Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa như thế nào ?

“Henry Kissinger làm chính trị một cách rất phi luận lý”

Phạm Trần – Hoàng Đức Nhã

Lời giới thiệu :Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Henry Kissinger, một nhân vật có quan hệ với Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn Hòa đàm chấm dứt chiến tranh ở Paris, Pháp, qua đời ngày 29/11/2023, thọ 100 tuổi.

Trong khi đó, ông Hoàng Đức Nhã (sinh năm 1942), nguyên Bí thư, Tham vụ Báo chí của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, đồng thời là Tổng trưởng Bộ Dân vận và Chiêu hồi năm 1973, hiện đang sinh sống tại Mỹ từ sau ngày 30/4/1975..

Ông Hoàng Đức Nhã đã có mặt trong các cuộc thảo luận gay go về Hiệp định Ba Lê tại Dinh Độc Lập giữa Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phía Mỹ gồm các ông Henry Henry Kissinger, Đại tướng Alexander Haig và Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker.

Nội dung bài phỏng vấn ông dưới đây được tôi thực hiện, ngay sau khi ông Kissinger ta thế, là nhắm làm sáng tỏ một thắc mắc của lịch sử rằng “Có phải Việt Nam Cộng Hòa đã bị Mỹ bỏ rơi để thất thủ năm 1975” ?

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong một lần trao tặng huân chương cho ông Hoàng Đức Nhã

Phạm Trần : Thưa ông Hoàng Đức Nhã, nhận xét của ông về cố Ngoại trưởng Henry Kissinger là con người thế nào : khôn khoan, thông minh hay mưu mẹo ?Hoàng Đức Nhã : Theo tôi nhận xét, ông Kissinger tùy theo người nhận xét có kinh nghiệm cá nhân làm việc – như thương thuyết – trực tiếp với ông ta hay chỉ nghe người khác kể lại, hay đọc sách báo viết rất tốt hay rất xấu về ông ta.

Tôi có dịp làm việc trực tiếp với ông ta khi Tổng thống Thiệu và Hội đồng An ninh Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa họp với ông ta trong một vài giai đoạn của tiến trình đưa đến Hiệp định Ba Lê 1973, và trong những trường hợp rất gây cấn chỉ có Tổng thống và tôi đối đầu với ông Kissinger và Đại sứ Bunker.

Nhận xét của tôi đây là một nhân vật rất thông minh và thích đặt đối phương trong tình trạng bối rối khi phải ráng hiểu một lô dữ kiện liên quan đến vấn đề đang được bàn luận và những hậu quả cho Việt Nam Cộng Hòa nếu phải theo lâp luận của Mỹ. Ông Kissinger trình bày theo cách ông ta, cố cho thấy những điểm ông ta cho là rất tốt cho phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa, nhưng lại phớt qua những điểm rất tai hại cho Việt Nam Cộng Hòa.

Ông ta là người muốn đạt được những gì ông ta dự tính bằng mọi cách, và nếu cần thì nịnh hót, xoa dịu, nói láo, hứa đủ điều, ép và đe dọa. Nói về những cuộc thương thuyết về Hiệp định hòa bình Ba Lê, ông ta lọt vào bẫy của Hà Nội và chấp nhận những điều họ muốn, và tin rằng sẽ ép Tổng thống Thiệu chấp nhận những điều kiện đó.

Theo tôi, ông Kissinger làm chánh trị một cách rất phi luân lý.Phạm Trần : Trong cuộc hòa đàm Ba Lê, ông đã từng có mặt trong các cuộc gặp tại Dinh Độc Lập giữa Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu và ông Kissinger, sau này với Tướng Alexander Haig, phụ tá của ông Kissinger, xin ông cho biết khi ấy Tổng thống Thiệu đạ bị áp lực chính trị từ phía Hoa Kỳ như thế nào ?Hoàng Đức Nhã : Giai đoạn căng thẳng và nguy hiểm nhất trong tiến trình thương thuyết, từ đầu 1969 cho đến đầu tháng Giêng 1973, là bốn ngày trong tháng 10 năm 1972, 19 đến 23 tháng 10. Trong khoảng tời gian này Hoa Kỳ quyết tâm buộc Việt Nam Cộng Hòa chấp thuận bản thảo hiệp định mà phía Hà Nội thuyết phục Hoa Kỳ là tốt cho hai bên Việt Nam vì đó là sự sụp đổ của lập trường của Hà Nội cũng như là sẽ tạo một nền tảng tốt cho hai bên tại miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình. Hoa Kỳ chấp nhận lập luận của Hà Nội mà không hề bàn với Việt Nam Cộng Hòa trước khi đồng ý với Hà Nội.

Giải pháp Hà Nội đưa ra và Hoa Kỳ vội chấp thuận chỉ là một đầu hàng của Việt Nam Cộng Hòa. Tổng thống Thiệu quyết tâm từ chối ngay cả khi Hoa Kỳ hăm dọa cắt đứt viện trợ. Sau khi ông Kissinger không thuyết phục và ép Tổng thống Thiệu được trong bốn ngày tháng 10 năm 1972 thì Tướng Alexander Haig qua Saigon và, trong nhiều phiên họp rất căng thẳng với Tổng thống Thiệu và tôi, cũng không thuyết phục được Tổng thống Thiệu, ngay cả khi đe dọa “lấy những biện pháp rất tàn bạo” đối với Tổng thống Thiệu và tôi.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trao đổi với Cố vấn An ninh Hoa Kỳ Henry Kissinger

Phạm Trần : Có phải ông Henry Kissinger đã “qua mặt” (hay có phê bình nặng nề rằng “đâm sau lưng” ) Việt Nam Cộng hòa khi thảo luận “sau lưng” Tổng thống Thiệu về giải pháp chấm dứt chiến tranh với Trung Cộng và Chính quyền miền Bắc khi ấy là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ?Hoàng Đức Nhã : Vì quá muốn có một thắng lợi để một phần giúp Tổng thống Nixon tái đắc cử nhiệm kỳ hai sau cuộc bầu cử tháng 11 năm 1972, và mặt khác, muốn chứng tỏ cho các cấp lãnh đạo trong giới chính trị và xã hội thượng lưu của Hoa Kỳ rằng ông ta làm được những gì mấy người khác chưa làm được cho nên ông Kissinger không muốn bị Việt Nam Cộng Hòa cản trở và không những đi sau lưng đồng minh Việt Nam Cộng Hòa mà còn tự định đoạt tương lai chính trị của miền Nam nữa. Ông ta giấu điều này cho đến khi Hà Nội cho biết sẵn sàng ký và trao cho ông ta một bản thảo Hiệp định với rất nhiều điều kiện tai hại cho Việt Nam Cộng Hòa. Ông Kissinger chấp nhận ngay và bay qua Saigon ép Tổng thống Thiệu chấp nhận khi Tổng thống Thiệu chưa hề được biết bản thảo Hiệp định này.

Phạm Trần : Thưa ông, có phải ông Henry Kissinger là người chỉ biết lo cho quyền lợi của Mỹ khi ông ta nói chuyện với đại diện miền Bắc ở Paris khi ấy là ông cố vấn Lê Đức Thọ, nhưng không điếm xỉa gì đến quyền lợi của Việt Nam Cộng Hòa trong các cuộc thương lượng này ?Hoàng Đức Nhã : Đúng thế. Chúng ta đều hiểu rằng một ông Ngoại trưởng của Hoa Kỳ phải phác họa và thi hành chánh sách ngoại giao để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ trước hết. Ông Kissinger thì làm điều này bất chấp ước muốn của đồng minh và hậu quả tai hại cho đồng minh.
Như tôi trả lời trong câu hỏi trên, ông Kissinger bất cần những nguyên tắc thương thuyết – mà điều chính là tương lai chính trị tại miền Nam phải do hai bên trong miền Nam quyết định – và tự quyết định khi thương thuyết với Hà Nội, và chỉ thông báo cho Việt Nam Cộng Hòa biết sau khi ông ta và Lê Đức Thọ phê chuẩn dự thảo Hiệp đình mà Việt Nam Cộng Hòa không hề được biết trước và cũng không có cơ hội để phê bình”.
Phạm Trần : Trong các cuộc “đối mặt thảo luận trưc diện ” tại dinh Độc lập với ông Kissinger, bên cạnh Tổng thống Thiệu, về Hiệp định Paris ký ngày 27/01/1973, ông có trở ngại gì với ông Henry Kissinger không, chẳng hạn như “bực tức”, “cãi vã” hay “công khai phản đối áp lực của ông Kissinger” đối với vận mệnh Việt Nam Cộng Hòa ?Hoàng Đức Nhã : Chúng tôi hành động rất lễ độ, đúng mức, như một nhà thương thuyết theo đúng căn bản của một cuộc thương thuyết. Chúng tôi không hề la lối, đập bàn, sỉ nhục hay chửi rủa ông Kissinger.

Khi ông ta hăm dọa, Tổng thống Thiệu tỏ ra rất nghiêm chỉnh và trả lời một cách đúng nghi lễ rằng Việt Nam Cộng Hòa không chấp nhận bản thảo Hiệp định. Tổng thống Thiệu nhấn mạnh nhiều lần với ông Kissinger rằng xin ông ta trình lại Tổng thống Nixon rằng Việt Nam Cộng Hòa rất muốn có một hiệp định chân chính, bảo vệ quyền lợi của Việt Nam Cộng Hòa nhưng không thể chấp nhận bản thảo Hiệp định mà ông Kissinger đã đồng ý với Lê Đức Thọ”.

Phạm Trần : Ông có thể ghi lại những “phản ứng quyết liệt” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong những lần nói chuyện tại Dinh Độc lập với phía Mỹ nói chung và riêng hai ông Kissinger và Tướng Alexander Haig về hòa đàm Paris ?Hoàng Đức Nhã : Tổng thống Thiệu hành động rất bình tỉnh và không hề khóc lóc, đập bàn như một vài người viết lại trong sách của họ. Có hai trường hợp rất căng thẳng cho thấy cách Tổng thống Thiệu đối đầu với đe dọa của phía Hoa Kỳ.

Lần đầu là trong những ngày tháng 10 năm 1972 khi ông Kissinger hăm dọa một cách mĩa mai rằng ” hai ông (Tổng thống Thiệu và tôi) không nên trở thành người tử đạo (you two should not try to be martyrs)” – Tổng thống Thiệu không trả lời và ngó qua tôi cũng như nói tôi trả lời đi. Tôi nói với ông Kissinger “chúng tôi không hề muốn trở thành người tử đạo. Chúng tôi chỉ là người ái quốc thi hành Hiến pháp một cách nghiêm chỉnh để bảo vệ quê hương chúng tôi”. Ông Kissinger rất bực tức vì thấy tôi trả lời ông ta thay vì Tổng thống Thiệu.

Lần thứ hai là khi ông Alexander Haig qua Saigon vào đầu 11 năm 1972. Mục đích của ông ta là tiếp tục ép Tổng thống Thiệu chấp thuận bản thảo Hiệp định mà ông Kissinger không thuyết phục được. Khi Tổng thống Thiệu lập đi lập lại rằng Việt Nam Cộng Hòa không thể ký bản thảo Hiệp định này nếu không có những điều khoản rất quan trọng cho Việt Nam Cộng Hòa. Ông Haig rất bực tức, và với một giọng trầm và nét mặt giận dữ nói rằng Hao Kỳ “sẽ có những hành động rất táo bạo (brutal actions) đối với Việt Nam Cộng Hòa”. Cũng như lần ông Kissinger đe dọa lần này Tổng thống Thiệu cũng ngó về tôi, và tôi nói với ông Haig rằng “hành động táo bạo hả? Chắc cũng táo bạo như trong tháng 11 năm 1963 chứ gì ?”.

Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu (bìa phải) trong một cuộc họp với Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin, người thứ nhì trong hình từ phải sang, đang nhìn vào ông.

Phạm Trần : Là người “trong cuộc”, xin ông cho biết “có đúng” Chính quyền Mỹ đã bội ước bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa và để cho cho quân Cộng sản miền Bắc chiếm đóng ngày 30/4/1975 ?Hoàng Đức Nhã : Đúng thế. Chính phủ Hoa Kỳ đã bội hứa, giảm thiểu môt cách nhanh chóng viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa, ngay cả nhiều điều khoản trong Hiệp định cho phép Hoa Kỳ thay một khẩu súng, một chiến cụ bị hư hại khi quân lực Việt Nam Cộng Hòa dùng để chống lại những vi phạm của Bắc Việt. Hoa Kỳ đã không cần quan tâm đến số phận của miền Nam khi quan cộng sản Bắc Việt vẫn được viện trợ ồ ạt của Trung Cộng và Liên Xô sau khi bản Hiệp định được ký và Hoa Kỳ long trọng tuyên bố sẽ phản ứng mãnh liệt nếu Bắc Việt vi phạm hiệp định.

Theo tôi, lỗi lầm lớn nhất của Việt Nam Cộng Hòa là không hiểu được rằng Tổng thống của Hoa Kỳ không có quyền chỉ thị Quốc hội chấp thuận viện trợ do Hành pháp yêu cầu”.

Phạm Trần : Nếu ông Richard Nixon không bị vụ Watergate làm mất chức Tổng thống thì liệu Việt Nam Cộng Hòa có tồn tại không ?Hoàng Đức Nhã : “Theo tôi, vụ Watergate chỉ là một yếu tố đưa đến việc Bắc Việt tiến chiếm miền Nam. Nếu Tổng thống Nixon tồn tại và Quốc hội vẫn chống viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa thì miền Nam cũng bị bỏ rơi.

Lý do chánh là sau cuộc bầu cử tháng 11 năm 1972 Quốc hội thứ 94 do đảng Dân chủ nắm đa số tại Hạ Viện và Thượng Viện. Họ đã sử dụng đa số đó để, một mặt làm áp lực tối đa lên Tổng thống Nixon buộc ông phải từ chức nếu không muốn bị luận tôi vì vụ Watergate, và mặt khác, rút khỏi miền Nam càng sớm càng tốt vì binh lính và tù binh chiến tranh của Hoa Kỳ đã trở về nước. Trong tinh thần đó đảng Dân chủ không chấp thuận viện trợ cho miền Nam bất chấp những trách nhiệm của Hoa Kỳ theo Hiệp định Ba Lê và những lời hứa của Tổng thống Nixon với Tổng thống Thiệu.Phạm Trần : Xin cảm ơn ông.

Phạm Trần

(06/12/2023)