Jeffrey A. Tucker – Thứ sáu, 12/08/2022

Cuộc tranh luận về việc liệu chúng ta có đang trong thời kỳ suy thoái hay không — chủ đề chiếm lĩnh tin tức cuối tuần này (25-31/07) — đã trở thành một cuộc chiến ngôn từ mang ý nghĩa chính trị cao nhưng lại không có nhiều ý nghĩa trong đời thực đối với người bình thường.

Câu chuyện thực sự là về những gì mà người ta đang làm để sống sót qua thời buổi này. Họ đang từ bỏ các mặt hàng bách hóa cao cấp và tranh nhau mua sắm tại các cửa hàng giảm giá. Họ đang cắt giảm các kế hoạch du lịch, thanh toán nợ thẻ tín dụng, và tìm kiếm các khoản tiết kiệm chi phí ở bất cứ đâu có thể. Họ đang mua với số lượng lớn vì sợ thiếu hàng và tích trữ phần hàng mua dư vào bất cứ nơi nào có thể. Và những người chọn làm việc đang bám lấy các công việc mà họ đang có vì lo cho tương lai, ngay cả khi các tập đoàn lớn đang sa thải các nhân viên hành chính chỉ để tồn tại.

Dữ liệu về thu nhập cá nhân khả dụng thực tế cho biết câu chuyện đời thực này. Người ta không cần phải chờ đợi các số liệu GDP. Người lao động biết chính xác điều gì đang xảy ra bởi vì họ cảm nhận được điều đó trong mức sống ngày càng sụt giảm của họ. Chỉ riêng trong năm nay, thu nhập sau thuế thực tế giảm 8.3%. Từng tháng kể từ tháng 04/2021, chúng ta đã ở trong giai đoạn sụt giảm thu nhập khả dụng thực tế dài nhất kể từ hồi Đệ nhị Thế Chiến. Giá trị của đồng USD giảm 14% so với 18 tháng trước nhưng ở một số khu vực, thiệt hại còn dữ dội hơn nhiều. Giá năng lượng tăng 41% và các mặt hàng bách hóa tăng 12.2%.

Thu nhập cá nhân khả dụng thực tế ở Hoa Kỳ

(Dữ liệu: Dữ liệu kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang (FRED), St. Louis Fed; Biểu đồ: Jeffrey A. Tucker, đơn vị tính theo phần trăm thay đổi so với một năm trước)

Thậm chí những con số ấy không thực sự phản ánh đầy đủ câu chuyện. Cuối tuần qua (25-31/07), tôi đã thấy ức bò ở mức 13 USD/pound từ cùng một nguồn mà chỉ mới năm ngoái bán cùng một loại sản phẩm ấy với mức giá 4.50 USD. Việc này dẫn đến một mức giá bán lẻ thịt nướng mà đến nay vẫn khiến tôi hoàn toàn sửng sốt. Nhà cung cấp ưa thích của tôi vừa tăng lên 21 USD/pound. Và đây không phải là một nơi cầu kỳ sang trọng, mà chỉ là một doanh nghiệp nhỏ đáng tin cậy do gia đình làm chủ. Họ vẫn đang kiếm đủ sống nhưng hầu như chỉ vừa đủ.

Tôi đã dành một chút thời gian với người chủ này để hiểu được những khó khăn. Ông ấy không còn có thể bán món đặc sản một thời của cửa hàng này — thịt dê nướng — vì việc mua thịt dê hoàn toàn là nằm ngoài tầm với. Khi chúng tôi trò chuyện, một người chăn nuôi dê tình cờ xuất hiện và nói về những khó khăn của bản thân ông trong việc nuôi được bất cứ con dê nào. Bất chấp mức giá cao cuối cùng mà ông có thể nhận được đối với những vật nuôi này, lợi nhuận ngày càng ít đi và giá thức ăn chăn nuôi đang tăng kịch trần.

Một nông dân cũng ở đó đã nói về chi phí phân bón cho thức ăn chăn nuôi.

Đây là cách mà các thị trường hoạt động. Chúng thật đẹp và kỳ diệu khi đồng tiền ổn định, các chuỗi cung ứng đáng tin cậy, và kế toán chi phí đưa ra bức tranh về thực tế kinh tế ổn định và có thể dự đoán được. Nhưng lạm phát thay đổi mọi thứ và ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Tình trạng đó bắt đầu cảm thấy giống như cuộc vật lộn sống còn bởi vì người ta không bao giờ biết được nơi mà sự xáo động mới nhất sẽ xảy ra. Mỗi lần tăng giá đều ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực khác.

Nhà hàng thịt nướng không còn đủ khả năng chi trả cho nhân viên vì người chủ đã phải trả rất nhiều tiền để mua lấy sự quan tâm và sức lao động của họ. Vì vậy, cuối cùng chính ông phải làm việc nấu ăn, cắt gọt, điều hành việc bán lẻ, và dọn dẹp bàn ăn. Ông bày tỏ sự thất vọng khi không thể tìm thấy những nhân viên mà sẽ làm việc trong

nhiều giờ, có mặt theo cách mà ông ấy cần, hoặc nói cách khác là coi trọng công việc của họ.

Tôi tạo thói quen đến thăm các thương gia và các chủ doanh nghiệp bất cứ khi nào tôi có thể. Hơn hết thảy, vấn đề lớn nhất hiện nay là việc tìm kiếm người lao động. Quý vị có thể nhận được hàng trăm đơn xin việc, để rồi phát hiện ra rằng hàng triệu người nộp đơn xin việc chỉ để đáp ứng yêu cầu của văn phòng thất nghiệp, nơi đòi hỏi bằng chứng về việc tìm kiếm việc làm để duy trì khoản trợ cấp.

“Mọi người đều muốn kiếm được nhiều tiền nhưng không ai muốn làm việc,” là một điệp khúc mà tôi đã nghe đi nghe lại trong mọi ngành, từ dịch vụ kế toán đến vệ sinh hồ bơi cho đến phục vụ quán bar. Các khách hàng đang xếp hàng dài và các chủ sở hữu đã sẵn sàng tuyển dụng nhưng dường như họ không thể thu hút được lực lượng lao động. Dường như hiếm khi có một nhân viên tài năng và tận tâm nào trong những ngày này.

Để tôi kể nhanh câu chuyện về một khách sạn chất lượng một thời mà tôi đã từng ở (tôi đang bỏ qua các chi tiết về địa điểm hoặc tên khách sạn này). Các chìa khóa điện tử của khách sạn bị trục trặc ở khắp nơi. Khách hàng đang xếp hàng để nhận chìa khóa mới, chạy về phòng của họ chỉ để phát hiện ra rằng chìa khóa vẫn không dùng được, và rồi lại quay trở lại. Người quản lý khách sạn đã phải đích thân di chuyển từ tầng này sang tầng khác để giúp mọi người vào phòng của họ.

Rõ ràng là chiếc máy làm chìa khóa điện tử đã bị hỏng nhưng ban quản lý khách sạn không thể nhờ ai vào sửa, chí ít là trong vài ngày. Thời gian chờ đợi trợ giúp kỹ thuật cho chiếc máy rất đắt tiền này tính bằng giờ. Kết quả là, tất cả nhân viên hoàn toàn phát cáu. Theo lẽ đương nhiên, tất cả họ đều có tâm trạng tồi tệ và xem thường khách hàng, và ngược lại.

Phao nước trong bồn cầu bị kẹt nhưng khách sạn không có thợ sửa ống nước ở gần đó, vì vậy cuối cùng tôi đã tự sửa nó. Hồ bơi đã phải

đóng cửa vì công ty kiểm nghiệm độ an toàn của nước đã không hề xuất hiện, trong nhiều ngày. Để giảm bớt các khoản nợ phải trả, khách sạn đã phải đóng cửa hoàn toàn.

Đối mặt với tất cả những sự cố chán chường này, tôi đến một quán bia hơi ở trung tâm thành phố, nơi thường có nhạc sống. Vì những lý do không ai có thể hiểu được, ban nhạc đã không xuất hiện. Họ cũng không để cho ai biết trước. Cũng chỉ có một người đứng đằng sau quầy và một hàng dài người đang đợi chỉ để gọi món gì đó.

Đây là những câu chuyện nhỏ về sự đổ vỡ, nhưng tôi chắc chắn rằng quý vị có thể kể những câu chuyện tương tự từ thị trấn của quý vị hoặc từ những chuyến du lịch của quý vị. Có một vấn đề lớn hơn đang diễn tiến ở đất nước này ngoài việc đứt gãy chuỗi cung ứng, vốn vẫn chưa được khắc phục. Chúng ta đang ngày càng trải qua nhiều bằng chứng hơn về một điều gì đó nghiêm trọng hơn nhiều và khó có thể sửa chữa hơn: chính sự phân công lao động đang bị phá vỡ.

