Phạm Quốc Nam

Hiệp Định Paris năm 1973 dẫn đến biến cố hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974, VNCH mất Hoàng Sa vào tay Trung Cộng và biến cố ngày 30 tháng Tư năm 1975 miền Nam mất vào tay cộng sản Bắc Việt. Cả hai biến cố lịch sử xót xa, đau thương của dân tộc.
Dựa theo tài liệu bản dịch sang Việt ngữ của Luật sư Nguyễn Hữu Hiệu từ quyển ‘NO MORE VIETNAMS’ của Tổng thống Richard M. Nixon phát hành năm 1984, Trung Cộng (TC) chiếm Hoàng Sa trước năm 1975 bởi sau 1972 Trung Cộng rút quân và ngưng viện trợ cho Hà Nội, tức thì Liên Xô là nước cộng sản lớn nhất thay Trung Cộng viện trợ quân sự và kinh tế cho Bắc Việt, thúc ép Hà Nội tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam VN nhằm bành trướng chủ nghĩa cộng sản xuống phía Nam. Bắc Kinh chắc rằng sau Hiệp Định Paris 1973 Mỹ rút quân và ngưng viện trợ quân sự và kinh tế cho VNCH thì sớm muộn miền Nam cũng sẽ rơi vào tay cộng sản Bắc Việt, tức thì hải cảng Cam Ranh và Hoàng Sa – Trường Sa sẽ lọt vào tay Liên Xô; Điều này sẽ đe dọa đến an ninh lãnh thổ của Trung Cộng và cản đường TC tiến xuống Biển Đông vì chủ nghĩa họ Mao và chiến lược Đại Hán trên Biển Đông về chính trị, quân sự và kinh tế.
Giới quân sự và các bình luận gia ngày nay cho rằng Washington đứng ngoài Hải Chiến Hoàng Sa năm 1974 đã sai lầm trong chính sách về Biển Đông thời đó và đưa đến hậu qủa những xung đột Biển Đông ngày nay. Chi tiết liên quan đến những sự kiện trên được trình bày ở Phần 2 sau phần ‘Mô tả về Hải Chiến Hoàng Sa 19/01/1974’.
Mặc dù quân lực VNCH không đủ sức bảo vệ Hoàng Sa trước một lực lượng không tương xứng địch mạnh gấp nhiều lần nhưng cuộc hải chiến đó đã chứng minh dũng khí và sự can trường của những người lính thủy miền Nam; Một nước nhỏ dám đối đầu một gã khổng lồ, đồng thời cho thế giới và quân xâm lược biết rằng đây là lãnh hải, lãnh thổ của Việt Nam.
Trận hải chiến đã để lại trang sử vàng sáng chói, tiếp nối truyền thống bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc Việt. Tổ quốc và lịch sử muôn đời ghi ơn 74 Tử sĩ Hoàng Sa năm 1974. Ngày nay hàng năm cứ đến ngày 19 tháng Giêng các tổ chức người Việt hải ngoại và người Việt yêu nước quốc nội tổ chức Tưởng niệm và Vinh danh 74 anh hùng tử sĩ Hoàng Sa.

1.Hải chiến Hoàng Sa:

Bài viết này không lập lại những chi tiết diễn biến của trận chiến từ ngày 15/1/1974 cho đến khi kết thúc cũng như không lập lại những chi tiết mà các nhà viết quân sử hay của các bình luận gia hoặc các bài viết của nhiều tác giả đã trình bày suốt hơn nhiều thập niên qua. Nơi đây, chúng tôi chỉ ghi lại tổng quát những sự kiện chính với cái nhìn khách quan và dẫn chứng nguyên nhân gần và xa dẫn đến trận hải chiến ác liệt này:

A. Tổng quát Quần đảo Hoàng Sa

Quần đảo Hoàng Sa (Paracel island) cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 200 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 230 hải lý. Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa là Tây Sa, là một nhóm khoảng 30 đảo, rạn san hô, cồn cát và bãi đá ngầm ở biển Đông. Quần đảo Hoàng Sa (HS) có hai nhóm đảo:

Nhóm An Vĩnh (Amphitrite group) gồm các thực thể địa lý nổi và chìm ở phía đông của quần đảo, năm 1956 quân Pháp rút khỏi Đông Dương đã giao trả lại quần đảo Hoàng Sa cho chính quyền miền Nam VN kiểm soát thì Trung Cộng đã bí mật đổ quân chiếm đảo và kiểm soát phi pháp nhóm đảo An Vĩnh này.

