Xuân Hoa • 18:13, 22/06/22
Gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực, phân bón và năng lượng toàn cầu do xung đột Nga – Ukraine đang thúc đẩy quá trình tái cơ cấu địa chính trị toàn cầu. Không có gì đáng ngạc nhiên cả, bởi tình trạng thiếu lương thực, thiếu năng lượng và lạm phát đã phá vỡ ổn định kinh tế – xã hội ở nhiều quốc gia chỉ trong vòng vài tháng kể từ khi cuộc chiến xảy ra.
Tình trạng thiếu phân bón toàn cầu, do nhà sản xuất phân bón lớn là Nga bị áp đặt các lệnh trừng phạt, sẽ khiến cho cuộc khủng hoảng lương thực khó có thể dịu bớt cho đến tận cuối mùa trồng trọt năm 2023 hoặc 2024.
Chiến dịch trừng phạt Nga của chính quyền Biden (Mỹ) và chính quyền Johnson (Anh) đã mang đến nhiều tác động tồi tệ. Một danh sách ngày càng dài các quốc gia — từng liên kết chặt chẽ với Mỹ và phương Tây — nói rằng họ không thể tiếp tục ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga.
Họ thật sự có ít lựa chọn.
Chiến tranh Nga – Ukraine tác động kinh tế – chính trị – xã hội toàn cầu
Gián đoạn nguồn cung thực phẩm và phân bón – do tác động của đại dịch COVID-19 và sau đó là chiến tranh và các lệnh trừng phạt – đã nhanh chóng gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng ở Ethiopia, Ai Cập, Indonesia và các thị trường khác, đến mức mà họ trở nên ngày càng tức giận đối với phương Tây. Giá lương thực tăng cao và tình trạng thiếu lương thực gây nguy hiểm cho sự ổn định xã hội ở nhiều nước. Lạm phát – được thúc đẩy bởi chi phí năng lượng cao – đã khiến nhiều chính phủ phải cố gắng đạt được thỏa thuận với Nga bất chấp yêu cầu từ Mỹ – vốn là đồng minh của họ.
Ngoài ra, Ukraine cũng không có khả năng vận chuyển ngũ cốc bởi các chính sách của Kyiv về khai thác cảng Odessa. Nước này muốn phòng thủ trước chiến dịch đổ bộ có thể xảy ra của Nga nhằm vào thành phố cảng. Điều này đã hạn chế khả năng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, mặc dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị đảm bảo an toàn cho Ukraine xuất khẩu ngũ cốc.
Chỉ riêng ở châu Phi đã có khoảng 30 triệu người có nguy cơ chết đói. Quá trình đó đã bắt đầu xảy ra (từ giữa năm 2022). Một phần nguyên nhân đến từ việc các nhà xuất khẩu lớn như Úc, Canada và New Zealand không thể cung cấp ngũ cốc và năng lượng sang các nước như Ai Cập hoặc Ethiopia (với tổng dân số khoảng 220 triệu người) nhanh như nhu cầu. Sự chậm trễ về nguồn cung đã khiến giá cả tăng vọt (lạm phát), từ đó khiến dân chúng phẫn nộ và biểu tình.
Và chắc chắn rằng nó cũng dẫn đến sự gia tăng đột biến dòng người di cư bất hợp pháp vào châu Âu và Mỹ.
Một khả năng có thể xảy ra, đó là cuộc khủng hoảng lương thực ở Ai Cập có thể khiến Cairo đổ lỗi cho Ethiopia khi Ethiopia đang xây dựng Đập thủy điện Đại Phục hưng (GERD). Chính phủ Ai Cập có thể thúc đẩy những lời kêu gọi gây chiến với Ethiopia để chuyển hướng dư luận trong nước khỏi cuộc khủng hoảng.
Những ảnh hưởng tiếp theo của cuộc khủng hoảng, ví dụ như là lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ từ Indonesia (để bảo vệ thị trường thực phẩm trong nước), đã góp phần thúc đẩy nạn thiếu lương thực ở châu Phi, bởi người dân cần dầu để nấu chín thức ăn và phần lớn dầu cọ đến từ Indonesia. Tóm lại, các hình thái của khủng hoảng rất rộng rãi và sâu sắc.
Kết quả là, châu Phi và Trung Đông đã cùng nhau từ bỏ sự ủng hộ dành cho Mỹ và phương Tây, chuyển sang củng cố quan hệ với Trung Quốc và Nga. Điều này có nghĩa là cán cân địa chính trị của “Chiến tranh Lạnh thứ II” khó có thể nghiêng về phương Tây như trong “Chiến tranh Lạnh thứ I” (1945–1990). Tất cả những điều này cho thấy, tiềm năng kinh tế và tầm ảnh hưởng chiến lược của Nga, sau giai đoạn hỗn loạn ngắn ngủi hiện tại, sẽ phục hồi lên mức cao hơn đáng kể, chẳng hạn như mức năm 2020.
Điều này càng có cơ sở bởi thực tế là Nga đã có thể thực hiện các hành động quân sự chống lại Ukraine bất chấp sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ và Phương Tây dành cho Kyiv và bất chấp các lệnh trừng phạt của chính quyền Biden và chính quyền Johnson. Nga, bằng cách sống sót sau các lệnh trừng phạt, sẽ nổi lên như một cường quốc lớn trên thế giới. Điều này xảy ra ngay cả khi nền kinh tế của Nga lép vế hơn so với Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc khác. Cuộc xung đột ở Ukraine đã chứng minh rằng chỉ một mình sức mạnh kinh tế không phải là yếu tố quyết định chính trong phương trình quyền lực toàn cầu.
Sự thật hiện lên từ cuộc chiến Ukraine sau khi lớp bụi tuyên truyền bị thổi bay là ngay cả ma trận Sức mạnh Tổng hợp Quốc gia (Comprehensive National Power) do Đảng Cộng sản Trung Quốc phát triển từ các lý thuyết của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh cũng không đủ khả năng giải thích tác động của quyền thống trị và quyền lãnh đạo lên các kết quả chiến lược.
Niềm tin của ĐCSTQ rằng cuộc chiến Ukraine – Nga sẽ khiến Moscow phụ thuộc vào Bắc Kinh đã không thành hiện thực; mặc dù — đặc biệt là trong ngắn hạn — Nga sẽ thấy thuận tiện hơn khi chuyển một số hoạt động bán nông sản và năng lượng sang Trung Quốc khi Moscow chưa thể phục vụ tập khách hàng truyền thống của họ.
Điều quan trọng là Mỹ – quốc gia đã xây dựng lại vị thế ở Trung Đông – lại một lần nữa đánh mất vị thế của họ vào năm 2022. Chính quyền Biden đã có một động thái có chủ ý nhằm làm hỏng Hiệp định Abraham mà chính quyền Trump đã đạt được trước đó.
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đã trỗi dậy trong khu vực, bất chấp mối quan ngại của một số quốc gia trên Bán đảo Ả Rập rằng các giáo sĩ Iran không vui vẻ với mối quan hệ giữa các quốc gia Ả Rập, Moscow và Bắc Kinh. Rốt cuộc, cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon (1969–1974) đã thành công trong việc duy trì sự cân bằng tích cực trong quan hệ với các quốc gia Ả Rập và Iran. Và, trong bất kỳ trường hợp nào, các quốc gia Ả Rập đang hòa giải ở các mức độ khác nhau với Tehran.
Nhiều nước sẽ sớm bắt tay với Nga
Sự cấp bách của các vấn đề trong chuỗi cung ứng thực phẩm, phân bón và năng lượng, đi cùng với lạm phát, có thể khiến nhiều nước trên thế giới khôi phục thương mại với Nga trước khi năm 2022 kết thúc. Đồng thời, đồng rúp của Nga đang trỗi dậy mạnh hơn.
Mỹ và Anh có thể phải nhanh chóng thay đổi để đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt áp đặt lên chính phủ và các cá nhân Nga không phản tác dụng và không gây thiệt hại cho Mỹ và Anh nhiều hơn cho Nga. Vào tháng 06/2022, chính quyền Biden đã thúc giục các thương nhân Mỹ mua và vận chuyển phân bón của Nga đến các thị trường trên thế giới để giảm thiểu tác động của chiến tranh và các lệnh trừng phạt lên thị trường thực phẩm toàn cầu vào cuối năm 2022 và cả năm 2023.
Việc phản đối các lệnh trừng phạt chống lại Nga không chỉ giới hạn ở các nước đang phát triển. Ổn định kinh tế – xã hội của Đức đang bị đe dọa bởi những ràng buộc đối với việc nhập khẩu năng lượng từ Nga; điều này diễn ra vào thời điểm mà chính phủ mang màu sắc xã hội chủ nghĩa của nước này thiếu động lực chính trị để tái thiết sản xuất điện hạt nhân nhằm thay thế dầu và khí đốt nhập khẩu từ Nga. Đức, về mặt kỹ thuật, sẽ không suy thoái vào giữa năm 2022; nhưng họ sẽ phải đối mặt với một cơn bão kinh tế có tác động đột ngột và chưa từng có vào cuối năm nay.
Có khả năng Đức sẽ phải đối mặt với suy giảm kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II.
Ngay cả Mỹ, nhà xuất khẩu lương thực lớn, cũng đang phải đối mặt với những khó khăn về chuỗi cung ứng vào năm 2022 – mà phần lớn nguyên nhân đến từ các động thái chính trị gây thiệt hại cho ngành giao thông vận tải. Điều này đã góp phần làm thiếu hụt thực phẩm trong các cửa hàng bán lẻ, mặc dù ngành nông nghiệp Mỹ được báo cáo là vẫn phát triển.
Cũng phải nhắc đến vụ việc hàng loạt các cuộc tấn công phá hoại có tổ chức nhằm vào các công ty thực phẩm của Mỹ — 97 cơ sở trong 6 tháng tính đến ngày 15/06 — đã làm tê liệt nhiều hoạt động sản xuất.
Những điểm chúng ta cần lưu ý bao gồm:
- Việc “bình thường hóa” tình hình Nga – Ukraine có thể sẽ xuất hiện vào cuối năm 2022, giúp hạ nhiệt giá năng lượng và giá lương thực toàn cầu, cũng như giúp đảm bảo nguồn cung năng lượng, thực phẩm và phân bón cho các thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, chuỗi hậu cần đã có dấu hiệu bị phá vỡ; và thách thức lớn nhất là khôi phục lại mạng lưới phân phối và tín dụng.
- Vào giữa năm 2022, Nga đã trở lại như một cường quốc toàn cầu sau khi cuộc chiến Ukraine diễn ra – mặc dù nước này đã phải trả một cái giá mang tính chiến lược (như là bị cô lập ở một số khía cạnh, và sự hồi sinh tinh thần chống Nga trong NATO).
- Mỹ và Anh buộc phải quay lại với sự phân chia địa chiến lược đông-tây rõ ràng. Hậu quả trước mắt là phần lớn thế giới, đặc biệt là châu Phi và Trung/Nam Mỹ, không còn ý định liên kết chặt chẽ với phương Tây. Điều này có lợi cho Nga và Trung Quốc.
- Sự xáo trộn năng lượng và kinh tế do cuộc chiến Ukraine gây ra đồng nghĩa với việc một số thành viên NATO bị thiệt hại nặng nề và phải đối mặt với bất ổn chính trị; một số quốc gia này đã đổ lỗi cho Mỹ. Kết quả là NATO, cũng như Liên minh châu Âu, đang bị suy yếu sâu sắc do chiến tranh. Đồng thời, một làn sóng di cư bất hợp pháp mới từ châu Phi dự kiến sẽ bắt đầu thách thức các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu trước cuối năm 2022.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, bằng cách kiên trì chiến đấu như thể ông ấy có thể đánh bại Nga, đã cho thấy tầm nhìn chiến lược thiển cận khi từ chối đàm phán và bỏ qua các khả năng do Nhóm Normandy đưa ra (trong đó Pháp đã được đồng ý để phân xử giữa Ukraine và Nga).
Mỹ và các đồng minh đã bơm nguồn lực quân sự khổng lồ vào Ukraine với mong muốn giúp Kyiv kiên trì chiến đấu chống lại Moscow. Tuy nhiên, rõ ràng là sự ủng hộ của quốc tế đối với Ukraine sẽ suy giảm theo thời gian, khiến chính phủ Ukraine dần bị cô lập. Ông Zelenskyy có thể đã bỏ lỡ cơ hội đàm phán tốt nhất của mình.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Xuân Hoa
Theo The Epoch Times