Lời bạt: Năm 2015 tôi viết bài này và cố tình không viết về vợ con của Lê Văn Thại. Nhưng sau khi Hắn mỉm cười ra đi, tôi viết bổ sung câu chuyện cho tròn cái nghiệp mà Hắn đã trả xong. Mời quý vị xem đoạn cuối Hắn cưới vợ như thế nào và khúc quanh đời Hắn như cái “nghiệp” phải mang!
Tôi và Hắn cùng quê hương Tam Quan, vùng đất trải dài rộng lớn những rừng dừa và hệ thống sông ngòi chằng chịt! Hắn là cháu nội một phú hộ vùng Cấm An Sơn thuộc xã Hoài Châu; còn tôi thì sanh ra và lớn lên trong thôn Cửu Lợi xã Tam Quan nổi tiếng sản xuất dầu dừa và dây dừa. Ông nội của Hắn là chủ những ruộng vườn cò bay thẳng cánh. Ông nội tôi thì là chủ ghe bầu buôn bán dọc ven biển và các thành phố từ Nam chí Bắc một thời.
Tôi và Hắn cũng cùng chung số phận sống chín năm trong vùng Cộng Sản Liên Khu 5, thời kháng chiến chống Pháp, 1945-1954. Cũng có những tháng năm ngồi học trong các đình chùa bị đục vách phá bàn thờ để làm nhà kho và lớp học… Chung số phận là cháu con nhà địa chủ, sắp có chính sách đem ra tòa án nhân dân đấu tố!
Thế nhưng cuộc đổi đời năm 1954, sau Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, chúng tôi cởi bỏ được lớp bùn đất “Thiếu nhi Bác Hồ”; bắt đầu được học trong các trường công lập, được ca hát tự do! Hắn và tôi sau cùng vào học trường Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn. Hắn nhỏ hơn tôi một tuổi nhưng học trên tôi một lớp. Gia đình Hắn có tiệm bán thuốc tây (Pharmacy), vì thế, vài năm sau, Hắn bỏ trường huyện, vào học Tabert ở Saigon. Thẳng cánh cò bay, xong trung học, Hắn vào trường thuốc. Đến năm 1970, Hắn ra Bác Sĩ và được động viên vào binh chủng Biệt Động Quân (BĐQ).
Còn tôi, đang học Văn Khoa thì bị động viên năm 1967 vào khóa 26 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Năm 1970, lúc đang đóng quân ở Pleiku thì lính vào báo, “Thẩm quyền, có một số sĩ quan BĐQ đi xe Jeep trông dữ dằn lắm, tìm thẩm quyền!”Tôi cũng vừa từ đơn vị tác chiến tiểu khu Bình Định đổi lên vùng đất đỏ chưa được mấy tháng, chưa quen biết nhiều, làm sao có BĐQ là bạn tìm tôi! Trong khóa 26, ra trường có hơn 80 tên về BĐQ, nhưng chưa biết tụi nó ở đơn vị nào. Chưa quyết định thế nào thì đám rằn ri mũ nâu chạy sộc vào văn phòng, “Ê! Dũng Lùn đâu, trình diện thượng cấp!”
Dân mũ nâu rằn ri, đi tới đâu là ồn ào vang trời! Tôi nhìn lên, hóa ra tên dẫn đầu là Bác Sĩ Lê Văn Thại, tên thứ hai là Huỳnh Thọ Huyên, Khóa 26, tên thứ ba là Trần Tấn Đỡm, khóa 26, tên thứ tư là Lâm Đạo Đụng, khóa 26. Tôi bật dậy khỏi ghế như chiếc lò xo, mừng quá, bắt tay từng thằng.
Hóa ra là Hắn – Lê Văn Thại – ra trường nghề thầy thuốc năm 1970, với bảy năm chương trình Bác Sĩ Dân Sự, sau đó được động viên về BĐQ, lên Pleiku chăm sóc Liên Đoàn 2 BĐQ, Y Sỹ Trưởng, đóng hậu cứ ở Biển Hồ.
Cuộc hội ngộ “lính” vô cùng ồn ào và mùi “quân trường” còn thoảng hơi chưa phai! Chúng tôi kéo nhau ra cà phê Dinh Điền nhâm nhi và từng thằng khai “tình trạng quân ngũ,” những gương mặt mới xa, nhưng cứ tưởng không có cơ hội nào gặp lại… Ba thằng Khóa 26 Thủ Đức búng ra sửa, bây giờ trông rất “ngầu.” Bộ quân phục Biệt Động Quân, chiếc mũ nâu đội lệch, phù hiệu… Thằng nào cũng hiên ngang và tự tin! Ba thằng cùng đang phục vụ Liên Đoàn 2 BĐQ. Bác Sĩ Lê Văn Thại, Y Sĩ Trưởng, với bộ vía tác chiến Biệt Động trông rất “lính.” Hồi còn đi học, Hắn rất giỏi võ Bình Định, sở trường Hầu Quyền; vô Sài Gòn học thêm Taekwondo, Hapkido… Mỗi khi Hắn nổi hứng, nắm tay ai bóp nhẹ là người đó la làng… Hắn uống rượu như uống nước, lần nào ngồi với Hắn và mấy trự BĐQ, tôi chỉ là thằng phá mồi!
*
Rồi thời gian trôi! Chiến trường các nơi sôi động. Cánh Biệt Động hành quân rày đây mái đó. “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972, tôi và đơn vị trấn thủ thành phố Pleiku để cho vợ con và dân chúng “di tản”… Sau đó, các đơn vị Biệt Động phải di chuyển xuống giải tỏa Tam Quan Bồng Sơn. Hành quân liên miên… nên tụi tôi ít khi gặp nhau; dù là ở thành phố trấn biên như Pleiku, mệnh danh là “thành phố của lính,” dù hậu cứ của tụi nó ở ngay Biển Hồ!Mỗi thằng mỗi khung trời nhỏ trong guồng máy chiến tranh.
Đã mang danh hiệu là “Biệt Động” thì có khi nào đơn vị được yên tịnh đóng ở một chỗ đâu! Cả “Vùng 2 Quân Khu II” đều là địa bàn in vết giày Biệt Động Quân; có biết bao anh hùng ngã xuống! Cuộc di tản tháng 3 năm 1975 là những ngày Quân Dân Cán Chính Pleiku – Kontum – Phú Bổn không thể nào quên. Tôi được may mắn thoát khỏi cuộc di tản trong gang tất nhờ cái lệnh thuyên chuyển về Đặc Khu Cam Ranh chỉ trước một tháng!
Cánh BĐQ của BS Lê Văn Thại, Huỳnh Thọ Huyên cùng số phận kẹt cứng trong đoàn người và quân trang quân dụng trên Tỉnh Lộ 7b. Mấy thằng Khóa 26, lúc bấy giờ vừa được thăng cấp Đại Uý, đều bị “tóm” ở gần Sông Ba – Phú Bổn! Đại Uý Huỳnh Thọ Huyên cùng chung số phận với đơn vị. Vợ và ba con của Hắn thì lạc mất trong rừng. Vợ của Huyên lạc luôn ba đứa con, một trai 5 tuổi và hai gái, đứa 3 và đứa chưa tròn một năm sanh… Sau này nhờ tìm kiếm, vợ của Huyên tìm được đứa con trai từ một gia đình người Thượng, cháu được nuôi để chăn trâu! Hai cháu nhỏ thì không còn dấu vết! Mấy tay BĐQ, bạn Khóa 26 của tôi bị nhốt ở nhiều nơi, sau rốt nằm ở Z30A Tuy Hòa. Riêng tên Bác Sĩ lì Lê Văn Thại thì thoát được về Sài Gòn.
Cuối tháng 3 năm 1975, từ Cam Ranh tôi về Saigon bằng đường bộ đến Phan Rang rồi đi ghe ở Bình Tuy về Vũng Tàu, vợ con gởi lại phía ngoại ở Ninh Hòa… Tôi và Lê Văn Thại lại gặp nhau, nhậu quên đời. Hai thằng quanh quẩn hũ rượu của ông già tôi ngâm. Rượu thuốc có thêm mùi trái ô môi vừa cay vừa ngọt. Ba tôi thấy hai đứa buồn chán nên cũng thường làm mồi cho hai đứa nhậu đưa cay!
Thê thảm nhất là ngày 30 tháng tư năm 1975. Khu xóm tôi ở trên đường Bà Hạt – Chung Cư Ấn Quang – rần rần người ra đi và rậm rật những đứa mang băng đỏ. Nếu ngày ấy hai đứa ra bến Bạch Đằng thì có lẽ đời sẽ rẽ qua hướng khác. Đàng này, hai đứa ngồi nhìn nhau không nói gì nhưng tay thì cầm ly! Tôi có hơi men, thỉnh thoảng còn bày đặt khóc nhớ vợ con chưa biết ra sao.
Cho đến một ngày cuối tháng 5, 1975, Ba tôi làm cơm đãi hai đứa ngày mai “Trình Diện Học Tập” 10 ngày bằng một chai rượu tây đem về từ Embassy Hotel. Lúc nâng ly, Lê Văn Thại đặt tên cuộc nhậu này là: “Đăng Trình Tửu.” Hôm sau, hai đứa xách bị áo quần và cái mền mỏng, đem theo tiền ăn mười ngày, mấy bao thuốc lá, đôi dép Nhật hai quai… Hai đứa hý ha hí hửng “trình diện” tại trường Petrus Ký. “Học tập 10 ngày” thì nhằm nhò gì! Ông hàng xóm nói với tụi tôi khi thấy hai đứa khăn gói gõ cửa nhà ông chào từ giã!
Tôi làm ra vẻ sành đường đi nước bước trong trường, dắt Lê Văn Thại lên lầu bên trái, chỉ vào lớp gần cuối, “ Tao mài quần chưa rách trong phòng này!” Thế là hai đứa tôi và mấy chục người trải nilon nằm dưới sàn. Có thằng leo nằm trên bàn học trò. Tôi tìm chỗ ngồi năm xưa, phía dưới hộc, quả nhiên còn tên của mình đã khắc bằng dao!
Ở “khách Sạn” Petrus Ký, ăn cơm ngày ba bữa do các nhà hàng nổi tiếng ở Chợ Lớn cung cấp… Mọi người hý ha hý hững cho rằng “Cách Mạng” đối đãi “Kẻ Đầu Hàng” sao mà tử tế quá!
Nửa đêm, sau mấy ngày nằm chờ đợi “việc gì sẽ xảy ra,” chúng tôi được gọi tên từng thằng, sắp hàng một, ôm hành lý leo lên xe bịt bùng đang đậu hàng dài trước cổng trường. Cứ hai mươi thằng leo lên, trên xe có sẵn hai chú nhóc bộ đội gườm súng bên hông. Xe phủ bạt kín mít, xe chạy rần rật trên các đường trong thành phố, chẳng ai biết nó về hường nào mà đoán!
Hai chú nhóc tì mặt hầm hầm, luôn gườm súng hăm doạ, “Không được nhìn ra ngoài, không được ồn ào nhúc nhích…” Xe chạy miết đến xế chiều, chúng tôi được phát lương khô “made in China.” Cuối cùng rồi cũng đến nơi, xe ngừng trong một trại lính của VNCH gần núi Bà Đen, Trảng Lớn Tây Ninh! Doanh Trại này, không biết trước kia làm gì mà có những gian trống trơn, chỉ có sàn xi măng quá to, quá dài, rất nhiều căn trại như thế chứa chúng tôi. Cứ hai chục thằng là một B, “cán Bộ” chỉ định B Trưởng, chia nhau trải chiếu hay bao nilon nằm san sát bên nhau cho có hơi ấm! Cứ thế ở đó tự phân chia nấu ăn, tự biên tự diễn. Nếu có đứa nào bịnh thì “Bác Sĩ Cách Mạng” đến khám và bôi dầu cù là, chứ không có thuốc gì hết!
BS Lê Văn Thại tìm được trong đám đông thêm bạn. Đó là BS Lê Văn Một, người miền Nam, râu quai nón. Hai tên Bác Sĩ bắt đầu ngứa nghề. Trong đám ngàn người ngủ giống như ngoài trời suốt hai ba tháng trời, chuyện bệnh hoạn xức dầu cù là… được chúng tôi âm thầm chuyển qua “Bệnh Viện Một- Thại.” Hai tên này kể cũng mát tay nên ít khi phải gọi Bác Sĩ “Dầu Cù Là”!
Nhưng khi “biên chế,” một số về trại lính Sư Đoàn 18 ở Long Khánh, B19 của tôi, B20 có Thại và Một, đều xách gói lên xe. Ở trại mới một thời gian, đang “được lên lớp” bài đầu tiên: “Ba Dòng Thác Cách Mạng” của Lê Duẫn thì có bốn thằng trốn trại trong đêm. Hai ngày sau thì tụi nó bị bắt , trong túi xách có một số thuốc tây, chúng khai là của BS Lê Văn Thại cho!
Thế là nửa đêm, rần rật súng ống và cả đám đông bộ đội bao vây nơi BS Thại nằm, lôi hắn xuống sàn, còng số tám, đọc lệnh nhốt vào co néc (conex) – Khung sắt này hình khối vuông, trước kia “Xâm Lược Mỹ” dùng loại này chở quân trang quân dụng, chuyên chở từ Hoa Kỳ bằng tàu thuỷ cung cấp cho chiến trường… Hắn bị thẩm vấn và nhốt vào cái khung sắt “kiên cố” đó bằng một khóa bự! Trời Long Khánh nắng đổ lửa, mà ngồi trong cái thùng sắt dày, không có lỗ thông hơi, bị khóa trái, ăn ngủ, tiêu tiểu một chỗ… Do Bác Sĩ Lê Văn Một được “đặc trách” chăm sóc. Chúng tôi cứ tưởng chừng mấy ngày là Hắn chết khô! Thế mà nhờ ngồi thiền, Hắn không chết.
Mấy tháng sau đó, một buổi trưa hè nóng gắt, kho đạn kế bên trại giam chúng tôi không biết sao phát nổ. Toàn bộ bom, hoả tiển, đạn 81 ly, 60 ly, M79 không những nổ mà còn bay đầy trời! Vụ nổ kéo dài đến tối. Trong trại chết một ít nhưng bị thương thì hơi nhiều. Ngoài dân chúng, những trái hỏa tiễn bay xa làm sập nhà và chết nhiều hơn chúng tôi. Vòng thiệt hại ở xa trung tâm nổ, nhiều hơn vòng trong gần với kho đạn!
Trong lúc kho đạn nổ bay đầy trời, mấy anh chàng nhát gan nhảy xuống các hố hay giếng khô trốn thì đạn lại rơi vào chết thảm. Những thằng sợ quá mất khôn lấy đôi guốc gổ che lên đầu đi lửng lơ như người điên, thế mà chẳng sao. Có thằng lấy miếng carton che đầu… Riêng BS Lê Văn Thại an toàn ngồi trong khung sắt nghe tiếng nổ bên ngoài. Còn tôi chui vào một cái lỗ trong đống gạch, hai chân lòi ra ngoài chịu trận!
Sau vụ nổ, một thời gian ngắn, chúng tôi được leo lên xe đến “Khu gia binh” ở Long Giao. Lê Văn Thại được “tháo củi sổ lồng” lên xe cùng chúng tôi. Hắn vốn đã là người ốm cao lêu nghêu, bấy giờ xác xơ đi không muốn nổi. Hồi còn sinh viên, tôi đặt tên Hắn là “Khô trúc Đại Sư”!
Hai đứa ở Long Giao một thời gian ngắn thì tôi “được thuyên thuyển” ra Bắc trên con tàu chở xi măng, để nổi trôi Hoàng Liên Sơn, Lao Cay, Yên Báy, Vĩnh Phú… Còn Hắn, “được tha về” vì có cái made in Bác Sĩ! Làm việc dưới quyền các Bác Sĩ vốn xuất thân từ trường thuốc “Dầu Cù Là”. ..
*
Tôi được “Cách Mạng khoan hồng” lệnh tha về từ trại tù K2 Tân lập Vĩnh Phú, phải mất 10 ngày từ nhà tù, vượt qua con sông Đà, ngồi tàu lửa chen lấn, từ ga Ấm Thượng về Hà Nội và con tàu suốt xuyên Việt. Về đến Sài Gòn thì mới hay là ông nội tôi đã qua đời 10 ngày trước, vì nghe tin tôi được ra tù, mừng quá lên máu đứng tim! Bước vào nhà cha mẹ tôi, Ba tôi chờ bên bàn thờ chít khăn tang cho thằng cháu đích tôn. Bác Sĩ Lê Văn Thại cũng có mặt.
Hắn kể lể một loạt từ khi hai đứa xa nhau. Lúc Ông Nội tôi bị đứng tim thì có Hắn đưa cấp cứu nhà thương Chợ Rẫy và ẵm xác ông nội tôi về lại nhà. Hắn thay tôi trực lo chôn cất, sát cánh với gia đình thằng bạn còn trong tù ngục.
Mấy tháng sau Hắn dẫn đến nhà một cô gái trẻ đẹp, có duyên và nói tiếng Bắc Kỳ ngọt xớt giọng Hà Nội. Hắn giới thiệu tên cô là Dung đang làm Nữ Ý Tá ở Bệnh Viện Chợ Rẫy. Ba tôi xách một chai đế ngâm thuốc và má tôi thì xào đĩa thịt bò hành tây đãi khách. Dung uống rượu cũng rất là tâm đắc với Thại. Tôi ngồi chuốc rượu mà ngạc nhiên là Hắn tìm đâu ra kỳ phùng địch thủ…
Một năm sau thì Hắn mời vợ chồng tôi mừng đám cưới Hắn với Dung. Năm đó Hắn 40 tuổi, là Bác Sĩ mà hàm răng cái mất cái còn trông tội nghiệp. Cô Dung y tá năm đó 25 xuân xanh! Một trời thơ mộng hạnh phúc mở ra cho thằng bạn tôi. Đám cưới ngoài vườn cây của ba mẹ Hắn trên Phú Lâm. Ngồi dưới tàng cây nhậu là hết ý.
Tôi nỗi hứng đứng lên trước hàng bao nhiêu Bác Sĩ, bạn bè tứ phương tụ tập vui chuyện chúc mừng. Tôi ra câu đối chúc mừng tân Lang và tân Giai nhân. Vế đầu tôi đọc lên: “Bốn mươi tuổi tròn, răng không còn, Thầy Lang cưới vợ!” Nếu ai đối hợp ý thì được toàn thể cử tọa vỗ tay và cụng ly với một chai rượu tây chính cống!
Thế là một không khí ồn ào náo nhiệt bàn tán về ý của câu đối và rất nhiều tài danh viết nạp câu đối. Cuối cùng một anh bạn, nay đã quy tiên, có câu đối như thế này: “Hai mươi tuổi lẽ, vẫn còn trẻ, Y Tá vu quy” Câu đối được chấm xuất sắc!
Tôi và gia đình không được nhập cư Sài Gòn với cha mẹ, tuy trước năm 1975 chúng tôi có tên trong hộ khẩu. Vì thế nên chúng tôi phải đi vùng “Kinh Tế Mới” ở Đồng Nai. Thời gian này Thại làm việc tại Bệnh Viện “Bệnh Nhiệt Đới” Chợ Quán. Cha Mẹ vợ Thại có con ở Hoa Kỳ đang làm bảo lãnh cho toàn thể gia quyến sang Mỹ. Lê Văn Thại lúc đó đã có được một con gái kháu khỉnh dễ thương tên Ngọc. Hắn không muốn ra đi “tùy theo quê vợ” nên cứ dùng dằng “em chả”! Nhưng cuối cùng thì cũng phải vì tương lai con gái mà “theo em xuống thuyền.”
Về phần tôi, năm 1990, cả gia đình tôi được giải thoát theo HO3 tháng 7 năm 1990 và định cư ở Nam Cali. Gia đình Thại, vì không đủ ba năm ở tù nên được đoàn tụ với đại gia đình vợ, định cư tiểu bang Oregon! Hắn quyết tâm học và quyết tâm lấy cho được bằng Bác Sĩ ở Hoa Kỳ, dù Hắn lúc đó đã lớn tuổi và sau năm 1990 thì chuyện học lấy BS rất khó! Vì nhiều lý do mà Hắn không thể theo học nghề thầy thuốc sau hai năm gắng sức! Trước kia Hắn học trường Pháp, bảy năm mài quần trong Y Khoa Đại Học Sài Gòn, đậu bằng Bác Sĩ theo chương trình Pháp ở VN. Qua Hoa Kỳ hóa ra Hắn trở thành một tên “lộn chuồng”!
Lúc Hắn than là học khó quá, tôi khuyên Hắn, “Mầy bỏ ý định thành BS ở đây, mầy mở võ đường dạy võ Bình Định, Thiếu Lâm hoặc cùng với BS Phạm Gia Cổn dạy võ Hàn Quốc thì tốt hơn.” Hằn mỉm cười làm thinh tiếp tục hành hạ thân xác vì sĩ diện (?!).
Chính vì thế mà Hắn chán đời, chán vợ, chán con… lặn sâu qua tiểu bang Delaware với mấy bạn Biệt Động Quân chán đời, cùng ở dưới hầm nhà hơn tám chín năm trời để săn bắn và nhìn trời chiều bãng lãng! Hắn chỉ sống với bạn bè BĐQ là chí cốt. Theo BĐQ Đỉnh Đầu Bạc, thì hầu hết cánh BĐQ đều thương mến Hắn kể cả Tướng Tất, vị Tướng cấp trên của Hắn. Phe Thầy thuốc thì hình như Hắn chỉ còn liên lạc với BS Phạm Gia Cổn.
Khi con gái Hắn đậu bằng Bác Sĩ, hắn lên tinh thần và về lại Cali ở với con gái. Bác Sĩ Ngọc rất có hiếu và chăm sóc tận tình, chiều chuộng ông cha già ương ngạnh! Nhưng cô Bác Sĩ trẻ dễ thương này lại thường xuyên ở nhà thương hơn về nhà!
Tháng 3 năm 2019, Hắn được xe cấp cứu ò e, chở vào Fountain Valley nằm đã gần 10 ngày. Tôi vào thăm, Hắn nhìn tôi cười đểu, “Ê Lùn! Sao không xách theo chai nào mà đi không vậy?” Cầu mong Hắn chóng qua cơn “bệnh viện,” tôi sẽ nói với bà xã đúc bánh xèo “dõ” (chỉ có bột gạo) kiểu Tam Quan, hắn rất thích, chấm với mắm nêm; đãi Hắn một bữa với vài ly xoay chừng! Bây giờ Hắn cũng không còn uống được mấy ly, nhưng gà vẫn còn nhớ tiếng “gáy” một thời vang bóng!
Sau ba năm ở với con gái tối ngày đi trực bệnh viện vì dịch Covid-19 và là Bác Sĩ chuyên khoa, con gái Hắn ít khi ở nhà với Hắn. Nơi ở của hắn và con gái xa Westminster hai giờ lái xe trên xa lộ, chung quanh rất ít người Việt Nam sinh sống. Hắn không dùng Iphone (chỉ sử dụng phôn cầm tay kiểu hồi thời năm 2000), không chơi internet, không email, không lấy bằng lái xe… Bao năm tháng ở cái xứ Hoa Kỳ này mà như Hắn thì có phải chính Hắn tự hủy hoại mình và hành hạ thân xác dẫn đến chỉ một đường… tự giải thoát!
Được vợ Hắn báo tin Hắn đã được thoát xác ngày 3 tháng 3 năm 2022, tôi đang lái xe, phải dừng lại bên lề đường vì xúc động. Bây giờ Hắn nằm xuống, con gái Hắn không thể làm gì hơn là ngồi khóc, vợ Hắn thì đã sang ngang từ bao nhiêu năm rồi. Nhưng phút cuối cùng Hắn cũng được gục chết bên vợ con với những lời trăn trối sau cùng nhắn với bạn bè chào vĩnh biệt!
Một người tài hoa không giống ai, một Bác Sĩ không giống ai, một người bạn mà mọi người đều cảm mến! Hắn là Lê Văn Thại!
(Tháng 3 năm 2022)
LETAMANH