Chuyện Tình Người Vượt Biển Mồ Côi

“Người ta vượt biển có đôi

Còn tôi vượt biển mồ côi một mình.”

Đây là câu chuyện bình thường của những đàn ông, đàn bà phải đem con qua biển Đông để tìm kiếm tự do cho mình và con cái. Họ là những người đi biển mồ côi một mình. Những tình duyên tạm bợ, lâu dài của họ trên đường đi thôi thì tùm lum tà la, thiên hình vạn trạng. Có cái mẫu số chung là họ tìm đến nhau vì họ cô đơn quá, họ thèm sống quá, sau khi đã vượt qua những hiểm nguy, căng thẳng trên mặt biển. Khi được may mắn sống sót, đặt chân lên hòn đảo hồi sinh, họ lại phải tiếp tục đối phó với cuộc sống mới, lại phải trải qua những thủ tục để được nhận đi định cư.

Phần lớn thuyền nhân đặt chân chân lên hòn đảo “buồn đau, bi đát” Bidong đều được nghe qua một lần các câu nói: “Tình Bidong có list là dông!” và “Tình Sungei Besi có list là đi!” ngụ ý trách móc những tình duyên tạm bợ, những tình nhân phụ bạc. Nói nào ngay họ cũng không có gì đáng trách; bởi vì, ở đâu thì cũng là cuộc sống và con người. Câu chuyện tình sau đây tôi là người được chứng kiến từ đầu tới cuối: một chuyện tình rất đẹp, rất người!

Khi tới Bidong, tôi ở longhouse thuộc khu F. Ở kế nhà người đàn bà có bốn đứa con, chồng bị chặt đầu đạp xuống biển trong chuyến vượt biển mà hải tặc đã giết một loạt bốn chục người đàn ông, chỉ còn một người đàn ông duy nhất sống sót. Người đàn bà nhan sắc trung bình, khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi. Lúc mới tới đảo, tôi lấy làm lạ là những người chung quanh không ai chịu giao thiệp với cô ta. Mọi người đều nhìn người đàn bà với cái nhìn khinh bỉ. Một hôm có chuyện gây gổ giữa những đứa trẻ, một người đàn bà khác ở cách tôi mấy căn nhà, ra đường đứng chống nạnh chửi đổng:

“Tao đã dặn bọn bây đừng có chơi với con cái của cái thứ ‘Chồng chết chưa kịp để tang/Cái l. nhép nhép như mang cá kìm,’ mà bọn bây hổng nghe.”

Người đàn bà bị chửi chỉ im lặng dẫn mấy đứa con vào nhà. Một lúc sau tình cờ nhìn qua, tôi thấy cô ta vừa cho con bú vừa khóc ở căn gác lửng. Nhìn thấy tôi, cô ta lấy ống quần lau vội nước mắt, nói bâng quơ:

“Mấy con quỷ gì nó bay vô mắt khó chịu quá.”

Đâu khoảng một tháng sau, một buổi sáng, bỗng nhiên người đàn bà ẳm con, đi theo sau ba đứa nhỏ và một người đàn bà người Pháp đến tìm tôi. Tôi ngạc nhiên khi người đàn bà Pháp đưa tay bắt tay tôi và tự xưng là người phụ trách trường Pháp văn ở đảo Bidong. Bà Cibelle mời tôi phụ trách lớp Pháp văn vỡ lòng cho người tỵ nạn. Tôi chưa kịp hết ngạc nhiên thì bà nói tiếp là bà biết tôi biết Pháp văn vì Hoa (tên người đàn bà) giới thiệu. Tôi nhận lời bà Cibelle nhưng tôi cũng nói cho bà biết là có thể tôi không làm tròn được việc bà mong muốn là dạy cái lớp vỡ lòng cho đến mãn khóa vì có thể tôi sẽ có danh sách chuyển trại về đất liền sớm vì tôi đã được phái đoàn Mỹ mở hồ sơ. Bà mời tôi điếu thuốc Gaulois, mỉm cười rất tươi:

“Không sao, được ông giúp là tốt rồi.”

Tôi hút một hơi thuốc, nói:

“Bà làm tôi ngượng. Đó là bổn phận của chúng tôi.”

Sau khi tiễn bà Cibelle ra về, Hoa sang nhà tôi nói:

“Anh hai đừng có giận em vì cái chiện em giới thiệu là anh hai biết tiếng Tây với bà Xi-ben.”

Tôi bắt tức cười:

“Nhưng mà sao cô lại biết tôi biết tiếng Tây mà giới thiệu?”

Hoa bẽn lẽn:

“Thì em cũng đoán vậy thôi. Sĩ quan mà ông nào hổng biết tiếng Tây, tiếng Mỹ.”

Người đàn bà ngập ngừng, kế nói tiếp với vẽ bẽn lẽn:

“Anh Bé hồi trước ở đây ảnh nói cho em biết chiện đó.”

Tôi càng ngạc nhiên:

“Anh Bé là ai vậy?”

Người đàn bà ngập ngừng, nhìn tôi:

“Trước ảnh cũng ở nhà anh hai ở. Ảnh vừa đi qua “Bi-xi” (Sungei Besi) ở “Ku-la bua” (Kuala Lumpur) gì đó chờ đi định cư thì anh hai tới đó. Anh Bé trước ảnh là trung sĩ.”

Nói tới đây bỗng nhiên người đàn bà ôm mặt khóc. Tôi hoảng quá không biết việc gì. Người đàn bà ngồi trên bộ ván, hai chân thòng xuống đất khóc mùi mẫn. Đứa con nhỏ không biết chuyện gì cũng khóc theo. Mấy đứa con đang chơi ngoài sân nghe mẹ khóc chạy vô lỏ mắt ngó. Tôi đi qua, đi lại bần thần:

“Có chuyện gì thì cô cứ từ từ mà nói. Có cái gì đâu khi không khóc bù lu, bù loa. Ở ngoài người ta không biết người ta lại tưởng tôi làm cái gì bậy bạ với cô, người ta chạy lên báo với văn phòng trại là kẹt cho tôi lắm.”

Người đàn bà lấy tay áo lau nước mắt, đưa đứa con nhỏ cho con chị bồng, nói: “Má cho tiền mấy đứa đi mua bánh cho em ăn. Để má nói chuyện với cậu hai.”

Tôi tá hỏa không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Người đàn bà đôi mắt đỏ hoe, nhưng giọng nói ráo hoảnh:

“Anh hai biết hôn: Hồi lúc mới lên đảo em đâu có biết cái gì đâu. Chồng em hồi ở Việt Nam làm nghề biển. Đâu có diện gì để đi cái gì định cư đó. Năm mẹ con đâu có biết làm sao mà sống. Cơm Cao Ủy anh hai biết đó. Mình người lớn đói khát mình còn chịu được , chớ con nít làm sao được. Anh hai biết, mấy đứa con em nó thấy con nít người ta ăn thì nó đòi. Chồng chết, tứ cố vô phương (có lẽ người đàn bà muốn nói tứ cố vô thân?), lúc đó em mới cặp với anh Bé. Đùng một cái ảnh đi trước mới là kẹt cho em. Nói nào ngay ảnh cũng thương em, ảnh mới biên cho em cái thơ, gởi cho mẹ con em năm chục đô. Anh hai biết, đâu có phải em thèm muốn gì cái chiện ăn nằm. Nhưng mà ảnh tốt quá, ảnh giúp đỡ mẹ con em đủ thứ, ảnh mua bánh trái cho mấy đứa nhỏ, mỗi ngày ảnh mua thêm rau rác về để mẹ con em nấu cơm. Ảnh nói ảnh đồng ý bảo bọc mẹ con em, coi mấy đứa con của em cũng như con ruột của ảnh nếu em ưng ảnh. Anh hai biết, em cũng suy nghĩ lắm chớ. Mình là con người chớ đâu có phải con thú. Qua cái cách ăn ở của ảnh thì em thấy ảnh thương mẹ con em thiệt lòng, cho nên tới lúc ảnh muốn “ăn nằm” với em thì em cũng chịu. Anh hai biết, lúc ảnh Bé ảnh “thương” em, em nhớ tới chồng em mà em rớt nước mắt. Vợ chồng nghèo khổ có nhau, ăn mắm mút giòi có nhau mà tới chừng đi vượt biển thì chỉ còn có năm mẹ con em sống sót. Tự dưng ở nơi lạ nước, lạ cái này lại có người chịu bảo bọc mẹ con em, mà em lại thấy ảnh là người thiệt tình.

Vậy mà người ta cũng chửi rủa em là con ngựa bà trời, chồng chết chưa mãn tang đã đi lấy trai.”

Người đàn bà nói rành rẽ một hơi, đưa mắt buồn bã nhìn tôi. Tôi hỏi:

“Sao lúc người ta chửi oan cô, cô không giải thích, cắt nghĩa cho người ta?”

Người đàn bà lắc đầu:

“Rõ ràng em ăn nằm với anh Bé là tầm bậy quá rồi, còn chối chạy cái nỗi gì; rành rành ra đó, da thịt của chồng em chưa chắc là cá đã rỉa sạch. Người ta chửi em là đúng quá rồi, chớ còn chối chạy cái nỗi gì, anh hai.”

Người đàn bà ngừng nói, nhìn tôi có vẻ bẽn lẽn:

“Nói nào ngay người ta chửi em là con ngựa bà trời cũng là đáng đời. Hổng phải anh Bé ảnh đòi “ăn nằm” với em hoài đâu. Chỉ mấy lần đầu thôi. Sau này lần nào cũng là do em đòi. Làm như ăn quen, nhịn hổng quen. Bởi vậy em mới phải ngậm miệng khi bị người ta chửi bóng, chửi gió. Anh hai biết, anh Bé ảnh cũng thiệt tình lắm. Ảnh nói với em: ‘Mình cứ như vầy hoài lỡ Hoa có bầu rồi làm sao. Anh sợ là sợ cái chuyện đi định cư của mấy mẹ con em.’ Anh hai biết ảnh trung sĩ vậy chớ ảnh cũng hổng rành ba cái chuyện “ăn nằm” này. Em nhờ cái cô làm ở Ban Xã Hội ở chung nhà, cổ chỉ cho em, em đi xin thuốc sốt rét dìa em uống. Uống thuốc này vô rồi cứ việc ăn nằm líp lơ, hổng sợ bầu bì chửa đẻ gì hết.”

Người đàn bà có vẻ bẽn lẽn liếc nhìn tôi rồi nói tiếp:

“Anh hai biết, lúc trước anh hai chưa tới đảo, em ẩu tả lắm. Em với anh Bé đi tắm, tụi em “ăn nằm” với nhau ở dưới biển, ở trong kẹt đá, ở đâu kín kín là có tụi em.”

Tôi nhìn người đàn bà. Hết ý kiến!

Một lúc sau, người đàn bà lại nói:

“Em muốn hỏi ý anh hai một chiện: Bà Xi-ben bả nói nếu em chịu đi học cái lớp tiếng Tây thì bả sẽ tìm người bảo trợ cho mấy mẹ con em đi Tây. Em thì em hổng muốn đi Tây.”

Tôi ngạc nhiên:

“Được đi định cư mà không muốn là làm sao?”

Người đàn bà nhìn tôi:

“Chớ anh hai hổng biết ở bên Tây cũng có Việt Cộng sao mà anh hai hỏi em là muốn với hổng muốn.. Mình đã sợ Việt Cộng thấy mồ, thấy tổ mình mới phải vượt biển. Mấy chục chị em tụi em chồng bị hải tặc chặt đầu đạp xuống biển, còn tụi em thì bị mấy chục thằng ăn cướp nó đè nó hãm chết lên, chết xuống, giờ lại đi qua cái chỗ có Việt Cộng nữa thì cũng như không. Anh hai là người có ăn học mà anh hai hổng biết cái chiện đó sao?”

Tôi nhìn gương mặt có vẻ giận dữ của người đàn bà lúc nói. Tự dưng tôi thấy người đàn bà đẹp lạ lùng. Niềm kiêu hãnh tự phụ long lanh trong đôi mắt vẫn đăm đăm nhìn tôi. Tôi cười:

“Ai nói với cô mà cô biết là ở bên Tây cũng có Việt Cộng?”

Người đàn bà xì một tiếng:

“Cả đảo này ai mà hổng biết. Chỉ có thằng con út của em nó còn bú là nó chưa biết mà thôi.”

Tôi hỏi cô có hỏi bà Cibelle chưa. Người đàn bà lắc đầu:

“Em chỉ có biết “quì” với “nông” với cái gì “ma-đầm Xi-ben” thôi thì làm sao mà em hỏi tới cái chuyện ở bên Tây có Việt Cộng cho được. Anh hai hỏi chiện ngộ.”

Tôi cười lớn. Người đàn bà giận dữ nhìn tôi:

“Em nói vậy hổng phải sao anh hai cười?”

Tôi nói:

“Dĩ nhiên là hổng phải. Ở đâu cũng có cộng sản hết.” Tôi ngừng lại để tìm cách diễn tả cho người đàn bà này biết. “Nói chung ở đâu cũng có cộng sản. Mấy cái người theo cái chủ nghĩa này người ta nói là người ta sẽ đem lại cơm no, áo ấm cho dân, cho nước. Nhưng mà ở đâu họ cũng hổng làm được. Ở bên Tây thì cũng có Tây Cộng chớ hổng phải Việt Cộng, cũng giống như ở Việt Nam mình trước có Quốc Gia với Việt Cộng vậy. Tới năm 75 thì Việt Cộng thắng phe Quốc Gia tại vì mấy ông lớn của mình bất tài, tham nhũng và ưa ba cái vụ “ăn nằm”.

Người đàn bà chận ngang lời nói của tôi:

“Em xin lỗi anh hai đừng có xỏ xiên cái chiện em nói thiệt cái lòng của em với anh hai.”

Tôi khoát tay:

“Đừng có chận lời tôi. Tôi nói thiệt: Mấy ông lớn của mình đã bất tài, tham nhũng mà lại ưa ba cái vụ “ăn nằm” mà mất nước. Cô cũng bị người ta chê cười là tại vì thực lòng cô cũng muốn cái vụ đó. Nhưng mà chuyện đó cũng hổng phải là lỗi của cô đâu. Ai cũng mềm yếu. Thể xác ai cũng có những đòi hỏi.”

Người đàn bà nhìn tôi với vẻ thán phục:

“Vậy sao? Thiệt vậy sao, anh hai? Em là hổng có đáng trách móc gì dìa cái chuyện “ăn nằm” bậy bạ thiệt sao, anh hai?”

Tôi gật đầu. Người đàn bà suy nghĩ một lúc, nhìn tôi:

“Nói vậy rồi mấy ông lớn làm mất nước, mấy ổng cũng hổng có trách nhậm gì sao. Anh hai nói vậy nghe đâu có xuôi cái lỗ tai, anh hai?”

Tôi bối rối thiệt tình. Tôi huơ huơ tay:

“Tôi chỉ nói thí dụ thôi. Chuyện của cô “ăn nằm” với cái anh Bé nào đó khác xa với mấy cái chuyện của mấy ông lớn.”

Người đàn bà gục gặt cái đầu:

“Nghĩa là anh hai chỉ so cái chiện bậy bạ của em với ba cái chiện bậy bạ của mấy ông lớn, phải hôn anh hai?”

Tôi nói nhanh:

“Đúng đó.”

Người đàn bà gật gù:

“Anh hai nói vậy thì nghe nó mới lọt cái lỗ tai. Nói nào ngay chữ nghĩa của em hổng đầy cái lá mít, nhưng mà em biết cái nhơn nghĩa ở đời lắm anh hai à. Em phụ bạc chồng em, em đứt từng khúc ruột chớ anh hai. Nhưng mà em muốn đem con em tới Mỹ, em nhứt định không thèm qua bên Tây tại vì là ở bển có Việt Cộng. Tại vì như vậy em mới đồng ý ăn nằm với anh Bé. Em lấy ảnh để mẹ con em được đi định cư theo ảnh.”

Tôi nhìn người đàn bà, nghĩ tới đôi cánh của con gà mái mẹ xoè ra để bảo bọc đàn con khi nhác thấy cánh diều tai họa chao lượn trên bầu trời. Người đàn bà này đã hy sinh trinh tiết, danh giá để đưa đàn con đến nơi nào không có bóng dáng cộng sản. Ôi những bà mẹ Việt Nam! Những má Hai, má Sáu đã giấu con du kích dưới hầm để kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống Diệm, chống Thiệu bây giờ đã sáng mắt ra khi nhìn rõ Sự Thật, đã tuyên bố: “Nếu có một lần nào nữa thì tụi bây ăn cái quần què của tao chớ ở đó mà cơm dưng, nước rót để tụi bây chống giặc cứu dân, cứu nước. Hại dân, hại nước thì có chớ có cứu giúp được cái gì đâu!”

Ôi những câu vè, câu sấm, câu ca dao tân thời sau năm 1975! Nào là:

“Bác Hồ chết lúc giờ trùng

Cho nên con cháu ùn ùn bỏ đi

Bác Hồ chết lúc giờ linh

Nên con cháu phải đào kinh suốt đời…”

“Bộ anh hai giận em sao mà nín thinh vậy?”

Câu hỏi của người đàn bà cắt ngang những ý nghĩ của tôi. Tôi lật đật nói:

“Hổng có đâu. Tôi đang tìm cách cắt nghĩa cho cô biết về cái chuyện đi định cư. Hổng phải là ở bên Tây có Việt Cộng như cô nói đâu.” Tôi phải suy nghĩ để dẫn giải cái chữ chủ nghĩa Cộng Sản thành một cái gì khác để người đàn bà hiểu. “Nói cho đúng cái gọi là chủ nghĩa Cộng Sản này thì cái lý thuyết của nó lúc ban đầu cũng tốt đẹp lắm, nào là lo cho dân cơm no áo ấm, nào là bình đẳng, không có ai chèn ép ai, ai cũng một vợ, một chồng, ai cũng nhà cửa, ruộng đất, tài sản như nhau. Nhưng mà rốt cuộc lúc đem ra áp dụng thì nó trớt hướt. Nó vẫn không có công bằng gì ráo. Thành thử trước sau gì người ta cũng bỏ nó đi. Hiện giờ ở bên Tây cũng vậy. Cũng có người theo cái chủ nghĩa này, tại vì người ta tin nó tốt đẹp. Nhưng mà nếu người Việt mình qua tới đó, tìm mọi cách nói cho người ta biết là nó xấu, nó dở, nói vậy mà hổng phải vậy, thì chắc chắn là người ta phải tin, rồi người ta sẽ không còn theo nó nữa.”

Người đàn bà hăng hái không ngờ:

“Vậy sao? Vậy là em chịu đó. Anh hai phải chỉ cho em ăn nói làm sao để tới chừng em qua tới bển em phải nói cho mấy ông Tây, bà Đầm Việt cộng họ biết cái chuyện này.”

Chợt người đàn bà ngưng ngang, nhìn tôi:

“Mà anh hai có nói thiệt với em hôn đó. Sao anh hai nói chiện nào nghe cũng ngon ơ. Liệu bề thương được thì thương. Đừng trao gánh nặng giữa đường cho em mà tội nghiệp cho mẹ con em lắm, nghe anh hai. Tới chừng qua bên đó gặp tàn là Việt Cộng rồi hổng biết phải làm sao nữa. Tới chừng đó thì vượt biên đi đâu? Ai đưa mẹ con em đi?”

Tôi cũng không nghĩ là câu chuyện ngày lại càng đi vào ngõ cụt.

Tôi cố diễn giải:

“Tôi nói những cái này cô phải cố gắng mà hiểu. Chuyện là thế này: Như ở Việt Nam mình hồi đó hai miền Nam, Bắc. Bắc Việt cộng, Nam Quốc gia giống như là đậu đỏ với đậu xanh. Nam Quốc gia thua, Bắc Việt cộng tràn vô miền Nam, coi như toàn là đậu đỏ. Bây giờ ở bên Tây cũng vậy. Cũng có đậu đỏ, đậu xanh, tức là cũng có phe tự do, phe cộng sản, nhưng mà cộng sản đậu đỏ thì ít thôi, nên nói không thể nhuộm đỏ phe tự do được.”

Người đàn bà lại chận ngang lời nói của tôi:

“Anh hai nói vậy là em hiểu rồi. Bây giờ nhờ anh hai chỉ cho em cái cách nói cho mấy ông Tây, bà Đầm họ xay nát ba cái hột đậu đỏ ở bên Tây đi. Anh hai có bày cái cách thức cho em, em mới chịu đi Tây.”

Trời đất! Cũng may là những người ở chung nhà đã về. Cô gái làm ở Ban Xã Hội, là người đã chỉ cho người đàn bà đi xin thuốc sốt rét uống để ngừa thai, ngồi lắng nghe nảy giờ, xen vào: “Thôi đi bà cố nội. Hồi bà mới tới, lúc bà Cibelle đến đề nghị bà đi học Pháp văn để tìm người bảo trợ mấy mẹ con bà đi Pháp, lúc đó tôi đã nói cho bà rồi. Bà mê cha Bé bà cứ từ chối, bà viện cớ Việt Cộng này nọ. Giờ chả quất ngựa chuối bà mới quýnh lên.”

Người đàn bà giận dữ trừng mắt nhìn cô gái: “Em nói vậy nghe sao được. Chị đâu có phải trắc nết lăng loàn gì mà chị mê anh Bé tới nỗi không nghĩ tới cái tương lai của mấy đứa con của chị. Tại em cũng như mấy người khác có ác cảm với anh Bé rồi em cũng ghét chị luôn. Chị không chịu đi Tây là tại vì chị sợ qua bên đó lại gặp Việt Cộng…”

Tự dưng người đàn bà bật khóc nức nở làm tôi hoảng quá. Cô gái làm ở Ban Xã Hội cũng quýnh quáng, đến ôm lấy người đàn bà vỗ về: “Chị đừng có nghi oan cho em. Ý em là cũng muốn chị với mấy cháu được đi định cư ở đệ tam quốc gia để chị lo cho tương lai của mấy cháu.”

Người đàn bà đã bớt sụt sùi, nhìn cô gái với ánh mắt trìu mến:

“Chị biết ơn em lắm. Sở dĩ chị nói vậy là tại vì chị tức mấy cái người hổng hiểu chị, hổng hiểu anh Bé. Em biết, cũng tội nghiệp ảnh chớ: Hồi đó đơn vị của ảnh đóng ở miền Trung, lúc ông tổng thống ổng ra lịnh cái gì tản tản đó, ảnh đưa vợ con đi. Tới ngay cái sông Ba, sông Bốn gì đó thì bị pháo kích, vợ con chết hết trơn. Kế Việt Cộng vô lại bị tù lên, tù xuống. Ra tù làm đủ thứ nghề mà hổng đủ sống. Đâu có vàng để đi vượt biên. Phải đi làm công, làm mướn. Phải tìm đường đi, nước bước. Quỵ lị chủ tàu mới có được chỗ để mà đi. Thấy cái hoàn cảnh của chị, ảnh thiệt lòng thương, ảnh mới ngỏ ý lấy chị để chị có cái diện để mà đi Mỹ với ảnh. Em biết chị dốt nát có biết cái gì đâu. Mấy người tới trước được phái đàn mời đi Canada, đi Úc mà họ cũng hổng thèm đi. Còn cái vụ đi Tây, ai cũng trề môi: “Trốn Việt Cộng rồi bây giờ đi qua bển kiếm Việt Cộng nữa hay sao?” Gặp ai cũng nói vậy, chị biết tin ai bây giờ. Nói nào ngay, hồi đó anh Bé ảnh cũng có nói như anh hai đây (người đàn bà vừa nói vừa chỉ tôi) mà chị hổng tin, chị cứ nghĩ tầm bậy là ảnh “ăn nằm” với chị rồi ảnh chán chê nên ảnh bày đặt để ảnh bỏ chị. Giờ nghe anh hai nói chị mới chắc bụng là anh Bé ảnh thương chị thiệt lòng. Chị nhớ hoài câu nói của ảnh: “Nếu kẹt quá anh không xin được Cao Ủy để ghép “bờ lu ca” (blue card) với Hoa được để mẹ con em cùng đi định cư với anh, thì Hoa cứ việc xin đi Pháp. Sau này anh tìm cách qua bên đó cưới Hoa, rồi bảo lãnh mẹ con em qua Mỹ.”

Lúc nghe ảnh nói vậy chị thấy thất bại quá (Có lẽ người đàn bà muốn nói thất vọng?). Chị nhớ hồi đó lúc mới lấy nhau, cái gì chồng chị cũng chiều chị hết. Lúc mới tới đảo, chiện gì anh anh Bé ảnh cũng chiều chị. Tới chừng ăn nằm hà rầm với chị, cái gì ảnh cũng nói có vẻ dạt dạt, thành thử lúc ảnh nói tới cái vụ đi Tây, chị bực mình quá. Chị nhớ tới lúc “ăn nằm” xong rồi, chồng chị ổng đã đời nằm ì ra đó, cái gì cũng ừ hử cho xong. Chị đem so sánh với anh Bé, thì chiện nó cũng y chang… Tới bây giờ nghe anh hai cắt nghĩa, chị mới nghĩ là cái lỗi của chị. Người đàn ông họ “ăn nằm” xong họ mệt, mình cũng vậy. Chị hổng biết tại sao chị lại đòi quá mức, chị hổng có biết cái chiện cảm động (có lẽ người đàn bà muốn nói cảm thông?) gì với người mình đã “ăn nằm”. Sướng thì ai cũng sướng chớ đâu có phải một mình người đàn ông, chừng em có chồng là em biết rành chiện này.”

Tôi thấy cô gái làm ở Ban Xã Hội có vẻ mắc cỡ, nhìn đi chỗ khác. Cũng may là lúc đó đã tới giờ giới nghiêm trên toàn đảo. Một người nào đó nói lớn:

“Đã tới giờ chuột chạy trên toàn đảo.”

Tôi nói:

“Nhưng mà cái quan trọng là bây giờ cô có chịu đi Pháp như lời bà Cibelle bả đề nghị hay không?”

Người đàn bà nhìn tôi: “Em chịu, nhưng mà…”

Tôi nói, nói cái gì thì nói đại đi rồi còn đi ngủ. Người đàn bà cười ngỏn ngoẻn:

“Mà anh hai phải hứa là sẽ chỉ cho em cái cách xay mấy cái hột đậu đỏ Việt Cộng ở bên Tây thì em mới chịu. Anh hai hứa thì anh hai phải móc ngoéo với em đi.”

Tôi phải đưa tay móc ngoéo cô ta mới chịu đi ngủ. Lúc loay hoay giăng mùng, tôi nghe tiếng người đàn bà hun hít đứa con, nói với giọng đả đớt:

“Khương chó con của má quá. Má già chiện bỏ chó con của má cả ngày.”

Tôi mỉm cười chun vô mùng. Một người nào đó mớ trong giấc ngủ:

“Mẹ, ở hoài mục đảo mà chưa có rục rịch cái vụ định cư.”

Sau hai năm lạnh lẽo ở thủ phủ Des Moines của tiểu bang Iowa ở miền trung tây nước Mỹ, được người bạn văn nghệ mới quen rủ rê về tiểu bang California viết văn, làm báo. Quen với cuộc sống vốn yên tĩnh ở miền trung tây, về đây, ở giữa Cali nắng ấm, lại ở ngay quận Cam, tôi thấy mình chóng mặt với cuộc sống quay cuồng. Có người nói Sài Gòn nhỏ Bolsa là Sài Gòn trước bảy lăm thiếu đi tình người. Với tôi, Sài Gòn nhỏ Bolsa là Sài Gòn trước bảy lăm thiếu đi những kẻ ăn xin và không khí chiến tranh. Với tôi, Sài Gòn Cali hôm nay cũng nhẫn tâm như Sài Gòn Việt Nam ngày trước. Phía sau những dãy nhà sang trọng, hoa lệ vẫn dẫy đầy những đau thương. Giống như ẩn giấu bên trong bộ mặt loè loẹt, gương mặt phấn son của cô gái giang hồ là những vi trùng bệnh hoạn. Sài Gòn Mỹ quốc hôm nay cũng dẫy đầy những đĩ điếm, trộm cướp, du đãng, xì-ke ma túy, lường gạt, mua danh, trục lợi.

Vẫn những khuôn mặt đào kép cũ của sân khấu chính trị miền Nam trước ngày mất nước. Một số đã già nua, lạc hậu, lỗi thời chẳng chịu tự ý rút lui vì vẫn còn luyến tiếc chút danh lợi cuối đời. Cộng với một số mới sản sinh từ đồng lầy hải ngoại. Những con cá sấu lưu vong lại kéo bè, lập đảng, đón gió, trở cờ, trông chờ ở một thế lực ngoại bang hy vọng về nước nắm lại quyền uy ngày cũ. Thỉnh thoảng những con cá sấu lưu vong lại nhỏ những giọt nước mắt yêu nước, thương nòi, kêu gọi xóa bỏ lằn ranh Quốc, Cộng, hòa giải, hòa hợp. Cũng có những kẻ có lòng mà nhiệt huyết cứ lụi tàn dần theo năm tháng vì áo, cơm, tiền, gạo xứ người. Cũng có những Kinh Kha thời đại lặng lẽ ôm dao chủy thủ đi vào đất Tần bất trắc. Và những người Việt Nam tỵ nạn tại hải ngoại chỉ biết đến tên tuổi khi họ đã bị bắt cầm tù, hoặc đã bị nhà cầm quyền cộng sản xử tử hình.

Mặc cho những giọt nước mắt của những con cá sấu lưu vong rơi. Mặc cho máu của những Kinh Kha thời đại đã đổ. Mặc cho nhiệt huyết của những kẻ có lòng tan theo năm tháng như tuyết giá trước ngọn tây phong. Cuộc sống của người tỵ nạn vẫn tiếp tục như mỗi ngày mặt trời vẫn mọc. Một hôm, đang ngồi tán gẫu với mấy người bạn ở khu Phước Lộc Thọ, bỗng có người đàn bà quần áo rất sang trọng đi qua, đi lại, dừng lại nhìn tôi một lúc rồi kêu lên:

“Phải anh hai đây hôn, anh hai nhớ em hôn?”

Tôi nhìn sửng người đàn bà. Ngạc nhiên. Người đàn bà đập đập tay lên vai tôi:

“Em là Hoa nè. Hồi ở long-hao ở khu F. ở đảo Bidong em hổng chịu đi Tây vì sợ Việt Cộng đó.”

Tôi nhìn sửng người đàn bà, rất đổi ngạc nhiên. Chẳng còn chút dấu vết nào của người đàn bà của những ngày tháng cũ trên hòn đảo tỵ nạn.

Người đàn bà rất mừng rỡ khi gặp lại tôi. Cô ta kêu mấy đứa con đến khoanh tay thưa tôi. Và giới thiệu người đàn ông đang đứng kế bên: “Đây là anh Bé, chồng em. Còn đây là anh hai mà em nhắc với anh hoài đó.”

Hai vợ chồng khẩn khoản mời tôi đến nhà họ. Tôi hứa là sẽ đến nhà họ vào khoảng hai tuần sau vì tôi hiện đang bận một vài công việc.

Người đàn bà hỏi tôi địa chỉ, số điện thoại và nhắc đi, nhắc lại với người chồng “anh nhớ ghi cho nó trúng.” Người đàn ông có vẻ hiền lành, ít nói. Anh ta cười cười:

“Thì anh hai đọc sao, anh ghi vậy thì nó làm sao mà trật được.”

Hai tuần sau, tôi nhận được một vé máy bay khứ hồi với bức thư vỏn vẹn mấy giòng như sau:

“Vợ chồng em mời anh hai xuống dưới này để vợ chồng em được nói tiếng cám ơn với anh hai. Ký tên: Nguyễn Văn Bé và Hoa Bi-Đông.”

Hai vợ chồng đón tôi ở phi trường của thành phố Bãi Dài. Và họ đưa tôi về nhà họ ở đường Hoa Chuông. Trong một tuần lễ ở đây tôi đã được tiếp đãi như thượng khách. Hai vợ chồng đưa tôi đi thăm thú khắp nơi. Họ đãi tôi ăn uống trong những nhà hàng sang trnọg nhất của thành phố. Và người vợ đã khẩn khoản xin tôi nhận làm “anh nuôi” của cô ta. Tôi cười, nói đùa:

“Tôi còn chưa nuôi nổi tôi, tôi nuôi được ai mà dám nhận làm anh nuôi của cô.”

Người chồng tiếp lời vợ:

“Anh hai nhận lời cho vợ em nó vui. Mấy năm nay vợ em nó cứ nhắc anh hai hoài. Nó nói phải gặp được anh hai để mà đền ơn. Vợ em nó nói hổng gặp được anh hai khuyên bảo lời hơn, lẽ thiệt, mẹ con nó hổng đi Pháp vì sợ gặp Việt Cộng thì vợ chồng em đâu có được như bây giờ. Có khi là ở bển… mục đảo luôn.”

Tôi nói, nếu cô ấy không gặp tôi thì cô ấy cũng gặp người khác, người ta cũng chỉ dẫn như tôi thôi. Người đàn bà xen vô:

“Em hổng gặp anh hai thì chỉ có nước chết. Anh hai hổng nhớ hồi đó người ta ghét bỏ em tới bực nào hay sao. Cũng may là gặp anh hai là người biết rõ cái tình đời, anh hai hết lòng chỉ biểu cho em…”

Tôi nói lảng sang chuyện khác:

“Rồi bây giờ cô chú làm ăn ra làm sao?”

Người đàn bà gương mặt sáng rỡ:

“Nói nào ngay cũng nhờ đất nước, ông bà, cha mẹ phò hộ, tụi em bây giờ làm ăn cũng khấm khá. Cái nhà tụi em trước mua trăm mấy, đã trả dứt nợ nhà băng, bây giờ đã có người trả ba trăm. Vợ chồng em hiện giờ có cái tiệm “neo” cũng đông khách lắm, chỉ toàn làm cho Mỹ trắng không hà.”

Theo lời người đàn bà thì bây giờ cô ta “nói tiếng Mỹ như vó.” Nghe vợ nói, người đàn ông tươi cười:

“Anh nói với em hoài là “nói như gió”, em cứ “nói như vó, nói như vó,” không sợ người ta cười hay sao?”

Người vợ cười lỏn lẻn:

“Chớ sao anh nói anh mê nghe em nói “nói như vó.”

Nghe hai vợ chồng nói chuyện, tôi nhớ tới phim My Fair Lady kể lại câu chuyện một nhà quý tộc người Anh đem cô gái bán hoa do nữ tài tử Audrey Hepburn thủ vai về nuôi, dạy nàng đọc Anh văn cho đúng giọng, nhưng sau đó, nhà quý tộc mới phát giác ra là mình yêu cô bán hoa vì cái cách phát âm sai của cô ta.

Theo lời kể của người chồng, tôi mới được biết là ngay khi người đàn bà tên Hoa và bốn đứa con có chuyến bay đi định cư ở Pháp, anh ta tức tốc xin phép Sở Di Trú và qua Pháp làm hôn thú với người đàn bà. Và sau đó, anh ta trở lại Mỹ làm giấy bảo lãnh mẹ con nàng. Một năm sau, người đàn bà với bốn đứa con qua Mỹ với anh ta. Vợ chồng chí thú làm ăn. Người vợ vừa đi rửa chén ở tiệm ăn vừa đi học E.S.L. Người chồng đi làm hai “dốp”. Chẳng mấy lúc có một số vốn. Người vợ đi học làm móng tay. Họ bắt đầu mua nhà, mở tiệm. Người đàn bà, mà theo cô ta nói là “chữ nghĩa hổng bằng cái lá mít” bây giờ đã “nói tiếng Mỹ như vó” và đã trở thành bà chủ tiệm “neo”. Anh chồng thôi làm hãng điện tử, ở nhà săn sóc mấy đứa con, đưa rước mấy đứa nhỏ đi học, chiều phụ giúp vợ clean up tiệm.

Tôi nhớ hoài lúc người đàn bà cười ngỏn ngoẻn, nói:

“Em rán rặn hoài cho anh Bé thằng con mà hổng được.”

Người đàn ông nhìn tôi có vẻ ngượng nghịu:

“Em nói chi với anh hai cái chuyện kỳ cục.”

Người đàn bà nói:

“Ảnh là anh nuôi của mình mà. Mà bộ anh hổng muốn vậy thiệt sao. Có cái là em thương anh là mặc dầu anh hổng phải là ba ruột của sắp nhỏ mà anh đối đãi với tụi nó thiệt là tử tế. Mà anh cũng hổng có buồn phiền gì dìa cái chuyện em hổng rặn được cho anh thằng con.”

Nghe hai vợ chồng họ nói chuyện, tôi nhớ đến những điều mà người đàn bà đã kể cho tôi nghe lúc ở đảo Bidong. Thì ra ở đâu cũng là cuộc sống và con người, nhưng điều quan trọng là làm sao cho cuộc sống trở nên đáng sống và con người xứng đáng là con người!

Lúc nghe tôi nói đang viết văn, làm báo, người đàn bà kêu lên:

“Hổng được đâu, anh hai. Ở bên này cái nghề đó coi bộ hổng khá. Anh Bé nói cho em biết là mấy ông nhà báo ở đây họ chửi nhau như chó. Nghe nói là có người đã bị bắn, bị đốt chết nữa. Em thấy anh hai nhỏ con, tay chưn coi bộ cũng khéo léo, anh hai nên đi học làm “neo” hay là hớt tóc. Rồi ở đây phụ với vợ chồng em. Tụi em đang tính mở thêm một tiệm nữa.”

Tôi cười ngất, nghĩ tới chuyện tôi cắt tóc, giũa móng tay, móng chân cho mấy người đàn bà, rồi còn cái vụ waxing nữa. Người đàn bà nói tiếp:

“Em nói thiệt đó, anh hai. Em biết ơn anh hai nhiều lắm, hổng biết tới đời kiếp nào em mới trả được. Em nói thiệt là em muốn thiệt lòng giúp anh hai. Em nói thiệt mà hổng sợ anh hai mích lòng là em thấy cái nghề viết văn, làm báo của anh hai nó hổng khá một chút nào.”

Tôi cũng biết là người đàn bà đó nói đúng, nhưng mà ở đời mỗi người có một nghiệp dĩ, một lý tưởng phải theo đuổi, phải thực hiện.

Gần đây có chuyện ồn ào về văn chương phản kháng ở trong nước. Có người đã ca tụng một nhà văn Việt Cộng là chỉ với những diễn tả của nhà văn này thì “những vần thơ trác tuyệt của đại thi hào Nguyễn Du ‘Râu hùm, hàm én, mày ngài’ và ‘một vùng như thể cây quỳnh, cành giao’ trở thành sáo ngữ” (1). Và người ta xúm vào ca tụng nhà văn này là đã can đảm “nói lên nỗi thống khổ của nhân dân tôi!” Ngay cả chuyện có nhà văn đã từng vượt biển trốn chạy Việt Cộng còn viết đại khái là “nếu nói không có văn chương phản kháng là thiếu tình người.” Và nhà văn còn mỉa mai là “nếu tự xưng là người chống Cộng số một sao không ở trong nước mà chống!”

Tôi thấy mọi chuyện nó trở nên kỳ cục. Nó có vẻ “thời thượng” quá. Người ta nói văn chương phản kháng mà mình không lên tiếng thì nó có vẻ lạc hậu, lỗi thời! Dĩ nhiên ở một đất nước tự do, ai muốn có ý kiến gì thì cứ tự do phát biểu. Ai cũng có quyền thương yêu, thù hận trong đời. Ở đâu, thời nào cũng vậy thôi. Có lúc nào những kẻ chính trị hoạt đầu, những con cá sấu lưu vong mà không nhỏ những giọt nước mắt yêu nước, thương nòi vì mục đích lợi danh? Ở đâu mà chẳng có kẻ đón gió, trở cờ. Gì thì gì, mặt trời vẫn mọc và Sự Thật vẫn là Sự Thật. Theo tôi, những người viết văn, làm báo ở hải ngoại là những người đáng vinh danh nhất. Dĩ nhiên là phải chính danh. Nhà văn ở hải ngoại chẳng những phải nói lên nỗi thống khổ của 65 triệu người dân ở trong nước , mà còn phải nói lên những đau thương, mất mát của khúc ruột cách xa ngàn dặm – nói theo cách nói của Việt Cộng. Nhà văn Alexis Tolstoi của cộng sản Liên Xô đã cho một sĩ quan Bạch vệ nói với người yêu của mình: “Rồi em sẽ thấy!

Những cái ồn ào của cách mạng này nọ rồi sẽ qua đi, và còn lại chỉ là tình yêu của anh với em, đối với gia đình và cuộc sống.”

Chàng sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ nói gì với vợ của mình sau năm, mười năm trời thân tàn ma dại trở về từ những trại tù? Anh chàng cựu sĩ quan của quân đội miền Nam sẽ nói gì khi đứng trước ngôi nhà bây giờ mấy ông quan “cách mạng” miền Bắc đã chiếm. Và vợ con thì đã thất lạc ở phương trời nào?

Chàng cựu sĩ quan sẽ nói gì khi đã tìm mọi cách để thoát khỏi “thiên đường” Việt Cộng, khi tới đảo tỵ nạn bị người ta “thanh lọc” và từ chối nhận đi định cư vì không trả lời được câu hỏi: “Chiếc mão gai lúc Chúa Jesus thọ hình có mấy chiếc gai?”

Cũng mới đây, tôi rất đỗi đau lòng khi nghe tin một ký giả mà cả hai vợ chồng đều bị bắn chết vì nhà báo này “đã chống Cộng và đã nói lên những Sự Thật làm cho những người bị nói đến phải “mất ăn, mất ngủ”. Và một nhà văn có quốc tịch Mỹ đã “bất chấp dư luận và bạn bè can gián đã trở về Việt Nam với tư cách nhà văn để đi tìm Sự Thật” (2).

Tôi lại càng chua xót hơn khi một số người “làm công việc chữ nghĩa” ở hải ngoại – nói theo cách nói của nhà văn Nguyễn Tuân – đang ra sức “lấp đầy cái khoảng trống” của một nhà văn ở trong nước nêu ra, thì ông nhà văn này đã hùng dũng tuyên bố: “Tôi không tin rằng người ta có thể viết khi xa cội rễ. Theo tôi, văn nghệ của người Việt ở nước ngoài không có gì đáng chú ý.” (3)

Một điều sẽ rất thiếu sót nếu tôi quên kể lại những câu nói cuối cùng của cô em nuôi của tôi. Buổi tối ngồi ăn bánh, uống trà và nói chuyện, tôi hỏi cô ta: “Rồi còn cái vụ ‘xay mấy hột đậu đỏ Việt Cộng ở bên Tây’ cô có làm được không?”

Người đàn bà cười ngất:

“Ở đó mà được với hổng được. Qua tới nơi, bà bảo trợ ra với người thông dịch đón mẹ con em ở phi trường. Dìa tới nhà, lo ba cái vụ giấy tờ, ăn uống này nọ mệt muốn bứt gân, chớ ở đó mà ‘lo xay mấy hột đậu đỏ Việt Cộng.’ Mà em thấy ở bên Tây đâu có giống như Việt Nam mình. Ai nấy cũng sung sướng, thải mái. Tây đầm nó hun hít hà rầm ở ngoài đường.”

Tôi hỏi:

“Rồi qua Mỹ cô có tiếp tục ‘xay mấy hột đậu đỏ Việt Cộng ở Mỹ hôn’?”

Người đàn bà cười lớn, nói một cách quả quyết:

“Chiện này có đó anh. Mấy cái tổ chức này nọ nói là Phục quốc, là giải phóng Việt Nam là em đóng tiền lia chia. Nhiều lúc anh Bé ảnh rầy em, nói cái tổ chức nầy là thiệt, tổ chức kia là dỏm. Em nói kệ nó anh, có giả mới có thiệt. Tổ chức, hội hè nào mà dạy tiếng Việt, mà cứu người biển Đông là em đóng tiền hăng hái lắm. Mình có ở vào cái hoàn cảnh đó, mình nên giúp đỡ người đi sau, để phước đức lại cho con cái. Ai làm giả, ai lường gạt thì trời đất phạt họ.”

Nghe vợ nói, người chồng cười:

“Bà xã tôi là vậy đó anh. Nhiều lúc tôi cũng bực mình lắm. Mình biết nó là phục quốc giả, trợ giúp thương phế binh dỏm, nó quyên tiền để bỏ túi, để về trong nước chơi gái, nói cho bả biết thì bả lại nói ‘có giả mới có thiệt.’ Bả nói ngang như cua. Thôi thì đành chịu thua.”

Lúc đưa tôi ra phi trường, người đàn bà căn dặn:

“Đi đâu thì đi. Anh hai muốn viết văn, làm báo gì thì anh hai cứ làm. Có kẹt gì thì cho vợ chồng em biết. Muốn dìa dưới này làm ăn thì vợ chồng em giúp. Anh hai đừng có tự ái với tụi em. Em biết có làm cái cách nào thì vợ chồng em cũng hổng trả nỗi cái ơn của anh hai.”

Nói xong, người đàn bà tỉnh bơ ôm hôn lên má tôi, rồi hỏi có vẻ tha thiết:

“Anh hai, liệu nước mình vài bữa nữa có được ngon lành các cái như mấy cái nước Ba Lan, nước Đức gì đó hôn?”

Tôi nhìn sửng người đàn bà. Người chồng cằn nhằn:

“Em sao cứ ưa lo ba cái chuyện bao đồng.”

Người đàn bà quay lại cự nự chồng:

“Anh nói sao mà chiện bao đồng. Em hỏi anh hai cho nó chắc ăn. Em hỏi anh hai là tại vì ảnh viết văn, làm báo, ảnh rành ba cái chiện này. Anh thì anh nói với em là trước sau gì đất nước mình cũng sẽ ngon lành. Em tin anh. Em hỏi lại anh hai cho nó chắc ăn, chớ hổng phải em hỏi anh hai là em hổng tin anh. Em hổng tin anh thì em tin ai bây giờ.”

Người đàn ông và tôi nín thinh. Người đàn bà nói tiếp:

“Hồi ở bên đảo, nghe anh nói hổng phải là ở bên Tây có Việt Cộng mà chỉ có mấy ông Tây, bà Đầm theo cái gì sản sản đó, em hổng tin lắm. Tới chừng gặp anh hai, ảnh cắt nghĩa rành rẽ em mới chịu đi Tây. Nhờ vậy mà vợ chồng mình mới có được như ngày hôm nay.”

Đã sắp sửa tới giờ phi cơ cất cánh, tôi phải check in nên không kịp trả lời câu hỏi của cô em nuôi. Thực ra, nếu có đủ thì giờ tôi cũng không biết mình sẽ trả lời như thế nào.

Quý vị độc giả thân mến, có vị nào rành rẽ chuyện nước non, xin giúp dùm tôi trả lời câu hỏi của cô em nuôi “chữ nghĩa hổng đầy cái lá mít” là tương lai đất nước mình vài bữa nữa nó có được ngon lành các cái như mấy cái nước Ba Lan, nước Đức.

Phần lớn người Việt Nam lưu vong ai cũng muốn “nước đi ra biển lại mưa về nguồn”, nhưng cũng đâu có phải vậy mà không có chuyện:

“Non cao tuổi vẫn chưa già

Non thời nhớ nước, nước mà quên non!

NGUYỄN THIẾU NHẪN

San Jose