Người thủy thủ gìa và tháng Tư Đen

Quốc Nam -Trường Sa 611

Phần 1: Tháng Tư Đen

Cứ mỗi độ Xuân về, lão nhớ về những ngày của tháng 4 năm 1975…
30/4/1975! Ngày đánh dấu thảm họa cộng sản đến trên quê hương của lão; Đó là Ngày Quốc Hận, ngày bất hạnh của miền Nam rơi vào tay giặc phương Bắc, cũng là ngày đại tang của dân tộc!
Sau cuộc tổng nổi dậy của giặc cộng vào Tết Mậu Thân 1968 hàng hàng lớp lớp trai trẻ miền Nam trong đó có lão lên đường tòng quân giữ nước. Họ tòng quân vì nhiều ước mơ: ước mơ tự do, ước mơ độc lập, và ước mơ ấm no cho toàn dân miền Nam. Người lính VNCH đã chiến đấu kiên cường, bất khuất để thực hiện những ước mơ chính nghĩa đó. Nhưng vận nước đổi thay không cho phép họ hoàn thành sứ mạng mà họ mong muốn. Ngược lại cộng sản chỉ có độc nhất một mong muốn, đó là xâm lược miền Nam bằng mọi gía. CSBV đã thắng. Miền Nam bị bức tử, người lính VNCH bị trói tay, kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm.

Nổi đau đất nước điêu linh vì chiến tranh và quê hương tan nát dưới sự cai trị của cộng sản làm dấy lên trong lòng lão sự uất hận và căm thù cộng sản đến tận xương tủy. Lão rời bỏ quê hương ra đi với mối hờn vong quốc và không một lần trở về từ đó..


Ở đây, lão tự xưng là ‘người thủy thủ gìa’ không phải lão gìa theo nghĩa có nhiều năm phục vụ trong quân chủng hải quân, mà lão gìa vì lão đang ở cái tuổi ‘thất thập cổ lai hy’. Chặn đường chinh chiến của lão ngắn ngủn chỉ có hơn 5 năm làm lính thủy tính từ ngày lão rời đại học tình nguyện vào khóa 21 sĩ quan hải quân giữa năm 1969 vừa lúc lão đúng 20 tuổi.
Đơn vị hải quân đầu tiên của lão ở tận một hải đảo xa xôi có tên gọi là Hòn Khoai (Duyên đoàn 41 Poulo Obi) hay ‘Hải đảo Giáng Tiên’, ngày đêm nghe tiếng sóng vỗ…
“Obi gió lạnh không tình sưởi,
Rượu uống mềm môi vẫn thấy thèm”.
(Thơ của Giang Hữu Tuyên, người bạn cùng khóa hải quân với lão)
Rời hải đảo Giáng Tiên lão thuyên chuyển về Duyên đoàn 42, hậu cứ đồn trú tại An Thới (Phú Quốc) và sau đó lão thuyên chuyển đến Hải đội 5 Duyên Phòng rồi tăng phái Hải đội 4. Những đơn vị đi biển này đã toi luyện lão thành gã lính biển chuyên nghiệp. Lão chưa có cơ hội phục vụ các đơn vị chiến đầu trong sông là những đơn vị hào hùng của hải quân VNCH với những chàng trai kiêu hùng cùng những ‘kình ngư’ dậy sóng ngày đêm trực diện quân thù với những trận đánh oanh liệt làm cho địch quân khiếp sợ mà lão được đọc qua các bài viết của đồng đội, của các đặc san hải quân và tài liệu hải sử.
Cuối năm 1974, lão bàn giao duyên tốc đĩnh (PCF)HQ.3909 đang biệt phái tuần tiểu vùng biển Hòn Tre Rạch Gía cho một sĩ quan khác để thuyên chuyển về Hạm đội tiếp tục xây mộng hải hồ trên Tuần duyên hạm PGM HQ-611.
Nhưng không may, vận nước đến thời đen tối, lão xuống HQ.611 vào thời điểm miền Nam nhiễu nhương và đang dần dần co cụm lại trước sự tấn công xâm lược khốc liệt của cộng sản miền Bắc sau khi ‘Mỹ’ gỡ bỏ vòng đai chống cộng vùng ĐNÁ và bán đứng miền Nam qua HĐ Paris 1973; ‘Mỹ’ rút quân về nước; ‘Mỹ’ bỏ rơi VNCH, ‘Mỹ’ bôi nhọ 58 ngàn lính Mỹ tử vong và trên 300 ngàn lính Mỹ bị thương tật trên chiến trường Việt nam và ‘Mỹ’ bôi bẩn các cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt nam khi trở về nước; Ở đây chữ ‘Mỹ’ lão muốn nói đến Quốc hội Mỹ phe cánh tả, những chính khách qùy gối trước cộng sản, chối bỏ trách nhiệm, phản chiến và không muốn Hoa Kỳ chiến thắng trên chiến trường Việt nam.

