Tiêu thụ than toàn cầu đang tăng trở lại mức kỷ lục 10 năm trước, cùng với giá than tăng cao. Xuất khẩu than của Mỹ đã tăng gấp 3 lần. Bất chấp nỗ lực đến mức ám ảnh của phe cấp tiến nhằm phá hủy ngành năng lượng than, lĩnh vực than nhiệt đang trở lại.
Ngành than vẫn mạnh mẽ dù đã bị khai tử
Tại Mỹ, tiêu thụ than đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2013, và ngay sau đó, hầu hết các ngân hàng ở Phố Wall và các nhà hoạt động xã hội cấp tiến đều tuyên bố thời kỳ của than đã chấm dứt.
Dù vậy, năng lượng than vẫn là dạng năng lượng thống trị ở Mỹ cho đến năm 2016, và năm nay, mức tiêu thụ than toàn cầu có thể đạt mức kỷ lục của năm 2013.
Vào tháng 2, sản lượng than ở miền trung Appalachian (dãy núi ở Bắc Mỹ) đạt mức cao nhất trong hai năm. Giờ đây, giá than đang tăng lên mức kỷ lục ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới.
Tất cả những việc này có vẻ là những hoạt động sống khổng lồ của một ngành công nghiệp đã bị khai tử.
Tại sao lại có điều này?
Trước hết, ta hãy trung thực. Nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm phần lớn lĩnh vực năng lượng của Mỹ. Theo Đánh giá Năng lượng Hàng tháng của Cơ quan Thông tin Năng lượng: “Nhiên liệu hóa thạch – dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá – chiếm 79% trong số 97 quad đơn vị nhiệt điện Anh (1 quad tương đương 10 lũy thừa 15) năng lượng tiêu thụ cơ bản ở Mỹ trong năm 2021. Khoảng 21% năng lượng tiêu thụ cơ bản của Mỹ vào năm 2021 đến từ các nguồn nhiên liệu không phải nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như năng lượng tái tạo và hạt nhân”.
Nói cách khác, nhiên liệu hóa thạch chiếm gần 80% tổng năng lượng được sản xuất tại Mỹ vào năm 2021.
Nỗ lực hạn chế phát thải carbon trở thành thứ yếu
Đầu tháng này, CNBC đã đưa tin về việc tiêu thụ than đang tiếp diễn và việc tăng giá đang diễn ra trên thị trường trong nước và toàn cầu, chỉ ra rằng: “Giá than đang tăng vọt, và tiêu thụ than toàn cầu dự kiến sẽ trở lại mức kỷ lục đã đạt được gần 10 năm trước khi mà thiếu hụt nguồn cung năng lượng toàn cầu vẫn tiếp diễn. Trong khi các nhà đầu tư vào dự trữ than đang được lợi nhờ giá than tăng cao, việc hạn chế lượng khí thải carbon đang ít được chú trọng khi các thị trường và chính phủ nỗ lực tích trữ nguồn cung năng lượng truyền thống trong bối cảnh tắc nghẽn [nguồn cung cấp] do chiến tranh Ukraine gây ra”.
Hiện tại, có một số vấn đề đang đặt ra, từ nhu cầu tăng cường nguồn cung trong nước để đảm bảo an ninh năng lượng trong nước, đến hoạt động sản xuất trong nước và quốc tế chậm lại kéo dài trong nhiều năm, và hiện tại là vấn đề nguồn cung cấp kéo dài dai dẳng do cuộc chiến Nga-Ukraine.
Tác động lan tỏa của các vấn đề này đang được cảm nhận trên toàn thế giới. Giá than quốc tế cũng đang tăng chóng mặt.
Chuyên gia về khai thác và kim loại Pete O’Connor, tại ngân hàng đầu tư Úc Shaw and Partners, gần đây đã nhận xét về thị trường than thắt chặt nguồn cung (khan hiếm nguồn cung) và sự gia tăng giá trên toàn cầu, cho biết: “Và nguồn cung [than] đang khan hiếm. Tại sao? Bởi vì không ai xây dựng năng lực [sản xuất] và thị trường sẽ vẫn bị thắt chặt do thời tiết và COVID. Vì vậy, thị trường đó sẽ ở mức cao hơn [giá cao, thiếu cung] trong thời gian lâu hơn nữa, có thể là vào cả trong năm 2023”.
Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong một báo cáo về thị trường than gần đây: “Sau khi tình trạng thiếu điện và than dẫn đến giá than tăng cao vào tháng 10/2021, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh thúc đẩy sản xuất trong nước, điều này làm giảm nhu cầu nhập khẩu. Trong sáu tháng đầu năm 2022, sản lượng than của Trung Quốc tăng 11%. Trong cùng thời điểm đó, chúng tôi ước tính nhu cầu than giảm 3%. Kết quả là, nhập khẩu than giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 115 triệu tấn. Trong cả năm, chúng tôi dự đoán nhập khẩu than của Trung Quốc sẽ giảm 18%, tương đương 45 triệu tấn. Ấn Độ cũng bắt đầu năm 2022 với nhập khẩu giảm, nhưng các biện pháp của chính quyền để ngăn chặn tình trạng thiếu than có thể sẽ làm tăng khối lượng nhập khẩu trong nửa cuối năm. Nhìn chung, chúng tôi dự đoán nhập khẩu than của Ấn Độ sẽ tăng nhẹ so với năm 2021”.
IEA tiếp tục: “Indonesia, nước xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới, cũng là nước linh hoạt nhất. Vào năm 2021, nó đã tăng xuất khẩu thêm 27 triệu tấn, lên 434 triệu tấn, xuất khẩu nhiều hơn gấp đôi so với Úc (199 triệu tấn). Mỹ, nhà cung cấp linh hoạt tại thị trường Đại Tây Dương, đã tăng xuất khẩu thêm 12 triệu tấn, lên 36 triệu tấn”.
Thật vậy. Xuất khẩu than của Mỹ đã tăng gấp ba lần.
Thỏa thuận than đắt đỏ nhất
Có lẽ tin tức quan trọng nhất về thị trường than xuất hiện vào cuối tháng 7, khi Bloomberg đưa tin về một giao dịch than có thể là một trong những giao dịch than đắt nhất từng được ghi nhận ở Nhật Bản. Thỏa thuận là giữa Glencore và Nippon Steel, và than được bán với giá 375 USD / tấn.
Như Bloomberg đã đưa tin: “Nippon Steel Corp. đã đồng ý một thỏa thuận cung cấp hàng năm đến tháng 3 với Glencore cho than dùng cho nhà máy điện với giá 375 USD / tấn, theo những người có hiểu biết về thỏa thuận, những người đề nghị giấu tên vì thông tin là bí mật. Thỏa thuận này có giá đắt gấp ba lần so với các thỏa thuận tương tự được thực hiện vào năm ngoái, và có thể là một trong những hợp đồng than đắt nhất từng được một công ty Nhật Bản ký kết”.
Điểm mấu chốt vẫn là: Nhu cầu sử dụng than nhiệt đang trở lại, và điều đó sẽ không thay đổi trong một thời gian. Đúng, than là bẩn, nhưng nó đáng tin cậy. Trên thực tế, nhiều người tin rằng có nghĩa vụ về mặt đạo đức để sản xuất than — nghĩa vụ đạo đức ở đây là chúng ta nên khai thác than để những người khác có thể tiếp cận nguồn điện và năng lượng đáng tin cậy.
Ám ảnh về việc phá hủy ngành năng lượng than
Các nhà hoạt động xã hội cấp tiến đã thổi phồng theo cách không thực tế về sự tàn phá môi trường của nhiên liệu hóa thạch, họ cũng đồng thời quyết tâm một cách ám ảnh nhằm phá hủy các ngành công nghiệp đã đưa chúng ta vào kỷ nguyên siêu công nghệ và công nghiệp hóa. Họ quyết tâm một cách ám ảnh phá hủy công ăn việc làm thay vì hỗ trợ an ninh năng lượng và nghiên cứu phát triển lưu trữ khí thải carbon (để tránh khí thải carbon phát tán ra môi trường).
Cuối cùng thì, chẳng lẽ chúng ta không nên tìm cách lưu trữ carbon trong các mỏ than bỏ hoang (tránh để chúng tỏa ra môi trường)? Chúng ta không nên tìm cách lọc khí thải từ các nhà máy điện đốt than thay vì tắt công tắc của ngành này?
Phá hủy ngành công nghiệp khai thác than, và lấy đi hàng nghìn việc làm có ích gì nếu bạn vẫn đang hỗ trợ các ngành công nghiệp gây hại cho môi trường?
Những người cấp tiến này – theo ý kiến của tôi – theo một cách có tính cơ hội không nhìn thấy sự tàn phá tạo ra do việc sản xuất các loại năng lượng tái tạo, bao gồm độc tính từ pin lithium-ion, tuabin gió giết chết hàng ngàn và hàng ngàn con chim và các vùng lắp đặt bảng năng lượng mặt trời chiếm lượng lớn diện tích đất chỉ để cung cấp điện trong những ngày nắng.
Nếu có một giải pháp thỏa hiệp ở đây, nó sẽ là sử dụng lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch để chi trả cho việc nghiên cứu và phát triển các dạng năng lượng ít độc hại hơn.
Tôi có thể nói với bạn — từ quan điểm ngân hàng đầu tư và từ quan điểm phân tích kinh tế — rằng phát triển năng lượng mới không hề rẻ. Sẽ cần hàng tỷ USD đầu tư, và hàng tỷ USD đó sẽ đến từ hàng tỷ hàng tỷ USD trong khoản lợi nhuận mà các nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch kiếm được trong những năm kinh doanh bùng nổ.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Bảo Nguyên
Theo Chadwick Hagan – The Epoch Times