Giáo dục Sài Gòn khởi đầu với chữ Nho. Pháp chiếm Sài Gòn vào năm 1858, thiết lập giáo dục chữ quốc ngữ năm 1878, Nho học Sài Gòn chấm dứt từ đấy! Có thể chia Nho học SG thành 4 thời kỳ:
- Thời Sơ Khai từ năm 1698 – là năm Nguyễn Hữu Cảnh vào lập Sài Gòn, đến năm 1788 – là năm Nguyễn Ánh khắc phục Gia Định. Lúc này dân chúng lưu tán, giáo dục Sài Gòn bấy giờ xoay nhà Nho Võ Trường Toản.
- Thời kỳ Xây Dựng nền móng: tính từ lúc Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định năm 1789, Chúa cho mở các khóa khảo thí, học trò nào được chọn sẽ miễn trừ binh dịch, và sau có mở ra 2 kỳ thi chọn nhơn tài vào năm 1791 và 1796.
- Thời kỳ Phát Triển: 1802 đến 1858. Sau khi lên ngôi, Gia Long thống nhứt giáo dục Nho học. Mãi đến năm 1813 Gia Định mới có khóa thi Hương đầu tiên. Đến năm 1859 Pháp chiếm Sài Gòn, trường thi Hương Gia Định dời về An Giang, và khóa thi Hương tổ chức tại đây vào năm 1864 là khóa thi Hương cuối cùng. Trước sau, Gia Định tổ chức được 20 khóa thi Hương và có 270 người đậu Cử Nhơn.
- Thời kỳ suy tàn. Từ năm 1859, Pháp chiếm Gia Định, đến năm 1878 là năm Pháp thiết lập hệ thống trường Cao Đẳng Tiểu Học 3 năm, dạy bằng chữ quốc ngữ nhưng vẫn còn duy trì chữ Hán.
Cho tới đầu thế kỷ XX, giáo dục Sài Gòn tuy trải qua mấy thập niên niên “Tân học” với chữ quốc ngữ rồi, nhưng người Sài Gòn còn nặng “tinh thần Nho giáo” trong giáo dục. Và giáo dục Sài Gòn lúc này chưa xóa được tánh “trọng nam khinh nữ”, không chú trọng đúng mức đến nữ giới.Đến năm 1908, một số trí thức Việt Nam ở Sài Gòn đề nghị chính quyền Pháp thành lập một ngôi trường dành cho nữ giới. Một trong những người này là ông Bùi Quang Chiêu.
Ông Bùi Quang Chiêu và trường Áo TímBùi Quang Chiêu (1873-1945) người Mỏ Cày, Bến Tre, sanh trong gia đình có truyền thống Nho học. Ông học Trung Học Mỹ Tho, Chasseloup Laubat Sài Gòn rồi hoàn tất Trung Học tại Alger, thủ đô nước Algérie lúc này thuộc địa Pháp. Trong thời gian học tại Algerie, người học trò Bùi Quang Chiêu nhận được sự bảo đảm trách nhiệm (correspondant) của Hàm Nghi, vị Hoàng Đế Việt Nam bị Pháp lưu đày tại đây! Và nhờ vậy Bùi Quang Chiêu là người Việt Nam duy nhứt bấy giờ có dịp gần gũi và học được “tinh thần yêu nước” nơi Vua Hàm Nghi.Học xong Trung Học, Bùi Quang Chiêu được học bổng sang Pháp, tại đây Ông tốt nghiệp Kỹ Sư Nông Nghiệp năm 1897. Về nước thời gian đầu làm việc tại Bắc Kỳ, lúc này lần đầu tiên ông hoạt động với chức Hội Trưởng Nam Kỳ Đồng Hương Tương Tế Hội.Về Nam, Bùi Quang Chiêu làm Hội Trưởng Hội Khuyến Học Nam Kỳ, và cùng với các nhà trí thức yêu nước như Dương Văn Giáo, Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Phan Long, BS Nguyễn Văn Thinh… thành lập đảng Lập Hiến Đông Dương: Đòi hỏi Việt Nam tự trị bước đầu, để rồi đi đến thể chế Quân chủ Lập Hiến.Bùi Quang Chiêu đắc cử Phó Chủ Tịch Hội Đồng Quản Hạt, được bầu làm thành viên Hội Đồng Cải Cách Tiền Tệ Đông Dương và là người tích cực vận động phong trào Duy Tân ở Nam Kỳ. Mật thám Pháp coi Bùi Quang Chiêu là “kẻ thù nguy hiểm”, Việt Minh kết tội ông là “Việt gian”. Cuối cùng Bùi Quang Chiêu cùng 4 người con trai bị Việt Minh thủ tiêu tại Chợ Đêm ngày 29-9-1945. Năm ấy ông 72 tuổi!Năm sau, 1909, Hội Đồng Quản Hạt chấp thuận đề nghị của Bùi Quang Chiêu và các trí thức, về việc xây một ngôi trường dành riêng cho nữ giới tại Sài Gòn. Do chưa có kinh phí nên Bùi Quang Chiêu là người tích cực đóng góp tài chánh và tổ chức lạc quyên gây quỹ xây trường.Bốn năm sau, khi cuộc lạc quyên gom đủ tiền, một buổi lễ đặt viên đá đầu tiên được tổ chức ngày 6/11/1913 với sự chủ tọa của Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương là Albert Sarraut.Một dãy nhà đầu tiên của trường được xây trên khu đất rộng ở đại lộ Legrand de la Liraye, trước 75 có tên là đường Phan Thanh Giản, nay là đường Điện Biên Phủ. Nhiều vật liệu xây dựng được chở từ Pháp sang, trong đó có ngói nung màu đỏ phía dưới có khắc chữ “Marseille”.
Trường Áo Tím Sài Gòn ngày xưa, còn đâu!
Năm 1915, trường xây dựng xong và khai giảng năm đầu tiên. Ông Ernest Nestor Roume là Toàn Quyền Đông Dương và Thống Đốc Corbeil là người cắt băng khánh thành và tuyên bố khai giảng khóa đầu tiên cấp Tiểu Học, với chỉ có 42 nữ sinh.Ban tổ chức đề nghị đồng phục cho nữ sinh là áo dài màu tím, “tượng trưng cho đức tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhường của người thiếu nữ Việt Nam”. Trường có tên là Trường Áo Tím là vậy.
Nữ sinh của trường lúc này đều cư ngụ ở Sài Gòn và vùng lân cận, mãi về sau mới có cư xá dành cho nữ sinh đến từ các tỉnh. Trường dạy ba cấp ở bậc Tiểu Học như: Đồng Ấu (Enfantin), Cao Đẳng (Supérieur), năm cuối Sơ Học. Học sinh phải thi lấy chứng chỉ căn bản giáo dục sau khi tốt nghiệp năm cuối Sơ Học.Năm 1918, vì số lượng học sinh gia tăng, trường xây dựng thêm một tòa nhà thứ hai song song với tòa nhà cũ. Tòa nhà mới, tầng dưới dùng làm cư xá cho các học sinh xa nhà, phía sau là bịnh xá, phòng giặt và nhà bếp. Nơi đây đồng thời cũng là nơi giảng dạy các môn nữ công gia chánh và thêu thùa cho nữ sinh Áo Tím.Đến tháng 9 năm 1922, trường nâng lên thành trường Trung Học Đệ Nhứt Cấp. Albert Sarraut bấy giờ là Toàn Quyền đến khai giảng lớp đầu tiên của bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp. Trường đổi tên là Collège Des Jeunes Filles Indigènes (Trường Con Gái Bản Xứ). Và mặc dầu có một phiên đá cẩm thạch khắc chữ Collège Des Jeunes Filles Indigènes dựng lên trước cổng trường, nhưng người Sài Gòn vẫn gọi với cái tên Trường Áo Tím.
Hiệu trường đầu tiên là một cô giáo người Pháp tên là Lagrange.Để được vào học, học sinh phải vượt qua kỳ thi tuyển. Thời gian này tiếng Pháp được dạy từ cấp lớp căn bản cho đến bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp, trong khi tiếng Việt chỉ được dạy mỗi tuần 2 tiếng trong giờ Việt Văn.Trong trường, nữ sinh chỉ được dùng tiếng Pháp để giao tiếp, không được dùng tiếng Việt.Năm 1940, vì quân Nhựt chiếm đóng cơ sở của trường, rồi sau đó đến quân đội Anh, nên trường dời về trường Tiểu Học Đồ Chiểu Tân Định. Cũng trong năm này, vì muốn xóa tàn tích Pháp nên trường đổi tên là Collège Gia Long, rồi Lycée Gia Long.Tên nữ Trung Học Gia Long với lịch sử như thế và tồn tại mãi đến năm 1975.
Năm 1947, khi được người Anh trao trả, trường bị hư hại nhiều đến nỗi vị Hiệu Trưởng lâm thời phải vận động quyên góp tài chính để tu sửa trường.Năm 1949, trường lại được mở rộng: một tòa nhà hai tầng được xây mới ở đường Bà Huyện Thanh Quan để đáp ứng số lượng học sinh ngày càng tăng.Năm 1950 lần đầu tiên Hiệu Trưởng là người Việt đồng thời cũng là một cựu nữ sinh của trường là cô Nguyễn Thị Châu. Đến 1952, chương trình giáo dục Việt Nam dần thay thế chương trình giáo dục Pháp. Học sinh phải học cả hai ngoại ngữ là Anh-Pháp song song. Kỳ thi tuyển vào trường lúc này càng khó hơn trước vì thí sinh đến từ khắp nơi trong miền Nam. Thí dụ năm 1971 có 8,000 học sinh dự thi nhưng chỉ có 819 em chấm đậu.Năm 1953, đồng phục trường đổi từ áo dài tím sang áo dài trắng với phù hiệu là Bông Mai Vàng được may lên trên áo, đồng thời sau đó chương trình giáo dục bằng tiếng Pháp của trường cũng được đổi sang tiếng Việt hoàn toàn. Và tên trường Áo Tím từ đây chỉ còn là hoài niệm!Trường vẫn tiếp tục phát triển: 1964 trường bỏ chế độ nội trú, sửa các phòng ở thành phòng học với tổng cộng 3,000 học sinh, chia ra 55 lớp từ đệ Tứ đến đệ Nhứt học buổi sáng; và 45 lớp từ đệ Thất đến đệ Ngũ học buổi chiều. Năm 1965, trường xây thêm thư viện.Sau 30 tháng 4 năm 1975, trường Gia Long bị xóa tên!
Hiệu Trưởng từ đầu đến năm 1975:
123456789101112 | 1914-1920: Cô Lagrange 1920-1922: Cô Lorenzi 1922-1926: Cô Pascalini 1926-1942: Cô Saint Marty 1942-1945: Cô Fourgeront 1945-1947: Cô Malleret 1950-1952: Cô Nguyễn Thị Châu 1952-1963: Cô Huỳnh Hữu Hội 1963-1964: Cô Nguyễn Thu Ba 1964-1965 ; Cô Trần Thị Khuê 1965-1969: Cô Trần Thị Tỵ 1969-1975: Cô Phạm Văn Tất |
Và huyền thoại “Áo Tím”
Bà Tùng Long là cựu học sinh trường Áo Tím, là người khởi xướng mục “Gỡ rối tơ lòng” trên báo Sài Gòn Mới năm 1953 đã làm cho ngôi trường Áo Tím Sài Gòn đi vào huyền thoại cho tới nay.Và phải chăng vì bà là cựu học trò trường Áo Tím mà các tiểu thuyết của bà như: Bóng người xưa, Đời con gái, Một lần lầm lỡ, Mẹ chồng nàng dâu, Nẻo về tình yêu, vân vân có thêm nhiều bạn độc giả bạn gái?Màu áo tím của trường, “tượng trưng cho đức tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhường của người thiếu nữ Việt Nam”, sau này được nói đến là “Áo Tím” rồi “Áo Trắng” Gia Long. Áo Tím, mực tím, hoa tím, màu tím… luôn là cái gì gợi hứng cho nhiều nghệ sĩ sáng tác sau này.Và bài “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” của nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà, nhắc nhớ bao thế hệ về một ngôi trường có mặt giữa Sài Gòn trên 60 năm: Trường Áo Tím!
Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh…
Nam Sơn Trần Văn Chi