Lính Trận Ở Thành Phố

 (Hai Hùng SG)

Vác cái ba lô trên lưng, tui nhảy xuống khỏi chiếc xe Lam rồi đi bộ lại vài mươi thước thì thấy cổng trại Lê văn Duyệt , nơi đây là, “Tổng hành dinh” của đơn vị Biệt Khu Thủ đô, nó nằm trên con đường trùng với  tên Lê văn Duyệt  của thủ đô Sài gòn .

                      ***

  Trước cổng trại có hai anh lính Quân cảnh thường xuyên  bồng súng đứng canh gác, tui lần trong túi áo lấy ra tờ Sự vụ Lệnh do Phòng Một Tiểu khu Gia định cấp để trình cho một anh quân cảnh khác đang ngồi trực ở chòi canh sát bên trong cổng.

  Viên Trung sỹ Quân cảnh nhìn vô tờ sự vụ lệnh rồi cất tiếng hỏi :

 – Anh Hùng về đây học hả, anh cho tui coi Thẻ căn cước quân nhân và chứng chỉ tại ngũ để đối chiếu.

 Sau khi trình giấy anh Quân cảnh mĩm cười rồi nói :

 – Tiểu khu trưởng Gia định tên gì vậy anh Hùng.

 Tui đoán chắc ông này muốn  

“Thử phổi’ coi tui đúng là dân thứ thiệt hay dân “Bá vơ” nào đó lợi dụng trà trộn vô để phá rối, tui trả lời rốp rẻng liền một khi:

 – Dạ trình Trung sỹ, Đại tá  Lê văn Tư là Tỉnh trường kiêm Tiểu khu trưởng đó Trung sỹ.

 Anh ta nghe xong liền xếp gọn giấy tờ trả lại cho tui, anh ta chỉ tay về hướng bên trong, anh nói:

 -Đại đội Truyền tin Biệt Khu Thủ Đô nằm phía bên phải, anh đi gần cuối con đường này, gặp ngả ba anh nhìn bên Phải là nơi anh cần đến.

 Tui đưa tay chào kính cám ơn anh ta rồi bước đi vô bên trong trại theo hướng dẫn, các con đường trong doanh trại thật sạch sẽ thoáng  mát, hàng cây Phượng vỹ được trồng hai bên vệ đường che mát  cả con đường phía dưới bởi nắng Hè oi ả, hoa Phượng nở đỏ rợp cả trời, tiếng ve sầu kêu inh ỏi khiến tui có suy nghĩ:

  “Mùa hè là mùa học trò được nghỉ ngơi, vậy mà đám “Học trò mặc áo lính” tụi tui lại phải cắp “Ba lô” đến trường, đúng là chuyện ngược đời”.

 Sở dĩ tui có mặt ở trại này là do được anh Huỳnh, trung úy đại đội trưởng đại đội 3/665 ( Ba trên sáu sáu năm) cho tui theo học một khoá chuyên môn CC1 ( Xê xê một) Thiết trí khai thác dây của ngành truyền tin, vì sau một thời gian “lội bùn dơ, băng lau lách xuyên đêm” với cái máy truyền tin PRC 25 trên vai, thấy tui lanh lợi với gương mặt lính sữa, hơn nữa ảnh thấy tui sống cũng hòa đồng và tình nghĩa với anh em trong đơn vị, hôm nọ sau khi nhảy vô Bưng ông Thoàng lần thứ nhì bằng Trực thăng vận kết thúc, tui đang lơn tơn lội bộ trên Cây cầu Mỹ Thủy để về nơi đóng quân cách đó chừng cây số, vừa bước qua khỏi cây cầu đến cổng của Bộ chỉ huy Đại đội thì tui nghe tiếng Trung úy Huỳnh gọi tui giật ngược:

 -Hùng… Hùng nè vô đây anh biểu.

 Mình mẫy đang ướt át hôi hám bùn sình với cái máy PRC 25 trên lưng, nghe sếp kêu vô trình diện ổng làm tui không hiểu chuyện gì xãy ra với mình, không biết trong khi đàm thoại trên máy  lúc quân hành tui có nói điều gì mích lòng anh Huỳnh không, ổng kêu mình vô khiển trách điều gì?.

