Thứ Tư, 03/11/2021
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) đang được tổ chức tại Glasgow, thành phố lớn nhất của Scotland. Các chuyên gia khí hậu Mỹ, những người chỉ trích các vấn đề về khí hậu đã đả kích rằng mối đe dọa thực sự không phải là sự gia tăng lượng khí thải carbon, mà là những chính trị gia và các nhà hoạt động tự cho mình là đúng.

Ông James Taylor, chủ tịch của Viện Heartland, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại bang Illinois, đã công kích khi nói rằng: “Tuần này các chính trị gia và nhà hoạt động khí hậu tự cho mình là đúng… đã đi một chiếc máy bay phản lực cá nhân sang trọng, để đến dạy cho những người còn lại chúng ta (chứ không phải chính họ) về lượng khí thải carbon dioxide của chúng ta.”

COP26 khai mạc vào ngày 31/10 và kéo dài trong 2 tuần. Các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới sẽ chia sẻ kế hoạch giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh. Tổng thống Hoa Kỳ Biden cũng tiết lộ kế hoạch của chính phủ mình, nhằm thay đổi Hoa Kỳ trở thành một quốc gia sử dụng năng lượng sạch hoàn toàn vào năm 2050.

Nhưng các nhà phê bình chỉ ra rằng kế hoạch của chính quyền Biden nhằm giảm phát thải khí nhà kính, và cung cấp hàng tỷ đô la viện trợ khí hậu cho các nước đang phát triển, đã không nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội, và hầu như không có sự ủng hộ của người dân Mỹ.

Ông Myron Ebell, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Môi trường, thuộc “Viện Cạnh tranh Doanh nghiệp”, nói rằng ông Biden và các cố vấn khí hậu của ông ấy “ngoại trừ không khí nóng ra, thì hầu như không có gì để cung cấp thêm” tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu.

Ông Ebell cho biết: “Chính sách duy nhất mà chính quyền Biden-Harris đành phải đưa ra tại hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc, nhằm giảm lượng khí thải, là tăng giá năng lượng và khiến nền kinh tế suy sụp.”

Ông Steve Milloy, người sáng lập JunkScience.com, nói: “Hai thiếu sót chính của hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc là không xem xét chi phí và tính khả thi.”

Ông Milloy cho biết: “Chương trình nghị sự về khí hậu tốn kém đến mức không thể thực hiện được, ngay cả ở các nền kinh tế công nghiệp giàu có quy mô trung bình. Tuy nhiên, áp lực thực hiện các chính sách rõ ràng sẽ thất bại này lại cho thấy một bầu không khí cuồng loạn. Điều thực sự đang xảy ra là, trước khi nhiều người nhận ra rằng các chính sách khí hậu quá tốn kém, không hiệu quả, hoặc thậm chí không cần thiết, thì các quốc gia lại đang gấp rút áp dụng chúng.”

Tổng thống Biden đã xin lỗi các nước trong hội nghị thượng đỉnh Glasgow hôm thứ Hai (1/11) về việc cựu Tổng thống Trump rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris. Đồng thời ông cho phép Hoa Kỳ quay trở lại con đường giảm một nửa lượng phát thải carbon từ than, dầu và khí tự nhiên vào năm 2050.

Hôm thứ Ba (2/11), tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, ông Biden đã cam kết hợp tác với Liên minh châu Âu và các quốc gia khác, nhằm giảm tổng lượng khí thải khí metan toàn cầu xuống 30% vào năm 2030.

Hôm thứ Hai (1/11), ông Joe Manchin, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, tiếp tục cho biết ông sẽ bỏ phiếu chống lại kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 1,75 nghìn tỷ đô la Mỹ của chính quyền Biden. Ông cũng đặc biệt phản đối khoản 555 tỷ đô la Mỹ được đưa vào phân bổ để chống lại biến đổi khí hậu.

Hãng tin AP nhận định rằng cam kết của Tổng thống Biden tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, về cơ bản là một cuộc đánh cược. Liệu ông ấy có đủ vốn chính trị trong nước để thực hiện lời hứa chuyển nước Mỹ sang năng lượng “sạch” hay không, vẫn còn là một dấu chấm hỏi.

Trình Văn / Vison Times