‘Tri ân và Cảm ơn’ là đạo lý làm người, một trong những tinh hoa văn hóa của các nước văn minh trên thế giới hiện tại. Hoa Kỳ và vài quốc gia văn minh, giàu mạnh khác đã thể hiện đạo lý ‘Lòng Biết Ơn’ trong văn hóa của đất nước họ qua hai ngày lễ lớn: ‘Thanksgiving’ và ‘Memorial Day’.
Tại Hoa Kỳ ngày ‘Chiến Sĩ Trận Vong’ đã trở thành quốc lễ, gọi là MEMORIAL DAY. Ngày lễ này cũng còn gọi là DECORATION DAY do tướng John A. Logan đề ra để truy tặng Huy chương vinh danh các chiến sĩ Nam-Bắc tử trận trong cuộc Nội Chiến (Civil War: Apr 12, 1861 – May 13, 1865).
Năm 1966, chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng Waterloo, New York là nơi đã đặt ra ngày lễ này. Người dân ở Waterloo lần đầu tiên cử hành Memorial Day vào ngày 5 tháng 5 năm 1866 để vinh danh những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc Nội Chiến Nam Bắc tại Mỹ (American Civil War). Sau Thế Chiến Thứ Nhất (World War I), ngày lễ này bắt đầu được mở rộng hơn để tưởng niệm binh sĩ tử trận trong các cuộc chiến khác ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ.
Từ năm 1971, Lễ Memorial Day chính thức trở thành ngày Lễ Liên Bang ở Hoa Kỳ (Legal holiday). Ngày nay, Memorial Day là ngày biểu lộ lòng tôn kính và biết ơn của của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đối với các chiến sĩ đã hy sinh. Vào ngày này, người Mỹ đi viếng thăm các nghĩa trang và các đài tưởng niệm và lá cờ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ được để rũ cho đến trưa theo giờ địa phương. Memorial Day năm 2018 tại Vancouver
Như năm rồi, năm nay Cộng đồng Việt Nam Oregon và Vancouver nhận lời mời của Hội Community Military Appreciation Committee (CMAC) tham dự Lễ Memorial Day Observance tại Fort Vancouver Bandstand, Washington, được tổ chức vào sáng thứ Hai, ngày 28 tháng 5 năm 2018 do CMAC và Waste Connections bảo trợ.
Buổi lễ được khai mạc đúng 11 giờ trưa với đầy đủ nghi thức thật long trọng như lễ Thượng Kỳ, rước Quốc Quân Kỳ của nhiều đơn vị quân đội của tiểu bang Washington, chào Quốc Kỳ Hoa Kỳ, phát biểu của đại diện các hội đoàn, lễ dâng hoa Tưởng niệm, bắn 18 phát súng trường và 4 phát đại pháo, thả bốn lồng chim bồ câu trắng, ca nhạc và hòa tấu. (Xem đầy đủ hình ảnh qua video và photo album của nhiếp ảnh gia Mary Nguyễn và trên website của cộng đồng www.vnco.org hay www.chienhuuvnch.com)
Về phía người Việt tham dự, chúng tôi nhận thấy có ông Phạm Hùng Minh, cựu Chủ tịch Cộng Đồng Clark County đại diện phái đoàn người Việt tham dự trên 30 người gồm ông Uông Phát, Chủ tịch Cộng đồng người Việt Vancouver, ông Từ Đức Tháo, Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam Oregon, một số đồng hương và hơn 20 cựu quân nhân VNCH Oregon và Vancouver.
Toán Quốc Kỳ Việt, Mỹ và Quân Kỳ VNCH do bốn cựu quân nhân VNCH trong quân phục đại lễ và tiểu lễ: Hải Quân (Nguyễn Văn Đông), Lục Quân (Hoàng Tiến Phương), Không Quân (Nguyễn Đức Liêm) thủ kỳ, và hai Thủy Quân Lục Chiến (Nguyễn Hoàng Kiệt và Trương Hữu Thành) hầu kỳ. Chúng tôi còn thấy có các vị hội trưởng và đại diện các hội đoàn cựu quân-cán-chính VNCH, Nhiếp ảnh gia Mary Nguyễn và anh Lê Quang Trung, phóng viên truyền hình SBTN.
Tâm tư người viết dâng trào lẫn lộn niềm hãnh diện và xúc động khi thấy lá Quốc Kỳ và Quân Kỳ VNCH tung bay phất phới từ xa tiến về khán đài, đi giữa hai bên dòng người quan khách và đông đảo người dân bản xứ đang đứng nghiêm trang chào kính. Nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ đưa tay chào theo lễ nghi quân cách. Trước đó khi chúng tôi vừa đến, còn đang chuẩn bị cờ xí và tập dợt đã có nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ đến bắt tay từng cựu quân nhân VNCH chúng tôi, với lời: “Welcome home” và “Thank you” thật thân tình, cảm động.
Đáng lưu ý nhất trong buổi lễ hôm nay khi chúng tôi thấy có hàng trăm trẻ em người Mỹ gồm trai và gái với lứa tuổi từ 8 đến 16 có mặt từ sáng sớm. Các em mặc quân phục chỉnh tề, thay nhau cầm cờ quốc gia, cờ các quân binh chủng, và cờ các tiểu bang. Các em là Hậu duệ của các quân binh chủng Hoa Kỳ. Các em rất nghiêm trang khi tham dự Lễ Thượng Kỳ, rước Quốc Quân Kỳ, chào Quốc Kỳ, v.v…Hình ảnh này thể hiện nét tinh hoa văn hóa và giáo dục của Hoa Kỳ khi người dân Hoa Kỳ đã biết dạy con em của họ ngay khi còn tuổi bé thơ về lòng yêu nước và biết tri ân chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc. Thật đáng khâm phục và học hỏi.
Từ niềm cảm xúc này, trong lòng người viết thầm tri ân Ban Tổ chức, Hội CMAC, Waste Connections và tất cả người dân bản xứ tham dự buổi lễ đã dành cho cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản chúng tôi một ân tình đặc biệt. Họ đã thể hiện lòng tôn kính và biết ơn của họ đối với những quân nhân Hoa Kỳ gốc Việt đã hy sinh cho đất nước Hoa Kỳ và họ cũng không lãng quên người lính VNCH là đồng minh của họ trong chiến tranh Việt Nam năm xưa, dù còn sống hay đã chết.
Hy vọng sang năm, người Việt Vancouver và Oregon tham dự đông hơn nữa để đáp lại tấm lòng của người dân bản xứ nói chung và của hội CMAC nói riêng.
Thank you to CMAC & Mr. Minh Pham.
Portland, ngày 29/5/2018Quốc Nam
(VNCO’s webmaster)
Tuần trước, tôi có dịp hàn huyên với Bác Sĩ Trần Xuân Dũng và đã được ông tặng bản in đặc biệt của cuốn hồi ký của ông với tựa đề “Sống Chẳng Còn Quê”.
Cuốn tự truyện của Bác Sĩ Dũng dầy 685 trang (A5), bìa trước in hình Quê cũ của ông, với căn nhà gỗ phên nứa, có dàn mướp leo trước nhà, bìa sau là hình ảnh “Quê Người” đang độ vào Thu với cây sồi lá đã đổi qua mầu vàng rực rỡ.
Tôi đã đọc nhiều sách, nhiều tiểu thuyết, nhiều hồi ký, cuốn nào cũng dầy, cũng có hình ảnh, trung bình là khoảng 400 trang, ít khi có một nhà văn, nhà thơ nào dám viết, dám in một cuốn sách dầy trên 500 trang. Vậy mà Bác Sĩ Dũng dám viết, dám in một cuốn hồi ký 685 trang (chưa kể hai trang bìa)!
Có người dám viết một cuốn hồi ký 685 trang thì cũng có người dám đọc hết 685 trang hồi ký đó.
Tôi đọc liên tiếp năm đêm, đọc từng trang sách, xem từng tấm hình do gia đình cung cấp và do ông tự chụp. Tôi đọc say mê, đọc không sót một chữ, xem không thiếu một tấm hình nào cả, đọc nguyên cuốn trong suốt năm đêm liên tục.
Cuốn hồi ký này có gì đặc biệt mà tôi phải thức năm đêm liền để đọc, mà lại đọc say mê?
Đó là vì cuốn hồi ký đã kể lại cuộc đời của ông từ khi ông mới sinh ra đời (1939) cho tới khi định cư ở Úc Đại Lợi từ năm 1978 cho tới nay, 2018.
Lịch sử Việt Nam cận đại với những biến chuyển quan trọng, từ lúc giao thời của Hoàng Đế Bảo Đại (1930), của Chính Phủ Lâm Thời của Trần Trọng Kim, của Việt Nam Quốc Dân Đảng, của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, nạn đói năm Ất Dậu, cho tới cuộc di cư vào Nam của hơn một triện người Việt nam, tới cuộc chiến tranh xâm lược của Việt Cộng và cuộc di cư lần thứ hai của người dân Việt 1975… tất cả đều gói ghém trong cuốn hồi ký này.
Do đó, tôi có thể nói, cuốn hồi ký của Bác Sĩ Trần Xuân Dũng là một cuốn Lịch Sử Việt Nam Rút Gọn vậy.
Đó là lý do tôi đã đọc hết cuốn hồi ký, đọc từng trang, đọc say mê và giới thiệu với quý vị để cùng đọc cho vui, cho biết những biến chuyển lịch sử của nước nhà.
Ngoài cái việc làm bác sĩ ra, Trần Xuân Dũng còn có gì đặc biệt hay không?
Nhiều lắm bạn ạ!
Điều đầu tiên mà tôi phục là, sau khi tốt nghiệp Y Khoa tại Sài Gòn năm 1965, được trưng tập làm Y Sĩ Tiền Tuyến (dân y trưng tập vào Lính), ông đã dám… đăng Lính Thủy Quân Lục Chiến, làm Y Sĩ Trưởng cho Tiểu Đoàn 4, đóng tại Vũng Tầu.
Trận ra quân mở hàng của ông vào năm 1966 là ở ngay phía Tây của thành phố Sài Gòn, nhưng không phải là ở văn phòng, ở Quân Y Viện đâu, mà là ở ngay tuyến đầu Bà Hom của Tiểu Đoàn 4. Lính Thủy Quân Lục Chiến được trực thăng vận đổ quân xuống xã Vĩnh Lộc, hành quân tìm và diệt địch. Người Lính đánh tới đâu, bị thương ở chỗ nào, bất kể đó là nơi tuyến đầu hay lúc xung phong, là Y Sĩ Dũng và toán quân y của ông có mặt nơi đó để lo cho anh em được an toàn, để giữ lại mạng sống cho người Lính Thủy Quân Lục Chiến.
Rời chiến trường Vĩnh Lộc, tiểu đoàn lại được trực thăng thẩy vào ngay giữa trận địa vùng Kinh Sáng và Kinh Ba Tà để tăng viện cho một tiểu đoàn Biệt Động Quân đang chạm địch từ tối hôm qua. Khi được lệnh đi tìm và cứu những thương binh Mũ Nâu, ông và toán quân y đi hết cánh đồng này tới cánh đồng khác, chỉ thấy xác chết của Lính Mũ Nâu chứ không có một thương binh nào cả. Y sĩ Dũng đã ôm máy truyền tin thảng thốt báo cáo:
“Trận chiến không có thương binh!”
Đúng vậy!
Nhưng có nghĩa là gì?
Nghỉa là, trước khi rút lui, bọn Việt Cộng đã dã man tàn sát tất cả những chiến binh Biệt Động Quân, dù là còn sống hay đã bị thương.
Có một hạ sĩ Biệt Động Quân chết gục trên khẩu đại liên M60, Y Sĩ Dũng lật ngửa xác người Lính lên để xem còn cách nào cứu anh ta hay không: Trên cổ người Lính có mang sợi giây chuyền đeo chiếc thánh giá, bọn Việt Cộng đã giết anh ta bằng cách bắn từng viên đạn lên ngực anh ta, bắn chéo thành hình Chữ Thập của cây thánh giá. Người Hạ sĩ đã bị bắn khoảng hàng chục viên đạn vào ngực và một phát vào đầu. Bị bắn kiểu này không phải là bị bắn trong lúc giao tranh, mà là bị hành hình! Chắc rằng, trong khi giao tranh, bọn Việt Cộng đã bị khẩu đại liên này giết nhiều lắm, cho nên khi anh đã bị trúng đạn ở đầu rồi, chúng đã nhào lên bắn thêm cả chục viên đạn vào xác người Lính Biệt Động để trả thù. Những xác chết khác, đều bị rất nhiều vết đạn ở trên người, chứng tỏ rằng, khi họ chỉ bị thương, còn sống, còn có thể chữa trị, nhưng bọn ác ôn côn đồ Việt Cộng trước khi rút lui, đã tàn nhẫn bắn hàng loạt đạn vào thân hình những thương binh Biệt Động Quân để hủy diệt mạng sống của họ.
Rời Tiểu Đoàn 4, ông được đổi về Tiểu Đoàn 6, rồi Tiểu Đoàn 3 và đến đầu năm 1968, ông được thăng cấp y sĩ trưởng của Chiến Đoàn B Thủy Quân Lục Chiến để trở lại giải cứu Sài Gòn đang bị bọn Việt Cộng tấn công vào dịp Tết Mậu Thân. Đúng ngày Mùng Một Tết (30/01/1968), chiến đoàn đổ quân xuống ngay Bộ Tổng Tham Mưu để từ đó hành quân diệt Cộng tại Trường Tổng Quản Trị, Sinh Ngữ Quân Đội, Chùa Ấn Quang, đường Nguyễn Duy Dương và Bà Hạt. Chính tại nơi này, Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến đã bắt được tên phiến loạn Bẩy Lém (Lốp). Tên này được coi là phiến loạn vì y không mặc quân phục của Cộng Sản Bắc Việt hoặc của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, mà đã dùng vũ khí bắt chết rất nhiều sĩ quan trong Trại Gia Binh, và nhất là y đã giết hại cả gia đình của Trung Tá Nguyễn Tuấn gồm hai vợ chồng và 6 đứa con nhỏ. Chính vì lý do này mà khi Thiếu Tá Ngô Văn Định (tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến) giao hắn lại cho Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tướng Loan đã xử bắn y ngay tại chỗ.
Một hôm, chiến đoàn họp hành quân, y sĩ trưởng của chiến đoàn cũng được tham dự. Khi được biết pháo binh của Thủy Quân Lục Chiến sẽ bắn vào khu Đồng Ông Cộ trước khi các tiểu đoàn hành quân diệt địch, Y Sĩ Dũng đã hốt hoảng ra mặt, vì đó là nơi cư ngụ của gia đình ông, ba mẹ và các anh em cháu của ông, làm sao bây giờ? Sau phiên họp, ông đã xin gặp riêng vị sĩ quan pháo bịnh, nói cho ông hay cớ sự và xin rằng:
“Anh rót cho khéo nhé, lỡ lầm vào nhà tôi,
Nhà tôi ở giữa vùng Đồng Ông Cộ,
Có dàn mướp đắng, có những người tôi thương…”
(Hồi đó, nhạc sĩ Anh Bằng chưa sáng tác bài Dàn Hoa Thiên Lý).
Quả thật, đạn pháo binh đã né nhà ông, cả nhà được yên lành.
Sau trận Mậu Thân, Y Sĩ Trần Xuân Dũng được ân thưởng Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc.
Điều thứ Hai mà tôi phục là . . .Bác sĩ Dũng làm bác sĩ theo đúng lời thề của sư tổ Nghành Y Khoa (The Hippocratic Oath), chỉ chữa bệnh cho người có bệnh và giúp người chứ không cần kiếm nhiều tiền. Thì giờ còn lại, ông dùng để viết Sử Sách cho đời sau.
Ông nói với tôi một câu đáng nể:
“Người ta thường khoe với nhau: “Tôi có bốn năm căn nhà . . . tôi lái chiếc xe Mercedes ba bốn trăm ngàn . . . Đối với tôi thì lại khác, tôi chỉ có một căn nhà cho mẹ con chúng nó ở thôi, chạy xe thì tôi chạy chiếc Jeep (Vì đây là chiếc xe đầu tiên tôi được lái ở trận tiền, sau này mua xe, cũng chỉ xe Jeep mà thôi). Nhưng tôi đã viết được hai cuốn sách lưu lại cho hậu thế:
Chiến Sử Thủy Quân Lục Chiến và
Lịch Sử Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Để cho hậu thế biết rằng, ngày xưa, có một quốc gia tên là Việt Nam Cộng Hòa Tự Do Dân Chủ, được bảo vệ bởi một quân đội tên là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Một trong những binh chủng xuất xắc của Quân Lực này là Thủy Quân Lục Chiến, họ được săn sóc bới những y sĩ xuất xắc của Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa”.
Hồi 1981 mới qua Úc, tôi xin làm thợ sơn xe cho hãng xe Nissan. Tôi cần việc làm nên nhận đại là mình biết sơn chứ đã có bao giờ tôi cầm tới cái chổi sơn đâu, nói chi sơn bằng máy. Vì chằng có nghề, nên cái máy sơn quần tôi thê thảm, mệt quá tôi nghỉ đại một vào ngày, tới bác sĩ Dũng xin cái giấy chứng nhận nghỉ bệnh.
Sở dĩ tôi tới ổng là vì, nghe nói ổng hồi xưa cũng là Lính, tức là… phe ta… tức là cũng có phần nào.. Huynh Đệ Chi Binh giúp đỡ nhau. Đang ngồi chờ, gặp một thằng bạn đi ra, mặt mày buồn xo, nói với tôi:
“Tao nghỉ đi chơi hai bữa nay, tới xin ổng cái giấy chứng nhận có cảm cúm chút xíu để nộp cho hãng, ổng không những không cho mà còn lên lớp tao:
“Còn mạnh khỏe thì… cứ đi làm mà kiếm tiền, có bệnh thật thì tôi chứng, chứ đang khỏe mạnh như thế này, làm sao mà tôi ký giấy bệnh cho anh được.”
Tôi chia buồn với người bạn nhưng trong lòng cũng nổi lên ý kiến: Ông bác sĩ này cũng… ngon, có bịnh mới khám, không có bịnh thì đi chỗ khác chơi.
Tới phiên tôi, tôi khai đau tay quá, không dở lên nổi, Bác Sĩ Dũng nắm bắp tay tôi bóp nhẹ, tôi la làng vì đau, tức là có bịnh thiệt. Ông lấy cây đèn có ánh sáng mầu đỏ chiếu vào bắp thịt tay của tôi một hồi rồi cho thuốc giảm đau, rồi chứng nhận cho tôi cần nghỉ hai ngày. Trong khi viết toa, ông hỏi tôi hồi xưa ở Việt Nam làm gì? Tôi nói hồi xưa đăng Lính Biệt Động, ổng nói ổng cũng đăng Lính, Lính Thủy Quân Lục Chiến… thế là chúng tôi quen nhau.
Qua vài lần khám bệnh khác, mỗi lần nói vài câu xã giao, tôi mới biết ra là Bác Sĩ Dũng học cùng lớp, cùng trường Chu Văn An với anh Hiệp của tôi. Khi nhắc tới anh lớn của tôi, Bác Sĩ Dũng sáng mắt lên nhắc lại chuyện xưa:
“Tôi với anh Hiệp học chung với nhau từ Đệ Thất ở Chu Văn An, năm nào cũng một đứa bàn trên, một đứa bàn dưới cho đến Đệ Nhất. Vào trường Y, hai đứa cũng học chung với nhau, ra trường chọn đơn vị, anh Hiệp về Trung Đội Lựa Thương Quảng Đức, tôi về Thủy Quân Lục Chiến”.
Vì anh là huynh trưởng của tôi (đi lính từ năm 1965), nay lại là bạn cùng lớp với anh cả của tôi nữa, nên từ đó, tôi gọi anh là Anh Dũng.
Trở lại cuốn hồi ký của Bác Sĩ Dũng,
Như tôi đã nói ở phần đầu, cuốn hồi ký của Bác Sĩ Trần Xuân Dũng tạm được gọi là một cuốn Lịch Sử Việt Nam Cận Đại Rút Gọn, vậy chúng ta hãy cùng nhau… đi vào lịch sử mà anh Bác Sĩ Dũng đã gom lại trong cuốn hồi ký của ông, khởi hành từ Lạng Sơn, vùng giới tuyến địa đầu Việt Nam và Trung Cộng:
“Tôi sinh năm 1939 tại Làng Lý Nhân, Tỉnh Hà Nam… Ba tôi theo Tây Học. Cuối năm thứ tư bậc trung học, ba tôi thi đậu bằng Diplome, ông nộp đơn xin đi làm công chức sở hỏa xa và được gởi đi làm ở Nhà Ga Đồng Đăng. Nơi này rất nổi tiếng trong văn chương Việt Nam:
“Đồng Đăng có Phố Kỳ Lừa,
Có Nàng Tô Thị, có Chùa Tam Thanh…”
Ga Đồng Đăng
Từ trái qua phải, tòa nhà thứ hai là tòa nhà chính của Ga Đồng Đăng. Nửa bên phải của tầng trên là nơi chúng tôi cư ngụ (1942).
Đã có lần ba tôi đưa chúng tôi đi thăm Động Tam Thanh (Chùa Tam Thanh ở trong động Tam Thanh này). Chỉ nhớ rằng hôm đó trời rất nóng, nhưng bước vào trong động thấy mát rượi.
Giếng Tiên.
Sau đó được đi thăm Giếng Tiên. Miệng giếng ngang với mặt đất, nước mấp mé gần miệng, ngồi xổm xuống có thể dùng một cái bát hay một cái gầu cũng múc nước được. Nếu nhiều người cùng dùng thùng liền tay múc nước, thì mực nước sẽ xuống, nhưng chỉ một hai phút sau nước lại lên cao gần miệng giếng như cữ. Vì thế người ta mới gọi là Giếng Tiên, không bao giờ cạn nước và không bao giờ tràn ra ngoài, đầy rồi thì thôi.
Đối với một cậu bé ba tuổi, nhớ được nhiêu đó chuyện là quá hay rồi.
Núi Vọng Phu có Nàng Tô Thị bồng con đứng chờ.
Từ những di tích mà anh Dũng còn nhớ, và theo nhiều trang mạng trên internet, chúng ta biết thêm rằng, trong quần thể núi đồi vùng Lạng Sơn, có một ngọn núi tên là Vọng Phu. Trên đỉnh núi này có một khối đá tự nhiên hình một người phụ nữ bồng con hướng nhìn về phương xa. Từ xưa tượng đá này đã gắn với truyền thuyết về một người con gái chung thuỷ đứng chờ chồng đi lính. Chờ mãi không thấy chồng về, nàng và con đã hoá thành đá, từ đó người dân gọi đây là tượng Nàng Tô Thị.
Ra khỏi Đồng Đăng, còn rất nhiều thứ gợi nhớ nhung, hoài niệm cho chúng ta: Quỷ Môn Quan, Ải Chi Lăng và cuối cùng là Ải Nam Quan.
Ở Đồng Đăng một thời gian, ba của anh Dũng được đổi về miền đồng bằng, đó là thị trấn Vinh của tỉnh Nghệ An.
Thành phố Vinh thật là yên tĩnh, đa số người dân đều di chuyển bằng cách đi bộ, cả tỉnh có hai chiếc xe đạp, xe hơi thì hầu như không có (thỉnh thoảng cũng có xe nhà binh của Pháp chạy ngang).
Biến cố súng đạn lớn nhất mà lần đầu tiên trong đời bác sĩ Dũng được chứng kiến xẩy ra vào ngày 9 tháng 3 năm 1945:
“Hôm đó là ngày 9 tháng 3 năm 1945, tôi đang ngồi trong cửa sổ ăn quà sáng và nhìn ra đường.
Nghe tiếng xôn xao, tôi cũng đưa mắt nhìn ra đường: Mấy người lính Nhật đang ôm súng ngồi trên chỗ ghế của hành khách, còn những người đang kéo xe lại là những ông Tây. Cũng có cả một hai bà Đầm bị kéo xe có lính Nhật ngồi trên. Bọn lính Nhật cười nói huyên thuyên nhưng mắt vẫn theo dõi những người Pháp kéo xe.
Những người Pháp này, mới hôm qua đây, còn là những ông quan cai trị. Nhật vừa đảo chính Pháp được có vài tiếng đồng hồ trên toàn cõi Việt Nam. Bây giờ người Nhật đang lên voi, còn Pháp xuống chó.
Từ khi quân Nhật chiếm đóng vùng Đông Nam Á, nhiều người dân Việt tưởng rằng thời kỳ đô hộ của Pháp đã chấm dứt, chúng ta đã được độc lập tự do. Sự thật không phải như vậy, dân Việt vẫn phải chịu nhục đô hộ, nhưng thay vì bị người Pháp da trắng đô hộ, thì nay kẻ đô hộ chúng ta cũng là dân da vàng với nhau. Thay vì cùng là một mầu da, nhưng sự đô hộ của họ còn khắt khe và tàn nhẫn hơn nữa. Vì sự tàn bạo đó mà dân Việt đã gọi bọn họ là “Nhật Lùn”.
Tàn bạo hơn nữa, chúng còn bắt dân ta nhổ hết lúa lên để trồng đay, vì đay có nhiều chất sợi, bọn chúng cho chở về Nhật dệt thành vải may quần áo cho binh lính của họ. Nơi nào lúa đã chín thì họ tịch thu hết đem về Nhật. Ở miền Bắc, do thiên tai, lũ lụt, sâu bệnh . . . gây mất mùa. Đói kém lại thêm vào bệnh tật, bệnh dịch tả lan tràn khắp nơi, người chết không có ai chôn, nên đành đào những huyệt lớn bỏ hết những thân xác vào trong đó, đổ vôi lên rồi lấp đất chôn. Đó là nạn đói năm Ất Dậu, trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945, đã làm gần hai triệu người dân chết đói.
Nạn đói này chấm dứt vào khoảng tháng 5 năm 1945, anh Dũng kể tiếp:
“Từ ngày 17 tháng Tư năm 1945, chính phủ Việt Nam đầu tiên được thành lập, do ông Trần Trọng Kim là thủ tướng. Mặc dù phương tiện và nhân lực hạn chế, thủ tướng Kim đã cố gắng cho chuyển gạo từ Nam ra Bắc để cứu đói, những nạn nhân còn sống sót được đưa vào những trung tâm cứu trợ để được săn sóc, thêm vào đó, vụ mùa tháng 5 1945 vừa đến lúc thu hoạch, dân chúng đã bắt đầu có gạo ăn.
Sau khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật vào ngày 6 tháng Tám năm 1945, quân đội Nhật đã biến đi đâu hết, không còn thấy xuất hiên trên đường phố ở Vinh nữa.”
Đến khoảng giữa tháng Tám năm 1945, một sự kiện thứ hai đã xẩy ra trong cuộc đời của anh Dũng:
“Lúc đó vào khoảng 11 giờ sáng, một đoàn người mặc quần xóoc trắng ngồi trên xe đạp nối đuôi nhau, họ đạp từ phía nhà ga hướng về nhà tôi, tôi đếm được 15 người cả thẩy, mỗi người đều cầm một lá cờ đỏ sao vàng. Người dẫn đầu tay trái cầm một cái loa đưa lên miệng hô đi hô lại: “Ba giờ chiều nay, mời đồng bào đi ra sân vận động để dự cuộc mít tinh “.
Chẳng bao lâu, sau ngày 2 tháng 9 năm 1945, ai cũng biết đến một cái tên mới của Việt Nam: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, do Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch nước. Ở mọi nơi, từ công sở cho tới trường học, ngoài chợ và trong cả nhà dân nữa, đâu đâu cũng thấy treo hình ông này.
Chuyện gì phải đến, đã đến: Việt Minh thanh toán những đảng phái quốc gia đã từng cùng nhau cộng tác chống lại sự đô hộ của người Pháp. Đầu tiên là những đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng:
“Một hôm, một số Việt Minh vác loa đi khắp tỉnh, rao lên rằng:
Xin mờ đồng bào, mười giờ sáng mai, hãy tập trung tại cửa Tả để nghe xử án.”
Ngày hôm sau, anh Ninh (Trần Xuân Ninh) và tôi ra chỗ đã dặn để xem xử án. Lúc đó, anh Ninh được 9 tuổi và tôi 6 tuổi. chúng tôi đến sớm, nhưng đám đông đã đến sớm hơn, đang chờ sẵn bên đường. Phía trước chỗ chúng tôi đứng, có đóng sẵn hai cái cọc, cao chừng hai thước.
Đây rồi, một nhóm người đang tới, tám chín người đang dẫn hai người bị trói giật khuỷu tay ra đằng sau, mỗi người này đều được mặc một bộ quần áo trắng mới tinh.
Một người cầm loa nói to: “Xin đồng bào chú ý nghe xử án”
Một người khác cầm một tờ giấy đọc một hơi những điều gì đó tôi không hiểu, người này đọc câu chót: “Phải xử tử hai tên Trần Văn Cống và Tống Gia Liêm này. Chúng là Việt Nam Quốc Dân Đảng.”
Anh ta hất hàm ra hiệu. Mấy người trong bọn xông lại, kéo hai người đó trói vào hai cây cột đã đóng sẵn. Xong, chúng dùng hai miếng vải trắng bịt mắt hai người lại.
Sáu người cầm súng tiến ra phía trước . . .
Người chỉ huy hô to: “Bắn”
Trên bộ quần áo trắng của hai người bị trói, nhiều khoảng máu đỏ tươi lan ra nhanh . . .
Một số người đứng xem vùng bỏ chạy, sô đẩy nhau . . .
Kể từ đó, mối nguy hiểm xẩy ra cho mọi người dân Việt, gia đình anh Dũng cũng không ngoại lệ:
“Bỗng một hôm ba tôi bị Việt Minh bắt. Mợ tôi chẳng biết phải làm thế nào.
Riêng tôi rất lo sợ. Liệu ba tôi có bị bắt mặc một bộ quần áo trắng giống như hai người đã bị bắn không?
Đến ngày thứ tư, Việt Minh cho người đến nói rằng, ba tôi hiện bị giam trong nhà tù Vinh, người nhà mỗi ngày phải đem cơm vào nuôi người tù, ngày hai bữa.
Trưa hôm sau, mợ tôi bế Minh Nguyệt vừa mới sinh, anh Ninh bế Tường Vi, tôi xách một cà mèn cơm đi tới nhà tù.
Đến 12 giờ, một người dẫn ba tôi ra tới bên song cửa sắt. Ba tôi mặc bộ quần áo tù mầu xám, có số. Tôi mừng thầm vì thấy ba tôi không bị mặc bộ quần áo mầu trắng. Mợ tôi khóc, nước mắt ràn rụa. Ba tôi mếu máo, thò tay qua những song sắt xoa đầu chúng tôi. Ba mợ tôi nói chuyện với nhau được khoảng năm bẩy phút, người kia lại đến. Tôi đưa ca men cơm vào tay ba, người kia lôi ba tôi đi về phía trái, ba tôi cứ quay đầu lại, chúng tôi cố nhìn theo”.
Vận hạn đen đủi cứ theo đuổi gia đình họ Trần mãi, mợ anh đã phải bán hết tất cả đồ đạc trong nhà để lo cho ba anh được ra tù, tìm đường trốn về quê nội ở Hà Nam, người mẹ dẫn đàn con đi theo sau.
Đói khổ, bệnh hoạn, mợ của anh dẫn đàn con về tới quê nội thì kiệt sức, đứa con gái mới sinh chết vì mẹ không có sữa cho con bú, mẹ chết vì kiệt sức.
Không còn cách nào sống, người cha phải liều chết đưa ba đứa con chạy giữa hai lằn đạn của Pháp và Việt minh, may mắn về tới Hà Nội.
Nhóm H.O. chúng tôi rủ nhau về Orlando làm đủ thứ nghề trong Disney World. Công việc của tôi là giữ an toàn cho du khách lên xuống ở bến tàu. Theme Park này có một hồ lớn ở giữa, chung quanh hồ là từng khu văn hóa của mấy nước tiêu biểu như Anh, Pháp, Ý, Nga, Ai cập, Nhật,Trung Hoa, Ấn độ…Du khách hoặc đi bộ hoặc ngồi tàu chạy quanh hồ và đậu lại từng bến trước khu văn hóa.
Một hôm có một du khách nhận ra tôi là bạn học Pétrus Ký từ 50 năm trước. Ngó bảng tên “ON LE”trên ngực tôi, anh hỏi :
— Phải anh là Lê văn On học Pétrus Ký không? Tôi là Bá ngồi bên anh suốt 3 năm đệ nhị cấp đây.
Chúng tôi mừng rỡ bắt tay nhau. Vì Bá phải đi theo “Tour” nên chúng tôi chỉ kịp trao nhau số điện thoại để liên lạc với nhau sau.
Tôi nhớ lại hồi đó Bá rất thắc mắc về tên ON của tôi. Theo hắn, ON chẳng có nghĩa gì cả.
Tôi giải đáp:
— Thằng em kế tao tên là Đơ. Ba tao đặt tên anh em tao theo âm tiếng Pháp. Tuy tao số 1 (un) nhưng trong nhà vẫn kêu là thằng Hai, em tao số 2 (deux) nhưng vẫn là thằng Ba.
Bá cười thích thú :
— UN! DEUX! Nghe như diễn hành. Tao khoái cách đặt tên của người Nam nôm na mà lạc quan : Lắm, Sang, Đày, Mạnh,Tươi, Vui, Đẹp…
Thấy hắn thật tình, tôi mới kể thêm cho hắn nghe:
— Mày có nghe tên RI và BE bao giờ chưa ?
— Mẹ tao dạy học cuối tháng đem sổ điểm về nhà, tao tò mò mở ra coi có thấy mấy tên như Võ văn Ri, Huỳnh văn Be.Tao đoán xuất xứ từ những câu “khóc như ri “ và “kêu be be “.
— Trật lất ! Đó là tên rút ngắn của tiếng Pháp HENRI và ROBERT .
Bá vỗ bàn cười sặc sụa:
— Không ngờ người Nam tếu đến thế! Cách đặt tên của người Nam phản ánh đúng tâm hồn người Nam.
Ngay tối hôm đó Bá gọi xin lỗi không gặp tôi được vì hôm sau phải theo Tour thăm NASA.
Bá mời tôi sang COLORADO chơi với anh 1 tuần vào đầu mùa thu. Anh cho biết đó cũng là dịp giỗ đầu vợ anh. Tôi nhận lời.
Bá đón tôi tại sân bay Denver. Kiến trúc sân bay rất lạ mắt. Mái gồm mấy chóp nhọn như lều cổ truyền của người Da đỏ, lợp bằng một thứ giống như vải màu trắng.
Cách đây 40 năm Bá cùng vài bạn độc thân và hơn chục gia đình được một Nhà thờ bảo trợ về Fort Collins. Hồi đó thành phố này đìu hiu nằm dưới chân dãy ROCKIES, cách Denver chừng 3 giờ lái xe về phía bắc. Vậy mà cũng có một trường đại học thành lập từ cuối Thế kỷ 19.
Cộng đồng Việt nam nhỏ bé nương tựa vào nhau như một đại gia đình.
Thế hệ con cháu lớn lên vỗ cánh bay xa chỉ còn lại những người hưu trí và những người mệt mỏi muốn yên phận.
Giỗ chị Bá rất đặc biệt. Anh Bá giải thích:
— Tất cả đều là ý muốn của nhà tôi.
Theo ý chị, giỗ không có tính cách tín ngưỡng nhưng là nghi thức tưởng nhớ người đã khuất, tương tự như lễ Memorial của Mỹ. Tuy nhiên gia đình và bạn bè vẫn tụ tập ăn uống vui vẻ để kết chặt tình yêu thương.
Anh chị có một gái đã có chồng và một trai chưa vợ. Chúng từ Tennessee và Indiana bay về từ 2 ngày trước.
Bàn thờ chị Bá rất đơn giản: Một tấm hình, một bình hoa, một bát nhang và cặp đèn cày.
Buổi sáng ngày giỗ, từ sớm mấy cha con đã chỉnh tề đứng hàng ngang trước bàn thờ.
Mỗi người một nén nhang cùng một lượt lạy 3 lạy. Cắm nhang vào bát nhang,cha con đứng yên tưởng niệm. Anh Bá có lúc bặm môi để ngăn xúc động. Con gái đã sẵn tissue trong tay, đôi lúc đưa lên chấm nước mắt. Tôi được nhờ đứng ngoài chụp hình. Cuối cùng tới lượt tôi thắp nhang và lạy chị Bá.
Sau nghi thức đơn giản nhưng nghiêm trang, mấy cha con chia nhau nấu ăn. Góc vườn là lò gas, bếp điện và lò than. Anh Bá nấu dựa mận bằng thịt heo rừng. Con trai nướng sườn bò và đùi gà. Con rể hấp vịt ướp chao. Con gái ở trong bếp lo nấu xôi vò và làm gỏi tôm thịt.
Tôi giúp kê 2 bàn nối nhau ở giữa vườn và đặt ghế rải rác dưới gốc cây. Sau đó tôi ướp lạnh thùng đồ uống gồm Coca Cola và Heineken.
Khách là bạn của anh chị và bạn của các con anh. Tôi được Bá giới thiệu với mọi người.
Hầu hết là những người ra đi từ 1975, chỉ có tôi thuộc thành phần ở lại. Do đó tôi phải trả lời nhiều câu hỏi.
Khi khách về hết, Bá kéo tôi vảo nhà uống cà phê, để con cái và bạn chúng dọn dẹp ngoài vườn.
Bây giờ chúng tôi mới thong thả nói chuyện với nhau. Bá kể:
— Nhà tôi chết vì tái phát ung thư vú. Từ chối hóa trị, nhà tôi bình tĩnh chấp nhận số mệnh. Nhà tôi nói:
”Em sống với anh và các con tới đây là mãn nguyện. Em không buồn tại sao anh buồn?”
Có lúc nhà tôi vui đùa:
”Sang thế giới bên kia em sẽ về đón anh sang với em“
Thân mật cầm tay Bá, tôi ngỏ lời muốn đi thăm mộ chị. Bá nói :
— Nhà tôi muốn thiêu, tôi và các cháu làm theo ý nhà tôi. Nhà tôi còn muốn rắc tro xuống một cái hồ của một thành phố gần đây. Thành phố này có tên rất nên thơ “LOVELAND“.
— Người ta dễ dãi cho rắc tro xuống hồ vậy sao?
— Đâu có được phép.Tôi phải giả câu cá rồi lén liệng hũ tro xuống hồ.
— Bộ chị tin tưởng điều gì chăng?
— Tôi cũng hỏi nhà tôi câu ấy, nhà tôi thì thầm vào tai tôi: ”Để nhớ tới hồ Than thở Đà lạt.
Lần đầu tiên anh hôn em ở đó. Quên rồi hả?“
Bá kể tôi nghe mối tình đầu tiên.
Hồi đó học trường Võ bị quốc gia Đà lạt, thú vui cuối tuần của anh là tìm cảnh đẹp để chụp hình nghệ thuật. Khi hết cuốn phim anh đem sang hình tại một tiệm gần chợ. Tiệm có trưng tấm chân dung một cô gái tuy không kiều diễm nhưng gương mặt toát ra một vẻ thông minh. Bà chủ tiệm thấy anh nhiều lần đứng ngắm liền nói : — Cháu tôi đấy, con của anh tôi.
Ngó bà chủ, Bá nhận ra cô cháu giống nhau ở cặp mắt sâu và sáng. Bá hiểu bà chủ gợi ý nên đáp ứng liền :
–Cô làm mai cho cháu đi.
Bà chủ gật đầu cười :
— Chưa gì đã cô cháu rồi.
Bá được mời ăn giỗ ông nội cô gái. Cô tên là Tràng Thi, đang học trường Bùi thị Xuân. Ông nội đặt tên cho cháu để nhớ tới ngôi nhà của tổ tiên ở phố Tràng Thi Hà nội.
Lần đầu tiên gặp Bá,Tràng Thi vượt qua được e lệ vì tự tin nơi mình. Chàng và nàng tiếp chuyện vui vẻ và cởi mở. Mọi người trong gia đình cũng tỏ ra niềm nở với Bá.
Từ đó mỗi cuối tuần Bá đều ghé chơi và được giữ lại ăn trưa. Thỉnh thoảng Tràng Thi được phép đi chơi với Bá. Nàng không thích song đôi dạo phố. Bá thường đưa nàng đi chụp hình ở các thác, các hồ và đồi thông.
Bữa chơi ở hồ Than thở, chàng và nàng ngồi bên nhau trên thân cây thông bị trốc gốc đã lâu năm. Tràng Thi đang kể chuyện về lũ bạn học thì bị phấn thông bay vào mắt. Ngăn không cho nàng lấy tay dụi mắt, Bá kề miệng vào đuôi mắt thổi mạnh cho phấn thông trôi ra. Mặt giáp mặt, Bá thừa dịp hôn nàng. Tuy không cưỡng lại nhưng nàng cảm thấy bẽn lẽn. Để trấn tĩnh , nàng nghĩ được một câu nửa trách nửa khen:
— Bộ hôn nhiều người rồi hay sao mà rành quá vậy?
Bá thật tình :
— Bắt chước phim ảnh, tối nằm ngủ tập hôn lên cánh tay.
— Ngộ ha! Mà có tưởng tượng cánh tay là ai không?
— Sao không?
— Ai?
— Còn ai vào đây nữa.
Lần này cả hai hôn nhau biểu lộ mối tình bấy lâu chưa nói.
Tràng Thi thi đậu tú tài . Bá còn 2 tháng tới ngày mãn khóa. Bá muốn làm đám cưới sau khi ra trường. Nhưng Tràng Thi chỉ muốn làm lễ hỏi vì nàng có ý định học chính trị kinh doanh tại Đà lạt.
Lễ hỏi nhờ bà cô lo giúp nên bố mẹ Bá đỡ vất vả. Sau đó Bá về trình diện Quân đoàn 4 và được bổ sung cho Sư đoàn 21 . Từ đó kẻ bận hành quân, người bận học, chàng và nàng chỉ gắn bó nhau qua thư từ.
Mỗi kỳ hè Tràng Thi về Sài gòn được mẹ chồng tương lai đưa xuống Cần thơ thăm Bá.
Bá chỉ xin được phép về Cần thơ nửa ngày.
Chưa chính thức là vợ lính nhưng đêm nghe tiếng súng xa xa Tràng Thi đã hiểu thế nào là “sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng“.
Ngày 30-4-75 Vùng 4 chiến thuật bỏ ngỏ, các đơn vị theo nhau rã ngũ trừ một vài đơn vị chiến đấu tới cùng. Khi ấy Đơn vị của Bá đang hành quân phối hợp với một Giang đoàn. Bá cùng một số sĩ quan được một tàu của Giang đoàn đưa ra khơi.
Tôi không muốn nghe Bá kể tiếp vì nỗi nhục của kẻ ra đi và nỗi nhục của kẻ ở lại đều là nỗi nhục của kẻ bại trận. Tôi lái sang chuyện khác:
— Rồi bằng cách nào anh đưa chị qua đây?
Rót thêm cà phê vào ly của anh và tôi, anh nói :
— Do áp lực của quốc tế, phía VN chịu thi hành chương trình ra đi trật tự của Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc. Chúng tôi viết thư hướng dẫn gia đình làm hồ sơ gửi sang tòa Đại sứ Mỹ ở Bangkok. Bố mẹ và các em tôi đều đủ điều kiện nhưng tôi không bảo lãnh được Tràng Thi vì chúng tôi chưa có hôn thú. Nghe nói ở VN bây giờ người ta làm giấy tờ giả mạo khéo lắm, tôi viết thư cho bố: “Tràng Thi làm mất hôn thú nên con không bảo lãnh được. Bố xin bản sao khác giúp chúng con“. Bố tôi hiểu. Vài tuần sau tôi được thư bố cho biết đã xin được hôn thú và hồ sơ của Tràng Thi đã gửi sang Bangkok.
Kết quả bất ngờ là Tràng Thi được sang Mỹ trước bố mẹ và các em tôi một năm.
Chúng tôi cùng cười vui.
Bá ngó lên bàn thờ rồi tủm tỉm cười như vừa nhớ ra một chuyện, tôi liền hỏi :
— Có gì vui kể nghe coi.
— Chỉ là chuyện nằm mơ. Cách đây một tuần tôi nằm mơ thấy nhà tôi. Tôi hỏi: “Em về đón anh phải không?“ Nhà tôi lắc đầu nói: “Về thăm anh thôi.. Hồ sơ em bảo lãnh anh sang với em bị bên kia người ta bác rồi“.
Tôi hỏi: “Tại sao?“
Nhà tôi thở dài: ”Vì hôn thú giả mạo!“
Lịch sử ghi lại rằng vào sáng ngày 9 tháng 4 cách đây 140 năm, thủ đô miền Nam là Richmond thất thủ, kỵ binh của miền Bắc cùng với 3 quân đoàn bộ binh vây hãm quân miền Nam hết đường tháo lui. Bộ tham mưu của Tướng Lee đề nghị phân tán để giữ lực lượng đánh du kích, nhưng Tướng Lee quyết định đầu hàng. Vị danh tướng của Hoa Kỳ trải qua bao nhiêu chiến thắng nhưng sau cùng vì quân số và tiếp vận bị giới hạn nên đành bất lực chấp nhận thua cuộc.
Với lá thư riêng ông gửi cho Tướng Grant của miền Bắc yêu cầu thu xếp buổi họp mặt. Ông Grant nhận được thư hết sức vui mừng và bỗng nhiên thấy hết ngay cơn bệnh nhức đầu ghê gớm hành hạ ông từ nhiều ngày qua. Vị tư lệnh miền Bắc ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với ông tướng tư lệnh miền Nam bại trận.
Trưa ngày lịch sử 9 tháng 4-1865, Tướng Lee và một đại tá tùy tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến nơi hẹn ước. Hình ảnh ghi lại hai người đi qua đoàn quân nhạc của lính miền Bắc thổi kèn chào đón. Các sĩ quan miền Bắc đưa vị tư lệnh miền Nam vào phòng họp. Nửa giờ sau Tướng Grant và đoàn tùy tùng miền Bắc đến. Cả hai vị tư lệnh đã biết nhau trong cuộc chiến tranh với Mễ Tây Cơ.
Họ đã nhắc lại một thời bên nhau trong quá khứ. Tướng Grant sau này thú nhận là ông rất ngần ngại và thực sự hổ thẹn khi phải hỏi Tướng Lee nói về quyết định đầu hàng.
Theo quy luật chiến tranh thời đó, quân miền Nam phải giải giới, tước bỏ khí giới và quân dụng. Tự do trở về quê cũ như các dân thường. Tướng Lee đồng ý nhưng chỉ đòi hỏi một điều sau cùng là yêu cầu cho binh sĩ của ông được giữ lại lừa ngựa, vì lính miền Nam đem ngựa từ các nông trại của họ đi chiến đấu. Không phải ngựa của chính phủ cấp như lính miền Bắc. Tướng Grant thỏa hiệp là sẽ không sửa chữa chính thức trên văn bản nhưng thực tế sẽ cho lệnh để lính miền Nam đem lừa ngựa về nhà mà xây dựng lại nông trại.
Sau này khi viết về văn bản đầu hàng, lịch sử ghi rằng đây là thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen’s Agreement). Trên các bảo tàng viện và đặc biệt là bảo tàng viện ở Appomattox Virginia có tranh sơn dầu hình Tướng Lee hiên ngang quắc thước trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu bạc, thể hiện hình ảnh người Mỹ anh hùng không bị khuất phục dù thua trận. Toàn thể nước Mỹ hiểu rằng khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay Mỹ miền Bắc cũng vẫn là một người Mỹ bị sỉ nhục. Và hình Tướng Lee cưỡi ngựa đi đến nơi họp mặt với đoàn quân nhạc miền Bắc chào đón. Hình Tướng Lee ký tên xong ra đi được sĩ quan và binh sĩ miền Bắc tiễn đưa và vẫy tay chào. Bây giờ hình tượng của tướng Lee tràn ngập ở miền Nam Virginia. Câu lạc bộ Lee, bảo tàng viện Lee, Lee High Way, Fort Lee và các đồn trại của quân đội liên bang mang tên vị tướng thua trận như là một biểu tượng anh hùng. Bởi vì người Mỹ đã thấm nhuần bài học rất Hoa Kỳ. Bài học của người lính dũng cảm cả hai phe trong chiến tranh và người quân tử của thời hậu chiến.
Năm 1900 tức là gần 40 năm sau cuộc chiến, mở đầu cho giai đoạn hòa giải dân tộc và năm 1991 thì các liệt sĩ miền Nam được cải táng đưa vào một khu đặc biệt trong nghĩa trang Arlington gọi là Confederate Section. Tổng cộng gần 500 mộ phần quây tròn chung quanh một tượng đài do nhà tạc tượng danh tiếng là điêu khắc gia Moses Ezekiel thực hiện. Trên đỉnh của chân bệ hình vòng cung như nóc Tòa Quốc Hội là hình tượng cao 32 feet của một thiếu phụ tượng trưng cho miền Nam. Ðây là hình ảnh bà mẹ của phe bại trận đã có con trai hy sinh cho cuộc chiến. Phía dưới là bài thơ đại ý như sau:
“Ở đây chẳng có vinh quang hay tưởng lệ. Ở đây chẳng phải binh đoàn hay cấp bậc. Ở đây chẳng có tham vọng hay mưu cầu. Ở đây chỉ đơn thuần là nhiệm vụ. Những người nằm ở đây đã hiểu rõ là họ trải qua gian khổ, đã hy sinh đã liều thân và sau cùng đã chết.” Nước Mỹ đã có những bước ngoạn mục đầy màu sắc văn minh ngay từ khi chiến tranh chấm dứt để chấp nhận và tôn trọng người bại trận như những anh hùng….
***
Trong khi đó, Việt Nam sau biến cố 1975, bộ đội Bắc Việt hay gọi là Việt cộng, đã đối xử tàn độc, dã man đối với chiến binh và người dân VNCH… Hôm nay, 42 năm ngày mất của Đại Tá VNCH- Hồ Ngọc Cẩn với lời nói bất hủ trước khi bị bên thắng cuộc xử bắn:
“Nếu tôi thắng trong cuộc chiến, tôi sẽ không kết án các anh như các anh kết án tôi. Tôi cũng không làm nhục các anh như các anh làm nhục tôi. Tôi cũng không hỏi các anh câu mà các anh hỏi tôi. Tôi chiến đấu cho tự do của người dân. Tôi có công mà không có tội. Không ai có quyền kết tội tôi. Lịch sử sẽ phê phán xét đoán các anh là giặc đỏ hay tôi là ngụy.”
Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã bị Cộng Quân xử bắn vào ngày 14 tháng 8 năm 1975 tại Sân Vận Động Cần Thơ
Cao Bá Tuấn-18/05/2018 – Một Trung đội Trưởng Nghĩa Quân
Rất vui được nói chuyện với chú. Chú có thể cho biết tên tuổi, cấp bậc, đơn vị:
– À, tôi tên Nguyễn Văn Ba, Trung Đội trưởng Nghĩa Quân, sáu mươi sáu tuổi.
– Ngày 30/4/75 chú còn ở trong quân đội?
– Tới ngày 6/5/75…
– Nghĩa là chú vẫn cầm súng sau 30/4/75?
– Tụi tôi vẫn chiến đấu mặc dù đã biết có lệnh đầu hàng.
– Chú nghĩ gì về cuộc chiến tranh VN?
– Rất đơn giản: bên mình Việt Nam Cộng Hòa phải tự vệ vì bị bên kia là Việt cộng tấn công. Hễ buông súng là chết….
– Chú có thể giải thích rõ hơn một chút.
– Tụi nó đánh mình, phá hoại nhà cửa đất nước mình, bổn phận mình là phải chống trả để tự vệ. Cũng giống như bị cướp vào nhà, mình không muốn vợ con bị hại thì mình phải chống lại.
– Nhiều người cho rằng chiến tranh VN là chiến tranh ý thức hệ, chú nghĩ sao?
– Ý thức hệ cái con mẹ gì. Lính Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu để tự vệ, chiến tranh ý thức hệ là sản phẩm của mấy cha mấy mẹ trí thức chồn lùi, sa lông. Mấy cha mấy mẹ muốn chứng tỏ mình “học giỏi, thông minh hơn người khác” nên chế ra vụ ý thức hệ để hù con nít…
– Vậy đánh nhau giữa Bắc Việt và Nam Việt không phải do ý thức hệ?
– Để tôi cho em một thí dụ dễ hiểu: nếu Cộng sản miền Bắc (CSMB) không xúi dục đám “Giải phóng miền Nam” (GPMN) và không đưa lính vào phá miền Nam liệu chiến tranh có xảy ra hay không? Nếu tụi nó cứ ở yên ngoài đó mà xây dựng “chủ nghĩa Cộng Sản”, dân miền Nam có đi lính không? Trả lời được câu này em sẽ thấy chẳng ý thức hệ con mẹ gì hết!
– Có người lại cho rằng chiến tranh VN là nội chiến, chú đồng ý không?
– Theo suy nghĩ của tôi nội chiến là người cùng một nước đánh nhau vì tranh dành hay bất đồng gì đó. Việt Nam Cộng Hòa và “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, là hai nước độc lập không phải anh em trong nhà.
– Nói về anh em trong nhà lại có người cho rằng miền Nam và miền Bắc đánh nhau theo kiểu huynh đệ tương tàn. Chú nhận xét thế nào?
– Đó là ý nghĩ của đám trốn lính. Tụi nó là thứ hèn nhát sợ chết nên phải chế ra vụ “huynh đệ tương tàn” để từ chối đi lính. Tụi nó nại cớ “không muốn bắn vào anh em”.
– Một người viết cho rằng Việt Nam Cộng Hòa điên cuồng chống Cộng. Tác giả này còn đưa ra hình ảnh của hai nhân vật mà tác giả gọi là đại diện của hai quân đội. Một anh tên Lưu Quang Vũ lính miền Bắc, và Nguyễn Bắc Sơn của VNCH. Tôi xin phép đọc thơ của cả hai cho chú nghe (đọc thơ)…
– ĐM thằng nào viết ngu vậy?
– Chú có vẻ tức giận… xin cho biết lý do…
– Việt Nam Cộng Hòa mà điên cuồng chống Cộng thì đâu có chính sách chiêu hồi, đâu có bắt tù binh cả trăm ngàn nuôi ăn cho mập rồi trao trả? thằng cha này chắc chưa bao giờ cầm súng! Cũng chưa bao giờ biết rõ về Việt cộng. Chú em về biểu chả đọc bài của Trần Đức Thạch, cựu lính trinh sát Việt cộng về vụ thảm sát ở miền Đông. Hèn gì VNCH mất sớm chỉ vì còn có nhiều người quá khờ khạo và ngu xuẩn. Cha tác giả này chắc không biết vụ tết Mậu Thân, Đại Lộ Kinh Hoàng… Tui nói cho chú biết Việt cộng được “chính huấn” là đằng trước mũi súng của tụi nó kể cả con gà con chó đều là kẻ thù. Cho nên chúng giết dân vô tội không gớm tay. Được bao nhiêu người trong lính Việt cộng giống như ông Lưu Quang Vũ nào đó? còn cha Nguyễn Bắc Sơn làm thơ để giải sầu chứ đâu có Sĩ quan nào đem bi đông rượu đi hành quân. Lính khát nước cần nước chứ đâu cần rượu, hơn nữa giữa trận tiền mà say rượu thì chỉ huy sao được? Mạng sống của lính nằm trong tay mình, đâu có giỡn được?
– Xin phép hỏi chú câu khác: chú có thể kể lại diễn biến những ngày cuối cùng tại sao chú vẫn còn cầm súng cho tới sau 30/4?
– Tôi là Trung đội Trưởng Nghĩa Quân. Nhiệm vụ của tôi là đóng đồn ở địa phương… Có mười tám anh em dưới quyền tôi.. Ngày tan hàng tôi biết tụi du kích sẽ không tha mạng nếu bị bắt sống, do đó tôi ra lệnh anh em giải tán về nhà. Còn tôi thì xách cây M16 vô rừng. Tôi tính thí mạng cùi, nếu bị phát giác trước sau gì cũng chết vậy nên chọn cái chết cho đáng. Trong số mười tám anh em có sáu thằng tình nguyện theo tôi
– Rồi sau đó thì sao?
– Khi thấy êm êm tôi nói tụi nhỏ giải tán, trốn đi xứ khác đừng trở về nhà…
– Vậy là chú không trở về nhà? Chú có ân oán gì với du kích địa phương không?
– Thì chiến tranh mà, tránh sao được….
– Vậy có lần nào chú bắn tù binh khi bắt sống không?
– Để tôi kể cho em nghe vụ này: một lần lính đi phục tóm được du kích dẫn về trình diện tôi. Thằng du kích cỡ khoảng mười bốn mươi lăm tuổi, nhìn đã thấy ngờ ngợ. Tới chừng hỏi ra mới biết là con trai của thằng Ba Cội…
– Ba Cội là ai vậy?
– Bạn cùng quê, lớn lên nó theo Việt cộng… Nó là Đội Trưởng du kích, tụi tôi thỉnh thoảng cũng chạm nhau..
– Rồi chú xử con Ba Cội ra sao?
– Xử gì, con nít mà…. tôi đá đít, bạt tai nó mấy cái rồi đuổi về. Tôi biểu nó: nói với tía mày có ngu thì ngu một mình đừng xúi dại con mình đi theo… Vụ này Ban Hai Chi Khu làm hồ sơ chuyển tôi lên Quận. Cũng may ông Quận biết tánh khí tôi nên vỗ vai cười rồi cho tôi về. Ổng biếu tôi chai rượu nói: Tôi biết anh mà anh Ba….
– Sau này chú gặp lại Ba Cội không?
– Không, Ba Cội chết rồi.. Bị Thám Sát Tỉnh dứt…
– Còn con Ba Cội?
– Nghe nói nó qua Công An bây giờ làm lớn lắm. Thời gian tôi trốn, nó có ghé nhà vợ tôi hỏi thăm. Có cho mấy chục kí gạo. Nghe nói nó có cám ơn tôi ….