  Gặp anh Huỳnh trong sân cờ của Đại đội , tui giơ tay chào theo lễ nghi quân cách rồi đứng nghiêm chờ lệnh, anh Huỳnh miệng cười tay thì lắc vai tui, ảnh nói:

 – Thôi mai mốt khỏi cần vầy nữa Hùng ơi, anh với tụi em là huynh đệ chi binh, sống chết có nhau đâu cần kiểu cách cứng ngắc vậy đâu, khi nào tập họp tòan thể đại đội thì mới vầy.

 Rồi anh nói tiếp:

 – Hùng về tắm rửa thay đồ rồi mang ba lô về đây liền nha.

 Tui thắc mắc:

– Có gì gấp vậy trung úy:

-Anh cho Hùng đi học chuyên môn về truyền tin, sau này đỡ phải ra trực tiếp mặt trận, ngày mốt là nhập khóa rồi.

 Một chút ngỡ ngàng pha chút buồn vui lẫn lộn, ngỡ ngàng là tui được người chỉ huy chiếu cố cho cái đặc ân này, buồn vì sắp xa những người bạn thân thiết bấy lâu nay, từng cùng nhau dầm mưa những ngày đêm quân hành vất vả, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi khi có hữu sự, còn vui là chắc chắn ít ra tui cũng có vài tháng nơi phồn hoa đô hội, tạm xa rời ánh hỏa châu leo lét soi sáng nơi tiền đồn, tạm xa nanh vuốt của tử thần lúc nào cũng chực chờ lấy đi mạng sống của người chiến binh trên chiến địa, tạm xa hình ảnh đồng đội rên rỉ với vết thương loang máu nơi cái băng ca để chờ trực thăng tản thương, còn nhiều bất trắc nữa, tui thầm cảm ơn các đấng tối cao đã cho tui được cơ hội này.

 Trả lại cái máy truyền tin và khẩu M16 cho đơn vị, tui được cấp liền hai tháng lương dằn túi để có tiền nong tiêu xài trong những ngày học hành ở thành đô, khi sắp bước chân ra cổng rào của đại đội, tui cố thu lại những hình,ảnh thân thuộc này biết đâu khi học xong tui chẳng còn cơ hội quay lại, tiễn tui ra tận  cổng anh Huỳnh căn dặn tui đủ điều, ráng thu thập những kiến thức học được để sau này áp dụng vô thực tế  chiến trường khi cần, anh móc trong túi trao cho tui cái bao thư , anh nói với giọng đầy tình cảm thân thương:

 -Anh cho Hùng chút ít tiền để chi dụng, vì cần gì thì có tiền mà mua. 

 Anh đẫy tui ra khỏi cửa đồn một cách dứt khoác rồi anh quay lưng đi vô đồn ngay, hình như anh không muốn nấn ná với thằng em cùng quê với mình cho thêm phần bi lụy.

                        ***

  Doanh trại của Đại đội truyền tin nằm trong khuôn viên khá rộng, có hội trường, có nhà bàn nơi các khóa sinh ăn uống, có những dãy (sam) thoáng mát, trong đó những chiếc giường sắt, tủ quần áo cho mỗi khóa sinh thật đầy đủ.

 Đại đội trưởng đại đội truyền tin là Đại úy Bùi Xuân Thước, ông có vóc người nhỏ bé nhưng trắng trẻo như những chàng thư sinh, Đại úy Thước người xứ Huế tính tình hiền lành nho nhả, không bao giờ tui thấy ông giận dữ và la rầy thuộc cấp, vốn là phật tử ông ăn chay trường quanh năm, quản lý đám khóa sinh tụi tui là ông Thượng sỹ Thịnh người gốc miền Bắc cũng hiền lành không kém, vậy là đám khóa sinh tụi tui có phước vô cùng, vì không giống như những huấn luyện viên nơi các quân trường những ngày mới vô lính, mấy ” ông cố” này hở ra là phạt chắc muốn rèn cho đám tân binh thành những thanh thép nên họ phải hành xữ như vậy.