Nhóm Lưỡi Liềm (Crescent group) gồm các thực thể địa lý ở phía tây nam của quần đảo do VNCH kiểm soát. Nhóm này còn được gọi là Trăng Khuyết hay Nguyệt Thiềm. Trong nhóm đảo này gồm có các đảo được nói đến trong trận hải chiến như các đảo: Hoàng Sa (Pattle), Cam Tuyền (Robert, còn gọi là Hữu Nhật), Vĩnh Lạc (Money, còn gọi là Quang Ánh), giải Hải Sâm (Antelope Reef), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond) và các đảo khác. Nhóm Lưỡi Liềm có trạm Khí tượng do Pháp xây dựng trên đảo Hoàng Sa (Pattle) từ năm 1932 và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1938.

B. Mô tả tổng quát trận hải chiến:

Sơ đồ do Hạm Trưởng HQ4 Vũ Hữu San cung cấp

Hải chiến Hoàng sa bùng nổ ở khu vực đầu cầu Duy Mộng và Quang Hòa lúc 10 giờ 25 phút sáng ngày 19/01/1974 và kết thúc sau hơn khoảng 30 phút giao chiến.
Phía VNCH có 4 chiến hạm tham chiến gồm Khu Trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 (1), Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-5 (2), Khu Tuần Dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 (3) và Hộ Tống hạm Nhật Tảo (4) đối đầu với hải đoàn Hoàng sa PLA của Trung Cộng gồm hai tiêm kích hạm Kronstradt 271 và 274, hai tảo lôi hạm 389 và 396, hai tàu cá ngụy trang 402 và 407 và một tàu quân vận 705 đổ quân (theo sơ đồ trận liệt của Trung Cộng).
Sáng sớm ngày 19/1 có 2 phi cơ MiG của Trung Cộng bay ngang Hoàng Sa hai lần, lúc 6 và 7 giờ sáng (qua lời kể của Trung úy Nguyễn Đông Mai và Thiếu úy Tất Ngưu nhân chứng trên HQ10).
Lúc 7:30 sáng 19/1 toán hải kích người nhái hải quân VNCH vượt qua một đầm lớn để tiến vào bờ đảo phía Đông nam Quang Hòa thì bị quân Trung Cộng trên đảo nổ súng làm Trung úy Lê văn Đơn, trưởng toán người Nhái, Hạ sĩ nhất người nhái Đỗ văn Long (Long sandwich) tử thương và 3 người Nhái khác bị thương. Không tiến vào bờ đảo được, toán người Nhái được lệnh rút về tàu. Đại tá Hà Văn Ngạc báo cáo về Bộ Chỉ huy Hải quân Vùng 1 Duyên hải xin chỉ thị. Trước tình hình khó tránh cuộc hải chiến, Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh Vùng 1 Duyên hải, kiêm Tư lịnh Lực lượng Hành quân 231 đã ra lệnh các chiến hạm VNCH nổ súng trước vào các chiến hạm Trung Cộng để đánh bất ngờ, chiếm ưu thế.
Được biết trước khi ban lệnh nổ súng vào tàu địch, Đô đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã nhận lệnh từ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được toàn quyền quyết định và nếu cần sử dụng tất cả biện pháp mạnh để đánh đuổi tàu địch, “Nếu cần, dùng cả vũ lực để chứng minh cho Trung Cộng biết rằng đây là lãnh hải của VNCH và nhất định không để mất một tấc đất vào tay giặc”.
Cuộc hải chiến bùng nổ lúc 10 giờ 25 phút sáng. Sau hơn 30 phút giao chiến, hải đoàn Hoàng sa của địch bị tổn thất nặng gần như tê liệt hoàn toàn. Qua hình ảnh và phim tài liệu của Trung Cộng cho thấy chiếc Kronstadt 274 được trục vớt về căn cứ; ngoài một số nhân mạng được thủy táng tại Hoàng Sa nhiều thương binh Trung Cộng được tải thương về căn cứ. Phía VNCH, các chiến hạm nhiều ít bị trúng đạn và mỗi chiếc hạm đều có tổn thất nhân mạng. Riêng HQ-16 bị trúng viên đại 127 ly bắn lạc từ HQ-5 chui vào hầm máy; may mắn viên đạn không nổ nhưng nước biển tràn vào lỗ đạn xuyên qua vỏ tàu làm HQ-16 nghiêng gần 20 độ có nguy cơ bị chìm. Trận hải chiến ác liệt vừa chấm dứt, cả ba chiến hạm HQ-4, HQ-5 và HQ-16 được lệnh rời vùng giao chiến trở về Đà Nẵng bỏ lại HQ-10 bất khiển dụng, đang bốc cháy, kho đạn nổ và các nhân viên bị thương và sống sót xuống bè đào thoát.
