Tạp ghi của Phạm Quốc Nam
Lời tựa: “Bài viết ghi lại dấu ấn những trận chiến lịch sử vào mùa Xuân của VNCH, lý do tại sao Trung Cộng chiếm Hoàng Sa trước 1975, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam thập niên 70 là chiến lược sai lầm? Saigon ngày nay và thời sự nước Mỹ: Các thuyết ‘phê phán’ làm thay đổi nước Mỹ, nguyên nhân khủng hoảng năng lượng, biên giới mở, lạm phát và nguyên nhân Nga xâm lược Ukraine.”. Những tiêu đề trên được người viết trình bày ngắn gọn dưới đây:
Đông qua Xuân tới, từng đàn chim én chao lượn trên bầu trời mang thông điệp báo hiệu mùa Xuân đang đến. Hơi ấm của mùa Xuân lan tỏa khắp nơi, vạn vật như bừng tỉnh, muông loài chim nhảy nhót ca hót líu lo sau những đêm dài lạnh lẽo của mùa Đông. Không như mùa Hè chói chang ánh nắng oi bức, mùa Thu buồn với lá vàng rơi; Xuân đến tất cả cây cỏ, cành hoa đều khoác lên mình những chồi non xanh mơn mởn, lãng mạn như vành môi hé mở đợi chờ.
Không gian kỳ diệu của mùa Xuân khiến tâm hồn người ta bừng lên sự sống mới. Mùa Xuân còn là mùa của hy vọng và ước mơ của mọi người, mùa của sum họp, gia đình đoàn viên. Tô điểm cho cảnh đẹp mùa Xuân là những loài hoa sặc sỡ và đặc biệt không thể thiếu cành mai, bông đào, chậu cúc vàng. Những thứ đã trở thành biểu tượng đặc sắc nhất trong những ngày Tết.
Nàng Xuân đẹp và rộn ràng như thế! Nhưng trong cuộc chiến chống Cộng, người lính Việt nam Cộng hòa đang ở tiền đồn heo hút, hay ở biên cương xa xôi ngàn dậm hoặc bồng bềnh trên sóng biển đại dương mấy ai có hay mùa Xuân đang đến và hậu phương mấy ai có thấu hiểu người lính miền xa đang ghì chặt tay súng trực diện quân thù hay những người thủy thủ trên các chiến đỉnh ngày đêm chận địch sang sông hay trên chiến hạm vượt sóng ngăn thù từ biển khơi hay những chàng phi công đổ quân, yểm trợ hay truy đuổi quân thù hoặc can đảm đáp con chim sắt giữa lòng quân địch cứu người thương binh. Tất cả cũng vì họ muốn bảo vệ quê hương, bảo vệ nàng Xuân đến mang thanh bình cho mọi người, để cho gió Xuân len lỏi khắp nẻo đường góc phố, cho xóm làng nhà nhà yên vui đón mừng Xuân mới.
Ngược dòng thời gian, ôn lại lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của cha ông với biết bao chiến công chói lọi giành được vào mùa Xuân. Những chiến công đó đã làm nên những mùa Xuân lịch sử như mùa Xuân năm 40 Hai bà Trưng khởi nghĩa giành độc lập, mùa Xuân năm 939 Ngô Quyền xưng vương dựng lại nền độc lập sau hơn ngàn năm đất nước bị đô hộ giặc Tàu, Mùa xuân năm 1077 Lý Thường Kiệt chỉ huy đánh bại quân Tống trên sông Cầu (Bắc Ninh), mùa Xuân năm 1285 Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hai lần đánh bại quân Nguyên-Mông ở Vạn Kiếp (lần thứ nhất) và Bạch Đằng (lần thứ hai) và Đại thắng mùa Xuân 1789, Quang Trung – Nguyễn Huệ đánh tan 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh. Đó là những chiến công hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt.
Thời cận đại, trước cuộc xâm lược miền Nam của cộng sản Bắc Việt và tay sai Việt cộng, dân quân miền Nam đã tiếp nối truyền thống bất khuất chống ngoại xâm của cha ông đã anh dũng đập tan nhiều cuộc tấn công xâm lược của cộng quân. Quân lực Việt nam Cộng hòa đã chiến thắng các trận đánh lớn vào mùa Xuân như trận Ấp Bắc (mùa Xuân năm 1963), trận Bình Giả (đầu mùa Xuân 1964), trận Mậu Thân (đầu Xuân 1968), trận Hạ Lào (mùa Xuân 1971) và trận Quảng Trị (Mùa hè đỏ lửa, cuối mùa Xuân 1972).
Sau cuộc tổng tấn công của cộng quân vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, thanh niên miền Nam hàng hàng lớp lớp lên đường tòng quân chống giặc theo lệnh Tổng động viên. Họ tòng quân vì nhiều ước mơ: ước mơ tự do, ước mơ độc lập, ước mơ đời sống văn minh, ấm no hạnh phúc và không cộng sản. Từ đó, người lính VNCH đã chiến đấu kiên cường, bất khuất để thực hiện những ước mơ chính đáng đó. Nhưng không may cho họ, vận nước đổi thay không cho phép họ hoàn thành sứ mạng mà họ mong muốn. Ngược lại cộng sản miền Bắc chỉ có độc nhất một mong muốn, đó là xâm lược miền Nam bằng mọi giá vì mưu đồ bành trướng chủ nghĩa cộng sản. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn đã từng nói huỵch toẹt: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa anh em”.
Mùa Xuân 1971 giải vô địch bóng bàn quốc tế được tổ chức ở Nagoya, Nhật Bản; cuộc tỉ thí giữa cầu thủ Glenn Cowan (Hoa Kỳ) và Zhuhang Zedong (Trung Cộng) mở ra thời đại ‘Ngoại giao bóng bàn’, đánh dấu sự thành công của ‘nhà ngoại giao con thoi’ Henry Kissinger (Mỹ) với Thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai từ năm 1969 làm ấm lên quan hệ Mỹ -Trung, mở đường cho chuyến thăm tới Bắc Kinh năm 1972 của Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Sau đó chính phủ Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài 20 năm chống Trung Hoa Cộng sản thời Mao Trạch Đông.
Mùa Xuân năm 1973 Mỹ phản bội miền Nam qua Hiệp Định Paris bỏ lại phía sau quân lực VNCH vốn đang là một quân đội còn non trẻ đơn độc chiến đấu trong tuyệt vọng, cạn kiệt phương tiện chiến đấu, không quân viện phải đương đầu với khối cộng sản phương Bắc đang mở đường tấn công xâm lược xuống miền Nam và Việt cộng gia tăng phá hoại từ bên ngoài và nằm vùng bên trong chính quyền miền Nam, các đảng phái, tôn giáo bị Việt cộng lợi dụng, đối lập quấy rối, các tướng lãnh bất tài tham nhũng, chia rẽ, tranh quyền làm cho chính quyền miền Nam hỗn loạn và suy yếu hơn bao giờ hết. Tuy trong bối cảnh xã hội, chính trị miền Nam rối ren nhưng quân lực VNCH vẫn đứng vững kiên cường chống giặc…
Đầu mùa Xuân 1974, ngoài biển dân quân PLA Trung cộng khiêu khích hải quân VNCH châm ngòi trận hải chiến Hoàng Sa trưa ngày 19 tháng Giêng năm 1974 nhằm thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ. Sau 30 phút hải chiến ác liệt, không thấy Hàng không mẫu hạm Enterprice của Mỹ gần Hoàng Sa can thiệp, Trung cộng xua hạm đội hùng hậu gấp nhiều lần hải lực VNCH gồm hải, lục, không quân từ căn cứ Hải Nam tiến xuống Biển Đông chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa trưa ngày 20 tháng Giêng năm 1974. Lý do Trung cộng chiếm Hoàng Sa trước khi cộng sản Bắc Việt chiếm miền Nam vì Bắc Kinh lo ngại csVN sau khi chiếm miền Nam, chúng sẽ nhờ Liên Xô trấn giữ Hoàng Sa và như vậy Trung Cộng sẽ khó lòng tiến xuống Biển Đông sau này. (Từ năm 1969 quan hệ Mỹ -Trung ấm lên, Trung Cộng rút quân và ngưng tài trợ cho Bắc Việt. Liên Xô thay thế Trung Cộng trở thành nước tài trợ lớn nhất về kinh tế và quân sự cho CS Bắc Việt).
Trong đất liền, chiến dịch mùa Xuân 1975 cộng sản Bắc Việt tấn công vào Tây Nguyên, đánh cướp Huế – Đà Nẳng và chiến dịch Hồ chí Minh chiếm Saigon. Trước cuộc tổng tấn công của cộng sản quân lực VNCH từ rút quân khỏi Vùng I, đến Vùng II và cuối cùng Saigon thất thủ sau tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975, kết thúc cuộc chiến hơn 20 năm vào mùa Xuân 75. Miền Nam bị bức tử, người lính cộng hòa buông súng bất đắc dĩ, nhiều tướng tá, binh sĩ uất ức tuẫn tiết. Cuộc chiến Việt nam kết thúc mở đầu cuộc khổ nạn cộng sản của người dân miền Nam.
Mùa Xuân Ất Mão 75, ngày 30 tháng Tư ghi lại thời khắc có lẽ đối với những người miền Nam, nhất là những người bỏ nước ra đi, một sự kiện không hề làm họ phai nhòa cảm xúc hay nhàm chán suy tưởng đến cái thời khắc đã ghi dấu ấn đau thương mất mát của một sự kiện gọi là ‘lịch sử’, một sự kiện đau lòng nhức nhói khó phai mờ cho dù thời gian có xóa đi ký ức.
***
Nói về hắn, giữa năm 1969 theo tiếng gọi non sông và sức quyến rũ của biển cả, hắn rời giảng đường đại học tình nguyện vào quân chủng hải quân vừa đúng 20 tuổi. Trở thành lính biển, mùa Xuân năm 1970 là mùa Xuân đầu tiên hắn xa nhà, xa Saigon, xa cả người yêu mới quen. Tiếp nối những mùa Xuân sau hắn biền biệt tại chân trời góc biển, lúc ở hải đảo, khi trên chiến đỉnh tuần duyên, lúc xuống chiến hạm tuần dương.
Giữa tháng Tư năm 1975 Bộ tư lịnh Hạm đội chỉ định hắn chỉ huy Tuần duyên hạm Trường Sa HQ-611 thay thế hạm trưởng vắng mặt. Theo lệnh ‘mật’ của Tư lịnh Hạm đội, chiến hạm của hắn đã sẵn sàng để di tản ra Côn Sơn. Đêm 29/4 hạm đội di tản, một biến cố xảy đến cho HQ-611 khi hắn trên đường về nhà mang gia đình xuống chiến hạm di tản thì tại bến Bạch Đằng HQ-611 của hắn bị một nhóm lính vũ trang tràn xuống cướp tàu ra đi nhưng không may cho họ chiến hạm vô nước và chìm trên đường ra biển (Nhân viên đến nhà báo tin). Không mang được tàu theo hạm đội di tản, hắn ở lại Việt nam cùng chung số phận của hàng trăm ngàn sĩ quan, công chức miền Nam đi tù cộng sản.
Đầu mùa Xuân năm 1983, hắn ra tù, vài tháng sau hắn nhận làm tài công cho một chiếc ghe vượt biên với 89 thuyền nhân. Sau 2 ngày đêm hải hành và một đêm neo ghe tại hải phận quốc tế để dưỡng sức, dưỡng máy và tát nước ngập lườn ghe. Hừng sáng sớm hôm sau hắn cho nhổ neo và tiếp tục đi về hướng Nam. Trời trong xanh, gió yên sóng lặng, nhiều đàn cá heo bơi dọc theo ghe, có lúc chúng nhảy múa trước đầu ghe như báo trước điềm lành. Qủa thật may mắn đã đến với 89 thuyền nhân! Vào giữa trưa ghe được một tàu chở khí đốt khổng lồ của Mỹ mang hiệu LNG Aquarius đi ngược chiều từ Sigapore về Nhật Bản cứu vớt gần phía Bắc đảo Nam Dương. Sau khi chuyển tất cả thuyền nhân lên tàu Mỹ bằng thang dây, hắn ở lại giúp một thủy thủ người Mỹ đụt một lổ lớn dưới lườn cho ghe chìm là lý do Cao ủy tỵ nạn LHQ chấp thuận cho tàu Mỹ vớt. Đứng trên boong tàu Mỹ cao ngất, hắn nhìn chiếc ghe nhỏ bé trôi ra xa và chìm dần vào giữa đại dương mà lòng bùi ngùi thương chiếc ghe nhỏ bé đã cưu mang 89 thuyền nhân hai ngày ba đêm vượt biển. Sau đó 89 thuyền nhân theo trên tàu Mỹ suốt bảy ngày đêm để đến Nhật Bản tạm cư. Đầu mùa Xuân năm 1986 gia đình hắn rời Nhật Bản đến Phi luật Tân (trại Bataan) và sau đó định cư tại Hoa Kỳ vào mùa Hè năm 1986.
Xa quê hương, nhớ nhà, nhớ Saigon thỉnh thoảng hắn tìm lại hình ảnh Saigon qua youtube. Nhưng buồn thay! Hắn không còn tìm lại được hình ảnh Saigon trước 1975 trên màn hình. Thay vào đó, ngày nay với những công trình xây cất, đường phố, những tòa nhà đồ sộ cao ngất do nước ngoài tài trợ hoặc các đại thương gia, các công ty ngoại quốc dựng lên làm thay đổi bộ mặt của Saigon và những thành phố hào nhoáng khác như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng.
Saigon vẫn tấp nập người xe chen chúc mưu sinh từng ngày. Có khác Saigon trước 1975, Saigon ngày nay đầy những quán cơm từ thiện nuôi ăn cho những kẻ khốn cùng bất hạnh lang thang trên đường phố, những nhà từ thiện đi khắp nơi dựng nhà, giúp đỡ những gia đình khốn cùng mà dòng tiền đến từ các nhà hảo tâm trong nước và người Việt hải ngoại; lẽ ra đó là việc làm của nhà cầm quyền. Những cảnh tượng thương tâm, những mảnh đời rách nát lang thang khắp góc đường khu phố mà trước kia Saigon không hề thấy. Chẳng lẽ đó là biểu tượng của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam!.
Saigon ngày xưa từng là hòn ngọc viễn đông, ngày nay trở thành thành phố phồn vinh giả tạo. Đau lòng thay! Khi hắn thấy ngày nay người dân Saigon đón Tết với quang cảnh choáng ngợp sắc màu như đang đi lạc vào khu phố Tàu bên Thượng Hải hay Quảng Đông Trung Quốc; chẳng lẽ nước Việt bị Tàu đồng hóa nhanh như thế!.
Đến Hoa Kỳ hắn tìm đọc tài liệu chiến tranh Việt Nam và ngỡ ra rằng chẳng những Hiệp định Paris mùa Xuân 1973 [Mỹ] bỏ rơi miền Nam, [Mỹ’] còn bôi nhọ 58 ngàn lính Mỹ tử vong và trên 300 ngàn lính Mỹ bị thương trên chiến trường Việt nam và [Mỹ] bôi bẩn các cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam khi trở về nước. Thập niên 50, 60, 70 truyền thông có giới hạn nên thế giới không thấy hết sự tàn ác của cộng sản và sự vô tâm của những con buôn chính trị. Ngày nay các nhà bình luận đánh giá Mỹ rút quân ở Việt Nam thập niên 70 hoàn toàn sai lầm về chiến lược, chẳng những không lôi kéo được ĐCSTQ về phía Tự do và dân chủ hóa nước Tàu, ngược lại ngày nay Trung Cộng có nền kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới, còn muốn vượt qua Mỹ về kinh tế, quân sự và ĐCSTQ luôn tìm cách hủy hoại nước Mỹ từ bên trong để vượt qua Mỹ, thống trị toàn cầu.
