất nhiều người thành công trong quan trường cũng như thương trường. Trong số đó có những người rất nổi tiếng như Tổng Thống Nam Hàn Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee), vị Tổng Thống đầu tiên của Nam Hàn sau chiến tranh Triều Tiên và nước Hàn chia đôi. Vào những năm 1960, TT họ Lý có liên lạc với TT Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng Hòa nhờ giúp đỡ tìm lại tông tích của tổ tiên ông. Tổng Thống Diệm nhận lời, đặc cách một vị Bộ Trưởng dưới thời giúp TT Nam Hàn tìm lại cội nguồn. Rủi thay đó là thời chiến tranh Việt Nam, mộ phần vua quan nhà Lý nằm ở miền Bắc, cho mãi đến sau khi chiến tranh kết thúc họ Lý mới có cơ hội tìm về nguồn cội.

   Năm 1994, hậu duệ của nhà Lý ở Nam Hàn là Lý Xương Căn (Lee Chang Kun) và Lý Tùng Tuấn (Lee Sang Joon)  về Việt Nam đến viếng mộ tổ tiên nhà Lý tại làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và làm lễ cúng bái tổ tiên ở đền Lý Bát Đế. Họ cũng bỏ tiền ra tu sửa lăng mộ, đền thờ tám vị vua nhà Lý. Hai ông họ Lý đã ghi vào sổ lưu niệm tại đền Lý Bát Đế :”Cháu chắt xin thề nguyện không làm gì tổn thương đến vong linh tổ tiên bằng cả tinh thần và sứ mệnh trách nhiệm”. Lý Xương Căn sinh năm 1958 tại Hán Thành (Seoul) là hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ và là thứ 26 của Hoàng Thúc Lý Long Tường. Năm 2010 ông Căn quyết định đem cả gia đình mình hơn 50 người về Bắc Ninh sinh sống, lập cơ sở kinh doanh sản xuất và xin gia nhập quốc tịch Việt Nam. Ông Căn có một người con trai sinh năm 1997 được đặt tên là Lý Việt Quốc. Ông cho biết: “Tôi luôn tự hào là người con của quê hương Việt Nam, tìm lại đất mẹ với tâm nguyện sẽ góp hết sức mình cho sự nghiệp phát triển của quê hương và cho sự hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc”. Ông cũng chứng tỏ tinh thần trách nhiệm bằng cách xin tình nguyện làm đại sứ du lịch của Việt Nam tại Hàn Quốc để quảng bá, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam đến với người Nam Hàn. Năm 1967 nhà báo nổi tiếng Nam Hàn Kang Moo Hak có viết một cuốn sách tiểu thuyết lịch sử có tựa Due Yi Yong Sang ( Hoàng Thúc Lý Long Tường), cuốn sách  này được dịch ta tiếng Việt năm 1996 và cho ra mắt tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

   Năm 1995, công ty Việt Lý miền Trung do ông Căn làm giám đốc đã đầu tư lớn vào khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam) trong lãnh vực tái chế nhựa. Sau đó công ty mở rộng ra địa bàn TP Đà Nẵng với các lãnh vực thương mãi, du lịch, sân Golf và ông  đưa một số gia đình từ Bắc Ninh vào Đà Nẵng sinh sống. Nay ông Căn nói tiếng Việt thông thạo, cả nhà ông lấy tên Việt và học ngôn ngữ Việt. Khi một phóng viên hỏi ông: “Điều gì để ông chọn Đà Nẵng làm nơi sinh sống và làm việc?”, ông không ngần ngại trả lời: “Cuộc chiến VN trước đây do Nam Hàn đứng về phía của đồng minh Mỹ dẫn đến một số người Nam Hàn bị cuốn vào cuộc chiến đó. Giờ đây người Hàn quốc phải chịu một phần trách nhiệm với mảnh đất miền Trung là giúp tái thiết, xây dựng lại, và hàn gắn vết thương…”

Câu chuyện của tôi và một người Hàn họ Lý

  Khi nghe ông Lý Xương Căn nhắc đến câu “…một số người Nam Hàn bị cuốn vào cuộc chiến đó…” là tôi biết ông muốn nói về điều gì. Không phải chỉ là một số người như ông nói mà có đến 50 ngàn thanh niên tuổi còn rất trẻ đã được đưa đến nơi này. Mới đây, ngày 6 tháng 6 năm 2017, đương kim TT Nam Hàn, ông Văn Tại Dần (Moon Jae-in) có bài phát biểu vinh danh những người lính Hàn Quốc đã tham gia chiến tranh Việt Nam bên cạnh lực lượng Mỹ và lính Việt Nam Cộng Hòa, đã làm cho Hà Nội tức giận. Cũng như Tổng Thống Obama trong bài diễn văn nhậm chức năm 2008 có nhắc đến những người lính Mỹ đã hy sinh tại Khe Sanh, miền Trung Việt Nam. Trong số những người lính Nam Hàn được vinh danh này có người bạn của tôi tên Teak Young  Lee ( Lý Hòang Tất) mà tôi hay gọi thân mật là T Y Lee. T Y được đưa đến Nam Việt Nam tham chiến từ những năm 1968-1972. T Y làm lính tình báo trong sư đòan lục quân Mãnh Hổ đóng quân tại vùng núi Vân Sơn, xã Phước Thành, quận Tuy Phước, tỉnh Bình Định quê tôi. Ngoài sư đoàn Mãnh Hổ, Nam Hàn còn gởi sang Miền Nam một sư đoàn bộ binh Bạch Mã (White Horse, lấy tên vị tướng Lý Bạch Mã), và một lữ đoàn thủy quân lục chiến Thanh Long (Rồng Xanh-Blue Dragon). Các lực lượng này đóng quân dọc duyên hải miền Trung từ Quảng Nam đến Nha Trang.