QLVNCH, một quân đội còn non trẻ đơn độc, đang cạn kiệt phương tiện chiến đấu, không quân viện, chiến đấu trong tuyệt vọng phải đương đầu cả khối cộng sản phương Bắc đang mở đường tấn công xâm lược ồ ạt tiến xuống miền Nam….Từ đó Vùng I thất thủ đến mất Vùng II…Dinh Độc Lập ngày 8/4/75 và Phi trường Tân Sơn Nhất chiều 28/4 bị dội bom, Saigon giới nghiêm, Bộ Tư lịnh Hải quân Saigon từ cấm trại đến báo động đỏ và đêm 29/4 hạm đội di tản. Sáng 30/4 Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, QLVNCH bị bức tử, nhiều tướng tá binh sĩ VNCH uất ức tuẫn tiết, quân Bắc Việt tiến vào Saigon…

* * *

Sáng sớm 30/4/1975, lão tần ngần đứng trơ trọi tại cầu A đối diện với cỗng Bộ Tư lệnh Hải quân Saigon, nơi chiến hạm của lão lúc chiều hôm qua con tàu còn đó mà giờ đây nó đã biến mất cùng với nhiều chiếc hạm lớn nhỏ khác dọc trên bờ sông Saigon. Bến tàu vắng tanh….Lão như kẻ mất hồn, thẩn thờ; Lão không màng quan tâm chung quanh cảnh vật tan hoang đổ nát. Lão cảm thấy như bị vứt vào vùng tối đầy cô đơn và mất mát. Lão cảm nhận được tâm trạng ‘lìa đàn’, mất mát đau tận đáy lòng: Mất chiến hạm, xa đồng đội, mất bạn hữu, tan nát mộng hải hồ và mất cả Tổ quốc. Lão cũng không màng nghĩ đến, không sợ hãi những gì sẽ xảy ra cho kẻ ‘thua cuộc’ như lão phải ở lại với kẻ thù và lão đang đứng nơi đây còn trong bộ quân phục ngày nào, mặc kệ cho kẻ thù đang tiến vào Saigon…

-Ê Nam! Có đi không? Lên tầu tao.
Tiếng gọi tên lão từ chiến hạm tuần duyên PGM đang từ từ cập vào cầu A nơi lão đang đứng cắt đứt dòng cảm xúc bơ vơ của con chim hải âu gãy cánh lìa đàn; Tiếng kêu thảm thiết của cánh chim lạc đàn đang dấy lên trong lòng lão biến thành dòng nước mắt lẽ loi, bơ vơ và mất mát sắp tuông ra khóe mắt, làm mắt lão cay xè.
Lão nhận ra giọng Bắc kỳ quen thuộc của người bạn cùng khóa gọi tên lão từ chiến hạm đang cặp cầu. Lão bắt dây cho con tàu và trèo lên chiến hạm.

-Cám ơn mày Báu. Tao không đi, tao không thể bỏ lại vợ con mày à. Sao tàu mày đi trễ vậy?

-Tao từ Vũng Tàu vào đây đón hạm trưởng nhưng không thấy ổng; Trung úy Báu nói.
Lão thúc giục thằng bạn:

-Thôi! Vậy mày đi lẹ đi. Tao trở về nhà ngay bây giờ.

Nói xong lão trèo xuống và tháo dây cho chiến hạm tách khỏi cầu. Chiếc hạm ra giữa dòng sông và từ từ xa dần… Lá quốc kỳ phía sau cột lái phất nhè nhẹ như nghẹn ngào chào gĩa biệt Saigon làm cho lòng lão chùng xuống, se lại. Lão bùi ngùi chứng kiến chiến hạm cuối cùng của hải quân VNCH ra đi. Bên kia phía Thủ Thiêm mặt trời đã lên khỏi mái nhà. Lão rời cầu A…
Dựng chiếc xe gắn máy trước cỗng nhà, lão chưng hửng khi thấy Thủy thủ Tô Nhật Hà mở cỗng; Hà là người lính thủy trẻ tuổi dưới tàu đã lái xe đưa lão về nhà chiều hôm qua. Lão ngạc nhiên hơn khi thấy lố nhố gần hai chục thủy thủ khác đứng ngồi trong phòng khách. Thấy lão bước vào, họ đứng lên chào lão… Họ đang chờ lão.
Vào hẵn bên trong phòng khách lão mới biết ra là các thủy thủ tập hợp tại nhà lão để báo tin tối hôm qua (29/4) tàu bị nhiều quân nhân có vũ trang ùn ùn trèo lên chiến hạm và cưỡng ép tàu ra đi mặc cho tàu không có hạm trưởng. Giữa đường ra Vũng Tàu, chiến hạm bị vô nước và chìm. Họ lội vào bờ và đi bộ về đây. Lão chưa hỏi được tại sao tàu vô nước đến chìm vừa lúc cái radio trên đầu tủ đưa tin tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Lão và anh em thủy thủ đoàn HQ.611 nhìn nhau bàng hoàng…vài thủy thủ rơi lệ…

-Thôi! anh em nhà ai nấy về, rồi tính sau. Lão nghẹn ngào nói

Lão bùi ngùi tiễn anh em thủy thủ ra cỗng. Nhìn theo họ thất thểu đi khuất khỏi đầu ngỏ lão cảm thấy đau lòng. Nếu chiều tối hôm qua đứa con gái của lão không lên cơn suyễn nặng, lão và vợ phải đưa con bé vào bệnh viện Nguyễn Văn Học và bồng con bé suốt đêm thì có lẽ cuộc đời đã đổi thay; Lão sẽ mang được vợ con, thân nhân xuống tàu di tản trong đêm 29/4 và HQ.611 của lão sẽ là chiếc ‘soái hạm’ đưa Đô đốc Tư lịnh Hải quân Chung Tấn Cang ra biển như bài viết ‘HQ 601: Soái hạm nhỏ nhất’ trên website tài liệu của niên trưởng HQ. Trần Đỗ Cẩm (khóa 10). Lão cũng được đọc bài viết “Đêm giang hành lịch sử” của HQ Trung tá Trần Hương (‘Người thủy thủ già’ khóa 9), vị sĩ quan hộ tống Đô đốc Tư lịnh Chung Tấn Cang xuống HQ.611 nhưng lão không có mặt dưới tàu nên phái đoàn di tản của Đô đố chuyển sang HQ.601 của Hạm trưởng Trần Minh Chánh vào lúc 7 giờ tối ngày 29/4.
Sau ngày 30/4 lão đăng ký trình diện ‘ban quân quản’ của Việt cộng nhưng lão không giao nộp khẩu colt 45 theo lệnh của chúng. Khẩu súng ngắn mà chiều 29/4 trước khi rời tàu lão vào kho vũ khí lựa lấy một khẩu còn khá mới với hai gấp đạn. Lão nhờ vợ tìm nơi kin đáo trong nhà cất dấu khẩu súng để phòng khi hữu sự hoặc nếu cần lão sẽ có vũ khí quyết tử với kẻ thù. Quyết định của lão làm vợ lão sợ hãi.
Cứ mỗi độ Xuân về nổi buồn tháng Tư Đen trỗi dậy cùng hình ảnh chiến hạm HQ-611 một thời dọc ngang trên sóng biển theo ký ức kéo về như một thước phim là mỗi lần lão xót xa nghĩ đến số phận anh em thủy thủ đoàn của chiến hạm mang tên ‘Trường Sa’ phải sống ra sao dưới chế độ bạo tàn Việt Cộng? Thương lắm anh em thủy thủ đoàn HQ.611, những người lính thủy trung kiên với quân chủng và thượng tôn kỷ luật đến tận giây phút cuối cùng của cuộc chiến.

* * *

Phần 2: Tháng ngày sau 30/4/1975


Lão trở về gia đình sau hơn 7 năm tù ‘cải tạo’ khổ sai qua nhiều trại giam khác nhau trong miền Nam. Trong thời gian còn ‘quản chế’ (tù treo) tại địa phương, mỗi ngày lão đưa đón vợ đi làm, đưa hai con đi học và gặp gỡ bạn bè quay quanh các câu chuyện vượt biên tại các quán cà phê bên vĩa hè. Gia đình vợ lão có đóng ghe vượt biên, nhưng lão không đi trên chiếc ghe của gia đình vì trong một buổi xuống bến ghe Ngọc Hà (Bà Rịa) thử ghe mới, lão chạm mặt với tên trưởng công an Việt cộng trong buổi tiệc ghe hạ thủy. Ông anh vợ giới thiệu với tên công an VC lão sẽ là tài công (người lái ghe) của chiếc ghe. Tên công an chầm chầm nhìn lão, một hồi lâu hắn nhận ra lão từng là tài công cho một chiếc ghe đánh cá của một công ty thủy sản Saigon có nhiều lần ghé vào đây. Lão cảm thấy không ổn và linh tính cho lão biết sẽ gặp rắc rối, thậm chí có thể bị nguy hiểm nếu lão ở lại đây qua đêm. Lão kể cho ông anh vợ nghe lão có đôi lần lái ghe thủy sản từ bến Bình Đông Chợ Lớn ra Vũng Tàu để dò đường vượt biên. Cứ mỗi chuyến đi như vậy khi thì lão nói cho ghe chạy thử máy khi qua các trạm kiểm soát hay gặp tàu tuần xét hỏi, khi thì lão gỉa vờ cho ghe hư máy để ghé vào bến ghe Ngọc Hà. Bị tên công an nhận diện và không hiểu tên Việt cộng nghi ngờ gì về lão, mặc cho ông anh vợ xác nhận lão là em rễ nhưng hắn cứ bô bô rằng hắn cho phép đóng ghe tại đây nhưng sẽ bắt tù nếu ghe tổ chức vượt biên; Trong thâm tâm lão biết tên VC hâm dọa vì hắn muốn đánh tiếng che đậy việc hắn nhận tiền hối lộ cho đóng ghe vượt biên; Lão là người trong nhà nên lão hiểu rõ chuyện này. Trước thái độ hoài nghi về lão và lời lẽ hâm dọa của tên VC, lão quyết định ‘tẩu vi thượng sách’ trước khi tên công an tỉnh rượu. Chờ cho trời vừa chập tối lão đi nhanh băng qua khu chợ ra đường lộ đón xe đò về Saigon. Sau này lão giới thiệu một ông bạn, sĩ quan hải quân đoàn viên cựu hạm trưởng tàu dầu, tên Mạch thay lão làm tài công cho chiếc ghe của gia đình vợ.
Lão bôn ba trong bóng tối vượt biên và nhận nhiều chuyến đi khác nhau. Chuyến đi đầu tiên lão bị tàu hải quân (LCU) VC bắt trên biển Rạch Giá vì máy ghe Ấn Độ không nổ máy và không có dầu. Bọn VC đòi vàng để thả người. Lão yêu cầu thuyền nhân chung vàng cho chúng. Tàu hải quân VC kéo ghe vượt biên vào cửa sông Tắc Cậu rồi chặt dây cho ghe lủi vào bờ. Gia đình lão và một cựu đại úy VNCH chi thêm vài chỉ vàng nữa làm lão mất chiếc nhẫn đính hôn. Bọn VC cho gia đình lão và ông đại đại úy ở lại trên tàu đưa vào cửa biển Rạch Gía, cập tàu trước Đền thờ Nguyễn Trung Trực. Gia đình lão lên bờ lúc nữa đêm, đường phố không một bóng người. Chiếc LCU của VC quay trở ra cửa biển. Lão biết giữa khuya thế này đi bộ ra chợ chắc chắn sẽ bị bắt dọc đường. Đánh bạo lão dẫn vợ con đi thẳng đến trạm gác đối diện đang có tên công an VC đứng gác với cây súng AK:

-Thưa đồng chí, tôi ở dưới tàu mới lên không có nơi nghĩ qua đêm, đồng chí cho chúng tôi ở tạm đây nhá.
Tên VC vui vẽ nhận lời vì hắn thấy rõ ràng gia đình lão từ dưới tàu hải quân lên đây:

-Vâng, đồng chí cứ vào trong nghĩ đi. Tớ gác bên ngoài.
Nói xong hắn móc gói thuốc lá mời lão một điếu:

-Đồng chí chờ đây một tí, tớ lấy tấm chiếu cho mấy cháu và chị nghĩ nhé.

Vợ con lão vì mệt mõi cả ngày trên biển đã lăn đùng ra ngủ. Lão gỉa đò nhắm mắt nằm đó, mong trời mau sáng…Vừa hừng sáng, lão đánh thức vợ con dậy đón xe xích lô đi thẳng ra bến xe đò. Gia đình lão về đến nhà vào buổi chiều đó. Thật hú hồn!.
Sau đó lão tiếp tục nhận các chuyến đi khác. Nhưng số lão không may mắn, các chuyến đi sau này đều thất bại vì tổ chức ‘bến bãi’ đổ bể. Cho đến tháng 6 năm 1983 HQ Thiếu tá Nguyễn Duy Khanh (K.12) giới thiệu lão đến một tổ chức vượt biên. Qua lời giới thiệu của Thiếu tá Khanh, người chủ ghe hết sức vui mừng biết lão là cựu thuyền trưởng hải đội dưới thời Thiếu Tá Khanh là Chỉ huy phó Hải đội 5 Duyên phòng nên chủ ghe quyết định cho vợ và 2 con anh ta theo chuyến đi của lão. Chuyến vượt biên thành công. Ghe nhổ neo từ vườn hoa Lạc Hồng (Mỹ Tho) đến địa điểm đón thuyền nhân và ghe ra đến cửa biển Bình Đại khi trời hừng sáng. Thủy trình trong sông đầy cam go, căng thẳng và nguy hiểm khi phải tránh né nhiều trạm gác dọc bờ sông và ba lần bị tàu tuần Việt cộng đuổi bắt từ trong sông ra xa cửa biển. Tài công phụ, thợ máy và 89 thuyền nhân ói mửa say sóng nằm như chết khi ghe ra đến biển. Đêm thứ ba, ghe ra đến hải phận quốc tế, lão cho ghe bỏ neo để dưỡng máy và lão cũng muốn nhắm mắt ngủ đôi chút sau hai ngày một mình lão lèo lái con tàu; Các thanh niên thay nhau tát nước biển tràn vào lườn ghe. Hừng sáng hôm sau lão cho kéo neo và tiếp tục cuộc hải hành xuôi về Nam. Nhiều đàn cá heo tung tăng đùa giỡn lội theo nhảy múa trước đầu ghe. Đến trưa ghe của lão được một chiếc tàu dầu khổng lồ của Mỹ đi ngược chiều vớt trên đường chiếc tàu này đi từ Singapore về Nhật Bản. Sau khi thuyền nhân lên hết tàu Mỹ, lão ở lại ghe giúp một thủy thủ người Mỹ phá một lổ hổng lớn dưới lườn ghe cho nước biển tràn vào nhấn chìm chiếc ghe. Đứng trên boong tàu lão nhìn chiếc ghe trôi dạt ra xa và dần dần chìm mất vào lòng đại dương; Lão cảm thấy luyến thương chiếc ghe nhỏ bé đã cưu mang gia đình lão và 85 thuyền nhân sau hai ngày hai đêm trên biển.
Vị thuyền trưởng xin lão tấm hải đồ vẽ đường hải hành và tay lái ghe để lưu niệm. Ông ta dẫn lão vào một phòng rộng có cầu thang dẫn lên đài chỉ huy và ông cho lão biết chiếc ghe của lão là chiếc thứ tư được tàu ông vớt. Ông đưa lão đến trước một tấm vách lớn và chỉ vào một khoảng trống trên vách cho biết nơi đây sẽ trưng bày tấm ảnh bán thân của lão cùng tấm hải đồ và tay lái ghe để lưu niệm. Ông không quên giới thiệu các vật lưu niệm khác của ba chiếc ghe mà tàu ông vớt trước đó. Lão tò mò đến sát để nhìn 3 tấm ảnh của 3 tài công kia là ai. Lão vui mừng khi nhận ra hai tấm ảnh tài công của chuyến thứ nhất là Quang nhí Coastguard và chuyến thứ ba là Qúy rổ OCS. Lão khoái chí chỉ vào 2 tấm ảnh khoe với vị thuyền trưởng:

-Ồ! Thưa ông, đây là 2 người bạn cùng khóa hải quân với tôi.

Sau đó vị thuyền trưởng đưa lão lên đài chỉ huy tặng lão một chiếc mủ đi biển mới toanh màu trắng có huy hiệu bánh xe tay lái tàu nằm bên dưới dòng chữ LNG AQUARIUS (tên của chiếc tàu) màu xanh dương và ông mở ngăn tủ nhỏ lấy tấm danh thiếp trao cho lão:

-Anh có muốn đi biển nữa không? Nếu muốn thì theo địa chỉ trên danh thiếp này tại New York.
Thay vì tàu Mỹ đưa ghe lão vào một trại nào đó ở Indonesia (Nam Dương) cách nơi vớt khoảng 6 giờ đồng hồ, nhưng theo yêu cầu của tất cả thuyền nhân, họ muốn đến trại tỵ nạn Nhật Bản. Vị thuyền trưởng người Mỹ vui vẽ nhận lời. Sau 7 ngày đêm trên biển, cuối cùng chiếc tàu dầu khổng lồ cặp bến Nhật Bản. Gia đình lão và 85 thuyền nhân được xe bus đưa đến trại tỵ nạn Omura (Nagasaki) của Nhật Bản.
Sau gần 3 năm tạm cư tại Nhật, cuối cùng gia đình lão cũng được đặt chân đến ‘vùng đất hứa’, vùng đất của ‘giấc mơ Mỹ’ vào tháng 6 năm 1986.

Tháng Tư Đen năm 2021.
Quốc Nam (Trường Sa 611)

Giấc mơ Mỹ’ còn hay mất? (Phạm Quốc Nam)