Nguyên Vũ • 13:11, 02/03/22
Tất nhiên bất cứ hành động xâm phạm chủ quyền hay gây chiến nào mà lại biện minh là tự vệ chính đáng đều là vi phạm luật pháp quốc tế, thiếu chính nghĩa và không được ủng hộ. Nhưng bài viết này không đi sâu phân tích các khía cạnh đó, mà dẫn giải lịch sử, văn hóa vùng đất này, ngõ hầu cung cấp thêm cho độc giả góc nhìn địa chính trị của sự việc – một yếu tố cực kỳ quan trọng nhưng hay bị bỏ qua.
Rạng sáng ngày 24/2/2022 giờ nước Nga, trên truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một bài phát biểu dài tuyên bố lý do dùng vũ lực với Ukraine và yêu cầu quân đội nước này hạ vũ khí.
Ngay sau bài phát biểu của ông Putin:
Những chiến cơ tối tân của Nga gầm rú trên bầu trời Ukraine;
Các chiến xa, thiết giáp Nga lừng lững vượt qua biên giới, tiến vào lãnh thổ Ukraine;
Những vụ nổ vang lên ở nhiều thành phố nước này;
Và Công dân Kyiv ùn ùn rời khỏi thành phố trong hoảng hốt, khiến xa lộ chính tắc nghẽn…
Chiến tranh bùng nổ, thế giới bàng hoàng.
Trong bài phát biểu của ông Putin, có hai lý do chính để ông ta khơi mào cuộc chiến. Lý do thứ nhất là trừng trị Ukraine vì xâm phạm lợi ích công dân Nga tại Donbass (hai tỉnh Donetsk và Luhansk), đó là khu vực mà Putin cho rằng Ukraine dung túng cho chủ nghĩa dân tộc cực hữu và chủ nghĩa phát xít mới. Lý do thứ hai là ngăn chặn mưu toan NATO tiến tới áp sát và đe dọa nước Nga thông qua việc chiêu dụ Ukraine làm thành viên.
Tất nhiên bất cứ hành động xâm phạm chủ quyền hay gây chiến nào mà lại biện minh là tự vệ chính đáng đều là vi phạm luật pháp quốc tế, thiếu chính nghĩa và không được ủng hộ. Nhưng bài viết này không đi sâu phân tích các khía cạnh đó, mà dẫn giải lịch sử, văn hóa vùng đất này, ngõ hầu cung cấp thêm cho độc giả góc nhìn địa chính trị của sự việc – một yếu tố cực kỳ quan trọng nhưng hay bị bỏ qua.
Ukraine – Nga – Belarus, những anh em đã từng chung một nhà
Người Trung Hoa xưa có ngạn ngữ đại loại là: “Năm trăm năm trước, có khi chúng ta đã từng chung một nhà”, điều này hoàn toàn đúng với bộ ba Ukraine – Nga – Belarus, thực ra câu chuyện bắt đầu khoảng một nghìn năm trước.
Vào năm 988, trên khu vực ngày nay là Ukraine, Belarus và một phần lãnh thổ Nga hiện tại có người Rus, họ lập ra nhà nước Kievan Rus. Ở địa điểm này, Kievan Rus do thường xuyên tiếp xúc với đế chế Byzantine ở phía nam, nên cư dân của nó quy theo đạo Kitô Chính thống (Chính thống giáo Đông phương). Về sắc dân, Kievan Rus có người Viking men theo các dòng sông từ phương bắc tới, dân Slav từ bản địa phía đông sang. Có hai lý do chính khiến người dân Kievan Rus tìm kiếm thêm những vùng đất mới. Thứ nhất, đất trồng trong khu vực này nghèo dinh dưỡng nên phải mở rộng khu vực canh tác. Thứ hai, ở giữa một khu vực trống trải lại là tuyến đường di chuyển của các đế chế, Kievan Rus khó có thể yên ổn định cư. Đơn cử, vào thế kỷ 13, Kievan Rus đã bị quân đội của Batu Khan (tức Bạt Đô), cháu nội của Thành Cát Tư Hãn, phá tan.
Những người di cư lên phía Bắc, định cư ở những vùng đất nội địa có rừng cây bao bọc để làm hàng rào an ninh hữu dụng, đã phát triển một đế quốc mới có tên Muscovy, là tiền thân của nước Nga sau này. Những người khác di cư lên phía tây bắc được sáp nhập vào lãnh thổ của Đại công tước Litva và Ba Lan, sau này là Belarus. Những người ở lại chính là tổ tiên của người Ukraine ngày nay trong một nhà nước lúc đó có tên là Galicia-Volhynia. Như vậy Ukraine, Nga, Belarus đã từng là “anh em một nhà”.
Nga – Ukraine, hợp tan tan hợp
Tới giữa thế kỷ 14, Galicia-Volhynia bị Ba Lan chinh phục, rồi lại bị quý tộc Litva cai trị, sau lại chuyển về cho vua Ba Lan. Và thế là bộ phận tầng lớp trên của xã hội Galicia-Volhynia cải đạo sang Cơ Đốc giáo như giới quý tộc Ba Lan. Nhưng đa phần dân chúng vẫn trung thành với Chính Thống giáo Đông phương, từ giữa thế kỷ 16 đã quay sang tìm kiếm sự bảo hộ của một thế lực quân sự rất mạnh của vùng thảo nguyên Ukraine ngày nay, những người cũng có cùng tín ngưỡng với họ.
Đó là người Cossack.
Nhắc đến Ukraine mà không nhắc đến vai trò của người Cossack ở khu vực này, là một sự thiếu sót.
Cossack, hay Kazak (Cô – dắc), ban đầu là danh xưng liên quan đến những chiến binh Tatar tự do, nhưng dần dần đã trở thành tên gọi chỉ những cá thể người Nga, người Litva và người Ba Lan, trong đó có rất nhiều nông nô, chán ghét cuộc sống khắc nghiệt ở quê nhà mà bỏ xuống tụ tập ở vùng thảo nguyên Ukraine ngày nay. Họ sinh sống như những tên trộm, thương nhân, lính đánh thuê. Ở một vùng đồng bằng rộng bao la và hoàn toàn trống trải, liên tục phải đối phó với đủ mọi thế lực du mục hiếu chiến, những người này họp lại thành những tập đoàn quân sự dũng mãnh, đó chính là những người Cossack.
Tình huống của người Cossack ở Ukraine gần giống với tình huống của người Pashtun ở Afghanistan, lãnh thổ của họ đều nằm trên giao lộ Đông Tây, ma sát va đập với tứ xứ nên hiếu chiến và thiện chiến. Điều khác biệt là Afghanistan có địa hình đồi núi hiểm trở, dễ thủ khó công, người Pashtun đi bộ, trọng huyết thống nội tộc; còn dân Cossack ở đồng bằng sông Đông và Dnieper bằng phẳng và trống trải là dân giang hồ tứ chiếng, là những kỵ sĩ thân mang tuyệt nghệ.
Người Cossack sống bằng nghề gì? chủ yếu là mãi lộ và cướp bóc. Những “hảo hán Lương Sơn” ở vùng sông Đông và sông Dnieper này chuyên cướp bóc các quốc gia láng giềng, trở thành một lực lượng bất trị sớm đầu tối đánh khiến các vương triều láng giềng hết sức ngán ngẩm, coi là một thứ tai ách không thể tránh khỏi, nhưng đồng thời cũng lợi dụng họ cho các mục đích tư lợi. Chẳng hạn, năm 1539, Đại công tước Vasili III của Muscovy đề nghị Sultan Thổ kiềm chế bớt người Cossack, thì Sultan hồi đáp rằng:
“Người Cossack không thề nguyện trung thành với tôi, và hãy để họ sống như là họ muốn.”
Đến năm 1549, Sa hoàng Ivan Bạo Chúa “đáp lễ” Sultan Thổ khi được yêu cầu điều tương tự, rằng:
“Người Cossack sông Đông không phải thần dân của tôi, và việc họ thích sống trong chiến tranh hay hòa bình không phải là sự cần biết đến của tôi.”
Tập hợp những người Cossack sống ở khu vực hạ lưu sông Dnieper (Ukraine ngày nay) được gọi là voisko Zaporozhia.
Còn đế quốc Muscovy – tiền thân của nước Nga lúc đó ra sao? Bị khóa chặt trong lục địa với bất lợi của địa hình bằng phẳng khó phòng thủ dễ tấn công, Sa hoàng Ivan Bạo Chúa của Muscovy cho rằng chỉ có một cách duy nhất: lấy tấn công làm phòng thủ. Đó là lý do ông ta liên tục mở rộng vương quốc của mình bằng các cuộc chinh phục. Về phía Đông chinh phục Sibir, mở rộng lãnh thổ tới tận biển Okhotsk, rìa tây Thái Bình Dương. Hướng đông nam mở tới phía Tsaritsyn (nay là Volgograd), dãy Ural, và thảo nguyên Kazakhstan. Phía tây, đế chế này bị chặn lại ở khu vực là Estonia và Latvia ngày nay, cắt đứt sự liên hệ của Muscovy (Nga) với một phương Tây đang Phục Hưng, Nga sớm bị chia cách với phương Tây từ đó.
Muscovy lại tiếp tục sụp đổ giống như Kievan Rus vì bị Thụy Điển, Ba Lan, Litva, và Kazak chia nhau xâu xé. Nhưng nếu chỉ thế đã không có nước Nga ngày nay. Vào năm 1613, Michael Romanov đã trở thành Sa hoàng, một triều đại mới cũng như một chương mới trong lịch sử Nga bắt đầu.
Dưới thời trị vì 300 năm của triều đại Romanov, nước Nga đã chinh phục Ba Lan và Litva, vùi dập Thụy Điển, đánh bại Napoleon lừng danh của nước Pháp, lấy lại Ukraine, mở rộng sang Crimea và vùng Balkan, gây thiệt hại cho người Ottoman Turk, mở rộng tầm ảnh hưởng cả ở khu vực Kavkaz, Trung Á và Sibir cho tới tận Trung Quốc và Thái Bình Dương… Tóm lại, họ xưng hùng xưng bá ở lục địa Á – Âu.
Còn trên đất Ukraine trong thời gian đó, cuộc nổi dậy của người Cossack năm 1648 thành công đến nỗi nó đã làm sụp đổ liên bang Ba Lan – Litva vẫn cai trị vùng đất này. Năm 1775, voisko Zaporozhia ở Ukraine đã bị giải tán bởi nhà Romanov và các thủ lĩnh Cossack cao cấp đã được ban tặng các tước hiệu quý tộc. Người Cossack cam kết trung thành với Sa hoàng Nga Aleksei I. Dù có những lời hứa trao cho Ukraine quyền tự trị trong Hiệp ước Pereyaslav, giới lãnh đạo Ukraine và người Cossack chỉ có cơ hội thăng tiến ở nhà nước Nga, chứ chưa bao giờ có tự do và tự trị thực sự như họ mong muốn. Ở giai đoạn sau này, chính quyền nhà Romanov tiến hành chính sách “Nga hóa” các vùng đất Ukraine, cấm sử dụng ngôn ngữ Ukraine trong xuất bản và công cộng.
Trong quá trình này, người Cossack vừa là lực lượng hỗ trợ chiến đấu đắc lực, vừa là lực lượng phản loạn tiềm năng mà người Nga luôn phải dè chừng. Chất tự do và hoang dã của họ vẫn còn đó.
Một Ukraine độc lập lần đầu tiên trong lịch sử
Trong Thế chiến I, dân Ukraine chia làm hai, chiến đấu cho cả hai phe Liên minh (với đế quốc Áo – Hung) và phe Hiệp ước (với Nga). Sau năm 1917, cả Đế quốc Nga của nhà Romanov lẫn đế quốc Áo – Hung sụp đổ, Ukraine cũng có được độc lập trong thời gian ngắn, rồi lại tiếp tục bị chia cắt, phần Tây thuộc Ba Lan, phần đông là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraine – thành viên sáng lập Liên Xô sau này. Hậu quả của việc đó là sự cưỡng chế của Tổng bí thư Iosif Stalin đối với Ukraine bằng một nhà nước cảnh sát để thực hiện chính sách của Liên Xô ở đây. Sự tận thu hoa lợi của chính quyền Stalin đối với Ukraine đã gây ra cái chết của cả triệu người Ukraine trong một nạn đói được gọi là Holodomor vào năm 1932-1933. Stalin còn mở các cuộc thanh trừng chính trị tại Liên bang Xô Viết (1929–34 và 1936–38), trong đó đã bắt giữ gần bốn phần năm giới lãnh đạo Ukraine và ba phần tư toàn bộ sĩ quan cao cấp của quân đội.
Trong Thế chiến 2, vì Ba Lan bị nước Đức quốc xã và Liên Xô thỏa thuận chia phần, nên phần tây và phần đông của Ukraine lại được thống nhất. Chính Ukraine lại đóng góp nhiều xương máu cho Liên bang Xô Viết trong cuộc kháng chiến chống Phát xít, tới 1,4 triệu nhân mạng trong tổng số 8,7 triệu lính Xô Viết đã hy sinh. Tuy vậy, cũng giống như thời Thế Chiến I và trước đó, lại có một bộ phận những người Ukraine chiến đấu cho phe bên kia, lần này là Phát xít Đức, chính là phong trào quốc gia chống Liên Xô tại Galicia – Quân đội Nổi dậy Ukraine (1942).
Sau cái chết của Stalin năm 1953, Nikita Khrushchev trở thành lãnh đạo mới của Liên bang Xô viết. Vốn là “Thư ký thứ nhất” của “Đảng Cộng sản Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Ukraine” trong giai đoạn 1938-49, Khrushchev rất gần gũi với nước cộng hòa này, Krym đã được chuyển từ Liên Xô cho Ukraine trong thời gian đó. Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Ukraine sau đó trở thành “đầu tàu” về công nghiệp cho Liên Bang Xô Viết cho đến khi Ukraine chính thức được độc lập vào cuối năm 1991 sau khi Liên Xô giải thể.
Ukraine độc lập, nhưng chưa bao giờ thống nhất về tình cảm dân tộc.
Một Ukraine độc lập nhưng chưa bao giờ thống nhất
Người Cossack từ giữa thế kỷ 16 đã là một nhân tố chính ủng hộ sự chia rẽ trong xã hội Ukraine, giữa một bên là đa phần dân chúng theo Chính Thống giáo Đông phương và bên kia là giới quý tộc theo Cơ Đốc giáo. Những người Cossack hung bạo, bất trị, ưa tự do… nói chung không duy trì lòng trung thành lâu dài với thế lực nhà nước nào.
Tiểu thuyết lịch sử Taras Bulba của văn hào Nga Gogol vào năm 1835 kể về một thủ lĩnh Cossack trên đất Ukraine sẵn sàng hạ sát con trai mình vì anh này đã phản bội Cossack để theo Ba Lan Cơ Đốc giáo. Taras Bulba sau này khi bị đóng đinh trên cây và đốt cháy, vẫn kêu gọi người của mình tiếp tục chiến đấu. Đó là “chất” Cossack đặc trưng.
Những xáo trộn về biên giới quốc gia và sắc dân trong thời kỳ Trung Cổ cũng dẫn đến những xáo trộn nhân tâm trong xã hội Ukraine, khác biệt tín ngưỡng càng khiến cho lòng người phân ly, có bộ phận gần gũi hơn với phương Tây – thông qua ảnh hưởng của Ba Lan, và một bộ phận gần gũi hơn với nước Nga ở phương Đông. Điều ấy thể hiện rõ nét trong Thế Chiến I và II, khi dân Ukraine chia hai phe để ủng hộ hai bên đối địch. Trong Thế Chiến I là phe theo Liên minh Áo – Hung chống phe theo Nga ở khối Hiệp ước; Trong Thế Chiến II là phe theo Liên Xô chống Phát xít và phe ủng hộ Phát xít chống Liên Xô.
Mãi đến ngày nay, trong xã hội Ukraine vẫn tồn tại sự chia rẽ có từ lịch sử ấy. Trong khi khu miền Tây và miền Trung bao gồm cả thủ đô Kiev, giáp với khu vực Châu Âu hướng đến phương Tây, thì vùng duyên hải dọc Biển Đen và miền Đông, lại hướng về nước Nga.
Đó lại là một nước Nga ám ảnh với an ninh lãnh thổ.
Một nước Nga với nỗi sợ hãi kinh niên về an ninh lãnh thổ… sẽ làm gì?
Trong khi mơ màng với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp của nước Nga ở họa phẩm kiệt tác “Mùa thu vàng” của Levitan, chúng ta đừng quên rằng, nước Nga có một đặc điểm địa lý, khí hậu cực kỳ khác biệt so với phần còn lại của thế giới.
Khí hậu của Nga là kiểu khí hậu lục địa của Bắc vĩ tuyến, cực kỳ lạnh. Cái lạnh khắc nghiệt tôi rèn nên bản tính cương cường của con người nơi đây.
Nhà sử học Philip Longworth viết rằng cái lạnh cực đoan dường như đã rèn cho người Nga “một kháng lực lớn đối với những nỗi khổ cực, một thái độ chia sẻ ở mức độ nào đó, và thậm chí một sự sẵn sàng hy sinh cá nhân cho lợi ích chung”. Ông giải thích rằng, sự ngắn ngủi của mùa thu hoạch trên những vĩ độ cao đã buộc người nông dân phải tương trợ lẫn nhau và “cố sức đáng kể để làm việc đến tận đêm khuya, thậm chí chấp nhận cả lao động của trẻ em, nhằm kết thúc mùa thu hoạch trước khi mùa đông đến.” Trong những điều kiện như thế, khó mà tích lũy để làm giàu. Đất rộng, người thưa, khí hậu lạnh khắc nghiệt, tính cách cương cường… là nguyên nhân khiến con người nơi đây buộc phải hợp tác với nhau, rất nhiều khi phải lựa chọn biện pháp mạnh để huy động nguồn lực xã hội. Trên cái nền đó, khuynh hướng độc tài toàn trị của chính quyền nảy mầm và bén rễ sâu qua các thời kỳ lịch sử. Mọi việc không bao giờ là ngẫu nhiên.
Về mặt địa lý, nước Nga là một vùng bình nguyên mênh mông, nơi quanh năm băng phủ, nơi thảo nguyên ngút ngàn, nơi rừng lá kim trải rộng như vô tận… nhưng hầu như không có chướng ngại địa lý hay núi non làm vật cản ngăn bước những đoàn quân du mục tràn đến từ khắp Đông, Tây, Nam… chỉ trừ hướng Bắc không có gì ngoài cái lạnh khó chịu. Thực tế là cuộc tàn phá và ách cai trị của người Mông Cổ vào thế kỷ 13 đã để lại cho người Nga vết hằn tâm lý là nỗi lo sợ thường trực bị tấn công bởi ngoại tộc, hầu như đã trở thành một thứ văn hóa, một dân tộc tính. Và vì thế, nó dẫn đến hai hệ quả: Thứ nhất, người Nga đầu tư cho quân sự rất lớn; Thứ hai, trong nhiều trường hợp, để tránh bị tấn công, người Nga tấn công trước.
Lối phản ứng theo kiểu “tiên hạ thủ vi cường” này đã có từ thời đế quốc Muscovy với điển hình là Sa Hoàng Ivan Bạo Chúa. Ở thế kỷ 19, 20, Nga đã chủ động xâm chiếm Đông và Trung Âu để phản ứng với những cuộc xâm lược của Pháp và Đức; Ở Afghanistan, họ tham gia “Cuộc Chơi lớn” với đế chế Anh vì e ngại người Anh sẽ kiểm soát hết Trung Á; Để chặn trước nguy cơ Trung Quốc xâm lấn trong triều đại Nhà Thanh, Nga đã chủ động tấn công Mãn Châu từ thế kỷ 17 v.v.
Gây chiến là hạ sách, Tổng thống Putin nên tìm cách vãn hồi
Những “chiến binh Cossack” vùng sông Dnieper vẫn đang chiến đấu ngoan cường khiến quân đội Nga khá lúng túng và Tổng thống Putin có vẻ như phải giảm mức độ lạc quan về chiến lược đánh thần tốc hạ gục Ukraine trong một vài ngày. Lịch sử lặp lại, nhưng nước Nga đã qua cái thời vàng son về sức mạnh. Nước Nga ngày nay chỉ còn là một cựu đế chế đang co ngót, co ngót về lãnh thổ, về dân số, về quy mô và cách thức của nền kinh tế đơn điệu phụ thuộc khoáng sản dầu khí… và nhất là không có một chủ thuyết hay hệ tư tưởng đủ hấp dẫn theo kiểu phương Tây; hay “dĩ đức phục người” theo kiểu Á Đông để tạo nên sự thần phục tự nguyện của các lân bang. Nga vốn đã bị cô lập trong vùng bình nguyên Á – Âu, lại càng bị cô lập sau khi Putin phát động cuộc chiến xâm lược xứ Ukraine. Chính người dân Nga cũng đang biểu tình chống chiến tranh. Bên cạnh chính quyền Nga, chỉ có gã hàng xóm Trung Quốc bụng dạ khó lường đang quan sát điểm yếu của “đồng minh hờ”, hãy nhớ rằng biên giới Nga – Trung còn dài và phức tạp hơn bất cứ đường biên giới nào trên lãnh thổ Nga.
Bài học của Liên Xô sa lầy ở Afghanistan – “nghĩa địa các đế chế” vào cuối thế kỷ 20 dường như vẫn còn nóng hổi. Hậu duệ của dân Cossack vùng sông Dnieper cũng bất trị không kém dân sơn cước Pashtun xứ A Phú Hãn.
Nên chăng Tổng thống Putin chủ động ngừng bắn, hướng tới một giải pháp hòa bình để giải quyết êm đẹp cuộc khủng hoảng này? Chắc hẳn đây là điều lòng dân Nga và người dân thế giới đang mong chờ hơn hết.
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)
Nguyên Vũ
Bài viết có tham khảo tác phẩm “Sự minh định của địa lý” của tác giả người Mỹ Robert D. Kaplan