Andrew Moran – Thứ tư, 20/07/2022

Nhiều gia đình Hoa Kỳ đang chật vật để theo kịp với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng trong bối cảnh chi phí thực phẩm và năng lượng tăng vọt.

Hồi tháng Sáu, Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) cho thấy giá thực phẩm tăng 10.4%, với nhiều mặt hàng chủ lực tăng hai con số so với một năm trước. Giá bánh mì tăng 10.8%, thịt gà tăng 18.6%, trứng tăng cao 33.1%, và sữa tăng 16.4%. 

Dữ liệu của Cục Thống kê Lao động (BLS) cũng nhấn mạnh mức tăng 41.6% trong chi phí năng lượng, bao gồm dầu nhiên liệu tăng mạnh 98.5%, xăng tăng cao 60%, và điện tăng 13.7%.

Mặc dù lạm phát giá cả ảnh hưởng đến mọi người, nhưng nghiên cứu trên cho thấy các áp lực tài chính của một chỉ số CPI chung quá cao đang được cảm nhận khác nhau trên toàn quốc. 

Người Mỹ gốc Phi Châu, người Mỹ gốc Tây Ban Nha chịu gánh nặng của lạm phát

Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (FRBNY) đã đánh giá tỷ lệ lạm phát thường niên đối với các mặt hàng tiêu dùng chính, đạt mức 9.2% trong tháng Năm. Con số này cao hơn tỷ lệ CPI chính thức là 8.6%.

Khi các tính toán được điều chỉnh theo các mức chi tiêu — Người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người Mỹ gốc Phi Châu sẽ chi tiêu cho phương tiện đi lại nhiều hơn và chi cho giải trí và chăm sóc sức khỏe ít hơn so với người Mỹ da trắng và người Mỹ gốc Á — lạm phát ảnh hưởng nhiều hơn đối với người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người Mỹ gốc Phi Châu. Các nhà nghiên cứu tại New York Fed Bank đưa tin cho hay tỷ lệ lạm phát đối với người Mỹ gốc Tây Ban Nha cao hơn 0.6 điểm phần trăm so với tỷ lệ chung, trong khi người Mỹ gốc Phi Châu phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao hơn khoảng 0.2 điểm phần trăm. Đối với người Mỹ gốc Á, tỷ lệ này thấp hơn khoảng 0.5 điểm phần trăm. Tỷ lệ lạm phát mà người da trắng phải đối mặt là tương đương như chỉ số CPI của chính phủ liên bang.

Báo cáo trên nêu rõ, “Chúng tôi nhận thấy rằng, trái ngược với sự không đồng đều về tỷ lệ việc làm, thì những sự chênh lệch về tỷ lệ lạm phát đã gia tăng trong đợt lạm phát gần đây, với tình trạng những người Mỹ gốc Phi Châu và gốc Tây Ban Nha phải chịu đựng nhiều hơn do lạm phát.” 

Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, “[Khi] lạm phát chung bắt đầu tăng hồi tháng 03/2021, những chênh lệch về mức độ lạm phát tăng lên, với việc người Mỹ gốc Phi Châu và gốc Tây Ban Nha chịu mức lạm phát cao hơn mức trung bình của quốc gia và người Mỹ gốc Á chịu mức lạm phát thấp hơn. Những sự chênh lệch này lớn hơn gấp đôi so với những gì được quan sát thấy hồi năm 2019.”

Cuộc khảo sát mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) đã phát hiện rằng trong năm 2020, 34 triệu gia đình người Mỹ đã gặp khó khăn trong việc thanh toán các hóa đơn năng lượng. Báo cáo nói trên, được công bố hồi đầu tháng này, cho thấy chi phí năng lượng đã ảnh hưởng không tương xứng đến một số cộng đồng nhiều hơn những cộng đồng khác.

Ví dụ, trong năm 2020, trước khi chi phí năng lượng tăng vọt, hơn một nửa (52%) người Mỹ gốc Phi Châu được hỏi cho biết họ phải đương đầu với tình trạng mất an ninh năng lượng. 47% người tham gia khảo sát gốc Tây Ban Nha và gốc Mỹ Latinh cũng ghi nhận những khó khăn tương tự.

Hồi tháng Ba, một cuộc thăm dò của tờ Wall Street Journal cho thấy 58% số người được hỏi nhận thấy rằng lạm phát đang tạo ra tình trạng căng thẳng tài chính đáng kể.

Trong kết quả khảo sát của tờ báo này, 35% người không phải là người da trắng cho biết lạm phát sẽ gây ra tình trạng căng thẳng tài chính đáng kể cho cuộc sống của họ. 28% người da trắng cũng bày tỏ cảm nghĩ tương tự.

Nghiên cứu của tờ Wall Street Journal cũng lưu ý rằng gần một nửa số người thu nhập dưới 60,000 USD cho biết lạm phát có thể gây ra các vấn đề.

Điều này có thể so sánh với một cuộc thăm dò hồi cuối năm 2021 của Gallup đã xác nhận rằng, so với các gia đình có thu nhập cao, các gia đình có thu nhập thấp có nhiều khả năng [bị ảnh hưởng] hơn, điều này thừa nhận rằng lạm phát sẽ là một khó khăn đáng kể “ảnh hưởng đến khả năng duy trì mức sống hiện tại của quý vị.”

