Matt McGregor – Thứ bảy, 21/05/2022
Tuy nhiên, việc đứng xếp hàng không phải lúc nào cũng bảo đảm rằng cô sẽ có được thực phẩm, vì thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu hụt, như một lẽ thường ở Liên Xô.
Mặc dù Siberia giàu khoáng sản nhưng nền kinh tế tập trung khiến người dân trong vùng, chẳng hạn như gia đình cô, phải làm việc cật lực với đồng lương ít ỏi.
Cáng đáng những trách nhiệm mà hầu hết trẻ em ở Mỹ có thể cảm thấy xa lạ, cô Androsova phải đảm đương cả việc học lẫn việc nhà, và khi trưởng thành, cô nhận thấy bản thân mình khao khát đến một nơi mà cô đã từng đọc qua, nơi mà sự tự do trong trang sách mà cô đã đọc đi kèm với thịnh vượng.
Mãi cho đến nhiều năm sau kể từ khi cô và chồng đến Mỹ vào năm 1999, cô mới thấy một bóng đen phủ lên chiếc Chuông Tự Do. Bóng đen đó đã bị phủ lên bởi một số người muốn làm suy yếu các quyền tự do của người dân Hoa Kỳ nhân danh sự công bằng, điều mà theo trải nghiệm tự thân của cô, sẽ tạo ra những điều kiện kinh tế căng thẳng mà cô cho là mình đã bỏ lại phía sau ở Nga.
Cô Androsova nói với The Epoch Times, chưa bao giờ nghị trình đó lại rõ ràng đến vậy khi nó diễn ra trong thời kỳ dịch COVID-19, khi cô cho biết mình có thể nhìn thấy việc chuyển đổi Hoa Kỳ thành một quốc gia có các hệ tư tưởng cộng sản là dễ dàng ra sao trong một thời kỳ mà các doanh nghiệp nhỏ và các nhà thờ đã phải đóng cửa, trong khi các chuỗi cửa hàng lớn và cửa hàng rượu vẫn mở cửa.
“Tôi không ngờ lại có nhiều người Mỹ tuân theo đến như vậy,” cô Androsova nói. “Tôi nhận ra chúng ta là những công dân tuân thủ luật pháp, nhưng rõ ràng là chính phủ đã lạm quyền.”
Năm 2021, cô Androsova đã giúp hình thành sáng kiến cấp cơ sở Người Mỹ Nói Tiếng Nga Ủng Hộ Tự Do (RSAF) tại Raleigh, North Carolina, cùng các công dân Mỹ đa quốc tịch khác sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính.
Cô nói rằng mục đích là để kết nối cộng đồng những người nói tiếng Nga lại với nhau, tham gia vào [các hoạt động] chính trị địa phương.
“Bởi tất cả chúng tôi đều lớn lên ở Liên bang Xô Viết xã hội chủ nghĩa với việc thực thi chủ nghĩa cộng sản ở quê hương của mình, nên chúng tôi biết đích xác điều gì đang diễn ra vì chúng tôi đã chứng kiến điều này trước kia,” cô Androsova cho biết.
RSAF tìm cách giáo dục người dân Mỹ về trải nghiệm của cả nhóm dưới thời chủ nghĩa cộng sản “và cách mà thể chế đó gây bất lợi cho xã hội,” vì theo cô Androsova, hệ tư tưởng này đang “áp đặt lên chúng ta.”
Cô cho biết, kiểm duyệt, tuyên truyền theo chủ nghĩa Marx, và sự khan hiếm trong sản xuất dẫn đến sự lệ thuộc vào chính phủ, là một trong những dấu hiệu hướng tới một xã hội cộng sản, mà trong giai đoạn đầu của nó, tự quảng bá là bình đẳng với tất cả mọi người, trong khi trên thực tế xã hội này chỉ mang lại lợi ích cho tầng lớp tinh hoa mà thôi.
“Có vẻ như lịch sử đang lặp lại,” cô Androsova nói. “Tầng lớp trung lưu đang bị nhắm đến vì chúng tôi tự trang trải và không lệ thuộc vào chính phủ. Hễ người dân càng lệ thuộc vào chính phủ, thì họ sẽ càng nghe theo mà không nghi vấn.”
‘Chúng tôi đã chứng kiến điều này trước kia và chúng tôi biết nó dẫn đến đâu’
Cô Janna Badalian, chủ tịch đồng sáng lập tổ chức RSAF, nói với The Epoch Times rằng cô sinh trưởng trong một gia đình các nhà khoa học Liên Xô sống tại một thị trấn đại học ở Siberia, nơi mà cô vẫn phải trải qua nỗi sợ hãi, nghèo đói, và không có nhiều cơ hội cũng như các quyền tự do mà chủ nghĩa xã hội mang lại, dù thuộc tầng lớp có đặc quyền hơn một chút.
Cô Badalian nói rằng đường hướng mà Hoa Kỳ thực thi trong hai năm qua đã quá quen thuộc đối với mình.
“Tôi đã trực tiếp trải nghiệm điều này, và chúng tôi không muốn nó sẽ lặp lại ở đất nước tuyệt vời này. Vì vậy, đó chính là điều đã thúc đẩy chúng tôi bỏ đi sự e ngại để lên tiếng, và bắt đầu hành động,” cô Badalian cho biết.
Cô cho biết, việc gia tăng sự lệ thuộc vào chính phủ — là một dấu hiệu của chủ nghĩa xã hội — không chỉ tác động đến người dân về mặt kinh tế mà còn “hủy hoại họ về mặt tinh thần.”
“Về căn bản, 70 năm xã hội chủ nghĩa ở Nga đã ảnh hưởng đến tâm lý người dân và tâm hồn của họ,” cô Badalian nói. “Đặc trưng lớn nhất chính là sự lệ thuộc tuyệt đối vào chính phủ và nỗi sợ hãi sâu sắc khi phải hành động như một cá nhân tự chủ.”
Cô Badalian gọi đó là “sự bất lực được huấn luyện.”
“Tôi thấy rất nhiều người dân ở đất nước này mong đợi rất nhiều từ chính phủ, chẳng hạn như giáo dục miễn phí, chăm sóc y tế miễn phí, rồi trợ cấp miễn phí, và tôi chỉ biết từ kinh nghiệm của mình rằng không có gì là miễn phí,” cô nói. “Khi quý vị nhận được một nền giáo dục miễn phí, quý vị sẽ bị một kiểu tẩy não cộng sản nào đó giống như chúng tôi bị nhồi nhét Tuyên ngôn Cộng sản.”
Cô cho biết trẻ em phải học thuộc lòng Tuyên ngôn Cộng sản.
“Ở Hoa Kỳ, đó không phải là Tuyên ngôn Cộng sản, mà là Thuyết Sắc tộc Trọng yếu, hay một số thứ rác rưởi khác kiểu như vậy,” cô nói. “Mọi tác phẩm văn học vĩ đại mà chúng ta đã đọc và mọi sự kiện lịch sử đều được phân tích qua lăng kính của một cuộc đấu tranh giai cấp: nông dân hoặc công nhân bị áp bức đấu tranh với những kẻ áp bức họ: tầng lớp quý tộc.”
Cô cho biết chăm sóc sức khỏe miễn phí mang lại một hệ thống được phân tầng thành hai đến ba cấp, trong đó thường dân chắc chắn sẽ được tiếp nhận mức độ chăm sóc thấp nhất, trong khi “các ông chủ của đảng phái nhỏ” nhận được một “mức độ chăm sóc tốt hơn một chút,” và “các ông chủ của đảng phái lớn, như các dân biểu quốc hội của chúng ta chẳng hạn, được sắp đặt một kế hoạch thượng hạng và tiếp cận với những bác sĩ giỏi nhất.”
Giống như cô Androsova, cô Badalian cho biết cô cảm thấy ớn lạnh bởi sự chấp nhận mù quáng của người dân Mỹ đối với các biện pháp hạn chế COVID-19, mà cô cho rằng đã “được chứng minh là hoàn toàn vô dụng.”
“Một khi chính phủ nắm giữ một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống của quý vị, thì hầu như không thể giành giật nó trở lại khỏi tay chính phủ bởi vì mọi người trở nên phụ thuộc về mặt cảm xúc vào các chương trình, những thứ được phân phối, các hạn chế, và những lời hứa hão huyền.”
Cô nói, mục tiêu cuối cùng của một bạo chúa là đẩy người dân vào tình trạng phụ thuộc bằng cách loại bỏ tinh thần tự do.
“Chúng tôi đã chứng kiến điều này trước kia và chúng tôi biết nó dẫn đến đâu,” cô cho biết. “Những ý định tốt nhất luôn mở đường xuống địa ngục. Và chúng tôi muốn cảnh báo mọi người rằng đất nước vĩ đại này, đất nước hiện đã là quê hương thứ hai của chúng tôi … đang hướng đến đâu và chúng tôi muốn hành động một cách tích cực để ngăn chặn điều đó xảy ra.”
‘Tôi mong muốn con mình sinh trưởng tại một đất nước mà tôi đã chuyển đến, chứ không phải nơi mà tôi đã rời bỏ’
Cô Badalian cho biết, tổ chức RSAF cũng có nhiệm vụ giúp các cử tri nâng cao nhận thức và tiến cử các ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa như cô Irina Comer, một người Mỹ gốc Nga đến từ Moscow, người đang ra tranh cử trong cuộc Tổng tuyển cử để giành được một ghế trong Hội đồng Quận Wake ở Raleigh, nơi mà kết quả luôn là một hội đồng toàn các thành viên Đảng Dân Chủ “trong nhiều năm” mà không có “sự đa dạng về tư tưởng,” cô nói với The Epoch Times.
Cô Comer chuyển đến New York vào năm 2010, tại đây cô đã tốt nghiệp trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York. Hiện cô sống với gia đình ở thành phố Cary, North Carolina. Cô sở hữu và điều hành công ty môi giới kinh doanh của riêng mình, cung cấp dịch vụ định giá doanh nghiệp cho các chủ doanh nghiệp nhỏ cũng như giúp các chủ doanh nghiệp nhỏ bán các doanh nghiệp của họ.
Mặc dù không phải là một “văn phòng hào nhoáng,” nhưng cô Comer cho biết hội đồng quận và các quyết định của họ tác động đến mọi khía cạnh chính trong các hoạt động của Quận Wake, trong đó bao gồm thuế địa ốc, quy hoạch, trường học, công viên, thư viện, và văn phòng cảnh sát trưởng.
Nếu được bầu chọn, cô Comer nói rằng kiến thức nền tảng về tài chính của cô, bao gồm kiểm toán công, phân tích tài chính, cũng như việc mua bán và sáp nhập, sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm cần thiết cho hội đồng quận Wake.
“Đây là một cơ quan rất quan trọng của chính phủ [nhưng] thường bị xem nhẹ, tuy nhiên cơ quan này lại tác động đến cuộc sống của cư dân theo nhiều cách mỗi ngày,” cô Comer nói.
Cô Comer cho biết cô nhận thấy khi chính trị càng khuynh tả, thì các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu với các giá trị truyền thống càng bị gạt sang bên lề.
“Tôi rất vui khi chuyển đến một tiểu bang màu đỏ [tiểu bang do Đảng Cộng Hòa kiểm soát],” cô bày tỏ. “Tôi luôn muốn chuyển xuống phía Nam vì tôi tin rằng đó là môi trường tốt hơn để nuôi dạy con. Nơi đó có các giá trị tốt hơn. Tuy nhiên, tôi nhận thấy Quận Wake giống một chấm màu xanh dương trong lòng một tiểu bang đỏ hơn.”
Và với nhiều người chuyển từ các tiểu bang màu xanh dương như từ California hay New York đến North Carolina, cô cho biết, đi kèm theo họ là những lá phiếu ủng hộ các chính sách thiên tả đắt đỏ, đặt gánh nặng lên người đóng thuế.
“Tôi muốn bảo đảm rằng Quận Wake bảo tồn được nét độc đáo và các giá trị bảo tồn truyền thống của chúng tôi,” cô cho biết. “Tôi muốn bảo đảm rằng gánh nặng về thuế của chúng tôi là hợp lý, và chúng tôi đang nghĩ không chỉ là về thuế suất mà còn về giá trị tài sản. Chúng tôi cần phải lưu ý đến cả hai điều này và giảm thuế suất một cách hợp lý khi giá trị địa ốc tăng lên đáng kể.”
Thay vì tập trung vào việc làm thế nào để đạt được doanh thu cao nhất, cô Comer cho biết cô muốn xem xét cách kiểm soát sự tăng trưởng của chi phí, đồng thời tách “nhu cầu” ra khỏi “mong muốn” để thể hiện kỷ luật tài chính.
“Chúng ta nên chủ động đánh giá xem số tiền mình bỏ ra có mang lại lợi ích đủ đầy cho các cư dân hay không. Cơ sở tính thuế phải luôn được xem là hữu hạn, và nếu các chương trình không mang lại giá trị, thì chúng nên được cắt giảm và thay thế bằng các chương trình đem lại hiệu quả,” cô cho biết.
Trên quy mô quốc gia, cô Comer công nhận rằng đánh đổi “những thứ miễn phí trao tay” với sự kiểm duyệt và vi phạm quyền cá nhân, là một cuộc trao đổi mở đường cho sự lường gạt đã cũ.
“Vấn đề là, điều đó không xảy ra trong một sớm một chiều. Điều này xảy ra từng chút một khi các quyền tự do của chúng ta bị tước đoạt; một chút ở đây, một chút ở kia,” cô Comer cho biết.
Trong khi đó, truyền thông sẽ nói với độc giả rằng không có tham nhũng hủ bại, cô bày tỏ.
“Sách lược này nằm ngay trong sách vở của Liên Xô,” cô Comer cho biết. “Nếu quý vị không đồng tình với giới truyền thông, thì cả một đám đông sẽ tấn công quý vị. Còn sự thật thì bị phớt lờ.”
Cô cũng muốn thấy Hoa Kỳ trở lại đúng hướng với các giá trị lập quốc ở cấp địa phương.
“Tôi quan tâm đến đất nước mà chúng ta sẽ để lại cho con em mình,” cô bày tỏ. “Tôi đã nỗ lực rất nhiều để chuyển đến Mỹ, và tôi mong muốn con mình sinh trưởng tại một đất nước mà tôi đã chuyển đến, chứ không phải nơi mà tôi đã rời bỏ.”
Người khổng lồ đang say ngủ
Cô Elena Gatt, cũng là một thành viên của tổ chức RSAF, sinh trưởng tại Moscow và chuyển đến California trước khi định cư tại North Carolina.
Khi trình bày tại các sự kiện, cô nói với khán giả rằng, “Tôi đã thoát khỏi chủ nghĩa xã hội hai lần: một lần ở nước Nga thời hậu Xô Viết, và sau đó là lần thứ hai ở California,” nơi mà cô cho là các chính sách xã hội chủ nghĩa đang được thông qua mà không cần thông báo cho các thành phố tự quản địa phương.
“Tôi biết rằng việc phớt lờ cách mà các quyền tự do đang bị tước đoạt từng chút một nguy hiểm ra sao,” cô nói. “Và rồi, vào một ngày, quý vị thức dậy và bị quản thúc tại gia, như chúng ta đã từng trải qua trong các đợt phong tỏa do COVID.”
Cô Gatt, cũng như cô Comer, đã chuyển đến North Carolina vì cô cho biết bản thân cảm thấy người dân nơi đây đề cao các giá trị phản ánh các giá trị của chính bản thân mình.
Sau đó, những người di cư từ các tiểu bang màu xanh dương mang theo các lá phiếu ủng hộ các chính chính sách vốn đã gây ra tình trạng không thể sinh sống, đến những tiểu bang mà họ đã chọn để chuyển tới, cô Gatt nói, và cũng như nhiều “kẻ ngốc hữu dụng” khác của Đảng Cộng sản, những người ủng hộ các kế hoạch của cộng sản, thường nghĩ rằng họ sẽ được ở cùng với nhóm người có đặc quyền ở trên cao.
“Thật không may, mọi việc không phải như vậy, như chúng ta đã thấy trong lịch sử của Liên Xô với sự đàn áp hàng loạt và hệ thống [trại cải tạo lao động] Gulag,” cô Gatt nói.
Theo một số tài liệu lịch sử, vào năm 1940, các nhà tù thuộc địa đã giam giữ đến 18 triệu tù nhân với số người thiệt mạng không được ghi chép, chỉ là các ước tính.
Bất cứ ai không trung thành với các nghị trình tập quyền của nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin đều bị đưa đến các trại Gulag, nơi mà đối với nhiều người, cái chết vì đói khát, bệnh tật, kiệt sức, và bị hành quyết là lối thoát duy nhất của họ.
Mặc dù đôi khi có vẻ như nước Mỹ cũng bị lu mờ bởi các nghị trình của chủ nghĩa xã hội được xem là “sự hỗ trợ của chính phủ,” nhưng cô Gatt nói rằng vẫn còn hy vọng vào các Văn kiện Lập quốc, chẳng hạn như Hiến Pháp Hoa Kỳ.
“Không ai có thể tranh luận về điều này,” cô cho biết. “Đó là luật tối cao của vùng đất này. Hy vọng của tôi [là] điều đó sẽ không bị hủy hoại, vì rõ ràng là có quá nhiều người nắm quyền muốn thực hiện điều này.”
Cô cho biết, đối với nhiều người dân Mỹ, sự tự do không được để tâm đến vì nó luôn như vậy, và khi bị tước đoạt, nó sẽ bị tước đoạt một cách dần dần. Nhưng Hiến Pháp là bất biến.
Cô Gatt cho biết ở bất kỳ quốc gia nào đã thử nghiệm chủ nghĩa xã hội, các nguyên tắc được bảo vệ bởi Tu chính án thứ Nhất và thứ Hai luôn là mục tiêu của những người tìm cách thực hiện chính sách xã hội chủ nghĩa. Và họ luôn tranh luận rằng “lần này, mọi việc sẽ khác.”
“Tôi vẫn luôn nghe thấy điều này, đặc biệt là từ những người trẻ tuổi, rằng lần này, họ sẽ làm điều đó tốt hơn,” cô cho biết. “Nhiều người không biết rằng họ sắp đánh mất điều gì khi ngồi trên trường kỷ và thưởng thức bia. Họ không nhận ra cuộc sống của họ tốt đẹp đến nhường nào, và đó là do Hiến Pháp đã bảo vệ các quyền tự do của họ.”
Và đó là mục đích của tổ chức RSAF, cô Gatt nói: để người dân nâng cao nhận thức về cảm giác của những người [sống] dưới sự cai trị của Liên Xô và cách mà các chính sách xã hội chủ nghĩa được rao giảng cho công chúng một cách khéo léo.
Cô cho biết: “Chúng tôi không muốn con em mình phải sống trong xã hội mà chúng tôi đã thoát ly.”
Đối với cô Androsova, người dự trữ khá nhiều nhu yếu phẩm trong ngôi nhà của mình trong bối cảnh có thể xảy ra tình trạng thiếu lương thực, thì ý tưởng xếp hàng mua bánh mì không phải là một ý niệm vô lý.
Cô Androsova nói: “Tôi sống dưới nhiều chế độ khác nhau và tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng, với những gì tôi đã được chứng kiến.”
Tuy nhiên, cô cũng là một người lạc quan, cô nói rằng, và nếu tình trạng thiếu lương thực xảy đến, đó sẽ là một khó khăn mà người dân Mỹ có thể vượt qua.
“Mặc dù mọi thứ có thể đang yên giấc, nhưng tôi tin rằng nước Mỹ là một người khổng lồ đang say ngủ,” cô nói. “Người Mỹ sẽ thức tỉnh trước một chính phủ chuyên chế và sẽ xảy ra sự đẩy lùi trên quy mô lớn.”
Ông Matt McGregor đưa tin từ North và South Carolina cho The Epoch Times. Mời quý vị gửi những ý tưởng về câu chuyện của mình cho ông ấy tại: matt.mcgregor@epochtimes.us
Doanh Doanh biên dich
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times