Ella KietlinskaJoshua Philipp – Chủ nhật, 24/07/2022

Nghị trình 2030 của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về phát triển bền vững hướng dẫn các chính sách của chính phủ nhằm hạn chế canh tác và chuyển đổi hệ thống lương thực ở các khu vực khác nhau trên thế giới, ông Alex Newman, một ký giả quốc tế từng đạt giải thưởng đã đưa tin về vấn đề này trong hơn một thập niên, cho biết.

Nghị trình 2030 là một kế hoạch hành động do Liên Hiệp Quốc đề ra nhằm đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Các mục tiêu và Nghị trình 2030 về Phát triển Bền vững đã được tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 2015.

Ông Newman cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên chương trình “Crossroad” của EpochTV: Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ là Ban Ki-moon đã gọi Nghị trình 2030 là “tuyên bố toàn cầu về sự phụ thuộc lẫn nhau” (pdf).

“Theo ý kiến ​​của tôi, [nó] là một cú đánh trực tiếp vào Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta… Vì vậy, thay vì là các quốc gia độc lập, tất cả chúng ta giờ đây sẽ phụ thuộc lẫn nhau.”

Ông Newman nhận xét, Nghị trình 2030 “bao phủ mọi yếu tố của đời sống con người, mọi yếu tố của nền kinh tế,” bao gồm cả việc tái phân phối của cải toàn cầu không chỉ trong phạm vi các quốc gia mà còn giữa các quốc gia. Ông nói thêm, nghị trình này “nêu cụ thể rằng chúng ta cần thay đổi cách chúng ta tiêu dùng và sản xuất hàng hóa.”

Ông Newman nói, mục tiêu số hai trong Nghị trình 2030 đề cập cụ thể đến lương thực. 

Tháng 09/2021, LHQ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về các Hệ thống Lương thực, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải “tận dụng sức mạnh của các hệ thống lương thực” nhằm đạt được toàn bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, theo một tuyên bố của LHQ.

Tuyên bố cho biết: “Tất cả mọi người, ở mọi nơi, phải hành động và làm việc cùng nhau để biến đổi cách thế giới sản xuất, tiêu thụ, và suy nghĩ về lương thực.” 

Tiếp quản đất canh tác

Ông Newman nói, chương trình phát triển bền vững xuất hiện vào những năm 1970 khi Liên Hiệp Quốc cố gắng định nghĩa chương trình này tại một hội nghị ở Vancouver, Canada, vào năm 1976.

Hội nghị này là hội nghị đầu tiên của Liên Hiệp Quốc trong loạt Hội Nghị về Các Khu Định Cư cho Con Người (Conference on Human Settlement) gọi là Môi Trường Sống I (Habitat I). Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Vancouver, một báo cáo đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc.

Ông Newman đã trích dẫn một trích đoạn từ báo cáo này: “Đất đai không thể được coi như một tài sản thông thường do các cá nhân kiểm soát và chịu những áp lực và sự kém hiệu quả của thị trường. Sở hữu tư nhân về đất đai cũng là công cụ chủ yếu để tích tụ và tập trung của cải, do đó góp phần gây ra bất công xã hội.”

Ông Newman nói rằng, theo quan điểm của ông, Liên Hiệp Quốc cuối cùng muốn loại bỏ quyền sở hữu đất đai tư nhân. “Chúng ta thấy điều này trên toàn thế giới. Điều này không chỉ xảy ra ở Hà Lan.”

Ông cho rằng một cuộc chiến đang diễn ra chống lại người nông dân và các chủ trang trại, đặc biệt là những người độc lập hoặc những người không thuộc hệ thống. “Họ muốn loại những nông dân nhỏ, thậm chí cả những nông dân vừa, khỏi đất đai của những người nông dân này và họ muốn đặt tất cả dưới sự kiểm soát của những — tôi nghĩ không có thuật ngữ nào khác để mô tả nó — những mối quan hệ đối tác công tư theo chủ nghĩa phát xít này.”

Ông Newman lưu ý về một số ví dụ để minh họa cho ý kiến ​​của mình: chính quyền Trung Quốc buộc nông dân chuyển đến các siêu đô thị, nông dân bị sát hại ở Nam Phi , và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) ở Hoa Kỳ đề nghị một quy định mới có thể làm phá sản các nông dân vừa và nhỏ.

Tháng 03/2022, SEC đã đề nghị một quy định mà “sẽ bắt buộc các công ty giao dịch công khai báo cáo về lượng khí thải carbon của họ và các thông tin liên quan đến khí hậu khác,” cũng như báo cáo thông tin tương tự từ bất kỳ công ty nào mà họ kinh doanh với, theo một tuyên bố của SEC. 

Do đó, tất cả các công ty trong chuỗi cung ứng kinh doanh của một doanh nghiệp giao dịch công khai sẽ phải báo cáo dữ liệu liên quan đến phát thải carbon và khí hậu của họ.

Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tim Scott (Cộng Hòa-South Carolina) và John Hoeven (Cộng Hòa-North Dakota) đã dẫn đầu 30 nhà lập pháp thúc giục SEC hủy bỏ đề nghị của mình, gọi đó là “áp đặt quy định quá mức.”

“Việc áp đặt quy định quá mức đối với nông dân và chủ trang trại nằm ngoài thẩm quyền do Quốc hội cung cấp,” các thượng nghị sĩ cho biết trong một tuyên bố. “Yêu cầu báo cáo đáng kể này sẽ tạo gánh nặng lớn cho các trang trại nhỏ do các gia đình sở hữu.”

Liên đoàn Cục Trang trại Hoa Kỳ (AFBF) cho biết trong một tuyên bố rằng quy định được đề nghị có thể tạo ra “các chi phí đáng kể” cho nông dân vì họ không có đội ngũ viên chức hoặc luật sư về tuân thủ như các tập đoàn lớn. Hơn nữa, nó có thể đẩy nông dân vừa và nhỏ vào cảnh phá sản và buộc các công ty chế biến thực phẩm phải tìm kiếm các sản phẩm nông nghiệp thô bên ngoài Hoa Kỳ, tuyên bố khẳng định.

Tập trung hóa nguồn cung cấp lương thực

Ông Newman nói: “Nếu quý vị kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm, quý vị sẽ kiểm soát mọi thứ.”

Ông Newman lý giải: “Một trong những điều mà những người cộng sản yêu thích làm là tạo ra sự khan hiếm và tạo ra những người phụ thuộc. Miễn là quý vị có những người độc lập có thể tự lo cho bản thân, thì thực sự không cần chính phủ điều hành cuộc sống của quý vị và kiểm soát mọi thứ quý vị làm.”

“Người Mỹ là những ví dụ điển hình,” ông Newman tiếp tục. “Chừng nào việc sản xuất lương thực còn được phổ biến rộng rãi và nằm trong tay các nhà sản xuất độc lập, thì rất khó để khiến mọi người tuân theo ý muốn của quý vị.”

Ông Newman giải thích rằng toàn bộ ý tưởng sử dụng lương thực làm vũ khí đã là dấu ấn của các chế độ cộng sản trong 100 năm. “Đó cũng là dấu ấn của chính những người đang công khai thúc đẩy Nghị trình 2030 của Liên Hiệp Quốc, các mục tiêu phát triển bền vững, và thậm chí cả Diễn đàn Kinh tế Thế giới.”

Ông Newman nói, những người tiến hành “việc phá hủy có kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta… muốn cơ cấu lại hoàn toàn nó,” để giành được quyền kiểm soát tập quyền hoàn toàn đối với nguồn cung cấp vì nó mang lại cho họ quyền lực tuyệt đối đối với mọi người dưới quyền của họ.

Ví dụ, ông Newman nói, chính quyền Trung Quốc và các tập đoàn lớn đã thành lập một quan hệ đối tác công tư để kiểm soát tập quyền nguồn cung cấp thực phẩm.

Nó tương tự như những gì đã xảy ra ở Đức Quốc Xã, nơi trên giấy tờ các công ty tư nhân sở hữu doanh nghiệp và dường như đang quản lý doanh nghiệp của họ, nhưng cuối cùng, các công ty tư nhân sẽ tuân theo lệnh của chính quyền, ông Newman giải thích.

Ông Newman nói, tại Hoa Kỳ, các chỉ số ESG được sử dụng để “chiếm quyền kiểm soát đối với lĩnh vực kinh doanh, đối với các công ty riêng lẻ, và phục vụ các mục tiêu của cái mà tôi gọi là tầng lớp kẻ săn mồi — những người đứng sau Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đứng sau Liên Hiệp Quốc.” (ESG là viết tắt của các tiêu chí về môi trường, xã hội, và quản trị, được sử dụng để đánh giá các công ty về mức độ tuân thủ của họ với tính bền vững).

Ông cho biết thêm, việc tập trung hóa nguồn cung cấp lương thực chỉ là một phần trong nghị trình của họ, nhưng nó là một phần rất quan trọng, cùng với năng lượng và những thứ khác, cho phép họ kiểm soát nhân loại.

Sự liên can của Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Tháng 01/2021, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và chính phủ Hà Lan đã khởi động một sáng kiến ​​mới gọi là Trung tâm Đổi mới Lương thực, theo một tuyên bố của WEF. Với sự tham gia của một số đối tác khu vực công và tư nhân, trung tâm này là một nền tảng quan trọng sẽ sử dụng công nghệ và đổi mới để chuyển đổi hệ thống lương thực, tuyên bố cho biết.

Trung tâm Đổi mới Lương thực đã nhận “tài trợ nhiều năm” từ chính phủ Hà Lan và thành lập Ban thư ký Điều phối Toàn cầu để điều phối các nỗ lực của các trung tâm lương thực trong khu vực cũng như phù hợp với các sáng kiến ​​và quy trình lương thực toàn cầu như Hội nghị thượng đỉnh các Hệ thống Lương thực của Liên Hiệp Quốc, tuyên bố cho biết.

Ban thư ký lương thực toàn cầu sẽ được đặt tại Wageningen, Hà Lan, trung tâm của hệ sinh thái nông sản Hà Lan và sẽ chỉ đạo sự phát triển của các Trung tâm Đổi mới Lương thực toàn cầu và khu vực, theo trang web “Invest in Holland” (“Đầu tư vào Hà Lan”).

Trang web cho biết: “Công việc của các trung tâm khu vực này đang trong quá trình tiến hành, với hơn 20 tổ chức dẫn đầu sáng kiến ​​trên khắp Phi Châu, ASEAN [Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á], Colombia, Ấn Độ, và trung tâm ở Âu Châu.” 

Ông Ramon Laguarta, Giám đốc điều hành của PepsiCo, cho biết trong tuyên bố của WEF: “Lương thực là một trong những đòn bẩy chính mà chúng tôi có thể sử dụng để cải thiện sức khỏe môi trường và xã hội. Với sự đầu tư đúng đắn, đổi mới, và hợp tác mạnh mẽ, nông nghiệp có thể trở thành lĩnh vực đầu tiên trên thế giới trở nên âm carbon. … Việc khai phá tiềm năng này sẽ cần đến sự hợp tác tiền cạnh tranh đầy tham vọng với nhiều bên liên quan để chuyển đổi hệ thống thực phẩm — chính xác là những gì các Trung tâm này được thiết kế để trau dồi.”

Trong số các giải pháp được WEF ủng hộ để giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, có việc thay thế thực phẩm có nguồn gốc từ gia súc bằng các dạng protein thay thế, chẳng hạn như côn trùng và protein nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, theo bạch thư năm 2019 (pdf) do WEF ủy quyền.

Theo khuyến nghị này, một số công ty khởi nghiệp nông nghiệp trong nhà đã xuất hiện, bao gồm Ÿnsect, “ trang trại côn trùng thẳng đứng hoàn toàn tự động đầu tiên trên thế giới, có thể sản xuất 100,000 tấn sản phẩm côn trùng mỗi năm,” một báo cáo của WEF cho biết.

Trong tháng Ba, một tuyên bố của công ty cho biết, Ÿnsect có trụ sở tại Pháp đã mua lại Jord Producers, một nhà sản xuất bột ăn dặm của Hoa Kỳ, để mở rộng hoạt động của mình tại Hoa Kỳ bằng cách thâm nhập thị trường thức ăn cho gà của Mỹ.

Làm thế nào mọi người có thể dừng việc tiếp quản nguồn cung cấp thực phẩm

Ông Newman cho biết, nếu mọi người muốn ngăn nguồn cung cấp thực phẩm được sử dụng như một công cụ để kiểm soát họ, họ cần phải tìm các nguồn thực phẩm thay thế tại địa phương. Ông nói, “quý vị cần có mối quan hệ với nông dân địa phương trong cộng đồng của quý vị, đến chợ nông sản địa phương, giao dịch với nông dân địa phương, đưa ra một số thỏa thuận,” chẳng hạn như nhận giao hàng tươi sống theo mùa từ các trang trại địa phương với giá 100 USD một tuần.

“Chúng ta cần thực sự bắt đầu cung cấp một cơ cấu kinh tế thay thế, bởi vì nếu chúng ta để họ kiểm soát toàn bộ nguồn cung cấp lương thực, tôi bảo đảm với quý vị, nó sẽ được sử dụng như một vũ khí để lấy đi sự tự do của quý vị, để quý vị làm những điều mà quý vị không muốn làm, phá hoại chủ quyền của quốc gia quý vị, cho dù quý vị đang ở Hoa Kỳ hay một quốc gia khác, và cuối cùng là tước đoạt của người dân đất đai thuộc sở hữu tư nhân và sự tự do của họ.”

“Nếu quý vị có đất nông nghiệp, đừng bán hết cho những người này. Họ đang cố gắng hối lộ để nông dân rời bỏ đất đai của mình.”

Bà Ella Kietlinska là phóng viên của The Epoch Times chuyên về chính trị Hoa Kỳ và thế giới.

Anh Joshua Philipp là một phóng viên điều tra từng đạt giải thưởng của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Crossroads” (“Giao lộ thông tin”) của EpochTV. Anh là một chuyên gia được công nhận về chiến tranh không hạn chế, chiến tranh hỗn hợp phi cân xứng, hoạt động lật đổ, và các quan điểm lịch sử về các vấn đề ngày nay. Hơn 10 năm nghiên cứu và điều tra về Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoạt động lật đổ, và các chủ đề liên quan giúp anh có cái nhìn sâu sắc về mối đe dọa toàn cầu này và bối cảnh chính trị.

Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times