 Khóa học của tui có tên 4/71 cc1 gồm nhiều binh chủng trên vùng 3 chiến thuật gửi về tham dự, tổng số khóa sinh võn vẹn ba mươi mốt “mống” , có những anh chàng như Trung sỹ  Nguyễn văn Bộ, thuộc  Sư đoàn 18 bộ binh, Hạ sỹ nhất Lê văn Theo, sư đoàn 25 bộ binh, rồi Nhảy dù, Thủy Quân lục chiến, Pháo binh . V.v… 

 Anh Theo Sư đoàn 25 được bầu làm trưởng lớp vì anh lớn tuổi nhất, hơn nữa tính tình điềm đạm nên ai cũng có cảm tình. 

 Ngày đầu vô lớp ngồi học, Đại úy Thước bắt đầu cho buổi khai giảng, sau đó các sỹ quan và cán bộ huấn luyện viên của đại đội lần lượt lên lớp dạy cho chúng tôi, nào là môn điện học, vô tuyến, hữu tuyến, các loại máy truyền tin thông dụng xài trong quân đội thời bấy giờ, tui còn nhớ như in khi Thượng sỹ Thịnh dạy về các loại nút thắt sử dụng để nối dây điện thoại sao cho cứng cát, rồi ông giới thiệu cấu tạo của sợi dây điện thoại dã chiến, nào là gồm có bốn sợi đồng và ba sợi thép được kết hợp với nhau để dẫn điện tốt và đủ sức dẻo dai tránh bị đứt khi kéo dây, nó được bao bọc bởi hai lớp nhựa .V.v…

  Được chừng hai tuần khi khóa học bắt đầu, ngày thực hành ngoài thực địa cũng tới, ngày hôm đó tụi tui được báo thức sớm hơn mọi khi, thể dục rồi vệ sinh cá nhân xong cả đám xuống nhà bàn để ăn sáng  chuẩn bị cho buổi đi thực hành, trong khi ăn anh Bộ hỏi tui :

 – Anh nghe cái “Ti dô” mình vô quân trường Quang Trung để thực tập đó, vì trong đó mới có điều kiện để mình thực hành.

 Nghe vậy tui chán nản vô cùng, tui nói với anh Bộ:

.-Chèn ơi! Trong trại này rộng thấy mồ sao không cho thực tập ở đây có hơn không, đi xa vừa mệt vừa tốn kém.

 Không ngờ sếp nhỏ ( Thượng sỹ Thịnh) đứng sau lưng nghe rõ hai thằng tui bàn bạc như vậy, ông lên tiếng:

 – Hai cái ông này, đồn tầm bậy không thôi, chúng ta hôm nay vô Thảo cầm viên bên Thị nghè thực tập đó, thôi ăn nhanh đi cho kịp giờ.

 Nghe tin chính thức được vô Sở thú để thực tập, cả khóa học ai cũng mừng ra mặt, vì có ông chưa từng biết cái sở thú Sài gòn nó tròn méo như thế nào, riêng tui tuy đã từng được vô sở thú thời còn học tiểu học, thời đó thầy cô giáo dẫn học trò vô thăm sở thú rồi chụp ảnh lưu niệm tại Đền kỷ niệm trong đó, sau gần hơn chục năm nay mới có dịp quay lại nên tui cũng mừng thầm.

 Xe GMC chở cả đám khóa sinh tới sở thú, vì là đơn vị quân đội nên tụi tui không phải xuống xe, đến nơi thực hành là khu vực gần chuồng mấy con khỉ, bọn khỉ thấy đám lính thực tập kế bên chuồng thì chúng tụ tập ra coi, con thì kêu khọt khẹt, con thì ré lên inh ỏi để gây sự chú ý, con thì nhe răng gầm gừ hăm dọa.

 Những cuộn dây điện thoại dã chiến, những chiếc thang tre, những cây sào có ngoặc được tụi tui bày binh bố trận khắp nơi, rồi các máy tổng đài điện thoại hữu tuyến được lắp ráp mau chóng thành hệ thống liên lạc nội bộ như khi đóng quân.

 Ông Hạ sỹ Theo đang treo mình trên cái thang để nối lại dây, thình lình có hai cô nữ sinh đi ngang, thấy lạ lẫm hai cô ngó coi ông lính trên kia làm điều gì, tình cờ cây kiềm cắt dây rớt xuống, anh Theo vừa tuột xuống lượm lại, thì một cô nữ sinh nhanh tay lượm và trao cho anh Theo, anh cảm ơn rối rít rồi tiếp tục công việc, đám khỉ chuồng kế bên có con cũng bắt chước điệu bộ như anh Theo khiến cả đám cười rần lên, có đứa còn nói ghẹo:

 – Cha nội Theo này đong đưa giống y chang con khỉ trong chuồng phải không tụi bây.

 Anh Theo tức cành hông nhưng không làm gì được khi còn treo mình trên cao. Rồi lần lượt mỗi đứa phải thực hành một lần như yêu cầu của Thượng sỹ Thịnh đề ra, khi thực hành xong cũng còn nhiều thời gian, ông Thịnh cho đám khóa sinh được tự do vui chơi..

 Tụi tui tập hợp lại chụp ảnh kỷ niệm nơi cái đồng hồ hoa của sở thú, bổng đâu hai cô nữ sinh ban nãy ghé vô xin chụp chung để kỷ niệm với những người lính trận, anh Theo thấy vậy vội chen vô làm cục nhân giữa hai cô gái, Binh nhất Sang thuộc tiểu đoàn 63 pháo binh thấy vậy liền ghẹo:

.Ông Theo tham quá nha , sao không chia bớt cho tui một cô chụp hình cho vui.

 Hai cô gái e thẹn ửng hồng đôi má , vì nghe lời trêu hoa ghẹo nguyệt của thằng Sang .

Những lần thực tập tiếp theo trong sở thú, anh Theo đã làm quen với cô gái bán mía ghim, lần nào cũng vậy khi gặp nhau trong sở thú anh Theo mua mão hết số mía ghim kia để đãi cho toàn bộ anh em, lần này do được ăn mía ghim miễn phí nên tụi tui nín khe, không đưa nào lên tiếng trêu ghẹo cặp đôi này, không ngờ sau này cô Mía ghim lên xe hoa với anh chàng Sư đoàn 25 có số đào hoa kia. Trong đám cũng có một vài mối tình khác nhưng rồi khi tụi tui mãn khóa vê đơn vị thì những mối tình này cũng tan như làn khói mong manh.

 Khóa học sắp xong còn hơn một tuần thì Đại úy Thước tổ chức cho tụi tui thi tốt nghiệp. Hội trường ngày đó không khí im phăng phắc, Đại úy Thước làm chánh chủ khảo, ông ngồi trên cái bàn cao phía trên để nhìn bao quát, các huấn luyên viên phụ tá thì đứng vòng ngoài góp sức theo dõi thí sinh làm bài, tội nhất là Thượng sỹ Thịnh, ổng sợ “Mấy con gà” của mình làm bài không được nên ông cứ xà quần nơi mấy thí sinh mà ông cho là học kém, riêng tui thì thấy cái đề thật dễ vì tui học bài thật kỹ và thấu hiểu vấn đề nên tui làm dư thời gian ấn định, khi lên nộp bài tui thấy ông chánh chủ khảo cầm bài tui lên coi, ông gật gù ra chiều đắc ý, tui đoán có lẽ ông thích thú vì chữ viết tui khá đẹp, trình bày sạch sẽ nên ông vừa ý chăng.

 Trước ngày bế giảng khóa học, vài anh em khóa sinh nhận được thư của bạn bè trong đơn vị báo tin, người bạn thân của Trung sỹ Bộ đã anh dũng hy sinh ở chiến trường Long Khánh.

 Trung đội trưởng của Hạ sỹ nhất Theo đền nợ nước ở vùng Củ chi, tui thấy hai anh bạn cùng khóa học với mình thẩn thờ cả ngày khi nhận hung tin kia, anh em xúm lại an ủi tinh thần cho hai anh bớt buồn chờ ngày trở về đơn vị gốc.

                          ***

 Lễ mãn khóa tưng bừng khai mạc, hội trường trang trí đơn sơ nhưng trang nghiêm ấm cúng, cấp trên của Biệt khu thủ đô cũng đến tham dự và trao chứng chỉ cho khóa sinh, ai nấy rạng ngời niềm vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ và sắp trở về gặp lại các chiến hữu sau vài tháng ngắn ngủi .

 Đại úy Bùi xuân Thước sẽ  đọc tên Thủ khoa nên ai nấy  hồi hộp vô cùng, tui cũng có cái tham vọng mình được nằm đầu bảng trong danh sách này, nhưng khi ông xướng lên:

 – Hạ sỹ nhất Lê văn Theo.

 Tiếng vỗ tay vang cả hội trường, tui liếc nhìn thấy anh Theo hãnh diện ra mặt.

 Tiếp đến ông đọc tên tui đứng hạng hai, và thằng Sang tiểu đoàn 63 pháo binh chiếm hạng ba, ba đứa tụi tui được yêu cầu lên sân khấu để cấp trên của Biệt khu thủ đô trao chứng chỉ và số tiền tưởng thưởng. Ngập tràn hạnh phúc vì kết quả học hành thật tốt, tui đã không phụ lòng Trung úy Huỳnh người anh tinh thần đã chắp cho tui đôi cánh để được bay trong niềm vui hôm ấy, buổi tiệc chia tay khóa sinh được tổ chức ngay sau đó, trong khi đã ngà ngà say tui thấy Thượng sỹ Thịnh đến bên tui, ông cầm ly lade lên cụng ly với tui, khi nốc hết trăm phần trăm tui muốn ói tại chỗ nhưng cố kiềm lại được, do vui quá nên Thượng sỹ Thịnh cũng sắp quắc cần câu, tuy vậy ông kéo tui tới một góc nhỏ bên hội trường, ông nói:

 -Đáng lẽ Hùng mầy là thủ khoa của khóa học này, Đại úy Thước cũng nhận xét như vậy, nhưng phải cho anh Theo thủ khoa vì ảnh đã bỏ công ra nhiều cho anh em khóa này nên Đại đội quyết định như vậy đó, chú mầy cũng đừng buồn nhé.

 Từ khi nghe anh Theo là thủ khoa tui tự thắc mắc có lầm lẫn gì chăng, vì trong khi học tui giúp cho anh Theo rất nhiều bài mà anh không hiểu, vậy mà anh đậuThủ khoa khiến tui hơi buồn trong bụng, nhưng rồi tui thầm nghĩ ” Học tài thi phận” , vì ngày xưa các bậc tiền nhân của đất nước mình có nhiều người sở học uyên bác, vậy mà khi ra đến trường thi thì trượt dài dài nên cái buồn cũng thoáng qua mau với tui. Công bằng mà nói Đại úy Thước đã có quyết định đầy tình người không thể nào chê trách.

 Đã mấy mươi năm trôi qua, những bạn đồng môn của tui ngày xưa biết ai còn ai mất, Đại úy Thước và Thượng sỹ Thịnh nếu còn hiện tiền có nghe qua câu chuyện này thì xin cho tui cảm ơn thật nhiều, vì quý vị đã cho tụi tui tình cảm huynh đệ chi binh thật quý báu của ngày xưa thân ái đó.

          (Mùng 5 Tết con Mèo)

Xem thêm bài cùng Tác giả Hai Hùng SG:

– Thành Phố Buồn Tênh

Hồi Ký : Ngày cuối cùng ở Liên Đoàn 6.BĐQ

KHẨU SÚNG LẠ BÊN DÒNG SÔNG LẠI GIANG

Những Lần Chạm Mặt Tử Thần 

Cách Mạng Táo Quân