Harry Lee – Thứ hai, 25/07/2022

Dữ liệu về lượng khí thải CO2 của quý vị có được thu thập và báo cáo cho chính phủ trong tương lai gần không? Một nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói rằng một quy tắc mới của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC[về khí hậu] sẽ đặt cơ sở cho việc thực hiện điều đó.

Hôm 21/03, SEC đã đề nghị một quy tắc có nhan đề “Nâng cao và Tiêu chuẩn hóa các Công bố thông tin Liên quan đến Khí hậu cho các Nhà đầu tư” (pdf). Quy tắc dài gần 500 trang này sẽ yêu cầu những công ty đăng ký với SEC — hầu hết là các công ty đại chúng, các công ty cố vấn đầu tư, và các đại lý môi giới — báo cáo một số thông tin liên quan đến khí hậu bao gồm phát thải khí nhà kính (GHG) của họ.

Phát thải GHG được phân loại thành ba phạm vi. Phạm vi thứ nhất là phát thải GHG trực tiếp của công ty đăng ký. Phạm vi thứ hai là phát thải GHG gián tiếp từ điện và các dạng năng lượng khác đã mua. Phạm vi cuối cùng là phát thải gián tiếp từ các hoạt động thượng nguồn và hạ nguồn trong chuỗi giá trị của công ty đăng ký.

Ông Will Hild, giám đốc điều hành của Consumers’ Research, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng lâu đời nhất của Hoa Kỳ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Fresh Look America” của NTD hôm 12/07: “Phạm vi ba yêu cầu các công ty này ước tính phát thải carbon của người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của các công ty, có nghĩa là họ sẽ phải ra ngoài thực địa và nói chuyện với người tiêu dùng.”

Ông Hild nói: “Giả sử quý vị đã mua một chiếc máy cắt cỏ động cơ đốt trong. Công ty máy cắt cỏ sẽ cần biết quý vị cắt cỏ bao nhiêu lần. Họ sẽ phải đi ra ngoài để hỏi mọi người và nghiên cứu điều đó. Và vì vậy quý vị có thể thấy việc này bắt đầu tạo cơ sở cho việc chấm điểm các hoạt động thực tế của từng người như thế nào.”

Theo hướng dẫn kiểm kê GHG của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, Phạm vi 3 có 15 danh mục như “hàng hóa và dịch vụ đã mua,” “sử dụng các sản phẩm đã bán,” “vận chuyển và phân phối thượng nguồn và hạ nguồn,” “đi lại của nhân viên,” v.v.

Ông Hild nói: “Tôi thực sự nghĩ rằng đó là một sự phát triển khá đáng sợ, đặc biệt là nó sinh ra từ cái Ủy ban Giao dịch Chứng khoán ấy, vốn không nên dính líu đến bất kỳ điều gì trong vấn đề này, để đặt nền tảng cho một cái gì đó tương tự, và để các công ty cố gắng theo dõi điều đó.”

Ví dụ, ông Hild cho biết, một công ty xe hơi có thể thêm một bộ theo dõi vào xe hơi để biết quãng đường hàng tháng.

Ông Hild cho biết: “Không có gì kỳ lạ khi nghĩ rằng để giữ an toàn cho bản thân công ty trước các luật sư nguyên đơn về chứng khoán, họ sẽ tham gia vào hầu hết các mức độ giám sát xung quanh cách sử dụng các sản phẩm. Vì vậy, họ có thể nói với một mức độ chắc chắn rằng ước tính của họ về sản lượng CO2 Phạm vi 3 là chính xác.”

Gánh nặng ‘không thể tin được’

Ông Hild cho biết Consumers’ Research phản đối quy định này vì nó sẽ gây tổn hại cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng cá nhân.

Ông Hild nói: “Thật không tốt cho các nhà đầu tư riêng lẻ thực tế, những người mua các sản phẩm đầu tư, quỹ, dịch vụ môi giới, và tìm kiếm lợi nhuận từ cổ phiếu.”

“Đây là một khoản chi lớn. Chi phí này sẽ được thêm vào yêu cầu báo cáo hàng năm của các công ty giao dịch công khai,” ông Hild nói, lưu ý rằng chi phí này sẽ được trừ vào lợi tức của các công ty này, đặc biệt là các công ty có giá trị vốn hóa thị trường thấp.

Ông Hild cho biết nhiều công ty muốn niêm yết cổ phiếu có thể sợ hãi vì chi phí quá lớn và tìm đến một nhà đầu tư mạo hiểm hoặc một quỹ đầu cơ để được cấp vốn. Đó là một tác hại khác đối với các nhà đầu tư cá nhân vì họ sẽ mất cơ hội.

“Vì vậy, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị tổn thương. Nhưng có thể quan trọng hơn, quy định này sẽ làm tăng đáng kể chi phí cho người tiêu dùng khi họ mua sản phẩm và dịch vụ trên thị trường,” ông Hild nói. “Bởi vì chính sách này sẽ tạo gánh nặng cho các công ty này về pháp lý. Quy định này cũng sẽ cố gắng trừng phạt họ vì lượng khí thải CO2 được coi là của các sản phẩm mà họ bán.”

“Đó là một sự gia tăng đáng kinh ngạc về gánh nặng pháp lý mà SEC đang đặt lên các công ty đại chúng. Nếu quý vị cộng mọi quy định mà SEC đã từng đưa ra cho đến khi  công bố thông tin về các công ty đại chúng, thì gánh nặng mới này lớn hơn gánh nặng pháp lý của tất cả các quy định khác. Đây là điều lớn nhất mà họ từng làm.”

Quy tắc mới của SEC về khí hậu cũng sẽ buộc các nhà cung cấp của các công ty đại chúng phải cung cấp tất cả các thông tin liên quan đến phát thải CO2, ngay cả khi các công ty cung cấp này không thuộc diện niêm yết công khai.

Ông Hild nói: “Làm thế là SEC đang bắt buộc các tác động lên các công ty không thuộc diện giao dịch công khai, các công ty mà nhẽ ra là nằm ngoài phạm vi kiểm soát của SEC. Vì vậy, đây là một sự gia tăng lớn về hiệu ứng của SEC đối với thị trường, về ảnh hưởng của nó đối với các nhà đầu tư và đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta.”

Điểm ESG ‘Tương tự’ với hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc

ESG là viết tắt của Môi trường, Xã hội, và Quản trị. Các ý tưởng này đã trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá rủi ro dài hạn về môi trường, xã hội, và quản trị của một doanh nghiệp. Ông Hild cho biết quy tắc mới của SEC về khí hậu được đề nghị là một chính sách kiểu ESG còn hệ thống điểm ESG thì “tương tự” với điểm tín nhiệm xã hội của Trung Quốc.

Hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc nổi tiếng với việc nhanh chóng phát triển từ một công cụ xếp hạng tín dụng tài chính và ngân hàng sang một hệ thống giám sát toàn diện của chính quyền.

Các tổ chức và công ty đã phát triển các hệ thống đánh giá ESG khác nhau để xếp hạng các công ty có điểm ESG. Nhưng một số chuyên gia đã cảnh báo rằng điểm ESG cá nhân sẽ sớm xuất hiện theo sau.

Tháng 12/2021, ông Doug Craddock, một nhà phân tích của FICO, dự đoán rằng vào năm 2022 “sẽ có sự tập trung nhiều hơn vào việc phát triển các tài sản dữ liệu mới như hồ sơ [phát thải] carbon của cá nhân.” [Trong khi đó], FICO là cơ quan xếp hạng tín dụng tiêu dùng.

Ông Craddock nói thêm: “Về lâu dài, chúng tôi kỳ vọng rằng đánh giá rủi ro khí hậu và ESG sẽ trở thành một yếu tố không thể tách rời của đánh giá rủi ro tín dụng và khả năng chi trả.”

Ông Justin Haskins, giám đốc tại Viện Heartland, cho biết: “Tôi nghĩ rằng rất có thể trong vòng hai năm tới, quý vị sẽ thấy các tổ chức tài chính bắt đầu sử dụng một số điểm tín nhiệm xã hội được cá nhân hóa để đưa ra quyết định về những thứ như khả năng tiếp cận các khoản vay, lãi suất của quý vị, hoặc liệu quý vị đủ điều kiện được bảo hiểm hay không.”

Hồi tháng Ba, Standard & Poors, một trong những công ty xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới, đã thông báo rằng điểm ESG sẽ được mở rộng ra ngoài xếp hạng công ty để bao gồm các tiểu bang của Hoa Kỳ.

Ông Hild nói: “Thuật ngữ này không có định nghĩa thực sự. Quý vị có thể xếp hạng công ty khá nhiều theo bất kỳ cách nào quý vị muốn.”

Các quan điểm đang phân cực

Ông Hild cho biết cánh tả cực đoan đã thúc đẩy quy tắc ESG.

Ông Hild nói: “ESG là lĩnh vực dành riêng cho cánh tả cấp tiến, và thực sự là cánh cấp tiến nhất của nó. Họ đi tiên phong trong lĩnh vực này. Nếu quý vị nhìn vào các chỉ số ESG và mục tiêu của chúng, chúng hoàn toàn phù hợp với những gì mà cánh cấp tiến của Đảng Dân Chủ mong muốn.”

SEC đã nhận được một lượng ý kiến ​​đáng kể trong thời gian bình luận công khai kết thúc vào tháng trước. SEC có thể mất nhiều tháng để xem xét các bình luận này trước khi công bố quyết định cuối cùng của mình.

Các nhóm môi trường, một số cơ quan chính phủ, các thượng nghị sĩ Dân Chủ và các dân biểu tại Hạ viện, và một số thống đốc thuộc Đảng Dân Chủ ủng hộ mạnh mẽ quy tắc này. TNS. Elizabeth Warren (Dân Chủ-Massachusetts) đã yêu cầu SEC thông qua nó “như được đề nghị” trong một bức thư đồng ký gửi Chủ tịch SEC Gary Gensler hôm 17/06.

Mặt khác, hàng chục thượng nghị sĩ GOP, hơn 100 thành viên Hạ viện GOP và hàng chục thống đốc GOP đã lên tiếng “quan ngại đáng kể” về quy tắc được đề nghị, yêu cầu cơ quan hủy bỏ quy tắc này ngay lập tức.

12 thượng nghị sĩ GOP do TNS Pat Toomey (Cộng Hòa-Pennsylvania) đứng đầu cho biết trong một bức thư hôm 15/06 gửi ông Gensler (pdf): “Quy tắc đề nghị dài gần 500 trang sâu rộng này là không cần thiết và không phù hợp, vượt quá sứ mệnh và chuyên môn của SEC, sẽ gây hại cho người tiêu dùng, người lao động, và toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ vào thời điểm giá năng lượng đang tăng chóng mặt và làm mất đi quy trình dân chủ trong việc xác định chính sách khí hậu của Hoa Kỳ.”

Tổng chưởng lý Tây Virginia Patrick Morrisey, người đã thắng trong vụ kiện Cơ quan Bảo vệ Môi trường West Virginia tại Tòa án Tối cao hôm 30/06, đã gửi một bình luận bổ sung (pdf) cùng với 23 tổng chưởng lý tiểu bang hôm 13/07, cho biết tòa án tối cao đã xác nhận trong vụ kiện rằng “Quốc hội — chứ không phải cơ quan hành chính liên bang — có quyền quyết định các vấn đề lớn hiện nay.”

Vị tổng chưởng lý này nói: “Nếu Ủy ban nhất quyết theo quy trình không phù hợp tương tự, chúng tôi sẽ sẵn sàng hành động một lần nữa. Chúng tôi kêu gọi quý vị cứu mọi người khỏi nhiều năm xung đột bằng cách từ bỏ Quy tắc mới của SEC về khí hậu được Đề nghị.” 24 tổng chưởng lý đã gửi bình luận ban đầu của họ hôm 15/06 (pdf).

Một ủy viên của SEC cũng không đồng ý với quy tắc này.

Ông Hester Peirce, một người được cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm và là ủy viên Đảng Cộng Hòa duy nhất hiện đang phục vụ tại SEC, đã bỏ phiếu chống lại quy tắc này hồi tháng Ba và đã đưa ra một tuyên bố. Tất cả ba ủy viên Đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu ủng hộ Quy tắc đó.

Ông Peirce cho biết trong tuyên bố của mình: “Chúng ta hãy trung thực về những gì đề nghị này đang thực sự cố gắng làm. Mặc dù được viết dưới hình thức một quy tắc qui định về việc công bố thông tin [của doanh nghiệp], nhưng mục tiêu của đề nghị này—cũng như các nỗ lực công bố thông tin về khí hậu khác—là điều hướng cho các doanh nghiệp được ưa chuộng và thúc đẩy các mục tiêu chính trị và xã hội được ưa chuộng.”

SEC đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.

Anh Harry Lee là một phóng viên của The Epoch Times tại New York. Quý vị có thể liên lạc với anh tại harry.lee@epochtimes.com.

Bản tin có sự đóng góp của ông Kevin Stocklin.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times