– Rồi chú ra trình diện hay bị bắt?
– Bị bắt. Trốn hoài mệt quá, cũng mấy năm sau nhớ vợ con mò về thăm …
– Chú bị bao lâu?
– Sáu năm tám tháng mười bốn ngày!
– Vậy sao chú không xin đi HO?
– HO gì tôi, mình đâu phải sĩ quan, mà chữ Anh chữ U mình đâu có biết gì…
– Sau khi trở về nhà chú có bị khó dễ gì không?
– Nói thiệt chú nghe, Việt cộng nó ghét lính Tổng Trừ Bị (ND, TQLC, BDQ…) một, nó ghét tụi tôi mười. Lính đánh giặc xong rồi rút còn tụi tôi, đây là tài sản vợ con xóm giềng, địa phương mình nên tụi tôi sống chết cũng cố thủ, tụi nó đánh hoài mà không chiếm được. Nó đì tôi sói trán, nhưng mình thua rồi thì cứ làm câm làm điếc mà sống.
– Chú có cơ hội nào gặp lại mấy anh em dưới quyền?
– Có, hai thằng em giờ nghèo lắm, còn ba thằng đi vượt biên. Tội nghiệp, huynh đệ chi binh thỉnh thoảng hùn tiền gởi về cho mấy đứa nghèo.
– Họ có giúp chú không?
– Có, mà tôi không nhận. Vợ con buôn bán cũng sống được, để dành cho mấy đứa em khổ hơn mình.
– Xin phép chú được hỏi một câu về chính trị: Có vài người đang hô hào hòa hợp hòa giải với Việt cộng chú nghĩ sao?
– Tôi cảm ơn chú em đã tôn trọng mà hỏi tôi, cỡ TĐT Nghĩa Quân học hành bao nhiêu. Nhưng như tôi đã nói hòa hợp hòa giải là anh em trong nhà có chuyện xích mích mới ngồi xuống mà nói chuyện. Còn đàng nầy nước mình là Việt Nam Cộng Hòa bị nước khác, là “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đánh chiếm thì làm sao mà có chuyện đó. Tôi hỏi chú em: Tàu lục địa đánh chiếm Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ… liệu dân mấy nước đó có chịu hòa hợp hòa giải với Tàu không?
– Bây giờ nói chơi cho vui một chút, chú biết Nguyễn Tấn Dũng chớ?
– Biết…
– Thí dụ nếu ngày xưa chú đi kích bắt được NTD thì chú làm sao, cha này nghe nói trước đây cũng là du kích mà..
– NTD cũng cỡ tuổi tôi. Hồi đó có bắt được chắc cũng bớp tai đá đít vài cái rồi gởi về cho Ban Hai.
– Nếu chú biết trước NTD sẽ là TT sau nầy chú tính sao?
– Làm sao biết được? Nhưng như chú em nói nếu có thiên lý nhãn thấy được vị lai tôi sẽ tính cách khác!
– Cách nào chú có thể cho biết…
– Bị mật quân sự mà chú em, làm sao cho biết được …thì cũng cỡ như người nhái Mỹ với Osama Bin Laden vậy thôi (cười….) – Vậy chớ bây giờ hỏi vui chú em điều này: đố chú em biết đám mới về hưu kỳ rồi (NTD, TTS, NSH…) đang làm gì ? Bí hả ? Tụi nó đang viết kiến nghị ! Thằng Cộng sản nào về hưu cũng giỏi viết kiến nghị hết. (cười…)
– Cụng ly cái chú Ba…. Tôi thấy chú lớn tuổi rồi và cũng đã cống hiến phần vụ của mình cho Tổ Quốc. Giả sử bây giờ nếu đất nước Việt Nam Cộng Hòa cần, chú dám cầm súng trở lại không?
– Già rồi, giờ chỉ nghỉ ngơi vui với con cháu. Nhưng nếu phải chiến đấu để lấy lại đất nước Việt Nam Cộng Hòa từ bất cứ ai chết tôi cũng chịu chú à. Cầm súng không nỗi thì cầm dao, bất cứ cái gì….
– Chiến tranh qua rồi giờ nghĩ lại chú có thấy căm thù lính bên kia không?
– Không, lính chỉ biết theo lệnh. Căm thù là căm thù đám lãnh đạo. Đám này đã lừa gạt lính của nó vào trong nầy chết cả triệu. Cả triệu gia đình ngoài kia mất người thân đến nỗi không có cái xác mà chôn. Hồi đó thiếu gì dịp bắn chết tù binh rồi quẳng xuống sông phi tang mà mình làm không được, ngoài chiến trường bắn nhau thì OK nhưng bắt tù binh rồi tôi chuyển qua cho Ban Hai thẩm vấn coi như mình xong nhiệm vụ… Cũng là con người với nhau cũng có gia đình, cha mẹ, vợ con sung sướng gì bắn người đã ngã ngựa?
– Theo chú những người Cộng sản có nghĩ như vậy không?
– Tôi đã nói rồi, tụi nó được chính huấn coi mỗi thứ trước đầu súng là kẻ thù cần phải giết hết. Thương binh của nó nó còn giết phi tang huống hồ gì lính mình. Bởi vậy mình thua nó vì phía bên mình còn nhân đạo quá!
– Dạo này có nhiều cuộc biểu tình về môi trường mà lượng người tham gia không đông. Có vẻ như dân Saigon rất thờ ơ cho chính tương lai của đất nước và của gia đình họ. Chú có ý nghĩ gì không?
– Giỡn hoài chú em mày! Để tôi nói cho chú em mày rõ: dân Saigon thứ thiệt thì hoặc là ở nước ngoài hoặc là chết tù chết biển hết. Còn dân “Saigon” bây giờ đa số toàn tụi Ba Ke 75. Tụi nầy thừa hưởng biết bao quyền lợi từ “bác” và “đảng” đâu có ngu gì chống! Cỡ phân nữa Saigon bây giờ là dân nguyên thủy Việt Nam Cộng Hòa thì Việt cộng hết nước sống!
– Chắc chú biết chuyến thăm của Obama. Ổng còn ghé ăn bún chả rồi thăm chùa Tàu gì đó ở Saigon…
– Biết chớ, có điều Tổng Thống của chú em đi lộn chỗ! Đáng lẽ ổng phải ghé mấy cái quán “phở chửi” “cháo mắng” để biết “văn hóa của Xã Hội Chủ Nghĩa”. Thay vì viếng chùa Tàu ổng nên đi thăm Nguyễn Trường Tô và Sầm Đức Xương (mấy thằng cô hồn các đãng môi giới và mua trinh nữ sinh) để học thêm về “đỉnh cao trí tuệ của loài người”…
– Chú Ba vui quá! cảm ơn chú về cuộc nói chuyện này. Chú có muốn nhắn gì với anh em không?
– Ai?
– Những người lính cùng chung chiến tuyến ngày xưa.
– À, vậy thì tôi xin có chút lời: Thưa anh em tôi Nguyễn Văn Ba, TĐT Nghĩa Quân xin có lời chào hỏi anh em mình: Tôi chỉ muốn nói là tôi hãnh diện từng chiến đấu dưới cờ của Việt Nam Cộng Hòa như anh em. Tuổi trai trẻ của tụi mình đã không phí phạm. Tôi cũng có nhiều dịp gặp anh em thương binh thỉnh thoảng ngồi uống cà phê, hút điếu thuốc. Anh em coi vậy chớ hãnh diện lắm vì đã cống hiến phần thân thể mình cho đất nước. Khổ thì có khổ, nhưng tới ngày chết tụi tôi còn ở trên quê hương không bao giờ mất đi niềm hãnh diện từng là người Lính Việt Nam Cộng Hòa. Đi dân nhớ, ở dân thương; phải không các chiến hữu?
Một ngày cuối năm 1972, đang ở trại Tân Lập, Vĩnh Phú, chúng tôi được đọc danh sách, nhận ba phần cơm nắm cho mỗi người và hành lý rời trại khỏang 8 giờ sáng. Chuyến đi này, chúng tôi không phải đeo còng số 8 nên thật thỏai mái. Xe từ miền trung du về qua Việt Trì, ngừng cạnh mấy quán nhỏ ở giao lộ cho chúng tôi ăn phần cơm đem theo. Sau đó xe tiếp tục đưa chúng tôi theo đường Trèm, Phủ Lỗ về qua Hà Nội. Suốt ngày, ngồi trên xe chứng kiến những dấu vết, tàn tích của chiến tranh trải dài hai bên đường. Tổn thất, hoang phí, ảnh hưởng chiến tranh lộ rõ khi màn sương tan dần theo ánh nắng hừng lên từ phương đông.
Những đoàn xe kéo hỏa tiễn, cao xạ phòng không phủ bạt từ trong những làng mạc ẩn sau lũy tre xơ xác trên những cánh đồng cằn cỗi nay đã kéo ra nằm lộ thiên dọc hai bên đường. Việt cộng không nghèo vũ khí, khí tài chiến tranh như những nhà quân sự miền Nam tưởng tượng. Trên đường xe chạy với tốc độ không cao do nhiều ổ gà, hố bom nên nghẹn tắc, qua tận mắt nhìn số lượng vũ khí, hỏa tiễn phòng không, cao xạ, số đơn vị quân đội, chúng tôi chợt hiểu cái lưới lửa là sức mạnh của toàn khối cộng sản đưa đến để chống lại không lực Hoa Kỳ đã đưa toàn dân miền Bắc lâm vào cảnh “trên đe dưới búa”. …..
Năm 1967 tháng 7, nửa đêm xe giải đoàn tù đến Hà Nội, tạm dừng trước ga Hàng Cỏ dưới ánh đèn đường vàng vọt, âm u; mỗi người tù được phát cho một cái bánh bao ngọt nặc mùi mật mía, sượng sật. Rồi người bạn Mỹ được xe “comamca” đến đón đi riêng và nhóm tù còn lại đưa về phía ngoại ô….
Hơn năm năm tù tội, nhìn quanh chỉ bốn bức tường với một số người tù đồng cảnh, năm cha ba mẹ lạ hoắc vào tù mới biết nhau. Tôi chợt nhận ra cuộc phiêu lưu lý tưởng của mình đã rơi vào một cảnh ngộ hết sức trớ trêu. Một định mệnh hết sức nghiệt ngã. “Mình đã huỷ hoại đời mình một cách hết sức ngu độn”. Đang là một thanh niên công tử quen ăn diện “à la mode”, bát phố, sáng cà phê, trưa nhà hàng, tối “dancing”. Bỗng dưng tôi chọn con đường đi vào địa ngục…chờ ngày trở về khi đình chiến.
Trong thời gian năm năm, cậu công tử đã nếm trải đủ mùi tân khổ, hơn hai năm ở xà lim Trại Thanh Liệt, Hà Đông. Cái đói và rét đã tàn phá sinh lực của một thanh niên cường tráng nhưng ngược lại ý chí, nhận thức được tôi luyện tạo nên môt lòng căm hận cộng sản đến tột độ. Cuối năm 1969, từ trại Thanh Liệt lên trại Phong Quang lại biết thêm hình thức cùm kẹp mới, rồi suýt nữa vào cùm lần thứ hai để nếm nhục hình. Đầu năm 1971 lại chuyển về Tân Lập.
Hy vọng đã thắp sáng từ ngày đoàn công an do Võ Đại Nhân cầm đầu, đến tổ chức cho chúng tôi học tập trao đổi, trao trả. Mấy tháng trôi qua, sáng nay khi đọc danh sách ra xe, chúng tôi đã thấy lóe lên tia hy vọng. Lần đầu tiên, tất cả mọi người di chuyển đều không còn phải đeo còng số tám….
Buổi chiều cuối năm, xe chở chúng tôi qua cầu phao bắc ngang sông Hồng gần cầu Long Biên. Xe chở tù chạy khơi khơi qua Hàng Đào, Khâm Thiên. Vết tích của trận oanh tạc bằng B52 vào Hà Nội hiển hiện qua những dẫy nhà nằm trong tọa độ oanh tạc sụp đổ trở thành những đống gạch vụn.
Bên cạnh đó vẫn còn những khối nhà đứng trơ trọi nhờ nằm ngoài khu vực ảnh hưởng của bom đạn. Hình ảnh Hà Nội hậu chiến-thành phố của xe đạp- thật tồi tàn, xơ xác từ cảnh vật đến những con người lam lũ. Tin tức về trận đánh bom tọa độ vào Hà Nội đến tai chúng tôi rất ít. Bởi những tờ báo chuyển cho chúng tôi đọc trong học tập đều được chọn lọc rất kỹ. Chúng tôi lờ mờ hiểu rằng hiệp định đã được bối thư. Sau đó Phùng văn Chức mới cho tôi biết rõ, ông Chức là người trong nhóm Hoàng Minh Chính mà tôi quen khi ông ta ở cạnh buồng giam tôi trong thời gian học tập, ông mến tôi và vẫn lo lắng cho tôi vì theo kinh nghiệm của ông khí phách ngang tàng của tuổi trẻ sẽ dẫn tới tai họa. Tôi đã không nghe ông. Khi tôi kể chuyện, tôi không chịu viết đơn xin khoan hồng. Ông kêu trời:
-”Sao lại không viết, có hại gì đâu. Hãy nghe tôi! Liberté, em phải biết “gỉa dại qua ải”. Trong mấy người ở đây, tôi chỉ nói chuyện với em, chọn em làm bạn vong niên vì em thông minh, có học, có tâm huyết, em phải tìm mọi cách để trở về. Thoát khỏi vòng tay của họ đã. Lúc đó em muốn làm gì chống họ cũng được. Người anh hùng phải biết nhẫn nhục để chờ thời cơ giáng cho địch những đòn sấm sét.”
-Nhưng em không chịu được, em biết họ làm trò “cấy sinh tử phù”.
– Sinh tử phù gì đâu. “Đơn xin khoan hồng” chỉ là thủ tục, mọi người ai cũng phải làm vì đó là chủ trương của họ. Em đừng nghĩ vậy. Trở về miền Nam, em báo cáo hết mọi chuyện bị ép buộc phải làm ở đây là xong. Nếu họ gọi đi làm lại nhớ đừng chống đối nữa. Tôi nhắc lại, em đừng đánh mất cơ hội, thoát sớm chừng nào hay chừng đấy. Đừng nghĩ họ không dám giữ em lại mà nhầm. Đồng chí mà họ còn thanh trừng, thủ tiêu; huống chi những người họ gọi là “phản cách mạng”. Đừng bộc lộ tư tưởng của mình cho họ biết, đừng để lộ kiến thức, hiểu biết cho họ thấy. Họ bày trò học tập để tìm hiểu, chọn lọc đối tượng để thực thi biện pháp “cảnh giác cách mạng” đối với những người có tư tưởng chống họ tới cùng, đồng thời gây áp lực tinh thần lên những người còn lại. Em phải biết những người lính Pháp sau Hiệp định Geneve bị giữ lại hàng nghìn. Hiện nay những người này vẫn nằm đầy trong các trại khổ sai vùng Sơn La – Nghĩa Lộ. Họ nguy hiểm lắm, tốt nhất đừng thể hiện tư tưởng căm thù cho họ thấy. Tôi biết em không sợ họ nhưng nếu cứ ở trong tù, khí phách và tâm huyết của em sẽ hoang phí vì chẳng làm được gì lợi ích cho đất nước và dân tộc.”…
Nghe ông nói, tôi thấy có lý, càng suy nghĩ tôi càng thấy mình thực sự thơ ngây, non dại và thấy hết tình cảm của người bạn già khi điểm hóa cho tôi, nhưng vài ngày sau đó im ắng, không động tịnh và sáng nay khi tôi bùi ngùi chào từ biệt, mang hành lý ra xe , từ trong buồng giam, ông còn tha thiết nói vọng ra:
-“Hãy nghe tôi! Liberté! Cố về với gia đình! Vive la liberté!”. (Liberté là mật danh của tôi khi tiếp xúc với ông ta)
Tôi cảm động hô lớn: Vive la liberté!
Kỳ lạ! Thời gian tôi quen ông chưa quá ba tháng, ông biết mặt tôi nhưng tôi chưa thấy rõ diện mạo ông ta nhưng thật sự tôi biết ông đã cố truyền đạt kinh nghiệm, mở mang nhận thức về các âm mưu quỷ quyệt của người cộng sản cho tôi qua những câu chuyện ông kể lại. Ông lo lắng thực sự khi thấy tôi đã không biết dấu thân mà còn chủ xướng đấu tranh chống học tập. Ông là người đầu tiên nói với tôi:”Hiệp định Paris chỉ là mớ giấy lộn không gía trị gì. Đừng ngây thơ, việc những tù nhân từ miền Bắc được trao trả sẽ chỉ là tượng trưng.”
Vì thế ông khuyên tôi cố gắng mà trở về để làm được một điều gì cho xứng đáng với tâm huyết của một thanh niên yêu nước. “Đừng để họ chôn vùi em trong tù ngục.”
………..
Tàu điện đi từ phố Hàng Đào năm 1972 – st
Mặt trời đã ngả sang hướng Tây, xe ra khỏi thành phố Hà Nội, người công an phụ trách đưa chúng tôi chuyển trại giữ lời hứa buổi sáng, cho xe tạm dừng trước một cửa hàng bên đường ngay ngã ba Văn Điển để cho chúng tôi ăn phở. Phở quốc doanh ở Hà Nội tạm ăn được vì gía không rẻ. Một số thực khách thấy chúng tôi mặc áo tù nên đến nói chuyện với người công an gỉai giao. Anh chàng được dịp nói: “Đây là những người tù “gián điệp biệt kích” miền Nam chuẩn bị đưa đi trao trả.”.
Nghe nói vậy những người xung quanh xúm lại nhìn ngó, xầm xì, chỉ trỏ nhưng không có vẻ gì thù ghét, trái lại còn tỏ ra có thiện cảm với chúng tôi. Có cô còn bạo miệng chọc ghẹo: Lính Cộng Hòa cũng đẹp giai nhỉ? Ở lại đây chúng em nuôi. Một số người hỏi: Có anh nào quê ở ngoài này không?
Chúng tôi nhân cơ hội được chút tự do nên cũng bông đùa, vui vẻ.
Sau khi ăn uống, tuần tự đi làm vệ sinh xong. Chúng tôi lục tục ra xe, đám đông vẫn vây quanh, mấy em bé bán bánh kẹo, trái cây mời chúng tôi mua nhưng lấy đâu ra tiền. Lúc này người công an giải giao mới hỏi tôi: “Các anh còn tiền đi đường đấy. Có muốn mua gì không?.
Chúng tôi nhìn nhau, anh em đồng ý, tiền đâu có gía trị gì, và tôi thay mặt cả nhóm lên tiếng: “Còn bao nhiêu ông mua hết luôn đi. Chúng tôi giữ tiền làm gì.”
Sau khi mua được mấy nải chuối, trái cây, bánh kẹo, thuốc lá. Xe chuyển bánh về hướng Vân Đình, Ngọc Hồi. Khỏang gẩn sáu giờ chiều xe chở chúng tôi vào đến trại Bình Đà nằm giữa vùng dân cư của những hợp tác xã nông nghiệp. Gọi là trại nhưng chỉ có hai dẫy nhà trống, một dẫy lợp ngói dở dang, một dẫy chưa quét vôi hoàn chỉnh và cũng chưa lắp cửa nằm trong vòng rào tre mắt cáo sơ sài, vật liệu xây dựng còn nằm ngổn ngang trên khỏanh đất trống đầy dấu vết vôi vữa. Chiếc xe vừa ngừng bánh, đã thấy có mấy người tù miền Nam chạy ùa ra theo hai người công an trại.
Có tiếng người hỏi:
-”Anh em bao nhiêu người, từ đâu về vậy?”
Tôi trả lời:
– ”Mười người từ trại Tân Lập về”.
-“Có ai ở Quảng Trị không?” “Có ai ở Huế không?”
Hai người công an cười vui vẻ:
”Từ từ để chúng tôi làm thủ tục bàn giao cho xong chốc nữa các anh tha hồ nói chuyện cả đêm. Nhà tù bây giờ không đóng cửa vì nếu có thuê các anh chắc cũng chẳng ai muốn trốn”.
Nhóm chúng tôi tổng số có mười người mà lần này đặc biệt không làm thủ tục giao nhận, chỉ đếm người, cũng chẳng khám xét gì cả nên chưa đến 10 phút. Người công an nhận chúng tôi tự giới thiệu tên là Liên điểm lại nhân số lần cuối rồi bảo chúng tôi: “Các anh mang hành lý vào rồi tự thu xếp chỗ nằm. Một tiếng nữa, cơ quan sẽ mang cơm nước cho các anh.”
Nói xong, anh ta với người công an trại và hai người giải giao bỏ đi ra, cánh cổng trại chỉ khép hờ lại.
Chúng tôi được anh em đến trước phụ mang hành lý vào phòng. Tôi bảo Ngọc lo sắp xếp chỗ nằm còn phần tôi vội đi thăm hỏi anh em. Nhóm này cũng 14 người từ vài trại chuyển đến trước chúng tôi vài ba ngày. Trong nhóm có mấy người khá cao tuổi điềm tĩnh ngồi uống trà, xem đám thanh niên chúng tôi vồn vã nói chuyện với nhau.
Trong số người này có Đoàn (thiếu uý) là người tôi đã biết mặt, nói chuyện từ trại Phong Quang; những anh em còn lại, tôi chưa từng gặp bao giờ. Ghé đến mấy người ngồi uống trà trong góc khuất, tôi mở lời:”Chào các bác! Tôi tên Sơn, biệt kích Lôi Hổ bị bắt từ 1967. Các bác có ai là người ở Đà Lạt không?”.
Một vị lớn tuổi trả lời: “Chào anh Sơn, tôi tên là Tứ. Ở đây có ông Đãi từng làm việc ở Đà Lạt.”
Tôi giật mình thầm nhủ vậy là gặp người quen:
-”Bác Đãi đâu rồi bác?”
– Ông vừa đi ra ngoài cùng anh Lộc. Anh biết bác Đãi sao?
– Bác Đãi là Đại Biểu Hành chánh vùng 1 phải không? Tôi có gặp và quen bác từ ngày ở Đà lạt. Bà Đãi là hiệu trưởng trường nữ trung học Bùi thị Xuân.
– Đúng rồi! Vậy anh ngồi chơi nói chuyện, bác ấy vào bây giờ.
Nóng lòng không đợi được, vả lại cần gặp ngay ông Đãi để nói chuyện, tôi xin phép đi thăm hỏi anh em khác, thật ra để có thời gian ra ngoài tìm gặp người quen.
Bước ra khỏi căn buồng lớn, trời đã xẩm tối, thấy hai người đang đi bách bộ ngoài khỏang sân trống. Tôi hướng đến họ, và nhận ngay ra ông Nguyễn văn Đãi cho dù tù tội có làm nhân dáng và sắc diện ông thay đổi, tiều tuỵ. Tôi lên tiếng:”Chào bác Đãi, chào anh Lộc.Tôi tên Sơn, bác Đãi có nhận ra người Đà lạt không?”
Hai người đứng lại, ông Đãi hơi ngỡ ngàng:”Anh Sơn.. người Đà lạt?”
Tôi cười: Bất ngờ nên bác chưa nhớ ngay đâu, xin lỗi anh Lộc là Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh Thừa Thiên có phải không? Hân hạnh biết anh.
-Dạ đúng, sao anh biết?
-Việc bác Đãi và anh bị bắt Tết Mậu Thân có lên báo, đài Việt Cộng nên tôi đoán vậy.
Ông Đãi quan sát tôi một lúc rồi nói:
-Tôi thấy anh quen lắm nhưng không nhớ gặp anh ở trường hợp nào?
Tôi quay qua nói với ông Đãi:
-Lần đầu tiên, Sơn gặp bác ngay tại nhà ông Cao Xuân Thiệu, Đại biểu hành chánh vùng 2, sau đó bác và Sơn hay gặp nhau những buổi chiều bác đi tản bộ từ cầu Ông Đạo đến Thuỷ Tạ.
Tôi nói đến đây ánh mắt ông Đãi vui hẳn lên, ông gật đầu đồng tình:
-”Tôi nhận ra anh rồi! Anh là bạn của mấy người con ông Cao Xuân Thiệu, anh là cháu của ông tỉnh trưởng Tuyên Đức. Các anh là thanh niên công tử ở Đà lạt mà sao anh lại ở đây?.
-“Số mệnh thôi bác ạ. Sơn cũng đâu có ngờ. Thôi từ từ ngày rộng tháng dài, bác cháu mình sẽ nói chuyện. Bây giờ tạm vấn an bác và làm quen anh Bảo Lộc.
Anh Bảo Lộc tướng mạo thư sinh, nho nhã ; thấy bác Đãi đã nhận tôi là người quen biết nên cũng rất cởi mở.
-Anh Sơn bị tù lâu chưa? Các anh ở trại Tân Lập về, ở đó các anh có biết tình hình gì không? Chúng tôi thì chẳng biết gì cả, vừa đưa lên Lao Cai lại bất ngờ quay trở lại. Nghe đâu hiệp định đã ký rồi thì phải?
-Tôi bị bắt trước anh và bác Đãi nửa năm. Chúng tôi từ trại Tân Lập một trong những nơi được học tập trao đổi trao trả đưa về đây. Theo thông tin chúng tôi được biết, hiệp định đã được ký tắt, sẽ ký chính thức trong tháng đầu năm nhưng bây giờ đã gần giữa tháng 1 rồi. Tuy nhiên việc ký kết là chắc chắn. Chính vì vậy mà chúng ta được ở nhà tù không cửa, không lính gác.
-Ở trên trại Tân Lập còn đông không anh?
-Ước chừng khỏang trên dưới trăm người nữa, toàn Biệt Kích các loại, có người tù từ 1962. Họ bị bắt ngay khi nhảy dù ra Bắc.
-Ôi chao! Lâu vậy..!
-Chiến tranh càng kéo dài thì càng ở lâu, anh với bác biết quá rồi. Hy vọng hiệp định đình chiến ký kết và thực hiện đàng hoàng thì may ra những người bị bắt mới có ngày về.
-Sao lại may ra anh Sơn, chắc chắn được về chứ sao lại may ra?
-Trên nguyên tắc là chắc chắn nhưng thực tế chắc anh và bác cũng biết những binh sĩ và sĩ quan quân đội Đức Quốc Xã hiện vẫn còn nằm trong các trại tù ở Sibéria, và chúng tôi cũng được biết những người lính Pháp, “legionnaire” Âu Phi cũng còn nằm tù trong nhiều trại vùng Sơn La, Nghĩa Lộ, Hòa Bình.
-Sao anh biết chuyện này, anh có gặp họ không?
Tôi kể lại cho bác Đãi và anh Bảo Lộc nghe những điều ông Chức cho tôi biết. Hai người nghe chuyện rất chăm chú. Tôi nói luôn nhận định của ông Chức về thái độ sắp tới của Việt Cộng đối với bản hiệp định sẽ ký kết, đồng thời cho biết luôn sự thiệt thòi của VNCH theo như lời ông Chức kết luận.
Bác Đãi hỏi tôi: Như vậy theo ông Chức nói là chiến tranh sẽ tiếp diễn sớm.
-Đúng vậy! Ông Chức nói với cháu là bằng mọi cách phải cố mà về và hãy phổ biến cho tất cả mọi người biết những người cộng sản không bao giờ ngừng lại nếu chưa chiếm được toàn miền Nam.
-Những chuyện này anh có nói cho ai biết không?
-Những người đầu tiên cháu bộc lộ là bác và anh Lộc vì có lẽ chỉ những người như bác và anh mới hiểu vấn đề.
Bác Đãi đứng lại, chúng tôi cả ba người quay mặt vào với nhau, bác Đãi hỏi:
– Anh có tin ông Chức không?
– Cháu rất tin! Vì như bác thấy những điều ông ta nói với cháu chính là lưỡi dao trên cổ ông ta nếu cháu để lộ cho bọn Việt Cộng biết. Ông ta cho cháu biết ông là đảng viên đảng cộng sản từ trước khi có cái nhà nước VNDCCH mà những gì ông ta nói với cháu cho thấy ông ta đã phản đảng. Cháu thấy ông ấy thất vọng với lý tưởng mà ông ta đã theo đuổi và ông ta nhìn thấy hiểm họa của dân tộc khi miền Bắc chiến thắng. Đó là lý do để cháu tin ông ta. Hình như ông muốn uỷ thác cho cháu tâm sự và thông điệp của ông ta. Và cháu biết điều ông ta mong mỏi nhất là miền Nam sẽ Bắc tiến.
– Anh Sơn rất thông minh! Anh có tin tên Chức là tên thật của ông ta không?
-Cháu có nghe cán bộ công an trại gọi tên này.
-Anh Sơn gặp ông ta thật là may mắn, những điều ông ta nói với anh rất có gía trị.
-Làm sao ông ta chọn anh làm bạn vong niên anh có biết không?
-Biết chứ anh Lộc. Ông chọn Sơn vì qua đối thoại, ông thấy mình đủ kiến thức để hiểu những gì ông nói đồng thời mình cũng nói những điều ông ta không ngờ, không biết. Ông ta rất ngạc nhiên khi thấy Sơn nói về André Gide, Stalin, Churchill, De Gaulle, Mac Athur những nhân vật trong lịch sử đương đại. Ông ta đâu có ngờ gặp một con mọt sách.
Bác Đãi bật cười:
-Anh Sơn vui thật, khi ở Đà lạt tôi cứ nghĩ mấy cậu công tử này chỉ biết ăn chơi, chứ đâu có ngờ các anh cũng ham đọc sách.
Đang vui chuyện, bóng đêm đã ập xuống, tôi thấy loáng thóang từ xa, có mấy người xách đèn đi vào trại nên nói.
-Chắc họ mang cơm tối cho anh em mới đến. Thôi mình vào nhà đi bác.
Người công an của trại tên Liên vừa tiếp nhận chúng tôi yêu cầu nhóm mới tới nhận cơm, nước và thức ăn do hai người áng chừng là tù hình sự gánh tới. Vừa ăn phở lúc chiều nên không mấy người cảm thấy đói, chúng tôi mời anh em tới trước cứ tự nhiên.
Anh chàng Liên ngồi chơi nói chuyện với một số người đến sau 8 giờ thì chúc chúng tôi ngủ ngon rồi về. Sau khi Liên đi khỏi, tôi hội ý với mấy anh em cùng từ Tân Lập, tất cả đồng ý đem một nửa số quà mua được bày ra bốn nhóm mời tất cả cùng uống trà, đánh dấu buổi tao ngộ của những người cùng chung chiến tuyến. Sau tuần trà, những người tù miền Nam nhóm vây quanh mấy bàn cờ, nhóm tản bộ ngoài sân trò chuyện. Nhà tù không cửa, vòng rào trại sơ sài, trăng lung linh trên đầu, tiếng chó sủa từ phía khu dân cư xa xa vọng lại.
Đêm đầu tiên ở một vùng nông thôn miền Bắc trong sự buông lỏng đầy tính toán của kẻ thù không xóa được những cảm giác bất an trong lòng tôi. Tôi vẫn là một người tù nằm trong tay đối phương, vẫn là thân “cá chậu, chim lồng”. Sinh mệnh, tự do của chúng tôi vẫn do những người khác quyết định. Chỉ còn hơn tuần nữa lại qua một năm mới. Hơn năm năm đi qua những nhà tù gian khổ như một ánh chớp. Tôi cùng mấy người bạn trở vào phòng ngồi bên song cửa uống trà “thưởng trăng” tiêu sầu. Cảnh và tình đêm nay gợi nhớ bài tuyệt cú “Tĩnh Dạ Tứ” của Lý Bạch. Ánh trăng hạ tuần rọi bên thềm sáng vằng vặc, khuấy động lòng người xa xứ.
Tôi buột miệng đọc:
Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương
Bác Đãi nhìn tôi cười:
-Thanh niên Tây học mà cũng thuộc Đường Thi.
Hồng và Văn bên nhóm khác nhảy qua:
-Văn nghệ ! Văn nghệ đi! Các bác ơi, đừng nặng nề, chuyện gì tới tính sau.
– Đúng rồi chúng ta mở đầu đi! Quốc Ca, Quốc Ca nhé!
Chúng tôi bắt giọng: Này Công dân ơi!……
Thế là.. tất cả mấy chục con người cùng trỗi dậy, những e dè, nghi kỵ ban đầu tan biến trong tiếng gọi thiêng liêng của hồn sông núi. Thật cảm động! Hình như lá quốc kỳ kiêu hùng đang bay phần phật trong tâm tưởng của tất cả những người có mặt. Việt Nam! Việt Nam nghe từ vào đời..Máu ta từ thành Văn Lang… Buổi văn nghệ hào hứng kéo dài đến nửa đêm về sáng mới chấm dứt, kết chặt tình thân, tình chiến hữu của những người mấy tiếng đồng hồ trước còn xa lạ…….
39 năm trôi qua…Không bao giờ quên những ngày oai hùng trên các chiến trường Việt nam.
Vào ngày cuối cùng của cuộc chiến, khi mà mọi giới đều hiểu rằng không còn gì có thể cứu vãn được nữa thì người chiến sĩ VNCH vẫn chiến đấu dũng cảm. Một vài tài liệu sau đây cho chúng ta khẳng định như thế:
1/ Tài liệu của Không Lực Hoa Kỳ – chương trình di tản “Frequent Wind” có viết rằng: Trong khi phi trường bị tấn công thì 2 chiếc Al (Skyraider chiến đấu có cánh quạt của Không lực VNCH) đã bay lượn trên không phận Saigon để truy lùng các vị trí pháo kích của địch. Một trong hai chiếc bị hỏa tiễn SA-7 bắn rơi.
Trong khi đó, nhiều người đã không e sợ, đổ xô ra ngoài để nhìn một chiếc phi cơ “Rồng lửa” AC-119 đang nhào lộn và xả súng (đại liên 6 nòng Gatling) bắn một vị trí của bộ đội Bắc Việt ở ngay gần cuối hướng đông Tân Sơn Nhất. Vào khoảng 7 giờ sáng 29/4, chiếc phi cơ anh dũng của VNCH đã bị trúng hỏa tiễn SA-7 của địch và bốc cháy rồi đâm nhào xuống mặt đất.
Trong một bức thư của một phi công VNCH gửi cho Clyde Bay ở Trung Tâm Di Tản Nha Trang, kể lại chuyện những phi công của Không Lực VNCH vào sáng ngày 29 tháng 4, vẫn tiếp tục thực hiện các phi vụ tấn công vào các đoàn xe tăng địch, khi chúng tiến về phía thủ đô Saigon. Theo lời của Trung Úy Coleman “ít nhất những người này đã là những chiến sĩ đã chiến đấu một cách anh dũng và hi sinh đến giọt máu cuối cùng của cuộc đời binh nghiệp, trong một trận chiến biết chắc là thua, nhưng vẫn sẵn sàng hi sinh.
2/ Tài liệu trích trong cuốn Việt Nam và Chiến Lược Domino của Bạch Long (từ trang 312 đến 314) Nhưng sự bất ngờ cho Cộng Sản đã xảy ra ngay tại cửa ngõ vào Saigon. Khoảng gần một ngàn chiến sĩ của Chiến đoàn 3 Biệt Kích Dù và một số biệt kích, Nhảy Dù và quân nhân khác, có nhiệm vụ bảo vệ bộ Tổng Tham Mưu từ ngày 26 tháng 4, đã sẵn sàng chờ “đón” quân Cộng Sản.
Trong ngày 29 tháng 4, tướng Lâm Văn Phát đã có can đảm đứng ra nhận chức tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô với mục đích cầm quân chiến đấu bảo vệ Saigon. Tướng Phát đã ra lệnh cho các cánh quân Nhảy dù, Biệt Cách, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến… phải ngăn chận quân Cộng Sản kéo vào Saigon từ hai ngả tư Bảy Hiền và Hàng Xanh… Tướng Phát kể lại rằng ông chỉ còn vỏn vẹn 60 xe tăng M-41 và M-48 với những đơn vị lẻ tẻ để đối đầu với 16 sư đoàn Bắc Việt và 3 sư đoàn Việt Cộng với hàng ngàn xe tăng, đại pháo và tấn công từ hai ngả vào Sàigòn.
Nhưng dù ở trong tình thế tuyệt vọng như vậy, tướng Phát và những người lính chiến đấu vẫn phải chiến đấu đến cùng! (Cần phải nói rằng các đơn vị lớn Thủy Quân Lục Chiến cực kỳ anh dũng và đã bị tan rã gần hết trước ngày 30 tháng, ở vùng Một và vùng Hai, và trong những trận rút bỏ khác.)
Những người lính chiến đấu này không có…radio! Họ không cần biết rằng quân Cộng Sản đang thắng thế. Họ không cần biết tổng thống tạm thời Dương Văn Minh đang sửa soạn đầu hàng, dâng miền Nam cho Cộng Sản. Họ không cần biết rằng tình hình đã hoàn toàn tuyệt vọng, không còn một chút hi vọng ngăn chân quân đội Bắc Việt. Họ chỉ biết chiến đấu chống Cộng và tiêu diệt quân Cộng sản, và hình như họ chưa bao giờ có tư tưởng bỏ chạy hay đầu hàng! Họ hờm súng đợi quân thù Cộng Sản và sẵn sàng nhả đạn. Các xe tăng Cộng Sản hứng những loạt đạn đầu tiên và bất ngờ. Trong thành phố đang hỗn loạn tinh thần, tiếng đạn nổ như mưa bão xen lẫn với tiếng súng lớn, đã làm cho sự hỗn loạn gia tăng.
Trong thời gian thật ngắn khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, 17 xe tăng Cộng sản bị trúng đạn cháy đen nằm rải rác từ Ngả tư Bảy Hiền đến cổng trại Phi Long và đến đường Cách Mạng… Pháo tháp xe tăng T-55 bằng thép dầy 12inches (30 phân tây) bị bắn thủng như bằng…bột, chứ không phải bằng thép! Lỗ đạn không lớn lắm. Hình như vào giờ chót người Mỹ viện trợ cho một loại súng bắn xe tăng đặc biệt, loại 106 ly (?), để bắn xe tăng. Đạn xuyên phá qua thép dầy nhất và lực cản của thép đã làm cho nhiệt độ gia tăng tới gần 3000 độ C, nướng chín quân lính Cộng Sản ở trong xe tăng.
Cánh quân Cộng Sản từ Long Khánh kéo về Saigon qua Hàng Xanh, Thị Nghè bọc xuống trước Sở Thú để tiến vào dinh Độc Lập thì bị quân Nhẩy Dù án ngữ. Quân Nhẩy Dù bị dồn về bảo vệ vòng đai Saigon. Họ không còn việc gì khác hơn là chiến đấu đến cùng từ đường vòng đai xa lộ Đại Hàn đến ngã tư Hàng Sanh về đến đại lộ Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà.
Hầu như những cánh quân Cộng Sản đầu tiên tiến vào Saigon theo ngã này đều bị Nhảy Dù tiêu tiệt hết. Tổng cộng trong khoảng từ 7 giờ sáng đến 10 giờ 15 ngày 30 tháng 4, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, hơn 20,000 quân Bắc Việt, 32 xe tăng và gần 30 quân xa (Molotova) chở đầy lính Cộng Sản bị bắn cháy, chết hết, trong phạm vi thành phố Saigon. Tất cả hai cánh quân Việt cộng đều khựng lại.
Bộ chỉ huy Cộng Sản cuống cuồng vội thúc giục Dương Văn Minh phải đích thân ra lệnh cho tướng Lâm Văn Phát, thiếu tá Tài để ra lệnh cho Biệt Cách Dù và quân Nhảy Dù ngưng chiến đấu.
Tất cả những người lính chiến đấu can trường nhất của VNCH lúc đó mới hiểu rằng miền Nam đã bị kẹt vào cái thế phải thua. Họ ném bỏ súng đạn trút bỏ quần áo trận và lẫn lộn vào dân chúng, tìm đường về nhà.
Một câu chuyện khác do tướng Lâm Văn Phát kể lại là sau khi Dương Văn Minh điện thoại cho ông phải ra lệnh ngưng bắn thì ông xuống dưới nhà. Dưới chân cầu thang, một người Quân Cảnh đã đứng nghiêm chào ông và nói: “Vĩnh biệt thiếu tướng”, rồi rút súng bắn vào đầu tự tử.
Khi vị tư lệnh cuối cùng của Biệt Khu Thủ Đô đến Tổng Tham Mưu thì thấy chung quanh cột cờ lớn có khoảng hơn 300 binh sĩ Biệt Cách và sĩ quan chỉ huy họ đang đứng thành vòng tròn và hờm súng vào… lưng nhau, sẵn sàng nhả đạn tự tử tập thể. Tướng Phát phải nói với họ trong nước mắt rằng quân đội VNCH đứng vững cho đến giờ chót là nhờ tinh thần kỷ luật. Vậy lúc này đã có lệnh buông súng thì anh em ai về nhà nấy mà lo cho gia đình.
Tự tử không có ích lợi gì cho mình cả. Các quân nhân nghe lời, chỉ có một vài sĩ quan trẻ tuổi đã tự tử. Đến 1 giờ trưa, tướng Phát bàn giao Biệt Khu Thủ Đô cho tướng Việt Cộng Ba Hồng. Sau đó tướng Ba Hồng mời tướng Phát đến Tổng Tham Mưu. Tại đây, khoảng 500 chiến xa T. 55 của Cộng quân nằm kín chung quanh cột cờ. Đáng lẽ những chiến xa này đã đi thẳng sang Tây Ninh theo đườngvòng đai Saigon. Nhưng sự đầu hàng của Dương Văn Minh đã thay đổi hết kế hoạch tiến đánh Thái Lan của Cộng Sản (tướng Lâm Văn Phát đã từ trần trong tuổi già tại Santa Ana, California ngày 30 tháng 10 n ăm 1998.
Nhưng hai trận đánh trên đây cũng chưa phải là trận đánh cuối cùng trong ngày 30 tháng 4. Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu đã chiến đấu mãnh liệt từ trong khuôn viên trường cho đến khoảng 2 giờ trưa. Lúc này, Cộng Sản đã cầm chắc cái thắng trong tay nên chúng không muốn chết thêm nữa. Chúng ngưng bắn và điều đình với các em. Các em đòi chúng phải ngưng bắn và rút ra xa để các em tự giải tán. Khoảng ba giờ chiều, các em hát bài quốc ca, làm lễ hạ cờ. Xong rồi bỏ đồng phục, mặc quần áo thường và từ từ ra khỏi trại, nước mắt ràn rụa trên má.
3/ Tài liệu: báo Wall Street Journal số ngày 2 tháng 5 năm 1975, bài bình luận của ký giả Peter Kahn, từng đoạt giải Pulitzer, có tựa đề “Truy Điệu Nam Việt Nam” – “…Nam Việt Nam đã chống cự hữu hiệu trong 25 năm, và họ đã không phải luôn luôn được người Mỹ giúp. Tôi nghĩ ít có xã hội nào bền bỉ chịu đựng được một cuộc chiến đấu lâu dài như vậy… Quân lực VNCH đã chiến đấu can đảm và vững mạnh trong một số trận đánh mà chúng ta còn nhớ, thí dụ như trận An Lộc.
Quân đội ấy đã chiến đấu giỏi và can đảm ở nhiều trận đánh khác mà chúng ta không còn nhớ địa danh. Quân lực ấy đã can đảm và chiến đấu trong hàng ngàn trận đánh nhỏ, và giữ vững hàng ngàn tiền đồn hẻo lánh ở những nơi mà cái tên nghe rất xa lạ với người Mỹ. Hàng trăm ngàn người của quân lực ấy đã tử trận. Hơn nửa triệu người của quân lực ấy đã bị thương. Và trong những tuần lễ chót, khi mà người Mỹ nào cũng biết là cuộc chiến đấu đã thua rồi thì vẫn còn những đơn vị của quân lực ấy tiếp tục chiến đấu, thí dụ tại Xuân Lộc. Nhờ có những sự chiến đấu ấy mà người Mỹ và một số người Việt lựa chọn mới an toàn thoát đi được. Rốt cuộc, quân lực ấy đã tài giỏi hơn sự ước lượng của người ta. Phía mạnh hơn chưa chắc đã là phía tốt hơn”.
4/ Tài liệu của ký giả người Pháp Jean Larteguy, đã chứng kiến những giờ phút cuối cùng ở Saigon ngày 29 và 30 tháng 4-75. Thứ Hai 28/4/75 Saigon sáng nay yên tĩnh. Các đơn vị của một lữ đoàn Dù chiếm đóng vị trí của họ trong thành phố, sau bức tường, trong những khu vườn. Họ không buồn rầu và không tuyệt vọng.
Họ điều động như thể đang dự một một thao dượt. Đôi lúc họ còn cười với nhau và liệng cho nhau những chai Coca Cola. Họ không nuôi một ảo tưởng về số phận của họ, về kết quả của trận đánh tối hậu này. Nhưng tôi có cảm tưởng là họ nhất định chiến đấu tới cùng, và sẽ tự chôn mình trong những đổ nát của Saigon. “Và những binh sĩ tuyệt vời này vẫn còn có được các cấp chỉ huy ở bên họ. Một trong các cấp ấy là một đại tá. Tôi hỏi ông ta xem tình hình ra sao? Ông trả lời: “Chúng tôi sẽ chiến đấu, và chúng tôi sẽ là những người lính cuối cùng chiến đấu. Hãy nói cho mọi người biết rằng chúng tôi chết không phải vì Thiệu, vì Hương hay vì Minh.
Sau khi Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng. Larteguy lại được chứng kiến tận mắt trận đánh cuối cùng của các đơn vị VNCH tại Saigon, và ghi lại như sau: “Gần Lăng Cha Cả, quân Dù đánh trận chót. Họ chiến đấu tới 11 giờ 30 trưa, cho tới khi các cấp chỉ huy của họ từ dinh Tổng Thống trở về sau cuộc gặp gỡ bi thảm với tướng Minh.
Các sĩ quan này khuyên họ nên ngưng chiến đấu. Họ vừa hạ được 5 xe tăng T-54. Những xe ấy còn đang cháy ngùn ngụt. Một chiếc nổ tung vì đạn trong xe. Quân Dù không để lại trên trận địa một thứ gì, dầu là vũ khí, đồ trang bị, người bị thương hoặc người chết.” Larteguy cũng được thấy tận mắt các sinh viên trường Võ Bị Đà Lạt, lực lượng trừ bị chót của QLVNCH, tiến ra trận địa. “…Và trong những bộ đồng phục mới, giầy chùi xi bóng láng, các sinh viên anh dũng của Trường Võ Bị Đà Lạt đã đi vào chỗ chết. Họ ra đi thật hào hùng, đi như diễn binh, chỉ thiếu có cái mũ diễn hành và đôi bao tay trắng.
Một đồng nghiệp của Larteguy là Raoul Coutard đã thu được cảnh xuất quân bi tráng ngay vào máy quay phim và cố nén xúc động để hỏi các sinh viên sĩ quan: “Các anh có biết là sắp bị giết chết không?” Một thiếu úy trả lời: “Chúng tôi biết chứ!”
– “Vì sao?”
– “Tại vì chúng tôi không chấp nhận Chủ Nghĩa Cộng Sản!”
…Các xe tăng đầu tiên của Cộng Sản vào Saigon từ phía đông, qua tỉnh lộ Thủ Đức và Biên Hòa… Bộ binh thì tiến từ phía Bến Cát và Tây Ninh. Tuy vậy, bọn này chỉ tới được trung tâm Saigon vào lúc 5 giờ chiều.
Từ ngày hôm trước các đơn vị cộng quân này đã bị chận tại gần Hóc Môn, gần nơi có Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù do Lữ Đoàn 4 của Sư Đoàn Dù trấn giữ dưới sự chỉ huy của đại tá Vinh, sĩ quan to con, mặt phong trần, nhất định bất chấp lệnh ngưng bắn. Các đơn vị Cộng quân bị thiệt hại nhiều. Sau đó chúng còn phải giao tranh 2 lần trên đường phố Saigon. Một lần trước trụ sở Cảnh sát Công Lộ, nơi đây chừng 100 cảnh sát viên chiến đấu oanh liệt trong hơn một giờ, trước khi bị xe tăng Cộng Sản đề bẹp. Lần thứ hai ở ngã tư Hồng Thập Tự và Lê Văn Duyệt, là nơi chỉ có 4 người lính Dù võ trang đại liên và Bazzoka mà chiến đấu được trong 50 phút. Đến khi hết đạn, họ đi ra ngoài, nắm vai nhau, lập thành vòng tròn rồi cho nổ một tràng lựu đạn tự sát. “Đến chiều tối 400 chiến sĩ Mũ Đỏ (Dù) được gom từ trận Hốc Môn và từ phi trường, tụ lại quanh đại tá Vinh, và còn chiến đấu gần chợ chính và các nơi có ruộng lúa của tỉnh Chợ Lớn. Đến 10 giờ đêm, đại tá Vinh cho lệnh các binh sĩ chia thành toán nhỏ, lợi dụng bóng đem để rút về đồng bằng…” Darcourt cho biết đại tá Vinh đã ở lại vị trí và tự sát.
Lê văn Thự (K.17/NT – Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Hành Quân Vùng I Duyên Hải )
Lời mở đầu: Tài liệu này đã được viết và phổ biến hạn chế đến một số bạn hữu tại Yukon, tiểu bang Oklahoma Hoa Kỳ vào năm 1997. Trước khi gởi đến website để nhờ phổ biến, tôi đã xem lại và sửa đổi một vài chi tiết. Tôi viết tài liệu này dựa trên những gì tôi còn nhớ khi đảm nhận chức vụ Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Hành Quân Vùng I Duyên Hải trong thời gian xảy ra biến cố Hoàng Sa. Ngày 19-1-1974 tôi đã có mặt thường trực tại Trung Tâm, vì vậy nên những câu trao đổi giữa Tổng Thống Thiệu và Đô Đốc Thoại tôi vẫn còn nhớ cũng như hình ảnh của vị Tư Lệnh Hải Quân gục đầu rơi nước mắt khi nghe tin HQ 10 bị chìm tôi không bao giờ quên. Ngoài ra lời kể lại từ các chiến sĩ đào thoát trên HQ 10 khi trở về Đà Nẵng về cái chết của người bạn cùng khoá với tôi là cố HQ Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí vẫn còn in sâu trong trí nhớ tôi.
***
Vào những ngày cuối năm Qúy Mão (tháng 1- 1974), tình hình chiến sự giữa ta và Việt Cộng hơi tạm lắng dịu ; ở nội địa như thế, nhưng ngoài quần đảo Hoàng Sa (HS) bọn Trung Cộng (TC) đã có hành động xâm lấn lãnh thổ của ta.
Ngày 15-1-1974 Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 của Hải Quân VNCH khởi hành ra HS. Chiến hạm chở theo phái đoàn Công Binh của Quân Đoàn I có nhiệm vụ khảo sát và nghiên cứu để xây một phi trường cho loại phi cơ vận tải cở nhỏ có thể đáp và cất cánh. Phi trường được dự trù xây trên đảo Hoàng Sa (Pattle) là đảo lớn nhất trong nhóm Nguyệt Thiềm thuộc quần đảo HS. Trên đảo này hiện có một Trung đội Địa Phương Quân của Tiểu khu Quảng Nam trấn giữ và có vài nhân viên điều hành đài khí tượng trực thuộc Nha Khí Tượng ở Sài Gòn.
Sau khi HQ 16 đưa toán Công Binh lên đảo thi hành nhiệm vụ, chiến hạm tuần tiểu chung quanh trong khi chờ đợi toán người này hoàn tất công tác sẽ đón họ trở lại tàu quay về Đà Nẵng. Trong khoảng thời gian này , nhân viên đi phiên của HQ 16 đã phát hiện có 2 tàu TC nằm gần đảo Cam Tuyền (Robert).
Thoạt đầu, họ tưởng là tàu đánh cá của Đài Loan, nhưng khi tiến lại gần thấy rõ tàu mang cờ TC. HQ 16 đánh đèn và yêu cầu họ rời khỏi hải phận của VNCH, nhưng tàu TC vẫn không nhúc nhích. HQ 16 bèn dùng loa phóng thanh và xử dụng nhân viên gốc Trung Hoa biết nói tiếng Tàu để báo cho 2 tàu TC biết đây là lãnh thổ của VNCH , nhưng cũng không đạt được kết quả. Sau đó HQ 16 tiếp tục di chuyển về hướng Đông và quan sát thấy trên đảo Quang Hòa (Duncan) có đài quan sát và lính TC mặc quân phục đã chiếm đóng đảo không biết từ lúc nào.
Tất cả mọi việc xảy ra đã được HQ 16 báo cáo về TTHQ/HQ/VIDH và nơi đây đã lập tức báo cáo về Bộ Tư Lịnh Hải Quân (BTL/HQ). Ngay sau đó BTL/HQ ra lịnh Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4 tăng phái cho VIDH để nhận chỉ thị lên đường ra HS và HQ 4 đến vùng hoạt động ngày 17-1.
Cũng trong ngày 17-1, Tư Lịnh Hải Quân VIDH chỉ thị HQ 10 và HQ 5 khởi hành công tác HS. Khi đi HQ 5 có chở theo HQ Đại Tá Hà Văn Ngạc cùng toán Biệt Hải của Sở Phòng Vệ Duyên Hải và toán Người Nhái thuộc Liên Đoàn Người Nhái. Nhiệm vụ của HQ 5 và HQ 10 là để tăng cường cho HQ 4 và HQ 16.
Sáng ngày 18-1? (1), Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu viếng thăm BTL/VIDH. Tổng Thống Thiệu đã được Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại TL/VIDH thuyết trình về tình hình quần đảo Hoàng Sa hiện có tàu và quân lính TC xuất hiện.
Sau khi nghe thuyết trình, Tổng Thống Thiệu rời BTL/VIDH để tiếp tục chương trình thăm viếng Vùng II Chiến Thuật.
áng ngày 19-1, thi hành lịnh hành quân của TL/VIDH, Đại Tá Ngạc chỉ thị cho toán Người nhái và toán Biệt hải đổ bộ lên đảo Quang Hòa đang có quân TC chiếm đóng để yêu cầu bọn chúng rời khỏi đảo và xem phản ứng của chúng như thế nào. Nhưng khi lực lượng ta tiến vào đảo đã bị chúng nổ súng trước (chúng có công sự chiến đấu) và bên ta có 2 người tử thương. Toán đổ bộ nhận được lịnh rút lui trở về chiến hạm.
Cũng trong lúc này, từ Đà Lạt Tổng Thống Thiệu gọi điện thoại về TTHQ/HQ/VIDH hỏi :” Tình hình Hoàng Sa như thế nào rồi ?” TL/HQ/VIDH Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại trả lời trực tiếp với Tổng Thống Thiệu :” Ta đổ bộ lên đảo có quân TC đã bị chúng bắn trả gây cho ta 2 tử thương” liền theo đó Tổng Thống Thiệu hỏi : ”Như vậy Hải quân đã làm gì chưa?” Câu hỏi ngắn gọn của Tổng Thống Thiệu đã đưa Đô Đốc Thoại đến quyết định khai hỏa.
Lúc 10 giờ sáng ngày 19-1-1974, TL/VIDH ra lịnh khai hỏa cho Đại Tá Ngạc, sau đó Đại Tá Ngạc phân phối nhiệm vụ các chiến hạm như sau : HQ 10 tác xạ lên đảo có quân TC (đảo Quang Hòa), HQ 4, 5 và 16 tác xạ vào các chiến hạm địch. Lịnh khai hỏa đã không được thi hành ngay lập tức vì Đại Tá Ngạc cứ xin thượng cấp xét lại chỉ thi với lý do là tàu của địch tốc độ nhanh, hỏa lực mạnh trong khi tàu của ta tốc độ chậm, hỏa lực kém.
Xét tới xét lui, cuối cùng TL/VIDH dứt khoát là không cứu xét nữa và yêu cầu Đại Tá Ngạc phải ra lịnh khai hỏa.
10 giờ 25 phút, các chiến hạm ta đồng loạt khai hỏa. Ngay lập tức TTHQ/HQ/VIDH gọi qua TTHQ/Sư Đoàn I/KQ yêu cầu cho phi cơ F5A bay ra HS (đã được Chuẩn Tướng Khánh Tư Lịnh SĐI/KQ chấp thuận từ trước) nhưng đã được trả lời là phi cơ F5A không thể chiến đấu ở HS vì F5A chỉ đủ nhiên liệu bay ra và bay về, không đủ nhiên liệu bay quần trên không.
Vào lúc giữa trưa, Tư Lịnh Hải Quân Đề Đốc Trần Văn Chơn vào TTHQ, HQ 5 báo cáo về TTHQ kết quả sơ khởi HQ 10 bị bốc cháy và đang chìm, khoảng 70 thủy thủ đoàn của HQ 10 chết ngay lúc ban đầu trong đó có Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà, Hạm Phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng. Thủy thủ đoàn còn lại đang đào thoát bằng 4 bè tập thể. Về phía địch có 1 tàu bốc cháy.
Nghe tin xấu về HQ 10, Đô Đốc Trần Văn Chơn quá xúc động , ông gục đầu vào máy KW 58 nước mắt chảy dài.
Cũng trong thời gian này, Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Đà Nẵng gọi qua TTHQ khuyến cáo nên ra chỉ thị cho các chiến hạm của ta trở về Đà Nẵng kẻo phi cơ MIG 21 và MIG 23 của TC cất cánh từ đảo Hải Nam sẽ oanh tạc đánh chìm .
Được tin này TL/HQ ra lịnh HQ 4, HQ 5 và HQ 16 rời HS trở lại Đà Nẵng.
Tại trận chiến, chỉ còn lại HQ 10 đang từ từ chìm. Số thủy thủ đoàn xuống 4 bè đào thoát đang xuôi theo dòng nước, trong đó có Hạm Phó Nguyễn Thành Trí. Vì vết thương quá nặng và không được băng bó kỷ lưởng nên máu từ vết thương của HP chảy ra hoài và cá mập cứ theo bám sát phía sau bè. Có lẽ biết trước là sẽ không sống thêm được bao lâu nữa nên HP Nguyễn Thành Trí đã bảo các nhân viên trên bè :” hãy thả tôi xuống biển, nếu không cá mập cứ bám theo, các anh cũng sẽ chết hết.” Và ông đã hy sinh ngay trong đêm đầu tiên trên biển, các nhân viên đã đợi đến sáng để làm lễ thủy táng cho vị Hạm Phó của họ. (2)
Các bè vẫn tiếp tục trôi theo dòng nước, mặc dù các chiến hạm tuần tiểu ngoài khơi và phi cơ quan sát của Không quân cố gắng tìm kiếm , nhưng chẳng có kết quả.
Sau hơn 4 ngày trôi dạt trên biển Đông, các chiến sĩ HQ 10 đã được một thương thuyền Hòa Lan cứu vớt ngoài khơi Đà Nẵng và cũng vì hành động nhân đạo này vị Thuyền Trưởng và thủy thủ đoàn đã được chánh phủ VNCH trao tặng huy chương Nhân Dũng Bội Tinh.
Trận hải chiến đã mấy mươi năm trôi qua , quần đảo Hoàng Sa vẫn còn trong tay giặc phương Bắc, mặc dù lúc bấy giờ ta đã quyết tâm chiến đấu nhưng cũng không giữ được. Trong trận hải chiến, hải quân VNCH đã ở thế bất lợi vì địa thế xa hậu phương, các chiến hạm của ta do Hoa Kỳ viện trợ đã được xử dụng từ đệ nhị thế chiến nên tốc độ chậm. hỏa lực kém. Dù biết thế nhưng chúng ta cũng phải đánh để chiếm lại lãnh thổ đã bị TC cưỡng chiếm và để thi hành quân lịnh.
Trận hải chiến này đã nói lên vài điểm chính yếu dưới đây :
– Đã chứng tỏ cho thế giới thấy tinh thần chiến đấu của quân lực VNCH nói chung và Hải Quân nói riêng không phải như một vài giới chức có tước quyền của người bạn đồng minh Hoa Kỳ thời bấy giờ cho là quân đội ta thế này thế nọ. Họ chỉ nhìn vào một số binh sĩ vô kỷ kuật, một nhóm Sĩ Quan mất tác phong, kém đạo đức và một vài vị Tướng lãnh bất tài, hèn nhát, tham nhũng mà vội kết luận xấu về QL/VNCH.
– Đã cho thấy là Thủ Tướng Việt Cộng Phạm Văn Đồng đã vì lá cờ đỏ búa liềm mà vô lương tâm ký văn kiện nhượng đảo Hoàng Sa cho bọn Trung Cộng.
– Đã chứng tỏ cho tất cả chiến sĩ Hải Quân VNCH thấy được tình huynh đệ chi binh qua những giọt nước mắt của vị Tư Lịnh Hải Quân đã nhỏ xuống khi nghe tin Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 chìm.
– Đã cho thấy sự hy sinh cá nhân để cho đồng đội được sống còn ( Hạm Phó Nguyễn Thành Trí bảo nhân viên thả mình xuống biển).
HQ Đại Úy Lê Văn Thự -Trung Tâm Trưởng TTHQ Vùng I Duyên Hải 1973-1975 (12-2008) CHÚ THÍCH:
– (1) tôi không nhớ chính xác về ngày giờ Tổng Thống Thiệu đến VIDH
– (2) theo lời thuật lại từ các nhân viên HQ 10 sau khi họ được đưa về Đà Nẵng.
Thiết tha mời quý vị đọc cuốn sách này để thâm cảm nỗi thống khổ từ tinh thần tới thể xác của những công dân Việt Nam đã vì bảo vệ nền Tự Do cho Dân Tộc, chiến đấu với độc tài cộng sản, mà bị trả thù tàn bạo, bị đầy đọa trong một giai đoạn bi thương của lịch sử.
……………………………………………………………………………………..
Giới Thiệu Về Tác Giả KALE:
Tên thật là Lê Anh Kiệt
Sinh năm 1945, đã trãi qua gần như cả tuổi trẻ trong chiến tranh và tù đày.
Không có tham vọng viết văn chỉ viết để diển tả những suy nghĩ, những quan sát về thân phận mình và vận mạng đất nước sau những biến đổi thăng trầm của lịch sử.
Tốt nghiệp trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn, từng làm giáo sư Toán Lý Hoá đệ nhị cấp tại các trường trung học tư thục như Nguyễn Bá Tòng (Sài Gòn và Gia Định), Hoàng Gia Huệ (Trung Chánh), Khiết Tâm (Biên Hoà), Trần Hưng Đạo (Tổng Tham Mưu).
Phục vụ tại Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo VNCH.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đi tù cải tạo của VC cho đến năm 1992.
Sang Mỹ năm 1993 và hiện định cư ở tiểu bang Indiana.
Về hưu từ năm 2012.
Lời Mở Đầu
Tôi không là văn sĩ, và cũng không có tham vọng làm một nhà văn. Tôi không phải là một nhà ái quốc theo đúng nghĩa của nó. Tôi chỉ là một người Việt Nam bình thường, làm những công việc bình thường trong một quốc gia không bình thường! Giống như hàng trăm ngàn người ở miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng tư năm 1975, tôi đã vào những trại tập trung của Cộng Sản, cái mà chúng đặt tên là “Trại Cải Tạo”, để rồi đã phải trải qua suốt gần 17 năm dài ở trong ấy. Viết những trang hồi ký này, tôi chỉ muốn làm một chứng nhân của một giai đoạn lịch sử chứ không có tham vọng kết án những cái gọi là “tội ác của Cộng Sản” hay nêu gương những người anh hùng bất khuất ở trong đó.
Những người Việt “Quốc Gia” mà trong đó có tôi đã thất bại trong cuộc chiến mà người Mỹ đặt tên là “Chiến Tranh Việt Nam” – cuộc chiến của Mỹ ở chiến trường Việt Nam -. Tôi không biết kết quả thật sự của cuộc chiến ấy là người Mỹ đã thắng hay bại mặc dù sau khi “Chiến Tranh Việt Nam” chấm dứt thì khối Cộng Sản đã lần lượt sụp đổ, nhưng điều mà tôi thấy rõ là những người Việt Quốc Gia đã phải chết trong các Trại Cải Tạo của Cộng Sản hay đang phải lưu vong khắp thế giới, và những người Việt Cộng Sản đang ngự trị trên toàn lảnh thổ Việt Nam. Chúng ta đã thất bại vì chúng ta đã không nêu được cái chính nghĩa “Quốc Gia” trong khi “Việt Cộng” có cái chính nghĩa “Giải phóng” đất nước của họ. Những nhà lãnh đạo của chúng ta đã làm gì trong thời gian chiến tranh, điều đó hẳn là hầu hết chúng ta đã nhìn thấy! Chúng ta đã bị lãnh đạo bởi những người chỉ biết nghĩ đến quyền lợi cá nhân hay tập đoàn hơn là quyền lợi chung của đất nước. Chúng ta mệnh danh là những người “Việt Quốc Gia” nhưng lại trở thành những người đánh thuê cho Mỹ. Khi Mỹ rút lui thì chúng ta không còn một khối người “Việt Quốc Gia” nữa mà đã trở thành những toán quân rã ngũ. Đa số những nhà lãnh đạo thì lo đi tìm sự an toàn riêng cho bản thân và gia đình họ, phần lớn còn lại thì âm thầm hoặc tìm phương lẩn trốn ra nước ngoài hoặc nộp mình vào các trại cải tạo để mong hưởng sự “khoan hồng” của “Đảng và Nhà Nước”.
Ở trong trại Cải Tạo, chúng ta cũng không có một sự đoàn kết nào mà lại sống âm thầm, nghi ngờ nhau, đổ lổi nhau, hoặc tự chia rẽ nhau. Cộng Sản đã khai thác triệt để những nhược điểm ấy để dể điều hành các trại cải tạo của họ.
“Mỗi người Việt Nam đều có trong đầu một ông quan”, không biết cái thành ngữ này có đúng hay không, nhưng tôi thấy không ai trong chúng ta muốn làm một con ốc trong một cổ máy mà chỉ muốn làm người điều hành cổ máy ấy mà thôi, để rồi rốt cuộc thì chẳng ai có một cổ máy nào để điều hành!
Chúng ta đã thất bại và những người Cộng Sản đã chiến thắng. Điều ấy là một thật tế không thể chối cải được! Mặc dù giờ đây thì đất nước ta đang bị cai trị bởi một chủ nghĩa “phi nhân” trong khi cả thế giới đã phải từ bỏ, điều quan trọng mà tôi thấy được là đất nước ta không còn chiến tranh nữa, dân tộc chúng ta không còn chết chóc tang thương nữa. Phần còn lại của chúng ta và của các thế hệ mai sau là làm thế nào để đất nước Việt Nam chúng ta thoát khỏi những tắc nghẽn của một chủ thuyết sai lầm để mà tiến lên.
Tôi viết những trang hồi ký này chỉ để ghi lại những gì đã diễn ra cho chính bản thân tôi cũng như cho những người bình thường nhất ở trong những cái gọi là “Trại Cải Tạo” của Cộng Sản. Tất nhiên còn nhiều điều mà tôi không được chứng kiến hay trải qua, cũng như những điều mà tôi không thể nào nhớ hết được. Vì thế tôi mong những ai đã sống trong giai đoạn ấy nên ghi lại và tổng hợp thành một bức tranh toàn diện về các trại cải tạo của Cộng Sản Việt Nam.
Như tôi đã nói, tôi không là một nhà văn cho nên không có trình độ để trao chuốt văn ngôn. Các bạn đọc nên xem đây như là một lối kể chuyện của một người bình thường. Đối với những ai đã sống trong các trại cải tạo thì coi như đây là một đóng góp để nhớ lại thời gian đen tối và đau khổ của chúng ta. Còn đối với những ai chỉ nghe nói đến hai chử “Cải Tạo” thì coi như đây là một sự tìm hiểu thêm về một giai đoạn của đất nước.
Ghi nhớ tất cả các bạn đồng cảnh
và những người đã chết trong các trại Cải Tạo.
Hôm nay gặp may, không máy nào nổi đèn báo hiệu bị đứt cầu chì, bị kẹt, hết giấy, hết mực…; tôi chỉ phải “châm” thêm ít giấy mới. Dư thì giờ, tôi chợt thấy cũng nên lên từng chót xem có gì mới lạ. Tôi từng lên đây một lần ngày đầu mới đến. Hãng này trước đóng đô ở Maryland trong tòa nhà ba tầng, sau nhờ làm ăn khấm khá nên thuê một tòa nhà sáu tầng hoàn toàn mới ở Virginia. Trong hai năm, hãng bành trướng thêm hai tầng và dự trù năm tới sử dụng luôn tầng chót.
Tầng lầu vẫn thế, vẫn trống trơn, thênh thang, sạch sẽ. Ánh nắng phản chiếu lên lớp gạch nhựa màu lục có vân tỏa ra một độ sáng mát mắt. Tôi bước đứng sát khung kính khoảng giữa. Vách của tòa nhà được thiết trí toàn bằng khung kính nhuộm màu xanh nhạt ngăn tia tử ngoại.
Bên ngoài, cả một phần không gian tuyệt đẹp. Nền trời biêng biếc sau vô số tòa nhà vươn cao, treo lơi khơi vài đám mây trắng dị hình qua đó một chiếc phi cơ đang chúc mũi xuống phi trường Dulles. Những dáng cây trụi lá không che kín con lộ 66 rộn ràng. Mặt đất thường là hoa cỏ đầy sắc màu giờ đây chỉ là một thảm tuyết trắng xóa mênh mông. Chếch hướng hai giờ, gần gụi nhất là tòa cao ốc bề thế mang biển SpringHill Suites Marriott, nơi mười hôm trước hãng mở tiệc mừng Giáng Sinh cho bốn trăm nhân viên trong một ballroom lộng lẫy. Về phía trái, nằm dọc con hương lộ mới mở là khu townhouse rộng lớn đang xây cất, nghe đâu có đến ba trăm căn. Một tấm biển dựng ngay cạnh đường đề giá từ 250 ngàn. Tôi nhìn cái giá mà thấy mừng. “Từ 250 ngàn” có nghĩa đó là giá thấp nhất. Mười lăm năm trước, cũng một căn tương tự, chúng tôi mua với giá chỉ bằng một phần ba, và bảy năm sau đó, cũng với số tiền này chúng tôi mua được căn single house. Tôi mừng vì cái biển quảng cáo xác nhận chúng tôi ước tính đúng. Và đó chính là động lực khiến nhà tôi thúc đẩy tôi phải… về hưu: bán một căn, nhập tiền lời vào tiền an sinh xã hội là tôi có thể sống lâu… trăm tuổi!
Quyết định nghỉ việc thì không mấy khó nhưng mở lời với Sếp thì quá ngại ngùng. Mở lời thế nào cho Sếp khỏi giận khi mới tuần rồi tôi đã tỏ ra quá hài lòng khi được Sếp đề cử đi học hai tuần bổ túc nghiệp vụ để nhận chức giám thị, cái chức đồng nghĩa với lương bổng cao hơn và công việc thì chỉ cần phụ tá Sếp… chỉ tay năm ngón.
Tiếng talkie reo khẽ. Tôi gỡ máy, bấm nút đáp “tôi nghe”, rồi áp vào tai. Sếp bảo cần gặp tôi ngay. Bình thường mà bị triệu hồi thế này là có rắc rối nhưng hôm nay thì còn sợ chi rắc rối, trái lại còn thấy vui mừng: cơ hội gặp Sếp không cầu mà được.
Văn phòng của Sếp và trung tâm ấn loát của tôi cùng ở tầng trệt, cùng nằm bên phải một hành lang ngăn đôi từ cuối quầy tiếp tân và phòng đợi. Đối diện với giang san của tôi là câu lạc bộ với chừng một trăm chỗ cho nhân viên ăn trưa.
Sếp ngồi kia, đang đọc gì đó. Nghe tôi gõ cửa, Sếp ngẩng lên ngoắc tay. Tôi bước vào mở lời theo thói quen:
– Good morning Mister White. How are you today?
Sếp đưa tay bắt, vui vẻ:
– I am fine. You?
Tôi nói “not very good” rồi im lặng.
Sếp mở mắt lớn nhìn tôi như nhận ra thứ ngôn ngữ tôi không dùng thường ngày. Ông mời tôi ngồi. Tôi ngại ngần thả người lên ghế. Sếp cười cười trước dáng điệu khác thường của tôi:
– Sao? “Không khá lắm” là sao?
Tôi vẫn không biết mở lời thế nào nên cười gượng:
– Ông muốn gặp tôi mà? Tôi có thể làm gì cho ông đây?
– À, tôi muốn nhờ anh coi giùm công việc của phòng. Tôi có buổi họp lúc 9 giờ.
– Mister White, tôi rất tiếc phải thông báo cho ông biết rằng tôi muốn xin nghỉ việc.
Sếp ngạc nhiên kêu to:
– What! What are you talking about?
Tôi cười gượng:
– You heard me.
Sếp vẫn nhìn tôi đăm đăm:
– Anh không đùa chứ?
– Tôi rất nghiêm túc, thưa ông White.
Sếp tôi là Mỹ đen nhưng mang họ White nhìn vào màn hình trước mặt, tay gõ lộp cộp rồi ngã người tựa vào lưng ghế nhắm mắt. Bất ngờ ông chồm tới:
– Căn cứ vào năm sinh tháng đẻ của anh thì phải hai năm nữa anh mới đến tuổi về hưu…
Tôi lắc đầu:
– Chưa đến tuổi chính thức nhưng đã dư cho tuổi hưu non!
– Lãnh hưu non thì… có là bao! Còn đối với hãng, anh làm việc đã được 9 năm, chỉ cần thêm một năm nữa anh sẽ được hưởng hưu bổng bốn trăm mỗi tháng. Nghỉ năm nay anh chỉ được hưởng một nửa theo thâm niên 5 năm.
Vợ chồng tôi đã có cân nhắc phúc lợi này nhưng xét thấy việc về hưu non vẫn có lợi hơn, nhất là bảo đảm mạng sống hơn. Mùa đông bão tuyết với bao hiểm nguy trên cuộc hành trình quá dài đến sở và trở về. Vì vậy, tuy có nao lòng với ân cần của Sếp, tôi vẫn dứt khoát:
– Chúng tôi có bàn tới điểm này nhưng…
– Hằng ngày anh vẫn thấy dăm ba nhân viên trên bảy mươi còn ngồi ở bàn của họ, mà anh chỉ mới sáu mươi tư. Nghe tôi đi, một hai năm nữa có là bao, lại được thêm nhiều tiền…
Tôi nửa đùa nửa thật:
– Mister White, ở đây ông là Sếp nhưng ở nhà, vợ tôi là Sếp! Bà ấy đã hạ lệnh, tôi không thể không nghe!
Sếp ngửa mặt, cười ngất:
– Các bà là Sếp, đồng ý. Nhưng ít nhất anh cũng cho tôi biết lý do xin nghỉ…
– Tối thứ sáu, trên đường về bị snow trơn trợt nên xe tôi hun đít xe phía trước.
Sếp nhỏm tới, chống hai khuỷu tay lên bàn:
– Mừng thấy anh vô sự. Xe ra sao?
– Hai xe trầy sơ sơ thôi, coi như huề. Nhưng bà nhà tôi lý luận: đụng một lần, sẽ có lần hai, lần ba. Bà ấy không muốn… chôn tôi sớm!
Sếp lắc đầu:
– Các bà bao giờ cũng quá lo! Tôi biết anh là good driver! Hãy tiếp tục đi làm, tôi cần anh.
Tôi ngẫm nghĩ mà buồn cười. Cũng cùng thời gian tận tụy 9 năm mà hãng trước lại lạnh lùng cho nghỉ việc dù tôi rất muốn được tiếp tục, còn hãng này tôi tự nguyện xin nghỉ thì lại cố giữ làm thêm.
Tôi thở dài:
– Mister White, ông thật tốt với tôi. Nhưng… xin chân thành cảm tạ nhã ý của ông.
Sếp gục gặc:
– Thì đành tiếc là không giữ được anh. Vậy theo thông lệ, hãng cần hai tuần để tìm người thay thế. Trong hai tuần đó, chúng ta xúc tiến thủ tục nghỉ việc. Anh cần nói gì thêm thì chốc nữa. Bây giờ thì tôi phải đi. Cám ơn anh.
oOo
Nói là làm thủ tục nhưng thật ra chẳng có gì nhiêu khê. Tuần lễ đầu, chỉ mỗi việc phải ký tên vào một tờ giấy xác nhận ngày nghỉ việc, còn thì mọi việc bình thường. Được cái hấp dẫn là chiều thứ sáu, toàn Phòng Dịch Vụ kéo tôi đi nhậu chia tay. Chỗ nhậu là một nhà hàng tôi chưa từng bước chân vào dù chỉ cách hãng 10 phút.
Một biển hiệu chữ nổi màu đỏ HOOTERS nằm bề thế rực rỡ chạy dài suốt chiều ngang cửa chính. Vừa bước qua cửa, nhạc xập xình và độ ấm áp nghe thật dễ chịu. Hình ảnh đầu tiên làm choáng mắt là các các cô chiêu đãi trẻ trung hấp dẫn. Tất cả mặc đồng phục, quần màu da cam cũn cỡn bó sát núi đồi; áo thun trắng ba lỗ, lồ lộ vú vê. Phần áo bên trái in hình con cú đen với hai mẫu tự O của thương hiệu HOOTERS thay cho cặp mắt cú vọ như cặp mắt của tôi.
Chưa kịp lớ ngớ thì một cô chiêu đãi bước đến niềm nở chào hỏi, hướng dẫn chúng tôi treo áo ấm trước khi tiến sâu vào bên trong. Khách hàng đông nghẹt, đa số là đàn ông ở tuổi trung niên. Lớp tuổi của tôi thì ít hơn tổng số hiện hiện của các bà.
Quán được thiết kế đẹp mắt. Chiếm một khu rộng ngay giữa nhà là cái bar rượu và bếp. Ngay trên kệ bày rượu mẫu, ba TV gắn sát trần đang chiếu những màn thể thao khác nhau. Những màn hình tương tự đặt vòng quanh vách ngoài cùng. Vách là những tấm gỗ thông với những gân nổi tự nhiên. Sàn lót gỗ có vân đánh bóng. Bàn ghế được đặt chạy vòng theo quầy xen lẫn những cột trụ chống đỡ mái nhà. Sự sắp xếp khéo léo giúp thực khách ngồi nơi nào cũng xem được chương trình mình ưa thích.
Nhờ đặt bàn trước, mười sáu người của Phòng Dịch Vụ – mười hai ông, bốn bà – được gom vào trọn nửa cánh trái. Chưa kịp ngồi thì có nghe tiếng reo từ phía quầy:
– Hello! Hello Mister White, Mister Vo.
Người gọi là Rick Danton, vị Sếp mà chín năm trước đã phỏng vấn và nhận tôi vào làm ngay sau tôi bị hãng cũ cho nghỉ việc. Đúng là Tái Ông thất mã. Cuộc phỏng vấn lòi ra chúng tôi từng là chiến hữu trên kinh Đồng Tiến. Thời đó Sếp là lính trên một giang đỉnh nằm trong Task Force 116 mà năm 1969 được chuyển giao toàn bộ cho Hải Quân Việt Nam thành Lực Lượng Tuần Thám có tôi làm trưởng toán. Và cũng có thể chính nhờ sự hội ngộ tình cờ này tôi được mướn với giá cao hơn và được tăng lương hậu hĩ hằng năm. Bốn năm sau, ông thăng chức, thăng lên tầng 5 và gửi gấm tôi cho Ron đến thay thế. Chỉ đôi khi chúng tôi mới gặp lại nhau trong các buổi hội họp, tiệc tùng, như đêm nay. Sếp cũ nồng nhiệt xiết tay tôi:
– Nghe tin bạn ta về hưu, chúc mừng, chúc mừng. Đây là hậu cứ mà mỗi chiều chủ nhật Mister White và tôi đóng đô xem football. Có dịp, bạn ta cứ đến…
Tôi gật bừa. Chúng tôi ngồi vào chiếc ghế dài dành sẵn. Tôi ngồi giữa, hai Sếp tả phù hữu bật, một đen trung tuần, một trắng cao niên. Rick Danton say sưa nhắc nhở chiến trường xưa. Còn Ron White, chưa từng đi lính, thì kể chuyện tiếu lâm với ba nhân viên đối diện. Đôi khi mới hướng mắt vào trận Football sinh viên. Kể cũng lạ. Cứ ngỡ rằng thiên hạ chen nhau vào đây là để mãn nhãn trước các nàng Hooters nóng bỏng nhưng không hẳn thế. Chừng như họ đã quá quen, không nhìn vẫn thấy! Thảng hoặc họ mới ghé mắt vài giây. Và chừng như không ai còn nhớ cái giá món ăn thức uống vốn đã cộng thêm chi phí dòm ngó. Nhân lúc chờ cô chiêu đãi rót đầy ly bia mang đến, Ron bất chợt nghiêm giọng:
– Nè, tôi có thắc mắc muốn hỏi lâu rồi mà thấy không tiện. Trước khi chia tay, bạn ta có thể nào giải thích giùm. Tiền lương bạn ít hơn tôi, làm sao bạn làm chủ được ngôi nhà trong lúc tôi còn ở nhà cho mướn?
Tôi nhìn Ron đăm đăm, không tin là thật. Rick cười:
– Hắn nói thật đó! Tôi cũng vậy, cũng đang ở thuê. Hãy tiết lộ cho chúng tôi các đòn phép mua nhà…
Tôi ngại ngùng. Họ là Mỹ chính gốc, đều là Sếp của tôi mà đi hỏi một việc đúng ra tôi mới là người hỏi. Tôi cười:
– Tôi không dám…
Tôi định nói tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ” mà không tìm ra thành ngữ tương đương. Ron nằng nặc:
– Theo cách… bất hợp pháp cũng được. Tụi này không tố cáo đâu!
Tôi giật mình. Thì ra cái từ “đòn phép” ẩn ý là thế. Sự thể đến mức này thì không nói không xong:
– Chả có gì bất hợp pháp! Ai có việc làm cũng đều mua được nhà, nếu muốn. Rất giản dị. Đành là tùy số lương, nhưng căn bản vẫn là tiền “down”; tiền down càng nhiều, nhà càng lớn! Mua được một căn thì cũng mua được căn thứ hai, bởi vì lương mỗi năm một tăng trong khi tiền nhà căn thứ nhất, người mướn đã trả giùm.
Rick gật đầu:
– Đúng. Nhưng lấy đâu ra tiền down?
– Thì để dành!
– Không đủ xài thì lấy đâu để dành!
– Xài thì bao nhiêu cho đủ! Chúng tôi có nhà là vì chúng tôi… dám để dành!
Họ ngẩn ngơ ra vẻ chưa hiểu. Tôi lên mặt thầy đời:
– Người Việt Nam chúng tôi có thành ngữ “An cư, lạc nghiệp”. Căn nhà là ưu tiên, bằng mọi giá phải có! Còn muốn để dành thì nhớ câu này: “Cơm nhà, quà vợ”…
– Hãy nói rõ hơn.
– Đây là kinh nghiệm cá nhân. Cứ làm thử một tháng, một tháng thôi. Sau một tháng, các ông thử tính xem để dành được bao nhiêu và bao lâu thì đủ tiền down cho căn nhà.
Thấy hai Sếp tỏ vẻ lắng nghe, tôi nói thật chậm:
– Đòn phép là đây. Thứ nhất, tuyệt đối tránh xa food machine, mang theo phần ăn trưa. Thứ hai, không xài phí bậy bạ, nhất là không để mang nợ sinh tiền lời tín dụng. Và thứ ba, giảm tối đa đi ăn nhà hàng và nghỉ hè tốn kém.
Tôi ra dấu cả hai chụm đầu gần vào rồi thì thầm:
– Nhất là đừng bao giờ bén mảng đến… HOOTERS!
oOo
Bắt đầu tuần thứ hai, tôi phải huấn luyện cho người thay thế tôi. Công việc cũng dễ dàng vì hắn đang là nhân viên dưới quyền và từng thường thay tôi khi tôi đi phép hay đau yếu. Còn việc huấn luyện cho tay mới tuyển thì do hắn đảm trách. Tôi tà tà đọc email, bài vở từ cái computer đã xóa sạch memory chờ tới giờ cơm gặp Juliet. Đó là cô bạn đồng nghiệp vong niên từ hơn năm qua. Gọi đồng nghiệp cho ngon chớ tôi vào hạng lao công cổ xanh, còn cô thuộc thành phần chuyên gia cổ trắng, làm marketing, trên cùng tầng một với văn phòng Chủ tịch…
Quen nhau cũng tình cờ. Ngay ngày đầu nhận việc của cô, giờ ăn trưa, chúng tôi vào câu lạc bộ cùng lúc. Trong khi tôi hâm nóng thức ăn thì cô đứng chờ đến lượt. Sau đó, thấy tôi ngồi một mình cô xin phép được ngồi chung. Cô đặt hộp thức ăn và lon coke lên bàn, chìa tay ra trước:
– Tôi tên Juliet.
Tôi vẫn ngồi, vươn tay nắm lấy:
– Gọi tôi là Bang. Rất vui được gặp Juliet. Còn Romeo đâu?
Ánh mắt cô rực lên theo nụ cười vụt tắt:
– Romeo chết rồi!
– Thế sao Juliet còn ngồi đây?
Cô cười buồn:
– Ngu sao chết theo!
Thế là ngay buổi quen nhau đầu tiên đó, cô tuôn hết tâm sự. Cô vừa ra đại học thì bị tình phụ nên buồn tình xin việc ở hãng xa. Tôi không yêu cầu cô kể nhưng lại bị buộc phải hứa trưa mai sẽ đến lượt tôi. Thấy cô chân chất, tôi cũng thật lòng. Tôi nói tôi vừa ra trường thì cũng bị bồ đá nên gia nhập Hải quân như là một cách… trả thù! Nghe thế cô vui mừng, hãnh diện khoe rằng cha cô cũng là một sĩ quan Hải quân và đang phục vụ trên một hàng không mẫu hạm hoạt động vùng lò lửa Trung Đông. Cô ít gặp cha nên muốn biết các trải nghiệm hải nghiệp. Dần dần chúng tôi hiểu thêm gia cảnh của nhau. Cô cho biết gốc người Ý, các anh em đều sinh trưởng ở New York. Mẹ còn đi làm. Tôi cũng buộc phải kể lý do gia đình phải rời bỏ Việt Nam và được bảo trợ về Maryland…
Như thường lệ cô xuống đúng giờ. Vừa ngồi xuống ghế, tôi mở lời:
– Hai tuần phép cuối năm, gia đình họp mặt vui vẻ chứ? Mẹ cô thế nào? Anh em ra sao? Có tin chiếc mẫu hạm của ba cô về Mỹ nghỉ bến?
Cô im lặng nhìn món ăn. Một lúc lâu, cô hỏi nhỏ:
– Nghe đồn bác xin nghỉ việc?
Giọng trầm buồn như khuôn mặt. Hẳn cô nghĩ rồi đây phải ngồi ăn với… kẻ không quen. Mấy tên nhân viên của tôi từng nói tôi tốt số. Tôi bảo với họ tuổi cô ta còn nhỏ hơn tuổi con tôi. Chẳng qua cô thích ngồi ăn với tôi là vì cha cô với tôi cùng nghề lính biển. Phần tôi thì cho rằng trời đã giúp cho cơ hội tốt để luyện giọng. Nhưng họ vẫn cười cười. Mà việc gì phải đính chính…
– Ừ, cuối tuần này là ngày chót.
– Thật ư? Đáng buồn cho cháu! Hết rồi những buổi ăn trưa vui vẻ, hết rồi những an ủi giúp cháu an tâm khi nhớ ba cháu.
Tôi cười đùa:
– Hãng có thiếu gì người trẻ tài hoa. Hãy chọn một và biết đâu tình yêu còn giúp cháu an tâm hơn nữa.
Tôi ngạc nhiên thấy cô tỏ ra bẽn lẽn:
– Cháu có… Romeo mới lâu rồi nhưng sợ bác cười nên giấu. Nhà hắn cùng tiểu bang với bác. Chúng cháu đang bàn làm đám cưới. Bác hứa dự nghe. Từ nay đến cuối tuần, xin vui lòng trao dần cho cháu những bí quyết nào đã giúp bác và bà nhà giữ được hạnh phúc trên 30 năm bất kể 10 năm xa cách?
oOo
Ngày làm việc cuối cùng rồi cũng đến. Khi chuông đánh thức reo 6:30, ý nghĩ đầu tiên bật lên trong tâm trí tôi là bữa nay ngày chót, có trễ cũng chẳng nhằm nhò gì! Việc huấn luyện cho người mới tiến triển suông sẻ, vào hãng thì chỉ mỗi việc nhận giấy tờ chính thức nghỉ hưu. Rồi bái bai. Rồi chẳng bao giờ trở lại. Tôi xoay người định ngủ tiếp nhưng tâm trí lại nghĩ lan man. Từ nay ta được phè cánh nhạn mãi tận… cuối đời. Chấm dứt thức khuya dậy sớm, không còn đường sá ngổn ngang. Thảnh thơi thơ túi rượu bầu… Hạnh phúc chợt ào đến mà nghe sảng khoái lạ thường. Cơn sảng khoái lan đi, tỏa ra rồi… vụt tắt. Tội nghiệp cho bà xã. Vẫn dậy sớm thức khuya. Vẫn data entry từ sáng tới chiều. Trẻ tuổi có khi là một tai vạ. Muốn được về hưu sớm như tôi, bà ấy còn phải “cày” thêm… 10 năm nữa. Mười năm, ôi mười năm! Mười năm bà ấy từng đơn thân xứ người vất vả nuôi con. Rồi nay lại mười năm vừa đi làm vừa hầu hạ ông chồng ích kỷ, chây lười! Ta là thứ gì mà lấy đó làm hạnh phúc cho mình? Sao không biết cảm thông, chia sẻ? Phải thức cùng vợ, phải cà phê cà pháo cùng “nàng” rồi…. chở đi làm, rồi đón về. Làm được như vậy thì lại có thể bán bớt một xe, giảm tiền bảo hiểm. Nghĩ ra điều này, tôi thấy mình đang… bay ra khỏi giường!
Bà ấy còn đang ngồi ăn sáng, ngạc nhiên nhìn tôi:
– Tưởng anh còn ngủ. Ngày chót mà…
Tôi ngường ngượng, giả lả:
– Ngày chót, càng cần nên đến đúng giờ… cho đẹp! Và từ ngày mai…
Không, không nên nói. Phải biết dành dụm cả ngạc nhiên…
Vào đến sở trình diện Sếp, được Sếp mời ngồi. Sếp nhấc chiếc bao thơ để sẵn trên bàn, trao tôi:
– Văn kiện nghỉ việc đầy đủ trong bao thư. Thành thật chúc mừng. Tuy nhiên, trước khi ra về vĩnh viễn, làm ơn giúp tôi một việc, việc chót… Tôi có buổi họp đến trưa.
Tôi mừng, vì tôi cũng còn dịp chót ăn trưa với Juliet. Và tôi qua giang sơn của tôi đọc email cũng… lần chót!
Giữa trưa, Sếp trở lại vui vẻ tuyên bố Ông Chủ tịch đang chờ gặp tôi. Tôi nghe mà xúc động. Chỉ là một nhân viên cổ xanh mà cũng vinh dự được Chủ tịch ưu ái tiếp kiến giã từ. Tôi đi cạnh Sếp lên thang máy mà tưởng như mình đang lên mây. Nhưng sao thang máy không dừng ở lầu một, nơi đặt văn phòng Chủ tịch mà vẫn tiếp tục lướt qua. Cũng không dừng ở tầng hai thuộc bộ phận chuyển ngân và tồn trữ dữ liệu cho các ngân hàng, tầng ba của Phòng thanh toán lương bổng cho nhân viên các hãng xưởng, tầng bốn và năm rất hạn chế xuất nhập, nghe đâu chuyên về thảo chương cho DOD (Department of Defense- Bộ Quốc Phòng). Gần đến số 6, thang máy chậm lại. Không lẽ các Sếp lớn dời lên đây. Tầng cao nhất còn bỏ trống chờ được thêm khế ước kia mà!
Cửa thang máy chưa mở hết tôi đã choáng váng nghe tiếng hô đồng loạt của một rừng người trước mặt:
– Happy retirement!
Tôi chợt hiểu và nhận ra ngay hai khuôn mặt thường gặp: Ông Chủ tịch hãng và Bà Chủ tịch Điều Hành. Sếp đẩy lưng tôi, nhắc tôi tiến đến trước họ. Cả hai lần lượt bắt tay chúc tụng: “Happy retirement! You deserve it!” Đám đông vỗ tay vang dội. Tôi đã từng dự nhiều surprise party, vẫn cho rằng có gì đáng ngạc nhiên đâu mà cứ bày vẽ, nhưng giờ thì chính tôi ngạc nhiên thực sự và thấm hiểu ý nghĩa…
Ông Chủ tịch bước tới máy vi âm mời mọi người chọn thức uống. Rồi ông kêu gọi mọi người nâng ly. Thức ăn chọn lọc được mang từ nhà hàng láng giềng Marriott cùng người phục vụ. Tôi hòa vào đám đông, ăn uống cười giỡn. Thỉnh thoảng bắt tay vài người quen mặt không rõ tên. Lại thêm cả nhân viên tôi chưa gặp lần nào. Một số cô thì ôm tôi nồng nhiệt kể cả cô bạn thân thương Juliet. Cô nói khẻ: “I’ll miss you”…
Nửa giờ sau, tôi được mời nhận quà. Ông Chủ tịch đích thân trao hộp quà đầu tiên. Tôi mở ra. Đó là tấm biển đồng khắc mấy hàng chữ xanh với phù hiệu hãng ở cuối. Tôi nâng tấm biển hướng về đám đông, quét chầm chậm từ trái qua phải rồi xoay ngược lại, đọc to: “Presented to Bang Vo in honor of Your Retirement from Data Nework, Co.” Tôi nghe nhiều tiếng reo tán thưởng. Bà chánh văn phòng trao những món kế tiếp: đó là chiếc áo lạnh in tên hãng, một chiếc túi du lịch của ông A, khăn quàng cổ của bà B, đôi găng tay của cô C, chiếc đồng hồ để bàn của bà Chánh văn phòng, chiếc nón lưỡi trai có hàng chữ USS Harry S. Truman nằm trên phù hiệu và số tàu CVN 75 thêu chỉ vàng không đề tên ai tặng. Tôi nghiệm ra ngay một người. Chỉ người đó mới nghĩ đến món quà đặc sắc này. Tôi đưa mắt kiếm tìm. Từ giữa đám đông, Juliet giơ tay cao, vẫy vẫy. Tôi nói bằng đôi môi: “Thank you”.
Cuối cùng là những món quà cồng kềnh. Cồng kềnh mà thiết thực: các dụng cụ làm vườn. Tôi ngỡ ngàng. Những ngày tù tội ở núi rừng miền Bắc ập về. Chín năm nhục nhằn, đói khát. Nhìn cái cuốc, cái sẻng mà vừa thấy vui vừa thấy đau. Cũng những món đó, những người khác chủng tộc ở đây trao tôi qua mỹ ý giải khuây tuổi già trong khi 29 năm trước tại chính quê nhà, những kẻ gọi là đồng bào lại nhằm buộc tôi lao động cho tàn đời! Tại sao? Tại sao có sự nghịch đời như vậy?
Tôi cầm máy vi âm:
– Thưa nhị vị chủ tịch, thưa quý bà và quý ông. Tôi chân thành cảm tạ nước Mỹ đã cho gia đình tôi chốn dung thân. Xin đa tạ hãng Data Network cho cơ hội gia đình chúng tôi sinh tồn. Và xin cám ơn lòng ưu ái của quý ông quý bà hiện diện. Tôi sẽ không bao giờ quên quý vị. Năm mới chúc mọi người hạnh phúc. Xin từ biệt!
Tôi vừa dợm bước thì cánh tay bị ghì lại. Bà Chủ tịch điều hành trao tôi một phong thư đồng thời công bố trong bao thư là phần thưởng của hãng đền đáp 9 năm tôi tận tụy. Đó là hai vé phi cơ và chi phí một tuần tận hưởng Bahamas. Tiếng trầm trồ, xì xào. Tôi chưa biết đáp lời ra sao thì cánh tay Bà choàng qua vai tôi và tiếng nói lại vang khắp phòng:
– Mister Vo, I have one last request to you. Please do as much as you can!
Mọi người ngạc nhiên hướng về Bà Điều Hành. Tôi cũng đứng lặng người chờ đợi. Sếp nhỏ mới nhờ tôi giúp lần chót, giờ lại tới Sếp lớn. Họ… câu giờ kỹ quá! Chờ khi gian phòng lặng im phăng phắc, Bà cất cao giọng: