Chỉ Còn Là Kỷ Niệm

Để tưởng nhớ hai em – Nguyễn Phiêu Linh, Hồ Quang Trung – và kính tặng tất cả
Cựu SVSQ/TB/TĐ khóa 6/68 và khóa 4/68

Dù ngày xưa bạn cùng lớp đã “xầm xì” rằng “hắn” hoạt động cho Việt Cộng, tôi cũng không tin; vì – với trí óc non nớt của một nữ sinh trung học cùng với bản tính ngay thẳng, lương thiện – tôi nghĩ, nếu “hắn” thích Việt Cộng thì “hắn” ở lại ngoài Bắc chứ “hắn” theo gia đình di cư vào Nam để làm gì!

Mấy mươi năm sau tôi mới biết, sau khi đỗ Tú Tài II, “hắn” được sang Pháp du học và hiện nay “hắn” đang giữ một chức vụ quan trọng trong guồng máy đầy ác tính của Cộng Sản Việt-Nam.

Nhìn hình của “hắn” và đọc bảng tin báo trong nước viết về “hắn”, tôi ngồi bất động. Những thành tích nội tuyến và phản chiến của “hắn”, ngày xưa,  và bằng cấp của “hắn”, hiện tại, không hiểu có chinh phục được ai hay không; nhưng đối với riêng tôi, tôi hoàn toàn không muốn bị nhận là người bạn xưa của “hắn” dưới mái trường Võ Tánh.

Đối với tôi, từ ngày mới lớn cho đến bây giờ, khi nghĩ về nam giới, hình ảnh tôi ngưỡng phục nhất là chàng trai trong quân phục; và hình ảnh tôi yêu thích nhất là chàng trai với cây đàn.

Nhìn hình của “hắn” một lúc, tự dưng nước mắt của tôi nhạt nhòa mà tôi không hiểu nguyên nhân. Một lúc sau, qua màn nước mắt, tôi không thấy hình của “hắn” nữa nhưng tôi lại tưởng như tôi thấy được những người bạn ngày xưa cùng học trường Võ Tánh như: Đặng Hữu Thân, “dân B1”; Ngô Đắc Phú, Lưu Khương Đức “dân B4”; Võ Ấm, “dân B3”;  Nguyễn Đình Tân,  “dân B2” v. v… Trong những hình ảnh vừa hào hùng, vừa thân thương vừa bi thảm của những thanh niên miền Nam đã gục ngã trong cuộc chiến do Cộng Sản Việt-Nam chủ xướng, tôi nhận ra Chú của các con tôi: Thiếu Úy Biệt Động Quân Hồ Quang Trung, xuất thân khóa 4/68 sĩ quan trừ bị Thủ-Đức.

Trung cao dong dõng, đẹp trai, tính tình hiền hòa, nhã nhặn và có ngón đàn Tây Ban Cầm rất nhuyễn. Khi nào về phép Trung cũng ghé thăm tôi. Thỉnh thoảng Trung ôm Guitar, “từng tưng” vài đoản khúc bán cổ điển cho tôi nghe. Đôi khi nghe Trung đàn những bản tôi thích, tôi cũng “la là la” và gật gù theo tiếng đàn. Tình khúc Trung thích nhất là Mấy Dậm Sơn Khê của Nguyễn Văn Đông. Tôi thường “ngân nga” theo và tôi đổi chủ từ cũng như túc từ để thích hợp cho tình cảnh giữa chị em tôi: “Em đến thăm, áo em mùi thuốc súng ngoài mưa khuya lê thê … Em đến đây rồi em như bóng mây…Em hỡi em, đường xa vui đấu tranh, giữa khung trời gió lộng, nghìn sau tiếc nghìn xưa!” Vừa “nghêu ngao” hát vừa nhìn bộ quân phục hoa rừng của Trung tự dưng tôi cảm thấy nao nao trong lòng một niềm ray rức!

Trước khi trở lại đơn vị, Trung cũng thường ghé nhà từ giã tôi. Không thể giấu sự lo âu khi Trung bảo đơn vị của Trung sẽ được điều động về Bình-Long, An-Lộc, tôi khuyên: “Chú cẩn thận”. Trung cười: “Em không can chi mô. Chị đừng có lo.” Nhìn dáng Trung xa dần, tôi chợt liên tưởng đến em tôi: Thiếu úy Pháo Binh Nguyễn Phiêu Linh, xuất thân khóa 6/68 Trường Bộ Binh Thủ-Đức, đang biệt phái cho mặt trận Đức-Lập. Tôi âm thầm cầu nguyện cho Trung và Linh.

Một sáng mùa Hạ năm 1972, chiếc Jeep dừng ngay trước nhà tôi rồi một quân nhân Biệt Động Quân đẩy cổng, bước vào, gõ cửa.

Tôi hơi mất bình tĩnh. Bà giúp việc mở cửa. Anh Biệt Động Quân bước vào. Tôi nhìn quân nhân này, run giọng: “Thiếu úy Trung… làm sao rồi, anh?” Quân nhân này vẫn trầm tĩnh: “Thưa bà, thiếu úy Trung bị thương, đã được trực thăng đưa về bệnh viện dã chiến Vũng Tàu.” Tôi bớt xúc động ngay: “Dạ, cảm ơn anh. Tình trạng của chú Trung như thế nào ạ?” Anh đáp rất thật: “Tôi không rõ lắm; vì tôi không có mặt khi đơn vị của thiếu úy Trung đụng trận và tôi cũng chưa đến bệnh viện dã chiến Vũng Tàu.” Không kịp từ giã người đưa tin, tôi cảm ơn anh một lần nữa rồi vội lách người qua cửa để chạy vào báo tin cho Mạ (Mẹ) và Hà – vợ của Trung.

Mạ ngồi sững như pho tượng trong khi Hà khóc nức nở khiến hai đứa con của Trung cũng òa lên khóc. Vừa dỗ dành con Hà vừa khóc vừa lấy vài thứ cần dùng cho vào xách. Mạ ngạc nhiên: “Sửa soạn đi mô rứa?” Hà khóc lớn hơn: “Con đi thăm chồng con”. Mạ ngăn lại: “Biết cái chi mà đòi đi. Để nhờ chị Hai hắn ra coi tình trạng hắn ra răng rồi tính.” Quay sang tôi, Mạ bảo: “Chao ôi! Thiệt là khổ! Anh Minh của hắn không có ở nhà, chừ con coi giúp Mạ được chi thì con giúp, nghe. Con quen ai bên Biệt Động Quân thì con xin cho hắn về hậu cứ chứ hắn bị thương mà hắn trở ra mặt trận Mạ sợ quá, con ơi!”

Tại bệnh viện dã chiến, thấy mặt và tay chân của Trung vẫn nguyên vẹn, tôi thầm mừng. Tôi dặn Trung: “Chú chịu khó chờ. Mai tôi sẽ đưa các cháu đi Bến-Lức thăm anh Minh. Tôi sẽ hỏi anh Minh xem anh Minh quen ai bên Biệt Động Quân…” Tôi chưa dứt câu, Trung đã nhìn tôi, nghiêm nét mặt: “Chị đưa các cháu đi thăm anh Hai thì chị đưa; còn anh Hai quen ai bên Biệt Động Quân để làm chi, chị Hai?” Lần đầu tiên từ ngày làm vợ của Minh tôi mới nghe Trung nói chuyện với tôi một cách cứng rắn và nghiêm nghị như vậy. Tôi không thể nói dối: “Ý Mạ muốn xin cho chú về hậu cứ.” Trung nhìn thẳng tôi: “Chị Hai! Em tình nguyện về Biệt Động Quân không phải với mục đích để làm việc tại văn phòng. Em có trách nhiệm, em có bổn phận, em có đơn vị của em.” Tôi lúng túng: “Chú giận tôi, phải không? Tôi xin lỗi.” Nét mặt của Trung dịu lại: “Đời mô em dám giận chị. Em chỉ hơi bực mình vì em đã không muốn cho Mạ, Hà và chị biết tin em bị thương; rứa mà đứa mô thày lay…” May quá, vì lúc sáng vội vàng, tôi không để ý tên người lính Biệt Động Quân đưa tin cho nên tôi không cảm thấy bị khó chịu vì không nói ra sự thật. Trung nhìn đồng hồ tay, tiếp: “Chiều rồi, chị nên đi về kẻo mấy cháu trông.”

Hôm sau, sau khi đưa các con đến Căn Cứ Hải-Quân Bến-Lức, tôi mới được sĩ quan trực cho biết Minh đi hành quân, chiều mới về. Như thường lệ, mỗi khi đến với đơn vị Hải-Quân, tôi thích thay y phục dân sự bằng quân phục thủy thủ. Vừa mang đôi ba-ta xong, tôi nghe tiếng gõ cửa. Mở cửa, tôi thấy chú tài xế của Minh. Chú ấy nói: “Cô cho em đưa mấy đứa nhỏ ra bãi đáp trực thăng đón Chỉ Huy Trưởng, nha, cô.” Tôi chưa biết đáp như thế nào thì nghe tiếng bốn đứa con của tôi – ngồi sẵn trên xe Jeep – reo lên: “Măng! Măng! Cho tụi con đi đón Ba, nhen, măng.” Tôi chỉ biết cười, vẫy tay rồi đóng cửa lại.

Chỉ một chốc sau, tôi nghe tiếng xe thắng “két” rồi cửa phòng mở toanh và con gái lớn của tôi hớt hãi chạy vào: “Măng! Măng! Trực thăng… rớt rồi!” Tôi hoảng hốt chạy vội ra cửa thì thấy chú tài xế đang ôm ba đứa con của tôi như thể trấn an. Và, tôi thấy, từ khắp mọi nẽo đường của Căn Cứ Hải-Quân Bến-Lức mọi người chạy ùa về hướng cầu tàu. Tôi chạy theo dòng người, bỏ mặc các con tôi.

Tiếng xe hồng thập tự từ ngoài cổng gác vọng vào. Mọi người rẻ sang hai bên, nhường lối. Xe cứu thương từ từ “de” lui về hướng bờ sông. Một chiếc ghe câu cặp bến. Vì đứng xa, tôi không thể thấy được những người trong lòng ghe. Mỗi khi chiếc băng-ca khiêng một người – không phải là Minh – đi ngang, tôi cảm thấy như tôi sắp quỵ xuống; vì tôi ngại Minh đã chết hoặc mất tích trong dòng sông sâu. Trong khi tôi tưởng như sự chịu đựng trong tôi đã cạn kiệt thì bỗng dưng, từ bờ sông, một anh thủy thủ vừa vội vàng chạy về phía tôi vừa reo lên: “Cô ơi, cô! Em thấy Chỉ Huy Trưởng rồi! Em thấy Chỉ Huy Trưởng rồi!” Vài người quay nhìn tôi rồi dạt ra hai bên, tránh lối cho tôi. Tôi bước ra vừa khi chiếc băng-ca có Minh nằm bên trong được khiêng về hướng chiếc xe cứu thương. Tôi chạy theo, thấy máu nhuộm ướt mặt Minh. Khi xe cứu thương rồ máy, tôi tự động leo vào. Nhìn lui, tôi thấy chú tài xế của Minh chở các con tôi chạy theo.

Trên chuyến trực thăng tải thương từ bệnh viện Long An về bệnh viện Cộng Hòa, tôi tự hỏi không hiểu trái tim của Mạ còn đủ chỗ để chấp nhận thêm tin Minh bị thương hay không!

Sau khi y tá đưa Minh vào phòng Điện Tuyến, tôi thấy một bác sĩ đi về phía tôi. Tôi vui khi nhận ra đó là bác sĩ Vĩnh. Sau vài câu thăm hỏi về gia đình, Vĩnh hỏi tôi nguyên do nào Minh bị thương nặng như vậy. Tôi thầm ngạc nhiên vì Vĩnh tỏ ra bặc thiệp và nói nhiều hơn xưa. Tôi bảo Minh bị rớt trực thăng. Vĩnh tròn mắt: “Hải-Quân mà lại bị rớt trực thăng?” Tôi cười như mếu: “Dạ, anh ấy đi thanh tra những điểm đỗ quân.” Vĩnh lại hỏi: “Minh làm gì mà đi thanh tra?” Tôi đáp: “Dạ, anh ấy là chỉ huy trưởng Liên Đoàn I Ngăn Chận kiêm chỉ huy trưởng một đơn vị Đặc Nhiệm của Lực Lượng Tuần Thám.” Vĩnh cười tinh nghịch: “Bỏ đàn bỏ hát để nghiên cứu về Hải-Quân hay sao mà biết nhiều quá vậy?” Tôi cười gượng, chưa kịp đáp thì thấy chú tài xế của Minh vừa đưa các con của tôi từ Bến Lức về tới. Tôi cáo từ Vĩnh để ra xe với các con tôi.

Tôi nhờ chú tài đưa các con tôi về nhà, nhờ bà giúp việc lo cho các cháu. Trước khi xe nổ máy, tôi chợt nhớ, vội dặn chú tài đừng cho Mạ biết tin Minh bị thương, ngại Mạ lo. Xoay sang các con, tôi cũng dặn như vậy. Các cháu ngạc nhiên: “Măng biểu tụi con không được nói láo mà!” Hơi lúng túng một lúc tôi mới tìm ra giải pháp: “Thôi, được rồi. Mấy con không được vô nhà bà Nội. Khi nào bà Nội hoặc các cô chú hoặc thiếm Trung ghé nhà mình thì mấy con phải chạy ngay lên lầu, không được gặp bà Nội, thiếm Trung hoặc các cô chú. Chịu chưa?” Nét mặt của các con tôi tiu nghỉu, buồn xo.

Suốt thời gian dài thăm nuôi Minh, tôi vẫn chưa cho Minh biết tin Trung bị thương. Và tôi cũng không có thời gian để ra Vũng-Tàu thăm Trung.

Một hôm, đang sửa soạn các thứ cần dùng để đem lên bệnh viện Cộng Hòa cho Minh, tôi thấy Trung bước vào nhà. Tôi ngạc nhiên. Trung bảo bác sĩ cho Trung xuất viện và Trung từ chối mấy ngày phép dưỡng thương; vì đơn vị của Trung bị “tụi hắn quần thảo liên miên!” Nhận ra nét ái ngại của tôi, Trung – trong quân phục Biệt Động Quân, giày trận, mũ nâu – đứng thẳng, cụp hai chân trong thế nghiêm rồi ưỡng ngực, bảo: “Em ‘ngon lành’ như ri mà chị lo cái chi?” Tôi cười rồi cho Trung biết Minh bị thương. Trung ngồi lặng yên, nhíu mày suy nghĩ rất lâu rồi bảo: “Chị Hai! Em chỉ đủ thì giờ ghé thăm Mạ, thăm chị và vợ con em rồi em phải trở ra đơn vị ngay. Em không thể ghé thăm anh Hai.” Nói xong Trung vội vàng từ giã tôi.

Tiễn Trung ra cổng, nhìn chiếc mũ nâu của Trung chập chờn, khi ẩn khi hiện trong dòng người, tôi cảm nhận được niềm hãnh diện hòa lẫn với nỗi lo âu trong lòng tôi!

Niềm lo âu trong tôi về sự trở lại chiến trường Bình-Long của Trung cũng không khác mấy so với sự ái ngại của tôi khi biết Minh – sau khi xuất viện và nghỉ bảy ngày phép dưỡng thương – được lệnh phục vụ trên Tuần Dương Hạm Trần Quang Khải, HQ 2, để thực tập làm Hạm Trưởng; vì tôi hiểu Minh chịu sóng không được!

Trong thời gian âu lo cho Trung và Minh, tôi quên bẳng Nguyễn Phiêu Linh. Như để nhắc nhở sự vô tình của tôi, một nhân viên truyền tin từ Bộ Tư Lệnh Hải-Quân đến nhà, đưa tin: “Thưa bà! Ông Nguyễn Văn Ngữ, Trưởng Ty Nội An thị xã Cam-Ranh, nhờ Trung Tâm Huấn Luyện Hải-Quân Cam-Ranh chuyển tin đến bà là thiếu úy Nguyễn Phiêu Linh đã mất tích ở mặt trận Đức-Lập!” Tôi há hóc mồm, nhìn sững người đưa tin, không thốt được một lời!

Sau một thoáng khủng hoảng tinh thần, tôi quỳ xuống, nhìn lên bàn thờ Phật niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ Tác. Tôi cứ thành tâm cầu nguyện Phật Bà mỗi ngày, mỗi đêm. Như một sự linh nghiệm từ Phật Bà, khoảng một tuần sau, tôi nhận được điện tín của Ba tôi: “Linh bị Việt Cộng bắt. Linh đã vượt thoát về trình diện đơn vị.” Tôi lại quỳ xuống, nhìn lên bàn thờ Phật, âm thầm tạ ơn Phật Bà.

Thời gian này – mùa Hè năm 1972 – Vùng I, Vùng II và Vùng III Chiến Thuật chìm ngập trong khói lửa, vì những trận tấn công quy mô và ác liệt của Việt Cộng. Chỉ có Vùng IV tương đối bình yên.

Theo dõi tin tức qua báo chí, radio và TV, tôi rất lo âu cho Trung và Linh. Vì đơn vị của Linh thuộc Vùng III chiến thuật; đơn vị của Trung lại gần vị trí của Tướng Tử Thủ Lê Văn Hưng. Theo dõi tin tức, biết Bình Long – An Lộc mỗi ngày phải “nhận” không biết bao nhiêu ngàn quả đại pháo của Việt Cộng, tôi xốn xang và âu lo cho người em chồng mà tôi thương như em ruột của tôi!

Rồi một sáng sớm, chiếc Jeep dừng trước nhà, một quân nhân mặc quân phục Biệt Động Quân bước vào. Như linh cảm được điều gì đó, tôi run quá, đứng xa xa để bà giúp việc mở cửa. Anh Biệt Động Quân nhìn tôi: “Thưa, bà có phải là bà Minh không ạ?” Nhìn nét mặt nghiêm và đôi mắt của anh Biệt Động Quân như ẩn chứa điều gì rất khó tả, tôi cảm biết rằng tôi không thể đứng vững được cho nên tôi dựa vào tường, vừa bước dần về ghế xa-lông vừa nhìn anh Biệt Động Quân vừa gật đầu. Như nhận biết sự xúc động tột cùng của tôi, anh Biệt Động Quân đến bên tôi: “Bà bình tĩnh. Bà ngồi vào xa-lông đi”. Vừa ngồi vào xa-lông vừa nhìn anh Biệt Động Quân, môi tôi run và trệ xuống như sắp khóc, tôi hỏi từng tiếng: “Thiếu úy Trung tử trận rồi, phải không?” Anh Biệt Động Quân đứng im, cúi mặt…

Tiếng xe Jeep rồ máy khiến tôi choàng tĩnh. Tôi hiểu rằng tôi phải bình tĩnh, phải dồn tối đa nghị lực để giúp Mạ và Hà vượt qua cơn đau này! Tôi biết, nếu, ngay giờ phút này, tôi vào cho Mạ và Hà hay tin Trung tử trận thì không thể nào tôi đủ sáng suốt để làm bất cứ điều gì cho Trung khi quang tài của Trung được đưa về! Tôi quyết định sẽ tin cho Mạ và Hà biết sau khi tôi lo xong vài việc quan trọng cho Trung.

Tôi sang Bộ Tư Lệnh Hải-Quân, nhờ trung tâm Truyền Tin thông báo cho HQ 2: “Em ruột của Hải-Quân trung tá Hồ Quang Minh là thiếu úy Biệt Động Quân Hồ Quang Trung đã tử trận tại Bình-Long”. Sau đó tôi đến chùa Vĩnh Nghiêm xin nghi thức tụng niệm và nơi quàng quang tài của Trung. Và tôi ghé nhà người anh của Cố thiếu úy Võ Ấm. Anh này là chánh văn phòng của một nhân vật đầy uy quyền. Tôi nhờ anh xin cho Trung một phần mộ trong nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi.

Trên những đoạn đường lo việc hậu sự cho Trung, trong tâm tôi đã sắp sẵn một bài viết về Trung.

Nếu trên đời, trong địa hạc văn chương, có điều gì tôi hối tiếc nhất, thì đó là bài tôi viết cho Hồ Quang Trung, đăng trên báo Tia Sáng, mà nay tôi chỉ nhớ được câu cuối cùng: “Từ nay, chị sẽ tìm hình bóng em qua nhân dáng oai hùng của Người Lính Mũ Nâu!”…

… Đang chìm đắm trong dòng hồi tưởng buồn thảm, chợt điện thoại reng, đưa tôi trở về hiện tại. Tôi “Allo”. Từ đầu giây bên kia, giọng nam, nói tiếng Anh:

– Chúc mừng ngày của Mẹ.

Tôi cũng đáp bằng tiếng Anh

– Cảm ơn. Xin lỗi, ai đây?

– Tôi là người bị bà dọa gọi cảnh sát bắt đây.

Tôi giật mình, nhớ lại cách nay vài hôm, trong buổi chiều đi bộ tập thể dục, điện thoại cầm tay của tôi reng hoài mà khi mở ra, “allo”, thì không ai trả lời. Nghĩ rằng có người phá cho nên tôi bực mình, nói tiếng Anh: “Làm ơn đừng gọi số này nữa. Nếu gọi một lần nữa, tôi sẽ lấy số điện thoại của bạn rồi tôi sẽ thưa cảnh sát.” Tôi đáp:

-Vâng, tôi có nói như vậy; vì tôi không biết ông là ai mà cứ gọi phá tôi nhiều lần.

Đầu giây bên kia phát âm tiếng Việt:

-Tại điện thoại của tôi bị trục trặc chứ ai phá …bà làm chi.

Tiếng “bà” và giọng Huế khiến tôi nhận ra đây là Toàn, tác giả nhiều tác phẩm tình cảm xã hội và nhiều thước phim chiến trường. Toàn cũng là bạn thân của Minh từ xưa. Ngày xưa Toàn dạy tại trường Cường Để, sang Mỹ Toàn học lại và tốt nghiệp bác sĩ nhãn khoa. Tôi cười:

-Dạ thưa Thầy.

-Sao? Thằng bạn già của tôi sao rồi?

– Dạ, ổng dạo này sướng lắm Thầy ơi! Người ta “sáng vác ô đi, tối vác về”; còn ổng thì sáng xách xe đi, tối xách xe về.

– Còn bà, đang làm gì đó?

– Dạ, em đang đọc tin tức về Việt-Nam.

– Bà có gì lạ không?

– Dạ, em sắp đi Cali. Còn Thầy đang ở đâu?

– Tôi đang ở D.C. thăm con và lo vài chuyện, 3 tuần nữa mới về Cali. Bà đi Cali. có việc gì?

– Dạ, em tham dự Hội Ngộ của khóa 6/68 sĩ quan Thủ-Đức.

– Bà có liên hệ gì với Trường Bộ-Binh Thủ-Đức?

– Dạ, Nguyễn Phiêu Linh, em của em, bị động viên vào khóa 6/68. Thầy nhớ Linh không, thưa Thầy?

– Nhớ chứ sao không. Cái thằng ốm ốm, “ông Già bà Già” bắt nó theo canh chừng bà hoài đó chứ gì.

– Dạ. Linh không còn nữa!

– Biết rồi. Chừng nào bà đi? Cho biết ngày, tôi sẽ bay về Cali. đón bà.

– Dạ, cảm ơn Thầy nhưng gia đình khóa 6/68 lo cho em rồi.

Toàn nghiêm giọng:

– Ngày xưa bà theo Hải-Quân, bà … bỏ tôi. Bây giờ bà theo Bộ-Binh, bà bỏ tôi!

– Chết! Chết! Thầy ơi! Em đâu có là gì của Thầy mà Thầy bảo em bỏ Thầy?

– Giận quá! Tức quá thì nói rứa đó! Tội nghiệp cho Cô Lượng của tôi! Cô cứ bảo “Toàn gửi gạo vô cô nuôi Thanh-Điệp cho”. Chao ôi! Cô nuôi cách chi mà sẩy mất tiêu!

Tôi tìm cách chuyển đề tài:

– Thôi, Thầy ơi! Đừng trách em nữa. Thầy đàn và hát cho em nghe đi, Thầy.

– Yêu cầu tôi đàn hát thì tôi đàn hát cho mà nghe; hứa là không báo cảnh sát bắt tôi, nghe chưa?

Tôi cười. Tiếng Piano tạo nên dòng Tango rộn ràng, vui tươi. Tôi nhận ra Toàn đang đàn Tiếng Đàn Tôi của Phạm Duy. Dạo hết phân đoạn đầu, Toàn bắt vào: “Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt…Vì cuộc tình đã chết một đêm nao…Mênh mông lả lơi, lạnh lùng em đã rời tôi…Khoan, khoan hò ơi! Lệ sầu rụng xuống đàn tôi!” Không hiểu Toàn vô tình hay cố ý khi hát bài này, nhưng lời ca làm tôi cảm thấy buồn buồn.

Toàn chuyển qua một tình khúc êm dịu: “Memories, pressed between the pages of my mind. Memories, sweetened thru the ages just like wine…”(1)

Theo dòng nhạc và tiếng hát ngọt ngào của Toàn, hình ảnh của Linh chờn vờn trong tầm mắt tôi. Tôi nhớ những buổi sáng mờ sương, Linh và tôi đi bộ từ đường Phan Đình Phùng băng qua vườn rau cải để đến trường Domain de Marie, trên đường Hai Bà Trưng, Dalat. Tôi không quên được những “trận đụng độ” giữa các hội tuyển nổi tiếng, Ba tôi thường cho tôi và Linh đi theo, vào sân vận động xem đá banh, để thấy Ba tôi phỏng vấn các cầu thủ danh tiếng – nhất là thủ môn Rạng – để viết tường thuật cho báo Đuốc Thiêng. Nhờ vậy, tôi biết chút ít về nghệ thuật và quy luật đá banh. Cũng nhờ vậy, vào những dịp đội banh trường Võ Tánh đấu với đội banh trường khác, tôi thấy Linh có những cú “sút” rất “thần kỳ”, chàng giữ “gôn” đỡ không nỗi! Một “vai trò” mà Linh rất ghét, là – theo “lệnh” của Ba Má tôi – Linh phải giả vờ đi ra đi vô phòng khách thường xuyên mỗi khi có chàng nào đến nhà thăm tôi để “nghe ngóng” xem chàng nào có lời lẽ hoặc thái độ không đứng đắng đối với tôi thì mách cho Ba Má tôi. Có lẽ Linh ít hợp với Toàn; vì lúc Toàn quen với tôi tại nhà thầy Lượng thì tôi chỉ mới học đệ Lục hoặc đệ Ngũ và Linh học sau tôi cho nên biết Toàn là giáo sư, Linh ngại. Linh gọi Toàn bằng Thầy; tôi cũng gọi Toàn bằng Thầy. Dạo đó, vì tôi còn là trẻ con cho nên Cô của Toàn, vợ thầy Lượng dạy Pháp văn và cũng là Mẹ của bạn tôi, cứ đùa: “Toàn gửi gạo vô cô nuôi Thanh-Điệp cho.” Linh và Minh rất hợp vì cả hai đều thích đá banh và đều có cú “sút” “ngàn cân”. Linh nói với Ba Má tôi nhận xét của Linh về sinh viên quân y Vĩnh: “Khi nào anh Vĩnh tới, Ba Má khỏi cần bắt con ‘do thám’; vì anh Vĩnh chỉ ngồi nhìn chị Hai rồi cười chứ anh Vĩnh có nói tiếng nào đâu!” Khi thụ huấn tại quân trường Thủ-Đức, Linh và Trung trở thành đôi bạn thân.

Vừa nhớ đến đây, tôi chợt nhận ra Toàn đã hát trở lại phân đoạn đầu. Đến phân đoạn thứ hai, lời ca làm tôi xúc động, bùi ngùi: “…Quiet thought come floating down and settle softly to the ground like golden autumn leaves around my feet. I touched them and they burst apart with sweet memories…” Tiếng hát của Toàn vẫn thiết tha, trầm ấm nhưng suối nguồn thương nhớ Linh và Trung cứ cuồn cuộn dâng cao trong lòng tôi.

Nhìn bầu trời trong xanh của một sáng mùa Hạ, tôi tưởng như tôi thấy lại Linh và Trung – trong quân phục sinh viên sĩ quan Trừ Bị Thủ-Đức – vào những cuối tuần xa xưa, khi Linh và Trung từ Quân Trường Thủ-Đức về Saigon thăm tôi. Rồi, từ niềm nhớ thương chất ngất trong hồn, tôi tưởng như tôi không còn nghe tiếng đàn và giọng hát của Toàn nữa nhưng tôi lại nghe được tiếng Guitar của Trung trong ca khúc mà khi xưa Trung rất thích. Khi tiếng Guitar của Trung đến đoạn gần cuối của ca khúc Mấy Dậm Sơn Khê tôi vừa “ngân nga” nho nhỏ: “… Em hỡi em! Đường xa vui đấu tranh giữa khung trời gió lộng, nghìn sau tiếc nghìn xưa!” vừa cảm nhận hai hàng nước mắt âm ấm đang lăn dài trên khuôn mặt hằn nhiều nếp nhăn của tôi!

Không biết tác giả

Một Thời Vang Bóng! (Đ.Văn)

Van Huynh

Trước năm 1975, phòng trà ca nhạc là một loại hình thức biểu diễn và thưởng thức âm nhạc, các khán thính giả đến phòng trà để nghe ca sĩ hát, để lắng đọng và cảm nhận những bản nhạc trữ tình êm đềm, dịu nhẹ. Và đây cũng là một trong những nơi chắp cánh cho rất nhiều giọng ca tỏa sáng.

Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh – 3 danh ca Phòng trà иổi tiếng thời bấy giờ

Phòng trà ca nhạc bắt đầu xuất hiện vào giữa thập niên 40 của thế kỷ trước. Phòng trà ca nhạc xuất hiện lần đầu tiên ở Hà Nội sau khi tân nhạc xuất hiện, do 3 nhạc sĩ tiền bối Nguyễn Văи Diệp, Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước đứng ra tổ chức tại đường Bờ Hồ, Hà Nội vào năm 1946 và lấy tên là Quán Nghệ Sĩ, đây cũng là nơi gặp mặt của nhiều nhạc sĩ khi đó như Nguyễn Xuân Khoát, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh… Ngoài trình diễn các tác phẩm tân nhạc đương thời, phòng trà này còn có các nhạc phẩm cổ điển. Sau sự thành côɴԍ của Quán Nghệ sĩ, một số phòng trà khác hoạt động theo hình thức này lần lượt được mở ra như: “Thăиg Long” ở phố Hàng Bông, “Tuyết Sơn” ở phố Thợ Nhuộm, “Thiên Thai” ở phố Hàng Gai… 

       Cũng cнíɴн từ môi trường đó, lớp ca sĩ đầu tiên đã thành danh, như: Thương Huyền, Mai Khanh, Hoàng Giác, Ái Liên… và thành côɴԍ hơn cả là nữ ca sĩ Kim Tiêu với chất giọng trầm ấm, âm vực rộng đã thật sự đi vào lòng người.

       Sau khi hình thức phòng trà hoạt động ở Hà Nội thì ở Huế cũng bắt đầu xuất hiện một số phòng trà tại đây, mà иổi tiếng nhất thời bấy giờ phải kể đến phòng trà “Tam Tinh” với giọng ca Ngọc Cẩm.

       Sau năm 1954, khi nền tân nhạc ở miền Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng phát triển rực rỡ, cùng với việc nhiều nhạc sĩ, ca sĩ miền Bắc vào Sài Gòn định cư đã làm đa dạng hơn nền âm nhạc giai đoạn này. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ lệnh cấm khiêu vũ, các vũ trường dần chuyển hướng sang phòng trà ca nhạc đã tạo đà cho văи hóa phòng trà khởi sắc vượt bậc.

       Nhưng phải đến cuối thập niên 50 thì phòng trà mới thực sự bước vào thời kì hoàng kim ở Sài Gòn. Không ít ca sĩ đã từ đó mà toả sáng dựa vào tài năиg của mình. Vào thời bấy giờ, các phương tiện nghe, nhìn còn rất hạn chế. Hơn nữa việc lăиg xê ca sĩ vẫn còn rất xa lạ đối với côɴԍ chúng. Do đó, hầu hết các ca sĩ lúc này tạo được tiếng tăm, chủ yếu dựa vào tài năиg đích thực của mình. Ít người được đào tạo bài bản một cách cнíɴн quy, chỉ có một số ít thông qua các lò đào tạo trong một thời gian ngắn. Vì thế, các ca sĩ иổi lên là nhờ cнíɴн chất giọng thiên phú và mình, và đặc biệt là chẳng ai hát giống ai cả, mỗi người có một giọng hát riêng biệt, tạo điểm nhấn nhá riêng biệt, giúp cho khán thính giả dễ dàng nhận ra giọng của từng ca sĩ.

       Nhắc đến phòng trà ở Sài Gòn trước năm 1975, trước tiên, phải kể đến phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện. Phòng Trà Anh Vũ ra đời vào khoảng cuối năm 1957, lớp ca sĩ tiên phong của phòng trà này sớm được côɴԍ chúng đón nhận và dần yêu thích như nam ca sĩ Duy Khánh, Việt Ấn và các nữ ca sĩ Nhật Thiên Lan, Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu.

Phòng trà Anh Vũ

Cũng tại phòng trà này, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Ánh 9 đã đệm dương cầm cho ca sĩ Thanh Thúy biểu diễn rất thành côɴԍ nhạc phẩm đầu tay Ướt mi của Trịnh Công Sơn. Và nữ ca sĩ Thanh Thuý với chất giọng khàn đục đặc biệt, cùng với một ngoại hình sáng với mái tóc dài gợn sóng và vóc dáng thanh mảnh như một nàng thơ đã nhanh chóng lấy được cảm tình của khán thính giả. Cô nhanh chóng được mọi người mến mộ, trở thành một ca sĩ được săи đón bậc nhất thời bấy giờ.

Ca sĩ Thanh Thuý năm 1961

Nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất mà phòng trà Anh Vũ đã để lại trong lòng côɴԍ chúng đó là sự hiện diện hằng đêm của nữ ca sĩ Thái Thanh và ban hợp ca Thăиg Long (cùng với Hoài Trung, Hoài Bắc).Tiếng hát trong vắt, ngọt lịm với những luyến ʟáy như rót mật vào tai khán thính giả của Thái Thanh đã thật sự chinh phục hầu hết trái tim người yêu nhạc. Danh ca Thái Thanh hoàn toàn xứng đáng với cụm từ “tiếng hát vượt thời gian” mà cuộc đời dành tặng cho cô.

Ban Thăng Long: Thái Thanh, Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Hoài Trung

Bên cạnh phòng trà Anh Vũ иổi tiếng, vào thời điểm đó còn có phòng trà Hòa Bình, tọa lạc ngay tượng nữ sinh Quách Thị Trang, trước chợ Bến Thành hiện nay cũng được nhiều người biết đến. Người mộ nhạc tìm đến đây để được nghe nữ ca sĩ Bích Chiêu (chị của ca sĩ Tuấn Ngọc) thổi  нồn nhạc jazz vào những ca khúc trữ tình dịu nhẹ, trong đó “Nỗi lòng” của nhạc sĩ Nguyễn Văи Khánh được coi là ca khúc thành côɴԍ nhất mà Bích Chiêu trình bày.

Ca sĩ Bích Chiêu

Ngoài nữ ca sĩ Bích Chiêu, phòng trà Hoà Bình còn có nam ca sĩ Cao Thái, với làn hơi dài đã chinh phục người nghe bằng những bài hát ngoại quốc mà tiêu biểu nhất là bài Mexixo. Một Trúc Mai có chất giọng truyền cảm khó có giọng hát nào sánh được trong những ca khúc mang điệu bolero – rumba.

Ca sĩ Trúc Mai

Và chắc chắn không thể không nhắc đến nữ danh ca Bạch Yến, xuất thân là một nghệ sĩ biểu diễn mô tô bay từ thuở bé nhưng sau một тαι иạи nghề nghiệp mà dẫn đến thương tật, Bạch Yến đã bỏ cái nghề nguy hiểm đó để bước vào con đường ca hát. Khi gia nhập vào phòng trà Hòa Bình, với giọng trầm hiếm có, Bạch Yến đã nhanh chóng trở thành một ngôi sao sáng khi trình bày ca khúc “Đêm Đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văи Thương, giọng ca ấy cho đến bây giờ vẫn còn mãi vương vấn trong tâm  нồn của bao người.

Ca sĩ Bạch Yến

Đến năm 1963, sau khi cнíɴн quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, hoạt động phòng trà ở Sài Gòn càng trở nên sinh động hơn lúc nào hết. Lúc bấy giờ phòng trà đi kèm với vũ trường mọc lên ngày càng nhiều. Chỉ riêng khu vực trung tâm quận 1, đã có đến mấy chục phòng trà. Điển hình như: Maxim, Khánh Ly, Tự Do, Queen Bee, Đêm Màu Hồng, Orchalet, Rex, Continental, Jomarcel, Thanh Thế, Kim Sơn, Olymya, Văи Cảnh, Tháp Ngà, Rizt, Baccara, Macabane… Khách đến các địa điểm phòng trà – vũ trường này vừa nghe nhạc vừa có thể nhảy đầm. Đây cũng là thời điểm của các giọng ca Lệ Thu, Khánh Ly, Elvis Phương, Nhật Trường, Thanh Lan, Caroll Kim, Ngọc Minh, Lan Ngọc, Hồng Vân, Connie Kim, Cathy Huệ, Julie Quang…lên ngôi.

       Cũng phải nói thêm rằng, thời bấy giờ ca sĩ Sài Gòn có thể được chia làm hai nhómMột nhóm chuyên hát phòng trà – vũ trường như đã đề cập ở trên.Và một nhóm chỉ xuất hiện ở các đại nhạc hội và những chương trình lưu diễn các tỉnh, như: Túy Phượng, Hùng Cường – Mai Lệ Huyền, Chế Linh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Phương Hồng Quế…

Van Huynh

KẾT BẠN TRI ÂM

 ( Hai Hùng SG).

Câu chuyện tui kể lại cho các bạn nghe có hơn nửa thế thế kỷ rồi, ngồi hồi tưởng lại tui ngỡ chừng mới đây thôi…

 Dạo ấy trên các mặt báo xuất bản ở Sài gòn, tui không nhớ chính xác vào năm nào đã xuất hiện mục “Kết bạn Tri Âm”, chỉ mới vài số báo thôi mà đã lan tõa ra khắp nơi, mục làm quen với nhau qua những dòng đăng trên báo đã cuốn hút đủ mọi thành phần trong xã hội , nhất là các cô cậu sinh viên học sinh, rồi các anh lính chiến ở khắp mọi miền cũng góp mặt cho mục này thêm phần hấp dẫn.

                     *** 

     Tui có ông anh ruột ổng là anh lớn nhất trong nhà, tuy là anh Hai nhưng anh Thọ tui ổng hiền như cục bột , bù lại ông anh thứ ba tên Phước ổng dữ như chằn, hể mỗi lần tui đi chơi với đám bạn trong xóm, vừa thấy dấp dáng ổng ở đàng xa là tui lật đật lũi vô hẻm liền, vì ổng hay đánh bởi  cái tội tui không  lo học mà ham chơi với chúng bạn.

 Đến tuổi quân dịch hai ông anh tui lần lượt đi vào quân ngũ, anh Thọ thì thụ huấn ở trường Hạ sỹ quan Đồng Đế Nha Trang, còn anh Phước tui thì vô Biệt Động Quân học ở Dục Mỹ.

  Mãn khóa trước khi đáo nhậm đơn vị ở một Sư đoàn Bộ binh, anh Thọ tui được về phép gần chục ngày, vốn còn nhóc tỳ thấy bộ đồ lính của anh tui khoái lắm, một hôm anh ngồi trên bộ “Đi Văng” trước nhà, anh Thọ soạn đồ trong cái ba lô ra, ôi thôi cả đống thơ từ của anh lưu giữ bấy lâu, tui tò mò lấy vài cái cầm lên coi, nào là mấy cô ở Đà Nẵng, Huế, An giang ..V.v… nói chung có khắp miền đất nước.

 Thích quá tui hỏi anh:

 – Sao anh Thọ có bạn nhiều quá vậy, em khoái viết thơ lắm mà ác nỗi em có vài thằng bạn ở gần xịt nên đâu có cần viết thơ từ gì.

 Anh tui nghe vậy bèn nở nụ cười rồi ổng nói :

 -Ừ thì mơi mốt lớn lên ra đời đi làm thì lúc đó thiếu gì bạn bè.

 Nói xong anh soạn và sắp xếp lại các chồng bao thơ theo từng người quen, anh lấy dây thun ràng lại từng bó rồi cất vô hộc tủ.

 Ngày nọ, nhân lúc anh đi ra Sài gòn để thăm một vài người bạn học để trước khi anh lên đường ra đơn vị, vốn tò mò không biết những lá thơ kia họ viết những gì cho anh, tui bèn mở ra xem một vài lá, sau khi xem qua tui thấy đại khái lời thăm hỏi sức khỏe, cuộc sống trong quân trường, cũng có một số thư thăm hỏi về gia cảnh, lời thơ chân tình vô cùng, đọc đến đâu tui tự tưởng tượng nhân vật trong thơ là các cô nữ sinh hiền hậu vô cùng, trong những người viết thư cho anh tui thích nhất hai lá thư, một là của chị Bùi Thị Diệu ở Đà Nẵng, hai là của chị Nguyễn Thị Thanh Tâm ở Tây Lộc Huế, lời thơ của hai chi này khi tui đọc qua tui cứ ngỡ rằng của hai người chị ruột của mình, vì tình cảm các chị dành cho anh Thọ tui rất chân tình và không ít phần lãng mạn… 

  Khi đến tuổi quân dịch tui cũng vào quân ngũ như hai anh, rồi rui cũng bắt chước ông anh hiền như cục bột của tui, tui cũng viết thư làm quen với các cô nàng đăng báo kết bạn tri âm, tháng nào tui cũng nhận vài chục lá thơ, ngoài giờ lo nhiệm vụ lính tráng tui bù đầu cho việc hồi âm thơ từ, ban đầu viết thơ hăng hái lắm, về sau thơ tới liên tu bất tận khiến tui hồi âm không kịp, vậy là không ít cô nàng gài số de hổng thèm chơi với tui nữa, biết lỗi tui cố viết thư thanh minh thanh nga nhưng họ nhất quyết một đi không trở lại..

  Có dạo nọ tui đọc báo thấy cô học trò nhỏ ở “Đốc Binh Vàng” muốn tìm bạn là những anh lính trẻ nơi tiền tuyến (Hình như một địa danh ở An Giang hoặc Trà Vinh gi đó tui cũng chẳng nhớ), tiêu chuẩn cô đưa ra tui thấy chí ít mình cũng đáp ứng yêu cầu chín phần mười do cô nàng đưa ra, tui bèn viết thơ và gửi liền cho cô nọ, chừng nửa tháng sau cô ta hồi âm cho tui, mừng quá tui  mở thơ ra đọc liền, chèn ơi nào phải bức thơ sực nức mùi dầu thơm như tui tưởng tượng, rồi những dòng chữ học trò bằng mực tím dễ thương sẽ hiện ra, các bạn có biết không khi mở thư ra là một bản chép tay khuyên tui chép lại vài chục trang giống như lời sấm truyền của một đạo nào đó ở miền Tây, quê cả cục vì mình bị gạt nên tui bỏ lá thơ kia mà không thèm chép lại rồi gửi tiếp cho người quen, họ còn hù nếu không thực hiện thì ít ngày tui sẽ gặp điều không may đến với mình.

 Hai ông anh tui lần lượt đền nợ nước, một hôm buồn quá tui lục lại chồng thơ của anh Thọ, khi xem qua thơ của chi Diệu và chị Tâm tui cảm động lắm, tui bèn mạo muội viết thư báo tin anh tui đã mẩt, chỉ dự định báo cho các chị hay tin thế thôi, không ngờ các chị hồi âm nhanh chóng, trong thư các chị chia buồn sâu sắc đến gia đình tui, rồi hai chị nhận tui là đứa em kểt nghĩa.

  Đời lính chiến xa nhà, có được món ăn tinh thần của hai bà chị ở hai tỉnh nơi địa đầu giới tuyến, thử hỏi mấy ai không vui. 

 Rồi nước non  đến hồi mạc vận, từng gia đình , từng con người trôi nổi theo vận nước nên tui mất liên lạc với hai bà chị thân yêu từ đó .

 Sau này có dịp ra Đà Nẵng, Huế. Khi đi ngang địa chỉ nhà của các chị tui không có can đãm ghé vào hỏi thăm, nếu vô hỏi thăm thì chưa chắc gì gặp các chị, bởi cuộc chiến biến động khắp nơi dân tình tan tác nên tui đành lướt qua,

 Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, chị Bùi Thị Diệu ơi! nếu như các chị xem được câu chuyện này thì hai chị nhớ rằng thằng em kết nghĩa ngày xưa vẫn đao đáo nhớ về hai chị thân yêu của mình.

                 ***

 Kết bạn tri âm, tìm bạn bốn phương đều có hai mặt tốt và xấu, tui thiểt nghĩ ở đời mình lấy tấm lòng chân thật đối đãi với nhau thì sẽ không bao giờ gặp phải người giả trá lọc lừa phải không các bạn.

 Nhớ về hai bà chị ngày xưa.

   Chiều mưa SG 29.6 2023

LÍNH MÀ CŨNG SỢ MA.

   ( Hai Hùng SG)

Tựa bài này tui biết có nhiều ông đi Lính ngày xưa sẽ cho tui bị khùng, làm lính thì hàng ngày đối diện với nguy hiểm, cái mạng mình khi ra trận thì sống chết hồi nào chẳng hay, súng đạn và đủ thứ “Đồ chơi” khác đầy mình thì sợ ma cái giống gì, ậy vậy mà có những người lính cũng sợ ma như thường…

                 …

    Nhớ hồi tui còn nằm ở Trung đội tác chiến, ban ngày thì ớ ngoài hiên nhà của những người dân trong vùng, có bữa đi lòng vòng trong xóm cà kê dê ngỗng với mấy cô em gái trong xóm, đôi khi được mấy ông Lão trong xóm mời làm lai rai vài xị “Nước mắt quê hương”, mồi nhậu là những con tôm càng xanh, những con cá họ lưới được ở sông Sài Gòn, có khi vài con chuột đồng mập ú na ú nần do ăn lúa của bà con trồng ven sông, bữa nào mệt mỏi không đi la cà thì giăng cái võng nằm ngủ ngoài hàng hiên bên cạnh bóng dừa rợp mát, còn ban đêm thì cảnh nhàn hạ của ban ngày không còn nữa, sau buổi cơm chiều thì mọi người trong Trung đội tui chuẩn bị đi “lót ổ” tại tọa độ. X, Y nào đó do cấp trên chỉ định, có khi nằm sát mí bờ sông, lúc thì nằm trên bờ đê cạnh mấy cây dừa nước với đàn muỗi vo ve suốt đêm bên tai, nhiều lúc còn có những con (Vắc) nó đeo bám vô người hút máu nó no tròn mà mình chẳng hay, đến khi thấy ngứa ngứa đưa tay gãi thì mới lòi ra “ Tên trộm thành Bát đa”. Lại có bữa hên hên thì nằm ven đường làng dưới hiên nhà của dân gần đó.

  Tối nọ như thường lệ, Ông Thượng Sỹ Hà Trung đội phó dẫn tụi tui đi nằm chốt, tưởng phải “Hiến máu” cho đám muỗi ngoài ruộng, ai dè hên ghê , cả Trung đội được nằm chốt ở một nhà máy xay lúa nhỏ ở ấp Bình Trưng, trời vừa sụp tối là tụi tui có mặt nơi đây rồi, anh em dự định trải  tấm “Poncho” nằm ngoài hàng hiên, nhưng đám chó của nhà máy thấy người lạ nên sủa rân trời khiến cho ông chủ nhà máy phải mở cửa rồi ló đầu ra hỏi :

 -Ai vậy, giờ này lọ mọ ngoài đó mần chi, coi chừng chó cắn mang họa ráng chịu nha.

Vì không muốn lộ ra cho ông chủ biết  mình nằm tiền đồn nơi đây, nên cả thảy đều im lặng, bầy chó nghe chủ lên tiếng cả đám chó bèn hùa theo sủa còn dữ dội hơn nữa.

 Thượng Sỹ Hà thấy ngại nên ông lên tiếng.

 -Tụi tui đây bác Ba ơi, xin bác cho anh em nằm đỡ đêm nay nha bác.

 Bác Ba nghe tiếng nói thân quen của Thượng sỹ Hà, bác mở banh cửa ra rồi cầm cây đèn “Măng xông” đem ra sân soi sáng, bác Ba lên tiếng:

 – Ủa chú Hà hả, chèn ơi không chịu kêu tui mở cửa nhà máy vô đó ngủ êm hơn.

 Thượng sỹ Hà vội nói:

 -Dạ tụi cháu không dám làm phiền bác Ba đâu, hơn nữa nhà máy có đồ đạc tùm lum lỡ mất mát gì thì phiền phức lắm , cho tụi cháu nằm ngoài đây là quý lắm rồi.

 Nghe chủ và khách nói chuyện với nhau ra điều thân quen, nên đàn chó  thôi không thèm hầm hừ với đám lính nữa, Bác Ba nói tiếp :

– Ối có mớ lúa trong đó chứ có khỉ khô gì mà mất mát chú ơi, cứ vô nằm tránh sương gió, muỗi mòng nữa.

 Thấy Bác Ba nói chân tình nên Thượng sỹ Hà theo Bác Ba vô nhà máy xay lúa để sắp đặt chỗ nằm cho anh em.

 Ông Hà và năm người nằm ngoài hàng hiên của nhà máy, những anh em còn lại ông Hà cho vô trong nằm ngủ để chiều lòng Bác Ba, tui được vô bên trong nhà máy nên vui lắm vì chí ít ra cũng tránh được sương gió của màn đêm u tịch .

 Tội nghiệp bác Ba, khi mở của cho tụi tui với tá túc, Bác còn pha cho một bình tích nước trà nóng hổi cho anh em, tui tụi cảm ơn bác Ba đã thể hiện tình quân dân cá nước thật nồng ấm.

 Mấy đứa tụi tui  trong nhà máy tản ra tìm chỗ ngủ, tui với thằng Phích giăng cái võng sát bên máy xay lúa , vì nơi đây có những cọc sắt chôn chặt xuống đất rất thuận lợi cho việc giăng võng, một lúc sau khi lên võng nằm tui lim dim rồi chợp mắt ngủ, áng chừng chưa được năm phút, trong không gian tối mịt của nhà máy bổng tui nghe tiếng siết bù lon nghe “Ren rét “, lấy làm lạ đêm hôm khuya khoắt mà ai đâu làm công việc này trong nhà máy, hơn nữa nếu ai làm thì phải thắp đèn chứ  có đâu mà để tăm tối như vậy, liên tưởng đến các chuyện ma mà nghe chúng bạn kể hồi nhỏ khiến tui nổi gai ốc, tui bật dậy lấy tay lay cái võng của thằng Phích, tui nói nhỏ:

– Ê dậy đi mầy, có ai trong nhà máy đó, tao mới nghe tiếng động lạ lắm.

 Phản xạ tự nhiên, thằng Phích quơ cây M16 để sát bên nó rồi kéo cơ bẩm nghe rôm rốp, xỏ  đôi giày vô tui với nó lấy đèn pin rọi một vòng trong nhà máy, tuyệt nhiên không thấy ai ngoài những đứa bạn đang khò khò gần đó, thằng Phích tưởng tui ghẹo nó, nó càu nhàu:

 -Tao Lạy mày Hùng ơi, sắp tới giờ tao gác từ 12 h đến 2 h, mầy không cho tao ngủ sao tao  gác cho được.

Tui bèn thề bán sống bán chết cho nó tin:

 – Tai mà xạo với mầy cho Trời đánh đi.

 Nghe tui thề độc thằng Phích tin ngay, nó vội lục trong ba lô lấy sợi dây chuyền có hình Đức Phật đeo vô cổ cho chắc ăn, tui cũng vậy, tui Mân mê tấm bùa hộ mạng  thầm van vái tai qua nạn khỏi, ma quỷ đừng quấy phá.

 Hai đứa nằm trở lại trên võng chưa được bao lâu thì nghe rõ ràng tiếng dùng cái mỏ  Lết để siết mấy con bù lon trong nhà máy, không nói không rằng hai đứa tốc cái võng quơ vội cây súng rồi ra ngoài hàng hiên ngồi thở dốc, thằng Phích xác nhận :

– Ma thiệt đó mầy ơi! Mới hôm qua tao nghe thím Hai ngoài chỗ mình đóng quân bả nói vùng này thời Tây người chết như rạ nên Ma cỏ dữ lắm, tao cũng không tin đâu, nhưng giờ gặp như vầy không muốn tin cũng không được .

 Tui với thằng Phích có ca gác Liền nhau, gặp cảnh ngộ này nên hai đứa nhất định gác chung nhau bốn tiếng cho chắc ăn.

 Ngồi ở hàng hiên trên chiếc ghế đẩu do bác Ba cho mượn, tui với thằng Phích lăm lăm chĩa mũi súng về phía hàng rào ven đường, chừng mười lăm phút sau , bầu trời vẫn tối đen như mực, thỉnh thoảng có vài  con đom đóm lập loè trong mấy bụi chuối trước sân, tiếng côn trùng kêu rả rích trong đêm nghe buồn não ruột, cộng hưởng với đám côn trùng kia tiếng bầy Ểnh ương cùng hoà vô tạo nên nhiều cũng bậc nghe buồn ảo não, đã vậy thỉnh thoảng bóng “Ma trơi” từ ngoài những đám ruộng loé sáng lên khiến hai đứa tui lạnh cẳng vô cùng, cố trấn tỉnh ngồi gác đề phòng bị tấn công, bông dưng trời đang đứng gió mà mấy tàu lá chuối lay  động, rồi như có ai cầm những nắm cát quăng lên đám lá chuối nghe rào rào, nghĩ mình lại bị ma nhát, tui với thằng Phích cắn răng nít thở rồi gì súng nhắm với đám chuối kia, tui nhủ thầm nếu thấy bóng dáng ai thấp thoáng ở đó tui sẽ nổ nguyên băng đạn rồi tới đâu thì tới, rồi thêm một đợt rãi cát trên lá chuối nghe rào rào như mưa rơi, thật sự hai thằng tui muốn chết đứng trong người, thằng Phích nói nhỏ:

-Tao vô kêu ông Hà dậy để ổng giải quyết vụ này.

Thượng  Sỹ Hà cầm cây M79 với đạn chài đã lên nòng, nghe báo tình hình như vậy, ông phán đoán chắc mấy tay du kích trong ấp hù mình chứ Ma cỏ gì ở đây…

 Trời sáng hẳn, cả Trung đội mò ra bụi chuối lục soát để tìm câu trả lời, cả đám như thám tử “Sơ lốc hôm” quan sát tỉ mĩ vẫn không tìm ra vết tích của những hạt cát do ai đó quăng lên lá chuối đêm qua, lúc này tui nghe ông Hà nói nhỏ :

 – Vậy  đích thực là ma nhát tụi nó rồi , nếu “vi xi” chơi thì sẽ để lại vết tích rồi.

  Nghe ông Hà nói vậy, tui nói cho ông Hà biết luôn:

– Không phải vụ đó không đâu nha Thượng Sỹ, trong nhà máy xay lúa cũng nhóc ma trong đó đó.

 Nghe tui nói, ông Hà làm gương mặt tỉnh bơ sư cụ, coi như chuyện tui mới cho ông biết là chuyện tầm phào khiến tui quê một cục, vậy mà…

  Đêm sau khi đi nằm tiền đồn nơi khác, Thượng Sỹ Hà ghé qua nhà máy xay lúa, ông bày  giấy tiền vàng bạc, bánh kẹo , nhang đèn, ông cúng vái cho người khuất mặt khuất mày nơi đây mong họ đừng theo nhát mấy thằng lính sữa của Trung đội do ông phụ trách nữa, không biết phải có thờ có thiêng, có kiêng có lành hay không mà  lâu lâu khi trở lại nằm chốt nơi này tụi tui không còn bị ám ảnh bởi các hiện tượng trên nữa.

                          …

Đơn vị tui  hoán chuyển với đơn vị khác từ ấp Bình Trưng về ấp Mỹ Thuỷ.

 Đến nơi lạ nước lạ cái tụi tui cũng dè dặt ít khi nào vô nhà dân xin ngủ nhờ, lần nọ điểm phục kích cặp mé lộ sát nhà dân, thay vì trải “Poncho” nằm nơi đó , bổng trời đỗ mưa lớn, cả đám chạy vội vô nhà dân gần đó xin tá túc qua đêm, ông chủ nhà hào phóng dành nguyên căn nhà gỗ phía trên cho tụi tui ở, ông bà già đình lui ra nhà sau ngủ, tui giăng cái võng ngay dưới cây đòn dông giữa nhà, cũng thằng Phích, nó giăng võng kế tui vừa chợp mắt chưa đầy  hai phút, tui bị một người đè lên ngực đau muốn tắt thở, tui vùng vẫy liên tục mà không thế nào hất nỗi người này xuống, tui ú ớ trong miệng kêu cứu với mọi người chung quanh, tuyệt nhiên không ai hay biết, chừng hồi lâu tui cố định thần vùng vẫy thật mạnh và bị té xuống đất, lúc này thì thằng Hạnh nằm gần đó mới hay , nó lồm cồm ngồi dậy khiêng tui lên bộ ván  của ông chủ nhà, thằng Phích cũng bị y chang như tui, hên cái là nó không té , khi tui té là lúc Phích Vùng  vẫy thoát ra được người kia.

 Chủ nhà nghe Lùm xùm bèn chạy lên coi có chuyện gì, khi biết được chuyện trên ông nói :

– Hai chú em mầy bị Mộc đè rồi đó, nằm ngủ phải né cây đòn dông, nếu nằm dưới nó thì sớm muộn gì cũng bị Mộc đè, đó là theo lời ông bà tui kể lại đó.

 Từ đó về sau tui chẳng bao giờ cả gan giăng võng ngủ dưới cây đòn dông lần nào nữa cả.

                        …

  Tui hay trực máy ở Trung tâm Hành quân của đơn vị, thường thì ca trực khuya, đang ngủ mơ màng bị giật giò thức dậy lơ tơ mơ lắm.

 Nơi tui trực cách hầm ban quân y chừng vài chục mét, Đèo phù Cũ dạo ấy đêm xuống màn sương mờ ảo, hôm nó có năm xác của anh em tử sỹ chết trận mà ban quân y đem về, thân xác họ quấn trong cái Poncho từng che mưa cho những buổi quân hành, rồi cũng chiếc Poncho này đưa các anh về nơi miên viễn, thật buồn thật thương thay cho đời lính chiến.

 Hôm ấy do thời tiết không tốt nên các chuyến bay tản thương không đưa các các anh về quân y viện Quy nhơn được, Ban quân y buộc lòng để các  nằm lại tạm trên đỉnh đèo, mỗi thì thể trên một băng ca, các anh trong ban quân y thắp nhang đèn cho họ được ấm áp.

 Khuya đó tui đi trực máy, từ chỗ ngủ tui phải đi ngang ban Quân y rồi mới đến nơi trực, lúc chiều thấy họ nằm đó rồi, trong bụng tui hơi ngán , vì nỗi sợ khi thấy xác người chết làm tui ái ngại với cùng, tui niệm Phật để ngài che chở đừng cho Ma nhát tui, vậy mà từ xa giữa khuya tui thấy vẫn còn một người ngồi kế bên mấy chiếc băng ca kia, ánh đèn cầy leo lét lập loè trong đêm khiến tui nổi da gà, khi đến gần thì tui không còn thấy người ngồi với năm cái xác kia nữa, tui có giò phóng thẳng vô nơi trực, hơi thở dồn dập mặt không còn chút máu vì thấy ma, ông Đại uý Quít sĩ quan trực thấy vậy mới hỏi cớ sự, tui kể ông nghe rành rọt, ông không tin sự việc như vậy, ông kéo tui ra chỗ năm tử sỹ kia, nghe tiếng ồn ào thì Trung sỹ Hồng ban Quân y ra coi có chuyện gì, nghe tui kể lại Trung sỹ Hồng cười lớn rồi nói :

– Nè ma nè .

 Ổng vừa nói vừa lè cái lưỡi ra chọc tức tui, ông Quít hỏi cặn kẻ thì ông Hồng nói:

 – Năm người này có Hạ Sỹ Hải bạn thân của tui, thấy đèn nhanh sắp tàn tui ra đốt cho họ ấm cúng chứ ma nào vô đây.

Đại uý Quít cười và nói với tui:

– Chèn ơi ! Ông là lính rồi mà cũng sợ ma nữa hả.

 Tui cười gượng và tránh đi chỗ khác để hai người nọ không thấy cảnh “Quê một cục” của mình , vì đã dấn thân làm Lính mà cũng sợ ma quả thật thiệt là kỳ.

    Cuối Hạ 2022

ReplyForward

Quay Lại Miền Ký Ức

Tác giả :Hai Hùng Sg

 Trời về chiều mây tím giăng ngang, từng đàn chim nhỏ quay về tổ ấm sau một ngày đi kiếm ăn, hàng cây bên đường đang khoác lên mình những chiếc lá non xanh mơn mởn  trên cành  như để báo  hiệu cho cuộc đời biết rằng mùa Xuân thật sự đang quay về.

                      *

 Ngồi nơi cái bàn được kê ngay ngắn ngoài sân của cái quán cà phê sân vườn, vừa nhấm nháp hương vị cà phê thứ thiệt vừa ngồi ôn lại những kỷ niệm vui buồn trong cuộc sống,  đang thả hồn và chìm đắm vào ngóc ngách của quá khứ, chợt phía sau tôi có tiếng hỏi:

  – Xin anh cho hỏi thăm đã mấy giờ rồi anh ơi!

  Tôi ngoảnh mặt lại rồi buộc miệng trả lời theo phản ứng tự nhiên.

  – Kém năm là mười bảy giờ rồi em.

  Sau câu trả lời tôi nhìn về phía cô gái vừa lên tiếng hỏi, tôi giật thót mình, vì cô gái này có gương mặt rất quen,tôi giật mình là vì cô nàng giống y hệt một cô gái mà tôi từng gặp nơi đóng quân ngày xưa.

Năm ấy khi những cơn mưa mùa Hạ chấm dứt, tôi phải vào quân ngũ đếm nhịp quân hành như bao chàng trai thời ly loạn, ba tháng quân trường mồ hôi đỗ ngày ra đơn vị cũng là ngày đánh dấu sự chia tay bạn bè đã cùng chia ngọt sẻ bùi trên thao trường, thời gian tuy không dài, nhưng cũng đủ làm nên chất keo sơn khiến chúng tôi gắn bó thương yêu đùm bọc che chở lẫn nhau như anh em một nhà.

Về đơn vị mới chúng tôi như những chú chim non mới ra ràng, tập tành bay nhảy để tồn tại trong môi trường gian lao nguy hiểm.

Chiếc GMC cũ kỹ già nua với màu xanh ô liu đã nhạt nhòa theo năm tháng, mỗi khi lên dốc cầu tiếng máy nó gầm rú và nhả từng đụn khói đen ngòm vào bầu trời xanh thẳm phía trên, nó đưa những chú “Lính sữa” chúng tôi về đơn vị mới, xe chạy từ Gia Định đưa chúng tôi vượt cầu xa lộ Sài gòn,  khi xe leo đến trên đỉnh cầu tôi phóng tầm mắt về phía xa xa, từng vạt dừa nước xanh thẳm mọc ven những con rạch phía bên kia sông Sài gòn, nó giống như những con rắn khổng lồ đang vặn vẹo uốn mình đi tìm mồi, quanh đó những ruộng lúa chín vàng trải dài từ mép xa lộ vô tới phía bờ sông Sài gòn, nó đẹp tựa như tấm thảm khổng lồ được trải xuống để chào đón chúng tôi.

  Xe đỗ dốc chạy một mạch rồi quẹo vào ngã ba Cát Lái, đoạn đường từ đây vào Cát Lái đi qua nhiều địa danh thân thương như ngã ba Giồng ông tố, Bình Trưng. Bưng ông Thoàng, cầu Võ Khế, Ấp Mỹ Thủy, Cát Lái, Thành Tuy Hạ…

Tài xế chiếc GMC này một tay Lính hẳn còn trẻ anh ta chạy thật nhanh, đường liên tỉnh lộ nhỏ xíu xe gắn máy, xe lôi chạy dập dìu mà anh ta tránh né rất điệu nghệ, nhưng đôi lúc cũng cho chúng tôi nhừ người vì những cái ổ gà trên đường, có đứa bị sốc đầu đập vào những thanh chắn ngang trên xe khiến nó buộc miệng rũa anh tài xế:

  – Cha nội này đúng là ngựa con háu đá, chạy chậm chậm thôi mắc gì chạy như ma đuổi vậy.

Một đứa trong đám chúng tôi trả lời thay cho tay tài xế:

  – Chịu khó vịn chắc đi tụi bây, nhiều khi chổ này mất an ninh ảnh sợ bị phục kích hoặc có tay bắn sẻ nào đang canh me đó nên vọt lẹ là đúng sách vở rồi.

  Thằng nọ dường như cơn đau hẳn còn, cho  nên nó đỗ quạu đớp lại đứa kia liền:

  – Sách sách cái khỉ khô họ, ở đây sát nách Sài gòn mà sợ cái quái gì, chạy ẩu thì có.

  Thấy hai đứa vì lý do không đâu cãi nhau mất vui, tôi ra tay can thiệp liền:

  – Hai ông ơi! Mới hôm kia lúc làm lễ mãn khóa hai ông còn bịn rin vậy mà hôm nay cãi nhau rồi, mỗi người nhịn một chút đi, ông bà mình nói:

  – Một câu nhịn chín câu cự, úi da lộn rồi chín câu lành mới phải.

Cũng may sau câu can gián của tôi hai thằng nọ bắt tay làm hòa, chẳng mấy chốc chiếc xe đỗ xịch xuống ngay cầu Mỹ Thủy.

  Đây là chiếc cầu sắt dã chiến do công binh lắp đặt, thành cầu làm bằng những thanh sắt dầy chắc chắn được liên kết lại bằng những thanh chằng chéo bởi các con Bu loong thật to, mặt cầu được lót bằng những thanh gỗ to như các thanh tà vẹt dã chiến của đường ray xe lửa, do gỗ lát trên mặt cầu thưa khiến xe chạy rất dằn sốc mục đích hạn chế tốc độ khi xe  qua cầu cho an toàn, do cầu hẹp chỉ di chuyển được một làn xe nên đơn vị đồn trú bảo vệ cầu phải lập cái “Chuồng cu” phía đầu cầu hướng từ phía Cát Lái và cắt cử người vừa ngồi gác vừa có nhiệm vụ điều khiển cái bảng hiệu dừng xe cho mỗi một chiều lưu thông.

  Chúng tôi trình diện đơn vị một đại đội hành quân, nhiệm vụ chỉ quanh vùng Từ Cát Lái đến ấp Bình Trưng, thỉnh thoảng phải tăng phái hành quân sang vùng Cầu Võ Khế và ấp Long Trường, nhưng nhiệm vụ chánh là bảo vệ cây cầu Mỹ Thủy cho thông suốt vì đây là con đường độc đạo từ cảng Cát Lái ra xa lộ Sài gòn.

  Tôi còn nhớ như in, sáng nọ đang ngồi gác trên cái “Chuồng cu”, thời bấy giờ xe cộ qua cầu cũng thưa thớt, họa hoằn lắm mới có đoàn công voa chở hàng hóa đi ngang thì điều khiển hơi vất vả, nên việc ngồi gác cũng như được ” Xả hơi” bù lại những ngày lội bưng biền hành quân gian khổ, là lính mới ra trường còn bở ngỡ và còn ảnh hưởng hơi hám của học đường nên tôi đem quyển sách ca rô có in hình bông hoa cho từng trang giấy để viết nhật ký để làm thơ khi có dịp về phép thăm nhà khoe với bạn bè em út cho vui nhà vui cửa.

   Một hôm đang ngồi trên cái chuồng cu, thấy xe bên Cát Lái đã ngớt tôi liền xoay cái bảng cho phép xe từ phía xa lộ qua cầu, không ngờ bất chợt một chiếc Jeep lùn có bốn quân nhân Hoa kỳ ngồi trên xe cố tình nhấn ga vượt qua cầu gây nguy hiểm cho chiếc xe lôi đạp đang lên cầu, quá bất ngờ không kịp phản ứng nên tôi quyết định bắn chỉ thiên một phát khiến tài xế chiếc jeep thắng xe thật gấp, tôi nhoài người ra khỏi cái chuồng cu lấy tay chỉ vào cái bảng cấm lưu thông, khi ấy mấy anh Lính Hoa kỳ mới nhận ra lỗi của mình các anh cho xe de sát vào lề nhường cho chiếc xe lôi tiếp tục qua cầu, Khi cầu thông thoáng tôi xoay bảng lại và phất tay ra hiệu cho các anh lính Hoa Kỳ đi tiếp, chiếc xe jeep rú ga chạy nhanh đến chổ vọng gác tôi đang ngồi, tôi vẫy tay chào với thiện ý mong các chàng ta thông cảm sự việc vừa rồi, như hiểu ý các chàng cười rồi bổng dưng tôi thấy anh lính ngồi sau xe quăng một gói gì đó rớt ngay dưới chân tôi, điếng hồn sợ rằng phát súng cảnh cáo của tôi khi nãy đã làm các anh lính để tâm thù ghét nên họ liệng mìn hoặc chất nổ gì đó nhằm cho tôi đi thăm ông bà với cái tội dám giỡn mặt với đồng minh.

 Tôi nhòa người ra khỏi vọng gác và nhanh như sóc tôi lăn vài vòng núp vào mấy hàng bao cát bên dưới, không nghe tiếng nổ mà nghe tiếng cười đùa và tiếng xí xô xí xào gì đó của các anh lính nọ mà tôi chẳng hiểu họ nói cái gì.