   Năm 1992, ông Lý Nguyên Căn đưa gia đình về Bắc Ninh nhận tổ tiên họ hàng thì tại Hán Thành tôi gặp lại T Y.   Nói là gặp lại cũng không đúng vì thời T Y đến VN tôi còn qúa nhỏ, mới 15 tuổi, chỉ biết T Y và một số bạn lính của anh thường hay đến nhà tôi thăm Bố và họ bút đàm với nhau hàng giờ. Sau đêm định mệnh 1/11/63, TT Diệm bị lật đổ và sát hại, quê tôi bị quân đội Cộng Sản chiếm đóng trong mấy năm liền. Cả nhà tôi bị kẹt trong vùng tạm chiếm, sống dưới quyền kiểm soát của Việt Cộng sau một thời gian dài rồi chúng tôi cũng thoát ra được đến vùng quốc gia, nhờ có quân đội đồng minh phản công chiếm lại. Tôi về sống vùng tự do và được tiếp tục đi học lại Tiểu Học tại Diêu Trì. Trong một bài thơ viết về tuổi thơ giai đoạn này, tôi tâm sự:

Con lớn lên giũa phố đông người thiếu bạn

Sống trong hẻm nghèo thương nhớ xóm làng xưa

Đồng lúa xanh, giếng nước ngọt, cau, dừa

Nhớ chiều trời mưa bong bóng nở đầy sân nhỏ

Khi tôi thi đậu và theo học trường Trung Học Cường Để Qui Nhơn thì T Y là những người lính đầu tiên có mặt trong sư đoàn Mãnh Hổ, được đưa đến quê tôi, chiếm lại vùng quê nghèo khổ, sát chân núi, từ tay quân đội Cộng Sản và họ đã lập ở đó một hậu cứ to lớn cho sư đoàn gần 20 ngàn lính viễn chinh đóng quân. Từ nhà tôi đến hàng rào kẽm gai quân đội không dài hơn 1 cây số. Những người lính Hàn thường ra khỏi trại, đến nhà dân thăm hỏi, cho qùa, làm quen và tìm hiểu dân tình. Họ không biết ngôn ngữ của nhau nên T Y thường trò chuyên với bố tôi qua cách viết chữ Hán qua lại. Vô tình, Bố tôi nhờ biết chữ Hán mà trở thành một thông dịch viên bất đắc dĩ, và tôi cũng học được dăm ba câu chào hỏi tiếng Hàn, học cách đếm số, học hát bài ca Arirang và học võ Thái Cực Đạo. Vị Thiếu Tướng chỉ huy quân đội Đại Hàn tại Việt Nam tên Trần Đồng Hoán  (Chun Doo-hwan) sau khi về nước liền tham gia chính trị. Năm 1980 ông được đưa lên làm Tổng Thống Nam Hàn trong hai nhiệm kỳ. Thời ở Việt Nam ông cũng thường ghé Qui Nhơn thăm trường nơi tôi học và giúp đỡ trường xây một hội trường lớn theo lối kiến trúc cổ rất đẹp.

   Năm 90 công ty đề cử tôi về Á Châu làm việc, lãnh đạo các dịch vụ thương mãi trong vùng. Văn phòng chính tại Singapore và mỗi quốc gia trong số 14 nước tôi chịu trách nhiệm đều có một người địa phương cầm đầu (country manager) và một nhóm nhân viên lo công việc nhập khẩu các loại hóa chất của công ty tôi sản xuất, dùng trong lãnh vực kỹ nghệ và nông nghiệp. Lần đầu tôi đến thăm văn phòng đại diện thương mại ở Nam Hàn, tại Hán Thành, T Y đã là xếp lớn ở đây hơn 10 năm. Sau khi nghe tôi tự giới thiệu tên, biết là người Việt nên T Y hỏi thăm quê quán ở đâu. Khi biết tôi người gốc Bình Định, nhà ở gần nơi hậu cứ sư đoàn Mãnh Hổ, anh ta liền lấy trong ví ra một tấm hình trắng đen đã mờ qua năm tháng và hỏi tôi có biết người đàn ông chụp chung với anh trong tấm hình này là ai không? Tôi sững sờ, nước mắt rơi nhanh và tay run, ôm chầm lấy T Y, nói người đó đúng là Cha tôi và chúng tôi cùng khóc vui mừng sau hơn 20 năm gặp lại. T Y chỉ vào tôi và nói lớn trong nước mắt ràn rụa vì cảm động với những đồng nghiệp: “đây là người con trai của ông cụ mà tôi thường nói với các bạn tôi đã quen từ 20 năm trước ở Việt Nam, và chàng bé học trò ngày xưa này bây giờ là xếp của tất cả chúng ta đấy”. Tôi nhìn kỹ người đang đứng trước mặt, sau 20 năm, bây giờ là một trung niên chững chạc, tóc điểm bạc, dáng bệ vệ hơn, khác rất nhiều so với người trong hình thời tuổi còn thanh niên 20 thanh mảnh. Còn tôi không khỏi xúc động đựơc nhìn thấy hình người Cha đã qúa cố năm 87, lúc không về được để chịu tang. Gần 20 năm trước T Y đã thường đến nhà tôi bút đàm với Bố, chắc một phần là để điều tra tìm hiểu về dân tình. Tôi trọ học ở xa, mỗi tuần đạp xe hơn 20 km về thăm nhà một lần rồi vội vã trở lại thành phố. Từ năm 65 trở đi, quê nhà tôi bình yên, người dân tản cư đi xa đã quay trở lại. Ruộng lúa, ruộng mía lại đơm bông trong cảnh làng xóm vui sống thanh bình như những 10 năm đầu đời (1953-1963) tuổi thơ tôi đã sống qua. Nhờ có quân đội Nam Hàn giữ an ninh, người dân làng không còn sợ bất an, tôi viết:

Quê nhà bình yên mẹ con trở về nơi vài năm trước

Vài năm sau còn lại đám rừng hoang

Con dựng nhà, mẹ gầy lại mảnh vườn

Mùa Tết quê hương vàng hàng hoa điệp nở

 Sau năm 72, sau trận chiến khốc liệt mùa hè đỏ lửa, chính sách Việt Nam Hóa chiến tranh bắt đầu áp dụng và từ từ quân đội đồng minh như Nam Hàn, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Thái Lan, Phi Luật Tân… theo chân quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam, bỏ lại một miền Trung đã tan hoang vì bom đạn, và để lại trách nhiệm giữ đất, chống giặc cho những người lính Cộng Hòa. Năm 72, tôi rời Qui nhơn lên Dalat theo học Đại Học. Năm 75 theo tàu hải quân ra khỏi nước, đến Mỹ. Tôi không ngờ có một ngày được đưa về lại Á Châu làm việc và gặp lại một người quen của gia đình trên quê hương anh.

   Nhờ có kinh nghiệm sống và làm việc ở Việt Nam trong thời chiến, trước khi về hưu năm 2010, T Y được công ty Samsung mướn về Bắc Ninh làm giám đốc địa phương một thời gian. Từ thời Việt Nam có chính sách đổi mới, mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài năm 1986, Hàn Quốc là nước đầu tư nhiều nhất vào một đất nước với hơn 94 triệu dân, một lực lượng nhân công đông, trẻ và rẻ. Riêng công ty Samsung, với 3 nơi sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh, Tuyên Quang và Saigon, đã đóng góp 36 tỉ đô la, bằng 22.7% trong tổng số hàng xuất khẩu của Việt Nam năm 2016. Có ai ngờ hai nước đã từng là thù địch trong thời chiến lại có ngày sát cánh bên nhau trong lãnh vực kinh tế thời bình. Trong thời gian làm việc tại Bắc Ninh, qua tìm hiểu kỹ về gia phả,  T Y cũng biết ông tổ của mình đến từ vùng đất này. Anh vui mừng gọi điện thăm tôi năm 2013, kể cho tôi biết tin này. Anh nói trong xúc động: “Thảo nào mình rất mến người Việt, vì trong máu của mình cũng có giòng máu của Việt Tộc”. Tôi cười nói đùa với anh ta: “Biết đâu hai ta chẳng là người từ một giòng họ. Họ Lý qua được Hàn quốc vẫn giữ gốc họ Lý, còn tổ tiên tôi không thoát được phải đổi thành  họ Nguyễn…”

Năm 1975 Miền Bắc xua quân xâm chiếm Miền Nam, hàng trăm ngàn người Việt lại liều chết bỏ nước ra đi vì sợ bị tắm máu, tù tội. Danh từ Thuyền Nhân Việt Nam được thế giới nhắc đến nhiều. Họ đâu biết trước đó 750 năm cũng đã có những thuyền nhân ra đi tị nạn vì thù oán chính trị sau khi triều đình đổi ngôi. 765 năm sau, con cháu những thuyền nhân người Việt đầu tiên đó đã quay về đất tổ. Kẻ thù ra tay giết hại giòng họ Lý năm xưa giờ cũng chỉ còn tên trên những bia danh và cổ sử. Nhưng nay, 43 năm sau, những người của chế độ mới ra tay đàn áp, tù đày, cướp bóc và bạc đãi người miền Nam năm 1975 thì vẫn còn ngồi đó nắm quyền sanh sát. Chẳng lẽ phải chờ hàng trăm năm sau, con cháu chúng ta, những thuyền nhân ra đi tị nạn, mới thấy yên tâm trở về quê nhà?

   Nhớ lại năm 1963, năm quê nhà tôi bị Việt Cộng chiếm đóng, nhà thơ đất Quảng Nam mệnh yểu Nguyễn Nho Sa Mạc, mất năm 20 tuổi, đã viết những lời thơ như tiên tri:

Tôi khôn lớn nhìn nỗi buồn đất nước

Một giòng sông biên giới hai loài người

Nỗi đau đớn chất chồng cao bằng núi

Ôi Sài Gòn, ôi Hà Nội  cháy trong tôi

Đó là thời chiến tranh đất nước còn chia đôi, Hà Nội còn quá xa lạ với Sai Gòn. Nay hòa bình đã qua gần 43 năm mà sao những câu thơ trên nghe như thi sĩ mới viết hôm qua. Tôi đã nhiều lần về thăm  nhà, dạo phố Sài Gòn, du lịch Hà Nội, nhưng trong tôi hình như giòng sông biên giới của nhà thơ NNSM vẫn còn chảy mãi. Nhớ lại một ngày đầu tháng 3 năm 75, chào từ giã gia đình đi vào Nam lánh nạn, Bố tôi ôm tôi vào lòng dặn dò con trai dù đi xa, sống xa nhà tôi phải ráng sống làm người lương thiện. Hôm nay, viết bài này, tôi chợt nhớ những câu thơ cũ, cũng của nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc, anh viết như lời dặn của Cha tôi lúc chia ly:

Xã hội vẫn chồng cao từng đống rác

Đất nước mình khói lửa ngót nhiều năm

Cần những bàn tay giữ giống da vàng

Cần những tâm hồn biết thương và biết khóc

Nụ hôn nào ngày xưa vừa chớm mọc

Lần đầu tiên Ba đã hôn tôi

Đất nước tôi đang thiếu những con người

Con phải sống nhưng không vì cơm áo

   Vâng thưa Cha, cho dù sống ở nơi nào, dù không là quê cha đất tổ, con cũng ráng sống như lời Cha dặn. Và những thế hệ con cháu của những người tị nạn về sau, trên xứ người sẽ đạt được những  thành công lớn và làm rạng danh dân tộc Việt. Nhưng điểm chính là phải sống làm người lương thiện, sống không vì cơm áo, sống để giữ giống da vàng, sống biết thương biết khóc để chờ một ngày thuận lợi quay về, như Lý Xương Căn, Lý Tùng Tuấn và bạn tôi Lý Hoàng Tất đã quay về với quê Cha đất Tổ. Ngày đó sao thấy còn xa quá!

Bài Nói Chuyện Của Một H.O. – Lê Hoàng Ân

Monday, January 8, 2018

Lê Hoàng Ân, cựu Đại Uý QLVNCH, khoá 25 SVSQ Thủ Đức, từ 1968, là giảng viên Anh Văn Trường Sinh Ngữ Quân Đội.; Từ 1971 tới 75, là Sĩ Quan Liên Lạc Văn Phòng Phủ Tổng Thống. Đi tù VC gần 6 năm rưỡi (2296 ngày). Qua Mỹ theo chương trinh HO 12 ngày 06 tháng 07 năm 1992, hiện là cư dân Austin, TX và làm việc cho Motorola.
Ngày 28 tháng Năm, 2008 tác giả có dịp nói chuyện bằng tiếng Anh tại Viet-Nam Center and Archives thuộc Trường Đại-Học Kỹ-Thuật Lubbock, TX (Texas Tech. University), nhân dịp khai mạc cuộc triển lãm và lưu trữ hồ sơ của Hội Gia Đình những cựu Tù Nhân Chính Trị do bà Khúc Minh Thơ làm Chủ Tịch. Bài viết sau đây là bản dịch từ nguyên bản Anh ngữ do tác giả thực hiện.

*****

Ngay từ khi tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi đã luôn luôn dạy cho tôi ý nghĩa của hai chữ “Tự Do”. Năm 1954, khi tôi được 12 tuổi rưởi, gia đình tôi rời Hà Nội thuộc miền Bắc Việt Nam để di cư vào Sài Gòn thuộc miền Nam Việt Nam trong công cuộc đi tìm cái nền tảng của hai chữ “Tự Do” đó. Thêm một lần nữa, vào tháng Bảy năm 1992, gia đình tôi và tôi lại rời bỏ Sài Gòn để đến định cư tại Austin, thuộc tiểu bang Texas cũng trong công cuộc đi tìm cái nền tảng của hai chữ “Tự Do” này. Chúng tôi đang sống và thụ hưởng cái khái niệm của hai chữ “Tự Do” ở đây, ngay tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ này. Tôi cầu mong gia đình tôi không bao giờ phải tái định cư thêm một lần nữa để mong được thụ hưởng hai chữ “Tự Do” này.

Tôi đã và vẫn là con trai duy nhất của cha mẹ tôi. Điều này làm cho tôi đương nhiên được hưởng quy chế miễn dịch, nhưng tôi không thể nào ngồi im nhìn đất nước tôi bị các lực lượng Cộng Sản xâm chiếm. Tôi quyết định gia nhập hàng ngũ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà để bảo vệ Tổ Quốc của tôi và gia đình tôi chống lại sự thống trị của quân cộng sản. Sau hơn 9 năm phục vụ, tôi đã mang cấp bậc Đại Uý. Từ 1970 đến 1975, tôi phục vụ Tổ Quốc với tư cách là Sĩ Quan Liên Lạc cho Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà.

Tôi đang làm việc trong văn phòng của tôi tại Phủ Tổng Thống thì Sài Gòn thất thủ. Quý vị có thể đã được coi những đoạn phim thời sự chiếu cảnh những chiếc xe thiết giáp cộng sản vượt qua những cánh cổng của dinh. Tôi nhìn thấy những chiếc xe đó đến gần từ phía bên trong của dinh. Tôi rời bỏ dinh vào lúc đó bằng cách nhẩy qua bức tường phía sau dinh. Tôi trở về nhà và gặp hai người anh vợ của tôi. Chúng tôi bàn tính, với tư cách là quân nhân, là làm thế nào để vào bưng và tiếp tục chiến đấu chống cộng sản cùng với các anh em đồng đội khác.

Qua nhiều ngày tìm tòi, chúng tôi không gặp bất kỳ một ai cả, chúng tôi ra cả ngoài biển để tìm cách ra đi, nhưng cũng không xong, do đó chúng tôi tìm cách lẩn về nhà. Chúng tôi nghĩ là chúng tôi đã tìm không đúng chỗ, do đó đã không gặp được các đồng đội khác.

Sau khi chúng tôi về nhà được vài tuần lễ, tụi cộng sản đến tận nhà và bắt chúng tôi đi với vấn đề là trong khi chúng tôi “phục vụ đất nước” lại là cái mà chúng gọi chúng tôi là “những kẻ phản bội”. Chúng tôi đã không đầu hàng và chúng tôi đã không tự nguyện đi trình diện tụi cộng sản để chấp nhận có chỗ đứng trong cái mà chúng gọi là “trại cải tạo”.
Chúng nhốt tôi qua 7 trại lao động khổ sai khác nhau. Tôi đã trải qua trên 6 năm (chính xác là 2296 ngày và 12 tiếng đồng hồ) trong những trại khủng khiếp đó, nơi mà chúng muốn tẩy não chúng tôi. Tôi chưa hề đầu hàng.

Tôi bị chúng biệt giam một năm trời vì bằng lời nói tôi đã chống đối những chủ thuyết của chúng. Những tên cai tù nói là tôi sẽ được tha nếu tôi chấp nhận chế độ cộng sản để trở thành một công dân tốt thuộc chế độ này. Tôi từ chối, do đó, ngoài một năm biệt giam, tôi còn bị chúng đưa ra một trại trừng giới tại miền Trung Phần Việt Nam trong gần 3 năm.

Trại đó mang tên là Trại Trừng Giới A.20 Xuân Phước, mang một biệt danh khiếp đảm là Thung Lũng Tử Thần A.20. Trại này thật khủng khiếp và tôi đã mất 7 người anh em khi họ trốn trại và bị phát hiện và 6 bạn bị bắn chết, còn lại 1 anh thì vì bị đau cuối cùng không đi nhưng cũng có tên nên chúng kêt án tù chung thân. Hiện nay anh ta đang ở Hoa Kỳ nhưng bị bệnh hoạn là hậu quả của nhiều năm tù đầy của nguỵ quyền cộng sản.

Một trong hai người anh vợ tôi (Đại Uý Đỗ Văn Ưng, Trưởng Khối Tù Binh Phiến Cộng – Bộ Chỉ Huy Quân Cảnh) đã bỏ mạng trong một trại tù giống như những trại đã nhốt tôi. Người anh kia (Trung Tá Phạm Đăng Long, Trưởng Khối Chiến tranh Chính Trị Sư Đoàn 7 BB) đã sống sót sau trên 13 năm trải qua những “trại cải tạo” ở miền Bắc Việt Nam. Chúng tôi bị di chuyển trại hằng mỗi 6 tháng cho đến 1 năm, ngoại trừ trại trừng giới A.20 Xuân Phước, bởi vì chúng sợ là nếu nhốt lâu tại một chỗ chúng tôi có thể trở thành bạn thân với nhau và sẽ cùng nhau cố nổi loạn chống chúng hoặc trốn trại để đánh lại chúng. Còn A.20 Xuân Phước thì là một lòng chảo, chỉ có một đường ra vào mà chúng nó chiếm đóng nên không có cách nào trốn trại được.

Tôi được thả từ một trong những “trại cải tạo” đó là trại Trừng Giới A.20 Xuân Phước vào tháng 11 năm 1981. Sau nhiều năm chờ đợi, vào năm 1984 tôi đã nộp tất cả những giấy tờ cần thiết để xin sang Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ với tư cách là một tù nhân chính trị. Thủ tục rườm rà và kéo dài đã giữ tôi tại Việt Nam cho đến tháng 7 năm 1992. Nhờ những sự vận động tích cực của những nhà đấu tranh Việt Nam tại Hoa Kỳ như Bà Khúc Minh Thơ, hôm nay cũng có mặt tại đây, những năm bị cầm tù đã cho phép gia đình tôi và tôi nhập cư vào Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Nhà tôi và cậu con trai thứ của tôi cùng tôi đến Austin, TX vào tháng Bẩy năm 1992. Tại cuộc họp mặt những cựu quân nhân thuộc Hội Cựu Chiến Sĩ tại Austin, tôi lại được nhìn thấy lá Cờ vàng ba sọc đỏ lần đầu tiên sau hơn 17 năm. Tôi không cầm được nước mắt. Lẽ tất nhiên đó là những giọt lệ vui mừng, bởi vì tôi đã có cơ hội lại nhìn thấy lá Cờ đó, và tiếp tục vinh danh lá Cờ này. Nhưng cũng là những giọt lệ xót thương, bởi vì lá Cờ này không còn được bay trên bầu trời, đất liền và biển cả tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngày hôm nay, lá Cờ này vẫn tiếp tục bay trên toàn thế giới tự do. Lá Cờ thân thương nền vàng với ba sọc đỏ tượng trưng cho sự can đảm, sự trung thành và sức mạnh của những người nam cũng như nữ của Tổ Quốc Việt Nam Cộng Hoà. Lá Cờ này thuộc về một Quốc Gia đã từng có Tự Do. Ngày hôm nay, lá Cờ này đã liên kết với tôi trong đất nước này, một đất nước đã từng sáng tạo ra quan điểm của nền Tự Do thực sự và nền Dân Chủ thực sự cho những công dân của nó.

Tôi muốn bầy tỏ lòng biết ơn của tôi đối với dân chúng Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã chấp nhận đón tôi và gia đình tôi, cũng như hàng triệu những đồng bào, nam cũng như nữ, của tôi. Đất nước đẹp đẽ và vĩ đại này đã cho chúng tôi một cơ hội thứ hai để sống trong Tự Do và Dân Chủ.

Ngày hôm nay, đứa cháu nội đích tôn của tôi đã tròn tám tháng tuổi. Nó là một công dân Hoa Kỳ gốc Việt. Tôi muốn dậy cho các con và các cháu của tôi hiểu rõ những giá trị của cuộc sống. Tôi muốn chúng biết đương đầu với những khó khăn, có được một nền giáo dục tốt, và trên hết, biết sống với các giá trị đạo đức. Tôi tin tưởng vào tương lai của cháu nội tôi, cũng giống như tương lai của hàng triệu những trẻ em Hoa Kỳ gốc Việt. Tương lai của chúng tràn trề cơ hội và hy vọng. Tôi nhìn đứa cháu nội của tôi và tôi nhận thức được lý do tại sao tôi sẵn sàng hy sinh tính mạng của tôi để tranh đấu cho sự tự do của cháu.

Những ngày đấu tranh với cộng sản bằng súng đạn đã qua rồi. Ngày hôm nay tôi chống cộng sản với ngòi bút của tôi. Một câu ngạn ngữ Hoa Kỳ nổi tiếng nói rằng “ngòi bút mạnh hơn lưỡi kiếm”. Và với ngòi bút của tôi, tôi sẽ chia sẻ với các con, các cháu tôi về lịch sử dồi dào và kiêu hùng của cha ông chúng, những người đã từng mang danh nghĩa là công dân của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà. Tôi sẽ chia sẻ với chúng cái ngôn ngữ đẹp đẽ, cái nền văn hoá phong phú và những phong tục cổ kính của một dân tộc vĩ đại.

Các bạn của tôi và chính tôi thuộc hội “Bảo tồn văn hoá người Mỹ gốc Việt (the Vietnamese American Heritage Foundation – VAHF)” cùng chia sẻ trách nhiệm này. Tôi là giám đốc chương trình S.H.A.R.E., một chương trình hướng dẫn các sinh viên Hoa Kỳ về lịch sử thực sự và rõ ràng của Việt Nam, chứ không phải cái thứ lịch sử quái thai mà bọn cộng sản Việt Nam đẻ ra.

Mỗi ngày 30 tháng Tư, tôi cảm thấy có một sự buồn bã nào đó. Ngày đó tôi đã mất đất nước của tôi. Tôi đã mất người anh vợ của tôi và bao nhiêu thân nhân và bạn bè vào ngày đó và những ngày kế tiếp. Tôi không thể quên được ngày 30 tháng Tư. Tôi không thể quên được sự hy sinh mạng sống thật cao cả và vô bờ bến của 58,195 quân nhân Hoa Kỳ và trên 270,000 quân nhân Việt Nam, cộng thêm trên 600,000 thương phế binh. Họ đã chết hoặc họ đã hy sinh một phần thân thể của họ để cho chúng ta được sống còn trong chế độ tự do. Tôi có thể tha thứ nhưng tôi không thể quên được.

Gia đình tôi đã trở thành công dân Hoa Kỳ vào năm 1998, và chúng tôi hãnh diện là người Hoa Kỳ.

Với những người Hoa Kỳ gốc Việt đã tới đất nước này từ năm 1975, tôi xin cám ơn quý vị đã lót đường cho chúng tôi đi tìm Tự Do và Dân Chủ, cũng như quý vị vẫn không quên những người như chúng tôi đã từng bị bỏ rơi tại quê nhà.

Với những người Hoa Kỳ gốc Việt đã liều mình để vượt biên, vượt biển, từ năm 1976 đến năm 1990, để đi tìm Tự Do, quý vị là nhóm người đông đảo nhất, thành công nhất và được ngưỡng mộ nhiều nhất.

Với những người bạn của tôi, sang được đây qua chương trình “Chiến Dịch Nhân Đạo”, những năm tháng chúng ta phục vụ Tổ Quốc và những năm tháng dài tù đầy trong những trại giam cộng sản là cái giá chúng ta phải trả để đem lại Tự Do cho gia đình chúng ta. Tôi không hối hận đã đánh mất những năm tháng đó, bởi vì tôi là nhân chứng sống để nói lên cộng sản thực sự là gì.

Với những người bạn Hoa Kỳ đã tiếp đón chúng tôi trong đất nước này suốt 33 năm qua, xin chân thành cám ơn.

Với tất cả 58,195 quân nhân Hoa Kỳ đã tử trận tại Việt Nam, và với trên 270,000 quân nhân Việt Nam Cộng Hoà đã hy sinh cho chính nghĩa quốc gia, tôi xin dâng lời cầu nguyện của tôi đến quý vị.

Với những cựu quân nhân Hoa Kỳ cũng như Việt Nam, xin cám ơn quý vị đã cùng tôi tranh đấu trong công cuộc bảo vệ Tự Do.

Và với các bạn người Texas, tôi không được vinh dự sinh ra tại Texas, nhưng tôi đã chạy như bay đến đây.

Lê Hoàng Ân

Lá Thư Canada: Bài Diễn Văn Hay Nhất – Trà Lũ

Năm cũ con gà đang trôi đi mang theo bao nhiêu chuyện sôi nổi về Vua Trump bên Mỹ, vua Putin bên Nga, vua Macron bên Pháp, vua Tập Cận Bình bên Tàu, Vua Duterte bên Phi Luật Tân, Vua Kim Chính Ủn bên Cao Ly, và nhất là các chuyện của 4 Vua VN hiện nay quen gọi là Tứ Trụ Triều Đình.
Điều làm tôi giật mình nhiều nhất là việc mẹ của cựu hoàng Nguyễn Tấn Dũng, cụ bà Nguyễn Thị Hường qua đời ngày đầu tháng 12 vừa qua mà Đảng CSVN cũng như báo chí trong nước im re, không một lời nhắc tới, không một lời phân ưu chia buồn, các cụ thấy có lạ đời không? Ông Dũng làm thủ tướng những 8 năm cơ mà!
Tôi còn chưa hết giật mình về tình đồng chí của CSVN, thì tôi xém ngã xuống đất khi đọc trên mạng 2 lời tuyên bố của 2 đảng viên CSVN cao cấp khi họ nói về mẫu quốc Tàu Cộng.
Lời thứ nhất của ngài Võ Thị Thu Thủy, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh : ‘ Xin đừng vì cái đảo nhỏ ở Biển Đông mà làm mất đi tình hữu nghị láng giềng tốt đẹp giữa hai nước, bởi không có Đảng CS Trung Quốc chống lưng thì đảng ta sẽ không tồn tại đến ngày hôm nay’!
Thế có nghĩa là TC có chiếm biển đảo của ta thì cũng chỉ là chuyện nhỏ, ta không cần phải canh giữ gì nữa… Nghe nói 4 tỉnh biên giới phía bắc nước ta bây giờ đầy Tàu, không còn cột mốc, không còn biên cương nữa !
Lời thứ hai của ngài Nguyễn Duy Chiến, phó chủ tịch Uỷ ban Biên Giới Quốc Gia : ‘Việc nước bạn Trung Quốc xâm phạm lãnh hải ta, rồi đâm tầu, cắt cáp, thực chất vấn đề : ‘Đó là cách hành xử bố mẹ dạy con mình, yêu cho roi cho vọt, vậy sao phải bất bình ?’
Thì ra VC coi TC là bố mẹ, bố mẹ có yêu VC nên mới đánh như thế!
Đọc xong hai lời phát ngôn trên, với hình ảnh đi kèm, tôi không còn tin vào mắt của mình nữa. Tôi đọc thấy lời giới thiệu trên mạng : Đây là lời 2 con thú nói tiếng người !
Cụ Chánh tiên chỉ của xã An Lạc chúng tôi nghe tới đây thì yêu cầu tôi chấm dứt chuyện hai con vật này. Cụ đòi nghe chuyện nào vui. Anh H.O. nhảy vào giúp vui ngay : Rằng cái chuyện của ngài Tiến sĩ Bùi Hiền đề nghị cải cách chữ viết quốc ngữ đang sôi nổi hiện nay, bây giờ đang sinh ra nhiều chuyện nghe như tiếu lâm :
– chẳng hạn câu này : ‘Bác Hồ ôm chặt và hôn Chu Ân Lai’. Nếu viết theo Ngài Bùi Hiền thì sẽ là ‘ Bak Hồ ôm cặk và hôn Cu Ân Lai’ –
– chẳng hạn tên của những vị nào có chữ Tr và Ch thì được viết như sau :
Trần Chu Đài : Cần Cu Dài
Trần Trầm Chu : Cần Cầm Cu
Trần Khoa Chu : Cần Xoa Cu
Trần Anh Chức : Cần An Cứk
Cụ Chánh nghe đến đây thì giơ tay : Xin dẹp cái chuyện thô lỗ này đi. Mình tôn trọng quyền tự do ngôn luận thì cứ để cho Bùi Hiền và bè lũ của hắn nói nhưng chúng ta không thèm nghe, không thèm để ý. Mình mà viết theo Bùi Hiền là mình viết những lời tục tĩu.
Ông ODP lên tiếng : Cụ ơi, gốc của VC là gốc rừng rú mà. Ngoài chuyện cải cách chữ viết như trên, VC còn cho sửa Truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du nữa cơ. Nghe có khiếp không ! GS Đàm Trung Pháp, một nhà ngữ pháp nổi tiếng, đã viết như sau :
‘…Mức nhiễm độc của tiếng Việt đổi đời ngày nay càng đáng sợ, nó đã tràn sang cả đại tác phẩm Truyện Kiều của dân tộc Việt. Một báo động đỏ thực sự. Truyện Kiều mà học giả Phạm Quỳnh, trong ngày giỗ Cụ Nguyễn Du linh đình năm 1924 tại Hà Nội đã tôn vinh với câu nói trước anh linh của tiền nhân rằng :’Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn…’ đang bị phỉ báng và bức hại tại quê nhà. Khai pháo bởi ông kỹ sư cơ khí Đỗ Minh Xuân khi ông ta phổ biến cuốn sách có một tựa đề ngạo nghễ : ‘Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng’ trong một cuộc hội thảo về Truyện Kiều tổ chức cuối năm 2012 tại khu di tích Nguyễn Du ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Trong ‘công trình’ ấy, ông đã sửa khoảng 1.000 chỗ trong tổng số 3.524 câu thơ Truyện Kiều. Lý do tại sao ông quyết định sửa đại tác phẩm của thi hào Nguyễn Du, hãy nghe ông phán : ‘Truyện Kiều không còn thịnh như trước, do rào cản điển tích, chữ Hán, từ cổ, từ địa phương, chữ nghĩa Truyện Kiều rườm rà, trùng lập, không hay, thiếu logic, trái văn cảnh…’ Một việc quái đản xưa nay chưa từng thấy, vậy mà lại được ‘anh hùng lao động’ Vũ Khiêu, một học giả từng làm viện trưởng Viện Xã Hội Học, khuyến khích và tán dương, với lời quả quyết sách này là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều. Xin hết trích dẫn lời GS Pháp.
Thôi, tôi biết các cụ đọc đến đây đang bị nhức đầu nên không nói tới những việc quái gở này nữa, chỉ xin nhắc lại là Truyện Kiều có 3.524 câu thơ thì ngài Đỗ Minh Xuân sửa 1.000 câu. Hết ý.
Cụ Chánh xin phát biểu : Những chuyện quái gở này không làm lão ngạc nhiên từ ngày nghe ngài thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc diễn văn trong hội nghị về ngân hàng Á Châu. Bữa đó ngài đọc tên nước Mên, Lào, Việt Nam viết tắt là ‘mờ lờ vờ’, sản phẩm làm ở Việt Nam made in Viet Nam là ‘ma dze in Việt Nam’. Cũng xin hết ý luôn.
Anh H.O. nói leo vào : ngày cháu bị tù có anh quản giáo đọc tên nhạc sĩ Chopin là cho-pin chứ không sô-panh như ai cũng biết.
Lúc này ông bồ chữ ODP mới lên tiếng : Nãy giờ ta toàn nghe chữ nghĩa của dân vô học. Tất cả các chuyện trên đây không hay bằng chuyện câu thơ tình viết mỗi tiếng chỉ bằng một chữ . Nói xong ông viết vào tờ giấy rồi đố cả làng. Trên giấy ông viết như thế này :
N K M H U Ơ,
N K M H M R Q N
Cả làng lắc đầu vì lần đầu tiên làng thấy sự lạ.
Ông cười hà hà rồi bảo : chữ N trong câu này phải đọc theo giọng người Miền Nam, không phải ‘en’ mà là ‘ăn’, nghe mài mại như âm ‘anh’, do đó cái tai anh Bắc Kỳ nghe ra thế này :
Anh ca em hát u ơ,
Anh ca em hát em rờ cu anh.
Rồi ông xin lỗi cả làng vì ý câu thơ lãng mạng quá. Các bà các cô vừa cười nghiêng ngả vừa đấm nhau thùm thụp. Cười xong thì Chị Ba Biên Hoà cất tiếng hỏi : Bác lấy cái truyện này ở đâu vậy ? Ông ODP trả lời ngay :
– Trên YouTube. Chị cứ mở YouTube ra, cái gì cũng có. Ngày nào tôi cũng mở.
Sáng nay tôi thấy có chương trình nhạc Giáng Sinh hay vô cùng tên là ‘André Rieu-Silenty Night’. Tôi chưa thấy có băng nhạc hội Noel nào hay như băng này. Các bạn biết dàn nhạc của Anré Rieu chứ, ông trình diễn âm nhạc khắp nơi, toàn ở những hội trường vĩ đại. Riêng nhạc hội Silent Night này, ở Vienna năm 2013 thì phải, được tổ chức trong một nhà thờ rất nguy nga. Băng nhạc nổi tiếng này làm tôi nhớ tới 3 băng nhạc Gloria của Thuý Nga. Chỉ có Thuý Nga mới đủ khả năng làm thành những băng nhạc đạo, Gloria 1, Gloria 2, và Gloria 3, sáng chói như vậy.
Nghe đến đây thì Cụ Chánh chạy vào phòng của cụ một lúc rồi quay ra. Tay cụ cầm một chồng băng DVD. Cụ vừa cười vừa nói : Lão định sẽ mừng tuổi mỗi gia đình làng ta một băng ‘Gloria 3’ này vào ngày mồng một tết, nhưng vì bác ODP vừa khen băng này hay quá, lão không cầm lòng được, cho nên lão xin mừng tuổi ngay bây giờ cho nóng sốt. Băng Thuý Nga được phổ biến rất rộng rãi, nhất là ở VN, băng này sẽ tới các hang cùng ngõ hẻm. Đây là băng tán tụng ý nghĩa Giáng Sinh hay tuyệt vời, sân khấu, âm thanh ánh sáng, các ca sĩ trình diễn và lời MC Nguyễn Ngọc Ngạn cũng đều tuyệt vời, chả thua gì băng Andre Rieu. Lão mua băng gốc để cám ơn Thuý Nga về tác phẩm rất đáng ca ngợi này.
Chị Ba Biên Hoà nói thêm về YouTube : Tôi biết được nhiều chuyện rất hay trên YouTube. Chẳng hạn băng chiếu màn võ sĩ Cung Lê bên Mỹ đánh gục nhiều võ sĩ quốc tế, nhất là võ sĩ của Tàu Cộng Vương Tán Thủ. Tên võ sĩ Tàu này trước trận đấu thì mặt hiu hiu tự đắc, sau hiệp 3 thì võ sĩ Cung Lê dân Mỹ gốc VN đã hạ đo ván tên này , sao mà lòng tôi thấy đã quá, hả dạ qúa.
Cả làng vỗ tay ca ngợi lời kể về Cung Lê hạ võ sĩ Tàu Cộng, ai cũng thích chuyện này. Rồi cả làng nhìn anh John, ai cũng muốn xin anh tiếp lời Chị Ba. Anh John nói ngay : Đó là cái công của tôi. Xưa nay tôi vẫn thích xem mục đấu võ. Bữa đó tôi thấy võ sĩ Cung Lê trên màn ảnh liền gọi bà xã, và nhà tôi đã xem trận võ chung kết nổi tiếng này từ đầu đến cuối, từ lúc Cung Lê bước lên võ đài giơ tay chào khán thính giả cho tới lúc tên võ sĩ Tàu, nguyên là vô địch bên Tàu, bị Võ sĩ gốc VN Cung Lê cho nằm dưới chân. Chuyện về tài ba của Cung Lê rất hay và rất dài, để hôm nào tôi ghi ra băng rồi tặng cả làng, để cả làng cho con cháu xem, để chúng thấy cái gốc VN lớn lắm. Hôm nay tôi không có ý nói về Cung Lê, nhưng muốn nói về con chó, một con vật nhà ai cũng có nhưng vẫn coi thường. Hôm nay , nhân năm Bính Tuất đang tới là năm của Vua Chó, tôi muốn nói tới một bài diễn văn ca ngợi con chó được coi là bài diễn văn hay nhất thế kỷ. Chuyện như sau :
Đầu năm 2000, William Safire cây viết số 1 của báo uy tín quốc tế The New York Times đã đi tìm các bài diễn văn hay nhất thế kỷ qua. Ông đã tìm kiếm qua rất nhiều thiên tài thế giới, từ lời Ông Job trong Kinh Thánh, tới Patick Henry, John Adams, Winston Churchill, tới Martin Luther King…và cuối cùng ông đã tìm ra thiên tài. Đây không nói về chuyện thần thánh hay con người, mà về một con chó. Chủ con chó nhờ luật sư George Graham West kiện anh hàng xóm vì anh này giết chết con chó yêu qúy của anh ta. LS West đã thắng kiện với một bài biện luận được coi là bài diễn văn hay nhất thế kỷ sau đây :
…Thưa qúy ngài hội thẩm,
Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới này có thể một ngày nào đó hóa ra kẻ thù và quay ra chống lại ta. Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình yêu thương hết mực rồi ra có thể là một lũ vô ơn. Những người gần gũi thân thiết ta nhất, những người ta gửi gấm hạnh phúc và danh dự có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành. Tiền bạc mà con người có được, rồi sẽ mất đi. Nó mất đi đúng vào lúc ta cần đến nó nhất. Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi hành động dại một giờ. Những kẻ phủ phục tôn vinh khi ta thành đạt có thể sẽ là những kẻ đầu tiên ném đá vào ta khi ta sa cơ.
Duy có một người bạn hoàn toàn không vụ lợi mà con người có được trong thế giới ích kỷ này, người bạn không bao giờ bỏ rơi ta, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay tráo trở, đó là con chó của ta. Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta trong phú qúy cũng như trong lúc bần hàn, khi khoẻ mạnh lẫn ốm đau. Nó ngủ trên nền đất lạnh dù gió đông cắt da cắt thịt, hay bão tuyết lấp vùi, miễn sao được cận kề bên chủ là được. Nó hôn bàn tay ta dù không còn thức ăn gì cho nó. Nó canh gác giấc ngủ của ta như thể ta là một ông hoàng dù ta có là một gã ăn mày. Dù khi ta tán gia bại sản, thân tàn danh liệt, thì vẫn còn con chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời.
Nếu chẳng may số phận đá ta ra rìa xã hội, không bạn bè, vô gia cư, thì con chó trung thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho được làm kẻ bảo vệ ta trước hiểm nguy, giúp ta chống lại kẻ thù. Và khi trò đời hạ màn, thần chết đến rước linh hồn ta đi, để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, thì khi ấy, khi tất cả thân bằng quyến thuộc đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ, thì khi ấy vẫn còn bên nấm mộ ta con chó cao thượng của ta, nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở to cảnh giác, chân thành và chân thực ngay khi ta đã chết rồi.
Xin hết bài diễn văn được coi là hay nhất thế kỷ.
Kính chúc các cụ năm mới Chú Tuất được mọi phước lành, thân tâm luôn luôn an lạc.
Trà Lũ.