Hơn 250 Tên Bản Nhạc Ghép Thành Một Bài Thơ


From: TrungParis
Sent: Friday, January 19, 2018 1:14 AM
Subject: Fwd: Ten Bản Nhạc Ghép Thành Thơ. Hay quá!

.
Quê em BIỂN MẶN dừa xanh
Sóng tình HOA BIỂN dổ dành người thương
KIẾP NGHÈO một nắng hai sương
LỐI VỀ XÓM NHỎ cuối đường cầu tre
Đượm nồng TÌNH THẮM DUYÊN QUÊ
Rung rinh GÁNH LÚA hẹn thề đêm trăng
NƯƠNG CHIỀU khói toả lều tranh
Vài con BƯỚM TRẮNG lượn quanh liếp cà
HƯƠNG THẦM còn mãi TÌNH XA
BUỒN VƯƠNG MÀU ÁO còn ra nổi này
CON THUYỀN KHÔNG BẾN có hay
THU SẦU, CHIỀU TÍM tháng ngày đơn côi
TRĂNG MỜ BÊN SUỐI ngàn đời
Sao MÙA THU CHẾT còn rơi rớt nhiều
ĐÈN KHUYA một bóng cô liêu
MÙA THU CÒN ĐÓ tình yêu ngỡ ngàng
ĐÒ CHIỀU chưa tiễn người sang
NỔI LÒNG sao biết THIÊN ĐÀNG ÁI ÂN
TRÚC ĐÀO rụng khắp đầy sân
DUYÊN QUÊ mong gặp một lần cho vơi
NỔI BUỒN HOA PHƯỢNG trong đời
DẤU CHÂN KỶ NIỆM một thời học sinh
Và TRANG NHẬT KÝ riêng mình
Làm sao có được chuyện TÌNH THIÊN THU
CÔ ĐƠN nhìn GIỌT MƯA THU
Nghe như TUYẾT LẠNH âm u sao đành
Lật từng LƯU BÚT NGÀY XANH
Thấy như LỆ ĐÁ vây quanh NỖI NIỀM
SẦU ĐÔNG chẳng phải của riêng
BÓNG CHIỀU TÀ nhạt, PHỐ ĐÊM hững hờ
ĐÒ CHIỀU chở mấy LÁ THƠ
KHUNG TRỜI TUỔI MỘNG, TÌNH BƠ VƠ sầu
Ôi NHỮNG ĐÓM MẮT HỎA CHÂU
NỦA ĐÊM NGOÀI PHỐ nhuốm màu thê lương
MONG NGƯỜI CHIẾN SĨ sa trường
Vào trong CÁT BỤI gíó sương không sờn
Để ai GIẤC NGỦ CÔ ĐƠN
NGƯỜI ĐẸP YÊU DẤU, DỖI HỜN phòng the
Từng đêm TRĂNG SÁNG VƯỜN CHÈ
TRĂNG MỜ BÊN SUỐI nghe se sắt lòng
CÔ ĐƠN, TÌNH NHỚ, phòng KHÔNG
NGHÌN TRÙNG XA CÁCH nhớ mong ngập trời
NẮNG CHIỀU giăng sợi đơn côi
GIỌT MƯA TRÊN LÁ khóc đời hợp tan
Bao giờ em bước SANG NGANG
GIỌT LỆ SẦU khóc CHIỀU HOANG VẮNG người
GA CHIỀU, NHƯ GIỌT SẦU RƠI,
TẦU ĐÊM NĂM CŨ biết NGƯỜI VỂ đâu
XÓM ĐÊM, TRĂNG RỤNG XUỐNG CẦU
TÌNH BUỒN biến SẮC HOA MÀU NHỚ thương
Cho em ĐÔI BÓNG bên đường
Chung HAI LỐI MỘNG một phương trời hồng
Sá gì ẢO ẢNH, ĐÊM ĐÔNG
NỔI BUỒN GÁC TRỌ chờ mong ngày về
NGĂN CÁCH, MẤY DẬM SƠN KHÊ
ĐƯỜNG XƯA LỐI CỦ trăng thề còn đây
Tình yêu CHIẾC LÁ THU PHAI
LÂU ĐÀI TÌNH ÁI không xây một mình
Từ ngày XẾP ÁO THƯ SINH
ANH ĐI CHIẾN DỊCH đăng trình nặng vai
NGẬM NGÙI cửa đóng then gài
NGƯỜI YÊU CỦA LÍNH không phai má đào
Lỡ khi BIẾT TRẢ LỜI SAO
TÌNH CHÀNG Ý THIÊP ai sầu hơn ai
Đượm nồng TIẾNG SÁO THIÊN THAI
KHÔNG BAO GIỜ CÁCH NGĂN hai mai đầu
Một lòng ĐỪNG NÓI XA NHAU
NGƯỜI YÊU LÝ TƯỞNG trọn câu vẹn thề
Rồi MỘT MAI QUA CƠN MÊ
HAI VÌ SAO LẠC đi về BẾN MƠ
VẮNG XA vẫn mãi ĐỢI CHỜ
Để em viết tiếp BÀI THƠ CUỐI CÙNG
Có ai THƯONG VỀ MIỀN TRUNG
QUÊ NGHÈO sỏi đá khốn cùng điêu linh
Lòng như KHÚC HÁT ÂN TÌNH
Trãi dài QUÊ MẸ nắng bình minh vui
MƯA TRÊN PHỐ HUẾ sụt sùi
CHO NGƯỜI TÌNH LỠ bùi ngùi vấn vương
VỀ ĐÂU MÁI TÓC NGƯỜI THƯƠNG
NƯẢ ĐÊM NGOÀI PHỐ lòng TƯƠNG TƯ sầu
Dẫu rằng HAI ĐỨA GIẬN NHAU
Vẫn không như thể QUA CẦU GIÓ BAY
Một lần TỪ GIÃ THƠ NGÂY
Là em NHƯ CÁNH VẠC BAY mất rồi
Dẫu cho CAY ĐẮNG, TÌNH ĐỜI
NGƯỜI EM SẦU MỘNG tuyệt vời yêu anh
Ân tình GẠO TRẮNG TRĂNG THANH
Làm sao NƯỚC MẮT LONG LANH cạn dòng
Bây giờ TRÊN ĐỈNH MÙA ĐÔNG
NGƯỜI EM XÓM ĐẠO chỉ mong một điều
Thương em HÃYNHỚ NHAU NHIỀU
Hãy xin LÝ LUẬN TÌNH YÊU thế nào
Cũng xin đừng VẪY TAY CHÀO
TÌNH YÊU TRẢ LẠI TRĂNG SAO thật buồn
MỘT LẦN DANG DỞ đau thương
THA LA XÓM ĐẠO thánh đường bơ vơ
Hằng đêm QUÁN NHỎ ĐỢI CHỜ
Ôm SẦU LẼ BÓNG vần thơ bẽ bàng
Còn đâu HOA SỨ NHÀ NÀNG
Gặp em trở lại CÔ HÀNG XÓM xưa
Còn đâu HUYỀN THOẠI CHIỀU MƯA
NHỮNG NGÀY THƠ MỘNG đón đưa hẹn thề
Em SAO KHÔNG THẤY ANH VỀ
MIỀN TRUNG THƯƠNG NHỚ tái tê lạnh nhiều
ĐÊM TÀN BẾN NGỰ cô liêu
AI RA XỨ HUẾ hắt hiu tháng ngày
Ôi chao THÀNH PHỐ MƯA BAY
KHÓC NGƯỜI TRINH NỬ đắng cay tình đời
HAI PHƯƠNG TRỜI CÁCH BIỆT rồi,
NGẬM NGÙI cắn chặt bờ MÔI TÍM màu
BAO GIỜ TA GẶP LẠI NHAU
NỔI BUỒN HOA PHƯỢNG giọt sầu ly tan
Anh XIN TRẢ LẠI THỜI GIAN
ĐƯA EM VÀO HẠ thênh thang vùng trời
THÔI thì ANH BIẾT EM ƠI
DƯ ÂM ngày MỘNG SẦU đời khó quên
CĂN NHÀ MÀU TÍM êm đềm
MỘT TRỜI THƯƠNG NHỚ làm nên CHUYỆN TÌNH
NÉT BUỒN THỜI CHIẾN điêu linh
Ráng đi em CHUYỆN CHÚNG MÌNH qua mau
TÌNH ANH LÍNH CHIẾN địa đầu
Trao em ÁO ĐẸP NÀNG DÂU mai này
CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI có hay
ĐÊM BUỒN TỈNH LẺ tháng ngày héo hon
TÌNH YÊU CÁCH BIỆT mõi mòn
SAO ANH LỖI HẸN em còn đơn côi
Ngày MAI ANH ĐI XA RỒI
ĐÒ TÌNH LỠ CHUYẾN bờ môi nhạt nhoà
TÀU ĐÊM NĂM CỦ mấy toa
BIỆT LY như CHUYỆN TÌNH HOA TRẮNG tàn
NỔI LÒNG mang tận quan san
Là như vai nặng HÀNH TRANG GIÃ TỪ
Phương này VẦNG TRÁN SUY TƯ
Xem như PHÚT CUỐI, TẠ TỪ TRONG ĐÊM
Mà SAO EM NỞ ĐÀNH QUÊN
RỪNG CHƯA THAY LÁ, GỌI TÊN BỐN MÙA
Tiền đồn THÁNG SÁU TRỜI MƯA
Trọn tình thương nhớ CHO VỪA LÒNG EM
Trở về MỘT CHUYẾN BAY ĐÊM
VÙNG TRỜI NGÀY ĐÓ càng thêm mặn nồng
TẠ ƠN, TRĂNG SÁNG ĐỒI THÔNG
CƠN MÊ TÌNH ÁI phiêu bồng LÃNG DU
Ngõ hồn lạc lối VƯỜN THU
MỘT ĐÊM KHÔNG NGỦ ngục tù con tim
Ngày mai anh BIẾT ĐĂU TÌM
LINH HỒN TƯỢNG ĐÁ im lìm bơ vơ
Đắm chìm BIẾT ĐẾN BAO GIỜ
CHUYỆN NGƯỜI ĐAN ÁO đợi chờ đêm đông
Xin em ĐỪNG TRÁCH DIÊU BÔNG
BUỒN VƯƠNG MÀU ÁO má hồng chưa phai
Sao em NHƯ TIẾNG THỞ DÀI
NGHẸN NGÀO đắng GIỌT LỆ ĐÀI TRANG tuôn
Để cho TỪ ĐÓ EM BUỒN
NẾU MAI ANH CHẾT chim muôn gọi đàn
TÌNH YÊU VỖ CÁNH băng ngang
GA CHIỀU PHỐ NHỎ đèn vàng xót xa
TÌNH NGHÈO mang KIẾP CẦM CA
ĐIỆU RU NƯỚC MẮT phòng trà từng đêm
THỀM TRĂNG còn đọng môi mềm
GIỌNG CA DĨ VÃNG buồn thêm nản lòng
Cho em BẢY NGÀY ĐỢI MONG
SAO ANH KHÔNG ĐẾN phòng không cuối tuần
Anh còn VỌNG GÁC ĐÊM SƯƠNG
CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI còn vương giặc thù
BỐN VÙNG CHIẾN THUẬT mật khu
Bên RỪNG LÁ THẤP sương mù giăng giăng
Trên đồi HOA TÍM BẰNG LĂNG
NHỚ MẦU HOA TÍM đêm trăng thuở náo
Chuyện tình HÒ HẸN trăng sao
PHÚT ĐẰU TIÊN ắy nghe xao xuyến lòng
LẶNG THẦM, HOA RỤNG VEN SÔNG
Ngập ngừng GỎ CỬA hằng mong trao nàng
KỂ TỪ ĐÊM ĐÓ thênh thang
ĐƯỜNG LÊN SƠN CƯỚC vai mang chử tình
Đếm từng sợi NẮNG THỦY TINH
TÌNH XA em mãi NHỚ MÌNH ANH THÔI
Đường tình NHẬT KÝ ĐỜI TÔI
THUYỀN MƠ, CHUYỂN BẾN nhẹ trôi im lìm
CHIỀU trên NHỮNG ĐỒI HOA SIM
TÌNH THƯ CỦA LÍNH gởi niềm riêng em
Có loài HOA NỞ VỀ ĐÊM
Một loài HOA TRẮNG mang tên là quỳnh
Gót chân NGƯỜI LÍNH CHUNG TÌNH
BẠC MÀU ÁO TRẬN vẫn tình không phai
CHỜ ANH TRỞ LẠI ngày mai
ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ sánh vai TÌNH HỒNG
Bây giờ em THẤY GÌ KHÔNG
Làm sao em biết NỔI LÒNG NGƯỜI ĐI
Bây chừ ĐÔI NGÃ CHIA LY
Cho NGƯỜI Ở LẠI CHARLY nghìn trùng
Đường chiều phủ kín MƯA RỪNG
SAO EM KHÔNG ĐẾN trời rưng rưng sầu
Cạn nguồn GIÒNG LỆ THƯƠNG ĐAU
Thương HÀN MẠC TỬ sớm mau lìa trần
PHÙ DU kiếp sống chinh nhân
ĐOÀN NGƯỜI LỮ THỨ, BƯỚC CHÂN ÂM THẦM
Và SAO CHƯA THẤY HỒI ÂM
Của người TÌNH LỞ TRĂM NĂM đợi chờ
Dẫu rằng TÌNH LÀ SỢI TƠ
DẤU TÌNH SẦU vẫn BƠ VƠ cuối tuần
Phương này PHIÊN GÁC ĐÊM XUÂN
BUỒN VUI ĐỜI LÍNH trầm luân tháng ngày
Chiều nào TỪ GIÃ THƠ NGÂY
AI XUÔI VẠN LÝ vui vầy nước non
LỜI THỀ SÔNG NÚI vẫn còn
TÌNH ANH LÍNH CHIẾN chưa sờn chí trai
TÌNH ANH BIỂN RỘNG sông dài
DẤU CHÂN KỶ NIỆM, THƯƠNG HOÀI NGÀN NĂM ./.

Vô danh

Hai hình ảnh, một cuộc đời

Nguồn: dien nguyen <dien.nguyen44@…..>
.

Tôi có hai người chị sinh đôi, bố tôi đặt tên cho các chị là Nư và Nữ. Thường thì những cặp sinh đôi rất giống nhau, xinh xắn duyên dáng nên cả hai tới tuổi thập-tam mà đã có nhiều chàng ngấp nghé, tới độ trăng tròn thì có người mang trầu cau đến đặt cọc và vừa 18 thì hai ông lính đến rước các “nàng về dinh”. Ông TQLC đón nàng Nư về Cửu Long trại, ông Hải Quân thì đem nàng còn lại về trại Nguyễn Văn Nho*, cả hai dinh cơ này đều thuộc Thị Nghè phường, Sài Gòn Phố. Xem ra như vậy thì cái số của hai chị tôi giống nhau, vì cùng một trứng chia đôi, khóc óe chào đời trước sau cách nhau hai ba phút. Nếu sau này số phận có khác là do ngôi sao của phu quân chiếu mạng. Và quả như thế, cả hai bà nay đang độ tuổi xuân già “ như chuối chín cây ” 75, hai bà ở hai phương trời Đông Tây, tuy cùng một cuộc đời về già nhưng hai hình ảnh khác biệt.

(* Nguyễn Văn Nho là Th/Tá TĐT/TĐ.4/TQLC đã tử trận tại Bình Giả ngày 31/12/1964, cùng hy sinh trong trận này còn có Đ/ Úy TĐP Trần Văn Hoán, Bác Sĩ Trương Bá Hân cùng nhiều quân nhân khác nữa, trong đó có 2 Th/Úy K19 là thủ khoa Võ Thành Kháng và Hùng, vừa tốt nghiệp ngày 28/11/64)

Chồng chị Nư là lính tổng trừ bị TQLC nên đi hành quân quanh năm suốt tháng khắp bốn vùng chiến thuật, từ Bến Hải đến mũi Cà Mau, lâu lâu được vài ngày phép kể cả hai ngày đi đường. Vì về phép bất ngờ thì làm sao biết đường tính sổ, làm sao tính O-gi-nô? Thôi thì “mackeno” nên 7 lần anh về phép là chị tôi đẻ 7 lần, 3 trai, 4 gái. Kể từ sau trận Hạ Lào Lam Sơn 719 năm 1971, lính tổng trừ bị TQLC thành địa phương quân đóng đồn giữ đất vùng địa đầu giới tuyến, một lối sử dụng quân hoang phí, sai nguyên tắc. Chồng thì quanh năm ngủ động Chó, động Toán, động Ông Đô, núi Bá Hô, nếu có nhẩy dù vài ba tiếng thì vào Huế, xuống đò sông Hương hò ‘mái nhì”. Còn chị tôi, “mái nhất”, thì vò võ năm canh, vừa làm mẹ vừa làm cha, làm thầy săn sóc dạy dỗ đàn con, vì lương lính tính liền, anh không gửi tiền về thì chị tôi phải phải tự mưu sinh.

Thấy mẹ vất vả nặng gánh gia đình nên hai thằng con đành bỏ học đăng lính. Tưởng giúp mẹ một tay nhưng đâu ngờ càng làm mẹ khốn khổ. Con trưởng Vũ Văn Tuấn theo gương bố tình nguyện về TĐ.4/TQLC Kình Ngư và chết mất xác tại Quảng Trị năm 1972! Thằng thứ hai, Vũ Văn Hùng, chưa đủ tuổi 18 nhưng lấy trộm giấy khai sinh của bạn để nối nghiệp anh về TĐ.5/TQLC Hắc Long và rồi cũng mất xác tại bãi biển Thuận An, pháp trường cát, vào ngày 26/3/1975.

Chỉ ba ngày sau, lúc 7 giờ sáng ngày 29/3/1975, tôi và anh rể, bố Tuấn Hùng, còn vẫy tay chào nhau tại bãi biển Non Nước Đà Nẵng, tôi thuộc P3/BTL bơi ra tàu trước, còn anh, TĐ.2/TQLC Trâu Điên thì ở lại đi sau. Nhưng cho tới nay gia đình không biết anh phiêu bạt giang hồ phương trời nào? Có phần chắc anh là một trong số những bộ xương mà dân địa phương thỉnh thoảng nhặt được trên bãi cát. Họa vô đơn chí, con nằm ở Thuận An, bố nằm ở Non Nước, Huế Đà Nẵng đâu có bao xa mà sao không biết nhau? Thôi thì cha con cùng trùng phùng chốn bình yên.!

Mới đây, tháng 7/2010, một số đồng đội cũ ở trong nước trở lại thăm chiến trường Thuận An xưa thì được dân địa phương trao cho các anh một mớ xương cùng 7 cái thẻ bài. Thẻ bài là một miếng inox ghi họ và tên, số quân, loại máu mà bất cứ một quân nhân nào cũng phải có… Theo danh sách thì không có tên Hùng. Trong bài tạp ghi “Không Một Nấm Mồ” trên báo NV ngày 6/11, nhà văn Huy Phương cho biết đồng bào thôn An Dương, quận Phú Vang, Thừa Thiên đã vừa giúp cải táng và xây lăng mộ cho 132 quân nhân VNCH đã bỏ mình trên bãi biển Thuận An vào những ngày cuối tháng 3/75.

Ngoài nấm mồ tập thể của 132 quân nhân đã được đồng bào địa phương cải táng thì còn bao nhiêu nữa? Nhiều lắm, các anh vẫn “tắm” vẫn phơi xương trên bãi cát, những hồn-hoang vẫn dạo chơi buổi hoàng-hôn trên bờ biển. Bản tin đồng bào trong nước cải táng nấm mồ tập thể, trong đó chắc chắn có rất nhiều anh em TQLC, đã làm xúc động nhiều trái tim, nhất là đối với những người có chồng con còn nằm lại nơi đó, những pháp trường cát Thuận An, Non Nước, Mỹ Khê v.v.. Nhưng trong số những trái tim xúc động đó không có chị Nư tôi, dù cả chồng lẫn con còn ở đó, vì chị không còn trí nhớ. Chả biết chị điên hay “en-giai-mơ”? Chắc là điên vì người nghèo trong nước nào biết en-giai-mơ là gì đâu!

Chị Nư tôi, một người vợ lính, mẹ lính, sống trong hoàn cảnh chồng con đã trả nợ tổ quốc xong xuôi thì khó mà bình thản, dẫu cho mình đồng da sắt thì cũng phải han rỉ. Với lý lịch gia đình “ngụy quân” như thế thì những đứa con còn lại cũng sống thanh bạch, dẫu có thương mẹ thì cũng chỉ có hai bàn tay chai đá sần sùi, và chị tôi đang sống những ngày cuối đời trong vô tư và không bệnh hoạn. Mỗi lần gọi điện thoại về hỏi thăm sức khỏe chị thì các cháu trả lời:

– Mẹ cháu vẫn mạnh khỏe cậu ơi.

Tôi rất đỗi ngạc nhiên, hỏi lại thì các cháu tâm sự rằng “người nghèo không dám bệnh”. Nghe cháu than tôi tưởng là chuyện đùa, nhưng tôi vừa đọc trên trang báo điện tử trong nước VnExpress ngày 7/12/2010 có bài viết “người nghèo không dám ốm” thì mới biết các cháu tôi nói thật. Chị Nư tôi không có bệnh gì cả, không cao mỡ cao máu, không đái dường, không co-lét-tê-rôn, lục phủ ngũ tạng đều không có vấn đề, vì có đi khám bệnh bao giờ đâu mà biết. Có điều dễ nhận thấy là thân xác chị như thanh củi khô vì đói ăn, gọi văn hoa là suy dinh dưỡng. Hình ảnh chị Nư tôi là tượng trưng cho tất cả các bà quả phụ chế độ cũ đang sống trong chế độ mới, một cuộc đời khó ai mà tưởng tượng nổi.

Trong khi đó người em sinh đôi thì lại là một hình ảnh khác, nhờ ngôi sao mỏ neo của chồng là Hải Quân chiếu mạng nên đời chị Nữ cứ sáng như ngọn hải đăng. Trước 30/4 chị vui cùng con cái trong trại gia binh Nguyễn Văn Nho, nay nhàn hạ nơi hải ngoại

Nếu hình ảnh chị Nư tượng trưng cho các quả phụ chế độ cũ sống trong chế độ mới XHCN thì hình ảnh của chị Nữ là tượng trưng cho cuộc sống mới của quý bà thuộc chế độ VNCH trong xã hội Hoa Kỳ. Gia đình chị Nữ cư ngụ trong một khu mô-bô-hôm ngay trung tâm cộng đồng người Việt

Đây là một khu phố gần như 90% là người Mỹ gốc Việt, các cụ vốn xuất thân là dân ODP, OD-GHE, OD-BO, HO v.v.. nay tới tuổi về hưu nên tập trung về đây an hưởng tuổi già. Có những cụ bán nhà to trên đồi về đây mua nhà nhỏ, có cụ con mua cho, có cụ được hao-zinh v.v.. Với cái nhìn bề ngoài thỉ đây là xóm nghèo, mà dân nghèo ở cái xứ Mỹ này thực sự xướng hơn cái cảnh dở-dở ương-ương, lương cao hơn “tiền già” dù chỉ $1USD.

Bỏ qua chuyện mấy cụ nói về sự thành công của con cái, đứa nào cũng là “ông nọ bà kia” và bỏ qua vấn đề “ông kia bà nọ” khi các cụ chiếu đẻn sang hàng xóm. Không bàn về sự ăn, sự mặc của xóm tôi, bởi vì cụ nào cũng thiếu tủ để đựng quần áo, thiếu tủ lạnh để chứa thực phẩm, câu đầu tiên khi quý bà rủ nhau đi chợ là “hôm nay ăn cái gì nhẩy? Chả biết ăn cái gì! Tất cả biểu lộ sự dư thừa thực phẩm. Cái điều tôi chú ý là nếu chị Nư trong nước vì “nghèo không dám bệnh” thì chị Nữ ở hải ngoại có đầy đủ mọi phương tiện, mọi thuốc men để chữa bệnh thì lúc nào cũng than: “Sao tôi nhiều bệnh quá !”

Bệnh “than” là bệnh hay lây và khó chữa, có lẽ chị tôi nhiều bệnh là do bị lây bệnh than, bất cứ bệnh gì của các bà trong khu phố mà chị được nghe kể là chị tôi nói “tôi cũng thế”, nói đúng hơn là các bà “đồng bệnh tương lân”.

Gặp chị, tôi vừa hỏi thăm chị có khỏe không thì chị đã than: “mệt quá, chị bị mất ngủ”. Trông sắc diện và “thanh tướng” thì không có dấu hiệu gì mệt mỏi của bệnh mất ngủ, nhưng tôi cũng cố an ủi cho vừa lòng người muốn bệnh:

– Hèn gì trông chị hơi xuống sắc, mất ngủ bao lâu rồi?

– Cả năm nay rồi cậu ơi, cứ hai ba giờ sáng là thức dậy, loay hoay cả tiếng mới chợp mắt lại được chút xíu cho đến khi thức giấc thì trời đã sáng.

– Anh chị ngủ chung phải không? Như vậy là tại anh ấy làm chị thức giấc vào lúc nửa đêm gà gáy canh ba, ông bà thức dậy..

– Cậu đừng có suy diễn linh tinh à nha, tiếng ngáy làm anh ấy mất ngủ nên thường ôm chăn gối ra ngoài salon.

Tôi không dám hỏi chị là “tiếng ngáy” là của ai, nhưng tôi có gọi điện thoại nhắc mấy cháu đưa mẹ đi “khám” bác sĩ, bệnh mất ngủ do nhiều nguyên nhân, để lâu nguy hiểm. Nhưng các cháu giải thích:

-Thường thì sau bữa cơm tối là mẹ cháu vào phòng coi phim Đại Hàn, chừng ít phút sau là mẹ cháu ngáy rồi, hết phim thì dậy thay phim xong lại ngáy tiếp, cứ ngủ chập chờn như vậy cho tới sáng. Cháu đã đưa mẹ cháu đi khám bệnh, sau khi kê khai bệnh trạng và được làm một vài thử nghiệm thì bác sĩ kết luận ít ngủ là do cơ thể của người lớn tuổi, tuổi già là vậy. Nghe bác sĩ bảo tại “ già” thì mẹ cháu chê ông này “dỏm”, không biết định bệnh và đòi đổi BS khác.

– Đâu phải muốn đổi tổ hợp lúc nào cũng được, phải có thời hạn chứ…

-Mẹ cháu là dân medi-medi mà.

À ra thế, đây là những người có con làm tổng thống Mỹ, có medi-medi nên có đủ thứ bệnh. Khi được bảo lãnh vào Mỹ thì chị đã quá già để xin việc nên chỉ ở nhà giữ cháu, dần đà tới tuổi 65 và là dân nghèo nên mọi chi phí về sức khỏe được liên bang và tiểu bang đài thọ, “dân medi-medi muốn gì cũng có”, các cụ thường khoe với nhau như thế. Có được những bảo hiểm y tế như thế quả là niềm ước mơ của mọi người dân sống trên đất Mỹ. Khổ biết chừng nào khi đau yếu mà không có bảo hiểm sức khỏe, xin được tờ MSI cũng trầy vi tróc vẩy. Thôi thì đành chép miệng “tới đâu hay tới đó”. Chính vì ỷ vào điều “muốn gì cũng có” nên chị tôi không có cũng cố tìm ra để mà đi “khám” bác sĩ, như việc mất ngủ chẳng hạn. Quả là hai hình ảnh của hai bà chị, “kẻ ăn không hết người đào không ra”.

Ăn không hết nên phí phạm từ trên xuống dưới, ngứa đầu vì gầu thì đi bác sĩ, cái móng chân sần sùi, cái gót nứt nẻ thì đi bác sĩ thay vì gọt dũa bôi lotion. Tới tuổi phải rụng răng nhưng muốn có hàm răng trắng, đều như hạt dưa để vừa ăn cơm vừa đánh răng thì đi đâu? Câu trả lời là “đi nha sĩ”, chả bù với hồi còn ở quê nhà, cái răng lung lay thì cột sợi chỉ vào rồi tự tay giựt cái “phực”, vất cái răng xâu lên mái nhà cho chú chuột tha đi, miệng xúc hớp nước muối là xong ngay.

Chị tôi cả ngày ngồi đọc báo, xem phim, xem Thúy Nga thế là đau lưng, đi khám bệnh, bác sĩ cho đi chụp X-Ray, MRI, họ bảo xương sống có gai, các khớp xương hết chất nhờn, lớp sụn bị mòn đè lên dây thần kinh thế là đi vật lý trị liệu.

Thực phẩm dư thừa chất ngọt, chất béo sinh ra cao máu tiểu đường, uống thuốc cao máu sinh ra táo bón, táo bón thì sinh ra cau có. Ngày xửa ngày xưa, quần quật từ sáng tới tối, ngày hai bữa “vỗ bụng rau bình bịch” làm gì có mỡ có thịt đề sinh ra bệnh, đói ăn rau đau uống thuốc .. “xuyên tâm liên”.

Có thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong tay là sinh ra đủ bệnh bởi yếu tố tâm lý “bói ra ma quét nhà ra rác”. Khám bệnh miễn phí dĩ nhiên cũng được cấp thuốc miễn phí, có thuốc rồi không uống, hoặc uống không đủ liều lượng như lời chỉ dẫn trong toa mà vẫn hết bịnh, thế là dư thuốc. Xin quý vị medi-medi coi lại tủ thuốc của mình xem có bao nhiêu thuốc dư và hết hạn như của chị tôi không. Với bản tính “tiết kiệm” và “thương người”, chị bèn đem những thuốc này đi cho bạn bè, hoặc gửi về VN gọi là để làm phúc!

Cũng vẫn bản tính tiết kiệm, “tiếc của trời” nên thấy ai có gì thì chị hỏi thăm để đi xin thứ đó. Một chiều nọ chị xách sang cho tôi một túi plastic đựng gần chục hộp sữa ensure! Tôi hỏi ở đâu có thì chị cho biết:

Người ta xin hộ, dư nhiều nên đem cho cậu.

Tôi thực sự nổi cáu với bà chị thật thà và đám họ lưu nên gắt:

-Sữa ensure là dành cho người bệnh không ăn được, chị và em còn mạnh khỏe không cần đến thứ này.

-Họ cho thì mình nhận, không lấy thì “phí của trời”.

Cái đám họ lưu .. đã dụ dỗ các cụ già thật thà để ăn cắp tiền chính phủ, chúng đã đi tù nhưng chính phủ cũng cạn tiền. Bữa khác chị sang nhờ tôi điền đơn xin xe wheel-chair, quá đỗi ngạc nhiên, tôi hỏi:

-Chị còn đi đứng mạnh khỏe mà xin xe lăn tay làm gì?

– Không phải lăn tay, mà loại có máy kia, bà Sáu mới xin được.

– Bà Sáu liệt hai chân, chị muốn liệt hả?

-Bà ấy mà liệt gì, bà ấy lái xe lăn “chạy bộ” mỗi sáng, khi vướng bậc thềm trước cửa nhà, chị thấy bà ấy bước xuống nhấc cái xe lăn lên mà! Cậu không giúp thì thôi sao nỡ trù ẻo chị liệt. Vậy thì nhờ cậu điền đơn xin cho chị vài chục giờ để có người lái xe cho chị đi SPA, giúp chị đi chợ và nấu nướng, vài giờ để có người đến kin-ấp nhà cửa …

– Xì-tốp, ai bày vẽ cho chị những chuyện này?

– Bà Bát có mấy đứa con nhà ở trên đồi và bãi biễn, nhưng bà ở hao-zinh một mình trong khu senior, mỗi tháng xin được 60 giờ để có người đến giúp mọi chuyện. Tuần ba lần có người đến chở bả đi SPA. Ông bà Bẩy vẫn đi bộ với chị thì mỗi tuần hai lần có người đến đi chợ và nấu cơm, vậy mà bà Bẩy còn cằn nhằn khó tính với người ta. Bà Tư “chó cắn*” thì mỗi tuần hai lần có người đến klin-ấp trước sau cả mấy tiếng đồng hồ chứ ít sao?

Dân khu phố gọi là bà Tư chó cắn vì bả có nuôi một con pet kiểng, mỗi khi ai đi ngang thì nó chạy ra sủa ỏm tỏi. Nay nghe bà chị nói về sinh hoạt của các bà bạn và muốn xin được như thế khiến tôi muốn “sủa” vài câu:

Họ yếu đuối hoặc độc thân, con cái ở riêng thì họ xin xã hội giúp đỡ, còn chị đã có anh ấy, và mấy đứa nhỏ..

– Biết tôi sắp “giảng đạo” cản đường hưởng thụ, chị vội ngắt lời:

– Người ta cho không tội gì mình không xin, “bỏ phí của trời”, Vả lại, nếu hai vợ chồng sống chung thì tiền già hai người cộng lại chỉ có $xxxx , còn nếu độc thân thì mỗi người thêm được $xxx nên anh chị đang bàn tính ly thân hoặc ly dị để mỗi tháng anh chị cộng lại cũng thêm được vài trăm.. trong đám chị quen biết, thiếu gì những cặp đang sống như thế..

Nghe bà chị thật thà tâm sự những dự tính tương lai mà tôi rùng mình, thật là “nô-mê-đờ-xin”, “hết thuốc chữa”, “phi-nỉ nô đia”, hết nước nói! Có ai trong số đồng hương giống bà chị tôi không nè? Các cụ thường khoe với nhau có “con” làm tổng thống Mỹ, từ anh cả Linh-Tân, tới chú thứ Dọp-Bút rồi cậu út Ba-Ma nên không lo, mọi chuyện đã có họ lo, mình cứ việc no.

Không phải thế đâu chị ơi, tiền các cụ “vung tay đốt nhà táng giấy” là tiền của người dân đi làm và đóng thuế đấy, em đi làm 4 tuần thì chỉ lãnh lương có 3 tuần, còn lương một tuần là đóng thuế để chị có medi-medi đó. Người dân bản xứ họ đi làm từ năm 18 tuổi, đóng thuế 30%, gần 50 năm sau, tới tuổi về hưu họ được hưởng chế độ săn sóc y tế như thế, chúng ta là tỵ nạn, là di dân mới đây thôi, dù có đi làm hay không, khi tới tuổi về hưu cũng được hưởng ké những ưu đãi đó. Nhưng chị đã vung tay quá trán, hoang phí vô tội vạ, chị có biết một viên aspirin 81 mà chị được free thì chính phủ phải trả bao nhiêu không? Số thuốc dư quá hạn mà chị đem cho thì chính phủ phải trả là bao nhiêu đô la không?

Chị có nhớ bữa trước chị bị xây xẩm vì “mất ngủ”, chị bấm 911, xe cấp cứu chở chị vào BV Fountain Valley, rồi chị ra về, nhưng cái biu nó báo cho biết số tiền chính phủ phải trả làm tụi em tối mặt, gấp mấy tháng lương của em đó !

Mỗi lần em an ủi chị đừng đau tưởng tượng, tốn tiền medicaire thì chị mắng em là lo bò trắng răng, ngân khoản y tế mỗi năm vài trăm tỷ, xá gì vài đồng tiền lẻ chữa bệnh của chị. Em hoàn toàn đồng ý với chị là có bệnh thì phải đi chữa, nhưng lạm dụng quá thì không nên, chị có nghĩ đến những trường hợp “ông thầy ăn một thì bà cốt ăn hai”, ăn theo cái mê-đi-keo của chị không? Chính vì thế mà quỹ y tế dành cho người già đang tới hồi cạn kiệt, mới chỉ nghe chương trình y tế năm tới có vài thay đổi là đã lo rối lên.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là cứ đi nghe bạn bè định bệnh cho mình rồi chị đem lo âu sầu muộn về cho gia đình, cho chồng con. Làm sao họ vui và an tâm cho được khi chị không cười mà chỉ thấy than, than vắn thì thở dài từ sáng tới tối.

Chị Nữ ơi, xin chị xét kỹ lại những gì chị đang được hưởng dư thừa và những gì người chị song sinh đang thiếu thốn để mà an tâm với đời sống bình thường mạnh khỏe, đem niềm vui đến cho người thân và chính mình ở tuổi 75.

 

 

17 Năm Trong Các Trại Cải Tạo Của CSVN – Hồi Ký Kale

Thiết tha mời quý vị đọc cuốn sách này để thâm cảm nỗi thống khổ từ tinh thần tới thể xác của những công dân Việt Nam đã vì bảo vệ nền Tự Do cho Dân Tộc, chiến đấu với độc tài cộng sản, mà bị trả thù tàn bạo, bị đầy đọa trong một giai đoạn bi thương của lịch sử.

……………………………………………………………………………………..

Giới Thiệu Về Tác Giả KALE:

  • Tên thật là Lê Anh Kiệt
  • Sinh năm 1945, đã trãi qua gần như cả tuổi trẻ trong chiến tranh và tù đày.
  • Không có tham vọng viết văn chỉ viết để diển tả những suy nghĩ, những quan sát về thân phận mình và vận mạng đất nước sau những biến đổi thăng trầm của lịch sử.
  • Tốt nghiệp trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn, từng làm giáo sư Toán Lý Hoá đệ nhị cấp tại các trường trung học tư thục như Nguyễn Bá Tòng (Sài Gòn và Gia Định), Hoàng Gia Huệ (Trung Chánh), Khiết Tâm (Biên Hoà), Trần Hưng Đạo (Tổng Tham Mưu).
  • Phục vụ tại Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo VNCH.
  • Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đi tù cải tạo của VC cho đến năm 1992.
  • Sang Mỹ năm 1993 và hiện định cư ở tiểu bang Indiana.
  • Về hưu từ năm 2012.

Lời Mở Đầu

Tôi không là văn sĩ, và cũng không có tham vọng làm một nhà văn. Tôi không phải là một nhà ái quốc theo đúng nghĩa của nó. Tôi chỉ là một người Việt Nam bình thường, làm những công việc bình thường trong một quốc gia không bình thường! Giống như hàng trăm ngàn người ở miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng tư năm 1975, tôi đã vào những trại tập trung của Cộng Sản, cái mà chúng đặt tên là “Trại Cải Tạo”, để rồi đã phải trải qua suốt gần 17 năm dài ở trong ấy. Viết những trang hồi ký này, tôi chỉ muốn làm một chứng nhân của một giai đoạn lịch sử chứ không có tham vọng kết án những cái gọi là “tội ác của Cộng Sản” hay nêu gương những người anh hùng bất khuất ở trong đó.

Những người Việt “Quốc Gia” mà trong đó có tôi đã thất bại trong cuộc chiến mà người Mỹ đặt tên là “Chiến Tranh Việt Nam” – cuộc chiến của Mỹ ở chiến trường Việt Nam -. Tôi không biết kết quả thật sự của cuộc chiến ấy là người Mỹ đã thắng hay bại mặc dù sau khi “Chiến Tranh Việt Nam” chấm dứt thì khối Cộng Sản đã lần lượt sụp đổ, nhưng điều mà tôi thấy rõ là những người Việt Quốc Gia đã phải chết trong các Trại Cải Tạo của Cộng Sản hay đang phải lưu vong khắp thế giới, và những người Việt Cộng Sản đang ngự trị trên toàn lảnh thổ Việt Nam. Chúng ta đã thất bại vì chúng ta đã không nêu được cái chính nghĩa “Quốc Gia” trong khi “Việt Cộng” có cái chính nghĩa “Giải phóng” đất nước của họ. Những nhà lãnh đạo của chúng ta đã làm gì trong thời gian chiến tranh, điều đó hẳn là hầu hết chúng ta đã nhìn thấy! Chúng ta đã bị lãnh đạo bởi những người chỉ biết nghĩ đến quyền lợi cá nhân hay tập đoàn hơn là quyền lợi chung của đất nước. Chúng ta mệnh danh là những người “Việt Quốc Gia” nhưng lại trở thành những người đánh thuê cho Mỹ. Khi Mỹ rút lui thì chúng ta không còn một khối người “Việt Quốc Gia” nữa mà đã trở thành những toán quân rã ngũ. Đa số những nhà lãnh đạo thì lo đi tìm sự an toàn riêng cho bản thân và gia đình họ, phần lớn còn lại thì âm thầm hoặc tìm phương lẩn trốn ra nước ngoài hoặc nộp mình vào các trại cải tạo để mong hưởng sự “khoan hồng” của “Đảng và Nhà Nước”.

Ở trong trại Cải Tạo, chúng ta cũng không có một sự đoàn kết nào mà lại sống âm thầm, nghi ngờ nhau, đổ lổi nhau, hoặc tự chia rẽ nhau. Cộng Sản đã khai thác triệt để những nhược điểm ấy để dể điều hành các trại cải tạo của họ.

“Mỗi người Việt Nam đều có trong đầu một ông quan”, không biết cái thành ngữ này có đúng hay không, nhưng tôi thấy không ai trong chúng ta muốn làm một con ốc trong một cổ máy mà chỉ muốn làm người điều hành cổ máy ấy mà thôi, để rồi rốt cuộc thì chẳng ai có một cổ máy nào để điều hành!

Chúng ta đã thất bại và những người Cộng Sản đã chiến thắng. Điều ấy là một thật tế không thể chối cải được! Mặc dù giờ đây thì đất nước ta đang bị cai trị bởi một chủ nghĩa “phi nhân” trong khi cả thế giới đã phải từ bỏ, điều quan trọng mà tôi thấy được là đất nước ta không còn chiến tranh nữa, dân tộc chúng ta không còn chết chóc tang thương nữa. Phần còn lại của chúng ta và của các thế hệ mai sau là làm thế nào để đất nước Việt Nam chúng ta thoát khỏi những tắc nghẽn của một chủ thuyết sai lầm để mà tiến lên.

Tôi viết những trang hồi ký này chỉ để ghi lại những gì đã diễn ra cho chính bản thân tôi cũng như cho những người bình thường nhất ở trong những cái gọi là “Trại Cải Tạo” của Cộng Sản. Tất nhiên còn nhiều điều mà tôi không được chứng kiến hay trải qua, cũng như những điều mà tôi không thể nào nhớ hết được. Vì thế tôi mong những ai đã sống trong giai đoạn ấy nên ghi lại và tổng hợp thành một bức tranh toàn diện về các trại cải tạo của Cộng Sản Việt Nam.

Như tôi đã nói, tôi không là một nhà văn cho nên không có trình độ để trao chuốt văn ngôn. Các bạn đọc nên xem đây như là một lối kể chuyện của một người bình thường. Đối với những ai đã sống trong các trại cải tạo thì coi như đây là một đóng góp để nhớ lại thời gian đen tối và đau khổ của chúng ta. Còn đối với những ai chỉ nghe nói đến hai chử “Cải Tạo” thì coi như đây là một sự tìm hiểu thêm về một giai đoạn của đất nước.

 

Ghi nhớ tất cả các bạn đồng cảnh
những người đã chết trong các trại Cải Tạo.
Gửi tất cả tình thương về mẹ!
KALE

Chỉ Còn Là Kỷ Niệm – Diệp Mỹ Linh

nnn

Để tưởng nhớ Cố Hải Quân Trung Tá Hồ Quang Minh cùng hai em Nguyễn Phiêu Linh, Hồ Quang Trung và kính tặng tất cả Cựu S.V.S.Q./T.B./T.Đ. khóa 6/68 và khóa 4/68

ĐIỆP MỸ LINH

Dù ngày xưa bạn cùng lớp đã “xầm xì” rằng “hắn” hoạt động cho Việt Cộng, tôi cũng không tin; vì – với trí óc non nớt của một nữ sinh trung học cùng với bản tính ngay thẳng, lương thiện – tôi nghĩ, nếu “hắn” thích Việt Cộng thì “hắn” ở lại ngoài Bắc chứ “hắn” theo gia đình di cư vào Nam để làm gì!

Mấy mươi năm sau tôi mới biết, sau khi đỗ Tú Tài II, “hắn” được sang Pháp du học và hiện nay “hắn” đang giữ một chức vụ quan trọng trong guồng máy đầy ác tính của Cộng Sản Việt-Nam.

Nhìn hình của “hắn” và đọc bảng tin báo trong nước viết về “hắn”, tôi ngồi bất động. Những thành tích nội tuyến và phản chiến của “hắn”, ngày xưa, và bằng cấp của “hắn”, hiện tại, không hiểu có chinh phục được ai hay không; nhưng đối với riêng tôi, tôi hoàn toàn không muốn bị nhận là người bạn xưa của “hắn” dưới mái trường Võ Tánh.

Đối với tôi, từ ngày mới lớn cho đến bây giờ, khi nghĩ về nam giới, hình ảnh tôi ngưỡng phục nhất là chàng trai trong quân phục; và hình ảnh tôi yêu thích nhất là chàng trai với cây đàn.

Nhìn hình của “hắn” một lúc, tự dưng nước mắt của tôi nhạt nhòa mà tôi không hiểu nguyên nhân. Một lúc sau, qua màn nước mắt, tôi không thấy hình của “hắn” nữa nhưng tôi lại tưởng như tôi thấy được những người bạn ngày xưa cùng học trường Võ Tánh như: Đặng Hữu Thân, “dân B1”; Ngô Đắc Phú, Lưu Khương Đức “dân B4”; Võ Ấm, “dân B3”; Nguyễn Đình Tân, “dân B2” v. v… Trong những hình ảnh vừa hào hùng, vừa thân thương vừa bi thảm của những thanh niên miền Nam đã gục ngã trong cuộc chiến do Cộng Sản Việt Nam chủ xướng, tôi nhận ra Chú của các con tôi: Thiếu Úy Biệt Động Quân Hồ Quang Trung, xuất thân khóa 4/68 sĩ quan trừ bị Thủ-Đức.

Trung cao dong dõng, đẹp trai, tính tình hiền hòa, nhã nhặn và có ngón đàn Tây Ban Cầm rất nhuyễn. Khi nào về phép Trung cũng ghé thăm tôi. Thỉnh thoảng Trung ôm Guitar, “từng tưng” vài đoản khúc bán cổ điển cho tôi nghe. Đôi khi nghe Trung đàn những bản tôi thích, tôi cũng “la là la” và gật gù theo tiếng đàn. Tình khúc Trung thích nhất là Mấy Dậm Sơn Khê của Nguyễn Văn Đông. Tôi thường “ngân nga” theo và tôi đổi chủ từ cũng như túc từ để thích hợp cho tình cảnh giữa chị em tôi: “Em đến thăm, áo em mùi thuốc súng ngoài mưa khuya lê thê … Em đến đây rồi em như bóng mây… Em hỡi em, đường xa vui đấu tranh, giữa khung trời gió lộng, nghìn sau tiếc nghìn xưa!” Vừa “nghêu ngao” hát vừa nhìn bộ quân phục hoa rừng của Trung tự dưng tôi cảm thấy nao nao trong lòng một niềm ray rức!

Trước khi trở lại đơn vị, Trung cũng thường ghé nhà từ giã tôi. Không thể giấu sự lo âu khi Trung bảo đơn vị của Trung sẽ được điều động về Bình-Long, An-Lộc, tôi khuyên: “Chú cẩn thận”. Trung cười: “Em không can chi mô. Chị đừng có lo.” Nhìn dáng Trung xa dần, tôi chợt liên tưởng đến em tôi: Thiếu úy Pháo Binh Nguyễn Phiêu Linh, xuất thân khóa 6/68 Trường Bộ Binh Thủ-Đức, đang biệt phái cho mặt trận Đức-Lập. Tôi âm thầm cầu nguyện cho Trung và Linh.

Một sáng mùa Hạ năm 1972, chiếc Jeep dừng ngay trước nhà tôi rồi một quân nhân Biệt Động Quân đẩy cổng, bước vào, gõ cửa.

Tôi hơi mất bình tĩnh. Bà giúp việc mở cửa. Anh Biệt Động Quân bước vào. Tôi nhìn quân nhân này, run giọng: “Thiếu Úy Trung… làm sao rồi, anh?” Quân nhân này vẫn trầm tĩnh: “Thưa bà, Thiếu Úy Trung bị thương, đã được trực thăng đưa về bệnh viện dã chiến Vũng Tàu.” Tôi bớt xúc động ngay: “Dạ, cảm ơn anh. Tình trạng của chú Trung như thế nào ạ?” Anh đáp rất thật: “Tôi không rõ lắm; vì tôi không có mặt khi đơn vị của Thiếu Úy Trung đụng trận và tôi cũng chưa đến Bệnh Viện Dã Chiến Vũng Tàu.” Không kịp từ giã người đưa tin, tôi cảm ơn anh một lần nữa rồi vội lách người qua cửa để chạy vào báo tin cho Mạ (Mẹ) và Hà – vợ của Trung.

Mạ ngồi sững như pho tượng trong khi Hà khóc nức nở khiến hai đứa con của Trung cũng òa lên khóc. Vừa dỗ dành con Hà vừa khóc vừa lấy vài thứ cần dùng cho vào xách. Mạ ngạc nhiên: “Sửa soạn đi mô rứa?” Hà khóc lớn hơn: “Con đi thăm chồng con”. Mạ ngăn lại: “Biết cái chi mà đòi đi. Để nhờ chị Hai hắn ra coi tình trạng hắn ra răng rồi tính.” Quay sang tôi, Mạ bảo: “Chao ôi! Thiệt là khổ! Anh Minh của hắn không có ở nhà, chừ con coi giúp Mạ được chi thì con giúp, nghe. Con quen ai bên Biệt Động Quân thì con xin cho hắn về hậu cứ chứ hắn bị thương mà hắn trở ra mặt trận Mạ sợ quá, con ơi!”

Tại Bệnh Viện Dã Chiến, thấy mặt và tay chân của Trung vẫn nguyên vẹn, tôi thầm mừng. Tôi dặn Trung: “Chú chịu khó chờ. Mai tôi sẽ đưa các cháu đi Bến Lức thăm anh Minh. Tôi sẽ hỏi anh Minh xem anh Minh quen ai bên Biệt Động Quân…” Tôi chưa dứt câu, Trung đã nhìn tôi, nghiêm nét mặt: “Chị đưa các cháu đi thăm anh Hai thì chị đưa; còn anh Hai quen ai bên Biệt Động Quân để làm chi, chị Hai?” Lần đầu tiên từ ngày làm vợ của Minh tôi mới nghe Trung nói chuyện với tôi một cách cứng rắn và nghiêm nghị như vậy. Tôi không thể nói dối: “Ý Mạ muốn xin cho chú về hậu cứ.” Trung nhìn thẳng tôi: “Chị Hai! Em tình nguyện về Biệt Động Quân không phải với mục đích để làm việc tại văn phòng. Em có trách nhiệm, em có bổn phận, em có đơn vị của em”. Tôi lúng túng: “Chú giận tôi, phải không? Tôi xin lỗi.” Nét mặt của Trung dịu lại: “Đời mô em dám giận chị. Em chỉ hơi bực mình vì em đã không muốn cho Mạ, Hà và chị biết tin em bị thương; rứa mà đứa mô thày lay…” May quá, vì lúc sáng vội vàng, tôi không để ý tên người lính Biệt Động Quân đưa tin cho nên tôi không cảm thấy bị khó chịu vì không nói ra sự thật. Trung nhìn đồng hồ tay, tiếp: “Chiều rồi, chị nên đi về kẻo mấy cháu trông.”

Hôm sau, sau khi đưa các con đến Căn Cứ Hải Quân Bến Lức, tôi mới được sĩ quan trực cho biết Minh đi hành quân, chiều mới về. Như thường lệ, mỗi khi đến với đơn vị Hải Quân, tôi thích thay y phục dân sự bằng quân phục thủy thủ. Vừa mang đôi ba ta xong, tôi nghe tiếng gõ cửa. Mở cửa, tôi thấy chú tài xế của Minh. Chú ấy nói: “Cô cho em đưa mấy đứa nhỏ ra bãi đáp trực thăng đón Chỉ Huy Trưởng, nha, cô.” Tôi chưa biết đáp như thế nào thì nghe tiếng bốn đứa con của tôi – ngồi sẵn trên xe Jeep – reo lên: “Măng! Măng! Cho tụi con đi đón Ba, nhen, măng.” Tôi chỉ biết cười, vẫy tay rồi đóng cửa lại.

Chỉ một chốc sau, tôi nghe tiếng xe thắng “két” rồi cửa phòng mở toanh và con gái lớn của tôi hớt hãi chạy vào: “Măng! Măng! Trực thăng… rớt rồi!” Tôi hoảng hốt chạy vội ra cửa thì thấy chú tài xế đang ôm ba đứa con của tôi như thể trấn an. Và, tôi thấy, từ khắp mọi nẽo đường của Căn Cứ Hải Quân Bến Lức mọi người chạy ùa về hướng cầu tàu. Tôi chạy theo dòng người, bỏ mặc các con tôi.

Tiếng xe hồng thập tự từ ngoài cổng gác vọng vào. Mọi người rẻ sang hai bên, nhường lối. Xe cứu thương từ từ “de” lui về hướng bờ sông. Một chiếc ghe câu cặp bến. Vì đứng xa, tôi không thể thấy được những người trong lòng ghe. Mỗi khi chiếc băng ca khiêng một người – không phải là Minh – đi ngang, tôi cảm thấy như tôi sắp quỵ xuống; vì tôi ngại Minh đã chết hoặc mất tích trong dòng sông sâu. Trong khi tôi tưởng như sự chịu đựng trong tôi đã cạn kiệt thì bỗng dưng, từ bờ sông, một anh thủy thủ vừa vội vàng chạy về phía tôi vừa reo lên: “Cô ơi, cô! Em thấy Chỉ Huy Trưởng rồi! Em thấy Chỉ Huy Trưởng rồi!” Vài người quay nhìn tôi rồi dạt ra hai bên, tránh lối cho tôi. Tôi bước ra vừa khi chiếc băng-ca có Minh nằm bên trong được khiêng về hướng chiếc xe cứu thương. Tôi chạy theo, thấy máu nhuộm ướt mặt Minh. Khi xe cứu thương rồ máy, tôi tự động leo vào. Nhìn lui, tôi thấy chú tài xế của Minh chở các con tôi chạy theo.

Trên chuyến trực thăng tải thương từ Bệnh Viện Long An về Bệnh Viện Cộng Hòa, tôi tự hỏi không hiểu trái tim của Mạ còn đủ chỗ để chấp nhận thêm tin Minh bị thương hay không!

Sau khi y tá đưa Minh vào phòng Điện Tuyến, tôi thấy một bác sĩ đi về phía tôi. Tôi vui khi nhận ra đó là Bác Sĩ Vĩnh. Sau vài câu thăm hỏi về gia đình, Vĩnh hỏi tôi nguyên do nào Minh bị thương nặng như vậy. Tôi thầm ngạc nhiên vì Vĩnh tỏ ra bặc thiệp và nói nhiều hơn xưa. Tôi bảo Minh bị rớt trực thăng. Vĩnh tròn mắt: “Hải Quân mà lại bị rớt trực thăng?” Tôi cười như mếu: “Dạ, anh ấy đi thanh tra những điểm đỗ quân.” Vĩnh lại hỏi: “Minh làm gì mà đi thanh tra?” Tôi đáp: “Dạ, anh ấy là chỉ huy trưởng Liên Đoàn I Ngăn Chận kiêm chỉ huy trưởng một đơn vị Đặc Nhiệm của Lực Lượng Tuần Thám.” Vĩnh cười tinh nghịch: “Bỏ đàn bỏ hát để nghiên cứu về Hải Quân hay sao mà biết nhiều quá vậy?” Tôi cười gượng, chưa kịp đáp thì thấy chú tài xế của Minh vừa đưa các con của tôi từ Bến Lức về tới. Tôi cáo từ Vĩnh để ra xe với các con tôi.

Tôi nhờ chú tài đưa các con tôi về nhà, nhờ bà giúp việc lo cho các cháu. Trước khi xe nổ máy, tôi chợt nhớ, vội dặn chú tài đừng cho Mạ biết tin Minh bị thương, ngại Mạ lo. Xoay sang các con, tôi cũng dặn như vậy. Các cháu ngạc nhiên: “Măng biểu tụi con không được nói láo mà!” Hơi lúng túng một lúc tôi mới tìm ra giải pháp: “Thôi, được rồi. Mấy con không được vô nhà bà Nội. Khi nào bà Nội hoặc các cô chú hoặc thiếm Trung ghé nhà mình thì mấy con phải chạy ngay lên lầu, không được gặp bà Nội, thiếm Trung hoặc các cô chú. Chịu chưa?” Nét mặt của các con tôi tiu nghỉu, buồn xo.

Suốt thời gian dài thăm nuôi Minh, tôi vẫn chưa cho Minh biết tin Trung bị thương. Và tôi cũng không có thời gian để ra Vũng Tàu thăm Trung.

Một hôm, đang sửa soạn các thứ cần dùng để đem lên Bệnh Viện Cộng Hòa cho Minh, tôi thấy Trung bước vào nhà. Tôi ngạc nhiên. Trung bảo bác sĩ cho Trung xuất viện và Trung từ chối mấy ngày phép dưỡng thương; vì đơn vị của Trung bị “tụi hắn quần thảo liên miên!” Nhận ra nét ái ngại của tôi, Trung – trong quân phục Biệt Động Quân, giày trận, mũ nâu – đứng thẳng, cụp hai chân trong thế nghiêm rồi ưỡng ngực, bảo: “Em ‘ngon lành’ như ri mà chị lo cái chi?” Tôi cười rồi cho Trung biết Minh bị thương. Trung ngồi lặng yên, nhíu mày suy nghĩ rất lâu rồi bảo: “Chị Hai! Em chỉ đủ thì giờ ghé thăm Mạ, thăm chị và vợ con em rồi em phải trở ra đơn vị ngay. Em không thể ghé thăm anh Hai.” Nói xong Trung vội vàng từ giã tôi.

Tiễn Trung ra cổng, nhìn chiếc mũ nâu của Trung chập chờn, khi ẩn khi hiện trong dòng người, tôi cảm nhận được niềm hãnh diện hòa lẫn với nỗi lo âu trong lòng tôi!

Niềm lo âu trong tôi về sự trở lại chiến trường Bình Long của Trung cũng không khác mấy so với sự ái ngại của tôi khi biết Minh – sau khi xuất viện và nghỉ bảy ngày phép dưỡng thương – được lệnh phục vụ trên Tuần Dương Hạm Trần Quang Khải, HQ 2, để thực tập làm hạm trưởng; vì tôi hiểu Minh chịu sóng không được!

Trong thời gian âu lo cho Trung và Minh, tôi quên bẳng Nguyễn Phiêu Linh. Như để nhắc nhở sự vô tình của tôi, một nhân viên truyền tin từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân đến nhà, đưa tin: “Thưa bà! Ông Nguyễn Văn Ngữ, trưởng Ty Nội An thị xã Cam Ranh, nhờ Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Cam Ranh chuyển tin đến bà là Thiếu Úy Nguyễn Phiêu Linh đã mất tích ở mặt trận Đức Lập!” Tôi há hóc mồm, nhìn sững người đưa tin, không thốt được một lời!

Sau một thoáng khủng hoảng tinh thần, tôi quỳ xuống, nhìn lên bàn thờ Phật niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi cứ thành tâm cầu nguyện Phật Bà mỗi ngày, mỗi đêm. Như một sự linh nghiệm từ Phật Bà, khoảng một tuần sau, tôi nhận được điện tín của Ba tôi: “Linh bị Việt Cộng bắt. Linh đã vượt thoát về trình diện đơn vị.” Tôi lại quỳ xuống, nhìn lên bàn thờ Phật, âm thầm tạ ơn Phật Bà.

Thời gian này – mùa Hè năm 1972 – Vùng I, Vùng II và Vùng III Chiến Thuật chìm ngập trong khói lửa, vì những trận tấn công quy mô và ác liệt của Việt Cộng. Chỉ có Vùng IV tương đối bình yên.

Theo dõi tin tức qua báo chí, radio và TV, tôi rất lo âu cho Trung và Linh. Vì đơn vị của Linh thuộc Vùng III chiến thuật; đơn vị của Trung lại gần vị trí của Tướng Tử Thủ Lê Văn Hưng. Theo dõi tin tức, biết Bình Long – An Lộc mỗi ngày phải “nhận” không biết bao nhiêu ngàn quả đại pháo của Việt Cộng, tôi xốn xang và âu lo cho người em chồng mà tôi thương như em ruột của tôi!

Rồi một sáng sớm, chiếc Jeep dừng trước nhà, một quân nhân mặc quân phục Biệt Động Quân bước vào. Như linh cảm được điều gì đó, tôi run quá, đứng xa xa để bà giúp việc mở cửa. Anh Biệt Động Quân nhìn tôi: “Thưa, bà có phải là bà Minh không ạ?” Nhìn nét mặt nghiêm và đôi mắt của anh Biệt Động Quân như ẩn chứa điều gì rất khó tả, tôi cảm biết rằng tôi không thể đứng vững được cho nên tôi dựa vào tường, vừa bước dần về ghế xa-lông vừa nhìn anh Biệt Động Quân vừa gật đầu. Như nhận biết sự xúc động tột cùng của tôi, anh Biệt Động Quân đến bên tôi: “Bà bình tĩnh. Bà ngồi vào xa lông đi”. Vừa ngồi vào xa lông vừa nhìn anh Biệt Động Quân, môi tôi run và trệ xuống như sắp khóc, tôi hỏi từng tiếng: “Thiếu Úy Trung tử trận rồi, phải không?” Anh Biệt Động Quân đứng im, cúi mặt…

Tiếng xe Jeep rồ máy khiến tôi choàng tĩnh. Tôi hiểu rằng tôi phải bình tĩnh, phải dồn tối đa nghị lực để giúp Mạ và Hà vượt qua cơn đau này! Tôi biết, nếu, ngay giờ phút này, tôi vào cho Mạ và Hà hay tin Trung tử trận thì không thể nào tôi đủ sáng suốt để làm bất cứ điều gì cho Trung khi quang tài của Trung được đưa về! Tôi quyết định sẽ tin cho Mạ và Hà biết sau khi tôi lo xong vài việc quan trọng cho Trung.

Tôi sang Bộ Tư Lệnh Hải Quân, nhờ Trung Tâm Truyền Tin thông báo cho HQ 2: “Em ruột của Hải Quân Trung Tá Hồ Quang Minh là Thiếu Úy Biệt Động Quân Hồ Quang Trung đã tử trận tại Bìn- Long”. Sau đó tôi đến chùa Vĩnh Nghiêm xin nghi thức tụng niệm và nơi quàng quang tài của Trung. Và tôi ghé nhà người anh của cố Thiếu Úy Võ Ấm. Anh này là chánh văn phòng của một nhân vật đầy uy quyền. Tôi nhờ anh xin cho Trung một phần mộ trong nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi.

Trên những đoạn đường lo việc hậu sự cho Trung, trong tâm tôi đã sắp sẵn một bài viết về Trung.

Nếu trên đời, trong địa hạt văn chương, có điều gì tôi hối tiếc nhất, thì đó là bài tôi viết cho Hồ Quang Trung, đăng trên báo Tia Sáng, mà nay tôi chỉ nhớ được câu cuối cùng: “Từ nay, chị sẽ tìm hình bóng em qua nhân dáng oai hùng của Người Lính Mũ Nâu!”…

… Đang chìm đắm trong dòng hồi tưởng buồn thảm, chợt điện thoại reng, đưa tôi trở về hiện tại. Tôi “Allo”. Từ đầu giây bên kia, giọng nam, nói tiếng Anh:

– Chúc mừng ngày của Mẹ.

Tôi cũng đáp bằng tiếng Anh

– Cảm ơn. Xin lỗi, ai đây?

– Tôi là người bị bà dọa gọi cảnh sát bắt đây.

Tôi giật mình, nhớ lại cách nay vài hôm, trong buổi chiều đi bộ tập thể dục, điện thoại cầm tay của tôi reng hoài mà khi mở ra, “allo”, thì không ai trả lời. Nghĩ rằng có người phá cho nên tôi bực mình, nói tiếng Anh: “Làm ơn đừng gọi số này nữa. Nếu gọi một lần nữa, tôi sẽ lấy số điện thoại của bạn rồi tôi sẽ thưa cảnh sát.” Tôi đáp:

-Vâng, tôi có nói như vậy; vì tôi không biết ông là ai mà cứ gọi phá tôi nhiều lần.

Đầu giây bên kia phát âm tiếng Việt:

-Tại điện thoại của tôi bị trục trặc chứ ai phá …bà làm chi.

Tiếng “bà” và giọng Huế khiến tôi nhận ra đây là Toàn, tác giả nhiều tác phẩm tình cảm xã hội và nhiều thước phim chiến trường. Toàn cũng là bạn thân của Minh từ xưa. Ngày xưa Toàn dạy tại trường Cường Để, sang Mỹ Toàn học lại và tốt nghiệp bác sĩ nhãn khoa. Tôi cười:

-Dạ thưa Thầy.

-Sao? Thằng bạn già của tôi sao rồi?

– Dạ, ổng dạo này sướng lắm Thầy ơi! Người ta “sáng vác ô đi, tối vác về”; còn ổng thì sáng xách xe đi, tối xách xe về.

– Còn bà, đang làm gì đó?

– Dạ, em đang đọc tin tức về Việt Nam.

– Bà có gì lạ không?

– Dạ, em sắp đi Cali. Còn Thầy đang ở đâu?

– Tôi đang ở D.C. thăm con và lo vài chuyện, 3 tuần nữa mới về Cali. Bà đi Cali. có việc gì?

– Dạ, em tham dự Hội Ngộ của khóa 6/68 sĩ quan Thủ Đức.

– Bà có liên hệ gì với Trường Bộ Binh Thủ Đức?

– Dạ, Nguyễn Phiêu Linh, em của em, bị động viên vào khóa 6/68. Thầy nhớ Linh không, thưa Thầy?

– Nhớ chứ sao không. Cái thằng ốm ốm, “ông Già bà Già” bắt nó theo canh chừng bà hoài đó chứ gì.

– Dạ. Linh không còn nữa!

– Biết rồi. Chừng nào bà đi? Cho biết ngày, tôi sẽ bay về Cali đón bà.

– Dạ, cảm ơn Thầy nhưng gia đình khóa 6/68 lo cho em rồi.

Toàn nghiêm giọng:

– Ngày xưa bà theo Hải Quân, bà … bỏ tôi. Bây giờ bà theo Bộ Binh, bà bỏ tôi!

– Chết! Chết! Thầy ơi! Em đâu có là gì của Thầy mà Thầy bảo em bỏ Thầy?

– Giận quá! Tức quá thì nói rứa đó! Tội nghiệp cho Cô Lượng của tôi! Cô cứ bảo “Toàn gửi gạo vô cô nuôi Thanh Điệp cho”. Chao ôi! Cô nuôi cách chi mà sẩy mất tiêu!

Tôi tìm cách chuyển đề tài:

– Thôi, Thầy ơi! Đừng trách em nữa. Thầy đàn và hát cho em nghe đi, Thầy.

– Yêu cầu tôi đàn hát thì tôi đàn hát cho mà nghe; hứa là không báo cảnh sát bắt tôi, nghe chưa?

Tôi cười. Tiếng Piano tạo nên dòng Tango rộn ràng, vui tươi. Tôi nhận ra Toàn đang đàn Tiếng Đàn Tôi của Phạm Duy. Dạo hết phân đoạn đầu, Toàn bắt vào: “Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt… Vì cuộc tình đã chết một đêm nao… Mênh mông lả lơi, lạnh lùng em đã rời tôi…Khoan, khoan hò ơi! Lệ sầu rụng xuống đàn tôi!” Không hiểu Toàn vô tình hay cố ý khi hát bài này, nhưng lời ca làm tôi cảm thấy buồn buồn.

Toàn chuyển qua một tình khúc êm dịu: “Memories, pressed between the pages of my mind. Memories, sweetened thru the ages just like wine…”(1)

Theo dòng nhạc và tiếng hát ngọt ngào của Toàn, hình ảnh của Linh chờn vờn trong tầm mắt tôi. Tôi nhớ những buổi sáng mờ sương, Linh và tôi đi bộ từ đường Phan Đình Phùng băng qua vườn rau cải để đến trường Domain de Marie, trên đường Hai Bà Trưng, Dalat. Tôi không quên được những “trận đụng độ” giữa các hội tuyển nổi tiếng, Ba tôi – bút hiệu Điệp Linh – thường cho tôi và Linh đi theo xem đá banh. Những lần đó tôi thấy Ba tôi phỏng vấn các cầu thủ danh tiếng, nhất là thủ môn Rạng, để viết tường thuật cho báo Đuốc Thiêng. Nhờ được xem đá banh tôi mới biết chút ít về nghệ thuật và quy luật đá banh. Nhờ vậy, vào những dịp đội banh trường Võ Tánh đấu với đội banh trường khác, tôi thấy Linh có những cú “sút” rất “thần kỳ”, chàng giữ “gôn” đỡ không nỗi! Một “vai trò” mà Linh rất ghét, là – theo “lệnh” của Ba Má tôi – Linh phải giả vờ đi ra đi vô phòng khách thường xuyên mỗi khi có chàng nào đến nhà thăm tôi để “nghe ngóng” xem chàng nào có lời lẽ hoặc thái độ không đứng đắng đối với tôi thì mách cho Ba Má tôi. Có lẽ Linh ít hợp với Toàn; vì lúc Toàn quen với tôi tại nhà thầy Lượng thì tôi chỉ mới học đệ Lục hoặc đầu năm đệ Ngũ và Linh học sau tôi cho nên biết Toàn là giáo sư, Linh ngại. Linh gọi Toàn bằng Thầy; tôi cũng gọi Toàn bằng Thầy. Dạo đó, vì tôi còn là trẻ con cho nên Cô của Toàn, vợ thầy Lượng dạy Pháp văn và cũng là Mẹ của bạn tôi, cứ đùa: “Toàn gửi gạo vô cô nuôi Thanh Điệp cho.” Linh và Minh rất hợp vì cả hai đều mê đá banh và đều có cú “sút” “ngàn cân”. Linh nói với Ba Má tôi nhận xét của Linh về sinh viên quân y Vĩnh: “Khi nào anh Vĩnh tới, Ba Má khỏi cần bắt con ‘do thám’; vì anh Vĩnh chỉ ngồi nhìn chị Hai rồi cười chứ anh Vĩnh có nói tiếng nào đâu!” Khi thụ huấn tại quân trường Th -Đức, Linh và Trung trở thành đôi bạn thân.

Vừa nhớ đến đây, tôi chợt nhận ra Toàn đã hát trở lại phân đoạn đầu. Đến phân đoạn thứ hai, lời ca làm tôi xúc động, bùi ngùi: “…Quiet thought come floating down and settle softly to the ground like golden autumn leaves around my feet. I touched them and they burst apart with sweet memories…” Tiếng hát của Toàn vẫn thiết tha, trầm ấm nhưng suối nguồn thương nhớ Linh và Trung cứ cuồn cuộn dâng cao trong lòng tôi.

Nhìn bầu trời trong xanh của một sáng mùa Hạ, tôi tưởng như tôi thấy lại Linh và Trung – trong quân phục sinh viên sĩ quan Trừ Bị Thủ-Đức – vào những cuối tuần xa xưa, khi Linh và Trung từ Quân Trường Thủ Đức về Sài Gòn thăm tôi. Rồi, từ niềm nhớ thương chất ngất trong hồn, tôi tưởng như tôi không còn nghe tiếng đàn và giọng hát của Toàn nữa nhưng tôi lại nghe được tiếng Guitar của Trung trong ca khúc mà khi xưa Trung rất thích. Khi tiếng Guitar của Trung đến đoạn gần cuối của ca khúc Mấy Dậm Sơn Khê, tôi vừa “ngân nga” nho nhỏ: “… Em hỡi em! Đường xa vui đấu tranh giữa khung trời gió lộng, nghìn sau tiếc nghìn xưa!…” vừa cảm nhận hai hàng nước mắt từ từ lăn dài trên khuôn mặt hằn nhiều nếp nhăn của tôi!

(1) Elvis Presley lyrics
ĐIỆP-MỸ-LINH

http://www.diepmylinh.com

Nhà văn Điệp Mỹ Linh – 55 Năm Cầm Bút – Mũ Nâu 11


HỆ THỐNG TRUYỀN THÔNG VIỆT NAM HẢI NGOẠI

Chương Trình Tác Giả &Tác Phẩm

ĐIỆP MỸ LINH

55 Năm Cầm Bút

Thưa quý vị thính giả,

Điệp Mỹ Linh là một tên tuổi không xa lạ gì với những người còn chút quan tâm đến nền văn chương chữ nghĩa trên bước đường lưu vong.

Bà viết rất nhiều thể loại, từ truyện ngắn, truyện dài, phê bình văn học, đến tài liệu lịch sử về người lính năm xưa.

Đặc biệt, bà dành rất nhiều tâm huyết cho những tác phẩm về quân chủng Hải Quân Q.L.V.N.C.H. Bởi lẽ đơn giản, bà là phu nhân của Cố Hải Quân Trung Tá Hồ Quang Minh, xuất thân khóa 8 sĩ quan H.Q. Nha Trang.

Bây giờ chúng ta hãy cùng dành ít phút trò chuyện cùng người phụ nữ đa tài và cũng đầy tâm huyết này nhé:

Thưa chị! Trước hết thay mặt cho thính giả của H.T.T.T.V.N.H.N. nói chung và Chương Trình Tác Gỉa & Tác Phẩm nói riêng, chúng tôi xin được hân hoan chào mừng nhà văn Điệp Mỹ Linh và cũng chân thành cám ơn chị đã dành thì giờ quý báu để đến với chương trình hôm nay.

Kính chào anh Huy Tâm cùng toàn thể quý thính giả đang theo dõi Chương Trình Tác Giả &Tác Phẩm trên Hệ Thống Truyền Thông Việt Nam Hải Ngoại. Điệp Mỹ Linh cũng xin được kính lời cám ơn Ban Giám Đốc Hệ Thống Truyền Thông Hải Ngoại đã tạo cơ hội cho Điệp Mỹ Linh được giàn trải tâm tư của Điệp Mỹ Linh với quý thính giả qua làn sóng của đài Việt Nam Hải Ngoại.

“Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” chúng tôi đã có dịp thưởng lãm tác phẩm của chị từ khá lâu. Mãi đến hôm nay mới có cơ duyên trao đổi cùng chị trên làn sóng của đài Việt Nam Hải Ngoại, thật là một vinh dự lớn lao. Bây giờ xin chị tóm lược một chút về thân thế, để thính giả có thể làm quen với một nguời cầm bút đã có nhiều tác phẩm được ưa chuộng.

Thưa anh, tên thật của tôi là Nguyễn Thị Thanh Ðiệp, sinh quán tại Dalat, học trường Domain de Marie; trường nằm cạnh đường Hai Bà Trưng và cách chùa Tuệ Quang không xa lắm. Năm tôi hơn mười tuổi gia đình dời về quê Nội, Nha Trang; tại đây tôi theo học trường trung học Võ Tánh; đệ nhị cấp tôi theo ban B (ban toán). Thời gian này tôi đàn Accordéon và hát cho Ðài Phát Thanh Nha Trang, trong ban ca nhạc Bình Minh, do Ba tôi – cụ Ðiệp Linh Nguyễn Văn Ngữ – làm trưởng ban. Sau đó tôi theo học Luật tại đại học Luật khoa Saigon. Hiện nay tôi định cư tại thành phố Houston, TX.

Thưa chị! Qua phần tiểu sử, chúng tôi được biết, chị bắt đầu cầm bút từ năm 1961. Tính đến nay là hơn nửa thế kỷ làm bạn với chữ nghĩa. Thế đã có một thống kê chính xác nào về số lượng tác phẩm chị ra mắt độc giả chưa ạ?

Kính thưa quý thính giả, kính thưa anh, những bài đã viết trước 1975, không thể nào tôi nhớ được. Từ khi Ba tôi bắt đầu dạy cho tôi viết, năm 1961, quan niệm của tôi cũng giống như quan niệm của Ba tôi: Viết để giải tỏa những suy tư, những cảm nhận của mình chứ không viết với mục đích để trở thành nhà văn.

Nhưng, đầu thập niên 80, nhà thơ Huy Lực Bùi Tiến Khôi – hiện tại cũng cư ngụ tại Houston – khuyên tôi nên gom những bài viết để in thành sách. Tôi đáp rất thật lòng: “Thưa anh, em chỉ viết chơi thôi mà!” Nhưng lúc nào gặp tôi, anh Huy Lực cũng nhắc nhở và khuyến khích tôi. Nhờ sự khuyến khích của một ngòi bút đàn anh, tôi ấn hành tác phẩm đầu tiên: Một Đoạn Đường. Tôi rất biết ơn nhà thơ Huy Lực Bùi Tiến Khôi.

Sau Một Ðoạn Ðường là Bước Chân Non, Sau Cuộc Chiến, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa Ra Khơi, 1975, Cuồng Lưu, Tưởng Như Trở Về, Ðưa Tiễn, Tìm Vết Chân Xưa và Trăng Lạnh. Muốn biết thêm chi tiết, kính mời quý thính giả vào trang nhà www.diepmylinh.com để đọc những tác phẩm của Điệp Mỹ Linh.

Và trong tương lai gần, chị có dự định sẽ in thêm các tác phẩm nào nữa chăng, thưa chị?

Thưa anh, tôi đang dò lại chính tả để ấn hành tác phẩm thứ 10, mang tựa đề Chỉ Còn Là Kỷ Niệm.

Chị có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong suốt thời gian cầm bút để kể cho thính giả cùng nghe không ạ!

Thưa anh, kỷ niệm buồn nhất trong đời viết văn của tôi là năm 1972, chú em của ông nhà tôi – thiếu úy Biệt Động Quân Hồ Quang Trung – tử trận tại Bình Long, được quàng tại chùa Vĩnh Nghiêm, gần cầu Công Lý. Chú ấy rất hiền nhưng lại là một sĩ quan trẻ đầy dũng cảm, đã từ Quân Báo xin chuyển sang Biệt Ðộng Quân. Trước cái chết mang tính chất hào hùng của chú, tôi xúc động mãnh liệt. Tôi viết một bài ngắn, ký tên thật, Thanh Ðiệp, đăng trên Tia Sáng hay Tin Sáng tôi không nhớ rõ. Vô tình bài báo ấy đến tay vợ chú mà tôi hoàn toàn không biết. (Tôi quên thưa với anh là tôi chỉ viết lén, vì ông nhà tôi không thích tôi cầm bút, do đó tôi mới lấy nhiều bút hiệu khác nhau). Vợ chú đọc xong, buồn quá, cầm bài báo, lén mọi người, chạy ra cầu Công Lý với ý định trầm mình chết theo chú. Gia đình hay được, vội chạy đến khuyên ngăn. Vợ chú ấy không nói một lời, chỉ khư khư cầm bài báo và lặng lẽ khóc. Sau khi gỡ được bài báo từ tay vợ chú, đọc xong – vì thấy tên thật của tôi – gia đình “dũa” tôi một trận nặng nề! Gia đình bảo vì bài báo của tôi mà suýt nữa gia đình mất thêm một người thân!

Kỷ niệm vui là năm 1976, tôi viết cho tờ Âu Cơ của nhóm sinh viên bên Tây Ðức, ký tên con gái tôi – Xuân Nguyệt. Sau đó nhiều anh sinh viên viết thư làm quen với Xuân Nguyệt mà lúc đó Xuân Nguyệt còn bé xíu.

Thưa chị! Năm mươi lăm năm là thời gian đủ dài cho một thế hệ trưởng thành. Và cũng đủ cho lớp bụi thời gian phủ mờ trên ký ức đau buồn, hay những kỷ niệm đẹp của một thời thanh xuân đã qua. Thế nhưng với chị, thời gian dường như bất lực. Bởi hình tượng người lính hào hùng của một quân lực đã bị bức tử năm xưa vẫn sừng sững trong các tác phẩm của chị! Hiện tượng này nói lên điều gì, thưa chị?

Thưa anh, ngày xưa tôi học ban B, trong lớp chỉ có 2 đứa con gái là Đỗ Thị Nghiên và Thanh Điệp; số nam sinh các lớp B tuần tự vào Lính. Nghĩa là từ tuổi mới lớn tôi đã có nhiều bạn hữu đi Lính. Khi lập gia đình, tôi cũng “chọn” một người Lính; rồi em tôi, em chồng tôi cũng vào Lính. Đó là lý do tôi dành rất nhiều thiện cảm cho mấy ông Lính.

Mối thiện cảm này trở nên sâu đậm hơn, lênh láng hơn và tha thiết hơn kể từ khi tôi tháp tùng nhiều cuộc hành quân hỗn hợp – do Hải Quân Trung Tá Hồ Quang Minh chỉ huy. Chính tôi thấy tận mắt sự chiến đấu can cường, liều lĩnh đến độ phi thường của người Lính V.N.C.H. Ngoài tinh thần bất khuất và quả cảm, người Lính V.N.C.H. còn mang trái tim chĩu nặng tình người. Chính tôi đã thấy một ông Lính vai mang ba lô, tay phải cầm súng, tay trái ôm em bé bê bết máu, chân lội bì bỏm từ rừng dừa nước chạy ra, hướng về đoàn chiến đỉnh, trao đứa bé, cho biết là cả gia đình đứa bé bị Việt Cộng giết hết; vì Bố của đứa bé là xã Trưởng! Năm Mậu Thân đơn vị của ông nhà tôi chịu trách nhiệm an ninh vùng Bình Điền, Chợ Lớn, chính tôi thấy Việt Cộng bắt trẻ em và phụ nữ đi trước để Lính VNCH không dám bắn còn Việt Cộng khom khom phía sau. Khi đến gần đồn hoặc chiến đỉnh, Việt Cộng vẫn núp sau lưng đàn bà và trẻ em để bắn vào đồn hoặc chiến đỉnh. Trong bài phỏng vấn đăng trong cuốn tài liệu Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975, Trung Tướng Vĩnh Lộc – Tham Mưu Trưởng cuối cùng của Q.L./V.N.C.H. – đã nói: “Người Lính V.N.C.H. chiến đấu mà không man rợ!”

Thưa chị! Danh tướng Douglas MacArthur có câu nói để đời: “Người lính già không bao giờ chết, họ chỉ mờ nhòa đi thôi!”

41 năm đã trôi qua, kể từ khi vận nước điêu linh, dân tộc rơi vào cảnh lầm than tăm tối. Và chúng ta trở thành những kẻ lưu vong trôi dạt khắp bốn phương trời. Không thiếu những kẻ đã quên đi nỗi tủi nhục ấy, nhưng với riêng chị, qua ngòi bút vẫn nói lên nỗi trăn trở khôn nguôi. Nhất là cái tình cảm chị dành cho các chiến sĩ năm xưa thật vô cùng nồng ấm. Và hình bóng những người lính ấy hình như chẳng bao giờ nhòa đi trong trái tim chị. Bằng tâm tình của một người đã từng cầm súng, chúng tôi xin nghiêng mình trước mỹ ý của chị. Chính chị, phần nào đã góp sức để trả lại vị trí xứng đáng cho người lính V.N.C.H.

Xin cảm ơn anh Huy Tâm. Nhưng tôi không dám nhận lời cảm ơn của anh; bởi vì, tôi nghĩ, nếu không có sự hy sinh vô bờ của người Lính V.N.C.H. thì làm thế nào thế hệ của tôi được sống và lớn lên trong một xã hội an bình, có nền tảng giáo dục và đạo đức cao như vậy? Tôi chịu ơn người Lính V.N.C.H. Do đó, lúc nào tôi cũng muốn dùng ngòi bút để gửi đến độc giả những nét đẹp, nét hào hùng của người Lính V.N.C.H.

Tôi thoáng đọc đâu đó câu : “Hãy trả lại danh dự cho người Lính và Quân Lực V.N.C.H.” Tôi ngạc nhiên: Danh dự của người Lính và Quân Lực V.N.C.H. ai có thể cướp đi được mà đòi trả lại! Người Lính V.N.C.H. đã chu toàn trách nhiệm và bổn phận trước lịch sử. Ai hoài nghi thì mời xem lại hồ sơ những trận đánh “để đời” của người Lính V.N.C.H. trong các trận chiến đẩm máu tại An Lộc, Bình Long, Hạ Lào, Cổ Thành Quảng Trị, Pleime, Đồng Xoài, Vũng Rô, v.v…Với kỹ thuật tác chiến thần tốc của Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Bộ Binh, v.v…Người Lính và Quân Lực V.N.C.H. chưa bao giờ thua Cộng Sản Bắc Việt tại chiến trường mà chính quyền miền Nam đã thua tại bàn hội nghị – vì sự tráo trở, gian manh, lật lộng của Cộng Sản Việt Nam!

Tháng Ba 1975, lệnh rút quân khỏi Cao Nguyên, rồi lệnh rút quân khỏi Vùng I, Vùng II…Sáng 30-04-1975, ông Dương Văn Minh đầu hàng và ra lệnh người Lính V.N.C.H. buông súng! Vào thời điểm nghiệt ngã như vậy, người Lính V.N.C.H. làm được gì khi vũ khí và đạn dược không được tiếp tế mà lệnh đầu hàng thì đến từ vị chỉ huy tối cao, Tổng Tư Lệnh Dương Văn Minh? Sự thật là như vậy – tài liệu và phim ảnh còn đó – thì làm thế nào người Lính và Q.L.V.N.C.H. có thể bị mất danh dự được?

Tôi nhận thấy, vị thế của người Lính V.N.C.H. vào năm 1975 không khác chi vị thế của quân đội Nhật vào thời điểm sau khi chính phủ Nhật Bản ký văn kiện đầu hàng trên chiến hạm USS Missouri tại Tokyo Bay, vào mùa Hạ năm 1945.

Từ năm 1945 đến nay, tôi chưa được đọc hoặc nghe ai kết luận quân đội Nhật Bản mất danh dự cả! Thế thì tại sao lại “đòi” trả lại danh dự cho người Lính và Q.L.V.N.C.H.?

Anh nhắc lời của Tướng Douglas MacArthur tôi mới nhớ một câu trong bài Điệp Mỹ Linh tường thuật buổi đại hội của Hải Quân tại Houston. Câu ấy như thế này: “…Riêng những người Việt trốn chạy khỏi sự tận diệt của Cộng Sản Việt Nam thì nghĩ rằng: Người Lính V.N.C.H. sẽ chết – vì “chết” là định luật của thiên nhiên! Nhưng hình ảnh của Người Lính V.N.C.H. thì sẽ sống mãi trong lòng những người không chấp nhận chế độ Cộng Sản”.

Tôi tin tưởng rằng, với hệ thống Internet, người trẻ trong nước đã, đang hoặc sẽ đọc nhiều tài liệu quan trọng và họ sẽ hiểu rõ hơn về người Lính V.N.C.H.

Thưa chị Điệp Mỹ Linh, hôm nay đã là hạ tuần tháng 11 năm 2016 chúng ta thực hiện chương trình Tác giả & Tác phẩm này qua chủ đề “Nhà văn Điệp Mỹ Linh 55 năm cầm bút” thay cho một bông hoa nhỏ để chúc mừng sinh nhật của chị vào ngày 27 tháng 11 sắp tới, với lời cầu chúc chị luôn dồi dào sức khỏe hầu tiếp tục cho ra đời những tác phẩm mới, làm rạnh danh chính nghĩa nhân bản của V.N.C.H., tô điểm rõ nét hơn hình tượng người lính năm xưa và góp phần tạo sự phong phú thêm cho kho tàng văn hóa dân tộc.

Bây giờ mời quý thính giả cùng chúng tôi hát chúc mừng Happy Birthday chị Điệp Mỹ Linh nhé!

Happy Birthday Song…

Thưa chị ! Mặc dù còn rất nhiều vấn đề muốn được trao đổi cùng chị. Nhưng vì lý do thời lượng nên chúng ta đành tạm gác lại. Hy vọng một dịp nào đó, sẽ được hân hạnh mời chị trở lại với chương trình. Bây giờ xin chị gửi lời chào tạm biệt đến quý thính giả trước khi rời làn sóng!

Một lần nữa, Điệp Mỹ Linh xin chân thành cám ơn đài Việt Nam Hải Ngoại đã dành cho Điệp Mỹ Linh một món quà rất đặc biệt nhân sinh nhật năm nay.

Xin kính chúc đài Việt Nam Hải Ngoại luôn phát triển để tiếp tục gửi tiếng nói thân thương đến với đồng hương của chúng ta trên khắp thế giới

Kính chào tạm biệt quý thính giả, kính chào anh Huy Tâm, rất mong sẽ được cơ hội tái ngộ cùng quý vị.

Xin chào chị!

Về hưu – Vũ Thất

Hôm nay gặp may, không máy nào nổi đèn báo hiệu bị đứt cầu chì, bị kẹt, hết giấy, hết mực…; tôi chỉ phải “châm” thêm ít giấy mới. Dư thì giờ, tôi chợt thấy cũng nên lên từng chót xem có gì mới lạ. Tôi từng lên đây một lần ngày đầu mới đến. Hãng này trước đóng đô ở Maryland trong tòa nhà ba tầng, sau nhờ làm ăn khấm khá nên thuê một tòa nhà sáu tầng hoàn toàn mới ở Virginia. Trong hai năm, hãng bành trướng thêm hai tầng và dự trù năm tới sử dụng luôn tầng chót.
Tầng lầu vẫn thế, vẫn trống trơn, thênh thang, sạch sẽ. Ánh nắng phản chiếu lên lớp gạch nhựa màu lục có vân tỏa ra một độ sáng mát mắt. Tôi bước đứng sát khung kính khoảng giữa. Vách của tòa nhà được thiết trí toàn bằng khung kính nhuộm màu xanh nhạt ngăn tia tử ngoại.
Bên ngoài, cả một phần không gian tuyệt đẹp. Nền trời biêng biếc sau vô số tòa nhà vươn cao, treo lơi khơi vài đám mây trắng dị hình qua đó một chiếc phi cơ đang chúc mũi xuống phi trường Dulles. Những dáng cây trụi lá không che kín con lộ 66 rộn ràng. Mặt đất thường là hoa cỏ đầy sắc màu giờ đây chỉ là một thảm tuyết trắng xóa mênh mông. Chếch hướng hai giờ, gần gụi nhất là tòa cao ốc bề thế mang biển SpringHill Suites Marriott, nơi mười hôm trước hãng mở tiệc mừng Giáng Sinh cho bốn trăm nhân viên trong một ballroom lộng lẫy. Về phía trái, nằm dọc con hương lộ mới mở là khu townhouse rộng lớn đang xây cất, nghe đâu có đến ba trăm căn. Một tấm biển dựng ngay cạnh đường đề giá từ 250 ngàn. Tôi nhìn cái giá mà thấy mừng. “Từ 250 ngàn” có nghĩa đó là giá thấp nhất. Mười lăm năm trước, cũng một căn tương tự, chúng tôi mua với giá chỉ bằng một phần ba, và bảy năm sau đó, cũng với số tiền này chúng tôi mua được căn single house. Tôi mừng vì cái biển quảng cáo xác nhận chúng tôi ước tính đúng. Và đó chính là động lực khiến nhà tôi thúc đẩy tôi phải… về hưu: bán một căn, nhập tiền lời vào tiền an sinh xã hội là tôi có thể sống lâu… trăm tuổi!
Quyết định nghỉ việc thì không mấy khó nhưng mở lời với Sếp thì quá ngại ngùng. Mở lời thế nào cho Sếp khỏi giận khi mới tuần rồi tôi đã tỏ ra quá hài lòng khi được Sếp đề cử đi học hai tuần bổ túc nghiệp vụ để nhận chức giám thị, cái chức đồng nghĩa với lương bổng cao hơn và công việc thì chỉ cần phụ tá Sếp… chỉ tay năm ngón.
Tiếng talkie reo khẽ. Tôi gỡ máy, bấm nút đáp “tôi nghe”, rồi áp vào tai. Sếp bảo cần gặp tôi ngay. Bình thường mà bị triệu hồi thế này là có rắc rối nhưng hôm nay thì còn sợ chi rắc rối, trái lại còn thấy vui mừng: cơ hội gặp Sếp không cầu mà được.
Văn phòng của Sếp và trung tâm ấn loát của tôi cùng ở tầng trệt, cùng nằm bên phải một hành lang ngăn đôi từ cuối quầy tiếp tân và phòng đợi. Đối diện với giang san của tôi là câu lạc bộ với chừng một trăm chỗ cho nhân viên ăn trưa.
Sếp ngồi kia, đang đọc gì đó. Nghe tôi gõ cửa, Sếp ngẩng lên ngoắc tay. Tôi bước vào mở lời theo thói quen:
– Good morning Mister White. How are you today?
Sếp đưa tay bắt, vui vẻ:
– I am fine. You?
Tôi nói “not very good” rồi im lặng.
Sếp mở mắt lớn nhìn tôi như nhận ra thứ ngôn ngữ tôi không dùng thường ngày. Ông mời tôi ngồi. Tôi ngại ngần thả người lên ghế. Sếp cười cười trước dáng điệu khác thường của tôi:
– Sao? “Không khá lắm” là sao?
Tôi vẫn không biết mở lời thế nào nên cười gượng:
– Ông muốn gặp tôi mà? Tôi có thể làm gì cho ông đây?
– À, tôi muốn nhờ anh coi giùm công việc của phòng. Tôi có buổi họp lúc 9 giờ.
 Sếp nhìn đồng hồ, nghiêm giọng:
– Còn nửa tiếng nữa. Nào, có chuyện gì?
Tôi ngồi nghiêng, khuỷu tay chống lên tay ghế, ngập ngừng:
– Mister White, tôi rất tiếc phải thông báo cho ông biết rằng tôi muốn xin nghỉ việc.
Sếp ngạc nhiên kêu to:
– What! What are you talking about?
Tôi cười gượng:
– You heard me.
Sếp vẫn nhìn tôi đăm đăm:
– Anh không đùa chứ?
– Tôi rất nghiêm túc, thưa ông White.
Sếp tôi là Mỹ đen nhưng mang họ White nhìn vào màn hình trước mặt, tay gõ lộp cộp rồi ngã người tựa vào lưng ghế nhắm mắt. Bất ngờ ông chồm tới:
– Căn cứ vào năm sinh tháng đẻ của anh thì phải hai năm nữa anh mới đến tuổi về hưu…
Tôi lắc đầu:
– Chưa đến tuổi chính thức nhưng đã dư cho tuổi hưu non!
– Lãnh hưu non thì… có là bao! Còn đối với hãng, anh làm việc đã được 9 năm, chỉ cần thêm một năm nữa anh sẽ được hưởng hưu bổng bốn trăm mỗi tháng. Nghỉ năm nay anh chỉ được hưởng một nửa theo thâm niên 5 năm.
Vợ chồng tôi đã có cân nhắc phúc lợi này nhưng xét thấy việc về hưu non vẫn có lợi hơn, nhất là bảo đảm mạng sống hơn. Mùa đông bão tuyết với bao hiểm nguy trên cuộc hành trình quá dài đến sở và trở về. Vì vậy, tuy có nao lòng với ân cần của Sếp, tôi vẫn dứt khoát:
– Chúng tôi có bàn tới điểm này nhưng…
– Hằng ngày anh vẫn thấy dăm ba nhân viên trên bảy mươi còn ngồi ở bàn của họ, mà anh chỉ mới sáu mươi tư. Nghe tôi đi, một hai năm nữa có là bao, lại được thêm nhiều tiền…
Tôi nửa đùa nửa thật:
– Mister White, ở đây ông là Sếp nhưng ở nhà, vợ tôi là Sếp! Bà ấy đã hạ lệnh, tôi không thể không nghe!
Sếp ngửa mặt, cười ngất:
– Các bà là Sếp, đồng ý. Nhưng ít nhất anh cũng cho tôi biết lý do xin nghỉ…
– Tối thứ sáu, trên đường về bị snow trơn trợt nên xe tôi hun đít xe phía trước.
Sếp nhỏm tới, chống hai khuỷu tay lên bàn:
– Mừng thấy anh vô sự. Xe ra sao?
– Hai xe trầy sơ sơ thôi, coi như huề. Nhưng bà nhà tôi lý luận: đụng một lần, sẽ có lần hai, lần ba. Bà ấy không muốn… chôn tôi sớm!
Sếp lắc đầu:
– Các bà bao giờ cũng quá lo! Tôi biết anh là good driver! Hãy tiếp tục đi làm, tôi cần anh.
Tôi ngẫm nghĩ mà buồn cười. Cũng cùng thời gian tận tụy 9 năm mà hãng trước lại lạnh lùng cho nghỉ việc dù tôi rất muốn được tiếp tục, còn hãng này tôi tự nguyện xin nghỉ thì lại cố giữ làm thêm.
Tôi thở dài:
– Mister White, ông thật tốt với tôi. Nhưng… xin chân thành cảm tạ nhã ý của ông.
Sếp gục gặc:
– Thì đành tiếc là không giữ được anh. Vậy theo thông lệ, hãng cần hai tuần để tìm người thay thế. Trong hai tuần đó, chúng ta xúc tiến thủ tục nghỉ việc. Anh cần nói gì thêm thì chốc nữa. Bây giờ thì tôi phải đi. Cám ơn anh.
oOo
Nói là làm thủ tục nhưng thật ra chẳng có gì nhiêu khê. Tuần lễ đầu, chỉ mỗi việc phải ký tên vào một tờ giấy xác nhận ngày nghỉ việc, còn thì mọi việc bình thường. Được cái hấp dẫn là chiều thứ sáu, toàn Phòng Dịch Vụ kéo tôi đi nhậu chia tay. Chỗ nhậu là một nhà hàng tôi chưa từng bước chân vào dù chỉ cách hãng 10 phút.
Một biển hiệu chữ nổi màu đỏ HOOTERS nằm bề thế rực rỡ chạy dài suốt chiều ngang cửa chính. Vừa bước qua cửa, nhạc xập xình và độ ấm áp nghe thật dễ chịu. Hình ảnh đầu tiên làm choáng mắt là các các cô chiêu đãi trẻ trung hấp dẫn. Tất cả mặc đồng phục, quần màu da cam cũn cỡn bó sát núi đồi; áo thun trắng ba lỗ, lồ lộ vú vê. Phần áo bên trái in hình con cú đen với hai mẫu tự O của thương hiệu HOOTERS thay cho cặp mắt cú vọ như cặp mắt của tôi.
Chưa kịp lớ ngớ thì một cô chiêu đãi bước đến niềm nở chào hỏi, hướng dẫn chúng tôi treo áo ấm trước khi tiến sâu vào bên trong. Khách hàng đông nghẹt, đa số là đàn ông ở tuổi trung niên. Lớp tuổi của tôi thì ít hơn tổng số hiện hiện của các bà.
Quán được thiết kế đẹp mắt. Chiếm một khu rộng ngay giữa nhà là cái bar rượu và bếp. Ngay trên kệ bày rượu mẫu, ba TV gắn sát trần đang chiếu những màn thể thao khác nhau. Những màn hình tương tự đặt vòng quanh vách ngoài cùng. Vách là những tấm gỗ thông với những gân nổi tự nhiên. Sàn lót gỗ có vân đánh bóng. Bàn ghế được đặt chạy vòng theo quầy xen lẫn những cột trụ chống đỡ mái nhà. Sự sắp xếp khéo léo giúp thực khách ngồi nơi nào cũng xem được chương trình mình ưa thích.
Nhờ đặt bàn trước, mười sáu người của Phòng Dịch Vụ – mười hai ông, bốn bà – được gom vào trọn nửa cánh trái. Chưa kịp ngồi thì có nghe tiếng reo từ phía quầy:
– Hello! Hello Mister White, Mister Vo.
Người gọi là Rick Danton, vị Sếp mà chín năm trước đã phỏng vấn và nhận tôi vào làm ngay sau tôi bị hãng cũ cho nghỉ việc. Đúng là Tái Ông thất mã. Cuộc phỏng vấn lòi ra chúng tôi từng là chiến hữu trên kinh Đồng Tiến. Thời đó Sếp là lính trên một giang đỉnh nằm trong Task Force 116 mà năm 1969 được chuyển giao toàn bộ cho Hải Quân Việt Nam thành Lực Lượng Tuần Thám có tôi làm trưởng toán. Và cũng có thể chính nhờ sự hội ngộ tình cờ này tôi được mướn với giá cao hơn và được tăng lương hậu hĩ hằng năm. Bốn năm sau, ông thăng chức, thăng lên tầng 5 và gửi gấm tôi cho Ron đến thay thế. Chỉ đôi khi chúng tôi mới gặp lại nhau trong các buổi hội họp, tiệc tùng, như đêm nay. Sếp cũ nồng nhiệt xiết tay tôi:
– Nghe tin bạn ta về hưu, chúc mừng, chúc mừng. Đây là hậu cứ mà mỗi chiều chủ nhật Mister White và tôi đóng đô xem football. Có dịp, bạn ta cứ đến…
Tôi gật bừa. Chúng tôi ngồi vào chiếc ghế dài dành sẵn. Tôi ngồi giữa, hai Sếp tả phù hữu bật, một đen trung tuần, một trắng cao niên. Rick Danton say sưa nhắc nhở chiến trường xưa. Còn Ron White, chưa từng đi lính, thì kể chuyện tiếu lâm với ba nhân viên đối diện. Đôi khi mới hướng mắt vào trận Football sinh viên. Kể cũng lạ. Cứ ngỡ rằng thiên hạ chen nhau vào đây là để mãn nhãn trước các nàng Hooters nóng bỏng nhưng không hẳn thế. Chừng như họ đã quá quen, không nhìn vẫn thấy! Thảng hoặc họ mới ghé mắt vài giây. Và chừng như không ai còn nhớ cái giá món ăn thức uống vốn đã cộng thêm chi phí dòm ngó. Nhân lúc chờ cô chiêu đãi rót đầy ly bia mang đến, Ron bất chợt nghiêm giọng:
– Nè, tôi có thắc mắc muốn hỏi lâu rồi mà thấy không tiện. Trước khi chia tay, bạn ta có thể nào giải thích giùm. Tiền lương bạn ít hơn tôi, làm sao bạn làm chủ được ngôi nhà trong lúc tôi còn ở nhà cho mướn?
Tôi nhìn Ron đăm đăm, không tin là thật. Rick cười:
– Hắn nói thật đó! Tôi cũng vậy, cũng đang ở thuê. Hãy tiết lộ cho chúng tôi các đòn phép mua nhà…
Tôi ngại ngùng. Họ là Mỹ chính gốc, đều là Sếp của tôi mà đi hỏi một việc đúng ra tôi mới là người hỏi. Tôi cười:
– Tôi không dám…
Tôi định nói tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ” mà không tìm ra thành ngữ tương đương. Ron nằng nặc:
– Theo cách… bất hợp pháp cũng được. Tụi này không tố cáo đâu!
Tôi giật mình. Thì ra cái từ “đòn phép” ẩn ý là thế. Sự thể đến mức này thì không nói không xong:
– Chả có gì bất hợp pháp! Ai có việc làm cũng đều mua được nhà, nếu muốn. Rất giản dị. Đành là tùy số lương, nhưng căn bản vẫn là tiền “down”; tiền down càng nhiều, nhà càng lớn! Mua được một căn thì cũng mua được căn thứ hai, bởi vì lương mỗi năm một tăng trong khi tiền nhà căn thứ nhất, người mướn đã trả giùm.
Rick gật đầu:
– Đúng. Nhưng lấy đâu ra tiền down?
– Thì để dành!
– Không đủ xài thì lấy đâu để dành!
– Xài thì bao nhiêu cho đủ! Chúng tôi có nhà là vì chúng tôi… dám để dành!
Họ ngẩn ngơ ra vẻ chưa hiểu. Tôi lên mặt thầy đời:
– Người Việt Nam chúng tôi có thành ngữ “An cư, lạc nghiệp”. Căn nhà là ưu tiên, bằng mọi giá phải có! Còn muốn để dành thì nhớ câu này: “Cơm nhà, quà vợ”…
– Hãy nói rõ hơn.
– Đây là kinh nghiệm cá nhân. Cứ làm thử một tháng, một tháng thôi. Sau một tháng, các ông thử tính xem để dành được bao nhiêu và bao lâu thì đủ tiền down cho căn nhà.
Thấy hai Sếp tỏ vẻ lắng nghe, tôi nói thật chậm:
– Đòn phép là đây. Thứ nhất, tuyệt đối tránh xa food machine, mang theo phần ăn trưa. Thứ hai, không xài phí bậy bạ, nhất là không để mang nợ sinh tiền lời tín dụng. Và thứ ba, giảm tối đa đi ăn nhà hàng và nghỉ hè tốn kém.
Tôi ra dấu cả hai chụm đầu gần vào rồi thì thầm:
– Nhất là đừng bao giờ bén mảng đến… HOOTERS!
oOo
Bắt đầu tuần thứ hai, tôi phải huấn luyện cho người thay thế tôi. Công việc cũng dễ dàng vì hắn đang là nhân viên dưới quyền và từng thường thay tôi khi tôi đi phép hay đau yếu. Còn việc huấn luyện cho tay mới tuyển thì do hắn đảm trách. Tôi tà tà đọc email, bài vở từ cái computer đã xóa sạch memory chờ tới giờ cơm gặp Juliet. Đó là cô bạn đồng nghiệp vong niên từ hơn năm qua. Gọi đồng nghiệp cho ngon chớ tôi vào hạng lao công cổ xanh, còn cô thuộc thành phần chuyên gia cổ trắng, làm marketing, trên cùng tầng một với văn phòng Chủ tịch…
Quen nhau cũng tình cờ. Ngay ngày đầu nhận việc của cô, giờ ăn trưa, chúng tôi vào câu lạc bộ cùng lúc. Trong khi tôi hâm nóng thức ăn thì cô đứng chờ đến lượt. Sau đó, thấy tôi ngồi một mình cô xin phép được ngồi chung. Cô đặt hộp thức ăn và lon coke lên bàn, chìa tay ra trước:
– Tôi tên Juliet.
Tôi vẫn ngồi, vươn tay nắm lấy:
– Gọi tôi là Bang. Rất vui được gặp Juliet. Còn Romeo đâu?
Ánh mắt cô rực lên theo nụ cười vụt tắt:
– Romeo chết rồi!
– Thế sao Juliet còn ngồi đây?
Cô cười buồn:
– Ngu sao chết theo!
Thế là ngay buổi quen nhau đầu tiên đó, cô tuôn hết tâm sự. Cô vừa ra đại học thì bị tình phụ nên buồn tình xin việc ở hãng xa. Tôi không yêu cầu cô kể nhưng lại bị buộc phải hứa trưa mai sẽ đến lượt tôi. Thấy cô chân chất, tôi cũng thật lòng. Tôi nói tôi vừa ra trường thì cũng bị bồ đá nên gia nhập Hải quân như là một cách… trả thù! Nghe thế cô vui mừng, hãnh diện khoe rằng cha cô cũng là một sĩ quan Hải quân và đang phục vụ trên một hàng không mẫu hạm hoạt động vùng lò lửa Trung Đông. Cô ít gặp cha nên muốn biết các trải nghiệm hải nghiệp. Dần dần chúng tôi hiểu thêm gia cảnh của nhau. Cô cho biết gốc người Ý, các anh em đều sinh trưởng ở New York. Mẹ còn đi làm. Tôi cũng buộc phải kể lý do gia đình phải rời bỏ Việt Nam và được bảo trợ về Maryland…
Như thường lệ cô xuống đúng giờ. Vừa ngồi xuống ghế, tôi mở lời:
– Hai tuần phép cuối năm, gia đình họp mặt vui vẻ chứ? Mẹ cô thế nào? Anh em ra sao? Có tin chiếc mẫu hạm của ba cô về Mỹ nghỉ bến?
Cô im lặng nhìn món ăn. Một lúc lâu, cô hỏi nhỏ:
– Nghe đồn bác xin nghỉ việc?
Giọng trầm buồn như khuôn mặt. Hẳn cô nghĩ rồi đây phải ngồi ăn với… kẻ không quen. Mấy tên nhân viên của tôi từng nói tôi tốt số. Tôi bảo với họ tuổi cô ta còn nhỏ hơn tuổi con tôi. Chẳng qua cô thích ngồi ăn với tôi là vì cha cô với tôi cùng nghề lính biển. Phần tôi thì cho rằng trời đã giúp cho cơ hội tốt để luyện giọng. Nhưng họ vẫn cười cười. Mà việc gì phải đính chính…
 – Ừ, cuối tuần này là ngày chót.
– Thật ư? Đáng buồn cho cháu! Hết rồi những buổi ăn trưa vui vẻ, hết rồi những an ủi giúp cháu an tâm khi nhớ ba cháu.
Tôi cười đùa:
– Hãng có thiếu gì người trẻ tài hoa. Hãy chọn một và biết đâu tình yêu còn giúp cháu an tâm hơn nữa.
Tôi ngạc nhiên thấy cô tỏ ra bẽn lẽn:
– Cháu có… Romeo mới lâu rồi nhưng sợ bác cười nên giấu. Nhà hắn cùng tiểu bang với bác. Chúng cháu đang bàn làm đám cưới. Bác hứa dự nghe. Từ nay đến cuối tuần, xin vui lòng trao dần cho cháu những bí quyết nào đã giúp bác và bà nhà giữ được hạnh phúc trên 30 năm bất kể 10 năm xa cách?
oOo
Ngày làm việc cuối cùng rồi cũng đến. Khi chuông đánh thức reo 6:30, ý nghĩ đầu tiên bật lên trong tâm trí tôi là bữa nay ngày chót, có trễ cũng chẳng nhằm nhò gì! Việc huấn luyện cho người mới tiến triển suông sẻ, vào hãng thì chỉ mỗi việc nhận giấy tờ chính thức nghỉ hưu. Rồi bái bai. Rồi chẳng bao giờ trở lại. Tôi xoay người định ngủ tiếp nhưng tâm trí lại nghĩ lan man. Từ nay ta được phè cánh nhạn mãi tận… cuối đời. Chấm dứt thức khuya dậy sớm, không còn đường sá ngổn ngang. Thảnh thơi thơ túi rượu bầu… Hạnh phúc chợt ào đến mà nghe sảng khoái lạ thường. Cơn sảng khoái lan đi, tỏa ra rồi… vụt tắt. Tội nghiệp cho bà xã. Vẫn dậy sớm thức khuya. Vẫn data entry từ sáng tới chiều. Trẻ tuổi có khi là một tai vạ. Muốn được về hưu sớm như tôi, bà ấy còn phải “cày” thêm… 10 năm nữa. Mười năm, ôi mười năm! Mười năm bà ấy từng đơn thân xứ người vất vả nuôi con. Rồi nay lại mười năm vừa đi làm vừa hầu hạ ông chồng ích kỷ, chây lười! Ta là thứ gì mà lấy đó làm hạnh phúc cho mình? Sao không biết cảm thông, chia sẻ? Phải thức cùng vợ, phải cà phê cà pháo cùng “nàng” rồi…. chở đi làm, rồi đón về. Làm được như vậy thì lại có thể bán bớt một xe, giảm tiền bảo hiểm. Nghĩ ra điều này, tôi thấy mình đang… bay ra khỏi giường!
Bà ấy còn đang ngồi ăn sáng, ngạc nhiên nhìn tôi:
– Tưởng anh còn ngủ. Ngày chót mà…
Tôi ngường ngượng, giả lả:
– Ngày chót, càng cần nên đến đúng giờ… cho đẹp! Và từ ngày mai…
Không, không nên nói. Phải biết dành dụm cả ngạc nhiên…
Vào đến sở trình diện Sếp, được Sếp mời ngồi. Sếp nhấc chiếc bao thơ để sẵn trên bàn, trao tôi:
– Văn kiện nghỉ việc đầy đủ trong bao thư. Thành thật chúc mừng. Tuy nhiên, trước khi ra về vĩnh viễn, làm ơn giúp tôi một việc, việc chót… Tôi có buổi họp đến trưa.
Tôi mừng, vì tôi cũng còn dịp chót ăn trưa với Juliet. Và tôi qua giang sơn của tôi đọc email cũng… lần chót!
Giữa trưa, Sếp trở lại vui vẻ tuyên bố Ông Chủ tịch đang chờ gặp tôi. Tôi nghe mà xúc động. Chỉ là một nhân viên cổ xanh mà cũng vinh dự được Chủ tịch ưu ái tiếp kiến giã từ. Tôi đi cạnh Sếp lên thang máy mà tưởng như mình đang lên mây. Nhưng sao thang máy không dừng ở lầu một, nơi đặt văn phòng Chủ tịch mà vẫn tiếp tục lướt qua. Cũng không dừng ở tầng hai thuộc bộ phận chuyển ngân và tồn trữ dữ liệu cho các ngân hàng, tầng ba của Phòng thanh toán lương bổng cho nhân viên các hãng xưởng, tầng bốn và năm rất hạn chế xuất nhập, nghe đâu chuyên về thảo chương cho DOD (Department of Defense- Bộ Quốc Phòng). Gần đến số 6, thang máy chậm lại. Không lẽ các Sếp lớn dời lên đây. Tầng cao nhất còn bỏ trống chờ được thêm khế ước kia mà!
Cửa thang máy chưa mở hết tôi đã choáng váng nghe tiếng hô đồng loạt của một rừng người trước mặt:
– Happy retirement!
Tôi chợt hiểu và nhận ra ngay hai khuôn mặt thường gặp: Ông Chủ tịch hãng và Bà Chủ tịch Điều Hành. Sếp đẩy lưng tôi, nhắc tôi tiến đến trước họ. Cả hai lần lượt bắt tay chúc tụng: “Happy retirement! You deserve it!” Đám đông vỗ tay vang dội. Tôi đã từng dự nhiều surprise party, vẫn cho rằng có gì đáng ngạc nhiên đâu mà cứ bày vẽ, nhưng giờ thì chính tôi ngạc nhiên thực sự và thấm hiểu ý nghĩa…
Ông Chủ tịch bước tới máy vi âm mời mọi người chọn thức uống. Rồi ông kêu gọi mọi người nâng ly. Thức ăn chọn lọc được mang từ nhà hàng láng giềng Marriott cùng người phục vụ. Tôi hòa vào đám đông, ăn uống cười giỡn. Thỉnh thoảng bắt tay vài người quen mặt không rõ tên. Lại thêm cả nhân viên tôi chưa gặp lần nào. Một số cô thì ôm tôi nồng nhiệt kể cả cô bạn thân thương Juliet. Cô nói khẻ: “I’ll miss you”…
Nửa giờ sau, tôi được mời nhận quà. Ông Chủ tịch đích thân trao hộp quà đầu tiên. Tôi mở ra. Đó là tấm biển đồng khắc mấy hàng chữ xanh với phù hiệu hãng ở cuối. Tôi nâng tấm biển hướng về đám đông, quét chầm chậm từ trái qua phải rồi xoay ngược lại, đọc to: “Presented to Bang Vo in honor of Your Retirement from Data Nework, Co.” Tôi nghe nhiều tiếng reo tán thưởng. Bà chánh văn phòng trao những món kế tiếp: đó là chiếc áo lạnh in tên hãng, một chiếc túi du lịch của ông A, khăn quàng cổ của bà B, đôi găng tay của cô C, chiếc đồng hồ để bàn của bà Chánh văn phòng, chiếc nón lưỡi trai có hàng chữ USS Harry S. Truman nằm trên phù hiệu và số tàu CVN 75 thêu chỉ vàng không đề tên ai tặng. Tôi nghiệm ra ngay một người. Chỉ người đó mới nghĩ đến món quà đặc sắc này. Tôi đưa mắt kiếm tìm. Từ giữa đám đông, Juliet giơ tay cao, vẫy vẫy. Tôi nói bằng đôi môi: “Thank you”.
Cuối cùng là những món quà cồng kềnh. Cồng kềnh mà thiết thực: các dụng cụ làm vườn. Tôi ngỡ ngàng. Những ngày tù tội ở núi rừng miền Bắc ập về. Chín năm nhục nhằn, đói khát. Nhìn cái cuốc, cái sẻng mà vừa thấy vui vừa thấy đau. Cũng những món đó, những người khác chủng tộc ở đây trao tôi qua mỹ ý giải khuây tuổi già trong khi 29 năm trước tại chính quê nhà, những kẻ gọi là đồng bào lại nhằm buộc tôi lao động cho tàn đời! Tại sao? Tại sao có sự nghịch đời như vậy?
Tôi cầm máy vi âm:
– Thưa nhị vị chủ tịch, thưa quý bà và quý ông. Tôi chân thành cảm tạ nước Mỹ đã cho gia đình tôi chốn dung thân. Xin đa tạ hãng Data Network cho cơ hội gia đình chúng tôi sinh tồn. Và xin cám ơn lòng ưu ái của quý ông quý bà hiện diện. Tôi sẽ không bao giờ quên quý vị. Năm mới chúc mọi người hạnh phúc. Xin từ biệt!
Tôi vừa dợm bước thì cánh tay bị ghì lại. Bà Chủ tịch điều hành trao tôi một phong thư đồng thời công bố trong bao thư là phần thưởng của hãng đền đáp 9 năm tôi tận tụy. Đó là hai vé phi cơ và chi phí một tuần tận hưởng Bahamas. Tiếng trầm trồ, xì xào. Tôi chưa biết đáp lời ra sao thì cánh tay Bà choàng qua vai tôi và tiếng nói lại vang khắp phòng:
– Mister Vo, I have one last request to you. Please do as much as you can!
Mọi người ngạc nhiên hướng về Bà Điều Hành. Tôi cũng đứng lặng người chờ đợi. Sếp nhỏ mới nhờ tôi giúp lần chót, giờ lại tới Sếp lớn. Họ… câu giờ kỹ quá! Chờ khi gian phòng lặng im phăng phắc, Bà cất cao giọng:
– Enjoy your retirement!
Vũ Thất

Những ANH HÙNG Bị LÃNG QUÊN – Phạm Tín An Ninh

Qua giới thiệu của người bạn tù, nguyên là một sĩ quan thâm niên thuộc Nha Kỷ Thuật, tôi biết được Biệt Hải Nguyễn Châu. Người từng được tuyển chọn là chiến sĩ xuất sắc của Sở Phòng Vệ Duyên Hải (trực thuộc Nha Kỷ Thuật BTTM). Chỉ nghe qua đôi điều về anh cũng đủ làm cho tôi ngưỡng mộ và tò mò muốn được gặp anh, để được nghe anh kể về quãng đời chiến đấu trong âm thầm, nhưng rất hào hùng của những chiến sĩ Biệt Hải. Một lực lượng ít người biết đến, mặc dù họ đã từng bao lần vào sinh ra tử, mỗi lần ra đi đều không hẹn trở về. Họ chiến đấu can trường, dũng cảm không thua kém bất cứ một binh chủng thiện chiến nào của QLVNCH và kể cả trên thế giới, cho dù với những cấp bậc rất khiêm nhường.
Nguyễn Châu, sinh ngày 02.10.1933 tại làng Nhượng Bạn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Theo ông bà cha mẹ vào Nam, đến định cư tại Đà Nẵng vào đầu tháng 10 năm 1949.
Năm 1962, Nguyễn Châu tình nguyện vào lực lượng Biệt Hải với vai trò một Dân Sự Chiến Đấu. Tháng 6 năm 1970, có lệnh giải tán các toán DSCĐ, nên anh xin được cải tuyển vào Hải Quân. Sau hơn tám năm chiến đấu trong một lực lượng dũng cảm, đầy hiểm nguy bất trắc, với nhiều công trạng, nhưng khi cải tuyển sang Hải Quân không được một ân huệ đặc biệt nào, anh vẫn vui vẻ và hãnh diện nhận lấy cấp bậc thấp nhất: Thủy Thủ Tập Sự (Binh Nhì), và tiếp tục phục vụ trong Lực Lượng Biệt Hải, thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải trực thuộc Nha Kỷ Thuật Bộ TTM. Chỉ trong vòng ba năm, anh đã được Đô Đốc Tư Lệnh HQ đặc cách thăng cấp tại mặt trận liên tục 3 lần lên Hạ Sĩ I, cùng tưởng thưởng 4 Anh Dũng Bội Tinh và 1 Chiến Thương Bội Tinh. Với cấp bậc quá khiêm nhường đó, nhưng Biệt Hải Nguyễn Châu đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, mọi người – từ các cấp chỉ huy Việt, Mỹ đến đồng đội – phải kính nể, với những chiến tích lẫy lừng, mà chỉ có những người dám sẵn sàng đánh đổi tính mạng của mình mới có thể giành lấy được.
Từ lúc còn là một Dân Sự Chiến Đấu, anh đã nhiều lần xâm nhập miền Bắc, từ Hải Phòng, Thanh Hóa, đến Đồng Hới, Đông Hà, thám sát tình hình, bắt sống cán bộ CS mang về miền Nam cho Cơ Quan Tình Báo khai thác, phá hủy nhiều nhà máy, cầu cống, tiêu diệt một số đồn bót công an, tàu thuyền của CSBV. Anh cũng đã tham dự các cuộc hành quân bí mật để giải cứu những phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi hoặc những quân nhân Hoa Kỳ bị bắt làm tù binh bên kia vĩ tuyến 17 hay trong các vùng địch chiếm. Đặc biệt trong trận hải chiến với Trung Cộng tại quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974, chính anh đã điều động toán Biệt Hải đổ bộ đầu tiên lên các đảo Cam Tuyền và Quang Hòa, cấm lá cờ Tổ Quốc, sẵn sàng tử chiến với quân thù. Với những thành tích phi thường đó, ngoài những huy chương, tưởng thưởng và đặc cách thăng cấp tại mặt trận của Quân Lực, Chính phủ VNCH (đặc biệt đã được đích thân Thủ Tướng trao gắn Hải Dũng Bội Tinh vào ngày 24.4.1974), anh Nguyễn Châu đã được Chính Phủ và Quân Đội Hoa Kỳ ân thưởng:
– 1 huy chương của Bộ Trưởng Hải Quân Hoa Kỳ ngày 07.02.1966
– 1 giấy ban khen của Chỉ Huy Trưởng Biệt Đội Cố Vấn Hải Quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương ngày 29.9.1969
– đặc cách theo học khóa người nhái tàu ngầm tại Subic Bay vào tháng 8/1972
– huy chương cao quý của Tổng Thống Hoa Kỳ (Presdidental Unit Citation – P.U.C) ngày 20.01.2006 (đặc biệt được tưởng thưởng sau hơn 10 năm định cư tại Hoa Kỳ)
Trong Tưởng Thưởng Lục ngày 29.9.69 dành cho BH Nguyễn Châu, vị Chỉ Huy Trưởng Biệt Đội Cố Vấn Hoa Kỳ Thái Bình Dương đã ghi như sau:
(Your skillful execution of missions assigned in this erea serves as an example of bravery and devotion to duty that speaks highly of your personal conduct. In areas long denied Free Word Force you bravely ventured forth and inflicted grave casualties on the enemy. Only through your superior skill in these military operations were you able to surpass previous attempts made by others penetrate this area…
 
You have carried the flag and name of the Coastal Security Service to the enemy’s doorstep and there you implanted it with honor. You have brought honor and respect to your organization and you country. Your heroic actions and dedication to duty will long be remembered by the military organizations that you assisted in the area and will serve as an example of success in their future efforts…)
Mặt sau Tưởng Thưởng Lục được dịch ra Việt Ngữ:
“Cách thức đảm trách công việc tài tình trong các chuyến công tác tại vùng này và sự hoạt động siêng năng trong công vụ của bạn là tấm gương quả cảm, nói lên tinh thần trách nhiệm cao cả của bạn. Trong những vùng mà từ lâu các lực lượng đồng minh vắng bóng, bạn đã anh dũng đột nhập và gây cho lực lượng địch tổn thất nặng nề. Chỉ có tài năng xuất chúng của bạn mới có thể vượt qua những trở lực mà các đơn vị khác đã vấp phải để xâm nhập vùng này…
 
Bạn đã mang màu cờ Sở Phòng Vệ Duyên Hải đến ngưỡng cửa địch và ở đó bạn đã cấm lên một cách vinh dự. Bạn đã đem lại vinh quang cho Đơn Vị và Tổ Quốc của bạn. Những hành động can đảm và sự tận tụy công vụ của bạn sẽ khiến cho các tổ chức quân sự mà bạn hằng trợ giúp luôn luôn tưởng nhớ và sẽ là tấm gương cho họ noi theo…
Và chỉ trong 4 năm, sau ngày được cải tuyển để chính thức trở thành một người lính Hải quân, anh Nguyễn Châu đã được toàn thể quân nhân các cấp tuyển chọn là Chiến Sĩ Xuất Sắc nhất của Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Một số thành tích của Nguyễn Châu, được HQ Đại Tá Nguyễn Viết Tân, Chỉ Huy Trưởng Sở Phòng Vệ Duyên Hải tường trình lên Đề Đốc Tư Lệnh Hải Quân vào ngày 07.05.1974 để anh được tuyển chọn là chiến sĩ xuất sắc của đơn vị đặc biệt này trong năm 1974:
– Trong cuộc hành quân Bạch Đằng 3/73 do Sở PVDH tổ chức. Với quân số chỉ 5 người do đương sự làm Tổ Trưởng. Đương sự đã gan dạ khai hỏa vào trung đội tiền phong của một Tiểu Đoàn Đặc Công VC di chuyển qua vị trí của đương sự. Kết quả hạ hơn 30 Cộng quân, tịch thu nhiều vũ khí và quân dụng, đồng thời bảo toàn lực lượng 100%.
– Trong cuộc hành quân Biệt Hải tại Cửa Việt ( tọa độ YD-266634), đương sự đã xâm nhập vào vùng địch, hăng say quyết chiến với một lực lượng địch động đảo, giết chết 1 Cộng quân, tịch thu 5 lựu đạn, 3 thanh TNT/TC, phá hủy 100 kg chất nổ. Đồng thời đương sự đã hướng dẫn phi pháo oanh kích chính xác, gây thiệt hại nặng nề cho địch.
– Trong cuộc hành quân tại Điện Bàn, Quảng Nam ngày 19-09-1971, đương sự đã điều động đồng đội bắt sống 10 cán bộ Cộng sản, tịch thu một số tài liệu quan trọng.
– Trong cuộc hành quân Biệt Hải tại Cà Mau, từ 06.11 đến 09.11.1971, khi đến mật khu địch, đương sự đã chọc thủng phòng tuyến cuối cùng, chế ngự hoàn toàn hỏa lực của địch và tiên phong tiến chiếm mục tiêu, hạ 7 VC tại trận, băt sống 1 tù binh và thu nhiều tin tức quan trọng.
– Trong cuộc hành quân xâm nhập mật khu VC tại U Minh Hạ (WQ-371757) ngày 11.02.72, đương sự là tiền sát viên hướng dẫn đơn vị vào khu an toàn VC, chính đương sự gan dạ một mình lội ra giữa lòng sông đột kích 01 ghe giết 01 VC tại chỗ.
– Trong cuộc hành quân Bạch Đàng 3/73 do Sở PVDH tổ chức khai diễn lúc 23.15 giờ ngày 09.5.1973 tại Ấp Thủy Tú xã Hòa Lạc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam. Toán công tác Biệt Hải do anh làm phó trưởng toán đã chạm súng ác liệt với 01 Tiểu Đoàn Đặc Công CS. Tổ phục kích “khóa đầu” do anh chỉ huy đã nổ súng vào đội tiền phong địch, dồn địch vào ổ phục kích chính của Toán Biệt Hải. Kết quả hạ sát 30 Cộng quân tại chỗ, tịch thu 09 K-54, 01 WZ-63, 02 AK-59, 20 lựu đạn và 95 bao gạo 95 kg, cùng nhiều tài liệu quan trọng.
– Trong cuộc hành quân Vì Dân 74 ngày 16.01.74 tại Hoàng Sa do BTL/HQ tổ chức, Toán Biệt Hải gồm 24 người do anh làm phó trưởng toán. Ngày 17.01.74, Toán Biệt Hải đầu tiên đổ bộ tái chiếm đảo Cam Tuyền (Robert), chính đương sự là người tiên phong xung kích lên đảo và tịch thu lá cờ Trung Cộng cùng bảng ghi chủ quyền của họ. Hành động quyết liệt và dũng cảm của anh cùng đồng đội khiến lực lượng Trung Cộng trên 2 Tiếp Tế Hạm không dám phản ứng, phải rút lui. Ngày 19.01.74 Toán Biệt Hải được lệnh tiến chiếm đảo Quang Hòa (Duncan), nơi có doanh trại và quân Trung Cộng phòng thủ chặt chẽ, đương sự đã tiến lên lập đầu cầu cho đồng đội tiến vào đảo, và cũng chính đương sự dựng lá quốc kỳ VNCH mà anh đã thủ sẵn trong người. Trong lúc địch quân dàn lực lượng bao vây đơn vị nhỏ bé của anh, đương sự luôn ở tuyến đầu, quyết liệt không cho địch tiến chiếm các vị trí của ta. Chính khí thế hào hùng của anh đã giúp đồng đội phấn khởi làm cho quân Trung Cộng không dám dùng quân số đông đảo của họ tràn ngập tuyến kháng cự của ta.
Với thành tích này, đương sự đã được chính Thủ Tướng Chính Phủ trao gắn Hải Dũng Bội Tinh với Mỏ Neo Đồng vào ngày 24.4.1974
Nhớ lại trận đánh lịch sử tại Quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1/1974, anh Châu tâm sự:
Lúc ấy tôi đang nghỉ phép. Vào một buổi sang đẹp trời đang ngồi sau nhà thì nhận được lệnh phải cấp tốc trở về trình diện để đi công tác. Kinh nghiệm trước đây cho tôi biết, mỗi lần được gọi khẩn cấp như thế này thường có công tác hết sức đặc biệt, khó khăn. Chẳng hạn như chuyến đi giải cứu hai phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi tại sông Cam Lộ, Đông Hà, Quảng Trị vào tháng 4 năm 1972 trong Mùa Hè Đỏ Lửa. Lúc ấy toán của tôi chỉ có 5 người, nhưng đã phải len lỏi qua mặt mấy Sư Đoàn Bắc Việt, đi vào địa điểm công tác để cứu được hai phi công này mang ra an toàn, cho mãi đến bây giờ, nghĩ lại thấy còn hú vía. Sau khi nhận lệnh, lòng tôi cứ thấp thỏm, không biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi vội thay quần áo, hôn phớt các con rồi từ giã bà xã lặng lẽ ra xe.
Khi vào đến trại mới biết anh em trong toán chuẩn bị súng đạn xuống tàu để ra công tác tại Hoàng Sa. Chuyến đi này tộng cộng có 24 Biệt Hải. Tôi làm toán phó kiêm tiền sát. Tất cả đều trang bị toàn súng AK-47 của CS. Ngoài ra mỗi người còn được phép mang thêm mấy khẩu M-72. Vì tôi không có mặt trong lúc toán nhận lệnh đi Hoàng Sa, do đó trước khi chuẫn bị lên xe, tôi được CHT Biệt Hải, Thiếu Tá Hồ Xuân T, và Trưởng Toán Nguyễn N. cho biết sơ qua về tình hình trên đảo, và nhiệm vụ của toán Biệt Hải là đổ bộ lên đảo để lấy lại chủ quyền và kiểm soát các vị trí trên đảo, nơi đang có những đơn vị Hải Quân Trung Cộng (TC) chiếm giữ bất hợp pháp.
Chiếc Khu Trục Hạm HQ-4 Trần Khánh Dư dưới quyền Hạm Trưởng Vũ Hữu San, phụ trách chở toán chúng tôi, được lệnh rời bến tàu Bộ Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải vào sáng hôm ấy. Đến xế chiều thì vị trí của tàu không còn cách xa hải đảo Hoàng Sa là bao. Nghĩa là chiếc HQ-4 đang nằm trong phạm vi của nhóm đảo Cam Tuyền và Quang Hòa. Vào buổi chiều cùng ngày, 17.01.74, Khu Trục Hạm HQ-4 đã bắt gặp 2 giang thuyền của HQ Trung Cộng, giả dạng làm các ghe thuyền đánh cá. Trên đài chỉ huy, Hạm Trưởng ra lệnh cho tàu chạy đến gần để kiểm soát, trong khi toán Biệt Hải cùng một số thủy thủ đứng trên thành tàu chăm chú theo dõi, đều nhận thấy 2 giang thuyền Trung Cộng có nhiều điểm đáng nghi ngờ. Ngay lúc ấy, đài chỉ huy trên HQ-4 phóng loa kêu gọi 2 giang thuyền TC ngừng lại, nhưng bọn họ vẫn phớt lờ. Anh em Biệt Hải chúng tôi lúc ấy rất muốn được cấp trên cho nhảy xuống để lục soát các giang thuyền này, tương tự như những chuyến Loky soát ghe bắt người tại Vịnh Bắc Việt trước đây.
Lúc này, chiếc HQ-4 và một giang thuyền của TC đều đã chạy chậm lại, khoảng cách không quá một mét. Tuy nhiên, lệnh của Hạm Trưởng không cho chúng tôi nhảy xuống tàu TC lục soát. Bất ngờ, một con sóng lớn ập đến khiến hai tàu húc vào nhau khá mạnh. Tàu của TC thấp hơn nên lan can tàu của chúng bị hư hại khá nặng. Do đó, bọn thủy thủ TC nổi nóng, một số xăn tay áo, một số cởi hẳn áo ra vất xuống sàn tàu. Ra dấu thách thức thủy thủ và toán Biệt Hải chúng tôi nhảy xuống đánh tay đôi. Đứng trên tàu, toán Biệt Hải chúng tôi thấy vậy liền cởi áo và bảo đám thủy thủ TC ở dưới trèo lên tàu nếu chúng muốn đọ sức. Đây là màn khẩu chiến đầu tiên trong buổi chiều, lần đầu hai bên gặp nhau.
Hôm sau, ngày 18.01.74, lúc xế trưa, toán Biệt Hải gồm 24 người, có cả Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Biệt Hải đi theo. Tất cả trang bị súng đạn đầy đũ, nhận lệnh xuống 3 chiếc hobo thẳng hướng chạy vào đổ bộ lên đảo Cam Tuyền (Robert). Sau khi lên đảo, đi lục soát một vòng không thấy có quân TC trú đóng, toán Biệt Hải khám phá một lá cờ TC đã cũ và một tấm bảng (mạo nhận chủ quyền) viết bằng chữ Hán, nét mực còn mới toanh, cấm trên đảo trước khi toán Biêt Hải đổ bộ lên. Ngoài ra không có dấu vết gì khác.
Sau khi CHT/BH báo cáo cho HạmTrưởng ngoài tàu biết, chúng tôi được lệnh trở lại tàu, và một toán HQ được lệnh đổ bộ vào để canh giữ đảo. Chiếc HQ-4 nhận lệnh tiếp tục chạy sang đảo Quang Hòa (Duncan). Suốt đêm hôm ấy, trên tàu đã cho mở những bản nhạc hùng ca, toàn lời hay ý đẹp, như để nhắc nhở những người lính Hải Quân VNCH và Biệt Hải chúng tôi phải hết sức gìn giữ lãnh hải và hải đảo Hoàng Sa do tiền nhân để lại, dù có phải hy sinh tính mạng. Những bản nhạc càng làm chúng tôi nức lòng để sẳn sang chiến đấu, hy sinh.
Sáng sớm ngày 19.01.74, lúc 5 giờ 40, toán Biệt Hải chúng tôi nhận lệnh đổ bộ lên đảo Quang Hòa (Duncan). Toán đã vào bờ, nhưng trời còn tối, nên tất cả nhận lệnh nằm lại chờ trời sáng. Bọn lính gác Trung Cộng có lẽ không ngờ toán Biệt Hải đổ bộ ban đêm nên không để ý và hay biết gì cả. Trước khi xuống thuyền vào đảo, chúng tôi được cấp trên cho biết trên đảo đang có quân TC trú đóng. Thừa lúc trời còn tối, tôi liền dẫn vài anh em đi một vòng lục soát trong phạm vi của toán, phòng khi đụng trận sẽ dễ dàng bảo vệ nhau hơn. Lúc 7 giờ 30 sáng, khi mặt trời từ hướng đông ló dạng, trong nhiệm vụ tiền sát, tôi đi đầu, mon men dò dẫm, phát giác một giao thông hào do quân TC đào sẵn. Tôi tiếp tục dẫn toán đi lên, nhưng vừa đi khoảng 60 mét thì gặp quân TC đang đứng chặn đầu. Hai bên đều thấy mặt nhau nhưng chưa bên nào nổ súng. Phía trước mặt, chúng tôi nhận diện được quân số của TC khá đông, tất cả đều nằm dưới các hầm phòng thủ trong tư thế sẵn sàng tác chiến, chăm chú nhìn chúng tôi với vẻ nghi ngờ, không biết chúng tôi thuộc phe nào. Vì cách trang phục của Biệt Hải chúng tôi giống bộ đội du kích Bắc Việt, kể cả vũ khí trang bị.
Khi khoảng cách hai bên cách nhau không tới 4 mét, thì một số cấp chỉ huy TC rời hầm phòng thủ, vừa đi ra vừa nói tiếng Hoa và ra dấu đuổi toán Biệt Hải chúng tôi rời khỏi phạm vi hải đảo. Ý chúng muốn nói đảo Quang Hòa thuộc chủ quyền của Trung Cộng. Ngược lại toán Biệt Hải chúng tôi cũng ra dấu đáp trả, ý nói đảo này thuộc chủ quyền VNCH, quân TC phải rời khỏi đảo. Một bên tiếng Tàu, một bên tiếng Việt, lúc đầu chẳng ai hiểu ai. Có lúc lời qua tiếng lại rất hăng, hai bên đã quơ tay đụng nhau. Rất may, trong toán Biệt Hải chúng tôi có anh Trần A Lộc, người Việt gốc Hoa, hiểu và nói sành sỏi tiếng Hoa, đứng ra thông dịch. Hai bên khẩu chiến gần một tiếng đồng hồ. Tình thế mỗi lúc một căn thẳng, nhất là khi quân TC biết chúng tôi, lực lượng đang đứng trước mặt chúng thuộc VNCH, quyết tâm dành lại chủ quyền trên đảo. Một số lính TC liền có thái độ rất hung hăng, nhưng không dám nổ súng vì có lẽ không biết rõ lực lượng chúng tôi, có còn ở nào khác chung quanh đây không. Cũng may, nếu chạm súng trong tình huống này, sự thiệt hại của Biệt Hải chắc chắn không phải là nhỏ. Thấy vậy, trưởng toán liền hội ý với vị CHT/BH, và ông đã gọi ra tàu báo cáo cho Hạm Trưởng để trình bày sự việc. Chúng tôi được lệnh rút lui. Trước khi đi tôi đã tìm một cành cây khô buộc lá quốc kỳ VNCH vào rồi cắm xuống trước mặt chúng..
Khi xuống thuyền đi ra được nửa đường, chúng tôi gặp toán Hải Kích của Trung úy Đơn từ ngoài đi vào. Chúng tôi liền liên lạc cho Trung úy Đơn biết rõ tình hình quân TC trên đảo. Ngay khi toán Biệt Hải lên tàu HQ-4 thì bỗng nghe tin toán Hải Kích của Trung úy Đơn có 2 người bị tử thương ở phía ngoài bờ biển. Biết tình thế sẽ đánh nhau, tôi đề nghị CHT/BH lên đài chỉ huy trình với Hạm Trưởng. Khi nào sẵn sàng khai hỏa, thì cho HQ-4 chạy sát gần tàu của TC, khoảng cách từ 50 đến 100m, để toán Biệt Hải chúng tôi dùng M-72 bất ngờ triệt hạ các tàu của chúng. Theo ý tôi đây là cơ hội bằng vàng để tiêu diệt bọn lính TC, nhưng cuối cùng Hạm Trưởng không chấp thuận. Ông cho biết, khi nào có hải chiến, thì sẽ dùng súng lớn và nên chạy cách xa tàu TC khoảng 300 m.
Đến 10 giờ sáng thì lệnh khai hỏa bắt đầu. Khẩu đại bác 125 ly của HQ-4 ở giữa boong, gần đầu mũi tàu chỉ bắn được 9, 10 quả thì bị trở ngại tác xạ! Ngay lúc ấy tôi bị một mảnh đạn văng trúng đầu, máu chảy xuống đầy hai mí mắt. Tôi vội đứng nấp sau khẩu súng lớn đã bị hư hại, lấy khăn lau sạch vết thương, tìm y tá nhờ băng bó, rồi trở lại vị trí các ổ súng lớn trợ giúp các pháo thủ. Trong lúc giao chiến, tôi nhìn thấy Biệt Hải Nguyễn Văn Vượng bị thương khá nặng, được anh em dìu vào phía trong. Cuộc hải chiến tiếp tục cho mãi hơn 30 phút sau mới chấm dứt. Chiến hạm HQ-4 được lệnh rời khỏi vùng, quay mũi hướng Nam đi về Đà Nẵng. Khi tàu đã đi khá xa quần đảo Hoàng sa, thì bỗng nhiên không hiểu vì lý do gì, HQ-4 được lệnh quay trở lại vùng hải chiến sáng nay. Lúc ấy vào khoảng 1 giờ trưa.
Nghe tin này, một số anh em bị thương nặng tỏ vẻ xúc động, nhưng những anh em khác, tuy bị thương nhẹ, nhưng còn khả năng tác chiến, rất hăng say sẵn sàng vào vị trí tác chiến. Toán Biệt Hải bây giờ đặt dưới quyền Hạm Trưởng, đưa bổ sung vào các chỗ khiếm khuyết tùy theo khả năng. Phần tôi, tuy bị thương, nhưng vẫn được giao sử dụng một cậy đại liên 50. Sau khi nhận lệnh, chiếc HQ-4 quay đầu trở lại theo hướng Đông Bắc, trực chỉ quần đảo Hoàng Sa để tái nhập cuộc. Tuy nhiên sau hơn một giờ hải hành, HQ-4 lại được lệnh quay trở lại Đà Nẵng một lần nữa. Toán Biệt Hải chúng tôi nghe loáng thoáng, lý do có máy bay MIG và tàu chiến Trung Cộng trên đường đến trợ chiến quân đội của chúng tại Hoàng Sa. Mãi đến sau này, khi đã định cư tại Hoa Kỳ, chúng tôi mới biết rõ nội vụ: Lý do khiến HQ-4 phải đột ngột quay lại Đà Nẵng: “Tùy viên Quân Sự Hoa Kỳ tại Sài gòn (DAO) cho biết radar của Đệ Thất Hạm Đội ghi nhận, một số phóng lôi hạm (guided missile frigate) và chiến đấu cơ MIG của Trung Cộng từ Hải Nam đang tiến về Hoàng Sa. BTL/Hải Quân VNCH yêu cầu Đệ Thất Hạm Đội trợ giúp, nhưng không thành công. Các chiến hạm của VNCH được lệnh rút bỏ quần đảo Hoàng Sa (Kiem Do and Julie Kane, Countarpart, AVietnamese Neval Officer’s War – Đất Mẹ)
Khi HQ-4 trên đường xuôi nam thì Biệt Hải Nguyễn Văn Vượng từ trần, vì vết thương khá nặng. Anh ra đi để lại người vợ mới cưới và đứa con nhỏ.
Cuộc hải chiến hào hùng của các chiến sĩ Hải Quân, các toán Hải Kích Người Nhái và toán Biệt Hải thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải, Nha Kỷ Thuật, tại quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19.0174 đã nói lên ý chí và sự quyết tâm của người lính VNCH, quyết chiến đấu để giữ gìn lãnh hải, hải đảo do Tiền Nhân để lại, không bao giờ sợ hãi trước giặc ngoại xâm Trung Cộng.
 
Biệt Hải Nguyễn Trâm, một đồng đội đã kể về anh Nguyễn Châu:
Nguyễn Châu được chính thức gia nhập Lực Lượng Biệt Hải giữa năm 1962, phục vụ dưới danh nghĩa của một nhân viên dân sự vào tình nguyện công tác, và cũng là chiến sĩ Biệt Hải cuối cùng bất đắc dĩ buộc rời khỏi toán mà không cần chứng chỉ giải ngũ sau ngày oan nghiệt tháng 4. Mặc dù cuộc chiến của hai miền Nam-Bắc trên quê hương Việt Nam đã sang trang từ lâu, nhưng trong ký ức của anh vẫn không thể nào quên những giây phút hào hùng nhưng cũng nhiều bi lệ trước đây, mà trong suốt thời gian gần 13 năm anh đã phục vụ dưới màu cờ sắc áo của Lực Lượng Biệt Hải.
Nhớ lại những ngày đầu của thập niên 60, anh cùng bạn bè đồng đội nhiều lần được gởi ra thực hiện các công tác tại miền Bắc, đặc biệt chuyến đột kích mở tay đầu tiên: ban đêm xâm nhập vào tiêu diệt một đồn công an biên phòng tại Cửa Khẩu, Hà Tĩnh, chỉ cách làng Nhượng Bạn, nơi chôn nhau cắt rốn, đã từng một thời nuôi anh lớn khôn không mấy bao xa trước khi anh theo gia đình di cư vào Nam.Thời tiết đêm hôm ấy thật tĩnh lặng nên hết sức thuận tiện, đã giúp tinh thần mọi người thêm phấn chấn, lẹ làng di chuyển, lúc ẩn lúc hiện, như những bóng ma dưới ánh trăng mờ. Trên vai xạ thủ, những khẩu đại bác 75 ly không giật nặng chĩu, cùng số đạn pháo mang theo đủ để tập kích mục tiêu. Giờ này, nơi miền Nam tự do, bạn bè, người thân quen và vợ con anh, tất cả vẫn thanh thản hồn nhiên đi vào giấc ngủ, đâu có biết ở phương này hiện giờ anh cùng đồng đội đang tận lực tranh đua cùng thời gian để được sống còn, trên vùng đất nhiều rủi ro cho định mệnh.
Toán đến được mục tiêu vội vàng tìm chỗ ẩn núp, đồng thời quan sát địa thế đặt các khẩu 75 ly không giật hướng vào vị trí đồn Công An Cộng Sản. Tất cả cùng khai hỏa theo lệnh trưởng toán. Trong khoảnh khắc, tất cả các cứ điểm quanh đồn địch bốc cháy, địch quân hoàn toàn bị tiêu diệt.
Giữa tháng 6 năm 1964, toán của anh được lệnh phối họp cùng một toán bạn, tiếp tục thi hành chuyến công tác mới. Với kinh nghiệm và sự thành công của chuyến trước, đã giúp anh và đồng đội tăng niềm tin, nhưng những ưu tư lo lắng vẫn cứ chập chờn và ám ảnh mọi người. Suốt gần hai tuần, anh em học cách xâm nhập bơi vào bờ ban đêm, đội hình di chuyển, tập tác xạ đại bác 75 ly không giật, tập điều chỉnh tọa độ nhắm bắn các mục tiêu giả định trong Nam, v.v…để sẵn sàng cho mục tiêu chính tại miền Bắc trong những ngày sắp tới. Vì thế đã khiến anh cùng mọi người linh cảm chuyến xâm nhập này chắc đầy cam go nguy hiểm, “lành ít dữ nhiều”. Mọi gian truân thử thách đó như đang chờ đón đâu đây… Ngày cuối, trước giờ khởi hành, tất cả được cấp chỉ huy Việt & Mỹ đích thân xuống thuyết trình lần chót, đồng thời cho biết rõ mục tiêu quan trọng mà toán xâm nhập phải thực hiện đêm nay: triệt hạ nhà máy nước Bầu Tró, Đồng Hới theo kế hoạch của Bộ Chỉ Huy Hành Quân. Tiếp đến, trưởng toán cặn kẽ hướng dẫn trên mặt sa bàn cùng một số không ảnh U-2 và phân nhiệm cho từng cá nhân. Kết quả lần này cũng tương tự như chuyến trước đây. Với yếu tố bất ngờ và chính xác đã giúp toán hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi những trái đạn 75 ly thoát ra khỏi nòng, tất cả đều tìm đến xoáy nổ vào các mục tiêu đã định. Những cơ sở trong khu vực nhà máy nước Bầu Tró phút chốc hoàn toàn sụp đổ, đã làm mọi người hết sức phấn khởi cùng hướng nhìn về phía mục tiêu quan sát, trông thấy ngọn lửa mỗi lúc một bốc cao sáng rực cả một góc trời, mặc dù hiểm nguy đợi chờ trước mặt, bởi lúc này con đường về Nam càng cảm thấy trở nên xa thẳm mịt mờ.
Một điều không may đã xảy ra: Lúc toán hành động đang trên đường di chuyển, thì bất ngờ được toán ở lại cất giấu và canh giữ thuyền (hobo) ngoài bờ biển (làm điểm hẹn cuối cùng để chuyên chở anh em ra chiến đỉnh PFT đậu chờ ngoài khơi, sau khi hoàn thành nhiệm vụ) cho biết là có khả nghi bị địch phát giác. Cả toán ngừng lại giây lát, nhưng cuối cùng trưởng toán quyết định hết sức táo bạo: vẫn phải tiếp tục di chuyển vì mục tiêu đã gần kề. Sau khi hoàn toàn dứt điểm mục tiêu, toán trên đường rút ra, không may bị đám dân quân tuần tiễu phát hiện, chặn đường. Hai bên đồng loạt khai hỏa. Biệt Hải Nguyễn Bảy (tự Nguyễn Học) người em họ của Châu, bị trúng đạn tử thương tại chỗ, và Biệt Hải Vũ Văn Sắc bị chúng bắt sống sau đó. Trong giờ phút thập phần nguy hiểm, mọi người phân tán tìm đường thoát ra bờ biển nên không thể cứu nguy đồng đội. Hơn nữa lúc này sóng gió bắt đầu thổi tới. Tuy công tác này mang lại kết quả ngoài dự đoán của Bộ Chỉ Huy Sở, nhưng với riêng Nguyễn Châu và bạn bè cùng toán, quả là một mất mát lớn lao. Về phía chính quyền Cộng Sản (mấy hôm sau nghe được trên đài phát thanh Hà Nội), sau đêm thất bại chua cay, chúng càng tỏ ra hết sức căm thù các toán Biệt Hải, và chỉ thị dân quân các cấp vùng duyên hải: “Phải luôn đề cao cảnh giác bọn Biệt Kích gián điệp, chuyên xâm nhập đường thủy đầy cực kỳ nguy hiểm”. Đồng thời, thiết lập “tòa án nhân dân” xử tử Biệt Kích Vũ Văn Sắc ngay trong cùng một tuần.
Mùa hè năm 1968, thêm một biến cố đau thương nữa bất ngờ lại xãy đến cho vợ chồng Nguyễn Châu: đó là Biệt Hải Phạm Việt, người em vợ mà anh hằng thương mến và đưa vào Biệt Hải, thuộc toán Nimbus bị tử trận trong chuyến Loki tại bờ biển Thanh Hóa.
Những vết thương chiến tranh theo thời gian cứ liên tục đeo đuổi gậm nhấm tinh thần của anh, khiến bạn bè ai cũng đều nghĩ thầm, sau lần khế ước này, thế nào Nguyễn Châu cũng rời Biệt Hải (những ai phục vụ trong Lực Lượng Hải Tuần & Biệt Hải đều phải ký hợp đồng), nhưng anh đã làm tất cả mọi người hết sức ngạc nhiên. Không những thế, Nguyễn Châu còn dốc hết khả năng phục vụ và trở thành chiến sĩ xuất sắc nhất của Sở Phòng Vệ Duyên Hải sau này, đồng thời cũng là một toán viên thâm niên thuộc LLBH, được các cấp chỉ huy kính nể và tất cả anh em thương mến. Đặc biệt, chị Châu, người bạn đời của anh thì thật tuyệt vời. Lúc nào chị cũng vui vẻ hiếu khách, bất luận là ai, miễn người đó là bạn của chồng mình, khiến tất cả anh em đều một lòng quí mến.
Cuối năm 1968, các công tác miền Bắc hoàn toàn chấm dứt, sau khi chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh được thi hành. Các cố vấn Mỹ của LLBH lần lượt về nước, đồng thời các quân nhân thuộc Lục Quân và số dân chính tình nguyện được lệnh thuyên chuyển, hoặc xin sang hoạt động trong các Đoàn Công Tác ( vì muốn thay đổi đơn vị hoặc để tìm những cảm giác mới lạ trên rừng núi Trường Sơn bạt ngàn), trừ một số rất ít vì nặng gánh gia đình, xin rời khỏi toán, trở về nguyên quán, vô tình để lại một khoảng trống cho các Toán nói riêng và Lực Lượng Biệt Hải nói chung. Phần nhân viên phụ trách huấn luyện cho các khóa Biệt Hải kế tiếp cũng thiếu, nên CHT Biệt Hải đã mau mắn đề cử Nguyễn Châu vào làm phụ tá huấn luyện viên cho cả hai Khóa Biệt Hải 70 và 72. Một số đông vẫn yêu thích phiêu lưu với đại dương, đã quyết định gia nhập binh chủng Hải Quân, chờ đợi được tái hoạt động ra Bắc.
Cũng từ thời gian này, các công tác Biệt Hải hoàn toàn chỉ hoạt động ở miền Nam. Thỉnh thoảng có những công tác hết sức quan trọng, nên Bộ Chỉ Huy cần tuyển gấp một số nhân viên ưu tú tham dự, và lúc nào Nguyễn Châu cũng kéo tôi theo, đủ để chứng tỏ thân tình đồng đội anh em, không những nơi bàn nhậu mà ngay cả những giờ phút tử sinh cũng cần có bên nhau, qua nhiều chuyến công tác khó quên: Các chuyến giải cứu tù binh Mỹ tại La Ngà, Phan Thiết, tại Mật khu U Minh Hạ, năm 1970-1971, hay lần đặc biệt đi cứu hai phi công Hoa Kỳ ở Cam Lộ, mùa hè 1972 (*).
 
(*LTG) Đây là kế hoạch Rescue of BAT 21 Bravo đã được thực hiện thành công với 5 Biêt Hải VN và 1 US Navy Seal, cứu được hai phi công HK: Trung Úy Mark Clark và Trung Tá Iceal Hambleton. ngay trong vùng đất địch. Người có công lớn nhất là BH/Người Nhái Nguyễn Văn Kiệt, khi ấy mang cấp bậc Hạ sĩ 1. BH Kiệt đã cùng Trung úy (US Navy Seal) Thomas Norris tìm và cứu được Trung Tá Hambleton trong tình trạng vô cùng nguy hiểm khó khăn dưới sự truy sát của kẻ thù.Với sụ quả cảm phi thường ấy, anh Kiệt được Tổng Thống Hoa Kỳ trao tặng Navy Cross, một trong những huy chương cao quý nhất dành cho quân đội đồng minh. Câu chuyện này rất nổi tiếng và đã được một nhà đạo diễn Mỹ thực hiện thành phim BAT 21 vào năm 1988. Điều đáng buổn và đáng tiếc là người thực hiện cuốn phim đã thiếu lương tâm và sự công bình, khi không nói đến chiến công thực sự của những Biệt Hải Việt Nam!)
BH Nguyễn Văn Kiệt và Thomas Norris cứu sống Tr. Tá Hambleton đưa về phòng tuyến VNCH
BH Nguyễn Văn Kiệt và Thomas Norris cứu sống Tr. Tá Hambleton đưa về phòng tuyến VNCH
 
Cuộc tao ngộ kỳ thú:
Sau này, tại Mỹ, cựu Biệt Hải Nguyễn Châu đã bất ngờ tái ngộ một ngư phủ Quảng Bình, người đã từng bủa lưới trúng anh trong lúc anh đang xâm nhập vào bờ, trong chuyến công tác 1966.
Anh kể lại cuộc trùng phùng hi hữu này như sau:
Tình cờ vào tháng Giêng năm 2009. trong dịp tết Nguyên Đán, sau Thánh Lễ, Hội Đồng Giáo Xứ nơi tôi ở ( Beaumont-TX) tổ chức một buổi tiệc trà đầu năm tại Hội trường, để giáo dân gặp gỡ, cùng nhau hàn huyên tâm sự về một năm đã qua. Tiệc nửa chừng, anh Sương, một giáo dân trẻ đi từ miền Bắc, giới thiệu cha mẹ từ Việt Nam sang thăm con. Tôi được may mắn ngồi chung bàn với ông bà Dương, thân sinh của anh Sương. Và khi biết ông bà là người làng Xuân Hòa, Quảng Bình, tôi liền làm quen và tìm hiểu, xem ông ta có biết gì về các chuyến công tác của Biệt Hải ở vùng này, đặc biệt là chuyến công tác cuối tháng ba năm 1966: vào một đêm tôi và Hiển lội vào thám sát đã bị dân làng đánh cá bủa lưới bao vây, nhưng sau đó đã để chúng tôi bơi đi. Ông Dương bèn kể lại:
– Đêm hôm ấy, bọn tôi đang chuẩn bị thả lưới đánh cá trước bờ biển làng Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, thuộc tỉnh Quảng Bình, thì vào khoảng 11 giờ đêm, tôi và mọi người trên ghe nhìn ra trông thấy một bầy cá từ ngoài khơi đi vào gần bờ. Khi bủa lưới xong, đến gần thì mới thấy hai con cá voi.
(Những điều ông Dương kể đều đúng với những nhận định của chúng tôi ngày ấy: vì khi bơi xâm nhập vào bờ, chúng tôi mang áo quần bơi và chân vịt cao su, màu đen, trông giống như những con cá voi)
Tôi nghĩ rất may cho ông Dương và những người ở trên ghe. Vì nếu hôm ấy mà họ tới để bắt hay có hành động gì khác, chắc chắn tất cả sẽ không còn ai sống sót, vì khi ấy súng hảm thanh trong tay chúng tôi đã sẵn sàng nhả đạn.Và tôi đã hỏi thẳng ông Dương:
– Nếu hôm đó ông Dương bắt được hai chúng tôi ông sẽ làm gì?
Ông Dương nhìn tôi mỉm cười:
– Giả như hôm ấy mà tôi bắt được các chú thì tôi sẽ dẫn vào trình cha xứ để xin cho các chú được trà trộn sống trong giáo xứ một thời gian và sau đó tìm lập gia đình thì bọn chính quyền sẽ không biết được.
Nghe xong, tôi một phần tin ông vì cùng là người công giáo, và thầm cám ơn ông. Nhưng thời gian cũng đã hơn 40 năm và bây giờ lại gặp nhau tại đất nước Hoa-Kỳ. Còn chuyện ngày xưa trên đất Quảng Bình, sống trong chế độ Cộng Sản, nào ai biết được người ta còn có tấm lòng và sẽ hành động những điều tốt đẹp?
Dù sao đây cũng là một cuộc tao ngộ bất ngờ, tạo cho tôi cảm giác thú vị và man mác nhớ lại một thời cùng đồng đội âm thầm vào sinh ra tử trên phần đất của kẻ thù.
 
Điều mong ước cuối cùng:
Sau hơn 13 năm phục vụ trong Lực Lượng Biệt Hải, đã bao phen cùng đồng đội vào sinh ra tử, xem cái chết nhẹ như sợi tóc, Biệt Hải Nguyễn Châu hằng ước mơ được phục vụ trong đơn vị thầm lặng nhưng rất kiêu hùng này suốt cả một đời, vậy mà anh đành phải nuốt lệ khi nghe Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng vào ngày 30.4.75 oan nghiệt. Không thể nào chấp nhận sống với Cộng Sản, anh cùng gia đình vượt biên sang Thái Lan, rồi Mã Lai và tới Tân Gia Ba. Được chính phủ Hoa Kỳ đón nhận cho định cư đặc biệt vào ngày 31.10,75. Hiện gia đình, gồm vợ chồng, tám người con (5 trai 3 gái) và chín đứa cháu nội ngoại, cư ngụ tại thành phố Beaumont, Tiểu Bang Texas. Hơn 35 năm tha hương, anh luôn sống mẫu mực và nuôi dạy con cháu nên người, biết yêu quê hương và trọng danh dự. Được trang bị thêm đức tin của người Công Giáo ngoan đạo, anh đã xây dựng một gia đình lễ nghĩa, biết yêu thương chia sẻ với tha nhân. Tâm sự với mọi người, nhất là các đồng đội cũ, anh vẫn hối tiếc là đã không còn phục vụ được cho Tổ Quốc, để quê hương và dân tộc bị khốn khổ tang thương dưới sự cai trị của bọn Cộng Sản man rợ, sẵn sàng bán nước cầu vinh.
Điều ước mong cuối cùng là khi nhắm mắt, anh xin được các đồng đội phủ cho anh lá Quốc Kỳ VNCH mà anh cùng các chiến sĩ Biệt Hải đã từng sẳn sàng xả thân bảo vệ.
BH Nguyễn Châu rất xứng đáng được đồng đội của anh đáp ứng điều mong ước cuối cùng này. Đã có nhiều vị ở hải ngoại, dù cấp bậc lớn hơn anh rất nhiều, nhưng chẳng có công trạng đặc biệt gì với đất nước, có khi còn bỏ cả thuộc cấp vào những giờ phút sinh tử nhất, khi chết còn được vài tổ chức long trọng phủ lá quốc kỳ lên quan tài. Huống hồ, một chiến sĩ, cả một đời vào sinh ra tử, sẵn sàng xả thân để bảo vệ quê hương như BH Nguyễn Châu, chẳng lẽ không được đón nhận điều vinh dự đó hay sao?
Bài viết này, như là một thể hiện lòng ngưỡng mộ của tác giả đối với Biệt Hải Nguyễn Châu cùng tất cả các chiến sĩ Biệt Hải anh hùng khác của QLVNCH, và xin được thay một nén hương tưởng niệm anh linh những anh hùng Biệt Hải đã âm thầm hiến thân cho Tổ Quốc, mà nắm xương tàn của rất nhiều anh em, đến giờ này vẫn không biết đang gởi ở nơi đâu. Cũng xin thay một đóa hoa hồng tươi thắm nhất, gởi đến chị Nguyễn Châu cùng tất cả các phu nhân Biêt Hải, dù còn sống hay đã chết. Tất cả đều rất xứng đáng cho lòng biết ơn và trân trọng của tất cả mọi người.
 
Phạm Tín An Ninh
Posted by CSVD VN at 9:48 PM

Sau 42 Năm

Nguyễn Thị Thêm

 
Gia đình tôi cổ hũ và tôi là đứa con gái duy nhất nên bị ràng buộc trong tầm suy nghĩ của mẹ.” Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh làm câu trao mình” Cái ông Khổng tử ở tuốt bên Tàu vậy mà uy lực ổng thật to rộng. Một người phụ nữ ít học, quê mùa như má tôi lại thuộc nằm lòng mấy câu giáo điều đó . Thuộc để ép mình vào khuôn khổ cả một đời và truyền lại cho con gái.
 
Chúng tôi cùng dạy tư cho một trường trung học công giáo do cha đạo mở ra. Khi ấy anh đã là lính mang lon chuẩn úy. Có nghĩa là anh cũng thuộc lính mới tò te. Một sĩ quan mới ra trường còn mang nhiều món nợ áo cơm từ cha mẹ. Nơi anh được bổ nhiệm là một quận lỵ nằm giữa những vùng xôi đậu. Ban ngày là của Quốc Gia, ban đêm Việt Cộng về thăm dân. Họ nhận tiếp tế, tuyên truyền  và rải truyền đơn.
 
Người dân như mang mặt nạ, không dám biểu lộ tình cảm của mình với lính Quốc Gia. Xung quanh hàng xóm không biết ai là bạn, ai là Việt Cộng nằm vùng. Cuộc sống bấp bênh trong những trận càn của lính và đêm sục xạo, gỏ cửa rình mò của phía bên kia. Ấp chiến lược sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết đã không còn hiệu lực. Một con đường vô hình đã mở ra cho sự phát triển của phe đối nghịch. Đưa đẩy người dân vô tội vào hai gọng kìm Quốc Gia và Việt Cộng..
 
Khi những người bạn đồng minh lần lượt đổ quân vào thôn xóm thì như giọt nước đã tràn ly. Người dân càng hoảng loạn không biết đâu là chính nghĩa. Những người Mỹ, người Đại Hàn, người Thái Lan súng ống rầm rộ khắp mọi ngõ ngách xóm làng. Người dân quê sợ sệt vì lần đầu tiên thấy người ngoại quốc lùng sục khắp nơi. Đó là cái mồi lửa thật tốt châm ngòi cho phía bên kia. Họ tuyên truyền trong dân chúng để kéo  chính nghĩa về phía họ.
 
Tôi nói điều này ra có nhiều người sẽ phản đối. Nhưng đó là sự thật khi người dân không có được một sự giáo dục rõ ràng về phía chính phủ. Họ không hiểu thế nào là Thế Giới Tự Do và thế nào là Cộng Sản. Họ không hiểu tại sao người Mỹ có mặt ở nước mình.
 
Nhan nhản trên đường những người lính Mỹ say sưa. Những cô gái thôn quê bỗng chốc thay da đổi thịt. Từ ăn mặc đơn giản lại lòe loẹt chói mắt. Một số biến thành gái mãi dâm mua vui cho những người lính Mỹ đen, Mỹ trắng. Những người phụ nữ bỏ quên chồng con, diêm dúa trong những bộ quần áo mini ngắn ngủn, son phấn sặc sỡ đi làm sở Mỹ. Những áp phe buôn đồ Mỹ, bán đồ quân tiếp vụ Mỹ, quán rượu  mọc ra như nấm. Những đứa bé con lai ra đời, những bào thai bị vất bên đường và thỉnh thoảng phát hiện xác con gái nằm chết trong bãi rác. Những tin xấu tràn về thôn xóm, những hình ảnh xa đọa lung lay xã hội.
 
Đau đớn là ở chỗ chính nghĩa bị hiểu lầm và kẻ gian ngoa đã giành chiến thắng. Những người học sinh trong bộ đồng phục tới lớp buổi sáng. Nhưng sẽ là một liên lạc liên báo cáo tin tức vào buổi tối cho phía bên kia. Những em học sinh mặt thì già nhưng giấy tờ nhỏ tuổi. Có em đã có vợ , có con nhưng vẫn mang giấy tờ giả đến trường để trốn lính. Những chị ngồi trên xe lam đi chợ nói nói cười cười. Những cô gái đẹp làm người tình hờ của lính. Họ là những người nằm vùng của phía bên kia. Nhiệm vụ hoạt động mật, báo tin tức, tiếp tế lương thực,thuốc men và tiếp nhận chỉ thị của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.
 
Trong bộ ngực căng tròn của cô gái đẹp chứa đầy thuốc trụ sinh. Dưới lằn vải quần mỹ a đen mượt mà kia là những lớp nylon bó thật chặc vào đùi để tiếp tế.  Trong gà mên cơm đem đi ăn một ngày, họ ém thật chặc cho 2, 3 người ăn. Sau giờ làm, họ để lại bên rừng cho người của mặt trận về lấy đem đi. Trong làng, đa số là phụ nữ. Nhưng những đứa bé không cha tiếp tục ra đời mà không ai đặt vấn đề.
 
Chiến tranh đã đẩy những người dân chơn chất thành những kẻ phản bội ” Ăn cơm Quốc Gia, thờ ma Cộng Sản” Đừng trách họ, mà hãy trách nhà cầm quyền không bảo vệ được họ. Những người có nhiệm vụ tuyên truyền không dẫn giải cho dân hiểu được sự thật, đâu là bạn, đâu là thù. Những người làm  công tác chiến tranh chính trị chỉ làm trên giấy tờ mà không đi vào cái gốc chính là người dân- những người dân quê an phận, hiền lành-
 
Trong khi đó kẻ gian rình mò trong bóng đêm. Những bộ mặt giả nhân nghĩa vừa tỉ tê dụ dỗ, vừa hù dọa khủng bố đã len lỏi vào từng gia đình Những tổ chức bí mật được thành hình,  biến người dân thiệt thà thành tai mắt, những người đàn bà quê mùa thành những bà mẹ anh hùng.
 
Thành phố rộn rã tiếng cười, những bar rượu, những đêm vui thâu đêm suốt sáng. Thành phố không có chiến tranh cho nên thành phố đẹp, thành phố sang. Đất nước VN không phải chỉ là thành phố mà có cả  thôn làng, núi, đồi, sông, biển. Thôn làng càng xa xôi nghèo nàn, Việt Cộng trà trộn càng nhiều, càng khó bảo vệ. Người dân không thương yêu gì CS nhưng sợ bị trả thù, sợ bị theo dõi, sợ bị nghi ngờ và bị giết oan. Tội nghiệp người dân, một cổ hai tròng. Dù đang sống dưới chế độ Cộng Hòa nhưng vẫn bị Mặt Trận khống chế hàng ngày, hàng đêm.
 
Gần gũi dân nhất là những người lính Địa Phương Quân. Họ đóng quân ngay trong làng, sống với dân và người họ sợ nhất lại chính là những người dân. Ai đã từng đi lính thì khắc biết điều tôi nói là sự thật. Chỉ một câu nói lỡ lời thì tin tức hành quân được bên kia nắm bắt. Và những chuyến phục kích kể như thất bại. hay bị đảo ngược thế cờ.
 
Người lính sống trong đường tơ kẻ tóc và người con gái chấp nhận lấy lính là chấp nhận mọi sự rủi may trong đời. Đám cưới đôi khi không dám tổ chức tại địa phương vì gia đình sợ bị theo dõi và trả thù. Thôn làng do chính phủ VNCH làm chủ mà người dân sợ Việt Cộng hơn Quốc Gia.
 
Đã trễ quá rồi khi nói đến điều này, nhưng tất cả chúng ta đều là nạn nhân của một cuộc lừa đảo. Bao nhiêu nhân mạng oan khiên đã chết một cách thảm thương cho cuộc chiến tương tàn. Bao nhiêu thanh niên của nước Mỹ giàu đẹp đã bỏ thây một cách oan uổng trên chiến trường VN. Vì sự sai lầm của cả hai phía. Tất cả tang thương đó đã đổ lên vai, lên đầu của thế hệ chúng tôi. Những người lính, những người vợ lính và những trẻ thơ vô tội.
 
42 năm qua rồi, nhưng mỗi khi tháng Tư Đen lại về tôi lại xoay cuồng trong suy nghĩ. Tôi khâm phục cái nhìn thật rõ ràng cốt lõi cuộc chiến VN  của Tống Thống Ngô Đình Diệm. Ngài biết thật rõ ràng về Cộng Sản kể cả sách lược bảo vệ quốc gia. Ngài không muốn người Mỹ hay đồng minh đổ bộ vào Việt Nam. Ngài  chỉ muốn đựợc tiếp tế vũ khí và ngân sách để bảo vệ và xây dựng đất nước. Ngài lập ra ấp chiến lược là để cắt đứt nguồn tiếp tế lương thực và thuốc men cho phía bên kia. Đồng thời xây dựng một lực lượng bảo vệ xóm làng từ người dân. Nhưng tiếc thay ngài đã bị giết chết. Chế độ Đệ nhị Cộng Hòa không xoay nỗi thế cờ chính trị. Mỹ bỏ rơi VN. Và sự thất trận đau thương xóa sổ VNCH trong ngày 30/4/75 lịch sử. Vận mạng đất nước nhược tiểu nằm trong tay của những đại cường. Một cuộc mua bán, sang nhượng chính trị. Đất nước ta là món hàng đưa lên bàn cân ngã giá. Kẻ thắng chẳng oai hùng, người thua đầy uất ức.
 
Bốn mươi hai năm qua rồi, nhắc lại thêm ngậm ngùi, đau đớn. Bao nhiêu mạng người đã bỏ thây trong cuộc chiến, trên con đường chạy loạn 30/4/1975. Bao nhiêu xác người tù CS bị bỏ thây trên rừng thiêng nước độc. Bao nhiêu xác người bị chết trên biển đông và trong bàn tay của hải tặc. Bao nhiêu? bao nhiêu? Một câu hỏi làm nghẹn lòng người Việt trên khắp năm châu.
 
Thoắt một cái đã 42 năm. những người có mặt và tham dự trong cuộc chiến ngày đó đều đã già. Những mái tóc bạc trắng hay hoa râm, những tâm hồn đầy những vết thẹo quá khứ và chiến tranh. Cố gắng xây dựng một thế hệ tiếp nối. Cố gắng sống tốt và làm sống lại một thuở hào hùng. Đôi chân đã yếu, cơ thể hao mòn. Những người cha, người ông đã tận lực mình vì hai chữ tự do. Họ thật đáng kính trọng và tự hào. Nhưng trong họ biết bao nhiêu đêm trăn trở, dằn vặt vì sức tàn, lực kiệt.
 
42 năm cho những người di tản. Mấy chục năm cho những người HO đang sống ở một nước khác quê hương mình. Sau 30/4 người sĩ quan VNCH bị tù đày nơi rừng thiêng nước độc. Không một bản án, không biết ngày về. Họ được thả ra với một thân thể suy nhược, một tâm hồn loang lỗ những thương đau. Trong họ mọi thứ đều đỗ vỡ, bi thương. Được thả từ nhà tù hẹp ra nhà tù lớn với vài chục đồng lộ phí và một túi hành trang nhẹ tênh. Nhưng họ lại mang quá nặng cái lý lịch đen “Ngụy Quân” đè bẹp cuộc đời và cả gia đình .Có người tìm lại được mái ấm gia đình. Có vợ, có con để dựa nương, bám víu. Có người không còn nhà cửa, vợ con thân thích.
 
Nếu không có chương trình HO không biết bây giờ cuộc sống của những người tù CS sẽ ra sao? Không có chương trình HO. Không có những người liều chết vượt biển tìm tự do. Chúng ta sẽ không có một thế hệ thứ hai thứ ba thành công trên đất nước Hoa kỳ hay trên thế giới. Chúng ta sẽ không bao giờ có một Little Sai Gon  trên đất Mỹ. Chúng ta sẽ không thể hảnh diện giơ cao lá cờ vàng và hát Quốc ca. Chúng ta không có xe hoa diễn hành ngày tết Nguyên Đán, Chúng ta cũng không thể có những bảo tàng lịch sử “Quân lực VNCH”. Không có tượng đài Đức Trần Hưng Đạo và cũng không thể có những nghị quyết “Vinh Danh cờ vàng” tại nhiều thành phố trên nước Mỹ, Úc, Canada.
 
Cám ơn Bà Hạnh Nhơn. Cám ơn nnhững ân nhân đã cứu vớt, đã mở con đường sống cho những người liều chết tìm tự do  như chúng tôi.
 
42 năm, một thời gian quá nửa đời người. Những chứng nhân lịch sử rất nhiều người đã nằm xuống vì tuổi già, vì bệnh tật. Những văn nhân, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ nỗi danh cũng quá nửa đã ra đi. Một thế hệ VNCH lần lần đi vào quá khứ. Thế hệ tiếp nối lớn lên tại Mỹ, sinh ra tại Mỹ và chúng gia nhập vào dòng chính để làm một người Mỹ thực thụ.
 
Hôm tuần trước tôi đi dự một đám ma. Người chết là một bà bác 90 tuổi. Con cái, người thân quen đến viếng tang đa phần là người Việt, nói tiếng Việt. Nhưng quỳ dưới kia các cháu dâu rễ đa phần là người Mỹ. Bầy cháu cố cũng là những đứa bé Mỹ lai nói toàn tiếng Mỹ. Cả một đại gia đình nói chuyện với nhau bằng tiếng Mỹ. Người chết chắc hẳn sẽ buồn và không hiểu chúng đang nói chuyện gì. Người tham dự như tôi cũng xót xa cho ngay bản thân mình. Rồi thì cũng thế mà thôi hay sao?
 
Không? Chúng ta đã có những lớp dạy tiếng Việt. “Tiếng Việt còn, nước ta còn.” Chúng ta không thể không hòa nhập nhưng không thể để mất nguồn cội. Những thế hệ VNCH thứ hai thứ ba đang học hỏi để hiểu lý do tại sao chúng có mặt nơi này. Các cháu đang làm sống lại dòng sử Việt. Các cháu giương cao lá cờ vàng và các cháu tự hào về nó.
 
Dù muốn dù khôngchúng ta cũng đã rời khỏi VN. Mọi việc của quê hương đất nước phải do người trong nước quyết định. Có thay đổi được vận mệnh, có bảo vệ VN khỏi bàn tay xâm lược của Tàu Cộng hay không là do người trong nước thực hiện. Chúng ta chỉ có thể ủng hộ tinh thần, tiếp tay đưa mọi việc ra dư luận quốc tế để làm áp lực.
 
Các bạn ơi! 42 năm rồi cho một cuộc chiến, cho một đời người.Con gái tôi sinh ra 3 tháng sau ngày mất nước. Bây giờ cháu đã 42 tuổi, là một phụ nữ trung niên, con cái đã vào Trung học. Người lính VNCH trẻ nhất cũng đã ngoài 60. Những người lính già bây giờ đều đã đi gần cuối cuộc đời.  Sống nơi xứ người tuy đầy đủ vật chất nhưng vẫn là nỗi khắc khoải khôn nguôi cho những giấc mơ về một VN tự do dân chủ.
 
Tôi yêu quê hương VN tôi lắm. Tôi nhớ gia đình, họ hàng anh em và bạn bè tôi. Tôi nhớ từng con đường, từng góc vườn kỷ niệm của tuổi thơ và tuổi trẻ. Thú thật tôi sợ lắm. Sợ một ngày nào đó tôi trở về không nhận ra đất nước của mình. Tôi sợ Trung Cộng sẽ chiếm trọn Việt Nam. Người Việt mình sẽ bị làn sóng người Tàu tràn xuống tịcg thu nhà cửa, chiếm cứ ruộng vườn. Họ sẽ đày người Việt mình đi vào những nơi rừng núi hay đồng khô cỏ cháy. Họ sẽ xóa một nước VN như chính quyền hiện nay xóa sổ VNCH. Họ sẽ tàn bạo hơn, quyết liệt hơn, dã man hơn để đồng hóa chúng ta. Vì mộng bá chiếm VN ấp ủ mấy ngàn năm nay đã toại nguyện.
 
Một SàiGòn xưa đã mất. Một nền văn hóa nhân bản đã mất. Có thể rồi đây nước Việt Nam sẽ bị xóa sổ trên bản đồ thế giới . Chẳng ai còn nhớ đến bà Trưng, bà Triệu, Hưng Đạo Vương, vua Quang Trung….
 
Tôi có bi quan quá hay không? Xin nhường câu trả lời cho tất cả mọi người. Chỉ mong sẽ không bao giờ là sự thật. Chỉ mong được như vậy.
 
Xin các đấng tiền nhân, hương linh những anh hùng tử sĩ phò hộ cho nước Việt mình vượt qua cơn bão giông này.
 
42 năm đã quá đủ cho những thương đau.
 
 
Nguyễn thị Thêm
Tháng 4/2017

CÓ NHỮNG CHUYỆN KHÔNG THỂ LÀM

Nguyễn Huy
Tôi chỉ là người bình thường. Tôi không rành văn chương. Tôi cũng không thích bài xích ai. Nhưng có những việc tôi nghĩ mình phải lên tiếng, và mong mọi người lên tiếng mạnh mẽ với tấm lòng của một người yêu thương dân tộc và đất nước Việt Nam.
Trong cộng đồng hải ngoại, chúng ta nên tôn trọng ngày 30 tháng 4, là ngày để tang cho nạn nhân của cộng sản Việt Nam, là ngày Quốc Hận để tang cho ngày đã kết thúc nền Tự Do Dân Chủ của dân tộc Việt, và là ngày bắt đầu sự tang thương của nước Việt Nam phải sống dưới chế độ độc tài đảng trị. Ngày 30 tháng 4 cũng là ngày Quốc Hận cho những thế hệ của người dân Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản Bắc Việt cùng Trung cộng và Liên sô cưỡng chiếm. Là ngày đánh dấu từng đợt sóng của người Việt liều mình để lánh nạn cộng sản đi tìm Tự Do. Và là ngày nhắc nhở tuổi trẻ Việt Nam về giá trị của một thể chế Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền.
 
Sự tham tàn độc ác mất tính người và tội ác bán nước của cộng sản VN không có bút mực nào kể đủ. Viết bao nhiêu giấy đây, khi báo chí truyền thông và nhiều người đã lên tiếng cụ thể từng tội ác của chế độ thối nát này, khi bao người dân trong nước đều nhận ra dù họ phải im miệng chịu đựng trong phẩn uất và đau thương, khi đất nước Việt Nam mà ông cha tổ tiên hy sinh gìn giữ nay trở thành nơi mạng người bị coi rẻ, nhân phẩm không được coi trọng, và đất nước rõ ràng đang dần lọt vào tay Trung cộng.
 
Người dân hải ngoại chúng ta có thể thấy nhiều chuyện dồn dập trong những năm gần đây, khi mà làn sóng của tập đoàn đỏ cộng sản đang tìm mọi cách tẩu tán tài sản ra nước ngoài, thì chúng càng tích cực đẩy mạnh Văn Hóa Vận cộng sản. Âm mưu xâm nhập và chia rẽ cộng đồng hải ngoại của cộng sản rất thâm hiểm, làm nhiều người ham lợi danh hoặc nhiều người bị lợi dụng đã vô tình trở thành công cụ của cộng sản. Như nhóm Canada Vietnam Society (CVS) do đại sứ quán cộng sản ở Ottawa thành lập và gian giảo tự xưng đại diện cộng đồng người Việt Canada. Và nhóm du học sinh Vietnamese Students Organization in Canada (VietSoc) tự xưng đại diện du học sinh tại Canada, công khai đánh bóng chế độ cộng sản VN. Cộng đồng tỵ nạn cộng sản còn phải thấy các ca sĩ cộng sản hãnh diện mặc áo cờ đỏ sao vàng hát ở VN như Thu Phương và Đàm Vĩnh Hưng rồi lại cùng các bầu sô vô lương tri thách thức tại các show nhạc hoặc thi Hoa hậu ở hải ngoại. Chúng dùng cách dần dần làm cộng đồng hải ngoại quen mắt và làm mũi lòng những người yêu thích văn nghệ để đưa đến chia rẽ trong cộng đồng đang tẩy chay những ca sĩ cộng sản đó.
 
Giờ đây, cộng đồng Hải ngoại chúng ta bắt đầu phải chịu bị cộng sản phủ đầu tấn công bằng những nhóm tổ chức ca nhạc, không chỉ chọn vào tháng Tư đen là tháng đau thương, mà còn chọn ngay vào ngày 30 tháng 4. Là hành động không chỉ chà đạp trên nỗi đau của những người tỵ nạn cộng sản, mà còn chà đạp lên sự đau khổ mất mát của hàng triệu triệu dân oan, dân khổ và quê hương đang tan tác. Là thủ đoạn thâm độc vì người dân VN đau thương và những nhà đấu tranh cho nhân quyền ở VN luôn xem hải ngoại như là một thành trì chống cộng, một lực đồng hành và là điểm hy vọng và ủng hộ cho quốc nội, để lên tiếng với quốc tế và các chính phủ của các nước Dân Chủ Tự Do.

 Mà nếu đó là một vị có được sự kính trọng trong Tôn giáo, một vị Cha hay vị Thầy thì lại càng không thể nào chấp nhận được, vì đây là hành động tạo nên một tình trạng chia rẽ trong cộng đồng hải ngoại. Nhiều Giáo dân hoặc Phật tử vì tôn giáo mà có khi nhắm mắt và tự nhủ lòng “thôi chuyện gì Cha/ Thầy làm, mình cứ ủng hộ”.Và từ đó kéo theo bè bè lũ lũ cộng sản được thể lấn tiếp, và có tiền lệ thì cộng sản mừng lắm từ đó sẽ tiếp tục quấy phá.  
 
Trong khi các chùa hay nhà thờ ở VN bị san bằng, bị đàn áp cấm đoán. Trong khi Cha Lý hy sinh thân mình cho dân tộc. Trong khi Cha Thục, Cha Nam ở miền Trung mạnh dạn lên tiếng để giúp người dân đòi lại quyền lợi vì các Cha xót xa nỗi thống khổ mất mát của ngư dân và gia đình họ.Trong khi giáo dân và đồng bào chịu đánh đập vẫn quyết phản đối Formosa. Trong khi nhiều người can đảm dám đến nhà thờ Đức Bà ở Saigon biểu tình giữa làn dày đặc công an để lên tiếng nói cho miền Trung. Và trong khi tại hải ngoại đang đấu tranh chống những tên Việt gian ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản, với những tên di dân và du học sinh con ông cháu cha vừa muốn ra hải ngoại với khối tài sản tham nhũng để vui hưởng lợi ích của các nước Văn minh Tự Do vừa tìm cách nhuộm đỏ hải ngoại, và với những người thờ ơ quên đi dân mình đang khổ.
 
Thì tại hải ngoại, nay lại cùng lúc có 2 nhóm tổ chức ca nhạc vui chơi vào ngày 30 tháng 4, 2017:
Đó là Hội chợ mùa xuân 2017 của Giáo xứ các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại thành phố Houston, USA vui chơi trong 3 ngày 28, 29, 30 tháng 4, 2017. Dù có ngụy biện gì, tôi không hiểu sao một số vị giáo dân và linh mục đứng đầu giáo xứ này lại có thể làm một chuyện như vậy.
 Một linh mục ở VN thường qua hải ngoại cất cao “Tiếng hát cho người nghèo” để gây quỹ giúp người nghèo người bệnh ở VN. Từ Phật tử cho đến Giáo dân hải ngoại đều hết lòng ủng hộ khi các năm linh mục nầy qua Mỹ, Canada .., để tổ chức gây quỹ. Nay linh mục này lại tổ chức hát hò vào đúng ngày 30 tháng 4, 2017 tại Lyon nước Pháp, hãnh diện với một dàn ca nhạc sĩ. Xin được hỏi Cha, có nhiều ngày để hát giúp người nghèo khổ, sao Cha lại chọn ngày Quốc Hận 30 tháng 4? 
 
Tôi không muốn dùng những lời nặng nề. Nhưng tôi nghĩ là các vị tổ chức các buổi cahát lễ hội vui chơi vào ngày 30 tháng 4 xin hãy suy nghĩ lại.

Lương tri con người giúp mình phân biệt đúng sai thiện ác. 
Trí tuệ và sự thông cảm giúp mình không làm chuyện gì mà gây tổn thương cho cả một cộng đồng và bao người dân ở quê hương. 
Trái tim con người giúp mình biết nỗi đau của đồng loại. 
Lòng ái quốc giúp mình biết đất nước đang lâm nguy, dù đang mặc áo dòng hay áo tăng bào thì mình vẫn là người dân nước Việt.
Tự trọng của con người giúp mình không làm chuyện mà nhiều người khinh bỉ.


Mong những người tổ chức, tham gia, ủng hộ ca hát vào ngày 30 tháng 4 hãy tôn trọng chính mình. Các vị đang tiếp tay cho cộng sản, chà đạp trên bao nhiêu vong linh của nạn nhân cộng sản, đánh vào nỗi đau của cộng đồng Người Việt Tự Do và giúp Việt Cộng phá hoại ngày Tang của dân tộc khi quê hương còn nằm dưới ách độc tài đảng trị.
Ngày Quốc Hận 30 tháng 4 là thời điểm để mỗi người Việt vinh danh Tự Do Dân Chủ Công Lý và Nhân Quyền, để thúc đẩy cuộc đấu tranh cho quyền sống của người dân Việt, chống lại đảng cộng sản Việt Nam phản bội dân tộc và chống lại sự xâm lược của Trung cộng.
 
Nguyễn Huy

Quốc Hận 30/4: Giặc muốn chúng ta quên; chúng ta cần phải nhắc nhớ!

Mỗi năm khi tháng Tư lại đến thì hàng triệu con tim những người Việt Tỵ Nạn trên khắp thế giới không khỏi ngậm ngùi đau buồn tưởng nhớ đến ngày 30/4/75 như một ngày Quốc Hận, ngày mà toàn thể quân dân miền Nam: VNCH đã phải nhượng bộ trước bạo lực xâm lăng của tập đoàn cộng sản Bắc Việt.

Cộng sản luôn rêu rao là “Giải phóng miền Nam”, “Chống Mỹ cứu Nước\2 v.v… Nhưng tại sao bây giờ chúng không chống Mỹ?. Tất cả chỉ là những chiêu bài bỉ ổi, mị dân và xảo trá có sẵn của con người cộng sản vô thần!
Chúng đã gian ác vi phạm tất cả những hiệp định được ký kết chỉ cốt làm sao thanh toán được trọn vẹn miền Nam trù phú, cả về của cải tư hữu cá nhân lẫn tài nguyên thiên nhiên, để cứu đói cho miền Bắc rách nát, tương tự như đồng chí North Korea của chúng bây giờ. Đó là cái thực chất của “xã hội chủ nghĩa” cộng sản mà chúng hằng tự hào ôm ấp. Nếu không có những “nạn nhân tỵ nạn cộng sản 1975” và những “khúc ruột ngàn dặm” còn dùng chút tình dân tộc, tình quê hương nhân đạo mà cứu giúp thì liệu ngày nay chúng có lột xác được cái hình hài khắc khổ của con “người” cộng sản cố hữu hay không?.
Tập đoàn “lãnh đạo” Cộng sản Bắc Việt chính là những kẻ đã khởi xướng nên cuộc chiến tranh tương tàn 20 năm từ 1954 sau hiệp định Geneva đến 1975. Trong khi chúng đã xảo trá lợi dụng 2 năm đình chiến của hiệp định Paris 1973 để sửa soạn cho cuộc tổng tấn công sau cùng vào tháng 3 & 4/75 thì Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn tuyệt đối tôn trọng mọi điều khoản của hiệp định Paris 73 và còn nuôi nấng tử tế những tên đại diện láo khoét của chúng ở căn cứ KQ / TSN.
30/4/75 cũng là ngày mà hàng triệu gia đình và đồng bào Miền Nam Việt Nam đã phải trải qua những giây phút đau thương, khốn khổ lầm than, và kinh hoàng nhất trong lịch sử và trong cuộc đời để tập đoàn “lãnh đạo” cộng sản miền Bắc được thỏa mãn những tham vọng thanh toán miền Nam của chúng, bất chấp tất cả mọi thủ đoạn xảo trá và độc ác.
Bao nhiêu triệu gia đính miền Nam đã lâm cảnh nhà tan cửa nát, mất của mất người vì loạn lạc? Bao nhiêu vợ chồng đã xa nhau, gia đình tan nát?
Bao nhiêu trẻ thơ đã mất cha mất mẹ?
Bao nhiêu thân xác đã chìm sâu trong lòng biển cả vì không chịu đựng nổi sự cai trị bạo tàn của chế độ cộng sản?
Những nạn nhân của chính sách “kinh tế mới”, của những trại tập trung cải tạo nơi rừng sâu nước độc.

Bao nhiêu người đã bị trả thù hay thủ tiêu mất tích?

Baonhiêu xương máu đã đổ ra vì trận chiến ấy?
Nếu đó là cuộc “cách mạng” hay “Giải phóng miền Nam” thì nó cũng tương tự như một trận cướp vĩ đại với xe tăng và đại pháo yểm trợ để vơ vét hết tài sản của cải nhân dân miền Nam đem về cho miền Bắc đói khổ mà thôi! Tất cả các tội ác ấy là do bè lũ “lãnh đạo” cộng sản Bắc Việt gây nên, nhưng chúng ta cũng không thể không hận sự làm ngơ của thế giới tự do và đồng minh Hoa Kỳ trước sự vi phạm trắng trợn của Bắc Việt lúc bấy giờ.
Người dân miền Nam cuối cùng đã ứng nghiệm được câu nói của T/t Ng. Văn Thiệu: “ Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm! “. Nhưng rất tiếc vận nước đã quá trễ.
Chúng ta cũng ân hận vì đường lối lãnh đạo của những cấp lãnh đạo bất tài và hèn nhát của thời kỳ Đệ Nhị Cộng Hòa (VNC)]. Sau đảo chánh 1/11/63, các tướng lãnh đã thi nhau tranh giành địa vị, tự phong cho mình vai trò lãnh đạo Quốc Gia ; đến khi hữu sự không ai có chút tài năng đối phó với tình hình mà còn hèn nhát bỏ chạy trước. Đó là những sự thực rõ ràng và là nguyên nhân chính yếu đã đưa vận mạng đất nước đến ngày đau thương 30/4/75.
Tháng 11/1963 là cái mốc quan trọng nhất đã đưa lịch sử VNCH vào một khúc quanh mới. Cuộc đảo chánh TT/ Ngô Đình Diệm 1/11/63 của các tướng lãnh đã tiếp tay cho việc đưa quân Mỹ vào chiến trường VN để bành trướng chiến tranh tới mức chúng ta không tự vệ nổi, đồng thời cũng làm mất đi chính nghĩa cao quý của VNCH. Tổng Thống Ngô Đình Diệm vì cương quyết chống lại ý đồ sai lầm đó mà Ông đã phải hy sinh mạng sống mình và các anh em trong họ hàng như một sự bị “tru di tam tộc” độc ác của thời đại mới. Sư hy sinh của Người cũng cao cả như sự hy sinh của các chiến sĩ VNCH và các sĩ quan, tướng lãnh đã tuẫn tiết trong ngày bi thương 30/4/75 để Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn được vinh dự vì những vị anh hùng cao quý ấy.
Đừng nói rằng công tội hãy để lịch sử đời sau phê phán. Bao giờ kẻ chiến thắng cũng là kẻ viết ra lịch sử và chúng đã viết rồi. Phần chúng ta chỉ nên trung thành với sự thực để tìm hiểu lỗi lầm chính đáng của mình (VNCH) cho con cháu những người Việt Quôc Gia sau này ít nhất cũng nghe được những sự thật do chính Cha Ông nói ra khi còn sống, chờ khi chết rồi người khác nói giùm có ích lợi gì?
Tại sao 9 năm đầu của VNCH, từ 1954- 1963, cộng sản Bắc Việt không dám thanh toán miền Nam khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn trong thời kỳ phôi thai yếu kém chưa có quân đội hùng mạnh? Thưa vì chúng ta có Chính Nghĩa Quốc Gia và được cộng đồng Quốc Tế bảo vệ. Chính phủ thời ấy cũng biết rõ “Mặt trận đối ngoại” để uy tín của Việt Nam Cộng Hòa được thế giới thừa nhận còn quan trọng hơn mặt trận quân sự ở chiến trường; đó là cái thế khôn ngoan biết thích ứng với tình thế như kẻ yếu phải cần có nhiều bạn bè bênh vực.
Các chính phủ sau này, từ 1963 – 1975, với độc quyền cai trị bởi các tướng lãnh, lãnh đạo Quốc Gia nhưng bất tài nhu nhược nên chỉ biết tùy thuộc vào sự chấp thuận của Mỹ mà cai trị, cả về hành chánh lẫn quân sự nên cộng sản mới gọi chúng ta là “bù nhìn”. Quốc Tế bỏ rơi chúng ta, đồng minh chạy trốn chúng ta không ai bênh vực! Bài học hiện đại của Bắc Hàn và Syria nếu không có đồng minh bênh vực dù quân sự có mạnh liệu có tự mình đứng vững được không?.
Thay vì trách Mỹ bỏ rơi miền Nam, vì đó là chuyện trước sau cũng sẽ xẩy đến, thì chúng ta phải trách Mỹ tại sao đã mang quân vào miền Nam?
Cùng chung nòi giống con Rồng cháu Tiên  cùng dòng máu đỏ da vàng với nhau, chắc chắn nếu không thắng được CSBV thì ít nhất chúng ta cũng phải ngang hàng và trên phương diện quân sự thì ngày 30/4/75 đã là ngày Đình Chiến chứ không phải ngày Đầu Hàng như TT/ Dương van Minh đã tuyên bố trên dài phát thanh Sài gòn. Có lẽ định mệnh trớ trêu cũng chứng tỏ cho mọi người thấy vì ông là kẻ Có tội với quốc dân! đã tạo ra nguyên nhân đưa đến sự thảm bại của nền Đệ Nhị Cộng Hòa sau này, thì ông cũng là người phải nhục nhã đứng ra đầu hàng!
Xin hãy dành những giây phút thiêng liêng của ngày 30/4 để cùng nhau tôn vinh và tưởng nhớ đến những Anh Hùng Tử Sĩ của Việt Nam Cộng Hòa như:
Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Văn Long, Trương Phùng, Trang Văn Thành v.v… và hằng ngàn vạn những chiến sĩ Vô Danh đã bị lịch sử quên lãng. Để danh họ được mãi mãi lưu truyền cho các thế hệ mai sau của con cháu những người Việt Nam Quốc Gian chính. Tinh thần Việt Nam Cộng Hòa còn sống mãi thì sẽ có ngày quang phục, bánh xe lịch sử sẽ trở lại, đó là ước nguyện thiêng liêng của những người Việt Nam tỵ nạn cộng sản!

.
Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm !!!

Tdhoanz