50 NĂM – VINH DANH ANH HÙNG KHÔNG QUÂN QL/VNCH

Mặt Trận Tây Nguyên

.

Minh Triệu

Năm nay mùa mưa đến muộn trên vùng Cao Nguyên. Như mọi năm vào cuối tháng Tư sang đầu tháng Năm, những trận mưa dữ dội lúc nào cũng như đe dọa bầu trời Tây Nguyên nhất là vùng Biên giới Miên, Việt và Lào Việt.

Nhưng năm nay, sang đầu tháng Sáu bầu trời Cao Nguyên hãy còn sáng và cao. Từ trên phi cơ nhìn xuống những rừng cây trên dãy Trường Sơn, đồi núi và thung lũng bao quanh Căn cứ 92 bát ngát một màu xanh rực rỡ cho ta cảm tưởng như đang bay trong vùng trời Xuân.

Tôi giữ mãi cảm giác thoải mái, dịu dàng khi bước chân xuống Phi trường Cù Hanh. Giữa khung trời xanh êm thoảng gợn những đợt mây hồng, từng làn gió nhẹ không vẩn một chút bụi vuốt ve rặng dương liểu trồng hai bên đường đưa về Căn cứ. Tôi ngắm nhìn đài Kiểm soát, ụ chứa phi cơ, những kho hàng, những cơ sở mới mọc lên trong thời gian rời xa Căn cứ này. Năm năm thoáng qua mau, khuôn mặt của Căn cứ 92 đã đổi mới một cách không ngờ. Bây giờ tôi trở lại vùng trời này, bước đi trên khoảng đường tráng nhựa mà năm năm trước đây cỏ mọc và hoang vắng, khoảng đường mà bây giờ có những rặng dương xanh, có những căn nhà mọc lên như chào đón, như mời mọc như chứng tỏ sức sống mãnh liệt tiềm tàng trong con người lính KQ đang sống trên vùng Cao nguyên.

Tôi cố tìm lại những khuôn mặt quen thuộc năm năm về trước. Những khuôn mặt của những người bạn đã cùng tôi lang bạt về miền Căn cứ này, để nhớ lại những đêm rét buốt say sưa chếnh choáng, rã rời. Những mẫu tâm sự uất nghẹn của những tên tốt đen bị đổi lên vùng đất đỏ này. Nhưng, những khuôn mặt đó không còn nữa. Họ có thể bây giờ đã rất giàu sang ở Sài Gòn. Họ cũng có thể đang lận đận ở một Căn cứ nào đó. Dầu sao thì dấu chân của họ vẫn còn ở đây. Bàn tay, và cả ưu phiền của họ nhỏ xuống trong thời kỳ Căn cứ 92 còn hoang dã, chưa mang vẻ ngăn nắp, tiện nghi và duyên dáng như bây giờ.

Cái vẻ mặt bề ngoài bình thản dửng dưng và chậm rãi của Căn cứ 92 gây cho tôi một ấn tượng lạc lỏng của một người khách phương xa vừa ghé qua vùng đất mà như chưa hề quen.

Nhưng sự thật thì khác hẵn. Bên trong cái vỏ lạnh lùng bình yên và âm thầm đó là những âm hưởng của những trận chiến sôi động đã và đang diễn ra khắp vùng trời Tây nguyên. Tôi có thể khơi dậy những hình ảnh nóng bỏng đầy máu lửa đang diễn ra ở đây trong bất cứ một người lính KQ nào tôi đã gặp.

Bạn muốn nghe về trận chiến mù trời, khét lẹt mùi bom đạn và mùi da thịt người ở Dak Seang mới xảy ra cách đây hơn một tháng ? Dễ lắm. Bạn chỉ cần dừng ở lại Ban Tác chiến của Biệt đội. Ở đó, bạn gặp ngay những gương mặt Phi công thật trẻ, dáng dấp như các cậu thư sinh mới vừa rời ghế nhà trường. Nhưng chính họ lại là những Chiến sĩ gan dạ, những người đi thử lửa hằng ngày trên trận chiến Dak Seang, trong Chiến dịch Bình Tây I, Bình Tây II.

1 – Những con Đại bàng trên Vùng trời Dak Seang.

Trong căn phòng nhỏ và thấp, Đại úy Lân, Biệt đội trưởng ba Phi đội Phản Lực, Quan Sát, Trực Thăng của Không đoàn 62 tăng cường yểm trợ hành quân cho toàn vùng Tây nguyên. Đại úy Lân trông còn trẻ, trẻ đến độ bạn không ngờ rằng chính người đó đang nắm trong tay cả một hỏa lực ghê gớm hàng ngày làm rung chuyển vùng trời Biên giới Miên – Việt.

Đại úy Lân giới thiệu với tôi Đại úy Vũ ngọc Liễu, một Phi công Phản lực A 37, người hùng của vùng trời Dak Seang. Đại úy Liễu chỉ lên bản đồ nơi mà cách đây hơn một tháng anh đã bay.

Dak Seang chính là cửa ngõ đi vào Tây nguyên. Vì nếu thọc sâu được vào vùng cực bắc Kontum là từ đó địch có thể phóng tay đụng tới bất cứ vùng nào trên Cao nguyên. Và khi đã khống chế được, Cao nguyên là cái yết hầu của miền Nam đã bị đối phương nắm gọn. Địch đã chuẩn bị dòm ngó Dak Seang từ sau chiến dịch Đông Xuân, địch tung vào trận đánh Trung đoàn 40 Pháo, Trung đoàn 28 chính quy và một số đơn vị Đặc công. Địch lợi dụng địa thế hiểm trở có nhiều triền núi để cùng một lúc thực hiện hai mục tiêu : dùng Dak Seang như một diện để thu hút quân Trừ bị của Quân đoàn 2 và khi đã hút được một số lớn quân lên Dak Seang là Pleiku, BanmeThuot kể như trống trải. Trong trận đánh này mưu đồ chính của địch là chiếm Pleiku nơi đặt bản doanh của Quân đoàn 2 để gây tiếng vang bất ngờ và mục tiêu thứ hai là diệt Phi pháo.

Ngày 1-4-1970 là trận đánh mở màn, Dak Seang bị bao vây hoàn toàn, về phía Bộ binh, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 tung vào trận đánh lực lượng của Biệt khu 24, Liên đoàn 2 BĐQ, Trung đoàn 42 Biệt lập và tăng cường hai đơn vị Pháo binh Hoa Kỳ. Về phần Không Quân, một nửa lực lượng của Không đoàn 62 được dồn lên Pleiku và bao nổ lực của Không Đoàn dồn hết cho Dak Seang.

Đại úy Liễu chậm rãi xác nhận. Địch quả thật dùng nhiều mánh lới. Ngay những ngày đầu khi cuộc tấn công mở màn, thời tiết trên vùng hành quân bất lợi cho Không Quân. Mây thấp, núi cao, Phi tuần nếu bay cao thì không thể oanh kích chính xác các mục tiêu. Nhưng trái lại nếu bay thấp thì là mồi ngon cho hỏa lực Phòng không. Nhưng Bộ Chỉ huy của địch đã ước tính sai lầm khi tinh thần chiến đấu và lòng gan dạ của các Chiến sĩ Không Quân.

Trong một phi vụ đánh địch ở phía Bắc Dak Seang 5 cs. Nơi có hai ngọn đồi. Địch tử thủ dưới hầm sâu, quân bạn đã ba lần vượt qua một con suối để chiếm một ngọn đồi, nhưng đều bị địch phản công đẩy lui. Phi tuần của Đại úy Liễu được gọi tới oanh tạc mục tiêu. Bầu trời hôm đó thật thấp, quân bạn và địch lại quá gần, gần đến độ chỉ thả sai một giây là bom có thể rơi ngay xuống quân mình.. Địch để dành sẳn một phi tuần của Đại úy Liểu một lối vào, đó lại chính là tử lộ. Đại úy Liễu chỉ có một lựa chọn mà sự lựa chọn đó địch đang dành sẵn cho mình. Anh đưa phi tuần lên thật cao, rồi từ trong mây phi tuần của anh đâm bổ xuống thật lẹ, thật thẳng vào đúng những họng súng của địch. Anh đánh địch bằng sự liều lĩnh có tính toán của những người phi công đầy gan dạ. Anh đã thành công. Những quả bom rời cánh đều trúng địch. Những trái Rocket phóng đi đã dập tắt mọi kháng cự của địch. Hơn một trăm dịch bị tan xác trong cuộc oanh kích này.

Người phi công Anh hùng thứ hai của trận Dak Seang là Đại úy Ngô văn Trung, anh cũng thuộc Phi đoàn 524. đồn trú tại Không đoàn 62.