  Tiếng xe Jeep chạy xa dần rồi mất hút, lúc này tôi mới hoàn hồn biết mình không bị ám sát như mình nghĩ, tôi lên vọng gác nhìn vào chổ gói đồ khi nãy, nó được bao bọc bởi lớp nylon đen dầy và thu hết can đảm mở ra xem, thật bất ngờ nào là Chocolate, bánh ngọt, sữa tươi, thuốc lá và đồ hộp hiện ra trước mắt tôi, thì ra các anh chàng này chuộc lỗi theo kiểu Mỹ đây, tôi vui mừng thu chiến lợi phẩm từ trên trời rơi xuống và có cảm tình tốt đẹp về cách xin lỗi hào phóng của các anh chàng nọ.

Đến lúc chúng tôi phải di chuyển xuống gần Cát Lái và nhường cây cầu lại cho đơn vị khác, khi ở cầu thì có đồn bót trú mưa nắng đỡ vất vả, bàn giao cho đơn vị bạn xong chúng tôi như những người (Di-gan) lang thang không nơi cố đinh.

Đêm nọ chúng tôi vào đóng quân ngoài hàng ba của các căn nhà, nơi đây vùng thôn quê chuyên trồng những cây ăn trái cao rậm rạp, do sông Sài gòn, có hôm con nước dâng cao khiến nước ngập khắp nơi, di chuyển tới lui phải lội bì bõm trong làn nước mấp mé dưới chân, không khí ẩm thấp khiến chúng tôi rất khó chịu nhưng đã vào lính phải chấp nhận những nhọc nhằn gian lao, đang cột cái võng vào hai cây cột trước nhà dân, bất chợt có tiếng gầm gừ của con chó bên trong nhà, dường như nó phát giác ra chúng tôi vì vậy nó bắt đầu tru lên và sủa vang trời, đám chó của các nhà gần đấy bắt đầu hùa theo sủa nghe đinh tai nhức óc, quá bất ngờ chưa kịp phản ứng thì đèn trong nhà được bật sáng, ông chủ nhà một bác lớn tuổi dáng vạm vỡ cầm cái cây gậy tầm vông mở cửa ra nhìn, thấy đám lính chúng tôi ông đã hiểu vì sao đám chó làm dữ, với giọng thật hiền ông nói:

– Mấy chú làm tui điếng hồn, tui cứ tưởng trộm đạo gì đó ai dè mấy chú, vô nhà vô nhà tui pha trà cho uống, có bộ ván kia và mấy cây cột trong nhà mấy chú giăng võng ngủ tránh sương tránh gió.

  Nói xong ông mau mắn ra phía sau nhà nhóm lửa nấu nước pha trà, vợ chồng bác Hai chủ nhà thật tử tế, không ngại đã cho chúng tôi vào nhà tá túc qua đêm, đã vậy ông còn kêu bà Hai nấu một nồi chè đậu xanh với hột vịt thật to đãi chúng tôi ăn thật ngon, đang húp từng muỗng chè ngon ngọt thì bên ngoài có cô gái tướng cao mặc trên người bộ đồ bà ba thật dễ thương bước vào, cô gái có gương mặt dễ nhìn và thật hiền nhất là đôi mắt thật đẹp khiến mới chạm mắt cô ta lần đầu cũng đủ làm tôi bối rối vô cùng.

Cũng may phước,  khi chúng tôi đóng quân ở nhà bác Hai thì tình hình rất yên tĩnh, cho nên chúng tôi không phải thường xuyên đi hành quân đêm, nhờ vậy tôi mới có dịp mon men làm quen với cô gái đêm nọ, (Thật) là cái tên cúng cơm của em, tôi có cái cảm nhận em sống có tính cách giống y như tên cha mẹ đặt cho mình, hàng ngày em lo công việc đồng áng ruộng vườn, thấy (Thật) dễ gần gũi nên đôi lần lúc rảnh rang tôi cũng theo em ra vườn làm phụ công việc cho vui và cũng là cách cho vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình, trong lúc làm lụng tôi hỏi em:

  – Anh hỏi thiệt (Thật) nghe, em có anh nào trồng cây si chưa vậy?

  Với nụ cười tươi và đôi mắt đẹp mê hồn dường như cũng đang cười, (Thật) nói:

  – Dạ có chứ anh, ở miệt vườn này mười tám hai mươi là lập gia đình rồi, ảnh làm trên Sài gòn, năm nay chắc tụi em làm đám cưới, lúc đó em gửi thiệp mời anh đó nghe.

  Tôi cười và ghẹo em:

  – Tụi anh rày đây mai đó, biểt đâu mà mời, dù sao anh cũng cảm ơn em có lòng với anh.

  (Thật) nói tiếp:

– Anh đi tới đâu tụi em cũng tìm ra hết. Cái đất Gia định này chứ có đâu xa mà tìm không ra.

  Sau cái ngày biết được em là hoa có chủ tự dưng nó làm tôi buồn buồn, thú thật tôi có cảm tình với em từ cái nhìn đầu tiên, lúc này tôi chợt nhớ lại câu thơ của thi sỹ nào đó:

” Cái thuở  ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm hồ dễ mấy ai quên “.

  Đơn vị chúng tôi luân phiên thay đổi chổ đóng quân đôi ba lần, lần nọ chúng tôi quay lại nhà vợ chồng bác Hai, khi đoàn quân chúng tôi mới lấp ló ngoài ngõ thì bác Hai chạy ra níu chúng tôi vào nhà với thái độ như đón người thân từ xa trở về, nghĩa cử của bác Hai khiến anh em chúng tôi vô cùng cảm động.

Sáng nọ chúng tôi tham gia hành quân trực thăng vận vô vùng Bưng Ông Thoàng, cô (Thật) biết tin vội gặp tôi rồi nhét vô ba lô tôi hai trái ổi xá lị chín thơm lừng:

  – Hổng có cái gì hết, thôi anh Hùng đem hai trái ổi ăn lấy thảo.

  Thật bất ngờ với món quà nhỏ bé nhưng chứa chan tình cảm, đến giờ thú thật tôi không thể hiểu được tình cảm nàng dành cho tôi là gì,  Tình nhân thì không phải rồi vì em đã có ý trung nhân, còn tôi một người lính quèn không hơn không kém, tôi lờ mờ đóan già đoán non có lẽ tình anh em hay rộng hơn là tình người, tình quân dân cá nước…

Gió xuân man mác thổi về, trên cành cây kẽ lá nhú những chồi xanh, các loài hoa dại cũng mọc ven đường quân hành của chúng tôi, nhìn đôi bướm đang bay là sà trên đầu ngọn cỏ tôi liên tưởng đến ngày hợp cẩn giao bôi của (Thật), nàng sẽ cùng chồng dìu nhau qua bến bờ xa lạ và sẽ mãi mãi bên nhau như đôi bướm xinh kia, mãi mê liên tưởng khiến tôi muốn ghen với cái hạnh phúc của nàng, thì bổng đâu tiếng Trực thăng bốc chúng tôi trở về sau ba ngày hành quân vất vả.

 Về đến đầu ngõ nhà của (Thật), không thấy bác Hai chạy ra đón  mừng hỏi han như mọi khi, không khí hôm ấy thật lạ, tự dưng tôi có linh cảm có chuyện không hay xãy ra.

  Tôi quăng cái ba lô vội xuống đất, với bộ quân phục đẫm ướt mồ hôi, tôi điếng hồn hốt hoảng đến tột độ nhìn cổ quan tài nằm giữa nhà, di ảnh của em tôi đây sao, cứ ngỡ mình đang lạc vào cơn chiêm bao mộng mị, tôi tự véo vào tay mình, cái đau nhói đã nói lên đây là sự thật, tôi đến gần bên bác Hai tự dưng khóe mắt tôi lệ ướt tuôn trào, tôi khẻ hỏi bác Hai nguồn cơn nào khiến em ra đi khi tuổi Xuân đang hồi phơi phới, bác Hai cố nén đau thương bác móc trong túi lá thư gấp nếp trao cho tôi.

Tía má thương mến.

  Con bất hiếu chọn con đường này xin tía má thứ lỗi.

  Vị hôn phu của con không phải là người tốt như gia đình mình tưởng. Anh ta rắp tâm phản bội con từ lâu và chính con đã bắt quả tang.

  Thương tía má con muốn cắn răng bỏ qua để cố hàn gắn vết thương lòng, con đã tha thứ cho anh ta nhưng ngựa quen đường cũ

Những tưởng chúng con sẽ là một đôi không gì ngăn cách được nên con đã trao thân cho anh. Vậy mà…

  Sau khi con ra đi, xin tía má cho con nằm yên dưới rặng Trâm Bầu sau vườn để con còn được gần bên tía má.

Vĩnh biệt.

  Tôi thắp ba nén nhang khấn vái trước di ảnh của,(Thật), mong em quên bao nỗi muộn phiền trong cuộc sống, tình em tôi vẫn mãi ghi tâm.

                   *

  Cô gái thấy tôi nhìn chằm chằm sau khi tôi cho cô biết giờ cô đã hỏi tôi, cô bèn cất tiếng hỏi:

  – Anh gì đó ơi, có việc gì mà anh ngó kỹ  làm em sợ quá.

  Tôi hoàn hồn trả lời cô gái:

– À à anh thấy em rất giống một người anh quen ngày xưa, cô ấy tên là (Thật).

  Đến phiên cô gái ngạc nhiên rồi đáp:

  – Em cũng tên (Thật) nè.

  Mới năm giờ chiều trời hãy còn sáng, mà khi nghe cô gái trả lời khiến tôi rụng rời tay chân và thầm nghĩ:

  ” Chẳng lẽ có tái sanh thật hay sao “

  Qua suy nghĩ này nó khiến tôi nỗi da gà, tôi vội nói cho qua chuyện:

– Ơ không. Xin lỗi em anh nhìn lầm, thôi không có gì anh chào em nha.

  Cô gái nhoẽn miệng cười hệt như nụ cười của (Thật) đã cười với tôi hơn bốn mươi năm qua.

                 *

Tôi quay trở lại vùng đóng quân ngày xưa, giờ cảnh vật đà thay đổi không còn nhận ra đâu là đâu nữa, có chút tuổi rồi tôi muốn mon men tìm lại kỷ niệm ngọt ngào của ngày nào, nhưng than ôi cái thực tại của cao ốc, đường sá mới tinh đã xóa nhòa hết tất cả, tôi đã mất tất cả những hình ảnh thân quen của thuở nào, cái xe Jeep của Lính Hoa kỳ. Nồi chè đậu xanh hột vịt, mất luôn nơi cô (Thật) yên nghỉ nữa, tất cả đã mãi mãi mất hút vì nơi đây đã thay da đỗi thịt tự bao giờ, à cũng may vùng ký ức tôi không bị xóa nhòe nên tôi kể lại câu chuyện này cho các bạn nghe dù đã hơn bốn mươi năm qua.

 Chuyện tái sanh có hay không thì tôi không dám lạm bàn nhưng mỗi lần nhớ đến cô gái nọ mà tôi đã tình cờ gặp ở quán cà phê thì tôi thấy lành lạnh ở sống lưng mình .

      Viết xong đêm      

         19.1.2016

Hồi Ức Thuở Biết Buồn

Hai Hùng Sg

 Tôi vốn mang trong người nhiều tình cảm, thuở còn cắp sách đến trường các bạn tôi đã cho nhận xét như vậy rồi, đôi lúc tôi chưa đồng ý với chúng bạn nhận định về tôi như trên, tôi nghĩ phàm là người chắc ai cũng vậy, những chuyện vui, buồn trong cuộc đời, những ân tình kỷ niệm với nhau thì chắc rằng cho dù ai cũng vậy, sẽ biểu lộ cảm xúc theo hoàn cảnh khi sự việc xảy ra, hoặc bất chợt một lúc nào đó tâm trí bổng dưng chuyên chở ta về vùng kỷ niệm nào đó khiến mình phải bùi ngùi thương nhớ chớ đâu phải riêng tôi.

Tháng ba lại về mang theo cái nắng chói chang, ông mặt trời như muốn thử thách giới hạn sự chịu đựng của con người, từng vạc nắng vàng hoe mang theo hơi nóng hầm hập đã khiến tôi liên tưởng lại những ngày tôi chập chững gia nhập vào “Thiếu Niên Thần Phong” của Phi Trường Biên Hòa thuộc Không Đoàn 23, với cái nắng đỗ lửa của những ngày như thế đó, chúng tôi luyện tập, học hành vui chơi với cái ước vọng sẽ trở lành một người lính không quân hào hoa phong nhã…

                 ***

Anh Ba người quê Long An tính người chân chất thật thà, anh không cao lắm nhưng cũng đủ tiêu chuẩn làm một “Cánh chim bạt gió” trong ngành không quân, tôi có diễm phúc quen với anh là do “Ông Tơ bà Nguyệt” đã se duyên cho anh cùng chị Ba con Ông Bà Tư thợ hồ gần bên nhà tôi, ngày đầu anh về ở rể anh mặc bộ quân phục ủi hồ láng cón, tôi bị mê hoặc bởi những Phù hiệu anh mang trên áo, nhất là cái Phù hiệu con Rồng xanh trên túi áo, nó mang cái biểu tượng đi mây về gió trong bầu trời xanh thẳm bao la, thế là tôi có cái mơ ước ngày nào đó tôi sẽ được mặc bộ quân phục này, lúc ấy tôi chỉ nghĩ đơn giản nhằm để khoe với các cô bạn học, vì thời bấy giờ các cô nàng thường mơ mộng sánh vai cùng những “Cánh chim” này tung tăng dưới phố ngày cuối tuần, mơ ước là vậy, nhưng thực tế tôi không biết mình có đủ khả năng để nối bước anh Ba hay không, tuy vậy tôi vẫn nung nấu trong đầu khi có điều kiện tôi cũng tham gia cho thỏa lòng ước mơ, đôi lúc hứng chí tôi hát thầm bản nhạc (Một chuyến bay đêm) hát hoài mà không thấy chán, nhất là nghe cô Thanh Thúy hát bản nhạc này trên đài phát thanh Sài gòn thì nó làm tôi phấn chấn vô cùng.

  Rồi thì cơ hội cũng đến, một sáng nọ tôi thấy chiếc xe GMC đậu trước nhà ông bà Tư thợ hồ, anh Ba với hai người lính cùng anh tài xế lần lượt xuống xe, chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì anh Ba đã nói với tôi:

  – Phương nè! Anh chị dọn về Biên Hòa ở, ở đây xa phi trường quá khi có việc gấp chạy cong đuôi mới kịp.

Thoáng một chút buồn, vì hai anh em quen nhau chưa bao lâu nhưng rất tâm đầu ý hợp vậy mà giờ phải xa anh xa thần tượng của mình thử hỏi làm sao không buồn, tôi cố nén lòng và vặn hỏi anh:

  – Sao gấp rút vậy anh Ba, anh còn chưa kể hết những chuyến bay, những lần cấm trại xa nhà, và nhất là mấy cô học sinh tìm cách làm quen nữa, vậy mà anh lại dọn đi rồi.

  Anh Ba cười hiền, vẫn nụ cười cố hữu của anh do chiếc răng khểnh đã góp phần cho nụ cười của anh thêm phần lôi cuốn, anh nói:

  – Biên Hòa cách Sài Gòn có ba mươi cây số thôi, cuối tuần Phương rảnh thì ra ga Gò vấp leo xe lửa lên đó chơi.

  Dứt câu nói anh vào nhà lấy tờ giấy caro anh vẽ sơ đồ đường đến nhà anh, tôi thấy từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đi vòng vèo rồi đi ngang thánh thất Cao Đài, nhà anh  dừng lại cách đó chắc không xa mấy trên thực địa,  theo cách vẽ thì căn nhà của anh nằm sát hàng rào cổng Sau của Phi trường, tôi cầm tờ giấy mà trong lòng dâng lên một nỗi buồn, tôi lại nhớ có bài hát nọ có câu:

” Thôi là hết chia tay từ đây”, bài hát này nói lên chia tay đôi lứa, trong hoàn cảnh này tôi tạm mượn để nói lời chia tay cùng anh, một người anh kết nghĩa thật chân tình của tôi.

  Anh chị Ba dọn đi cả tuần rồi là cả một tuần tôi mang tâm trạng buồn hiu hắt, chị Ba cũng thường cho tôi quà cáp khi chị còn ở đây, trong lòng tôi lúc nào tôi cũng xem chị là người thân ruột thịt của mình, chẳng qua nhà tôi chẳng có cô chị gái nào để tôi vòi vĩnh nên tình cảm tôi dành cho chị thật nhiều, tôi còn nhớ lần nọ trong giờ học cô giáo gọi tôi lên trả bài, nếu hôm ấy ai thấy được gương mặt tôi thì chắc họ cũng phải cười nghiêng ngã, nhằm hôm đó tôi mê chơi chểnh mãng việc học hành nên không thuộc bài, với gương mặt méo xẹo tôi lững thững đi lên bụt giảng rồi đứng chịu trận không thốt được một lời, cô Hương cô giáo kính yêu của tôi đã “Thưởng” vô bàn tọa bốn roi và kèm theo lời mời phụ huynh vô để cô mắng vốn tiếp.

 Đòn roi dù có đau tôi vẫn chịu đựng được, còn việc mời phụ huynh vào mới đúng là phương thuốc “Đặc trị” cho những đứa không thuộc bài như tôi hôm đó, một phần vì sợ cha mẹ bỏ công việc để đi hầu, một phần tôi sợ ba tôi khi nghe tin này ông sẽ sốc và thể nào cũng “Thưởng” thêm cho tôi một mớ “Chả lông gồi” thì nguy, trong lúc đau đầu với suy nghĩ này tự nhiên tôi nãy sinh ra một ý khá táo bạo, đúng như câu người ta thường nói:

“Nhân cùng tất biến”.

  Trưa hôm đó đi học về quăng cái cặp lên bàn, tôi chạy u qua nhà bà Tư, ngó quanh không thấy chị Ba ở đâu, chỉ có bà Tư đang ngồi dọn dẹp gánh xôi do bà đi bán mới về, bà vừa xếp đống tiền lẻ bà vừa hỏi tôi:

  – Bây đi đâu vậy, bà Tư còn hai gói xôi đậu đen nè, đem về bển ăn đi, qua đây có gì không con.

  Nhận hai gói xôi trên tay bà Tư trao cho, tôi trả lời:

  – Con tìm chị Ba có chút việc, bà Tư biết chị ba ở đâu không?

  – Nó đang cho Vịt, cho Heo ăn phía sau vườn kia chứ đâu, mà có chuyện gì cứ nói, nếu được bà giúp cho cần chi đến con Ba.

  Sợ bể chuyện không hay ho gì của mình, tôi vội vàng nói trớ đi:

  -Con tìm chị ba để nghe chỉ kể chuyện đời xưa cho con nghe, chỉ kể hay lắm nghe bà Tư.

  Bà buông tay khỏi và để nắm tiền vô cái rổ và nói:

  – Cha hôm nay ngộ nha bây, trưa trờ trưa trật không lo ngủ nghê, giờ này ai ở không mà kể chuyện ông con ơi, mà bà thấy cái mặt bây hôm nay nó gian gian sao đó, hi hi hi.

  Điếng hồn cứ sợ bà Tư biết tẩy, tôi lật đật cáo lui sau khi “Thanh minh thanh nga” vài lời để đánh tan cái nghi ngờ của bà, số là tôi muốn nhờ chị Ba đóng thế vai má tôi để đi gặp cô Hương, vậy mà không biết chị có đồng ý hay không. Về nhà tôi mượn cớ để đi gặp cho bằng được chị Ba để giải quyết cho xong cái lo lắng của mình, nghĩ là làm liền, tôi xách con dao phay ra sàn nước sau hè, đến gần đám chuối hột tôi lựa một cây nhỏ vừa sức để vác, tôi đốn liền cây chuối chặt bỏ phần ngọn tôi vác phần thân qua nhà bà Tư, tôi đi thẳng một lèo ra đàng sau may phước bà Tư bận bịu gì trong buồng nên không thấy tôi, gặp chị Ba tôi mừng hết lớn, trao cây chuối cho chị để dành băm cho heo ăn rồi tôi nói thiệt đầu đuôi câu chuyện trong lớp và ý định nhờ chị cứu cho mình tai qua nạn khỏi một chuyến.

 Chị Ba cầm cây chuối chị nói:

  – Cha mới bây lớn mà biết lo lót rồi hén, thôi được để chị Ba giúp cho, bác Năm biết được ổng cạo đầu khô hai chị em mình luôn đó, lần này thôi nghe anh hai, học hành có nhiêu đó hà, học dở mai mốt sao thành phi công được.

  Nghe chị Ba lên lớp tôi có hơi buồn và hơi bị quê, tôi tự hứa với lòng nếu qua truông lần này nhất định tôi sẽ:

  “Đừng đi nước mặn mà hà ăn chân”.

  Cũng may cô Hương không phát giác ra “bà má trẻ” của tôi do chị Ba đóng thế vai thật đạt, mà cái đạt nhất là khi nghe cô Hương mắng vốn tôi xong, chị Ba xoay người sang tôi chị nói:

  – Phương nè, má nói con hoài, ráng học hành đừng để cô thầy buồn sao con không nghe, cho chừa nè.

  Sau câu nói này chị Ba xáng cho tôi hai cái bạt tai vào má đau điếng, bất chợt bị đánh đau, tự nhiên theo phản xạ tôi định cự nự chị Ba sao chị nặng tay với mình, may phước tôi chực nhớ hoàn cảnh hiện tại nên tôi “Thắng” cái miệng mình lại trước khi ” Bể mánh”.

  Đến tuần thứ hai phần thì nhớ anh chị Ba thật nhiều, tôi rủ thằng Cảnh cháu cậu Tư tắc xi ở chung xóm cùng đáp xe lửa đi Biên Hòa, trước để thăm anh chị Ba cho biết nhà biết cửa, sau nữa dạo một vòng Biên Hòa xem cuộc sống bà con ra sao.

   Sau hai giờ loay hoay chúng tôi cũng đến đúng cái nhà mà anh Ba đã vẽ sơ đồ cho tôi, gặp tôi và thằng Cảnh anh chị mừng và hỏi thăm rối rít như những người thân ở xa mới về, không gian thoáng mát của căn nhà lá lợp tole thiếc bên trên, chung quanh nhà ruộng lúa mọc xanh rì, khung cảnh lạ lẫm nhưng đẹp như bức tranh đã làm tôi và thằng cảnh chìm đắm vào giấc mơ đang sống trong xứ sở thần tiên nào đó, chừng khi nghe tiếng hát của cô ca sỹ Mai Mệ Huyền cất tiếng hát bản nhạc ” Túp liều lý tưởng” trong chiếc Radio của nhà ai đang mở vọng đến, lúc ấy chúng tôi mới qyay về thực tại, tôi hỏi anh Ba:

  – Một mái nhà tranh hai quả tim vàng là nhất rồi há anh Ba, ở những nơi như thế này giống”Từ Thức lên tiên” tụi em thích lắm.

  Chiều đến anh chị đãi chúng tôi bữa cơm chiều thuộc về hàng “Quốc yến”, ăn uống xong anh Ba mới cho tôi hay một tin mừng mà suốt đêm ấy tôi cứ trằn trọc mãi vì quá vui, vui đến bất ngờ và xem như món quà tinh thần vô giá anh đã mang đến cho tôi thời bấy giờ:

  – Phương nè, đây là cái đơn xin gia nhập Thiếu niên thần Phong, em đem về cho chú thím Năm điền đơn và ký vô, khi nào xong giao lại cho anh, anh chỉ có quyền đưa một người vô thôi, em ưu tiên lắm nghe vì cháu anh Ba cả đống mà có đứa nào được như em đâu.

  Cầm lá đơn tôi rối rít cảm ơn anh Ba vì anh thật sự dành cho tôi cái đặc ân này mà đám con cháu anh nằm mơ cũng chẳng bao giờ có được.

  Đêm về ngoài trời tiếng côn trùng, tiếng ếch nhái đang hòa tấu khúc nhạc đồng quê nghe buồn đến não nuột, chuẩn bị đi ngủ tôi thấy anh Ba thay bộ quần áo kaki cũ phèn dính vàng cả hai cái ống quần, thấy lạ tôi hỏi liền:

  – Ủa giờ này anh còn đi đâu, mà bộ đồ này cũ sì vậy anh Ba.

  – Có hai đứa ở Sài gòn lên chơi anh kiếm mớ cá để mai mấy anh em mình lai rai.

  Nói xong anh nhớm người đưa tay quơ mấy chục cái cần câu cắm để trên cái kệ tre gần đó, anh móc mồi nhanh chóng và hỏi:

  – Sao hai đứa có muốn theo anh tham gia “Một chuyến câu đêm” không? Thú vị lắm đó, đi một lần cho biết không dễ gì có lần thứ hai đâu.

Nghe anh quảng cáo hấp dẫn quá khiến tôi và thằng Cảnh hưởng ứng tức thì.

Theo chân anh Ba chúng tôi đi dọc những bờ ruộng phủ đầy cỏ và thấm ướt sương đêm, do không quen địa hình và ánh đèn pin của anh Ba không đủ sáng khiến chúng tôi phải lần mò trong đêm, tôi với thằng Cảnh bị “Chụp ếch” lia lịa, có lúc té xuống ruông ướt như chuột lột, càng về khuya trời càng lạnh nhưng chúng tôi thích thú với chuyến câu đêm nên thời tiết có thế nào cũng chẳng làm chúng tôi nao lòng, anh Ba giao mỗi đứa vài chục cần câu, chia nhau đi cắm dài dài trong mấy thửa ruộng, không quen với sình lầy chúng tôi cứ bì bõm như trâu đang cày ở ruộng sâu, câu đêm thật cực thân nhưng rất vui.

  Ngồi túm tụm lại trên một bờ đê lớn, anh Ba móc gói thuốc Ruby ra đốt một điếu, ánh lửa của điếu thuốc lập lòe trong đêm khiến tôi liên tưởng như ánh ma trơi mà tôi thường nghe kể trong các câu chuyện về khuya, lấy cái bi đông rượu nếp than và bịch khô mực nướng anh mời chúng tôi thưởng thức để chờ đến giờ đi thăm câu. Hơi ấm của rượu, mùi thơm khô mực và vị ngọt của nó khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng trong đêm khuya.

  Chừng một tiếng sau kể từ khi cắm các cần câu xuống ruộng lúa, chúng tôi tỏa ra để thăm câu, hấp dẫn của câu đêm đã bắt đầu, nào là cá Rô, cá lóc, cá  trê vàng dính câu thấy mê, nhưng có một thứ dân nhậu mê hơn khi nó dính câu đó là rắn nước các loại vì nó làm mồi nhậu thì không chê vào đâu, tôi lần mò đến đám câu của mình đã cắm, dưới ánh sáng lờ mờ của của con Trăng hạ tuần, tôi thấy một cần câu cong vút với sợi dây nhợ thật căng, lấy cành cây khô tôi khiều sợi dây nhợ rồi nắm nó kéo lên, cố mãi mà không lôi được con mồi ra khỏi mặt nước, một chút sợ sệt tôi kêu anh Ba đang ở gần:

  – Anh Ba lại xem con gì nó kéo dây cước căng lắm, em kéo hoài mà không lên, lại phụ em với.

  Bằng cặp mắt nhà nghề anh Ba nói:

– Thôi rồi nó đó, Phương để anh trị nó cho, rắn đó Phương ơi.

Nghe xong câu nói của anh Ba tôi lật đật quăng hết mọi thứ có trên tay và co giò phóng thẳng lên bờ, anh Ba và thằng Cảnh cười nắc nẻ, thằng Cảnh còn lợi dụng cơ hội nó phang theo tôi một câu:

  -Cái thằng quỷ Phương này nó nhát khích hà anh Ba, để đó cho em.

Chừng không yên tâm, anh Ba hỏi thằng Cảnh:

  – Liệu được Không Cảnh, còn không để đó cho anh.

Không chờ anh Ba nhúng tay vào, thằng Cảnh nó nhào tới sợi dây câu chẳng biết bằng cách nào nó lôi con rắn nước thật to lên khỏi mặt nước.

  Anh ba mừng quá, vì thấy con mồi to anh vỗ vai thằng Cảnh và nói:

– Giỏi lắm nghe Cảnh, thôi gom đồ mình  về.

Xa xa phía hướng bắc phi trường đột nhiên có những đóm hỏa châu từ mặt đất phóng lên soi sáng cho đêm trường để chúng tôi khỏi lạc bước khi quay về.

Buổi sáng cuối tuần đầu tiên tôi khoác bộ đồng phục “Thiếu niên Thần Phong”, bộ đồ đen thật gọn ghẽ, phù hiệu đầy đủ y như chú lính không quân thứ thiệt, cái nón kết đen trên đầu có phù hiệu tròn hình con rồng há to miệng phía bên dưới có hai chữ Thần phong rất đẹp,  vừa đến bến xe Lô Sài Gòn Biên Hòa tôi gặp hai người cũng mặc bộ quần áo y như tôi đang chờ xe để đi Biên Hòa, khi đến gần tôi chợt nhận ra thằng Trọng và thằng Hạnh, mừng rỡ vô cùng vì có bạn đường vừa có đồng đội thì còn gì bằng, khi hỏi ra thì tôi được biết anh em thằng Trọng vô Thần Phong là do anh Hai nó là sỹ quan của Phi trường này đưa vô.

  Chúng tôi được huấn luyện đủ thư trên đời, từ văn hóa đến đồng đội, kỹ thuật hướng đạo, mưu sinh thoát hiểm v.v…

  Vậy là ước mơ vỗ cánh chim bằng trên các vùng trời quê hương của tôi đã một phần thành sự thật, nhưng cuộc đời không phải là mơ, không phải hoa hồng lúc nào cũng rãi đầy như tấm thảm nâng gót phiêu bồng cho ta đi suốt đoạn đời.

  Từ lúc khoát bộ đồng phục này, đám bạn học của tôi biết được đứa nào cũng trầm trồ khen ngợi có thằng nói:

  – Ông Phương nè, công nhận ông chơi bộ đồ này oai phong lẫm liệt lắm nhe, nếu có hoa mai nở trên ve áo nữa là hết phản luôn. Mấy con bé bên trường Chân Phước Liêm nhìn lén ông hoài đó nghe.

( vụ này có hôm cao hứng tôi mặc vô trường sau giờ tan trường để khoe ấy mà).

  Nghe đám bạn bình phẩm tôi cảm thấy vui mừng, giờ nhìn lại thấy lúc ấy sao mình làm hơi lố.

  Thời gian trôi qua, tôi đi Thiếu niên Thần Phong được chừng hai măm, gia đình gặp nhiều chuyện không may, không còn khả năng và thời gian tham gia với anh em thằng Hạnh thằng Trọng nữa, tôi đành giã từ đồng đội trong tiếc nuối, tội nhất là anh Ba khi nghe tôi không tham gia nữa anh dậm cẳng kêu trời, đương nhiên anh sẽ bị cấp trên quở trách việc tôi vắng mặt, nhưng anh kêu trời vì anh muốn tôi được chắp cánh bay cao thoát khỏi cảnh tăm tối của cuộc đời trong xóm nghèo thân thương mà không được

Anh Ba ơi, vật đỗi sao vời nên em không thể theo con đường anh chọn cho em, xin nợ anh một món nợ ân tình, ngàn lần xin lỗi anh, giờ này anh ở đâu, một vùng quê nào đó ở Long An hay vùng trời xa tít nào đó, em cũng mong anh chị được an lành, riêng em kỷ niệm của cái thuở biết buồn ngày xưa lúc nào cũng có hình ảnh anh chị ngự trị trong đó.

Viết xong 17.3.2016 Tại cà Phê Phố Q1 SG

NHẢY VÔ BƯNG ÔNG THOÀNG

  (Hai Hùng SG)

Học hành dang dở buồn quá tui dự định đi đâu cho thật xa, nhằm để “ẩn cư” như mấy ông đạo sỹ trong những truyện cổ tích ngày xưa mà tui đã đọc qua.

 Biết ý định của tui nên anh Sanh, một người anh ở cùng xóm mà tui quý mến đã tới nhà an ủi tui, ảnh nói:

 -Chèn ơi gì mà ẩn cư Phương ơi! học ở trường không xong thì học ở trường đời, thiếu gì cách học hơi đâu buồn.

 Rồi anh rủ tui ra quán cà phê của chị Văn để tâm sự, chị bán ở bên kia đường nơi đối diện con hẻm vô xóm tụi tui đang cư ngụ.

 Ngồi bên ly cà phê đá thơm ngon của chị Văn mang ra, hớp một ngụm nhỏ rồi tui hỏi anh Sanh:

 – Hồi nãy anh nói hoc ở trường đời là sao em không hiểu.

 Anh Sanh từ tốn giải thích:

 -Có thể mình sẽ đi làm để chung đụng thiên hạ, rồi học những điều hay lẽ phải của người đi trước, còn không thì đi lính, chọn đời binh nghiệp rày đây mai đó cũng thú vị lắm nghe Phương.

 Nghe anh Sanh đưa ra hai lựa chọn tui khá phân vân, không biết chọn cách nào để cho khuây khỏa và nuôi được tấm thân không phải ăn bám gia đình hoài được.

 Bẩt chợt tui lại thấy cái phù hiệu Binh chủng anh Sanh đang phục vụ may trên cánh tay áo của anh, tui thấy hình một ngôi sao Năm cánh màu đỏ nhạt, có một thanh kiếm nằm chính giữa, chuôi kiếm nằm bên dưới mũi kiếm chĩa thẳng lên trên hình ngôi sao này nằm trên một nền trắng hình bát giác ngó thật đẹp ( Lúc sau tui mới biết là phù hiệu của Biệt khu thủ đô), tui bèn hỏi anh:

 -Chèn ơi! Hôm nay anh mặc bộ kaki  ủi hồ láng cón bộ dự lễ gì hay sao vậy?

 Anh Sanh nói :

 -Lễ lộc gì Phương ơi, lính văn phòng phải vậy thôi, lè phè là bị mấy sếp bố cho một trận , nhẹ thì cảnh cáo , nặng thì đẫy ra mấy Đại đội tác chiến mặc sức mà lè phè.

 Tui nghe vậy mới hỏi tiếp anh là lính ở đâu, anh cho biết anh quân số thuộc Phòng một Tiểu Khu Gia Định, nơi làm việc của anh đối diện với Lăng ông Bà Chiểu ( Nơi có lăng mộ và ngôi đền thờ phượng ngài Tả Quân Lê văn Duyệt), anh nói tiếp : 

 – Hay là Phương gia nhập vô làm lính của tiểu khu đi, anh quen biết anh gửi gắm cho mấy sếp thì cũng không phải cực khỗ gì đâu.

 Sau một hồi được thuyết phục, tui nghe theo anh Sanh để gia nhập vào quân ngũ.

 Sáng hôm sau anh lấy chiếc Gobel của anh chở tui vô nơi anh làm việc để đăng lính, người làm hồ sơ quân bạ cho tui là Hạ sỹ Nại ( Người Việt gốc Hoa ông có tiệm mỳ bà Nại ở gầm xóm gà rất nổi tiếng, nay đã nghỉ bán) là bạn thân của anh Sanh, đang ngồi khai hồ sơ thì có một viên Thiếu úy trẻ đến gần bên lên tiếng hỏi :

 – Có thôi bú chưa mà đi lính vậy ông con. Ai đưa vô vậy?

  Tui chưa kịp trả lời, anh Sanh bèn lên tiếng cho Thiếu úy Ngạn sếp của anh:

 – Đây là thằng em trong xóm ở sát bên nhà em đó Thiếu úy, nó đang buồn đời nên muốn đi đây đi đó cho phỉ chí đó Thiếu úy 

   Ông Ngạn nghe anh Sanh nói vậy ông bèn nói với tui:

 – Trời ơi. Vô lính là cực khỗ dầm mưa dãi nắng chứ không phải nơi để đi du ngoạn đâu ông con, nhiều khi đụng trận không may bị thương hoặc bỏ mạng cũng không chừng, ông con nghĩ kỹ chưa?

 Không cần suy nghĩ tui đáp liền :

 – Dạ em muốn đi mà Thiếu úy, cực khỗ gì em cũng chịu được.

 Thiếu úy Ngạn vỗ vai tui một cái ông nói:

– Chú em mầy ngon ta, anh Nại làm hồ sơ xong đưa tui trình ký liền.

 Sau câu nói này ông móc trong bóp ra tờ giấy bạc một trăm đồng đưa cho tui, Thiếu úy Ngạn nói :

 – Cho chú em mầy dằn túi vài hôm vô quân trường cần gì thì mua.

 Tui chưa kịp cám ơn thì ông vội quay gót đi lên văn phòng.

 Anh Sanh với Hạ sỹ Nại vui mừng với việc này, ông Nại nói với tui :

– Số mầy đẻ bọc điều đó nha chú em, lần đầu tiên tao mới thấy ông Ngạn cho tiền Tân binh như vầy.

  Đêm đó khi nằm trong trại Ngô Tùng Châu, nơi các tân binh chờ khám sức khỏe và lãnh quân trang để đi thụ huấn tui thấy ấm lòng với cách cư xử của ông Ngạn.

  Ba tháng quân trường mồ hôi đỗ quả thật không sai, quân trường Vạn kiếp nơi đám lính sữa tui tui bắt đầu trui rèn để trở thành những người lính thật thụ để bảo vệ biên cương sau này.

 Thiếu úy Ngạn dẫn đầu đại đội khóa sinh tụi tui, tui mừng vì ông đã dành cho tui chút tình cảm buổi ban đầu, giờ ông chịu trách nhiệm làm sếp đại đội 351 Điền khuyết của nơi quân trường, tui được mang danh số 27 kể từ đây thì không còn gọi tên cúng cơm do cha mẹ đặt cho mình nữa, đi đâu làm gì cũng xưng danh 27 cho đến ngày mãn khóa mới thôi.

 Đêm đầu ở Vạn Kiếp tui nằm ngủ kế bên thằng Phích và thằng Thế, thằng Phích dân Hốc Môn ở làng Xuân thới Thượng, nó mang danh số 11, thằng Thế mang số 35 nhà ở đường Tùng Thiện Vương bên quận 8, ba đứa tui thân nhau lắm, lúc giỡn chơi tụi nó kêu tui là con Rùa vì mang danh số 27 theo mấy người đánh số đề đặt cho, thằng Phích thì bị tui ghẹo là chó con, đau nhất là thằng Thế mang số 35 thì là chánh hiệu Dê xồm rồi còn gì mà bàn cãi, cũng vì danh số này khi ra các bãi tập ở quân trường thằng thế bị mấy em bán hàng nơi bãi tập xúm lại ghẹo quá chừng, ban đầu nó có thái độ không hài lòng , nhưng về sau nó yêu cái danh số 35 này, vì có một cô nàng bán nước giải khát nơi bãi tập đã “Thề non hẹn biển” với nó …

 Thắm thoát ba tháng ăn cơm nhà binh ở Vạn kiếp cũng xong, chia tay cô người yêu thằng Thế tặng cô nàng toàn bộ nhu yếu phẩm mua đợt cuối ở quân trường cho nàng, từ đó về sau hai người bặt tin nhau luôn khi tụi tui về đơn vị mới.

 Ba thằng tui được bổ sung về Đại đội 3/665 một đại đội biệt lập trực thuộc Tiẻu khu Gia định, đơn vị tui đóng quân ở đồn tại chân cầu Mỹ Thủy trên con tỉnh lộ đi từ ngã ba Cát lái xuống xã Thạnh Mỹ Lợi thuộc quận Thủ Đức, Đại đội trưởng là Trung úy Huỳnh một sỹ quan trẻ nhiệt huyết dẫn dắt, trình diện ông xong ba thằng tui được đưa về trung đội 2 đóng ở nhà dân nơi xóm nhỏ ven đường của ấp Mỹ Thủy, về Trung đội chưa đầy tuần lễ thì bữa nọ Thiếu úy Tạ Mạnh Trường ( Nhà ở quận 3 Sài gòn) đã thông báo cho cả Trung đội sáng mai sẽ đi hành quân trực thăng vận vô miệt Bưng ông Thoàn, tuy mới về đơn vị nhưng địa danh cầu Vỏ Khế , Xã Bình Trưng, xã Long Trường, Bưng ông Thoàn là những nơi rất nguy hiểm, các đơn vị  đóng quân vùng này cũng rất e dè khi hành quân đến đây, vậy mà sáng ngày mai tụi tui sẽ đặt chân vô một trong những địa điểm này. 

 Năm giờ ba mưoi sáng xe GMC đã đưa tụi tui đến trục lộ nằm gần cầu Vỏ Khế chờ hợp đoàn trực thăng đến bốc đi.

 Lần đầu tham dự cuộc hành quân tăng phái cho Liên đội 3/1 chịu trách nhiệm, tụi tui rất hồi hộp, nhìn hai đứa bạn thân của tui tụi nó cũng đăm chiêu ra mặt, không biết cuộc hành quân này lành dữ ra sao, thằng Thế thì cầu nguyện Chúa che chở cho nó, Thằng Phích thì mân mê Phật đeo nơi cổ miệng lâm râm khấn vái, tui cũng vậy tui mân mê cái bùa Hộ mạng do sư phụ thằng Cảnh bạn tui trong xóm tặng cho..

 Tiếng trực thăng xé gió đưa tụi tui vô vùng Hành quân, phi công Hoa kỳ bay ra hướng cầu Rạch chiếc ngoài xa lộ Sài gòn, rồi từ hướng này họ bay thẳng vô Bưng ông Thoàn, tui diễn tả dài dòng vậy đó nhưng từ lúc đặt đít lên sàn trực thăng cho tới nơi phóng xuống đất chừng vài phút bay, trong bụng tui nói :

-Mẹ họ ngồi chưa nóng đít.thì nhào xuống sình rồi.

 Tiếng hai nhân viên xạ thủ trên trực thăng thúc giục liên hồi:

 – Go….go…

 Ngó xuống bên dưói trực thăng khi còn cách  chừng một mét, tui thấy toàn là những bãi sình lầy chen bên cạnh mấy rặng dừa nước, các con rạch nhỏ uốn éo quanh co, thầm nghĩ địa thế này ai sống cho được mà hành quân cái giống gì, chưa kịp định thần tui được viên xạ thủ phi hành đẩy nhẹ vô lưng khiến tui lao xuống sình tức thì, khẩu súng M16 mới cắt chỉ của tui ngậm sình toàn bộ nòng súng, tui chới với cựa quậy trong vũng lầy cố trườn trên mặt sình để di chuyển theo đoàn quân, ác thay đôi giày “Bốt đờ sô” bằng da láng cón “si ra”của tui mang trên chân bây giờ thành kẻ phản chủ, nó quật tui té ngã mấy lần khi đi trên bờ đê trơn trượt, đén một đọan phải qua con rạch mới di chuyển tiếp đến mục tiêu lục soát được, lần theo sợi dây dù do đồng đội căng sẳn để qua con rạch khá sâu này, lụp chụp tui bị hụt chân, cái nón sắt rơi khỏi đầu mau chóng chìm nghĩm dưới con rạch, tui quơ tay để chụp cái nón sắt dè đâu hụt tay khỏi sợi dây dù, cái ba lô nó kéo tui xuống đáy rạch, vũng vẫy vì uống nước đến ngộp thở, thời may anh quân nhân đồng minh là cố vấn Mỹ đi phía sau thấy tui lâm nạn anh thò tay nắm tóc kéo tui lên đưa vô bờ, anh còn mò cái nón sắt dưới đáy rạch trao cho tui, được anh cứu sống trong chuyến nhảy trực thăng đầu tiên trong đời binh nghiệp, tui Thank you anh ta thật nhiều lần, anh cũng thấu hiểu tâm trạng của tui anh ôm lấy tui như vỗ về khi qua cơn hoạn nạn.

 Tiếc một điều tui không đủ ngôn ngữ để bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với anh, cũng như biết được tên và đơn vị của anh để gửi lời cảm ơn qua khu bưu chính.

 Vậy đó, các bạn thấy tui đi hành quân lần đầu tiên trong đời binh nghiệp rất ngu ngơ phải không, cũng may phước là suốt cuộc hành quân không có chạm địch , nếu có thì tui có thể cũng đã theo ông theo bà dạo đó rồi, vì khẩu súng đã bị “Bịt mỏ” lấy gì đánh đấm.

  Cũng nên nhắc lại chút cho vui, ngày xưa mấy ông lính chủ lực quân hay gọi binh chủng tụi tui là “Địa Phao câu” thay vi đúng tên gọi là Địa Phương quân, suy cho cùng gọi gì thì gọi, các anh gọi cho vui thôi chứ không có ý châm chọc chê bai gì, ở đời thông thường.được cái này thì mất cái kia, tụi tui vốn là lính địa phương, có kẹt kẹt nhớ nhà thì đón xe lam xe buýt, xe đò vù về nhà vài ba tiếng đồng hồ rồi về đơn vị, xui gặp mấy anh Quân cảnh lấy cái tu huýt réo lại, các anh xét giấy thấy đúng là lính địa phương họ du di bỏ qua không hốt về Quân vụ thị trấn, còn các anh lính chủ lực quân thường xa nhà đăng đẳng muốn thăm nhà phải có phép còn “Đi dù” về thăm nhà thì khó khăn đủ thứ, thôi thì vị trí nào thì ngày xưa cũng vì bổn phận công dân thời ly loạn thôi phải không các bạn.

 Tui viết câu chuyện này để nhớ lại ơn của anh cố vấn Mỹ năm xưa cứu mạng mình, để hoài niệm về một thời đã qua thôi các bạn nhé.

            29.12.2022

Cút Bắt Trò Chơi

Tác giả :Hai Hùng Sg

Tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sài gòn, nơi mà một thời mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông, nói là nói vậy cho oai chứ kỳ thực thời ấy từ thủ đô Sài gòn mà đi vào nơi tôi sinh sống cách nhau tròm trèm gần năm cây số, thậm chí đôi lúc từ ngữ trên báo chí ngày xưa trước năm 1975 người ta còn cho nơi đây là vùng ven đô, đất nước nói chung và Sài Gòn nói riêng thời ấy thật thanh bình, cái tình người thắm thiết chan hòa mà quả thật vậy vào những năm 1960 lúc ấy tôi còn là đứa trẻ ăn chưa no lo chưa tới sau những giờ học ở trường thì cả bọn con nít trong xóm tôi xúm xít bên nhau chơi những trò của con trẻ, thời bấy giờ trò chơi chủ yếu là những trò tiêu khiển tốn rất ít tiền như: đánh đáo bằng những đồng tiền loại 5 cắc có in nổi một mặt là Tổng thống của nền Đệ nhất Cộng Hòa mặt bên kia là hình bụi tre là biểu tượng Quốc huy, còn các đồng xu nhỏ hơn thì có hình cô gái đầu búi tóc thật cao trông thật khỏe mạnh, hoặc chơi trò “Năm mười mười lăm hai muơi..”

                  *

Một hôm, sau cái màn tay trắng tay đen, thằng Thành là đứa bị nhắm mắt úp mặt vào tường để cho cuộc chơi được bắt đầu:

– Năm mười, mưòi lăm, hai mươi…, một trăm.

Nó xòe bàn tay và vỗ mạnh 3 cái vào vách tường, đồng thời đếm tiếp:

– Một hai ba, đứa nào chạy ra bị bắt ráng chịu.

Trong lúc thằng Thành đang năm mười thì cả bọn chúng tôi túa đi khắp nơi, đứa thì leo lên cây, đứa thì trốn trong chòm mả nơi có những ngôi mộ làm bằng đá ong cũ kỹ, đứa thì lẫn mình vào mấy bụi tre, nhưng thường thì những bụi tre thì mấy đứa tụi tôi không thích trốn ở đây, vì đơn giản là dễ bị gai của tre cào gây thương tích, khi tàn cuộc chơi về đến nhà thế nào cũng được ba má cho ăn “Bánh tét nhưn mây”, thét rồi đứa nào cũng né chỗ trốn hắc ám đó hết, nhất là mấy đứa con gái trong xóm không bao giờ tụi nó dám bén mãng đến bụi tre, chòm mả do sợ ma, cứ như vậy đó con trai tụi tôi suy ra yếu điểm này nên tìm đến nơi sạch sẽ là xí được các cô nàng liền.

Tôi nhớ hôm đó thằng Cu, con của bà Mười Quán phá lệ, nó chui vào trốn trong bụi tre gai bên vệ đường mà không ai biết, nó nằm im thin thít trốn rất kỹ, cả đám nhóc tụi tôi đều bị thằng Thành xí hết ráo, chỉ còn lại một mình thằng Cu là chưa thấy tăm hơi của nó đâu cả, bầu trời dần mờ tối những bóng đèn điện vàng vọt bắt đầu bật sáng bên đường, cả đám lo lắng vô cùng, bỗng tiếng thằng Lập một đứa trong đám bạn nói rú lên:

– Ơi tụi bây! Có khi nào thằng Cu bị ma giấu không ta? mấy ngày trước tao nghe ba tao nói cái xóm đường đất đỏ của mình có ma đó.

Nghe thằng Lập nói đến đây tự dưng tôi thấy mình bị hiện tượng “Nổi da gà” như có một luồng điện chạy tê rần nơi sống lưng, vì câu nói của thằng Lập nó trùng với câu chuyện chú Út tôi kể cho lũ trẻ trong xóm nghèo mỗi khi đêm về, chú kể rằng:

– Mấy đứa bây biết không, hồi đó thời người Pháp còn ở Sài Gòn mình chú cũng còn trẻ, ba của chú nói ngày xưa có bà Tám ngụ tại cái xóm chuồng Trâu, xóm này nằm gần chùa Giác Quang ở chợ Cây Thị, đặc biệt khi trời về khuya, chừng khoảng mười giờ thì tiếng rao hàng ngọt ngào của bà Tám vang lên:

– Ai chè đậu đen, bột báng, nước dừa, đường cát trắng hông.

Có hôm bà Tám vừa đặt gánh chè đậu dừng lại nghỉ chân nơi mấy bụi tre gai ven đưòng, tiếng rao lảnh lót của bà Tám vang lên mọi khi, đứa cháu gái nhỏ đi theo phụ bà Tám bán hàng, nhiệm vụ nó là cầm cái đèn bão loại đèn ngày xưa có bốn mặt kiếng chung quanh, có khi đuợc sơn thêm màu xanh, đỏ vàng lên kiếng để tránh chóa mắt người đi

đường, đèn này dùng nhiên liệu là dầu hỏa mà dân miền nam hồi đó gọi là dầu hôi bên trong có sợi tim đèn bằng sợi bông chắc chắn, đèn phát ra ánh sáng vàng rất tiện lợi cho những người nghèo buôn gánh bán bưng như bà Tám, nó còn công dụng chống được những cơn gió lớn mà đèn không bị tắt nên người ta đặt tên cho nó là đèn bão, còn những tiệm quán sang trọng hồi đó thì xài đèn ” Măng xông ” loại đèn hiện đại của người Pháp du nhập vào Việt Nam, cũng xài bằng dầu hôi, nhưng có thiết kế cái bơm hơi làm tăng áp suất trong bầu đèn, khi đốt đèn thì nhờ áp suất này tim đèn cháy cho ánh sáng trắng khác với đèn dầu Hoa Kỳ một trời một vực.

 Vừa,đặt gánh chè xuống đất, bà Tâm  lên tiếng:

– Gái Ba! Mầy đem đèn tới đây để dì Tám đão lại nồi chè để nó khỏi bị khét coi con.

Con gái Ba làm theo lời bà Tám, khi nắp nồi chè đậu được mở ra, khói ùa bay lên gió cuốn đi mang cái mùi hấp dẫn của nồi chè len lỏi vào những căn nhà lân cận ven đường, cũng nhờ vậy mà cả cái xóm đường đất đỏ nhỏ bé của tụi tôi là thân chủ hàng đêm của bà Tám.

Vơ cái vá khuấy nhẹ nồi chè, khi ngước nhìn lên thì bổng đâu trước mắt bà Tám xuất hiện gần cả tiểu đội lính “Pặt tê giăng” súng ống đầy đủ, hình như họ đang đi làm nhiệm vụ gì đó, nghe mùi thơm lừng của nồi chè nóng hổi của bà Tám khiến họ không cưỡng lại được, họ xà xuống vây quanh gánh chè, cả đám họ nói cười rôm rả,khi cầm chén chè trên tay họ đưa miệng húp rồn rột, mới thoáng một chút mà mỗi chú lính “Thanh toán” gọn ba chén chè vô bụng, chú Út còn nói tiếp, nghe đâu có ông lính chưa đã thèm, còn lấy cái cà mèn mua thêm mang về đồn để ăn tiếp, ăn uống thỏa thê xong thì một người lính ra dáng là sếp móc tiền trả, ổng còn hào phóng ” poa ” luôn cho bà Tám phần tiền thay vì phải thối lại cho họ.

Nghe đâu nhờ cái “vía” của mấy ông Tây nên chỉ loanh quanh gánh đến đầu đường là nồi chè bán hết sạch. Bà Tám và gái Ba trở về nhà, gái Ba lui cui dọn dẹp rửa ráy chén muỗng còn bà Tám thì ngồi lọm khọm đếm tiền, vừa trút rổ tiền ra “Bộ đi văng” bà Tám thất kinh hồn vía la làng:

– Ma.. Ma bớ người ta có ma, gái Ba ơi..cứu dì….. với.

Bà Tám kêu được như thế rồi tự nhiên bà thấy hai quai hàm như có ai bóp chặt khiến bà trừng mắt không thốt thêm được lời nào. Nguyên nhân trong số tiền bà vừa trút ra thì gần phân nửa là giấy tiền “Vàng bạc” một loại giấy tiền dùng cho người cõi âm do mấy ông Ba Tàu ở Chợ Lớn phát hành.

  Bà con lối xóm nghe tiếng la của bà Tám thì mọi người tông cửa nhà chạy đến rất đông, họ tưởng rằng nhà bà bị trộm cướp viếng thăm.

   Khi tỉnh hồn lại bà Tám mới kể kể sự tình và đoan chắc rằng tiền âm phủ này là do mấy chú lính khố xanh khố đỏ gì đó đưa cho bà.

Bà tám quả quyết:

– Mấy ông Tây này chắc chết trận được chôn phía đồng mả ở cạnh cầu hang đường ray xe lửa cũng nên.

Chuyện ma cỏ hư thực thế nào không rõ, nhưng kể từ đêm sau bà Tám giải nghệ không bán chè đêm nữa, nghe đâu bà con trong xóm cũng buồn buồn, vì từ đây không còn nghe tiếng rao hàng thân thương và cái mùi chè đậu đen nước cốt dừa đường cát trắng ngọt ngào thoang thoảng trong đêm nữa rồi, và cũng do ám ảnh cái rổ tiền vàng bạc hôm ấy nên bà Tám dọn nhà đi biệt xứ từ đó…

Vậy mà đêm ấy, thằng Cu con bà Mười quán nó trốn biệt ở đâu? mà có ma thật hay không? giả sử có con ma nào đó hiện ra lúc đó trước mặt chúng tôi thì tôi tin chắc rằng ít ra phải có một vài đứa té xỉu, một ẩn số mà lúc bấy giờ chúng tôi chỉ lò mò đoán già đoán non mà thôi.

 Con Hồng đứa con gái tham gia trò chơi được chúng tôi cử về nhà thằng Cu để báo hung tin:

– Bà mười ơi! Anh Cu chơi năm mươi với tụi con không biết ảnh trốn ở đâu tụi con tìm không ra. Tụi con sợ quá nên báo cho bà Mười nè.

Bà Mười hoảng hốt chạy đôn chạy đáo đầu trên xóm dưới để tìm cho ra thằng “Quý tử” của mình.

  Tin thằng Cu mất tích, lời đồn đại nó bị ma giấu gây rúng động cho lũ nhóc trong cái xóm nhỏ này.

Thế là cả xóm, người cầm đèn cầy, kẻ cầm đèn dầu tìm tòi hết mọi nơi cuối cùng cũng thấy nó đang khò khò trong bụi tre gai, nó mãi trốn và cố giấu mình thật kỹ, rồi nằm mơ màng gặp những cơn gió thổi hiu hiu làm cho đôi mắt nó sụp mí hồi nào không hay, đến khi nghe tiếng kêu ầm ĩ của mọi người nó mới lòm còm bò ra khỏi cái bụi tre gai, bà Mười gặp nó bà mừng rơi nước mắt, nhưng cũng không quên gõ vào mông đít của nó hai cây roi mây kèm theo lời hăm:

– Còn chơi kiểu này là má không cho mày đi chơi nữa, nghe chưa cái thằng kia.

Như biết lỗi, và ân hận đã làm mọi người hốt hoảng vì mình, thằng Cu tha thiết

– Con xin lỗi má, con không dám vậy nữa.

– Hứ chơi bời trốn tìm mà chui vô bụi rậm, ma nó chưa giấu bây thì rắn nó cũng cắn bây có ngày đó mấy con ơi.

Sau lần tai nạn đó tụi tôi thôi không còn chơi trò trốn tìm nữa. Còn nhiều nhiều trò chơi của tuổi thơ yêu dấu nữa như: Nhảy lò cò, chơi u, chơi ăn ô quan, thả diều, đá dế, câu cá, chia phe đánh trận như những người lính chống chọi với quân thù, ngày đó trong đám tụi tôi đứa nào phải làm quân địch trong cuộc chiến thì y như rằng đứa nào cũng tiu ngỉu chấp nhận làm phe ác một lần đó thôi, nếu lần sau mà chơi trò đánh trận thì phải đổi phe lại cho công bằng, có mấy cô bác lớn tuổi biết chuyện này đã lên tiếng:

– Mấy đứa nhỏ coi vậy chứ tụi nó cũng biết phân biệt chánh tà lắm nghe, làm phe địch là xấu nên hổng có đứa nào vui hết trơn hết trọi á.

Cái năm tôi thi đậu vào lớp Đệ thất, cả nhà tôi ai cũng mừng rỡ, tháng đó sau khi lãnh lương của hãng xong, để khao tôi có được cái thành quả vừa qua trong học hành, chiều hôm nọ ba nói:

– Chiều nay ba thưởng cho xem phim “Cầu sông wai” hay lắm, con nói thằng Lập, Thằng Kháng, với con Hồng nữa xin phép nhà nó cho đi chung với con luôn.

Nghe ba tôi nói cho mấy đưa bạn cùng đi xem hát bóng với mình tôi mừng ra mặt, mấy đứa ba tôi vừa kể tên cũng đạt kết quả tốt kỳ thi vừa rồi, tôi khẽ cám ơn ba và chạy nhanh đến nhà báo tin vui cho tụi nó, con Hồng mẹ nó đang bệnh nặng, ba nó thì đi chiến trường chưa về, ở nhà còn hai mẹ con hủ hỉ với nhau nên nó không đành lòng tìm niềm vui riêng cho mình.

Gần đến giờ hẹn, con Hồng mới lò dò đến nhà tôi, nghèn nghẹn trong lòng nó nói:

– Mấy anh đi chơi vui vẻ, coi hát xong về kể lại Hồng nghe cũng được mà, má Hồng trở bệnh nặng, Hồng phải canh chừng má, chứ không thì….

Con Hồng nói giữa chừng rồi nó ù chạy ngay về nhà.Tôi kịp nhận thoáng qua đôi mắt buồn buồn của Hồng đã đỏ hoe ngấn lệ…

Ba tôi dẫn chúng tôi lội bộ ra đến đầu ngã ba đường để đón xe, chiều vẫn còn chút nắng, không khí oi nồng, hơi nóng vẫn còn hắt lên từ con đường nhựa nơi chúng tôi đang đứng chờ xe, thỉnh thoảng cũng có chút gió thổi nhẹ qua làm dịu bớt đi cái nóng bứt rứt trong người.

Chiếc xe Ngựa vừa tấp vô sau cái vẫy tay đón của ba tôi, chủ xe một người đàn ông luống tuổi, ông trạc cỡ tuổi ba tôi, mặc trên người bộ “Pi ja ma” màu đen có ba cái túi áo thật lớn, tôi thấy ông bỏ trong đó nào là thuốc rê, hột quẹt, giấy tờ gì đó, và túi ông đựng tiền nằm phía trên ngực. Chiếc nón nỉ đẹp đắt tiền ông hay giở lên chào khi có khách lên xe, một phong cách mà thời nay dễ gì còn gặp lại. Con ngựa thì mang cặp kiếng bằng da màu đen che hờ đôi mắt, nó chỉ quan sát được phía trước, không thể nhìn hai bên, sau này tôi khi đi xe quen thân với chủ xe ngựa thì ông mới giải thích:

– Sở dĩ che như thế cho ngựa khỏi giật mình khi có xe qua mặt nó, để nó không sợ mà gây ra tai nạn.

Trên đầu con ngựa ông gắn một chùm lông đuôi của gà trống trông thật oai phong, quanh cổ nó được đeo cái vòng lục lạc, mỗi khi ngựa phi trên đường nhựa, bốn vó gõ lốc cốc hòa theo tiếng reo của lục lạc tạo thành âm thanh rất vui tai.

Sau này chúng tôi học năm Đệ thất một trường gần chợ Bà Chiểu, đi riết thành mối của ông Tám xe Ngựa, trong đám tụi tôi chỉ có mình tôi là ông Tám ưu ái cho ngồi gần ông phía trước, vì ngồi vị trí này thòng hai chân xuống khỏi phải cởi giày, còn đám bạn tôi thì lên xe phía sau phải cởi giày ra xỏ vào cái móc bên hông xe, đến nơi mới được mang giày lại như cũ vì trong lòng xe chật hẹp vã lại mang giày dép vào thì làm dơ tấm đệm lót dưới sàn xe thì không hợp vệ sinh cho lắm, đi xe Ngựa cũng lắm thú vui, nó cũng tròng trành như ghe gặp sóng lớn đôi khi Ngựa dở chứng khiến cả xe ai nấy mặt xanh như tàu lá chuối vì sợ rớt xuống đường do chú Ngựa tung hai vó trước lên cao khiến xe nghiêng hẳn về phía sau…

Cuộc sống cứ thế êm ả trôi theo tháng ngày, tôi còn nhớ năm 1963 Sài gòn sục sôi những biến động, năm đó bên quân đội họ làm đão chánh, Trực thăng mang ” Rốc két ” bay gần sát nóc nhà tôi, họ bắn đại liên trên máy bay hướng vào Dinh Độc Lập, vỏ đạn rớt lộm cộp trên mái tole nhà, cô bác chung quanh sợ hãi vô cùng, sợ sệt trong tình hình này vài gia đình tụ họp lại những căn nhà kiên cố trong xóm cùng nhau ở đó, nếu có gì xảy ra khi “Tối lửa, tắt đèn” có nhau thì yên tâm hơn, người lớn ai cũng trong dạ nao nao chờ đón thời cuộc, còn bọn con nít thì được dịp gần nhau thường xuyên thỏa thích chơi đùa, chúng tôi đâu có biết rằng cha mẹ chúng tôi đang rầu thúi ruột thúi gan, khi đất nước đang tranh tối tranh sáng của hai phe…

Rồi cuộc đão chánh thành công, nền đệ nhị Cộng hòa hiện diện trên quê hương….

Năm 1968, một lần nữa Sài gòn cũng như cả nước, khói lửa tràn lan, tôi và gia đình cũng suýt chút nữa  “Tiêu diêu miền cực lạc” bởi một trái đạn cối rớt trước sân nhà, cũng may là chúng tôi trốn kỹ trong hầm ngầm dưới đất, nếu không thì không có cơ hội bây giờ ngồi đây ghi lại những hình ảnh thân thương đang mờ dần trong ký ức.

Rồi thì sóng gió cũng qua, đến giữa năm 1970 là năm đám trẻ con ngày xưa chúng tôi đến tuổi lên đường nhập ngũ làm bổn phận công dân trong thời chinh chiến.

Tôi, thằng Kháng, thằng Lập cùng vào lính một ngày. Buổi đầu tiên vào nơi tiếp nhận, ba đứa chúng tôi đều mang tâm trạng nhớ nhà kinh khủng, mặc dù mới rời khỏi tổ ấm gia đình chừng vài tiếng đồng hồ, nhưng đêm ấy với chúng tôi nó dài thăm thẳm. Nằm cạnh bên nhau chúng tôi tâm sự, tôi nói nhỏ vừa đủ cho thằng Lập và thắng Kháng nghe:

– Không biết chừng nào mới vô quân trường hả tụi bây? Rồi lăn, lê, trườn, bò nữa. Mà tao nghe nói ở quân trường cái chuyện tắm giặt khổ sở lắm, nghe mấy ông anh trong xóm mình đi lính về kể lại, mùa khô thiếu nước sinh hoạt lắm.

– Ôi hơi đâu mà lo mầy ơi, chừng nào cũng được, chuyện tắm giặt thì mày làm như vầy… như vầy…

Thằng Kháng cố tạo ra chuyện vui để chúng tôi quên đi nỗi nhớ nhà, nó thì thầm bên tai tôi tưởng đâu nó hiến kế gì hay để có giải pháp tốt đối phó với khó khăn sẽ phải đối mặt sau này nên tôi chăm chú nghe, thằng Lập cũng xích lại gần cả ba đứa chúng tôi chụm đầu vào nhau trao đổi câu chuyện, bất chợt ai nhìn thấy hình ảnh này có lẽ sẽ để lại nhiều dấu chấm hỏi trong đầu, bọn này đang âm mưu gì đây?.

  Thằng Kháng vừa hiến kế xong thằng Lập phá lên cười, nước mắt nó chợt trào nơi khoé mắt cũng bởi chuyện thằng Kháng bày vẽ cho tôi giống như chuyện tiếu lâm làm nó cười ngất ngưởng, khiến mọi người trong “Sam” chăm chú hướng nhìn về chúng tôi. Riêng tôi thì đưa tay cốc vào đầu thằng Kháng một cái đau điếng kèm theo lời trách móc nó;

– Tao nói thiệt mà, vô đây mà mày còn giỡn được hả mậy, thôi khùng quá ông ơi.

Tôi còn co giò đạp thằng Kháng một cái nữa, sau này tôi ân hận với sự phản ứng quá trớn đối với nó.

Thằng Kháng nó bàn với tôi nếu sau này khi ra quân trường thụ huấn mà gặp phải cảnh thiếu nước sử dụng thì viết thư về kêu gia đình gửi lên cho cái thùng phuy loại 200 lít đục bỏ cái nắp trên rồi hứng nước mưa chứa vào đó thì coi như giải quyết được vấn đề thiếu nước, đúng là chuyện tiếu lâm không sai.

Ngoài trời bóng đêm dần bao phủ không gian, tôi thoảng nghe một vài tiếng kêu của lũ vạc bay đi ăn đêm, tiếng vo ve bên tai của lũ muỗi đói, cố dỗ giấc ngủ mà đôi mắt đứa nào cũng ráo hoảnh, ba đứa chúng tôi nằm im thin thít, mỗi đứa đang theo đuổi suy nghĩ riêng của mình, chợt thằng Lập nhìn vào mắt tôi nó hỏi:

– Bộ nhớ em Hồng phải không?

Thằng Lập nó gãi trúng chổ ngứa của tôi, như sợ quê với nó tôi nói:

– Gì mà nhớ với nhung, có chăng đi nữa thì cũng hết khóa huấn luyện thì may ra nhung với nhớ mầy ơi.

Thằng Kháng lúc này nó mới lên tiếng:

– Học ra trường xong về đơn vị mới, mầy kêu bác năm nói với thím Hai cho mầy với con Hồng “Châu về hiệp phố” cho rồi, ông bà mình nói cưới vợ phải cưới liền tay đó nghe mậy.

Nghe thằng Kháng nói như vậy, trong lòng tôi ngờ ngợ nhớ lại câu nói của Hồng cái hôm hai đứa hẹn nhau để nói lời tạm biệt:

– Anh Phương cố gắng làm tròn bổn phận công dân đi, ở Hậu Phương thiếu gì em gái nhỏ chờ đợi, duyên kiếp đều có số phần hết anh đừng lo nhé.

Câu nói đùa của Hồng khiến tôi không vui lắm, tôi ái ngại vô cùng và tự hỏi không hiểu Hồng có thể chờ đợi mình trở về hay không? Chiến trường bắt đầu sôi động trở lại, chiến sự ác liệt, tin tức dội về hàng ngày, có những chàng trai ra đi như tráng sĩ kinh kha, để rồi cũng có nhiều thiếu phụ Nam Sương chờ chồng trong mòn mỏi đợi chờ. Lần ra đi này tôi linh cảm chuyện tình yêu của mình nó có vẻ mang một màu Xam  xám, đã vậy nghe thằng Kháng đốc thêm vào thì thật lòng mà nói trong lòng tôi như ngổn ngang trăm mối tơ vò.

Rồi thì ba tháng quân trường ở Dục Mỹ cũng xong, ba tháng dầm mưa dãi nắng, thao trường mồ hôi đổ, cả ba đứa chúng tôi đều được tiểu đoàn trưởng của Trung tâm huấn luyện khen ngợi tinh thần học tập, đêm cuối ở quân trường lần đầu tiên trong đời ba thằng nhóc sợ ma ngày nào cùng nhau nốc Larue đánh dấu  một buổi mãn khóa ra trò ở cái lò luyện thép này, nơi đã un đúc tinh thần và thể xác chúng tôi thêm phần mạnh mẽ.

Rời trung tâm huấn luyện Dục Mỹ, chúng tôi lênh đênh trên biển, chiếc dương vận Hạm 505 rẽ sóng đưa chúng tôi trở về căn cứ Long Bình nơi hậu cứ của đơn vị chúng tôi phục vụ sau này.

 Ròng rã hai ngày hai đêm trên biển, trong lòng ai cũng nôn nóng mong về đến đất liền, qua hai ngày trên biển chỉ thấy mây, nước và đường chân trời, thỉnh thoảng cũng gặp vài đàn Hải âu bay lượn tìm thức ăn giữa biển trời bao la rộng lớn, lúc ấy thật sự chúng tôi mới cảm phục những người lính Hải quân, bởi họ cô đơn quanh năm với biển khơi mà họ còn chịu đựng được, với chúng tôi hai ngày trên biển như một cực hình vì không thể thích nghi với cái mênh mông của biển trời.

Đến hậu cứ Long Bình được một tuần, sáng nọ lệnh tập họp được ban ra, xe GMC đưa chúng tôi ra sân bay, từng chiếc Trực thăng Chinook đưa chúng tôi vào bay vào vùng lửa đạn, mặt trận An Lộc Bình Long hiện ra bên ô kính tròn của chiếc phi cơ, thấp thoáng trong mây chúng tôi thấy rõ mồn một nơi xa xa những cụm khói bốc lên cao do những phi tuần ném bom nơi vùng hỏa tuyến. Hạ dần độ cao, Phi công rà sát chiếc Chinook trên đầu những ngọn cây cao su bên phi đạo, khiến cây lá ngả nghiêng xào xạc do sức mạnh của cánh quạt gây ra, khi phi cơ đáp xuống gần sát mặt đất, tiếng hô vang của nhân viên phi hành người Mỹ:

– Go out.. Go out….

Chúng tôi vụt lao ra khỏi chiếc Chinook rồi chạy vào vạt rừng ven đường, cũng là lúc tiếng đạn pháo từ đâu nổ tới tấp, đất bị đào xới tung lên tạo những hố sâu hoắm, mùi thuốc pháo khét lẹt, không khí như mang nặng âm vang tiếng của lão Thần chết đang réo gọi hồn ai.

Tiếng phản pháo vang lên mội hồi lâu rồi cũng chấm dứt, trả lại sự yên tĩnh tịch mịch vốn có của núi rừng,

– Đại đội tập họp. Ngang dọc so hàng, 4 hàng dọc, đằng trước thẳng.

Tiếng khẩu lệnh của ông Thượng sĩ người có trách nhiệm đưa chúng tôi trình diện đơn vị mới đang hành quân nơi chiến trường.

Hàng ngũ xếp ngay ngắn, tôi tranh thủ liếc dọc liếc ngang quan sát nơi mình đặt chân trên chiến trường là nơi đâu, lòng tôi chợt bàng hoàng, trước mắt tôi có tấm bảng viết vội trên tấm ván ép mỏng manh hàng chữ Phi đạo Sa Cam, phía bên dưới là một nắm mộ đất dường như mới đắp gần đây thôi, trên cây Thập tự giá bằng hai thanh gỗ thông của thùng đựng đầu đạn cối 81 ly ghép lại, ai đó viết lên hàng chữ thay cho mộ bia một dòng sơn đỏ như máu của người dưới mộ kia đã tuôn ra vì mảnh đất quê hương yêu dấu.

Nơi tạm yên nghỉ: Chuẩn úy…..đại đội…tiểu đoàn…. Anh dũng đền nợ nước ngày……tháng…năm..

Được chào đón bằng những tràng đạn pháo, được thấy những anh hùng ngã xuống nơi tuyến đầu cũng không làm chúng tôi sợ sệt chùn bước, thầm khấn vái vong hồn người sĩ quan bạc mệnh kia, ông hiển linh hãy dìu chúng tôi bước qua cho đến ngày tròn cuộc chiến. 

Như có một phép mầu, như thấu hiểu sự tôn kính với ông nên có thể ông ta đã che chở cho tôi thoát hiểm nhiều lần trong gang tấc.

Chúng tôi về đến bộ chỉ huy tại thị trấn An lộc điêu tàn đổ nát, được tập hợp lại, sau một hồi huấn thị, lựa chọn, phân phối cho các đơn vị tác chiến trực thuộc, tôi là người duy nhất được chỉ huy phó đơn vị chọn ở lại bộ chỉ huy làm công việc chuyên môn, còn những anh em cùng khóa học được đưa về các tiểu đoàn tác chiến.

Tôi chia tay thằng Lập, thằng Kháng, vậy là chúng tôi mỗi đứa một nơi, trong mắt đứa nào cũng đượm buồn lưu luyến, tôi vỗ vai hai đứa nó và cầm lấy bàn tay, ba chúng tôi xiết chặt tay nhau ngầm hẹn ngày nào đó cùng nhau về lại Sài Gòn khi đất mẹ bình yên..

Tôi cố chọc cười hai đứa bạn thời niên thiếu:

– Tụi mình lại bắt đầu cuộc chơi năm mười nữa rồi đó, hai thằng bây đi trốn, và tao sẽ đi tìm…

Kỷ niệm xưa chợt hiện ra trong tâm trí, không hẹn nhau mà tự nhiên ba đứa nước mắt chạy thành dòng.

Đưa tay quẹt nước mắt thằng Kháng đáp lời tôi:

– Tụi tao đi đây, nhớ giữ sức khỏe nha, thư từ nhà có gì nhớ cho tụi tao biết với.

Nước mắt lại tuôn ra, ông Thượng sĩ già đứng gần bên thấy hết sự việc, hình như ái ngại điều gì ông ta nói:

– Ba đứa bây ở chung xóm với nhau hả, thôi đừng buồn, đóng quân cũng gần đây thôi, muốn gặp nhau dễ ợt hà, thôi đi đi kẻo anh em chờ.

Chiến trường vào mùa khô, mùa cao điểm của chiến trận, lao vào công việc hàng ngày, đối diện với nhiều cam go, có lúc tôi quên bẵng đi hai thằng bạn kia, quên cả cái gia đình ở Sài gòn, quên cả cái tình yêu bé nhỏ của Hồng, đứa con gái nết na thùy mị đùa vui trong quảng đời thơ ấu và tình yêu đến với hai đứa tôi tự hồi nào không hay.

Ba tháng sau, thư đi tin lại cho gia đình, cho người yêu. Lần này nhận lá thư của Hồng, không phải cái bì thư màu xanh hy vọng như những cánh thư trước, mà là bì thư màu trắng trinh nguyên, cũng là màu tang tóc, trong thư Hồng kể rằng:

– Anh Phương thương mến! Viết thư này cho anh, tuy tay thì cầm viết nhưng lòng thì không muốn, nhưng cuối cùng cũng phải viết cho anh, mẹ em  mất tròn một tháng, ba em thì đơn vị báo tin mất tích, đất trời sụp đổ dưới chân em, gia đình lâm cánh túng bấn, may nhờ một người ân nhân đứng ra gánh vác mọi chuyện, và anh ta cầu hôn em thật chân tình sau lần lo tang chế cho mẹ, vì nghĩa em đành phụ anh, mong anh đừng buồn, hậu phương còn rất nhiều em gái khác. Anh nhớ giữ sức khỏe.

Tạm biệt.

Ngàn lần yêu anh.

Đọc xong lá thư tôi không trách Hồng phụ bạc, nhưng tự trách mình vô dụng để vuột một mối tình trong trắng thơ ngay. 

Đổ vỡ trong cuộc tình với Hồng, thế là tôi gặp phải sự cô đơn như những chiến sĩ Hải quân dạo ấy, nhưng không phải cô đơn giữa biển khơi, mà tôi cô đơn giữa biển đời mênh mông vô định, sau vụ này tôi thẩn thờ cả năm thì vết thương lòng mới tạm liền da.

Buổi sáng nọ, đang loay hoay công việc, tôi nghe loáng thoáng phòng bên cạnh có tiếng sếp đang ra lệnh:

– Chiều nay xin trực thăng tản thương, chở mấy anh em thương binh ở ban quân y về Tổng y viện Cộng hòa, nhân tiện đem xác thằng Nguyễn công Lập, và thằng Dương văn Kháng về nghĩa trang Quân đội luôn.

Tôi bỏ ngay công việc chạy nhanh qua Ban 3 hành quân, hỏi han một lúc thì đúng là hai thằng bạn thân thiết nhất trong đời tôi đã ra đi vĩnh viễn, thằng Lập chết trước thằng Kháng nửa ngày do bị sốt ác tính quật ngã nó. Còn thằng Kháng thì dẫm phải mìn khi đi hành quân, thân xác nó vương vãi khắp nơi, đồng đội nó gom lại được một ít thịt xương gói lại trong chiếc Poncho từng che chở nó trong những cơn mưa rừng lạnh lẽo.

                   *

Chiếc trực thăng sơn màu tang trắng đáp xuống, trước mũi và  bên hông đều mang chữ thập đỏ, nó chở những thương binh và mang theo hình hài của hai đứa bạn tôi, cho đến khi chiếc trực thăng tải thương nọ chỉ còn một cái chấm nhỏ trên bầu trời vàng hoe nhuộm nắng, cũng là lúc tôi thốt lên trong vô thức:

– Xí thằng lập, xí thằng Kháng.Một.Hai. Ba.

Tôi vỗ tay ba cái vào cái thùng “Cô nét” nơi lưu giữ xác của hai đứa bạn như vỗ vào vách tường của trò chơi Cút bắt những ngày xưa./.

ReplyForward

Truyện ngắn ‘ĐỢI CHỜ’

            Hai Hùng Sg

Chải lại mái tóc đen mun bóng láng đôi ba lần vậy mà thằng Luận vẫn chưa vừa ý, nó quẹt ngón tay vô hủ “Bi lăn tin” lấy ra một ít rồi xoa đều trên đôi tay, Luận lại vuốt lên mái tóc khiến cho tóc của nó láng cón làm  cho tôi có cái suy nghĩ:

 “Gặp lại bạn cũ  thôi mà, tại sao thằng quỷ này làm như đi ăn tiệc ở nhà hàng vậy ta”

  Gần ba mươi phút trôi qua Luận vẫn chưa rời khỏi tấm kiếng lớn trước mặt, hết săm soi mái tóc, cái áo, cà vạt rồi đến đôi giày, nó lấy hộp “Xi ra” tân trang lại đôi giày nhìn thật láng cón, cuối cùng dường như không còn thấy khiếm khuyết nào nữa thì nó mới đưa mắt nhìn tôi và hỏi:

  – Ông thấy vầy được chưa? Gặp lại nàng phải chưng diện một chút chứ ăn mặc lôi thôi thì kỳ lắm.

  Nghe thằng Luận hỏi tôi mới biết, thì ra hôm nay hắn rủ rê tôi đi gặp nhỏ Hương là người trong mộng của hắn lúc trước, hắn đã thầm thương trộm nhớ cô nàng mà chưa một lần thổ lộ, những lần chạm mặt trong lớp, hoặc dưới sân trường hắn không dám nhìn thẳng vào đôi mắt bồ câu đẹp long lanh của Hương, thảo nào hôm nay đã bao năm dài xa cách hắn  cố  chưng diện để thu hút cái nhìn của Hương, lúc này khiến tôi liên tưởng đến cách kêu gọi bạn tình của một số loài chim, lủ chim cũng chải chuốt lông cánh rồi phô diễn những điệu múa lạ kỳ để chim mái chú ý khi đi tìm bạn tình, không muốn thằng Luận cục hứng tôi ghẹo  nó liền:

  – Tui nói thiệt ông đừng buồn nghe, lần đầu tui mới thấy ông ăn mặc thật đúng model đó, đây là cơ hội cuối cùng để ông ngỏ lời với nhỏ Hương, ông nhốt “Con thỏ” vô chuồng đi, chuyến này ông mà lần lựa nữa thì coi như “Rụt tùng” luôn đó nghe chưa.

  Thằng Luận nhìn tôi với đôi mắt như van nài, nó nói:

  – Tui biết rồi, không biết bao năm trời học chung trước kia, theo ông nhỏ Hương biết tui thích cô ta không? Mà nè ông Trí, xíu nữa gặp nàng ông nói phụ vô giúp tui, sao tui run quá chừng tim đập liên hồi mệt lắm.

  Thấy thằng Luận chưa chịu buông bỏ cái tính nhát như thỏ đế, ai đời nói lên tiếng lòng của mình với người mình yêu mến mà không dám mở lời, đã vậy nó nhờ tôi làm ông mai bất đắc dĩ cho mối lương duyên này, nếu suôn sẻ thì không có gì để nói, còn như sự việc không như ý muốn của nó thì chẳng những sẽ làm cho nó buồn mà tôi cũng bị  “Quê cơ” vì không có cái lưỡi như “Tô Tần” đễ thuyết phục được nhỏ Hương xiêu lòng với bạn tôi, tôi bèn nói với thằng Luận:

  – Tui thấy ông giống tâm trạng mấy bản nhạc Bolero sầu não quá, có bài họ diễn tả anh chàng nọ yêu mà không dám ngỏ lời, để rồi khi “Ván đã đóng thuyền” nàng ta hẹn chàng kiếp sau, nghe mà buồn não nuột, thôi được rồi tui chìu ông chuyến này thôi nghe, ba cái vụ làm mai này tui ớn lắm rồi.

  Nghe tôi “Phán” câu trên, thằng Luận khẽ cười, hắn còn vỗ  vai tôi hắn nói:

– Tui nhìn người không lầm chút nào, chỉ có ông là tốt nhất trong đám bạn ngày xưa, cảm ơn ông trước nghe, xong vụ này tui đền ơn ông cái đầu con heo mọi ông tha hồ mà nhậu.

  Tôi lấy tay thụi nhẹ vô ngực thằng Luận rồi nói:

– Ông này, ông làm như tui là  “Bợm nhậu” không bằng, mà trả công bằng đầu heo mọi coi sao được, chí ít cũng phải nguyên con heo mới xứng đáng công lao của tui.

Thằng Luận nó cười trừ sau câu nói của tôi, nó nói thêm:

– Trong đời tui chưa thấy ông mai nào đòi hỏi quá đáng như ông mai này hết nghe, thôi được rồi nguyên con heo và kèm theo kết Larue con Cọp luôn ông chịu chưa?

  Rồi chừng như chực nhớ đến giờ hẹn, nó thúc giục tôi:

  – Ông Trí đẩy chiếc xe đạp vào bên hông nhà đi, tui mượn chiếc Honda 67 của cậu Năm tui rồi, họp mặt đông đủ mà đạp cái xe cà tàng của ông đến chắc mấy nàng chẳng thèm nhìn mình đâu.

Tôi đáp trả Luận ngay:

  – Ông nói quá, mấy nàng lớp mình xưa nay đâu ai có cái tánh phân biệt nghèo giàu gì đâu, à tui nhớ rồi duy nhất có bà Minh con ông phó Quận là hay kênh kiệu thôi, chứ mấy nhỏ khác ai cũng dễ thương sống hòa đồng với mọi người, nhưng những năm về cuối sắp chia tay,  bà Minh cũng xuôi theo đám mình vì bả nhận ra làm “Tiểu thơ ” hoài nên không ai thích giao du với bả ông nhớ không?

Nghe nhắc lại chuyện ngày xưa, tự dưng thằng Luận hứng chí nó bèn “Góp vốn” thêm vô:

  – Nhắc tới bà Minh tui mới nhớ, cái hôm đầu tiên bả chạy chiếc Velosolex vô trường với gương mặt tự đắc, thấy chiếc xe mới cáu ai cũng ngước nhìn khiến cho bả càng làm điệu thêm, vui nhất khi tan trường cô nàng mới đạp có  mấy vòng, xe chưa có trớn vậy mà nàng vội đẫy cái cần ra khỏi ngàm khóa máy xe, khiến xe bị khựng lại rồi ngã ngang  làm cho bả té “bò càng bò niễng” thấy vậy cả đám cười rần lên, cũng tội nghiệp lúc này gương mặt bả quê một cục, hên cho bả mấy chàng học kế lớp mình chạy đến giúp, ông nhớ không ông Trí?

Tôi cười và trả lời:

– Trời chuyện đó không nhớ mới lạ à nghe ông, trong trường mình chỉ có cô nàng là có “Xế nổ” thôi nên ai mà không nhớ, thôi tới giờ rồi đi nhanh kẻo muộn.

Mùa hạ về khiến cho không khí vùng cao nguyên ngày càng khô khốc, ban ngày trời  nóng như thiêu như đốt, dưới ánh nắng chói chang của mặt trời soi rọi xuống khiến không khí như đặc quánh lại, con đường đất đỏ dẫn vào thị xã tung đầy bụi mù khi thỉnh thoảng có chiếc xe vụt chạy qua, ngồi sau lưng thằng Luận thấy nó lái chiếc xe thật điệu nghệ, bởi những ổ gà chi chít trên đường nếu không khéo thì xe lao xuống các ổ gà này, nếu nhẹ thì ê ê cái bàn tọa, còn nặng nề hơn nữa thì có thể hai đứa tôi sẽ là nhân viên ” Đo đường ” của Ty Công chánh, vậy mà thằng Luận lạng lách thật tài ba, thỉnh thoảng như muốn khoe cái tài này nó ngoái lại và hỏi tôi:

  – Sao, ông Trí thấy tui lái “Ngọt” ghê chưa, mấy tay yên hùng trên xa lộ ở Sài gòn gặp tui là tui cho ngữi khói hết.

  Suýt rớt khỏi yên xe chiếc Honda mấy lần, cũng may nhờ tôi bám chặt vào “Eo ếch” của thằng Luận, nhưng không muốn mất lòng nên tôi bèn “xạo” cho nó vui lòng:

  – Mình công nhận ông lái xe hay “Tuyệt cú mèo” luôn nghe, gặp mình cầm lái  thì hai đứa “Đo ván” từ lâu rồi.

  Nghe tôi khen xạo khiến nó tưởng thật nên hứng chí Luận càng  chạy theo kiểu  “Bạt mạng” làm tôi xanh máu mặt, tôi càng bám víu vào lưng áo nó, chắc cũng nhờ trời thương nên hai đứa tôi được bình yên khi đến nơi hò hẹn.

Quán cà phê có cái bảng hiệu khá lạ lẫm, chủ quán cà phê này không hiểu với mục đích gì mà đặt tên cho quán mình là  Cà phê “Đợi Chờ”, trong khi dọc theo con đường này những quán cà phê mang tên thật lãng mạng như: Thạch Thảo, Mây Hồng, Suối mơ.v.v….

  Vừa dắt xe vào sân, bà chủ quán cà phê đến bên chúng tôi đon đả mời chào:

  – Hai chàng trai của tôi đi với ai, có phải người quen của mấy nàng kia không?

  Hỏi xong bà chỉ tay vào phía bên trong quán, tôi vội đưa mắt nhìn vào thấy ngay ba cô gái đang giơ tay vẫy gọi chúng tôi.

  Tôi dùng tay ra hiệu báo cho các cô nàng chúng tôi đã nhận ra họ, tôi gật đầu xác nhận với bà chủ quán, thấy vậy bà lên tiếng nói tiếp:

  – Hai em đưa xe vào phía sau, có người trông coi dùm chị nhé, chúc hai em có một buổi thật vui ở quán chị.

Vẫn cái tính thỏ đế không chừa, thay vì cứ hiên ngang vào quán, khi gửi xe xong thằng Luận nó đẫy vai tôi, nó nói:

  -Ông Trí đi trước đi tui theo sau, mà ông nhớ nhe, nói phụ vô giúp tôi nhé, nếu thấy chổ nào thuận tiện ông  cứ nói chen vô, vì lúc còn  ở nhà tui nghĩ nhiều chuyện nói với Hương, vậy mà bây giờ nó bay đi đâu mất.

Tôi nhìn thẳng vào mặt thằng Luận, tôi thấy gương mặt nó xanh mét không còn chút máu, tôi phá lên cười rồi làm bộ nói lớn tiếng cố tình cho Hương nghe:

  -Hôm nay ra mắt bên nhà gái sướng gần chết, vậy mà ông đóng kịch với tui hoài, thôi vô lẹ để mấy người đẹp chờ.

  Vừa giáp mặt các cô nàng, chưa kịp chào hỏi thì nhỏ Hương đã vội lên tiếng:

  – Hóa ra hôm nay trùng với ngày ông Luận nhà mình đi hỏi vợ hả ông Trí?

Nghe câu hỏi của Hương tôi cười thầm trong bụng rồi tự nói với mình:

” Bà Hương này trúng kế mình rồi”

– Ừa, đúng rồi Hương ơi! Hôm nay là ngày ông Luận hỏi vợ đây, mà ông này cũng lạ nghe bà, con gái người kinh ở thị xã này thiếu gì, tự dưng ổng ưng cô người Thượng, cô ta thuộc tộc người Bana, hay Jarai gì đó, trưa nay nhà ổng lên làng Konjoret xem mắt nàng dâu nè, nhưng gặp bạn bè xưa cũ phải đặt lên hàng đầu, nên nghe mấy bà nhắn nhủ, hai đứa mình bỏ hết mọi việc đến đây đễ hầu chuyện với mấy bà nè.

  Dường như có chút thoáng buồn hiện lên đôi mắt nhỏ Hương sau khi nghe câu chuyện trên, cố trầm tĩnh Hương cười gượng:

  – Hi hi hi, lâu ngày không gặp mấy ông, tụi tui tưởng hai ông vợ con đùm đề rồi chứ. Ai dè mãi hôm nay ông Luận mới “Xuất giá”, còn ông Trí có cô nào “Nâng khăn sửa túi” chưa?.

Nghe câu chuyện tưởng tượng tôi tạo ra, rồi nghe Hương đối đáp như vậy, sợ vuột cơ hội, tự dưng thằng Luận lên tiếng:

  – Hương ơi! Bà quên ông Trí là chúa tiếu lâm hả, ổng nói vậy mà bà cũng tin, Bana, Jarai gì đâu ổng ghẹo mấy bà cho vui đó, hôm nay hai đứa được nghĩ phép, qua bạn bè nhắn nhủ nên tranh thủ gặp lại mấy bà hàn huyên tâm sự cho vui.

  Gương mặt Hương như vui hẳn lên khi nghe chính miệng của Luận nói ra, Hương quay sang làm cho tôi một trận:

  – Cái ông quỷ Trí này, cái tật cà rỡn không chừa, thôi gọi cà phê đi hôm nay phe tóc dài bao cho hai ông đó.

Thấy tình hình có mòi thuận lợi, tôi dò hỏi Các cô nàng về hoàn cảnh sống, nhỏ Huỳnh xem như ván đã đóng thuyền, nàng sẽ lên xe hoa về nhà chồng vào dịp cuối năm, lúc này tôi lại nhớ một vài câu thơ của nhà thơ Hàn mạc Tử trong bài Mùa Xuân Chín, có đoạn như sau:

“Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.

  Bao cô thôn nữ ở trên đồi.

  Ngày mai trong đám xuân xanh ấy.

  Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”.

Giờ thì còn lại nhỏ Hương và nhỏ Ngân thì vẫn “phòng không chiếc bóng”, trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ:

  “Sẳn dịp mai mối cho Luận, mình phải tấn công nhỏ Ngân luôn, sau này có đi đâu chơi thì đủ cặp”.

Cà phê  được mang ra mùi thơm bay ngào ngạt, ở vùng biên trấn cao nguyên này loại cà phê hảo hạng do bà con người kinh  trồng thành đồn điền, còn lại phần đông người Thượng trồng ven đường dẫn vào các buôn làng, đến mùa đơm hoa kết trái, các con đường trắng xóa hoa cà phê nở trên cành, khi đi trên những con đường làng này tôi có cảm giác như đi vào “Động  thai thai” như “Từ thức đang lạc bước vào cỏi thần thiên”.

Những giọt cà phê nâu sánh chầm chậm nhỏ xuống, nóng ruột vì cà phê chảy chậm, tôi đưa tay lấy nắp đậy cái phin ra, dự định khiều nhẹ miếng chặn trong phin lên cho cà phê chảy nhanh một chút, bổng đâu sau lưng tôi bà chủ quán giữ tay tôi lại, bà đậy cái phin cà phê lại như lúc ban đầu, kéo chiếc ghế mây của bàn kế bên bà ngồi xuống và nói:

  – Chàng trai này nóng vội quá, uống pha cà phê phải nhẫn nại một chút, gấp gáp quá cà phê chưa nở hết không ngon, các bạn biết tại sao chị đặt tên quán  là Cà phê  “Đợi Chờ”  hay không?

  Không đợi chúng tôi nêu thắc mắc, chị đã vào câu chuyện, sở dĩ chị có mặt trên vùng đất cao nguyên màu mỡ này là do cơ duyên trong một lần theo người bạn “Bỏ phố lên rừng”, để khám phá tình đất tình người nơi đây, lần nọ khi cùng cô bạn thân ngồi nghỉ chân trong một quán cà phê nơi phố núi, không hiểu do “Ông tơ bà Nguyệt” khéo se duyên hay không mà chị và anh chàng pilot quen rồi thương nhau từ đó, những lần hò hẹn hai người bay về Kontum để chị ra mắt cha mẹ bên người chồng tương lai, những tưởng con thuyền tình của hai người sẽ mãi mãi bên bến bờ hạnh phúc, nhưng định mệnh trớ trêu anh không về với chị trong một phi vụ nơi miền hỏa tuyến, suốt ngày hôm anh “Gãy cánh đại bàng” chị ngồi chờ anh trong vô vọng… thế là quán cà phê do chị làm chủ sau này mang tên “Đợi Chờ” với thâm ý anh vẫn còn hiện diện đâu đó trên cỏi đời này, chị vẫn đợi anh, chờ anh trong nỗi cô đơn vô vọng.

Chị vừa kể xong câu chuyện tình buồn của mình thì chị xin phép lui vào trong quán, chừng xem lại những phin cà phê đã cạn nước tự bao giờ, lúc này chúng tôi mới thấy cái tài dẫn dắt câu chuyện khiến chúng tôi quên cái chậm chạp của giọt cà phê, chúng tôi bắt đầu mến cái quán cà phê của chị từ đó.

Vành đai thị xã nơi đơn vị tôi và thằng Luận đồn trú sau bao ngày yên ắng bắt đầu sôi sục không khí chiến tranh, sau buổi hò hẹn cà phê với ba cô bạn học ngày xưa rồi thì chúng tôi cũng có đôi có cặp, cái cặp “ăn khách” nhất là nhỏ Hương và thằng Luận, hai đứa khi hiểu nhau rồi chúng quấn quít như sam, còn tôi với nhỏ Ngân chắc đường nhân duyên hai đứa không chung hướng, câu chuyện tình cảm của chúng tôi như  “Lục bình trôi sông” nên chúng tôi chia tay nhau, với hai đứa tôi chỉ còn đọng lại trong lòng tình bạn thời học trò đã qua.

Một đêm nọ đơn vị chúng tôi bị tấn công với hỏa lực mạnh của đối phương, nhờ công việc chuẩn bị phòng thủ tốt, nhờ các lực lượng phi pháo yễm trợ nên chúng tôi giữ vững phòng tuyến…

  Khi tiếng súng tan, kiểm soát lại lực lượng của đơn vị lúc này tôi mới hay tin thằng Luận đã tử trận, tôi như kẻ mất trí khi ghì xác thằng Luận bên mình, tôi đã khóc khóc thật nhiều cho thằng bạn rất đỗi thân thương, tôi trách nó:

  – Mầy hứa với nhỏ Hương những gì mầy nhớ không Luận, cặp nhẫn cưới sẽ không còn cơ hội nằm trên ngón tay của hai đứa bây rồi, mầy thất hẹn với Cha xứ để cha làm lễ hôn phối cho tụi bây rồi, mầy không còn dịp ngồi quán cà phê Đợi chờ để đấu láo với mọi người nữa rồi, và mầy còn nợ tao con heo quay và kết larue nữa.

  Tiếng Rít của cánh quạt chiếc trực thăng tản thương lao đi khi trời còn mờ sáng, nó chở theo xác thằng Luận và số thương binh, nó đã “đi xa” thật rồi tôi thẩn thờ nhìn bầu trời rộng lớn phía trên cao, tôi liên tưởng thằng Luận đang bay nhởn nhơ với đôi cánh thiên thần, tôi chắc rằng người hiền lành như thằng Luận sẽ được Chúa dang tay đón rước.

  Ngôi mộ đất của thằng Luận nằm ven đồi cà phê cạnh nhà nó, Hương tự nguyện làm dâu con trong nhà để sớm hôm gần gũi với mộ phần người mình yêu.

Một ngày giữa tháng ba năm Bảy lăm, toàn bộ Kontum rụt rịch triệt thoái quân về  miền duyên hải,  và rồi miền nam gãy súng khiến tôi trôi dạt vào tận Sài gòn sống đến tận giờ.

  Gần bốn mươi năm sau, tôi có dịp  trở lại nơi một thời của tuổi học trò hoa mộng, trở lại thăm những kỷ niệm còn chôn chặt trên miền cao nguyên đầy nắng gió, tôi tìm thăm lại mộ phần thằng Luận, tôi thăm lại nhỏ Hương để xem cuộc sống của nhỏ ra sao…

Tôi thất vọng hoàn toàn, những cảnh vật đã hoàn toàn thay đổi, dấu tích của một thời của ngày xưa không còn lưu lại một chút gì, ngôi mộ thằng Luận cùng đồi cà phê chẳng còn nữa, phố sá ánh điện sáng choang, con đường đầy ổ gà với bụi mịt mù  cũng không còn, còn chăng dĩ vãng đầy yêu thương nằm mãi mãi trong tâm trí tôi, Nhà Luận cũng dọn đi đâu mất những người lạ hoắc lạ huơ thế chổ vào, tôi cố hỏi để tìm Hương nhưng vô vọng, bỡi căn nhà này sang tên đỗi chủ mấy đời không ai biết Hương giờ ở đâu.

Tôi lân la tìm lại con đường có quán và phê “Đợi chờ” của năm nào, thêm một lần thất vọng, đường phố nhà cửa lạ lẫm khiến tôi buồn buồn cố nhớ lại gương mặt hiền của chị chủ quán, lại lần nữa tâm trí tôi lại nhớ những câu thơ:

  “Tạo hóa gây chi cuộc hí trường

Đến nay thắm thoát mấy tinh sương

Lối xưa xe cũ hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.”

Quay lại Sài gòn chốn phồn hoa đô hội, thời gian và công việc nơi đây nó lôi cuốn mọi người làm không ngơi tay để có miếng cơm manh áo, một chủ nhật nọ tôi thả bộ khu nhà thờ Đức Bà, sau một hồi tham dự thánh lễ nơi “Vương cung thánh đường” tôi ra công viên đối diện dinh Độc Lập ngày xưa để hít thở không khí trong lành buổi ban mai, vừa dựa lưng vào ghế đá thì có một người phụ nữ đội nón lá lụp xụp đến bên tôi chị ta mời:

– Ông ơi! Mua giúp tôi thuốc lá đi ông.

Tiếng người phụ nữ thật quen thuộc, tâm trí tôi nhanh chóng nhận ra tiếng nói nhỏ Hương ngày nào, tôi dỡ nhanh cái nón lá ra, đúng là Hương ngày nào đây rồi, thật tội nghiệp Hương tiều tụy theo năm tháng, riêng Hương ban đầu hốt hoảng nhưng khi nhận ra tôi Hương òa khóc và nàng ôm tôi thật chặt. Cơn xúc động lắng xuống Hương kể lại nỗi bôn ba thống khổ khi chạy từ miền cao nguyên về tới Sài gòn, nàng suýt bỏ mình mấy bận khi di chuyển trên liên tỉnh lộ 7B…

Tôi vuốt lại mái tóc Hương, rồi kể lại cho nàng nghe chuyến về thăm lại quê nhà cho nàng nghe, kể đến đâu cả hai chúng tôi nấc nghẹn đến đó, khiến các bạn trẻ đi ngang tưởng tôi hà hiếp Hương điều gì nên họ đứng quan sát chúng tôi với thái độ dè dặt…

Tôi và Hương quyết định chung sống với nhau đến cuối đời, trước ngày chúng tôi dọn về ở chung trong căn nhà nhỏ của tôi, chúng tôi lập bàn thờ thằng Luận đặt trang trọng trong gian thờ, hai đứa tôi thắp nén nhanh khấn vái vong linh thằng bạn thân ngày nào, mong nó không hờn ghen với cái hạnh phúc muộn màng của chúng tôi, Hương khấn vái thì thầm điều gì tôi không rõ, riêng tôi thì:

– Luận ơi! Hương là vợ tương lai của mầy, tao rất mong mầy và Hương sẽ là một đôi chim liền cánh, nhưng mầy đã phụ Hương mầy bỏ đi xa không hẹn ngày về, thôi thì số phận đã an bày, hôm nay tao và Hương hai người tứ cô vô thân gặp lại nhau nơi này, tụi tao sẽ ở đây sống với mầy trong căn nhà tao, mong mầy phù hộ cho Hương và tao không còn chia ly đến cuối cuộc đời.

  Cắm nén nhanh lên bàn thờ  thằng luận xong, tôi loay hoay làm việc lặt vặt trong nhà, bổng tiếng kêu to của Huong làm tôi giật mình:

– Anh Trí, anh Trí lên xem nhanh lên!

  Bỏ công việc dở dang phía sau tôi tức tốc chạy lên, Hương há hốc miệng chỉ tay vào lư nhang, những cây nhang chúng tôi cắm vào nó uốn tàn cong vút nhiều vòng, chưa hiểu ý Hương nói gì tôi hỏi:

  – Gì mà em la làng thấy ớn vậy?

– Anh xem kìa, anh Luận chứng giám lòng thành của vợ chồng mình rồi đó.

Nói xong nàng kéo tôi quỳ xuống lạy tạ ơn thằng bạn thân có nghĩa khí. Tôi thầm nghĩ thằng Luận nó rất hài lòng khi tôi đứng ra bảo bọc cho Hương, tôi ngước nhìn vào di ảnh của nó, tôi thấy nó nở nụ cười thật tươi như lúc nó thử xong bộ đồ vía hôm gặp lại nhỏ Hương mấy chục năm về trước, tôi cũng cười với “nó” rồi thì thầm:

  – Cảm ơn nha bạn hiền, thôi tao sẽ cúng cho mầy con heo quay và kết bia Heniken coi như huề.

  Tôi phá lên cười, thằng Luận hình như nó cũng cười theo khiến tôi cảm thấy rờn rợn nỗi da gà.

Viết xong 21.04.2016

ĐÁM RAU CÀNG CUA

   ( Hai Hùng SG).

 Lâu lắm rồi tui mới có dịp ghé lại thăm ông “bạn vàng” của mình, anh Chín Thâu là đồng nghiệp của tui trong thập niên bảy mươi, tuy là công nhân nhưng kỳ thực anh Chín là người Nông dân 

“ Chánh gốc Miến điện” .

                   ***

 Bởi trước khi qua đời cha mẹ anh Chín đã chia cho anh chị em trong nhà những mảnh đất thật rộng lớn, những mảnh đất này trồng trọt rau cải và nhiều loại bông hoa để bán ra chợ khi ngày âm lịch Trăng tròn hoặc ngày mùng một của mùa Trăng mới, kể cả ngày Tết và lễ Lộc hàng năm, huê lợi cũng đủ cho anh nuôi đàn con gồm chín đứa nhỏ đẻ năm một do chị Chín người đầu ấp tay gối của anh.

  Bũa nọ tui với thằng Răng Lớn một trong những người bạn thân thiết với anh Chín, vừa thắng xe trước cửa nhà anh thì đã nghe tiếng chị Chín reo lên:

 – Ông ơi! Chú Hùng chú Răng lên tới kìa, ông ra đón mấy chú để tui với mấy đứa vô bếp dọn đồ ăn lên rồi nhập tiệc.

 Nghe chị Chín nói với cái giọng chân tình, thằng Răng lên tiếng:

 – Tụi em lên chơi thôi, chị cứ để anh Chín tự nhiên đi, khách khứa gì mà chị phải bận tâm.

 Với giọng miền nam ngọt lịm, chị chín nói:

– Ý đâu được, hai chú là chỗ thân tình với anh Chín tui, hơn nữa lâu lắm rồi mới thấy hai chú lên chơi, tui tưởng đâu mấy chú quên tụi tui rồi chứ, nghe anh Chín nói Chủ nhật  mấy chú lên chơi, hai vợ chồng tui chuẩn bị hết rồi, hai chú ngồi chơi chút nha.

 Nghe chị Chín nói tui với thằng Răng cảm động vô cùng, đợi chị đi khỏi tui nói với thằng Răng:

– Chèn ơi, ai cũng như gia đình anh Chín đối xử với bạn bè chân tình như vầy thì cuộc đời này mần gì có “Thạch Sanh với Lý Thông” há Răng.

 Thằng Răng cười hiền rồi nói với tui:

– Đó bởi vậy anh Chín nhà mình có ai ghét ảnh bao giờ đâu, ổng hiền như cục bột, đã vậy chị Chín với mấy nhỏ ở nhà cũng thật dễ mến.

 Chừng ít lâu sau, chị Chín cùng mấy đứa nhỏ bưng đồ ăn lên, ngó những món chị lần lượt bày trên cái bàn gỗ vuông rất nhiều món,  làm tui với thằng Răng ái ngại vô cùng, nào là canh Khổ qua dồn thịt, thịt kho Tàu ăn với dưa giá, Bánh Tét nhân thịt heo có kèm theo dĩa củ cải trắng ngâm nước mắm, mấy cặp Lạp xưởng Mai quế lộ chiên vàng ươm bóng mỡ, đang nằm trên cái dĩa tráng men bóng loáng cùng  dĩa củ kiệu tôm khô đi kèm, Con gà thả vườn luộc chặt nhỏ xếp gọn trong cái dĩa sành có họa tiết bông hoa thời xa xưa thật cổ kính, đặt biệt là dĩa rau Càng Cua trộn dầu giấm, trên mặt được chị Chín trang trí những lát trứng vịt luộc , kèm theo rau thơm với hành phi thơm nức mũi, chén nước mắm chấm chị Chín cũng làm xuất sắc không kém, những món ăn này làm cho tui với thằng Răng liên tưởng như mình đang ăn Tết với gia đình anh Chín, tui bèn cất tiếng nói:

 – Chưa Tết mà anh chị Chín đãi mấy món này sớm quá vậy, giờ chỉ còn phong pháo với trái dưa hấu nữa là y chang ngày Tết luôn.

 Chị Chín thay mặt chồng, chị cười giòn rồi nói:

– Thì đó, hôm ba mươi Tết năm rồi hai chú hứa lên nhậu tất niên với ông Chín, tội nghiệp ổng chờ lâu quá mà không thấy hai chú lên, ông chín nhà tui nói hai chú cho ổng “Leo cây thoa mỡ bò”  làm cho ổng buồn quá chừng.

 Tui lên tiếng Phân bua:

 – Hôm đó có chuyện nhà bất tử không thể nào đi được nên thất hứa chị ơi, chứ tụi em nào dám “Hứa lèo” đâu chị.

                  ***

  Mấy anh em tụi tui đang ngồi uống lai rai, cũng lâu rồi mới gặp nhau nên ai cũng muốn “Trút bầu tâm sự’, thấy thằng Răng gắp miếng rau càng cua bỏ vô cái chén của mình, anh Chín bèn nói :

 – Chú Răng mầy chan thêm chút xíu nước  mắm của bà xã tui làm nữa là ngon dữ lắm.

 Đợi cho thằng Răng lua vội miếng rau càng cua vô miệng, anh Chín liền hỏi:

 -Sao chú mầy thấy anh nói có trúng y bon không?

 Vừa Nuốt miếng rau càng cua qua khỏi cổ họng,  Răng liền nói:

 -Ngon số dách luôn anh Chín  ơi.

 Rồi dường như món rau càng cua này nó làm cho thằng Răng nhớ lại kỷ niệm năm nào, nó nói:

 -Sẳn anh Chín nói về rau càng của, tui kể lại  chuyện này nè..

 Uống cạn ly rượu đế cay nồng Răng bắt đầu kể..

                    ***

  Cửa Việt vùng Hỏa tuyến nơi đóng quân của Thủy quân Lục chiến, nhân hiệp định Paris vừa có hiệu lực, quân đội hai miền có nơi  cách nhau chừng mươi thước, phòng tuyến hai bên đều có giao thông hào để phòng thủ và chiếu đấu, binh sỹ hai phía không còn núp kỹ bên dưới, họ leo lên những ụ đất phía trên giao thông hào chào hỏi lẫn nhau như chưa từng chiến đấu một mất một còn, thấy tình hình đối đầu không còn căng thẳng,  thằng Răng xin thiếu úy Trung đội trưởng cho nó và vài người bạn vô xóm để mua một ít thức ăn và các đồ dùng cần thiết, thấy lính tráng của mình nằm gai nếm mật đã lâu, nên ông đã đồng ý và dặn dò :

 -Tụi bây đi mau rồi về, mua bán sòng phẳng nha bây, cũng đừng có rượu chè không tốt đâu.

 Răng và đám bạn đám bạn dạ rân rồi  vác súng đi vô xóm phía sau phòng tuyến của trung đội mình, vừa đặt chân vô xóm cả đám liền vô cái quán ven đường để mua cái gì bỏ vô bụng, ăn uống xong Răng mua một chút ít đồ gia vị để dành nấu ăn, trả tiền xong cả đám thả bộ ra phía khu vườn sau cái quán vì nơi đây cây cối rậm rạp mát mẻ, tình cờ cả đám thằng Răng thấy đám rau càng cua mọc kín bên bờ con suối chảy quanh co trong khu vườn, mừng quá vì đã lâu cả Trung đội chỉ ăn cơm gạo sấy và thịt hộp, nay gặp đám rau càng cua này đứa nào cũng mừng ra mặt, thằng Đoàn bạn của Răng vừa định ngồi xuống nhổ đem về, thấy vậy Răng ngăn cản lại:

– Ý khoan nhổ nha tụi bây, coi chừng của dân họ trồng, mình vô hỏi xin hoặc mua cho đàng hoàng, nhổ đại nhiều khi dân họ phiền.

 Lúc này ông chủ quán ăn xuất hiện, nghe Răng nói vậy ông tỏ ý hài lòng, ông nói :

 -Mấy anh cứ hái về mà ăn, nó mọc hoang cả đó chứ có ai trông bao giờ đâu mà mấy anh ngại.

  Cả đám cảm ơn ông rối rít rồi cùng nhau nhổ một bao thật bự đem về đồn.

 Vừa cất bước rời khu vườn để về lại đơn vị, bổng đâu ông chủ quán lại xuất hiện, lần này trên tay ông cầm bịch giấy đưa cho Răng, ông nói:

 – Rau này phải có trứng vịt luộc, tui cho mấy anh chục trứng nè, đem về trộn dầu giấm ăn cho ngon miệng.

 Cảm động với cái chân tình của người dân nơi vùng hỏa tuyến, thay mặt anh em Răng nhận lấy rồi không quên nhét vô tay ông mười đồng.

 Răng nói:

 -Tụi tui cảm ơn chú, cho cháu gửi chút đỉnh chứ không chú thiệt thòi thì tội chết.

 Ông chủ quán đẩy tay thằng Răng ra, ông ôn tồn:

 -Có bao nhiêu đâu mà thiệt thòi anh ơi, có mấy anh nằm ngoài đó giữ yên xóm làng tụi tui mừng lắm, chút ít gửi đến mấy anh coi như thể hiện tình quân dân cá nước vậy mà.

 Hiệp định đình chiến tồn tại không bao lâu thì hai bên lại nổ súng, phòng tuyến nơi Răng trấn thủ cũng ăn pháo mỗi ngày.

  Đêm nọ bằng gấp chục lần quân số của trung đội của thằng Răng, phía bên kia họ tấn công dữ dội, sau vài giờ kháng cự quyết liệt khi hết đạn cả trung đội thằng Răng bị bắt làm tù binh, riêng viên thiếu úy Trung đội trưởng của Răng đã anh dũng đền nợ nước.

 Vậy là anh em trong trung đội trở thành tù binh của bộ đội Bắc Việt, khoác trên nguòi bộ đồ nâu xậm họ dẫn giải số tù binh này vô sâu vùng núi phía dãy Trường sơn hùng vĩ để ” Học tập cải tạo” . 

  Trước khi lên dãy Trường sơn, đám thằng Răng được đi ngang cái quán ăn hôm nọ, thấy đoàn ngưòi mặc quân phục lạ lẫm đang dẫn đám tù binh đi ngang qua, ông chủ quán bất chợt nhìn thấy thằng Răng và anh em nó mới hôm nào hiên ngang, nay đã là tù binh bất giác ông chạnh lòng vì những chú “Cọp biển’ từ nay phải làm thân ” Cá chậu chim lồng”.

                       ***

 Nghe xong câu chuyện trên anh Chín Thâu lên tiếng :

 -Chèn  ơi, vậy là chú Răng bị tù mấy năm?

 Răng trả lời:

 -Bảy ba bị bắt, vô núi chặt cây đốn củi, làm nhà tới bảy sáu mới dìa anh ơi.

 Chị chín nghe vậy cảm thán:

– Lúc đó chắc kham khổ thiếu thốn dữ há chú Răng.

 – Dạ đúng vậy đó chị, mới đầu thì buồn chán lắm, nhưng dần rồi cũng quen.

                   ***

  Cuộc vui nào rồi cũng tàn, đến giờ chia tay tụi tui cáo từ anh chị Chín Thâu để ra về, ra tới ngoài sân nhà bổng đâu thằng Xuân con trai của anh Chín khiêng chất lên xe chi hai đứa tui hai bịch rau sống đủ loại tươi rói, chị Chín nói:

 -Anh Chín ổng gửi hai chú một ít rau về nhà ăn lấy thảo. Cho tui gửi lời thăm mấy thím ở nhà mạnh giỏi.

 Thật cảm động với tấm chân tình này của anh chị Chín, hai đứa tui cảm ơn anh chị thật nhiều, tuy giá trị vật chất anh chị gửi cho tụi tui không nhiều lắm, nhưng ông bà thường nói “Cách cho hơn của cho” khiến tụi tui cảm kích vô cùng.

                    ***

 Anh Chín Thâu thọ bệnh, căn bệnh phổi anh tái phát phải vô nhà thương Nguyễn văn Học nằm điều trị, tui với thằng Răng vô thăm anh với vài hộp sữa Ông Thọ, vài gói bánh để anh dưỡng bệnh…

  Một ngày nọ khi đất nước bước vào mùa Xuân, mùa của đầm ấm và  sum vầy, vậy mà anh không chịu nấn ná dương trần với tụi tui anh đã vĩnh viễn ra đi, đến viếng anh khi nhìn lên di ảnh tui thấy anh cười, một nụ cười thật hiền lành, chất phát của người nông dân “,Chánh gốc Miến điện” ngày nào.

 Rồi thằng Răng bạn tui nó cũng nối gót anh Chín để rong chơi cuối trời quên lãng, nơi chắc không có thù ghét lọc lừa, nơi mọi người yêu thương đùm bọc nhau, nó sẽ gặp lại đồng đội năm xưa, hy vọng nó với anh Chín Thâu cùng nhau thưởng thức món Rau càng cua như khi còn tại thế.

                     ***

 Mùa Xuân lại về, Tết con Mèo cũng ngấp nghé bên thềm, nhớ anh Chín , nhớ thằng Răng tui viết nên câu chuyện này. Mong anh và nó yên vui miền “xa lắc xa lơ” đó nghe hai bạn của tui.

                 1.1.2023