Tác giả: Ngô Giang (Trung Quốc) | Biên dịch và chú thích: Nguyễn Hải Hoành

Lời giới thiệu của dịch giả: Từ lâu nhiều người chúng ta đã quan tâm tới vấn đề Việt Nam nên theo mô hình CNXH nào? Năm 1981 cụ Phạm Văn Đồng từng nói: “Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi thấy ta không theo được Mô hình Xô Viết” (xem “Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm”, tr. 923, Trần Quốc Vượng). Lại nghe nói ông Vũ Oanh (nguyên UV BCT) có đề nghị nghiên cứu về mô hình CNXH Thụy Điển. Người Trung Quốc đã nghiên cứu nhiều, từ năm 2002 họ bắt đầu cho công khai đăng một loạt bài về mô hình này. Đảng CSTQ từ những năm 1980 đã cử các đoàn cán bộ sang Thụy Điển khảo sát và do đó có bài giới thiệu sau đây. Sau đó năm 2008 Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chính thức thăm Thụy Điển. Hồi đó có dư luận Trung Quốc sẽ theo mô hình CNXH Thụy Điển. Nhưng cuối cùng thì phe phản đối đã thắng với lý do chủ yếu là làm như thế thì ĐCSTQ sẽ mất quyền lãnh đạo đất nước – đây là quyền lợi sống chết không thể để mất. Tuy nhiên, dù mô hình CNXH Thụy Điển vì thế vẫn là vấn đề “nhạy cảm”, nhưng là một thực tế cần được bàn đến vì lợi ích của dân tộc.

……………………………………………………………………………

Vương quốc Thụy Điển nằm ở đông nam bán đảo Scandinavia thuộc Bắc Âu. Vào năm 1889, khi thành lập Đảng Xã hội Dân chủ Thụy Điển,[1] vương quốc này còn là một trong những nước lạc hậu nhất châu Âu, người ta gọi là nước của cướp biển, phần lớn dân vốn là cướp biển và tội phạm bị các nước Tây Âu đày đến đây cùng các hậu duệ của họ. Kinh tế Thụy Điển ngày ấy còn lạc hậu rất nhiều so với nước Nga hồi Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Từ năm 1920, khi Đảng Xã hội Dân chủ (XHDC) Thụy Điển bắt đầu nắm chính quyền cho tới nay, tuy có một số thời kỳ gián đoạn, nhưng Đảng này vẫn nắm quyền lãnh đạo đất nước lâu hơn cả. Trong thời gian đó (từ thập kỷ 20 đến thập kỷ 80, là thời gian được tác giả khảo sát), Đảng XHDC đã xây dựng Thụy Điển từ một nước lạc hậu trở thành một nước kinh tế phát triển,[2] đứng thứ hai trên thế giới về GDP đầu người (sau Thụy Sĩ); và thứ nhất thế giới về phúc lợi xã hội, chứng tỏ sự xã hội hoá phân phối đã đạt trình độ rất cao.

Trên đây là tóm tắt nội dung chính của bài “Một số điểm chính trong bản Báo cáo khảo sát đến muộn” (sau đây viết tắt là Báo cáo Khảo sát). Tác giả báo cáo này là đồng chí Dương Khải Tiên, năm 1985 và 1988 từng hai lần đến Thụy Điển tiến hành khảo sát. Thu hoạch tổng quát của tác giả là: “Đối với chủ nghĩa xã hội (CNXH) kiểu Thụy Điển, nhiều năm qua, chúng ta chẳng những luôn luôn cho là đối lập với quan điểm chính thống, giữ thái độ phê phán nghiêm khắc, mà thậm chí cho tới ngày nay, trong suy nghĩ của mọi người nói chung vẫn khẳng định thì ít mà phủ định thì nhiều. Thực ra, như vậy là không công bằng. Nếu phân tích một cách thực sự cầu thị, ta sẽ không khó phát hiện thấy: ngoài những vấn đề chính trị còn tranh cãi, tạm thời chưa thể đưa ra một kết luận đa số chúng ta có thể đồng ý, thì thành tích của Thụy Điển về kinh tế là rất lớn, xét về những gì mà CNXH của Mác [Karl Marx] yêu cầu phải có, dù là về mặt thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân, hoặc là về mặt thực hiện công bằng xã hội, phân phối công bằng, bảo đảm quyền lợi nên có của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.”

Bài Báo cáo Khảo sát này được đăng tải trên một tạp chí có số lượng phát hành nhỏ, và đầu đề ghi rõ là “đến muộn” (khảo sát vào thập kỷ 80 thế kỷ XX mà đến tháng 3/2002 mới được sửa chữa cho đăng). Điều đó nói lên, cho tới nay, vấn đề tiến lên mô hình CNXH kiểu Thụy Điển vẫn là một đề tài nhạy cảm. Theo tôi, Báo cáo Khảo sát đã đăng báo rồi, hơn nữa ngày nay xem ra vấn đề này thực sự không cần phải né tránh; thế thì ta hoàn toàn có thể thảo luận và bình phẩm bài báo đó một cách công bằng ngay thẳng, thực sự cầu thị, nhất là về mặt lý luận.

Bối cảnh lịch sử và phác thảo lý luận về hai mô hình tiến lên chủ nghĩa xã hội

Về lý luận, trước hết hãy nên bắt đầu nói về tình hình từ cách mạng Pháp 1848 – 1850 cho tới sau Công xã Paris. Như vậy, chúng ta sẽ phải ra ngoài đề một chút, sau đó mới trở lại vấn đề mô hình CNXH Thụy Điển.

Trong một thời gian rất dài sau Cách mạng Tháng Mười Nga, các nhà lý luận Liên Xô bao giờ cũng đề cao quá mức Công xã Paris, coi nó là hình mẫu cách mạng XHCN của giai cấp vô sản. Thực ra không phải là như vậy. Trong một thời gian sau năm 1848, đúng là Mác và Ăng-ghen [Friedrich Engels] từng cho rằng đã xuất hiện tình thế cách mạng trong các nước phương Tây chủ yếu, do đó hai vị đã tích cực hoạt động vì sự nghiệp cách mạng này. Nhưng qua thất bại của cách mạng Pháp 1848-1850 và sau thực tế là các nước tư bản mấy lần bình yên vượt qua khủng hoảng kinh tế, sức sản xuất vẫn được phát triển khá, Mác và Ăng-ghen bắt đầu cảm thấy sự việc không như những gì hai vị đã dự kiến ban đầu, thời cơ cách mạng vẫn còn chưa chín muồi.

Năm 1850, khi tổng kết kinh nghiệm cách mạng Pháp, Mác đã chỉ rõ: “Khi sức sản xuất xã hội của giai cấp tư sản đang phát triển mạnh với tốc độ có thể đạt được trong toàn bộ phạm vi quan hệ của giai cấp tư sản, thì chưa thể nói gì đến một cuộc cách mạng thực sự.” Trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ năm 1871, giai cấp công nhân Paris nhân cơ hội đánh trả bọn xâm lược và chống hành vi đầu hàng của giai cấp tư sản, đã vùng lên khởi nghĩa và áp dụng các biện pháp có tính chất XHCN (hai phái lãnh đạo chính cuộc khởi nghĩa này là phái Lat-xan và phái Pơ-ru-đông).[3] Khi đó Mác không tán thành cuộc khởi nghĩa này, cho rằng thời cơ chưa chín muồi. Nhưng sau khi công nhân Paris phát động khởi nghĩa rồi thì Mác không dội gáo nước lạnh lên họ, mà nhiệt tình ủng hộ và ca ngợi tinh thần dũng cảm của thợ thuyền Pháp, cho rằng Công xã Paris của giai cấp công nhân Pháp là người tiên phong vẻ vang của xã hội mới, sẽ mãi mãi được kính trọng. Đồng thời, Mác còn tổng kết sâu sắc các bài học kinh nghiệm của cuộc cách mạng công nhân đầu tiên này, đề ra không ít ý kiến chỉ đạo có ý nghĩa quan trọng.

Cần vạch rõ là, khi tổng kết kinh nghiệm Công xã Paris, Mác từng nói một câu: “Không phải là giai cấp công nhân muốn thực hiện một lý tưởng gì, mà chỉ muốn giải phóng những nhân tố xã hội mới được ươm trồng trong chính cái xã hội của giai cấp tư sản đang sụp đổ.” Điều này cũng có nghĩa là thời cơ cách mạng của giai cấp công nhân đã chín muồi chưa, hoặc có thể thực hiện được xã hội XHCN hay không, vấn đề này hoàn toàn được quyết định bởi các nhân tố xã hội mới được uơm trồng trong xã hội tư sản (chủ yếu là sự phát triển cao của sức sản xuất, dân chủ hoá nền chính trị xã hội và toàn bộ nền văn minh đạt tới trình độ cần thiết).

Sau Công xã Paris, Mác tập trung sức lực chủ yếu vào việc hoàn thành bộ “Tư bản” và tiếp tục nghiên cứu lịch sử phát triển xã hội loài người. Phần lớn nhiệm vụ chỉ đạo thực tế phong trào cách mạng là do Ăng-ghen đảm nhiệm. Năm 1883, Mác từ trần. Trách nhiệm của Ăng-ghen càng nặng hơn. Không nghi ngờ gì nữa, “Chủ nghĩa Mác”, mà cho tới nay ta vẫn nói, là do Mác và Ăng-ghen cùng sáng lập nên. Sau Cách mạng Tháng Muời và sau khi Lê-nin qua đời, chúng ta lại tiếp thu từ Liên Xô cách nói “Chủ nghĩa Mác – Lê-nin”. Cách nói này thực tế làm mờ nhạt vai trò của Ăng-ghen (tuy không phủ định Ăng-ghen). Tôi cho rằng, nếu Lê-nin còn sống cũng không thể tiếp thu cách nói ấy. Tác giả Báo cáo Khảo sát cho chúng ta biết, tác giả đã nghe thấy cách nói “Chủ nghĩa Mác Ăng-ghen” từ chính miệng những người của Đảng XHDC Thụy Điển. Tôi cho rằng cách nói đó là phù hợp với sự thật lịch sử. Không bao giờ được tách rời Mác và Ăng-ghen kia mà! “Chủ nghĩa Lê-nin” là một chuyện khác, vấn đề này ta sẽ bàn sau. Điều cần nói ở đây là, sau khi Mác qua đời, Ăng-ghen đã quán triệt chủ trương cách mạng của hai người vào phong trào công nhân quốc tế như thế nào. Đây là trang sử rực rỡ nhất trong cuộc đời Ăng-ghen. Trong những năm cuối đời, Ăng-ghen luôn gắn mình với số phận của phong trào xã hội dân chủ quốc tế.

Như bạn tôi là ông Từ Lâm viết trong cuốn sách ông chủ biên Ăng-ghen và thời đại hiện nay, sau khi Công xã Paris 1871 thất bại, phong trào công nhân quốc tế từng có thời gian rơi vào thoái trào, tới cuối thập kỷ 1870, đầu thập kỷ 1880 phong trào này mới bắt đầu hoạt động hăng hái, chủ nghĩa Mác được truyền bá rộng rãi. Trên cơ sở đó, nhiều nước Âu Mỹ như Đan-mạch, Bỉ, Tây-ban-nha, Hà-lan, Ý, Na-uy, Áo, Thụy Điển, Hung-ga-ri, Đức, Pháp, Anh, Mỹ v.v… lần lượt thành lập các chính đảng công nhân. Lúc đó, các đảng này phần lớn lấy tên là đảng Xã hội dân chủ, đảng Xã hội hoặc đảng Công nhân (Công đảng), mà không lấy tên là đảng Cộng sản. Điều này có liên quan với quan điểm của Ăng-ghen. Trong một bức thư gửi cho bạn vào tháng 2.1894, Ăng-ghen viết: “Tôi cho rằng từ Chủ nghĩa Cộng sản hiện nay không thích hợp sử dụng phổ biến. Tốt nhất là lưu nó lại cho tới khi nào cần phải có sự biểu đạt một cách chính xác hơn hãy dùng. Cho dù tới lúc đó cũng cần phải chú thích thêm, vì trên thực tế, đã 30 năm nay không dùng từ này.”

Vấn đề trên có một chút lai lịch, nay nhắc lại là không thừa. Tháng 7/1898, dưới sự đề xướng của Ăng-ghen, đảng XHDC Đức và đảng Công nhân Pháp đã triệu tập các đảng công nhân của 22 nước tham gia đại hội đại biểu những người XHCN quốc tế. Đó chính là tổ chức về sau được người ta gọi là “Quốc tế thứ II“. Thật ra tổ chức này rất lỏng lẻo, không lập ra bất cứ cơ quan lãnh đạo nào (trước đó, Hiệp hội Công nhân quốc tế về sau được gọi là “Quốc tế thứ I” có lập một Uỷ ban chung), ngay cả quy chế họp định kỳ cũng không có. Các đảng dự đại hội xác nhận lấy học thuyết Mác Ăng-ghen làm cơ sở tư tưởng, nhưng tiến hành hoạt động một cách độc lập tự chủ.

Nói đến tư tưởng chỉ đạo ngày ấy, không thể không nhắc tới bài viết năm 1894 của Ăng-ghen (một năm trước ngày qua đời) “Lời nói đầu cuốn Đấu tranh giai cấp ở Pháp từ năm 1848 đến năm 1850 của Các Mác”. Khi đề cập tới các sai lầm của Mác và Ăng-ghen trong dự kiến tình hình cách mạng từ 1848 trở đi, bài này viết: “Lịch sử cho thấy chúng tôi cũng từng sai lầm, để lộ ra cách nhìn của chúng tôi lúc đó chỉ là ảo tưởng.” “Lịch sử thể hiện rõ là tình trạng phát triển kinh tế ở đại lục châu Âu ngày ấy còn xa mới chín muồi tới trình độ có thể quét sạch nền sản xuất tư bản”, chủ nghĩa tư bản “còn có khả năng phát triển rất lớn”. Căn cứ vào điều kiện lúc đó, đặc biệt là kinh nghiệm mới nhất của đảng XHDC Đức, Ăng-ghen đã suy xét lại sách lược đấu tranh của giai cấp công nhân, nhấn mạnh đề ra chủ trương giai cấp công nhân nên lấy việc sử dụng quyền bỏ phiếu bầu cử làm “vũ khí mới – một trong những thứ vũ khí sắc bén nhất”, và nói rõ: “Từ lâu, Tuyên ngôn của đảng Cộng sản từng tuyên bố, giành lấy quyền bỏ phiếu, giành dân chủ, là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của giai cấp vô sản chiến đấu.” Đồng thời tuyên bố các đồng chí chúng ta tuyệt đối không vì thế mà “vứt bỏ quyền làm cách mạng (Ang-ghen nói rõ: dĩ nhiên, điều đó bao gồm quyền làm cách mạng bạo lực — chú thích của Ngô Giang). Cần biết rằng, quyền làm cách mạng bao giờ cũng là “quyền lợi lịch sử” chân chính duy nhất.”

Sau khi Ăng-ghen qua đời, Lip-nếch,[4] một nhà lãnh đạo đảng XHDC Đức đánh giá Ăng-ghen như sau: “Người vừa là người chỉ đường, lại là người dẫn đường, vừa là lãnh tụ, vừa là chiến sĩ. Ở Người thể hiện sự kết hợp lý luận với thực tiễn.” Lịch sử chứng minh sự đánh giá này là hoàn toàn công bằng.

Mấy chục năm trước và sau ngày Ăng-ghen qua đời, thế giới tư bản ở vào thời kỳ phát triển bình ổn. Phần lớn các đảng công nhân Âu Mỹ đều hoạt động công khai, có thể ra sức lợi dụng vũ khí bỏ phiếu bầu cử. Bước sang thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản lại rơi vào cuộc khủng hoảng mới, dẫn đến Thế chiến I. Cuộc chiến tranh này làm cho Quốc tế II bị chia rẽ mạnh – xuất hiện sự đối lập của hai phái, gọi là phái “bảo vệ tổ quốc” và phái “biến chiến tranh đế quốc thành chiến tranh cách mạng”. Lê-nin đề xuất chủ trương của phái thứ hai. Khi đó, ngoài nước Nga dưới sự lãnh đạo của Lê-nin đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Mười ra, các nước (hoặc vùng) Phần-lan, Đức, Áo, Hung, Italy cũng lần lượt bùng nổ cách mạng và giành được thắng lợi tạm thời, cục bộ, nhưng cuối cùng đều thất bại. Duy nhất chỉ có cách mạng XHCN Nga thành công. Do đó sinh ra tên gọi “chủ nghĩa Lê-nin” (việc này xảy ra sau khi Lê-nin qua đời), và có sự đối  lập giữa “Quốc tế II” và Quốc tế III”. Từ đó có hai phái là  phái “chủ nghĩa Lê-nin” và phái “chủ nghĩa xã hội dân chủ”. Kèm theo, xuất hiện hai loại mô hình tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Ở đây, ta không bàn về sự đấu tranh giữa hai phái trên (trong đó, chống chủ nghĩa xét lại là một nội dung chính), cũng không bàn về thành tích hoặc thất bại và các bài học kinh nghiêm của CNXH ở Liên xô và các nước XHCN khác cùng mô hình. Chúng tôi chỉ muốn nói khái quát về phong trào xã hội dân chủ ở Tây Âu, và cũng chỉ nói rất vắn tắt (vì ở đây cũng không bàn riêng vấn đề này, vấn đề đó cần một bài viết khác). Sau Thế chiến I, năm 1919, thành lập “Quốc tế III” (tức Quốc tế Cộng sản); năm 1923, “Quốc tế II” khôi phục hoạt động, và đổi tên là “Quốc tế đảng Xã hội”.[5] Từ đó trở đi, trong phong trào công nhân Tây Âu hình thành sự đối lập giữa hai thế lực nói trên (tức giữa một bên là các đảng Cộng sản với một bên là các đảng XHDC và các đảng Xã hội), nhưng ưu thế và ảnh hưởng chủ yếu là ở phía các đảng XHDC và đảng Xã hội, vì các đảng này không những chỉ lôi kéo được tuyệt đại đa số công nhân, mà lý luận và hoạt động của họ tương đối hợp với tâm lý của quảng đại các tầng lớp trung gian và trí thức ở các nước tư bản; giai cấp tư sản cũng tương đối có thể tiếp thu.

Ở đây, ta chưa nói về tình hình phức tạp vừa đấu tranh vừa hợp tác giữa hai thế lực nói trên (trong thời gian chiến tranh chống phát-xít, hợp tác là chủ yếu), mà chính bản thân các đảng tham gia phong trào xã hội dân chủ trong phạm vi của Quốc tế Xã hội (các đảng XHDC và các đảng Xã hội) cũng rất phức tạp. Chủ trương của các đảng này không hoàn toàn nhất trí với nhau, ngoại trừ việc tất cả đều phủ định cách mạng bạo lực và nói chung đều tiếp thu CNXH dân chủ. Lúc đầu, nhìn chung còn tuân theo cương lĩnh của đảng XHDC Đức được soạn thảo dưới sự chỉ đạo của Ăng-ghen năm 1889, khi thành lập Quốc tế II. Về sau thì mỗi đảng đi một đường: có đảng tương đối cấp tiến; có đảng tương đối ôn hoà; có đảng tiếp tục giương ngọn cờ chủ nghĩa Mác; có đảng lại vứt bỏ ngọn cờ này mà chủ trương đa nguyên hoá tư tưởng chỉ đạo (trong đó có cả chủ nghĩa Mác), và chủ trương tư tưởng XHCN bắt nguồn từ nhiều con đường; có đảng vẫn coi mình là chính đảng của giai cấp công nhân, có đảng lại nói mình là đảng của nhân dân hoặc đảng của dân tộc; có đảng chủ trương hợp tác với đảng cộng sản trong nước mình; có đảng lại phản đối sự hợp tác đó, v.v… Một số đảng đã không dưới một lần cải tổ hoặc xây dựng lại, về khuynh hướng, cũng trước sau khác nhau. Nhưng nói tổng quát, bản tuyên ngôn công bố năm 1951, khi Quốc tế Xã hội[6] tổ chức lại, về đại thể có thể coi là một khuynh hướng có tính tiêu biểu.

Tuyên ngôn này viết: “Dù là người của đảng Xã hội xây dựng niềm tin của mình theo phương pháp phân tích xã hội của chủ nghĩa Mác, hoặc theo các phương pháp khác, dù là họ tiếp nhận sự gợi ý của nguyên tắc tôn giáo hoặc của nguyên tắc nhân đạo, tất cả họ đều phấn đấu vì mục tiêu chung. Mục tiêu đó là một chế độ phân phối xã hội công bằng, đời sống tốt đẹp, tự do và thế giới hoà bình.” Ở đây chưa viết rõ mục tiêu phấn đấu là chủ nghĩa xã hội, thế nhưng “Tuyên ngôn thành lập Quốc tế xã hội” hồi thập kỷ 20 thế kỷ XX từng khẳng định mục tiêu này, và nói rõ: “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là giải phóng mọi người ra khỏi sự lệ thuộc vào một thiểu số người chiếm hữu hoặc kiểm soát tư liệu sản xuất. Mục đích của nó là giao quyền kinh tế cho toàn thể nhân dân, tiến tới xây dựng một xã hội khiến cho mọi con người tự do đều có thể, với địa vị bình đẳng, cùng làm việc với nhau trong xã hội.

Cho nên, nhìn chung, phải chăng có thể nói là: phong trào CNXH dân chủ Tây Âu (hoặc gọi là “phong trào xã hội dân chủ”, đều như nhau) hiện đang tìm kiếm một con đường khác để tiến lên CNXH (khác với con đường của Cách mạng Tháng Mười)? Hoặc nói là, phong trào này từng bước ươm trồng các nhân tố XHCN trong cái bào thai tư bản chủ nghĩa, để bằng cách tiệm tiến (từ tích luỹ thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi về chất từng phần, rồi đến thay đổi về chất cuối cùng) sáng tạo nên một hình thái mới của xã hội XHCN? Theo tôi, có thể nói như vậy được. Dĩ nhiên, sự sáng tạo này thường có tính thử nghiệm, không thể bước đều nhau hoặc có xu thế tiến lên theo đường thẳng, mà tuỳ theo sự thay đổi tình hình hoặc biến đổi so sánh lực lượng có thể có lặp đi lặp lại, có lúc tiến lên, có lúc lại tụt lùi. Nhưng có một đặc điểm: khi đã tiến lên rồi thì dù cho lại tụt lùi, nhưng trận địa đã chiếm được thì thường là không bị mất toàn bộ (thí dụ: về thực hiện chính sách phúc lợi và chế độ bảo đảm đời sống). Ở đây, tôi xin nêu hai thí dụ có thể giúp nói rõ vấn đề: một là cuộc cải cách do Công đảng Anh tiến hành năm 1945, và hai là mô hình Thụy Điển.

Trong bài này chỉ xin nói vài câu về cuộc cải cách (được đảng XHDC gọi là cải cách dân chủ xã hội chủ nghĩa) bắt đầu tiến hành tại Anh từ 1945. Đây là cuộc cải cách cơ cấu xã hội do Công đảng Anh lãnh đạo thực hiện trong tình hình tư bản Tây Âu bị tàn phá nặng nề sau Thế chiến II. Biện pháp cải cách chủ yếu là:

  • Thực hành quốc hữu hoá các ngành khai thác mỏ, ngân hàng phát hành, giao thông vận tải, các doanh nghiệp cung ứng địa phương và sản xuất thép, tức đưa các ngành kinh tế này vào sở hữu nhà nước tư bản, làm cho thành phần quốc doanh trong lĩnh vực kinh tế lên tới 20%;
  • Cải tiến thuế thu nhập theo một quy chế luỹ tiến khác biệt rõ ràng giữa các cấp bực, làm cho 2/5 tổng thu nhập quốc dân thông qua hình thức thu thuế được nhà nước thực hành tái phân phối;
  • Áp dụng phương pháp gọi là “phúc lợi toàn dân” nhằm thực hành chế độ bảo hiểm rộng rãi ốm đau, tai nạn, tuổi già, thương tật, thất nghiệp, sinh đẻ và chết đối với tất cả mọi người và thực hiện chữa bệnh không mất tiền cho toàn dân. Năm 1948, lãnh tụ Công đảng Anh là At-li [Clement Attlee, 1883-1967] tuyên bố: nước Anh đã trở thành “nhà nước phúc lợi”. Từ đó, cái tên “nhà nước phúc lợi” bắt đầu được sử dụng rộng rãi. Theo các tài liệu xác thực, ngày ấy, Stalin có nói chuyện với nhân vật phái tả của Công đảng Anh Rat-xki, thậm chí Stalin còn thừa nhận cuộc cải cách này có thể là một trong những con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (do đó mà năm 1951, đảng Cộng sản Liên xô từng giúp đỡ đảng Cộng sản Anh soạn thảo cương lĩnh quá độ hoà bình). Nhưng trên mặt khác, hoặc nói trên một mặt quan trọng hơn, cuộc cải cách này đồng thời lại làm ổn định trật tự tư bản chủ nghĩa từng bị phá tan (ghi chú: cuộc cải cách này hồi ấy được Mỹ kín đáo cho phép và tài trợ).

Bây giờ ta có thể trở lại bàn về mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ Thụy Điển được Báo cáo Khảo sát nói tới.

Xem tiếp Phần II).

………………………………………………

Nguồn: Khảo sát về chủ nghĩa xã hội kiểu Thụy Điển: Nhân đọc “Một bản báo cáo khảo sát đến muộn”, Chủ nghĩa Mác và Hiện thực số tháng 3/2002, Tạp chí hai tháng một kỳ, tiếng Trung Quốc. Cơ quan chủ trì tạp chí: Cục Biên dịch thuộc Trung ương Đảng CSTQ.

Tác giả Ngô Giang là giáo sư, nguyên Viện trưởng Học viện Chủ nghĩa xã hội Trung ương, thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Báo cáo mà tác giả đề cập là của Dương Khải Tiên, được viết sau chuyến khảo sát Thụy Điển hồi những năm 1980, khi Liên Xô còn đang vững mạnh.

Nguyễn Hải Hoành lược dịch và làm toàn bộ các chú thích ở cuối trang và trong ngoặc.

———————–

1 Đúng ra phải gọi là đảng Dân chủ xã hội (tiếng Anh: Social Democratic Party), nhưng VN ta quen gọi là Xã hội dân chủ (theo nguyên văn âm Hán-Việt theo cách dịch của TQ). Từ điển Chủ nghĩa cộng sản khoa học (NXB Tiến bộ Matxcơva và NXB Sự thật Hà Nội, 1986) dùng “chủ nghĩa dân chủ xã hội”, nhưng có chỗ dùng “đảng Xã hội dân chủ”, có chỗ dùng “đảng Dân chủ xã hội”. Đảng XHDC Thuỵ Điển chiếm 36,5% số đại biểu Quốc hội khoá bầu 9.1998; hiện Chủ tịch Đảng là ông Goran Persson đồng thời làm Thủ tướng chính phủ. (Trong bài này, toàn bộ các chú thích ở cuối trang và chú thích trong dấu [ ] đều là của người dịch).

2 Số liệu năm 2001 về Thụy-điển : 449.964 km2; 8,875 triệu dân. Kinh tế năm 2000 tăng trưởng 4,3%. Năm 2000, GDP tính theo sức mua : 197 tỷ USD; GDP đầu người : 22.200 USD (so với 4000 USD của Nga năm 1998). Nông nghiệp chiếm 2,2% GDP, công nghiệp 27,9%, dịch vụ 69,9%. Xuất khẩu 95,5 tỷ, nhập khẩu 80 tỷ USD. Tỷ lệ lạm phát 1,2%, tỷ lệ thất nghiệp 6%. Ngân sách : thu 133 tỷ, chi 125,2 tỷ USD. Viện trợ ODA cho nước ngoài 1,7 tỷ USD (1999). Tuổi thọ trung bình 79,71 năm. Năm 1998 có 6 triệu điện thoại và 3,8 triệu điện thoại di động; 8,25 triệu radio và 4,6 triệu tivi, Năm 2000 có 4,5 triệu người dùng Internet. CIA Mỹ nhận định: Thuỵ Điển là nước “đạt được mức sống cao dưới chế độ chính trị kết hợp chủ nghĩa tư bản công nghệ cao với chế độ phúc lợi cao” (theo The World Fact Book 2001 của Cục Tình báo TƯ Mỹ CIA). Ở đây người dịch dùng số liệu năm 2001 cho sát với thời điểm tác giả Ngô Giang viết bài này.

[3] Ferdinand Lassalle: xem chú thích 7.  Pierre-Joseph Proudhon (1809-1865): “nhà chính luận Pháp, nhà xã hội học và kinh tế; nhà tư tưởng của giai cấp tiểu tư sản, một trong những người sáng lập về mặt lý luận chủ nghĩa vô chính phủ” (trích dẫn theo Tuyển tập Mác Ang-ghen, NXB Sự thật, Hà Nội 1981)

[4] V. Liebknecht (1826-1900), nhà sáng lập đảng XHDC Đức, bạn của Mác và Ang-ghen

[5] Bách khoa thư Xô viết (1987) gọi là Quốc tế 2 rưỡi (2 1/2).

[6] Sđd1 gọi là Quốc tế XHCN, và nhận định là “tổ chức liên hiệp quốc tế của các đảng dân chủ-xã hội, thi hành đường lối cải lương.” Đại hội I của Quốc tế này họp ở Đức tháng 7.1951, ra tuyên ngôn “Về những mục tiêu và nhiệm vụ của chủ nghĩa XHDC” Tính đến 11.1977, Quốc tế XHCN có 38 đảng (và 16 đảng dự thính), hai tổ chức Phụ nữ và Thanh niên, 9 tổ chức có tính liên hiệp.