HQ-16 trên đường trở về Đà Nẵng vì tàu bị nghiêng nên HQ-16 không thể tiến vào đảo Hoàng Sa đón toán công binh do Thiếu tá bộ binh Phạm văn Hồng chỉ huy được HQ-16 đưa lên đảo ngày 16/1 với một người Mỹ nghiên cứu xây dựng một phi trường nhỏ và HQ-16 cũng không thể đón toán nhân viên cơ hữu của mình trên đảo Vĩnh Lạc do Trung úy Lâm Trí Liêm làm trưởng toán đổ bộ lên đảo từ ngày 17/1 (Toán này sau đó dùng bè đào thoát khỏi đảo Vĩnh Lạc khuya ngày 19/1, bè trôi trên biển 10 ngày đêm và sau đó được ngư phủ người Việt cứu vớt tại eo biển Qui Nhơn cách Cù lao Xanh 23 hải lý, theo lời kể của Trung úy Lâm Trí Liêm (HQ-10, trưởng toán đổ bộ) .
Ba chiến hạm tham chiến về đến bến Quân cảng Đà Nẵng, HQ-16 bị nghiêng nên được tàu hộ tống về Saigon sửa chữa. HQ-5 và HQ-4 sau khi đưa các thương binh lên bờ và được sửa chữa tạm thời, liền sau đó hai chiến hạm trở ra vùng công tác, tiếp tục hoạt động. Nhiều tuần sau trở về Saigon.
Hộ Tống hạm HQ-10 Nhật Tảo chỉ còn một máy khiển dụng khi đến Hoàng sa tham chiến. Ngay lúc đầu khai chiến đài chỉ huy HQ-10 trúng đạn gây tử thương Thiếu tá Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và tất cả nhân viên trên đài chỉ huy. Riêng Đại úy Hạm phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng được nhân viên đưa xuống bè đào thoát cùng với 27 nhân viên trên 5 bè. Ngày hôm sau Hạm phó Nguyễn Thành Trí và 8 thủy thủ khác lần lượt qua đời. 19 thủy thủ HQ-10 còn sống sót sau 4 ngày 3 đêm trôi dạt trên biển được tàu có tên Kopionella của hãng Shell mang quốc tịch Hòa Lan cứu vớt đưa vào Đà Nẵng (theo lời kể của Hải quân Trung úy Hà Đăng Ngân trên HQ-10 cùng bè đào thoát với Hạm Phó Nguyễn Thành Trí).
Giữa trưa ngày 19/1 hai tiêm kích mang số 281 và 282 của Trung Cộng xuất hiện tại Hoàng Sa khi trên biển chỉ còn HQ-10 bất khiển dụng, đang trôi, bốc cháy và kho đạn nổ. Hai chiến hạm 281 và 282 này liên tục bắn phá HQ-10 cho đến khi HQ-10 chìm tại phía đông nam giải đá Hải Sâm (giải san hô Antelope) lúc 3 giờ chiều, mang theo thi thể Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và 54 chiến sĩ hải quân vào lòng đại dương. Sau đó 281 và 282 tiến đến 4 bè HQ-10 kết chùm, 1 bè tách riêng trên có Hạm phó Nguyễn Thành Trí đang trôi trên biển, chúng chạy vòng quanh 5 bè hai lần rồi bỏ đi (theo lời kể của Hải quân Thiếu úy Tất Ngưu trên HQ-10).
Trưa ngày hôm sau (20/01) hạm đội Hải Nam của Trung Cộng gồm nhiều tàu chiến, máy bay, bộ binh đến Hoàng Sa, chúng bắn phá lên các đảo và đổ bộ lên các đảo có quân VNCH (Hoàng Sa, Cam Tuyền và Vĩnh Lạc) bắt 48 quân nhân VNCH làm tù binh gồm các nhân viên trạm Khí tượng, toán công binh của Thiếu tá bộ binh Phạm Văn Hồng và quân nhân trên các đảo (theo tài liệu và bản đồ Trận liệt của Trung Cộng). Từ thời điểm đó, quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn do Trung Cộng kiểm soát. VNCH có kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa, nhưng biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đến liền sau đó.