Anh Trung vừa đi oanh kích giải vây một đồn 20 cs Đông bắc Pleiku trở về. Từ trên phi cơ bước xuống, tay hãy còn xách nón bay dáng người anh dỏng cao, phong độ như một nghệ sĩ. Anh mĩm cười nhắc lại trận chiến của một tháng cũ. Anh nói : Đối với các Hoa tiêu của Phi đoàn Phản lực 524 của Không đoàn 62 thì Dak Seang là một trận chiến thích thú nhất trong năm. Và cũng là một trận chiến nóng bỏng đối với anh. Vì phi tuần anh là phi tuần đầu tiên bị nếm đạn phòng không của địch, lại thêm thời tiết trên vùng lúc nào cũng mây mù, phi cơ đủ loại của ta và Đồng minh đều có mặt trên đó.

Trong nhiều phi vụ các Khu trục cơ của ta và Đồng minh tưởng chừng như đâm sầm vào nhau. Đang làm vòng trên mây để chui xuống vừa thả xong trái bom, kéo phi cơ bay lên, thì lù lù trước mặt một chiếc Khu trục khác lao ngay vào mũi phi cơ mình. Nếu không lẹ mắt thì có thể không ăn đạn Phòng không cũng đụng nhau trên trời. Anh Trung còn cho biết trong trận giải vây Dak Seang những phi cơ trực thăng của Phi đoàn 215 mới chính là những người mệt nhất. Họ bay suốt ngày để chuyển quân vào các địa điểm chung quanh Dak Seang. Nhiều phi vụ, mặc dù Khu trục của Đồng minh và của Việt Nam bay trước giải bom chùm nổ cao chống biển người để dọn bãi đáp. Nhưng khi trực thăng vừa xà xuống là từ những công sự kiên cố dưới sâu địch cả nhảy lên xung phong. Nhiều xạ thủ trực thăng đã phải dùng Tiểu liên M 16 và súng lục quần thảo với những tên địch đang lao tới quá gần. Chẳng hạn như trận đánh chiếm núi “Ếch”. Đợt đổ quân đầu cùa 20 trực thăng Mỹ vừa tới là bị bắn dội ra không sao đáp được, trực thăng của Phi đoàn 215 xông tới. Họ dùng lối đáp tắt máy từ trên cao, để phi cơ rơi thẳng xuống đầu địch. Địch hoảng quá chạy tán loạn. Sau khi đổ quân xuống. Họ bay lên,Đoàn phi cơ mười chiếc, thì chín chiếc trúng đạn, nhưng không chiếc nào bị rớt. Người phi công nổi tiếng mang nhiều vết đạn nhất, chính là Đại úy Giang văn Thành, Đại úy Thành là người đầu tiên đáp xuống đồn Dak Seang sau mười lăm ngày bị vây hãm. Phi cơ trực thăng của Đại úy Thành mang 39 vết đạn, nhưng rất may trở về Căn cứ bình yên.

2 – Những người làm việc âm thầm.

Đóng góp vào chiến công giải vây Dak Seang, không phải chỉ có những Hoa tiêu Khu trục. Hoa tiêu Quan sát của Không đoàn 62 gởi tới mà một phần do mồ hôi và công lao của những người lính Không Quân làm việc âm thầm tại Căn cứ 92. Đầu tiên phải kể đến những Chiến sĩ thuộc Ban Vũ khí của Căn cứ này.

Những Phi công bay trên trận địa trở về đều xác nhận chưa có trận đánh nào họ dùng nhiều Rocket bằng trận này. Vì địch dùng chiến thuật cận chiến luôn bám sát quân ta để vô hiệu hỏa lực của phi pháo. Khoảng cách giửa địch và ta quá gần, nên bom nổ không dùng được, mà Vũ khí để đánh cận yểm tỏ ra hữu hiệu nhất là Hỏa tiển. Một ngày trung bình các phi xuất giải vây đồn Dak Seang, sử dụng tới 500 trái Hỏa tiển. Hàng trăm thùng Rocket được các Chiến sĩ Vũ khí hạ xuống, gỡ ra gài hột nổ rồi đưa lên mắc vào giàn phóng. Phương tiện của Căn cứ lại nghèo nàn. Nhưng vì yêu cầu ác liệt của Chiến dịch, nên các Chiến sĩ thuộc Ban Vũ khí 92 bắt buộc phải khắc phục trở ngại này. Họ làm việc suốt ngày dưới ánh nắng, hoặc mưa bay tầm tả để trang bị đầy đủ và nhanh chóng mỗi khi phi cơ hạ cánh.

Người Chiến sĩ Ngành Vũ khí của Căn cứ 92 đã hy sinh trong Chiến dịch Dak Seang là Binh 2 Huỳnh văn Ghềnh, anh là Chuyên viên Vũ khí nhưng vì Căn cứ thiếu tài xế sử dụng xe nâng bom, nên anh tự lái xe này nâng bom mắc vào cánh phi cơ cho kịp phi vụ. Chiếc xe của anh mất trớn lao xuống dốc rồi lật ngược đè lên người anh. Anh Ghềnh còn độc thân, quê anh ở Nha Trang, và đã phục vụ tại Căn cứ 92 được năm tháng thì Chiến dịch Dak Seang mở màn.

Bên những người phục vụ trực tiếp cho Chiến dịch như Phi công, Chuyên viên Vũ khí, nhiều ngành khác đã âm thầm tham gia một cách tích cực.

Trong số đó ta phải nói đến Trung Tâm Hành Quân Không Trợ 2, Đài Kiểm Báo 921 và Đài Dart, những bánh xe trong guồng máy đã nghiền nát địch ở Dak Seang, rồi bây giờ là Bình tây I và II, mặt trận kéo dài từ vùng Biên giới giáp ranh tỉnh Quảng Đức lên tới Vùng 3 Biên giới Lào – Miên – Việt của tỉnh Kontum thọc sâu vào đất Cam Bốt 30 cây số.

Từ một ngọn đồi phía Tây Phi trường Cù Hanh, có những Chiến sĩ ngày đêm giam mình trong phòng tối đối diện với những mặt gương dạ quang tròn, nhỏ với những chấm sáng khi tỏ, khi mờ qua những hệ thống máy móc rắc rối, tinh vi. Họ có bổn phận theo dõi, hướng dẫn mọi phi vụ bay trong không phận của Vùng 2 Chiến thuật, từ vùng Duyên hải cho đến các vùng dọc theo biên giới Cao miên. Họ là những Chiến sĩ của Đài Kiểm Báo 921. Tuy ngồi một chỗ, làm việc âm thầm trong phòng tối, nhưng mắt họ, tai họ không ngừng theo dõi mọi đường bay, mọi hoạt động của các phi cơ tham dự Chiến dịch.

Không phải khi bay lên là Phi công có thể ào ào tới mục tiêu trút bom đạn thật chính xác xuống đầu địch. Họ phải nhờ các Chiến sĩ của Đài Kiểm Báo, làm trung gian nhận lệnh chuyển lên phi cơ rồi từ phi cơ chuyển đi các đơn vị diện địa. Họ cũng là những người hướng dẩn phi cơ trong mọi trường hợp như ở Dak Seang các phi cơ phần lớn là nhờ Đài Kiểm báo 921 hướng dẫn. Vì vùng này mây thấp, sương mù và nhiều ngọn núi cao. Họ đã hướng dẫn phi cơ tới mục tiêu, cũng như khi rời mục tiêu. Họ đưa phi cơ xuyên mây an toàn, qua vùng núi non ngày cũng như đêm, nhất là các phi cơ thả bom sáng các đồn cô lập dọc theo biên giới heo hút. Tuy họ không đối diện với kẻ thù ngoài trận tuyến, nhưng họ nắm sinh mạng các phi công đối diện với trách nhiệm nặng nề cực nhọc với những mòn mỏi tinh thần, thể xác trong phòng tối ngày đêm với thứ ánh sáng vàng xanh, nhức mắt nguy hại ấy.

Rồi đến Đài Dart

Một Đài mang tên thật lạ. Đó là chữ tắt của Depleloyable Automatic Relay Terminal nói nôm theo tiếng Việt là Đài Hàm Răng Sắt. Tại sao lại gọi là Là Hàm Răng Sắt ? Nó là cơ quan gì của Không Quân ? Nó đã góp gì vào cuộc chiến ở vùng Tây nguyên hiện nay ?

Đại úy Đỗ anh Hào, Trưởng Đài Dart cũng như tôi đều kinh ngạc khi được biết tên nó một năm trước đây.

Đại úy Hào tâm sự rằng khi anh còn ở Tân Sơn Nhất được lệnh phải lên đường nhận nhiệm vụ mới trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Anh bắt đầu rét. Vì tưởng rằng mình sẽ phải đi nhận một loại nhiệm vụ như những tên Gián điệp trong Missson imposible hay mèng ra cũng phải vào Đội Air commando. Nhưng khi lên tới Pleiku, nhận nhiệm vụ Trưởng Đài Dart anh mới vỡ lẽ đây là một loại chiến cụ mới đang được tung vào chiến trường miền Nam Việt Nam.

Nhiệm vụ của Đài Dart là nghe ngóng mọi động tĩnh của địch ở suốt vùng Biên giới và những nơi nghi có hoạt động của địch quân.

Đài này có một hệ thống điện tử thật bén nhạy và tinh vi. Đó là những máy dò điện tử đặt suốt vùng biên giới mang hình thù những cái răng nanh dài và nhọn. Những cái máy này có thể nghe tiếng động, bắt hơi nóng người, súc vật và xe cộ.

Khi nhận tín hiệu, chuyên viên của Đài có thể giải đoán ý định chuyển quân của địch, quân số của địch và mọi phương tiện di chuyển của chúng.

Đài Dart thính tai đến độ có thể nghe tiếng xe hơi của địch chạy ầm ì trên đường mòn Hồ chí minh, hay cà tiếng xe đạp thồ đạp lóc cóc trên đường đá sỏi… Đôi khi, máy còn ghi nhận cả tiếng lính VC ca hát, hoặc nói chuyện với nhau trên đường chuyển quân, mặc dù Đài Dart cách Biên giới hàng trăm cây số ngàn.

Đài Dart khi bắt được tin lập tức phân loại và xác định vị trí của con mồi, nếu trong tầm hoạt động của Pháo binh, thì lập tức chỉ năm phút sau hàng chục trái đạn đại bác được gởi tới vùng. Nếu xa hơn, thì có những loại phi cơ Võ trang thường trực bay tuần tiểu dọc Biên giới được gọi tới can thiệp.

Trong trận Dak Seang trước đó một tháng, Đài Dart đã bắt được nhiều ký hiệu, cũng như tiếng động ghi nhận được do máy điện tử xác định số lượng địch tập trung trong vùng.

Tôi rời Pleiku đi Nha Trang vào một buổi sáng mây thấp, giữa lúc tiếng đại bác từ Thành phố Pleiku bắn đi yểm trợ cho những cuộc hành quân Bình tây I và II rồi III đang tiếp diễn trên một hành lang dài hơn 300 cây số, dọc theo biên giới Việt – Miên, kéo dài từ Quảng đức lên tới Kontum

Một tháng trước khi đại quân của Vùng 2 chưa vượt biên giới thì Pleiku thường xuyên là mục tiêu pháo kích của VC. Địch pháo kích liên miên, nhưng kể từ ngày 1-5-1970 đại quân ta vượt biên giới mở các đợt tấn công sâu vào đất Cam Bốt, tịch thu hàng trăm tấn Vũ khí và Đạn dược, Lương thực, phá hủy nhiều trại dưởng quân và Trung tâm Huấn luyện của địch thì Thành phố Pleiku yên tĩnh hoàn toàn.

Về cuộc sống của những người lính Mũ xanh ở Thị trấn Pleiku bây giờ cũng như những người lính khác ở Cao Nguyên chẵng có gì đáng khích lệ… Phòng Chiến Tranh Chính Trị của Căn Cứ đang thực hiện kế hoạch trồng bắp, nuôi vịt và đào một cái hồ nuôi cá. Trong tương lai nếu chương trình thành công, thì đời sống của Binh sĩ cũng bớt thiếu thốn đôi phần.

Ngoài ra, vì Quân số chưa đủ để lập một Quầy hàng Quân Tiếp Vụ, anh em Quân nhân ở đây đều trông cậy vào tài ngoại giao của Phòng Chiến Tranh Chính Trị.

Số hàng do C2, tức Bộ Chỉ Huy Lực lượng Đặc biệt du di cho chẵng đáng là bao.

Mỗi tháng, một Quân nhân được mua vào khoảng 6 gói thuốc và vài hộp sửa. Nhất là thuốc lá, đó là nhu cầu thứ hai sau cơm. Ở vùng đất lạnh, túi tiền của lính lại thường rỗng không, những bao thuốc Quân Tiếp Vụ quả thật là niềm an ủi lớn đối với họ. Họ hút để khỏa lấp nổi nhớ nhung gia đình, để tìm một thú vui khi tâm hồn trống rỗng.

Hàng đêm, có một cái máy quay phim 35 ly, và một số phim có giá trị là một phần thưởng quý báu đối với họ. Sau những giờ phút làm việc mệt mõi.

Khí hậu Pleiku dễ chịu. Nếu một Quân nhân có gia đình đều được một căn nhà và một thửa vườn xinh xắn, cộng thêm những biện pháp thực tế nâng đở đời sống vật chất. Căn cứ 92 có đủ yếu tố để trở thành một Căn cứ lý tưởng của Không Quân. Người lính Không Quân khi phải thuyên chuyển lên Pleiku sẽ chẵng còn mặc cảm bị hất hủi hay lưu đày. Đó là những cảm nghĩ chung của lính Tàu bay đang sống trên miền đất xa xôi và quạnh hiu nhất của Không Quân chúng ta hiện nay.

Minh Triệu

Nguyệt San Lý Tưởng 1970

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *