Playboy và lính Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam

Nguồn: Amber Batura, “How Playboy Explains Vietnam,” The New York Times, 28/02/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Khoảng giữa bộ phim Apocalypse Now có một cảnh nổi tiếng là khi con tàu chạy sông của Martin Sheen đến được một trạm cung ứng nằm sâu trong rừng rậm, trong lúc thủy thủ đoàn mua dầu diesel, nhân viên cung ứng đã cho họ những tấm vé miễn phí để xem một chương trình – “Các anh biết đấy,” anh ta nói, “những cô thỏ.” Không lâu sau, họ ngồi ở một sân khấu tạm bợ dựng quanh một bãi đáp, xem ba cô người mẫu Playboy nhảy xuống từ trực thăng và nhảy theo bài “Suzie Q.”

Cảnh phim đó là hoàn toàn hư cấu; các người mẫu Playboy gần như chưa bao giờ đến lưu diễn ở Việt Nam, và chắc chắn không phải là theo nhóm. Nhưng ngay cả khi không có cô thỏ nào thì chắc chắn tờ tạp chí vẫn có mặt ở đây. Trên thực tế, khó mà nói hết vai trò hết sức sâu sắc của tạp chí Playboy đối với hàng triệu lính và nhân viên dân sự Mỹ có mặt ở Việt Nam trong suốt cuộc chiến: để giải trí, đúng, nhưng quan trọng hơn nó còn là nguồn tin tức, và thông qua mục trao đổi thư từ dày đặc, nó còn là một nơi để tâm sự và xưng tội.

Playboy không chỉ có giá trị đối với những người lính nói riêng mà còn với cả quân đội nói chung. Ấn phẩm này đã trở thành một liều thuốc tinh thần hữu ích, đôi khi còn hơn cả những lá thư vốn được mong mỏi từ quê nhà. Playboy ghi dấu ấn lên cuộc chiến bởi nó là sự kết hợp độc đáo giữa phụ nữ, các mục tiện ích, với bình luận xã hội và chính trị, biến nó trở thành một di sản đáng kinh ngạc về sự can dự của Mỹ tại Việt Nam. Năm 1967, nhà báo Ward Just của tờ Washington Post tuyên bố, “Nếu Thế chiến II là cuộc chiến của tờ Stars and Stripes và cô đào Betty Grable, thì cuộc chiến ở Việt Nam là cuộc chiến của Playboy.”

Chuyên mục nổi tiếng nhất của tạp chí này là “Playmate,” nằm ở hai trang chính giữa. Tổng biên tập và cha đẻ của Playboy, Hugh Hefner, có sẵn trong tâm trí hình ảnh người phụ nữ mà ông muốn miêu tả. Playmate, ban đầu được giới thiệu với cái tên “Sweetheart of the Month,” là đại diện cho hình mẫu lý tưởng của Playboy. Nàng yêu nghệ thuật, chính trị, và âm nhạc. Nàng tinh tế, vui vẻ, và thông minh. Quan trọng hơn, người phụ nữ lý tưởng này cũng quan tâm đến tình dục nhiều như người đàn ông lý tưởng được mô tả trong tạp chí. Nàng không theo đuổi đàn ông để kết hôn, mà để thỏa mãn cho nhau và bầu bạn.

Người mẫu Playmate khác với những biểu tượng gợi cảm của Thế chiến II, dù đi theo di sản của họ. Hefner muốn tạo ra hình ảnh của những phụ nữ có thực mà độc giả của họ có thể gặp được trong cuộc sống hằng ngày – bạn học cùng lớp, thư ký, hay hàng xóm – thay cho hình ảnh những phụ nữ được cách điệu hoá và thường là người nổi tiếng của thế hệ trước đó. Dâm dục nhưng quen thuộc, hình tượng “cô gái nhà bên” là người bạn hoàn hảo cho những người lính đóng quân tại Việt Nam. Vẻ đẹp và sức hấp dẫn của người Mỹ được thể hiện chủ yếu bởi các cô người mẫu xa lạ đã nhắc nhở những người lính trẻ về những phụ nữ mà họ bỏ lại ở quê nhà, vì ai mà họ chiến đấu – và, nếu sống sót, họ sẽ được trở về với họ.

Playmate và các chuyên mục hình ảnh khác trong tờ tạp chí còn phục vụ một mục đích khác cho quân đội Mỹ tại Việt Nam, dù không chủ ý. Những hình ảnh và bức vẽ thường là thô tục của Playboy đã truyền tải những chuẩn mực xã hội và tình dục đang thay đổi ở Mỹ. Sự xuất hiện của người mẫu da màu, năm 1964 là China Lee, và năm 1965 là Jennifer Jackson, phản ánh thái độ thay đổi về chủng tộc. Nhiều người lính đã viết thư cho tạp chí và các người mẫu Playmate để cảm ơn sự xuất hiện của họ trên Playboy. Đặc biệt, những người lính da đen còn cảm thấy hình ảnh của cô Jackson đã mở rộng hứa hẹn về cuộc sống tốt đẹp mà Hefner dành cho họ. Xem những hình ảnh này buộc tất cả người dân Mỹ phải suy nghĩ lại về định nghĩa cái đẹp của họ.

Theo thời gian, Playmate đã dần thúc đẩy ranh giới của các chuẩn mực xã hội và cả các định nghĩa pháp lý khi họ đăng nhiều ảnh khoả thân hơn, đầu tiên là ảnh lông mu vào năm 1969 và ảnh khoả thân toàn bộ nhìn từ đằng trước vào năm 1972. Tờ Washington Post viết rằng các tù nhân chiến tranh người Mỹ đã “rất sốc” khi nhìn thấy ảnh khỏa thân trong một tờ Playboy lậu trên chuyến bay về nhà vào năm 1973. Sự khỏa thân, tính dục và sự đa dạng được thể hiện trong những bức ảnh ấy đại diện cho những thái độ mang tính dễ dãi hơn về tình dục và vẻ đẹp mà những người lính đã bỏ lỡ trong những năm bị giam cầm.

Sự hấp dẫn của Playboy đối với lính Mỹ không chỉ dừng lại ở Playmate. Họ thực sự đã đọc cả tờ tạp chí vì các bài viết. Tạp chí thường xuyên cung cấp các bài viết đặc biệt, xã luận, các bài bình luận và quảng cáo tập trung vào lối sống và giải trí của nam giới, bao gồm thời trang cao cấp, du lịch nước ngoài, kiến trúc hiện đại, công nghệ mới nhất, và xe hơi sang trọng. Playboy tự định hướng mình trở thành kim chỉ nam cho những người đàn ông mong muốn đạt được tầm nhìn về cuộc sống tốt đẹp của Hefner, bất kể họ ở San Diego hay Sài Gòn.

Với các thanh niên đang phục vụ ở Đông Nam Á, có độ tuổi trung bình là 19, nghĩa vụ quân sự thường là công việc đầu tiên cho họ thu nhập khả dụng. Họ đọc tạp chí để được tư vấn về những món đồ nên mua, những chiếc xe tốt nhất và những món đồ thời trang mới nhất – các loại sản phẩm mà họ thường mua được ở một trong những trung tâm trao đổi lớn tại các căn cứ của Việt Nam hay các trung tâm mua sắm đang mọc lên nhanh chóng, chẳng khác gì các món hàng mua được ở nhà.

“The Playboy Advisor,” chuyên mục tư vấn của tạp chí, khuyến khích mọi người đặt câu hỏi về tất cả các loại chủ đề, từ loại rượu tốt nhất đến tình hình cổ phiếu ở nhà, đến tư vấn phòng the, đến cách làm quen với cuộc sống thường dân. Binh lính xem Playboy như một công cụ hữu ích để tìm ra vai trò của mình trong một thị trường định hướng tiêu dùng mà giờ đây họ đã có thể tham gia vì tính cơ động và thu nhập mà nghĩa vụ quân sự đã cho họ.

Nội dung của tờ tạp chí đã vượt ra ngoài lối sống và giải trí khi sứ mệnh của nó được phát triển. Trong những năm 1960, Playboy đã cho đăng nhiều bài viết thẳng thắn về các vấn đề xã hội, văn hoá và chính trị quan trọng mà nước Mỹ đang phải đối mặt, thường được viết bởi các nhà báo đoạt giải Pulitzer, các nhà lãnh đạo trong chính phủ hoặc quân đội, và các cây bút văn chương hàng đầu. Tạp chí đã đề cập đến các chủ đề như nữ quyền, phá thai, quyền của người đồng tính, chủng tộc, các vấn đề kinh tế, phong trào phản văn hóa, và các vụ bỏ tù hàng loạt – những thứ binh lính không thể thấy trong tờ Stars and Stripes. Tạp chí Playboy còn cung cấp các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với mọi tên tuổi, từ Malcolm X đến lãnh đạo Đảng Nazi Mỹ George Lincoln Rockwell, giúp những người lính trẻ biết đến các lập luận và ý tưởng về chủng tộc và quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Phi mà có thể họ đã không được giới thiệu ở quê nhà. Nghĩa vụ ở Việt Nam khiến nhiều binh lính được tiếp xúc trực tiếp với các chủng tộc và các nền văn hoá đa dạng, và Playboy đã giới thiệu cho họ những ý tưởng và lập luận mới về các vấn đề xã hội và văn hoá ấy.

Ngay từ năm 1965, Playboy đã bắt đầu cho chạy các bài viết về Chiến tranh Việt Nam, với lập trường biên tập thể hiện sự phản đối leo thang xung đột. Dĩ nhiên, về chuyện này đội ngũ biên tập đã rất thông minh: Quan điểm của họ có thể chỉ trích tổng thống, chính quyền, các nhà lãnh đạo quân sự và chiến lược, nhưng họ cũng đảm bảo rằng những người viết bài sẽ làm hết sức mình để ủng hộ binh lính. Năm 1967, lính Mỹ được đọc lập luận của nhà kinh tế học tự do John Kenneth Galbraith rằng “không phần nào trong lý lẽ ban đầu” giúp biện minh cho cuộc chiến là “còn nguyên vẹn,” khi ông bác bỏ ý tưởng về sự thống nhất thành một khối của chủ nghĩa cộng sản và các biện minh cho cuộc chiến khác liên quan đến Chiến tranh Lạnh. Nhưng điều đó khác với việc công kích quân đội. Năm 1971, nhà báo David Halberstam viết trong một bài báo cho Playboy rằng “chúng ta ngưỡng mộ lòng dũng cảm và chủ nghĩa lý tưởng của họ, sự can đảm và sự cống hiến của họ khi đối mặt với những vấn đề bất tận. Chúng ta tin rằng họ là những đại diện tốt đẹp nhất của xã hội Mỹ.” Binh sĩ ở Việt Nam có thể quay sang Playboy để biết tin tức về cuộc chiến của chính họ mà không sợ mình bị chỉ trích.

Playboy cũng hữu ích trong vai trò là một diễn đàn cho những người đang tham gia cuộc chiến. Ấn phẩm này độc nhất ở số lượng các chuyên mục tương tác. Binh lính có thể gửi bài cho các mục như “Dear Playboy” để được tư vấn hoặc thể hiện phản ứng với các bài báo. Nhưng các thông tín viên ấy cũng được tự do kể lại những kinh nghiệm và mối lo thời chiến của mình. Họ thường mô tả cái mà họ coi là sự đối xử bất công của quân đội, thảo luận về những khó khăn trong việc trở lại cuộc sống dân thường, hoặc cảm ơn tờ tạp chí đã giúp họ vượt qua thời gian ở nước ngoài. Năm 1973, một người lính, R. K. Redini ở Chicago, đã viết cho Playboy về sự trở về của mình. “Một trong những thứ khiến chuyến đi Việt Nam dễ chịu hơn là được đọc Playboy hàng tháng,” ông nói. “Chắc chắn nó đã giúp tất cả chúng tôi quên đi những vấn đề của mình – dù chỉ trong một lúc ngắn ngủi. Tôi cảm ơn quý vị, không chỉ vì bản thân tôi, mà còn vì hàng ngàn người khác đã tìm thấy rất nhiều niềm vui trong tờ tạp chí của quý vị.”

Trong “The Playboy Forum,” một chuyên mục dành cho độc giả khác, nhiều người đã bình luận về những khía cạnh cụ thể trong loạt bài dài “The Playboy Philosophy” của Hefner về ma túy, vấn đề chủng tộc và đồng tính luyến ái trong quân đội. Hình thức diễn đàn cho phép những người đang phục vụ tại Việt Nam tiếp cận không chỉ với những người lính khác, mà còn với cả công chúng, cho họ một không gian an toàn để nói lên ý kiến và phê bình về quân đội. “Trong truyền thống, một người lính muốn phàn nàn thì sẽ được bạn bè khuyên nên thổ lộ với cha tuyên úy, hoặc báo cho tổng thanh tra, hay viết thư cho nghị sĩ của mình,” một người lính chia sẻ. “Bây giờ, có lẽ nhờ những lá thư về sự bất công trong quân đội trong The Playboy Forum, một tòa án thượng thẩm khác đã được thêm vào danh sách.”

Tầm quan trọng của tạp chí Playboy đối với những người lính ở Việt Nam đã vượt khỏi những trang Playmate. Họ thậm chí còn mượn linh vật con thỏ và logo của tạp chí để sơn lên máy bay, trực thăng, và xe tăng. Họ vẽ hình con thỏ trên các mảnh vá quần áo, và dùng từ “playboy” trong các mật hiệu và biệt danh. Đón nhận biểu tượng của Playboy là một cuộc nổi loạn nhỏ đối với quy tắc của đời sống quân đội, đồng thời là một bằng chứng về tác động của tờ tạp chí đối với cuộc sống và tinh thần của những người lính.

Và Playboy đã đáp lại sự ủng hộ này. Rất lâu sau khi cuộc chiến kết thúc, họ vẫn tài trợ cho các phim tài liệu về cuộc chiến, nghiên cứu về chất độc da cam và các nghiên cứu về rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (của cựu chiến binh). Đó là một cam kết chứng tỏ mối quan hệ lâu dài giữa ấn phẩm này và những người lính, và cho thấy Playboy là một di sản đáng kinh ngạc đến thế nào của một trong những cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ.

Amber Batura là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành lịch sử tại Đại học Kỹ thuật Texas.

Chiến tranh Việt Nam: Cuộc chiến giết chết niềm tin

Nguồn: Karl Marlantes, “Vietnam: The War That Killed Trust”, The New York Times, 07/01/2017.

Một ngày đầu mùa xuân năm 1967, tôi đang tham gia một cuộc tranh luận sôi nổi lúc 2 giờ sáng với các bạn học tại Đại học Yale về Chiến tranh Việt Nam. Tôi đến từ một thị trấn nhỏ ở Oregon, và đã từng tham gia Lực lượng dự bị Thủy quân lục chiến (Marine Corps Reserve). Còn bạn bè tôi chủ yếu đến từ các trường dự bị ở Bờ Đông. Một người trong số họ nói rằng Lyndon B. Johnson đã nói dối về cuộc chiến. Tôi thốt lên: “Nhưng … nhưng một Tổng thống Mỹ sẽ không nói dối người Mỹ!” Và tất cả họ đều bật cười.

Khi tôi kể câu chuyện đó cho các con tôi, chúng cũng cười phá lên. Dĩ nhiên là Tổng thống cũng nói dối. Tất cả các chính trị gia đều nói dối. “Lạy Chúa, Bố đến từ hành tinh nào vậy?”

Trước chiến tranh Việt Nam, hầu hết người Mỹ đều giống như tôi. Sau chiến tranh Việt Nam, hầu hết người Mỹ đều giống như các con tôi.

Mỹ không chỉ thua cuộc, và trả giá bằng mạng sống của 58.000 thanh niên nam nữ. Chiến tranh Việt Nam còn thay đổi chúng ta trên tư cách một quốc gia, theo nhiều cách tồi tệ hơn: Nó khiến chúng ta hoài nghi và mất lòng tin vào các thể chế, đặc biệt là vào chính phủ. Đối với nhiều người, nó đã xóa mờ một suy nghĩ, đã từng gần như phổ quát – rằng một phần của việc làm công dân Mỹ là phục vụ đất nước mình.

Nhưng không phải mọi thứ về Chiến tranh Việt Nam đều tiêu cực. Là một trung úy Thủy quân lục chiến tại Việt Nam, tôi đã chứng kiến cách mà cuộc chiến đã tập hợp những người đàn ông trẻ tuổi từ nhiều sắc tộc và chủng tộc khác nhau, và buộc họ phải tin tưởng lẫn nhau vì mạng sống của mình. Chính tình huống thử thách chủng tộc này đã đóng một vai trò to lớn, nhưng thường bị đánh giá thấp, trong việc thay đổi nước Mỹ theo hướng tiến tới sự hòa nhập thực sự.

Và ngay cả khi chiến tranh Việt Nam tiếp tục định hình đất nước chúng ta, vị trí của nó trong ý thức quốc gia lại đang dần biến mất. Khoảng 65% dân số Mỹ hiện dưới 45 tuổi và do đó họ không thể nhớ về cuộc chiến. Trong khi đó, chiến tranh tại Iraq và Afghanistan, sự can dự của chúng ta vào Syria, cuộc chiến của chúng ta với chủ nghĩa khủng bố – những xung đột này đang đẩy chiến tranh Việt Nam lùi xa hơn vào quá khứ.

Đó lại càng là những lý do tất cả chúng ta phải nhớ về Chiến tranh Việt Nam và hậu quả của nó đối với ngày nay. Bài tiểu luận này sẽ mở đầu cho một loạt bài mới của The New York Times, “Vietnam ’67”, nhằm xem xét cách các sự kiện năm 1967 và đầu năm 1968 đã định hình Việt Nam, Mỹ và thế giới. Hy vọng rằng nó sẽ làm mới cuộc trò chuyện về một sự kiện lịch sử vốn đã trôi qua nửa thế kỷ.

