Thủy Tiên – Thanh Đoàn • 12:22, 20/06/22
Bất chấp những dự đoán về sự diệt vong đối với nền kinh tế Nga sau các đòn trừng phạt mạnh tay từ Mỹ và EU, gần bốn tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược Ukraine, xuất khẩu dầu của đất nước Nga sang châu Âu và các quốc gia như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã thực sự tăng lên, lĩnh vực tài chính của Nga, cho đến nay, vẫn tránh được một sự khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng. Tất cả nhờ vào sai lầm nghiêm trọng của Mỹ và EU, cả quá khứ và hiện tại…
Nga kiếm được 1 tỷ USD mỗi ngày từ bán dầu, khí đốt
Các chuyên gia kinh tế cho biết, các biện pháp trừng phạt có thể có hiệu quả về lâu dài, nhưng hiện tại, chính những quốc gia đang trừng phạt Nga lại giảm tính nghiêm túc trong các tuyên bố trừng phạt của họ: họ gia tăng mua năng lượng từ Nga, một số trường hợp còn mua với số lượng lớn hơn so với tháng trước.
Ông Edward Fishman, cựu chuyên gia về châu Âu tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Ông Putin đang tiếp tục kiếm được ít nhất 1 tỷ USD mỗi ngày từ việc bán dầu và khí đốt. Phần lớn là bán cho Châu Âu; nơi đã thông qua tới 6 vòng trừng phạt với Nga. “Các quốc gia châu Âu riêng lẻ đang gửi hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhưng bị hạn chế bởi các khoản thanh toán mà họ đang thực hiện với Nga vì mua dầu và khí đốt”, chuyên gia này cho biết.
Bất chấp những hạn chế của phương Tây đối với lĩnh vực tài chính của Nga, xuất khẩu dầu của Nga lên tới 3,6 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2022, so với 3,3 triệu thùng/ngày của tháng trước, ông Matt Smith của Kpler, một công ty chuyên theo dõi các tàu chở dầu cho biết.
Những khoản thu đó đã đưa thặng dư tài khoản vãng lai của Nga lên mức cao mới. Trong ba tháng đầu năm, con số này lên tới 60 tỷ USD, so với 120 tỷ USD cho cả năm 2021, cung cấp cho Điện Kremlin nguồn thu mới để chống lại các lệnh trừng phạt, mặc dù Nga ít có khả năng mua vật tư và phụ tùng từ nước ngoài hơn do lệnh trừng phạt. Nga là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ ba thế giới, sau Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi.
Các chuyên gia năng lượng khác cho rằng Moscow đang tăng cường xuất khẩu từ các kho dự trữ hiện có vì họ dự đoán sẽ có thêm các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu. Bản thân các nước phương Tây cũng đang cố gắng nắm bắt cơ hội giá dầu xuất khẩu của Nga giảm mạnh.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, bà Janet Yellen cũng gợi ý rằng lệnh cấm đối với dầu và khí đốt của Nga có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến châu Âu trong khi “về mặt lý lẽ, nó thực sự có thể có rất ít tác động tiêu cực đối với Nga” vì nước này sẽ có thể tìm thấy người mua ở nơi khác trong khi điều chỉnh giá. Bà Yellen nói: “Châu Âu rõ ràng cần giảm sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng, nhưng chúng ta cần thận trọng khi nghĩ về lệnh cấm hoàn toàn của Châu Âu đối với nhập khẩu dầu”.
Kinh tế Nga tốt lên… nhờ thế giới bị chia rẽ
Mặc dù các dữ liệu cho thấy nền kinh tế Nga sẽ thu hẹp nghiêm trọng từ 8 đến 15% trong năm nay bởi các đòn trừng phạt và cuộc chiến tranh tồi tệ mà Nga đã gay ra. Tuy nhiên, doanh thu từ xuất khẩu dầu khí, tình trạng thặng dư sáng lạn trong cán cân thanh toán quốc tế của Nga, đồng RUB tăng giá cao nhất trong 5 năm qua… đang kể cho chúng ta nghe một câu chuyện khác.
Tất cả có được nhờ chính sách chiết khấu dầu hấp dẫn của Nga trong bối cảnh khủng hoảng giá năng lượng tăng cao, leo thang chưa thấy điểm cuối, lạm phát tràn lan khắp mọi nơi. Dòng tiền luôn chảy vào nơi có tìm thấy lợi ích và Nga đã tận dụng tối đa điều đó: cuộc khủng hoảng năng lượng leo thang, lạm phát và chiết khấu giá hời.
Dầu thô của Nga có giá giảm kỷ lục so với các loại dầu khác trên thị trường giao ngay do các lệnh trừng phạt và tẩy chay, nhưng giá năng lượng đã tăng trong năm nay, thúc đẩy doanh số bán hàng của nước này. Doanh số bán dầu và khí đốt của Nga dự kiến sẽ tăng lên 285 tỷ USD vào năm 2022; cao hơn 20% so với 235,6 tỷ USD doanh thu từ dầu và khí đốt của nước này vào năm 2021, theo báo cáo của Bloomberg Economics vào đầu tháng này.
Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch có trụ sở tại Helsinki, Phần Lan, một tổ chức tư vấn độc lập được công bố hôm thứ Hai (13/6) cho biết Nga đã kiếm được 93 tỷ euro (97,4 tỷ USD) doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trong 100 ngày đầu tiên nước này xâm lược Ukraine, mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm trong tháng Năm.
Báo cáo viết : “Doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch là động lực chính cho việc xây dựng và xâm lược quân sự của Nga, cung cấp 40% thu ngân sách liên bang”.
Ấn Độ, quốc gia đói dầu với 1,4 tỷ dân, đã tiêu thụ gần 60 triệu thùng dầu của Nga vào năm 2022, so với 12 triệu thùng của cả năm 2021, theo công ty dữ liệu hàng hóa Kpler. Các lô hàng đến các nước châu Á khác, như Trung Quốc, cũng đã tăng trong những tháng gần đây nhưng ở mức độ thấp hơn.
Và cùng với dòng tiền mua dầu đổ vào Nga, thế giới ngày một chia rẽ hơn, chiến tranh leo thang khốc liệt hơn, cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát trở nên nóng bỏng hơn.
Mỹ đã tự đàn áp ngành dầu khí trong nước để ‘nhường chỗ’ cho Nga?
Dĩ nhiên, Mỹ muốn Nga suy yếu, Mỹ muốn Nga thua cuộc trong cuộc chiến Ukraine mà Mỹ đang ủy nhiệm. Nhưng đáng tiếc, những gì Mỹ làm lại đang nhường chỗ cho Nga trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Kể từ khi ông Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng, Mỹ nhiệt tình theo đuổi chính sách ‘zero carbon’ để chống biến đổi khí hậu. Và ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch là đòn đánh đầu tiên mà hệ thống chính sách này nhắm vào, bất chấp sự thật là các loại năng lượng xanh mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu năng lượng của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ phải từ bỏ an ninh năng lược mới được khôi phục dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump; một sự hy sinh cho mục tiêu biến đổi khí hậu.
EIA cho biết dầu thô của Mỹ trong Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (vào đầu tháng 6/2022) giảm kỷ lục 7,3 triệu thùng trong tuần trước xuống 519,3 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 3/1987.
Dự trữ dầu thô của Mỹ về mức thấp nhất trong 35 năm qua trong khi ngành khai thác dầu nội địa bị đàn áp bởi chính sách ‘chống biến đổi khí hậu’ của ông Joe Biden đã khiến Mỹ mất đi vị thế vững chắc về đảm bảo an ninh năng lượng mà tổng thống tiền nhiệm Donald Trump đã thiết lập.
Lúc này, an ninh năng lượng của Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung dầu từ khối OPEC+ nơi Arab Saudi đứng đầu và Nga là thành viên có ảnh hưởng; cả hai hiện hoặc coi Mỹ là kẻ thù lớn nhất hoặc không còn tôn trọng Mỹ bởi chiến lược ngoại giao và cuộc chiến tranh uỷ nhiệm ở Ukraine mà Nhà Trắng đang theo đuổi.
Thực tế, Mỹ đã ra sức xỉ nhục ngoại giao với cả Nga và Arab Saudi kể từ khi ông Biden bước chân vào Nhà Trắng. Đây là lý do khiến OPEC+ không ngần ngại đứng về phía Nga trong cuộc chiến giá dầu.
Trong nước, ngành dầu khí hoàn toàn bị chính phủ Mỹ đàn áp.
Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Mỹ Tim Stewart cho biết, ngành của ông đã phải đối mặt với sự thù địch chưa từng có từ Washington D.C. dưới chính quyền Tổng thống Biden.
Ông Stewart cho hay: “Trong 30 năm làm việc của tôi ở Washington, đây chắc chắn là môi trường chính trị và pháp lý bất lợi nhất cho ngành của chúng tôi mà tôi từng thấy”. “Nó bắt đầu vào ngày đầu tiên [của nhiệm kỳ tổng thống Biden], và nó vẫn tiếp diễn”.
Ông Stewart đề cập đến lời hứa của Tổng thống Joe Biden trong cuộc họp báo hôm thứ Năm ngày 10/2/2022 rằng, Tổng thống sẽ “làm việc như điên” để giảm giá xăng dầu. Ông Stewart cho biết, lời hứa này đi ngược lại với các hành động trước đây của chính quyền ông Biden về dầu và khí đốt, bao gồm việc đóng cửa đường ống Keystone XL, và đóng băng việc thuê đất và vùng biển công cho mục đích khai thác dầu khí.
“Lời phản hồi của tôi sẽ là: ‘Ông đã làm việc như điên để tăng giá cho đến tuần trước'”, ông Stewart nói.
Nhà phân tích năng lượng David Blackmon — một biên tập viên của Tạp chí Dầu khí đá phiến — đã lên tiếng đồng tình mạnh mẽ với ông Stewart.
“Ở Mỹ, chúng ta có một chính quyền tổng thống đã dành cả một năm để làm mọi thứ theo ý mình, nhằm cản trở sản xuất dầu khí trong nước, cũng như cản trở việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải để đưa nó ra thị trường. Chúng ta có đảng Dân chủ đang chiếm đa số ở cả hai viện của Quốc hội, họ là những người đã đưa các điều khoản mạnh mẽ chống lại nhiên liệu hóa thạch vào dự luật cơ sở hạ tầng của họ, và thậm chí còn muốn hơn thế nữa trong luật Build Back Better thất bại kia”, ông Blackmon chia sẻ như vậy với tờ Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua email.
Ông thêm rằng: “Ngành công nghiệp dầu khí chưa bao giờ phải đối mặt với mức độ thù địch công khai như vậy từ cộng đồng chính trị”.
Muốn EU phải phụ thuộc dầu vào Nga: đó từng là lựa chọn của Mỹ và EU!
Ai cũng biết rằng các đòn trừng phạt kinh tế từ Mỹ, EU lên Nga đã bị giảm hiệu lực chỉ vì EU phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Nhưng có phải Nga là nguồn cung năng lượng duy nhất có thể vươn tới EU hay không? Không phải vậy, thay thế Nga còn có Israel. Vấn đề ở chỗ, chính sách thù địch Israel từ thời cựu Tổng thống Barack Obama và bây giờ là ông Joe Biden đã phá hủy dự án dẫn dầu từ Israel vào các nền kinh tế đồng minh hàng đầu của Mỹ. Không chỉ hủy đi dự án dẫn dầu từ Israel vào EU thời cựu tổng thống Donald Trump, ông Joe Biden cũng chính là người đã khôi phục dự án Nord Stream II, đường ống dẫn dầu của Nga đổ vào EU, cung cấp cho Nga một cơ hội vàng khởi động cuộc chiến với Ukraine.
Ngày 20/12/2019, chính quyền cựu tổng thống Donald Trump đã ký ban hành luật trừng phạt từ Quốc hội Mỹ đối với các công ty liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới giữa Nga và Đức.
Các biện pháp trừng phạt, một phần của dự luật quốc phòng tổng thể, sẽ cho phép Mỹ từ chối cấp thị thực và phong tỏa tài sản của các cá nhân và công ty tài trợ cho dự án. Mỹ cho biết đường ống Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD từ tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom của Nga, nối tiếp tuyến đường ống Nord Stream 1 hiện có dưới Biển Baltic, sẽ khiến Liên minh châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga so với hiện tại.
Lưỡng đảng ở Mỹ, Cộng hòa và Dân chủ, đều đồng ý khi cho rằng nó sẽ có tác động an ninh đối với châu Âu. Lo ngại nhất là Moscow có thể đe dọa Brussels bằng cách tắt vòi trừ khi EU thực hiện những gì Nga nói. Hơn nữa, đường ống này vòng qua Ukraine. Loại bỏ tuyến đường này sẽ làm giảm sức mạnh mặc cả chính trị của Nga với các vấn đề của Ukraine.
Tuy nhiên, Chính quyền Biden đã từ bỏ các lệnh trừng phạt đối với công ty đứng sau đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga đến Đức và giám đốc điều hành của nó, Matthias Warnig, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay sau khi ông này nhận chức.
Thừa cơ hội, việc Nga đầu tư vào đường ống NordStream II, hiện đã hoàn tất, đã cho phép nước này nắm được nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu. Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội ước tính rằng khí đốt của Nga chiếm khoảng 48% lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của EU vào năm 2021 chủ yếu đi qua các đường ống xuyên Belarus và Ba Lan đến Đức, Nord Stream 1 đi thẳng đến Đức và các đường ống khác qua Ukraine. Sự phụ thuộc của châu Âu vào dầu và khí đốt của Nga mang lại cho người Nga một con bài thương lượng để cố gắng giữ châu Âu đứng ngoài ‘sự hung hăng của Nga’, tạo ra sự chia rẽ trong châu Âu.
Nếu các cơ quan quản lý của Đức đưa ra sự chấp thuận cuối cùng, NordStream II sẽ tăng gấp đôi công suất xuất khẩu khí đốt từ Nga, mang lại cho Điện Kremlin đòn bẩy kinh tế lớn hơn nữa. Ukraine sẽ mất khoảng 3 tỷ USD mỗi năm phí vận chuyển và bị thiệt hại tài sản thế chấp do hậu quả của việc Moscow vũ khí hóa năng lượng ở châu Âu.
Thượng nghị sĩ Jim Risch, đảng viên Cộng hòa cấp cao trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết việc dỡ bỏ trừng phạt này sẽ là “một món quà dành cho Putin, điều này sẽ chỉ làm suy yếu sức mạnh [mặc cả] của Hoa Kỳ”.
Đại sứ quán Ba Lan tại Washington cho biết trong một email: “Nhiều quốc gia coi Nord Stream 2 là một dự án được đánh dấu rõ ràng bởi địa chính trị, nhằm mục đích củng cố vị thế của Nga như một nhà cung cấp khí đốt lớn cho châu Âu và phá hoại an ninh năng lượng của Ukraine và toàn bộ khu vực”.
Với việc tồn kho khí đốt của châu Âu ở mức thấp kỷ lục cho thời điểm này trong năm – chúng chưa đến 50% công suất lưu trữ – khu vực này sẽ dễ bị tổn thương và thậm chí còn hơn thế nếu quan điểm của họ đối với Ukraine và phản ứng với một cuộc xâm lược bị chia rẽ.
Mọi sự đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Rõ ràng, chính quyền Tổng thống Joe Biden và các đồng minh EU của họ, dù vô tình hay hữu ý, đã giúp hổ Nga mọc thêm cánh bằng cách đảo ngược chính sách dưới thời ông Donald Trump, trải thảm cho Nga đánh vào Ukraine; một cuộc chiến tàn khốc chưa nhìn thấy hồi kết.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Thủy Tiên – Thanh Đoàn