“Ngày nào còn Đảng, chén phở hóa thành…mơ!”
Chúng tôi cưới nhau vừa được hơn 3 năm thì Ngày 30 Tháng Tư ập đến! Đúng nghĩa là Ngày Đau Thương.
Lúc đó tôi vừa 28 tuổi và có hai con. Cháu gái vừa lên hai và cháu trai chừng 5 tháng. Cũng như hàng ngàn, hàng vạn người khác trước đây, đã từng đi lính hoặc làm việc với chính quyền cũ, chồng tôi cũng được gọi đi học tập về chế độ mới. “Chừng 10 ngày thôi!” họ trấn an chúng tôi như vậy. Sau này thì chúng tôi hiểu, họ nói 10 ngày, nhưng là 10 năm!
Nhưng may mắn, chồng tôi chỉ đi học tập cải tạo 9 năm thôi! Tôi đi thăm nuôi được khoảng mươi lần. Mỗi lần đi, tốn khoảng 10 đồng tiền xe, chưa kể tiền mua vật dụng lặt vặt và chuẩn bị thức ăn cho anh, trong khi lương giáo viên của tôi chỉ có 30 đồng một tháng. Thường là tôi mượn tìền của bà con và đồng nghiệp, để đi thăm chồng. Sau đó lãnh lương trả lại và xoay tua với nhau cho đỡ tốn, vì cũng có nhiều chị em khác cũng đồng cảnh ngộ như tôi.
Có lần, chồng tôi bị chuyển vào khu vùng sâu vùng xa tít mù khơi, mấy ngày mới có chuyến xe đi vào. Đi về mất cả tuần lễ, mà chỉ được gặp nói chuyện có 15 phút, rồi thân gái một mìnhlại phải lủi thủi đi về, có khi phải chờ cả năm mới có giấy báo được gặp lại!
Đồng lương giáo viên ít ỏi của tôi trở thành nguồn thu nhập chính, để nuôi bản thân, hai con nhỏ, bà ngoại già 90 tuổi. Và còn cộng thêm nuôi chồng trong trại cải tạo. Chưa bao giờ đời tôi cực khổ và nghèo đói như thế. Tối tối, tôi dắt hai con ra bến xe đò, bán vé số kiếm thêm tiền, hơn 10 giờ đêm mới dọn hàng về đến nhà.
Có lần, tôi đang lui cui dọn hàng thì nghe tiếng: “Thưa cô, chào cô!” Nhìn lên mới thấy đó là Huy, đứa học trò trong lớp, thường hay bị tôi rầy vì lỗi ngủ gật và thường xuyên nộp bài trễ. Em cũng đến bến xe hàng đêm để bán vé số, kiếm sống phụ gia đình cho nên không có thời gian ngủ và học bài. Ban đầu tôi còn thấy xấu hổ, nhưng sau đó hiểu nhau hơn và hai cô trò cùng ngồi tâm sự và rảnh là khóc với nhau cả tối!
Tôi ngẫm nghĩ đến câu danh ngôn thật chí lý: “Xã hội tư bản, có người giầu người nghèo, Xã Hội Chủ Nghĩa, thì ai cũng nghèo như nhau!”
Có một lần, tối hôm trước khi đi thăm nuôi chồng, tôi cố gắng chạy ra bến xe bán thêm vài tấm vé số, để có thêm tiền lo cho anh. Gần đến lúc dọn hàng đi về, thì có một người đến mua vé số. Họ mua đâu khoảng 2 đồng và đưa tờ 10 đồng. Tôi vét hết tiền lẻ trong túi mới đủ tiền thối. Về đến nhà tôi mới nhận thấy ra là tờ giấy 10 đồng đó là tiền giả! Đau xót quá, tôi bật khóc nức nở.
Chẳng những người ta đã không trả tiền vé số, mà còn gạt lấy hết số tiền thối của tôi, số tiền mồ hôi nước mắt mà tôi đã dành dụm lâu nay, để dự định cho ngày đi thăm nuôi chồng!
Tôi đã khóc suốt đêm! Sao cái khổ cực, cái nghèo khó, tôi đã quen, nhưng cái giành giựt, gian trá, lừa đảo, sau cái ngày “giải phóng” lại làm tôi chưa quen, rất đau lòng! Tại sao họ có thể nhẫn tâm gạt tiền của những người nghèo như tôi hỡi Trời! Rồi ngày mai đây, làm sao tôi có tìền xe đi thăm nuôi chồng? Nếu không gặp anh lần này, lỡ họ chuyển anh đến chỗ khác thì sao? Tôi chỉ còn biết khóc và cầu nguyện, cầu xin Ơn Trên cho con tìm ra giải pháp, bí lối này.
Ba giờ sáng, trời vẫn còn tối mịt, tôi đã vội ra bến xe. Khi xe nổ máy sắp lăn bánh, thì chạy mua 2 ổ bánh mì để đem theo. Tay tôi run run, ngập ngừng do dự khi đưa em tờ giấy bạc 10 đồng giả, mà tôi vừa bị gạt hôm qua. Vì gấp gáp và trời tờ mờ chưa sáng, nên em đã không phát hiện ra tiền giả. Em đã vét hết tiền trong túi để thối lại cho tôi, và vui vẻ đưa tôi hai ổ bánh mì, còn chúc tôi đi đường bình an!
Chưa bao giờ cuộc đời tôi có giây phút đối diện với lương tâm xấu hổ như thế! Tôi không dám nhìn thẳng mắt em, mà chỉ lí nhí nói lời cảm ơn, trong lòng chỉ biết nói thầm: “Cô xin lỗi em, cô xin lỗi em trăm lần! sau này cô sẽ kiếm cách đền bù lại cho em!”
Trên suốt quãng đường đi, tôi đã không ngừng cầu nguyện cho em cùng gia đình em được mạnh khỏe, lòng luôn sám hối chuyện xấu sa mà tôi vửa làm! Không những tôi đã không trả tiền bánh mì cho em, mà còn gạt lấy thêm cả số tiền thối của em nữa. Cả một gia tài nhỏ, mồ hôi nước mắt của em, sao mà nhẫn tâm quá! Để tôi có tiền đi thăm gặp chồng, nhưng em đó phải trả một giá quá mắc thay tôi? Trong lòng tôi cứ mãi vang lên lời xin lỗi em và cầu xin cho em được bình yên! Tôi cảm thấy có lỗi với lương tâm của mình, vì đã không làm tròn thiên chức và đạo đức của một nhà giáo, một người được xã hội trọng vọng xem là mẫu mực, là thước đo của đạo đức! Tôi cũng thấm xin lỗi cha mẹ và ngoại tôi, vì đã không giữ đúng lời dạy của ông bà: “Không được gian tham trộm cắp của ai, dù chỉ là một đồng, một xu!”
Trời ơi, XHCN này đã mau chóng biến tôi thành con người hư đốn, khốn nạn như thế!
Sau lần đó, tôi đã trở lại bến xe tìm em bán bánh mì đó, nhưng giòng đời đã đưa chúng tôi đi hai hướng khác nhau, biết đâu mà tìm!
Hơn bao nhiêu năm đã qua, nhưng tôi vẫn không quên được hành động lừa gạt khốn nạn đó của mình. Nó trở thành bài học thâm thúy, sâu sắc nhất trong cuộc đời tôi, cho tôi thấy rõ một người tốt, đôi khi vẫn có thể có hành động xấu, vì hoàn cảnh bắt buộc. “Túng thế phải tùng quyền! Nghèo đói sinh ra trộm cướp!” Tôi vẫn nhủ thầm trong lòng, sau này có được đến phương trời xa…sẽ làm nhiều điều tốt khác đền bù. Cố kiếm lý do ngụy biện, an ủi chính mình! Điều này, đã giúp tôi rất nhiều trong việc nuôi dạy con và giáo dục học trò, giúp tôi thông cảm hơn khi học trò ngủ gật trong lớp, hoặc không làm bài tập đúng hạn, và cũng giúp tôi tha thứ cho người nhiều hơn!
Cuối cùng may mắn, gia đình tôi được xuất ngoại theo diện HO. Có lần về lại Việt Nam thăm mẹ và người thân, cố nhiều lần ra bến xe, tôi đều mua bánh mì hoặc đậu phọng hay một món gì nho nhỏ từ các em, không quên dúi vào tay chút tiền đủ để các em ăn tô phở hay hủ tíu. Hành động này nhằm xoa dịu lương tâm mình, có thể tạm xem như là đền trả món nợ ân tình năm xưa. Nhưng lương tâm thì không bao giờ quên!
Có câu: “Người ta dù đã nhổ những cây đinh trên miếng gỗ, nhưng vẫn để lại những…lỗ đinh!”
Nên ngày nào còn Đảng, con người còn mãi mãi còn lừa gạt nhau để sống! “Đảng biến thanh niên thành trộm cướp! Biến phụ nữ, thành đĩ, thành trâu!”
Tôi vui mừng, giờ được sống trong không khí tự do, dù trên xứ người. Thoát khỏi phải sống trong vũng bùn nhơ nhớp của XHCN, thiếu tình người! Nhưng mỗi dịp vào Tháng Tư, làm cho tôi gợi nhớ về chuyện này.
(Theo chuyện của Đinh Trực)