C. Đánh giá trận hải chiến

Để có cái nhìn khách quan về trận hải chiến Hoàng Sa, chúng ta dựa vào hai tài liệu dưới đây:

Thứ nhất: Tài liệu Tường trình Ủy khúc lúc ban đầu của Bộ Tổng Tham mưu; trong đó Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH thời ấy đã viết như sau: “Hải Quân Việt Nam là những tàu tuần thời từ Đệ II Thế chiến của Hoa Kỳ, được trang bị cho nhiệm vụ chính yếu là tuần tiễu các vùng sông ngòi và ngăn chặn địch quân xâm nhập vào vùng duyên hải, thực sự không phải là đối thủ của một Hải Quân tân tiến như Hải Quân Trung Cộng trong một trận hải chiến tuy ngắn ngủi nhưng ác liệt tại Hoàng Sa vào năm 1974”

Thứ hai: Dựa vào quyển ‘Conway’s All the World’s Fighting Ships 1947-1982’, là pho sách Hải Lực Thế giới được giới quân sự thế giới tin tưởng ở những bàn luận về chiến lược hải chiến và báo cáo chính xác của pho sách này vì uy tín lớn của Ban Biên Tập và Nhà Xuất-bản kỳ cựu hàng mấy thế kỷ. Đối với Hải chiến Hoàng sa năm 1974, pho sách này đã đề cao tinh thần kiên quyết của Hải quân VNCH chống xâm lược. Chủ biên Robert Gardiner viết rằng: “Không những chiến hạm Việt Nam đã dũng cảm bắn chìm hai tàu địch (271 và 389), gây hư-hại nặng cho 2 chiếc khác (274 và 396) của siêu cường Trung Quốc ngoài Hoàng Sa. Ðổi lại, thiệt hại của Hải quân VNCH rất nhẹ, chỉ có Hộ Tống Hạm HQ-10 bị chìm và ca ngợi HQ-4 đã dùng hải pháo 76 ly bắn chìm tàu địch.”

***

2. Tại sao Trung Cộng chiếm Hoàng Sa trước 30/4/1975

Chiến tranh nào bùng nổ đều có nguyên nhân gần và xa của nó:

Nguyên nhân gần: Tại Hoàng Sa Trung Cộng cho các tàu đánh cá ngụy trang và các chiến hạm cố tình khiêu khích các chiến hạm VNCH, châm ngòi trận hải chiến ngày 19/1/1974, đồng thời để thăm dò phản ứng của chính quyền Washington lúc đó. Bắc Kinh thấy Hàng không Mẫu hạm Enterprise của Mỹ đang nằm cận nơi xảy ra trận hải chiến không có phản ứng gì kể cả họ làm ngơ không cứu vớt thủy thủ VNCH đào thoát đang trội trên biển bất chấp quy luật cứu vớt nhân đạo theo luật hàng hải (bởi Luật ‘the War Powers Resolution of 1973, ban hành ngày 7/11/1973 của Quốc Hội Mỹ) Trung Cộng liền xua hạm đội Hải Nam tiến xuống Biển Đông chiếm trọn Hoàng Sa vào trưa ngày 20/1/1974.

Nguyên nhân xa: Hiệp Định Paris năm 1973 đã dẫn đến việc Trung Cộng chiếm Hoàng Sa: Theo tài liệu bản dịch sang Việt ngữ của Luật sư Nguyễn Hữu Hiệu từ quyển sách ‘NO MORE VIETNAMS’ của RICHARD M. NIXON (Tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ) phát hành năm 1984, ngay chương đầu Tổng thống Nixon viết:

“…Nhân dân Hoa Kỳ không nên thắc mắc là tại sao Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam; Can thiệp vào lúc nào và can thiệp thế nào mà vấn đề khẩn yếu là Hoa Kỳ phải tìm cách rút ra khỏi vũng lầy đó càng nhanh càng tốt“.

Cũng theo bản dịch của Luật sư Nguyễn Hữu Hiệu từ quyển sách của Tổng thống Nixon, cả Hoa Kỳ và Trung Cộng dùng chiến tranh VN như là ván cờ chính trị tại Đông Nam Châu Á. Sở dĩ Tổng thống Kennedy yêu cầu Tổng thống Ngô Đình Diệm cho quân đội Mỹ vào VN tham chiến để chống làn sóng cộng sản đang bành trướng mạnh tại các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam khi mà Trung Cộng sắp sửa đánh cướp chính quyền Indonesia, một quốc gia có số đảng viên cộng sản (PKI) lớn thứ ba trên thế giới đứng sau Trung Cộng và Liên Xô.
Sự từ chối của Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu coi như làm hỏng kế hoạch của Hoa Kỳ phản công cuộc ‘tổng tiến công’ của Trung Cộng trên địa bàn Đông Nam Á đã dẫn đến cái chết bi thảm của hai ông sau khi từ chối lời kêu gọi hai ông nên đi ra nước ngoài của Đại Sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Lodge ngày 2 tháng 11 năm 1963: “Nếu cần ra đi, xin hãy điện thoại cho tôi, những vấn đề khác, xin đừng gọi”, Đại Sứ Cabot Lodge nói qua điện thoại (từ bản dịch của LS Nguyễn Hữu Hiệu)
Tháng 3 năm 1965 Thủ tướng Phan Huy Quát ký văn thư mời quân đội Hoa Kỳ và đồng minh vào Việt Nam ngay lúc Hoa Kỳ, Anh và Úc đang giúp Tướng Suharto đưa quân vào Jakarta bắt giết trọn quân đảo chính vào tháng 9 năm 1965 và sau đó Suharto đã ra lệnh tàn sát hơn nửa triệu đảng viên cộng sản Indonesia. Giải quyết xong mặt trận cộng sản lớn nhất tại Đông Nam Á ở Indonesia, Mỹ chuẩn bị rút quân khỏi Đông Nam Á (năm 1967) khi dư luận Hoa Kỳ bắt đầu phát khởi ‘phong trào phản chiến’.
Tháng 11 năm 1968 ứng viên tổng thống Richard Nixon Đảng Cộng Hòa thắng cử. Tổng thống Nixon biết phải nhờ Trung Cộng buộc ép Bắc Việt ngồi vào bàn thương thuyết Paris giải quyết chiến tranh Việt Nam để Hoa Kỳ rút quân ‘trong danh dự’. Cho nên năm 1969 Nixon phái Cố vấn An Ninh Quốc Gia (về sau là Ngoại Trưởng Ngoại giao năm 1973) Henry Kissinger sang Bắc Kinh vận động nối kết với Trung Cộng ngay lúc Bắc Kinh đang xung đột ngoại giao gay gắt với Liên Xô, đồng thời bấy giờ Mao Trạch Đông nhận ra Bắc Kinh yếu thế trên trường quốc tế và bị cô lập đứng ngoài Liên Hiệp Quốc nên họ Mao muốn cầu thân với Hoa Kỳ.
Song song đó Nixon ra lệnh cho Bộ Trưởng Quốc Phòng Melvin Robert Laird lập kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh chuẩn bị cho quân Mỹ rút quân từ năm cuối năm 1969 đến hết ngày 29/3/1973; Hoa Kỳ chỉ để lại vài đơn vị Thủy quân Lục chiến đóng giữ các cơ quan Hoa Kỳ. Quân đội Hoa Kỳ còn bị ngăn cấm tiếp tục can thiệp vào chiến tranh Việt nam bởi Nghị quyết ‘The War Power Resolution of 1973’ do Quốc hội Hoa Kỳ ban hành ngày 7 tháng 11 năm 1973 giới hạn quyền hạn Tổng thống tham gia một cuộc xung đột vũ trang ở nước ngoài phải có sự đồng ý của Quốc Hội.
Cơ hội Mỹ-Trung xích lại gần nhau đã đến vào Mùa Xuân 1971 khi giải vô địch bóng bàn quốc tế được tổ chức ở Nagoya, Nhật Bản; cuộc tỉ thí giữa cầu thủ Glenn Cowan (Hoa Kỳ) và Zhu-hang Zedong (Trung Cộng) mở ra thời đại ‘Ngoại giao bóng bàn’, đánh dấu sự thành công của ‘nhà ngoại giao con thoi’ Henry Kissinger (Mỹ) với Thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai từ năm 1969 làm ấm lên quan hệ Mỹ -Trung, mở đường cho chuyến thăm tới Bắc Kinh năm 1972 của Tổng thống Mỹ Richard Nixon gặp Mao trạch Đông và Chu ân Lai. Sau đó chính phủ Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài 20 năm chống Trung Hoa Cộng sản.
Năm 1972 mặc dầu cộng sản Bắc Việt (CSBV) và Việt Cộng thất bại trong cuộc tổng nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, CSBV vẫn ngoan cố không ngồi vào Hiệp Định Paris vì rằng chúng muốn ứng viên Tổng thống Nixon (nhiệm kỳ 2) thất cử vì thất hứa với cử tri Mỹ về việc Nixon hứa sẽ rút quân Mỹ khỏi Việt Nam. Nhưng Bắc Việt không ngờ Nixon đã thắng cử nhiệm kỳ thứ hai vẽ vang (49/50 tiểu bang) vào năm 1972, và ngay sau đó Nixon không chờ đến sau ngày tuyên bố nhậm chức vào cuối tháng Giêng 1972, ông đã ra lệnh ngay cho Không quân Hoa Kỳ mở cuộc hành quân Linebacker II oanh tạc Bắc Việt từ ngày 15 tháng 12/1972 cho đến hết ngày 31 tháng 12/1972 ép Bắc Việt ngồi vào bàn thương thuyết.
Tuy nhiên sau 12 ngày đêm oanh tạc Bắc Việt, Tổng Thống Nixon cho ngưng oanh tạc ngày 28 tháng 12 vì Đại diện Bắc Việt tại Paris là Võ Văn Sung thông báo Bắc Việt chịu ngồi vào bàn thương thuyết và sau đó Hiệp Định ngưng bắn tại Paris được ký kết ngày 27/1/1973.
Trong quyển ‘NO MORE VIETNAMS’, có chương Nixon viết, sau 1972 thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, Mỹ rút quân và dần dần ngưng hẳn viện trợ cho quân đội VNCH và phía Bắc Kinh cũng làm y hệt như vậy, Trung Cộng rút quân, chấm dứt viện trợ cho cộng sản Bắc Việt; Cả hai bên đồng ý để chiến tranh VN lụi dần và miền Nam vẫn của VNCH. Khi đó Bắc Việt còn trữ một lượng vũ khí, đạn dược khổng lồ của Trung Cộng, nên cuộc hành quân Linebacker II, Không quân Mỹ đã oanh tạc phá hủy toàn bộ các kho vũ khí của Bắc Việt.
Sau Hiệp Định Paris 1973 Liên Xô thấy Trung Cộng rút quân và ngưng viện trợ cho Bắc Việt, Liên Xô liền phái Đại tướng Ivanovich Obaturov dẫn một phái đoàn bay sang Hà Nội thuyết phục Hà Nội đánh chiếm VNCH cho bằng được. Từ đó Liên Xô thay Trung Cộng là quốc gia cộng sản có lực lượng quân sự lớn thứ hai trên thế giới viện trợ quân sự và kinh tế cho Bắc Việt. Được Liên Xô hỗ trợ, Tổng Bí thư Lê Duẩn như chết đi sống lại đã dẫm lên Hiệp Định Paris 1973 mở chiến dịch Hồ Chí Minh tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam và kết thúc chiến tranh VN vào tháng Tư năm 1975. Từ đó cộng sản Bắc Việt ngã hẳn theo Liên Xô, cho nên Bắc Kinh đã ‘dạy cho Đảng Cộng sản Việt nam một bài học’ (Chiến tranh Trung-Việt năm 1979) và từ đó cộng sản Việt Nam quy phục Bắc Kinh cho đến ngày nay.
Cũng trong tài liệu, TT Nixon cho biết cuối năm 1969, ngoại giao giữa hai nước Liên Xô và Trung Cộng rạn nứt trầm trọng, có lúc cả hai nước cộng sản gần đi đến chiến tranh. Thấy Liên Xô ra sức giúp Bắc Việt đưa quân tiến đánh VNCH, Trung Cộng lo ngại Bắc Việt sau khi chiếm được miền Nam, cảng Cam Ranh sẽ lọt vào tay Liên Xô và Hoàng Sa – Trường Sa sẽ do Liên Xô trấn giữ. Bắc Kinh cho rằng như vậy sẽ là mối đe dọa an ninh lãnh thổ Trung Cộng và Liên Xô sẽ cản đường TC tiến xuống Biển Đông. Đó là lý do Trung Cộng chiếm Hoàng Sa trước khi trước miền Nam rơi vào tay Bắc Việt tháng Tư năm 1975.

Theo bộ sách Bách khoa Toàn thư chính thức của Hải quân Trung Cộng PLA “Quần đảo Hoàng Sa như là tấm bình phong thiên nhiên bảo vệ Trung Quốc và cũng là tiền đồn của TC ở Biển Đông. Hơn nữa TC tiến chiếm Biển Đông xuất phát từ chủ nghĩa bành trướng và bá quyền: Việc chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa cũng có thể được coi là một phần của chiến lược đường lưỡi bò của TC mở rộng lãnh thổ, bành trướng chủ nghĩa cộng sản, tăng cường vị thế chiến lược trên Biển Đông, tạo ảnh hưởng của mình đến các khu vực xung quanh và thế giới, đồng thời thâu tóm tài nguyên Biển Đông, khu vực có tiềm năng kinh tế to lớn về khoáng hải sản và dầu khí.
Trung Cộng còn quân sự hóa Biển Đông để kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên biển và kiểm soát các tuyến đường hàng hải chính của khu vực. Mới đây Cựu Chủ tịch Ủy ban Vận tải Hạ viện Peter DeFazio (Dân biểu Dân Chủ Hạ viện Oregon) đã gióng lên hồi chuông báo động về sự kiểm soát của Trung Cộng đối với ngành vận tải biển ở Biển Đông trong khi Mỹ lại đang thiếu quan tâm đến việc kiểm soát lĩnh vực này, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Việc Trung Cộng vũ khí hóa quyền kiểm soát của mình tại Biển Đông, Mỹ có thể bị tổn hại cả về thương mại, an ninh quốc gia và ảnh hưởng vị thế cường quốc số một của Mỹ trên thế giới. Sự thống trị của Trung Cộng đối với vận tải biển có nghĩa là họ có thể theo dõi hoạt động hải quân Mỹ trên Biển Đông cũng như theo dõi hầu hết sự vận chuyển hàng hóa của Mỹ và đồng minh. Hiện tại, Trung Cộng kiểm soát một tỷ lệ lớn các tàu và thiết bị vận chuyển, trong khi Mỹ đã tụt lại phía sau.
Phát biểu tại một sự kiện do Viện Hudson tổ chức ở Washington, D.C., ông DeFazio chỉ trích quyết định trao quyền thương mại đầy đủ cho Trung Cộng ở Biển Đông vào cuối thế kỷ 20, cho rằng đó là một “sai lầm nghiêm trọng” của chính quyền Mỹ lúc bấy giờ.

Portland, tháng 3 năm 2023
Phạm Quốc Nam

Ghi chú:
-(1) HQ-4, Hạm trưởng Hải quân Trung tá Vũ Hữu San

(2) HQ-5, Hạm trưởng Hải quân Trung tá Phạm Trọng Quỳnh. Đi trên HQ-5 có Hải quân Đại tá Hà Văn Ngạc, Sĩ quan Chỉ huy Chiến thuật Lực lượng Hành quân Hoàng Sa 231.7 nên HQ-5 là Soái hạm.
-(3) HQ-16, Hạm trưởng Hải quân Trung tá Lê Văn Thự.

(4) HQ-10, Hạm trưởng Hải quân Thiếu tá Ngụy Văn Thà.