Nguồn: David J. Garrow, “When Martin Luther King Came Out Against Vietnam”, The New York Times, 04/04/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm mươi năm trước – và cũng là một năm trước khi ông bị ám sát – Mục sư Tiến sĩ Martin Luther King Jr. đã có bài phát biểu nặng chất chính trị nhất đời mình tại Nhà thờ Riverside ở khu Upper Manhattan. Đó là một cuộc tấn công mạnh mẽ nhắm vào cách thức vận hành chiến tranh của chính phủ tại Việt Nam, so sánh các chiến thuật của Mỹ với chiến thuật của Đức Quốc xã trong Thế chiến II.
Bài phát biểu đã vấp phải sự lên án rộng rãi từ mọi thành phần chính trị, bao gồm cả chính New York Times. Nhiều lãnh đạo dân quyền, những người ủng hộ cuộc chiến và đang cố gắng níu giữ Tổng thống Lyndon B. Johnson làm đồng minh chính trị, đã dần xa lánh vị mục sư.
Bài phát biểu tại Riverside là điển hình cho cách mà King, trong suốt 18 tháng cuối đời, đã liên tục đánh mất sự lạc quan tươi sáng trong bài diễn văn năm 1963 “Tôi có một giấc mơ,” và thay vào đó bày tỏ niềm tiếc thương bởi giấc mơ nay “biến thành cơn ác mộng.” Nhưng bài phát biểu cũng đồng thời cho thấy rõ rằng với King, quyền công dân chưa bao giờ là vấn đề tách biệt trong xã hội Mỹ, và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc luôn đi đôi với nạn nghèo đói và chủ nghĩa quân phiệt – những thứ đã ngăn cản đất nước vươn tới những lý tưởng của nó. Ngoài việc báo hiệu chủ nghĩa cấp tiến đang phát triển ở King, bài phát biểu Riverside cũng phản ánh lòng can đảm chính trị ngày càng tăng của ông – và lý giải tại sao, nửa thế kỷ sau, ông vẫn là một nhân vật quan trọng trong lịch sử Mỹ.
Ngay từ những tháng đầu năm 1965, ngay cả trước khi Johnson bắt đầu tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Việt Nam, King đã kêu gọi dùng thương lượng để giải quyết xung đột, nói với cánh nhà báo rằng “Tôi không chỉ là một lãnh đạo dân quyền.” Nhưng việc ông chỉ trích chính phủ vì từ chối ngừng ném bom Bắc Việt Nam cũng như không chịu theo đuổi đàm phán hòa bình đã chẳng được quan tâm, mãi cho đến mùa thu năm đó, khi Thượng nghị sĩ Thomas Dodd của Connecticut, một đồng minh thân cận của Johnson, trực tiếp tấn công King và trích dẫn một đạo luật hình sự, Đạo luật Logan 1799, theo đó cấm cá nhân công dân có quan hệ với chính phủ nước ngoài.
Bản thân King vô cùng thất vọng với cuộc chiến và phản ứng của Dodd. Các đoạn băng mà FBI nghe lén những cố vấn thân cận nhất của ông cho thấy ông nói với họ rằng “điều này quá sức vô đạo đức. Tôi nghĩ ai đó cần chỉ ra chúng ta đã sai thế nào.” Nhưng ông miễn cưỡng đồng ý rằng mình nên “tạm thời ngưng” việc lên án chiến tranh. “Đôi khi, công chúng chưa sẵn sàng để lắng nghe sự thật,” ông nói.
King tương đối giữ im lặng về cuộc chiến trong phần lớn năm 1966, nhưng đến cuối năm, ông bắt đầu bày tỏ sự ghê tởm của cá nhân mình trước cái cách mà gia tăng chi tiêu quân sự đã gây ra thiếu hụt ngân sách cho chương trình Xã hội Vĩ đại của Johnson. “Mọi thứ ta nói đều chỉ xoay quanh sự thật là chúng ta đang vướng vào cuộc chiến tranh này,” ông nói trong một cuộc điện thoại bị nghe lén khác.
Cuối cùng, tới đầu năm 1967, mọi thứ đã quá đủ. Một ngày nọ, King đẩy hẳn đĩa thức ăn của mình sang một bên khi nhìn thấy hình ảnh vết bỏng của những em bé Việt Nam bị dính bom napalm đăng trên tạp chí Mỹ. Đó là thứ hình ảnh không thể nào quên, ông nói. “Tôi đã đi đến kết luận rằng mình không còn có thể giữ im lặng về một vấn đề đang hủy hoại linh hồn đất nước chúng ta.”
Ngay cả ở thời điểm đó, phe phản chiến vẫn còn yếu thế về mặt chính trị, và các cố vấn của King chẳng vui vẻ gì trước việc ông muốn tham gia vào một cuộc biểu tình chống chiến tranh ở New York vào giữa tháng 4. Từ cuối tháng 2, ông đã gặp bốn thượng nghị sĩ chống chiến tranh – trong đó có một đảng viên Cộng hòa, Mark Hatfield của Oregon – tại một diễn đàn ở Los Angeles; một tháng sau, ông tham gia một cuộc tuần hành chống chiến tranh ở Chicago.
Cả hai sự kiện đều chỉ được báo chí đưa tin một cách mờ nhạt. Sau này, King đã nói với Stanley Levison, cố vấn thân cận nhất của ông: “Tôi không còn có thể thận trọng về vấn đề này nữa. Tôi cảm thấy sâu thẳm trong tim mình: đất nước chúng ta đã quá sai lầm; đã đến lúc cần có một lời tiên tri thực sự và tôi đã sẵn sàng đi trên con đường đó.”
Levison và một số người khác đã tìm đến một nhóm phản chiến, Các giáo sĩ và công dân quan tâm về Việt Nam (Clergy and Laymen Concerned About Vietnam), để sắp xếp cho ông xuất hiện tại Nhà thờ Riverside, một pháo đài của chủ nghĩa tự do. Đối với King, sự kiện này đáng lẽ phải diễn ra sớm hơn. Ba ngày trước đó, ông nói với một phóng viên, “Chúng ta sẽ chỉ đơn thuần dậm chân tại chỗ trong phong trào dân quyền nếu chúng ta không có một lập trường chống lại chiến tranh.”
Tại Riverside, King đã nói với đám đông 3.000 người rằng, “lương tâm của tôi khiến tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phá vỡ sự phản bội do hành động im lặng của chính tôi” trong hai năm qua. Sau khi bạo loạn đô thị lan rộng vào mùa hè năm 1966, “tôi biết rằng mình chẳng bao giờ có thể lên tiếng chống lại nạn bạo lực đang đè nén những người bị áp bức ở các khu ổ chuột Do Thái, nếu trước tiên tôi không lên án kẻ cổ vũ bạo lực lớn nhất trên thế giới ngày nay – chính phủ của tôi.”
King thừa nhận rằng ý thức về sứ mệnh tiên tri của ông đã được củng cố thêm khi ông nhận Giải Nobel Hòa bình năm 1964, đại diện cho “một sự khuyến khích làm việc chăm chỉ hơn cả những nỗ lực trước đây của tôi, vì ‘tình anh em của loài người’” – một sứ mệnh “đưa tôi vượt khỏi sự trung thành với quốc gia.” Ông nhấn mạnh rằng ông xếp mình vào nhóm những người “bị ràng buộc bởi lòng trung thành còn sâu rộng hơn chủ nghĩa dân tộc.”
King sau đó đã thực sự phẫn nộ chống lại cuộc chiến. Ông nhấn mạnh rằng, “chúng ta chẳng có danh dự nào ở Việt Nam” và rằng “chúng ta đã sai ngay từ lúc bắt đầu cuộc phiêu lưu ở Việt Nam.” Ông cáo buộc nước Mỹ đã thử nghiệm vũ khí mới nhất của mình lên nông dân Việt Nam, “giống như người Đức đã thử nghiệm các loại thuốc mới và các kiểu tra tấn mới trong những trại tập trung ở châu Âu,” đồng thời công khai lên án “thứ trại tập trung mà chúng ta gọi là ấp chiến lược” ở miền Nam Việt Nam.
Ông đề nghị tất cả các chàng trai trẻ đang được kêu gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự hãy tuyên bố mình là những người phản đối có lương tâm, đồng thời cũng kêu gọi nước Mỹ tạm dừng tất cả các vụ ném bom, và ra tuyên bố ngừng bắn đơn phương trong khi chuẩn bị “đền bù trong khả năng của chúng ta cho những thiệt hại mà chúng ta đã gây ra.”
Nhưng cuộc chiến không chỉ là một sai lầm; nó là “triệu chứng của một căn bệnh ác tính ăn sâu trong tinh thần người Mỹ.” Dân quyền, bất bình đẳng, và chính sách của Mỹ ở Đông Nam Á đều chỉ là những phần nhỏ trong một bức tranh lớn hơn. Khi “lợi nhuận và quyền tài sản được coi là quan trọng hơn con người, bộ ba khổng lồ gồm phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa quân phiệt sẽ trở nên bất khả chiến bại.” Ông kết luận bằng cách kêu gọi thành lập “một nhóm bạn hữu trên toàn thế giới, đưa mối quan tâm này vượt ra ngoài biên giới sắc tộc, chủng tộc, giai cấp và quốc gia.”
Đám đông ở Riverside đã nhiệt liệt hoan nghênh King, nhưng sự phê phán của giới báo chí cũng đến rất nhanh và gay gắt. Washington Post chỉ trích “những phát minh đơn thuần đến từ trí tưởng tượng” của ông và thất vọng bởi “nhiều người đã từng lắng nghe ông với lòng tôn trọng nay chẳng còn có thể tự tin làm điều tương tự như thế nữa.”
New York Times gọi bài phát biểu của King là “cẩu thả” và “dối trá.” Tòa soạn cho rằng các vấn đề đạo đức ở Việt Nam “ít rõ ràng hơn những gì ông đã gợi ý” và cảnh báo rằng “chuyển hướng năng lượng của phong trào dân quyền sang vấn đề Việt Nam là vừa lãng phí, vừa tự hại,” xét đến việc phong trào cần phải tập trung giải quyết cái mà tờ báo gọi là “vết thương khó lành của các tập tục và thói quen.”
Thậm chí, một số tờ báo của người da đen cũng tham gia chống lại ông: Pittsburgh Courier lên tiếng rằng King đã “gây hiểu lầm tai hại” cho người Mỹ gốc Phi về “những vấn đề quá phức tạp để có thể giải quyết bằng thứ tranh luận đơn giản.”
Nhưng King vẫn chẳng nản lòng. Ông nói với Levison, “Tôi là người không rành rẽ về chính trị nhưng nắm rõ đạo đức. Tôi nghĩ rằng mình đóng một vai trò có lẽ không được yêu thích, bởi tôi thực sự tin rằng một người có ảnh hưởng cần lên tiếng rằng nước Mỹ đã sai, nhưng ai nấy đều sợ phải nói ra điều đó.”
Sự kiện trên cho thấy ảnh hưởng của King đến với phong trào ‘Phản Chiến’ rại Mỹ.
David J. Garrow là tác giả cuốn “Bearing the Cross: Martin Luther King Jr. and the Southern Christian Leadership Conference” và “Rising Star: The Making of Barack Obama.”