Posted by BIENXUA on 

Phạm Quốc Nam

Chúng tôi vừa nhận được tin buồn nguyên Đề Đốc Trần Văn Chơn, Cựu Tư Lệnh Hải Quân VNCH vừa từ trần lúc 10 giờ 48 phút tối thứ Năm, ngày 2 tháng 5 năm 2019 tại San Jose, CA. Đại thọ 99 tuổi.
Được biết ông bà Đô Đốc Chơn kết hôn cùng Bà Lâm Thị Loan vào năm 1945. Hai Ông Bà có 10 người con (6 trai – 3 gái) và các cháu hiện còn đầy đủ tại 3 quốc gia: Hoa Kỳ, Canada và Úc Châu. Trưởng nam là Hải quân Đại uý Trần Minh Chánh (xuất thân khoá 24 Võ bị Đà Lạt và tốt nghiệp khóa 1 Đặc biệt Sĩ quan Hải quân Nha Trang). Đại úy Chánh là Hạm trưởng Tuần Duyên Hạm HQ-601. Đêm Hạm Đội di tản (29/04/1974) HQ-601 đã đưa Tư Lệnh Chung Tấn Cang, ĐĐ Diệp Quang Thủy, HQ Trung Tá Trần Hương và gia đình cùng đoàn tùy tùng gồm nhiều sĩ quan cao cấp khác của HQVNCH từ Saigon ra các chiến hạm lớn ngoài khơi Vũng Tàu. Sau đó HT Chánh quay tàu trở về Saigon. HQ-601 được vinh danh là ‘Soái Hạm Nhỏ Nhất’ trong bài viết ‘Chiến Hạm HQ/VNCH Ra Khơi – Những Chuyện Đáng Ghi’ của HQ. Trần Đỗ Cẩm (HTTP://CAMTRAN11.6TE.NET/HQTEXT/AABIENCODT.HTML).
Đô Đốc Chơn cũng có người con trai là HQ Thiếu Úy Trần Minh Trực, tốt nghiệp Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ Annapolis khóa 1974. Tháng Tư năm 1975 Thiếu úy Trực đang phục vụ trên HQ-5 và đã theo tàu di tản. Ngoài ra chúng tôi cũng được biết cháu ngoại của song thân Cựu Đại úy Nguyễn Kim Qúy (Người Lính già Oregon) kết hôn với con gái của Đô Đốc Chơn, sau 1975, tại
San José.

.
Với 20 năm quân vụ, Đô Đốc Trần Văn Chơn có hai nhiệm kỳ làm Tư Lệnh Hải Quân VNCH: 1957 – 1959 và 1966 – 1974. Là chiến sĩ Hải quân, chúng ta không quên mỗi sáng thứ Hai tại các đơn vị hải quân chúng ta tập họp dưới sân cờ để nghe đọc “Câu Chuyện Dưới Cờ” của Tư Lệnh HQ Trần Văn Chơn…
Sơ lược tiểu sử: Ông sanh ngày 24 tháng 9 năm 1920 tại Vũng Tàu (Cap Saint Jacques). Trước khi gia nhập Hải quân VNCH, ông đã là sĩ quan Hàng Hải Thương Thuyền (Marine marchande) từ năm 1943. Ông tốt nghiệp trường Sĩ quan Cơ khí, Sĩ quan Vô tuyến Điện từ trường Ecole Rosel, sau đổi tên trường là Ecole Technique Speciale, rồi lại đổi thành trường Kỷ Thuật. (2)
Năm 1948 ông theo học khóa Hàng Hải tại trường Kỷ Thuật cùng với các ông Nguyễn Văn Thiệu (Tổng Thống VNCH), Lâm Nguơn Tánh và Chung Tấn Cang. Sau khi tốt nghiệp bằng Thuyển Trưởng, ông Nguyễn Văn Thiệu ghi danh vào khóa đầu tiên của Trường Võ Bị Huế, sau là Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Còn các ông Trần Văn Chơn, Lâm Nguơn Tánh và Chung Tấn Cang theo nghiệp Hàng Hải Thương Thuyền (đi tàu buôn). (2)
Cuối năm 1951, Ông Trần Văn Chơn, Ông Lâm Nguyên Tánh và Ông Chung Tấn Cang chuyển nghề thương thuyền để gia nhập Hải quân VNCH và cả ba theo học Khóa 1 SQHQ Nha Trang. Khóa 1 SQHQ Nha Trang có 9 sinh viên gồm 6 sinh viên Ngành Chỉ Huy (1 thiếu úy Bộ Binh, ông

Lê Quang Mỹ và 5 sĩ quan Hàng hải Thương Thuyền có bằng Thuyền Trưởng: Trần Văn Chơn, Chung Tấn Cang, Lâm Nguơn Tánh, Trần Văn Phấn, Hồ Tấn Quyền) và 3 sinh viên Ngành Cơ Khí (Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Văn Lịch và Lương Thanh Tùng). (1)
Lúc ấy Trung Tâm Huấn Luyện HQ Nha Trang còn đang xây cất nên sinh viên SQHQ Khóa 1 được đưa xuống Hàng Không Mẫu Hạm Anmanches của Pháp làm nơi tạm trú và lớp học. Sau đó luân chuyển qua các chiến hạm Viễn đông của Hải quân Pháp như Foudre, Lamotte Piquet v.v để học và thực tập chuyên môn, cũng như tập lái phi cơ bay lên, đáp xuống Hàng Không Mẫu Hạm (1). ĐĐ Chơn tốt nghiệp Khóa 1 SQHQ Nha Trang với hạng Thủ Khoa, cấp bậc Thiếu úy. Ra trường ông chỉ huy 4 Trung vận đỉnh với nhiệm vụ mở đường, rà mìn và tuần tiễu phục vụ trong Hải đoàn Xung phong. Năm 1953, thăng cấp Trung úy Chỉ huy phó Hải đoàn Xung phong ở Vĩnh Long. Năm 1954, ra Bắc làm Chỉ huy phó Hải đoàn Xung phong Ninh Giang. Tháng 6 cùng năm, Hải đoàn Ninh Giang di chuyển vào Nam, đặt căn cứ tại Mỹ Tho và cải danh thành Hải đoàn Mỹ Tho do Đại úy Lê Quang Mỹ làm Chỉ huy trưởng. (1)

  • 1957 – 1959: Năm 1957 HQ Trung tá Lê Quang Mỹ, đương kiêm Tư Lệnh HQ được đi du học Hoa Kỳ. HQ Thiếu Tá Trần Văn Chơn thay thế chức vụ Tư Lịnh HQ. Sau hai năm làm Tư Lịnh HQ, ĐĐ Chơn cũng được đề cử đi du học một năm tại Mỹ (Naval War College -Tại Newport, Rhode Island). (1)
  • 1960 – 1966: Thời gian này HQ Đại Tá Hồ Tấn Quyền đang làm Tư Lịnh HQ, ông Chơn được đổi đi làm một vài chức vụ ở Bộ Tổng Tham Mưu, có lúc làm Phụ Tá Văn Phòng Phát Triển Khả Năng Tác Chiến. Sau đó được đưa sang làm Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Tuần Giang. (1)
  • Ngày 1/11/1966, Lễ Quốc Khánh Quốc Nền Đệ nhị Cộng hòa ông thăng cấp Đại Tá và được sự đề cử của Trung Tướng Cao Vănh Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng ông Chơn nhậm chức Tư Lệnh HQ lần thứ nhì thay ĐĐ Chung Tấn Cang. (1)
  • Năm 1969 từ cấp bậc Đại Tá ông được thăng cấp một sao (Phó Đề Đốc). Năm 1970 vinh thăng hai sao (Đề Đốc) và năm 1972 vinh thang ba sao (Phó Đô Đốc) (1)
  • Ngày 1/11/1974 ông giải ngũ vì đáo hạn tuổi. Thay thế ông là Đề Đốc Lâm Nguơn Tánh. (1)
  • Thời gian 20 năm trong quân vụ, ông có hai nhiệm kỳ làm Tư Lệnh Hải quân, tổng cộng là 10 năm làm Tư Lịnh HQ. Ông được Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, một số Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, một Chiến Thương Bội Tinh, 2 huy chương Mỹ Legion of Merit – Đệ Nhị HC Hàn Quốc – Đệ Nhị HC Thái Lan và nhiều Huy Chương Quân Sự khác.
  • Trong thời gian là Tư Lệnh Hải Quân, ĐĐ/TL Trần Văn Chơn đã có sáng kiến và đôn đốc việc xây Tượng Đài Đức Thánh Tổ Trần Hưng Đạo tại bến Bạch Đằng, Saigon. Công trình xây dựng Tượng Thánh Tổ cũng được sự yểm trợ của Hội Thánh Trần Hưng Đạo. Tượng do điêu khắc gia Pham Thông thiết kế và thực hiện. (2)
  • Cũng trong thời gian ông làm Tư Lịnh Hải quân, HQVNCH mở nhiều cuộc hành quân chận đánh Việt cộng trong sông rạch và bình định các vùng bỏ hoang (Năm Căn). Sau chiến thắng phá tan mật khu Vũng Rô của Việt cộng ngày 16 tháng hai năm 1965, Hải quân VNCH liên tiếp đánh chìm hằng chục tàu tiếp vận của Việt cộng dọc miền duyên hải như: Cửa Tiểu (ngày 8/01/1966), Cửa Bồ Đề (ngày 10/05/1966), Ba Động (ngày 0/06/1966), Cửa Bồ Đề lần thứ hai (ngày 01/01/1967), Đức Phổ (ngày 01/03/1967), Mũi Ba Lang An – Batagan (ngày 14/03/1967), Sa Kỳ (ngày 15/07/1967), Hòn Heo – Nha Trang (ngày 01/03/1968), Cửa Việt (ngày 01/03/1968), Cửa Bồ Đề lần thứ ba (ngày 01/03/1968), Cửa Cung Hầu (ngày 22/11/1970), Gành Hào (ngày 22/11/1971), Hải quân đánh chìm tàu địch trong vùng biển Phú Quốc (ngày 24/4/1972) thời HQ Đại
  • Tá Đỗ Kiểm là Tư lịnh Hải Quân Vùng IV Duyên Hải . (2)
    Và cuối cùng là trận hải chiến ác liệt tại Hoàng Sa ngày 19/01/1974. Trận hải chiến xảy ra chớp nhoáng hơn 30 phút trong lúc ĐĐ Chơn đang trên phi cơ từ Saigon ra Đà Nẵng. Hải quân VNCH với 4 chiến hạm (HQ-4, HQ-5, HQ-10 và HQ-16) đã bắn chìm một chiến hạm (TC-271), làm thiệt hại nặng ba chiến hạm khác (TC-274, 389 và 396). Đồng thời ngay phút đầu giao chiến Hải đoàn Đặc nhiệm Hoàng Sa của HQVNCH đã tiêu diệt hoàn toàn bộ chỉ huy Hải đoàn Hoàng sa của Trung cộng trên soái hạm 274, làm tử thương một cấp tướng và nhiều cấp tá cao cấp khác của Trung cộng. Đây là chiến thắng của HQVNCH đối với trận Hải Chiến Hoàng Sa do ĐĐ Hồ Văn Kỳ Thoại chỉ huy trực tiếp với sự yểm trợ của ĐĐ Tư Lịnh HQ Trần Văn Chơn, khi so sánh về thiệt hại đôi bên. Sau đó với quyết định sáng suốt để bảo tồn lực lượng, Tư Lịnh Trần Văn Chơn ra lệnh các chiến hạm triệt thoái khỏi Hoàng Sa trước khi hạm đội của Trung cộng gồm nhiều tàu chiến, tàu ngầm, bộ binh và phi cơ đến từ Hải Nam tiếp viện để chiếm Hoàng Sa vào ngày hôm sau (20/01/1974). Thật tế các chiến hạm tuần dương của HQVNCH là loại tàu tuần duyên củ kỹ của Hoa Kỳ từ thời Đệ II Thế Chiến (WHEC và PCE), dùng để tiếp tế, yểm trợ, hộ tống, rà mìn. Các loại tàu này vận chuyển chậm chạp, không có khả năng hải chiến. Ngoại trừ hai chiếc Khu trục Hạm (DER – Detroyer Escort and Ricket) HQ-1 và HQ-4 tương đối tối tân nhưng các bộ phận như hệ thống bắn nhanh tự động với hệ thống radar kiểm soát (radar control), khóa mục tiêu (lock-on system), các giàn phóng phi đạn đã bị Hoa Kỳ tháo gỡ hoặc không còn sử dụng được khi chuyển giao cho Hải Quân VNCH.
    Từ ngày 19 đến ngày 21/04/1974 ĐĐ/TL Trần Văn Chơn và ĐĐ Lâm Nguơn Tánh có mặt tại Đà Nẵng, thăm viếng các chiến hạm tham chiến và ủy lạo, khen thưởng các chiến sĩ bị thương và trôi dạt trên biển trong trận hải chiến đang được điều trị tại Quân y viện Duy Tân – Đà Nẵng.
    Trên đường từ Đà Nẵng trở về Saigon, phi cơ Caribou của phi hành đoàn 427 chở ĐĐ/TL Trần Văn Chơn và phái đoàn khi gần đến phi trường Biên Hòa gặp nạn, bên cánh phải nổ tung nổ tung làm thân phi cơ rung chuyển, chao đảo. Tuy nhiên phi công Đại úy Nguyễn Kim và thiếu úy Tấn (Copilot) đã điều khiển chiếc caribou đáp khẩn cấp xuống phi trường Biên Hòa an toàn.

ĐĐ Trần Văn Chơn qua đời là mất đi một nhân chứng quan trọng nắm rõ việc Trung Cộng (PLA – Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc) đã dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.(3)
Sau 1975.
Sau ngày 30 tháng 4, dù được Hải quân VNCH và hải quân Hoa Kỳ yêu cầu ông và gia đình di tản ra nưóc ngoài nhưng ông là vị tướng duy nhất của Hải quân VNCH quyết định ở lại vì hiếu đạo với cha mẹ gìa. Đô Đốc Chơn cho biết: Đại Tá Hải Quân Hoa Kỳ, Trưởng phòng D.A.O có đến cho Đô Đốc Chơn biết rằng Đô Đốc Zumwalt có can thiệp D.A.O lo di chuyển đưa gia đình ông sang Mỹ. Đô Đốc về Vũng Tàu rước cha me và gia đình các anh chị lên Saigon để ra đi. Nhưng sau đó ba mẹ ông đổi ý không muốn rời bỏ quê hương. Do đó ông không nở ra đi mà để lại cha mẹ gìa ở lại và đồng thời lúc bấy giờ ông đang tu đạo Cao Đài, nên ông tin tưởng vào Đấng Tối Cao. Ông quyết định không đi và phó thác vào số mạng. Ở lại Việt Nam, ông bị CSVN bắt đi tù ‘cải tạo’. Lần lượt trải qua các trại giam: Quang Trung, Yên Bái, Nam Hà cho đến ngày 14 tháng 9 năm 1987 sau năm 12 năm ông được trở về với gia đình. Tháng 12 năm 1991, ông cùng gia đình xuất cảnh theo diện HO và định cư tại San Jose, California, Hoa Kỳ. (1)
Nói đến Đô Đốc Zumwalt (Almo R. Zumwalt Jr.), phải nói Đô Đốc Zumwalt và Đô Đốc Trần Văn Chơn là hai người bạn chí thân trong thời chiến tranh Việt Nam và sau này tại Hoa Kỳ. Chương trình ACTOV (nhóm chữ viết tắt của ” Accelerated Turn Over To Vietnam”) được ĐĐ Zumwalt dùng đặt tên cho chương trình chuyển giao cấp tốc trách nhiệm điều hành chiến dịch SEALORD (South East Asia Lake, Ocean, River, Delta Strategy) của Lực Lượng Hải Quân Hoa Kỳ (US/NAVFORV). Chương trình này là một phần của chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh (Vietnamization) do Bộ trưởng Quốc Phòng Melvin Laird đề nghị và Tổng Thống Johnson chấp thuận để Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Việt Nam.
Đọc sách của ĐĐ Zumwalt (My Father and my Son) và của nhiều tác gỉa khác về chiến tranh và những hoạt động của Hải Quân Hoa Kỳ tại VN, hầu hết người đọc cũng như các giới quân sự phải công nhận ĐĐ Zumwalt là một trong số Đô Đốc trẻ tuổi và tài ba nhất của Hải Quân Hoa Kỳ. Sau khi hoàn tất chương trình ACTOV, chẳng những ông được thăng cấp (4 sao) mà còn được chọn giữ chức Tư lệnh HQ thứ 19 của Hải Quân Hoa Kỳ.
Trong thời gian ĐĐ Zumwalt phục vụ tại chiến trường miền Nam Việt Nam, ông cùng với ĐĐ Trần Văn Chơn và các chiến sĩ Hải Quân VNCH mở các cuộc hành quân, đánh những trận quyết liệt làm cho Việt cộng khiếp sợ. Cộng Sản Bắc Việt chưa bao giờ một lần dám tấn công miền Nam bằng Hải Quân trong suốt thời gian chiến tranh.
Ngày 19 tháng 10 năm 2013 để vinh danh một vị Đô Đốc trẻ tài ba, Hải Quân Hoa Kỳ đã long trọng tổ chức buổi lễ đặt tên cho khu trục hạm tối tân nhất là USS ZUMWALT ( DDG – 1000) ở tiểu bang Maine, Hoa Kỳ. Khu trục hạm USS ZUMWALT là chiến hạm đầu tiên của loại khu trục hạm tối tân nhất được trang bị hỏa tiễn điều khiển của Hải Quân Hoa Kỳ. Hầu hết những trang bị và vũ khí trên các chiến hạm loại này đều được phát triển trong chương trình DD-21 khu trục hạm của thế kỷ 21. Quốc phòng của Hoa kỳ chi 1tỷ 4 Mỹ Kim cho việc đóng khu trục hạm tối tân USS ZUMWALT tại cơ xưởng đóng tàu Bath Iron Work ở tiểu bang Maine. Khu trục hạm này có khả năng chính xác để tìm và phát hiện các tiềm thủy đỉnh của kẻ địch, tấn công và tiêu diệt đối phương nhanh chóng.
Dĩ nhiên trong dịp đặt tên Khu trục Hạm DDG-1000, Hải Quân Hoa Kỳ đã không quên gởi thiệp mời Đô Đốc Trần Văn Chơn đến tham dự buổi lễ long trọng này tại Bath Iron Work ở tiểu bang Maine, Hoa Kỳ.

Đố Đốc Elmo Zumwalt sinh ngày 29 tháng 11 năm 1920 và tạ thế ngày 2 tháng 1 năm 2000. Năm 2003, người viết và các bạn hải quân cùng khóa Hải Quân Đặc Biệt được ĐĐ Chơn và gia đình ĐĐ Zumwalt đưa vào Học viện Hải Quân Hoa kỳ Annapolis làm Lễ Truy Điệu ĐĐ Zumwalt (Hình 2: HQ Phạm Quốc Nam (Oregon -USA) và HQ Trần Thành Nghiệp (Toronto- Canada) thủ kỳ bên mộ bia của Cố ĐĐ Zumwalt).
Năm 1991, định cư tại Bắc California (San Jose). Để trao dồi kiến thức ĐĐ Chơn trở lại học đường ở tuổi 70. Ông tốt nghiệp ngành Interdisciplinary Studies tại trường Evergreen Community College và chuyển sang San Jose State University học về Political Science.
Ngoài ra ĐĐ Chơn tham gia hầu hết sinh hoạt cộng đồng và các Hội đoàn Quân, Cán, Chính tại Bắc California. Đặc biệt ông thích tham dự các tổ chức của các Hội hay các Khóa Hải quân họp mặt ở khắp các tiểu bang tại Hoa Kỳ.
Năm 2014, ĐĐ Chơn được bà Cindy Chavez – Supervisor of Santa Clara County trao tặng Certificate of Recommendation.
Năm 2015, ĐĐ Chơn nhận được Certificate of Special Congressional Recognition của U.S. House of Representatives do bà Zoe Lofgren trao tặng.
Người viết có nhiều dịp gặp và gần gũi ông trong những sinh hoạt hải quân và họp khóa vòng quanh nước Mỹ như California, Taxes, Washington D.C, v.v…
Xin cầu nguyện Hương linh Đô Đốc Trần Văn Chơn sớm về Cõi Bình an Miên viễn Cực Lạc Quốc và chân thành chia buồn đến Hạm trưởng Trần Minh Chánh và toàn thể Tang quyến.
Vĩnh Biệt Đô Đốc!

.
Portland, ngày 6 tháng 5 năm 2019
Phạm Quốc Nam

……………………………………………………


Ghi chú:
(1) – Đô Đốc Trần Văn Chơn kể
(2) – Trong một bài viết về TL Trần Văn Chơn của Điệp Mỹ Linh.
(3) – Bài viết Sau 45 Nhìn lại Hải Chiến Hoàng Sa của Phạm Quốc Nam

Hình ảnh lưu niệm: Người anh cả Hải Quân gần gũi các Hải Quân đàn em

Nguôn: HTTP://HQVNCH.COM/BLOG/CATEGORY/UNCATEGORIZED/