Tác giả Jeffrey A. Tucker/ Thứ năm, 22/12/2022

Báo chí có thể ngừng nói rằng lạm phát đang “hạ nhiệt” được không? Điều này đang trở nên lố bịch. Chỉ số Giá Tiêu dùng đã ở mức 7.1% so với một năm trước. Con số đó là khủng khiếp. Thật vậy, tuy không kinh khủng như tháng trước nhưng hãy xem xét phân tích chi tiết này. Thực phẩm tại nhà tăng 10% và thực phẩm ở nhà hàng tăng 12%. Dầu nhiên liệu tăng 65.7%! Dịch vụ vận tải tăng 14.2%.

Liệt kê tiếp ra thì giá cả vẫn tăng, và cứ mỗi tháng khi chúng ta nhận được một báo cáo, thì lạm phát chỉ chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Nhận thức cho rằng lạm phát đang dịu đi chủ yếu là dựa trên hệ thống trọng số cho ra con số cuối cùng. Đây không phải là một thế giới mà ở đó chúng ta đang chứng kiến ​​vấn đề dần dần biến mất. Quý vị có thể thấy quy mô của vấn đề này bằng cách nhìn vào cái gọi là tốc độ tăng giá cố định (sticky price) trong 14 năm. Tốc độ này cho thấy phần nào của chỉ số chung thực sự được phản ánh và ít chịu tác động từ sự thay đổi cấp bách mang tính tạm thời của thị trường.

Chỉ số giá tiêu dùng cố định không bao gồm thực phẩm và năng lượng

(Dữ liệu: Dữ liệu kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang [FRED], St. Louis Fed; Biểu đồ: Jeffrey A. Tucker)

Đây là hành vi cướp bóc hàng loạt đối với người dân Mỹ. Việc tên trộm đánh cắp trọn bộ đồ bạc hồi tháng trước nhưng tháng này lại để lại chiếc thìa tráng miệng hầu như không phải là một sự cải thiện, và là một ví dụ điển hình của việc để ngỏ cửa không khóa. Họ đã nói với chúng ta trong 18 tháng rằng điều đó không quá tệ và tất cả chúng ta nên ngừng than vãn về lạm phát. Nhưng tình hình vẫn tiếp tục xấu đi. Lạm phát đã trở nên cố hữu và rõ ràng là còn một chặng đường dài phía trước trước khi hết đà.

Tất cả những vấn đề này đều có tác động tàn phá đối với ngân sách của các cá nhân. Trên thực tế, chúng ta thấy thảm họa đang hình thành. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân chỉ là 2.3%. Chúng ta chưa bao giờ chứng kiến điều gì đó tồi tệ như vậy trong toàn bộ thời kỳ hậu chiến, nhưng tỷ lệ này hầu như không gây ngạc nhiên. Tại sao phải tiết kiệm tiền khi mà làm vậy có nghĩa là mất hơn 5% mỗi năm? Và hãy kết hợp điều đó với nợ thẻ tín dụng tăng vọt với lãi suất đang ở mức 20% và cao hơn nữa đối với các kế hoạch điển hình.

Tình hình này là hoàn toàn không bền vững. Một yếu tố nào đó sẽ phải hy sinh.

Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân và nợ tiêu dùng

Chú thích: Đường màu xanh là tỷ lệ tiết kiệm cá nhân (tính theo trục tung bên trái), đường màu đỏ là nợ tiêu dùng (tính theo trục tung bên phải) (Dữ liệu: Dữ liệu kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang [FRED], St. Louis Fed; Biểu đồ: Jeffrey A. Tucker)

Lần gần đây nhất chúng ta găp phải tình trạng đồng tiền mất giá như vậy là 40 năm trước và lần đó kéo dài trọn vẹn năm năm trước khi được chế ngự. Lần chế ngự gần đây nhất yêu cầu lãi suất quỹ liên bang nằm trong phạm vi hai chữ số. Chúng ta còn xa mới đạt đến hoàn cảnh giống vậy. Ý tưởng ​​cho rằng mọi người đang khẩn cầu Fed ngừng chính sách thắt chặt tiền tệ vì sợ rằng toàn bộ nền kinh tế sẽ bị suy thoái là hoàn toàn lố bịch. Nếu Cục Dự trữ Liên bang nghiêm túc — và có vẻ là như vậy vào lúc này — thì vẫn còn một chặng đường rất dài để khắc phục, trước khi tên trộm dừng hành vi ăn cắp.

Ý tưởng đến với tôi: #stopthesteal (#ngăn chặn hành vi ăn cắp) có thể là một thẻ hashtag hay để trở thành xu hướng trên mạng xã hội về việc chống lạm phát. Chỉ cần cho ra mắt thẻ hashtag này thôi.

Kỷ nguyên lạm phát mới bắt đầu hồi tháng 03/2020, khi Fed đưa ra quyết định định mệnh là đáp ứng bất kỳ và mọi khoản chi tiêu nào của Quốc hội dưới danh nghĩa kiểm soát virus. Quốc hội đã cho phép chi tiêu bằng nợ, Bộ Ngân khố đã phát hành nợ và bảo đảm cho khoản nợ ấy hoàn toàn bằng niềm tin và sự tín nhiệm đối với chính phủ Hoa Kỳ, còn Cục Dự trữ Liên bang thì bận rộn đẩy khoản nợ này vào bảng cân đối kế toán, trong khi mua lại toàn bộ nợ đó bằng tiền mới được in ra.

Mọi thứ có vẻ ổn trong một thời gian. Thật vậy, tình hình đã khởi sắc hơn cả sự ổn thỏa! Chi phiếu đã bay ra khỏi Hoa Thịnh Đốn vào thẳng tài khoản ngân hàng của các cá nhân và doanh nghiệp. Thật là một thế giới trong mơ! Không có việc làm, không có năng suất, nhưng thu nhập thực tế vẫn tăng vọt. Tiết kiệm cũng vậy. Và hàng triệu người đã trả hết nợ thẻ tín dụng, mua tiền mã kim, duy trì hoạt động của các dịch vụ giao hàng với các số lượng tối đa, và các dịch vụ phát trực tuyến đã chứng kiến lợi tức của họ tăng vọt.

Mọi thứ không mê ly đến vậy đối với những trẻ em không được đi học, và đối với hàng triệu doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. Các nhân viên trong những ngành không thể dựa vào ma thuật trực tuyến — không có ứng dụng nào cắt tóc hay làm móng cho quý vị — cảm thấy chán nản, và tìm đến thực phẩm và các chất khác làm tăng thêm chi phí cho những gì mà nhiều người bắt đầu gọi là COVID-19.

Những ngày đó cũng chứng kiến ​​Fed đảo ngược một cố gắng cuối cùng nhằm khắc phục các vấn đề về bảng cân đối kế toán có từ năm 2008. Trong 14 năm, Fed đã giữ lãi suất quỹ liên bang ở mức lãi suất dưới 0%. Điều đó có nghĩa là một sự trừng phạt nghiêm khắc đối với bất kỳ ai muốn tiết kiệm tiền và gây ra một cuộc tranh giành điên cuồng để kiếm được lợi tức ở đâu đó dọc theo đường cong lợi suất. Người ta tìm thấy lợi tức trong các khoản đầu tư mang tính đầu cơ quá mức vào truyền thông và công nghệ, những ngành đã trở nên phình to vượt quá bất kỳ quy mô bền vững hợp lý nào.

Và xuất hiện cùng với những điều đó là một đặc điểm kỳ lạ của các doanh nghiệp có lãi trong những ngày ấy. Họ có lãi đến mức có thể ngừng quan tâm đến lợi tức! Thay vào đó, giới doanh nghiệp Mỹ đã chuyển mối quan tâm của mình từ việc phục vụ khách hàng và cổ đông sang phía những thứ ngoại lai về mặt quản lý và tài chính rất quái lạ như ESG (môi trường, xã hội, và quản trị), DEI (đa dạng, bình đẳng, và hòa nhập), cũng như theo dõi và kiểm duyệt cho chính phủ liên bang. Bàn tay nhàn rỗi của họ thực sự đang làm công việc của quỷ dữ.

Chắc chắn có một mối tương quan giữa sự bùng nổ kinh doanh kéo dài do Cục Dự trữ Liên bang tài trợ này và sự trỗi dậy của hệ tư tưởng thức tỉnh ở những phần xa hơn của đường cong vay mượn. Đây chính xác là cách mà các công ty Mỹ hướng tới hệ tư tưởng cánh tả trong khi từ bỏ sự gắn bó mang tính truyền thống của họ với cơ chế đảng phái tự do kiểu cũ của doanh nghiệp. Đây là lý do khiến Đảng Dân Chủ nhận được một lượng lớn trợ giúp từ phía doanh nghiệp. Diễn biến này được minh chứng là một thảm họa đối với nền văn hóa và chính trị của Hoa Kỳ.

Nếu quý vị xem tất cả những tiết lộ về Twitter 1.0 đang được phơi bày, thì quý vị sẽ thấy bản chất của vấn đề. Như ông David Stockman đã chỉ ra, những kẻ ngạo mạn có đặc quyền đang điều hành Twitter này chẳng quan tâm chút nào đến lợi tức. Mối quan tâm duy nhất của họ là ngăn chặn và phá hoại dựa trên hệ tư tưởng chính trị theo những cách ngấm ngầm. Kiểu quan tâm này hoàn toàn đi ngược lại với những lời hứa mà CEO và các nhân viên đã tuyên thệ. Họ đã thề thốt trong các phiên điều trần rằng không có chuyện gì như vậy xảy ra. Giờ thì chúng ta đang phát hiện ra đây mới là diễn biến chính đang xảy ra! Đây cũng là lý do tại sao ông Elon Musk có thể sa thải 4 trên 5 nhân viên và khiến nền tảng này trở nên tốt hơn bao giờ hết.

Twitter chỉ là một ví dụ nhưng ví dụ này rất có ý nghĩa. Một thế giới kiếm tiền dễ dàng là một thế giới không có sự ước thúc, trong đó mọi hệ tư tưởng không đâu vào đâu đều có thể trở thành hiện thực. Fed đang trong quá trình khắc phục vấn đề này vào năm 2019 nhưng họ đã đảo ngược chiều hướng dưới chiêu bài hỗ trợ ứng phó đại dịch. Tất nhiên, kết quả duy nhất của sự hỗ trợ này là kéo dài các đợt phong tỏa: khi quý vị trợ cấp cho một thứ gì đó, thì quý vị sẽ nhận được thứ đó nhiều hơn và lâu hơn.

Bài học đúng đắn rút ra: đây hoàn toàn là một thảm họa có thể ngăn chặn được. Chẳng có virus nào và chẳng có biến cố ngẫu nhiên nào khiến tiền của quý vị bị cướp. Đó là tác động trực tiếp của chính sách công sai lầm nghiêm trọng. Vấn đề này đã bắt đầu dưới sự lãnh đạo của ông Ben Bernanke, người đã đạt giải Nobel cho những cố gắng của mình. Chế độ tiền tệ tại Fed hiện đang bị buộc phải tìm cách khắc phục nhưng còn lâu họ mới giải quyết được vấn đề. Rốt cuộc khi mọi chuyện ngã ngũ thì việc ứng phó với đại dịch có thể sẽ khiến mỗi đồng dollar mất giá một phần tư hoặc nhiều hơn thế.

Mặt tích cực duy nhất là được chứng kiến các lĩnh vực đang phình to của Big Tech và Big Media bị cắt giảm quy mô. Chúng ta hiện đang ở một vị thế có khả năng tìm hiểu thêm về những hành vi đáng lên án đang diễn ra tại các công ty này, và cách mà tất cả các công ty đó đã hợp tác với chính phủ để chấm dứt quyền tư ẩn và quyền ngôn luận của chúng ta. Người dân có đang phẫn nộ không? Nếu chưa, thì họ nên tỏ thái độ.

Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Jeffrey A. Tucker