Trong một bài báo gần đây, ông Juan Pablo Nicolini, một nhà kinh tế nghiên cứu cao cấp tại Minneapolis Fed, viết: “Ở đáy của bảng phân phối thu nhập, một số người thậm chí không có tài khoản ngân hàng — họ sống nhờ vào tiền mặt. Đây là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.”

Giá cả cao hơn ảnh hưởng đến nông thôn Hoa Kỳ

Theo một nghiên cứu chuyên sâu mới của Dự án Thị trấn Nhỏ Iowa tại Đại học Tiểu bang Iowa, lạm phát là một vấn đề lớn hơn đối với các cộng đồng nông thôn so với thành thị.

Nghiên cứu này có nhan đề “Tác động của lạm phát đến chi tiêu của gia đình nông thôn, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2022” (pdf), đưa tin rằng chi phí của các gia đình nông thôn đã tăng 9.2% vào năm 2022, trong khi thu nhập chỉ tăng 2.6%.

“Hơn hai năm qua, làn sóng lạm phát hiện nay đã khiến các gia đình nông thôn trở nên dễ bị tổn thương hơn so với các gia đình thành thị đối với tình trạng giá xăng dầu tăng, chi phí nhiên liệu sưởi ấm cao hơn, và khả năng mua xe hơi đã qua sử dụng rẻ hơn của họ,” các tác giả của nghiên cứu trên cho biết. “Chi phí vận tải tăng là điều đặc biệt đáng lo ngại. Người dân nông thôn phải di chuyển để đi làm lâu hơn, phải đi xa hơn cho các nhu cầu hàng ngày như mua hàng bách hóa, và phải lái xe đến các thành phố lớn hơn để học tập và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.”

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giá xe hơi, năng lượng, dịch vụ viễn thông, dịch vụ y tế và thú cưng, và bảo hiểm y tế đang tăng nhanh hơn ở các cộng đồng nông thôn so với ở các trung tâm thành thị.

91% thu nhập của các gia đình nông thôn đã được chi tiêu cho chi phí sinh hoạt, chỉ còn lại 5,400 USD thu nhập có thể chi tiêu. Các gia đình thành thị có được hơn 14,000 USD một chút cho bất kỳ chi phí nào ngoài ngân sách hàng tháng của họ.

Chống lạm phát bằng cách sa thải?

Cục Dự trữ Liên bang đã chống lạm phát giá bằng cách tăng lãi suất. Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã sẵn sàng đưa mức lãi suất cho vay tiêu chuẩn lên ít nhất 3.25% vào cuối năm nay.

Các chuyên gia cảnh báo rằng những nỗ lực ngăn chặn lạm phát này vẫn sẽ tác động đến những người tiêu dùng có thu nhập thấp vì họ phải đồng thời đối mặt với lạm phát gia tăng và chi phí đi vay cao hơn. Môi trường tỷ giá tăng có thể khiến việc vay tín dụng, vay tiền, hoặc các khoản nợ dịch vụ trở nên khó khăn hơn. Cuối cùng điều này có thể dẫn đến nhu cầu thấp hơn và có khả năng xảy ra một cuộc suy thoái, bởi vì người tiêu dùng sẽ có ít tiền hơn để chi tiêu trong nền kinh tế mà tiêu dùng chiếm đến 2/3.

Theo WalletHub, một trang web tài chính cá nhân, đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản hồi tháng trước đã thêm khoảng 3.2 tỷ USD vào khoản nợ thẻ tín dụng hiện có trong năm nay.

Nhưng trong khi thị trường lao động tiếp tục “nóng,” hồi tháng Năm, Thống đốc Fed Chris Waller nói với Câu lạc bộ Kinh tế Minnesota rằng những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi giá cả tăng cao sẽ có nhiều khả năng bị mất việc làm hơn trong chu kỳ thắt chặt của tổ chức này.

“Chúng tôi đang cố gắng giảm thuế lạm phát cho tất cả mọi người, nhưng có một bộ phận nhỏ trong xã hội có thể chịu gánh nặng của điều đó bằng cách mất việc làm,” ông nói. “Không có công thức kỳ diệu nào trong sách giáo khoa để bảo cho quý vị làm thế nào. Quý vị phải nắm lấy cơ hội của mình và xem liệu nó sẽ tiến triển đến đâu.”

Chủ tịch Fed Jerome Powell, khi nói với các phóng viên sau cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang hồi tháng Sáu, giải thích rằng ngân hàng trung ương không có ý định “khiến mọi người mất việc làm.” 

Ông nói: “Tất nhiên, chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng có quá nhiều người đang làm việc và ít người cần có việc làm hơn. Nhưng chúng tôi cũng cho rằng quý vị thực sự không thể có loại thị trường lao động mà chúng ta muốn nếu không có sự ổn định về giá cả.” 

Tóm tắt Dự báo Kinh tế của Fed cho thấy các dự báo thất nghiệp trung bình đã được sửa đổi cao hơn: 3.7% cho năm 2022, 3.9% cho năm 2023, và 4.1% cho năm 2024 (pdf). Tính đến thời điểm phát hành bản tin này, tỷ lệ thất nghiệp là 3.6%.

Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).

Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times