Những gì độc giả nhận được từ cuộc trò chuyện đó là một vấn đề khác. Nếu tất cả những gì chúng ta làm là tranh luận tại sao ta lại thua, hoặc tại sao ta lại đặt chân tới đó ngay từ đầu, chúng ta sẽ bỏ qua câu hỏi thực sự quan trọng: Chiến tranh Việt Nam đã có tác động gì lên người Mỹ chúng ta?

CHỦ NGHĨA HOÀI NGHI

Chiến tranh Việt Nam đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận chính trị. Chúng ta đã quen thuộc với việc các nhà lãnh đạo nói dối về cuộc chiến: bịa đặt Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, số lượng “các tỉnh được bình định” (mà chính xác thì “bình định” là gì?), và số thương vong (của quân địch) bị thổi phồng.

Người ta nói về “khoảng trống tín nhiệm” (credibility gap) của Johnson. Đây là một cách nói lịch sự rằng Tổng thống đã nói dối. Nhưng ở thời đó, khoảng trống tín nhiệm bị coi là bất thường và xấu xa. Đến cuối cuộc chiến, nó vẫn bị xem là xấu, nhưng đã không còn là bất thường nữa. Ngày nay, khi các chính trị gia nói dối, những người kiểm tra sự thật có thể chỉ ra điều gì là đúng, nhưng sau đó mọi người lại quên nó đi và tiếp tục sống.

Chúng ta đã chuyển từ ngây thơ sang hoài nghi. Người khác có thể lập luận rằng hai điều ấy đối lập, nhưng tôi nghĩ là không. Vì ngây thơ, anh có nguy cơ vỡ mộng, đó là những gì đã xảy ra với tôi và nhiều người trong thế hệ tôi. Nhưng sự hoài nghi thì ngăn cản anh từ trước khi anh bắt đầu. Nó khiến chúng ta xa lánh “chính phủ,” một từ mà ngày nay mang nghĩa là vũng lầy quan liêu. Nó đe dọa nền dân chủ, bởi nó phá huỷ ngay cả ý định mong muốn thay đổi của người dân.

Anh không thể hoàn thành hệ thống đường cao tốc lớn nhất thế giới, xây dựng một số lượng lớn các trường trung học và đại học công lập, thông qua chương trình “Xã hội vĩ đại” (Great Society – chương trình đối nội của Tổng thống L.B. Johnson, xoay quanh việc xóa bỏ đói nghèo và phân biệt chủng tộc – NBT), chiến đấu trong một cuộc chiến lớn, và đặt chân tới mặt trăng – những điều mà chúng ta đã làm được cùng lúc trong thập niên 1960 – nếu anh hoài nghi về chính phủ và các chính trị gia.

Tôi sống gần Seattle, nơi gần như không phải vùng đất của Donald J. Trump. Hầu hết những người bạn của tôi đều nhạo báng một cách đầy hoài nghi khẩu hiệu của Trump, Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại); vốn chỉ ra rằng mọi điều đều sai trong các thời kỳ trước. Thật vậy, nước Mỹ không phải là thiên đường, đặc biệt là cho các nhóm thiểu số. Nhưng vẫn có một vài sự thật. Chúng ta từng “vĩ đại” hơn vào thời đó. Chính Chiến tranh Việt Nam – chứ không phải chủ nghĩa tự do, không phải dân nhập cư, không phải toàn cầu hóa – đã làm chúng ta thay đổi.

CHỦNG TỘC

Tháng 12/1968, tôi ở trong một khu rừng nằm trên ngọn đồi cách khu vực phi quân sự khoảng 1 km. Một chiếc trực thăng đã thả xuống khoảng ba tuần một lần những thư từ ướt đẫm và những gói thức ăn nhàu nát. Trong đống đồ đó có một món dành cho Ray Delgado, một thanh niên 18 tuổi người gốc Tây Ban Nha đến từ Texas. Tôi nhìn Ray xé lớp vỏ bọc bằng giấy nhôm và cười toe toét, tay cầm thứ gì đó đưa lên cho tôi xem.

“Cái gì vậy?” Tôi hỏi.

“Đó là tamales.[1] Từ mẹ tôi.”

Tamales là gì?”

“Anh muốn thử một miếng không?” Ray hỏi.

“Chắc chắn rồi.” Tôi nhìn nó, quay qua quay lại, rồi nhét luôn vào miệng và bắt đầu nhai. Ray và những người bạn gốc Tây Ban Nha khác của cậu ta ăn ngấu nghiến, còn tôi thì can đảm nhai và thầm nghĩ “Chả trách sao mà răng của người Mexico lại tốt tới vậy.”

“Thiếu úy,” Ray cuối cùng cũng cất tiếng. “Anh phải bóc cái vỏ bắp ra trước.”

Tôi đến từ một thị trấn chuyên khai thác gỗ ở bờ biển Oregon. Tôi từng nghe nói về tamales, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy nó. Mãi đến khi gia nhập đại đội Thủy quân lục chiến ở Việt Nam, tôi mới nói chuyện với người Mexico. Đúng, những người như tôi gọi những người như Ray là “người Mexico,” dù họ cũng có “chất Mỹ” nhiều như chất Mỹ trong bánh táo— và tamales. Căng thẳng chủng tộc ở nơi tôi lớn lên là khi người Thụy Điển và người Na Uy tranh cãi với người Phần Lan mỗi tối thứ bảy tại bãi đậu xe ngoài sàn nhảy ở Labor Temple.

Tổng thống Harry Truman từng ra lệnh hòa hợp sắc tộc trong quân đội vào năm 1948. Đến chiến tranh Việt Nam, binh lính thuộc nhiều chủng tộc đã cùng nhau phục vụ trong quân đội. Nhưng việc đặt mọi người vào cùng một đơn vị rất khác so với việc khiến họ phải làm việc cùng nhau như một đơn vị.

Ký ức của đất nước chúng ta về hòa nhập sắc tộc chủ yếu là về những người dũng cảm trong phong trào dân quyền. Hãy tưởng tượng tất cả học sinh trung học ở Birmingham, Alabama – da trắng và da đen – đều được trang bị vũ khí tự động trong một môi trường mà việc dùng những vũ khí này cũng phổ biến như ăn trưa, và tất cả đều bị kích thích bởi testosterone. Đó mới là căng thẳng chủng tộc.

Trong suốt chiến tranh Việt Nam, đã có hơn 200 vụ giết chỉ huy (fragging) xảy ra trong quân đội Hoa Kỳ, các vụ việc được thực hiện bằng lựu đạn phân mảnh nên không thể xác định được kẻ giết người. Hầu như tất cả các vụ giết chỉ huy, ít nhất là khi thủ phạm bị bắt, đều có động cơ liên quan tới chủng tộc.

Tuy nhiên, trải nghiệm phổ biến hơn trong cuộc chiến là sự hợp tác và tôn trọng. Nếu tôi bị bắn hạ bởi đối phương và tôi cần một tay súng M-79, tôi sẽ hét gọi Thompson, bởi vì anh ấy là người giỏi nhất. Tôi thậm chí còn chẳng nghĩ về màu da của anh ấy.

Những người da trắng phải nghe nhạc soul (vốn phổ biến với người da đen) và những người da đen phải nghe nhạc đồng quê (vốn phổ biến với người da trắng). Chúng tôi không sợ nhau. Và trải nghiệm thời chiến đã gắn bó với chúng tôi. Hàng trăm ngàn thanh niên trở về từ Việt Nam với những ý tưởng khác nhau về chủng tộc — một số là tồi tệ hơn, nhưng phần lớn là tốt đẹp hơn. Nạn phân biệt chủng tộc đã không được giải quyết ở Việt Nam, nhưng tôi tin rằng đó là nơi mà đất nước chúng ta cuối cùng đã học được rằng tất cả chúng ta vẫn có thể cùng chung sống.

PHỤC VỤ

Tôi đang ở một buổi đọc sách ở Fayetteville, North Carolina khi một đôi vợ chồng trẻ xuất hiện tại bàn ký tặng. Người chồng đứng thẳng lưng trong bộ quân phục. Còn người vợ thì một tay bế một đứa bé sơ sinh, tay còn lại dắt theo một đứa khác chỉ mới biết đi. Cả hai đều trông như vừa mới tốt nghiệp trung học khoảng hai năm. Người phụ nữ bắt đầu khóc. Tôi hỏi cô ấy có chuyện gì không ổn, và cô nói, “Chồng tôi lại đi nữa, vào ngày mai.” Tôi quay sang người chồng và nói, “Ồ, là chuyến đi phục vụ thứ hai của anh à?”

“Không, thưa ông,” anh ấy đáp. “Là chuyến thứ bảy.”

Lòng tôi nặng trĩu. Liệu đây có phải là một nước cộng hòa?

Chiến tranh Việt Nam bắt đầu khi chế độ quân dịch kết thúc, và Lầu Năm Góc tạo ra cái gọi là “quân đội tình nguyện.” Nhưng tôi không nghĩ thế. Tôi gọi nó là “quân đội tuyển dụng.” Tình nguyện là những người vội vàng tới bưu điện để ghi danh đi lính sau khi Trân Châu Cảng hoặc Trung tâm Thương mại Thế giới bị đánh bom. Còn tuyển dụng thì phức tạp hơn nhiều.

Khi tôi lớn lên, cha hoặc chú của hầu hết các bạn tôi đều đã phục vụ trong Thế chiến II. Tất cả phụ nữ trong thị trấn đều biết rằng tàu khu trục nhỏ hơn tàu tuần dương, và trung đội nhỏ hơn đại đội, bởi vì chồng họ đều từng ở trên tàu khu trục hay ở trong trung đội. Thời ấy, người ta gọi đó là “phục vụ.” Ngày nay, chúng ta gọi đó là “quân đội.”

Sự thay đổi trong ngôn ngữ cho thấy sự thay đổi sâu sắc trong thái độ của nền cộng hòa đối với lực lượng vũ trang của nó. Chế độ quân dịch là không công bằng. Chỉ có nam giới mới phải tòng quân. Và những người đàn ông có đủ khả năng chi trả học phí đại học sẽ không bị gọi đi nghĩa vụ cho đến giai đoạn cuối, khi cuộc chiến đã gần kết thúc.

Nhưng việc loại bỏ chế độ quân dịch đã không giải quyết bất công.

Giới tinh hoa Mỹ hầu như không phải đi nghĩa vụ quân sự. Khắc trên tường Đại sảnh Woolsey ở Đại học Yale là tên của hàng trăm thành viên của trường đã chết trong Thế chiến I và II. Ba mươi lăm người đã chết tại Việt Nam, và không có ai kể từ thời đó.

Thay vào đó, tầng lớp lao động Mỹ đang ngày càng hứng chịu gánh nặng chết chóc và thương vong kể từ Thế chiến II. Trong một nghiên cứu đăng trên tờ The University of Memphis Law Review, Douglas Kriner và Francis Shen đã xem xét khoảng cách giữa thương vong và thu nhập, so sánh sự khác biệt giữa thu nhập trung bình của các hộ gia đình (theo giá trị đồng USD năm 2000) trong các cộng đồng có số thương vong cao nhất (25%) với các cộng đồng còn lại. Bắt đầu từ khoảng cách thương vong – thu nhập gần bằng nhau trong Thế chiến II, khoảng cách này đã tăng lên 5.000 USD trong chiến tranh Triều Tiên, 8.000 USD trong chiến tranh Việt Nam, và bây giờ là hơn 11.000 USD trong chiến tranh Iraq và Afghanistan. Nói cách khác, ba nhóm có thu nhập thấp nhất đã phải hứng chịu thương vong nhiều hơn 50% so với ba nhóm có thu nhập cao nhất.

Nếu những bất bình đẳng này tiếp tục gia tăng, nỗi oán giận sẽ tăng lên cùng với nó. Nếu oán hận ngày càng gia tăng, sự chia rẽ giữa quân đội và dân thường vốn đã rộng sẽ càng rộng hơn. Đây là cách mà các nền cộng hòa sụp đổ, khi quân đội và một bộ phận người dân trung thành với người chỉ huy quân đội hơn là với đất nước họ.

Chúng ta cần trở lại với tinh thần của chế độ quân dịch, và cách mà mọi người nhận thức về việc phục vụ cho đất nước của họ. Chế độ quân dịch được hầu hết mọi người xem xét theo cùng một cách chúng ta nhìn nhận về thuế thu nhập. Tôi sẽ không đóng thuế nếu không có mối đe dọa bị ở tù. Nhưng là một công dân có trách nhiệm, tôi cũng thấy rằng đóng thuế là cần thiết để tài trợ cho chính phủ – chính phủ của tôi.

Người ta vẫn sẽ càu nhàu. Chúng ta than phiền về thuế. Mọi người vẫn cố gắng để có được những phần tốt hơn. Nhưng mọi người đều sẽ phục vụ. Họ sẽ làm việc cho “chính phủ” và có thể bắt đầu xem đó là “chính phủ của chúng ta.” Sẽ khó có thể hoài nghi về đất nước nếu anh cống hiến hai năm cuộc đời mình để biến nó thành nơi tốt đẹp hơn.

Hãy để nghĩa vụ quân sự chỉ là một trong nhiều cách để những người trẻ có thể phục vụ đất nước của họ. Với nghĩa vụ quân sự phổ quát, những cậu trai từ Seattle có thể sẽ cùng chia sẻ một chiếc tamale với những cô gái gốc Tây Ban Nha từ El Paso. Phe bảo thủ và phe tự do sẽ học cách làm việc cùng nhau vì một sự nghiệp chung. Chúng ta có thể trở lại tinh thần khi những người đến từ các chủng tộc khác nhau học cách để làm việc cùng nhau trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.

Chiến tranh Việt Nam sẽ tiếp tục định hình chúng ta, ngay cả khi ta đã quên mất nó làm điều ấy như thế nào. Nhưng vẫn chưa quá trễ để nhớ lại và bắt tay làm điều gì đó.

Karl Marlantes, tác giả cuốn sách “What It is Like To Go to War” và tiểu thuyết “Matterhorn,” từng là một lính Thủy quân lục chiến trong Chiến tranh Việt Nam.

—————

[1] Tamales là một món ăn của người Mexico, được chế biến từ thịt băm, đem hấp hoặc nướng trong vỏ ngô (ND).

Hoa Kỳ đã ‘bỏ rơi’ Việt Nam Cộng hòa như thế nào?

Lý thuyết ‘Khoảng cách Coi được’ (Decent Interval)

Phóng Viên Frank Snepp (người ngồi)

rong phần tiếp phỏng vấn với cựu phân tích gia chiến lược của CIA ở Nam Việt Nam, BBC hỏi ông Frank Snepp về câu chuyện Hoa Kỳ đã ‘bỏ rơi’ VNCH như thế nào từ sau Hoà đàm Paris 1973.

Mỹ có phản bội hay bỏ rơi VNCH không, theo Frank Snepp, năm nay 78 tuổi, hiện sống tại California là một câu hỏi phức tạp đòi hỏi một câu trả lời cặn kẽ.

Ông nhận định rằng việc bỏ rơi này khởi đầu với Henry Kissinger, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Richard Nixon, và sau đó Gerald Ford.

Frank Snepp: Kissinger đã bỏ rơi VNCH vì lý do chính trị. Tôi đặt tựa cho cuốn sách mình viết là ‘Decent Interval’ (Khoảng cách Coi được). Tựa đó nhắc đến sự kiện năm 1972, khi Kissinger đàm phán hòa bình, dẫn đến việc ngừng bắn, điều duy nhất ông quan tâm là đưa Hoa Kỳ ra khỏi cuộc chiến, thoát khỏi vũng lầy xấu hổ. Kissinger muốn phải có một khoảng thời gian coi được giữa việc rút quân của Hoa Kỳ ra khỏi VN, và chiến thắng tất yếu sẽ đến của Cộng sản, để Hoa Kỳ không bị đổ lỗi cho việc thất trận.

Khi Kissinger gặp Chu Ân Lai năm 1971 để sắp xếp cho chuyến công du bí mật của Nixon đến Trung Quốc, ông nói với Bắc Kinh rằng nếu có ngừng bắn ở Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ không tái can thiệp quân sự. Và chỉ cần có một khoảng thời gian hợp lý giữa cuộc ngừng bắn đến lúc Hoa Kỳ rút quân, và sự tiếp tục xâm lược của cộng sản, chúng tôi sẽ không quan tâm nếu đồng minh Bắc Việt của quý vị tấn công Nam VN, miễn là họ không tấn công ngay sau khi chúng tôi rút đi. Đó là khởi đầu của lý thuyết ‘Khoảng cách Coi được’ (Decent Interval) mà ngày nay nhiều người nhận định là sự phản bội VNCH của Hoa Kỳ.

Kissinger đến Paris vào mùa hè năm 1972 để đàm phán với Lê Đức Thọ về những gì sau đó trở thành Hiệp định Hòa bình. Lúc đó Kissinger bàn với Nixon rằng nếu mọi thứ chỉ cần kéo dài đến tháng 10 tới, tức vài tháng nữa, hay nói cách khác, qua cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp, thì sẽ không ai thèm quan tâm đến điều gì xảy ra cho VN một năm sau đó, tức 1974. Sẽ không ai còn quan tâm và Mỹ thì đã rút khỏi cuộc chiến từ lâu.

BBC: Henry Kissinger đã thực sự đã bàn với Nixon như vậy? Làm sao ông biết được điều đó?

Frank Snepp: Bởi vì Nixon đã ghi âm lại tất cả những cuộc trò chuyện này, và trong những năm gần đây, rất lâu sau khi tôi viết Decent Interval, băng ghi âm những cuộc trò chuyện đó được bạch hóa, nên bây giờ chúng ta có thể xác minh bằng chính lời của Kissinger và của Nixon, rằng quả thực họ đã chuẩn bị bỏ rơi VN vào năm 1972.

Thật ra Kissinger đã đề cập điều này với Trung Quốc từ năm 1971, một năm trước khi Hoa Kỳ mở rộng quan hệ với nước này. Khi Kissinger đến Bắc Kinh, ông nói rằng chúng tôi sẽ giúp các bạn một tay, hãy cùng chúng tôi thu xếp để Nixon đến thăm Trung Quốc, hãy cùng nhau mở mang quan hệ.

