CHIẾC TRỰC THĂNG CUỐI NĂM

.

Tôi có mặt ở Huế vào những ngày cuối của một năm âm lịch, những ngày thiên hạ đang chuẩn bị đón tết nguyên đán Mậu Thân 1968. 

Từ tiền đồn Plei Me, tôi bay ra đất Thần Kinh vì một việc liên quan đến tòa án trong hai ngày. Xong việc vào ngày hai mươi bảy tháng Chạp âm lịch, tôi vội vã tìm phương tiện vận chuyển để về lại đơn vị. Trong hai ngày ở Huế tôi tá túc tại nhà cô em họ ngay trong khuôn viên trường nữ trung học Đồng Khánh – cô ấy là Hiệu Trưởng. Thấy tôi nôn nóng muốn rời Huế, cô em họ đã phải lên tiếng, “người ta mong có dịp được ăn Tết ở thành phố, còn anh thì nôn nóng về rừng!”

Quả đúng như vậy. Khối thằng lính, khối các quan lớn nhỏ mỗi năm vẫn than thở cái điệp khúc Tết xa nhà; khối bạn bè của tôi vẫn tìm mọi cơ hội để có mặt ở thành phố trong ba ngày Tết. Và tôi cũng thấy cái vô lý của mình.

 Nhưng tôi muốn rời Huế, tôi muốn rời thành phố. Thật khó nói, khó giải thích cái ước muốn của tôi, nhưng đó là điều có thực trong lòng, chẳng phải đỏm lược, chẳng phải dáng vẻ. Một thân một mình, tôi đến, tôi đi, tôi ở lại, vân vân, chẳng bận lòng ai; và rủi tôi có nằm xuống ở một chiến trường nào đó, thì cũng chẳng để lại phiền hà cho ai, và chính tôi cũng chẳng thấy vấn vương ra đi! 

Với cảnh ngộ côi cút của tôi, Tết ở thành phố còn “hoang vắng” hơn giữa rừng già với lính tráng. 

Bỗng dưng nếp sống quân ngũ – tôi muốn nói đơn vị tác chiến – thích hợp với mình. Tôi bù đắp sự cô độc của mình bằng một tập thể cùng chung một số phận. Lạ thật, có những tập thể cùng chung thân phận thì phải loại trừ lẫn nhau để sống còn. Những con người trận mạc không theo luật đó của đời sống!

Và tôi nhất quyết “ra đi”. Tôi nhờ cậu em rể chở tôi vào sân bay Thành Nội tìm một chỗ trên một chuyến bay quân sự vào Đà Nẵng để từ đó tôi tìm phương tiện chuyển vận cho đoạn đường còn lại. Tôi chọn sân bay nầy thay vì phi trường Phú Bài vì hy vọng sẽ gặp một trong hai thằng bạn lúc bấy giờ thuộc Phi Đoàn Quan Sát 110 vẫn thường xuyên đáp xuống đây trong các phi vụ công tác.

Có lẽ tôi phải dài dòng một tí về tình trạng giao thông giữa Huế và Đà Nẵng trong giai đoạn nầy của cuộc chiến. Đường bộ giữa hai thành phố đó đã bị cắt đứt hoàn toàn – không có xe lửa, không có xe đò, không có một đoàn xe quân sự nào trên đoạn đường dài một trăm mười cây số xuyên qua đèo Hải Vân. Phương tiện vận chuyển chỉ còn đường hàng không và đường biển, nhưng thông dụng vẫn là đường hàng không. Nói đúng ra, chỉ còn đường bay quân sự là phương tiện tôi có thể nhờ cậy, còn hàng không dân sự thì trong trường hợp tôi – không muốn ăn Tết ở Huế – xem như không có, vì vé máy bay rời Huế trước Tết Nguyên Đán đã bán hết rồi!

Phi trường Thành Nội – gọi phi trường nghe cho oai – là một đường bay nhỏ, chiều dài khoảng ba trăm thước, nằm ngay bên ngoài hoàng thành Huế, dùng cho phi cơ nhỏ cỡ sáu chỗ ngồi trở xuống, và cho trực thăng. 

Tôi vẫn thường chế diễu cái sân bay tí hon nầy: nằm sát chân thành vua, hai đầu phi đạo bị chắn bởi hai đoạn hồ sen vốn là hào làm chướng ngại vật vây quanh thành, chẳng đúng một tiêu chuẩn nào của một sân bay! 

Nghe đâu sân bay nầy do vua Bảo Đại lập ra để tập lái máy bay. 

Hành khách đặt hy vọng vào những chiếc trực thăng hơn, vì số lượng máy bay nầy nhiều hơn các phi cơ cánh quạt. Nhưng so với số lượng người đang chờ đợi kia thì mỗi người đều thấy mình ít có hy vọng được bước lên phi cơ. Trong những ngày tháng tận năm cùng như hôm đó, quân nhân đi công tác về, đi phép đặc biệt, vân vân, tất cả đều nôn nóng mong có phương tiện để về nhà kịp dịp Tết, nên hành khách đông hẳn lên, gấp bội ngày thường. 

Tôi chẳng thấy bóng dáng thằng bạn phi công nào của mình. Nhìn cái tập thể trong quân phục lố nhố chờ máy bay đến, nhìn những chiếc máy bay cất cánh mang theo vài người, hoặc từ chối không “lấy” một ai, tôi bỗng thấy thất vọng: phen nầy đành ăn Tết ở Huế vậy!

Rồi tôi nghĩ đến phi trường Phú Bài với những chiếc vận tải cơ C47, C123, v.v. có khả năng tiếp nhận hành khách hàng loạt; tôi hy vọng có nhiều cơ may ở đó hơn. Nhưng tôi lưỡng lự. Chẳng phải vì phi trường cách xa thành phố Huế cả mười lăm cây số. Chẳng qua vì tôi đang mâu thuẫn với chính mình! Tội gì lại phải lặn lội đi tìm phương tiện về rừng. Tôi tuyên bố bỏ ý định rời Huế trước Tết trong vẻ hân hoan của cậu em rể tôi.

Chúng tôi quay lưng để tiến về nơi đậu xe của mình. Cùng lúc đó, tiếng động cơ của một chiếc trực thăng sắp đáp xoáy vào tai tôi. Cái ý muốn rời Huế từ vô thức làm tôi khựng lại. Tôi khẽ bảo “bác tài” của tôi “chờ xem thử ra sao”. 

Chúng tôi xoay người lại, đứng nhìn một chiếc trực thăng võ trang – một chiếc gunship, như tên cúng cơm của nó – từ từ đáp thẳng đứng xuống một điểm cách chỗ chúng tôi đứng khoảng bảy mươi thước. Phi hành đoàn là người Mỹ. Một làn sóng người ùa đến, trong khi hai xạ thủ viên từ hai bên hông máy bay nhảy xuống cản lại, và lúc lắc đầu, một ký hiệu từ chối nhận hành khách.

Chúng tôi đứng xa cách với đám đông đang “bon chen” chung quanh chiếc trực thăng. Chúng tôi đứng chơ vơ, không bị “đồng hóa” với mọi người. 

Giữa khoảng trống chỉ có hai người đàn ông, một người vận thường phục và một người khoác quân phục Lực Lương Đặc Biệt – đồ rằn ri, mũ bê rê xanh. 

Không biết có phải vì cái vẻ “đặc biệt” đó mà một trong hai xạ thủ viên kia, một anh chàng Mỹ có bộ ria mếp vàng như râu bắp, bỗng giơ cao cánh tay phải lên vẫy hối hả về phía chúng tôi. Thật khó biết anh ta vẫy ai, vì chung quanh chúng tôi lúc bấy giờ còn bao nhiêu quân nhân khác đứng rải rác. Tôi nhìn quanh mình một lượt, rồi lấy tay chỉ vào ngực mình, một tín hiệu hỏi “có phải tôi không?” Anh chàng Mỹ râu bắp vừa gật đầu, vừa dùng ngón tay cái chỉ thẳng lên. Tôi cơ hồ nghe bên tai âm vang tưởng tượng, “chính anh đấy!”

Mừng quá, tôi chỉ kịp chìa tay nắm bàn tay của người em rể và nói, “thôi tôi đi dượng nhé.” Khó nhọc lắm tôi mới chen lấn đến gần chiếc trực thăng. Anh chàng râu bắp phải nhảy xuống dọn đường hộ và nắm tay tôi kéo lên máy bay.

Chiếc trực thăng nhấc bổng lên cao dần, rồi quay đầu, phi thân qua giòng sông Hương đang lững lờ bên dưới. Tôi thấy lòng phơi phới, nhẩm tính chương trình cho những ngày sắp tới. Phi cơ bay dọc theo bờ biển. Lần đầu tiên tôi có được một cái nhìn bao quát từ trên cao hình thù đèo Hải Vân, một đường đèo lượn khúc theo biển xanh.

Anh chàng Mỹ râu bắp nhìn tôi và đưa ngón tay cái chỉ thiên, một thủ hiệu ngầm nói “number one”. Tôi hiểu anh khen đất nước tôi đẹp. Nếu có ai nói cho anh ta biết rằng chiều dài rặng núi cũng là khoảng cách giữa hai giọng nói – giọng Thừa Thiên dừng lại ở chân đèo phía bắc, và giọng Quảng Nam dừng lại ở chân đèo phía nam – thì chắc anh chàng còn thấy đèo Hải Vân tuyệt vời hơn nữa.

Đến không phận Đà Nẵng tôi ngạc nhiên khi anh ta hỏi tôi muốn về đâu. Tôi đáp rằng cứ thả tôi xuống phi trường là được rồi. Nhưng chiếc trực thăng cứ tiếp tục bay về hướng cầu Trịnh Minh Thế, rồi từ từ hạ cao độ, đáp ngay bên đầu cầu, tức một khoảng lề đường, rất gần giòng xe cộ đang lưu thông. “OK?”, tôi đáp “thank you” rồi nhảy ra khỏi trực thăng. Và chiếc máy bay lại nhấc bổng lên, và từ từ mất hút vào khoảng không gian xa, về phía Sơn Trà.

Quý vị nào ở Đà Nẵng thời tiền-1975 hẳn đều biết từ điểm nầy tôi chỉ cuốc bộ một đoạn ngắn là đến đường Trưng Nữ Vương. Băng qua một con hẻm nhỏ thì đụng đường Phan Chu Trinh, rồi băng tiếp một con hẻm nữa tôi đặt chân trên đường Hoàng Diệu để đi đến nhà cô tôi ở khu Chợ Mới, nơi tôi sẽ ngủ qua đêm. Quái, sao mọi sự dường như được sắp xếp cho tôi được thuận lợi.

Tôi về lại căn cứ Plei Me đúng ngày cuối năm, ba mươi tháng Chạp âm lịch, kịp đón giao thừa giữa những người lính cùng xa nhà như nhau…

*

Sau một đêm thức khuya, hôm sau, Mồng Một Tết Mậu Thân 1968, tại Plei Me, tôi thức dậy muộn. Còn nằm trên giường, tôi với tay mở chiếc máy thu thanh nhỏ chạy bằng pin để ở đầu giường. Giọng quen thuộc của một phóng viên chiến trường đang oang oang tường trình về chiến sự trong mấy tiếng đồng hồ qua. Tôi bỗng cảm thấy như bị điện giật khi nghe đến tên “thành phố Huế” bị tấn công. Rồi nhiều thành phố, thị trấn nữa… 

Chiến sự sôi động trên toàn thành thị miền Nam. 

Ở Plei Me, chúng tôi đón xuân âm thầm, nhưng yên ổn đón xuân sang, trong khi người dân thị thành đang hứng chịu bom đạn, đổ nát, tang tóc! 

Tôi chờ nghe bản tin chiến sự nhiều lần nữa trong ngày, đặc biệt chú ý đến những gì liên quan đến Huế của tôi. Tôi bàng hoàng nghe tin trường Đồng Khánh nằm trong danh sách những nơi bị địch chiếm. Tôi mơ hồ thấy mình may mắn. Tôi mơ hồ thấy mình thương Huế.

Phải mất một thời gian nữa, sau khi chiến trường ngã ngũ, khi tin tức và hình ảnh về cuộc thảm sát trên bốn nghìn người do phía bên kia thi hành trong thời gian chiếm đóng Huế được phổ biến, tôi mới ý thức rõ ràng nhất cái may mắn của mình. 

Nếu không có chiếc trực thăng kia, tôi đã ở lại trong trường Đồng Khánh, để đón xuân cùng gia đình cô em họ của tôi – hay để đón nhận thảm họa? 

Những người anh em phía bên kia chắc chắn đã không để tôi yên thân.

Chắc chắn tôi đã cùng chung số phận của trên bốn nghìn người khác.

Tôi không hiểu nguyên do gì khiến phi hành đoàn của chiếc trực thăng kia đã cứu mạng tôi. Có lẽ do bộ quân phục rằn ri của Lực Lương Đặc Biệt. Có thể viên phi công đã từng chở các toán thám sát chúng tôi, nên một chút cảm tình cá nhân do màu áo gợi lên khiến anh ta hành động. Cũng có thể vì tôi đứng xa quá, bơ vơ quá, không bon chen, mà phi hành đoàn đã thương hại tôi. Tôi thật không hiểu nổi. Nhưng dù với bất cứ nguyên nhân gì, chiếc trực thăng cuối năm kia đối với tôi mãi mãi là một định mệnh, một sắp đặt huyền bí, một an bài kỳ lạ.

( Bút ký của HÀ KỲ LAM ) 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *