Hình chụp ngày 07/07/70 là ngày lễ mãn khoá 6/69 NGUYỄN VIẾT THANH sĩ quan trừ bị của chúng tôi tại quân trường Đồng Đế. Trong hình có thể thấy những sinh viên sĩ quan đang quì và những sĩ quan cơ hửu của quân trường đang lần lượt tháo alpha trên cầu vai của các sinh viên sĩ quan và thay vào đó là cặp lon chuẩn úy. Lon chuẩn úy của quân lực VNCH có hình dạng giống cái quai chảo nên tụi tôi gọi là cái quai chảo. Sau khi được gắn quai chảo, những sinh viên chính thức là các tân sĩ quan của quân đội. Họ đọc lời tuyên thệ luôn trung thành với tổ quốc chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ người dân. Tôi là một trong số 1014 sinh viên sĩ quan đang quì trong hình. Tính đến nay tấm hình này cũng được tròn 50 tuổi. Năm mươi năm kể từ ngày ra trường những đồng đội chiến hữu của tôi không biết ai còn ai mất. Chắc chắn mất nhiều hơn còn vì sau khi tuyên thệ những tân sĩ quan liền lập tức được tung ra chiến trường đối đầu với đạn bom và khói lửa.Ngày 07/07/70 tôi có 10 ngày phép cuối khóa. Ngày 17/07 tôi đến tiểu khu Darlac trình diện, sau đó được điều về Đại đội 398 vừa mới thành lập. Cùng với tôi còn có hai chuẩn úy khác cùng khoá 6/69 là Phạm văn Hậu và Lê Huy Yết. Hậu làm trung đội trưởng trung đội 1, tôi làm trung đội trưởng trung đội 2 và Yết làm trung đội trưởng trung đội 4. Đại đội trưởng là trung uý Đỗ Hoàng Phúc. Vì là đại đội mới thành lập với ba tên chuẩn uý mặt còn búng ra sữa không có một tí gì kinh nghiệm chiến trường ngoài một mớ lý thuyết được học nên đại đội được đưa về Buôn M‘Rê cách Ban Mê Thuột 12 cây số về hướng nam là một nơi tương đối an toàn để đóng đồn. Cách đại đội 2 cây số là cầu 14 với một đơn vị bạn lót lưng. Đại đội tôi lọt vô giữa chung quanh được bao bọc bởi những khẩu pháo 105 ly của tiểu khu sẳn sàng yểm trợ. Tính ra thì buôn M‘Rê là nơi tương đối nếu đem so với những nơi khác trong lúc tình hình chiến sự xảy ra khốc liệt hàng ngày.Không ngờ là vào đêm 20/07/70 để kỷ niệm ngày Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 sông Bến Hải chia đôi đất nước, việt cộng chọn buôn M’Rê để tấn công. Như vậy có nghĩa là chỉ ba ngày sau khi ra đại đội thì tôi được nếm mùi. Đó là lần đầu tiên tôi được cối 82 ly của địch quân hỏi thăm. Đạn nổ trên miệng hầm và giao thông hào. Thay vì núp dưới giao thông hào thì tôi lại leo một cái nhà sàn vì tò mò muốn nhìn xem đạn bắn từ hướng nào. Người lính mang máy PRC 25 tên Thành thấy tôi đang đụng trận mà giống như đang ngước nhìn trời tìm một ánh sao băng nào đó để làm thơ thì la oải oải. Chắc là hắn ngạc nhiên vì tưởng ông chuẩn úy vừa rời vú mẹ này gan lì điếc không sợ súng. Tôi không điếc, còn súng thì ai mà chả sợ nhưng vì chưa biết đánh đấm là gì cho nên muốn nhìn xem đạn bay trong đêm tối hình dáng nó ra sao. Tội nghiệp Thành nhiệm vụ mang máy truyền tin nên lúc nào cũng phải bò sát theo sau lưng tôi. Tiếng Ak 47 của việt cộng bắn trực diện bay trên đầu nghe chát chúa chứ không giòn giã êm tai như tiếng M16. Trước mặt buôn qua vòng rào phòng thủ là quốc lộ 14. Bên kia quốc lộ là một con suối và rừng. Sương đêm mờ mịt lẫn vào ánh hỏa châu soi sáng từ tiểu khu bắn lên vòm trời khiến cho tôi có một cảm giác nôn nao. Nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy không hồi hộp hay sợ hãi mặc dù đó là lần đầu tôi trực diện bắn nhau. Tính nhẩm ra sau khi được gắn lon chuẩn úy tôi có 10 ngày phép. Hết 10 ngày phép tôi trình diện đơn vị được ba ngày là bị đụng địch. Đem cộng lại thì từ lúc mang lon chuẩn úy đến khi đụng nhau thì thâm niên quân vụ của tôi vừa đúng 13 ngày. Ôi con số 13.Phía bên ngoài việt cộng pháo 82 ly dữ dội vô phía bên trong, từng tràng súng nổ dồn dập. Qua máy PRC 25 Kỳ Phùng tức trung uý đại đội trưởng ra lệnh cho tôi dẫn một tiểu đội bò sát ra bờ rào phía bắc dùng kềm cắt kẽm gai cắt cho một khoảng trống phòng khi tụi nó đông đánh không lại còn có đường rút. Vừa điều động cả ba tên chuẩn úy mới ra trường như ba con chim mới ra ràng trấn giữ ba mặt buôn, vừa gọi trực thăng và pháo binh yểm trợ Kỳ Phùng thiệt là chì. Đêm không trăng dưới ánh sao lờ mờ tôi thấy nhiều bóng người thấp thoáng đang chạy lúp súp băng qua đường và tôi nổ súng. Đó cũng là lần đầu tiên tay tôi bóp cò khi đối đầu với địch kể từ ngày cởi chiếc áo thư sinh khoác lên người bộ đồ lính. Tôi gọi qua máy báo cáo tình hình đến Kỳ Phùng xin pháo binh. Chỉ trong vòng 15 phút sau trực thăng xuất hiện và súng lại nổ giòn giã. Tôi lại leo lên nhà sàn để nhìn. Khi còn đi học, đọc những bút ký chiến trường của các nhà văn quân đội tôi cứ nghĩ đánh nhau thì phải ghê gớm và khủng khiếp lắm nhưng té ra giống như chẳng có gì. Sau khi trực thăng lên tôi không còn nghe súng bên địch nổ nữa. Kế tiếp là đạn pháo binh nổ ầm ỉ bắn chận đầu bên kia suối và trời đang sáng dần. Địch đã rút quân.Đánh đấm nhẹ nhàng như thế tưởng không có gì, vậy mà sáng hôm sau khi ra khỏi buôn lục soát thì phía việt cộng bỏ lại năm cái xác không kịp kéo đi. Trung đội 1 của chuẩn úy Hậu tử trận hai người vì ngày hôm đó trung đội của Hậu trực nên có nhiệm vụ cử một tiểu đội làm tổ báo động nằm ngay bờ suối. Khi địch mở cuộc tấn công đụng phải tổ báo động này và hai người binh sĩ đã hy sinh. Ba tên chuẩn úy mới ra trường mặt mày tèm nhem vì bụi đất đỏ nhìn nhau cười chỉ thấy lòi mấy cái răng. Chuẩn úy Hậu nói tao thấy đạn bay léo nhéo về phía nhà sàn nơi mày núp mà mày không dính viên nào chắc là do mày ốm nhom mõng như lá lúa nên đạn không biết ghim vào đâu. Tôi nghĩ hắn nói tầm bậy nhưng cũng có thể trúng tầm bạ.Sau này có kinh nghiệm trận mạc hơn, tôi lại đâm ra sợ chứ không tỉnh bơ như lúc mới ra trường. Nhiều khi tôi thấy đánh trận giống như đi casino kéo máy. Lúc đầu không rành cờ bạc lắm thì kéo đâu trúng đó nhưng khi sành sõi rồi thì kéo đâu trật đó. Khi tôi biết thế nào là mùi vị của súng đạn thì bị thương mấy lần. Đôi khi trong đời lính cũng cần bị thương miễn là đừng bị cưa tay, cưa chân hay thẹo thọ trên mặt để được nằm quân y viện đọc chưởng của Kim Dung. Cũng tại quân y viện Ban Mê Thuột tháng 1/72 tôi quen với trung úy Trần Quí Sách tức nhà văn quân đội Trần Hoài Thư cũng đang dưỡng thương tại đây. Mấy mươi năm sau ra hải ngoại hai anh em có cơ duyên gặp lại nhau vẫn thường nhắc đến kỷ niệm ngày xưa. Nhưng chuyện bắn nhau thì súng đạn muôn đời không có mắt cho nên hay nhất là đừng bị gì hết. Nói một cách khác đó là chấp nhận đời lính nghĩa là chấp nhận bán cái số mạng cho hên xui may rủi. Đời lính tài giỏi gì cũng không qua số mạng trời định.Trung úy Đỗ Hoàng Phúc đại đội trưởng 398 vị sĩ quan chỉ huy trận đánh đầu đời lính của tôi tại Buôn M’Rê sau này lên đại úy và năm 1973 đã tử trận tại Quãng Nhiêu được vinh thăng cố thiếu tá. Anh là người anh, người thầy của tôi và cho dù đã nửa thế kỷ trôi qua tôi vẫn xin thắp nén hương lòng để tưởng nhớ đến anh. Còn chuẩn úy Phạm Văn Hậu và chuẩn úy Lê Huy Yết hai người bạn cùng khóa cùng nếm mùi chung giờ không biết đang ở đâu, còn hay đã mất. Nhớ mãi nụ cười hiền lành của ba thằng chuẩn úy tuổi 20 mặt mũi tèm lem vì đất đỏ buổi sáng hôm sau trận đánh. Tính từ ngày ra trường 07/07/70 trong tấm hình thứ nhất đến ngày 30/04/75 tổng cộng là 5 năm. Trong đó tôi có ba năm ở đại đội tác chiến và hai năm biệt phái qua cảnh sát quốc gia. Khi đi ở tù đến năm 1981 là 6 năm. Đi lính 5 năm ở tù 6 năm, tính ra thì tôi bị lỗ 1 năm. Xem như sáu năm trả nợ quỉ thần. Tôi không hề hối tiếc 5 năm cầm súng nhưng lại hối tiếc 6 năm tuổi thanh xuân bị tước đoạt trong tù. Tôi không có máu thù dai, nhưng hệ lụy của cuộc chiến này quá lớn. Sự nghiệt ngã khó mà khuây khỏa. Giả dụ như lịch sử chưa xảy ra và thời gian quay ngược lại hỏi tôi thay vì ở tù 6 năm là 12 năm anh có dám chấp nhận làm lính trở lại hay không?Ở tù thì quá ớn (dù chỉ một ngày) nhưng câu trả lời sẽ là “Có gì mà dám hay không dám, được khoác áo lính đó là một ước mơ.”
Quan Dương