Ngày nay chúng ta đã biết được tại sao người Mỹ lại mất quá nhiều thời gian như vậy trước khi rút khỏi Việt Nam.
Nhưng nếu sự tham gia của Mỹ được hiểu rõ, người ta lại chẳng thể nói điều tương tự về siêu cường đối thủ của họ, Liên Xô. Người Liên Xô nhận được gì từ việc ủng hộ một cuộc chiến nơi rừng rậm xa xôi, gửi các cố vấn, vật tư và tiền của đến giúp đỡ Bắc Việt – chấp nhận thực hiện một hành động không chỉ làm đóng băng quan hệ Xô-Mỹ, mà còn có nguy cơ châm ngòi xung đột toàn cầu?
Có phải là bởi tầm quan trọng địa chính trị của Việt Nam? Hay là do mối bận tâm của Moskva về truyền bá tư tưởng cách mạng? Chúng ta thường có thói quen gán cho phía bên kia những tầm nhìn và mục đích mà ta không muốn làm cho bản thân mình. Thực ra, có nét tương đồng đáng kể giữa sự hiện diện của Mỹ và Liên Xô tại Việt Nam. Giống như người Mỹ, điều mà Moskva quan tâm nhất là uy tín của mình trên cương vị một đồng minh và một siêu cường, cũng như tính chính danh trong nước và quốc tế mà uy tín ấy mang lại.
Nikita Khrushchev, người tiên phong xoay trục Liên Xô sang thế giới thứ ba vào thập niên 1950, có rất ít sự quan tâm và kiên nhẫn dành cho Bắc Việt, những người mà ông tỏ ý nghi ngờ, đặc biệt là sau khi Hà Nội bắt đầu nghiêng về phía Trung Quốc trong chia rẽ Xô – Trung.
Việc Bắc Việt Nam đứng về phía Trung Quốc được xem là một động thái chiến thuật khi không có lựa chọn tốt hơn. Chính Khrushchev đã góp phần dẫn đến hành động đổi chiều khi từ chối cung cấp viện trợ, nhưng ông lại đổ lỗi rằng việc đánh mất Bắc Việt là do những mưu mô tưởng tượng của “con cháu gốc Hoa” (Chinese half-breeds) trong hàng ngũ lãnh đạo đảng của Việt Nam. Đối với Khrushchev, vấn đề Việt Nam chỉ là một khía cạnh trong cuộc đấu tranh rộng lớn hơn với Trung Quốc, và cụ thể hơn, chỉ là một khía cạnh khá bên lề.
Tất cả thay đổi khi Khrushchev bị lật đổ trong một cuộc “đảo chính” vào tháng 10/1964. Người kế vị ông, Leonid Brezhnev và Alexei Kosygin, muốn chứng minh rằng họ thực sự trung thành với cam kết khi đồng minh cần cung cấp viện trợ quân sự. Lý do cơ bản là lãnh đạo mới của Liên Xô đang phải đối mặt với sự thiếu hụt tính chính danh. Giúp đỡ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại “chủ nghĩa đế quốc” sẽ giúp họ được công nhận – bởi nhân dân, anh em và đồng minh của họ, cũng như bởi thế giới nói chung – về tư cách là người thừa kế hợp pháp vai trò lãnh đạo phe xã hội chủ nghĩa. Cũng vì lý do tương tự, Moskva đã cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Mao Trạch Đông lại chẳng mảy may đáp lại. Điều này càng trở nên rõ ràng trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Kosygin hồi tháng 02/1965. Vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã nói về sự cần thiết của một “hành động thống nhất” nhằm giúp đỡ nỗ lực chiến tranh của Hà Nội. Mao đáp lại lời đề nghị ấy bằng sự mỉa mai thù địch, tuyên bố trước Kosygin rằng đối đầu Trung – Xô sẽ kéo dài cả một vạn năm. “Mỹ và Liên Xô giờ đây đang quyết định vận mệnh thế giới,” Mao nói một cách chua chát. “Thế thì cứ đi mà tự quyết định.” Ông tỏ ra không chút bận tâm đến chiến sự leo thang ở Việt Nam: “Vậy thì sao? Có gì là khủng khiếp khi một số người phải chết?” – và phản đối lo lắng của Kosygin về xung đột ngày càng sâu sắc bằng lời kêu gọi lạc quan tiến hành một cuộc “chiến tranh cách mạng.”
Khi quan hệ của Moskva với Trung Quốc tiếp tục xấu đi, Hà Nội cũng chuyển dần từ lập trường thân Trung Quốc sang vị thế trung lập hơn. Đó là bởi vì Bắc Việt cần vũ khí của Liên Xô, đặc biệt là các tên lửa phòng không tiên tiến, để tự bảo vệ mình trước các đợt ném bom của Mỹ. Nhưng Cách mạng Văn hóa Trung Quốc cũng là một phần nguyên nhân. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã phẫn nộ trước việc Bắc Kinh khuấy động chủ nghĩa cực đoan trong cộng đồng người Hoa khá lớn đang sinh sống ở miền Bắc Việt Nam. Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Vinh, vào năm 1967, thời điểm đỉnh cao của sự tham chiến của người Mỹ, nói rằng “Nghe thì có vẻ nghịch lý nhưng người Việt Nam không sợ người Mỹ mà sợ các đồng chí Trung Quốc.”
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội trở nên rõ rệt hơn vào năm 1971, sau chuyến đi bí mật của Henry Kissinger đến Trung Quốc và các thông báo về chuyến thăm sau đó của Nixon. Bắc Việt đã không được hỏi ý kiến và đương nhiên cảm thấy bị phản bội. Nhưng có một vấn đề thậm chí còn lớn hơn: Người Trung Quốc và người Việt Nam có những quan điểm rất khác nhau về tầm quan trọng tương đối của họ. Các lãnh đạo Trung Quốc coi Bắc Việt là thuộc hạ. Họ đã giúp Bắc Việt. Họ chỉ dẫn cho Bắc Việt. Và cái họ mong chờ là sự thần phục. Nhưng người Việt lại không chịu thần phục. Sau nhiều năm chiến đấu chống lại Mỹ, họ cảm thấy mình có quyền tuyên bố là lãnh đạo cách mạng, ít nhất là ở Đông Nam Á.
Đây là thông điệp mà tướng Võ Nguyên Giáp mang đến Moskva vào tháng 12/1971, khi Bắc Việt đang chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công mùa xuân để giáng đòn cuối cùng vào Nam Việt Nam. Ông Giáp hứa hẹn rằng chiến thắng chung của liên quân Xô – Việt tại Việt Nam sẽ đưa Hà Nội vươn lên hàng ngũ lãnh đạo, đồng thời trở thành đầu cầu của chủ nghĩa xã hội ở thế giới thứ ba. “Chúng tôi muốn thực hiện nhiệm vụ này cùng với Liên Xô, bởi vì không ai có thể làm điều đó mà không có Liên Xô,” ông nói. Các nhà lãnh đạo Liên Xô ủng hộ thông điệp này, đặc biệt là sau khi ông Giáp hứa sẽ cho Liên Xô quyền đóng lực lượng hải quân tại Vịnh Cam Ranh mà khi ấy vẫn do Mỹ kiểm soát.
Có những nguy hiểm trong việc ủng hộ thái độ quân sự cứng rắn của Hà Nội. Sự khởi động lại các trận đánh lớn vào tháng 03/1972 đã đe dọa bước tiến trong hòa hoãn Mỹ – Xô. Sau khi người Mỹ đáp trả các chiến dịch phản công của Hà Nội bằng các đợt tấn công ném bom trên diện rộng, một số người trong giới lãnh đạo Liên Xô, bao gồm Kosygin, đã đề xuất hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Moskva. “Anh đang đùa à?,” Brezhnev hỏi. “Tại sao không chứ!,” Kosygin đáp. “Đây có thể là thứ bom chúng ta cần.” “Đây là một quả bom, đúng vậy,” Brezhnev nhận xét, “nhưng ai sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn?”
Brezhnev coi hòa hoãn là một thành tựu cá nhân và không sẵn sàng hy sinh nó vì lợi ích của Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng không sẵn lòng gây áp lực với Việt Nam chỉ vì mối quan hệ tốt hơn với Mỹ, ý tưởng mà Kissinger và Nixon gọi là “mối liên hệ” (linkage). Điều mà bộ đôi người Mỹ chưa hiểu rõ là Việt Nam là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực trở thành lãnh đạo toàn cầu của Brezhnev. Sự ủng hộ của Liên Xô dành cho Hà Nội là điều khiến Liên Xô trở thành một siêu cường thực sự và ngang hàng với Mỹ.
Nixon cũng từng nhớ lại việc bị bất ngờ trong Thượng đỉnh Moskva tháng 05/1972, khi Brezhnev, “người mà phút trước còn cười nói vỗ vai tôi, bỗng bất chợt la hét giận dữ,” ông cáo buộc Mỹ đã phạm những tội ác khủng khiếp ở Việt Nam. Brezhnev làm thế bởi ông phải bảo vệ uy tín của mình trước các đồng nghiệp và trước Bắc Việt. “Tôi cho rằng tôi hay các đồng chí của tôi chưa từng phải nói chuyện với bất kỳ ai một cách mạnh mẽ và gay gắt như khi chúng tôi nói chuyện với Nixon về Việt Nam,” Brezhnev sau này kể lại cho Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng như vậy.
Quan hệ Trung-Việt thời điểm đó đã xuống một mức thấp mới. Tính đến mùa hè năm 1973, khi Mỹ đang hoàn thành việc rút quân, Lê Duẩn bắt đầu lo lắng về Trung Quốc, nói với Brezhnev rằng ông nghĩ Mao đã lên kế hoạch “xâm chiếm toàn bộ Đông Dương và Đông Nam Á khi thời cơ đến.” Brezhnev tiếp tục hứa sẽ giúp đỡ Việt Nam – lần này là chống lại người hàng xóm phía bắc của họ.
Chi phí tái thiết sau chiến tranh là rất lớn. Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng đã thẳng thắn với Brezhnev về những kỳ vọng của Hà Nội: Sẽ phải có một nguồn viện trợ rất lớn từ Liên Xô để giúp “công nghiệp hóa” Việt Nam, từ đó cho toàn bộ Đông Nam Á thấy lợi ích thiết thực của định hướng xã hội chủ nghĩa. “Chúng tôi chẳng có gì cả,” Lê Duẩn nói với Brezhnev, hàm ý rằng mọi thứ sẽ phải đến từ khối Xô Viết trong vòng 10 đến 15 năm tiếp theo.
Brezhnev đồng ý xóa tất cả các khoản nợ của Hà Nội. Đồng thời, họ vẫn tiếp tục cho vay thêm, và đến năm 1990, Việt Nam đã nhận được hơn 11 tỷ đô la viện trợ, hầu hết trong số đó không bao giờ được hoàn trả. Trợ cấp cho Việt Nam trở thành gánh nặng quá lớn đối với nền kinh tế Liên Xô trong thập niên 1980, góp phần khiến cho Moskva kiệt quệ.
Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với chiến thắng của phía Liên Xô và Việt Nam, nhưng chí ít là với Moskva, đó là một chiến thắng với cái giá quá lớn. Duy trì các đồng minh phụ thuộc là điều tốt cho uy tín của một siêu cường và cho tính chính danh của các nhà lãnh đạo, nhưng nó không tốt cho ngân sách nhà nước. Chính sách của Nga trong những năm gần đây, đặc biệt là trong các hoạt động tại Syria, gợi nhớ đến những hành động vì tính chính danh trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh ở Việt Nam. Và hậu quả lâu dài của hành động này cũng sẽ không kém phần thảm khốc.
Serge Radigan là Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học Cardiff, Wales.