Đi xa hơn chính quyền Mỹ còn bị khuynh đảo bởi nhiều thế lực như nhà nước ngầm, quyền lực mềm, toàn cầu hóa, trật tự thế giới mới, những người theo chủ nghĩa ‘thức tỉnh’ hay ‘phê phán’, giới ‘tinh hoa’ đầy quyền lực, giới truyền thông thiên tả và các đại công ty.
Giữa năm 2020 Đảng Dân chủ ‘cấp tiến’ hay ‘cực tả’ thúc đẩy chủ nghĩa ‘phê phán chủng tộc’ qua phong trào ‘qùy gối’ trước cái chết của người Mỹ da đen George Floyd ở Minneapolis tháng 5/2020 và cổ vũ những chiến binh đường phố Black live matter (BLM) và Antifa đốt cờ Mỹ, đập phá nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ. Hành động của họ có mục đích muốn xóa bỏ lịch sử và hủy hoại di sản của nước Mỹ đã làm lung lay giá trị cốt lõi lập quốc của các Tổ phụ Hoa Kỳ; những giá trị mà nhiều quốc gia trên thế giới ngưỡng mộ, noi theo.
Tỷ phú Alon Musk, người giàu nhất trên trái đất, chủ của công ty xe điện Tesla và SpaceX vừa mua lại Twitter, trước kia ông ủng hộ Đảng Dân Chủ nhưng ngày nay ông rời bỏ họ, ông cho rằng Đảng Dân Chủ ngày nay đi qúa xa, không còn là Dân Chủ ngày xưa và mới đây ngày 25 tháng 11 ông đã báo động về mối đe dọa do các hệ tư tưởng ‘thức tỉnh’ gây ra đối với nền văn minh nhân loại, ông nói: “Virus tâm trí thức tỉnh đã xâm nhập triệt để vào ngành giải trí và đang đẩy nền văn minh đến chỗ tự sát.”.
Nước Mỹ đang đối mặt khủng hoảng năng lượng, lạm phát phi mã và biên giới phía Nam khủng hoảng nghiêm trọng. Mỹ còn là nước đứng đầu tài trợ lớn nhất cho Ukraine để bảo vệ quốc gia này trước sự xâm lược của Nga.
Nước Mỹ đang lạm phát cao kỷ lục sau hơn 40 năm do chính quyền ông Biden chi tiêu qúa lớn, về cơ bản đã thực thi các nội dung then chốt cho cuộc ‘cách mạng xanh’ (Green New Deal) mà ông Biden gọi là xây dựng hạ tầng cơ sở đã nâng nợ trần Quốc gia lên đến 31 ngàn tỷ đô la, con số cao kỷ lục trong lịch sử. Đại dịch COVID đóng cửa kinh tế và khủng hoảng năng lượng dẫn đến kinh tế chậm lại, thiếu hụt công nhân là một yếu tố đẩy lạm phát lên, tăng chi phí lao động và gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi xuất giảm lạm phát làm cho đời sống người Mỹ càng chật vật khó khăn hơn.
Nước Mỹ vốn độc lập về năng lượng, là quốc gia sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới nhưng vì chính sách ‘biến đổi khí hậu’ của chính quyền Biden, các lệnh hành pháp đóng cửa ngành sản xuất dầu trong nước như ngưng dự án đường dẫn dầu Bắc Mỹ (Keystone XL) và thu hồi giấy phép khai thác dầu ở Vịnh Mexico ngoài khơi Freeport Texas, làm cho nước Mỹ mất độc lập năng lượng, phải đi mua dầu từ Iran, Venezuela, Á Rập Saudi với giá cao và còn bị kẻ thù đe dọa. Nguy hiểm hơn khi ông Biden cho bán dầu ra thị trường từ kho dầu chiến lược SPR khẩn cấp của Cục Dự trữ Dầu quốc gia để hạ nhiệt giá dầu.
Lợi dụng nước Mỹ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng toàn diện, Nga đã phát động xâm lược Ukraine. Nga vốn có khuynh hướng tái lập đế chế củ là chính sách hiện nay của Điện Kremlin; Nga có âm mưu chiếm Ukraine từ lâu vì tác nhân lịch sử và địa lý hay nói chính xác là bởi áp lực địa chính trị, trật tự thế giới mới và lợi ích của nước Nga. Ba nước Nga, Ukraine và Belarus vốn chung một cội nguồn dân tộc người Rus (người Nga cổ hay Quốc gia liên minh Kievan Rus, nước Nga Kiev) có thủ đô tại Kyiv (thủ đô của Ukraine ngày nay), sau dời về Moscow (thủ đô nước Nga hiện tại). Dựa trên lịch sử người Rus, Nga xem Ukraine như là một phần lãnh thổ của mình và cho rằng Ukraine gia nhập NATO sẽ là mối nguy hiểm cho Nga về an ninh lãnh thổ, nguy hại đến kinh tế và văn hóa, điều mà ông Putin không muốn. Nước Mỹ và phương Tây đang suy yếu vì đại dịch và khủng hoảng năng lượng là cơ hội cho Nga giải tỏa ‘áp lực địa chính trị’, Nga viện dẫn điều 1(2) về quyền dân tộc tự quyết của Luật pháp quốc tế, lỗ hỏng của điều 2(4) trong Hiến chương Liên Hợp Quốc do Mỹ đứng đầu (chia cắt và ngăn chặn sự hồi sinh của nước Nga củ), đồng thời Nga lấy cớ Hoa Kỳ và NATO khước từ bản đề nghị an ninh 8 điểm của Nga vào tháng 12 năm 2021, trong đó nội dung chính yếu là Nga yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine và các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập vào tổ chức. Đây là nguyên nhân trực tiếp Nga phát động chiến tranh xâm lược Ukraine. Nga đang sa lầy cuộc chiến bởi ‘chiến tranh ủy nhiệm’ từ phía Hoa Kỳ và Châu Âu dẫn đến việc Nga có thể sử dụng ‘bom năng lượng’, Nga tin rằng kích hoạt một quả bom giá dầu vào mùa Đông sẽ chia rẽ được phương Tây và Ukraine, điều mà Hoa Kỳ và NATO lo ngại. Hôm thứ Ba (29/11) Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tái khẳng định cam kết Ukraine sẽ trở thành thành viên trong tương lai. Tuyên bố này của NATO như thêm dầu vào lửa sẽ đưa cuộc chiến đến khốc liệt hơn và kéo dài hơn nữa; Nước Mỹ sẽ còn mệt mỏi và người dân Mỹ còn gánh nặng tiền thuế nhiều hơn cho cuộc chiến này.
Biên giới phía Nam nước Mỹ đang khủng hoảng nghiêm trọng. Hai năm qua gần 5 triệu người xâm nhập bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Kết quả thật thảm khốc đối với nước Mỹ: Tỷ lệ tội phạm tăng vọt (bao gồm buôn bán ma túy, buôn người và các băng đảng bạo lực); chi phí dịch vụ xã hội cho người vượt biên giới cao ngất ngưởng càng tạo gánh nặng cho những người Mỹ đóng thuế và hàng trăm nghìn ca tử vong do độc dược fentanyl mỗi năm.
Một trong những hậu quả tồi tệ nhất tại biên giới là sự bùng nổ lượng fentanyl và các loại ma túy gây tử vong khác như cocaine và heroin tuồn vào Hoa Kỳ. Các tiền hóa chất cho nhiều loại ma túy này có nguồn phát xuất từ Trung Cộng. Fentanyl đang tràn lan khắp nước Mỹ từ bờ Đông sang bờ Tây như một đại dịch.
Qua bầu cử giữa kỳ ngày 8 tháng 11 Cộng Hòa giành chiến thắng tại Hạ Viện với tỷ số qúa sít sao, chưa kể Cộng Hòa không ít người mang danh Cộng Hòa nhưng lòng Dân Chủ (Reno); như vậy không biết Cộng Hòa có thực hiện được những nghị trình của mình hay không?
Cũng không hiểu ông Biden mở cửa biên giới vì nhân đạo hay gia tăng dân số hoặc vì tìm lực lượng lao động giá rẻ hay vì khởi đầu thực hiện ‘liên minh Bắc Mỹ’, một ý tưởng toàn cầu hóa có từ năm 1990, xóa bỏ biên giới giữa ba nước Canada, Mỹ và Mễ như các nước Châu Âu.
Từ năm 2020 thuyết ‘phê phán’ xuất hiện. Đáng lưu ý là Thuyết chủng tộc phê phán (Critical Race Theory – CRT) và Đa dạng, Công bằng & Hòa nhập (Diversity – Equity – Inclusion – DEI). Các thuyết này nhận được sự ủng hộ trong toàn chính phủ liên bang. Mục đích của CRT và DEI là sử dụng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc để xóa sổ tận gốc những giá trị lâu đời của nước Mỹ, từ lịch sử đến văn hóa, xã hội, giới tính, tôn giáo và xóa bỏ cả chủ nghĩa Tư bản đang tạo ra sự hỗn loạn kinh tế, xáo trộn an ninh xã hội, đảo lộn đạo đức và đối nghịch tư duy.
Các thuyết phê phán xuất hiện tạo nên hình thái của một nước Mỹ bị phân cực, gây chia rẽ và hận thù sâu sắc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ: Người Cộng Hòa bảo thủ dán nhãn Dân Chủ cấp tiến đang phá hũy nước Mỹ bởi cách mạng xã hội chủ nghĩa và cáo buộc ngành Tư pháp, FBI bị chính trị và vũ khí hóa; Ngược lại Dân chủ cho rằng Cộng Hòa bảo tồn truyền thống là cực đoan, bán phát xít (Semi-fascist) và MAGA, những người theo chủ nghĩa Trump (Nước Mỹ trên hết) phá hoại nền Dân chủ nước Mỹ.
Vậy thì phía nào đang nói dối? Về truyền thông, mạng xã hội, bên nói thật thường hoan nghênh sự đối chất, tranh luận; ngược lại bên kiểm duyệt, bịt miệng, hâm dọa, đình chỉ hay cắt tài khỏa người dùng là bên nói dối.
Chính quyền ông Biden đi sai hướng hay có định hướng với nghị trình ‘green new deal’ là quốc sách xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn?Thực tế nước Mỹ đang chao đảo, hỗn loạn, khủng hoảng chính trị, năng lượng, kinh tế và xã hội. Người dân như những con chuộc trong phòng thí nghiệm của các nghị trình, chính sách từ những người làm chính trị.
Nhưng dù sao, hắn cũng cám ơn nước Mỹ; hơn 36 năm đã cưu mang gia đình hắn được sống trên đất nước tự do, không cộng sản, bình đẳng, nhân bản và bản thân hắn thoát khỏi sự trả thù, trù dập của kẻ thù, cộng sản Việt Nam.
Nước Mỹ đang ảm đạm, không gian u ám bao trùm. Hắn cảm tưởng như đang cư trú trên một nước nào khác không phải là nước Mỹ, nơi vùng đất hứa với giấc mơ Mỹ tuyệt vời. Tuy nhiên hắn còn một hy vọng, tin tưởng ngày mai trời sẽ sáng, mùa Xuân lại về trên đất Mỹ vì trong qúa khứ người dân Mỹ đã từng vượt qua khó khăn như thời điểm hiện nay dưới thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt và Jimmy Carter.
.
Mùa Xuân 2023
Phạm Quốc Nam
Bài đăng trong Đặc san Báo Xuân Quý Mão 2023 Oregon