Điều này cũng dễ hiểu. Chiến tranh VN lúc ấy đang là một vấn đề lớn, Bắc Kinh là đồng minh của Hà Nội, vậy Nixon có thể cống hiến cho Bắc Kinh điều gì để khiến họ cởi mở hơn và trở thành bạn của Hoa Kỳ? Nixon có thể cho họ VN. Và nếu ai muốn có bằng chứng là Hoa Kỳ dưới thời Nixon và Kissinger đã bỏ rơi VNCH, thì đó là điều này, một bằng chứng rõ ràng.

BBC: Vào thời điểm đó có ai khác biết về cuộc thảo luận này giữa Kissinger và Nixon không, thưa ông?

Frank Snepp: Những gì Kissinger và Nixon thảo luận về VN vào thời điểm đó chỉ họ và những phụ tá biết, vì tất cả những điều này đều được Nixon cho ghi lại trên các cuốn băng bí mật của Nhà Trắng, nhưng nhiều năm sau mới được công bố rộng rãi. Việc thu băng bắt đầu bị lộ trong vụ bê bối Watergate. Và những cuốn băng này đã khiến ông và Kissinger, đặc biệt là Kissinger, bị lên án, vì Kissinger rất thẳng thắn trong các cuộc nói chuyện với Nixon vào mùa hè năm 1972, trước Hiệp định Paris. Kissinger nói với Nixon là chúng ta đang đàm phán cho một tình huống mà về cơ bản, chúng ta chỉ tìm cách thoát khỏi nơi này và không quan tâm đến những gì Bắc Việt làm, miễn là có một khoảng thời gian coi được giữa lúc chúng ta rút quân, thời điểm có cuộc ngừng bắn và Sài Gòn sụp đổ.

Sau đó thì Sài Gòn có sụp đổ cũng chẳng sao.

Không ai biết gì về những điều này, cho đến khi có một đột phá lớn vào tháng 10 năm 1972. Hoa Kỳ đồng ý với Lê Đức Thọ là sẽ không yêu cầu lực lượng Bắc Việt rời khỏi miền Nam. Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống của đất nước bị ảnh hưởng bởi tất cả những điều này cũng không được biết. Ông Thiệu chỉ biết chuyện này vì Võ Văn Ba, gián điệp CIA bên trong bộ chỉ huy cộng sản đã phát hiện ra, qua các kênh riêng của ông, rồi báo cáo cho CIA và cho cảnh sát của VNCH. Vào tháng 10, ông Thiệu phát hiện ra là mình đã bị Kissinger bán đứng, và Hoa Kỳ hoàn toàn bằng lòng có Hiệp định Hòa bình mà không yêu cầu Bắc Việt rút quân khỏi miền Nam.

BBC: Chắc chắn Kissinger không thể tự mình quyết định làm như thế, ông ấy phải làm theo lệnh của ai chứ, đúng không?

Frank Snepp: Đúng thế. Kissinger và Nixon cùng nghĩ ra chiến lược bỏ rơi Việt Nam mà trên thực tế họ đã thực hiện. Năm 1969, Kissinger và Nixon đến nhậm chức tại Nhà Trắng. Họ là một cặp đôi, trong đó Nixon là tổng thống. Họ hứa đưa Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam, đó là lời hứa với người dân Hoa Kỳ khi tranh cử. Tại một thời điểm nào đó Nixon nói rằng ông sẽ chấp nhận điều kiện ”ngừng bắn tại chỗ” để làm cơ sở cho các cuộc đàm phán.

Ý của Nixon là gì? Dường như khi ông đề cập đến việc đó lần đầu, không ai nhận ra rằng ngừng bắn tại chỗ có nghĩa là bạn đứng yên, và kẻ thù cũng vậy. Điều đó có nghĩa là tất cả quân Bắc Việt ở miền Nam VN không phải rời đi, mà sẽ ở lại. Vì vậy, ngay từ năm 1969, bất cứ khi nào ý tưởng về một hiệp định hòa bình được thảo luận, Nixon đều tính đến một lệnh ngừng bắn tại chỗ. Điều đó có nghĩa là cho phép lực lược của phe địch hiện diện ở miền Nam, và đó là một công thức dẫn đến thảm họa.

Công bằng mà nói, Nixon không có lựa chọn nào khác vì Hoa Kỳ và VNCH đã không đánh bại được Bắc Việt, đã không buộc được họ ra khỏi miền Nam. Chúng ta không thể ném bom, chúng ta không thể ngăn chặn cuộc xâm nhập bởi Bắc Việt mỗi mùa khô lại gửi thêm từ 60.000 đến 100.000 quân tiếp viện vào miền Nam, thay thế những quân lính đã tử trận. Chừng nào điều đó còn xảy ra, trừ khi bạn dội bom lên miền Bắc, chiến tranh vẫn tiếp tục và bất cứ hiệp định hòa bình nào cũng phản ánh sự thật rằng chúng ta đã không đánh bại được kẻ địch.

Tiện đây, tôi muốn kể cho bạn nghe câu chuyện này.

Sau chiến tranh, tôi trở lại Việt Nam năm 1991 với tư cách là khách mời của BBC. Trong chuyến đi đó, tôi cùng một nhóm làm phim BBC đến Bộ chỉ huy cũ của lực lượng cộng sản thời chiến ở tỉnh Tây Ninh. Một số cán bộ mặc đồ đen, đeo huy chương kéo đến gặp anh chàng CIA đã trở lại VN này, ở ngay trong cái hang mà chúng tôi đã tìm cách làm cho nổ tung trong suốt cuộc chiến. Trong bữa ăn trưa gần Củ Chi, chúng tôi thảo luận, và đây là những gì một người cộng sản nói với tôi: ‘Các bạn Mỹ, chúng tôi không thể nào hiểu phản ứng của các bạn vào năm 1969, khi chúng tôi đang bị thương vong nặng nề sau Tết Mậu Thân 1968 và những trận tiếp theo.’

Người này nói thêm: “Chúng tôi đã tổn thất quá nặng và không thể tiếp tục cuộc chiến với cường độ cao trong vòng hai năm. Tại sao các bạn không dội bom xuống các con đê ở Hà Nội?’ Nghe câu hỏi đó tôi đã phải nói với ông ta là ‘chúng tôi đã dự tính làm điều đó, nhưng Lầu Năm Góc quyết định rằng nếu làm thế chúng tôi sẽ giết chết rất nhiều thường dân Bắc Việt, và chúng tôi không thể thực hiện giải pháp đó vì lý do nhân bản và đạo đức.”

Hoa Kỳ, tức chính quyền của Nixon, thường bị chỉ trích là vô đạo đức, đã không nhẫn tâm làm điều mà Bắc Việt chắc chắn sẽ làm nếu họ có lựa chọn đó. Nếu họ có thể dội bom xuống miền Nam, bạn có nghĩ là họ sẽ làm không? Hoa Kỳ thì không.

Trong cuộc thảo luận đó, tôi nhớ đã không thể tin được là họ đã phân tích đúng vấn đề của Hoa Kỳ: Chúng tôi không tàn nhẫn đủ. Nếu năm 1969 chúng tôi dội bom lên đê điều ở Hà Nội thì có thể cũng không thắng, nhưng chắc chắn sẽ làm chậm lại cuộc chiến. Những người Cộng sản mà tôi tiếp xúc sau chiến tranh xác nhận điều này, rằng Hoa Kỳ đã có thể đẩy cuộc chiến vào thế bế tắc. Nhưng chúng tôi không làm thế, và bỏ lỡ cơ hội.

Thay vào đó, Nixon rút lực lượng Mỹ ra khỏi VN theo nguyện vọng của người dân Mỹ và đưa quân VNCH ra tiền tuyến, thay cho những người Mỹ đang rút đi. Chính sách ‘Việt Nam hóa’ chiến tranh đó không hữu hiệu, vì quân đội VNCH lúc ấy không thể làm được những gì Hoa Kỳ đã làm khi không còn sức mạnh của không quân Mỹ và viện trợ của Mỹ. Quân đội VNCH chưa sẵn sàng để chiến đấu một mình.

Tôi luôn cảm thấy rằng một trong những sai lầm lớn nhất của Hoa Kỳ là chờ đến năm 1969 mới Việt Nam hóa chiến tranh. Việt Nam hóa lẽ ra phải được bắt đầu ngay từ lúc quân đội Mỹ vào Việt Nam. Bởi vì quân đội VNCH cho đến năm 1963, 64 được huấn luyện rất kỹ về chiến thuật của Pháp, từ những cố vấn Pháp. Và họ học cách đánh các trận đánh quy mô cấp tiểu đoàn, trong đó đơn vị của họ là tiểu đoàn chiến đấu với các tiểu đoàn khác, đó là cách người Pháp đánh trận.

Cộng sản, trong khi đó, áp dụng chiến thuật du kích. Khi bắt đầu chính sách Việt Nam hóa năm 1969, Kissinger nghĩ đó là một chính sách tốt, nhưng đã quá trễ. Và cuối cùng thì Kissinger chỉ muốn mua một khoảng thời gian cho quân đội Mỹ rút ra khỏi VN, để sau đó khi Sài Gòn thất thủ thì không ai đổ lỗi cho Hoa Kỳ, khiến Kissinger và chính quyền Nixon không bị xấu hổ.

BBC: Nhưng tại sao Hoa Kỳ, là đồng minh của VNCH, không đợi cho quân đội VNCH sẵn sàng chiến đấu rồi mới rút quân?

Frank Snepp: Trong một cái nhìn toàn cảnh hơn, bạn có thể đổ lỗi cho người Mỹ về điều đó. Bạn có thể đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã rút lực lượng của họ ra khỏi VN ở thời điểm mà họ đã làm, trước khi VNCH sẵn sàng. Nhưng các động lực chính trị ở Hoa Kỳ thời đó không cho phép những quân lính Mỹ ở lại Việt Nam, điều đó đơn giản là không thể xảy ra.

Những người cho rằng Hoa Kỳ bỏ rơi Nam Việt Nam vì đã không viện trợ đủ cho VNCH trong thời gian ngừng bắn, đã nói đúng. Vì lý do chính trị, viện trợ Hoa Kỳ đã không được cấp. Nhưng thực tế là, thứ nhất, viện trợ không thể đến kịp thời để cứu miền Nam Việt Nam. Thứ hai, hệ thống hậu cần của VNCH đã bị tham nhũng lũng đoạn, khó có thể tiếp thu và triển khai thêm vật liệu một cách hiệu quả. Lính VNCH, trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, thường là ở tiền tuyến, không có đủ đạn dược. Nhưng lý do không phải vì không có mà là vì đạn dược được đưa đến, hoặc đã bị hút vào thị trường chợ đen, hoặc đã bị thất lạc, mà không ai biết nó đi đâu, vì miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó không có một hệ thống hậu cần hữu hiệu.

Và, cuối cùng, các cấp tư lệnh Nam Việt Nam vì lo xa không muốn để vũ khí thặng dư gần tiền tuyến, phòng khi Cộng sản tràn vào, mà cất chúng ở xa. Vì vậy, khi cộng sản tấn công vào Quân khu 1, họ cạn kiệt đạn dược và không có một kho dự trữ đủ gần để có thể đến lấy, trước khi bị Cộng sản tiến chiếm.

Với tất cả nhiều nguyên do đan xen vào nhau này, tham nhũng và kém hiệu quả là những yếu tố thấy rõ. Tôi nghĩ những người bạn Việt Nam thân yêu của tôi không đúng khi đổ lỗi sự sụp đổ nhanh chóng của VNCH cho Hoa Kỳ, vì sự việc phức tạp hơn nhiều.

Một lần nữa, Hoa Kỳ có bỏ rơi VNCH không là một câu hỏi phức tạp, nhưng nói chung là có, Kissinger và Nixon đã bỏ rơi Nam Việt Nam Nhưng việc thất trận của VNCH đến từ những lý do gần nhà hơn.

Hình: Frank Snepp trên nóc Toà Đại sứ Hoa Kỳ (cũ) tại Sài Gòn trước ống kính phóng viên BBC của Anh.