Month: April 2023
NHỮNG NGÀY NÀY NĂM ẤY – Hồi ức của Trang Châu
Tôi nhớ mãi buổi làm việc cuối cùng ở phòng mạch, đường Tổng Đốc Phương ở Chợ Lớn, vào chiều thứ sáu 25 tháng 4 năm 1975. Bệnh nhân hôm đó đông hẳn lên.Hỏi ra mới biết các phòng mạch chung quanh đều đóng cửa, các bác sĩ đi hết. Cô Bảy, cô y tá người Việt gốc Hoa, lo lắng hỏi tôi:
-Ông có tính đi không?
-Tôi có một, hai đường dây nhưng chưa quyết định đi. Chờ xem tình hình ra sao đã.
Tôi nói cho cô Bảy an lòng, nhưng tôi có linh cảm đây là buổi làm việc chung cuối cùng. Chiều nay trước khi đến phòng mạch tôi đã khám bệnh từ 5 đến 6 giờ ở trạm y tế của Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam, còn được gọi là Nhà Kiếng, của ông Trần Quốc Bửu. Địch đã về đến Long Khánh. Ông Nguyễn Bá
Cẩn, người của ông Bửu, vừa lên làm Thủ Tướng. Hôm ấy người đến chờ xin được ông Bửu tiếp đứng chật ra cả sân sau. Ông Bửu vừa từ Hoa Kỳ trở về.Tôi lo lắng muốn biết tình hình ra sao, liền gọi cô Linh, cô y tá của trạm y tế nói riêng:
-Tôi muốn gặp “ anh Tám”, nhờ cô lên hỏi anh có cần tôi lên đo áp huyết không.
Cô Linh đi độ 5 phút rồi trở về với một người cận vệ của ông Bửu. Anh này nói:
-Bác sĩ theo em, đi cửa riêng, anh Tám chờ bác sĩ.
Tôi theo chân người cận vệ của ông Bửu lên lầu trên, đi dọc theo một hành lang. Ngang qua hai phòng khách, tôi liếc thấy nhiều ông bận đồ lớn ngồi chờ. Tôi được đưa vào phòng riêng của ông Bửu. Tôi thấy ông đang lặng lẽ đứng xé từng xấp giấy vất xuống một thùng cạc tông lớn để dưới chân. Hình như ông không biết đến những người khách đang chờ xin gặp ông . Nhìn thấy tôi ông nở một nụ cười. Nụ cười của ông Bửu lúc nào cũng điềm đạm.
-Em đó à, đo giùm áp huyết cho anh đi.
Tôi biết bệnh của ông Bửu rất rõ. Ông đã đưa cho tôi xem bản sao hồ sơ bệnh lý của ông được thực hiện ở bệnh viện Walter Reed lúc ông sang Hoa Kỳ. Tôi cứ dựa vào đó mà theo dõi . Đo áp huyết cho ông Bửu xong, tôi hỏi ngay:
-Tình hình ra sao anh Tám. Có hy vọng gì không?
Ông Bửu tiếp tục xé giấy vất xuống thùng. Gần cả phút nặng nề trôi qua. Lần đầu tiên tôi thấy tình hình thật sự đen tối.
-Người Mỹ họ không ủng hộ mình nữa. Chắc phải liên hiệp. Em nên đi ra nước ngoài.Nếu chưa có đường đi thì nên liên lạc thường xuyên với gia đình anh , chừng nào anh đi thì đi cùng.
Tôi tin lời ông Bửu nói. Trên đường đi đến phòng mạch tôi như người mất hồn. Tôi cảm thấy ân hận đã bỏ lỡ dịp ra đi bằng máy bay tuần trước. Sắp đến giờ đóng cửa cô Bảy hỏi tôi:
-Thứ hai ông có đến làm việc không?
-Có chứ, trừ phi tình hình thay đổi
-Nếu ông đi thì phòng mạch này ai trông coi?
Tôi sực nhớ đã trả tiền mướn địa điểm cho nguyên năm. Tôi liền viết giấy ủy quyền cho cô Bảy trông coi phòng mạch cho đến hết hạn và cho cô tất cả đồ đạc trong phòng mạch. Tôi đưa cô Bảy về nhà cô. Ngồi trên xe cô Bảy khóc. Đã mấy mươi năm trôi qua,mỗi lần nhớ lại ngày cuối cùng làm phòng mạch ở
đường Tổng Đốc Phương ,tôi vẫn hình dung ra được những giọt nước mắt của người nữ y tá trung thành và tận tụy.
Trên đường về,tôi ghé cư xá sĩ quan Chí Hòa. Tôi muốn gặp ông Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Y để báo tin. Ông hay tâm sự với tôi ông có đường đi nhưng vì trách nhiệm ông chưa thể đi. Ông nói có lẽ ông sẽ để gia đình ông đi trước. Tôi đến nhà ông Chỉ Huy Trưởng lúc 8 giờ tối. Chừng nửa giờ sau thì ông về.Tôi lập lại với ông những lời ông Bửu nói với tôi và góp ý:
-Nếu đi thì anh nên đi luôn với gia đình. Tình hình này chần chờ người trước người sau có khi kẹt.
Sau này liên lạc lại được với ông ở hải ngoại ông cám ơn tôi đã đến cho tin, giúp ông có một quyết định kịp thời.
Nhưng tôi không có dịp đi cùng ông Bửu. Tôi nghe nói sáng 30 tháng 4 ông Bửu mới rời Sàigòn trên một chiếc xà lan do tàu Đại Hàn kéo.
Đêm 28 tháng 4 địch pháo dữ dội phi trường Tân Sơn Nhất. Sáng ngày 29 tháng 4 là một sáng bàng hoàng cho dân Sàigòn. Yên chí mình có đường dây đi với ông Bửu tôi bình tĩnh lái xe vào Trường Quân Y xem tình hình. Cổng vẫn có lính gác. Tôi đến văn phòng tôi. Chẳng có văn thư nào để đọc hay ký cả. Lệnh cấm trại 100% của Cục Quân Y vẫn hiệu lực. Đến giờ này tôi biết một số bác sĩ của Trường đã ra đi, đi trước cả ông Chỉ Huy Trưởng. Tôi đứng ở cửa văn phòng mình một lúc thì gặp trung tá Tá, sĩ quan hành chánh. Ông hỏi tôi, giọng đầy lo lắng:
-Tình hình có sao không hả bác sĩ?
Tôi trả lời ông như một người am hiểu tình hình:
– Chắc là phải liên hiệp nhưng rồi cũng mất, trung tá ạ. Trung tá có đường đi nên đi.
-Tôi nghe ông Chỉ Huy Trưởng đi rồi thì phải.
Tôi gật đầu. Tôi khuyên trung tá Tá cũng như tôi đã khuyên ông Chỉ Huy Trưởng những gì ông Bửu đã khuyên tôi. Tôi thổ lộ điều tôi biết cho trung tá Tá vì hai lẽ: ông là người có nhiều huy chương nhất Trường Quân Y vì ông đã từng phục vụ lâu năm trong quân đội Pháp trước khi sang quân đội VNCH và vì ông có một người con trai đang là sinh viên quân y ngành dược. Qua ông và rồi qua con ông, một số sinh viên quân y đang bị cấm trại có thể tìm cách ra khỏi Trường để tìm đường đi. Với chức vụ Trưởng Khối Tâm Lý Chiến của Trường tôi không thể công khai nói với mọi người nên tìm đường đi ra nước ngoài.
Cho một tin như thế tôi có thể bị truy tố. Tôi rời văn phòng về nhà lúc 12 giờ trưa. Về đến nhà thì vợ tôi vừa hốt hoảng vừa trách tôi:
-Làm thế nào bây giờ anh? Phải đi chứ không thể ở lại được. Đáng lẽ để em và con đi tuần trước cho rồi, cứ cản mãi..
Tôi trấn an vợ tôi:
-Em yên tâm, có đường dây đi rồi, đi với ông Bửu.
-Chừng nào?
-Để xem tình hình sao đã.
-Coi chừng để trể ông đi mất là hết đường.
Tôi cho thêm mình một chữ nếu nữa.Nếu đêm nay tình hình không yên tỉnh thì sáng mai sẽ lên nhà ông Bửu. Vừa lúc ấy một chiếc xe hoa kỳ màu đen, bảng trước có gắn một sao hải quân đỗ ngay trước nhà.
Xe của phó đề đốc Thăng, ông anh cột chèo với anh tôi. Vợ chồng anh Thăng đang ở Cần Thơ, nhưng chị Thăng gọi điện thoại lên cho vợ anh tôi, cho biết có một đoàn tàu của hải quân sẽ rời hải quân công xưởng và khuyên nên vào ở nhà chị, đối diện với cổng vào hải quân công xưởng, để khi có cơ hội là đi.
Cũng vừa lúc ấy anh Thành, thiếu tá không quân,phi công trực thăng, anh cột chèo với tôi, chở vợ và hai con trên chiếc vespa đến tôi hỏi đường đi. Anh Thành nói:
-Anh định vào Tân Sơn Nhất nhưng không vào được. Có đường nào cho tụi này đi cùng.
Vợ tôi giục tôi:
-Đi với anh chị Trang cho rồi, anh!
Tôi trả lời buông xuôi:
-Ừ, đi thì đi.
Đằng nào cũng đi, vậy thì đi với ai cũng vậy. Gia đình ông anh tôi 5 người, gia đình tôi 4 người, gia đình anh Thành 4 người, phía bên ông cụ tôi và bà kế mẫu 8 người. Ngoài chiếc xe của phó đề đốc Thăng, còn có chiếc Fiat của tôi, chiếc Toyota của anh tôi. Tất cả 21 người chen chúc nhau trên 3 chiếc xe đó. Sàigòn ở khu bến tàu lúc bấy giờ vẫn yên tĩnh.Lính gác ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân mở hàng rào chắn cho đoàn xe chúng tôi vào. Chúng tôi tạm trú trong nhà phó đề đốc Thăng và chờ đợi. Không biết lúc nào thì có lệnh cho qua cổng hải quân công xưởng để xuống tàu. Bốn giờ chiều vẫn không có tin tức gì thêm. Ông cụ tôi sốt ruột muốn về. Ông nói:
-Hôm qua chúng nó pháo Tân Sơn Nhất, tối nay có thể chúng pháo vào hải quân công xưởng. Nếu không đi được, qua đêm ở đây nguy hiểm lắm.
Tôi nói với ông cụ tôi:
-Ba ráng chờ, con nghĩ thế nào cũng có tàu đi.
Ông cụ tôi bỏ vào nhà trong. Tôi bước ra ngoài, lang thang trên một đoạn đường Lê Thánh Tôn. Bất ngờ gặp tướng Tôn Thất Xứng. Ông bận đồ xi-vin. Tướng Xứng vồn vã hỏi:
-Ba có đi cùng không cháu?
-Dạ có, ông đang ở trong nhà anh Thăng. Chờ lâu quá ông có ý định muốn về nhà.
Tướng Xứng la lên:
-Chết! Chết! Nói ba đừng về. Cứ ở đây. Tình hình tuyệt vọng rồi, chú biết.
-Để cháu vào nói ba cháu ra gặp chú.
-Ừ, mau lên nghe cháu.
Khi tôi đưa được ông cụ tôi ra chỗ tôi vừa gặp tướng Xứng thì ông không còn ở đó nữa. Ông cụ tôi lặng lẽ trở vào nhà. Chừng nửa giờ sau anh tôi gặp tôi và nói :
-Ba mợ và mấy em về nhà rồi. Phải nhờ tài xế lái xe anh Thăng đưa ra, lính gác mới mở cổng. Bây giờ ở cổng Bộ Tư Lệnh Hải Quân có lệnh nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Tôi cũng tự hỏi mình có nên liều mạng nằm đây chờ không. Tư hỏi rồi tự trả lời :Nằm đây thì còn hy vọng đi, về nhà là kẹt chắc. Ông anh tôi, cảnh sát; tôi, gốc nhảy dù ở lại chắc khó sống lắm. Ba tôi, tuy là tướng,nhưng ông về hưu lâu rồi, chắc không sao.
Đúng 5 giờ chiều, trên không xuất hiện hai chiếc phản lực hình cá thu, bay lượn quanh tòa đại sứ Mỹ.
Chừng mười lăm phút sau, tiếng trực thăng nghe mỗi lúc một gần. Rồi đoàn trực thăng từng chiếc, từng chiếc bay qua đầu chúng tôi, sà xuống trên nóc tòa đại sứ Mỹ. Mọi người nhốn nháo :
-Mỹ di tản toà đại sứ!
Hai chiếc phản lực nhào xuống thấp, xé gió nghe quặn cả ruột! Một tràng M16 nổ dòn ở cổng Bạch Đằng rồi một tràng M16 khác nghe phía cổng Cường Để.
-Ai bắn vậy?
-Lính mình bắn vào trực thăng di tản à?
-Không phải đâu, chắc dân chúng tính tràn vào, lính hải quân bắn cảnh cáo.
Tôi hỏi khẻ anh tôi :
-Anh có súng không?
-Tao chỉ có một khẩu rouleau nhỏ phòng thân.
Tôi nghĩ đến cảnh hỗn loạn trong các cuộc di tản tại miền Trung trước đây. Tôi nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu lính gác hải quân không cản nổi làn sóng người tràn vào. Tôi chỉ nghĩ thoáng đến đó mà không dám nghĩ gì thêm.
Vào khoảng sau 6 giờ chiều cổng hải quân công xưởng mở. Anh tôi quýnh quáng :
-Có lệnh cho xuống tàu! Gọi điện thoại cho ba mợ hay, hỏi ông bà có muốn đi trở lại không.
Anh tôi nói và làm . Giọng anh run run :
-Có lệnh cho xuống tàu rồi. Ba mợ có đi không, tụi con chờ để nhờ người đưa vào.
Anh tôi nghe một lúc rồi gác máy:
-Cậu Kế sẽ lấy chiếc Fiat của chú đưa ba mợ và mấy em đến cổng Bạch Đằng. Tôi sẽ nhờ chú tài xế của anh Thăng ra đón và năn nỉ lính gác. Nếu cần tặng họ chiếc Fiat của chú. Chiếc Toyota của chị còn đây cũng tặng họ luôn. Cô chú có con dại vào trước đi.
-Xuống cầu tàu nào và đi chiếc nào vậy anh?
– Thì thấy người ta lên chiếc nào mình lên chiếc đó.
Hôm ấy là hôm tôi gặp mặt ông cụ tôi lần cuối cùng. Về sau anh tôi kể lại: Xe đưa ông cụ tôi bị kẹt lại trên đường Hai Bà Trưng, gần hảng nước đá. Cậu tôi gọi điện thoại vào cho anh tôi. Anh tôi nói phải cố đến gần cổng mới đón vào được. Tình hình bây giờ gần như hỗn loạn, lính gác đã bắn ngang chứ không
còn bắn chỉ thiên nữa. Ba mợ và mấy em tôi phải quay về. 14 năm sau những người trong gia đình tôi đã lần lượt đoàn tụ, trừ ba tôi. Chúng tôi nhận được điện tín ngày ông lên đường đoàn tụ và ngày ông mất cách nhau 48 tiếng! Không biết ông cụ tôi không có duyên đoàn tụ với con cái hay có cái gì níu kéo ông lại, không muốn ông gởi xác nơi xứ người.
Gia đình tôi theo làn sóng người tràn vào hải quân công xưởng. Đi một quãng chúng tôi đứng lại chờ. Gia đình anh Thành vào kế tiếp, có thêm chị Thoa,chị vợ thứ hai của tôi, với 3 đứa con cùng đi với vợ chồng trung tá Nam. Chúng tôi họp lại thành một nhóm. Chờ thêm môt lúc không thấy gia đình anh tôi đâu. Tôi chưa bao giờ vào hải quân công xưởng nên không biết có bao nhiêu cầu tàu và con đường nào dẫn xuống cầu tàu nào.Chúng tôi đi trên con đường nhỏ một đoạn khá xa và gặp một nhóm người bồng bế nhau đi ngược trở ra.Tôi hỏi ngay một người đàn ông, dáng bơ phờ,tay nách một em bé gái chừng 2 tuổi đang dãy dụa khóc:
-Không thấy tàu hay sao mà trở ra?
-Có một chiếc nhưng đông nghẹt. Chỉ có nước dẫm lên nhau mà chết. Kinh nghiệm ở Đà Nẵng một lần rồi. Sợ lắm! Chúng tôi đi về đây.
Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau.Nhưng tất cả lòng muốn đi mạnh hơn ý muốn ở lại hiện rỏ trong các ánh mắt.Chúng tôi cứ đi lần theo theo hướng của những người đang lẻ tẻ đi ngược trở ra. Đến cuối đường chúng tôi thấy một con tàu lớn với hàng trăm người đang chen lấn trên bờ.Tôi lo thầm trong bụng: đông
thế này làm sao lên liền cho được. Nếu tàu nhổ neo ngay thì mình còn xa cả mấy chục thước! Tôi nói với mọi người trong nhóm:
-Mỗi gia đình lo lấy cho nhau. Ai lên trước được sẽ giúp người sau. Coi chừng trẻ con khi lên tàu.
Trên không hai chiếc phản lực vẫn vần vũ. Từng đoàn trực thăng chốc chốc lại bay qua đầu chúng tôi. Sài Gòn bây giờ là một vùng tiếng động khốc liệt. Tôi đã từng hồi hộp trong vài cuộc đổ quân gặp sự chống trả của địch, nhưng hôm nay trong tiếng gầm thét của hai chiếc phản lực nhào lộn, tiếng tình tịch của cánh quạt trực thăng, tôi không mang tâm trạng căng thẳng của cuộc đổ quân, mà là một tâm trạng rã rời, uất ức, cô đơn đến ghê rợn, của một cuộc tháo chạy, tháo chạy ngay từ thủ đô của đất nước mình, để dấn thân vào một vùng đất lạ nào tôi chưa được rõ.
Chúng tôi nhích từng chút về hướng chiếc tàu. Khoảng cách còn chừng 5 thước. Số người thối chí bỏ ra về khá nhiều cho tôi hy vọng có thể lên được tàu trước khi tàu rời bến.Tôi ẵm đứa con trai đầu lòng, bé Ngọc, mới 3 tháng, trong vòng tay phải; cái túi xách đeo ở vai phải; tay trái tôi sẽ dùng để nắm dây bước lên tàu. Hai cái xách còn lại, vợ tôi, một cái đeo vai, một cái cầm ở tay phải. Vợ tôi bám sát lưng tôi.Tàu đậu cách bến chừng một thước. Một thanh gỗ vuông rộng chừng hai mươi phân được bắc ngang làm cầu. Một sợi dây thừng, to bằng ngón chân cái, được căng từ lan can tàu xuống cái khoen sắt để buộc dây tàu nằm trên bờ. Chiếc cầu khỉ ngắn ngủn này là nơi tôi chứng kiến một thảm cảnh: Khi tôi men lại được gần thanh gỗ, thì trước tôi, một người đàn bà, vai mang một một em bé gái nhỏ trên lưng, tay phải
dẫn một đứa bé trai chừng bốn, năm tuổi bước lên thanh gỗ. Nói là đi nhưng thật ra chúng tôi bị khối người phía sau đẩy tới. Lúc đứa bé nắm tay mẹ tiến lên thì trên tàu bỗng dưng có một người đàn ông chen lấn đi ngược xuống. Thanh gỗ nhầy nhụa bùn đất trở nên trơn trượt. Thằng bé, không biết hụt
chân hay trượt chân, vuột khỏi tay mẹ nó, rơi tõm xuống sông. Nó chìm nghỉm. Tiếng bà mẹ thất thanh:
-Cứu con tôi với! Cứu con tôi với!
Không một ai đáp ứng lời kêu cứu. Tôi nghe lạnh cả người, mồ hôi toát ra đầy trán. Tay phải tôi siết chặt bé Ngọc, nó dãy lên khóc vì nghẹt thở. Tôi biết lúc này không cẩn thận là ngã xuống sông tức khắc.
Người đàn bà không chịu bước, nhìn xuống mặt sông, tiếp tục la cầu cứu. Tôi hét lớn:
-Đi lên tàu rồi tính! Cứ đứng lại, bị đàng sau dồn, rớt xuống sông chết cả đám bây giờ!
Tôi tiến sát người đàn bà, dung đầu gối phải thúc bà đi tới. Tôi bước lên được tàu. Người đàn bà,hai tay nắm chặt lan can tàu, nhìn xuống mặt sông khóc thảm thiết. Tôi nới tay siết bé Ngọc, nó thở được, nín khóc. Sờ nắn xương sườn nó, thấy nguyên vẹn, tôi yên tâm.
Cả nhóm chúng tôi lên tàu an toàn. Khoảng 7 giờ tối thì dứt tiếng phản lực lẫn tiếng trực thăng. Yên lặng và bóng tối mờ mờ bao trùm cảnh vật. Đến 9 giờ tối, tàu không còn ai lên nữa.Tôi thấy thương cho người đàn bà có đứa con rớt xuống sông ban nãy. Giá biết đến giờ này tàu vẫn chưa đi hà tất phải chen
lấn nhau và đứa bé khỏi mất mạng một cách thê thảm. Một nguồn tin truyền miệng đến tai tôi rằng tàu này hư máy có thể không đi được làm cả nhóm lo lắng. Tôi len lỏi trong đám đông kiếm các sĩ quan hải quân hỏi tin tức. Tôi gặp hai người: trung tá Minh, chồng của nhà văn Điệp Mỹ Linh, và trung úy Lý, sĩ
quan cơ khí, anh của dược sĩ Vỹ, trước đây cũng ở Dù với tôi. Minh cho tôi hay anh nghe Bộ Tư Lệnh Hải Quân có tổ chức một đoàn tàu đi sang Phi Luật Tân, nhưng anh không biết chiếc này có nằm trong đoàn tàu ấy hay không. Lý cho tôi biết tin đích xác hơn về con tàu: Tàu đang ở thời tu chỉnh đại kỳ,
nhưng ông hạm trưởng, thiếu tá Tánh, trong thời gian qua có đốc thúc sửa chữa. Giờ này đang ráp máy thứ nhất. Tàu sẽ chạy một máy. Lý nói thêm:
-Tôi đang phụ sức vào đây. Tàu sẽ chạy rất chậm vì chạy có một máy và vì người quá đông. Hy vọng 12 giờ đêm máy sẽ ráp xong.
Tàu rời hải quân công xưởng lúc 1 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 4. Gặp lại trung úy Lý, mồ hôi nhễ nhại nhưng nụ cười thỏa mãn:
-Ráp máy xong tôi sợ nó trục trặc không chạy thì khốn. Mình đi trên sông Lòng Tảo. Hải trình này an ninh hơn nhưng ngại ở điểm lòng sông có chỗ cạn. Mắc cạn là nằm chịu chết vì tàu một máy lại chở quá nặng nên không cách gì lui được. Khoảng trưa mai mình sẽ ra tới Vũng Tàu.
Đúng 2 giờ sáng địch tấn công Nhà Bè. Những bồn xăng trúng đạn bốc cháy dữ dội. Giờ hấp hối của Sài Gòn bắt đầu. Tôi thương vô hạn những người lính Cộng Hòa giờ này còn ở vị trí chiến đấu.Chống trả mà biết là vô vọng thì đau khổ dường nào! Tôi úp mặt khóc một mình. Bao nhiêu năm chiến đấu để rồi vào giờ phút này mới biết số phận đất nước mình chỉ là số phận một con tốt thí trên bàn cờ quốc tế! 13 năm sau, cũng ngày 30 tháng 4 này, khoảng 5 giờ chiều, tôi đang ngồi trực ở phòng lái của chiếc tàu Mary’S Kingstown được hội Y Sĩ Thế Giới gởi đi vớt thuyền nhân, thì thuyền trưởng Francois, tay cầm ống nhòm, leo lên đứng cạnh tôi. Tàu đang chạy sát lằn ranh hải phận Việt Nam. Ông đưa ống nhòm lên quan sát một lúc rồi nói với tôi:
-Ông hướng ống nhòm về hướng tôi chỉ, nhìn cho kỹ, sẽ thấy Côn Đảo.
Tôi hướng ống nhòm về phía bờ biển Việt Nam, điều chỉnh cho hình ảnh thật rõ thì quả thật thấy Côn Đảo hiện ra mờ mờ như bóng mây. Tôi nghe lòng mình xôn xao. Hình ảnh con tàu năm nào đã đưa tôi rời khỏi nước lại hiện trở về. Con tàu đã đi thâu đêm trên sông Lòng Tảo, xa dần Sài Gòn đang bị địch
siết chặt vòng vây. Tôi đã thầm cầu nguyện tàu đừng hỏng máy bất chừng, đừng mắc cạn và nhất là đừng gặp địch.
10 giờ sáng ngày 30 tháng 4, qua máy thu thanh trên tàu, chúng tôi bàng hoàng nghe tướng Dương Văn Minh đọc lời kêu gọi buông súng. Bài hát Nối Vòng Tay Lớn ra rả không ngừng. Nghe bài hát tôi không thấy vòng tay mình lớn ra mà chỉ nghe tim mình thắt lại. Cái hy vọng mong manh về một chính phủ liên hiệp, sau lời kêu gọi của tướng Dương Văn Minh, bây giờ với tất cả mọi người thật sự là mây khói. Riêng chúng tôi, những người trên tàu, còn một hy vọng: thoát ra khỏi nước. 2 giờ chiều, tàu ra đến cửa biển Vũng Tàu. Mọi người vừa mừng vừa hội hộp.Bờ biển Vũng Tàu bây giờ như một cảnh chợ chiều.Cả trăm chiếc thuyền, ghe lớn ghe nhỏ lêu bêu đầy mặt nước. Có chiếc ghe gắn máy đuôi tôm, không người lái, cứ lạch tạch chạy vòng vòng trên biển như chiếc ghe ma. Tàu tiếp tục chạy. 4 giờ chiều tàu ra tới hải phận quốc tế. Mọi người trên tàu vỗ tay mừng thoát nạn. Câu hỏi được đặt ra là bây giờ đi đâu? Ý định ban đầu của hạm trưởng Tánh là đi Tân Gia Ba. Nhưng với tình trạng tàu chạy một máy hiện nay cộng với cả ngàn người trên tàu, thực phẩm và nước ngọt ít oi thì không thể nào thực hiện cuộc vượt trùng dương được.Trung tá Minh nói:
-Họp ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân tôi nghe tin có một đoàn tàu hải quân sẽ đến một điển hẹn ở ngoài khơi Côn Đảo. Ở đó sẽ có hải quân Hoa Kỳ hộ tống đoàn tàu Việt Nam qua Phi Luật Tân. Đoàn tàu của hải quân Việt Nam sẽ được giao lại cho hải quân Hoa Kỳ.
Tàu hướng về Côn Đảo với vận tốc 4 hải lý một giờ. Trên đoạn đường ra Côn Đảo tôi chứng kiến thêm một cái chết thứ hai: Cái chết của phi công lái chiếc phi cơ trinh sát. Anh liên lạc với tàu cho biết trên phi cơ có hai người. Tàu cho biết trên tàu có một toán người nhái sẵn sàng vớt họ sau khi nhảy ra khỏi phi
cơ. Phi công cho biết phi cơ sẽ hạ thấp vòng đầu cho người hạ sĩ quan cơ khí nhảy, vòng thứ nhì anh sẽ nhảy. Vòng đầu máy bay bay rất thấp, là là mặt nước. Một người nhảy ra.Muơi giây sau một cái đầu nhoi lên khỏi mặt nước. Chúng tôi trên tàu vỗ tay reo hò. Hai người nhái phóng xuống biển vớt anh lên một cách thông thạo. Ở vòng nhì máy bay không hạ thấp như lần trước. Khi máy bay ở thế song song với tàu người phi công nhảy ra. Anh không rơi thẳng mà rơi lộn vòng. Mọi người im lặng chờ đợi. Một số người la hoảng:
-Trồi đầu lên! Trồi đầu lên!
Mặt biển vẫn im lìm. Tôi nghĩ người phi công đã bất tỉnh sau khi va chạm mạnh vào mặt nước. Cái chết ở thời điểm này được chứng kiến không nước mắt và được quên đi rất nhanh.
Trưa ngày 1 tháng 5 tàu ra đến Côn Đảo. Nhìn lên đảo thấy người đứng lố nhố và cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cột cờ . Tàu chạy thẳng ra khơi. Khoảng 4 giờ chiều, những tiếng la gần như đồng loạt vang lên trên tàu:
-Hạm đội Mỹ! Hạm đội Mỹ!
Tin của trung tá Minh chính xác. Đoàn tàu chiến Mỹ, trắng xóa, trải kín cả chân trời. Tàu đánh điện xin tiếp tế lương thực, nước uống và thuốc men. Trên tàu lúc bây giờ đếm ra có 10 bác sĩ. Chúng tôi họp nhau thẩm định tình trạng sức khỏe của đồng bào. Tiêu chảy và viêm mắt khá nhiều. Một người đàn bà mang thai đến ngày sinh cần chuyển gấp sang tàu Mỹ. Chúng tôi cũng cần sữa cho trẻ con. Tôi được giao phó báo cáo tình trạng sức khoẻ và nhu cầu thuốc men.
Tàu tiến dần về một khu trục hạm rồi tắt máy nằm song song với chiếc tàu Mỹ. Thủy thủ, sĩ quan Mỹ đứng kín cả boong tàu nhìn chúng tôi. Họ cười với chúng tôi; chúng tôi cười với họ. Tôi cố tìm mà không hiểu nỗi nghĩa nụ cười của đôi bên. Tôi nghe có chút gì cay đắng trong lòng. Tôi không biết phải coi họ là gì của mình bây giờ? Những người bạn đồng mình hôm qua! Đúng rồi hôm qua, hôm qua !
Sáng hôm sau mười mấy chiếc tàu của hải quân Việt Nam được sắp lại thành đoàn. Chiếc tàu của chúng tôi vì đông người, vì chạy có một máy, nên được một chiếc tàu khác của hải quân Việt Nam cột giây kéo cho đi nhanh thêm và được ưu tiên sắp đi đầu. Theo lục lệ của hải quân, hai chiếc phản lực, cất cánh từ một hàng không mẫu hạm nào đó, lượn mấy vòng, rồi đoàn tàu bắt đầu di chuyển đi Subic Base của Phi Luật Tân.
Sau 13 ngày trên biển, tàu đến hải cảng Subic Base của Phi Luật Tân. Có lệnh phải hạ lá cờ vàng ba sọc đỏ xuống trước khi cập bến vì Phi Luật Tân đã thừa nhận thể chế mới ở Việt Nam. Chúng tôi làm lễ hạ cờ và hát quốc ca. Có lẽ đây là buổi chào hạ cờ duy nhất mà mọi người hiện diện, già trẻ, lớn bé, dân sự lẫn quân sự, đều nước mắt chan hòa. Tôi có làm một bài thơ chỉ có 4 câu:Tôi đứng trên boong tàu/ Chào quê hương lần cuối/ Nước mắt bỗng tuôn dâng/ Khi màu cờ hạ xuống.
Chúng tôi được chuyển từ chiếc HQ 400 sang một chiếc tàu buôn của Mỹ. Đi thêm 2 ngày thì tới đảo Guam. Tối hôm đó tôi ngồi thao thức rất khuya trước lều. Tôi nghĩ đến những ngày sắp tới. Tôi thấy mình đang trắng tay. Gia tài còn lại là 20 mỹ kim, đổi được từ tháng lương cuối cùng trước khi rời nước.
Bây giờ làm thân tị nạn, tôi sẽ phải đi đâu, xin định cư xứ nào? Xin đi Pháp thì có thể tôi sẽ dễ dàng lấy lại bằng hành nghề nhưng nghe nói đời sống kinh tế bên đó khó khăn. Ở Canada nghe có tỉnh bang Québec nơi đó người ta nói cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, khí hậu lạnh nhưng đời sống dễ chịu. Lúc đó tôi
không hề nghĩ đến chọn nước Mỹ. Không biết có phải vì vốn liếng Anh ngữ của tôi không dồi dào bằng vốn liếng Pháp ngữ hay còn có một lý do thầm kín nào khác thì tôi không rõ.
Chẳng biết câu châm ngôn thời đi Hướng Đạo:’’ Hướng đạo sinh vui tươi trong lúc khó khăn’’ có giúp tôi giữ được vui tươi trong những lúc khó khăn hay không , nhưng câu châm ngôn ngắn gọn mà giản dị của thời đội Mũ Đỏ:’’ Nhảy Dù! Cố Gắng!’’quả thật đã giúp tôi rất nhiều. Cố gắng bình tỉnh, cố gắng nhẫn nại, cố gắng hy vọng. Tôi đã cố gắng bình tỉnh trả lời ông sở di trú ở đảo Guam khi tôi đến xin định cư ở Québec, Canada. Ông nhìn hồ sơ của tôi rồi nói:
-Đất nước chúng tôi không ưu tiên cho thành phần ở trong Quân Đội.
Tôi nhớ tôi đã trả lời ông:
– Tôi ở một nước đang có chiến tranh, ngoại trừ trẻ em và người cao niên, đàn ông thuộc thành phần còn lại đều phải ở trong quân ngũ.
Ông ta bồi thêm câu thứ hai:
-Tỉnh bang Québec hiện đang thừa bác sĩ. Rất có thể qua đó ông không hành nghề trở lại được.
Tôi cũng đã bình tỉnh trả lời:
-Tôi sẽ hết sức cố gắng để trở lại nghề. Nhưng nếu không được ít ra tôi và gia đình tôi cũng được sống trong một xứ có tự do.
Bốn ngày sau gia đình tôi cùng với khoảng 200 tị nạn người Việt đầu tiên được bốc từ đảo Guam sang thành phố Montréal của tỉnh bang Québec. Sau hai tuần nhận được trợ cấp, tôi được ông di trú thúc đi kiếm việc làm. Tôi được giới thiệu đi làm bán thời gian ở một bệnh viện tâm thần. Tôi làm ca đêm, thuộc ‘’équipe volante’’, trại nào thiếu người tôi được gởi đến. Tuy chức vụ chỉ là phụ y công, với đồng luơng cao hơn đồng lương tối thiểu 40 xu, tôi cũng phải qua một khóa huấn luyện một tuần để biết cách làm giường, cách thay quần áo cho bệnh nhân,cách đỡ bệnh nhân ngồi dậy v..v.. Nếu có những ca đêm rơi đúng vào các trại bệnh nhân ổn định, gặp các bà y công tốt bụng, biết tôi là bác sĩ tị nạn chưa hành nghề lại được, họ làm hết mọi việc, tôi chỉ ngồi ôm sách học. Nhưng nếu ca đêm nào rơi đúng vào trại bệnh tâm thần nặng, tôi phải ngồi canh ở một chiếc ghế đặt giữa hành lang, dưới ánh đèn mờ mờ. Bệnh nhân ở trại này mỗi người được giữ trong một phòng riêng, có khóa bên ngoài.Trong phòng không có vật dụng nào ngoài cái bô vệ sinh. Cái giường ngủ cũng làm bằng xi măng. Tôi không rõ họ được nuôi ăn như thế nào. Làm ca đêm ở trại này tôi không những không học được mà còn hầu như không ngủ được vì những tiếng hú, tiếng hét chốc chốc lại vang lên trong đêm khuya. Một kỷ niệm từng khiến tôi ‘’lạnh người’’ làm tôi nhớ mãi. Ở trại này, buổi sáng trước khi chấm dứt ca trực của mình, người y công chính
giao tôi nhiệm vụ mở khóa phòng từng bệnh nhân, lấy cái bô vệ sinh của họ đem đi đổ. Một buổi sáng, mở khóa cửa phòng của một bệnh nhân, bước vào trong tôi không thấy anh ta đâu. Tôi hết hồn vì nếu bệnh nhân đã thoát ra khỏi phòng thì tôi sẽ gặp rắc rối.
-Bonjour!
Tôi giật mình quay người lại thì thấy người vừa chào tôi, trần truồng như nhộng, lông lá đầy mình, đứng núp sau cánh cửa, hai tay chéo nhau như cố che kín hạ bộ của mình, nhìn tôi với cặp mắt dò xét.Tôi vội vàng khom người với tay kéo cái bô vệ sinh, mắt vẫn không rời người bệnh kèm thêm một nụ cười cầu thân. Xong, tôi rút nhanh ra khỏi phòng và khóa cửa.
Tôi đã sống với nghề phụ y công trong 10 tháng. Cho đến khi thi đậu nội trú.Y Sĩ Đoàn Québec vào đầu năm 1976 mở một khóa huấn luyện 3 tháng nói là để trình bày về nền y khoa ở Québec cho nhóm bác sĩ Việt Nam , lúc đó có khoảng 80 người. Sau khóa huấn luyện, Y Sĩ Đoàn Québec mở một khoa thi đặc biệt dành cho các bác sĩ Việt Nam. Có 40 người được chấm đậu. Tôi may mắn có tên trong số người này. Tiếp đó Y Sĩ Đoàn Québec thông báo 4 Đại Học Y Khoa ở Québec cho biết chỗ nội trú dành cho các bác sĩ Việt Nam niên khóa 1976-1977 là 20 chỗ. Tôi lại may mắn có tên trong số người được chọn. Tôi được gởi đi làm nội trú cùng 3 bác sĩ Việt Nam khác ở Đại Học Y Khoa Sherbrooke, cách Montréal chừng 100 câysố. Tại đây có thêm 5 bác sĩ ngoại quốc, 4 ở Nam Mỹ, 1 ở Bắc Phi, sang tu nghiệp vừa nội trú vừa thường trú. Chúng tôi họp thành một nhóm mà chúng tôi gọi đùa là ‘’ Peloton des Légionnaires’’ ( Tiểu Đội Lê Dương ). Nội trú người bản xứ được thi lấy bằng hành nghề vào năm thứ tư. Vì thế khi làm nội trú họ
không phải lo thi cử gì cả. Các nội trú hay thường trú gốc Nam Mỹ hay Bắc Phi họ cũng thi lấy bằng hành nghề. Nhưng đậu thì cũng tốt, không đậu cũng chẳng sao. Đằng nào trước khi trở về nước họ cũng được cấp chứng chỉ đã tu nghiệp ở Canada. Riêng với nhóm nội trú Việt Nam thì chuyện thi lấy bằng hành nghề là một vấn đề sinh tử. Cho nên ngoài trực gác, chăm sóc bệnh nhân, phụ mổ, chúng tôi còn phải lo học thi. Đêm nào tôi cũng phải thức đến một hai giờ sáng để học. Và may mắn đã đến cho 3 trong 4 nội trú Việt Nam chúng tôi năm đó. Kể từ tháng 9 năm 1977 tôi chính thức trở lại nghề trên quê hương thứ hai của mình.
Mới đó mà đã gần nửa thế kỷ xa quê hương! Chừng nào tôi mới về thăm? Có lẽ phải chờ cái ngày mà miền Bắc chân thật nhìn nhận, vào thời điểm 30 tháng tư năm 1975, họ cũng chỉ là một con tốt trên bàn cờ quốc tế, chỉ khác hơn miền Nam một chút, họ được chọn làm con tốt sang sông, thế thôi.
TRANG CHÂU
CHUYỆN THÁNG TƯ : SỐ PHẬN NÀO CHO KẺ THUA TRẬN
HỒI KÝ CỦA NỮ THIẾU ÚY CSQG LÊ THỊ XUÂN
.
Tối ngày 28.6.1975 tôi bị di chuyển cùng chung với chồng từ Trường Trung Học Nguyễn Bá Tòng tại Sài Gòn đến Trại Suối Máu được khoảng 1 tuần lại bị chuyển đến trại Thành Ông Năm, Hóc Môn do đoàn 500 cộng sản Bắc Việt quản lý. Trại chia làm hai khu: Nữ Sĩ Quan (SQ) Quân đội, và Nữ SQ/ CSQG. Chúng tôi bị chia thành từng B và phải chen chúc lẫn nhau trong một diện tích chỉ đủ để nằm nghiêng. Lúc nầy tôi mang thai cháu đầu lòng gần 7 tháng. Đây là thời gian thai nhi phát triển, nên thai phụ cần được nghĩ ngơi, thoải mái, tránh bị những áp lực và thai phụ cần phải được thực phẩm dinh duỡng vừa tinh khiết vừa đầy đủ. Nhưng với tôi thì hoàn toàn trái ngược. Ngoài môi truờng sống quá thiếu vệ sinh, lại phải ngồi nghe học tập, thảo luận. đấu tố. Thể chất mệt mỏi, tâm trí lúc nào cũng lo sợ cho bản thân, cho gia đình, và cho chồng. Thai nhi càng lúc càng phát triển nên tôi thèm ăn lắm, nhưng bụng thì lúc nào cũng đói, dinh dưỡng chẳng có, áp lực càng lúc càng nặng và rồi hai chân tôi bị qụy, chỗ kín bị ra máu, không được chữa trị hoặc thuốc men. Tôi đuối sức! Trước tình trạng sức khỏe tồi tệ và mạng sống của tôi bị đe dọa, ngày 12.8.75 Cộng sản (CS) thả tôi về với lý do :”tạm hoãn quản huấn vì sắp đẻ”(nguyên văn).Về đến nhà thì ba mẹ và các em nhỏ của tôi đã bị lùa ra khỏi Sài gòn theo chương trình gọi là hồi hương lập nghiệp tại Sa-Đéc. Sức khỏe quá yếu, không đi được tôi đành ở lại căn nhà cũ (bấy giờ thì gia đình thím tôi đang ở). Đến đầu tháng 9.75 đau chuyển bụng, tôi đến bảo sanh viện Từ Dũ . Sau khi sinh cháu bé, tôi mệt lắm, nhưng gắng gượng xem mặt cháu, biết cháu là gái, thấy khuôn mặt con hao hao giống bố, lòng mình dâng nỗi nhớ chồng và dào dạt thương con, tôi ôm con vào lòng và ngất đi vì bị băng huyết. Tỉnh dậy tôi trở về tâm trạng cũ, May mắn cho tôi là CS chưa kịp đưa người của chúng vào nên nhân viên và bác sĩ cũ vẫn còn tấm lòng nhân ái và phong cách Miền Nam và nhờ đó tôi thoát khỏi luỡi hái tử thần. Vì lý lịch, nên tôi bị tống ra khỏi bịnh viện sau 4 ngày mặc dầu tôi còn yếu và cháu bé gầy guộc chỉ được 2kg. Tôi lại phải bế cháu tìm đường về Sa Đéc.Khi chiếc tàu đò đậu trước cửa nhà, lòng tôi càng thêm não nề. Đây là khu hoang địa, xưa kia là khu oanh kích tự do và không có dân cư, vì thế vùng nầy có rất nhiều hố bom. Thấy gia đình lam lũ, tôi vô cùng xót xa, vì vậy tôi ráng sức phụ giúp gia đình và tôi lại thêm lần nữa ngã quỵ. Đúng vào thời gian nầy, khi cháu được hơn một tháng thì mẹ con tôi bị bắt trở lại trại giam.Sáng hôm ấy, đang cho con bú, tôi nghe tiếng ghe máy và tiếng người, rồi tiếng chân dồn dập nhảy lên bờ. chạy về phía nhà tôi. Sống trong vùng cộng sản kiểm soát tâm trạng tôi luôn luôn hồi hộp lo sợ…Đang còn hoang mang thì tôi đã thấy họ bao quanh nhà tôi, những mũi súng chĩa thẳng vào mẹ con tôi. Tôi nghe đạn lên nòng và tiếng ra lịnh của tên chỉ huy: – Các đồng chí vào vị trí sẳn sàng tác chiến.Sau đó tiếng quát ra lịnh: – Chị Lê Thị Xuân, tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh, không được chống đối, chấp hành lệnh quản chế, thì sẽ đuợc cách mạng khoan hồng !Tiếp theo là hai tên có võ trang tiến sát vào giường mẹ con tôi. Tôi biết là tôi đã bị bắt. Tôi không sợ, nhưng tôi thương con quá, phần không muốn phải xa con, phần sợ con phải chịu cảnh lao tù. Tôi thật sự lúng túng vì cả nhà tôi đang làm ngoài ruộng. Tôi ngỏ ý chờ người nhà tôi về… Nhưng chúng nhất định không cho. Bị thúc hối quá cấp bách; tôi chỉ viết vội là đã bị bắt lại cho gia đình biết, rồi gom nhanh ít tả lót, ít quần áo, vật dụng cho hai mẹ con và theo chúng xuống xuồng máy giữa hai hàng súng “ dàn chào bảo vệ” của chúng. Sau nầy tôi biết tên hung tợn chỉ huy cuộc vây bắt hai mẹ con tôi tên là Hiếu. Tôi đã có lần gặp hắn tại Sài Gòn trong nhà người cùng quê với mẹ tôi. Người nầy là SQ Quân Lực VNCH che chở cho hắn trốn quân dịch, lúc ấy hắn làm phụ thợ hồ. Trước ngày tôi định cư tại Mỹ thì hắn là Phó chủ tịch Nông nghiệp huyện Thạnh Hưng, tỉnh Đồng tháp và dĩ nhiên là rất hống hách, ngang tàng và giàu có.Bọn chúng chở hai mẹ con tôi về trại giam Đám Lát thuộc huyện Lấp Vò, Tỉnh Đồng Tháp. Trại giam nằm trên gò đất, chung quanh có nhiều hàng rào dây kẽm gai bao bọc, chúng cẩn thận gài mìn và chất nổ đề phòng sự trốn trại của tù. Trại nầy giam đủ thứ thành phần từ SQ chế độ cũ, tôn giáo, đảng phái chính trị… đến thường phạm. Vì có con nhỏ nên chúng cho mẹ con tôi ở riêng một góc xó nhà bếp. vách nhà làm bằng đất sình trộn với trấu, nên hôi hám và nhiều bụi dơ; gió mang theo hơi nóng làm rát da. Tôi mượn nhà bếp hai tấm bao bố gạo làm chiếu và mền đắp cho con, còn mình thì nằm hẳn trên đất. Mỗi buổi chiều mẹ con tôi đuợc nữ quản giáo dẫn xuống một cái đìa nhỏ để tắm giặt. Vì cái đìa nhỏ nầy khi nuớc triều cường mới có chút ít nước từ sông cái tràn vào, do vậy mà những chất dơ bẩn không kịp thoát ra, vì thế nuớc có màu đen của dơ, màu váng của phèn; mùi hôi thối luôn luôn phảng phất, đó cũng là mần mống bịnh hoạn.Thức ăn không đủ nuôi cơ thể thì làm sao có sữa để nuôi con! Vì thế, các bạn tù đồng ý cho tôi mỗi ngày đuợc lưng chén nuớc cơm có lẫn dăm hạt gạo đang sôi để phụ cùng với dòng sữa hiếm hoi nuôi con. Phải sống trong hoàn cảnh tù đày dưới chế độ cộng sản mới hiểu thế nào là đói, mới hiểu giá trị miếng ăn và mới hiểu đó là sự hy sinh, là tấm lòng nhân ái mà Xã hội Quốc Gia đã giáo dục cho họ.Tôi biết ơn các bạn tù, cơn đói không lúc ngưng dày vò, trí óc chỉ ước mơ đến chưyện ăn, như mơ được một chén cơm lưng, thẻ đường, hột muối, giọt mỡ. Ôi miếng ăn sao “vĩ đại” đến thế!Ngoài cái đói triền miên hành hạ, tôi lại phải đối phó với muỗi. Khi bóng đen tràn tới cũng là lúc từng đàn muỗi xuất hiện. Chiếc mùng cũ lúc mang theo, bây giờ cũng rách mục như số phận làm người trong xã hội “thiên đường”cộng sản.Tôi ngậm ngùi thương con, tôi lo cho sự an nguy của chồng, tôi lo cuộc sống lao đao vất vả của gia đình, thấy nhớ ba mẹ và các em thơ dại của tôi, tôi tội nghiệp cho bà mẹ chồng hiền lành và nỗi bất hạnh triền miên đè lên số phận bà. Dường như giọt lệ lúc nào cũng lưng lưng trong khóe mắt, thế nhưng miệng tôi thì lúc nào cũng phải nói những điều trái ngược. Tôi cảm thấy danh dự xúc phạm.Do thiếu thốn vật chất, tinh thần hoang mang lo sợ cho tương lai mờ mịt tối tăm, và thương nhớ người thân – tôi mõi mòn và dần dần kiệt sức, con tôi thì còm cõi, yếu ốm và những bệnh do thiếu dinh dưỡng, do môi trường dơ bẩn cùng một lúc “hiệp đồng” tấn công trên cơ thể èo uột của tôi và của cháu. Lúc nầy thì con tôi tóc bết dính và lầy lụa mủ máu vì bị sài lở, toàn thân cháu nổi lên những mụn nhọt nhỏ li ti như muỗi đốt, móng tay như bị long và sứt rớt ra. Tôi lo quá, có lần tôi đành gạt nước mắt chịu nhục, hạ mình xin thuốc cho cháu; nhưng bọn người lòng thú ấy dửng dưng, lạnh lùng và dường như trong ánh mắt chúng có đôi chút hả hê của lòng thù hận. Ôi đồng bào tôi đấy, ôi phẩm cách và lòng khoan hồng “cách mạng!”. Sự tàn nhẫn kinh khiếp ấy của giống “người” cộng sản làm ý chí tôi bỗng dưng phát triển mãnh liệt. Tôi hối hận về sự cầu cứu ấy và tự nhủ lòng sẽ không bao giờ cầu xin chúng, tôi dấu nỗi uất hận, không để lộ niềm đau. Dù chưa biết phải làm gì, nhưng tôi thấy tinh thần của lý sinh tồn và lòng tự trọng trong tôi vững vàng lắm!Sắp đến ngày 2 tháng 9, ngày “quốc khánh” của chúng, một phái đoàn không biết từ đâu và cấp nào đến thanh tra. Một người trong bọn họ thoáng dừng lại trước mẹ con tôi, chúng phải bịt mũi vì mùi hôi từ chúng tôi. Có lẻ nhờ thế mà hôm sau, ngày 30.8.76 mẹ con tôi được chúng thả ra về với ba năm quản chế.Về đến nhà, toàn cả gia đình tôi sống héo hắt, cùng cực vất vả, thiếu thốn, tôi đã hiểu tại sao gần năm qua tôi không có thư từ tin tức gia đình và tôi lại khóc, lòng tự trọng thúc đẩy tôi lao hết sức mình cho gia đình, cho đứa con muôn ngàn yêu dấu. Cậu em trai kế tôi, có gia đình, còn ở Sài Gòn cho tôi hay rằng người mẹ chồng hiền lành của tôi đã chết! Tôi thương và mừng cho bà đã thoát được cái thiên đường man rợ của lũ “vượn người cộng sản”. Tôi nguyện cầu cho bà sớm đuợc về cõi Phật như lòng bà hằng mong ước. Tôi xót xa cho chồng và mẹ chồng trong cuộc chia tay vĩnh viễn không được gặp nhau, không đuợc có mảnh khăn trắng ghi nhớ công ơn của mẹ hiền, không được cầm tay đứa con trai út mà bà nuôi nhiều kỳ vọng. Bỗng dưng tôi thở dài ngao ngán cho kiếp nhân sinh trong chế độ cộng sản.Gần sáu năm sau kể từ ngày tôi được thả ra lần thứ hai thì chồng tôi mới đuợc thả về. Giây phút đầu tiên gặp lại nhau, tôi quá đỗi bất ngờ và cũng quá xúc động. Toàn thân tôi điếng lặng. Tôi không nhúc nhích, cử động gì được, nhưng giọt lệ cứ trào ra, lăn dài xuống đôi gò má thanh xuân nhưng đã sớm tàn phai vì thống thiết đau buồn, thương nhớ.Nhìn cảnh nhà sa sút nghèo khổ và cũng vì có lần quá cơ cực tôi có ý định cùng với chồng con quyên sinh, nên ngay hôm sau ngày sum vầy chồng tôi bắt tay ngay vào cuộc sinh tồn. Dù cường quyền địa phuơng ngăn cản, luôn tìm cách tạo bất an, gây phiền nhiễu, khó khăn, anh vẫn quyết chí phấn đấu từ làm thuê, vác mướn, bán dạo… gia đình tôi lần hồi bước dần ra cảnh bần hàn. Nhưng tai họa lại ập đến! Bởi lao nhọc, thiếu thốn và di hại trong lao tù, chồng tôi ngã bịnh nặng. Bác sĩ cho biết một lá phổi anh bị khô nước, màng phổi bị dày dính nên kéo và làm trái tim bị lệch và thòng xuống, có dấu hiệu bị sạn thận, xơ gan. Bao nhiêu tiền bạc do công lao và tiện tặn dành dụm được đành phải bỏ hết ra để giành mạng sống của anh. Khi đồng bạc cuối cùng ra đi thì may thay, tôi gặp đuợc người chị cả của chồng tôi, hai chị em thất lạc từ thưở anh chưa chào đời. Nhờ chị, chúng tôi thoát nạn. Cũng kể từ đó, đời sống tinh thần và vật chất của chúng tôi được an ủi, khuyến khích và nâng đỡ. Chị trở thành người mẹ thứ hai của chồng tôi,Bây giờ nhớ lại và kinh rợn chuỗi ngày sống dưới ách bạo tàn khắc nghiệt cộng sản, lòng bùi ngùi thương cảm cho những người còn trong nanh vuốt man rợ cộng sản. Xin thành kính nghiêng mình trước những bậc anh hùng đã ngã xuống vì muốn cứu nỗi bất hạnh của quê huơng, xin được khóc những dòng lệ cho những oan khuất tội tình của đồng bào tôi bị bàn tay máu của cộng sản áp bức khống chế.Xin cúi đầu tưởng niệm hằng triệu chiến sĩ Quốc Gia, Con yêu của Tổ Quốc Việt Nam đã không tiếc máu xương vì sự an toàn và phát triển cho quê hương. Xin tưởng niệm 58 ngàn con yêu của Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ vĩnh viễn nằm xuống trong cuộc chiến đấu cho công lý và tự do trên quê huơng tôi.Xin cám ơn lòng hào hiệp của nhân dân và chính phủ Hoa kỳ đã cứu vớt và đưa chúng từ nơi tối tăm bi thảm, nơi tầng cuối cùng của địa ngục trần gian đến vùng đất hứa, nơi tuyệt đối tôn trọng nhân phẩm con người.Xin cám ơn những ân nhân, vì tình nhân ái, vì nghĩa đồng bào mà điển hình là hội Gia Đình Cựu Tù nhân Chính Trị đã không bỏ rơi chúng tôi, đã không quản ngại gian khó tốn kém cả tiền của lẫn thời gian và sức lực, đã ra sức đánh động cho Thế giới và nhất là Hoa kỳ biết nỗi thống hận ngút ngàn mà cộng sản trả thù bằng cách làm khô máu lên cuộc đời những chiến sĩ Quốc gia từng một thời dũng lược, nay đành thúc thủ.Học theo Quý vị, chúng tôi nhất định không bỏ quên những người đang cần đến chúng tôi. Chúng tôi giữ gìn đạo lý và văn hóa Việt, chúng tôi nuôi dưỡng giáo dục các thế hệ tiếp nối về lòng nhân bản để trở thành công dân hữu dụng cho xã hội và cho sự tồn vong của Dân tộc. Thiết nghĩ dó là lời cảm ơn chân thành và thiết thực nhất.Việt Nam là dân tộc biết mang ơn và biết cách đền ơn. Đó là lời cuối cùng của dòng tâm sự hôm nay của chúng tôi.Little Sài Gòn, ngày Truyền thống CSQG/VNCH –Cựu Thiếu-Úy CSQG LÊ THỊ XUÂN.
TRUYỆN TÙ CS: GÃ BẤT CẦN
.
GÃ BẤT CẦN
Trước khi làm bản tự khai, tên Quản Giáo ngồi một chân để thõng, một chân chỏi trên mặt ghế. Hắn ngồi bật ngửa hút thuốc. Vài đám du kích mặt non choẹt mang vũ khí đủ loại đứng vòng ngoài phòng họp của trường Trung Học. Hắn từ từ đứng lên nói: “Tất cả hồ sơ các anh chúng tôi đã nấm. Tội các anh theo Mỹ Ngụy đánh phá Cách Mạng là tội chết, nhưng nhờ lượng khoan hồng của Nhà Nước cách mạng các anh được tha và cho tập trung về đây để học tập chánh sách của Nhà Nước một thời gian ngắn rồi cho về với gia đình, làm công dân tốt của một nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa và đảng Việt Nam quang vinh….”. Hắn nói tràng giang đại hải như con vẹt, cuối cùng hắn gằn giọng: “Các anh phải thật thà khai báo, các không qua mặt được chúng tôi, nhớ đó…” Mọi người được cấp hai mảnh giấy trắng làm tờ khai lý lịch.
Trong bản tự khai gã ghi sơ sài tên họ cấp bực, công vụ và địa chỉ tận miền Trung. Tư Cần trong Ban Quản Giáo Trại Tù đọc tờ khai của gã và bắt gã làm lại có hơn ba lần, lần nào gã cũng khai y như cũ. Tư Cần gọi gã lên la lối:
– Anh chưa thành khẩn khai báo. Các anh khác khai đầy đủ còn riêng anh cứ còn dấu giếm. Tội không khai báo thành khẩn là tôi nặng anh biết không? Gã thản nhiên trả lời:
– Thưa anh, tôi đã khai đủ.
– Anh không có thân nhân họ hàng?
– Dạ đúng.
– Ai sinh anh ra anh, anh không biết nữa hả!
– Tôi không biết, hồi nhỏ tôi sống trong cô nhi viện nên không biết cha mẹ là ai. Tư Cần ngó anh luờm lườm và hỏi gằn:
– Còn hoạt động đánh phá Cách Mạng anh ghi có bao nhiêu, đâu đủ!
Gã nhỏ nhẹ:
– Dạ đủ lắm rồi Cán Bộ. Cán Bộ không tin cứ coi lại hồ sơ mà Cán Bộ có….
Tư Cần bực tức, nhưng không biết phải làm gì với gã. Tư Cần đưa gã miếng giấy trắng khác và nói: “Anh về khai lại cho đủ hơn, chưa thành khẩn…anh hiểu chưa???”. Gã mang giấy về và vẫn khai y như cũ. Tư Cần ra lệnh nhốt gã vào phòng tối hai tuần. Hôm tên du kích mở cửa phòng giam đặc biệt, tống anh về lại phòng, người anh xanh xao và hôi thúi. Mọi người dìu anh về chỗ nằm. Anh em trong phòng bịt mũi vì chịu không nổi mùi hôi thúi bốc ra từ cơ thể của anh. Suốt hai tuần ở trong phòng tối, gã ăn, ỉa tại chỗ. Với mỗi ngày một lon nước trong phòng tối om làm gì để có cái sạch sẽ. Hồi ở ngoài phòng anh cũng là chúa nhát tắm gội rồi. Thế là vài ba anh đề nghị góp nước và lót miếng nylon ra giữa phòng, mời kéo gã ngồi vào để lau chùi, kỳ cọ cho gã hết mùi hôi. Gần ba tháng trong phòng giam ai ai cũng có người thân gởi đồ ăn vào bằng cách nầy hay cách khác, riêng gã thì không thấy ai gởi. Anh em hỏi gã thì gã cười mỉm nói: “Tôi con bà phước làm gì có ai gởi”. Gã ít khi quan tâm đến sinh hoạt trong phòng, ai kêu làm gì thì làm không thì nằm phì phà hút thuốc một mình, không tâm sự với ai, ai hỏi gã điều gì thì gã nói cái kiểu trớt quớt không đâu vào đâu. Ngày tháng bị giam tù không biết rồi sẽ ra sao? Mọi người buồn bã ra mặt, riêng gã thì không ai đoán được gã có buồn hay không. Gã sống lè phè với cơm phát, nước đong. Anh em thấy vậy nên chia sẻ với gã khi có đồ ăn gởi vào. Gã không bao giờ từ chối món gì cả. Ai cho cái gì thì ăn cái đó, ăn không hết thì dồn hết vào lon Guigoz để dành ăn từ từ. Anh em thương gã vì biết gã chẳng có ai thăm nuôi, nhưng tin vào lời khai của gã thì chắc không ai tin, hoặc có tin cũng ở một giới hạn nào đó. Riêng về Ban Quản Giáo thì thôi hạch hỏi gã từ khi gã từ hầm tối ra. Chắc họ có điều tra, nhưng không moi được gì thêm. Hồ sơ quân bạ ở tỉnh Chương Thiện bị đốt hết. Họ cứ dằn mặt: “Các anh phải khai thật thà, hồ sơ của các anh chúng tôi nắm hết cả, đừng hòng khai gian!”. Thế nhưng cho đến khi chuyển trại lên Cần Thơ, mặc dù cũng qua nhiều lần làm lại tờ tự khai, gã cũng chỉ viết có bấy nhiêu mà chẳng thấy họ hạch hỏi gì thêm.
Cũng như còn ở trại giam tỉnh, ở đây gã cũng lè phè, lếch thếch. Mọi người được vợ con tiếp tế thăm nuôi, còn gã thì vẫn mồ côi như cũ. Gã tự đi “Cải hoạt” với cái bẫy chuột tự sáng chế. Đó là chiếc cần bằng tre với sợi dây nhợ. Gã đánh bắt chuột cống trong trại, vì là chuột chui nhủi trong các hang dơ dáy nên lông lá bị rụng, da trầy trụi lỡ lói. Khi bắt được con nào gã cắt đầu, lột da, bỏ bộ ruột, đem nướng hoặc kho mặn. Anh em thấy gã ăn mà thương hại và thường có ý ngăn cản vì sợ gã bị bệnh. Mọi người chia phần ăn cho gã và khuyên gã nên ngưng ăn chuột, nhưng gã vẫn tiếp tục bẫy chuột. Nhiều đêm cái bẫy sập đưa cần không? Gã tức lắm và cho là có người nào đó ăn chận, bắt lén. Để phát giác khi bẫy sập. Gã cột thêm mấy miếng nhôm để khi bẫy được chuột, chuột giẩy dụa sẽ kêu leng keng. Có hôm vừa mổ bụng chuột xong, gã cười khà khà: “Ê bắt được chuột có chửa, ăn chuột hà nàm bổ lắm”. Gã lôi ra từng con chuột con trong bọc bỏ vào miệng ăn ngon lành, mấy anh bạn trong phòng bụm miệng, nôn ói. Chẳng ai cản được gã nên cứ để gã tùy tiện. Anh em đồn đại: “Tay nầy đúng là một tên khật khùng…!” Cán bộ trại gọi gã lên hỏi:
– Chúng tôi lo cho các anh thức ăn đầy đủ, sao anh lại ăn chuột dơ bẩn như thế?
Gã cười cười trả lời:
– Thưa cán bộ thêm thịt…
– Thế chúng tôi cung cấp không có thịt cho anh à?
– Dạ không có.
– Cá nục…rau cải, nước mắm đấy.
– Dạ thịt cá đâu phải thịt heo.
– Anh còn muốn ăn thịt heo… tư sản nhỉ?
– Dạ ăn để sống mà cán bộ.
– Thế chúng tôi có để cho các anh chết à….?
Gã cúi đầu ngưng nói. Tên cán bộ tức khí:
– Thôi anh về đi…cấm không cho anh bắt chuột. Gã làm thinh quay đầu đi ra khỏi phòng.
Gã cùng đoàn quân xuôi Nam vào tuốt tận vùng sâu rừng U Minh, nơi mật khu cũ của mặt trận trá hình “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” dựng trại, phát hoang làm ruộng. Gã lè phè như bè trôi sông. Hồi mới tới U Minh mỗi tốp 10 người ngủ trong lều nylon, có đêm gió tốc mạnh mọi người thức dậy lo tu sửa căng lều lại. Gã vẫn nằm yên ngủ ngáy kho kho. Anh em cằn nhằn quá. Gã phân trần:
– Ngủ quên mà, sao không kêu tui.
Ít lâu sau gã xin được một miếng nylon nhỏ che đủ một bên gần kế lều chung, để khi mưa gió, khỏi lo anh em càu nhàu. Có hôm mọi người thấy gã ngủ với nửa người ướt nhem vì miếng vải che bị tróc một phần. Mặc kệ! Gã ngủ với cơn ngáy đều đều!!!
Trong lao động hằng ngày hễ gã đi chung với nhóm nào là các bạn trong nhóm nhăn mặt cười. Thế nào cũng phải gánh thêm để cho xong việc. Gã làm từ từ, đôi lúc nửa chừng than mệt, lên bờ ngồi vấn thuốc rê hút thở phì phèo. Anh em biết gã như vậy nên riết rồi cũng để mặc gã làm gì thì làm. Ai phàn nàn, nặng nhẹ, gã cười trừ: “Làm gì mà dữ vậy ông?”. Gã luôn từ tốn, hề hà không giận ai cho dù có bị nặng nhẹ, nên chẳng ai ghét gã được…?
Công việc đi vào rừng sâu chặt cây và bè về để dựng trại thì được phân theo đầu người. Mỗi người mang về ba cây đước hoặc cây vẹt. Mỗi nhóm 10 người của ai nấy lo. Cây đốn xong, dùng giây chạy cột lại và thả xuống lạch nước kéo về. Anh em đốn cây theo tiêu chuẩn, cây to, dài suông thõng, còn gã thì chả cần miễn có ba cây là được. Gã thả rề rề dưới nước và luôn luôn là người về rất trễ. Có hôm anh em trong nhóm phải quay lại kéo phụ với gã về chỗ tập trung. Có một lần vì không bó chặt, lúc kéo về bó cây bị sút ra, gã rị mọ cột lại, nhưng vì nước lớn cây trôi theo dòng chảy. Gã giữ cây nầy thì cây khác bị trôi đi, phần vì không biết lội nên cứ loay quay mãi mà không gom được cây để cột lại. Một chị bơi chiếc ghe tam bản ghé lại và giúp gã thu gom. Chị kêu gã lên xuồng ngồi, be bó cây vào xuồng, chèo về hướng trại. Bàn tay gã bị xước, máu chảy ướt đẫm, gã xé một bên áo cột rịt vết thương. Khi xuồng vào đến khúc kinh nhỏ gần khu vực trại. Chị bơi tấp xuồng vào bờ ra hiệu cho gã xuống xuồng. Chị nói: “Em giúp anh tới đây thôi, em không được phép vào khu vực trại”. Chị bảo: “chờ em một chút, em đem đồ ra băng bó vết thương cho anh”. Chị chống sào giữ xuồng, lên bờ đi vào cái chòi lá mang ra một nhúm gòn, chai thuốc sát trùng và miếng băng vải. Chị kêu gã đưa bàn tay bị thương ra. Chị dùng bông gòn thấm thuốc sát trùng chỗ bị trầy, bôi vào một chút thuốc đỏ và băng bó vết thương cho gã. Chị làm công việc rất thuần thạo. Gã đoán chắc bà nầy làm y tá. Gã muốn hỏi nhưng thôi. Gã lại lí nhí nói cám ơn và lội xuống nước kéo bè gỗ về điểm tập trung. Hôm nay gã là người về sớm hơn mấy người bạn, ai cũng hỏi: “Sao hôm nay tài quá vậy?”. Gã cười mỉm không trả lời.
Thời gian cứ trôi qua với những ngày những tháng tù đày nơi rừng U Minh. Lao động cực nhọc với mưa nắng, muỗi, vắt, tuy nhiên ăn uống ở đây được tạm đủ nhờ rau hoang và bầy cá bạc ngàn đổ ra từ phía rừng sâu khi mùa mưa tràn đồng lênh láng. Hồi mới xuống đây vào đầu tháng tư, cơn mưa mới rỉ rả. Bây giờ cơn mưa đã tạnh, các láng trại được thành hình, mùa lúa gặt đã xong. Nông trường 30 tháng Tư được thành lập.Tin tức chuyển trai đi nơi khác được anh em rỉ tay nhau…đi đâu…về đâu…??? Lại có tin đồn lần nầy trại sẽ thả một số người…Ai đây…???.Mọi đồn đại rồi cũng đi qua. Một hôm gã được gọi lên C với vài anh bạn khác. C trưởng cho hay toán nầy được cho về đoàn tụ với gia đình. Anh em trong nhóm ai cũng vui mừng, còn gã thì tỉnh bơ và nói với C trưởng:
– Cho tôi ở lại được không cán bộ…?
– Không được, có lệnh là phải rời trại.
Gã làm thinh với mặt buồn buồn lầm lũi về láng. Anh em trong nhóm ngạc nhiên hỏi:
– Ai cũng muốn về…còn mầy…điên hả!!! Gã cười méo mó và im lặng vấn thuốc hút…
Đó là cuối năm 1980.
Ngày được thả về, tất cả nhóm hơn 12 người lên phòng họp của trại để làm lễ và lãnh giấy lệnh rời trại. Tất cả mọi người ai cũng được thông báo cho thân nhân vợ con vào ký vào giấy bảo lãnh nhận chồng về. Chỉ trừ anh chẳng có ai. Ban Chỉ Huy Trại hỏi anh, anh nói: “Xin cho tôi ở lại nông trường, tôi không còn ai là thân nhân”. Cuối cùng Ban Chỉ Huy Trại cấp cho gã một công rừng ngoài nông trường gần phía trạm xá. Khi được Cán Bộ Trại chỉ cho gã miếng đất được cấp, gã nhìn cái chòi lá mà trước đây chị Y Tá băng vết thương ở tay, chỉ cách độ một vuông đất. Chuyện gã xin ở lại lan truyền khắp nông trường. Mọi người cho gã là thằng khật khùng mới chọn ở lại cái nơi cùng khốn nầy. Nhưng người vui nhất khi nghe tin gã ở lại là Lượm.
Buổi sáng Lượm đứng trước cửa trạm xá nhìn mấy chiếc võ lãi chở mấy gia đình được cho về chạy ngang trước con rạch. Nàng nghĩ nếu gã mà có trong chuyến về nầy thì chắc nàng buồn lắm. Một cảm giác nôn nao truyền khắp cơ thể khiến Lượm mơ màng một điều gì đó không rõ…. Lượm nghĩ trong những ngày sắp tới nàng sẽ còn được gặp gã.
Cuộc đời nàng rất hẩm hiu đau buồn, từ nhỏ tới giờ có khi nào nàng được cái cảm giác như bây giờ đâu. Mới 10 tuổi nàng đã mồ côi mồ cút vì ba má chết trong trận chiến Mậu Thân. Mười lăm tuổi đã vào đội giao liên. Nàng được nhào nặn hận thù Mỹ, Ngụy, học tập chiến đấu hy sinh theo các gương anh hùng mà nàng chỉ nghe thôi chớ chưa thấy tận mặt. Từ ngày vào đội giao liên tới giờ cứ luồn lách, chốn trui chốn nhủi khi lính đi càn. Nàng chỉ nghe báo cáo thành tích diệt địch, nhưng chưa bao giờ tham gia trận đánh nào. Trình độ thì chỉ nhá nhem đủ để có thể đọc được các chỉ thị công tác. Một hôm trên đường đi công tác với một anh bạn. Lính càn nhiều quá, hai đứa chém vè ở một cái hầm chìm dưới đám dứa gai. Cái hầm chật ních hai đứa phải áp sát nhau suốt buổi. Hơi nóng hai cơ thể cứ như ran ran truyền vào nhau. Có lúc hình như thằng bạn để tay vào ngực áo đang bật khuy gần hết. Lượm vờ như không biết nhưng thấy rộn rã một thứ gì đó rất mơ hồ, cổ họng nàng như khô, nước miếng chực chờ chảy ra. Nàng nuốt một cái ực vào. Thằng bạn thấy nàng để yên nên làm tới. Nó đưa tay luồn xuống thấp và thấp hơn. Không biết tại sao nàng vẫn để yên cho nó làm gì thì làm. Buổi tối hôm đó khi vừa ra khỏi miệng hầm thì nó đè bật Lượm ra trên miệng hầm…Nàng nằm im, một lúc Lượm nghe gió thổi lạnh khắp người, nàng ôm riết nó sát hơn…Nàng tê dại và cảm thấy đau nhói như có một cây gai nhọn vừa đâm vào phía dưới…Tối hôm đó du kích xã phải đốt rọi đi tìm. Hai đứa rón rén về chòi canh. Mỗi đứa nằm một góc ngủ say.
Vài tháng sau, cũng trong chuyến công tác giao liên. Khi lính bố ráp. Lượm nhanh chân trốn được dưới hầm trú, nhưng thằng bạn bị bắn phơi thân ngoài đám dứa gai. Thấy cái xác bị bắn lòi ruột Lượm trừng trừng nhìn nó rồi bật khóc. Những ngày tháng sau đó Lượm ăn nằm hết với chủ tịch xã, tới xã đội trưởng. Hình như họ biết Lượm ăn nằm với thằng bạn du kích hôm đó. Họ tạo điều kiện đề gần nàng. Hình như nàng cũng hực nóng khi nghĩ tới chuyện làm tình. Nàng sẵn sàng nằm ra khi có cơ hội. Thật ra mấy anh ở trên cứ tạo cơ hội để được ngủ với Lượm. Các anh nói: “Ủng hộ sinh lý cho các anh cũng là một công tác”. Lượm tin như vậy, cho nên chuyện ăn nằm với mọi người là chuyện giống như thi hành nhiệm vụ. Sự ăn nằm quen dần cho đến nỗi Lượm không biết cái thai chình ình càng nở to ra của nàng tác giả là ai. Lượm có bầu thì bị lôi ra xử lý. Chính anh Tư Hồng chủ tịch xã đã ngủ với Lượm không biết bao lần. Anh gay gắt phê phán trước buổi họp kiểm điểm nàng: “Đồng chí đã làm mất tư cách một cán bộ Cách Mạng”. Anh nhấn mạnh: “Phụ nữ Cách Mạng luôn trong sạch để làm gương cho chị em trong đoàn ngũ, chưa có gia đình mà để có bầu là vi phạm điều lệ…”. Vợ của Tư Hồng là Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Cách Mạng, sau khi kiểm điểm gay gắt chuyện nàng có bầu và cuối cùng chị đề nghị thuyên chuyển Lượm sang cơ quan Y Tế khi sinh nở xong. Sau nầy Lượm biết được là bà vợ của Tư Hồng nghe phong phanh chuyện anh có ăn nằm với Lượm nên nhân cơ hội nầy đẩy Lượm đi xa. Còn Tư Hồng thì thở ra nhẹ nhõm.
Lượm bị sẩy thai trong một chuyến đi công tác. Nàng được nằm tại bệnh xá huyện và chuyển đi học Y Tá vài tháng thì ngày 30 tháng Tư đến.
Chuyện gần đàn ông của Lượm như một đòi hỏi của cơ thể chứ không có một chút tình cảm gì ở trong đó. Ăn nằm xong thì nàng lồm cồm ngồi dậy mặc quần áo và mạnh ai nấy đi. Cho tới khi gặp được gã. Một người tù cải tạo làm lì, hiền hậu, ăn nói từ tốn. Khi gặp nàng gã dửng dưng chẳng nhìn nàng như mấy lão ở trong nầy, khiến nàng cứ muốn lấn tới với gã trong nỗi xuyến xao kỳ lạ. Lượm thường đứng nhìn gã kéo gỗ dưới lạch nước trước trạm xá với cái vẻ cô độc kham khổ thấy mà thương. Nàng tìm hiểu và biết gã chẳng có ai thăm nuôi. Nàng đoán chắc gã chưa vợ con nên đâm lòng yêu thầm.
Khi cái chòi lá của gã khởi công thì mọi người trong trại phụ dựng nhà cho gã, chỉ trong hai ngày là xong. Miếng đất được nông trường cấp cho gã một công gần khu trạm xá cho nên Lượm có nhiều cơ hội đến giúp gã nhiều việc. Ngày tháng trôi qua, khi thì nàng mang cho gã một vài món ăn, vá cho gã manh áo rách…nhưng chưa bao giờ nàng nói được cái đều nàng nghĩ trong đầu. Lượm nói thầm: “Đàn ông gì mà kỳ lạ…mình muốn ảnh mà ảnh …cứ lơ lơ chẳng để ý gì hết ráo…”
Một buổi tối, Lượm nhìn qua kẽ hở của chòi tắm, thấy phía nhà gã chưa thắp đèn. Nàng quơ bộ quần áo mặc vào và thắc mắc: “Cái anh nầy đi đâu, tối mò mà chưa zdìa để nhà tối om?”. Trạm xá cách nhà gã một vuông ruộng nhỏ cho nên nàng hay chăm chú theo dõi sinh hoạt đi đứng của gã hằng ngày. Có hôm thấy gã ở trần trùng trục phơi cái lưng vạm vỡ với màu da trắng muốt. Nàng thấy nôn nao một ham muốn dâng tràn, toàn thân nàng nóng ran. Luợm ước gì được nằm sát với gã. Khi ấy nàng nhắm mắt mơ màng nghĩ đến một dòng ái ân tràn ngập trong đầu… Lượm quyết định sang nhà gã xem gã có ở nhà không? Trời mới nhá nhem tối nhưng Lượm cũng cầm theo cây đèn pin. Bước ra khỏi trạm xá, cơn gió chiều hôm thổi lùa, nàng nghe lành lạnh ở vùng ngực. Lượm chợt nhớ ra mình quên mặc áo lót. Nàng đưa đôi tay bắt chéo trước ngực khi đứng trước cửa nhà gã. Nhà tróng trơn không có cửa trước. Nàng nhìn suốt vào nhưng chẳng thấy ai bên trong. Lượm đi vòng ra phía sau, thì bất chợt nhìn thấy gã vừa mới ở dưới mương nước bước lên.Toàn thân trần truồng. Một bóng trắng chập chờn trước mắt. Nàng vội trở ra phía trước gọi: “Anh ơi có nhà không, sao nhà tối om zdậy?”. Gã nghe nàng gọi thì vội đi ngay vào nhà lấy bộ đồ bà ba đen mặc vào và nói vói ra: “Có tôi…chờ chút nha ?”. Vừa nói gã vừa mò tìm cái ống quẹt mồi cây đèn. Căn nhà sáng lên. Lượm đứng ngay khung cửa. Ánh sáng làm lộ thân hình người con gái với bộ đồ bông hường nhô cao đôi vòng ngực. Gã tằn hắn:
– Có gì hông cô Lượm?
– Thấy nhà tối em tưởng anh không có nhà nên đi qua coi thử anh zdìa chưa?
– Tôi tắm ở dưới mương nước phía sau nhà.
Nàng vờ như không biết gì và nói: “Dzậy mà em tưởng anh đi đâu?”. Nàng bước hẳn vào bên trong. Nhà trống trơn chưa có bàn ghế gì ráo. Gã nói: “Cô ngồi lên giường đỡ”. Lượm ngồi lên mép giường nhìn quanh quất căn nhà rồi nói: “Mai em đi chợ mua đồ cho trạm, chắc em mua cho anh một ít đồ xài, anh cần món gì cho em biết”. Gã đứng xớ rớ một góc nhà nói: “Chưa biết cần gì nữa cô ơi?”. Lượm dượm người đứng lên bước vài bước, rồi nhìn trước, ngó sau xem có gì mua được cho gã đây? Nàng chột dạ nói trong lòng: “Nhà thiếu đàn bà có khác” và cảm thương cho gã một cách chân thành. Lượm hỏi:
– Anh ở như vầy…hỏng ai lo cho anh hết.
– Tui quen rồi cô.
– Em muốn lo cho anh…lo hoài hoài được hôn?
Gã xua tay:
– Không được đâu. Cô là Cán Bộ, tôi là tên tù mới được thả ra…nếu người ta biết cô lui tới như thế nầy có hại cho tui. Tui cám ơn sự lo lắng và sự giúp đỡ của của cô.
Lượm trân trân nhìn gã và nói:
– Anh…! em thương anh mà. Không ai có quyền cản ngăn em hết á! Em là một người con gái…không là cán bộ gì ráo, em chán cái luận điệu của mấy ông trong bưng nầy lắm rồi. Thời gian qua nhìn các anh sinh hoạt mọi người ở vùng nầy đều biết các anh là ai…là những người tử tế chứ không như những điều bôi xấu mà em và các người ở đây nghe về các anh… Dường như có một cơn sục sôi bùng cháy trong lòng. Lượm bước tới ôm chầm lấy gã và nói: “Em thương anh!”. Mùi thơm bồ kết từ mái tóc mới gội của nàng cộng lại với sự cọ sát vòng ngực nóng ran làm gã boàng hoàng lo sợ hơn là cảm xúc… gã vội tỉnh trí đưa hai tay lên hai vai nàng đẩy nhẹ ra và nói: “Không được đâu…cô về đi…! Không được đâu….!”. Bỏ Lượm đứng khóc trong nhà, gã chạy ra phía sau … Cánh đồng mênh mông loáng nước trước mặt gã đã tối sầm. Gã khom lưng vóc một bụm nước úp vào mặt.
Vào một buổi trưa ngày.. tháng …năm 1984 một chiếc võ lãi chở một thiếu phụ sang trọng và hai người con tấp vô trạm xá. Người tài công bước lên hỏi Lượm nhà của anh T…. ở đâu? Lượm nhìn xuống chiếc võ lãi, lòng tự hỏi: Ai dzậy kìa???
Khi chiếc võ lãi tấp vô nhà của gã. Lượm ra đứng ngoài sân bệnh xá nhìn sang đấy, thấy gã chạy ra ôm chầm lấy người thiếu phụ, còn hai đứa nhỏ thì kêu ba ơi ba…! Gã quay sang ôm hai đứa nhỏ hôn lấy hôn để… Tất cả gia đình gã di tản sang sống ở Mỹ. Sau khi liên lạc được với những người bạn còn ở Sài Gòn có chồng bị tù ở vùng U Minh. Vợ gã biết gã còn ở Năm Căn. Chị xuống Cà Mau dò la tin tức và biết gã đang ở nông trường Thống Nhất. Hôm nay chị mướn chiếc võ lãi vào rước gã về. Lượm đứng như trời trồng và ôm mặt khóc: “Trời ơi! vợ con của ảnh!!!”
Chiều đó chiếc võ lãi quay mũi chạy ra khỏi nông trường, đi ngang trạm xá. Gã nhìn vào một lúc rồi vội quay mặt về phía vợ nói: “Anh có nhiều kỷ niệm với cái trạm xá nầy”. Người thiếu phụ nói: “Vậy hả…?” Chiếc võ lãi chạy khuất ra vàm kinh lớn. Tiếng bành bạch của chiếc máy đuôi tôm dội trong Lượm nỗi đau xót tận cùng buồn bã. “Anh đi thật rồi! Em mất anh thật rồi…!”. Nàng đứng khóc một mình trong buổi chiều U Minh lặng lẽ.
Bẵng đi một thời gian rất lâu. Lúc nầy Lượm làm Y Tá cho một bệnh xá ở huyện…Một hôm nàng nhận được một món quà từ Bưu Điện. Đó là một sợi dây chuyền bằng vàng với hai trái tim kề nhau, kèm thêm có bức thư của gã bất cần năm nào gởi từ Mỹ về.
Cali..ngày… tháng….năm…..
Lượm thương mến,
Tôi hiểu rõ tấm lòng của em dành cho tôi và luôn ghi nhớ những sự giúp đỡ của em trong những ngày tháng ở rừng. Chiếc võ lãi chở vợ con của tôi vào ngày hôm đó cũng là một bất ngờ cho tôi. Trong cơn biến động trước ngày 30 tháng tư năm 1975. Gia đình tôi lo di tản trước đó vài ngày.Vợ tôi từ Sài Gòn xuống Chương Thiện ngày 28 tháng tư để đón tôi về cùng di tản ra hạm đội Mỹ, nhưng không gặp được tôi. Mọi người trong gia đình tôi đã ra đi trong lúc chúng tôi được lệnh tử thủ của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn. Chúng tôi đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng…và rồi những gì em biết sau đó. Chúng tôi đành thua trận. Người anh đầu đàn của chúng tôi hiên ngang gục chết trước pháp trường. Tôi mất liên lạc với gia đình và không biết họ về đâu trong cơn biến động đau đớn đó. Tôi đành chịu số phận chung cuộc của những người bại trận. Chúng tôi hèn nhát hơn vị Đại Tá của chúng tôi! Chúng tôi buông súng, nạp mình cho kẻ chiến thắng là phía của em. Tôi phó đời trong bất cần số phận…và cuối cùng tôi gặp lại vợ con trong bất ngờ như chiêm bao. Tôi cám ơn ơn trên đã cho tôi hồi sinh được cuộc sống và xin cám ơn em đã tận tụy giúp tôi trong cơn khốn cùng đã qua. Tôi nhận biết rằng: Từ trong trái tim yêu thương chân thành thì không có lòng thù hận. Xin gởi em món quà từ đất Mỹ. Mong em vui lòng nhận cho, trong đó có tấm lòng của tôi.
Thương mến,
Lê văn T…
Riêng Lượm từ hôm nhận được quà và thư của gã nàng khóc thật nhiều. Sau đó nàng rời bỏ bệnh xá. Người ta không biết nàng đi đâu…?
(Ghi nhớ những ngày ở rừng U MINH)
Những hình ảnh không in ra được
.
Tiểu Tử
Tôi không có đi di tản hồi những ngày cuối tháng tư 1975 nên không biết cảnh di tản ở Sài gòn ra làm sao. Mãi đến sau nầy, khi đã định cư ở Pháp, nhờ xem truyền hình mới biết ! Sau đây là vài cảnh đã làm tôi xúc động, xin kể lại để cùng chia xẻ…
Chuyện 1
Ở bến tàu, thiên hạ bồng bế nhau, tay xách nách mang, kêu réo nhau ầm ĩ, hớt hơ hớt hải chạy về phía chiếc cầu thang dẫn lên bong một chiếc tàu cao nghều nghệu. Cầu thang đầy người, xô đẩy chen lấn nhau, kêu gọi nhau, gây gổ nhau… ồn ào. Trên bong tàu cũng đầy người lố nhố, giành nhau chồm lên be tàu để gọi người nhà còn kẹt dưới bến, miệng la tay quơ ra dấu chỉ trỏ… cũng ồn ào như dòng người trên cầu thang !
Giữa cầu thang, một bà già. Máy quay phim zoom ngay bà nên nhìn thấy rõ : bà mặc quần đen áo túi trắng đầu cột khăn rằn, không mang bao bị gì hết, bà đang bò nặng nhọc lên từng nấc thang. Bà không dáo dác nhìn
trước ngó sau hay có cử chi tìm kiếm ai, có nghĩa là bà già đó đi một mình. Phía sau bà thiên hạ dồn lên, bị cản trở nên la ó ! Thấy vậy, một thanh niên tự động lòn lưng dưới người bà già cõng bà lên, xóc vài cái cho thăng bằng rồi trèo tiếp.
Chuyện chỉ có vậy, nhưng sao hình ảnh đó cứ đeo theo tôi từ bao nhiêu năm, để tôi cứ phải thắc mắc : bà già đó sợ gì mà phải đi di tản ? con cháu bà đâu mà để bà đi một mình ? rồi cuộc đời của bà trong chuỗi ngày còn lại trên xứ định cư ra sao ? còn cậu thanh niên đã làm môt cử chỉ đẹp – quá đẹp – bây giờ ở đâu ?… Tôi muốn gởi đến người đó lời cám ơn chân thành của tôi, bởi vì anh ta đã cho tôi thấy cái tình người trên quê hương tôi nó vẫn là như vậy đó, cho dù ở trong một hoàn cảnh xô bồ hỗn loạn như những ngày cuối cùng của tháng tư 1975…
Chuyện 2
Cũng trên chiếc cầu thang dẫn lên tàu, một người đàn ông tay ôm bao đồ to trước ngực, cõng một bà già tóc bạc phếu lất phất bay theo từng cơn gió sông. Bà già ốm nhom, mặc quần đen áo bà ba màu cốt trầu, tay trái ôm cổ người đàn ông, tay mặt cầm cái nón lá. Bà nép má trái lên vai người đàn ông, mặt quay ra ngoài về phíamáy quay phim. Nhờ máy zoom vào bà nên nhìn rõ nét mặt rất bình thản của bà, trái ngược hẳn với sự thất thanh sợ hãi ở chung quanh !
Lên gần đến bong tàu, bỗng bà già vuột tay làm rơi cái nón lá. Bà chồm người ra, hốt hoảng nhìn theo cái nón đang lộn qua chao lại trước khi mất hút về phía dưới. Rồi bà bật khóc thảm thiết…
Bà già đó chắc đã quyết định bỏ hết để ra đi, yên chí ra đi, vì bà mang theo một vật mà bà xem là quí giá nhứt, bởi nó quá gần gũi với cuộc đời của bà : cái nón lá ! Đến khi mất nó, có lẽ bà mới cảm nhận được rằng bà thật sự mất tất cả. Cái nón lá đã chứa đựng cả bầu trời quê hương của bà, hỏi sao bà không xót xa đau khổ ? Nghĩ như vậy nên tôi thấy thương bà già đó vô cùng. Tôi hy vọng, về sau trên xứ sở tạm dung, bà mua được một cái nón lá để mỗi lần đội lên bà sống lại với vài ba kỷ niệm nào đó, ở một góc trời nào đó của quê hương…
.
Chuyện 3
Cũng trên bến tàu nầy. Trong luồng người đi như chạy, một người đàn bà còn trẻ mang hai cái xắc trên vai, tay bồng một đứa nhỏ. Chắc đuối sức nên cô ta quị xuống. Thiên hạ quay đầu nhìn nhưng vẫn hối hả đi qua, còn tránh xa cô ta như tránh một chướng ngại vật nguy hiểm ! Trong sự ồn ào hỗn tạp đó, bỗng nghe tiếng được tiếng mất của người đàn bà vừa khóc la vừa làm cử chỉ cầu cứu. Đứa nhỏ trong tay cô ta ốm nhom, đầu chờ vờ mắt sâu hõm, đang lả người về một bên, tay chân xụi lơ. Người mẹ – chắc là người mẹ, bởi vì chỉ có người mẹ
mới ôm đứa con quặt quẹo xấu xí như vậy để cùng đi di tản, và chỉ có người mẹ mới bất chấp cái nhìn bàng quang của thiên hạ mà khóc than thống thiết như vậy – người mẹ đó quýnh quáng ngước nhìn lên luồng người, tiếp tục van lạy cầu khẩn.
Bỗng, có hai thanh niên mang ba lô đi tới, nhìn thấy. Họ dừng lại, khom xuống hỏi. Rồi họ ngồi thụp xuống, một anh rờ đầu rờ tay vạch mắt đứa nhỏ, họ nói gì với nhau rồi nói gì với người đàn bà. Thấy cô ta trao đứa bé cho một anh thanh niên. Anh nầybồng đứa nhỏ úp vào ngực mình rồi vén áo đưa lưng đứa nhỏ cho anh kia xem. Thằng nhỏ ốm đến nỗi cái xương sống lồi lên một đường dài…
Anh thứ hai đã lấy trong túi ra chai dầu từ lúc nào, bắt đầu thoa dầu rồi cạo gió bằng miếng thẻ bài của quân đội.
Thiên hạ vẫn rần rần hối hả đi qua. Hai thanh niên nhìn về hướng cái cầu thang, có vẻ hốt hoảng. Họ quay qua người đàn bà, nói gì đó rồi đứng lên, bồng đứa nhỏ, vừa chạy về phía cầu thang vừa cạo gió ! Người mẹ cố sức đứng lên, xiêu xiêu muốn quị xuống, vừa khóc vừa đưa tay vẫy về hướng đứa con. Một anh lính Mỹ chợt đi qua, dừng lại nhìn, rồi như hiểu ra, vội vã chạy lại đỡ người mẹ, bồng xóc lên đi nhanh nhanh theo hai chàng thanh niên, cây súng anh mang chéo trên lưng lắc la lắc lư theo từng nhịp bước….
Viết lại chuyện nầy, mặc dù đã hơn ba mươi năm, nhưng tôi vẫn cầu nguyện cho mẹ con thằng nhỏ được tai qua nạn khỏi, cầu nguyện cho hai anh thanh niên có một cuộc sống an vui tương xứng với nghĩa cử cao đẹp mà hai anh đã làm. Và dĩ nhiên, bây giờ, tôi nhìn mấy anh lính Mỹ với cái nhìn có thiện cảm !
Chuyện 4
Cũng trên bến tàu. Cầu thang đã được kéo lên. Trên tàu đầy người, ồn ào. Dưới bến vẫn còn đầy người và cũng ồn ào. Ở dưới nói vói lên, ở trên nói vọng xuống, và vì thấy tàu sắp rời bến nên càng quýnh quáng tranh nhau vừa ra dấu vừa la lớn, mạnh ai nấy la nên không nghe được gì rõ rệt hết ! Máy quay phim zoom vào một người đàn ông đứng tuổi đang hướng lên trên ra dấu nói gì đó. Bên cạnh ông là một thằng nhỏ cỡ chín mười tuổi, nép vào chân của ông, mặt mày ngơ ngác. Một lúc sau, người đàn ông chắp tay hướng lên trên xá xá nhiều lần như van lạy người trên tàu, gương mặt sạm nắng của ông ta có vẻ rất thành khẩn. Bỗng trên tàu thòng xuống một sợi thừng cỡ nửa cườm tay, đầu dâyđong đưa. Mấy người bên dưới tranh nhau chụp. Người đàn ông nắm được, mỉm cười sung sướng, vội vã cột ngang eo ếch thằng nhỏ. Xong, ông đưa tay ra dấu cho bên trên. Thằng nhỏ được từ từ kéo lên, tòn ten dọc theo hông tàu. Nó không la không khóc, hai tay nắm chặt sợi dây, ráng nghiêng người qua một bên để cúi đầu nhìn xuống. Người đàn ông ngước nhìn theo, đưa tay
ra dấu như muốn nói : « Đi, đi ! Đi, đi ! ». Rồi, mặt ông bỗng nhăn nhúm lại, ông úp mặt vào hai tay khóc ngất ! Bấy giờ, tôi đoán ông ta là cha của thằng nhỏ đang tòn ten trên kia… Không có tiếng còi tàu hụ buồn thê thiết khi lìa bến, nhưng sao tôi cũng nghe ứa nước mắt !
Không biết thằng nhỏ đó – bây giờ cũng đã trên bốn mươi tuổi — ở đâu ? Cha con nó có gặp lại nhau không ? Nếu nó còn mạnh giỏi, tôi xin Ơn Trên xui khiến cho nó đọc được mấy dòng nầy…
Tiểu Tử
THÁNG NGÀY TAO LOẠN
Chân tình của Một Bác sĩ Nhảy Dù: Vĩnh Chánh
ĩnh Chánh là một Bác sĩ Nhảy Dù. Năm 2019 ông xuất bản một cuốn sách, nhan đề là Tháng Ngày Tao Loạn.
Tên cuốn sách đưa người đọc đến ngay cảnh: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi”.
Nhưng những nỗi truân chuyên trong cuộc chiến Việt Nam không giới hạn trong giới má hồng, mà trùm khắp lên cả nam lẫn nữ, từ đứa trẻ lên đến người già, và đủ mọi thành phần.
Điểm son đầu tiên và cũng lớn nhất trong cuốn sách là:
Khi nói đến thảm họa 30/4/1975, tác giả luôn luôn dùng chữ “mất nước”, chứ không bao giờ dùng chữ giải phóng của bọn Bắc kỳ Việt cộng. Chỉ cần viết hai chữ thôi, lập trường của Bác sĩ Vĩnh Chánh đã hiển nhiên.
I. Vĩnh Chánh rất thẳng tính. Vị Bác sĩ này ngoan đạo, nhưng không ngần ngại khi thú nhận rằng đã có những ao ước thầm kín được quỳ bên nàng trong nhà thờ khi cầu nguyện và nhất là để được nắm tay nàng khi chúc nhau bình an. Sự ao ước được tiếp xúc thân cận, bắt đầu bằng cách được nắm tay là hiện tượng rất phổ thông trong lòng những người con trai mới lớn thời đó. Điều này khác hẳn với cách sống của xã hội âu tây ngày nay.
“Trong vài năm trước khi mất nước, có mấy nhà thờ tân tiến như nhà thờ ở Trung Tâm Đắc Lộ tại Sài Gòn người vào đi lễ có thể đứng ngồi ở bất cứ chỗ nào trống chứ không nhất thiết phải ở dãy thuộc về nữ hay nam. Điều này khiến tôi thầm tiếc đã không xảy ra khi còn ở Huế, tôi đã không có cơ hội được quỳ gần Nàng trong nhà thờ, cùng cầu nguyện đọc kinh bên cạnh nhau, nghe Nàng hát thánh ca, và… để được nắm tay Nàng khi chúc nhau bình an.”
Ông cũng không trù trừ gì, khi cần vẫn lôi tên những linh mục làm lợi cho Việt cộng ra:
“Không ngờ chỉ sau mấy tháng tạm yên tĩnh, cộng sản leo thang dấy lại cuộc binh đao, quyết tâm dồn mọi sức lực tấn công Miền Nam trong tư thế thượng phong với toàn bộ vẫn nằm ém tại Miền Nam, chiếm đất giành dân, lợi dụng thể chế tự do dân chủ của Miền Nam để xúi giục các thành phần thứ Ba biểu tình, các nhóm dân biểu đối lập liên tục gây áp lực đả phá chính quyền, các linh mục ‘tiến bộ’ như Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cẩn, Phan Khắc Từ… công khai gián tiếp nối giáo cho giặc. Cuộc chiến dần xoay chiều có vẻ bất lợi cho phía phe ta.”
Bác sĩ Chánh nói hết ra những liên hệ họ hàng, hay bạn bè với những người của cả hai phía quốc gia và cộng sản.
– Phía quốc gia:
“Anh em nhà Ngô Đình kêu Bà Nội tôi bằng Dì, thường cho người đem quà biếu trong các dịp lễ tết.”
Kể về vai vế, ông gọi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bằng bác, họ bên mẹ.
Vĩnh Chánh nói thẳng ra, mà không hề sợ những người vốn không thích, hay có lòng thù nghịch nhà họ Ngô ngày đó, bây giờ biết được liên hệ họ hàng này, mà đâm ra ghét lây sang mình.
– Phía cộng sản:
A – Thân phụ Ông, là bạn thân của Đặng Thái Mai, là người thầy của Võ Nguyên Giáp.
“… Sang đời ba tôi, Ông Nguyễn Phúc Bửu Tiếp, sinh năm 1904, được Ông Nội cho theo Tây học. Đầu thập niên hai mươi, khi ra Hà Nội học trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương, ông Tiếp có người bạn thân cùng lớp là Ông Đặng Thái Mai, sinh năm 1902, lớn hơn ông hai tuổi. Cả hai cùng tham gia các hoạt động sinh viên.
Tuy là trường Tây nhưng hội sinh viên tại đây tự xưng là: ‘Hưng Nam Phục Việt’ hàm ý chống lại ách lệ thuộc người Pháp. Năm học cuối, ông Đặng Thái Mai chọn chuyên khoa văn chương. Ông Bửu Tiếp chọn ngành khoa học. Cả hai tốt nghiệp năm 1926, sau đó cùng nhau về Huế làm giáo sư Quốc Học, giao tình ngày càng thân thiết hơn.”
Tuy thế, thân phụ Ông đã bị cộng sản thanh toán.
“… Ngày 24 tháng 7, sau khi người Y tá vừa rút mũi kim chích thuốc khoẻ ra khỏi mạch máu ở tay, là Ba tôi đứng tim chết, khi Măng tôi vừa bước chân vào nhà.
Măng tôi kể là ngay khi ôm xác Ba trong tay, bà đã cảm thấy có điều gì bất thường. Ba tôi lúc đó đang khoẻ mạnh, việc chích thuốc bổ chỉ là để gìn giữ sức lực. Người chích thuốc là một y tá bà con xa, và thường chích thuốc khoẻ Huile de Camphre vào thịt mông Ba tôi. Tại sao lần này ông ta lại chích vào mạch máu?
Vì đó chính là mũi thuốc được thi hành theo một ‘lệnh xử lý’, từ ngữ cộng sản, có nghĩa là ‘giải quyết hoặc thủ tiêu’”.
Điều này, thân mẫu ông chỉ mới nghi ngờ, nhưng sau do ngẫu nhiên, trong một lần tới nơi họp, bà nghe được:
“… Sau khi ba tôi mất, suốt thời kháng chiến chống Pháp, chi hội phụ nữ nằm vùng tại Huế cố lôi kéo Măng vào tổ chức của họ, nhưng Măng đã nhiều lần thoái thoát với lý do goá phụ bận rộn nuôi bầy con, mười lần bị kêu đi họp thì chỉ đi đến một lần cho có lệ…
… Vào thời gian chia đôi đất nước của hiệp định Genève 1954, Măng tôi thình lình đến nơi họp, và đến trễ. Đang đứng bên ngoài cửa căn nhà họp trong chiều tối, tình cờ Măng nghe tiếng các người bên trong phòng đang bàn tán về mình ‘Thằng Tiếp không chịu ra ngoài Bắc làm việc theo chỉ thị cấp trên nên chúng ta đã xử lý nó rồi. Cái thứ công giáo đó chỉ làm hư danh cách mạng thôi. Nay còn con Liễu (tên của Măng tôi), ráng chờ xem nó có chịu tập kết hay không rồi sẽ quyết định.’ Nghe vậy Măng tôi lạnh cả xương sống, từ từ rời căn nhà họp không một tiếng động. Từ đó bà dứt khoát cắt đứt mọi liên lạc.
… Khi nghe bà kể chuyện này tôi hỏi Măng, phải chăng ba chết do lệnh cộng sản thủ tiêu, rồi sau đó dàn dựng một lễ an táng long trọng kiểu nhà nước để mờ mắt thiên hạ. Măng tôi trả lời đúng như vậy. Bà cũng xác nhận ông bà chỉ là những người quốc gia chống Pháp vì yêu nước, chưa bao giờ là đảng viên cộng sản. Bà nói thêm, càng về sau Măng càng nghiệm ra những giả dối của cộng sản và từng lo ngại khi thấy hai con trai lớn không có kinh nghiệm này.”
B – Thân mẫu ông là bà Huỳnh Thị Liễu bạn thân của Nguyễn Thị Quang Thái, vợ của Võ Nguyên Giáp. Cả hai bạn với nhau từ lúc 13,14 tuổi.
C – Hai người anh ruột.
1. Sau 1975, trong khi các Bác sĩ của Việt Nam Cộng Hòa đều bị nhốt tù thì Bác sĩ Vĩnh Toàn lại được dùng và còn được chuyển từ Hội An về Đà Nẵng tới một bệnh viện lớn hơn.
“Về anh Vĩnh Toàn, ông anh đầu của tôi, tuy hai anh em cùng ở trong nước nhưng vì hoàn cảnh, chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Tôi chỉ được biết, sau khi tốt nghiệp bác sĩ thời Việt Nam Cộng Hoà, anh từng làm Trưởng Ty Y Tế Quảng Nam. Mùa xuân 1975, khi miền Trung thất thủ, anh đang là Giám Đốc Bệnh Viện Hội An. Sau đó được chế độ mới thuyên chuyển về làm việc tại bệnh viện toàn khoa tại Đà Nẵng. Mãi sau ngày đi tù cải tạo về, hai anh em mới gặp lại lần đầu, khi anh vào Sài Gòn thăm Măng tôi. Nghe anh nói đã quyết định tiếp tục sống trong nước, không đi đâu cả, tôi hiểu là anh em chúng tôi sẽ đường ai nấy đi.”
2. Vĩnh Anh
“Anh Vĩnh Anh kể lại chuyện chính anh vừa trải qua. Năm 1990, các thành viên chủ chốt của nhóm Việt Kiều Yêu Nước (VKYN) tại Montréal, trong đó có ông anh tôi, đuợc ban Việt Kiều của chính phủ cộng sản Việt Nam mời về nước với mục đích, góp ý cho Đảng Cộng sản Việt Nam làm cách nào tránh được hiện tượng Thiên An Môn/Tiamen Square xảy ra tại Trung Quốc năm 1989, sẽ không thể xảy ra tại Việt Nam.
Theo kế hoạch của nhóm Montréal, anh Vĩnh Anh nằm chờ tại Sài Gòn, 4 người kia bay ra Hà Nội. Một anh ở chờ trong khách sạn, 3 anh còn lại vào họp, mang theo bản văn góp ý của nhóm Việt Kiều Yêu Nước ở Montréal: bãi bỏ chế độ độc đảng, cho thành lập chế độ đa đảng càng sớm càng tốt.
Sau hai ngày không thấy các bạn mình trở lại khách sạn, và cũng chẳng nhận được tin nhắn miệng nào, người chờ bên ngoài khách sạn Hà Nội điện thoại báo tin cho anh tôi. Đoán chuyện không hay xảy ra, anh tôi tức tốc bay ra Hà Nội, đến tư gia ‘bác Võ Nguyên Giáp’ xin vào gặp với tư cách là ‘con trai của ông Bửu Tiếp’, người thày giáo Quốc Học Huế thời xưa. ‘Bác’ Võ Nguyên Giáp lắng nghe, lắc lắc đầu, rồi bảo anh tôi về chờ tại khách sạn.
Thêm hai ngày căng thẳng chờ đợi trong lo âu. Bỗng trong đêm thứ hai, cả anh tôi và người bạn thứ hai được chở vào bên trong một cơ quan, nhìn thấy ba người bạn mình, người nào cũng xám xịt, căng thẳng, một người lại có băng trắng ở cổ tay. Không dài dòng giải thích, cả 5 người được lệnh ký tên vào giấy cam kết đủ thứ, kể cả việc không bao giờ được về lại Việt Nam.
Sau khi đồng loạt ký tên, cả 5 người được chở thẳng ra phi trường lên chuyến bay sớm nhất về Canada. Trên máy bay anh tôi được các bạn cho biết, sau khi phát biểu ý kiến chủ trương đa đảng của nhóm Việt Kiều Yêu Nước ở Montréal, cả 3 bị bắt đưa ngay vào một bệnh xá tâm thần. Anh bạn tổng thư ký của nhóm quá tức giận nên quyết tự sát bằng cách rạch cứa vào cổ tay mình, nhưng được cứu thoát. Chính vì vậy mà chúng mới thả cho về vì e ngại sẽ có khó khăn với bộ ngoại giao Canada.
Vậy là nhóm Việt Kiều Yêu Nước Montréal trước đây đã từng rúng động bởi hiện tượng vợ chồng Phục & Vĩnh Thuỷ vượt biên trở về lại Canada, nay lặng lẽ tan rã. Mỗi thành viên mang một nỗi niềm riêng.”
Bác sĩ Vĩnh Chánh phổ biến tất cả những dữ kiện trên một cách rõ ràng. Và Ông cũng kể luôn cả việc người vợ sau của Võ Nguyên Giáp là Bích Hà đến thăm thân mẫu ông sau năm 1975.
“… Miền Nam càng ngày càng đói khổ, mà ngoài Bắc vô đây cái gì cũng tha ra ngoài đó. Khi chia tay tưởng đã đi luôn. Không ngờ Bích Hà còn trở lại lần thứ hai, và khi ra về còn xin đem theo những sách quý bằng tiếng Pháp của Măng tôi. Lần này, Măng không những chỉ cho sách mà còn gửi lời kính thăm bác Đặng Thái Mai và ông Giáp.
Có thể nhờ hai cuộc viếng thăm này mà các anh công an khu vực có phần nương tay với ngôi nhà của Măng ở cư xá Bắc Hải, khi đi tù về, tôi cũng không bị làm khó dễ.”
Trong tiếng Việt, để chỉ việc đem từ chỗ này sang chỗ khác người ta dùng những động từ như: đem đi, mang tới, cõng vào, đưa ra.
Còn khi súc vật di chuyển một thứ gì đó, thì người ta dùng chữ tha, giống như câu thường nói: “chó tha đi, mèo tha lại”. Chúng ngoạm vào mồm rồi bốn chân bước.
Chỉ một dòng viết: “Miền Nam ngày càng đói khổ, mà ngoài bắc vô đây cái gì cũng ‘tha’ ra ngoài đó’”. Thân mẫu Bác sĩ Chánh đã dùng chữ “tha” thật tuyệt vời khi kể lại chuyện bà vợ thứ hai của Võ Nguyên Giáp tới thăm bà.
Lẽ dĩ nhiên thân mẫu của Vĩnh Chánh chẳng muốn dính dáng gì tới cái đám Việt cộng đó cả, nhưng tránh trời không khỏi nắng. Bà “đại tướng” lại vào thăm lần thứ hai và vét hết sách vở tiếng Pháp của bà ra ngoài Bắc.
Vĩnh Chánh có một lập trường rõ ràng, là dưới mắt ông, cộng sản chỉ ăn có và ăn cướp.
II. Nhảy Dù Cố Gắng
Phương châm của Binh Chủng Nhảy Dù là CỐ GẮNG, cố gắng trong mọi hoàn cảnh, dù tình thế khó khăn đến đâu, và dù nguy hiểm đến mức nào.
Nhưng có một điều Bác sĩ Vĩnh Chánh, một người rất ngoan đạo, không cố gắng. Không thể cố gắng. Không muốn cố gắng. Và sẽ không bao giờ cố gắng làm theo ý Chúa muốn là “phải thương yêu kẻ thù”.
“… Cầu nguyện với Chúa bao nhiêu đi nữa. Xưng tội với Chúa bao lần đi nữa, tôi vẫn còn mắc phải một cái tội mà không khi nào tôi có làm lành với chính mình. Người ta thường nói ‘mắt đối mắt’, ‘răng đối răng’. Phần riêng tôi, đối với bọn cộng sản thì tôi xin bẻ cho được cái ‘răng cấm’. Vì tôi không thể là cha Don Camillo và nhất là bọn cộng sản Việt Nam ác độc kia không thể như ông Xã Trưởng Pepone được.
Bởi vậy, Chúa ơi, con chưa được là con người hoàn thiện như ý Chúa muốn: ‘Phải thương yêu kè thù’.”
Ông đã suy nghĩ và quyết định theo lương tâm của mình.
Émile Durkheim (1858–1917), một nhà xã hội học Pháp, đã nói: Quand notre conscience parle, c´est la société qui parle en nous, “Khi lương tâm của chúng ta nói, đó là xã hội nói trong chúng ta.”
Lương tâm của Vĩnh Chánh nói, ông không thể thương yêu kẻ thù được. Đó chính là tiếng nói của xã hội miền Nam trước 1975, là nơi sinh sống của những người cư xử với nhau theo cung cách đã có của bốn nghìn năm văn hiến. Đó là tiếng nói của người của nước Việt Nam Cộng Hòa.
Muốn thương yêu kẻ thù, thì trước hết phải quên được những tội ác chúng đã làm. Nhưng Bác sĩ Vĩnh Chánh không những không quên, mà còn nhớ rất rõ.
“… Sự tráo trở, tàn bạo của Cộng sản Việt Nam đã đẩy nhiều thế hệ vào cảnh tương tàn chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Ba tôi bị thủ tiêu như bao người quốc gia khác bị thủ tiêu, những bà con Huế bị tàn sát thời Tết Mậu Thân và tất cả những người Việt gục ngã trong thời chiến và hậu chiến đều là nạn nhân của cộng sản.
Cái chủ nghĩa ma quỷ ấy đã là thứ hết thời. Dăm ba mảnh tàn dư của nó rồi cũng lụi tàn. Nhiều tội ác sẽ bị khuất lấp hoặc sẽ đuợc quên đi. Nhưng quên, với tôi, không có nghĩa là tha thứ, vì tha thứ là quyền của những người đã chết.”
III. Vĩnh Chánh viết rất nhiều về hoa quả và những cây trong vườn nhà ông nội. Từ mít, dừa, măng cụt, đu đủ, chuối, đến những cây trái ít người nghe nói tới, chứ đừng nói là được ăn bao giờ, như vả, sấu. Trái vả, họ nhà sung. Trái Sấu, ở ngoài bắc rất nhiều.
Đọc chương sách này của ông,
– Người Nam sẽ thấy thích thú và hãnh diện về những trái cây của họ: xoài, cóc, măng cụt, vú sữa, và trứng cá.
– Người Bắc sống ở Hà Nội trước năm 1954, sẽ nhớ lại những cây Sấu dọc hai bên những con đường yên tĩnh, sang trọng của thời vàng son đó, và vị đặc biệt của trái cây này.
Ông còn nhắc cả tới cam Xã Đoài, không có trong vườn nhà ông nội, mà ông không biết ngưồn gốc ở đâu. Điều này người viết có thể trả lời cho ông được. Cam Xã Đoài gốc ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Người dân sống ở đây, luôn luôn hãnh diện mà nói tới hai thổ sản ngon của họ là “Cam Xã Đoài và Bưởi Phúc Trạch”.
Chuyện viết trong chương này rất nhiều, rất chi tiết, nhưng không phải là những chuyện vụn vặt không đáng kể ra. Trái lại, chương này đáng đọc đi đọc lại nhiều lần. Vì trong đó, Ông tài tình cho ta thấy đó là hình ảnh của quê hương: từ cách ăn uống, các món ăn vặt, những hương vị ngày Tết, cách chữa bệnh thô sơ, những đồ chơi trẻ em, những câu nói khôi hài, và cảnh thanh bình trên đất thần kinh cho đến những liên tưởng sự ăn cướp trắng trợn của Việt cộng:
– Là những hình ảnh của quê hương.
– Là một số điều về cách ăn uống, thực phẩm, như ăn chuối chát nhiều bị táo bón, hột mít gây trung tiện:
“… Còn hột mít thì luộc hoặc lụi trong tro nóng, vừa ăn vừa thổi. Và thổi đi luôn những luồng hơi không mấy thơm từ bụng xì ra.”
– Là những món ăn vặt:
“… Một phần quan trọng gắn bó với tuổi thơ, cũng theo tôi lớn lên. Cắn một trái ổi giòn vừa hái trên cây xuống, bỏ vào miệng hút nước ngọt của trái nhãn, bóc vỏ một trái dâu, xẻ một trái mít, cầm nguyên cả chùm đào trên tay, nhăn mặt vì một miếng khế chua, cắt khoanh một trái măng cụt, bóp mềm một trái vú sữa, dú trong cartable một trái thị vàng chín… dẫn ta về với bao nhiêu hương vị của thời xa xưa khó quên. Những kỷ niệm quá êm đềm gắn bó với tuổi xanh!”
– Là những món đầy hương vị Tết:
“… Khi lớn lên, tôi mới bắt đầu biết thêm có me dầm, mứt me bao trong giấy gương, me ngào đường, nhất là vào các dịp tết.
Tại nhà, để đón Tết, các anh chị em ngồi xúm lại cắt dừa làm mứt dừa, một món mứt rất được ưa thích và tương đối dễ làm. Khi thì dừa trắng bóc, hay mầu hồng, thơm cả mùi đường sau khi ngào xong. Riêng tôi luôn đứng chực ăn các miếng mứt dừa vụn cháy sót lại trong chảo.
… Vì vậy tôi không hiểu từ đâu mà chợ Huế bán đầy trái Quất vào dịp trước Tết để thiên hạ mua về làm mứt Kim Quất. Măng tôi và các chị tôi xúm lại dùng kim cúc buộc lại từng bó, đâm bào từng trái Quất, rồi bóp cho hột và nước chua ra hết, xong mới trụng sơ trong nồi nước sôi trước khi ngào với đường trắng. Thật công phu và mất nhiều giờ. Nhưng đó là hình ảnh của hạnh phúc khó quên khi cả nhà xúm xít ngồi bên nhau sửa soạn ngào những món mứt vào dịp Tết.”
– Là cách chữa bệnh rất thô sơ, theo kinh nghiệm: vỏ măng cụt khô, dùng để chữa tiêu chảy. (Không thấy tác giả nói tới công dụng của lá ổi trong hỗn loạn này của bộ tiêu hóa.)
– Là những đồ chơi của trẻ em:
“Ngoài phố Huế, có người dùng lá dừa xếp thành những con châu chấu, những con chuồn chuồn hay những chiếc xe hơi. Hay thật!”
– Là một vài câu nói vừa phổ thông, hơi có tính chất khôi hài, vừa đúng vừa không đúng, hư thực ra sao chỉ có trai gái nằm bên nhau, mới tự biết:
“… Mùi bốc lên ngọt ngào mê hoặc nhưng nồng, hèn chi mà người ta thường viết:
‘Em thơm như múi mít,cũng phải.’”
– Là cảnh thanh bình trên đất thần kinh:
“Khi tôi ở ‘nội trú’ tại trường Đồng Khánh, tôi thường ra Bến Đò Thừa Phủ, nằm trước toà tỉnh Trưởng, để hớt tóc, nhìn mấy anh lính Bảo An và các người khác chơi boules, và nhất là để chiêm ngưỡng mấy chị học sinh Đồng Khánh đi đò qua lại sông Hương, giữ 2 bến đò Thừa Phủ bên này và Thương Bạc bên kia. Ngay tại bến đò Thừa Phủ, có một cây Sung lớn, với trái xanh, vàng đỏ quanh năm. Nhiều loại chim khác nhau thường rất thích đậu trên cây Sung này, mổ ăn những trái Sung chín khiến đa số trái Sung rụng xuống nước vì nhiều nhánh cây nghiêng hẳn về phía sông. Đây là nơi tôi từng trèo lên ngồi vắt vẻo trên cành là đà gần mặt nước say mê xem Nhảy Dù nhảy biểu diễn trên sông Hương nhiều lần trong cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60, và đã để lại cho tôi ấn tượng hào hùng về Nhảy Dù khiến tôi quyết định gia nhập binh chủng Thiên Thần Mũ Đỏ về sau.”
– Là khi viết đến mít, ông nhắc đến nỗi thất tình của mình.
– Là điều mà cây đu đủ nhắc Vĩnh Chánh nhớ tới sự ăn cướp của Việt cộng:
Vườn nhà tôi có 4–5 cây Đu Đủ, trong khi vườn nhà Ông Nội có cả chục cây, ở khắp góc cạnh của vườn trước, bên hông hay vườn sau. Có nhiều cây có vẻ rất già, khô ốm vì thiếu nước quanh năm. Về sau, tôi nhớ và vẫn cười khi nghe mấy câu vè hay xem hình hoạt hoạ người ta thường ví von mấy chú Việt cộng ốm đói cho đến nỗi đánh đu trên cành Đu Đủ mà cũng không làm gẫy cành. Nay thì ngược lại! Chút tiền của mấy anh Việt cộng treo trên cây Đù Đủ chắc cũng đủ làm cây trốc gốc!
IV. Rải rác trong các chương khác, người ta hiểu được: Phong tục ngày Tết ở đất thần kinh. Cảnh con cháu tề tựu đông đủ, chúc Tết Ông Bà, Cha Mẹ.
– Cách dạy học trò ở Việt Nam ngày đó.
“Hơn nữa trong phòng Cha Tôn, có một hàng roi mây, cái nào cái nấy đều tua cái đầu. Ngay cả các bà sơ cũng dùng roi mây.”
Vĩnh Chánh còn khoe:
… Còn vỏ mít, với những cái gai lởm chởm! Tôi cũng đã từng được các Sơ bắt quỳ trên đó khi không chịu làm bài hoặc trả bài không thuộc.
Điều này phù hợp với lời dặn trong ca dao: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.”
– Mấy loại mưa gió:
“… Đi dạo được gần hai phần ba con đường quen thuộc, gió chuyển lạnh dần, mây đen kéo dầy rồi trời bỗng đổ mưa. Lúc đầu chỉ vài giọt lắc rắc đây đó, dần dần nhiều hơn một chút, rồi hai chút. Sau đó mưa xoà đổ mạnh. Mạnh đây là đối với vùng Cali thiếu mưa quanh năm này, chứ có thấm tháp gì đối với những cơn mưa kéo dài cả giờ với mây đen nghịt và sấm sét rầm trời của Sài Gòn dạo nào, hay những cơn mưa dài vô tận, lê thê từ tuần này qua tuần nọ của Huế tôi. Và cũng chẳng thấm vào đâu nếu so với những ngày mưa rừng dầm dề thê lương của thời còn lội hành quân với Tiểu đoàn Dù. Vì ngoài chuyện mưa trời còn có thêm một loại mưa chết người khác nữa là mưa pháo. Một loại mưa mà núp kỹ dưới hầm vẫn chết, nằm trong hố cá nhân vẫn tan xác, đôi khi đến hai lần. Mưa chết người như vậy nhưng riết rồi người lính vẫn coi thường vì ‘ăn pháo’ như cơm bữa và phải ‘đội pháo’ trên đầu hàng ngày.”
Trong một đoạn ngắn mà tác giả đã tả được cả mưa bốn vùng. Thật là tài tình.
Cũng tài tình như chỉ mấy câu trong bài “Huynh đọc kinh với đệ”, mà diễn tả được đúng tâm trạng cũng như cách sử sự của những người Bắc di cư 1954. Họ đã có nhiều kinh nghiệm đau thương với Việt cộng. Họ hiểu cái thế của mình sau khi vừa mất tất cả ở miền Bắc lúc đất nước bị chia đôi, nên rất nhẫn nhục và khôn ngoan.
“… Qua kinh nghiệm của một người di cư, Tân luôn nhắc nhở tôi cần phải tuyệt đối thận trọng khi làm tờ khai sơ yếu lý lịch, càng đơn giản, càng ít chi tiết bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Và nhất là phải nhớ những điều mình đã khai, đã viết lên trang giấy, vì bút sa gà chết. Tân cũng thường xuyên căn dặn tôi phải dè dặt với mọi người, tránh to tiếng, tránh gây gổ và nên hạn chế làm thân hay chuyện trò với các người bạn tù khác, nhất là những người mình không quen biết nhiều hay những người ở trong các đơn vị trọng yếu như quân báo, thám báo, phượng hoàng, an ninh, cảnh sát, chiến tranh chính trị, xây dựng nông thôn… để tránh bọn antennas theo dõi.”
– Việc trao đổi tù binh:
“Chiến tranh Việt Nam bước qua một giai đoạn khác sau khi Hiệp Định Paris được ký kết vào tháng Giêng 1973, nối tiếp là những đơn vị quân đội Mỹ lần lượt rời Việt Nam, và trao trả tù binh. Tôi có mặt trong phái đoàn sinh viên tham dự lần trao trả tù binh Việt Nam tại sông Thạch Hãn vào giữa mùa Xuân 1973. Nhìn thấy cả mấy trăm tù binh Bắc Việt được nuôi ăn nuôi mặc tươm tất sạch sẽ với xách tay mới trên tay, được thả ra chỉ để đổi lấy có ba quân nhân của phía ta xơ xác, yếu ốm, nằm trên cáng khiêng… mới hãnh diện nhìn thấy lòng nhân đạo và tinh thần đánh giặc cao thượng của Việt Nam Cộng Hoà, ngay cả trong cách cư xử với tù nhân chính trị hay tù nhân chiến tranh. Một sự thật mỉa mai sau này tôi càng thấm thía hơn nữa khi ở trong tại tù cải tạo cộng sản.”
– Sự không bỏ anh em đồng đội:
Chương Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn Bè là một thí dụ rõ rệt về tình gắn bó giữa những bạn đồng ngũ trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
V. Mối tình của Vĩnh Chánh
Ông yêu một người, rất say mê.
Về điểm say mê này Vĩnh Chánh cũng giống thi sĩ Nguyên Chẩn đời Đường, là người trước khi gặp được nàng Thôi Oanh Oanh đã nói: “Chỉ khi nào gặp người tài sắc tuyệt vời, thì mới điên đảo say mê, mà đã điên đảo say mê, thì chẳng thể quên tình.”
Vĩnh Chánh không quên được suốt 9 năm.
Thời gian này chỉ bằng một phần ba thời gian Thi sĩ Vũ hoàng Chương mơ tưởng mong có được người yêu:
Ta đợi em từ ba mươi năm
Uổng hoa phong nhụy hoài trăng rằm.
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương ôm mối tình tuyệt vọng trong cảnh thanh bình, yên vui của thành phố Hà Nội trong khoảng 1930.
Vĩnh Chánh, bỏ ra 9 năm, nhưng thực ra khó khăn hơn nhiều.
“… Nàng là một cô bé nhỏ nhắn mặc áo đầm vàng đi dạo cùng Mẹ và các em trong công viên trước trường Đồng Khánh mà tôi đã tình cờ nhìn thấy trong một chiều óng ánh đầy nắng vàng vào cuối hè 1967. Vài ngày sau tại nhà tôi, tim tôi đập lỗi nhịp đầy thích thú khi bất ngờ gặp chính cô bé đem bánh của Mẹ làm đến biếu ‘Bà Vú’, tiếng nàng gọi Măng tôi, vì Măng tôi là Vú Đỡ Đầu cho Mẹ nàng khi Ba Mẹ nàng làm đám cưới. Đây cũng là nhân vật trong bức ảnh gia đình, một quà tặng của Mẹ nàng cho Măng tôi từ bao năm trước, được treo trên tường, gần bàn học của tôi. Mỗi khi nhìn đến, tôi thường liên tưởng rằng có một ngày tôi sẽ có được nàng, như một ám ảnh, một mơ ước thầm kín. Một nguyện cầu vu vơ. Dù bấy giờ nàng chỉ là một cô bé tuổi 13 đang học lớp Đệ Ngũ trường Đồng Khánh.”
Nhằm mục đích xâm lăng miền Nam, Cộng sản Bắc Việt bắt đầu mở trận tấn công lớn đầu tiên tại Ấp Bắc năm 1963, rồi cứ thế liên tục, tại bốn vùng chiến thuật. Người miền Nam, dễ gì ai sống được qua những năm đó. Họ có thể bị giết bất cứ lúc nào. Dân quê tại làng mạc. Người ở thành phố, chết bởi pháo kích, và có khi bị tàn sát tập thể như hồi Tết Mậu Thân 1968 ở Huế.
– Thăm nàng 1968
“Sau vài ngày tạm trú ở trường Kiểu Mẫu, khi biết tin gia đình người tôi yêu đang lánh nạn tại Dòng Chúa Cứu Thế, tôi tức tốc tìm đến thăm dù đường đi còn vắng hoe, nguy hiểm với dấu tích tàn phá và chết chóc hai bên đường… chỉ để kịp gặp nàng vài ba phút, thăm hỏi đôi ba câu trước khi nàng vội vã quay vào với gia đình. Hình ảnh xanh gầy của nàng với đầu tóc ngắn thân thuộc trong một buổi sáng đầy gió lạnh và mây xám trên trời mãi mãi ám ảnh tôi từ dạo đó.”
– Thăm nàng 1971
“… Trái chuối thường ăn chín sau khi dú vài ngày, nhưng anh chị tôi ít khi chờ được, nên hễ cứ đói bụng, mang chuối vừa chín tới đem ra luộc rồi chấm muối mè, rất ngon dù hơi chát một ít. Chuối cũng thường được phơi khô bán trong bao ngoài chợ, hay làm chuối chiên, chè chuối, kẹo chuối. Vào gần hè năm 1971, theo tiếng gọi con tim, tôi lên Đà Lạt tìm đến thăm người tôi yêu…
… Trước ngày bay về Huế, Nàng và tôi rảo bước đến chợ Hoà Bình. Nàng mua khá nhiều hoa quả, trái cây Đà Lạt, trong đó có mấy bịch chuối mật khô, dẻo, ngon và ngọt, nhờ tôi đem về biếu Bà Vú, là Măng tôi. Còn phần tôi, nàng cho tôi một khối tình… đau mang về nhà! Để từ đó tiếng mưa trên tàu lá chuối buồn, nghe như nức nở, thì thầm. Như nhắn nhủ, đợi chờ. Da diếc và ray rứt làm sao khi mơ tưởng về người mình yêu nơi xa.
… Riêng phần tôi vào Nhảy Dù đơn giản hơn. Tôi vào Nhảy Dù vì… thất tình. Nhưng về sau, cũng chính nhờ bộ áo Hoa Dù và Mũ Đỏ, tôi lại từ từ chiếm được trái tim Nàng.
… Chị thứ năm Mai Tâm của tôi bỏ học dù đang là sinh viên năm cuối của phân khoa Chính Trị Kinh Doanh của Đại Học Đà Lạt, và quyết định lấy chồng là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân khi tiểu đoàn đến giải toả thị xã Đà Lạt trong vụ cộng sản tấn công vào Tết Mậu Thân. Lần chị đem người yêu về trình diện gia đình tôi thích anh liền. Không những vì anh đã xuất thân từ 16 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, mà vì anh trông cao ráo, điển trai, rất điềm đạm và thật hào hùng trong bộ đồ rằn ri. Có lẽ từ đó tôi có suy nghĩ nếu muốn lấy được cảm tình người đẹp, chắc tôi phải tạo cho mình một hình ảnh sắt đá oai hùng của một chàng trai đúng nghĩa của thời chiến. Đúng với hình ảnh ‘Em là gái trong khung cửa, Anh là mây bốn phương trời…’
… Đến nước đó, tôi cương quyết giữ vững lập trường của mình, cho biết tôi dứt khoát muốn trở thành một Bác sĩ Nhảy Dù, rằng tôi muốn tự thực hiện một thay đổi quan trọng cho đời mình, dấn thân vào chốn nguy hiểm để xem mình có thể quên được người con gái tôi hằng đeo đuổi và thương nhớ trong nhiều năm qua. Xót xa cho thằng em mình, các chị tôi bênh vực tôi và cuối cùng Măng tôi đành miễn cưỡng chấp nhận.
… Nhờ vậy tôi có dần sự chững chạc trong suy nghĩ và trong phong cách, vẻ hiên ngang khí khái của một Thiên Thần Mũ Đỏ và nhất là sự quyết chí và bền bỉ khi tìm gặp người tôi hằng yêu thương sau 3 năm xa cách…
… Đúng vào chiều Mùng Một Tết, hiên ngang trong bộ hoa dù mũ đỏ, và chững chạc phong cách, hạnh phúc dồn dập đến với tôi khi tôi tìm đến thăm nàng tại nhà, sau hơn 3 năm xa cách. Mối tình tôi từ từ chuyển hướng thuận lợi theo thời gian. Dưới mắt nàng tôi không còn là một bạch diện thư sinh ngày nào mà là một con người dày dạn phong sương, tự tin và lạc quan.”
VI. Ngày mất nước
“Qua sáng ngày Thứ Tư, 30 tháng Tư, 1975, tại bộ chỉ huy Tiểu Đoàn 15 Nhảy Dù tôi đón nhận 4 thương binh của Tiểu Đoàn. Trong số đó có một thương binh nặng cần phải tải thương gấp vì trúng đạn vào bụng. Sau khi truyền nước biển và viết giấy tải thương. Ban 3 cho biết không thể tải thương vì không liên lạc được với bất cứ quân y viện nào như Bệnh Viện Đỗ Vinh, Tổng Y Viện Cộng Hoà. Tôi suy nghĩ đôi chút và trình bày với Thiếu tá Phú ý định tôi sẽ chuyển thương binh này về Bệnh Viện dân sự Nguyễn Văn Học.
Trong khi chúng tôi đứng cách xa người thương binh để bàn tính chuyện tải thương, anh ta bỗng kêu lên ‘Xin đừng chuyển tôi đi đâu cả. Để tôi chết tại đây…’ và trong tích tắc, anh lấy ngay khẩu M16 nằm dọc cạnh anh trên băng ca, lên cò cái rẹt, quay mũi súng ngay dưới cằm. Nhiều tiếng la cản lên nhưng không kịp. Một tiếng nổ chát tai khiến mọi người bất động, rồi tất cả đổ xô chạy lại vây quanh băng ca, nhưng chỉ còn kịp thấy anh đang ngáp cá, người run nhẹ, vết thương mở rộng ở mặt và đầu, máu văng tung toé. Tôi cầm bàn tay anh, người y tá lấy tay vuốt mắt anh. Cơ thể anh từ từ dãn ra, anh từ từ đi vào cõi chết.
Những người có mặt giữ im lặng trong bầu không khí đau thương. Chỉ trong khoảnh khắc, chúng tôi chứng kiến người lính trẻ đã làm một quyết định nhanh chóng và dứt khoát, cho thấy khí thế anh hùng bất khuất của một chiến sĩ. Một cái chết hiên ngang khi cuộc chiến đang dần tàn. Anh đạt được ước nguyện chết trong danh dự với sự hiện diện của đồng đội chung quanh. Tất cả bộ chỉ huy cùng đứng nghiêm, cố ngăn dòng lệ, đồng đưa tay chào vĩnh biệt người lính. Trong khi sự tự vận bất ngờ của người thương binh đang gây xốn xang đau lòng cho cho bộ chỉ huy tiểu đoàn, từ radio chúng [tôi] nghe bản tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh lặp lại nhiều lần. Sau một thời gian dài trên vô tuyến. Thiếu tá Phú quay về phía tôi và không một lời giải thích, bảo đi theo ông. Tôi ngồi sau lưng trên cùng một chiếc xe jeep, bên cạnh người lính truyền tin và 2 cận vệ. Người sĩ quan Ban 3 đi xe thứ hai với một toán lính khác. Tiểu Đoàn Phó ở lại bộ chỉ huy Tiểu Đoàn.
Tôi chẳng biết đoàn xe đang chạy về đâu, cho đến khi xe ngừng trong sân Toà Tỉnh Trưởng Gia Định. Nhìn xung quanh, tôi thấy cả trăm người dân đang chạy hỗn độn trong sân, tranh giành vác những bao gạo từ trong toà tỉnh đi ra. Thiếu tá Phú đến bên tôi nói nhẹ ‘Bác sĩ đi đi!’ Rồi ông quay lưng lại tiến vào phía bên trong toà tỉnh với toán binh sĩ của ông. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Thiếu tá Phú tại Việt Nam. Và đó cũng là lần cuối cùng tôi rời vĩnh viễn Tiểu Đoàn 15 Nhảy Dù. Tôi cúi đầu trong ngẹn ngào. Sững sờ trong đê hèn. Bàng hoàng trong đau đớn. Muốn gào thét nhưng miệng khô đắng. Muốn khóc nhưng mắt khô vì tủi nhục. Còn cái chết?! Tôi chưa một lần nghĩ đến.
Đang đứng ngơ ngác không biết phải làm gì thì một người đàn ông bước ngang bên cạnh tôi nói liền ‘Ông cởi bỏ súng xuống và thay đồ nhanh lên’. Như một cái máy, tôi vội chạy đến gần gốc cây lớn, định cởi bỏ tất cả. Nhưng sực nhớ tôi chẳng có bộ áo quần dân sự nào trong ba lô. Vừa lúc ấy, có một thanh niên chạy ngang tôi với bao gạo trên vai. Tôi chặn anh ta lại và xin bộ quần áo đang mặc trên người, cùng lúc tôi lục ví đưa tờ 500 đồng cho anh ta. Không một chút do dự anh thả bao gạo xuống, rồi vừa nhìn tôi như thông cảm anh ta cởi áo quần đưa cho tôi, cho luôn cả đôi dép nhật nữa…
Tôi cởi áo giáp, giây ba chạc có súng, bi đông nước, nón sắt, rồi nhanh chóng cởi đôi giày lính và bộ quân phục, gom lại để vào dưới gốc cây. Rồi mặc cái áo màu xanh da trời nhớp nhúa và xỏ cái quần xanh đậm, đi nhanh ra phía đường lớn đón chiếc xe ôm, bảo trở về đường Cao Thắng ở Sài Gòn. Nhà nàng.
Xe ôm chở tôi đi qua nhiều đoạn đường vắng, mọi nhà đóng cửa. Đây đó là những đống áo quần trận, nón sắt, áo giáp và súng đạn rải rác bên vệ đường. Có những đoạn đường người đi lại khá đông hay tụ tập hai bên đường, có những xe chở đầy người với mặt mày sát máu, hô to khẩu hiệu và phất cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam… Cũng những con đường ấy tôi thường chạy qua lại, mà sao bây giờ bỗng trở thành xa lạ, mờ ảo như trong một cõi âm. Những âm thanh la hét, còi xe, lùng bùng trong tai tôi. Mắt tôi thấy mọi hình ảnh bên ngoài, nhưng chẳng thấu hiểu; lòng tôi như tê dại chẳng thể suy nghĩ gì. Nhớ đến người thương binh tự vận chết sáng hôm nay, tôi ngước lên nhìn trời. Một màu tang tóc đang chụp xuống thành phố thân yêu.”
Lệnh trên bắt phải đầu hàng. Không còn thể nào chiến đấu. Không còn bạn đồng ngũ. Đơn vị phải tan hàng. Vĩnh Chánh bây giờ hoàn toàn trần như nhộng về phương diện tinh thần. Vị Bác sĩ bây giờ sẽ lâm vào tình trạng cọp xuống đồng bằng bị chó nó khinh, bất cứ lúc nào. Cũng có thể vốn hùng mạnh như một con rắn hổ mang, nhưng đang ở thời kỳ lột da. Hay nói theo ngôn ngữ của truyện kiếm hiệp Kim Dung thì giống như trường hợp Thiên Sơn Đồng Mỗ, cực giỏi, nhưng tới thời kỳ phải tu luyện lại, thì mất hết võ công. Chỉ như là một đứa bé sơ sinh. Bất cứ kẻ nào trong giang hồ, chỉ giơ một ngón tay lên cũng sát hại được.
Trong gia đình Vĩnh Chánh, có nhiều người ở trong những binh chủng thường phải vào sinh ra tử. Con trai một bà cô ruột là Đại úy Nhảy Dù. Một người anh rể là Tiểu Đoàn Trưởng Biệt Động Quân.
Và đang lúc tuyệt vọng, kề với cái chết, Vĩnh chánh lại gặp một người Nhảy Dù nữa.
Nước mất rồi, nhà sắp tan, thân sẽ nát.
Nói trở lại một người Nhảy Dù nữa mà Vĩnh Chánh sắp gặp. Phái nữ.
Người này, nói cho thật đúng, chưa từng nhảy dù, nhưng hiểu rất rõ nguyên tắc của Nhảy Dù. Hiểu rất rõ rằng khi một người nhảy dù ra khỏi máy bay, khi cái dù chính không mở thì sẽ bị rơi tự do với gia tốc của trọng lực, theo công thức 1/2 gt 2, chớp mắt là nát thây trên đất.
Người hiểu mối nguy này là Minh Châu, người mà Vĩnh Chánh yêu say mê, theo đuổi đã 9 năm. Chưa thành công hẳn.
Thành ra, Vĩnh Chánh tôn thờ một hình ảnh trong thời kỳ mà mỗi người mở mắt ra lúc buổi sáng thì mới biết là mình còn may mắn sống.
Người người đều lâm vào cái cảnh sống nay chết mai. Nhất là những người lính.
Thưở đó, có những thanh niên, vừa ra chiến trường lần đầu tiên, đã tử trận ngay. Còn dân chúng, bất cứ giây phút nào cũng có thể mạng vong, vì Việt cộng bất thần pháo kích. Do đó ai cũng sống một cách vội vã.
Ai cũng biết “có sống đến mai không mà để dành củ khoai đến sáng?”
Ấy thế mà, Vĩnh Chánh cứ dành tình yêu của mình cho một người, chín năm liên tục vẫn chưa được đáp lại.
Nhưng vào lúc 10:20 sáng ngày 30/4/1975, khi Dương Văn Minh đầu hàng, thì người người đều biết rằng như vậy là nước mất rồi, nhà sắp tan, và thân sẽ nát.
Cách nát thân của những người dân miền Nam sẽ khác nhau. Sẽ mỗi người một cách. Có thể do bị tàn sát ngay. Có thể bị đi đày, trong những nơi tập trung theo cách ở quần đảo Gulag bên Nga.
Cũng có người sẽ tự tử. Người có gia đình sẽ đắn đo nhiều trước khi huỷ mình. Kẻ độc thân dễ quyết định hơn. Người có người yêu khó dứt áo đi sang thế giới bên kia. Còn kẻ bị người yêu cự tuyệt sẽ quyết liệt nhất, nhanh chóng nhất. Xá gì một cái thân này nữa, khi không có ai ở trên cái miền Nam sắp mất này yêu thương mình?
Tuy Vĩnh Chánh chưa nghĩ đến cái chết, nhưng Minh Châu, người yêu của chàng, người chàng theo đuổi đã chín năm, hiểu rất rõ chàng sẽ làm gì. Và nàng quyết định, phải giang rộng hai tay ra thật nhanh, như tốc độ bung ra của một chiếc Dù bụng. Để cứu mạng người.
Nếu nàng chỉ ngần ngừ mấy giây thôi, sẽ không còn kịp nữa.
Bác sĩ Nhảy Dù Vĩnh Chánh, thì như vừa bị xô ra khỏi máy bay, cái Dù chính hết mở được rồi. Thân sẽ nát trên đất Việt cộng đã chiếm.
Bỗng dưng, một cái Dù bụng mở tung.
Minh Châu đã quyết định thật nhanh. Nàng tự biến thành một cái Dù bụng để cứu mạng Vĩnh Chánh.
“… Xe vào đường Cao Thắng. Nàng là người đầu tiên từ trên balcon nhìn thấy tôi bước xuống xe ôm. Nàng và các em chạy xuống mở cổng đón tôi vào. Khi đến thang lầu, tôi phải vịn vào vai nàng để bước lên từng bước. Cơ thể tôi rã rời và tinh thần khủng hoảng, tôi thật chẳng hiểu vì sao mình lại về được đến nhà an toàn.
… Hầu như mọi người đều thông cảm và tôn trọng sự yên lặng của ba nàng và của tôi. Chiều đến, tôi đạp xe về nhà Măng tôi ở cư xá Sĩ Quan Chí Hoà cho bà cụ yên tâm, rồi tôi chở Măng tôi đến nhà nàng xin ba mẹ nàng cho phép tôi ở tạm nơi đây, vì cư xá Sĩ Quan Chí Hoà quá nguy hiểm.
… Tối ngày 30 tháng 4, chúng tôi ngồi ở balcon nói chuyện vói nhau thật khuya. Trước đây, trong một lá thư gởi cho nàng, tôi có viết ‘anh xin làm bóng mát trên con đường em đi’. Giờ đây, với sự đổi đời, tương lai tôi mù mịt, viễn ảnh những năm tháng sắp tới là chuỗi ngày đen tối, đoạ đày và tôi e ngại chẳng còn bóng mát cho em. Nàng ngồi nghe tôi nói nhiều hơn trả lời. Vì có lẽ câu trả lời đã quyết định tự lúc nào.”
VI. Vĩnh Chánh kể nhiều chuyện cảm động. Ở đây xin đề cập tới hai truyện điển hình:
1. Truyện Chị Agnès.
“Vào năm Terminal tôi chuyển trường từ Providence ở Huế vào Lycée Blaise Pascal tại Đà Nẵng, và tạm chú trong biệt thự của người chị con bác ruột tại đường Nguyễn Thị Giang trong suốt niên học. Gia đình anh chị Châu có 4 đứa con, 3 trai và một gái út đang ở tuổi từ tiểu học đến trung học đệ nhất cấp. Gia đình rất mộ đạo, tối nào cũng đọc kinh chung với nhau trước bàn thờ. Tôi cũng tham gia khi không quá bận với các bài học.
Thỉnh thoảng, vào cuối mỗi hai tuần, thân phụ của anh Châu tới thăm, mang những sản phẩm trong vườn nhà tại Hoà Vang, như các loại rau, ớt, su le, mướp, khoai lang, chuối, ổi, nhãn, mận, mít, bòn bon, chanh, xoài, cà na… cùng với gà vịt tươi. Ngoài ra ông còn đem theo hai chị em là cháu ngoại của ông, kêu anh Châu bằng cậu, từ trong nội trú của dòng nữ tu Sacré Coeur tại Đà Nẵng, về chơi suốt ngày Thứ Bảy rồi đem trả lại nhà dòng sau lễ sáng Chủ Nhật. Người chị lớn tên Thanh còn được mấy đứa nhỏ trong nhà gọi là chị Agnès, thua tôi khoảng ba hay bốn tuổi. Mỗi khi đến chơi, Thanh luôn mặc đồng phục màu xanh da trời, nhìn vào biết ngay đang là đệ tử thanh tuyền.
Ngoài chuyện thỉnh thoảng tôi chỉ dạy cho các cháu nhỏ chút bài vở, nhất là các bài tập về toán vào cuối tuần theo sự yêu cầu của cha mẹ, cả đám xúm xít ngồi nghe tôi kể chuyện, thường vào buổi tối Thứ Bảy, bao gồm bốn đứa con anh chị chủ nhà, hai chị em Thanh và một đứa con trai khác là con của em gái chị chủ nhà. Tất cả đám từ Thanh lớn nhất cho đến đứa nhỏ nhất đều kêu tôi bằng cậu.
Giữa Thanh và tôi, chúng tôi luôn giữ một khoảng cách tuy rằng giống như mấy đứa cháu nhỏ kia, càng lúc càng thân tình một cách tự nhiên, và tôi luôn miệng kêu Thanh là chị Agnès.
Có một lần, tôi múa miệng khoe với chị Agnès là tôi biết coi chỉ tay vì tôi có đọc qua 2 cuốn sách La Main Qui Parle và Les Lignes De La Main. Đó là hai cuốn sách mà Măng tôi thường xuyên nghiên cứu và thỉnh thoảng giảng dậy cho tôi đôi chút trong những khi cầm bàn tay tôi để so các chỉ tay. Thế là chị đưa bàn tay cho tôi đọc. Tôi vừa cầm tay chị Agnès vừa thao thao bất tuyệt giảng và chỉ vào lòng bàn tay các lignes de vie, de tête, de coeur, de destinée mà nhiều người còn gọi là ligne de chance và vài lignes nhỏ phụ thuộc khác như de santé, de l’amour, de l’argent, de l’intuition… thì bỗng ông Ngoại của chị bước đến gần, trừng mắt với chị và ra dấu bắt chị vào trong nhà. Chị Agnès đứng dậy đi ngay; phần tôi cảm thấy vô ý, vụng về, và sượng cả người.”
Thế rồi, bẵng đi một thời gian lâu.
“Tháng 8, 1974, khi đoàn xe chuyển quân Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù của tôi trên đường từ Điện Bàn đến tham chiến tại một vùng phía Tây Đà Nẵng tạm ngưng di chuyển, tôi nhảy xuống xe và tình cờ nhìn thấy một giáo đường nhỏ nằm phía phải và cách quốc lộ chừng vài trăm thước. Tôi bước vào nhà thờ bấy giờ vắng hoe, đứng ở góc gần cửa ra vào, đọc kinh cầu nguyện xin Ơn Trên phù hộ cho tôi trong chuyến vào trận đầu đời lính của mình. Bước ra khỏi nhà thờ, tôi thấy một nữ tu trong bộ đồ màu xanh nhạt, có mang lúp cùng mầu trên đầu, dáng người nhỏ và gầy; tôi tiến lại gần nữ tu và hỏi tên nhà thờ giáo xứ. Sau đôi ba câu mở đầu, bỗng chị nữ tu thốt lên ‘Xin lỗi ông, có phải ông là em của mợ Châu trước đây ở Đà Nẵng không?’ Đang khi tôi chưa kịp nhớ tên người bà con, người nữ tu tiếp liền, có lẽ vừa đọc bảng tên màu đen của tôi trên áo trận.
‘Và ông tên Chánh phải không?’
Thế là chị Agnès và tôi cùng nhận ra nhau. Trong ít phút nói chuyện. Chị Agnès cho biết chị khấn hứa trọn đời vào cuối năm 1969. Sau một năm làm việc tại một giáo xứ trong Quảng tín, chị được điều về làm việc ở làng Hoà Vân từ đầu năm 1971.”
Vĩnh Chánh không hề kết luận, có phải vì cô Thanh đưa tay cho Vĩnh Chánh cầm, mân mê rồi xem tướng, song vì ông ngoại của cô bắt gặp, trừng mắt và ra dấu bắt cô vào bên trong nhà đã đưa đến việc sau này cô đi tu hay không. Nhưng người đọc có thể đoán, trong lúc bàn tay cô nằm trong bàn tay Vĩnh Chánh, trái tim cô đã có lúc xao xuyến.
Và khi gặp lại, cảnh người nữ tu bỗng thốt lên: “Và Ông tên Chánh phải không?” cho người đọc thấy rõ được có sự bồi hồi. Và khi có bồi hồi, dù chỉ trong vài phút ngắn ngủi, tức là có sự nhớ lại mối rung động trong quá khứ.
2. Truyện Bồ Câu
– Bà yêu thương cháu
“Khi vợ chồng tôi quyết định tìm đường ra đi, Măng tôi đã lặng lẽ góp phần. Nhưng chuyến đi đầu tiên thất bại. Tháng 6 năm 1978, vợ chồng tôi cùng cả nhóm vượt biên bị bắt tại Vũng Tầu đưa về trại giam Cần Giờ. Tôi bị chuyển trại về khám Chí Hoà, nhưng vợ tôi nhờ mang bầu sắp sinh nên được thả ra sớm.
Chính Măng tôi đã lo liệu chăm sóc khi con gái chúng tôi được sanh ra. Tên khai sanh của cháu là Hoài Anh, tên ở nhà là Bồ Câu do bà nội đặt. Lần đầu thăm nuôi, vợ tôi đứng cách tôi khoảng 20 thước và đưa Bồ Câu lên cao cho tôi nhìn thấy con. Chỉ nhìn từ xa thôi. Phải gần một năm sau, tôi mói có thể ôm con khi được thả ra khỏi khám Chí Hoà.
Măng tôi rất thương yêu cháu Bồ Câu, vì như lời bà nói, ngay khi còn là thai nhi, cháu đã cùng mẹ đi tù vượt biên. Khi cháu vào đời, bố còn tiếp tục nằm trong khám Chí Hoà. Bà thường cầm tay, vuốt tay cháu và khen Bồ Câu có bàn tay rất đẹp, giống như bàn tay của người ‘Chirurgien’. Bà còn nói, chắc sau này con bé sẽ thành một Y sĩ giải phẫu như ‘thằng bố của nó’.”
– Tai nạn thảm thương
“Một buổi sáng cuối tháng 10, 1981, cha mẹ đem Bồ Câu đến bệnh viện South Coast Medical Center ở thành phố Laguna Beach cho Bác sĩ Nha Khoa bọc bảy cái răng bị siết trong cùng một lần. Bé vui vẻ nói bye bye bố mẹ khi theo y tá vào phòng mổ. Trước khi Nha sĩ bọc răng, phải gây mê toàn diện, thủ thuật sẽ mất khoảng một giờ rưỡi, chúng tôi đuợc biết. Chờ quá hai giờ. Rồi ba giờ. Bốn giờ. Nôn nóng hỏi thăm, chỉ được bảo tiếp tục phải chờ.
Mãi xế chiều, một y tá đưa chúng tôi vào phòng hồi sức cấp cứu. Bồ câu nằm bất động trên giường, phủ chăn trắng. Không mở mắt, không hay biết. Bố mẹ sững sờ. Mới hồi sáng, bé tươi tỉnh, không một lo sợ, vẫy tay bye bye cha mẹ trước khi y tá đẩy xe vào phòng mổ, mà giờ đây như một xác không hồn. Y tá giải thích ngắn gọn là em bị phản ứng thuốc nên tạm thời hôn mê.
Sự thực không như lời người y tá giải thích. Qua thủ tục pháp lý chúng tôi nhận được phó bản của toàn bộ hồ sơ chữa trị. Riêng hồ sơ liên hệ đến giải phẫu và gây mê cho thấy chính bác sĩ gây mê đã gây ra tai hoạ. Thay vì đặt ống bơm dưỡng khí vào phổi, ông ta đưa ống vào bao tử, khiến bé hoàn toàn không nhận được dưỡng khí để thở trong 10 phút, gần như chết ngộp.
Hồi tưởng lại buổi sáng định mệnh ấy, khi ngồi trong phòng chờ, tôi nghe loa loan báo ‘code blue’ nhiều lần, cứ ngỡ là cho ai. Sau này mới biết lệnh cấp cứu đó chính là cho con mình. Đau đớn thay! Nhờ hô hấp nhân tạo, Bồ Câu sống lại, được nuôi qua ống chuyển sữa ensure từ mũi xuống bao tử, nhưng bộ não bị tổn thương trầm trọng.
Sau gần hai tháng chữa trị tại Children Hospital of Orange County với cha mẹ túc trực cạnh giường ngày đêm, bác sĩ cho biết Bồ Câu bị chứng Cerebral Palsy –Liệt Não– Nên dù sống sót nhưng cả hai phương diện thể xác và tâm lý đều sẽ phát triển chậm (both severe physical and mental retardation). Vì đòi hỏi săn sóc đặc biệt, đành phải chấp nhận chuyển bé qua trung tâm phục hồi chức năng trong một thời gian vô hạn định, nhưng không có ngày nào mà chúng tôi không ghé thăm Bồ Câu cho dù bụng thai của vợ càng ngày càng nặng nề.
Một ngày trời mưa sau Tết 1982, khi đến thăm, vừa vào bên trong toà nhà của trung tâm phục hồi, chúng tôi bắt gặp trên chiếc giường đẩy, ngay giữa hành lang, một thân hình bé nhỏ đang quằn quại trong cơn động kinh liên tục. Đến gần hình hài ấy chính là con mình. miệng nghiến chặt trong cơn động kinh liên tục, mình mẩy ướt mèm. Ôm con mà xót xa cay đắng. Còn cảnh cùng cực nào lớn hơn thử thách này, Chúa ơi! Tất cả chỉ còn nguyện cầu duy nhất là xin cho con mình được sống và sống chung với cha mẹ và gia đình, chứ không trong một trung tâm săn sóc xa lạ.
Từ đó không ngày nào chúng tôi không tới thăm Bồ Câu. Điều cầu nguyện cho con được sống và sống bên cha mẹ trở thành một quyết tâm thôi thúc vợ chồng tôi sát cánh, tiến hành mọi thể thức.”
– Nguyện Cầu cho con được sống, và sống bên cha mẹ.
“… Với trợ giúp từ các cơ quan xã hội để chuẩn bị đem con về nhà.
Đứa con thứ hai ra đời ngày 10 tháng Tư, 1982. Dù phải chịu đựng quá sức khi mang thai, nhưng cháu Bea vào đời bình an, xinh xắn, khoẻ mạnh. Ngay ngày thứ hai sau khi rời bệnh viện sản khoa, chúng tôi đến thẳng trung tâm phục hồi, ký giấy đón Bồ Câu về nhà.
Sau tai hoạ, ơn trên cho chúng tôi được hưởng nhiều phép lạ trên cả mức chờ đợi.
Đầu tiên, là từ khi về lại nhà, Bồ Câu vĩnh viễn thoát khỏi chứng động kinh co giật. Con mắt bắt đầu có thần hơn dù vẫn chưa di chuyển lên xuống qua về. Nhờ từng được hướng dẫn và thực tập, vợ tôi đã có thể một mình đặt ống naso–gastric tube từ mũi xuống bao tử cho con, sau đó trong suốt cả năm sau đó còn tập cho Bồ Câu uống qua đường miệng, từ giọt, tăng lên 2 giọt, 3 giọt rồi kiên nhẫn tập cho bé nuốt từng chút nhỏ đồ ăn nghiền đến từng 1 hột cơm, 2 hột cơm.
Tiếp theo, là chỉ sau khi có Bồ Câu về nhà, cuối tháng Tư 1982, tôi được nhận vào làm bác sĩ tổng quát cho bệnh viện tư Leesville General Hospital, thuộc Tiểu bang Lousiana. Leesville là một thị xã nhỏ của vùng Southern nơi dân bản xứ có tiếng là kỳ thị.
Với tôi, cơ hội trở lại hành nghề bác sĩ tại đây đồng thời cũng là một thử thách sinh tử, đòi hỏi sự bén nhậy khi định bệnh, tận tụy khi trị liệu. Khi giao thiệp bằng tiếng Mỹ, dù chưa thể thuần thục, vẫn cần sự chính xác, tinh tế trong ngôn từ. Đó là thời kỳ phải vừa làm vừa học, vừa giữ gìn nhân cách của một Bác sĩ Việt duy nhất trong vùng.
Rất may mắn, chỉ một thời gian sau, tôi chính thức được bệnh viện chấp nhận như một bác sĩ chính ngạch, tăng lương thêm 50% cộng bonus cuối năm. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình mau chóng được ổn định. Số lượng bệnh nhân đến khám với tôi nhiều hơn. Trong những lần gia đình ra bên ngoài, nhiều dân cư bản xứ dừng lại bắt tay tôi và chào hỏi vợ con tôi.
Sau trên một năm được kiên trì tập luyện, Bồ Câu tạm thời đã có thể uống sữa, ăn cháo, ăn cơm với luôn cà rau thịt cá cắt nhỏ, khi được mẹ đút vào miệng. Phản xạ nuốt tốt dần. Phép lạ lại xảy đến khi chúng tôi quyết định rút ống chuyển mũi–bao tử. Bồ Câu giữ khả năng ăn, nuốt bằng miệng, thân thể dần mạnh hơn, tay chân cứng cáp dần, miệng bắt đầu biết cười và bập bẹ ư ê như em Bea, khi hai chị em ở cạnh nhau.
Nhờ thu nhập khá dần, căn nhà mới có phòng tập lớn với đầy đủ tiện nghi, ngày ngày luôn có người thay phiên đến nhà làm việc, luyện tập cho Bồ Câu, nào là physical therapist, occupational therapist, speech therapist, sức khoẻ của bé hồi phục dần.”
VII. Về triết lý sống
– Ông thường lạc quan.
– Ông cũng nhận rằng cuộc đời là bể khổ theo cách Phật giáo thường nhắc tới:
“Nếu thấy và hiểu đời là bể khổ, mỗi người ai cũng có một cây thánh giá để vác, không cái nào nhẹ hơn cái nào thì chúng ta dễ dàng chấp nhận những sự bất như ý trong cuộc sống. Vấn đề là rán vác làm sao cho khéo léo. Nhẹ nhàng thì tốt hơn. Đỡ khổ hơn.”
– Khi viết về trái Cóc, ông nêu lên một ý:
“Mình đến tuổi chỉ thích ngọt thôi. Cay và chua làm gì nữa!?”
– Phát biểu về Tình yêu:
“Bạn ơi! Có cuộc chiến nào mà không có đau thương tàn phá. Có cuộc chiến nào mà không có chết chóc chia phôi. Và chen vào giữa đời lính luôn có sự hiện diện của tình yêu. Vì chỉ duy nhất tình yêu mới có thể giúp đỡ, cưu mang và nuôi dưỡng người cầm súng quên đi bao gian khổ, bất chấp bao nguy hiểm thường trực, để sống sót vươn lên trong thử thách bão lửa. Cho dù đó là tình quê hương xóm làng, tình đồng đội sống chết bên nhau, tình nghĩa vợ chồng của đôi chinh phu chinh phụ. Là cuộc tình thơ mộng hay tình sầu giữa chàng lính chiến và em gái hậu phương. Hoặc chuyện tình đắm đuối trong lần về phép rồi dở dang oan trái vì hai phương trời cách biệt.
… Tình yêu đó như thể cánh hoa mọc giữa sườn đá. Một hơi ấm giữa cơn mưa rừng. Một cứu cánh bên bờ vực chết. Một vị ngọt giữa cái đắng, thần dược của nỗi đau trong đời chiến chinh. Một cái dù bao la khi ta bị thương tật. Và một ánh sáng chớp vào tim trước khi nhắm mắt trút hơi thở cuối cùng.”
VIII. Văn phong
Trong mọi chương của cuốn sách, dù viết về điều gì, Vĩnh Chánh cũng không bao giờ dùng một chữ nào của cái giống Việt cộng cả. Đó là một điểm đáng phục.
Vĩnh Chánh viết một cách linh hoạt:
A – Khi viết về thân phụ và những biến chuyển chính trị thời đó, ông viết rất cặn kẽ, nghiêm trang. Người đọc dễ chú tâm để tìm hiểu.
B – Tới phần về cây trái, hoa quả, ngòi bút của Vĩnh Chánh đưa người ta vào trong vườn, để hưởng làn gió hiu hiu, và thanh nhàn thưởng thức hương thơm vị ngọt trong khung cảnh thanh bình.
C – Tuy nhiên lời văn của ông không chỉ như thế. Văn ông không đơn điệu. Có lúc chợt như sét đánh ngang trời. Dưới đây là vài đoạn tiêu biểu:
a/ Về Tết Mậu Thân
“… Đúng vậy, Có ai ngờ quân cộng sản đã mưu mô xé lệnh hưu chiến, đem chiến tranh đến tận các thành phố trong những ngày thiêng liêng của đât nước trong Tết 1968. Biết bao nhiêu người đã lo âu sợ hãi khi nhìn thấy chiến tranh với bom đạn và chết chóc đến ngay tận làng xóm mình, ngay tận nơi nhà mình? Đã nhìn thấy cảnh đổ nát kinh hoàng của thành phố, đã kẹt giữa hai lằn đạn? Đã chứng kiến sự dã man tàn ác của phe gọi là giải phóng? Có bao nhiêu người là chứng nhân cho sự thảm sát tại Huế khi người thân trong gia đình, người quen trong khu phố bị giết chết, bị bịt mắt đem đi thủ tiêu, bị tra khảo, đập vào đầu trước khi bị xô xuống khe suối hay bị cột chùm chôn sống với 2 tay bó chặt đằng sau lưng bằng dây điện thoại? Ở đâu ra những hố chôn tập thể tại Gia Hội, Gò Cát, Bãi Dâu, Tây Lộc, Phú Thứ, Đá Mài…? Và biết bao ngàn người đã ai oán khóc trong căm hờn và đã chít khăn tang?”
b/ Trong phần kể về cuộc hành quân ở Đại Lộc:
“… Sau này, khi Nhảy Dù và trên đường tiến đánh chiếm lại ngọn đồi 1062 ở Thường Đức–Đại Lộc vào tháng 7, 1974, tôi di hành theo chân với Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù, vượt qua nhiều đồi trọc tràn ngập bởi màu tím Hoa Sim. Một màu tím đẹp… chết người, và nguy hiểm vì đã chôn đầy mìn cá nhân trên quãng đường lắt léo quanh co qua các ngọn đồi lên đến bìa rừng trên cao, đề phòng và chống trực thăng vận của phe ta. Sau khi công binh mở đường dò mìn đi trước, mọi người trong đơn vị được căn dặn cẩn thận đi hàng một, người sau theo đúng chân người đi trước. Ngay cả khi lệnh trên cho nghỉ, hay cá nhân muốn đi tiêu tiểu, đều phải đứng trên con đường nhỏ. Một chuẩn úy trong đại đội chỉ huy bước ra ngoài con đường cách bộ chỉ huy Tiểu Đoàn nơi tôi đang đứng nghỉ không quá 20 thước. Trong một tích tắc một tiếng nổ ầm vang lên cùng với bụi khói và mùi thuốc súng, anh đã gục ngã tại chỗ giữa những bụi cây Sim tím, với hai cẳng chân hoàn toàn bị cắt lìa do sức nổ. Đó là cái chết đầu tiên tôi đau khổ chứng kiến. Dù đã nhanh tay làm hồi sinh cấp cứu.”
c/ Trong lúc đơn vị ông trấn giữ cầu Bình Triệu:
“… Trong khi chúng tôi đứng cách xa người thương binh để bàn tính chuyện tản thương, anh ta bỗng kêu lên ‘Xin đừng chuyển tôi đi đâu cả. Để cho tôi chết ở đây…’ và trong tích tắc, anh lấy ngay khẩu súng M16 nằm dọc cạnh anh trên băng ca, lên cò cái rẹt, quay mũi súng vào ngay dưới cằm. Nhiều tiếng la cản lên nhưng không kịp. Một tiếng nổ chát tai khiến mọi người bất động…”
D – Bác sĩ Vĩnh Chánh viết, giống như cách giãi bày tư tưởng trong một lá thư gửi về cho gia đình. Cũng như cách đang nhắp rượu hay uống trà, rồi khề khà tâm sự cùng bạn thân.
Cuốn Tháng Ngày Tao Loạn chấm dứt ở trang 287.
Ông đã dứt lời, nhưng người đọc vẫn còn rỏng tai lên, muốn nghe tiếp.
Ông đã đạt được đến mức Văn hết, mà Ý chưa hết. Ý hết, mà Tình chưa hết.
Có người sẽ hỏi: Tình chưa hết là thế nào?
Lời thưa của tôi là, xin mời đọc tiếp sẽ hiểu.
Bác sĩ Vĩnh Chánh là người:
1. Chí tình với người yêu mà chàng đã phải theo đuổi 9 năm, rồi mới thành được vợ chồng cho đến nay.
Lễ cưới Vĩnh Chánh & Minh Châu,
3 ngày sau khi mất nước
“Em yêu dấu, tôi viết bài này mến tặng Em, người đã can cường cứu vớt đời tôi khi quyết định thành vợ thành chồng với tôi trong một đám cưới quá đơn giản tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng. Chỉ 3 ngày sau khi mất nước, lễ cưới được cha Laroche của Dòng Chúa Cứu Thế chủ hôn. Với chúng tôi đây là ‘đám cưới chạy tang khi mất nước’ diễn ra trong đạm bạc, cô dâu không áo cưới. Hình ảnh kỷ niệm chỉ có hai tấm hình đen trắng. Sau đó với tôi là mấy năm đi tù cải tạo, rồi tù vượt biên, em đã cùng tôi vượt qua bao thử thách, cho đến khi chúng ta đến bến bờ tự do.”
2. Từ ái đối với con
Bồ Câu, người con gái đầu lòng của Ông, chẳng may gặp tai nạn do đánh thuốc mê, trong một cuộc chữa răng. Bộ óc bị hỏng từ lúc đó. Sống được, nhưng từ ăn uống cho tới đi đứng đều cần được giúp, đến nay liên tục hơn 40 năm.
Bác sĩ Vĩnh Chánh đi đâu cũng đem cháu theo. Từ những buổi họp mặt giữa thân nhân, bè bạn cho tới những buổi Đại hội Y–Nha–Dược Sĩ, ngay đến cả những buổi ra mắt sách nữa.
“… Gia đình đông dần với sự ra đời thêm 2 đứa con sinh sau. Dù bận rộn tất bật hơn, chúng tôi luôn sinh hoạt chung với các con, từ trong nhà cho đến ra bên ngoài, ở đâu có cha mẹ là có đầy đủ 4 đứa con. Nếu cha không kịp đẩy xe lăn cho Bồ Câu thì Bea đẩy chị. Nếu mẹ chưa kịp cho chị ăn thì Betty lo giùm.
… Dù ở nơi xa lạ, không thân thích, không một bóng đồng hương, nhưng đúng là lời chúng tôi cầu xin cho con được sống và sống với cha mẹ đã được bề trên lắng nghe. Các linh mục trong nhà thờ giáo xứ đặc biệt cho phép Bồ Câu chịu phép rước lễ vỡ lòng ở tuổi 18 (First Holly Communion) dù Bồ Câu không qua lớp giáo lý căn bản.
… Cô học trò Bồ Câu 41 tuổi nay là niềm vui cho cha mẹ trong tuổi già, khi vẫn còn có một đứa con trong nhà để coi ngó, săn sóc, vui chơi, đi đâu cũng có nhau. Đêm đêm, chúng tôi vẫn cùng nhau cầu nguyện, tạ ơn trên cho con được sống và sống bên cha mẹ, như điều từng nguyện ước.”
MỘT NGÀY THƯƠNG CON
Con đã trên bốn mươi
Vẫn non nót, thơ dại
Như thuở mới vào đời
Bên mẹ cha thân ái
Sáng sớm thức con dậy
Bữa điểm tâm đang chờ
School bus đến đúng giờ
Đón con tới trường học
Áo quần đã tươm tất
Cô học trò bốn mươi
Cùng bạn bè vào lớp
Học yêu đời, yêu người
Xế chiều, trời rực nắng
Xe trường đưa con về
Có mẹ cha đầm ấm
Dìu con từng bước đi
Ti vi chiều football
Cha con cùng la hét
Mẹ vui lây cười giòn
Bữa ăn chiều ngon ngon.
Tháng 2, 2017
Năm trăm năm trước công nguyên, triết gia Lão Tử (còn gọi là Lão Đam), lúc đang 70 tuổi, thấy cha mẹ đã quá già yếu, thường hay buồn rầu, ông hàng ngày đứng trước giường cha mẹ, kể chuyện và làm trò giống như một đứa con nít, để cho cha mẹ vui.
Ngày nay, 25 thế kỷ sau, Bác sĩ Vĩnh Chánh muốn cho người con bị tật nguyền vui, cùng với con xem football trên truyền hình rồi cùng la hét.
Cả hai tấm gương cổ kim trên, đều đáng quý và đáng trọng. Một người chí hiếu với bố mẹ. Một người rất mực từ ái với con.
Cả hai đã sống, và cư xử với cả tấm lòng “phụ từ, tử hiếu”.
3. Thương xót oan hồn những kẻ bị thảm sát.
“… Vì vài ngày sau, Cộng sản Bắc Việt và bọn Việt cộng nằm vùng tráo trờ xé bỏ đình chiến cho 3 ngày Tết và dốc sức tấn công chiếm giữ Huế trong 3 tuần, gây bao tang thương chết chóc cho dân Cố Đô. Xin ngậm ngùi xót xa tưởng nhớ đến Giáo Sư Gunther Krainick, Giáo Sư Raymon Disher, Giáo Sư Alter–Koster đã bị thảm sát và chôn trong cùng một ngôi mộ tại khuôn viên chùa Tường Vân, Thầy Nguyễn Văn Đệ bị chúng bắt theo và chết trên đường dài ra Bắc, một số nhỏ anh chị em trong trường Y Khoa kẻ thì mất tích, người thì duồn theo phía địch, hay bị giết, cùng chung số phận với trên năm ngàn người dân, công chức, linh tráng… bị bắn bỏ, đập vỡ sọ, chôn sống trong các ngôi mộ tập thể… Thế giới sững sờ và công phẫn khi nhìn thấy sự dã tâm và sắt máu của con người cộng sản, giết người hàng loạt trong khi lại nhân danh giải phóng. Thật là mỉa mai và nghịch lý!”
4. Và vô cùng yêu Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa.
“… Giờ đây, nhìn lại ngày tháng tuổi hoa niên của mình, tôi nhận biết đã làm một quyết định đúng khi vào Nhảy Dù. Tôi đã Đi. Đã Thấy. Đã sống. Đã làm tròn Bổn Phận với Đất Nước. Đã qua vinh quang cũng như tủi nhục. Và chưa một lần tôi hối tiếc thời gian tôi phục vụ Quân Y Nhảy Dù, cho dù đã phải trả cái giá của mấy năm tù tội và gian nan trên biển cả.
… Tôi ước mơ có một ngày nào đó, khi thanh bình thật sự trở về trên nước Việt Nam, khi chính thể Cộng sản hoàn toàn tan rã, khi con người công chính trở lại làm nền tảng trong xã hội mới, chúng ta sẽ trở về, những người bạn từ xa xưa, cùng nhau làm lại một bữa tiệc Tất Niên, mời vong linh các thầy, các bạn đã chết trong các biến cố của đất nước, trong các trại tù, trên biển… nhập tiệc. Kẻ đang sống và người thiên cổ bên cạnh nhau. Cùng hoài niệm đến một miền thuỳ dương ngọt ngào nhân tính, một ngôi trường thân yêu giàu truyền thống giáo dục và y đức, và để nghe những người quá cố tâm sự về cái chết oan khiên của mình. Được như vậy, hương hồn các vị đó sẽ được siêu thoát và vĩnh viễn an nghỉ chốn nghìn thu. Và chúng ta đây giảm khắc khoải đau thương.”
Tất cả những điều trên đây đều phát ra từ “Tâm” của Bác sĩ Vĩnh Chánh.
Bảo Anh Trần Tường Vi
CON GÁI CỦA NGƯỜI TA
Trần Thiện Phi Hùng
Posted by GLN
Con gái của người ta sau 24 giờ sinh ra đã trở thành con gái của tôi, và chỉ sinh sau con gái của tôi có 4 giờ tại Bảo Sinh Viện Quân Đội Thành Phố Nha Trang năm 1972.
Mẹ của nó còn trẻ lắm, nhưng có vẻ lanh lợi sành đời. Cô ta sinh xong mạnh khỏe đi đứng bình thường chứ không nằm liệt như bà vợ tôi. Cô ta nói với vợ tôi cô ta là vợ của một Trung Úy Biệt Kích. Anh ta ít khi về nhà và công tác ở đâu không bao giờ nói. Cô ta đi làm sở Mỹ ở Chu Lai, vì sinh kế sao đó nên “Nhảy dù” với Mỹ. Tai nạn có thai ngoài ý muốn nhưng không biết con của chồng cô ta hay của Mỹ nên cứ sinh con xong rồi tính. Con chồng thì để nuôi, còn con Mỹ thì cho.
Nghe vợ nói lại, tôi sang phòng cô ta gõ cửa xin vào xem đứa nhỏ ra sao. Trong bóng đèn mờ của căn phòng, con bé nằm bó mình trong khăn lông, chỉ lòi cái mặt da trắng đỏ và cái miệng nhỏ xíu hai môi như chu ra làm tôi nghĩ “Con bé nầy chắc sau nầy hỗn lắm đây”. Tôi không nói gì với cô ta mà về phòng bảo bà vợ tôi: “Mình xin con bé nuôi luôn nhen em?”.
Vợ tôi lo lắng: “Làm sau đủ sữa cho 2 đứa? Thiên hạ nói bậy bạ làm sau chịu nổi?”.
“Cho nó uống sữa bò, anh sẽ mướn thêm người giúp việc nữa cho em.”, tôi quả quyết.
“Tùy anh!”, vợ tôi đồng ý.
Thế là thủ tục xin con của tôi và đồng ý cho con do cô ta viết được đưa cho cô mụ, nhưng sáng hôm sau thì cô ta đã rời khỏi bệnh viện, bỏ con lại khi thủ tục chưa hoàn tất. May mắn là Ban Xã hội Quân Đội cũng dễ dàng hoàn tất nốt thủ tục nhận con nuôi mà làm khai sinh giống như thủ tục khai sinh của con gái của tôi. Đây có lẽ là trường hợp hy hữu một đứa trẻ “Lai Mỹ” mà khai sinh do hai vợ chồng là người Miền Đông và Tây Nam Việt Nam coi như sinh ra (Tiếc là năm 75 tất cả hình ảnh đều mất hết).
Trong tiệc đầy tháng, 2 đứa bé như cặp song sinh, một Việt một Mỹ đẹp như thiên thần. Chỉ khổ cho thân tôi, vì hai đứa trẻ đứa nào cũng đòi bồng một lúc, hễ đứa này trên lưng thì đứa kia phải bế trên tay.
30/4/1975, tôi bị rã ngũ. Tôi không thể về quê Ngoại như ước muốn sống ở Rừng Dừa năm xưa vì nay B-52 cày nát thành bình địa. Tôi muốn phá hoang trồng lại, nhưng phải trình diện vào tù cải tạo. Một tháng trôi qua, rồi một năm, rồi năm nữa .. Vợ không thấy đi thăm mà con cũng không bao giờ được gặp mặt. Mỗi tháng chỉ có Mẹ tôi được 15 phút thăm nuôi. Hỏi gì Mẹ tôi cũng nói tất cả bình an, vợ và các con ngoan và khỏe mạnh. Tôi lúc nào cũng nhờ Mẹ lưu tâm cho bé Thùy An, tên đứa con “Lai Mỹ”. Chắc là nó bị kỳ thị ở trường học và sống với mọi người sẽ rất khó khăn. Nhưng Mẹ tôi nói con khỏi lo, nó sống rất tốt học rất giỏi nên được thầy cô và bạn bè quí mến. Dường như Mẹ tôi lúc nào cũng né tránh khi tôi hỏi đến vợ và con gái của tôi, bé Thanh An. Tôi đoán có lẽ chuyện gì không tốt đã xảy ra nhưng cũng đành bó tay không biết hỏi ai.
4 năm sau tôi được ra tù. Con gái mang 2 dòng máu ôm tôi khóc như mưa, nhưng con gái và vợ tôi thì không thấy đâu nữa. Tôi đoán biết chuyện không hay nên cũng không hỏi Mẹ.
Con bé thỏ thẻ kể cho tôi nghe. Ba đi rồi mấy tháng sau Má dẫn chị Hai đi với Má về thăm Ngoại mà không cho con đi, và từ đó không về nữa. Con hỏi Nội Má con chừng nào về? Nội nói Nội cũng không biết.
Thời chinh chiến, tiền lương của 3 đứa con đưa cho Mẹ, Mẹ tôi xài tiện tặn có dư, hễ đủ 1 chỉ thì mua 1 chỉ vàng y, đủ 10 chỉ thì đổi thành 1 lượng vàng. Con thất thế sa cơ, Mẹ lại bán vàng nuôi con. Mẹ cho con vàng để vượt biên.
Năm 1982, tôi và em gái tôi vượt biên. Con gái của tôi nhứt định Ba đâu con ở đó. “Con không sợ chết, con chỉ sợ phải xa Ba”.
Trời không nỡ bỏ 2 Cha con tôi, tôi đã lái tàu vượt biên thành công. Con gái tôi bắt đầu vào Trung Học, có lẽ nhờ cái máu Mỹ của nó hay sao mà chỉ mấy tháng thì nó nói tiếng Mỹ như súng liên thanh. Cứ có dịp là đeo bên tay Cha khi đi chợ hay đi ăn nhà hàng hay có đám tiệc.
Hình ảnh một ông già Việt Nam, có một cô gái hoàn toàn trông giống Mỹ không thấy có chút gì lai đeo theo một bên và nhõng nhẽo thì chắc chưa có ai bằng. Tối ngày gặp mặt gọi Daddy, không thấy mặt thì: ” Daddy, Ba đâu rồi”. Tôi vui với “Con gái của người ta”, và cũng là nguồn an ủi duy nhất cho tôi vui sống.
Tôi làm công nhân cho hãng làm phụ tùng xe hơi, lương cũng dư sức nuôi con lên đại học và mua nhà trả góp. Năm 1995 con gái tôi thành y sĩ nhãn khoa và có việc làm ngay. Ngày làm lễ mãn khóa, cầm mảnh bằng trên tay, con gái ôm tôi khóc như chưa bao giờ khóc như thế.
Tôi hỏi: “Con vui mừng sao lại khóc dữ thế?”
“Cám ơn! Con cám ơn Daddy nhiều lắm. Con nghĩ không biết có bao nhiêu ngàn hay chục ngàn đứa trẻ bị Cha Mẹ bỏ rơi mà có bằng Đại học như con? Con thương Daddy nhiều lắm!”, nó nức nở.
“Daddy cũng cám ơn con, nhờ có con mà cuộc sống của Ba mới có ý nghĩa mà vui sống tiếp bấy lâu nay.”
Hai Cha con dị chủng ôm nhau cùng khóc.
Bạn bè của con biết thì không có gì lạ về sự khắng khích của 2 Cha con Việt-Mỹ này, nhưng những người xa lạ thì hiếu kỳ nghĩ suy lung tung nhưng không thể nào ra được đáp án. Cha Việt sao con Mỹ mà không có chút gì là dáng vẻ Việt Nam?
Tôi đi làm đem cơm theo ăn nay làm thêm phần cho con gái. Lương của con gái đưa hết cả cho tôi, chỉ lấy 100 bạc để đổ xăng và ăn quà vặt. Khi cần mua sắm gì thì nói xin. Tôi từ chối cách nào cũng không được nên mở một sổ bank riêng bỏ hết tiền của con gái đưa để khi nó cần đưa lại cho nó.
Hai năm sau, em gái của tôi bán 2 cái nhà cũ để mua cái nhà lớn hơn, tôi bảo con gái vay tiền ngân hàng mua cả 2 cái. Vì không vay được một lúc gần nửa triệu bạc nên tôi dùng cái nhà tôi để thế chấp vay mua 2 cái nhà cho con gái đứng tên và cho mướn.
20 năm trôi qua nhanh. Lưng của tôi bị thoái hóa cột sống nên đau càng ngày càng nhiều. Chân tôi bắt đầu bị tê. Lái xe lúc nào chân cũng phải nhịp nhịp thử coi còn hoạt động được hay không, nhỡ bị tê khi cần thắng mà không xử dụng được thì nguy to. Tinh thần tôi bị hoảng loạn khi nghĩ đến lúc không cử động được, tay chân bởi dây thần kinh bị gai xương sống ép nên không hoạt động được. Mổ xương sống thì xác xuất rủi ro khá cao, nên khi còn gượng đi đừng được tôi không chịu mổ để cắt gai cột sống. Con gái thì đeo theo một bên ít đi chơi ít giao thiệp với bạn bè. Đi làm về là quanh quẩn bên Cha làm tôi thêm lo lắng.
“Sao con không có bạn trai? Con lập gia đình cho Ba yên tâm.”, tôi khuyên con.
“Ai bảo Ba con không có bạn trai? Bạn trai của con đang ghi tên học tiếng Việt, bao giờ nói được tiếng Việt con sẽ đem về ra mắt Ba. Anh ta người Đức nhưng sinh trưởng ở đây, và chịu điều kiện của con kiện là phải sống chung với Ba suốt đời. Nhưng con thêm điều kiện phải nói được những câu thông dụng tiếng Việt Nam.
“Ba nói tiếng Anh cũng tạm hiểu được mà con.”
Nhưng con muốn con của con sau nầy phải nói được tiếng Việt, nên anh ta ghi tên học một năm tiếng Việt ở Đại học Victoria.
Tuổi 60 cũng đúng lúc tôi được phép về hưu vì là cựu quân nhân nên sớm hơn dân sự 5 năm. Con gái thì hối thúc Ba nghỉ việc đi, tiền hưu Ba đủ sức tiêu dùng, nếu có cần mua gì hay đi đâu con lo cho Ba được.
Tôi xin nghỉ việc về hưu. Sáng nào 5:30AM cũng đi bơi để chữa trị bệnh đau lưng. Con gái cũng đi theo. Sáng nào hai Cha con xe ai nấy lái đến hồ bơi. Con tập gym, Cha thì bơi. Con gái đem quần áo uniform thay đi làm luôn.
Một hôm con gái tôi nói: “Ngày mai con không đi làm; Ba có muốn con chở Ba đi thăm bác Hoàn không? Con nghe con gái của Bác nói là Bác đã bị đưa vào Viện Dưỡng lão tuần rồi.”
“Sao con lại dùng chữ “bị”? Chẳng lẽ Bác Hoàn không muốn vào Nursing Home mà bị bắt buộc vào hay sao?”
“Bác Hoàn bị stroke té, xe cấp cứu đem vào nhà thương. Bác ấy bị méo mặt và miệng không nói được nên các con của Bác xin bác sĩ cho vào Viện Dưỡng lão, vì nếu về nhà sau nầy xin vào thì Bộ Y Tế sẽ check sức khỏe và trí nhớ khó khăn lắm mới được chấp nhận nên để nhà Thương quyết định thì khỏi phải check gì hết!”
“Bác chỉ hơn Ba có 2 tuổi và trí nhớ còn tốt lắm mà? Ừ! thì Ba với con đi thăm Bác ấy kẻo tội nghiệp. Hơn nữa mai mốt Ba có vào sẽ có người thăm lại Ba.”
“Không bao giờ có chuyện đó Ba đừng mơ! Con không bao giờ gởi Ba vô Viện Dưỡng Lão đâu!”, con tôi bĩu môi. “Con tập gym để đủ sức bồng Ba khi Ba cần đến. Con cũng chọn chồng to con để phụ với con. Ba xài Computer và Internet thường xuyên, trí nhớ của Ba sẽ không bị Dementia hay Alzheimer.”
“Cám ơn con! Nhưng con còn công việc và cuộc sống của riêng con”.
“Trại Mồ Côi Không Dành Cho Con, Thì Viện Dưỡng Lão Cũng Không Dành Cho Ba!”, con gái tôi chắc nịch.
“Con nhớ mua trái cây biếu Bác ấy, nhớ đừng mua bánh ngọt vì Bác ấy cử ăn đường.”
Hai Cha con tôi vào Viện Dưỡng Lão Cửu Long vừa sau giờ ăn sáng, nên gặp Bác Hoàn ngay phòng ăn. Mặt và miệng của Bác Hoàn trở lại gần bình thường và giọng nói tuy có biến giọng nhưng vẫn còn nghe rõ lắm. Bác bắt tay tôi coi vẻ mừng và cảm động, nhưng hai mắt lệ ứ tròng.Thăm Bác Hoàn khoảng một tiếng sau hai Cha con xin phép ra về.
Con gái tôi lái xe ghé Chợ và nói: “Con đãi Ba ăn bún bò Huế.”
-Ừ! ăn thì ăn.
Con gái mở cửa cho tôi và kéo ghế cho tôi ngồi, gần như ai cũng quay ngó chúng tôi. Cô bé chạy bàn thì quen quá với Cha con tôi vì nhiều lần ăn ở quán nầy.
-2 tô bún bò Huế phải không Chú?
-Ờ! Cháu cho Chú 2 tô.
Con gái mở cái xách tay của nó ra, mà nó đổi cái xách tay lớn hơn hồi nào tôi không để ý. Nó kéo ra một bịch nylon và kéo rau kinh giới ra. Nó để rau kinh giới tím qua một bên và nói: “Cái nầy của Daddy.”
Rồi kéo mớ khác là kinh giới xanh và nói: “Cái nầy của con.”
Ông ngồi bàn gần kế bên quay sang: “Cô Mỹ nầy sao nói tiếng Việt rành quá và rành ăn bún bò Huế hơn cả người Việt Nam!”
-Nó là người Việt Nam chứ không phải Mỹ. Nó chê rau kinh giới tím ăn nồng quá mà tôi thì thích kinh giới tím hơn nên nó hái riêng hai loại cho Cha con chúng tôi.
-Cô ta là con dâu của Anh?
-Không. Nó là con gái của tôi.
Hai tô bún bò Huế được bưng ra, cuộc đàm thoại ngưng tại đây và có lẽ ai cũng liếc mắt xem khi cô Mỹ 100% vắt chanh và ngắt từng cọng rau bỏ vào tô cho Cha. Tôi hãnh diện là đã không lầm khi bỏ công bao năm cơ cực nuôi “Con của người ta.”
Về tới nhà chưa kịp thay quần áo thì điện thoại reo. Bạn Hoàn, người tôi vừa đi thăm, phone cho tôi từ Viện Dưỡng Lão.
“Anh mới về tới nhà phải không? Hồi nãy tôi gọi không ai bốc phone. Sau khi Anh về rồi có một Bà trong Viện Dưỡng Lão này hỏi Anh có phải Hải Quân hay không và đứa con gái Mỹ đi theo Anh là con của Anh? Bà ta nói là người quen của Anh ở Nha Trang khi xưa, muốn xin số phone của Anh, nên tôi hỏi Anh trước. Có phải nhân tình cũ ngày xưa hay không? Nếu phải thì vào gặp gấp đi, dễ gì xa xứ gặp cố tri!”
-Ừ! Thì Anh cứ cho có sao đâu. Bốn mươi mấy năm rồi làm sao ai còn nhớ được ai!
Một ý nghĩ thoáng qua trong óc tôi: Không lẽ là Mẹ ruột của con gái của tôi? Chứ nếu Bà ta là người vợ bỏ tôi ngày nào thì chắc chúng tôi phải nhìn nhau, chứ chẳng lẽ tình chồng vợ sống với nhau 5 năm mà nhìn nhau không ra! Nhưng nếu là Mẹ ruột của con gái của tôi, tôi phải làm sao đây, vì dù sao cũng là “Con gái của người ta.”
Trần Thiện Phi Hùng.
…………………………………….
CHA CỦA NGƯỜI TA, LÀ BA CỦA TÔI
Trần Thuỳ An
Ông Ta gặp Tôi sau khi Tôi mở mắt chào đời chỉ mới có một đêm; chỉ nhìn Tôi có một phút đã nghĩ xấu về Tôi là “cái môi chu chu chắc lớn lên sẽ hỗn”. Một Phút mà Ông Ta đã đưa ra quyết định tương lai cho một đời người thì thật đúng là dân nhà binh nhiều năm quân ngũ; dứt khoát nhanh chóng mặc dù không phải là việc đánh nhau trên chiến trường gần kề giữa cái sống và chết trong gang tấc nhưng đây lại là Tình Người cao cả.
Con Bé mới sinh mang cái tội lai Mỹ nên người mang nặng đẻ đau sau 9 tháng 10 ngày đã nhẫn tâm cho người khác và nếu không có được có người có tình người cao cả thì Tôi phải vào Viện Mồ Côi.
Vợ của Ông ta sinh con gái cho Ông ta chỉ trước Tôi có 4 tiếng và Tôi thì bị Mẹ rao “Cho Con”; chỉ nhìn Tôi một phút rồi trở về phòng của Vợ nói lên quyết định xin con nuôi và Vợ không thuận nhưng cũng không phản đối; thế là thủ tục cho Con của mẹ Tôi và xin con của Cha Tôi được thỏa thuận trên giấy trắng mực đen được đưa cho Bà Mụ và cũng là Chủ phòng sinh quân đội Tỉnh Khánh Hòa.
Thủ tục chưa kịp hoàn tất; Mẹ của Tôi đã bỏ Tôi ra đi.
Tôi còn say ngủ Tôi nào có biết gì; đến cả mắt của Tôi còn chưa mở. Tôi được Cô Mụ bồng sang giao cho Bà Mẹ thứ Hai. Khi Tôi mở mắt được để nhìn đời thì nét mặt cương nghị đó đã in sâu vào tâm não Tôi từ ngày đó và có lẽ là mãi mãi không bao giờ phai nhạt trong Tôi. Ba của Tôi.
Tôi và Chị của Tôi sống những ngày êm đềm nhứt ở miền Thùy Dương cát trắng Nha Trang. Ba và Mẹ của Tôi đều đi làm, hai chị Em tôi được giao cho người giúp việc mà người giúp việc lại là Cháu của Mẹ Tôi, nên rất cưng chìu chúng tôi.
Ba Tôi kể lại Tôi rất dễ chẵng mấy khi Tôi khóc. Sáng Mẹ cho Hai đứa bú xong Ba chỡ Mẹ đến sở làm rồi Ba mới từ thành phố lái Honda về gần Chutt là Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân.
Ba Mẹ rời nhà thì Tôi ngủ mãi đến khi Ba Mẹ về nhà ăn Cơm Trưa, thì như đánh hơi được mùi của Mẹ Tôi, nên thức dậy Bú xong, Ba Tôi tắm cho hai Chị Em của Tôi, vì Mẹ sợ tắm chúng Tôi sẽ bị lọt tay rớt xuống đất, nên gần cả năm chúng tôi đều được Ba tắm.
Ba Mẹ cơm xong thì phải đi làm lại tới 5 giờ chiều mới về. Ba Mẹ thường đi tắm Biển đến 6 giờ rưỡi mới về ăn cơm.
Gần nửa năm đầu Chị của Tôi và Tôi đều được Ba đem sang giường ngủ với ba vì báo thời đó có đăng tin một đứa trẻ mới sinh bị Mẹ đè chết mà không hay; nên ba sợ Mẹ đè chúng tôi. Đêm nào Ba cũng phải thức dậy khuấy sữa cho Tôi; vì uống sữa bột guigoz của Pháp quen nên Tôi thích sữa hộp hơn sữa mẹ ; còn Chị của Tôi thì Ba đem cho Mẹ của Tôi cho bú.
Mỗi năm Ba và Mẹ của Tôi cùng Chị giúp việc về thăm Nội Ngoại một lần nhưng Mẹ tôi có cái bệnh say xe, say sóng nên say cả đi máy bay chong chóng. Vé Beoing 727 thời đó đắt gấp 3 hay 4 lần vé máy bay chong chóng; nhưng Ba Mẹ của Tôi đều đi làm nên mỗi lần về thăm Nội Ngoại mất hết hơn 2 cây vàng thời đầu thập niên 70.
Ba lúc nào cũng không sợ tốn hao nên về Miền Đông thăm Ngoại cũng như về Miền Tây thăm Nội đều đi xe Lô và Mẹ được mua nguyên băng để nằm.
Thế rồi Đại nạn tháng 4 Đen; may mắn chúng Tôi về Sài Gòn trước mấy tháng, nếu không thì dù Ba có là Hải Quân nhưng trên đường di tản tháo chạy chưa chằc gì Tôi và Chị Tôi còn mạng!
Sau 30 tháng 4 năm 1975 Ba Tôi đem cả gia đình về nhà Bà Nội ở Mỹ Tho, nhưng 2 ngày sau Cô Tôi vẫn còn làm lại ở ngân hàng quận 8 về bảo Ba Tôi phải rời nhà Bà Nội của Tôi chứ không sẽ bị truy tìm bắt lại vì bỏ cây xăng ở Biên hòa.
Ba Tôi đem gia đình về Chợ Gạo Quê của Ông Cố Tôi và mãi đến hơn nửa tháng sau Ba Tôi mới trình diện và 2 tháng sau bị đi tù Cải tạo.
Mẹ của Tôi về thăm Bà Ngoại 2 lần, nhưng chỉ đem Chị của Tôi mà không cho Tôi đi và mùa Xuân đầu tiên ngày Ông Bà Táo về chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng là ngày Mẹ của Tôi đem Chị của Tôi về giỗ Ông Ngoại của Tôi và không về nữa!!!
Mùa Xuân đầu tiên ảm đạm nhứt trong đời của Tôi và của biết bao nhiêu người ở Miền Nam chầm chậm qua đi rồi mùa Xuân nữa lại đến Ba của Tôi vẫn chưa về.
Bà Nội vẫn mỗi tháng đi thăm ba tôi được 15 phút; Tôi xin bà Nội đi thăm Ba nhưng Bà Nội nói Con đi thì Bà làm sao trả lời với Ba của Con về Mẹ và Chị của Con. Con chắc còn có ngày gặp lại được Ba của Con.
3 năm sau, Tôi còn nhớ là một buổi chiều Mưa tầm tã, một người vừa ốm lại vừa đen dầm mưa đi vào nhà Tôi; Tôi hết hồn định chạy vào kêu Nội; nhưng có lẽ Phụ Tử tình thâm hay sao mà Tôi rút hết can đảm nhìn người khách lạ và nhận được Ông Ốm Đen gần như là người khác lạ đó là Ba của Tôi. Tôi gần như nhào tới ôm chầm lấy Ba và Ba của Tôi cũng ôm Tôi mà miệng thì nói:
-Ứớt hết Con!
Tôi mặc kệ và miệng thì gọi:
-Nội ơi Ba về; Nội ơi Ba Con về.
Chính Tôi kể cho Ba biết tin Mẹ dẫn Chị bỏ đi đã 3 năm rồi. Ba Tôi buồn hay không Tôi cũng không biết được; mọi việc hình như Ông dửng dưng; có lẽ tận cùng của đau thương làm con người chai đá!
Ba Tôi bị quản chế 1 năm và sau khi ra dân, thì vẫn thế cứ vài ngày thì gọi đi đào Kinh, vác lúa thuế, bít Rạch, bít Kinh, rồi nước động nước thúi cây trái, ruộng lúa úng nước, ngập chết; lại phải đi phá đập. Một năm Ba của Tôi phải đi làm khoảng 3 tháng rưỡi đến 4 tháng không công.
Tôi đã học lên lớp 5. Ở Xóm, ở Làng, ở Trường, Tôi không giống bất cứ ai. Dang nắng lao động ở Trường; Da Tôi không rám đen mà lại trắng hồng rồi Trắng đỏ ra, nhiều khi bị phồng lột da rồi trắng vẫn hoàn trắng. Tôi dẻo dai, gan lì giống Ba Tôi.
Tôi không bị kỳ thị vì Tôi học giỏi; đó là nhờ công của bà Nội đã dạy Tôi biết đọc biết viết và thuộc làu cửu chương cũng như làm được 4 phép tính trước khi đến trường.
Các Cô gần như đều thương và hay cho thức ăn, trái cây cho Tôi.
Bà Nội Tôi nói: “Con nhờ Cha Con mà hưởng lợi vì Cha của Con coi như độc thân” ngày đó Tôi chẳng biết ý nghĩa là gì?
Lệnh mới ban ra: “Con của Ngụy không được lên lớp 10”. có nghĩa là Tôi chỉ học đến lớp 9 mà thôi. Lý do chắc là vì Con Ngụy có di truyền của Ông Cha nên học giỏi hơn con của cán bộ.
Cô của Tôi từ Sài Gòn về thăm Bà Nội của Tôi thường hơn và Tôi nghe được Cô bàn tính rủ Ba Tôi vượt biên. Tôi ôm Ba tôi và vừa khóc vừa nói:
-Ba đừng bỏ Con nhen ba!
Ba tôi mắt rướm lệ nói.
-Nguy hiểm lắm Con.
-Con không sợ; Con chỉ sợ Ba bỏ Con mà thôi!
-Ừ! Ba chết thì Con mới chết.
Ba của Tôi lái tàu đưa Tôi và Cô của Tôi với 26 người đến bến bờ Tự Do. Đảo Kuku, Indonesia; sau đó được đưa sang Trại Tỵ nạn Galang; 10 tháng sau sang Singapore 2 tuần khám sức khỏe trước khi đi định cư.
Ba Tôi đi làm. Tôi đi học. Hai năm sau ba Tôi mua nhà nhưng phải mất 5 năm mới trả hết nợ nhà thì Tôi vào Đại học. 4 năm sau Tôi trong Bộ đồng phục Tốt nghiệp và cái ống màu đỏ đựng cấp bằng cấp tốt nghiệp; Tôi ôm ba Tôi và khóc:
-Con cám ơn Daddy.
-Daddy cũng cám ơn Con; nhờ có Con mà Daddy vui sống bấy lâu.
Lần đầu tiên Tôi thấy Ba của Tôi thật sự rơi nước mắt; có lẽ bao năm rồi xứ Tự Do tình cảm của Ba Tôi đã phục hồi lại được trở lại sau bao năm dài sống trong chinh chiến khổ đau rồi tan thương làm kẻ chiến bại nhọc nhằn cơ cực tuyệt vọng làm chai đá tình cảm mà chỉ có an bình ấm no biết mình sẽ làm gì và sẽ có kết quả ra sau nên Ba của Tôi biết khóc.
Tôi đi làm được 2 năm, tiền lương đưa hết cho Ba; nhưng lương của Ba cũng xài đủ cho 2 Cha Con nên Ba của Tôi mở sổ Bank riêng cho Tôi và bỏ hềt tiền của Tôi vào đó.
Cô của Tôi bán 2 cái nhà để mua 1 cái lớn hơn ở vùng sát thành phố, Ba của Tôi bảo tôi mua cả hai; Lương của Tôi không thể mượn gần nửa triệu bạc nên ba của Tôi dùng cái nhà của ba để thế chấp cho Tôi vay mua 2 cái nhà cho mướn.
Bảy năm sau Tôi trả gần hết thì Ba của Tôi lại xúi Tôi mua thêm cái khác. Ba nói Con cần có 3 cái nhà cho mướn và nhà của ba thì để ở thì sau nầy Con không đi làm vẫn có cuộc sống an toàn tự do không lệ thuộc vào tiền thất nghiệp hay tiền già.
Tôi thì nghĩ khác Ba của Tôi. Tôi cần có 3 cái nhà cho mướn để khi Ba của Tôi cần đến người chăm sóc Tôi sẽ nghĩ việc để lo cho Ba của Tôi.
Tôi cũng chuẩn bị và học lấy bằng thông dịch tiếng Việt cấp 1 và học luôn cả cấp 2 và bằng cấp 3 thì Tôi tự nghĩ là không sau lấy được mặc dù rời Vn Tôi học lớp 5 và mỗi tuần dù mỏi mệt cần nghỉ ngơi Ba của Tôi cũng chở Tôi vượt 25km để học tiếng Việt cuối tuần.
Nếu vạn bất đắc dĩ Ba tôi phải vào Viện Dượng lão thì Tôi cũng sẽ xin vào làm thiện nguyện cũng được để chăm sóc cho ba; nhưng chắc không có đâu, Tôi đi tập Gym mỗi ngày để đủ sức nâng đỡ cho Ba của Tôi khi cần. Chồng của Tôi sắp cưới là người Đức nhưng sinh tại đây. Anh ta phải học hết chương trình 1 năm tiếng Việt thì chúng Tôi mới làm đám cưới.
Tôi cao 1 mét 70 nhưng Anh ta cao gần 1 mét 80 và Anh ta đồng ý khi Ba của Tôi già phải chấp nhận chăm sóc cho Ba của Tôi. Anh Ta cũng biết thà bỏ Chồng chứ không bao giờ Tôi bỏ Ba của Tôi.
Tôi cố gằng để viết đáp lại bài “Con Gái của người ta” của ba Tôi muốn đánh động lương tâm của Người và Người phải có Tình Người như Tình Người của Ba Tôi. Nếu Ba của Tôi không có tình người thì có lẽ Tôi nằm trong số gần 4 ngàn trẻ mồ côi trong chiến dịch “Operation Babylift” của Mỹ trong tháng 4 năm 1975. Số trẻ mồ côi nầy phải dùng chữ “Rải” ra khắp thế giới mà nhiều nhứt ở Mỹ rồi đến Canada Pháp Úc…. nhưng biết đâu Tôi không có cái may mắn còn sống vì gần 80 đứa bị tai nạn máy bay tan xác.
4 ngàn trẻ là gần 8000 Cha và Mẹ VN sở dĩ tôi nói gần là vì có những trẻ như Tôi thì Cha không phải là người Việt mà lại là một người Mỹ.
Gần trăm trẻ tan xác gần 4 ngàn trẻ rải ra trên nhiều nước. Có Cha Mẹ nào nhỏ 1 giọt lệ xót thương; có người Việt Nam nào trào nước mắt khóc cho những trẻ bạc phần?
Bản nhạc Lòng mẹ của Y Vân làm biết bao người nghe rung cảm nhớ tới Mẹ cũng như bao nhiêu bản nhạc bài thơ ca tụng về Mẹ. Tôi gần như Vô Cảm chẵng những vô cảm mà còn không muốn nghe và những bài ca ca tụng về tình Cha Tôi cũng không muốn nghe mà Tôi chỉ thích nghe Ba Tôi nói hay rầy la Tôi, Tôi còn thích nghe hơn Thơ nhạc Tình Phụ Mẫu Tử Vn; trong khi thời bình cũng như thời chiến có hàng triệu hay mấy triệu trẻ Mồ Côi; Chùa nuôi, Nhà Thờ nuôi, Tư nhân cũng mở trung tâm nuôi trẻ mồ côi; Trẻ mồ côi nhiều như thế thì có phải Tình Phụ Tử Mẫu tử Thiên liêng nay đã cạn kiệt? Tình người đã cạn thì Dân Tộc làm sau tồn tại!!!!
Cha Tôi đã viết:
“Con Gái của người ta”
thì Tôi xin đáp lại:
“Cha của Người ta, là Ba của Tôi”. I love you Forever. Daddy Trần Thiện Phi Hùng.
.
Trần Thùy An
Hồi Ký : Vui Buồn Đời Lính Trận – Hai Hùng SG
Hai Hùng SG
Cũng như cuộc sống của mọi người, ai mà không gặp phải những chuyện vui buồn trong cuộc đời của mình, tụi tui cũng vậy, tuy khoác lên mình bộ đồ trận thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, ông Thần chết muốn dẫn về bên kia thế giới lúc nào mà chẳng được, vậy đó tuy gian lao, nhọc nhằn có khi trong giấc ngủ chập chờn, nhưng tụi tui vẫn sống với những buồn vui suốt cuộc đời trong quân ngũ, giờ đây cũng tròm trèm nửa thế kỷ trôi qua từ ngày tàn chiến cuộc, những vui buồn nó vẫn theo tui cho đến ngày xa rời nhân thế…
Về chiến trường An Lộc cuối năm 1972 tui được phục vụ ở ban Truyền tin của Liên đoàn 6 “Thần hổ”, đơn vị tui đóng quân trên dãy nhà đối diện chợ An lộc cách bởi một con đường, phải công nhận rằng từ nơi yên bình khi lao vô vùng hỏa tuyến mới thấy được cái cam go của người lính trận, may mắn cho đám tân binh tụi tui đến An Lộc thì cuộc chiến không còn ác liệt như những buổi ban đầu, các trận đụng độ đã lùi xa ra ngoại vi thành phố, tuy nhiên đường bộ vẫn còn bị đối phương phong tõa nên mọi sự tiếp tế cho quân trú phòng đều nhờ các loại phi cơ của bên không quân, và vẫn còn những trái đạn pháo mồ côi lâu lâu bay vô An Lộc đôi lúc gây bất an cho mọi người.
Bữa nọ đám lính trong ban Truyền tin tui gần cạn thức ăn, anh em chia nhau ra đi tìm kiếm coi có gì ăn được thì đem về, tụi tui mỗi đứa vác một cái vỏ bao gạo rồi làm thêm cái cù móc như mấy người lượm ve chai ở thành phố, nhưng khác nhau là họ thì tìm ve chai, lông vịt, đồng nhôm vụn về bán lại cho các chành ve chai để kiếm tiền, còn tụi tui thì đi kiếm rau cỏ, thịt thà .V.v… để dồn vô cái bao tử.
Tui với thằng Lê văn Liền ( Bạn thân) hai đứa lơn tơn đến một căn nhà nọ, nói căn nhà cho có chứ thật ra một nền nhà bên trên đầy gạch đá đỗ nát do bom đạn cày xới, thấy một cây Đu đủ ốm cà tong cà teo mà trên thân mình nó đeo đầy trái thấy phát ham, tui nói với thằng Liền :
- Trời thương tụi mình rồi Liền ơi, hái hết đem về để dành nấu canh.
Thằng Liền nó vui mừng không kém, nhưng nó nêu ra cái trở ngại:
- Cây quỷ này óm nhom mà cao nghệu sao hái được, hay chặt ngang cho nó ngã xuống rồi mình hái.
Nói xong thằng Liền rút cái lưỡi lê đeo bên hông để làm theo ý của nó:
Thấy vậy tui giơ tay cãn nó liền:
-Ý đâu có được, mình hái trái thôi để nó sống ra trái tiếp, nếu mình đỗi đi nơi khác, những người mới tới họ có cái mà ăn, tình hình này còn kẹt lâu lắm mới thông thương lại được Liền ơi.
Thấy tui nói có lý nên thằng Liền đút cây lưỡi lê vô bao, rồi nó đưa mắt nó chung quanh tìm cái cây nào dài dài để thọt mấy trái đu đủ, đúng là trời không phụ người hiền vì có một cái thang tre đã cũ, ai đó để bên hông nhà kế bên, Liền nhà ta bèn chạy nhanh tới vác cái thang dựa vào cây đu đủ để leo lên hái trái, cây đu đủ ốm yếu kia đứng một mình còn không muốn vững, nay bị cái thang tre với thân hình của thằng Liền dựa vô tui sợ nó chịu đời không thấu, tui bèn dang chân dùng tay vịn cái thang làm điểm tựa chia bớt sức nặng đè lên cây đu đủ, thằng Liền leo lên cây, nó nhanh chóng hái cho nhanh rồi leo xuống, vì trước khi nó lên cái thang tui đã òn ĩ với nó:
-Thật lẹ nha Liền, mầy quơ đại rồi xuống chứ mày lên đó ca sáu câu vọng cổ tao không chịu nổi đâu.
Hái hết mấy trái đu đủ nó bắt đầu leo xuống, bất chợt một bên cái chân Thang tự dưng gãy lìa, mất thăng bằng thằng Liền bị ngã theo cây đu đủ, may phước cho nó khi tiếp đất nó rớt trúng ngay đám mền gối cũ ai đó gom đống gần đó, nhờ vậy mà nó chẳng hề hấn gì, còn tui cũng thất thế khi Liền bị té, tui ngã nhào xuống đống đất của ai đào hầm trú ẩn còn vun lên cao nên cũng không nguy hiểm gì, hai đứa tuy bị té đau nhưng cũng vui vì chiến lợi phẩm là mấy trái đu đủ hái ở chiến trường rất quý.
Chuẩn bị cất bước đi bới những đám xà bần trong những ngôi nhà đỗ nát để tìm thịt hộp, bổng nghe tiếng kêu xé gió trên không trung, biết ngay là dù tiếp tế thực phẩm do phi cơ C130 thả từ trên cao xuống, hai thằng tui lật đật nằm rạp người xuống để tránh nguy hiểm khi dù chạm đất , vì khi đó đồ đạc của chiếc dù này văng ra tứ phía rất nguy hiểm cho ai ở gần, nguyên nhân những cánh dù này tan vỡ khi tiếp đất là do kỹ thuật thả dù, trước đây khi thả dù trên cao dù bung ra sớm quá gặp gió nó bay ra phía các cánh rừng xa xa mà không đến được nơi cần tiếp tế, rốt cuộc phe ta vô tình tiếp tế cho phe đối phương, sau này Khi tiếp tế họ làm cho dù rơi tự do khi gần chạm đất dù bung ra là vừa, nhưng không phải lúc nào cũng như ý vì có lúc dù không bung ra mà rớt thẳng vô ngôi nhà nào thì căn nhà đó tan hoang như bị bỏ bom.
Thời may chiếc dù hôm đó nó bung kịp theo tính toán, đơn vị trú phòng đem xe ra chỡ về kho để cấp phát cho các đơn vị thụ hưởng.
Tui với thằng Liền đào bới moi móc một hồi thì lượm được nhiều hộp thịt gà móp méo, một số hộp thịt ba lát, được đu đủ, được thịt gà hộp miễn phí, đêm đó ban truyền tin tụi tui được một bữa ăn ngon lành đủ chất dinh dưỡng sao bao ngày ăn uống kham khổ.
Một hôm khi bàn giao ca trực máy cho thằng Châu thợ may, tui với thằng Liền thằng Kết thả bộ xuống khu chợ An Lộc cho giãn gân cốt, đi rão một vòng tui thấy chỉ còn môt số ít nhà quanh chợ còn nguyên vẹn, nhà lồng chợ An Lộc bị cháy còn lại trơ khung vì kèo sắt ngó thật buồn, khi đến gần chợ tui phát hiện có một ổ Ong lớn đang đong đưa bám trên vì kèo, tui nghĩ chắc mật Ong vàng ươm nằm trong đó thật thơm ngon khiến tui thèm thuồng vô cùng, tui rị tay hai thằng bạn lại để bàn tính cách ăn ổ Ong này.
Sau một hồi bàn tính tụi tui về đơn vị lấy nào là Poncho, khói màu, mặt nạ phòng khí độc, bao tay, bao nylon loại lớn.
Quay trở lại nơi ổ ong , tui với thằng Liền lấy tấm Poncho mặc vô người, mang mặc nạ rồi đội cái nón sắt lên đầu, tụi tui không quên mang đôi bao tay để ong khỏi chích, thằng Kết thì lấy một cây tầm vong nằm gần đó, nó lấy dây kẽm cột trái khói màu vô ngọn cây tầm vong, khi tụi tui đã báo hiệu cho thằng Kết biết đã sẳn sàng hốt ổ ong này, thấy tui ra hiệu Kết ta rút chốt trái khói màu , khói xịt ra thật mạnh và bay lan nhanh ra chung quanh, thằng Kết lấy cây tầm vong đưa lên sát ổ ong, bị khói hun dám ong bay túa ra cả bầy đen ngòm như đám mây, hình như lũ ong biết ba thằng tui là thủ phạm nên sà xuống đánh tụi tui tơi tả, tiếng ong chạm mạnh vào Pon cho như ai cầm đá chọi vô mình tui liên tục , bụp.. bụp , càng lúc ong bu hai đứa tui nhiều vô kể, do tụi tui đã quấn kín người nên ỷ y chắc bọn ong không làm gì được mình, ngó lên ổ ong tui thấy nó lộ ra tàng ong ươm đầy mật, trong bụng tui nghĩ chắc mẽm ổ ong này sớm muộn gì cũng rơi vào tay tụi tui, không ngờ có vài con ong bằng cách nào nó đột nhập vô cái poncho rồi ra tay chích vô phía sau cổ tui mấy vết đau thấu trời xanh, thằng Liền cũng bị hai mũi, tội nhất là thằng Kết, chỉ là nhân vật phụ nhưng không che chắn gì nên bị ong dợt nó bốn mũi sưng vù lên trên trán, hoảng quá thằng Kết vừa la làng, vừa quăng cây tầm vong có trái khói màu vẫn còn đang xịt khói rồi dông thẳng về đơn vị:
-Chạy lẹ tụi bây ơi, ong dữ quá nó dứt tao mấy vết rồi nè, đau nhức thấy tía luôn.
Vết ong chích của tui cũng đang phát huy tác dụng, tui nghe đau nhói, chịu hết xiết tui kéo thằng Liền chạy trối chết về đơn vị.
Vừa chui đầu vô khỏi vọng gác của đơn vị, tui thấy sếp lớn đang đứng với gương mặt hầm hầm, ông lên tiếng hỏi:
- Mấy đứa bây mới dưới nhà lồng chợ về phải không? Ai cho sử dụng khói màu bừa bãi vậy, bộ tính chỉ điểm cho pháo dập vô hả.
Biết ba đứa tui làm càn bậy bạ mà không nghĩ đến hậu quả, cả ba đứa xin lỗi sếp và hứa không tái phạm.
Thấy ba thằng tui mặt mày bị ong đánh sưng vù nên sếp cũng hạ hỏa không phạt cái tội tày đình trên, ông còn căn dặn:
-Gần đây có đám đề lô của quân bắc Việt ém trong các dãy nhà, mấy đứa cẩn thận không nên chơi cái trò này nữa nghe chưa.
Rồi sếp cho ba đứa tui về ban quân y để trung úy y sỹ trưởng điều trị cho tụi tui.
Bác sỹ Khiêm thấy vết thương khá nặng, ông gọi Trung sỹ Hồng chích thuốc giải độc cho ba đứa, rồi ông nói:
-Ba ông thần nước mặn này chơi dại quá, tổ ong mà mấy ông phá lúc nãy là ong vò vẽ đó, ong này rất nguy hiểm, nó đánh có khi chết cả con bò nữa đấy, các ông hên có thuốc giải độc, bằng không nguy hiểm lắm đó mấy ông.
Nhờ mát tay, bác sỹ Khiêm và trung sỹ Hồng đã cứu ba thằng tui một bàn thua trông thấy.
Sau khi khỏe mạnh tui dò la tin tức về ổ ong nọ, một bà bác nhà gần ổ ong đã cho tui biết:
-Sau khi mấy chú bỏ chạy, thì đám ong bị động ổ nên tụi nó dời đi nơi khác, còn tàng ong có mật thì có hai anh người Thượng lấy mất rồi.
Tui thầm tiếc của đã mất, nhưng tui nhớ lại câu ” Của đi thay người” nên cái tiếc kia chỉ thoáng qua rồi thôi..
Khi chiến trường An Lộc đã,yên tĩnh trở, đồng bào lần lượt quay về cũng là lúc đơn vị tui nói lời chia tay nơi này, trước khi tạm biệt chiến trường An Lộc, mấy anh em tụi tui ra viếng các anh hùng tử sỹ Biệt Kích Dù đã nằm lại nơi vùng đất này, nhìn hai câu thơ ghi trên vách tường nghĩa trang khiến cả đám phải bùi ngùi thương tiếc:
“An Lộc địa sử ghi chiến tích”
“Biệt kích dù vị quốc vong thân”
Thắp những nén nhang nghi ngút khói lên mộ phần các anh, tụi tui cầu mong các anh an lành nơi miên viễn.
Ngó qua ô cửa kính tròn của chiếc Chinook khi nó chao nghiêng, tui thấy dãy nhà nơi đóng quân, khung vì kèo sắt chợ An Lộc, xác vài chiếc chiến xa T54 cháy xém đang phơi trên chiến địa, tui phóng tầm mắt ra phía xa xa những cánh rừng bạc ngàn của đất Bình Long anh dũng như cố thu lại để trong miền ký ức sau này có dịp ôn lại đất nước mình có một thời binh lửa đau thương tột cùng.
Sau ngày tàn cơn binh lửa, khi có dịp đi ngang chiến trường xưa, tui thật ngỡ ngàng, những chiến tích đã dần xóa nhòa, sau chiến tranh vùng đất như như hồi sinh trở lại, đồng bào sinh sống làm ăn đông đúc như chưa từng trải qua cuộc chiến kinh hoàng của năm xưa, tui cúi đầu tưởng nhớ lại anh linh của các chiến sỹ đã nằm lại chiến trường xưa, chắc hẳn rằng xương cốt các chiến sỹ vô danh nay đã hòa vào mạch đất quê hương cho cây lá xanh màu tươi mát, tuy các anh không còn hiện diện trên cõi đời đã lâu, nhưng các anh vẫn còn in dấu trong lòng người dân nơi này mãi mãi về sau./.
Tháng 3 của chuỗi ngày buồn năm xưa. ….
Một lần chào cuối cùng trong đời quân ngũ!
Sau 30.4.1975, người Việt tản mác trên khắp thế giới để tỵ nạn cộng sản. Trên Sách Vở, Báo Chí, Hồi Ký, Bút Ký, trên Ðài Truyền Thanh, Truyền Hình, trong các Ðại Nhạc Hội, những lúc Hội Họp các Ðoàn Thể chính trị hay các Tổ Chức khác, trong lúc ngồi nói chuyện quá khứ với nhau, đôi lúc cũng nhắc đến cái chết của những vị Tướng lãnh hay các Sĩ Quan cao cấp khác trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Những cái chết đó phải được vinh danh một cách trang trọng xứng đáng, phải được ghi vào Lịch Sử để con cháu chúng ta sau này biết đến sự tuẫn tiết của cha anh họ.
Với tinh thần đó, tôi muốn viết lên sự tuẫn tiết của Trung Sĩ I Nguyễn Thoảng cùng vợ con ngày 29.3.1975 tại Ðà Nẵng.
***
Tám giờ sáng ngày 28.3.1975, Tiểu Ðoàn tôi được lệnh rút về tuyến “vàng” phòng thủ, giữ phía Tây Nam của Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I và bảo vệ Pháo Ðội 105 ly của Sư Ðoàn 3. Mở bản đồ thì biết đó là Trục Lộ 14C từ Quận Ðiện Bàn đi Ðại Lộc, Thượng Ðức thuộc Tỉnh Quảng Nam. Tiểu Ðoàn chịu trách nhiệm từ Tháp Bằng An đến Phong Thử (khoảng 2 km). Tiểu Ðoàn di chuyển đến địa điểm lúc 10 giờ sáng, đã thấy vài khẩu đại bác 105 ly đã có sẵn ở các ruộng khô cách Tỉnh Lộ 14C khoảng 50 mét.
Sau khi liên lạc với vị Pháo Ðội Trưởng để bàn hoạch phương thức bảo vệ Pháo Ðội, tôi ra lệnh, giao nhiệm vụ, chỉ định vị trí cho từng Ðại Ðội. Bộ Chỉ Huy của Tiểu Ðoàn ở gần Pháo Ðội. Khoảng 12 giờ trưa hôm đó, vị Ðại Úy Pháo Ðội Trưởng báo cho tôi biết là họ được lệnh rút lui sau. Tôi không thắc mắc vì Pháo Binh luôn luôn ở sau để yểm trợ. Tuy nhiên, tôi ra lệnh cho Ðại Úy Quý, Trưởng Ban 3 của tôi gọi về Tiểu Khu hỏi xem chúng tôi có theo họ để bảo vệ súng không?
Hai giờ 30 chiều hôm đó Sĩ Quan Ban 3 của tôi báo cho tôi biết là Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu đã thông báo là dời về Non Nước.
Lúc này, tôi có phần bi quan vì theo dõi tin tức qua máy trên các tần số của các Ðơn Vị ở Vùng I mà chúng tôi có trong đặc lệnh truyền tin.
Bốn giờ chiều, tôi hoàn toàn không liên lạc được với Liên Ðoàn 911 do Trung Tá Lê Văn Thành Chỉ Huy mà Tiểu Ðoàn tôi trực thuộc. Tiểu khu cũng biệt vô âm tín.
Tôi gọi về Trung Tâm Hành Quân của Quân Ðoàn I cũng như của Sư Ðoàn 3, họ quá bận rộn với nhiều Ðơn Vị nên khó chen vào được.
Tôi mời các Ðại Ðội Trưởng và Sĩ Quan Tham Mưu đến cho biết tình hình và bàn kế hoạch. Bây giờ tôi không còn ai Chỉ Huy nữa nên tôi quyết định rút Tiểu Ðoàn về Hội An để vào Tiểu Khu xem sự việc đồng thời đó là con đường tương đối an toàn và gần nhất để ra Ðà Nẵng.
Ðơn Vị ra Quốc Lộ 1 thì dân, lính họ chạy về Ðà Nẵng quá sức tưởng tượng. Họ đang chạy giặc. Tình hình quá bi đát, một thoáng suy nghĩ trong đầu, tôi ra lệnh tất cả dừng lại ở trong Làng cách Quốc Lộ 100 mét, chờ lệnh tôi vì tôi sợ Lính ra đây thấy cảnh đó thì bỏ Ðơn Vị về lo cho gia đình.
Tôi tiến sát Quốc Lộ 1 để xem tình hình thì gặp Trung Tá Nguyễn Tối Lạc, Quận Trưởng Ðức Dục. Ông ta cho biết tất cả các Chi Khu của Quảng Nam đều bỏ cả rồi, Tiểu Khu thì về Ðà Nẵng không liên lạc được. Ông ta còn cho biết thêm là Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư Lệnh Sư Ðoàn 3 vừa cho lệnh ông là trực thuộc Ðại Tá Vũ Ngọc Hướng, Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 2 thuộc Sư Ðoàn 3.
Ðại Tá Hướng chỉ huy luôn các Tiểu Ðoàn của Tiểu Khu Quảng Nam nữa. Trung Tá Lạc chỉ còn một người mang máy truyền tin, một người Lính bảo vệ thôi. Tôi đang đứng với Trung Tá Lạc thì một chiếc chiến xa M-48 từ trong đi ra thấy có Ðại Tá Hướng ngồi trên pháo tháp.
Ông ta thấy tôi liền cho xe dừng lại. Tôi là thuộc quyền của ông lúc ông ta còn là Tiểu Khu Phó Quảng Nam và hỏi tôi:
– Tiểu Ðoàn của mày đâu mà mày đứng đây?
Tôi trả lời:
– Tiểu Ðoàn tôi còn nằm trong Làng này, Ðại Tá.
Tay tôi chỉ vào trong Làng gần đó.
– Có còn đủ không?
– Còn nguyên, chưa đụng trận nào lớn cả, mà chỉ gặp du kích thôi. Bảo đảm Ðại Tá, chắc Ðại Tá biết Tiểu Ðoàn này rồi mà.
– Tao hiểu, mày đã nhận lệnh của Thiếu Tướng Hinh chưa?
– Tôi chưa nhận lệnh trực tiếp của Thiếu Tướng nhưng đã nghe Trung Tá Lạc nói rồi.
– Tốt, bây giờ Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu không còn ai nữa, mày trực thuộc Trung Ðoàn tao, mày có tần số của tao chưa?
– Có đầy đủ ở đặc lệnh truyền tin rồi Ðại Tá. Bây giờ Ðại Tá cho lệnh thế nào?
– Theo lệnh Thiếu Tướng, mày cho Tiểu Ðoàn về Hội An phòng thủ với Trung Ðoàn. Ðến nơi, mày vào gặp tao tại Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu để nhận lệnh chi tiết.
Tôi từ giã Ðại Tá Hướng trở lui Tiểu Ðoàn trình bày cuộc nói chuyện và lệnh của Ðại Tá Hướng cũng như Trung Tá Lạc cho các Sĩ Quan nghe.
Sau một hồi thảo luận, cuối cùng tôi nói:
– Bây giờ chúng ta về Hội An như ý định của chúng ta đã nói. Trên vấn đề quân sự, chúng ta đặt dưới quyền của Ðại Tá Hướng, nếu hữu sự, chúng ta có Lực lượng quân sự cùng chiến đấu. Về đó tùy tình hình ta xử trí sau.
Tại Hội An chúng ta có các điểm lợi sau:
– Về địa thế chúng ta đã rõ như trong vòng bàn tay.
– Có kho vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men của Trung Tâm Tiếp Vận Quảng Nam của Tiểu Khu, chúng ta xử dụng nếu chiến đấu nhiều ngày.
– Nếu, có Lính chết hay Bị Thương thì có Bệnh Viện Hội An có phương tiện cấp cứu, có Bác sĩ Trung Ðoàn 2 và Y tá.
Liên Tỉnh lộ 13C từ Ðà Nẵng đi Hội An tương đối an toàn để chúng ta về Ðà Nẵng.
Tôi đã trình bày những điểm lợi hại cho Sĩ Quang rõ, tôi nói tiếp:
– Nếu phải bỏ Ðà Nẵng như ở Huế và Vùng II thì tôi sẽ vào trình diện Quân Ðoàn để được giúp đỡ vì Tiểu Ðoàn mình còn nguyên chưa bị tổn thất thì thế nào Quân Ðoàn cũng lo cho mình vào Sài Gòn để tiếp tục chiến đấu. Nếu tận cùng mình dùng quân số đông để áp đảo Hải Quân, yêu cầu được chở vào Nam chiến đấu.
Bây giờ đã 6 giờ chiều, mặc dù còn ánh nắng mặt trời, dân chúng cũng như Binh Sĩ chạy về Ðà Nẵng quá nhiều nên di chuyển Ðơn Vị lớn như thế rất khó khăn, dễ bị thất lạc.
Tôi ra lệnh cho các Ðại Ðội Trưởng, Trung Ðội Trưởng phải bám sát Binh Sĩ của mình đừng cho thất lạc. Nếu thất lạc, họ phải đến điểm tập trung là Ty Công Chánh Hội An. Ðó là điểm tập trung của Tiểu Ðoàn, đừng vào Tiểu Khu. Tôi căn dặn thật kỹ các Ðại Ðội phải ban hành lệnh đếm từng người Lính để họ nắm rõ điểm tập họp.
Sáu giờ 30, Tiểu Ðoàn bắt đầu hướng về Hội An. Lính Sư Ðoàn 2 Bộ Binh Tiểu Khu Quảng Ngãi, Quảng Tín kéo về như kiến cỏ. Họ không còn người Chỉ Huy nên hoàn toàn vô trật tự, vô kỷ luật, chỉ cần một hành động vô ý thức làm chạm tự ái, họ có thể bắn mình một cách dễ dàng.
Tôi đến được Hội An lúc 11 giờ đêm. Tại điểm tập trung, hai Ðại Ðội đầu đã có mặt. Tôi ra lệnh phòng thủ và đợi Tiểu Ðoàn đến cho đầy đủ. Tôi vào Tiểu Khu để gặp Ðại Tá Hướng nhận lệnh.
Mười hai giờ, Tiểu Ðoàn đã đến đầy đủ. Ðại Úy Quý Ban 3 Tiểu Ðoàn, cho tôi biết quân số lúc đó là 470 người. Các Sĩ Quan có đủ, có 20 thường dân là thân nhân của các Quân Nhân của Tiểu Ðoàn theo họ (họ hy vọng nếu có vào Sài Gòn thì họ cùng Tiểu Ðoàn vào Nam được dễ dàng hơn) vì lúc ở Ðiện Bàn, các gia đình này ở đó nên họ biết có Tiểu Ðoàn về nên đem theo luôn.
Có 50 Quân Nhân các Ðơn Vị khác thuộc Tiểu Khu Quảng Nam đã thất lạc Ðơn Vị nay muốn theo chúng tôi. Tôi nói với 50 Quân Nhân này, tôi chấp thuận cho họ ở với Tiểu Ðoàn với điều kiện phải tuyệt đối tuân hành lệnh của các Sĩ Quan Tiểu Ðoàn, nếu bất tuân, tôi ra lệnh bắn bỏ, nhất là lúc đụng trận. Tôi sẽ cho họ về Ðơn Vị gốc khi tôi gặp Ðơn Vị đó. Tất cả họ đồng ý và tôi phân chia cho các Ðại Ðội tác chiến ngay.
Riêng 20 thường dân (trong số này, tôi đã biết họ vì trước đây tôi có đến nhà họ lúc thuận tiện), Tôi ra lệnh cho Trung Sĩ I Thoảng chịu trách nhiệm vì Trung Sĩ I Thoảng là Hạ Sĩ Quan Ban 5 của Tiểu Ðoàn (Trung Úy Trưởng Ban 5 vắng) đồng thời tôi giới thiệu Trung Sĩ I Thoảng cho họ biết và nói:
– “Bà con là thân nhân của Quân Nhân các cấp trong Tiểu Ðoàn tôi, tôi có nhiệm vụ bảo vệ bà con như bảo vệ Lính tôi vậy. Nếu đụng trận bà con nghe lệnh của Trung Sĩ I Thoảng để được an toàn, đừng chạy lộn xộn mà chết, Tiểu Ðoàn đến đâu, tôi đem bà con theo đó”.
Họ hiểu ý tôi nên rất hoan hỉ.
Thành Phố Hội An bây giờ trống vắng, 99% đều bỏ ra Ðà Nẵng lánh nạn. Tiểu Ðoàn rời Ty Công Chánh Quảng Nam để đến vị trí phòng thủ theo lệnh Ðại Tá Hướng.. Ðó là hướng Bắc Hội An trên đường ra Ðà Nẵng. Trước khi đi, tôi còn để lại một Tiểu Ðội, một máy truyền tin do một Trung Sĩ của Ban 2 Chỉ Huy để đón nhận những người đến muộn.
Tại vị trí phòng thủ mới, tôi quá mỏi mệt, tinh thần căng thẳng. Tôi đang ngồi suy nghĩ thì Hạ Sĩ I Minh bưng đến một tô cháo và một ly cà phê sữa đang nóng và nói:
– Mấy ngày nay Thiếu Tá ít ăn, ít ngủ, chỉ uống nước không, lo suy nghĩ nhiều, em thấy Thiếu Tá ốm đó nghe. Thiếu Tá ăn tô cháo hầm bồ câu và uống ly cà phê để có sức đánh giặc chứ. Tôi đang lo lắng, định bảo dẹp đi, nhưng thấy thuộc cấp của mình thương mình, lo cho mình như thế nên không đành và nói:
– Mấy ông kia ăn chưa? Bồ câu đâu mày có?
– Thưa Thiếu Tá, lúc nãy ở Ty Công Chánh có chuồng bồ câu có lẽ của ông Trưởng Ty đã bỏ đi rồi, nên em bắt 4 con, em biết Ðại Bàng sẽ rầy, nhưng giờ này có khỏe mới giết được việt cộng chứ Ðại Bàng.
– Thôi được, để đó, đừng mắc võng nữa nghe. Từ sáng đến giờ, tôi chỉ uống nước không ăn gì ngoài một tô mì gói có đập vào hai hột gà cũng do Hạ Sĩ I Minh làm mà thôi. Cảm thấy đói, hớp mấy miếng cà phê, ăn được gần nửa tô cháo thì nghe tiếng trực thăng, tôi nhìn ra thì thấy từ hướng Quân Ðoàn I có hai chiếc máy bay bay vào khá cao.
Tôi bảo Trung Úy Bình, Sĩ Quan Truyền Tin mở máy qua tần số Quân Ðoàn liên lạc xem sao. Không liên lạc được mặc dù Bình đã có tất cả đặc lệnh truyền tin trong tay, đã liên lạc nhiều tần số và nhiều giới chức có thể đi bằng máy bay nhưng vô hiệu. Tôi biết chắc đó là máy bay Quân Ðoàn, nhưng không biết giới chức nào mà thôi.
Lúc này, tôi hoàn toàn thất vọng. Tôi ra lệnh Ðại Úy Quý, Trưởng Ban 3 gọi các Ðại Ðội Trưởng về họp đồng thời thu hết Tiểu Ðội ở Ty Công Chánh trở về Tiểu Ðoàn. Tôi còn ra lệnh Ðại Úy Hà Thúc Thuyên đi với một máy, vài Lính bảo vệ đến Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu xem Ðại Tá Hướng thế nào mà không liên lạc được.
Bây giờ là 2 giờ sáng ngày 29.3.1975. Ðại Úy Thuyên báo Trung Ðoàn 2 đã âm thầm ra hướng biển để về Ðà Nẵng. Tiểu Ðội ở Ty Công Chánh đã đến Tiểu Ðoàn mang theo 9 người Lính đến muộn.
Tôi cho về lại Ðại Ðội của họ cả. Như thế giờ này Tiểu Ðoàn có 479 Quân Nhân tham chiến chưa kể 50 Quân Nhân các Ðơn Vị khác đi theo. Sau một hồi bàn thảo của Sĩ Quan Tham Mưu và các Ðại Ðội Trưởng, tất cả quyết định rút về Ðà Nẵng, vào trình diện Quân Ðoàn.
Tôi hoàn toàn đồng ý và trình bày:
– Bây giờ còn sớm, chưa tới 3 giờ, chúng ta đến Chùa Non Nước sẽ gặp Ðơn Vị phòng thủ Quân Ðoàn ở đó trời chưa sáng, họ không nhận diện được ta có thể ngộ nhận và bắn lầm. Tôi quyết định 4 giờ sáng chúng ta xuất phát theo đội hình Ðại Ðội 1 đi dẫn đầu, Ðại Ðội 3 bên trái, Ðại Ðội 4 bên phải, Ðại Úy Thuyên Tiểu Ðoàn Phó đi với Ðại Ðội này vì có Trung Ðoàn 2 đi ra biển, nếu gặp tiện việc liên lạc hàng ngang tránh ngộ nhận. Ðại Ðội 2 đi sau, Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn đi giữa, gia đình đi sau Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn. Trên đường đi nếu chạm địch, chúng ta phải yểm trợ nhau đưa nhau về Ðà Nẵng. Tất cả, nếu không ai có ý kiến gì khác thì về Ðơn Vị chuẩn bị lên đường khi có lệnh.
Ðúng 4 giờ sáng ngày 29.3.1975, Tiểu Ðoàn bắt đầu di chuyển thứ tự theo lệnh như đã phân nhiệm. Trên đường đi, chúng tôi không gặp một sự kháng cự nào, chỉ gặp vài du kích bắn lẻ tẻ,vô sự, các Ðại Ðội phản ứng nhưng vẫn tiến quân.
Gần 9 giờ sáng, Ðại Ðội đầu do Trung Úy Thành Chỉ Huy báo cáo đã đến Non Nước, gặp Ðơn Vị bạn, đã nhận diện và nói chuyện vời nhau. Trung Úy Thành nói chuyện đã gặp một Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến đang ngồi trên chiến xa nói là họ được lệnh không cho một Quân Nhân nào vào Ðà Nẵng mà mang súng, muốn vào phải bỏ súng ở đây.
Tôi nghe cũng ngạc nhiên. Lính mà không cho mang súng thì đánh giặc bằng gì, ôm mà cắn hả? Lệnh gì kỳ cục vậy.
Tôi nói cho Trung Úy Thành ra lệnh cho Binh Sĩ đứng tại chỗ, cấm phản ứng để tôi lên tiếp xúc. Tôi ra lệnh cho Ðại Úy Quý là các Ðại Ðội thu hẹp gần Tiểu Ðoàn, bố trí tại chỗ chờ lệnh và nói Ðại Úy Thuyên đến gặp tôi.
Trên con đường đến gặp Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến, tôi suy nghĩ: Tình hình an ninh Ðà Nẵng rất xấu, đã có việt cộng cải trang thành lính xâm nhập rồi, nên mới có lệnh đó.
Tôi gặp vị Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến và trình bày sự việc để xin được vào Ðà Nẵng. Ông ta dứt khoát và bảo đó là lệnh, tôi không thể sai được. Tôi cũng biết lệnh của Quân Ðội, tôi nói tình lý cho Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến và gần như năng nỉ. Ông ta mềm lòng và nói để hỏi lại cấp trên.
Tôi tìm hiểu Thiếu Tá Ðịnh là cấp trên của ông ta vì Thiếu Tá Ðịnh học chung một Khóa Bộ Binh cao cấp với tôi năm 1973 ngủ chung một phòng, cùng người Huế, nên chúng tôi cũng thân nhau. Tôi cũng nói cho ông ta biết là tôi cũng là bạn thân với Thiếu Tá Ðịnh, Tiểu Ðoàn Trưởng Thủy Quân Lục Chiến, vị Ðại Úy này xác nhận là Thiếu Tá Ðịnh là Tiểu Ðoàn Trưởng của ông ta. Ông ta nói chuyện với Thiếu Tá Ðịnh sau đó trao máy cho tôi để nói chuyện. Thiếu Tá Ðịnh cho tôi biết Quân Ðoàn đã đi hết, đã bỏ ngõ, Thủy Quân Lục Chiến cũng đang tự tìm cách về Sài Gòn chưa biết tính sao đây. Thế là hết! Tôi trả máy cho Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến.
Tôi ra lệnh Ðại Úy Quý gọi tất cả Sĩ Quan đến gặp tôi. Bây giờ là 9 giờ 30 sáng ngày 29.3.1975 tại Chùa Non Nước, Ðà Nẵng. Vị Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến cũng báo cho tôi biết là tôi được tự do vào Ðà Nẵng. Tôi chỉ nói cám ơn. Chiến xa nổ máy quay đầu chạy lui về Ðà Nẵng có tùng thiết Thủy Quân Lục Chiến theo. Thiếu Tá Ðịnh Thủy Quân Lục Chiến cũng cho tôi biết không còn phương tiện vào Sài Gòn nữa, chính Ðơn Vị ông ta cũng phải tự lo liệu lấy. Không ai Chỉ Huy nữa. Hải Quân ở Tiên Sa cũng nhổ neo hết rồi.
Tất cả Sĩ Quan có mặt. Tôi trình bày tình hình Quân Ðoàn, Hải Quân do Thiếu Tá Ðịnh cho biết chính ông ta cũng không biết xử trí thế nào. Tôi nói:
– Tôi đã cùng Quân Nhân các cấp trong Tiểu Ðoàn chiến đấu bên nhau bấy lâu nay, nhất là sau Tết cho đến bây giờ, tình hình chiến sự sôi động, gian lao khổ cực cùng anh em. Tôi đã đoán được tình hình, cố gắng đưa Tiểu Ðoàn về đây để được cùng nhau vào Sài Gòn tiếp tục chiến đấu, nhưng bây giờ sự việc xảy ra ngoài ý muốn của chúng ta, tôi rất đau khổ về sự việc này.
Tôi cũng kể về sự tiếp xúc của tôi và Thiếu Tá Ðịnh Thủy Quân Lục Chiến, sự suy luận của tôi, sự hiểu biết về tình hình của tôi cho tất cả nghe và nói tiếp:
– Không nên tập trung cả Ðại Ðội, sợ bị tấn công bất thường, chỉ từng Trung Ðội giải thích cho họ hiểu, thông cảm tìm cách vào Sài Gòn hoặc về gia đình tùy ý. Quyền Chỉ Huy bây giờ tùy nghi các anh lo liệu. Nếu ai về nhà thì vũ khí nên phá hủy đừng để lọt vào tay việt cộng. Các bạn tự do thi hành theo ý mình, điều cần nhất là phải an ủi, giải thích cho Lính hiểu tâm trạng của chúng ta bây giờ.
Có nhiều người lưỡng lự chưa muốn đi. Lúc này tôi như cái xác không hồn, ngồi xuống đất, dựa vào cổng trụ cửa ngõ của một nhà bên đường xem phản ứng của Quân Nhân các cấp của Tiểu Ðoàn như thế nào. Các Sĩ Quan đã đến chia xẻ sự đau khổ của tôi, mỗi người một ý.
Mười giờ 30 sáng ngày 29.3.1975. Tôi vẫn ngồi yên tại chỗ. Trung Ðội Tình Báo của Ban 2 vẫn đứng quanh tôi để bảo vệ như những lúc hành quân.
Trung Sĩ I Nguyễn Thoảng đến đứng trước mặt tôi nghiêm đưa tay chào một cách trịnh trọng rồi nói:
– Chắc em không vào Sài Gòn đâu Thiếu Tá. Cả Quân Ðoàn không một trận đánh nào mà đã bỏ đi cả, em thấy chán quá rồi. Em chúc Thiếu Tá nhiều may mắn, cố gắng vào cho được Sài Gòn.
Cái xác không hồn của tôi vẫn ngồi dựa vào trụ vôi, không chào lại, không bắt tay từ giã,tôi nói:
– Tao bây giờ không biết tính sao, tao cố gắng đưa Ðơn Vị về tới đây để cùng vào Nam song không ngờ như thế này, tao rất thương anh em nhưng bây giờ ngoài tầm tay tao rồi.
Vợ Trung Sĩ I Thoảng và 2 con, một đứa 6 tuổi, một đứa 4 tuổi cùng đi với Tiểu Ðoàn từ hôm qua. Chị ta bước tới trước mặt tôi và nói:
– Em chúc Thiếu Tá lên đường bình an vào cho được Sài Gòn nghe Thiếu Tá, chứ việt cộng đến cỡ Thiếu Tá nó giết chứ không tha đâu.
Tôi đứng dậy xoa đầu hai đứa nhỏ đang đứng bên mẹ, có lẽ phản ứng lịch sự đối với đàn bà chứ tôi đã có đến nhà chị ta mấy lần rồi, nên cũng thường thôi. Tôi nói:
– Tôi cũng không biết có đi được không, đến đâu hay đó, Thoảng thì chắc nó không giết đâu vì nó cấp bậc nhỏ mà là chiến tranh chính trị ăn thua gì. Cố gắng lo cho hai đứa nhỏ.
– Cám ơn Thiếu Tá, chúc Thiếu Tá thượng lộ bình an. Thoảng tiến lên một bước, đưa tay chào tôi lần nữa.
Tôi cũng không chào lại, đưa tay bắt và nói:
– Thôi mày về đi, tùy tình hình địa phương mà sống chắc không can gì đâu. Anh ta đến chào Ðại Úy Hà Thúc Thuyên Tiểu Ðoàn Phó, Ðại Úy Lê Ngọc Nhựt Trưởng Ban 2 Tiểu Ðoàn và Ðại Úy Huỳnh Văn Quý Ban 3 Tiểu Ðoàn rồi từ giã ra đi.
Ðến lúc này chỉ còn những Sĩ Quan đó và khoảng 20 Lính của Trung Ðội Tình Báo mà thôi. Còn tôi lại ngồi xuống đất dựa vào trụ vôi. Ðại Úy Thuyên đến nói:
– Thôi mình cứ về Ðà Nẵng rồi hãy tính. Tôi đang chán nản chưa có quyết định nào dứt khoát thì bỗng nghe một tiếng nổ lớn phía sau nhà tôi đang ngồi. Lính tôi phản ứng ngồi xuống trong thế sẵn sàng tác chiến.
Tôi nói:
– Minh, mày ra xem cái gì đó? Minh đi với hai người lính nữa, sau hơn 5 phút chạy lui, trả lời:
– Thiếu Tá ơi! Ông Trung Sĩ I Thoảng tự tử bằng lựu đạn với vợ con ông ta rồi.
Tôi quá bàng hoàng và xúc động, tự nhiên tôi bật khóc. Tôi đã đứng trước hàng trăm cái chết, sự rên la đau đớn, sự nhắn gởi trối trăn của thuộc cấp sắp chết mặc dầu tôi rất xúc động, tôi cũng có trái tim biết đau khổ nhưng tôi tự kềm chế không bao giờ khóc, nhiều lắm là đỏ con mắt. Tôi cố gắng kềm chế không để cho thuộc cấp biết sự mềm yếu về tình cảnh của tôi. Thế mà hôm nay không hiểu sao tôi lại bật khóc, có lẽ đây là lần khóc đầu tiên và cũng là lần khóc cuối cùng trong 13 năm quân ngũ của tôi đối với thuộc cấp.
Tôi hỏi:
– Nó chết ở đâu.
– Ông chết ở nhà kia.
Theo tay chỉ của Minh thì sau căn nhà tôi đang đứng cách một cái nữa. Tôi đi theo Minh, 6 người Lính bảo vệ tôi cũng đi theo. Căn nhà tôn nhỏ xây vách chung quanh. Một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt tôi. Bốn thi hài không toàn vẹn, một xách áo quần, mền còn để lại trong một góc của căn nhà, máu đang chảy, thịt tung tóe dính cả vào tường. Tôi không nói gì, quan sát và đứng nghiêm chào vĩnh biệt 4 anh hùng rồi ra đi. Các Binh Sĩ theo tôi cũng bắt chước chào rồi đi ra đường.
Bây giờ là 11 giờ ngày 29.3.1975. Một Trung Sĩ I cấp bậc quá nhỏ so với tôi, một thuộc cấp mà trước đây tôi đã từng có lúc gọi bằng “thằng”, một phần vì anh ta nhỏ tuổi hơn tôi, phần khác vì gọi như thế cho thân mật, có những lỗi lầm mà tôi đã rầy la đôi khi còn nặng lời nữa, thế mà hôm nay tôi phải gọi là Ông, Ông Thoảng với lòng tôn kính vì đây là một Vị Anh Hùng hơn tôi rất nhiều, ít nhất là lòng can đảm, sự thể hiện bất khuất không thể sống chung với cộng sản.
Hôm nay tôi viết để vinh danh một Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cho con cháu sau này biết đến.
Xin nghiêng mình tôn vinh một Vị Anh Hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Hai giờ chiều ngày 29.3.1975, việt cộng đã treo cờ ở Tòa Thị Chính Ðà Nẵng.
Trương Quang Chung (Hoài Việt) – Tác giả
Thân mến
TQĐ