Hãy xem xét động lực thúc đẩy nhà kinh tế học người Scotland, ông Adam Smith, viết cuốn sách có nhan đề “Sự Thịnh Vượng Của Các Quốc Gia” (“The Wealth of Nations”), xuất bản năm 1776. Ông đã cố gắng đưa ra một lời giải thích hợp lý cho hiện tượng bất thường nhất trong thời đại của mình: sự gia tăng mức sống không chỉ của giới giàu có và quyền lực mà còn của tất cả mọi người. Thế giới cổ đại không trải qua điều này. Tại sao vấn đề này lại xảy ra ngày nay và nguyên nhân nằm ở đâu?

Lời giải thích dông dài và chi tiết của ông cuối cùng cũng mỹ miều và nhàm chán tương tự. Ông đã giải thích cách mọi người học cách hợp tác với nhau trong các doanh nghiệp ngày càng lớn hơn bằng cách tập trung vào chuyên môn hóa. Họ học một kỹ năng thực sự tốt và khai triển kỹ năng đó một cách chuyên nghiệp, trong khi phụ thuộc vào những người khác để làm điều tương tự. Hệ thống phân chia lao động này mang lại sức sống cho câu thành ngữ tiếng Anh cổ rằng có nhiều người chung sức thì công việc trở nên nhẹ nhàng

(“many hands make for light work”). Sự phân chia lao động cũng tạo ra sự thịnh vượng, giống như một phép màu.

Điều gì tạo ra việc khai triển ở mức độ phức tạp hơn bao giờ hết của một hệ thống như vậy? Lòng tin, quyền sở hữu, việc thực thi hợp đồng, và tự do thử nghiệm cùng xây dựng mà không bị các hành động tội phạm từ phía tư nhân và chính quyền xâm phạm. Kết quả là một cỗ máy tạo ra của cải mạnh mẽ và màu nhiệm, mang lại lợi ích cho mọi người trong xã hội.

Thời đại của chúng ta đã dạy chúng ta biết rằng hệ thống này thực sự mong manh ra sao. Xâm phạm các quyền của chủ sở hữu, người lao động, và mọi người nói chung và chính quý vị làm phiền và làm gián đoạn mạng lưới phức tạp đó. Quý vị làm tổn hại đến các mối quan hệ tin cậy. Quý vị làm băng hoại đạo đức và mất tinh thần của mọi người. Quý vị gây nguy hiểm cho chính sự thịnh vượng. Đây là một bản khái lược tốt về kinh tế học của thời đại ngày nay.

Suy thoái là có thật, nhưng nguyên nhân sâu xa của suy thoái không chỉ là do chính sách tồi từ Cục Dự trữ Liên bang; mà nó còn nằm trong vấn đề rộng lớn hơn về cách thức vô nhân đạo mà các chính phủ đã đối xử với người dân trong hai năm rưỡi qua. Đây không chỉ là về thị trường chứng khoán và sự sụt giảm của quỹ hưu trí 401(k). Sự đổ vỡ trong hoạt động căn bản của thị trường đã khiến mọi thứ chúng ta yêu thích gặp rủi ro nghiêm trọng. Sự đổ vỡ này đã làm thế giới trở nên thô thiển, làm gián đoạn quá trình xây dựng sự thịnh vượng, và gây ra sự mất phương hướng và nhầm lẫn hàng loạt. Nạn nhân ở đây là sự thịnh vượng.

Tôi chỉ kể một vài câu chuyện nhỏ ở trên nhưng vấn đề đang lan rộng ngày nay, và quý vị thấy tình trạng đó trên diện rộng ở mọi thứ và mọi nơi. Cho dù đó là giá xăng, tình trạng thiếu lao động lành nghề, các chuyến bay bị hoãn, thời gian chờ hỗ trợ kỹ thuật, sự chậm trễ kéo dài trong việc mua các phụ tùng sửa chữa cho bất cứ thứ gì, hay sự mất tích bí ẩn của hàng triệu người lao động, tất cả đều dẫn đến một mối nguy hiểm sâu sắc, đó là sự phân công lao động đã

hình thành hàng trăm năm nay đang đối mặt với một mối đe dọa sống còn.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của chúng ta hầu hết hành động [tỉnh bơ] như chú cún trong meme ngồi trong ngôi nhà đang cháy. Họ nói, “Tình hình này ổn thôi.” Chắc chắn không có một linh hồn đang sống nào thực sự còn tin họ nữa.

Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Ông Jeffrey A. Tucker là người sáng lập và là chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng ngàn bài báo trên báo chí học thuật và phổ thông. Ông cũng là tác giả của mười cuốn sách bằng năm thứ tiếng, gần đây nhất là cuốn “Liberty or Lockdown” (“Tự Do hay Phong Tỏa”). Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết cho một chuyên mục kinh tế hàng ngày cho The Epoch Times và về các chủ đề kinh tế, công nghệ, triết học xã hội, và văn hóa.

Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ 
The Epoch Times