Qua giới thiệu của người bạn tù, nguyên là một sĩ quan thâm niên thuộc Nha Kỷ Thuật, tôi biết được Biệt Hải Nguyễn Châu. Người từng được tuyển chọn là chiến sĩ xuất sắc của Sở Phòng Vệ Duyên Hải (trực thuộc Nha Kỷ Thuật BTTM). Chỉ nghe qua đôi điều về anh cũng đủ làm cho tôi ngưỡng mộ và tò mò muốn được gặp anh, để được nghe anh kể về quãng đời chiến đấu trong âm thầm, nhưng rất hào hùng của những chiến sĩ Biệt Hải. Một lực lượng ít người biết đến, mặc dù họ đã từng bao lần vào sinh ra tử, mỗi lần ra đi đều không hẹn trở về. Họ chiến đấu can trường, dũng cảm không thua kém bất cứ một binh chủng thiện chiến nào của QLVNCH và kể cả trên thế giới, cho dù với những cấp bậc rất khiêm nhường.
Nguyễn Châu, sinh ngày 02.10.1933 tại làng Nhượng Bạn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Theo ông bà cha mẹ vào Nam, đến định cư tại Đà Nẵng vào đầu tháng 10 năm 1949.
Năm 1962, Nguyễn Châu tình nguyện vào lực lượng Biệt Hải với vai trò một Dân Sự Chiến Đấu. Tháng 6 năm 1970, có lệnh giải tán các toán DSCĐ, nên anh xin được cải tuyển vào Hải Quân. Sau hơn tám năm chiến đấu trong một lực lượng dũng cảm, đầy hiểm nguy bất trắc, với nhiều công trạng, nhưng khi cải tuyển sang Hải Quân không được một ân huệ đặc biệt nào, anh vẫn vui vẻ và hãnh diện nhận lấy cấp bậc thấp nhất: Thủy Thủ Tập Sự (Binh Nhì), và tiếp tục phục vụ trong Lực Lượng Biệt Hải, thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải trực thuộc Nha Kỷ Thuật Bộ TTM. Chỉ trong vòng ba năm, anh đã được Đô Đốc Tư Lệnh HQ đặc cách thăng cấp tại mặt trận liên tục 3 lần lên Hạ Sĩ I, cùng tưởng thưởng 4 Anh Dũng Bội Tinh và 1 Chiến Thương Bội Tinh. Với cấp bậc quá khiêm nhường đó, nhưng Biệt Hải Nguyễn Châu đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, mọi người – từ các cấp chỉ huy Việt, Mỹ đến đồng đội – phải kính nể, với những chiến tích lẫy lừng, mà chỉ có những người dám sẵn sàng đánh đổi tính mạng của mình mới có thể giành lấy được.
Từ lúc còn là một Dân Sự Chiến Đấu, anh đã nhiều lần xâm nhập miền Bắc, từ Hải Phòng, Thanh Hóa, đến Đồng Hới, Đông Hà, thám sát tình hình, bắt sống cán bộ CS mang về miền Nam cho Cơ Quan Tình Báo khai thác, phá hủy nhiều nhà máy, cầu cống, tiêu diệt một số đồn bót công an, tàu thuyền của CSBV. Anh cũng đã tham dự các cuộc hành quân bí mật để giải cứu những phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi hoặc những quân nhân Hoa Kỳ bị bắt làm tù binh bên kia vĩ tuyến 17 hay trong các vùng địch chiếm. Đặc biệt trong trận hải chiến với Trung Cộng tại quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974, chính anh đã điều động toán Biệt Hải đổ bộ đầu tiên lên các đảo Cam Tuyền và Quang Hòa, cấm lá cờ Tổ Quốc, sẵn sàng tử chiến với quân thù. Với những thành tích phi thường đó, ngoài những huy chương, tưởng thưởng và đặc cách thăng cấp tại mặt trận của Quân Lực, Chính phủ VNCH (đặc biệt đã được đích thân Thủ Tướng trao gắn Hải Dũng Bội Tinh vào ngày 24.4.1974), anh Nguyễn Châu đã được Chính Phủ và Quân Đội Hoa Kỳ ân thưởng:
– 1 huy chương của Bộ Trưởng Hải Quân Hoa Kỳ ngày 07.02.1966
– 1 giấy ban khen của Chỉ Huy Trưởng Biệt Đội Cố Vấn Hải Quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương ngày 29.9.1969
– đặc cách theo học khóa người nhái tàu ngầm tại Subic Bay vào tháng 8/1972
– huy chương cao quý của Tổng Thống Hoa Kỳ (Presdidental Unit Citation – P.U.C) ngày 20.01.2006 (đặc biệt được tưởng thưởng sau hơn 10 năm định cư tại Hoa Kỳ)
Trong Tưởng Thưởng Lục ngày 29.9.69 dành cho BH Nguyễn Châu, vị Chỉ Huy Trưởng Biệt Đội Cố Vấn Hoa Kỳ Thái Bình Dương đã ghi như sau:
(Your skillful execution of missions assigned in this erea serves as an example of bravery and devotion to duty that speaks highly of your personal conduct. In areas long denied Free Word Force you bravely ventured forth and inflicted grave casualties on the enemy. Only through your superior skill in these military operations were you able to surpass previous attempts made by others penetrate this area…
You have carried the flag and name of the Coastal Security Service to the enemy’s doorstep and there you implanted it with honor. You have brought honor and respect to your organization and you country. Your heroic actions and dedication to duty will long be remembered by the military organizations that you assisted in the area and will serve as an example of success in their future efforts…)
Mặt sau Tưởng Thưởng Lục được dịch ra Việt Ngữ:
“Cách thức đảm trách công việc tài tình trong các chuyến công tác tại vùng này và sự hoạt động siêng năng trong công vụ của bạn là tấm gương quả cảm, nói lên tinh thần trách nhiệm cao cả của bạn. Trong những vùng mà từ lâu các lực lượng đồng minh vắng bóng, bạn đã anh dũng đột nhập và gây cho lực lượng địch tổn thất nặng nề. Chỉ có tài năng xuất chúng của bạn mới có thể vượt qua những trở lực mà các đơn vị khác đã vấp phải để xâm nhập vùng này…
Bạn đã mang màu cờ Sở Phòng Vệ Duyên Hải đến ngưỡng cửa địch và ở đó bạn đã cấm lên một cách vinh dự. Bạn đã đem lại vinh quang cho Đơn Vị và Tổ Quốc của bạn. Những hành động can đảm và sự tận tụy công vụ của bạn sẽ khiến cho các tổ chức quân sự mà bạn hằng trợ giúp luôn luôn tưởng nhớ và sẽ là tấm gương cho họ noi theo…
Và chỉ trong 4 năm, sau ngày được cải tuyển để chính thức trở thành một người lính Hải quân, anh Nguyễn Châu đã được toàn thể quân nhân các cấp tuyển chọn là Chiến Sĩ Xuất Sắc nhất của Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Một số thành tích của Nguyễn Châu, được HQ Đại Tá Nguyễn Viết Tân, Chỉ Huy Trưởng Sở Phòng Vệ Duyên Hải tường trình lên Đề Đốc Tư Lệnh Hải Quân vào ngày 07.05.1974 để anh được tuyển chọn là chiến sĩ xuất sắc của đơn vị đặc biệt này trong năm 1974:
– Trong cuộc hành quân Bạch Đằng 3/73 do Sở PVDH tổ chức. Với quân số chỉ 5 người do đương sự làm Tổ Trưởng. Đương sự đã gan dạ khai hỏa vào trung đội tiền phong của một Tiểu Đoàn Đặc Công VC di chuyển qua vị trí của đương sự. Kết quả hạ hơn 30 Cộng quân, tịch thu nhiều vũ khí và quân dụng, đồng thời bảo toàn lực lượng 100%.
– Trong cuộc hành quân Biệt Hải tại Cửa Việt ( tọa độ YD-266634), đương sự đã xâm nhập vào vùng địch, hăng say quyết chiến với một lực lượng địch động đảo, giết chết 1 Cộng quân, tịch thu 5 lựu đạn, 3 thanh TNT/TC, phá hủy 100 kg chất nổ. Đồng thời đương sự đã hướng dẫn phi pháo oanh kích chính xác, gây thiệt hại nặng nề cho địch.
– Trong cuộc hành quân tại Điện Bàn, Quảng Nam ngày 19-09-1971, đương sự đã điều động đồng đội bắt sống 10 cán bộ Cộng sản, tịch thu một số tài liệu quan trọng.
– Trong cuộc hành quân Biệt Hải tại Cà Mau, từ 06.11 đến 09.11.1971, khi đến mật khu địch, đương sự đã chọc thủng phòng tuyến cuối cùng, chế ngự hoàn toàn hỏa lực của địch và tiên phong tiến chiếm mục tiêu, hạ 7 VC tại trận, băt sống 1 tù binh và thu nhiều tin tức quan trọng.
– Trong cuộc hành quân xâm nhập mật khu VC tại U Minh Hạ (WQ-371757) ngày 11.02.72, đương sự là tiền sát viên hướng dẫn đơn vị vào khu an toàn VC, chính đương sự gan dạ một mình lội ra giữa lòng sông đột kích 01 ghe giết 01 VC tại chỗ.
– Trong cuộc hành quân Bạch Đàng 3/73 do Sở PVDH tổ chức khai diễn lúc 23.15 giờ ngày 09.5.1973 tại Ấp Thủy Tú xã Hòa Lạc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam. Toán công tác Biệt Hải do anh làm phó trưởng toán đã chạm súng ác liệt với 01 Tiểu Đoàn Đặc Công CS. Tổ phục kích “khóa đầu” do anh chỉ huy đã nổ súng vào đội tiền phong địch, dồn địch vào ổ phục kích chính của Toán Biệt Hải. Kết quả hạ sát 30 Cộng quân tại chỗ, tịch thu 09 K-54, 01 WZ-63, 02 AK-59, 20 lựu đạn và 95 bao gạo 95 kg, cùng nhiều tài liệu quan trọng.
– Trong cuộc hành quân Vì Dân 74 ngày 16.01.74 tại Hoàng Sa do BTL/HQ tổ chức, Toán Biệt Hải gồm 24 người do anh làm phó trưởng toán. Ngày 17.01.74, Toán Biệt Hải đầu tiên đổ bộ tái chiếm đảo Cam Tuyền (Robert), chính đương sự là người tiên phong xung kích lên đảo và tịch thu lá cờ Trung Cộng cùng bảng ghi chủ quyền của họ. Hành động quyết liệt và dũng cảm của anh cùng đồng đội khiến lực lượng Trung Cộng trên 2 Tiếp Tế Hạm không dám phản ứng, phải rút lui. Ngày 19.01.74 Toán Biệt Hải được lệnh tiến chiếm đảo Quang Hòa (Duncan), nơi có doanh trại và quân Trung Cộng phòng thủ chặt chẽ, đương sự đã tiến lên lập đầu cầu cho đồng đội tiến vào đảo, và cũng chính đương sự dựng lá quốc kỳ VNCH mà anh đã thủ sẵn trong người. Trong lúc địch quân dàn lực lượng bao vây đơn vị nhỏ bé của anh, đương sự luôn ở tuyến đầu, quyết liệt không cho địch tiến chiếm các vị trí của ta. Chính khí thế hào hùng của anh đã giúp đồng đội phấn khởi làm cho quân Trung Cộng không dám dùng quân số đông đảo của họ tràn ngập tuyến kháng cự của ta.
Với thành tích này, đương sự đã được chính Thủ Tướng Chính Phủ trao gắn Hải Dũng Bội Tinh với Mỏ Neo Đồng vào ngày 24.4.1974
Nhớ lại trận đánh lịch sử tại Quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1/1974, anh Châu tâm sự:
Lúc ấy tôi đang nghỉ phép. Vào một buổi sang đẹp trời đang ngồi sau nhà thì nhận được lệnh phải cấp tốc trở về trình diện để đi công tác. Kinh nghiệm trước đây cho tôi biết, mỗi lần được gọi khẩn cấp như thế này thường có công tác hết sức đặc biệt, khó khăn. Chẳng hạn như chuyến đi giải cứu hai phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi tại sông Cam Lộ, Đông Hà, Quảng Trị vào tháng 4 năm 1972 trong Mùa Hè Đỏ Lửa. Lúc ấy toán của tôi chỉ có 5 người, nhưng đã phải len lỏi qua mặt mấy Sư Đoàn Bắc Việt, đi vào địa điểm công tác để cứu được hai phi công này mang ra an toàn, cho mãi đến bây giờ, nghĩ lại thấy còn hú vía. Sau khi nhận lệnh, lòng tôi cứ thấp thỏm, không biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi vội thay quần áo, hôn phớt các con rồi từ giã bà xã lặng lẽ ra xe.
Khi vào đến trại mới biết anh em trong toán chuẩn bị súng đạn xuống tàu để ra công tác tại Hoàng Sa. Chuyến đi này tộng cộng có 24 Biệt Hải. Tôi làm toán phó kiêm tiền sát. Tất cả đều trang bị toàn súng AK-47 của CS. Ngoài ra mỗi người còn được phép mang thêm mấy khẩu M-72. Vì tôi không có mặt trong lúc toán nhận lệnh đi Hoàng Sa, do đó trước khi chuẫn bị lên xe, tôi được CHT Biệt Hải, Thiếu Tá Hồ Xuân T, và Trưởng Toán Nguyễn N. cho biết sơ qua về tình hình trên đảo, và nhiệm vụ của toán Biệt Hải là đổ bộ lên đảo để lấy lại chủ quyền và kiểm soát các vị trí trên đảo, nơi đang có những đơn vị Hải Quân Trung Cộng (TC) chiếm giữ bất hợp pháp.
Chiếc Khu Trục Hạm HQ-4 Trần Khánh Dư dưới quyền Hạm Trưởng Vũ Hữu San, phụ trách chở toán chúng tôi, được lệnh rời bến tàu Bộ Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải vào sáng hôm ấy. Đến xế chiều thì vị trí của tàu không còn cách xa hải đảo Hoàng Sa là bao. Nghĩa là chiếc HQ-4 đang nằm trong phạm vi của nhóm đảo Cam Tuyền và Quang Hòa. Vào buổi chiều cùng ngày, 17.01.74, Khu Trục Hạm HQ-4 đã bắt gặp 2 giang thuyền của HQ Trung Cộng, giả dạng làm các ghe thuyền đánh cá. Trên đài chỉ huy, Hạm Trưởng ra lệnh cho tàu chạy đến gần để kiểm soát, trong khi toán Biệt Hải cùng một số thủy thủ đứng trên thành tàu chăm chú theo dõi, đều nhận thấy 2 giang thuyền Trung Cộng có nhiều điểm đáng nghi ngờ. Ngay lúc ấy, đài chỉ huy trên HQ-4 phóng loa kêu gọi 2 giang thuyền TC ngừng lại, nhưng bọn họ vẫn phớt lờ. Anh em Biệt Hải chúng tôi lúc ấy rất muốn được cấp trên cho nhảy xuống để lục soát các giang thuyền này, tương tự như những chuyến Loky soát ghe bắt người tại Vịnh Bắc Việt trước đây.
Lúc này, chiếc HQ-4 và một giang thuyền của TC đều đã chạy chậm lại, khoảng cách không quá một mét. Tuy nhiên, lệnh của Hạm Trưởng không cho chúng tôi nhảy xuống tàu TC lục soát. Bất ngờ, một con sóng lớn ập đến khiến hai tàu húc vào nhau khá mạnh. Tàu của TC thấp hơn nên lan can tàu của chúng bị hư hại khá nặng. Do đó, bọn thủy thủ TC nổi nóng, một số xăn tay áo, một số cởi hẳn áo ra vất xuống sàn tàu. Ra dấu thách thức thủy thủ và toán Biệt Hải chúng tôi nhảy xuống đánh tay đôi. Đứng trên tàu, toán Biệt Hải chúng tôi thấy vậy liền cởi áo và bảo đám thủy thủ TC ở dưới trèo lên tàu nếu chúng muốn đọ sức. Đây là màn khẩu chiến đầu tiên trong buổi chiều, lần đầu hai bên gặp nhau.
Hôm sau, ngày 18.01.74, lúc xế trưa, toán Biệt Hải gồm 24 người, có cả Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Biệt Hải đi theo. Tất cả trang bị súng đạn đầy đũ, nhận lệnh xuống 3 chiếc hobo thẳng hướng chạy vào đổ bộ lên đảo Cam Tuyền (Robert). Sau khi lên đảo, đi lục soát một vòng không thấy có quân TC trú đóng, toán Biệt Hải khám phá một lá cờ TC đã cũ và một tấm bảng (mạo nhận chủ quyền) viết bằng chữ Hán, nét mực còn mới toanh, cấm trên đảo trước khi toán Biêt Hải đổ bộ lên. Ngoài ra không có dấu vết gì khác.
Sau khi CHT/BH báo cáo cho HạmTrưởng ngoài tàu biết, chúng tôi được lệnh trở lại tàu, và một toán HQ được lệnh đổ bộ vào để canh giữ đảo. Chiếc HQ-4 nhận lệnh tiếp tục chạy sang đảo Quang Hòa (Duncan). Suốt đêm hôm ấy, trên tàu đã cho mở những bản nhạc hùng ca, toàn lời hay ý đẹp, như để nhắc nhở những người lính Hải Quân VNCH và Biệt Hải chúng tôi phải hết sức gìn giữ lãnh hải và hải đảo Hoàng Sa do tiền nhân để lại, dù có phải hy sinh tính mạng. Những bản nhạc càng làm chúng tôi nức lòng để sẳn sang chiến đấu, hy sinh.
Sáng sớm ngày 19.01.74, lúc 5 giờ 40, toán Biệt Hải chúng tôi nhận lệnh đổ bộ lên đảo Quang Hòa (Duncan). Toán đã vào bờ, nhưng trời còn tối, nên tất cả nhận lệnh nằm lại chờ trời sáng. Bọn lính gác Trung Cộng có lẽ không ngờ toán Biệt Hải đổ bộ ban đêm nên không để ý và hay biết gì cả. Trước khi xuống thuyền vào đảo, chúng tôi được cấp trên cho biết trên đảo đang có quân TC trú đóng. Thừa lúc trời còn tối, tôi liền dẫn vài anh em đi một vòng lục soát trong phạm vi của toán, phòng khi đụng trận sẽ dễ dàng bảo vệ nhau hơn. Lúc 7 giờ 30 sáng, khi mặt trời từ hướng đông ló dạng, trong nhiệm vụ tiền sát, tôi đi đầu, mon men dò dẫm, phát giác một giao thông hào do quân TC đào sẵn. Tôi tiếp tục dẫn toán đi lên, nhưng vừa đi khoảng 60 mét thì gặp quân TC đang đứng chặn đầu. Hai bên đều thấy mặt nhau nhưng chưa bên nào nổ súng. Phía trước mặt, chúng tôi nhận diện được quân số của TC khá đông, tất cả đều nằm dưới các hầm phòng thủ trong tư thế sẵn sàng tác chiến, chăm chú nhìn chúng tôi với vẻ nghi ngờ, không biết chúng tôi thuộc phe nào. Vì cách trang phục của Biệt Hải chúng tôi giống bộ đội du kích Bắc Việt, kể cả vũ khí trang bị.
Khi khoảng cách hai bên cách nhau không tới 4 mét, thì một số cấp chỉ huy TC rời hầm phòng thủ, vừa đi ra vừa nói tiếng Hoa và ra dấu đuổi toán Biệt Hải chúng tôi rời khỏi phạm vi hải đảo. Ý chúng muốn nói đảo Quang Hòa thuộc chủ quyền của Trung Cộng. Ngược lại toán Biệt Hải chúng tôi cũng ra dấu đáp trả, ý nói đảo này thuộc chủ quyền VNCH, quân TC phải rời khỏi đảo. Một bên tiếng Tàu, một bên tiếng Việt, lúc đầu chẳng ai hiểu ai. Có lúc lời qua tiếng lại rất hăng, hai bên đã quơ tay đụng nhau. Rất may, trong toán Biệt Hải chúng tôi có anh Trần A Lộc, người Việt gốc Hoa, hiểu và nói sành sỏi tiếng Hoa, đứng ra thông dịch. Hai bên khẩu chiến gần một tiếng đồng hồ. Tình thế mỗi lúc một căn thẳng, nhất là khi quân TC biết chúng tôi, lực lượng đang đứng trước mặt chúng thuộc VNCH, quyết tâm dành lại chủ quyền trên đảo. Một số lính TC liền có thái độ rất hung hăng, nhưng không dám nổ súng vì có lẽ không biết rõ lực lượng chúng tôi, có còn ở nào khác chung quanh đây không. Cũng may, nếu chạm súng trong tình huống này, sự thiệt hại của Biệt Hải chắc chắn không phải là nhỏ. Thấy vậy, trưởng toán liền hội ý với vị CHT/BH, và ông đã gọi ra tàu báo cáo cho Hạm Trưởng để trình bày sự việc. Chúng tôi được lệnh rút lui. Trước khi đi tôi đã tìm một cành cây khô buộc lá quốc kỳ VNCH vào rồi cắm xuống trước mặt chúng..
Khi xuống thuyền đi ra được nửa đường, chúng tôi gặp toán Hải Kích của Trung úy Đơn từ ngoài đi vào. Chúng tôi liền liên lạc cho Trung úy Đơn biết rõ tình hình quân TC trên đảo. Ngay khi toán Biệt Hải lên tàu HQ-4 thì bỗng nghe tin toán Hải Kích của Trung úy Đơn có 2 người bị tử thương ở phía ngoài bờ biển. Biết tình thế sẽ đánh nhau, tôi đề nghị CHT/BH lên đài chỉ huy trình với Hạm Trưởng. Khi nào sẵn sàng khai hỏa, thì cho HQ-4 chạy sát gần tàu của TC, khoảng cách từ 50 đến 100m, để toán Biệt Hải chúng tôi dùng M-72 bất ngờ triệt hạ các tàu của chúng. Theo ý tôi đây là cơ hội bằng vàng để tiêu diệt bọn lính TC, nhưng cuối cùng Hạm Trưởng không chấp thuận. Ông cho biết, khi nào có hải chiến, thì sẽ dùng súng lớn và nên chạy cách xa tàu TC khoảng 300 m.
Đến 10 giờ sáng thì lệnh khai hỏa bắt đầu. Khẩu đại bác 125 ly của HQ-4 ở giữa boong, gần đầu mũi tàu chỉ bắn được 9, 10 quả thì bị trở ngại tác xạ! Ngay lúc ấy tôi bị một mảnh đạn văng trúng đầu, máu chảy xuống đầy hai mí mắt. Tôi vội đứng nấp sau khẩu súng lớn đã bị hư hại, lấy khăn lau sạch vết thương, tìm y tá nhờ băng bó, rồi trở lại vị trí các ổ súng lớn trợ giúp các pháo thủ. Trong lúc giao chiến, tôi nhìn thấy Biệt Hải Nguyễn Văn Vượng bị thương khá nặng, được anh em dìu vào phía trong. Cuộc hải chiến tiếp tục cho mãi hơn 30 phút sau mới chấm dứt. Chiến hạm HQ-4 được lệnh rời khỏi vùng, quay mũi hướng Nam đi về Đà Nẵng. Khi tàu đã đi khá xa quần đảo Hoàng sa, thì bỗng nhiên không hiểu vì lý do gì, HQ-4 được lệnh quay trở lại vùng hải chiến sáng nay. Lúc ấy vào khoảng 1 giờ trưa.
Nghe tin này, một số anh em bị thương nặng tỏ vẻ xúc động, nhưng những anh em khác, tuy bị thương nhẹ, nhưng còn khả năng tác chiến, rất hăng say sẵn sàng vào vị trí tác chiến. Toán Biệt Hải bây giờ đặt dưới quyền Hạm Trưởng, đưa bổ sung vào các chỗ khiếm khuyết tùy theo khả năng. Phần tôi, tuy bị thương, nhưng vẫn được giao sử dụng một cậy đại liên 50. Sau khi nhận lệnh, chiếc HQ-4 quay đầu trở lại theo hướng Đông Bắc, trực chỉ quần đảo Hoàng Sa để tái nhập cuộc. Tuy nhiên sau hơn một giờ hải hành, HQ-4 lại được lệnh quay trở lại Đà Nẵng một lần nữa. Toán Biệt Hải chúng tôi nghe loáng thoáng, lý do có máy bay MIG và tàu chiến Trung Cộng trên đường đến trợ chiến quân đội của chúng tại Hoàng Sa. Mãi đến sau này, khi đã định cư tại Hoa Kỳ, chúng tôi mới biết rõ nội vụ: Lý do khiến HQ-4 phải đột ngột quay lại Đà Nẵng: “Tùy viên Quân Sự Hoa Kỳ tại Sài gòn (DAO) cho biết radar của Đệ Thất Hạm Đội ghi nhận, một số phóng lôi hạm (guided missile frigate) và chiến đấu cơ MIG của Trung Cộng từ Hải Nam đang tiến về Hoàng Sa. BTL/Hải Quân VNCH yêu cầu Đệ Thất Hạm Đội trợ giúp, nhưng không thành công. Các chiến hạm của VNCH được lệnh rút bỏ quần đảo Hoàng Sa (Kiem Do and Julie Kane, Countarpart, AVietnamese Neval Officer’s War – Đất Mẹ)
Khi HQ-4 trên đường xuôi nam thì Biệt Hải Nguyễn Văn Vượng từ trần, vì vết thương khá nặng. Anh ra đi để lại người vợ mới cưới và đứa con nhỏ.
Cuộc hải chiến hào hùng của các chiến sĩ Hải Quân, các toán Hải Kích Người Nhái và toán Biệt Hải thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải, Nha Kỷ Thuật, tại quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19.0174 đã nói lên ý chí và sự quyết tâm của người lính VNCH, quyết chiến đấu để giữ gìn lãnh hải, hải đảo do Tiền Nhân để lại, không bao giờ sợ hãi trước giặc ngoại xâm Trung Cộng.
Biệt Hải Nguyễn Trâm, một đồng đội đã kể về anh Nguyễn Châu:
Nguyễn Châu được chính thức gia nhập Lực Lượng Biệt Hải giữa năm 1962, phục vụ dưới danh nghĩa của một nhân viên dân sự vào tình nguyện công tác, và cũng là chiến sĩ Biệt Hải cuối cùng bất đắc dĩ buộc rời khỏi toán mà không cần chứng chỉ giải ngũ sau ngày oan nghiệt tháng 4. Mặc dù cuộc chiến của hai miền Nam-Bắc trên quê hương Việt Nam đã sang trang từ lâu, nhưng trong ký ức của anh vẫn không thể nào quên những giây phút hào hùng nhưng cũng nhiều bi lệ trước đây, mà trong suốt thời gian gần 13 năm anh đã phục vụ dưới màu cờ sắc áo của Lực Lượng Biệt Hải.
Nhớ lại những ngày đầu của thập niên 60, anh cùng bạn bè đồng đội nhiều lần được gởi ra thực hiện các công tác tại miền Bắc, đặc biệt chuyến đột kích mở tay đầu tiên: ban đêm xâm nhập vào tiêu diệt một đồn công an biên phòng tại Cửa Khẩu, Hà Tĩnh, chỉ cách làng Nhượng Bạn, nơi chôn nhau cắt rốn, đã từng một thời nuôi anh lớn khôn không mấy bao xa trước khi anh theo gia đình di cư vào Nam.Thời tiết đêm hôm ấy thật tĩnh lặng nên hết sức thuận tiện, đã giúp tinh thần mọi người thêm phấn chấn, lẹ làng di chuyển, lúc ẩn lúc hiện, như những bóng ma dưới ánh trăng mờ. Trên vai xạ thủ, những khẩu đại bác 75 ly không giật nặng chĩu, cùng số đạn pháo mang theo đủ để tập kích mục tiêu. Giờ này, nơi miền Nam tự do, bạn bè, người thân quen và vợ con anh, tất cả vẫn thanh thản hồn nhiên đi vào giấc ngủ, đâu có biết ở phương này hiện giờ anh cùng đồng đội đang tận lực tranh đua cùng thời gian để được sống còn, trên vùng đất nhiều rủi ro cho định mệnh.
Toán đến được mục tiêu vội vàng tìm chỗ ẩn núp, đồng thời quan sát địa thế đặt các khẩu 75 ly không giật hướng vào vị trí đồn Công An Cộng Sản. Tất cả cùng khai hỏa theo lệnh trưởng toán. Trong khoảnh khắc, tất cả các cứ điểm quanh đồn địch bốc cháy, địch quân hoàn toàn bị tiêu diệt.
Giữa tháng 6 năm 1964, toán của anh được lệnh phối họp cùng một toán bạn, tiếp tục thi hành chuyến công tác mới. Với kinh nghiệm và sự thành công của chuyến trước, đã giúp anh và đồng đội tăng niềm tin, nhưng những ưu tư lo lắng vẫn cứ chập chờn và ám ảnh mọi người. Suốt gần hai tuần, anh em học cách xâm nhập bơi vào bờ ban đêm, đội hình di chuyển, tập tác xạ đại bác 75 ly không giật, tập điều chỉnh tọa độ nhắm bắn các mục tiêu giả định trong Nam, v.v…để sẵn sàng cho mục tiêu chính tại miền Bắc trong những ngày sắp tới. Vì thế đã khiến anh cùng mọi người linh cảm chuyến xâm nhập này chắc đầy cam go nguy hiểm, “lành ít dữ nhiều”. Mọi gian truân thử thách đó như đang chờ đón đâu đây… Ngày cuối, trước giờ khởi hành, tất cả được cấp chỉ huy Việt & Mỹ đích thân xuống thuyết trình lần chót, đồng thời cho biết rõ mục tiêu quan trọng mà toán xâm nhập phải thực hiện đêm nay: triệt hạ nhà máy nước Bầu Tró, Đồng Hới theo kế hoạch của Bộ Chỉ Huy Hành Quân. Tiếp đến, trưởng toán cặn kẽ hướng dẫn trên mặt sa bàn cùng một số không ảnh U-2 và phân nhiệm cho từng cá nhân. Kết quả lần này cũng tương tự như chuyến trước đây. Với yếu tố bất ngờ và chính xác đã giúp toán hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi những trái đạn 75 ly thoát ra khỏi nòng, tất cả đều tìm đến xoáy nổ vào các mục tiêu đã định. Những cơ sở trong khu vực nhà máy nước Bầu Tró phút chốc hoàn toàn sụp đổ, đã làm mọi người hết sức phấn khởi cùng hướng nhìn về phía mục tiêu quan sát, trông thấy ngọn lửa mỗi lúc một bốc cao sáng rực cả một góc trời, mặc dù hiểm nguy đợi chờ trước mặt, bởi lúc này con đường về Nam càng cảm thấy trở nên xa thẳm mịt mờ.
Một điều không may đã xảy ra: Lúc toán hành động đang trên đường di chuyển, thì bất ngờ được toán ở lại cất giấu và canh giữ thuyền (hobo) ngoài bờ biển (làm điểm hẹn cuối cùng để chuyên chở anh em ra chiến đỉnh PFT đậu chờ ngoài khơi, sau khi hoàn thành nhiệm vụ) cho biết là có khả nghi bị địch phát giác. Cả toán ngừng lại giây lát, nhưng cuối cùng trưởng toán quyết định hết sức táo bạo: vẫn phải tiếp tục di chuyển vì mục tiêu đã gần kề. Sau khi hoàn toàn dứt điểm mục tiêu, toán trên đường rút ra, không may bị đám dân quân tuần tiễu phát hiện, chặn đường. Hai bên đồng loạt khai hỏa. Biệt Hải Nguyễn Bảy (tự Nguyễn Học) người em họ của Châu, bị trúng đạn tử thương tại chỗ, và Biệt Hải Vũ Văn Sắc bị chúng bắt sống sau đó. Trong giờ phút thập phần nguy hiểm, mọi người phân tán tìm đường thoát ra bờ biển nên không thể cứu nguy đồng đội. Hơn nữa lúc này sóng gió bắt đầu thổi tới. Tuy công tác này mang lại kết quả ngoài dự đoán của Bộ Chỉ Huy Sở, nhưng với riêng Nguyễn Châu và bạn bè cùng toán, quả là một mất mát lớn lao. Về phía chính quyền Cộng Sản (mấy hôm sau nghe được trên đài phát thanh Hà Nội), sau đêm thất bại chua cay, chúng càng tỏ ra hết sức căm thù các toán Biệt Hải, và chỉ thị dân quân các cấp vùng duyên hải: “Phải luôn đề cao cảnh giác bọn Biệt Kích gián điệp, chuyên xâm nhập đường thủy đầy cực kỳ nguy hiểm”. Đồng thời, thiết lập “tòa án nhân dân” xử tử Biệt Kích Vũ Văn Sắc ngay trong cùng một tuần.
Mùa hè năm 1968, thêm một biến cố đau thương nữa bất ngờ lại xãy đến cho vợ chồng Nguyễn Châu: đó là Biệt Hải Phạm Việt, người em vợ mà anh hằng thương mến và đưa vào Biệt Hải, thuộc toán Nimbus bị tử trận trong chuyến Loki tại bờ biển Thanh Hóa.
Những vết thương chiến tranh theo thời gian cứ liên tục đeo đuổi gậm nhấm tinh thần của anh, khiến bạn bè ai cũng đều nghĩ thầm, sau lần khế ước này, thế nào Nguyễn Châu cũng rời Biệt Hải (những ai phục vụ trong Lực Lượng Hải Tuần & Biệt Hải đều phải ký hợp đồng), nhưng anh đã làm tất cả mọi người hết sức ngạc nhiên. Không những thế, Nguyễn Châu còn dốc hết khả năng phục vụ và trở thành chiến sĩ xuất sắc nhất của Sở Phòng Vệ Duyên Hải sau này, đồng thời cũng là một toán viên thâm niên thuộc LLBH, được các cấp chỉ huy kính nể và tất cả anh em thương mến. Đặc biệt, chị Châu, người bạn đời của anh thì thật tuyệt vời. Lúc nào chị cũng vui vẻ hiếu khách, bất luận là ai, miễn người đó là bạn của chồng mình, khiến tất cả anh em đều một lòng quí mến.
Cuối năm 1968, các công tác miền Bắc hoàn toàn chấm dứt, sau khi chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh được thi hành. Các cố vấn Mỹ của LLBH lần lượt về nước, đồng thời các quân nhân thuộc Lục Quân và số dân chính tình nguyện được lệnh thuyên chuyển, hoặc xin sang hoạt động trong các Đoàn Công Tác ( vì muốn thay đổi đơn vị hoặc để tìm những cảm giác mới lạ trên rừng núi Trường Sơn bạt ngàn), trừ một số rất ít vì nặng gánh gia đình, xin rời khỏi toán, trở về nguyên quán, vô tình để lại một khoảng trống cho các Toán nói riêng và Lực Lượng Biệt Hải nói chung. Phần nhân viên phụ trách huấn luyện cho các khóa Biệt Hải kế tiếp cũng thiếu, nên CHT Biệt Hải đã mau mắn đề cử Nguyễn Châu vào làm phụ tá huấn luyện viên cho cả hai Khóa Biệt Hải 70 và 72. Một số đông vẫn yêu thích phiêu lưu với đại dương, đã quyết định gia nhập binh chủng Hải Quân, chờ đợi được tái hoạt động ra Bắc.
Cũng từ thời gian này, các công tác Biệt Hải hoàn toàn chỉ hoạt động ở miền Nam. Thỉnh thoảng có những công tác hết sức quan trọng, nên Bộ Chỉ Huy cần tuyển gấp một số nhân viên ưu tú tham dự, và lúc nào Nguyễn Châu cũng kéo tôi theo, đủ để chứng tỏ thân tình đồng đội anh em, không những nơi bàn nhậu mà ngay cả những giờ phút tử sinh cũng cần có bên nhau, qua nhiều chuyến công tác khó quên: Các chuyến giải cứu tù binh Mỹ tại La Ngà, Phan Thiết, tại Mật khu U Minh Hạ, năm 1970-1971, hay lần đặc biệt đi cứu hai phi công Hoa Kỳ ở Cam Lộ, mùa hè 1972 (*).
(*LTG) Đây là kế hoạch Rescue of BAT 21 Bravo đã được thực hiện thành công với 5 Biêt Hải VN và 1 US Navy Seal, cứu được hai phi công HK: Trung Úy Mark Clark và Trung Tá Iceal Hambleton. ngay trong vùng đất địch. Người có công lớn nhất là BH/Người Nhái Nguyễn Văn Kiệt, khi ấy mang cấp bậc Hạ sĩ 1. BH Kiệt đã cùng Trung úy (US Navy Seal) Thomas Norris tìm và cứu được Trung Tá Hambleton trong tình trạng vô cùng nguy hiểm khó khăn dưới sự truy sát của kẻ thù.Với sụ quả cảm phi thường ấy, anh Kiệt được Tổng Thống Hoa Kỳ trao tặng Navy Cross, một trong những huy chương cao quý nhất dành cho quân đội đồng minh. Câu chuyện này rất nổi tiếng và đã được một nhà đạo diễn Mỹ thực hiện thành phim BAT 21 vào năm 1988. Điều đáng buổn và đáng tiếc là người thực hiện cuốn phim đã thiếu lương tâm và sự công bình, khi không nói đến chiến công thực sự của những Biệt Hải Việt Nam!)
BH Nguyễn Văn Kiệt và Thomas Norris cứu sống Tr. Tá Hambleton đưa về phòng tuyến VNCH
Cuộc tao ngộ kỳ thú:
Sau này, tại Mỹ, cựu Biệt Hải Nguyễn Châu đã bất ngờ tái ngộ một ngư phủ Quảng Bình, người đã từng bủa lưới trúng anh trong lúc anh đang xâm nhập vào bờ, trong chuyến công tác 1966.
Anh kể lại cuộc trùng phùng hi hữu này như sau:
Tình cờ vào tháng Giêng năm 2009. trong dịp tết Nguyên Đán, sau Thánh Lễ, Hội Đồng Giáo Xứ nơi tôi ở ( Beaumont-TX) tổ chức một buổi tiệc trà đầu năm tại Hội trường, để giáo dân gặp gỡ, cùng nhau hàn huyên tâm sự về một năm đã qua. Tiệc nửa chừng, anh Sương, một giáo dân trẻ đi từ miền Bắc, giới thiệu cha mẹ từ Việt Nam sang thăm con. Tôi được may mắn ngồi chung bàn với ông bà Dương, thân sinh của anh Sương. Và khi biết ông bà là người làng Xuân Hòa, Quảng Bình, tôi liền làm quen và tìm hiểu, xem ông ta có biết gì về các chuyến công tác của Biệt Hải ở vùng này, đặc biệt là chuyến công tác cuối tháng ba năm 1966: vào một đêm tôi và Hiển lội vào thám sát đã bị dân làng đánh cá bủa lưới bao vây, nhưng sau đó đã để chúng tôi bơi đi. Ông Dương bèn kể lại:
– Đêm hôm ấy, bọn tôi đang chuẩn bị thả lưới đánh cá trước bờ biển làng Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, thuộc tỉnh Quảng Bình, thì vào khoảng 11 giờ đêm, tôi và mọi người trên ghe nhìn ra trông thấy một bầy cá từ ngoài khơi đi vào gần bờ. Khi bủa lưới xong, đến gần thì mới thấy hai con cá voi.
(Những điều ông Dương kể đều đúng với những nhận định của chúng tôi ngày ấy: vì khi bơi xâm nhập vào bờ, chúng tôi mang áo quần bơi và chân vịt cao su, màu đen, trông giống như những con cá voi)
Tôi nghĩ rất may cho ông Dương và những người ở trên ghe. Vì nếu hôm ấy mà họ tới để bắt hay có hành động gì khác, chắc chắn tất cả sẽ không còn ai sống sót, vì khi ấy súng hảm thanh trong tay chúng tôi đã sẵn sàng nhả đạn.Và tôi đã hỏi thẳng ông Dương:
– Nếu hôm đó ông Dương bắt được hai chúng tôi ông sẽ làm gì?
Ông Dương nhìn tôi mỉm cười:
– Giả như hôm ấy mà tôi bắt được các chú thì tôi sẽ dẫn vào trình cha xứ để xin cho các chú được trà trộn sống trong giáo xứ một thời gian và sau đó tìm lập gia đình thì bọn chính quyền sẽ không biết được.
Nghe xong, tôi một phần tin ông vì cùng là người công giáo, và thầm cám ơn ông. Nhưng thời gian cũng đã hơn 40 năm và bây giờ lại gặp nhau tại đất nước Hoa-Kỳ. Còn chuyện ngày xưa trên đất Quảng Bình, sống trong chế độ Cộng Sản, nào ai biết được người ta còn có tấm lòng và sẽ hành động những điều tốt đẹp?
Dù sao đây cũng là một cuộc tao ngộ bất ngờ, tạo cho tôi cảm giác thú vị và man mác nhớ lại một thời cùng đồng đội âm thầm vào sinh ra tử trên phần đất của kẻ thù.
Điều mong ước cuối cùng:
Sau hơn 13 năm phục vụ trong Lực Lượng Biệt Hải, đã bao phen cùng đồng đội vào sinh ra tử, xem cái chết nhẹ như sợi tóc, Biệt Hải Nguyễn Châu hằng ước mơ được phục vụ trong đơn vị thầm lặng nhưng rất kiêu hùng này suốt cả một đời, vậy mà anh đành phải nuốt lệ khi nghe Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng vào ngày 30.4.75 oan nghiệt. Không thể nào chấp nhận sống với Cộng Sản, anh cùng gia đình vượt biên sang Thái Lan, rồi Mã Lai và tới Tân Gia Ba. Được chính phủ Hoa Kỳ đón nhận cho định cư đặc biệt vào ngày 31.10,75. Hiện gia đình, gồm vợ chồng, tám người con (5 trai 3 gái) và chín đứa cháu nội ngoại, cư ngụ tại thành phố Beaumont, Tiểu Bang Texas. Hơn 35 năm tha hương, anh luôn sống mẫu mực và nuôi dạy con cháu nên người, biết yêu quê hương và trọng danh dự. Được trang bị thêm đức tin của người Công Giáo ngoan đạo, anh đã xây dựng một gia đình lễ nghĩa, biết yêu thương chia sẻ với tha nhân. Tâm sự với mọi người, nhất là các đồng đội cũ, anh vẫn hối tiếc là đã không còn phục vụ được cho Tổ Quốc, để quê hương và dân tộc bị khốn khổ tang thương dưới sự cai trị của bọn Cộng Sản man rợ, sẵn sàng bán nước cầu vinh.
Điều ước mong cuối cùng là khi nhắm mắt, anh xin được các đồng đội phủ cho anh lá Quốc Kỳ VNCH mà anh cùng các chiến sĩ Biệt Hải đã từng sẳn sàng xả thân bảo vệ.
BH Nguyễn Châu rất xứng đáng được đồng đội của anh đáp ứng điều mong ước cuối cùng này. Đã có nhiều vị ở hải ngoại, dù cấp bậc lớn hơn anh rất nhiều, nhưng chẳng có công trạng đặc biệt gì với đất nước, có khi còn bỏ cả thuộc cấp vào những giờ phút sinh tử nhất, khi chết còn được vài tổ chức long trọng phủ lá quốc kỳ lên quan tài. Huống hồ, một chiến sĩ, cả một đời vào sinh ra tử, sẵn sàng xả thân để bảo vệ quê hương như BH Nguyễn Châu, chẳng lẽ không được đón nhận điều vinh dự đó hay sao?
Bài viết này, như là một thể hiện lòng ngưỡng mộ của tác giả đối với Biệt Hải Nguyễn Châu cùng tất cả các chiến sĩ Biệt Hải anh hùng khác của QLVNCH, và xin được thay một nén hương tưởng niệm anh linh những anh hùng Biệt Hải đã âm thầm hiến thân cho Tổ Quốc, mà nắm xương tàn của rất nhiều anh em, đến giờ này vẫn không biết đang gởi ở nơi đâu. Cũng xin thay một đóa hoa hồng tươi thắm nhất, gởi đến chị Nguyễn Châu cùng tất cả các phu nhân Biêt Hải, dù còn sống hay đã chết. Tất cả đều rất xứng đáng cho lòng biết ơn và trân trọng của tất cả mọi người.
Phạm Tín An Ninh